Ngày 19-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:26 19/05/2020

28. Đường lên Nước Trời thì hẹp, ai muốn đi trên đường khó khăn thì phải từ bỏ thế tục, dùng Thánh Giá làm gậy, quyết chí yêu mến Thiên Chúa, cam lòng đón nhận các nỗi đau khổ.

(Thánh Gioan Thánh Giá)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:31 19/05/2020
24. NỊNH HÓT ÂM TY

Có một thư sinh mới chết, lúc đến bái yết diêm vương trong âm ty thì đúng lúc diêm vương vừa đánh rắm, bèn liên tục khom lưng quỳ lạy, cung cung kính kính nói:

- “A, đại vương đánh rắm giống như bản nhạc nghe rất vui tai, lại như hoa thơm nồng lỗ mũi, thật là có tác dụng ạ.”

Diêm vương rất vui vẻ, lập tức ra lệnh cho tên quỷ đầu trâu dắt hắn ta ra sau dự yến tiệc.

Trên đường đi, hắn ta lại nói với tên quỷ đầu trâu:

- “A, hai cái sừng cong cong của ngài giống mặt trăng sáng đẹp, hai con mắt của ngài sáng quắc phảng phất tinh tú trên trời xanh, thật là đẹp ạ !”

Quỷ ngưu đầu cũng rất là vui vẻ, bèn kéo hắn ta nói nhỏ:

- “Ngự yến của đại vương chưa nấu đâu, còn sớm mà, qua nhà tôi uống vài ly rượu, đệm cái gì đã đi !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 24:

Khen người này một tiếng, thưởng người kia một lời nói mà không đúng với sự thật thì gọi là nịnh hót, nịnh hót là biểu hiện một tâm hồn bệnh hoạn.

Không ai khen cái đánh rắm là thơm nồng lỗ mũi cũng như âm thanh của nó giống bản nhạc; không ai khen cái sừng của quỷ đầu trâu là đẹp như mặt trăng, đúng là nịnh hót và chỉ có quỷ mới thích những lời nịnh hót tầm bậy, vì bản chất của quỷ là tầm bậy rồi.

Người nịnh hót giống như bầy ruồi nhặng bu đầy những nơi thối tha là những người thích nịnh hót, mà người thích nịnh hót thường là những người có nhiều tiền bạc do hối lộ tham nhũng mà có, có địa vị là do lấy tiền mua chức tước mà có, nhưng vì chức quyền địa vị đều do tiền mà ra nên họ rất thích nịnh hót và phục vụ cho đồng tiền. chứ không vì bá tánh mà phục vụ...

Người nịnh hót rồi cuối cùng cũng chỉ là người mất cả chì lẫn chài: tiệc diêm vương không được hưởng mà tiệc quỷ đầu trâu cũng không...

Nịnh hót diêm vương hay nịnh hót quỷ đầu trâu thì cũng chẳng ích gì, vì cũng vẫn sẽ ở đời đời trong hỏa ngục; nhưng người có lương tâm chân chính thì không biết nịnh hót, nhưng họ luôn tin tưởng vào Đấng đã ban cho họ một trí óc để làm việc, một lương tâm ngay thẳng để nhận ra Đấng tạo hóa vĩ đại đang hiện diện trong vũ trụ...

Mà người có trí óc khôn ngoan và lương tâm chân chính không phải là người Ki-tô hữu sao?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa lên Trời, ta hãy mến yêu những sự trên Trời
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:07 19/05/2020
Hôm nay, Chúa lên Trời, chúng ta hướng tâm hồn lên với Chúa, và trông đợi Người lại đến như lời đã hứa trước khi về Trời, để Người ở đâu chúng ta cũng ở đó. Vì thế, chúng ta hãy nuôi dưỡng lòng ái mộ những sự trên Trời, để cũng được cả xác lẫn hồn về trời với Chúa. Đây là niềm vui lớn lao và tràn đầy hy vọng khi chúng ta hướng về tương lai trên hành trình dương thế. Toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh diễn tả. Nội dung chứa đựng trong những lời sau : "Chúa Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, Người căn dặn các Tông đồ xong... ". Và sau đó " Người lên Trời " (x. Cvtđ 1, 1- 11).

"Đã đến giờ Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha". Lời này được lặp đi lặp lại mỗi đoạn Tin Mừng trước lễ Chúa về Trời. Chúa giã từ Đức Maria Mẹ Người và nhất là tâm sự với các môn đệ nhiều điều. Hôm nay Người bảo các ông : " Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất "(Cvtđ 1, 8 ). Nhiệm vụ của các Tông Đồ từ đây được ủy thác, đến lượt mình các ông phải thi hành.

Để khỏi lạc lõng bơ vơ không người hướng dẫn, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha ban xuống Chúa Thánh Thần xuống trên các Tông Đồ để hướng dẫn Giáo hội đi trên đường chân lý. Tin Mừng phải được rao truyền bởi quyền năng của Thiên Chúa chứ không phải do sức mạnh, khôn ngoan của người đời. Trước khi về Trời, Chúa Giêsu " đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa " (Cvtđ 1, 4 ). Người nói với các ông : "các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con" (Mt 28, 19 ). Căn cứ vào lời của Chúa Giêsu, các Tông Đồ có trách nhiệm phải loan báo Tin Mừng cho thế giới, làm phép cho muôn dân, nói cho thế gian biết về Nước Thiên Chúa và ơn cứu độ, nhất là phải làm chứng về Chúa Kitô " cho đến tận cùng trái đất "(Cvtđ 1, 8). Giáo Hội sơ khai thấu hiểu huấn lệnh Chúa truyền, nên đã khai mở thời kỳ truyền giáo dù biết rằng thời kỳ này chỉ kết thúc vào ngày Chúa Giêsu lên trời, và trở lại.

Những lời Chúa Giêsu để lại cho Giáo hội là kho tàng vô giá. Giáo hội không những phải gìn giữ, loan báo, suy niệm mà còn sống nữa. Chúa Thánh Thần sẽ làm bén rễ sâu trong lòng Giáo hội ơn đặc sủng được sai đi. Chúa Giêsu đã và sẽ luôn sống trong Giáo hội như lời Người đã hứa : " Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế " (Mt 28, 20 ). Vì thế, Giáo hội nhận ra sự cần thiết phải trung thành với kho tàng đức tin và lời dạy của Chúa, đồng thời thông truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Lời Chúa và chỉ có Lời Chúa là nền tảng cho mọi sứ vụ, cũng như tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo hội. Thẩm quyền của Lời Chúa là nền tảng mà Công Đồng Vatican II và Thánh Gioan XXIII đã nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc : " Mối quan tâm chính của Công đồng Đại kết, là kho tàng thiêng liêng Kitô giáo phải luôn được giữ gìn và giảng dạy " ( Bài phát biểu của ngày 11 tháng 10 1962 ).

Suy tư thứ hai về ý nghĩa Chúa Giêsu lên trời dựa trên cụm từ : " Chúa Giêsu lên Trời ngự bên hữu... ". Theo lời thánh Lêo Cả, khi Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở trên đó, " vinh quang của Đầu " đã trở thành "niềm hy vọng cho thân xác " (x. Sermo Ascensione Domini). Chúa Giêsu đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng, " Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc" (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7, 25). Từ tao cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

Nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha cho chúng ta, chúng ta có hy vọng đạt tới sự công chính và sống thánh thiện nơi Người. Giáo hội có thể gặp phải những khó khăn, việc loan báo Tin Mừng có thể bị thất bại, nhưng vì Chúa Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha, Giáo hội sẽ không bao giờ bị đánh bại. Sức mạnh của Chúa Kitô vinh hiển, Con yêu dấu của Chúa Cha hằng gìn giữ chúng ta, giúp chúng ta tận tụy và trung thành với Nước Thiên Chúa một cách quảng đại. Sự kiện lên Trời của Chúa Kitô ảnh hưởng cụ thể đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì mầu nhiệm này, toàn thể Giáo hội có ơn gọi đợi chờ trong niềm hân hoan hy vọng ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến.

Chúa Giêsu vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, hiển vinh về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời.

Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, xin gìn giữ chúng ta là con cái Mẹ, biết sống và thực hành lời Chúa dạy, để một ngày kia chúng con cũng được về Trời với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh vui hưởng tôn nhan Chúa Ba Ngôi đến muôn thủa muôn đời. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy niệm Chúa Nhật tuần 7A sau Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
11:56 19/05/2020
Chúa Nhật 7 PHỤC SINH. A
(Ga 17:1-11)
CẦU NGUYỆN.


Giê-su ngước mắt lên trời,
Nguyện cầu cùng Chúa, dâng lời ngợi khen.
Trần gian thế tục sang hèn,
Hiến thân cứu rỗi, phận hèn thần dân.
Lạy Cha trời đất khoan nhân,
Xin làm vinh hiển, dự phần cõi thiên.
Muôn đời sự sống thần thiêng,
Quyền trên huyết nhục, Chúa Chiên giao hòa.
Cao sang ngự chốn thiên tòa,
Cha ban quyền bính, món quà quí thay.
Chu toàn công việc hăng say,
Danh Cha cả sáng, đời này kiếp sau.
Cha trao mọi sự trước sau,
Chúng con tuân giữ, cùng nhau thi hành.
Truyền rao sự thật phúc lành,
Nguyện cầu thiên phước, nhân danh Chúa Trời.
Chúa Cha hằng có đời đời,
Chúa Con hạ thế, làm người như ta.
Thánh Thần chân lý Ngôi Ba,
Ba Ngôi cực thánh, ngợi ca muôn đời.

Chúa Giêsu đã chu toàn công việc mà Chúa Cha đã trao phó. Chúa Giêsu xin được vinh hiển nơi Cha. Ba mươi ba năm sống dưới trần gian, Chúa Giêsu đã mở ra một kỷ nguyên mới. Một sự giao kết giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài đã mặc khải cho chúng ta biết về Cha của Ngài. Một người Cha yêu thương và nhân hậu. Ngài yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một của mình để hiến thân đền tội nhân loại.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện tha thiết với Cha của Ngài. Ngài làm tất cả vì Cha và theo ý Cha. Nay mọi sự đã hoàn tất. Lời cầu nguyện chân thành của Chúa Giêsu dậy chúng ta cùng cầu nguyện không ngừng. Cầu nguyện chính là giây liên kết và là sức sống nối liền đưa dẫn chúng ta kết hợp với Chúa. Chúa Giêsu đã cầu nguyện và dậy chúng ta cầu nguyện luôn.

Mẹ Têrêxa Calcutta nói rằng cầu nguyện phát sinh niềm tin. Niềm tin phát sinh tình yêu và tình yêu dẫn đến việc phục vụ tha nhân và người nghèo khổ. Cầu nguyện chính là linh hồn của người Công Giáo. Nếu thiếu đời sống cầu nguyện, chúng ta giữ đạo trở thành máy móc và hình thức. Cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Chúa để thờ lạy, cảm tạ, đền tội và xin ơn phù trợ. Nhiều người đã cắt bớt việc cầu nguyện bằng việc cầu xin. Chỉ cần xin, Chúa ban càng nhiều càng tốt.

Cầu nguyện là thưa truyện với Chúa và phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Truyện kể: Vào một đêm kia, người mẹ gợi ý cho đứa con gái nhỏ cầu xin cho mưa xuống. Cô bé qùy trên giường và chuẩn bị cầu nguyện. Bà mẹ thấy em bé gái do dự cầu nguyện cho mưa. Mẹ hỏi tại sao con không muốn cầu nguyện? Cô bé giải thích cho mẹ nghe. Ban chiều trước khi vào nhà, con còn để hai con búp bê ngoài ghế sau nhà. Nếu mẹ đồng ý ra ngoài mang hai con búp bê vào. Cô bé sẽ cầu nguyện cho mưa.

Lời cầu nguyện đơn sơ với lòng trông cậy và tin tưởng mãnh liệt như thế, làm sao Chúa không nhận lời chứ! Chúa dạy chúng ta cầu nguyện luôn và đừng chán nản. Các tông đồ xưa đã họp nhau kiên tâm cầu nguyện để đón chờ Chúa Thánh Thần ngự xuống. Nếu không có ơn Chúa, chúng ta không thể làm gì được. Thánh Phaolô viết rằng không ai có thể nói Chúa Giêsu là Chúa, mà không do Thánh Thần.

Chúng ta hãy cầu nguyện để Nước Chúa được trị đến. Có nhiều người nhận biết danh thánh Chúa và để được kết hợp trong tình yêu của Chúa. Tình yêu sẽ triển nở qua sự hy sinh, thông cảm và tha thứ. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở về nguồn tình yêu đích thực là Thiên Chúa.


TUẤN 7 MÙA PHỤC SINH
THỨ HAI
Gioan 16: 29-33

Trải qua kinh nghiệm cuộc sống của Tin Mừng và tất cả những khó khăn phải đối diện với thế gian, đức tin của các các tông đồ mỗi ngày một thêm vững mạnh vào Chúa Kitô. Chúa nói với các môn đệ: Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian. Quyền lực thế gian rất mạnh mẽ vì khuynh hướng xấu đã tự len lỏi vào đời sống của con người qua sự sa ngã của nguyên tổ. Con người có xác thịt yếu đuối luôn hướng chiều về tội lỗi và sự ác.

Cứ theo luật tự nhiên, con người được sinh ra và phát triển không khác hơn các loài thụ tạo khác. Chúng ta quan sát các bộ lạc sống trong rừng sâu của vùng Amazon hay các sắc dân thiểu số nơi vùng cao nguyên của thế kỷ 21, họ sống cuộc sống rất đơn sơ theo bản tính tự nhiên. Tuy rằng con người có sự phát triển nhưng không vượt ra khỏi những bản năng thấp kém là luôn tranh dành đi tìm của ăn vật chất.

Xã hội văn minh, đời sống tiến bộ hơn nhiều. Con người dùng kỹ thuật khoa học để chế ngự thiên nhiên nhưng con người dần dần thay vì làm chủ mà lại làm đầy tớ cho của cải vật chất. Con người thờ cái bụng và tìm thỏa mãn tất cả những bản năng thấp hèn của thân xác.

Lậy Chúa, Chúa đã thắng thế gian nhưng thế gian cứ mải mê cúi đầu cho những thú vui thấp hèn. Lạy Chúa, xin cứu giúp.

THỨ BA
Gioan 17: 1-11a

Trong tuần cuối Mùa Phục Sinh, thánh Gioan đã ghi lại những lời khẩn cầu tha thiết của Chúa Giêsu với Cha của Ngài. Tâm tình cầu nguyện rất chân thành. Chúa Giêsu tôn vinh Chúa Cha vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi người phàm. Lời nguyện xin của Chúa Giêsu rất đẹp lòng Cha. Chúng ta nhận biết được sự gần gũi giữa Cha và Con. Chúng ta biết Thiên Chúa là Chúa của tình yêu sống động có ngôi vị chứ không phải một Thiên Chúa xa xôi và vô cảm.

Lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giêsu với Cha như một sự hiện diện gần gũi và thân mật. Còn chúng ta, có nhiều khi chúng ta cầu nguyện nhưng chúng ta chỉ dùng môi miệng đọc kinh và dừng lại nơi những bức tượng không hồn. Chúng ta không vươn hồn tới được Thiên Chúa vô hình, Ngài hiện diện đó đang lắng nghe và thấu tỏ tâm tư của chúng ta.

Chúng ta được nhắc nhở qua lời Kinh thánh: Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng thì xa Ta. Cầu nguyện rất cần tấm lòng chân thật. Không phải nói nhiều, hay xin nhiều mà được hưởng nhiều. Khi cầu nguyện chúng ta hướng lòng lên với Thiên Chúa và tin tưởng Chúa đang hiện diện trước mặt chúng ta. Chúa thấu tỏ lòng thành của chúng ta và biết chúng ta cần gì.

Lạy Chúa, Chúa thấu tỏ mọi sự, Chúa biết chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

THỨ TƯ
Gioan 17: 11b-19

Chúa Giêsu cầu nguyện rằng: Lạy Cha, Con không xin Cha đem họ ra khỏi thế gian nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần. Chúa Giêsu cầu nguyện để những người Chúa Cha trao ban khỏi bị hư mất nhưng để họ được nên hoàn thiện. Thế gian là nơi gian nan, đầy thử thách chông gai và là nơi con người trưởng thành và lập công đức. Người ta nói: Lửa thử vàng, gian nan thử đức.

Chúa Giêsu không cầu xin Chúa Cha cất họ sớm ra khỏi đời này nhưng gìn giữ để khỏi sa chước cám dỗ. Ai trong chúng ta cũng muốn được sống lâu trên cõi đời. Nhưng sống lâu để làm gì? Đôi khi chúng ta không biết rõ. Chúng ta sống ở đời là để nhận biết và thờ phượngThiên Chúa đã yêu thương và cứu độ chúng ta. Và sống để yêu thương anh chị em cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp để ngày sau cùng chung hưởng hạnh phúc đời đời.

Sống là một cuộc lữ hành. Cuộc lữ hành cần phải có điểm tới. Nếu chúng ta đi lang thang vô định, cuộc đời của chúng ta sẽ không có ý nghĩa và chúng ta mất đi mục đích của đời người. Thiên Chúa quan phòng ban cho mỗi người chúng ta một sự sống và một sứ mệnh cần phải chu toàn. Ngài không tạo dựng chúng ta để chúng ta trở về hư không.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã cho chúng con được sinh ra làm người và làm con Chúa để hưởng hạnh phúc.

THỨ NĂM
Gioan 17: 20-26

Chúng ta cùng tôn thờ một Chúa, lãnh nhận một đức tin và một phép rửa. Chúa Giêsu tha thiết cầu xin cho sự hiệp nhất giữa những người tin Chúa: Con cầu cho tất cả những ai tin vào con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ nên một trong chúng ta. Người ta nói: trăm người trăm ý. Sự hiệp nhất trong Giáo Hội rất quan trọng để chúng ta nên chứng nhân cho tình yêu của Chúa.

Chúa biết trước sự phân rẽ giữa con người vì sự kiêu căng và tự mãn. Giáo Hội trải qua lịch sử dài của sự phân rẽ. Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội đã bị phân chia Đông và Tây, đến thứ kỷ thứ mười lại một phân rẽ giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo, qua sự phục hưng vào giữa những thế kỷ 15-16 lại có những nhóm thệ phản khác nhau xâu xé giáo hội như Anh Giáo, Tin Lành Luther, Calvin, nhóm Thanh Giáo và có trên bảy trăm nhóm tin lành khác nhau. Có những chia rẽ trong lòng Giáo Hội về quan điểm niềm tin và sống đạo. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tha thiết cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

Giáo Hội cũng luôn cố gắng quy tụ đàn chiên về một mối nhưng con người còn nhiều khác biệt. Chúng ta có thể chấp nhận và tôn thờ Chúa nhưng chúng ta khó có thể cảm thông và chấp nhận nhau. Lạy Chúa, chúng con cùng tôn thờ Thiên Chúa là Cha, thừa hưởng ơn cứu độ của Chúa Con và lãnh nhận ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần nhưng chúng con lại không muốn hiệp nhất với nhau. Xin Chúa thương tha thứ.

THỨ SÁU
Gioan 21: 15-19

Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô: Simon, con có yêu mến Thầy hơn những người này không? Ông đáp: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa trao đàn chiên cho Phêrô chăm sóc. Đây là một vinh dự lớn lao và là một trách nhiệm nặng nề. Thánh Phêrô được Chúa trao ban quyền lãnh đạo Giáo Hội.

Phêrô là một người chài lưới. Theo Chúa học hỏi được ba năm. Khi Chúa bị giải ra pháp đường, Phêrô đã chối là không biết Thầy. Chúa nhìn ông, ông đã nhận ra lỗi của mình và đã hối lỗi. Ông đã nhiệt tình theo Chúa và chấp nhận tất cả khổ đau vì danh Chúa. Phêrô có khả năng gì để Chúa trao trách nhiệm chăm sóc cả chiên con lẫn chiên mẹ? Chúa còn trao cho Phêrô chìa khóa nước trời để cầm buộc và tháo cởi.

Phêrô tính khí nóng nảy nhưng nhiệt tình. Điều kiện để Chúa trao sứ vụ tông đồ cả chỉ vỏn vẹn trong ba câu hỏi: Phêrô, con có mến Thầy không? Tình yêu đã trả lời tất cả. Có tình yêu, Phêrô có thể làm được mọi sự trong Chúa. Yêu mến Chúa hết lòng và Phêrô đã chu toàn trách nhiệm Chúa trao. Chính Phêrô đã được phúc đóng đinh vào thánh giá vì danh Chúa Kitô. Nhưng không xứng đáng với Thầy, Phêrô đã xin được đóng đinh ngược.

Thánh Phêrô có một tình yêu lớn lao và Chúa đã trao cho ông công việc lớn lao. Phêrô phó thác tất cả trong tình yêu của Chúa. Thánh Phêrô xứng đáng là rường cột của Giáo Hội.

THỨ BẢY
Gioan 21: 20-25

Với bài suy niệm này, chúng ta chấm dứt Mùa Phục Sinh. Suốt mùa phục sinh Giáo Hội cho chúng ta nghe Tin mừng theo thánh Gioan. Một tin mừng về tình yêu. Thánh Gioan viết rất sâu sắc về đời sống của Chúa Giêsu. Ngay từ trang đầu, Gioan đã viết: Từ khởi nguyên đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Tất cả lời phúc âm, Gioan đã minh chứng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Gioan được mệnh danh là tông đồ Chúa yêu. Gioan được theo Chúa mọi nơi trong mọi hoàn cảnh, từ những việc chữa bệnh, lên núi biến hình, trong vườn Giệtsimani và đuợc ngồi cạnh bên Chúa. Trong bữa ăn tối, Phêrô hỏi Chúa: Thưa Thầy, còn người này (Gioan) thì sao? Chúa Giêsu đáp: Nếu Thầy muốn người ấy ở lại mãi cho đến khi Thầy đến thì việc gì đến con. Phần con, hãy theo Thầy.

Chúa ban cho mỗi người một trách nhiệm. Phêrô trở thành thủ lãnh của Giáo Hội. Gioan sống một cuộc đời thầm lặng tới tuổi già. Gioan đã dành thời giờ chiêm niệm về mầu nhiệm nhập thể và viết phúc âm thứ tư. Toàn phúc âm theo thánh Gioan nói về tình yêu của Thiên Chúa. Gioan còn cho chúng ta biết rất nhiều về đời sống riêng tư nguyện cầu của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con quá bội. Chúng con cầu xin tình yêu Chúa sưởi ấm tâm hồn chúng con và những tâm hồn giá lạnh.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phán quyết của Tham Chính Viện Pháp cho phép cử hành thánh lể tại các thánh đường
Lê Đình Thông
09:11 19/05/2020
Trong phán quyết ngày 18/05/2020, Tham Chính Viện Pháp bất đồng ý kiến về quyết định của chính phủ cấm cử hành nghi thức phụng tự tại các nhà thờ. Án lệnh khẩn cấp được ban hành tiếp theo đơn khiếu tố của các hội đoàn Công Giáo. Định chế hành chính tối cao này ra thời hạn tám ngày để chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm cử hành các nghi lễ tôn giáo tại các thánh đường.

Tham Chính Viện là cơ quan tài phán cao nhất trong lãnh vực hành chính. Định chế này được hoàng đế Napoléon Bonaparte thiết lập vào năm 1799, từ 1875 có trụ sở tại Palais-Royal (Paris).

Tham chính viện nhận định rằng lệnh cấm cử hành nghi lễ tại các thánh đường Công Giáo, các đền thờ Do thái giáo và Hồi giáo không có lý do tồn tại trong tình hình giải tỏa cách ly. Việc cấm đoán này vi phạm nghiêm trọng đồng thời đi ngược lại quyền tự do tế tự, trong đó các tín hữu được quyền tham dự các nghi lễ tôn giáo tại các địa điểm tế tự.

Vì vậy, ‘‘Tham chính viện truyền lệnh cho Thủ tướng chính phủ phải thay thế lệnh cấm bằng các biện pháp thích hợp với các quy định y tế.’’(le Conseil d’Etat enjoint donc au premier ministre de remplacer cette interdiction pure et simple).

Án lệnh của Tham chính việc đã giải quyết tình trạng căng thẳng giữa Hội đồng Giám mục Pháp và chính phủ, và cho rằng nhận định của hàng giáo phẩm Pháp là hợp lý.

Các hội đoàn Công Giáo như Civitas, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (Parti chrétien-démocrate), Huynh đệ Tư tế Thánh Phêrô (Fraternité sacerdotale Saint-Pierre) đã thỉnh cầu hủy bỏ hai sắc lệnh ngày 11/05 cấm mọi tập hợp tại các cơ sở tôn giáo, ngoại trừ tang lễ giới hạn 20 người tham dự.

Các tín hữu bất đồng về ý kiến của Tổng trưởng Nội vụ Castaner ngày 03/05 tuyên bố rằng ‘‘việc cầu nguyện không nhất thiết cần đến các địa điểm tập hợp (la prière n’a pas forcément besoin de lieu de rassemblement). Về việc này, Tham Chính viện cho rằng quyền tham dự tập thể vào các nghi lễ là một yếu tố của quyền tự do tế tự (droit de participer collectivement à des cérémonies est une composante de la liberté de culte).

Như vậy, vào tuần lễ trước cuối tháng, chính phủ có trách nhiệm tuân thủ phán quyết của Tham chính viện, cho phép việc cử hành lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào ngày 31/05/2020, theo đúng các quy định y tế hiện hành.

Lê Đình Thông
 
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là Mục tử gần với dân
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
16:44 19/05/2020
Đức Hồng Y Karol Wojtyla (1920-2005), Tổng Giám mục Krakow, được bầu làm người kế vị thánh Phêrô vào ngày 16 tháng 10 năm 1978. Chúa Nhật 22 tháng 10 năm 1978 là Ngày Truyền Giáo Thế Giới được tổ chức trên khắp thế giới. Tại Quảng trường Thánh Phêrô, Tân Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu sứ vụ Mục tử hoàn vũ với một lời hô hào mạnh mẽ, đó sẽ là biểu tượng của triều đại giáo hoàng của Người: "Hãy mở ra, thật vậy, hãy mở cửa cho Chúa Kitô!.”

Hoàn cảnh bắt đầu của sứ vụ Phêrô đã được chính Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong Thông điệp đầu tiên cho Ngày Truyền Giáo Thế Giới, 14 tháng 6 năm 1979, trong đó Người nhớ lại "sự trùng hợp hạnh phúc": " Trong số những ý định ban đầu khởi động trong tâm hồn tôi trong hoàn cảnh long trọng đó, tôi không thể bỏ qua vấn đề cấp bách và hiện tại của việc mở rộng Nước Thiên Chúa giữa những người không phải là tín hữu Kitô.”

ĐGH Gioan Phaolô II được phong chân phước bởi ĐGH Biển Đức XVI vào ngày 1 tháng 5 năm 2011 và được ĐGH Phanxicô phong thánh vào ngày 27 tháng 4 năm 2014. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được gọi là "Đức Giáo Hoàng lưu hành, Đức Giáo Hoàng truyền giáo, Đức Giáo Hoàng rao giảng Tin mừng".

Ngày 18.5.2020, ĐGH Phanxicô, cử hành thánh lễ sáng trên bàn thờ giữ hài cốt của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Vương cung thánh đường Vatican, dịp kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Karol Wojtyla, nhấn mạnh sự lo lắng truyền giáo của ĐGH Gioan Phaolô II, gọi Người là "người gần gũi". ĐGH Phanxicô nói thêm: Người không phải là một người tách ra khỏi dân, thực sự Người đã tìm dân của Người và đi khắp thế giới, tìm kiếm dân của mình và gần gũi họ. Sự gần gũi là một trong những đặc điểm của Thiên Chúa với dân của mình... Một sự gần gũi của Thiên Chúa với dân sau đó được thắt chặt trong Chúa Giêsu, trở nên mạnh mẽ trong Chúa Giêsu. Người là một mục tử gần gũi với mọi người, trái lại Người không phải là một quan chức, là một quản trị viên, có thể tốt nhưng không phải là mục tử. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho chúng ta gương mẫu về sự gần gũi này: Người đã gần gũi với những người lớn và những người nhỏ, những người gần và những người xa, Người luôn luôn gần gũi."

Hai mươi sáu năm triều đại giáo hoàng vững mãnh của Người, giữa thế kỷ hai mươi và hai mươi mốt, hoàn toàn được đặc trưng bởi một ý nghĩa truyền giáo mạnh mẽ được thể hiện trong một ngàn cách, bắt đầu với các thông điệp cho Ngày Truyền Giáo hàng năm, có chủ đề hướng dẫn của nó, mời gọi đồng trách nhiệm của tất cả các thành phần của Giáo Hội trong công tác truyền giáo thế giới, nhấn mạnh vai trò trung tâm của Hội Truyền Giáo Giáo Hoàng cho linh hoạt và hợp tác truyền giáo.

Vai trò giảng huấn phong phú của Người đã đánh dấu một cách dứt khoát về lịch sử truyền giáo, mở ra những con đường mới, chỉ ra những mục tiêu mới. Di sản chính của nó vẫn là Thông Điệp "Sứ vụ Đấng Cứu Thế" (7.12.1990), về giá trị lâu đời của nhiệm vụ truyền giáo, được định nghĩa là hiến chương về truyền giáo của thiên niên kỷ thứ ba. Vào năm 1995, ĐGH Gioan Phaolô II đã dành một chu kỳ 9 loạt bài giáo lý cho cuộc gặp khách hành hương vào thứ Tư, nói về các yếu tố cơ bản và thiết yếu của sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, về các nền tảng mà nó dựa trên, cũng như về những thách thức mới của truyền giáo và về các câu hỏi liên quan đến cam kết ngày càng tăng cho đại kết. Tất cả các tài liệu của Người, từ những tông huấn đến các cuộc họp với các Giám mục qua chuyến viếng thăm ad limina, các bài giảng, đều được dệt từ lời mời tuyên bố Chúa phục sinh, không rút lui khỏi việc công bố này, và không để chán nản và bi quan chiến thắng. Lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội, ĐGH Gioan Phaolô II đã triệu tập tại Roma các Hội nghị Giám mục đặc biệt để phân tích và nghiên cứu tình hình truyền giáo ở các châu lục khác nhau với các Giám mục Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Đại Dương và Châu u.

ĐGH Gioan Phaolô II nổi bật trong sứ vụ Mục tử hoàn vũ qua 104 chuyến tông du quốc tế của Người, theo gương Tông đồ Phao-lô. Người đã đến các cộng đồng truyền giáo rải rác khắp thế giới, ngay cả những địa dành xa nhất về địa lý và nhỏ bé về số lượng, Người luôn quan tâm gặp gỡ, không chỉ với những người cao cấp và thủ lãnh quốc gia, nhưng trên hết là người nghèo, người bệnh, người già, người tù, người tàn tật và những người thường bị đặt bên lề xã hội, ĐGH Gioan Phaolô II là "một mục tử gần với dân, gần với người lớn và người nhỏ." Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Agenzia Fides
 
Các Giám mục Úc thảo luận và học hỏi bản Báo cáo về tình trạng của Giáo hội tại Úc châu
Thanh Quảng sdb
19:41 19/05/2020
Các Giám mục Úc thảo luận và học hỏi bản “Báo cáo về tình trạng của Giáo hội tại Úc châu”

Trước tiên các Giám mục Công Giáo Úc hân hoan tiếp nhận bản báo cáo về tình trạng Giáo Hội Công Giáo Úc châu, những đề nghị cải tổ được đệ trình bày cho các ngài trước cuộc họp Công đồng Toàn thể Giáo hội Úc Châu vào tuần trước.

(Tin Vatican)

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc (ACBC) đã đón nhận bản báo cáo, kèm theo những khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia về các trọng trách trước những việc lạm dụng tình dục trẻ em. Bản kiến nghị có đề xuất 86 khuyến nghị tập trung vào các nguyên tắc chính trong việc cai quản các Giáo phận tại Úc sao cho được tốt đẹp, bao gồm những đề nghị cụ thể về quản trị, đồng trách nhiệm trong Hội đồng Giám mục, đối thoại, phân biệt và lãnh đạo. Bản báo cáo cũng đưa ra những gợi ý cụ thể về việc tăng cường vai trò hợp tác của người giáo dân và đảm bảo việc đồng trách nhiệm hợp lý của họ ở các cấp giáo xứ và giáo phận.

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc chúc mừng các thành viên của nhóm Dự thảo đã cật lực làm việc, hợp tác để có được một bá cáo quí báu, đi vào chiều sâu của cuộc sống và sứ mệnh của Giáo hội.

Ngài cho biết các giám mục sẽ nghiên cứu và thảo luận tài liệu này ở cấp giáo phận, để chuẩn bị cho một cuộc thảo luận mở rộng trong Công đồng Toàn thể Giáo hội Úc châu sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay tại Adelaide. Tuy nhiên, vì tình trạng của cơn đại dịch Covid-19, Ban tổ chức đã quyết định hoãn Công đồng Toàn thể này sang ngày 28 tháng 6 đến 3 tháng 7 năm 2021.
 
Giáo xứ Holy Ghost ở Houston phải đóng cửa trở lại sau khi các linh mục DCCT Mỹ bị nhiễm Covid.
Trần Mạnh Trác
19:57 19/05/2020
Houston TX, ngày 19 tháng 5 năm 2020 ( CNA ).- 5 trong số 7 linh mục và tu sĩ thuộc Dòng Chuá Cứu Thế (Mỹ) đang phục vụ tại giáo xứ Holy Ghost ở Houston đã thử nghiệm dương tính với coronavirus, và giáo xứ đã phải đóng cửa trở lại sau khi đã mở cửa từ đầu tháng này.

Theo một tuyên bố từ Tổng giáo phận Houston-Galveston thì 5 trong số 7 tu sĩ thuộc dòng DCCT (Mỹ) phục vụ tại giáo xứ Holy Ghost đã thử nghiệm dương tính với COVID-19 vào cuối tuần này. Hai trong số nạn nhân là linh mục.

Giáo xứ đã ra thông cáo hủy bỏ tất cả các thánh lễ tại nhà thờ Holy Ghost cho đến khi có thông báo mới. “Chúng tôi xin quí bạn nhớ đến các nạn nhân đang bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này qua lời cầu nguyện của quí bạn”, thông cáo viết.

Các thành viên khác trong cộng đồng cuả nhà dòng, là những người không có triệu chứng bị dịch, cũng đã phải cách ly trong một khu cách xa với những người khác. Tất cả các tu sĩ tại đây đã được thử nghiệm và đang chờ kết quả.

Thánh lễ đã bị hủy bỏ sau khi Cha Donnell Kirchner, DCCT, đã chết tại giáo xứ ngày 13 tháng 5, và có nghi ngờ là đã bị lây nhiễm virus.

Nhà dòng cho biết một trong những thành viên thường xuyên cử hành Thánh lễ sau khi giáo xứ mở cửa trở lại vào ngày 2 tháng Năm đã thử nghiệm dương tính với coronavirus. Cho nên nhà dòng khuyến khích tất cả những người đã tham dự thánh lễ nên theo dõi sức khỏe của mình.

“Nếu bất cứ ai đã tham dự Thánh lễ trực tiếp tại nhà thờ Holy Ghost kể từ khi mở cửa trở lại, chúng tôi khuyến khích quí bạn theo dõi sức khỏe của mình để nếu có bất kỳ triệu chứng khả nghi nào thì cần phải kiểm tra COVID-19, như là một biện pháp phòng ngừa.”

Giáo xứ đã liên hệ với sở y tế Houston và sẽ cung cấp thêm thông tin mỗi ngày.

Nhắc lại các giáo xứ của Tổng giáo phận Galveston-Houston đã được phép mở lại các Thánh lễ công cộng vào ngày 2 tháng Năm. Miễn là số người tham dự không quá 25% sức chứa cuả mỗi nhà thờ; mọi người tham dự phải đeo khẩu trang; hạn chế tiếp xúc xã hội; và các nhân viên nhà thờ lau chùi vệ sinh đúng cách các bề mặt được sử dụng ngay sau các thánh lễ hoặc sinh hoạt.

Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston cho biết đại dịch đã gây ra nhiều thử thách, bao gồm bệnh tật, khó khăn tài chính và cô lập. Ngài nói rằng trong khi việc đóng cửa các nhà thờ đã giúp ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng giờ đây là sự cần thiết phải có sự nuôi dưỡng tinh thần trong cộng đồng.

“Tôi đã nghe nhiều lời cầu xin của rất nhiều tín hữu và linh mục muốn được tiếp cận với sức mạnh tâm linh và sự nuôi dưỡng của các bí tích sau khi đã phải chịu đựng nhiều tuần lễ ở nhà. Do đó, tôi tin rằng đã đến lúc các nhà thờ địa phương có thể thận trọng tiếp tục một số hoạt động thiết yếu của mình,” ngài nói ngày 29 tháng 4.
 
Đức Tổng Giám Mục Perth phản đối lối gièm pha của chính phủ Tây Úc về ấn tín tòa giải tội
Vũ Văn An
20:19 19/05/2020
Theo tin Marilyn Rodrigues của tờ Catholic Weekly ngày 19 tháng 5, 2020, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe SDB của tổng giáo phận Perth đã viết một lá thư kịch liệt phản đối Bà Simone McGurk, Bộ Trưởng Bảo Vệ Trẻ Em của Tiểu Bang Tây Úc sau khi bà kêu gọi ngài ủng hộ việc buộc các linh mục tiết lộ các thông tin về việc lạm dụng trẻ em nhận được trong tòa giải tội.



Nhân lúc đệ nạp dự luật mới để thảo luận vào ngày 13 tháng 5, Bà McGurk đã nói rằng Giáo Hội Công Giáo vốn “đề kháng việc thay đổi trong lãnh vực này, và công khai chống đối việc vi phạm ấn tín tòa giải tội” và nay đã đến lúc “giới lãnh đạo Giáo Hội phải đặt sự an toàn của trẻ em lên hàng đầu”.

Bà nói thêm “Tổng Giám Mục Công Giáo của Perth đã đưa ra quan điểm của ông về điều này rất rõ ràng. Việc nới rộng nghĩa vụ phải báo cáo tới các thừa tác viên tôn giáo báo hiệu rõ ràng rằng sự an toàn của trẻ em là ưu tiên số một. Tôi kêu gọi Tổng Giám Mục đưa ra tuyên bố ấy bằng cách ủng hộ dự luật này trọn vẹn”.

Trong lá thư của ngài, gửi cho cả Thủ Hiến Tây Úc, Đức Tổng Giám Mục Costelloe nói rằng các nhận định của bà bộ trưởng hàm ý rằng khi tiếp tục đề cao lập trường của Giáo Hội về ấn tín giải tội, ngài và Giáo Hội nói chung không đặt sự an toàn của trẻ em lên hàng đầu.

Ngài viết “Đó là một gièm pha đầy xúc phạm tới nhân cách tôi, và tới các cố gắng đầy đại lượng của mọi người, trong tổng giáo phận này, đã tận tâm tận lực để bảo đảm rằng mọi điều có thể làm được phải được làm để chắc chắn rằng trẻ em và người trẻ được an toàn hết sức trong các định chế và môi trường Công Giáo”.

Ngài viết thêm “Nếu quả thực bà ý thức được lập trường của tôi, vốn là lập trường của Giáo Hội Công Giáo, hẳn bà phải biết rằng kêu gọi tôi ‘đưa ra tuyến bố ấy...’, trên thực tế, là kêu gọi tôi đưa ra một câu tuyên bố lập tức khiến tôi bị ngưng chức Tổng Giám Mục Perth và khiến các năng quyền (phép) giúp tôi hoạt động như một linh mục bị rút lại. Bất cứ linh mục nào theo lời khuyên của tôi... cũng sẽ bị ngưng chức ngay lập tức”.

Đức Tổng Giám Mục cho hay Ủy Ban Hoàng Gia biết rõ chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có thẩm quyền đưa ra các thay đổi đối với lề luật chung của cả Giáo Hội liên quan tới ấn tín giải tội.

Ngài viết “Tôi chỉ có thể cho rằng... bà đang dấn thân vào một điều người ta có thể gọi là ‘đánh bóng nhân đức mình’ (1) để chứng tỏ cho mọi người thấy cam kết của bà và của chính phủ bà đối với việc bảo vệ trẻ em. Nếu đúng như thế, thì bà đang dùng chức vụ của mình có lợi chính trị cho bà mà gây hại cho Giáo Hội và cho cá nhân tôi. Nếu đúng như thế, và tôi hy vọng không phải như thế, thì đây là một tác phong bất xứng của một đại diện dân cử, nhất là vì nó đã khí cụ hóa nỗi kinh hoàng khủng khiếp của nạn lạm dụng tình dục trẻ em”.

Đức Tổng Giám Mục nhìn nhận “thành tích đáng trách” của Giáo Hội trong việc xử lý nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong quá khứ, nhưng các việc làm của Giáo Hội để bảo vệ trẻ em và người trẻ trong mấy năm gần đây vốn cũng “ít được ai nhìn nhận”.

Ngài viết “buộc các linh mục vi phạm lời khấn hứa long trọng liên quan tới ấn tín giải tội sẽ không làm cho bất cứ trẻ em hay người trẻ nào an oàn hơn, nhưng, chắc chắn, sẽ làm một số dễ bị lạm dụng hơn”.

Đức Tổng Giám Mục Costelloe cũng đã công bố một thư mục vụ dài hơn để giải thích bối cảnh lá thư phản đối gửi bà bộ trưởng của ngài và tại sao việc ủng hộ dự luật “đơn giản không mở ra” cho ngài hay tốt hơn cho sự an tòan của trẻ em.

___________________________________________________________________

(1) Dịch kiểu nói “virtue signalling”, làm một hành động bề ngoài là để hỗ trợ một chính nghĩa nhưng thực ra để khoe mẽ mình đạo đức hơn người
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày chầu Thánh Thể tại giáo xứ Tụy Hiền, Hà Nội
Gx Tụy Hiền
09:04 19/05/2020
Ngày 17 tháng 5 năm 2020, Chúa Nhật VI Phục sinh, giáo xứ Tụy Hiền Tgp. Hà Nội, Việt Nam vinh dự chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Địa phận trong niềm vui mừng Chúa sống lại, rạo rực tháng hoa, tháng kính Đức Bà.

Xem Hình

Chầu Thánh Thể là truyền thống tốt đẹp của Giáo hội để bày tỏ lòng cung kính và tôn thờ của tín hữu dành cho Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình làm Hy Tế cứu chuộc nhân loại.

Ngày chầu lượt của giáo xứ bắt đầu bằng Thánh lễ khai mạc lúc 6 giờ 00. Sau Thánh lễ, Mình Thánh Chúa vừa được truyền phép được đặt vào trong hào quang mặt nhật trưng lên bàn thờ cho các bổn đạo chiêm ngắm Chúa Giêsu đã nhập thể làm người, chết và sống lại hiển vinh, trong vinh quang Chúa Cha, đang ngự thật trong phép Mình Thánh.

10 giờ 30 Thánh lễ đồng tế do Cha Giuse Vũ Thanh Cảnh chủ tế, có Quí Cha trong và ngoài giáo phận đồng tề. Công bố và quảng diễn Lời Chúa do Thầy Phó tế Giuse Trần Văn Thục FM. Thầy giúp cộng đoàn hiểu được sự hiện diện tròn đầy của Ba Ngôi trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tôn thờ. Sau Thánh lễ, cộng đoàn tiếp tục thay phiên nhau chầu Mình Thánh.

16 giờ 30 cuộc rước long Mình Thánh Chúa ra ngoài nhà thờ do Cha Giuse Hoàng Minh Thông FM chủ sự. Kết thúc cuộc rước là Thánh lễ tạ ơn do Cha xứ cử hành khép lại một ngày chầu hồng phúc của giáo xứ.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban muôn vàn hồng phúc xuống trên nhưng ai đến chiêm ngắm tôn thờ.

Gx. Tụy Hiền
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Xướng câu Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an, Alleluia, Alleluia trong các Thánh lễ nào?
Nguyễn Trọng Đa
09:19 19/05/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Con là một phó tế. Ở giáo xứ cũ của con, chúng con luôn hát vào cuối thánh lễ “lễ xong, chúc anh chị em đi bình an, Alleluia, Alleluia” trong suốt mùa Phục sinh. Cha phó của con trong giáo xứ mới đã nói với con là đừng hát như vậy - rằng câu này chỉ được hát trong tuần Bát nhật Phục sinh và Lễ Hiên Xuống mà thôi. Con không thể tìm thấy các hướng dẫn trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM) cho việc này. Xin cha giúp con khi Mùa Phục Sinh sắp kết thúc rồi? - G. S., Wildwood, Florida, Hoa Kỳ.


Hỏi 2: Khi nào chúng ta sử dụng câu “per eundem Christum Dominum nostrum” thay cho hình thức đơn giản “per Christum Dominum nostrum.” - C.M., Cavite, Philippines

Đáp: Vì hai câu hỏi không liên quan này là khá kỹ thuật và có thể được trả lời với sự ngắn gọn tương đối, tôi chọn cách giải quyết chúng chung với nhau.

Đối với câu hỏi đầu tiên, cha phó của bạn là chính xác. Công thức “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an, Alleluia, Alleluia” chỉ được sử dụng trong tuần Bát nhật Phục sinh và trong ngày lễ Hiện Xuống. Nó được sử dụng cả trong Thánh lễ và trong các Giờ Kinh Phụng vụ, và do đó sẽ khép lại mùa Phục sinh với Kinh Chiều Lễ Hiện Xuống.

Mặc dù nó không có trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM), nhưng nó được ghi rõ trong chữ đỏ ờ cuối Thánh lễ Vọng Phục Sinh, mà trong đó, sau khi giới thiệu âm nhạc cho nghi thức giải tán với Alleluia đôi, chữ đỏ nói: “Thực hành này được tuân giữ trong suốt tuần Bát nhật Phục sinh.”

Thực hành này cũng được chỉ định vào cuối Thánh Lễ Hiện Xuống.

Liên quan đến câu kết lời nguyện “per eundem Christum Dominum nostrum (nhờ cũng một Đừc Kitô, Chúa chúng ta)”, nó không còn được sử dụng trong các văn bản phụng vụ theo hình thức thông thường của nghi lễ Rôma. Nó vẫn được sử dụng trong các văn bản đạo đức, vốn giữ lại các công thức phụng vụ cũ.

Tiêu chuẩn liên quan đến các kết luận của lời nguyện nhập lễ có thể được tìm thấy trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM) số 54, và trong số 77 cho lời nguyện tiến lễ. Hiện nay Sách lễ tiếng Anh in đầy đủ các câu này nhẳm tránh lẫn lộn.

“Lời nguyện nhập lễ

“54. Tiếp đến, linh mục mời cộng đoàn cầu nguyện; và mọi người cùng linh mục thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước thánh nhan Thiên Chúa và có thể nói lên trong lòng những nguyện ước của mình. Rồi linh mục đọc lời nguyện, quen gọi là "lời nguyện nhập lễ", lời nguyện này nói lên đặc tính của việc cử hành. Theo truyền thống ngàn xưa của Hội Thánh, lời nguyện nhập lễ thường hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, và kết bằng câu kết dài có tính Ba Ngôi, như sau:

“- Nếu hướng về Chúa Cha: Per Dominum nostrum Iesum Christum Filium tuum, qui tecum vivit et regnat in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum (Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa (Cha), là Thiên Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa (Cha) trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời);

“- Nếu lời nguyện hướng về Chúa Cha, nhưng cuối lời nguyện đã nhắc tới Chúa Con, thì: Qui tecum vivit et regnat in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum (Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa (Cha), trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời);

- Nếu hướng về Chúa Con, thì: Qui vivis et regnas cum Deo Patre in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum (Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời).

“Cộng đoàn kết hợp với lời nguyện và thưa lời tung hô Amen để nhận lời nguyện làm của mình. Trong Thánh lễ, luôn chỉ đọc một lời nguyện nhập lễ duy nhất.”

“Lời nguyện tiến lễ

“77. Sau khi đặt lễ vật trên bàn thờ và hoàn tất những nghi thức đi kèm, qua lời mời cộng đoàn cùng cầu nguyện và đọc lời nguyện tiến lễ, linh mục kết thúc phần chuẩn bị lễ vật và sửa soạn đọc kinh nguyện Thánh Thể.

“Trong Thánh lễ chỉ đọc một lời nguyện tiến lễ và kết bằng câu kết ngắn, nghĩa là: Per Christum Dominum nostrum (Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con). Nhưng nếu ở cuối lời nguyện vừa nói tới Chúa Con, thì đọc: Qui vivit et regnat in saecula saeculorum (Người hằng sống và hiển trị muôn đời).

“Cộng đoàn kết hợp với lời cầu nguyện và làm cho lời cầu nguyện trở thành của mình khi đáp lại bằng lời tung hô: Amen.”

Đối với lời nguyện hiệp lễ, cũng dùng câu kết ngắn như trong lời nguyện tiến lễ.

Trong hình thức ngoại thường, các quy tắc là phức tạp hơn và lời nguyện hiệp lễ tuân theo các quy tắc tương tự như các quy tắc của lời nguyện nhập lễ.

Đối với các câu kết của lời nguyện nhập lễ, các khả năng sau đây được sử dụng tùy thuộc vào cấu trúc của lời nguyện:

- Per Dominum nostrum Iesum Christum Filium tuum, qui tecum vivit et regnat in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum

-Per Eundem Dominum nostrum Iesum Christum Filium tuum, qui tecum vivit et regnat in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum

- Qui tecum vivit et regnat in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum

- Qui vivis et regnas cum Deo Patre in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum

Nếu có đề cập đến Chúa Thánh Thần trong lời nguyện, câu kết được chỉnh như sau “in unitate eiusdem Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum.”

Do đó, tiêu chuẩn để thêm từ ngữ “per eundem” trong hình thức ngoại thường gần giống như mẫu thứ hai của hình thức thông thường: một lời nguyện hướng về Chúa Cha với sự nhắc đến Chúa Con. Như đã đề cập trước đó, điều này cũng có thể được áp dụng cho các lời nguyện khác, chẳng hạn lời nguyện hiệp lễ.

Một thí dụ nổi tiếng về điều này là lời nguyện hiệp lễ của lễ Truyền tin, vốn cũng được sử dụng trong kinh Truyền tin (Angelus):

“Orémus. Grátiam tuam, quǽsumus, Dómine, méntibus nostris infunde; ut qui, Ángelo nuntiánte, Christi Fílii tui incarnatiónem cognóvimus, per passiónem eius et crucem, ad resurrectiónis glóriam perducámur. Per eúndem Christum Dóminum nostrưm.”.

“Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời thánh thiên thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cùng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen. (Zenit.org 19-5-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/go-in-peace-alleluia-alleluia/
 
Vai trò của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản Đông Âu:
Nguyễn Long Thao dich
17:47 19/05/2020
Vai trò của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản Đông Âu:

LTS: Khi viết về đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các ký giả cũng như các sử gia đều nhắc đến phần đóng góp của ĐGH Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản tại Đông Âu. Nhưng nếu có ai đặt câu hỏi: Đức Cố Giáo Hoàng đã góp phần thế nào trong biến cố chính trị vĩ đại này, thì quả thực, không mấy ai có câu trả lời chính xác và đầy đủ.

Trong khi đi tìm tài liệu về vấn đề này, chúng tôi gặp được bài báo có tựa đề Holy Alliance (Liên Minh Thánh) của tác giả Carl Bernstein, đăng trên tuần báo Time, số xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 24 tháng 2 năm 1992, nghĩa là sau khi chế độ cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu sụp đổ được 1 năm, tức năm 1991. Chúng tôi dịch bài báo này để cống hiến qúy bạn đọc, nhưng thiết tưởng cũng cần đặt một câu hỏi là liệu các tài liệu lịch sử và sự kiện trong bài báo này có hoàn toàn chính xác không? Chúng tôi không đủ tài liệu để trả lời, chỉ biết Time là một tuần báo có uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ.


LIÊN MINH THÁNH

Trong thư viện Tòa Thánh Vatican vào ngày thứ Hai 7 tháng 6 năm 1982 chỉ có sự hiện diện của Tổng Thống Ronald Reagan và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đây là lần đầu tiên hai vị gặp nhau trong vòng 50 phút. Trong khi đó, tại một phòng khác, cùng tòa nhà của ĐGH, Đức Hồng Y Agostino Cassaroli và Đức Tổng Giám Mục Achille Silvestrini đàm đạo với Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Alexander Haig và chánh án William Clark, Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Reagan. Hầu hết câu chuyện giữa hai bên đều tập trung vào vấn đề Do Thái xâm lăng Li Băng. Cuộc tấn công đã bước sang ngày thứ hai và Ngoại Trưởng Haig nói với các vị trong Tòa Thánh rằng Thủ Tướng Menachem Begin của Do Thái đã cam kết với Hoa Kỳ là họ sẽ không tấn công sâu vào nội địa Lebanon quá 25 dặm.

Tuy nhiên, Tổng Thống Reagan và Đức Giáo Hoàng chỉ dành ra vài phút để xem xét vấn đề Trung Đông, còn lại hai vị chú ý vào vấn đề cùng quan tâm. Đó là vấn đề Ba Lan và sự thống trị của Sô Viết tại Đông Âu. Trong cuộc họp đó, TT Reagan và ĐGH đều đồng ý là phải tiến hành một chiến dịch bí mật để mau chóng giải thể đế quốc cộng sản. Đệ Nhất Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Reagan là ông Richard Allen tuyên bố:“Đây là liên minh bí mật vĩ đại nhất từ trước tới nay.”

Chiến dịch nhắm vào Ba Lan là quốc gia đông dân cư nhất, là chư hầu của Sô Viết ở Đông Âu và là nơi sinh trưởng của ĐGH Gioan Phaolô II. Cả Đức Giáo Hoàng lẫn Tổng Thống Reagan đều tin rằng Ba Lan có thể tách rời khỏi quỹ đạo Sô Viết, nếu Vatican và Hoa Kỳ quyết tâm cung ứng phương tiện để làm lung lay chính quyền Ba Lan và giữ cho phong trào Đoàn Kết đang bị cấm hoạt động được tồn tại sau khi chính quyền cộng sản ban hành quân luật vào năm 1981.

Trước khi Công Đoàn Đoàn Kết được hoạt động trở lại một cách công khai và hợp pháp vào năm 1989, thì đã có nhiều hoạt động bí mật được diễn ra trong thời gian này. Công đoàn được cung cấp phương tiện, được nuôi dưỡng và được cố vấn mà phần lớn qua một hệ thống được thiết lập dưới sự bảo trợ của TT. Reagan và ĐGH Gioan Phaolô II. Hàng tấn máy móc như máy gửi điện thư (Fax Machine - lần đầu tiên có ở Ba Lan), máy in báo, máy truyền tin, điện thoại, radio làn sóng ngắn, máy quay phim, máy photocopy, máy điện tín, máy vi tính, máy đánh chữ điện tử (word processor) được đưa lậu vào Ba Lan qua các đường dây được thiết lập do các linh mục, các nhân viên tình báo Mỹ, các đại diện Công Đoàn Lao Động Hoa Kỳ (AFL-CIO), và các phong trào lao động Âu Châu. Tài chánh cho công đoàn đang bị cấm là do quỹ của Cơ quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA), Quỹ Quốc Gia Hỗ Trợ Dân Chủ, và tài khoản bí mật của Tòa Thánh và các nghiệp đoàn thương mại Âu Châu.

Thông thường lãnh tụ Lech Walesa và các nhà lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết nhận được những lời cố vấn chiến thuật từ các linh mục, hay các điệp viên Mỹ hay Âu Châu giả dạng là các chuyên gia lao động làm việc ở Ba Lan. Điều đó phản ánh cách làm việc của Vatican và của chính quyền Reagan. Nhờ sự chống đối ngày càng có hiệu quả, nên nguồn tin về các quyết định nội bộ của chính quyền Ba Lan và nội dung những cuộc đàm thoại giữa Warsaw và Moscow được tuôn chảy về Tây Âu như suối nước. Những tin tức chi tiết đó không những do các linh mục mà còn do các điệp viên nằm ngay trong nội bộ chính quyền Ba Lan cung cấp.

ĐẢ ĐẢO HIỆP ƯỚC YALTA

Theo các vị phụ tá cùng quan điểm với TT Reagan và ĐGH Gioan Phaolô II, hai nhà lãnh đạo không chấp nhận sự kiện chính trị cơ bản xảy ra trong đời hai vị: Đó là việc phân chia Âu Châu do hiệp ước Yalta quy định và để Đông Âu dưới sự thống trị của cộng sản. Hai vị tin rằng một nước Ba Lan tự do, không cộng sản sẽ là lưỡi dao đâm ngay tim đế quốc Sô Viết và nếu Ba Lan trở nên dân chủ thì các nước Đông Âu khác cũng sẽ noi theo.

TT Reagan đã tuyên bố: “Cả hai chúng tôi nhận thấy hiệp ước Yalta đã mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng và người ta cần phải làm một điều gì”. Ông nói tiếp: “Công Đoàn Đoàn Kết thực sự là một thứ vũ khí có thể giải quyết được vấn đề đó vì chính nó là một tổ chức của người lao động Ba Lan. Chưa bao giờ có gì giống như Công Đoàn Đoàn Kết mà có thể tồn tại được ở Đông Âu, và nghiệp đoàn công nhân đó hoàn toàn trái ngược với điều Sô Viết và Ba Lan mong muốn ”.

Theo các lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết, ông Lech Walesa và những người phụ tá của ông đều biết TT Reagan và ĐGH Gioan Phaolô II quyết tâm giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết được tồn tại, nhưng về mức độ hợp tác giữa hai vị thế nào, thì họ chỉ có thể phỏng đoán.

Ngay cả ông Wojciech Adamiecki, chủ bút và là người điều hành tờ báo bí mật của Công Đoàn Đoàn Kết, hiện đang (1992) là cố vấn cho tòa Đại Sứ Ba Lan tại Washington, phát biểu: “Chính thức ra chúng tôi không biết Giáo Hội đang hợp tác với Hoa Kỳ, chúng tôi nghe nói ĐGH đã cảnh cáo Sô Viết rằng nếu họ tiến vào Ba Lan thì Ngài sẽ bay về Ba Lan ở với dân chúng. Giáo Hội là nguồn yểm trợ đầu tiên, lúc bí mật lúc công khai. Công khai như trợ giúp nhân đạo, thực phẩm, tài chánh, thuốc men, cố vấn y khoa được tổ chức trong nhà thờ. Bí mật như yểm trợ các sinh hoạt chính trị, như phân phối máy in đủ loại, cung cấp chỗ để hội họp bí mật, tổ chức các cuộc biểu tình đặc biệt.”

Vào lần gặp gỡ đầu tiên, TT Reagan và ĐGH đã ôn lại những chuyện hai vị đồng cảnh ngộ: Cả hai đều sống sót sau hai vụ ám sát cách nhau 6 tuần lễ, cả hai đều tin Chúa đã gìn giữ hai vị để thực hiện một sứ vụ đặc biệt. Đức Hồng Y Pio Laghi, nguyên Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington kể lại rằng: “Một người bạn thân của TT Reagan đã nhắc lại với tôi lời phát biểu của TT Reagan rằng: “Coi kìa, lực lượng ma qủy cản đường chúng tôi và coi Chúa Quan Phòng đã can thiệp như thế nào”. Theo ông Clark, Cố Vấn An Ninh của TT Reagan, thì cả ĐGH lẫn TT Reagan đều cho việc hai vị sống sót sau hai vụ ám sát là một “phép lạ”. Ông Clark tuyên bố rằng: “Cả hai vị đều chia sẻ chung một quan điểm về tinh thần và có chung một cái nhìn về đế quốc Sô Viết: Đó là lẽ phải và việc sửa sai sẽ tất thắng theo chương trình của Chúa.

Đô Đốc Bobby Inman, nguyên phụ tá Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương cho biết: “TT Reagan đưa ra quan điểm rất đơn giản và chắc chắn, một quan điểm có giá trị là ông đã thấy chủ thuyết cộng sản sắp sụp đổ và ông cần phải đẩy mạnh thêm cho nó sụp đổ luôn”.

Trong 6 tháng đầu năm 1982, chiến thuật gồm 5 điểm được đưa ra nhằm làm sụp đổ nền kinh tế Sô Viết, phá vỡ mối giây liên hệ kinh tế giữa Liên Bang Sô Viết và các quốc gia khách hàng của hiệp ước Warsaw, thúc giục cải cách ngay trong đế quốc Sô Viết. Chiến thuật đó bao gồm các điểm sau đây:

- Quốc Phòng Hoa Kỳ đã và đang trên con đường gia tăng ngân sách với mục đích để Sô Viết muốn cạnh tranh với Hoa Kỳ tất phải trả một giá rất đắt. Đó là sáng kiến chiến thuật phòng thủ không gian của Tổng Thống Reagan, tức chiến thuật “Chiến Tranh Các Hành Tinh” (Star Wars) trở thành trung tâm điểm của chiến thuật này.

- Bí mật khuyến khích các phong trào cải cách ở Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc và Ba Lan.

- Tài trợ cho các quốc gia trong hiệp ước Warsaw căn cứ theo mức độ họ tự nguyện bảo vệ nhân quyền, cải cách chính trị và tiến tới thị trường tự do.

- Cô lập kinh tế Liên Bang Sô Viết và giữ cho nền kỹ thuật cao của Nhật và Tây Phương không vào được Mạc Tư Khoa. Chính quyền Hoa Kỳ nhắm vào việc không cho Liên Bang Sô Viết hưởng được điều mà họ muốn có là nguồn ngoại tệ qúy của thế kỷ 21. Đó là lợi nhuận mang lại do đường ống dẫn khí đốt xuyên lục địa cho Tây Âu. Đường ống dài 3600 dặm bắt đầu từ Siberia tới Pháp được chính thức hoạt động từ 1 tháng Giêng năm 1984, nhưng lợi nhuận thu được nhỏ hơn nhiều so với dự tính của Liên Sô.

- Gia tăng dùng đài Phát Thanh Tự Do, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, đài Âu Châu Tự Do để truyền các sứ điệp của chính quyền Hoa Kỳ đến nhân dân các nước Đông Âu.

Tới năm 1982, cả TT Reagan lẫn ĐGH Gioan Phaolô II đều không tiên liệu được việc ông Mikhail Gorbachev trở thành nhà lãnh đạo Sô Viết. Ông là cha đẻ của phong trào cởi mở và cải cách. Nỗ lực cải cách của ông đã cởi trói cho các thế lực mạnh, thoát ra khỏi vòng kiểm soát của ông và dẫn tới việc Liên Bang Sô Viết phải tan rã.

Theo một viên chức Hoa Kỳ từng biết rõ các kế hoạch giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết được tồn tại thì “Liên Minh Washington-Vatican không làm cho chế độ cộng sản sụp đổ, mà giống như các nhà lãnh đạo vĩ đại và may mắn khác, Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống Reagan đã biết khai thác chỗ mạnh của lịch sử để dùng vào mục tiêu của riêng mình”

ĐÀN ÁP

Chiến dịch do Washington và Vatican khởi xướng nhằm duy trì Công Đoàn Đoàn Kết bắt đầu khi Tướng Wojciech Jaruzelski tuyên bố áp dụng quân luật vào ngày 13 tháng 12 năm 1981. Trong những giờ phút đen tối đó, mọi đường dây liên lạc với thế giới bên ngoài không cộng sản đều bị cắt đứt, 6000 nhà lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết bị bắt giữ, hàng trăm người bị cáo buộc phản quốc, lật đổ chính quyền, phản cách mạng, 9 người bị giết và công đoàn bị cấm hoạt động. Hàng ngàn người khác trong Công Đoàn phải trốn tránh, trong các nhà thờ, nhà xứ, phải ở với các linh mục. Chính quyền bắt giữ ông Lech Walesa và giam ông tại căn nhà cho người đi săn ở nơi khỉ ho cò gáy?

Ngay sau khi lực lượng an ninh Ba Lan được bố trí trên các đường phố, TT Reagan liền gọi điện thoại ngay cho ĐGH để xin ý kiến. Trong một loạt các cuộc hội họp vào những ngày sau đó, TT Reagan đã bàn đến các giải pháp phải chọn lựa. Cựu Ngoại Trưởng Haig kể rằng: “Trong các phiên họp Nội Các hay Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, có rất nhiều thành viên tham dự, tất cả đều đưa ra những biện pháp trả đũa, từ việc cấm vận đã tác động mạnh và tàn phá Ba Lan, đến việc đưa ra những lời tuyên bố cứng rắn có thể đưa tới nguy cơ như tình hình xảy ra tại Hung Gia Lợi năm 1956 hay Tiệp Khắc năm 1968”.

Ngoại Trưởng Haig biệt phái ngay vị Đại Sứ lưu động là ông Vernon Walters, một người Công Giáo đạo đức, sang gặp ĐGH. Ông Walters đến Rome liền gặp riêng ĐGH và sau đó gặp riêng Đức Hồng Y Cassaroli, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Hai bên đồng ý là không thể để ngọn lửa Công Đoàn Đoàn Kết bị dập tắt và quốc tế phải tập trung vào việc cô lập hóa Sô Viết. Với Ba Lan, phải gây áp lực về mặt tinh thần cũng như kinh tế trên chính quyền của nước này.

Theo nguồn tin của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, qua các đường dây của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đã khuyên ông Walesa hãy giữ phong trào hoạt động trong vòng bí mật và thông báo tới 10 triệu đoàn viên Công Đoàn Đoàn Kết là đừng kéo nhau xuống đường, đừng liều lĩnh khiêu khích để Minh Ước Warsaw nhảy vào can thiệp, tránh nội chiến với lực lượng an ninh Ba Lan. Vì cộng sản cắt đứt hết đường dây liên lạc điện thoại trực tiếp đến Vatican nên ĐGH đã phải liên lạc với Đức Hồng Y Josef Glemp ở Warsaw qua đài phát thanh. Ngài cũng phái một đặc sứ đến Ba Lan để tìm hiểu và báo cáo tình thế. Ngoại Trưởng Haig đã tuyên bố: “Tin tức của Tòa Thánh Vatican hoàn toàn khá hơn và nhanh hơn tin tức của chúng ta về mọi mặt. Mặc dù chúng ta có riêng vài nguồn tin tối hảo, song tin của chúng ta phải mất quá lâu để kiểm chứng qua thủ tục tình báo”.

Trong những giờ phút đầu tiên, TT Reagan đã ra lệnh phải thông báo lập tức cho Đức Giáo Hoàng những tin tức tình báo của Hoa Kỳ, kể cả tin do ông Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Ba Lan cung cấp. Ông này đã bí mật báo cáo tin tức cho Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) biết.

Washington cũng trao cho Vatican bản phúc trình và phân tích của Đại Tá Ryszard Kuklinski là nhân viên trong Bộ Tổng Tham Mưu Ba Lan, đã từng cung cấp tin tức cho CIA tới năm 1981. Sau đó ông được bí mật đưa ra khỏi Ba Lan, sau khi cảnh báo Sô Viết sẽ xâm lăng Ba Lan, nếu chính quyền nước này không áp đặt quân luật. Ông Kuklinski cũng đưa ra lời cảnh báo về hành động quân sự của Sô Viết vào những năm của thập niên 80. Những lời cảnh báo này khiến chính quyền sắp mãn nhiệm của TT Carter phải gửi một điệp văn bí mật cho ông Leonid Brezhnev rằng nếu Nga xâm lăng Ba Lan, thì một trong những giá phải trả là Hoa Kỳ sẽ bán vũ khí có trình độ kỹ thuật cao cho Trung Quốc. Lần này ông Kuklinski báo cáo cho Washington biết Tổng Bí Thư Brezhnev tỏ ra rất bực bội. Năm đó mùa màng ở Nga bị thất thu thảm hại nên ông Brezhnev không cần đến đội binh cơ giới của quân đội, mà thay vào đó dành lực lượng này cho công việc xâm lăng Ba Lan. TT Reagan nói “Những gì chúng tôi biết, chúng tôi tưởng ĐGH không biết, nên ngay lập tức chúng tôi báo cáo cho Ngài”:

MỘT NHÓM Công Giáo

Một nhóm những nhân vật trong chính quyền Mỹ tham gia trong vụ Ba Lan gồm những người Công Giáo đạo đức như Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo William Casey, Richard Allen, William Clark, Alexander Haig, Vernon Walters và William Wilson. Ông William Wilson là đại sứ đầu tiên của TT Reagan bên cạnh Tòa Thánh Vatican. Tất cả những người này coi mối liên hệ ngoại giao giữa Washington-Vatican là một Liên Minh Thánh: gồm sức mạnh tinh thần và những giáo huấn của Giáo Hội kết hợp với chủ thuyết cương quyết chống cộng sản và khái niệm dân chủ của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, công tác này có lẽ không thành công, nếu không có sự hỗ trợ hoàn toàn của TT Reagan là người tin tưởng nồng nhiệt vào cả lợi ích lẫn những áp dụng thực tế trong việc thiết lập mối quan hệ giữa Washington và Vatican. Tổng Thống Reagan nói: “Một trong những mục tiêu đầu tiên là thừa nhận Vatican là một quốc gia và kết hợp quốc gia ấy làm đồng minh” (trước đây Hoa Kỳ và Vatican không có quan hệ ngoại giao chính thức- ghi chú của người dịch)

Theo Đô Đốc John Poindexter, phụ tá quân sự trong ban Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, thì khi quân luật được ban hành ở Ba Lan, TT Reagan đã tin ngay rằng cộng sản đã tính toán sai lầm nghiêm trọng: “Cho Công Đoàn Đoàn Kết công khai hoạt động trong 16 tháng rồi đi đàn áp. Chính quyền Ba Lan chỉ tự tách mình ra khỏi nhân dân bằng việc cố làm tê liệt phong trào lao động và quan trọng hơn là lôi kéo giáo hội có sức mạnh vào cuộc xung đột với chế độ Ba Lan.”

TT Reagan nói: “Tôi không tin rằng điều này (quyết định áp đặt quân luật đề đập nát Công Đoàn Đoàn Kết) có thể tồn tại vì lịch sử Ba Lan vì khía cạnh tôn giáo và còn nhiều khía cạnh nữa”. Còn Đức Hồng Y Cassaroli thì nói: “Có một sự trùng hợp về quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Vatican.”

Đa số những sự trợ giúp cho Công Đoàn Đoàn Kết hay đối phó với chính quyền Ba Lan và Sô Viết đều do TT Reagan, ông Casey, và ông Clark quyết định sau khi đã tham khảo ý kiến với ĐGH Gioan Phaolô II. Ông Richard Pipes, một học giả bảo thủ sinh trưởng ở Ba Lan, cầm đầu văn phòng đặc trách Sô Viết và Đông Âu trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cho biết: “TT Reagan biết rõ mọi chuyện, kể cả các hoạt động bí mật”. Ông nhắc lại lời Tổng Thống “Không phải nhân dân, mà chính hệ thống Sô Viết là điều xấu xa và chúng ta, bằng mọi cách, phải làm thế nào giúp đỡ dân chúng và Công Đoàn Đoàn Kết tranh đấu cho tự do.” Ông nói thêm: “Những người như ông Haig, Bộ Trưởng Thương Mại Malchom Baldridge và James Baker (lúc đó là chánh văn phòng tòa Bạch Ốc sau này là Bộ Trưởng Ngoại Giao thời TT Bush cha – ghi chú của người dịch) đều cho điều TT Reagan nói là không thực tế. Còn ông George Bush (tức ông Bush Cha, lúc đó là Phó TT cho ông Reagan – ghi chú của người dịch) cứ ngồi yên, không nói lời nào. Tôi (lời ông Pipes) thường ngồi sau ông và không bao giờ biết ý kiến của ông thế nào. Riêng TT Reagan thì biết rất rõ những gì là nguy hiểm sẽ xảy ra”

Theo sự đánh giá chung, ngay trong những ngày đầu khi Ba Lan vừa ban hành quân luật, ông Casey đã nhảy ngay vào vòng chiến trong lúc mọi người còn đang mu mơ. Giống như trường hợp Trung Mỹ, ông Casey là kiến trúc sư chính trong các chính sách đối với Ba Lan. Trong khi đó, ông Pipes và các viên chức trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia soạn thảo các đề nghị trừng phạt. Ông Pipes nói: “Mục tiêu chính là làm kiệt quệ Sô Viết để người dân trong nước đổ tội cho là vì ban hành quân luật”. Ông cũng nói thêm: “Những biện pháp trừng phạt được tiến hành song song với những hoạt động của ban Công Tác Đặc Biệt, một chi ngành của CIA thi hành các hoạt động bí mật, với mục tiêu đầu tiên là giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết được tồn tại bằng việc cung cấp tài chánh và dụng cụ truyền tin.”

Một trong những viên chức của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ chỉ huy nỗ lực hạn chế ảnh hưởng hệ thống dẫn khí đốt của Nga cho biết: “Giáo Hội cố gắng kiểm soát toàn bộ tình hình” Viên chức này nói tiếp: “ Họ (Giáo Hội) đã nỗ lực một cách có hiệu quả, tạo ra được các tình huống khiến Sô Viết không áp dụng được những đe dọa nguy hiểm, trong khi đó, cho phép chúng ta (Hoa Kỳ) xiết chặt các biện pháp chế tài ngày càng mạnh mẽ hơn. Và gần như họ là bộ phận theo dõi những đàn áp của chính phủ để xem nó diễn tiến như thế nào, áp bức ấy có được nới lỏng hay ngày càng tệ hại và chúng ta phải đối phó ra sao.”

Đối với các cuộc đàm thoại của TT Reagan về tình hình Ba Lan, Ông Clark cho biết, các cuộc đàm thoại ấy rất ngắn gọn. Ông nói: “Tôi không nghĩ là giữa tôi và TT. Reagan có cuộc đàm thoại nào riêng tư mà kéo dài được hơn ba phút để đi sâu vào một vấn đề. Có lẽ điều đó làm ông (ký giả viêt bài báo này) ngạc nhiên lắm. Chúng tôi có mật mã thông tin riêng. Trong vấn đề Ba Lan, tôi biết TT Reagan muốn thực hiện đến đâu và đường lối đó có thể dẫn đến những vấn đề gì. TT Reagan, ông Casey và tôi thường xuyên bàn luận về những hoạt động bí mật ở Ba Lan: như ai đang làm việc gì, ở đâu, tại sao, diễn biến tình thế thế nào, và cơ hội thành công ra sao.”

Theo ông Clark, chính ông và ông Casey hàng ngày báo cáo ngắn gọn về tin tình báo cho TT Reagan biết. Bản báo cáo tóm lược tin của CIA, bổ túc thêm những phân tích về các hoạt động bí mật ở Ba Lan.

Về phía Đức Giáo Hoàng, Ngài và những vị phụ tá gặp gỡ các giới chức Hoa Kỳ để lượng định tình hình và kết quả các hoạt động của Mỹ, sau đó gửi kết quả thẩm định bằng thư hay báo cáo miệng cho TT Reagan.

Còn ông Casey, trong hầu hết các chuyến sang Âu Châu hay Trung Đông, đều ghé Rome trước để gặp gỡ ĐGH và trao đổi tin tức. Nhưng, việc thực hiện những sứ vụ chính giữa Washington và Rome đều do ông Walters đảm trách. Ông nguyên là Phụ Tá Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA), đã từng công tác đắc lực với ông Casey.

Theo nguồn tin của Vatican, ông Walters đã gặp ĐGH đến hơn chục lần. Ông Wilson nguyên Đại Sứ Hoa Kỳ tại Vatican cho biết ông Walters có sứ vụ đưa tin tức qua lại giữa ĐGH và TT Reagan và sự hiện diện của ông tại Vatican được giữ bí mật. Nội dung các buổi nói chuyện không chỉ xoay quanh vấn đề Ba Lan mà còn đề cập cả đến vấn đề Trung Mỹ Châu hay vụ con tin bị giam giữ ở Lebanon.

Trong những năm dưới thời Reagan, những hoạt động bí mật của Mỹ (Bao gồm những hoạt động ở Afghanistan, Nicaragua, và Angola) thường là sự trợ giúp phương tiện cho những lực lượng nổi dậy như súng ống, lính đánh thuê, cố vấn quân sự hay chất nổ. Nhưng tại Ba Lan, Đức Giáo Hoàng, TT Reagan, và ông Casey theo một chiến thuật trái ngược hẳn. Một chuyên gia phân tích cho biết: “Điều ba vị nói trên làm là để cho các lực lượng tự nhiên tại chỗ đóng vai trò chủ yếu, còn các vị ấy không để lại một dấu tích gì trên các biến cố này”.

Sự hợp tác giữa ông Reagan và Casey có điểm nổi bật là hoạt động được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Hoạt động đó giản dị so với những hoạt động khác của CIA. Một trong những người từng cộng tác với ông Casey, nhưng không thích ông ta lắm đã phát biểu rằng: “Giả dụ như ông Casey có mặt ở đây bây giờ thì có lẽ ông ấy sẽ nở mấy nụ cười. Vào năm 1991, TT Reagan và ông Casey đã thiết lập được một trật tự thế giới mới mà hai ông mong muốn” (Ông Casey chết trước khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Nga và các nước Đông Âu ghi chú của người dịch)

NHỮNG CHỈ THỊ MẬT

Vào năm 1982, ba tuần lễ trước khi gặp ĐGH Gioan Phaolô II, TT Reagan ký một một chỉ thị mật về an ninh quốc gia mang số NSDD 32. Theo chỉ thị này, TT cho phép áp dụng hàng loạt biện pháp mật từ kinh tế đến ngoại giao nhằm hoá giải nỗ lực của Liên Bang Sô Viết đang thống trị ở Đông Âu. Về phương diện thực tế, thì hoạt động bí mật quan trọng nhất được diễn ra trong nội địa Ba Lan, và mục tiêu chính của chỉ thị NSDD 32 là làm lung lay chính quyền Ba Lan qua các hoạt động như tuyên truyền và trợ giúp Tổ Chức Công Đoàn Đoàn Kết, cổ vũ nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo và quyền của Giáo Hội Công Giáo, áp lực kinh tế và cô lập ngoại giao đối với chế độ cộng sản. Tài liệu trong chỉ thị này cũng nói đến nhu cầu phải bảo vệ các nỗ lực cải cách tự do dân chủ trên khắp đế quốc Liên Sô. Chỉ thị cũng kêu gọi gia tăng tuyên truyền bằng các hoạt động phát thanh bí mật ở Đông Âu. Những biện pháp này, theo giới chức phụ tá của TT Reagan cũng như các người bất đồng chính kiến ở Đông Âu tin rằng nó rất hữu hiệu, gạt bỏ được khái niệm cho rằng Sô Viết là bách chiến bách thắng.

Ông Henry Hyde, Dân Biểu của đảng Cộng Hòa, thành viên của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện trong thời gian 1985 đến 1990 đã lượng định những hoạt động bí mật của chính quyền Reagan, đưa ra nhận xét: “Ở Ba Lan, chúng tôi đã làm tất cả những gì mà chúng tôi đã áp dụng ở các quốc gia khác để lật đổ chế độ cộng sản đồng thời củng cố sức mạnh cho lực lượng chống đối chế độ ấy. Chúng tôi cung cấp đồ tiếp liệu, trợ giúp kỹ thuật, trợ giúp các tờ báo bí mật, phát thanh, tuyên truyền, tài chánh, trợ giúp tổ chức và cố vấn. Và từ Ba Lan, chúng tôi giúp tổ chức những lực lượng chống đối trong các quốc gia cộng sản khác ở Âu Châu”.

Trong số những người đóng vai trò cố vấn trong vấn đề này có ông Zbigniew Brezinski, sinh trưởng ở Ba Lan, là Cố Vấn An Ninh Cho Tổng Thống Jimmy Carter. Ông tuyên bố: ‘Tôi rất quen biết ông Casey. Ông ta rất uyển chuyển, có đầu óc sáng tạo, không câu nệ hành chánh, cái gì cần làm là phải làm. Để duy trì các nỗ lực bí mật, phải cần tiếp tế, cần hệ thống v.v... và chính vì vậy mà Công Đoàn Đoàn Kết đã không bị nghiền nát”.

Về các tin tình báo quân sự, tin Hoa Kỳ giá trị hơn tin của Vatican, nhưng vấn đề lượng định tình hình chính trị thì tin của Giáo Hội hơn hẳn tin của Hoa Kỳ. Và vấn đề am hiểu dân chúng và liên lạc với lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết thì Giáo Hội có một vị thế không ai so bì được. Đức Hồng Y Silvestrini lúc bấy giờ là Tổng Trưởng Ngoại Giao giải thích: “Tin tức của chúng tôi về Ba Lan rất có cơ sở vì các Đức Giám Mục thường xuyên liên lạc với Tòa Thánh và với Công Đoàn Đoàn Kết. Họ thông báo cho chúng tôi biết ai đang bị bắt, về các hoạt động và nhu cầu của của các nhóm Công Đoàn Đoàn Kết, về thái độ chính quyền cũng như chúng tôi biết các người nằm trong chính quyền nhưng đang phản lại chính quyền Ba Lan”. Tất cả những tin tức đó đều gửi cho TT Reagan hay ông Casey biết.

Một giới chức thân cận với ĐGH nói: Nếu có nghiên cứu tình hình Công Đoàn Đoàn Kết thì qúy ông sẽ thấy Công Đoàn đã đã hành xử một cách rất khôn khéo, không thái quá trong những giờ phút nghiêm trọng vì họ được Giáo Hội hướng dẫn. Vâng, cũng có lúc chúng tôi đã kìm hãm Công Đoàn Đoàn Kết. Nhưng Ba Lan là một trái bom có thể nổ ngay trong trái tim chế độ cộng sản, mà các nước chung quanh là Liên Bang Sô Viết, Tiệp Khắc, Đông Đức. Áp bức quá trái bom sẽ nổ”

CÀ PHÊ CAPUCCINO CỦA ÔNG CASEY.

Trong khi đó, tại Washington một đường giây liên lạc tay ba được phát triển giữa ông Casey, ông Clark và Đức TGM Pio Laghi (về sau là Hồng Y, ghi chú của người dịch). Ông Clark kể lại rằng: “ Mỗi khi có tình hình nghiêm trọng, ông Casey và tôi thường ghé tư thất của TGM Pio Laghi vào sáng sớm để thu thập những nhận định và nghe lời khuyến cáo. Chúng tôi uống cà phê ăn sáng với nhau trong khi bàn luận những việc đang được thi hành ở Ba Lan. Tôi thường xuyên nói chuyện bằng điện thoại với Đức Khâm Sứ vì Ngài luôn luôn liên lạc với ĐGH”.

Còn Đức TGM Pio Laghi nói: “Hai ông ấy thích uống cà phê Capuccino lắm (Đức TGM là người Ý và cà phê Capuccino là của Ý rất nổi tiếng - ghi chú của người dịch) Thỉnh thoảng chúng tôi bàn đến vấn đề Trung Mỹ hay lập trường của Giáo Hội về vấn đề hạn chế sinh sản, nhưng hầu hết các câu chuyện tập trung vào vấn đề Ba Lan.”

Ông Robert McFarlane từng là phụ tá cho ông Clark và ông Casey, sau này là Cố Vấn An Ninh của TT Reagan kể lại: Hầu hết mọi việc ở Ba Lan được thi hành không phải theo con đường của Bộ Ngoại Giáo mà thông qua ông Casey và ông Clark. Tôi biết hai ông ấy gặp gỡ Đức Khâm Sứ Pio Laghi trước khi Đức Khâm Sứ gặp Tổng Thống. Ông Clark không bao giờ nói với tôi về nội dung câu chuyện giữa ông ấy với Đức TGM Pio Laghi.

Đức TGM Pio Laghi đã gặp gỡ TT Reagan ít nhất là 6 lần. Mỗi khi vào Tòa Bạch Ốc để gặp TT hay ông Clark, Đức Khâm Sứ đều đi vào cổng ở phía Tây Nam để tránh các ký giả. Đức TGM Pio Laghi nói:” Có mối liên hệ thân mật như vậy, nhưng tôi đã không vượt qua lằn mức giới hạn, vai trò chính của tôi là dàn xếp các cuộc gặp gỡ giữa ông đại sứ Walters và Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha biết rõ dân tộc của Ngài. Đây là một tình thế rất phức tạp – làm sao cứ đòi hỏi nhân quyền, tự do tôn giáo và giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết tồn tại mà không khiêu khích nhà cầm quyền cộng sản hơn nữa. Tôi vẫn nói với ông Vernon Walters rằng “Hãy nghe Đức Thánh Cha”. Đến nay chúng tôi đã có 2000 năm kinh nghiệm.”

Ông William Casey mặc dầu bị chỉ trích nhiều trong thời gian ông làm Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA), nhưng trong vấn đề Ba Lan, không ai chỉ trích ông. Dân biểu Edward Derwinski, nói được tiếng Ba Lan, một chuyên gia về vấn đề Đông Âu thường cố vấn cho chính quyền cũng như thường gặp gỡ ông Casey đã phát biểu rằng;: “Cơ bản mà nói, ông ta âm thầm xác tín rằng cộng sản không thể tiếp tục giữ mãi nhiều nơi được, nhất là ở Ba Lan. Ông ta cũng tin rằng hệ thống cộng sản đang đổ vỡ và tất phải sụp đổ bằng cách này hay cách khác – và Ba Lan sẽ là sức mạnh dẫn tới việc đổ vỡ hàng loạt. Ông yêu cầu Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ phải chú tâm vào Đông Âu. Trong khi đó, người bên ngoài không chú ý tới Đông Âu mà lại chú ý đến những câu chuyện gây nhiều tranh cãi, những câu chuyện gây ồn ào như vấn đề Nicaragua và El Salvador”.

Tại Ba Lan, ông Casey tiến hành một loại hoạt vụ cổ điển mà ông đã từng biết. Hoạt vụ đó ông đã áp dụng trong những ngày ông phục vụ ở Văn Phòng Sở Chiến Thuật thời Thế Chiến II, hay trong những năm đầu tiên của ông ở Cơ Quan Tình Báo Trung Ương, và khi các nền dân chủ của Tây Âu mới tái xuất hiện sau Thế Chiến II.

Những viên chức phụ tá cho ông Casey kể rằng chính nhờ các cuộc tiếp xúc của ông Casey mà các đơn vị của đảng Xã Hội Quốc Tế được thành lập nhân danh Công Đoàn Đoàn Kết - giống y như các đảng Dân Chủ Xã Hội ở Tây Âu đã được CIA dùng làm dụng cụ cho chính sách hoa Kỳ trong việc nặn ra các chính phủ chống cộng sau thế chiến II. Bây giờ mục tiêu của ông Casey ở Ba Lan cũng vậy, là thành lập đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, bao gồm giáo hội và đại đa số đảng viên là người Công Giáo trong Công Đoàn Đoàn Kết để làm thành một lực lượng chủ yếu trong thời Ba Lan hậu cộng sản.

Nhờ các cuộc tiếp xúc của ông Casey với các lãnh tụ của đảng Xã Hội Quốc Tế, kể cả các viên chức chính quyền có khuynh hướng xã hội như Pháp, Thụy Điển, mà ông Casey có thể bảo đảm được việc chuyên chở đồ vật giúp cho Ba Lan có thể qua đường bộ hay đường thủy để vào Ba Lan. Ông Brezinski cho biết: “Đây không phải là vụ tiêu pha số tiền khổng lồ mà là đưa ra một sứ điệp và chống đối: gồm sách, dụng cụ truyền tin, phương tiện tuyên truyền, mực và máy móc in báo”.

TÌM NHÃN HIỆU CÔNG ĐOÀN

Tại hầu hết mọi tỉnh lỵ và thành phố ở Ba Lan, các báo lậu, các bản tin roneo đua nhau xuất hiện, thách đố lại các phương tiện truyền thông do chính phủ kiểm soát. Giáo Hội xuất bản báo riêng. Giấy tờ của Công Đoàn Đoàn Kết được in ấn bằng máy móc do Hoa Kỳ cung cấp, được dán trên các bảng thông cáo của nhà thờ. Rồi có những người bạo gan đem bích chương của công đoàn dán ngay tại các đồn bót cảnh sát, tại các tòa nhà chính phủ, tại lối ra vào đài truyền hình của chính phủ đang do sĩ quan quân đội phụ trách truyền hình.

Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Warsaw trở thành căn cứ chủ yếu của CIA trong thế giới cộng sản và theo nhiều đánh giá, đó là nơi hữu hiệu nhất. Trong khi đó, nghiệp đoàn lao động AFL - CIO là nguồn hỗ trợ lớn nhất của Hoa Kỳ cho Công Đoàn Đoàn Kết, trước khi Ba Lan ban hành quân luật, thì người ta cho rằng cách thức của TT Reagan quá chậm chạp, không đủ để đương đầu với nhà cầm quyền Ba Lan. Tuy nhiên, theo tin tình báo, Chủ Tịch nghiệp đoàn AFL – CIO là ông Lane Kirkland và viên phụ tá là ông Tom Kahn thường xuyên tham khảo ý kiến với ông Poindexter, ông Clark, các viên chức của Bộ Ngoại Giao, và các viên chức Hội Đồng An Ninh Quốc Gia về các vấn đề làm sao và khi nào thì chuyên chở hàng hoá tiếp liệu cho Công Đoàn Đoàn Kết, thành phố nào Công Đoàn Đoàn Kết cần sự trợ giúp về mặt tổ chức và khảo sát xem Công Đoàn Đoàn Kết và nghiệp đoàn AFL-CIO có thể hợp tác với nhau thế nào để chuẩn bị những tài liệu tuyên truyền.

Dân biểu Derwinski nhận xét: “Ông Lane Kirkland xứng đáng được ghi công. Họ không thích nhận công lao ấy nhưng thực ra họ đã sát cánh với chính quyền. Cũng đừng quên là vợ ông Bill Clark và vợ ông Kirkland đều là người Tiệp Khắc. Đây là một vấn đề của những người đồng hội đồng thuyền, không có chuyện chiến đấu mà còn so bì hơn thiệt, cũng không phải là những người chiến đấu cô đơn, hay là những người chỉ biết từ chối nhiệm vụ.

Các giới chức nghiệp đoàn AFL-CIO không biết mức độ trợ giúp bí mật của Mỹ và họ cũng không biết chừng mực chính quyền Hoa Kỳ tín nhiệm vào sự hướng dẫn của Giáo Hội thế nào trong việc đối phó ra sao với nhà cầm quyền Ba Lan và Sô Viết. Ông Casey đã thận trọng không muốn làm mất thanh danh các phong trào nghiệp đoàn ở Mỹ và Âu Châu bằng việc cho họ biết nhiều tin tức về những nỗ lực của chính quyền Mỹ. Và thực vậy, đây không phải là một công tác của riêng CIA mà là hoạt vụ được pha trộn giữa bí mật và công khai, giữa chính sách chung và những liên minh bí mật.

Ông Casey nhận thấy rằng trong nhiều trường hợp, nghiệp đoàn AFL-CIO có nhiều hoạt động tưởng tượng hơn là những hoạt động đích thật là cung cấp trợ giúp về mặt tổ chức cho Công Đoàn Đoàn Kết và chuyển lậu máy móc dụng cụ vào Ba Lan. Theo ông Inman, nguyên Phụ Tá Giám Đốc CIA, ông Casey phải thừa nhận giữa nghiệp đoàn Hoa Kỳ và Công Đoàn Đoàn Kết có mối liên hệ rất tốt đẹp, đến độ CIA cần gì, họ đều được tài trợ hay cung cấp qua đường dây của nghiệp đoàn AFL-CIO. Ông Inman nói thêm “Không phải họ cần tài chánh mà là tổ chức, và hẳn nhiên đó là cách thức trợ giúp tốt hơn so với các hoạt vụ bí mật cổ điển”.

Văn phòng của Công Đoàn Đoàn Kết ở Brussels trở thành ngân hàng hối đoái quốc tế cho các đại diện của Vatican, của các điệp viên CIA, cho đại diện nghiệp đoàn AFL-CIO, cho các đại diện của tổ chức Xã Hội Quốc Tế, cho các vị hoạt động trong quỹ Quốc Gia Yểm Trợ Dân Chủ do quốc hội Hoa Kỳ yểm trợ. Những tổ chức này đều làm việc sát cánh với ông Casey. Đó là nơi để Công Đoàn Đoàn Kết liên lạc với các người ủng hộ mình. Nhiều khi chính công đoàn cũng không biết danh tính người ủng hộ mình là ai. Họ chỉ cần nói ở đâu đang cần những nhà tổ chức, ở đâu đang cần những hàng hoá hay đồ tiếp liệu nào. Các linh mục, các người đưa tin, các nhà tổ chức lao động, các điệp viên tình báo đi ra đi vào Ba Lan để xin trợ giúp, đồng thời cũng mang theo tin tức về tình hình nội bộ trong chính quyền Ba Lan và những lực lượng hoạt động bí mật. Quần áo, thực phẩm, tài chánh đổ vào Ba Lan để trả những món tiền phạt cho các lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết bị chính quyền đưa ra tòa. Trong nội địa Ba Lan, các linh mục là những người chạy qua lại giữa các nhà thờ, mang tin tức đến cho các lãnh tụ công đoàn đang ẩn trốn.

Vào mùa hè năm 1984, những biện pháp trừng phạt có vẻ làm tổn hại thường dân Ba Lan hơn là người cộng sản, Đức TGM Pio Laghi đã đi Santa Barbara gặp TT Reagan ở tòa Bạch Ốc Miền Tây để thúc giục TT bãi bỏ một số trừng phạt. (Santa Barbara nằm về phiá tây Hoa Kỳ thuộc bang California, nơi có trang trại của gia đình Reagan nên báo chí gọi đây là Tòa Bạch Ốc Miền Tây – ghi chú của người dịch). Chính quyền Reagan nghe theo lời đề nghị của Đức Khâm Sứ về Ba Lan. Nhưng đối với Liên Sô, sau khi tham khảo chặt chẽ với Tòa Thánh, Hoa Kỳ đã không giảm bớt sức ép kinh tế lên Moscow, như từ chối cung cấp kỹ thuật, thực phẩm, trao đổi văn hóa. Sức ép này là giá Liên Sô phải trả cho việc bức bách Ba Lan.

Hầu hết các dụng cụ gửi cho Công Đoàn Đoàn Kết đều bằng tầu thủy và bên ngoài thùng đồ ghi sai nơi gửi là từ Đan Mạch hay Thụy Điển. Các thùng đồ đều gửi đến bến tàu Gdansk hay những bến cảng khác có thành viên Công Đoàn Đoàn Kết làm việc. Theo những quan chức chính quyền Reagan thì chính quyền xã hội của Thụy Điển, và các nghiệp đoàn lao động của Thụy Điển đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển hàng hóa đến Ba Lan. Đến bến cảng ở Ba Lan, dụng cụ máy móc được chở đến nơi giao hàng bằng xe vận tải do chính những người có thiện cảm với Công Đoàn Đoàn Kết lái, và họ thường dùng các nhà thờ hay linh mục làm nơi liên lạc giao hay nhận hàng.

“ HOAN HÔ CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT”

Dân biểu Derwinski bây giờ (1992) là Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh nhận xét rằng: Chính quyền Hoa Kỳ đã móc nối được với tất cả đường dây chính. Ông nói: “Không chỉ qua các giới chức cao cấp mà còn qua cả các giáo hội địa phương và Giám Mục. Đức Ông Bronislaw Dabrowski, Phụ tá cho Đức Hồng Y Glemp thường đến với chúng tôi và cho biết đang cần cái gì. Ngài đã đến gặp tôi, gặp ông Casey, gặp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và đôi khi gặp ông Walters”.

Đức Hồng Y John Cardinal Krol cai quản Tổng Giáo Phận Philadelphia, có thân phụ là người sinh trưởng ở Ba Lan, là giới chức Giáo Hội Hoa Kỳ rất thân cận với ĐGH Gioan Phaolô II. Đức Hồng Y thường xuyên gặp ông Casey để thảo luận việc trợ giúp Công Đoàn Đoàn Kết và các hoạt động bí mật. Theo tin của CIA và của ông Derwinski thì “Đức Hồng Y Krol rất ăn ý với TT Reagan và là nguồn cung cấp các ý kiến cố vấn”. Theo ông Derwinski. "Đức Hồng Y luôn luôn là người mà ông Casey và ông Clark chạy tới để vấn ý và được coi là người am hiểu tình hình”.

Vào năm 1985 chiến dịch chính quyền Ba Lan đàn áp Công Đoàn Đoàn Kết đã hoàn toàn bị thất bại. Theo báo cáo của ông Adrian Karatnycky, người giúp nghiệp đoàn lao động AFL-CIO trợ giúp cho Công Đoàn Đoàn Kết, thì có hơn 400 tạp chí bí mật được lưu hành ở Ba Lan, một vài tạp chí có số lưu hành đến 30,000 số. Sách báo được in hàng ngàn ấn bản, thách thức lại quyền lực của chính quyền cộng sản. Những sách có nội dung hài hước châm biếm cũng được xuất bản cho thiếu nhi, nhái lại những chuyện cổ tích hay thần thoại Ba Lan ví dụ Thủ Tướng Jaruzelski được vẽ thành tên côn đồ qủy sứ, cộng sản là con rồng đỏ hung ác, còn ông Lech Walesa được mô tả là một dũng sĩ anh hùng. Trong các hầm ở nhà thờ hay tư gia, hàng triệu người xem các băng video tài liệu bằng máy móc và phim được đưa lậu vào Ba lan.

Với những máy móc truyền thanh do CIA và nghiệp đoàn AFL-CIO cung cấp, Công Đoàn Đoàn Kết đã có thể thường xuyên cắt ngang được chương trình phát thanh của chính phủ và chen vào những lời như: “Hoan Hô Công Đoàn Đoàn Kết hay Hãy Chống Đối”.

Cũng được trang bị với máy phát sóng truyền hình, qua tần số của Giáo Hội Ba Lan, Công Đoàn Đoàn Kết đã có thể cắt ngang chương trình truyền hình của chính phủ, cả về âm thanh lẫn hình ảnh và thay vào đó công đoàn kêu gọi đình công hay biểu tình. Một giới chức của Vatican kể lại: “Có một lần thật không thể tưởng tượng được, là vào lúc nghỉ giải lao giữa hai hiệp của trận đá banh tranh giải vô địch toàn quốc, tiếng còi vừa được thổi lên chấm dứt nửa hiệp thì màn ảnh truyền hình hiện ngay lên một tấm biểu ngữ với chữ “CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT MUÔN NĂM” và cuốn băng phát ra âm thanh kêu gọi dân chúng đứng lên chống lại chính phủ. Thật là họ khôn khéo, nếu cảnh đó xảy ra trong lúc đang đá banh thì có lẽ làm mất lòng dân” Và ông Brzezinski đã tóm tắt như sau: “Đây là lần đầu tiên chuyện đàn áp của công an cộng sản đã bị thất bại”.

Một Đức Hồng Y phụ tá thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng đã phát biểu: “Không ai ngờ được sự sụp đổ của chủ thuyết cộng sản lại có thể xẩy ra nhanh và đúng thời biểu như vậy. Nhưng, ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, cả Đức Thánh Cha lẫn Tổng Thống đều tự nguyện và đưa cơ chế của giáo hội và quốc gia Hoa Kỳ ra để đạt được mục tiêu như thế. Và kể từ ngày đó, mục tiêu là phải xảy ra như vậy ở Ba Lan.”

Thế rồi chính quyền Sô Viết và cộng sản Ba Lan, cứ hết bước này đến bước khác đành chịu nhượng bộ trước áp lực luân lý, kinh tế và chính trị do Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống áp đặt. Các nhà tù trở nên trống rỗng, phiên tòa xử ông Walesa về tội vu khống giới chức chính quyền nhà nước bị huỷ bỏ, Đảng Cộng Sản Ba Lan dần dần tan vỡ, kinh tế quốc gia sụp đổ, trong đám mây mù của các cuộc đình công biểu tình và trừng phạt. Vào ngày 19 tháng 2 năm 1987, sau khi Warsaw cam kết mở cuộc đối thoại với giáo hội, Tổng Thống Reagan bãi bỏ lệnh trừng phạt. Bốn tháng sau Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được hàng triệu đồng bào hoan hô nghênh đón khi ngài du hành khắp Ba Lan đòi hỏi nhân quyền và ca ngợi Công Đoàn Đoàn Kết. Đến tháng 7 năm 1988, Tổng Bí Thư Gorbachev viếng thăm Warsaw. Ông đưa ra tín hiệu cho biết Moscow thừa nhận chính quyền Ba Lan không thể cai trị được, nếu không có sự hợp tác của Công Đoàn Đoàn Kết. Vào ngày 5 tháng Tư năm 1989 hai bên (Cộng sản và Giáo Hội Công Giáo Ba Lan) ký thỏa ước hợp thức hóa Công Đoàn Đoàn Kết, và vào tháng 6 mở cuộc tuyển cử dân biểu vào quốc hội. Tháng 12 năm 1990, tức chín năm, sau khi bị bắt và công đoàn bị cấm hoạt động, ông Lech Walesa đã trở thành Tổng Thống Ba Lan.

Nguyễn Long Thao dịch
 
VietCatholic TV
Ngưỡng mộ các nhân đức của Thánh Gioan Phaolô II, từ lính canh quyết chí trở thành Giáo sư Đại Học
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:13 19/05/2020


1. Tiến Sĩ Mario Enzler: Tôi đã được hân hạnh phục vụ một vị thánh trong vai trò một Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một người cầu nguyện sâu sắc, người yêu mến và tin cậy Chúa, và cũng có lòng sùng kính mãnh liệt đối với Đức Maria. Chuỗi mân côi là một trong những phương thế cầu nguyện yêu thích của ngài, và ngài thậm chí còn cho Giáo hội một cách mới để suy ngẫm về những chân lý liên quan đến Chúa Giêsu dưới hình thức Năm Sự Sáng trong kinh Mân Côi.

Mario Enzler, cựu thành viên Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, từng phục vụ Thánh Gioan Phaolô II, cho biết ông hy vọng mọi người sẽ nhớ đến sự giản dị của vị Giáo Hoàng, là một phẩm chất mà ông được diễm phúc quan sát tận mắt.

Enzler, hiện là giáo sư và tác giả của cuốn sách “Tôi đã được hân hạnh phục vụ một vị thánh”, kể lại lần đầu tiên anh gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào năm 1989. Rất nhanh sau khi anh bắt đầu gia nhập đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, trên tầng thứ ba của dinh Tông Tòa. Anh ta nhận được một tin nói rằng Đức Thánh Cha đang rời khỏi phòng làm việc của ngài để đến Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Giao thức cho những người bảo vệ trong trường hợp đó là phải bảo đảm không có ai đang lảng vảng trong hành lang, và đứng nghiêm khi Đức Giáo Hoàng đi ngang qua. Đôi khi, Đức Giáo Hoàng sẽ dừng lại để nói chuyện với lính canh, nhưng đôi khi thì không.

Trong trường hợp này, khi Đức Giáo Hoàng đi ngang qua, ngài dừng lại và Enzler vẫn đứng nghiêm.

Ngài nói với tôi: “Anh chắc chắn là một người mới”, Enzler kể. Anh tự giới thiệu mình với Đức Giáo Hoàng.

Ngài đợi tôi nói xong, bắt tay tôi, ngài dùng cả hai tay nắm lấy tay tôi và nói: “Cảm ơn Mario, vì đã phục vụ người phục vụ Dân Chúa”. Sau đó ngài bỏ đi.

“Tôi có thể nói, khái niệm về hàng lãnh đạo khiêm tốn nhận mình là người phục vụ đã xăm lên tâm hồn tôi.”

“Ngài thậm chí không biết tôi là ai, nhưng biết ngay tôi là một người mới và ngài thật quảng đại khi dừng lại, bắt tay tôi, hỏi tên tôi; và thậm chí cảm ơn tôi đã phục vụ người đang phục vụ Dân Chúa.”

Lần đầu tiên gặp ngài, tôi rõ ràng là vô cùng xúc động. Tôi thực sự xúc động khi ngài đến gần. Tôi có thể cảm nhận được ngài là người đặc biệt, ngài có gì đó khác biệt.

Enzler nói rằng ông cảm thấy buồn khi gặp nhiều người trẻ ngày nay không thực sự biết vị giáo hoàng rất dễ mến này.

Ngài là một thiên tài, một người cầu nguyện nhưng ngài có thể khiến bất cứ ai cảm thấy vui. Ngài nói chuyện với một người đoạt giải Nobel hay một người vô gia cư, một nhà lãnh đạo quốc gia hay một giáo viên mẫu giáo cũng cùng một phong cách.

“Ngài có khả năng làm cho mọi người cảm thấy thoải mái chỉ bằng một cử chỉ, một cái vuốt ve, bằng một lời nói, hoặc chỉ bằng một cái ôm hoặc chỉ đơn giản là nhìn. Tôi sẽ nói rằng trong 1,000 năm nữa, ngài sẽ được nhớ đến vì sự giản dị của mình,” Enzler nói.

Chứng kiến hàng ngày những gương sáng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Mario Enzler được linh hứng để vươn lên trong mọi nghịch cảnh của cuộc sống. Sau khi hoàn thành thời gian phục vụ như một Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, ông học cao hơn và từ một lính canh, giờ đây Mario Enzler là một Tiến Sĩ Quản Trị Kinh Doanh giảng dạy tại The Busch School of Business và thường xuyên nói chuyện tại các hội nghị hoặc các cuộc tĩnh tâm nơi ông chia sẻ về vai trò của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc giúp ông trở thành một người tốt hơn, vươn lên vị thế điều hành và lãnh đạo.


Source:Catholic News Agency

2. George Weigel: Chìa khóa để hiểu tác động của Đức Gioan Phaolô II là đức tin rạng rỡ, tập trung vào Chúa Kitô.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của vị Đại Giáo Hoàng Ba Lan.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


On John Paul II’s Centenary

George Weigel

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Gioan Phaolô II




Khi thế giới và Giáo hội đánh dấu một trăm năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 18 tháng 5, một kính vạn hoa những ký ức định hình lời cầu nguyện và suy tư của tôi vào ngày này. Đức Gioan Phaolô II tại bàn ăn của mình, rất hiếu kỳ và đầy tính hài hước; Đức Gioan Phaolô II than thở cầu nguyện trước bàn thờ trong nhà nguyện của căn phòng giáo hoàng; Đức Gioan Phaolô II cười nhạo tôi từ chiếc Popemobile khi tôi đi dọc theo con đường bụi bặm bên ngoài Camagüey, Cuba, tìm kiếm những người bạn đã bỏ tôi lại sau Thánh lễ giáo hoàng vào tháng Giêng năm 1998; Đức Gioan Phaolô II, với khuôn mặt bị cứng đơ vì bệnh Parkinson, nói thầm qua đôi mắt vào tháng 10 năm 2003, “Hãy xem những gì tôi đã trở thành...”; Đức Gioan Phaolô II, trở lại phong độ tốt hai tháng sau đó, hỏi về đám cưới gần đây của con gái tôi và nói với tôi về việc liệu tôi đã sẵn sàng trở thành một nonno (ông nội) chưa; và Đức Gioan Phaolô II nằm trong trạng thái bất động tại Sala Clementina của Dinh Tông Tòa, thân xác tự nhiên trong trạng thái nghỉ ngơi, mang đôi giày sờn dây thường khiến các viên chức nghi lễ truyền thống của giáo hoàng phát điên.

Mỗi họa tiết này, và những thứ khác trong hồi ký của tôi về vị thánh, những Bài học về Hy vọng, có một tiếng vang riêng. Tôi có hai điều, tóm lược tư chất của vị thánh này, mà tôi muốn đưa ra với mọi người trong ngày kỷ niệm 100 này.

Tháng 3 năm 2000 tôi đang ở Giêrusalem cùng NBC để tường trình cuộc hành hương của Đức Giáo Hoàng đến Thánh địa. Trong nhiều tuần, đã nổ ra một cuộc tranh cãi toàn cầu về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Yad Vashem, là đài tưởng niệm tại Giêrusalem về Cuộc Diệt Chủng người Do Thái. Đức Giáo Hoàng sẽ nói gì? Ngài nên nói gì? Ngài có thể nói gì?

Tôi phát hiện ra hai ngày trước khi sự kiện diễn ra, vào một buổi tối thứ ba mưa phùn, tôi đi ngang qua Cổng Mới của Thành phố Cổ đến Trung tâm Notre Dame, nơi đang có bữa tiệc mừng Đức Giáo Hoàng đến thăm. Ở đó, một quan chức trong giáo triều thân thiện đã đưa cho tôi một đĩa mềm trong đó có các văn bản những bài phát biểu và bài giảng của Đức Giáo Hoàng trong chuyến viếng thăm của ngài. Quay trở lại phòng khách sạn của tôi, tôi lập tức tìm kiếm phần nhận xét được chuẩn bị cho Yad Vashem. Khi tôi đọc những dòng này, tôi cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc xương sống.

Tại chính Yad Vashem, vào ngày 23 tháng 3, cảnh tượng Đức Giáo Hoàng ở tuổi 80 cúi đầu cầu nguyện thầm lặng trên ngọn lửa vĩnh cửu của hội trường tưởng niệm đã nhanh chóng làm tắt tiếng những cuộc tranh luận và các suy đoán trên thế giới trước chuyến thăm đó. Và sau đó là những lời không thể nào quên được và hoàn toàn phù hợp với bối cảnh đến mức sững sờ: “Tại nơi tưởng niệm này, tâm trí, trái tim và tâm hồn cảm thấy một nhu cầu tột độ cho sự im lặng. Im lặng để tưởng nhớ. Im lặng để tìm ra ý nghĩa cho những ký ức đang tràn về. Im lặng vì không có từ nào đủ mạnh để lên án bi kịch khủng khiếp của Shoah [Cuộc Diệt Chủng người Do Thái].”

Vài ngày sau, tôi nhận được một cú điện thoại từ một người bạn Do Thái, anh Menahem Milson, là một cựu quân nhân và là một học giả xuất sắc, là người đã phải chứng kiến rất nhiều trong cuộc sống của mình. “Tôi phải nói với bạn rằng Arnona [vợ anh] và tôi đã khóc suốt chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Yad Vashem. Đây là trí tuệ, sự nhân bản và liêm chính đã được nhân cách hóa. Không thiếu điều gì. Không cần thiết phải nói gì hơn.”

Ký ức mang tính biểu tượng thứ hai là từ cuộc hành hương của Đức Giáo Hoàng vào hôm 26 tháng Ba khi ngài đi chậm rãi xuống đại lộ trước Đền Herôđê ở Bức tường Than Khóc. Ngài dừng lại ở Bức tường, cúi đầu cầu nguyện, và sau đó như hàng triệu người hành hương trước, ngài đã để lại một bản kiến nghị tại một trong những kẽ hở của Bức tường: “Lạy Thiên Chúa của các tổ phụ chúng con, Chúa đã chọn Ápraham và con cháu ông để mang Danh Chúa đến các quốc gia; chúng con vô cùng đau buồn trước cách cư xử của những con người trong dòng lịch sử đã làm cho các con cái Chúa phải đau khổ, và khi cầu xin sự tha thứ Chúa, chúng con cam kết dấn thân cho một tình huynh đệ chân chính với dân tộc của Giao ước. Amen. Gioan Phaolô II.”

Hai cảnh này mang đến cho chúng ta chìa khóa để hiểu Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài có thể thuyết giảng về tình đoàn kết, thể hiện tình đoàn kết và kêu gọi mọi người đến với tình đoàn kết sâu sắc hơn vì ngài là một môn đệ của Chúa Kitô đã hoán cải triệt để: một người tin đến thẳm sâu tận cùng con người mình rằng lịch sử ơn cứu độ - nghĩa là lịch sử Chúa mặc khải chính Ngài với Dân Israel và tối hậu là nơi Chúa Giêsu Kitô - là sự thật sâu sắc nhất, sự thật nội tại của lịch sử thế giới. Đức Gioan Phaolô II, người có khả năng được nhìn thấy bởi nhiều người hơn bất kỳ một vĩ nhân nào trong lịch sử, có thể làm xúc động sâu xa hàng triệu người vì ân sủng của Thiên Chúa tỏa chiếu qua ngài, làm say mê tất cả những ai mà ánh sáng và sự ấm áp của ân sủng ấy chạm đến.

Chìa khóa để hiểu tác động của Đức Gioan Phaolô II là đức tin rạng rỡ, tập trung vào Chúa Kitô.


Source:First Things