Ngày 20-05-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:44 20/05/2016
Chúa Nhật VIII THƯỜNG NIÊN ( CHÚA BA NGÔI ), năm C
Cn 8, 22-31 Rm 5, 1-5 Ga 16, 12-15

NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN


Hôm nay, Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một lễ lớn nhằm giúp người Kitô hữu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi để mọi người tôn kính, yêu mến Chúa Ba Ngôi. Đây không phải là một bài nghiên cứu, sưu tầm về Chúa Ba Ngôi. Nhưng bài suy niệm này chỉ có một nguyện ước là giúp nhiều người càng ngày càng hiểu biết về một mầu nhiệm cao cả của Đạo :” Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi “.

Tập Giáo Lý Dẫn Giải có viết : ” Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm siêu nhiên, trí khôn ta không thể khám phá ra được, chính Chúa phải mạc khải cho chúng ta thì chúng ta mới biết là ở nơi Thiên Chúa có ba ngôi vị phân biệt với nhau.Chính Chúa Giêsu đã dạy cho ta biết mầu nhiệm cao cả đó.Ngay khi thiên sứ Gabrien truyền tin cho Trinh Nữ Maria chịu thai và sinh ra Chúa Giêsu .Thiên sứ đã nói cho Trinh Nữ biết :” Trinh nữ sẽ được gọi là Con Đấng tối cao Con Thiên Chúa. Như vậy Chúa Giêsu chính là Ngôi Hai Con Thiên Chúa đã xuống thai trong lòng Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần ( Lc 1, 30-35 ). Rồi khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giorđăn, thì các tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu hiện trên đầu Chúa Giêsu, và có tiếng Chúa Cha tự trời phán rằng “ Này là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng “. Ở đây ta thấy cả ba ngôi hiện diện : Chúa Thánh Thần lấy hình chim câu hiện xuống ( Mt 3, 16-17 ).Trong khi giảng đạo, Cúa Giêsu cũng hay nói đến Chúa Cha :” Cha Ta hằng làm việc, thì Ta cũng làm việc.Quả thật Ta bảo các ngươi, con không thể tự mình làm điều gì, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm “ ( Ga Ga 5, 19 ). Nơi khác Chúa nói :” Ta và Cha Ta là một “ ( Ga 10, 30 ). Chúa cũng nhiều lần nói đến Chúa Thánh Thần:” Nếu các con yêu mến Thầy, các con sẽ giữ lệnh truyền của Thầy và Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng phù trợ khác để Ngài ở với các con luôn mãi “ ( Ga 14, 15 ). “ Khi Đấng bầu chữa đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, là Thần Khí sự thật, từ nơi Cha xuất phát ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta “ ( Ga 15, 26 ). Và trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã phán cùng các môn đệ rằng : “ Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “ ( Mt 28, 19 ). Đây là lời mặc khải rõ ràng nhất về Chúa Ba Ngôi. Nếu không có Chúa Giêsu mặc khải có lẽ nhân loại sẽ không thể nào hiểu được một mầu nhiệm cao sâu như thế ! Bởi vì, ngay thánh Augustinô, một Vị thánh thượng trí, một vị tiến sĩ của Giáo Hội, nhưng đứng trước mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, Ngài cũng không sao giải thích nổi. Vâng, cũng như Sách Giáo lý giải thích thì “ Trong suốt thời kỳ Cựu Ước, Chúa cũng chỉ mới tỏ mình cho dân Do Thái biết Chúa là Chúa độc nhất, và dân phải tôn thờ một mình Ngài, ngoài Ngài ra không có Chúa nào khác.Cựu Ước đã nhấn mạnh về quan niệm Nhất Thần Giáo, để luôn cảnh giác dân Do Thái chớ bỏ Chúa mà đi thờ các thần dân ngoại. Phải đợi đến thời kỳ Tân Ước, Chúa Giêsu mới mạc khải cho ta biết những mầu nhiệm ở nơi chính bản tính Thiên Chúa.Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, nhưng ở nơi Thiên Chúa lại có Ba Ngôi Vị khác biệt nhau : Ngôi thứ nhất là Cha đã sinh ra Ngôi Hai là Con từ thuở đời đời, và do tình yêu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con đã phát sinh Ngôi Ba là Thánh Thần…”. Nhờ Sách Giáo lý, nhờ sự giải thích của Giáo lý và đặc biệt nhờ sự soi sáng, hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta càng lúc càng hiểu hơn về mầu nhiệm cao cả này.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là một điều cao siêu, viển vông, nhưng Ba Ngôi gắn liền với con người, với chúng ta : “ Ngôi Cha là Đấng đã dựng nên chúng ta, Ngôi Con đã cứu chuộc chúng ta. Còn Chúa Thánh Thần là lửa yêu mến, thánh hóa chúng ta bằng cách ban ân sủng cho chúng ta.

Đức Cha Georges Pontiers viết : Từ “ Ba Ngôi “ không có trong Tin Mừng. Nó được dần dà chế ra, từ những chữ “ hợp nhất “ và “ ba “, để chỉ về “ mầu nhiệm “ Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô đã mặc khải cho chúng ta. Hợp nhất để nói lên rằng Thiên Chúa là Đấng độc nhất vô nhị, không có Thiên Chúa nào khác, không có một thế giới thần linh.” Ba “ để nhắc về những vị mà Đức Giêsu Nadaret đã nói tới : Chúa Cha, người Con Một,Thánh Thần – Các Ngài đều là Thiên Chúa, hợp nhất với nhau bằng một dây liên kết là tình hiệp thông toàn diện, không ai níu giữ lại chút gì cho mình, tình tuyệt thông tuyệt hảo, không chia ra thành số nhiều như là một đơn vị thống nhất huyền vi. “ Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người “. Đúng là Thiên Chúa, “ Cha, Con và Thánh Thần “, đã yêu thương thế gian. Người Con Một được ban để cứu độ thế gian này, để tỏ bày bản thể tình yêu là Thiên Chúa, một Thiên Chúa ban mình, một Thiên Chúa mà tâm tưởng chỉ thuần là những tâm tưởng yêu thương “.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tin kính, cậy trông, kính mến, cầu xin, tạ ơn Chúa Ba Ngôi, vì ơn Chúa Cha đã dựng nên chúng con, vì ơn Chúa Con đã cứu chuộc chúng con, vì ơn sủng Chúa Thánh Thần hằng ban cho chúng con.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Ba Ngôi là ai ?
2.Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi có dễ hiểu không ? Tại sao ?
3.Ba Ngôi vị có phải là Ba Chúa không ?
4.Trong Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần , ngôi nào lớn hơn ?
 
Hiệp thông và chia sẻ noi gương Chuá Ba Ngôi
Lm. Đan Vinh
08:52 20/05/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN C - LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI

Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15

HIỆP THÔNG VÀ CHIA SẺ NOI GƯƠNG CHÚA BA NGÔI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 16,12-15

(12) “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. (13) Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”. (14) Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. (15) Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng của thánh Gioan hôm nay trích từ bài diễn từ giã biệt, trong đó, Đức Giêsu trăn trối tất cả những chân lý mặc khải cho các môn đệ, trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. Như một ông Thầy hiểu biết mức độ lãnh hội giới hạn của các môn đệ, Đức Giêsu đã hứa ban Thần Khí Sự Thật đến để soi sáng cho các ông và dẫn đưa các ông đến sự thật toàn vẹn. Thần Khí Sự Thật đó chính là Chúa Thánh Thần.

3. CHÚ THÍCH:

-C 12-13: + Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi: Chân lý đức tin đã được Đức Giêsu mặc khải, nhưng các môn đệ lại chưa có khả năng lãnh hội được, vì các ông chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm về một Đấng Thiên Sai trần tục của dân Do thái thời bấy giờ. + Khi nào Thần Khí Sự Thật đến. Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn: Vào lễ Ngũ Tuần, nhờ Chúa Thánh Thần tác động nên các ông đã hiểu biết toàn vẹn các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vai trò của Chúa Thánh Thần là hướng dẫn, soi lòng mở trí các môn đệ nhận biết sự thật. + Tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến: Thánh Thần không nói những gì khác với Đức Giêsu. Do đó, tất cả những điều người ta nghĩ về Thiên Chúa mà khác với lời dạy của Đức Giêsu như các Tông đồ rao giảng, thì đều sai lầm. ư Tin mừng của Gioan có đọan viết như sau: “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có... Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ. Nhưng con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,14.17-18).

-C 14-15: + Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy: Mọi sự đều bắt nguồn từ Chúa Cha, thể hiện nơi Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần, để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. + Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em: Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục soi lòng các Đức Giáo hoàng kế vị Tông đồ Phêrô và các Giám mục kế vị các Tông đồ khác khi họp Công Đồng Chung. Do đó, giáo huấn của các ngài về đức tin và luân lý đều được Thánh Thần soi dẫn hợp với Lời dạy của Chúa Giêsu, nên tuyệt đối không sai lầm được.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao các môn đệ lại không thể hiểu hết những Lời Đức Giêsu rao giảng trong thời gian Người giảng đạo ? 2) Chúa Thánh Thần có vai trò thế nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt đối với các môn đệ của Đức Giêsu ? 3) Giáo huấn của các Đức Giáo Hòang và của các Công Đồng chung về đức tin và luân lý có thể sai lầm không ? Tại sao ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2. CÂU CHUYỆN: CHÍNH TÔI ĐÃ GẶP THẤY NGƯỜi.

Hồi ấy AN-RÊ PHỐT-SA (André Foissard) là một sinh viên thuộc một gia đình vô tín ngưỡng. Thân phụ ông là người vô thần, cố tình để trên bàn học của con các sách báo có nội dung bài bác đạo Công giáo để con cũng đi theo sự vô tín của mình. Nhưng dù sống trong môi trường vô tín như thế, Phốt-sa vẫn đạt tới đức tin nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Một hôm, anh đi vào nhà thờ Đức Bà ở Pa-ri để tìm một người bạn. Cặp mắt của anh tình cờ nhìn thấy tượng Chúa Giê su đang chịu đóng đanh trên cây thập giá. Lập tức anh đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Anh đến đứng dưới chân cây thập giá ấy một hồi lâu và những giọt nứơc mắt cứ tự nhiện lăn dài trên má. Bấy giờ anh cảm thấy mình như một đứa con đã đi lạc trong một thời gian dài, nay vừa tìm thấy người cha thân yêu của mình. Sau này anh đã thuật lại biến cố ấy trong một tác phẩm thời danh là “Quả thật có Thiên Chúa. Chính tôi đã gặp Ngài”.

3. THẢO LUẬN:

1) Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Vậy mỗi tín hữu phải có bổn phận thế nào đối với Chúa Ba Ngôi? 2) “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vậy bạn cần sống tinh thần hiệp thông, chia sẻ yêu thương nơi gia đình, đoàn thể và trong xứ đạo của bạn thế nào để nên giống như tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa?

4. SUY NIỆM:

1) Nhận biết một Thiên Chúa duy nhất: Với trí khôn suy luận theo nguyên lý nhân quả, người ta có thể biết có Đấng Tạo Hóa. Nhờ Môsê trong Cựu Ước, dân Do thái đã nhận biết Thiên Chúa là Đáng Tự hữu và là Đấng duy nhất (x. Xh 20,2-3). Nhưng đến thời Tân Ước, nhờ Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, mà loài người chúng ta còn biết Thiên Chúa có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha yêu Chúa Con từ trước muôn đời và đã sai Chúa Con xuống trần gian làm Đấng Thiên Sai. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa con và là Đấng được Chúa Cha cử xuống với Hội Thánh để tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu trao phó là rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Chúa Giêsu để góp phần cứu độ trần gian.

2) Nhờ Chúa Giêsu mặc khải mà Hội Thánh còn nhận biết Thiên Chúa có Ba Ngôi:

+ Trong cuộc Thần hiện tại sông Giođan: Tin mừng Mát-thêu đã thuật lại như sau: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khi Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự xuống trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).

+ Khi nói chuyên với ông Nicôđêmô: Đức Giêsu đã mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cho ông như sau: “Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những Lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào Con thì được sống đời đời” (Ga 3,34-36a).

+ Khi trao sứ mệnh truyền giáo cho các môn đệ trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

+ Trong bài giảng của Phêrô vào lễ Ngũ Tuần: sau khi được Chúa Thánh Thần hiện Xuống Phêrô đã nói như sau: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: Đó là điều anh em đang thấy và đang nghe” (Cv 2,33).

+ Thánh Phaolô cầu chúc cho các tín hữu trong thư Côrintô: “Cầu chúc toàn thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (2 Cr 13,13). Trong thư Galát: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em... Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác, làm ngôi nhà Thiên Chúa” (Ep 2,18.22).

3) Sống yêu thương hiệp thông và chia sẻ noi gương Chúa Ba Ngôi:

+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu hiệp thông trọn vẹn: Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi khác nhau nhưng hiệp nhất trong một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau như Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30) ; “Để tất cả nên một, như lạy Cha: Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Chúa Cha và Chúa Con luôn nên một trong tư tưởng và trong hành động, nên Đức Giêsu đã luôn vâng lời Cha và làm theo thánh ý Chúa Cha: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giêsu như lời Chúa phán trong Tin Mừng hôm nay: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người (Chúa Thánh Thần) sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15). Sự hiệp thông giữa Ba Ngôi trọn vẹn đến nỗi một Ngôi biểu hiện cho cả Ba Ngôi, như Chúa Giêsu đã cho biết: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Ngày nay Hội Thánh tôn thờ Chúa Cha qua hình ảnh Con Thiên Chúa nhập thể làm người là Chúa Giêsu, Đấng đã đi giảng đạo và sau cùng đã chịu nạn chịu chết trên cây thập giá để chuộc tội cho loài người, đã được an táng trong mồ, rồi ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại vinh quang.

+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu chia sẻ dâng hiến: Chúa Cha có gì thì ban cho Chúa Con tất cả: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Chúa Cha ban cho Chúa Con chính mình nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Đến nỗi ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Ngược lại, nhận được gì thì Chúa Con dâng lại cho Chúa Cha: Dâng bản thân, ý muốn, và ngay cả mạng sống của mình. Khi hấp hối trong vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu tuy sợ phải chịu chết theo ý Chúa Cha nhưng sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha khi cầu nguyện: “Áp ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Quả thật tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là một tình yêu dâng hiến đến nỗi không giữ lại điều gì cho mình, mà sẵn sàng cho đi tất cả.

+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu tác sinh để ngày một thêm sung mãn. Càng cho đi lại càng thêm phong phú. Càng nhận lãnh lại càng thêm sức mạnh để cho đi. Tình yêu nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tràn trề sung mãn tuôn đổ xuống muôn loài, làm cho muôn loài được sống, được tham dự vào nguồn tình yêu vô biên để được hạnh phúc đời đời. Hôm nay ta hãy sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi: Sống yêu thương hiệp nhất với nhau. Luôn dâng hiến bản thân bằng cách chia sẻ, cho đi chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ ý riêng để hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống Thiên Chúa là Tình Yêu. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

4) Thực hành mầu nhiệm tình yêu hiệp thông của Chúa Ba Ngôi giữa đời thường:

+ Năng làm dấu thánh giá: Mỗi ngày, khi làm dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng đức tin về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Làm dấu Thánh giá là ta ghi dấu của Ba Ngôi trên thân thể và trên mọi hoạt động của ta. Do đó ta cần phải làm mọi việc cách nghiêm túc đẹp lòng Thiên Chúa.

+ Thống nhất trong đa dạng: Như “Thiên Chúa vừa là Một theo Bản Tính, vừa là Ba theo Ngôi Vị”, Hội thánh cũng phải vừa thống nhất vừa đa dạng. Hội thánh có mười hai Tông đồ, bốn sách Tin mừng, hai kinh Lạy Cha... Tuy nhiên, để sự thống nhất mà không trở nên khép kín nghèo nàn, để sự đa dạng đừng biến thành cớ gây chia rẽ, thì cần phải có sự hiệp thông sâu xa giữa mọi thành phần trong Hội thánh. Đời sống của Ba Ngôi là mẫu mực cho mọi tổ chức của loài người. Hãy thống nhất trong những điều chính yếu, nhưng sẵn sàng chấp nhận sự đa dạng phong phú trong những điều tùy phụ.

+ Kết hiệp mật thiết với Chúa Ba Ngôi: Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi nơi chúng ta để kết hiệp mật thiết với Ngài, bằng việc biểu lộ lòng mến Chúa qua việc tuân giữ giới răn yêu thương như Đức Giêsu dạy: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

+ Lắng nghe tiếng lương tâm: Ngày nay, Thiên Chúa siêu việt vẫn luôn ở với chúng ta để nhắc nhở chúng ta làm lành lánh dữ qua tiếng lương tâm. Hãy giữ sự thinh lặng nội tâm để cơ thể nghe được tiếng Người. Hãy biết quảng đại chia sẻ tình thương của Người với tha nhân, nhất là giúp đỡ phục vụ Chúa hiện thân qua những người nghèo hèn, yếu đuối, bất hạnh và bị bỏ rơi.

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA CHA ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG. Xin cho chúng con biết thực thi bác ái trong cuộc sống hằng ngày để xứng đáng trở thành con cái của Cha: Giữa một thế giới đang tôn thờ quyền lực và đề cao lợi lộc vật chất, xin dạy chúng con biết phục vụ tha nhân trong sự âm thầm vô vụ lợi. Giữa một thế giới muốn thống trị chiếm đoạt, xin dạy chúng con biết nhận ra mọi người là anh em để luôn khiêm tốn phục vụ lẫn nhau.

- LẠY CHÚA BA NGÔI CỰC THÁNH. Chúa là mẫu mực của một tình yêu tinh tuyền. Xin cho các tín hữu chúng con trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. Xin dạy chúng con biết yêu người như Chúa đã yêu con, biết sống với và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Lạy Ba Ngôi chí thánh. Xin cho chúng con luôn vững tin vào sự hiện diện quyền năng của Chúa trong con và trong những người nghèo hèn đau khổ đang cần sự trợ giúp của chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH-HHTM
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng tại Santa Marta: Thông cảm với những người tội lỗi nhưng không thể nhượng bộ về chân lý
Đặng Tự Do
20:00 20/05/2016
Công bố Lời Chúa không bao giờ được tách biệt khỏi nhận thức về sự yếu đuối của con người. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 20 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta. Bình luận về đoạn Tin Mừng trong đó Chúa Kitô nói với những người Pharisêu về tội ngoại tình, Đức Thánh Cha nói Chúa vượt qua tầm nhìn của con người trong đó giản lược viễn kiến Thiên Chúa thành một phương trình nan giải.

Đức Giáo Hoàng nói trong Phúc Âm chúng ta thấy đầy rẫy các trường hợp những người Pharisêu và các thầy thông luật cố gắng để gài bẫy Chúa Giêsu bằng cách tìm kiếm những sơ hở của Ngài, hòng làm suy yếu huấn quyền của Ngài cũng như và sự mến chuộng của dân chúng dành cho Ngài. Một trong những nỗ lực đó được nêu trong bài Phúc Âm hôm nay, trong đó những người Pharisêu thử thách Ngài bằng cách hỏi xem liệu một người đàn ông có được rẩy bỏ vợ mình hay không.

Yêu mến sự thật, chứ đừng mưu tìm những quỉ kế

Đức Thánh Cha Phanxicô nói về “cái bẫy” của những “người nhiều quỉ kế”, được bày ra bởi “một nhóm nhỏ các nhà thần học uyên bác,” tự tin rằng rằng họ “có tất cả các kiến thức và trí tuệ của dân Chúa.” Đó là một cái bẫy mà Chúa Giêsu thoát ra dễ dàng bằng cách “vượt lên trên”, “hướng đến sự viên mãn của hôn nhân.” Đức Thánh Cha nhắc cho cộng đoàn nhớ rằng Chúa đã làm như vậy với những người thuộc bè Sađốc, khi họ hỏi Ngài về trường hợp người phụ nữ đã có bảy người chồng. Chúa Giêsu khẳng định rằng khi được sống lại, người đàn bà ấy sẽ không phải là vợ của bất kỳ người nào, bởi vì “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” (Lc 20:34)

Trong trường hợp đó, Đức Giáo Hoàng nói, Chúa Kitô hướng tới sự “viên mãn cánh chung” của hôn nhân. Mặt khác, với những người Pharisêu, Ngài nhắc đến “sự viên mãn của sự hài hòa trong sáng tạo.” “Chúa tạo ra con người có nam có nữ”, và “hai người trở thành một xương một thịt.”

“Họ không còn là hai, nhưng một thịt”, và vì thế, “con người không được phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp. Cả trong trường hợp của cuộc hôn nhân theo luật Lêvi và trong trường hợp này, Chúa Giêsu trả lời với một sự thật áp đảo, với một sự thật thẳng thừng: Đây là sự thật! Luôn luôn từ sự viên mãn. Và Chúa Giêsu không bao giờ thương lượng sự thật. Trong khi những người này, nhóm nhỏ này của các nhà thần học uyên bác, luôn luôn đàm phán với sự thật, giản lược sự thật thành những quỉ kế. Chúa Giêsu không bao giờ giản lược sự thật. Và điều này là sự thật về hôn nhân, không thể khác được.

Chân lý và sự cảm thông

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “Nhưng Chúa Giêsu, do thương xót, Ngài thật cao cả nên không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ đóng sầm cánh cửa lại trước những người tội lỗi.” Và vì thế Ngài không tự giới hạn chính mình trong việc rao giảng chân lý của Thiên Chúa, nhưng Ngài đi xa hơn khi hỏi những người Pharisêu xem ông Môisê đã thiết định những gì trong Luật. Và khi những người Pharisêu trả lời rằng ông Môisê cho phép một người chồng viết đơn ly dị, Chúa Giêsu trả lời rằng điều này đã được cho phép “vì sự cứng lòng của các ngươi.” Như thế, Đức Thánh Cha giải thích, Chúa Giêsu luôn luôn phân biệt giữa sự thật và “sự yếu đuối của con người” mà không “bẻ cong chữ nghĩa”

Trong thế giới chúng ta đang sống, với nền văn hóa tạm bợ, thực tế của tội lỗi là quá mạnh. Nhưng Chúa Giêsu, khi nhắc nhớ đến ông Môisê, đã nói với chúng ta rằng: “Có sự chai cứng con tim, có tội lỗi, nhưng cũng có một điều gì đó có thể được thực hiện, đó là sự tha thứ, sự hiểu biết, tháp tùng, hội nhập, phân định các trường hợp. .. Nhưng luôn luôn. .. sự thật không thể bị bán rẻ. Và Chúa Giêsu khả năng khẳng định sự thật rất tuyệt vời này, đồng thời cảm thông với người tội lỗi, với kẻ yếu đuối.

Tha thứ không phải là một phương trình

Và như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, đây là “hai điều mà Chúa Giêsu dạy chúng ta: sự thật và sự cảm thông.” Đây là những gì các “nhà thần học uyên bác” thất bại, bởi vì họ bị đóng kín trong cái bẫy của “một phương trình toán học” khi tìm kiếm xem “điều này có được phép làm hay không? Hay nó không được phép? “và như vậy họ “không có chân trời rộng lớn, cũng chẳng có tình yêu” trước sự yếu đuối của con người.

Đức Thánh Cha kết luận rằng chỉ cần nhìn “sự tinh tế” trong cách thức Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ ngoại tình, là người sắp bị ném đá là đủ: “Không, tôi không lên án chị. Hãy đi, và đừng phạm tội nữa”

Xin Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có một tâm hồn gắn bó với sự thật, nhưng đồng thời là một tâm hồn hiểu biết và cảm thông với tất cả những anh chị em chúng ta đang gặp khó khăn. Và đây là một ân sủng, đây là những gì Chúa Thánh Thần dạy chúng ta, chứ không phải những thầy thông luật uyên bác này, là những kẻ dạy chúng ta cần phải giản lược sự viên mãn của Thiên Chúa thành một phương trình nan giải.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng sản Việt Nam đã trả tự do cho linh mục Nguyễn Văn Lý sau hơn 8 năm giam cầm ngài.
Đặng Tự Do
07:57 20/05/2016
Sáng thứ Sáu 20/05, cộng sản Việt Nam đã trả tự do cho linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý sau hơn 8 năm giam cầm ngài.

Ngài đã về đến Tòa Giám Mục Huế. Đón ngài từ một chiếc xe mini bus, có Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giáo phận Huế, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Huế, cùng quý cha trong giáo phận: Cha Phanxicô Nguyễn Thành Phương, thư ký Tòa Giám Mục, cha Benêdicto Lê Quang Viên, quản lý nhà chung, cha Đaminh Phan Hưng, Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ, cha Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang, Trưởng ban truyền thông, và cha Micae Phạm Ngọc Hải, đặc trách ủy ban phụng tự.

Người tù bất khuất đã từng hét vào mặt tên chánh án Bùi Quốc Hiệp “Đả đảo cộng sản” trong phiên tòa ngày 30 tháng Ba năm 2007, đã thực hiện một cử chỉ rất khiêm nhường là quỳ xuống xin các Đức Giám Mục ban phép lành cho mình.

Cha Tađêô Nguyễn Văn Lý đã bắt đầu cuộc đời tù tội của mình với án tù một năm từ 1977 đến 1978, và sau đó là án chín năm tù từ tháng Năm 1983 đến tháng Bảy năm 1992 về tội danh cộng sản gọi là "chống đối cách mạng và phá hoại sự đoàn kết toàn dân."

Tháng 11 năm 2000, Cha Lý đã nhận được sự chú ý trên thế giới sau khi các thành viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo đến thăm ngài trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Clinton đến Việt Nam. Ngày 17 tháng 5 năm 2001, Cha Lý đã bị bắt tại nhà thờ An Truyền, vì bị cáo buộc "không chấp hành quyết định quản chế của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Tháng Mười năm 2001, cộng sản tuyên án ngài 15 năm tù vì các hoạt động bảo vệ tự do ngôn luận. Phản ứng trước bản án này, năm 2002, Cộng hòa Tiệp đã trao tặng ngài giải thưởng Homo Homini vì các hoạt động nhân quyền của ngài. Sau nhiều lần giảm án, cuối cùng ngài được trả tự do vào tháng Hai năm 2004.

Năm 2002, Cha Lý, cùng với Hòa Thượng Thích Quảng Độ, đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao Giải Nhân Quyền Việt Nam.

Ngày 19 tháng Hai 2007, cha Lý lại bị bắt và bị giam tại Bến Củi. Ngày 30 tháng Ba, 2007 ngài bị tên chánh án Bùi Quốc Hiệp xử phạt tám năm tù vì “có những hành vi tội phạm rất nghiêm trọng phương hại an ninh quốc gia"

Để cho có màu mè dân chủ, phiên tòa được truyền hình trực tiếp tại Việt Nam, và các phóng viên nước ngoài được phép tham dự. Trong phiên xử, Cha Lý đã cố gắng hét lên "Đả Đảo Cộng Sản", và bị một tên công an bịt miệng. Hình ảnh bịt miệng bị cáo trong phiên tòa được truyền đi toàn thế giới cho thấy bản chất thực sự của cộng sản Việt Nam.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, cha Lý đã bị đột quỵ vào ngày 14 tháng 11 năm 2009, và đã được chuyển đến bệnh viện nhà tù 198. Ngài được thả khỏi nhà tù để được chăm sóc y tế vào ngày 17 tháng Ba 2010.

Tháng Hai năm 2011, Tổ chức Ân xá Quốc tế thúc giục chính phủ các nước có hành động khẩn cấp để ngăn chặn cộng sản bắt giam cha Lý trở lại. Tuy nhiên, cha Lý vẫn bị đưa trở lại nhà tù vào ngày 25 tháng 7 năm 2011 và bị giam cho đến ngày 20 tháng 5 năm 2016.

(Photos: nguồn tonggiaophanhue.net)
 
Đoàn từ thiện tặng quà tại Kontum
Trương Trí
08:48 20/05/2016
ĐOÀN TỪ THIỆN SUỐI NHO VÀ CÁC ANH CHỊ THUỘC CÔNG TY “NGÔI SAO PHƯƠNG ĐÔNG” TẶNG QUÀ TẠI KONTUM

Ngày 19 tháng 5, Đoàn Từ thiện Suối Nho thuộc Giáo phận Xuân Lộc do bà Nguyễn Thị Mến và bà Nguyễn Thị Lĩnh dẫn đầu cùng với các chị không phải là người Công Giáo: Phùng Thị Nhi Linh, Nguyễn Hoàn An Thư, Trần Thị Kim Loan thuộc Công ty “Ngôi Sao Phương Đông” và những người bạn ở Sài Gòn do Hiệp sĩ Đại Thánh giá G.B. Lễ Đức Thịnh mời gọi đã đi thăm và tặng quà tại làng Phong Cùi Đăc Kia do các Nữ tu dòng Nữ tử Bác ái chăm sóc và dòng Ảnh Phép lạ tại Kontum. Tổng số quà gồm: 3.100kg gạo; 150kg và 45 thùng mì gói; 120 lít dầu ăn; 100 bao quần áo; 200 kg muối và 65 gói bột ngọt; 20kg bánh kẹo.

Xem Hình

Đoàn đã đến chào thăm Đức Giám Mục Giáo phận KonTum Aloisio Nguyễn Hùng Vị. Ngài thay mặt Giáo phận rất cảm kích tấm lòng nhân ái của các anh chị em lương dân và của Cộng đoàn Suối Nho. Ngài mời gọi mọi người quan tâm yêu thương và cầu nguyện cho Giáo phận KonTum đang nghèo khó. Ngài cho biết Giáo phận có 320 ngàn giáo dân thì người dân tộc chiếm hết 2/3. Ngài ưu ái ban Phép lành cho mọi thành viên trong đoàn và vui vẻ chụp hình lưu niệm với mọi người và các anh chị lương dân.

Đến thăm Trại Cùi Đăc Kia, gặp Nữ tu Cécilia Vũ Thị Sáng cho biết: hiện tại làng Cùi Đăc Kia có 180 gia đình với 715 người. Trong đó có 150 em học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 và 80 bệnh nhân nặng được các nữ tu dòng Nữ tử Bác ái chăm lo bữa ăn trưa hằng ngày.

Đoàn đã hòa nhập và sinh hoạt với những bệnh nhân phong cùi, họ rất xúc động khi những con người trẻ trung và khá giả từ Sài Gòn và Suối Nho đến đây hết sức thân thiện, không e ngại bệnh tật của họ. Qua chia sẻ, họ cho biết: mặc dù bệnh tật, buồn phiền nhưng họ vẫn rất tin tưởng vào sự quan phòng của Lòng Chúa Thương xót.

Đoàn tiếp tục đi thăm và tặng quà cho các em mồ côi Vinh Sơn 4 và Vinh Sơn 6 do các xơ dòng Ảnh Phép lạ chăm sóc. Đứng trước hoàn cảnh khó khăn của các cháu, hầu như ai cũng xúc động, lấy bánh kẹo phát cho các em và cùng nhau múa hát nhộn nhịp tạo một bầu khí vui tươi. Ngoài số quà, các anh chị đã lấy tiền riêng của mình để góp phần với các xơ chăm lo cho các em.

Sau bữa cơm đạm bạc mà thân mật tại nhà Vinh Sơn 4, đoàn đã lên đường đi viếng Đức Mẹ Măng Đen. Đứng trước pho tượng “Sầu bi và tật nguyền” của Mẹ Măng Đen. Các anh chị người lương mới cảm nhận được sự chan hòa và tình yêu bao la của Mẹ. Họ hết sức sốt sắng cùng với đoàn Suối Nho dâng lên Mẹ tràng chuỗi Mân Côi, xin Mẹ Thánh hóa và gìn giữ mọi người trong đoàn cũng như thương xót đến nhân loại đang trong cảnh chiến tranh loạn lạc, phai nhạt tình người.

Quay trở về dòng Ảnh Phép lạ nghĩ ngơi, các anh em thân hữu của Hiệp sĩ cũng đã đến thăm và tặng cho Nhà Dòng 5 triệu đồng để giúp cho các em. Anh em cũng đã thăm cơ sở của các thanh tuyển sinh đang gặp nhiều khó khăn, và hứa sẽ giúp đỡ trong việc xây dựng nhà ở cho các em, một dự án đã được thiết kế nhưng đang gặp khó khăn về kinh phí.

Trương Trí
 
Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm dâng thánh lễ tạ ơn mừng 200 năm thành lập
Maria Vũ Loan
09:44 20/05/2016
PHÚ CƯỜNG - Vào lúc 9 giờ 30 ngày thứ sáu, 20/5/2016, tại nhà thờ giáo xứ Lái Thiêu, giáo phận Phú Cường, Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) đã hiệp dâng thánh lễ tạ ơn mừng 200 năm thành lập dòng một cách trọng thể.

Hình ảnh

Ngay từ lúc 8 giờ 00, việc đón tiếp đã được bắt đầu làm khuôn viên giáo xứ rộn ràng những bước chân. Nhiều màu tu phục và nhất là tu phục màu trắng có thắt lưng đen của Hội dòng như làm dịu hẳn cái nắng bắt đầu gay gắt. Ở một góc sân, đội kèn tây có đồng phục đẹp còn làm cho bầu khí vui lên với những giai điệu của tiếng kèn rộn rã.

Gần đến giờ cử hành thánh lễ, số người tham dự đã ngồi kín lòng nhà thờ. Bên ngoài hành lang nhà thờ, nhiều người ngồi trên những chiếc ghế sắt để theo dõi qua màn hình. Trong khi đó màn hình chiếu lên nhiều hình ảnh hoạt động của Dòng tại nhiều nơi trên thế giới kèm theo những lời giới thiệu rất rõ ràng. Trong khuôn viên còn có trưng bày hình ảnh hoạt động và bản đồ Việt Nam với những địa điểm cộng đoàn nhà dòng đang hiện diện.

Giờ cử hành thánh lễ có trễ hơn 30 phút so với dự định nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến lòng sốt sắng của mọi người. Đoàn rước từ đầu nhà thờ đi ra một cách trang trọng. Đầu tiên là thánh giá nến cao, đoàn kèn tây, các bạn trẻ dự tu, quí thầy dòng OMI, quí cha thuộc giáo phận Phú Cường, quí cha thân hữu và quí Đức Cha tiến vào nhà thờ trong tiếng hát trầm bổng của ca đoàn.

Theo lời giới thiệu của cha Emanuel Trần Quang Khương, Bề trên sứ vụ tại Việt Nam của hội dòng, chủ sự thánh lễ hôm nay là Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục GP Phú Cường; cùng đồng tế có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, GP Thái Bình, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, GP Ban Mê Thuột, ĐGM phụ tá Alphongso Nguyễn Hữu Long, GP Hưng Hóa, Đức Cha Nguyễn Văn Yến, nguyên GM GP Phát Diệm và quí cha Bề trên Giám tỉnh (tỉnh dòng Pháp), quí cha quản hạt, quí cha đồng tế, quí tu sĩ, quí thầy và ân nhân, thân nhân.

Trước khi cử hành thánh lễ, một hoạt cảnh về cuộc đời của thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc (tên bằng tiếng Việt Nam) được trình diễn ngay trên cung thánh. Bằng cách hóa trang tế nhị, cách diễn đơn sơ mà thực của các “diễn viên” đã nói lên vắn gọn cuộc đời thăng trầm của thánh sáng lập dòng.

Đó là một cậu bé mới chín tuổi đã phải rời quê hương, lưu vong nước ngoài. Sau đó là chuỗi nghịch cảnh ập đến cuộc đời. Rồi cậu tìm kiếm hạnh phúc nhưng hạnh phúc tan biến trong chân trời tuổi trẻ. Một buổi chiều thứ sáu Tuần Thánh, chàng trai trẻ đã cảm nhận được tình yêu sâu thẳm mà Thiên Chúa dành cho mình. Bước vào cuộc đời dâng hiến, chàng trai trẻ đã trở thành người kiến tạo cộng đoàn tông đồ, bênh đỡ kẻ nghèo hèn, chứng nhân cho tình yêu Chúa Kitô trên thập giá, rao truyền sứ vụ trong các sứ đạo, nơi nương tựa cho các bạn trẻ, thầy của kẻ dốt nát, mục tử của các tù nhân, nhà truyền giáo của nhiều dân tộc...

Trong bài giảng của thánh lễ, Đức Cha Giuse chủ tế đã chia sẻ một cách sâu sắc về tình yêu của Thiên Chúa và từ tình yêu đó đã làm cho Đức Giêsu có những quyết định, chọn lựa táo bạo. Từ điểm này dẫn đến sự mở rộng việc loan báo Tin Mừng và quan tâm đến những người khác. Người môn đệ của Chúa ra đi với sự thanh thoát và bình an, có ý thức mình thuộc về Đức Kitô và Thánh Thần của Ngài; từ đây, với tình yêu thương đến cùng, người môn đệ mở cửa lòng đến với muôn dân mà không phân biệt màu da, chủng tộc... Đức Cha còn nói về cuộc đời của thánh sáng lập dòng - được gọi tên Việt Nam rất gần gũi là Mai Thiên Lộc - cũng thăng trầm, sóng gió. Nhưng Chúa đã khơi dậy và làm Ngài chọn con đường của Chúa rồi mời gọi những người anh em cùng chí hướng dấn thân phục vụ và đến với người cùng khổ.

Đức Cha còn chia sẻ niềm vui và sự tin tưởng với hội dòng vì 200 năm qua hội dòng đã lan đến 70 nước, có 4.200 linh mục tu sĩ. Sự hiện diện này còn bắt đầu có ảnh hưởng và thấm sâu vào trong lòng đất nước Việt Nam.

Sau đó, các phần phụng vụ thánh lễ được tiến hành trang nghiêm và sốt sắng. Trước khi thánh lễ kết thúc, cha Bề trên sứ vụ Việt Nam của hội dòng đã có lời cảm ơn ngắn gọn với Đức Cha Giuse chủ tế, quí Đức Cha, cha bề trên giám tỉnh tỉnh dòng Pháp, quí cha quản hạt, quí cha đồng tế, quí ông bà cố, quí thầy, chủng sinh, quí tu sĩ nam nữ, ân nhân, thân nhân và bằng hữu.

Khuôn viên giáo xứ Lái Thiêu hôm nay đã bày được số bàn tiệc đáp ứng số lượng khách rất đông. Trước khi Đức Cha Phêrô GP Thái Bình làm phép của ăn, mọi người còn được xem hoạt cảnh nói về những sinh hoạt của hội dòng với những hoạt động trên đất Việt. Sau đó là các phần văn nghệ đậm nét Việt Nam do các thầy, quí sơ cùng các bạn thân hữu trình diễn và hỗ trợ.

Kết thúc tiệc mừng, quan khách ra về còn được tặng mỗi người một tượng thánh sáng lập dòng và một cuốn truyện tranh nói về thánh Mai Thiên Lộc - một trái tim nồng cháy”. Cuốn truyện tranh màu rất đẹp với dàn dựng, nhân vật và hình vẽ của Juan Manuel Cicuéndez, được chuyển ngữ từ bản gốc tiếng Tây Ban Nha.

Lời kết của sự kiện này xin được nói đến tham vọng của thánh Mai Thiên Lộc, đó là gửi các nhà truyền giáo đi khắp thế giới với ơn gọi cao cả là trở thành những cộng tác viên của Đấng Cứu Thế, những người cứu rỗi nhân loại. Trên tinh thần này, cộng đoàn Hiến sĩ đầu tiên đã được khai sinh. Nhỏ như một hạt cải thôi nhưng nhờ vào hơi thở ban đầu của tinh thần đó, cây đã mọc lên và nhánh vươn dài trên khắp năm châu.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ngôi nhà thiên nhiên
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
16:48 20/05/2016
Ngôi nhà thiên nhiên

Con người xưa nay vào mọi thời đại đều ra công nỗ lực xây dựng cho mình, cho gia đình có ngôi nhà để sinh sống. Vì đó là nhu cầu đời sống con người

Và chính phủ quốc gia đất nước nào cũng có những chương trình kế hoạch làm sao cho người dân có ngôi nhà ở. Vì đó là bổn phận cùng mục đích trong chính sách cai trị.

Thiên Chúa ngay từ khi sáng tạo vũ trụ đã lập nền tảng căn bản xây dựng ngôi nhà sự sống cho mọi thế hế, cho mọi loài sống trong vũ trụ: Ngôi nhà thiên nhiên.

Ngôi nhà thiên nhiên do Thiên Chúa sáng tạo có ánh sáng, bầu trời, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, không khí, đất, nước sông biển, ao hồ, suối thung lũng, núi rừng, các loài thú vật bay trên nền trời, thú vật bò chạy trên mặt đất, thú vật bơi lội dưới nước, cây cỏ bông hoa trái thảo mộc các thứ loại và con người.

Trong ngôi nhà thiên nhiên to lớn vĩ đại của vũ trụ, Thiên Chúa phú ban cho các loài được tạo dựng không chỉ có một lần, nhưng chúng còn có khả năng sinh tồn phát triển giống nòi sự sống của mình từ thế hệ nọ sang thế hệ khác nối tiếp liên tục. Vì nơi mỗi loài trong ngôi nhà thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng, ngài đều phú bẩm nơi nó mầm sự sống truyền sinh giống nòi.

Và trải qua bao nhiêu thiên niên kỷ thời đại từ thuở ngôi nhà thiên nhiên được tạo dựng vẫn luôn có cây nơi rừng tiếp tục mọc lên, vẫn có cá chim thú vật to nhỏ khác nhau sinh sản trong nước, nơi rừng, từ nguồn trong lòng đất, nơi núi rừng, ngoài biển nước vẫn luôn tuôn chảy mang sự sống đến cho mọi loài trong ngôi nhà thiên nhiên. Nước bị vẩn đục chảy ra biển có chất muối mặn hòa tan khử trùng, rồi bốc thành hơi nước và tạo thành nước mưa trong lành rơi chảy xuống vũ trụ trở lại nuôi sống các loài trong đó. Khả năng đó là thay đổi làm mới tươi trẻ sống động lại trong thiên nhiên những gì đã cũ cằn cỗi.

Ngôi nhà thiên nhiên đó là một kỳ công diệu vợi mà con người không thể tưởng tượng ra nổi. Phải, đó là một phép lạ do Đấng Tạo Hoá làm nên.

Thánh Phanxico thành Assi khi ngắm nhìn ngôi nhà thiên nhiên đã nói lên tâm tình lòng vui mừng ca ngợi vũ trụ là một mầu nhiệm thân thương cao vời.

Đức Giáo Hoàng Phanxico đã biểu lộ lòng xác tín “vũ trụ như một bí tích của cộng đoàn, như một phương tiện chia sẻ với Thiên Chúa và tha nhân trong chiều kích vũ trụ. Đó là một xác quyết khiêm tốn, gặp gỡ với điều của Thiên Chúa và nhân loại trong những thành phần nhỏ nhất của trang phục không viền mối sáng tạo của Thiên Chúa, ngay cả trong hạt bụi nhỏ bé nhất của hành tinh chúng ta” ´( Laudato Si Nr. 9) ̣

Ngôi nhà thiên nhiên được Đấng Tạo Hóa trao vào tay con người quản trị cho sự sống của họ. ( St 1, 28-30).

Nhưng trong dòng thời gian trải qua các thế hệ, các thời đại, các mục đích ý thức hệ chính trị cùng kinh tế, con người đã cách này cách khác khai thác lạm dụng phung phí, cùng phá hủy nguồn tài sản cho sự sống được tồn tại cùng phát triển của ngôi nhà thiên nhiên. Mức độ lạm dụng phá hủy ngôi nhà thiên nhiên đã chạm đến lằn ranh báo động đỏ.

Đốt phá rừng cây, bạt núi đồi, ngăn chặn nguồn nước chảy nơi sông, nơi bờ biển, thải rác chất độc xuống ao hồ sông biển, thải khí khói độc hại lên bầu trời, chôn vùi những cặn bã rác độc hại lâu khó tan biến trong lòng đất…với mục đích kinh tế kiếm lợi nhuận đã và đang gây ra ô nhiễm phá hủy môi trường sinh thái tận nơi nguồn nước trong lòng đất, nơi biển hồ sông ngòi biển cả, không khí bầu trời.

Những lạm dụng phá hủy ngôi nhà thiên nhiên đó mang đến những hậu qủa nghiêm trọng như xảy ra nạn cháy rừng, dông bão mưa ngập lụt lội, hạn hán, đất xạt lở, càng ngày càng hiếm những con thú vật nơi rừng hoang, cá chết ngoài biển, nơi sông hồ, thiếu không còn nước vệ sinh trong lành, không khí dầy đặc khó hít thở, nhiệt độ khí hậu tăng nóng thêm lên, tuyết trở thành mòn hàng hiếm qúy, vì ngày càng ít tuyết rơi phủ, những tảng băng tuyết đóng từ nghìn năm nay ở miền bắc cực, trên đỉnh núi cao đang chảy vỡ tan. Và sau cùng con người thiếu thức ăn rau cỏ cá thịt sạch thiên nhiên cùng mắc những chứng bệnh nan y nhất là về đường hô hấp, vì thiếu khí trong lành để hít thở, thiếu nước vệ sinh để ăn uống…

„ Sự tàn phá môi trường sinh thái của con người đã rất trầm trọng, vì Thiên Chúa không những trao cho con người trái đất này, nhưng chính sự sống cũng là một quà tặng của Thiên Chúa, con người cần phải bảo vệ nó trước mọi tình trạng sa sút. Mọi cố gắng bảo vệ và kiện toàn trái đất nằm trong điều kiện phải có những thay đổi sâu xa trong “cách sống, các mẫu sản xuất, tiêu thụ và cơ cấu quyền lực, là những thứ đang thống trị xã hội” ( Laudatio Si Nr.5)

Trước nguy cơ như „tự sát“ vì môi trường sinh thái đã cùng đang bị phá hủy trầm trọng tới mức báo động, Chính phủ các nước văn minh tân tiến kỹ nghệ đã cùng đang kiểm điểm nhìn lại những khuyết điểm thiếu sót lơ là với môi trường sinh thái thiên nhiên, và tìm phương cách sữa chữa gìn giữ bảo vệ thiên nhiên cho hôm nay cùng ngày mai.

Nơi xã hội các nước bên Âu Mỹ, môi trường sinh thái càng ngày càng được quan tâm chú trọng nhiều hơn, gần như được đặt lên hàng ưu tiên, hàng quốc sách. Chính phủ đưa ra những luật lệ kiểm soát gắt gao nhằm sửa chữa bảo vệ gìn giữ môi trường sinh thái ngôi nhà thiên nhiên.

Các nhà sản xuất xe hơi, máy móc, động cơ tầu thủy, xe lửa, xe buýt, máy bay…được khuyến khích cùng bắt buộc theo những tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm không được chỉ vì lợi nhuận kinh tế mà gây ra những hậu qủa phá hủy môi trường thiên nhiên.

Ở trường học các học sinh được giáo dục ý thức về ngôi nhà thiên nhiên là tài sản chung của mọi người cho mọi thế hế, về cách gìn giữ bảo vệ môi trường sinh thái thiên nhiên.

Ở nhà tư việc dùng tiết kiệm năng lượng và nước được khuyến khích, rác thải được phân chia từng thứ loại có nơi chốn không được vất bừa bãi.

Đó là theo chiều kích thước hàng ngang đường chân trời con người nhìn vào ngôi nhà thiên nhiên mình đang ở. Còn theo đường thẳng đứng hướng lên trời cao, Đức Giáo Hoàng Phanxico có suy tư:

„ Đối với các Kitô hữu, việc tin vào một Thiên Chúa ba ngôi hiệp thông cho thấy rằng Ba Ngôi đã để lại dấu ấn của mình trên mọi tạo vật. Thánh Bonaventure đã đi xa đến mức nói rằng con người nhân loại, trước khi phạm tội, đã có thể thấy được cách mỗi loài thụ tạo “chứng thực rằng Thiên Chúa là ba ngôi”. Việc suy tư về Ba Ngôi là là việc cần phải nhận ra trong thiên nhiên “khi cuốn sách ấy được mở ra cho con người và đôi mắt của chúng ta vẫn chưa trở nên tối tăm”.Vị Thánh dòng Phanxicô dạy chúng ta rằng mỗi loại thụ tạo mang lấy trong chính nó một cấu trúc cụ thể thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi.“ (Laudato si Nr. 239.).

Lễ Chúa Ba ngôi, 22.05.2016
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đồng Quê An Bình
Tấn Đạt
18:28 20/05/2016
ĐỒNG QUÊ AN BÌNH
Ảnh của Tấn Đạt
Một ngày sống ở thôn quê
Quí như một tháng lê thê thị thành.
(nđc phóng ngữ)

One day in the country
is worth a month in town.
(Christina Rossetti)