Ngày 23-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Chúa thăng thiên : Lời nhắc khéo của thiên thần áo trắng
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:44 23/05/2020
Lời nhắc khéo của thiên thần áo trắng

(Gợi ý suy niệm sứ điệp Lời Chúa lễ Chúa Thăng Thiên 2020)

Trong giới nhạc công tiếng tăm của thế giới, người ta hay nhắc đến giai thoại về chàng nhạc sĩ vĩ cầm tài ba Fritz Kreisler (1875-1962)…Sau khi nghe tiếng đàn của F.Kreisler, người chủ tiệm đàn nói với ông: “Kreisler ơi ! Tôi, tôi không có quyền giữ chiếc đàn này. Nó thuộc về ông. Ông hãy đem nó đi khắp thế giới để thiên hạ được thưởng thức âm thanh của nó”.

Có thể nói được rằng, hơn 40 ngày qua (kể từ sau Đại lễ Phục Sinh), cộng đoàn Dân Chúa được lắng nghe thánh sử Luca với tác phẩm “Công Vụ Tông Đồ” tấu lên giai điệu tuyệt vời là “công cuộc cứu độ của Chúa Kitô được tiếp diễn qua “Cộng đoàn Hội Thánh” và dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần”.

Rõ ràng, “câu chuyện về Đức Giêsu-Kitô” đã không tắt lịm, đứt đoạn hay đóng lại kể từ buổi chiều thứ sáu trên đồi Sọ; nhưng kể từ đó, đặc biệt, từ buổi sáng “Ngày Thứ Nhất trong tuần” sau cái chết tủi nhục đó, “một câu chuyện mới”, một chương trình mới, một lộ trình mới chính thức khai mở. Đây chính là “điểm đến”, là “kết quả” của câu chuyện về một “Nước Trời đang đến”, của Tin Mừng về một “Nước Thiên Chúa đang hiện thực”, “cột mốc cuối cùng, kết thúc trong chuỗi hành trình nhập thể của Đấng Emmanuel”…, mà các Thánh Sử lần lượt diễn tả cách sống động, có thể gom lại trong cùng một diễn ngữ: LÊN TRỜI: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28, 18), “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16, 19), “Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.” (Lc 24, 51), “cho tới ngày Người được rước lên trời… Nói xong, Người lên trời ngay trước mắt các ông, và có đám mây rước Người lên, khuất mắt các ông” (Cv 1, 1-11)…

Mà không chỉ được nhắc đến, mô tả trong các trích đoạn Lời Chúa, “sự kiện đặc biệt” nầy còn được Hội Thánh long trọng cử hành với phụng vụ đại lễ THĂNG THIÊN (Lex Orandi) và được Giáo Hội long trong tuyên xưng trong Kinh Tin Kính (Lex Credendi): “Người Lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha” (Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli).

Nhưng để hiểu nhiều hơn nội dung ý nghĩa của mầu nhiệm “Thăng Thiên”, thiết tưởng chúng ta cần lưu ý đến cách chuyển tải huyền nhiệm Nước Trời qua “ngôn ngữ dụ ngôn” (mà có lẽ “Thăng Thiên” là “dụ ngôn cuối cùng” để tóm kết và cắt nghĩa về cùng đích Nước Trời):

Thật vậy, trong thời gian đi truyền giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu thường dùng các Dụ Ngôn để chuyển tải “Huyền nhiệm Nước Trời”, dùng những hình ảnh rất mộc mạc, gần gũi đời thường để trình bày những mầu nhiệm cao sâu về Nước Thiên Chúa: Nước Trời như người nông phu ra đi gieo hạt giống, Nước Trời như ông chủ vườn nho và những người thợ, Nước Trời như ông vua mở tiệc cưới cho hoàng tử, Nước Trời như chuyện 5 cô khờ và 5 cô khôn cầm đèn đi đón chàng rễ…

Vâng, qua những hình ảnh, những nhân vật, những sự kiện, địa chỉ… rất đời thường, rất dễ tiếp cận đó, Chúa Giêsu đã dẫn đưa dân Do Thái ngày xưa nhận ra công cuộc cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong con người và sứ vụ của Ngài, nhận ra mầu nhiệm Nước Trời.

Cũng chính trong “phương pháp sư phạm” đặc biệt nầy, để giúp con người hiểu được cái cùng đích hay sự hoàn tất Nước Trời, sự kết thúc vinh quang của công trình cứu độ của Đức Kitô, kết quả huyền diệu của công cuộc Vượt Qua của Đức Kitô nơi trần thế, …Lời Chúa cũng sử dụng cái ngôn ngữ đời thường mang tính dụ ngôn như thế qua các trích đoạn Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe công bố (Bài đọc Năm A), đặc biệt, qua 4 chi tiết nầy:

- Nơi chốn: Một địa danh chính xác: “Ngọn núi ở Galilê”: “Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước” (Mt 28, 16); một không gian cụ thể: “Bữa ăn”: “Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem” (Bđ 1: Cv 1, 4) hoặc là những không gian bao la hơn, huyền nhiệm hơn: bên hữu Thiên Chúa, trên trời: “công việc mà Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời” (Bđ 2: Ep 1, 20)

- Quang cảnh: Cảnh uy hùng của những cuộc thần hiển: “Đám mây quyện lấy Người” (Bđ 1: Cv 1, 9); “Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang” (Tv 46, 6-7)…

- Nhân vật: Nhóm 11 Tông đồ: “Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa” (Mt 28, 16) 2 thiên thần áo trắng: “Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng:…” (Bđ 1: Cv 1, 10)…

- Thời gian: Con số “40” tròn đầy: “Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa”. (Bđ 1: Cv 1, 3); thường xuyên: “Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20)…

Như vậy, qua các “chỉ dấu” của Lời Chúa vừa nêu, “sứ điệp Thăng Thiên” muốn nhấn mạnh những điều gì?

- Trước hết, về “ý nghĩa nơi chốn”, mầu nhiệm Thăng Thiên muốn nhấn mạnh: điểm đến của Ngôi Hai Thiên Chúa sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ nơi trần gian đó chính là Chúa Cha: Chúng ta đừng quên, theo Tin Mừng Gioan, vào những ngày cuối cùng ở với các môn đệ, Chúa Giêsu đã từng tiên báo: “Thầy đến cùng Chúa Cha”. Lời này được lập lại 7 lần trong khung cảnh tiệc ly (x.Ga 14, 12.28; 16, 5.10.28; 17, 11.13). Đối với Chúa Giêsu, Người không đi đến một nơi nào khác, nhưng Người đến với một người, đó chính là Chúa Cha. Chúa Giêsu coi cuộc sống ở trần gian và những hoạt động của mình như một hành trình đi đến với Chúa Cha, như một cuộc về trời với Chúa Cha. Lời tiên báo này mang một sắc thái kiên quyết và như sắp xảy ra vào sáng ngày phục sinh. Khi hiện ra với Maria Mađalêna, Chúa Phục Sinh nói với cô: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em (Ga 20, 17).

Và như thế, “Thăng Thiên” cũng chính là niềm hy vọng chắc chắn“được về bên Chúa Cha” của những ai tin vào Đức Kitô, của toàn thể Hội Thánh, như chính Đức Kitô đã long trọng đoan hứa: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3). Vì thế, Thăng Thiên không bao giờ được hiểu như một ra đi, lìa xa, khuất bóng, vĩnh biệt ngàn thu…; mà là một mở ra, khai diễn một lộ trình mới, một chương mới trong cuộc lữ hành cứu độ của Dân Mới. Thăng Thiên chính là tiêu đích, là điểm tựa, là quê hương… cho hàng hàng lớp lớp những con người, mà trong số đó, có đông đảo những anh chị em chúng ta “đến từ những đau khổ lớn lao”, chấp nhận “giặt áo đời mình trong máu Con Chiên” và nay đang “mặc áo trắng tinh, tay cầm cành vạn tuế” chung hưởng phúc vinh quang đời đời trong Nước Chúa. Chính trong niềm xác tín nầy mà hôm nay, trong Kinh Tiền Tụng, Hội Thánh đã hát lên: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước”.

- Về quang cảnh: Toàn cảnh sứ điệp Thăng Thiên được ngòi bút của thánh sử Luca diễn đạt qua trình thuật của sách Công Vụ mang dáng dấp của một cuộc “Thần hiển” uy hùng, thường để diễn tả sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa trên những chặng đường cứu độ. Thật vậy, nếu “đám mây”, dấu chỉ của Thiên Chúa dẫn đường và đồng hành với Dân trong thời Xuất Hành về Đất Hứa, hay “đám mây”, dấu chỉ của “Chúa Thánh Thần rợp bóng trên Đức Maria (Lc 1, 35) để Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Emmanuel), thì hôm nay, cũng chính Thánh Thần như đám mây phủ quyện lấy Ngài (Cv 1, 9) để Ngài lên trời về với Chúa Cha. Phải chăng, dấu chỉ trên đã chuyển tải chân lý nầy: Công cuộc cứu rỗi nhân loại luôn là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa và luôn siêu vượt, khác biệt với phạm trù trần tục, với tính toán hạ giới, với nhãn quan con người, mà chỉ với ân sủng mạc khải, sự tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có khả năng đón nhận, thấu hiểu, như cảm nhận của chính Thánh Tông Đồ Phaolô (BĐ 2): “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người (…)..Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời…” (Ep 1, 15-23).

- Về nhân vật: sứ điệp Thăng Thiên nhấn mạnh vai trò và sứ vụ của “Nhóm Mười Một Tông Đồ”, những người được chính Đức Kitô “tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần”, được Ngài đích thân “hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa”, được căn dặn phải “chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” đó là: “sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”, nhất là được trao mệnh lệnh: “các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 1-11); “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.” (Mt 28, 19).

Phải chăng những gì liên quan đến “Nhóm Mười Một” cũng là liên hệ đến cả Hội Thánh, đến mỗi người chúng ta, những người được chịu phép rửa trong Thánh Thần, để làm nên một “Dân Tộc Thánh, Dân Tư Tế” để loan truyền những kỳ công Chúa cho muôn dân. Vâng, Thăng Thiên đó chính là lên đường, ra khơi.

- Sau cùng, dấu chỉ “thời gian”: cách nói “40 ngày”, “mọi ngày đến tận thế” muốn hướng đến sự hiện diện và hoạt động thường xuyên của Đức Kitô phục sinh qua sức tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trên Hội Thánh. Thật vậy, những ngày “sau Thăng Thiên” là những ngày các môn đệ Chúa Kitô “bận bịu” thường xuyên trong nguyện cầu để đón nhận Chúa Thánh Thần và sau đó là tất bật “ra đi làm chứng” trên muôn nẻo trần gian đầy thách đố… với cả máu xương và nước mắt…Và rất lạ ! Cho đến mãi hôm nay, công cuộc “làm chứng cho Đức Kitô” xem ra đầy hiểm nguy và thách đố đó, cứ “xuôi chèo mát mái”, cho dẫu có trải qua muôn vạn những bão tố cuồng phong. Phải chăng, chỉ nhờ một điểm tựa duy nhất: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ! Thánh Thể, Lời Chúa, họp nhau cầu nguyện…Đức Kitô phục sinh đang có đó !

Như vậy, hôm nay, sứ điệp Thăng Thiên cũng đang nói với mọi người chúng ta, những người “thuộc nhóm mười một của thế kỷ 21 nầy”, lời nhắc khéo của thiên thần áo trắng ngày xưa: “Hỡi anh chị em, sao còn ngước mắt nhìn trời…thế giới còn bao nhiêu địa chỉ Giêrusalem, Giuđêa, Samaria…chưa được nghe giai điệu tuyệt vời của Tin Mừng Cứu Độ. Hãy lên đường, hãy chèo ra chỗ nước sâu và đừng sợ….Vì Chúa đang ở với chúng ta !”. Amen.

Trương Đình Hiền

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:17 23/05/2020

32. Muốn nắm thật chắc Thánh Giá như Đức Mẹ Ma-ri-a thì con nhất định sẽ được an ủi. Đức Mẹ Ma-ri-a kiên vững đứng trước Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh mà không từ bỏ người than yêu, khi Mẹ muốn khóc mà không còn nước mắt thì tình yêu càng nhiều hơn.

(Thánh Pi-ô Năm Dấu linh mục)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:24 23/05/2020
28. ĐỒ ĐẠC TIÊU TAN

Có một thương nhân ở An Huy sống rất là tiết kiệm.

Một lần nọ ông ta mang theo bên mình một bình muối đậu đi Tô Châu để buôn bán, khi ăn cơm thì lấy đũa gắp ra, giới hạn mỗi bữa ăn là một hạt, nhiều nhất là hai hạt.

Có người đồng hương nhìn thấy ông ta và nói:

- “Ông vẫn còn ở trong mông muội sao, con trai ông làm tiệc rất lớn để mời khách, tiêu tiền như rác ấy !”

Thương nhân nổi giận đùng đùng, lập tức lấy tay bốc đậu trong bình ra, vừa bỏ vào miệng vừa hét lớn:

- “Được, dù là sạch ráo thì ta cũng đến phá cho tang gia bại sản mới thôi !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 28:

Có những gia đình cha mẹ rất tiết kiệm trong ăn uống mua sắm chi tiêu để dành tiền cho con cái ăn học, phòng hờ những khi bệnh hoạn, mất mùa, nhưng con cái thì xài tiền như rác, không coi đồng tiền là của mồ hôi nước mắt của cha mẹ mình đổ ra; nhưng ngược lại cũng có những con cái biết xót đồng tiền của cha mẹ, nên không đua đòi ăn diện như những người khác, đây là chuyện thật trăm phần trăm mà thời đại nào cũng có.

Con cái phung phá tiền của cha mẹ thì có nhiều lý do:

- Đua đòi theo bạn bè.

- Ăn nhậu tập làm người lớn.

- Cha mẹ cưng chiều quá mức.

- Biếng nhác học hành.

- Kết bè với người xấu bạn xấu...

Nhưng quan trọng hơn chính là cha mẹ không dạy dỗ con cái biết lao động và yêu quý đồng tiền do lao động mà có.

Ba mươi năm sống trong gia đình với thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a ở Na-gia-rét, Đức Chúa Giê-su đã nuôi sống mình bằng nghề thợ mộc nên Ngài rất tâm đắc sự nghèo khó: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”

Tiết kiệm là để dành khi trời hạn hán mất mùa hoặc bệnh hoạn để có mà dùng đến, và có khi giúp đỡ bố thí cho người nghèo, chứ không phải tiết kiệm để cho con cái tha hồ ăn chơi, đua đòi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Chúa Thăng Thiên A
Lm Giuse Phan Quang Trí, O.Carm
19:49 23/05/2020

Chúa Thăng Thiên : Ơn gọi người Môn đệ

Trong ngày Lễ Chúa Thăng Thiên, Giáo Hội chọn và công bố cho cộng đoàn phụng vụ nghe đoạn kết của các sách Tin Mừng. Mỗi năm chúng ta được nghe bản văn của một tác giả Tin Mừng khác nhau tùy theo chu kỳ phụng vụ là năm A, B hay C. Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu tuy có nhiều điểm tương đồng với Tin Mừng do Thánh Mác-cô và Thánh Lu-ca biên soạn nhưng đoạn kết lại rất khác biệt. Điểm dị biệt này không những làm nên nét độc đáo cho Tin Mừng Mát-thêu mà còn là một tình tiết mấu chốt giúp chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa của biến cố Chúa về trời.

Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm (gồm 3 cuốn Tin Mừng đầu tiên, có nhiều điểm tương đồng với nhau), nếu như cả Tin Mừng theo Thánh Mác-cô và Thánh Lu-ca đều khép lại với biến cố huy hoàng rực rỡ “Đức Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha” (Mc 16, 19; x. Lc 24, 51) thì Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu lại có một cái kết hết sức nhẹ nhàng khiêm tốn. Quả thực đoạn cuối của Tin Mừng Mát-thêu có phần kém huyền bí và kỳ vĩ là bởi vì không đề cập gì đến việc Chúa thăng thiên cả. Thay vào đó, Thánh Mát-thêu đã khép lại những trang Tin Mừng do ngài viết bằng những lời dặn dò thấm đẫm tình thầy trò của Đức Ki-tô Phục Sinh. Phải chăng tác giả Mát-thêu muốn nhấn mạnh rằng ý nghĩa thực của biến cố Thăng Thiên có thể tìm thấy nơi 2 chữ “Môn đệ”? Chúng ta hãy cùng đọc lại đoạn Tin Mừng này:

Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 16-20)

Môn Đệ: Cảm Nghiệm Tình Bằng Hữu

Khi viết về cuộc gặp gỡ sau cùng, Thánh Sử Mát-thêu không dùng cụm từ “Nhóm Mười Một” viết hoa (Mc 16, 14; Lc 24, 8; 33) hay “các Tông Đồ” (Mc 16, 20) để chỉ nhóm người vinh hạnh được thấy Đức Ki-tô hiện ra sau khi Người sống lại từ cõi chết. Tác giả Mát-thêu đơn giản dùng cụm từ “mười một môn đệ”. Phải chăng đối với Thánh Mát-thêu, ơn gọi được làm môn đệ của Thầy Giê-su là niềm vinh hạnh lớn nhất rồi, không còn gì đáng ước ao hơn? Đối với Đức Giê-su, môn đệ chính là bạn hữu (x. Ga 15:15), là người tâm phúc cùng Người chia ngọt sẻ bùi. Giống như các thầy Do thái cùng thời, Chúa Giê-su đã quy tụ một nhóm các đồ đệ và đã trải qua những năm tháng cùng chung sống với họ. Thầy trò hai bên không chỉ có tương quan truyền - thụ (trao - nhận) tri thức mà quan trọng hơn là đôi bên hiểu biết lẫn nhau thông qua việc chia sẻ cuộc sống hằng ngày. Lúc bấy giờ giữa thời khắc chia ly, “Thầy phải trở về cùng Cha Thầy” (x. Ga 16, 5 và Ga 20, 17) còn các môn đệ thì tiếp tục “ở trong thế gian” (Ga 17, 11) và “ra đi rao giảng khắp nơi” (Mc 16, 20), mong mỏi cuối cùng đọng lại trong trái tim của Người Thầy chính là được thấy các đồ đệ biết gìn giữ mối tương quan thân tình ấy. Tuy xa cách về thể lý nhưng tâm hồn và ý hướng của thầy trò mãi mãi hiệp nhất nên một, vì Thầy đã hứa là sẽ “luôn ở cùng [với họ] mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28, 20). Điều đáng lưu ý là nếu như mối tương quan thầy trò có ý nghĩa đặc biệt trong thời gian Đức Giê-su thi hành sứ mạng nơi trần thế thì sau khi Người về trời, mối ân tình ấy lại càng khẩn thiết quan trọng hơn trong công cuộc loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (x. Mt 28, 19). Sao không phải là “thành sứ giả” hay “thành chứng nhân” mà là “thành môn đệ”? Có lẽ vì sứ mạng “môn đệ” đã bao hàm cả hai sứ mạng vừa nhắc đến. Nơi trình thuật chia ly của Mát-thêu, chúng ta khám phá mối liên hệ khắng khít giữa sứ mạng truyền giáo và ơn gọi làm “môn đệ”. Khắng khít đến độ không thể truyền giáo nếu không có tương quan bạn hữu với Đức Ki-tô. Cũng vậy, không thể là môn đệ đích thực nếu không thao thức với ước nguyện làm cho nhiều người biết và mến Chúa. Mệnh lệnh sai đi của Đức Ki-tô Phục Sinh, dưới ngòi bút của Mát-thêu, trở nên không gì khác hơn di nguyện của Người Thầy trăn trối cho đoàn môn sinh.

Khi tưởng niệm việc Chúa rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, chúng ta không được phép xem thường ước nguyện cuối cùng của Thầy Chí Thánh và không được quên rằng tình thầy trò giữ vị trí chủ chốt quyết định sự thành bại của công cuộc truyền giảng Tin Mừng mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm dấn thân. Sứ mạng rao giảng quả thực phải bắt đầu từ tương quan sâu đậm với Đức Ki-tô và tình huynh đệ hiệp nhất (x. Eph 4, 3). Ngày nay, “cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Ki-tô, trong cái chết và sự sống lại của Người, cái chân lý làm rực sáng lên cả cuộc đời” của họ (1).

Môn Đệ: Tuân Giữ Điều Thầy Dạy

Khi đối chiếu đoạn kết Tin Mừng Mát-thêu với các sách Tin Mừng khác, chúng ta nhận thấy trong trích đoạn này cả một bầu không khí thân tình ấm áp. Mát-thêu 28, 16-20 trình bày cho chúng ta cuộc hiện ra sau cùng của Đức Ki-tô Phục Sinh mà lại không có tình tiết bất ngờ, cũng không có tâm trạng ngỡ ngàng sợ hãi. Không có ai đòi hỏi xác minh tính chân thực của thân thể Chúa. Điều quan trọng là những lời nói của Đấng Phục Sinh trong bối cảnh này lại rất thân tình ấm áp. Ẩn trong cung giọng trìu mến của người Thầy và tâm trạng đầy ưu tư của người sắp ra đi là một thông điệp đầy dứt khoát mạnh mẽ: “Anh em hãy dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (x. Mt 28, 20). Như thế, thông điệp của biến cố Thăng Thiên còn là thông điệp đề cao đức vâng phục. Các nhà chuyên môn đã nhận định rằng: “Những huấn lệnh như thế của Chúa Giê-su chiếm vị thế hàng đầu trong [Tin Mừng theo Thánh] Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ, và [kêu gọi] chúng ta phải thể hiện ý muốn Chúa Cha theo như Chúa Giê-su đã mặc khải cho chúng ta biết.” (2)

Đức Ki-tô Phục Sinh muốn các môn đệ tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng với đôi mắt mở rộng và đôi tai tỉnh táo để có thể nhìn thấy và lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đấng Bảo Trợ chính Người đã hứa sẽ sai đến giúp đỡ họ trên đường thi hành sứ mạng (x. Ga 16, 7-13). Bản thân Đức Ki-tô và Đấng Bảo Trợ là hai mẫu gương tuyệt hảo về nhân đức phục tùng (x. Phil 2, 8). Đấng bảo trợ “sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại” cho anh em biết (x. Ga 16, 13). Chính vì vậy, người môn đệ chân chính của Thầy Giê-su không có lựa chọn nào khác hơn là bước đi trên con đường ‘vâng phục’. Đến lượt mình, là môn đệ, chúng ta không chỉ tuân giữ điều chúng ta nhận lãnh từ Thầy Chí Thánh, mà còn phải chu toàn sứ mạng của người môn đệ; đó là ra sức giúp cho anh chị em xung quanh nhận ra và vâng nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua giáo huấn và gương sáng của các phần tử Giáo Hội Chúa Ki-tô (x. Lumen Gentium, #1 & #8).
Môn Đệ: Rao Giảng và Làm Chứng

Khi suy tư về sứ mạng của người môn đệ trước lệnh truyền giáo của Đấng Thăng Thiên, chúng ta nhớ đến lời khuyên dạy chí lý của Chân Phước Giáo Hoàng Phao-lô VI: “Con người hôm nay sẵn lòng nghe theo các chứng nhân hơn là các thầy dạy, mà nếu họ có nghe các thầy dạy thì bởi vì những thầy dạy này chính là những chứng nhân” (Tông Huấn Evangelii nuntiandi, #41). Rao giảng không chỉ bằng lời nói suông nhưng còn phải bằng cuộc sống chứng tá, vì chưng đời sống chứng tá và lời rao giảng của các môn đệ chân chính phải phát xuất từ Chúa Thánh Thần (x. Cv 1: 8). Ở đây, chúng ta cẩn trọng kẻo rơi vào việc cắt nghĩa sai lệch giáo huấn của Đức Phao-lô VI. Đức Chân Phước Giáo Hoàng không có ý xem nhẹ việc rao giảng bằng lời nói vì trong cùng một Tông Huấn, ngài có nhắc đến việc chính Đức Ki-tô bậc thầy vĩ đại nhất đã dùng lời nói mà gieo vãi chân lý vào lòng nhân loại chúng ta (x. Evangelii nuntiandi, #11).

Biến cố Đức Ki-tô phục sinh và lên trời “là trung tâm điểm của Tin Mừng, nhưng trình thuật của Mát-thêu lại rất ngắn gọn. Tại sao? Thưa bởi vì, vào thời tác giả biên soạn, sự phục sinh được xem là một biến cố quá sức quan trọng để mà truyền tin qua chữ viết: phải nhường lời cho các nhân chứng kể lại thì hơn, và cũng không quên chứng từ của Thần Khí đang hoạt động trong các cộng đoàn Ki-tô hữu.” (3) Các nhà chú giải Thánh Kinh giúp chúng ta nhận ra một sự thật liên quan đến sứ mạng làm chứng của Giáo Hội: Thời thế thay đổi khiến cho cách thế loan báo Tin Mừng ngày càng phong phú đa dạng. Tuy nhiên, nền tảng chính yếu của cộng đoàn loan báo Tin Mừng phải là chính chủ thể của Tin Mừng – Đức Ki-tô Phục Sinh. “Cộng đoàn Giáo Hội làm chứng hùng hồn về Chúa Phục Sinh không phải là một cộng đoàn có bề thế, được tuyên truyền quảng cáo thật tốt, mà là một cộng đoàn đã được phục sinh.” (4) Hội Thánh được khai sinh từ lời sai đi của Đấng Cứu Thế, Hội Thánh có sứ mạng ra đi Phúc Âm hóa các dân tộc nhưng chính Hội Thánh phải được Phúc Âm Hóa trước đã” (x. Evangelii nuntiandi, # 15).

Kết: Sứ Mạng Hòa Giải

Trong ngày tưởng niệm mầu nhiệm Đức Ki-tô Phục Sinh vinh thăng cõi trời sau khi hoàn tất sứ mạng trần thế, Lời Chúa mời gọi chúng ta tái khám phá nét đẹp sứ mạng của người môn đệ Chúa Ki-tô. Người môn đệ trung hiếu là người trân trọng tình thương và ơn nghĩa cao dày mà họ đã nhận lãnh từ Thầy mình. Người môn đệ trung tín là người luôn khắc cốt ghi tâm, cẩn thận tuân giữ từng giáo huấn vàng ngọc Thầy đã truyền lại. Người môn đệ trung kiên là người liều chết để phát huy chia sẻ những bai học giá trị mà mình đã học tập được. Trung hiếu, trung tín, trung kiên là những đức tính làm nên vẻ đẹp thiêng liêng của người môn đệ nhưng nét đẹp vẫn chưa đầy đủ. Người môn đệ đích thực của Thầy Giê-su còn phải là người trung nghĩa với anh em. Lệnh truyền của Đấng Thăng Thiên một lần nữa vang lên như nhắc bảo cho chúng ta điều ấy: “Anh em hãy đi và làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (x. Mt 28, 19). “Cử hành phép rửa” nghĩa là gì nếu không phải là trở nên tác nhân hòa giải? Người môn đệ đích thực của Đức Ki-tô là người sẽ cống hiến hết mình cho công cuộc hòa giải và cứu độ của Đấng Phục Sinh sinh hoa kết quả ngọt ngào nơi mọi tâm hồn. Khi cử hành phép rửa chính là lúc người môn đệ thực hiện ý muốn của Đức Ki-tô là làm cho muôn dân đón nhận và được thông phần vào ơn cứu độ mà Người đã dùng chính máu đào để chuộc lấy. Tất cả là vì phần rỗi của anh chị em đồng loại. Đó chính là nét đẹp kiện toàn chân dung cao quý của người môn đệ Đức Ki-tô.
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển; là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa, khiến chúng con, các môn đệ và là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen. (x. Lời Nguyện Nhập Lễ Chúa Thăng Thiên, năm A)

Ghi Chú
1. Kinh Thánh Cựu Ước & Tân Ước: Lời Chúa Cho Mọi Người, “Chú giải Luca 28, 16-20” của Bernard Hurault và Louis Hurault, bản dịch do Nhóm CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2006, tr. 1657.
2. Kinh Thánh Cựu Ước & Tân Ước: Lời Chúa Cho Mọi Người, tr. 1657.
3. Ibid, tr. 1656.
4. Ibid.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda giải thích về lý do bất tuân dân sự
Đặng Tự Do
05:04 23/05/2020
Một trong những tin đáng chú ý trong tuần qua là việc các Giám Mục tại tiểu bang Minnesota bất tuân dân sự yêu cầu các linh mục tái tục các Thánh lễ bất kể các cấm đoán của thống đốc Tim Walz.

Các cửa hàng và các doanh nghiệp khác đã được mở lại miễn là không đạt tới hơn 50 phần trăm khả năng sức chứa của cơ sở. Trong khi đó, các nhà thờ bất kể to lớn đến đâu cũng chỉ được 11 người. Các vị cảm thấy bị đối xử bất công nên quyết định rằng bất chấp lệnh của thống đốc Tim Walz, các nhà thờ phải được mở lại.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường thuật sau về vụ này.

Một ngày sau khi thông báo rằng các giáo xứ ở Minnesota có thể bỏ qua một lệnh toàn tiểu bang về các cuộc tụ họp tôn giáo, Đức Tổng Giám Mục St. Paul và Minneapolis đã giải thích động cơ mục vụ dẫn đến quyết định này.

Người Công Giáo “thực sự phụ thuộc vào Thánh Thể để vượt qua những thách thức trong cuộc sống của họ, ” Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda nói với các phóng viên ngày 21 tháng Năm.

“Việc tiếp nhận Thánh Thể là vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể có cơ hội rước Mình Thánh Chúa bằng cách livestream.”

Phát biểu tại một cuộc họp báo chiều thứ Năm 21 tháng Năm, Đức Cha Hebda cho biết quyết định ngày 20 tháng Năm của các Giám Mục tiểu bang Minnesota bất tuân dân sự liên quan đến lệnh cấm các cuộc tụ họp tôn giáo hơn 10 người là một quyết định mục vụ.

“Chúng tôi có trách nhiệm chăm sóc các nhu cầu tâm linh của người dân, ” Đức Cha Hebda nhấn mạnh.

Nhận xét của Tổng Giám Mục được đưa ra một ngày sau khi có quyết định lịch sử rằng sáu giáo phận trong tiểu bang Minnesota sẽ cho phép các giáo xứ tiếp tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự trong bối cảnh đại dịch coronavirus, bất tuân các lệnh dân sự liên quan đến đại dịch.

Các Giám Mục Minnesota nói rằng các giáo xứ có thể cử hành các thánh lễ có công chúng vào tuần tới, nếu số người tham dự không quá 33% công suất xây dựng, và các giáo xứ phải tuân theo các giao thức vệ sinh và phụng vụ nghiêm ngặt được thiết kế với sự tư vấn của các chuyên gia y tế công cộng.

Theo gương các Giám Mục Công Giáo, Hội Đồng Lutheran Missouri cũng ra một thông báo bất tuân dân sự và cho phép các mục sư mở lại các buổi thờ phượng với một sự nghiêm ngặt tương tự trong việc áp dụng các giao thức phòng dịch.

Phát biểu hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục Hebda nói rằng ngài không có cơ hội nói chuyện với Thống đốc bang Minnesota là ông Tim Walz trong những ngày dẫn đến quyết định của các Giám Mục, nhưng ngài sẽ làm như vậy vào hôm thứ Năm. Thống đốc Walz nói rằng ông sẽ nói chuyện với các Giám Mục của tiểu bang cùng với các cơ quan y tế công cộng tiểu bang vào chiều ngày thứ Năm.

Đề cập đến thống đốc Walz, Đức Tổng Giám Mục Hebda nói:

“Đây là thời điểm có những thách thức rất lớn, và tôi nhìn nhận rằng ông ta có một số công việc rất khó khăn. Chúng tôi muốn giúp tất cả người dân Minnesota vượt qua đại dịch này. Tôi mong đợi cuộc trò chuyện của chúng tôi, nhưng tôi có thể nói với bạn tôi hy vọng Thống đốc thay đổi suy nghĩ của mình.”

Cho đến nay không rõ liệu các linh mục hoặc Giám Mục bắt đầu cử hành thánh lễ có công chúng vào tuần tới có thể phải đối mặt với các hình phạt dân sự hay không. Tuy nhiên, Đức Cha Hebda nói ngài “hy vọng là sẽ không có xung đột, và tôi tin rằng chúng ta sẽ đi đến một thỏa thuận nào đó.”

“Tôi hy vọng rằng khi thực sự có cơ hội để nói chuyện với thống đốc chúng tôi có thể tìm thấy nhiều điểm chung hơn.”

Đức Tổng Giám Mục cũng cho biết ngài tin rằng các Giám Mục “có một vị thế vững chắc từ góc độ pháp lý”. Vào ngày 20 tháng Năm, Becket Law, một công ty luật ủng hộ tự do tôn giáo, đã gửi cho thống đốc Walz một lá thư trong đó nêu bật các cơ sở pháp lý cho phép các giáo xứ Công Giáo và Luther trong bang Minnesota bất tuân dân sự trong trường hợp này dựa trên tu chính án thứ nhất về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ.

Trong cuộc chiến tương tự tại California liên quan đến việc mở lại các nhà thờ, các quan chức của Bộ Tư pháp liên bang đã can thiệp và lập luận rằng trừ khi thống đốc Gavin Newsom có thể chứng minh rằng các nhà thờ có một số rủi ro cụ thể trong việc lây nhiễm virus, đối với các nơi thờ phượng, ông ta không thể áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn các nơi công cộng khác như siêu thị, các nhà hàng, và các trung tâm giải trí là những nơi đã được mở cửa trở lại.

Tại Minnesota, các doanh nghiệp bán lẻ được phép mở đến 50% công suất, và vào ngày 1 tháng Sáu, các tiệm hớt tóc và các tiệm xăm sẽ mở cửa trở lại, và các nhà hàng sẽ dần mở cửa như bình thường.

Hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục Hebda cho biết sự bình đẳng trong pháp luật là quan trọng.

“Rõ ràng, một phần trong đức tin của chúng tôi là chúng tôi muốn tôn trọng thẩm quyền chính đáng của chính quyền dân sự, đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi đã thực sự cố gắng để tiếp cận với thống đốc và chính quyền của ông để giải thích các nhu cầu của Giáo Hội chúng tôi”, Đức Tổng Giám Mục Hebda nói với các phóng viên,

Vẫn chưa có bất kỳ phản hồi chính thức nào từ Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ hoặc từ Tòa thánh liên quan đến thông báo bất tuân dân sự của các Giám Mục bang Minnesota.

Khi các Giám Mục Ý nêu lên sự phản đối của các ngài vào cuối tháng 4 trước quyết định tiếp tục đình chỉ các Thánh lễ công cộng trong cả nước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không đề cập trực tiếp đến vấn đề này, nhưng đã ca ngợi đức tính vâng phục trong một Thánh lễ vài ngày sau đó.

Về phần mình, Đức Cha Hebda thừa nhận rằng không có biện pháp phòng ngừa vệ sinh nào là đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus và nhìn nhận rằng một giáo xứ bên ngoài thành phố Minneapolis đã thông báo rằng ít nhất một linh mục trong giáo xứ đã xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Trong khi đánh giá cao sự minh bạch và nhanh chóng của giáo xứ trong việc đưa ra thông báo, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rủi ro vốn có đối với cuộc sống trong đại dịch toàn cầu.

“Chúng ta đang sống trong một thời gian nguy hiểm và chúng ta có thể thấy trước rằng chúng ta sẽ có các linh mục và giáo dân bị nhiễm coronavirus, điều đó sẽ trở thành một phần của cuộc sống, điều quan trọng là cách chúng ta đối phó với nó.”

“Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy trước rằng trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, ngay bây giờ, chỗ nào cũng có những rủi ro. Ngay cả trong các siêu thị, luôn có rủi ro ở đó.”

Hơn 800 người đã chết vì coronavirus ở Minnesota và hơn 18, 000 người đã được chẩn đoán mắc bệnh này. Gần 100, 000 người được ghi nhận đã chết vì virus trên khắp Hoa Kỳ, với hơn 1.6 triệu người xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Đối với Đức Tổng Giám Mục Hebda, khó khăn của đại dịch nhấn mạnh sự cần thiết của công việc mục vụ.

“Hãy nhớ rằng, chúng tôi các Giám Mục có bổn phận long trọng, thực sự là một trách nhiệm, là phải cung cấp các chăm sóc tinh thần và phượng tự cho các tín hữu của chúng tôi, và trách nhiệm này bao gồm việc thực hiện nó một cách an toàn và có trách nhiệm.”

Đức Cha Hebda cũng kể với các phóng viên về một người đàn ông đã vượt thắng được tình trạng nghiện ngập kéo dài.

“Điều gì làm cho ông ta có thể chiến thắng được như thế. Thưa là vì ông đi dự Thánh Lễ mỗi buổi sáng và rước lễ sốt sắng.” Đức Tổng Giám Mục nói.


Source:Catholic News Agency
 
Siêu bão Amphan tàn phá ở Ấn Độ, Bangladesh
Đặng Tự Do
06:36 23/05/2020

Vatican News cho biết cơn bão dữ dội nhất thế kỷ này trong Vịnh Bengal đã đổ bộ vào bờ biển phía đông Ấn Độ và Bangladesh vào tối thứ Tư.

Lốc xoáy mạnh mẽ, với những cơn mưa xối xả, xé toạc các khu vực ven biển đông dân ở Ấn Độ và Bangladesh. Cơn bão đã thổi bay các mái nhà và thổi tung những con sóng nuốt chửng bờ kè và cầu, khiến toàn bộ nhiều ngôi làng không được tiếp cận với nước ngọt, điện và thông tin liên lạc.

Tương đương với một cơn bão loại 3, lốc Amphan với sức gió mạnh lên đến 170 km mỗi giờ có lúc tăng tốc tới 190 km một giờ đã tràn vào bờ buổi tối ngày 20 tháng Năm.

Hơn 2 triệu người đã được di tản khỏi nhà của họ ở các vùng trũng của Bangladesh. Trong khi đó hơn nửa triệu người ở hai bang miền Tây Ấn Độ là West Bengal và Odisha đã được chuyển từ các khu vực trũng thấp dễ bị tổn thương sang các nơi trú ẩn an toàn hơn.

Cơn bão đã tràn vào các khu vực rộng lớn với những tiếng gầm rú ghê rợn nhưng đã suy yếu kể từ khi đổ bộ. Nó đã giảm xuống thành một cơn bão lốc xoáy và giảm dần sau đó.

Ít nhất 82 người đã được báo cáo thiệt mạng khi các toán cấp cứu tìm kiếm những người sống sót vào hôm thứ Năm. Ở cả hai quốc gia, hầu hết các trường hợp tử vong là do bị các bức tường hay các thân cây sụp đổ đè chết, hay chết đuối. Một bức tranh rõ ràng hơn về thương vong và thiệt hại về nhân mạng và tài sản chỉ có thể được thực hiện khi liên lạc được khôi phục.

Các quan chức cảnh báo rằng công tác cứu trợ và sửa chữa sẽ trở nên khó khăn hơn bởi đại dịch coronavirus, hiện đã làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Lốc xoáy đến vào thời điểm hai nước đang chiến đấu để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Một số người di tản ban đầu miễn cưỡng rời khỏi nhà vì sợ bị nhiễm trùng trong các nhà tránh bão.

Theo Bộ trưởng Mamata Banerjee ở Tây Bengal, tác động của lốc xoáy Amphan là “tồi tệ hơn coronavirus”.

Các vùng đông dân cư ở phía nam West Bengal chịu thiệt hại nặng vì nước dâng cao do bão đẩy nước biển tràn ngập các thành phố trong đó có thành phố Kolkata, trước đây gọi là Calcutta.

Một phần lớn của đô thị đông đúc, với dân số 14.1 triệu người, và vùng ngoại ô của nó bị ngập lụt. Nhiều con đường và tài sản bị vùi lấp bởi những thân cây và xà bần.

Tại Bangladesh, ít nhất một triệu người đang không có điện. Hàng trăm ngôi làng đã bị nhấn chìm bởi một đợt thủy triều trên khắp khu vực ven biển rộng lớn. Khoảng một chục bờ kè chống lũ đã bị phá vỡ.


Source:Vatican News
 
Nhà hàng ngon nhất nước Mỹ nấu ăn miễn phí cho người nghèo
Đặng Tự Do
06:38 23/05/2020

Đầu bếp Daniel Humm tại Công viên Eleven Madison là người thường xuyên tiếp đãi các khách hạng sang trả tiền cho các bữa ăn ngon bằng thẻ tín dụng đen độc quyền. Tuy nhiên, anh cho biết phần thưởng đẹp nhất của anh trong cuộc khủng hoảng COVID-19 là nụ cười biết ơn của những người dân New York nghèo được nhà hàng gắn tới ba sao ngôi sao Michelin cung cấp thực phẩm sau khi nhà hàng này biến thành một bếp ăn bác ái trong thời đại dịch.

Nhà hàng Manhattan của anh được vinh danh là nhà hàng dẫn đầu vào năm 2017 trong số 50 nhà hàng tốt nhất thế giới bởi Học viện Nhà hàng Hoa Kỳ. Trong những ngày này, các đầu bếp tại đây đang chuẩn bị 3, 000 bữa ăn mỗi ngày cho những người làm việc ở tuyến đầu và những người kém may mắn của thành phố New York. Hầu hết các phần ăn được phân phối tại nhà thờ Công Giáo St Joseph of the Holy Family trong khu phố Harlem.

Đứng bên trong nhà hàng tối om bị đóng cửa vào giữa tháng Ba vì đại dịch coronavirus, anh nói với phóng viên Reuters:

“Có một ngày, một người nói với tôi: “Lạy Chúa tôi, đây là bữa ăn ngon nhất mà tôi từng được ăn trong đời’, ” Humm nói anh vui lắm khi nghe câu nói đó.

“Khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu xảy ra và chúng tôi phải tắt đèn, chúng tôi bị sốc như tất cả mọi người. Nhưng sau đó rất nhanh, chúng tôi cảm thấy chúng tôi nên giúp đỡ những người khác kém may mắn hơn bằng mọi cách có thể.”

Khi các khăn trải bàn bị lột sạch và các khách hàng hạng sang không còn nữa, nhà hàng trông cô đơn và lặng lẽ. Tuy nhiên, các hoạt động lại rất sôi nổi trong nhà bếp, nơi các bữa ăn được chuẩn bị để phân phối tại nhà thờ.”

Bằng cách tiếp tục hoạt động như thế này, các đầu bếp vẫn được anh trả lương và họ rất vui.

Humm cho biết anh sẽ tiếp tục nấu ăn không chỉ cho 1% những người quá may mắn trong xã hội mà còn cho những người phải đối mặt với tình trạng cực kỳ nghèo khổ.


Source:Reuters
 
Hoa Kỳ yêu cầu điều tra WHO ngay lập tức
Đặng Tự Do
06:39 23/05/2020
Hoa Kỳ đang yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới bắt đầu làm việc ngay lập tức để điều tra cả nguồn gốc của coronavirus mới và cách họ đối phó với đại dịch.

Đầu tuần này, trong một bức thư tweet cho tổng giám đốc của WHO, Tổng thống Trump đã đe dọa ngừng tài trợ vĩnh viễn cho cơ quan Liên Hợp Quốc này nếu họ không cam kết cải cách trong vòng 30 ngày. Thậm chí, Hoa Kỳ có thể rút lui khỏi WHO.

Ông Trump cáo buộc cơ quan này là ‘xoay quanh Trung Quốc’.

Hôm thứ Sáu, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bảo vệ hành động của tổ chức này.

“Kể từ khi bắt đầu đại dịch, WHO đã làm việc cả ngày lẫn đêm để phối hợp phản ứng toàn cầu ở tất cả ba cấp độ của tổ chức.”

Hơn 5.1 triệu trường hợp COVID-19 đã được báo cáo trên toàn thế giới - với hơn 300, 000 trường hợp tử vong.

Virus này đã xuất hiện ở thành phố Vũ Hán trung tâm của Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng rằng Trung Quốc cũng đã áp lực Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom để loại trừ Đài Loan khỏi hội nghị tuần này tại Geneva.

“Tôi hiểu rằng Tiến sĩ Tedros có một quan hệ gần gũi rất khác thường với Bắc Kinh, đã được nhen nhóm từ lâu trước khi đại dịch hiện nay bắt đầu, và đó thực sự gây quan ngại sâu sắc cho chúng tôi.”


Source:Reuters
 
Trước viễn ảnh bị các tôn giáo đồng loạt bất tuân, ông thống đốc Minnesota phải nới lỏng hạn chế tôn giáo.
Trần Mạnh Trác
19:17 23/05/2020
CNA Staff, 23 tháng năm 2020 / 01:46 MT ( CNA ).- Ông Thống đốc Minnesota đã ban hành một sắc lệnh cho phép các cuộc tụ họp thờ phượng với một số giới hạn, một ngày sau khi các giám mục cuả tiểu bang tuyên bố sẽ cho phép các Thánh lễ tiếp tục bất chấp các hạn chế trước đây cuả tiểu bang.

Các giám mục cho rằng các hạn chế là không công bằng đối với các dịch vụ tôn giáo, vì các doanh nghiệp và các thực thể khác trong tiểu bang đang được phép mở cửa lại với những qui tắc mới về an toàn chống lại coronavirus.

Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda của Saint Paul và Minneapolis cho biết ngài hoan nghênh sắc lệnh mới này của Thống đốc Tim Walz. Trong một lá thư ngày 23 tháng 5 gửi cho các giáo xứ của tổng giáo phận, ngài cảm ơn ông thống đốc đã chấp nhận đối thoại và đi đến một giải pháp tôn trọng sự an toàn và tự do tôn giáo.

“Như quí bạn đã biết, các giám mục Công Giáo ở Minnesota tin rằng những giới hạn trước đây chỉ cho phép 10 người trong các cuộc tụ họp tôn giáo là một gánh nặng vô lý cho Giáo hội để có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu bí tích của tín hữu chúng ta, ” Đức Tổng Giám Mục Heb Hebda nói trong thư.

“Trong khi có sự nới lỏng cho các hoạt động khác, ít thiết yếu hơn (mà vẫn tiếp tục giới hạn các hoạt động tôn giáo), thì nhiều người thấy rằng đời sống đức tin đang bị đối xử một cách bất bình đẳng, ” ngài nói tiếp. “Sắc lệnh mới đã xóa bỏ gánh nặng vô lý đó đối với Giáo hội và cho phép chúng ta mang Bí tích Thánh Thể, thức ăn của sự sống bất diệt, đến với cộng đồng của chúng ta.”

Nhắc lại, sắc lệnh cuả tiểu bang ngày 13 tháng 5 đã bắt đầu giai đoạn thứ hai của Minnesota để đối phó với đại dịch coronavirus. Sắc Lệnh, do Thống đốc Walz ban hành, mở lại các doanh nghiệp bán lẻ và dần dần mở lại các nhà hàng và quán bar, nhưng vẫn giới hạn các dịch vụ tôn giáo ở mức 10 người trở xuống, và không đưa ra một thời gian nào để nới lỏng các hạn chế tôn giáo.

Vào ngày 20 tháng 5, các giám mục của tiểu bang Minnesota cho biết họ sẽ cho phép các giáo xứ tiếp tục các Thánh lễ công cộng với một số giáo dân bằng một phần ba sức chứa cuả nhà thờ vào ngày 26 tháng 5, bất chấp sắc lệnh mới cuả tiểu bang.

Các giám mục nói rằng lệnh của ông thống đốc là quá đáng, đến mức vô lý, vì các cửa hàng và trung tâm mua sắm được phép có một số lượng khách hàng đáng kể lớn hơn. Các giám mục nói rằng họ tin rằng Thánh Lễ có thể được nối lại mà vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe.

Các giám mục cho biết họ đã cố gắng làm việc với các nhà lãnh đạo dân sự, nhưng không nhận được một mốc thời gian cụ thể hoặc một lộ trình hợp lý để nối lại các Thánh lễ công cộng. Các nhà thờ Lutheran trong khu vực cũng đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại, bất kể ông thống đốc có cho phép hay không.

Quỹ Becket tự do tôn giáo, đã hợp tác với công ty luật Sidley Austin để đưa ra mối quan tâm về tự do tôn giáo với ông thống đốc. Hội đồng các GM Công Giáo Minnesota và Giáo hội Lutheran Missouri đã làm việc với văn phòng thống đốc để lập ra một kế hoạch cho các nhà thờ mở cửa một cách an toàn và có trách nhiệm vào ngày 27 tháng 5.

Mặc dù các giám mục ở tiểu bang Minnesota ban đầu đã cho phép các Thánh lễ công khai vào ngày 26 tháng 5, đức Tổng GM Hebda giải thích rằng chớ thêm một ngày nữa (tức là ngày 27/5) sẽ cho phép các giáo xứ có cơ hội xem xét lại các kế hoạch dựa trên các nghi thức mới, được phát triển với sự giúp đỡ của các quan chức y tế công cộng.

Các qui tắc mới này bao gồm sự tham dự ở mức 25% sức chứa của nhà thờ, hoặc tối đa là 250 người, tức là ít hơn công suất một phần ba mà các giám mục đã đề xuất lúc ban đầu.

“Dù cho có những sửa đổi này, chúng tôi hy vọng rằng các giáo xứ đã từng có kế hoạch hội họp vào Chủ nhật, ngày 31 tháng 5, để mừng lễ Ngũ tuần và kết thúc mùa Phục sinh, vẫn có thể làm điều đó, ” ĐTGM Hebda nói.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng ông Thống đốc Walz tỏ ý tin tưởng rằng các cộng đồng đức tin sẽ thực hiện các quyết định có trách nhiệm khi họ tập hợp để thờ phượng công cộng.

“Các giám mục của bang Minnesota đã nhiều lần nói với các mục tử và giáo xứ rằng họ chỉ nên mở lại Thánh lễ công khai khi họ có thể và sẵn sàng tuân theo những qui tắc đã được đưa ra - bao gồm vệ sinh và một vài thay đổi trong phụng vụ, đặc biệt là về việc rước lễ [bằng tay], ” ngài nói. “Nếu một giáo xứ không tin rằng họ đã sẵn sàng, thì họ không nên mở cửa. Chấm hết."

Những thay đổi khác trong phụng vụ bao gồm sự đình chỉ nghi thức chào Hòa bình và việc khử trùng tay của các thừa tác viên Thánh Thể trước khi phân phát Mình Thánh.

Đức TGM Hebda khen ngợi sự hy sinh của các tín hữu trong tổng giáo phận, là những người đã không thể nhận Bí tích Thánh Thể trong nhiều tuần gần đây, và ngài nhắc lại rằng phép chuẩn về việc tham dự Thánh lễ Chuá Nhật vẫn còn hiệu lực, và những người bị bệnh, dễ bị tổn thương hoặc không thoải mái đi tham dự Thánh lễ tại thời điểm này thì nên ở nhà.

Ngài cũng cảm ơn các linh mục đã tiếp tục coi xóc giáo dân và những người bệnh, dù cho có nhiều rủi ro. Ngài kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người bệnh và những người lâm tử, cho những nhân viên cứu cấp và nhân viên chăm sóc sức khỏe, và cho sự chấm dứt nạn đại dịch.

Ông Eric Rassbach, phó chủ tịch và luật sư cao cấp cuả Becket, nói rằng Minnesota là một mô hình cho các tiểu bang khác về việc đóng cửa các nhà thờ.

“Thống đốc Walz đáng được khen ngợi vì cái nhìn sáng suốt, ” ông luật sư nói. “Tiểu bang Minnesota đang nêu ra một tấm gương bằng cách nhận ra tầm quan trọng của việc đối xử bình đẳng với các nhà thờ, và các dịch vụ thờ phượng có thể được tiến hành một cách an toàn, trong hợp tác và có trách nhiệm.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
LM. Cha Vincent Bùi Đoàn PSS, thuộc Ban giám đốc ĐCV Mẹ Lên Trời ở San Antonio bị nhiễm Covid-19
Lm Antôn Phạm Hữu Tâm, TTK-LD
08:09 23/05/2020
HOUSTON - Cha Nguyễn Khắc Hy báo tin: “Cha Vincent Bùi Đoàn PSS là thành viên Tu Hội Xuân Bích Hoa Kỳ, hiện đang phục vụ trong ban giám đốc đại chủng viện Mẹ Lên Trời ở San Antonio. Cha bị nhiễm Covid-19 và được điều trị trong nhà thương suốt tuần qua. Vì gặp khó khăn trong việc hô hấp, nhà thương cho cha dùng máy trợ thở trong vài ngày đầu, nhưng không thấy có dấu hiệu tiến triể, họ đã dùng ECMO trị liệu, một dạng trợ thở cấp cao dành cho những người trong tình trạng nguy cập. Hiện tình trạng cha Đoàn ổn định, nhưng chưa có tiến triển khả quan".

Xin anh em linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân tiếp tục cầu nguyện cho cha Đoàn được nhanh chóng phục hồi sức khoẻ. Xin Thiên Chúa ban nhiều ơn lành, và bảo vệ anh em chúng ta.
 
Thượng viện Tiểu Bang California vinh danh LM Trần Công Nghị về những đóng góp cho Cộng đồng
Ken Khanh Nguyễn
10:18 23/05/2020
THƯỢNG VIÊN CALIFORNIA -- Tháng Di Sản người gốc Á và Thái Bình Dương (API Heritage) được tổ chức vào tháng 5 mỗi năm tại Hoa Kỳ để ghi nhớ những thành tựu và đóng góp của người dân gốc Á và Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ.;

Vào ngày 15.5.2020 năm nay Thượng Viện Tiểu Bang California và Đơn vị Dân biểu 34 vinh danh LM John Trần Công Nghị, sáng lập VietCatholic, vì những đóng góp cho thành công của Cộng đồng chúng ta.

Thượng Nghị Sĩ Thomas J. Umberg đã đưa Bằng Khen Thưởng cho LM Giám đốc VietCatholic

 
VietCatholic TV
Đau đớn: Linh mục Việt chết thảm vì virus Tầu. Dồn dập các tai họa kinh hoàng trong vùng Nam Á
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:33 23/05/2020

1. Linh mục Việt Nam chết vì coronavirus không ai hay biết

Hôm 21 tháng Năm, các linh mục Việt Nam tại Houston Texas đã cử hành thánh lễ an táng cho cha Phêrô Nguyễn Văn Thơm, gốc giáo phận Vĩnh Long. Ngài qua đời chính xác vào thời điểm nào đến nay vẫn chưa ai biết chính xác.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Thơm năm nay 69 tuổi. Ngài là chủng sinh qua Mỹ trễ. Sau đó, ngài sang Đài Loan học đại chủng viện và chịu chức tại đây. Sau một thời gian phục vụ tại Đài Loan, ngài trở về Mỹ. Vì không có cơ hội làm mục vụ ở Hoa Kỳ, lâu nay Cha phải làm các công việc lao động chân tay để sinh sống. Tuần trước, Cha qua đời trong phòng thuê mà không ai biết.

Trong thông báo về cái chết của ngài, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ kêu gọi các linh mục và anh chị em giáo dân cầu nguyện cho linh hồn thầy cả Phêrô.

2. Tổng thống Donald Trump kêu gọi thống đốc các tiểu bang: Hãy để các nơi thờ phượng mở cửa vào cuối tuần này

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng kêu gọi các tiểu bang trên toàn cõi Hoa Kỳ hãy cho phép các nơi thờ phượng được mở cửa trở lại ngay vào cuối tuần này, và cảnh báo ông sẽ phủ quyết lệnh của các thống đốc không làm như vậy.

Diễn biến này đã xảy ra sau khi các Giám Mục tại California khiếu nại lên Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ về thái độ kỳ thị tôn giáo của thống đốc Gavin Newsom.

Đáp lại các khiếu nại của các Giám Mục, trong tuyên bố gởi thống đốc Gavin Newsom, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ khẳng định:

“Tôn giáo và việc thờ phượng tiếp tục là trung tâm trong cuộc sống của hàng triệu người Mỹ. Điều này đúng hơn bao giờ hết. Cộng đồng tôn giáo đã làm hết sức để bảo vệ cộng đồng của mình khỏi bị lây lan căn bệnh này bằng cách thực hiện các cử hành trực tuyến, trong bãi đậu xe, hoặc ngoài trời, và trong nhà với đa số ghế trống không, và trong rất nhiều cách sáng tạo khác tuân thủ đúng khoảng cách xã hội và các hướng dẫn vệ sinh.”

Bộ Tư Pháp khẳng định việc thống đốc Gavin Newsom cho phép các nhà hàng và các doanh nghiệp khác mở cửa trở lại theo các hướng dẫn về khoảng cách xã hội nhưng không cho các nơi thờ phượng được mở cửa trở lại là một tiêu chuẩn kép.

Trong một diễn biến khác, các Giám Mục tại Minnesota cho biết các ngài đã thất bại trong việc thuyết phục thống đốc Tim Walz cho các nơi thờ phượng được mở cửa trở lại. Các cửa hàng và các doanh nghiệp khác đã được mở lại miễn là không đạt tới hơn 50 phần trăm khả năng sức chứa của cơ sở. Trong khi đó, các nhà thờ bất kể to lớn đến đâu cũng chỉ được 11 người. Các vị cảm thấy bị đối xử bất công nên quyết định rằng bất chấp lệnh của thống đốc Tim Walz, các nhà thờ sẽ được mở lại vào cuối tuần này.

Xuất hiện trong phòng họp của Tòa Bạch Ốc, tổng thống Trump nói rằng ông khẳng định rằng những nơi thờ phượng như nhà thờ, hội đường và các đền thờ Hồi giáo đang cung cấp các dịch vụ thiết yếu và do đó phải được mở càng sớm càng tốt.

Các nơi thờ phượng đã bị đóng cửa như một phần của lệnh cách ly mà hầu hết các tiểu bang đã đưa ra để cố gắng kiểm soát sự lây lan của coronavirus. Với tỷ lệ nhiễm trùng đang giảm sút ở nhiều khu vực, áp lực yêu cầu mở cửa trở lại các nơi thờ phượng đã diễn ra ở nhiều tiểu bang.

Tổng thống Trump đã đưa ra một cảnh báo cho các thống đốc từ chối yêu cầu của ông nhưng không nói dựa trên thẩm quyền nào ông sẽ hành động để buộc mở lại các cơ sở tôn giáo.

“Nếu họ không làm điều đó, tôi sẽ phủ quyết các thống đốc. Ở Mỹ, chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn chứ không phải là ít hơn, ” ông nói.

Hiệp hội các Thống đốc Quốc gia từ chối bình luận. Tổng thống Trump đã nhiều lần tranh cãi trong suốt thời gian đại dịch về việc liệu ông hay các thống đốc có nhiều quyền lực hơn để thực hiện các biện pháp liên quan đến sự lây lan COVID-19.

Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên lực lượng đặc nhiệm coronavirus của Nhà Trắng, khuyến khích các tín hữu có nguy cơ nhiễm virus không nên đi hoặc chờ đợi lâu hơn rồi hãy tham dự các cử hành tôn giáo.

Hướng dẫn mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến khích các tín hữu chỉ cúi đầu hoặc vẫy tay thay vì bắt tay, ôm hoặc hôn má.


Source:Reuters

3. Siêu bão Amphan tàn phá ở Ấn Độ, Bangladesh

Vatican News cho biết cơn bão dữ dội nhất thế kỷ này trong Vịnh Bengal đã đổ bộ vào bờ biển phía đông Ấn Độ và Bangladesh vào tối thứ Tư.

Lốc xoáy mạnh mẽ, với những cơn mưa xối xả, xé toạc các khu vực ven biển đông dân ở Ấn Độ và Bangladesh. Cơn bão đã thổi bay các mái nhà và thổi tung những con sóng nuốt chửng bờ kè và cầu, khiến toàn bộ nhiều ngôi làng không được tiếp cận với nước ngọt, điện và thông tin liên lạc.

Tương đương với một cơn bão loại 3, lốc Amphan với sức gió mạnh lên đến 170 km mỗi giờ có lúc tăng tốc tới 190 km một giờ đã tràn vào bờ buổi tối ngày 20 tháng Năm.

Hơn 2 triệu người đã được di tản khỏi nhà của họ ở các vùng trũng của Bangladesh. Trong khi đó hơn nửa triệu người ở hai bang miền Tây Ấn Độ là West Bengal và Odisha đã được chuyển từ các khu vực trũng thấp dễ bị tổn thương sang các nơi trú ẩn an toàn hơn.

Cơn bão đã tràn vào các khu vực rộng lớn với những tiếng gầm rú ghê rợn nhưng đã suy yếu kể từ khi đổ bộ. Nó đã giảm xuống thành một cơn bão lốc xoáy và giảm dần sau đó.

Ít nhất 82 người đã được báo cáo thiệt mạng khi các toán cấp cứu tìm kiếm những người sống sót vào hôm thứ Năm. Ở cả hai quốc gia, hầu hết các trường hợp tử vong là do bị các bức tường hay các thân cây sụp đổ đè chết, hay chết đuối. Một bức tranh rõ ràng hơn về thương vong và thiệt hại về nhân mạng và tài sản chỉ có thể được thực hiện khi liên lạc được khôi phục.

Các quan chức cảnh báo rằng công tác cứu trợ và sửa chữa sẽ trở nên khó khăn hơn bởi đại dịch coronavirus, hiện đã làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Lốc xoáy đến vào thời điểm hai nước đang chiến đấu để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Một số người di tản ban đầu miễn cưỡng rời khỏi nhà vì sợ bị nhiễm trùng trong các nhà tránh bão.

Theo Bộ trưởng Mamata Banerjee ở Tây Bengal, tác động của lốc xoáy Amphan là “tồi tệ hơn coronavirus”.

Các vùng đông dân cư ở phía nam West Bengal chịu thiệt hại nặng vì nước dâng cao do bão đẩy nước biển tràn ngập các thành phố trong đó có thành phố Kolkata, trước đây gọi là Calcutta.

Một phần lớn của đô thị đông đúc, với dân số 14.1 triệu người, và vùng ngoại ô của nó bị ngập lụt. Nhiều con đường và tài sản bị vùi lấp bởi những thân cây và xà bần.

Tại Bangladesh, ít nhất một triệu người đang không có điện. Hàng trăm ngôi làng đã bị nhấn chìm bởi một đợt thủy triều trên khắp khu vực ven biển rộng lớn. Khoảng một chục bờ kè chống lũ đã bị phá vỡ.


Source:Vatican News

4. Tai nạn máy bay kinh hoàng tại Pakistan

Một chiếc máy bay Airbus của hãng hàng không quốc tế Pakistan với 99 người trên máy bay đã đâm vào các tòa nhà dân cư ở thành phố Karachi của Pakistan vào chiều thứ Sáu khi gần đáp xuống sân bay.

Ít nhất hai hành khách sống sót nhưng người ta âu lo những người khác đã chết.

Khói bốc lên khi chiếc Airbus trong chuyến bay PK 8303 rơi xuống vào khoảng 2:45 chiều giờ địa phương. Các phần thân máy bay xoắn lại nằm trong đống đổ nát của các tòa nhà nhiều tầng khi xe cứu thương chạy qua đám đông hỗn loạn.

Chính quyền tỉnh Sindh cho biết ít nhất có hai hành khách sống sót - bao gồm Zafar Masood, chủ tịch của Ngân hàng Punjab. Ngân hàng cho biết ông đã bị một số vết thương nhưng đã tỉnh táo.

Seemin Jamali, giám đốc điều hành tại Bệnh viện Jinnah gần đó, cho biết 17 xác chết và sáu người bị thương đã được đưa vào bệnh viện. Chưa có ước tính về thương vong trên mặt đất.

“Chiếc máy bay đầu tiên lao vào một tháp cao được dựng lên để cung cấp các dịch vụ điện thoại di động và sau đó rơi trên các ngôi nhà”, một cư dân địa phương cho biết. Một người khác cho biết khi chiếc máy bay đâm vào tháp điện thoại di động, nó vỡ ra làm hai phần tách biệt trước khi rớt xuống các ngôi nà bên dưới.

Chiếc máy bay Airbus A320 đang bay từ thành phố Lahore phía đông Pakistan đến thành phố Karachi ở phía nam khi Pakistan đang nối lại các chuyến bay nội địa sau đại dịch coronavirus.

Vụ tai nạn xảy ra vào đêm trước lễ hội Eid của người Hồi giáo, khi người Pakistan có truyền thống đi thăm người thân.

Chiếc máy bay đang cố gắng hạ cánh lần thứ hai sau khi thất bại trong một cố gắng đáp xuống trước đó.

Phi công nói với đài kiểm soát không lưu rằng hai động cơ trên máy bay đã ngừng hoạt động, theo một đoạn ghi âm được đăng trên trang liveatc.net, một trang web giám sát hàng không.

Thủ tướng Imran Khan cho biết ông rất buồn trước tai nạn kinh hoàng này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng gửi lời chia buồn.

Thảm họa máy bay tồi tệ nhất tại Pakistan là vào năm 2010, khi một chuyến bay của AirBlue bị rơi gần Islamabad, khiến 152 người thiệt mạng.


Source:Reuters

5. Đầu bếp ở New York biến nhà hàng sang trọng được gắn sao Michelin thành bếp ăn bác ái trong cuộc khủng hoảng COVID-19

Đầu bếp Daniel Humm tại Công viên Eleven Madison là người thường xuyên tiếp đãi các khách hạng sang trả tiền cho các bữa ăn ngon bằng thẻ tín dụng đen độc quyền. Tuy nhiên, anh cho biết phần thưởng đẹp nhất của anh trong cuộc khủng hoảng COVID-19 là nụ cười biết ơn của những người dân New York nghèo được nhà hàng gắn tới ba sao ngôi sao Michelin cung cấp thực phẩm sau khi nhà hàng này biến thành một bếp ăn bác ái trong thời đại dịch.

Nhà hàng Manhattan của anh được vinh danh là nhà hàng dẫn đầu vào năm 2017 trong số 50 nhà hàng tốt nhất thế giới bởi Học viện Nhà hàng Hoa Kỳ. Trong những ngày này, các đầu bếp tại đây đang chuẩn bị 3, 000 bữa ăn mỗi ngày cho những người làm việc ở tuyến đầu và những người kém may mắn của thành phố New York. Hầu hết các phần ăn được phân phối tại nhà thờ Công Giáo St Joseph of the Holy Family trong khu phố Harlem.

Đứng bên trong nhà hàng tối om bị đóng cửa vào giữa tháng Ba vì đại dịch coronavirus, anh nói với phóng viên Reuters:

“Có một ngày, một người nói với tôi: “Lạy Chúa tôi, đây là bữa ăn ngon nhất mà tôi từng được ăn trong đời’, ” Humm nói anh vui lắm khi nghe câu nói đó.

“Khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu xảy ra và chúng tôi phải tắt đèn, chúng tôi bị sốc như tất cả mọi người. Nhưng sau đó rất nhanh, chúng tôi cảm thấy chúng tôi nên giúp đỡ những người khác kém may mắn hơn bằng mọi cách có thể.”

Khi các khăn trải bàn bị lột sạch và các khách hàng hạng sang không còn nữa, nhà hàng trông cô đơn và lặng lẽ. Tuy nhiên, các hoạt động lại rất sôi nổi trong nhà bếp, nơi các bữa ăn được chuẩn bị để phân phối tại nhà thờ.”

Bằng cách tiếp tục hoạt động như thế này, các đầu bếp vẫn được anh trả lương và họ rất vui.

Humm cho biết anh sẽ tiếp tục nấu ăn không chỉ cho 1% những người quá may mắn trong xã hội mà còn cho những người phải đối mặt với tình trạng cực kỳ nghèo khổ.


Source:Reuters

6. Hoa Kỳ yêu cầu bắt đầu tái xét WHO ngay lập tức

Hoa Kỳ đang yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới bắt đầu làm việc ngay lập tức để điều tra cả nguồn gốc của coronavirus mới và cách họ đối phó với đại dịch.

Đầu tuần này, trong một bức thư tweet cho tổng giám đốc của WHO, Tổng thống Trump đã đe dọa ngừng tài trợ vĩnh viễn cho cơ quan Liên Hợp Quốc này nếu họ không cam kết cải cách trong vòng 30 ngày. Thậm chí, Hoa Kỳ có thể rút lui khỏi WHO.

Ông Trump cáo buộc cơ quan này là ‘xoay quanh Trung Quốc’.

Hôm thứ Sáu, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bảo vệ hành động của tổ chức này.

“Kể từ khi bắt đầu đại dịch, WHO đã làm việc cả ngày lẫn đêm để phối hợp phản ứng toàn cầu ở tất cả ba cấp độ của tổ chức.”

Hơn 5.1 triệu trường hợp COVID-19 đã được báo cáo trên toàn thế giới - với hơn 300, 000 trường hợp tử vong.

Virus này đã xuất hiện ở thành phố Vũ Hán trung tâm của Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng rằng Trung Quốc cũng đã áp lực Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom để loại trừ Đài Loan khỏi hội nghị tuần này tại Geneva.

“Tôi hiểu rằng Tiến sĩ Tedros có một quan hệ gần gũi rất khác thường với Bắc Kinh, đã được nhen nhóm từ lâu trước khi đại dịch hiện nay bắt đầu, và đó thực sự gây quan ngại sâu sắc cho chúng tôi.”


Source:Reuters
 
Diễn biến đang gây sóng gió: Vị Tổng Giám Mục Hoa Kỳ bất tuân dân sự tái tục thánh lễ lên tiếng
Giáo Hội Năm Châu
17:38 23/05/2020

Một trong những tin đáng chú ý trong tuần qua là việc các Giám Mục tại tiểu bang Minnesota bất tuân dân sự yêu cầu các linh mục tái tục các Thánh lễ bất kể các cấm đoán của thống đốc Tim Walz.

Các cửa hàng và các doanh nghiệp khác đã được mở lại miễn là không đạt tới hơn 50 phần trăm khả năng sức chứa của cơ sở. Trong khi đó, các nhà thờ bất kể to lớn đến đâu cũng chỉ được 11 người. Các vị cảm thấy bị đối xử bất công nên quyết định rằng bất chấp lệnh của thống đốc Tim Walz, các nhà thờ phải được mở lại.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường thuật sau về vụ này.

Một ngày sau khi thông báo rằng các giáo xứ ở Minnesota có thể bỏ qua một lệnh toàn tiểu bang về các cuộc tụ họp tôn giáo, Đức Tổng Giám Mục St. Paul và Minneapolis đã giải thích động cơ mục vụ dẫn đến quyết định này.

Người Công Giáo “thực sự phụ thuộc vào Thánh Thể để vượt qua những thách thức trong cuộc sống của họ, ” Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda nói với các phóng viên ngày 21 tháng Năm.

“Việc tiếp nhận Thánh Thể là vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể có cơ hội rước Mình Thánh Chúa bằng cách livestream.”

Phát biểu tại một cuộc họp báo chiều thứ Năm 21 tháng Năm, Đức Cha Hebda cho biết quyết định ngày 20 tháng Năm của các Giám Mục tiểu bang Minnesota bất tuân dân sự liên quan đến lệnh cấm các cuộc tụ họp tôn giáo hơn 10 người là một quyết định mục vụ.

“Chúng tôi có trách nhiệm chăm sóc các nhu cầu tâm linh của người dân, ” Đức Cha Hebda nhấn mạnh.

Nhận xét của Tổng Giám Mục được đưa ra một ngày sau khi có quyết định lịch sử rằng sáu giáo phận trong tiểu bang Minnesota sẽ cho phép các giáo xứ tiếp tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự trong bối cảnh đại dịch coronavirus, bất tuân các lệnh dân sự liên quan đến đại dịch.

Các Giám Mục Minnesota nói rằng các giáo xứ có thể cử hành các thánh lễ có công chúng vào tuần tới, nếu số người tham dự không quá 33% công suất xây dựng, và các giáo xứ phải tuân theo các giao thức vệ sinh và phụng vụ nghiêm ngặt được thiết kế với sự tư vấn của các chuyên gia y tế công cộng.

Theo gương các Giám Mục Công Giáo, Hội Đồng Lutheran Missouri cũng ra một thông báo bất tuân dân sự và cho phép các mục sư mở lại các buổi thờ phượng với một sự nghiêm ngặt tương tự trong việc áp dụng các giao thức phòng dịch.

Phát biểu hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục Hebda nói rằng ngài không có cơ hội nói chuyện với Thống đốc bang Minnesota là ông Tim Walz trong những ngày dẫn đến quyết định của các Giám Mục, nhưng ngài sẽ làm như vậy vào hôm thứ Năm. Thống đốc Walz nói rằng ông sẽ nói chuyện với các Giám Mục của tiểu bang cùng với các cơ quan y tế công cộng tiểu bang vào chiều ngày thứ Năm.

Đề cập đến thống đốc Walz, Đức Tổng Giám Mục Hebda nói:

“Đây là thời điểm có những thách thức rất lớn, và tôi nhìn nhận rằng ông ta có một số công việc rất khó khăn. Chúng tôi muốn giúp tất cả người dân Minnesota vượt qua đại dịch này. Tôi mong đợi cuộc trò chuyện của chúng tôi, nhưng tôi có thể nói với bạn tôi hy vọng Thống đốc thay đổi suy nghĩ của mình.”

Cho đến nay không rõ liệu các linh mục hoặc Giám Mục bắt đầu cử hành thánh lễ có công chúng vào tuần tới có thể phải đối mặt với các hình phạt dân sự hay không. Tuy nhiên, Đức Cha Hebda nói ngài “hy vọng là sẽ không có xung đột, và tôi tin rằng chúng ta sẽ đi đến một thỏa thuận nào đó.”

“Tôi hy vọng rằng khi thực sự có cơ hội để nói chuyện với thống đốc chúng tôi có thể tìm thấy nhiều điểm chung hơn.”

Đức Tổng Giám Mục cũng cho biết ngài tin rằng các Giám Mục “có một vị thế vững chắc từ góc độ pháp lý”. Vào ngày 20 tháng Năm, Becket Law, một công ty luật ủng hộ tự do tôn giáo, đã gửi cho thống đốc Walz một lá thư trong đó nêu bật các cơ sở pháp lý cho phép các giáo xứ Công Giáo và Luther trong bang Minnesota bất tuân dân sự trong trường hợp này dựa trên tu chính án thứ nhất về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ.

Trong cuộc chiến tương tự tại California liên quan đến việc mở lại các nhà thờ, các quan chức của Bộ Tư pháp liên bang đã can thiệp và lập luận rằng trừ khi thống đốc Gavin Newsom có thể chứng minh rằng các nhà thờ có một số rủi ro cụ thể trong việc lây nhiễm virus, đối với các nơi thờ phượng, ông ta không thể áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn các nơi công cộng khác như siêu thị, các nhà hàng, và các trung tâm giải trí là những nơi đã được mở cửa trở lại.

Tại Minnesota, các doanh nghiệp bán lẻ được phép mở đến 50% công suất, và vào ngày 1 tháng Sáu, các tiệm hớt tóc và các tiệm xăm sẽ mở cửa trở lại, và các nhà hàng sẽ dần mở cửa như bình thường.

Hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục Hebda cho biết sự bình đẳng trong pháp luật là quan trọng.

“Rõ ràng, một phần trong đức tin của chúng tôi là chúng tôi muốn tôn trọng thẩm quyền chính đáng của chính quyền dân sự, đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi đã thực sự cố gắng để tiếp cận với thống đốc và chính quyền của ông để giải thích các nhu cầu của Giáo Hội chúng tôi”, Đức Tổng Giám Mục Hebda nói với các phóng viên,

Vẫn chưa có bất kỳ phản hồi chính thức nào từ Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ hoặc từ Tòa thánh liên quan đến thông báo bất tuân dân sự của các Giám Mục bang Minnesota.

Khi các Giám Mục Ý nêu lên sự phản đối của các ngài vào cuối tháng 4 trước quyết định tiếp tục đình chỉ các Thánh lễ công cộng trong cả nước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không đề cập trực tiếp đến vấn đề này, nhưng đã ca ngợi đức tính vâng phục trong một Thánh lễ vài ngày sau đó.

Về phần mình, Đức Cha Hebda thừa nhận rằng không có biện pháp phòng ngừa vệ sinh nào là đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus và nhìn nhận rằng một giáo xứ bên ngoài thành phố Minneapolis đã thông báo rằng ít nhất một linh mục trong giáo xứ đã xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Trong khi đánh giá cao sự minh bạch và nhanh chóng của giáo xứ trong việc đưa ra thông báo, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rủi ro vốn có đối với cuộc sống trong đại dịch toàn cầu.

“Chúng ta đang sống trong một thời gian nguy hiểm và chúng ta có thể thấy trước rằng chúng ta sẽ có các linh mục và giáo dân bị nhiễm coronavirus, điều đó sẽ trở thành một phần của cuộc sống, điều quan trọng là cách chúng ta đối phó với nó.”

“Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy trước rằng trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, ngay bây giờ, chỗ nào cũng có những rủi ro. Ngay cả trong các siêu thị, luôn có rủi ro ở đó.”

Hơn 800 người đã chết vì coronavirus ở Minnesota và hơn 18, 000 người đã được chẩn đoán mắc bệnh này. Gần 100, 000 người được ghi nhận đã chết vì virus trên khắp Hoa Kỳ, với hơn 1.6 triệu người xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Đối với Đức Tổng Giám Mục Hebda, khó khăn của đại dịch nhấn mạnh sự cần thiết của công việc mục vụ.

“Hãy nhớ rằng, chúng tôi các Giám Mục có bổn phận long trọng, thực sự là một trách nhiệm, là phải cung cấp các chăm sóc tinh thần và phượng tự cho các tín hữu của chúng tôi, và trách nhiệm này bao gồm việc thực hiện nó một cách an toàn và có trách nhiệm.”

Đức Cha Hebda cũng kể với các phóng viên về một người đàn ông đã vượt thắng được tình trạng nghiện ngập kéo dài.

“Điều gì làm cho ông ta có thể chiến thắng được như thế. Thưa là vì ông đi dự Thánh Lễ mỗi buổi sáng và rước lễ sốt sắng.” Đức Tổng Giám Mục nói.


Source:Catholic News Agency