Ngày 29-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm: Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa - Chúa nhật tuần 8 Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:47 29/05/2018
LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA. B
Mc. 14: 12-16. 22-26
THẦN LƯƠNG


Chính Ta là bánh trường sinh,
Ai ăn sẽ sống, thiên linh rạng ngời.
Bánh từ trời xuống trong đời,
Thịt ban sự sống, cho người trần gian.
Nhóm người Do-thái lạm bàn,
Làm sao thịt máu, trao ban cho đời?
Còn Ta bảo thật các người,
Nếu không ăn Thịt, Ngôi Lời Ta đây,
Và không uống Máu Thánh nầy,
Sẽ không được sống, cùng Thầy mãi đâu.
Ai ăn Thịt Máu nhiệm mầu,
Muôn đời sự sống, thỉnh cầu phúc ân.
Thịt Ta là thật của ăn,
Máu Ta nguồn sống, thế nhân gọi mời,
Thân Ta lương thực bởi trời,
Dưỡng nuôi người thế, sống đời thánh nhân.
Man-na ban xuống gian trần,
Ăn rồi phải chết, xác thân bụi tàn.
Thần lương Thánh Thể Cha ban,
Chan hòa sức sống, tràn lan phúc lành.

Mình Máu Thánh Chúa là món qùa qúi báu nhất Chúa đã ban cho Giáo Hội. Chúa Giêsu đã dùng bánh và rượu vừa là của ăn nuôi dưỡng và vừa có thể ở lại với chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể. Tình yêu bao la phát sinh từ trái tim yêu thương cao vời.

Bí Tích Thánh Thể là một nhiệm tích tuyệt hảo. Chúa hiện diện với con cái của Ngài. Chúa hiện diện qua Bí Tích để chúng ta tôn thờ, để làm của ăn đường và là nguồn ủi an cho những ai muốn chạy đến bên Ngài. Chúa Giêsu hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể. Sau mỗi lần linh mục chủ tế đọc lời truyền phép trên bánh và rượu, linh mục tuyên xưng rằng: Đây là mầu nhiệm đức tin. Mắt phàm không nhìn thấy, giác quan không cảm, chúng ta chỉ lấy đức tin bù lại.

Hàng năm nhiều Giáo Xứ hay có cuộc rước Thánh Thể. Năm đó, có một cậu bé khoảng 10 tuổi, đi theo cuộc rước. Linh mục thường dừng lại ở một vài nơi người ta đã chuẩn bị bàn thờ. Cậu bé hỏi mẹ rằng: tại sao Chúa Giêsu không ghé vào nhà mình. Mẹ của cậu nói: con hãy hỏi cha. Cha đồng ý năm tới sẽ rước Chúa Giêsu sẽ ghé thăm nhà cậu. Cậu rất hãnh diện và nói rằng tôi sẽ đi theo và làm việc với Chúa. Ít năm sau, cậu đã trở thành linh mục của Chúa. Cậu hiểu rõ sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí Tích thánh Thể.

Chúa đã biến đổi tấm bánh nhỏ mọn thành Mình Thánh Chúa. Bên nhà tạm, có đèn chầu đốt suốt ngày đêm. Đây là dấu chỉ sự hiện của Chúa. Nơi đó Chúa mòn mỏi chờ đợi chúng ta đến với Chúa để tâm sự và tìm nguồn ủi an. Bí Tích Thánh Thể chính là trung tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Chúa hiện diện trong Thánh Thể cũng giống như Ngài hiện diện với các Tông đồ trong bữa tiệc ly xưa.

Trong thế kỷ 20 vẫn còn có những sự kiện lạ về Bí Tích Thánh Thể. Như cha Piô Năm Dấu và chị Têrêxa Neuman suốt mấy chục năm không ăn uống chi, mà chỉ sống nhờ rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Đó là những dấu lạ xảy ra hiển nhiên. Khoa học cũng không giải thích được.

Chúng ta vui mừng được đón nhận chính Chúa vào tâm hồn. Chúng ta không xứng đáng được Chúa tới thăm như chúng ta thường đọc trước khi rước lễ: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh. Mỗi khi chúng ta rước Chúa là chúng được dưỡng nuôi bằng chính bánh trường sinh.

THỨ HAI, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
(Tob 1, 1a-2. 2, 1-9; Mc 12, 1-29).
VƯỜN NHO


Vườn nho khổ chủ đã trồng,
Xây rào lập tháp, ra công đúc tường.
Phương xa dự tính lên đường,
Tá điền giao việc, tỏ tường kết giao.
Làm ra sinh lợi công lao,
Đến mùa đầy tớ, xin trao phần lời.
Tá điền đánh đập tơi bời,
Người thì xua đuổi, kẻ thời giết đi.
Con trai thừa tự cùng đi,
Hùa nhau giết chết, sinh nghi chủ nhà.
Tham lam chiếm hữu nghiệp gia,
Chủ vườn nghe biết, không tha người nào.
Thôi đành tiêu diệt chớ sao,
Giao vườn nhóm khác, khai mào dẵm chăm.
Lạ lùng sự việc tối tăm,
Chúa Con giáng thế, cũng nhằm triệt tiêu.

THỨ BA, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
(Tob 2, 10-23; Mc 12, 13-17).
NỘP THUẾ


Lập mưu bắt lỗi gây thù,
Mấy người Biệt Phái, mặc dù khôn ngoan.
Khen lao nịnh bợ lo toan,
Gây điều đặt bẫy, đa đoan hại người.
Có nên nộp thuế ở đời,
Thuế nhà thuế chợ, thuế người thuế thân.
Chúa xem đồng bạc hình vân,
Cê-sar ký hiệu, hiện thân chính quyền.
Giê-su khôn khéo lời khuyên,
Người dân đóng thuế, trả quyền Cê-sar.
Cái gì của Chúa cho ta,
Trả về cho Chúa, thật là chí công.
Bầu trời biển cả núi sông,
Cuộc đời sự sống, mênh mông món qùa.
Hồng ân tuôn đổ hương hoa,
Chúa ban phúc lộc, an hòa sống vui.

THỨ TƯ, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
(Tob 3, 1-11. 24-25; Mc 12, 18-27).
SỐNG LẠI


Không tin sống lại ngày sau,
Nhóm người Sa-đốc, thuộc làu Thánh Kinh.
Trích lời dạy bảo trong kinh,
Môi-sen cho phép, kết tình sinh con.
Người anh lấy vợ hiếm con,
Chẳng may anh chết, không con nối dòng,
Sáu em lấy chị ước mong,
Sinh xôi con cái, cùng trong gia đình.
Chẳng may chết hết tuyệt tình.
Đến ngày sống lại, kết tình với ai?
Bảy người cưới vợ bằng vai,
Đáp lời thắc mắc, một mai sống đời.
Không còn cưới gả trên trời,
Thiêng liêng thông sáng, Chúa Trời ban cho.
Thiên thần các thánh ai dò,
Sướng vui hạnh phúc, tự do thiên đàng.

THỨ NĂM, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
(Tob 6, 10-11a. 7, 1-9; Mc 12, 28b-34).
YÊU THƯƠNG


Giới răn trọng nhất là chi?
Nhóm người Luật Sĩ, đôi khi hỏi dò.
Thử xem định liệu dở trò,
Giê-su hiểu thấu, thước đo lòng người.
Tinh tường Chúa đáp đôi lời,
Yêu thương Thiên Chúa, cao vời trước tiên.
Giới răn thứ nhất hướng thiên,
Thứ hai yêu mến, tới phiên người phàm.
Hai điều kết hợp phải làm,
Yêu người yêu Chúa, bao hàm tha nhân.
Đôi điều tóm gọn cho cân,
Thực hành đức ái, tinh thần mến yêu.
Yêu thương chia xẻ thật nhiều,
Khả năng tài trí, những điều dễ thương.
Con người cần chỗ tựa nương,
Phụng thờ Thiên Chúa, dẫn đường tha nhân.

THỨ SÁU, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
(Tob 11, 5-17; Mc 12, 35-37).
ĐỨC KITÔ


Chúa vào giảng dạy tại đền,
Nhiều người thắc mắc, đến bên hỏi Ngài.
Các người Luật Sĩ so tài,
Tại sao Chúa Cả, thiên sai giáng trần.
Con vua Đavít thần dân,
Thánh Thần soi sáng, thế nhân tội tình.
Lời Thiên Chúa phán hiển linh,
Chúa tôi bên hữu, ngôi đình Chúa Cha.
Tại sao Kinh Thánh nói ra,
Là con Đa-vít, Chúa ta phụng thờ.
Theo dòng Đa-vít nương nhờ,
Giê-su chí thánh, vô bờ cao siêu.
Ngôi Hai Con Chúa huyền siêu,
Giáng sinh dòng dõi, thiên triều hứa ban.
Là con là Chúa bình an,
Hạ thân giáng thế, thiên nhan sáng ngời.

THỨ BẢY, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
(Tob 12, 1.5-15.20; Mc 12, 38-44).
HÌNH THỨC


Coi chừng mắc bẫy người ta,
Mấy nhà Luật Sĩ, vẽ ra bề ngoài.
Đai lưng áo thụng ra oai,
Công trường chào hỏi, đứng hoài đó đây.
Kinh dài giả bộ tua giây,
Thu gom tài sản, vốn xây làm giầu.
Chúa ngồi quan sát thật lâu,
Có bà góa nọ, lấy đâu mà bù.
Lần mò chỉ có vài xu,
Bỏ vào hòm khấn, thuế thu đền thờ.
Chúa rằng bà lão đơn sơ,
Thật lòng dâng hết, không ngờ rộng tay.
Bà đang túng thiếu hằng ngày,
Hy sinh dâng hiến, tiền này cần chi.
Chúa khen bà góa từ bi,
Chân thành quảng đại, nhất nhì đám đông.
 
Dự Tiệc Chiên Thiên Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:35 29/05/2018
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Trước lúc rước lễ và trao Mình Thánh cho giáo dân, linh mục chủ tế nâng cao Mình Thánh và đọc: đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Lời này gợi lên niềm vui, hạnh phúc cho mọi người tham dự thánh lễ được Chúa mời đến dự tiệc. Nơi bàn tiệc Thánh Thể, mỗi tín hữu là khách mời của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thánh lễ khởi nguồn từ Tình Yêu Ba Ngôi được mặc khải nơi Thập giá Chúa Kitô. Cử hành Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm hy tế thập giá của Chúa Giêsu, hy lễ tình yêu Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại. Cử hành Công Việc của Chúa Thánh Thần, Đấng đã thúc đẩy Chúa Kitô hiến mình làm Lễ Hy Sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa (Dt 9,14). Rước lễ là đón nhận Chúa Giêsu Phục Sinh và trở thành chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa.

Hy lễ cứu độ

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Ngài vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Ngài đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người. Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.

Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước, Máu của Đấng Cứu Thế đổ ra trên thập giá. Bởi đó Thánh thể và Thánh giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.

Thánh thể và Thánh giá Chúa Kitô là hai cớ vấp phạm cho trí tuệ con người hơn hai ngàn năm qua.

Thánh giá Đức Kitô là sự điên rồ đối với người Hy lạp đi tìm sự khôn ngoan, là dại dột đối với người Do thái tìm dấu lạ và mãi mãi là mầu nhiệm thẳm sâu với lý trí.

Thánh Thể, bánh rượu nên Mình và Máu Chúa Kitô. Sự hiện đích thực của Con Thiên Chúa, làm lương thực vĩnh cửu là mầu nhiệm khó hiểu đối với đầu óc con người không có niềm tin. Khi nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Thịt Ta là của ăn, Máu Ta là của uống cho sự sống muôn đời”, người Do thái phản ứng rất mạnh: “Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được?” (Ga 6,52); ”Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta,chúng ta đều biết cả,sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42). Trước phản ứng dữ dội của họ, Chúa Giêsu không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm “Ai ăn thịt và uống máu Tôi,thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,54); sâu xa hơn là con người được đi vào sự kết hiệp mật thiết với Người: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56). Trước mạc khải này, nhiều môn đệ liền nói: “Lời này chướng tai qua, ai mà nghe nổi?”( Ga 6,60). Từ lúc đó, “Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,66).

Như thế, người ta chỉ nhìn nhận Chúa Giêsu về phương diện con người, phủ nhận bản tính Thiên Chúa của Ngài. Chúa Giêsu cho dân chúng và các môn đệ thấy rõ mầu nhiệm Phục sinh trong Bánh Hằng Sống “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống.Thần khí mới làm cho sống,chứ xác thịt có ích gì” (Ga 6,63). Quả thật, chúng ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh Thể qua mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn, Phục Sinh mà thôi.

Vậy có thể nói, cả mầu nhiệm Đức Kitô đều hội tụ trong Bí tích Thánh Thể. Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang; Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha và ban lương thực thần thiêng đều hàm chứa trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Ngài mà không hội tụ trong Thánh Thể.

Từ Thánh giá đến Thánh thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh giá đến tình yêu Thánh thể. Bí tích Thánh thể là một sáng kiến của tình thương Thiên Chúa.Của ăn vật chất chỉ dừng lại ở việc nuôi dưỡng, bảo tồn sự sống hữu hạn của con người.Để sống đời đời, con người được mời gọi ăn và uống Thịt Máu Chúa, nguồn ơn cứu độ nhân loại.

Phúc cho ai đến dự tiệc.

“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Linh mục đọc lời này giới thiệu Mình Thánh Chúa Giêsu cho cộng đoàn tín hữu, trước khi rước lễ.

Khi nói "đây chiên Thiên Chúa" là linh mục chủ tế nhắc lại lời trong sách Khải huyền: Thiên thần bảo tôi, "Hãy viết, Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới của Con Chiên!". Người lại bảo tôi, "Đó là những lời chân thật của chính Thiên Chúa." (Kh 19,9). Sách khải huyền nhắc tới "con chiên" mà thánh Gioan Tiền Hô đã giới thiệu, "Hôm sau, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.." (Ga 1,29). Thánh Gioan tiền hô thì nhớ tới "con chiên" mà tiên tri Isaia đã nói đến trong chương 53.

Trên đường Emmau, chính Chúa Phục Sinh đã đến đồng hành với hai môn đệ, đã dừng lại bẻ bánh trao cho họ, và bấy giờ họ mới nhận ra Ngài. Câu chuyện này đã được Thánh Gioan Phaolô II dùng làm bản văn nền của Tông Huấn “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con”. Trong năm cuối cùng của sứ vụ Giáo hoàng, Thánh Gioan Phaolô II đã mở ra Năm Thánh Thể, mời gọi cộng đoàn dân Chúa qui hướng về Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu hiện diện thường trực và sống động.

Trong Thánh Lễ, chính Chúa Giêsu đến hiện diện với chúng ta, gặp gỡ chúng ta, qua Phụng vụ Lời Chúa và việc Bẻ Bánh.

Không bí tích nào giúp chúng ta sống “với Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa” bằng Bí tích Thánh Thể. Rước lễ là gắn bó với một ngôi vị: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”. Rước lễ là gặp gỡ Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại : “Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy”. Rước lễ là đón lấy sự sống từ Đấng đang sống, cũng là sự sống duy nhất bắt nguồn từ Chúa Cha.

Trong Tông huấn “Bí tích Tình Yêu” năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã dùng thành ngữ “con người Thánh Thể” để nói về các tín hữu. Con người Thánh Thể là người năng rước Chúa vào lòng, để Thịt và Máu Chúa thấm nhập vào trọn vẹn cuộc sống của họ, nhờ đó, họ có thể nói như Thánh Phaolô Tông đồ: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Con người Thánh Thể là người luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa để nhờ đó mà họ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Con người Thánh Thể còn là người ý thức mình là chi thể của Giáo Hội, chuyên tâm sống và nỗ lực kiến tạo tình hiệp thông giữa những người con cái Chúa, xây dựng một xã hội bình an và nhân ái. Từ mỗi con người Thánh Thể, chúng ta có thể kiến tạo những cộng đoàn Thánh Thể, tức là một cộng đoàn có Thánh Thể là trung tâm, là mối giây liên kết và là ý lực sống cho mọi thành viên của cộng đoàn này. Cộng đoàn Thánh Thể lấy sự hiệp nhất yêu thương làm nền tảng, vì mọi người được nuôi dưỡng bởi cùng một lương thực, như Thánh Phaolô viết: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta chỉ là một chi thể” (1 Cr 10,17).

Sách Tông đồ Công vụ thuật lại thánh lễ ban đầu của Giáo Hội sơ khai bằng một đoạn văn ngắn: “Các tín hữu hợp nhất với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42). Họ được toàn dân thương mến, điều đó có nghĩa là cứ sau những nghi thức bẻ bánh như thế, người chung quanh xóm giềng thương nhóm tín hữu này. Và rồi “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”, nghĩa là sau các thánh lễ như thế, dân chúng thương nhóm tín hữu này rồi họ xin nhập đạo. Kết quả của Bí tích Thánh Thể là mức độ tăng trưởng về tình yêu.

Đồng bàn và rửa chân.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 51 tổ chức tại Cebu, Philippines từ ngày 24 đến 31.01.2016. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp cho đại hội. Ngài gợi lên hai cử chỉ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly và mời gọi suy ngẫm theo chiều kích truyền giáo của Thánh Thể. Đó là việc đồng bàn và rửa chân.

Ngồi vào bàn ăn, Chúa Giêsu có thể lắng nghe người khác, nghe chuyện đời của họ, cảm thông với niềm hy vọng và khao khát của họ, và nói cho họ biết tình yêu của Chúa Cha. Mỗi khi đến với Thánh Thể, bàn Tiệc Ly của Chúa, chúng ta được thúc đẩy noi theo tấm gương của Chúa, bằng cách đến với người khác, trong tinh thần tôn trọng và cởi mở, để chia sẻ với họ ơn huệ chúng ta đã lãnh nhận.

Hình ảnh khác mà Chúa gửi đến chúng ta trong Bữa Tiệc Ly là rửa chân. Hôm trước ngày chịu nạn, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ của Ngài như là một dấu chỉ của sự phục vụ khiêm hạ, của tình yêu vô điều kiện mà Người đã hiến mạng trên thập giá để cứu rỗi thế giới. Bí tích Thánh Thể là trường dạy phục vụ khiêm hạ. Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta sẵn sàng hiện diện vì người khác. Cả điều này cũng phải ở nơi con tim của người môn đệ truyền giáo.

Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa.

Thánh Gioan Phaolô II viết: “Mỗi lần ta dự phần vào Mình và Máu Người, chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình niềm hân hoan mình đã cảm nghiệm. Việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô cách thường xuyên được tăng triển và đào sâu trong Bí tích Thánh Thể khơi lên trong Giáo Hội và nơi mỗi tín hữu một lời mời gọi khẩn thiết cho việc làm chứng và rao giảng Tin Mừng”(Tông huấn “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con”, số 24).

Tham dự Thánh Lễ, rước Mình và Máu Chúa, chúng ta được mời gọi sống thánh thiện, trong sạch và thực thi sứ vụ truyền giáo phục vụ tha nhân “đồng hành và rữa chân” theo gương Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa và siêng năng tham dự Thánh lễ, rước Mình và Máu Chúa cách xứng đáng; đồng thời luôn xác tín Bí tích Thánh Thể chính là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Giáo Hội và nơi mỗi người chúng con. Amen.







 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chương trình mục vụ của ĐTC Phanxicô trong mùa Hè 2018.
Nguyễn Long Thao
16:24 29/05/2018
VATICAN CITY “ Ngày 29 tháng 5 2018, Tòa Thánh Vatican đã công bố lịch biểu các nghi lễ phụng vụ mùa Hè của ĐTC

Ngày 28 tháng 6, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tấn phong 14 tân Hồng Y chứ không phải ngày 29 tháng 6 như đã dự liệu.

Ngày 3 tháng 6, theo lịch trình Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành lễ Mình và Máu Chúa Kitô tại thị trấn ven biển Ostia chứ không phải tại Roma như theo truyền thống từ năm 1979. Vào buổi tối cùng ngày, ĐTC cử hành thánh lễ tại nhà thờ thánh Monica và sau đó có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chuá về nhà thờ Đức Bà Bonaria.

Ngày 21 tháng 6 ĐTC đến Geneva, Thuy Sĩ để tham dư cuộc hành hương đại kết

Ngày 28 tháng 6 lễ tấn phong 14 tân Hồng Y tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Roma.

Ngày 29 tháng 6 ĐTC cử hành thánh lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô. Trong lễ này Ngài sẽ làm phép giấy Pallium để trao ban cho các vị Tổng Giám Mục mới được tấn phong trong năm qua

Ngày 7 tháng 7 ĐTC tham dự ngày hội đại kết tại Bari, miền Nam nước Ý để cầu nguyện cho hòa bình Trung Đông. Ỏ Bari có nhà thờ cổ dâng kính thánh Nicola là nơi hành hương quan trọng của cả người Công Giáo cũng như Chính Thống Giáo.

Ngày 25 và 26 tháng 8, ĐTC tông du Dublin, Ái Nhĩ Lan để tham dự Cuộc Họp Thế giới Các Gia Đình.

Sự thay đổi ngày tháng và lịch biểu các nghi lễ phụng vụ mùa Hè của ĐTC đã được Tòa Thánh Vatican chính thức công bố hôm nay 29 tháng 5 năm 2018.

Nguyễn Long Thao
 
Đức Thánh Cha khích lệ các bác sĩ can đảm bảo vệ tính chất thánh thiêng của cuộc sống con người
Đặng Tự Do
17:31 29/05/2018
Lúc 11 giờ 30 sáng thứ Hai, tại Hội trường dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với Liên đoàn Y tế Công Giáo Thế giới (FIAMC), nhân dịp Đại hội được tổ chức tại Zagreb, Croatia từ ngày 30 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6, về chủ đề “Sự thánh thiêng của trong cuộc sống và ngành Y khoa, từ thông điệp Humanae Vitae đến Laudato Si”.

Trong diễn từ Đức Thánh Cha nói “Với tư cách là ‘các bác sĩ Công Giáo’ các bạn được mời gọi tiếp tục đào tạo mình về tinh thần, luân lý và đạo đức sinh học để thực hiện các nguyên tắc trong thực hành y khoa, từ mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân đến các hoạt động truyền giáo, và cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân ở các vùng ngoại ô của thế giới . Công việc của bạn là một hình thức đặc biệt thể hiện tình liên đới nhân loại và chứng tá Kitô giáo. Công việc của các bạn thực sự được phong phú hóa với đức tin.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Lòng trung tín với Tin Mừng đã đòi hỏi và tiếp tục đòi hỏi các bạn đối diện với những khó khăn chồng chất mà, trong những hoàn cảnh đặc biệt, có thể đòi hỏi cả nhiều can đảm. Hãy tiếp tục quyết tâm theo đuổi con đường này với sự thanh thản, và đồng hành với huấn quyền Giáo Hội trong các lĩnh vực y học với một nhận thức tương ứng về ý nghĩa đạo đức của những giáo huấn này.”

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, nhiều người đang nhìn vào anh chị em và công việc của anh chị em. Lời nói của anh chị em, cử chỉ của anh chị em, những lời tư vấn của anh chị em và các quyết định của anh chị em có những tiếng vang vượt xa lĩnh vực chuyên môn và nếu phù hợp có thể trở nên những chứng tá đức tin sống động. Do đó, nghề nghiệp này có thể khiến anh chị em trở thành các tông đồ thật sự. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục cuộc hành trình liên đới của mình với niềm vui và sự quảng đại, phối hợp với tất cả mọi người và các tổ chức để chia sẻ tình yêu cho cuộc sống và nỗ lực phục vụ cuộc sống trong phẩm giá và tính thánh thiêng của nó. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ vương phù hộ những kẻ yếu đau, nâng đỡ chí nguyện của anh chị em. Tôi đồng hành và ban phép lành cho anh chị em. Và xin hãy cầu nguyện cho tôi nữa. Cảm ơn anh chị em”.
Source: Holy See Press Office Audience with a Delegation of the World Federation of the Catholic Medical Associations (FIAMC), 28.05.2018
 
Đức Hồng Y tân cử Pedro Barreto Jimeno của Peru đã từng bị dọa giết
Đặng Tự Do
17:54 29/05/2018
Đức Hồng Y tân cử Pedro Barreto Jimeno là người từng phải đối mặt với những lời dọa giết khi ngài lên tiếng chống lại sự ô nhiễm từ một nhà máy đe doạ sức khỏe của những người sống ở dãy núi Andes.

Mauricio Lopez, thư ký điều hành của REPAM lên tiếng chào mừng quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Barreto. Ông nói: “Ngài sẽ là một Hồng Y đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ sinh thái. Ngài không sợ mạo hiểm mạng sống của mình vào những thời điểm cần phải tố cáo và phản đối một cách mạnh mẽ các vấn đề liên quan đến việc khai thác mỏ, gây ra những ảnh hưởng tai hại cho môi trường và con người.”

Sinh năm 1944 tại Lima, ngài vào Dòng Tên năm 1961, sau đó học ở Tây Ban Nha và ở Lima và Cusco, Peru.

Được thụ phong linh mục vào năm 1971, ngài đã từng là bề trên các cộng đồng Dòng Tên tại các thành phố ven biển phía nam của Tacna và Moquegua và ở Ayacucho, ở vùng cao nguyên phía nam. Năm 2002, ngài trở thành Giám Quản và sau đó là Giám Mục miền phủ doãn Tông Tòa Jaen, ở vùng Amazonia phía bắc Peru, một khu vực có đông dân bản địa.

Hai năm rưỡi sau đó, ngài trở thành Tổng Giám Mục Huancayo, một thành phố thương mại ở thung lũng Mantaro trong dãy núi Andes miền trung Peru, một khu vực được gọi là vựa lúa mì của Peru.

Ngài đã trở thành tiếng nói can đảm chống lại một nhà máy lọc và tinh chế dầu ở thị trấn La Oroya gần đó, nơi ô nhiễm đã lột sạch những sườn đồi và khiến trẻ em trong vùng có mức chì cao nguy hiểm trong máu.

Dù mức độ ô nhiễm nặng nề như thế vẫn có nhiều người ủng hộ nhà máy dầu này vì họ lo sợ việc dời nhà máy đi chỗ khác sẽ khiến họ mất công ăn việc làm.

Trong một cuộc biểu tình ủng hộ nhà máy, những người biểu tình đã mang theo quan tài với tên của ngài trên đó..
Source: Cruz Peru’s cardinal-designate received death threats for opposing smelter
 
ĐGH Phanxicô nói với nhóm bác sĩ Công Giáo: ‘Giáo hội vì sự sống’
Giuse Thẩm Nguyễn
18:20 29/05/2018
(EWTN News/CNA) ĐGH Phanxicô đã nói với nhóm bác sĩ Công Giáo vào hôm Thứ Hai ngày 28 tháng Năm tại hội trường giáo hoàng ở Vatican rằng phải chống lại những tư tưởng không thừa nhận và thăng tiến phẩm giá của đời sống con người và rằng giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về sự sống đã được khẳng định. “Giáo hội vì sự sống và sự quan tâm của Giáo Hội là không để cho bất cứ lý do gì chống lại sự sống trong thực tế của một người đang sống, dù yếu đuối hay không tự vệ, ngay cả không phát triển hay không tiến bộ.”

Ngài ghi nhận “những thử thách và khó khăn”mà các bác sĩ có thể gặp phải khi họ tin vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, nhất là khi họ thăng tiến và bảo vệ sự sống con người “từ khi mới thụ thai cho đến lúc chết một cách tự nhiên.”

ĐGH nói rằng các bác sĩ “được kêu gọi để xác định vị thế trung tâm của bệnh nhân là một con người với phẩm giá cùng các quyền không thể sang nhượng của họ, nhất là quyền sống.”

“Cần chống lại khuynh hướng hạ giá trị của người bệnh như là một cái máy để sửa chữa, mà không tôn trọng các nguyên tắc đạo đức, và khai thác những con người yếu kém nhất bằng cách loại bỏ những gì không phù hợp với tư tưởng mang tính hiệu quả và lợi nhuận.”

ĐGH Phanxicô đã nói chuyện với các thành viên của Hiệp hội các Bác Sĩ Công Giáo Thế Giới trước ngày đại hội của họ với chủ đề “Sự thánh thiêng của sự sống và nghề Y Sĩ, trích từ thông điệp (Humanae vitae to Laudato Si) Sự Sống Con Người tới Vinh Danh Thiên Chúa về bảo vệ thiên nhiên”, được tổ chức tại Zagreb, thủ đô của Croatia từ ngày 30 tháng Năm đến 2 tháng Sáu.

ĐGH đã khen ngợi lòng trung thành của hiệp hội đối với những hướng dẫn của Tòa Thánh Công Giáo và khuyến khích họ “tiếp tục với sự tin tưởng và quyết tâm trên con đường này.”

ĐGH nói rằng là một bác sĩ Công Giáo có nghĩa là cảm nhận được sự thúc đẩy bởi “ đức tin và từ sự hiệp thông với Giáo Hội” để lớn lên trong sự hình thành người Kitô hữu và nghề nghiêp và để biết những luật tự nhiên nhằm “phục vụ tốt hơn cho sự sống”. Ngài cũng nhấn mạnh rằng sự tham gia của các bác sĩ Công Giáo vào việc bảo vệ sự sống và sứ mạng này của Giáo hội là “rất cần thiết.”

Ngài nói rằng lãnh vực sức khỏe và y tế là một phần tiến bộ của “mô hình văn hóa kỹ thuật”, nó tôn thờ sức mạnh coi như không giới hạn của con người hay biến mọi thứ thành thành xa lạ nếu nó không phục vụ cho lợi ích riêng của một người.

Cần ý thức hơn về một nhu cầu thiết yếu và cấp bách ngày nay là việc làm của các bác sĩ Công Giáo tự nó thể hiện một sự rõ ràng không thể lầm lẫn trên bình diện chứng tá của cá nhân và tổ chức.

Ngài cũng khuyến khích làm việc chung với các tín hữu chuyên môn thuộc các tôn giáo khác, những người cũng công nhận phẩm giá con người, và với các linh mục và tu sĩ đang làm việc trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe.

ĐGH nói rằng chúng ta hãy tiếp tục trên hành trình “với niềm vui và lòng quảng đại” trong sự hợp tác với tất cả mọi người và các tổ chức để chia sẻ tình yêu sự sống và nỗ lực phục vụ sự sống trong phẩm giá và thánh thiêng của nó.


Source: EWTN News 'The Church is for life', Francis tells Catholic physicians.
 
Các Giám Mục Ái Nhĩ Lan kinh hoàng trước “sự bội giáo của cả một quốc gia”
Đặng Tự Do
19:12 29/05/2018
Các Giám Mục Ái Nhĩ Lan đã bày tỏ sự đau đớn và kinh hoàng của các ngài trước điều mà báo chí địa phương gọi là “sự bội giáo của cả một quốc gia”. Ý thức tầm mức nghiêm trọng của cuộc trưng cầu dân ý này, hàng giáo phẩm Ái Nhĩ Lan đã làm tất cả mọi khả năng các ngài có thể làm. Vì thế, kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã khiến các ngài kinh ngạc và thất vọng.

Trong tổng số 5,011,000 dân Ái Nhĩ Lan, 78.3% là người Công Giáo. Thế nhưng, trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 25 tháng 5, các cử tri đã lựa chọn loại bỏ quyền sống của thai nhi ra khỏi hiến pháp với một tỷ lệ áp đảo 66.4% trên 33.6%. Cuộc trưng cầu dân ý này mở đường cho việc hợp pháp hóa phá thai tự do ngay cả khi thai nhi đã 12 tuần tuổi.

Đức Cha Brendan Leahy của Limerick nói với các tín hữu hôm 26 tháng 5 rằng kết quả này “thật đáng tiếc và làm chết điếng những người trong chúng ta đã bỏ phiếu chống phá thai”

Ngài nói: “Kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý này là ý chí của đa số người dân, mặc dù không phải của tất cả mọi người.”

“Tất nhiên, đó chỉ là một cuộc bỏ phiếu. Điều đó không thay đổi quan điểm của chúng ta. Thông điệp của chúng ta là một thông điệp tình yêu: tình yêu dành cho tất cả, tình yêu dành cho cuộc sống, cho những người đang sống giữa chúng ta hôm nay, và cho cả các thai nhi còn trong bụng mẹ”

Đề cập đến chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Giám Mục Leahy nói: “Vào tháng Tám, chúng ta sẽ hiệp nhất với nhau trong tư cách một gia đình, để canh tân cảm thức về gia đình của chúng ta trong Đại Hội Thế Giới Về Gia Đình. Chúng ta có đặc ân được Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm, và hôm nay tôi nghĩ rằng chuyến viếng thăm của ngài thật là kịp thời: ngài đến đây và nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của gia đình, về tình yêu đối với gia đình, đôi khi thâm tím, nhưng gia đình không thể bị phá vỡ.”

“Vì vậy, chúng ta hãy tiến về phía trước, hướng đến thời điểm đó. Chúng ta kỳ vọng cuộc gặp gỡ này sẽ mang đến ơn chữa lành và chúng ta sẽ được canh tân một lần nữa trong tình yêu và trong sự chăm sóc cho nhau”.

Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin nhấn mạnh rằng “Giáo hội tại Ái Nhĩ Lan sau cuộc trưng cầu dân ý này phải canh tân toàn diện, đặc biệt là cam kết hỗ trợ sự sống”.

Phát biểu trong một buổi lễ phong chức phó tế cho bốn chủng sinh tại chủng viện quốc gia ở Maynooth, Quận Kildare, Đức Tổng Giám Mục Martin nhấn mạnh rằng Giáo Hội được mời gọi phò sinh “không chỉ bằng các văn bản và những lời tuyên bố, nhưng còn phải ủng hộ sự sống, bằng cách trở thành một Giáo Hội phản ánh sự chăm sóc yêu thương của Chúa Giêsu cho đời sống con người ở bất kỳ giai đoạn nào.”

“Sự chăm sóc yêu thương đó bao gồm sự hỗ trợ để giúp những phụ nữ đang phải đối mặt với những thách thức to lớn và những người đang vật lộn với những quyết định rất khó khăn để chọn cuộc sống,” ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục Martin nói trong thêm rằng “thách thức để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô trong thế giới ngày nay không phải là một điều dễ dàng. Nhiều người sẽ thấy kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Sáu như một dấu hiệu cho thấy Giáo Hội Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan được nhiều người ngày nay nhìn với một sự thờ ơ lãnh đạm và cho rằng Giáo Hội chỉ nên có vai trò thứ yếu hay không có vai trò nào hết trong sự hình thành văn hóa Ái Nhĩ Lan.”

“Giáo hội được kêu gọi để thể hiện trong thế giới hôm nay thánh nhan của Chúa Giêsu đầy lòng thương xót và từ bi. Giáo Hội ấy ngày nay đang bị nhiều người xuyên tạc là thiếu sự cảm thông”
Source:Catholic Herald Irish bishop: referendum result ‘deeply regrettable and chilling’
 
Đức Cha Gebhard Furst của giáo phận Rottenburg-Stuttgart phê bình linh mục đeo khăn đội đầu giống như phụ nữ Hồi Giáo trong thánh lễ
Đặng Tự Do
20:06 29/05/2018
Cha Wolfgang Sedlmeir và lãnh tụ Alice Weidel
Linh mục Wolfgang Sedlmeir của giáo xứ Đức Maria tại Aalen đã bị Đức Cha Gebhard Furst của giáo phận Rottenburg-Stuttgart phê bình sau khi vị linh mục này đeo một khăn đội đầu giống như các phụ nữ Hồi Giáo trong thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống gây công phẫn trong các giáo dân.

Ngày 16 tháng 5, Alice Weidel, lãnh tụ của đảng Alternative für Deutschland, một đảng có khuynh hướng cực hữu tại Đức đọc một diễn văn tại Quốc Hội, trong đó có những lời như sau:

“Tôi có thể nói với bạn rằng mấy cô gái mặc burqas [một kiểu áo dài trùm kín toàn thân], đeo khăn trùm đầu và mấy tên đàn ông trang bị dao đang sống nhờ trợ cấp xã hội, những kẻ đó sẽ không mang lại thịnh vượng và sự tăng trưởng kinh tế của chúng ta và thậm chí còn làm giảm phúc lợi của quốc gia chúng ta nữa”.

Những nhận xét của Weidel, được đưa ra trong một cuộc tranh luận trong quốc hội Đức, đã làm cha Sedlmeier tức giận. Để phản đối những gì ngài cảm nhận là “những lời nhận xét xúc phạm và cực đoan”, ngài phủ lên đầu ngài một chiếc khăn choàng đầu Hồi giáo khi đang giảng trong thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Cha Sedlmeier giải thích: “Bất cứ ai phân biệt đối xử với những người có đức tin và choàng khăn trên đầu theo niềm tin của họ, là chống lại phẩm giá con người và tinh thần của ngày lễ Ngũ Tuần”.

Các cơ quan truyền thông Ả rập nói những nhận xét của cha Sedlmeier đã được anh chị em giáo dân tán thưởng, trong khi theo nguồn tin của Catholic Herald nhiều anh chị em giáo dân đã bày tỏ sự công phẫn của họ.

Tờ Cruz thì nói rằng cha Sedlmeier không chỉ đeo trong lúc giảng nhưng còn trong khi cử hành phần Phụng Vụ Thánh Thể sau đó. Theo tờ Cruz “Các cử chỉ đã gây ra một cơn bão phẫn nộ và nhạo báng trên các phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm cả Twitter và Facebook, và trên internet cha Sedlmeier được tặng biệt danh là ‘Headscarf Priest.’”

Phát ngôn viên giáo phận nói hành vi của cha Sedlmeier là không phù hợp nhưng ông cũng không hài lòng trước phản ứng dữ dội của các phương tiện truyền thông. Ông nói:

“Choàng lên đầu một chiếc khăn như thế trong một Thánh Lễ chắc chắn là rất bất thường đối với Giáo Hội Công Giáo”.

Phản ứng chung chung vô thưởng vô phạt này xem ra yếu quá nên Đức Giám Mục Gebhard Furst của Rottenburg-Stuttgart đã phải đích thân lên tiếng chỉ trích cách phản đối của cha Sedlmeier.

“Hình thức [phản đối này của cha này Sedlmeier] chắc chắn là vượt quá giới hạn và không phải là một lựa chọn tốt. Vì vậy, tôi sẽ bắt đầu một cuộc đối thoại rõ ràng với ngài trong những ngày tới.”
Source: Cruz German priest criticized, ridiculed for headscarf protest
 
Top Stories
Vietnam: L’Église forme les Hmong pour préserver leur culture
Églises d'Asie
09:07 29/05/2018
L’Église vietnamienne forme les villageois hmong de la province de Yen Bai, dans le Nord-Ouest du Vietnam, afin de préserver leur langue et leur culture, dans l’espérance qu’ils puissent répandre l’Évangile à leur tour. L’écriture hmong a été transcrite en langue latine par les missionnaires français, arrivés dans la région en 1917 pour évangéliser les Hmong. Des dictionnaires et livres de prière furent imprimés dans les années 1930-1940. Aujourd’hui, le diocèse de Hung Hoa veut ravier cette culture et soutenir l’évangélisation des villageois.

Dans le nord-ouest du Vietnam, un diocèse a lancé un cour de langue pour former les catholiques hmong, afin de soutenir le travail d’évangélisation auprès du peuple hmong, tout en préservant leur langue traditionnelle, dont l’écriture a été créée par les missionnaires. Près de trente laïcs et catéchistes, originaires des communautés hmong vivant dans les montagnes, dans la province de Yen Bái, ont participé, du 21 au 24 mai, à un cours sur la langue hmong organisé par le diocèse de Hung Hoa dans l’église de Nghia Lo. « Ce cours a pour objectif d’apprendre aux catholiques hmong à maîtriser correctement l’écriture hmong internationalisée, pour qu’ils puissent l’enseigner à leur tour aux autres villageois », explique le père Pierre Nguyen Truong Giang, responsable adjoint du comité diocésain. Le père Giang, qui parle couramment hmong, ajoute que les participants vont ensuite apprendre aux villageois, en particulier les enfants, à lire et écrire dans leur langue, qui a été transcrite en langue latine par les missionnaires.

Le hmong a été romanisé par les missionnaires français

Venus évangéliser le peuple hmong de la région en 1917, les missionnaires français ont composé des dictionnaires latin-français-hmong et français-hmong, ainsi que des livres de prière hmong, qui furent imprimés à Hong-Kong dans les années 1930-1940. Depuis qu’ils ont été chassés de la région en 1954, après que les forces communistes ont battu les troupes françaises dans le nord du Vietnam, les catholiques de la région se sont transmis les prières par oral, en l’absence de prêtres. Mais les livres catholiques ont été interdits et perdus peu à peu. L’écriture hmong n’est pas enseignée dans les écoles publiques de la région. Le père Giang explique que l’écriture hmong est enseignée afin de préserver leur culture traditionnelle et de soutenir l’effort d’évangélisation.
Parmi les participants, Honh Sung Cho Cau, 42 ans, confie qu’il a appris à lire et à écrire le hmong traditionnel grâce à ses parents, quand il était encore enfant, mais qu’il avait du mal à maîtriser l’écriture hmong internationalisée. Il soutient que c’est son devoir de « préserver notre culture et notre écriture, et de l’enseigner aux plus jeunes ». Dans certaines paroisses, les catholiques hmong sont capables de chanter des hymnes et de lire des prières ou encore la Bible dans leur langue. Le père Giang explique que le dernier cours était le troisième organisé par le comité cette année. Près d’une centaine de catholiques hmong ont participé. Le prêtre confie que le diocèse formera les catéchistes hmong dans leur propre langue, pour qu’ils puissent mieux travailler avec les villageois. Le diocèse de Hung Hoa couvre dix provinces vietnamiennes et compte environ 245 000 catholiques, dont 20 000 appartiennent à l’ethnie hmong.

(Source: Églises d'Asie, le 29 mai 2018, Avec Ucanews, Nghia Lo)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Liệu cử hành Thánh lễ Chúa Nhật vào thứ Sáu được không? Nói thêm về hoa trên bàn thờ.
Nguyễn Trọng Đa
09:37 29/05/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Gần đây tôi bắt đầu cử hành Thánh lễ hai lần mỗi tháng tại một khu dân cư người cao niên. Thánh lễ diễn ra vào ngày thứ Sáu. Nhiều người cao tuổi kém sức khỏe tham dự Thánh lễ, và cũng có nhiều người khỏe mạnh ở ngoài khu vực tham dự Thánh lễ nữa. Theo tiền lệ được đặt ra bởi một linh mục cách đây nhiều năm, các người tổ chức muốn các bản văn của Thánh Lễ Chúa Nhật kế tiếp được đọc, có kinh Vinh Danh (khi thích hợp) và kinh Tin Kính nữa. Tôi được nói cho biết: “Đối với dân cư ở đó, đây là Thánh Lễ Chúa Nhật của họ!” Liệu được phép cử hành Thánh lễ Chúa Nhật vào ngày thứ Sáu không? Người ta gợi ý rằng Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 358 cho phép điều này. Liệu việc này có chu toàn nghĩa vụ dự lễ ngày Chúa Nhật không? Trong một lễ kính hoặc lễ trọng, các bài đọc Chúa Nhật có thể được sử dụng không? - T. P., tỉnh Quebec, Canada.


Đáp: Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma:

“358. Trong sách Các Bài Ðọc cho ngày, trong suốt năm ngày nào trong tuần cũng có bài đọc. Do đó, thường ngày nào hãy lấy bài đọc đã chỉ cho ngày ấy, trừ phi gặp lễ trọng hay lễ kính, hay lễ nhớ có bài đọc Tân Ước riêng, trong đó có nhắc đến vị Thánh được cử hành.

“Tuy nhiên, khi nào việc đọc liên tục trong tuần bị ngắt quảng vì một lễ trọng, lễ kính hay một cử hành đặc biệt, vị tư tế được phép tùy theo cách xếp đặt các bài đọc trong cả tuần mà nhập những phần bị bỏ với những phần khác hoặc quyết định xem nên đọc bài nào hơn.

“Trong các Thánh Lễ cho những nhóm đặc biệt, vị tư tế được phép chọn những bài đọc đặc biệt thích hợp với cử hành hơn, miễn là lấy từ những bản văn trong sách Các Bài Ðọc được phê chuẩn” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Tôi không nghĩ rằng quy chế này đề cập đến trường hợp rõ ràng như cha nói, vì nó đề cập đến các bài đọc tại buổi cử hành thường ngày và các Thánh lễ không thường xuyên. Ngoài ra, sự tự do hào phóng dành cho “nhóm đặc biệt” dường như gắn liền với “buổi cử hành đặc biệt”, và do đó dường như chỉ đề cập chủ yếu đến một nhóm người tập hợp vào một dịp đặc biệt, như kỷ niệm một lễ mừng nào đó hoặc ngân khánh chẳng hạn. Do sự nhấn mạnh trong hai đoạn kế tiếp về việc tôn trọng chuỗi các bài đọc hàng ngày, tôi không tin rằng nó có thể được áp dụng cho các tình huống thông thường.

Về ngày Chúa Nhật, điều quan trọng là phải giúp các Kitô hữu nhớ rằng Chúa Nhật không phải là một ngày lễ có thể chuyển đổi được. Trong ba thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu gặp nhau ngày Chúa Nhật, mặc dù đó là một ngày làm việc bình thường, và nhiều người trong số họ là các nô lệ có nguy hiểm lớn khi đi dự lễ như thế. Điều này thường có nghĩa là phải dậy sớm hoặc có lẽ lẻn đi vào buổi tối. (Tất nhiên, họ cũng sống trong một thời kỳ mà khi chỉ vì sự việc họ là Kitô hữu, họ có thể bị dẫn đến cái chết đau đớn).

Như 49 vị tử đạo ở Abitinae (năm 304) đã nói với vị thẩm phán xử án họ câu nói nổi danh: “Chúng tôi không thể sống mà không có lễ ngày Chúa Nhật".

Thánh Lễ Chúa Nhật đã không mất đi bất kỳ giá trị nào hay tầm quan trọng nào trong đời sống người Công Giáo. Họ đã không kém anh hùng hơn trong việc bảo vệ đức tin của họ, như nhiều biến cố gần đây đã cho thấy.

Ngày Chúa Nhật luôn luôn là ngày Chúa Nhật, và phụng vụ riêng của ngày này luôn phải được cử hành. Do đó, khi có thể được, các tín hữu nên tham dự Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật hoặc vào chiều tối thứ Bảy. Nếu xét là cần thiết và hữu ích, các linh mục nên sẵn lòng cử hành Thánh Lễ vào các thời điểm bất thường trong ngày.

Đồng thời, các hoàn cảnh hiện tại của Kitô hữu sinh sống và mong muốn của Giáo hội để chăm sóc nhu cầu tâm linh của càng nhiều con chiên càng tốt, có thể dẫn đến một số cải tiến.

Thí dụ, chúng ta có tình hình ngày Chúa Nhật ở các nơi như bán đảo Ả Rập, mà ở đó ngày Chúa Nhật là một ngày lao động bình thường, và nhiều người nhập cư Kitô giáo xét thấy rằng không thể tham dự Thánh Lễ được.

Trong trường hợp này, sự cho phép đã được cấp để tham dự phụng vụ Chúa Nhật sớm hơn, không buộc dự lễ ngày Chúa Nhật, vào ngày thứ Sáu trước đó, tức ngày cầu nguyện của người Hồi giáo. Bất kỳ Kitô hữu nào trong các quốc gia này có thể tham dự Thánh Lễ vào tối thứ Bảy hoặc Chúa Nhật, và như vậy là giữ trọn luật dự lễ ngày Chúa Nhật.

Cử hành một phụng vụ Chúa Nhật bổ sung vào một ngày nghỉ trong tuần không phải là một trường hợp chuyển Chúa Nhật sang một ngày khác. Thay vào đó, đó là một đáp trả mục vụ để cho người Công Giáo, khi không thể tham dự Thánh Lễ vào tối thứ Bảy hoặc Chúa Nhật, có thể không bị tước đoạt khỏi kho tàng phong phú, được cung cấp bởi chu kỳ ba năm của các bài đọc Kinh Thánh và kinh nguyện.

Không có buộc tham dự Thánh lễ vào một buổi lễ thứ Sáu như vậy.

Đó là bởi vì, nói theo giáo luật, các người về mặt khách quan không thể tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, chẳng hạn như người cao tuổi sống khép kín và người buộc phải lao động, họ được miễn giới luật và miễn nghĩa vụ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Đây là tuân theo một châm ngôn luân lý truyền thống, vốn nói rằng không ai bị buộc phải làm điều bất khả hoặc điều quá khó khăn. Nếu họ tự nguyện tham dự Thánh Lễ vào một ngày khác, hoặc nếu họ dự lễ chiếu trên truyền hình, thì họ làm một việc rất tốt xét về quan điểm tâm linh.

Khi đây là một tình hình chung, các mục tử hành động tốt trong việc giải quyết các nhu cầu thiêng liêng của tín hữu, bằng cách tìm cung cấp sự chăm lo phụng vụ tốt nhất, trong khi cẩn thận để tránh ấn tượng rằng các vị đang di chuyển Chúa Nhật sang một ngày khác. Tuy nhiên, các vị thường không có thẩm quyền để khởi đầu các thích ứng như thế cho lịch phụng vụ.

Vì vậy, trong kết luận, trong khi tôi tin rằng về mặt mục vụ người ta có thể thực hiện sự thích ứng này để mang lại lợi ích cho các cư dân già yếu, tôi đề nghị các bước như sau:

- Xin phép rõ ràng từ Giám mục giáo phận để thực hiện các điều chỉnh này, nhằm loại bỏ bất kỳ nghi ngờ nào về tính hợp pháp của chúng.

- Nói rõ cho tất cả mọi người, đặc biệt là các người khỏe mạnh và có khả năng, rằng việc họ dự Thánh lễ ấy là không chu toàn luật buộc dự lễ Chúa Nhật của họ.

- Nếu ngày thứ Sáu trùng với một ngày lễ trọng, hoặc thậm chí với một lễ kính, thì phụng vụ ngày lễ ấy cần được cử hành.

Tại khu dân cư người cao tuổi, có thể cử hành buổi phụng vụ mà không có linh mục. Các Giám mục Canada đã triển khai một nghi lễ cho các tình huống như vậy, do thiếu giáo sĩ. Bằng cách này, sẽ không có sự gián đoạn trong các Bài đọc Chúa Nhật từ tuần này sang tuần khác.

Nghi lễ Canada nói như sau về cử hành Lời Chúa ngày Chúa Nhật:

“Một buổi cử hành thực sự Lời Chúa

“Nghi lễ Canada cho việc cử hành ngày Chúa Nhật, vốn đã triển khai trong các tình huống này, là không phải một hình thức thích nghi của Thánh Lễ, nhưng là một cử hành thật sự Lời Chúa, với các đặc điểm riêng. Nó có đặc tính là một sự thờ phượng Lời Chúa, có các bài đọc và Thánh vịnh ngày Chúa Nhật đầy đủ, một bài giảng phản ảnh Lời Chúa, các lời nguyện tín hữu nổi lên từ việc nghe Lời Chúa, và lời nguyện chúc tụng Chúa trong việc tạ ơn, vốn đến bình thường từ Kinh Thánh. Việc cử hành Lời Chúa ngày Chúa Nhật như thế là thật sự phụng vụ. Nó cử hành và làm cho trở thành hiện tại hành động cứu độ của Chúa Kitô, Đầu của dân Chúa, và trao sức mạnh cho công việc của Thân thể Ngài là Hội Thánh. Tập hợp nhau vào ngày này khi Hội Thánh trên khắp thế giới tưởng niệm Chúa Phục Sinh, các tín hữu của một cộng đoàn đặc biệt tuyên xưng vinh quang của Chúa Cha, qua Chúa Con, trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, một cộng đoàn đặc biệt tập hợp để cử hành Lời Chúa, luôn cử hành phụng vụ này trong sự hiệp nhất với Hội Thánh phổ quát. Cộng đoàn chứng tỏ sự tôn kính Lời Chúa, cùng một loại tôn kính như Hội Thánh dạy, là tôn kính Thân Thể của Chúa, vì trong cả hai trường hợp, chính Chúa Kitô là Đấng được tôn kính. Trong việc công bố và lắng nghe Lời Chúa, Chúa Kitô trở nên thật sự hiện diện với dân Ngài, vì Hội Thánh dạy rõ ràng rằng Chúa Kitô hiện diện trong Lời Ngài, vì chính Ngài luôn luôn nói khi Thánh Kinh được đọc trong Hội Thánh. Do đó, ngay cả khi không có việc rước lễ, sự hiện diện của Chúa Kitô được thực hiện trong cả cộng đoàn đang cử hành, và Lời Chúa đang được công bố”.

Sau đây tôi qua vấn đề khác. Liên quan đến hoa trên bàn thờ (xem bài của tôi ngày 15-5-2018), một độc giả ở Lansing, Michigan, Hoa Kỳ, đã viết: “Trong các chuyến du lịch của con đến nhiều vùng của Ý, con thấy hoa trên bàn thờ dường như là một thực tế phổ biến. Như vậy, việc này đã được phê duyệt chưa? Hoặc nó đã trở thành một tập tục chăng? Hoặc sự thực hành nên được sửa chữa không? Việc Đức Giáo Hoàng làm điều đó dường như có thể duy trì sự thực hành ấy, vốn hình như không hài hòa với bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô”.

Đáp: Tôi không tin rằng sự thực hành này có khả năng trở thành một tập tục.

Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 305-306, đề cập đến việc trang trí bàn thờ, là được bổ sung vào văn kiện giữa những gì tương ứng với các số 268-269 của ấn bản Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma trước. Các số này tương ứng với Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma số 304 (về khăn bàn thờ) và số 307 (nến bàn thờ) trong ấn bản hiện tại.

Bởi vì bản dịch tiếng Ý của Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma mới là từ năm 2004, và bản dịch mới của Sách Lễ Rôma bằng tiếng Ý vẫn chưa được ban hành, nhiệm vụ đưa các giáo xứ Ý vào phù hợp với các quy chế vẫn là một công việc đang được tiến hành.

Cần có thêm khoảng 20 năm nữa của việc sử dụng trái ngược để thiết lập ra một tập tục hợp pháp, nếu thực sự đây là một chủ đề thực hành để trở thành một tập tục, xét theo từ ngữ giáo luật. (Zenit.org 29-5-2018)

Nguyễn Trọng Đa