Ngày 08-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 9/6/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:48 08/06/2019
Bài Ðọc I: Cv 2, 1-11

"Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: "Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!"

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: "Thế này nghĩa là gì?" Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: "Họ đầy rượu rồi".]

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất (c. 30).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa,

thực nhiều thay công cuộc của Ngài!

Ðịa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài.

2) Ngài rút hơi thở chúng đi,

chúng chết ngay và chúng trở về chỗ tro bụi của mình.

Nếu Ngài gởi hơi thở tới,

chúng được tạo thành,

và Ngài canh tân bộ mặt trái đất.

3) Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời,

nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa.

Ước chi tiếng nói của con làm cho Chúa được vui;

phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

"Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, không ai có thể nói "Ðức Giêsu là Chúa" mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,

xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

Nếu không có Chúa trợ phù,

trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

(Amen. Alleluia.)

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-23

"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:52 08/06/2019
32. Nếu con muốn đạt thật nhanh đến đỉnh cao của hoàn thiện, thì con sẽ đặc biệt thích người khác gia tăng phỉ báng, nhục mạ và khinh mạn con. (Thánh Ignatius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:01 08/06/2019
37. NGÂM THƠ CHÁO NHẠT

Có người thích ngâm “thơ cháo nhạt” như sau:

“Nửa nồi nước trong tiết ra một chén gạo,

đưa chưa đến miệng đã khiến người buồn.

Đũa quét đông rồi lại quét tây,

muỗng khều bên trái rồi bên phải.

Bưng ra khỏi bếp gió nổi sóng,

đặt trong sân dưới (bóng) nguyệt trầm câu.

Giai nhân không cần dùng gương soi,,

mày mắt rõ thật ở bên trong...”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 37:

Ai đã từng đói mới thấy nồi cháo nhạt thật là quý, ai đã từng ăn rau thế cơm mới thấy nồi cháo lỏng là quý hơn bạc vàng, ai đã từng đói lã nơi nương rẫy mới thấy nồi cháo thật là thang thuốc bổ...

Khi no, cháo nhạt là thứ dành cho bệnh nhân.

Khi đói, chén cháo thật no lòng hạnh phúc.

Người Ki-tô hữu thời nay (nhất là các bạn trẻ và những người quá chú trọng đến việc “nghiên cứu” thánh kinh) thường có “khuynh hướng” coi thường chén “cháo nhạt” là việc đọc kinh hằng ngày, họ quên mất rằng các thánh tử đạo của chúng ta cũng biết rất ít thánh kinh, nhưng các ngài luôn đọc kinh hôm kinh mai và nhờ đọc kinh sáng tối mà đã giữ vững đức tin của mình cho đến chết.

Gần gủi nhất là ông bà cha mẹ trong gia đình cũng biết rất ít thánh kinh, nhưng các cụ ấy siêng năng lần hạt mân côi, đọc kinh sáng tối và dạy con cháu đọc kinh, vậy mà các cụ cũng đã sống cuộc đời thánh thiện cho con cái noi theo.

Có nhiều người đi học lớp thánh kinh này lớp thánh kinh nọ rồi phê bình việc đọc kinh sáng kinh tối, họ nói rằng đọc kinh lảm nhảm cả ngày không ích lợi gì cả, đọc vài kinh là đủ rồi, họ quên mất rằng hạt giống đức tin công giáo được sống mạnh cho đến hôm nay cũng là nhờ việc đọc kinh sáng tối trong gia đình của các ông bà cha mẹ, mà các gia đình đã gìn giữ đức tin của các con cháu mình...

Nghiên cứu học hỏi thánh kinh là việc của lí trí, nhưng đọc kinh sáng tối là việc của con tim, mà ông bà cha mẹ thì không cần “lí luận” về Chúa, họ chỉ cần yêu Chúa qua các kinh nguyện hằng ngày là đẹp lắm rồi.

Hình ảnh đẹp nhất của bức tranh gia đình công giáo là: ông bà cha mẹ con cái cháu chắt cùng nhau đọc kinh sớm tối trong gia đình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-------------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Nhờ Thần Khí Để Tin Mừng Vang Xa
Lm Giuse Trương Đình Hiền
12:18 08/06/2019
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2019

Cũng lạ ! Thiên Chúa đã chọn chính ngày lễ NGŨ TUẦN, một đại lễ “mừng kỷ niệm Giao Ước Si-Nai và tạ ơn mùa gặt mới” của “Đạo Cũ” – Do Thái giáo, để khai sinh “Đạo Mới” - Kitô giáo. Và “sự kiện” chính trong nghi lễ “khai trương đặc biệt” nầy, là biến cố “Thần Hiển của Ngôi Ba Thiên Chúa” mà ngôn ngữ Phụng Vụ truyền thống gọi là “Chúa Thánh Thần Hiện xuống”. Hội Thánh, trong Kinh Tiền Tụng của ngày lễ hôm nay, đã hát lên như một lời tuyên xưng đối với chân lý trên : “Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin” [1].

Quả thật, như sách Công Vụ tông đồ tường thuật, chính ngày nầy, giống như cuộc “Thần hiển uy hùng với “khói bùng lửa dậy” của Gia-vê trên núi Si-Nai”, nơi căn nhà Tiệc ly, Chúa Thánh Thần đã xuất hiện bằng những “ngọn lưởi lửa tình yêu và ân sủng tuôn đổ dạt dào trên nhóm mười hai”, để từ đó một “Dân tộc mới”, một “Vương Quốc mới” chính thức được khai sinh, “Vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an”[2].

Tất cả đó chính là công trình của Ngôi Ba Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa, mà qua cách gọi của chính Chúa Giêsu và được “Hiền Thê” của Ngài hiểu và quảng diễn, mang nhiều tên gọi gần gũi với cuộc sống đời thường : Đấng Bảo Trợ, Thần Khí sự thật, Chim Câu dịu hiền, Dòng sông dạt dào sức sống, Hơi thở tác sinh, Ngọn lửa nồng nàn thanh tẩy và sưởi ấm, Cha kẻ cơ bần, Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, Đấng an ủi tuyệt vời, Khách trọ hiền lương, Đấng uỷ lạo dịu dàng…

Và cũng từ những tên gọi đó, chúng ta có thể dừng lại để chiêm ngưỡng dung mạo và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần qua 3 chiều kích sau :

1. Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống :

Trong Kinh Tin Kính, Hội Thánh không ngừng tuyên xưng : “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Sự sống đó là kỳ công của chương trình Sáng Tạo và cũng là cùng đích của chương trình cứu độ. Thánh Kinh thường dùng 2 thực tại “khí” và “nước” để chỉ sự sống.

- “HƠI THỞ SỰ SỐNG” : Ngay từ thở ban sơ khi mọi sự còn trong cảnh hổn mang, thì “Thần Khí Chúa đã bay là là trên mặt nước” và sự sống đã phát sinh từ độ ấy. Và còn hơn thế nữa, sự hiện hữu của con người đã khởi sự với bùn đất tầm thường, nhưng một khi nhận “Hơi thở thần linh” của Thiên Chúa đã trở nên “con người mang ảnh hình Thiên Chúa”, một Ađam bằng xương bằng thịt tuyệt vời (St 2,7). Sự tác động của Thần Khí để đem lại sự sống còn được ngôn sứ Ê-dê-ki-en mô tả cách sống động qua thị kiến “những bộ xương khô nhờ sức tác động của Thần Khí đã trở nên một đạo binh người sống đông đảo” (Ed 37,1-14).

Nhưng có lẽ cụ thể nhất chính là việc Đức Kitô Phục sinh trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ vào Ngày Thứ Nhất trong tuần tại nhà tiệc ly qua hành vi thổi hơi : Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,22).

Vâng, bắt đầu từ phút giây nhận lãnh “hơi thở của sức sống phục sinh” đó, các cánh cửa của căn nhà tiệc ly “đóng im ỉm vì sợ người Do Thái” đã bắt đầu mở toang, và những anh tông đồ hoang mang sợ sệt trốn chui trốn nhủi hoặc tìm về chốn cũ nghề xưa, đã lấy lại niềm tin và sức sống để mạnh mẽ lên đường, “đưa thuyền ra chỗ nước sâu”, bất kể thương đau và hy sinh mạng sống…!

- “DÒNG NƯỚC TÁI SINH” : Nếu Chúa Thánh Thần được gọi là “Hơi thở sự sống”, thì Ngài cũng được mệnh danh là “Dòng nước tái sinh”.

Chúng ta đừng quên : sự sống tốt lành thánh thiện trong công trình sáng tạo đầu tiên của Thiên Chúa tưởng đâu đã tiêu tan đi với cơn Đại Hồng Thủy - thanh tẩy địa cầu vì tội lỗi ngập tràn thế gian ; thế nhưng “dòng sông ân sủng lại tuôn tràn” khi Nước sông Giođan đã dội lên Vị Cứu Thế từ trời cao nhập thể (Mc 1,9-11). Vâng, kể từ phép rửa khai mạc sứ vụ cứu thế nơi dòng sông Giođan ấy, kẻ nào “đến với Ngài và tin vào Ngài thì từ nơi họ sẽ tuôn chảy một nguồn nước sống” (Ga 7,37-38). Nào chẳng phải “nguồn nước sống” đó chính là :

- Tiệc cưới Cana hôm nào suýt nữa bẽ mặt vì thiếu rượu, đã nhận được một lúc hàng ngàn lít “nước đã biến thành rượu ngon” để “nhân loại hôm ấy” ngập tràn hân hoan và hạnh phúc.

- Người phụ nữ Samaria đã nhận được “dòng nước hằng sống” bên bờ giếng Giacóp khi đối thoại chân tình với Đấng có thể ban dòng nước ấy để từ hôm ấy một cuộc đời mới, một con đường mới đã mở ra.

- Những con người như Giakê, Lêvi, Maria Mađalêna, Nicôđêmô, Người phụ nữ ngoại tình, người trộm bị đóng đinh… một khi đến và tin vào Đấng là “Đường, Sự Thật, Sự Sống” lập tức một nguồn nước sống đã tuôn chảy dạt dào nơi trái tim họ, nơi cuộc sống họ, để từ đó, quả thật như sứ ngôn Êgiêkien : họ đã được tái tạo để có “một trái tim mới một tâm hồn mới”.

Thế nhưng, tất cả đó cũng mới chỉ là “dấu chỉ”. Nguồn sống đích thực chỉ được chính thức trao ban cho nhân loại kể từ khi có những dòng “máu và nước tuôn ra từ trái tim của Đấng Bị Đóng Đinh” (Ga 19,34). Nhờ dòng nước vượt qua nầy mà một dòng tộc mới, một dân mới được khai sinh cùng với dòng nước tái sinh của nhiệm tích thánh tẩy.

Phụng vụ lễ Chúa Thánh Thần hôm nay cũng đang trình bày với chúng ta gương mặt của một Giáo Hội sống động vẹn toàn, trong đó Chúa Thánh Thần - Thần Khí của Thiên Chúa là nguồn mạch trao ban sự sống, trao ban tự do vui tươi, phẩm giá, thăng tiến và hy vọng. Thảo nào, Chúa Thánh Thần đã chọn chính dịp lễ Ngũ Tuần để ngự xuống trên Hội Thánh buổi ban đầu, dịp lễ của Mùa gặt mới, dịp lễ của tạ ơn vì những hoa trái đầu mùa hái về để dâng tặng Thượng Đế.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay đó là chúng ta cử hành mối liên hệ sâu thẳm thân tình giữa Thiên Chúa và con người trong Giao ước mới với Luật Mới của Đức Kitô, kiện toàn “Giao ước Sinai” (Bđ 1 Lễ Vọng) mà ở đó, dân cũ Israel đã lãnh nhận Thập Điều.

Trong Giao Ước Mới nầy, Thiên Chúa hiện diện ngay trong tâm hồn con người để trao ban “một trái tim mới, một thần khí mới”; và dưới sức tác động của “Đấng Thiên Chúa ban sự sống”, một sự sống mới tuôn tràn, mà Thánh Phaolô đã cụ thể hoá bằng những loại “hoa quả” tuyệt vời : “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5,22).

Trong một thế giới, một xã hội mà “sự chết” đang hoành hành, hiện diện qua nhiều cách thế : tàn ác, vô cảm, hận thù, tham lam, mê tín, dục lạc…, mừng lễ Chúa Thánh Thần là dịp để người Kitô hữu tiếp tục sinh những hoa quả phúc đức của bác ái đối với anh chị em xung quanh, hoa quả của cuộc sống công bình chính trực, của lương tâm ngay thẳng thật thà, của trái tim từ bi nhân hậu, của cõi lòng vị tha, quảng đại và hiệp nhất…

Và như thế, tuyên xưng “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống” cũng có nghĩa là cuộc sống phải không ngừng chết đi cho tội lỗi để tái sinh một đời sống mới trong ân nghĩa Chúa, là không ngừng vươn lên bức phá khỏi cái tôi tầm thường nô lệ để “hướng theo Thánh Thần để tiến bước” , để kết trái đơm hoa công chính thánh thiện.

2. Chúa Thánh Thần Đấng thanh tẩy và đổi mới (Lửa):

Đức Kitô đã từng tuyên bố rằng : “Thầy mang lửa xuống trần gian và thầy muốn lửa ấy cháy lên…”. Điều ấy phải chăng đã ứng nghiệm vào dịp lễ Ngũ Tuần cách đây 2000 năm. Thật vậy, sau khi ngọn lửa Thánh Thần được ban xuống trên các Thánh Tông Đồ, thì tiếp đó mấy ngàn người hành hương bất ngờ được lãnh nhận Phép Rửa sau khi đón nghe bài tuyên chứng của Tông Đồ Phêrô. Một cuộc “đại Thanh Tẩy” nhiệm mầu khơi mào cho bao nhiêu cuộc thanh tẩy khác muôn nơi muôn thuở trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại cho đến ngày tận thế.

Cần thiết biết bao sự thanh tẩy của “lửa Thánh Thần” cho môi trường sống của xã hội hôm nay, môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề vì bao nhiêu thói hư tật xấu của con người : Môi trường thiên nhiên bị huỷ hoại, ô nhiễm; môi trường xã hội đủ loại bị băng hoại, biến chất, ngập tràn đồi truỵ (y tế, giáo dục, chính trị, kinh doanh, thực phẩm…)

Vì mang sứ mệnh là chứng nhân và tác nhân cho sự thanh tẩy nhiệm mầu trên toàn nhân loại, nên chính bản thân Giáo Hội cần phải được Ngọn Lửa Thánh Thần thiêu rụi mọi bất hòa chia rẽ, mọi tiêu cực biếng lười, mọi giả hình thối nát.

Chúng ta đừng quên lời cảnh báo của chính Chúa Giêsu : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13).

3. Chúa Thánh Thần Đấng qui tụ, hiệp nhất.

Thảm cảnh của một nhân loại bị phân tách và chia rẽ của tháp Babel ngày xưa giờ đây được Chúa Thánh Thần qui tụ về một mối, nói và hiểu cùng một thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ tình yêu của con cái Thiên Chúa, ngôn ngữ Tin Mừng của Đức Kitô phục sinh.

Nói cách khác, Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hợp nhất trong Giáo Hội, bởi vì mọi đặc sủng và ơn thánh đều bắt đầu từ một Thần Khí, một Chúa là Thiên Chúa duy nhất như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong thư Cô-rin-tô nơi Bđ 2 hôm nay :

“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người...

“Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”(1Cr 12,4-13)

Giáo lý của thánh Phaolô đặc biệt dành cho cộng đoàn Kitô hữu Côrintô ngày xưa đang gặp sự chia rẽ, bất hoà; và cũng rất thời sự đối với mọi cộng đoàn tín hữu chúng ta hôm nay. Có thể nói được, dấu chỉ rõ nét nhất của một cộng đoàn, một Giáo Hội đang có Chúa Thánh Thần, đó chính là sự hiệp nhất, yêu thương. Trái lại, là biểu hiện của “xác thịt, ma quỷ, vắng bóng Thần Khí” ! (Gl 5,16-24). Chắc chắn, khi tha thiết cầu nguyện cho “chúng được nên một” (Ga 17), Đức Kitô đã thấy trước một thách đố lớn lao cho Giáo Hội của Ngài đó chính là “sự hiệp nhất”; và Ngài cũng thấy rõ, chỉ khi nào Hội Thánh” đó ngoan nguỳ để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, tác động mới tồn tại và phát triển.

Như vậy, mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, một lần nữa chúng ta van nài Đấng Ban Sự sống không ngừng “xuống” trên nhân loại đang có quá nhiều cảnh lầm than đang cần “chỗ nghỉ ngơi”, đang có quá nhiều nước mắt đang cần niềm an ủi, đang có quá nhiều địa chỉ lạnh lùng cần sưởi nóng và đang có quá nhiều tâm hồn tăm tối cần “sự sáng chứa chan hồng phúc” [3].

Và ước gì ngọn lửa của Thần Khí sẽ thiêu rụi những yếu hèn, sợ hải, hồ nghi, chia rẽ và thất vọng để mọi người chúng ta mở tung mọi cánh cửa, can đảm dấn thân đến mọi vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng.

Chút nữa đây, chúng ta tin rằng, sau lời nguyện cùng Chúa Thánh Thần của chủ tế khi đặt tay trên bánh và rượu[4] cùng với những lời hiến thánh tiếp sau đó, Bánh và Rượu đã trở nên Mình Máu Chúa Kitô. Vâng, chính Thánh Thần sẽ làm cho Chúa Kitô hiện diện mãi mãi giữa chúng ta để nuôi sống chúng ta trên đường trần gian.

Một điều chắc chắn đó là : không ai có khả năng rao giảng và làm chứng nếu không được “Thần Khí Chúa ngự xuống”. Nói cách khác, Tin Mừng chỉ được vang xa khi Hội Thánh và mỗi người xác tín và cảm nhận được rằng : “Thần Khí Chúa đang ngự trên tôi” (Lc 4,18-19).

Chính vì thế, lời cầu xin hằng ngày của Hội Thánh, của mỗi người, đó chính là : “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến !”

Trương Đình Hiền

[1] Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.

[2] Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ.

[3] Theo ý Ca Tiếp Liên lễ Chúa Thánh Thần.

[4] Lời nguyện khi chủ tế đặt tay trên lễ vật (Eclipsis) trong KNTT II : “Vì thế, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hoá những của lễ này để trở nên cho chúng con Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội đồng Giám mục nước Honduras nêu lên những vấn đề cần phải giải quyết khẩn cấp.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
15:37 08/06/2019
Các Giám mục nước Honduras đã tham dự Khóa họp Toàn bộ từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 6. "Thông điệp của Hội đồng Giám mục nước Honduras (CEH)" cho thấy những vấn đề chính làm cộng đồng quan tâm: chi phí cao về cuộc sống, tội phạm và bạo lực, thất nghiệp, thiếu hụt nghiêm trọng trong hệ thống y tế và giáo dục, tham nhũng.

"Nhưng còn có những vấn đề khác có khả năng gây ra những xung đột, thậm chí nghiêm trọng hơn những gì chúng ta đang gặp phải trong những ngày này, liên quan đến sức khỏe và giáo dục: các vấn đề dưới hình thức luật pháp của Quốc hội Honduras, những vấn đề trong các quyết định của Hành pháp, trong cuộc khủng hoảng của các công ty nhà nước, trong các dịch vụ liên quan đến năng lượng, nước, giao thông, v.v. Nếu mọi vấn đề đều dẫn đến xung đột như chúng ta trải qua và nếu mọi xung đột được xử lý với cùng một sự kém hiệu quả, hậu quả có thể khiến cho Honduras đi vào một cuộc khủng hoảng sẽ rất khó khắc phục ". Trong tình huống này, các Giám mục lưu ý rằng "sự phẫn nộ của đa số dân chúng, sự đau khổ của người nghèo nhất, sự thất vọng của người trẻ, nỗi sợ hãi của người di cư, nỗi thống khổ của người bệnh, sự bất lực chống lại tham nhũng và trạng thái miễn tội, cuộc tranh đấu của những người đấu tranh cho một Honduras tốt hơn mà không thấy kết quả, thậm chí còn trở nên đau đớn và dễ hiểu hơn“.

Trong thông điệp, các Giám mục tin rằng "sự nghiêm trọng của các cuộc xung đột, trước hết, là do cách thức sai trái mà họ bị quản lý bởi các quyền lực của Nhà nước". Với phản ứng thông thường, Hội đồng Giám mục nước Honduras nhắc lại rằng "các cuộc biểu tình phản đối phải diễn ra trong hòa bình". "Trách nhiệm của cảnh sát là đảm bảo trật tự và an ninh cho toàn dân", ngay cả khi đôi khi cảnh sát sử dụng "sức lực không cân xứng, làm tăng thêm những yếu tố nghiêm trọng khác vào các cuộc xung đột".

Phân tích của các Giám mục thể hiện chính bản thân với những giai điệu gay gắt và cụ thể, như hiếm xảy ra trong lịch sử của đất nước: "Chúng tôi rất lo lắng về tương lai của đất nước chúng tôi". Dưới đây là danh sách các điểm quan trọng: "Hiến pháp đã vi phạm mỗi khi cần, các quyền lực hoàn toàn không độc lập, Quốc hội đã trở thành một nhà hát của các diễn viên đáng trách, quay lưng lại người dân. Cần phải có một luật bầu cử để bảo đảm sự minh bạch của phiếu bầu và vượt ra ngoài tội ác về bầu cử một lần và mãi mãi.

Các tổ chức nhà nước bị phá hoại bởi tham nhũng, tê liệt kinh tế, đặc biệt là trong nông nghiệp, việc bán tài nguyên thiên nhiên của đất nước chúng ta một cách đáng xấu hổ. Một cải cách ngụy tạo của bộ luật hình chỉ đơn giản trở thành một công cụ để bảo vệ những kẻ tham nhũng, trừng phạt những kẻ "nguy hiểm" nhất, rồi họ là những người ngoài lề và những thanh niên nghèo khổ trong cuộc tìm kiếm tuyệt vọng để sống sót ".

Phần đầu tiên của tài liệu này kết luận với đề xuất thay đổi đất nước: "Chúng tôi rất lo lắng về sự suy giảm đạo đức mà đất nước chúng ta đang chìm xuống. Không bao giờ đúng khi làm điều ác để có được điều tốt". Phần thứ hai tập trung vào một số điểm cần hành động khẩn cấp, chẳng hạn như "tôn trọng luật pháp ... tin tưởng ... đạo đức chính trị ... sự thật ... đối thoại thực sự". "Chúng tôi muốn kêu gọi toàn xã hội, chúng ta hãy bắt đầu nhận thức rằng một sự thay đổi như cam kết là có thể đạt được trong sự đoàn kết ".

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Agenzia Fides
 
Tin tức bằng tiếng Latinh bắt đầu được phát trên Radio Vatican
Đặng Tự Do
16:23 08/06/2019
Bắt đầu từ thứ Bảy, 8 tháng Sáu, một bản tin hàng tuần dài 5 phút bằng tiếng Latin sẽ được phát ra thế giới trên các tần số của Đài phát thanh Vatican thông qua các kênh tiếng Ý. Tất nhiên, quý vị và anh chị em cũng có thể theo dõi chương trình này trên trang web của Vatican News và nghe trên podcast. Chương trình này, có tên là ‘Hebdomada Papae’, sẽ sớm có mặt trên cả các kênh tiếng Anh.

Bản tin được phát sóng nhờ sự cộng tác của Văn phòng Tiếng Latin của Vatican, một bộ phận trong phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nơi các tài liệu của Giáo hội được viết hoặc dịch sang tiếng Latin. Bản tin sẽ được biên tập bởi nhà báo kỳ cựu của Đài phát thanh Vatican là ông Alessandro De Carolis.

Một thử thách cho tương lai

Dù chỉ mới phát 5 phút một tuần, Andrea Tornielli, Giám đốc biên tập của Đài phát thanh Vatican, mô tả ‘Hebdomada Papae’ không phải như một chương trình thử nghiệm, nhưng là một chương trình tin tức thực sự và giàu thông tin.

Ông nói: “Chúng tôi không quan niệm chương trình này như một cái nhìn hoài cổ hướng về quá khứ, nhưng như một thách thức cho tương lai.”

Lưu ý rằng tiếng Latin là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Công Giáo, ông nói rằng tiếng Latin đã có tiếng vang hàng ngày trên các tần số của Đài phát thanh Vatican, trong các Thánh lễ bằng tiếng Latin.

Ông giải thích rằng sáng kiến hàng tuần này nhằm mục đích mang lại một sức sống mới cho ngôn ngữ này.

“Anima Latina”

Ngay sau bản tin hàng ngày trên Đài phát thanh Vatican bằng tiếng Ý, sau tin tức và các chương trình khác dành riêng cho các tín hữu nói tiếng Ý, Đài phát thanh Vatican phát tiếp một chương trình chuyên sâu mang tên “Anima Latina, radio colloquia de lingua ecclesiae”

“Anima Latina”, là chương trình dành riêng cho việc tái khám phá giá trị và vẻ đẹp của ngôn ngữ Latinh, do Cha Waldemar Turek, Giám đốc Văn phòng Tiếng Latin phụ trách.


Source:Vatican News
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đoàn Liên Minh Thánh Tâm và Ngành Nữ Tông Đồ Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
00:32 08/06/2019
Melbourne, Ngày Thứ Sáu đầu tháng Sáu, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đoàn Liên Minh Thánh Tâm và Ngành Nữ Tông Đồ Liên Minh Thánh Tâm đã dâng lễ đồng tế trọng thể để mừng bổn mạng của đoàn và ngành tại Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm lúc 6 giờ 30 chiều.

Bàn Thờ Thánh Tâm Chúa


Xem hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Trần Ngọc Tân Quản nhiệm cộng đoàn và cũng là Giám đốc Đoàn Liên Minh Thánh Tâm Melbourne chủ tế, Linh mục Trần Minh Hiếu SSS đồng tế, cùng với ban lãnh đạo đoàn, Ban Thánh Tâm Ca, các đoàn viên và Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne cùng hiệp dâng thánh lễ mừng bổn mạng.

Bàn thờ Chúa Giêsu được trang trí hoa đèn bên phải gian cung thánh. Trước Thánh lễ, như thường lệ các Thứ Sáu đầu tháng, Đoàn đã cùng cộng đoàn có các giờ chầu Lòng Chúa Thương Xót lúc 3 giờ chiều, Chầu Thánh Thể với các lời nguyện ngắm rất sinh động và sốt sắng.

Nhân dịp mừng bổn mạng, toàn thể đoàn viên đã lên dâng mình cho Thánh Tâm Chúa. Mỗi người tay cầm một cây nến xếp hàng đôi tiến lên trước bàn thờ để dâng mình, nơi Thánh Thể Chúa đang hiện diện, để cùng nhau dâng mình với lời nguyện: Lậy Chúa Giêsu, con xin Tín Thác Vào Chúa.

6 giờ 30. Thánh lễ đồng tế với đại diện đoàn và ngành rước cờ đoàn và ngành theo đoàn đồng tế lên trước bàn thờ và dựng cờ hai bên bàn thờ. Trong bài chia sẻ, linh mục chủ tế đã chia sẻ về Thánh Tâm Chúa Giêsu và tình yêu tuyệt vời của Ngài. Xin Chúa ban và hoán đổi cuộc đời và trái tim mọi người nên giống Trái Tim của Chúa.

Cuối lễ, ông Mai Thanh Hải, đại diện cho đoàn lên cám ơn quý cha, và mong ước là trái tim của mọi đoàn viên của Đoàn Liên Minh Thánh Tâm và Ngành Nữ Tông Đồ được trở nên như những hạt bụi bám vào trái tim yêu thương của Chúa là đã mãn nguyện cho mọi đoàn viên lắm rồi.

Cuối cùng, một bữa tiệc mừng tại hội trường để mọi người quây quần bên nhau thưởng thức các món ăn, hàn huyên, tâm sự trong tình thân ái và đoàn kết yêu thương, cùng nhau sưởi ấm trong cái lạnh đầu Đông của Melbourne.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chúa Thánh Thần
Đinh Văn Tiến Hùng
12:22 08/06/2019
Chúa Thánh Thần

“ Ta cầu xin Đức Chúa Cha, Người sẽ ban Đấng khác từ trời xuống với các con, và ở cùng các con luôn, vì đó là Đấng Thánh Linh” (Yn. 14: 16)

Trước khi về trời, Chúa đã hứa cùng các môn đệ rằng: “ Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy chúng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Dạy chúng hết mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi. Và này Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế.

( Mt. 28: 18- 20)

Như thế,chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha,Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa độc nhất, thánh thiện, trọn hảo, thông biết mọi sự, quyền phép vô biên và hằng có đời đời.

Thiên Chúa duy nhất lại có Ba Ngôi, là một tín lý mầu nhiệm cao trọng của Đức Tin Kitô Giáo.

‘Vô tri bất mộ’ không hiểu thì không yêu. Vì vậy, người viết với kiến thức hạn hẹp, không đủ khả năng đi sâu vào thần học diễn tả về Chúa Thánh Thần. Nhưng cố gắng tìm hiểu qua Phúc Âm và các Nhiệm Tích Thánh mong học hỏi thêm, để yêu mến, cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho ta ‘ Tặng phẩm tuyệt hảo vô giá’ là chính Chúa Thánh Linh.

Ta thường hiểu một cách tổng quát về Thiên Chúa Ba Ngôi qua các biểu tượng :

- Chúa Cha là Vị Quan toà uy nghiêm chính trực.

- Chúa Con là Vị Mục Tử nhân lành khoan dung.

- Chúa Thánh Thần như chim Bồ Câu thanh khiết, Lưỡi Lửa Tình Yêu. Trong Phúc Âm các Thánh Sử còn gọi Ngài là Thánh Linh, Thần Khí, Đấng Bầu Chữa, Đấng Phù Trợ.

Đối với ta, Chúa Cha quá cao xa quyền thế- Chúa Con gần gũi ta hơn vì đã hạ sinh làm người

cứu chuộc tội lỗi nhân loại- Còn Chúa Thánh Thần xem ra mông lung huyền nhiệm. Nhưng đây là Mầu nhiệm Đức Tin, ta phải tin dù không thể hiểu được. ( Giống như câu truyện Thánh Augustinô suy niệm về Chúa Ba Ngôi còn khó hơn cậu bé muốn múc hết nước biển đổ vào một lỗ nhỏ )

Nhân Lễ Kính Chúa Thánh Thần, ta hãy tìm hiểu sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần qua Phúc âm 4 Thánh Sử: Máthêu, Luca, Macô và Gioan.

* CHÚA THÁNH THẦN TRONG PHÚC ÂM 4 THÁNH SỬ:

Trong Phúc âm có nhiều chỗ nhắc đến chính Chúa Giêsu dạy cho ta biết về Chúa Thánh Thần.

- Chúa nói với ông Nicôđêmô: “ Thật Ta bảo thật ông, không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi Nước và Thần Khí “ (Yn.3: 5)

- Thiên Chúa hiện ra với Zacarya và báo tin Gioan Tiền Hô sẽ sinh ra: “ Zacarya đừng sợ! Vì lới ngươi đã được nhận và Elisabeth vợ ngươi sẽ sinh cho ngươi một con trai, ngươi sẽ đặt tên là Gioan. Ngươi sẽ hoan hỉ và nhiều người sẽ vui mừng và đứa trẻ sẽ làm lớn trước mặt Thiên Chúa. Rượu chua, chất say sẽ không hề uống và ngay từ trong lòng mẹ sẽ được đầy Thánh Thần.

( Mc. 1: 13- 15)

- Maria đã đính hôn với Giuse, trước khi hai ngưới về sống chung, Maria đã có thai do quyền linh Chúa Thánh Thần. Giuse là người công chính, không muốn tố giác Maria đã âm thầm bỏ đi. Nhưng Thiên Sứ đã bảo Ông trong giấc chiêm bao: “ Giuse con Davít! Chớ sợ rước Maria về nhà. Thai nhi nơi Bà là do tự nơi Thánh Thần. Bà sẽ sinh Con Trai và Ông sẽ đặt tên là Giêsu và chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi.” ( Mt. 1: 18- 20)

- Thiên Thần được Thiên Chúa sai đến 1 thành xứ Galilêa tên là Nazareth đến với Trinh Nữ Maria đã đính hôn với 1 người tên là Giuse, thuộc dòng Davit. Thiên Thần chào Maria: “ Hãy vui lên! Hỡi Người đầy ơn phúc! Chúa ở cùng Bà! ….Maria đừng sợ! Vì Người đã được ân sủng nơi Thiên Chúa. Nơi lòng dạ Người sẽ thụ thai và sinh Con Trai, sẽ đặt tên là Giêsu. Ngài sẽ làm lớn được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Davit và làm vua nhà Yacob đến đời đời, vương quyền Ngài sẽ vô cùng tận. Maria thưa với Thiên Thần rằng “ Điều ấy sẽ làm sao được, vì tôi không nghĩ tới việc phu thê” Nhưng Thiên Sứ đáp lại lời Bà: “ Thánh Thần sẽ đến trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà. Bởi thế Con Trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa. (Lc .1: 26-35)

- Bấy giờ Chúa Giêsu rời Galilêa đến với Gioan bên sông Yordan để được thanh tảy. Sau khi Chúa chịu phép rửa, Đức Giêsu ra khỏi nước. Lúc ấy trời mở ra và Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa là Chim Bồ Câu đáp xuống trên Ngài và tiếng từ trời phán: “ Đây là Con Chí ái Ta, Kẻ mà Ta yêu mến! “ (Mt .3: 17)

- Theo Phúc Âm Thánh Mác-cô, ngay sau khi Chúa chịu phép rửa, Thần Khí đưa Ngài vào sa mạc và Ngài ở đó 40 ngày chịu Sa-tan cám dỗ. Ngài ở giữa dã thú và các Thiên Thần hầu hạ. (Mc. 1:12-13)

- Khi Chúa chữa lành người qủi ám câm và mù, bọn biệt phái tỏ ra không tin và cho Ngài đã nhờ Bêelzêbul đầu mục qủi mà trừ…Nên Chúa đã lên án nặng nề bọn này đã lộng ngôn xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, không thể tha thứ, nên Ngài phán: “ Bởi đó, Ta bảo các ngươi: mọi tội lỗi và lộng ngôn sẽ được tha cho người ta. Còn lộng ngôn đến Thần Khí sẽ không được tha. Ai nói lời nghịch đến Con Người, điều đó sẽ được tha cho người ấy. Còn ai nói nghịch đến Thánh Thần, điều ấy sẽ không tha được cho người ấy, thời này cũng như thời sẽ đến. (Mt. 12: 22- 32)

-Trong diễn từ Chung luận, Chúa dặn các môn đệ: “ Khi người ta dẫn các con đi giao nộp, các con đừng lo toan trước sẽ phải nói những gì, nhưng các con hãy nói điều gì ban cho ngày đó ,vì không phải các con nói mà là Thánh Thần. (Mc. 13: 11)

- Vào dịp cuối Đại Lễ Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần và Ngài đứng lên lớn tiếng nói rằng: “Ai khát hãy đến với Ta và hãy uống! Kẻ tin vào Ta như Kinh Thánh đã nói: tự lòng Ngài sẽ có sông tuôn chảy nước trong mát. Điều ấy Ngài nói về Thần Khí, các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, vì Thần Khí chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh. (Yn. 7: 37- 39)

- Sau khi sống lại Chúa hiện ra với các môn đệ trong phòng đóng kín vì sợ người Do Thái. Họ mừng rỡ vì được thấy Chúa…Ngài nói với họ: “ Bình an cho các con! Cũng như Cha Ta đã sai Ta, Ta cũng sai các con” Ngài thổi hơi trên họ và nói: “Hãy chịu lấy Thánh Thần! Các con tha tội cho ai thì người ấy sẽ được tha, các con cầm giữ ai họ sẽ bị cầm giữ” (Yn. 20: 19- 22)

- Đặc biệt trong Phúc Âm Thánh Gioan, Ngài viết nhiều chương nói về Đấng Bầu Chữa và hoạt động của Chúa Thánh Thần :

- “ Nếu các con yêu mến Ta, các con hãy giữ lệnh truyền của Ta. Ta sẽ xin Cha Ta và Ngài sẽ ban cho các con 1 Đấng Bầu Chữa khác, để ở với các con luôn mãi. (Yn. 14:15- 16)

- “ Ai không mến Ta, thì không giữ lời Ta. Mà lời các con nghe đây không phải là lời Ta, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Ta. Các điều ấy Ta đã nói với các con, lúc còn lưu lại với các con. Nhưng Đấng Bầu Chữa Thánh Thần, Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, chính Ngài sẽ dạy các con mọi sự và sẽ nhắc các con nhớ lại mọi điều Ta đã nói với các con.” (Yn. 14: 24- 26)

- “ Song Ta nói thật với các con: Ta ra đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Ta không ra đi thì Đấng Bầu Chữa không đến với các con. Còn nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến với các con. “ (Yn. 16: 17)

- “ Khi nào Ngài đến vì là Thần Khí sự thật, Ngài sẽ đưa các con vào tất cả sự thật, vì không phải tự mình mà Ngài nói, nhưng nghe gì Ngài sẽ nói ra và Ngài sẽ loan báo cho các con những điều gì sẽ đến. “ (Yn. 16: 13)

* CHÚA THÁNH THẦN TRONG 7 PHÉP BÍ TÍCH:

Chúa Giêsu khi sống nơi trần thế , chính Ngài đã lập các phép Bí Tích để giúp ta nên thánh và cộng tác với Ngài trong việc thánh hoá thế trần.

- Bí Tích: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể là 3 Bí Tích khởi đầu gia nhập Giáo Hội.

- Bí Tích : Hòa Giải và Sức Dầu là hai Bí Tích chữa lành và tăng thêm sức mạnh hồn xác.

- Bí Tích: Hôn Phối và Truyền chức Thánh là 2 Bí Tích gíup ta hiệp thông và phục vụ tha nhân và Giáo Hội.

1-Bí Tích Rửa Tội.

Bí Tích Rửa Tội là Nhiệm Tích Thánh đầu tiên trong 7 Bí Tích Chúa đã lập ra để thanh tảy tâm hồn ta khỏi tội Tổ tông và tội riêng ta phạm, để ban cho ta một đời sống mới đầy ân sủng và trở nên con cái Chúa. Vì thế khi lãnh nhận Phép Rửa Tội là tâm hồn ta đã trở nên đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong thời Giáo Hội sơ khai, chỉ Rửa Tội cho các tân tòng khi mới gia nhập Giáo Hội, nhưng sau này buộc cha mẹ phải cho con trẻ chịu Phép Rửa lúc mới sinh.

Bình thường các Linh Mục và Phó Tế được ban Bí Tích Rửa Tội, nhưng khi khẩn cấp mọi người đều có quyền và có bổn phận làm Phép Rửa theo đúng nghi thức Giáo Hội truyền dạy.

Người khôn lớn muốn nhận Bí Tích Rửa Tội phải: Học Giáo lý tin vào Chúa Kitô- Cải thiện đời sống- và tham dự các nghi lễ gia nhập đạo Công Giáo.

Khi lập Phép Rửa Tội Chúa đã dạy các môn đệ rằng:

“ Ta đã được mọi uy quyền trên trời dưới đất. Các con hãy đi thu nạp môn đệ trên khắp các dân tộc, rửa tội cho họ: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu rỗi, còn ai không tin sẽ bị luận tội. (Mc. 16: 15- 16)

2-Bí Tích Thêm Sức.

Những thế kỷ đầu Giáo Hội, Bí Tích Thêm Sức thường được cử hành ngay sau khi lãnh nhận Phép Rửa Tội. Nhưng sau này thường đợi đến lúc đứa trẻ khôn lớn, hiểu biết hơn về giáo lý mới cho chịu Phép Thêm Sức.

Thường chỉ các Giám mục được quyền ban Thêm Sức, nhưng các Linh Mục được Giám Mục uỷ quyền cũng được cử hành Thêm Sức. Nhưng sách Giáo lý Công Giáo cũng qui định : trong trường hợp bệnh nhân hay người gặp tai nạn nguy đến tính mạng thì bất cứ Linh Mục nào cũng có thể ban Phép Thêm Sức.

Bí Tích Thêm Sức kiện toàn và bổ túc Phép Rửa Tội, tăng Đức Tin mạnh mẽ để can đảm chống lại tội lỗi và ma qủi cám dỗ, cùng cộng tác với Giáo Hội thánh hoá trần thế.

Người lãnh nhận Thêm Sức phải: Học Giáo lý- Sạch tội trọng cùng ước ao lãnh nhận Bí Tích này.

Chịu Phép Thêm Sức ta nhận được 7 ơn Chúa Thánh Thần: ‘ Khôn ngoan- Thông hiểu- Sức mạnh- Đạo đức- Lo liệu- Suy biết và Kính sợ Chúa ‘.

Đúng như ý nghĩa 2 chữ ‘ Thêm Sức’ là củng cố và tăng thêm sức mạnh bởi ơn Chúa Thánh Thần.

Công Vụ Tông Đồ kể rằng: “ Khi hay tin dân Samari đón nhận lời Chúa thì các Tông đồ Gia-liêm liền phái Phểrô và Gioan tới. Các vị này đến Samari và cầu xin cho họ đón nhận Chúa Thánh Thần. Bởi vì Chúa Thánh Thần chưa ngự xuống trong lòng một ai cả, các ông đặt tay trên đầu họ, thì họ liền được đón nhận Chúa Thánh Thần. ( CVTD. 8: 14-17)

3-Bí Tích Thánh Thể.

Theo Tin Mừng Thánh Gioan, chính Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể: ‘Bánh bởi trời’ chính là Ngài và ai ăn sẽ được sống đời đời: “Thật Ta bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì được sống muôn đời và Ta sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết, vì Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống (Yn. 6: 53- 55).

Cũng theo Phúc Âm Thánh Luca và Mác-cô: đêm trước khi chịu chết Chúa dùng Bữa Tiệc Ly cùng các Tông Đồ, Ngài đã lập phép Thánh Thể.. Nguời cầm bánh sau khi đọc lời chúc tụng, bẻ ra trao cho các ông mà rằng: “ Các con hãy nhận lấy mà ăn. Này là Mình Ta sắp phải hiến dâng vì các con. Đoạn lại cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn Cha, trao cho các Tông Đồ mà phán: các con hãy cùng uống chén rượu này, đó là Máu Ta, Máu của giao ước mới sẽ đổ ra vì các con và muôn ngươi để đền tội thay cho họ. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta ! “

(Mc. 14: 17- 25 và Lc. 22: 14- 20)

Nhờ Bí Tích Thánh Thể người Tín Hữu được tham dự vào hy lễ của Chúa cùng Cộng đoàn và Giáo Hội- Bí Tích Thánh Thể làm của nuôi linh hồn, tăng sức mạnh để ta chống lại mọi tội lỗi-

Sau cùng nhờ Bí Tích Thánh Thể ban cho ta diễm phúc trường sinh cùng với Thiên Chúa.

Khi Chúa phán: “Hãy làm việc này để nhớ đến Ta!“ là Chúa đã trao cho các Tông Đồ cũng như những người kế vị các Ngài sau này là các Linh Mục được quyền truyền phép Thánh Thể: biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu.

Trong Thánh Lễ, sau khi truyền phép Thánh Thể, vị Chủ Tế tay dâng lễ vật lên cao và lớn tiếng đọc kết thúc kinh tế lễ: “ Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha Toàn Năng, cùng với Chúa Thánh Thần muôn đời “

4-Bí Tích Hòa Giải.

Buổi chiều ngày Chúa Sống Lại, Ngài hiện ra với các môn đệ và phán: “ Bình an cho các con! Như Cha Ta đã sai Ta thế nào, Ta cũng sai các con như vậy. Nói đoạn Ngài thở hơi trên các ông và dạy: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì kẻ đó được tha; các con cầm giữ ai thì kẻ ấy bị cầm giữ.” (Yn. 20: 19- 23)

Các Bí Tích Rửa Tội- Thêm Sức- Thánh Thể là ngưỡng cửa đầu tiên đưa ta bước vào đời sống trần thế, thì các Bí Tích Hoà Giải- Xức Dầu- Thánh Thể là hành trang gíúp ta mạnh bước tiến về Quê Trời.

Để được lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải cho thành, ta phải làm 5 việc:1 là xét mình cho kỹ- 2 là lo buồn thống hối- 3 là quyết chí sửa mình- 4 là xưng hết mọi tội- 5 là làm việc đền tội.

Khi lãnh Bí Tích Hoà Giải, Chúa ban cho ta những ân sủng:Tăng sức mạnh tâm hồn- Hoà giải cùng Thiên Chúa và Giáo Hội- Được tha hết tội trọng và hình phạt đời đời- Bình an tâm hồn.

Sau khi tội nhân có lòng can đảm thống hối xưng hết các tội, lúc đó Linh Mục giơ tay ban phép lành tha tội rằng: “ Ta tha tội cho con! Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

5-Bí Tích Xức Dầu.

‘ Ai trong anh em đau yếu phải lo mời Linh Mục đến, để các Ngài nhân danh Chúa Kitô và cầu nguyện cho bệnh nhân. Kinh nguyện Đức Tin sẽ cứu người ấy, Chúa sẽ nâng đỡ và tha thứ tội họ đã phạm. (Giacôbê 5: 13- 15)

Mọi người khi già yếu bệnh hoạn hay bị tai nạn nguy đến tính mạng đều có thể lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu và có thể chịu phép này nhiều lần trong những trường hợp nguy hiểm khác nhau.

Chỉ các Giám Mục và Linh Mục được ban Phép Xức Dầu. Người chịu Xức Dầu phải sạch tội trọng, nếu không thể xưng tội được ( như á khẩu, hôn mê bất tỉnh) phải có lòng ăn năn thống hối.

Người lãnh Phép Xức Dầu nhận được nhiều ân sủng: Được tha hết mọi tội- Cùng thông hiệp với khổ nạn Chúa để sinh ích cho mình và Giáo hội- Được an ủi bình an trong tâm hồn- Tăng sức mạnh can đảm chịu đau khổ, chống lại ma qủi cám dỗ, bền vững cùng Chúa trong những giờ phút cuối đời.

Trong nghi thức Xức Dầu, Linh Mục dâng lời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi:

- Lạy Chúa Cha Toàn Năng! Chúc tụng Chúa là Đấng đã sai Con Chúa xuống trần gian vì chúng con và phần rỗi chúng con.

- Lạy Chúa Con là Con Một Thiên Chúa! Chúc tụng Chúa là Đấng đã muốn chữa lành mọi tật nguyền của chúng con, khi Chúa xuống trần với bản tính loài người chúng con.

- Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi! Chúc tụng Chúa là Đấng luôn dùng thần lực của Chúa mà làm cho những yếu đuối chúng con nên vững mạnh.

6-Bí Tích Hôn Phối.

“ Vì thế người ta sẽ từ bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình và cả 2 sẽ thành 1 xương 1 thịt. Như vậy họ sẽ không còn là 2, nhưng chỉ là 1 xương 1 thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không đựợc phân ly” (Mt. 19: 5- 6)

Từ vườn Địa Đàng, Chúa đã ban Phép Hôn Phối đầu tiên cho Adam và Eva . Đây cũng là hình ảnh phối hợp đầy ân sủng giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.

Muốn lãnh Bí Tích Hôn Phối cả 2 nam nữ phải: Đã chịu Phép Rửa Tội- Sạch tội trọng- Cùng Công Giáo (1 trong 2 người theo đạo khác cần trở lại Công Giáo).

Sau khi lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, Chúa ban cho đội tân hôn những ơn: Yêu thương nhau như Chúa yêu thương Giáo Hội- Nên thánh theo đấng bậc mình- Bất khả phân ly ( trung thành 1 vợ 1 chồng).

Nhưng kèm theo những bổn phận buộc tuân giữ: Yêu thương ( nhường nhịn, tha thứ, nâng đỡ nhau)- Sinh sản ( Con cái là hoa trái Tình yêu Chúa ban)- Giáo dục ( Dạy dỗ con cái nên người hữu dụng đẹp lòng Chúa)

Trong nghi Lễ Hôn Phối, khi đôi tân hôn trao nhau Chiếc Nhẫn Tình Yêu, đã long trọng tuyên xưng chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa:

- Teresa…..Xin em nhận chiếc nhẫn này để làm chứng tình yêu và lòng trung thành của anh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

- Gioan…..Xin anh nhận chiếc nhẫn này để làm chứng tình yêu và lòng trung thành của em.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

7-Bí Tích Truyền Chức Thánh.

“ Lúa chin đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt, sai thợ ra gặt lúa về”

(Mt.9: 36- 37)

“ Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc. 22: 19)

Chúa Giêsu là Linh Mục Thượng Tế, Chúa kêu gọi một số người đặc biệt, hiến thân cho Chúa để phụng sự Chúa và tha nhân. Ngay khi Chúa lập Bí Tích Thánh Thể cũng chính là lúc Chúa Truyền Chức Linh Mục cho các Tông Đồ. Và sau này các Tông Đồ lại thông ban chức Linh Mục cho những người khác được tuyển chọn.

Vì thế muốn theo đuổi đời sống tu trì để trở thành Linh Mục phải có ý tưởng ngay lành ( không phải bi quan chán đời hay tìm danh vọng cho cá nhân và gia đình )- Có đầy đủ sức khoẻ, có lòng đạo hạnh và trình độ học vấn cần thiết.

Sau một thời gian tu luyện thử thách, sẽ được tuyển chọn trở thành Linh Mục nếu hội đủ những tiêu chuẩn cần thiết theo giáo luật qui định. Sự tuyển chọn rất khó khăn đúng như lời Chúa phán:

“ Kẻ được gọi thì nhiều, nhưng được chọn thì ít “

Chỉ các Giám Mục kế vị các Tông Đồ mới được Truyền Chức Linh Mục.

Khi nhận lãnh chức Linh Mục, các Tân Chức phải tuyên hứa trước Giám Mục chủ phong đại diện Chúa và Giáo Hội sẽ giữ nghiêm nhặt 3 điều: Sống Khó nghèo- Vâng lời và Khiết tịnh

Nhiệm vụ Linh Mục cao trọng, nên Chúa ban cho các ơn cần thiết để chu toàn sứ mệnh: Dâng Thánh Lễ- Rao giảng Lời Chúa- Ban các Bí Tích cùng Chăn dắt Đoàn Chiên.

Trong nghi thức Truyền Chức Linh Mục, sau cùng Giám Mục chủ phong đặt tay lần cuối trên đầu các Tân Linh Mục mà đọc:

“ Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần! Các con tha tội cho ai thì họ được tha, cầm giữ ai thì họ bị cầm giữ. “

Sau khi nhận thức khái niệm qua trình thuật trong 4 Phúc Âm Thánh Sử và 7 Bí Tích Thánh, ta luôn thấy Chúa Thánh Thần hiện diện nâng đỡ, an ủi, bầu chữa và thêm sức mạnh cho chúng ta và Giáo Hội để chống lại tội lỗi, ma qủi và những thế lực phản lại Hội Thánh.

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hoá, Phù trợ, đem An bình, là Ánh sáng Công chính, là Ngọn lửa Tình yêu của tâm hồn con.

Lạy Chúa Thánh Thần là Thần khí sức mạnh, là Ngọn lửa tình thương, là Chim Bồ Câu thanh khiết, là Đấng Phù Trợ toàn năng, xin giữ gìn Hội Thánh trường tồn vững mạnh. Xin phù trợ cho Đức Thánh Cha Phanxicô luôn khôn ngoan và can đảm hướng dẫn Giáo Hội và chăn dắt đoàn chiên Chúa trao phó.

Lạy Chúa Thánh Thần! Xin thương ban sức mạnh cho Giáo Hội Việt Nam và Đoàn chiên Chúa vượt thắng làn sóng Vô thần đang tàn phá Giáo HộI và Tổ Quốc con..

Lạy Chúa Thánh Thần! Xin ban lòng can đảm cho các Vị Mục Tử để không khiếp nhược và chấp nhận hy sinh bảo vệ Giáo Hội và Đoàn Chiên. Xin cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có nhiều Vị Mục Tử nhân lành như Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, TGM Philiphê Nguyễn kim Điền, TGM Giuse Ngô quang Kiệt, GM Micae Hoàng đức Oanh, GM Phaolô Nguyễn thái Hợp, Lm Tadêô Nguyễn văn Lý, Lm Gioan Baotixita Nguyễn đình Thục và Lm An-tôn Đặng hữu Nam…

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi !

Xưa Chúa đã mặc khải qua các Ngôn Sứ để loài ngườI biết đón nhận ơn Chúa Thánh Thần.

Chúa đã ban Thần Khí Thánh Thần để tăng sức mạnh cho các Môn Đệ hăng say nhiết thành trên đường rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

*Giờ đây xin Chúa ban Thánh Thần đến thánh hoá đời sống chúng con nên trọn hảo xứng dáng trở nên Đền thờ Chúa Ba Ngôi ngự đến.

Con khiêm cung, cúi mình dâng lên Chúa Thánh Thần lời nguyện cầu tha thiết:

“ Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

- Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành .Vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con- Amen. “

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cùng Nhau Cất Tiếng Hoan Ca
Dominic Đức Nguyễn
08:18 08/06/2019
CÙNG NHAU CẤT TIẾNG HOAN CA
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Ave Maria !
Hãy cùng nhau cất tiếng hoan ca
Vinh danh Đức Mẹ Maria
Lần hạt Mân Côi lòng thiết tha
Ave Maria !!!
(bt)