Ngày 15-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Mình Máu Thánh Chúa 14/06/2020 cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 15/06/2020
Bài Ðọc I: Ðnl 8, 2-3. 14b-16a

"Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

"Các ngươi hãy nhớ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, Ðấng đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Và Người là Ðấng đã dẫn các ngươi vào nơi hoang địa mênh mông và kinh khủng có nhiều rắn hổ lửa, bò cạp, rắn lục, và không có một giọt nước nào; Người đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra. Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20.

Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa

Xướng: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.

Xướng: Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. - Ðáp.

Xướng: Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 16-17

"Có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

"Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được? " Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đáng âu lo: Số trường hợp phải vào bệnh viện tại Mỹ vì nhiễm coronavirus bất ngờ tăng vọt
Đặng Tự Do
05:18 15/06/2020


Số các trường hợp nhiễm coronavirus và phải vào bệnh viện đã tăng kỷ lục trong mấy ngày qua tại nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ, bao gồm Florida và Texas.

Hôm Chúa Nhật, tiểu bang Alabama đã báo cáo một số lượng kỷ lục các trường hợp mới trong suốt 4 ngày liên tiếp. Theo một thống kê của Reuters, các tiểu bang Alaska, Arizona, Arkansas, California, Florida, North Carolina, Oklahoma và South Carolina đều có các con nhiễm coronavirus kỷ lục trong ba ngày qua.

Nhiều quan chức y tế nhà nước đổ lỗi sự gia tăng này là vì các cuộc biểu tình từ cuối tháng Năm vừa qua sau cái chết của anh George Floyd, một người da đen bị giết tại Minneapolis.

Tại Louisiana, một trong những điểm nóng trước đó, các trường hợp mới lại gia tăng với hơn 1, 200 trường hợp – tức là nhiều nhất kể từ ngày 21 tháng Năm.

Trên toàn cõi Hoa Kỳ, đã có hơn 25, 000 trường hợp coronavirus mới được báo cáo vào hôm Thứ Bảy, là mức cao nhất kể từ ngày 2 tháng Năm.

Nhiều người lạc quan cho rằng sự gia tăng này một phần cũng có thể là do sự gia tăng đáng kể trong việc xét nghiệm trong sáu tuần qua. Tuy nhiên, rắc rối nhất cho các quan chức y tế, là nhiều tiểu bang đang chứng kiến con số kỷ lục các trường hợp phải vào bệnh viện – đó chắc chắn là một số liệu không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng các xét nghiệm.

Arkansas, North Carolina, Texas và Utah đều có số lượng bệnh nhân nằm bệnh viện ở mức kỷ lục vào hôm thứ Bảy. Ở Nam Carolina, 69% đến 77% giường bệnh có bệnh nhân nằm tùy theo khu vực.

Trong khi thống đốc tiểu bang Utah yêu cầu hầu hết các quận tạm dừng mở cửa trở lại, đa số các tiểu bang khác không nghĩ đến việc đóng cửa lần thứ hai vì họ phải đối mặt với tình trạng thiếu ngân sách và thất nghiệp trầm trọng. Nhiều cơ sở đã mở cửa trở lại trước khi đáp ứng các hướng dẫn về ngăn ngừa lây nhiễm của chính phủ.

New York, tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã sử dụng các hướng dẫn về sức khỏe để hướng dẫn việc mở cửa trở lại và tiếp tục tuân thủ nghiêm nhặt tất cả các biện pháp giảm lây lan – các trường hợp nhiễm bệnh mới, tử vong, nhập viện có xu hướng giảm trong số những người được xét nghiệm.

Tuy nhiên, Thống đốc Andrew Cuomo đã cảnh báo các quan chức thành phố New York và Long Island vào hôm Chúa Nhật rằng việc mở cửa trở lại có nguy cơ nếu họ không ngăn chặn các cuộc tụ họp công cộng lớn mà ông nói đang đe dọa tiến trình kiềm chế sự lây lan của coronavirus.

Cuomo cho biết gần đây, tiểu bang đã nhận được 25, 000 đơn khiếu nại về các vi phạm khoảng cách xã hội và các yêu cầu quan trọng khác, chủ yếu ở Manhattan và Hamptons, cũng như các bãi biển cộng đồng trong vùng giàu có ở phía đông Long Island..

Các quan chức y tế đã nài nỉ công chúng đeo mặt nạ và tránh các cuộc tụ họp lớn vì sợ rằng một làn sóng nhiễm trùng thứ hai đang xảy ra – thậm chí đếnnay nhiều quốc gia vẫn không thể kiềm chế được làn sóng lây nhiễm đầu tiên.

Trong một diễn biến bi thảm khác mà nhiều người âu lo sẽ làm bùng lên một đợt mới những cuộc biểu tình, cướp phá và đốt nhà tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cảnh sát tại Atlanta đã bắn chết một người da đen là anh Rayshard Brooks.

Đáp lại, những người biểu tình ở Hoa Kỳ đã chặn một đường cao tốc lớn ở Atlanta vào đêm thứ Bảy và đốt cháy một nhà hàng Wendy, nơi anh Brooks bị cảnh sát bắn chết khi anh ta cố gắng bỏ chạy để khỏi bị bắt giữ.

Vụ nổ súng đã được ghi lại trên video và chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Một viên chức cảnh sát Atlanta đã bị sa thải sau vụ bắn chết Rayshard Brooks, 27 tuổi, và một viên chức cảnh sát thứ hai đã bị cho tạm nghỉ.

Cảnh sát trưởng Atlanta đã phải từ chức.

Bạo loạn đã nổ ra vào tối thứ Bẩy, và hình ảnh trên truyền hình địa phương cho thấy nhà hàng Wendy chìm trong biển lửa trong suốt 49 phút mà không có đội cứu hỏa nào ở hiện trường. Những người biểu tình khác đã chặn xa lộ Liên tiểu bang 75, nơi họ đã đụng độ với cảnh sát.


Source:Reuters
 
Các Giám mục Úc Châu kêu gọi tham khảo thêm về bản báo cáo về quản trị tạm thời.
Thanh Quảng sdb
05:33 15/06/2020
Các Giám mục Úc Châu kêu gọi tham khảo thêm về bản báo cáo về quản trị tạm thời.

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge đã đưa ra một tuyên bố liên quan đến bản báo cáo tạm thời về việc quản trị Giáo hội Úc Châu và Ngài kêu gọi cần phải được tham khảo thêm trước khi phiên bản cuối cùng được phát hành.
(Tin Vatican)

Đức Tổng Giám Mục Coledrige, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc cho hay bản báo cáo tạm thời về quản trị Giáo hội là một phiên bản tạm thời, chứ chưa phải là phiên bản cuối cùng.

Bản báo cáo mang tên “Ánh sáng từ Thánh giá phương Nam: Kêu gọi một sự quản trị đồng trách nhiệm trong Giáo Hội Công Giáo ở Úc. Các Giám mục ủy nhiệm bản báo cáo dài 208 trang cho 14 người, bao gồm giáo dân, giáo sĩ, và các chuyên gia quốc tế để nghiên cứu.

Bản báo cáo đưa ra 86 đề nghị thay đổi cách quản trị Giáo hội ở Úc. Các chuyên gia tập trung vào các vấn đề như hỗ tương, quản trị, đồng trách nhiệm, đối thoại, biện phân và lãnh đạo, cũng như đưa ra những gợi ý cụ thể tăng gia sự đóng góp của người giáo dân ở các cấp giáo xứ cũng như giáo phận.

Điều khoản tham chiếu không được thực hiện
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 12 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge cho biết các điều khoản tham chiếu được quy định và đánh giá việc quản trị vẫn chưa được thực hiện.

ĐTGM Coleridge cho hay những điều khoản đó đã được nêu trong một bức thư mà ngài viết vào tháng 3 năm 2019 cho nhóm nghiên cứu, nhưng chưa được học hỏi đầy đủ!

Đức Tổng Giám Mục Coleridge, hy vọng bản báo cáo cuối cùng phải được hoàn thiện, sau khi có những góp ý của Hội Đồng Giám mục và của Công đồng Toàn Úc Châu trước khi nó được xuất bản.

Hội đồng Giám mục sẽ giữ bản quyền và quyết định thời điểm xuất bản.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho hay các Giám mục không thể tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước ngày 1 tháng Sáu được.

Các Giám mục Úc học hỏi bản báo cáo về cách quản trị Giáo hội Úc trong tương lai. Nhưng Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho biết các Giám mục rất hài lòng về bản Báo cáo sơ khởi này; và các ngài yêu cầu cần thêm thời gian để sửa đổi và làm rõ một số điểm.

Khi bản báo cáo được trình bày trong cuộc họp toàn thể Công đồng vào những ngày 7-14 tháng 5, các Giám mục đã không có thời giờ để đọc và suy tư về bản báo cáo, hầu có thể bổ túc hoặc làm sáng tỏ một số điểm…

Vì vậy, các ngài đề nghị để đến cuộc họp ngày 17 tháng 7 sẽ góp ý, sẽ sửa đổi hầu đảm bảo bản báo cáo về quản trị sẽ được hoàn chỉnh.

Phiên bản cuối cùng sẽ được xuất bản vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Sau đó các tín hữu có thể liên hệ với Giám mục địa phương để nói lên ý nghĩ và ý kiến đóng góp của mình.

Các Giám mục sẽ tổng kết lại bản báo cáo trong phiên họp Công đồng Toàn thể vào tháng 11 tới.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho biết Chúa Thánh Thần sẽ là tiếng nói cuối cùng khi Ngài soi dẫn cho Công đồng Toàn thể các Giám mục bàn về việc quản trị như là một thành phần không thể tách rời khỏi cuộc hành trình của Giáo hội Úc trong Hội đồng Toàn thể, sẽ diễn ra vào cuối năm 2021 và giữa năm 2022.
Đức Tổng Giám Mục Coleridge kết luận: Công đồng Toàn thể sẽ nhận định các phản ứng trong Giáo hội và rút ra những kết luận cho bản báo cáo cuối cùng. Đức Tổng xác tín đó sẽ là công việc của Chúa Thánh Thần, chính Chúa Thánh Thần sẽ có và sẽ là tiếng nói cuối cùng.
 
Ngày Thế giới Ý thức việc Người Cao niên Bị Lạm Dụng: Liên Hiệp Quốc thúc giục hành động để ngăn ngừa và che chở người cao niên khỏi bị lạm dụng
Vũ Văn An
20:16 15/06/2020



Theo tin Vatican News, Ngày Thế giới Ý thức việc Người Cao niên bị Lạm dụng 15 tháng 6 có mục đích gây ý thức liên quan đến việc lạm dụng người cao niên, và tìm cách bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm các ngài.

Theo các ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong sáu người trên 60 tuổi bị lạm dụng, nghĩa là gần 141 triệu người khắp thế giới. Con số này có thể còn cao hơn nữa vì việc lạm dụng người cao niên là một trong những vi phạm bị dấu giếm và ít được tường trình hơn hết.

Claudia Mahler, Chuyên gia Độc lập của Liên Hiệp Quốc về việc hưởng thụ mọi nhân quyền của người cao niên, lên tiếng kêu gọi mọi chính phủ và cộng đồng quốc tế thực hiện tình liên đới hoàn cầu và đẩy mạnh hành động để hữu hiệu ngăn chặn và bảo vệ người cao niên khỏi bị lạm dụng về thể chất và tâm lý, khỏi cả việc bị bỏ bê nữa.

WHO định nghĩa việc lạm dụng người cao niên như là "một hành động đơn lẻ hoặc lặp đi lặp lại hoặc thiếu hành động thích hợp, diễn ra trong bất cứ mối liên hệ nào, trong đó có kỳ vọng tín thác, gây tổn hại hoặc đau khổ cho người cao niên". Việc lạm dụng người cao niên có thể có nhiều hình thức khác nhau như lạm dụng về thể chất, tâm lý hoặc cảm xúc, tình dục và tài chính. Nó cũng có thể là kết quả của sự bỏ bê có chủ ý hoặc vô ý.

Bà Mahler nói trong một thông điệp nhân Ngày Thế giới Ý thức Việc Người cao niên Bị Lạm dụng, diễn ra hôm nay: "Dù các vị cao niên trở nên hiển thị nhiều hơn trong đợt bùng phát COVID-19, tiếng nói, ý kiến và các mối quan tâm của các vị vẫn chưa được nghe biết”.

Lạm dụng bằng lời nói

Bà nói rằng “Với số lượng cao niên chết trong nhà, tại bệnh viện và các định chế đang tăng theo cấp số nhân trên toàn thế giới, quả đau lòng khi tiếp tục đọc thấy các ngôn từ độc ác và hạ nhân phẩm trên phương tiện truyền thông xã hội khi nói đến người cao niên. Lạm dụng bằng lời nói rõ ràng xảy ra trong những bối cảnh khi người cao niên đối đầu với sự kỳ thị tuổi già ('chủ nghĩa tuổi tác').

Được bổ nhiệm làm Chuyên gia Độc lập về việc hưởng thụ mọi nhân quyền của người cao niên vào tháng 5, Mahler nói rằng bà “muốn người ta ý thức rằng bạo lực, lạm dụng và bỏ bê [người lớn tuổi] không những xảy ra ở những nơi công khai mà rất thường còn ở những nơi xã hội không trông thấy nữa". Bà nói “Các xã hội phải lên tiếng chống lại việc lạm dụng bằng lời nói và các người cao niên, nhất là các phụ nữ lớn tuổi, phải được đưa vào cuộc thảo luận về phòng chống mọi loại bạo lực đối với các ngài”.

Liên Hiệp Quốc có một ngày khác nữa dành cho người cao niên. Đó là Ngày Quốc tế Người Cao niên, 1 tháng 10, nhằm nêu bật các đóng góp quan trọng mà người cao niên vốn dành cho xã hội và gây ý thức về các cơ hội và thách thức của sự lão hóa trong thế giới ngày nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và người cao niên

Trong nhiều dịp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến giá trị của người cao niên và việc bảo vệ các ngài.

Trong thời gian kiểm dịch Covid-19 ở Ý, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ ngày 15 tháng 4 cho người cao niên, nhất là những người bị cô lập vì đại dịch Covid-19. Theo ngài, nhiều người trong số này sợ chết một mình nhưng “các ngài là gốc rễ của chúng ta, là câu chuyện của chúng ta, là lịch sử của chúng ta”, ngài nói thế lúc bắt đầu Thánh lễ, được truyền hình trực tiếp. Ngài mời mọi người cầu nguyện cho các ngài, “Xin Chúa gần gũi với các ngài trong thời điểm này”.

Đức Thánh Cha cũng dành toàn bộ buổi yết kiến chung cho người cao niên; ngài nói rằng làm lơ và bỏ rơi người cao niên "là một điều tàn bạo, đó là một tội lỗi”. Phát biểu trong buổi yết kiến chung vào ngày 4 tháng 3 năm 2015, ngài nhắc đến Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, người từng nói rằng “Phẩm chất của một xã hội, ý tôi muốn nói của một nền văn minh, cũng được phán kết qua cách nó đối xử với người cao niên và qua vị thế nó dành cho các ngài trong đời sống cộng đồng".

Đức Giáo Hoàng ghi nhận "một điều hèn hạ" trong "nền văn hóa vứt bỏ" này, một nền văn hóa vứt bỏ những người không còn hữu ích hoặc tạo lợi nhuận. “Chúng ta muốn loại bỏ nỗi sợ hãi ngày càng yếu đi và dễ bị tổn thương; nhưng nếu làm như thế, chúng ta sẽ gia tăng nơi người cao niên sự lo lắng ít được khoan dung và bị bỏ bê”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh báo rằng “Trong một nền văn minh không dành chỗ cho người cao niên hoặc họ bị vứt bỏ vì họ gây ra nhiều vấn đề, xã hội này quả đang mang theo vi-rút tử thần”.

Liên Hiệp Quốc về Covid-19 và người cao niên

Ngày 1 tháng 5 vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một sáng kiến mới về chính sách nhằm giải quyết các thách thức mà người cao niên phải đối đầu trong và sau đại dịch.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, lưu ý trong một thông điệp video về việc ra mắt bản tóm tắt chính sách mang tên “Tác động của COVID-19 đối với người lớn tuổi”: “Tỷ lệ tử vong đối với người cao niên nói chung cao hơn và đối với những người trên 80 tuổi, nó cao gấp năm lần mức trung bình hoàn cầu”.

Ông Guterres lưu ý rằng ngoài tác động sức khỏe tức thời của nó, “đại dịch đang đặt người cao niên vào nguy cơ đói nghèo, kỳ thị và cô lập cao hơn, với tác động tàn phá đặc biệt đối với người cao niên ở các nước đang phát triển”.

Một báo cáo của WHO hồi đầu tháng 4 đã cho thấy: trong 30 quốc gia hàng đầu thế giới có tỷ lệ người cao niên lớn nhất, hơn 95% trường hợp tử vong vì Covid-19 xảy ra nơi những người trên 60 tuổi. Hơn 50% mọi trường hợp tử vong liên quan đến những người từ 80 tuổi trở lên.

Lưu ý rằng đại dịch Covid-19 đang gây ra nỗi sợ hãi và đau khổ chưa từng thấy cho người cao niên trên khắp thế giới, ông đã kêu gọi nhân loại phản ứng đối với virus này bằng cách tôn trọng các quyền lợi và phẩm giá người cao niên.

Các sự kiện chủ chốt của việc lạm dụng người cao niên

- Khoảng 1 trong 6 người từ 60 tuổi trở lên đã trải qua một số hình thức lạm dụng nào đó trong các môi trường cộng đồng trong năm qua;
- Tỷ lệ người cao niên bị lạm dụng rất cao ở các định chế như viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn, với 2 trong 3 nhân viên báo cáo rằng họ đã phạm tội lạm dụng trong năm qua;
- Việc lạm dụng người cao niên có thể dẫn đến tổn thương thể chất nghiêm trọng và hậu quả tâm lý lâu dài;
- Việc lạm dụng người cao niên được tiên đóan sẽ gia tăng khi nhiều quốc gia đang trải qua việc dân số lão hóa nhanh chóng;
- Dân số hoàn cầu của những người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, từ 900 triệu vào năm 2015 lên khoảng 2 tỷ vào năm 2050.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế Mừng Hồng Ân Thánh Hiến
Trương Trí
09:08 15/06/2020
Sau những tháng ngày đìu hiu lặng lẽ vì Đại dịch Covid, Giáo phận Huế lại thấy được ngày vui, ngày Hồng ân cách riêng của Hội Dòng Mến Thánh giá Huế trong dịp kỷ niệm 350 năm thành lập Hội Dòng (1670-2020) và 170 năm thành lập Giáo phận Huế.

Xem Hình

Sáng ngày 15 tháng 6, Thánh lễ Tạ ơn do Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Giáo phận Huế chủ tế và chủ sự Nghi thức Tuyên khấn Trọn đời của 23 nữ tu, mừng Ngân khánh của 5 nữ tu và 12 nữ tu mừng Kim khánh khấn Dòng.

Có thể nói đây là lần đầu tiên Hội Dòng Mến Thánh giá mừng Kim khánh Khấn Dòng, vì trước đây chỉ có Lời hứa chứ chưa có Lời Khấn long trọng. Chính vì vậy mà có những nữ tu đã trên 80 tuổi, trước đó đã có Lời Hứa, khi Hội Dòng bắt đầu có Tuyên Khấn mới tổ chức khấn lại.

Với một thời gian hoạt động lâu dài, Hội Dòng Mến Thánh giá đã có những đóng góp đáng kể cho công cuộc truyền giáo không chỉ tại Đàng Ngoài mà còn trên toàn cõi Việt Nam. Như chia sẻ của Đức Tổng Giám Mục Giuse, Hội Dòng Mến Thánh giá đã mở đường cho việc thành lập Giáo phận, nhờ vào sức lan tỏa truyền giáo của các Nữ tu Mến Thánh giá mà Giáo phận Huế hình thành tốt đẹp.

Đức Tổng Giám Mục Giáo phận thay mặt toàn thể Cộng đoàn Dân Chúa, các vị ân nhân xa gần chúc mừng Hội Dòng và các Khấn sinh trong ngày hồng ân hôm nay.

Nữ tu Anna Lê Thị Hương, Tổng Phụ trách Hội Dòng nói lời tri ân Đức Tổng và quý linh mục đồng tế và cộng đoàn tham dự Thánh lễ Tạ ơn Khấn Dòng, đặc biệt ngõ lời cảm tạ sâu xa đến gia đình các khấn sinh, đã hy sinh dâng con cái mình cho Hội Dòng, để phục vụ Giáo hội.

Trương Trí
 
Caritas Việt Nam: Vấn Đề Tiện Nghi Của Thời Hiện Đại
BTT - Caritas Việt Nam
09:19 15/06/2020
Caritas Việt Nam: Vấn Đề Tiện Nghi Của Thời Hiện Đại

Khí hậu đã phát điên lên bởi sự lãng phí và lối sống quá tiện nghi! Chẳng hạn, con người thích sử dụng máy điều hoà hơn mở cửa để tận hưởng khí hậu trong lành. Mỗi chọn lựa của chúng ta có thể là nguyên nhân bảo vệ hay phá huỷ môi trường thiên nhiên.

Hiện nay, sự nóng bức vượt quá mức không thể chịu nổi. Phải, các loài sinh vật biển cũng không thể chịu đựng nổi. Mực nước biển tăng lên và những băng hà trên những ngọn núi đang biến mất; dường như các ngọn núi đang thét gào. Trên mặt đất không thể gieo những vụ hạt ở nhiệt độ nóng này. Mặt đất ngày càng ít mưa. Mọi thứ đang bị đào thải. Không khí đang bị ô nhiễm, nước, đất đang bị đau, những người nông dân bị trục xuất khỏi mảnh đất của họ.

Tiền bạc là vấn đề trên hết. Nếu nhiệt độ trái đất tăng lên 2 độ nữa, thì con người và môi trường sẽ phải hứng chịu thảm hoạ lớn. Việc đốt cháy nhiên liệu hoá thạch đã tạo ra hợp chất hoá học biến Trái Đất thành nhà kính và chúng ta bắt đầu phải chịu nhiệt độ ngày càng nóng lên.

Nước đại dương đang ấm hơn so với quá khứ, điều này tạo ra độ ẩm, và độ ẩm này là những thứ tạo thành bão.

Đất đai chờ đợi, khát khao, hy vọng vào những lời cầu nguyện của những người nông dân có thể được đáp lời khi họ khao khát những hạt mưa mà chúng không rơi.

Thiên nhiên đang khiến chúng ta phải trả giá cao. Nhưng vẫn còn kịp nếu mỗi người chúng ta chung tay bảo vệ môi trường bằng cách tiết giảm lối sống xa hoa, lãng phí và chọn cho mình lối sống giản dị.

BTT - Caritas Việt Nam
 
Lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Giáo xứ Tụy Hiền Hà Nội
Gx. Tụy Hiền
21:31 15/06/2020
Lúc 5 giờ 30 sáng Chúa nhật 14-6-2020, toàn thể giáo dân các họ qui tụ về nhà thờ xứ Tụy Hiền để cử hành Lễ của Chúa, liền sau đó rước kiệu Mình Thánh Chúa từ nhà thờ xứ Tụy Hiền sang nhà thờ họ Đông Mỹ.

Xem Hình

Mở đầu Thánh lễ, cha Antôn đã nói về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ này… Hôm nay, Giáo hội không chỉ cử hành lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Festum Corporis Christi, mà còn rước kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài: «Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê» (Ca nhập lễ - lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền công khai rằng: Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Chúa Kitô là ơn cứu độ cho toàn thế giới.

Trong bài giảng, cha giải thích về việc rước kiệu Mình Thánh Chúa liền sau Thánh lễ giúp cộng đoàn hiểu việc đang làm.

Phương Du có ý chỉ Chúa là Chúa cả trời đất, muôn phương phải bái thờ.

Bàn thờ được trang trí hoa nến là để đón rước Vua Trời.

Mặt nhật, dưới dạng mặt trời (đó là ý nghĩa của từ «mặt nhật»), chỉ ra rằng Chúa Giêsu là «Mặt Trời»: Ngài là Ánh Sáng của lòng ta.

Bình khói hương nghi ngút vừa đi vừa xông lên trước Mình Thánh Chúa, làn hương thơm nghi ngút tỏa bay lên trước tòa Chúa tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta.

Các em bé rắc trên đường nhắc lại cuộc Rước Chúa Giêsu vào thành thánh.

Giáo xứ Tuỵ Hiền
 
VietCatholic TV
Hai diễn biến nguy hiểm vừa diễn ra tại Hoa Kỳ - Sứ điệp Ngày Quốc Tế Người Nghèo lần thứ Tư
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:50 15/06/2020


1. Đáng âu lo: Số trường hợp phải vào bệnh viện tại Mỹ vì nhiễm coronavirus bất ngờ tăng vọt

Số các trường hợp nhiễm coronavirus và phải vào bệnh viện đã tăng kỷ lục trong mấy ngày qua tại nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ, bao gồm Florida và Texas.

Hôm Chúa Nhật, tiểu bang Alabama đã báo cáo một số lượng kỷ lục các trường hợp mới trong suốt 4 ngày liên tiếp. Theo một thống kê của Reuters, các tiểu bang Alaska, Arizona, Arkansas, California, Florida, North Carolina, Oklahoma và South Carolina đều có các con nhiễm coronavirus kỷ lục trong ba ngày qua.

Nhiều quan chức y tế nhà nước đổ lỗi sự gia tăng này là vì các cuộc biểu tình từ cuối tháng Năm vừa qua sau cái chết của anh George Floyd, một người da đen bị giết tại Minneapolis.

Tại Louisiana, một trong những điểm nóng trước đó, các trường hợp mới lại gia tăng với hơn 1, 200 trường hợp – tức là nhiều nhất kể từ ngày 21 tháng Năm.

Trên toàn cõi Hoa Kỳ, đã có hơn 25, 000 trường hợp coronavirus mới được báo cáo vào hôm Thứ Bảy, là mức cao nhất kể từ ngày 2 tháng Năm.

Nhiều người lạc quan cho rằng sự gia tăng này một phần cũng có thể là do sự gia tăng đáng kể trong việc xét nghiệm trong sáu tuần qua. Tuy nhiên, rắc rối nhất cho các quan chức y tế, là nhiều tiểu bang đang chứng kiến con số kỷ lục các trường hợp phải vào bệnh viện – đó chắc chắn là một số liệu không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng các xét nghiệm.

Arkansas, North Carolina, Texas và Utah đều có số lượng bệnh nhân nằm bệnh viện ở mức kỷ lục vào hôm thứ Bảy. Ở Nam Carolina, 69% đến 77% giường bệnh có bệnh nhân nằm tùy theo khu vực.

Trong khi thống đốc tiểu bang Utah yêu cầu hầu hết các quận tạm dừng mở cửa trở lại, đa số các tiểu bang khác không nghĩ đến việc đóng cửa lần thứ hai vì họ phải đối mặt với tình trạng thiếu ngân sách và thất nghiệp trầm trọng. Nhiều cơ sở đã mở cửa trở lại trước khi đáp ứng các hướng dẫn về ngăn ngừa lây nhiễm của chính phủ.

New York, tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã sử dụng các hướng dẫn về sức khỏe để hướng dẫn việc mở cửa trở lại và tiếp tục tuân thủ nghiêm nhặt tất cả các biện pháp giảm lây lan – các trường hợp nhiễm bệnh mới, tử vong, nhập viện có xu hướng giảm trong số những người được xét nghiệm.

Tuy nhiên, Thống đốc Andrew Cuomo đã cảnh báo các quan chức thành phố New York và Long Island vào hôm Chúa Nhật rằng việc mở cửa trở lại có nguy cơ nếu họ không ngăn chặn các cuộc tụ họp công cộng lớn mà ông nói đang đe dọa tiến trình kiềm chế sự lây lan của coronavirus.

Cuomo cho biết gần đây, tiểu bang đã nhận được 25, 000 đơn khiếu nại về các vi phạm khoảng cách xã hội và các yêu cầu quan trọng khác, chủ yếu ở Manhattan và Hamptons, cũng như các bãi biển cộng đồng trong vùng giàu có ở phía đông Long Island.

Các quan chức y tế đã nài nỉ công chúng đeo mặt nạ và tránh các cuộc tụ họp lớn vì sợ rằng một làn sóng nhiễm trùng thứ hai đang xảy ra – thậm chí đếnnay nhiều quốc gia vẫn không thể kiềm chế được làn sóng lây nhiễm đầu tiên.

Trong một diễn biến bi thảm khác mà nhiều người âu lo sẽ làm bùng lên một đợt mới những cuộc biểu tình, cướp phá và đốt nhà tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cảnh sát tại Atlanta đã bắn chết một người da đen là anh Rayshard Brooks.

Đáp lại, những người biểu tình ở Hoa Kỳ đã chặn một đường cao tốc lớn ở Atlanta vào đêm thứ Bảy và đốt cháy một nhà hàng Wendy, nơi anh Brooks bị cảnh sát bắn chết khi anh ta cố gắng bỏ chạy để khỏi bị bắt giữ.

Vụ nổ súng đã được ghi lại trên video và chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Một viên chức cảnh sát Atlanta đã bị sa thải sau vụ bắn chết Rayshard Brooks, 27 tuổi, và một viên chức cảnh sát thứ hai đã bị cho tạm nghỉ.

Cảnh sát trưởng Atlanta đã phải từ chức.

Bạo loạn đã nổ ra vào tối thứ Bẩy, và hình ảnh trên truyền hình địa phương cho thấy nhà hàng Wendy chìm trong biển lửa trong suốt 49 phút mà không có đội cứu hỏa nào ở hiện trường. Những người biểu tình khác đã chặn xa lộ Liên tiểu bang 75, nơi họ đã đụng độ với cảnh sát.


Source:Reuters

2. Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ IV

Sau năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài từ ngày 8 tháng 12 năm 2015, là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, đến ngày 20 tháng 11 năm 2016, là lễ Chúa Kitô Vua, Đức Thánh Cha đã thiết lập một ngày để khuyến khích cuộc gặp gỡ, tình bạn, tình liên đới và sự hỗ trợ cụ thể cho người nghèo; gọi là ngày Thế giới Người nghèo.

Trong ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên diễn ra hôm 24 tháng 10, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành một Thánh lễ đặc biệt cho người nghèo tại Đền Thờ Thánh Phêrô và đã có một buổi ăn trưa với 500 người tham dự thánh lễ. Nhiều giáo xứ trên thế giới đã thực hiện những hoạt động tương tự như thế.

Hôm 13 tháng 6, Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ IV được cử hành vào Chúa Nhật 15 tháng 11, tức là Chúa Nhật thứ 33 mùa Quanh Năm, với chủ đề “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó.” (Hc 7:32).

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha viết:

Sự khôn ngoan lâu đời đã đề xuất những lời này như một quy tắc thánh thiêng để thực hành trong cuộc sống. Ngày nay những lời này vẫn còn hợp thời hơn bao giờ hết. Những lời ấy giúp chúng ta chú tâm vào những gì là thiết yếu và vượt qua những rào cản của sự thờ ơ. Sự nghèo khổ luôn xuất hiện dưới nhiều hình thức, và đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến từng tình huống cụ thể. Trong tất cả những điều này, chúng ta có cơ hội gặp gỡ Chúa Giêsu, Ðấng đã tỏ cho chúng ta biết Người hiện diện nơi những người bé mọn nhất trong số các anh chị em của Người (x. Mt 25:40).

Giáo hội chắc chắn không có giải pháp toàn diện để đề nghị, nhưng nhờ ân sủng của Chúa Kitô, Giáo hội có thể đưa ra chứng tá và cử chỉ bác ái của mình. Giáo hội cũng cảm thấy buộc phải lên tiếng thay cho những người thiếu nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Nhắc nhở mọi người về giá trị to lớn của lợi ích chung là một dấn thân sống còn của các Kitô hữu; nó được thể hiện trong nỗ lực không lãng quên bất cứ người nào trong số những người mà nhân phẩm bị xúc phạm trong các nhu cầu cơ bản.

Liên hệ đến tình hình cụ thể hiện nay, Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

Ðại dịch này đến bất ngờ khi chúng ta không chuẩn bị, gây ra cảm giác hoang mang và bất lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, các bàn tay không bao giờ ngừng đến với người nghèo. Ðiều này làm cho tất cả chúng ta nhận thức hơn về sự hiện diện của người nghèo ở giữa chúng ta và nhu cầu được giúp đỡ của họ. Các tổ chức bác ái, các công việc của lòng thương xót, không thể ngẫu hứng. Cần tổ chức và đào tạo không ngừng, dựa trên việc nhận ra nhu cầu của chính chúng ta là cần một bàn tay đưa ra.

Kinh nghiệm hiện tại đã thách thức nhiều giả định của chúng ta. Chúng ta cảm thấy nghèo hơn và kém tự chủ hơn vì chúng ta đã nhận ra những giới hạn của mình và sự hạn chế của tự do của chúng ta. Việc mất việc làm và cơ hội để gần gũi với những người thân yêu và những người quen biết thường gặp của chúng ta đã đột ngột mở mắt chúng ta trước những chân trời mà từ lâu chúng ta đã cho là điều hiển nhiên. Câu hỏi về các nguồn lực tinh thần và vật chất của chúng ta được đặt ra và chúng ta thấy mình đang trải qua nỗi sợ hãi. Trong sự im lặng của ngôi nhà của chúng ta, chúng ta đã khám phá lại tầm quan trọng của sự đơn giản và luôn để ý những điều thiết yếu. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần một ý nghĩa mới về tình huynh đệ mới biết bao nhiêu, để giúp đỡ và quý trọng lẫn nhau. Bây giờ là thời điểm tốt để khôi phục lại niềm tin rằng chúng ta cần nhau, rằng chúng ta có trách nhiệm chung với những người khác và thế giới. Chúng ta đã có đủ sự vô đạo đức và sự nhạo báng về đạo đức, lòng tốt, đức tin và sự trung thực. Khi nền tảng của đời sống xã hội bị xói mòn, những gì xảy ra là những cuộc chiến vì những xung đột lợi ích, những hình thức bạo lực và tàn bạo mới, và những trở ngại cho sự phát triển của một nền văn hóa thực sự chăm sóc cho môi trường (Laudato Si', 229). Nói một cách dễ hiểu, bao lâu chúng ta chưa ý thức lại trách nhiệm của mình đối với người lân cận và đối với mỗi người, các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và chính trị nghiêm trọng sẽ vẫn tiếp tục.

Do đó, theo Đức Thánh Cha, chủ đề của năm nay - “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo” là một vấn đề rất thời sự và cấp thiết.


Source:Vatican News
 
TGP Detroit lên tiếng về các chỉ trích nặng nề ĐTGM Gregory. Bạo loạn đợt hai, dịch bệnh đợt hai
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:03 15/06/2020


1. Tổng giáo phận Detroit phê bình một cơ quan truyền thông đã có những lời xúc phạm đến ĐTGM Gregory

Việc công bố sắc lệnh hành pháp về tự do tôn giáo đã bị lu mờ bởi tranh cãi về chuyến thăm của Tổng thống Trump đến đền thờ sau đêm thứ tư của các cuộc biểu tình quan trọng ở Washington chống lại vụ giết hại anh George Floyd của cảnh sát tiểu bang Minnesota.

Hôm 2 tháng 6, Tổng thống Trump đã đến Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II đặt hoa, quỳ cầu nguyện, và về Tòa Bạch Ốc để ký sắc lệnh hành pháp về tự do tôn giáo. Ông không đưa ra bất cứ tuyên bố nào tại Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II.

Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington đã ra một tuyên bố gay gắt lên án chuyến viếng thăm này như một hành động lợi dụng Thánh Gioan Phaolô 2 cho các mục tiêu tranh cử. Ngài viết: “Tôi thấy khó hiểu và đáng trách khi một cơ sở Công Giáo lại để mình bị lạm dụng và thao túng một cách nghiêm trọng đối với các nguyên tắc tôn giáo của chúng ta.”

Tuy nhiên, nhiều người chỉ ra rằng trong tư cách là một nhà lãnh đạo tôn giáo, Đức Tổng Giám Mục Gregory không thể lên án một người đến nhà thờ cầu nguyện. Ông Trump có thể lợi dụng chuyến viếng thăm này cho các mục đích chính trị. Nhưng đó chỉ là một suy đoán, và việc lên án trong trường hợp này thuộc phạm trù chính trị đảng phái, không phải công việc của một nhà lãnh đạo tinh thần. Cha Raymond J. de Souza, chủ nhiệm tạp chí Convivium cho rằng lên án bừa bãi như thế không phù hợp với tinh thần đối thoại của Giáo Hội và sẽ gây ra hệ quả là không còn chính trị gia nào dám đến các nơi thờ phượng.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gregory cũng đã vấp phải các phản ứng rất gay gắt của một số cơ quan truyền thông liên quan đến các chủ đề của Công Giáo. Tổng giáo phận Detroit đã phải lên tiếng phê bình một cơ quan truyền thông vì nói nặng quá.

Toàn văn bản tuyên bố này viết như sau:

Tổng giáo phận Detroit đã được báo cho biết một tổ chức ở phía đông nam Michigan đã tuôn ra ngôn ngữ phân biệt chủng tộc và xúc phạm liên quan đến Đức Tổng Giám Mục Wilton D. Gregory của tổng giáo phận Washington D.C. Tổ chức được đề cập không liên kết cũng chẳng được Tổng giáo phận Detroit phê chuẩn.

Sau đây là phản hồi từ Đức Tổng Giám Mục Vigneron:

Các diễn từ phân biệt chủng tộc và xúc phạm làm hạ giảm một cách bất chính phẩm giá được Thiên Chúa trao ban của người khác. Nó không phù hợp với những lời dạy của Chúa Kitô. Khi quốc gia chúng ta tiếp tục cuộc đối thoại quan trọng về phân biệt chủng tộc, tôi hy vọng rằng các tín hữu sẽ từ bỏ điều này và tất cả các hành vi hoặc thái độ khác phủ nhận phẩm giá vốn có của tất cả mọi người.


Tuyên bố của Tổng giáo phận Detroit đã cố ý không nhắc đến tên của tổ chức bị phê bình. Điều này có thể gây thắc mắc cho nhiều người. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, nhận định rằng tổ chức được nói ở đây là Church Militant.

Cơ quan này đã tấn công rất mạnh Đức Tổng Giám Mục Gregory và gọi ngài là “African Queen” nghĩa là “Nữ Hoàng Phi Châu”. Chữ “Phi Châu” bị xem là có ý phân biệt chủng tộc. Chữ “Nữ Hoàng” nhằm cáo buộc ngài là người đồng tính. Đó là một cáo buộc xúc phạm, không có cơ sở.

Hôm 11 tháng Sáu, Church Militant, đã phát hành một video có tựa đề là “African Queen Busted Lying” – “Nữ Hoàng Phi Châu bị bắt quả tang nói láo”. Nhiều người phê bình Church Militant đã đi quá xa.


Source:Archdiocese of Detroit

2. Thêm một người da đen bị giết, làn sóng bạo động mới có thể bùng lên dữ dội tại Hoa Kỳ

Những người biểu tình ở Hoa Kỳ đã chặn một đường cao tốc lớn ở Atlanta vào đêm thứ Bảy và đốt cháy một nhà hàng Wendy, nơi một người đàn ông da đen bị cảnh sát bắn chết khi anh ta cố gắng bỏ chạy để khỏi bị bắt giữ.

Vụ nổ súng đã được ghi lại trên video và chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Một viên chức cảnh sát Atlanta đã bị sa thải sau vụ bắn chết Rayshard Brooks, 27 tuổi, và một viên chức cảnh sát thứ hai đã bị cho tạm nghỉ.

Cảnh sát Atlanta đã tuyên bố sa thải cảnh sát viên Garrett Rolfe vào sáng Chúa Nhật, một động thái diễn ra theo sau đơn từ chức vào hôm thứ Bảy của bà Erika Shields, Cảnh sát trưởng Atlanta.

Thị trưởng Keisha Lance Bottoms cho biết bà đã chấp nhận đơn từ chức của bà Shields sau khi anh Brooks bị bắn chết bởi một cảnh sát viên trong cuộc giằng co sau cuộc kiểm tra mức độ tỉnh táo vào tối thứ Sáu.

Tình trạng bất ổn đã nổ ra vào tối thứ Bẩy, và hình ảnh trên truyền hình địa phương cho thấy nhà hàng Wendy chìm trong biển lửa trong suốt 49 phút mà không có đội cứu hỏa nào ở hiện trường. Những người biểu tình khác đã chặn Xa lộ Liên tiểu bang 75, nơi họ đã đụng độ với cảnh sát.

Cục Điều tra Georgia, gọi tắt là GBI, nơi đang điều tra vụ nổ súng, cho biết cuộc đối đầu chết người bắt đầu khi các cảnh sát viên đến nhà hàng Wendy để đáp lại khiếu nại rằng một người đàn ông đang ngủ trong một chiếc xe chặn đường lái xe vào nhà hàng. GBI cho biết một cuộc kiểm tra tỉnh táo cho thấy Brooks có vấn đề và sau đó đã chống lại cảnh sát khi họ muốn bắt giữ anh ta.

Brooks được báo cáo là đã giật một khẩu súng điện Taser của cảnh sát, và đang bỏ chạy thì bị bắn chết.

GBI đã công bố video camera an ninh về vụ nổ súng.

Đoạn phim cho thấy một người đàn ông chạy bỏ chạy khỏi hai nhân viên cảnh sát da trắng trong khi anh ta giơ tay, đang cầm một vật nào đó, hướng về phía một cảnh sát viên đang đuổi theo phía sau anh ta vài bước. Viên cảnh sát rút súng ra và bắn khi người đàn ông tiếp tục chạy, và rồi ngã gục trong một bãi đậu xe.

Giám đốc GBI Vic Reynold nói rằng Brooks đã chộp lấy một khẩu Taser từ một trong hai cảnh sát viên và dường như đã chĩa khẩu súng vào viên cảnh sát khi chạy trốn, khiến cảnh sát phải rút súng và bắn ba phát đạn.

Đoạn phim không cho thấy cuộc giằng co ban đầu giữa Brooks với cảnh sát.

Bà Shields từ chức khi vụ giết Brooks làm dấy lên làn sóng phản đối mới ở Atlanta sau các cuộc biểu tình hỗn loạn xảy ra sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis.

Thị trưởng Bottoms tuyên bố việc từ chức của cảnh sát trưởng tại một cuộc họp báo vào thứ bảy trong khi khoảng 150 người diễu hành bên ngoài nhà hàng Wendy.

Thị trưởng cũng đã kêu gọi sa thải ngay lập tức viên chức cảnh sát đã nổ súng vào anh Brooks.

“Tôi không tin rằng đây là một trường hợp sử dụng hợp lý vũ lực chết người và đã kêu gọi sa thải ngay cảnh sát viên này, ” Bà Bottoms cho biết.

Bà nói thêm rằng bà Shields tự nguyện từ chức cảnh sát trưởng và bà sẽ ở lại với thành phố trong một vai trò chưa được xác định. Cảnh sát trưởng tạm thời Rodney Bryant sẽ giữ chức vụ cảnh sát trưởng lâm thời cho đến khi tìm được người thay thế vĩnh viễn.


Source:The Telegraph