Ngày 15-06-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Thánh Tâm Chúa 16/6 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:46 15/06/2023


BÀI ĐỌC 1  Đnl 7:6-11

Bài trích sách Đệ nhị luật.

Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “Anh em là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập. Anh em phải biết rằng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người. Còn ai thù ghét Người, thì Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa, khiến nó phải chết; với kẻ thù ghét Người, Người không trì hoãn, Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa. Vậy anh em phải tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định mà hôm nay tôi truyền cho anh em đem ra thực hành.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  1Ga 4:7-16

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta.

Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  Mt 11:29ab

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Alleluia.

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Đó là Lời Chúa.
 
Thánh Tâm Chúa chan chứa yêu thương
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:18 15/06/2023

THÁNH TÂM CHÚA CHAN CHỨA YÊU THƯƠNG

Nhìn trái tim khiến chúng ta liên tưởng ngay đến tình yêu. Vì thế, trái tim cực thánh Chúa Giêsu là hình ảnh sống động để diễn tả Thiên Chúa là tình yêu. Ngày nay người ta nói nhiều đến yêu, vậy tình yêu Chúa có gì đặc biệt?

1. Tim Chúa yêu. Giáo Hội mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu để nhấn mạnh điều thánh Gioan đã khẳng định “Thiên Chúa là tình yêu.” Khi nói đến Thượng Đế, Đấng Tối Cao thì người ta lại hay có xu hướng sợ hãi, sợ bị Thượng Đế trừng phạt. Hoàn toàn không phải thế. Thiên Chúa không giống ông cảnh sát hay quan tòa thích xử phạt, mà Thiên Chúa là Cha yêu thương con người, cứu vớt con người, ban sự sống cho con người.

2. Yêu vì thương. Con người thường yêu nhau vì được cưng chiều, đấy là yêu có điều kiện. Còn Chúa yêu con người thì vô điều kiện. Chúa yêu vì thương con người bé mọn: “Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân” (bài đọc 1); Và Chúa mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Chúa yêu vì thương con người bé mọn, yếu đuối, thậm chí tội lỗi nữa.

3. Thương nên nhường. Trong tình yêu hôn nhân gia đình, vợ chồng luôn được khuyên cần nhường nhịn nhau, vì “một sự nhịn là chín sự lành.” Nhịn không phải chịu nhục, nhưng nhịn là vì nhường, nhường là vì thương, thương là vì yêu, vậy đấy. Chúa thương nên đã nhường con người. Chúa từ bi nhân hậu, Chúa chậm giận, Chúa tha thứ hết mọi lỗi lầm cho con người. Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy học với Chúa là Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin tạ ơn Chúa đã hết lòng yêu thương chúng con. Xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa chan chứa yêu thương. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:15 15/06/2023

19. Ơn gọi là một đại ân đối với bản thân mình, phải ghi ơn và không được quên.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:17 15/06/2023
77. MÓNG NGỰA

Một hôm, người ông phu và con trai là Đỗ Mã Tư vội vàng đi về thôn quê. Phụ thân nói:

- “Con nhìn nè, bên đó có một cái móng ngựa, con mau nhặt lên bỏ vào trong bao.”

Đỗ Mã Tư khó chịu trả lời:

- “Cái thứ đó không xứng để con cúi xuống nhặt nó !”

Phụ thân không nói nhiều, tự mình nhặt nó và bỏ vào trong bao. Không lâu sau, họ đến trong thôn, phụ thân đem cái móng ngựa bán cho thợ sắt được mấy đồng tiền, mua vài trái anh đào.

Hai cha con lại vội vàng lên đường, lúc ấy là đúng ngọ, mặt trời càng lúc càng nóng, trên đường không một bóng người, ngay cả kiếm một cây để che mát cũng không có. Đỗ Mã Tư cảm thấy cổ họng khát chết được, lại không dám xin phụ thân anh đào để ăn. Sau đó vì phụ thân không để ý nên để rơi một trái anh đào trên đất, Đỗ Mã Tư giống như phát hiện được mỏ vàng, lập tức cúi mình nhặt trái anh đào bỏ vào miệng ăn. Qua một lúc sau, phụ thân lại làm rơi thêm một trái nữa, con trai cũng vội vàng nhặt lên, cứ như vậy tiếp tục nhiều lần, cuối cùng Đỗ Mã Tư ăn sạch trái anh đào. Lão nông phu mới quay người lại nói với con trai:

- “Này con, nếu như hồi nãy con cúi mình nhặt cái móng ngựa, thì con không cần cúi mình nhiều lần để nhặt anh đào. Nhớ lấy câu nói nổi tiếng này: người không chú ý đến việc nhỏ, thì sẽ nhận ra mình căn bản sẽ không làm được việc lớn.”

Suy tư ngắn 77:

Cái gì mà nhỏ thì rất là dễ thương, buồn sầu bất an đều là sản phầm của tiền tài và quyền lực, chỉ có đồ vật nhỏ dễ thương trên đôi cánh nhỏ đem linh hồn nhỏ bay bao lên tòa Thiên Chúa mới là an vui tự tại.

Đức Chúa Giê-su cũng đã nói: “Ai trung tín trong việc nhỏ, thỉ cũng sẽ trung tín trong việc lớn”. Làm những việc nhỏ với tâm hồn quảng đại thì việc nhỏ cũng sẽ trở thành vĩ đại trước mặt Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tình Cho Không
Lm. Nguyễn Văn Nghiã
09:23 15/06/2023
Tình Cho Không

( Chúa Nhật XI TN A )

Nền kinh tế hàng hóa càng phát triển theo các quy luật thị trường thì việc bán mua, trao đổi thường dựa trên việc thuận mua vừa bán. Tiền nào của đó (you get what you pay). Chuyện tiền trao cháo múc được xem như chuyện tất yếu, đương nhiên. Và thế là dần dà hình thành trong nghĩ suy và trong cung cách ứng xử, một sự đòi hỏi “có qua có lại”, “đôi bên cùng có lợi”. Chuyện cho không, biếu không, đúng là chuyện viễn vông hay của thời quá khứ xa xưa. Đây là một trong những nguyên cớ làm phát sinh sự vị kỷ, tâm lý thực dụng cá nhân chủ nghĩa.

Chia sẻ, trao ban cho tha nhân những gì mình là, mình có, một cách vô cầu, không chút điều kiện quả thật không dễ chút nào. Thế mà Chúa Kitô lại truyền dạy các môn đệ xưa và Kitô hữu chúng ta mọi thời rằng “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không” (Mt 10,8). Làm sao để vượt qua nỗi khó khăn này hầu thực thi lời Chúa phán dạy? Chúa Kitô đã cho chúng ta chiếc chìa khóa để giải quyết vấn nạn:

Anh em đã lãnh nhận cách nhưng không: Vấn đề nan giải là ở điểm này. Người ta thường tự hào về những gì tốt đẹp mình có. Vì nghĩ rằng mọi sự mình đang có đều là do bởi công sức mình tạo nên. Và lắm khi còn lầm nghĩ rằng chính sự hiện hữu của mình cũng do mình dệt thành. Có nhiều điều mới thoạt nhìn thì xem chừng như là sản phẩm của riêng mình, nhất là khi chúng trở thành một thứ hàng hóa được pháp luật bảo hộ. Đó là những phát minh, những sáng chế trong văn học nghệ thuật hay trong lãnh vực khoa học công nghệ. Không ai được quyền xâm phạm bản quyền sản phẩm tôi làm ra nếu không có sự thỏa thuận, sự đồng ý của tôi, vì đó là của riêng tôi, do bởi tài năng, công sức riêng tôi. Để bảo vệ quyền tác giả, các quốc gia lẫn quốc tế có những luật lệ nghiêm nhặt. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có luật chống độc quyền. Dù sao đi nữa thì cái môi sinh mang tính thị trường hiện nay đã góp phần hình thành tâm lý vị kỷ và tự tin thái quá, nghĩa là quy về mình mọi thành công đạt được.

Dưới cái nhìn Kitô giáo thì mọi sự đều là hồng ân. Cái nhìn này khởi đi từ việc tin nhận sự hiện hữu mọi loài, sự hiện hữu của chính mình là do bởi tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Nếu Chúa rút hơi lại thì mọi loài sẽ trở về hư vô. Và vì thế “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126,1). Chẳng một ai bỏ ra chút công sức nào để được làm người trên thế gian này. Cũng chẳng một ai phải trả đồng nào cho mặt trời mọc lên hay cho mỗi ngày có đủ đầy 24 giờ chẳng thiếu một giây. Người vô tín thì cho là chuyện tự nhiên, còn người có niềm tin thì nhìn nhận có một Đấng nào đó trao ban mà Kitô hữu gọi là Thiên Chúa.

Trở về với dòng lịch sử cứu độ chúng ta càng thấy rõ tính nhưng không, vô điều kiện này. Israel, dân Chúa xưa thường được các ngôn sứ nhắc nhủ rằng họ chẳng là gì cả. Họ là một dân nhỏ bé, thế mà Giavê Thiên Chúa đã chọn làm dân riêng, làm dân thánh, chỉ vì tình yêu của Người mà thôi. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định với chúng ta: “Thưa anh em, khi chúng ta không có sức làm được gì, vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,6- 8).

Trong số mười hai vị Tông Đồ mà Chúa Giêsu chọn gọi để cộng tác với Người để thực thi chương trình cứu độ, thử hỏi có vị nào đáng mặt anh hùng theo các giá trị nhân bản. Dưới cái nhìn đạo đức của Do Thái giáo thời bấy giờ thì các ngài hẳn chưa đủ điểm trung bình, nếu chưa muốn nói là còn quá yếu kém nhiều phương diện. Thế mà Chúa Giêsu đã chọn các ngài sau một đêm thức trắng để cầu nguyện (x.Lc 6,12-16). Người chọn các vị không phải để trang trí cho một vở tuồng sân khấu mà là để “ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1). Không phải các ông đã chọn Thầy Giêsu nhưng chính Thầy Giêsu đã chọn các ông, một sự chọn gọi xuất phát từ một tình yêu vô điều kiện và chỉ có thế thôi (x.Ga 15,16).

Hãy trao ban cách nhưng không những gì đã lãnh nhận cách nhưng không: Chúa Kitô đã làm gương cho chúng ta về động thái trao ban này. Vì đã lãnh nhận tất cả từ Chúa Cha, Chúa Kitô sẵn sàng hiến dâng tất cả trong sự vâng phục tuyệt đối đến độ Người xác nhận “Lương thực của Người là làm theo ý Đấng đã sai Người” (x.Ga 4,34). Vào trần gian, Chúa Cha đã trao ban cho người một thân xác và Người đã hiến dâng lại cho Cha qua hiến tế thập giá (x.Lc 26-3,46). Sống vâng phục là một cách thế trao ban sự hiện hữu của mình cách hoàn hảo. Khi ta vâng nghe Lời Chúa phán dạy là ta đang hiến dâng chính cả con người chúng ta cho Đấng dựng nên chúng ta từ hư vô.

Thật là khó khi tự nguyện trao ban cho tha nhân một cách vô điều kiện những điều tốt đẹp ta có như của cải vật chất, công sức, thời giờ… Tâm lý thường tình “bánh ít trao đi thì mong bánh nhì gửi lại”. Thực tế thì hình như ít có ai “cho không”, “biếu không”, ngay cả trong các chương trình viện trợ không hoàn lại của các chính phủ hay các tổ chức, tập thể xã hội. Trao ban cách nhưng không đó là trao ban chỉ vì hạnh phúc người được trao ban, đồng thời chính người trao ban sẵn sàng tự hủy mình đi một cách nào đó. Một điều dường như là không tưởng nhưng thời sẽ thành hiện thực nếu ta biết kết hiệp với Đấng vốn là Thiên Chúa đã tự hủy mình ra không vì chúng ta (x.Phil 2,6-11).

Để có thể yêu thương, hiến dâng, trao ban cho tha nhân những gì mình là, những gì mình có một cách vô cầu, thiết tưởng cần có một đời sống cầu nguyện sâu lắng và chuyên chăm kết hiệp với Thiên Chúa. Chính khi kết hiệp với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện chúng ta mới có cơ may nhận ra những gì ta đang là, đang có, đều do bởi đã lãnh nhận cách nhưng không. Thánh sử Maccô làm rõ chân lý này khi tường thuật việc Chúa Giêsu chọn gọi mười hai tông đồ: “Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,13-15).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Câu Chuyện Hạt Lúa Mì sẽ còn mởi mẵi
Lm. Giuse Trương Đình Hiền.
09:28 15/06/2023
Câu Chuyện“Hạt Lúa Mì” Sẽ Còn Mới Mãi

(Bài giảng Lễ Giỗ Đức Cha P. Lambert de la Motte – 15.6.2023)

Dẫn nhập đầu lễ: Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hôm nay, ngày 16.7.2023, chúng ta cùng họp nhau cử hành lễ Giỗ kỷ niệm 344 năm ngày qua đời của Đức Cha Pierre Lambert de La Motte (1679-2023). Thật vậy, Đức Cha Lambert đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4 giờ sáng ngày 15.6.1679 tại Ayutthaya, Thái Lan; hưởng dương đúng 55 tuổi (1624-1679), với 24 năm linh mục (1655-1679), 19 năm Giám Mục (1660-1679) và 17 năm hiện diện và thi hành sứ vụ tại miền đất Á Châu (1662-1679), trong trách vụ chính thức là Giám Mục Đại diện Tông Tòa Đàng Trong kiêm Giám Quản Đại diện Tông Tòa Đàng Ngoài.

Thánh lễ Giỗ kỷ niệm qua đời của Đức Cha Lambert hôm nay lại diễn ra trong thời điểm Giáo Hội Việt Nam đang tiến hành hồ sơ chuẩn bị phong thánh cho ngài. Vì thế, chúng ta cùng hiệp dâng Thánh lễ cầu xin lòng thương xót Chúa ban cho ngài ngập tràn ơn cứu độ; và nếu đẹp lòng Chúa, ban cho ngài sớm được tuyên phong hiển vinh trên bàn thờ Giáo Hội.

Riêng ngài, nếu trong cuộc đời tại thế đã nêu gương vẹn toàn của một chủ chăn hết mình vì đoàn chiên, thì nay trong cõi đời đời, chắc chắn sẽ không quên đoái thương lời kêu cầu của đoàn chiên nơi dương thế…

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm thánh !

Chia sẻ Lời Chúa: Kính thưa cộng đoàn,

Trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, có thể nói được, sứ vụ và cuộc đời của Đức Cha Lambert đã gắn liền với một giai đoạn quan trọng, một cột mốc nền tảng, mà ở đó, cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam chính thức là một Giáo Hội địa phương, có tên trong “sổ bộ hành chánh mục vụ” của Giáo Hội hoàn vũ. Đây cũng là giai đoạn mà công cuộc truyền giáo giã từ chế độ Bảo trợ của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha để chính thức đặt dưới quyền điều hợp và hướng dẫn của Giáo Hội thông qua Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin.

Thật vậy, với Sắc chỉ Super Cathedram do Đức Giáo Hoàng Alexandro VII ban hành ngày 9.9.1659, Giáo Hội tại Việt Nam chính thức được thành lập với hai Giáo phận Đại diện Tông tòa đầu tiên là Đàng Trong dưới quyền cai quản của Đức Cha Lambert và Đàng Ngoài dưới quyền cai quản của Đức Cha Fr. Pallu; cả hai đều là Giám Mục đại diện Tông tòa.

Đón nhận Sắc chỉ nầy của Đức Thánh Cha cùng với Bản Huấn Thị của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (10.11.1659), hai Đức Cha tức tốc lên đường. Đức Cha Fr.Pallu, vì những khó khăn khách quan chưa bao giờ đặt chân đến “nhiệm sở Đàng Ngoài”. Riêng Đức Cha Lambert ngài đã đặt chân lên Ayutthaya Thái Lan năm 1662; sau đó, cùng với Đức Cha Fr.Pallu và một số linh mục, đã tĩnh tâm cầu nguyện và họp Công nghị đầu tiên năm 1664 tại Ayutthaya để vạch ra chiến lược mục vụ truyền giáo tại Á Châu theo định hướng của Huấn Thị 1659 của Thánh Bộ. Kết quả của Công Nghị Ayutthaya 1664 chính là văn kiện Monita ad Missionarios (Nhắn nhủ các thừa sai), một “kim chỉ nam truyền giáo” vẫn còn nguyên giá trị cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa hôm nay. (x. TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ).

Trong hoàn cảnh phức tạp và đầy khó khăn của giai đoạn đất nước Việt Nam trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, mặc dù đặt “trụ sở chính” tại Ayutthaya, Đức Cha đã nhiều lần tìm cách đến với đoàn chiên Việt Nam; và ngài đã 3 lần đến, hiện diện, thi hành sứ vụ tại Việt Nam, cụ thể đó là:

- Lần 1 tại Đàng Ngoài (trong tư cách Giám Quản Đại diện Tông Tòa): từ năm 1969-1670: với 3 công việc quan trọng: phong chức linh mục cho 7 thầy giảng bản xứ, triệu tập công nghị Phố Hiến (1670) và thiết lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng ngoài (1670).

- Lần 2 tại Đàng Trong đợt 1 (Trong tư cách Giám Mục đại diện Tông Tòa): từ năm 1671 – 1672: Công việc quan trọng là lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong tại An Chỉ Quảng Ngãi (1671); triệu tập Công Nghị Hội An (1672) và kinh lý mục vụ một loạt các cộng đoàn và giáo điểm từ Quảng Nam tới Khánh Hòa.

- Lần 3 tại Đàng Trong đợt 2: từ 1675-1676: Phong chức linh mục cho thầy Lữ Y Đoan (tác giả Sấm Truyền Ca bằng chứ Nôm) năm 1676 tại Quảng Ngãi.

Sau đó ngài trở lại Ayutthaya cai quản Giáo Hội Việt Nam từ xa cho đến ngày về với Chúa (12.6.1679).

Sở dĩ nhắc lại vài nét đan thanh cuộc đời và sứ vụ của Đức Cha Lambert để mọi người chúng ta tạ ơn Chúa và tri ân ngài vì những hoa trái thiêng liêng và truyền giáo mà ngài đã để lại cho Giáo Hội Việt Nam, cách riêng cho giáo phận Qui Nhơn, giáo phận Chính tòa kế thừa chính thức từ giáo phận đại diện Tông tòa Đàng Trong mà Ngài là chủ chăn tiên khởi !

Tuy nhiên, sứ điệp của ngày lễ Giỗ của ngài hôm nay không muốn chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ “tưởng niệm quá khứ” mà lôi kéo chúng ta đến hiện tại và hướng tới tương lai; và đây lại chính là điều mà các Bài Đọc Lời Chúa vừa được công bố gọi mời.

Trước hết, trích đoạn Sách Khôn Ngoan đã khơi lên niềm hy vọng mãnh liệt về cái chết của những người công chính: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và nỗi khốn khổ của sự chết không đụng tới các ngài… Dẫu theo mắt người đời các ngài chịu khốn khổ, nhưng thật ra các ngài vẫn tràn đầy hy vọng được bất tử…”. Đó cũng chính lời mời gọi chúng ta chuẩn cho cuộc sống mai sau với hành trang công chính; một gọi mời luôn mang tính thời sự trong một xã hội mà con người đang mất dần cảm thức đức tin về cuộc sống vĩnh hằng để đua nhau kiếm tìm thứ hạnh phúc rẽ tiền là hưởng thụ vật chất.

Chắc chắn vì xác tín vào niềm hy vọng của người công chính đó, mà Đức Cha đã tìm và đã nhất mực lựa chọn con đường Thập Giá của Đức Kitô làm Kim chỉ nam cho đời sống và sứ vụ của Ngài. Và đây lại chính là điều Thánh Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại của Kitô giáo, đã xác tín như được ghi lại trong thư Côrintô vừa được công bố trong Bài đọc 2: Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa… chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo…”. Và con đường và phương thế mà Thánh Phaolô, hay ĐC Lambert lựa chọn đó đã được tiếp nối trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh Việt Nam, qua bao nhiêu chứng nhân anh hùng tử đạo; và hôm nay, qua bao nhiêu anh chị em quyết chọn “thập giá Đức Kitô làm đối tượng duy nhất cho cuộc đời” !

Nhưng nếu chúng ta ngược dồng về chính cội nguồn Kitô giáo, chúng ta sẽ gặp sự chọn nền tảng của chính Đức Kitô trong công trình cứu chuộc mà thập giá chính là sự thể hiện rõ nét và cụ thể của thái độ hy sinh và từ bỏ: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời…”.

Ước mong sao, hạt lúa mì Lambert de la Motte sẽ còn làm phát sinh nhiều bông hạt khác cho quê hương Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt cho giáo phận Qui Nhơn thân yêu của chúng ta. Vâng, câu chuyện “Hạt lúa mì” sẽ còn mới mãi cho hành trình đức tin và truyền giáo. Amen.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền.
 
Nhìn Ngắm Trái Tim Rực Lửa Tình Yêu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:32 15/06/2023
Nhìn Ngắm Trái Tim Rực Lửa Tình Yêu

Suy Niệm Lễ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu - A

(Mt 11, 25 - 30)

Tiếp liền sau lễ của Chúa, lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, thứ Sáu sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 19 ngày, ngày Chúa tỏ Trái Tim Tình Yêu của Người ra cho Thánh nữ Maria Margarita Alacoque (16/6/1675), phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành với lòng biết ơn lễ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu rất hay thương “dịu hiền và khiêm nhường” trong lòng. Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy xin với Chúa Ba Ngôi, cho Giáo hội có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện.

Hơn một năm qua, chiến tranh với danh nghĩa là (đặc biệt) do Ngai khai mào tại Ucraina khiến cả thể giới ngày càng mệt mỏi khi có gắng tìm giải pháp hòa bình. Khủng khiếp hơn là những cuộc xung đột về sắc tộc, tôn giáo, chính trị ở các cấp độ quốc gia và trên thế giới, nhiều người phải bỏ nhà cửa, quê hương, mong thoát khỏi cảnh áp bức với hy vọng tìm đến một nơi đáng sống hơn. Những cảnh nghịch lại với Tin Mừng đang gia tăng tại một số nơi. Người ta không ngừng tục hóa Giáo hội dưới nhiều hình thức. Thay vì nhắm đến sự canh tân theo Tin Mừng, qua việc huấn giáo, truyền giáo, chăm sóc mục vụ, giải thích mầu nhiệm các bí tích, người ta nhắm đến các đề tài khác, với hy vọng nhận được sự ủng hộ của dư luận quần chúng làm cho Giáo Hội đắng cay cực lòng. Đối mặt với tất cả những điều đó, chúng ta nhớ lại Lời Chúa Giêsu gọi mời: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, tôi sẽ cho nghỉ ngơi…” (Mt 11, 28-29). Trong lúc khó khăn này, chúng ta, những người đã chịu Phép Rửa tội và Thêm sức, phải mạnh dạn đem yêu thương vào nơi oán thù theo gương Chúa Kitô tình yêu, chú tâm vào biểu tượng của tình yêu từ bi của Chúa Kitô là Thánh Tâm Chúa Giêsu để chia sẻ tình yêu với đồng loại.

Trái tim là biểu tượng tự nhiên của tình yêu. Trái tim còn đập cho thấy mình còn sống. Thiên Chúa đã yêu con người bằng trái tim tình yêu: “Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa” (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Quả Tim ấy được cụ thể nơi Trái Tim Chúa Giêsu (x. Ep 3,8-12.14-19). Trái Tim ấy yêu con người bằng một tình yêu bền vững, đáng tin cậy, thủy chung trọn đời.

Trái Tim của Thiên Chúa luôn rung động vì thương loài người và đổ tràn tình thương xuống cho nhân loại. Trái Tim ấy không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, từ chối của con người.

Mỗi lần chiêm ngắm tượng, ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta thấy nổi bật hơn cả ngoài Trái Tim bị đâm thâu, là ngọn lửa bốc cháy, để « Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. » (Rm 5, 8). Còn có đôi bàn tay với những vết đanh. Chúng ta đặt mình trước Thánh Tâm Chúa và tự hỏi : Bàn tay con, lạy Chúa, đã làm những gì không phải, khiến bàn tay Chúa bị đanh đóng, và bàn chân con, đã bước đi những bước chẳng lành, để Chúa bị đóng đanh cả chân lẫn tay vào Thập giá? Câu trả lời, vì tội lỗi chúng ta, vì Chúa yêu thương loài người ta quá bội.

Biểu tượng tình yêu ấy đi xa hơn cái chết chính là cạnh sườn của Chúa bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Về điểm này, chứng nhân tận mắt là thánh Tông đồ Gioan đã quả quyết: « Một trong những người lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, và tức thì máu cùng nước chảy ra » (x. Ga 19,34). Lưỡi giáo của tên lính đã mở cạnh sườn Chúa, để từ vết thương máu cùng nước chảy ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi. Còn tình yêu nào ngọt ngào êm dịu hơn đã được trao cho Hiền Thê; đó chính là sự mở rộng vòng tay ôm chặt của tình yêu Chúa.

Trái tim Chúa Giêsu được miêu tả có vết thương và mão gai quấn quanh. Mão gai nhắc nhớ chúng ta về tình yêu đích thực, chung thủy, hoàn toàn tận hiến cho tha nhân, quên cả đau khổ của chính mình, ngụ ý nói, Tình yêu thực sự không thể tách rời khỏi mão gai.

Trái Tim Chúa Giêsu có Thánh Giá biểu tượng chính của Đức tin Kitô giáo, cắm ở phía trên, giúp chúng ta chiêm ngắm tình yêu hy sinh của Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình vì chúng ta khi bị treo trên Thánh Giá. Chúa Giêsu, một con người vô tội bị thế gian kết án, đã lấy yêu thương tha thứ đáp trả hận thù khi thưa cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ đã làm” (Lc 23. 24). Người cũng dạy chúng ta phải yêu như Chúa yêu và tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Trái Tim Chúa Giêsu có ngọn lửa bao quanh. Đây là những ngọn lửa vinh quang, lửa tình yêu bừng sáng. Ngọn lửa ấy những ước mong chiếu sáng thế gian tội lỗi và tối tăm, sưởi ấm thế giới lạnh lùng. Đó cũng là ngọn lửa nhiệt thành, chiếu rọi trên các Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần.

Ngón tay Chúa Giêsu chỉ vào Trái Tin Chúa, có ý mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28-29).

Tay kia dang rộng ra như tha thiết chào đón mọi người, vẫy mời chúng ta hãy uốn lòng nên giống Trái Tim Chúa để làm như vậy đối với tha nhân. Trái Tim Chúa Giêsu quả là một biểu tượng mạnh mẽ của tình yêu Thiên Chúa chúng ta, những người được trao cho sứ mạng yêu thương trên mặt đất này. Hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay ngạo mạn cứng đầu, vơi cạn tình yêu đang rất cần đến tình yêu kín múc từ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Chúa Nhật Xi Thường Niên – A
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:33 15/06/2023
Suy Niệm Chúa Nhật Xi Thường Niên – A

(Mt 9, 9- 13)

Chúa chọn dân Chúa

Thiên Chúa đã chọn dân Irael và nói với họ rằng : “Nếu các ngươi nghe lời Ta và giữ giao ước Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta được tách biệt khỏi mọi dân, vì cả trái đất là của Ta. Đối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế và một dân tộc hiến thánh” (Xh 19,).

Những lời thật rõ ràng và cương quyết cho thấy Chúa đã chọn dân Chúa là dân riêng của Chúa ở giữa các dân tộc, là gia sản độc đáo của Chúa, cho họ tham dự vào sự sống siêu đẳng của Chúa. Chúa sẽ đổ dồn tình thương và ân sủng xuống nơi họ, không phải để các dân tộc không còn được gì nữa, nhưng để mọi dân nước chỉ được chúc phúc với Abraham và dòng dõi ông.

Chúa chọn mười hai tông đồ và sai đi

Đoạn Tin Mừng hôm nay mô tả cảnh Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, giống như cánh đồng lúa chin vàng không thợ gặt. Chúa gọi mười hai môn đệ đến, tượng trưng cho tổ phụ của mười hai chi họ trong Dân Mới, cho họ quyền làm được công việc mà Môsê xưa đã làm một cách bề ngoài. Vì chúng ta biết, trước khi tập họp Dân đến dưới Sinai để đón nhận giao ước, ông đã làm lễ thanh tẩy cho Dân. Bây giờ Chúa Giêsu ban quyền cho mười hai môn đệ xua đuổi tà thần, chữa lành ngay cả những người phung và phục sinh kẻ chết.

Chúa chọn gọi chúng ta

Được Thiên Chúa tạo dựng trong yêu thương giống hình ảnh Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, con người được Thiên phú cho một sứ mệnh thể theo sự quan phòng của Thiên Chúa nhân hậu từ bi. Đây là ơn chung cho hết thảy mọi người. Bởi vậy, trong mỗi quyết định, chúng ta hãy tự hỏi: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Câu trả lời chắc chắn : Chúa muốn chúng ta, những người chịu phép Rửa tội hãy vâng nghe lời Chúa sai đi rao giảng rằng : " Nước Trời đã gần" (Mt 10,6).

Thiên Chúa cất tiếng ngỏ lời với con người, và mong một ngày nào đó con người đáp trả. Đây là tiếng gọi từ muôn thuở, từ khi chưa có trời cao, chưa có vầng trăng với ngàn sao... Ngài gọi từng người, đặt vào một bậc sống nào đó và trao ban một sứ vụ. Lịch sử cứu độ minh chứng, Abraham được gọi để trở thành tổ phụ của một dân tộc. Chúa phán: “Hỡi Abraham, hãy bỏ quê hương bà con thân thuộc, bỏ nhà Cha ngươi để đến xứ mà Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ của một dân tộc” (St 12,1). Môsê, một con trẻ thuộc dòng dõi Lêvi được gọi để trở thành người giải phóng dân tộc Do Thái, dù ông viện cớ: “Tôi là ai mà dám đi gặp vua Pharaon... Xin lỗi Ngài tôi không có tài ăn nói. Miệng tôi thô sơ, lưỡi tôi nặng nề” (Xh 4,10). Samuel được gọi để trở thành ngôn sứ và thủ lãnh. David, cậu bé chăn cừu được gọi để trở thành vua một dân tộc. Giona bị gọi bắt làm ngôn sứ trong sự chối từ và giận dỗi. Chúa sai ông đi, nhưng ông: “lại chạy trốn sang Tarsis, xa Đức Giavê” (Gio 1,1-2). Maria, một thôn nữ được chọn gọi để trở thành Mẹ Thiên Chúa. Mathêu, kẻ đang ngồi bên két bạc, Chúa đi qua và nói: “Hãy theo Ta” (Mt 9,9).

Loan báo Tin Mừng là sứ mạng của Thiên Chúa, được Chúa Giêsu thi hành trước, rồi trao cho các Tông đồ và Giáo Hội qua lệnh truyền: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo” (Mc 16,15). Chúng ta phải lấy làm vinh dự được cộng tác vào sứ mạng cao quý này. Mỗi người là một sứ mạng.

Nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu, ngày nay hơn bao giờ hết, là loan báo Tin Mừng cho một thế giới bị thương tổn, không loại trừ ai, như là người chia sẻ niềm vui. Chúng ta hãy để cho lòng mình bừng cháy, nhanh chân tiến bước đi loan báo Tin Mừng. Tất cả chúng ta có thể đóng góp phần mình bằng những lời cầu nguyện và hoạt động, bằng những đóng góp vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta, và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta. Chúng ta cùng thưa với Chúa : Lạy Chúa, này con đây, xin sai con đi.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 
Lên đường đến với anh em
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
10:28 15/06/2023


Lúa chín đầy đồng

Khi nhìn thấy đoàn lũ dân chúng đông đảo bao quanh mình như đoàn chiên vất vưởng không người chăn, Chúa Giê-su chạnh lòng thương xót họ và kêu mời các môn đệ cũng như chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha sai thợ đến làm việc trên cánh đồng của Chúa: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa.”

Giờ đây, chúng ta thử đảo mắt nhìn quanh, để xem đồng lúa chung quanh bao la rộng lớn biết chừng nào.

Trước hết, hãy hướng tầm nhìn về Châu Á.

Đây là lục địa mênh mông hiện có trên 4 tỷ rưỡi người sinh sống, trong đó, người Công Giáo chỉ chiếm 3,4 phần trăm.

Và tại Việt Nam chúng ta, hiện nay dân số lên đến 100 triệu người, trong khi tín hữu Công Giáo chỉ có chừng 7 triệu, chiếm 7 phần trăm dân số. Như vậy, có trên 90 triệu người trên quê hương chúng ta chưa có cơ may đón nhận Tin mừng. Vậy thì đây là một cánh đồng mênh mông mà Chúa tha thiết kêu gọi chúng ta cầu xin cho có nhiều sứ giả đến loan báo Tin mừng.

Ước vọng của Thiên Chúa

Thiên Chúa dựng nên tất cả mọi người và Ngài hết lòng yêu quý từng người một, chẳng trừ ai. Ước vọng tha thiết nhất, mãnh liệt nhất của Ngài là mọi người khắp dương gian đều nhận biết Ngài là Cha và nhận biết mọi người là anh chị em một nhà, để tất cả sum họp cùng nhau trong một gia đình ấm áp tình thương.

Để đạt được ước vọng nầy, Đức Giê-su Ki-tô là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế, trở nên người phàm, hòa mình sống giữa cộng đồng nhân loại để tỏ bày cho họ biết mọi người là con của Thiên Chúa Cha. Rồi Ngài lại tuyển chọn 12 Tông đồ, như cánh tay nối dài của Ngài để mang ơn cứu độ cho thế giới. Và tiếp theo đó, Ngài kêu gọi chúng ta, những người đã gia nhập vào Hội thánh, nối tiếp bước chân Ngài đến với muôn dân, mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

Từ ngày lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta chính thức trở thành chi thể của Chúa Giê-su, trở nên thân mình Chúa, để tiếp tục mang Chúa đến với mọi người. Đây là sứ mạng vô cùng cao quý và khẩn cấp.

Sứ mạng nầy khẩn cấp vì có rất nhiều người mãi cho đến lúc lìa đời mà vẫn chưa biết mình có một người Cha tuyệt vời là Thiên Chúa.

Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta vẫn dửng dưng với ước vọng của Thiên Chúa, không quan tâm đến nỗi thao thức của Chúa muốn đoàn tụ con cái khắp nơi về với Ngài, sum họp với nhau trong gia đình Hội thánh; cũng chẳng tha thiết gì đến phần rỗi của anh chị em mình. Thế là nỗi đau của Thiên Chúa càng thêm chất ngất!

Lạy Chúa Giê-su,

Hôm nay, trên quê hương Việt Nam chúng con, còn hơn 90 triệu người chưa biết Chúa là Cha; ngay sát vách nhà chúng con hay kề cận giáo xứ chúng con cũng còn rất nhiều người chưa biết Chúa. Đây là cánh đồng mênh mông đang trông chờ thợ gặt. Xin cho chúng con đáp lời Chúa gọi, cất bước lên đường dẫn đưa những anh chị em nầy về sum họp trong nhà Cha. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Một cánh đồng còn quá mênh mông
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
15:29 15/06/2023

MỘT CÁNH ĐỒNG CÒN QUÁ MÊNH MÔNG
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM A

Công đồng Vatican II khẳng định: “Bản chất của Hội thánh là truyền giáo”. Mọi tín hữu là nhân tố làm thành Hội Thánh ấy, cũng chính là những sứ giả Tin mừng, cũng có trách nhiệm như Hội thánh. Vì thế, từng người tín hữu hãy sẵn sàng ra đi truyền giáo.

Chính vì thế, lời Chúa: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, không chỉ là lời mà ngày xưa Chúa ngỏ cùng các tông đồ, mà còn là lời xuyên thời gian, đọng trên mọi thời, mọi người. Lời ấy đang thôi thúc chúng ta hãy lên đường truyền giáo trong thời đại mới.

Tại Việt Nam có gần 100 triệu người nhưng chỉ có khoảng hơn 7 triệu tín hữu Công Giáo. Trong khi đó, người dân nước này càng ngày càng đâm đầu chạy theo thói hưởng thụ, đẩy mạnh lối sống tục hóa, cộng vào đó, vai cấp thống trị không từ một thủ đoạn nào để khuếch trương chủ nghĩa vô thần, đã làm cho gánh nặng về việc truyền giáo như nặng hơn.

Chính vì thế, Hội Thánh Tại Việt Nam đang xảy ra sự chênh lệch quá mức giữa nhu cầu thợ và tính cấp bách của cánh đồng lúa mà chính Chúa Giêsu đã nhìn thấy cách đây hơn 2000 năm. Đó là tình trạng thợ thì thiếu trầm trọng, trong khi cánh đồng lại mênh mông.

Dù đạo Thánh đã đến Việt Nam hơn nửa thiên niên kỷ, nhưng vẫn còn nhiều khu vực rộng lớn không có một ngôi nhà thờ nào, không tìm thấy một người Công Giáo nào.

Nhiều nơi khác, một vài người Công Giáo phải sống chung phần lớn với những anh chị em chưa nhận biết Chúa. Thêm vào đó, ý thức về trách nhiệm, về ơn gọi truyền giáo chưa thật sự ăn sâu và cảm nhận đủ nơi tâm tư mỗi Kitô hữu. Thậm chí, nhiều người sống giữa người ngoại giáo, đã trở thành lai căng, pha trộn, hoặc chối bỏ hẳn đức tin của mình...

Một cánh đồng truyền giáo còn bát ngát trên mọi phương diện. Vì thế, Hội Thánh của Chúa Kitô vẫn cần mọi tấm lòng của mọi tín hữu dành hết tâm huyết cho việc mở rộng biên giới Nước Trời tại trần gian.

Người Kitô hữu phải luôn tự nhắc nhở nhau và nhắc nhở mình rằng: Trong khi cánh đồng truyền giáo còn bề bộn, thì không ai được nghỉ ngơi. Mỗi Kitô hữu, không loại trừ, không miễn chuẩn bất cứ ai, cũng không độc quyền, không ỷ lại….tất cả đều phải có trách nhiệm và bổn phận với đời sống truyền giáo của Hội Thánh.

Mỗi người Công Giáo đều có một ơn gọi từ Thiên Chúa - ơn gọi trở nên “thợ gặt” cho đồng lúa đã chín vàng của Vị Chủ Mùa. Để thực thi lời Chúa dạy: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”, chúng ta hãy sống trong đời sống bằng lối sống CHỨNG NHÂN:
- Chứng nhân bằng sự cầu nguyện: Nghĩa là ta trung thành và liên lỉ kết hợp với Chúa qua việc tham dự thánh lễ, lãnh nhận bí tích, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, luyện tập nhân đức, thường xuyên rước và chầu Mình Thánh… cùng với việc lo củng cố cho mình vững niềm tin vào Chúa, không bao giờ ngần ngại, thoái thác hay lười biếng, bỏ qua bất cứ giây phút nào mà không cầu nguyện, không bày tỏ đức tin của mình.
- Chứng nhân bằng sống bác ái với anh chị em xung quanh: Ta ân cần thăm hỏi, giúp đỡ, yêu thương, quan tâm… đến những hoàn cảnh của họ. Bác ái phải là tinh thần truyền giáo đầu tiên mà từng người tín hữu phải cố gắng sống cho bằng được.

Vì Hội Thánh cũng chính là mỗi Kitô hữu. Sống nên, và sống đúng bằng một lòng yêu mến thiết tha, với ước muốn làm vinh danh Chúa, lúc đó đời sống mỗi người chính là bài giảng hùng hồn, sẽ thu hút, chinh phục các linh hồn.

Mọi tín hữu là nhân tố làm thành Hội Thánh, cũng chính là những sứ giả Tin mừng, có trách nhiệm như Hội thánh. Vì thế, từng người tín hữu hãy sẵn sàng ra đi truyền giáo.

Chính vì thế, lời Chúa Giêsu: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít” mãi mãi mang tính thời sự, mãi mãi vẫn là lời thúc bách hết sức hiện thực dành cho từng người.

Hãy nhận lãnh Lời Chúa và băng mình trên cánh đồng truyền giáo rộng khắp này, đem con người về cùng Chúa, đưa Chúa đến trong lòng người.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết dấn thân mà không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ chùng bước, để danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được phát triển mạnh.
Lạy Chúa Giêsu, xin hướng dẫn chúng con biết cách truyền giáo cho anh chị em trong thời đại chúng con, để dù qua năm tháng, dù lâm vào hoàn cảnh nào, hay dù gặp thử thách đến đâu, lòng chúng con vẫn trung kiên sống ơn gọi của mình, để danh Chúa được cả sáng và biên cương của Hội Thánh được nới rộng ngày càng nhiều hơn. Amen.

 
Không giữ lại điều gì
Lm. Minh Anh
15:34 15/06/2023

KHÔNG GIỮ LẠI ĐIỀU GÌ
“Thiên Chúa là Tình Yêu!”

Anthony Fortosis nói, “Những kẻ chinh phục hùng mạnh với quân đội hùng mạnh và vũ khí khủng khiếp đã tìm cách khuất phục thế giới một cách vô vọng. Đức Kitô đã chinh phục một vương quốc rộng lớn bằng vũ khí đơn giản là tình yêu. Ngài chinh phục muôn triệu con tim cũng bằng tình yêu, một tình yêu không giữ lại điều gì!”

Kính thưa Anh Chị em,

Mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta mừng kính Một Trái Tim đã “chinh phục muôn triệu trái tim bằng tình yêu!” Với bài đọc hai, hãy dừng lại với định nghĩa vắn gọn nhưng sâu sắc nhất của Gioan, “Thiên Chúa là Tình Yêu!”; một tình yêu ‘không giữ lại điều gì!’
Nhiều điều được nói và viết về Thiên Chúa kể từ khi tuyên bố đó được đưa ra cách đây gần 2.000 năm; tuy nhiên, tất cả những gì có thể nói và viết về Thiên Chúa chỉ giúp mở ra chiều sâu của câu nói đó, “Thiên Chúa là Tình Yêu!” Gioan nói thêm, Thiên Chúa ‘được mặc khải’ là Tình Yêu khi Ngài sai Con Một đến thế gian để chúng ta sống sự sống thần linh nhờ Con của Ngài; được chia sẻ chính sự sống của Ngài. Toàn bộ cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu mặc khải Thiên Chúa là Tình Yêu, một tình yêu ‘không giữ lại điều gì!’

Đó cũng là tình yêu Ngài đã có từ ngàn xưa với Israel. Qua miệng Môisen, sách Đệ Nhị Luật hôm nay cho biết, chính Thiên Chúa đã chọn Israel cho riêng mình, “Anh em là một dân hiến thánh cho Chúa là Thiên Chúa anh em… Không phải vì anh em đông số hơn mọi dân tộc khác; nhưng vì Chúa đã yêu thương anh em và giữ lời đã thề hứa với tổ phụ anh em”. Thánh Vịnh đáp ca cũng xác tín điều này, “Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố “Không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho”. Chỉ có Chúa Giêsu mới biết Thiên Chúa, đó là lý do tại sao Ngài có thể tiết lộ Thiên Chúa cho những ai Ngài chọn. Mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta mừng Ngài là Đấng mặc khải trái tim của Thiên Chúa, cốt lõi của Tình Yêu Ngài. Vì thế, lời mời gọi, “Tất cả hãy đến với Tôi, những ai khó nhọc và gánh nặng, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho!” xuất phát từ trái tim yêu thương của Chúa Cha. Đó là một lời mời mang niềm an ủi cho các tín hữu trong nhiều thế kỷ qua các thời đại. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đang vẫy gọi trái tim của mỗi người hãy đến với Ngài.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa là Tình Yêu!”. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là lễ kỷ niệm Chúa Giêsu tuôn đổ trên chúng ta tất cả tình yêu và sự sống của Ngài. Bằng chứng của việc Ngài ‘không giữ lại điều gì’ được bộc lộ qua việc những giọt máu và giọt nước cuối cùng ứa ra từ trái tim của Ngài trên thập giá. Cần nhận ra rằng, Chúa Giêsu tiếp tục ban cho chúng ta mọi thứ nếu bạn và tôi sẵn sàng đón nhận. Trái tim Ngài mời gọi tất cả chúng ta trở lại đàn chiên của Ngài. Đừng bao giờ nghĩ đến tuyệt vọng, dù chỉ thoáng qua. Tất cả những gì chúng ta phải làm là quay trở lại với Ngài để được biến đổi. Ngài đang chờ đợi với vòng tay rộng mở!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, Chúa đang tiếp tục tuôn đổ sự sống và tình yêu trên con. Cho con biết dâng lại tất cả cho Chúa, cho anh chị em con, mà ‘không giữ lại điều gì!’ Amen.

(Tgp. Huế)
 
CHÚA Yêu
Lm Nguyễn Trung Tây
15:49 15/06/2023
Nguyễn Trung Tây
Lễ Thánh Tâm - Thần Học Chủ Đạo - CHÚA Yêu


Tháng Mười Hai, lớp Kinh Thánh gặp mặt buổi học cuối năm. Nhìn mặt mọi học viên, tu sĩ cất tiếng hỏi cả lớp,
– Ai biết thần học nào là thần học chủ đạo trong Tin Mừng?

Học viên nhìn nhau, yên lặng. Em con gái, đang tìm hiểu ơn gọi tu dòng. Mặt em đăm chiêu, miệng cắn cắn mấy sợi tóc dài. Em cuối cùng giơ tay, nói ngay,
– Con nghĩ Thiên Đàng Hỏa Ngục là thần học chủ đạo.

Em mến,
Thật sự ra, ý kiến của em và những người đưa cao cánh tay đồng ý cũng là ý kiến của con số đông. Nhiều tín hữu Kitô, đặc biệt Kitô hữu Việt Nam, vẫn giữ trong tim hình ảnh Thiên Chúa là một Đấng thưởng thiên đàng phạt hỏa ngục. Điều này đúng. Nhưng đây không phải thần học chủ đạo của Tin Mừng.

Trong những lần tiếp xúc với lương dân, và ngay cả với tín hữu Kitô, tu sĩ đã nghe được những lời “than phiền” về thần học Thiên Chúa thưởng phạt. Một vài lương dân đã từng thật thà chia sẻ, “Tôi không thích Kitô giáo, bởi Thiên Chúa xuất hiện như một vị hoàng đế nghiêm minh. Được lòng Ngài, Ngài thưởng. Mất lòng Ngài, Ngài chém.”

Họ cuối cùng kết luận, “Tôi thích Phật giáo, tôn giáo của từ bi.”

Nghe tôi giải thích, em giơ tay, hỏi ngay,
– Thưa cha! Vậy thần học nào mới là thần học chủ đạo?

Tôi cũng nói ngay,
– “Chúa yêu” là thần học chủ đạo của Tin Mừng. Chứ không phải “Thiên Chúa thưởng phạt thiên đàng hỏa ngục.” Chữ “yêu” của thần học chủ đạo đứng ở vị thế động từ. Có nghĩa là Thiên Chúa chủ động yêu trần gian yêu con người.

SUY NIỆM
Con người không phải là con mồ côi, bởi họ có một người Cha hết lòng yêu họ! Con người quên thần học chủ đạo “Thiên Chúa yêu.” Nhưng Đức Giêsu đã nhắc lại thực thể của “Thiên Chúa yêu” qua lời kinh do đích thân Ngài dạy, “Lạy Cha.” Cha hay Bố là đại danh từ chính xác mà Chúa Con đã dạy trần gian. “Bố ơi! Bố ở trên trời.” Bởi Bố là Bố, Bố yêu con của Bố cho tới muôn đời!

Giêsu hữu, bởi thế, con chiên cũng như các vị lãnh đạo đề chia sẻ chung một sứ mệnh đi ra khỏi vùng an toàn để rao giảng Tin Mừng Chúa Yêu.

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin dẫn con bước đi rao giảng Tin Mừng Chúa Yêu.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được xuất viện vào sáng thứ Sáu
Thanh Quảng sdb
16:29 15/06/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô được xuất viện vào sáng thứ Sáu

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Ông Matteo Bruni, xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được xuất viện vào sáng thứ Sáu, sau ca phẫu để chữa chứng thoát vị và loại bỏ các mô sẹo bên trong bụng.

(Tin Vatican)

Trong bản cập nhật mới nhất về sự hồi phục của Đức Thánh Cha vào thứ Năm (15/6/2023), Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được xuất viện vào sáng thứ Sáu (16/6/2023), sau ca phẫu thuật ngày 7 tháng Sáu.

Trong tuyên bố chiều nay, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, cho biết: “Các nhân viên y tế báo cho hay Đức Thánh Cha đã nghỉ ngơi tốt trong đêm. Quá trình lâm sàng đang diễn ra bình thường. Kết quả xét nghiệm máu bình thường."

Ngài lưu ý rằng tối hôm qua, Đức Thánh Cha đã dùng bữa tối cùng với những người đã giúp đỡ ngài kể từ ngày ngài nhập viện.

“Sáng nay, để bày tỏ lòng biết ơn,” Giám đốc Văn phòng Báo chí lưu ý, “Đức Thánh Cha đã tiếp toàn bộ ban điều hành – bao gồm các nhân viên y tế, y tá, nhân viên xã hội và y tế, và nhân viên phụ trợ – những người đã điều phối và thực hiện ca phẫu thuật cho ngài vào ngày 7 tháng 6."

"Sau đó, ngài gặp Giám mục Claudio Giuliodori, Tổng Phụ tá của Đại học Công Giáo; và Cha Nunzio Currao, Tuyên úy của nhân viên Bệnh viện Đa khoa. Sau đó, ngài gặp các đại diện của Ban Giám đốc Fondazione Policlinico Gemelli, cũng như Chủ tịch, Carlo Fratta Pasini, Viện trưởng Trường Đại học Công Giáo, GS. Franco Anelli, cùng ban lãnh đạo Phòng khám đa khoa có Tổng Giám đốc, GS. Marco Elefanti.

Thăm khoa nhi ung thư

Ông Matteo Bruni cho hay “Vào cuối chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha ghé qua Khoa Ung thư Nhi và Khoa Phẫu thuật Thần kinh Trẻ em, nơi các em nhỏ –đã bày tỏ tình cảm của mình với Đức Thánh Cha trong những ngày qua bằng nhiều bức thư, bức vẽ và thông điệp cầu chúc cho ĐTC hồi phục nhanh chóng.

Ông nói tiếp: “Đức Thánh Cha Phanxicô cảm nhận được nỗi đau của các em này, những người cùng với cha mẹ của chúng, chấp nhận những nỗi đau như Thánh giá cần vác mỗi ngày. Ngài tặng cho mỗi em một chuỗi Mân Côi và một cuốn sách”.

Trong lời chào mừng tới những người có mặt, ĐTC cám ơn tất cả các nhân viên y tế chuyên nghiệp và những nỗ lực của họ để "làm giảm bớt sự đau khổ của người khác, không chỉ bằng thuốc men mà còn bằng sự dịu dàng và lòng nhân ái."

“Nhóm y tế theo dõi Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận rằng Đức Thánh Cha sẽ được xuất viện vào sáng Thứ Sáu, ngày 16 tháng Sáu.”
 
Đức Hồng Y Alencherry lên án cuộc bách hại Kitô giáo ở Manipur
Đặng Tự Do
17:11 15/06/2023


Cuộc họp thượng hội đồng đặc biệt của Giáo hội Syro-Malabar đã bắt đầu vào ngày 12 tháng 6. Trong phần khai mạc cuộc họp, Đức Hồng Y George Alencherry đã than phiền về cuộc đàn áp các Kitô hữu ở bang Manipur, miền đông bắc Ấn Độ.

Thượng hội đồng được tổ chức theo lệnh của Vatican tại Núi Thánh Thomas, trụ sở của Giáo hội Syro-Malabar ở Kakkanad, một vùng ngoại ô của Kochi.

Đức Hồng Y Alencherry, tổng giám mục chính của Giáo hội, người đã chủ sự Thánh lễ khai mạc, đã đề cập đến nhiều cuộc khủng hoảng chính trị xã hội và nông nghiệp mà Giáo hội phải đối mặt. Ngài gọi sự thờ ơ của Manipur và chính phủ liên bang đối với cuộc đàn áp tàn bạo các tín hữu Kitô ở đó là một tội phạm.

Đức Hồng Y cũng nhắc lại “sự phục vụ quên mình và sự lãnh đạo dũng cảm của Đức Tổng Giám Mục Joseph Powathil của Changanacherry, người đã qua đời vào ngày 18 tháng 3, ở tuổi 92. Ngài nói rằng cái chết của vị Giám Mục là một mất mát to lớn đối với Giáo hội cũng như xã hội.

Đức Tổng Giám Mục đã chào đón các thành viên mới của thượng hội đồng – bao gồm Đức Giám Mục John Panamthottam của Melbourne, Australia, và Đức Giám Mục Phụ Tá Alex Taramangalam của Mananthavady, Kerala. Đức Hồng Y ca ngợi “những đóng góp to lớn không thể so sánh được” của Đức Cha Bosco Puthur, giám mục đầu tiên của Melbourne.

Ngài cũng kêu gọi chính phủ liên bang và Kerala có đường lối thông cảm đối với các vấn đề mà nông dân ở bang miền nam Ấn Độ, cơ sở của Giáo hội, phải đối mặt.

Chính phủ Kerala nên hiểu rằng ngay cả sau phán quyết của Tòa án Tối cao về vấn đề vùng đệm để tránh thú dữ, những lo ngại của nông dân vẫn chưa được giải quyết. Ngài lấy làm tiếc vì chính quyền bang không có chính sách bảo vệ người nông dân ngay cả khi tính mạng và tài sản của họ bị đe dọa bởi thú dữ xâm nhập vào đất nông nghiệp.

Đức Hồng Y than phiền rằng một số sinh mạng đã bị thiệt mạng khi các cuộc tấn công của động vật hoang dã gia tăng đáng kể trong vài tháng qua.

Phiên họp đặc biệt đang được triệu tập để thảo luận về các vấn đề tồn tại trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly liên quan đến việc cử hành thánh lễ.


Source:Matters India
 
Linh mục Công Giáo bị bắt cóc được trả tự do ở Kaduna
Đặng Tự Do
17:12 15/06/2023


Cha Jeremiah Yakubu, là cha sở của Nhà thờ Công Giáo Holy Trinity, Karku ở Khu vực chính quyền địa phương Kauru của Bang Kaduna, đã được những kẻ bắt cóc thả ra.

Điều này đã được xác nhận bởi Chưởng ấn Giáo phận Công Giáo Kafanchan, Cha Emmanuel Okolo, là người nói rằng vị linh mục bị bắt cóc đã được trả tự do vào tối thứ Hai 12 Tháng Sáu.

Tuy nhiên, Cha Chưởng Ấn đã không tiết lộ liệu có khoản tiền chuộc nào đã được trả hay không trước khi vị linh mục bị bắt cóc được trả tự do.

Cha Yakubu bị bắt cóc khỏi nhà xứ ở Kauru vào khoảng 11 giờ tối Chúa Nhật.

Bắt cóc đòi tiền chuộc ngày càng phổ biến ở các khu vực Tây Bắc và Bắc Trung Bộ của Nigeria. Kaduna là một trong những tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các giáo sĩ và nông dân trong các cộng đồng dễ bị tổn thương trong tiểu bang đã trở thành con mồi của những kẻ bắt cóc. Một số người trong số họ đã bị giết khi bị giam cầm, trong khi những người khác được trả tự do sau khi trả tiền chuộc.


Source:channelstv.com
 
Diễn từ ngày 14 tháng 6 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
Vũ Văn An
17:33 15/06/2023

Theo tin AP, Đức Giáo Hoàng đã ngỏ lời với Hội Đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhân buổi thảo luận cấp bộ trưởng của tổ chức này về đề tài “Các giá trị của tình huynh đệ nhân bản trong việc cổ vũ và duy trì hòa bình”. Tham dự buổi thảo luận này, có ông António Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và Sheikh Ahmad el-Tayeb, đại giáo sĩ của đền thờ và Đại Học Al-Azhar của Ai Cập, vị giáo sĩ từng cùng ký văn kiện về tình huynh đệ nhân bản với Đức Phanxicô. Đức Tổng Giám Mục Paul R. Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, đã thay mặt Đức Giáo Hoàng, hiện đang dưỡng bệnh, đọc diễn từ của Đức Giáo Hoàng trước phiên họp. Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Thưa bà Chủ tịch Hội đồng Bảo an,
Thưa ông Tổng thư ký,
Hiền đệ Đại Giáo sĩ của Al-Azhar thân mến,
Thưa quý bà và qúy ông


Tôi xin cám ơn quý vị về lời mời tốt đẹp này để ngỏ lời với quý vị, lời mời mà tôi sẵn lòng chấp nhận vì chúng ta đang sống trong một thời điểm quan trọng đối với nhân loại, trong đó hòa bình dường như đang nhường chỗ cho chiến tranh. Các cuộc xung đột ngày càng gia tăng và sự ổn định ngày càng gặp nguy cơ. Chúng ta đang trải qua một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần, mà theo thời gian, dường như ngày càng lan rộng hơn. Hội đồng này, với nhiệm vụ bảo vệ an ninh và hòa bình của thế giới, đôi khi, trong mắt mọi người, dường như bất lực và tê liệt. Tuy nhiên, công việc của qúy vị, được Tòa Thánh đánh giá cao, là điều cần thiết để cổ vũ hòa bình. Chính vì lý do này, tôi muốn gửi đến qúy vị một lời mời chân thành để đối diện với những vấn đề chung của chúng ta, gạt bỏ những ý thức hệ và tầm nhìn hẹp hòi, những ý tưởng và lợi ích đảng phái, và nuôi dưỡng một mục đích duy nhất: làm việc vì lợi ích của toàn nhân loại. Thật vậy, Hội đồng này được kỳ vọng sẽ tôn trọng và áp dụng “Hiến chương Liên hợp quốc một cách minh bạch và chân thành, không có động cơ thầm kín, như một điểm tham chiếu bắt buộc của công lý chứ không phải như một phương tiện che đậy các ý định giả mạo”. [1]

Thế giới hoàn cầu hóa ngày nay đã mang tất cả chúng ta lại gần nhau hơn, nhưng nó không khiến chúng ta trở nên huynh đệ hơn. Thật vậy, chúng ta đang phải chịu đựng nạn đói tình huynh đệ, một tình trạng phát sinh từ nhiều tình huống bất công, nghèo đói và bất bình đẳng và cũng từ việc thiếu một nền văn hóa liên đới. “Các hệ tư tưởng mới, được đặc trưng bởi chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa tiêu thụ vật chất đang lan rộng, làm suy yếu các mối liên kết xã hội, thúc đẩy não trạng ‘vứt bỏ’, vốn dẫn đến sự khinh miệt và bỏ rơi, những người yếu kém nhất và những người bị coi là ‘vô dụng’. Theo cách này, sự chung sống của con người ngày càng có xu hướng giống như một thứ đơn thuần là do ut des (*), vừa thực dụng vừa ích kỷ”. [2] Tuy nhiên, hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng thiếu thốn tình huynh đệ này là xung đột vũ trang và chiến tranh, khiến không chỉ các cá nhân mà cả các dân tộc trở thành kẻ thù của nhau, và những hậu quả tiêu cực của nó còn vang vọng qua nhiều thế hệ. Với việc thành lập Liên Hợp Quốc, sau hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp, dường như thế giới đã học được cách hướng tới một nền hòa bình ổn định hơn, cuối cùng trở thành một đại gia đình của các quốc gia. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang đi ngược dòng lịch sử, với sự trỗi dậy của các chủ nghĩa dân tộc thiển cận, cực đoan, hận thù và hiếu chiến, những chủ nghĩa đã châm ngòi cho những xung đột không những sai niên đại và lỗi thời mà thậm chí còn bạo lực hơn nữa. [3]

Là một người có đức tin, tôi tin rằng hòa bình là ước mơ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tuy nhiên, thật đáng buồn, tôi nhận thấy rằng vì chiến tranh, giấc mơ tuyệt vời này đang trở thành một cơn ác mộng. Chắc chắn, theo quan điểm kinh tế, chiến tranh thường hấp dẫn hơn hòa bình, vì nó thúc đẩy lợi nhuận, nhưng luôn dành cho một số ít và gây tổn hại đến hạnh phúc của toàn bộ dân số. Do đó, tiền kiếm được từ việc bán vũ khí là tiền đã vấy bẩn máu của những người vô tội. Cần nhiều can đảm hơn để từ bỏ lợi nhuận dễ dãi vì mục đích giữ gìn hòa bình hơn là bán vũ khí tinh vi và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cần nhiều can đảm hơn để tìm kiếm hòa bình hơn là tiến hành chiến tranh. Cần can đảm hơn để cổ vũ gặp gỡ hơn là đối đầu, ngồi vào bàn đàm phán hơn là tiếp tục các thù nghịch.

Để biến hòa bình thành hiện thực, chúng ta phải tránh xa luận lý học chiến tranh hợp pháp: nếu điều này có giá trị trong thời kỳ trước, khi các cuộc chiến tranh có phạm vi hạn chế hơn, trong thời đại của chúng ta, với vũ khí hạt nhân và những thứ hủy diệt hàng loạt, chiến trường thực tế đã trở nên không giới hạn và những hậu quả có tiềm năng gây ra thảm họa. Đã đến lúc nói “không” một cách dứt khoát với chiến tranh, tuyên bố rằng chiến tranh không công bằng, mà chỉ có hòa bình mới công bằng: một nền hòa bình ổn định và lâu dài, không được xây dựng trên sự cân bằng bấp bênh của sự răn đe, mà trên tình huynh đệ vốn hợp nhất chúng ta. Thật vậy, tất cả chúng ta đều là anh chị em, cùng hành trình trên một trái đất, cùng ở trong một ngôi nhà chung duy nhất, và chúng ta không thể che khuất bầu trời nơi chúng ta đang sống bằng những đám mây chủ nghĩa dân tộc. Chúng ta sẽ kết thúc ở đâu nếu mọi người chỉ nghĩ đến bản thân họ? Vì vậy, những người nỗ lực xây dựng hòa bình phải cổ võ tình huynh đệ. Xây dựng hòa bình là một công việc đòi hỏi niềm đam mê và sự kiên nhẫn, kinh nghiệm và tầm nhìn xa, sự kiên trì và cống hiến, đối thoại và ngoại giao. Và lắng nghe nữa: lắng nghe tiếng khóc của những người đau khổ vì chiến tranh, đặc biệt là trẻ em. Đôi mắt đẫm lệ của họ phán xét chúng ta: tương lai mà chúng ta chuẩn bị cho họ sẽ là tòa án cho những lựa chọn hiện tại của chúng ta.

Hòa bình là điều khả hữu nếu nó thực sự được mong muốn! Hòa bình nên tìm thấy trong Hội đồng Bảo an này “những đặc điểm căn bản của nó, mà một quan niệm sai lầm về hòa bình dễ khiến người ta quên đi. Hòa bình phải dựa trên lý trí, không phải đam mê; hào hiệp, không ích kỷ. Hòa bình không phải là trì trệ và thụ động, mà phải năng động, tích cực và tiến bộ theo như các yêu cầu chính đáng của các nhân quyền đã được tuyên bố và công bằng vốn đòi hỏi những biểu thức hòa bình mới và tốt hơn. Hòa bình không được yếu ớt, vô hiệu và nô dịch, mà phải mạnh mẽ trong những lý do luân lý có thể biện minh cho nó và trong sự hỗ trợ vững chắc của các quốc gia nhằm bảo vệ nó”. [4]

Vẫn còn thời gian để viết một chương hòa bình mới trong lịch sử: chúng ta có thể làm điều đó theo cách mà chiến tranh sẽ thuộc về quá khứ chứ không phải tương lai. Các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an này nhằm mục đích và phục vụ cho mục đích này. Tôi muốn nhấn mạnh lại một từ ngữ mà tôi muốn lặp lại, vì tôi coi đó là từ ngữ quyết định: tình huynh đệ. Tình huynh đệ không thể mãi là một ý tưởng trừu tượng, nhưng phải trở thành một điểm xuất phát có thực chất: thật vậy, đó là “một chiều kích thiết yếu của con người, vốn là một hữu thể có tương quan. Ý thức sống động về mối tương quan này khiến chúng ta nhìn và đối xử với mỗi người như anh chị em thực sự; không có nó thì không thể xây dựng được một xã hội công bằng, một nền hòa bình vững chắc và lâu dài”. [5]

Tôi bảo đảm với qúy vị sự hỗ trợ của tôi, những lời cầu nguyện của tôi và những lời cầu nguyện của tất cả các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo nhân danh hòa bình và mọi tiến trình và sáng kiến hòa bình. Tôi hết lòng mong muốn rằng không những Hội đồng Bảo an này mà toàn bộ Tổ chức Liên Hợp Quốc, các Quốc gia Thành viên và mỗi viên chức của nó, luôn có thể phục vụ nhân loại một cách hữu hiệu, chịu trách nhiệm bảo vệ không những tương lai của chính họ mà còn của tất cả mọi người, với lòng bạo dạn gia tăng ngay bây giờ, không sợ hãi, những gì cần thiết để cổ vũ tình huynh đệ và hòa bình cho toàn hành tinh. “Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (Mt 5:9).
_________________________________________________________________________________________________________________
(*) Do ut des tiếng Latinh có nghĩa: tôi cho để anh cho. Người Việt quen nói: hòn đất ném đi hòn chì ném lại (chú thích của người dịch)

[1] Đức Phanxicô, Diễn văn trước các Thành viên của Đại hội đồng của Tổ chức Liên Hợp Quốc, 25 tháng 9 năm 2015.

[2] Đức Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ XLVII, 1 tháng Giêng, 2014.

[3] X. Đức Phanxicô, Fratelli tutti, 11.

[4] Đức Phaolô VI, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ VI, 1-Jan-1973.

[5] Đức Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ XLVII, 1 tháng Giêng, 2014.
 
Đức Thánh Cha đau buồn trước những bi thảm vượt biên chết người ở Địa Trung Hải
Thanh Quảng sdb
18:38 15/06/2023
Đức Thánh Cha đau buồn trước những bi thảm vượt biên chết người ở Địa Trung Hải

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện chia buồn tới Sứ thần Tòa thánh ở Hy Lạp, sau thảm kịch di cư tồi tệ nhất ở vùng biển Địa Trung Hải.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Khi được tin về thảm kịch liên quan đến vụ đắm tàu chở người vượt biên ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, vào thứ Tư ngày 14 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện chia buồn đến Đức Tổng Giám Mục Jan Romeo Pawłowski, Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp.

Theo báo cáo ban đầu cho biết có ít nhất 78 người chết đuối và hơn 100 người đã được cứu sống. Tuy nhiên, những người sống sót nói có tới 750 người trên thuyền, trong đó có nhiều trẻ em. Giới quan sát cảnh báo đây có thể là một trong những thảm kịch vượt biên khủng khiếp nhất từ trước đến nay.

Trong bức điện tín do Quốc vụ khanh Vatican, Hồng Y Pietro Parolin, ký thay cho Đức Thánh Cha viết ngài "vô cùng đau buồn khi hay tin về vụ đắm tàu ngoài khơi bờ biển Hy Lạp với sự thiệt hại nặng nề về nhân mạng."

ĐTC chân thành cầu nguyện “cho những người chết, cho những người thân yêu của họ và cho tất cả những người bị tổn thương bởi thảm kịch này”, Đức Thánh Cha khẩn cầu Thiên Chúa ban “sức mạnh, sự kiên trì và hy vọng” cho những người sống sót và kiện cường những nhân viên cấp cứu đang cung cấp cho các nạn nhân những chăm sóc và cứu trợ.

Bi kịch

Đây là một bi kịch khủng khiếp ở Địa Trung Hải, với số người đông nghẹt trên tàu, so với số người chưa được cứu, làm dấy lên lo ngại rằng đây có thể là thảm kịch đắm tàu vượt biên tồi tệ nhất xảy ra ở Địa Trung Hải.

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Hy Lạp đang bị chỉ trích nặng nề vì đã không can thiệp, nhưng chính quyền nước này nói rằng họ đã có các đề nghị viện trợ đưa ra, nhưng tất cả đều bị từ chối.

Những hy vọng tìm thấy thêm những người sống sót ngày càng ít. Phần lớn những người sống sót là đàn ông, họ kể về con số người trên tầu - bao gồm cả số người bị nhốt trong hầm tầu, trong đó có khoảng 100 trẻ em.

Những người vượt biên cho hay tổ chức buôn người thường nhốt người đầy trong hầm để lấy tiền và dễ dàng kiểm soát...
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục Đaminh Trần Công Danh được bổ nhiệm làm Tân Giám tỉnh dòng Don Bosco, Tỉnh Dòng Miền Đông Hoa Kỳ và Canada
Thanh Quảng sdb
18:15 15/06/2023
Linh mục Đaminh Trần Công Danh được bổ nhiệm làm Tân Giám tỉnh dòng Don Bosco, Tỉnh Dòng Miền Đông Hoa Kỳ và Canada


Theo thông tấn xã ANS từ Turinô cho hay Cha Bề Trên Cả của Dòng Salêdiêng, Cha Ángel Fernández Artime, với sự đồng ý của các thành viên khác của ban Cố vấn, hôm qua, 14 tháng 6 Năm 2023, đã bổ nhiệm Cha Đaminh Trần Danh Công làm Bề Trên tỉnh của Tỉnh Dòng Thánh Philip Tông Đồ Miền Đông Hoa Kỳ và Canada.

Linh mục Đaminh Trần Công Danh sinh ngày 14 tháng 10 năm 1969 tại Đà Lạt, Việt Nam. Sau khi vượt biên đến Hoa Kỳ cùng gia đình, chàng thanh niên đã xin vào dòng và được tuyên khấn lần đầu trong Tu hội Salêdiêng vào ngày 15 tháng 8 năm 1995 tại Bellflower, California. Sau thời gian học Triết và Thần, ngài được Đức Giám Mục Phụ Tá Chicago, Đức Giám Mục Raymond Emil Goedert, truyền chức linh mục vào ngày 24 tháng 5 năm 2003, tại Nhà thờ Đức Mẹ, ở Orange, New Jersey.

Từ năm 2005 đến năm 2007, cha dậy học tại Trường Trung học New Rochelle. Sau đó ngài giữ chức vụ Phó Giám đốc, từ 2007 đến 2011, rồi Giám đốc, từ 2013 đến 2016, tại cộng đoàn Orange.

Từ năm 2016 đến năm 2021, cha là phụ trách Mục vụ Thanh niên của Tỉnh miền Đông Hoa Kỳ. Cũng tại Tỉnh này, cha giữ chức Phó Giám Tỉnh cho đến nay.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh lễ mừng kính trái tim Chúa Giêsu
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
17:37 15/06/2023
Hình ảnh lễ mừng kính trái tim Chúa Giêsu

Lễ mừng kính trái tim Chúa Giesu theo danh xưng ngôn ngữ có hai kiểu diễn tả: một là có từ ngữ thánh vào bên cạnh từ ngữ trái tim như Sacro Cuore, Sagrado Corazon, Sacre-Coeur, thánh tâm Chúa Giêsu…, hai là không có từ ngữ thánh thêm vào trái tim như nơi một số ngôn ngữ Herz Jesu Fest, lễ Trái tim Chúa Giêsu, Heart of Jesus festival…

Vậy nói lên hình ảnh ý nghĩa gì?

Tập tục đạo đức sùng kính trái tim Chúa Giêsu có từ đầu thời trung cổ trong Giáo Hội. Và trong dòng thời gian dần trở nên phổ thông thịnh hành khắp nơi.

Dù có thêm từ ngữ thánh hay không có chữ này thêm vào, trái tim Chúa Giêsu vẫn luôn trung tâm chính yếu của lễ mừng kính. Vì từ trái tim của vị Thánh hay của một con người nào luôn là nguồn phát xuất tình yêu thương lòng thương xót, sức sống.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Thánh cao cả nơi trời cao. Nhưng đã xuống trần gian làm người có trái tim là cơ quan bơm luân chuyển máu biến thành sức sống nuôi dưỡng các cơ quan thân thể, và trái tim cũng là nơi chốn phát tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái từ tâm ra bên ngoài.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài không phải chỉ là Thiên Chúa ở bất cứ nơi đâu, và bất cứ như thế nào, một sức mạnh quyền năng cao cả xa xôi, hay một bản thể khác xa lạ nào. Nhưng Ngài là một Thiên Chúa đã xuống trần gian làm người sinh sống như mọi người.

Đức tin Kitô giáo tin tưởng xác tín vào một Thiên Chúa, Đấng hiện thân là con người nơi Chúa Giêsu Kitô đã sống chiếu trái tim tỏa tình yêu, lòng thương xót đến với mọi người xung quanh cách cụ thể nơi xã hội con người trần gian ngày xưa ở nước Do Thái.

Lễ mừng kính trái tim Chúa Giesu diễn tả niềm hy vọng của con người giữa những hoàn cảnh chao đảo khốn khó trong đời sống vào tình yêu thương lòng thương xót thánh thiêng của Chúa Giêsu.

Người tín hữa Chúa Kitô trông cậy tin tưởng vào tình yêu, mà Thiên Chúa thể hiện trong thiên nhiên cho đời sống con người trong vũ trụ.

Và họ cũng tin tưởng vào tình yêu thương giữa con người cùng chung sống với nhau, như xưa kia chính Chúa Giêsu đã sống làm gương mẫu với mọi người cho đến tận cùng đời sống của Ngài hy sinh cho đến chết, vì tội lỗi nhân loại.

Nguồn gốc lễ mừng kính trái tim Chúa Giêsu đặt nền tảng trong kinh thánh, nơi phúc âm theo Thánh Gioan. Sau khi Chúa Giêsu bị kết án đóng đinh vào cây thập tự, một người lính canh đã dùng ngọn giáo đâm vào cạnh sườn nơi trái tim của Người, và từ nơi đó tuôn chẩy trào ra “ máu cùng nước” ( Ga 19,34).

Ngay từ thuở xa xưa trái tim Chúa Giêsu đã trở thành là hình ảnh biểu tượng bản tính nhân loại của Ngài, và cũng được hiểu là cung cách diễn tả tình yêu của Ngài đối với con người.

Nơi trái tim bên cạnh sườn chỗ bị đâm thủng của Chúa Giêsu Kitô trên thập gía ngay từ thời Giáo hội lúc ban đầu hiểu cắt nghĩa như là cửa tuôn trào ơn chúc phúc chữa lành, là nguồn mạch phát sinh ra các Bí Tích trong Giáo hội Chúa ở trần gian.

Trong đời sống con người xưa nay luôn hằng có những mẩu chuyện vui mừng cảm động thương tâm tường thuật nói về trái tim tình yêu của con người trần gian với nhau.

Hôm 09.06.2023 theo tin tức khắp nơi trên thế giới thuật lại. Như một phép lạ thần thánh nhiệm mầu, 4 em bé : 13 tuổi, 9 tuổi, 5 tuổi và 1 tuổi, đã được tìm thấy bên trong rừng rậm nước Colombia. Các em đã sống sót sau tai nạn máy bay hôm 01.05.2023, và đã lưu lạc sống trong rừng 40 đêm ngày.

Em bé gái lớn 13 tuổi đã thuật lại cho biết mẹ các em đã sống sót thêm 04 ngày sau tai nạn máy bay. Bà bị thương, nhưng biết mình không sống được nữa, nên đã khuyến khích chỉ dẫn các con mình tìm cách sống còn và khuyến bảo họ “ hãy đi” khám phá tìm sự sống!

04 chị em đã dắt dìu nhau đi, chúng nương tựa vào nhau hành trình lần mò đi tìm con đường lối thoát trong rừng rậm hoang dã. Và chúng đã sống còn qua nhờ phép lạ của Trời Cao phù hộ gìn giữ che chở.

Trái tim tình yêu của người mẹ đó luôn ở bên các con mình. Chắc rằng trái tim tình yêu của bà, tuy bà đã chết ra người thiên cổ, hằng luôn theo dõi cầu xin Trời Cao phù hộ cứu giúp các con bà đang trong cảnh mồ côi bơ vơ giữa rừng hoang có nhiều thú dữ hoang dã rất nguy hiểm cho mạng sống của chúng.

Và sau 40 ngày tìm kiếm, người ta đã tìm thấy các em vẫn còn sống, chỉ bị những vết thương nhẹ nơi thân thể, dù thiếu lương thực ăn bị suy yếu mệt mỏi đói lả. Vì chúng đã suốt 40 đêm ngày lưu lạc trong rừng rậm, lấy nước mưa, hoa qủa, lá cây rừng làm lương thực ăn thôi…

Một em đã nói câu đầu tiên với người lính cứu hộ tiến đến chỗ các em đang nằm trên nền đất giữa cây cỏ nơi rừng rú: Mẹ của em đã qua đời rồi!

Câu nói tâm tình qúa xúc động tràn đầy niềm nhớ nhung đau buồn diễn tả sâu đậm hình ảnh trái tim tình yêu của mẹ em luôn hằng ở bên em. Và trái tim tình yêu của em cũng luôn hằng ở bên mẹ em. Thật qúa cảm động chan chứa lòng hiếu thảo tình mẫu tử, và cũng qúa thương tâm đau lòng!

Ôi trái tim tình yêu thật thánh thiêng nhiệm mầu cao vời khôn ví!

Mừng kính trái tim Chúa Giêsu là mừng kính tình yêu Thiên Chúa chiếu tỏa cho đời sống con người hôm qua, hôm nay và ngày mai

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Tư Lệnh Sư Đoàn Nga dại dột, pháo binh Ukraine chụp ngay cơ hội bằng vàng. Prigozhin mật báo Kyiv?
VietCatholic Media
03:05 15/06/2023


1. Sĩ quan cấp tá Nga cho rằng Prigozhin tiết lộ vị trí của đồng minh bị thương của Putin ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Prigozhin Leaked Location of Putin Ally Wounded in Ukraine—Russian Colonel”, nghĩa là “Sĩ quan cấp tá Nga cho rằng Prigozhin tiết lộ vị trí của đồng minh bị thương của Putin ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một trung tá quân đội Nga, Tập đoàn Wagner, là lực lượng bán quân sự của Yevgeny Prigozhin, đã tiết lộ vị trí của Adam Delimkhanov, một nhà lập pháp và đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người được cho là bị thương ở Ukraine.

Trung tá Roman Venevitin, người gần đây đã bị các thành viên của Tập đoàn Wagner bắt và giam giữ trong một thời gian ngắn trước khi được trao cho “cơ quan thực thi pháp luật Nga”, đã đưa ra tuyên bố trong một bài đăng trên kênh Venevitin_72 Telegram. Ông nói: “Những tên theo Prigozhin” đã trao cho Kyiv tọa độ của Delimkhanov - cánh tay phải của lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov.

Các cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa ông chủ Wagner và giới lãnh đạo quân đội Nga đang ở mức cao nhất chưa từng có. Tuần trước, Prigozhin đã công bố một đoạn video, trong đó, Venevitin thừa nhận đã nổ súng vào các chiến binh của Tập đoàn Wagner khi họ rút khỏi thành phố Bakhmut, trong lúc anh ta say xỉn.

Những diễn biến mới nhất cũng diễn ra trong bối cảnh mối thù công khai giữa Prigozhin và Kadyrov. Đầu tháng này, Delimkhanov đã tấn công Prigozhin sau khi ông chủ Wagner cho rằng tiểu đoàn Chechnya Akhmat không có khả năng chiếm giữ khu vực “Cộng hòa Donetsk” tự xưng của Ukraine.

Newsweek không thể xác minh ngay lập tức liệu kênh Telegram Venevitin_72 được tạo và quản lý bởi Venevitin, hay một người nào đó có liên kết với anh ta hay bên thứ ba.

Giữa các báo cáo trái ngược nhau về nơi ở và sức khỏe của Delimkhanov hôm thứ Tư, Venevitin cáo buộc Tập đoàn Wagner hợp tác với “tình báo của đối phương”.

“Như tôi đã nói trước đây, trong một nỗ lực nhằm làm mất uy tín của tôi, Wagner PMC đã tiết lộ sự thật về hành vi phản bội của chính họ. Chúng đã từng phối hợp với tình báo địch, tiết lộ nơi đóng quân của ta. Và bây giờ điều này đã xảy ra một lần nữa,” bài đăng trên Telegram của Venevitin cho biết.

“Theo thông tin tôi có, họ hiện đang trả thù Ramzan Kadyrov, người trước đó đã đe dọa tiết lộ nguồn gốc tài sản của Prigozhin, vì ông ta là người cung cấp lương thực cho quân đội của chúng ta từ năm 2006.”

Ông Delimkhanov “đang trong tình trạng nghiêm trọng” sau khi bị lực lượng Ukraine nã pháo, Venevitin nói.

“Các lực lượng đặc nhiệm Ukraine, những người 'dẫn dắt' các mục tiêu ưu tiên, đang làm việc. Họ đã làm việc với độ chính xác và rất chuyên sâu,” Venevitin cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng những tổn thất là “đáng kể”.

“Có lẽ ít nhất vụ việc này cuối cùng sẽ giúp có thể thực hiện mọi biện pháp cần thiết chống lại cá nhân Prigozhin và các 'doanh nhân' khác từ Tập đoàn Wagner, những người luôn lợi dụng Nga để làm giàu cá nhân, thậm chí không ngại hợp tác trực tiếp với đối phương! “ anh ta nói thêm.

Chủ tịch quốc hội Nga, Vyacheslav Volodin, bác bỏ thông tin cho rằng Delimkhanov đã bị giết hoặc bị thương ở Ukraine.

“Tôi vừa nói chuyện với anh ấy. Anh ấy còn sống và khỏe mạnh. Không chỉ vậy, anh ấy còn chúc các bạn sức khỏe tốt,” Volodin nói với các nhà lập pháp hôm thứ Tư.

Thông tin của Volodin trái ngược với các nguồn tin chính thức của Nga. Thật vậy, kênh truyền hình Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga đưa tin Delimkhanov bị thương nhưng không cho biết chi tiết. Hạ viện của quốc hội Nga, Duma Quốc gia, cũng cho biết Delimkhanov bị thương ở Ukraine.

Trong khi đó, thủ lĩnh Chechnya Kadyrov đã viết trên Telegram rằng anh ta không thể liên lạc được với Delimkhanov và kêu gọi tình báo Ukraine giúp anh ta xác định vị trí đồng minh của mình, đưa ra một “phần thưởng hậu hĩnh”.

“Tôi yêu cầu tình báo Ukraine cung cấp thông tin về địa điểm và các vị trí bị tấn công để cuối cùng tôi có thể tìm thấy NGƯỜI ANH thân yêu của mình. Tôi hứa một phần thưởng hậu hĩnh và tôi nhờ các bạn giúp đỡ,” Kadyrov viết.

Điện Cẩm Linh cho biết họ “lo lắng” và đang chờ làm rõ vấn đề.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

2. Ngu dại đến mức ngỡ ngàng: Giữa chiến tranh kinh hoàng, Tư Lệnh Sư Đoàn Nga tập trung quân để phát biểu. Pháo binh Ukraine chụp ngay cơ hội bằng vàng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Troops Killed Waiting for Commander's Motivational Speech: Reports”, nghĩa là “Các báo cáo cho thấy quân Nga bị thảm sát khi đang tập họp để chờ nghe phát biểu động viên tinh thần của cấp chỉ huy.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Nhiều blogger quân sự ủng hộ Điện Cẩm Linh nổi tiếng hôm thứ Tư đã đưa tin rằng một số lượng binh sĩ Nga không xác định đã thiệt mạng do một cuộc tấn công HIMARS, hay Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, của Ukraine trong khi chờ chỉ huy của họ có bài phát biểu động viên.

Newsweek không thể xác minh độc lập các báo cáo, nhưng các blogger nổi tiếng của Nga như Rybar và Starshe Eddy đã viết về vụ việc mà họ cho là xảy ra gần Kreminna—một thành phố ở vùng Luhansk phía đông Ukraine—trên các kênh Telegram của họ.

Các báo cáo từ những “milblogger” hay các blogger quân sự Nga được đưa ra khi Điện Cẩm Linh ngày càng thừa nhận ảnh hưởng của những tiếng nói như vậy. Hôm thứ Ba, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân gặp gỡ một số blogger quân sự để thảo luận về cuộc chiến của ông ở Ukraine. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, mục tiêu của Putin trong sự kiện được truyền hình trực tiếp là để “làm dịu sự bất mãn lan rộng trong không gian thông tin của Nga” về các cuộc tấn công gần đây ở khu vực Belgorod, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bên trong lãnh thổ Nga và “an ninh biên giới” nói chung.”

Bất chấp cử chỉ thiện chí của Putin, cuộc tấn công HIMARS được báo cáo đã dẫn đến sự tức giận từ các blogger.

Starshe Eddy viết trên Telegram: “Nếu vào giữa năm thứ hai của cuộc chiến mà có những chỉ huy dồn nhân lực thành một đống lớn, rồi đợi pháo binh địch tấn công, thì những chỉ huy đó nên bị xử bắn”.

“Gần Kreminna, một sự việc bi thảm đã xảy ra tại một trong những sư đoàn chuẩn bị tấn công. Trong hai giờ, mọi người đứng thành một đám đông ở một nơi và chờ chỉ huy sư đoàn phát biểu động viên,” Rybar viết.

Người viết blog tiếp tục, “Nhưng thay vì hắn ta phát biểu, HIMARS và pháo binh của đối phương đã lên tiếng.”

Không một blogger nào nêu tên chỉ huy sư đoàn, người bị Rybar buộc tội là “tội ngu ngốc”, cũng như không ai đưa ra ước tính về các nạn nhân bị giết trong tài khoản của họ. Hai tiếng đồng hồ là quá dư thời gian để các máy bay không người lái của quân Ukraine phát hiện và các khẩu pháo của Ukraine tập trung pháo kích liên tục.

Kênh Two Majors trên Telegram Nga bày tỏ sự tức giận tột độ: “Đứng tập trung suốt hai tiếng đồng hồ ở một chỗ! Chà, bạn đang làm gì vậy, thằng cha chỉ huy này, mày chỉ huy mọi người như thế à”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

Sự việc HIMARS tấn công vào quân Nga đang chờ nghe huấn thị của Sư Đoàn Trưởng không phải là chủ đề thảo luận chính duy nhất hôm thứ Tư giữa các blogger quân sự. Các báo cáo bắt đầu lan truyền trên Telegram rằng Adam Delimkhanov, một nhà lập pháp Nga và là đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, đã bị thương ở Ukraine.

Bản thân Kadyrov đã lên Telegram để cầu xin sự giúp đỡ trong việc tìm kiếm người bạn và là người bà con của mình.

“Tôi yêu cầu tình báo Ukraine cung cấp thông tin về địa điểm và vị trí chính xác bị tấn công để tôi vẫn có thể tìm thấy người anh trai thân yêu của mình,” Kadyrov nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông sẽ cung cấp “phần thưởng hậu hĩnh” cho thông tin.

Tuy nhiên, Kadyrov sau đó đã quay lại Telegram để nói rằng Delimkhanov “vẫn sống khỏe mạnh và thậm chí không bị thương”.

Nhà lãnh đạo Chechnya cũng tố cáo những người đã lan truyền điều mà ông nói - mà không đưa ra bằng chứng - là một mưu đồ gây hoảng hốt của tình báo Ukraine.

3. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine: Trận chiến ác liệt đang diễn ra ở tiền tuyến Ukraine

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết hôm thứ Tư rằng có một “cuộc đối đầu nghiêm trọng đang diễn ra” trên tiền tuyến của Ukraine, đồng thời mô tả đây là một “trận chiến khốc liệt”.

“Chúng ta có một cuộc tấn công theo nhiều hướng, nhưng đối phương cũng tiến hành một cuộc tấn công theo nhiều hướng. Vì vậy, cho đến bây giờ chúng ta đồng thời phòng thủ và tấn công nhưng theo các hướng khác nhau,” Hanna Maliar nói.

Maliar cho biết các lực lượng Nga đang cố gắng ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine bằng cách tăng cường pháo kích và không kích. “Chúng ta cũng thấy đối phương tích cực sử dụng hỏa tiễn chống tăng có điều khiển và máy bay không người lái tự sát nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của chúng ta và gây ra nhiều thiệt hại”.

Cô nói thêm rằng quân đội Ukraine đang gặp “những khó khăn” khi tiến quân ở phía nam vì “các cánh đồng đã bị gài mìn”, đồng thời cho biết quân đội đang tiến “chậm mà chắc”.

Trong một bản cập nhật lặp lại mô tả của Maliar về cuộc giao tranh, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết Nga đã thực hiện “37 cuộc không kích và bắn 32 lần từ nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí và khu định cư của quân đội Ukraine” trong ngày qua..

4. Các đồng minh NATO tiếp tục các cuộc đàm phán cấp cao về thời điểm và cách thức Ukraine có thể tham gia liên minh trước hội nghị thượng đỉnh

Tổng thống Joe Biden và nhóm của ông đang trong cuộc trò chuyện với các thành viên NATO khác về cách thức và thời điểm Ukraine có thể tham gia. Đó là một cuộc tranh luận có thể làm lộ ra những căng thẳng trong liên minh trước hội nghị thượng đỉnh.

Vấn đề tư cách thành viên của Ukraine trong NATO là một trong nhiều vấn đề mà các nhà lãnh đạo sẽ phải giải quyết khi họ gặp nhau tại thủ đô Vilnius của Lithuania vào giữa tháng Bảy. Cũng có thể thảo luận là các cam kết chi tiêu quốc phòng mới và người kế nhiệm Tổng thư ký Jens Stoltenberg. Ông Stoltenberg dự định rời chức vụ của mình vào mùa thu.

Tuy nhiên, chính vấn đề tư cách thành viên của Ukraine sẽ chứng minh một trong những điểm nóng lớn nhất đối với liên minh. NATO đã cố gắng duy trì sự thống nhất đáng kể giữa cuộc xâm lược vô cớ của Nga.

Tại các hội nghị thượng đỉnh NATO trước đây, các đồng minh đã đưa ra một tuyên bố chung nêu rõ quan điểm chung của họ. Việc không đạt được sự đồng thuận trong năm nay sẽ có hậu quả rất lớn và sẽ báo hiệu rắc rối cho sự thống nhất của liên minh khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn.

Một số đồng minh, đặc biệt là những nước ở Đông Âu gần Ukraine và Nga hơn, đã ủng hộ một con đường cụ thể hơn để Kyiv gia nhập liên minh phòng thủ sau khi chiến tranh kết thúc.

Các quan chức Âu Châu khác, đặc biệt là những người ở Tây và Nam Âu, đã lập luận rằng việc Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO có thể là hành động quá khiêu khích và điều đó có thể trở thành một canh bạc cực kỳ rủi ro cho liên minh ngay cả khi chiến tranh chấm dứt, đặc biệt nếu Nga vẫn tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ Ukraine.

Biden và các thành viên trong chính quyền của ông vẫn cam kết với lập trường hiện tại của liên minh - trong đó tuyên bố Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập NATO nhưng không có bất kỳ sự chắc chắn nào về thời điểm.

Sự chia rẽ đã thúc đẩy các cuộc thảo luận khẩn cấp trước hội nghị thượng đỉnh. Kết quả của các cuộc trò chuyện có thể quyết định liệu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy có tham dự hay không.

“Nếu chúng tôi không được thừa nhận và đưa ra một tín hiệu ở Vilnius, tôi tin rằng Ukraine sẽ không có mặt tại hội nghị thượng đỉnh này,” ông nói với tờ Wall Street Journal hồi đầu tháng này.

Cuộc xâm lược và hậu quả của nó đã gia tăng áp lực lên tất cả các thành viên NATO trong việc cung cấp cho Ukraine một số hình thức bảo đảm an ninh trong tương lai gần.

Bảo vệ không phận Ukraine và đạt được an ninh ở Hắc Hải nên là những bước đầu tiên trong khuôn khổ bảo đảm an ninh mà Ukraine nên nhận được từ NATO. Waldemar Skrzyczak, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Ba Lan, đã đưa ra lập trường trên trong cuộc phỏng vấn với thông tấn xã UkrInform của Ukraine.

“Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, chúng ta cần đưa ra quyết định mà Kyiv đã yêu cầu từ lâu – đó là đóng cửa không phận đối với Ukraine. Trong trường hợp này, Nga sẽ không thể phóng hỏa tiễn vào Ukraine và máy bay của họ sẽ không thể bay tới đó”, Tướng Skrzyczak nói.

Nếu Nga tiếp tục không kích vào Ukraine, NATO phải bảo đảm an ninh cho không phận Ukraine bằng cách “gửi lực lượng không quân của mình tới Ukraine để bảo vệ bầu trời Ukraine”. Ông nói thêm rằng đó là lập trường của Ba Lan, Rumani và các quốc gia vùng Baltic; và Liên minh có khả năng bảo đảm điều này.

5. Putin nói Nga đang thiếu đạn dược và máy bay không người lái có độ chính xác cao

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết rằng mặc dù chất lượng vũ khí của Nga đang được cải thiện nhưng nước này vẫn thiếu đạn dược và máy bay không người lái có độ chính xác cao.

“Tất nhiên, trong quá trình hoạt động quân sự đặc biệt, rõ ràng là còn thiếu nhiều thứ: Đó là đạn dẫn đường chính xác, thiết bị liên lạc, máy bay, máy bay không người lái. Chúng ta có những thứ ấy, nhưng thật không may, chúng ta không có đủ về số lượng”, ông Putin nói trong cuộc gặp với các phóng viên chiến trường hôm thứ Ba.

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” là cách Putin mô tả cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Ông kêu gọi bổ sung thêm máy bay không người lái “kamikaze” và Orlan-10, nói rằng chất lượng của chúng cũng cần được cải thiện.

Ông nói thêm: “Chiến tranh chống tăng hiện đại là cần thiết và xe tăng hiện đại là cần thiết.”

Ông cho biết ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang phát triển. “Và nếu không có một chiến dịch quân sự đặc biệt, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được cách tinh chỉnh ngành công nghiệp quốc phòng của mình để quân đội của chúng ta trở thành lực lượng tốt nhất thế giới, nhưng chúng ta sẽ làm điều đó,” ông Putin nói.

Putin cho biết hôm thứ Ba rằng cách để ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraine là phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Kyiv.

“Và chúng tôi hiểu rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề nằm ở phía phương Tây. Nếu họ thực sự muốn cuộc xung đột ngày nay kết thúc thông qua đàm phán, họ chỉ cần đưa ra một quyết định - ngừng cung cấp vũ khí và thiết bị. Chỉ cần như thế thôi,” Putin nói trong cuộc họp trên truyền hình với các nhà báo ủng hộ Cẩm Linh.

6. Nga cáo buộc Ukraine pháo kích các khu vực biên giới Kursk và Belgorod

Các khu vực biên giới Kursk và Belgorod của Nga đã bị lực lượng vũ trang Ukraine pháo kích trong đêm, nhà chức trách Nga cho biết hôm thứ Tư.

Thống đốc vùng Belgorod, Vyacheslav Gladkov, cho biết bốn quận đã bị tấn công chỉ sau một đêm: đó là các thị trấn Zhuravlevka và Novopetrovka và các quận nội thành Graivoron và Shebekino. Gladkov cho biết thêm không có thương vong nào được ghi nhận.

Trong một diễn biến khác, Thống đốc Roman Starovoit của khu vực Kursk cho biết các khu định cư biên giới ở quận Glushkovo của vùng Kursk đã bị Ukraine tấn công.

“Hai công dân bị thương vừa phải do một cuộc tấn công vào làng Glushkovo. Một số tòa nhà dân cư và hành chính, cũng như xe hơi, đã bị hư hại. Một phần của Glushkovo và làng Tyotkino bị mất điện,” ông nói và nhấn mạnh rằng “Lực lượng biên phòng đã chặn một phương tiện bay không người lái đang phóng vào làng Glushkovo”.

7. Báo cáo của Pháp tìm thấy chiến dịch thông tin sai lệch trực tuyến xung quanh cuộc chiến của Nga ở Ukraine

Bộ Ngoại giao Pháp hôm thứ Ba cho biết một “chiến dịch thao túng thông tin kỹ thuật số” đang lan truyền thông tin sai lệch về cuộc chiến ở Ukraine trên mạng truyền thông xã hội.

Chiến dịch sử dụng các trang internet giả mạo bắt chước các trang web của chính phủ và phương tiện truyền thông và hàng trăm URL web giả mạo trên phương tiện truyền thông xã hội - được chia sẻ bởi các tài khoản chính thức của nhà nước Nga - để truyền bá thông tin sai lệch về cuộc chiến, theo báo cáo của Cơ quan giám sát và bảo vệ chống can thiệp kỹ thuật số nước ngoài của Pháp, gọi tắt là Viginum, Bộ cho biết.

Báo cáo của Viginum cho biết mục tiêu chính của chiến dịch là sử dụng “các chiến thuật sai lầm và ám muội” để làm mất uy tín của các chính sách phương Tây về các chủ đề liên quan đến chiến tranh, bao gồm vũ khí, người tị nạn và các biện pháp trừng phạt.

Từ tháng 6 năm 2022 đến tháng 5 năm 2023, 355 tên miền đã bắt chước các trang web truyền thông ở Âu Châu, Mỹ Châu và Trung Đông để xuất bản nội dung thân Nga liên quan đến chiến tranh.

Tại Pháp, bốn cơ quan truyền thông đã trở thành mục tiêu với 58 bài báo giả mạo, bao gồm các tờ báo nổi tiếng Le Monde và Figaro.

Trong một trường hợp, một trang web giống như Bộ Ngoại giao Pháp đã thông báo sai về “thuế an ninh” để hỗ trợ Ukraine.

Chính quyền Pháp đã phát hiện hơn 160 trang Facebook – một phần của chiến dịch – đã xuất bản hơn 600 liên kết đến các trang web và bài báo giả mạo tương tự.

Báo cáo liên kết một số công dân Nga, những người chịu trách nhiệm thiết lập các URL giả, với chiến dịch. Nó nói thêm rằng chiến dịch vẫn hoạt động bất chấp các biện pháp đã được Meta và Twitter thực hiện trước đó.

8. Các cơ quan viện trợ của Liên Hiệp Quốc vẫn đang chờ bảo đảm an toàn để gửi hỗ trợ tới các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine

Các cơ quan viện trợ của Liên Hiệp Quốc cho biết họ vẫn đang chờ đợi “sự bảo đảm an toàn cần thiết” để gửi hỗ trợ tới các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine, một tuyên bố từ Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân sinh của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Ba.

Denise Brown, điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc về Ukraine, cho biết: “Liên bang Nga vẫn chưa cung cấp những bảo đảm an toàn mà chúng tôi cần để vượt qua tiền tuyến sang tả ngạn sông Dnipro, bao gồm cả đến Oleshky”.

Cô ấy nói thêm: “Những bảo đảm này là cần thiết cho sự an toàn của nhóm chúng tôi và không tạo thêm rủi ro cho những người mà chúng tôi dự định phục vụ”.

Brown nói tiếp rằng Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ trong các khu vực do Ukraine kiểm soát và thực hiện “mọi nỗ lực” để tiếp cận những người bị mắc kẹt do lũ lụt và cần “hỗ trợ cứu sống, bất kể họ ở đâu”.

Brown cũng lên án các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn trong đêm diễn ra ở Kryvyi Rih, nơi có ít nhất 10 người thiệt mạng và nói rằng cuộc xâm lược của Nga đã “một lần nữa cướp đi sinh mạng và mang lại đau khổ cho người dân Ukraine.”

9. Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc lo ngại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia có thể bị tấn công trong cuộc phản công của Ukraine

Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là IAEA, cho biết ông “rất lo ngại” rằng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có thể bị cuốn vào cuộc phản công của Ukraine chống lại Nga.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, ông Rafael Grossi, cho biết nhà máy rất gần với những nơi có khả năng xảy ra giao tranh tích cực, “vì vậy chúng tôi lo lắng rằng về mặt toán học mà nói. có thể xảy ra khả năng bị tấn công”.

Phát biểu tại Kyiv sau cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, Grossi nói rằng IAEA đang cố gắng “ngăn chặn điều gì đó tồi tệ” và đó vẫn là một “tình huống tương đối nguy hiểm”.

Zelenskiy cho biết họ đã thảo luận về các cách để “giảm thiểu rủi ro và ngăn ngừa tai nạn”.

“Người đứng đầu nhà nước nhắc lại rằng cách duy nhất để ngăn chặn tai nạn hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là phi quân sự hóa hoàn toàn, giải giáp và khôi phục quyền kiểm soát nhà máy của Ukraine,” theo nội dung cuộc họp từ văn phòng của Zelenskiy.

Trước chuyến thăm nhà máy, người đứng đầu IAEA nói rằng ông sẽ ở cơ sở trong vài giờ. Ông cho biết có sự luân chuyển các chuyên gia của IAEA đang quay trở lại Vienna và được thay thế bằng một nhóm mới.

Ông nói: “Chúng tôi đang mở rộng đội ngũ, vì vậy chúng tôi đang cố gắng làm cho quy trình của mình trở nên rõ ràng, có tác động nhất có thể để tránh tai nạn hạt nhân.

Hôm Chúa Nhật, IAEA cho biết họ cần tiếp cận một địa điểm gần nhà máy Zaporizhzhia để đo mực nước tại vị trí bơm của hồ chứa Nova Kakhovka.

Điều này rất quan trọng vì hồ chứa, nơi cung cấp nước làm mát cho nhà máy hạt nhân và rất quan trọng đối với sự an toàn của nó, đã bị mất một lượng lớn nước sau khi đập bị sập vào tuần trước. IAEA cho biết họ sẽ cần xác định chính xác lượng nước bị mất.

Zelenskiy cho biết ông ủng hộ đề xuất của Grossi về việc cử một nhóm chuyên gia IAEA đến đánh giá hậu quả của vụ nổ đập Kakhovka “và chuẩn bị các đề xuất về các lĩnh vực hỗ trợ cụ thể để khắc phục chúng”.

Trong một diễn biến mới nhất chuyến thăm của ông đã bị đình hoãn vì các cuộc giao tranh.

10. Vụ sập đập Nova Kakhovka ở Ukraine sẽ có “tác động lớn đến an ninh lương thực toàn cầu”, giám đốc viện trợ của Liên Hiệp Quốc cho biết

Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Ba rằng vụ vỡ đập tuần trước trên sông Dnipro ở Ukraine sẽ có “tác động lớn đến an ninh lương thực toàn cầu”, với giá lương thực có thể tăng do những vấn đề với vụ thu hoạch tiếp theo trong khu vực.

Đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraine bị vỡ hôm 6/6, buộc hơn 1.400 người phải rời bỏ nhà cửa và đe dọa nguồn cung cấp nước quan trọng khi lũ lụt tràn vào khu vực.

Giám đốc viện trợ của Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BBC Radio 4 rằng giá lương thực “chắc chắn sẽ tăng” sau vụ vỡ đập.

“Đây là vựa bánh mì, toàn bộ khu vực đó, đi xuống Hắc Hải, Crimea, đó là vựa bánh mì – không chỉ cho Ukraine mà còn cho thế giới. Và gần như không thể tránh khỏi việc chúng ta sẽ chứng kiến những vấn đề rất, rất lớn trong việc thu hoạch và gieo hạt cho vụ thu hoạch tiếp theo,” Griffiths, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết. “Những gì chúng ta sẽ thấy gần như chắc chắn, nhưng vẫn chưa được tính toán rõ ràng, là một tác động to lớn đối với an ninh lương thực toàn cầu.”

Đập Nova Kakhovka là hồ chứa lớn nhất ở Ukraine về khối lượng. Đây là đập cuối cùng trong chuỗi sáu đập thời Liên Xô trên sông Dnipro, tuyến đường thủy chính chạy qua đông nam Ukraine.

Griffiths nói thêm rằng cũng sẽ có “vấn đề về nước uống”, do 700.000 người phụ thuộc vào hồ chứa. Theo Griffiths, “nước xấu” khiến người dân trong khu vực dễ mắc bệnh, trong đó trẻ em có nguy cơ đặc biệt cao.

“Thiệt hại ở quy mô này đối với cơ sở hạ tầng dân sự — và tôi đã nói công khai rằng, như các bạn đã biết, — là hoàn toàn trái với luật nhân đạo quốc tế,” Griffiths nói với BBC. “Điều đó là hiển nhiên. Bất cứ ai làm điều đó đã vi phạm Công ước Geneva.”

11. Các quan chức Ukraine cho biết Nga “không vội” giải cứu người dân khỏi lũ lụt khi hàng chục người vẫn mất tích

Theo các quan chức Ukraine, mực nước đang rút dần sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka gây lũ lụt khắp khu vực phía nam Kherson, nhưng một số khu định cư vẫn chìm trong nước.

Người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Kherson, Oleksandr Prokudin, cho biết có tới 42 người vẫn mất tích sau vụ vỡ đập 8 ngày trước và 10 người hiện được xác định là đã chết ở phía do Ukraine kiểm soát.

Nga hiện kiểm soát bờ đông sông Dnipro gần khu vực đập, nhưng số người chết ở những khu vực đó không rõ ràng.

“Tính đến sáng nay, mức ngập lụt trung bình là 2,7 mét, thấp hơn 27 cm so với đêm qua,” Prokudin cho biết trong một tuyên bố đăng trên Telegram.

Ở bờ tây sông Dnipro do Ukraine kiểm soát, 3.600 ngôi nhà ở 31 khu định cư vẫn bị ngập nhưng trong ngày qua, nước đã rút khỏi 200 ngôi nhà.

Prokudin cho biết các nhân viên cấp cứu Ukraine đã giải cứu được 2.757 người khỏi các khu định cư bị ngập lụt, trong đó có “263 trẻ em và 77 người bị hạn chế khả năng vận động”.

Tuy nhiên, bờ đông do Nga xâm lược “vẫn cực kỳ quan trọng,” với 17 khu định cư vẫn bị ngập lụt, Prokudin nói thêm.

“Nga không vội vàng giải cứu mọi người, những người đang gặp nguy hiểm chết người vì lũ lụt. Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để cứu người dân của chúng tôi khỏi những chỗ đó”, ông nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đổ lỗi cho Mạc Tư Khoa về sự việc vỡ đập Nova Kakhovka và nói rằng Nga phải chịu “trách nhiệm hình sự” vì “sự hủy diệt sinh thái”.
 
GH tại Pháp trước một tình huống hết sức khó khăn. Tuyên bố của HĐGM Pháp và La Rochelle et Saintes
VietCatholic Media
05:02 15/06/2023


1. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội tại Pháp đang trong một tình huống khó khăn

Đức Cha Georges Colomb, giám mục La Rochelle, đang là mục tiêu của một cuộc điều tra liên quan đến các sự kiện có tính chất tình dục đối với một nam thanh niên, được cho là diễn ra vào năm 2013. Đức Ông Gilles Reithinger, Giám Mục Phụ Tá của Strasbourg, cũng bị cáo buộc là đã không tố cáo các sự việc.

Các tờ báo Công Giáo La Croix, La Vie và Famille Chrétienne tiết lộ vào hôm thứ Ba 13 tháng 6, rằng văn phòng công tố Paris đã mở cuộc điều tra sơ bộ đối với Đức Cha Georges Colomb, đương kim giám mục La Rochelle và Saintes, vì nghi ngờ cố gắng tấn công tình dục một người trưởng thành. Câu chuyện được cho là diễn ra vào năm 2013 khi ngài là Bề Trên Tổng Quyền của Hội Thừa Sai Paris, gọi tắt là MEP.

Giám mục Georges Colomb đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc chống lại ngài. Trong một thông cáo báo chí được công bố vài giờ sau khi báo chí tiết lộ, ngài tuyên bố “cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ điều tra viên nào liên lạc với ngài, và bày tỏ sự ngạc nhiên và khó hiểu trước những cáo buộc vu khống này và mạnh mẽ phủ nhận chúng”. Ngài tuyên bố là “sẽ không ngần ngại thực hiện các hành động pháp lý chống lại bất kỳ người nào được trao cho thẩm quyền điều tra, mà đã tiết lộ những tình tiết một cách thiếu thận trọng, cho dù chưa hề có một cuộc điều tra nào cả”.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, kêu gọi tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội khi chưa có kết luận chính thức liên quan đến Đức Cha Georges Colomb và của Đức Cha Gilles Reithinger, đương kim Giám Mục Phụ Tá của Strasbourg “Các cáo buộc là nghiêm trọng,” Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort nói. “Cả hai vị đều phủ nhận dứt khoát những cáo buộc được mô tả trong các bài báo đăng vào thứ Ba, ngày 13 tháng Sáu. Tiếng nói của những người khiếu nại phải được lắng nghe; quyền của người bào chữa, được tôn trọng. Bây giờ tùy thuộc vào các cuộc điều tra để tìm ra toàn bộ sự thật.”

Các cáo buộc chống lại hai vị Giám Mục này là gì?

Theo lời khai của “Nicolas”, một thanh niên Công Giáo quê quán trong vùng Alsace, có tên đã được thay đổi, anh này thỉnh thoảng ở lại nhà của Hội Thừa Sai Paris, rue du Bac, ở Paris, khi anh còn là sinh viên. Một buổi sáng, Cha Georges Colomb đã mời anh ta đến phòng của mình và đề nghị xoa bóp dầu cho anh ta trước khi tấn công tình dục anh ta. “Nicolas” nhảy khỏi chiếc giường mà anh ta đang nằm và bỏ chạy.

Sau đó, Nicolas báo cáo cho Cha Gilles Reithinger, là người bạn thời thơ ấu và là nhân vật “số hai” của Hội Thừa Sai Paris. Cha Gilles Reithinger, nay là Giám Mục Phụ Tá của Strasbourg đã phủ nhận chi tiết này.

Đức Cha Colomb yêu cầu rút lui

Đức Cha Georges Colomb tuyên bố rằng ngài sẽ yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô rút ngài ra khỏi vị trí giám mục của La Rochelle và Saintes. “Để có thể chuẩn bị cho việc bào chữa của mình và bảo vệ giáo phận La Rochelle, Đức Cha Colomb đã quyết định yêu cầu Đức Giáo Hoàng cách chức ngài trong thời gian điều tra, trong khi vẫn giữ chức Giám mục La Rochelle”, thông cáo báo chí nêu rõ của giáo phận cho biết như trên và cho biết một Giám Quản Tông Tòa nên được bổ nhiệm để chăm sóc giáo phận trong giai đoạn này.

Việc mở cuộc điều tra sơ bộ chống lại Giám mục Georges Colomb diễn ra vào thời điểm khi Hội Thừa Sai Paris ủy quyền cho một công ty bên ngoài làm sáng tỏ khả năng lạm dụng tình dục đã xảy ra trong cộng đồng của họ kể từ những năm 1950.
Source:Aleteia

2. Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp về những cáo buộc liên quan đến Đức Cha Colomb và Đức Cha Reithinger

Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, Tổng Giám mục Reims và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, đã ra tuyên bố toàn văn như sau về những tiết lộ liên quan đến Đức Cha Georges Colomb và Đức Cha Gilles Reithinger.

Các bài báo được đăng vào Thứ Ba, ngày 13 tháng 6 năm 2023 có liên quan đến hai giám mục: Đức Ông Georges Colomb, giám mục La Rochelle, và Đức Ông Gilles Reithinger, Giám Mục Phụ Tá của Strasbourg.

Các cáo buộc là nghiêm trọng. Cả hai vị đều phủ nhận dứt khoát những chi tiết được mô tả trong các bài báo đăng vào thứ Ba, ngày 13 tháng 6. Tiếng nói của những người khiếu nại phải được lắng nghe; nhưng quyền của người bào chữa, cũng phải được tôn trọng.

Bây giờ tùy thuộc vào các cuộc điều tra để tìm ra toàn bộ sự thật.

Trong khi chờ đợi những điều này được tiến hành, Đức Cha Georges Colomb đã yêu cầu Tòa thánh cho phép rút lui khỏi trách nhiệm mục vụ của mình, vì lợi ích của việc quản lý giáo phận của mình và cho phép ngài bảo đảm biện hộ cho mình một cách thanh thản.

Sứ thần Tòa thánh cũng như các tổng giám mục của các giáo tỉnh liên quan luôn sẵn sàng cho những ai có điều gì muốn nói.

Suy nghĩ và lời cầu nguyện của tôi hướng đến tất cả những người có thể phải chịu đựng những tình huống này, đến người dân giáo phận La Rochelle và Strasbourg, đến các linh mục và tình nguyện viên của Hội Thừa Sai Paris trên khắp thế giới cũng như những người thân và bạn bè của họ. Cầu mong sự thật xoa dịu trái tim.

+ Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort của Reims,
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp



Source:eglise.catholique.fr

3. Thông cáo báo chí của giáo phận La Rochelle et Saintes

Thứ Ba, ngày 13 tháng 6 năm 2023

Đức Cha Georges Colomb, giám mục La Rochelle et Saintes, đã biết về lời buộc tội chống lại ngài và đây sẽ là đối tượng của một cuộc điều tra sơ bộ của văn phòng công tố Paris.

Đức Cha Colomb, người cho đến nay vẫn chưa được bất kỳ điều tra viên nào liên lạc, bày tỏ sự ngạc nhiên và khó hiểu trước những cáo buộc vu khống này và mạnh mẽ phủ nhận chúng. Ngài có quyền phản đối các cơ quan tư pháp, những người duy nhất được ủy quyền làm sáng tỏ những lời buộc tội này, và ngài sẽ không ngần ngại thực hiện hành động pháp lý chống lại bất kỳ người nào quyết định loan truyền những cáo buộc ấy một cách thiếu thận trọng, khi chưa có bất kỳ cuộc điều tra nào được tiến hành.

Để có thể chuẩn bị bào chữa và bảo toàn giáo phận La Rochelle, Đức Cha Colomb đã quyết định xin Đức Thánh Cha ngưng chức ngài trong thời gian điều tra, trong khi vẫn giữ chức Giám mục La Rochelle.

Thông cáo báo chí của Đức Cha Georges Colomb

Anh chị em thân mến của giáo phận La Rochelle, các bạn thân mến,

Anh chị em có thể đã đọc các bài báo do báo chí quốc gia đăng tải, trong đó tôi bị buộc tội về những cáo buộc được cho là đã xảy ra vào năm 2013 và sẽ là đối tượng của cuộc điều tra sơ bộ của văn phòng công tố Paris. Tôi ngạc nhiên trước những cáo buộc này, mà tôi hoàn toàn phủ nhận. Tất nhiên, tôi sẽ trả lời các cơ quan tư pháp ngay khi họ muốn nghe tôi nói.

Trong khi chờ đợi, với tư cách là mục tử của Giáo hội ở Charente-Maritime và Saint-Pierre-et-Miquelon, mối quan tâm đầu tiên của tôi là lợi ích của dân Chúa được ủy thác cho tôi. Tôi biết rằng những lời buộc tội này sẽ gây hoang mang và đau khổ nghiêm trọng cho tất cả anh chị em.

Để tôi có thể chuẩn bị cho việc bào chữa của mình và để giáo phận của chúng ta có thể tiếp tục sống hiệp thông và làm chứng cho Tin Mừng, tôi đã quyết định xin Đức Thánh Cha cho phép tôi được miễn thi hành các trách nhiệm mục vụ của mình trong thời gian điều tra, trong khi vẫn giữ chức vụ Giám mục của La Rochelle. Một Giám Quản Tông Tòa nên được bổ nhiệm để chăm sóc giáo phận của chúng ta trong giai đoạn này.

Do đó, tôi sẽ không thể tham gia nhiều sự kiện khác nhau trong mùa hè này: Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, hành hương đến Lộ Đức, đạp xe leo núi, hành hương đến Île Madame... Xin thứ lỗi cho sự vắng mặt của tôi và xin vui lòng tận dụng những khoảnh khắc này để cầu nguyện cho giáo phận chúng ta, xin Chúa gìn giữ giáo phận được hiệp nhất và truyền giáo.

Chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện.

+ George Columbus
Giám mục La Rochelle và Saintes



Source:catholiques17.fr
 
Putin để lộ tổn thất lớn về xe tăng. Chọc quê Putin, trùm Wagner ca ngợi cuộc phản công của Ukraine
VietCatholic Media
15:11 15/06/2023


1. Thủy Quân Lục Chiến Ukraine giao tranh với Thủy Quân Lục Chiến Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm 15 tháng Sáu, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết 49 cuộc giao tranh đã diễn ra, chủ yếu tại khu vực Tavria.

Khu vực Tavria là ở đâu? Thưa, Tavria không phải là một khu vực hành chính cụ thể nhưng là một khu vực rộng lớn ở miền Nam Ukraine đang bị Nga tạm chiếm bao gồm bán đảo Crimea, tỉnh Kherson phía Đông sông Dnipro, và phần phía Nam của tỉnh Zaporizhzhia.

Theo Chuẩn Tướng Oleksandr Tarnavskyi, Tư lệnh Nhóm tác chiến-chiến lược của quân đội Tavria, tối thứ Tư 14 Tháng Sáu, Lữ đoàn súng trường cơ giới 60 của Nga đã bỏ chạy khỏi Lobkove về hướng Luhove. Lữ Đoàn 35 Thủy Quân Lục Chiến Ukraine truy kích đơn vị này đã giao tranh ác liệt với Lữ đoàn 336 Cận vệ Thủy Quân Lục Chiến Nga. Đến cuối ngày, ông cho biết gần 400 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến.

“Trên trục Tavria, Lực lượng Phòng vệ của chúng ta tiếp tục tiến lên. Cuối ngày, tổn thất của địch lên tới hơn bốn đại đội. 59 đơn vị thiết bị quân sự của Nga đã bị phá hủy hoặc hư hỏng”.

Một nhóm trực thăng Nga từ bán đảo Crimea đã bay lên yểm trợ cho Lữ đoàn 336 Thủy Quân Lục Chiến Nga rút lui, một chiếc máy bay trực thăng Ka-52 đã bị bắn rớt.

Trong 24 giờ qua, 580 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 12 xe tăng, 14 xe thiết giáp, 10 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một máy bay trực thăng, và 24 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 15 Tháng Sáu, 217.910 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.955 xe tăng, 7.667 xe thiết giáp, 3.793 hệ thống pháo, 604 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 364 hệ thống phòng không, 314 chiến đấu cơ, 301 máy bay trực thăng, 3.333 máy bay không người lái, 1.199 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.506 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 519 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

2. Jens Stoltenberg, tổng thư ký của Nato, cho biết các thành viên liên minh phải bảo đảm Ukraine tiếp tục có đủ vũ khí để theo đuổi cuộc phản công chống lại Nga.

Những người phương Tây ủng hộ Kyiv sẽ gặp nhau vào thứ Năm tại trụ sở của NATO ở Brussels để nhận thông tin cập nhật mới nhất từ bộ trưởng quốc phòng Ukraine về tiến độ của các cuộc tấn công.

“Điều rõ ràng nhất là bảo đảm họ có vũ khí, vật tư, bảo dưỡng để tiếp tục tiến hành cuộc tấn công,” ông Stoltenberg nói với các nhà báo.

Ông nói thêm rằng luôn có sự thừa nhận rằng Ukraine sẽ chịu tổn thất khi nước này tìm cách chọc thủng các phòng tuyến kiên cố của Nga.

Stoltenberg nói:

Cũng sẽ có những mất mát khi nói đến thiết bị hiện đại của NATO. Không ai mong đợi sẽ có thương vong bằng không. Thực tế của điều này là khốc liệt, chiến đấu bao giờ cũng khốc liệt.

3. Truyền hình Nhà nước Nga cảnh báo Hoa Kỳ về một cuộc tấn công hạt nhân sẽ xảy ra trong tầm ngắm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia State TV Warns U.S. a Nuclear Strike Will Happen—'In the Crosshairs'“, nghĩa là “Truyền hình Nhà nước Nga cảnh báo Hoa Kỳ về một cuộc tấn công hạt nhân sẽ xảy ra trong tầm ngắm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một người dẫn chương trình truyền hình nhà nước của Nga đã cảnh báo rằng nếu cuộc chiến Ukraine leo thang đến “giai đoạn hạt nhân”, Điện Cẩm Linh sẽ tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân vì Hoa Kỳ “đang ở trong tầm ngắm” của Nga.

Nhà bình luận chính trị người Nga và chủ tịch Viện Trung Đông của Nga Yevgeny Satanovsky đã đưa ra lời cảnh báo trong một đoạn clip hiện đang lan truyền đến mức chóng mặt.

Cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, Anton Gerashchenko, đã chia sẻ đoạn clip trên trang Twitter của mình vào ngày 12 tháng 6 và đoạn video—do Gerashchenko dịch—cho đến nay đã được xem hơn 100.000 lần.

Điều này xảy ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vào hôm thứ Sáu, ngày 9 tháng 6, ông ta sẽ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trong 2 ngày 7 và 8 tháng 7, vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại quốc gia láng giềng Lithuania.

“Câu hỏi đặt ra là liệu tất cả có đạt đến giai đoạn hạt nhân hay không? Bởi vì nếu cứ tiếp tục như thế này, nó chắc chắn sẽ xảy ra,” Satanovsky nói trên truyền hình nhà nước Nga.

“Và đó sẽ không phải là vũ khí hạt nhân chiến thuật mà chúng ta sẽ tấn công Ukraine, nhưng là vũ khí hạt nhân chiến lược nhắm thẳng vào Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tin tôi đi, tất cả các mục tiêu đều đã nằm trong tầm ngắm”.

“Các mục tiêu như thế đã ở đó từ thời Liên Xô và cả những nơi khác ở Mỹ, Âu Châu và những nơi khác nữa đang tập trung vũ khí hạt nhân của Mỹ, nơi có các căn cứ quân sự của Mỹ.”

“Vì vậy, tôi ước rằng trên đường đến giai đoạn hạt nhân, chúng ta có thể kết liễu đối phương mà không cần băng qua Rubicon. Nhưng nếu buộc phải làm, chúng ta còn có thể làm gì khác?”

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, các nhà bình luận và quan chức Nga cho biết Điện Cẩm Linh đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột.

Vào tháng 4 vừa qua, Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga, cho biết khả năng vũ khí hạt nhân—được mô tả là “xương sống gắn kết các quốc gia”—được sử dụng ngày càng tăng.

Medvedev, người từng là tổng thống thay thế của Putin từ năm 2008 đến 2012 và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã thường xuyên đưa ra các mối đe dọa hạt nhân.

“Theo tôi, lo ngại về biến đổi khí hậu chẳng là gì so với viễn cảnh ở giữa tâm chấn của một vụ nổ với nhiệt độ 5.000 độ Kelvin, sóng xung kích 350 mét mỗi giây và áp suất 3.000 kg trên mỗi mét vuông, với bức xạ xuyên thấu, nghĩa là bức xạ ion hóa và xung điện từ,” ông nói tại một sự kiện giáo dục vào cuối tháng 4, theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti.

“Ngày nay có triển vọng như vậy không? Không may là có như thế thật. Và nó đang phát triển mỗi ngày vì những lý do ai cũng biết,” ông ta nói.

Trước đó, vào Tháng Giêng, ông đã nói trong một bài đăng trên Telegram thảo luận về sự hỗ trợ của NATO đối với quân đội Ukraine: “Việc đánh bại một cường quốc hạt nhân trong một cuộc chiến tranh thông thường có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

4. Putin đứng về phía các chỉ huy quân sự trong việc đặt Wagner dưới sự kiểm soát trực tiếp của Bộ Quốc phòng Nga

Tờ The Guardian, có trụ sở ở Luân Đôn, có bài tường trình nhan đề “Putin sides with military chiefs over placing Wagner under direct control”, nghĩa là “Putin đứng về phía các chỉ huy quân sự trong việc đặt Wagner dưới sự kiểm soát trực tiếp”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nhà lãnh đạo Nga nói rằng động thái này phải được thực hiện 'càng nhanh càng tốt' sau khi ông chủ Wagner từ chối ký hợp đồng

Sau một mối thù mang tính hủy diệt giữa các chỉ huy quân sự hàng đầu của ông ta và lãnh chúa đánh thuê Yevgeny Prigozhin, Vladimir Putin xem ra đã đứng về phía những nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của mình, kêu gọi “các đội tình nguyện” của Nga đang chiến đấu ở Ukraine phải được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Bộ Quốc phòng.

Quyết định này làm suy yếu nghiêm trọng Prigozhin, người đã nhờ vai trò của Wagner trong việc chiếm Bakhmut, mà trở thành một nhân vật nổi tiếng trước công chúng ở Nga đến mức ông ta có thể sử dụng thanh thế của mình để mắng mỏ các tướng lĩnh của Putin và tự đề cao mình.

Phát biểu trước một nhóm các blogger ủng hộ chiến tranh hôm thứ Ba, tổng thống Nga cho biết ông hoan nghênh sáng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu nhằm buộc các nhóm lính đánh thuê ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga. Đó là một mệnh lệnh mà Prigozhin đã từ chối tuân theo.

“Điều này phải được thực hiện và nó phải được thực hiện càng nhanh càng tốt”, ông Putin nói về các hợp đồng quân sự, đồng thời cho biết điều đó “phù hợp với lý lẽ thường tình, với thông lệ đã được thiết lập và luật pháp”.

Trước đó, Shoigu đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị tình nguyện ký hợp đồng với bộ của ông vào cuối tháng, một bước được coi là nỗ lực thống trị Prigozhin bằng cách đưa Wagner vào quân đội.

“Wagner sẽ không ký bất kỳ hợp đồng nào với Shoigu,” Prigozhin đáp lại, chỉ trích Shoigu vì đã không “quản lý hợp lý các đơn vị quân đội”.

Khi được yêu cầu bình luận về những tuyên bố của Putin hôm thứ Tư, một Prigozhin thách thức đã phùng mang trợn mắt. “Khi chúng tôi bắt đầu tham gia vào cuộc chiến này, không ai nói rằng chúng tôi có nghĩa vụ phải ký kết các thỏa thuận với Bộ Quốc phòng,” ông nói trong một lần quở trách trực tiếp hiếm hoi nhắm vào tổng thống Putin.

“Không ai trong số các võ sĩ Wagner sẵn sàng đi vào con đường ô nhục một lần nữa. Và vì vậy sẽ không có ai ký hợp đồng,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông tin rằng Tổng thống Nga sẽ tìm ra “sự thỏa hiệp” cho Wagner.

Mối thù giữa Prigozhin và quân đội lên một tầm cao mới trong tháng này khi một chỉ huy Nga cáo buộc Wagner bắt cóc và tra tấn binh lính của mình.

Sự can thiệp của Putin được coi là một động lực lớn cho Shoigu, một đồng minh lâu năm của tổng thống, người đã phải đối mặt với áp lực chính trị vì những nỗ lực đang khựng lại của Mạc Tư Khoa ở Ukraine. Nó cũng đặt Prigozhin vào tình thế bấp bênh nhất kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu.

“Shoigu có thể chiếu tướng Prigozhin,” Dara Massicot, một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Rand Corporation, cho biết. Ông cho rằng nếu Wagner không ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga trong vài tuần nữa, Shoigu có thể có cơ sở để ngừng hỗ trợ Wagner, hoặc thậm chí thực hiện các động thái pháp lý chống lại họ.

Một số nhà phân tích cho rằng Putin có thể đã đưa ra quyết định hạn chế ảnh hưởng của Wagner ở Ukraine từ nhiều tháng trước đó.

Tatyana Stanovaya, người sáng lập công ty phân tích chính trị R Politik, cho biết: “Quyết định đã được đưa ra vào Tháng Giêng, nhưng họ đang đợi Wagner chiếm lấy Bakhmut. “Người ta đã quyết định rằng ít nhất trên lãnh thổ Ukraine, mọi người phải phục tùng bộ tổng tham mưu.”

Prigozhin đã thông báo vào đầu tháng này rằng quân đội của ông phần lớn đã rút lui khỏi Bakhmut, nơi họ nói đã chiếm được sau khi chịu thương vong nặng nề.

Việc Prigozhin bị loại khỏi Ukraine sẽ loại bỏ một trong những nhân vật chiến tranh nổi tiếng nhất của Nga. Thông qua việc sử dụng mạng xã hội hàng ngày, anh ấy đã nuôi dưỡng một nhân cách dân túy, chống giới tinh hoa, điều này đã gây được tiếng vang với những người Nga hiếu chiến không hài lòng với cuộc xâm lược của Putin.

Uy tín trước công chúng của lãnh chúa lên đến đỉnh điểm khi quân đội của ông dần dần chiếm được Bakhmut, mang lại cho Mạc Tư Khoa chiến thắng quân sự hữu hình đầu tiên kể từ mùa hè năm ngoái.

Một cựu quan chức quốc phòng từng làm việc với anh ta cho biết: “Prigozhin hiểu rằng tiếng nói công khai của anh ta là sự bảo vệ cho mình. Ông ta không có địa vị chính thức, nhưng ông ta biết rằng Putin thích sự ổn định và không muốn gây hỗn loạn bằng cách để người khác theo đuổi một nhân vật của công chúng như vậy.”

Khi những rắc rối của mình ngày càng chồng chất, Prigozhin bắt đầu một chuyến công du khắp nước Nga, nói chuyện với khán giả cùng với những người theo đường lối cứng rắn như cựu tay buôn vũ khí Viktor Bout.

Vẫn còn câu hỏi về việc liệu anh ấy có thể duy trì vị thế của mình thông qua chuyến lưu diễn công khai một mình hay không.

Stanovaya nói: “Tôi không nghĩ rằng nó sẽ có tác dụng tương tự như trận chiến giành Bakhmut của anh ấy. Prigozhin hơi bị dồn vào chân tường và đang cố gắng tìm cách thực hiện mục tiêu của mình.”

Trùm lính đánh thuê đã tiếp tục các cuộc tấn công công khai chống lại giới lãnh đạo quân sự của Nga. Phát biểu tại khu vực trung tâm Ulyanovsk hôm thứ Ba, ông trực tiếp mâu thuẫn với Putin, người đã tuyên bố trước đó cùng ngày rằng cuộc phản công của Kyiv đã thất bại trên mọi mặt trận.

“Ukraine đang chiến đấu chuyên nghiệp,” Prigozhin nói, đồng thời khẳng định rằng Mạc Tư Khoa đã không làm đủ để “chống lại đối phương”.

Tuy nhiên, một số người tin rằng còn quá sớm để suy đoán về sự sụp đổ của Prigozhin.

Cựu quan chức quốc phòng nói: “Người ta đã viết sai về Prigozhin nhiều lần. Shoigu hiện đang chiếm thế thượng phong, nhưng nếu cuộc phản công của Ukraine thất bại, Prigozhin có thể sẽ được triệu tập trở lại,” họ nói thêm, đồng thời nói rằng Putin theo truyền thống đã khiến các phe phái khác nhau chống lại nhau.

Cựu quan chức này cũng lưu ý rằng Putin đã ám chỉ hôm thứ Ba rằng một số lời chỉ trích của Prigozhin đối với quân đội là chính đáng. “Khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng các 'tướng chỉ thích làm kiểng' không hiệu quả, đó là nói một cách nhẹ nhàng,” Putin nói. “Một số người bắt đầu bước ra khỏi bóng tối mà chúng ta chưa từng nghe hoặc nhìn thấy trước đây, và họ trở nên rất hiệu quả và trở nên hữu ích.”

Stanovaya lập luận rằng tương lai của Prigozhin có thể phụ thuộc vào sự thành công hay thất bại của cuộc phản công của Ukraine. “Ông ấy đang đợi họ thấy rằng nếu không có khả năng và kỹ năng của quân Wagner, quân đội Nga sẽ mất lãnh thổ và Putin hoặc Shoigu sẽ phải đến nhờ ông ấy giúp đỡ… Ông ấy đang mơ về điều đó.”

5. Trùm Wagner nhắc lại việc từ chối ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga

Chỉ huy lính đánh thuê Nga Yevgeny Prigozhin hôm thứ Tư nhắc lại việc các chiến binh Wagner của ông từ chối ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng, một ngày sau khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin, nói rằng các thỏa thuận là cần thiết.

Trong một lần thể hiện sự thách thức trực tiếp hiếm hoi đối với nhà lãnh đạo Nga, Prigozhin nói: “Không một chiến binh nào của Wagner sẵn sàng đi vào con đường ô nhục một lần nữa. Đó là lý do tại sao họ sẽ không ký hợp đồng.”

Trong một cuộc họp trên truyền hình hôm thứ Ba, Putin đã ủng hộ lời kêu gọi của Bộ Quốc phòng về việc các chiến binh “tình nguyện” chiến đấu ở Ukraine phải ký hợp đồng với bộ chỉ huy quân sự của nước này. Chính sách này được nhiều người coi là một phương tiện để khẳng định quyền kiểm soát đối với Wagner.

Putin nói rằng các hợp đồng là cần thiết để cho phép tất cả những người tham gia chiến dịch của Nga ở Ukraine nhận được các khoản hỗ trợ xã hội mà họ được hưởng. Chúng bao gồm bồi thường cho các chiến binh nếu họ bị thương và cho gia đình họ nếu họ thiệt mạng trong chiến đấu.

Prigozhin đã gây ra mối thù công khai cay đắng với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và các quan chức quân đội hàng đầu kể từ năm ngoái, cáo buộc họ không cung cấp hỗ trợ và đạn dược đầy đủ cho lực lượng Wagner ở Ukraine và do đó khiến họ phải chịu thương vong cao hơn.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu mới nhất, ông nói rằng ông nghĩ rằng một “giải pháp thỏa hiệp” sẽ được tìm thấy giữa Putin và quốc hội để cho phép các chiến binh Wagner nhận được các bảo đảm xã hội và được chứng nhận là chiến binh mà không cần ký kết hợp đồng với Bộ Quốc Phòng Nga.

6. Ông trùm Wagner ca ngợi cuộc phản công của Ukraine

Igor Girkin, một cựu chiến binh tình báo và chỉ huy quân đội, người từng là Bộ Trưởng và từng là trung tâm trong việc chiếm Crimea và các phần của vùng Donbas vào năm 2014, đã cáo buộc trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đang mưu toan làm binh biến lật đổ Putin. Bất kể những cáo buộc như thế, Prigozhin tỏ ra không nao núng, và không ngừng gây ra tranh cãi.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Boss Praises Ukraine's Counteroffensive”, nghĩa là “Ông trùm Wagner ca ngợi cuộc phản công của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ông chủ của Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin hôm thứ Ba đã xuất hiện để ca ngợi cuộc phản công của Ukraine, đã chứng kiến Kyiv chiếm lại ít nhất bảy khu định cư trong vòng một tuần.

Người dùng Twitter Dmitri đến từ War Translated, đã tham gia một dự án độc lập liên quan đến việc dịch các tài liệu khác nhau về cuộc chiến ở Ukraine. Anh ấy đã tải lên đoạn clip Prigozhin đưa ra đánh giá của mình về cuộc phản công cho đến nay, và viết rằng: “Prigozhin đã tập hợp một cuộc họp khác để thảo luận về tình hình hiện tại, cho biết cuộc tấn công của Ukraine đang diễn ra thành thạo và cẩn thận, và người Nga vẫn chưa có cách để ngăn chặn họ.”

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malia, cuộc phản công của Ukraine, trong khi ở giai đoạn đầu, dường như đã đạt được thành công đáng kể. Cô cho biết hôm thứ Hai rằng, trong tuần qua, Ukraine đã chiếm lại bảy ngôi làng trải rộng 90 kilômét vuông.

“Điều sau đây đang xảy ra: Người Ukraine bắt đầu một cuộc tấn công. Tôi đang nói tất cả như thực tế đang diễn ra. Với cuộc tấn công, họ đang di chuyển chính xác,” Prigozhin, lãnh đạo lực lượng bán quân sự Nga của Tập đoàn Wagner nói.

“Họ đang cắt đứt một số khu vực theo hướng Zaporizhzhia. Trong khi đó, họ đang bảo vệ cánh trái của họ... bên phải là của chúng ta, bên trái là của họ. Chính xác nơi các trận chiến đang diễn ra, Urozhaine, v.v. Họ đang bảo vệ cánh trái của mình.”

Prigozhin cho biết, theo ước tính của ông, Ukraine đã giành lại được hơn 100 kilômét vuông từ lực lượng Nga.

“Họ đang di chuyển cẩn thận, bình tĩnh. Họ đã mất một vài chiếc Leopards và Bradleys. Đây là những tổn thất chiến đấu thông thường, vì vậy tôi không nói điều này để quảng bá tuyên truyền, mà là để đánh giá một cách hợp lý,” Prigozhin nói thêm.

Nga cho biết hôm thứ Ba rằng họ đã chiếm được một số xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ và xe tăng Leopard của Đức mà phương Tây đã cung cấp cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

“Xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Bradley. Đây là những chiến lợi phẩm của chúng ta. Trang thiết bị của lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực Zaporizhzhia”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.

Prigozhin cho biết ông tin rằng “còn sớm để ăn mừng” và cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn Ukraine.

Prigozhin nói thêm: “Chúng ta cần huy động, tập hợp lại với nhau và hiểu rằng người Ukraine sẽ không dừng lại cho đến khi bị đánh bại hoặc đạt được một kết quả tích cực nào đó. Hiện tại, theo quan điểm của tôi, và theo đánh giá của quân đội trên thực địa, chúng ta vẫn chưa có phương cách nào để chống lại đối phương.”

Nhận xét của ông hoàn toàn trái ngược với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã nói với một cuộc họp của các phóng viên chiến trường hôm thứ Ba rằng cuộc phản công của Ukraine đã không thành công. Putin nói thêm rằng họ đã phải chịu những tổn thất “thảm khốc”.

Trong một bài phát biểu qua video hàng đêm vào hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã mô tả các trận chiến giữa quân đội của ông và lực lượng Nga là “khó khăn”.

“Nhưng chúng ta vẫn tiến lên ở đó, và điều đó rất quan trọng,” Tổng thống Zelenskiy nói.

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga Nga yêu cầu các thành viên của 'các đơn vị tình nguyện viên' như Tập đoàn Wagner phải ký hợp đồng trực tiếp với Bộ Quốc phòng Nga, đó là một động thái được Tổng thống Putin xác nhận rõ ràng trên TV vào ngày 13 tháng 6.

Trong vài tháng qua, chủ sở hữu của Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã nhắm những lời chỉ trích gay gắt vào hệ thống quân giai của Bộ Quốc phòng Nga nhưng còn kiêng nể quyền bính của Putin.

Tuy nhiên, bất chấp những bình luận của Putin, vào ngày 14 tháng 6, Prigozhin nói rằng, 'không một chiến binh nào của Wagner sẵn sàng đi vào con đường ô nhục một lần nữa. Đó là lý do tại sao họ sẽ không ký hợp đồng’.

Luận điệu của Prigozhin đang phát triển thành một sự thách thức các bộ phận rộng lớn hơn đối với thể chế Nga. Ngày 01 tháng 7, thời hạn cuối cùng để các tình nguyện viên ký hợp đồng, có thể là một điểm mấu chốt trong sự hục hặc này.

8. Putin tiết lộ những tổn thất về xe tăng lớn hơn những gì Nga đã thừa nhận trước đây

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Reveals Greater Tank Losses Than Russia Has Admitted Before”, nghĩa là “Putin tiết lộ những tổn thất về xe tăng lớn hơn những gì Nga đã thừa nhận trước đây.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Trong một thừa nhận hiếm hoi về tổn thất quân sự của Điện Cẩm Linh, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, trong một tuần qua, Nga đã mất 54 xe tăng trong cuộc phản công hiện tại của Ukraine.

Ukraine đã dành nhiều tháng để lên kế hoạch cho một cuộc tấn công có phối hợp chống lại quân đội Nga, và các nhà phân tích cũng như các quan chức đang báo cáo những lợi ích của Ukraine ở phía nam và phía đông của đất nước trong các khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập.

Mạc Tư Khoa cho biết cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào ngày 4 tháng 6, nhưng quân đội Nga đã phá vỡ nỗ lực của Ukraine nhằm tái chiếm các khu vực tranh chấp. Việc Ukraine xác nhận bắt đầu cuộc phản công được đưa ra ngay sau đó, mặc dù Kyiv đã tiết lộ rất ít các chi tiết liên quan đến cuộc phản công.

Trong một bình luận bất thường về tổn thất quân sự của Nga, nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh nói với các blogger và nhà báo quân sự Nga rằng quân đội Mạc Tư Khoa đã mất 54 xe tăng khi thảo luận về cuộc phản công đang diễn ra. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, cho biết vào ngày 6 tháng 6 rằng Nga đã mất 15 xe tăng và 9 xe bọc thép trong các cuộc phản công. Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư cho biết Ukraine đã mất thêm 20 xe tăng so với ngày hôm trước.

Ông Putin cho biết một số trong 54 xe tăng này sẽ được khôi phục và sửa chữa, đồng thời cáo buộc rằng Ukraine đã mất 160 xe tăng và hơn 360 xe bọc thép. Một quan chức Mỹ nói với hãng tin AP rằng bình luận của nhà lãnh đạo Nga là “không chính xác”.

Trong những ngày đầu của cuộc chiến, Nga đã hình sự hóa việc lan truyền thông tin “giả mạo” về cuộc xung đột đang diễn ra, bao gồm bất kỳ thông tin hoặc con số thương vong nào không được Bộ Quốc phòng xác nhận rõ ràng. Vào tháng 12, chính Putin đã phải đối mặt với những lời kêu gọi phải bị trừng phạt theo luật này, sau khi ông gọi “chiến dịch quân sự đặc biệt” là một “cuộc chiến”. Cụm từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” là thuật ngữ chính thức của Nga để chỉ cuộc xâm lược vào Ukraine.

Kể từ ngày 4/6, Nga đã mất 114 xe tăng, theo thống kê do Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cung cấp. Newsweek không thể xác minh độc lập cả hai số lượng.

Cả hai bên đều nói rằng bên kia đã chịu số lượng thương vong cao và mất đáng kể các thiết bị quân sự trong những tuần gần đây. Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Lực lượng Vũ trang Ukraine chịu tổn thất thảm khốc về nhân lực và thiết bị”, trong khi Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết hôm thứ Tư rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa “đang ở trong tình trạng hoảng loạn” và đang chịu “những tổn thất lớn về nhân lực”.

“Chúng ta có tổn thất ít hơn mười lần so với Lực lượng Vũ trang Ukraine,” Putin nói hôm thứ Ba.

Cả Ukraine và Nga đều không công bố các con số thiệt hại quân sự của chính họ. Hôm thứ Ba, Nga cho biết Ukraine đã mất tổng cộng 9.939 xe tăng và xe bọc thép kể từ tháng 2 năm 2022. Tính đến thứ Tư, Kyiv cho biết Nga đã mất 3.943 xe tăng và 7.653 xe bọc thép kể từ khi chiến tranh toàn diện bùng nổ. Khi được yêu cầu bình luận về các con số này Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, nhận xét rằng Ukraine không có số lượng xe tăng và thiết giáp nhiều như thế.

Theo nguồn tin mở của Hà Lan, Oryx, Nga đã mất 2.041 xe tăng kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022. Trong số này, 1.271 chiếc đã bị phá hủy và 544 chiếc bị Ukraine thu giữ, theo số liệu này. Tuy nhiên, điều này chỉ bao gồm các thiệt hại được xác nhận trực quan và tổng số thực tế có thể cao hơn. Nó cũng không tính đến các loại phương tiện quân sự bọc thép khác. Trong cùng khoảng thời gian đó, Ukraine đã mất 528 xe tăng, Oryx cho biết thêm rằng 4 xe tăng Leopard do phương Tây cung cấp đã bị ngừng hoạt động.

Vào giữa tháng 2 năm 2023, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ước tính rằng Mạc Tư Khoa đã mất gần 40% các xe tăng trước chiến tranh sau 9 tháng giao tranh ác liệt ở Ukraine. Con số này tăng cao hơn, lên tới 50% đối với một số xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga.

Điều này trùng hợp với những bình luận của cựu Tổng thống Nga, Dmitry Medvedev, người nói rằng Nga cần “tăng cường sản xuất các loại vũ khí khác nhau bao gồm cả xe tăng hiện đại”, để đáp lại việc phương Tây tài trợ xe tăng cho Ukraine.

Các chuyên gia cho rằng Ukraine vẫn đang trong giai đoạn thăm dò ban đầu của cuộc phản công, trong đó quân đội của họ thăm dò tiền tuyến để kiểm tra khả năng phòng thủ của Nga.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết các lực lượng Ukraine đã tiếp tục giành được lãnh thổ ở phía nam và phía đông của đất nước.

Trong bài phát biểu hàng đêm mới nhất của mình, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết đã có “sự tiến bộ ở các khu vực khác nhau” dọc theo mặt trận.

“Chúng ta đã đạt được những thành công nhất định, chúng ta đang thực hiện các kế hoạch của mình, chúng ta đang tiến về phía trước,” nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm thứ Ba.

9. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã từ chối áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với Ankara để phê chuẩn nỗ lực trở thành thành viên NATO của Thụy Điển trước khi liên minh phòng thủ phương Tây nhóm họp vào tháng 7.

Các quan chức phương Tây đã hy vọng Erdoğan sẽ làm dịu quan điểm của mình về vấn đề mang tính ngoại giao sau khi ông giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử lại đầy cam go vào tháng trước.

Nhưng Erdoğan báo hiệu không có sự thay đổi lớn nào trong các bình luận do văn phòng của ông đưa ra trong khi các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đang vướng vào các cuộc đàm phán vào phút cuối ở Ankara.

Thụy Điển và nước láng giềng Bắc Âu Phần Lan đã chấm dứt hàng thập kỷ không liên kết quân sự và nộp đơn xin gia nhập khối quốc phòng do Mỹ đứng đầu để đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ và thành viên Nato Hung Gia Lợi đã phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan trong năm nay. Nhưng quốc hội của cả hai nước vẫn chưa chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập.

Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy Thụy Điển cấm và đàn áp các cuộc biểu tình của những người Kurd ủng hộ một nhóm được Ankara công nhận là tổ chức khủng bố.
 
Nga pháo kích vào nhà thờ, cha sở thiệt mạng. Cuộc bách hại ở Manipur. LM bị bắt cóc được trả tự do
VietCatholic Media
17:09 15/06/2023


1. Quân đội Nga pháo kích Bilozerka: trúng sân nhà thờ, linh mục thiệt mạng

Quân đội Nga đã pháo kích vào Bilozerka ở vùng Kherson, đánh vào sân nhà thờ, giết chết một linh mục và làm bị thương một phụ nữ.

Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết như trên hôm thứ Ba 13 Tháng Sáu.

“Quân đội Nga đã nã pháo vào Bilozerka, tấn công sân nhà thờ và giết chết một linh mục 72 tuổi. Một phụ nữ 76 tuổi cũng bị thương,” Yermak nói.

Theo ông, các cuộc không kích của Nga đã làm hư hại 4 tòa nhà dân cư, bưu điện, tòa nhà hành chính, quảng trường trung tâm và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Một ngày sau đó, trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 14 tháng Sáu, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết, người thứ 11 đã thiệt mạng sau vụ tấn công bằng hỏa tiễn trong đêm của Nga vào một tòa nhà chung cư ở thành phố Kryvyi Rih, miền trung Ukraine.

Các quan chức cho biết một thi thể đã được lực lượng cấp cứu kéo ra khỏi đống đổ nát.

“Hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đã hoàn tất, và việc tháo dỡ các công trình đang được tiến hành,” cô nói.

Xa hơn về phía nam, ở vùng Kherson: Các cuộc không kích của Nga đã đánh vào khuôn viên của một nhà thờ, giết chết một linh mục 72 tuổi. Một phụ nữ 76 tuổi cũng bị thương trong vụ tấn công tương tự.

“Các cuộc không kích của Nga đã làm hư hại 4 tòa nhà dân cư, bưu điện, tòa nhà hành chính, quảng trường trung tâm và các cơ sở hạ tầng quan trọng” ở làng Bilozerka, cô nói thêm.

Ở những nơi khác: Các cuộc pháo kích của Nga đã tấn công các khu vực Sumy và Kharkiv phía đông bắc Ukraine.

Ở khu vực phía nam Zaporizhzhia, ba quả bom đã đánh trúng thị trấn Orikhiv, giết chết một thường dân và phá hủy nhiều ngôi nhà.

Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 10 trong số 14 hỏa tiễn hành trình do Nga bắn trong các cuộc không kích chết người trong đêm.


Source:UKRInform

2. Đức Hồng Y Alencherry lên án cuộc bách hại Kitô giáo ở Manipur

Cuộc họp thượng hội đồng đặc biệt của Giáo hội Syro-Malabar đã bắt đầu vào ngày 12 tháng 6. Trong phần khai mạc cuộc họp, Đức Hồng Y George Alencherry đã than phiền về cuộc đàn áp các Kitô hữu ở bang Manipur, miền đông bắc Ấn Độ.

Thượng hội đồng được tổ chức theo lệnh của Vatican tại Núi Thánh Thomas, trụ sở của Giáo hội Syro-Malabar ở Kakkanad, một vùng ngoại ô của Kochi.

Đức Hồng Y Alencherry, tổng giám mục chính của Giáo hội, người đã chủ sự Thánh lễ khai mạc, đã đề cập đến nhiều cuộc khủng hoảng chính trị xã hội và nông nghiệp mà Giáo hội phải đối mặt. Ngài gọi sự thờ ơ của Manipur và chính phủ liên bang đối với cuộc đàn áp tàn bạo các tín hữu Kitô ở đó là một tội phạm.

Đức Hồng Y cũng nhắc lại “sự phục vụ quên mình và sự lãnh đạo dũng cảm của Đức Tổng Giám Mục Joseph Powathil của Changanacherry, người đã qua đời vào ngày 18 tháng 3, ở tuổi 92. Ngài nói rằng cái chết của vị Giám Mục là một mất mát to lớn đối với Giáo hội cũng như xã hội.

Đức Tổng Giám Mục đã chào đón các thành viên mới của thượng hội đồng – bao gồm Đức Giám Mục John Panamthottam của Melbourne, Australia, và Đức Giám Mục Phụ Tá Alex Taramangalam của Mananthavady, Kerala. Đức Hồng Y ca ngợi “những đóng góp to lớn không thể so sánh được” của Đức Cha Bosco Puthur, giám mục đầu tiên của Melbourne.

Ngài cũng kêu gọi chính phủ liên bang và Kerala có đường lối thông cảm đối với các vấn đề mà nông dân ở bang miền nam Ấn Độ, cơ sở của Giáo hội, phải đối mặt.

Chính phủ Kerala nên hiểu rằng ngay cả sau phán quyết của Tòa án Tối cao về vấn đề vùng đệm để tránh thú dữ, những lo ngại của nông dân vẫn chưa được giải quyết. Ngài lấy làm tiếc vì chính quyền bang không có chính sách bảo vệ người nông dân ngay cả khi tính mạng và tài sản của họ bị đe dọa bởi thú dữ xâm nhập vào đất nông nghiệp.

Đức Hồng Y than phiền rằng một số sinh mạng đã bị thiệt mạng khi các cuộc tấn công của động vật hoang dã gia tăng đáng kể trong vài tháng qua.

Phiên họp đặc biệt đang được triệu tập để thảo luận về các vấn đề tồn tại trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly liên quan đến việc cử hành thánh lễ.


Source:Matters India

3. Linh mục Công Giáo bị bắt cóc được trả tự do ở Kaduna

Cha Jeremiah Yakubu, là cha sở của Nhà thờ Công Giáo Holy Trinity, Karku ở Khu vực chính quyền địa phương Kauru của Bang Kaduna, đã được những kẻ bắt cóc thả ra.

Điều này đã được xác nhận bởi Chưởng ấn Giáo phận Công Giáo Kafanchan, Cha Emmanuel Okolo, là người nói rằng vị linh mục bị bắt cóc đã được trả tự do vào tối thứ Hai 12 Tháng Sáu.

Tuy nhiên, Cha Chưởng Ấn đã không tiết lộ liệu có khoản tiền chuộc nào đã được trả hay không trước khi vị linh mục bị bắt cóc được trả tự do.

Cha Yakubu bị bắt cóc khỏi nhà xứ ở Kauru vào khoảng 11 giờ tối Chúa Nhật.

Bắt cóc đòi tiền chuộc ngày càng phổ biến ở các khu vực Tây Bắc và Bắc Trung Bộ của Nigeria. Kaduna là một trong những tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các giáo sĩ và nông dân trong các cộng đồng dễ bị tổn thương trong tiểu bang đã trở thành con mồi của những kẻ bắt cóc. Một số người trong số họ đã bị giết khi bị giam cầm, trong khi những người khác được trả tự do sau khi trả tiền chuộc.


Source:channelstv.com