Ngày 17-06-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nếu Thiên Chúa không khoan dung, thiên đàng sẽ trống rỗng
LM. Giuse Trương Đình Hiền
08:13 17/06/2013
Nếu Thiên Chúa không khoan dung, thiên đàng sẽ trống rỗng

(Chúa Nhật 11 thường niên C )

Các đây hơn 32 năm, ngày 13/5/1981, cả thế giới một phen bàng hoàng khi nghe tin : Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát. Bản tin cho biết : Giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô để chờ đón Đức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Đức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung téo. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu sát. Ali Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma.

Và rồi, sau đó 3 năm, năm 1984, cả thế giới lại một phen sững sờ với sự kiện liên quan đến hai nhân vật nầy : Đức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hòa giải…

Tôi muốn nêu bật sự kiện nầy để bắt đầu cho “câu chuyện Lời Chúa” mà chúng ta cùng chia sẻ hôm nay, một sứ điệp mà việc tha thứ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dành cho Ali Agca chỉ là một cách cắt nghĩa, một minh họa cụ thể.

- Thật vậy, Nếu BĐ 1,sách Samuel kể lại câu chuyện sứ ngôn Nathan vạch trần tội ác của vua Đa-vít : tội giết người đoạt vợ, và Đa-vít đã cúi đầu khiêm tốn nhận tội ; và nhờ thế, đã nhận được lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa. Thì Tin Mừng Luca, một Tin Mừng đi đầu trong cung cách diễn tả dung mạo yêu thương nhân từ của Thiên Chúa, lại kể chuyện người đàn bà tội lỗi khóc lóc bên chân Chúa Giêsu để qua đó, Chúa giảng dậy cho người Biệt Phái Simon biết thế nào là “yêu nhiều thì được tha nhiều” mà không bận tâm gì tới ai là trộm cắp hay điếm đàng, tội nhân hay kẻ dữ.

Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay rõ ràng muốn gọi mời chúng ta lắng nghe và thực hiện mấy điều cơ bản :

- Đừng đóng kín Thiên Chúa trên bệ thờ uy nghi lẫm liệt để chỉ biết nhìn về Ngài bằng con mắt “kính nhi viễn chi” như ngài biệt phái Simon. Hãy xác tín và gặp gỡ một Thiên Chúa đang hiện diện, đang đồng hành, đang nhập thể với lòng xót thương, với trái tim nhân ái, với cõi lòng khoan dung tha thứ.

- Đừng đóng kín chính mình trong một cái tôi kiêu căng, hợm hĩnh, trịch thượng. Chỉ biết nhìn thấy “cái rác tội lỗi to tổ bố trong anh em”, mà lãng tránh chính cái “đà tội lỗi to tầm dầm” đang chễm chệ trong chính con người mình.

Một khi đã xác tín về lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa và lại nhận thức cái thân phận tội lỗi yếu hèn của chính mình, thì điều tất yếu còn lại đó chính là hồng ân của thứ tha.

Quả thật, chúng ta đều là tội nhân. Và như câu ngạn ngữ của người Đức : “Nếu Thiên Chúa không khoan dung, thiên đàng sẽ trống rỗng”.

Thiên Chúa có thể dùng nhiều cách đểu biểu lộ quyền năng. Nhưng có một cách rất đặc biệt đó là : Ngài biểu lộ quyền năng khi Ngài tha thứ. Và Đức Ki-tô đã biểu lộ quyền năng trong giây phút cuối cùng trên thập giá : “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm!”.

Chính vì thế, hành vi cao cả nhất, nhân đức hoàn thiện nhất, mà con người có thể bắt chước Thiên Chúa, đó chính là khoan dung-tha thứ, như cách diễn đạt của Thánh Grêgôriô thành Nysse : “Tha thứ một sự bất công, là nâng mình lên tột đỉnh của nhân đức, là vượt trên bản tính tự nhiên, là bắt chước Thiên Chúa”.

Và cũng chính trong cách cảm nhận đó, mà tư tưởng gia Frederick Robertson đã phát biểu rằng : “Những kẻ có tâm hồn nhỏ mọn không thể biết được hào quang của sự tha thứ.”

Và chúng ta cũng biết chắc chắn rằng : chính con đường khoan dung tha thứ sẽ mở ra chân trời của tin yêu và hy vọng, sẽ xây dựng một nên văn minh mang tên tình thương và chân lý, sẽ hoán cải những tâm hồn đen tối, ác độc để đem họ về nẻo chính đàng ngay.

Nếu không có trái tim nhân hậu khoan dung của Đức Ki-tô thì mãi mãi Maria Mađalêna chỉ là cô điếm, Matthêo chỉ là anh thu thuế tầm thường, Ga-kêu chỉ là chàng trưởng ty thuế vụ tham tàn gian ác, Phêrô mãi mãi mà tên phản bội, yếu hèn và tên trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa sẽ chết gục trong não nề thất vọng …

Và nếu thế giới vắng bóng những con người như Đức Gioan Phaolo II thì xã hội sẽ đầy tràn những tên Ali Agca thù hận, ác độc.

Truyện xưa kể lại rằng, một buổi tối một vị thiền sư già đi dạo trong thiền viện, chợt trông thấy một chiếc ghế dựng sát chân tường nơi góc khuất. Đoán ngay ra đã có chú tiểu nghịch ngợm nào đó làm trái quy định vượt tường trốn ra ngoài chơi, nhưng vị thiền sư không nói với ai, mà lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra rồi quỳ xuống đúng chỗ đó.

Một lúc sau, quả đúng có một chú tiểu trèo tường vào. Khi đặt chân xuống, chú tiểu mới kinh ngạc khi phát hiện ra dưới đó không phải là chiếc ghế mà là vai thầy mình, vì quá hoảng sợ nên không nói được gì, đứng im chờ nhận được những lời trách cứ và cả hình phạt nặng nề. Không ngờ vị thiền sư lại chỉ ôn tồn nói “Đêm khuya sương lạnh, con mau về thay áo đi”. Sự khoan dung của vị thiền sư già đã khiến chú tiểu suốt đời không quên được bài học đó.

Anh chị em, là Ki-tô hữu, là những người đã từng được chính Thầy mình là Chúa Giêu dạy rằng : “con phải tha cho anh em con không phải 7 lần mà là 70 lần 7”, và hằng ngày chúng ta vẫn đọc : “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, thì không lẽ chúng ta không thực hành nổi sự khoan dung tha thứ như vị thầy Chùa không biết đến Tin Mừng kia sao ?
 
Bỏ mình đi theo Chúa Giêsu cách trọn vẹn
Jos.Vinc. Ngọc Biển
08:16 17/06/2013
Bỏ mình để đi theo Chúa Giêsu cách trọn vẹn

(Chúa Nhật XII Thường Niên, năm C)

Trong đời sống thường ngày, có nhiều tiếng gọi. Có những tiếng gọi xuất phát từ người khác, cũng có những tiếng gọi khởi đi từ chính ta. Khi nghe và gọi người khác như thế, hẳn giữa người lên tiếng và người lắng nghe đều muốn đi vào sự hiện hữu của nhau qua tiếng gọi và lời đáp trả.

Hôm nay, Đức Giêsu cũng cất tiếng gọi các môn đệ. Ngài gọi các ông không phải để nhờ các ông làm một việc gì đó cho mình, cũng không phải để thông tri với các ông một sự kiện, biến cố nào đó. Nhưng Ngài gọi các ông đi theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đang đi; đồng thời trao phó cho các ông sứ vụ đến với muôn dân để đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất. Con đường đó là “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Đáp lại lời mời gọi và đi theo Đức Giêsu là đi vào mối tương quan của sự hiện hữu với Ngài trong nhiệm cục cứu độ.

Lời mời gọi đi theo và từ bỏ mình là hai yếu tố đặc trưng của Đức Giêsu khi gọi bất cứ ai đi theo Ngài.

1. Căn tính của Đức Giêsu

Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thường thấy những câu hỏi về danh tính của Đức Giêsu. Những câu hỏi ấy khởi đi từ Gioan Tẩy Giả (x. Lc 7,19); những người Pharisêu; dân chúng (x. Lc 7,49); và ngay cả với các môn đệ (x. Lc 8,25); cuối cùng là chính vua Hêrôđê: ông cũng muốn gặp Đức Giêsu để thoả tính hiếu tri của mình khi nghe người ta nói về Con Người lạ lùng này. Những câu hỏi của mọi người về Đức Giêsu đôi khi đã được gián tiếp trả lời.

Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giêsu đã đích thân hỏi các môn đệ về những lời bàn tán của dân chúng về Ngài: “Dân chúng bảo Thầy là ai?” Khi các ông nói cho Ngài biết những nhận định của dân chúng về Ngài, nào là: một vị tiên tri vĩ đại; là Gioan Tẩy Giả; Tiên tri Êlia hoặc một tiên tri ngày xưa sống lại!

Khi nghe các môn đệ thuật lại như thế, Đức Giêsu đi đến một bước tiếp theo và trực tiếp nhắm vào các môn đệ, Ngài hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”, Phêrô đã nhanh nhảu thay mặt cho anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Như vậy, căn tính của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Một hiện thân của Thiên Chúa giữa dân của Người. Khi các môn đệ đã xác định căn tính của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, lúc đó Ngài bắt đầu lên tiếng mời gọi các ông đi theo Ngài.

2. Đức Giêsu gọi các môn đệ để làm gì và đi đâu?

Ngài gọi họ để Ngài huấn luyện họ thành những người thừa kế và trao cho họ sứ vụ là quy tụ muôn dân trở thành môn đệ. Nhưng có lẽ, trước mắt các ông và trong tâm tưởng, các ông vẫn nghĩ Đức Giêsu sẽ là vua, một vị vua đánh đông dẹp bắc, một vị vua đem lại hoà bình cho dân tộc, đánh đổ chế độ đô hộ của đế quốc Rôma. Khi đã thành công, các ông chắc chắn sẽ nắm được những vị thế cao trọng trong triều đình. Nhưng chớ trêu thay, Đức Giêsu lại là một vị vua quá đỗi lạ lùng. Quả thật, hôm nay Ngài làm cho các ông ngỡ ngàng khi loan báo về một cuộc thương khó mà chính Ngài sẽ trải qua: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại.” Khi mạc khải cho các ông như thế, Đức Giêsu âm thầm nhắc cho các môn đệ của mình biết được rằng: con đường giải thoát của Ngài là con đường tình yêu chứ không phải con đường bạo lực; con đường của tha thứ chứ không phải con đường của hận thù; con đường của từ bỏ chứ không phải con đường theo ý riêng; con đường của thương khó, tử nạn và phục sinh; con đường của bất bạo động chứ không phải con đường của quyền lực hay bạo tàn.

Tắt một lời, con đường đó chính là con đường của mầu nhiệm tự huỷ, chết cho người khác được sống và sống dồi dào. Khi Đức Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ biết con đường mà Ngài sẽ đi như thế, Ngài cũng mời gọi họ bước theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đã, đang và sẽ đi. Tuy nhiên, muốn bước đi theo Đức Giêsu trên hành trình đó, đòi hỏi người môn đệ phải có những điều kiện căn bản phù hợp với đặc tính của lời mời gọi này.

3. Điều kiện cần để đi theo Đức Giêsu

Khi mặt giáp mặt, lòng hiểu lòng, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Ai muốn theo Ta?” Khi hỏi các môn đệ như thế, Đức Giêsu muốn các ông bước đi trong tinh thần thanh thoát nhẹ nhàng chứ không phải vì nặng nề; tự do chứ không phải ép buộc. Một lời mời gọi rất thân tình, làm cho người được mời gọi cảm thấy an vui, bình an và hạnh phúc khi tự mình quyết định lựa chọn lối sống theo tinh thần Tin Mừng. Thật thế, con đường mà Đức Giêsu muốn cho môn sinh của mình đi không phải là con đường nhung lụa, thênh thang, cũng không phải con đường dễ dãi, bằng phẳng, mà là con đường hẹp, gồ ghề và chông gai. Con đường đó là con đường của từ bỏ: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình.” (Lc 16,24). Từ bỏ chính mình là một điều khó. Khó vì nhiều lý do. Ai sinh ra trên trần gian này đều là một cá thể riêng biệt, độc đáo, không ai giống ai. Ai cũng muốn khẳng định tôi là tôi chứ không phải ai khác. Khi khẳng định như thế, chủ thể tôi cũng muốn xác định lập trường của mình rằng: không ai có quyền lấy đi hay bắt buộc tôi phải từ bỏ những ý định riêng tư mang tính cá biệt của chính tôi. Xét theo tâm lý học hay triết học thì đây phải chăng là một đòi hỏi vô lý và một lựa chọn tiêu cực. Nhưng với người môn đệ của Đức Giêsu thì khác! Theo Chúa và từ bỏ ý riêng không có nghĩa là đánh mất mình; nhưng còn được tất cả. Hay nói cách khác, từ bỏ mình để kết hợp hay tháp nhập vào với Chúa là trở về với chính mình cách trọn vẹn nhất. Bởi vì ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, nay ta tháp nhập với Ngài, thì ta trở về với chính nguồn cội nơi ta phát xuất ta. Được như thế là ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Từ bỏ chính mình cũng là thể hiện một sự dấn thân cách trọn vẹn. Nếu theo Đức Giêsu, từ bỏ nhiều thứ mà chưa từ bỏ chính mình thì kể như chưa bỏ gì cả. Từ bỏ chính mình là thể hiện sự quyết tâm, sự hy sinh để sống triệt để cho đức vâng lời.

Tuy nhiên, nếu chỉ có từ bỏ mình thôi thì chưa đủ. Nếu một người chỉ lo việc Chúa mà không lo chu toàn bổn phận hằng ngày của mình thì theo Chúa cách chưa trọn vẹn. Theo Chúa cách trung thành và trọn vẹn là phải bỏ ý riêng, phải chu toàn bổn phận, phải vác thập giá của mình hằng ngày mà theo nữa. Chính Đức Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (x. Lc 9,22-23).

4. Người Kitô hữu là người được gọi và bước theo Đức Giêsu

Mỗi người Kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên giống Đức Giêsu và được mời gọi đi theo Ngài trên con đường mà chính Ngài đã đi. Muốn đi theo Chúa, chúng ta cũng không thể nào mang trên mình và trong tâm trí nhưng thứ cồng kềnh được. Những thứ đó là: quyền lực; tiền bạc; danh lợi; ý riêng; tự kiêu; bảo thủ… Bao lâu ta còn luyến tiếc những thứ đó, thì bấy lâu ta đặt ý ta hơn ý Thiên Chúa, và ta không thể nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa để thi hành. Cũng thế, khi chúng ta trở thành những kẻ kiêu ngạo, chúng ta dễ rơi vào sự ngộ nhận mình là “cái rốn của vũ trụ”, khi ấy Lời Chúa sẽ bị chết nghẹt vì không thể bén rễ sâu trong tâm hồn ta được.

Vì thế, khi mặc lấy Đức Giêsu tức là ta trở nên giống Ngài. Nên giống Ngài là gì nếu không phải là từ bỏ ý riêng của mình để thay vào đó là ý Chúa như Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Mặc lấy Đức Giêsu cũng là lúc phải ra khỏi những định kiến riêng tư để biết cảm thông và có tinh thần phục vụ như Đức Giêsu khi xưa bằng một tình yêu hy hiến trong tình huynh đệ.

Nếu từ bỏ chính mình là thể hiện một sự quyết tâm, sẵn sàng lên đường với Đức Giêsu, thì vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa chính là đón nhận mọi thử thách, chết cho thế gian, để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Vác thập giá hằng ngày chính là chu toàn chính bổn phận của mình cách trung thành và hợp lý.

Trong thực tế, có rất nhiều người làm nhiều việc cho công ích xã hội và Giáo Hội. Ở đâu cần là họ sẵn sàng xả thân giúp đỡ người anh em, bất luận trời nắng hay mưa. Thế nhưng, trớ trêu thay, cũng chính những người đó, khi lo cho mọi người thì rất tốt và chu đáo, nhưng việc gia đình, bổn phận của mình thì lại là một người cẩu thả, bê bối. Có những người chỉ thích vác thánh giá cho cả làng, còn thánh giá của mình thì đặt lên vai lên cổ người khác và bắt họ vác thay. Thiết nghĩ, những người như thế, Chúa sẽ không vui, và những ai phải ở với những người đó thì thật là một khổ hình.

Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi chúng ta xác định thật rõ căn tính của mình là thuộc về Đức Giêsu, một Đức Giêsu đã từ bỏ ý riêng, để sống cho Thiên Chúa và yêu thương con người cách trọn vẹn qua cái chết và phục sinh của Ngài. Con đường của Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp; con đường của hy sinh; con đường của khổ giá. Nhưng con đường đó đã đem lại cho Đức Giêsu một vinh dự lớn lao, để “khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giêsu Kitô là Chúa’” (Pl 2,5-11).

Đến lượt chúng ta là những người mang trong mình hình ảnh, tâm tư của Đức Giêsu, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường từ bỏ, tự huỷ để đón nhận thập giá hằng ngày và chu toàn bổn phận cách trung thành để chỉ sống cho Thiên Chúa cách trọn vẹn và yêu thương anh chị em đồng loại bằng một tình yêu của Chúa. Như thế, chúng ta chính là quà tặng dâng cho Thiên Chúa và trao cho mọi người.

Thiết tưởng lời nói của Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu khi xưa cũng chính là tâm tình của mỗi chúng ta: “Trong Giáo Hội, con sẽ là tình yêu.”

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết tìm thánh ý Chúa, và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống. Biết đi theo Chúa trên con đường mà chính Chúa đã đi, biết chu toàn bổn phận theo đấng bậc và vai trò của mình. Biết làm mọi việc tầm thường cách phi thường bằng con đường “tình yêu”. Amen.
 
Powerpoint - Chúa Nhật thứ 12 Quanh Năm C - 12th Ordinary Sunday Year C
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
23:53 17/06/2013
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh G-8
Lm Trần Đức Anh OP
09:53 17/06/2013
VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các vị lãnh đạo khối G-8 đặc biệt góp phần tái lập hòa bình tại Siria và đặt con người ở trong tâm các hoạt động kinh tế tài chánh.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thư gửi đến Thủ tướng Anh quốc, David Cameron, trong tư cách là chủ tịch khối 8 cường quốc kinh tế nhóm họp tại Lough Erne, Bắc Ai Len, trong hai ngày 17 và 18-6-2013, với chủ đề ”Một cuộc họp G-8 trở lại các nguyên tắc đầu tiên”.

Đức Thánh Cha nhắc đến mối quan tâm về những cuộc khủng hoảng quốc tế chắc chắn được đề cập đến trong khóa họp này và ngài viết: ”Khóa họp năm nay không thể không chú ý cứu xét tình hình ở Trung Đông và đặc biệt tại Siria. Về nước này, tôi cầu mong Hội nghị Thượng Đỉnh góp phần đạt tới một cuộc đình chiến tức khắc và lâu bền, và đưa tất cả các phe trong cuộc xung đột đến bàn hội nghị. Hòa bình đòi hỏi phải sáng suốt từ bỏ một số chủ trương đòi hỏi, để cùng nhau xây dựng một nền hòa bình công bằng và chính đáng hơn. Ngoài ra, hòa bình là một điều kiện không thể thiếu được để bảo vệ các phụ nữ, trẻ em và các nạn nhân vô tội khác, và để bắt đầu bài trừ nạn đói, nhất là nơi các nạn nhân chiến tranh”.

Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng các biện pháp dài hạn để đảm bảo khuôn khổ hợp pháp hướng dẫn mọi hoạt động kinh tế, cũng như những biện pháp cấp thời để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đều phải được hướng dẫn nhờ một nền luân lý đạo đức sự thật, bao hàm trước tiên sự tôn trọng chân lý về con người, con người không phải là một nhân tế kinh tế phụ thuộc hoặc là một món hàng có thể gạt bỏ, nhưng con người có một bản tính và phẩm giá không thể bị thu hẹp vào những toan tính kinh tế. Vì thế, sự quan tâm lo lắng cho thiện ích an sinh cơ bản về vật chất cũng như tinh thần của mỗi người là điểm khởi hành của mọi giải pháp chính trị và kinh tế, và con người cũng là mẫu mực tối hậu để đo lường hiệu năng và đặc tính luân lý của các biện pháp đó”.

Đức Thánh Cha nói đến ”mục đích của kinh tế và chính trị chính là để phục vụ cho con người, bắt đầu là những người nghèo khổ và yếu thế nhất, dù họ ở đâu đi nữa, cả trong lòng mẹ. Mỗi lý thuyết hoặc hoạt động kinh tế và chính trị phải nỗ lực cung cấp cho mỗi người dân của trái đất an sinh tối thiểu, giúp họ sống trong phẩm giá, trong tự do và có khả năng nuôi dưỡng một gia đình, giáo dục con cái, chúc tụng Thiên Chúa và phát huy các khả năng nhân bản. Đó là điều chính yếu. Nếu không có viễn tượng đó thì hoạt động kinh tế sẽ không có ý nghĩa. (SD 16-6-2013)
 
Căng thẳng giữa Giáo Hội và Venezuela chấm dứt với việc Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá trên trán tổng thống Nicolás Maduro
Đặng Tự Do
12:40 17/06/2013
Sáng thứ Hai 17 tháng 6, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến ngoại giao có thể được mô tả là khó khăn nhất kể từ khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng . Đức Thánh Cha Francis đã tiếp tân tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela, là quốc gia hiện đang trải qua những biến động xã hội và chính trị kể từ cái chết của Tổng thống Hugo Chavez.

Trong quá khứ, mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Venezuela đã rất căng thẳng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa cho không khí bớt căng thẳng và tổng thống Maduro tỏ ra khá thân thiện cho nên từ lời chào chính thức, không khí đã có vẻ thoải mái.

-Chào buổi sáng, thưa ngài tổng thống.

-Rất vui được gặp Đức Thánh Cha, con rất vui.

Trong cuộc họp kéo dài 20 phút, hai vị đã nói về tình hình ở Venezuela sau cái chết của Hugo Chávez. Các chủ đề như cuộc chiến chống tội phạm, buôn bán ma túy và nghèo đói cũng đã được đề cập. Đức Giáo Hoàng và tổng thống Maduro cũng thảo luận về vai trò của Giáo Hội Công Giáo và các tổ chức bác ái của Giáo Hội tại Venezuela.

Cả hai vị đã nói đùa để không khí thân thiện hơn.

Tổng thống nói:

-Đức Thánh Cha có vẻ gầy hơn là nhìn trong các hình ảnh.

-Ngài biết đấy, đó là truyền hình biến dạng ra ... Tôi không bao giờ trang điểm!

Ngay cả lúc Đức Giáo Hoàng chào đón đoàn tùy tùng của tổng thống Nicolás Maduro, ngài đã không để mất cơ hội để đưa ra những nhận xét hài hước.

Tổng thống giới thiệu:

- Đây là Đô đốc đầu tiên của hạm đội Venezuela.

-Trọng kính Đức Thánh Cha, thật là một vinh dự lớn. Con có thể hôn nhẫn của ngài không?

-Hãy cầu nguyện cho tôi.

- Dạ vâng.

Đức Thánh Cha nói:

-Cầu nguyện cho tôi, đừng chống lại tôi, OK?

- Không, con luôn ủng hộ Đức Thánh Cha!

Đức Giáo Hoàng đã nhận được bức ảnh Đức Mẹ Coromoto, bổn mạng của Venezuela, một tờ in đá của Simon Bolivar và một tác phẩm điêu khắc của José Gregorio Hernández, là một bác sĩ đã sống tại thủ đô Caracas của Venezuela mà quá trình phong chân phước hiện đang được tiến hành. Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đã tặng tổng thống Maduro một cây bút màu trắng khắc hình bảo tàng viện Vatican và một bản sao những kết luận đưa ra sau Thượng Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La Tinh tại Aparecida.

-Nhìn vào mục lục và đọc chương này tổng thống sẽ thấy rất thú vị vì giá trị của nó. Tôi đã ở trong ủy ban soạn thảo kết luận chung thẩm này. Đó là một tiếng kêu cứu từ châu Mỹ La tinh.

Vào cuối cuộc họp Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành cho Tổng thống Venezuela bằng cách ghi dấu thánh giá trên trán.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trước tình trạng bất ổn chính trị ở Venezuela, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một lời kêu gọi đặc biệt vào trưa Chúa Nhật 21 tháng Tư, sau khi ngài đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng chung với các tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha nói rằng Ngài lo lắng về tình trạng bất ổn, và kêu gọi các nhà lãnh đạo Venezuela hãy tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra ở Venezuela. Tôi lo ngại sâu sắc, cầu nguyện liên lỉ và hy vọng rằng họ sẽ tìm ra phương cách đúng đắn và hòa bình, để vượt qua các khó khăn nghiêm trọng mà đất nước đang trải qua. Tôi mời gọi người dân thân yêu của Venezuela, và đặc biệt là các nhà hoạch định thể chế và chính khách hãy từ chối mạnh mẽ bất cứ hình thức bạo lực nào, và thiết lập một cuộc đối thoại dựa trên sự thật, sự công nhận lẫn nhau, lợi ích chung và tình yêu đất nước".

Ngay sau lời tuyên bố của Đức Thánh Cha, cả Tổng thống đắc cử Nicolas Maduro, và nhà lãnh đạo đối lập, Henrique Capriles, đã cám ơn Đức Thánh Cha.

Tổng thống tân cử Maduro gửi tin nhắn của mình trên Twitter: @ NicolasMaduro: "Tôi đồng ý với Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi đang quan tâm về sự không khoan dung, hận thù và bạo lực vốn gây ra nhiều thương vọng. Cùng với Ngài, trọng kính Đức Thánh Cha, chúng ta cầu khẩn Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc và Thánh Phanxicô Assisi hãy bảo vệ người dân và ban hòa bình, cùng với lời chúc lành của Đức Thánh Cha. Xin cho đất nước sớm có hoà bình”.

Còn ông Henrique Capriles, nhà lãnh đạo phe đối lập, cho biết rằng ông chỉ công nhận cuộc bầu cử sau khi có cuộc kiểm phiếu lại. Ông cũng trả lời cho Đức Thánh Cha thông qua mạng xã hội. @ Hcapriles: "Xin triệu lần cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về việc Ngài lưu tâm đến Venezuela, và việc tìm kiếm các giải pháp dựa trên cơ sở sự thật".

Đức Hồng Y Jorge Urosa của Venezuela cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã cầu nguyện cho Venezuela, và nói rằng "Hội đồng Giám mục Venezuela muốn đóng một vai trò trung gian hòa giải để thúc đẩy đối thoại".

Các Giám mục Venezuela kêu gọi mọi người bình tĩnh, sau khi Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia công bố một cuộc kiểm toán về cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống mới đây.

Theo kết quả ban đầu, ông Nicolás Maduro, phó tổng thống của cố tổng thống Hugo Chávez đã đánh bại lãnh tụ đối lập Henrique Capriles Radonski với một tỉ lệ sít sao chỉ là 2%. Ông Maduro đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Các Giám mục Venezuela nói trong một tuyên bố là kết quả bầu cử cho thấy "sự phân cực chính trị rất rõ ràng, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Venezuela",

Các giám mục nói tiếp: "Nhân danh Chúa, chúng tôi khuyên các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội hãy loại trừ sự công kích, nói xấu lẫn nhau, và những thứ ngôn ngữ kích động, nhằm tránh cuộc chiến đường phố, thường dẫn đến các hành vi bạo lực và đôi khi dẫn đến cái chết nữa, để lắng nghe Lời Chúa đang mời gọi đối thoại và hòa giải".

Căng thẳng giữa Giáo Hội và nhà nước Venezuela đã xảy ra chủ yếu dưới thời Hugo Chavéz. Thật ra khi mới được bầu lên làm tổng thống, Chavez và Hội Ðồng Giám Mục có mối giao hảo tốt. Y luôn tuyên bố y là người Công Giáo, có chủ trương cải cách xã hội và chủ trương không phá thai. Tuy nhiên, mối giao hảo bị suy đồi dần khi các Ðức Giám Mục chống lại bản dự thảo hiến pháp dành quá nhiều quyền cho Chavez và đường lối đưa đất nước vào con đường chủ nghĩa xã hội.

Chavéz là một người rất đa nghi và luôn cho rằng các Đức Giám Mục Venezuela đang trù định một cuộc đảo chính. Y thường đáp lại các chỉ trích của các Đức Giám Mục Venezuela một cách rất không tương xứng và thiếu lễ độ.

Chẳng hạn như hôm 17/7/2005, tổng thống Hugo Chávez đã đùng đùng nổi giận sau khi nhật báo El Universal của Venezuela đăng bài phỏng vấn Đức Hồng Y Rosalio Castillo Lara. Y đã lên radio và truyền hình mắng chửi Đức Hồng Y Castillo Lara là "kẻ cướp" và "vô luân" và cho rằng Đức Hồng Y có "con quỷ bên trong". Thực ra, trong bài phỏng vấn, Đức Hồng Y chỉ đưa ra một nhận định đã được Hội Đồng Giám Mục Venezuela lên tiếng nhiều lần. Đức Hồng Y nói rằng xã hội Venezuela hiện nay đang trải qua một nền dân chủ "phù phiếm".

Đức Hồng Y Castillo Lara nói: "Tôi xác tín rằng đang có một chế độ độc tài ngự trị tại đây. Tôi đang đề cập đến tính chuyên chế và việc thực thi các quyền hành tùy tiện đã được thu tóm trong tay một cá nhân".

Bài phỏng vấn Đức Hồng Y Castillo đã được thực hiện sau bản tuyên bố chung của Hội Đồng Giám Mục Venezuela đưa ra hôm 16/7/2005, sau khóa họp thường niên. Trong bản tuyên bố này, các Đức Giám Mục Venezuela kêu gọi toàn dân đừng để cho hệ thống tư pháp nước này "áp đặt quyền hạn bất chính và sự trừng phạt đối với những người đối lập". Bản tuyên bố cũng cảnh cáo quốc hội đang thông qua những luật lệ mà không lý gì đến các kết quả điều tra dư luận. Bản tuyên bố có những lời lẽ mạnh mẽ như "Đang có những kẻ mưu toan giải quyết các dị biệt bằng cách đàn áp và bằng việc áp đặt quyền lực tùy tiện hay bằng các lực lượng vũ trang".

Trong cuộc phỏng vấn với báo El Tiempo hôm 31/7/2005, Đức Hồng Y mạnh mẽ tố cáo chế độ Hugo Chávez giam cầm trái phép hơn 100 chính trị gia đối lập và tra tấn một số người trong họ. Điều mỉa mai là Chávez luôn nhấn mạnh rằng chế độ của y là một chế độ dân chủ "gấp triệu lần dân chủ" ở các nước khác và ông ta được đông đảo dân chúng ủng hộ (Những người đã từng sống ở Việt Nam, Trung quốc, Cuba và các nước cộng sản khác có lẽ chẳng xa lạ gì với luận điệu này).
 
Phong chân phước cho anh Odoardo Focherini
Đặng Tự Do
13:15 17/06/2013
Anh Odoardo Focherini (1907-1944), một giáo dân người Ý đã cứu hơn 100 người Do Thái trong Thế chiến II, đã được phong chân phước vào ngày 16 tháng 6 tại thành phố Carpi ở phía bắc nước Ý.
Anh Focherini là người bán bảo hiểm, nhà báo, và là cha của bảy người con đã qua đời ở tuổi 37 trong một trại tập trung tại Hersbruck bên Đức.
Năm 1969, Yad Vashem, đài tưởng niệm Holocaust của Israel, đã tuyên bố Focherini là "Người Công Chính giữa các dân nước" vì những nỗ lực của anh nhằm cứu người Do Thái. Tháng 5 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã phê chuẩn việc công bố một sắc lệnh của Bộ Phong Thánh tuyên bố Focherini là một vị tử đạo.
Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng của Thánh Bộ, đã chủ sự Thánh Lễ phong chân phước ngoài trời.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Những tấm lòng vàng
Nguyễn Quý Đại
10:37 17/06/2013
NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG

Bill Gates là người giàu nhất thế giới, ông đã giành nhiều tỷ đô la cho quỹ từ thiện của mình, biến hạnh phúc riêng tư của mình trở thành niềm hạnh phúc to lớn với mọi người. Giúp thế giới thứ III nghèo đói, lạc hậu chưa được phát triển. Bill Gates ảnh hưởng cách làm việc từ thiện của Andrew Carnegie „Vua thép“ và John D. Rockefeller „Vua dầu“.

Năm 1994 Bill Gates bán một số cổ phiếu của Microsoft để tạo quỹ William H. Gates. Năm 2000, Gates và vợ sát nhập ba quỹ của gia đình thành một là quỷ Bill và Melinde Gates viết tắt „BMGF“ quỹ từ thiện hoạt động công khai lớn nhất thế giới hiện nay. Việc hoạt động từ thiện rất minh bạch cho phép các nhà hảo tâm biết được tiền họ quyên góp sẽ được sử dụng như thế nào?

Sự hào phóng và đóng góp lớn của David Rockfeller „Rockeffer-Stiftung“ cho công việc từ thiện được coi là nhân tố chính tác động đến Bill Gates, ông cùng cha mình đã gặp Rockefeller vài lần, và từ năm 2007 họ thực hiện công tác với ngân sách tới 28 tỷ $. Bill Gates có kế hoạch dành 95% tài sản của mình cho từ thiện dù có 3 con, con gái Jennifer Katharine (1996) và Phoebe Adele (2002) và con trai Rory John (1999). Quỹ đầu tư vào các công ty của ông có mục đích giúp đỡ các nước kém phát triển về y tế cũng như tạo công ăn việc làm giảm tỷ lệ đói nghèo và thúc đẩy hổ trợ ngành giáo dục bằng cách giúp những sinh viên, học sinh nghèo giỏi có ý tưởng sáng tạo được điều kiện tiếp tục học đến nơi đến chốn, phát triển các công nghệ năng lượng, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe con người. ..

Warren Buffett được tạp chí Forbes xếp vị trí giàu thứ hai thế giới sau Bill Gates. Ông còn là nhà từ thiện nổi danh hứa tặng 99% giá trị tài sản 53,5 tỷ USD của mình cho hoạt động từ thiện do Bill Gates sáng lập và tỷ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg có tài sản 17,5 tỷ USD, tháng 12 năm 2012 Mark Zuckerberg bán 18 triệu cổ phiếu của Facebook khoảng 500 triệu USD cho „Silicon Valley Community Foundation“. Số tiền nầy Zuckerberg cho ngành giáo dục và sức khoẻ (Bildung und Gesundheit) và hứa sẽ giành ít nhất một nửa tài sản của mình làm từ thiện với Bill Gates trong tương lai. Tổng giám đốc điều hành công ty máy tính Apple là Steven Job tài sản gần 8,3 tỷ USD nhưng ông không tham gia vào các quỹ từ thiện. Ngày 05.10.2011 sau cơn bạo bệnh vì ung thư, Steven Job 56 tuổi đời bỏ tất cả lại thế gian ra đi với hai bàn tay trắng!

Sau khi cưới 1994 vợ chồng Bill Gates bắt đầu làm từ thiện nhưng làm một cách dè dặt, có lần tặng Laptop cho các ngôi làng ở khu vực cận Sahara (Phi châu). Nhưng rồi hai người nhận ra rằng người dân lục địa đen cần thức ăn để no bụng và thuốc men để chống lại cái chết hơn là các loại máy hay Software …Ngoài công việc kinh doanh, họ còn bỏ thì giờ nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm vì ký sinh trùng, về hệ miễn dịch và cách phòng bệnh.. Bà Melinda nói:

"Khi cưới nhau, tôi và Bill định khi về già sẽ chia xẻ tiền bạc với người khác. Lần đầu tiên chúng tôi đến châu Phi là nhân một chuyến đi săn năm 1993. Chúng tôi không thể nào tận hưởng thiên nhiên hoang dã vì cảnh tượng mọi người đi chân đất, phụ nữ phải vừa bế con vừa xách nước đi hàng cây số… chúng tôi tìm đọc báo cáo về phát triển thế giới năm 1993 và không khỏi giật mình. Trẻ con đang chết hàng loạt chỉ vì căn bệnh tiêu chảy và những loại bệnh mà trẻ con ở nước chúng tôi đã được tiêm thuốc phòng ngừa. Chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm tìm hiểu sự thật và càng tìm hiểu, chúng tôi càng thấy không thể chờ vì bệnh tật không đợi chúng tôi. Tôi đi vòng quanh thế giới để xem điều gì đang xảy ra. Nỗi sợ hãi khi quay về quá khủng khiếp đến độ tôi không dám hy vọng. Nhưng rồi bạn thấy đó, kinh tế ở các nước phát triển và tự nó cải thiện mọi chuyện. Chúng ta có xem rẻ mạng sống của người Phi châu hơn mạng sống của chúng ta không? Bill và tôi cho rằng không có sinh linh nào mang giá trị hơn hay kém so với sinh linh khác. Chính sự công bằng này là lý do để quỹ từ thiện của chúng tôi hoạt động".

Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates (BMGF) bắt đầu hoạt động với quy mô nhỏ vào năm 1997, năm 2000 chính thức khai trương. Đến nay BMGF đã chi tổng cộng 28,8 tỉ USD. Hồi đầu năm, BMGF đã tặng cho Liên minh Gavi 750 triệu USD. một trong những món quà cá nhân lớn nhất lịch sử. Những lần tài trợ trước đó của vợ chồng Bill Gates giúp chủng ngừa viêm gan B cho 43 triệu trẻ em, giúp giảm 39% tỷ lệ trẻ em bị bệnh sởi... Ngoài ra BMGF còn chi mạnh cho các dự án khoa học nghiên cứu và thuốc men, trong đó phải kể đến chương trình trị giá 35 triệu USD để thử nghiệm thuốc chống sốt rét ở Zambia. Nhiều người ngạc nhiên vì ông bà Gates không dành phần lớn tài sản của mình để lại cho con cái. Hiện họ có 3 đứa con nhỏ, nhưng Melinda không tỏ ra lo lắng:

"Bất cứ lúc nào gia đình tôi nói tới chuyện tài sản, chúng tôi đều nói đến trách nhiệm phải trao tặng nó cho thế giới. Các con của chúng tôi đã có tài khoản riêng của chúng. Không phải lúc nào chúng muốn mua gì cũng được nấy mà phải đợi đến những dịp như sinh nhật mới được tặng hay đợi cho đến khi chúng tự để dành đủ tiền".

Con của Bill Gates sống đơn giản như mọi người, không dùng „hàng hiệu“ xe Mercedes, Ferrari, hột xoàn, Mobilphone nạm vàng cẩn hột xoàn, ngọc bích như các cô cậu „nhà giàu“ ở Việt Nam (hình trên của Jennifer Katharine Gates đăng trên các tạp chí ở Mỹ). Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates lên tới số tiền 28,8 tỷ USD cho nhiều dự án cứu tế, từ thiện, y tế và giáo dục được chia ra như sau:

- Sức khoẻ: 5,4 tỷ USD (gồm sức khoẻ toàn cầu, 2,3 tỷ USD nghiên cứu trị HIV/AIDS, bệnh lao và y tế sinh sản, 1,5 tỷ USD; các bệnh dễ lây 1,1 tỷ USD; phát triển công nghệ y tế 0,4 tỷ USD; nghiên cứu y tế 0,1 tỷ USD)

- Giáo dục: 2,4 tỷ USD

- Chương trình xây dựng thư viện toàn cầu: 0,3 tỷ USD

- Những dự án đặc biệt khác: 0,6 tỷ USD

- Các chương trình từ thiện ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương: 0,6 tỷ USD

- Quỹ Thiếu Niên Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc: 1,2 tỷ USD

- Quỹ hoạt động Tổ chức Liên Hiêp Quốc: 1 tỷ USD

- Quỹ Tổ chức Y Tế Thế Giới: 1 tỷ USD

Tấm lòng của vợ chồng Bill Gates

Đại công ty Microsolf của Bill Gates đã làm giàu và cải thiện đời sống của nhân loại. Thế giới trở nên tốt đẹp hơn nhờ thiên tài sáng tạo và nhìn xa trông rộng của Bill Gates. Năm 1987 Bill Gates 32 tuổi là tỷ phú trẻ tự thân lập nghiệp giàu nhất thế giới (TC Forbes 1987). Cũng theo tạp chí Forbes năm 2011, Bill Gates là một trong năm người quyền lực nhất trên thế giới.

Trong những năm qua Bill Gates nhận nhiều giải thưởng cũng như bằng tiến sĩ danh dự từ các đại học danh tiếng. Tạp chí Time ghi nhận Bill Gates là một trong những người sáng giá nhất của thế kỷ 20 qua những thành tích nổi bật trong kinh doanh phát triển về Solfware và công tác từ thiện bậc nhất thế giới. Sự giàu sang của ông nhờ vào khả năng trí tuệ, siêng năng làm việc, ông là con chiên của Chúa có tấm lòng bác ái luôn nghĩ đến người nghèo khổ, là tấm gương sáng vĩ đại cho đời ….Những người nghèo khổ không quên ơn những tấm lòng bác ái của vợ chồng Bill Gates, Warren Buffett, David Rockfeller, Mark Zuckerberg, Andrew Carnegie , Tổ chức Wellcome Trust…

Nhìn lại đời sống ở Việt Nam sau 1975 nhiều người giàu tiền „tỷ tỷ“ với danh xưng „đại gia“ xài tiền như nước, mua máy bay, chơi các loại xe sang nhất thế giới, đời sống xa hoa của bậc vua chúa. Trong lúc những người dân quê nghèo tính theo tiêu chuẩn một tháng dưới 400.000 đồng VN! Nhiều gia đình không đủ cơm ăn áo mặc, con cái không tiền đi học, bệnh không có tiền mua thuốc… . Trường hợp xảy ra rất đau lòng vì quá nghèo người mẹ phải tự treo cổ mà chết, mong có phúng điếu của mọi người giúp để con có tiền đi học!

Phần lớn thành phần giàu có ở Việt Nam nhờ cơ hội, bóc lột, tham nhũng, hối lộ thừa hưởng vinh thân phì gia, quay mặt làm ngơ với người nghèo khó. Nếu họ bỏ một buổi ăn sáng (phở thịt bò Kobe), một buổi tiệc linh đình làm từ thiện giúp trẻ em nghèo, thì thành phố Sài Gòn sẽ không còn nhiều trẻ em đi chân đất bán vé số, đánh giày …

Global Witness là một tổ chức phi chính phủ đấu tranh chống lại những vụ xung đột, tham nhũng cũng như vi phạm nhân quyền liên quan đến tài nguyên thiên nhiên. Tổ chức này cho rằng ông Đoàn Nguyên Đức là Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia dùng tiền liên kết với cán bộ CS Lào và Kampuchia mua đất phá rừng để lập đồn điền trồng cao su. Bài tường thuật trên nguyệt san Stern „nhiều gia đình nghèo bị cưỡng đoạt mua đất với giá rẻ như bèo, họ mất nhà mất đất phải đi làm nghề trồng cây cao su tiền lương không bằng một tô phở!..“

Tục ngữ có câu: „ở có đức mặc sức mà ăn“ Người sống thiếu nhân đức không sớm thì muộn phải nhận lảnh hậu qủa không lường! theo luật nhân qủa. Kinh doanh trên khổ đau của người khác như vậy thất đức cho con cháu, bài học khó quên thời Pháp thuộc Sài Gòn có những người giàu nổi tiếng truyền miệng trong dân gian: “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch“. (1) Trước năm 1975, tin đồn và cả báo chí đều loan truyền về những ông vua không ngai của những người Việt gốc Hoa trong Chợ Lớn. Vua phế liệu và tín dụng Lâm Huê Hồ, vua lúa gạo Mã Hĩ và bà Lại Kim Dung (nữ hoàng gạo), vua bột ngọt Vị Hương Tố, Trưởng bang Triều Châu là Trần Thành, vua dệt và sắt thép Lý Long Thân…nhưng tài sản của họ đâu tồn tại với thời gian và đã tan tành theo mây khói. Đời người như một cơn gió thoảng, như một thoáng mây bay.

Nguyễn Qúy Đại
 
Văn Hóa
Ngày hiền phụ: Ba mươi lăm năm ân tình
Nguyễn Kim Ngân
08:07 17/06/2013
BA MƯƠI LĂM NĂM ÂN TÌNH

Viết riêng tặng anh chị T. & T.
Cùng mến tặng quý thân hữu nào đã có trên ba mươi năm thành hôn

Anh Chị T & T. thân mến:

Nhận được thiệp hồng kỷ niệm 35 năm ngày thành hôn của anh chị, tôi không thể dấu được nụ cười vui và cái lắc đầu ưng ý, bởi vì tôi vừa đọc xong câu chuyện giả tưởng mà một người bạn gửi đến cho tôi. Đại khái thế này:

“Những ai đã sống hơn 30 năm với một vợ thì nên đọc.
Nếu ai chưa đủ thâm niên thì nên cố gắng "Yêu người mà sống" cho đủ nhé.!!!
Bài hát đám ma mà hoá ra vui: "Khi Chúa thương gọi (vơ/chồng) con về,
lòng con hân hoan như trong một giấc mơ."
Được Chúa gọi về, thì đó là tin vui chứ, sao lại là tin buồn?

Nằm trong quan tài, tôi suy nghĩ về ý nghĩa của kiếp nhân sinh.
Ban đêm trong nhà quàn đóng cửa, buồn heo hút, tôi đâm ra sợ. Sợ ma.!!!
Sau khi đi thăm một vài nơi ở thế giới của Dante, tôi được đưa ra trước tòa phán xét của Thượng Đế, để trả lời về tất cả những hành vi và ý nghĩ của tôi lúc còn sống.
Ôi “ngày thịnh nộ, ngày khủng khiếp” (Dies irae, dies illa).
Nếu linh hồn tôi có tội trọng, tôi sẽ phải xuống hỏa ngục, chịu lửa thiêu đốt đời đời.
Nếu linh hồn tôi sạch tội trọng và trong trắng như gương, tôi sẽ được lên Thiên Đàng.
Còn nếu linh hồn tôi, tuy không có tội trọng, nhưng không trong sáng như gương,
nghĩa là còn lợn cợn bụi trần, thì tôi sẽ đi đâu?
Tôi sẽ phải xuống luyện ngục một thời gian để lửa đốt con người tôi cho sạch hết những lợn cợn, rồi sau đó tôi mới được lên Thiên Đàng.
Thời gian ở luyện tội, có thể là 10 năm, 20 năm, 50 năm, hay hơn nữa, tùy trường hợp nặng nhẹ.
Mà tôi thì như các cụ đã biết, nhiều lợn cợn lắm, thể xác cũng như tâm hồn.
Có lẽ phải ở luyện ngục cả mấy trăm năm.

Tôi được đưa đến tòa phán xét. Chưa đầy năm phút, đã nghe có tiếng loa sang sảng:
“Ai có vợ, và đã sống với vợ từ 30 năm trở lên, hãy đứng sang bên phải.”
Tôi lễ mễ chạy theo tiếng loa, đứng sang bên phải. Đông lắm!
Người nào người nấy trông cũng thiểu não quá sức lẽ mình.
Chừng hai phút sau, bỗng nghe có tiếng vọng từ trời cao, thánh thót:
“Các con yêu mến, lúc còn sống, các con có vợ và đã ở với vợ được trên 30 năm,
như thế các con được coi như đã ở luyện ngục cả mấy trăm năm rồi,
các con đã được sạch mọi tội lỗi và đáng được lên Thiên Đàng ngay lập tức
để hưởng Thiên Nhan Chúa”.
Mọi người đều hoan hô vang trời: AMEN, ALLELUIA!” (hết chuyện)


Anh T. ơi!

Theo tiêu chuẩn 30 năm lấy vợ mà tác giả câu chuyện vừa sáng chế, thì nếu anh được Chúa gọi về ngay lúc này, anh sẽ chắc mẩm là được lên thiên đàng thẳng rẵng, bởi vì anh dư tới năm năm cơ mà! Chúc mừng anh có một hậu vận hết sức huy hoàng. (Viết tới đây thì tôi được tin ông Tổng Thống Putin của nước Nga cũng vừa ly dị vợ sau đúng…ba mươi năm thành hôn. Tôi tự hỏi không biết có phải ông ta có nhận và đọc được cùng email như của tôi trước khi đi đến quyết định “sáng suốt” này chăng? Hay đây chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên?)

Tác giả câu chuyện cho biết là những ông chồng đứng phía bên phải rất đông. Điều đó có thể đúng cho thế hệ cha ông mình, chứ trong thế hệ chúng mình hôm nay, và nhất là đến thời con cháu sau này, chắc không còn đúng nữa. Lý do là người ta đang có xu hướng coi thường lòng chung thủy của vợ chồng và ngạo mạn sự trung thành của đôi lứa; việc sống với nhau đến thuở răng long đầu bạc ngày càng trở nên qúy hiếm. Trái lại, hơi một tí là người ta kiếm chuyện ly dị, người rẫy vợ, kẻ bỏ chồng. Chưa có con cái gì thì chia tay đã đành, thế nhưng, dù đã có với nhau vài ba mặt con rồi (đứa nào đứa ấy giống bố như đúc, không cần làm DNA gì sốt) mà cũng bỏ tuốt luốt, như chẳng có gì để tiếc, chẳng có gì để nhớ, để thương. Theo thống kê đã có từ cả chục năm nay, thì cứ hai cặp cưới nhau thì một cặp rã đám! Cứ đà này, số người đi vào luyện ngục càng ngày càng đông, còn đám người đứng bên phải ngày càng ít đi! Và phải chăng vì hôn nhân (truyền thống) cứ rã đám hoài hoài nên cái gọi là “hôn nhân đồng tính” càng ngày càng lấn sân, càng chơi ‘trên chân’ hơn?

Chưa bao giờ như hôm nay, hôn nhân và gia đình đang bị công phá tứ bề bởi một lực lượng ý hệ hùng hậu, có tổ chức lớp lang và hệ thống đàng hoàng.

Có nhiều bản văn nhạo báng đời sống hôn nhân đã đi vào lịch sử, tỉ như câu sau đây (không thấy ghi tên tác giả): “Hôn nhân chính là một cuộc chiến tranh duy nhất trong đó bạn phải ngủ với quân thù.” “Nhà tôi nghèo lại đông anh em, thành ra mãi tới khi lấy vợ, thì tôi mới có dịp ngủ…một mình.” Đó là kinh nghiệm “sinh tử” được nhà văn Mỹ Lewis Grizzard tiết lộ về cuộc hôn nhân của mình. Triết gia Herbert Spencer lại chơi chữ thế này: “Hôn nhân—marriage--lẽ ra phải đọc là ảo ảnh—mirage--mới chính xác.” Diễn viên hài lừng danh, Bill Cosby, diễu cợt: “Vatican đúng là đã quên không thừa nhận một phép lạ: đó là việc hai người kết hôn sống đời ở kiếp với nhau.”

Hôn nhân và tình yêu thường đi sánh đôi, thế mà hai thứ đó đã trở thành đối nghịch trong tư tưởng của nhiều người. Chẳng hạn như Oscar Wilde, văn thi sĩ lừng danh của xứ Ái Nhĩ Lan, đã thẳng thừng: “Bạn phải luôn luôn sống trong tình yêu. Đó chính là lý do bạn chớ bao giờ nên kết hôn cả.” Còn đại văn hào George Bernard Shaw lại huỵch toẹt rằng: “ Nếu hai kẻ đang yêu nhau mà lại nghĩ đến chuyện kết hôn thì không còn gì thiếu khôn ngoan hơn.” Dường như các bậc vĩ nhân này đều giống nhau ở một điểm: thất bại nặng trong cuộc sống hôn nhân. Nếu không thì tại sao lại có những câu xanh rờn như thế? Zsa Zsa Gabor, nữ tài tử thượng thặng Mỹ, gốc Hungari, nổi danh vì có tới 9 đời chồng (qua mặt cả nữ tài tử lừng danh Liz Taylor), đã lên tiếng thế này về giới mày râu: “Một người đàn ông đang yêu sẽ vẫn còn là chưa hoàn hảo mãi cho tới khi đi lập gia đình. Nhưng ngay sau đó thì đời chàng coi như đi đứt luôn.” Văn hào Mỹ, Mark Twain, đã cảnh giác thế này: “Quý vị tưởng tình yêu lớn lên nhanh vào bậc nhất ư? Không phải đâu, tình yêu lớn lên chậm rì như rùa bò. Chẳng ai, dù nam hay nữ, thực sự hiểu được tình yêu hoàn hảo là thế nào, mãi cho tới khi đã ở trong đời sống hôn nhân cả một phần tư thế kỷ.” (Không biết trải qua ba mươi lăm năm chung sống, anh chị T & T đã hiểu rõ thế nào là tình yêu chưa?) Thế nhưng, một câu nói của khoa học gia người Đức, Georg Lichtenberg, xem ra khá lạc lõng, thế mà lại như ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa có thể chỉ thời gian mới giúp giải nghiệm hết được: “Tình yêu thường hay mù lòa, chính hôn nhân mới đem lại cho nó thị lực cần thiết.” Câu này nghe hao hao như lời răn đe của các bậc làm cha làm mẹ: “Cứ chờ xem, mày mà lấy nó thì sẽ sáng mắt ra cho mà coi!”

Nữ tiểu thuyết gia Anh Quốc Marie Corelli không chấp nhận hôn nhân, bởi vì theo bà, nhân vật gọi là “ông chồng” chẳng được cái tích sự gì: “Tôi sẽ chẳng bao giờ lấy chồng bởi vì thấy không cần thiết tí nào cả. Này nhé: tôi có nuôi ba con vật cưng ở trong nhà, chúng làm đúng việc của một ông chồng. Con chó thì sáng nào cũng gầm gừ; con vẹt thì chửi thề suốt buổi chiều; còn con mèo thì đêm nào cũng về trễ.” Đó có thể là một trong các lý do đưa đến hôn nhân đổ vỡ và khai mở những cuộc ly dị, khiến cho giới trẻ hôm nay đâm ra sợ kết hôn, chỉ muốn sống chung, sống thử, không cưới hỏi gì cả, thích thì ráp vô, buồn thì chia tay, nhất là không cần phải ly dị làm chi cho tốn kém! Luận điệu này nghe rất quen tai, y hệt như câu ca dao thời đại: “muốn không thi rớt thì đừng đi thi.” Một số người khác, sau khi trải qua một cuộc hôn nhâu đầy ác mộng, lại bắt đầu thêu dệt ra một cõi miền lý tưởng, trong đó hai kẻ yêu nhau thề nguyền sống “hãy cứ là tình nhân” mãi mãi, chớ có bao giờ làm vợ, làm chồng. Cõi thiên đường hạnh phúc của tình nhân được khai sinh như thê, đẹp như một đóa dạ quỳnh. Tuyệt vời, nhưng không biết có phải là ảo mộng chăng?

Nhưng thôi, tạm gác qua những mỉa mai dành cho hôn nhân để chuyển sang thực tế cuộc đời xem sao. Dẫu gì thì anh em mình cũng đã làm và sống đúng theo lời Thánh Kinh. Trong sáu ngày liên tiếp, Thiên Chúa đã tạo dựng mọi loài: ngày và đêm, trời đất và biển cả, mặt trời mặt trăng và các tinh tú, chim trời và cá biển cùng muông thú đồng hoang. Sau mỗi cuộc tạo dựng, nhìn vào các tạo vật vừa được tác thành, “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” Rồi khi đã tạo dựng con người để cho làm bá chủ muôn loài, “Thiên Chúa mới thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rầt tốt đẹp” (STK 1:31). Nhưng nếu đọc chương kế tiếp ta sẽ thấy lần đầu tiên Thánh Kinh nói đến một điều “không tốt,” đó là “Con người/đàn ông ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (2:18)… Và “Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (2:22). “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (2:24). Xem ra cái bản năng “đòi vợ” của đàn ông mạnh lắm, đến độ nhà văn Mark Twain đã phải thốt lên rằng: “Thế là sau biết bao nhiêu năm trời tôi mới nhận ra mình đã hiểu lầm bà Evà ngay từ thuở ban đầu; thà sống ở ngoài địa đàng mà có nàng thì vẫn còn hơn là sống trong địa đàng mà thiếu vắng nàng.” Quả vậy, hạnh phúc lứa đôi là điều ai ai cũng hằng mơ ước và tìm kiếm, thế nhưng đâu là bí quyết, đó mới là vấn đề.

“Điều quan trọng khiến hôn nhân hạnh phúc không phải là cách thức mình sống hòa hợp với người phối ngẫu, mà là phong cách mình ứng xử thế nào khi đối diện với những điều bất tương hợp giữa hai người.” Câu nói chí lý này của đại văn hào Nga, Leo Tolstoy, khiến tôi kết luận rằng hạnh phúc hôn nhân hệ ở việc chấp nhận người phối ngẫu như chính họ, với cá tính riêng, sở thích riêng, quan niệm riêng, khác biệt và có khi trái ngược với chính mình, nhưng bí quyết hạnh phúc nằm ở chỗ làm sao đó để hai người phối ngẫu khác biệt kia biết cách bước đi hòa điệu du dương với nhau như thể đang dìu nhau đi trong một nhịp khiêu vũ tuyệt vời. Sẽ có những va chạm, dẵm chân, tréo cẳng, có khi còn té ngã đến sõng soài, ê chề và thê thảm. Đây là giờ khắc của chán chường, thoái lui và tuyệt vọng dẫn đến đầu hàng và bỏ cuộc. Nhưng ai có ngờ đâu, hạnh phúc chỉ đến đàng sau những sai nhịp, lỡ bước như thế, bởi vì qua những lần lỗi nhịp, sai bước, phải vất vả tập đi tập lại, mới dần dà nhận ra yếu điểm của nhau, hai vũ công mới đạt được mục tiêu: nhịp nhàng trong một điệu luân vũ. Về điểm này, người đẹp Angelina Jolie đã thốt lên một câu nói thật là dễ thương: “Đôi khi tôi nghĩ chồng tôi quá sức tuyệt vời đến độ tôi không thể hiểu tại sao chàng lại lấy tôi. Tôi không biết mình có đủ các đức tính hoàn hảo chăng. Thế nhưng, nếu tôi làm cho chàng hạnh phúc được, thì đó là tất cả những gì tôi hằng mơ ước.” Có một cái gì đó rất rõ ràng xuất hiện ở nơi đây: mỗi người, theo cách thế riêng mình, lúc nào cũng sẵn sàng quên mình để nghĩ tới người kia, hiến thân hy sinh vì hạnh phúc của người kia. Groucho Marx, nhà hài hước Mỹ, thì khuyên các ông chồng nếu muốn giữ hạnh phúc hôn nhân thì nên khóa kín cái lỗ miệng lại, nhưng phải mở toang sổ trương mục (checkbook) ra.” Đại văn hào Pháp Michel de Mongtaigne cũng nói một câu tương tự, nhưng có vẻ tượng hình hơn: “Hôn nhân tốt chỉ có được khi người vợ bị mù lòa còn người chồng thì câm điếc.” Rút cuộc, hạnh phúc hôn nhân không phải là chuyện “bất chiến tự nhiên thành,” mà là nỗ lực của cả hai vợ chồng, tự hiến cho nhau, chứ không bao giờ người này khoán trắng mọi việc cho người kia. Có đi có lại mới toại lòng nhau chứ!

Anh T.:

Nhân kỷ niệm ngày thành hôn của anh, tôi xin gửi đến anh mấy câu nói của một vài nhân vật thời danh may ra có thể làm anh suy nghĩ và cười mỉm.

Liệu anh có thể quả quyết thế này như Winston Churchchill không: “Công trình lớn nhất của đời tôi chính là việc thuyết phục được nhà tôi lấy tôi.”

Tôi cũng nghĩ rằng, đến giờ này cuộc sống đã đủ lầm than để ban tặng cho anh những nỗi đau “cần thiết” cũng như dậy cho anh biết cách “chiều vợ,” không nhất thiết phải như mẫu đàn ông mà văn sĩ kiêm tài tử Mỹ Rita Rudner đã vẽ ra: “Theo thiển ý, quý vị đàn ông nào biết xỏ lỗ tai để đeo bông thì có nhiều triển vọng lấy vợ hơn so với các vị khác, bởi vì họ đã có kinh nghiệm về cái đau khi xỏ lỗ tai, và đồng thời cũng biết cách mua sắm nữ trang cho…vợ.”

Riêng tôi, tôi lại thích cái hóm hỉnh của nữ tài tử Mỹ Lana Turner khi ghi nhận kiểu mẫu những cặp vợ chồng được goị là “thành công,” thoang thoáng phảng phất hình ảnh của anh và chị: “Người đàn ông thành công là người kiếm được nhiều tiền cho vợ tiêu xài thỏa sức cũng không hết. Còn người phụ nữ thành công là người kiếm ra được chính người đàn ông đó.”

Tự thâm tâm, chắc anh cũng như tôi, chúng mình đều mong ước được nghe từ miệng bà xã những lời tương tự mà bà Elsa Einstein đã nói về chồng mình, nhà bác học Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối: “Tôi chẳng hiểu ất giáp gì về thuyết tương đối của chồng tôi cả, nhưng có một điều tôi biết rất rõ: ông ta là một người rất đáng tin cậy.”
Phần chị T., tôi xin gửi chị những lời nghe ra thì có vẻ hơi châm chọc của một vài “đức ông chồng” đã âu yếm ban tặng cho quý bà, nhưng chắc chắn các đương sự đã ngấm ngầm tâm đắc và chân nhận trước khi thốt ra ngoài cửa miệng:

“Một trong những chân lý căn bản của hôn nhân ta phải xác tín: bà vợ phải nắm quyền!” Bill Cosby đã quả quyết như thế! Còn đạo diễn Woody Allen lại tiết lộ: “Ở nhà, tôi là ông chủ, nhưng mọi quyết định đều phát xuất từ bà chủ.” Nhà văn Honore de Balzac của Pháp khẳng định là: “Nơi một người chồng chỉ thấy có một gã đàn ông; nhưng nơi một người vợ, thấy có cả một người đàn ông, một người cha, một người mẹ và một người phụ nữ.” Thế mới biết tại sao Việt Nam ta thường hay gọi các bà là nội tướng!

Nhìn hình ảnh anh chị sánh đôi bước lên cung thánh trong ngày đám cưới cách đây ba mươi lăm năm, tôi nghĩ đến câu nói của Thomas Mullen, một văn sĩ Mỹ: “Hôn nhân hạnh phúc khởi sự khi ta cưới được người ta yêu, và hạnh phúc hôn nhân nở hoa khi ta cứ mãi thương yêu người ta đã cưới.”

Nhưng điều đáng nói ở đây, đó là khi cùng nhau bước vào giáo đường, anh chị đã hiến thánh tình yêu của mình trong giao ước hôn phối mà Thiên Chúa đã nâng lên hàng bí tích, một thực tại tuôn tràn ân sủng và thánh hóa đời sống lứa đôi. Lời giảng của linh mục nọ trong một lễ cưới tôi cho là xác đáng: “Tình yêu đã đưa các con đến để cử hành hôn lễ hôm nay, nhưng chính bí tích hôn phối mới thực sự giúp các con duy trì và phát triển tình yêu ấy.”

Nhìn hình ảnh gia đình anh chị và các cháu hạnh phúc, tôi nhớ đến câu nói của Giovanni Florio, nhà ngôn ngữ học Ý: “Chồng tốt sẽ tạo ra vợ hiền.” Trong khi đó, họa sĩ kiêm điêu khắc gia thời danh Michelangelo đã nói về gia đình ông như sau: “Tôi đã có một người vợ, với tôi, thế là đã quá đủ; nàng chính là nghệ thuật của tôi, còn nghệ phẩm chính là các con tôi đây.”

Dù khá nhiều câu danh ngôn đã được trưng dẫn, nhưng thật là thiếu sót nếu tôi kết thúc bài này mà không viện dẫn hai câu nói của Mẹ Têrêsa, mà chỉ đọc lên thôi, ta cũng có thể cảm nhận được tấm lòng từ ái bao dung của Mẹ. Câu thứ nhất: “Hãy mỉm cười với nhau, cười với vợ, cười với chồng, cười với con cái, cười với nhau--bất kỳ là ai—chính nhờ thế các con mới giúp nhau lớn lên trong tình yêu thương mỗi ngày một nồng nàn hơn.” Câu thứ hai: “Hãy gieo mầm yêu thương ở mọi nơi con sẽ đi qua: trước hết, trong mái gia đình. Hãy yêu thương con cái, yêu vợ, yêu chồng; hãy trao tặng tình yêu cho người hàng xóm. Đừng để ai đến với con mà khi ra về lại không cảm thấy tươi vui hơn, tốt lành hơn. Hãy trở nên chứng tá sống của lòng Chúa xót thương, tỏa sáng trên gương mặt, rạng rỡ trong khóe mắt, hiền hòa trong nụ cười, và ân cần trong cử chỉ chào đón thân thương.”

Nói đi nói lại rốt cuộc cũng vẫn vòng về hai chữ “tình yêu” mà Thánh Phaolô gọi là đức mến và đã không tiếc lời ngợị ca: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1 Cor. 13:4-7). Cầu mong đức mến này tiếp tục luân lưu dồi dào trong đời sống anh chị để làm dịp cho hạnh phúc tưng bừng nở hoa.

Xin chúc mừng anh chị và gia quyến trong một ngày vui rất đáng ghi nhớ!

06/16/13
Ngày Hiền Phụ

NGUYỄN KIM NGÂN
 
Anh hùng Đức Tin Việt Nam
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
21:00 17/06/2013
Anh hùng Đức Tin Việt Nam

Tôi đứng đây, giữa lòng kinh thành xưa Huế
Lăng Tự Đức, nơi một thời thiết triều bá quan văn võ
Nơi đầu não của một thời cấm đạo dữ dội nhất
Từ nơi này bao nhiêu lửa, máu và nước mắt quyện vào nhau:
“Phá bình địa các làng Kitô giáo, tịch thu tài sản,
khắc trên má tên làng và chữ Giatô tả đạo,
phân tán các tín đồ, giao cho lương dân cứ năm người canh một.
Những tên Tây dương đạo trưởng phải chịu hình phạt bị dìm xuống đáy biển, đáy sông …
Đạo trưởng người trong nước phải lấy chân tay dày đạp thập tự nếu không thì bị chém ngang thân...”
Qua những cuộc cấm đạo đẫm máu suốt ba thế kỷ
Với 53 sắc chỉ cấm đạo của triều đình.
Hàng chục ngàn họ đạo đã bị triệt hạ thành hoang tàn như phế tích nơi đây.

Không chỉ là 117 vị hiển thánh, mà có cả hàng trăm ngàn tín hữu đã anh dũng Tử Đạo,
Hàng trăm ngàn nhân chứng của đức tin,
Theo gương Chúa Giêsu trên thập giá.
Các vị Tử Đạo Việt Nam đã bị cấm cách, bức bách, bắt bớ, tù đày, lăng mạ, lăng nhục
Và cuối cùng chấp nhận chết cuộc sống mình,
Chết thân xác mình, bằng trăm ngàn cực hình dã man, đau đớn.
Để tuyên chứng tình yêu chân thành
Vừa dâng lên Thiên Chúa là Cha,
Vừa đổ xuống thấm nhuần đồng lúa truyền giáo Việt Nam
Và trổ sinh muôn hạt vàng tín hữu.

Xin tạ ơn Thiên Chúa
Là Cha giàu lòng từ bi thương xót vô biên
Đã ban cho dân Chúa Việt Nam
Những chứng nhân đức tin hy sinh đổ máu đào
Góp phần vun tưới cho cánh đồng Giáo Hội Việt Nam thêm màu mỡ
Cho những hạt mầm các ơn Chúa ban:
Ơn làm con Chúa, làm anh em của mọi người,
Ơn làm linh mục, ơn sống đời thánh hiến, ơn sống đời hôn nhân,
Đâm chồi nẩy lộc, kết sinh hoa thơm trái lành
Vì sự sống và sự phát triển của gia đình và xã hội.

Xin Chúa Thánh Thần mở rộng lòng tin, cậy, mến của chúng con vào Thiên Chúa,
Vào Thánh giá vô địch của Chúa Kitô,
Để đón nhận lòng Chúa thương xót vô biên,
Ban ơn giúp sức cho mỗi chúng con sống lòng từ ái, bao dung, nhân hậu.
Thắp sáng lửa tin yêu trong gia đình,
Trong xã hội thời kinh tế thị trường
Cùng khuynh hướng cá nhân hưởng thụ duy vật chất.
Để chúng con thành những chứng nhân đức tin đầy lòng Chúa thương xót
Trong Giáo Hội và xã hội hôm nay.

Jos. Hoàng Mạnh Hùng (Gx. Trung Mỹ Tây)
(Kỷ niệm 25 năm ngày tuyên phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 19.6.1988)



 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hà Nội Phố Cổ
Dominic Đức Nguyễn
21:19 17/06/2013
HÀ NỘI PHỐ CỔ
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Lật tung Hà nội lên rồi
Cũng không tìm thấy một người Thăng Long.
(Trích thơ của Nguyễn Đức Liêm)