Ngày 17-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vượt Qua Nỗi Sợ
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
04:47 17/06/2020

Chúa Nhật XII A

Một trong những điều rất thông thường thuộc bản năng của con người là biết sợ hãi. Bản năng biết sợ hãi là do Thiên Chúa đặt để ngay trong bản tính con người, nhờ đó con người và cả loài vật nữa mới biết tự vệ và tránh được những khó khăn, bất lợi, tai nạn, đau khổ, chết chóc có thể xảy đến với mình. Tuy nhiên, người có bản lãnh, có trí tuệ, mặc dù biết sợ, nhưng luôn luôn làm chủ được bản năng biết sợ của mình để can đảm chấp nhận những tệ hại nhỏ hơn trước mắt hầu tránh được những tệ hại lớn hơn; hoặc can đảm chấp nhận những tệ hại cho cá nhân mình hầu tránh những tệ hại lớn hơn cho tập thể hay xã hội. Một khi đã nhận thức và chấp nhận điều tệ hại nhỏ hơn, thì ta không còn sợ hãi nó nữa (NCK).

Sống ở trên đời, ai mà không một đôi lần… sợ? Bé thì sợ ma, lớn lên một tí ngoài sợ ma, còn sợ nhiều thứ khác như sợ chuột, sợ gián, sợ thạch sùng, sợ rắn và cả… sợ roi vọt nữa! Trở thành người lớn, hầu như đã bớt sợ mấy thứ đó, nhưng lại có cái sợ khác, như sợ “sếp”, sợ mất việc, sợ không được lên lương…

Cái sợ của trẻ con chủ yếu là sợ vu vơ, lặt vặt, do không hiểu mà sợ như sợ ma, do chưa thấy bao giờ hoặc ít thấy, hoặc thấy hình dạng nó kì quái, bẩn thỉu quá mà sợ như sợ gián, sợ chuột, sợ thạch sùng, do đau thể xác mà sợ như sợ rắn, sợ rết, sợ đòn roi của người lớn!.. Còn cái sợ của người lớn thì khác. Đó là cái sợ thấy được, trực tiếp và cụ thể; sợ cả về thể xác lẫn tinh thần, trong đó cái sợ tinh thần chiếm tỉ lệ rất cao. Có cái sợ tránh được, như không bao giờ làm việc xấu, không vướng vào những vụ vi phạm pháp luật, .. thì chẳng việc gì phải sợ. Nhưng có cái sợ không tránh được, như bị cướp, bị bắt cóc, bị khủng bố, bị tống tiền, bị doạ cho thôi việc, bị thuyên chuyển công tác, bị sếp ghét bỏ, … Không may gặp những chuyện như thế mà không sợ, thì ai đó phải có thần kinh …thép! Làm điều sai trái, sợ pháp luật, là cái sợ bình thường. Ra đường sợ kẻ cắp, là cái sợ tuy không bình thường nhưng còn chấp nhận được. Chứ “ra đường sợ công an”, “lên phường sợ… thủ tục” thì đó lại là cái sợ hoàn toàn không bình thường chút nào. Cánh đàn ông lại có kiểu sợ đặc thù này: Sợ vợ! Đến vua chúa oai phong vậy mà còn sợ hoàng hậu, huống nữa là dân thường! Sợ có nhiều cách biểu hiện lắm: sợ run cầm cập, sợ hết hồn hết vía, sợ tái xanh tái xám, sợ lạnh cả xương sống, sợ dựng tóc gáy, sợ toát mồ hôi, sợ rụt vòi, sợ vãi linh hồn, sợ bóng sợ vía... và có cả loại “điếc không sợ súng”. Nỗi sợ cứ quấn lấy đời người. Nỗi sợ làm người ta mất vui, mất bình an và tự do. Thế mà Lê Quý Đôn lại khuyên nhủ: “Phải biết sợ mới nên người”.

Trang tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu khuyên các môn đệ “đừng sợ”. Ðừng sợ người đời, cứ mạnh dạn nói Lời Chúa. Ðừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác thôi.Ðừng sợ vì chúng ta có giá trị trước mặt Chúa.

Sợ sệt có thể làm con người chùn bước trước muôn vàn nghịch cảnh đang giăng mắc và xảy ra trong đời sống thường ngày. Chính vì thế, Chúa luôn cảnh tỉnh các tông đồ hãy tỉnh thức, đừng sợ, sao nhát đảm đến thế! Chúa có đó và luôn can thiệp kịp thời những biến cố xảy ra trong lịch sử cứu độ, trong đời sống riêng tư của con người. Khi Chúa ngủ ở đầu mạn thuyền, sóng to, gió lớn trổi dậy, các môn đệ cuống cuồng, lo âu sợ sệt. Chúa nói:" Sao các con nhát đảm thế", và Chúa khiến gió bão im lặng.

Biết bao vị Thánh Tử Đạo đã không sợ roi đòn gông cùm tù tội và ngay đến cả cái chết. Thánh nữ Anê Lê Thị Thành bị bắt chính vì bà đã cho các thừa sai trú ẩn nơi nhà mình. Bà đã hành xử giống như nhóm phụ nữ cùng với Nhóm Mười Hai và đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu cùng các môn đệ (Lc 8, 1-3). Tại Nam Định, quan tòa bắt bà Anê Thành chối đạo, bà đáp: “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời”. Các quan truyền đánh đòn bà, lúc đầu bằng roi, sau bằng thanh củi lớn quật vào chân bà. Dịp chồng bà đến thăm, bà đã giải thích lý do tại sao bà chịu đựng nổi cơn đánh đập hung bạo đó: “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn”. Dã man nhất là màn thả rắn độc vào trong áo bà Thành đang mặc. Họ đã túm lấy tay áo bà, có ý để rắn bị bức xúc sẽ cắn vào người bà. Nhưng bà Thành bình tĩnh lạ thường, không nhúc nhích, nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Con út của bà Thành là Lucia Nụ tới thăm mẹ và thấy y phục mẹ đầy vết máu nên khóc nức nở. Bà Thành an ủi con: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc? ”. Bà còn nói với con gái: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên Đàng”. Trong thời gian ngồi tù, bà Thành không những chịu cực hình tra tấn, chịu đói, chịu khát, mà còn chịu khổ vì bệnh kiết lị hành hạ. Nhưng bà được an ủi nhiều vì có hai nữ tu cùng bị giam, săn sóc và giúp đỡ bà. Các linh mục cũng gởi thuốc, đến thăm và ban bí tích hòa giải, xức dầu. Cuối cùng bà đã phó linh hồn trong tay Chúa theo gương Thầy Chí Thánh ngày 12 tháng 7 năm 1841, sau ba tháng bị giam, hưởng thọ 60 tuổi, và được Thánh Gioan Phaolô II phong hiển thánh năm 1998.

Có ai làm người mà không một lần sợ hãi. Ðức Giêsu khuyên các môn đệ đừng xao xuyến (Ga 14, 1) nhưng chính Ngài cũng xao xuyến trước cuộc khổ nạn. Tin Mừng Gioan hai lần nhắc đến điều đó (Ga 12, 27; 13, 21). Ðức Giêsu xao xuyến đến tột cùng trong Vườn Dầu: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được" (Mt 26, 37-38), và có lẽ Ngài cũng bị xao xuyến trên thập giá: "Lạy Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi? " (Mt 27, 46). Sợ hãi, xao xuyến không phải là một tội. Kitô hữu không phải là người không biết sợ, hay không dám khiêm tốn thú nhận là mình sợ. Nhưng họ là người không để nỗi sợ chi phối đời mình, không vì sợ mà không dám sống cho chân lý.Ðức Giêsu nói tiếng Xin Vâng ngay trong lúc sợ hãi và đã uống cạn chén đắng Cha trao.

Con người hôm nay an toàn nhờ đủ thứ bảo hiểm, nhưng bảo hiểm cũng bắt nguồn từ nỗi sợ cái bất trắc. Mỗi người chúng ta đều có nỗi sợ riêng. Cần đối diện và vượt qua bằng lòng tín thác, để rồi được an tĩnh và tự do. Chỉ thắng được nỗi sợ nhờ niềm tin vào Thiên Chúa. Ngài là Cha chúng ta, chăm lo đến từng sợi tóc cho ta, và chúng ta có giá trị lớn lao trước mặt Ngài. Chỉ thắng được nỗi sợ nhờ tin vào đời sau. Cái chết thân xác không là dấu chấm hết của đời người. Cuối cùng, chỉ thắng được nỗi sợ nhờ tin vào Ðức Giêsu, Ðấng không bị sợ hãi nuốt chửng và đã đi tới cùng.Ðấng phục sinh vẫn mời gọi chúng ta hôm nay: "Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16, 33).

Tình yêu giải phóng con người khỏi sợ hãi. Thánh Gioan viết: “Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4, 18). Tình yêu giúp chúng ta vượt thắng sợ hãi, để không còn sợ hãi nữa. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân có thắng vượt được sợ hãi mới chứng tỏ là tình yêu chân thực. Thắng vượt được nỗi sợ càng lớn bao nhiêu thì tình yêu của chúng ta càng chứng tỏ được là lớn lao bấy nhiêu. Tình yêu càng tăng thì sợ hãi càng giảm.

Chính nhờ tình yêu và lòng nhiệt thành với Thiên Chúa và tha nhân mà biết bao người dám chấp nhận tất cả cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa luôn quan phòng và chở che. Chúa Giêsu nói: loài chim sẻ chẳng đáng giá bao nhiêu thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Thiên Chúa, huống chi chúng ta là những con người quý giá hơn chim sẻ vô cùng. Con người quý giá trước mặt Thiên Chúa đến nỗi Ngài đã hy sinh Con của Ngài để chúng ta “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16); và “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi” (Rm 5, 8; x. 1Cr 15, 3). Vì thế, không có gì xảy ra cho chúng ta mà không do ý muốn yêu thương của Ngài. Do đó, ta đừng sợ khi tình yêu đòi hỏi ta phải dấn thân, khi lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy ta phải mạnh dạn rao giảng, khi tình yêu đối với người nghèo khổ thúc giục ta phải tranh đấu, lên tiếng cho công lý, chống lại áp bức bất công.

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119; 105). Có Lời Chúa dẫn đường, chúng ta không thể sa hầm sập bẫy trần gian. Lời Chúa không lừa dối, nhưng xua tan mọi ảo tưởng và phơi bày mọi sự thực trần gian. Hơn nữa, có điểm dựa nào vững chắc bằng Tin Mừng? Chính Chúa quả quyết: “Ai nghe những lời Thày nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7, 24). Ðược Lời Chúa làm nền tảng, bản lãnh chúng ta sẽ vững chắc và đủ sức đương đầu với bất cứ thách đố nào trong cuộc đời. Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta thấy “núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa.” (Tv 31, 4) Ðó là lý do tại sao Thánh Gioan Phaolô dám nhắc lại lời Thầy chí thánh để kêu gọi Giáo hội “Ðừng sợ!” ngay từ lúc mở đầu triều đại giáo hoàng. Đức Giêsu quả quyết: “Chính Thày là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Giữa bao nhiêu thách đố, Kitô hữu có thể tìm được nơi Lời Chúa một nền tảng vững chắc và một nơi ẩn trú bình an. Ðó là tất cả bí quyết giúp Kitô hữu vượt qua mọi cơn sợ hãi và vận dụng mọi khả năng biến đau khổ thành phương tiện làm chứng cho Ðức Kitô.

Lạy Chúa, xin tăng cường sức mạnh đức tin cho chúng con, để chúng con có thể can đảm làm chứng cho Chúa giữa lòng dân tộc và nhân loại hôm nay. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:47 17/06/2020

3. Bất luận chúng ta đón nhận đau khổ gì, thì cũng không bằng một phần ngàn vạn mà Đức Chúa Giê-su đã chịu đau khổ vì chúng ta.

(Thánh Stanislaus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:55 17/06/2020
50. KHÔNG NHƯ THỢ MAY

Một năm trời hạn hán, thái thú ra lệnh cho pháp sư tế trời cầu mưa.

Pháp sư tế đã mấy ngày mà vẫn không có mưa, thái thú rất tức giận nên trừng phạt pháp sư.

Pháp sư bẩm báo:

- “Tiểu bần đạo bản lãnh thì vẫn như thường, nhưng không bằng tên thợ may nọ, nói mới giỏi.”

Thái thú hỏi:

- “Mày nói vậy là có ý gì? ”

Pháp quan trả lời:

- “Nó muốn một mét thì là một mét.”

(Tiếu lâm)



Suy tư 50:

Chuyện của thầy pháp thầy cúng và ông thợ may thì không giống nhau, thầy pháp cúng tế cầu mưa thì là may rủi nhưng thợ may thì chắc ăn khi đo may áo quần cho người ta; pháp quan cầu mưa thì chỉ có một vài câu niệm chú cho nên không linh thiêng, nhưng thợ may thì càng may càng tinh vi và càng điêu luyện tay nghề...

Có những người Ki-tô hữu khi cầu nguyện thì cứ cầu nguyện theo thói quen, hể mở miệng cầu nguyện là xin ơn này đến ơn khác và chỉ xin cho mình, nên không tìm thấy được cốt lõi của sự cầu nguyện, họ đã làm giảm giá trị của lời cầu nguyện mà không biết.

Cầu nguyện theo thói quen thì giống như thầy pháp đọc chú niệm bùa lãi nhãi, nhưng nếu biết phóng xa lời cầu nguyện, nghĩa là biết nhớ đến tha nhân trong khi cầu nguyện, thì lời cầu nguyện của mình sẽ thêm phong phú và có ý nghĩa hơn và sẽ không sợ lời nguyện bay vào hư không, bởi vì Thiên Chúa là Đấng thương xót và thích nghe lời cầu nguyện của những người luôn nhớ đến tha nhân trong khi cầu nguyện, mà quên cầu nguyện cho chính bản thân mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 12 Quanh Năm A 21.6.2020
Fr Francis Ly van Ca
10:56 17/06/2020
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,

Một lần nữa, chúng ta cùng gặp gỡ những anh chị em Kitô hữu để cử hành Mầu Nhiệm Thánh. Chủ đề của các bài đọc hôm nay trình bày cho chúng ta về sự tin vào Thiên Chúa mỗi ngày một hơn trên con đường đức tin.

Qua các bài đọc và sự chia sẻ, chúng ta sẽ khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa bên chúng ta, ngay cả những lúc đau khổ và thử thánh nhất của cuộc đời.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

Trước bài đọc I:

Tiên tri Giêrêmia, bị những kẻ ghét ông vu khống, xử sự với ông tàn ác, nhưng ông vẫn kiên tâm chịu đựng. Ông tin tưởng Chúa sẽ không bỏ rơi ông. Đây là gương sống tín trung cho người tín hữu chúng ta trong thế giới hôm nay.

Trước bài II:

Thánh Phaolô nhắc lại câu chuyện tội đã nhập vào thế gian qua sự sa ngã của Adong. Qua Đức Kitô, tội đã đượcc tẩy xóa, Chúa Giêsu đã tái lập sự giao hòa giữa Thiên Chúa Cha với nhân loại.

Trước bài Tin Mừng:

Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng hôm nay không hứa giúp chúng ta tránh những khổ cực, phiền phức trên đời, nhưng Ngài hứa sẽ ở bên chúng ta khi những sự việc ấy xảy tới. ”Đừng sợ”.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,

Với niềm tin phó thác vào Thiên Chúa là Cha, chúng ta xin Ngài những ơn cần thiết sau đây:

1. Xin Chúa ban ơn cho Đức Thánh Cha Phanxicô và Các Phẩm Trật trong Giáo Hội luôn đầy khôn ngoan và ơn Chúa Thánh Linh, để hướng dẫn Giáo Hội vững mạnh tiến về quê trời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho các tín hữu của Chúa đang gặp những khó khăn thử thách trong gia đình hay trong cuộc sống thường nhật, luôn vững niềm tin vào Chúa, là Đấng luôn hiện diện, nâng đỡ và không bỏ rơi con cái của Ngài. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.



3. Xin cho mỗi người tín hữu chúng ta, trong cuộc sống mới, luôn ý thức rằng, Chúa là nguyên thủy và là cùng đích của cuộc đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta cầu nguyện cho những người già nua tuổi tác, bệnh hoạn phần hồn cũng như phần xác… xin cho họ luôn sống trọn vẹn niềm tin trong mọi biến cố của cuộc đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời, những linh hồn chúng ta phải nhớ đến do lòng hiếu thảo qua những lời cầu nguyện, những thánh lễ chúng ta dâng khi còn tại thế. Đặt biệt những nạn nhân của Covid-19. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:

Lạy Chúa, hiệp với lễ tế chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay, là những lời cầu xin của con cái Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con những điều chúng con van nài Chúa, để cuộc sống chúng con luôn được Chúa nâng đỡ chở che. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Amen.
 
Thánh Tâm biểu lộ tình yêu Thiên Chúa
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
21:22 17/06/2020

Không có từ ngữ nào diễn tả tình cảm được người ta dùng nhiều cho bằng hai chữ “tình yêu”. Chính vì quá quen thuộc như vậy, nên cũng không có từ ngữ nào bị lạm dụng cho bằng hai tiếng ấy.

Người ta nhân danh tình yêu để cho cụ già sắp chết một mũi thuốc mà họ gọi là “chết êm dịu” mà mặt trái là nhằm khử đi một gánh nặng.

Người ta cũng nhân danh lòng thương xót hủy diệt một bào thai khi phát hiện thai nhi có bệnh và sợ phải nuôi kẻ tật nguyền.

Hủy diệt một nền văn hóa của thổ dân bản địa, người ta cũng cao rao tình yêu.

Hay đôi lứa yêu nhau vì muốn chiếm đoạt sắc đẹp, của cải của nhau, đôi lứa ấy cũng nhân danh tình yêu...

Tình yêu phát xuất từ con người có khi đáng sợ như vậy. Còn Thiên Chúa, tình yêu của Người là tự hủy, là hiến mình, là cứu độ, là trung thành, là trở nên mạch sống...

Chúa Giêsu, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, đã làm nổi bật nơi chính cuộc đời và sự sống của Người tất cả nỗi yêu thương tràn đầy và tuyệt đối ấy.

Từ những trang Tin Mừng, chúng ta không thể kể hết những lần Chúa tỏ tình yêu xót thương đối với con người.

Một đời từ lúc vâng lệnh Chúa Cha, Chúa Giêsu nhập thể, sống nơi trần gian, chết cay đắng, đến khi sống lại vinh quang, vinh thăng trên trời… đều là tình yêu tự nguyện của Chúa Ngôi Hai dành cho chúng ta, một tình yêu không thể chứa đựng nơi mọi mỹ từ, vượt trên tất cả mọi ý tưởng của loài người, khi phải diễn tả tình yêu ấy.

- Tình yêu dẫn đến cái chết cho người mình yêu đã lớn. Một tình yêu tự nguyện ném mình vào cái chết càng lớn lao khôn xiết.

“Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là lệnh của Chúa Cha mà tôi đã nhận được” (Ga 10, 17-18).

- Vì lòng xót thương, trên thánh giá, lời Chúa Kitô “xin Cha tha cho chúng…” (Lc 23, 34), đâu chỉ là lời dành cho những kẻ đang đùng đùng sát khí dưới chân thánh giá.
Nếu nhập thể là để cứu độ, và bây giờ, vinh thăng trên trời, ngự bên hữu Chúa Cha là để chuyển cầu cho ta, để đưa ơn cứu độ của ta đạt đến vĩnh cửu, thì lời “xin Cha tha cho chúng” là, và phải là lời muôn đời Chúa Kitô chuyển cầu cho tất cả chúng ta.

- Vì tình yêu thương xót, Chúa Kitô đã trút bỏ hoàn toàn. Trút bỏ cả cuộc đời, trút bỏ cả mạng sống vẫn chưa làm đủ. Đến lúc trao hơi thở sau hết, lại còn tiếp tục trao dâng cả đến giọt máu cuối cùng, khi “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34).

Trái Tim mở ra là để nhân loại hạnh phúc ngụp lặn trong biển tình yêu vời vợi ấy. Dòng máu cứu chuộc trở thành nguồn sự sống và sức sống cho tất cả mọi người thiết tha tìm đến.

Trái Tim của Thiên Chúa làm người không đòi cho mình bất cứ điều gì, bây giờ lại thuộc về chúng ta tất cả. Chúa thương xót chúng ta.

- Nhưng không dừng ở đó. Trái Tim Chúa Kitô mở ra, không chỉ cho thấy sự mạnh mẽ, dữ dội của tình yêu nơi Chúa Kitô dành cho loài người. Hình ảnh Trái Tim mở ra, gợi lại lời tiên tri Hôsê xưa: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (11, 8) để mạc khải tình yêu muôn đời bền vững của Thiên Chúa.

Lòng Thiên Chúa chứa đầy yêu thương. Thiên Chúa đã yêu. Mãi mãi cứ yêu. Ngàn đời tình yêu Thiên Chúa vẫn không cùng. Vì thế, Trái Tim Chúa Kitô vừa khắc sâu tình yêu của Thiên Chúa, vừa bộc lộ đến vô cùng tình yêu chan chứa, thấm đẫm trong Trái Tim Thiên Chúa.

Làm sao có thể nói hết tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của Chúa Kitô. Chỉ xin được nhìn ngắm bài học của lòng thương yêu ấy, để chúng ta cũng sống tình người bằng lòng bác ái, vị tha, đón nhận, cảm thông… giữa người cho nhau, vì nhau trong cõi đời này…

Hãy nhìn lên Thánh Tâm Con Thiên Chúa. Hãy đến cùng Thánh Tâm, hãy học cùng Thánh Tâm. Đến và học cùng Thánh Tâm, chắc chắn loài người sẽ làm cho xã hội tốt hơn, tha nhân quanh mình bớt đau khổ, cuộc sống của chính mình hạnh phúc hơn…

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con Trái Tim Con Chúa. Trái Tim của Người là Trái Tim rộng mở đón nhận hết mọi người và ôm trọn cả loài người chúng con.

Nơi Trái Tim Con Chúa, kẻ lao nhọc và gánh nặng tìm được chốn nghỉ an, kẻ bất hạnh tìm được niềm vui, kẻ yếu đuối tìm được chỗ dựa vững chắc, kẻ khốn cùng tìm được nguồn an ủi, kẻ cô độc tìm được một người bạn chân thành.

Chúng con tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu, nơi biểu lộ của tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con có một trái tim rộng mở như Trái Tim Chúa Giêsu để đừng bao giờ loại trừ ai ngoài trái tim thịt mềm của chúng con.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói: những Kitô hữu chân chính hằng cầu nguyện cho thế giới
Thanh Quảng sdb
06:20 17/06/2020
Đức Thánh Cha nói: những Kitô hữu chân chính hằng cầu nguyện cho thế giới

Trong buổi triều yết hôm nay thứ Tư 17/6/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục chương trình giáo lý bàn về tiên tri Môisê.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào hỏi các khách hành hương và cho hay Thiên Chúa không bao giờ nhận lời cầu xin của những người cầu nguyện một cách 'dễ dàng'. ĐTC đã nêu ra hình ảnh Mosê làm ví dụ, ĐTC giải thích rằng ngay từ đầu Mosê đã phải đối phó với nhiều khó khăn trong ơn gọi của mình.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng khi Thiên Chúa gọi ông, nếu nói theo cách người đời thì đó là một điều thất bại. ĐTC trương dẫn sách Xuất hành diễn tả Mosê là một kẻ chạy trốn vào sa mạc Midian, ông là một người nhút nhát sợ sệt, nhưng khi phải đứng lên tranh đấu cho những người yếu đuối và bị áp bức, thì sức mạnh được phát ra từ chính bàn tay của ông.

Chúa đến cùng Mosê

Sau đó, Đức Thánh Cha kể lại chính trong sa mạc Midian, Thiên Chúa mời gọi Môi-se hãy đi giải phóng dân Israel khỏi kiếp nô lệ! Ông không tin mình có đủ sức và xứng đáng! Như ĐTC nói ông Mosê trả lời Thiên Chúa: ‘Tại sao lại là con? ’

Đức Thánh Cha nói vì run sợ khiến ông chùn bước khước từ! điều ấy làm cho chúng ta có nhiều ấn tượng về ông. Ông là người được Thiên Chúa chọn để trao Thập giới cho dân và trong mọi hoạt cảnh, ông không ngừng gắn bó với dân tộc của ông, nhất là trong những giờ phút căm go nhiều cạm bẫy và cám dỗ. Mặc dù ông được Chúa chọn cách đặc biệt, nhưng ông luôn nhìn nhận mình là người nghèo cần phải bám vúi vào Chúa như sức mạnh cho bước đường hành trình với dân và cùng dân tộc của mình.

Nhờ lời cầu bầu của ông Mosê

Đức Thánh Cha nói cách tốt nhất để diễn tả cách Mosê cầu nguyện là nhìn nhận "mình là trung gian, mình khẩn cầu Thiên Chúa cho dân… Kinh thánh mô tả ông giống như một cây cầu nối giữa trời và đất; giữa dân Do thái và Thiên Chúa.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói như Môisê, chúng ta hãy có cùng một tâm tình, một nhiệt tâm như Chúa Giêsu, để cầu nguyện cho thế giới, mặc cho chúng ta có những yếu đuối của thân phận con người, nhưng chúng ta tin vào Thần Linh của Chúa.
 
Cụ bà Brazil 101 tuổi thoát chết coronavirus nhờ cầu cùng Chúa Ba Ngôi và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Đặng Tự Do
17:17 17/06/2020

Tử vong tại Brazil đã lên đến 44, 118 người, trong số 891, 556 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường cho biết các bác sĩ và y tá tại Axixá do Tocantins ở miền bắc Brazil đã kinh ngạc trước sự phục hồi nhanh chóng của một phụ nữ 101 tuổi bị nhiễm coronavirus.

Giờ đây, hoàn toàn lành mạnh, cụ bà Petronilia Souza Almeida khẳng định rằng Ba Ngôi Thiên Chúa, đặc biệt là Chúa Cha đã cứu sống bà, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Bà Petronilia đã tận hưởng một lễ sinh nhật thứ 101 của bà vào ngày 2 tháng 6 với hai tin mừng: Bà tròn 101 tuổi và được tuyên bố đã được chữa khỏi COVID-19.

“Đó là điều kỳ diệu lớn nhất Chúa có thể làm cho tôi. Và Ngài đã làm!”, đó là câu trả lời của bà, đầy niềm tin, cho những ai hỏi bà làm thế nào vượt qua được thứ virus độc địa này. Kinh nghiệm và chứng tá của bà được chia sẻ trên các trang web của hội “Children of the Eternal Father Association” – nghĩa là “Hiệp Hội Con Cái Của Cha Hằng Có Đời Đời” viết tắt là AFIPE theo tiếng Bồ Đào Nha.

Bà Petronilia sống ở thị trấn Axixá do Tocantins ở miền bắc Brazil. Bang kế bên là bang Goiás, là nơi có ngôi đền duy nhất trên thế giới dành riêng để kính Chúa Cha tại thành phố Trinidade.

Bà Petronilia là một góa phụ có 14 người con, 71 đứa cháu, 98 đứa chắt và 16 đứa là con của những đứa chắt.

Một trong những cháu gái của bà Petronilia, là cô Lislena Sousa Freitas, viết trên trang web của AFIPE, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế Brazil phụ trách, rằng:

“Khi bà được các nhân viên y tế đưa vào nhà thương, chúng tôi đều nghĩ đó là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy bà. Tuy nhiên, bà nói chúng tôi đừng khóc vì thế nào bà cũng quay trở lại. Sau 6 ngày nằm trong ICU, bà thực hiện đúng lời hứa với chúng tôi. Người dân trong vùng, nơi có quá nhiều người thân ra đi không bao giờ quay lại, há hốc mồm khi thấy bà thoát chết trở về, và từ từ bước xuống trên chiếc xe cứu thương.”

Đây không phải là lần đầu tiên bà thoát chết. Vào năm 2012, bác sĩ nói bà mắc phải một căn bệnh tim và chỉ còn 2 tháng nữa để sống. Tám năm đã trôi qua kể từ đó. Bà vẫn sống với cỗ tràng hạt không bao giờ rời khỏi tay bà.

Nhiều phép lạ khác cũng xảy ra với những người thân của bà. Souza Almeida đứa con gái của bà năm nay ở tuổi 70 cho biết các bác sĩ tuyên bố rằng Antonia, con của bà, tức là cháu của bà Petronilia có thể sẽ không thể đi lại, vì anh ta chào đời với một khuyết tật nghiêm trọng ở chân. Tuy nhiên, sau khi gia đình là một tuần cửu nhật kính Đức Mẹ, Antonia đã đi được và nay cháu đã được 10 tuổi.


Source:Aleteia
 
Các linh mục kiện thống đốc New York, và thị trưởng thành phố New York vì các chính sách chèn ép không cho các nhà thờ mở cửa trở lại
Đặng Tự Do
17:20 17/06/2020

Thống đốc New York Andrew Cuomo, Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Letitia James và Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đang bị hai linh mục Công Giáo phía Bắc New York và ba giáo sĩ Do Thái Giáo tại Brooklyn kiện vì vi phạm các quyền dân sự.

Đơn kiện cấp liên bang đã được nộp ngày 10 tháng 6 năm 2020, tại Tòa án Bắc New York, cáo buộc thống đốc, bộ trưởng và thị trưởng vi phạm các quyền của nguyên đơn trong việc thực hiện tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, hội họp theo Tu Chính Án thứ nhất và thứ mười bốn của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Thống đốc Cuomo cũng bị cáo buộc hành động chống lại luật pháp tiểu bang New York và Hiến pháp bang New York. Thẩm phán Gary L. Sharpe đã ra lệnh cho các bị cáo phải nộp đơn phản hồi vào trưa ngày 15 tháng 6 năm 2020.

Trong một sự lạm dụng quyền lực chưa từng có, các bị cáo đã khai thác đại dịch COVID-19 để tạo ra, trong ba tháng qua, một chế độ độc tài thực sự bằng một mạng lưới phức tạp các lệnh hành pháp do bị cáo Cuomo ban hành.

Qua những sắc lệnh này, các bị cáo đã áp đặt và chọn lọc việc thực thi “khoảng cách xã hội’ dưới một chế độ “cách ly” áp đặt lên hầu như mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị, tôn giáo và kinh tế của 8.3 triệu cư dân New York dưới chiêu bài “sức khỏe cộng đồng” một cách tùy tiện theo những lợi ích chính trị của mình.

Lá đơn chỉ ra rằng “các nhà thờ Công Giáo và các hội đường Do Thái Giáo thì không được mở nhưng các cuộc biểu tình hàng ngàn người chen vai thích cánh thì lại được phép, đơn giản vì đó là các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Trump là đối thủ chính trị của họ.”


Source:LifesiteNews
 
Đối với các chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về virút, đức tin và khoa học làm việc chung với nhau
Vũ Văn An
19:56 17/06/2020

Theo hãng tin ASSOCIATED PRESS (28-05-2020), tương quan giữa đức tin và khoa học có nhiều căng thẳng trong thời gian đại dịch, nhưng đối với một số khoa học gia đang lãnh đạo cách đáp ứng của Hoa Kỳ, hai thực thể này đã làm việc ăn ý với nhau.



Francis Collins, Giám đốc Các Viện Y Tế Quốc Gia, cho hay có một sự hoà điệu giữa khoa học và đức tin Thánh Kinh. Anthony Fauci, chuyên gia kỳ cựu về bệnh truyền nhiễm của Các Viện Y Tế Quốc Gia, cho hay ông không hoạt động trong một tôn giáo có tổ chức nhưng nhận rằng nền giáo dục của Dòng Tên đã dạy ông nhiều giá trị hiện điều hướng việc làm của ông trong công vụ. Còn Robert Redfield, giám đốc Các Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, mô tả đức tin của ông và việc làm của ông trong phạm vi y tế công cộng như củng cố lẫn nhau.

Redfield nói với hãng Associated Press: “Một trong những điều tuyệt vời về đức tin là, bạn có thể tiếp cận với sự sống bằng một cảm thức hy vọng, bất kể bạn đang đương đầu với loại thách đố nào, bạn vẫn có con đường để tiến lên”.

Ảnh hưởng của đức tin trên một số các nhà đấu tranh hàng đầu của chính phủ chống coronavirus minh họa mối liên kết của nó với khoa học. Dù có những căng thẳng về hiệu quả của việc thờ phượng công cộng đối với sức khỏe công cộng trong thời gian đại dịch, linh đạo bản thân, dưới mọi hình thức, vẫn là cột mốc không bị tra vấn đối với một số khoa học gia đang dẫn đầu đáp ứng của Hoa Kỳ.

Redfield nói rằng trong những cuộc khủng hoảng lớn mà ông phải đối đầu, chẳng hạn như vai trò của ông phải đối phó với trận động đất năm 2010 ở Haiti và cái chết của con trai ông, đức tin của ông đã giúp ông hướng về tiềm năng “một thiện ích lớn hơn” sẽ xuất hiện từ thảm kịch. Đức tin và khoa học đã không gây căng thẳng cho ông.

Trong những tuần đầu của đại dịch, nhà virút học 68 tuổi này không phải là người thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp báo tại Nhà Trắng như Fauci, người đồng đạo Công Giáo của ông. Nhưng lòng khiêm tốn của Redfield, tự nó, vốn là một khía cạnh trong cách đức tin của ông thể hiện trong con người công khai của ông, như người bạn lâu năm William Blattner vốn nói.

Redfield coi người có đức tin như “người không thánh thiện hơn bất cứ ai - chúng tôi chỉ là chính chúng tôi”, Blattner nói thế, ông vốn là người đồng sáng lập Viện Virút học Nhân bản của Đại học Maryland cùng với Redfield và một nhà nghiên cứu thứ ba nổi tiếng về AIDS, Robert Gallo, giữa thập niên 1990.

Blattner nói về người bạn của mình “Bạn không thấy anh ta cướp microphone bao giờ. Bạn chỉ thấy anh ta nói khi anh ta được yêu cầu”. Niềm tin giúp Redfield “sàng lọc tiếng ồn và mất tập trung” trong áp lực ngăn chặn virút, Blattner nói thêm, việc này đem đến “cho anh ta và chúng tôi, khả năng nhìn rõ hơn”.

Redfield được Tổng thống Trump mời trong khi Collins và Fauci vốn là các nhà khoa học của chính phủ trước năm 2016. Collins, về phần mình, vốn là một người lớn tiếng cổ vũ cho việc truyền đạt những gì ông coi là nhất quán giữa niềm tin tôn giáo và khoa học dựa trên bằng chứng trước khi ông được bổ nhiệm lãnh đạo Các Viện Y Tế Quốc Gia.

Sau khi viết một cuốn sách năm 2006 về hành trình từ chủ nghĩa vô thần hồi trẻ bước qua niềm tin vào Thiên Chúa, Collins, lúc 70 tuổi, đã thành lập Quỹ BioLogos để giúp đẩy mạnh cuộc đối thoại về mối tương quan của tôn giáo với khoa học. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, ông đã nhận được một giải thưởng tôn giáo lớn cho công trình của mình.

Collins viết qua email: “Tôi thấy khoa học là cách đáng tin cậy nhất để nghiên cứu thiên nhiên - và việc này bao gồm cả thứ virút này”.
Ông viết thêm “Nhưng khoa học không giúp tôi những câu hỏi sâu xa hơn như tại sao có đau khổ, giả thiết chúng ta sẽ học được gì từ nó, đâu là ý nghĩa của đời sống và liệu có một Thiên Chúa yêu thương đau buồn với chúng ta vào thời điểm như thế này. Về điều này, tôi dựa vào những gì tôi đã học được trong tư cách một người có đức tin”.

Collins ca ngợi phần lớn các cộng đồng tín ngưỡng Hoa Kỳ đã coi đại dịch như cơ hội để sống thực các giá trị của họ bằng cách giúp đỡ những người yếu thế; ông nói thêm “hầu hết những tác phong yêu thương và vị tha đó không được lưu ý”. Ông cũng đưa ra những lời phê phán thận trọng đối với các “điển hình đây đó của các giáo hội trong việc bác bỏ các kết luận khoa học và đòi quyền được tiếp tục tụ họp tự do, ngay cả khi có bằng chứng là việc này gây nguy hiểm cho cả cộng đồng của họ”.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Trump kêu gọi các thống đốc cho phép việc thờ phượng có người tham dự. Tổng thống cam đoan rằng “các nhà lãnh đạo đức tin sẽ bảo đảm rằng các cộng đoàn của họ được an toàn khi tụ tập và cầu nguyện”. Tổng thống phát biểu khi Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng ngừa Bệnh tật đưa ra các khuyến cáo để mở lại một cách an toàn các buổi lễ tôn giáo trực tiếp, và các cuộc tụ họp tín ngưỡng diễn ra trong tuần này chủ yếu hoạt động với các biện pháp bảo vệ nhằm giúp ngăn chặn sự lây lan của virút.

Đức tin của Fauci đã chuyển từ con đường dưỡng dục Công Giáo của ông sang điều ông mô tả như một hệ thống niềm tin nhân bản chủ nghĩa. Viện trưởng kỳ cựu 36 năm của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia nói với C-SPAN năm 2015 rằng, “tôi ít say mê tôn giáo có tổ chức cho bằng các nguyên tắc tình người và lòng tốt đối với nhân loại và làm những điều tốt nhất bạn có thể làm”.

Dù Fauci tách mình ra khỏi tôn giáo có tổ chức trong cuộc phỏng vấn năm 2015, ông vẫn tự mô tả mình là người Công Giáo và nói với C-SPAN rằng giáo dục Dòng Tên của ông đã giúp phát triển “các nguyên tắc tôi dùng điều hành cuộc sống của mình”. Những nguyên tắc này đã trở nên rõ ràng hơn trong tháng này khi Fauci ghi lại một cuốn video cho học sinh tốt nghiệp các trường trung học liên kết với Dòng Tên, một dòng Công Giáo tập trung vào dịch vụ giáo dục.

Sau khi trích dẫn “sự chính xác của tư tưởng và nhiệm cục phát biểu” như hai khẩu hiệu, ông đã viện dẫn “công bằng xã hội” như một giá trị khác được giáo dục Dòng Tên hun đúc. Fauci tốt nghiệp năm 1958 tại trường trung học Regis ở New York, một định chế của dòng Tên.
Fauci nói: “Bây giờ là lúc, nếu có lúc ấy, để chúng ta quan tâm tới nhau một cách không vị kỷ”.

Năm ngoái, Cha Daniel Lahart, Hiệu trưởng của Regis, đã tiếp đón Fauci trong chuyến ông viếng thăm trường cũ. Cha ca ngợi nhà khoa học 79 tuổi này như một điển hình xứng đáng của lời mời gọi của nền giáo dục Dòng Tên để các học sinh cống hiến đời mình phục vụ công ích, trở thành “những người đàn ông và những người đàn bà vì người khác”.

Cha Lahart nói thêm: “Một phần căn tính của chúng ta là chúng ta coi việc phục vụ cộng đồng, việc phục vụ công chúng như một điều thiết yếu đối với căn tính đức tin của chúng ta”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Đón nhận Bí tích Khai tâm ngày 17.06.2020
Văn Minh
21:24 17/06/2020
“Hôm nay, các anh chị Dự tòng sẽ chính thức trở thành công dân Nước Trời”.

Đó là lời chia sẻ của Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, cho các anh chị Tân tòng đã theo khóa học lớp Giáo lý Dự tòng tại giáo xứ Vĩnh Hòa, được lãnh nhận Bí tích Khai tâm Kitô giáo để chính thức trở thành người Kitô hữu.

GIÁO ĐƯỜNG TRONG TRỜI ĐÊM
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

“Nửa đêm làm dấu thánh,
quỳ dưới chân giáo đường
gió ru hồn lành lạnh,
lệ nào thánh thót tuôn.”
(KD)
 
VietCatholic TV
Ngày Thế Giới Ý Thức Việc Người Cao Niên Bị Lạm Dụng
Giáo Hội Năm Châu
02:26 17/06/2020

Tòa Thánh cho biết Ngày Thế Giới Ý Thức Việc Người Cao Niên Bị Lạm Dụng 15 tháng 6 có mục đích gây ý thức liên quan đến tình trạng lạm dụng người cao niên, và tìm cách bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm các ngài.

Những hình thức nổi bật trong việc lạm dụng người cao niên

- Khoảng 1 trong 6 người từ 60 tuổi trở lên đã trải qua một số hình thức lạm dụng nào đó trong các môi trường cộng đồng trong năm qua;

- Trong phạm vi gia đình, một con số khó thống kê được liên quan đến các trường hợp lạm dụng các ông bà nội ngoại trong việc trong nom con cái và làm việc nhà. Không thiếu các trường hợp đay nghiến những người cao niên này khi không vừa ý.

- Ở các quốc gia nơi không có an sinh xã hội như Việt Nam, không thiếu các trường hợp bỏ bê không chu cấp cho cha mẹ già khiến các ngài phải lang thang khất thực đầu đường xó chợ.

- Tỷ lệ người cao niên bị lạm dụng rất cao ở các định chế như viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn, với 2 trong 3 nhân viên báo cáo rằng họ đã phạm tội lạm dụng trong năm qua;

- Việc lạm dụng người cao niên có thể dẫn đến tổn thương thể chất nghiêm trọng và hậu quả tâm lý lâu dài;

- Việc lạm dụng người cao niên được tiên đóan sẽ gia tăng khi nhiều quốc gia đang trải qua việc dân số lão hóa nhanh chóng;

- Dân số hoàn cầu của những người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, từ 900 triệu vào năm 2015 lên khoảng 2 tỷ vào năm 2050.

Các con số thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới

Theo các ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong sáu người trên 60 tuổi bị lạm dụng, nghĩa là gần 141 triệu người khắp thế giới. Con số này có thể còn cao hơn nữa vì việc lạm dụng người cao niên là một trong những vi phạm bị dấu giếm và ít được tường trình hơn hết.

Claudia Mahler, Chuyên gia Độc lập của Liên Hiệp Quốc về việc hưởng thụ mọi nhân quyền của người cao niên, lên tiếng kêu gọi mọi chính phủ và cộng đồng quốc tế thực hiện tình liên đới hoàn cầu và đẩy mạnh hành động để hữu hiệu ngăn chặn và bảo vệ người cao niên khỏi bị lạm dụng về thể chất và tâm lý, khỏi cả việc bị bỏ bê nữa.

WHO định nghĩa việc lạm dụng người cao niên như là “một hành động đơn lẻ hoặc lặp đi lặp lại hoặc thiếu hành động thích hợp, diễn ra trong bất cứ mối liên hệ nào, trong đó có kỳ vọng tín thác, gây tổn hại hoặc đau khổ cho người cao niên”. Việc lạm dụng người cao niên có thể có nhiều hình thức khác nhau như lạm dụng về thể chất, tâm lý hoặc cảm xúc, tình dục và tài chính. Nó cũng có thể là kết quả của sự bỏ bê có chủ ý hoặc vô ý.

Bà Mahler nói trong một thông điệp nhân Ngày Thế giới Ý thức Việc Người cao niên Bị Lạm dụng, diễn ra hôm nay: “Dù các vị cao niên trở nên hiển thị nhiều hơn trong đợt bùng phát COVID-19, tiếng nói, ý kiến và các mối quan tâm của các vị vẫn chưa được nghe biết”.

Lạm dụng bằng lời nói

Bà nói rằng “Với số lượng cao niên chết trong nhà, tại bệnh viện và các định chế đang tăng theo cấp số nhân trên toàn thế giới, quả đau lòng khi tiếp tục đọc thấy các ngôn từ độc ác và hạ nhân phẩm trên phương tiện truyền thông xã hội khi nói đến người cao niên. Lạm dụng bằng lời nói rõ ràng xảy ra trong những bối cảnh khi người cao niên đối đầu với sự kỳ thị tuổi già ('chủ nghĩa tuổi tác').

Được bổ nhiệm làm Chuyên gia Độc lập về việc hưởng thụ mọi nhân quyền của người cao niên vào tháng 5, Mahler nói rằng bà “muốn người ta ý thức rằng bạo lực, lạm dụng và bỏ bê [người lớn tuổi] không những xảy ra ở những nơi công khai mà rất thường còn ở những nơi xã hội không trông thấy nữa”. Bà nói “Các xã hội phải lên tiếng chống lại việc lạm dụng bằng lời nói và các người cao niên, nhất là các phụ nữ lớn tuổi, phải được đưa vào cuộc thảo luận về phòng chống mọi loại bạo lực đối với các ngài”.

Liên Hiệp Quốc có một ngày khác nữa dành cho người cao niên. Đó là Ngày Quốc tế Người Cao niên, 1 tháng 10, nhằm nêu bật các đóng góp quan trọng mà người cao niên vốn dành cho xã hội và gây ý thức về các cơ hội và thách thức của sự lão hóa trong thế giới ngày nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và người cao niên

Trong nhiều dịp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến giá trị của người cao niên và việc bảo vệ các ngài.

Trong thời gian kiểm dịch Covid-19 ở Ý, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ ngày 15 tháng 4 cho người cao niên, nhất là những người bị cô lập vì đại dịch Covid-19. Theo ngài, nhiều người trong số này sợ chết một mình nhưng “các ngài là gốc rễ của chúng ta, là câu chuyện của chúng ta, là lịch sử của chúng ta”, ngài nói thế lúc bắt đầu Thánh lễ, được truyền hình trực tiếp. Ngài mời mọi người cầu nguyện cho các ngài, “Xin Chúa gần gũi với các ngài trong thời điểm này”.

Đức Thánh Cha cũng dành toàn bộ buổi yết kiến chung cho người cao niên; ngài nói rằng làm lơ và bỏ rơi người cao niên “là một điều tàn bạo, đó là một tội lỗi”. Phát biểu trong buổi yết kiến chung vào ngày 4 tháng 3 năm 2015, ngài nhắc đến Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, người từng nói rằng “Phẩm chất của một xã hội, ý tôi muốn nói của một nền văn minh, cũng được phán kết qua cách nó đối xử với người cao niên và qua vị thế nó dành cho các ngài trong đời sống cộng đồng”.

Đức Giáo Hoàng ghi nhận “một điều hèn hạ” trong “nền văn hóa vứt bỏ” này, một nền văn hóa vứt bỏ những người không còn hữu ích hoặc tạo lợi nhuận. “Chúng ta muốn loại bỏ nỗi sợ hãi ngày càng yếu đi và dễ bị tổn thương; nhưng nếu làm như thế, chúng ta sẽ gia tăng nơi người cao niên sự lo lắng ít được khoan dung và bị bỏ bê”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh báo rằng “Trong một nền văn minh không dành chỗ cho người cao niên hoặc họ bị vứt bỏ vì họ gây ra nhiều vấn đề, xã hội này quả đang mang theo vi-rút tử thần”.

Liên Hiệp Quốc về Covid-19 và người cao niên

Ngày 1 tháng 5 vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một sáng kiến mới về chính sách nhằm giải quyết các thách thức mà người cao niên phải đối đầu trong và sau đại dịch.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, lưu ý trong một thông điệp video về việc ra mắt bản tóm tắt chính sách mang tên “Tác động của COVID-19 đối với người lớn tuổi”: “Tỷ lệ tử vong đối với người cao niên nói chung cao hơn và đối với những người trên 80 tuổi, nó cao gấp năm lần mức trung bình hoàn cầu”.

Ông Guterres lưu ý rằng ngoài tác động sức khỏe tức thời của nó, “đại dịch đang đặt người cao niên vào nguy cơ đói nghèo, kỳ thị và cô lập cao hơn, với tác động tàn phá đặc biệt đối với người cao niên ở các nước đang phát triển”.

Một báo cáo của WHO hồi đầu tháng 4 đã cho thấy: trong 30 quốc gia hàng đầu thế giới có tỷ lệ người cao niên lớn nhất, hơn 95% trường hợp tử vong vì Covid-19 xảy ra nơi những người trên 60 tuổi. Hơn 50% mọi trường hợp tử vong liên quan đến những người từ 80 tuổi trở lên.

Lưu ý rằng đại dịch Covid-19 đang gây ra nỗi sợ hãi và đau khổ chưa từng thấy cho người cao niên trên khắp thế giới, ông đã kêu gọi nhân loại phản ứng đối với virus này bằng cách tôn trọng các quyền lợi và phẩm giá người cao niên.
 
Đức Tổng Giám Mục Costa nhiễm coronavirus đang trong tình trạng nghiêm trọng
Đặng Tự Do
17:09 17/06/2020

Tin từ tổng giáo phận Chittagong cho biết Đức Tổng Giám Mục Moses Costa đã thử nghiệm dương tính với Covid-19 và đang trong tình trạng nguy kịch tại một bệnh viện tư nhân ở thủ đô Dhaka.

Bangladesh có 2 tổng giáo phận và 6 giáo phận. Trừ ra tổng giáo phận Chittagong, tất cả 7 tổng giáo phận và giáo phận còn lại đã tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự từ cuối tháng Năm vừa qua. Oái oăm thay chính vị Tổng Giám Mục của nơi cẩn thận nhất đất nước lại nhiễm coronavirus.

Cha Leonard Rebeiro, tổng đại diện của tổng giáo phận, đã ra một tuyên bố vào ngày 14 tháng 6 cho biết như sau:

“Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân,

Đức Tổng Giám Mục Moses Costa của tổng giáo phận Chittagong đã được đưa vào Bệnh viện Square với những triệu chứng nghiêm trọng vào ngày 13 tháng 6. Trong khi nhập viện, ngài đã được xét nghiệm Covid-19 và báo cáo cho kết quả dương tính. Chúng tôi cầu xin những lời cầu nguyện và hy sinh đặc biệt của anh chị em cho sự phục hồi nhanh chóng của Đức Tổng Giám Mục Costa”.

Đức Tổng Giám Mục Costa, 70 tuổi, là trường hợp dương tính với coronavirus đầu tiên trong số các giáo sĩ Công Giáo tại Bangladesh.

Tin này xảy ra sau hai cái chết vì Covid-19 của các nhân vật cao cấp ở Bangladesh. Thứ nhất là ông Muhammad Nasim, 72 tuổi, một nghị sĩ thuộc Liên minh Awami cầm quyền, và từng là bộ trưởng bộ y tế và gia cư, đã qua đời vào ngày 13 tháng Sáu. Thứ hai là Sheikh Abdullah, 75 tuổi, bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo, qua đời vào ngày 14 tháng Sáu, trong lúc đang tại chức.

Đức Tổng Giám Mục Costa được bổ nhiệm làm giám mục Chittagong vào năm 2011 và trở thành Tổng Giám Mục khi Đức Thánh Cha Phanxicô nâng Chittagong, được coi là cái nôi của Công Giáo Bangladesh, lên hàng tổng giáo phận vào năm 2017. Trước đó, ngài là giám mục Dinajpur từ năm 1996 đến 2011.

Đức Tổng Giám Mục Costa là tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Bangladesh và là Chủ tịch Ủy ban Chăm sóc Sức khỏe của Hội Đồng Giám Mục nước này.

Tin tức về căn bệnh của ngài đã gây một chấn động mạnh đối với các Kitô hữu Bangladesh trong và ngoài nước. Hàng trăm người đăng trên các mạng truyền thông xã hội như Facebook để bày tỏ mối quan tâm của họ và hứa sẽ cầu nguyện cho sự phục hồi nhanh chóng của ngài.

Chittagong là một trong tám giáo phận Công Giáo đầu tiên ở Bangladesh ban hành hướng dẫn y tế liên quan đến Covid-19 và đóng cửa tất cả các nhà thờ ngay cả trước khi Bangladesh tuyên bố đóng cửa trong phạm vi cả nước từ ngày 26 tháng 3.

Bangladesh đã hoạt động trở lại vào ngày 31 tháng 5 và kể từ đó, tất cả các giáo phận trừ ra Chittagong đã tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự.

Một linh mục tại Chittagong nói với UCA News rằng quyết định không tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự đã được đưa ra vì các trường hợp nhiễm coronavirus đang phát triển nhanh chóng ở thành phố cảng này trong thời gian gần đây.

Vị linh mục nói thêm: “Đức Tổng Giám Mục Costa đã duy trì các biện pháp cách ly chặt chẽ từ tháng 3, nhưng dù thế ngài vẫn bị nhiễm coronavirus. Thành ra, chúng tôi thực sự kinh hoàng khi biết ngài đã bị nhiễm bệnh. Bây giờ chúng tôi lo sợ cho chính mình vì chúng tôi thường xuyên gặp gỡ ngài”.

Tất cả nhân viên của Tổng giáo phận Chittagong đã được khuyên nên cách ly tại nhà và tiếp tục làm việc từ xa.

Chittagong, trung tâm tài chính của Bangladesh và thành phố lớn thứ hai, đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp coronavirus trong những tuần gần đây. Quận Kotwali được xem là một điểm nóng.

Quốc gia đa số dân theo Hồi giáo này đã ghi nhận 87, 520 trường hợp nhiễm coronavirus và 1, 171 trường hợp tử vong.

Hơn 30 người từ cộng đồng Kitô giáo thiểu số đã bị nhiễm bệnh và năm người đã chết trong những tuần gần đây.

Nhằm cứu vãn một nền kinh tế đang sụp đổ, Bangladesh đã giảm bớt các hạn chế Covid-19 vào ngày 31 tháng 5 và cho phép mở lại giao thông công cộng, các doanh nghiệp, văn phòng công cộng và tư nhân ở quy mô hạn chế. Chỉ có các cơ sở giáo dục tiếp tục bị đóng cửa vô thời hạn.


Source:UCAN
 
Tin vui: Cụ bà Brazil 101 tuổi thoát chết coronavirus nhờ cầu cùng Chúa Ba Ngôi và Mẹ Hằng Cứu Giúp
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:14 17/06/2020

1. Cụ bà Brazil 101 tuổi thoát chết coronavirus nhờ cầu cùng Chúa Ba Ngôi và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Tử vong tại Brazil đã lên đến 44, 118 người, trong số 891, 556 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường cho biết các bác sĩ và y tá tại Axixá do Tocantins ở miền bắc Brazil đã kinh ngạc trước sự phục hồi nhanh chóng của một phụ nữ 101 tuổi bị nhiễm coronavirus.

Giờ đây, hoàn toàn lành mạnh, cụ bà Petronilia Souza Almeida khẳng định rằng Ba Ngôi Thiên Chúa, đặc biệt là Chúa Cha đã cứu sống bà, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Bà Petronilia đã tận hưởng một lễ sinh nhật thứ 101 của bà vào ngày 2 tháng 6 với hai tin mừng: Bà tròn 101 tuổi và được tuyên bố đã được chữa khỏi COVID-19.

“Đó là điều kỳ diệu lớn nhất Chúa có thể làm cho tôi. Và Ngài đã làm!”, đó là câu trả lời của bà, đầy niềm tin, cho những ai hỏi bà làm thế nào vượt qua được thứ virus độc địa này. Kinh nghiệm và chứng tá của bà được chia sẻ trên các trang web của hội “Children of the Eternal Father Association” – nghĩa là “Hiệp Hội Con Cái Của Cha Hằng Có Đời Đời” viết tắt là AFIPE theo tiếng Bồ Đào Nha.

Bà Petronilia sống ở thị trấn Axixá do Tocantins ở miền bắc Brazil. Bang kế bên là bang Goiás, là nơi có ngôi đền duy nhất trên thế giới dành riêng để kính Chúa Cha tại thành phố Trinidade.

Bà Petronilia là một góa phụ có 14 người con, 71 đứa cháu, 98 đứa chắt và 16 đứa là con của những đứa chắt.

Một trong những cháu gái của bà Petronilia, là cô Lislena Sousa Freitas, viết trên trang web của AFIPE, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế Brazil phụ trách, rằng:

“Khi bà được các nhân viên y tế đưa vào nhà thương, chúng tôi đều nghĩ đó là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy bà. Tuy nhiên, bà nói chúng tôi đừng khóc vì thế nào bà cũng quay trở lại. Sau 6 ngày nằm trong ICU, bà thực hiện đúng lời hứa với chúng tôi. Người dân trong vùng, nơi có quá nhiều người thân ra đi không bao giờ quay lại, há hốc mồm khi thấy bà thoát chết trở về, và từ từ bước xuống trên chiếc xe cứu thương.”

Đây không phải là lần đầu tiên bà thoát chết. Vào năm 2012, bác sĩ nói bà mắc phải một căn bệnh tim và chỉ còn 2 tháng nữa để sống. Tám năm đã trôi qua kể từ đó. Bà vẫn sống với cỗ tràng hạt không bao giờ rời khỏi tay bà.

Nhiều phép lạ khác cũng xảy ra với những người thân của bà. Souza Almeida đứa con gái của bà năm nay ở tuổi 70 cho biết các bác sĩ tuyên bố rằng Antonia, con của bà, tức là cháu của bà Petronilia có thể sẽ không thể đi lại, vì anh ta chào đời với một khuyết tật nghiêm trọng ở chân. Tuy nhiên, sau khi gia đình là một tuần cửu nhật kính Đức Mẹ, Antonia đã đi được và nay cháu đã được 10 tuổi.


Source:Aleteia


2. Các linh mục kiện thống đốc New York, và thị trưởng thành phố New York vì các chính sách chèn ép không cho các nhà thờ mở cửa trở lại

Thống đốc New York Andrew Cuomo, Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Letitia James và Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đang bị hai linh mục Công Giáo phía Bắc New York và ba giáo sĩ Do Thái Giáo tại Brooklyn kiện vì vi phạm các quyền dân sự.

Đơn kiện cấp liên bang đã được nộp ngày 10 tháng 6 năm 2020, tại Tòa án Bắc New York, cáo buộc thống đốc, bộ trưởng và thị trưởng vi phạm các quyền của nguyên đơn trong việc thực hiện tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, hội họp theo Tu Chính Án thứ nhất và thứ mười bốn của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Thống đốc Cuomo cũng bị cáo buộc hành động chống lại luật pháp tiểu bang New York và Hiến pháp bang New York. Thẩm phán Gary L. Sharpe đã ra lệnh cho các bị cáo phải nộp đơn phản hồi vào trưa ngày 15 tháng 6 năm 2020.

Trong một sự lạm dụng quyền lực chưa từng có, các bị cáo đã khai thác đại dịch COVID-19 để tạo ra, trong ba tháng qua, một chế độ độc tài thực sự bằng một mạng lưới phức tạp các lệnh hành pháp do bị cáo Cuomo ban hành.

Qua những sắc lệnh này, các bị cáo đã áp đặt và chọn lọc việc thực thi “khoảng cách xã hội’ dưới một chế độ “cách ly” áp đặt lên hầu như mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị, tôn giáo và kinh tế của 8.3 triệu cư dân New York dưới chiêu bài “sức khỏe cộng đồng” một cách tùy tiện theo những lợi ích chính trị của mình.

Lá đơn chỉ ra rằng “các nhà thờ Công Giáo và các hội đường Do Thái Giáo thì không được mở nhưng các cuộc biểu tình hàng ngàn người chen vai thích cánh thì lại được phép, đơn giản vì đó là các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Trump là đối thủ chính trị của họ.”


Source:LifesiteNews