Ngày 21-06-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bên bờ sông
Lm Vũdình Tường
04:00 21/06/2018
Mỗi lần đọc đoạn Phúc âm này tôi hình dung trong đầu hình ảnh Gioan Tiền Hô đứng dưới sông và Đức Kitô đang khom lưng xuống nước nhận ơn thanh tẩy từ tay Gioan. Có lẽ bởi sự kiện ban phép thanh tẩy cho nhiều người, đặc biệt cho Đấng Cứu Thế mà sau này Gioan có một tên mới đó là Gioan Tẩy Giả để nói lên sứ mạng rao giảng của Gioan.

Gioan không phải là con người bình thường như mọi người. Nơi ông mọi sự đều đặc biệt, nơi ông Đấng Tối Cao trực tiếp can thiệp trong suốt cuộc đời ông. Sứ Thần Chúa xuất hiện loan báo tin ông sẽ vào đời và đặc biệt ngay cả khi chết đi, một cái chết bạo hành- bị chặt đầu bỏ trên đĩa- Chính Đức Kitô cũng nói về cái chết của Gioan. Gioan được sanh trong hoàn cảnh rất đặc biệt khi mẹ ông là bà Elizabeth hết hy vọng sanh con vì cao niên lại chính là lúc sứ thần loan báo tin bà thụ thai. Cha ông là Zachariah được tuyển chọn dâng của lễ trong Đền Thờ và sứ thần báo tin cho biết ông sẽ có con trai và đặt tên cho đứa nhỏ là Gioan. Zachariah nghi ngờ điều điều sứ thần loan báo nên ông mất tiếng nói mãi cho đến khi Gioan nhận nghi thức cắt bì dâng hiến trong Đền Thờ ông mới nói lại được như cũ. Chính tên của Gioan cũng được sứ thần loan báo trước vì thế dòng tộc ông ngạc nhiên tại sao lại chọn tên không dính bén gì đến gia tộc. Những sự kiện trên gây thắc mắc cho mọi người là em bé này sau này sẽ thế nào đây, bởi có bàn tay Chúa phù trợ em Luca 1,66. Những gì tiên tri Isaiah loan báo ứng nghiệm vào cuộc đời của Gioan.

Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời Người đã nhắc đến tên tôi. Is 49,1.

Đặt tên cháu là Gioan. Họ bảo bà: Trong họ hàng của bà chẳng có ai có tên như vậy cả Luca 1,61


Cuộc sống của Gioan cũng rất khác biệt bởi ông chọn cuộc sống đơn giản khác thường. Về cách ăn mặc, ông không mặc lụa là, gấm vóc. Là con duy trong một gia đình uy tín, trọng vọng và khá giả, lại là con duy nhất của thầy tư tế ông dư khả năng mặc sang trọng nhưng chọn khoác áo da lạc đà. Gioan không chọn cao lương mĩ vị, hay tiệc tùng linh đình. Thực phẩm sống qua ngày là ăn châu chấu trộn mật ong rừng. Ông rao giảng lời ngắn gọn, sắc bén và đi vào tim óc người nghe. Ông kêu gọi thống hối và nhận phép rửa là dấu chỉ của thay đổi lối sống để được tha tội. Luca 3,3

Cuộc đời ông sống trọn cho Đấng Cứu thế và tin rằng khi Đấng Cứu Thế xuất hiện rao giảng cũng là lúc ông làm tròn nhiệm vụ Sửa Đường Cho Đấng Cứu Thế. Nhiều lần ông trả lời Thầy Tư Tế và Lêvi khi họ chất vấn ông. Gioan đáp:

Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi Jn 1,23......Tôi đây làm phép rửa trong nước, nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người Jn 1,27

Gioan tự biết tất cả những gì ông có đều do Thiên Chúa trao ban, cuộc sống, trí thông minh, tài hùng biện, môn đệ theo, tất cả đều do Chúa ban vì thế ông sẵn sàng dâng lại Thiên Chúa tất cả. Khi ông thấy Đức Kitô đi ngang qua ông đã nói với môn đệ ông Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi Gn 3, 30 và đây là 'Chiên Thiên Chúa' Jn 1,36 và hai môn đệ ông đã đi theo Đức Kitô và ở lại qua đêm với Ngài.

Chúng ta thường hành động theo cảm nhận đầu tiên. Gioan cũng hành động theo cảm nhận đầu tiên nhưng Gioan chỉ tin khi cảm nhận đó được xác định qua cầu nguyện dưới sự hướng dẫn, soi sáng của Thánh Thần. Gioan nhận ra ơn Thánh Thần rất sớm. Khi Mẹ Đức Kitô đến thăm Gioan đã vui mừng trong lòng mẹ. Tên ông cũng được định trước. Những ngày trong hoang địa, có lẽ Gioan không sống cô đơn một mình nhưng có Thánh Thần đồng hành, hướng dẫn, chỉ bảo. Ông nhận ra Đức Kitô khi Ngài đến xin làm phép rửa và nhận ra Thánh Thần xuống trên Đức Kitô. Kinh thánh ghi lại vắn tắt như sau

Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt Israel. Luca 1,80

Học từ Gioan lắng nghe tiếng Thánh Thần Chúa nói và hướng dẫn cuộc đời chúng ta.

A man from river bank

Every time I read this Gospel's passage I envisage in my mind the image of St John standing in the river to immerse Jesus into the water to baptise him. For this reason they called him John the Baptiser. John isn't an ordinary man. He is a special person with many significant events unfolding throughout his life. It began even before his birth and Jesus spoke highly of him after John's violent death- being beheaded. His conception happened after when his mother, Elizabeth, had lost all hope of having children, caused by her advance in age. John's birth was announced by God's messenger. His father, Zechariah, had lost his voice for not trusting the Messenger who told him his wife was going to bear him a son and he should name him John. On his naming day, all his relatives were surprised because the name given him had nothing to do with the family traditions. His father, Zechariah, regained his voice after John had been named. What the prophet Isaiah had prophesized became clear.

The Lord called me from birth, from my mother's womb he gave me my name Is. 49,1.... He is to be called John. They said to her: but no one in your family has that name. v.61

What happened at his naming day ceremony had made people wonder about

'what will this child turn out to be? v.66.

John enjoyed a simplicity of life, no luxury clothing in his appearance as he wore a garment made out of carmel skin; he lived not in a castle but in wilderness; he had no taste of expensive banquet but simply wild honey and insects; his message was short, sharp and simple: calling people to a baptism, a sign of repentance, for the forgiveness of sins. Lk 3,3. His entire life was dedicated to the Messiah and strongly believed that whenever the Messiah began his mission, his own mission would come to an end, giving way to the Lord. Several times John had made it clear when the Priests and Levites challenged his mission, John simply answered about his vocation that he is,

A voice that cries in the wilderness. Make straight way for the Lord Jn 3,23....I baptize you with water, but someone is coming, who is more powerful than I am, and I am not fit to undo the strap of his sandals; he will baptise you with the Holy spirit and fire. Lk 3,16

During his life John always remembered that everything he had that came from the Lord. His popularity, his public speaking skills and even his followers were all given to him by the Lord. John kept nothing for himself. When he saw Jesus passing, John stared hard at him and said: Look, there is the lamb of God' Jn 3,35 and two of his disciples who followed Jesus.

I am made glorious in the sight of the Lord, and my God is now my strength!....He must be increased and I must be decreased. Jn 3,30

We follow human instinct but for John the human instinct needs to be confirmed by the Spirit. The Spirit played a very prominent role in his life. He jumped for joy when Mary came to visit his mother. His name was given by the Spirit of God. No doubt he was not in the wilderness alone but the Spirit trained him for the mission. Prompted by the Spirit he recognized Jesus as the Saviour at his Baptism. Seeing Jesus walked past, John told his disciples that he is the lamb of God.

The Bible briefly said

The child grew and became strong in spirit, and he was in the desert until the day of his manifestation to Israel. Lk 1,80

We learn from John as we listen to the voice of the Spirit in our heart.

TiengChuong.org
 
Tại sao thánh Gioan được mừng ngày sinh ?
Lm. Alf. Nguyễn Công Minh, OFM
21:19 21/06/2018
Bối cảnh của câu hỏi này là 99,99% hay hơn thế nữa, Giáo Hội (GH) chỉ mừng ngày chết, tử nhật, của vị thánh, chứ không ai được mừng ngày sinh bao giờ. Chỉ trừ 3 vị trong đó có thánh Gioan đây. Bởi vì mãi tới ngày chết thì mới biết được vị ấy có sống thánh trọn cuộc đời hay không, hay là phút cuối cùng lại sa phạm tội. Một đời ăn trộm nhưng phút cuối thành thánh như tên trộm bên phải. Một đời theo Chúa, nhưng phút cuối thắt cổ thành ma như Juda phản bội. Và vì thế, ngày chết mới quyết định được việc có sống thánh trọn vẹn không. Phụng vụ gọi ngày chết này là ngày sinh trên trời. Mừng lễ Phêrô sắp tới đây là mừng ngày ông chết trên thập giá ngược năm 63. Mừng lễ Phaolô tới đây là mừng ngày vị này bị chặt đầu, xử trảm khoảng năm 67. Phanxico được mừng vào ngày 4/10 là vì chết vào đêm khuya 3/10 năm 1224.

Vậy mừng các thánh, là mừng ngày giỗ, tức giáp năm ngày chết. Chỉ trừ 3 vị GH cử hành lễ mừng ngày sinh: sinh nhật Chúa Giêsu 25/12, sinh nhật ĐM 8/9 và sinh nhật Gioan hôm nay 24/6.

Chưa kịp trả lời cho câu hỏi tại sao Gioan được mừng ngày sinh, thì từ đây lại nảy sinh một câu hỏi khác mà ai để ý sẽ thấy như là một sự tréo chân. Sự tréo chân này đã có người nhận thấy và đã thắc mắc thẳng với Bộ Phụng Tự rằng: không biết Bộ có lầm lẫn không khi xếp lễ sinh nhật Gioan là lễ trọng, còn sinh nhật ĐM, lại là lễ kính. Nói dễ hiểu hơn, sinh nhật Gioan mừng bậc I, còn sinh nhật ĐM xếp bâc nhì.

1. Bộ Phụng Tự đã trả lời giúp ta là Bộ không lầm không lẫn đâu. Đích thị ngày sinh của Gioan trọng hơn ngày sinh của ĐM trong cử hành PV dưới đất (trên trời thì không biết !). Là vì ngày sinh của ĐM chỉ là suy ra. Maria phải được sinh ra thì mới có Maria 15 tuổi được truyền tin và Maria 16 tuổi sinh Chúa Giêsu chứ… Còn ngày sinh của Gioan thì được tiên tri Cựu Ước loan báo (Mlk 3,1) (*) được sách Tin Mừng thuật lại giây phút Gabriel truyền tin và mô tả chi tiết ngày sinh ra và đặt tên rất trân trọng. Bài truyền tin được đọc trong lễ vọng, cũng là lễ trọng chiều qua, và bài mô tả ngày sinh được đọc hôm nay, thánh lễ chính ngày. Nếu đối chiếu với sinh nhật Chúa, ta sẽ thấy rất nhiều điểm tương đồng.

-Nào là cũng cùng thần sứ Gabriel đến truyền tin thọ thai,

-Nào là sẽ sinh con trai, sẽ đặt tên gì cũng được báo trước.

-Nào là con trẻ sẽ nên cao trọng, được tràn đầy thánh thần vv.

Ta thử nghe lại lời thần sứ Gabriel nói với Zacaria, cha của Gioan: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.”

Với câu “được tràn đầy Thánh Thần” từ trong bụng mẹ, chẳng khác nào câu “kính chào Maria đầy ơn phúc,” ngay từ thế kỷ thứ 4, nhất là với thánh Augustino, người ta đã ngầm tin rằng Gioan cũng được khỏi vướng phải tội tổ tông truyền, nhất là khi Mẹ Maria mang Chúa đến thì Gioan chưa sinh ra vẫn còn trong bụng mẹ mình đã nhảy mừng. Người ta ngầm nghĩ vậy thôi, chứ GH chưa tuyên tín rằng Gioan là người được ơn vô nhiễm như Mẹ Maria. Dẫu sao mấy ai được Kinh Thánh báo trước và mô tả về ngày sinh trân trọng như thế. Đó là lý do thứ nhất tại sao ngày sinh Gioan được mừng long trọng. Vì Thánh Kinh, kể cả sách Tin Mừng, long trọng loan báo trước về ngày này, và mô tả về ngày này gần như song song với ngày sinh của Chúa Giêsu.

2. Lý do thứ hai là ngày Gioan sinh ra trở nên niềm hoan lạc vui mừng cho nhiều người. Một ngày được chúc phúc (Lc 1, 14). Muốn hiểu rõ điều này, ta phải nhớ lại cũng trong Kinh Thánh đã ghi những lời nguyền rủa cho ngày sinh, như Job 3,1 (**) Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo: "Đứa con trong bụng mẹ là một bé trai! "Phải chi ngày ấy là đêm tối, phải chi từ nơi cao thẳm Thiên Chúa đừng để ý tới ngày ấy làm gì. Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ? Sao lại có hai đầu gối đỡ lấy tôi, có đôi vú cho tôi bú mớm?

Yêremia (20,14-18) thì nói về ngày sinh của chính mình như sau: (***) Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra. Ngày mẹ tôi sinh ra tôi không đáng được chúc lành. Thật đáng nguyền rủa kẻ làm cho cha tôi hớn hở mừng vui khi báo tin cho người: "Một người con, một bé trai đã được sinh ra cho ông." Tại sao tôi đã không chết ngay trong lòng mẹ để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi,

Còn Chúa Giêsu thì nói về ngày sinh của Yuđa như sau: Mt 26:24-24: Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!"

Nhưng khi nói về việc sinh của Gioan chính Chúa Giêsu sau này đã công nhận: “Trong số các phàm nhân sinh ra bởi người nữ, chưa hề có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,8). Cũng chính vì được chính sách Tin Mừng thuật lại ngày sinh, mà lễ sinh nhật của Gioan được mừng trong lịch sử GH từ thế kỷ 5 (có 3 lễ như lễ Noel), còn sinh nhật Mẹ thế kỷ 8 8 mới được đưa vào Phụng vụ. Thánh Augustino đã nói về ngày lễ sinh nhật của Gioan như sau:

“Hội Thánh coi sinh nhật của thánh Gio-an như một ngày thiêng thánh. Không có vị nào trong các bậc cha ông được chúng ta mừng sinh nhật trọng thể như thế. Chúng ta mừng sinh nhật thánh Gio-an và mừng sinh nhật Đức Ki-tô : đó là điều không thể bỏ qua. (thời Augustinô chưa mừng lễ SN Mẹ). Nếu chúng tôi không giải thích nổi ý nghĩa cao trọng của ngày lễ, thì anh em vẫn có thể suy gẫm về điều đó một cách hữu ích và sâu sắc” (BĐ II Giờ Kinh Sách lễ Sinh Nhật Gioan)

Bourdaloue đã tóm tắt ý tưởng mừng lễ sinh nhật Gioan, Đấng Tiền Hô của Vua Tối Cao như sau: Hạ thấp việc mừng Gioan là hạ thấp Giêsu, vì chính Gioan là người được Thiên Chúa chọn để làm chứng và giới thiệu chính thức Chàng Rể cho Cô Dâu. Tức là Chúa Kitô cho Giáo Hội là chúng ta đây.

Tôi đặt thêm một câu hỏi nữa để kết thúc là tại sao Zacaria bị câm? Phải chăng ông ta nghi ngờ: “Việc ấy xảy ra thế nào được, Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi “ Nào ĐM cũng đã chẳng hỏi thần sứ Gabriel như thế sao : "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Maria không bị cứng lưỡi để sau đó mấy ngày có thể cất lên lời kinh Magnificat. Còn Zacaria cũng hỏi câu ấy thì lập tức bị câm miệng lại. Đợi đến lúc Gioan sinh ra mới mềm lưỡi được mà cất lên bài Benedictus. Trả lời cũng phải dài, có thể là một bài giảng khác. Nhưng ta có thể nhắc ngay đây Gioan chính là tiếng kêu. Phải im lặng mới nghe được tiếng kêu.

Mừng ngày sinh của Gioan, gợi tới ngày sinh của Chúa, và nhắc đến ngày sinh của mỗi người chúng ta. Trong thông-điệp Tin Mừng về sự sống, ĐGH GP II đã gọi nền văn minh của chúng ta đang sống là nền văn minh của sự chết, trong đó đáng nguyền rủa nhất là việc không cho tiếng kêu, tiếng khóc của em bé được thốt lên khi chào đời. Nói rõ ra là nạn phá thai. Con số thật kinh khủng (mỗi năm khoảng 15 triệu con trẻ không dược kêu lên tiếng nào).

[Cách đây 90 năm, tức gần một thế kỷ, em bé Gioan Baotixita Bùi Tuần chào đời, và cất tiếng kêu. Lớn lên khi trở thành người có ảnh hưởng thì tiếng kêu này đã được thực thi đúng ý nghĩa nhất. Tiếng kêu cất lên khi giảng dạy, khi đứng lớp, lúc linh hướng khi là giám đốc chủng viện. Sau này, khi đã là giám mục, thì tiếng kêu, gọi mời đến với Chúa càng tha thiết và dày đặc hơn. Cho đến khi không còn trách nhiệm lên tiếng kêu nữa, thì tiếng kêu ấy ẩn dưới những con chữ -điều đức cha Cửu Tuần Bùi Tuần vẫn làm thường xuyên và liên tục từ trước- để được vang lên tiếng kêu trên báo, trên mạng…] (****)

Còn mỗi chúng ta đã được sinh ra. Tuy không mang tên thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng đã kêu, đã cất tiếng kêu chào đời, hãy là một lời kêu như Gioan mà Gabriel đã nói về: “Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa."

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

___________________________

(*) Ml 3:1-1

Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán.

(**) G 3:1-15

Sau cùng, ông Gióp mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời. Ông Gióp lên tiếng nói:

Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời,

cũng như đêm đã báo:

"Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!"

Phải chi ngày ấy là đêm tối,

phải chi từ nơi cao thẳm

Thiên Chúa đừng để ý tới ngày ấy làm gì.

Phải chi trên ngày ấy ánh sáng đừng chiếu rọi.

Phải chi trên ngày ấy tối tăm mờ mịt bao trùm,

mây đen đến che phủ và sương mù bỗng dưng ập xuống.

Phải chi đêm ấy bị tối tăm xâm nhập,

không được kể vào niên lịch,

không được tính trong số các tháng.

Này, phải chi đêm ấy là đêm cô đơn buồn thảm,

đêm chẳng hề có tiếng reo vui.

Phải chi những kẻ đã nguyền rủa ngày

đã sẵn sàng đánh thức con giao long

cũng nguyền rủa đêm ấy.

Phải chi tinh tú ban mai thành tăm tối mịt mờ,

và ban mai uổng công chờ ánh sáng,

không hề thấy bình minh xuất hiện.

Vì đêm ấy đã không đóng kín lòng dạ cưu mang tôi

khiến mắt tôi khỏi nhìn thấy đau khổ.

Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời,

không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ?

Sao lại có hai đầu gối đỡ lấy tôi,

có đôi vú cho tôi bú mớm?

Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã nằm xuống yên hàn,

đã an giấc nghỉ ngơi

cùng các bậc vương hầu khanh tướng

đã xây lăng xây mộ cho mình,

hay những bậc thủ lãnh vàng bạc chất đầy nhà.

(***) Gr 20:14-18

Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra.

Ngày mẹ tôi sinh ra tôi không đáng được chúc lành.

Thật đáng nguyền rủa kẻ làm cho cha tôi hớn hở mừng vui

khi báo tin cho người:

"Một người con, một bé trai đã được sinh ra cho ông."

Chớ gì kẻ đó giống như các thành

bị ĐỨC CHÚA phá đổ, không chút xót thương.

Chớ gì sáng sớm nó nghe tiếng kêu cứu,

và giữa trưa nghe tiếng hò xung trận.

Tại sao tôi đã không chết ngay trong lòng mẹ

để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi,

và lòng bà cưu mang tôi mãi mãi?

Tôi đã lọt lòng mẹ để làm chi?

Phải chăng chỉ để thấy toàn gian khổ, buồn sầu,

và thấy cuộc đời qua đi trong tủi hổ?

(****) Đoạn được thêm vào nhân lễ Cửu Tuần của đgm G.B. Bùi Tuần.

LM. Alf. Nguyễn Công Minh, OFM
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng gặp đại diện 2 miền Nam-Bắc Hàn tại Geneva
Trần Mạnh Trác
12:26 21/06/2018
Geneva, Thụy Sĩ ( CNA / EWTN News 21 tháng 6, 2018) Qua một nghĩa cử nhằm hai mục đích là vừa bắc cầu để hàn gắn sự phân chia chính trị giửa hai miền Nam Bắc, vừa đồng thời mang một ý nghiã đại kết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các đại diện cuả hai miền Bắc Hàn và Nam Hàn đang có mặt ở Geneva để tham dự ngày kỷ niệm 70 cuả Hội Đồng Giáo hội Thế Giới WCC.

Cuộc họp với bốn đại biểu đã diễn ra ngay trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bước vào hội trường chính cuả trụ sở Hội đồng Giáo hội Thế giới (WCC) trong chuyến đi ngày 21 tháng 6 tới Geneva.

Qua nhiều chục năm, WCC đã tích cực tham gia vào việc thúc đẩy hoà bình và đoàn kết trên bán đảo Triều Tiên. Chủ tịch tổ chức ở Châu Á, bà mục sư Sang Chang, đã dàn xếp cuộc họp cuả ĐGH với người Hàn Quốc.

Bà Chang là một mục sư cuả Giáo hội Tân Giáo (Presbyterian) ở Nam Hàn, từng được biết đến vì những công việc thúc đẩy hoà bình và hoà giải và quyền của phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên.

Theo tin tức cuả WCC, thì vào ngày 17 tháng 6 trong lễ kỷ niệm lần thứ 70 của tổ chức, hai phái đoàn Bắc và Nam Triều Tiên đã cùng nhau hát một bài dân ca cổ, có từ 600 năm trước, tên là Arirang

Cuộc gặp gỡ hôm thứ Năm giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các đại biểu Hàn Quốc đã đến sau nhiều cuộc họp cao cấp giữa các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Qua những cuộc họp ấy, ông Kim và ông Trump đã ký một tuyên bố chung với bốn thỏa thuận cụ thể, là cam kết thiết lập một quan hệ mới giữa Mỹ-Bắc Triều Tiên; hướng tới việc đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, một lời hứa cuả ông Trump để kết thúc các cuộc thao diễn quân sự với Hàn Quốc; và lời hứa từ ông Kim sẽ làm việc để hướng tới việc giải giáp hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên; và cam kết phục hồi và hồi hương những người POW / MIA (tù nhân chiến tranh và mất tích)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ lâu đã ủng hộ những nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, và trong tháng 4 đã ca ngợi ông Kim và ông Moon vì những bước "can đảm", nói rằng ngài cầu nguyện cho "hội nghị thượng đỉnh Liên Triều được thành công tích cực ... và khen ngợi sự can đảm cuả các nhà lãnh đạo hai miền nhằm thực hiện một con đường đối thoại chân thành cho một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. "

Cuộc gặp giữa ĐGH và các đại biểu Hàn Quốc tại WCC ở Geneva là một nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa giải không chỉ ở cấp chính trị, mà còn là ở cấp đại kết.

WCC được thành lập vào năm 1948 và là một tập thể cấp toàn cầu qui tụ nhiều Giáo hội và các cộng đồng đức tin với mục tiêu là thúc đẩy sự thống nhất giữa các Kitô hữu.

Với khoảng 348 thành viên trên thế giới, tổ chức từ lâu đã là động lực cho những cố gắng đại kết ở châu Âu. Các thành viên có mặt ở 110 quốc gia và đại diện cho hơn 500 triệu Kitô hữu.

Tòa Thánh không phải là thành viên của WCC, nhưng là một quan sát viên, và đã từng hợp tác với tổ chức qua nhiều công việc ở nhiều lãnh vực.
 
Bài giảng thánh lễ tại Palexpo của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Thụy Sĩ ngày 21/06/2018
J.B. Đặng Minh An dịch
18:08 21/06/2018
Trong khuôn khổ chuyến tông du Thụy Sĩ, lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày thứ Năm 21 tháng 6, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho cộng đoàn Công Giáo tại khu triển lãm Palexpo gần phi trường Genève. Khu vực này thường được dùng để triển lãm các loại xe hơi.

Thánh lễ tại Palexpo được kể là thánh lễ giáo hoàng đầu tiên được tổ chức tại nước này kể từ sau chuyến viếng thăm vào năm 2004 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Các bài đọc và lời nguyện đã được cử hành bằng tiếng Pháp và La tinh; và đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ bằng tiếng Pháp.

Bài Tin Mừng trong thánh lễ được trích từ Phúc Âm theo Thánh Mátthêu (6:7-15) khi Chúa dạy các môn đệ cách cầu nguyện.

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

Lạy Cha chúng con ở trên trời,
chúng con nguyện Danh Cha cả sáng,
nước Cha trị đến,
ý Cha thể hiện dười đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày,
và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con,
xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

Trong bài giảng thánh lễ Đức Thánh Cha nói:


Cha, lương thực và sự tha thứ. Đây là ba từ mà Tin Mừng ban cho chúng ta hôm nay. Ba từ này đưa chúng ta đến tận trung tâm của đức tin.

“Cha”. Lời cầu nguyện bắt đầu với từ này. Chúng ta có thể tiếp tục với những từ khác, nhưng chúng ta không thể quên từ đầu tiên này, vì chữ “Cha” là chìa khóa để mở lòng ra cùng Thiên Chúa. Chỉ cần thốt lên từ Cha, chúng ta đã cầu nguyện bằng ngôn ngữ của Kitô Giáo. Là tín hữu Kitô, chúng ta không cầu nguyện với một số thần minh chung chung, nhưng cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Đấng trước hết là Cha của chúng ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy nói: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, chứ không phải “Lạy Đức Chúa Trời, Đấng là Cha”. Trước hết mọi sự, trước cả sự vô thủy vô chung của Ngài, Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất (xem Ê-phê-sô 3:15). Ngài là nguồn mạch của tất cả mọi điều thiện hảo và mọi sự sống. Cụm từ “Cha chúng con” tiết lộ căn tính, và ý nghĩa cuộc sống của chúng ta: chúng ta là con trai và con gái yêu dấu của Thiên Chúa. Những lời này phản bác vấn nạn về sự lẻ loi của chúng ta, và cảm thức chúng ta là những kẻ mồ côi. Những lời ấy cho chúng ta thấy những gì chúng ta phải làm: đó là yêu mến Chúa, là Cha chúng ta, và tha nhân, là anh chị em của chúng ta. “Cha chúng con” là lời cầu nguyện của chúng ta, của Giáo Hội. Nó không nói gì về tôi hay những gì của tôi; mọi thứ đều tập trung vào Thiên Chúa (“danh Cha”, “nước Cha”, “ý Cha”). Nó đề cập đến ngôi thứ nhất số nhiều. “Cha của chúng ta”: hai từ đơn giản này cung cấp cho chúng ta một lộ trình cho đời sống tâm linh.

Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá bắt đầu một ngày hoặc trước bất kỳ hoạt động quan trọng nào, mỗi lần chúng ta nói “Cha chúng con”, chúng ta tái tuyên xưng căn cội của mình. Chúng ta cần những gốc rễ đó trong những xã hội quá thường khi mất gốc của chúng ta. Cụm từ “Cha chúng con” củng cố nguồn gốc của chúng ta. Nơi Cha hiện diện, không ai bị loại trừ; sự sợ hãi và bất định không thể đạt được thế thượng phong. Đột nhiên, chúng ta nhớ đến tất cả những điều thiện hảo vì trong lòng Chúa Cha, chúng ta không phải là những người xa lạ mà là những đứa con trai và con gái yêu quý của Ngài. Ngài không quy tụ chúng ta lại với nhau trong những câu lạc bộ nhỏ, nhưng ban cho chúng ta một cuộc sống mới và làm cho chúng ta trở thành một đại gia đình.

Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi thưa lên rằng “Cha chúng con”. Lời ấy sẽ nhắc nhở chúng ta rằng không có con trai hay con gái nếu không có Cha, vì vậy không ai trong chúng ta lại có lúc mồ côi trong thế giới này. Nó cũng sẽ nhắc nhở chúng ta rằng Cha chúng ta có những con trai và con gái, vì vậy không ai trong chúng ta là người con đơn độc. Mỗi người trong chúng ta phải chăm sóc cho anh chị em trong gia đình nhân loại. Khi chúng ta nói “Cha chúng con”, chúng ta nói rằng mỗi người đều là một phần của chúng ta, và khi đối mặt với tất cả những sai trái xúc phạm đến Cha của chúng ta, chúng ta, là những con trai và con gái của Người, được mời gọi phản ứng như những anh chị em với nhau. Chúng ta được mời gọi là những người bảo vệ mạnh mẽ gia đình chúng ta, vượt qua mọi sự thờ ơ đối với tất cả anh chị em mình, cũng như đối với mỗi anh chị em của chúng ta. Điều này bao gồm những thai nhi, những người cao niên không thể nói được nữa, những người mà chúng ta thấy khó có thể tha thứ, người nghèo và những người bị ruồng bỏ. Đây là điều mà Chúa Cha yêu cầu chúng ta, thực ra là ra lệnh cho chúng ta phải làm: đó là yêu thương nhau chân thành, như những con trai và con gái giữa các anh chị em với nhau.

Lương thực. Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha lương thực hàng ngày. Không có gì khác: chỉ lương thực mà thôi, nói cách khác, chỉ điều gì là cần thiết cho cuộc sống. Trước hết, lương thực là thứ chúng ta cần hàng ngày để khỏe mạnh và để có thể làm công việc của chúng ta; nhưng bi kịch ở đây là có quá nhiều anh chị em của chúng ta không có. Ở đây tôi muốn nói: Khốn cho những ai đầu cơ lương thực! Lương thực cơ bản mà mọi người cần cho cuộc sống hàng ngày của họ phải đến được với tất cả mọi người.

Xin Cha cho con lương thực hàng ngày cũng là nói rằng: “Lạy Cha, xin giúp con sống một cuộc sống đơn giản hơn”. Cuộc sống đã trở nên quá phức tạp. Ngày nay nhiều người dường như “được bơm lên”, lao mình vun vút từ rạng đông đến hoàng hôn, giữa vô số các cuộc gọi điện thoại và những lời nhắn tin, đến mức không còn thời gian để nhìn thấy khuôn mặt của những người khác, lúc nào cũng căng thẳng với những vấn đề phức tạp và liên tục thay đổi. Chúng ta cần phải chọn một lối sống tỉnh táo, không có những phức tạp không cần thiết. Một lối sống ngược dòng, như lối sống giống của Thánh Aloysius Gonzaga, mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay. Lối sống ấy liên quan đến việc từ bỏ tất cả những thứ lấp đầy cuộc sống của chúng ta nhưng làm lòng trí chúng ta ra trống rỗng. Chúng ta hãy chọn sự đơn giản, sự đơn sơ của cơm bánh và qua đó tái khám phá sự can đảm của im lặng và của lời cầu nguyện, là men của một cuộc sống nhân bản đích thực. Chúng ta hãy chọn con người chứ không phải là những thứ của cải. Như thế các mối quan hệ thân tình, không giả trá, mới có thể phát triển được. Chúng ta hãy học một lần nữa cách yêu mến mùi hương quen thuộc của cuộc sống xung quanh chúng ta. Khi còn là một đứa trẻ trong gia đình, nếu một miếng bánh mì rơi xuống bàn, chúng tôi được dạy để nhặt lên và hôn nó. Chúng ta hãy đánh giá cao những điều đơn sơ của cuộc sống hàng ngày: không sử dụng chúng và ném đi, nhưng đánh giá cao và nâng niu chúng.

“Lương thực hàng ngày” của chúng ta, mà chúng ta không được quên, là chính Chúa Giêsu. Không có Người, chúng ta không thể làm gì cả (xem Ga 15: 5). Người là chế độ ăn kiêng bình thường của chúng ta để sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, đôi khi, chúng ta lại xem Chúa Giêsu như một món ăn phụ. Nếu Ngài không phải là lương thực hàng ngày của chúng ta, trung tâm của thời đại chúng ta, không khí chúng ta hít thở, thì mọi thứ khác đều ra vô nghĩa. Chúa phải là trung tâm điểm, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Mỗi ngày, khi chúng ta cầu nguyện xin lương thực hằng ngày, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha, và nhắc nhở chính mình về sự đơn giản của cuộc sống, sự chăm sóc cho những gì xung quanh chúng ta, và đừng quên Chúa Giêsu trong mọi thứ và trước mọi sự.

Tha thứ. Thật không dễ dàng để tha thứ. Chúng ta luôn giữ trong lòng một chút cay đắng hay oán giận, và bất cứ khi nào những người chúng ta đã từng tha thứ lại làm phiền chúng ta, nó lại dâng lên một lần nữa. Tuy nhiên, Chúa muốn sự tha thứ của chúng ta là một món quà. Những lời bình luận của chính Chúa Giêsu về kinh Lạy Cha thật là quan trọng. Ngài nói với chúng ta một cách thẳng thừng rằng: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6: 14-15). Đó là lời bình luận duy nhất Chúa đã đưa ra! Tha thứ là trọng tâm của kinh Lạy Cha. Thiên Chúa giải phóng trái tim của chúng ta khỏi mọi tội lỗi, Ngài tha thứ đến tận cùng. Tuy nhiên, Ngài chỉ yêu cầu nơi chúng ta một điều duy nhất: rằng chúng ta đến lượt mình cũng không mệt mỏi trong việc tha thứ. Ngài muốn mỗi người chúng ta ban một ân đại xá cho những tội lỗi của người khác. Chúng ta nên chụp x-quang rõ rệt trái tim mình, để tìm hiểu xem có gì tắc nghẽn trong chúng ta không, có chướng ngại vật nào khiến chúng ta không thể tha thứ, có những tảng đá nào cần phải được loại bỏ hay không. Sau đó chúng ta có thể nói với Chúa Cha: “Con thấy hòn đá này? Con trao nó cho Chúa và con cầu nguyện cho con người này, cho tình huống đó ngay cả khi con phải vất vả lắm mới tha thứ được, con cầu xin Chúa ban cho con sức mạnh để làm điều đó.”

Sự tha thứ canh tân, và tạo ra những điều kỳ diệu. Thánh Phêrô trải nghiệm sự tha thứ của Chúa Giêsu và trở thành mục tử cho đàn chiên của Ngài. Saulô trở thành Phaolô sau sự tha thứ mà thánh nhân nhận được từ thánh Stêphanô. Được thứ tha bởi Cha chúng ta, mỗi người chúng ta được tái sinh như một sáng tạo mới khi chúng ta yêu mến anh chị em của chúng ta. Chỉ khi đó chúng ta mới mang lại sự mới mẻ cho thế giới của chúng ta, vì không có sự mới lạ nào lớn hơn sự tha thứ, chính sự thứ tha biến được cái ác thành tốt. Chúng ta thấy điều đó trong lịch sử của Kitô giáo. Tha thứ cho nhau giúp chúng ta tái khám phá mình là anh chị em với nhau sau bao nhiêu thế kỷ bất đồng và mâu thuẫn, điều này đã và tiếp tục mang đến cho chúng ta cơ man những điều tốt đẹp! Cha chúng ta vui mừng khi chúng ta yêu mến nhau và chân thành tha thứ cho nhau (xem Mt 18:35). Khi đó, Ngài ban cho chúng ta Thánh Linh của Ngài. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng đừng cố chấp và cứng lòng, đừng liên tục đòi hỏi mọi thứ nơi người khác. Thay vào đó, chúng ta hãy đi bước trước, trong lời cầu nguyện, trong cuộc gặp gỡ huynh đệ, trong các cử chỉ bác ái cụ thể. Như thế, chúng ta sẽ nên giống Chúa Cha hơn, Đấng yêu thương bất kể giá phải trả. Và Ngài sẽ tuôn đổ trên chúng ta Thần khí hiệp nhất.

Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Cha Morerod và giáo phận Lausanne-Geneva-Fribourg. Ngài nói:

Tôi hết lòng cảm ơn Đức Cha Morerod và cộng đồng giáo phận Lausanne-Geneva-Fribourg. Tôi cảm ơn các bạn về sự chào đón, sự chuẩn bị và những lời cầu nguyện của các bạn. Xin các bạn vui lòng tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Tôi cũng sẽ cầu nguyện cho các bạn, xin Chúa đồng hành cùng bạn trong mọi bước đi, đặc biệt là trên hành trình đại kết. Tôi cũng chào mừng với lòng biết ơn các giám mục Thụy Sĩ và tất cả các giám mục khác hiện diện nơi đây, cũng như các tín hữu đến từ nhiều miền khác nhau của Thụy Sĩ và Pháp, và từ các nước khác nữa.

Tôi cũng chào đón các công dân của thành phố đáng yêu này, nơi đúng sáu trăm năm trước Đức Giáo Hoàng Martin Đệ Ngũ đã lưu trú nơi đây; thành phố này cũng là trụ sở của các tổ chức quốc tế quan trọng, bao gồm Tổ chức Lao động Quốc tế, hiện đang kỷ niệm 100 năm thành lập.

Tôi rất biết ơn Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ vì lời mời thân thiện, sự giúp đỡ và hợp tác không ngừng nghỉ của các vị. Cảm ơn quý vị!

Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Hẹn gặp lại!


Source: Libreria Editrice Vaticana - ECUMENICAL PILGRIMAGE OF HIS HOLINESS FRANCIS TO GENEVATO MARK THE 70th ANNIVERSARY OF THE FOUNDATION OF THE WORLD COUNCIL OF CHURCHESHOLY MASSHOMILY OF HIS HOLINESS Palexpo (Geneva)Thursday, 21 June 2018
 
Đức Tổng Giám Mục giáo phận LA hoan nghênh pháp lệnh di dân của TT. Trump.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:11 21/06/2018


Đức TGM Los Angeles nói rằng ngài “hoan nghênh” pháp lệnh được TT. Trump ký vào hôm thứ Tư và kêu gọi quốc hội hành động để cả tổ về di dân.

TT. Trump ký pháp lệnh vào hôm thứ Tư có tên là “Affording Congress an Opportunity to Address Family Separation” tạm dịch là “Tạo cơ hội để Quốc Hội giải quyết việc phân cách gia đình” nhằm chấm dứt việc tách con cái ra khỏi cha mẹ của chúng tại biên giới Hoa Kỳ, trong khi vẫn duy trì chính sách của nội các TT Trump là chính sách “không khoan nhượng” việc nhập cư vào Hoa Kỳ bất hợp pháp.

Pháp lệnh nói rằng những gia đình bị tạm giữ sẽ được ở chung với nhau “khi phù hợp và tuân theo luật pháp và các nguồn lực sẵn có.”

Trong một trang Tweet vào chiều thứ Tư, TGM Jose Gomez của giáo phận LA, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã nói rằng “Tôi hoan nghênh pháp lệnh của TT. Trump chấm dứt chính sách phân cách gia đình. Hiện nay Quốc Hội cần hành động về vấn đề di dân. Cùng với các Giám mục của HDGM HK, tôi thất vọng về những dự luật mà Hạ Viện sẽ bỏ phiếu vào ngày mai.”

ĐTGM Gomez viết trên mạng rằng “Chúng ta cần một luật lưỡng đảng nhằm đưa ra một đường lối rõ ràng đối với quyền công dân cho những người nhập cư bất hợp pháp từ khi còn nhỏ (Dreamers) và bảo toàn cho biên giới của chúng ta. Và chúng ta cần luật ấy bây giờ.”

Pháp lệnh đổ lỗi cho việc chia cách các gia đình là do Quốc Hội đã “không hành động” cũng như các lệnh của tòa ánh đã “đưa chính quyền vào vị trí buộc phải phân chia những gia đình người nước ngoài để thi hành luật pháp có hiệu quả.”

Pháp lệnh nói rằng“Bộ Trưởng An Ninh Nội Chính trong phạm vi cho phép của luật pháp và tùy theo tình hình thực tế, duy trì quyền nuôi con của các gia đình nước ngoài trong lúc chưa giải quyết việc nhập cư bất hợp pháp hay trong quá trình di dân của những thành viên gia đình họ.”

Trẻ vị thành niên hiện nay không được phép ở trong trại giam với người lớn. Pháp lệnh mới này kêu gọi Bộ Trưởng Quốc Phòng cung cấp cho Bộ Trưởng Anh Ninh Nội Chính những cơ sở vật chất hiện có để có thể được dùng một nhà cho một đơn vị gia đình. Nếu không có những cơ sở này thì sẽ được xây dựng thêm.

Sắc lệnh Flores 1997 giới hạn thời gian chính quyền liên bang có thể giữ các trẻ em di dân không có giấy tờ cho dù vượt biên cùng với người thân hay môt mình. Trong pháp lệnh vào hôm thứ Tư, tổng trưởng tư pháp được hướng dẫn để “nhanh chóng nộp một yêu cầu” với Tòa án thẩm quyền Hoa Kỳ cho tòa án thẩm quyền tiểu bang Cali để sửa đổi thỏa thuận này. Với những sửa đổi được yêu cầu, các gia đình di dân không có giấy tờ sẽ có thể được cùng giam giữ với nhau trong thời gian tố tụng hình sự.

Tổng Trưởng Tư Pháp cũng được chỉ thị ưu tiên cho bất cứ trường hợp nào liên quan đến một gia đình bị giam giữ.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã không đưa ra lời phê bình nào trước hạn chót của một yêu cầu. Hội đồng cũng như các nhân các giám mục đã lên tiếng phản đối việc phân cách gia đình tại biên giới.

Phát biểu tại buổi ký pháp lệnh, TT. Trump nói rằng ông “không thích cảnh tượng hay cảm giác buồn đau của những gia đình bị phân cách. Đây là một vấn đề mà nó đã xảy ra trong nhiều năm như quý vị biết đấy, qua nhiều đời chính quyền. Do đó, chúng ta sẽ giữ những gia đình lại với nhau và như thế sẽ giải quyết được vấn đề này.”

“Trong lúc này, chúng ta đang giữ một biên giới rất mạnh và nó tiếp tục là vùng không khoan nhượng. Chúng ta không khoan nhượng cho những người nhập vào quốc gia của chúng ta một cách bất hợp pháp.


Source: Catholic New Agency LA archbishop welcomes Trump immigration order
 
Đức Phanxicô tại Genève: thiếu hợp nhất cũng là một tai tiếng đối với thế giới và làm hại chính nghĩa thánh thiêng nhất là rao giảng Tin Mừng
Vũ Văn An
19:53 21/06/2018
Theo tin Elise Harris/CNA/EWTN News, Đức Phanxicô đã tới Genève hôm thứ Năm nhằm thúc đẩy các liên hệ đại kết. Ngài nói rằng sự chia rẽ giữa các Kitô Hữu là do tinh thần thế gian, do đó, phải đặt Chúa Kitô thành ưu tiên hàng đầu, trên mọi dị biệt vốn cản trở con đường hợp nhất.



Trong diễn văn đầu tiên sau khi đặt chân xuống Genève, Đức Phanxicô nói rằng các Kitô hữu được kêu gọi cùng nhau tiến bước trên con đường của Chúa Thánh Thần nghĩa là “từ bỏ tinh thần thế gian” và “quyết chọn khung trí phục vụ và lớn lên trong tha thứ”.

Đức Giáo Hoàng nói chuyện với các tham dự viên buổi tụ tập cầu nguyện đại kết nhân chuyến viếng thăm ngày 21 tháng Sáu của ngài tại Genève để dự lễ kỷ niệm năm thứ 70 ngày thành lập Hội Đồng Thế Giới các Giáo Hội.

“Điều ấy có nghĩa đóng vai của chúng ta trong lịch sử, nhưng trong thời tốt đẹp của Thiên Chúa, không để mình bị cuốn theo chiều gió thối nát, nhưng bình thản tiến trên đường mà bảng chỉ dẫn là giới răn duy nhất này ‘ngươi hãy yêu người lân cận như chính ngươi’”.

Ngài nói rằng “chúng ta được kêu gọi, cùng nhau, bước theo con đường này”, một việc đòi không ngừng hồi tâm và “đổi mới lối suy nghĩ của chúng ta, để nó có thể phù hợp với lối suy nghĩ của Chúa Thánh Thần”.

Ngài cũng cho rằng bước đi lối này là “điều hành với một thua lỗ, vì nó không bảo vệ thích đáng các quyền lợi của các cộng đồng cá thể vốn liên kết chặt chẽ với căn tính sắc tộc hay chia rẽ theo hướng phe phái, bất kể là ‘bảo thủ’ hay ‘cấp tiến’”.

Đức Giáo Hoàng sau đó đã nhắc đến thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, trong đó, thánh tông đồ nói với cộng đồng này rằng “không còn Hy Lạp hay Do Thái, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ; vì anh chị em tất cả đều là một trong Chúa Giêsu Kitô”.

Ngài cũng nhắc đến đoạn thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, trong đó, thánh tông đồ phê phán các chia rẽ trong cộng đồng này, khi nói rằng “mỗi người trong anh chị em nói rằng ‘tôi thuộc Phaolô’ hay ‘tôi thuộc Apollos’, hay ‘tôi thuộc Cephas’ hay ‘tôi thuộc Chúa Kitô’. Phải chăng Chúa Kitô đã bị phân chia? Phải chăng Phaolô chịu đóng đinh cho anh chị em? Hay phải chăng anh chị em chịu phép rửa nhân danh Phaolô?”

Đức Phanxicô nói rằng điều các Kitô hữu hiện đại được yêu cầu là ‘thuộc về Chúa Giêsu trước khi thuộc về Apollos hay Cephas; thuộc về Chúa Kitô trước khi là ‘Do Thái hay Hy Lạp’; thuộc về Chúa trước khi đồng hóa mình với phe hữu hay phe tả; nhân danh Tin Mừng, quyết chọn anh chị em mình trước cả bản thân mình”.

Theo ngài, “dưới con mắt thế gian, điều này có nghĩa là hoạt động với một thua lỗ” và ngài bảo phong trào đại kết là một “doanh nghiệp hoạt động với một thua lỗ”.

Tuy nhiên, sự thua lỗ này “có tính Tin Mừng” và ngài trích dẫn lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng khi Người dạy các môn đệ rằng “Những ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó, và những ai mất mạng sống mình vì Thầy sẽ cứu được nó”.

Ngài nói: “Chỉ cứu điều gì của chúng ta mà thôi là bước đi theo xác thịt; mất mọi sự theo bước chân Chúa Giêsu là bước đi theo Thần Khí. Chỉ bằng cách này, vườn nho của Chúa mới sinh hoa trái”.

Bài giảng của Đức Phanxicô tại buổi tụ tập cầu nguyện là bài diễn văn chính thức đầu tiên của ngài trong chuyến thăm Genève một ngày của ngài. Ngài lên tiếng tại trụ sở của Hội Đồng Thế Giới các Giáo Hội sau khi hội kiến riêng với Tổng Thống Liên Bang Thụy Sĩ, Alain Berset.

Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng nói rằng các chia rẽ của Kitô hữu, theo lịch sử, phát sinh vì “khung trí thế gian đã thấm vào” gốc rễ của họ.

Ngài nói điều đã xẩy ra là việc “chỉ biết quan tâm đến mình đã chiếm ưu thế đối với việc quan tâm tới Chúa Kitô” và khi điều này đã xẩy ra, thì ma quỉ ‘không có khó khăn gì trong việc chia rẽ chúng ta, vì hướng chúng ta chọn là hướng của xác thịt, không phải hướng của Thần Khí”.

Ngay một số cố gắng chấm dứt các chia rẽ này trong quá khứ cũng “đã thất bại thê thảm vì chúng chủ yếu được gợi hứng bởi lối suy nghĩ của thế gian”. Vì thế, theo ngài, phong trào đại kết “xuất hiện như một ơn thánh của Chúa Thánh Thần”.

Theo ngài, “Phong trào đại kết giúp chúng ta lên đường phù hợp với thánh ý Chúa Kitô và phong trào này sẽ có khả năng tiến bộ nếu chịu theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà không ngừng bác bỏ việc thu mình vào chính mình”.

Dựa vào các liên hệ giữa các giáo hội Kitô Giáo hiện đại và số lượng các vấn đề thường cản trở con đường hợp nhất hoàn toàn, Đức Phanxicô nói rằng kinh nghiệm hiện thời gần giống như kinh nghiệm của các cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi tại Galát.

Ngài bảo: “Thắng vượt các cảm quan cứng cỏi và phát huy hiệp thông là điều khó khăn xiết bao! Bỏ lại sau lưng các bất đồng và các kết án hỗ tương đã có nhiều thế kỷ nay khó khăn biết chừng nào!”

Có lúc, “chống lại các thúc đẩy nhẹ nhàng liên kết với người khác, cùng đi với họ còn khủng khiếp hơn nữa chỉ vì để thỏa mãn một quyền lợi phe phái nào đó”. Tuy nhiên, đó không phải là khung trí của một tông đồ, mà là thái độ của Giuđa, kẻ từng đi với Chúa Giêsu, “nhưng vì các mục đích của riêng hắn”.

Đức Phanxicô cho rằng lễ kỷ niệm 70 năm của Hội Đồng Thế Giới các Giáo Hội là lời mời gọi củng cố các bước tiến đại kết đã từng được đưa ra.

Ngài nói các Kitô hữu không nên ngưng cuộc tìm kiếm hợp nhất của họ khi đương đầu với những dị biệt liên tục, và họ cũng không nên để mình bị tràn ngập bởi mệt mỏi hay “thiếu hứng khởi”.

Theo ngài, “các dị biệt của chúng ta không được là các viện cớ. Cả lúc này, chúng ta vẫn có thể cùng bước đi trong Thần Khí: chúng ta có thể cầu nguyện, rao giảng Tin Mừng và phục vụ với nhau. Điều này khả hữu, và rất đẹp lòng Thiên Chúa! Bước đi, cầu nguyện và làm việc với nhau: đây là nẻo đường lớn chúng ta được kêu gọi bước theo”.

Mục đích của nẻo đường này là hợp nhất và nẻo đường ngược lại là nẻo dẫn tới chia rẽ, dẫn tới “tranh chấp và tan vỡ”. Ngài nhấn mạnh rằng thiếu hợp nhất nơi các Kitô hữu không những là điều “công khai đi ngược lại thánh ý Chúa Kitô” mà còn là “một tai tiếng đối với thế giới và làm hại tới chính nghĩa thánh thiêng nhất là rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.

Ngài bảo: Chúa ‘yêu cầu chúng ta hợp nhất; thế giới chúng ta, bị xé nát bởi quá nhiều chia rẽ ảnh hưởng tới những người yếu thế nhất, đang khẩn khoản xin hợp nhất”.

Còn đối với các Kitô hữu, bước đi với nhau không phải chỉ là “một mánh khoé củng cố các quan điểm của chúng ta”, nhưng đúng hơn là hành vi vâng theo Chúa Giêsu và tình yêu của Người dành cho thế giới. Đức Phanxicô nói thế và ngài kết luận bằng việc cầu xin Thiên Chúa giúp các Kitô hữu “bước đi với nhau một cách cương quyết hơn trên các nẻo đường của Thần Khí”.

“Xin thánh giá hướng dẫn các bước đi của chúng ta vì ở đấy, trong Chúa Giêsu, các bức tường phân cách đã được phá sập và mọi sự thù đích đã được lướt thắng”.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô
J.B. Đặng Minh An dịch
22:47 21/06/2018
Lúc 8 giờ 30 sáng thứ Năm 21 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã ra phi trường Fiumicino để đáp máy bay sang Genève. Chuyến tông du thứ 23 của Đức Thánh Cha bên ngoài Italia là chuyến tông du ngắn nhất, chỉ có một ngày và là chuyến bay quốc tế ngắn nhất của ngài từ khi lên ngôi Giáo Hoàng. Máy bay của Đức Thánh Cha đã hạ cánh xuống Genève lúc 10:10 sáng giờ địa phương.

Sau một cuộc họp riêng với tổng thống liên bang Thụy Sĩ, Alain Berset, điểm dừng chân đầu tiên của ngài là Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô.

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 3 đến thăm Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô sau chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 năm 1969 và Thánh Gioan Phaolô 2 ngày 12 tháng 6 năm 1982. Đức Phanxicô được mời đến thăm tổ chức này nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, một tổ chức đại kết rộng lớn nhất trong phong trào đại kết hiện nay, qui tụ 348 Giáo Hội Kitô thành viên gồm Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo cùng nhiều cộng đoàn Giáo Hội độc lập khác, với tổng cộng 500 triệu tín hữu.

Mục sư Tổng Thư ký, là Tiến sĩ Olav Fykse Tveit, và nữ Mục sư Agnes Aboum, là Điều Phối Viên, đã chào mừng Đức Thánh Cha và trình bày hành trình đại kết mà Hội đồng theo đuổi trong 70 năm qua.

Trong diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui được gặp các bạn và tôi cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của các bạn. Đặc biệt, tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Mục sư Tổng thư ký, Tiến sĩ Olav Fykse Tveit, và Điều Phối Viên, Tiến sĩ Agnes Abuom vì những lời tốt đẹp và lời mời của các vị nhân dịp kỷ niệm bảy mươi năm thành lập Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô.

Trong Kinh Thánh, bẩy mươi năm tiêu biểu cho một khoảng thời gian đáng kể, một dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa. Nhưng bẩy mươi cũng là một con số nhắc nhở chúng ta về hai đoạn quan trọng trong Tin Mừng. Trong đoạn thứ nhất, Chúa yêu cầu chúng ta tha thứ cho nhau không chỉ bảy lần mà là bảy mươi lần bảy (Mt 18:22). Con số đó, tất nhiên, không được đưa ra như một giới hạn, nhưng mở ra một chân trời rộng lớn; nó không định lượng công lý nhưng được dùng như thước đo cho một lòng bác ái có khả năng tha thứ vô hạn. Sau nhiều thế kỷ xung đột, lòng bác ái đó giờ đây cho phép chúng ta đến với nhau như anh chị em, trong hòa bình và với lòng biết ơn Chúa Cha chúng ta.

Nếu chúng ta có thể ngồi đây ngày hôm nay với nhau, thì cũng nhờ tất cả những người đã đi trước chúng ta biết chọn con đường tha thứ và không từ bỏ bất cứ nỗ lực nào để đáp lại thánh ý của Chúa để “tất cả có thể nên một” (xem Jn 17:21). Trong tình yêu chân thành đối với Chúa Giêsu, họ không cho phép mình bị kẹt trong những bất đồng, nhưng thay vào đó dám nhìn một cách dũng cảm vào tương lai, tin tưởng nơi sự hiệp nhất và phá vỡ những rào cản của nghi ngờ và sợ hãi. Thánh Grêgôriô thành Nyssa, một người cha trong đức tin thời xa xưa, trong bài giảng về Diễm Tình Ca, đã nhận xét chí lý rằng: “Khi tình yêu đã loại bỏ hoàn toàn nỗi sợ hãi, và nỗi sợ hãi đã được biến thành tình yêu, thì sự hiệp nhất mà Chúa Cứu Thế mang đến cho chúng ta sẽ được thực hiện viên mãn”. Chúng ta là những người thừa kế đức tin, đức cậy, và đức mến của tất cả những người, bởi quyền năng bất bạo động của Tin Mừng, đã tìm thấy can đảm để thay đổi tiến trình lịch sử, một lịch sử đã dẫn chúng ta đến sự nghi ngờ và không tin tưởng lẫn nhau, và do đó góp phần vào vòng xoắn trôn ốc những phân mảnh liên tục. Nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng truyền cảm hứng và hướng dẫn hành trình đại kết, chiều hướng đã thay đổi và một con đường cả cũ lẫn mới đã được mở rộng không thể đảo ngược lại: đó là con đường của một sự hiệp thông hòa giải nhằm thể hiện tình huynh đệ mà ngay cả lúc này đây đã đoàn kết các tín hữu.

Số bảy nhắc nhở chúng ta về một đoạn Tin Mừng khác. Nó nhắc đến những môn đệ mà Chúa Giêsu, khi thi hành sứ vụ công khai của Ngài, đã sai các ông đi truyền giáo (xem Lc 10: 1), và là những vị được kính nhớ đặc biệt trong một số Giáo hội Kitô Đông phương. Số lượng các môn đệ đó phản ánh số lượng các dân tộc trên thế giới được tìm thấy trên các trang đầu tiên của Kinh Thánh (xem Sáng thế Ký 10). Điều này gợi ý cho chúng ta điều gì, nếu không phải là sứ vụ truyền giáo được hướng đến tất cả các quốc gia và rằng mọi môn đệ, để xứng đáng với danh nghĩa này, phải trở thành một tông đồ, một người truyền giáo. Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô được sinh ra để phục vụ cho phong trào đại kết, mà chính phong trào này bắt nguồn từ những lời hiệu triệu truyền giáo mạnh mẽ: vì làm sao các Kitô hữu có thể công bố Tin Mừng nếu chính họ lại chia rẽ với nhau? Mối quan tâm bức xúc này vẫn hướng dẫn hành trình của chúng ta và được căn cứ nơi lời cầu nguyện của Chúa để tất cả có thể nên một, “ngõ hầu thế giới có thể tin” (Ga 17:21).

Anh chị em thân mến, cho phép tôi không chỉ cảm ơn sự dấn thân của các bạn đối với sự hiệp nhất, mà còn được bày tỏ một mối ưu tư. Nó xuất phát từ một ấn tượng theo đó chủ nghĩa đại kết và việc truyền giáo không còn gắn bó chặt chẽ với nhau như lúc đầu. Tuy nhiên, nhiệm vụ truyền giáo được ủy thác cho chúng ta, vượt xa việc thiết lập các dịch vụ và thúc đẩy sự phát triển con người, không thể bỏ qua nội dung hay làm trống rỗng nội dung của nó. Sứ vụ rao giảng Tin Mừng quyết định căn tính của chúng ta. Việc rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất là một phần của chính chúng ta như các tín hữu Kitô. Tất nhiên, cách thức mà nhiệm vụ này được thực hiện sẽ thay đổi theo thời gian và địa điểm. Khi đối mặt với cám dỗ kinh niên muốn giản lược Tin Mừng thành những cách suy nghĩ trần thế, chúng ta phải liên tục nhắc nhở chính mình rằng Giáo Hội của Chúa Kitô phát triển là nhờ lôi cuốn được người ta.

Nhưng điều gì tạo nên sức lôi cuốn này? Chắc chắn không phải là những ý tưởng, chiến lược hay các chương trình của chúng ta. Niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô không phải là thành quả của một sự đồng thuận, cũng như Dân Thiên Chúa không thể bị giản lược thành một tổ chức phi chính phủ. Không, sức lôi cuốn bao gồm hoàn toàn trong món quà tuyệt vời khiến cho Thánh Phaolô rất ngạc nhiên: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người” (Phil 3:10). Niềm tự hào duy nhất của chúng ta là “được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô.” (2 Côrintô 4: 6), nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống. Đây là kho báu mà chúng ta, mặc dù chỉ là các bình sành trần thế (xem câu 7), phải mang đến cho thế giới của chúng ta, một thế giới đáng yêu nhưng đầy rẫy những chông gai. Chúng ta sẽ không trung thành với nhiệm vụ được giao phó cho chúng ta, nếu chúng ta giản lược kho báu này thành một chủ nghĩa nhân văn thuần túy, hợp thời trang của thời điểm này. Chúng ta cũng không phải là những người bảo vệ chí cốt cho Tin Mừng nếu chúng ta chỉ cố gắng gìn giữ bằng cách chôn dấu đi vì sợ thế giới này và những thách thức của nó (xem Mt 25:25).

Điều thực sự cần thiết là một cách thế vươn ra mới trong việc truyền giảng Tin Mừng. Chúng ta được mời gọi trở thành một dân tộc trải nghiệm và chia sẻ niềm vui của Tin Mừng, ca ngợi Chúa và chăm sóc anh chị em chúng ta với trái tim cháy bỏng ao ước mở ra những chân trời mới của chân, thiện, mỹ không tưởng tượng được với những người chưa được đón nhận hồng ân được biết Chúa Giêsu. Tôi tin rằng một sự gia tăng năng động truyền giáo sẽ dẫn chúng ta đến sự hiệp nhất lớn hơn. Cũng giống như trong những ngày đầu, khi việc rao giảng đã đánh dấu mùa xuân của Giáo Hội, việc truyền giáo ngày nay sẽ đánh dấu sự nở hoa của một mùa xuân đại kết mới. Như trong những ngày đó, chúng ta hãy tụ tập lại với nhau trong tình đồng môn chung quanh Thầy chí thánh, với một chút xấu hổ về những nghi ngại liên tục của chúng ta, và cùng với Phêrô, chúng ta hãy thân thưa với Ngài: “Lạy Chúa, chúng con còn biết theo ai? Chúa có lời ban sự sống đời đời.” (Ga 6:68)

Anh chị em thân mến, tôi muốn đích thân tham dự các lễ kỷ niệm này của Hội đồng Giáo Hội Thế giới, ít nhất là để tái khẳng định cam kết của Giáo Hội Công Giáo với ý hướng của phong trào đại kết và khuyến khích sự hợp tác giữa các giáo hội thành viên với nhau và với các đối tác đại kết của chúng ta. Về vấn đề này, tôi muốn phản ánh một chút về chủ đề được chọn cho ngày này: Tiến bước, cầu nguyện và làm việc cùng nhau.

Tiến bước. Đúng thế, nhưng đi đâu? Từ tất cả những gì đã được nói ở trên, tôi muốn đề xuất một phong trào gồm 2 mặt: hướng nội và hướng ngoại. Hướng nội, để di chuyển liên tục đến trung tâm, để thừa nhận rằng chúng ta là cành ghép tháp nhập vào một cây nho là Chúa Giêsu (xem Ga 15: 1-8). Chúng ta sẽ không sinh hoa trái trừ khi chúng ta giúp đỡ nhau để duy trì sự hiệp nhất với Ngài. Hướng ngoại để hướng tới nhiều vùng ngoại vi hiện sinh của thế giới ngày nay, để tham gia cùng nhau trong việc mang ân sủng chữa lành của Tin Mừng đến cho những anh chị em đau khổ của chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi liệu chúng ta đang đi trong sự thật hay chỉ đơn giản bằng những lời nói đầu môi chót lưỡi, liệu chúng ta có giới thiệu các anh chị em của chúng ta với Chúa vì mối quan tâm thực sự dành cho họ, hay là họ bị loại bỏ khỏi những quan tâm thực sự của chúng ta. Chúng ta cũng có thể tự hỏi bản thân mình, liệu chúng ta tiếp tục đi theo những bước chân của chính mình, hay đang cất bước lên đường với xác tín mang Chúa đến với thế giới của chúng ta.

Cầu nguyện. Cả trong những lời cầu nguyện, giống như khi tiến bước, chúng ta không thể tiến về phía trước bởi chính mình bởi vì ân sủng của Thiên Chúa không được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân nhưng lan tỏa một cách hài hòa giữa các tín hữu là những người yêu mến nhau. Khi đọc kinh “Lạy Cha”, chúng ta cảm thấy một tiếng vang trong chúng ta rằng chúng ta không chỉ là con cái của Thiên Chúa, nhưng cũng là những anh chị em với nhau. Cầu nguyện là dưỡng khí của phong trào đại kết. Không cầu nguyện, sự hiệp thông trở nên ngột ngạt và không đem lại tiến bộ, bởi vì chúng ta ngăn cản gió của Thánh Linh đang thúc đẩy chúng ta tiến lên. Chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta cầu nguyện cho nhau như thế nào? Chúa cầu nguyện để chúng ta nên một: chúng ta bắt chước Ngài như thế nào trong vấn đề này?

Làm việc cùng nhau. Ở đây tôi muốn khẳng định lại rằng Giáo Hội Công Giáo thừa nhận tầm quan trọng đặc biệt của công việc được thực hiện bởi Ủy ban Đức tin và Phẩm trật và mong muốn tiếp tục đóng góp cho công việc đó thông qua sự tham gia của các nhà thần học có trình độ cao. Hành trình tìm kiếm một viễn tượng chung của Ủy ban Đức tin và Phẩm trật, cùng với việc nghiên cứu những vấn nạn luân lý và đạo đức, chạm đến các lĩnh vực quan yếu đối với tương lai của phong trào đại kết. Tôi cũng muốn đề cập đến sự hiện diện tích cực của Giáo Hội trong Ủy Ban Truyền Giáo Thế Giới; sự hợp tác với Văn phòng Đối thoại và Hợp tác Liên tôn, gần đây nhất về chủ đề tầm quan trọng của giáo dục vì hòa bình; và sự chuẩn bị chung các bản văn cho Tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô giáo. Những hình thức này và nhiều hình thức làm việc cùng nhau là những yếu tố cơ bản trong một sự hợp tác tốt đẹp được thử thách qua dòng thời gian. Tôi cũng coi trọng vai trò thiết yếu của Viện Đại kết Bossey trong việc đào tạo các nhà lãnh đạo mục vụ và học thuật trong tương lai cho nhiều Giáo hội và hệ phái Kitô trên toàn thế giới. Giáo Hội Công Giáo từ lâu đã tham gia vào dự án giáo dục này thông qua sự hiện diện của một giáo sư Công Giáo tại các phân khoa đại học, và mỗi năm tôi đều có niềm vui chào mừng nhóm sinh viên đến thăm Rome. Tôi cũng đề cập đến, như một dấu chỉ tốt của “tinh thần đại kết đồng đoàn” là sự tham gia ngày càng đông đảo trong Ngày Cầu Nguyện cho Sự Chăm Sóc Sáng Tạo.

Tôi cũng lưu ý rằng công việc của các cộng đồng Kitô hữu của chúng ta được định nghĩa đúng đắn bởi từ diakonia (tác vụ). Đó là cách chúng ta theo Thầy chí thánh là Đấng đến “không phải là để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10:45). Các gam màu rộng lớn của các dịch vụ được cung cấp bởi các giáo hội thành viên của Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô tìm thấy biểu hiện đặc trưng trong cuộc hành hương của Công lý và Hòa bình. Tính khả tín của Tin Mừng được thử thách qua cách thế các Kitô hữu đáp lại tiếng kêu của tất cả những người, ở mọi nơi trên thế giới, đang bị đối xử bất công từ một sự lây lan đáng lo ngại của não trạng loại trừ, mà khi tạo ra tình cảnh nghèo đói, nó đang nuôi dưỡng các xung đột. Càng dễ bị tổn thương người dân càng dễ bị thiệt thòi, thiếu lương thực, việc làm và một tương lai, trong khi số người giàu thì ít đi, và những kẻ giàu thì giàu sụ. Chúng ta hãy để mình bị thách thức để có lòng bác ái trước những tiếng kêu của những người đau khổ: “chương trình của Kitô hữu là một trái tim không mù loà” (Benedict XVI, Deus Caritas Est, 31). Chúng ta hãy xem những gì chúng ta có thể làm cụ thể, thay vì tỏ ra nản lòng hơn vì những gì chúng ta không thể làm được. Chúng ta cũng hãy tìm đến nhiều anh chị em của chúng ta ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông, là những người phải đau khổ chỉ vì họ là những Kitô hữu. Chúng ta hãy đến gần họ. Xin cho chúng ta đừng bao giờ quên rằng hành trình đại kết của chúng ta được đi trước và được đồng hành bởi một phong trào đại kết đã được hiện thực hóa, là phong trào đại kết bằng máu, là điều thúc giục chúng ta tiến lên phía trước.

Chúng ta hãy khuyến khích lẫn nhau để vượt qua cám dỗ muốn hoàn thiện một số mô hình văn hóa nhất định và bị cuốn hút trong các lợi ích phe phái. Chúng ta hãy giúp những người nam nữ thiện chí quan tâm nhiều hơn đến các sự kiện và tình huống có ảnh hưởng đến một phần lớn nhân loại nhưng hiếm khi được đưa lên trang nhất các tờ báo. Chúng ta không thể nhìn theo cách khác. Thật là một vấn nạn nghiêm trọng khi các Kitô hữu tỏ ra thờ ơ với những người đang quẫn bách. Thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi một số người tin rằng những phúc lành họ nhận được là dấu chỉ rõ ràng sự ưu ái Chúa dành riêng cho họ, chứ không phải là một lời hiệu triệu kêu gọi trách nhiệm của họ đối với gia đình nhân loại và đối với việc bảo vệ thiên nhiên. Chúa, Đấng là người Samaritan nhân lành của nhân loại (x Lc 10: 29-37), sẽ chất vấn chúng ta về tình yêu thương dành cho những người hàng xóm của chúng ta, và cho mỗi người hàng xóm của chúng ta (xem Mt 25: 31-46). Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta có thể làm gì cùng nhau? Nếu một hình thức phục vụ cụ thể là có thể được, tại sao lại không lên kế hoạch và mang ra thực hiện với nhau, và do đó bắt đầu trải nghiệm một tình huynh đệ mạnh mẽ hơn trong việc thực thi cùng nhau các cử chỉ bác ái cụ thể?

Anh chị em thân mến,

Tôi xin gửi lời cảm ơn thân mật đến các bạn. Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau bước đi, cầu nguyện và làm việc cùng nhau, để với sự giúp đỡ của Chúa, sự hiệp nhất có thể phát triển và thế giới có thể tin. Cảm ơn các bạn.


Source: Libreria Editrice Vaticana - ECUMENICAL PILGRIMAGE OF HIS HOLINESS FRANCIS TO GENEVA TO MARK THE 70th ANNIVERSARY OF THE FOUNDATION OF THE WORLD COUNCIL OF CHURCHES ECUMENICAL MEETING ADDRESS OF HIS HOLINESS WCC Ecumenical CentreThursday, 21 June 2018
 
Top Stories
Catholic Bishops' Conference of Vietnam proclaiming the Holy Year of the Vietnamese Martyrs
Catholic Bishops' Conference of Vietnam
10:03 21/06/2018
Catholic Bishops' Conference of Vietnam
Proclaiming the Holy Year of the Vietnamese Martyrs


Dear brothers and sisters,

On the June 19, 1988, the Holy Father, Saint John Paul II, gladly canonized 117 Vietnamese martyrs. In this year of 2018, The Catholic Church in Vietnam joyfully celebrates the 30-year anniversary of this event. To celebrate this event for the sake of God's people, the Catholic Bishops' Conference of Vietnam asked the Apostolic Penitentiary for the opening of this Holy Year of the Martyrs to show the devotion of God's people in Vietnam toward the Martyrs. The Apostolic Penitentiary has grated this wish of the Catholic Bishops' Conference of Vietnam. Therefore, we are writing this letter to you to announce to you this Holy Year of the Vietnamese Martyrs, which will commence on the June 19, 2018 and conclude on the November 24, 2018.

In order to bring abundant spiritual fruit for each family, community, parish, as well as the whole Vietnamese Catholic Church, we would like to inform you of some events that will happen in this holy time:

I. In the Opening Rite (June 19, 2018) and the Closing Rite (November 24, 2018) of this Holy Year: Each Arch/diocese will celebrate the Opening Mass and the Closing Mass in its own Arch/diocese.

In each Archdiocese, for the Holy Year, the Catholic Bishop's Conference of Vietnam has appointed three Pilgrim Centers: the Basilica of So Kien (Archdiocese Hanoi),Our Lady of La Vang (Archdiocese of Hue), and Ba Giong in My Tho Diocese (Archdiocese of Sai Gon).

In addition to these, in each diocese, the bishop will appoint one church or one Pilgrim Center for the people to come and show their devotion to the Martyrs during this holy time.

In this holy time, all Christians will receive a plenary indulgence if they:

• Celebrate the Opening Mass and Closing Mass.
• Visit one of the appointed Pilgrim Centers.

Additionally, the Vietnamese Catholic Church encourages her children to do good deeds in this Holy Year; specifically,

• Caritas activities: Meeting Jesus Christ by visiting the sick, the poor, the elderly, the needy, the widowed, and the disabled (Mt 25, 34-36).
• Almsgiving, praying, and fasting by reducing excessive money expenditures on things that are not really needed so as to better help the poor, build churches, build shrines, and to improve the whole society.

II. The Holy Year of 2018 also invites us to follow the witnesses of Vietnamese Martyrs by witnessing to the faith. This practice will increase the knowledge of the Martyrs as well as the history of the Catholic Church in Vietnam. Moreover, this practice will also encourage Christians to follow the life-giving witnesses of the Martyrs. We highly encourage each parish, religious order, as well as local communities to open up discussions and to give presentations about the Vietnamese Martyrs so that God's people can know more about the life of the Martyrs. As a consequence, all Christians will come to love the Martyrs more and to follow in their footstep as witness to Gospel of God.

As a companion to your learning about the lives of the Martyrs, the Office of Catholic Bishops' Conference of Vietnam will publish the small book The Witness of Vietnamese Martyrs. This book is about the lives and the witness of the Martyrs: how they shed their blood for the Faith. We wish that this small book will be welcomed by all of you.

III. The Holy Year also reminds us that we have to live life-giving lives by imitating the Martyrs in our own particular situations. By doing so, we will achieve the "white martyrdom." By accepting even death for the Faith, the Vietnamese Martyrs proclaimed the Gospel before the kings, the mandarins and all people-- that the Kingdom of God was "a treasure buried in a field" (Mt 13: 44) and "a pearl of great price" (Mt 13: 46) so that when they found it, they were ready to sell everything to buy it (Mt 13: 46). Nowadays, all Christians are called to live this life-giving witness of the Martyrs by living a just life in his or her own vocation. In this way, you are witnessing to the Gospel of God.

For those who live the vocation of marriage, let all the members of Catholic families give up their unjust desires as well as their selfish thoughts so that they can proclaim the Gospel in their vocation of marriage.

For those who live out a religious vocation, let all of you come to understand your own sexuality so that each of you can live a healthy and chaste life suitable to your vocations. By doing so, you are also witnessing to the Kingdom of God and "waking up" the world, as Pope Francis once said.

For all priests, let each of you be persistent in the vows you took when you were ordained. May you be zealous for your ministries that Jesus Christ has entrusted to you through the Church. May you also be humble and faithful to God so that you can witness to Jesus Christ-- the High Priest and the Good Shepherd who "lays down his life for the sheep" (Jn 10: 11). By doing so, you will proclaim the Good News for all the nations in all situations.

In closing, we invite all of you to come to the Virgin Mary--the Lady of all the martyrs-- to show your devotion to her. Above all, Mary completely gave up her plan for her life so that the Will of God could be done in her life. She accepted the plan of God and persistently followed it to the end. She cooperated with the Holy Spirit by Her "Fiat." By doing so, "the Word became flesh" (Jn 1: 14).

Entering this Holy Year, let us follow in the footstep of Mary by accepting the will of God the Father, by being united with Jesus Christ, through the guidance of the Holy Spirit so that we can ready our souls to receive rich blessings from God in this holy time.

May the Vietnamese Martyrs intercede for all of you before the throne of God so that you can live this Holy Year in true holiness. We wish that you will receive abundantly the spiritual blessings that God will give you in this joyful time. Let each of you use these special graces to serve God and others so that you can promote the proclamation of God's Holy Gospel in our country.

Archdiocese of Hue, 1st of June 2018

+ Joseph Nguyen Chi Linh
Archbishop of Hue archdiocese
The President of the Catholic Bishops' Conference of Vietnam


+ Peter Nguyen Van Kham
Bishop of My Tho Diocese
Secretary-General of the Catholic Bishops' Conference of Vietnam


(Translated into English by Msgr. Joseph Trịnh Minh Trí)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ông Trọng mạ lỵ dân - Bà Ngân lẻo mép dạy đời
Phạm Trần
09:55 21/06/2018
“Những phần tử kích động đó là ai, thì toàn là thành phần bất hảo, nghiện hút ma túy, trộm cắp, đủ các kiểu. Cho nên phải có luật để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi của chúng ta.”

"Xem những thành phần bị công an bắt là ai? Toàn là bất hảo cả",
(theo VTCNews và Zing.vn, ngày 17/06/2018)

Đó là lời cáo buộc mạ lỵ không cần chứng minh đã phát ra từ cửa mồm ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) trong cuộc tiếp xúc của ông với cử tri Hà Nội ngày 17/06/2018.

Ông Trọng đã nói càn như thế để xét về tư cách của hàng chục ngàn người dân đã biểu tình tự phát chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng trong hai ngày 10 và 11 tháng 06/2018 từ Sài Gòn ra Hà Nội và tại nhiều thành phố khác.

Trong số những người xuống đường biểu tình có cả trẻ em, phụ nữ chân quê, dân lao động, người già, Tu sỹ và nhiều trí thức giỏi và chân chính hơn ông Trọng mà ông cả gan gọi họ là “bất hảo cả” thì thói vơ đũa cả nắm, chủ tâm thù nghịch và chủ quan này có phù hợp với cương vị lãnh đạo cao nhất Việt Nam của ông Trọng không ?

Nhưng tại sao ông Trọng, người có bằng Tiến sỹ xây dựng Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương, nay gọi là Tuyên giáo, mà ăn nói hồ đồ như thế thì xây dựng hay gây chia rẽ dân tộc ?

Hay là ông Trọng và cả bộ máy Công an kìm kẹp dân lành và Nhà nước, gồm Chính phủ và Quốc hội, đã hồn phách lên mây trước sức cường nộ nổi dậy bất ngờ của dân từ lâu đã bị đảng đè đầu bóp cổ nên ông đã phát ngôn mất bình tĩnh như thế ?

Bằng chứng nhà nước bị bất ngờ xanh mặt vì các cuộc biều tình đã diễn ra tại Bình Thuận trong hai ngày 10 và 11 tháng 06 năm 2018. Hàng ngàn người dân lao động, đa phần là ngư dân và nông dân chất phác đã bạo động tấn công và phóng hỏa Trụ sở Ủy ban Nhân dân Tỉnh và trụ sở Công an phòng cháy, chữa cháy (CAPCCC).

Trong lúc đối đầu với người biểu tình, lực lượng công an và an ninh đã phải trút bỏ là chắn và trang bị để chạy thoát thân trước sức tấn công của người dân. Có trên 10 chiếc xe của Chính quyền bị đốt cháy và trên 20 Công an phải nhập viện.
Nguyên nhân nổi loạn của người dân Bình Thuận lần này có 2 lý do:
Thứ nhất, về mặt nổi và như mọi nơi có biểu tình, người dân Bình Thuận đã phản đối Dự luật Đặc khu, có dự kiến cho người nước ngoài thuê đất đến 99 năm tại 3 vị trí có giá trị chiến lược quốc phòng nhìn ra Biển Đông gồm Vân Đồn (Tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (Tỉnh Kiên Giang). Họ cũng thống nhất chống dự Luật An ninh mạng (sau đó được Quốc hội chấp thuận thành Luật ngày 12/06/2018) vì nội dung có những điều cho phép nhà nước từ kiểm soát toàn diện đến tước bỏ quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng của người dân.
Thứ hai, sâu xa hơn, nhưng nhà nước không dám thừa nhận là từ lâu người dân Bình Thuận sống quanh khu trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong đã yêu sách đòi làm sạch ô nhiễm trong không khí , do chất thải đốt than tuôn ra lớn nhất từ 3 nhà máy do Trung Quốc đầu tư và điều hành đã không được chính quyền giúp dân giải quyết nên mức độ ô nhiễm mỗi ngày trầm trọng hơn.

Lần thứ nhất có bạo động chống chính quyền và các nhà máy nhiệt điện xả thải chất độc diễn ra tháng 4/2015.
Ngoài ra các ngư dân Bình Thuận, nạn nhân của các tầu Trung Quốc tấn công cũng căm tức trước sự bất lực của hai lực lượng cảnh sát biển và lực lượng biên phòng đã để cho các tầu tuần Trung Hoa tự do đe dọa ngư dân ngay trên ngư trường truyền thống của Việt Nam. Mức độ thu nhập của ngư dân, vì vậy đã giảm thiểu khiến nhiều gia đình lâm cảnh nghèo túng và nợ nần chồng chất.
Đó là lý do tại sao người dân Bình Thuận đã bất chấp nguy hiểm để nhất tề vùng lên chống chính quyền địa phương gay gắt như đã xẩy ra trong 2 ngày 10 và 11/06/2018.

ÔNG TRỌNG NÓI KHÁC

Nhưng đối với ông Nguyễn Phú Trọng thì những việc trên đây không phải là lý do khiến người dân Bình Thuận uất ức đến nỗi phải bạo động mà bị kẻ xấu có ý đồ kích động.

Ông nói với cử tri các quận Thanh Xuân, Hà Đông và Cầu Giấy ở Hà Nội ngày 17/06/2018 rằng:”Lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân chúng ta, các phần tử kích động, bạo loạn, gây rối. Hiện nay chúng ta đang tập trung khắc phục hậu quả, xử lý nghiêm minh những kẻ cầm đầu. Ở trong Bình Thuận tình hình rất nghiêm trọng.
Chúng ta đã thông qua đâu, mà quyết định dừng lại để có thêm thời gian để lắng nghe. Chiều mùng 8/6 ra quyết định tạm hoãn vậy mà chiều ngày 10 và 11/6 vẫn cứ đi biểu tình để phản đối luật này, chứng tỏ là có ý đồ khác rồi.”

Ông còn nói:” Trong đó có điểm là thời gian cho thuê đất 99 năm, nhưng có phải là bàn giao cho nước A nước B nào đó, cho người ta vào đây để mà tự do đâu. Pháp luật hiện hành quy định là 70 năm, đặc khu ban đầu dự tính là không quá 99 năm nhưng còn bao nhiêu quy trình, khi Thủ tướng phê duyệt thì mới được làm.
Bây giờ lại cứ kích chuyện này lên, nói là cho Trung Quốc thuê đất 99 năm thì mất nước, kích động để biểu tình. Rõ ràng là sự thật đã bị xuyên tạc. Cố kích động để chống đối, phá hoại…bản chất sâu xa là các đối tượng đã xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của nhân dân để âm mưu việc xấu, trong đó có bàn tay của những phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài….Phải tỉnh táo lên án, phê phán, đập tan âm mưu phá hoại.”

Ông Trọng nói như thế tưởng sẽ có người nhẹ dạ tin ngay. Nhưng ông không biết rằng, trong khi trao đổi tại Quốc hội, nhiều Đại biều chỉ biết một lòng một dạ với đảng và Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người đóng vai then chốt trong việc soạn thảo Dự luật Đặc khu đã lên giọng hợp ca “đây là một Dự luật đấy đủ, công phu và có lợi cho phát triển kinh tế trên cả nước”. Hoặc có người còn hân hoan và hồ hởi tán thành việc Dự luật dành nhiều ưu đãi gọi là “vượt trội” cho người nước ngoài để thu hút “đại bàng” vào.

LÝ DO DÂN CHỐNG

Ăn nói như thế là chưa đọc, hay không chịu đọc kỹ và suy nghĩ cho thấu đáo từng chữ, từng câu viết trong Dự luật Đặc khu gồm 6 Chương, 88 Điều và 4 Phụ lục.
Nếu có ai đã đọc kỹ rồi thì sẽ hiểu tại sao đã có hàng trăm bài viết hay phát biểu của các chuyên gia kinh tế, nhân sỹ, trí thức, cựu đảng viên, lão thành cách mạng, cựu Đại biểu Quốc hội và những công dân yêu nước người Việt Nam trong và ngoài nước đã lên tiếng chống Dự luật này.

Lý do chính và quan trọng nhất là Dự luật đặc khu đã mở đường cho người nước ngoài hay ngoại bang, không loại trừ trường hợp Trung Quốc, chộp lấy cơ hội nhảy vào chiếm quyền làm chủ 3 vị trí chiến lược quốc phòng sống còn của Tổ quốc gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Do đó, khi ông Nguyễn Phú Trọng nói Dự luật chưa thông qua, đã “dừng lại để có thêm thời gian để lắng nghe” , hay đã quyết định “tạm hoãn” mà “vẫn cứ đi biểu tình để phản đối luật này, chứng tỏ là có ý đồ khác rồi” là ông Trọng chỉ biết nói lấy được để khỏi bẽ mặt xấu hổ.

Người dân chẳng có ý đồ gì cả mà chỉ có những ai âm mưu qua mặt dân để hành động bất chính, nhất là toan “mở cửa rước giặc vào nhà” hợp pháp bằng Luật Đặc khu mới giật mình té ngửa khi cơ mưu đã bị nhân dân vạch trần để buộc Bộ Chính trị phải bỏ thời hạn 99 năm và lùi cuộc biểu quyết của Quốc hội, dự trù ngày 15/06/2018 đến kỳ họp 6, tháng 10/2018.

Bằng chứng ông Trọng, đảng CSVN, chính phủ và Quốc hội đã bị đồn vào chân tường vì chính Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, trong phiên thảo luận ngày 16/04/2018 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đã công khai nói toạc ra rằng:” Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật.”

Như thế thì trí tuệ của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và 17 Ủy viên Bộ Chính trị dưới quyền nên được đánh giá là “siêu phẩm” hay “tiểu phẩm” khi đưa ra kết luận đồng ý Dự luật Đặc khu tồi và nguy hiểm cho đất nước như thế ?

THÀNH CÔNG HAY NGU DÂN ?

Liên quan đến vấn đề Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua ngày 12/06/2018, ông Trọng tự khen “ đây là một thành công lớn của Quốc hội và thể hiện sự sáng suốt của cơ quan này khi đã biểu quyết thông qua luật với một tỉ lệ rất cao.”
Ông nói với cử tri Hà Nội ngày 17/06/2018:”Nhiều thế lực xấu cũng đã lợi dụng điều này để kích động biểu tình, âm mưu làm “cách mạng màu”….Có những thế lực kích động lên là chúng ta xâm phạm tự do, xâm phạm nhân quyền, xâm phạm tự do thông tin, cứ kích động lên.”

Tổng Bí thư đảng CSVN còn vu oan cáo vạ cho người dân chống Luật an ninh mạng khi nói rằng:”Thông qua đây nhiều thế lực xuyên tạc, tuyên truyền, kích động biểu tình gây rối trên đường phố hòng làm “cách mạng màu” để lật đổ chính quyền. Phải có luật để bảo vệ chế độ này chứ, đâu phải cứ để chúng muốn phá gì thì phá, muốn chửi ai thì chửi được, nên mạng rất là nguy hiểm ở chỗ đó.
Chúng ta khai thác tối đa lợi thế của công nghệ hiện đại, Việt Nam có đến hàng triệu người mở máy di động ra là có mạng, nhưng mà cũng phải cảnh giác, để kẻ xấu lợi dụng là rất nguy hiểm”.

Ông Trọng nói thế vì ông biết chỉ có những biện pháp bịt miệng dân thì cầm quyền mới được lâu. Nếu để cho dân được tự do làm chủ đất nước như Hiến pháp quy định thì đảng sẽ bị truất phế ngay bằng cuộc trưng cần dân ý hay bầu cử dân chủ có quốc tế kiểm soát.

Vì vậy việc Quốc hội chấp thuận Luật An ninh mạng chẳng qua cũng chỉ để “bảo vệ chế độ” độc tài do đảng Cộng sản độc quyền cai trị. Luật này không giúp khai sáng dân trí mà chỉ nhằm ngu dân và xúc phạm nghiêm trọng đến tiến bộ của nhân loại.

AI YÊU NƯỚC HƠN AI ?

Ngoài ông Trọng, nhân dân còn được nghe lời phát biểu nhạo báng lòng yêu nước tuôn ra từ cửa miệng bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Bà nói với cử tri Cần Thơ ngày 19/06/2018:” Quốc hội biểu dương và hoan nghênh tinh thần yêu nước, nhưng đừng để lòng yêu nước bị những kẻ lợi dụng dân chủ xuyên tạc, kích động, gây rối; từ tình yêu nước trở thành phá hoại đất nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân. Những đối tượng phá hoại, gây rối vừa qua là những đối tượng không yêu nước, nhưng lại vỗ ngực tự xưng là mình yêu nước.” (theo báo Nhân Dân)

Vậy bà Ngân hãy thử một lần chứng minh bà yêu nước ra sao, hay bà cũng chỉ là một trong những lãnh đạo không dám mở mồm yêu cầu Quốc hội ra Nghị quyết lên án các hành động Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông, hay đòi Bắc Kinh phải chấm dứt các hành động đàn áp dã man ngư dân Việt Nam khi họ đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ lâu Quốc hội đảng cử dân bầu của Việt Nam đã bị lên án nhu nhược trước các hành động vị phạm chủ quyền chống Việt Nam của Trung Quốc. Quốc hội này cũng chứng minh chỉ là bù nhìn ngoan ngoãn của Bộ Chính trị, cơ chế đầu não không những chỉ cai trị đảng mà còn nắm đầu cả Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Quốc gia.

Nếu bà Ngân muốn biết ai yêu nước hơn ai thì bà hãy tự nhìn mình trong gương để so sánh với khuôn mặt ngây thơ của một em bé trai chừng 8 tuổi đã hiên ngang đi biểu tình bên mẹ ngày 10/06/2018 tại Sài Gòn.

Hai tay em cầm qua đầu tấm biểu ngữ bằng giấy có ghi “Không Đặc Khu-Không An ninh mạng” thì đâu cần em phải “vỗ ngực tự xưng là mình yêu nước “ như bà Ngân nói thì mọi người mới biết em có yêu nước hay không ? -/-


Phạm Trần
(06/018)










 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh bổn mạng World Cup 2018.
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:36 21/06/2018
Giải bóng đá World Cup 2018 đang diễn ra từ 14. tháng Sáu đến 14. thánh Bảy 2018 ở nước Nga với 32 đội tuyển của 32 quốc gia trên thế giới.

Đây là biến cố tranh tài thể thao tầm vóc thế giới. Niềm tin tôn giáo không ở nơi sân thi đấu, nhưng ẩn hiện nơi tâm hồn các cầu thủ, có khi cả giới hâm mộ, và nơi đất nước có đội tuyển đại diện đi thi đấu trên sân cỏ.

Không ai được nói đến niềm tin tôn giáo của riêng mình, hay của hội đoàn đất nước mình chen vào biến cố World Cup. Nhưng đội tuyển thi đấu nào cũng được ủng hộ tinh thần của khán giả hâm mộ, nhất là của người dân đất nước mà đội tuyển đại diện thi đấu.

Sự ủng hộ tinh thần có nhiều phương cách khác nhau. Một trong những phương cách đó là sự khấn khứa cầu nguyện mong xin ơn chúc lành phù hộ từ Trời Cao cho đất nước quê hương .

32 đội tuyển tham dự thi đấu World Cup của 32 quốc gia đất nước trên thế giới, nơi đó có nhiều luồng nếp sống đạo giáo tinh thần khác nhau.

Nơi đất nước nếp sống đạo giáo đức tin Công Giáo được loan truyền trong dân chúng, rõ hơn đức tin Kitô giáo, thường có tập tục nhận cùng tôn kính những vị Thánh bổn mạng cho cá nhân, cho đoàn thể, cho quốc gia đất nước có truyền thống trong dòng lịch sử ăn rễ sâu nơi nếp sống xã hội văn hóa. Vì đó là một nhu cầu tinh thần của đời sống con người theo niềm tin của họ.

Vì thế, với người Kitô giáo thường cầu nguyện xin Vị Thánh bổn mạng quốc gia đất nước họ phù hộ cho dân tộc quê hương mình, và cũng cho đội tuyển quốc gia mình được bình an khoẻ mạnh và thành công.

1. Nước Ai Cập có Thánh Marco là Vị Thánh bổn mạng phù hộ. Thánh Marco viết phúc âm Chúa Giêsu đầu tiên vào khoảng năm 80 sau Chúa giáng sinh. Theo sử sách Thánh Marco là học trò của Thánh Phero tông đồ Chúa Giêsu. Và Thánh Marco là người đến truyền giáo thành lập Giáo đoàn Alexandria ở Aicập , nơi là quê hương của Chính Thống giáo Kopt. Theo lịch sử của Chính Thống Kopt, các Vị Giáo chủ của Chính Thống giáo Kopt trong dòng thời gian xưa nay là những người liên tục kế vị Thánh Marco.

2. Nước Argentina là một quốc gia có lịch sử thi đấu bóng đá với nhiều kinh nghiệm, cùng sản xuất ra những cầu thủ tài năng xuất sắc, và cũng có nhiều lần chiếm giải World Cup. Quốc gia đất nước Nam Mỹ với truyền thống Kitô giáo có Đức Mẹ Maria Lujan là vị Thánh bổn mạng phù hộ cho. Mầu áo của đội tuyển có mầu xanh sáng và mầu trắng. Đây là mầu hình Đức Mẹ Lujan ban ơn lành được sùng kính từ năn 1630 của nước Argentina.

3. Nước Úc đại lợi nhận Thángh Phanxico Xavie làm quan thầy phù hộ cho đất nước mình. Đội tuyển quốc gia nước Úc đại lợi là đội tuyển duy nhất duy nhất của châu Đại Dương tham dự World Cup 2018.

4. Vương quốc Bỉ nhận Thánh Giuse, cha nuôi Chúa Giêsu thành Nazareth làm Thánh quan thầy cho đất nước. Thánh Giuse được tôn kính như vị Thánh thầm lặng, nhưng có đời sống của ngài phản chiếu lòng bền chí kiên nhẫn cao cả nhất cho mọi cảnh ngộ đời sống.

5. Nước Brazil truyền thống xưa nay là một nước có nhiều ngôi sao bóng đá sáng chói. Đội tuyển nước này hầu như luôn có mặt tham gia những giải World Cup và họ đã đạt giải hạng nhất nhiều lần. Quốc gia đất nước Brazil có vị Thánh bổn mạng phù hộ. Đó là bức tượng Đức Mẹ nặn đúc bằng đất sét được tìm thấy vớt lên từ một dòng sông. Từ đó dân chúng tôn kính cầu nguyện xin Đức Mẹ phù hộ cho đời sống mình: Nossa Senhora Aparecida. Chắc chắn dân Brazil cùng hòa nhịp thở lên xuống với đội tuyển quốc gia của họ trên sân cỏ thi đấu, và chắc chắn họ hằng hướng tâm hồn tha thiết cầu xin Nossa Senhora Aparecida phù hộ cho tuyển tuyển đất nước của họ.

6. Nước Costa Rica có lòng sùng kính Đức Mẹ rất tha thiết. Người dân đất nước nhỏ bé Costa Rica xưa nay sùng kính Đức trinh nữ Virgen de los Angelos. Bức tượng nhỏ „Nữ vương các Thiên Thần - Virgen de los Angelos“ năm 1635 được một bé gái khám phá tìm thấy trong rừng. Dù là một quốc gia nhỏ, nước Costa Rica cũng có vé đi tham dự World Cup, và chắc chắn họ cũng xin Virgen de los Angelos cùng đi phù hộ cho đội tuyển của mình.

7. Nước Danemark có vua thánh Knut IV. ( 1043-1086). Vị vua thánh này đã ra chiếu chỉ thời gian lễ mừng Chúa giáng sinh kéo dài 20 ngày tới ngày 13, Tháng Một. Vị Vua Thánh này là bổn mạng phù hộ che chở tinh thần cho đất nước Danemark, chắc chắc ngài phù hộ cho đội tuyển đất nước của ngài từ trên cao.

8. Nước Đức được Thánh Bonifatius (1043-1086) từ bên Anh quốc sang loan truyền tin mừng vào Chúa Giêsu Kitô. Thánh Bonifatius trở thành quan thầy phù hộ cho nước Đức.

9. Nước England là quê hương nôi sinh của nền bóng đá thế giới. Thánh Georg thành Kappadokia tử đạo thời đạo Kito giáo bị bách khoảng năm 303 thời Diokletian được biết đến, và tôn kính là vị thánh chiến thắng thần dữ đã giết chết con rồng. Vị Thánh này trở nên quan thầy của đất nước.

10. Nước Pháp có nhiều vị Thánh trong Giáo Hội Công Giáo. Thánh Martin, Giám mục thành Tours (316-397) người gốc Ungarn là vị Thánh nổi tiếng ở nước Pháp với lòng bác ái thương người.

11. Nước Iran là một quốc gia Hồi giáo, nhưng có vị Thánh Maruthas là giám mục thành Sophene và Tagrith. Vị Thánh này xưa kia là một sinh viên ngành y khoa được hoàng đế của triều đình đại đế vương quốc Batư sai đi đến với dân chúng, và ông đã sống lòng khoan dung rộng lượng với với những người Kitô giáo nơi đó.

12. Nước Island có Thorlak Thorhallsson (1133 -1193) giám mục thành Skalholt, là người được đào tạo ở Paris và Loncoln đã có đường lối rất mực theo kỷ luật.

13. Nước Nhật bản có vị Thánh truyền giáo thời danh Phanxico Xavie Dòng tên Chúa Giêsu, người đã đem tin mừng phúc âm Chúa Giêsu sang xứ mặt trời, biểu hiệu trên lá cờ quốc gia của Nhật Bản.

14. Nước Columbia ở miền nam Châu Mỹ Latinh có thánh Petrus Claver (1580 -1654) cũng thuộc Dòng Tên đã suốt đời tận tụy lo giúp người dân sống vùng bờ biến, và những người bị bắt sống cảnh nô lệ. Từ năm 1985 ngài được sùng mộ như vị Thánh quan thầy cho quyền sống của con người.

15. Nước Croatia có Thánh quan thầy, giáo phụ Hieronymus thành Stridon (347-420), một học gỉa uyên thâm về Giáo hội. Thánh nhân sống ẩn dật trong một hang động bên cạnh đền thờ Chúa giáng sinh ở Bethlehem dịch trọn bộ Kinh thánh Vulgata từ tiếng Hylạp sang tiếng Latinh.

16. Nước Maroco bên Phi châu một nước sống theo luật Hồi Giáo nghiêm ngặt. Dẫu vậy cũng có khoảng hơn kém 25.000 ngàn tín hữu Chúa Kitô sống đức tin vào Chúa giữa một đất nước theo Hồi Giáo.

17. Nước Mexico vào năm 1531 bốn lần Đức Mẹ Maria đã hiện ra với một người thổ dân tên là Juan Diego Cuaunhtlatoatzin. Ngày nay bức ảnh Đức Mẹ „ Virgen de Guadalupe“ được hàng triệu người kéo đến hành hương kính viếng hằng năm.

18. Nước Nigeria bên Phi Châu, một nước đông dân cư tôn kính rước Thánh Patrick quan thầy của họ với áo choàng mầu xanh.

19. Nước Panama có Franz von Solano (1549-1610), người thực hiện phép lạ cho thế giới mới, được tôn kính là vị thánh bổn mạng chống tai ương động đất.

20. Nước Peru bên Nam Mỹ có vị Thánh nữ Rosa Lima (1586-1617) là thánh nữ quan thầy của những người làm vườn gieo trồng ươm cây, và những người bán hoa.

21. Nước Polen có Thánh Giám mục Stanislaus thành Cracowia (1030-1079) đã anh dũng can đảm vì lòng xác tín chống phản biện lại nhà vua và vị trưởng giáo Balan.

22. Nước Portugal có Thánh Anton thành Padua (1195-1231) thuộc dòng Phanxico, sinh trưởng ở thủ đô Lisboa nước Portugal, nhưng sang giảng đạo nổi danh nhập dòng sống ở bên Padua nước Ý.

23. Nước Nga, nước chủ nhà đăng cai tổ chức World Cup 2018, một nước theo Chính Thống Giáo Moscau, có Thánh Anre tông đồ Chúa Giêsu
là vị Thánh quan thầy.

24. Nước Saudi Arabia bên vùng Trung Đông là một quốc gia Hồi giáo, nơi việc thực hành Kitô giáo bị cấm

25. Nước Schweden có Thánh nữ Birgitta (1303-1373) làm tất cả vì lợi ích cho Giáo hội. Thánh nữ Birgitta thiết lập nhiều Tu viện và đã từng nói chuyện với Đức Giáo Hoàng thẳng thắn theo tiếng lương tâm.

26. Nước Thụy sĩ có Thánh Nicolaus miền Flue (1417-1487). Vị Thánh này là một nông dân, có gia đình, nhưng lại có đời sốnng tinh thần thiêng liêng cao độ, như là một nhà thần bí. Lúc sinh thời ngài luôn lên tiếng bênh vực đức tin vào Chúa.

27. Nước Senegal ở miền Tây Phi Châu có vị Thánh Hồi giáo: Amadu Bamba (1854-1972).

28. Nước Serbia theo Chính Thống giáo có vị Thánh Sava (1174-1236). Vị Thánh này là một nhà luật học, sống đời tu sĩ ở Cộng hòa Chính Thống bán đảo Athos, đồng thời là vị Tổng giám mục và là người xây dựng thiết lập nhiều Tu viện. Ngài là người có tiếng tăm được kính nể trong cộng đồng tinh thần ở bên Âu Châu.

29. Nước Spanien có Thánh tông đồ Giacobê (qua đời khoảng năm 44 sau Chúa giáng sinh) là vị Thánh quan thầy. Trung tâm hành hương Santiago, nơi có mộ Thánh Giacobe và đền thờ kính Thánh Giacobe nổi tiếng bên Âu Châu và thế giới.

30. Nước Nam Hàn có 52 triệu dân số, nhưng khoảng 9 người dân có một người theo đức tin Công Giáo. Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội là bổn mạng của người Công Giáo nước Nam Hàn.

31. Nước Tunesien có Thánh giáo phụ Cypriano, Giám mục thành Carthago (khoảng 200 - 258) đã chết tử vì đạo.

32. Nước Uruguay ở miền Nam châu mỹ latinh sùng kính mẫu hình Đức Mẹ „Virgen de los Treinta y Tres - Đức trinh nữ của 33“ từ năm 1825 ở thành phố Florida với vòng Triều thiên bằng vàng to lớn.

( Dựa theo Kirchen Zeitung fuer das Erzbistum Koeln, ngày 15.06.2018, trang 47.)

Hân hoan vui mừng phấn khởi đến cuồng nhiệt, khi đội tuyển của mình thắng trận thi đấu. Và cũng buồn thất vọng đến độ không còn muốn ăn uống gì…khi đội tuyển của mình thua cuộc bị đội đối thủ đá trái banh phá thủng lưới khung thành.

Đó là tâm lý tình cảm con người. Nhưng trong thâm tâm ai cũng âm thầm cầu kinh khấn khứa cùng vị Thánh quan thầy bổn mạng của đất nước cho đội tuyển đất nước mình được bằng an và gặt hái được thành công.

Mùa World Cup 2018

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long





 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương :Xây Dựng Niềm Vui Giữa Một Thế Giới Bất An.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
15:51 21/06/2018
Khi xã hội phát triển, thế giới văn minh, cuộc sống trở nên phức tạp, bận rộn với quá nhiều chuyện, lắm người thường mất quân bằng trong tâm lý, nên dễ ‘phát điên’ hơn những tháng ngày xưa kia...Ta cứ phải làm quen với chuyện cạnh tranh, để giành những thứ tốt nhất. Tiền bạc, danh vọng và quyền lực trở thành thước đo hạnh phúc, mà người ta sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được. Nhưng bạn đã biết : tất cả chúng ta đều gặp khó khăn trong cuộc sống vật chất này. Ta trở nên mong manh, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, dễ tổn thương, luôn căng thẳng và không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì ta có. Ta ghen tị với vinh quang của người đời, tự dằn vặt mình kém cỏi, và quắc mắt trước mọi người để bảo vệ cái tôi vĩ đại của bản thân. Rốt cuộc, chỉ có chúng ta là buồn bã, mệt mỏi và chán nản. Đó là khi ta cần được nhắc nhở : phải nghỉ ngơi, nhìn sâu bên trong bản thân mình và tìm kiếm cho ra bình an nội tâm.

Bình an nội tâm là một nghệ thuật – nghệ thuật của việc tạo ra và duy trì sự tĩnh lặng của tâm hồn, ngay cả khi thế giới xung quanh là một mớ hỗn độn. Mặc dù đã biết định nghĩa, nhiều người vẫn không hiểu thấu cụm từ này, và tiếp tục làm sai lầm khi hỏi “Làm sao tôi có thể tìm được bình an nội tâm trong cuộc sống?”. ‘Tìm’ mang nghĩa chúng ta vẫn phụ thuộc vào một cái gì đó ngoại tại, xa vời. Với ‘bình an nội tâm’, ta không tìm, và có tìm cũng không thấy. Bởi đó là thứ ta phải tự mình tạo ra.

CÁC TÂM LÝ GIA KHUYÊN GÌ ? NGỪNG ĐÁNH GIÁ.



Bạn thấy không? Dường như bất kỳ vấn đề nào cũng dính dáng đến người khác. Bao giờ cũng là tại anh ta/ cô ta/ nó / họ, mà bạn phải muộn phiền. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao người ngoài lại có ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy đến cuộc sống của bạn? Hay thực ra chính bạn đang để cho họ ảnh hưởng đến mình? Thử cố gắng đưa họ ra khỏi tâm trí và chỉ tập trung vào việc của chính ta mà thôi; cuộc sống sẽ đơn giản và dễ thở hơn nhiều.

Một điều thú vị là 99% những ý nghĩ tiêu cực về một ai đó sẽ ở lại trong tâm trí của bạn thay vì được bày tỏ đến “đối tượng”. Điều này có nghĩa: không ai khác ngoài bạn là nạn nhân của những ý nghĩ ấy. Thử hình dung một con bọ cạp bị giết bởi nọc độc của chính nó, và bạn sẽ thấy. Còn gì khờ dại hơn việc tự đầu độc tâm trí mình bằng sự tiêu cực, đúng không?

HIỂU ĐỂ CHẤP NHẬN



“Tại sao mọi thứ đều chẳng như ý tôi?”

Khi ta bắt đầu thấy không vừa ý với điều gì cũng là lúc ta muốn kiểm soát những gì thuộc về thế giới bên ngoài. Thế nhưng, ham muốn này sẽ khiến nội tâm ta xáo trộn. Bởi lẽ, điều duy nhất chúng ta có thể kiểm soát là chính mình. Bạn khó chịu vì cuộc đời không công bằng ? Nhưng bạn làm gì được nào? Cuộc đời vốn dĩ không bao giờ công bằng. Thay vì tức tối và cảm thấy bất hạnh, hãy thay đổi thái độ của bản thân.

ĐƠN GIẢN HÓA MỌI VIỆC



Cuộc sống vốn đã đủ phức tạp rồi, không cần phải trầm trọng hóa mọi thứ thêm nữa. Nếu bạn có thể làm điều gì đó để đơn giản nó, hãy làm. Nếu không, hãy để mọi thứ được tự nhiên! Nếu bạn thèm hamburger, hãy ăn hamburger. Nếu bạn thấy mình quá béo, hãy giảm béo. Nếu bạn yêu ai đó, nói với họ. Nếu bạn chưa tìm thấy đam mê thực sự, hãy thử nhiều công việc khác nhau cho đến khi tìm thấy nó. Nếu bạn thích làm nhiều việc, hãy làm tất cả, lần lượt từng việc một. Bạn thấy chứ? Mọi thứ không nghiêm trọng như chúng ta nghĩ. Chỉ có những ý nghĩ phức tạp mới khiến ta lo lắng. Hãy suy nghĩ đơn giản, làm những gì mình muốn (miễn là hợp pháp và không phương hại ai) và tận hưởng cuộc sống!

TRÂN TRỌNG NHỮNG GÌ TA CÓ



Niềm vui khi ta nhận được ‘điểm 9’ sẽ sớm phai đi, nhưng lòng đố kị với kẻ được ‘điểm 10’ sẽ còn vương lại mãi trong tâm trí. Đó là chuyện muôn thuở. Ta thường thèm muốn nhiều hơn, nhưng hiếm khi dừng lại để nhận ra những gì chúng ta thực sự có . Chúng ta so sánh mình với người khác, chỉ để thấy rằng hiện tại của ta không đủ tốt. Và bằng cách đó, ta gây áp lực không cần thiết lên chính bản thân mình. Và đó là khởi nguồn của mọi bi kịch.

Khao khát chinh phục những điều tốt hơn là việc đáng hoan nghênh, bởi lẽ nó là nguồn động lực để ta hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, cũng cần phải trân trọng cái nền tảng nơi ta đang đứng, những gì ta đang có trong tay. Đôi khi ta dồn sức chiến đấu vì những điều to tát, mà bỏ qua những niềm vui hàng ngày : tiếng cười của con trẻ, sự quan tâm chăm sóc của người thân, một cuốn sách hay, hay một mái nhà che chở ta khỏi sương gió nắng mưa. Đừng bao giờ quên những điều nhỏ bé mà quý giá vô cùng đó!

Đời đẹp quá! Đừng nghĩ mình cô độc,

Nhận hồng ân mà Thượng Đế trao ban,

Sống mỗi ngày là diễm phúc muôn vàn

Hãy hân hoan vì cuộc đời diễm tuyệt.

(Tổng giám Mục Fulton Sheen)

LỰA CHỌN TÍCH CỰC



Hôm nay là sinh nhật của bạn, nhưng không ai nhớ đến? Sao không thử chủ động gọi cho vài người bạn và rủ họ ăn tối? Đó là ngày của bạn kia mà! Hãy khiến bản thân vui vẻ, bằng cách chia sẻ niềm vui cùng người khác, thay vì ở một mình, gặm nhấm nỗi cô đơn buồn bã và trách móc mọi người, chỉ vì họ quá mệt mỏi và bận rộn để nhớ ra. Tất cả là tuy bản thân chúng ta. Cuộc đời ngắn ngủi lắm : hãy chọn sống vui. Chỉ có thế !

ĐẠO CHÚA GIÚP GÌ CHO TA ?



Kinh Thánh dạy rằng kẻ nào bám vào Thiên Chúa qua đức Tin, Cậy và Mến thì sẽ giống người xây nhà mình trên núi đá, dù mưa sa gió cuốn cũng không bao giờ phải nao núng. Và chính Chúa Giê-su đã long trọng hứa sẽ ban bình an chân thật cho những ai tin vào Ngài, một thứ bình an không giống của trần đời, rồi thêm “Các con đừng sợ, vì Thày đã chiến thắng thế gian”.

Chúa muốn chúng ta coi Ngài là trung tâm đời mình. Tại sao Chúa phải là trung tâm đời sống chúng ta? Bởi vì, không có bình an hay hy vọng đích thực nào mà tách rời khỏi sự nhận biết Chúa. Ngài là Chúa và Ngài không hề lệ thuộc gì vào chúng ta, mà trái lại chính chúng ta phải lệ thuộc Ngài. Ngài tạo nên chúng ta là tạo vật, luôn cần sự hiện diện của Ngài trong đời sống. Chúng ta có thể đang cố sống mà không cần Chúa, nhưng điều đó thật chỉ đưa tới thất vọng não nề.

Thế là chúng ta phải liên kết với Chúa qua sự thông hiệp, cầu nguyện mỗi ngày. Ta và Chúa trở nên đôi bạn thân thiết, tâm sự để tỏ bày mọi thứ riêng tư thầm kín. Phải biết cầu nguyện như trẻ thơ nói truyện với người mẹ. Phải phó thác hết mọi thứ. Phải tin tưởng tuyệt đối. Phải luôn ao ước được liên kết trong Ngài. Phong trào ‘THIỀN’ đang nở rộ khắp nơi, lôi kéo nhiều người tìm về niềm an bình nội tâm.

Một phương pháp giản dị ‘THIỀN TRONG CHÚA’ sẽ phần nào giúp chúng ta đạt mục đích nói trên :

-Tìm một chỗ ngồi thoải mái, yên tĩnh.

-Gạt bỏ mọi lo ra, buồn chán, lo sợ…

-Lim dim 2 mắt, úp hay ngửa 2 tay lên đầu gối.

-Tưởng tượng mình là bé thơ ngồi trong lòng mẹ.

-Không cầu xin gì, chỉ phó thác tất cả cho Chúa.

-Hít thở chậm, như mời Thánh Thần Chúa ra vào hồn.

(Nên hít thở thật sâu và giữ lưng thẳng)

-Nuôi một ý nghĩ tốt, như “Tôi là của Chúa mãi mãi”.

-Quên cái ‘tôi’, nhưng gặp thấy nó trọn vẹn trong Chúa.

(Kết quả là an vui toàn vẹn, nhờ kết hợp với Chúa)

Mỗi ngày nên tập Thiền 30 phút, trước khi đi ngủ)

Trong thực tế, những người trưởng thành về tâm linh thường ưa thích cầu nguyện thinh lặng, trong sự chiêm niệm hay nguyện gẫm. Thế là ‘Thiền trong Chúa’ sẽ là công thức cao độ giúp chúng ta đạt an bình nội tâm chân thật nhất.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư