Ngày 22-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa 23/6/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
02:42 22/06/2019
Bài Ðọc I: St 14, 18-20

"Ông mang bánh và rượu tới".

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Melkixêđê là vua thành Salem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông chúc phúc cho Abram rằng: "Xin Thiên Chúa Tối Cao và Ðấng tạo thành trời đất chúc phúc cho Abram, và đáng chúc tụng thay Thiên Chúa Tối Cao, vì nhờ Người che chở, quân thù đã rơi vào tay ông". Và Abram dâng cho ông một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4

Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê (c. 4bc).

Xướng: Thiên Chúa đã ban bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con".

Xướng: Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù".

Xướng: "Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con".

Xướng: Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê".

Bài Ðọc II: 1 Cr 11, 23-26

"Mỗi khi anh em ăn và uống anh em loan truyền việc Chúa chịu chết".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: "Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 11b-17

"Tất cả đều ăn no nê".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa chăm lo cho dân no thỏa
Lm Nguyễn Xuân Trường
05:20 22/06/2019

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu để sống. Khi người nào mà không ăn uống được nữa thì nguy mất rồi, nhanh chóng mời cha đến xức dầu là vừa. Thế nên, Thiên Chúa là Cha và là Đấng ban sự sống luôn luôn chăm lo nuôi ăn dân người. Chim trời cá biển cùng thú vật ngoài đồng Chúa còn nuôi ăn huống chi loài người là con Chúa thì nỡ lòng nào Ngài để cho họ đói. Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho đông đảo dân chúng ăn no thỏa.

Ăn uống còn là nhu cầu để bày tỏ tình nghĩa yêu thương. Người ta tranh luận với nhau “ăn để sống hay sống để ăn”. Có lẽ không nên loại trừ mà nên kết hợp cả hai thành “ăn để sống và sống để ăn” vì ăn uống vừa để sống, vừa để bày tỏ tình nghĩa yêu thương nhau. Biết bao nhiêu bữa tiệc mừng đủ các dịp khác nhau trong đời đã cho thấy rõ điều đó: ăn là vì tình vì nghĩa. Và khi Chúa mời ta không chỉ ăn bánh ăn cá, mà ăn uống chính thịt máu Ngài thì đó là lúc bày tỏ tình yêu hết mình của Ngài. Chúa yêu loài người đến độ trao ban cả thịt máu Ngài, nghĩa là trao ban trọn vẹn sự sống và tình yêu của Ngài. Trao ban tất cả, sạch sành sanh!

Quả thật, nuôi ăn là việc trao ban tình yêu và sự sống rất rõ ràng. Vì thế, Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi chúng ta như các Tông đồ khi xưa: “Anh em hãy cho họ ăn.” Không chỉ cho ăn cơm ăn cá, mà hơn thế, chính bản thân mỗi chúng ta được mời gọi trở thành lương thực, trở thành tấm bánh bị bẻ ra và trao ban để xóa đi những cơn đói khát không chỉ về vật chất, mà đói khát về tinh thần, yêu thương, niềm tin, sự tử tế, và giá trị sống cao đẹp trong thời đại ngày nay.

Ăn uống sẽ bị tiêu hao nên đòi phải hy sinh. Điều tuyệt vời ở chỗ: Vì tình nghĩa yêu thương thì ăn uống bị mất mát mà không buồn bã, nhưng lại chan chứa niềm vui. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:28 22/06/2019

13. Người kiêu ngạo khiến cho Thiên Chúa không hài lòng, lại làm cho người ta căm giận.

(Thánh Chrysogonus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:37 22/06/2019
51. VẪN PHẢI CHIÊU ĐỆ

Một phụ nữ có thai sắp sinh đau không thể tả, bèn thề với chồng:

- “Từ đây về sau thà suốt đời không con, và cũng không nuôi con cái”.

Chồng nói:

- “Xin tuân mệnh”.

Không lâu sau thì sinh một đứa con gái, hai vợ chồng bàn đặt tên cho con gái, suy nghĩ rất lâu mà cũng không kiếm được một cái tên vừa ý để đặt cho con, vợ nói:

- “Hay là đặt cho nó tên “chiêu đệ 招弟?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 51:

“Chiêu đệ” tức là “gọi em”, nghĩa là muốn kiếm thêm một đứa con trai nữa !

Đã không muốn sinh con và nuôi con nữa, vậy mà vẫn cứ muốn kiếm cho con gái một đứa em, thật là một “lý do chính đáng” !

Có nhiều người nói với Chúa sau khi xưng tội xong: “Lạy Chúa, con quyết không phạm tội nữa”- nhưng rồi vẫn tìm nhiều lý do để phạm tội.

Quyết tâm không làm Chúa buồn, quyết tâm sống đạo cho tốt, quyết tâm làm người Ki-tô hữu gương mẫu, nhưng không quyết tâm loại bỏ những lý do xem ra khách quan làm cho mình phạm tội thì cũng chưa có quyết tâm, bởi vì quyết tâm và thực hành thì lại là hai việc khác nhau, bởi vì ma quỷ sẽ tấn công mạnh mẽ hơn khi chúng ta quyết tâm sống làm người Kitô hữu tốt...

Có nhiều người Ki-tô hữu muốn quyết tâm nhưng vẫn cứ sa ngã trong tội, bởi vì họ quyết tâm mà không cầu nguyện, quyết tâm mà không thành tâm đón nhận các bí tích, đó chính là nguyên nhân lớn của sự sa ngã và là lý do để “chiêu tội” vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Lễ Mình và Máu Thánh Đức Chúa Giê-su
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:41 22/06/2019
LỄ MÌNH MÁU THÁNH ĐỨC CHÚA KI-TÔ

Tin mừng: Lc 9, 11b-17.

“Mọi người đều ăn, và được no nê”.


Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ kính Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, đây là một sự tôn vinh chúc tụng ngợi khen và cám tạ hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại chúng ta, để khi chúng ta ăn và uống Máu Thịt Thánh này thì được sự sống đời đời. Trong tâm tình cảm tạ sâu sắc hồng ân này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy điểm sau đây:

1. Lao động là cơm bánh nuôi thân xác.

Khoa học ngày càng phát triển, con người ngày càng hưởng thụ, và khi thân xác được no nê đầy đủ thì linh hồn lại thiếu thốn, đó là “quy luật” của xã hội thời hiện đại. Con người ta sống ở đời không ăn không uống thì thân xác chết dần mòn, do đó mà mọi người cần phải nổ lực làm việc để có cơm bánh nuôi sống thân mình và gia đình. Khoa học càng phát triển thì con người càng khó tìm việc làm cho mình, bởi vì khoa học đã thay thế rất nhiều công việc trong các lãnh vực, tuy nhiên lao động vẫn là nhân tố chính để khoa học tiến bộ.

Mồ hôi đổ xuống trên ruộng đồng của bác nông phu để những mảnh đất trở thành hạt lúa thơm ngon nuôi sống con người; mồ hôi đổ xuống trên những nhà máy của các anh chị công nhân đã làm cho khoa học trở nên cơm bánh nuôi sống mọi người; mồ hôi đổ xuống trên bục giảng với hơi thở bay màu bụi phấn của các thầy cô giáo, được biến thành cơm bánh nuôi sống họ và gia đình...

Lao động là để có cơm ăn áo mặc, lao động là để có của cải giúp người nghèo khó đó là ý muốn của Thiên Chúa khi Ngài nói với nguyên tổ chúng ta: “Hãy cai quản vũ trụ...” Đó cũng là điều mà Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy: “Ai không làm thì đừng ăn”.

2. Hy sinh tận hiến làm nên Thánh Thể

Trước khi lìa thế gian để về ngự bên hữu Thiên Chúa, Đức Chúa Giê-su đã làm một cử chỉ yêu thương đầy khiêm tốn là rửa chân cho các môn đệ của mình, hành vi khiêm tốn này lột tả được tất cả yêu thương và hy sinh của Ngài với việc làm tiếp theo sau là lập bí tích Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể là bí tích Yêu Thương, là bí tích của Hy Sinh và Tận Hiến: hy sinh thân xác mình làm giá cứu chuộc tội nhân là nhân loại chúng ta, Tận Hiến cho Đức Chúa Cha với tất cả sự phục tùng tín thác, để thân xác hy sinh ấy trở nên tấm bánh thiêng liêng nuôi sống linh hồn người tín hữu khi Đức Chúa Giê-su nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Và thật rõ ràng khi Đức Chúa Giê-su dạy các môn đệ: hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương các ông.

Yêu thương nhau tức là hy sinh và tận hiến cho nhau, mà cao đỉnh của tình yêu hy sinh tận hiến chính là chết cho người mình yêu, cũng có nghĩa là trở nên tấm bánh cho người yêu hưởng dùng, đó chính là ý nghĩa đích thực của ngày lễ Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su hôm nay.

Bạn thân mến,

Mỗi lần chúng ta đi tham dự thánh lễ là chúng ta phải có tâm tình xác tín rằng: bánh miến và rượu nho trên bàn thờ ấy, cũng có những công lao vất vả mồ hôi của chúng ta góp vào, và nó sẽ trở nên Máu Thịt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nuôi sống linh hồn và thân xác của chúng ta ở trần gian này. Do đó mà mỗi người trong chúng ta phải hết sức kính trọng, yêu mến và khiêm cung khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su nơi tay của linh mục trao ban.

Trong tâm tình ngày lễ hôm nay, tôi xin bạn hai điều:

- Với sản phẩm thành quả của lao động mà chúng ta đã làm ra, trước hết là để nuôi sống bản thân và gia đình, sau là xin anh chị em thay mặt Đức Chúa Giê-su vươn cánh tay nối dài của Ngài nơi chúng ta đến với những người nghèo khổ, đến các viện mồ côi, viện dưỡng lão.v.v.v... để giúp đỡ họ.

- Mỗi lần đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, xin anh chị em ý thức rằng: mình đang về nhà Cha để cùng với các anh chị em tín hữu khác tham dự tiệc Nước Trời, do đó tôi xin anh chị em đem theo mình nụ cười tươi vui, cái bắt tay thân thiện và lời hỏi thăm quan tâm nồng nhiệt đến với mọi người mà chúng ta gặp trên đường đi, hoặc là tại nhà thờ nơi mà chúng ta đang tham dự thánh lễ. ..


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vị giáo phẩm đứng đầu ban duyệt xét các lời tố cáo giáo sĩ lạm dụng tình dục của Tòa Thánh ca ngợi Truyền Thông Công Giáo
Vũ Văn An
00:19 22/06/2019


Theo Catholic News Service, trong một bài diễn văn rất thẳng thắn và chi tiết, vị giáo phẩm đứng đầu bộ phận có nhiệm vụ duyệt xét các lời tố cáo giáo sĩ lạm dụng tình dục của Tòa Thánh đã nói với một hội nghị các nhà báo Công Giáo tại St. Petersburg, Fla., ngày 19 tháng 6, 2019, rằng các nhà điều tra của ngài và báo giới “có chung một mục tiêu như nhau, là bảo vệ các vị thành niên, và chúng ta có một ước nguyện như nhau là để lại một thế giới tốt một chút hơn lúc chúng ta thấy nó”.

Vị giáo phẩm đó là Đức Ông John Kennedy, người từ năm 2017 đã đứng đầu bộ phận kỷ luật của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican. Nhân dịp này, ngài đã mô tả sự mất mát bản thân của 17 nhân viên trong văn phòng của ngài khi họ duyệt xét đợt khiếu nại ngày một gia tăng liên quan đến vấn đề lạm dụng tình dục của giáo sĩ hoặc các tội phạm có liên quan.

Đức Ông Kennedy nói "Tôi có thể thành thật nói với các bạn rằng khi đọc các vụ lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ, các bạn không bao giờ quen với điều đó và các bạn có thể cảm thấy trái tim và tâm hồn mình bị tổn thương. Có những lúc, khi xem xét các vụ này, tôi muốn đứng dậy và la hét, tôi muốn thu dọn đồ đạc và rời khỏi văn phòng và không trở lại nữa".

Linh mục người Ái Nhĩ Lan này đã làm việc và học tập tại Rôma từ năm 1998. Bằng một giọng đặc Ái Nhĩ Lan, ngài đánh giá việc làm của mình một cách đầy tình người và có lúc đầy lo âu xao xuyến.

Đức Ông coi việc làm của ngài vừa như một đặc ân vừa như một gánh nặng. Ngài cũng nhận ra tầm quan trọng của công việc. Ngài nhận định: "Chủ đề khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng đứng đầu và đứng ở tâm điểm nền văn hóa của chúng ta. Chắc chắn, không có chủ đề thần học hay bất cứ loại dị giáo nào sánh bằng".

"Đối với tôi, nó nằm ơ tâm điểm, ở chính cốt lõi, và một số người còn cho rằng trái tim Giáo Hội bị tan nát trong cuộc khủng hoảng này". Ngài nói nó cũng đã gây thiệt hại cho nhiều giám mục.

Ngài nói: "Tôi đã nhìn thấy các giám mục, từng đã là các mục tử tươi cười trong quá khứ, nay biến thành những khuôn mặt buồn bã, trĩu nặng". Ngài mô tả các giám mục khóc khi báo cáo các vụ lạm dụng và các giám mục cảm thấy hoàn toàn cô đơn trong việc đối đầu với các vụ tai tiếng.

"Một giám mục mới được bổ nhiệm, nhưng chưa được tấn phong, nói với tôi rằng ngài khám phá có nhiều trường hợp lạm dụng đã lâu đời trong giáo phận đến không thể xử lý trong giáo phận. Không ai nói cho ngài biết điều đó trước khi ngài chấp nhận trách nhiệm. Bây giờ quá trễ để từ chối".

Ngài nói, tuy nhiên, bất kể ngài hoặc người khác thấy đau đớn hay đau buồn bao nhiêu, "điều đó không là gì so với những người phải gánh việc này trong nhiều năm một cách im lặng".

“Về người cha, người mẹ hay anh chị em đứa nhỏ từng phải nhìn đứa nhỏ này và sống qua điều này thì sao? Họ có thể nói gì đây? Mọi điều ta phải căn cứ vào họ thôi. Các bạn tin tôi đi khi tôi nói với các bạn những điều này. Các bạn nghĩ gì khi không được giáo quyền tin?Tình thế sẽ ra sao nếu cứ im lặng mãi vì người ta không có can đảm ra mặt và vạch tên kẻ lạm dụng?”

Vị linh mục cho biết văn phòng của ngài là văn phòng lớn nhất trong số bốn văn phòng tạo thành Thánh Bộ Giáo lý Đức tin. Trách nhiệm khảo sát các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục được Thánh Gioan Phaolô II trao cho vị tổng trưởng Thánh Bộ lúc đó là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger.

Đức Ông Kennedy nói: "Khi Đức Giáo Hoàng giao công việc cho văn phòng của Đức Hồng Y Ratzinger, ngài như theo bản năng ý thức ngay được tác động của những trường hợp này không phải chỉ đối với khả tín tính của sứ mệnh Giáo Hội, nhưng quan trọng hơn còn đối với cả đời sống đức tin của người bị lạm dụng nữa”.

Đức Ông Kennedy cho biết sứ mệnh văn phòng của ngài vượt ra ngoài việc các giáo sĩ lạm dụng tình dục. Nó cũng điều tra các tội phạm của các giáo sĩ liên quan đến việc cử hành các bí tích, như bí tích thống hối, và việc xử lý hoặc xử lý sai các cáo buộc lạm dụng tình dục.

Đức Ông Kennedy đã ca ngợi tự sắc "Vos Estis Lux Mundi” (Các con là ánh sáng thế gian) gần đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm ban hành các qui định mới về xử lý việc lạm dụng tình dục và che đậy nó. Đó là "một sự phát triển đáng hoan nghênh" mà hiện nay làm cho "việc tố cáo tội phạm tình dục trở thành một nghĩa vụ". Ngài nói thế và lưu ý rằng Giáo Hội không nên chờ đợi cho đến khi báo chí phát hiện ra các vụ lạm dụng.

Về báo chí, vị linh mục nói rằng văn phòng của ngài, dù bị ràng buộc bởi các quy tắc phải bảo mật khi tìm cách điều tra các vụ tố cáo, nhưng vẫn chia sẻ với các nhà báo trong ước nguyện muốn nói lên sự thật vì lợi ích chung.

Ngài nói: "Nếu chúng ta cho rằng mục đích của báo chí là cung cấp cho các công dân thông tin họ cần để đưa ra quyết định tốt nhất có thể cho cuộc sống của họ, cộng đồng của họ, xã hội và chính phủ của họ, thì chúng ta có thể hiểu rằng diễn trình và sứ mệnh pháp lý của Giáo Hội có mục đích cung cấp cho các thẩm phán của mình cơ hội tốt nhất có thể để họ có thể mang lại công lý trong khía cạnh đặc thù này của cuộc sống mình”.

Trong suốt bài phát biểu, được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các nhà báo tụ tập, Đức Ông Kennedy trở lại với thách thức gặp phải một số lượng liên tục các vụ tố cáo mới đến với văn phòng của ngài.

Ngài cho rằng "Chúng tôi vinh dự có một cái nhìn tổng quát độc đáo từ trên cao về tình hình hoàn cầu. Ngài so sánh công việc của nhóm ngài với cộng việc của các bác sĩ làm việc trong phòng cấp cứu hoặc trung tâm chấn thương.

Đức Ông Kennedy nói "Một Hồng Y nói với tôi khi nhìn vào đống vụ kiện kỷ luật trước mặt ngài rằng chúng tôi chỉ xử lý với các vấn đề. Ngài đúng một phần. Tôi nói với ngài điều quan trọng phải nhớ rằng chúng tôi có thể tiếp nhận các vấn đề nhưng nhiệm vụ chính của chúng tôi là đề ra các giải pháp".

Ngài bày tỏ niềm hy vọng rằng một ngày nào đó các dịch vụ của văn phòng ngài sẽ phụ trách đòi hỏi ấy. “Để các đồng nghiệp linh mục của tôi có thể trở về với điều họ được thụ phong để thực hiện.Tôi ước ao chúng tôi sẽ có thể tự mình tìm ra giải pháp cho việc làm này”.

Ngài thú nhận “trung thực mà nói, việc làm này đã thay đổi tôi và mọi người làm việc với tôi. Nó đã lấy mất một phần nữa sự ngây thơ trong trắng của tôi và đã phủ lên tôi một cái bóng buồn bã”.
 
Làm sao bạn biết là Thiên Chúa tốt lành?
Giuse Thẩm Nguyễn
19:19 22/06/2019



Thì cứ xem là Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta và khi kêu cầu, Ngài ban cho chúng ta ân sủng để sống.

Một cách mà tôi biết Thiên Chúa tốt lành là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, đã cho phép tôi hầu hết những năm tuổi đôi mươi để nhìn thấy những sự việc rõ ràng về những điều mà tôi không muốn làm trong đời tôi.

Có hai minh họa: Tôi biết một người có thiện ý đã được bầu vào cơ quan lập pháp. Ông ta hỏi một thành viên kỳ cựu nhất trong đảng của mình xem ưu tiên hàng đầu của ông ấy là gì. Câu trả lời là “tái đắc cử” Làm thế nào để được tái đắc cử? thì hãy “trở nên nổi tiếng.” Mà làm sao để trở nên nổi tiếng? “Giao du yến tiệc cho nhiều vào và dùng tiền của người đóng thuế để mua biếu cho những nhân vật quan trọng cái gì họ thực sự muốn. Nói một cách khác là “Ăn cắp và lợi dụng người khác bằng cách mua chuộc họ.” Đó là một kinh nghiệm.

Minh họa kế tiếp: Với tư cách là một sinh viên, tôi làm việc qua bốn mùa hè cho một văn phòng. Mỗi buổi sáng các bà có chồng trong văn phòng tụ tập nhau gần tủ nước lạnh để kể tội những ông chồng, nào là tội nặng, tội nhẹ và những tội linh tinh mà các ông chồng đã phạm. Rồi các bà sẽ ấn định “hình phạt” để áp dụng sửa dạy cho những ông chồng theo công thức sau: Tội càng lớn, món quà đền tội càng đắt giá.” Nói một cách khác “Hôn nhân là một hệ thống trao đổi được tính toán cẩn thận, dựa trên mức ưu đãi và mức không khuyến khích”. Lại một bài học kinh nghiệm.

Cả hai minh họa trên phản ảnh một cách giao tiếp bình thường nhưng không phải là cách giao tiếp hoàn toàn mang tính nhân bản mà con người trao đổi với nhau. Nó làm hạ giảm con người thành những đơn vị giá trị vật chất hay lợi ích vật chất.

Một cách giao tiếp mang tính người hơn (ít nhất là thoạt nhìn) là thích người bạn thích, yêu người bạn yêu và ghét (hoặc ít ra là coi thường) những người khác. Nhưng đó không phải là cách giao tiếp hoàn hảo mang tính người với nhau. Trên thực tế, đó là cách giao tiếp của loài người bị sa ngã, có thể nói đó là cách sau khi con người rơi vào tình trạng không hoàn hảo và rối loạn chức năng do bởi tội lỗi.

Thiên Chúa của chúng ta ban cho chúng ta một cách giao tiếp mang tính thực sự người hơn, nghĩa là cách của con người hoàn hảo hơn vì đó là thánh. Chúng ta hãy cùng nhớ lại bài học mà Chúa Giê-su đã dạy qua Tin Mừng của Thánh Mát-thêu chương 5.

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.” Còn Thầy, Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

Chúng ta có thể mong mỏi gì nữa nếu chúng ta yêu theo cách ấy? Nếu chúng ta có hiểu được thì chúng ta sẽ không mong đợi gì hơn nữa.

Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình không phải là một chiến thuật, cũng chẳng phải là cách thế để tự nâng mình lên. Nhưng đó chính là một phương tiện để hiệp nhất với Thiên Chúa bằng cách bắt chước Đức Kitô của mình. Đó chính là con đường nhân bản đích thực bởi vì nó phản ánh hình ảnh đấng tạo hóa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Người. Nó là sự chuẩn bị cho hạnh phúc Nước Trời. Và Nước Trời sẽ chẳng hấp dẫn chúng ta một tí nào (và quả thật là chúng ta sẽ không đến được) nếu chúng ta không phấn đấu ngay bây giờ để yêu như Đức Kitô yêu.

Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình không phải là một chiến thuật.

Thánh I-Nhã có thể giúp chúng ta việc này. Nguyên lý và Nền Tảng đầu tiên của ngài là: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình.”

Vấn đề không phải là giàu có hay nghèo hèn, ốm đau hay khỏe mạnh, sống lâu hay chết yểu. Mọi thứ đều có thể, nhưng vấn đề là phải đạt cho được cùng đích của đời mình là dâng lời khen ngợi và tình yêu trọn vẹn lên Chúa theo gương Đức Kitô của mình.

Thánh I-Nhã cũng dạy chúng ta rằng dấu chỉ của sự trưởng thành tâm linh là khi chúng ta

…yêu không phải là những thụ tạo trên thế gian này, nhưng trong Thiên Chúa, Đấng làm nên mọi sự ấy.

Nói một cách khác, chúng ta phải phấn đấu để có thể chân thành mà nói với mỗi người và mọi người: “Bởi vì Chúa là Thiên Chúa, và bạn ở trong Thiên Chúa, tôi chọn để yêu và phục vụ bạn.” Không như một chiến thuật chính trị, cũng không nhằm mục đích trục lợi, nhưng vì tôi kiếm tìm sự hiệp nhất với Đức Kitô mà tôi yêu như Đức Kitô yêu – yêu một cách tự do, trọn vẹn, trung tín và sung mãn.

Thật là rất hữu ích nếu tôi tự nhắc bảo mình thường xuyên rằng: “Giả như Thiên Chúa có thể yêu một kẻ càn dở như tôi, một kẻ tự mãn, tự lừa dối, một kẻ đã không ngừng chống lại Thiên Chúa, thì chắc chắn tôi cũng có thể thương cảm với những người khác mà họ cũng được Thiên Chúa yêu nhiều như vậy.”

Dĩ nhiên, sống với một tiêu chuẩn cao, trọn vẹn đầy đủ tính nhân loại như thế thì quả là thánh thực sự, vượt qua giới hạn của con người sa ngã. Điều đó có nghĩa rằng đây là lúc để đến với phép hòa giải, tham dự thánh lễ, nguyện ngắm kinh mân côi và hãy ra đi làm việc.


Source: aleteia.org How do you know that God is good?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phong Trào Cursillo Tổng Giáo phận Melbourne Ngành Việt Nam mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
05:02 22/06/2019
Melbourne, vào lúc 2 giờ chiều Ngày 22/6/2019. Tại Nhà thờ Saint Margaret Mary vùng Brunswrick Melbourne. Trong tiết trời lạnh của mùa Đông Melbourne. Phong trào Cursillo Tổng Giáo Phận Melbourne Ngành Việt Nam đã hân hoan mừng lễ Thánh Phaolô Tông đồ là bổn mạng của phong trào.
Hình Thầy Chí Thánh Giêsu

Xem hình

Trước giờ lễ, mọi người với đủ mọi thành phần của phong trào đã tề tựu trước Đài Đức Mẹ phía ngoài nhà thờ, nơi được đặt kiệu ảnh Thánh Phao Lô để Cha Linh Giám làm phép bức ảnh Thánh Phao Lô. Sau khi ảnh được làm phép và xông hương, mọi người theo Thánh Giá nến cao, để rước kiệu ảnh Thánh Phao Lô đi vòng ra cổng chính để tiến vào nhà thờ dâng lễ. Đoàn kiệu đi trong tiếng hát của các Cursillista cùng tiếng đệm đàn của anh Quang Minh. Kiệu Thánh Phao Lô được an vị bên cạnh bàn thờ Thầy Chí Thánh Giêsu đặt nơi trang trọng trước khu cung thánh.

Thánh lễ đồng tế mừng bổn mạng của phong trào do quý Cha Linh Giám: Phạm Minh Ước chủ tế, Cha Linh giám Phạm Văn Ái và Cha Phương đồng tế. Trong bài chia sẻ, Linh mục chủ tế đã nói về thân thế của hai vị Thánh là rường cột của Giáo Hội Công Giáo. (Xin ghi tóm tắt.) Một vị xuất thân trong một thành phần lao động ít học, nóng tính và bộc trực. Với những lời nói thiếu chín chắn mà Thánh Phê Rô luôn bị Chúa chỉnh sửa nhiều lần, nhưng Chúa đã trao cho Thánh Phê Rô xây dựng nên hội thánh lúc sơ khai.

Thánh Phao Lô Tông đồ lại xuất thân trong thành phần trí thức, sùng đạo Do Thái, khôn ngoan trong công việc. Khi được Chúa chọn thì Ngài đã hết lòng trung thành và mạnh mẽ đi rao giảng tin mừng, mở rộng nước Chúa.

Trong phần chúc bình an, như thông lệ, mọi người cùng bắt tay nhau làm thành một vòng kết nối từ quý cha cho đến hết mọi người hiện diện và hát vang bài: bình an của Chúa..

Sau phần cám ơn của anh Đặng Văn Thắng đại diện của phong trào đến với quý Cha Linh Giám, anh chị em trong phong trào. Giới thiệu qua những sinh hoạt của phong trào những ngày sắp tới. Và mời mọi người cùng chụp hình chung để lưu niệm sau đó dùng bữa tiệc mừng bổn mạng của phong trào.

Vì là ngày đặc biệt, thánh lễ không có cộng đoàn của giáo xứ tham dự. Mọi người đã sang hội trường giáo xứ để dùng tiệc mừng, và để mọi người có dịp gặp nhau sinh hoạt, bài hát truyền thống của phong trào Decolores được mọi người cùng hát và vỗ tay rất nhịp nhàng vui vẻ trước khi dùng tiệc mừng.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nho Giáo Và Chữ Lễ Có Trói Buộc Con Người, Không Cho Sáng Tạo Không?
Nguyễn Văn Nghệ
21:11 22/06/2019
Nho Giáo Và Chữ Lễ Có Trói Buộc Con Người, Không Cho Sáng Tạo Không?

Trong bài viết GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: “Giáo dục hỏng chính là do triết lý giáo dục sai lầm”, tác giả Nhật Lệ đã đặt câu hỏi với ông Trần Ngọc Thêm: “Ông có thể phân tích thêm về các hệ lụy của “triết lý” này?”. Ông Trần Ngọc Thêm đã trả lời: “… chính là do ảnh hưởng của triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” mà chúng ta đã khôi phục khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở khắp nơi, cứ tưởng rằng xã hội lộn xộn thì chỉ cần gò trẻ em vào lễ là xong. Nề nếp do lễ mang lại ở đâu chưa thấy, trong khi ai cũng biết rằng, Nho giáo và chữ Lễ trói buộc con người, không cho sáng tạo thì rất rõ. Không sáng tạo làm sao có phát triển?”(1)

Nho giáo và chữ Lễ có trói buộc con người, không cho sáng tạo như nhận định của ông Trần Ngọc Thêm không?

Tác dụng của Lễ trong cuộc sống

Nếu ai đã đọc qua phần khái quát chữ Lễ trong tác phẩm Nho giáo của cụ Trần Trọng Kim thì mới thấy chữ Lễ rất là thâm thúy. Mọi sinh hoạt trong xã hội đều do Lễ mà ra: “Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ không thành; dạy bảo, sửa đổi phong tục, không có lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết; vua tôi, trên dưới,cha con, anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân; xếp đặt thứ vị trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh không có lễ không uy nghiêm; cầu khấn tế tự, cung cấp quỷ thần, không có lễ không thành kính, không trang chính. Bởi thế cho nên quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng, để làm sáng rõ lễ” (Lễ ký: Khúc lễ thượng)

Lễ khiến cho sự hành vi của con người có chừng mực, để lúc nào cũng hợp với đạo trung: “Cung kính mà không có lễ thì phiền, cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi, dũng mà không lễ thì loạn, trực mà không có lễ thành ra vội vã” (Luận ngữ: Thái Bá, XIII).

Nếu không có lễ, lấy gì mà phân biệt nghĩa vua tôi, trên dưới cho có đạo lý?: “Trong những cái của dân cậy mà sinh hoạt thì lễ là to hơn cả. Không có lễ thì không phân biệt ngôi vua tôi, trên dưới , lớn bé; không có lễ thì không có thể phân biệt cái lòng thân của trai gái, cha con, anh em, sự giao tiếp về hôn nhân về người thân hay người sơ” ( Lễ ký: Ai công vấn, XXVII)

Những cái tình của con người thì ẩn khuất ở trong lòng không sao biết được, chỉ có Lễ mới ngăn giữ mà thôi: “ Cái đại dục của người ta là ở việc ăn uống, trai gái, bao giờ cũng có, cái đại ố của người ta là ở sự chết mất, nghèo khổ , bao giờ cũng có. Cho nên dục, ố là cái mối lớn của tâm vậy, người ta giấu kín cái tâm không thể dò xét được; cái hay cái dở đều ở trong tâm, không hiển hiện ra ngoài. Nếu muốn tóm lại làm một để biết cho cùng mà bỏ Lễ (xả lễ) thì lấy gì mà biết được” (Lễ ký: Lễ vận, IX).

Lễ giống như con đê ngăn lũ: “Phù lễ cấm loạn chi sở do sinh, do phường chỉ thủy chi tự lai dã” (Lễ là sự cấm loạn sinh ra, như đường đê giữ nước không đến vậy – Lễ ký: Kinh giải, XXVI).

Tác dụng của lễ thật là quảng đại, thật là tinh vi, đủ chứng là tâm lý học của Nho giáo sâu xa vô cùng. Tác phẩm “ Trung Quốc triết học sử” ghi lời nhận xét của Hồ Thích: “ Trong cái nghĩa rộng chữ Lễ có hàm cái tính chất pháp luật, nhưng lễ thì thiên trọng về cái quy củ tích cực, mà pháp luật thì thiên trọng về cái cấm chế tiêu cực. Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì và không nên làm điều gì; pháp luật thì cấm không cho làm những việc gì, hễ làm thì phải tội. Người làm điều trái Lễ thì chỉ bị người quân tử chỉ nghị chê cười, chứ người làm trái pháp luật thì có hình pháp xét xử”

Dùng Lễ có lợi hơn là có thể ngăn cấm được việc chưa xảy ra, mà dùng pháp luật thì chỉ để trị cái việc đã có rồi, bởi vậy thánh nhân chỉ trọng Lễ, chứ không trọng hình: “ Phàm cái biết của người ta chỉ biết được cái đã có rồi, không biết được cái sắp có. Lễ là để cấm trước cái sắp có, pháp luật là để cấm sau cái đã có rồi… Lễ vậy, lễ vậy, lễ quý là dứt được điều ác từ lúc chưa nảy mầm ra, dấy lòng kính ở chỗ người ta không trông thấy, để cho dân ngày ngày đến gần điều thiện, xa điều tội, mà tự mình không biết”( Đại đái Lễ ký: Lễ tế)(2).

Người xưa dùng đức trị, Lễ trị chứ không muốn dùng pháp chế: “ Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách” ( Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dẫn dắt dân chúng, chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng dám phạm phép thôi, chớ họ chẳng biết hổ ngươi. Vậy muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh, muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng Lễ tiết, thì chẳng những dân biết hổ ngươi, họ lại còn cảm hóa và trở nên tốt lành – Luận ngữ: Vi chính, II)

Nho giáo và chữ Lễ không hề trói buộc con người

Ông Trần Ngọc Thêm bảo: “trong khi ai cũng biết rằng, Nho giáo và chữ Lễ trói buộc con người…”có vẻ như võ đoán. Theo tôi không phải “ai cũng biết rằng…”, chỉ có những người nghiên cứu Nho giáo một cách hời hợt và bị ảnh hưởng cách giáo dục theo đường lối cộng sản mới có kết luận về Nho giáo như vậy.

Có những học thuyết mới ra đời chỉ mươi năm mà đã bộc lộ những sai lầm một cách rõ rệt, huống chi học thuyết Nho giáo xuất hiện đã hơn hai ngàn năm thì làm sao tránh khỏi những khiếm khuyết! Nhà nghiên cứu Will Durant đã nhận xét về Nho giáo: “ Không nên trách Khổng tử về tất cả những nhược điểm ấy. Không ai lại đòi một triết gia phải suy tư cho hai chục thế kỷ. Trong một đời người làm sao có thể tìm được con đường đưa tới tri thức cho hết thảy các đời sau. Mà rất ít người làm nhiệm vụ ấy một cách đầy đủ như Khổng tử. Càng hiểu rõ ông, chúng ta càng ngạc nhiên rằng chỉ có một phần nhỏ trong đạo của ông là không hợp với khoa học, với những sự biến đổi do thời gian. Khi ta nhận thấy rằng ngay ở thời đại chúng ta, ông vẫn còn là người chỉ đường chắc chắn cho chúng ta, thì chúng ta quên những lời đôi khi hơi nhàm của ông và đức độ quá hoàn toàn của ông làm cho ta có lúc chịu không nổi” (3)

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã luyến tiếc cho truyền thống Nho giáo đã “bị đứt gãy” ở Việt Nam: “ …với đội ngũ hành chính- công vụ ở các nước Đông Bắc Á, tôi thấy truyền thống Nho giáo sâu xa đã giữ gìn được sự liêm sỉ đích thực.

Ở các nước ấy truyền thống Nho giáo liền mạch, chứ không bị đứt gãy như ở Việt Nam. Thời phong kiến xưa, ở Việt nam ta từng có những ông quan sẳn sàng xây dựng kênh rạch tưới tiêu xuyên qua đất của mình. Có liêm chính, có tinh thần phụng sự quốc gia, những người này sẳn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích quốc gia, chứ tuyệt đối không nắn chỉnh kênh rạch thành một “đường cong mềm mại”.

Tất nhiên vào những thời suy, quan lại phong kiến tha hóa, xấu xa không phải là không có, nhưng vào những thời thịnh, số lượng quan thanh liêm là rất nhiều. Sự thịnh trị có được chính là nhờ vào đội ngũ quan lại thanh liêm như vậy.

Bây giờ chúng ta phải tìm cách khơi gợi, nuôi dưỡng trở lại cái tinh thần bị đứt gãy ấy. Lương bổng là cần, nhưng lương bổng chỉ là một nửa của vấn đề. Một nửa còn lại chính là tinh thần, đạo đức, cốt cách và sự liêm sỉ”(4)

Cách nhận định về Nho giáo của ông Trần Ngọc Thêm rất là hời hợt. Trong tác phẩm “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của ông có 13 trang viết về Nho giáo và Văn hóa Việt Nam, ông đã đưa ra nhiều dẫn chứng sai lạc về Nho giáo. Ông đã ca ngợi ông Hồ Chí Minh: Chính vì đặt nước lên trên mà một người xuất thân từ dòng dõi Nho gia như Hồ Chí Minh dám đi ngược lại giáo huấn của Nho giáo: Dám bỏ lại cha già để đi tìm đường cứu nước tại trười Tây xa xôi( theo Nho giáo thì “phụ mẫu tại bất viễn du” – cha mẹ còn, con không được đi xa)(5).

Cách giải thích như vậy chúng tôi gọi là giải thích theo kiểu “tắc tử” kiểu “nửa vời”. Nho giáo nào cấm cha mẹ còn, con không được đi xa. Sách Luận ngữ, ở thiên Lý nhân ghi rõ ràng: “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương” (Trong khi cha mẹ còn sanh tiền, phận làm con chớ có đi chơi xa, như có đi chơi xa thì thưa trước cho cha mẹ biết để cha mẹ an tâm).

Trong câu ấy gồm hai vế, nhưng ông Trần Ngọc Thêm chỉ lấy vế đầu giải thích để đạt được mục đích là ca ngợi ông Hồ Chí Minh, cho nên câu giải thích của ông Trần Ngọc Thêm trở thành “câu què, câu cụt”.

Hậu quả của việc bỏ cũ theo mới ở Việt Nam hiện nay

Trong thời gian trước đây, những ai sinh ra và lớn lên được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đều bị nhồi nhét tư tưởng cho rằng “Nho giáo là bảo thủ lỗi thời và kiềm hãm sự phát triển của xã hội”. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là “tàn dư tệ hại của Khổng giáo” cho nên “ chúng ta không thể dung hòa được với Khổng giáo và hệ tư tưởng phản động và bảo thủ của nó” và “chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lãnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy!”(6)

Dân tộc Việt Nam đã trải qua một thời gian chịu ảnh hưởng Nho giáo. Khi những người cộng sản Việt Nam nắm chính quyền ở Miền Bắc thì quyết tâm phá bỏ nền văn hóa cũ để xây dựng một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Riêng ở Miền Nam, vào năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh thành lập Hội Khổng học trên tất cả các tỉnh thành để tiếp tục duy trì quảng bá đạo đức cương thường của tổ tiên.

Việc bỏ cũ theo mới được cụ Trần Trọng Kim nhận xét trong “lời phát đoan” của tác phẩm Nho giáo: “Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ theo mới của ta hiện thời bây giờ không phải là không cần cấp, nhưng vì người mình nông nổi, không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại cả đi, thành thử cái xấu, cái dở của mình thì vị tất đã bỏ đi được, mà lại làm hỏng mất cái phần tinh túy đã giữ cho xã hội của ta được vững bền hàng mấy nghìn năm nay. Phàm người ta muốn bỏ cái cũ đã hẩm nát, tất là phải có cái mới tốt hơn, đẹp hơn để thay vào. Nay ta chưa có cái mới mà đã vội vàng bỏ cái cũ đi, thành ra đổ nát cả, mà không có cái gì thay vào được. Ấy là cái tình trạng nước ta ngày nay là thế, khác nào như chiếc thuyền đi ra giữa biển, đánh mất địa bàn chỉ nam, không biết phương hướng nào mà đi cho phải đường, cứ lênh đênh mãi, không khéo lại bị sóng gió va vào đá vỡ tan mất cả. Đó là điều ta nên biết để tìm cách mà chữa lại được chút nào chăng”(7).

Chính do những người cộng sản chủ trương đoạn tuyệt với nền luân lý đạo đức duy lý nhã nhặn mà tổ tiên ta đã hấp thụ để chạy theo học thuyết duy lý hung hăng của Đức, Nga mà hậu quả theo kết quả điều tra ở Việt Nam vào năm 2006 cho thấy: Tỷ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp Tiểu học là 22%, cấp Trung học Cơ sở là 50%, cấp Trung học Phổ thông là 64%, Sinh viên là 80% (8)

Chữ Lễ không hề trói buộc con người như lập luận của ông Trần Ngọc Thêm. Người Việt Nam ai cũng sợ mang tiếng là “đồ vô lễ”.Con người mà “vô lễ” thì sẽ không từ bỏ bất cứ hành động gian ác nào.

Để ngày càng hoàn thiện trên con đường đạo đức, mỗi người luôn “khắc kỷ phục lễ” (chế thắng lòng tư dục của mình và theo về lễ tiết- Luận ngữ: Nhan Uyên, XII), phải “ước ngã dĩ lễ” ( dùng lễ tiết mà ước thúc thân tâm ta – Luận ngữ: Tử Hãn, IX), thì khi ấy người người sẽ thực thi: “ Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (không phải lễ thì chớ trông, không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì chớ làm – Luận ngữ: Nhan Uyên , XII).

Người giàu sang biết Lễ thì không dâm tàn, không kiêu căng; người bần tiện biết Lễ thì không nản chí, không làm bậy; cán bộ, viên chức mà biết Lễ thì biết cách lo cho dân, cho nước.

Nếu như cán bộ quan chức trong bộ máy đảng và chính quyền nước ta hiện nay biết “ khắc kỷ phục lễ”, biết “ước ngã dĩ lễ” thì đâu đến nỗi bà cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan phải thốt lên trước bàn dân thiên hạ: “…Cái liều vacxin tiêm cho một cháu lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội. Tôi càng đi càng thấy buồn, “ăn” của dân không từ một cái gì”. Nói theo ngôn ngữ dân gian thì quan tham “ăn tận đáy quần chúng”.

Những gì là tinh hoa văn hóa của nhân loại (không phân biệt Tây hoặc Tàu) thì chúng ta sẳn sàng tiếp nhận để làm cho nền văn hóa của dân tộc ta ngày càng thêm phong phú!

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

Chú thích:

1-https://laodong.vn/archived/gstskh-tran-ngoc-them-giao-duc-hong-chinh-la-do-triet-ly-giao-duc-sai-lam-712932.ldo

2-Lệ Thần Trần Trọng Kim, Nho giáo quyển thượng (in lần thứ tư) Nxb Tân Việt, Saigon- Việt Nam, tr. 147- 156

3-Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa (Nguyễn Hiến Lê dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 92-93

4-antgct.cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/Nguyen-pho-chu-nhiem-van-phong-Quoc-hoi-Tien-si-Nguyen-Si-Dung-Phai-khoi-goi-nhung-gia-tri-dut-gay-kien…

4-https://nghiencuulichsu.com/2017/05/22/noi-co-sach-mach-co-chung/

6-nhavantphcm.com.vn/…duong-van-hoc/ve-khau-hieu-“tien-hoc-le-hau-hoc-van”.htm…

7-Lệ Thần Trần Trọng Kim, Nho giáo quyển thượng (in lần thứ tư), Nxb Tân Việt, Saigon- Việt Nam, tr. XV ( Lời phát đoan)

8-www.nguoiduatin.vn/ti-le-hoc-sinh-noi-doi-tang-dan-theo-tuoi-a106618.html

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đường Tu Hành
Tấn Đạt
08:42 22/06/2019
ĐƯỜNG TU HÀNH
Ảnh của Tấn Đạt

Mấy ai thành Phật nhờ đi tu,
Khi trí thông minh bị hãm tù.
Phải thấy huyền vi trong ngọc sáng,
Như thấy vầng dương giữa khói mù.
(Trích thơ của Kiều Phù)