Ngày 26-06-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Yêu sách của tình yêu
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:48 26/06/2017
Chúa Nhật XIII Thường niên , năm A
Mt 10, 37-42

Yêu sách của tình yêu

Tình yêu là cái gì thật kỳ diệu, khó nói. Sống trên đời ai cũng muốn được yêu và muốn yêu. Đó là định luật bất biến của cuộc đời. Đôi bạn trẻ đã quyết định yêu nhau dù có khó khăn gì mấy, trước sau gì họ cũng đến với nhau.Hôm nay, Chúa Giêsu ra điều kiện cho những ai muốn theo Người :” Phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự, ngay cả những tình cảm gắn bó nhất, thân thiết nhất như tình phụ tử, mẫu tử , những tình cảm ruột thịt của mối giây anh em, chị em vv…đồng thời “ phải vác thập giá “ mà theo Người; rồi Chúa lại nói tiếp :” Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình …thì sẽ tìm thấy được “.

Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hay :” Đi theo Chúa không có nghĩa Người đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ hết mọi sự, nhưng Người muốn mọi người khi đã quyết tâm theo Người phải đặt tình yêu Thiên Chúa và việc phục vụ, thực thi sứ mạng của mình trên mọi mối quan hệ, trên những tình cảm thân thiết của cha mẹ, anh chị em và nếu cần phải hy sinh cả mạng sống của mình vì Người “. Quả thực đây là đời hỏi rất quyết liệt và cực kỳ khó khăn.

Ngoải ra, Chúa Giêsu còn cho biết người môn đệ hay chúng ta quyết tâm đi theo Người thì họ phải bước trên con đường Giêsu, con đường khổ giá, con đường hẹp, đường hy sinh, từ bỏ, quảng đại và xả kỷ để làm vinh danh Chúa và phục vụ hết mình vì đồng loại, vì tha nhân.

Theo Chúa Giêsu, người môn đệ của Chúa, hay người Kitô hữu đều được Chúa kêu mời đón nhận, hy sinh, quên mình để sống yêu thương, hòa hợp, chia sẻ, phục vụ tha nhân, phục vụ người khác bằng tình yêu cao vời, tuyệt mỹ không phân biệt, không vị kỷ. Tình yêu tự hiến mà Đức Kitô đã sống, đã sẻ chia và đã phục vụ vô vị lợi :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Người môn đệ của Chúa hay chúng ta được mời gọi góp phần nhỏ bé của mỗi người bằng những công việc nhỏ bé, âm thầm nhưng có giá trị tỏa sáng là làm vinh danh Thiên Chúa. Người môn đệ không cần phải làm những công việc lớn lao, đi đây đi đó, đứng lên rao giảng công khai, to tiếng mới là loan báo Tin Mừng bởi chính Chúa đã tự đồng hóa mình với những con người nhỏ bé, khó nghèo, những con người thấp cổ bé họng. Chúa nói : ” Mỗi lần các con cho một kẻ đói ăn là các con cho Ta ăn…cho kẻ khát uống, rách rưới ăn mặc, kẻ tù được thăm viếng vv…là các con làm cho chính Ta “. Chúa đòi hỏi người môn đệ và tất cả chúng ta khi phục vụ thì phải phục vụ quên mình, hy sinh quên mình đến nỗi biến mình ra không, nhưng việc phục vụ ấy lại có giá trị cao cả trước mặt Thiên Chúa như Người đã khẳng định :” Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy “.

Chúa ban thưởng người môn đệ của Người và ban thưởng cho chúng ta nếu chúng ta đã biết thực hiện điều Chúa đòi hỏi. Theo Chúa là phải sống như Chúa, yêu như Chúa và phục vụ như Chúa phục vụ.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống nơi gian trần có nhiều cạm bẫy, có nhiều thử thách khiến chúng con dễ quên đi bổn phận của chính mình, xin ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ để chúng con can đảm, hiên ngang, biết từ bỏ mình, vác thập giá của mình mà theo chân Chúa và biết phục vụ anh em theo đòi hỏi của Chúa yêu thương như Chúa yêu. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Chúa đòi hỏi người môn đệ những điều gì ?
2. Yêu như Chúa nghĩa là làm sao ?
3. Vác thập giá nghĩa là gì ?
4. Con đường Giêsu là con đường nào ?
5. Ông bà anh chị em hiểu thế nào về những người nhỏ bé ?
 
Hai tên gọi một lý tưởng
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
04:57 26/06/2017
Lễ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô - Ngày29/6

Hai tên gọi một lý tưởng

Mừng lễ trọng hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô là dịp chúng ta suy ngắm hai khuôn mặt trổi vượt và quan trọng này trong đạo chúng ta.

Tôi thấy trong mỗi vị đều có hai danh xưng khác nhau, đó là Simon - Phêrô; Saolô – Phaolô. Nếu tên gọi Simon và Saolô nói lên con người cũ, con người chưa được biến đổi, thì Phêrô và Phaolô là con người mới, con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô.

1- Từ Simon đến Phêrô

Trước khi gặp Chúa Giêsu, chưa theo Chúa, Phêrô được gọi là Simon, con ông Giona, là một ngư phủ lành nghề nhưng quê mùa, chất phác và bộc trực. Ông đã có gia đình, có vợ con đề huề.

Trong Tin Mừng, Phêrô thể hiện rất rõ cá tính của mình: một Simon yếu đuối, nhẹ dạ, nhất thời, bồng bột và dễ thay đổi, phản bội trong những lúc gặp khó khăn thử thách (x. Mt 14,22; 16,23). Nhưng trong ông, cũng có một Phêrô khiêm tốn, chất phác và rất hăng hái, biết sám hối và nhận lỗi của mình (x. Mt 26,69); một Phêrô mạnh mẽ và vững vàng trong Đức Tin, lòng mến, cũng như trong sứ vụ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai” (Ga, 6,68); “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16).

Sau khi gặp Chúa Giêsu, được Chúa mời gọi, ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Chúa đặt cho ông một danh xưng mới: đó là “Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Với danh xưng này, Phêrô trở thành Tông Đồ của Chúa, và được chọn làm thủ lãnh của nhóm Mười Hai. Phêrô đã sống và gắn bó với Chúa Giêsu trong suốt ba năm trên mọi nẽo đường rao giảng. Sau khi Chúa về trời, Phêrô cùng với các Tông Đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Phêrô đã đến giảng đạo tại Rôma, rồi bị bắt và bị đóng đinh trên đồi Gianicolo. Theo truyền thống kể lại, khi nghe tin sẽ bị bắt, Phêrô hoãng sợ tìm đường trốn khỏi Rôma để về quê, trên đường đi, ngài đã gặp Chúa Giêsu đang vác thánh giá vào thành Rôma, Phêrô hỏi Chúa: “Quo vadis - Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy vào thành Rôma để chịu tử nạn lần thứ hai.” Hiểu ra ý Chúa nên Phêrô đã trở lại với đoàn chiên của ngài và chấp nhận án tử hình trên thập giá. Đang khi chịu đóng đinh, Phêrô xin lính La Mã đóng đinh đầu ngược, vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được đóng đinh giống như Chúa Giêsu.

Một điều rất rõ mà chúng ta thấy trong cuộc đời của thánh Phêrô là khi nào ông càng cậy dựa vào sức mình, vào khả năng mình thì ông càng thất bại và tỏ ra yếu đuối. Nhưng khi nào ông càng bám lấy Chúa, tin vào Chúa, Phêrô càng thành công, càng trở nên vững vàng và rất cao cả!

2- Từ Saolô đến Phaolô

Cũng thế, nơi thánh Phaolô, có một Saolô trước khi gặp Đấng Phục Sinh, Saolô ấy không phải là một chàng trai ăn chơi lêu lổng, nhưng là một người nhiệt thành với truyền thống đạo Do Thái. Là con của một gia đình khá giả, Saolô được học hành chu đáo. Vì lòng trung thành với truyền thống cha ông, Saolô hăng hái đi bắt bớ các Kitô hữu đầu tiên vốn thuộc về một tôn giáo mới đang đe dọa sự tồn tại của đạo Do Thái.

Cú té ngựa trên đường Đamát đã làm cho Saolô thay đổi hoàn toàn. Saolô gặp Đấng Phục Sinh, và được Người đặt cho một tên mới đó là Phaolô, vị Tông Đồ của dân ngoại. Sau cuộc trở lại này, Phaolô hăng say rao giảng Đức Kitô. Ông đã sang Hy Lạp và La Mã nhiều lần để rao giảng Tin Mừng, rồi chịu tử đạo chặt đầu vì Tin Mừng ở ngoài thành Rôma.

3- Hai tên gọi, một lý tưởng

Hai danh xưng ấy nói lên hai khuôn mặt, hai con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô. Hai con người ấy trở thành hai ngôi sao sáng, hai cột trụ chính của Giáo Hội. Cả hai đều có cùng một lý tưởng là Tông Đồ của Đức Kitô. Cả hai đã mang hạt giống Tin Mừng sang Châu Âu và đã biến Châu Âu thành một lục địa và là trung tâm của Kitô giáo. Cả hai đã đổ máu đào để làm chứng cho Đức Tin và tình yêu vào Đức Kitô.

Cũng như Phêrô và Phaolô, những ai gặp Chúa, tìm kiếm Chúa, thì sẽ được Chúa biến đổi. Và những ai được Chúa biến đổi thì một cách tự nhiên, người đó cũng muốn giới thiệu Chúa cho người khác, muốn là Tông Đồ của Chúa cho thế giới hôm nay.

Trước những khó khăn và những lối rẽ khác mời mọc, cùng với Phêrô, chúng ta hãy xác tín thêm một lần nữa: “Bỏ Thầy, con biết theo ai” (Mt 16,16). Cùng với Phaolô, chúng ta tuyên xưng rằng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,36-37). Amen!



 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:46 26/06/2017
67. CẢ NHÀ THÀNH TIÊN
Đất Việt (tên tắt của Quảng Đông-TQ) có người làm nghề hái thuốc, ngày nọ ông ta hái được cây nấm độc vừa lớn vừa đẹp mắt, phát ra màu sắc sặc sỡ.
Ông ta rất phấn khởi đem về nhà nói với vợ và con rằng:
- “Cái này người ta nói là “nấm thần”, ăn vào có thể thành tiên. Ta nghe nói thành tiên thì phải có duyên phận, trời không thể tuỳ tiện cho người, bởi vì có người đi tìm nhưng tìm không được, mà ta thì lại tìm được, đại khái là ta sắp sửa thành tiên rồi vậy !”
Thế là ăn chay tắm rửa ba ngày, sau đó đem nấm độc đi nấu, nấu xong vừa nuốt xuống cổ họng liền chết ngay.
Đứa con nói:
- “Con nghe nói người được thành tiên thì nhất định phải vứt bỏ thân xác, mà mọi người trên thế gian vì liên luỵ đến thân xác nên không thể thành tiên, bây giờ cha của con đã thoát khỏi thân xác mà thành tiên chứ không phải là chết.”
Nói xong bèn ăn thừa miếng nấm và cũng “thành tiên”.
Những người trong gia đình này đều ăn nấm ấy, không phải vì trúng độc mà chết, nhưng tất cả đều “thành tiên”.
(Úc Ly tử)

Suy tư 67:
Mong ước thành tiên là nguyện vọng của người thời xưa trong các truyện thần thoại, dù rằng tiên không có, nhưng mong ước trở thành thánh nhân của người Công Giáo thì lại có thật, và đó là sự thật.
Người xưa ước muốn thành tiên nên ăn nấm độc để thành tiên, nhưng tiên chưa thành thì đã chết mất tiêu; có những người Ki-tô hữu ước muốn nên thánh, nhưng không thèm ăn uống bánh trường sinh là Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô để được nên thánh.
Ở đời cái gì có thì không quý không màng tới, cái không có thì cứ thích nghĩ đến.
Cái có của người Ki-tô hữu chính là thánh lễ Mi-sa, là Mình Máu thánh của Đức Chúa Giê-su, là tất cả những gì mà chính Chúa đã lập ra để cho chúng ta được nên thánh, nhưng chúng ta không màng nghĩ đến. Trái lại, chúng ta chỉ màng đến những cái phù vân nay còn mai mất, chúng ta mơ tới sự giàu có, nhưng giàu có rồi cũng sẽ qua đi và của cải cũng phải để lại cho người khác; chúng ta mơ có địa vị cao trong xã hội, địa vị rồi cũng mất tiêu theo cuộc sống của chúng ta nay còn mai mất; chúng ta mơ có cuộc đời sung sướng, nhưng thế gian là bể khổ lấy gì mà sướng với sung...
Mong ước trở thành thánh nhân chính là mục đích cuộc sống của người Ki-tô hữu, nhưng mơ ước mà không chịu thực hành Lời Chúa dạy, không chịu ăn uống bánh trường sinh là Máu Thịt của Đức Chúa Giê-su, thì thánh đâu chưa thấy, mà chỉ thấy mình đã bán linh hồn cho ma quỷ và trở nên đệ tử của sa tan ngay trong cuộc sống ở trần gian này rồi.
Uổng thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:50 26/06/2017

39. Cầu nguyện chính là như người bạn tâm giao chuyện trò thân mật với Thiên Chúa.

(Thánh Nicetas of Constantinople)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Phêrô và Phaolô : Chứng Nhân Của Tình Yêu Và Lòng Mến
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
10:58 26/06/2017
Phêrô và Phaolô : Chứng Nhân Của Tình Yêu Và Lòng Mến

BÀI SUY NIỆM LỄ VỌNG

(Ga 21, 15-19)

Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng ta về với hai khuôn mặt vĩ đại của tình yêu và lòng mến là Phêrô và Phaolô.

Mỗi lần đọc đoạn Tin Mừng (Ga 21, 15-19) với ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô : "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Hai lần ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Lần thứ ba ông thưa : "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy", không khỏi làm chúng tuôn trào xúc động trước tình yêu Chúa dành cho ông và lòng mến ông đáp lại Chúa, khiến Chúa Giêsu bảo ông ba lần: "Hãy chăm sóc chiên con… chiên mẹ… của Thầy" (x. Ga 21.15.16.17).

Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã ngăn cản lòng trung thành bảo vệ Phêrô nên nói : "Hãy sỏ gươm vào bao, kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm" (Ga 18,11). Không lâu sau đó Phêrô đã chối Thầy vào lúc đỉnh cao của cuộc khổ : "Tôi chẳng biết người ấy là ai !" (x. Ga 18.17.25.27). Tuy nhiên, với giọt nước mắt đầy lòng thống hối ăn năn chảy thành rãnh trên gò má, nhất là Phêrô vẫn yêu mến Thầy. Nếu Gioan người bạn của ông đã nghe được lời ông chối : "Tôi chẳng biết người ấy là ai!" Thì Gioan cũng nghe được lời tuyên xưng đầy tình yêu và lòng mến của Phêrô với Thầy đến ba lần : "Thầy biết con yêu mến Thầy", như để sửa lại ba lần chối Thầy trong cuộc khổ nạn, mà cho đến giờ này Phêrô vẫn còn cảm thấy lòng mình cháy bỏng vết thương đã gây ra cho Thầy trong đêm ông phản bội. Tình yêu của Chúa Giêsu đã đủ cho Phêrô. Ông không được chiều theo cơn cám dỗ tò mò, ghen tị, như khi nhìn thấy Gioan đứng gần ông, ông đã hỏi Chúa Giêsu: "Lạy Chúa, còn anh này thì sao?" (Ga 21, 21). Nhưng Chúa Giêsu, trước những cám dỗ ấy đã trả lời Phêrô: "Việc gì đến con? Phần con, hãy theo Thầy!" (Ga 21, 22).

Phaolô, vị thánh mệnh danh là bị tình yêu Đức Kitô thúc bách (x. 2 Cr 5,15). Trước khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, vì lòng nhiệt thành với Đạo Do Thái, ông đã bắt bớ những người theo Chúa Giêsu (x.Cv 8,3-9,2), cố tình tiêu diệt Hội Thánh ngay từ lúc phôi thai, làm cho Khanania khiếp sợ (x.Cv 9,13-14). Được Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi, ông gắn bó với Người bằng tình yêu không thể chia lìa, ông nói : "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ?" (Rm 8,35). Đức Kitô đã trở nên "người yêu" và "người tình" của Phaolô. Đức Kitô không ngừng ám ảnh ông, đến độ Phaolô phải thốt lên : "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Ga 2, 20).

Giáo Hội của Chúa là thánh, nhưng thành phần của Giáo Hội là những tội nhân. Các Tông Đồ là những người có sứ mệnh tiếp tục công việc của Chúa Giêsu đều là những tội nhân, những tội nhân đã được thánh hóa, chính Chúa Giêsu là Đấng thánh hóa Giáo Hội của Người.

Như vậy, Tình Yêu của Thiên Chúa nhập thể, Tình Yêu này khi mặc lấy xác phàm, biểu lộ quyền năng và sức mạnh vô biên của Thiên Chúa trong sự yếu đuối, mỏng giòn của con người. Chính vì sự yếu đuối nghèo hèn của Phêrô mà Chúa Giêsu trao Giáo Hội của mình cho ông. Chính sự nhiệt thành đầy kiều hãnh của Phaolô, mà Chúa đặt ông làm Tông đồ dân ngoại, để cùng với Phêrô thể hiện sự tràn đầy của Chúa Giêsu Tình Yêu. Cả hai đã đón nhận tình yêu của Chúa Giêsu và để cho mình được tình yêu Chúa biến đổi.

Thiên Chúa là Thánh ở giữa chúng ta, đã thông ban tình yêu của Ngài cho hết mọi chi thể trong thân thể Ngài. Giáo Hội, thánh thiện và tinh tuyền, nhận lãnh Tình Yêu của Thiên Chúa, được Tình Yêu biến đổi. Mầu nhiệm của tình yêu chỉ có thể được đón nhận bằng tình yêu, Giáo Hội là mẹ, hiền thê yêu dấu duy nhất của Chúa Giêsu, nhưng gồm các tội nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi: "Làm thế nào Giáo Hội có thể là thánh thiện khi những thành viên của mình là những người tội lỗi?" Ngài khẳng định : "Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi. Tuy nhiên, Giáo Hội là thánh! Chúng ta là những người tội lỗi, nhưng Giáo Hội là thánh. Giáo Hội là hiền thê của Chúa Giêsu Kitô, và Người yêu thương hiền thê của mình, Người thánh hoá Giáo Hội mỗi ngày với hy tế Thánh Thể bởi vì Người yêu thương Giáo Hội hết mực và chúng ta tuy là những tội nhân, nhưng chúng ta ở trong một Giáo Hội thánh thiện, và chúng ta cũng được thánh hóa. Mẹ Giáo Hội thánh hóa chúng ta, với lòng từ ái, với các bí tích của Phu Quân mình." ( Trích Bài giảng tại nhà nguyện Matta 09/5/2016).

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta cùng một câu hỏi như Chúa hỏi Phêrô : "Con có yêu mến Thầy không?" Chúng ta trả lời Chúa ra làm sao? Chúng ta yêu mến Chúa thế nào ? Phêrô chỉ cách cho chúng ta : tin tưởng vào Chúa, Ðấng "biết mọi sự" về chúng ta, Ðấng tin nơi chúng ta không phải vì chúng ta có khả năng trung thành, nhưng vì lòng trung thành vững chắc của Chúa. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Chúa không thể chối bỏ chính mình (x. Tm 2,13). Thiên Chúa luôn trung tín. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy yêu mến Chúa và Giáo Hội hết lòng và làm tất cả vì Chúa : "Dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa" (1 Cr 10,31 ).

Kính lạy hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, chứng nhân của tình yêu và lòng mến, xin cầu cùng Chúa cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và trong mọi người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Chúa Nhật XIII Thường Niên – Năm A
Lm Anthony Trung Thánh
11:00 26/06/2017
Suy Niệm Chúa Nhật XIII Thường Niên – Năm A

Vào một đêm mưa bão cách đây đã nhiều năm, có một cặp vợ chồng già bước vào gian tiền sảnh của một khách sạn nhỏ ở thành phố Philadelphia của Mỹ và hỏi thuê phòng. Họ ghé vào tránh bão và hy vọng có thể mướn được căn phòng trọ qua đêm.

Tiếp đón họ là một chàng trai có nụ cười rất dễ mến. Chàng trai giải thích rằng trong thành phố của họ đang có ba hội nghị lớn nên tất cả các phòng đều đã có người thuê. Chàng trai ngập ngừng một lát rồi nói tiếp:“Nếu thời tiết tốt, tôi sẽ gửi hai vị đến một khách sạn khác, nhưng làm sao tôi có thể để một đôi vợ chồng đáng mến như hai vị ra ngoài trong trời mưa gió như thế này vào lúc một giờ khuya được? Hai vị có thể ở tạm trong phòng của tôi được không? Nó không phải là phòng sang trọng gì cho lắm, nhưng nó cũng gọn gàng và sạch sẽ. Vì tôi phải trực vào khoảng thời gian này nên tôi có thể nghỉ ngơi ở đây cũng được. Xin ông bà đừng ngại.”

Cặp vợ chồng rất biết ơn và nhận lời trọ lại trong căn phòng đó của anh. Chàng nhân viên nhìn cặp vợ chồng già và mỉm cười với họ, và họ cũng mỉm cười lại với anh.

Nhiều năm sau đó, khi chàng trai trẻ dường như đã quên câu chuyện này, thì bất ngờ, anh nhận được một lá thư kèm cặp vé máy bay. Lá thư là từ cặp vợ chồng già. Họ nhắc lại đêm mưa bão hôm đó với lòng biết ơn sâu sắc cùng lời mời cậu đến thăm New York.

Chàng trai trẻ có đôi chút ngạc nhiên. Cả đêm đó, cậu không ngủ được và nằm suy nghĩ ngẩn ngơ: có lẽ ngày mai họ sẽ dẫn mình đi thăm thành phố một vòng và dùng bữa ở một nhà hàng sang trọng nào đó chăng? Nhưng nghĩ lại, cậu thấy mọi thứ có vẻ hơi quá, vì chỉ là một sự giúp đỡ nhỏ thôi, liệu có cần phải tới mức như vậy không?

Sáng hôm sau, cậu đáp máy bay xuống New York. Cặp vợ chồng già có vẻ như đã đứng đợi cậu ở đó từ lâu. Họ mỉm cười, vẫy tay chào từ xa và đón cậu lên một chiếc xe sang trọng. Sau khi đi qua vài con phố, cặp vợ chồng già đưa cậu tới góc ngã tư đại lộ Fifth Avenue, người chồng đưa tay chỉ tòa nhà tráng lệ mới xây ở đó – một cung điện toàn bằng đá đỏ với những ngọn tháp cao vươn thẳng trên nền trời xanh, rồi nói với chàng trai: “Đây là tòa khách sạn mà tôi xây cho cậu, và tôi hy vọng cậu có thể quản lý nó”.

“Ông không đùa đấy chứ?” – Cậu ngỡ ngàng.

“Không. Đây là một đề nghị hoàn toàn nghiêm túc”, người chồng già trả lời bằng một giọng chắc nịch với nụ cười thấp thoáng trên môi.

Công trình tráng lệ kia chính là khách sạn nổi tiếng Waldorf Astoria – nơi tụ họp của tầng lớp quý tộc lớn của New York vào thời điểm đó. Đây cũng là nơi mà các nhân vật cao cấp trên toàn thế giới thường xuyên lui tới để nghỉ ngơi, đặc biệt là các Tổng thống Mỹ khi họ đang còn tại chức.

Người đàn ông già trong câu chuyện này chính là William Waldorf Astor của dòng họ Astor, một trong những gia đình giàu có nhất ở New York vào thế kỉ đó. Còn chàng trai tốt bụng kia chính là George Charles Boldt – vị giám đốc đầu tiên của khách sạn này! (Nguồn: daikynguyenvn.com).

Thái độ đầy ắp tình người của chàng trai tốt bụng trong câu chuyện trên đây, phần nào giúp chúng ta hiểu sứ điệp của Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay. Ở bài đọc I, trích sách các vua quyển thứ hai kể lại rằng, trên con đường đi thi hành sứ mạng, tiên tri Êlisa đi ngang qua Su-nêm và được một phụ nữ sang trọng mời ở lại dùng bữa tại nhà bà. Mỗi lần lưu lại đây, tiên tri Êlisa được bà đón tiếp một cách chu đáo. Không những thế, bà còn coi vị Tiên tri như một Đấng Thánh đến từ Thiên Chúa và muốn dọn cho vị Tiên tri một nơi ở xứng đáng trong nhà của mình. Bà nói với chồng rằng: “Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó” (2V 4,9-10). Sự hiếu khách của bà đã làm cho tiên tri Êlisa hết sức cảm kích. Vì thế, khi biết vợ chồng bà đã già mà chưa có con, Êlisa đã khẩn cầu cùng Chúa, và lời khẩn cầu của Ngài đã được Thiên Chúa chấp nhận. Tiên tri Êlisa nói với bà rằng: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai” (2V 4,16).

Cùng một sứ điệp ấy, sau khi đòi buộc các môn đệ và những ai muốn theo Ngài phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trên cả cha mẹ và mạng sống của mình, bài Tin mừng hôm nay cũng đề cập tới việc Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta thể hiện lòng hiếu khách bằng sự đón tiếp và giúp đỡ. Chắc chắn, Ngài mong muốn chúng ta đón tiếp và giúp đỡ hết mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, khỏe mạnh hay ốm đau, bạn hay thù, chủng tộc hay màu da. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ mời gọi chúng ta đón tiếp ba thành phần sau:

Thứ nhất, đón tiếp các môn đệ: “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy.” (Mt 10,40). Chính Đức Giêsu đã đồng hóa mình với các môn đệ, cũng như Ngài tự đồng hóa mình với Chúa Cha. Có lẽ cũng vì sự đồng hóa đó mà trong thực tế chúng ta thấy, từ thời Đức Giêsu cho đến hôm nay, các môn đệ và các đấng kế vị Ngài đi đâu cũng được đón tiếp một cách trân quý. Đặc biệt, ở Việt Nam chúng ta, các Giám mục, linh mục, tu sĩ, những người làm việc nhà Chúa đi bất cứ nơi đâu cũng được người giáo dân yêu mến, và đón tiếp một cách trang trọng như là đón tiếp chính Chúa vậy. Ở cuối đoạn Tin mừng, Đức Giêsu còn cho biết: “Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”(Mt 10,42). Những kẻ bé mọn ở đây không chỉ hiểu là các môn đệ của Chúa, mà còn là những nạn nhân của cường quyền, bạo lực, những người đang phải chịu cảnh đói khát, trần truồng, bệnh tật, hay tù đày(x. Mt 25,35-36). Như vậy, giúp đỡ kẻ bé mọn chính là giúp đỡ các môn đệ, giúp đỡ kẻ bé mọn tức là giúp đỡ chính Đức Giêsu.

Thứ hai, đón tiếp các tiên tri: “Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri.”(Mt 10,42). Các “tiên tri” ở đây được hiểu là các kitô hữu. Đặc biệt là các kitô hữu được giao nhiệm vụ thi hành một tác vụ nào đó trong Giáo Hội: nhiệm vụ dạy giáo lý; nhiệm vụ làm việc bác ái; nhiệm vụ loan báo Tin mừng cho dân ngoại…Họ có thể gặp khó khăn hay bị bách hại trong khi thi hành nhiệm vụ. Họ có thể phải chạy trốn “từ thành này qua thành khác”. Những lúc như thế, họ cần đến sự đón tiếp và chở che của mọi người. Vì vậy, nếu ai đón tiếp họ, nhất là trong những lức nguy hiểm như thế thì chắc chắn sẽ được Chúa ghi công, được Chúa trao “phần thưởng của tiên tri.”

Thứ ba, đón tiếp những người công chính: Đây là thành phần được tôn trọng trong cộng đoàn Giáo Hội. Họ là những tấm gương phản chiếu lối sống mẫu mực: mẫu mực trong đời sống gia đình; mẫu mực trong đời sống cộng đoàn; mẫu mực trong đời sống bác ái yêu thương; mẫu mực trong đời sống đức tin... Vì vậy, họ xứng đáng để được mọi người đón tiếp và tôn trọng. Cho nên, Đức Giêsu mới nói: ai đón tiếp họ thì sẽ được đón nhận phần thưởng của người công chính (x. Mt 10, 41).

Như vậy, lòng hiếu khách không chỉ là một đức tính thiết yếu, một việc bổn phận “cho khách độ nhà” mà còn mang lại cho chúng ta những phần thưởng cao quý. Từ mẫu gương hiếu khách của chàng trai tốt bụng trong câu chuyện trên đây đến mẫu gương hiếu khách của người phụ nữ giàu sang tại Su-nêm và những giáo huấn của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại chính mình để xét xem: Tôi có lòng hiếu khách không? Tôi có sẵn sàng đón tiếp và giúp đỡ những kẻ bé mọn là hiện thân của Chúa không? Tôi có sẵn sàng đón tiếp và giúp đỡ những sứ giả của Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết chu toàn bổn phận “cho khách độ nhà”, biết sống quảng đại, sẵn sàng đón tiếp và giúp đỡ các sứ giả của Chúa, nhất là những kẻ bé mọn. Nhưng trước hết, xin cho chúng con có lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Suy niệm Lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông đồ
Lm Anthony Trung Thánh
19:45 26/06/2017
Suy niệm Lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông đồ

Ngày 29/06/2017

Hôm nay, chúng ta long trọng mừng lễ hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Xin được nêu lên mấy điểm sau đây để chúng ta cùng nhau suy niệm:

1. Phê-rô được chọn làm Tông đồ trưởng

Phê-rô tên thật là Si-mon, là một ngư phủ miền Galilêa, là một trong những môn đệ đầu tiên được Đức Giêsu mời gọi bước theo Ngài. Trong thời gian đi theo Đức Giêsu, Phê-rô luôn tỏ ra là người nhiệt thành, lanh lợi, phản ứng đầu tiên và trả lời nhanh nhất. Vì bản tính bộc trực, cộng với sự yếu đuối của con người nên Ông đã không tránh khỏi những lầm lỗi: như khi can ngăn Thầy mình bước vào cuộc khổ nạn, khi chối Thầy một cách hèn nhát. Nhưng đồng thời Phê-rô cũng luôn tỏ ra là người trung thành và yêu mến Thầy mình, sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận sửa lỗi. Chính Đức Giêsu đã thấy được sự chân thành của ông. Vì thế, khi quyết định thiết lập Giáo Hội, Ngài đã trao chức vụ làm tông đồ trưởng cho Phê-rô. Trước khi trao nhiệm vụ đó, Đức Giêsu đòi Phê-rô phải xác tín về tình yêu đối với Ngài. Ngài hỏi Phê-rô ba lần rằng: “Con có yêu mến Thầy không”. Phê-rô đã không ngần ngại trả lời ba lần rằng “có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Ba lần hỏi, ba lần thưa là thể hiện sự chắc chắn về một vấn đề. Ngay sau khi nghe lời xác tín về lòng mến của Phê-rô, Đức Giêsu trao cho Ông nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài (x. Ga 21,15-19). Cũng trong tinh thần đó, sau khi Phê-rô tuyên tín : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Đức Giêsu đã trao cho ông chìa khóa nước trời với quyền cầm buộc và tháo cởi. Đồng thời, Ngài cũng khẳng định với Phê-rô rằng: “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được” (x. Mt 16,13-19).

Từ khi nhận nhiệm vụ “chăn dắt đoàn chiên”, từ khi lãnh nhận “chìa khóa nước trời”, Phê-rô đã làm hết khả năng để chu toàn bổn phận mà Thầy trao phó. Cụ thể, sau ngày lễ Ngũ Tuần, Phê-rô đã công khai rao giảng Tin mừng, làm chứng về sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Bài giảng đầu tiên của Ngài đã thu hút trên 3000 người trở lại. Khi bị cấm không được rao giảng về Danh Đức Giêsu, Ngài đã thẳng thắn nói rằng: “Thà vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người đời”(Cv 5,29). Chính vì trung thành với việc rao giảng và làm chứng cho Đức Giêsu mà Phê-rô đã nhiều lần bị bắt, bị bỏ tù và cuối cùng bị giết chết. Bài đọc I hôm nay cho chúng ta biết: “Phêrô cũng bị bắt và bị tống ngục” (x. Cv 12,1-11). Nhưng Phê-rô đã được cứu thoát một cách lạ kỳ. Sau khi giam Phê-rô trong ngục, họ cho người canh gác Ngài một cách cẩn thận. Nhưng rồi, nhờ lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa, Phê-rô đã được cứu thoát một cách ngoạn mục. Chính Thiên thần đã mở hết xiềng xích và dẫn Phê-rô ra ngoài. Phê-rô khẳng định việc đó là do Chúa làm. Ngài nói: “Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do-thái”. Được thả ra, Phê-rô lại tiếp tục sứ vụ của mình. Tiếp tục sứ vụ tức là tiếp tục chấp nhận bắt bớ, tù tội.Phê-rô cùng các Tông đồ khác đi khắp nơi loan báo Tin mừng và làm chứng cho Chúa. Cuối cùng, đến thời hoàng đế Nê-rô, năm 64, Phê-rô bị giết chết bằng hình khổ thập giá. Ngài xin được đóng đinh ngược lại vì Ngài cho rằng mình không xứng đáng giống như Thầy Giêsu.

2. Phao-lô được chọn làm Tông đồ dân ngoại

Trước khi trở lại, Phao-lô là một người theo đạo Do Thái, mang tên là Sao-lô, rất trung thành với truyền thống của cha ông. Vì vậy, Phao-lô rất ghét những người kitô hữu. Ông đã tham gia các cuộc truy quét, bắt bớ, giết hại các kitô hữu. Ông đã tán thành việc ném đá ông Têphanô. Một hôm, trên đường đi bắt bớ các kitô hữu tại Đa-mát, Phaolô đã bị Đức Giêsu chinh phục. Chính Phaolô đã tường thuật lại biến cố đó trong sách Công Vụ Tông đồ: Ngài bị một luồng ánh sáng chan hòa từ trời bao phủ. Rồi Ngài bị ngã ngựa. Trong lúc đó, Đức Giêsu cho Phao-lô biết, bắt bớ các kitô hữu là bắt bớ Giêsu Nazaret. Rồi Phao-lô được chỉ dẫn đi vào Đa-mát gặp ông Anania để lãnh nhận Phép Rửa(x. Cv 22, 3-16). Từ đó, Phao-lô trở thành vị tông đồ cho dân ngoại. Nhưng khi mới trở thành kitô hữu, Ngài đã gặp rất nhiều khó khăn: người Do thái thì phận nộ, các kitô hữu và tông đồ cũng chưa thực sự tin nơi Phao-lô (x. Cv 9,26; Gal 1, 22-23). Dầu vậy, Phao-lô vẫn kiên trì vượt qua khó khăn, dùng đời sống của mình để thuyết phục các kitô hữu và các Tông đồ. Đồng thời, Ngài quyết tâm dùng hết tài năng và sức lực của mình để rao giảng Tin mừng cho dân ngoại. Trong thời gian 30 năm, Ngài đã thực hiện ba cuộc hành trình truyền giáo lớn (Hành trình thứ nhất khoảng từ năm 45 – 49; hành trình thứ hai khoảng từ năm 50 – 52; hành trình thứ ba khoảng từ năm 53 – 58; năm 60, Ngài bị giải về Rôma và chịu tử đạo), đã thành lập nhiều cộng đoàn kitô hữu như: Antiokia, Cilicia, Athens, Corintô, Galata, Thessalonica, Roma… Ngài kể lại hành trình truyền giáo đầy gian nan trong thư 2Cr như sau: “Bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!”(x. 2Cr 11, 23-28).

Những khó khăn mà Ngài đã vượt qua, những thành quả mà Ngài đạt được chính là nhờ niềm tin và sự gắn bó mật thiết với Đức Kitô. Ngài nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(x. Gal 2,20). Tình yêu của Ngài đối với Đức Kitô bền chặt đến nỗi như Ngài thốt lên: “không có gì có thể tách ra được” (x. Rm 8, 35-39).

Trong bài đọc II hôm nay, Thánh Phao-lô còn cho Ông Timôthê biết: Thiên Chúa đã giúp Ngài để Ngài giảng đạo cho dân ngoại. Nhờ Chúa mà Ngài thoát được miệng sư tử. Ngài đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa. Ngài đã chạy đến cùng và giữ vững đức tin. Giờ đây, Ngài đang chờ đợi triều thiên của Thiên Chúa ban cho Ngài (x. 2Tm 4, 6-8. 17-18). Vào năm 67, Thánh Phao-lô đã lãnh nhận triều thiên tử đạo, Ngài bị chặt đầu bởi hoàng đế Nerô ở Rôma.

3. Sứ điệp ngày lễ hôm nay

Qua cuộc đời và sự nghiệp của hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô mời gọi chúng ta:

Thứ nhất, chúng ta cảm tạ Chúa đã lập nên Giáo Hội và không ngừng gìn giữ Giáo Hội vượt qua mọi sóng gió của dòng đời. Suốt hơn 2000 năm qua, Giáo Hội luôn bị bách hại bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại và phát triển đúng như lời Đức Giêsu nói với Phê-rô: “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được.”

Thứ hai, chúng ta hãy biết ơn Giáo Hội. Vì Giáo Hội là mẹ sinh ra chúng ta qua Bí tích Rửa tội, thánh hóa chúng ta qua Bí tích Giao Hòa, nuôi dưỡng chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, liên kết chúng ta qua Bí tích Hôn phối và Truyền chức, dẫn dắt chúng ta về Thiên đàng qua Bí tích Xức Dầu…Vì thế, chúng ta phải luôn luôn biết ơn Giáo Hội.

Thứ ba, chúng ta tin tưởng và cộng tác với ơn Chúa để được biến đổi mỗi ngày. Vì nhờ ơn Chúa mà Phê-rô từ một người dân chài dốt nát, một người chối Thầy…Phê-rô đã được biến đối thành vị Tông đồ trưởng. Nhờ ơn Chúa mà Phao-lô từ một người bắt bớ Giáo Hội đã được biến đổi thành vị Tông đồ dân ngoại. Cho nên, mỗi khi chúng ta yếu đuối, sai lỗi, chúng ta hãy tin tưởng chạy đến với Chúa và để Chúa biến đổi chúng ta thành người tốt để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi chúng ta.

Thứ tư, chúng ta hãy noi gương hai Thánh Tông đồ biết dùng khả năng, trí tuệ, sức khỏe và thời giờ của mình để làm vinh danh Chúa và phục vụ Giáo Hội. Đặc biệt, mỗi người hãy trở nên sứ giả loan báo Tin mừng cho những người xung quanh.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn các tông đồ và các đấng kế vị theo ý Chúa để tiếp tục sứ mạng loan báo Tin mừng. Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, xin cho mỗi chúng con luôn biết vâng phục giáo huấn của các ngài, đồng thời biết cộng tác với các ngài để làm cho Nước Chúa lan rộng khắp nơi. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hồng Y Đoàn sau buổi lễ tấn phong Hồng Y ngày thứ Tư 28 tháng Sáu, 2017
Đặng Tự Do
05:11 26/06/2017
Hiện nay, chỉ có 116 Hồng Y có quyền bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo Hoàng. Theo luật số Hồng Y cử tri có thể lên đến 120 vị. Sau công nghị tấn phong Hồng Y vào ngày thứ Tư này, số Hồng Y cử tri sẽ là 121 vị. Dù có dư ra một vị như vậy, về mặt lịch sử cũng không phải là vấn đề, bởi vì nhiều Hồng Y đã ngấp nghé tuổi 80. Trong triều đại Đức Gioan Phaolô II, có lúc số Hồng Y cử tri vượt quá con số giới hạn đến 10 vị.

Sau buổi lễ tấn phong Hồng Y ngày thứ Tư này, Giáo Hội sẽ có tổng cộng 225 vị Hồng Y. Trong số này, 121 vị còn dưới 80 tuổi và có thể tham gia vào một cuộc bầu cử Giáo Hoàng.

Trong số các Hồng Y cử tri, 19 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong, 53 vị do Đức Bênêđictô XVI và 49 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đây là công nghị tấn phong Hồng Y lần thứ tư trong triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ba lần trước là vào ngày 19 tháng 11 năm ngoái 2016, trong đó ngài nâng lên hàng Hồng Y 17 vị, ngày 14 Tháng Hai 2015 20 vị, và lần trước nữa là vào ngày 22 tháng Hai năm 2014, 19 vị Hồng Y.

Tổng cộng, trong ba lần nói trên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng lên hàng Hồng Y 56 vị thuộc 39 quốc gia trong đó có 11 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y. Nếu tính chung lần này, Đức Thánh Cha Phanxicô nâng lên hàng Hồng Y 61 vị.

Đức Thánh Cha đã có ý chọn các Hồng Y từ nhiều miền khác nhau trên thế giới. Điều này có nghĩa là có ít Hồng Y từ Châu Âu và Bắc Mỹ và có nhiều hơn các Hồng Y từ Châu Mỹ La tinh, Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương.

Trong mật nghị bầu Giáo Hoàng vào tháng 3 năm 2013, Châu Âu có 60 Hồng Y, châu Phi 11 và châu Á 10. Châu Đại Dương chỉ có một; Bắc Mỹ 20 và Châu Mỹ Latinh 13.

Hiện nay, chỉ tính số Hồng Y cử tri thì Châu Âu, có 53 Hồng Y, châu Phi và châu Á 15 mỗi, Châu Đại Dương bốn; Bắc Mỹ 17 và Châu Mỹ Latinh 16.

Ý vẫn là nước có đông Hồng Y cử tri nhất với 24 vị. Sau đó đến Hoa Kỳ 10; Pháp 5, Brazil, Mexico, Tây Ban Nha, Ba Lan và Ấn Độ, mỗi nước có bốn vị.
 
Tin vui cho Tự do Tôn Giáo: Tối cao pháp viện phán quyết rằng Chính Quyền không thể viện cớ tôn giáo để từ chối trợ giúp cho một Nhà Thờ.
Trần Mạnh Trác
15:36 26/06/2017
Ngày 26 tháng 6 năm 2017 tòa án tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết rằng một nhà thờ có thể có đủ điều kiện để lãnh nhận những ngân khoản trợ giúp công cộng.

Chánh án John Roberts, đại diện cho đa số để thảo ra phán quyết, viết rằng "Việc loại trừ nhà thờ Trinity Lutheran," là nhà thờ liên quan trong vụ án, "ra khỏi những ngân khỏan trợ giúp công ích mà nó có đủ điều kiện, chỉ duy nhất bởi vì nó là một nhà thờ, thì là một việc ghê tởm (odious) trước Hiến Pháp nói chung, và không thể được phép đứng vững (stand)."

Bình luận về phán quyết này, ông Mike Farris, giám đốc tập đoàn luật sư Alliance Defending Freedom (liên minh bảo vệ tự do,) cho biết "tôn giáo cũng phải được đối xử bình đẳng giống như tất cả mọi người khác."

Vấn đề bắt đầu ở việc Nhà thờ Trinity Lutheran Church ở Columbia, MO, điều hành một trường mẫu giáo và cung cấp một sân chơi cho mọi trẻ em trong xóm. Vì muốn cho sân chơi được an toàn hơn, nhà thờ đã nộp đơn xin trợ cấp từ một chương trình cuả Chính Phủ đang cung cấp vật liệu trải nền, làm bằng cao su cuả các lốp xe cũ. Trinity Lutheran được xếp hạng thứ năm là đủ điều kiện trong số 44 người nộp đơn cho chương trình.

Nhưng Sở Tài Nguyên Thiên Nhiên đã quyết định là Nhà Thờ không đủ điều kiện vì đó là một cơ sớ tôn giáo. Hiến pháp tiểu bang Missouri cấm dùng tiền thuế để tài trợ cho các nhà thờ. Tòa án phúc thẩm quận 8 cuả liên bang Hoa Kỳ cũng đồng ý với Tiểu Bang.

Với phán quyết mới này, Tối cao pháp viện đã đảo ngược các quyết định cuả các toà án thấp hơn và gửi vụ việc xuống để xử lại.

7 trong số 9 thẩm phán đã nhất trí với phán quyết trên, hai thẩn phán Sonia Sotomayor và Ruth Bader Ginsburg thì bất đồng.

Chánh án Roberts viết rằng sự từ chối (không chu cấp) của Missouri là "đi quá xa" theo các tiền lệ của tòa án tối cao, và "vi phạm điều khoản Tự Do hành đạo."

Nhắc lại, tiểu bang Missouri đã thông qua luật 'cấm tài trợ các trường học giáo phái' cuả họ trong bối cảnh cuả thập niên 1870 khi một dân biểu tên là James Blaine cuà Tiểu Bang Maine cổ động lên quốc hội liên bang một tu chính án với mưu đồ tiêu diệt các trường học Công Giáo, nhưng tu chánh án Blaine đã không bao giờ được Quốc hội thông qua.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết này.

Bà Maureen Ferguson, cố vấn về chính sách cuả Hiệp Hội Công Giáo, tuyên bố: "Tòa án tối cao đã ra tín hiệu với quyết định này là chính phủ phải ngăn chặn thái độ thù địch ngày càng tăng đối với tôn giáo và các tổ chức tôn giáo, mà những lập luận lỗi thời chống Công Giáo cuả tu chính án Blaine không nên được sử dụng như những vũ khí để phân biệt đối xử đối với những người có Đức tin".

Bà Ashley McGuire, thành viên cao cấp cuả Hiệp Hội Công Giáo nói thêm "Đã hơn một thế kỷ, tu chánh án Blaine đã gây ảnh hướng trên nhiều bộ luật chống lại Đức tin, và các tổ chức từ thiện và trường học tôn giáo, là những cơ sớ tạo thành một phần thiết yếu của xã hội Mỹ."

"Việc vất bỏ tu chánh án Blaine, với nguồn gốc chống Công Giáo, thì là một việc làm đã quá hạn hơn một thế kỷ rồi," bà nói thêm. "Ngày hôm nay, quyết định đòi hỏi các chương trình cuả chính phủ phải có một cách tiếp cận công bằng hơn, có nghĩa là để phục vụ cho tất cả mọi người."

Ông David Cortman, luật sư cuà Liên Minh Bảo Vệ Tự Do, thì cho rằng quyết định "sẽ có tác dụng" tương lai, "cho bất cứ một người có tôn giáo, hay một tổ chức, cảm thấy mình bị phân biệt đối xử, thì trường hợp này sẽ là tiền lệ."

Các thành viên của Quốc hội cũng lên tiếng. Dân biểu Paul Ryan (R-Wisc.) gọi đó là "một phán quyết quan trọng cho tự do tôn giáo có ý nghĩa sâu sắc cho xã hội dân sự của Mỹ."

Thượng nghị sĩ James Lankford (R -Okla), đồng chủ tịch của nhóm Congressional Prayer Caucus ớ quốc hội, đã từng với nhiều đồng nghiệp nộp một "ý kiến thân hữu (amicus)" đứng về phe của nhà thờ Trinity Lutheran, nói rằng "ngày hôm nay, phán quyết khẳng định rằng Tự Do Tôn Giáo là những gì nhiều hơn là việc có một niềm tin, mà còn là để sống trong Đức tin mà không sợ bị chính phủ phân biệt đối xử."
 
Có những người đồng hành hỗ trợ cho một luật sư trẻ trở thành nữ tu dòng kín Đaminh
Hồng Thủy
15:09 26/06/2017
Trong một thế giới mà ơn gọi tu trì ngày càng giảm sút, đời sống tu trì, đối với nhiều người, có vẻ buồn chán, khác người, cực khổ, đi ngược với mong ước sống tự do, hưởng thụ của thế giới hiện đại, thì vẫn luôn có những ơn gọi thật đẹp, là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, là bằng chứng của sự tin yêu, đáp lại tiếng Chúa mời gọi, và cũng là chứng tá của những tấm lòng quảng đại, hy sinh, dưới mọi hình thức, để vun trồng ơn gọi tu
trì. Ơn gọi của Tara Clemens, hiện nay là sơ Maria Đaminh Nhập thể, cũng là một ơn gọi “khác người” nhưng thật đẹp; từ một luật sư trẻ, Clemens đã nghe theo tiếng Chúa gọi, tận hiến cho Ngài trong đời tu và đặc biệt hơn nữa, cô đã chọn đời sống đan tu, chuyên lo việc chiêm niệm cầu nguyện.

Tara Clemens là một luật sư ở thành phố Anchorage, bang Alaska, Hoa kỳ. Clemens nguyên là một tín hữu Tin lành và chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp trường luật, cô đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Việc trở thành tín hữu Công Giáo xảy ra khá là bất ngờ với Clemens. Chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp đại học luật Lewis và Clark ở thành phố Portland, bang Oregon, Clemens đi cùng một người bạn tham dự Thánh lễ thứ sáu mùa Chay và ngày hôm đó là môt bước ngoặt trong cuộc đời của cô; Clemens đã quyết định trở lại Công Giáo. 3 tháng sau đó, dù phải làm việc toàn thời gian, mỗi chiều tối, Clemens theo học về Công Giáo. Một ít tháng sau, vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2007, Clemens hoàn toàn tin vào chân lý của Công Giáo. Clemens đã được gia nhập Giáo Hội Công Giáo vào dịp lễ Vọng Phục sinh năm 2008. Và vài tháng sau đó, dù chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ trở thành nữ tu, cô luật sư trẻ Clemens đã đến thăm đan viện Thánh Thể. Clemens đã sống hai năm rưỡi tại đan viện, trước tiên là thỉnh sinh và sau đó vào nhà tập. Ngày 28 tháng 5 vừa qua (năm 2017), Clemens được tuyên khấn lần đầu tại đan viện Thánh Thể của các nữ tu Đaminh ở Menlo Park, bang California, Hoa kỳ, với tên dòng là Maria Đaminh Nhập thể.

Ngày sơ Maria Đaminh được đội chiếc lúp đen trên đầu thay cho chiếc lúp trắng khi vào nhà Tập cách đây hơn một năm, vị linh mục chủ tế đã nói: “Hãy nhận lấy tấm lúp thánh này, qua đó con có thể được nhận ra như ngôi nhà cầu nguyện dành cho Chúa và đền thờ cầu nguyện cho mọi người.” Sơ Maria Đaminh ý thức được rằng trung tâm của đời sống chiêm niệm của các nữ đan sĩ Đaminh là tình yêu Chúa. Dù là một đan sĩ sống giam mình trong đan viên, không bao giờ đi ra ngoài, sơ vẫn có thể ôm trọn thế giới với tình yêu và cầu nguyện cho thế giới.

Được hỏi về việc trở thành một đan sĩ, sơ Maria Đaminh xác định: “Khi Thiên Chúa gọi chúng ta, Ngài rất kiên định”. Điều này được chứng thực trong hành trình ơn gọi của sơ Maria Đaminh. Khi luật sư Clemens có ý định đi tu, nhưng vì số tiền hơn 100 ngàn đô la cô mượn để đi học quá lớn và cô chưa thể thanh toán để vào nhà dòng, cô hầu như thất vọng trước khó khăn thách đố này. Chính khi đó, hội Laboure đã giúp cho Clemens giải quyết vấn đề nợ sinh viên để có thể đi tu. Laboure là một hội có trụ sở ở Minnesota, giúp đỡ cho những người có ơn gọi tu trì trả nợ, điều cản trở họ gia nhập đời tu. Hội Laboure mở một lớp khoảng từ 10 đến 25 người, những người tin là mình có ơn gọi, và tổ chức chiến dịch quyên góp giúp họ. Clemens tham dự chương trình này 2 năm. Vào cuối khóa, tưởng rằng cô phải đợi thêm một năm nữa vì không nhận được đủ tiền quyên góp để trả nợ học. Nhưng rồi đã có hai vị ân nhân đóng góp số tiền lớn và Clemens đã được giúp trả nợ tiền học. Như John Flanagan, giám đốc điều hành hội Laboure đã nói: “Tara Clemens đã không thực hiện hành trình ơn gọi một mình, nhưng nhiều người khắp nơi biết là họ đã làm điều gì đó để giúp Tara Clemens trở thành nữ tu Maria Đaminh.” Và ông nhận xét rằng: “Cô ta đã gập phải những khó khăn trên hành trình theo đuổi ơn gôi, nhưng cô đã đón nhận chúng với niềm tin tưởng lớn lao vào Thiên Chúa.” (CNS 13/06/2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Thêm Sức Tại Giáo xứ Vinh Sơn
Martinô Lê Hoàng Vũ
07:38 26/06/2017
Lễ Thêm Sức Tại Giáo xứ Vinh Sơn

Sáng thứ bảy 24.6.2017 tại Giáo xứ Vinh Sơn, Phường 6 Tân Bình thuộc hạt Chí Hòa, SG đã diễn ra thánh lễ ban bí tích Thêm sức.

Dịp này Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, GM phụ tá TGP Sài Gòn lần đầu tiên về thăm mục vụ giáo xứ và chủ sự thánh lễ.Cùng đồng tế có cha chánh xứ Antôn Nguyễn Đình Thục, quý cha dòng thân quen với giáo xứ.

Xem Hình

Thánh lễ được cử hành vào lúc 9g30 sáng, trong thời tiết nắng đẹp, con đường phía trước nhà thờ Vinh Sơn hôm nay đông đúc hơn với sự hiện diện của mọi thành phần trong giáo xứ.Trước đó, ở cổng nhà thờ quý vị HĐMVGX, các em sắp lãnh nhận bí tích Thêm sức và quý vị phụ huynh đã làm hàng rào danh dự đón Đức Giám Mục phụ tá.Cha chánh xứ Antôn Nguyễn Đình Thục đã đón Đức Giám Mục phụ tá Giuse trong tiếng vỗ tay rộn ràng cùng với lời hoan hô chào mừng.

Trước thánh lễ, cha chánh xứ Antôn Nguyễn Đình Thục có vài lời trình bày với Đức Cha phụ tá. Cha nói khái quát về hiện tình giáo xứ Vinh Sơn 6, còn gọi là Vinh Sơn Nghĩa Hòa, tình hình đời sống đạo của bà con giáo dân và nhất là Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo xứ.

Giáo xứ hiện nay có 1841 giáo dân, 4 giáo họ, 9 đoàn thể và Ban Mục vụ Giới Trẻ, 6 ca đoàn, có 308 em thiếu nhi đang theo học các lớp giáo lý trong đoàn thiếu nhi Thánh Thể.

Trong thánh lễ này, Đức Cha phụ tá ban bí tích Thêm sức 28 em thiếu nhi là con em của các gia đình trong giáo xứ.

Hôm nay cũng là ngày Giáo Hội mừng kính Thánh Gioan Tẩy Giả, vì vậy phần Phụng vụ Lời Chúa là các bài đọc lễ Thánh Gioan Tẩy giả trong khung cảnh của thánh lễ ban bí tích Thêm sức.

Cha chánh xứ Antôn công bố bài Tin Mừng Lc 1, 57- 66.80, thuật lại việc Gioan chào đời và được đặt tên.Tên gọi của Gioan gắn liền với sứ mạng của ông.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Đức Cha Giuse trao đổi với các em thiếu nhi những vấn đề Giáo lý căn bản, những điều cần thiết trong đời sống đạo của các em lãnh nhận bí tích Thêm Sức, hiểu được bổn phận của mình, ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống.Cụ thể, Đức Cha nhắc nhở các em phải làm dấu Thánh Giá một cách ý thức, chứ không phải làm qua loa.Làm dấu Thánh giá với niềm tin, phó dâng cuộc sống cho Thiên Chúa, xác tín sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin Ba Ngôi Thiên Chúa cùng đi với mình lúc học hành khi vui chơi.Kế đó, Đức Cha giải thích cho các em Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ các tín hữu, cho nên chúng ta phải cầu xin ơn thánh của Ngài nâng đỡ.

Sau đó là Nghi Thức ban bí tích Thêm sức, cha chánh xứ giới thiệu và xin Đức Cha phụ tá ban bí tích Thêm sức cho 28 em thiếu niên.

Thánh lễ tiếp nối với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Chủ tịch HĐMVGX đã có những lời chào mừng và cám ơn Đức Cha, cha chánh xứ Antôn, quý cha và cộng đoàn.Đáp từ, Đức Cha phụ tá cám ơn cộng đoàn giáo xứ Vinh Sơn đã đón tiếp ngài và đã chuẩn bị cho thánh lễ diễn ra tốt đẹp. Nhất là cha chánh xứ Antôn với lòng nhiệt tình mục tử ngài đã tạo dựng một bầu khí giáo xứ Vinh sơn 6 thật sốt sắng,trật tự và nề nếp, ngài cởi mở với mọi người, và từ hình thức bên ngoài đến đời sống đạo, mọi người trong cộng đoàn được ơn thánh Chúa tuôn đổ dư tràn.Và qua Thánh lễ ban bí tích Thêm sức này, các em nhận cũng như giáo xứ Vinh sơn 6 được được ơn Chúa Thánh Thần tuôn đổ dư tràn.

Thánh lễ ban bí tích Thêm sức kết thúc trong tâm tình tạ ơn của cả cộng đoàn. Trước khi ra về, các em lãnh nhận bí tích Thêm sức chụp hình chung để ghi nhớ khoảnh khắc đẹp hôm nay.

Martinô Lê Hoàng Vũ

 
Khóa Đào Tạo Mục Vụ Truyền Thông Giáo Hạt Lào Cai
Lm Giuse Nguyễn Văn Thành
08:42 26/06/2017
Khóa Đào Tạo Mục Vụ Truyền Thông Giáo Hạt Lào Cai

WGPHH - Nhằm tìm kiếm nhân sự cho công cuộc loan báo Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông xã hội, Ủy Ban Truyền Thông giáo phận Hưng Hóa chủ trương mở các khóa học tại các giáo hạt. Trong tinh thần đó, khóa đào tạo mục vụ Truyền thông giáo hạt Lào Cai được tổ chức tại nhà thờ Cốc Lếu, giáo xứ Lào Cai từ ngày 20-22.06.2017.

Xem Hình

Tham dự khóa học có 20 thành viên đến từ các giáo xứ trong giáo hạt Lào Cai. Tham gia giảng dạy có cha Giuse Nguyễn Văn Thành –Trưởng Ban Truyền Thông giáo phận, cha Phêrô Nguyễn Đình Thái, dì Maria Doãn Thị Yên và anh Antôn Phạm Văn Miên, phóng viên đài truyền hình Lào Cai. Vì thời gian có hạn và nhằm tìm kiếm nhân sự nên Ban giảng huấn chỉ chọn chủ đề viết tin và những kỹ năng xoay quanh việc viết Tin Nóng.

Vào lúc 8g30, thứ Ba 20.6, cha Trưởng Ban đã khai mạc lớp học. Cha đã chia sẻ về tầm quan trọng của truyền thông bởi nó đã tham gia vào mọi khía cạnh trong đời sống. Chính vì thế, chúng ta cần phải sử dụng truyền thông vào công cuộc loan báo Tin Mừng để thực hiện lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Ý thức được tầm quan trọng của truyền thông, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng tinh thần của các thành viên rất đáng ca ngợi. Điều đó nói lên tinh thần khao khát học hỏi và phục vụ của người giáo dân.

Ngày thứ nhất, dưới sự giúp đỡ của dì Maria các học viên đã bước đầu tìm hiểu về khái niệm Truyền Thông, mục vụ viết tin, cũng như biết sử dụng mạng xã hội để phục vụ việc loan báo Tin Mừng.

Bước sang ngày thứ 2 của khóa học, để học viên đạt được các yêu cầu chuẩn mực trong việc viết tin, dì Maria đã giúp lớp học ôn lại một số kiến thức căn bản về ngữ pháp Tiếng Việt thông qua các bài tập thực hành, sửa lỗi câu cho văn bản. Tiếp đến, cha Phêrô Nguyễn Đình Thái giúp các bạn tìm hiểu về cách sử dụng máy ảnh và các kỹ thuật chụp ảnh.

Ngày cuối cùng của khóa học, anh Antôn Phạm Văn Miên, phóng viên truyền hình Lào Cai, hướng dẫn các thao tác cơ bản, kỹ thuật chụp ảnh và làm video. Anh đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mỗi bức ảnh, đoạn video. Vì thế, mỗi bản tin, mỗi bức ảnh được đăng lên phải có giá trị thời sự thì người đọc mới có thể đặt tin vào người đưa tin và vào trang mạng.

Thánh lễ được cử hành lúc 20g00 do Cha trưởng Ban chủ tế. Ngài đã chia sẻ về vai trò của các phương tiện truyền thông trang xã hội ngày nay. Có cha Phêrô Thái và Gioan Khang đồng tế. Cha chủ tế chia sẻ: “Đức Giêsu, chính là nhà truyền thông vĩ đại nhất”. Điểm nhấn trong Thánh lễ, đó là nghi thức sai đi và dấn thân.

Khóa học truyền thông khép lại nhưng sứ mệnh truyền thông mới khai mào với các thành viên mới. Nhìn qua ánh mắt nụ cười của các bạn trẻ ai cũng cảm nhận được tinh thần của họ lên rất cao. Đây chính là hành trang cần thiết để mỗi thành viên tham gia vào sứ mạng truyền thông Công Giáo, đem Lời Chúa và niềm hy vọng đến cho mọi người trong thế giới hôm nay.

Được biết, giáo hạt Lào Cai gồm hai tỉnh miền núi là Lào Cai và Lai Châu. Hiện nay, có 6 giáo xứ với khoảng 13 ngàn giáo dân. Đường đi rất khó khăn và xa xôi nên truyền thông đóng vai trò quan trọng.
 
Video Đại Hội Song Nguyền Thế Giới kỳ 5 tổ chức tại Nam Cali
VietCatholic Network
09:25 26/06/2017
NAM CALI –Đại Hội Song Nguyền Thế Giới kỳ 5 đã khai mạc vào chiều ngày 23/6 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Ki-tô thuộc giáo phận Orange. Các tham dự viên từ khắp nơi trên thế giới về đây dự Đại Hội Song Nguyền, với chủ đề là “Niềm Vui Yêu Thương.” Đại hội Song Nguyền lần này 5 là để mừng 30 năm thành lập Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân. Có 3 giám mục tới dâng thánh lễ cùng với sự hiện diện của số đông linh mục và 800 tham dự viên.


Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân do Linh Mục Chu Quang Minh thành lập năm 1987,” với khóa đầu tiên tại Mission Hills thuộc TGP Los Angeles.

Sơ lược chương trình đại hội ba ngày gồm có: Thánh lễ khai mạc vào lúc 2 giờ chiều Thứ Sáu, 23 /6 do Giám Mục Timothy Freyer, phụ tá Giáo Phận Orange, làm chủ tế, và Đức ông Phạm quốc Tuấn giảng thuyết . Ban chiều có chương trình lược qua lịch sử 30 phục vụ, hát Thánh Ca, thảo luận, ăn tối, và văn nghệ.

Sáng Thứ Bảy, ngày 24/6 vào lúc 8 giờ sáng có Thánh Lễ, do Giám Mục Mai Thanh Lương chủ tế. Bài giảng do Đức Ông Phạm Văn Phương, chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam, Atlanta, Georgia, phụ trách.

9 giờ 30 sáng là phần thuyết trình của Giám Mục Châu Ngọc Tri, giám mục Giáo Phận Lạng Sơn-Cao Bằng, Việt Nam, nói về chủ đề “Niềm Vui yêu Thương” của đại hội. Sau đó là chia sẻ giữa những người tham dự. Sau ăn trưa có phần tham quan. Tiếp đến là thảo luận với đề tài Phát Triển Chương Trình Trên Miền Đất Mới & Tái Lập Chương Trình Tại Miền Đất Cũ, và các đề tài khác. Ban chiều có dạ tiệc và văn nghệ.

Thánh Lễ Bế Mạc và Sai Đi, do Giám Mục Châu Ngọc Tri chủ tế diễn ra vào lúc 2 giờ chiều ngày Chúa Nhật 25/6, bài giảng do Linh Mục Trần Quốc Tuấn phụ trách. Nghi Thức Sai Đi do Linh Mục Chu Quang Minh phụ trách.
 
Hành hương về cội nguồn
Triết Giang
09:02 26/06/2017
Hành hương về cội nguồn

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ ba (2014-2017), Tông đòan Gioan Phaolo 2 chọn giáo phận Bùi Chu làm địa điểm hành hương. Vì đây cũng là cội nguồn của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Sáng sớm ngày 24-6, đúng ngày lễ kính thánh Gioan Tiền Hô và cũng là ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, chúng tôi lên đường từ nhà thờ Thái Hà. Đoàn gồm 90 người do linh mục Giuse Đỗ Đình Tư- Chủ tịch và linh hướng của Tông đoàn là Trưởng đoàn.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là nhà thờ Khoái Đồng quen gọi là S. Toma mang tước hiệu Nữ vương các thánh Tử đạo, ở thành phố Nam Định. Đây là một kiến trúc đẹp và người Nam Định vẫn tự hào: Nếu Paris có tháp Eiffel, Hà Nội có cầu Long Biên thì thành Nam có S. Toma. Đây là cơ sở do các cha dòng Đaminh quản nhiệm. Nhà thờ này vẫn thuộc giáo phận Bùi Chu. Cha Giuse Nguyễn Cao Huấn mời chúng tôi vào thăm quan nhà thờ. Cha cho biết, nhà thờ được xây dựng từ năm 1934. Đến năm 1956, thừa sai nước ngoài bị trục xuất. Thế là nhà thờ thành cơ sở sản xuất của công ty Sông Hồng. Thi thoảng cũng có chiếu phim ở đây. Nhưng rồi chẳng có việc gì phát triển thành ra cây cỏ mọc lút đầu người. Rễ cây phá hủy tường, mái nhà thờ và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Thời gian đó, vụ Thái Hà, Tòa Khâm sứ đang căng thẳng. Tòa Giám mục Bùi Chu và dòng Đaminh nộp đơn xin lại. Cuối năm 2008, Nhà nước trao trả lại. Năm 2013, nhà thờ bắt đầu được tu sửa và nay cơ bản đã hoàn thành. Bây giờ còn 11 hộ dân đang sống trong khuôn viên chưa biết xử lý sao cho hài hòa.

Cha Giuse chủ sự giờ kinh viếng Thánh thể và ban phép lành bình an cho đoàn. Chúng tôi cùng ăn sáng ngon lành tại giáo xứ và chụp ảnh kỷ niệm với cha xứ lúc chia tay (ảnh trên).

Địa điểm thứ 2 chúng tôi viếng thăm là Đền thánh Lòng Thương xót Liễu Đề. Đây cũng là ngôi nhà thờ cổ còn khá bền vững. Tôi cũng đã giới thiệu nhà thờ này trên báo. Bàn thờ và các tòa thánh đều long lanh sơn son thiếp vàng. Phía trong nhà xứ có tượng đài Lòng Chúa thương xót mới khánh thành năm 2010 và nhà thờ cha thánh tử đạo Tôma Đinh Viết Dụ (1783-1839). Liễu Đề cũng là quê hương của hai nhạc sĩ Công Giáo có tiếng là Viết Chung và Ngô Duy Linh.

Qua cầu phà Ninh Cường, chúng tôi ghé thăm Đền thánh Đức Mẹ Mân Côi. Theo lịch sử ghi chép thì từ năm 1533 đã có giáo sĩ đến truyền giáo ở đây. Vì vậy, có thể coi đây là mảnh đất cội nguồn của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Cha xứ Đaminh Đinh Ngọc Hoàn ra tận cửa xe đón đoàn. Cha giới thiệu với đoàn lịch sử giáo xứ và kiến trúc nhà thờ. Chúng tôi cùng quỳ lạy Thánh thể và nhận phép lành của cha xứ rồi đi thăm quan. Nhà thờ cũng rực rỡ sơn son thiếp vàng. Nhà thờ còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử từ ngôi nhà nguyện cổ xưa đến cả ngôi nhà tranh của một giáo dân nơi xưa Đức Cha Xuyên (G. Mechio San Pedro) đã bí mật phong chức Giám mục cho linh mục Vinh (V. Berrio Ochoa) vào đêm 28-6-1858. Giám mục Vinh được gọi là vị Giám mục “gậy tre, mũ giấy” vì gậy là chặt ở bụi tre còn mũ là dùng giấy dán. Cả hai vị đều được phúc Tử đạo. Cha xứ cũng cho khôi phục chiếc giếng khơi thứ 7. Làng này có 7 giếng nhưng giếng thứ 7 có tiếng là nước ngon, mát và ai sử dụng sẽ xinh đẹp. Vì lo hệ lụy nên làng lấp lại nay được phục dựng để ban nguồn nước qua bàn tay Chúa. Bữa ăn trưa nhà xứ phục vụ đoàn rất thịnh soạn và ngon.

Chúng tôi đi tiếp ra biển và dừng chân ở khách sạn Tân Thịnh sát biển. Biển ở đây sóng lớn và nước hơi bị đục nên ít người tắm. Buổi tối, đoàn đến nhà thờ Phú Hóa. Đây là ngôi nhà thờ khá đẹp và hiện đại mới được xây dựng và tách ra thành giáo xứ từ giáo xứ mẹ Thịnh Long. Hôm đó là lễ quan thày giáo xứ nên kèn trống long trọng lắm. Cha Giuse Đỗ Đình Tư chia sẻ lời Chúa rất say sưa. Sau khi dùng bữa tối, chúng tôi cùng ra trước tượng đài Đức Mẹ La Vang để tổ chức lễ kỷ niệm 3 năm thành lập. Bản báo cáo của Tông đoàn trong năm qua khá ấn tượng. Đã mời gọi và giúp đỡ cho 21 người nhập đạo; giúp đỡ hình thành 2 nhà nguyện; tổ chức được các buổi giao lưu gặp gỡ nhiều trí thức để giới thiệu về đạo Công Giáo; quyên góp được cả trăm triệu cho công tác thiện, bác ái; hỗ trợ cho dàn hợp xướng trẻ Công Giáo Hà Nội tham gia các cuộc thi trên truyền hình và quốc tế; và phát triển thêm 13 thành viên mới được tuyên khấn. Sau khi cắt bánh sinh nhật, một chương trình văn nghệ có sự đóng góp của các ca sĩ, giới trẻ giáo xứ Phú Hóa và chính các thành viên Tông đoàn. Chương trình kéo dài tới tận khuya.

Sáng ngày 25-6, đoàn lại về xứ Lác Môn. Tên cổ này để nói rằng, xưa đây là cửa biển đầy có lau, cỏ lác. Nơi đây có rất nhiều di tích thánh tử đạo. Từ bàn thờ đến tường nhà thờ rồi xung quanh cũng đều có di tích các chứng nhân tử đạo. Mới nhất là khi khai quật mộ của chứng nhân Phêrô Đỗ Tựu năm 2012, người ta thấy hiện tượng lạ là máu chảy đỏ các khúc xương. Người chuyên cải táng hoảng quá ngất đi, còn dân chen nhau đến thấm máu đưa về thờ lạy. Hiện nay, xương chứng nhân Phêrô Đỗ Tựu được đặt trong hòm kính đầu nhà thờ , tấp nập người tứ xứ đến viếng và rất nhiều người đã được ơn lạ. Bảng tạ ơn đóng đầy xung quanh tường.

Cha xứ Giuse Đỗ Hữu Trọng giới thiệu sơ qua về lịch sử giáo xứ trước giờ dâng lễ. Nhà thờ kiến trúc cổ kính (ảnh dưới) nhưng mang đậm phong cách Á Đông. Cha Giuse Đỗ Đình Tư chủ sự thánh lễ và nghi thức tuyên khấn cho 7 thành viên mới (ảnh cuối). Bữa ăn trưa ở Lác Môn cũng rất vui. Chúng tôi cũng quyên góp được hơn 15 triệu ủng hộ quỹ giáo xứ. Chương trình văn nghệ ngẫu hứng được bắt đầu bằng bài hát của cố Hường. Dù tuổi cao nhưng giọng vẫn còn ngọt lắm. Cha xứ lấy điện thoại ra ghi âm và lôi bộ gõ ra đánh. Không có dùi trống, dùng ngay đũa ăn mà nhịp phách cũng rất rất mạch lạc, sôi động. Không khí cuốn hút nhiều người xung phong cầm lấy micro. Cả một ông TS Triết học đứng tuổi, xưa nay chẳng hát bao giờ cũng đăng ký hát bài “Dấu ấn tình yêu” làm cho mọi người vỗ tay nhiệt tình tán thưởng. Kết thúc, cha Giuse Đỗ Đình Tư cũng hát bài tạm biệt cha xứ và giáo xứ Lác Môn.

Chúng tôi về Hà Nội khi trời đã tối. Tạ ơn Chúa vì chuyến đi bổ ích và thành công.

TG

 
Hình ảnh Gx ĐMHCG Garland TX rước kiệu mừng lễ quan thày.
Trần Mạnh Trác & Lê Phước
09:59 26/06/2017
Như đã loan báo trong loạt bài về Gx ĐMHCG vừa qua, vào sáng Chuá Nhật 25- 6-2017, Gx ĐMHCG ở Garland, TX, đã linh đình rước kiệu để khai mạc cho 1 năm chuẩn bị ngày kỳ niệm 25 năm thành lập GX.

Thời tiết dịu mát bất thường làm cho cuộc rước dài 1.5 miles (2.5 km), qua các bãi đậu xe cuả khuôn viên Gx, trở nên thoải mái cho cả những cụ già và em bé.

Để kết thúc loạt bài, xin gứi tới quí độc giả những hình ảnh cuả buổi rước như sau.

Xem hình ảnh
 
Đoàn Liên Minh Thánh Tâm Seattle mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa năm 2017.
Nguyễn An Quý
20:20 26/06/2017
Đoàn Liên Minh Thánh Tâm Seattle mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa năm 2017.

SEATTLE. Chúa Nhật ngày 25 tháng 6 năm 2017, một buổi sáng đẹp trời nơi xứ cao nguyên tình xanh. Hôm nay Đoàn Liên Minh Thánh Tâm giáo xứ CTTĐVN Seattle mừng kính trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu quan thầy của phong trào Liên Minh Tâm trên toàn thế giới. Thánh lễ được cử hành lúc 11:30 do cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế thánh lễ cùng với thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ.

Xem Hình

Khoảng 11 giờ, toàn thể anh em đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm đã tập trung đông đủ để chuẩn bị đoàn rước với cờ đoàn. Đúng 11:30 vị MC thuộc ca đoàn Cecila phụ trách hát lễ đọc lời dẫn lễ : Kính thưa Cộng Đoàn, Hôm nay Giáo Hội mừng Chúa Nhật 12 mùa thường niên. Lời Chúa qua các bài đọc Chúa Nhật hôm nay, nhắc nhở chúng ta hãy vững tâm, đừng sợ hãi, cho dù trong sứ mạng làm “Tông đồ của Chúa Kitô”, làm “Sứ giả của Tin Mừng” sẽ gặp những khó khăn, thử thách, chống đối và đôi khi cả thất bại nữa. Chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng và sức mạnh của Chúa, và với ơn Chúa, chúng ta sẽ hăng say hơn trong việc sống Lời Chúa và loan báo tin mừng cho muôn dân...

Dâng thánh lễ hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta có được lòng tin vững vàng và luôn biết yêu mến . Mời Cộng Đoàn đứng cùng hiệp dâng thánh lễ.

Lời dẫn lễ vừa dứt, toàn thể anh em Đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm trong bộ đồng phục với huy hiệu đoàn trang nghiêm tiến bước dưới ngọn cờ đoàn cùng với nghi đoàn và linh mục chủ tế cung nghinh Thánh giá tiến lên bàn thánh theo nhịp hát của ca đoàn trong bài ca nhập lễ.

Mở đầu thánh lễ cha chánh xứ chào mừng cộng đoàn dân Chúa hiện diện đặc biệt ngài ngỏ lời chào mừng anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, ngài nói: Hôm nay trong niềm vui tạ ơn cùng với Giáo Hội mừng Chúa Nhật 12 mùa Thườ ng Niên, Chúa Nhật mà Chúa khuyên các tông Đồ: Đừng Sợ" đặc biệt với anh em đoàn Liên Minh Thánh Tâm Tâm mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa bổn mạng của Phong Trào LMTT mà Đoàn Liên Minh Thánh Tâm của giáo xứ mừng kính hôm nay. Đoàn LMTT là những thành viên luôn hăng say dấn thân phục vụ trong nhiều công tác của giáo xứ. Xin cho một tràng pháo tay chúc mừng các đoàn viên và 2 gia đình ( tiếng vỗ tay vang dội kéo dài khá lâu ).

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ lời Chúa. Hôm nay Giáo Hội mừng Chúa Nhật 12 mùa thường niên. Bài Tin Mừng Thánh Matthêu thuật lại câu chuyện: Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.

"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời".

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh đến niềm tin của người Kitô Hữu là cần có sự can đảm và dấn thân theo Chúa, đừng bao giờ sợ hãi trước những thử thách của mọi biến cố trong cuộc đời.Dù những khó khăn đến với mình, bởi Chúa luôn yêu thương mỗi ngươì và Chúa chẳng từ bỏ ai...Liên tưởng đến Đoàn LMTT ngài nói: Hôm nay trong niềm vui tạ ơn. cùng với tất cả các thành viên Đoàn LMTT và gia đình trong ngày mừng Bổn Mạng. Xìn Chúa chúc lành cho tất cả anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm trong suốt thời gian qua đã phục vụ giúp giáo xứ trong nhiều công tác để xây dựng giáo xứ.

Sau bài giảng là nghi thức Tuyên Hứa của Tân Ban Chấp Hành Đoàn Liên MinhThán Tâm nhiệm kỳ 2017-2020. Anh Nguyễn Anh Phương, đại diện đoàn giới thiệu phần nghi lễ Tuyên hứa:

Kính thưa cha tuyên uý , kính thưa thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa

Chiếu theo thủ bản của phong trào Liên Minh Thánh Tâm trong việc tuyển chọn ban lãnh đạo Đoàn Liên Minh Thánh Tâm. Sau thời gian chuẩn bị nhân sự để bầu vào Tân Ban Trị Sự, đầu tháng 4 năm 2017, toàn thể đoàn viên hiện diện trong buổi Sinh Hoạt Đoàn có sự hiện diện của cha tuyên uý. Qua cuộc bầu phiếu kín theo qui định của phong trào LMTT, quý thành viên có tên sau đây đã được bầu chọn vào Tân ban trị sự Đoàn, hôm nay toàn thể quý nh được bầu chọn ra mắt và tuyên hứa nhận lãnh nhiệm vụ điều hành Đoàn LMTT thuộc giáo xứ CTTĐVN Tổng Giáo Phận Seattle. Xin mời quý anh có tên sau đây tiến lên để cử hành nghi thức tuyên hứa: Xướng tên từng vị trong Tân BanChấp Hành và các vị có tên tiến lên vị trí để cử hành nghi thúc Tuyên Hứa. Cha tuyên uý chủ tế thánh lễ đã cử hành nghi thức tuyên hứa theo đúng lễ nghi của Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm.Qua những phần hỏi đáp cuối cùng cha tuyên uý hỏi câu cuối cùng:

-Nhận thức được tầm quan trọng của người LMTT, với quyết tâm sống trọn vẹn tinh thần người cán bộ của Thánh Tâm Chúa, anh em hãy long trọng tuyên hứa.

- Tất cả các thành viên thưa: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng con long trọng tuyên hứa:

Liên kết mật thiết với Chúa trong Hy lễ Chúa dâng lên Chúa Cha mỗi ngày trong tư tưởng lời nói và việc làm, trong tất cả mọi chương trình kế hoạch/ chúng con có đang có và sẽ thực hiện trong phong trào LMTT trong cộng đoàn giáo xứ cũng như trong các môi trường sống đạo để đáp lại tình Chúa yêu thương chúng con và để đền tội thay thế cho nhân loại.

Cha tuyên uý nói: Qua lời tuyên hứa của quý anh em, với quyền hạng của linh mục tuyên uý, cha chấp nhận và tín cẩn anh em vào trong tân ban trị sự Đoàn Liên Minh Thánh Tâm nhiệm kỳ 2017-2020. Xin Thánh Tâm Chúa hằng ở với anh em để anh em luôn xứng đáng là những người cán bộ của Thánh Tâm Chúa. Xin Chúa là Cha toàn năng chúc lành cho anh em, nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Amen

Trước khi ban phép lành cuối lễ, một lần nữa cha chánh xứ cám ơn tinh thần hăng say phục vụ của anh em đoàn viên và chúc mừng Tân Ban Chấp Hành luôn được ơn bền vững trong trách nhiệm lãnh đạo Đoàn LMTT ngày càng thêm vững mạnh, ngài xướng lên bài hát chúc mừng Đoàn Liên Minh Thánh Tâm : " happy feast day to you" tiếng hát vang dội khá hào hứng và sua đó ngài long trọng ban phép lành đặc biệt cho toàn thể anh em đoàn viên Liên Minh Thánh Thâm.

Sau thánh lễ là buổi tiệc mừng được tổ chức tại Hội Trường giáo xứ

Bữa tiệc khá đông đảo gồm toàn thể gia đình LMTT cùng với sự hiện diện của cha tuyên uý, thầy phó tế, Hội Đòng Mục Vụ, quý đại diện các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, qua phần văn nghệ cây nhà lá vườn khá phong phú bên cạnh những món ăn rất ngon mà ai cũng khen. Bữa tiệc chấm dứt vào khỏang 3 gìờ chiều, mọi người vui vẻ chia tay trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Văn Hóa
Tâm tình Hành hương các thánh tích Âu châu ở Italia và Bồ Đào Nha
Thúy Hương
11:53 26/06/2017
Nhóm 4 chị em ruồi chúng tôi đến Roma sớm vài hôm để tranh thủ dạo chơi xung quanh. Trước lúc xuất hành, biết Thầy Vượng đến rước ngay tại phi trường. Sau đó, lai được đến trụ tại nhà nghỉ Phát Diệm (cách quãng trường Thánh Phêro chừng 45 phút đi bộ) do các soeurs Dòng Mến Thánh Giá coi sóc. Lâu lắm rồi, tôi chưa có dịp líu lo nói chuyện với các "CHỊ" dễ thương như vậy. Giọng nói của các soeur cứ như chim, vừa nhẹ nhàng, vừa thanh
thót, làm lòng tôi vui rộn rã. Đã thế, các soeur còn nấu ăn ngon vô cùng. Phòng nghĩ thì sạch sẽ, tiện nghi. Cảm giác y như đứa con được về thăm nhà LỚN của Cha Mẹ vậy. Nhà nguyện nhỏ nằm ở tầng dưới cùng của nhà trọ, đựợc trang hoàng với những bình hoa tươi, đẹp lắm (cách cắm hoa này, khiến tôi nhớ đến Mẹ ở nhà. Hoa người cắm, cứ như con công xòe cánh, vừa ẻo lã gọi mời quyến rũ, nhưng lại rất chắc không dể gi bị đổ). Cám ơn Thầy Vượng va các soeurs.

Italy nơi nổi tiếng về điêu khắc, ảnh tượng trong tay các nghệ nhân được tạo hình rất sắc nét. Vì thế, tôi tiến lên ngồi ở những hàng ghế đầu của nhà nguyện để ngắm Thầy Giêsu và Mẹ Maria ((tôi vẫn hay thu mình ở phía dưới cùng mỗi khi vô Thánh Đường)). Đúng thế, trong tâm tình của người con về nhà, khiến bọn tôi gần như nhảy lên reo vui khi Cha già thân yêu-NTT xuất hiện trước phòng ăn (khi ấy chúng tôi đang dùng bữa). Đám con thương và nhớ Cha của mình, cho nên chẳng quan tâm đến xung quanh, cứ như con nít, ôm chầm lầy Cha mừng khôn xiết (đã lâu không gặp Ngài).

Càng bước ra, có cơ hội nhìn thấy thế giới bên ngoài, tôi lại càng thấu hiểu lời ông bà khuyên: Hãy học lấy khiêm nhường, đừng huyênh hoang như "chú ếch nằm đáy giếng, tưởng mình đã biết mọi sự. Thật ra, cái mà nó biết chỉ là một khoảng trời thật nhỏ hẹp bị giam trong khuôn khổ của miệng giếng". Cảm tạ Chúa đã mỡ mắt cho con...

Là người Việt Nam sống dưới chệ độ Cộng Sản, tôi hiểu được cái đau của thân phận NGHÈO. Nổi xót xa của kẻ "thấp bé" trong xã hội, thiếu thốn về vật chất, bị xã hội khinh chê, ruồng rãy. Cảm giác chua xót ấy, khiến con người bị tê liệt ý chí phấn đấu và quay quật lại "đạp đổ", nguyên nhân của những tệ nạn. Khi ra phố, được nhiều người đi trước, dặn dò rất kỹ càng: "Cẩn thân, coi chừng móc túi". Hummm, câu nói này quen thật, và nghe rất nhiều khi về đến Việt Nam. Đất nước mà tôi đã sinh ra, lớn lên, nhưng hiện đang sống trong cảnh khốn cùng. Kẻ cầm quyền thì lo vơ vét, giàu đến mức đổ vách. Dân đen thì vất vả chạy kiếm miếng ăn từng ngày, nhưng lại bữa đói bữa no. Dĩ nhiên, là phải để ý thôi. Vì đâu có ai muốn bị mất đồ, nhất là các du khách, rủi bị mất passport thì phiền phức ghê luôn. Nhưng tận cõi lòng, tiếng nói và phán xét của lương tâm bảo tôi:"Họ đáng thương biết bao. Nếu như những người lãnh đạo xã hội biết thương dân như con, thì nước mắt của các bà mẹ sẽ ít đi, thay vào đó nụ cười; nhà tù cũng vì vậy, mà không con bi đông nghẹt (hầu hết các thanh thiếu niên tù tội đều xuất phat từ giới nghèo hèn, bần cùng và bị bỏ rơi).

Chúa ơi, đặt chân đến kinh thành Roma, nơi tập trung quyền lực tối cao nhất của Giáo Hội Công Giáo và cảm nhận về thân phận NGHÈO của kiếp người, con thấy mình may mắn quá đổi. Vì Chúa, người Cha nhân từ đã luôn quan tâm, và sống cùng với con. Người chẳng để con "đói khát" ngày nào. Con tin rằng đây là lý do tại sao Chúa luôn quan tâm và đặc biệt nhắc nhở các thánh tông đồ và những người kế vị các ngài phải mở lòng, chăm sóc, lo lắng những người bần cùng trong xã hội. Chỉ có tình yêu của người Cha hết lòng yêu quý con mình, mới có thể làm được điều này. Giây phút này, tuy là kẻ bé mọn, những xin hãy ban cho con ơn biết cảm thông và xót thương đến những người anh em kém may mắn hơn mình. Bởi lẽ "Ai thương xot người, ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vây" (Tám mối phúc thật).

Hôm đó, cũng như những ngày trước (và cả sau này nữa), quãng trường thánh Pherô đầy nghẹt người. Trời nắng như đổ lửa, thế mà dòng người đông đúc vẫn cứ kéo đến, để được nghe Đức Thánh Cha giảng. Cảnh tượng này vẽ lên trong tâm trí tôi hình ảnh Thầy Giêsu và các môn đệ. Người, đi đến đâu thì dân chúng kéo đến lắng nghe Đức Giêsu Kitô dạy dỗ. Cùng với nhóm, chúng tôi cầm cờ vàng ba sọc đỏ, vận áo dài truyền thống, hòa với muôn ngàn người trên khắp thế giới hội tụ về, vãy tay mừng chào ĐTC. Ước mơ được ngắm nhìn người kế vị, lãnh đạo Giáo Hội, đã thành sự thật. Tôi thấy ĐTC Phanxicô. Nụ cười của Ngài ấm áp quá đi thôi. Trên chiếc xe trắng không có mui, ĐTC vẫy tay chào, hôn các cháu bé và những người bịnh (tôi đã từng có lần trong theo dõi video từ VietCatholic, thấy ĐTC ôm hôn một người đàn ông có khuôn mặt bị biến dạng rất khiếp sợ. Khi ấy tôi đã nghĩ đến Thầy Giêsu cũng đã từng đến gần và chữa lành những kẻ bị phong cùi. Những người này, ngay cả thời đại hiện nay, đều sẽ bị người đời tránh xa, không ai muốn bị lây bịnh). Tôi nghĩ đến những bậc làm Cha Mẹ có con bị bịnh, nhưng vì yêu con, mặc cho thiên hạ nghĩ gì, vẫn ôm hôn và thương yêu chúng, nếu không nói là còn đặc biệt quan tâm đến những đứa con này. Ngài có "mùi" của "chiên" và lòng của người mục tử. Xin Chúa chúc lành cho ĐTC và tất cả các hàng giáo sĩ.

Từ dinh thự Vatican nhìn ra quãng trường thánh Phero, chúng ta thấy có 288 cột trụ cao ngất, được kiến trúc hình chữ V (như vòng tay Mẹ ôm chặt lấy Giáo Hội của Con Người trong lòng).

Trên các tường cao, có 144 tượng hình của các đấng lập dòng. Để có được vinh quang trong giáo triều Công Giáo Roma hôm nay, dĩ nhiên chúng ta không thể không biết ơn đến những vị lãnh tụ, anh hùng tử vì đạo, đã đổ biết bao xương máu đấu tranh và gin giữ cho niềm tin và sự sống của Giáo Hội mà Chúa Kito đã thiết lập. Con cúi đầu cám ơn các Ngài. Và cũng xin các Ngài hãy tiếp tục cầu nguyện để Giáo Hội này luôn được lớn mạnh trong tình yêu và hiệp nhất.

Mẹ! tác phẩm tuyệt vời của sự dịu dàng, khả ái và tình thương. Không cần biết cực nhọc thế nào, tim bị xé ra đau xót ra sao, dòng lệ tuôn trào đến đâu... Mẹ, vẫn như vực sâu muôn trượng, luôn đông đầy sự bao dung, tha thứ.

Bám lấy Mẹ Maria, con an bình ra khỏi bể sầu thế gian. Bởi lẽ, nhờ Mẹ, bên Mẹ, con đến được với Cha chí yêu, nguồn suối mach của Lòng Xót Thương vô bờ, vô bến.

Ông bà ta hay dạy:" Không có gì là cho không. Phải cất công và bỏ tâm tư tìm lấy”. Vì lẽ ấy, gián tiếp qua những câu chuyện kể gần xa, ẩn ý nhắc nhở cua Cha già linh hướng, bốn chị em chúng tôi quyết định đồng hành với nhau hàng ngày qua chuỗi Mân Côi, như một phần trong việc chuẩn bị tâm linh cho chuyến hành hương "Mỡ mắt- Open eyes" nhìn thấy Giáo Hội mà Thầy Giêsu đã dựng nên và khao khát "động chạm- Touching" đến cung lòng thương cảm của Mẹ chí yêu và Cha nhân từ.

KÍNH VIẾNG MỘ ĐỨC Hồng Y NGUYỄN VĂN THUẬN: ÂN DUYÊN GẶP GỠ

Cuộc sống có những gặp gỡ thật huyền bí khiến tôi không thể không nhìn nhận sức mạnh vô hình của tình yêu. Đây cũng là việc mà hàng ngàn các nhà khoa học gia chẳng tài nào giải thích thấu đáo.

Chuyện bắt đầu từ hai năm về trứớc, khi mà tôi đang hướng dẫn các em trong lớp giáo lý Thêm Sức. Một số phụ huynh chia sẽ: "Cô ơi, con tôi hư lắm, tôi không có gì để mà tự hào về chúng". Hay "Cô ơi, sau khi thêm sức các em làm gì?". Có thầy cô bảo: "Việc của người giáo lý viên, là phải làm sao để giúp các em....."

Bản thân, khi nghe một học sinh nói: "After Confirmation, I am done. I will not not go to church anymore". Luc ấy, tim tôi se lại, thót mình thốt lên tự đáy lòng: "Chúa ơi, vậy đâu mới thật sự là ý nghĩa của bí tích này? Sai đi hay Bỏ đi đây?". Có thể bọn trẻ bây giờ có thừa cơm ngon, áo đẹp, ở nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi. Nhưng phải chăng đó là tất cả những gì mà các em cần? Mối dây liên hệ giữa các em và Cha Mẹ lại xa quá, vì họ không có giờ cho nhau. Họ quá bận để đấu tranh vật lộn với những nhu cầu sống còn trong xã hội. Đáng sợ nhất vẫn là phương tiện truyền thông. Cái tốt không biết các em học đựoc bao nhiêu, nhung cám dỗ và những tệ nạn từ media lại dần đẩy các em den hố sâu của truy lac và sa đọa.

Không biết từ lúc nào, tôi bị trộn lẫn giữa tình thầy trò và tình Mẹ con (có lẽ vì trong số cac hoc sinh đó, có con tôi chăng?). Tôi thương chúng vô hạn, và càng thương các phụ huynh hơn nữa. Đồng thời, tôi cũng thừa hiểu sự giới hạn của mình. Bản thân, chỉ có thể chạy đến và thủ thỉ: " Chúa ơi, con phải làm sao?" Lúc ấy, cùng với một số giáo lý viên trong cộng đồng chuẩn bị khóa tĩnh tâm Ephata cho các em, gặp khá nhiều thách đố. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều. Theo thói quen, bên cạnh Chúa và Mẹ Maria, tôi đến với thánh nữ Monica. Nhưng không hiểu sao lại bị đánh động, sau lời chia sẽ của một chị trong cộng đoàn:" Hơn hai mươi năm trước, người Viết ở hải ngoại còn ít lắm. Vì muốn có được những workshops của người Việt Nam, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã kêu gọi mọi người hãy đăng ký các khóa do các giảng sư, linh mục tu sĩ người Việt thuyết trình."

Lời kêu gọi này của ĐHY Nguyễn văn Thuận, khiến tôi không chút ngần ngại "làm phiền" Người. Tôi đã từng cầu xin rằng:" Con tin là ĐHY rất thương người Việt và luôn muốn chúng con dù ở nơi đâu vẫn giữ đuọc cội nguồn và ngày càng lớn mạnh trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Người bị nhốt trong ngục tù, bốn bức tường không thể làm nhụt ý chí và kiềm hãm được sự say mê đem Chúa đến cho người khác. Vậy thì, bầy giờ nếu Người đã được ở bên cạnh Chúa trên thiên đàng, chắc là mọi chuyện còn dễ dàng hơn. Nếu như khóa tĩnh tâm này là đẹp lòng và cũng là ý Chúa thương ban cho các thanh thiếu niên, ĐHY hãy thêm lời cầu xin và giúp chúng con nhé". Sau đó, như câu chuyện "5 chiếc bánh và hai con cá", trong tay Chúa, không có gì la không thể. Hơn thế nữa "Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc, để anh em vừa luôn sống sung túc mọi mặt, vừa con được dư dặt để làm các việc phúc đức."(Cr 9, 6-11).

Đêm trước, tôi có phần hơi tiếc vì lý do sức khỏe và nhát cấy không dám lái xe (đường ở Italy nhỏ rất khó lái), chúng tôi đã không thể đi viếng xác Thánh Pio năm dấu. Thế nhưng, vì thế mà tôi lại được kính viếng mộ ĐHY Nguyễn văn Thuận (việc này không hề nằm trong chương trình hành hương, và tôi lại càng không hề biết được là mộ Ngài lại được đặt tại Roma). Lần này, không còn là ngắm nhìn ĐHY qua hình (tôi thích nhất là bức ảnh Ngài đang quỳ gối trong tù), mà là mặt đối mặt trước mộ của Người. Tôi lặng người vì cảm nhận được duyên gặp gỡ trong ân sủng Chúa. Phải chăng vì ĐHY là người Việt Nam, cho nên đã cho tôi cái bạo gan "cho phép" mình gần với Ngài hơn một chút trong tâm tình thiêng liêng.

ĐHY Nguyễn văn Thuận kính, con tin Người cách đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, vì chúng nó làm mầm sống của nhân loại. Lần này, con cũng mang lời nhắn gơi của cộng đoàn, nơi con đang sinh hoạt, khẩn khoản xin ĐHY thương giúp cầu xin:" Nếu như đã đến thời, đến lúc và cũng là điều đẹp lòng Chúa, xin cho đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tại xứ được thành lập, hầu giúp các em có thêm cơ hội tìm đến bên Anh Cả Giêsu". Tham lam hơn, Người cũng biết ước ao riêng của người làm vợ, làm mẹ, xin cầu bầu cho con với. Ở bên cạnh ngai Chúa cao sang, ấp ủ đầy tình thương mên, DHY xin Chúa cho các thanh thiếu niên được ơn hoán cãi, luôn sống trong hy vong và có được niêm tin vào Thiên Chúa, Người nhé. Con cám ơn DHY, con về nhé.

KÍNH VIẾNG THÁNH PHANXICO ASSISI- TÌNH YÊU & VƯỜN HỒNG KHÔNG GAI

Hôm nay, Cha linh hướng đưa chúng tôi đi Assisi, kính viếng hai vị thánh thời danh: PHANXICO Thành ASSISI & CLARA (tôi biết rất it về hai vi thánh này. Dù rằng gia đình tôi luôn mang trong trái tim sự biết ơn qua việc giúp đỡ của Cha Anphong Đức và Mẹ Minh Clara, tu hai dòng Phanxico và Clara ở Thủ Đức Viêt Nam).

Chuyện về hai vị thánh này thì ai cũng có thể tìm đọc được trên mạng và sách báo hay phim ảnh, tôi không muốn quá chi tiết. Chỉ xin được viết xuống những điểm bản thân được đánh động nhất.

Thánh Phanxico Assisi, Italy, còn gọi là Thánh Phanxico khó khăn. Ông là môt người sáng lập dòng Anh Em Hèn Mọn (Order of Friars Minor).

Dĩ nhiên, như nhiều thánh nhân khác, thánh Phanxico Assisi gặp rất nhiều thử thách, khó khăn và cám dỗ trong việc thi hánh sứ vụ. Rao giảng chẳng ai thèm nghe, Ngài đành nói chuyện với muôn thú. Để có thể chống trả với ma quỷ, Ngài lao mình vào những bụi hồng đầy gai ngoài vườn với hy vọng, sự đau đớn từ những chiếc gai trên cánh hoa hồng sẽ giúp Ngài thức tĩnh. Mầu nhiệm thay, bàn tay gìn giữ người tôi tớ Chúa yêu, gai trên các nhành hồng đã không còn, có chăng là chan hòa hương thơm ngào ngạt, làm đê mê lòng người từ những đóa hồng xinh đẹp ấy. Vui sướng thay, trong Chúa, tưởng chừng phải đớn đau, lại trở nên êm dịu ngọt ngào.

Thánh Phanxico Assisi sống trọn với ba lời khấn (chúng ta có thể nhìn thấy trọn vẹn ý nghĩa qua các bức tranh được vẽ trong Thánh Đường).

-Vâng phục: hình người ngồi che miêng. Ngụ ý: Phải biết làm chủ đôi tai, miệng của minh.
-Khó nghèo: Bức ảnh có hình người đàn ông bị ném đã, dưói chân có những cây gai. Ngụ ý: Đời sống này sẽ khiến ông bị người đời khinh chê, xa lánh.
-Khiết tịnh: Sống đôc thân để trọn vẹn hiến thân cho Chúa trong việc thi hành sứ mệnh

Ngài thà bị mù còn hơn là không chiêm ngắm đuọc sự đau khổ của Chúa. Vì mộng ước này, mà thánh Phanxico đã được mối dây liên lạc khá mật thiết với Thiên Chúa.

"Kinh Hòa Bình" chính là lời nguyện cầu của thánh nhân.

Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp, Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an, Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.


Trong lúc viết tâm tình, tôi lại lẫn lộn và tệ hơn đã tưởng nhầm Thánh Phanxico Assisi và Phanxico Xavier là một người. Cám ơn các chị em trong cộng đoàn đã luôn thương yêu và nhắc nhở em (Đây cũng là lý do làm tôi đau đầu mỗi khi nghĩ đến việc có nên quay về lại cộng đoàn ở gần nhà, nơi tôi đang ở để sinh hoạt hay phải lái xe lên cả tiếng đến cộng đoàn OLL).

Thành Assisi khó đi, đoán chừng 45 độ dốc, doan duong kha dài. Mat duong, lại được lót gach khoảng nhỏ hơn bàn chân tôi (size 6) hơi cong chút phía trên mặt. Không cẩn thận, té ngã như chơi. Bọn tôi, đi đàng sau mà e ngại Cha già quá chừng. Tuy nói là sau khi mỗ, đã khỏe hẳn, đi "còn nhanh hơn trước"(Cha nói thế). Nhưng lam sao mà có thể so với người hoàn toàn khỏe được chứ. Ngài mà trượt té thì...Buòn vô cùng. Nhanh chân, cô bé SL trong nhóm, bước nhanh hơn đến bên và ôm lấy tay Cha. Nhìn hai người sánh bước, tôi cười thầm: “Hai Cha Con đi bên nhau, hạnh phúc quá nhỉ." Không biết vì quen biết gần 28 năm, thời gian cũng khá lâu, hay vì Ngài đặc biệt có đời sống chiêm niệm, im lặng cầu nguyện giúp con người biết đọc tâm tư người khác. Cho nên về sau, khi có dịp Cha cười bảo: "Nó đâu phải thường gì Cha, chỉ là sợ rủi Cha có bị gì thì tiêu tan chuyến đi hành hương....." Mấy đứa tôi, đứa nào đứa náy ngồi im, mắt trợn lên không dám liếc nhau (Cha nói đúng quá mà...). Nhưng nói vậy thôi, Ngài biết chúng con cũng thương Cha lắm lắm.

Lạy Chúa, đã bao lần con đã không biết làm chủ lấy đôi tai, và miệng lưỡi của mình. Thay vì dùng nó để nghe những điều hay lẽ phải, để nói những điều đẹp lòng Chúa, thì con làm ngược lại. Xin tha thứ và ban cho con ơn biết control lấy miệng lưỡi và đôi tai này.

THÁNH PHANXICO XAVIER- CHÚA MĨN CƯỜI TRÊN THẬP GIÁ

Phanxico Xavie là một thanh niên sinh ra trong gia đình quyền quý, sanh tai Spain, Người rất mê văn chương và trí thức. Mười chín tuổi, thánh nhân về Paris hoc và tốt nghiệp văn chương triết học. Cũng chính noi đây, Ngài gặp gỡ Thánh Inhaixio. Qua câu nói:" Được lời lãi thế gian thì có ích gì" và những lần trải nghiệm tìm gặp Chúa do thánh Inhaxio hướng dẫn (lúc này Inhaxio chưa chịu chức linh mục), Phanxico Xavier đã thức tĩnh và quyết tâm theo tiếng gọi của Chúa.

Ngài nhận được thị kiến qua giấc mơ: "Hãy sữa lại nhà TA". Ban đầu, Phanxico hiểu lầm là "phải tu bổ lại ngôi thánh đường đã mục nát", cho nên đã về nhà lấy tiền gia đình để thi hành việc này. Về sau, biết được ý Chúa la: muốn Ngài giúp cho Giáo Hội của Nguoi".

Thanh Phanxico Xavier đi Ấn độ, Nhật bản, Nam dương để truyền giáo và rữa tội rất nhiều người. Cuối cùng, Ngài quyết định vô Trung Hoa. Nhưng khi đặt chân đến đảo Thuợng Xuyên, Ngài bị sốt rét và qua đời tại đây. Công việc của Ngài đã để lại cho thế hệ sau tiếp nối. Một điểm son đáng nhớ đó là: khi Ngài mất, cây thánh giá Chúa chịu nạn tại lâu đài của dòng họ Thanh Phanxico Xavier khuôn mặt Chúa trở nên rất bình thản. Tuyệt vời thay, ngay cả trên thập giá, Chúa vẫn có thể cười. Phải chăng thấy đàn con quay quanh mình, là việc mà người Cha luôn mong mõi.

Khi tham quan lâu đài của dòng họ Phanxico Xavier, được Cha già đặc biệt hướng dẫn, tôi vô cùng khao khát có được một vài giây phút "chỉ một mình" được ngắm nhìn tượng Thánh Giá (báu vật của dòng họ này). Hên quá, sau khi tham viếng Thánh Đường, cùng chụp vài tấm ảnh kỷ niệm với nhóm, thì đồng hồ báo chỉ còn 15' nữa là người ta sẽ đóng cửa. Tôi vội vàng quay lại và thế là được một mình quỳ trước khung cửa sắt dán mắt vào khuôn mặt Chúa đang treo trên Thánh Giá. Đúng là Người đang cười. Giây phút đó, tôi chỉ nghĩ đến: "Đã bao lần làm Mẹ, tôi cũng bị các con làm buồn lòng đến muốn chết được. Nhưng sau đó, khi đứa quay lại xin lỗi hay sữa lỗi, tôi cũng đã cười, cười đến rơi lệ".

Chúa ơi, con biết Chúa là Cha và Người yêu thương con mình. Người sẳn sàng chết để cứu lấy các con và mong mỏi chúng được ơn trở lại. Những đớn đau thể xác, những quặn đau khi con tim bị chảy máu....chẳng là gì nếu có thể đổi lấy một đứa con biết quay đầu theo đường ngay, lối chính. Trong giây phút này, con xin dâng lên Người, Mẹ của con đang ở nhà. Xin tha thứ cho muôn vạn lần con đã làm Mẹ buồn. Xin Chúa chúc lành cho Mẹ của con.

Con ngu ngốc không biết tại sao Người lài chọn thánh Phanxico, nhưng vị thánh này còn trẻ, khiến con lại nghĩ đến các em thanh thiếu niên. Giây phút nay, con xin dâng các con, các thanh thiếu niên trong tay Chúa. Ước gì, khi biết về đời sống của thánh Phanxico, các em có thể học và bắt chước được chút nhân đức của Ngài.

KÍNH VIẾNG THỦ CẤP THÁNH ANDRE PHÚ YÊN- LÒNG CHA

Sau khi từ quảng trường về, theo chương trình cả đoàn có 3 tiếng đồng hồ "Free- muốn làm gì thì làm", sau đó hẹn gặp tại điểm hẹn, và cùng nhau đến dâng thánh lễ tại Dòng Tên.

Chúa ơi, con biết mình có phần quá đáng, vì nhà dòng là nơi dành riêng cho các linh mục, tu sĩ, người ngoài không vào được. Nhưng không hiểu sao nổi chứng thèm "vòi vĩnh", đã cho con cái "gan" có can đảm lí nhí trong miệng(nhưng đủ để Cha già nghe thấy):" Cha về nhà Dòng, vậy nơi đó có thánh đường, có thế xin cho chúng con được im lặng ngồi trong đó hôn?" Bên cạnh một số anh chị em đã tan mác khắp nơi, tranh thủ đi mua sắm, dạo quanh thành phố và thưởng thức món ăn Ý. Nhóm còn lại, trong đó có Cha Sơn (một linh mục ở Úc cũng đi theo đoàn), vẫn cứ lẽo đẽo theo chân Cha linh hướng. Thiệt chứ, làm sao mà Cha già có thể nhắm mắt ngủ tí được, khi cái đám con đứng lố nhố bên ngoài nhà dòng chờ đợi..... Vì tình thương, Ngài đã xin phép cho vào tạm trú. Khi nghe Cha già nói:" Moi người có thể nghĩ ngơi ở phòng khách. Còn ai muốn vô nhà nguyện thì cứ vào. Chút nữa đây, chúng ta sẽ dâng thánh lễ tại nguyện đường này", lòng tôi mừng vô cùng. Tôi cảm ơn Cha già quá đổi. Thế là, chỉ kịp để đồ xuống trong phòng khách, tôi loa vội vô nhà thờ, đã hơn 6 ngày rồi, con chưa có được ngồi riêng với Chúa.

Chẳng quan tâm có ai xung quanh không, con tham lam tự cho mình mơn trớn cái cảm giác sung sướng được chiếm lĩnh cả không gian ấm áp này. Lúc sau, một linh mục Dòng Tên bước ra sữa soạn bàn Thánh và đưa thủ cấp thánh Andre Phú Yên đặt trên bàn thờ. Ông ta hỏi: "Who are you?" Tôi quýnh quáng trả lời:" I am with the group of Father Nguyễn". Tiếp tục hỏi:" I dont know what are you talking about." Lại càng rối hơn, tôi quên mất tên Cha là Joseph:" Father Tước said I can come here and later our group Vietnamese people will have Mass in this church". Giờ nghĩ lại, thấy mình thiệt là mắc cười. Tôi sợ quá, thay vì để người ta đuổi, tự đọng đứng dậy chuẩn bị đi.

Nhưng may thay, vị linh mục vẫn nét mặt nghiêm không cười bảo:" You! OK, stay." Hú hồn. Có lẽ vì vậy mà tôi quên mất mọi việc. Trong đầu chỉ nghĩ đây là Dòng Tên, tức là phải nhớ tới Thánh Inhaxio. Tôi tưởng thủ cấp đặc trên bàn Thánh lúc ấy là của Ngài, vị sáng lập Dòng và cũng là Người đưa ra phuong cách để người đời có thể tìm gặp gở Thiên Chúa. Há chẳng phải tôi vẫn luôn mong có được một mối tương quan mật thiết hơn một chút với Chúa sao? Chẳng phải tôi vẫn khao khát nghe được tiếng Chúa nói với mình sao? Thế thì, sao không mà mau mau trút bầu tâm sự với thánh Inhaxio chứ.

Thao thao bất tuyệt gần một giờ đồng hồ, cuối cùng mới biết "nãy giờ mình gọi lộn tên", phải là thánh Andre Phú Yên chứ không phải là thánh Inhaxio.

Thủ cấp của người thánh trẻ Vietnam tử vì đạo này, đã được Cha Alexander de Rhodes chứng kiến cái chết và đem về cất giữ ở Dòng Tên cả 400 năm nay. Vậy có nghĩa là món ân tình và relationship giữ Thánh Andre, người thanh nien VietNam va Thánh Inhaxio chắc cũng GOOD lắm. Bằng lòng với lý do này(sau khi đã được Cha già khai tâm), tôi nguyện thầm:

Thánh Andre ơi, sorry con gọi lộn tên Người nảy giờ. Thôi thì đi kiếm Thánh Inhaxio đòi nợ nhé. "Người thanh niên trẻ ViêtNam và Dòng Tên, và mối tương quan lâu đời đến th....." Sợi dây liên hệ này, Chúa đang muốn nói gì với con?

Trao trong tay Thanh Andre, Thanh Inhaxio đứa con trai của con và tất cả các thanh thiêu niên ViêtNam. Xin hãy cầu bầu cho bọn chúng ơn biết kính sợ, yêu mến, tin cậy và luôn khat khao tìm lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

THÁNH TERESA AVILA

Wow chuyến đi này thật đầy tràn hấp dẫn. Hồi nhỏ, dù là nhà đầy sách, nhưng Mẹ chỉ đưa toàn sách các thánh cho tôi thôi. Lúc đó đọc vì chẳng có gì khac. Tôi vẫn hay lén ra mướn truyện về, đem vô nhà tắm hay trốn đâu đó ngấu nghiến. Tôi thích lời văn, và cứ hễ có câu nào chí lý thì gạch dưới hay viết vào sổ tay, sau này đem ra bỏ vô bài luân văn. Nhưng theo thời gian thì các câu chuyện tình thời "tóc vẫn còn xanh" đã quên mất. Còn các Thánh thì nhờ được vài người. Các thánh nữ như Monica, Maria Goretti, Cecilia, Teresa Hài Đồng Giêsu đã làm tôi khâm phục dữ lắm rồi. Vậy mà lần này, khi Cha già đưa cả đoàn đến nơi đặt thánh giá nhớ đến thánh Têresa Avila lại làm tội giật mình. Gan thật, 12 tuổi dám rủ em mình đi đánh nhau với quân Hồi Giáo vì muốn được tử đạo. Chắc chắn là trong nhà Bố Mẹ phải là người rất đạo đức hay vẫn luôn kể về gương sáng của các vị Tử Vì Đạo, cho nên mới có thể làm sống dậy ý tưởng ấy trong lòng cô bé nhỏ Teresa.

Sau này Bà là người cãi tổ lại tu viện Cát Minh. Tối ấy, cả đoàn nghĩ đêm tại Avila, tu viên mà thánh nữ Teresa Avila đã sống. Trên lầu, từ phòng ngủ nhìn xuống, vườn hồng trong khuôn viên nhà dòng đẹp và thơ mộng làm sao. Cha già yêu dấu là nhà văn, dĩ nhiên là yêu hoa và sẽ không bỏ qua chụp vài po hình làm kỷ niêm. Chúng tôi xuống phía dưới, chưa kịp níu áo xin được chụp hình với Ngài, thì Ngài đã chỉ tay và mắt nhín ra vườn, nơi có những bông hoa hồng lung linh gọi mời:"Nhìn kìa, xuống đó chụp hình và gởi về cho đám ruồi ở nhà." Đi cả tuần lễ, chiêm ngưỡng cái đẹp tuyệt tác được các nghệ nhân dùng trái tim, lòng tin và sự đam mệ làm nên(tôi muốn nhắc đến sự rực rở tráng lệ của các Vương Cung Thánh Đường), và viếng các nới Thánh Tích và học hỏi khá nhiêu. Tôi không dám bạo gan đọc ý Cha già, nhưng tôi cũng làm Mẹ, cũng yêu các con và luôn mong muốn bọn chúng lãnh nhận được những điều tốt đep. Biết được điều gì hay và tuyệt vời, dĩ nhiên là không có người Cha Mẹ nào mà lại co co giữ riêng, muốn các con cũng có đựoc. Vì tầm lòng này, tôi hiểu được Cha già nhớ đám ruồi thiếu nhi ở nhà chưa có cơ hội mỡ mắt. Ngài thương và tiếc nếu chúng tôi để lỡ mất.

Không hiểu các hoàng hậu, vương phi dưới thời các vua chúa trước đây, họ yêu người tình quân vương của họ đến thế nào. Nhưng những lưỡi gươm luôn đâm thẳng vào trái tim(từ các hình ảnh của Thánh Nữ Têresa Avila), làm tôi phải tự hỏi lòng mình: "Tôi yêu người bạn đời mình bao nhiểu Tôi yêu Chúa sâu độ nào?". Chắc chắn chẳng sao có thể so được với sự ấm nồng của dòng máu chảy từ tim.....chỉ có những ai đã từng thật sự YÊU mới có thể cảm nhận được nổi lòng của Thánh nữ khi Người thốt lên:

Lạy Đấng Tình Quân con tôn thờ.
Con nay thuộc về Chúa Chúa nay thuộc về con.
Mũi tên nào say đắm, bắn trúng con tim hồng,
để từ nay con sống là sống cho tình yêu
và dầu cho con chết là chết cho co tình yêu.

Con xin làm nô lệ của tình yêu.
Con xin làm khí cụ của tình yêu.
Cho mọi người nhận biết Chúa yêu thương.
Cho mọi người thức giấc bao đêm trương.

Chúa muốn gì trên bản thể của con.
Chúa muốn gì trên cuộc sống của con.
Con chỉ là tay trắng với hư không.
Con chỉ là tỳ nữ bao khốn cùng.

Con ước vọng theo Ngài suốt đời con.
Xin dâng làm lễ vật cuộc đời con.
Trong nguyện cầu thanh vắng với hy sinh,
để lên lời ca hát khúc ân tình.


Nhân tiện nói đến các Vương Cung Thánh Đừong, tôi lại muốn nhân dịp này cám ơn "ba con ruồi" đi cùng.

Với tôi, Vương Cung Thánh Đường là nơi thờ phượng, cần phải đựoc cung kính. Nhưng khi bước vô, tráng lệ quá, rực rỡ quá, khiến người người ai cũng mong mõi chụp hình để lưu niệm. Người ta đi nghêng ngang qua cung thánh. Lâu lâu lại kéo nhau tụm năm bảy trầm trồ về cái đẹp. Nhưng ít ai cuối đầu bái gối cung kính dù là bên trên vẫn có Cung Thánh, Nhà Tạm. Mạnh ai nấy bước và nhìn ngắm, cứ y như là đang dạo bước trong viện bảo tang- Museum vậy. Rất là nhiều lần tôi liếc tới liếc lui, xem có ai bái gối quỳ hôn, để mình làm theo(không thôi lại bị cho lại đạo đức giả hay cuồng tín). Nhưng để ý đến người khác thì thiệt là mệt, thôi thì mặc kệ ai nghĩ sao, nếu tôi muốn bái gối cung kính chào Chúa và các vị Thánh nhân..thì cứ làm theo tiếng bảo của lương tâm. Dĩ nhiên là sẽ rất an lòng, khi thấy có ai trước đó đã làm.

Nói đến đây, tôi muốn nhắc đến sự tỉ mĩ và thương Cha của các bạn. Cảm ơn các bạn đã ra ý nghĩ đi mua sữa để Cha uống vì biết Ngài nhiều ngày dẫn đoàn hành hương rất mệt. Cô bé SL lại còn đi lùng tìm mua gừng và cam thảo loại tốt nhất để mỗi ngày sắc nước, hầu mong Cha già uống để không bị ho. Thật ra Cha đâu cần, nếu muồn Người chạy ra ngoài mua một cái là có ngay. Nhưng quan trọng ở đây là tình và sự chăm sóc tỉ mĩ của đám con, làm Cha vui chút. Đồng thời, biết đâu, việc làm này của các bạn, sẽ là một bắt đầu cho các anh chị em khác sau này, sẽ take care các linh mục tu sĩ và có dịp được lo cho các Ngài. Cảm ơn những người dám bước ra bắt tay làm trước. Kế đó, trên đường đi, cũng phải cám ơn các anh phó nhòm đã giúp nhóm có được những hình ảnh luu niệm để đời.

Một điều nữa là tình thưong. Lúc có một chú trong đoàn bị lạc. Khi ấy, tôi nghĩ: Chết, nếu mà bỏ ông ta ở đây thì làm sao mà ông ta tìm được đoàn. Có lẽ bây giờ, ông cũng mệt lắm vì tìm không ra đường..... Trời nắng chang chan, Anh Luật, Anh Cường, Anh Tám(không nhớ tên, chỉ biết Anh "biết hưởng nhất", người nằm dài trên xe bus ngủ), và một vài anh khác chạy ngược xuôi, mặt đỏ bừng, mệt muốn đứt hơi để kiếm người anh em bị lạc. Khi kiếm được, lên xe lại ra dấu: "Kiếm được rồi. Im lặng đừng nói gì hết." Anh ta sợ chú đó bị Cha rày, và càng sợ chú đó buồn vì đã làm cản trở hành trình của cả nhóm. Nhưng Cha già làm sao mà nở rày, khi thầy khuôn mặt Chú ấy tái nhợt, vừa bước lến xe là "xin lỗi" mọi người liên tục mấy lần. Hahaha "giận thì giận, mà thương thì thương.." Chúng tôi tiếp tục hành trình đến với Mẹ Fatima trong sự quan tâm, thương mến và quý trọng nhau.

Avila là thành còn sót lại được công nhận là di sản thế giới vì nét đẹp. Món ăn đặc sản ở đây là "Heo sữa"(heo con thật sự chứ không phải con heo mà soeur Thanh đã kể. Giọng soeur dễ thương lắm, chúng tôi tưởng tượng mấy chú heo con nhỏ xíu được từng soer, từng soeur ẩm lên bỏ vô phòng trên lầu tránh nước ngập. Ok cũng cute, heo con đó mà. Ai dè đâu, hỏi heo con đuọc mấy ký, soeur bảo: "60 ký lô". Bọn tôi nghe xong, cười muốn té ghế. 60 ký thì phải gọi là "con heo" chứ làm sao mà là "heo con" được. Tưởng tượng ba bốn soeur ẩm heo, rồi từng nấc thang, mấy anh chàng heo con lại ị, "lãnh đạn" là cái chắc. Love you soeur...). Biết chúng tôi thèm được thưởng thức món đặc sản này, Chi hai Kim Hoàng đã không ngại order ngay. Cả đám ăn như người bị bỏ đói mâý chục ngày. Vừa ăn vừa chạy, không quên xin thau hốt togo, mang lên xe cho các anh chị em khác thưởng thức chung.

Đi với nhau mấy ngày, học hỏi đời sống nhân đức của các thánh nhân và sự vui vẻ trao cho nhau, khiến chúng tôi thấy gần nhau hơn. Có lần, mua coffee và icream, nhưng hết giờ phải ra xe. Chẳng kiên dè liền hỏi: có ai uống phụ và ăn cà rem dùm hôn? các anh dơ tay liền.... vậy là học nhân đức tiết kiệm, không bỏ rơi rớt..... Cảm tạ Chúa và Mẹ Maria đã cho chúng con có những ngày nghĩ thật an bình và đầy thú vị.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hứng Nắng
Joseph Ngọc Phạm
18:46 26/06/2017
HỨNG NẮNG
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Nâng niu hứng ánh mặt trời
Mong sao nắng ấm sưởi đời phù du.
(nđc)