Ngày 29-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 13 Quanh Năm 28/6/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 29/06/2020
Bài Ðọc I: 2 V 4, 8-11. 14-16a

"Người đến trọ nhà mình, là một vị thánh của Thiên Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng: "Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó".

Một ngày nọ Êlisê đến, ông lên căn phòng trên lầu và nghỉ tại đó. Ông nói (với Giêzê, tiểu đồng của ông): "Bà muốn chúng ta làm gì cho bà? " Giêzê nói rằng: "Thầy khỏi hỏi, bà ấy không có con, và chồng bà đã già". Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: "Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 16-17. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.

Xướng: Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời"; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. - Ðáp.

Xướng: Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài. - Ðáp.

Xướng: Vì Chúa là vinh quang quyền năng của họ; nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Ðấng Thánh của Israel. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 6, 3-4. 8-11

"Chúng ta chịu mai táng với Ngài nhờ phép rửa, chúng ta phải sống đời sống mới".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi vì được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Pr 2, 9

Alleluia, alleluia! – Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 37-42

"Kẻ nào không mang lấy thập giá, thì không xứng đáng với Thầy; kẻ nào tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: "Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

"Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:46 29/06/2020

13. Tội lỗi che mất con mắt thiêng liêng của con người, nhưng đau khổ hoạn nạn lại mở sáng mắt thiêng liêng của con người.

(Thánh Gregory giáo hoàng)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:52 29/06/2020
60. XỬ PHẠT QUÁ NẶNG

Có người không học hành gì cả, ỷ vào tiền nên mua được học vị giám sinh.

Môt hôm trên đường đi qua cửa Quốc tử giám ở kinh thành, nghe nói quan chủ đang xử phạt hai học sinh, bẻn hỏi người gác cửa:

- “Lão gia xử phạt hai học trò đó là phạt hay là đánh, hay là bắt giam lại? ”

Người gác cửa đáp:

- “Lộ đề thi văn chương”.

Anh ta nghe xong thì kinh hoảng, le lưỡi ra nói:

- “Quái, tội của hai học sinh cũng không đến nỗi nặng như thế !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 60:

Giám sinh là một chức vụ quan trọng ở trường học, là người coi về kỷ luật của học sinh, nhưng giám sinh lại cho việc lộ đề thi là không quan trọng, thì đúng là người dùng tiền bạc để mua học vị nên không hiểu biết phần việc của mình phải làm...

Tất cả mọi dòng tu nam nữ trong Giáo Hội đều có chức vụ giám tập, chức vụ này rất quan trọng vì là người đào tạo nhân cách, nhân bản, nhân đức của các tu sĩ tương lai, do đó mà chức vụ này không thể dùng tiền để mua, lại càng không thể coi thường được. Khi giám tập coi thường chức vụ và bổn phận của mình, thì có nghĩa là sẽ có một lớp tập sinh tương lai ngổ ngáo không coi trọng lời khấn, không thích sống theo tôn chỉ và mục đích của hội dòng, không biết vâng lời bề trên và có khi chửi cả bề trên của mình, bởi vì giám tập đã bật “đèn xanh” khi họ đang ở thời kỳ nhà tập.

Dùng tiền để mua chức vụ là phá hoại cả một công trình lâu dài, mà chức vụ càng quan trọng thì sự tệ hại càng lớn thêm.

Giám sinh là người giúp cho học sinh biết giữ kỷ luật của nhà trường; giám tập là người gìn giữ và bảo vệ tôn chỉ và mục đích của nhà dòng hiện tại và trong tương lai.

Có một linh mục lão thành đã nói với tôi: “Năm nhà tập không ra gì thì sau này sẽ trở thành một tu sĩ linh mục không ra gì.” Và tôi đã tận mắt thấy lời của ngài là rất đúng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa hằng sống, đó là bí quyết để sống hạnh phúc.
Thanh Quảng sdb
05:59 29/06/2020
Nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa hằng sống, đó là bí quyết để sống hạnh phúc.

Trong buổi triều yết mừng lễ trọng hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy dâng hiến cuộc sống mình thành một món quà và nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa hằng sống.

(Tin Vatican - Benedict Mayaki SJ)

Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về việc Thiên Chúa sai Thiên thần giải thoát Phêrô khỏi nhà tù trong Bài đọc I trích từ sách Tông đồ Công vụ (12: 1 - 11) với việc Ngài bị tù đầy ở Rome và được chịu tử đạo.

Hãy biến cuộc sống chúng ta thành một món quà

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Chúa ban cho Thánh Phêrô nhiều ân sủng và giải thoát Ngài khỏi sự ác độc cũng vậy, Chúa đang thể hiện nhiều hồng ân cho chúng ta.

Chúng ta thường chạy đến với Chúa khi gặp gian nan, nhưng Thiên Chúa nhìn xa thấy rộng, Ngài mời chúng ta đi xa hơn, hiến dâng cho Chúa mọi khó khăn và ngay cả cả cuộc sống chúng ta. Nhờ đó Thánh Thần Chúa sẽ biến đổi cuộc sống chúng ta thành một món quà.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy cho đi" vì "bằng cách đó, chúng ta mới trở nên vĩ đại".

Đức Thánh Cha cho hay thánh Phêrô trở thành nổi danh không phải vì Ngài được giải thoát khỏi tù đầy, nhưng mà vì Ngài đã dâng hiến cuộc sống của Ngài cho Chúa.

Một cuộc sống hạnh phúc

Đức Thánh Cha cho hay: Điều Thiên Chúa mong muốn không phải là những món quà trần thế mà chính là sự sống của chúng ta!

Như trong bài đọc Tin Mừng (Mt 16: 13 – 19) Chúa Giêsu hỏi các tông đồ: “Người ta nói Thầy là ai? ” Phêrô đã đại diện trả lời: “Thầy là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa!” Và Chúa phán “Phúc cho con hỡi Simon, con ông Giona, con có phúc vì không phải máu huyết mặc khải cho con biết điều bí ẩn ấy, mà là Cha thầy mặc khải cho con!” (Mt 16: 16-17).

Vị trí của Chúa Giêsu trong cuộc sống chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tên Simon được Chúa đổi thành Phêrô, nghĩa là Đá và rồi Chúa phán: Con là Phêrô, và trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy (Mt. 16: 18). Điều này không phải vì Phêrô xứng đáng, nhưng vì Chúa Giêsu là đá tảng mà Simon được mời gọi sát nhập vào đó!

Đức Thánh Cha cũng cắt nghĩa chúng ta cũng được mời gọi tháp nhập đời ta vào Chúa, nhờ đó chúng ta có thể thực hiện được những công cuộc cho Chúa…

Để kết luận, Đức Thánh Cha hướng về Đức Mẹ, hiến dâng mọi sự cho Chúa, đặt Chúa làm trung tâm cuộc sống thường ngày của chúng ta.
 
Các nhà khoa học xác nhận một cây thánh giá tại Ý là cây thánh giá gỗ lâu đời nhất ở Âu châu
Đặng Tự Do
17:26 29/06/2020

Các nhà khoa học đã xác nhận trong tháng này rằng một cây thánh giá ở thành phố Lucca của Ý là cây thánh giá bằng gỗ lâu đời nhất ở Âu châu.

Một nghiên cứu dựa trên phóng xạ carbon được thực hiện bởi Viện Vật lý hạt nhân quốc gia ở Florence đã xác định cây thánh giá bằng gỗ dài 2.4m có niên đại giữa năm 770 và 880 sau Chúa Giáng Sinh.

Nghiên cứu này đã được nhà thờ chính tòa Lucca ủy nhiệm nhân dịp kỷ niệm 950 năm thánh hiến ngôi nhà thờ đã được xây dựng vào cuối thế kỷ 12.

Lucca là một thành phố và một cộng đồng dân cư trong vùng Tuscany, miền Trung nước Ý, trong một vùng đồng bằng màu mỡ gần biển Tyrrhene. Đây là thủ phủ của tỉnh Lucca. Nó nổi tiếng với những bức tường thành phố có từ thời Phục hưng và vẫn còn nguyên vẹn.

Lòng sùng kính Thánh Giá của thành phố này lan truyền khắp Âu châu trong thời Trung Cổ, vì những người hành hương thường dừng lại ở bức tường thành phố Tuscan trên đường hành hương dọc theo tuyến đường Via Francigena từ Canterbury đến Rôma.

Tác giả Dante đã từng nhắc đến lòng sùng kính thánh giá tại Lucca trong cuốn “Inferno”, và Hoàng Đế Anh William II đã long trọng tuyên thệ dưới cây thánh giá này vào năm 1087.

Dựa trên một tài liệu lịch sử, người Công Giáo địa phương tin rằng thánh giá đã đến Lucca vào cuối thế kỷ thứ 8. Nghiên cứu khoa học này đã xác nhận tin tưởng này là đúng. Tuy nhiên, nghiên cứu này không khẳng định một truyền thuyết khác cho rằng cây thánh giá này được khắc bởi ông Nicodemus, một người sống cùng thời với Chúa Kitô.

Đức Tổng Giám Mục Paolo Giulietti Lucca ca ngợi kết quả của nghiên cứu này như một sứ điệp đúng thời điểm nói lên “tình yêu cứu độ của Đức Giêsu thành Nazareth, bị đóng đinh vì chúng ta. Đó là một ký ức sống động về của Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại.”

Do đại dịch coronavirus, nhà thờ chính tòa Lucca đã hoãn các sự kiện kỷ niệm 950 năm thành lập sang mùa thu năm nay. Nhiều người hy vọng cuộc rước nến hàng năm của thành phố vào ngày 13 tháng 9 để tôn vinh thánh giá sẽ được diễn ra. Đến nay nhiều đám rước tương tự ở Ý đã bị hủy bỏ vì COVID-19.

Cây thánh giá ít nhất 1, 140 tuổi có thể được nhìn thấy bên trong nhà thờ chính tòa Thánh Martin của thành phố Lucca.


Source:Catholic News Agency

 
Thủ đoạn của thị trưởng New York: Biểu tình chống Tổng thống Trump thì OK, nhà thờ thì hạn chế
Đặng Tự Do
17:27 29/06/2020

Đơn kiện của hai linh mục can đảm của tổng giáo phận New York đã đi đến thắng lợi. Một thẩm phán liên bang hôm thứ Sáu 26 tháng 6 vừa ra phán quyết rằng thành phố New York phải cho phép các cử hành tôn giáo trong nhà và ngoài trời theo cùng một thể thức như thành phố cho phép các cuộc biểu tình ngoài trời hoặc các trung tâm mua sắm trong nhà.

Thẩm phán liên bang Gary Sharpe của North New York District nói rằng tiểu bang không thể hạn chế các cử hành tôn giáo ngoài trời trong đại dịch, với điều kiện người tham dự tuân theo các yêu cầu xa cách xã hội. Đối với các cử hành trong nhà, ông nói, “thành phố không được có sự phân biệt đối xử đối với các nhà thờ so với các trường hợp khác, như các doanh nghiệp chẳng hạn.”

Tham gia đơn kiện của hai vị linh mục can đảm đang chăm sóc mục vụ tại phía Bắc thành phố còn có ba giáo sĩ Do Thái Giáo tại Brooklyn. Các vị đã kiện Thống đốc New York Andrew Cuomo, Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Letitia James và Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio vì vi phạm các quyền dân sự.

Đơn kiện cấp liên bang đã được nộp ngày 10 tháng 6 năm 2020, tại Tòa án Bắc New York, cáo buộc thống đốc, bộ trưởng và thị trưởng vi phạm các quyền của nguyên đơn trong việc thực hiện tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, hội họp theo Tu Chính Án thứ nhất và thứ mười bốn của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Trong một sự lạm dụng quyền lực chưa từng có, các bị cáo đã khai thác đại dịch COVID-19 để tạo ra, trong ba tháng qua, một chế độ độc tài thực sự bằng một mạng lưới phức tạp các lệnh hành pháp do bị cáo Cuomo và bị cáo Bill de Blasio tung ra.

Qua những sắc lệnh này, các bị cáo đã áp đặt và chọn lọc việc thực thi “khoảng cách xã hội’ dưới một chế độ “cách ly” áp đặt lên hầu như mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị, tôn giáo và kinh tế của 8.3 triệu cư dân New York dưới chiêu bài “sức khỏe cộng đồng” một cách tùy tiện theo những lợi ích chính trị của mình.

Lá đơn chỉ ra rằng “các nhà thờ Công Giáo và các hội đường Do Thái Giáo thì không được mở nhưng các cuộc biểu tình hàng ngàn người chen vai thích cánh thì lại được phép, đơn giản vì đó là các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Trump là đối thủ chính trị của họ.”

Đáp lại diễn biến này Hội Đồng Giám Mục tiểu bang New York, đại diện cho các giám mục của tiểu bang, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào thứ Sáu rằng Hội Đồng vui mừng trước phán quyết của tòa án. Tuy thế, các nhà thờ có thể sẽ tiếp tục tuân theo các hướng dẫn y tế của tiểu bang để bảo vệ sức khoẻ cho cộng đoàn, mặc dù họ không còn bị ràng buộc phải làm như thế.

“Các Giám mục giáo phận phải cân nhắc nhiều yếu tố để mở cửa trở lại, quan trọng nhất là sự an toàn và sức khoẻ của các giáo đoàn, giáo sĩ và nhân viên giáo xứ của chúng ta, ” một phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục tiểu bang nói với CNA.

Thẩm phán Sharpe hôm thứ Sáu phê bình cách riêng Thị trưởng de Blasio vì ông ta cho thấy một sự đối xử ưu đãi bằng cách cho phép hoặc thậm chí khuyến khích các cuộc biểu tình ngoài trời bao nhiêu người cũng được, miễn chống Tổng thống Trump là được.

Cả Thống đốc Cuomo và Thị trưởng de Blasio đều xuất hiện để chia buồn hoặc thậm chí khuyến khích các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ngoài trời hàng loạt có hàng ngàn người tham dự trong những tuần gần đây, bất chấp giới hạn nghiêm ngặt của nhà nước đối với quy mô của các cuộc tụ họp ngoài trời là 10 người hoặc có lúc là 25 người.

Bill de Blasio, sinh ngày 8 tháng Năm, 1961 là người Mỹ gốc Ý. Ông ta là thị trưởng thứ 109 của thành phố New York Cha ông ta là người Đức. Mẹ ông ta là người Ý. Mẹ ông ta là người Công Giáo nhưng công khai tuyên bố bỏ đạo để chống lại giáo huấn Công Giáo về phá thai và đồng tính luyến ái. Bill de Blasio tự xưng mình là người có tín ngưỡng nhưng khẳng định mình không phải là người Công Giáo.

Vào ngày 2 tháng 6, de Blasio đã bảo vệ việc thực thi có chọn lọc các hạn chế về tụ tập của mình, nói rằng “Khi bạn thấy một quốc gia, cả một quốc gia đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng phi thường xảy ra trong 400 năm phân biệt chủng tộc Mỹ, tôi xin lỗi, đó là không phải là vấn đề tương tự như chủ cửa hàng hoặc các tín hữu sùng đạo muốn quay trở lại công việc của mình”.

Thẩm phán Sharpe nói: “Theo lời của họ, Cuomo và de Blasio đã cho thấy những gì họ biết là một sự coi thường trắng trợn các giới hạn ngoài trời và các quy tắc về khoảng cách xã hội. Qua đó, họ tung ra một thông điệp rõ ràng rằng các cuộc biểu tình rầm rộ đang được đối xử một cách hết sức ưu đãi vì các cuộc biểu tình ấy phù hợp với lợi ích chính trị của họ”.

De Blasio đã nhiều lần cảnh cáo các nơi thờ phượng với những khoản tiền phạt, đóng cửa vĩnh viễn và bắt giữ hàng loạt nếu họ không tuân thủ các lệnh y tế công cộng. Câu chuyện đóng cửa các nơi thờ phượng vĩnh viễn được nhiều người xem là một câu chuyện cực kỳ khôi hài. De Blasio làm được thị trưởng trong bao lâu mà đòi đóng cửa nhà thờ vĩnh viễn?

De Blasio đã từng chạy đua trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ để ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2020. Chẳng mấy ai bỏ phiếu cho ông ta nên y đã đình chỉ chiến dịch tranh cử của mình vào ngày 20 tháng 9 năm 2019 và quay sang ủng hộ Bernie Sanders năm tháng sau đó. Bernie Sanders cũng đi luôn sau đó.


Source:Daily Messenger

 
Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn bày tỏ niềm vui trước việc Bắc Hàn bãi bỏ các kế hoạch quân sự chống Nam Hàn
Đặng Tự Do
17:27 29/06/2020

Bắc Hàn đã đình chỉ các kế hoạch hành động quân sự chống lại Nam Hàn, truyền thông nhà nước Bắc Hàn KCNA cho biết như trên một ngày trước lễ tưởng niệm chiến tranh bùng nổ tại bán đảo Triều Tiên.

Một ngày trước đó, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân, hay còn gọi là Kim Jong Un, đã xuất hiện và chủ trì một cuộc họp hội nghị video để “nắm bắt tình hình” trước khi quyết định đình chỉ các kế hoạch quân sự.

KCNA cho biết quân đội Bắc Hàn đã gỡ bỏ các loa phóng thanh được nhìn thấy trong dọc theo biên giới hai miền.

Trong quá khứ, các loa phóng thanh này được dùng cho các mục đích tuyên truyền, nhưng hàng loạt các loa như thế đã bị gỡ xuống khi hai miền Nam Bắc Triều Tiên ký hiệp định hòa bình vào năm 2018.

Các loa phóng thanh đã xuất hiện trở lại sau khi Bắc Hàn cho nổ tung một văn phòng liên lạc hai miền ở bên cạnh biên giới vào tuần trước sau một loạt các căng thẳng giữa hai miền vì Bình Nhưỡng phản đối những người đào thoát sang miền Nam, gửi các truyền đơn tuyên truyền và thực phẩm vào miền Bắc bằng các quả bong bóng.

Họ nói rằng chiến dịch thả bong bóng này xúc phạm nhà lãnh đạo Kim Chính Ân và vi phạm thỏa thuận hòa bình năm 2018 giữa hai miền.

Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Yoh Sang-Key, cho biết họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ.

Hôm 25 tháng 6, các Thánh lễ đã được cử hành trên khắp Nam Hàn nhân kỷ niệm 70 năm bùng nổ chiến tranh Triều Tiên. Các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên đang bị chia cắt. Hai miền Nam Bắc vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh, vì thực tế chiến tranh đã kết thúc với một thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.

Theo Hội đồng giám mục Hàn Quốc, 16 giáo phận ở Nam Hàn đã cử hành Thánh lễ tiếp nối nhau nhân ngày kỷ niệm bùng nổ cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1950-1953.

Các giáo xứ tuân giữ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn để ngăn ngừa lây lan Covid-19 bằng cách đo nhiệt độ, khử trùng tay và giữ khoảng cách.

Tại tổng giáo phận Hán Thành, là tổng giáo phận lớn nhất ở Nam Hàn, với 1.2 triệu tín hữu, Hơn 200 tín hữu đã tham dự Thánh lễ vào lúc 10 giờ sáng tại nhà thờ chính tòa Mân Đông.

Trong Thánh lễ, Đức Cha Andrew Yeom Soo-jung, tổng giám mục Hán Thành, bày tỏ niềm vui trước tuyên bố hủy bỏ các kế hoạch quân sự chống Nam Hàn của Kim Chính Ân.

Ngài khích lệ hai bên tìm ra các phương thế tích cực để đạt được một nền hòa bình lâu dài. Đức Hồng Y nói: “Tôi muốn tuyên bố rằng dù việc đạt được hòa bình thật sự mà tất cả chúng ta mong muốn là điều rất khó, nhưng nó không phải hoàn toàn là không thể.”

Đức Hồng Y nói: “Khi chính trị của sự tha thứ được lan truyền, công lý sẽ trở nên nhân đạo và hòa bình tồn tại lâu dài hơn.” Ngài cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính trị “vượt qua lợi ích cá nhân, đảng phái và quốc gia” và cố gắng đấu tranh cho hòa bình chung bằng cách nhận ra thiện ích chung và nguyện vọng của cả hai miền Nam và Bắc Triều Tiên.”

Đức Cha Lee Ki-heon, Chủ tịch Ủy ban Hòa giải Dân tộc Triều Tiên, đã đưa ra thông cáo mời gọi chính phủ Nam Hàn tìm những cách thế đẩy nhanh các trao đổi hai miền mà không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Cho đến nay, Bắc Hàn vẫn chịu một lệnh cô lập để trừng phạt kinh tế.


Source:Reuters
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ 29/06/2020
J.B. Đặng Minh An dịch
17:34 29/06/2020
Sáng 29 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ và làm phép các dây Pallium cho 54 vị Tổng Giám Mục chính tòa vừa mới được bổ nhiệm trong vòng một năm qua. Trong số các vị Tổng Giám Mục này có Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Sài Gòn. Đặc biệt, dây Pallium năm nay cũng được trao cho Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, vừa được chọn làm niên trưởng Hồng Y đoàn hôm 18 thánh Giêng năm nay.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có 10 vị Hồng Y. Do tình hình đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, lần đầu tiên không có phái đoàn Tòa Thượng Phụ Constantinople tham dự Thánh lễ theo truyền thống hàng năm, cũng không có các vị Tổng Giám Mục được nhận dây Pallium. Cộng đoàn tham dự thánh lễ không quá 100 người.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Trong ngày lễ mừng kính hai Thánh Tông đồ của thành phố này, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai từ ngữ chính: sự hiệp nhất và lời tiên tri.

Sự hiệp nhất

Chúng ta mừng lễ hai nhân vật rất khác nhau: Thánh Phêrô, một ngư dân suốt ngày bươn chải với thuyền và lưới, còn Thánh Phaolô là một trí thức Pharisêu giảng dạy ở nhiều hội đường. Khi thi hành sứ vụ, Thánh Phêrô giảng dạy cho người Do Thái, còn Thánh Phaolô rao giảng cho dân ngoại. Và khi gặp gỡ nhau trên bước đường rao giảng, hai vị có thể đã tranh cãi với nhau sôi nổi, Thánh Phaolô đã không ngần ngại thú nhận điều đó trong thư gửi tín hữu Galát (x Gal 2:11). Tắt một lời, hai vị là hai người rất khác nhau nhưng họ xem nhau như là anh em như vẫn thường xảy ra trong các gia đình rất gắn bó với nhau, nhưng vẫn có thể xảy ra nhiều tranh luận dù không ngừng yêu thương nhau. Sự gắn bó giữa hai Thánh Phêrô và Phaolô không đến từ những khuynh hướng tự nhiên, nhưng từ Thiên Chúa. Thiên Chúa không ra lệnh cho chúng ta phải thích nhau nhưng phải yêu thương nhau. Chính Ngài là Đấng đã kết hiệp chúng ta nhưng không hề làm cho chúng ta nên giống hệt nhau. Ngài kết hiệp chúng ta trong sự khác biệt của chúng ta.

Bài đọc thứ Nhất của Thánh lễ hôm nay cho chúng ta thấy nguồn mạch của sự hiệp nhất. Bài đọc ấy tường thuật lại kinh nghiệm của Giáo Hội tiên khởi trong thời gian bị khủng hoảng: Vua Hêrôđê nổi giận, tung ra sự bách hại kinh hoàng các tín hữu, và Thánh Giacôbê Tông đồ đã bị giết chết. Và giờ đây Thánh Phêrô bị bắt. Cộng đoàn như rắn mất đầu, mọi người đều lo sợ cho mạng sống của chính mình. Tuy nhiên, vào chính lúc bi thảm ấy, đã không có người nào trốn chạy, không người nào tìm cách cứu mình, không người nào bỏ rơi người khác, nhưng họ hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện. Họ đã tìm được sức mạnh từ lời cầu nguyện, và sự hiệp nhất mạnh hơn bất cứ đe dọa nào. Bản văn viết: “Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12:5). Hiệp nhất là hoa trái của lời cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện cho phép Chúa Thánh Thần can thiệp, mở rộng lòng chúng ta ra đón nhận niềm hy vọng, thu ngắn những khoảng cách, và giữ chặt chúng ta với nhau trong những thời khắc gian truân.

Chúng ta hãy để ý đến một khía cạnh khác: trong thời khắc khó khăn đó, không ai than phiền về tội ác và sự bách hại của Hêrôđê. Không ai buông ra những lời xúc phạm đến Hêrôđê – còn chúng ta thì đã quen lăng mạ những người có trách nhiệm. Than phiền là vô ích, và nhàm chán vì đối với các tín hữu, thật không chính đáng khi dành thời gian để than phiền thế giới, xã hội, và mọi thứ. Than phiền không thay đổi được gì. Chúng ta hãy nhớ rằng than van là cánh cửa thứ hai đóng lại trước Chúa Thánh Thần, như tôi đã nói điều này trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Thứ nhất là thần tượng hoá bản thân mình, thứ hai là làm nản chí và thứ ba là thái độ bi quan. Ba thái độ này đóng cửa lòng mình trước Chúa Thánh Thần. Các Kitô hữu này đã không đổ lỗi, nhưng họ cầu nguyện. Trong cộng đoàn đó không ai nói: “Nếu Phêrô cẩn thận hơn thì chúng ta đã không phải rơi vào hoàn cảnh như thế này”. Không, họ không than phiền Phêrô; họ cầu nguyện cho ông. Họ không nói xấu sau lưng Phêrô; họ thân thưa cùng Chúa. Ngày nay chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: “Chúng ta có đang bảo vệ sự hiệp nhất giữa chúng ta và sự hiệp nhất trong Giáo Hội bằng lời cầu nguyện không? Chúng ta có đang cầu nguyện cho nhau không? ” Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cầu nguyện nhiều hơn và than phiền ít hơn? Sự việc sẽ xảy ra giống như Phêrô trong tù: nhiều cánh cửa đang đóng kín sẽ được mở ra, nhiều xiềng xích sẽ bị vỡ tung. Chúng ta sẽ ngạc nhiên, giống như người tớ gái nhìn thấy Thánh Phêrô ở cổng nhưng không dám mở cổng, nhưng chạy ngược vào bên trong, ngạc nhiên bởi niềm vui khi thấy Thánh Phêrô (x Cv 12:10-17). Chúng ta hãy cùng cầu xin ơn biết cầu nguyện cho nhau. Thánh Phaolô đã khuyến khích các Kitô hữu cầu nguyện cho tất cả mọi người, nhất là cho các nhà lãnh đạo (1Tm 2, 1-3). “Nhưng cái nhà cầm quyền này…” và sau đó là nhiều tính từ. Tôi sẽ không đề cập đến những tính từ này bởi vì đây không phải là lúc, và cũng không phải là nơi để đề cập đến những tính từ mà chúng ta thường nghe chống lại những người cai trị. Cứ để Thiên Chúa phán xét họ; còn chúng ta thì hãy cầu nguyện cho họ! Chúng ta hãy cầu nguyện: vì họ cần những lời cầu nguyện của chúng ta. Đó là nhiệm vụ Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Chúng ta có thực hiện điều đó không? Hay chúng ta chỉ nói, chửi bới và chẳng làm gì cả? Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta khi cầu nguyện thì cũng biết nhớ đến những người không cùng suy nghĩ như chúng ta, những người đóng sầm cánh cửa vào mặt chúng ta, những người mà chúng ta cảm thấy rất khó tha thứ. Cầu nguyện là phương cách duy nhất để mở toang xiềng xích như đã từng xảy ra với Thánh Phêrô; chỉ có lời cầu nguyện mới có thể lót đường cho sự hiệp nhất.

Hôm nay các dây Pallium được làm phép, để trao cho Niên trưởng Hồng Y Đoàn và các Tổng Giám Mục đã được bổ nhiệm trong năm vừa qua. Dây Pallium nhắc nhở sự hiệp nhất giữa đàn chiên và Vị Mục tử, là người như Đức Giêsu, mang chiên trên vai để không bao giờ xa rời chiên. Hôm nay, theo truyền thống tốt đẹp, chúng ta liên kết cách riêng với Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople. Thánh Phêrô và Thánh Anrê là hai anh em, chúng ta trao đổi những cuộc viếng thăm huynh đệ vào những dịp lễ khi có thể. Chúng ta làm điều đó không chỉ vì lịch sự xã giao nhưng là phương thế để hành trình cùng nhau tiến tới mục đích Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng ta: đó là sự hiệp thông trọn vẹn. Hôm nay chúng ta không thể làm như vậy vì những khó khăn đi lại do đại dịch coronavirus gây ra, nhưng khi tôi tôn kính hài cốt của Thánh Phêrô, trong lòng tôi cảm thấy có người anh em yêu quý Bácthôlômêô. Họ ở đây, với chúng ta.

Lời tiên tri

Từ thứ hai là lời tiên tri. Sự hiệp nhất và lời tiên tri. Đức Giêsu đã thách đố các tông đồ. Ngài hỏi Phêrô: “Còn anh, anh bảo thầy là ai? ” (Mt 16, 25). Lúc đó Phêrô nhận ra rằng Thiên Chúa không quan tâm người khác nghĩ thế nào, nhưng Ngài quan tâm đến quyết định cá vị theo Ngài của ông. Cuộc đời Thánh Phaolô cũng đã thay đổi sau một thách đố tương tự khi Đức Giêsu hỏi: “Saolo, Saolo, sao ngươi bắt bớ ta? ” (Cv 9, 4). Thiên Chúa đã đánh động đến tận sâu thẳm tâm hồn Thánh Phaolô: không chỉ làm ông ngã ngựa trên đường Damas, Ngài đã đánh đổ cả cái ảo tưởng của Phaolô về lòng nhiệt thành sống đạo. Kết quả là, Saolo kiêu hãnh đã biến thành Phaolô, một cái tên có nghĩa là “nhỏ bé”. Những thách đố và hoán cải đã được tiếp nối với những lời tiên tri: “Anh là Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 18); và với Phaolô Chúa phán: “Người ấy là khí cụ Ta đã chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái nhà Israel” (Cv 9: 15). Lời tiên tri được nảy sinh khi chúng ta chấp nhận những thử thách bởi Thiên Chúa, chứ không phải khi chúng ta cố giữ mọi sự im lặng trong tầm kiểm soát của mình. Lời tiên tri không nảy sinh từ những suy nghĩ của tôi, từ con tim đóng kín của tôi. Nó nảy sinh nếu chúng ta để cho Thiên Chúa thách đố chúng ta. Khi Tin Mừng đảo lộn những điều chắc chắn, lời tiên tri được nảy sinh. Chỉ những ai mở lòng ra với những bất ngờ của Thiên Chúa mới có thể trở thành tiên tri. Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là những vị tiên tri nhìn thấy tương lai. Thánh Phaolô là người đầu tiên tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đức Kitô, là Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16:16). Thánh Phaolô, người đã tiên báo cái chết đã gần kề của mình: “Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chính Chúa sẽ trao phần thưởng đó cho tôi” (2Tm 4: 8).

Ngày nay chúng ta cần lời tiên tri, nhưng là lời tiên tri chân thật; chúng ta không cần những diễn giả ồn ào đang hứa hẹn những điều không thể xảy ra, nhưng là những chứng nhân rằng Tin Mừng là khả thi. Điều cần thiết không phải là những màn biểu diễn phép lạ. Tôi cảm thấy buồn khi nghe ai đó nói “Chúng ta cần một Giáo Hội tiên tri”. Đúng lắm. Nhưng anh chị em đang làm gì, để Giáo hội có tính tiên tri? Chúng ta cần những cuộc đời thể hiện phép lạ của tình yêu Thiên Chúa. Không áp đặt, nhưng thẳng thắn. Không nói huyên thuyên, nhưng cầu nguyện. Không phát biểu dài dòng, nhưng phục vụ. Không lý thuyết dông dài nhưng là chứng nhân. Chúng ta không trở nên giàu có, nhưng trái lại yêu mến người nghèo. Chúng ta không tích lũy cho mình nhưng trao ban chính mình cho tha nhân. Chúng ta không tìm kiếm sự công nhận của thế giới này, không cố làm được lòng mọi người như có người nói “làm vui lòng cả Thiên Chúa lẫn thế gian”, được lòng cả thế gian – không, điều này không phải là tiên tri. Chúng ta cần niềm vui của thế giới mai hậu. Chúng ta không cần những kế hoạch mục vụ chỉ có hiệu quả đóng kín trong chính mình đến mức coi mình là các bí tích, không cần các kế hoạch mục vụ có hiệu quả như thế. Chúng ta cần những mục tử hiến mạng vì đàn chiên: những người yêu mến Thiên Chúa. Cách Thánh Phêrô và Thánh Phaolô rao giảng về Đức Giêsu cho thấy các ngài là những người yêu mến Thiên Chúa say đắm, cuồng nhiệt. Khi bị đóng đinh vào thập giá, Thánh Phêrô không nghĩ đến mình nhưng nghĩ đến Chúa Giêsu và tự cho mình không xứng đáng chết như Ngài, vì thế Thánh Phêrô đã xin cho bị đóng đinh vào thập giá dốc ngược đầu xuống. Trước khi bị chém đầu, Thánh Phaolô chỉ nghĩ đến việc hiến dâng mạng sống; thánh nhân đã viết rằng ngài muốn “đổ máu làm lễ tế” (Tm 4, 6). Đó là lời tiên tri, và lời tiên tri ấy đã thay đổi lịch sử.

Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã nói tiên tri về Thánh Phêrô rằng: “Anh là Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Cũng có lời tiên tri tương tự như thế cho chúng ta. Lời tiên tri ấy được tìm thấy trong cuốn cuối cùng của Kinh Thánh, khi Chúa Giêsu hứa với các nhân chứng trung thành của Ngài: “một viên sỏi trắng, trên đó có khắc một tên mới” (Kh 2:17). Như Chúa đã đổi tên ông Simon thành Phêrô, Ngài cũng kêu gọi mỗi người chúng ta để biến đổi chúng ta trở thành những viên đá sống động để xây dựng một Giáo Hội canh tân và một nhân loại được đổi mới. Luôn có những kẻ phá hủy sự hiệp nhất và bóp nghẹt lời tiên tri, nhưng Thiên Chúa luôn tin tưởng chúng ta và Ngài hỏi anh chị em: “Con có muốn trở thành người xây dựng sự hiệp nhất không? Con có muốn trở thành tiên tri của Nước Trời ở thế gian này không? ”

Anh chị em, hãy để chúng ta bị thách thức bởi Đức Giêsu và tìm ra can đảm để thưa với Ngài rằng: “Vâng, con muốn!”


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thiên Ân TGP Saigon Mừng Lễ Thánh Phero va Phaolo 29-06-2020
Giáo xứ Thiên Ân
19:16 29/06/2020
Cộng đoàn Giáo họ Phero và cộng đoàn Giáo xứ Thiên Ân rước Thánh tượng Thánh Phero và Thánh lễ trọng thể được cử hành vào lúc 17g30 ngày 29/06/2020 do cha Chánh xứ Phero, Cha Phó Giuse và Cha Lu-y Gonzaga đồng tế và cộng đoàn hiệp dâng.

Hòa chung niềm vui với toàn thể Giáo hội trong ngày lễ kính hai Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.

Vào lúc 17g30 ngày 29.06.2020 Cộng đoàn giáo xứ Thiên ân nói chung và giáo họ Phêrô nói riêng đã long trọng tổ chức Thánh lễ Tạ ơn. Mừng bổn mạng Giáo họ Phêrô và bổn mạng Cha chánh xứ Phêrô.

Xem hình

Trong không khí tưng bừng, phấn khởi của ngày lễ, cộng đoàn giáo họ Phêrô tay cầm cành huệ trắng, tề tựu đông đủ tại khuôn viên thánh đường cùng Cha chánh xứ Phêrô, quí tu sĩ, các ban ngành đoàn thể và toàn thể cộng đoàn giáo xứ long trọng rước Thánh tượng Thánh Phêrô qua các giao lộ và tiến vào thánh đường trong tiếng ken2va tiếng ca vang của Ca đoàn Gioan Phaolo II, (tiền thân là ca đoàn Phêrô).

Thánh lễ đồng tế tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho những người còn sống cũng như đã qua đời trong giáo xứ nói chung và giáo họ Phêrô nói riêng, do Cha Chánh xứ Phêrô Nguyễn Văn Tâm chủ tế cùng Cha hai cha đồng dâng.

Tham dự Thánh lễ gồm: giáo dân trong giáo họ Phêrô, các ban ngành đoàn thể và đông đảo cộng đoàn giáo dân trong giáo xứ.

Bài tin mừng theo Thánh hôm nay, cha chủ tế kêu gọi mọi người trong giáo xứ, đặc biệt là Giáo họ Phêrô hãy noi gương hai vị Thánh nhân làm chứng và giới thiệu Chúa Giêsu đến với mọi người xung quanh bằng đời sống đức tin của mình và làm gương sáng qua đời sống chân thật, đạo đức, ngay trong gia đình, trong giáo họ, giáo xứ. Đặc biệt siêng năng tham dự thánh lễ, lắng nghe lời Chúa và làm theo lời Chúa.

Nhân ngày mừng lễ kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô hôm nay, chúng ta dâng lên Chúa lời cám tạ tri ân. Và xin hai vị thánh quan thầy tiếp tục bầu cử cùng Chúa ban xuống Giáo họ Phêrô, cho quý ông, quý anh nhận Thánh nhân làm quan thầy và cho tất cả mọi người trong giáo xứ nhiều ơn lành hồn xác »

Trước khi nhận phép lành, vị Chủ tịch Giáo họ Phêrô đại diện cho giáo họ chân thành cảm ơn Cha chánh xứ, quý ân nhân, hội đồng mục vụ, Ca đoàn, Ban lễ sinh, Ban trật tự của Giáo xứ Thiên ân. Và tất cả mọi người đã âm thầm giúp đỡ cho giáo họ trong việc tổ chức thánh lễ được long trọng và sốt sắng hôm nay.

Sau lời cảm tạ, đại diện giáo họ dâng lên Cha chánh xứ những bông hoa tươi thắm gói trọn tâm tình yêu mến và kính trọng của giáo họ Phêrô dành cho Cha trong ngày mừng thánh quan thầy Phêrô.

Thánh lễ được kết thúc vào 18h15’, với lời cầu chúc bình an, cầu mong sự hiệp nhất, yêu thương mãi ở lại trong lòng mỗi người trong giáo họ Phêrô và tất cả mọi thành phần Dân Chúa trong cộng đoàn giáo xứ.

Sau Thánh Lễ Giáo Họ Phero cùng các ban ngành đoàn thể chung vui tại Hoa Viên Giáo xứ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bình luận câu Đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ của Kinh Lạy Cha
Vũ Văn An
01:05 29/06/2020

Trong bài “quanh việc Đức Phanxicô muốn sửa Kinh Lạy Cha” (http://www.vietcatholic.net/News/html/240454.htm, 10 Dec 2017), chúng tôi có dựa vào cuốn "The Gospel According to Luke", 2 cuốn, Doubleday, 1985 của Cha Jos. A. Fitzmyer, Dòng Tên, để quả quyết rằng lối dịch Kinh Lạy Cha của Bản Phổ Thông “Ne nos inducas in tentationem” và của Bản Tiếng Anh “Lead us not into temptation” không sai nguyên bản Hy Lạp, thậm chí cả Aram nữa.

Trên số 84 năm 2003 của "Biblical Studies On The Web (www.bsw.org)", Cha Fitzmyer đã viết một bài đầy đủ hơn về vấn đề này. Chúng tôi xin lược dịch bài này để độc giả tìm hiểu thêm, với lời xin lỗi trước là vì chúng tôi không có chuyên môn về các cổ ngữ Hy Lạp hay Aram, chỉ lặp lại các hạn từ bằng 2 ngôn ngữ này trong bài viết của Cha Fitzmyer ở số 84 của Bộ “Biblical Studies on the Web”
:



Lời cầu xin thứ sáu của Kinh Lạy Cha đã được dịch nhiều cách khác nhau trong các thế kỷ qua. Bài này thảo luận nghĩa đen và các lối diễn giải cho phép của nó, bằng cách giải thích nghĩa của “cám dỗ” và hànhh động Thiên Chúa “dẫn” ta vào đó, cũng như các mưu toan khác nhau nhằm tránh né ý nghĩa hiển nhiên của lối hành văn Hy Lạp, kể cả nguyên bản giả thiết Aram. Bài này kết thúc với việc giải thích lời cầu xin này theo quan điểm mục vụ.

Soạn giả Tin Mừng Mátthêu mô tả Chúa Giêsu, nhân Bài Giảng Trên Núi, đã dạy các môn đệ cách cầu nguyện và thưa với Thiên Chúa là “Lạy Cha Chúng Con”. Lời cầu thứ sáu của Kinh Lạy Cha trong Tin Mừng (6:13) đọc là: καὶ μὴ εἰσενέγκῃς ἡμᾶς εἰς πειρασμόν (kai mē eisenenkēs hēmas eis peirasmon) “và đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ”. Cũng cách dùng từ này đã được tìm thấy nơi lời cầu thứ năm và cuối cùng của Kinh Lạy Cha trong Luca 11:4. Nó đã được lưu truyền trong hình thức này trong mọi thủ bản Hy Lạp của cả hai Tin Mừng; không có các lối đọc khác. Cùng một lời lẽ như thế cũng đã tìm thấy nơi Didache 8, 2 và được mô phỏng nơi Polycarp, Phil. 7, 2.

Khác với mọi lời cầu xin trước đó trong Kinh Lạy Cha, lời này được phát biểu ở thể tiêu cực, nhưng được tiếp liền bởi một lời cầu bổ túc dẫn khởi bằng một liên từ đối lập “Nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Ngoại trừ G. Schwarz, không có lý do gì để loại lời cầu thứ sáu ra khỏi Kinh Lạy Cha nguyên thủy như đã được Chúa Giêsu đọc. Chỉ có hai chữ trong lời cầu thứ sáu này cần được giải thích mà thôi.

καὶ μὴ εἰσενέγκῃς ἡμᾶς εἰς πειρασμόν (kai mē eisenenkēs hēmas eis peirasmon)

Chữ thứ nhất là động từ mē eisenenkēs, ở thể cầu khẩn bất định, dùng như một hình thức ra lệnh tiêu cực nhưng lịch sự. Động từ này có nghĩa là “đem vào” (1 khu vực hay 1 chỗ), như trong Lc 5:18-19, nơi những người khiêng người bất toại trên một băngca, tìm cách đem người này tới trước Chúa Giêsu, nhưng không có đường vì bị đám đông án ngữ. Cũng thế, trong Sáng Thế 43:18, Xuất Hành 23:19, Dân Số 31:54 của Bản Bẩy Mươi cũng thế. Trong 1 Timôtê 6:7, viết rằng “chúng tôi không đem được điều gì vào thế gian”, một câu nói được trích dẫn từ Polycarp, Phil 4, 1. Xin xem thêm Dt 13:11, Lc 12:11 (đem ta tòa).

Động từ này cũng được dùng theo nghĩa rộng hơn để chỉ việc khiến ai bước vào 1 biến cố hay 1 tình trạng, như thể vào 1 nơi vậy; đây chính là ý nghĩa của lời cầu thứ sáu, như trong Mt 6:13… Một nghĩa hơi khác đi một chút tìm thấy nơi Cv 17:20 khi người ta nói Thánh Phaolô “đem các đề tài lạ hoắc” tới tai người Nhã Điển. Cũng thế, Hermas, Sim. 8.6.5; Xenophon, Mem. 1.1.2. Trong tất cả các điển hình này, nghĩa của động từ ghép này rất rõ là "đem vào", "dẫn vào". Theo các cuộc thảo luận hiện đại về ý nghĩa của động từ, điều quan trọng nên ghi nhận là động từ Hy Lạp này, trong hầu hết các lần xuất hiện trong Bản Bẩy Mươi, là dịch hình thức gây ra hay có tính nguyên nhân của các động từ Hípri, nhất là động từ hiph’il (xem Đnl 7:26).

Chữ thứ hai cần được chú giải là chữ peirasmon, căn bản có nghĩa là “thử nghiệm” (test) hay “thử thách” (trial). Nó và nhất là hình thức động từ peirazein chỉ một hành động qua đó, người ta muốn chứng nghiệm hay kiểm tra phẩm chất của một người hay một vật, như trong Khôn Ngoan 3:5; St 22:1; Hc 6:7; 27:5, 7; 1Pr 4:12. Trong những trường hợp này, nó có nghĩa “thử nghiệm” hay “kiểm tra”. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng chỉ một mưu toan khiến một ai đó làm điều bậy, một “cám dỗ”, hay “dụ dỗ” (phạm tội). Vậy trong lời cầu xin thứ sáu của Kinh Lạy Cha, peirasmon có nghĩa gì? Người ta vẫn hiểu nó theo 3 cách sau đây:

(1) Trong Tin Mừng Mátthêu, nhiều nhà chú giải nhấn mạnh tới khía cạnh cánh chung của nó. Trong trường hợp này, peirasmon có thể chỉ sự khổ não vào ngày tận thế (Xem Mc 13:19, ám chỉ Đn 12:1; Kh 3:10) và muốn nói tới sự “thử thách” rù quyến tín hữu bội giáo. Liệu lối hiểu này có áp dụng vào Kinh Lạy Cha của Thánh Luca hay không, nơi có sự lưu tâm nhiều hơn tới cuộc sống hàng ngày của Kitô hữu, là điều vẫn còn đang được tranh cãi. Tuy nhiên, một số nhà chú giải thách thức lối giải thích chữ peirasmon không có mạo từ này, vì nó không được dùng như thế ở bất cứ nơi nào khác trong Tân Ước.

(2) Peirasmon trong lời cầu xin thứ sáu có thể chỉ việc “thử thách” tín hữu ngay trong cuộc sống bình thường của họ mà trong tiếng Pháp là “épreuve”.

(3) Peirasmon có thể chỉ cơn “cám dỗ”; đây là nghĩa rộng rãi hơn của việc thường xuyên gặp nguy hiểm bị dụ dỗ phạm tội, như ở nhiều nơi khác trong Tân Ước (như Mc 14:28; Mt 26:41; 1Tx 3:5; 1Tm 6:9; Gcb 1:12).

Đối với nhiều nhà chú giải, trong lời cầu xin này, bất kể hiểu theo nghĩa cánh chung hay nghĩa rộng rãi hơn, peirasmon ít khi chỉ 1 điều xuất phát từ bên trong con người (nghi ngại, thèm khát, bệnh tật, ham muốn) nhưng đúng hơn chỉ một điều xuất phát từ bên ngoài. Đúng hơn, nó là một sức mạnh, một hoàn cảnh, hay một biến cố tác động tới người bị thử thách hay cám dỗ, xuất phát từ một người hay một vật nào đó nhằm thách thức cá nhân chứng tỏ lòng trung thành.

Đó có thể là người hay ma qủy, như lời cầu xin thứ bẩy trong Kinh Lạy Cha của Tin Mừng Mátthêu, tùy ở việc hiểu chữ tou ponērou theo nghĩa trung tính “sự dữ” hay theo nghĩa giống đực “Thần Dữ” tức Satan. Trong Tin Mừng Mátthêu, peirasmon hay động từ peirazein còn chỉ sự thử thách xuất phát từ một nguồn thù nghịch nhân bản hay ma qủy (4:1, 3; 19:3; 22:18, 35), nhằm phá hoại tư cách người nào đó (thường là của Chúa Giêsu).

Nhân dịp này, linh mục Fitzmyer còn bàn rộng lời cầu thứ sáu này dưới 9 tiểu mục:

1. Nghĩa đen lời cầu xin;
2. Thử thách hay cám dỗ;
3. Cách diễn tả hành động của Thiên Chúa;
4. Lối diễn giải sơ khai theo nghĩa nguyên nhân và việc phát biểu lại lời cầu xin;
5. Song hành của lời cầu xin trong Do Thái Giáo;
6. Các lối dịch lại cận đại tại các nước có ngôn từ lãng mạn;
7. Các cố gắng biện minh cho lối diễn giải cho phép;
8. Lối dịch của người Hy lạp; và
9. Vấn đề giải thích theo nghĩa mục vụ.

1. Dịch lời cầu xin theo lối chiểu tự

Vì ý nghĩa của eisenegkêspeirasmon vừa nhắc trên đây, lời cầu xin thứ sáu trong Kinh Lạy Cha thường được dịch sang các ngôn ngữ khác cách khác nhau mà ta cần lưu ý. Cách hay được dùng hơn cả là cách của Bản La Tinh Cổ và Bản Phổ Thông (1).

Bản Phổ Thông: ne inducas nos in temptationem (R. Weber hiệu đính).
Bản Syriac Peshitta: wela talan lenesyuna (ne inducas nos in tentationem); Bản Cổ Syariac Tin Mừng Mátthêu đúng hơn đọc là wela ayteyan (đừng khiến chúng con bước vào).
Bản tiếng Anh: lead us not into temptation (đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ) (RSV, NIV, NRSV).
Bản Tiếng Đức: führe uns nicht in Versuchung (Einheitsübersetzung, Luther, Klostermann, Gnilka, Wilckens, Wiefel).
Bản tiếng Pháp: ne nous conduis pas dans la tentation (TOB [1988], Bonnard). Nhưng bản mới đây của Hội Đồng Giám Mục Pháp: Ne nous laisse pas entrer en tentation (đừng để chúng con bước vào cơn cám dỗ).
Tiếng Ý: non ci indurre in tentazione.
Tiếng Tiệp: a neuvod’ nás v pokusŠení.
Tiếng Flemish/Dutch: en leid ons niet in bekoring.
Tiếng Ba Lan: nie wódz nas na pokuszenie.

Hình thức trên đôi khi được biến chế đôi chút, nhưng vẫn giữ nghĩa căn bản là: đừng đem chúng con vào cơn cám dỗ.

2. Thử thách hay cám dỗ

Bất luận phát biểu cách nào ý nghĩa căn bản của lời cầu xin thứ sáu trong Kinh Lạy Cha, nó vẫn cho thấy Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu xin Thiên Chúa đừng dẫn họ vào cơn cám dỗ, vào thử thách, hay vào cuộc thử thách cuối cùng về lòng trung thành của họ.

Tân Ước thậm chí còn ghi lại rằng chính Chúa Giêsu đã bị Thiên Chúa thử thách. Sau khi Chúa Giêsu được Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, Thánh Máccô ghi rằng “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa” nơi Người ở lại 40 ngày, “chịu Satan cám dỗ” (1:12-13). Tính nguyên nhân của Chúa Thánh Thần là điều hết sức rõ ràng. Thánh Mátthêu cũng ghi lại tương tự như thế, “Chúa Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để bị ma qủy cám dỗ” (4:1). Trường hợp này, tính nguyên nhân của Chúa Thánh Thần còn được phát biểu rõ hơn nữa. Xin xem thêm Luca 4:1-2 nơi ngài còn ghi rằng Chúa Giêsu “đầy tràn Thần Khí”, có ý nhắc lại cảnh chịu phép rửa ở 3:21-22. Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào chỗ đối địch với Satan, trong đó, Người sẽ chứng minh Người luôn trung thành trong tư cách Con Thiên Chúa. Rõ ràng, Chúa Thánh Thần không phải là nguồn gốc hay nguyên nhân của cuộc thử thách hay cám dỗ nhưng hành xử như tác nhân thần thánh đem Chúa Giêsu vào một hoàn cảnh trong đó lòng trung thành con thảo của Người bị thử thách.

Nếu, trong cuộc sống dương gian của Người, Chúa Giêsu chịu Thần Khí Thiên Chúa thử thách hay cám dỗ như thế, thì việc này quả cung cấp bối cảnh cho lời cầu xin thứ sáu của Kinh Lạy Cha, Kinh mà Người dạy các môn đệ thưa với Cha trời của Người và của họ.

Cả điển hình của Chúa Giêsu và lời cầu xin thứ sáu đều chỉ vang vọng ý niệm từng có trong Cựu Ước về việc Thiên Chúa để dân Israel của Người phải chịu thử nghiệm, thử thách hay cám dỗ. Bởi thế, Ápraham đã bị Thiên Chúa “thử thách” Khi Người yêu cầu ông hy sinh đứa con trai duy nhất của ông là Isaác (St 22:1-2), sau khi hứa với ông một dòng dõi đông đúc (St 15:5-6; 17:19; xem Hc 44:20d; 1 Mcb 2:52; Dt 11:17). Rồi Thiên Chúa “thử thách” dân Israel trong hoang địa, khi họ khao khát nồi thịt Ai Cập, để xem xem “liệu chúng có tuân theo giáo huấn của Ta hay không” (Xh 16:4). Xin xem thêm Xh 20:20; Đnl 8:2-3, 16; 13:3; Cn 3:12; và nhất là Sách Gióp 1:8-12, 22; 40:8; 42:2, 7, trong đó, Thiên Chúa thậm chí đã khởi dẫn việc thử thách ông Gióp. Trong Tôbia 12:14, tổng lãnh thiên thần Raphael nhìn nhận rằng ngài “được sai đến thử thách” Tôbia, nghĩa là được Thiên Chúa sai đến (Tb 3:17).

Việc thử thách trên thường bao gồm một hành động không luôn tốt của Thiên Chúa đối với người liên hệ, ít nhất thì cũng không tốt ngay lập tức; thực vậy, đôi khi nó còn xấu nữa. Thí dụ, khi Thiên Chúa sai một thần dữ đến giữa Abimelech và các thân hào Shechem (Tl 9, 22-24); hay khi Người sai một thần dữ đến chống lại Vua Saul (1Sm 18:10). Tương tự như thế, khi Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân Do Thái, Người đã kích động Đavít chống lại họ, thúc giục ông làm cuộc kiểm tra dân số Do Thái (2Sm 24:1), một việc dữ mà soạn giả Sử Biên sau này qui cho Satan (1Sb 21:1). Sách Đanien 1:1-2 ghi lại việc Nabucôđônôxa đã đến Giêrusalem, “và Chúa nộp Giơhôgiakim vào tay hắn” ra sao; xem thêm 2V 24:11; rồi “Ai đã để cho Giacóp chịu cảnh bóc lột, đã trao Ítraen vào tay bọn cướp? Há chẳng phải là ĐỨC CHÚA hay sao? ” (Is 42:24-25). Ta còn có thể trích dẫn nhiều thí dụ khác về việc qui cho Thiên Chúa các hậu quả dữ gây ra cho con người; trong nhiều trường hợp, mục đích hay kết quả cuối cùng có thể tốt, nhưng hành động tức khắc thì không tốt. Do đó, có lời khuyên trong Huấn Ca: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu cám dỗ” (2:1). Tuy nhiên, lối suy nghĩ như thế đặt căn bản này: Thiên Chúa luôn dẫn dắt dân Người và ở với họ cả lúc dẫn họ vào thử thách, cám dỗ, hay sự dữ.
Một điển hình đáng lưu ý khi nói như thế về Thiên Chúa tìm thấy trong bản văn Do Thái ở Palestine trước thời Kitô Giáo tại Hang Qumran số 11. Trong một lời cầu nguyện được lưu giữ ở 11QPsa 24, 10 (= Tv 155 [Syriac Psalm III], dòng 11), ta đọc thấy "và đừng dẫn con vào điều quá khó đối với con".

3. Cách diễn tả hành động của Thiên Chúa

Cả trong Cựu Ước cũng như trong các điển hình Do Thái và trong các cuộc cám dỗ chính Chúa Giêsu, người ta thấy một lối suy nghĩ và phát biểu tiền luận lý (protological) về hành động của Thiên Chúa. Nó qui cho Thiên Chúa hay Thần Trí Người một tính nguyên nhân mà hậu quả có thể gây hại cho người liên hệ. Lối suy nghĩ này cho rằng Thiên Chúa cách nào đó là nguyên nhân của việc này, cho dù cơn cám dỗ hay thử thách không xuất phát từ Thiên Chúa. Lối suy nghĩ này được gọi là tiền luận lý vì nó tìm cách giải thích tình huống sai phạm hay bội giáo, nhưng nó không phải là một giải thích hoàn toàn hợp luận lý.

Nó bắt đầu với ý niệm Thiên Chúa dẫn dắt dân Người, đem họ đến nơi họ phải tới. Phát triển thêm, nó thậm chí gán cho Thiên Chúa mọi điều lành và mọi điều dữ xẩy tới cho con người, vì Người là nguyên nhân và là đấng dựng nên mọi sự. Thí dụ, Đệ Nhị Isaia bầy tỏ lối suy nghĩ này khi nó viết rằng Thiên Chúa phán “Ta tạo ra ánh sáng và dựng nên tối tăm, làm ra bình an và dựng nên tai hoạ. Ta là ĐỨC CHÚA, Ta làm nên tất cả” (Is 45: 7). Stuhlmueller đã khôn khéo nhận định về câu này như sau: “sự dữ không phải là một tên khổng lồ làm choáng váng thế giới tùy ý nó; một cách nào đó, nó hoàn tất ý muốn của Thiên Chúa trong việc thanh tẩy và kỷ luật hóa các kẻ Người chọn”. Một ý tưởng tương tự đã được phát biểu ở Amos 3:6: “Giả như tai hoạ xảy ra trong thành, lẽ nào lại không do ĐỨC CHÚA? ”. Và cả ở Isaia 10:5-20, nhất là câu 6, “Ta sai nó (Assyria) đến với một dân tộc vô luân (Giuđa), Ta truyền cho nó đến với một dân chọc giận Ta, để tha hồ cướp bóc, tha hồ tước đoạt, để giày đạp dân ấy như bùn đất ngoài đường”. Ở đây, điều cần lưu ý không phải chỉ là Thiên Chúa cho phép một hình phạt như thế đối với dân của Người qua tay kẻ thù của họ; không, Người được cho hay là nguyên nhân của sự dữ xẩy ra cho họ. Tương tự như thế, ở Thủ Lãnh 2:14-15, “ĐỨC CHÚA nổi cơn thịnh nộ với Ítraen và đã trao họ vào tay quân cướp cho chúng tha hồ bóc lột; Người đã trao họ vào tay kẻ thù chung quanh, nên họ không thể đương đầu nổi với kẻ thù”. Cứ mỗi lần họ xuất trận là tay ĐỨC CHÚA giáng hoạ trên họ, như ĐỨC CHÚA đã phán và thề với họ. Họ lâm cảnh khốn cùng. Cứ mỗi lần họ xuất trận là tay ĐỨC CHÚA giáng hoạ trên họ, như ĐỨC CHÚA đã phán và thề với họ. Họ lâm cảnh khốn cùng”. Trong lối suy nghĩ này, nếu người ta bảo Thiên Chúa là nguyên nhân của sự dữ ấy, thì ta có thể hiểu được rằng Người dẫn họ vào tình huống thử thách hay cám dỗ, cho dù nguồn gốc tức khắc của cơn thử thách hay cám dỗ này không phải là chính Thiên Chúa.

Vấn đề trong lối suy nghĩ này là trong lịch sử suy tư, chưa xuất hiện sự phân biệt mà các thần học gia sau này đã đưa ra giữa ý chí cho phép của Thiên Chúa và ý chí tuyệt đối của Người. Thành thử, mọi sự xẩy đến với con người đều bị gán cho Thiên Chúa. Còn sự phân biệt này xuất hiện lúc nào thì không dễ xác định; nó chắc chắn đã được sử dụng trong các cuộc tranh luận về sự tiền định thời các giáo phụ. Lúc đó, người ta bảo Thiên Chúa để cho hay cho phép người ta rơi vào cơn cám dỗ hay bội giáo, nhưng chính Người không muốn thế một cách tuyệt đối.

Cũng có bằng chứng về lối suy nghĩ tiền luận lý này nơi Tân Ước, khi việc nhất thiết trừng phạt tội lỗi con người được gán cho sự giận dữ hay phán xét trừng trị của Thiên Chúa. Thí dụ, ở Rm 1:24, 26, 28, Thánh Phaolô cho rằng Thiên Chúa khiến dân ngoại ra dâm ô, say sưa bất xứng, và hành xử tồi bại. Trong các câu này, Thánh Phaolô tìm cách giải thích hợp luận lý tình thế thảm khốc của dân ngoại khi không có Tin Mừng; nhưng ngài lại làm thế một cách bán khai, mô phỏng cách Cựu Ước gán tình thế xấu xa này cho quyết định và hành động của Thiên Chúa, như một biểu hiện sự tức giận của Người (một phẩm tính của Thiên Chúa rút từ Cựu Ước). Hay ở Rm 9:18, ngài nói về Thiên Chúa “làm trái tim bất cứ ai Người chọn ra chai đá”, có ý nhắc đến Pharaô, mà Thiên Chúa làm cho cứng lòng ở Xh 4:21; 7:3; 9:12; 10: 20, 27; 14:8 (mặc dù các đoạn khác nói đến Pharaô xấu xa tự làm lòng mình ra chai đá: Xh 7:14; 8:15, 32). Đàng khác, ở Rm 11:32, Thánh Phaolô quả quyết rằng “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người vào sự bất tuân”. Ngược với lối suy nghĩ tiền luận lý này, người ta bắt đầu khám phá một lối suy nghĩ khác, đặc biệt trong các trước tác cuối thời Cựu Ước. Một điển hình đã được ghi nhận ở trên, khi 1Sb 21:1 được so sánh với 2Sm 24:1. Trong các trước tác đệ nhị thư của Huấn Ca, người ta nhận thấy một sự nhấn mạnh tới sự tự do của ý chí con người: “Con đừng nói: ‘Tại Đức Chúa mà tôi phạm tội’, vì điều Người gớm ghét, thì Người không làm. Đừng nói: ‘Chính Người làm tôi lầm đường lạc lối’, vì Người không cần kẻ tội lỗi” (Hc 15:11-12; xem thêm 15:20).

Thánh Phaolô cũng đã đóng góp vào lối suy nghĩ khác này khi ngài viết: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10:13). Ở đây, người ta thấy Thiên Chúa cho phép những kẻ trung tín với Người bị thử thách hay cám dỗ, và từ lối diễn giải sự việc này, người ta thấy các nhà chú giải sau đó đã thường tìm cách làm nhẹ ngôn từ của lời cầu xin thứ sáu trong Kinh Lạy Cha như thế nào.

Sau cùng, câu quả quyết rằng cơn cám dỗ không phát xuất từ Thiên Chúa đã được phát biểu rõ rệt trong Gcb 1:13: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai”. Tuy thế, ta cần phải nhớ rằng nói “Thiên Chúa không cám dỗ ai” là một chuyện, và nói Thiên Chúa “dẫn chúng con vào cơn cám dỗ” lại là một chuyện khác, vì ở đây, hệ luận khá rõ ràng là Chính Thiên Chúa không phải là nguồn gốc của cám dỗ, và đây chính là ý nghĩa câu nói trong Thư Giacôbê. Mặt khác, cơn cám dỗ được Thánh Giacôbê nói đến là cơn cám dỗ qua đó, người ta “bị chính dục vọng của họ dụ dỗ hay lôi kéo” (1:14) nghĩa là nó phát xuất từ bên trong, trong khi peirasmon của Kinh Lạy Cha phát xuất từ bên ngoài, như đã nhận xét ở trên.

Còn 1 kỳ
 
Bình luận câu Đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ của Kinh Lạy Cha, tiếp và hết
Vũ Văn An
20:11 29/06/2020

4. Lối diễn giải sơ khai như là phát biểu lại lời cầu xin

Tuy nhiên, trong các thời kỳ sau, tâm tình phát biểu ở 1Cr 10:13 và Gcb 1:13d đã tạo dịp cho nhiều lối phát biểu lại lời cầu xin thứ sáu, bắt đầu ngay sau khi được các phúc âm gia ghi lại. Thông thường, các soạn giả giáo phụ Hy Lạp sử dụng bản văn của Thánh Mátthêu hay của Thánh Luca, không thay đổi, nhưng các soạn giả La Tinh thường viết lại lời cầu xin bằng các chữ khác.

Trong số các nhà dẫn giải này, Tertullianô (A.D. 160-220) đã trích dẫn lời cầu xin thứ sáu như sau ne nos inducas in temptationem; nhưng rồi, ông tiến hành việc giải thích nó bằng lối diễn giải theo nghĩa cho phép: id est, ne nos patiaris induci ab eo utique qui temptat (De oratione 8.1; CCLat1.262), nghĩa là “đừng để chúng con bị dẫn vào cơn cám dỗ bởi kẻ cám dỗ ”. Khi viết chống lại Marcion, ông cũng sử dụng lối dẫn giải cho phép: Quis non sinet nos deduci in temptationem? Quem poterit temptator non timere an qui a primordio temptatorem angelum praedamnavit? (Đấng nào mà lại không để chúng ta bị dẫn vào cơn cám dỗ? Đấng mà kẻ cám dỗ không thể sợ hãi hay Đấng ngay từ nguyên thủy đã kết án tên cám dỗ vốn là thiên thần? ) (Adv. Marcionem 4.26.5; CCLat 1.615).



Từ lối phát biểu trên, các học giả có lúc đã diễn dịch rằng lối dẫn giải cho phép đã có trước Tertullianô, và một số thậm chí còn cho rằng chính Marcion đã phát biểu như thế.

Dù Bản La Tinh Cổ (VL) của Mt 6:13 thông thường đọc lời cầu xin trong Tin Mừng Mátthêu như sau: ne nos inducas in temptationem, sed libera nos a malo, nhưng ở một giai đoạn trước đó, lối dẫn giải cho phép đã được đưa vào một số bản chép tay kinh này, có lẽ để dùng trong phụng vụ: ne passus nos fueris induci in temptationem (MS c [Codex Colbertinus, thế kỷ 12/13]); ne passus fueris induci nos ... (MS k [Codex Bobiensis, thế kỷ 4/5]). Những dị bản này không thấy có trong hình thức Luca của lời cầu xin trong Bản La Tinh Cổ, là bản chỉ có lối dịch chiểu tự của Mt 16:13 mà thôi.

Sau này, Thánh Cyprianô (A.D. 200/210-258) trích dẫn lời cầu xin thứ sáu như sau ne patiaris nos induci in temptationem, chứ không biết tới lối dịch có tính chiểu tự nhiều hơn (De oratione Dominica 25; CCLat 3A. 106). Ngài lập tức giải thích rằng kẻ thù không thể làm gì chống lại ta được, ngoại trừ Thiên Chúa cho phép nó trước ("nisi Deus ante permiserit").

Một lối dẫn giải khác tìm thấy nơi Thánh Hilariô thành Poitiers (A.D. 315-367/368): non derelinquas nos in temptatione, quam sufferre non possumus (đừng để chúng con vào cơn cám dỗ mà chúng con chịu không được) (Tract. in Ps. 118, 15; CSEL 22.369). Câu này được dẫn khởi bằng câu "quod et in Dominicae orationis ordine continetur, cum dicitur" (điều được thấy trong thứ tự Kinh của Chúa, nói rằng); điều này cho thấy đây là cách Thánh Hilariô đọc lời cầu xin thứ sáu của Kinh Lạy Cha. Ngài đặc biệt nhắc đến 1Cr 10:13.

Thánh Ambrosiô (A.D. 339-397) cũng trích dẫn lời cầu xin này theo lối dẫn giải cho phép vốn có từ thời Tertullianô, ne patiaris nos induci in temptationem (De sacramentis 5.4.29; CSEL 73.7 1), rồi thêm lời giải thích "quam ferre non possumus" (mà chúng con không thể làm được), một lần nữa đã mô phỏng 1Cr 10:13. Tuy nhiên, ngài viết thêm "non dicit ‘non inducas in temptationem’" (không nói “đừng dẫn vào cơn cám dỗ”); điều này chứng tỏ ngài biết có một số người đọc lời cầu xin này theo lối dịch chiểu tự.

Tuy nhiên, Thánh Chromaxiô thành Aquileia (chết A.D. 407) dịch lời cầu xin này theo lối chiểu tự, ne nos inducas in tentationem, nhưng khi giải thích nó, ngài lại đưa vào một chút thay đổi cho lời dịch này ne nos inferas in tentationem, (đừng đem chúng con vào cơn cám dỗ) (Tract. in Ev. Matthaei 14.7.1-3; CCLat 9.433-434), một thay đổi không hề thay đổi ý nghĩa căn bản của nó. Hình thức sau của lời cầu xin theo Thánh Chromaxiô là lối thường được Thánh Augustinô thành Hippo (A.D. 354-430) sử dụng, ne nos inferas in temptationem (Enchiridion 30.115; CCLat 46.111; De peccatorum meritis 2.2.2; 2.4.4; CSEL 60.72, 74 [dòng 9]; De natura et gratia 53.62 and 68; 67.80; CSEL 60.278, 285, 294; Contra duas ep. Pelag. 4.13.27; CSEL 60.446).

Tuy nhiên, Thánh Augustinô có biết một hình thức La Tinh thường được dùng nhiều hơn, ne nos inducas in temptationem, vì ngài ghi chú "sicuti nonnulli codices habent" (theo một số bản chép) (De peccatorum meritis 2.4.4; CSEL 60.74 [các dòng 21-25]–75 [dòng 2]; De sermone Domini in monte 2.9.30; CCLat 3 5.119). Ngài cũng biết hình thức lời cầu xin này của "beatissimus Cyprianus" (đấng rất thánh Cyprianô), nhưng ngài thừa nhận rằng ngài chưa bao giờ có thể tìm thấy hình thức này trong bất cứ thủ bản Hy Lạp nào: "in euangelio tamen graeco nusquam... nisi ne nos inferas ...(tuy nhiên, không hề có trong tin mừng tiếng Hy Lạp… nhưng là đừng đem chúng con…) (De dono perseverantiae 6.12; PL 45. 1000). Thánh Augustinô cũng thận trọng giải thích rằng "aliud est autem induci in temptationem, aliud temptari" (tuy nhiên, bị đem vào cơn cám dỗ là một chuyện, mà bị cám dỗ lại là một chuyện khác) (De sermone Domini in monte 2.9.30) và ngài còn phân biệt thêm ý nghĩa chữ peirasmon: "còn một thứ cám dỗ (tentatio) khác gọi là thử thách (probatio). Về thứ cám dỗ này, có lời chép ‘Chúa, Thiên Chúa là Đấng thử thách ngươi, để xem ngươi có yêu mến Người không’ (Đnl 13, 3bc)" (Sermo 57.9; PL 38.390; Works of Saint Augustine 313.113; cf De sermone Domini in monte 2.9.3 1).

Thánh Giêrôm (A.D. 345-420): ne inducas nos in temptationem, quam ferre non possumus (Xin chớ dẫn chúng con vào cơn cám dỗ mà chúng con không thể làm được) (In Ezekielem 14.48.16; CCLat 75.735).

Trong số các giáo phụ Hy Lạp, chỉ xin trưng dẫn Origen (A.D. 185-254). Soạn giả này rõ ràng chỉ biết đến hình thức Hy Lạp căn bản của lời cầu xin thứ sáu, và đã viết trong khảo luận của ông về cầu nguyện: Như thế, mọi ‘đời sống’ của con người nhân bản trên trái đất đều là một cơn cám dỗ. Nên ta phải cầu xin để thoát khỏi cơn cám dỗ, không theo nghĩa đừng bị cám dỗ (vì điều này không thể nào có được, nhất là đối với những người đang sống ‘trên mặt đất”), nhưng theo nghĩa đừng bị vượt qua khi bị cám dỗ… (De oratione 29.9; GCS 2.385).

5. Song hành trong Do Thái Giáo của lời cầu xin.

Về cuối thời kỳ này cũng thấy xuất hiện một song hành đáng lưu ý trong lời cầu nguyện buổi tối của Do Thái Giáo, được gìn giữ trong Talmud Babylon: “Xin đừng để con làm quen với sự vi phạm, và đừng dẫn con vào tội lỗi, vào việc trái với đạo lý, vào cơn cám dỗ, và vào sự khinh thường” (b. Berakoth 60b).

Ngược với các kiểu phát biểu lại lời cầu xin thứ sáu của Kitô Giáo sau này, lời cầu nguyện của Do Thái Giáo vẫn duy trì lối suy nghĩ tiền luận lý của Cựu Ước, vì đây là lời cầu xin ngỏ cùng Thiên Chúa, xin Người đừng dẫn ta vào các tình huống như thế. Sự song hành cho thấy lời cầu xin thứ sáu của Tin Mừng Mátthêu rất quen thuộc trong bối cảnh Do Thái. Tuy nhiên nó làm ta bỡ ngỡ tại sao rất nhiều nhà bình luận về lời cầu xin này đã trích dẫn song hành này như thể nó đã là thành phần của bối cảnh Do Thái đương thời cho lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, trong khi nó chỉ được chứng minh trong Talmud thế kỷ thứ 5, và không phát xuất từ quê hương của Chúa Giêsu, mà là từ vùng Babylon xa xôi. Vì không có chứng cớ nào cho thấy lời cầu xin đã có trong Do Thái Giáo ở Palestine trước thời Kitô giáo, nên bất cứ lối giải thích nào về lời cầu xin này cũng ít có giá trị nếu đi quá việc xác nhận là đã có một song hành lý thú của lối suy nghĩ tiền luận lý ở một niên đại sau này.

6. Các lối diễn tả mới tại các nước sử dụng ngôn ngữ lãng mạn

Lối dẫn giải lời cầu xin thứ sáu theo nghĩa cho phép được các soạn giả xưa thời giáo phụ sử dụng đã dẫn tới nhiều lối diễn tả hiện đại về lời cầu xin này tại một số nước sử dụng ngôn ngữ lãng mạn. Thí dụ, trước Công Đồng Vatican II, tại Pháp, người ta thường đọc rằng

ne nous laissez pas succomber à la tentation (xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ); hoặc ne nous laissez pas tomber en tentation ; và ngay cả sau này: ne nous laisse pas entrer dans la tentation (chớ để chúng con bước vào cơn cám dỗ) (Osty-Trinquet, Bible de Segond [1978]).

Tiếng Tây Ban Nha: no nos dejes caer en la tentación.

Tiếng Catalonian: no permeteu que caiguem en la temptació.

Tiếng Bồ Đào Nha: não nos deixeis cair en tentação.

Dưới hình thức này hay hình thức khác, lối dẫn giải này tiếp tục được đề xuất. Hình thức được Klary đề nghị: non derelinquas nos in temptationem (chớ bỏ rơi chúng con trong cơn cám dỗ) gần đây đã được các giám mục Ý chấp thuận: non abbandonarci in tentazione.

Tuy nhiên, tác giả Gnilka rất đúng khi nhận định rằng nếu phải hiểu lời cầu xin thứ sáu chỉ như việc cho phép bước vào cơn cám dỗ, thì người ta rất có thể đang làm yếu đi ý nghĩa của bản Hy Lạp mà chúng ta đã thừa hưởng. Đàng khác, người ta không nên gán cho người phàm một sáng kiến mà bản Hy Lạp vốn gán cho Thiên Chúa, như Dupont và Bonnard từng nhấn mạnh một cách thích đáng.

7. Các cố gắng biện minh cho lối dẫn giải cho phép

Tuy nhiên, để bênh vực lối diễn tả lại theo nghĩa cho phép, một số nhà chú giải đã cho rằng người ta phải tự hỏi đâu là lời lẽ nguyên thủy của Chúa Giêsu thành Nadarét, vì dù Người có khả năng nói một số từ Hy Lạp, nhưng chứng cớ ta hiện có cho thấy rõ Người thường chỉ giảng dậy bằng tiếng Aram. Bản văn Hy Lạp có thể tái chuyển qua tiếng Aram thời ấy là wĕ’al ta‘ēlinnánā’ lĕnisyôn. Tuy nhiên, ...hình thức Aram của lời cầu xin này không thay đổi ý nghĩa của nó. Nó vẫn có nghĩa là “đừng khiến chúng con bước vào cơn cám dỗ” hay “chớ dẫn chúng con vào cơn cám dỗ”, nghĩa là y hệt như bản Hy lạp của Mt 6:13 hoặc Lc 11:4.

Tuy nhiên, J. Carmignac, vì cho rằng rất có thể Chúa Giêsu không diễn tả Kinh Lạy Cha bằng tiếng Aram, nhưng bằng tiếng Hípri, nên đã nhấn mạnh tới cơ sở Do Thái này. Đối với ông, nghĩa của lời cầu xin thứ sáu có thể là "Fais que nous n’entrions pas dans la tentation", nghĩa là "xin khiến chúng con đừng bước vào cơn cám dỗ”. Ông cho rằng đây là ý nghĩa duy nhất có thể có của lời cầu xin này.

Cho dù phải chấp nhận rằng động từ Hy Lạp đã phiên dịch một động từ Do Thái chỉ nguyên nhân, thì một cơ sở như thế vẫn không giúp ta, thậm chí không cho phép ta, chuyển thể phủ định từ hình thức chỉ nguyên nhân qua hình thức động từ thường được. A. George thì nhìn nhận rằng dù giải pháp của Carmignac có giá trị trong các ngôn ngữ thuộc hệ semitic, nó vẫn đã cưỡng chế một cách không thích đáng ý nghĩa lời lẽ của Chúa Giêsu như đã được duy trì trong bản Hy Lạp. Đàng khác, một người bênh vực lối dẫn giải cho phép hăng say đối với lời cầu xin như R.J. Tournay cũng phải nhìn nhận rằng giải pháp của Carmignac "n’a pas été retenue" (đã không được duy trì). Nó đã không thuyết phục được nhiều nhà chú giải không phải chỉ vì Carmignac tìm cách thiết lập cơ sở Semitic (Hípri) chứ không phải cơ sở Aram, nhưng còn vì chứng cớ được ông trình bầy trong bài viết "Fais que nous n’entrions pas" không thuyết phục được ai. Việc ông phân tích 28 điển hình trong Cựu Ước và Qumran Hodayot đáng lưu ý, nhưng chính ông cũng phải thừa nhận rằng "en beaucoup de circonstances, les deux idées ‘ne pas faire...’ et ‘faire ne pas...’ se confondent en pratique et l’on ne peut guère les distinguer" (trong nhiều hoàn cảnh, hai ý niệm ‘đừng khiến…’ và ‘khiến đừng…’ trên thực tế không khác nhau và người ta ít có thể phân biệt chúng).

Điều gây khó khăn là các ngôn ngữ hệ semitic có thể diễn tả nghĩa nguyên nhân trong một chữ, bằng cách sử dụng lối thay thế hình vị (morphemic) các nguyên âm bằng một căn phụ âm, thì trong các ngôn ngữ hệ Ấn Âu, người ta thường phải sử dụng lối nói quanh (ngữ giải thích: circumlocution) để diễn tả nghĩa nguyên nhân. Do đó, hình thức đơn giản của động từ Aram ll’ ((ālal) có nghĩa “bước vào”, trong khi hình thức nguyên nhân Il’nh ‘han‘el (Đn 6, 19) có nghĩa “bị khiến bước vào”. Nên, cơ sở Semitic của lời cầu xin thứ sáu có nghĩa “đừng khiến chúng con bước vào” hoặc “đừng dẫn chúng con vào” chứ không có nghĩa “đừng để chúng con bước vào”. Một cuộc nghiên cứu giá trị về hiện tượng này đã được thực hiện bởi E. Tov, người đã phân tích nhiều cách khác nhau trong đó hình thức chỉ nguyên nhân trong tiếng Hípri (hiphil) đã được phiên dịch trong Bản Bẩy Mươi... Dù sao, các bản dịch Bẩy Mươi của động từ hiphil tiếng Hípri thông thường không làm loãng ý nghĩa nguyên nhân hay biến nó thành chỉ có sắc thái cho phép.

Jenni cũng bàn đến vấn đề này trong một bài viết khá uyên bác. Bài này phân tích vấn đề theo quan điểm kỹ thuật ngữ học. Sau một thảo luận dài, cuối cùng ông phân tích 12 điển hình của động từ Aram ll’ trong Sách Đanien, cả trong các hình thức đơn giản (peal) lẫn hình thức chỉ nguyên nhân (haphel), nhất là Đn 6, 19, có nghĩa chiểu tự là “ông không khiến thực phẩm đem đến trước mặt ông” nhưng ông dịch là "auch liess er keine Frauen zu sich hereinbringen". Đây là nơi Bản Bẩy Mươi sử dụng động từ ei’sfe/rw để dịch động từ chỉ nguyên nhân ll’. Jenni gọi việc sử dụng ei’sfe/rw là lối dịch tổng hợp (vì đây là một động từ ghép, dùng tiền từ ei’j + fe/rw ngược với lối dịch phân tích của động từ Hípri hiphil’ybt trong Sách Gióp 14:3, nơi Bản Bẩy Mươi phiên dịch nó là e’poi/hsaj ei’selqei=n, "Người khiến (tôi) bước vào". Vì sự phân biệt này, Jenni tin rằng người ta được biện minh khi dịch hình thức Hy Lạp của lời cầu xin thứ sáu với sắc thái cho phép.

Linh Mục Fitzmyer biết rõ sự kiện nhiều học giả Cựu Ước dịch động từ hiphil của Hípri với sắc thái cho phép. Câu hỏi là có phải người ta chính xác dẫn nhập việc làm nhẹ bản văn hay đúng hơn đây chỉ là việc làm loãng nó đi. Và linh mục Fitzmyer không biết chắc việc này.

8. Kiểu dịch Hy Lạp của lời cầu xin

Tuy nhiên, sát vấn đề hơn là câu hỏi liệu cơ sở Semitic của lời cầu xin thực sự có điều gì ăn có với vấn đề ý nghĩa của lời cầu xin thứ sáu hay không. Kiểu nói Aram ta‘ēlinnánā’ chỉ là lối dịch hiện đại, nên dù có thể được coi là chính xác, vẫn chỉ có tính giả thiết; và nó không phải là thành phần của Kinh Lạy Cha đã được truyền lại hay của di sản Kitô Giáo vốn truyền lại cho ta bằng tiếng Hy Lạp. Ý nghĩa của động từ Hy Lạp mē eisenenkēs khá rõ ràng: "đừng dẫn vào” hay “đừng đem vào”. Nó không có sắc thái nguyên nhân, như đã được chủ trương bởi những người bênh vực nguyên bản (Vorlage) Semitic, quá điều nó thực sự nói. Do đó, mọi cố gắng nhằm loại bỏ ý nghĩa hiển nhiên bằng cách nại đến cơ sở Semitic để chỉ nguyên nhân chỉ là một luận điệu lẩn tránh hoàn toàn mà thôi, nhất là khi ý nghĩa nguyên nhân ấy sau đó được thêm sắc thái cho phép. Tất cả các cố gắng truyền thống nhằm diễn tả lại lời cầu xin theo nghĩa không để hay không cho phép các Kitô hữu bị dẫn vào cơn cám dỗ (hay bị đặt vào cuộc thử thách sau cùng) đều chỉ là mánh khóe lèo lái Kinh Lạy Cha mà chúng ta vốn được thừa hưởng. Đây là một sự sửa chữa thô bạo lời lẽ của chính Chúa Giêsu như đã được truyền lại cho ta trong các bản văn thánh.

9. Vấn đề mục vụ của việc giải thích

Vấn đề mục vụ là vấn đề giải thích và cắt nghĩa. Việc cần đầu tiên là giải thích rằng dù lời cầu xin thứ sáu có gán cho Thiên Chúa một tính nguyên nhân nào đó khi “dẫn” người ta vào cơn cám dỗ (hay vào cuộc thử thách cánh chung sau cùng), nó vẫn không mô tả Người như là nguồn hay gốc của cơn cám dỗ hay thử thách này. Thứ hai, lời cầu xin không có nghĩa Thiên Chúa cám dỗ ta, hay “Thiên Chúa thúc đẩy phàm nhân phạm tội”, như Tournay hiểu lối dịch chiểu tự của nó, vì những gì đã nói ở điểm thứ nhất. Quả thực, ta có thể đọc lời cầu xin thứ sáu và chấp nhận trọn vẹn câu tuyên bố trong Gcb 1:13: “Thiên Chúa không cám dỗ ai” (đã trích đầy đủ và giải thích trên đây). Như Thánh Augustinô đã viết “bị dẫn vào cơn cám dỗ là một chuyện, mà bị cám dỗ lại là một chuyện khác” (xem §IV trên đây). Thứ ba, điều cốt yếu là nhớ rằng chính Chúa Giêsu, vì là người con của thời Người, nên đã dùng lối phát biểu tiền luận lý theo phong tục để nói về hoạt động của Thiên Chúa, như lối người ta thường gặp thấy trong Cựu Ước, và là lối Người dạy ta cầu nguyện cùng Chúa Cha, “đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ”. Thứ tư, thói quen đếm bẩy lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha đã dẫn đến việc tách biệt lời cầu xin thứ sáu ra khỏi lời cầu xin thứ bẩy, trong khi, trên thực tế, chúng là hai phần của cùng một lời cầu xin. Lời cầu xin thứ bẩy, dù không có trong Tin Mừng Luca (11:4), đã cân bằng lời cầu xin thứ sáu. Thực vậy, rất có thể nó là cố gắng trước nhất để giải thích cách đặt lời gây khó khăn cho lời cầu xin thứ sáu. Là lời cầu xin duy nhất phát biểu theo lối tiêu cực trong Kinh Lạy Cha, lời cầu xin thứ sáu chuẩn bị cho lời cầu xin thứ bẩy, là lời cầu xin, về lâu về dài, có tính quan trọng hơn, “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Thứ năm, ta nên nhắc lại nhận xét của Thánh Phaolô “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10:13). Điều này giải thích việc đặt cùng một chỗ lời cầu xin thứ sáu và lời cầu xin thứ bẩy của Kinh Lạy Cha. Thứ sáu, ta phải nhớ các hậu quả tốt có thể phát sinh từ peirasmos, hiểu như cuộc thử thách của Thiên Chúa, và Thiên Chúa có trách nhiệm đối với sự tốt lành có thể phát sinh, và do đó thậm chí cả việc nó bắt đầu nữa. Thứ bẩy, chính Chúa Giêsu khuyên các môn đệ “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14:38; xem Mt 26:41; Lc 22:40, 46). Người cũng là Đấng đã khuyên họ liên tục thưa với Chúa Cha, “đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ”. Thứ tám, liệu có đúng không khi xin Thiên Chúa đừng làm một điều gì đó? Khi xin như thế, ta phải nhớ đến tấm gương của tổ phụ vĩ đại Ápraham của người Do Thái, người đã khẩn cầu Thiên Chúa cho thành phố Sôđôma và Gômôra trụy lạc trong Sáng Thế 18: 23-32. Sau cùng, phải nhớ rằng lòng trung thành của phàm nhân đối với Thiên Chúa không phát sinh từ thành tựu hay công phúc của họ. Khi cầu nguyện để đừng bị dẫn vào các tình huống cám dỗ hay các tình huống hiểm nghèo hay hoạn nạn, ta nhìn nhận sự yếu đuối của ta và sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và ơn thánh của Người.
_______________________________________________________________________________
(1) Bản tiếng Việt từ trước đến nay vẫn là “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Sa là rơi hay lọt. Lối dịch này rõ ràng tránh được việc coi Thiên Chúa như nguyên nhân của cám dỗ.
 
VietCatholic TV
UNICEF cảnh báo 600 triệu trẻ em ở Nam Á bị ảnh hưởng bởi đại dịch
Giáo Hội Năm Châu
04:47 29/06/2020

Hai bố con làm linh mục

Ông Edmond không bao giờ nghĩ rằng có một ngày ông sẽ trở thành linh mục. Ông Edmond sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình theo đạo Tin Lành hệ phái Lutheran. Năm lên 20, ông gặp cô Constance, một kỹ sư Hóa, người Công Giáo tại một quán bar... Hai người hợp nhãn và yêu nhau… Tình yêu đã dẫn ông vào Giáo Hội Công Giáo để tiến tới hôn nhân với cô vào năm 1982. Hai người rất hạnh phúc và thành công trên đường đời. Năm 1986 ông bà sinh được một người con trai tên là Phillip. Cuộc sống đang êm đềm, thì vào năm 2011 vợ của ông mắc phải chứng ung thư và qua đời…

Sau khi vợ ông qua đời, ông đã dấn thân vào việc tông đồ với nhóm Tín hữu Canh Tân (Neocatechumenate), nhưng chẳng bao giờ ông nghĩ tới có ngày mình sẽ trở thành một linh mục!

Trong chuyến tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới 2013 ở Rio de Janeiro, Ba Tây, ông đã cầu nguyện và phân định về ơn gọi đời mình, và ông quyết định xin vào chủng viện học làm linh mục...

Năm 2016 người con trai của ông là Phillip Ilg được chịu chức linh mục cho Tổng giáo phận Washington DC…

Và ngày 24/6/2020 chính ông Edmond Ilg, 62 tuổi, được thụ phong linh mục cho Tổng Giáo phận Newark.

Ôi ngày hạnh phúc, vì bố được người con linh mục mặc áo lễ cho trong ngày hồng ân linh mục và con phụ lễ cho bố dâng lễ mở tay, đầu đời của tân linh mục…

Cả hai cùng đùa vui nhí nhảnh: Từ nau con nói với bố là “Thank you Father!” (Vâng, cám ơn Cha); bố cũng phải nói với con là “Thank you Father!” (Vâng, cám ơn Cha), chứ không phải “Ừ cám ơn Con” đâu nhé… Tiếng Anh thì “You” cả, nhưng tiếng Việt thì hơi phức tạp đó nhỉ!? ...


Source:Catholic News Agency

UNICEF cảnh báo 600 triệu trẻ em ở Nam Á bị ảnh hưởng bởi đại dịch

Tuần này, Cơ quan bảo vệ trẻ em của Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo rằng đại dịch coronavirus sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, giáo dục và các tiến triển khác trên trẻ em vùng Nam Á trong những tháng năm tới.

Trong một cảnh báo mới được ban hành hôm thứ ba, cơ quan này yêu cầu các chính phủ trong vùng phải hành động khẩn cấp để giúp đỡ hàng triệu gia đình thoát cảnh nghèo đói, trong đó có tới 600 triệu là trẻ em.

Ảnh hưởng đến gia đình

Phát biểu với Đài Vatican sau khi bản bá cáo được ban hành, tác giả bản báo cáo, ông Simon Ingram nói chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi, mà cơn đại dịch đã gây ra nhiều hậu quả tàn khốc cho các gia đình.

Ông lưu ý rằng chẳng bao lâu nữa, nhiều gia đình sẽ không đủ ăn, nói chi đến khả năng chăm sóc y tế cho con cái họ.

Ông nêu ra ví dụ ở Bangladesh, nhiều gia đình nghèo không có khả năng có bữa ăn cho ngày! Tình cảnh còn tệ hại hơn tại Afghanistan, nơi trước cơn dịch trẻ em đã bị suy dinh dưỡng mà đất nước còn đang hứng chịu những cuộc chiến tương tàn xung đột đang diễn ra nữa!

Giáo dục

Từ khi cơn đại dịch bùng nổ, việc giáo dục của hơn 430 triệu trẻ em phải học trực tuyến.... Nhưng UNICEF cho hay nhiều gia đình, đặc biệt là ở các vùng nông thôn - không có điện, nói chi đến internet.

Trước thảm cảnh đó, UNICEF kêu gọi các trường học hãy mở cửa lại cho trẻ em được đến trường, miễn là chúng giữ được những giãn cách an toàn.

Lạm dụng

Một mối quan tâm khác, cơ quan bảo vệ trẻ em nêu ra là sự gia tăng bạo lực, lạm dụng và bỏ bê trẻ em sống vất vưởng...

Trong khi đại dịch, UNICEF nhận thấy trẻ em bị lạm dụng và bạo lực vì chúng bị nhốt tại nhà! Ông cũng nhấn mạnh rằng các nhân viên y tế và xã hội, vì thiếu các thiết bị bảo vệ an toàn cá nhân (PPE) nên cũng bỏ bê không đếm xỉa gì tới các trường hợp trẻ em được báo cáo bị lạm dụng.

Tác động lâu dài

Theo một nghiên cứu thì những năm tới đây, mức sống tăng cao sẽ tạo ra nhiều vấn nạn cho sức khỏe, giáo dục và những tiến bộ khác cho trẻ em ở Nam Á. Tài liệu này cũng cho thấy tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và bà mẹ sinh con tăng cao và số trẻ tới trường bị sút giảm. Trong lúc đó tại nhiều nơi trên thế giới, nạn thất nghiệp tăng, tiền lương bị cắt giảm và du lịch bị ảnh hưởng sâu xa...

Trước vấn đề này, ông Ingram cảnh báo cho các cấp lãnh đạo, về mối nguy cơ là có hơn 600 triệu trẻ em ở Nam Á sẽ bị khủng khoảng trầm trọng!

Để giảm thiểu những thảm trạng đó, các chính phủ cần có kế hoạch trợ giúp xã hội, bao gồm các chương trình trợ cấp các nhu yếu tối thiểu cho trẻ em và chương trình giáo dục cho chúng.


Source:Vatican News
 
Cây thánh giá xưa nhất Âu Châu – Thủ đoạn thị trưởng New York: chống Trump thì OK, nhà thờ thì không
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:21 29/06/2020

1. Các nhà khoa học xác nhận một cây thánh giá tại Ý là cây thánh giá gỗ lâu đời nhất ở Âu châu

Các nhà khoa học đã xác nhận trong tháng này rằng một cây thánh giá ở thành phố Lucca của Ý là cây thánh giá bằng gỗ lâu đời nhất ở Âu châu.

Một nghiên cứu dựa trên phóng xạ carbon được thực hiện bởi Viện Vật lý hạt nhân quốc gia ở Florence đã xác định cây thánh giá bằng gỗ dài 2.4m có niên đại giữa năm 770 và 880 sau Chúa Giáng Sinh.

Nghiên cứu này đã được nhà thờ chính tòa Lucca ủy nhiệm nhân dịp kỷ niệm 950 năm thánh hiến ngôi nhà thờ đã được xây dựng vào cuối thế kỷ 12.

Lucca là một thành phố và một cộng đồng dân cư trong vùng Tuscany, miền Trung nước Ý, trong một vùng đồng bằng màu mỡ gần biển Tyrrhene. Đây là thủ phủ của tỉnh Lucca. Nó nổi tiếng với những bức tường thành phố có từ thời Phục hưng và vẫn còn nguyên vẹn.

Lòng sùng kính Thánh Giá của thành phố này lan truyền khắp Âu châu trong thời Trung Cổ, vì những người hành hương thường dừng lại ở bức tường thành phố Tuscan trên đường hành hương dọc theo tuyến đường Via Francigena từ Canterbury đến Rôma.

Tác giả Dante đã từng nhắc đến lòng sùng kính thánh giá tại Lucca trong cuốn “Inferno”, và Hoàng Đế Anh William II đã long trọng tuyên thệ dưới cây thánh giá này vào năm 1087.

Dựa trên một tài liệu lịch sử, người Công Giáo địa phương tin rằng thánh giá đã đến Lucca vào cuối thế kỷ thứ 8. Nghiên cứu khoa học này đã xác nhận tin tưởng này là đúng. Tuy nhiên, nghiên cứu này không khẳng định một truyền thuyết khác cho rằng cây thánh giá này được khắc bởi ông Nicodemus, một người sống cùng thời với Chúa Kitô.

Đức Tổng Giám Mục Paolo Giulietti Lucca ca ngợi kết quả của nghiên cứu này như một sứ điệp đúng thời điểm nói lên “tình yêu cứu độ của Đức Giêsu thành Nazareth, bị đóng đinh vì chúng ta. Đó là một ký ức sống động về của Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại.”

Do đại dịch coronavirus, nhà thờ chính tòa Lucca đã hoãn các sự kiện kỷ niệm 950 năm thành lập sang mùa thu năm nay. Nhiều người hy vọng cuộc rước nến hàng năm của thành phố vào ngày 13 tháng 9 để tôn vinh thánh giá sẽ được diễn ra. Đến nay nhiều đám rước tương tự ở Ý đã bị hủy bỏ vì COVID-19.

Cây thánh giá ít nhất 1, 140 tuổi có thể được nhìn thấy bên trong nhà thờ chính tòa Thánh Martin của thành phố Lucca.


Source:Catholic News Agency

2. Thủ đoạn của thị trưởng New York: Biểu tình chống Tổng thống Trump thì OK, nhà thờ thì hạn chế

Đơn kiện của hai linh mục can đảm của tổng giáo phận New York đã đi đến thắng lợi. Một thẩm phán liên bang hôm thứ Sáu 26 tháng 6 vừa ra phán quyết rằng thành phố New York phải cho phép các cử hành tôn giáo trong nhà và ngoài trời theo cùng một thể thức như thành phố cho phép các cuộc biểu tình ngoài trời hoặc các trung tâm mua sắm trong nhà.

Thẩm phán liên bang Gary Sharpe của North New York District nói rằng tiểu bang không thể hạn chế các cử hành tôn giáo ngoài trời trong đại dịch, với điều kiện người tham dự tuân theo các yêu cầu xa cách xã hội. Đối với các cử hành trong nhà, ông nói, “thành phố không được có sự phân biệt đối xử đối với các nhà thờ so với các trường hợp khác, như các doanh nghiệp chẳng hạn.”

Tham gia đơn kiện của hai vị linh mục can đảm đang chăm sóc mục vụ tại phía Bắc thành phố còn có ba giáo sĩ Do Thái Giáo tại Brooklyn. Các vị đã kiện Thống đốc New York Andrew Cuomo, Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Letitia James và Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio vì vi phạm các quyền dân sự.

Đơn kiện cấp liên bang đã được nộp ngày 10 tháng 6 năm 2020, tại Tòa án Bắc New York, cáo buộc thống đốc, bộ trưởng và thị trưởng vi phạm các quyền của nguyên đơn trong việc thực hiện tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, hội họp theo Tu Chính Án thứ nhất và thứ mười bốn của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Trong một sự lạm dụng quyền lực chưa từng có, các bị cáo đã khai thác đại dịch COVID-19 để tạo ra, trong ba tháng qua, một chế độ độc tài thực sự bằng một mạng lưới phức tạp các lệnh hành pháp do bị cáo Cuomo và bị cáo Bill de Blasio tung ra.

Qua những sắc lệnh này, các bị cáo đã áp đặt và chọn lọc việc thực thi “khoảng cách xã hội’ dưới một chế độ “cách ly” áp đặt lên hầu như mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị, tôn giáo và kinh tế của 8.3 triệu cư dân New York dưới chiêu bài “sức khỏe cộng đồng” một cách tùy tiện theo những lợi ích chính trị của mình.

Lá đơn chỉ ra rằng “các nhà thờ Công Giáo và các hội đường Do Thái Giáo thì không được mở nhưng các cuộc biểu tình hàng ngàn người chen vai thích cánh thì lại được phép, đơn giản vì đó là các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Trump là đối thủ chính trị của họ.”

Đáp lại diễn biến này Hội Đồng Giám Mục tiểu bang New York, đại diện cho các giám mục của tiểu bang, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào thứ Sáu rằng Hội Đồng vui mừng trước phán quyết của tòa án. Tuy thế, các nhà thờ có thể sẽ tiếp tục tuân theo các hướng dẫn y tế của tiểu bang để bảo vệ sức khoẻ cho cộng đoàn, mặc dù họ không còn bị ràng buộc phải làm như thế.

“Các Giám mục giáo phận phải cân nhắc nhiều yếu tố để mở cửa trở lại, quan trọng nhất là sự an toàn và sức khoẻ của các giáo đoàn, giáo sĩ và nhân viên giáo xứ của chúng ta, ” một phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục tiểu bang nói với CNA.

Thẩm phán Sharpe hôm thứ Sáu phê bình cách riêng Thị trưởng de Blasio vì ông ta cho thấy một sự đối xử ưu đãi bằng cách cho phép hoặc thậm chí khuyến khích các cuộc biểu tình ngoài trời bao nhiêu người cũng được, miễn chống Tổng thống Trump là được.

Cả Thống đốc Cuomo và Thị trưởng de Blasio đều xuất hiện để chia buồn hoặc thậm chí khuyến khích các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ngoài trời hàng loạt có hàng ngàn người tham dự trong những tuần gần đây, bất chấp giới hạn nghiêm ngặt của nhà nước đối với quy mô của các cuộc tụ họp ngoài trời là 10 người hoặc có lúc là 25 người.

Bill de Blasio, sinh ngày 8 tháng Năm, 1961 là người Mỹ gốc Ý. Ông ta là thị trưởng thứ 109 của thành phố New York Cha ông ta là người Đức. Mẹ ông ta là người Ý. Mẹ ông ta là người Công Giáo nhưng công khai tuyên bố bỏ đạo để chống lại giáo huấn Công Giáo về phá thai và đồng tính luyến ái. Bill de Blasio tự xưng mình là người có tín ngưỡng nhưng khẳng định mình không phải là người Công Giáo.

Vào ngày 2 tháng 6, de Blasio đã bảo vệ việc thực thi có chọn lọc các hạn chế về tụ tập của mình, nói rằng “Khi bạn thấy một quốc gia, cả một quốc gia đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng phi thường xảy ra trong 400 năm phân biệt chủng tộc Mỹ, tôi xin lỗi, đó là không phải là vấn đề tương tự như chủ cửa hàng hoặc các tín hữu sùng đạo muốn quay trở lại công việc của mình”.

Thẩm phán Sharpe nói: “Theo lời của họ, Cuomo và de Blasio đã cho thấy những gì họ biết là một sự coi thường trắng trợn các giới hạn ngoài trời và các quy tắc về khoảng cách xã hội. Qua đó, họ tung ra một thông điệp rõ ràng rằng các cuộc biểu tình rầm rộ đang được đối xử một cách hết sức ưu đãi vì các cuộc biểu tình ấy phù hợp với lợi ích chính trị của họ”.

De Blasio đã nhiều lần cảnh cáo các nơi thờ phượng với những khoản tiền phạt, đóng cửa vĩnh viễn và bắt giữ hàng loạt nếu họ không tuân thủ các lệnh y tế công cộng. Câu chuyện đóng cửa các nơi thờ phượng vĩnh viễn được nhiều người xem là một câu chuyện cực kỳ khôi hài. De Blasio làm được thị trưởng trong bao lâu mà đòi đóng cửa nhà thờ vĩnh viễn?

De Blasio đã từng chạy đua trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ để ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2020. Chẳng mấy ai bỏ phiếu cho ông ta nên y đã đình chỉ chiến dịch tranh cử của mình vào ngày 20 tháng 9 năm 2019 và quay sang ủng hộ Bernie Sanders năm tháng sau đó. Bernie Sanders cũng đi luôn sau đó.


Source:Daily Messenger

3. Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn bày tỏ niềm vui trước việc Bắc Hàn bãi bỏ các kế hoạch quân sự chống Nam Hàn

Bắc Hàn đã đình chỉ các kế hoạch hành động quân sự chống lại Nam Hàn, truyền thông nhà nước Bắc Hàn KCNA cho biết như trên một ngày trước lễ tưởng niệm chiến tranh bùng nổ tại bán đảo Triều Tiên.

Một ngày trước đó, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân, hay còn gọi là Kim Jong Un, đã xuất hiện và chủ trì một cuộc họp hội nghị video để “nắm bắt tình hình” trước khi quyết định đình chỉ các kế hoạch quân sự.

KCNA cho biết quân đội Bắc Hàn đã gỡ bỏ các loa phóng thanh được nhìn thấy trong dọc theo biên giới hai miền.

Trong quá khứ, các loa phóng thanh này được dùng cho các mục đích tuyên truyền, nhưng hàng loạt các loa như thế đã bị gỡ xuống khi hai miền Nam Bắc Triều Tiên ký hiệp định hòa bình vào năm 2018.

Các loa phóng thanh đã xuất hiện trở lại sau khi Bắc Hàn cho nổ tung một văn phòng liên lạc hai miền ở bên cạnh biên giới vào tuần trước sau một loạt các căng thẳng giữa hai miền vì Bình Nhưỡng phản đối những người đào thoát sang miền Nam, gửi các truyền đơn tuyên truyền và thực phẩm vào miền Bắc bằng các quả bong bóng.

Họ nói rằng chiến dịch thả bong bóng này xúc phạm nhà lãnh đạo Kim Chính Ân và vi phạm thỏa thuận hòa bình năm 2018 giữa hai miền.

Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Yoh Sang-Key, cho biết họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ.

Hôm 25 tháng 6, các Thánh lễ đã được cử hành trên khắp Nam Hàn nhân kỷ niệm 70 năm bùng nổ chiến tranh Triều Tiên. Các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên đang bị chia cắt. Hai miền Nam Bắc vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh, vì thực tế chiến tranh đã kết thúc với một thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.

Theo Hội đồng giám mục Hàn Quốc, 16 giáo phận ở Nam Hàn đã cử hành Thánh lễ tiếp nối nhau nhân ngày kỷ niệm bùng nổ cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1950-1953.

Các giáo xứ tuân giữ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn để ngăn ngừa lây lan Covid-19 bằng cách đo nhiệt độ, khử trùng tay và giữ khoảng cách.

Tại tổng giáo phận Hán Thành, là tổng giáo phận lớn nhất ở Nam Hàn, với 1.2 triệu tín hữu, Hơn 200 tín hữu đã tham dự Thánh lễ vào lúc 10 giờ sáng tại nhà thờ chính tòa Mân Đông.

Trong Thánh lễ, Đức Cha Andrew Yeom Soo-jung, tổng giám mục Hán Thành, bày tỏ niềm vui trước tuyên bố hủy bỏ các kế hoạch quân sự chống Nam Hàn của Kim Chính Ân.

Ngài khích lệ hai bên tìm ra các phương thế tích cực để đạt được một nền hòa bình lâu dài. Đức Hồng Y nói: “Tôi muốn tuyên bố rằng dù việc đạt được hòa bình thật sự mà tất cả chúng ta mong muốn là điều rất khó, nhưng nó không phải hoàn toàn là không thể.”

Đức Hồng Y nói: “Khi chính trị của sự tha thứ được lan truyền, công lý sẽ trở nên nhân đạo và hòa bình tồn tại lâu dài hơn.” Ngài cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính trị “vượt qua lợi ích cá nhân, đảng phái và quốc gia” và cố gắng đấu tranh cho hòa bình chung bằng cách nhận ra thiện ích chung và nguyện vọng của cả hai miền Nam và Bắc Triều Tiên.”

Đức Cha Lee Ki-heon, Chủ tịch Ủy ban Hòa giải Dân tộc Triều Tiên, đã đưa ra thông cáo mời gọi chính phủ Nam Hàn tìm những cách thế đẩy nhanh các trao đổi hai miền mà không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Cho đến nay, Bắc Hàn vẫn chịu một lệnh cô lập để trừng phạt kinh tế.


Source:Reuters
 
Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha làm phép dây Pallium cho ĐTGM Nguyễn Năng và 54 vị khác
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:10 29/06/2020
Sáng 29 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ và làm phép các dây Pallium cho 54 vị Tổng Giám Mục chính tòa vừa mới được bổ nhiệm trong vòng một năm qua. Trong số các vị Tổng Giám Mục này có Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Sài Gòn. Đặc biệt, dây Pallium năm nay cũng được trao cho Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, vừa được chọn làm niên trưởng Hồng Y đoàn hôm 18 thánh Giêng năm nay.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có 10 vị Hồng Y. Do tình hình đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, lần đầu tiên không có phái đoàn Tòa Thượng Phụ Constantinople tham dự Thánh lễ theo truyền thống hàng năm, cũng không có các vị Tổng Giám Mục được nhận dây Pallium. Cộng đoàn tham dự thánh lễ không quá 100 người.

Trong ngày lễ hôm nay, Đức Thánh Cha, và các vị Hồng Y mặc phẩm phục màu đỏ, màu của sự tử đạo. Thánh lễ này là một tưởng niệm của Giáo Hội trong tâm tình biết ơn đối với các chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô, đã trở thành anh chị em với nhau trong cuộc tử đạo, và là một tuyên xưng long trọng Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.

Thật thế, nếu chúng ta nghĩ tới hai ngàn năm lịch sử của Giáo Hội, chúng ta có thể ghi nhận như Chúa Giêsu đã báo trước rằng các kitô hữu sẽ không bao giờ thiếu các thử thách, thậm chí đến mức tử đạo.

Bên cạnh đó, Giáo Hội còn phải chịu nhiều đau khổ vì sự ô nhiễm đức tin, và những tấn kích vào sự toàn vẹn của nhiệm thể Giáo Hội, làm suy yếu khả năng ngôn sứ và chứng tá, làm vấy bẩn vẻ đẹp gương mặt của Giáo Hội. Đây là thực tại được thánh Phaolô nói tới trong thư thứ I gửi tín hữu Corintô khi trả lời một số vấn đề chia rẽ, không trung thực và bất trung với Tin Mừng đe dọa Giáo Hội. Thư thứ II gửi Timoteo cũng nói tới các “nguy hiểm của thời cuối cùng” là các thái độ sống tiêu cực thuộc thế gian có thể tiêm nhiễm cộng đoàn kitô như ích kỷ, khoe khoang, kiêu căng, ham hố tiền bạc.

Trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ, ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát bài Tu es Petrus, này con là đá, với những lời như sau:

Anh là Phêrô, là đá, và trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và các cửa địa ngục sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.

Đức Thánh Cha đã hôn kính tượng Thánh Phêrô và sau đó ngài xuống hầm mộ Thánh Phêrô nơi đặt các dây Pallium. Trong các năm trước cùng bước xuống hầm mộ này còn có Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô hay đại diện của ngài.

Ca đoàn đang hát bài ca nhập lễ với những lời như sau:

Giờ đây tôi biết đúng thật như thế rồi. Chúa thực sự đã sai thiên thần Chúa đến cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và dân Do Thái. Đúng thật điều này đã xảy đến với tôi.

Vì thánh lễ ít người nên không được cử hành tại bàn thờ chính nhưng tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô.

Trước đây việc trao dây Pallium diễn ra như sau: sau khi Đức Thánh Cha làm phép các dây Pallium, các vị Tổng Giám Mục tiến đến quỳ trước mặt ngài và Đức Thánh Cha sẽ choàng dây lên vai vị Tổng Giám Mục.

Tháng Giêng năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định rằng buổi lễ trao dây Pallium chính thức cho các Tổng Giám Mục Chính Tòa từ nay trở đi sẽ diễn ra tại các giáo phận của vị Tổng Giám Mục chứ không phải ở Vatican như trước.

Sứ thần Tòa Thánh hay Khâm Sứ Tòa Thánh sẽ bàn thảo với vị Tổng Giám Mục ngày giờ và, hoàn cảnh hợp lý nhất để “công khai và chính thức” trao dây Pallium cho ngài nhân danh Đức Thánh Cha với sự tham dự của các giám mục trong các giáo phận thuộc về giáo tỉnh; và cộng đoàn tín hữu địa phương.

Nghi thức làm phép các dây Pallium

Giờ đây Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá bắt đầu buổi lễ.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

Rồi ngài gởi lời chào Phụng Vụ đến cộng đoàn.

Đức Hồng Y niên trưởng xướng danh các vị Tổng Giám Mục trưởng giáo tỉnh, trong số này đặc biệt có Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng của tổng giáo phận Sàigòn, và nói: “Kính lậy Đức Thánh Cha, các Tổng Giám Mục tỏ lòng tôn kính trung thành và vâng phục lên Đức Thánh Cha và Tông Tòa, khiêm nhường kính xin Đức Thánh Cha trao cho các ngài Dây Pallium, lấy từ Mộ Thánh Phêrô, như dấu chỉ quyền Tổng Giám Mục đứng đầu Giáo Tỉnh, trong niềm hiệp thông với Giáo Hội Roma và được bổ nhiệm cách hợp pháp trong Giáo Tỉnh của mình”.

Đức Thánh Cha đọc lời nguyện làm phép Dây Pallium: “Lậy Thiên Chúa là Mục tử đời đời của các linh hồn mà Chúa đã kêu gọi, nhờ Con Chúa, Đức Giêsu Kitô, như là các con chiên của đoàn chiên và việc chăn dắt đoàn chiên này được trao phó - dưới hình ảnh Chúa Chiên Lành - cho thánh Phêrô và các Đấng kế vị Người, qua thừa tác vụ của chúng con, xin Chúa đổ tràn đầy ân sủng đem lại phúc lành của Chúa trên các Dây Pallium này, được chọn để biểu hiệu cho thực tại săn sóc mục vụ.

Xin Chúa nhân từ thương chấp nhận lời cầu nguyện chúng con khiêm nhường dâng lên Chúa, nhờ công nghiệp và lời khẩn cầu của các Thánh Tông Đồ mà ban cho những người do ân lộc Chúa, sẽ đeo các Dây Pallium này để họ ý thức nhận ra mình là Mục Tử coi sóc đoàn chiên Chúa, và để họ thực hành trong cuộc sống ý nghĩa của biểu hiệu này.

Xin cho các Ngài nhận lấy ách Phúc Âm trên vai và xin cho ách này trở nên nhẹ nhàng êm dịu để các ngài có thể bước đi trước đoàn chiên trong việc thực thi các giới răn của Chúa, với gương sáng trung kiên cho tới khi đáng được đưa vào các đồng cỏ vĩnh cửu của Nước Chúa. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Thánh lễ được tiếp tục với kinh Thương Xót và Kinh Vinh Danh.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Trong ngày lễ mừng kính hai Thánh Tông đồ của thành phố này, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai từ ngữ chính: sự hiệp nhất và lời tiên tri.

Sự hiệp nhất

Chúng ta mừng lễ hai nhân vật rất khác nhau: Thánh Phêrô, một ngư dân suốt ngày bươn chải với thuyền và lưới, còn Thánh Phaolô là một trí thức Pharisêu giảng dạy ở nhiều hội đường. Khi thi hành sứ vụ, Thánh Phêrô giảng dạy cho người Do Thái, còn Thánh Phaolô rao giảng cho dân ngoại. Và khi gặp gỡ nhau trên bước đường rao giảng, hai vị có thể đã tranh cãi với nhau sôi nổi, Thánh Phaolô đã không ngần ngại thú nhận điều đó trong thư gửi tín hữu Galát (x Gal 2:11). Tắt một lời, hai vị là hai người rất khác nhau nhưng họ xem nhau như là anh em như vẫn thường xảy ra trong các gia đình rất gắn bó với nhau, nhưng vẫn có thể xảy ra nhiều tranh luận dù không ngừng yêu thương nhau. Sự gắn bó giữa hai Thánh Phêrô và Phaolô không đến từ những khuynh hướng tự nhiên, nhưng từ Thiên Chúa. Thiên Chúa không ra lệnh cho chúng ta phải thích nhau nhưng phải yêu thương nhau. Chính Ngài là Đấng đã kết hiệp chúng ta nhưng không hề làm cho chúng ta nên giống hệt nhau. Ngài kết hiệp chúng ta trong sự khác biệt của chúng ta.

Bài đọc thứ Nhất của Thánh lễ hôm nay cho chúng ta thấy nguồn mạch của sự hiệp nhất. Bài đọc ấy tường thuật lại kinh nghiệm của Giáo Hội tiên khởi trong thời gian bị khủng hoảng: Vua Hêrôđê nổi giận, tung ra sự bách hại kinh hoàng các tín hữu, và Thánh Giacôbê Tông đồ đã bị giết chết. Và giờ đây Thánh Phêrô bị bắt. Cộng đoàn như rắn mất đầu, mọi người đều lo sợ cho mạng sống của chính mình. Tuy nhiên, vào chính lúc bi thảm ấy, đã không có người nào trốn chạy, không người nào tìm cách cứu mình, không người nào bỏ rơi người khác, nhưng họ hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện. Họ đã tìm được sức mạnh từ lời cầu nguyện, và sự hiệp nhất mạnh hơn bất cứ đe dọa nào. Bản văn viết: “Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12:5). Hiệp nhất là hoa trái của lời cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện cho phép Chúa Thánh Thần can thiệp, mở rộng lòng chúng ta ra đón nhận niềm hy vọng, thu ngắn những khoảng cách, và giữ chặt chúng ta với nhau trong những thời khắc gian truân.

Chúng ta hãy để ý đến một khía cạnh khác: trong thời khắc khó khăn đó, không ai than phiền về tội ác và sự bách hại của Hêrôđê. Không ai buông ra những lời xúc phạm đến Hêrôđê – còn chúng ta thì đã quen lăng mạ những người có trách nhiệm. Than phiền là vô ích, và nhàm chán vì đối với các tín hữu, thật không chính đáng khi dành thời gian để than phiền thế giới, xã hội, và mọi thứ. Than phiền không thay đổi được gì. Chúng ta hãy nhớ rằng than van là cánh cửa thứ hai đóng lại trước Chúa Thánh Thần, như tôi đã nói điều này trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Thứ nhất là thần tượng hoá bản thân mình, thứ hai là làm nản chí và thứ ba là thái độ bi quan. Ba thái độ này đóng cửa lòng mình trước Chúa Thánh Thần. Các Kitô hữu này đã không đổ lỗi, nhưng họ cầu nguyện. Trong cộng đoàn đó không ai nói: “Nếu Phêrô cẩn thận hơn thì chúng ta đã không phải rơi và hoàn cảnh như thế này”. Không, họ không than phiền Phêrô; họ cầu nguyện cho ông. Họ không nói xấu sau lưng Phêrô; họ thân thưa cùng Chúa. Ngày nay chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: “Chúng ta có đang bảo vệ sự hiệp nhất giữa chúng ta và sự hiệp nhất trong Giáo Hội bằng lời cầu nguyện không? Chúng ta có đang cầu nguyện cho nhau không? ” Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cầu nguyện nhiều hơn và than phiền ít hơn? Sự việc sẽ xảy ra giống như Phêrô trong tù: nhiều cánh cửa đang đóng kín sẽ được mở ra, nhiều xiềng xích sẽ bị vỡ tung. Chúng ta sẽ ngạc nhiên, giống như người tớ gái nhìn thấy Thánh Phêrô ở cổng nhưng không dám mở cổng, nhưng chạy ngược vào bên trong, ngạc nhiên bởi niềm vui khi thấy Thánh Phêrô (x Cv 12:10-17). Chúng ta hãy cùng cầu xin ơn biết cầu nguyện cho nhau. Thánh Phaolô đã khuyến khích các Kitô hữu cầu nguyện cho tất cả mọi người, nhất là các nhà lãnh đạo (1Tm 2, 1-3). “Nhưng cái nhà cầm quyền này…” và sau đó là nhiều tính từ. Tôi sẽ không đề cập đến những tính từ này bởi vì đây không phải là lúc, và cũng không phải là nơi để đề cập đến những tính từ mà chúng ta thường nghe chống lại những người cai trị. Cứ để Thiên Chúa phán xét họ; còn chúng ta thì hãy cầu nguyện cho họ! Chúng ta hãy cầu nguyện: vì họ cần những lời cầu nguyện của chúng ta. Đó là nhiệm vụ Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Chúng ta có thực hiện điều đó không? Hay chúng ta chỉ nói, chửi bới và chẳng làm gì cả? Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta khi cầu nguyện thì cũng biết nhớ đến những người không cùng suy nghĩ như chúng ta, những người đóng sầm cánh cửa vào mặt chúng ta, những người mà chúng ta cảm thấy rất khó tha thứ. Cầu nguyện là phương cách duy nhất để mở toang xiềng xích như đã từng xảy ra với Thánh Phêrô; chỉ có lời cầu nguyện mới có thể lót đường cho sự hiệp nhất.

Hôm nay các dây Pallium được làm phép, để trao cho Niên trưởng Hồng Y Đoàn và các Tổng Giám Mục đã được bổ nhiệm trong năm vừa qua. Dây Pallium nhắc nhở sự hiệp nhất giữa đàn chiên và Vị Mục tử, là người như Đức Giêsu, mang chiên trên vai để không bao giờ xa rời chiên. Hôm nay, theo truyền thống tốt đẹp, chúng ta liên kết cách riêng với Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople. Thánh Phêrô và Thánh Anrê là hai anh em, chúng ta trao đổi những cuộc viếng thăm huynh đệ vào những dịp lễ khi có thể. Chúng ta làm điều đó không chỉ vì lịch sự xã giao nhưng là phương thế để hành trình cùng nhau tiến tới mục đích Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng ta: đó là sự hiệp thông trọn vẹn. Hôm nay chúng ta không thể làm như vậy vì những khó khăn đi lại do đại dịch coronavirus gây ra, nhưng khi tôi tôn kính hài cốt của Thánh Phêrô, trong lòng tôi cảm thấy có người anh em yêu quý Bácthôlômêô. Họ ở đây, với chúng ta.

Lời tiên tri

Từ thứ hai là lời tiên tri. Sự hiệp nhất và lời tiên tri. Đức Giêsu đã thách đố các tông đồ. Ngài hỏi Phêrô: “Còn anh, anh bảo thầy là ai? ” (Mt 16, 25). Lúc đó Phêrô nhận ra rằng Thiên Chúa không quan tâm người khác nghĩ thế nào, nhưng Ngài quan tâm đến quyết định cá vị theo Ngài của ông. Cuộc đời Thánh Phaolô cũng đã thay đổi sau một thách đố tương tự khi Đức Giêsu hỏi: “Saolo, Saolo, sao ngươi bắt bớ ta? ” (Cv 9, 4). Thiên Chúa đã đánh động đến tận sâu thẳm tâm hồn Thánh Phaolô: không chỉ làm ông ngã ngựa trên đường Damas, Ngài đã đánh đổ cả cái ảo tưởng của Phaolô về lòng nhiệt thành sống đạo. Kết quả là, Saolo kiêu hãnh đã biến thành Phaolô, một cái tên có nghĩa là “nhỏ bé”. Những thách đố và hoán cải đã được tiếp nối với những lời tiên tri: “Anh là Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 18); và với Phaolô Chúa phán: “Người ấy là khí cụ Ta đã chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái nhà Israel” (Cv 9: 15). Lời tiên tri được nảy sinh khi chúng ta chấp nhận những thử thách bởi Thiên Chúa, chứ không phải khi chúng ta cố giữ mọi sự im lặng trong tầm kiểm soát của mình. Lời tiên tri không nảy sinh từ những suy nghĩ của tôi, từ con tim đóng kín của tôi. Nó nảy sinh nếu chúng ta để cho Thiên Chúa thách đố chúng ta. Khi Tin Mừng đảo lộn những điều chắc chắn, lời tiên tri được nảy sinh. Chỉ những ai mở lòng ra với những bất ngờ của Thiên Chúa mới có thể trở thành tiên tri. Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là những vị tiên tri nhìn thấy tương lai. Thánh Phaolô là người đầu tiên tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đức Kitô, là Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16:16). Thánh Phaolô, người đã tiên báo cái chết đã gần kề của mình: “Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chính Chúa sẽ trao phần thưởng đó cho tôi” (2Tm 4: 8).

Ngày nay chúng ta cần lời tiên tri, nhưng là lời tiên tri chân thật; chúng ta không cần những diễn giả ồn ào đang hứa hẹn những điều không thể xảy ra, nhưng là những chứng nhân rằng Tin Mừng là khả thi. Điều cần thiết không phải là những màn biểu diễn phép lạ. Tôi cảm thấy buồn khi nghe ai đó nói “Chúng ta cần một Giáo Hội tiên tri”. Đúng lắm. Nhưng anh chị em đang làm gì, để Giáo hội có tính tiên tri? Chúng ta cần những cuộc đời thể hiện phép lạ của tình yêu Thiên Chúa. Không áp đặt, nhưng thẳng thắn. Không nói huyên thuyên, nhưng cầu nguyện. Không phát biểu dài dòng, nhưng phục vụ. Không lý thuyết dông dài nhưng là chứng nhân. Chúng ta không trở nên giàu có, nhưng trái lại yêu mến người nghèo. Chúng ta không tích lũy cho mình nhưng trao ban chính mình cho tha nhân. Chúng ta không tìm kiếm sự công nhận của thế giới này, không cố làm được lòng mọi người như có người nói “làm vui lòng cả Thiên Chúa lẫn thế gian”, được lòng cả thế gian – không, điều này không phải là tiên tri. Chúng ta cần niềm vui của thế giới mai hậu. Chúng ta không cần những kế hoạch mục vụ chỉ có hiệu quả đóng kín trong chính mình đến mức coi mình là các bí tích, không cần các kế hoạch mục vụ có hiệu quả như thế. Chúng ta cần những mục tử hiến mạng vì đàn chiên: những người yêu mến Thiên Chúa. Cách Thánh Phêrô và Thánh Phaolô rao giảng về Đức Giêsu cho thấy các ngài là những người yêu mến Thiên Chúa say đắm, cuồng nhiệt. Khi bị đóng đinh vào thập giá, Thánh Phêrô không nghĩ đến mình nhưng nghĩ đến Chúa Giêsu và tự cho mình không xứng đáng chết như Ngài, vì thế Thánh Phêrô đã xin cho bị đóng đinh vào thập giá dốc ngược đầu xuống. Trước khi bị chém đầu, Thánh Phaolô chỉ nghĩ đến việc hiến dâng mạng sống; thánh nhân đã viết rằng ngài muốn “đổ máu làm lễ tế” (Tm 4, 6). Đó là lời tiên tri, và lời tiên tri ấy đã thay đổi lịch sử.

Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã nói tiên tri về Thánh Phêrô rằng: “Anh là Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Cũng có lời tiên tri tương tự như thế cho chúng ta. Lời tiên tri ấy được tìm thấy trong cuốn cuối cùng của Kinh Thánh, khi Chúa Giêsu hứa với các nhân chứng trung thành của Ngài: “một viên sỏi trắng, trên đó có khắc một tên mới” (Kh 2:17). Như Chúa đã đổi tên ông Simon thành Phêrô, Ngài cũng kêu gọi mỗi người chúng ta để biến đổi chúng ta trở thành những viên đá sống động để xây dựng một Giáo Hội canh tân và một nhân loại được đổi mới. Luôn có những kẻ phá hủy sự hiệp nhất và bóp nghẹt lời tiên tri, nhưng Thiên Chúa luôn tin tưởng chúng ta và Ngài hỏi anh chị em: “Con có muốn trở thành người xây dựng sự hiệp nhất không? Con có muốn trở thành tiên tri của Nước Trời ở thế gian này không? ”

Anh chị em, hãy để chúng ta bị thách thức bởi Đức Giêsu và tìm ra can đảm để thưa với Ngài rằng: “Vâng, con muốn!”


Source:Libreria Editrice Vaticana