Ngày 02-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bài Học Hiền Lành Và Khiêm Nhường Với Tôi
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
05:33 02/07/2008
GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 14 TN-A (06-07-08)

HÃY HỌC HIỀN LÀNH KHIÊM NHƯỜNG VỚI TÔI

* Learn from Me *

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc sau: (Reflection&share)

Bài đọc 1: Sách Da-ca-ri-a (9:9-10). “…Người là Đấng Chính Trực, Đấng Tòan Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa.” (câu 9)

a/ Chúa là Đấng tòan năng, đã khiêm tốn ngồi trên lưng lừa. Thái độ làm việc của tôi trong gia đình và với bạn hữu thế nào?

Bài đọc 2: Thư Rôma (8:9.11-13a). “Nếu anh sống theo tính xác thịt, anh sẽ phải chết; nếu nhờ Thần Khí, anh diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh, anh sẽ được sống.” (câu 13)

a/ Sống theo xác thịt đây là những tật xấu nào tôi hay lỗi phạm? Nhờ Thần Khí Chúa giúp, tôi đã sửa được những thói xấu nào?

b/ Ơn phục sinh đã chuẩn bị cho bạn ngay từ bây giờ. Để được sống, bạn cần phải tiêu diệt những hành vi ích kỷ, đó là những gì?

Bài Tin Mừng: Mát-thêu (11:25-30). “Anh hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (câu 29)

a/ Tôi học ở Chúa những gì để gia đình có bình an và hạnh phúc? b/Những tính xấu nào làm cho bạn xa Chúa và mọi người chê bai?

c/ Khi khiêm tốn, vui vẻ, tôi gặt hái được những thành công nào?

B- Câu Kinh Thánh đánh động tôi Sống tuần này: (The Best God’s Word)

ANH EM HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA TÔI, VÀ HÃY HỌC VỚI TÔI !

Take my yoke upon you and learn from me (Mt 11, 29)

C- Ý Chúa muốn nói gì với tôi: 1/ Mang lấy ách của tôi là một kiểu nói bóng các thầy Ráp-bi xưa quen dùng có ý nói: khi đón nhận ai làm Thầy. Chữ Ách hay Gánh của Chúa Giêsu đây là Sống Tin Mừng của Ngài gồm ba điểm: a/ Lòng tin. b/Khiêm tốn( đối với Chúa). c/ Hiền lành (với tha nhân), để hành động giống như Chúa Giêsu.

2/ Khiêm nhường đứng đầu, là một trong bẩy nhân đức của Kinh Bẩy mối tội đầu: “Thứ nhất khiêm nhường, chớ kiêu ngạo.”

a/ Đừng xấu hổ khi phải giúp đỡ người khác, hoặc thấy mình nghèo túng. Đừng cậy ở sức riêng; nhưng hãy tin tưởng vào Chúa. b/ Đừng nghĩ mình hơn ai, và hãnh diện về việc mình đã làm, vì nếu không có Chúa giúp con không làm được gì !

.

Thánh Phaolô nói: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, ché chén và những điều khác giống như vậy.(Gl 5,19-21)

3/ Lời Thánh Hiền dạy:

a/ Hãy lấy bệnh khổ làm thuốc thần, vì không có bệnh khổ thì dục vọng của bạn dễ nẩy sinh.

b/ Hãy lấy hoạn nạn làm giải thoát, vì không hoạn nạn thì kiêu căng dễ nổi dậy.

c/ Hãy lấy khó khăn làm thích thú, vì việc dễ thành công thì lòng bạn dễ khinh thường kiêu ngạo.

D- Ngay bây giờ bạn và tôi phải làm gì: (So what am I doing/ For Action)

1/ Đọc laị gợi ý bài đọc 2, không để tính xác thịt chi phối hành động.

2/ Nhờ Thần Khí Chúa làm cho bạn sống lại, bỏ con người cũ tội lỗi.

3/ Tôi luôn tập đức khiêm nhường và ăn ở hiền hoà với moị người.

E/ Bạn và tôi cùng cầu nguyện và Sống cầu nguyện(Pray&Practice)

Lạy Cha, Đức Kitô đã dạy:Anh hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Con xin quyết tâm không sống theo bản tính xác thịt, để Thần Khí Chúa canh tân đổi mới tâm hồn, tiêu diệt tính kiêu căng tự phụ, luôn sống tin tưởng vào Chúa, hiền hòa với anh em, để con có bình và gặp Chúa ngay từ bây giờ.

Lời hay ý đẹp: CHỈ CÓ CHÚA GIÊSU MỚI CÓ THỂ BIẾN CẢI ĐỜI BẠN

Only Jesus can transform your life

Phó tế: JB. Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com *

Cùng chuyển các Nhóm, Đòan thể, Tu hội học hỏi, chia sẻ Lời Chúa toàn cầu
 
Hãy học với Thầy Giêsu
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
12:45 02/07/2008
Chúa nhật 14 thường niên A

HÃY HỌC VỚI THẦY GIÊSU

Mt 11, 25-30

Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy về đời sống đức tin, siêu nhiên mà còn dạy cách sống nhân bản. Những ai học theo giáo huấn của Người sẽ trở thành con người sống dễ thương, dễ mến và do đó sẽ thành công trong cuộc đời.

Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu dạy rằng: “Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).

- Hiền lành là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo, không cứng cỏi. Hiền lành là nhân đức bao gồm tâm thế bên trong và phản ứng bên ngoài. Tâm thế bên trong thì luôn êm ái, hoà nhã, nghĩ tốt về người khác, yêu thương, khoan dung, thông cảm; phản ứng bên ngoài thì nhẹ nhàng, tôn trọng.

- Khiêm tốn là chấp nhận đứng thấp, ở dưới như Gioan Tẩy Giả khiêm tốn “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”.

Chúa Giêsu hiền lành, dễ thương trong lòng. Người luôn yêu thương người khác. Đặc biệt là những người bé mọn. Người luôn muốn và làm điều tốt cho mọi người. Người không lên án, không thành kiến với những người mà xã hội coi là xấu xa, tội lỗi. Lời nói và hành động của Người luôn toả ra sự dịu dàng, nâng đỡ, khích lệ, ủi an. Người không nặng lời, không kết án, Người sống bằng tình thương.

Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu chẳng những dễ thương với người phụ nữ mà còn dễ thương đối với những người đã tố cáo chị ta. Những người này tự cho mình là công chính. Chúa Giêsu không la, không quát, không hét, không hò, Người chỉ thinh lặng cúi xuống hiền từ dùng ngón tay viết lên cát. Bị hỏi mãi Chúa mới trả lời: “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá trước đi”. Họ rút lui bắt đầu từ những người lớn tuổi. “Tôi cũng không kết án chị đâu, chị hãy ra về và từ nay đừng phạm tội nữa” (x.Ga 8,1-11).

Chúa Giêsu dạy chúng ta sống hiền lành, dễ thương. Người khuyên chúng ta bắt chước người mục tử trong dụ ngôn “Con chiên lạc” (Lc 15, 4-7). Người mục tử không hề đánh đập, giận dữ hay quát tháo, hay lôi kéo con chiên lạc về mà lại tử tế đặt nó lên vai mình, bế về đàn. Chúa Giêsu cũng khuyên chúng ta bắt chước người cha trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” (Lc 15,11-32). Người cha không mắng chửi đứa con đầy lầm lỗi trở về, cũng không cãi cọ, không xua đuổi mà lại ôm hôn và dọn tiệc ăn mừng. Chúng ta có thể kể rất nhiều ví dụ trong Phúc âm về sự hiền lành, dễ thương của Chúa Giêsu.

Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Người không ngừng đi xuống. Từ trời cao, Người đã hạ mình xuống trần thế. Từ thân phận là Thiên Chúa, Người đã hạ mình xuống làm một người lao động bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là Đấng thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tôi đòi. Là Đấng Hằng Sống, Người đã tự nguyện chết khổ đau. Suốt cuộc đời, Người không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiên Chúa đã quỳ trước mặt nhân loại, Thiên Chúa rửa chân cho con người. Ôi lạ lùng thay! sự khiêm nhường thẳm sâu của Thiên Chúa. Trong khi con người kiêu ngạo, muốn vươn lên làm Chúa thì Thiên Chúa lại hạ mình xuống làm người. Trong khi con người thấp hèn, muốn nâng mình lên bằng cách chà đạp người khác thì Thiên Chúa cao cả lại hạ mình xuống nâng con người lên.

Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là hèn nhát mà trái lại là dũng mãnh cam đảm, hạ mình để phục vụ. Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là nô lệ, nhưng trái lại là một cử chỉ đầy tình yêu. Hạ mình là con đường của Thiên Chúa. Khiêm tốn là khuôn mặt của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống nên những ai kiêu căng, tìm cách nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường, nhỏ bé mới gặp được Người. Vì thế, Chúa Giêsu đã “ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những đềi này, nhưng lại mặc khải cho người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp lòng Cha” (Mt 11,25-26).

Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng. (Mt 11,29). Vậy hãy ghi danh vào học trường Giêsu. Hãy học bài học hiền lành, dễ thương, không những chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa mà Thiên Chúa sẽ rũ sạch mọi vất vả, âu lo và chúng ta sẽ tìm được nguồn bình an cho tâm hồn (Mt 11,28-29). Hãy học bài học Giêsu, hãy học với Thầy Giêsu.

Augustinô là một thanh niên có tư chất thông minh nhưng lỡ đi lạc đường. Về phương diện trí thức, Augustinô ỷ mình thông thái, dùng kiến thức của mình để truy tìm những học thuyết uyên bác. Kết quả là lạc vào bè rối Manikê. Về phương diện luân lý, Augustinô sống buông thả theo những đòi hỏi của xác thịt, kết quả là một cuộc sống tội lỗi. Thế rồi một hôm, trong lúc tâm hồn đang trống rỗng, vô vị, Augustinô bỗng nghe một tiếng nói từ đâu đó vang lên: “Tolle et lege” (hãy cầm lấy và đọc). Augustinô thấy trước mặt một cuốn Kinh Thánh, Ngài cầm lên, mở ra và gặp ngay đoạn thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma: “Đừng sống theo xác thịt nữa, mà hãy sống theo Thánh Thần”. Cuộc hoán cải của Augustinô đã được dọn đường nhờ sự cầu nguyện và hãm mình của mẹ Ngài là bà Monica, nhưng chính câu Thánh kinh này là yếu tố quyết định thay đổi cuộc đời Thánh nhân. Trở nên một giáo phụ, một triết gia, một thần học gia, một vị thánh lỗi lạc, rất mực thánh thiện của Giáo hội, Augustinô nhờ việc học hỏi về Chúa Giêsu qua Thánh kinh.

Chúng ta cũng hãy học với Thầy Giêsu qua Lời Chúa mỗi ngày. Yêu mến Lời Chúa, sống Lời Chúa để Lời Chúa biến đổi đời chúng ta sống theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hãy học hỏi Tin mừng và hãy để Tin Mừng soi sáng lòng trí của mình. Hãy múc lấy sức mạnh từ ân sủng của Bí tích Hoà Giải và Bí tích Thánh Thể. Hãy siêng năng Chầu Thánh Thể. Đó là sứ điệp Lời Chúa gởi đến cho chúng ta trong Chúa nhật này.

Học với Thầy Giêsu suốt đời, lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái, sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ, đó là điều cần thiết để mỗi người được Thầy Giêsu mạc khải và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
 
Tách trà đầy
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
12:49 02/07/2008
Chúa Nhật 14 A

TÁCH TRÀ ĐẦY

Người Nhật kể rằng: Có một nhà hiền triết nổi tiếng về sự khôn ngoan và kiến thức, ai ai cũng tìm đến hỏi ý kiến của ông.

Để kiểm chứng điều đó, một giáo sư đại học đến xin tiếp kiến nhà hiền triết. Khi ông giáo sư đã an toạ và bắt đầu nói, nhà hiền triết mới pha trà tiếp khách. Ông rót trà vào tách của ông giáo sư. Những giọt trà nóng hổi chẳng mất chóc đã tràn ra ngoài tách. Nhà hiền triết vẫn điềm nhiên rót. Vừa thao thao bất tuyệt vừa rót trà, nước tràn ra cả khay.

Ông giáo sư nhìn nước tràn khay liền nghĩ thầm: Thì ra con người mà thiên hạ sùng bái như bậc thánh hiền chỉ là một người lơ đễnh. Không còn đủ kiên nhẫn nữa, ông giáo sư nói lớn:

- Thưa ngài, tách trà đã đầy tràn, nước chảy ngập cả khay rồi.

Bấy giờ nhà hiền triết mới ngưng rót và nói:

- Cũng giống như tách trà này, đầu óc ông tràn đầy kiến thức, tư tưởng và những định kiến. Nếu ông không dóc cạn tách trà của ông thì làm sao tôi có thể nói với ông về triết thuyết của tôi. Bởi vì triết thuyết của tôi chỉ dành cho những con người đơn sơ và cởi mở. (Tuyển tập truyện hay, Món Quà Giáng Sinh)

Đức Giêsu đã dâng lời cảm tạ Chúa Cha vì đã giấu không cho những người thông thái và khôn ngoan của thế gian biết được mầu nhiệm tình yêu của Ngài, nhưng lại mạc khải cho những tâm hồn đơn sơ, bé nhỏ. Tâm hồn đơn sơ, bé nhỏ là tâm hồn không cậy dựa vào chính mình, không đặt tin tưởng nơi những gì mình có, không tự mãn về những hiểu biết mình đã lãnh hội được. Đó là một cõi lòng thanh thoát, một con tim rộng mở sẵn sàng để cho ánh sáng của Thiên Chúa tràn ngập. Đó là một con người khiêm tốn luôn có khả năng đón nhận kho tàng ân sủng và khôn ngoan từ Đấng Tối Cao.

Trong lãnh vực thiêng liêng, quy luật vẫn là: muốn khám phá điều lớn lao cần trở nên trẻ nhỏ. Thế gian tìm kiếm quyền lực, xem ra không bao giờ thấu hiểu được điều nghịch lý này: chỉ những tâm hồn bé nhỏ mới khám phá sự to lớn của vũ trụ, chỉ những tâm hồn khiêm nhường mới khám phá ra sự vô biên của Thiên Chúa. Thế gian không thấu hiểu bài học ấy, bởi lẽ thế gian lẫn lộn giữa nhỏ bé và yếu đuối, trẻ nhỏ và ngây thơ, khiêm nhường và tự ti mặc cảm.

Đức Giêsu đã dạy rằng "Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ các con không được vào nước trời" (Mt 18, 3). Lời này mang một ý nghĩa đặc biệt. Trở nên trẻ nhỏ tức là chân thành và khiêm nhường tự xét mình, nhận biết mình yếu đuối, mỏng dòn, tội lỗi và kém cỏi, nhưng vẫn luôn ý thức rằng mình khôn ngoan khi quỳ gối trước Hài Nhi nơi Máng cỏ, khi chiêm ngắm Đức Giêsu trên Thánh giá và tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa, là sự sống và là tất cả của mình.

"Anh em hãy học với tôi". Đức Giêsu mời gọi chúng ta học với Ngài. Học trường Giêsu. Học Thầy Giêsu. Học bài Giêsu. Bài học nằm chính nơi trái tim Ngài: "Vì tôi hiền lành và khiêm nhường". Người luôn luôn chọn chỗ cuối cùng. Là Thiên Chúa nhưng đã tự hạ mình mặc lấy thân phận như chúng ta trừ tội lỗi. Trong bữa Tiệc Ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiên Chúa đã quỳ trước mặt nhân loại. Thiên Chúa rửa chân cho con người. Thật là một sự khiêm nhường sâu thẳm. Trong khi con người kiêu ngạo muốn vươn lên làm Chúa, thì Thiên Chúa lại hạ mình xuống làm người. Trong khi con người hèn hạ muốn nâng mình lên bằng cách chà đạp người khác thì Thiên Chúa cao cả lại hạ mình xuống để nâng con ngươì lên. Khiêm tốn như Ðức Giêsu không phải là hèn nhát, trái lại chỉ những ai dũng mạnh, can đảm mới dám hạ mình phục vụ anh em. Khiêm tốn như Đức Giêsu không phải là nô lệ, nhưng trái lại là một cử chỉ đầy tình yêu. Hạ mình đó là con đường của Thiên Chúa. Khiêm nhường đó là khuôn mặt của Thiên Chúa. Vì thế những ai khiêm tốn là trở nên giống Thiên Chúa. Chúng ta cần theo học với Thầy Giêsu suốt đời. Cần dóc cạn tách trà tự hào khôn ngoan thông thái trần thế để Ngài đổ đầy sự khôn ngoan Thiên Chúa. Cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ với tâm hồn đơn sơ cởi mở. Chỉ như thế Thầy Giêsu mới mạc khải và dẫn đưa chúng ta vào thế giới của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, để nhờ đó dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện diện và tác động trong đời con. Xin dạy con sự hiền lành để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sống khiêm nhường, để con tín thác đời con cho Chúa. Tâm hồn con sẽ được bình an, được bồi dưỡng trong Chúa. Amen.
 
Hiền lành và khiêm nhường
Lm Giuse Đinh lập Liễm
13:07 02/07/2008
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN A

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
+++
A. DẪN NHẬP.

Ngày nay, người ta say mê quyền lực và muốn khuất phục người khác dưới quyền mình, muốn sai khiến người khác theo ý mình. Con người có khuynh hướng trở nên kiêu ngạo. Người ta co dị ứng khi nói đến lời dạy “ hiền lành khiêm nhường “của Đức Kitô, nhất là khuyên chúng ta hãy thực hiện đức tính này.

Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta cần đi bước theo chân Chúa Kitô. Người đã đến chia sẻ kiếp người của chúng ta, Người đã đi đến mức cùng của việc tự hạ: sống chung thân phận với người nghèo khổ, như người tôi tớ rốt hết. Hiền lành và khiêm nhường là những đức tính mà Chúa Giêsu đã thực hiện trước và khuyên các môn đệ hãy đem ra thực hành: ”Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Thực ra, truớc Chúa Giêsu mấy trăm năm, nhà hiền triết Lão Tử cũng đã đưa ra chủ trương:”Nhu nhược thắng cương cường”: lấy mềm dịu thắng cứng rắn (nhu thắng cương, nhược thắng cang). Đây là một chủ trương mới lạ, khó được chấp nhận, chỉ những người có tâm hồn cao thượng mói hiểu và chấp nhận được chủ trương này. Hôm nay chúng ta thấy lời khuyên của Chúa Giêsu rất gần với chủ trương của Lão Tử. Và trong thực tế, có rất nhiều người đã thực hiện lời khuyên của Chúa Giêsu. Họ đã thành công và đã để lại tấm gương sáng muôn đời cho nhiều người. Chúng ta hãy nhớ lại lời khuyên của Chúa Giêsu trong “Tám mối phúc thật”: ”Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ dẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Dcr 9,8-10: Trong thời Chúa Giêsu, người ta đang trông chờ Đấng Messia đến cứu dân Người với hình ảnh là một Đấng Messia đầy quyền uy, dùng võ khí để tái lập hoà bình. Nhưng tiên tri Giacaria lại loan báo cho dân thành Giêrusalem biết: Đấng Messia không đến trong quyền uy với võ khí hủy diệt, nhưng đến với một thứ võ khí đặc biệt là “hiền lành và khiêm nhường”.
Theo đó, Đấng Messia sẽ đến cũng là một vị Vua nhưng là vị Vua có những đức tính khác biệt:
. Ngài không phải là vị vua chiến tranh nhưng là hòa bình.
. Ngài rất khiêm nhường, không ngồi trên lưng ngựa mà trên lưng lừa.
. Ngài rất hiền lành: không muốn giết chết mà chỉ muốn cứu sống.
Đức Giêsu sẽ hoàn tất việc mong chờ này vào ngày lễ Lá, khi Người vào thành Giêrusalem trên lưng một con lừa, như những người nghèo.
+ Bài đọc 2: Rm 8,9.11-13: Đây là đề tài phụ. Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta rằng khi được chịu phép rửa tội, chúng ta thực sự đã trở nên môn đệ Chúa Kitô và để phục sinh với Người chúng ta phải sống theo thần khí của Người (tức là Thánh Thần) chứ đừng “sống theo xác thịt’ là mọi khuynh hướng xấu sẵn có trong chúng ta.
Ai sống đời sống cũ tức là sống theo xác thịt sẽ bị dẫn đến sự chết. Còn ai sống đời sống mới tức là sống theo Thánh Thần sẽ được dẫn tới sự sống vĩnh cửu.

+ Bài Tin mừng: Mt 11,25-30: Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta có thể tìm thấy hai ý tưởng chính:
a) Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì Người qúi chuộng những kẻ bé mọn và khiêm nhường. Chính Người đã tiết lộ bí mật của Người cho họ trong khi Người lại giấu không cho những người khôn ngoan và quyền thế biết được những điều ấy. Vì sao ? Vì các luật sĩ và biệt phái đáng lẽ ra phải là những người đầu tiên nhận ra rằng Chúa Kitô là sứ giả của Thiên Chúa. Nhưng sự hiểu biết về Sách Thánh của họ đã làm cho họ đầy kiêu căng, một thứ vật cản.
b) Sang phần sau, Chúa Giêsu cho biết, vì không tự mãn, những trí óc khiêm nhường của những kẻ bé mọn lại được mở ra ngay từ đầu đối với những mầu nhiệm của Chúa. Họ đã nhận ra Chúa Giêsu là sứ giả của Thiên Chúa và đón nhận lời Người.
Nhân dịp này, Chúa Giêsu cũng khuyên những người bé mọn đó hãy “mang lấy ách của Ngài” tức là “hãy học cùng Ngài” về hai đức tính căn bản là “Hiền lành và khiêm nhường” trong cuộc sống hằng ngày để làm môn đệ Chúa.

B. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Người hiền lành khiêm nhường

Trong phần thực hành lời Chúa, chúng ta chỉ bàn đến lời khuyên của Chúa trong phần thứ hai của bài Tin mừng: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

I NÓI VỀ HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG.

1. Nói về hiền lành.

Hiền lành hay hiền hậu là con người tốt lành, không độc ác, nhưng có lòng thương người, có đức hạnh và hay làm điều thiện. Ví dụ: Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Theo nguyên ngữ Hy lạp được dùng trong Kinh thánh thì nó có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Như thế hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hòa nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo.

Hiền lành thì phải tránh tính nóng nảy. Trong đời sống hằng ngày, người có quyền bính đều xử dụng tính nóng nảy của mình đối với người khác, có khi còn “giận cá băm thớt”. Người ta từng nói: ”No mất ngon, giận mất khôn”. Cho nên, để luôn luôn tự cảnh giác, ông Nguyễn đình Giản, thời Lê mạt, đã viết vào một mảnh giấy, dán lên chỗ ngồi giải trí, câu này:

Tảo cấp tắc bại sự
Nóng tính thì hỏng việc
.

2. Nói về khiêm nhường.

Theo chữ thì Khiêm nhường hay khiêm nhượng là nhún nhường không khoe khoang, hạ mình xuống một chút. Căn bản của khiêm nhường là biết mình “là” thế nào: từ đó không muốn tỏ ra hơn cái “là” ấy; và giả như người khác có coi mình kém hơn cái “là ấy” thì mình cũng không màng tới. Điều quan trọng là sống thanh thản và thành thật đúng với cái “là” của mình.

Khiêm nhường trái ngược với kiêu ngạo. Kiêu ngạo là muốn tự cho mình vượt quá cái “là” của mình và bắt người ta phải công nhận như vậy. Người kiêu ngạo được coi là người VIỆT VỊ trong bóng đá vì đã vượt quá vị trí của mình. Dĩ nhiên, cầu thủ “việt vị” thì đều bị trọng tài phạt.

Truyện: hoàng đế Napoléon kiêu ngạo.

Trong trận đánh Nga, hoàng đế Napoléon đã mơ tưởng thu phục cả Ân độ, và với lòng kiêu căng vô biên, nhà vua đã cho đúc một thứ huy chương có dòng chữ này: ”THIÊN ĐÀNG LÀ CỦA CHÚA, TRÁI ĐẤT LÀ CỦA TÔI”. Nhưng rồi nhà vua đã mất ngôi báu vì trận Nga này. Sau trận thất bại của nhà vua, một viên đại tướng Nga cũng cho đúc một huy chương khác, trên mặt có một hình bàn tay đưa ra đám mây và cầm roi đánh vào lưng Napoléon cùng với lời này: ”CÁI LƯNG LÀ CỦA MÀY, CÁI ROI LÀ CỦA TA”. Và như thế, vị hoàng đế kiêu ngạo, sau này trong nơi vắng vẻ bị tù đầy ở đảo Sainte Helène có thể suy nghĩ về chân lý về những lời này của Chúa: ”Kẻ nào đưa mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12).

II. NGƯỜI ĐỜI NGHĨ THẾ NÀO ?

Tùy theo quan niệm của người ta, hiền lành nhịn nhục có thể bị coi như một thái độ hèn nhát, nhu nhược. Nhưng cũng có rất nhiều người coi đó là thái độ anh hùng đáng ca tụng. Phải là một con người có bản lĩnh vững vàng cao thượng mới có thể thực hiện được.

1. Thái độ hèn nhát.

Ngày nay sự hiền lành dễ thương không còn được đánh giá cao như trước. Trước đây lời khen ngợi tốt nhất mà ta có thể trao tặng cho kẻ khác là gọi họ là “người hiền lành dễ thương”. Nhưng ngày nay, bạo lực lại phổ biến hơn hiền lành dễ thương. Truyền hình đã làm cho bạo lực có rất nhiều khán giả bằng những chương trình Nielson rất phổ biến (bên Mỹ).

Nếu thi sĩ Alfred de Vigny coi cầu nguyện và than vãn là thái độ hèn yếu, thì đối với ông và với nhiều người khác, họ nghĩ sao với lời Chúa: ”Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” ? Có lẽ họ muốn theo cách hành động của anh chàng Tân Ti Tụ suốt đời không chịu để cho ai làm nhục.

Truyện: Anh chàng Tân Ti Tụ.

Đời Trang Công nuớc Tề có người tên là Tân Ti Tụ đêm nằm mơ thấy một chàng cao lớn đội mũ trắng đi giầy mới, mặc quần gai, áo vải, đeo gươm tự dưng đến nhà mắng, nhổ vào mặt mà đi.
Tân Ti Tụ giật mình thức dậy, tuy biết chiêm bao nhưng vẫn tức tối, suốt đêm bực rọc khó chịu, không ngủ được.
Sáng dậy, Tân Ti Tụ mời một bạn thân đến nói rằng:
- Bác ạ, tôi từ nhỏ đến giờ vẫn là kẻ hiếu dũng, nay sáu mươi tuổi rồi mà chưa hề chịu ai làm nhục, thế mà đêm qua bị một đứa, tôi phải đi tìm để báo thù, nếu thấy thì hay, còn không tôi chết mất.
Thế rồi từ hôm ấy, sáng nào Tân Ti Tụ cũng cùng bạn ra đứng ngoài đường cái để rình. Rình mãi ba ngày không thấy, rút cục Tân Ti Tụ phải uất lên mà chết.
(Thái Bạch, Đông tây kim cổ tinh hoa, 1965, tr 134)


2. Thái độ can đảm

Ngược lại với thái độ của những kẻ tầm thường chỉ biết hành động theo tình tư dục, những bậc thánh nhân, hiền nhân quân tử có cái nhìn khác hẳn. Những kẻ tầm thường không có cái suy nghĩ và hành động như các vị đó.

Thánh Francois de Sales nói: ”Tất cả đều được chinh phục bởi hiền dịu chớ không phải bạo lực”.

Nhà hiền triết Mạnh Tử nói: ”

Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân
Đạo trời không riêng một người, Luôn gia ân cho kẻ hiền lành.


Ông Tô đông Pha, một văn sĩ Trung hoa thời xưa nói rất chí lý:
“Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt, ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng, nhân tính có chỗ không thể nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Kẻ Đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cố bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy”.

Để làm nổi bật cái triết lý “Nhu nhược thắng cương cường” trong phương diện cách mạng, ông Nguyễn duy Cần trong cuốn “Cái Dũng của thánh nhân” đã đề cập đến cuộc giải phóng Ấn độ do ông Gandhi điều khiển. Chính sách đề kháng bất bạo động của Gandhi đã làm cho thế giới hết sức ngạc nhiên và thán phục. Đâu phải người ta không biết dùng bạo động, nhưng vì người ta cho đó là còn hạ sách.

Ông Gandhi nói: ”... Tôi tin rằng Ấn độ không phải là vô lực. 100.000 người Anh làm gì mà đến 300 triệu người Ấn kia phải sợ ? Bất bạo động đâu phải chịu lụy kẻ làm hại mình. Bất bạo động, là dùng sức mạnh của cả tâm hồn để chống lại với cường quyền của kẻ độc tài”.

Một người như thế thôi cũng đủ khiêu khích cả một đế quốc và làm cho nó “tan tành nghiêng ngửa”.

Truyện: Lạn Tương Như và Liêm Pha.

Lạn Tương Như được phong làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận hăm he hễ gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi... Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như:
- Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc thượng phu nên mến mà theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá thế vậy ? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi không ở nữa.
Tương Như nói:
- Các ngươi xem tướng quân có hơn được vua Tần không ?
Bọn xá nhân đáp:
- Không.
Tương Như nói:
- Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư ? Nhưng ta nghĩ Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.
Bọn xá nhận mọp lạy mà rằng:
- Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công.
Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như cả thẹn mà rằng: ”Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, qùi mọp mà rằng: ”Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau.
(Nguyễn duy Cần, Cái DŨNG của thánh nhân, 1958, tr 162-163)

III. CHÚNG TA NGHĨ SAO ?

Mỗi người phải lựa chọn cho mình một hướng đi. Chúng ta phải có lựa chọn nào trước lời Chúa dạy: ”Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” ? Thái độ của người hiền lành là hèn nhát hay can đảm ?

Đối với chúng ta, sự hiền lành và khiêm nhường của Đức Giêsu đã làm cho không biết bao người đương thời với Chúa Giêsu và bao thế hệ sau này ngỡ ngàng và kinh ngạc.

Truyện: BEN HUR

Nhà văn Lewis Wallace trong tác phẩm BEN HUR cũng nói lên tâm tư sững sờ trước sự khiêm nhường sâu thẳm của Đức Kitô:
Ben Hur khi chứng kiến cảnh Đức Kitô bị Giuda phản nộp và bị các tên lính bắt trói, chàng hăm hở tiến đến gần Chúa Giêsu và hỏi:
- Lạy Thầy, hãy nghe tôi, có phải Thầy tự ý muốn đi theo bọn lính và các giáo sĩ hay không ?
Đức Giêsu lặng thinh.
- Lạy Thầy, tôi có một binh đoàn quân Galilê trong thành phố này. Hãy ra lệnh đi, họ sẽ phục tùng Thầy. Thầy có thuận không ?
Đức Giêsu vẫn một mực cúi nhìn đăm đăm xuống đất.
- Lạy Thầy, một lời thôi, một lời của Thầy thôi, tất cả sẽ theo Thầy...
Đức Giêsu vẫn im lặng, đến nỗi Ben Hur ngã vật xuống bờ sông Cédron và thốt lên:
- Người Nazareth, hỡi người Nazareth, thế thì thông điệp của Người mang ý nghĩa gì ?

Mang một ý nghĩa gì ư ? Đó là “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đó là thông điệp mà Đức Giêsu gửi cho mọi người chúng ta. Ngài đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Ngài thôi.

Qua những tư tưởng trên, chúng ta thấy cái hiền lành khiêm nhường của Đức Kitô không là một sự nhu nhược nhát đảm, nhưng đó là đức tính của những vĩ nhân, của những bậc đại thánh. Bởi vì chính tính khí kiêu căng đã làm cho thế giới bị đảo lộn, hận thù ghen ghét, chiến tranh. Những kẻ kiêu căng tự mãn là những tiểu nhân, hèn mọn, còn những tâm hồn hiền lành khiêm nhường là bậc anh hùng vì họ đã anh dũng chiến thắng được bản thân với những tính tự ái ích kỷ hẹp hòi. Đó mới là cuộc chiến quan trọng, và cái chiến thắng của cuộc chiến đó mới đáng kể.

Truyện: Đức Gioan 23 và bức thư.

Lúc được phong chức Tổng giám mục, Đức Cha Roncalli là khâm sứ Toà thánh kiêm đại diện Tông tòa quản trị các giáo phận ở Bungari và Thổ. Công việc của ngài rất khó khăn, vì phải trông coi một vùng rộng lớn đang sôi động về mặt chính trị, chia rẽ về mặt tôn giáo, Công giáo với Tin lành, Chính thống, Hồi giáo, các linh mục triều lại chia rẽ với các tu sĩ.

Trong lúc thi hành công việc mục vụ, Đức Tổng giám mục Roncalli nhận được một bức thư nặng lời chê bai chỉ trích Ngài về mọi mặt, do tay một linh mục bất mãn viết. Đọc xong, Đức cha Roncalli không nói một lời, lòng vẫn tha thiết yêu vị linh mục ấy.

Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức sứ thần Toà thánh tại Paris, rồi hồng y giáo chủ Vênêcia, và cuối cùng đắc cử Giáo hoàng với danh hiệu Gioan 23 năm 1958.

Linh mục bất mãn viết thư năm nào vẫn còn sống. Về sau để ngài tháp tùng với giáo dân sang Rôma và xin được yết kiến Đức Giáo hoàng.

Linh mục ấy đã thuật lại cuộc tiếp kiến riêng tư với Đức Giáo hoàng:
“Trong lúc đứng ở phòng khách trên lầu cao Vatican, đầu óc tôi cứ nghĩ tới bức thư bất mãn năm xưa mà lòng tôi vô cùng hối hận. Tôi trộm nghĩ, đã mấy chục năm trời qua rồi, giờ đây chắc hẳn Đức Thánh Cha không còn nhớ gì... Nhưng ai ngờ, sau khi tiếp chuyện thân mật, Đức Thánh Cha với lấy cuốn Kinh thánh và lôi ra trước mặt tôi bức thư khốn nạn ấy. Đang khi tôi lo âu lúng túng, Đức Thánh Cha đã cầm lấy tay tôi và dịu dàng bảo: ”Con đừng hoảng sợ, cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người, cũng yếu đuối, cha ngăn bức thư con viết vào cuốn Thánh kinh để hằng ngày đọc vào đó mà xét mình, hầu có thể dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại, hoặc xa tránh những lầm lỡ có thể xẩy đến trong tương lai. Mỗi lần như thế cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con”.

Trong bài “Anh hùng” được chia sẻ với giới trẻ hạt Đức trọng, tôi đã đề cập đến câu định nghĩa về anh hùng của Vương Thông, theo đó:

ANH là người tự biết mình.
HÙNG là người tự thắng mình
.

Vậy người thực hiện được lời Chúa dạy: ”Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” phải là vị anh hùng vì họ đã tự biết mình và đã thắng được mình, thắng được tính nóng nảy và hay trả thù của mình. Đứng trước tấm gương của những người hiền lành nhịn nhục, không ai dám coi họ là những người hèn nhát mà phải suy tôn họ là anh hùng.

Trong bài giảng “Tám mối phúc thật”, Chúa Giêsu đã khẳng định: ”Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Nếu người ta nói: ”Cha nào con ấy” thì chúng ta phải nghĩ thế nào khi chúng ta là con cái Chúa ? Nếu Cha chúng ta là Đấng hiền lành khiêm nhường, còn chúng ta là con, thì không thể nào đi ra khỏi con đường Chúa đã vạch ra cho chúng ta. Bài học đã có sẵn, chúng ta chỉ việc đưa ra thực hành.
 
Năm Thánh Phaolô: Sống Lời Chúa
LM Phêrô Nguyễn Hương
13:12 02/07/2008
Năm Thánh Phaolô: Sống Lời Chúa

Dẫn Nhập:

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 105,19). Từ xa xưa Thánh vịnh đã nói lên được tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Bước vào năm thánh Phaolô, và hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI về việc học hỏi Kinh Thánh và sống lời Chúa, chúng ta sẽ cùng nhau tĩnh huấn với đề tài: “Năm Thánh Phaolô và Sống Lời Chúa”. Chủ đề này sẽ được chia làm hai phần:

Phần I: Ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của Lời Chúa

1. Lời Chúa là gì?

a. Chúng ta nghe Lời Chúa mỗi ngày, nhưng Lời Chúa là gì? Đó là một câu hỏi quan trọng. Theo Giáo Lý của Giáo hội thì Lời Chúa là Lời Mặc Khải, là Lời được linh hướng bởi Chúa Thánh Thần, và được viết ra bằng ngôn ngữ nhân loại, để chuyển thông sứ điệp cứu độ, sứ điệp tôn giáo của Thiên Chúa đến với con người.

Theo định nghĩa này thì qua Lời Chúa, Thiên Chúa tự mặc khải (autorivelation), tự thông truyền (autocomunication) chính mình cho chúng ta. Và qua đó Chúng ta biết được Thiên Chúa là ai, và chúng ta phải làm gì trong tương quan với Người. Vì thế, Lời Chúa luôn sống động và hiện sinh. Mỗi câu, mỗi đoạn, mỗi câu chuyện không chỉ là chuyện kể của quá khứ, nhưng luôn có tính hiện tại và liên hệ đến đời sống của tôi hôm nay.

b. Lời Chúa không chỉ là những ngôn từ được viết ra thành sách, mà Lời đó (Verbo) cũng là một Ngôi vị (Ngôi Lời) sống động trong Ba Ngôi. Lời sống động đó đã nhập thể làm người trong Đức Giêsu. Vì thế, Đức Kitô là Lời sống động của Thiên Chúa. Nên việc nghe và sống Lời Chúa có nghĩa là gắn bó với Con Người Giêsu Kitô thành Nazareth. Chính vì thế, Đức Kitô là trung tâm điểm của Kinh Thánh, là sự viên mãn của mạc Khải của Thiên Chúa, và Người cũng là “chìa khóa” để hiểu Kinh Thánh. Và việc sống Lời Chúa cũng có nghĩa là sống theo Đức Kitô, sống như Đức Kitô đã sống, trở nên giống Đức Kitô.

2. Tầm quan trọng của Lời Chúa

a. Trước hết, nếu không biết Lời Chúa thì sẽ không biết Thiên Chúa. Thánh Giêrônimô, là một dịch giả Kinh Thánh thế kỷ 5 có một câu nói nổi tiếng: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Và như trên chúng ta nói, Lời Chúa là lời mạc khải về Thiên Chúa. Chính vì vậy, nếu chúng ta muốn biết Thiên Chúa, thì hãy đọc, tìm hiểu Kinh Thánh. Qua Kinh Thánh, Thiên Chúa nói với chúng ta về Người. Mỗi lần đọc Kinh Thánh là chúng ta gặp gỡ, nói chuyện với Thiên Chúa như một người Cha nói chuyện với Con, như một người bạn đồng hành với chúng ta.

b. Tiếp đến, nếu không có Lời Chúa thì không có Giáo hội và Giáo Hội hiện hữu là để loan báo Lời Chúa. Công đồng Vaticanô II nói rằng: “Dân Chúa được quy tụ trước hết nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống”. Điều này có nghĩa là Lời Chúa làm nên Giáo hội, Giáo hội là những người được quy tụ bởi Lời Chúa, sống Lời Chúa. Chính vì thế, mỗi lần cữ hành phụng vụ, Giáo hội đọc và nghe Lời Chúa.

Nhưng Giáo Hội không chỉ có nghe Lời Chúa, mà còn có bổn phận chính là rao giảng Lời Chúa cho thế giới. Đọc Tin Mừng Chúng ta thấy mệnh lệnh loan báo Tin Mừng của Chúa được lặp đi lặp lại nhiều lần: “Hãy đi rao giảng tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Vì thế, Giáo Hội vừa là người nghe và cũng là người lưu giữ, người chuyển thông “Tin Vui cứu độ” của Thiên Chúa cho người khác, cho thế giới. Bởi thế, mọi thành phần trong Giáo hội đều được mời gọi học hỏi, tìm hiểu Lời Chúa và có bổn phận phải rao truyền Lời Chúa cho những người xung quanh.

3. Lời là luật sống và hiệu quả của Lời

a. Lời Chúa là Luật Sống của người kitô hữu:

Bất kỳ một tổ chức hay một cộng đoàn nào đều có những nội quy, quy tắc để hướng dẫn và làm cho tổ chức đó tồn tại. Giáo Hội cũng là một tổ chức (societas perfetta), một cộng đoàn (communitas) trong đó, Lời Chúa là quy luật sống, là Kinh chỉ nam cho Giáo hội. Và Giáo hội là chính mỗi người kitô hữu, là mỗi người chúng ta. Nên Lời Chúa là luật sống của mỗi chúng ta.

Thánh Vịnh nói rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 105,19).

Quả thế, Lời Chúa là Lời hướng dẫn chúng ta bước đi trên con đường của sự thật, hướng tới sự thiện hảo, giúp ta chống lại sự giả dối và sự dữ xung quanh chúng ta.

b. Hiệu quả của Lời Chúa

Ai sống Lời Chúa, Ai xây cuộc đời mình trên Lời Chúa, thì người đó được ví như là người xây nhà trên đá rất vững chắc và an toàn trước sóng gió và thử thách của cuộc sống (Mt 7:24-25).

Ai sống lời Chúa, tuân giữ lời Chúa là dấu chỉ của người yêu mến Chúa đích thực: Vì Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Gv 14,23).

Ai nghe và thực hành Lời Chúa, người đó sẽ được chúc phúc (x. Lc 11,8); được sự hoan lạc (Giêrêmia 15,16); được “trở nên phong phú về mọi phương diện” (1 Cr 1,5) và nhất là được “hưởng ơn cứu độ” (1 Pt 2,2).

Câu hỏi gợi ý chia sẽ:

1. Trong các bài đọc hôm nay, có câu nào đánh động tôi nhất?
2. Lời Chúa đã trở thành nền tảng, luật sống của tôi mỗi ngày chưa?
3. Yêu Chúa là chỉ có đọc một số kinh thuộc lòng như thế đã đủ chưa?
4. Tôi có đọc Kinh Thánh mỗi ngày không?

Phần II: Sống và thực hành Lời Chúa

1. Nghe và sống Lời Chúa đi liền với nhau

Như trên chúng ta nói. Lời Chúa là luật sống của người kitô hữu. Chính vì thế, việc nghe Lời Chúa phải được gắn liền với việc thực hành Lời Chúa vào trong cuộc sống hằng ngày, vào những hoàn cụ thể, chứ không phải chỉ có nghe suông thôi.

Thánh Giacôbê trong bài đọc I nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm. (Giac 1,23-25). Tôi nghĩ rằng không có Lời nào đẹp và đáng suy nghĩ như những lời này. Hình ảnh soi gương rất cụ thể, chúng ta hãy dùng Lời Chúa làm gương soi mình mỗi ngày.

2. Cách thức để thực hành Lời Chúa

- Chúng ta nghe Lời Chúa mỗi ngày nhưng Lời đó không có tác dụng gì với đời sống hằng ngày của ta, bởi vì chúng ta chỉ dừng lại trong việc nghe Lời, mà thiếu đi việc thực hành Lời Chúa. Nghe tai bên này ra tai bên kia. Việc nghe Lời Chúa trong nhà thờ không có liên hệ gì tới đời sống hằng ngày của tôi. Trước khi đi lễ, tôi là người cộc cằn, nóng nảy, độc ác… vv. Đi lễ về, tính nào tật đó, không hề thay đổi điều gì.

Vì thế trước hết thực hành Lời Chúa là áp dụng những Lời đó vào trong đời sống của ta. Nghĩa là hãy để có Lời Chúa thấm sâu vào lòng trí của ta, hãy để cho Lời Chúa uốn nắn, thanh luyện suy nghĩ, cảm xúc và ước muốn của chúng ta. Hãy để cho Lời thay đổi đời sống của chúng ta. Chỉ có như thế chúng ta mới trở thành một người tốt, người hoàn thiện, một người kitô hữu đích thực. Muốn vậy mỗi ngày chúng ta hãy tâm niệm một câu Kinh Thánh và có gắng sống áp câu đó vào cuộc sống hằng ngày.

3. Những dấu chỉ và gương sống Lời Chúa

Những dấu chỉ sống Lời Chúa

Nếu tôi nhìn vào đời sống hằng ngày của tôi, trong gia đình, nơi làm việc, tôi vẫn còn ích kỷ, nhỏ nhen, độc tài, lười biếng, hay ghen tị, tham lam, dâm đảng, hay so sánh, xét đoán, nói xấu và vội vàng kết án người khác, chia rẽ gia đình và cộng đoàn …. Tất cả đó là dấu chỉ tôi chưa sống Lời Chúa.

Ngược lại, người sống Lời Chúa là người biết sống bác ái và yêu thương, người biết quan tâm và giúp đỡ người khác, người biết phục vụ vì lòng yêu mến Chúa chứ không tìm kiếm những cái danh cái lợi nhỏ nhen chóng qua; người biết sống tinh thần hiệp nhất và biết tôn trọng sự khác biệt của người khác để xây dựng và phát triển gia đình và cộng đoàn.

Trong tư cách là người kitô hữu tất cả chúng ta đều được mời gọi cách đặc biệt sống tinh thần Tin Mừng để phục vụ cộng đoàn, đó là tinh thần phục vụ trong bác ái, hiệp thông, hiệp nhất với nhau. Chúng ta nghe Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta: “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” Gv 17, 22). Vì nếu thiếu bác ái và hiệp thông, dù chúng ta làm gì lớn lao cũng là zero trước mặt Chúa. Nếu không có tinh thần hiệp nhất thì nhiều lúc việc chúng ta làm không những không giúp phát triển cộng đoàn mà còn là nguyên có gây chia rẽ và bè phái trong cộng đoàn. Hay nói như đức Hồng Y Thuận là “chúng ta làm công việc của Thiên Chúa, mà quên đi chính Chúa”. Vì Thiên Chúa là hiệp nhất nên một với nhau và sự hiệp nhất của chúng ta phải bắt nguồn từ sự hiệp nhất của Thiên Chúa.

Gương Sống Lời Chúa

Gương sống lời Chúa thì rất nhiều, chúng ta chỉ lấy hai gương nổi bật: đó là Đức Maria và Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận: Mẹ Maria là người được thánh Luca định nghĩa: người “lắng nghe và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19), Mẹ đã nghe Lời, cưu mang Lời và sinh Lời Nhập Thể cho nhân loại. Nhờ đó chúng ta mới được ơn cứu độ.

Đức Hồng Y Thuận của chúng ta là một chứng nhân sống Lời Chúa, dù bị trù dập, tù đày, chịu đau khổ, nhưng nhờ sống Lời Chúa, ngài luôn đầy niềm hy vọng vào Tình Yêu của Thiên Chúa, niềm hy vọng đó đã giúp Ngài vượt trên khỏi những thái độ trả thù, oán hờn, mà thay vào đó là thái độ tha thứ và bao dung với những ai thù địch với ngài.

Lời nguyện

Lạy Chúa, hôm nay giáo hội mừng lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, là hai cột trụ của hội Thánh, là hai nhân chứng sống động của Lời Chúa. Các ngài đã nghe, được biến đổi và là người mang Lời Chúa cho muôn dân, xin cũng Chúa cũng dạy chúng con biết noi gương Đức Maria, các Thánh, là biết lắng nghe và biết loan báo Lời Chúa bằng đời sống của mình.

Ngày hôm nay, chúng con đang phải đối diện với nhiều lời mời mọc khác, lời mời mọc sống hưởng thụ ích kỷ, chia bè phái trong cộng đoàn, sống dễ dãi và nghịch với Tin Mừng, nhiều khi chúng con muốn bỏ Chúa, và quên Lời Ngài, xin cho chúng con luôn tín thác vào Chúa và can đảm sống Lời Chúa. Xin cho chúng con có xác tín như Thánh Phêrô rằng: “Bỏ thầy chúng con biết theo ai? Vì Thầy có lời ban sự sống” (Gv 6,68).
 
Học sống hiền lành và khiêm nhượng với Chúa Giê-su
LM Inhaxiô Trần Ngà
13:22 02/07/2008
Chúa Nhật 14 thường niên A

Học sống hiền lành và khiêm nhượng với Chúa Giê-su

Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng (Mat 11, 29-30)

Người đời tưởng rằng muốn trở nên hùng mạnh và thắng được người khác thì mình phải hung tợn hơn, tàn ác hơn, phải tôn mình lên và hạ bệ người khác xuống, phải dùng sức mạnh để quật ngã, phải dùng khí giới để huỷ diệt và khủng bố kẻ thù... Nhưng nghĩ như vậy là thiển cận và sai lầm.

Lịch sử loài người đã tỏ cho thấy cho dù những bạo chúa hung tàn nhất như Nê-rô hay Tần Thuỷ Hoàng chẳng hạn, cũng chỉ có thể dùng cường quyền và bạo lực để chiếm lấy ngai vàng trong một thời gian nhưng không thể chinh phục được lòng người. Những nhân vật nầy cũng chưa hề được xem là hùng mạnh, là anh dũng. Trong khi đó, lịch sử đánh giá rất cao những con người hiền lành, khiêm nhượng, ôn hoà bất bạo động như Mahatma Gandhi, Martin Luther King... Lịch sử nhân loại nhìn nhận họ là những bậc vĩ nhân đáng ngưỡng mộ, biết dùng sự hiền hoà, bất bạo động để chiến thắng bạo tàn, biết “dùng nhu để thắng cương, biết dụng nhược để thắng cường”(Lão Tử).

Thế nên, mặc dù Chúa Giê-su có rất nhiều phẩm chất cao đẹp đáng nêu gương, nhưng phẩm chất đầu tiên mà Người kêu gọi mọi người nên học nơi Người là đức tính hiền hậu và khiêm nhường. “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhượng.” ( Mt 11, 29) và “phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp” (Mt 5, 4)

Câu chuyện sau đây minh chứng cho thấy sự hiền lành khiêm nhu có thể chiến thắng hung hăng và thô bạo.

Thời chiến quốc, vua nước Triệu phong Lạn Tương Như làm tướng quốc. Tướng Liêm Pha cậy mình có công lớn hơn mà lại bị đặt dưới quyền Tương Như nên đâm ra căm tức, thề rằng nếu gặp mặt Lạn Tương Như là giết.

Tương Như nghe nói thế bèn tìm cách lánh mặt Liêm Pha hoài. Một hôm, Tương Như ra đường, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha đi tới, vội bảo tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra tiếp tục hành trình.

Bọn xa nhân thấy thế tức giận, bèn hỏi Tương Như: ”Chúng tôi tưởng ngài là bậc đại trượng phu nên đem lòng quý trọng, từ bỏ nhà cửa, xa lìa thân thích để đến đây hầu ngài. Nay thấy ngài là tướng quốc, thứ hạng còn cao hơn Liêm tướng quân, lại để Liêm tướng quân doạ giết mà không đáp lại; ngài đã tránh mặt Liêm tướng quân ở triều đình, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ Liêm tướng quân quá vậy? Chúng tôi rất lấy làm xấu hổ, vậy chúng tôi xin rút lui, không theo hầu ngài nữa.”

Tương Như nói: “Các ngươi xem Liêm tướng quân có oai phong, cao trọng bằng vua Tần không?” Bọn xa nhân thưa: “Không”.

Tương Như nói: “Uy danh của vua Tần, thiên hạ đều kinh sợ không ai dám chống, vậy mà một mình Tương Như nầy dám mắng nhà vua giữa triều đình, lại dám làm nhục cả đám quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm Tướng Quân ư? Nhưng ta nghĩ sở dĩ Tần không dám đánh nước ta là vì ngại có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, tất không cùng sống. Tần mà nghe tin ấy tất sẽ thừa cơ tiến đánh nước ta. Sở dĩ ta chịu nhục tránh Liêm tướng quân là vì coi việc nước là trọng mà thù riêng là nhẹ đó thôi”.

Nghe vậy, bọn xa nhân quỳ mọp tâu rằng: “Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm sao hiểu được đại chí của tướng công”.

Liêm Pha hay được tin nầy, cả thẹn than rằng: “Ta thật còn kém Lạn Tương Như nhiều lắm”, rồi trần vai áo đến trước cửa nhà Tương Như tạ tội: “Tính tôi thô bạo, đội ơn tướng quốc bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá!”

Tương Như đỡ Liêm Pha dậy, hai người nắm tay nhau khóc và thề nguyền kết bạn suốt đời sống chết có nhau.

(trích “Thuật xử thế của người xưa” của Thu Giang Nguyễn Duy Cần).

Thế là bằng đường lối nhịn nhục, hiền lành và khiêm nhượng, Lạn Tương Như hoàn toàn chiến thắng và chinh phục được cả con người lẫn tâm hồn của Liêm Pha. Đúng như Pascal nhận xét: “Người ta chỉ thực sự vĩ đại khi hạ mình quỳ xuống.”

Một trong những hình tượng rất sinh động để diễn tả sự khiêm hạ là hình tượng về nước. Nước luôn tỏ ra mềm mỏng, dịu dàng, tránh va chạm và xô xát. Cho dù nước có bị tấn công thô bạo, nước cũng không hề kháng cự bao giờ.

Khi người ta dùng búa tạ đập vào khối đá rắn chắc, đá dùng sự cứng rắn của mình để kháng cự lại nên bị vỡ tan. Khi người ta dùng búa tạ giáng vào nước, nước dùng sự mềm mại dịu hiền của mình đối lại, thế là nước không hề bị sứt mẻ hư hao, còn búa thì bị chìm lĩm xuống tận đáy bùn!

Nước luôn luôn tìm chỗ rốt hết, tìm chỗ thấp mà chảy xuống, chẳng bao giờ muốn leo cao, nên nước luôn được bảo toàn.

Tuy mềm mại và luôn tìm chỗ thấp hèn như thế, nhưng nước lại có sức mạnh phi thường.

Khi có một đám cháy rừng bộc phát thiêu rụi hàng ngàn mẫu rừng nguyên sinh và trong khi bao nhiêu nỗ lực của con người với những phương tiện hiện đại nhất không tài nào dập tắt được, thì người ta chỉ còn biết cầu …. mưa! Khi mưa trút xuống hàng tỉ mét khối nước thì thần hỏa mới chịu bó tay và rừng xanh mới có thể phục hồi.

Nước tuy mềm mại dịu dàng nhưng có thể bào mòn đá cứng. Nước tuy không cánh nhưng có thể bay tới mây trời; nước không có mũi dùi mũi khoan nhưng có thể thấm nhập đến tầng sâu nhất trong lòng đất. Nước đi đến đâu thì đem lại sự sống dồi dào cho nơi đó.

Như thế, nước tuy thấp kém, mềm mỏng, dịu hiền nhưng lại có sức mạnh vô song.

Những minh hoạ trên đây giúp chúng ta xác tín hơn vào lời dạy đầy khôn ngoan của Chúa Giê-su được trích đọc trong Tin Mừng hôm nay: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhượng.” (Mt 11, 29) và “phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp” (Mt 5, 4).
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:18 02/07/2008
NƯỚC MẮT CỦA ANH HỀ

N2T


Trước lễ Giáng Sinh một ngày, vì để chúc mừng ngày lễ nên đoàn xiếc động vật muốn bắt đầu biểu diễn, một gia đình tất cả diễn viên nhân công và con cái của họ ở đây qua một đêm thật khó quên.

Tiếp theo là tấm màn kéo ra, buổi biểu diễn bắt đầu: con ngựa đen lùn biết khiêu vũ; tiếng rống của sư tử khiến cho các em nhỏ thốt lên những tiếng thất kinh. Tiết mục tiếp theo là màn kịch câm do anh hề biểu diễn mà tất cả các em nhỏ rất thích. Anh hề thoắt cái hóa trang thành gấu con, thoắt cái giả trang làm con thỏ, tướng dáng hoạt kê của anh hề làm cho trẻ em cười nghiêng ngửa, nhưng có một em bé gái ngồi hàng ghế trước tuyệt nhiên không thấy cười.

Anh hề càng gia tăng sức biểu diễn, nhưng em bé gái ấy không một chút gì là cảm động, anh hề đi đến trước mặt em bé gái ấy hỏi: “Cháu không thích bác biểu diễn hay sao ?”

- “Không phải, cháu rất thích.”

- “Vậy thì tại sao cháu không cười ?”


- “Bởi vì cháu không nhìn thấy.” Toàn thể hội trường im lặng, anh hề già nói nhỏ: “Ngày mai bác sẽ đến nhà cháu.”

Ngày hôm sau, anh hề đến nhà của em bé gái, anh hề hôm nay không hóa trang. “Đưa tay của cháu ra, sờ mặt của bác, sau đó sờ cổ, cánh tay và chân.”

- “Được.” em bé gái nghe theo lời anh hề mà làm.

Anh hề bắt đầu biểu diễn: “Bây giờ gấu nhỏ bắt đầu khiêu vũ.” Ngón tay cái của em gái nhỏ vịn anh hề, nhưng không bày tỏ điều gì. Anh hề lại bắt đầu bắt chước cá sấu và mèo con, tay của em bé gái cũng bắt đầu từ trên mặt anh hề tuột xuống vai, hơi thở của em bé gái thật gấp, miệng há to. Đó là giúp cho anh hề tăng lên lòng tin.

Tiếp theo anh hề lại giả làm heo con, em gái nhỏ bắt đầu cười lên. “Bây giờ là thỏ con.” Em gái nhỏ cười rất vui vẻ, tiếng cười càng lúc càng lớn, cười đến nỗi thở không hịp.

- “Xin mởi làm lại lẩn nữa.”

- “Lại lần nữa.”


Anh hề cứ như thế từng lần từng lần thỏa mãn yêu cầu của em bé gái. Khi ngón tay của em gái nhỏ vô tình sở trên mặt anh hề, em liền kinh ngạc phát hiện ra anh hề vĩ đại này đang khóc.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Anh hề trong câu chuyện này vì muốn để cho em bé gái bị mù dùng tay thay thế cặp mắt, đồng thời cảm nghiệm được niềm hứng thú từ kịch câm. Nụ cười rạng rỡ của em bé gái cũng do đó mà trở thành sự khích lệ rất lớn cho anh hề. Chúng ta có thể thấy, với tất cả phương pháp không giống nhau, chúng ta có thể chuyền đi lòng yêu mến của mình, và cũng có thể cảm nhận sự đối đãi chân thành của người khác.

Trong cuộc sống các em cũng có rất nhiều cách để đem niềm vui đến cho mọi người, chẳng hạn như: giúp cha mẹ lau dọn nhà cửa, cười vui với một người bạn đang buồn, giúp đỡ người già qua đường nhiều xe cộ, chăm chỉ nghe thầy cô giảng bài.v.v...đều là những cách để bày tỏ lòng yêu mến của mình đối với cha mẹ, thầy cô, bè bạn...

Em bé gái bị mù không nhìn thấy anh hề biểu diễn, anh hề vì muốn để cho em bé gái bị mù cảm nhận được lòng yêu mến của mình nên đã dùng hết khả năng của mình để làm cho em bé gái vui vẻ cười tươi, đó chính là món quà mà ai cũng có thể ban tặng cho nhau.

Các em thực hành:

- Tặng cho nhau nụ cười là khích lệ nhau tạo tình thân ái.

- Cảm thông và chia sẻ với các bạn đang gặp khó khăn.

- Những người bạn tàn tật rất cần chúng ta khích lệ, động viên và giúp đỡ.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:19 02/07/2008
N2T


37. Phàm người cố ý phân tâm khi suy niệm, không những phạm tội mà còn cản trở rất nhiều thánh sủng từ trong suy niệm mà có được.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Lời hứa 9 ngày thứ Sáu đầu tháng
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
22:51 02/07/2008
Thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque (1647-1690) là vị tông đồ nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Nói đúng hơn, Đức Chúa GIÊSU chọn thánh nữ để tỏ bày Trái Tim Chí Thánh Từ Bi của Ngài cho toàn thể loài người. Đức Chúa GIÊSU chọn thánh nữ làm sứ giả loan báo đặc ân Ngài dành cho những ai yêu mến và đền tạ Thánh Tâm Ngài. Trong lần hiện ra vào một ngày thứ 6 năm 1688, Đức Chúa GIÊSU long trọng nói với thánh nữ:

- Trong mức độ tột cùng lòng từ bi Trái Tim Cha, Cha hứa với con rằng: Tình Yêu toàn năng Cha sẽ ban ơn hoán cải sau cùng cho những ai rước lễ 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp. Những người này sẽ không chết khi còn mắc tội trọng nhưng sẽ được lãnh nhận các Bí Tích và trong giờ sau hết, Trái Tim Cha sẽ là nơi nương náu vững vàng nhất.

Lời Đức Chúa GIÊSU hứa đã thực hiện trải qua bao thế hệ và còn tiếp tục cho đến tận thế. Sau đây là trường hợp điển hình.

Khi sống trong nội trú, Matteo - thiếu niên Ý - sốt sắng thi hành thói quen đạo đức là tham dự Thánh Lễ và rước lễ trong 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp. Nhưng khi rời ghế nhà trường, lăn lộn với đời, Matteo sống cuộc đời ăn chơi buông thả.

Chàng xin một chỗ làm trong ngân hàng, nhưng không bao lâu sau thì bị đuổi khỏi sở vì tính tình phóng túng. Chán nản, chàng rời Ý và sang sống bên Anh quốc. Nơi đây, chàng làm nghề hầu bàn, quét dọn phòng cho khách trọ. Không đầy một năm sau, thân tàn ma dại khi mới 23 tuổi, Matteo thất thểu trở về quê sinh.

Sức khoẻ hao mòn và thần chết thập thò trước cửa, nhưng tâm hồn Matteo chai cứng. Chàng giả điếc làm ngơ trước mọi lời nhắn nhủ của người thân và bạn bè quen thuộc, khuyên lơn chàng trở về với Chúa, dọn mình xưng tội rước lễ lần cuối cùng.

Nhưng Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU hằng dõi bước chăm sóc người con tội lỗi, từng yêu mến Trái Tim Ngài. Chúa soi sáng cho vị Linh Mục đạo đức, bạn học của Matteo khi hai người còn là học sinh nội trú, đến thăm người bệnh nặng. Matteo vui mừng tiếp chuyện vị Linh Mục trong tư cách ngài là bạn, thế thôi. Vì thế, vừa khi vị Linh Mục trẻ tìm lời khuyên bạn dọn mình xưng tội, Matteo nói ngay:

- Nếu anh không còn gì để nói thì hãy đi đi! Tôi tiếp anh vì anh là bạn chứ không phải vì anh là Linh Mục. Vậy xin anh hãy ra khỏi nhà. . tôi không muốn nói chuyện với Linh Mục!

Vị Linh Mục vẫn nhẫn nhục kiên trì, không thối lui. Ngài tìm lời khuyên bạn. Nhưng Matteo nổi giận, nói lớn tiếng:

- Anh hãy im đi. Tôi đã nói là tôi không muốn tiếp chuyện Linh Mục mà! Anh có chịu ra khỏi nhà này hay không?

Vị Linh Mục đành nói:

- Nếu quả thật bạn đuổi tôi, tôi xin chào vĩnh biệt bạn.

Nói xong, Cha đứng lên bước ra khỏi phòng. Nơi ngưỡng cửa, Cha còn quay lại nhìn người bạn thân yêu lần cuối và buột miệng thốt lên:

- Đây quả là lần đầu tiên không thực hiện lời Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ đã hứa!

Người bệnh ngạc nhiên hỏi:

- Anh lẩm bẩm thế?

Vị Linh Mục tức khắc trở vào phòng, bước lại gần giường người bệnh và lập lại:

- Tôi nói rằng, đây có lẽ là lần đầu tiên không thực hiện lời Trái Tim Đức Chúa GIÊSU hứa ban ơn chết lành cho những ai rước lễ 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp.

Người bệnh còn đủ sức hỏi vặn lại:

- Điều đó có liên quan gì tới tôi mà anh phải nói thế?

Vị Linh Mục nói nhanh:

- Có, chứ sao lại không! Bạn không nhớ hồi chúng mình ở nội trú, chúng ta từng rước lễ 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp, hay sao? Bạn thi hành thói quen đạo đức với trọn lòng kính mến Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU, như lời Chúa mời gọi. Vậy mà giờ đây, bạn chống cưỡng lại ơn thánh, không muốn trở về với lòng từ bi bao la của Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU!

Người bệnh lặng lẽ nghe và hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Rồi vừa nức nở khóc, Matteo vừa nói với người bạn Linh Mục:

- Bạn hãy mau mau giúp tôi, đừng bỏ rơi người bạn khốn cùng này, tội nghiệp! Xin bạn mời vị Linh Mục dòng Cappuccino ở giáo xứ gần đây, đến ngay giúp tôi dọn mình chết lành.

Chàng thanh niên Matteo lãnh nhận đủ các Bí Tích sau cùng và êm ái trút hơi thở trong ơn nghĩa Chúa, đúng như lời Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ hứa cho những ai sốt sắng rước lễ 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp.

... ”Hỡi anh em thân mến, hãy xây dựng đời mình trên nền tảng Đức Tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần, hãy cố gắng sống mãi trong Tình Yêu THIÊN CHÚA, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức GIÊSU KITÔ, Chúa chúng ta, để được sống đời đời. . Xin kính dâng Đấng có quyền phép gìn giữ anh em khỏi sa ngã và cho anh em đứng vững, tinh tuyền, trước vinh quang của Người, trong niềm hoan lạc, xin kính dâng THIÊN CHÚA duy nhất, Đấng Cứu Độ chúng ta, nhờ Đức GIÊSU KITÔ, Chúa chúng ta, kính dâng Người vinh quang, oai phong, sức mạnh và quyền năng, trước mọi thời, bây giờ và cho đến muôn đời! Amen” (Thư thánh Giuđa 20-25).

(”Sembra impossibile. . Eppure è così”, Editrice Comunità, 1992, trang 51-53)
 
Thiếu niên của ánh sáng vĩnh cửu
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
22:53 02/07/2008
THIẾU NIÊN CỦA ÁNH SÁNG VĨNH CỬU

Tối 5-9-1986, Stéphane Darveau - thiếu niên 12 tuổi - trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của Mẹ Julienne, Mẹ Bề Trên các Nữ Tu Đaminh tại Beauport, Canada.

Trước đó, vì linh cảm giờ cuối cùng của người bạn tí hon đã điểm, Mẹ Julienne vội vã rời tu viện, đến nhà thương. Khi đến bên giường, Mẹ gọi:

- Stéphane ơi, Mẹ Julienne đây!

Cậu bé mĩm cười và thưa:

- Dạ!

Mẹ Julienne nói tiếp:

- Stéphane à, nhân danh Đức Chúa GIÊSU, Mẹ đến giải thoát con khỏi mọi nỗi đau đớn của con. .

Sau câu nói trịnh trọng đó, Stéphane được Đức Chúa GIÊSU KITÔ rước về Trời trong an bình, yêu thương và khiêm tốn. Bên cạnh Stéphane còn có Cha Mẹ và những người thân yêu.

Sau đây là chứng từ của ông Jacques Darveau - thân sinh Stéphane - về cuộc đời và cái chết của cậu thiếu niên can đảm.

Chúng tôi lập gia đình hơn 10 năm mà vẫn chưa có mụn con nào. Sau khi tha thiết cầu xin, THIÊN CHÚA ban cho chúng tôi một đứa con trai, chào đời ngày 12-4-1974. Nhưng niềm hạnh phúc không kéo dài lâu và thử thách vội đến.

Một buổi sáng tháng 2 năm 1986, khi thức giấc, Stéphane kêu bị đau bụng. Đến chiều thì cơn đau dữ dội hơn. Chúng tôi vội chở con đến nhà thương. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ quyết định mổ ruột thừa. Cứ sự thường, cuộc giải phẫu chỉ diễn ra trong vòng nửa giờ.

Thế nhưng, sau 7 tiếng đồng hồ chờ đợi, chúng tôi vẫn chưa trông thấy con rời phòng mổ. Thời gian chờ đợi như kéo dài bất tận. Sau cùng, vị bác sĩ xuất hiện và báo cho biết Stéphane bị ung thư và chỉ mong sống được một thời gian rất ngắn.

Tin dữ đến như tiếng sét đánh bên tai! Chúng tôi ngẩn ngơ buồn khổ. Trong niềm đau đớn vô tận, vợ chồng chúng tôi chạy đến với các Nữ Tu Đaminh trong vùng, đặc biệt đến với Mẹ Julienne, Mẹ Bề Trên tu viện. Mẹ Julienne ưu ái tiếp đón chúng tôi. Nhìn thấy Mẹ, chúng tôi như cảm nhận sự hiện diện của THIÊN CHÚA. Chúng tôi xin Mẹ cầu cho Stéphane được khỏi bệnh. Mẹ nói:

- Phép lạ là chuyện có thể xảy ra. Chúng ta cùng cầu xin THIÊN CHÚA, nhưng tuân theo thánh ý của Ngài.

Mẹ cùng cầu nguyện với chúng tôi và dạy chúng tôi cầu nguyện nữa. Rời khỏi tu viện, Đức Tin và niềm hy vọng của chúng tôi được tăng cường.

Sau một tháng điều trị nơi bệnh viện, bác sĩ cho Stéphane xuất viện về nhà. Chúng tôi đưa con đến thăm Mẹ Julienne. Kể từ giây phút đó, một tình bạn thiêng liêng sâu đậm nẩy sinh giữa Mẹ Julienne và Stéphane. Mẹ nói với cậu bé về Tình Yêu Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể và về Trời Cao, như chủ ý hướng lòng cậu bé về Trời. Stéphane sốt sắng lắng nghe mọi lời chỉ dạy của Mẹ Julienne. Cậu bé như bắt đầu hưởng nếm hương vị của hạnh phúc vĩnh cửu.

Bệnh tình Stéphane mỗi lúc một trầm trọng hơn khiến chúng tôi phải đưa con vào nhà thương. Nơi đây Cha Tuyên Úy bệnh viện đưa cho cậu bé bản kinh dâng mình của Cha Charles De Foucauld (1858-1916) mà các tiểu đệ và tiểu muội Đức Chúa GIÊSU thường đọc. Stéphane đọc kinh này mỗi ngày. Mọi người ghi nhận Stéphane tiến xa trên đường thiêng liêng. Cậu bé hết lòng yêu mến Đức Chúa GIÊSU và dâng cho Chúa mọi nỗi đau đớn của mình. Stéphane cũng xin Mẹ Julienne cho cậu bức ảnh về Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể. Cậu bé để bức ảnh luôn luôn bên cạnh và như tìm thấy từ đó sức mạnh chịu đựng mọi đau đớn.

Một ngày, Stéphane làm tờ di chúc với chúng tôi. Cậu bé nói:

- Khi con chết rồi, xin để xác con một ngày cho các bạn con đến viếng. Sau đó, xin Ba Má đốt xác con và bỏ tro vào một cái hộp, bởi vì con muốn nghèo nàn giống như Đức Chúa GIÊSU nghèo nàn. Xin Ba Má dâng cúng cho Mẹ Julienne một số tiền để Mẹ giúp các trẻ em nghèo tại Haiti.

Rồi Stéphane buồn bã nói thêm:

- Má ơi, rồi đây Má làm gì với đồ đạc của con?

Hiền thê tôi trả lời:

- Má sẽ cho các người nghèo.

Stéphane hài lòng gật đầu.

Stéphane biết rõ mình không sống được lâu, vì những đau đớn trong thân xác. Nhưng Stéphane không hé môi than trách lời nào. Cậu âm thầm chịu mọi đau đớn cách anh hùng. Thân xác nhỏ bé của Stéphane hao mòn vì cơn bệnh, nhưng khuôn mặt cậu vẫn giữ nguyên nét thanh thản hồn nhiên của một thiếu niên.

Tôi cảm thấy Stéphane bắt đầu kết hợp với Trời Cao, với Đức Chúa GIÊSU, và lạ lùng hơn cả là với Mẹ Julienne. Do đó, buổi chiều cuối đời của Stéphane, lúc ấy là sau giờ cơm tối, Mẹ Julienne như nghe tiếng gọi của Stéphane. Và Mẹ linh cảm giờ cuối cùng của cậu bé đã điểm. Mẹ vội vã đến nhà thương. Sau câu nói trịnh trọng của Mẹ:

- Stéphane ơi, nhân danh Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Mẹ đến giải thoát con khỏi những đau đớn của con,

Stéphane êm ái trút hơi thở cuối cùng hưởng dương 12 tuổi.

... ”Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. . Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Thầy, và hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì ách Thầy êm ái và gánh Thầy nhẹ nhàng” (Matthêu 10,37-39/28-30).

(”JE CROIS”, Janvier/1993, trang 24-28)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phong trào “Focolare” chọn người kế nhiệm Chị Chiara Lubich
Phụng Nghi
08:49 02/07/2008
Castel Gandolfo, Ý (Zenit) – Tổng nghị hội phong trào Focolare đang chuẩn bị bầu người kế nhiệm vị sáng lập phong trào là Chị Chiara Lubich.

Chị Chiara Lubich, thành lập phong trào năm 1943, mới qua đời hồi tháng Ba năm nay. Chị đã điều khiển phong trào trong thời gian hơn 60 năm.

Bà Chiara Cottignoli, một ủy viên truyền thông của phong trào Focolare, xác nhận với hãng thông tấn Zenit rằng: “theo nội quy của phong trào, một phụ nữ sẽ là người kế nhiệm Chị Chiara Lubich.” Bà nói thêm rằng trong số 500 người tham dự tổng nghị hội, có hơn phân nửa là phụ nữ.

Trong điện văn gửi các đại biểu tham dự tổng nghị hội họp tại Trung tâm Mariapolis ở Castel Gandolfo từ nay đến hết ngày 13 tháng 7, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI khuyến khích phong trào giáo dân này “tiếp tục làm nhân chứng có hiệu quả cho Tin Mừng, theo tấm gương đầy lôi cuốn của con người được thương nhớ khôn nguôi là Chị Chiara Lubich.”

Thông điệp của Đức thánh cha do Quốc vụ khanh Tòa thánh là Đức hồng y Tarcisio Bertone ký, bày tỏ niềm hy vọng rằng “biến cố quan trọng này sẽ linh hứng nên nhiều quyết định phong phú, hầu canh tân sự gắn bó thiết tha với Đức Kitô” cũng như “thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động tông đồ nhằm đáp ứng với những thách đố hiện nay.”

Ngày giờ bầu cử chưa được biết rõ. Vào lúc này, các đại biểu trong nhiều ủy ban khác nhau đang họp bàn để giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến những hoạt động của phong trào tông đồ giáo dân này.

Hiện nay, phong trào Focolare có mặt tại 182 quốc gia, có 141 ngàn đoàn viên và 2.115.000 “thân hữu và cảm tình viên”, trong số này có 30 ngàn người không theo Kitô giáo.
 
Một linh mục Dòng Don Bosco bị sát hại tại Nepal.
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:27 02/07/2008
Kathmandu, Nepal (AsiaNews) - Tối hôm 30/06/2008, Cha John Prakash, 62 tuổi, linh mục dòng Don Bosco đã bị sát hại ở quận Morang, Sirsiya, phía Đông Nepal. Ngài lài người đầu tiên bị sát hại ở đất nước này. Cảnh sát đã mở cuộc điều tra chính thức về cái chết của ngài, họ nghi ngờ một nhóm khủng bố gây ra vụ này.

Cha John Prakash, người Kerala, Ấn Độ đã phục vụ ở Nepai hơn 10 năm. Ngài là hiệu trưởng trường Don Bosco và sống cùng với 2 tu sĩ Don Bosco ở khu nhà trong trường học. Cha George Kalangara, vị linh mục chính xứ cho hay rằng trong đêm đó một nhóm vũ trang đã đột nhập và nơi ở của vị linh mục và khống chế Cha Mathew, người mới gia nhập cộng đoàn ở Nepal, trong lúc đó, Cha Lazarus Maradi ngụ cùng phòng thì đi ra ngoài. Sau đó, chúng quay sang Cha Prakash đòi tiền. Cha Kalangara thuật lại: “Lúc đó, chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra, chúng tôi chỉ biết có một vụ nổ diễn ra. Khi cảnh sát đến thì có dấu hiệu của một cuộc vật lộn. Các cửa sổ của một bên phòng bị đập vỡ bị đập vỡ và kính vỡ văng tung tóe”.

Cảnh sát xác nhận quả bom làm hư hại lan rộng sang các tòa nhà kế cận, chỉ vừa mới xây một năm trước đó. Tại hiện trường tội ác này, tất cả đồ đạc đều bị hư hại.

Lực lượng an ninh nghi ngờ nhóm khủng bố bí mật Terai Defence Army đứng đằng sau vụ tấn công. Một cảnh sát viên xác nhận với Tin Tức Á Châu rằng những tờ truyền đơn của nhóm này được thấy trong tòa nhà. Trong quá khứ, đã hai lần nhóm này tống tiền vị linh mục hiệu trưởng. Cảnh sát cho hay rằng tại hiện trường vụ án có khoảng 600 Mỹ kim tiền giấy cũng như rupi Ấn Độ và tiền đồng Nepal.

Cha Benjamin Pampackel một linh mục dòng Bosco khác đã cảnh báo chống lại nhưng kết luận vội vàng: “Chúng ta chỉ có thể nói rằng Cha John không còn nữa. Chúng tôi sẽ đợi cho cảnh sát điều tra chính thức thực hiện công việc để biết thực sự điều gì xảy ra và ai phải chịu trách nhiệm”.

Đức Cha Anthony Sharma, vị Giám Mục đầu tiên của Nepal cũng đã lên án vụ việc. Ngài nói rằng ngài không biết gì về nhóm vụ trang đứng đằng sau vụ tấn công.

Hiệp hội Trường Nội trú Tư Nepal cũng lên án vụ sát hại và thúc giục chính phủ hành động để đưa những hành vi sai trái ra trước công lý.

Các linh mục Salêdiêng phục vụ ở quận Morang không chỉ dấn thân vào các đề án giáo dục mà còn dấn thân để phát triển nông thôn, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, huấn luyện việc chăm sóc y tế cũng như chăm sóc mục vụ.

Vụ sát hại do một nhóm khủng bố thực hiện này lần đầu tiên xảy ra ở trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo ở Nepal. Tuy nhiên, trong quá khứ, các linh mục và tu sĩ đã từng là mục tiêu đe dọa và cướp của. Năm 1997, một linh mục dòng tên bị sát hại trong một vụ cướp.

Người Công Giáo Nepal vào khoảng 7.000 người trong số 25 triệu người Nepal.
 
Hội đồng Giám Mục Hàn Quốc gặp gỡ đối thoại Đại kết và Liên tôn với các tôn giáo
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:29 02/07/2008
Seoul, Hàn Quốc (AsiaNews) - Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hàn Quốc đã thực hiện một loạt các cuộc gặp gỡ liên tôn với Phật giáo, Nho giáo, Tin lành, Anh giáo, Chính Thống giáo và các tôn giáo truyền thống của Hàn Quốc.

Với tên gọi Một cuộc Hành trình với Hội Đồng Giám Mục Công Giáo về Đối thoại Đại kết và Liên tôn, chuỗi gặp gỡ này được mở ra cho các thành viên của các niềm tin tôn giáo khác nhau và được tổ chức hàng năm vào cuối tháng Sáu.

Để bắt đầu cho chương trình này, Cha Lee Jeong-ju và 20 chủng sinh Công Giáo sẽ gặp gở Hội đồng Kitô giáo Hàn Quốc (Tin lành), Văn phòng Giáo phận Seoul của Giáo hội Anh giáo Hàn Quốc, Văn phòng Giáo phận của Giáo hội Chính Thống Hàn Quốc, Văn phòng Phật Giáo Jogyae và Seonggyungwan (Nho giáo).

Giáo Hội Công Giáo đã mở rộng mối quan hệ tốt đẹp với các tôn giáo khác cũng như bày tỏ mối quan hệ thân thiện lẫn nhau giữa Đức Hồng y Stephen Kim Sou-hwan và Hòa thượng Beupjeung của Phật giáo, cũng như đưa ra những lời cầu chúc tốt đẹp nhân các dịp lễ tôn giáo.

Chương trình của các giám mục đã được các tôn giáo khác chào đón một các tích cực, các vị lãnh đạo tôn giáo hy vọng những buổi gặp mặt sẽ gặt hái thành quả và giúp cho công cuộc đối thoại và hòa hợp ở đất nước này.
 
Khoảng 2000 bạn trẻ từ Phi Châu, Trung Đông và Á Châu đã bị từ chối cấp chiếu khán vào Úc Châu để tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ
Đặng Thế Dũng
13:16 02/07/2008
Tin Úc Châu ( Apic 1 tháng 7): Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp diễn ra tại Sydney, Úc Châu, từ ngày 10 đến 20 tháng bảy này, trong hai giai đoạn:

Giai đoạn I: từ ngày 10 đến 14 tháng 7 là giai đoạn gặp gỡ tại các giáo phận Úc Châu. Các bạn trẻ tham dự Ngày Quốc tế Giới Trẻ được chia thành nhiều nhóm đến với các bạn trẻ tại các giáo phận Úc Châu. Họ được tiếp đón nơi các gia đình, nơi các giáo xứ và nơi các cộng đoàn tại địa phương. Chương trình sinh hoạt trong những ngày giai đoạn một này gồm có những buổi tiếp xúc với giáo hội địa phương, những buổi cầu nguyện chung và những cuộc viếng thăm các nơi thánh, các địa điểm hành hương tại các giáo phận Úc Châu.

Giai đoạn II, từ ngày 15 đến 20 tháng 7, là giai đoạn chính của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ (QTGT), diễn ra tại địa điểm chung là Sydney, được bắt đầu với Thánh Lễ khai mạc, do ĐHY George Pell, TGM Sydney, chủ tế. Tiếp theo, trong ba ngày, từ 16 đến 18 tháng 7, các bạn trẻ tham dự viên được chia ra thành nhiều nhóm, để tham dự các bài giáo lý do các giám mục phụ trách, tại các địa điểm khác nhau ở Sydney.

Đặt biệt vào ngày thứ năm 17 tháng 7, Đức Thánh Cha đến với các bạn trẻ tham dự Ngày QTGT. Ngài sẽ được đón tiếp cách long trọng tại địa điểm cử hành Thánh Lễ khai mạc Ngày QTGT, ở trung tâm thành phố Sydney.

Chiều thứ sáu, 18 tháng 7, có buổi đi Đàng Thánh Giá qua các đường phố và dọc bên bờ Cảng Sydney.

Ngày thứ bảy, 19 tháng 7, các bạn trẻ từ các địa điểm nhỏ tập trung về Địa Điểm Lớn của Ngày QTGT tại Trường Đua Ngựa Randwich, nằm cách trung Tâm Thành Phố khoảng 9 cây số. Tại đây, vào buổi tối thứ bảy, 19 thánh 7, có Đêm Canh Thức cầu nguyện; và sáng Chúa Nhật 20 tháng 7, Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ bế mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

Bên cạnh một chương trình cử hành tốt ngày QTGT, có một điểm buồn là vấn đề một số bạn trẻ đến từ các quốc gia Phi Châu, Trung Đông và Á Châu bị từ chối chiếu khán nhập cảnh Úc Châu, chỉ vì bị nghi ngờ không phải là những tham dự viên của ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Họ bị nghi ngờ sẽ trốn ở lại Úc Châu. Thật đáng buồn! Theo nhật báo “Daily Telegraph” xuất bản tại Úc Châu, thì đã có khoảng 2000 bạn trẻ từ các quốc gia Phi Châu, Trung Đông và Á Châu, đã bị từ chối chiếu khán.

Từ Việt nam, phái đoàn các bạn trẻ của Giáo Phận Kontum bị từ chối chiếu khán vào Úc: chỉ còn có 13 người, gồm linh mục và tu sĩ trong danh sách phái đoàn 64 người của Giáo Phận Kontum, được chiếu khán mà thôi. Sự cố khiến Đức Cha Kontum quyết định không tổ chức phái đoàn Giáo phận Kontum tham dự ngày QTGT nữa, mà chỉ là những cá nhân đi riêng mà thôi. (ĐTD)
 
Chương Trình Sinh Hoạt của ĐTC Bênêđitô XVI trong mùa hè
Đặng Thế Dũng
22:01 02/07/2008
VATICAN - Sáng thứ tư mùng 2 tháng 7, sau buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã rời Vatican ra cư ngụ tại Nhà Nghỉ Mát ở Castel Gandolfo, cách phía nam Roma khoảng 30 cây số.

Được biết, buổi tiếp kiến chung vào sáng thư tư mùng 2 tháng 7, là buổi tiếp kiến chung duy nhất của Đức Thaánh Cha trong tháng 7 này. Và các buổi tiếp kiến chung khác bị đình lại, mãi cho đến thứ tư, 13 tháng 8, các lịch tiếp kiến chung mới được bắt đầu.

Trong thời gian nghỉ hè, Đức Thánh Cha cũng không có các buổi tiếp kiến riêng và đặc biệt nào cả.

Về việc đọc kinh trruyền tin vào Trưa Chúa Nhật, thì chỉ có hai Trưa Chúa Nhật, mùng 6 và 27 tháng 7, Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin tại Sân Nhà Nghỉ Mát Castel Gandolfo. Còn lại hai lần đọc Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 13 và 20 tháng 7, thì ĐTC sẽ đọc kinh Truyền Tin, bên Úc Châu, nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ (QTGT).

Sau khi đi Úc Châu để tham dự và bế mạc ngày QTGT trở về lại Roma, thì từ ngày 28 tháng 7 cho đến 11 tháng 8, ĐTC sẽ đi nghỉ hè ở Bressanone, một thành phố nhỏ với khoảng 20,000 dân cư trong tỉnh Bolzano, miền núi Alpes, miền bắc Italia. Tại Bressanone, Đức Thánh Cha sẽ cư ngụ tại Chủng Viện.

Theo nguồn tin bán chính thức cho biết, Đức Thánh Cha sẽ dùng thời gian nghỉ hè sắp tới để chuẩn bị thông điệp thứ III của ngài và soạn thảo phần thứ II của tập sách “Chúa Giêsu quê làng Nazareth”. (ĐTD)
 
Giáo Hội Công Giáo Brasil và nỗ lực thăng tiến cuộc sống của dân nghèo
Linh Tiến Khải
22:54 02/07/2008
Giáo Hội Công Giáo Brasil và nỗ lực thăng tiến cuộc sống của dân nghèo

Hồi trung tuần tháng 6 vừa qua Hội Đồng Giám Mục Brasil đã mạnh mẽ tố cáo dự luật cải cách thuế khóa được đệ trình trước quốc hội, vì nó không chứa đựng yếu tố nào giúp thăng tiến công bằng xã hội, như một hệ thống tiệm tiến hay việc đánh thuế các gia tài lớn của các thành phần giầu trong xã hội.

Các Giám Mục Brasil đã đưa ra lời tố áo trên đây trong một ”thông tư về việc cải cách thuế má và các hệ lụy của nó đối với các quyền xã hội” của người dân Brasil. Đây là điểm yếu kém mà các giới kinh tế cũng nêu bật khi ghi nhận rằng hệ thống thuế vụ của Brasil đi thụt lùi thay vì tiến tới, vì thay vì các thứ thuế trực tiếp nó thích đánh thuế các dịch vụ đem lại nhiều thiện ích cho dân và các sản phẩm có tầm mức tiêu thụ rộng rãi. Một hệ thống thuế má như thế chỉ tạo ra các bất công mới trong cuộc sống xã hội mà thôi.

Các Giám Mục Brasil cũng hay can thiệp liên quan tới việc phân chia công qũy không công bằng. Đức Hồng Y Geraldo Majella Agnelo, Tổng Giám Mục Salvador mạnh mẽ tố cáo rằng: ”Nhà Nước đã thành công với đường lối chính trị đánh thuế giúp thu góp được các số tiền lớn, nhưng các ngân khoản này không tạo ra các điều kiện sống tốt đẹp hơn cho dân chúng”. Lý do là vì đã có các lựa chọn pháp luật không đúng đắn và đặc biệt vì nạn gian tham hối lộ trong lãnh vực chính trị Brasil. Chính vì thế Hội Đồng Giám Mục Brasil đã phát động chiến dịch chống tham nhũng trên toàn nước bằng cách thu thập nội trong tháng 7 này 1 triệu chữ ký nhằm thay đổi khoản luật liên quan tới các ứng viên trong các chức vụ công quyền. Các Giám Mục cho rằng những người đã bị kết án vì tội gian tham hối lộ không được phép ra ứng cứ vào các chức vụ công cộng. Đây là một đề tài nền tảng vì tại Brasil hiện có 70 triệu người nghèo và 35 triệu thổ dân và số tiền của nạn gian tham hối lộ chiếm 2% tổng sản lượng quốc gia, làm thậm thụt ngân qũy của cho các đường lối chính trị xã hội.

Hiện nay Brasil là quốc gia có nền kinh tế phát triển rất mạnh. Trong 12 tháng qua thị trường chứng khoán Brasil gia tăng 56%. Trong năm 2007 đã có 58 ngàn người trở thành triệu phú. Hiện nay Brasil có 190 ngàn người có tài sản hơn 1 triệu mỹ kim, so với 75 ngàn cách đây 7 năm. Tổng sản lượng quốc gia cũng gia tăng 5,4% và dịch vụ sản xuất kỹ nghệ gia tăng 6%. Khác với năm 1993 có nạn lạm phát là 2500%, hiện nay nạn lạm phát chỉ ở mức 4,46%. Và nạn thất nghiệp chỉ ở mức 9,3% so với 13% hồi năm 2003.

Tổng thống Ignacio Lula vẫn thường tuyên bố ”Nhờ đường lối chính trị thăng tiến xã hội, mỗi năm có khoảng 1 triệu người dân ra khỏi cảnh bần cùng”. Mặc dù tại Brasil số dân nghèo vẫn còn đông nhưng không thể chối cãi sức mạnh kinh tế của quốc gia này. Cả nhật báo New York Times cũng đã đăng tải một bài tường thuật khẳng định rằng ”trong khi người Mỹ cũng đang phải thắt lưng buộc bụng, thì người Brasil đang biết tới sự nhảy vọt tiêu thụ chưa từng có”.

Đâu là các lý do giải thích cho khuynh hướng đi ngược với nền kinh tế thế giới này của Brasil? Trước hết có một lý do khách quan: Brasil có thể cậy dựa trên các nhiên liệu thiên nhiên, ngày nay tạo ra sự khác biệt nhiều hơn là trong qúa khứ. Nhờ có dầu hỏa nên từ lâu Brasil đã tự lực tự cường về vấn đề năng lượng. Trong khi nhiều nước trên thế giới bắt đầu gặp khó khăn và khủng hoảng vì giá dầu xăng lên cao, Brasil xem ra vẫn bình chân như vại. Lý do là vì trong mấy tuần vừa qua người ta đã khám phá ra các mỏ dầu hỏa mới ở ngoài khơi thành phố Santos, nằm về mạn nam thành phố Rio de Janeiro. Các mỏ dầu lớn mới khám phá ra khiến cho lượng dầu do Brasil sản xuất có thể gia tăng tới 50%.

Viễn tượng này khiến cho Brasil chuẩn bị trở thành quốc gia xuất cảng dầu hỏa. Tuy nhiên Brasil còn có một nguồn tài nguyên khác không kém phần quan trọng: đó là mía làm đường. Nếu cần phải sản xuất xăng nhớt sinh học không gây ô nhiễm như biodiesel hay bioetanolo, Brasil không cần phải dùng ngũ cốc như bắp tại nhiều nước khác, nhưng sẽ dùng mía làm đường, được trồng trong các đồn điền mênh mông. Trong kỹ thuật mới mẻ này Brasil cũng là nước đi tiên phong. Năng lượng sinh học vừa rẻ lại vừa không gây ra cảnh ô nhiễm môi sinh như dầu hỏa. Hiện nay nặng lượng sinh học này đã chiếm 30% trên tổng số năng lượng được tiêu thụ trong nước.

Từ trước tới nay Brasil vẫn có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Nhưng ngày nay chúng trở thành một điểm lợi vì nhờ chính sách kinh tế vững vàng, do nguyên tổng thống Fernando Henrique Cardoso khởi xướng và được tổng thổng Lula hoàn chỉnh thêm từ khi ông đắc cử tổng thống hồi năm 2002. Tất cả xoay quanh việc kiểm soat nghiêm ngặt nạn lạm phát, do Ngân Hàng Trung Ương áp đặt với lãi xuất rất cao. Sự lựa chọn này một đàng khiến cho mức phát triển chậm lại, nhưng đàng khác lại làm cho nó được vững vàng hơn. Khả năng mua bán tiến chậm hơn nhưng thường xuyên gia tăng. Trong các năm vừa qua tín dụng tiêu thụ đã gia tăng một cách mạnh mẽ khiến cho thị trường quốc nội phát triển. Trong các hàng quán tại Rio de Janeiro dân chúng có thể mua bằng cách trả góp mọi thứ hàng hóa: từ chiếc áo thun bằng vải bông cho tới điện thoại di động cầm tay. Và người ta đã không ngạc nhiên trước sự kiện năm vừa qua người dân Brasil đã mua 2,5 triệu xe hơi, 9 triệu máy vi tính và 50 triệu điện thoại cầm tay. Thời gian nạn lạm phát 2.500% hồi năm 1993 đã xa rồi. Đồng thời trong các năm qua Brasil cũng đã tái chiếm được sự tin cậy trên trường quốc tế, bằng cách trả gần hết các món nợ nước ngoài. Việc giảm các món nợ nước ngoài từ 41,8% năm 2002 xuống 14% như hiện nay khiến cho thị trường quốc tế tin cậy hơn và bắt đầu đổ vốn đầu tư vào Brasil. Trong 12 tháng qua thị trường chứng khoán Sao Paolo đã gia tăng 56% các trương mục. Ông Carlos Langoni, nguyên giám đốc Ngân Hàng Trung Ương Brasil cho biết: sau Trung Quốc Brasil là quốc gia có nền kinh tế thương mại đang lên lôi kéo nhiều dịch vụ đầu tư quốc tế nhất.

Tuy nhiên mức gia tăng tiêu thụ và sức phát triển kinh tế không đủ để biến Brasil thành một ”thiên đàng” như tổng thống Lula tuyên bố. Còn có rất nhiều vấn đề cũ nghiêm trọng tồn đọng chưa thể giải quyết được. Đáng gây âu lo nhất là việc phân chia tài nguyên không đồng đều và hố sâu cách biệt giữa thiểu số giầu và đại đa số dân nghèo. 75% tài sản của Brasil còn nằm trong tay thiểu số 10% tổng số dân. Dĩ nhiên là tình hình xã hội Brasil đã khả quan hơn trước, nhưng các cách biệt vẫn còn qúa xa. Chính sách trợ cấp các gia đình nghèo do chính quyền của tổng thống Lula đề ra đã giúp đỡ các người nghèo nhất. Các chương trình ”Fome Zero” và ”Bolza Familia” trợ giúp các người bần cùng là con ngựa chiến của tổng thống Lula đã đem lại các kết qủa cụ thể.

Nhưng hệ thống không hữu hiệu và bất công tại gốc rễ vẫn tồn tại và chưa có giải pháp cải tiến: 40% ngân qũy quốc gia bị guồng máy hành chánh của chính quyền nuốt trửng. Và hệ thống hành chánh Brasil là một trong những hệ thống hành chánh không hữu hiệu và mắc mỏ nhất thế giới. Hệ thống phân phối quyền hành tưởng thưởng người giầu nhưng lại trừng phạt hàng chục triệu dân nghèo sống tại các thị trấn nhỏ, trong các vùng ngoại ô và khu xóm ổ chuột của các thành phố lớn. Các thống kê cho thấy 22% các thứ thuế gián tiếp và trực tiếp do thiểu số giầu 10% trả, còn 32% là do 10% dân nghèo nhất phải trả. Và tình trạng bất công đó vẫn tiếp tục.

Brasil đang sống một giai đoạn hạnh phúc, có cơ may kéo dài. Nhưng nếu không có các cải cách sâu rộng, thì anh khổng lồ Châu Mỹ Latinh này sẽ chỉ là một nền dân chủ và một trị trường đối với thiểu số giầu may mắn mà thôi.

Ông Fernando Cardim de Carvalho, giáo sư Kinh tế tại đại học liên bang Rio de Janeiro nhận định rằng, các chính quyền đã không hoạt động đủ để cải tiến các tình trạng sống của dân nghèo Brasil. Trong các năm qua Brasil đã có sức phát triển kinh tế mạnh là nhờ có các tài nguyên thiên nhiên và thị trường tiêu thụ lớn.

Brasil là một quốc gia có tới 200 triệu dân, là một thị trường tiêu thụ rất lớn. Trong các năm qua chính sách kiểm soát kinh tế nghiêm ngặt của chính quyền và của Ngân Hàng Trung Ương đã chế ngự được nạn lạm phát. Nhưng giờ đây là lúc phải nới lỏng và hạ thấp thuế tiền lời để cho nền kinh tế lớn mạnh, và nhất là phải thay đổi hệ thống tiền tệ. Đồng Real của Brasil qúa mạnh, khiến cho các dịch vụ xuất khẩu bị đè nén và vì thế ngăn cản sức phát triển. Do đó cần phải phối hợp thuế tiền lời và chính đách tiền tệ thế nào để Brasil không rơi vào nạn lạm phát.

Liên quan tới dân nghèo, cho tới nay chỉ có một số nhỏ được hưởng chính sách trợ cấp của chính quyền. Brasil là một nước rất bảo thủ, trong đó kể cả các đảng tả phái, không ai dám đụng tới thiểu số ưu tú của xã hội bao gồm một ít nhóm dân giàu, đứng đầu là các nhà băng kiểm soát quốc gia, giới đại điền chủ, kỹ nghệ gia, và thương gia. Cuộc cải cách ruộng đất, cuộc cách cách thuế khóa đã không được tiến hành một cách nghiêm chỉnh, vì các dự luật đề ra qúa yếu. Và cho tới khi nào người nghèo phải trả nhiều thuế hơn người giầu, thì hố sâu ngăn cách xã hội sẽ tiếp tục sâu một cách thê thảm.

Chính trong bối cảnh này Hội Đồng Giám Mục Brasil đã liên tục lên tiếng bênh vực dân nghèo, đặc biệt là giới công nhân thợ thuyền, nông dân không ruộng đất và các thổ dân. Sự kiện này khiến cho nhiều Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ, các giáo lý viên và các giáo dân lãnh đạo cộng đoàn bị đe dọa, bị giết và gặp các khó khăn với các đại điền chủ, các công ty đa quốc và giới chức chính quyền bênh vực người giầu.

(Avvenire 19-6-2008)
 
ĐTC công bố đề tài Ngày Hòa Bình Thế Giới mùng 1/1/2009
Linh Tiến Khải
22:56 02/07/2008
VATICAN - Sángg 1-7-2008 văn phòng báo chí Tòa Thánh đã cho công bố đề tài Đức Thánh Cha chọn cho Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 42 cử hành ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2009. Đó là ”Chống lại nghèo đói, xây dựng hòa bình”.

Thông cáo phòng báo chí Tòa Thánh viết:

Với đề tài này Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cố ý nhấn mạnh sự cấp thiết cần tìm ra câu trả lời cho nạn nghèo đói, được hiểu như vấn đề vật chất đói khát thực phẩm, nhưng nhất là như vấn đề luân lý và tinh thần, đói khát của ăn thiêng liêng và các giá trị siêu việt. Mới đây Đức Thánh Cha đã tố cáo sự vấp phạm của nạn nghèo đói trên thế giới. Ngài viết trong sứ điệp gửi hội nghị quốc tế của tổ chức Lương Nông Quốc Tế ngày mùng 2 tháng 6 vừa qua như sau: ”Làm sao có thể bất nhậy cảm trước các tiếng kêu của con người thuộc nhiều đại lục, không có đủ lương thực để nuôi sống? Nghèo đói và thiếu dinh dưỡng không phải chỉ là một số phận do các tình trạng môi sinh đối nghịch hay do các tai ương thiên nhiên gây ra... các lượng định chỉ có tính cách triệt để kỹ thuật hay kinh tế không được lấn át các bổn phận công bằng đối với những ai đang khổ đau vì dói khát”.

Gương mù gương xấu của nạn nghèo đói cho thấy sự không thích hợp của các hệ thống chung sống của con người ngày nay trong việc thăng tiến công ích (x. GS 69). Nó đòi buộc phải suy tư về các gốc rễ sâu xa của nạn nghèo đói vật chất và cả sự bần cùng tinh thần, khiến cho con người vô cảm trước các khổ đau của người khác. Như thế phải tìm giải pháp trước tiên trong việc hoán cải tâm lòng để con người trở về với Thiên Chúa của tình bác ái (Deus caritas est) để chinh phục được sự nghèo khó tinh thần theo sứ điệp cứu rỗi mà Chúa Giêsu đã loan báo trong Diễn Văn Trên Núi: ”Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ” (Mt 5,3).
 
Nhận định về Năm Thánh Phaolô
Linh Tiến Khải
22:59 02/07/2008
Phỏng vấn ĐHY Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, Linh Mục trưởng Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, về Năm Thánh Phaolô

Lúc 6 giờ chiều thứ bẩy 28-6-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự buổi hát Kinh Chiều trong thể tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, để khai mạc Năm Thánh Phaolô, kỷ niệm 2000 năm thánh nhân sinh ra.

Tham dự lễ nghi khai mạc Năm Thánh Phaolô có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Giáo Hội Chính Thống Constantinopoli kiêm Giáo chủ danh dự toàn Chính Thống giáo, và 70 vị đại diện các Giáo Hội Kitô anh em khác, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Drexel Gomez, Giáo chủ Anh giáo miền Tây Ấn Độ, đại diện Đức Tổng Giám Mục Cantebury, Đức Tổng Giám Mục Theophanis của Gerasa nguyên Thượng Phụ Bisantin Giêrusalem, Linh Mục trưởng Ignatios Sotiriadis thuộc Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, Đức Tổng Giám Mục Giorgios di Phapos đại diện Giáo Hội Chính Thống đảo Chypre, Đức Tổng Giám Mục Valentin của giáo phận Orenburg và Buzuluk thuộc Tòa Thượng Phụ Matscơva.

Giảng trong buổi Kinh Chiều Tam Nhật chuẩn bị mừng lễ hai thánh Phêrô Phaolô và khai mở Năm Thánh Phaolô, tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ngày thứ năm 26-6-2008, Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, khẳng định rằng Năm Thánh Phaolô là dịp tái đẩy mạnh nỗ lực đại kết. Đối với mọi Kitô hữu nó là một thách đố ”trở thành các chứng nhân can đảm của Chúa Kitô giống như thánh Phaolô”, ”trở thành một ngọn đuốc sáng chiếu soi và định hướng cho thế giới và là mối dây nối kết các Kitô hữu chia rẽ với nhau”. Chính cuộc sống của thánh Phaolô là một lời mời gọi đối thoại. Thánh nhân đã là người quen sống trong thế giới do thái và hy lạp, đã từ Phương Đông sang Phương Tây, từ

Giêrusalem tới Roma, và là chứng nhân tính cách đại đồng của Chúa Kitô, là Đấng vượt lên trên mọi nền văn hóa, và cho tới nay là mối dây nối kết tất cả mọi Giáo Hội Kitô.

Thánh Phaolô là vị tông đồ của sự hiệp nhất và của tất cả mọi người đã được rửa tội. Còn hơn thế nữa, như là tín hữu do thái nhiệt thành, thánh nhân đã làm chứng cho thấy rằng các tín hữu do thái và kitô đều là thành phần giao ước duy nhất của Thiên Chúa. Phaolô cũng là chứng tá của phẩm giá bình đẳng của mọi người. Đức Hồng Y Kasper cũng mời gọi mọi Kitô hữu trong Năm Thánh Phaolô này chăm chỉ đọc và suy gẫm các thư của thánh nhân.

Phát biểu trong dịp này Đức Tổng Giám Mục Gennadios Zervós, thuộc Tòa Thượng Phụ Constantinopoli đặc trách Giáo Hội Chính Thống miền nam Âu châu, ca ngợi thánh Phaolô như là người rao giảng sự thật và bảo vệ sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Đức Tổng Giám Mục cầu mong mọi Giáo Hội Kitô có quan điểm đại kết coi thánh Phaolô như là nền tảng.

Buổi hát Kinh Chiều bắt đầu Tam Nhật mở Năm Thánh Phaolô đã được linh hoạt bởi các tu sĩ Biển Đức, các cộng đoàn chính thống hy lạp, các cộng đoàn tin lành Methodist, Valdese và Episcopal cũng như cộng đồng thánh Egidio.

Trong Năm Thánh Phaolô các giáo phận toàn nước Italia cũng có các chương trình khác nhau giúp tín hữu kỷ niệm 2000 năm thánh Phaolô sinh ra. Đặc biệt là các giáo phận đã được thánh Phaolô đi qua như Siracusa, Reggio Calabria, khi thánh nhân bị dẫn độ về Roma như là tù nhân của đế quốc.

Tổng giáo phận Siracusa đã cử hành Năm Thánh Phaolô 2006-2007 và tiếp tục suy tư về thánh Phaolô trong năm 2008-2009. Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Costanzo đã lấy thánh Phaolô làm chủ đề cho bức thư mục vụ thứ hai gửi tín hữu giáo phận với tựa đề ”Hỡi các người được chúc phúc, hãy chúc tụng” lấy hứng từ thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêxô.

Tổng giáo phận Reggio Calabria thì cử hành Năm Thánh Phaolô với các cuối tuần đại phúc và hướng dẫn đọc hiểu các thư của thánh Phaolô cho tín hữu từng vùng và các giáo xứ, cũng như các đại hội văn hóa và các cuộc hành hương sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thư mục vụ gửi tín hữu Đức Tổng Giám Mục Vittorio Mondello mời gọi mỗi giáo xứ thành lập một trung tâm lắng nghe, giúp tín hữu đào sâu thế giới nhân bản và tinh thần của thánh Phaolô cũng như tư tưởng của người.

Tại các giáo phận như Firenze, Pozzuoli, Palermo, Trani-Barletta-Bisceglie và Napoli cũng đã có các thánh lễ trọng thể khai mạc Năm Thánh Phaolô, và nhiều Giám Mục đã gửi thư mục vụ khích lệ tín hữu siêng năng đọc và suy gẫm các thư của thánh Phaolô cũng như tham gia các sinh hoạt khác nhau trên bình diện giáo xứ và giáo phận.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, Linh Mục trưởng Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, về Năm Thánh Phaolô.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y sự kiện Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ sự lễ nghi khai mạc Năm Thánh Phaolô xem ra là một ngạc nhiên đối với nhiều người. Tại sao lại có việc cử hành này thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trước hết có lẽ cần phải đưa ra một tiền đề liên quan tới điều mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI muốn nêu bật. Đây không phải là một Năm Thánh, như là Năm Thánh mà theo truyền thống Giáo Hội cử hành từ vài thế kỷ nay, cứ 25 năm một lần, và các Năm Thánh này gắn liền với việc mở các Cửa thánh của bốn vương cung thánh đường chính tại Roma. Năm kính thánh Phaolô trái lại là một năm đề tài, như là Năm Thánh Mẫu mà Đức Gioan Phaolô II muốn dành để biệt kính Đức Mẹ hồi thập niên 1980. Cách đây 2 năm chính tôi đã gợi ý xin Đức Thánh Cha mở năm kính thánh Phaolô. Như qúy vị biết, chúng ta không biết chính xác thánh Phaolô đã sinh ra vào năm nào, nhưng các chuyên gia nói là giữa năm thứ 6 và thứ 10 của kỷ nguyên Kitô, và như thế đây là thời gian kỷ niệm 2000 năm thánh Phaolô sinh ra. Đức Thánh Cha đã hứng khởi chấp thuận đề nghị của tôi và đã đề ra hai chiều kích cho việc cử hành Năm Thánh Phaolô.

Hỏi: Hai chiều kích đó là hai chiều kích nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chiều kích thứ nhất là làm cho nhiều người, công giáo cũng như không công giáo, biết thánh Phaolô. Thánh Phaolô đã là một người có tài truyền thông cho người khác biết Lời Chúa, ơn cứu rỗi, và toàn bộ giáo lý Kitô, cả khi thánh nhân đã không trực tiếp biết Chúa Giêsu Kitô, mà đã chỉ nhận được mặc khải trên đường đến thành Damasco. Có lẽ thánh Phaolô đã là người thông truyền lớn nhất từ xưa cho tới nay, và tiếp tục là người thông truyền lớn nhất trong lịch sử, qua các bút tích của người. Vì thế nên thật là điều quan trọng việc làm cho thánh nhân được biết đến nhiều hơn, đào sâu và học hỏi thánh Phaolô nhiều hơn.

Hỏi: Có người định nghĩa thánh Phaolô là ”người ghét phụ nữ”, người khác thì cho rằng thánh nhân là ”ông tổ thứ hai của Kitô giáo”. Đó là hai định nghĩa chúng ta thường hay gặp. Thực hư như thế nào, vì thế đây lại càng là một lý do khác nữa khiến cho chúng ta phải tìm hiểu thánh Phaolô nhiều hơn. Tại sao gương mặt của thánh nhân quan trọng như vậy, mà lại ít được các tín hữu biết tới như thế thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chúng ta phải chú ý tới một điều. Thánh Phaolô đã hấp thụ được một nền giáo dục hoàn toàn mang tính cách do thái. Thánh nhân đã là một rabbi do thái và là một người thông hiểu luật lệ, vì thế đã trở thành người bách hại các Kitô hữu. Thánh nhân đã là một người pharisêu tuân giữ luật lệ nghiêm ngặt và muốn rằng tất cả mọi người phải tuân giữ luật lệ do thái, mà người hiểu biết một cách vẹn toàn.

Thế rồi trên đường đến thành Damasco để bách hại các Kitô hữu thánh nhân đã được thay đổi một cách bất thình lình. Khi đề cập tới thánh Phaolô cần phải chú ý tới sự kiện được đổi đời này của thánh nhân. Mọi chuẩn bị giáo lý và văn hóa của thánh nhân là do thái. Khi thánh nhân giải thích điều mà người được linh hứng trực tiếp từ Chúa Giêsu Kitô, người giải thích bằng cách dùng nền văn hóa do thái, dùng kiểu nói của người, và tất cả các tiền đề văn hóa của người như là kỹ thuật. Đó là lý do giải thích tại sao đối với chúng ta thật là khó hiểu, vì thánh nhân hoàn toàn chìm đắm trong thế giới do thái thời bấy giờ. Ngoài ra, cũng cần phải nói rằng thánh Phaolô cũng hơi ngoắt nghéo trong tư tưởng của người, vì thế nhiều người không hiểu thánh nhân. Nhưng đàng khác, chúng ta cũng không được quên rằng Kitô giáo đã có gốc rễ nơi Do thái giáo. Có biết bao nhiêu điều của Kitô giáo sẽ không thể nào giải thích được một cách tốt đẹp và hoàn toàn, nếu không tìm về các gốc rễ đó.

Hỏi: Trên đây Đức Hồng Y đã nói Đức Thánh Cha nhắm hai chiều kích khi mở Năm Thánh Phaolô. Thế chiều kích thứ hai là chiều kích nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đề tài thứ hai mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh rất nhiều đó là khía cạnh đại kết. Hơn các đền thờ khác ở Roma, tự nó, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành đã có chiều kích đại kết này rồi. Chúng ta hãy nhớ đến biết bao nhiêu sáng kiến, các lễ nghi, các buổi canh thức cầu nguyện, các đại hội đã được tổ chức tại đền thờ thánh Phaolô này, và tất cả đếu hướng tới chỗ tái tạo sự hiệp nhất của Giáo Hội, giữa các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội Kitô khác nhau. Vì thế với Năm Thánh Phaolô này Đức Thánh Cha Biển Đức XVI muốn đẩy mạnh việc tìm về hiệp nhất qua lời cầu nguyên, qua việc học hỏi và đào sâu sự hiểu biết về thánh Phaolô của tất cả mọi tín hữu Kitô.

(Avvenire 28-6-2008)
 
Top Stories
Vatican Elevates Father Damien To Sainthood
Church News
10:53 02/07/2008
HONOLULU -- The Congregation of the Causes of Saints at the Vatican has voted to canonize Father Damien of Molokai to sainthood.

Saint Damien
After the verification of two medical miracles, after decades of investigation into the life and works of Damien De Veuster, the Consisterie at the Vatican has at long last voted to elevate the Martyr of Molokai to its Pantheon of Saints. The measure now awaits the signature of Pope Benedict XVI.

"People are very excited because they know he was a great person and role model, and that is the most important thing of the sanctification, he finally can be the role model we need," Damien historian Hilde Eynikel told KITV from Belgium.

The search is now on for a relic of Father Damien, which will be presented to the pope at the sanctification. A relic can be something touched by the saint, worn by the saint, or an actual body part of the saint. The diocese in Brussels is now looking into the retrieval of such a relic from Damien's tomb in Leuven, Belgium. Damien's grave in Kalaupapa contains only his right hand, which was re-interred following his beatification in 1995.

The canonization will take place in Rome, possibly at the end of next year, with celebrations in Belgium and Hawaii.

The pope will probably not travel to Hawaii. Cardinal Daneels of Belgium may be in attendance.

Supporters of the sainthood effort are overjoyed that now the world will know what Hawaii has known for 100 years -- that Father Damien of Molokai is a saint.

He was born Joseph De Veuster in Tremeloo, Belgium, in 1840.

De Veuster's older brother, Pamphile, was set to travel to the "Sandwich Islands," but was too sick to go. Instead, De Veuster traveled to Hawaii in his brother's place.

The Roman Catholic priest arrived in Hawaii in 1864 and took the name Damien. He served the leprosy patients at the Molokai colony at Kalaupapa for 12 years before he succumbed to Hansen's disease at age 49.

His body was exhumed from his Molokai grave in 1936 when his remains were sent to Belgium, for reburial. In 1995, a relic of his right hand was given back to the Hawaii Diocese and returned to his Molokai grave.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gió bụi đường xa... sửa soạn về tham dự WYD 2008
Thụy Miên
13:19 02/07/2008
Gió bụi đường xa... sửa soạn về tham dự WYD 2008

Cổ nhân Việt Nam có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Các bạn trẻ trên khắp nơi của nhiều quốc gia, đã đi nhiều ngày đàng để đến được nước Úc, để dự đại hội giới trẻ thế giới năm nay tại thành phố Sydney của nước Úc này, chắc hẳn các bạn phải học được nhiều điều khôn. Vì thế tôi muốn biến hồn mình thành gió Úc để hướng dẫn các bạn trẻ từ khắp muôn phương về tham dự đại hội, và biến thân tôi thành muôn ngàn hạt bụi để được bám vào hành trang của các bạn, để được cùng tham dự đại hội giới trẻ công giáo thế giới năm nay 2008.

Bạn có thể đến từ nơi thành thị, nhà cao cửa rộng, cao ốc chọc trời. hay bạn đến từ các nông trại, cò bay thẳng cánh, vắng bóng xe cộ ồn ào. Bạn có thể đến từ vùng đồi núi cao nguyên, núi rừng trùng điệp. Bạn có thể đến từ vùng đồng bằng với những hệ thống sông ngòi chằng chịt, hay bạn đã đến từ những vùng sa mạc nóng bỏng da người.

Bạn là những người nông dân, công nhân trong hãng xưởng hay bạn có thể là những vị bác sĩ, y tá, nha sĩ, dược sĩ. Bạn có thể là những dân quê mộc mạc chài lưới như Phêrô, Anrê thủa xưa hay là những người thu thuế như Matthêu. Bạn có thể là những binh lính hay những vị quan đầy quyền thế hay bạn là những tu sĩ nam, nữ trẻ. Dù các bạn đến từ đâu, làm nghề gì, địa vị thế nào trong xã hội thì tôi cũng xin được gởi lời chào nồng ấm và lời chúc bình an đến tất cả mọi người trong tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Khi các bạn đến đây để tham dự đại hội giới trẻ công giáo. Hành trang các bạn mang theo gồm những thứ vật chất và tinh thần. Hành trang vật chất bao gồm tiền bạc để tiêu dùng cho suốt thời gian mà các bạn tham dự đại hội và đôi khi mang dư dư một chút để nhân tiện đi du lịch vòng quanh nước Úc nữa chứ! Phải không các bạn.

Ngoài tiền bạc, các bạn cũng cần mang theo quần áo để mặc, nhất là quần áo mùa Đông vì tháng bảy là tháng bắt đầu vào mùa Đông. Những vùng núi cao đã có tuyết rơi phủ đầy, và người dân Úc hàng ngày đọc báo theo dõi tin tức độ dày của tuyết rơi, để dự tính tổ chức đi trượt tuyết.

Hành trang vật chất còn một thứ nữa là bụi bặm dọc đường đã theo các bạn từ khắp muôn phương mang đến Úc, tại thành phố Sydney, trong đó có một phần là chi thể của chính tôi, vì mặc dù tôi ở ngay tại nước Úc, nhưng vì hoàn cảnh nghề nghiệp nên không thể đi tham dự được đành biến thân mình hoá bụi mà theo các bạn vậy.

Hành trang về mặt tinh thần bao gồm những lo âu, khắc khoải; những thắc mắc, suy tư; những chờ đợi và hy vọng; những tin yêu và bình an. Các bạn là những đóm lửa trong đêm đen. Các bạn đã mang những đóm lửa tin yêu ấy đến đây để tạo thành những bó đuốc, đốt sáng và sưởi ấm lòng mọi người trong cơn lạnh của mùa Đông, nước Úc 2008 này.

Hành trang tinh thần của các bạn khác nhau tùy theo hoàn cảnh cá nhân, tùy theo hoàn cảnh xã hội và chính trị của nơi các bạn đang sinh sống.

Những lo âu, khắc khoải của các bạn đang sống trong các nước nghèo về mặt kinh tế, là những lo âu về cuộc sống hàng ngày như công việc làm ăn, giá cả sinh hoạt gia tăng, làm cho cuộc sống của các bạn trở nên vất vả, khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai cho bản thân và gia đình.

Các bạn đang phải đối đầu với biết bao nhiêu khó khăn giữa cuộc sống về tâm linh và cuộc sống thể xác. Thì giờ trong một ngày là hai mươi bốn giờ hình như không đủ, để các bạn còn có thì giờ dành cho cuộc sống tâm linh nữa.

Đối với những bạn trẻ sống trong các nước mà nền kinh tế quốc gia ổn định hay giầu có, thì những lo âu của các bạn là ảnh hưởng của những thú vui xác thịt, ăn chơi, đàng điếm của nền văn minh hiện tại đã làm cho giới trẻ hưởng thụ, đâm ra lười biếng và càng ngày càng sa đoạ trong cờ bạc, rượu chè, ăn uống, nghiện ngập và chiều theo xác thịt một cách quá đáng. Họ không còn thì giờ để lo cho đời sống tâm linh nữa.

Nhà thờ không còn thấy giới trẻ đi tham dự những buổi chầu viếng mình thánh Chúa, thậm chí ngay cả thánh lễ Chúa nhật cũng vắng bóng dáng thanh niên nam nữ. Ngày nay, phần đông giới trẻ cho rằng, nhà thờ là nơi dành cho các ông bà già tuổi gần kề miệng lỗ đến để than thở, cầu kinh mà thôi. Thậm chí nhiều nơi còn đăng báo quảng cáo bán nhà thờ vì không đủ tiền bảo trì và không còn mấy người đi dự lễ nữa.

Phải chăng cuộc sống của giới trẻ công giáo, ngày hôm nay đang lâm vào tình trạng suy đồi về đức tin công giáo. Nguyên nhân suy đồi ấy bắt nguồn từ đâu. Các bạn mang theo bạn những thắc mắc, những suy tư và hy vọng tìm được những câu giải đáp, để các bạn có thể tìm cho mình một lối thoát, một hướng đi mới cho cuộc sống tâm linh trong hoàn cảnh xã hội hiện tại.

Nguyên nhân chính bắt nguồn từ khi chúng ta là con cái Thiên Chúa đã không còn giữ hai giới răn quan trọng mà Thiên chúa muốn chúng ta tuân giữ nữa. Hai giới răn đó là:

Giới răn thứ nhất: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt. 22: 37).

Giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” (Mt. 22: 39)

Yêu mến Thiên Chúa

Ông bà ta có câu: “Vô chi bất mộ”. Không biết thì làm sao có thể nói yêu được.

Các bạn hãy cùng tôi xét mình nhé. Chúng ta đã biết gì về Chúa? Về gia phả, nguồn gốc và về những biến cố đã xảy ra trong đời sống ngắn ngủi ba mươi ba năm ở dưới thế gian của Chúa Giêsu. Những việc Người đã làm trong ba năm giảng đạo, và những tình huống xảy ra dẫn đến việc Chúa Giêsu bị chết treo trên thập giá.

Chúng ta hiểu gì về lý do Chúa Giêsu được sinh ra nơi trần thế.

Qua những lời giảng dậy của Chúa Giêsu, chúng ta đã hiểu thế nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, bao gồm sự liên kết mật thiết giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa thánh Thần trong công cuộc cứu rỗi loài người chúng ta.

Các bạn hãy cùng tôi xét mình xem chúng ta đã hiểu biết về Mẹ Maria như thế nào qua công cuộc đồng công cứu chuộc loài người của Mẹ. Những đau khổ, những lo lắng âm thầm, buồn sầu và héo hắt của Mẹ khi hay tin con của mình bị đem đi giết.

Các bạn hiểu biết gì về dòng dõi của thánh Giuse, gương sống đạo, sự hy sinh, lòng quảng đại và sự vâng theo lời thánh thiên thần truyền của thánh Giuse.

Chúng ta hiểu biết gì về hoàn cảnh lịch sử đất nước, xã hội, chính trị, kinh tế và tín ngưỡng của dân Do Thái thời bấy giờ.

Không biết các bạn thì như thế nào, chứ còn riêng tôi thì những sự hiểu biết về các điều trên còn ít ỏi và còn nhiều điều chưa thông như đứa bé dùng vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ nghêu vậy.

Lời Chúa là của ăn

Chúng ta hãy cùng nhau học hỏi và trau dồi hàng ngày. Không có ai không ăn mà sống, và lớn lên được. Những bữa ăn cho thân xác mà chúng ta cần hàng ngày ít nhất là hai lần, có người khi gặp dịp tiệc tùng thì bữa tiệc ăn kéo dài vài tiếng, vì họ cho rằng trời đánh còn tránh miếng ăn, nên cứ thong thả mà ăn, chứ có đi đâu mà phải vội. Chúng ta hãy xét mình đã dùng Lời Chúa làm của ăn cho linh hồn của chúng ta hàng ngày hay chưa? Ăn thong thả hay vội vã, chúng ta có ăn Lời Chúa một cách nhai kỹ trước khi nuốt hay không? Hay chúng ta đã ăn vội vã, ăn không kịp nuốt và không kịp thở để rồi phải mắc nghẹn.

Thịt và máu Chúa là của ăn

Trước khi Chúa Giêsu chịu nạn, trong bữa tiệc ly, Người đã lập phép Bí Tích Thánh Thể để làm của nuôi dưỡng linh hồn chúng ta và để ở cùng chúng ta mọi ngày trong chén rượu và tấm bánh ngự trong nhà tạm.

Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về mình: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Gioan 6: 51-53).

Chúng ta hãy xét mình xem chúng ta có năng dùng thịt và máu thánh Chúa làm của nuôi linh hồn chúng ta hàng ngày như ăn những bữa cơm cho phần xác của chúng ta hay không?

Tâm sự và trò chuyện cùng Chúa

Các bạn trẻ thân mến, ở vào tuổi các bạn thì yêu là lẽ sống, cho nên không mấy ai mà chẳng có kinh nghiệm về chữ yêu. Khi yêu ai thì chúng ta chỉ mong được gặp người ấy, hay chỉ nhìn thấy nguời mình yêu mà thôi thì lòng cũng đã sung sướng lắm rồi.

Thử hỏi trái tim của chúng ta đã rung lên những nhịp đập hồi hộp khi nghĩ về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta hay chưa? Nếu chưa thì có lẽ chúng ta chưa yêu Chúa hết lòng vì chúng ta còn nhiều thứ khác để yêu hơn Chúa. Chúa chỉ muốn gặp gỡ chúng ta trong thinh lặng, nâng hồn lên tới Chúa và để tiếng Chúa nói trong ta. Lời của Thiên Chúa sẽ thấm nhập vào tâm hồn của chúng ta, sẽ hướng dẫn chúng ta cùng ban cho chúng ta sự sống đời đời.

Hãy hòa giải cùng Thiên Chúa

Chúa Giêsu đã thiết lập phép Bí Tích Giải Tội, giúp chúng ta, những người con hoang đàng được trở về nhà cha và được làm con cái của Thiên Chúa.

Câu chuyện cái búa rìu của người thợ đốn cây đã làm tôi liên tưởng đến phép Bí Tích Giải Tội rất cần thiết cho những người tuổi trẻ yêu Chúa một cách đầy nhiệt huyết như các bạn. Truyện kể như sau, Có một thanh niên to lớn và khoẻ mạnh đến xin làm việc cho một lâm trường. Công việc hàng ngày là anh ta vào rừng đốn cây. Những ngày đầu làm việc, mặc dù chưa thông thạo nhưng anh đã chặt được nhiều cây hơn số lượng mà người chủ ấn định. Anh được người chủ khen thưởng. Thế rồi dần dần lâu ngày, anh ta dù cố gắng hết sức mình, dù làm việc thêm giờ nhưng số cây vẫn không đủ số lượng như ngày mới tập việc. Anh ta buồn phiền và tự tìm đến gặp người chủ để xin lỗi vì sự yếu kém của mình. Sau khi nghe anh ta trình bày những lý do viện dẫn, người chủ lâm trường nhìn anh một cách trìu mến và chậm rãi hỏi anh thanh niên ấy rằng: “Lần cuối cùng anh đã mài cái búa rìu đốn cây của anh là khi nào?”. Anh thợ giật mình chợt hiểu và tìm ra nguyên nhân.

Các bạn thanh niên nam nữ công giáo thân mến, tôi xin khâm phục với sự nhiệt thành và hăng hái làm việc tông đồ của các bạn, nhưng câu chuyện kể trên đã nhắc nhở cho chúng ta nên thường xuyên tìm đến tòa giải tội, như người thợ đốn cây mài cái búa rìu của mình vậy.

Thương mến tha nhân như chính mình

Chung quanh các bạn còn nhiều người thanh thiếu niên trẻ, họ đang sống trong tình trạng thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, thiếu thốn về văn hoá và tín ngưỡng. Sự chênh lệch về giầu nghèo của các quốc gia trên thế giới. Sự khác biệt giữa các nước dư thừa của ăn và các quốc gia mà dân chúng thiếu dinh dưỡng. Sự khác biệt về thể chế chính trị giữa các quốc gia trên thế giới. Sự đồi trụy về văn hóa và suy sụp về tín ngưỡng của các nước tự do khác biệt với những quốc gia mà tín ngưỡng và văn hoá bị giới hạn. Cảnh bất công hà hiếp công nhân, cảnh khủng bố, chết chóc vì chiến tranh. Đó là những suy tư mà các bạn mang đến trong lần đại hội giới trẻ công giáo lần này.

Sự thiếu về thức ăn đã dẫn đến sự suy dinh dưỡng và sức khoẻ suy yếu. Các bệnh tật có dịp tấn công khi sức đề kháng bệnh của con người bị yếu kém vì cơ thể bệnh tật, hay vì thân thể không đủ thức ăn, nước uống, và không đủ quần áo che thân về mùa Đông. Con số chết về suy dinh dưỡng và bệnh tật tại các nước nghèo ngày càng gia tăng, họ đang trông đợi lòng thương xót của những tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi nơi trên thế giới. Gần đây nhất là thiên tai bão lụt ở nước Miến Điện và động đất ở Trung Quốc.

Các cuộc khủng bố, chiến đấu vì chính thể xảy ra tại các nước trên thế giới ngày càng nhiều đã khiến hàng ngàn người sống trong cảnh lo sợ vì thương vong và chết chóc hàng ngày. Tình yêu đồng loại đã biến mất giữa xã hội loài người mất rồi. Các bạn trẻ đang suy nghĩ làm thế nào để mọi người biết yêu thương đồng loại như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.

Nếu sau này các bạn trẻ là những nhà lãnh đạo quốc gia, bạn sẽ cải đổi như thế nào? Để cảnh hà hiếp công nhân không còn nữa, để những người vô gia cư được có chỗ trú thân, và người già lão bệnh tật được chăm sóc, người dân của nước bạn có đủ cơm ăn, áo mặc.

Bạn sẽ làm gì để góp phần tham dự vào các công cuộc cứu trợ và xây dựng lại đất nước của chính mình để mọi người được hưởng tình người. Hay nói khác đi các bạn sẽ làm gì để thực hiện hạnh phúc thiên đàng ở ngay nơi trần gian này. Bạn hãy quyết tâm và thực hiện ngay từ bây giờ và hôm nay, và nhờ ơn Chúa giúp tôi tin tưởng các bạn sẽ thành công.

Các bạn là những đóm lửa trong đêm đen soi đường cho những bạn còn đang ngồi trong bóng tối sự chết. Các bạn là gương sáng, là hiện thân của Chúa Giêsu, để dẫn dắt tuổi trẻ về đường ngay nẻo chính, thoát khỏi sự chết và đi đến chỗ có sự sống đời đời.

Với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cùng đầy hy vọng vào tương lai, các bạn hãy liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu Kitô như cành nho liên kết với thân cây, để trước hết các bạn có sự sống và từ sự sống ấy sẽ phát sinh ra muôn ngàn phúc lộc là những mầm non tươi tốt.

Hãy bền chí, kiên trì và trung thành. Các bạn đã noi gương Chúa Giêsu và dựa vào Mẹ Maria, tôi cam đoan các bạn sẽ không lạc lối và chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt đẹp như lòng các bạn mong ước, và các bạn ít nhất đã có Chúa làm gia nghiệp.

Sau những ngày tham dự đại hội giới trẻ thanh niên công giáo. Các bạn mong ước đạt được những gì để làm hành trang mang trở về xứ sở nơi bạn đang sinh sống.

Sự thay đổi trong cuộc sống của các bạn, từ con người đến tính tình, từ tấm lòng đến tâm hồn, và chính những sự biến đổi này của các bạn sẽ làm thay đổi cả thế giới.

Các bạn còn nhớ Chúa Giêsu đã biến dạng như thế nào khi Người dắt ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi để cầu nguyện cùng với Đức Chúa Cha, đang khi cầu nguyện thì diện mạo Chúa Giêsu biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Tôi hy vọng sau lần dự đại hội giới trẻ này thì diện mạo của các bạn trở nên giống thiên thần của Chúa nhiều hơn trước. Tính tình của các bạn trở nên vui tươi, cởi mở để đón nhận mọi người đang cần bàn tay giúp đỡ của các bạn. Lòng của các bạn tràn ngập niềm vui vì có Chúa ở cùng. Từ đó các bạn sẽ cất bước chân ra đi làm chứng nhân cho Thiên Chúa.

Khi chia tay các bạn sẽ để lại gì cho dân chúng nước Úc?

Tôi ước mong có được trước hết là lời giã biệt và lời hẹn tái ngộ cho lần đại hội giới trẻ kỳ tới với tất cả tấm lòng mến thương. Sau đó là lời cầu chúc bình an cho mọi người dân nước Úc được sống trong an lành và trong tình yêu của Thiên Chúa. Sau hết, xin đừng giũ bụi khỏi chân của các bạn.

Vì hạt bụi là do thân tôi hóa thành, đôi khi nó làm các bạn vướng víu trong hành trình đức tin, nhưng cũng là cái gì đó nhắc nhở các bạn quyết tâm đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Hồn tôi vẫn xin làm gió mát, để thổi cho các bạn trên những bước đường lữ thứ dài lê thê này. Cầu chúc các bạn trở nên một con người mới đầy hăng hái, nhiệt thành để yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân một cách thiết thực hơn.
 
Chia sẻ Lời Chúa với các thì sinh dự thi Đại Học tại nhà thờ Kẻ Sét, Hà Nội
LM Giuse Đinh Xuân Ngọc
13:56 02/07/2008
Sáng nay (2/7/2008) tại Tòa Giám mục Thái Bình đã có cuộc đưa tiễn khoảng gần 70 thí sinh công giáo của giáo phận tham dự kỳ thi tuyển sinh vào Đại học đợt I. Cùng đi với đoàn thí sinh có linh mục Giuse Đinh Xuân Ngọc – phó văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình, quý thầy phụ trách và đại diện hội nhà giáo công giáo của giáo phận Thái Bình.

THÁI BÌNH - Trong Thánh lễ cầu nguyện cho các em thí sinh diễn ra sốt sắng tại nhà thờ Kẻ Sét, giáo phận Hà Nội, do cha Giuse Nguyễn Văn Hòa, đặc trách giới trẻ Hà Nội chủ tế, cha đồng tế Giuse Đinh Xuân Ngọc đã chia sẻ như sau:

Các bạn sinh viên, các em học sinh thân mến,

Là người được tiếp cận nhiều với các bạn trẻ, nhất là các bạn sinh viên và học sinh, tôi rất hay được nghe câu hỏi: có ma quỷ thật không cha? Dựa vào bài Tin Mừng hôm nay, tôi xin trả lời cho các bạn và các em: Ma quỷ là có thật và chúng vẫn đang quấy phá con người dưới nhiều hình thức rất tinh vi. Và cũng với bài Tin Mừng hôm nay, tôi khẳng định với các bạn: Chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Kitô, chúng ta không sợ ma quỷ, vì Chúa Kitô của chúng ta có quyền trên mọi thế lực và sức mạnh của ma quỷ; mới nhìn thấy Ngài, ma quỷ đã phải vội vã ra khỏi con người mà chúng hành hạ bấy lâu nay, miễn là chúng ta dám đặt trọn niềm tin vào Ngài.

Nhưng hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn, nhất là các em thí sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học, một trong những thủ đoạn tinh vi của ma quỷ để cám dỗ chúng ta.

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, thoạt tiên chúng ta thấy câu chuyện Tin Mừng có một kết thúc “có hậu”: Người bị quỷ ám lâu năm được chữa khỏi và trở về với đồng bào của mình để báo tin vui, và lời loan báo của anh ta được mọi người chấp nhận. Như thế, anh ta đã được hội nhập trở lại với cộng đoàn của mình, không còn phải tiếp tục kiếp sống nơi mồ mả (biểu tượng của sự chết) nữa.

Tuy nhiên, kết thúc câu chuyện, Thánh sử Matthêu lại cho chúng ta chứng kiến một thái độ khiến nhiều người trong chúng ta phải cảm thấy nhói đau, đó là: khi những người dân trong thành được loan báo về Chúa Giêsu, Đấng có quyền tối thượng trên ma quỷ, đang hiện diện ở giữa họ thì họ lại nhẹ nhàng “mời Chúa ra khỏi vùng đất của họ” bởi vì Chúa đã cho phép ma quỷ nhập vào đàn heo của họ, và đàn heo đã lao mình xuống biển chết đuối hết. Có một sự đánh đổi giữa việc được chữa lành khỏi ách nô lệ ma quỷ và sự mất mát về phương diện vật chất. Những người dân Ghêrasa đã không chấp nhận sự mất mát ấy và họ đã “mời Chúa đi chỗ khác chơi !!!”.

Các bạn và các em thân mến, chúng ta sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh trong bối cảnh xã hội đầy dẫy những nhiễu nhương và nền giáo dục của chúng ta đang có những vấn đề. Có một thầy giáo ở một tỉnh lẻ tâm sự với tôi: “Linh mục biết không, trong kỳ thi tuyển sinh này, toàn là những em học khá và có khả năng dự thi, còn những em học kém thì đã “đậu” hết rồi, nghĩa là đã đi cửa sau hết rồi !!!”. Tôi không dám chắc sự thật của thông tin trên là bao nhiêu phần trăm, nhưng có một thực tế không ai có thể phủ nhận là nền giáo dục của chúng ta đang có rất nhiều những bất cập. Đó là lý do mà từ mấy năm nay Chính phủ và Bộ Giáo Dục đã rất sát sao trong các kỳ thi cử để tìm lại sự trung thực, tìm lại sự công bằng cho những người có khả năng thực sự. Tình trạng gian lận quay cóp trong thi cử đã có giảm bớt. Kết quả thi đã có phần trung thực hơn. Nhưng không thể phủ nhận là vẫn không thiếu bạn học sinh vẫn mang nặng tư tưởng: người ta quay cóp mà mình trung thực thì chỉ có nhận phần thiệt; học giỏi không phải là người học tốt mà là người quay cóp giỏi, không để giám thị bắt được;... Và một thực tế đáng buồn là: “Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt - Lừa lọc lươn lẹo lại lên lương” đang xẩy ra thường ngày trước mắt chúng ta.

Trong bối cảnh đó, ma quỷ sẽ theo các bạn vào phòng thi, chúng sẽ xúi giục các bạn hành xử theo thói người đời là: người ta sao tôi vậy; người ta quay cóp thì tôi cũng tìm cách mở tài liệu; người ta xem trộm bài thì tôi cũng nhìn lén;. .. Trên đường đi vào nhà thờ Kẻ Sét hôm nay, tôi có nhặt được một bài “Hịch Sỹ Tử” của một sỹ tử nào đó, xin đọc cho các bạn và các em nghe: “Hỡi đồng bào, hỡi sỹ tử cả nước! Chúng ta muốn đậu trong kỳ thi này! Chúng ta đừng nhân nhượng! Chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng họ càng ra đề khó, bẫy càng nhiều, chơi nhau càng hiểm, giám thị coi thi càng ác mặc dù họ đã từng là học sinh như chúng ta! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu rớt, nhất định không chịu nộp giấy trắng! Bởi vậy, ai có bạn thì nhìn bạn, ai có tài liệu thì nhìn tài liệu, không bạn không tài liệu thì nhìn thằng bên cạnh! Chủ trương làm bài của ta là: toàn dân, toàn diện, nhìn nhanh, liếc khẽ, tự giác nhìn bài!” Trong bối cảnh chung và khi nghe bài “Hịch” này, các em có chấp nhận để cho Chúa Giêsu đi vào phòng thi với mình, để Ngài xua đuổi lũ quỷ ma gian dối, lừa lọc, lươn lẹo nhưng có thể lại lên lương (nghĩa là có thể đạt kết quả cao), và nhắc nhở chúng ta về sự trung thực, thẳng thắn, thật thà và có thể cả thua thiệt (nghĩa là chấp nhận kết quả đúng với khả năng học tập của mình)? Hay cũng như những người Ghêrasa, chúng ta “mời Chúa ra cổng trường chờ con, để con làm ăn một tý!!!”?... Nếu để cho Chúa hành động, các em sẽ thắng, và ngược lại. Chỉ có điều này: Chúa có sức mạnh làm ma quỷ khiếp sợ, nhưng lại có vẻ như “yếu đuối và bó tay” trước tự do của các em! Thiên Chúa của chúng ta lạ lùng như thế đó!

Là những người đồng hành với các em hôm nay, tôi muốn gửi gắm đến tất cả các em thí sinh của hai giáo phận Thái Bình và Hà Nội suy tư đó cùng với lời động viên: Hãy để cho Chúa Giêsu đồng hành với các em cách đặc biệt trong phòng thi, để Ngài ban cho các em sự khôn ngoan minh mẫn trong khi làm bài, để Ngài giúp các em chiến thắng mưu mô của ma quỷ cám dỗ chúng ta đi vào con đường gian dối, lừa đảo và bất công. Được như thế thì dù kết quả thi của các em có như thế nào đi chăng nữa thì các em vẫn là người chiến thắng: chiến thắng ma quỷ và chiến thắng chính mình, và ai chiến thắng chính mình, đó là kẻ mạnh. Bởi vì cũng như cha chủ tế đầu thánh lễ đã nói: kỳ thi này đánh dấu sự trưởng thành của các em. Vì quả thật, với việc đi thi đại học và cao đẳng, các em đã chính thức giã từ tuổi học trò hồn nhiên với sự bao bọc chặt chẽ của cha mẹ và thầy cô để bước vào một môi trường mới đòi hỏi tính tự giác nhiều hơn nơi chúng ta. Tôi chắc rằng: không phải 100% các em đi dự thi hôm nay đều sẽ trở thành sinh viên đại học đâu, mặc dù chúng tôi ước mong như thế, nhưng đó là thứ ước mơ không tưởng! Sẽ có em bước tiếp trên con đường đại học và cao đẳng, nhưng cũng sẽ có những em tạm thời dừng lại (tôi không muốn nói các em thất bại hay thụt lùi, mà chỉ là sự tạm dừng của việc học tập), nhưng dù cho trường hợp nào xẩy ra, nếu các em để cho Chúa đồng hành với chúng ta trong kỳ thi này, thì có em sẽ hân hoan như các chú bò tót Tây Ban Nha trong hào quang chiến thắng, và có những em sẽ như những cỗ xe tăng Đức, những chú gấu Nga hay các chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ ra về trong thế ngẩng cao đầu.

Các em thí sinh yêu quý! Hãy dũng cảm, tự tin, bình tĩnh và khôn ngoan bước vào phòng thi. Hãy cậy nhờ ơn Chúa và nỗ lực hết mình để đạt được kết quả như ý Chúa và ý mình mong muốn đúng với khả năng của mình. Chúng tôi và các anh chị sinh viên là những người đi trước sẽ luôn đồng hành với các em trong lời cầu nguyện và trong các công việc có thể để các em có một kỳ thi tốt đẹp nhất. Chúc các em mạnh khỏe và thành công.

Giờ đây chúng ta hãy đặt tất cả ước mơ, âu lo và hy vọng của mình trên đĩa thánh và trong chén thánh mà chúng ta sắp dâng lên, để kết hợp với hy lễ của Chúa Giêsu, xin Chúa Cha vui lòng chấp nhận, thánh hóa và ban nhiều ơn lành cho tất cả chúng ta.
 
Đồng hành với các Ông Nghè Bà Tổng tương lai của Thái Bình
Lm Giuse Phạm Thanh Quang CSsR
14:06 02/07/2008
THÁI BÌNH - Sáng 2.7.2008, tại Tòa Giám Mục Thái Bình, các cha và các thầy phụ trách sinh viên học sinh đã tổ chức đưa đón khoảng 60 thí sinh (các ông nghè bà tổng tương lai của đất nước) đi Hà Nội dự thi Đại Học, Cao Đẳng.

Từ rất sớm (6 giờ) đã có lác đác một số em đến sân Tòa Giám Mục rồi. Dần dần, các em càng lúc càng đông. Đa số các em được cha mẹ đưa đến bằng xe máy. Nếu như ngày xưa thí sinh vác theo lều chõng, đèo quẩy cơm nắm gạo dưa thì hôm nay, các em đơn giản hơn, chỉ vác trên mình chiếc ba lô be bé xinh xinh thế là đủ. Vì rằng ngày xưa nào có ai cùng đi để đỡ đần trợ giúp cho, nào có người thân quen ở chốn thi cử kinh thành; còn ngày nay, các em sướng hơn nhiều, thuận lợi hơn nhiều vì có cha mẹ, người thân, và đặc biệt có các cha các thầy ở các Tòa Giám Mục hay ở các Nhà Dòng nâng đỡ, tiếp sức cho. Nào là đưa đón, nào là tìm chỗ ở, nào là dẫn đến trường thi, thậm chí có người tình nguyện nấu cơm cho nữa. Sướng quá rồi còn gì? Chỉ

có điều cô cậu lo sao thi cho đậu, thế là ngon lành rồi! Cụ thể như hôm nay, các bạn thí sinh Thái Bình được các “Đấng nhà ta” nâng đỡ, tiếp sức cách tận tình chu đáo. Sáng sớm, tôi đã thấy hai chiếc xe, một chiếc 45 chỗ và một chiếc 15 chỗ mới coóng đậu trước cổng Tòa Giám Mục rồi. Cảnh người ra kẻ vô trông thật vui tươi và náo nhiệt! Tuy nhiên trên khuôn mặt các em lộ rõ sự lo lắng. không biết rồi đây thi cử sẽ như thế nào? Có thành ông nghè bà tổng hay không? Thôi thi thì cứ thi. Đúng giờ đã định, hai chiếc xe rời Tòa Giám Mục đưa các em về Hà Nội. Có một cha và vài thầy cùng đồng hành với các em. Phụ huynh nhìn bóng con em xa dần, lòng cảm thấy nhớ thương nhưng cũng đầy nhẹ nhõm, đầy an tâm.

Nghe đâu ở Hà Nội cũng có một nhóm sinh viên Thái Bình đã sẵn sàng đón các em này để đưa về các nơi trú ngụ trong những ngày thi cử. Chúng ta cùng đồng hành, hiệp thông và hợp ý cầu nguyện cho các em để có được sức khỏe tốt, trí khôn minh mẫn và đạt được thành quả tốt nhất.

Xin chúc các em có được thành tích cao nhất trong kỳ thi Đại học, Cao đẳng này, để trở thành những ông nghè bà tổng tương lai hầu giúp ích cho Xã Hội, cho quê hương và đặc biệt cho Giáo Hội!
 
Phỏng vấn ĐHY Phạm Minh Mẫn về viễn tượng hợp tác gữa hai TGP: Los Angeles và Saigòn
LM Trần Công Nghị
15:36 02/07/2008
LOS ANGELES - Như VietCatholic đã loan tin hôm qua, ĐHY Roger Mahony và ĐHY Phạm Minh Mẫn đã ký Văn kiện Kết Nghĩa giữa hai Giáo hội tại Los Angles và Giáo hội tại Saigòn, với mục đích là hiệp thông và giúp nhau về nhiều lãnh vực như tình nghĩa anh em một nhà, nâng đỡ nhau về mọi mặt, đặc biệt ưu tiên là đưa chủng sinh sang Los Angeles để được thụ huấn, viễn kiến trao đổi mục vụ cho linh mục Việt Nam, thứ đến là đào tạo giáo dân lãnh đạo cũng như giáo lý viên về kiến thức, tu đức và chuyên viên...

Để đi sâu them về khía cạnh nêu trên, LM Trần Công Nghị đã có cuộc phỏng vấn với ĐHY Phạm Minh Mẫn tại khuân viên nhà thờ chính tòa Los Angeles.

Cuộc phỏng vấn còn bàn sâu rộng về vấn đề viễn tượng việc xây cất Trung tâm Hành Hương toàn quốc và Trung tâm đón tiếp các Nghị Hội Công giáo Á châu và Quốc tế, vấn đề đất đai các Dòng Tu, và những ưu tư mục vụ khác trong TGP Saigòn. Chúng tôi sẽ tường trình trong lần phát hình kế tiếp.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Làm thế nào để Chọn Đúng Sách Lễ Rôma (Missale Romanum) 1962?
Anthony Lê
19:47 02/07/2008
Làm thế nào để Chọn Đúng Sách Lễ Rôma (Missale Romanum) 1962?

Với việc đặc biệt chú trọng vào Phụng Vụ của Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X đã dẫn đến việc xuất bản rộng rãi ra đủ loại Sách Lễ để giúp những người tín hữu trong việc cầu nguyện và suy niệm trong Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống.

Cũng tương tự như vậy, nay với Tự Sắc Summorum Pontificum, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 một lần nữa đặt Phụng Vụ như là một trọng tâm chính trong triều đại Giáo Hoàng của Ngài.

Ai cũng nhận thấy rõ được điều này qua việc Ngài từng bước, từng bước một, khôi phục lại những giá trị thiêng liêng và huyền nhiệm vốn đã có và tồn tại từ rất lâu đời trong truyền thống Phụng Vụ nguyên thủy và chính thống của Giáo Hội Công Giáo xưa kia, cũng như việc tiến hành kỷ luật và chỉnh đốn lại những vi phạm, những sai sót, và lạm dụng hiện có trong Phụng Vụ ngày nay, qua việc tự phóng tác hoặc bỏ lơ những câu kinh nguyện cầu bằng tiếng La Tinh trong Thánh Lễ theo hình thức mới bởi một số các giáo sĩ.

Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống Thánh Thiện & Tông Truyền


Việc nhấn mạnh trở lại đến Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống cũng là việc thúc đẩy các nhà xuất bản đưa ra nhiều ấn bản mới mẽ hơn về Sách Lễ Rôma 1962, do đó việc làm thế nào để chọn đúng Sách Lễ Rôma 1962, nghiểm nhiên tự nó trở thành một vấn nạn không nhỏ, nhất là đối với những ai mới làm quen và đang trong tiến trình tìm hiểu thêm về Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống này, hay muốn quay trở lại Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống này mà chúng ta đã từng tham dự hay biết đến từ thời xa xưa, khi chúng ta hãy còn là những cô-cậu học trò nhỏ tại các trường do các Cha, các Thầy, và các Soeurs quản lý.

Hiện tại ở Hoa Kỳ, Sách Lễ Rôma 1962 có thể được tìm thấy tại 7 Nhà Xuất Bản với 7 phiên bản khác nhau đó là: Saint Joseph, New Marian, Angelus Press, Baronius Press, Saint Andrew, và Neumann Press. Thế đâu là ấn bản đúng thực nhất của Sách Lễ Rôma 1962?

(1) Ấn Bản về Sách Lễ Rôma 1962 của Nhà Xuất Bản Saint Joseph:

Đây là dạng Sách Lễ khá đơn giản dành cho người mới bắt đầu tham dự hay tìm hiểu về Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống, và ấn bản này đã trở nên rất thịnh hành trước thời gian diễn ra Công Đồng.

Ấn bản này có tên gọi là: Saint Joseph Daily Missal tức Sách Lễ Hằng Ngày của Nhà Xuất Bản Thánh Giuse. Trình tự của Thánh Lễ được trình bày trong các trang đối diện nhau bằng tiếng La Tinh và tiếng Anh, trong khi đó thì các phần về Propers thì lại được trình bày ra bằng tiếng Anh mà thôi.

Cũng giống như hầu hết các Sách Lễ La Tinh 1962 khác, nó có phần giải thích về Thánh Lễ, về phẩm phục, vân vân... , và một phần giới thiệu ngắn gọn về ý nghĩa của Thánh Lễ Chủ Nhật hay một Lễ Kính nào đó.

Sách Lễ này cũng có một kho tàng về các Lời Cầu Nguyện, và được minh họa bằng những hình ảnh thật màu sắc. Nhà xuất bản Bonaventure Publications đã cho in ấn trở lại ấn bản của năm 1953, vốn có một số phần mới nói về việc Đức Mẹ Về Trời, chứ không phải một phần mới nói về Tuần Thánh.

Sách này hiện được bán với giá là $40.

(2) Ấn Bản về Sách Lễ Rôma 1962 của Nhà Xuất Bản New Marian:

Cuốn New Marian Missal for Daily Mass của Cha Sylvester P. Juergen, S.M. là có từ hồi Tháng 1/1960, và do đó có thêm vào một phần mới nói về Tuần Thánh (Holy Week) và Những Người Do Thái (the Jews). Tuy nhiên Sách Lễ này đã không được công nhận và Thánh Giuse không được đề cập tới.

Sách Lễ Marian Missal có nhiều tiếng La Tinh hơn chút đỉnh so với Sách Lễ do Nhà Xuất Bản Saint Joseph ban hành, ngoài các phần song ngữ như: phần Ordinary (Trình Tự Thánh Lễ); phần Nhập Lễ (Introit), phần Hát Alleluia; phần Dâng Lễ (Offertory), và phần Câu Xướng Lúc Rước Lễ (Communion Verse). Sách Lễ này cũng bao gồm rất nhiều phần về kinh cầu nguyện và những phần giới thiệu rất cô đọng về Thánh Lễ và lịch phụng vụ.

Cách trình bày chữ viết có nhiều cải thiện đáng kể so với Sách Lễ do Nhà Xuất Bản Saint Joseph ban hành ra, mặc dầu không có nhiều màu sắc như trước đây. Nhà xuất bản mới tức Trung Tâm Đức Mẹ Vô Nhiễm, xuất bản ra Sách Lễ này trong một bìa da màu trắng hay màu đen rất đẹp, mặc dầu các chữ khắc phần nào đó xuyên thấu qua các trang.

Sách này hiện được bán với giá là $39.95.

(3) Ấn Bản về Sách Lễ Rôma 1962 của Nhà Xuất Bản Angelus Press:

Linh Mục Juergen cũng đã biên tập rất chi tiết hơn về Cuốn Sách Lễ Lý Tưởng (Ideal Missal) vào năm 1962, và cuốn này đã trở thành nền tảng cho Sách Lễ Công Giáo La Mã Hằng Ngày (Roman Catholic Daily Missal) được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Angelus Press vốn là chi nhánh của Hội Các Cha thuộc Dòng Thánh Piô X hay SSPX.

Cuốn Sách Lễ do Nhà Xuất Bản Angelus Press xuất bản có tên là The Angelus Missal, thì đây đúng là cuốn Sách Lễ 1962 vĩ đại với 1,980 trang mạ vàng vốn chứa đựng hầu như tất cả mọi thứ: trọn phiên bản tiếng La Tinh và tiếng Anh của Thánh Lễ, một tuyển tập toát yếu về những lời nguyện và các học thuyết của Giáo Hội Công Giáo, vô số các kinh cầu nguyện và sùng kính, những phần nói về Nhà Tạm và Tế Lễ Thánh (Divine Service), các kinh ban phước lành tùy theo mùa, các Nghi Thức Rửa Tội, Thêm Sức và Việc Xức Dầu Thánh, cùng ký hiệu về tính trầm bổng của Kyriale.

The Angelus Missal đúng thật sự là một Sách Lễ Rôma 1962 vì nó có đề cập đến tên của Thánh Giuse và năm phần mở đầu được mượn từ Nghi Lễ Gallican vốn có từ thế kỷ thứ 8.

Sách này hiện được bán với giá là $63.

(4) Ấn Bản về Sách Lễ Rôma 1962 của Nhà Xuất Bản Baronius Press:

Cuốn The Daily Missal and Liturgical Manual (Sách Lễ Hằng Ngày và Cẩm Nang về Phụng Vụ), được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Baronius Press qua sự hợp tác với các Cha thuộc Dòng Thánh Phêrô (FSSP), chính là cuốn hiện hành và thông dụng nhất ngày nay. Cuốn này cũng còn được đặt tên, hay biết đến như là cuốn The Baronius Missal.

Cuốn này cũng đúng thật sự là Sách Lễ Rôma 1962 chính gốc và vĩ đại hơn nhiều so với cuốn The Angelus Missal với 2,222 trang mạ vàng, vốn chứa đựng đầy đủ tất cả những gì có trong The Angelus Missal. Thật khó mà có thể đánh giá hay nhận ra được những sự khác biệt giữa hai cuốn Sách Lễ này.

Tuy nhiên, cuốn này lại có trọn phần nói về nội dung của Tự Sắc Summorum Pontificum của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16, trong khi đó cuốn The Angelus Missal lại có phần giải thích rất hay có nhan đề "Thánh Lễ và Đời Sống của Bạn" (Your Mass and Your Life).

Cuốn này bao gồm một phần trích đoạn từ Năm Phụng Vụ (Liturgical Year) của Guéranger và phần thông tin từ việc Tóm Tắt Lại về Ơn Toàn Xá mới nhất, trong khi đó cuốn The Angelus Missal lại có các phần nói về các Nghi Thức của các Phép Bí Tích như đã liệt kê ở trên.

Cuốn này có thêm một phần bổ sung về Thánh Lễ cho những người Công Giáo ở Hoa Kỳ và Anh Quốc, trong khi đó cuốn The Angelus Missal lại có phần liệt kê chính xác các Ngày Lễ cho những người Công Giáo ở Hoa Kỳ lẫn Canada.

Tuy nhiên, mặc dầu cuốn này lại thiếu mất đi những ghi chú giải thích ngoài lề (marginalia) về trình tự của Thánh Lễ như là cuốn The Angelus Missal, thế nhưng nó lại trình bày ra các phần dễ đọc được hơn.

Cuốn này có bìa bằng da thật của Morocco bao bọc bên ngoài (trong khi đó cuốn The Angelus Missal chỉ có chất bìa mỏng của Skivertex bao bọc bên ngoài mà thôi), và nó có các màu như: trắng, đen, và đỏ tía; còn cuốn The Angelus Missal thì lại có loại giấy sắc sảo và mịn hơn, vốn được nhập từ Pháp Quốc, vân vân... .

Sách này hiện được bán với giá là $59.95.

(5) Ấn Bản về Sách Lễ Rôma 1962 của Nhà Xuất Bản Saint Andrew:

Tuy nhiên nếu hai cuốn Sách Lễ (3) và (4) kể trên vốn có các ấn bản được dựa trên cuốn The Saint Andrew Daily Missal (Cuốn Sách Lễ Hằng Ngày của Nhà Xuất Bản Thánh Andrew) thì chúng ta chắc có lẽ có được một dạng Sách Lễ Thuần Khiết và hoàn hảo nhất dành cho người giáo dân.

Với từng trang được cẩn thận trình bày bằng tri thức hết sức uyên thâm của Cha Tu Viện Trưởng (Dom) Gaspar Lefebvre, O.S.B. [Một Tu Sĩ đáng kính của Dòng Biển Đức hoàn toàn không có liên hệ gì cả với Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre - NV], cuốn The Saint Andrew Missal vẫn là cuốn toát yếu hay nhất trình bày về kiến thức của phụng vụ vốn còn tồn tại mãi cho đến ngày nay.

Từng mùa được trình bày cẩn thận trước bởi những nốt ghi chú về tính lịch sử, học thuyết và phụng vụ hay nhất, và sự giải thích rất rõ ràng về từng Thánh Lễ quả là không thể tìm đâu ra được. Các bản đồ về các con đường vốn có các cuộc hành quyết La Mã xưa cổ và vùng Đất Thánh, cùng với những kinh khấn nguyện được sốt sắng trình bày lại cho giáo dân.

Và vì Nhà Xuất Bản Bonaventure Publication cho tái in lại phiên bản của năm 1954, do đó cuốn The Saint Andrew Missal hiện nay lại bị mất đi các phần duyệt xét lại của năm 1955-1962, và một số phần "phụ thêm vào" được tìm thấy trong ấn bản của cuốn (3) và (4) kể trên.

Điều này khiến cho người giáo dân phải rơi vào một sự chọn lựa hết sức khó khăn đó là: hai phiên bản sau cùng của 1955-1962 có chứa đầy đủ và có phần thông tin được cập nhật, hay phiên bản 1954 vì sự giải thích không thể chê vào đâu được của Thánh Lễ và Năm Phụng Vụ.

Sách này hiện được bán với giá là $58.

(6) Ấn Bản về Sách Lễ Rôma 1962 của Nhà Xuất Bản Neumann:

Dĩ nhiên, ai đó có thể hoàn toàn tránh được câu hỏi hóc búa bằng cách nghĩ đến một dạng cuốn sách thật nhỏ. Nhà Xuất Bản Neumann Press vừa mới cho xuất bản trở lại cuốn My Sunday Missal "được giải thích bởi Linh Mục Joseph F. Stedman." Sách này có khổ và kích thước là 3 1/8 * 5 1/8.

Cuốn Sách Lễ của Cha Stedman (Father Stedman Missal) chính là cuốn Sách Lễ bỏ túi thông dụng nhất vào những năm của thập niên 1940s và 1950s, và nó ra đời sau nhiều ấn bản khác nhau, gồm phiên bản toàn là tiếng Anh, chữ lớn, hay phiên bản đề cập rất nhiều về Mùa Chay. Từng cuốn sách chứa đựng số lượng thông tin đến mức không ngờ, từ những lời giải thích về các chén thánh và phẩm phục cho đến những Lễ Nghi khác nhau có trong Phụng Vụ.

Ấn bản của Nhà Xuất Bản Neumann Press có chữ lớn, phần trình tự Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh và Anh Ngữ, phần Propers toàn là Anh Ngữ cho mỗi Thánh Lễ Chủ Nhật và các Lễ Kính chính, cũng như phần đề cập về Tuần Thánh lần đầu tiên được đề cập đến trong ấn bản này. Thì đây đúng là một sự thừa kế xứng đáng về di sản của Cha Stedman.

Sách này hiện được bán với giá là $23.95.

(7) Ấn Bản về Sách Lễ Rôma 1962 của Nhà Xuất Bản Omni Publications:

Một cuốn Sách Lễ khác rất đẹp có tên là The New Roman Missal (Sách Lễ Rôma Mới) do Cha F.X. Lasance chủ biên. Đây chính là ấn bản tái in lại của phiên bản 1945 với phần Phụ Lục và các thay đổi về các Thánh Lễ được chính Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII công bố ra.

Sách này hiện được bán với giá là $58.

** Lưu Ý Quan Trọng về các Cuốn Sách Lễ Rôma 1962 Kể Trên:

Tất cả những cuốn Sách Lễ Rôma 1962 kể trên chỉ là những phương tiện để hổ trợ cho chúng ta trong việc tham dự Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống mà thôi. Chúng không phải và chưa bao giờ là nhân tố chính để kéo chúng ta xa rời hay ra khỏi Đấng mà chúng ta gặp gỡ qua các Mầu Nhiệm Thánh.

Cũng như người viết đã có dịp trình bày rất chi tiết trong bài viết của tuần trước có nhan đề "Tuyển Tập đầy đủ nhất về những Câu Hỏi và Trả Lời có liên quan đến Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống (Usus Antiquor)," về lời nhắn nhủ Rất Quan Trọng của Thánh Augustinô rằng:

"Nếu có một số người hiện diện vốn không hiểu được về những gì đang được hát hay đọc ra, thì ít ra họ phải biết rằng tất cả những đều đang hát và đọc ra là để ca tụng và làm sáng danh Thiên Chúa, và đó cũng đủ rồi cho họ, để họ có thể tham dự vào một cách sốt sắng."

(If there are some present who do not understand what is being said or sung, they know at least that all is said and sung to the glory of God, and that is sufficient for them to join in it devoutly).

(8) Những Câu Hỏi và Trả Lời có liên quan đến việc Chọn Đúng Sách Lễ Rôma 1962:

(a) Phải chăng có sự khác biệt giữa nhiều ấn bản khác nhau của Sách Lễ Rôma 1962 về Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống như đã kể trên?

Thưa, Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống cơ bản vẫn không hề thay đổi qua suốt nhiều thế kỷ mãi cho đến ngày nay.

Vì Giáo Hội Công Giáo thêm vào một số ngày lễ của các Thánh mới, do đó các Sách Lễ Rôma 1962 vừa mới được in ấn trong thời gian gần đây có cập nhật về những thay đổi này.

Thêm vào đó, sự khác nhau duy nhất giữa nhiều ấn bản khác nhau của Sách Lễ Rôma 1962 chính là cách trình bày khác nhau của rất nhiều chủ biên tập (chẳng hạn về hình thức trình bày từng trang, về giá cả, về kiểu và chất lượng của giấy in, của bìa cứng bọc ngoài, vân vân... ).

(b) Ngoài những nguồn kể trên, liệu tôi có thể mua một trong cuốn Sách Lễ Rôma 1962 kể trên, tại một nơi nào khác nữa không?

Thưa, có.

Quý Vị có thể vào Webstore (Tiệm Sách trên Web) của các Cha thuộc Dòng Thánh Gioan Cantius tại địa chỉ: http://www.cantius.org/go/webstore/products/category/for_the_faithful/

(c) Liệu tôi có nên mua một cuốn Sách Lễ Rôma vốn được viết ra sau năm 1962 không?

Các Sách Lễ Rôma được in ấn sau năm 1962 bắt đầu xuất hiện những thay đổi về phụng vụ và những phần biến cải (modification).

T.B. Bài viết kế tiếp vào tuần tới sẽ có nhan đề: Việc Giảng Dạy về Tự Sắc Summorum Pontificum Nơi Các Chủng Viện - kính mời Quý Vị nhớ theo dõi!
 
Đạo Đức Internet – Nguyên Tắc Phán Đoán Căn Bản
Lm FX Nguyễn Văn Tuyết
23:36 02/07/2008
Đạo Đức Internet – Nguyên Tắc Phán Đoán Căn Bản

Dẫn nhập

Hội đồng Giám Mục Á Châu (HĐGMAC), trong tài liệu phiên họp của Hội Đồng năm 2004 với chủ đề Gia Đình Á Châu Hướng Về Nền Văn Hoá Của Cuộc Sống Hội Nhập (The Plenary Assembly 2004: The Asian Family Toward A Culture of Integral Life), nhận định rằng sự phát triển và lớn mạnh của nhân loại đang đạt đến cao điểm quan trọng, đưa đến nhiều thay đổi căn bản và xâu xa trong cuộc sống con người. Nền tảng chính của những thay đổi này là kinh tế và cuộc cách mạng đang diễn ra trong phương tiện truyền thông toàn cầu, một phương tiện đang có khuynh hướng biến thế giới thành Làng Toàn Cầu (Global Village) .

Quái vật trên Internet!
Cao điểm này là hiện tượng gia tăng về số lượng cũng như chiều sâu của kiến thức đang được truyền tải một cách hữu hiệu và nhanh chóng qua phương tiện truyền thông và kỷ thuật hiện đại bao gồm kỷ thuật số và Internet. Theo Hội đồng Giám Mục Á Châu, những áp dụng và chia sẻ của những kiến thức này, nói chung, đang cải tiến cuộc sống con người và đáng phải được lưu tâm. Phương tiện truyền thông hiện đại này đang biến đổi cuộc sống gia đình bởi vì ảnh hưởng của chúng trên mọi phương tiện đang được áp dụng trong mọi lãnh vực của cuộc sống hàng ngày, từ máy vi tính cho đến kỷ thuật y học. Tiến trình này, được gọi là “Hiện Đại Hoá” hay còn được gọi là “Nền Văn Hoá Mới,” (new culture) đang làm thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận, phán đoán và hành động của con người. Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhấn mạnh rằng kỷ thuật hiện đại không chỉ gia tăng sự hiệu quả của những hoạt động con người, nhưng chúng còn ảnh hưởng đến tiến trình về sự nhận thức chính con người. Chúng bao gồm cuộc cách mạng về tri thức, kỷ thuật và xã hội, biến đổi mối liên hệ của chúng ta đối với thời gian, không gian, thiên nhiên và mọi người chung quanh. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng đến nhân vị và giá trị luân lý, tự do và trách nhiệm.[1]

Nền văn hoá mới này, nói chung, được định hướng bởi phương tiện truyền thông hiện đại, mà điển hình là Internet. Hiện nay thế giới đang chứng kiến một sự chuyển đổi trong cách suy nghĩ và tiến trình cấu tạo kiến thức. Hầu hết các hoạt động trong xã hội đang trải qua một tiến trình thay đổi có ý nghĩa xâu xa hơn là chỉ một Sự thay đổi về “sự truyền tải” của ngành truyền thông, hoặc như sự thống trị của văn hoá truyền thông báo chí chuyển mình từ thể văn nói, văn viết đến hình thức đa dạng điện tử báo chí (multimedia) và ngược lại. Hiện tượng về truyền thông mới này, theo Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, đang tạo nên một khả thể và thách thức hoàn toàn mới mẻ trong việc rao giảng Tin Mừng cũng như trong thương mại, giáo dục, chính trị, các mối liên hệ giữa các quốc gia, cũng như giữa những nền văn hoá khác nhau trong thế giới hiện đại.[2]

A. Internet – Phương Tiện Truyền Thông.

1. Internet là gì?

Để hiểu Internet là gì, chúng ta cần phải đi ngược lại dòng thời gian về cuộc chiến tranh lạnh trong thập niên 60, khi mà mọi phe phái cố gắng ngăn ngừa cuộc tấn công nguyên tử bằng cách tạo ra hệ thống phân quyền (decentralized) các máy vi tính. Với hệ thống này, nếu một hoặc nhiều máy vi tính bị đánh cắp thì không phải lo sợ là tài liệu cũng bị đánh cắp. Việc Liên Bang Xô Viết phát động chương trình Sputnik[3] là nguyên nhân để Hoa Kỳ thành lập Cơ Quan Nghiên Cứu Kế Hoạch Quốc Phòng Cao Cấp (Defense Advanced Research Project Agency) gọi tắc là DARPA mục đích là để lấy lại uy thế lãnh đạo về kỷ thuật của Hoa kỳ.

Cơ quan này, sau đó lại thành lập Văn Phòng Phát Triển Dữ Kiện Kỷ Thuật (Information Processing Technology Office) , gọi tắt là IPTO để nghiên cứu xa hơn nữa về Chương Trình Môi Trường Bán Tự Động Trên Mặt Đất (Semi Automatic Ground Environment Program) , đây là chương trình đầu tiên đã đưa ra hệ thống ra-da trên toàn quốc. Sau một thời gian kiên trì làm việc, điểm nối đầu tiên đã được thực hiện tại đại học California - Los Angeles (UCLA) vào ngày 29 tháng 10 năm 1969 được gọi là Cơ Quan Nghiên Cứu Cao Cấp Quốc Phòng Về Mạn (Advanced Research Project Agency Network) , gọi tắt là ARPANET tiền thân của Internet ngày nay.

Internet hay gọi tắc là Net bắt đầu vào cuối thập niên 1980, với sự trợ giúp tài chánh của chính phủ Mỹ, là hệ thống đầu tiên nối kết các đại học và các học viện thương mại và xã hội khác trên toàn nước Mỹ. Internet được hiểu như là một hệ thống nối kết nhiều máy vi tính trên toàn thế giới lại với nhau qua hệ thống điện thoại. Hệ thống này chuyển máy vi tính cá nhân thành một điểm của mạn toàn cầu, để máy có khả năng liên lạc với những máy được nối mạn khác trên thế giới qua những nhu liệu ứng dụng như email, newgroups, cũng như chuyển đạt dữ kiện qua hypertext (World Wide Web -WWW), cũng như những ứng dụng đồng bộ dùng cho nhiều người như chương trình Chat v.v… Internet cũng cung cấp hạ tầng cơ sở để cho phép một cá nhân có thể làm việc với người khác trên cùng một diễn đàn mà trong đó một người có thể giữ nhiều vai trò khác nhau vừa là người sử dụng, sản xuất và là người tiêu thụ.

2. Cyberspace (Không gian ảo) là gì?

Từ ngữ “cyberspace,” đầu tiên được sử dụng bởi William Gibson, một tiểu thuyết gia khoa học người Canada, trong một bài viết có tựa đề Burning Chrome được đăng trong tạp chí Omni. Từ ngữ này sau này lại được dùng trong một tiểu thuyết khác của ông có tựa đề là Newromancer, trong đó ông đã định nghĩa cyberspace như sau:

Kinh nghiệm ảo giác đồng nhất bởi hàng tỉ người sử dụng một cách hợp pháp, tại mọi quốc gia, … một đồ thị trình bày của các dữ kiện rút ra từ hàng ngàn máy vi tính trong hệ thống nhân loại. Một sự phức tạp không thể tưởng được. Những tia sáng đi vào khắp vào cõi vô biên của tâm trí, của những tụ điểm và chòm sao dữ kiện. Giống như thành phố của ánh sáng.[4]

Vào năm 1995, Gibson lại giải thích thêm về cyberspace trong một buổi phỏng vấn của đài truyền hình. Ông nói,

Trong một ý nghĩa chính xác, tôi nghĩ cyberspace là một nơi chốn, nơi đó một cuộc điện thoại viễn liên có thể xảy ra. Nói rõ hơn đó là nơi mà mọi cuộc điện đàm xảy ra… Tôi có thể nói rằng khi con người sử dụng Internet, đó là lúc mà họ đang đi vào cyberspace. Khi bạn dùng Internet là lúc bạn đang vào trong một địa hạt mà biên giới địa lý không còn hiện hữu. [5]

Từ những khái niệm này, Techtarget đưa ra định nghĩa rằng “Cyberspace là một sự nối kết toàn thể nhân loại qua máy vi tính và hệ thống viễn thông mà biên giới địa lý không còn hiện hữu.”[6] Từ ý niệm này, cyberspace có thể được diễn tả như là không gian nơi mà truyền thông xã hội và sự phát triển của các tư tưởng chính trị được định hướng. Nhưng hình thể của dữ kiện, tiến trình truyền đạt lại tuỳ thuộc vào những điều kiện đặc biệt của Internet.[7]

Hiện tại, từ cyberspace phần lớn được dùng trong ý nghĩa biểu tượng và hầu như được liên kết với Internet. Trong khi Internet là việc nối kết vật lý giữa các máy vi tính qua hệ thống vệ tinh hoặc điện thoại để chuyển đạt dữ kiện hay tin tức, thì, cyberspace không chỉ là sự nối kết vật lý, nhưng còn hơn thế nữa. Đây là một không gian trừu tượng mà qua đó sự liên lạc giữa người này với người kia được tiến hành xuyên qua Internet. Cyberspace thường được dùng để ám chỉ đến chủ thể và cá nhân chỉ hiện hữu trong hệ thống Internet. Thí dụ như một website được diễn tả một cách tượng trưng như sự hiện hữu trong cyberspace. Theo nghĩa này, các biến cố xảy ra trong Internet không xảy ra tại những quốc gia nơi mà những người tham gia hay những máy chủ được đặt môt cách thể lý, nhưng trong cyberspace. Chính vì điều này mà căn tính thể lý và địa điểm của người tham dự trong cyberspace trở nên khó để xác định nếu người tham dự muốn dấu tên hay nói cách khác nặc danh hoặc dùng ký hiệu, điều này dẫn đến hậu quả là “luật pháp của bất cứ quốc gia nào cũng không thể nào áp dụng trên Internet được.”[8]

Mặc dầu không một luật pháp quốc gia nào có thể áp dụng trong Net, nhưng, theo Ottmar John, những người làm việc trong không gian ảo này không phải là hoàn toàn tự do khi làm một việc gì đó có tính luân lý hay đạo đức. Nói cách khác, bất cứ hoạt động nào trong Internet cũng bao hàm những qui định đạo đức thích hợp. Theo ông, hiện nay, Internet được hiểu như là phương tiện truyền thông giữa con người, do đó cần phải có một sự phân biệt rõ ràng giữa chủ thể và khách thể trong những hành động luân lý, và rằng nhân vị và quyền lợi chung phải được xem như là thước đo trong việc định giá những biến cố cụ thể trong thế giới ảo. [9]

Trong ý nghĩa này, trong khi nhìn nhận rằng Internet là một, “diễn đàn…một trận tuyến mới đang rộng mở tại thời điểm bắt đầu của ngàn năm thứ ba, [10] Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội cũng điểm ra rằng, Internet có thể cung cấp nhiều cơ hội tuyệt vời cho việc truyền bá Tin Mừng nếu chúng được dùng một cách có trách nhiệm và người sử dụng phải có một nhận thức rõ ràng về những ưu điểm và khuyết điểm của chúng. Nó có thể cung cấp nhiều cơ hội tuyệt hảo nếu dùng vào những việc tốt, nhưng “nhiều điều bất lợi cũng có thể xảy ra nếu chúng được dùng một cách không thích hợp” [11] do bởi, chúng cũng có thể được dùng với mục đích để “khai thác, thao tác, thống trị, và lạm dụng.”[12] Vì thế chúng ta cần bước vào môi trường truyền thông mới này với một thái độ thực tế, tự tin và một sự hiểu biết đúng đắn rằng nó chỉ là phương tiện, không phải là mục đích trong chính nó như Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội nói “truyền thông tự nó không làm gì cả; chúng chỉ là phương tiện, dụng cụ, được dùng khi con người chọn để sử dụng.”[13] Dụng cụ, tự nó, không tốt cũng không xấu, do đó cần phải được định giá và phán đoán dựa trên nền tảng căn bản: “Ngày Sabbath là vì con người, chứ không phải con người được dựng nên vì ngày Sabbath” (Mk. 3:27). Để hiểu khái niệm luân lý này, trước hết chúng ta cần hệ thống hoá những gì chúng ta hiểu về truyền thông, đặc biệt Internet, để đưa ra một kiểu mẫu mà chúng ta có thể dùng để thảo luận tùy theo những hoàn cảnh khác nhau.

3. Internet được hiểu như Phương Tiện Truyền Thông.

Wilbur Schramm, vào năm 1954, đã đưa ra mẫu căn bản của truyền thông như sau.



Theo mẫu này, việc chuyển mật mã bản tin có thể bao gồm trong việc chọn lựa kênh (channel) để truyền bản tin tương ứng như trong tiến trình giải mã bản tin. Tiến trình giải mã tạo trong người nhận một sự hồi tiếp (feedback) được truyền ngược trở lại mà trong đó người gởi trở thành người nhận và người nhận thành người gởi.Trong tiến tình này, vai trò giữa người gởi và người nhận luôn thay đổi: Người gởi trở thành người nhận và người nhận trở thành người gởi và ngược lại. Cần chú ý là mỗi khi hoán đổi vị trí giữa người nhận và người gởi điều này là một tiến trình mới trong việc truyền tin.

Dựa và mẫu truyền thông này cũng như định nghĩa về mẫu truyền thông Internet vừa được diễn tả, một mẫu truyền thông có thể giải quyết những khía cạnh kỷ thuật của truyền thông có thể được đưa ra. Mẫu này có sáu thành phần bao gồm người gởi, chuyển mã (encoder), môi trường, giải mã, người nhận, và bản tin.



Thành phần của hệ thống này gồm như sau:

Người Gởi: Người đang gởi một bản tin cho người nhận.
Người Nhận: Người mà bản tin được gởi đến.
Chuyển mã (Encoder): được dùng để biến âm thanh thành làn sóng điện, để chúng có thể truyền đi qua đường dây.
Bản Tin: là bản tin được chuyển thành làn sóng để được truyền đi qua đường dây.
Hệ Thống Truyền Thông (Medium): là hệ thống mà bản tin được truyền đi. Như hệ thống điện thoại, Internet, và những hệ thống điện tử khác.
Giải Mã: nhận lấy bản tin dưới dạng làn sóng và chuyển trở lại hình thức mà người nhận có thể hiểu được.

Tuy nhiên, kiểu mẫu thì dễ hiểu đối với một chuyên viên kỷ thuật hoặc cho các kỷ sư sử dụng trong mục đích kỷ thuật, nhưng lại có thể khá phức tạp nếu dùng trong mục đích truyền thông để bàn về những vấn đề có tính cách luân lý hay đạo đức. Vì thế, để đơn giản hoá, một mẫu truyền thông khác được đưa đề nghị. Theo mẫu này, thì tiến trình chuyển mã (encoder), và giải mã (decoder) được nhập chung vào trong hệ thống truyền thông (medium), bởi vì, trong cái nhìn luân lý hoặc đạo đức, chúng ta không cần chú ý nhiều đến chi tiếc của hai thành phần kỷ thuật này. Chúng ta có thể xét những thay đổi của chúng như là thay đổi của toàn bộ hệ thống truyền thông (medium). Như vậy, mẫu này chỉ còn lại bốn thành phần.



Mẫu này chúng ta có thể gọi là Nối Kết Truyền Thông. Theo mẫu này, để được gọi là Nối kết Truyền thông phải hội đủ bốn thành phần: người gởi, người nhận, hệ thống truyền thông, cùng với bản tin đang được truyền tải qua hệ thống truyền thông đó. Điều này có nghĩa là khi một người gởi truyền đi một bản tin, hệ thống truyền thông (medium) truyền tải bản tin đó, và người nhận đồng ý để nhận bản tin đó. Như vậy khi bản tin chưa được gởi đi, thì người nhận và hệ thống truyền thông có thể không hiện hữu bởi vì đường dây chưa được nối kết. Thí dụ, đường dây điện thoại trong nhà mặc dầu trong lý thuyết là đã được nối với tất cả những máy điện thoại khác trên toàn thế giới qua hệ thống điện thoại. Tuy nhiên, cho đến khi nào chúng ta nhận một cú điện thoại thì mới được gọi là đường dây điện thoại đang được nối kết, nếu không hội đủ điều kiện này, thì đường dây của chúng ta không có Nối Kết Truyền Thông nhưng chỉ được hiểu là một sự nối kết ảo.

Để gởi một bản tin qua hệ thống nối kết truyền thông này, người gởi phải chủ động xúc tiến việc nối kết, và người nhận phải ước muốn để nhận. Cả hai phải đồng thuận. Nghĩa là, để được gọi là có nối kết truyền thông thì cả hai bên, nhận và gởi, phải thoả mãn những điều kiện là người nhận muốn nhận và người gởi muốn gởi. Nói cách khác, nếu người nhận muốn nhận bản tin, nhưng người gởi lại không gởi bản tin hay ngược lại nếu người gởi muốn gởi bản tin, nhưng người nhận lại không muốn nhận bản tin thì chưa thể được gọi là hai người đã có nối kết truyền thông. Đối với một bản tin được gởi từ người gởi đến người nhận thì hệ thống truyền thông là phương tiện để chuyển tải, hệ thông này không nhất thiết là phải biết nội dung của bản tin mà nó chuyển tải.

Điều cần lưu ý trong hệ thống truyền thông này là việc nối kết giữa người gởi và người nhận là sự nối kết một chiều. Do đó nếu chúng ta cảm thấy, truyền thông đang xảy ra cả hai chiều, điều này phải được hiểu như là hai lần nối kết khác nhau – mỗi lần nối kết cho một chiều. Để dễ hiểu, chúng ta hãy minh hoạ một thí dụ của mẫu này áp dụng vào một trong những áp dụng thông dụng nhất của Internet: Chương trình tìm kiếm tài liệu (a search engine query) , như Google chẳng hạn.

• Đầu tiên gọi Schương trình tìm kiếm tài liệu, và người dùng chương trình đó để tìm kiếm tài liệu là P. Giả sử P đang vô Internet và đang mở trang web của Google và gởi câu hỏi để Google tìm kiếm một tài liệu nào đó.
P (người gởi) bắt đầu nối mạng với S (đang đóng vai người nhận) qua Internet (đường dây).
P (người gởi) gởi câu hỏi (bản tin). S (người nhận) chấp nhận sự nối kết này, nhận câu hỏi được yêu cầu và bắt đầu công việc tìm kiếm tài liệu trên Internet để trả lời cho câu hỏi của P (người gởi). Đây là tiến trình của lần nối kết thứ nhất.
• Sau khi tìm được những kết quả, S, giờ đây trở thành người gởi bắt đầu tạo nối kết khác với P, hiện tại đang trở thành người nhận. S (người gởi) gởi kết quả cho P (người nhận). Đây là Tiến trình của lần nối kết thứ hai.

Nếu theo suy nghĩ của các nhà kỹ thuật truyền thông, cà hai tiến trình này được xem như là cùng một hệ thống nối mạng được sử dụng, vì thế không có sự nối kết nào khác được tạo ra. Điều này đúng trên phương diện kỷ thuật, nhưng theo cái nhìn của con người, thì đây là một sự nối kết mới. Trong trường họp này. P - người gởi của lần nối kết đầu tiên đã trở thành người nhận cho cuộc nối kết lần thứ hai, tương tự như vậy S, người nhận của lần nối kết trước đó, lại trở thành người gởi cho lần nối kết thứ hai. Hệ thống truyền thông (medium) là những gì nằm ở giữa, điểm đầu của việc nối kết là từ máy vi tính của P đến website tìm kiếm dữ liệu (Google, hoặc Yahoo) và ngược lại.

Lý do mà chúng ta cần phải hiểu nguyên tắc truyền thông này là để có thể xác định ai là người chịu trách nhiệm về một hành động nào đó trong Chuổi Trách Nhiệm mà chúng ta sẽ đề cập đến khi bàn về nguyên tắc luân lý căn bản của truyền thông.

Cần lưu ý là mẫu truyền thông này không chỉ áp dụng cho Internet và truyền thông dựa trên vi tính nhưng còn có thể áp dụng cho tất cả hình thức khác của truyền thông. Thí dụ, khi mua một tờ báo, tờ báo là “hệ thống truyền thông” (medium), người gởi là nhà xuất bản, người nhận là người đọc giả. Khi xem truyền hình thì truyền hình là “hệ thống truyền thông,” chương trình truyền hình là người gởi, và người xem là người nhận. Cũng vậy khi chúng ta nói chuyện với ai đó, không gian giữa hai người chính là hệ thống truyền thông và lời nói là bản tin.

4. Chuổi Trách Nhiệm

Có nhiều vấn đề thuộc về luân lý có thể xảy ra theo kiểu mẫu truyền thông vừa nói trên. (1) Một ai đó, bằng cách này hay cách khác, có thể xen vào giữa cuộc điện đàm của hai người và bóp méo bản tin giữa hai người - người gởi và người nhận đầu tiên. (2) Hệ thống truyền thông (communication medium) có thể ảnh hưởng hoặc làm sai lạc hay bóp méo bản tin hoặc do cố ý của một người nào đó, hoặc do một lý do nào đó ngoài ý muốn, đặc biệt nếu Hệ thống truyền thông đó có nhiều máy vi tính đã được nối kết. Vì vậy, để xác định ai là người chịu trách nhiệm cho hành động của họ, điều này đưa đến khái niệm về “Chuổi Trách Nhiệm.” Để hiểu ý nghĩa của “Chuổi Trách Nhiệm”, trước hết cần khảo xác một vài thí dụ điển hình.

Thí dụ trong một bài tường thuật của tờ báo, một ký giả trích dẫn một lời bình luận từ một vài nguồn nào đó. Khi trích dẫn, ký giả hành động nhân danh tờ báo, là nguồn đang cố gắng để truyền tới người đọc về câu chuyện của bài báo.

Trong tiến trình truyền đạt từ nguồn đến người đọc, chủ bút của tờ báo xen vào, hoặc để sửa đổi lời trích dẫn, hoặc giải thích đề tài dựa vào lời trích dẫn đó. Nếu dựa theo nguyên tắc đạo đức báo chí: Nói Sự Thật (truth telling), thì người chủ bút nằm trong “Chuỗi Trách Nhiệm” cho việc truyền thông này. Bởi vì theo nguyên tắc đạo đức này, người chủ bút không được phép bóp méo ý nghĩa của lời trích dẫn.

Chịu trách nhiệm cho một bản tin có nghĩa là chúng ta phải nhận lấy ít nhất một phần trách nhiệm đối với hậu quả cuối cùng của việc truyền đạt đó, nếu bằng cách này hay cách khác, chúng ta có hành động gì đó gây ảnh hưởng đến bản tin. Thí dụ, khi tôi đang làm việc trong văn phòng. Hàng triệu cuộc điện đàm đang xảy ra trên đường dây điện thoại. Tôi không có trách nhiệm nào trong Chuỗi Trách Nhiệm đối với bất cứ cuộc điện đàm nào đang xảy ra này, bởi vì trong thực tế, tôi không có khả năng để gây bất cứ ảnh hưởng nào trên những cuộc điện đàm trên. Tuy nhiên, nếu một người nào đó gọi đến văn phòng hay nhà của tôi và để lại lời nhắn cho bạn của tôi, hay con cái của tôi, tôi có thể tạo ảnh hưởng lên lời nhắn đó, bằng cách nói sai lệch ý nghĩa của lời nhắn đó chẳng hạn. Trong trường hợp này, tôi ở trong Chuỗi trách nhiệm cho lời nhắn đó, do bởi tôi có khả năng để huỷ bỏ, hoặc sửa đổi ý nghĩa của lời nhắn đó trước khi chuyển nó đến tay người nhận thực sự.

Một thí dụ khác, giả sử một hacker phá được mật mã để vào một máy vi tính của một ai đó và cài đặt chương trình File Transfer Protocol (FTP)[14] trên ví tính đó, khiến cho máy vi tính này copy bất hợp pháp nhiều nhu liệu hoặc nhạc hoặc phim ảnh. Giả sử như nhiều ngày sau đó, người chủ của máy vi tính biết được và lập tức tắt máy vi tính của anh ta hay chị ta. Trong suốt thời gian này, chúng ta thấy máy vi tính đã vi phạm luật bản quyền tác giả. Trong trường họp này, theo cái nhìn luân lý, ai là người đã phạm luật: Máy vi tính hay người chủ của máy hoặc hacker? Dĩ nhiên không ai có thể kết tội máy vi tính bởi vì chúng chỉ là một chiếc máy. Do đó, vấn đề thực sự mà chúng ta cần nghĩ đến: ai là người đang nằm trên “Chuỗi Trách Nhiệm” trong trường họp này? Nếu dựa theo nguyên tắc “truyền thông tự nó không làm gì cả; chúng chỉ là phương tiện, dụng cụ, được dùng khi con người chọn để sử dụng,”[15] thì chúng ta không thể qui trách nhiệm cho người chủ của máy, bởi vì họ đã không biết được việc phạm pháp này, do đó đã không có hành động cụ thể nào để ngăn chận máy của anh hay chị ta copy cách bất hợp pháp. Máy của anh hay chị ta bị sử dụng như một dụng cụ truyền thông bởi một người gởi và nhận xa lạ. Trên phương diện luân lý, thì người chủ máy vô tội, anh ta hay chị ta chỉ là người ngoài cuộc đối với hành động vi phạm quyền tác giả. Như vậy người còn lại mà chúng ta có thể kết tội là hacker.

Từ những thảo luận này, Chuỗi Trách Nhiệm là cách thức để xác định tất cả những phần tử trách nhiệm cho việc thao tác hoặc bóp méo một bản tin trong truyền thông xã hội. Nhìn vào hình số 2, chúng ta có thể nhận ra con người là thành phần chính yếu trong tiến trình truyền thông. Truyền thông chỉ xảy ra giữa con người, vì thế, chỉ có con người – bao gồm công ty và chính quyền - mới được xét như là con người trong bối cảnh của truyền thông. Bất cứ những người có thể làm ảnh hưởng đến bản tin đều ở trong Chuỗi Trách Nhiệm. Máy móc không thể chịu trách nhiệm bất cứ điều gì theo cái nhìn đạo đức, bởi vì chúng không phải là con người. Không ai mang máy vi tính để bỏ tù cả.

Internet hay máy vi tính chỉ là môi giới qua đó mọi việc có thể xảy ra. Nó là một thực thể không hiện hữu (null entities) trong ngôn ngữ đạo đức. Như vậy, để tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao nhu liệu vi tính bắt đầu thế này mà không là thế kia?” chúng ta phải tìm trong xã hội con người chứ không phải trong một máy tính. Kỷ thuật chỉ cho phép và tạo điều kiện cho việc liên lạc giữa con người với nhau. Chỉ có những hành động bị đặt vấn đề là những hành động do con người thực hiện. Phương tiện truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình, Internet) nói chung chỉ là dụng cụ. Chúng không có chỗ đứng khi xét về luân lý hay đạo đức. Vì thế chúng ta không cần phải lo lắng gì về khả năng của máy chủ cũng như nhu liệu mà người gởi và người nhận sử dụng. Điều mà chúng ta cần lưu ý đó là: ai là người phân phát nội dung của bản tin; bản tin từ đâu đến; và ai là người đang nằm trên Chuỗi Trách Nhiệm tại thời điểm đó v.v… Sự xác tín về tính nhất quán trong khía cạnh luân lý truyền thông là: con người và cộng đoàn nhân loại là trọng tâm trong việc lượng định về luân lý Internet.

Hiểu truyền thông theo nghĩa này, chúng ta thấy, truyền thông xã hội không phải là những dụng cụ trung lập trong cách sử dụng và những ảnh hưởng của chúng. Chúng được mở rộng cho bất cứ những chủ ý để hiện thức hoá những gì mà chúng có thể được dùng để thực hiện. Chúng có thể là một phương tiện hiệu quả để thực hiện một điều gì đó tốt hoặc xấu. điều tốt hay xấu này tùy thuộc vào cách mà con người xử dụn chúng.

Khi cha mẹ nhìn con cái đang từ từ trở thành các nhà chuyên môn trong nền văn hoá mới, một việc hoàn toàn xảy ra trong gia đình với Internet, các phụ huynh không thể không thắc mắc điều gì đang xảy ra cho con cái của họ trong một nền văn hoá không thể đoán trước được này. Dĩ nhiên, kỷ thuật hiện đại có sức mạnh tiềm ẩn rất lớn cho nhiều điều tốt như phá vỡ các bức tường ngăn cách, liên kết nhiều cá nhân và nhiều nhóm trên thế giới lại với nhau, khuyến khích sự hợp tác và chia sẻ. Nhưng liệu nó có thể được trang bị và giáo dục trong một cách thức để nó không phá hủy những giá trị xâu xa của cuộc sống, của sự thật và tố đẹp, luân lý và tôn giáo hay không?

Làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm rằng cuộc cách mạng tin học và truyền thông, mà Internet là kỷ thuật chính yếu, sẽ giúp cho việc phát triển nhân bản và đoàn kết toàn cầu, được liên kết một cách gần gũi đối với sứ vụ truyền giáo và giáo dục của Hội thánh? Đâu là những dữ kiện chúng ta có về sức mạnh của nền truyền thông mới này ảnh hưởng trên nhân cách của giới trẻ? Những loại nghiên cứu nào chúng ta cần có để tìm hiểu tốt hơn về vai trò của truyền thông mới này trong cuộc sống giới trẻ? Và làm thế nào để những người quan tâm đến giới trẻ có thể định hướng vai trò của họ trong việc trả lời cho những ảnh hưởng này? Để trả lời cho những câu hỏi này, điều cần thiết là Hội Thánh và những người đang quan tâm đến giới trẻ phải biết cách thức mà giới trẻ đã và đang bị ảnh hưởng bởi nền truyền thông mới, và cách thức để truyền đạt những suy tư đạo đức cho chúng để tạo ảnh hưởng trên chúng.

Phần tiếp: Đạo Đức Internet: Khả thể và Thách Đố.

Chú thích:
[1] Xem Federation of Asian Bishops’ Conference (FABC), The Asian Family Toward a Culture of Integral Life, nos. 20-26 (23 Apr., 2004). Xem Fagan Sean, S.M., Does Morality Change? (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 21.
[2] Xem PCSC, Church and Internet, Feb. 22, 2002, 2. Xem JP II, The Media and the Family, 2. Xem FABC The Asian Family Toward a Culture of Integral Life, nos. 89, 90 (23 Apr., 2004).
[3] Chương trình Sputnik là một loạt các sứ vụ không gian dấu tên được phóng vào không gian bởi Liên Xô trong những năm cuối thập niên 50 để chứng tỏ khả năng nhân tạo của hệ thống vệ tinh. Sputnik 1, là vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới được phóng vào không gian vào ngày 4/5/1957. Phi thuyền Sputnik 5 được phóng vào quĩ đạo của trái đất vào ngày 19/8/1960 với hai con chó Belka và Strelka, 40 con chuột nhỏ, 2 chuột lớn cùng với nhiều loại thảo mộc khác nhau. Phi thuyền này trở về trái đất ngày hôm sau đó và tất cả những con vật đểu sống an toàn. Tất cả những phi thuyền Sputnik được phóng vào quĩ đạo bằng dàn phóng hoả tiển R-7, được chế tạo để phóng các đầu đạn nguyên tử. Chương trình Sputnik 1 và sự thất bại của hai chương trình Project Vanguard đầu tiên đã làm cho Hoa kỳ lo sợ, do đó đã đáp trả bằng một loạt đưa vào không gian những vệ tinh như Explorer 1, Project SCORE, Advanced Research Projects Agency and Courier 1B. Chương trình Sputnik cũng đưa đến việc thành lập cơ quan NASA và việc gia tăng ngân quĩ của chính phủ trong việc nghiên cứu khoa học và giáo dục tại Hoa Kỳ.
[4] Gibson William, Neuromancer (New York: Ace Books, 1984), 51.
[5] Ibid., 1.
[6]Techtarget, “Cyberspace - a What is Definition.” (Techtarget, 1999) at http://whatis.techtarget.com/definition/0,289893,sid9_gci21883,00.html.
[7] Borggman Erik, van Erk Stephan, and Haker Hille, ed., “Cyberspace – Cyberethics – Cybertheology,” Concilium 2005/1 (SCM Press: London, 2005), 7.
[ 8]Wikipedia, The Free Encyclopedia at http://en.wikipedia.org/wiki/Cyberspace.
[9]Xem John Ottmar, “Cyberethcic: New Challenges or Old Problems?” in Borgman Erik, Van Erp Stephan, and Haker Hille, eds., “Cyberspace – Cyberethics – Cybertheology,” Concilium, 2005/1 (London: SCM Press, 2005), 15.
[10]JP II, Message of The Holy Father For The World Communications Day Theme: "Internet: A New Forum for Proclaiming the Gospel" Sunday, May 12, 2002, 3.
[11] PCSC, Ethics in Internet, 2.
[12] Ibid., 1.
[13] PCSC, Ethics in Communication, 4.
[14] File Transfer Protocol (FTP) là một qui luật được dùng trong net để truyền tải dữ kiện từ một máy vi tính này đến máy khác trên hệ thống mạn như Internet.
[15] PCSC, Ethics in Communication, 4.
 
Thông Báo
LM Phêrô Nguyễn văn Khang, giáo xứ Tân Lộc, Vinh, đã tạ thế
Giáo Xứ Tân Lộc
12:39 02/07/2008

Cáo Phó


Trong niềm tín thác vào Đức Kitô Phục Sinh
Ban Hành Giáo Xứ Tân Lộc Kính báo

Linh Mục Phêrô Nguyễn văn Khang


Quản Hạt Cửa Lò, Quản Xứ Tân Lộc
đã được Chúa gọi về lúc 19h 30 ngày 02 tháng 07 năm 2008
tại Giáo Xứ Tân Lộc. Hưởng thọ 71 tuổi.

Kính viếng: từ 10h ngày 03 /07/2008
Lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 8h ngày 04/07/2008 tại nhà thờ Giáo Xứ Tân Lộc, Hạt Cửa Lò.
Xin Quý Cha, Quý Tu Sĩ và anh chị em hiệp ý cầu cho Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khang.

Tiểu sử Linh mục Phêrô Nguyễn văn Khang
- Thành viên Hội đồng tư vấn Linh Mục Giáo Phận Vinh.
- Phó Ban Bác ái xã hội Giáo Phận Vinh.
- Quản Hạt Cửa Lò.
- Quản Xứ Tân Lộc.

Linh mục Phêrô Nguyễn văn Khang sinh ngày 12 tháng 12 năm 1937
tại Giáo họ Trung Nguyên, Xứ Thuận Nghĩa, Giáo Phận Vinh. ( Quỳnh Lưu, Nghệ An)
Thân phụ Ngài là Ông Nguyễn văn Đạo,
Thân mẫu Ngài là Bà Trương Thị Bính.
Ngài là con thứ 8 trong gia đình 9 anh chị em (con trai thứ 6)
Tuổi nhỏ Ngài học trường làng.

+ Năm 1949: giúp cha già Nguyễn Viết Khai.
+ Năm 1952: Vào Tiểu chủng viện dự bị Xuân Phong.
+ Năm 1955: Đậu vào Trường Tiểu Chủng viện Xã Đoài.
+ Năm 1960: Ra kẻ giảng, dạy Tiểu chủng viện Xã Đoài
phụ trách môn, Toán, Lý, Hoá.
+ Năm 1963: Vào học Đại chủng viện xã Đoài.
+ Năm 1966: Trường bị đóng cửa, buộc phải về nhà.
+ Ngày 28/10/1970: bị bắt, lý do là chủng sinh Đại chủng viện, và bị tù tại trại giam số 3 Tân Kỳ, Nghệ An. Sau chuyển lên trại giam Yên Bái (Bắc Việt Nam)
+ Năm 1977: Ngài được trả về gia đình và bị quản thúc tại gia.
+ Năm 1991: Vào học hàm thụ tại Toà Giám Mục Xã Đoài.
+ Ngày 03 tháng 12 năm 1994 thụ phong Linh Mục Tại Toà Giám Mục Xã Đoài.
+ Năm 1994: Quản xứ Trung Hoà, Thanh Chương, Nghệ An.
+ Năm 1999: Quản Xứ Mỹ Dụ, Xã Hưng Châu, Huyện Hưng Nguyên. Nghệ An.
+ Năm 2002: Quản Hạt Cửa Lò, Quản Xứ Tân Lộc.

Đã được cấp cứu tại Bệnh viện Ba lan Việt Nam, bệnh viện E Hà Nội, bệnh viện Việt Đức Hà Nội.
Do bệnh nặng, Cha Phêrô tạ thế vào hồi 19h 30 phút ngày 02/07/2008 tại Xứ Tân Lộc, Hạt Cửa Lò hưởng thọ 71 tuổi, 15 năm Linh Mục.
 
Văn Hóa
Bài phát biểu về nhận định về một luận án tiến sĩ Hội nhập Văn hóa
+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang
01:14 02/07/2008
BÀI PHÁT BIỂU VÀ NHẬN ĐỊNH NHÂN DỊP

DỰ BUỔI BẢO VỆ LUẬN ÁN TIẾN SỸ VỀ HỘI NHẬP VĂN HÓA


Kính thưa quý vị đại biểu,

Tôi rất vui khi nhận được giấy mời của vị thay mặt hiệu trưởng trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội, khoa Xã Hội và Nhân Văn và hân hạnh tới dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Nhà Nước của nghiên cứu sinh Phạm Huy Thông, về đề tài: “Ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa Công Giáo và văn hóa Việt Nam”. Tôi đã được nghe các bài phát biểu rất thâm sâu của một số vị giáo sư danh tiếng trong phạm vi liên hệ. Đáng lẽ tôi có bài nhận xét chu đáo hơn về đề tài của tác giả qua cuốn luận án đã gửi trước cho tôi cách đây mấy tháng. Tôi đã có thể biên soạn một bản nhận xét và phân tích, nhưng do quá bận bịu về mục vụ trong thời gian vừa qua, chưa thực hiện được đầy đủ nên chỉ phát biểu vắn tắt đôi câu trong buổi làm việc hôm nay.

1 - Tôi xin chân thành cảm ơn các nhà nghiên cứu, thầy giáo cũng như tác giả luận án (nhất là ông Phạm Huy Thông) đã có một công trình hay và bổ ích liên quan đến đạo Công giáo. Đối với tôi ông là người bạn tri kỷ đã gắn bó với tôi nhiều năm, cùng đồng hành trên con đường tìm hiểu văn hóa khác nhau. Chúng tôi đã cộng tác với nhau nhiều lần để cho ra mắt một số cuốn sách và một số hội thảo liên quan đến văn hóa, hoặc khuyến khích nhau trong việc đăng tải một số bài trong các trang báo. Cho nên, luận án tiến sĩ về đề tài nêu trên được trình bày là một điều tất yếu và là đúc kết của một quá trình làm việc nghiêm túc cho văn hóa đạo Công Giáo cũng như văn hóa Việt Nam.

2 - Tuy nhiên, luận án mặc dù rất xuất sắc, đề cập đến sự ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa Công Giáo và văn hóa Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, nhưng chịu ảnh hưởng về một nền triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, cho nên không khỏi có những nhận định chủ quan chưa thuyết phục được những người theo đạo Công Giáo nói riêng và các tôn giáo khác nói chung.

Ví dụ tác giả phát biểu: sự biến đổi của đạo Công Giáo ở Việt Nam chứng tỏ rằng tôn giáo này cũng là sản phẩm của xã hội, của lịch sử (luận án trang 7). Tôi thiết nghĩ nếu tác giả suy nghĩ một chút và thêm vào mấy chữ thôi thì cũng làm cho người đọc, đặc biệt là những người theo đạo Công Giáo yên tâm hơn. Ví dụ: theo quan điểm của triết học duy vật thì Tôn giáo này cũng là sản phẩm của xã hội, mặc dầu ngay cả ông Mác cũng đã nói: “Tôn giáo là trái tim của một thế giới không có trái tim” (Tôi đã trình bày trong bài phát biểu tại Hội Nghị “Những người Công Giáo tiêu biểu Thái Bình lần thứ II”, ngày 19.10.1995); tôi cũng được biết đã có nghị quyết của Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng: tôn giáo là một nhu cầu của nhân dân và sẽ tồn tại cùng dân tộc. Bởi chưng, theo giáo lý Công Giáo có phần bất biến, những giáo lý cơ bản như: tín lý (Tuyên xưng đức tin, Xin xem Sách Giáo Lý Công giáo từ số 01 đến số 1060) thì bất biến, bởi vì đạo Công Giáo là Đạo Mạc Khải từ trời xuống cho nhân gian qua Đức Giêsu Kitô - Đấng nhập thể, mạc khải và giảng dạy cho mọi người. Chỉ có một số quan điểm của đạo Công giáo về xã hội, chính trị thì có thể thay đổi theo thời gian (vì rằng xã hội và chính trị luôn biến đổi không ngừng). Điều đó làm chứng: Tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, không phải là sản phẩm của xã hội, của lịch sử.

3 - Một yếu tố nhỏ tôi cũng muốn làm cho sáng tỏ, đó là sự hội nhập của văn hóa Công giáo trong xã hội ngày nay gặp một số khó khăn. Thiết nghĩ một phần do những nội dung khó chấp nhận từ hai phía, từ triết học, xã hội học khác nhau. Quan niệm về luân lý, về cuộc sống được thể hiện trong văn hóa khác nhau dẫn đến kết luận về thực tế hoặc đánh giá khác nhau. Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ trong mảng văn học hiện đại. Ngày nay ở Việt Nam, do công cuộc hội nhập với thế giới bên ngoài, mở cửa đón các trào lưu mới, nhưng có gió mới thì cũng có ruồi muỗi bay vào. Nếu không cảnh giác, luân thường đạo lý của dân tộc bị lũng loạn. Tệ hơn nữa, một số ngành nghề xem ra lại tiếp tay cho các tệ nạn đó một cách vô tình hay hữu ý. Các tác phẩm nghệ thuật văn chương đề cao tính dục của một số nhà văn, nhà thơ làm ảnh hưởng lớn đến quan niệm đạo đức cổ truyền của các tôn giáo và dân tộc.

Họ cổ vũ một thứ tình yêu tự nhiên không còn giới hạn, lấy sự thỏa mãn tính dục làm đối tượng khai thác. Theo họ, có thể quan hệ trai gái ở bất cứ đâu: trong làng ngoài ngõ, trên non dưới biển, bờ sông bờ suối, bất cứ thời gian nào, với bất cứ đối tượng nào: có vợ có chồng hoặc trong hôn thú, trong thực tế cũng như trong mơ, với đàn ông đàn bà kể cả với giới tu trì (xem tập truyện ngắn “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu), (hoặc “Thánh mẫu Thượng ngàn” của tác giả Nguyễn Phúc Khánh). Những trình bày dữ dội đến nỗi chính Y Ban (tác giả cuốn “I am đàn bà”) trong cuộc phỏng vấn đã phần nào không muốn cho con gái của chính mình đọc, vì sợ nó hiểu lầm mẹ mình (cuộc phỏng vấn trên Vietnamnet). Hoặc chính nữ tác giả truyện “Bóng đè” phát biểu qua nữ nhân vật là như hổ cái !!! Thảo nào một bà mẹ sau khi đọc truyện “Bóng đè” đã phải kêu lên: Tôi cấm con gái tôi đọc truyện đó !!!

Những tác phẩm kiểu loại trên, cộng với những phát triển trên các mạng sex và game, làm ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống của giới trẻ Việt Nam. Những cuộc tình vụng trộm trong học đường thuộc giới sinh viên. Những bà mẹ 16 tuổi với những cuộc phá thai nhiều lần cũng như quá sớm, khiến cho Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước trên thế giới.

Tôi thiết nghĩ đây cũng là duyên cớ cho giới trẻ Việt Nam đưa nhau đi vào con đường chích choác, xì ke ma túy, nghiện ngập thuốc lắc, dấn thân trong các quán cà phê, bia ôm. Các vị sáng tác các văn phẩm từng phân phô: chỉ sáng tác cho người trưởng thành, không cho thanh niên và con nít. Song các sách vở đó được bày bán tự do ê hề trong các quầy sách ở hết mọi nơi kể cả ở vỉa hè. Đó là môt thứ thuốc độc trưng bày cho quần chúng. Ai có tiền là mua được. Nhất là đối với thanh thiếu niên cũng không hạn chế.

Có thể chúng ta đã chứng kiến một cảnh não lòng: một số thanh thiếu niên nam nữ, hoặc một mình, hoặc tụ tập hai ba người, lần dở những trang sách dục tính đó cười khúc khích với nhau. Đàng khác, hoàn cảnh xã hội chưa cung ứng đủ cho các hoạt động của đạo Công giáo, nhiều khi còn hạn chế. Ví dụ: chưa có các trường Đại Học Công Giáo, chưa có nhà xuất bản Công Giáo, các báo chí, truyền thanh truyền hình, điện ảnh Công Giáo,... Tuy với những điều kiện sống như vậy, sức mạnh tiềm tàng của hạt giống Chân - Thiện - Mỹ trong mọi người thiện chí vẫn âm thầm nẩy nở chuẩn bị cho mùa gặt văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam.

Mong rằng: trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, chúng tôi rất mong được sự quan tâm và cộng tác của các giáo sư, tiến sĩ trong việc làm rõ những khoảng tối và những vùng sáng liên quan đến đạo Công Giáo và văn hóa Công Giáo. Như vậy, luận án tiến sĩ của ông Phạm Huy Thông với đề tài “Ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa Công Giáo và văn hóa Việt Nam” là bước đầu và những cố gắng khai thông những bế tắc, đã phần nào mở ra một chân trời mới tươi sáng cho việc hội nhập văn hóa của đạo Công Giáo trong xã hội chúng ta.

Chính trong cái ước mơ tốt đẹp và lớn lao đó mà tôi mời gọi tất cả những người thiện chí cùng cộng tác với chúng tôi để đem lại những điều tốt đẹp cho đất nước Việt Nam thân yêu và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, để giang sơn gấm vóc này được tưới nhuần bằng sương sa gió mát của Tin Mừng, những điều cao cả tinh anh của đạo Công Giáo và những tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn quý vị.

Hà Nội, ngày 1 tháng 7 năm 2008.

Giám Mục Giáo Phận Thái Bình
 
Cảm Tạ Ba Ngôi Thiên Chúa
Tuyết Mai
12:41 02/07/2008
Cảm Tạ Ba Ngôi Thiên Chúa

Lậy Chúa!
Làm sao con kể cho hết?
Tất cả những gì Chúa đã ban.
Làm sao con diễn đạt cho đầy đủ?
Tất cả sự hiểu biết mà Chúa đã mạc khải cho.
Làm sao con tả cho nổi?
Tất cả những công trình mà Chúa đã tác tạo.

Có phải mọi sự sống đều được bắt đầu,
Từ hơi thở đầu tiên,
Khi chúng con vừa thức dậy?

Có phải mọi sinh hoạt đều được bắt đầu,
Từ khi mặt trời mọc,
Báo cho chúng con biết đó là một ngày mới?

Cảm Tạ Chúa,
Đã tạo dựng nên chúng con,
Đã cho chúng con có sự sống,
Đã cho chúng con biết Chúa,
Đã xuống thế làm người để dậy dỗ chúng con,
Đã tự nộp mình,
Chịu chết treo trên Thập Giá,
Để cứu chuộc tội lỗi của hết thảy nhân loại chúng con.

Cảm Tạ Chúa,
Chúa đã phục sinh để dậy chúng con biết tìm sự sống,
Miên viễn muôn đời trên Nước Vĩnh Hằng.

Cảm Tạ Chúa vì lòng nhân từ,
Chúa đã yêu thương chúng con từ muôn thuở.
Bao công trình vĩ đại của Chúa,
Từ trời cao cho tới lòng đại dương,
Tất cả chỉ để loài người thống trị và hưởng dùng.

Cảm Tạ Chúa,
Giúp chúng con luôn sống trong đức Tin, Cậy, Mến.
Giúp chúng con luôn biết sống trong ân nghĩa Chúa.
Giúp chúng con luôn biết kính sợ Chúa.
Giúp chúng con luôn biết sống phó dâng.
Giúp chúng con luôn biết tạ ơn Chúa,
Mọi phút giây trong cuộc đời,
Ngắn ngủi của trần gian này.

Cảm tạ Thiên Chúa,
Ban cho chúng con tất cả,
Mọi cái chúng con là,
Mọi điều chúng con được,
Mọi sự chúng con có,
Hạnh phúc cũng như khi gặp thử thách.

Cảm tạ Thiên Chúa,
Nhờ Ơn của Ngài chúng con sẽ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống hằng ngày chúng con gặp phải.

Nhờ tin vào tình yêu của Ngài mà chúng con cố gắng vác Thập Giá của chúng con cho nên vì tin rằng Chúa luôn sống trong chúng con, bên cạnh, cùng đồng hành, và ẵm chúng con trên đôi tay của Chúa khi cuộc đời của chúng con gặp những cay đắng, đau khổ, gian nan, chán chường, khó khăn, như Thập Giá đang đè nặng trên thân xác yếu đuối của chúng con.

Nhờ tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô mà chúng con có được niềm hy vọng là sau cuộc sống trần gian tạm bợ này, chúng con sẽ được Chúa thưởng ban cho sự sống trường sinh vĩnh cửu hằng sống trên Nước Thiên Đàng nơi có Thiên Chúa Ba Ngôi Hằng Sống Hằng Trị Vinh Hiển vô cùng.

Lậy Thiên Chúa, lậy Thiên Chúa của chúng con!
Chúng con luôn tin tưởng và phó thác cuộc đời của chúng con trong tay của Ngài. Nguyện xin Ngài hãy dùng chúng con như khí cụ hữu dụng và hữu ích cho công trình của Chúa trên thế gian này và giúp chúng con biết chia sẻ cùng anh chị em chúng con thiết thực và thiết tha hơn để tất cả chúng con đều được Chúa thương yêu và đón tất cả chúng con về Trời ờ ngày sau hết để cùng được hưởng Vinh Quang của Chúa thật sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
 
Nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới, sơ lược tinh thần quốc gia Úc (2)
Vũ Văn An
19:34 02/07/2008
Tinh thần quốc gia Úc (tiếp theo)

X. Thế chiến II.

Thời gian giữa các năm 1939 và 1945, tinh thần quốc gia Úc lại chịu ảnh hưởng bởi hai vấn đề cố hữu đó là việc ủng hộ Anh trong chiến tranh Âu Châu và viễn ảnh bị xâm lăng từ phía Bắc. Khi Đức xua quân tiến chiếm Ba-Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, Anh bèn tuyên chiến với Đức. Tại Úc, sau đó hai ngày tức vào ngày 3 tháng 9, Thủ Tướng Robert Menzies, lúc đó mới nhậm chức được vài tuần, đã dùng truyền thanh thông báo với dân chúng Úc rằng vì nước Anh lâm chiến với Đức, Úc cũng lâm chiến với Đức. Theo ông, Úc là một phần của ‘thế giới Anh’. Thế là, hai sư đoàn 6 và 7 được gửi qua Trung Đông và Bắc Phi. Rồi vụ Nhật tấn công Trân Châu Cảng của Mỹ ngày 7 tháng 12 năm 1941 và vụ máy bay Đức đánh đắm chiến hạm HMAS Sydney tại Ấn Độ Dương trước đó khiến Úc buộc phải trực tiếp nhẩy vào vòng chiến. Ngày 8 tháng 12, Úc tuyên chiến với Nhật. Việc Anh mất hai chiến hạm Prince of Wales Repulse ngoài khơi Mã-Lai vào ngày 10 tháng 12, và việc thất thủ Singapore vào ngày 15 tháng 2 năm 1942 cho thấy sự sinh tồn của Úc bị đe dọa nặng nề. Thủ tướng Lao Động John Curtin nhìn nhận thực tế dưới ba khía cạnh quan yếu. Ngày 27 tháng 12 năm 1941, trên tờ Herald tại Melbourne, ông thừa nhận rằng vai trò của Mỹ tại Thái Bình Dương có tính sinh tử. Sau đó, tháng 11 năm 1942, ông thuyết phục Đảng Lao-Động chấp nhận tổng động viên. Cuối cùng, ông cho điều động các sư đoàn Úc đóng tại Bắc Phi trở về nước thay vì tới Miến Điện theo yêu cầu của Churchill.

Mùa Thu năm 1942, khi các oanh tạc cơ Nhật tấn công Port Moresby, Darwin, Katherine và Townsville, thì việc xâm lăng Úc xem ra chỉ trong gang tấc. Tuy nhiên tháng 11 năm 1942, khi Lục quân Nhật bị đánh bại trên đường mòn Kokoda bên New Guinea, và Hải quân Nhật bị thất trận tại Coral Sea tháng 5 năm 1942, và tại Midway tháng 6 năm 1942, thì nguy cơ kia không còn nữa. Nhưng cũng đủ để Thế chiến II biến tinh thần quốc gia thành chủ nghĩa bài ngoại (xenophobia). Học để ghét kẻ thù Nhật Bản qua tuyên truyền đã đưa lại một thúc đẩy mới cho chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của Úc và làm chậm việc Úc nhìn nhận cái vị trí Á Châu của mình.

Thế chiến II cũng làm thay đổi thành phần dân số Úc. Bộ trưởng Di trú Arthur Calwell đã thành công đưa ra kế hoạch di dân hậu chiến nhằm nhập cư các di dân từ ‘lục điạ Âu Châu’ vào mảnh đất vẫn được tin là gồm đến 98% dân Anh. Nhưng Calwell chỉ có thể làm đến thế, tức vượt qua bức tường ‘Anglo-Saxon’, chứ bức tường ‘Non-White’ thì vẫn còn sừng sững: ông luôn luôn chống đối di dân Á Châu. Chính sách của ông dựa vào những lý thuyết chủng tộc cổ truyền vì ông tin rằng kinh nghiệm Âu Châu cho thấy đưa di dân Á Châu vào chỉ tổ làm họ thất vọng và khốn khổ hơn. Tuy thế vẫn có người chống đối Chính Sách Nước Úc Da Trắng, như Eric và Elizabeth Marshall của Ủy Ban Đông Tây, những người ý thức rất rõ các phong trào độc lập đang lớn mạnh tại Á Châu. Họ đưa ra hai lý do đòi phải duyệt lại chính sách Nước Úc Da Trắng. Lý do thứ nhất là thích đáng, lý do thứ hai là công bằng. Về lý do thứ nhất, cần nhớ thế giới bây giờ không còn do người Da Trắng thống trị nữa. Điều này còn đúng hơn vì vị trí của Úc. Về lý do thứ hai, cần nhớ Úc đã chấp nhận đủ mọi mầu da khi cần họ để bảo vệ đất nước này, nay chỉ vì cái chính sách Nước Úc Da Trắng mà loại họ ra, sao gọi là công bằng?

Thực ra, vấn đề mấu chốt nhất cho tinh thần quốc gia của một nước là vấn đề tư cách công dân và quốc tịch cho đến lúc này vẫn chưa được người Úc giải quyết dứt khoát. Họ có tiền riêng từ năm 1910, bưu điện riêng năm 1913, hải quân năm 1910 và quyền tự trị về luật lệ từ năm 1931, và mặc dù Tối Cao Pháp Viện đã xử vấn đề tư cách công dân từ năm 1925 trong vụ Walsh và Johnson, về phương diện kỹ thuật, người Úc vẫn được coi là ‘thần dân Anh’ mang thông hành Anh, còn đại đa số Thổ Dân Úc vẫn chưa được công nhận quyền công dân đầy đủ. Mãi dến năm 1948, đạo luật Nationality and Citizenship mới được thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ Ngày Nước Úc 26 tháng 1 năm 1949. Đạo luật này tạo ra các loại công dân Úc dựa vào sinh đẻ, dựa vào nhập tịch (naturalisation) hay các thần dân Anh sinh ngoài nước Úc nhưng đã sống tại Úc được 5 năm hoặc hơn. Từ nay, người Úc vừa là thần dân Anh vừa là công dân Úc. Điều đáng ghi là Thông Hành Úc do đạo luật Thông hành (Passports Acts) ban bố năm 1948 chỉ sống được rất ngắn vì sau đó chính phủ Tự Do của Menzies đã trở lại với thông hành Anh!

Những năm sau chiến tranh, dĩ nhiên Úc đứng vào phe Tư Bản chống lại phe Cộng Sản trong cái gọi là Chiến Tranh Lạnh. Và họ đề cao ‘lối sống Úc’ ngược với lối sống ngoại lai hay ‘cộng sản’. Trong cuộc tranh cử năm 1949, cả hai đảng Lao Động lẫn Tự Do đều cổ võ đặc điểm Úc và chủ nghĩa chống cộng. Chiến tranh Triều Tiên cũng như tranh chấp giữa Trung Hoa Lục Địa và Đài Loan và các thay đổi nhanh chóng về xã hội (di trú, đô thị hóa và chủ nghĩa tiêu thụ) cùng với bất ổn về kinh tế làm nhiều người lớn tuổi lo âu. Ngày 11 tháng 11 năm 1951, các chánh án, trong đó có cựu đại tướng Edmund Herring và các lãnh tụ tôn giáo phát ra ‘Lời Kêu Gọi Nhân Dân Úc’ bằng cách báo động rằng: Nước Úc đang lâm nguy cả từ bên trong lẫn bên ngoài, nếu không tái lập được trật tự luân lý thì xã hội sẽ khủng hoảng. Lời kêu gọi trên kết thúc bằng câu: ‘Hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy trọng kính đức vua’. Cũng trong năm đó, Úc mừng 50 năm ngày thành lập Liên Bang với nhiều cuộc lễ được tổ chức khắp nơi mục đích làm người Dân Úc ý thức được sự phát triển càng ngày càng gia tăng của quốc gia, công lao của tiền nhân cũng như tương lai đầy hứa hẹn của đất nước. Nhưng mừng thì mừng, người Úc vẫn không quên thanh niên họ đang hy sinh mạng sống mình trên đất Triều Tiên. Và vì thế, bốn chủ đề đã được đưa ra nhân dịp kỷ niệm này: hội nhập những tân công dân Úc, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phi tập trung hóa kỹ nghệ và dân cư một cách đúng đắn, và quan trọng nhất là tăng cường hệ thống quốc phòng dựa vào một nền sản xuất gia tăng.

Địa vị của Úc mỗi ngày một nổi bật hơn khiến Nữ Hoàng Elizabeth II phải đến thăm vào ngày 3 tháng 2 năm 1954. Đây là lần đầu một vị hiện trị đến thăm Úc. Còn hơn thế nữa, năm 1956, Thế vận hội Melbourne đã đặt Úc lên bản đồ thế giới. Các quán quân Thế Vận như lực sĩ chạy bộ Betty Cuthbert và John Landy, các tay bơi như Dawn Fraser và John Henricks và sau này các cầu thủ quần vợt lần đầu tiên đánh thắng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, là Frank Sedman, Murray Rose và hai thiếu niên sinh đôi Lew Hoad và Ken Rosewall, người đoạt giải Davis Cup tại Adelaide năm 1956, thẩy đều là những anh hùng đối với người dân Úc. Dân số Úc đạt tới 10 triệu theo số liệu của Sydney Morning Herald ngày 10 tháng 3 năm 1959. Sự gia tăng này phần lớn nhờ con số di dân. Họ được gọi là Người Úc Mới, nhưng không thiếu người vẫn chỉ coi họ như ‘ngoại kiều’, bị phân cách tẻ lạnh bởi lớp già và phần lớn bị thiên kiến và bóc lột hành hạ. Đến mãi năm 1962, một di dân từ HyLạp, anh Stefanos Kastamonitis, dù coi người Úc là anh em và hãnh diện đã góp phần làm cho Úc được nể vì trên thế giới, vẫn còn phải cay đắng vì cái thiên kiến chủng tộc nhằm vào con cái anh tại trường, anh thốt lên ‘Chúng tôi không bao giờ ngờ lại có cái thứ ác cảm ấy!’ (M.A. Sophocleous (ed.) The Endless Journey of Stefanos Kastaminitis, Elikia Books, Box Hill Vic 1988).

XI. Đối kháng và thay đổi

Thập niên 1960, một thập niên có nhiều chuyển biến về xã hội và văn hóa khắp nơi trên thế giới, đã thay đổi nhiều khía cạnh trong tinh thần quốc gia Úc. Những giá trị cũ của Úc như ANZAC, sợ Á Châu, các thiên kiến chủng tộc đối với Thổ Dân, chế độ kiểm duyệt và sợ các ý tưởng mới đã bị các trào lưu cấp tiến đẩy lui, cả trong nước lẫn ngoài nước. Việc thay đổi các giá trị xã hội cũng như lòng trung thành được củng cố bởi niềm tin do việc phát triển khoáng sản đem lại đã kích thích một thứ tinh thần quốc gia mới và khác biệt vào cuối thập niên.

Huyền thoại ANZAC lần đầu tiên bị thách thức vì cái tinh thần thượng tôn phái nam, đầy thiên kiến, và be bét (boozy) của nó. Năm 1964, chương trình ‘Four Corners’ của đài ABC làm hội Cựu Chiến Binh Úc tức giận vì đã miêu tả các câu lạc bộ RSl như những ổ nhậu bia và đã coi chủ nghĩa chống cộng của họ là cực đoan và thiếu suy nghĩ. Có lẽ vì thế mà vở kịch The One Day of the Year của Alan Seymour, nhằm thách thức huyền thoại trên về phương diện phái tính, thế hệ và giai cấp nhất là cái tinh thần quốc gia đầy sô-vanh tính của nó, đã bị Đại hội Nghệ Thuật Adelaide từ khước.

Mặc dầu năm 1963, Thủ Tướng Menzies chào đón Nữ Hoàng Elizabeth II bằng những lời hoa mỹ: ‘Ngài là tâm điểm sống động và đáng yêu cho lòng trung thành bền vững của chúng tôi’, Úc cũng đã ấn định đơn vị mới cho hệ thống tiền tệ (theo hệ thập phân) của mình, bắt đầu có giá trị từ năm 1966. Đề nghị đặt tên cho nó là đồng ‘hoàng tệ’ (Royal) của Tổng trưởng tài chánh Harold Holt bị công chúng phản đối. Các tên sau đây đã được đề nghị thay thế: đồng ‘Nam tệ’ (Austral), đồng Koala, đồng Roo, đồng Sovrin, đồng Crown... Cuối cùng, đồng Dollar đã được chấp thuận. Chủ nghĩa phò hoàng gia của Menzies bị nhiều người coi là lỗi thời. Duy có phe bảo thủ vẫn coi những lời chỉ trích chế độ quân chủ là phản quốc. Geofrey Dutton, người chủ biên cuốn Australia and the Monarchy (1966) bị chủ tịch RSL Nam Úc đòi ‘trả về Nga là nơi anh ta phát xuất’.

Dù cái sợ Á Châu gia tăng theo nghĩa nay Trung Hoa không những chỉ là cái họa Da Vàng mà đồng thời còn là cái họa Đỏ nữa, và thêm cuộc chiến tại Việt Nam làm người Úc phập phồng, thái độ đối với Á Châu có thay đổi: nhiều sinh viên Á Châu hơn tại các đại học Úc và sau này nhiều cuộc viếng thăm ‘các đồng minh Á Châu của chúng ta’ do Thủ Tướng Harold Holt thực hiện là triệu chứng của các thay đổi ấy. Cuốn Immigration: Control or Color Bar (1962) của Nhóm Cải Tổ Di Trú làm người ta bắt đầu thấy nhu cầu phải sửa đổi chính sách Nước Úc Da Trắng. Cuốn sách trên cho rằng chính sách ấy vô luân khi bảo tồn cái rào cản mầu da, vì người ta không bao giờ vượt qua được cái rào cản ấy, dù họ có công lao đến bao nhiêu. Mặt khác, chính sách ấy là một chính sách bất hạnh cho chính nội tình Úc. Úc cần tiếp xúc với Á Châu, tìm hiểu Á Châu để làm giầu gia tài văn hóa của mình. Á Châu và Trung Đông là nguồn gốc của những tôn giáo vĩ đại nhất hoàn cầu và của một số những nền văn minh lâu đời nhất... Cuối cùng, chính sách ấy đã gây ấn tượng rất xấu trong dư luận ngoài Âu Châu. Những người không phải là da trắng coi nó nguyên tuyền chỉ là một sỉ nhục khiến cho mọi cố gắng có tính xây dựng của các Ủy Ban Liên sắc tộc trên thế giới khó lòng đạt kết quả.

Về chiến tranh Việt-Nam, Úc bắt đầu gửi 30 huấn luyện viên quân sự qua Việt-Nam tháng 7 năm 1962. Ba năm sau, thủ tướng Menzies cho Quốc Hội hay: theo yêu cầu của chính phủ VNCH, Úc sẽ gửi một tiểu đoàn bộ binh tới. Thực ra, tài liệu lịch sử cho thấy chính Úc đề nghị gửi quân qua và được Thủ Tướng Phan Huy Quát đồng ý. Nguyên Văn bức thư Thủ Tướng Phan Huy Quát gửi đại sứ H.D. Anderson: ’29 Tháng 4 năm 1965. Thưa Ông Đại sứ, Tôi muốn nhắc đến lá thư đề ngày hôm nay của Ông Đại Sứ xác nhận đề nghị của Chính Phủ Úc muốn gửi qua Việt-Nam một tiểu đoàn bộ binh 800 người, với khỏang 100 nhân viên yểm trợ, để phục vụ dưới quyền điều động của quân lực Mỹ trong công việc giúp phòng thủ Việt Nam Cộng Hòa. Tôi xin xác nhận việc chính phủ tôi chấp nhận đề nghị trên và yêu cầu gửi lực lượng ấy qua Việt-Nam trên căn bản mà chúng ta đã thảo luận. Thành thực kính chào Ông Đại sứ. Phan Huy Quát.’ (chỉ được công bố tại Quốc Hội Liên Bang tháng 8 năm 1971). Chính trong thời gian tham chiến tại Việt-Nam, cái ý niệm lòng ái quốc như một sẵn sàng ‘hy sinh tối hậu’ trong chiến tranh đã bị thách thức, cụ thể hóa trong việc từ chối đăng ký làm ‘nghĩa vụ quốc gia’ (national service). Nhưng đó là chuyện sau này, còn lúc đầu, sự can dự vào chiến tranh Việt-Nam được dư luận nói chung ủng hộ. Và nhờ thế, sau cuộc viếng thăm Mỹ của Thủ Tướng Harold Holt tháng 6-7 năm 1966 và nhất là cuộc thăm Úc của Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson tháng 10 cùng năm, đảng Tự Do đã thắng cử vẻ vang trong cuộc bầu cử tháng 11 năm đó.

Trong thập niên 1960, ta thấy có sự lớn mạnh trong tinh thần quốc gia của người Thổ Dân cũng như trong ý thức của người da trắng về chính sách chẳng mấy tốt đẹp của chính phủ đối với lớp dân này. Trong cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên đếm người Thổ Dân trong các cuộc điều tra dân số (census) và có nên trao cho chính phủ quyền được xử lý các vấn đề Thổ Dân hay không, con số ủng hộ lên đến 89.34% cho thấy rõ đã có sự thay dổi thái độ, ít nhất tại các thủ phủ phía Nam và phía Đông. Phong trào đòi bình đẳng cho người Thổ dân được sự ủng hộ ngày một gia tăng nơi các sinh viên và một số nhà cấp tiến như tiểu thuyết gia Frank Hardy, tiếp theo là phong trào đòi quyền đất đai. Cuộc đình công năm 1966 của người Gurindji chống lại công ty đa quốc Vestey của Anh về lương bổng và điều kiện làm việc tồi tệ và sau đó là việc họ chiếm lại mảnh đất truyền thống của họ tại Wave Hill, Bắc Úc đã trở thành vụ kiện có tính quốc gia mà mãi đến đời chính phủ Whitlam mới giải quyết xong qua việc chính phủ nhìn nhận chủ quyền của họ vào năm 1975. Người Thổ Dân còn làm mọi người ngưỡng phục, khi Lionel Rose, một Thổ Dân quê Victoria đánh bại Harada của Nhật ngày 27 tháng 2 năm 1968 tại Tokyo để trở thành vô địch thế giới quyền Anh hạng nhẹ. Anh được diễn hành vẻ vang qua các đường phố Melbourne và được bầu làm Người Úc của Năm 1969. Thái độ người Úc da trắng quả đã thay đổi rất lớn vậy.

Thập niên 1960 cũng là thập niên phát triển rực rỡ của khóag sản Úc tại hai tiểu bang Tây Úc và Queensland khiến người Úc rất tin tưởng vào tương lai của họ. Chính niềm tin tưởng ấy đã giúp Thủ Tướng John Grey Gorton, người kế vị Harold Hold bị chết đuối năm 1967, thành công trong việc cứu công ty bảo hiểm MLC khỏi rơi vào tay ngoại quốc. Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Harold Holt trong việc sáng lập ra Hội Đồng Nghệ Thuật Úc Châu sau này đổi thành Hội Đồng Úc Châu (Australia Council). Cơ quan Bảo Tồn Úc Châu (Australian Conservation Foundation) cũng được thành lập trong thời gian này (năm 1965) mà hành động nổi nhất là chiến dịch cứu Hồ Pedder của Tasmania để gìn giữ gia tài quốc gia.

XII. Một nước úc mới

Đầu thập niên 1970, tinh thần quốc gia Úc đi vào một bước ngoặt quan trọng, họ mơ ước một nước Úc độc lập về quốc phòng và chính sách ngoại giao, độc lập về kinh tế, xã hội và văn hóa. Sau này, khi nền kinh tế của họ suy giảm do ảnh hưởng chung quốc tế cũng như tranh chấp chính trị, thì tinh thần quốc gia chủ yếu chú trọng đến các khía cạnh xã hội và văn hóa, với việc đề cao các khuôn mặt có đặc điểm Úc rõ rệt.

Đây là lúc đảng Lao Động vượt lên nắm ưu thế bằng cuộc thắng cử vẻ vang của Gough Whitlam tháng 12 năm 1972, sau hơn 20 năm cầm quyền của liên minh Tự Do. Chính phủ Lao Động, với Al Grassby làm Tổng trưởng Di trú, đã một mặt tạo ra nhiều chính sách tích cực đối với di dân tới Úc, mặt khác còn tha thiết kêu mời những hiền tài Úc trở về phục vụ quê hương. Con số những hiền tài bỏ nước ra đi khá đông kể từ những năm 1940 đến 1960, một phần vì tính cách cô lập và dân số ít oi của Úc, một phần cũng vì thái độ đàn áp và bảo thủ đối với các tư tưởng độc lập và sự đa phức về văn hóa. Ngày 9 tháng 7 năm 1973, Al Grassby cho công bố lời kêu gọi 250,000 người Úc trở về ‘xây dựng đất nước’.

Như trên đã nói, chính phủ Whitlam công nhận chủ quyền đất đai của người Gurindji vào năm 1975. Dịp này, thủ tướng Whitlam tuyên bố rằng ‘bổn phận của Úc đối với người Thổ Dân không kết thúc với duy một hành động này tại Wattie Creek’. Phúc trình của chánh án Woodward thuộc Ủy Ban Hoàng Gia Điều Tra Về Thổ Quyền, mà dựa vào đó chính phủ Lao Động soạn thảo ra luật lệ, đã đề nghị ra các nguyên tắc tạo ra thổ quyền (land rights), bao gồm cả việc nhìn nhận rằng ‘ngay từ ngày đầu của năm 1788, toàn bộ Úc Châu đã được người Thổ Dân của xứ này chiếm giữ’. Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tham khảo người Thổ Dân ở mọi giai đoạn và cho rằng sự đền bù thích đáng nhất cho người Thổ Dân là đất đai, chứ không phải tiền mặt, dù phải dành ngân khỏa giúp họ biết xử dụng đất đai.

Riêng đối với phụ nữ, năm Quốc Tế Phụ Nữ 1975 là cơ hội cho họ thách thức cách người ta quen dùng hình ảnh nam giới để tiêu biểu cho Úc. Miriam Dixon, trong The Real Matilda (1976), cho hay người ta cứ ngỡ trong bài gần như quốc ca này có đề cập đến người đàn bà tên Matilda, nhưng thực ra không phải, ‘Waltzing Matilda’ chỉ có nghĩa là ‘khăn gói quả mướp’ (carrying a swag) mà ‘khăn gói quả mướp’ vốn là bị gậy của anh chàng swagman... Chẳng lạ gì, phụ nữ không khi nào có tên trong đền thờ thần minh Úc, dù trong cái đền thờ ấy có cả một con vật, con Phar Lap của Melbourne Cup! Và bà kêu gọi: Đấy là dĩ vãng, ‘nay là 1975, ta cần phải giải quỉ (exorcise) những bóng ma quá khứ’.

Lá phiếu sắc tộc cũng bắt đầu có giá trị. Chính phủ Fraser tiếp tục chính sách đa văn hóa của chính phủ Whitlam và đã thiết lập ủy ban điều tra xem có cần một đài truyền thanh và truyền hình sắc tộc hay không. Thế là năm 1980, ra đời Cơ Quan Độc Lập Truyền Thanh Truyền Hình Đa Văn Hóa (IMBC) với một đài truyền hình riêng. Cơ quan này sau đổi thành Vụ Truyền Thanh Truyền Hình Đặc Biệt (SBS).

Tuy nhiên, biến cố đáng ghi nhận nhất trong giai đoạn này là ngày 11 tháng 11 năm 1975, Tổng Toàn Quyền John Kerr bãi nhiệm chính phủ Whitlam và trao quyền cho Malcolm Fraser thành lập tân chính phủ. Người thì coi đó như một cú đảo chính theo hiến pháp, oan uổng loại bỏ một chính phủ chiếm đa số phiếu tại Hạ Viện, kẻ lại coi đó như việc cần thiết phải làm để loại bỏ một chính phủ quá coi thường trật tự cổ truyền. Dù sao, khủng hoảng trên đã thúc đẩy hơn nữa phong trào đòi thành lập nền cộng hòa Úc, loại bỏ cái ông tổng toàn quyền đại diện Nữ Hoàng Anh. Tháng 12 năm 1976, cuộc thăm dò của Age-Sydney Morning Herald cho thấy 39% dân Úc muốn có nền cộng hòa. Ba tháng sau, cuộc thăm dò của National Times và của Four Corners tiết lộ 58% ‘không cần Nữ hoàng’, và điều lý thú hơn nữa là 39% trong số ấy vốn bỏ phiếu cho Tự Do. Tâm thức chung coi là ’sỉ nhục khi nguyên thủ quốc gia không phải là người Úc’ (Geoffrey Dutton, Republican Australia? Melbourne, Sun Books, 1977).

Tâm thức chống sự hiện diện quá lộ liễu của Mỹ trên đất Úc cũng xuất hiện mạnh mẽ trong thời gian này. Nhà hí họa Patrick Cook của National Times vẽ khá nhiều hình châm biếm đối với các căn cứ quân sự Mỹ như Pine Gap (Bắc Úc), Nurrungar (Nam Úc) và North West Cape (Tây Úc). Việc Lễ Hội Moomba của Melbourne bầu Mickey Mouse, một sản phẩm California, làm Vua đã gây phẫn nộ nơi nhiều người.

XIII. Thời đại quốc tế

Mặc cảm nhược tiểu thực ra khá sâu nặng trong tâm thức quốc gia của người Úc. Vì nhu cầu quốc phòng cũng có mà vì nhu cầu phát triển kinh tế cũng có, họ buộc phải ‘trung thành’ với mẫu quốc Anh trước đây thế nào, thì giờ đây, họ phải ‘đồng minh’ với Mỹ thế ấy. Nhưng có lúc nào họ vượt lên trên được Mỹ, thì cái sảng khóai thật là lớn lao. Đó là tháng 9 lịch sử 1983, khi Australia II của Úc thắng Liberty của Mỹ và đoạt giải American Cup sau 132 năm tranh đua. Thủ tướng Bob Hawke, miệng cười toe toét, mình mặc chiếc áo in đầy chữ Australia II, tuyên bố đây là ‘một trong những giây phút vĩ đại nhất trong lịch sử Úc’. Cũng một cái lối quá đáng ấy đã xẩy ra chỉ vài tháng sau khi đội Úc thắng đội Thụy Điển trên sân Kooyong để đoạt giải quần vợt Davis Cup. Suốt trận đấu, Bob Hawke ngồi ngay phía sau sân chính để khích lệ John Fitzgerald. Cầu thủ này cho hay: ‘ai cũng biết ông ấy yêu nước xiết bao. Tôi thấy ông la hét cổ võ giống hệt mọi người và điều đó quả là khích lệ...’

Tinh thần Úc lên cao. Có cả chiến dịch muốn thay mầu cờ quốc gia. Người Úc phân rẽ giữa các mầu cổ truyền đỏ, trắng, dương và mầu thể thao xanh, vàng. Trong khi đó, với Lao Động lãnh đạo Liên Bang và bốn Tiểu Bang, các chức tước hiệp sĩ cổ truyền cũng như các huân chương đế quốc tự nhiên biến mất, nhường chỗ cho Huân Chương Úc (Order of Australia). Việc nghiên cứu học hỏi về Úc đi vào chiều sâu: các sản phẩm sáng tạo Úc trong tất cả các bộ môn nghệ thuật phổ thông đều được nâng đỡ, và việc học hỏi về Úc Châu trong các học đường và đại học được tăng cường, rồi Hiệp Hội Nghiên Cứu Úc (Australian Studies Association) ra đời năm 1983.

Về di trú, sau hơn 3 thập niên với những đợt di dân lớn từ Âu Châu, từ Thái Bình Dương, từ Trung Đông và từ Á Châu, xã hội Úc có một sắc thái đa dạng rõ rệt. Dù một số di dân và con cái họ bị kỳ thị tại học đường cũng như tại nơi làm việc, phần đông cảm thấy càng ngày càng thoải mái với quê hương mới. Tại các phố thị, nhiều thức ăn mới và nhiều sinh hoạt văn hóa khác nhau cho thấy một khía cạnh sáng tạo của diễn trình hội nhập cả về phía xã hội lẫn người mới tới. Quan trọng hơn nữa là các cuộc hôn nhân qua lại giữa các nhóm sắc tộc khác nhau. Người ta không biết nên gọi đó là ‘cái lò nung chẩy’ (melting pot) hay chính sách đa văn hóa hoặc nửa chừng là‘chính sách văn hóa nung chẩy’ (melticulturalism, nhái multiculturalism). Tài liệu của Giáo sư Charles Price, một nhà dân số học, cho thấy trong cuộc tổng kiểm tra dân số năm 1986, bốn phần năm những người trả lời câu hỏi về tổ tiên ghi rõ gốc gác tổ tiên mình là Anh, là Ý, là Trung Hoa, v.v... còn lại một phần năm (gần 3 triệu) chỉ ghi đơn giản là ‘Úc’, trong số này hết 85 phần trăm là người Úc thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư hoặc muộn hơn. Như thế có ít nhất 30 phần trăm những người thuộc thế hệ thứ ba và muộn hơn coi tổ tiên mình giản đơn chỉ là Úc, không hẳn vì họ nguyên tuyền là người Úc cho bằng vì họ không biết phải trả lời sao cho đúng, khi tổ tiên họ thuộc nhiều sắc tộc khác nhau: ông Tầu, bà có thể là Ái Nhĩ Lan. Điều ấy, theo Charles Price, nói lên tính cách ‘lò nung chẩy’ nhiều hơn. Và ngày nay, cái từ người Úc, do đó, vừa có nghĩa do nguồn gốc sắc tộc và tổ tiên cũng có mà do sinh ra ở đây, được giáo dục và hấp thụ văn hóa ở đây cũng có. Chính vì vậy có người đặt câu hỏi không biết nên mừng năm 1988 như thế nào cho phải đạo! Mừng nó như mừng một đất nước đơn nhất (unity) hay mừng một đất nước đa phức (diversity), mừng một bản sắc hay mừng một phi bản sắc (identiy or non-identity), mừng sự giống nhau hay mừng sự khác nhau (commonnality or difference). Craig McGregor đã thắc mắc như thế trên Sydney Herald Morning ngày 7 tháng 10 năm 1985. Riêng người Thổ Dân thay vì mừng năm 1988, họ lại đặt vấn đề một thỏa ước với kẻ xâm lăng. Tháng 6 năm 1988, Galarrwuy Yunupingu trình cho Thủ Tướng Hawke Bản Yêu Sách Của Thổ Dân Barunga (Barunga Statement of Aboriginal Claims) xác nhận người Thổ Dân chưa bao giờ từ bỏ quyền sở hữu đất đai của mình, và cũng chưa có ai lấy đi cách hợp pháp đất đai ấy của họ, do đó đòi một thỏa ước nhìn nhận người Thổ Dân như các chủ nhân đầu hết của mảnh đất này.

Dù vậy, ngày 26 tháng 1 năm 1988, một quang cảnh hùng vĩ cũng vẫn đã xẩy ra chung quanh Sydney Harbour với 2 triệu người tham dự. Dù chẳng mấy thích Sydney, Melbourne Sun đã nhận xét như sau về ngày hội Lữơng Bách Niên: ‘Quả là một ngày ấm áp và đầy kỷ niệm tuyệt vời; ngày của chia sẻ. Ngày của lịch sử’. Tất nhiên, ngày ấy cũng là ngày của phản kháng: 20,000 người gồm da đen lẫn da trắng diễn hành từ Redfern Oval tới Hyde Park để ‘ủng hộ cuộc đấu tranh của Thổ Dân dành hòa bình, công lý và tự do’. Cuộc tranh đấu ấy có kết quả. Tháng 8 năm 1988, đa số tại Quốc Hội Liên Bang nhìn nhận người Thổ Dân là các chủ nhân ông đầu hết của Úc Châu. Và Ayers Rock hay Uluru đã thay thế Lodon như một thứ ‘thánh địa’ cần phải viếng thăm, vì leo cái núi ấy không phải chỉ có ý nghĩa một thành tích thể lý mà thôi, mà còn là một nghi thức vượt qua mang ý nghĩa xã hội và cả tâm linh nữa (National Times, 20-26/06/1988).

Cuộc tranh đấu của Thổ Dân, tuy thế, vẫn còn phải tiếp diễn. Và không ai trong số họ đã thực hiện được bước nhẩy vọt lớn lao bằng Cathy Freeman. Hình như đầu óc thực tiễn của những người thuộc dòng Anglo chỉ chịu khuất phục trước những thành tích cụ thể của dân bản xứ. Nên họ đã phải để cho Cathy trương cờ Thổ Dân tại Vận Động Hội Thịnh Vượng Chung và nhất là đã để cô châm ngọn lửa Thế Vận Sydney 2000. Hơn thế nữa, cả nước Úc đã dừng lại để chiêm ngưỡng người con gái Thổ Dân này đoạt huy chương vàng chạy bộ. Chiến thắng của cô, như báo chí loan tin, không phải chỉ là chiến thắng thể thao, mà là biểu hiệu của một nước Úc đoàn kết. Thập niên 90 đã mang người chủ đầu hết của nước Úc gần lại tâm trí các cư dân khác nhiều lắm, tuy lời xin lỗi chính thức từ lớp sau thì mãi những năm đầu của thế kỷ 21, ông Kevin Rudd, tân thủ tướng, mới đại diện mọi người nói l ên.

Kết luận

Ở Úc cũng như ở các quốc gia khác, trong hai thế kỷ qua, tinh thần quốc gia mang nhiều sắc thái địa phương và đặc thù dưới những đổi thay lịch sử vô tiền khoáng hậu. Trong một xứ mới lập cư trên thế giới như Úc, nơi người xâm nhập từ bên kia bờ đại dương đến ‘đẩy lui’ (displaced) cư dân nguyên thủy, thì diễn trình tạo quốc chẳng may lại là việc bứng gốc và gồm đủ thứ ‘thống nhất hóa’. Các ý niệm và chủ đề quốc gia được truyền bá qua truyền thông bất chấp hai thực tế trái ngược, đó là các ảnh hưởng quốc tế hóa và đồng nhất hóa của lối sống hiện đại và các kinh nghiệm khác nhau người ta có về giai cấp, địa phương, phái tính và sắc tộc. Tinh thần quốc gia Úc vào cuối thế kỷ thứ 19 được quảng bá quanh 6 thuộc địa nhờ điện tín, xe lửa và tầu thủy chạy bằng hơi nước, đồng thời nối kết Úc với Đế Quốc Anh và được kích thích bởi nỗi sợ bị xâm lăng. Từ 1914, mối liên kết với Đế Quốc được đóng ấn bằng máu của ‘tinh thần quốc gia viễn chinh’ qua những thảm sát tại Gallipoli và Somme trong Thế Chiến I. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 20, người Úc vừa nhìn ra khơi, nguồn gốc của phần đa số dân họ vừa nhìn vào đất liền, nguồn gốc của những người Úc đầu tiên. Đa số không còn thấy mảnh đất này xa lạ nữa cũng như không còn nhìn người Thổ Dân bằng con mắt ngạo mạn cũng như sợ sệt nữa. Người Thổ Dân cũng thế, họ đã từ khước chấp nhận cái địa vị phụ thuộc ngay trên mảnh đất của mình.

Tuy thế trong cái nghịch lý của thời hậu thuộc địa, một số hình thức tinh thần quốc gia trở nên mạnh mẽ hơn. Người Úc trở nên hăng say hơn với tình thần quốc gia về phương diện xã hội và văn hóa, liên hệ đến thể thao, lễ lạc và quảng cáo. Còn tinh thần quốc gia về chính trị và kinh tế xem ra không mạnh bằng. Họ thấy khó có thể bỏ qua mà không theo các chính sách ngoại giao của các cường quốc cũng như quyền kiểm soát kinh tế ngày càng lớn của ngoại quốc. Ngày nay, ‘cái vùng đất nâu bao la’ và ‘cái xứ nắng cháy’ này sẵn sàng trở thành chỗ cho những chiếc xe hơi do người Nhật, người Mỹ làm chủ quảng cáo. Có người tự hỏi: phải chăng cái tinh thần quốc gia cổ điển không còn nữa, thay thế vào đó phải chăng là một trật tự thế giới mới?

Tài liệu: Stephen Alomes và Catherine Jones, Australian Nationalism, Angus & Robertson, 1991.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Làm Duyên - Bite Me !
Nguyễn Đức Cung
00:33 02/07/2008

LÀM DUYÊN – Bite Me!



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Cô Tiều nổi hứng làm duyên

Đỏng đa đỏng đảnh vẫn duyên…cô Tiều!

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền