Ngày 05-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
07:44 05/07/2019
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIV Năm – C

(Lc 10, 1-12. 17-20)

Tin Mừng hôm nay cho thấy có một số đông những người vây quanh Chúa Giêsu. Nhìn đồng lúa chín vàng, Chúa nói với họ: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người" (Lc 10, 2). Và Người đã chọn trong đám đông đó một số người. Anh hãy theo Ta, anh và cả anh nữa. Cho đến người thứ bẩy mươi hai...

Như thế, ngoài số Mười Hai Tông Đồ ra còn có rất nhiều môn đệ được Chúa gọi đi theo Chúa. Trong số các môn đệ Người, Chúa Giêsu đã chọn ra bảy mươi hai người khác và giao cho một sứ vụ cụ thể. Người đòi hỏi họ như đòi hỏi Nhóm Mười Hai, là dứt khoát từ bỏ những dính béng với của cải trần thế và phó thác hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa toàn năng.

Chọn xong rồi, Chúa sai họ cứ từng hai người một, đi đến các thành và các nơi mà Người định tới. Một người trong số họ đã có thể trả lời trong sự lúng túng : "nhưng lạy Thầy, con đến chỉ để lắng nghe Thầy thôi vì tất cả những gì Thầy nói đều tốt đẹp!"

Xem video và nghe bài giảng

Chúa cảnh báo họ đề phòng những hiểm nguy đang chờ đợi họ. "Các con hãy đi! Này Ta sai các con như chiên con vào giữa sói rừng" (Lc 10, 3). Và bằng cách dùng các hình ảnh quen thuộc của dụ ngôn, Chúa nói thêm: "Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép" (Lc 10, 4). Diễn đạt bằng ngôn ngữ biểu cảm của Chúa Giêsu là : Hãy để sự trợ giúp của con người sang một bên. Thày sai các con đi, các con cứ đi và như thế đã là đủ. Cho dù các con ở xa tít tắp, Thầy vẫn ở bên cạnh các con, đồng hành với các con.

Bẩy mươi hai người này khác với mười hai môn đệ kia, Chúa chọn gọi mười hai ông để ở với Người, còn bẩy mươi hai môn đệ ở lại với gia đình và nghề nghiệp của họ. Và sống điều họ khám phá ra khi ở bên Chúa Giêsu : để làm chứng, mỗi người một địa vị, đơn giản là để giúp đỡ những người xung quanh để họ được gần gũi Chúa Giêsu hơn.

Cuộc phiêu lưu của họ kết thúc tốt đẹp : "Bảy mươi hai trở về vui mừng" (Lc 10, 17). Ngồi quanh Chúa Giêsu, họ kể cho Chúa nghe những kinh nghiệm từng gặp, và họ khám phá ra nét đẹp của đời nhân chứng.

Biến cố thời xa xưa ấy ngày hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng, đây không phải là một ký ức đơn thuần lịch sử. Chúng ta cảm thấy mình có liên quan : chúng ta có thể đến gần Chúa Giêsu hiện diện trong các nhà thờ và tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta "mang Chúa Giêsu Kitô đến cho mọi người và dẫn mọi người đến gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô là đường, là sự thật và là sự sống, Người đang thực sự hiện diện trong Giáo hội và nơi con người hôm nay".

Thánh Công đồng Vatican II, trong Sắc Lệnh về Tông đồ Giáo dân, nhắc nhở chúng ta rằng, sau khi rửa tội mỗi người Kitô hữu được mời gọi để thực hiện một sứ mệnh nhân danh Chúa : "Vậy Thánh Công Ðồng nhân danh Chúa hết sức kêu mời tất cả các giáo dân, hưởng ứng sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hãy mau mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, Ðấng giờ đây đang tha thiết mời gọi họ. Ước gì giới trẻ hiểu rằng lời mời gọi này được đặc biệt gởi tới họ và ước gì họ vui mừng và quảng đại đón nhận. Quả thật chính Chúa một lần nữa nhờ Thánh Công Ðồng này, mời gọi tất cả các giáo dân hãy kết hợp với Người ngày một mật thiết hơn và nhận thức được những gì của Người cũng là của chính mình (x. Ph 2,5), họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu rỗi của chính Người và một lần nữa Người sai họ đi tới các thành và những nơi Người sẽ đến (x. Lc 10,1). Như thế giáo dân hãy chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa, cộng tác vào cùng một công cuộc tông đồ của Giáo Hội bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau. Những cộng tác viên phải luôn luôn thích nghi với những đòi hỏi mới của thời đại và không ngừng ra sức phục vụ Chúa bởi biết rằng khó nhọc của mình không phải là uổng phí trong Người (x. 1Cor 15,58)."(số 33)

Chúa Giêsu Kitô muốn thấm nhuần nơi các môn đệ của Người sự mạnh dạn tông đồ; chính vì lý do đó mà Chúa Giêsu nói với họ: "Này Ta sai các con" (Lc 10, 3). Và Thánh Gioan Kim Khẩu giải thích rằng : "Như thế đã đủ để ban cho các con sự can đảm, điều này cũng đủ để ban cho các con niềm tin để các con không còn sợ hãi trước sự tấn công của kẻ thù".

Sự can đảm của các Tông Đồ và của các môn đệ đến từ chính Thiên Chúa là Đấng đã chọn họ và sai họ đi. Như Phêrô đã quả quyết trước Thượng Hội Đồng rằng, nhân danh Chúa Giêsu Kitô thành Nagiarét, "vì dưới gầm trời này, không có môt Danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được giải thoát " (Cv 4,12).

"Các con hãy đi". Lời Chúa Giêsu ngày hôm nay vẫn còn rất cấp bách. Xin cho các bạn trẻ đáp lại sự sai đi của Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:24 05/07/2019

26. Các vật trong trời đất bất luận lớn nhỏ đều có ấu trùng gốc: hạt lúa miến có trùng lúa miến, hạt đậu có trùng hạt đậu, cây ăn quả có trùng của cây ăn quả; tiền bạc cũng có ấu trùng gốc đó là kiêu ngạo.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:28 05/07/2019
64. TỚ GÁI NHƯ BA HẠT NGỌC

Khi đầy tớ gái mới đến thì gọi là ngọc lôi bàn không dám tự tung tự phát; ở lâu rồi thì gọi là ngọc bàn toán, cạy một chút, động một chút; sau nửa năm đếm lại thì gọi là ngọc phật đỉnh, anh nói anh nghe, việc nó nó làm, dù có cạy nó cũng không nhúc nhích !

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 64:

Con người ta trước lạ sau quen, đầy tớ gái hay đầy tớ trai hoặc bất cứ người nào khác, thì không thể mới gặp nhau lần đầu thì y như là người trong gia đình được, nhưng phải có thời gian tìm hiểu trò chuyện qua lại với nhau mới thân nhau, thân nhau rồi thì khó mà nhường nhịn nhau nếu không yêu thương nhau...

Có những giáo dân khi chưa vào đạo thì nao nức học giáo lý, tham gia các công tác từ thiện trong giáo xứ, lễ phép vâng lời cha sở, đó gọi là ngọc lôi bàn không dám tự phát; khi đã vào đạo và làm quen với nhà thờ, tham gia các hội đoàn và từ từ dấn thân vào các công việc trong giáo xứ cũng như ngoài giáo xứ, đó gọi là ngọc bàn toán từng bước từng bước thâm sâu; đến khi đã thành thục với các lễ nghi trong thánh lễ, hiểu rõ những điều đã học và quen biết nhiều người trong giáo xứ thì tự tung tự tác, đó gọi là ngọc phật đỉnh cha nói cha nghe việc con con làm không muốn nghe lời ai nữa...

Người giáo dân có đức tin thật thì luôn luôn là giáo dân tốt dù cho có trở thành “ngọc hoàng” chăng nữa thì cũng biết yêu mến và vâng lời các vị chủ chăn, và vui vẻ cộng tác với anh chị em để danh Chúa được sáng ở đời này.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Chúa Nhật 14 TNC: Sai hai người một
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
21:18 05/07/2019
Hôm nay bài Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng, và sai các ông đi từng hai người một. "Sai đi từng hai người một," đó là đề tài hôm nay. Chúa có ý gì khi sai từng hai người một ?

1. Để hỗ trợ

Chắc chắn là để hỗ trợ (nhau). Chị ngã em nâng. (chứ không phải: Tưởng rằng chị ngã em nâng. Ai ngờ chị ngã em bưng miệng cười !).

Nếu đi một mình thì khi gặp khó khăn -chẳng hạn khi bị người đời từ chối không tiếp- các ông sẽ không biết bàn hỏi với ai, không được ai khích lệ ủi an, nên sẽ dễ nản lòng bỏ cuộc. Hơn nữa có lúc Chúa còn nói rõ, Thầy sai anh em đi như chiên giữa sói rừng, nên cần có nhau chống đỡ kẻ dữ là điều hiển nhiên.

Trong Bộ Giáo Luật mới, có một hình thức coi xứ mà trước đó đã manh nha một vài nơi, đó là coi xứ tập thể. Nhiều cha sở thay vì ở một mình tại xứ, thì cùng với các cha xứ khác, ở chung một nơi, rồi toả đi các xứ. Về ăn chung, nghỉ đêm cùng một nhà. Có thời gian nâng đỡ trò chuyện hỏi han nhau. VN chưa thấy nhưng nhà dòng thì có nhiều.

Nhưng cho dẫu được sai đi một mình, thì đâu phải một mình mình đi, mà có Chúa ở cùng. Có Chúa ở cùng nào ta sợ chi. Côn trượng Ngài làm ta an lòng. Thánh Vịnh 22 cho ta biết điều đó. Cho nên Chúa sai từng hai người một để nâng đỡ nhau chưa hẳn là lý mạnh. Lý mạnh là: Cần hai người để làm chứng.

2. Để làm chứng

Có hai điều cần làm chứng.

1) làm chứng cho sự thật. Trong Luật Mô-sê mà Chúa Giêsu có lần nhắc tới, nói rằng: chứng của hai người là chứng thực… Cho dẫu là chứng gian, nhưng hai người cùng làm chứng như nhau thì người ta tin là thật. Câu chuyện bà Suzanna bị hai ông già” dê, tuổi mùi, ước muốn phạm tội với bà mà không được bà đáp trả, nên đã cáo gian bà phạm tội với một chàng trai nào đó, mạnh khoẻ chạy nhanh quá nên hai ông già không chụp bắt được chàng, là một ví dụ về chứng hai người thì hiệu quả đến mức nào. Chỉ cần hai người tố cáo y một tội là bà Suzanna bị đưa đi ném đá chết ngay. Cũng may mà câu bé Daniel được Chúa soi sáng để giải oan cho bà Suzanna bằng một câu hỏi, hỏi riêng từng ông: bà Suzanna phạm tội dưới gốc cây nào, thì, ông già Dê trả lời dưới gốc cây chò, ông lão Mùi trả lời dưới gốc cây tùng. Thế là chỉ còn có một chứng. Một chứng cây tùng, một chứng cây chò. Nên không đủ 2 chứng. Nên cũng lộ ra là chứng gian luôn.

Hai người đi rao giảng, cùng nói về một điểm, cùng kêu gọi sám hối, thì người ta tin là cần phải sám hối thật, hơn là chỉ một tiếng kêu, gọi mời hoán cải.

Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với một anh em trong dòng: “Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang con đường bên phải, rẽ phải con đường bên trái, rồi ung dung đi con đường khác trở về nhà dòng. Thầy dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!” Thánh Phanxicô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao ?”

Giá như Phanxicô chỉ đi có một mình. Làm sao làm chứng mạnh mẽ được như đi hai người, ăn mặc giống nhau, thái độ giống nhau, mắt nhìn về một hướng, để kêu gọi người ta hoán cải.

Cần có ít là hai người để làm chứng cho sự thật.

Nhưng đó có lẽ cũng chưa phải là lý mạnh lắm để Chúa Giêsu sai từng hai người một. Lý mạnh để Chúa sai đi từng hai người một là: làm chứng cho yêu thương.

2) làm chứng cho yêu thương. Cần ít là hai người ngang nhau thì mới diễn tả yêu thương được chứ. Có cấp bậc chỉ là thương, xót thương. Ý thức được điều đó, nên đức TGM Saigon trước đây không cử các cha phó xứ, mà chỉ gửi bài sai các cha phụ tá. Bởi vì cũng có cả ngàn lẻ một chuyện giữa cha chính và cha phó. Còn giữa cha sở và linh mục phụ tá, thì nằm ở hai cấp độ xa nhau, nên ít xảy ra chuyện này chuyện kia hơn. Cha phó là gần ngang với cha chánh. Mà hai cha này, nơi nào chẳng may không yêu thương nhau thì càng phản chứng hơn là thà chỉ có một mình cha xứ. Đó cũng là lý lẽ mà các cha triều dọn bài giảng không thấy khai thác đề tài sai đi từng hai người một. Linh mục dòng thì nói được, vì luôn có cộng đoàn là những anh em ngang hàng hỗ trợ, chẳng khác gì sai đi từng hai người một. Sai đi từng hai người một là để làm chứng cho yêu thương. Người không cùng máu mủ ruột thịt nhưng yêu thương nhau như thế đó.

Khi các nhà truyền giáo đến Việt-Nam giảng đạo và có người theo. Các người không theo, nhìn những người theo, xem đặt tên cho họ là đạo gì, vì lúc đó chưa chữ Kitô, chưa có tiếng Thiên Chúa như sau này, thì … quả là điều tốt lành cho đạo ta: những người không theo đạo gọi những người theo đạo là họ theo “đạu yêu nhău,” vì thấy họ yêu thương nhau dường nào (ví như cộng đoàn tiên khởi mà Luca mô tả trong sách Công Vụ). Đây là chi tiết chúng ta biết được nhờ nhà thừa sai Gaspar d’Amaral gửi báo cáo về cho bề trên của mình ở Bồ Đào Nha.

Có một giám mục đến thêm sức cho một xứ đạo. Trước khi thêm sức, ngài hỏi vài câu giáo lý xem trình độ tới đâu. Ngài hỏi: cái gì là dấu hiệu của đạo chúng ta. Không cánh tay nào giơ lên. Ngài hỏi lại cộng với gợi ý như ghi dấu thánh giá trên mình. Chợt một cánh tay giơ lên, và nói: yêu thương. Đức cha bịp miệng mình kịp trước khi phát ra tiếng wrong: sai. Mà đâu có sai. Quá đúng.

Chúa Giêsu nói người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ thầy: là các con yêu nhau, chứ đâu phải là các con vác thánh giá, là các con nhăn mặt lại chịu khổ đau. Này ta ban điều răn mới, điều răn của riêng ta, là yêu thương, chứ không phải đau khổ.

Sai đi từng hai người một là để làm chứng cho sự thật và nhất là làm chứng cho yêu thương.

Chúng ta không được sai đi để truyền giáo ở đâu xa, nhưng chúng ta ở trong gia đình. Một gia đình chứng tá, là một gia đình mà chồng và vợ, hai người bình đẳng yêu thương nhau, chứ không phải chồng chúa thương xót vợ tôi, hay vợ là trời thương hại chồng là đất. Yêu chứ không chỉ là thương. Như thế mới xứng danh là gia đình Công Giáo, mà cốt tuỷ của đạo là yêu thương và Chúa sai đi từng hai người một cũng là để làm chứng cho yêu thương.

Trong một cuộc hội thảo về truyền giáo, nhiều học giả phát biểu hùng hồn, nhiều thừa sai kể ra kinh nghiệm. Một người da đen ngồi ở góc, cuối cùng cũng được mời phát biểu. Chị nói : ở đất nước tôi, Phi Châu, khi truyền giáo cho một vùng nào, người ta gửi tới đó một gia đình Công Giáo.

Kìa họ yêu thương nhau biết là chừng nào. Đó là lời giảng hùng hồn nhất. Tại nhà thờ các linh mục thương yêu nhau, (một linh mục thì khó làm chứng được điều này), tại nhà mình cha mẹ yêu thương nhau, thế là Chúa đã sai đi từng hai người một.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chính phủ Ai cập báo tin: “Con đường Thánh Gia” có thể được UNESCO tuyên bố là Di sản Thế giới
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
07:47 05/07/2019
Bộ Cổ vật Ai Cập đã phát hành, bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập, một cuốn sách nhỏ minh họa về "Con đường Thánh Gia”, hành trình kết hợp các địa điểm giao nhau, theo truyền thống hàng ngàn năm, của Maria, Giuse và Hài Nhi Giêsu khi họ tìm được nơi trú ẩn ở Ai Cập để thoát khỏi bạo lực của Hêrô. Tập sách có tên "Những
chặng đường hành trình của Thánh Gia" là một phần của các sáng kiến được chính quyền Ai Cập đưa ra để thêm "Con đường" của Thánh Gia trong danh sách các địa điểm được UNESCO công nhận là "Di sản Thế giới". Tập tin gồm các tài liệu và hình ảnh về những nơi khác nhau là một phần của hành trình, như tu viện của Wadi Natrun, được gọi là "Cây của Maria" ở Matariya (ngoại ô Cairo), nhà thờ Đức Trinh nữ Maria ở Jabal al-Tayr (tỉnh Minya) và tu viện Deir al Muharraq (Trinh nữ Maria) thuộc tỉnh Assiut, nơi Thánh Gia, theo truyền thống địa phương, đinh cư thêm sáu tháng trong một hang động, sau đó được kết hợp trong nhà thờ cổ của Trinh nữ.

Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập Khaled al Anani, đã nhấn mạnh trong các bài phát biểu công khai gần đây, về sự liên quan lịch sử và giáo hội về thời gian trú ngụ của Thánh Gia trong lãnh thổ Ai Cập, tái khởi động các giả thuyết lịch sử cho rằng Hài Nhi Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse vẫn còn ở lại Ai Cập nhiều năm và trở về Palestine sau khi Hêrôđê qua đời. Có ít nhất 25 địa điểm được tuyên bố là những địa nơi Thánh Gia đã chạm vào khi trốn sang Ai Cập. Theo tài liệu của Agenzia Fides, chính quyền Ai Cập cam kết quảng bá "Con đường Thánh Gia" ở Ai Cập về mặt du lịch. Vào ngày 4 tháng 10 năm 2017 Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong buổi tiếp đón chung các khách hành hương, đã chào đón một phái đoàn lớn từ Ai Cập đến Rome để quảng bá các cuộc hành hương dọc theo "Con đường Thánh Gia"

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Fenzia Fides
 
Một vài khuôn mặt tiêu biểu của hàng Giám Mục Úc
Vũ Văn An
17:28 05/07/2019
Nhân chuyến viếng thăm mộ hai thánh Phêrô và Phaolô năm nay của hàng Giám Mục Úc, báo chí Công Giáo giới thiệu một vài khuôn mặt tiêu biểu của các ngài.



Giám mục Twitter

Trước nhất là Đức Cha Richard Umbers, Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Sydney, người được Inés San Martín của Crux giới thiệu. Theo nữ ký giả này, một số Giám Mục Úc có tiếng là tích cực trên Twitter. Đức Cha Umbers là một trong số này.

Sau 2 tiếng đồng hồ yết kiến Đức Giáo Hoàng Phanxciô, ngài lên Twitter viết rằng đây là 1 “cuộc yết kiến tuyệt vời” và rất khích lệ. “Chúng tôi nói về đủ chuyện và Đức Thánh Cha đáp lời bằng 1 sự khôn ngoan mục vụ rất vĩ đại. Quả là một cuộc ‘incontro’ (gặp gỡ) đích thực và đồng hành với các Giám Mục Úc”.

Năm ngoái, Martín cho hay, khi ở Hoa Kỳ hướng dẫn 1 nhóm ngưòi Úc tham dự Diễn Hành Vì Sự Sống, Đức Cha Umbers đã tổ chức các buổi gặp gỡ với một số người ngài gặp trên các phương tiện truyền thông xã hội, một thứ rất gần với “việc hẹn hò trực tuyến” mà một giám mục Công Giáo từng trải nghiệm.

Đức Cha Umbers nói với Crux: “cô có thể kết nhiều bạn mới trên trực tuyến, nhưng rồi cô cũng có cơ hội nối dài điều đó qua cuộc sống ở bên ngoài máy vi tính. Người ở tổng giáo phận thực sự lo lắng, cứ nghĩ là tôi liều mình gặp 1 tên sát nhân hay gì gì đó, nhưng quả thực là lý thú”.

Đức Cha Umbers vào tháng Giêng tới sẽ có mặt ở Washington D.C. để dự Diễn Hành Vì Sự Sống hàng năm, 1 biến cố ngài hy vọng sẽ được phỏng theo tại Sydney trong 1 tương lai gần đây, tập chú vào việc bảo vệ sự sống từ lúc tượng thai.

Ngài nói: “tôi nghĩ chúng ta cần tập chú vào việc phá thai, dù có nhiều tranh luận về việc này... Tôi cho chúng ta cần tập chú nếu không..., rất có thể nó trở thành vô nghĩa”.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta chỉ loay hoay vào 1 vấn đề duy nhất. Chúng ta vẫn cần đề cập tới các vấn đề như di dân, nhân phẩm ... nhưng cần dành cho vấn đề phá thai một tập chú.

Về khía cạnh này, ngài ước mong không phải chỉ có người Công Giáo hay Thệ Phản tham gia mà cả những người thuộc các tín ngưỡng khác hoặc không có tín ngưỡng nào cả, vì vấn đề sự sống từ lúc tượng thai là “một sự kiện khoa học”.

Nói về buổi tĩnh tâm trước khi gặp Đức Thánh Cha, Đức Cha Umbers cho biết đây là 1 trải nghiệm tuyệt vời vì lúc ở nhà, bận bịu với công việc, chẳng ai lưu tâm đến ai, nay có dịp ngồi lại, dự linh thao của Thánh Inhã, giãi bầy tâm tình với nhau, những trĩu nặng tâm hồn được trút bỏ, thật tuyệt vời được “biết” nhau, chia sẻ và khích lệ nhau.

Đuợc hỏi khi gặp Đức Thánh Cha, Đức Cha sẽ nói gì, Đức Cha Umbers trả lời: nếu có dịp, ngài sẽ nói về các phương tiện truyền thông xã hội. Nghe thế, Crux hỏi về khả thể một phủ doãn tông toà tòng nhân lo về mạng xã hội này. Đức Cha trả lời điều đó đi quá xa. Nhưng cần khai triển các đặc sủng giúp các tu sĩ và giáo dân ngồi lại với nhau tìm cách phối trí loại tông đồ này.

Thực ra chữ đặc sủng có vẻ mơ hồ, nhưng theo Đức Cha Umbers, phải có một chú mục đặc biệt: những người này dành thì giờ để ở trên trực tuyến; dĩ nhiên, họ cần được huấn luyện và cũng cần nhiều thì giờ sống ngoài trực tuyến. Vì theo ngài, muốn hữu dụng trên trực tuyến, bạn phải ở những nơi khác nữa: trước Mình Thánh Chúa, đọc sách thiêng liêng, các sách hiện thời, để có thể đem tới 1 điều gì đó khác đi. Vấn đề là khi bạn có thể đọc liên mạng, nói liên mạng, nhưng lại chỉ có thể ợ ra những điều đã được đề ra ở những nơi khác.. Bạn cần phải đem đến 1 điều gì đó mới mẻ phát xuất từ chính cuộc sống của bạn trong cầu nguyện và đọc các sách thiêng liêng cổ điển.

Theo Đức Cha Umbers, ta không thể sống hoàn toàn trên trực tuyến. Chính vì thế ngài nghĩ tới những cuộc hội ngộ của các tay “Twitters”: kết bạn trên trực tuyến nhưng đưa họ vào đời thực.

Nói về việc đem Diễn Hành Vì Sự Sống áp dụng ở Sydney, Đức Cha Umbers cho hay: vì ở Úc có 1 nhà triết học xú danh tên là Peter Singer, người nổi tiếng từ lúc còn ở Princeton, chủ trương loại bỏ Thiên Chúa khỏi xã hội; hợp pháp hóa trợ tử, mọi sự đều phải theo chủ nghĩa thực dụng đều là sản phẩm của triết gia này. Chúng ta cần phản công thứ ý thức hệ này một cách mạnh mẽ, để mọi người nhìn thấy hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa nơi mỗi hữu thể nhân bản từ lúc tượng thai cho tới lúc chết tự nhiên.



Gặp gỡ cha chung

Trong khi đó, Zenit gặp vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane. Ngài cho biết các Giám Mục Úc đã nêu nhiều vấn đề với Đức Giáo Hoàng, những vấn đề được Giáo Hội Công Giáo Úc hết sức lưu tâm. Trong đó, có vấn đề tận diệt nạn lạm dụng tình dục trẻ em và phục vụ người Aboriginal và người thuộc quần đảo Torres Strait, các hy vọng đối với Công Đồng Toàn Thể và tìm ra các đường lối mới để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô trong xã hội Úc đang thay đổi.

Đức Cha cho hay Đức Thánh Cha rất thoải mái và thân tình nói chuyện và lắng nghe các Giám Mục Úc, “ở tuổi ngài, nghị lực của Đức Thánh Cha trong suốt cuộc đàm luận lâu giờ và phức tạp quả là điều kỳ diệu”.

Theo Zenit, Đức Cha Charles Gauci, được tấn phong mới đây nhất để coi sóc giáo phận Darwin, cho biết rất có ấn tượng về Đức Thánh Cha Phanxicô, vì nhân tính, lòng cảm thương, cảm thức hợp đoàn, lòng say mê làm việc với mọi người dân Chúa trong 1 Giáo Hội có tính đồng nghị và cam kết thực sự đối với Tin Mừng của ngài.

Inés San Martín của Crux, dịp này, cũng đã gặp Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, người từng dự “ad limina” 3 lần, thành thử, đủ tư cách để đánh giá sự hữu dụng của loại thăm viếng này và theo ngài chuyến thăm viếng năm nay hơn hẳn mấy chuyến trước. Nhất là về phía giáo triều, hết nạn “dạy đời” như trước, trái lại biết lắng nghe hơn, có tác phong đối xử “Người lớn với người lớn” hơn trước nhiều. Ngài khen ngợi Bộ Gia Đình, Giáo Dân và Sự Sống đã cung cấp thông tin về mỗi nhân viên của Bộ: họ là ai, họ làm gì, nên các Giám Mục khi có chuyện biết phải liên lạc với ai. Ngài mong mọi bộ sở khác cũng hành xử như thế.

Ngài cho biết “vào lúc này, sự việc đang khó khăn cho Giáo Hội ở Úc, nhưng [chuyến hội kiến với Đức Thánh Cha] đem lại cho chúng tôi nhiều khích lệ. Khi từ giã tôi nghĩ: Phêrô được truyền trờ thành tảng đá cho đức tin của chúng ta, cho Giáo Hội, và củng cố, khích lệ anh em và ngài quả đã làm thế cho chúng tôi”.

Ngài nói với Martín về tình hình hiện nay của Giáo Hội Úc, về việc cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục đã phân cách hàng giáo phẩm với hàng giáo dân ra sao nhưng về nhiều phương diện nó cũng đã kéo hai bên gần lại nhau hơn.

Theo Đức Tổng Giám Mục, Giáo Hội tại Úc đang trong thời kỳ hết sức thách thức. Có sự vỡ mộng ghê gớm, thất vọng, thậm chí giận dữ đối với Giáo Hội, cả trong hàng ngũ tín hữu, chứ đừng nói nơi quảng đại quần chúng, vì nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục”.

Đức Tổng Giám Mục kể lại “tôi rời nhà xứ nhà thờ chính tòa bị chửi, bị nhổ nước miếng, bị gọi là tên ấu dâm và nhiều điều tồi tệ giống như thế. Có một dạo, tôi lo lắng khi phải ra ngoài, nhưng nói về nó quả có ích... Nếu các mục tử chúng tôi và giáo dân có thể nói với nhau về những việc này, chia sẽ đau buồn, giận hờn về những gì đã phạm sai lầm và cả về tình yêu của chúng ta đối với Chúa và cam kết chấm dứt nạn ấu dâm, tôi nghĩ, cuối cùng, chúng a sẽ sát lại gần nhau hơn”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết thêm: “Thời gian này cũng thách thức do phong trào tục hóa rất nhanh chóng hiện nay”. Ở mọi bình diện “chúng tôi thực sự đang rất khó khăn: có những đe dọa đối với tự do tôn giáo. Chúng tôi có trợ tử tại 1 trong các tiểu bang. Cũng có đe doạ cắt giảm tài trợ cho các trường Công Giáo...”

Tuy nhiên, theo Đức Tổng Giám Mục, cũng có nhiều dấu hy vọng: như việc sau chuyến viếng thăm này, ngài sẽ trở về giáo phận để một lúc truyền chức linh mục cho 7 ứng sinh, nhiều nhất trong 20 năm nay.

Một hình ảnh thân thương được Đức Tổng Giám Mục ghi nhận nơi Đức Phanxicô là trong cuộc hội kiến, vì phòng không có máy lạnh, mà trời Rôma lại hết sức nóng, các Giám Mục đương nhiên khát nước. Chính Đức Thánh Cha đi tới chỗ để nước, rót đầy ly và đưa cho các cộng sự viên. “Một điều nhỏ thôi, nhưng ai trong chúng tôi củng lưu ý. Nó hết sức nhân bản, đó là điều những người quan tâm tới người khác thường làm một cách tự động, nhưng quả là đáng yêu được thấy Đức Giáo Hoàng làm điều đó. Tất cả chúng tôi khi ra về đều có ấn tượng”.

Đức Tổng Giám Mục cho rằng “được nghe Đức Giáo Hoàng nói một cách gần gũi, đích thân và thân ái, chỉ đơn giản nói tâm ý của ngài với tôi... Tôi ngồi ngay phía sau ngài suốt buổi yết kiến, nên tôi có thể thấy mọi cử chỉ của ngài, ngôn ngữ thân xác của ngài... tôi nghe ngài thật khác với trước cuộc viếng thăm ad limina, vì tôi cảm thấy biết ngài tốt hơn một chút và thực sự ngài ra sao. Nó cho tôi nhiều tin tưởng hơn và tôi biết rằng chính trong bản chất nền văn hóa bất bình, giận dữ của chúng ta hiện nay, người ta chỉ muốn đánh nhau, giận dữ nhau... Nhưng ngài không như thế, chúng ta cũng không nên như thế, nên thấy những điều tốt nhất nơi nhau và những lời lẽ của người khác”.



Công đồng toàn thể

Cũng theo Martín, Đức Tổng Giám Mục Melbourne, Commensoli, sau khi đề cập tới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, một trong những điều được các Giám Mục đàm đạo với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã nói tới công đồng toàn thể của Giáo Hội Úc vào năm tới.

Đức Tổng Giám Mục cho hay đây là hình thức hành động cao nhất của 1 Giáo Hội địa phương cấp quốc gia. Nó khác với một Thượng Hội Đồng. Công đồng toàn thể là một diễn trình lập pháp, dẫn tới không những các quyết định mà là các quyết định có tính trói buộc. Chúng phải được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn. Nó không phải là 1 Thượng Hội Đồng nhưng nó có tính Thượng Hội Đồng (synodal). Nó không chỉ bao gồm các Giám Mục và các vị được cử nhiệm theo giáo luật, nhưng “chúng tôi chọn một phương thức bao quát hơn”.

Đức Tổng Giám Mục giải thích thêm: có tính Thượng Hội Đồng nghĩa là cùng nhau bước đi như một Giáo Hội: dân Chúa giáo dân; dân Chúa tu sĩ; dân Chúa giáo sĩ; và dân Chúa giám mục. Và trong việc cùng nhau bước đi này, Giáo Hội Úc vừa hoàn thành năm thứ nhất của diễn trình lắng nghe và đối thoại. Hơn 200,000 người đã tham gia diễn trình này. Mọi tư liệu được phân tích và xem xét. Từ đó, sáu chủ đề đặc thù đã được đúc kết. “Hiện nay, chúng tôi đang điều nghiên chúng, chuẩn bị các tài liệu, và rồi sẽ tổ chức 2 phiên họp, phiên thứ nhất sẽ diễn ra trong tháng 10 năm 2020”.

Điều thu lượm được trong phiên họp trên sẽ được đúc kết thành một loạt các tài liệu, một thứ lineamenta, tài liệu chuẩn bị, để trả lời câu hỏi chủ chốt này “Thiên Chúa mong đợi gì ở Giáo Hội tại Úc vào lúc này”. Rồi các Giám Mục sẽ phải đưa ra quyết định.

Công đồng toàn thể, theo một nghĩa nào đó, có thể là phiên bản quốc gia của công đồng chung.

Nhân dịp này, Đức Tổng Giám Mục Commensoli cho biết diễn trình hình thành ý niệm tổ chức công đồng toàn thể. Ý niệm này có từ Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008. Nhưng cần thời gian để chuẩn bị. Bắt đầu bằng năm ơn thánh, năm tĩnh tâm cầu nguyện, để tìm xem có thể thấy khuôn mặt Chúa Kitô ở đâu trong đời sống Giáo Hội. Sau năm ơn thánh này, Giáo Hội Úc lại tự hỏi “nay có phải là lúc tổ chức công đồng toàn thể hay chưa?”. Rồi diễn ra Ủy Ban Hoàng Gia điều tra việc giáo sĩ lạm dụng tình dục theo chiều kích định chế. Các Giám Mục nói sự sống Tin Mừng phải tiếp diễn và chúng ta cần biết Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta vào lúc này, căn cứ vào thực tại chúng ta đang phải đối đầu. Do đó, như một Hội Đồng Giám Mục, “chúng tôi đã kiến nghị tổ chức một công đồng toàn thể và Tòa Thánh đã chấp thuận”.

Dĩ nhiên, công đồng toàn thể không đụng đến vấn đề tín lý nhưng làm thế nào áp dụng tín lý vào hoàn cảnh cụ thể của Úc. Thí dụ, làm thế nào tiếp tục xây dựng đời sống Giáo Hội ở Úc cho người bản địa? Hay đâu là vai trò của giáo dân trong việc cai quản và quản lý đời sống Giáo Hội.

Theo Đức Tổng Giám Mục, giáo dân phải can dự nhiều hơn vào đời sống Giáo Hội. Ngài cho rằng thực tại ở Úc khác với thực tại ở Hoa Kỳ. Vì liên hệ của các Giám Mục với giáo dân ở Úc có khác. Kể từ thập niên 1990, Giáo Hội Úc đã có các chuyên viên giáo dân và có lúc họ đã hoàn toàn can dự vào việc điều tra khách quan các trường hợp lạm dụng tình dục.

Ở Melbourne chẳng hạn, đã có một ủy ban và một hội đồng duyệt xét độc lập để bồi thường từ năm 1996, và một bộ phận trợ giúp độc lập, trợ giúp về cả tâm lý nữa. Cả ba đều được hưởng một mức độ tự trị nào đó đối với tổng giáo phận và không có linh mục nào can dự vào.



Giám mục thổi kèn túi (bagpipe)

Martín cũng đã gặp Đức Cha Columba Macbeth-Green của giáo phận Wilcannia-Forbes, có diện tích bằng nước Pháp, nhưng giáo dân chỉ là 30,000 người.

Ngài có nhiều điều độc đáo, thuộc 1 dòng tu chỉ có 3 Giám Mục khắp thế giới, Dòng Thánh Phaolô. Ngài không có bằng cấp gì, chỉ là tuyên úy cho cảnh sát, chưa làm việc gì ở tòa Giám Mục. “Tôi cho rằng được làm Giám Mục chỉ vì mình là người địa phương!”.

Rất vui tính, hay pha trò, mà theo ngài là nhờ làm tuyên úy cảnh sát. Ngài có tiếng cười bể bụng "làm người chết sống lại" và không hề có thứ chính xác chính trị mà rất nhiều người ngày nay bám vào.

Ngài bảo “đời quá ngắn... vui đùa quả hết sức quan trọng. Các vấn đề của thế giới, các vấn đề của Giáo Hội, nhiều vô kể. Nhưng bạn không thể quên Niềm Vui Tin Mừng. Tin Mừng đâu có buồn bã!”.

Martín nhận xét mỗi lần ngài cười, nét cười kéo tận tới tai vị Giám Mục! Ngài bảo: “nếu có điều đáng cười, tại sao không cười. Nó đâu có nghĩa bạn bất cần, nó chỉ có nghĩa bạn có thể cười chính bạn và cười với người khác. Người là người, và ai cũng cần phải cười”.

Những nét trên hình như lạc điệu ở Vatican. Bởi thế vị Giám Mục này gần như ngọng lưỡi suốt trong thời gian ở đây với anh em Giám Mục của ngài. Nhưng chúng rất xứng hợp lúc ngài đi thăm một “trạm” như người ta vốn gọi các trang trại mênh mông tại quê nhà của ngài.

Ngài bảo “người ở đấy rất đơn sơ nhưng sâu sắc, gần với đất, với một cảm thức hài hước rất tốt.Và điều bạn cần làm ở đó là đi thăm người ta rất nhiều, đem các bí tích đến với họ, và sau đó, có thể giúp họ xén lông cừu, sửa hàng rào hay chỉ đơn giản cùng uống 1 chai bia”

Làm 1 Giám Mục “có mùi của chiên” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói là một thách thức ngài sẵn sàng đối đầu thẳng thừng, đôi lúc thực sự nắm cả sừng bò. Gần đây, trong khi khai mạc một biến cố từ thiện, ngài được mời làm người đầu tiên cỡi một con bò húc cơ khí. Ngài cỡi ngon lành, chứng cớ còn trên internet!

Trang Sách Mặt của ngài được ngài coi như một dụng cụ mục vụ, nhưng quả là một thứ mục vụ pha trộn, chứa đủ thứ: lời cầu nguyện có, thông báo ngày lễ có mà còn cả hình ảnh và video về chính ngài mà một Giám Mục bình thường dám cảm thấy bối rối: nhẩy múa với một nhóm trẻ em Ý “như thể không ai trông thấy”, cỡi con bò húc cơ khí hay khoe chiếc mũ cao bồi ngài từng diễn hành suốt thời gian ở Rôma mà theo ngài phần lớn các Giám Mục rất ước ao lúc trời lên cơn nóng!

Cảm thức hài hước của ngài cũng giúp ngài rất nhiều khi giao tiếp với người bản địa trong tư cách chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc với Người Bản Địa và Quần Đảo Torres Strait của Hội Đồng Giám Mục Úc.

Theo Đức Cha Macbeth-Green, phần lớn người ta sợ giao tiếp với người bản địa một cách hài hước vì tính chính xác chính trị, nhưng điều này chỉ làm họ trở thành “nghiêm khắc và thiếu giao tiếp”. Ngài nói với Crux: “họ sợ hài hước có thể xúc phạm. Nhưng tôn trọng đâu có nghĩa bạn không có óc hài hước! Trái lại, sự kiện bạn có thể chia sẻ 1 hài hước có nghĩa là bạn tôn trọng người ta, bạn tự hạ khí giới khỏi bản thân và để người ta biết bạn cũng chả khác gì họ”.

Suốt buổi gặp gỡ đại diện Crux, là những tiếng cười thật tươi của ngài. Ngài bảo “nếu cô không thấy điều gì mỗi ngày làm cho cô mỉm cười, dù đó chỉ là con bướm, một điều gì đó mang lại cho cô một niềm vui thực sự, thì hẳn cô đang có một vấn đề tâm linh rồi đó. Cô lọt vào cơn lốc buồn sầu ảm đạm và mọi người quanh cô rồi cũng bị cuốn hút vào đó”.

Tuy nhiên, điều trên vẫn không làm ngài khỏi đau cái đau do các tai tiếng lạm dụng gây nên. Ngài bảo khi vấn đề nổ ra, thái độ của ngài thay đổi hoàn toàn. Nét cười biến mất khỏi mắt ngài. Theo ngài, đáp ứng phải có ngay khi chứng cớ của nạn nhân đã rõ ràng “Cô phải ngậm miệng lại và lắng nghe, nói với họ, dành thì giờ cho họ.Nhưng phải chân thực khi làm thế. Cô phải làm thế vì cô muốn làm, chứ không phải vì phải làm hay quan tòa buộc cô phải làm”.

Ngài cho rằng vai trò tuyên úy cảnh sát giúp ngài nhiều hoàn cảnh trấn thương cần phải xử lý. Nhưng ngay trong những trường hợp như thế, óc hài hước vẫn cần. Nó là thứ then máy để đương đầu với nghịch cảnh.

Nói về giáo phận của ngài, ngài cho hay biết mọi linh mục trong giáo phận không khó khăn gì đối với ngài vì vỏn vẹn chỉ có 14 vị. Chính vì thế, ngài gặp nhiều thách thức: phải lái xe 9 tiếng rưỡi đồng hồ mới tới nhà thờ chính tòa, hay 4 giờ mới tới cử hành Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống cho 15 người. Ban phép thêm sức hàm nghĩa phải lái xe nhiều giờ hay bay tới trên 1 máy bay 10 hành khách để ban phép thêm sức cho 3 trẻ em.

Hàng tuần, ngài tải lên một bài giảng 5 phút để tín hữu tải xuống và đọc trong cộng đoàn vào Chúa Nhật và sau đó một thừa tác viên cho rước lễ, một hình thức gần nhất với Thánh lễ mà phần lớn người trong giáo phận lãnh nhận...

Ngài có một Trường Trên Không, một chương trình giáo lý trên internet... Quả là một thách thức nhưng cũng có nhiều an ủi. Ngài bảo “ai cũng biết ông Giám Mục là ai. Khi trẻ em thấy tôi đến, chúng thường hỏi tôi có mang con Molly [con chó], chiếc kèn túi và chiếc vĩ cầm đến hay không”.
 
Hàng loạt tướng lãnh và Bộ trưởng Sri Lanka bị bắt vì dấu diếm thông tin liên quan đến vụ khủng bố hôm Chúa Nhật Phục sinh
Đặng Tự Do
18:55 05/07/2019
Cảnh sát Sri Lanka đã được lệnh phải bắt giữ chính tướng Tư Lệnh cảnh sát của họ, là tướng Pujith Jayasundara và Bộ trưởng Quốc phòng Hemasiri Fernando. Hai quan chức cao cấp này bị cáo buộc đã nhận được các tin tình báo nhưng không báo cho các cơ quan an ninh, và do đó, đã để xảy ra các vụ thảm sát hôm Chúa Nhật Phục sinh tại ba nhà thờ và ba khách sạn ở Colombo. Vụ thảm sát tai hại này gây ra cái chết của 258 người và làm 500 người khác bị thương.

Hai quan chức cao cấp này có thể bị kết án rất nặng, Thật vậy, phát ngôn viên cảnh sát nói rằng cáo buộc chính nhắm vào những người vừa bị bắt cho rằng họ đã hành động bất cẩn. “Thái độ của họ”, ông nói thêm, đã khiến cho “tội ác chống lại nhân loại này”, có thể diễn ra và vì thế “họ đáng bị kết án đồng mưu giết người”.

Sau cuộc thảm sát ngày 21 tháng Tư, các cơ quan tình báo Ấn Độ cho biết họ đã đưa ra tất cả là ba cảnh báo khủng bố trong những tuần trước các cuộc tấn công, nhưng đã bị các nhà lãnh đạo Sri Lanka phớt lờ. Cảnh báo đầu tiên được đưa ra hôm 4 tháng Tư; và cảnh báo cuối cùng được gởi đến chỉ vài giờ trước vụ nổ.

Trong các cảnh báo này Ấn Độ thông báo cho chính quyền Colombo về các hoạt động của Zahran Hashim, lãnh đạo nhóm chính trị quốc gia Thowheed Jamath, là tác giả của các vụ tấn công. Theo cơ quan tình báo ở Delhi, kẻ khủng bố, là người đã chết trong vụ thảm sát này, từ lâu đã cố gắng tạo ra một nhánh của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Nam Ấn Độ và Sri Lanka.

Sau các cuộc tấn công, chính Tổng thống Maithripala Sirisena đã buộc phải thừa nhận, một cách bối rối, rằng ông đã không nhận được bất cứ một cảnh báo nào từ phía cảnh sát. Vì thế, ông đã yêu cầu nhiều nhân vật quan trọng từ chức và đã mở cuộc điều tra dẫn đến việc bắt giữ hai nhân vật vừa nêu.

Hai quan chức cao cấp vừa bị bắt tuyên bố đã cảnh báo phủ tổng thống, nhưng tổng thống Sirisena không bao giờ “coi các mối đe dọa này là nghiêm trọng”. Trong khi đó, Tổng thống khẳng định ông chưa bao giờ nhận được bất cứ một thông báo nào.


Source:Asia News
 
Tránh tin đồn ác ý, Tòa Thánh khai quật hai ngôi mộ trong nghĩa trang Vatican
Đặng Tự Do
22:22 05/07/2019
Ngày 11 tháng Bẩy tới đây, hai ngôi mộ trong một nghĩa trang của Thành phố Vatican sẽ được khai quật để xác định xem thi thể của Emanuela Desserti có được chôn cất ở đó hay không.

Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho biết như trên.

Emanuela Orlandi được mười lăm tuổi khi cô đột nhiên biến mất vào ngày 22 tháng 6 năm 1983 trên đường về nhà sau một buổi học âm nhạc ở Rôma.

Trường hợp mất tích của cô, đến nay vẫn chưa có đầu mối nào, đã tạo ra cơ man những đồn đoán tại Ý.

Cha của Emanuela Orlandi là một công dân của quốc gia Thành Vatican, nên gia đình cô làm việc và sống ở Vatican.

Hôm 10 tháng Tư vừa qua, phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã cho mở một cuộc điều tra về các ngôi mộ ở Vatican sau khi luật sư của gia đình Orlandi nhận được một bức thư nặc danh nói rằng hài cốt của cô đã được chôn cất trong nghĩa trang Teutonic.

Ông Alessandro Gisotti, cho biết các cuộc điều tra đã dẫn đến quyết định khai quật hai ngôi mộ trong nghĩa trang Teutonic, bên cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô, vào ngày 11 tháng Bẩy.

“Một khi các ngôi mộ được mở ra và hài cốt được khai quật, chúng sẽ được xác định niên đại và xét nghiệm DNA,” Ông Alessandro Gisotti nói.

Hôm 29 tháng Mười năm ngoái các công nhân ngành xây dựng phát hiện ra một bộ xương người trong khi trùng tu Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Ý. Biệt thự này thường được gọi là Villa Giorgina.

Tòa nhà này, nằm trong khu vực quận Pinciano, đã được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 20, chính xác là vào năm 1929. Toàn bộ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh rộng đến 20,000m2. Tòa nhà chỉ chiếm một góc nhỏ trong toàn bộ diện tích mênh mông này.

Chủ nhân của ngôi biệt thự này là ông Isaia Levi, một người Do Thái, sinh trưởng tại thành phố Turinô, miền Bắc nước Ý. Ông là một kỹ nghệ gia và từng được bầu vào Thượng Viện Ý dưới thời Mussolini. Ông chỉ làm Thượng Nghị Sĩ được có 11 ngày từ 9 tháng 12, 1933 đến ngày 20 tháng 12 năm đó thì phải từ chức vì bị phát hiện là người Do Thái.

Trong thời kỳ Quốc Xã Đức chiếm đóng Rôma, ông được Tòa Thánh che chở. Cảm ơn này, ông đã cải đạo sang Công Giáo và năm 1949 đã tặng ngôi biệt thự này cho Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12. Mười năm sau đó, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã di chuyển Tòa Sứ Thần Tòa Thánh từ đường Nomentana, nay là Tòa Đại Sứ Libya, về biệt thự này.

Các công nhân ngành xây dựng đã phát hiện ra một bộ xương người khi đào bới tầng hầm của ngôi nhà. Hiến binh Vatican lập tức được gọi đến hiện trường, và họ đã nhanh chóng báo cho các viên chức hữu quan của Tòa Thánh.

Biệt thự Villa Giorgina tuy nằm ngoài Vatican nhưng vẫn được hưởng quy chế “extra territorium” – nghĩa là coi như nằm ngoài lãnh thổ nước Ý. Do đó, toàn bộ câu chuyện này có thể được giải quyết hợp pháp bởi Vatican. Đây là một chi tiết các báo chí thế tục không có cảm tình với Giáo Hội không muốn đề cập đến.

Chánh Công tố của Rôma, là ông Giuseppe Pignatone, đã ra lệnh cho các chuyên gia pháp y cảnh sát và một đội điều tra lưu động đến tại hiện trường. Tòa Thánh đã giao bộ xương người này cho chính quyền Ý.

Nhật báo La Repubblica của Ý là tờ đầu tiên tung ra tin đồn theo đó người chết là một trong hai cô gái trẻ, là Emmanuela Orlandi và Mirella Gregori, đã biến mất cách đây ba mươi lăm năm trước. Chủ ý của tờ này là vu cáo có ai đó ở Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã lạm dụng tính dục rồi “giết người diệt khẩu”.

Trong bối cảnh những tai tiếng lạm dụng tính dục, thủ đoạn của tờ La Repubblica được nhiều phương tiện truyền thông thế tục tung hứng. Trước những đồn thổi bất lợi cho Giáo Hội, ngày thứ Năm 8 tháng 11 vừa qua, đích thân Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ tọa một buổi họp báo về câu chuyện bộ xương người tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Ý. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu xa của Tòa Thánh trước diễn biến này.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bộ xương này là của một người đàn ông Rôma đã chết trong khoảng thời gian giữa những năm 90 và 230 sau Chúa Giáng Sinh.


Source:Catholic Herald
 
Đức Hồng Y Raymond Burke lên tiếng về một câu chuyện tai hại đang gây xao xuyến trong Giáo Hội Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
23:13 05/07/2019
Sau vụ McCarrick, Giáo Hội tại Hoa Kỳ đang phải đối phó với trường hợp tai hại của Đức Cha Michael J. Bransfield, nguyên Giám Mục Wheeling-Charleston. Câu chuyện này đang được các thế lực thù ghét với Giáo Hội khai thác tối đa, cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Christopher Altieri, của tờ Catholic Herald, có bài bênh vực cho Giáo Hội nhan đề “Cardinal Burke breaks silence over gifts from disgraced bishop” – “Đức Hồng Y Burke phá vỡ sự im lặng về những món quà từ vị giám mục thất sủng.”

Nếu quý vị và anh chị em không có thời giờ để đọc toàn bộ thì vắn tắt câu chuyện là thế này:

Đức Cha Michael J. Bransfield, nguyên là Giám Mục Wheeling-Charleston, đã lạm dụng tính dục các linh mục, chủng sinh trong giáo phận như trường hợp của McCarrick. Các phương tiện truyền thông tại Hoa Kỳ cho rằng Đức Cha Bransfield có thói quen tặng “hiện kim” cho nhiều viên chức cao cấp trong Giáo Hội để mua chuộc các ngài bao che cho mình. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Burke khẳng định số tiền biếu xén này không nhiều và thường là dưới dạng trả tiền thù lao giảng phòng cho các linh mục, tiền máy bay, tàu xe…không phải là hối lộ để bao che như các cáo buộc của báo chí.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang tiếng Việt.


Đức Hồng Y Burke phá vỡ sự im lặng về những món quà từ vị giám mục thất sủng

Đức Hồng Y Raymond Burke đã phá vỡ sự im lặng về sự xuất hiện của tên ngài trong danh sách các viên chức cao cấp đã nhận được quà tặng từ Đức Cha Michael J. Bransfield, Giám mục Wheeling-Charleston, là đối tượng chính của một cuộc điều tra gần đây và đã bị Vatican trừng phạt sau khi tìm thấy những bằng chứng về sự bất chính nghiêm trọng trong tình dục và tài chính.

Được giao nhiệm vụ điều tra sơ bộ về hành vi của Đức Cha Bransfield khi còn tại chức, Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore đã chỉ định một nhóm các nhà điều tra là những người sau đó đã đưa ra một loạt bằng chứng, bao gồm lời khai từ các nạn nhân bị cáo buộc là đối tượng ham muốn tình dục của Bransfield - nhiều người trong số họ là các linh mục và chủng sinh; và cả xu hướng tiêu tiền rất rộng tay của ngài. Tờ Washington Post đã tường thuật vào tháng trước [tháng Sáu vừa qua - chú thích của người dịch] rằng Đức Cha Bransfield cũng viết chi phiếu cá nhân cho nhiều viên chức trong Giáo Hội, rồi sau đó chính ngài yêu cầu giáo phận thanh toán lại các khoản tiền này.

Đức Cha Bransfield đã phủ nhận mọi hành vi sai trái. “Mọi người đang cố gắng phá hủy danh tiếng của tôi. Những người này thật kinh khủng với tôi,” ngài nói với tờ Washington Post.

Trong tuyên bố chính thức của mình, Đức Hồng Y Burke cho biết:

“Mọi quà tặng tài chính tôi nhận được từ Đức Cha Bransfield chỉ là tiền thu lao trong dịp gặp gỡ các linh mục hoặc quà tặng Giáng sinh. Tôi tin rằng ngài cũng từng tặng tôi một món quà nhân dịp tôi trở thành Hồng Y.” Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng những món quà đó thật quảng đại, nhưng không hậu hĩnh lắm đâu. Đức Hồng Y Burke cũng nói thêm rằng ngài đã sử dụng những món quà của Đức Cha Bransfield cho các quỹ từ thiện của mình.

Về mối quan hệ của mình với Đức Cha Bransfield, Đức Hồng Y Burke cho biết, “Tôi biết Đức Cha Michael Bransfield như một giám mục Mỹ, có vậy thôi. Trong những năm làm Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, thỉnh thoảng, ngài sắp xếp để tôi gặp các nhóm linh mục giáo phận mà ngài đưa sang Rôma, để giải thích cho họ về công việc của tôi trong giáo triều Rôma.”

Đức Hồng Y nói thêm rằng “Mặc dù Đức Cha Bransfield biểu lộ tình huynh đệ rất tốt và rộng rãi với tôi, tôi chưa bao giờ có cơ hội để hiểu rõ về ngài.”

Từ 2008 đến 2014, Đức Hồng Y Burke là Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, tòa án cao nhất trong hệ thống pháp luật của Giáo Hội, đôi khi được mô tả là Tối Cao Pháp Viện của Giáo Hội Công Giáo. Vào năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô tái bổ nhiệm Đức Hồng Y Burke vào tòa này, với tư cách là thành viên chứ không phải là người đứng đầu.

Tuyên bố của Đức Hồng Y Burke đặc biệt nhấn mạnh rằng “Vị Hồng Y phải đưa ra lời thề không chấp nhận bất kỳ món quà nào từ một người đang tìm kiếm một đặc ân liên quan đến chức vụ và công việc của ngài. Nếu ai đó đang có một trường hợp được phân xử trước tòa án của Giáo Hội, và đưa cho tôi một chi phiếu, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận. Trong trường hợp những quà tặng của Đức Cha Bransfield, tôi không có bất kỳ lý do nào để nghi ngờ rằng đang có vấn đề nào đó.”

Mặc dù tuyên bố của Đức Hồng Y Burke đã không đề cập đến việc ngài đã nhận được bao nhiêu tiền, một nguồn tin thân cận với Đức Hồng Y cho biết ngài nhận được tổng cộng khoảng 9,700 Mỹ Kim.

Các vị Hồng Y khác nhận được khoản tiền lớn hơn. Bransfield đã trao 29,000 Mỹ Kim cho Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống, để giúp trả tiền tu sửa căn nhà của Đức Hồng Y ở Rôma. Một Hồng Y khác cũng đã nhận được tiền từ Đức Cha Bransfield là Đức Hồng Y Donald W. Wuerl, được báo cáo đã nhận được 23,600 đô la quà tặng và thù lao. Đức Hồng Y Wuerl từng là Tổng Giám Mục Washington, DC. Ngài đã thay thế Theodore McCarrick. Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York cũng nhận được tiền từ Đức Cha Bransfield.

Hồng Y Farrell và Wuerl đã trả lại các khoản tiền mà các vị đã nhận được cho Giáo phận Wheeling-Charleston, cùng với các giáo sĩ khác có tên trong báo cáo sơ bộ mà tờ Washington Post thu được.

Đức Tổng Giám Mục Lori, người lãnh đạo cuộc điều tra về Đức Cha Bransfield, cũng đã nhận được 7,500 Mỹ kim quà tặng từ Đức Cha Bransfield và 3,000 Mỹ kim thù lao giảng phòng và chi phí đi lại. Ngay trước khi tin tức được công khai, Đức Tổng Giám Mục Lori tuyên bố ngài đã nhận được tiền và sẽ trả lại số tiền đó cho Giáo phận Wheeling-Charleston, với yêu cầu rằng số tiền này sẽ được trao cho các Tổ chức Bác ái Công Giáo.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo chính thức ngài đệ trình lên Vatican, Đức Tổng Giám Mục Lori đã không nhắc đến tên của một số giáo sĩ cao cấp mà Đức Cha Bransfield đã ký chi phí, bao gồm cả chính ngài. Đức Tổng Giám Mục Lori cho biết ngài ông hối hận về quyết định này, và sẽ làm mọi việc khác đi nếu có thể. Sau đó, ngài đã gửi danh sách các vị nhận tiền của Đức Cha Bransfield lên Tòa Thánh.

Sean Caine, phát ngôn viên của Đức Tổng Giám Mục Lori, nói: “Đức Tổng Giám Mục [Lori] đã coi những món quà đó là quà tặng cá nhân dành cho ngài vào thời điểm [ngài] được bổ nhiệm và [vào dịp Giáng sinh]. Ngài không bao giờ tin rằng có một kỳ vọng nào đó về việc ngài sẽ làm bất cứ điều gì để đổi lại và không bao giờ được yêu cầu làm bất cứ điều gì như thế.”

Việc tặng những món quà bằng hiện kim như vậy là một phong tục lâu đời trong hàng giáo phẩm Hoa Kỳ. Rõ ràng, rất ít giáo sĩ có liên quan trong vụ này nghĩ rằng có điều gì đó không ổn trong hành vi của Đức Cha Bransfield.

Tờ Washington Post tường thuật rằng Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, nguyên Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, là người gây ra những ồn ào vào mùa hè năm ngoái, cũng là một viên chức cao cấp khác trong Giáo Hội đã nhận được tiền từ Đức Cha Bransfield. Sau khi tin tức này được đăng lên, ngài trả lời tờ Washington Post như sau:

“Vào dịp lễ Giáng sinh, tôi bắt đầu nhận được chi phiếu và quà tặng từ một số giám mục Hoa Kỳ, giá trị từ 100 đến 1,000 Mỹ Kim. Tôi đã từng làm Sứ thần Tòa Thánh ở nhiều nơi trên thế giới và chưa bao giờ thấy chuyện tương tự như thế,” Đức Tổng Giám Mục Viganò nói. Tuy nhiên, các nhân viên trong Tòa Sứ Thần giải thích với ngài rằng những món hiện kim như vậy là thông lệ ở Mỹ. “Không nhận những số tiền đó là một xúc phạm đối với người cho”, và thêm rằng ngài đã đưa 6,000 Mỹ Kim mà ngài nhận được để làm các công việc bác ái.


Source:Catholic Herald
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas Việt Nam : Phóng sự Tỵ Nạn và Di Dân
BTT. Caritas Việt Nam
07:58 05/07/2019
CARITAS VIỆT NAM: PHÓNG SỰ TỴ NẠN & DI DÂN

Ký Ức Của Tình Yêu và Lòng Xót Thương

“Vì muốn trốn chạy khỏi Việt nam, con đã sống sót ở đảo Palowan, Philippines. Người dân Philippines đã đón nhận chúng con, yêu thương chúng con. Con thấy mình được đặc ân khi được dừng chân trên đất nước cha.” Bà Nguyễn Thị Thu Vân (tên đã được thay đổi) hiện đang sống tại Mỹ đã nói như thế khi tiếp Đức Hồng Y Tagle tại nhà hàng của mình.

Xem video Phóng sự Di Dân & Tỵ Nạn

Trong những năm gần đây, làn sóng di dân và tị nạn ngày càng nhiều. Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Có rất nhiều lý do, vì xung đột, nội chiến, đói khổ, thất nghiệp v.v. Họ phải ra đi để lại sự chia ly. Người ta sẽ chẳng bao giờ muốn rời bỏ quê hương xứ sở của mình, nếu họ đang có một cuộc sống yên ổn. Trước thảm cảnh của người di dân, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô luôn quan tâm đặc biệt đến họ. Ngài đã quảng bá chiến dịch Chia Sẻ Hành Trình. Ngài kêu gọi mọi người hãy ra đi đến gặp gỡ, thăng tiến, bảo vệ và hòa nhập người di dân và tị nạn vào cộng đồng. Ngài tha thiết kêu gọi các tổ chức, các chính phủ lưu tâm đến anh chị em di dân và tị nạn.

Hưởng ứng Chiến Dịch Chia Sẻ Hành Trình của ĐTC Phanxicô. Ban truyền thông Caritas Việt Nam dựa trên hai câu chuyện của Đức Hồng Y Tagle, Chủ Tịch Caritas Quốc Tế đã chia sẻ và đăng tải trên YouTube xin được viết lại và gởi trao tâm tình cảm nhận:

Trong một dịp đến Washington DC, Mỹ, Đức Hồng Y Tagle đáp chuyến bay tại phi trường Virginia. Một người em trai và người họ hàng của ngài đã ra đón và gợi ý với ngài ăn tối ở gần ngay phi trường. Muốn cho mau lẹ để có chút thời gian nghỉ ngơi vì trời đã tối. Ngài đồng ý dùng bữa tại một nhà hàng “Phở” Việt Nam. Đang khi dùng món tráng miệng, một phụ nữ tiến ra chào ngài và giới thiệu bà là chủ nhà hàng này, là người Việt Nam, và cũng là người Công Giáo.

Trò chuyện với Đức Hồng Y Tagle và nhìn phong thái ngài, bà hỏi ngài có phải là linh mục không. Câu chuyện càng được mở ra, khi bà biết đây là những người đến từ đất nước Philippines. Bởi lẽ, mỗi lần gặp được người philipino, lòng bà trào dâng niềm vui và biết ơn vì bà đã từng tị nạn nhiều năm ở đất nước hiếu khách này. Bà chia sẻ rằng, vì muốn trốn chạy khỏi Việt nam, con đã sống sót ở đảo Palowan, Philippines. Người dân Philippines đã đón nhận chúng con, yêu thương chúng con. Con thấy mình được đặc ân khi được dừng chân trên đất nước cha. Đức tin của con đã được “nuôi dưỡng”. Cha thấy đó, hầu hết các nhân viên của con ở đây là người Philipino. Vì mỗi khi người Filipino xin vào làm việc, con luôn dành một chỗ đặc biệt cho họ. Một chút nhỏ nhoi, con muốn đáp trả lại ân tình con đã nhận được.

Đến với nước Li băng, Đức Hồng Y Tagle đã ghé thăm một trong các trại tị nạn. Đại đa số những người tị nạn đến từ Syria, Irac, Afghanistan. Sau đó ngài có một buổi chia sẻ với những tình nguyện viên Caritas. Vì biết rằng các tình nguyện viên Caritas đã mệt mỏi như thế nào khi mỗi ngày họ phải chứng kiến hết thiên tai này đến thiên tai khác. Vì thế, đối với họ mỗi ngày đều là những ngày tăm tối.

Trong bóng tối luôn có ánh sáng lóe rạng. Chính vì thế, Đức Hồng Y mời gọi các thiện nguyện viên hãy tìm ra dấu chỉ của niềm hy vọng. Ngài nói rằng: “Giờ đây chúng ta hãy chia sẻ những câu chuyện mang đậm dấu ấn niềm hy vọng. Nơi những vết thương mở ra cho Đức Kitô, các bạn sẽ tìm được sự sống mới.” Ngài mời gọi các thành viên hãy chia sẻ những câu chuyện mà họ đã tìm thấy sự sống như thế nào khi đi vào vết thương của những người anh, người chị em mình.

Một cánh tay dơ lên, tên chị là Joan d’Ark, Joan of Ark ở nước Li băng. Công việc của chị là chăm sóc đặc biệt cho những người di dân bất hợp pháp, đó là những người bị bắt và bị bỏ tù. Nơi đây chị đã chăm sóc cho rất nhiều người Filipino ở Beirut.

Một ngày kia, chị được Caritas Syria mời tập huấn cho một số người làm mục vụ cho những người di dân bất hợp pháp. Rồi một ngày chị đón taxi đến địa điểm chủng viện là nơi tập huấn. Đến lúc bước xuống, chị hỏi người tài xế hết bao nhiêu tiền? Nhưng anh tài xế liền đáp, chị không phải trả. Người phụ nữ ấy bắt đầu lo sợ và nói: “Không, tôi có tiền, tôi có thể trả cho anh.” Người tài xế: “không, chị không phải trả.” Lúc này chị không thể kiềm chế được nỗi hoảng sợ, chị đã nghĩ: anh này đòi mình trả bằng gì đây và chị thét lên: “Tôi có tiền, bao nhiêu cũng được...” Người tài xế vẫn bình thản trả lời: “Tôi làm sao có thể lấy tiền của người làm cho Caritas.” “Nhưng sao anh biết tôi làm cho Caritas?”, chị hỏi. “Cách đây ba năm tôi đã ở trong một nhà tù ở Beirut. Hôm đó, tôi bị ốm, tôi xin thuốc uống nhưng chẳng ai muốn cho tôi. Chị đã đến bên tôi, nghe tôi nói và cho tôi thuốc. Đêm đó tôi đã ngủ được nhưng chưa cám ơn chị. Vậy, giờ đây hãy để cho tôi được cám ơn chị.”

Năm tháng qua đi, như người phụ nữ Việt Nam dù có ở cách xa địa lý hàng ngàn dặm, hay gần như anh tài xế, cũng không thể xóa đi những hình ảnh thân thương ghi đậm trong trái tim họ. Đó là một ký ức yêu thương bởi những vết thương đã được chữa lành bằng tình yêu và sự đón nhận vô điều kiện; một ký ức bị tổn thương được thay bằng ký ức của tình yêu, ký ức của lòng xót thương, ký ức của việc nhìn nhận người khác như là người anh, người chị của mình sẽ luôn được giữ lại trong lòng họ và đưa họ đến một hành trình mới, một sự sống mới.

Tất cả những cử chỉ và khuôn mặt nhân ái đã cưu mang lấy họ trong lúc chơi vơi và đau khổ tột cùng đã thôi thúc họ tìm kiếm sự trao ban lại. Trao ban không chỉ dừng lại ở người đón nhận, nhưng hành động nhân ái đó luôn được chuyển tiếp và nhân lên. Có thể rằng ký ức về những năm tháng tị nạn gian nan, gập ghềnh vẫn còn đó, nhưng những con người di dân và tị nạn được người khác đưa tay ra đón nhận, đã làm cho cuộc đời họ trỗi dậy, được sinh ra một lần nữa.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta đều cần có nhau. Chẳng phải hầu hết chúng ta đều có kinh nghiệm cho và nhận? Đặc biệt những lúc khó khăn chúng ta được người khác đưa tay ra chở che và cứu giúp. Chúng ta được trao tặng con tim biết yêu thương, biết chạnh lòng mỗi khi thấy người khác đau khổ và cần được cứu chữa. Con tim thôi thúc chúng ta mở rộng vòng tay yêu thương để đón lấy anh chị em của mình, đồng thời đón nhận sự nâng đỡ của người khác. Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta trong mọi nơi, cả trong những giây phút không mong đợi nhất. Hành trình của chúng ta đi, luôn mời gọi sự hiệp thông sâu xa bởi những vết thương được mở ra và tình yêu là cửa ngõ đi vào.

BTT Caritas Việt Nam
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tập tục làm phép nhà
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:39 05/07/2019
Tập tục làm phép nhà

Có nhiều gia đình Công Giáo xưa nay có nếp sống đạo đức, khi dọn vào cư ngụ trong căn nhà mới, thường xin làm phép nhà cho ở được bằng an.

Tập tục đạo đức làm phép nhà không là một Bí Tích, nhưng được biểu hiệu là một á Bí tích. Đó là những thu thập lời cầu nguyện vị chủ tế đọc trong các lễ nghi phụng vụ. Các lời cầu nguyện này có từ thời Giáo hội sơ khai, thời Trung cổ, đọc tự phát truyền miệng, nhưng từ thời thế kỷ 10. sang thế kỷ 11. được thu thập viết lại thành văn bản. Và từ 1570 được hệ thống đơn giản trong sách nghi lễ phụng vụ Roma.

Tập tục đạo đức này tuy là cung cách sống đức tin cung cách bình dân, nhưng có nguồn gốc từ trong Kinh Thánh.

Ngày xưa, như phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Luca thuật lại, khi sai các Môn đệ ( 72 vị) đi rao giảng tin mừng nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu căn dặn họ: „ Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này’.“ ( Lc 10,5).

Bình an cho đời sống là điều cần thiết cho con người trong đời sống.

Bình an cho đời sống không bị tai ương đe dọa gây ra sợ hãi lo lắng, không bị bệnh tật yếu đau. Đời sống gia đình được bằng an mạnh khoẻ phần tinh thần cũng như thể xác

Vì thế lời cầu chúc bình an mà vị sứ giả của Chúa cầu xin ơn Chúa xuống cho che chở phù hộ cho ngôi nhà, cho những người sống trong nhà là món qùa tặng thần thánh không báu vật gì có thể so sánh hay mua thay thế được.

Bình an cho đời sống không là một món hàng sản phẩm có thể chế biến làm ra, nhưng là ân đức được ban cho do từ Thiên Chúa, Đấng dựng nên cùng nuôi sống đời sống con người.

Giáo hội Chúa ở trần gian được Chúa sai đi mang tin mừng bình an đến cho con người. Người tín hữu Chúa Kitô cần lương thực cho đức tin tâm hồn qua việc lãnh nhận các Bí Tích. Họ cũng có nhu cầu được chúc lành cầu xin ân đức Chúa xuống qua các Á Bí tích, như nhà ở được làm phép chúc lành, lời cầu xin chúc lành cho đi đường được bình an khoẻ mạnh…

Thời xa xưa lúc Chúa Giêsu Kitô chưa xuống trần gian làm người, Thánh Tiên tri Mose đã nhân danh Thiên Chúa nói lời chúc lành cho dân chúng: “ Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban biình an cho con.“ ( Dân số 6, 23).

Hằng năm vào những ngày đàu năm mới Dương lịch từ sau lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu đến ngày lễ Chúa Hiển linh, các trẻ em bên Giáo hội nước Đức có tập tục đến những nhà muốn xin, vào thăm viếng hát đọc lời chúc mừng năm mới cho nhà này và viết trên ngưỡng cửa, hay trên khung cánh cửa ra vào dòng chữ C * M* B* : Christus Mansionem Benedicat - Xin Chúa Kitô chúc lành cho nhà này!

Tập tục tốt lành làm phép cầu xin chúc lành của Thiên Chúa cho đời sống từ nơi căn nhà cư ngụ sinh sống nói lên lòng tin sâu xa vào Thiên Chúa, đấng là Người tạo dựng, ban ân đức nuôi dưỡng che chở và cùng đích đời sống con người.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Giúp Nhau Hoàn Thiện - Trình bày: Đình Trinh
VietCatholic Network
20:09 05/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây