Ngày 06-07-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người Samaritanô nhân hậu
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
17:46 06/07/2016
Chúa Nhật XV THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 10, 25-37

NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN HẬU

Người Samaritanô nhân hậu là chính Chúa Giêsu. Câu chuyện mà thánh Luca thuật lại hôm nay đã gây ấn tượng và xúc động cho nhiều người. Nó đã đi vào nền văn hóa của nhân loại. Câu chuyện về lòng thương xót của Chúa Giêsu đã khơi lên trong lòng chúng ta sự nhạy cảm yêu thương người khác.Chúa đã hướng chúng ta lên đỉnh cao của đức ái.

Sống nơi trần gian này, có nhiều người thật hy sinh, dũng cảm và thực hiện đức ái sâu xa. Chúa Giêsu chính là người Samaritanô nhân hậu. Chúa Giêsu khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Ngài đã có một cái nhìn sâu xa, đã đi ngược với những điều mà những người Do Thái lúc đó, đặc biệt là những nguồi Pharisêu, Lêvi, Tư tế, các người này đã thực hiện đúng luật lệ nhưng thực tế luật lệ chỉ ở trên giấy tờ, ở trong chữ viết. Họ đã quá nại vào luật, do đó, không còn tình thương, không còn bác ái bởi vì họ bóp nghẹt người khác. Chúa Giêsu lại khác hoàn toàn, Ngài đến để cứu sống chứ không phải để giết chết. Chúa Giêsu đã hướng con người lên cao, đi vào chiều sâu của đức bác ái. Ngài đã tới với mọi thành phần xã hội. Ngài không đứng ở xa để nhìn họ, nhưng tới gần họ để cảm thông, chữa lành và cứu vớt họ. Như người Samaritanô nhân hậu, Chúa Giêsu đã chữa lành, cứu vớt, băng bó vết thương cho họ. Ngài nhìn con người với ánh mắt yêu thương và Ngài còn tình nguyện hiến mạng sống, trả nợ cho con người bằng chính giá cứu chuộc, chết trên thập giá để cứu độ con người, làm cho con người được sống và sống dồi dào ( Ga 10, 10 ).

“ Ai là người thân cận của tôi ?”…câu hỏi hẹp hòi của ông kinh sư cho thấy ông muốn đóng khung người thân cận trong những người đồng đạo, trong những người mà ông gọi là thuộc phe ta. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta tình yêu thương phải trải rộng ra cho đến mọi người : dù họ là Do Thái, Hy Lạp hay Roma, dù họ là người có đạo hay người không có đạo. Chúa Giêsu đã phá tung hàng rào kiên cố mà người ta núp,người ta nại vào để khỏi sống theo những đòi hỏi của tình thương, của luật bác ái ..v.v…

Lời Chúa hôm nay quả là một tra vấn cho mỗi người chúng ta. Những thầy Lêvi, Kinh sư, Tư tế quá tỉ mỉ, chi tiết bề ngoài mà bóp chết người khác. Đạo hay Luật lệ không phải là một pháo đài hay là một blockauss để đàn áp,để bóp nghẹt người khác. Trong khi đó, Đạo Công Giáo là Đạo tình thương. Cốt lõi của Tin Mừng là bác ái yêu thương. Mẹ Têrêsa Calcutta đã hy sinh cả cuộc đời của mình để phục vụ các người nghèo, Mẹ đã nói “ Phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa “. Đức cố Giám mục Gioan Cassaigne đã hy sinh co những người cùi ở Di Linh và chết giữa những người cùi.Biết bao người đã hy sinh cuộc đời, quảng đại và can đảm phục vụ người nghèo.

Qua câu chuyện người Samaritanô nhân hậu, Chúa dạy mọi người giới răn yêu thương không những đòi hỏi chúng ta phải có những việc làm cụ thể, mà còn thể hiện tình thương đối với mọi người kể cả kẻ thù nữa. Do đó, bất cứ ai gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc đời, cũng đòi hỏi chúng ta yêu thương, giúp đỡ.

Chúa luôn đòi hỏi chúng ta phải sống tình thương vì Đạo Công Giáo là Đạo Yêu Thương, Đạo Bác Ái. Là môn đệ của Chúa, chúng ta được mời gọi yêu thương, cảm thông đối với mọi người. Một nụ cười, một lời an ủi sẽ phá tan mặc cảm cho một con người, giúp người đó vượt thắng tiến lên.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một con tim nhạy cảm, một tâm hồn nhiệt thành : hiền lành và khiêm nhường. Xin ban cho chúng con một lòng mến thiết tha để chúng con không sống giả tạo. Lời của thánh Phanxicô khó khăn :” …Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời “ luôn vang lên trong từng nhịp sống của con người. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Người Samaritanô nhân hậu là ai ?
2.” Ai là người thân cận “ theo ý của vị Kinh sư là ai ?
3.Đạo Công Giáo là Đạo gì ?
4.Cốt lõi của Tin mừng là gì ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:04 06/07/2016
68. ĐÀN BÀ GỎ CỬA.
Ở đất Lỗ có một người đàn ông độc thân, bên cạnh nhà anh ta cũng có một người đàn bà ở một mình.
Một đêm nọ, gió lớn nổi lên, mưa lớn như trút nước, nhà người đàn bà bị sập, chỉ có cách là qua nhà người đàn ông độc thân nọ mà núp mưa. Người đàn bà gõ cửa, nói rõ tình lý, người đàn ông độc thân vẫn không mở cửa, đứng trong cửa nói:
- “Nam nữ chưa quá sáu mươi tuổi không thể ở chung với nhau, mà cô và tôi chưa quá sáu mươi, cho nên tôi không dám mở cửa.”
Người đàn bà nói:
- “Sao ngài không học Liễu Hạ Huệ ?”
Người đàn ông độc thân nói:
- “Liễu Hạ Huệ thì có thể còn tôi thì không có thể, tôi sẽ lấy cái không thể của tôi, học cái có thể của Liễu Hạ Huệ.”
(Vân Tiên tạp kí)

Suy tư 68:
Con người là một tiểu vũ trụ, mà vũ trụ thì có âm và có dương, âm dương hòa hợp sinh ra vũ trụ vạn vật. Thiên Chúa dựng nên con người có nam và có nữ, nam là dương, nữ là âm, âm dương hòa hợp sinh sản vô số loài người trên mặt đất, do đó mà đời sống xã hội của con người trở nên đẹp hơn và có ý nghĩa hơn.
Người đẹp ngồi trong lòng mà tâm không động thì đúng là nói dóc, dương gặp âm mà tâm không động thì không phải là dương, mà chỉ là “pê đê”, là người bất bình thường, nhưng đó là suy nghĩ theo thói thường của con người.
“Có những người hoạn vì Nước Trời”, lời nói của Đức Chúa Giê-su vẫn còn đó, giá trị ngàn đời, và có rất nhiều người nghe theo đáp lại và trở nên những con người tự nguyện “hoạn” vì Nước Trời, đó là những linh mục và tu sĩ nam nữ của Giáo Hội. Họ đã vì lý tưởng vì Nước Trời mà phục vụ anh em: họ hoạn đi tình yêu nam nữ chính đáng và tự nhiên của mình; họ hoạn đi cái tôi ích kỷ của mình để trở thành một người quảng đại của mọi người; họ hoạn đi tất cả những ý tưởng có thể làm cho đời sống hiến dâng phục vụ của họ bị ngăn trở...
Nhưng, khi chúng ta từ bỏ những gì thì ma quỷ sẽ dùng thứ ấy để tấn công chúng ta: một ánh mắt đưa tình của cô gái, một cử chỉ yêu thương của một nữ tín hữu..v.v... tất cả đều có thể làm cho chúng ta sa ngã. Âm và dương tự nó đến với nhau theo tự nhiên, và người hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa cũng sẽ bị nó hút vào nếu không có một tinh thần trưởng thành và ổn định, tinh thần này được dày công luyện tập, bồi dưỡng mỗi ngày bằng Thánh Thể, kinh nguyện, hãm mình và hy sinh.
“Người đẹp ngồi trong lòng mà không động”, tôi chưa đạt đến trình độ ấy như Liễu Hạ Huệ, và tôi cũng không thể lấy cái không thể của tôi để học cái có thể của họ Liễu –vì như thế cũng có nghĩa là tự sát- cho nên tôi cần phải cầu nguyện và chiến đấu luôn trong suốt cuộc đời linh mục, tu sĩ của tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:06 06/07/2016

21. Người nghèo khó dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện thuần khiết, mà người tham tiền tài trong khi cầu nguyện thì chỉ biết xin cho được nhiều của cải thế gian.

(Thánh John Climacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thấy Và Hành Động
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
20:52 06/07/2016
Thấy Và Hành Động

Chúa Nhật 15 THƯỜNG NIÊN NĂM – C

Lc 10, 25-37

Hôm nay, chúng ta tự hỏi: "Ai là anh em của tôi?" (Lc 10,29). Chuyện về một số thầy người Do thái, thấy thầy Do thái kia thường vắng mặt vào buổi cầu nguyện thứ Bẩy hằng tuần. Ông nghi ngờ vị ấy có gì bí mật với Thiên Chúa, và các thầy Do thái nhóm họp bàn bạc với nhau, giao cho ông ta theo dõi người anh em… Thế là, ông tò mò tìm kiếm, thật xúc động, dõi theo người anh em đến một khu phố nghèo trong thành, nơi ấy ông nhìn thấy một thầy người Do thái đang dọn nhà cho một bà đang bị bại liệt, và ông thầy này đã đến phục vụ, chuẩn bị bữa cơm vào chiều thứ Bẩy cho bà. Khi điệp viên trở về, những thầy Do thái ở nhà đã hỏi: "Ông ấy ở đâu? ở trên trời, trên các tầng mây hay giữa các vì sao ?". Câu trả lời là : "Không, người anh em của chúng ta đã được đưa lên rất cao."

Yêu người thân cận thể hiện bằng hành động cụ thể là cao cả nhất; đây là lúc mà tình yêu được thể hiện. Đừng bỏ đi qua! Nơi người nghèo, chỉ có mình Chúa Kitô kêu lên để thức tỉnh lòng bác ái nơi các môn đệ, Công đồng Vatican II trong một tài liệu đã chép : Làm "người Samaritanô" có nghĩa là thay đổi kế hoạch của mình ( "đến gần anh"), dành thời gian để ("chăm sóc anh ta") ... Điều này cũng đưa chúng đến xem xét các nhân vật của quán trọ, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói :"Người Samaritanô đã có thể làm mà không có chủ quán? Thật vậy, người chủ quán, người vô danh ấy, đã thi hành nhiệm vụ cách cao cả. Tất cả chúng ta cũng có thể hành xử như ông, hoàn thành nhiệm vụ của riêng mình với tinh thần phục vụ. Tất cả chúng ta đều có cơ hội, nhiều hay ít trực tiếp hay gián tiếp, để giúp đỡ những người cần giúp. Trung thành thi hành sứ vụ là yêu mến mọi người.

Hãy vứt bỏ sau lưng cái chưa cần thiết để đón nhận người đang cần đến chúng ta, (người Samaritanô nhân hậu) và ông chủ quán đã làm việc của mình với tình yêu, cả hai đều thể hiện tình yêu bằng việc làm cụ thể. Chúa Giêsu đã hỏi nhà thông : " Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rời vào tay bọn cướp?" Và bảo ông "Ông cũng hãy đi và làm như vậy " (Lc 10,36-37).

Chúa Giêsu Kitô tự nhân mình là người Samaritanô đi ngang qua, khi những người Pharisiêu xúc phạm Chúa và nói: "Ông là một người Samaritanô và là người bị quỷ ám" (Ga 8,48 ) ... Vậy người hành hương Samaritanô là chính Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu thực sự là một lữ hành đã gặp con người bị thương do tội lỗi, ma quỷ, thế gian tra tấn, đang nằm sõng soài trên mặt đất . Chúa đã không bỏ qua, bởi vì mục đích cuộc hành hương của Chúa nhằm để "viếng thăm chúng ta" (Lc 1,68.78). Người đã từ trời lữ hành xuống thế và cư ngụ giưax chúng ta. Người không chỉ "xuất hiện trên đất, nhưng còn sống và trò chuyện với con người" (Br 3,38) ...

Trên các vết thương của chúng ta Người đã rót rượu, rượu của Lời Chúa, và như mức độ nghiêm trọng của vết thương không thể chịu được, Người đã pha trộn rượu với dầu là sự êm dịu của Người và "tình yêu Người dành cho nhân loại" (Tit 3 4) ... Sau đó, dẫn con người đến quán trọ. Quán trọ ở đây là Giáo Hội, Giáo Hội đã trở thành nơi ở và nơi ẩn náu của toàn dân ... Chính Chúa Kitô ở trong Giáo Hội, Người trao ban hồng ân... Quán trọ ở đây còn là nhà chầu có chủ quán là Chúa Giêsu đón mời. Các Thánh Tông Đồ và Các Mục Tử, Các Tiến Sĩ và những người kế vị tượng trưng cho chủ quán trọ… Các ngài chăm sóc bệnh nhân là chúng ta bằng Lời Chúa, Cựu Ước và Tân Ước, bằng Lề luật Thánh và các tiên tri.

Chúng ta hãy đến cùng Đức Trinh Nữ Maria, bởi Mẹ là mẫu gương sẽ giúp chúng ta khám phá ra nhu cầu của người khác, về tinh thần cũng như vật chất.

Lạy Chúa, mỗi lần chúng con thấy người anh em mắc nạn, xin giúp chúng con biết hành động thương xót anh em như Chúa đã thương xót chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Hãy Đi Và Làm Như Vậy
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:48 06/07/2016
Hãy Đi Và Làm Như Vậy

Chúa Nhật 15 THƯỜNG NIÊN NĂM - C

Lc 10, 25-37

"Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37, đó là lời của Chúa Giêsu dành cho nhà thông luật khi xưa. Hôm nay, Chúa cũng bảo mỗi người chúng ta "Hãy đi và làm như vậy".

Có người hỏi : Hãy đi và làm như vậy là thế nào ? Là làm như người Samaritanô nhân hậu đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samaritanô nhân hậu bên cạnh những người chúng ta gặp và chân thành giúp đỡ, băng bó các vết thương thể xác và tinh thần cho họ, những vết thương lòng, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, cô đơn và chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: Ai là anh em tôi? Nhưng hãy đi và tỏ ra mình là anh em của mọi người. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không có đạo. Nhưng hãy đi và làm như người Samaritanô kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, gặp người đau khổ phải cứu giúp. Cần vượt qua quan niệm hẹp hòi, đi đến tình huynh đệ phổ quát.

Người Samaritanô đối xử với nạn nhân bằng lòng thương xót đích thật: ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta (x. Lc 10, 34). Mở đầu dụ ngôn, thầy tư tế và thầy Lêvi là người thân cận với kẻ hấp hối; vào cuối dụ ngôn, người Samaritanô đã trở thành người lân cận. Chúa Giêsu nhấn mạnh viễn tượng: đừng có đứng đó mà sắp xếp người khác để xem ai là thân cận ai không. Hãy trở thành người thân cận của bất cứ ai ta gặp trong lúc cần thiết, và ta sẽ là người thân cận, nếu trong tim ta có sự cảm thương, nghĩa là nếu ta có khả năng đau khổ với người khác.

Ngày 11 tháng 2 năm 1984, thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã ban hành một Tông thư mang tựa đề: "Salvifici doloris" nói về "ý nghĩa đau khổ của người theo Kitô giáo" để toàn thể Giáo Hội suy tư trong Năm Thánh Cứu Độ. Ngài đã nhắc lại dụ ngôn "người Samaritanô nhân hậu", không phải chỉ để gửi tới các bệnh nhân, những người chịu đau khổ, mà còn gửi tới mọi người. Bởi vì đau khổ vẫn ở ngay bên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người rất dễ bị cám dỗ "bỏ đi qua" một cách dửng dưng. Sự dửng dưng nầy là một nét đặc trưng của thời đại chúng ta. Chắc chắn rằng dụ ngôn "Người Samari nhân hậu" đã trở nên yếu tố thiết yếu của nền văn hóa đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Chúa Giêsu bảo luật sĩ: "Cả ông nữa, hãy đi và làm như vậy".

Vị tư tế và thầy Lêvi thấy người bị hại và bỏ đi, có thể họ có lý do, tư tế bận cử hành lễ vì giờ đã điểm, thầy Lêvi cũng có thể vì sợ ô uế, bởi cả hai đều liên quan đến việc phụng tự nơi đền thời. Đức Phanxicô nói : Họ không có phụng tự thật, vì không thể hiện ra bằng việc phục vụ người lân cận. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: trước nỗi khổ đau của bao người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và bất công, chúng ta không thể ở đó như các khán giả. Không biết nỗi khổ đau của con người, nghĩa là không biết Thiên Chúa. Nếu tôi không đến gần người đàn ông đó, đến gần người đàn bà đó, đến gần đứa trẻ đó, ông già, bà già đó, tôi không đến gần Thiên Chúa.

Yêu mến Chúa trong nhà thờ mà thôi thì chưa đủ, nếu không yêu mến Chúa trên đường đi và trong người anh em đồng bào, đồng loại. Chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ biết luật dạy mến Chúa yêu người trong sách vở. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: "Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc làm". Ngài còn nói: "Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì sống trong ánh sáng. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối" (1Ga 2,9-11). Tình yêu đòi thể hiện bằng việc làm cụ thể. Người Samaritanô đã chạnh lòng thương trước nạn nhân, nhưng anh không dừng lại ở tình cảm suông. Anh đã thể hiện lòng thương xót qua hành động.

Hãy nhận ra khuôn mặt của tất cả mọi người là người anh em. Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết rằng: yêu thương là hành xử như người Samaritanô nhân lành. Hơn nữa, chúng ta biết rằng Người Samaritanô tuyệt vời là chính Chúa Giêsu: mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã hạ mình làm người và hiến dâng mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta.

Như thế, tình thương là "con tim" của đời sống kitô; chỉ có tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta, mới làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa Kitô. Giới luật yêu thương của Chúa Giêsu đòi chúng ta phải thể hiện tình thương với mọi người.

Câu hỏi: "Tôi là anh em của ai? ", mỗi người chúng ta tự đặt ra cho mình đây, không phải là một câu hỏi được gửi tới những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi tới mỗi người trong chúng ta. Những người anh chị em đang sống chung quanh chúng ta đang tìm kiếm sự cảm thông, chút thanh thản và an bình của tình người. Nhưng biết bao nhiêu lần những người tìm kiếm điều ấy đã không tìm được sự cảm thông, tiếp đón, không tìm được liên đới!

Chúng ta nhìn thấy một người, trên bờ vực của cái chết, nằm trên đường phố và chúng ta nghĩ "tội nghiệp quá". Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục với công việc hàng ngày của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng: Đó không phải là trách nhiệm của tôi ... và chúng ta cảm thấy hợp lý. Chúng ta là một xã hội mà đã hết biết rơi nước mắt, trước những trạng huống đau khổ trong bối cảnh toàn cầu hóa sự thờ ơ."

"Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37). Tất cả chúng ta được mời gọi đi cùng con đường của người Samaritanô nhân hậu, là gương mặt của Chúa Kitô: Chúa Giêsu cúi xuống trên chúng ta, trở thành tôi tớ của chúng ta, và như thế Người đã cứu chuộc chúng ta, để cả chúng ta nữa cũng có thể yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta, theo cùng một cách thức.

Lạy Chúa, xin cho con biết mau mắn làm theo lời Chúa dạy. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican bác bỏ tin đồn về việc bổ nhiệm Giám Quản Tông Tòa lo liệu cho vấn đề Mễ Du
Chân Phương
08:38 06/07/2016
Vatican bác bỏ tin đồn về việc bổ nhiệm Giám Quản Tông Tòa lo liệu cho vấn đề Mễ Du

Hôm 4 tháng 7, trong một lưu ý dành cho các phóng viên, Cha Federico Lombardi - Phát ngôn viên Tòa Thánh Vatican cho biết: "những ngày gần đây có loan truyền tin đồn về việc bổ nhiệm một vị Giám quản Tông Tòa lo liệu cho vấn đề Mễ Du (Medjugorje)", mà vị này sẽ "báo cáo trực tiếp cho Tòa Thánh".

Khả năng bổ nhiệm một vị giám quản như vậy chỉ là một trong nhiều lựa chọn đang được thảo luận, nhưng Cha Lombardi nói thêm rằng "chưa có quyết định nào" về việc này, "và vẫn còn quá sớm để bàn luận về nó như là một hướng đi đã được dọn sẵn, hoặc như là một chuyện cần giải quyết cấp bách".

Trong những ngày qua, giới truyền thông bên nước Croatia đã tuyên bố rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ sớm bổ nhiệm một giám quản đặc biệt của Tòa Thánh lo về vấn đề Mễ Du, mà vị này có thể nhậm chức trong vài tháng tới.

Một số người phỏng đoán rằng nếu việc bổ nhiệm này xảy ra, vị giám quản của Đức Giáo Hoàng sẽ kiểm soát được tình trạng của linh địa Mễ Du, trong khi giáo xứ Mễ Du và các hoạt động mục vụ của nó sẽ vẫn thuộc về các tu sĩ Dòng Phanxicô của tỉnh dòng Herzegovina (Nam Tư cũ).

Báo Total Croatia News bình luận: "Có vẻ như quyết định này sẽ là một tình huống có lợi cho mọi người. Các tu sĩ Phanxicô ở Nam Tư sẽ mất đi một phần quyền tự chủ trong việc ra quyết định, nhưng họ sẽ không còn phải đối mặt với giáo quyền sở tại - vốn mạnh mẽ chống lại 'hiện tượng Mễ Du' - vì từ nay Vatican sẽ tiếp nhận tất cả trách nhiệm".

"Theo chiều hướng ấy, Mễ Du sẽ trở nên 'ngoại lệ', đó sẽ là dấu chấm hết cho những bế tắc trong quan hệ giữa giáo quyền sở tại với hiện tượng Mễ Du suốt 35 năm qua".

"Mặt khác, Đức Giám Mục Ratko Peric của giáo phận Mostar-Duvno (bản quyền địa phương) cũng có thể an lòng, bởi vì thẩm quyền của Vatican sẽ đảm bảo không có sự sai lầm nào trong vấn đề Mễ Du", bài báo này viết.

Hơn một năm trước, Ủy ban công tác đặc biệt do Vatican thiết lập để điều tra hiện tượng Mễ Du đã trình báo cáo lên Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Tháng Sáu năm ngoái, Cha Lombardi nói với các phóng viên rằng ngài mong đợi Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ có một thông báo về vấn đề này trong "một vài tháng tới", nhưng ngài không đưa ra khoảng thời gian cụ thể.

Tuyên bố mới nhất này cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không vội vàng đưa ra một phán quyết nào về tính xác thực của hiện tượng Mễ Du, dựa trên những gì mà ủy ban công tác đã thu thập được, nhưng ngài đang xem xét nghiêm túc các giải pháp cụ thể khác nhau.

Chân Phương
 
Trung Quốc: chính quyền tịch thu mọi khoản tiền quyên góp của các nhà thờ
Chân Phương
10:12 06/07/2016
Trung Quốc: chính quyền tịch thu mọi khoản tiền quyên góp của các nhà thờ

Ôn Châu - Gần đây, chính quyền tỉnh Chiết Giang, miền duyên hải của Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà thờ giao nộp cho chính phủ mọi khoản tiền có được, kể cả tiền dâng cúng của tín hữu. Đây là một động thái áp dụng chính sách mới của chính phủ.

Kể từ năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã gây áp lực buộc các nhà thờ phải thực hiện "5 điều cải cách", bao gồm: "bản địa hóa tôn giáo (tức là áp dụng các phong cách kiến trúc địa phương cho nhà thờ), quản lý nhất quán, thần học chắt lọc (bằng những bài giảng định hướng), minh bạch tài chính và cải tạo các Kitô hữu", nhằm trói buộc Kitô giáo vào khuôn khổ của một tổ chức đi theo mục tiêu của Đảng Cộng sản. Kết quả là chính phủ đã thiết lập các văn phòng chiếm không gian ngay trong các nhà thờ và cử cán bộ đến để quản lý chặt chẽ nhà thờ.

Chính quyền vừa triển khai thực hiện quy định mới này tại các nhà thờ ở huyện Bình Dương (Pingyang), Ôn Châu (Wenzhou), trong đó, các giáo xứ phải nộp toàn bộ số tiền quyên góp được cho chính quyền.

Một Kitô hữu địa phương nói rằng: "... chính quyền sẽ can thiệp vào các công chuyện của giáo xứ, họ quản lý tiền dâng cúng của chúng tôi và một số dự án quy mô lớn. Khi chúng tôi muốn mua máy móc thiết bị hoặc đồ trang trí cho nhà thờ thì chúng tôi phải được chính phủ chấp thuận. Chúng tôi cũng phải xin phép nếu chi trả bất kỳ khoản tiền nào nhiều hơn một vài ngàn Nhân dân tệ".

Hồi tháng 7 năm 2015, chính quyền địa phương đã bắt đầu cử cán bộ đến nói chuyện tại các nhà thờ và sắp đặt bàn làm việc của cán bộ ngay trong nhà thờ. Ngày 30 tháng 8 cùng năm, chính quyền ra lệnh rằng cán bộ nhà nước sẽ giám sát tất cả các nhà thờ ở Ôn Châu.

Theo một báo cáo chưa được xác nhận, chính quyền địa phương bây giờ còn đòi các nhà thờ phải treo quốc kỳ Trung Quốc trên đỉnh mái, ngay tại chỗ cây Thánh Giá đã bị phá bỏ trong một chiến dịch trước đây, và đặt quốc kỳ ở cả bục giảng lễ nữa.

Chân Phương
 
Đức Thánh Cha lên án các vụ khủng bố tại Bangladesh và Iraq
Bùi Hữu Thư
19:01 06/07/2016
OSSERVATORIO ROMANO Ngày 6 tháng 7, 2016

“Tôi tự hỏi có bao nhiêu bạn trẻ đã nghe lời mời gọi – có bao nhiêu bạn trẻ hiện diện hôm nay tại quảng trường này đã nghe và làm theo lời Chúa Kitô mời gọi để đi theo Người?”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như vậy hôm nay khi ngài suy niệm về Phúc Âm Thánh Luca.

Trong khi bàn về việc các tín hữu có nhiệm vụ đóng góp cho sứ mệnh của Giáo Hội, ngài khuyên: “Xin đừng e ngại! Hãy can đảm và hãy đem đến cho người khác ngọn đuốc của niềm hăng say tông đồ đã được biết bao nhiêu môn đệ gương mẫu để lại.”

Nhắc lại lời Chúa Giêsu nói về Vương Quốc của Thiên Chúa trong Phúc Âm hôm nay, Đức Thánh Cha ghi nhận là Vương Quốc này được xây dựng từng ngày và đã cung ứng ngay trên trái đất này những hoa quả của sự hoán cải, thanh tẩy, yêu thương và an ủi cho con người.

“Người môn đệ phải có tinh thần gì khi thi hành sứ mệnh này?” Ngài hỏi, “Trước hết: người Kitô phải biết rõ những khó khăn và đôi khi những kẻ thù đang chờ đợi mình: Chúa Giêsu không ngần ngại gì; thực vậy, Nguời nói: ‘Ta sai các con đi như những chiên cừu giữa đàn lang sói.’”

Trong khi Đức Thánh Cha công nhận rằng luôn luôn có những sự chống đối và thách đố, chúng ta, các tín hữu phải trông cậy vào quyền năng của Thập Giá Đức Kitô. “Điều này có nghĩa là từ bỏ hết mọi lý do cá nhân để khoe khoang, hay tham vọng có chức quyền, và phải là những dụng cụ khiêm tốn của việc cứu rỗi của sự hy sinh Chúa Giêsu trên Thập Giá.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sứ mệnh của Kitô hữu là phục vụ cách nhưng không vô điều kiện: “Chúng ta rất cần có những Kitô hữu làm chứng nhân vui sướng cho Tin Mừng trong mọi ngày của cuộc đời.”

“Khi chúng ta làm như vậy, trái tim chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui, y như trái tim của các môn đệ Chúa Giêsu.”

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng điều này làm cho ngài suy nghĩ về việc Giáo Hội đã vui sướng vì có biết bao nhiêu người nam và nữ đã tuyên xưng Phúc Âm hàng ngày, kể cả các linh mục, nhất là các cha xứ tốt lành chúng ta đều biết tới, các nữ tu, các người được thánh hiến, các nhà truyền giáo nam và nữ. Sau đó Đức Thánh Cha bảo các ngưởi trẻ hiện diện là họ không được sợ hãi khi lãnh nhận lời mời gọi đi theo Chúa Kitô.

Sau bài giảng Đức Thánh Cha bầy tỏ lòng thương cảm đối với gia đình của những người bị thương và bị sát hại trong vụ tấn công xẩy ra trong đêm thứ sáu rạng ngày thứ bẩy vừa qua tại Dhaka, Bangladesh, và vụ tấn công ngày thứ bẩy tại Baghdad, Iraq.

Tại khu ngọai giao Dhaka, các tay súng đã tấn công Holey Artisan Bakery, một nhà hàng nổi tiếng, giết 20 người bị bắt làm con tin và hai cảnh sát.

Tại khu thương mại Karrada, Baghdad, lần đầu tiên đã có vụ quân khủng bố tấn công giết hại 83 sinh mạng, cùng với 5 người khác bị giết tại khu vực Shia.

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ - cho tất cả những người chết – xin Chúa hoán cải tâm hồn những kẻ bị mù quáng vì thù hận.” Rồi ngài mời gọi mọi người hiện diện đọc Kinh Kính Mừng.
 
Độc tài đồng tính
Vũ Văn An
21:34 06/07/2016
Các nhà tranh đấu cho quyền bình đẳng của người đồng tính không bao giờ ngừng chân ở chỗ đã đạt được sự bình đẳng này trong lãnh vực hôn nhân. Mục tiêu của họ lớn hơn thế nhiều: buộc mọi người phải tuân theo ý thức hệ đồng tính của họ.

Vụ sa thải Brendan Eich khỏi chức tổng giám đốc Mozilla chỉ vì đã đóng góp vào qũy chống đồng tính là một thí dụ cụ thể, khiến Andrew Sullivan, một người công khai đồng tính, cũng phải tỏ ý ngỡ ngàng và nổi giận. Ông này viết: “chỉ còn một ý kiến duy nhất được phép tại Mozilla, còn tất cả những người bất đồng đều bị thanh toán! Đúng như thế, đó là thứ khoan dung tự do cánh tả rút gọn… quả là thứ bất khoan dung hiển nhiên và xấu xa của nhiều thành phần trong phong trào đồng tính, họ phản ứng lại các năm tháng bị xã hội lăng nhục bằng cách đi lăng nhục người khác”.

Giáo sư Paul Kengor, sau khi thuật lại một số điển hình “trả đũa” của phong trào đồng tính, đã cho rằng với phong trào này, bạn không được tự do bất đồng ý kiến với họ, họ không để bạn được như thế, họ thúc bách bạn, họ buộc bạn ra tòa, làm bạn khánh kiệt, có thể đi tù nữa. Họ chỉ khoan dung đối với điều họ đồng thuận với mà thôi.

Paula Ettelbrick, nguyên giám đốc luật pháp của Qũy Bảo Vệ và Giáo Dục Luật Pháp Lambda, nói tóm gọn: “Là đồng tính có nghĩa là đẩy lui các thông số phái tính, tính dục, gia đình và… biến đổi chính cấu trúc xã hội…Ta phải chú ý tới mục tiêu … sắp xếp lại một cách triệt để cách nhìn của xã hội về thực tại”.

Theo Sullivan, chiến thắng tối hậu của phong trào đấu tranh cho quyền lợi đồng tính “sẽ là: những ai kỳ thị người đồng tính sẽ bị chế giễu và cô lập là người cuồng tín”.

Hậu quả, theo Joy Pullmann (thefederalist.com, 6/7/2016), sẽ như thế này: “Các Giáo Hội ở Iowa và các trung tâm chăm sóc ban ngày phải để cho nam và nữ tiêu tiểu, ăn mặc, tắm rửa cạnh nhau, còn các mục tử và các Kitô hữu thì có thể bị lôi ra trước các tòa ngoại tụng nếu họ dám ‘một cách trực tiếp hay gián tiếp’ làm cho ‘các người có bất cứ bản sắc phái tính… đặc thù nào’ cảm thấy ‘không được hoan nghinh’”. Vì đây là qui đinh mới của cái gọi là Ủy Ban Dân Quyền của Tiểu Bang Iowa.

Thực vậy, Ủy Ban nói trên vừa cho công bố các qui định mới buộc rằng: các cơ sở họ gọi là “public accommodation” (cơ sở công cộng), kể cả các cơ sở tôn giáo, sẽ phạm hành vi kỳ thị bản sắc phái tính khi cố tình sử dụng các tên và các đại danh từ mâu thuẫn với “phái tính được trình bầy” (presented gender) của người ta, từ khước việc lui tới các phòng tắm họ ưa thích hoặc ngay cả “gián tiếp” cho người đổi phái tính hay họ “không được hoan nghinh” hay “không được chấp nhận”.

Chính bản qui định thì không nói rõ các Giáo Hội, nhưng phụ bản Các Câu Hỏi và Trả Lời Năng Có (FAQ) thì đề cập minh nhiên đến cả các Giáo Hội nữa. Nội dung như sau:

“Luật này có áp dụng cho các Giáo Hội không? Đôi khi. Luật Iowa dự liệu rằng các che chở này không áp dụng cho các định chế tôn giáo có các phẩm cách dựa trên tôn giáo khi các phẩm cách này có liên hệ tới một mục đích tôn giáo chân thật (bona fide). Khi các phẩm cách này không liên hệ tới một mục đích tôn giáo chân thật, các Giáo Hội vẫn lệ thuộc các dự liệu của luật (thí dụ, nhà giữ trẻ do Giáo Hội điều hành hay một buổi lễ của Giáo Hội (church service) mở cho công chúng)”.

Người ta không thể hiểu được việc “một buổi lễ của Giáo Hội mở cho công chúng” lại không có “mục tiêu tôn giáo chân thật”!

Thành thử vào thứ Hai, ngày 4 tháng 7 vừa qua, nhân danh Giáo Hội Chúa Kitô của Fort Des Moines, Liên Minh Bảo Vệ Tự Do đã khởi đơn chống lại các qui định trên tại Tòa Án Liên Bang. Liên Minh này đệ trình rằng:

“Việc ngăn cấm ngôn từ có thể được dùng để bịt miệng các Giáo Hội khỏi đưa ra bất cứ nhận định công cộng nào - kể cả từ bục giảng – có thể bị coi là không hoan nghinh những người không đồng nhất hóa với giới tính sinh học của họ. Điều này là vì ủy ban nói rằng luật cũng áp dụng cho các Giáo Hội trong bất cứ sinh hoạt nào bị ủy ban cho là không có ‘một mục đích tôn giáo chân thật”. Các thí dụ được ủy ban đưa ra là ‘một nhà giữ trẻ do Giáo Hội điều hành hay một buổi lễ của Giáo Hội mở ra cho công chúng’ vốn bao trùm đại đa số các biến cố tổ chức của các Giáo Hội”.

Các hành vi bị Ủy Ban ngăn cấm gồm có “sách nhiễu, đe dọa hay bày tỏ thù nghịch khác” được ủy ban xác định là “tác phong ngôn từ, thể lý hay viết lách”, “các nhận xét có tính hạ giá được lặp đi lặp lại”, “các lời nói dỡn, các câu truyện hay các sinh hoạt có tính hạ giá, và việc cố ý sử dụng các tên gọi hay các đại danh từ mâu thuẫn với phái tính được trình bầy của người ta”.

Chelsey Youman, một luật sư của First Liberty Institute, đại diện cho Giáo Hội Cornerstone World Outreach, gửi một lá thư cho uỷ ban nhấn mạnh rằng:

“Tiểu Bang Iowa cho rằng mình có quyền qui định những điều các Giáo Hội có thể dạy về tính dục con người và cách họ điều hành các cơ sở của họ. Chính phủ tuyệt đối không có thẩm quyền nào buộc một Giáo Hội vi phạm các niềm tin tôn giáo của họ. Đây là một vi phạm nghiêm trọng Tu Chính Án Thứ Nhất”. Ông cho rằng Ủy Ban phải thu hồi qui định này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ bế mạc Khóa học kỹ thuật Truyền Hình VietCatholic tại Sydney
VietCatholic Network
23:49 06/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Lớp hè tại giáo xứ Bình Khánh, GP Xuân Lộc
Khổng Hữu Nguồn
08:53 06/07/2016
LỚP HÈ 2016 TẠI GIÁO XỨ BÌNH KHÁNH

Tính đến nay, ngày 4/7/2016 thì lớp học hè tại Giáo xứ Bình Khánh, hạt Xuân Lộc, giáo phận Xuân Lộc đã bước qua tuần học thứ hai.

Xem Hình

Đây là năm thứ hai tổ chức, hè năm nay các lớp học đã thu hút được hơn 110 học sinh chia đều cho 3 cấp học. Tuy lớp học được tổ chức tại Giáo Xứ, nhưng học sinh học ở đây thì không phân biệt lương giáo. Trong các lớp học có 70% là học sinh thuộc tôn giáo bạn.

Ở cấp Tiểu Học học sinh được dạy rèn chữ, học 2 môn Toán, TiếngViệt và Tiếng Anh (các em sinh viên thuộc giáo xứ: Đông Vinh, Bắc Hải). Các cấp còn lại ngoài ôn tập kiến thức cũ, giáo viên dạy cho các em kiến thức của các môn chính như: Toán, Ngữ Văn, Lí, Hóa, Tiếng Anh (các thầy cô thuộc giáo xứ: An Lộc, Bình Khánh, Túc Trưng, Phúc Nhạc).

Em Nguyễn Thị Ngọc Hiền rưng rưng nước mắt tâm sự: “Nhà em nghèo lắm. Hè em phải phụ làm chôm chôm với mẹ để có tiền trang trải cho năm học tới nên không có điệu kiện học hè ở trường. May mà giáo xứ có mở lớp học hè lại gần nhà nên vừa có thể phụ giúp mẹ, vừa được học lại không tốn học phí nên em mừng lắm”. Nghe tâm sự này, cha Phêrô đã hứa xin cho em một suất học bổng trong năm học tới để em yên tâm đến trường. Thật cảm ơn Cha và mừng cho em.

Được dịp tiếp xúc với một số phụ huynh đang chờ đón con trước cổng nhà thờ, tôi được nghe nhận xét của các bậc phụ huynh về lớp học hè tại Giáo xứ Bình Khánh như sau:

- Chị Lê Thị Thu Hương là mẹ của em Lưu Mẫn Nhi, học lớp 3, nhà ở ấp 2 xã Bình Lộc tâm sự: “Chị không đi lễ (vì là người ngoài đạo) nên không biết Giáo xứ có mở lớp học hè. Khi biết tin có lớp, chị có hỏi cháu là thích học cô hay học trong nhà thờ, cháu đã chọn học ở nhà thờ. Cháu giải thích: học nhà thờ ngoài học kiến thức cháu được các cô tổ chức cho vui chơi và các sinh hoạt khác. Vui lắm”. Được biết đây là năm thứ hai Nhi học hè tại đây.

- Bác Nguyễn Trung là ông nội của em Nguyễn Thuỳ Thanh Ngọc đang học lớp 2, nhà ờ làng C xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất thì nói: “Ba mẹ cháu bỏ nhau, nên tôi đem về nuôi. Khi cháu đi học về tôi hỏi, cháu nói: Học vui lắm. Lớp sạch sẽ, có bàn ghề ngồi. Cô dạy nhiệt tình và dễ hiểu. Cha còn phát tập cho chúng con nữa. Tôi không phải là người đạo Thiên Chúa, mà cháu tôi được học trong môi trường tốt như vậy tôi mừng lắm. Cảm ơn Cha thật nhiều.”

- Cô Huỳnh Thị Bích là mẹ của em Huỳnh Thị Lệ đang học lớp 6, nhà ở Ấp Bầu Cối thì thật thà nói: “Tôi dân tộc Khơ Me, không biết chữ. Nhà nghèo lắm. Thấy con thích học, tôi chở nó ra đây để học vì học mà không phải đóng tiền mà. Học về thấy nó có học bài và làm bài tập ở nhà. Tới giờ học là tự động dậy đi học không phải nhắc nhở. Tôi khổ rồi, cầu cho nó có cái chữ cho bớt khổ.”

Mặc dù giáo xứ Bình Khánh đang từng bước hoàn thiện, vẫn còn đó những khó khăn trước mắt. Cha Phêrô Phan Khắc Giữa dù sức khoẻ không được tốt, nhưng Cha luôn lưu tâm đến việc học của các em trong xã. Cầu xin Chúa ban cho cha thật nhiều hồng ân để Cha bước tiếp trong công việc xây dựng giáo xứ cũng như duy trì, phát triển các lớp học hè để đưa kiến thức đến những em ham học trong xã nhà.

Giuse Khổng Hữu Nguồn
 
Văn Hóa
Đám Tang Tử Tế
Nguyễn Trung Tây
20:22 06/07/2016
□ Nguyễn Trung Tây
Đám Tang Tử Tế


□ Vào ngày cuối cùng của nhân gian, Chúa sẽ hỏi nhiều câu nhưng đều có chung một mẫu số: “Con có sống tử tế hay không?” (Matt 25:31-46).

Sáng thứ Hai ngày 18 tháng 6. Phố Melbourne tấp nập thường lệ một ngày đô thị. Trên lề đường Flinder, tiếng chân nhanh nhanh bước tới công sở rộn ràng khua vang. Góc đường William, đèn xanh bật sáng, hàng xe hơi bám sát nối đuôi nóng nẩy gầm gừ phóng tới. Tháng 6, Úc Châu mùa Đông, mây xám dầy cộm che kín bầu trời. Vài khuôn mặt ngái ngủ, tay giơ cao, che miệng ngáp, mắt lơ đãng nhìn hai ba người ồn ào tại một góc phố. Tiếng người to tiếng chưa dứt, bất ngờ tiếng súng chát chúa nổ vang! Ngay tại góc đường William Street và Flinder Lanes, hai người đàn ông và một cô gái bật ngửa, té ngã. Vài người che miệng, có kẻ rú to! Mấy phút sau, xe cảnh sát nóng nảy chớp đèn phóng tới. Xe cứu thương bám sát theo sau hú còi khua vang. Một buổi sáng thứ Hai bận rộn dừng lại. Chưa ai hiểu chuyện chi đã xẩy ra.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, qua tin tức truyền hình và truyền thanh, cư dân Melbourne mới biết nguyên nhân dẫn đến tiếng súng. Nhận ra cô Kara Douglas bị hung thủ Christopher Hudson hành hung ngay giữa phố thị, Luật sư Brendan Keilar và anh Paul de Waard, hai người khách qua đường cùng nhảy vào can thiệp. Hung thủ Christopher lạnh lùng rút súng bắn trọng thương ông Brendan và anh Paul, đả thương trầm trọng cô Kara. Một tiếng đồng hồ sau, bệnh viện đưa tin anh Paul và cô Kara đang trong tình trạng hôn mê, nhưng riêng ông luật sư Brendan 43 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng, để lại vợ và ba người con nhỏ.

Tiếng đạn nổ vang vào lúc 8:20 buổi sáng thứ Hai ngày 18 tháng 6 ngay giữa khu phố sầm uất Melbourne lấy đi một mạng người, gây thương tích trầm trọng hai người; nhưng tệ hại nhất, viên đạn sắt cũng đã đả thương trí mạng triết lý tử tế của nhân loại. Luật sư Brendan Keilar giờ đã ngủ yên trong nghĩa trang. Nhưng triết lý tử tế vẫn còn đang nằm hấp hối không biết sống chết lúc nào... Giờ này, có lẽ cư dân Melbourne còn đang thắc mắc tự hỏi không biết mình còn nên tiếp tục hành xử tử tế nữa hay không, bởi coi chừng có ngày dám mất mạng như ông luật sư Brendan! Bây giờ, nếu người vợ biết chồng mình có tính hào hiệp, giữa đường ưa nhào vào can thiệp chuyện thiên hạ, liệu người vợ có nên tiếp tục yên lặng? Bởi biết đâu, có ngày rồi chính mình và những đứa con cũng sẽ phải mặc áo tang đi theo sau quan tài của chồng và của bố …

Cẩn tắc vô ưu là thế!

I. Người Tử Tế: Coi Chừng!

Ngày hôm nay, bởi những luật lệ chằng chịt và ý thức hệ mới trong xã hội, người Tử Tế của những năm 2000 trước khi quyết định giúp ai cũng phải hết sức cẩn thận, kẻo không phước đâu chưa thấy mà lại thấy họa rước vào thân.

Gặp một em bé té ngã lăn quay nơi công cộng, người cẩn thận sẽ không vội vàng chạy lại bồng em đứng dậy. Chớ, chớ! Chớ có mà dại, bởi ai biết đâu đấy, bố mẹ hoặc chính em bé sẽ đâm đơn kiện ngược lại người Tử Tế đã “cố tình” động chạm đến thân thể của em…

Tôi nhớ, trong một lần chạy bộ ngoài đường, vừa chạy được mấy bước, tự dưng tôi nhận ra thấp thoáng hai bóng người. Người phụ nữ khuôn mặt Á Châu đang hốt hoảng khua tay miệng kêu lớn,

Help! Help!

Trong khi đó bên cạnh bà ta, người phụ nữ Tây Phương khoảng bẩy mươi tuổi, khuôn mặt trầy trụa vết bầm, đang cầm khăn tay cố gắng bôi xóa dòng máu đỏ phun ra từ hai lỗ mũi. Tôi hốt hoảng dừng lại, miệng hỏi người đàn bà Á Đông, “What is happening?”, mắt nhìn theo những dòng máu đỏ tươi trên khuôn mặt người phụ nữ Tây Phương, trong đầu nghĩ ngay tới số điện thoại cấp cứu. Nhưng người đàn bà Úc khoác tay điệu bộ dứt khoát xua đuổi, chân vẫn bước tới, miệng nói,

I’m OK. I’m fine.

Trong khi đó, người phụ nữ Á Châu mặt mày vẫn hốt hoảng tiếng đực tiếng cái kể chuyện người đàn bà Úc xiêu vẹo té ngã sấp mặt xuống mặt đường xi măng… Nghe thủng lỗ tai câu chuyện, tôi quyết định chạy đuổi theo người đàn bà đang dần dần khuất dạng cuối đường. Nhận ra tôi, người đàn bà lập lại điệp khúc cũ, “I’m fine. I’m OK”, trong khi đó, một tay tiếp tục cầm khăn tay lau những dòng máu đang tuôn chảy, tay kia ra hiệu dáng vẻ dứt khoát xua đuổi!

Tôi dừng lại những bước chân, quay lại phân bua với người Tử Tế khuôn mặt Á Châu,

Sorry! What can we do? 

Phải, chúng ta có thể làm được chi, nếu bạn đang sống trong một xã hội mà ý thức hệ về tự do cá nhân được tôn trọng, con người có quyền từ chối không chấp nhận sự giúp đỡ từ những người lạ mặt, và ngay cả những người thân trong gia đình.

II. Làm Được Chi?

Đúng là như thế, chúng ta có thể làm được chi, nếu người hàng xóm đã từng được chúng ta giúp đỡ trong cơn túng thiếu, giờ này tự dưng lạ mặt, không còn nhớ tới tình hàng xóm tối lửa tắt đèn và luôn cả số tiền mà họ đã nhăn mặt nói khó, chìa tay ra mượn năm xưa.

Mà nói có Ông Trời chứng giám, một lần gặp phải đốm đen trần thế như thế này, nhân gian có thể nhắm mắt nhịn nhục bỏ qua. Nhưng hai lần, rồi ba lần, lòng kiên nhẫn và lòng tử tế rồi cũng sẽ nổ tung như bọt bong bong căng phồng. Chẳng trách chi tâm hồn trần thế tiếp tục trở nên giá băng như tâm hồn cô gái đang tâm bỏ lại người con sơ sinh mới chào đời trước cửa bệnh viện Dandenong vào sáng sớm ngày 13 tháng 5 vừa qua. Mà mỉa mai thay, ngày 13 tháng 5 cũng chính là ngày Hiền Mẫu.

Bởi trái tim trần gian đã đóng băng, chẳng trách chi đàn ông Úc gốc Tây nhắm mắt làm ngơ, tỉnh bơ tiếp tục câu cá trước thân thể trương phềnh của thiếu nữ thổ dân Úc, nổi lềnh bềnh trên mặt hồ nước, như bộ phim Jindabyne trình chiếu tại Úc năm 2006 đã đặt vấn đề, đã từng chất vấn lương tâm của tất cả những người dân Úc trước thảm nạn của thổ dân Úc Châu.

III. Đám Tang Tử Tế

Nói có thể phách hiển linh của ông luật sư Brendan chứng tha lỗi, lâu lâu mới có một người vớ vẩn như ông! Chẳng trách chi ông ngã gục. Chưa hết, ông luật sư lại còn tạo thêm môt cơ hội cho phe tà cầm kiếm sắc lụi thẳng vào ngực khiến mạng triết lý Tử Tế giờ này chỉ mành treo chuông. Có lẽ chẳng còn bao lâu nữa, thiên hạ sẽ lại sụt sùi, ngậm ngùi nước mắt mang xác triết lý Tử Tế đi chôn. Mà coi chừng đó, một khi nắp hòm triết lý Tử Tế đóng lại, đám tang tử tế đã cử hành, sự tử tế mồ yên mả đẹp, thiên hạ cũng sẽ thôi không còn đối xử tử tế với nhau nữa cho coi. 

A. Thiên Hạ Đại Loạn

Mà nếu triết lý Tử Tế chết đi, thì thiệt tình là kẹt, bởi không biết lúc đó thiên hạ sẽ đại loạn tới cỡ thế nào?

Chồng không còn tử tế với vợ, con dâu không còn tử tế với mẹ chồng, hàng xóm không còn tử tế với láng giềng, nhà thờ không còn tử tế với giáo dân, chính phủ không còn tử tế với dân chúng!

Đại loạn! Thiên hạ đại loạn!

Thiệt tình là thế, trong một xã hội mà triết lý Tử Tế đã chết đi, mái ấm thân thương không còn ngọt ngào thân thương nữa; vợ chớ có cả tin mà thả lỏng dây cương, nhưng lo mà giữ chồng kè kè sát ngay bên, bởi ông bà mình đã từng dạy, “Đàn ông năm bẩy lá gan, lá ở cùng vợ lá toan cùng người”. Mẹ chồng lo mà cẩn thận giữ thân trước khi đưa vào miệng chén cơm trắng cá kho do cô con dâu vừa từ dưới bếp bưng lên, bởi câu chuyện dài mẹ chồng nàng dâu thì vẫn chưa tới hồi chung cuộc!

Đáng ngại là thế!

Trong một xã hội mà triết lý Tử Tế đã chết đi, hàng xóm láng giềng lo mà khóa cửa nhà cho chặt, bởi có ai mà tin được ai! Cẩn tắc vô ưu, đi ra ngoài đường là phải thủ sẵn trong người, nhẹ thì dao găm, nặng hơn súng lục. Vô tới nhà thờ rồi, giầy dép để ngoài sân, nhưng dao găm và súng lục nhét sâu trong người. Cha cụ cử hành thánh lễ trên cung thánh, ở dưới giáo dân miệng lẩm bẩm câu kinh, nhưng mắt lấm lét ngó trước nhìn sau, một tay chắp trước ngực, tay kia đặt trong túi quần nắm chặt chuôi dao găm, báng súng lục. Thánh lễ vừa tan, vừa bước ra khỏi nhà thờ, giáo dân tay dao tay súng kéo nhau tới nhà Thôn trưởng, nhẹ thì xin tí huyết, nặng thì bặp luôn, bởi tội ăn trên ngồi chốc áp bức dân làng từ bao năm nay. Thế là huyết lưu mãn địa! Cứ thế, Thôn này nối tiếp Huyện kia. Huyện kia cộng lại với Tỉnh khác, cả hai nhân lên hóa ra cả nước. Nước Úc nối tiếp nước Mỹ biến thành toàn cầu.

Đại loạn toàn cầu bởi triết lý Tử Tế đã chết đi, đám tang tử tế đã được cử hành, quan tài tử tế đã bị chôn sâu dưới ba thước đất là như thế! 

B. Hiệp Định Copenhagen

Như vậy thì cần gì phải ồn ào kéo nhau về Copenhagen họp hành, đề nghị các quốc gia kỹ nghệ trên thế giới phải giảm thiểu tối đa lượng thán khí thải vào trong bầu khí quyển. Đằng nào thì cũng chết hết. Chết bởi global warming hay chết bởi đám tang tử tế thì cũng chỉ là một cái chết.

Mà coi chừng đó nghe! E rằng hiểm họa gây ra bởi đám tang tử tế tới nhanh hơn là hiểm họa gây ra bởi hiện tượng trái đất nóng dần. Thì cứ nhìn đi rồi sẽ thấy, cũng phải kéo dài trên dưới 200 năm từ những thời điểm khi kỹ nghệ cơ khí phát triển thải ra bao nhiêu thán khí vào bầu khí quyển cho tới những ngày gần đây, trái đất mới bắt đầu ho khan, ắt xì, chuyển mình nóng sốt. Nhưng hồi thế chiến thứ Hai, chỉ trong vòng trên dưới một năm, sát thủ Ninja Nhật Hoàng Hirohito đã gửi về âm phủ 2 triệu người Việt Nam chết đói xanh xao; Hitler chỉ trong có mấy năm cầm quyền mà đã giết đã đốt ra tro hơn 6 triệu người Do Thái trong những trại tập trung. Nhưng nếu đem con số của 2,000,000 nạn nhân bởi Ninja Hirohito hoặc 6,000,000 bởi phát xít Hitler ra so sánh với con số 61,911,000 nạn nhân bỏ mạng trong trại tù Gulag của Liên Sô từ những ngày Cách Mạng Tháng Mười năm 1917, và 35,236,000 bị giết chết tại Trung Hoa lục địa từ năm 1949, [1] thì sát thủ Hirohito và đồ tể Hitler còn phải nghiêng mình cúi đầu khiêm nhường vô lớp ngồi học dưới sự hướng dẫn của sư tổ Lenin, giảng sư Stalin, và đại sư phụ Mao Trạch Đông. 

Thiên hạ đại loạn toàn cầu sau khi triết lý tử tế đã chết đi đã mồ yên mả đẹp là thế đó! 

IV. Sự Tử Tế Đã Chết?

Nhưng có đúng là bởi những ràng buộc chằng chịt về luật pháp trong ngày hôm nay, bởi những đồ tể Lenin, Hitler, Hirohito, Stalin, Mao Trạch Đông, và gần đây nhất Christopher, triết lý Tử Tế đã chết đi, đã bị chôn sâu dưới lòng đất hay không?

Tôi dừng lại những hàng chữ, nhìn chung quanh. Văn phòng nơi tôi đang ngồi làm việc vào một buổi chiều, tất cả đang yên lặng. Người Thư ký văn phòng đang chăm chú ngồi đánh máy công văn. Qua khung cửa văn phòng, tôi nhận ra tia nắng vàng chiếu xiên xiên hàng cây phượng tím. Bây giờ đang là một buổi chiều Úc Châu. Bầu trời sa mạc xanh ngăn ngắt mặc dầu tháng 6 Úc Châu mùa đông. Tôi nhận ra tiếng hò hét của học sinh Tiểu học nơi sân trường, tiếng cười tiếng hát… Trong văn phòng, tôi ngồi cặm cụi ngồi viết những hàng chữ cuối cùng một bài ngăn ngắn gửi báo địa phương, một bài văn nửa tường trình nửa trình bày kinh nghiệm sau một lần công tác với thổ dân… Đời sống Úc Châu vẫn trôi qua trong êm ả và thanh bình. Đời sống riêng tôi tại sa mạc cháy đỏ bình an và hạnh phúc!

A. Khăn Rằn Ri và Lơ Xe

Không bù lại cho một khoảng thời gian cuối thập niên 70, khi đó tôi vào tù ra khám như cơm bữa bởi tội vượt biên. Tệ hại nhất là lần bị bắt giam tại trại tù Tiền Giang năm 1978. Khi tôi được thả, trên người thiếu niên mới lớn chỉ còn trơ trọi bộ quần áo tù và một tờ giấy Lệnh Tạm Tha. Không có một đồng lận trong người để mua vé xe về lại Sài Gòn, tôi không còn chọn lựa nào khác, đành phải chìa tay…ăn mày. Thấy tôi thiếu niên, mặt mày xanh xao đói khát chìa tay xin tiền, những bà bán hàng ở chợ Mỹ Tho nhanh nhanh quyên góp, bố thí cho tôi những đồng tiền tử tế để tôi mua vé xe đò quay về lại Sài Gòn.

Câu chuyện tử tế chưa chấm dứt ở đó, bởi khi bước lên xe đò, người thanh niên lơ xe mặt còn trẻ măng, trong khi soát giấy chứng minh nhân dân và thâu tiền xe đò, thấy tôi ngần ngại chìa ra tờ giấy Lệnh Tạm Tha, anh chàng lắc đầu cười nho nhỏ, không lấy tiền vé, nhưng chỉ cho tôi chiếc ghế gỗ của chính anh ta ngay phía sau lưng ghế bác tài. 

Dòng thời gian trôi, bao nhiêu thăng trầm trôi nổi tôi đã nếm khá nhiều trong gần ba chục năm vừa qua; bao nhiêu mặn nhạt chua cay do trần gian mang lại, tôi “hưởng” đủ; và thiệt tình tôi cũng đã quên đi tất cả; nhưng vẫn không hiểu tại sao tôi vẫn còn nhớ rõ những khuôn mặt quấn khăn rằn ri của những bà hàng chợ Mỹ Tho và nụ cười anh chàng lơ xe đò Tiền Giang vào một buổi trưa tháng 5 năm 1979 tại phố chợ Mỹ Tho??? 

B. Công Nương Diana

Vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 46 của Công nương Diana do hoàng tử William và Henry tổ chức, hơn 70 ngàn người đã kéo về vận động trường Wembley thủ đô London để tưởng nhớ công nương Diana. Công chúa Diana có thể nổi tiếng bởi vì cô đẹp, lại còn là vợ hoàng tử nước Anh, và mẹ đương kim thái tử William; nhưng sau khi cô trút hơi thở cuối cùng, tưởng rằng có lẽ theo dòng thời gian người người rồi cũng sẽ quên đi người con gái xinh đẹp nhưng lại mệnh bạc. Nhưng không! Người ta vẫn nhắc nhở tới công nương Diana và những công tác bác ái xã hội của riêng cô. Nếu công nương Diana khi còn sống quyết định đóng khung trong tháp ngà vương giả như bao nhiêu công nương khác, có lẽ thiên hạ rồi cũng sẽ quên cô đi như thế gian đã từng quên đi bao nhiêu công nương. Nhưng Diana vẫn còn sống trong lòng, ít ra là 70 ngàn người, chính bởi vì tấm lòng tử tế của cô đối với người nghèo trên thế giới. Công nương đã lưu lại trong tâm khảm của nhiều người không phải bởi cô đẹp, hay bởi cô là công nương của hoàng gia Anh, nhưng chính bởi cô giàu lòng tử tế với những nạn nhân của bệnh Aids và những người nghèo khổ của lục địa Phi Châu.

C. Chuyện Bất Tử

Thật vậy, những đời người sống với và dạy dỗ nhân loại về sự tử tế đều đã trở thành vĩ nhân bất tử của thế giới, Đức Phật, Đức Khổng Tử, Đức Giêsu, Thánh Gandi, Mẹ Theresa... 

Riêng về Đức Giêsu, chuyện kể rằng vào một buổi sáng thứ Hai, những người đàn bà đi tới ngôi mộ đá, và họ khám phá ra tảng đá đã lăn sang một bên, riêng xác Đức Giêsu đã biến mất. Để giải thích hiện tượng lạ kỳ này, có người nói nếu Đức Giêsu có khả năng hồi sinh cô con gái mười hai tuổi của ông Jairus (Mark 5: 41-42), con trai bà góa thành Nain (Luka 7:11-17), và ông Lazarô đã chôn trong mộ bốn ngày (John 11), thì làm sao Ngài lại không có khả năng để phục sinh chính thân xác của Ngài.

Suy luận trên đây có tính thuyết phục. Nhưng cũng vẫn có một lý do khác để giải thích tại sao Đức Giêsu đã sống lại; lý do này liên quan đến khái niệm bao gồm ba chữ: Sự Tử Tế. Nói một cách khác, Đức Giêsu đã sống dậy bởi vì Ngài là một người tử tế, Ngài là hiện thân của Sự Tử Tế. Và sự tử tế thì không bao giờ có thể chết thối trong mồ, hoặc bị lãng quên theo dòng thời gian. Nói một cách ngắn gọn, tử tế có tính bất tử

V. Ông Luật Sư Brendan: Sự Tử Tế

Bởi sự tử tế có tính bất tử, tôi bỗng dưng NGỘ, hiểu ra tại sao đã gần ba chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ tới những khuôn mặt tử tế của những bà hàng quấn khăn rằn ri và anh chàng lơ xe đò của một buổi trưa tháng 5 năm 1979 tại phố chợ Mỹ Tho.

Bởi công nương Diana có tấm lòng tử tế, cho nên cô sẽ còn tiếp tục sống trong lòng nhiều người.

Bởi Đức Phật, Đức Khổng Tử, Đức Giêsu, Thánh Gandi, Mẹ Theresa là những người tử tế, các Ngài là hiện thân của Sự Tử Tế, các ngài sẽ còn tiếp tục sống mãi và sống muôn đời. 

Sau hết, bởi tấm lòng tử tế, ông luật sư Brendan Keilar đã không chết, nhưng tiếp tục trở thành một nhân vật bất tử. Cái chết của ông không phải là một cái chết vớ vẩn, nhưng là một tấm gương soi cho thị dân Melbourne và người dân Úc, dù là Úc gốc Tây, hay Úc gốc Việt. Giờ này thể xác ông đã yên nghỉ, nhưng hồn phách tinh anh của ông vẫn sống với người dân thị trấn Melbourne.

Đúng như vậy, cuộc đời trăm năm ngắn ngủi sẽ trôi qua. Ngàn vạn thành quách cũng đã sụp đổ. Vĩ đại như Alexander hay Quang Trung đại đế cũng đã nằm xuống. Xinh đẹp sắc sảo như Nữ Hoàng Cleopatra hay Nam Phương Hoàng Hậu cũng đã ngủ yên. Cuộc đời tiếp tục trôi qua. Thiên hạ tiếp tục rủ nhau bốc hơi biến mất.

Ngày mai nếu hiểm họa global warning xầm xập kéo tới bôi xóa phố phường Úc Châu và cả thế giới, lúc đó, sẽ chỉ còn sót lại trong tâm thức vũ trụ những nhân vật mang chân dung Tử Tế. Còn lại tất cả đều chỉ là một con số không to tướng mà thôi.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
____________________________

Chú Thích

[1] Lữ Giang, Con Số 100 Triệu Nạn Nhân (http://www.vietcatholic.net/News/Read.aspx?id=44936).
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Những Con Diều Sặc Sỡ
Dominic Đức Nguyễn
18:33 06/07/2016
NHỮNG CON DIỀU SẶC SỠ
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Thấy diều thành phố muôn mầu
Thương về quê cũ diều nâu đầu làng.
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 29/06– 04/07/2016: Chuyến tông du Armenia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:53 06/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong những ngày qua, VietCatholic đã đưa tin về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Armenia. Chương trình Giáo Hội Năm Châu kỳ này xin dành để trình bày với quý vị và anh chị em hai diễn biến quan trọng còn lại là lễ nghi phụng vụ tại quảng trường San Tiridate Etchmiadzin; và tuyên ngôn chung giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị của Giáo Hội Armenia Tông Truyền.

Lúc 7 giờ 30 sáng Chúa Nhật 26 tháng 6, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện Dinh tông toà Etchmiadzin. Cùng đồng tế thánh lễ có Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Toà Thánh và Đức Ông thư ký toà Sứ Thần. Lúc 9 giờ 15 ngài gặp gỡ thân tình với 14 Giám Mục Công Giáo Armeni. Cùng hiện diện cũng có 12 linh mục làm việc mục vụ tại Armenia và các vị trong đoàn tuỳ tùng của Đức Thánh Cha. Tiếp đến Đức Thánh Cha đi xe tới quảng trường Thánh Tiridate cách đó 200 mét để tham dự lễ nghi phụng vụ do Đức Guaréguin II Thượng Phụ Tối cao và Catholicos của mọi tín hữu Armeni chủ sự.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ đang đi dưới tàn che có 4 phó tế cầm bốn góc. Một vị Tổng Giám Mục của Giáo Hội Armenia Tông Truyền dẫn đầu đoàn rước cùng với hai phó tế. Thỉnh thoảng, hai vị phó tế quay lại xông hương cho Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ, giữa tiếng vỗ tay và chào mừng của tín hữu.

Đoàn rước đang đi dần về bàn thờ ở hướng đông gần Chủng viện thần học Guevorguian. Bàn thờ này đã được xây hồi năm 2001 nhân dịp kỷ niệm 1.700 năm Kitô giáo được tuyên bố là quốc giáo của Armenia. Bàn thờ được dùng trong các lễ lớn như lễ Chúc lành Mùa Chay, và lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Cũng tại đây thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ trong chuyến viếng thăm mục vụ Armenia năm 2001. Bên cạnh bàn thờ là Cổng thánh Gregorio Đấng soi sáng là lối vào chính của Toà Thượng Phụ Etchmiadzine. Trên cột phía Tây của cổng có hình hai thánh tông đồ Tadeo và Bartolomeo đã rao giảng Tin Mừng tại Armenia. Trên cột phía Đông có hình vua Tiridate và thánh Gregorio Đấng soi sáng.

Các liên lạc đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tông Truyền Armeni rất thân tình và đã bắt đầu hồi thập niên 1970. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã gặp gỡ Đức Thượng Phụ Vazguen I năm 1970. Sau đó đã có các cuộc viếng thăm chính thức của Đức Thượng Phụ Guaréguin I tại Vaticăng. Năm 1999 cuộc triển lãm Roma-Armenia đã được tổ chức trong nhà nguyện Sistina nhân kỷ niệm 1.700 năm dân nước Armenia được rửa tội. Trong 17 năm tại chức Đức Guaréguin II cũng đã gặp gỡ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Biển Đức XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô. Chuyến viếng thăm cuối cùng là ngày 12 tháng 4 năm 2015, nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng Armeni trong đền thờ thánh Phêrô.

Thánh lễ đã bắt đầu lúc 10 giờ sáng giờ địa phương và được hát hầu như từ đầu tới cuối, đối đáp giữa vị chủ tế, các phó tế và ca đoàn. Tham dự thánh lễ có các TGM, Giám Mục của Giáo Hội Armeni Tông Truyền, các TGM, Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Armeni, cũng như tổng thống và giới chức chính quyền dân sự và đông đảo tín hữu.

Thánh lễ bao gồm nhiều phần khác nhau, từ nghi thức rửa tay thánh hóa, xưng thú tội lỗi xin Mẹ Thiên Chúa và các Thánh bầu cử, kêu lên Chúa với thánh vịnh 99, đến thánh vịnh 42 và lời cầu xin thánh Gregorio thành Narek giúp cử hành bí tích xứng đáng, thánh ca “Được chọn”, phần đem bánh rượu ra, xông hương cho cộng đoàn biểu tượng cho Chúa Kitô nhập thể làm người bước đi giữa loài người và lên trời. Hương thơm biểu tượng cho mùi thơm dịu dàng của Tin Mừng toả lan giữa loài người. Nhiều thánh ca đã được hát trước khi tới phần công bố Phúc Âm. Tiếp đến là kinh Tin Kính, rồi nhiều nghi thức khác trước khi trao hôn bình an, kinh Thánh Thánh Thánh, phần tưởng nhớ các thánh vv….

Trước nghi thức hiệp lễ Đức Thượng Phụ đã ngỏ lời với mọi người. Ngài nói:

Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần,

Kính thưa Đức Thánh Cha, người anh em thân yêu trong Chúa Kitô,

Kính thưa Tổng Thống Cộng Hòa Armenia

Anh em thiêng liêng và các tín hữu thân mến,

Trong vòng mấy ngày qua, chúng ta đã được cảm nghiệm dư tràn niềm vui thiêng liêng và lời cầu nguyện chung trong khi vinh danh Thiên Chúa tại Etchmiadzin Thánh Thiện này. Hôm nay, chúng ta tụ họp nhau để cử hành Phụng Vụ Thánh, được sự tham dự cầu nguyện của Đức Giám Mục Rôma, người anh em thân yêu của chúng ta, là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Quả có tính biểu tượng khi bài đọc Sách Thánh hôm nay, trong lúc cử hành Phụng Vụ Thánh, là câu truyện hóa bánh ra nhiều. Thánh Sử nói với chúng ta rằng khi Chúa Giêsu lui vào nơi thanh vắng vì biết rằng một đám đông lớn đang theo sau Người, nhưng khi thấy đám đông tụ họp lại, Người cảm thương họ và chữa lành cho các bệnh nhân của họ. Đến chiều tối, các tông đồ xin Chúa cho giải tán đám đông để họ có thể đi tìm thực phẩm. Nhưng Chúa Kitô ra lệnh cho các ông phải cho họ ăn. Tuy nhiên, chỉ có một ít thực phẩm, và Chúa đã chúc lành số thực phẩm này và bánh cứ thế hóa nhiều thêm mãi, đủ để các tông đồ nuôi ăn trọn đám đông này.

Cốt lõi của phép lạ này, một phép lạ đã trở thành một trong các sứ mệnh quan trọng của Giáo Hội Chúa Kitô, là việc thỏa mãn các tinh thần trống rỗng bằng các giáo huấn Chúa ban và nâng đỡ người túng thiếu vì lòng cảm thương. Chúa thúc giục các người theo chân Người phải lấy việc làm mà làm mới lại đức tin của mình, phải tham dự việc cầu nguyện và thờ phượng với lòng cảm thương, và làm việc bố thí; qua các việc này, qua việc làm dịu nghèo khó và khổ não, chúng ta trở nên những người cùng làm việc với Thiên Chúa, như lời Thánh Tông Đồ từng nói (1Cr 3:9). Nhờ viễn kiến này, nhiều vị giáo phụ có tài tiên tri, các thượng phụ đầy ơn thánh, các vị chăn chiên can đảm và tốt lành, vô số chứng nhân đức tin và tín hữu nhiệt thành, trong nhiều thế kỷ qua, đã viết lên nhiều trang sách cho lịch sử Giáo Hội Chúa Kitô bằng những lời giảng giải sốt sắng về Lời Thiên Chúa và các công trình bố thí và nuôi dưỡng lớn lao; ngõ hầu dân Chúa được củng cố bằng đức tin, và qua các việc làm của đức tin, họ duy trì sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của nhân loại.

Hôm nay, đức tin vào Thiên Chúa đang bị thử thách và linh hồn con người đang thành chai đá trong những lúc khó khăn gian khổ và cả trong những lúc giầu có dư thừa, khi họ tách mình ra khỏi các quan tâm đối với những người mong có bánh ăn hàng ngày và đang chịu đau đớn và đau khổ. Đức tin đang ở thế bị thử thách bởi chủ nghĩa cực đoan và đủ loại ý thức hệ khác; bài ngoại, nghiện ngập, đam mê và tư lợi. Các diễn trình của chủ nghĩa duy tục đang tăng độ, các giá trị và quan điểm tinh thần và đạo đức bị bóp méo, và cơ cấu gia đình, do Thiên Chúa thiết lập, đang bị lung lay. Gốc rễ của sự ác trong cuộc sống hiện nay là mưu toan xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa, là giải thích lề luật và giới răn của Thiên Chúa như là tạo ra các nan đề kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường và nhiều nan đề khác, vốn mỗi ngày mỗi sâu xa hơn và đe dọa lối sống tự nhiên.

Tuy nhiên, thế giới vẫn không ngừng là tâm điểm của tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa. Chúa vẫn tiếp tục nói rằng: “Ta là bánh ban sự sống: ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói; và ai tin vào Ta sẽ không bao giờ khát” (Ga 6:35). Ai đã nếm được giáo huấn hân hoan của Chúa đều sẽ cúi xuống để nâng người ngã lên, để gia tăng đức cậy và đức tin trong tâm hồn người ta, và để lặp lại phép lạ hóa bánh ra nhiều nhờ việc nâng đỡ và an ủi người túng thiếu, người bệnh, và người sầu khổ. Lòng tốt sẽ chiến thắng trên thế giới và các thách đố hiện nay sẽ được vượt qua nhờ các giới răn của Thiên Chúa và nhờ việc sử dụng các giá trị tinh thần và đạo đức. Mọi việc làm tốt đều nói lên sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với nhân loại và thế giới, theo như lời Chúa phán, “này đây Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa các con” (Lc 17:21), và như một lời khẳng định câu này, các Giáo Hội thế giới đang hết lòng phục vụ.

Anh chị em thân mến, trong những ngày này, cùng với người anh em tinh thần, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, qua các cuộc thăm viếng và cầu nguyện chung, chúng ta đã tái xác nhận rằng Giáo Hội Thánh Thiện của Chúa Kitô là một Giáo Hội để loan truyền Tin Mừng của Chúa Kitô trong thế giới, bằng cách chăm sóc sáng thế, đương đầu với các nan đề chung, và trong sứ mệnh quan yếu cứu rỗi con người vốn là triều thiên và vinh quang của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Sứ mệnh không thể tách rời của Giáo Hội Chúa Kitô là củng cố tình liên đới giữa các quốc gia và dân tộc, tăng cường tình huynh đệ và sự hợp tác, và chứng cớ của việc này là sự tham dự Phụng Vụ Thánh hôm nay của các nhóm thiểu số sắc tộc ở Armenia: Người Assyria, người Belarus, người Hy Lạp, người Georgia, người Do Thái, người Yazidi, người Kurd, người Đức, người Ba Lan, người Nga và người Ukraine; những người này, trong việc sống chung huynh đệ với nhân dân chúng ta, đã đóng góp vào việc phát triển xứ sở chúng ta và sự tiến bộ của đời sống xã hội.

Trong ngày hồng phúc này, chúng ta đánh giá cao việc được một dịp nữa để cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân cuộc viếng thăm huynh đệ của ngài. Chúng tôi và nhân dân chúng tôi sẽ luôn luôn cầu nguyện cho ngài, thưa người anh em thân yêu, và cho các cố gắng của ngài nhằm kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại và việc thăng tiến của Giáo Hội Chúa Kitô. Xin Thiên Chúa ban cho ngài sức mạnh, chúc lành và giữ vững các Giáo Hội của chúng ta trong tình yêu và sự hợp tác và xin Người ban cho chúng ta nhiều cơ hội mới để làm chứng cho tình huynh đệ. Trong lời cầu nguyện hàng ngày của ngài, xin ngài nhớ đến nhân dân Armenia, quốc gia Armenia và Giáo Hội Armenia và Tòa Mẹ Etchmiadzin Thánh Thiện.

Với tinh thần cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin sự che chở và nâng đỡ của Tay Hữu Chí Thánh của Thiên Chúa Toàn Năng bảo vệ các người đau khổ vì chiến tranh và bạo lực cũng như những ai đang đói lả, nghèo khổ và các loại hoạn nạn khác. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa đổ hồng ân dư tràn từ trời xuống trên cuộc sống ta và trên thế giới. Amen.

Tiếp đến là bài phát biểu của Đức Thánh Cha. Ngài nói:

Thưa Anh Chị Em,

Vào cuối chuyến viếng thăm hết lòng ao ước này, một chuyến viếng thăm đã là không thể nào quên được đối với tôi, tôi hiệp ý dâng lên Chúa lòng biết ơn của tôi trong những bài thánh ca ngợi khen và tán tụng tuyệt vời được dâng lên từ bàn thờ này. Thưa Đức Thượng Phụ, trong những ngày này ngài đã mở rộng cửa đón tiếp tôi, và chúng ta đã cảm nghiệm được “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau,” (Tv 133: 1). Chúng ta đã gặp nhau, đã ôm lấy nhau như anh em, chúng ta đã cầu nguyện với nhau và chia sẻ những hồng ân, những hy vọng và những mối quan tâm cho Giáo Hội của Chúa Kitô. Chúng ta đã cùng cảm thấy như nhau nhịp đập con tim của Giáo Hội, và chúng ta tin tưởng và cảm nghiệm rằng Giáo Hội là một. “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4 : 4-6). Với niềm vui lớn lao, chính chúng ta đã có thể thực hiện những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô! Cuộc gặp gỡ của chúng ta được sự bảo trợ của các thánh Tông Đồ là các vị chúng ta đã biết đến. Thánh Bartholômêô và Thánh Tađêô là những người đầu tiên công bố Tin Mừng trong vùng đất này, và Thánh Phêrô và Phaolô là những vị đã hiến mạng sống mình cho Chúa ở Rôma và bây giờ đang ngự trị cùng Chúa Kitô ở trên trời, các vị chắc chắn vui mừng chứng kiến tình cảm của chúng ta và lòng khao khát tỏ tường của chúng ta cho sự hiệp thông trọn vẹn. Vì tất cả những điều này, tôi cảm ơn Chúa, vì hiền huynh và cùng với hiền huynh: Park astutsò! (Vinh danh Thiên Chúa!).

Trong Phụng Vụ Thánh này, bài ca vịnh trọng thể Thánh, Thánh, Thánh được dâng lên trời cao, tán dương sự thánh thiện của Thiên Chúa. Cầu xin phước lành của Đấng Tối Cao tuôn đổ dư dật đầy mặt đất nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, các vị Đại Thánh và các Tiến sĩ Hội Thánh, các vị tử đạo, đặc biệt là đông đảo các vị mà hiền huynh đã tuyên thánh vào năm ngoái ở nơi này. Cầu xin “Đấng Tự Hữu Duy Nhất đã xuống trần” ban phước lành cho cuộc hành trình của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần biến đổi tất cả các tín hữu nên một lòng một trí; xin Ngài đến để thiết lập lại sự hiệp nhất trong chúng ta. Về điều này, một lần nữa tôi khẩn cầu Chúa Thánh Thần, xin mượn những từ ngữ huy hoàng trong Phụng Vụ của hiền huynh: Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng “khẩn cầu với những tiếng thở dài không ngừng lên Chúa Cha đầy lòng thương xót, Đấng giữ gìn các thánh và thanh tẩy những kẻ tội lỗi,” xin ban cho chúng con ngọn lửa tình yêu và hiệp nhất, và “xin cho nguyên do gây ra tai tiếng của chúng con được tan biến trong tình yêu thương này” (Thánh Gregory Narek, Sách Ai Ca, 33, 5) trên tất cả là tai tiếng chia rẽ trong các môn đệ của Chúa Kitô.

Cầu xin cho Giáo Hội Armenia được tiến bước trong hòa bình và xin cho sự hiệp thông giữa chúng ta được trọn vẹn. Xin cho một mong muốn mãnh liệt cho sự hiệp nhất được tăng lên trong lòng chúng ta, một sự hiệp nhất không phải là “tùng phục nhau, hoặc đồng hóa nhau, trái lại là sự chấp nhận tất cả những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Điều này sẽ cho toàn bộ thế giới thấy mầu nhiệm lớn lao của ơn cứu rỗi đã được hoàn tất nơi Chúa Kitô qua Chúa Thánh Thần “(Lời chào mừng trong Phụng Vụ Thánh tại nhà thờ Thánh George, ở Istanbul, ngày 30 Tháng 11 2014).

Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của các thánh, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của những người khiêm nhường và nghèo hèn, của đông đảo các nạn nhân của hận thù, là những người đã thí mạng sống vì đức tin. Chúng ta phải chú trọng đến thế hệ trẻ, những người đang tìm kiếm một tương lai không có những chia rẽ trong quá khứ. Từ thánh điện này, xin cho ánh sáng rạng rỡ được tỏa sáng một lần nữa, và cho ánh sáng của đức tin, đã từng soi sáng mảnh đất này từ thời Thánh Gregôriô, là Người Cha của anh chị em trong Tin Mừng, có thể hiệp cùng ánh sáng của tình yêu để đem lại ơn tha thứ và hòa giải.

Như các tông đồ vào buổi sáng lễ Phục sinh, với tất cả những do dự và hoang mang của các ngài, đã chạy đến ngôi mộ Chúa Phục sinh khi được thu hút bởi bình minh của niềm hy vọng mới (x Jn 20: 3-4); cầu xin cho trong ngày Chúa Nhật thánh này, chúng ta cũng vội vã theo tiếng gọi của Chúa để hiệp thông đầy đủ với nhau và chạy nhanh về hướng đó.

Bây giờ, thưa hiền huynh, trong danh Thiên Chúa, xin ban phép lành cho tôi, và cho Giáo Hội Công Giáo, và ban phép lành cho con đường hướng tới hiệp nhất trọn vẹn này của chúng ta.

Đức Thượng Phụ và Đức Thánh Cha đã ôm hôn nhau.

Lễ nghi phụng vụ tiếp tục với nhiều bài thánh ca khác và phần hiệp lễ. Sau khi ban phép lành cuỗi lễ cho mọi người Đức Thượng Phụ xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho cộng đoàn.

Tiếp đến Đức Thượng Phụ và Đức Thánh Cha đã rời bàn thờ xuống chào tổng thống và các giới chức chính quyền, trước khi cùng các Giám Mục đi rước tiến về Dinh Tông Toà cách đó 200 mét. Như lúc đầu lễ, Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ đi dưới tàn che có 4 phó tế cầm bốn góc. Hai phó tế đi trước thỉnh thoảng quay lại xông hương cho hai vị, giữa tiếng vỗ tay và chào mừng của tín hữu. Một em bé đã chạy tới tặng Đức Thánh Cha lá quốc kỳ Armenia bé tí của em.

Tuyên bố chung của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị

Chúa Nhật, 26 tháng 6, trước khi từ giã Armenia, sau 3 ngày viếng thăm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cùng Thượng Phụ Tối Cao Karekin II ký một bản tuyên bố chung kêu gọi một giải pháp hoà bình cho vùng Nagorno-Karabakh. Bản tuyên bố cũng nhắc tới “việc tận diệt một triệu rưỡi Kitô Hữu Armenia, trong điều thường được nhắc đến như cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20”.

Trong bản tuyên bố trên, hai nhà lãnh đạo cầu nguyện cho việc thay đổi cõi lòng nơi tất cả những người sử dụng bạo lực, cũng như nài nỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia lắng nghe tiếng kêu của những người “đang rất cần cơm bánh, chứ không phải súng đạn”.

Sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Bố Chung:

Hôm nay tại Etchmiadzin Thánh Thiện, trung tâm tinh thần của mọi người Armenia, chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Tối Cao của Mọi Người Armenia Karekin II nâng tâm trí chúng tôi lên cảm tạ Đấng Toàn Năng vì sự gần gũi liên tục và mỗi ngày mỗi lớn mạnh hơn giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo trong việc hai Giáo Hội cùng làm chứng cho sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng trong một thế giới bị xâu xé bởi xung đột và khao khát được an ủi và hy vọng.Chúng tôi ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Cha, Con và Thánh Thần, vì đã làm cho chúng tôi có thể đến với nhau trong lãnh thổ thánh kinh Ararat này, một lãnh thổ tọa lạc tại đây như một nhắc nhớ rằng Thiên Chúa sẽ mãi mãi là sự che chở và cứu rỗi của chúng ta. Tinh thần chúng tôi rất hài lòng khi nhớ lại: năm 2001, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 1,700 việc tuyên bố Kitô Giáo là tôn giáo của Armenia, Thánh Gioan Phaolô II đã viếng thăm Armenia và là chứng nhân của một trang sử mới trong các mối liên hệ ấm áp và huynh đệ giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi rất biết ơn khi được ơn phúc hiện diện với nhau ở buổi phụng vụ long trọng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rôma ngày 12 tháng Tư năm 2015, nơi chúng tôi đoan hứa hết sức chống lại bất cứ hình thức kỳ thị và bạo lực nào, và tưởng niệm các nạn nhân của điều được Bản Tuyên Bố Chung của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Karekin II nói đến như là “cuộc tận diệt một triệu rưỡi Kitô hữu Armenia, trong điều thường được nhắc đến như là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20” (27 tháng Chín, 2001).

Chúng tôi ngợi khen Thiên Chúa vì hôm nay, đức tin Kitô Giao lại một lần nữa trở thành một thực tại sinh động ở Armenia, và Giáo Hội Armenia đang thi hành sứ mệnh của mình với một tinh thần hợp tác huynh đệ giữa các Giáo Hội, nâng đỡ các tín hữu trong việc xây dựng một thế giới liên đới, công lý và hoà bình.

Tuy vậy, đáng buồn thay, chúng tôi chứng kiến một thảm kịch lớn lao đang diễn ra trước mắt chúng tôi, với không biết bao nhiêu người vô tội đang bị sát hại, bị phân tán hay buộc phải biệt xứ một cách đau lòng và không chắc chắn, bởi các cuộc tranh chấp liên lỉ vì lý do sắc tộc, kinh tế, chính trị và tôn giáo ở Trung Đông và ở các vùng khác trên thế giới. Thành thử, các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc đã trở thành mục tiêu cho cuộc bách hại và đối xử tàn bạo, đến nỗi việc chịu đau khổ vì niềm tin tôn giáo của người ta đã trở thành một thực tại hàng ngày. Các vị tử đạo thuộc mọi Giáo Hội và sự đau khổ của các ngài là một “đại kết bằng máu” vượt qua các chia rẽ lịch sử giữa các Kitô hữu, kêu gọi tất cả chúng ta phải cổ vũ việc hợp nhất hữu hình các môn đệ của Chúa Kitô. Nhờ sự cầu bầu của các Thánh Tông Đồ, Phêrô và Phaolô, Tađêô và Bartôlômêô, chúng tôi cùng cầu xin cho một sự thay đổi cõi lòng nơi tất cả những ai đang phạm tội ác và những ai đang ở vị thế ngăn chặn bạo lực. Chúng tôi nài nỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia lắng nghe tiếng kêu của hàng triệu con người đang khao khát hòa bình và công lý trên thế giới; họ đòi phải tôn trọng các quyền lợi do Thiên Chúa ban cho họ, họ đang rất cần cơm bánh, chứ không phải súng đạn. Đáng buồn thay, chúng tôi đang chứng kiến việc người ta trình bầy tôn giáo và các giá trị tôn giáo một cách cực đoan, một lối trình bầy được sử dụng để biện minh cho việc phổ biến hận thù, kỳ thị và bạo lực. Việc biện minh các tội ác dựa trên các ý niệm tôn giáo là điều không thể chấp nhận được, vì “Thiên Chúa không phải là tác giả của hỗn loạn, mà là của hòa bình” (1Cr 14:33). Hơn nữa, việc tôn trọng đối với sự dị biệt tôn giáo là điều kiện cần thiết cho việc chung sống hòa bình của các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Chính vì là các Kitô Hữu, nên chúng ta được kêu gọi tìm kiếm và thực thi các con đường tiến tới hòa giải và hòa bình. Về phương diện này, chúng tôi cũng xin bầy tỏ lòng hy vọng của chúng tôi về một giải pháp hòa bình cho các vấn đề liên quan tới Nagorno-Karabakh.

Ý thức điều Chúa Giêsu từng dạy các môn đệ khi Người nói: “Ta đói, các con đã cho Ta ăn; Ta khát, các con đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con đã chào đón Ta; Ta trần truồng, các con đã mặc áo cho Ta; Ta đau ốm, các con đã thăm viếng Ta; Ta ở trong tù, các con đã tới thăm Ta” (Mt 25:35-36), chúng tôi xin các tín hữu trong các Giáo Hội của chúng tôi mở lòng và mở tay ra đón nhận các nạn nhân của chiến tranh và khủng bố, các tị nạn và gia đình họ. Người ta đang tranh cãi về cảm thức nhân loại, liên đới, cảm thương và đại lượng, những điều chỉ có thể phát biểu một cách thích đáng trong một cuộc giao kết các tài nguyên thực tiễn ngay tức khắc. Chúng tôi nhìn nhận mọi điều đã được thực hiện, nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng về phần các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng quốc tế, nhiều điều hơn vẫn còn cần được làm để bảo đảm quyền lợi của mọi người được sống trong hòa bình và an toàn, để duy trì việc thượng tôn pháp luật, để che chở các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, để chống việc buôn người va buôn lậu.

Việc tục hóa các thành phần lớn lao trong xã hội, việc nó tách ra khỏi thể linh thiêng và thể thần linh, đang nhất thiết dẫn tới một viễn kiến phạm thánh và duy vật về con người và gia đình nhân bản. Về phương diện này, chúng tôi quan tâm tới cuộc khủng hoảng gia đình tại nhiều quốc gia. Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo chia sẻ cùng một viễn kiến về gia đình, dựa trên hôn nhân, một hành vi tự ý cho đi và yêu thương trung thành giữa người đàn ông và người đàn bà.

Chúng tôi vui mừng xác nhận rằng bất chấp các chia rẽ liên tục giữa các Kitô hữu, chúng tôi đã tiến tới chỗ hiểu rõ ràng hơn rằng điều kết hợp chúng tôi nhiều hơn điều chia rẽ chúng tôi. Đây là căn bản vững chắc để sự hợp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô trở thành tỏ hiện, phù hợp với lời lẽ của Chúa: “để chúng nên một” (Ga 17:21). Trong các thập niên vừa qua, mối liên hệ giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo đã mỹ mãn bước vào một giai đoạn mới, được củng cố bằng những lời cầu nguyện hỗ tương và các cố gắng chung trong việc vượt qua các thách đố hiện thời. Hôm nay, chúng tôi xác tín tầm quan trọng chủ yếu của việc đẩy xa mối liên hệ này thêm nữa, dấn thân vào một sự hợp tác sâu xa và dứt khoát hơn không những trong lãnh vực thần học, mà còn cả trong lãnh vực cầu nguyện và hợp tác tích cực trên bình diện các cộng đồng địa phương, nhằm mục tiêu tham dự sự hiệp thông trọn vẹn và cụ thể nói lên sự hợp nhất. Chúng tôi thúc giục các tín hữu của chúng tôi làm việc cách hoà hợp để cổ vũ các giá trị Kitô Giáo trong xã hội, các giá trị vốn đang đóng góp hữu hiệu vào việc xây dựng nền văn minh công lý, hoà bình và liên đới nhân bản. Con đường hòa giải và tình huynh đệ đang mở ra trước mặt chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng hằng hướng dẫn chúng ta bước vào mọi chân lý (xem Ga 16:13), nâng đỡ mọi cố gắng chân chính nhằm xây dựng các cây cầu yêu thương và hiệp thông giữa chúng ta.

Từ Etchmiadzin Thánh Thiện, chúng tôi kêu gọi mọi tín hữu của chúng tôi tham gia với chúng tôi trong lời cầu nguyện, theo lời lẽ của Thánh Nerses Đầy Ơn Thánh: “Lạy Chúa vinh hiển, xin Chúa chấp nhận lời khẩn cầu của các tôi tớ Chúa, và nhân từ làm cho các lời khẩn nguyện của chúng con nên trọn, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Thánh Thiên Chúa, Thánh Gioan Baotixita, Thánh Tử Đạo Tiên Khởi Stêphanô, Thánh Grêgôriô Soi Sáng, Các Thánh Tông Đồ, Các Tiên Tri, Các Nhà Thần Học, các Vị Tử Đạo, các Thượng Phụ, Các Vị Ẩn Tu, Các Vị Đồng Trinh và mọi vị Thánh của Chúa ở trên trời và ở dưới đất. Và, lạy Thiên Chúa Ba Ngôi không thể phân rẽ, chúng con vinh danh và thờ lạy Chúa muôn muôn đời. Amen”

Etchmiadzin Thánh Thiện, 26 tháng Sáu, 2016

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Đức Thượng Phụ Karekin II
 
Thánh Ca
Về Đây Với Mẹ - Trình Bày Tuyết Trinh
VietCatholic Sydney Studio
01:03 06/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Video mới: Tình Hồng Dâng Hiến - Ca sĩ Phương Loan trình bầy
VietCatholic Network
23:06 06/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


TÌNH HỒNG DÂNG HIẾN

Lm. Văn Chi

1. Mẹ hỡi chiều nay đôi trái tim hồng ước mơ bao dịu huyền. Nguyện dâng lên những tin yêu, đây đôi tim hồng tình yêu nồng thắm. Dìu nhau quỳ đây, dâng trước nhan Mẹ mến yêu thương nồng nàn. Vầng tim son sắt yêu thương, hiến dâng lên Mẹ tin yêu ngập tràn.

ĐK. Dâng lên Mẹ ơi, tình yêu tươi thắm cuộc sống tương lai. Bên nhau quỳ đây, dâng đôi tim hồng tròn bao mơ ước. Dâng lên Mẹ ơi, đường đời đôi lứa nguyện ước tơ duyên. Trăm năm đường đi đồng hành chung lối với Mẹ an vui.

2. Mẹ hỡi đời con đôi trái tim hồng ước giao câu thề nguyền. Tựa như nến cháy linh ân, trung trinh lời thề tình yêu đẹp mãi. Mẹ thương đời con, son sắt ân tình hiến dâng lên Mẹ hiền. Đời con dệt nghĩa yêu thương, sánh vai trên đường êm vui nồng nàn.

3. Nhẹ bước đời con chung lối ân tình bước đi trên đường đời. Tình yêu thắp sáng lên khơi, trăm năm lời thề tình yêu bền vững. Cùng nhau quỳ đây, dâng hiến lên Mẹ những yêu thương đong đầy. Đường đi hạnh phúc tương lai, bước đi ân tình trong tay dịu hiền.