Ngày 08-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Những đau khổ đời này không thể so sánh với vinh quang sắp tới
Phaolô Phạm Xuân Khôi
06:31 08/07/2008
Tìm hiểu Thánh Thư Chúa Nhật XV Thường Niên - Năm A (Rom 8:18-23)

Tuần trước chúng ta nghe Thánh Phaolô nói rằng đời sống Kitô hữu là một đời sống trong Chúa Thánh Thần và được Thiên Chúa tiền định cho hưởng vinh quang mai hậu. Muốn đạt được vinh quang ấy, chúng ta cần có Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể soi sáng cho tôi để chúng ta biết điều gì đẹp lòng Chúa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban sức mạnh cho chúng ta để làm theo Lời Thiên Chúa.

Hôm nay Thánh Phaolô nói rằng “Những đau khổ đời này không thể so sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mặc khải cho chúng ta” (Rom 8:18). Chúa mặc khải cho chúng ta qua Lời của Ngài. Lời Ngài chính là mưa từ trời rơi xuống để làm cho hạt giống mọc lên. “Lời ấy sẽ không trở lại với Ngài mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ngài, và làm tròn sứ mạng Ngài uỷ thác” (Is 55:11). Lời ấy như hạt giống giao vào lòng đất. Mà lòng chúng ta như những thửa đất. Đất càng được vun xới và thấm nhuần nhiều nước mưa thì càng sinh hoa kết quả nhiều (Mt 12:1-9). Lòng chúng ta càng thấm nhuần Lời Chúa thì càng thêm hoa trái

18. Tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta.

Để hiểu rõ đoạn này chúng ta cần nhắc lại đoạn Thánh Thư tiếp theo ngay sau tuần trước, Thánh Phaolô viết rằng một khi chúng ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì chúng ta là con cái Thiên Chúa. “Vậy nếu là con, thì cũng là người thừa kế, thừa kế của Thiên Chúa, và đồng thừa kế với Ðức Kitô; miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người, để chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rom 8:17-18). Vậy đối với Kitô hữu, đau khổ không phải là hình phạt mà là hồng ân, vì không những Thánh Thần ban cho chúng ta ơn tin vào Đức Kitô “mà còn được ơn chịu đau khổ với Người” (Phil 1:29).

Tại sao đau khổ lại là một hồng ân? Giống như mặt đất nếu không được cày bừa thì ra cằn cỗi và mọc lên gai góc, tâm hồn con người nếu không chịu đau khổ thì cũng ra hoang vu như đất thiếu cày bừa. Do đó ơn thánh không thấm nhuần được để lời Chúa sinh hoa kết quả.

Không những thế, đau khổ còn giúp chúng ta dễ cảm thông và giúp đỡ người khác. Càng chịu đau khổ nhiều vì yêu Chúa thì chúng ta càng được Chúa yên ủi nhiểu, vì Thiên Chúa “luôn an ủi chúng ta trong mọi cơn thử thách, để chúng ta có thể an ủi những người gặp phải bất cứ cơn gian nan khốn khó nào, bằng sự an ủi mà chính chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa. Vì như sự khổ đau của Ðức Kitô đổ tràn trên chúng ta thế nào, thì niềm an ủi của chúng ta cũng được tràn trề như vậy nhờ Ðức Kitô” (2 Cor 1:4-5).

Hơn nữa, Chúa Giêsu có thể cứu độ chúng ta mà không cần phải chịu đau khổ và chết tức tưởi trên Thánh Giá. Nhưng người muốn chịu đau khổ để làm gương cho chúng ta. Cho nên muốn theo Chúa đến vinh quang thì phải “từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa” (Mt 16:24; Lc 14:27), bởi vì “những đau khổ ở đời này không hể sánh với vinh quang sắp tới được mặc khải cho chúng ta” (Rom 8:18).

19. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa.

Các tạo vật ở câu này không kể đến các thiên sứ và loài người mà chỉ nói đến thế giới vật chất. Thế giới này được trao cho loài người quản lý. Nhưng vì tội Ađam (ST 3:17) nên chúng cũng bị chúc dữ. Từ đó tình trạng của các tạo vật này cũng bị xáo trộn, bất thường và hư hại. Thánh Phaolô thấy rằng các tạo vật chia sẻ cùng một số phận với con người.

20. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Đấng đã bắt nó phải tùng phục

Công Đồng Vatican II viết, “Thánh Kinh dạy rằng con người được tạo dựng ‘theo hình ảnh Thiên Chúa’, để có thể nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa, và được Ngài đặt trên mọi tạo vật dưới đất để họ có thể cai quản chúng, sử dụng chúng, trong khi tôn vinh Thiên Chúa” (Gaudium et Spes,12). Như thế số phận của tạo vật là ở trong tay con người. Dùng chúng vào việc tốt thì chúng thành ra tốt, vào việc xấu thì thành hư ảo. Thay vì sử dụng chúng để tôn vinh Thiên Chúai và giúp đỡ đồng loại, con người đã dùng chúng như phương tiện để phạm tội, làm cho chúng cũng xa lìa Thiên Chúa và chịu chung số phận với loài người.

21. với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.

Thánh Gioan Kim Khẩu nói “Trong câu này Thánh Phaolô có ý nói rằng các tạo vật trở nên hư nát…. Nhưng thiệt hại này không phải là không sửa chữa được. Bởi vì chúng sẽ được phục hồi vì các người. có nghĩa là ‘trong hy vọng’” (Bài giảng về Thư Rôma, 14). Mặc dầu trừng phạt loài người và chúc dữ cho tạo vật, Thiên Chúa đã hứa ơn cứu độ (ST 3:15). Nhân loại được cứu độ này sẽ được giao hòa với Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt trái đất qua việc làm của con cái Ngài. Đức Kitô đã đến để giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi, sự chết, xác thịt và Lề Luật. Người đem lại cho những ai tin vào Người sự tự do của con cái Thiên Chúa. Ơn cứu độ này bào gồm cả tạo vật. Đối với Thánh Phaolô, tạo vật không phải chỉ là những khách bàng quan ngồi đó chứng kiến sự chiến thắng vinh quang của con cái Thiên Chúa, mà cũng được dự phần vào cuộc khải hoàn này. Chính chúng sẽ trở thành những phương tiện cho chúng ta dùng mà vinh danh Thiên Chúa. Cho nên khi con người được giải phóng thì tạo vật cũng được giải phóng theo.

22. Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con.

Thánh Phaolô so sánh việc tái sanh của tạo vật như là việc đau bụng của người phụ nữ lúc sinh con. Tạo vật đau khổ rên siết vì chúng bất lực, không làm được gì cả giống như một người phụ nữ rặn mãi mà vẫn chưa sinh được con. Chúng chỉ biết chờ đợi con người hoán cải. Mặc dù Chúa Giêsu đã đến để cứu độ trần gian, nhưng chỉ khi nào một người quay về với Người thì khi đó các tạo vật trong tay người ấy mới được sử dụng theo Thánh Ý Chúa.

23. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta.

Việc tái lập trật tự của vũ trụ là Ý của Thiên Chúa muốn đem toàn thế giới đến cùng đích của nó. Thực hiện việc này là công trình của Chúa Thánh Thần. Không phải chỉ có các tạo vật khác mà cả chúng ta là những người đã tin vào Đức Kitô cũng vẫn còn rên siết bao lâu chúng ta còn ở thế gian. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta những ơn của Ngài để chúng ta có thể trở thành muối thành men trong thế gian. Có nhiều người tin rằng một khi đã tin vào Đức Kitô là chúng ta chắc chắn được cứu độ. Theo đức tin Công Giáo thì chúng ta được công chính hóa nhờ đức tin, và vì thế chúng ta hy vọng được cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nếu chúng ta bền vững đến cùng. Trong bài đọc tuần trước Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta, “nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em” (Rom 8:11) Vậy thân xác chúng ta sẽ bị hư nát vì tội Ađam, nhưng nếu chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần mà tiêu diệt được các hành động xấu xa của nó thì nó cũng sẽ được sống lại mai sau (X. Rom 8:13).

Trở lại bài Tin Mừng hôm nay. Hạt giống Lời Chúa chỉ có thể sinh hoa kết quả trên đất tốt màu mỡ. Mà đất muốn tốt thì phải được san bằng mọi nơi cao là tính kiêu ngạo để giữ được nước, phải được cầy bừa vỡ ra từng mảnh để nước có thể thấm nhuần nghĩa là phải quên mình, bỏ đi tính ich kỷ và bằng lòng chịu mọi đau khổ vì Chúa, phải được vun sới và nhổ cỏ nghĩa là phải luôn luôn hối cải. Có như thế thì chúng ta mới có thể hợp tác với ơn Chúa Thánh Thần làm trong việc thực thi Lời Chúa và canh tân bộ mặt trái đất.
 
Ca tụng Mẹ
TayGiaGia
09:32 08/07/2008
CA TỤNG MẸ

Maria
Tôi muốn vắt tận cùng trong trí não
của tận cùng mọi cảm xúc ngập cao
lời tụng ca Mẹ nhân loại ngọt ngào
nhưng vô vọng thứ ngôn từ trần thế !

Ôi ! Diễm lệ ngát ngập trời trí huệ
Thưở Bà nào xuất hiện tợ rạng đông
làm mặt trời và mọi sắc ánh hồng
run lẩy bẩy nhường không gian, Bà đến !

Cao đẹp quá ! Vô biên sao tình mến
Khi cúi đầu cùng thiên sứ Gabriel
Dâng thân phận một nữ tớ mọn hèn
Dang tay nhận nỗi nhọc nhằn nhân loại...

Trần thế hỡi ! Có nghe chăng tiếng gọi
Của Mẹ hiền tha thiết với đoàn con ?
Về với Ta, dù một chút tâm hồn
An ủi lắm - mỏi mòn Ta đang đợi.....
Gia Phước tháng 7- 2007


MẸ VỀ TRỜI

Chóa lóa! Chóa lóa ! Triều thiên nhị thập tú !
Ngời ngời! Ngời ngời ! Quang nhật xiêm y !
Trời đất hởi quá lộng lẫy diệu kỳ
Cho tôi được thành mây chiêm ngưỡng mãi.. .
Cho hồn tôi thành tơ vàng mềm mại
Trải dài theo gót ngọc Tổng đạo binh.. ..

Thiên triều mở đón nhận Đức Nữ trinh
Sau chiến thắng mãng xà tinh truyền kiếp
Nhân loại nhìn một trời mầu nhiệm
Bay lên cùng Đấng vô nhiễm vô biên
Con cúi lạy Mẹ tuyệt tuyệt ngọc tuyền
Ghé mắt đến đoàn Chiên trầm luân ngóng.. .
Gia Phước tháng 7- 2007
 
Hạt giống Lời Chúa
Lm Giuse Đinh lập Liễm
09:36 08/07/2008
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN A

HẠT GIỐNG LỜI CHÚA

A. DẪN NHẬP.

Lời Chúa là đèn soi bước đường chúng ta đi, là ánh sáng chỉ đường trong đêm tối và là lương thực nuôi linh hồn chúng ta. Lời Chúa được ví như hạt giống, tự nó có sức phát triển mạnh mẽ, nhưng hạt giống ấy, tuy là hạt giống hảo hạng có sức mạnh vô song, cũng cần có điều kiện thuận lợi để phát triển. Chúng ta có nhiệm vụ phải làm cho hạt giống ấy nảy nở và phát triển. Chúa đòi chúng ta phải cộng tác vào trong công việc này.

Hạt giống Lời Chúa được gieo vãi khắp nơi một cách dồi dào, nhất là gieo vào lòng người. Hạt giống ấy có được tiếp nhận hay không, hoặc được tiếp nhận một cách ơ hờ lạnh nhạt, hoặc được tiếp nhận một cách trân trọng, thì hạt giống ấy được phát triển tùy theo thái độ của từng người. Chúng ta cố gắng biến thành thửa đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa, hy vọng hạt giống ấy sẽ sinh hoa kết quả, hạt sinh 30, hạt sinh 60 hay sinh 100 hạt khác.

Tâm hồn mỗi người là một thửa ruộng, và không có thửa ruộng nào là vô ích. Nhưng để thửa ruộng là mảnh đất phì nhiêu đòi hỏi mỗi người chúng ta phải ra công cầy xới. Đương nhiên cuộc cầy xới nào mà không đòi phải vất vả, long đong. Tâm hồn chúng ta sẽ không là mảnh đất sinh hoa trái nếu chúng ta không chịu hy sinh, mất mát lo cầy xới, gạn lọc, nhổ hết gai góc, nhặt đi những sỏi đá của ích kỷ hẹp hòi, của những đam mê hư hèn, của gian tham lừa lọc, của thù hận ghen tương.

Như vậy Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta đừng để tâm hồn mình thành sỏi đá, đường đi bởi do lòng ích kỷ và thói vô tâm, cũng đừng để tâm hồn mình là bụi gai bởi lòng tham những của hư hèn và tính ươn lười ngại hy sinh cố gắng, nhưng là hãy ra công cầy xới cho hồn mình là mảnh đất phì nhiêu.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Is 55,10-11: Dân Do thái đang phải sống trong cảnh lưu đầy, niềm tin đang lụi dần, tiên tri Isaia được sai đến an ủi, khuyến khích và nói cho dân biết rằng Thiên Chúa đã hứa cho dân thoát cảnh lưu đầy và được trở về quê hương.

Tuy thế, nhiều người Do thái tỏ ra nghi ngờ lời hứa đó, họ không thể tin được. Tiên tri Isaia phải nói cho họ biết tính chất phong phú của lời Chúa giống như mưa và tuyết thấm vào đất làm cho đất nên phì nhiêu thế nào thì lời Chúa luôn luôn hữu hiệu như vậy: Ngài đã nói thì thế nào cũng xẩy ra đúng như lời Ngài đã nói, Ngài đã hứa thì chắc chắn Ngài sẽ thực hiện. Lịch sử đã minh chứng cho lời tiên tri Isaia: dân Do thái đã được hồi hương vào năm 538 trước công nguyên đúng như lời đã báo trước.

+ Bài đọc 2: Rm 8,18-23 (Chủ đề phụ): Trong đoạn thư gửi tín hữu Rôma mà phụng vụ hôm nay ghi lại, thánh Phaolô cố cho chúng ta hiểu thế nào là niềm hy vọng của người Kitô hữu. Tuy mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô. Niềm hy vọng của Kitô giáo là một sự chờ đợi, được thực hiện trong nước mắt khổ đau như một cuộc vượt qua cái chết.
Tuy sống trong cuộc đời đầy đau khổ nhưng Kitô hữu luôn lạc quan hướng về tương lai, chờ đợi ngày được hưởng ơn cứu độ viên mãn trong Nước Trời.

+ Bài Tin mừng: Mt 13,1-23: Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về người gieo giống đi gieo lúa, để dạy rằng cũng một lời Chúa rao giảng nhưng sinh nhiều hiệu quả khác nhau là tùy theo thái độ đón nhận của các tâm hồn người nghe.
Để ý nhận xét, ta thấy người nông phu này gieo hạt giống xuống mọi loại đất mặc dù biết trước là nhiều hạt sẽ không nảy mầm mọc lên. Điều đó có ý nói Thiên Chúa rất hào phóng sẵn sàng ban lời Ngài cho mọi người và ban cách quảng đại dồi dào.
Một nhận xét nữa là dụ ngôn kể ra 4 loại đất trong đó có tới 3 loại đất xấu. Điều đó có ý nói là có rất nhiều người không sẵn sàng đón nhận lời Chúa để cho lời ấy sinh hoa kết quả. Nhưng cũng có những người thiện chí biết đón nhận lời Chúa và đem ra thực hành để cho Lời Chúa sinh hoa kết quả dồi dào: hạt sinh 30, 60, 100 hạt khác.
Qua bài dụ ngôn hôm nay, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta phải nhận thức giá trị thiêng liêng của Lời Chúa, để nhờ đó chúng ta biết tha thiết lắng nghe và chăm chỉ đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Lời Chúa sinh hoa kết quả.

Khi đi truyền giáo, Chúa Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa hay Nước Trời. Đây là những ý tưởng quá trừu tượng mà thính giả phần lớn là dân quê, ít học, ngay các tông đồ nồng cốt cũng ở trong tình trạng đó. Để diễn tả về Nước Trời, Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để giảng dạy, mỗi dụ ngôn diễn tả được một khía cạnh của Nước Trời. Đây là một lối giảng dạy rất cụ thể, dễ hiểu, hấp dẫn, động não để đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng mà các nhà hiền triết thời xưa thường dùng.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo lúa để nói về hạt giống của Lời Chúa. Theo đó, Lời Chúa như hạt giống được gieo vào lòng mọi người để có thể phát triển và sinh hoa kết quả tùy theo thái độ đón nhận của từng người: có người không chấp nhận, có người chấp nhận với thái độ ơ hờ lạnh nhạt, có người đón nhận với lòng thành để Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả dồi dào gấp 30, 60 hay 100 lần.

I. LẮNG NGHE LỜI CHÚA.

1. Lời Chúa trong Thánh Kinh.

Thấu hiểu huấn lệnh Chúa truyền, Giáo hội đã khuyên nhủ chúng ta: ”Thánh công đồng Vatican 2 nhiệt liệt cổ vũ các tín hữu chuyên cần lắng nghe và đọc Thánh Kinh, suy gẫm và sống Lời Chúa, vì đó là khoa học cao siêu dạy về Chúa Kitô. Vì theo thánh Giêrônimô: ”Dốt Thánh Kinh là không hiểu biết về Chúa Kitô”(cf Verbum Dei # 25). Thánh Kinh dạy cho chúng ta hiểu biết về Chúa, am tường về các mầu nhiệm cao cả của Nước Trời, hay nói cách khác, Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, tỏ cho chúng ta thánh ý của Ngài.

2. Ba bước đón nhậnLời Chúa.

Theo Mark Link, có ba bước trong việc lắng nghe Lời Chúa, mỗi buớc một tiến hơn:

* Bước thứ nhất là nghe Lời Chúa. Chúng ta có thể gọi đây là bước của trí não. Bước này bao hàm việc chăm chú lắng nghe, đọc và giải thích Kinh thánh.

* Bước thứ hai là trân trọng tích giữ Lời Chúa. Bước này có thể được gọi là bước của trái tim, bao hàm việc ghi sâu vào lòng lời ta vừa nghe, và suy nghĩ xem có cách nào áp dụng lời ấy vào cuộc sống và làm sao để lời ấy biến cuộc sống của chúng ta nên tốt đẹp hơn. Bước thứ hai này không nhất thiết xẩy ra tại nhà thờ. Nó có thể khởi sự tại nhà thờ nhưng thường kéo dài suốt tuần lễ sau khi chúng ta suy nghĩ Lời Chúa đã nghe hôm Chúa nhật.

* Bước thứ ba là đem Lời Chúa ra thực hành. Nếu chúng ta gọi bước thư nhất là của “trí não”, bước thứ hai là của “trái tim”, thì chúng ta có thể gọi bước thứ ba là bước của “linh hồn”. Bước này bao hàm tác động lên những gì trí óc chúng ta lãnh nhận và con tim chúng ta tích chứa giữ gìn.

3. Bốn thái độ tiếp nhận Lời Chúa.

Theo bài Tin mừng, Chúa Giêsu đã phân chia thành 4 loại đất mà người nông phu gieo hạt giống vào. Bốn loại đất ấy tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Chúa:

* Đất vệ đường: những kẻ chẳng thiết tha gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị qủi dữ cướp đi.
* Đất lẫn sỏi đá: những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không qúi chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó là bỏ cuộc.
* Đất có nhiều gai: những người cũng đón nhận Lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của cải...Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa chết ngẹt.
* Đất tốt: những người sốt sắng đón nghe Lời Chúa, ghi sâu vào tâm hồn và quảng đại đem ra thi hành trong cuộc sống.

Mỗi người phải chuẩn bị đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa:
. Đất phải xốp: không cứng như vệ đường, tức là phải có tinh thần khao khát Lời Chúa như một nhu cầu của sức sống để lắng nghe, tìm hiểu và thực hành lời Chúa.

. Đất không có sỏi đá: tức là phải cất những chướng ngại vật như: sự lười biếng, thờ ơ, chểnh mảng Lời Chúa, bỏ các thành kiến, khuynh hướng xấu trong tâm hồn.

. Đất không có gai: tức là tâm hồn phải thanh thỏa, không có những bồn chồn lo lắng về những sự ở đời như thú vui xác thịt, danh vọng, của cải vật chất... vì những cái đó là những gai góc bóp chết lời Chúa.

. Đất tốt: là tâm hồn khiêm nhường biết tin tưởng, trông cậy và yêu mến Lời Chúa để biến đổi đời sống.
(Trần hữu Thành, Suy niệm Tin mừng Chúa nhật năm A, tr 218).

II. SỐNG THEO LỜI CHÚA..

1. Sức mạnh của Lời Chúa.

Hạt giống lời Chúa là thứ hạt giống tốt có thể phát triển mạnh. Lời Chúa có thể thay đổi được lòng người nhưng Chúa không muốn can thiệp vào đời tư của con người một cách thô bạo. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người.

Lời Chúa tự nó có sức mạnh vô biên. Ta có thể ví lời Chúa như nước chảy, nước rất mềm, nhưng có thể làm cho đá mòn như người ta thường nói: ”Nuớc chảy đá mòn” (tục ngữ). Lời Chúa tuy êm ái nhẹ nhàng nhưng có sức bào mòn những gì gồ ghề trong tâm hồn để trở nên những viên đá tròn trịa.

Thiên Chúa cứ gieo hạt giống Lời Chúa vào lòng người, còn việc hạt giống đó có phát triển được hay không là do thái độ của tùng người có muốn cộng tác hay không.

Truyện: nước làm sạch rổ rau.

Bà vợ đi lễ về làm cơm sáng hơi muộn làm người chồng khó chịu. Người chồng thì khô khan, thỉnh thoảng mới đến nhà thờ. Vợ thì siêng năng đi lễ để nghe Lời Chúa.
Bụng đang đói, chồng tức bực hỏi vợ:
- Em đi lễ hằng ngày như vậy để được cái gì ?
Bà vợ trả lời:
- Được nhiều lắm, anh ạ.
Chồng hỏi tiếp:
- Được cái gì ?
Vợ thản nhiên đáp:
- Được nghe Lời Chúa. Được Lời Chúa soi dẫn và rửa sạch tâm hồn em !
Chồng trợn mắt:
- Rửa sạch ?
Vợ chỉ tay vào rổ rau mới rửa, trả lời:
- Vâng, nước đã làm cho bụi bặm rổ rau này sạch trơn !
Người chồng hiểu, lặng thinh và suy nghĩ !

2. Sống đạo bằng gì ?

Nếu được hỏi câu này, một người bàng quan nhìn chúng ta sống sẽ trả lời rằng: họ sống đạo bằng đọc kinh, bằng nhận lãnh các bí tích và bằng tham dự các lễ nghi.

Đúng vậy, người Công giáo chưa hoặc rất ít sống đạo bằng Lời Chúa. Nếu sống đạo bằng đọc kinh thì sau giờ kinh là hết sống đạo ! Nếu sống đạo bằng lãnh nhận các bí tích thì có bao nhiêu dịp sống đạo đâu ! Và nếu sống đạo bằng cách tham dự các lễ nghi thì sẽ không còn sống đạo khi ra khỏi nhà thờ ! Vả lại, đạo ở các kinh đọc, trong các bí tích và trong những lễ nghi không thấm nhập vào cuộc đời, vào xã hội.

Đạo là đường, sống đạo là đi đường. Trong cuộc hành trình này. Lời Chúa chỉ hướng cho ta đi. Lời Chúa dạy ta giải quyết những tình huống như thế nào, Lời Chúa là kim chỉ nam đưa ta tới cùng đích (Lm Carolô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 387-388).

Truyện: Lời Chúa khắc ghi trong lòng.

Hôm ấy, một nhà thừa sai Công giáo gặp một cậu bé người Ả rập trên đường từ trường về nhà. Nhà truyền giáo vui vẻ hỏi:
- Sao, hôm nay con học thêm được gì về sách Coran ?
Mắt cậu sáng lên và mau mắn đọc thuộc lòng những câu trích từ sách Coran là sách thánh của các tín đồ Hồi giao. Nhà truyền giáo nói thêm:
- Bây giờ, con thử viết những lời đó trên đất để cha có thể hiểu dễ dàng hơn và học mau thuộc hơn không ?
Cậu bé đáp:
- Thưa cha, không được ! Lời Thánh phải được viết trong trí và ghi khắc trong lòng chứ không thể viết trên đất được.

Theo tư tưởng của cậu bé đó thì Kinh thánh phải được ghi khắc trong tâm hồn, nghĩa là Lời Chúa phải thấm nhập vào lòng trí người Kitô hữu để họ phải sống bằng Lời Chúa.

Sống đạo là để cho Lời Chúa thấm nhập tâm hồn.
Sống đạo là để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc sống.
Sống đạo là để cho Lời Chúa tuôn trào ra cửa miệng và thấm nhuần môi trường sống.

III. PHỔ BIẾN LỜI CHÚA.

Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là điều cần thiết nhưng chưa đủ, chúng ta còn có sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho người khác. Chúa Giêsu đã nói: ”Nếu các con đã lành nhận nhưng không, thì cũng phải cho đi nhưng không” (Mt 11,08). Nếu bản chất của Hội thánh là truyền giáo thì bản chất của những thành viên trong đó cũng phải là truyền giáo.

Lời Chúa phải được chúng ta loan truyền để mang lại nhiều mùa gặt khác. Cũng như những hạt giống được gió đưa đi, rơi xuống và nảy mầm ở nơi xa, hạt giống Phúc âm phải được rải ra từ chính tấm lòng của chúng ta vào trong lòng anh em chúng ta. Nếu chúng ta giữ Lời Chúa cho riêng chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ mất Lời Chúa. Hạt giống không phải được tạo ra để nằm trong một góc của bồ lúa, mà là để được nảy sinh trong những cánh đồng và cuối cùng là trên khắp thế gian.

Mỗi người chúng ta tùy theo ơn gọi, địa vị, chức vụ và khả năng, đều được Chúa mời gọi lãnh nhận sứ vụ rao giảng Lời Chúa, như hạt giống được gieo vào hồn chúng ta, như sức sống nuôi dưỡng làm cho triển nở tới thời sung mãn, để rồi sau đó lại phải gieo rắc sự dư tràn đó vào lòng những người khác. Đó là sứ mạng Chúa ủy thác cho mỗi người chúng ta phải chu toàn.

Truyện: rao giảng bằng cuộc sống.

Khi một người ra đi gieo Lời Chúa, người ấy không biết rõ việc mình đang làm và kết quả của hạt giống đó sẽ ra thế nào thì ông H.L. Gee đã thuật lại cho chúng ta câu chuyện sau đây:
Trong xóm đạo của ông, có một cụ già cô độc tên là Tôma. Cụ thọ hơn bạn bè của cụ nên không còn ai biết cụ nữa. Khi cụ Tôma qua đời, ông Gee nghĩ rằng không ai đi đưa đám cụ nên ông quyết định đi để còn có người đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Không có ai đi đưa cả, hôm đó trời lại mưa dầm ướt lạnh. Khi quan tài đến nghĩa trang, có một quân nhân đứng ở cổng chờ, đó là một sĩ quan nhưng trên áo mưa không thấy quân hàm. Quân nhân đó đứng bên huyệt dự lễ an táng. Xong lễ, ông ta tiến đến bên huyệt đưa tay lên chào theo nghi thức dành cho một vị vua. Rồi ông Gee và quân nhân đó ra về.

Khi họ đang đi, gió thổi bật cái áo mưa của vị sĩ quan và ông Gee thấy quân hàm của ông ta, quân hàm thiếu tướng. Vị sĩ quan nói với ông Gee:
- Có lẽ ông ngạc nhiên không hiểu tôi làm gì ở đây. Nhiều năm trước đây cụ Tôma là giáo viên dạy giáo lý ở trường tôi. Tôi là một thằng bé ngỗ nghịch và là một thứ gai nhức nhối cho cụ. Cụ không hề biết cụ đã làm gì cho tôi nhưng cả đời tôi mang ơn cụ, và hôm nay tôi phải đến để nghiêng mình chào tiễn cụ lần cuối.

Tôma không biết được việc mình đã làm, không một giáo sư hay nhà truyền giáo nào biết được. Công tác của chúng ta là gieo ra không chút nản lòng và phần còn lại hãy để cho Chúa định liệu.

Khi một người đi gieo giống, anh ta không thể và không được trông đợi có kết quả tức khắc. Trong thiên nhiên, sự tăng trưởng không bao giờ vội vã, phải mất một thời gian dài để hạt giống đơm bông kết trái, và có thể còn phải mất thời gian dài hơn nữa để hạt giống nảy mầm trong lòng người.

Chúng ta tin chắc rằng hạt giống Lời Chúa có sức tăng trưởng phi thường trong những môi trường thuận lợi. Công việc chúng ta là gieo, cứ gieo rồi để hạt giống mọc lên và khi đã mọc lên thì phát triển mạnh mẽ để sinh hoa trái dồi dào

Truyện: hạt giống bông lau.

Trong số những vị anh hùng xây dựng Hợp chủng quốc, phải kể đến Benjamin Flanklin, tạ thế năm 1790. Ông là một văn sĩ, nhà ấn loát và xuất bản; lại còn là một nhà phát minh, một khoa học gia, thương gia và nhà ngoại giao. Một hôm, ông nhận được món quà từ Ấn độ. Đó là một cây chổi bông lau. Nhìn cây chổi, ông thấy có vài hạt còn dính lại ở đó, ông đã nhặt ra và lấy đem gieo, thế là hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết hạt. Tới mùa gặt, ông lại lấy những hạt giống đó đem phân phát cho các bạn bè xóm ngõ. Tất cả đều đem gieo và chẳng bao lâu, Hoa kỳ đã có một kỹ nghệ làm chổi bông lau phát đạt rải rác khắp nơi trong quốc gia. Đó cũng là nhờ Benjamin Franklin đã có sáng kiến, biết lợi dụng vài hạt giống nhỏ mọn.

Sau khi đã tìm hiểu lời Chúa, chúng phải quyết tâm lắng nghe, thực hành và phổ biến Lời Chúa cho người khác. Muốn cuộc đời chúng ta sinh hoa kết quả, muốn cho bản thân thành đạt trên đường đời, hãy kiểm tra ruộng lúa tâm hồn thường xuyên và kỹ lưỡng như người nông dân luôn biết săn sóc ruộng sạ của mình. Càng vất vả cầy bừa, diệt cỏ, càng can đảm diệt tính hư nết xấu, Lời Chúa gieo xuống, càng đem lợi ích cho cuộc đời chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:53 08/07/2008
CON HỔ VÀ CON SÓC

N2T


Lão hổ là vua trong rừng, chỉ cần nó xuất hiện thì tất cả các động vật đều sợ hãi không biết trốn vào đâu; nó chỉ cần há miệng lớn thì tất cả các động vật đều sợ hãi hết cách động đậy.

Một hôm thời tiết ấm áp, lão hổ nằm dưới gốc cây nhắm mắt nghỉ ngơi, đột nhiên trên cây rơi xuống một trái thông trúng trên đầu nó, lão hổ lập tức đứng dậy nhìn, hóa ra là chú sóc trên cây đang chuyển trái cây.

Chú sóc nhỏ thấy trái thông rơi xuống trúng lão hổ, thì sợ hãi run lên, nó lập cập nói: “Đại...vương tôn...kính, thật xin lỗi, con thật không cố ý làm như thế.”

Lão hổ nhìn thấy dáng con sóc nhỏ sợ hãi như thế thì không làm khó dễ nó, bèn tha cho nó đi.

Mấy ngày sau, lão hổ đi bắt mồi vì không cẩn thận nên rơi xuống khe núi, bị dây leo quấn quanh mình, nó dùng hết sức giãy giụa, nhưng càng giãy giụa thì càng bị xiết chặt hơn. Lão hổ tuyệt vọng, nó bỏ cái giá đại vương xuống lớn tiếng kêu: “Cứu tôi với, cứu tôi.” Tiếng hét vang đi rất xa, thẳng một mạch đến lỗ tai của chú sóc nhỏ đang chơi đùa trong rừng. Chú sóc nhỏ chạy như bay đến bên lão hổ, nói với lão hổ: “Đại vương tôn kính, xin ngài đừng nôn nóng, đợi con cắn đứt mấy dây leo này thì ngài có thể thoát ra.”

Chú sóc nhỏ nói xong, hì hà hì hục cắn cây leo, không lâu sau, cây dây leo bị đứt đoạn, lão hổ cũng bình an đi ra.

Tứ đó về sau, lão hổ và chú sóc nhỏ kết thành bạn bè với nhau, chúng nó cùng giúp đỡ nhau, cùng quan tâm nhau sống qua ngày rất vui vẻ.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Tình hữu nghị thật vĩ đại, mà tình bạn bè thật đáng quý trọng, bất luận lúc nào, chúng ta cũng đều cần đến sự giúp đỡ của bạn bè, cho nên từ khi còn nhỏ thì các em nên hiểu điều này là cùng với bạn bè tương trợ lẫn nhau, xây dựng một tình bạn hữu nghị thật tốt đẹp.

Con hổ là chúa sơn lâm, là vua các động vật, có sức mạnh phi thường, chỉ động lòng trắc ẩn trước vẻ sợ hãi của chú sóc con, mà được chú sóc con báo đáp cách xứng đáng: cứu mạng sống của mình.

Tình bạn bè thật dễ thương khi các em hiểu được sự tương thân tương trợ lẫn nhau, bởi vì tình bạn chân thành được thiết lập trên cơ sở tin tưởng và biết quan tâm đến nhau.

Các em thực hành:

- Thành thực với bạn bè.

- Giúp đỡ bạn bè trong lúc bạn gặp khó khăn.

- Tình bạn là món quà quy báu Chúa ban cho, hãy trân trọng.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:54 08/07/2008
N2T


2. Thiên Chúa muốn chúng ta cầu cứu Ngài, gò ép Ngài, và muốn vì lời cầu nguyện của chúng ta mà chiến thắng.

(Thánh Gregory)
 
Thiếu nữ Đức chấp nhận chết trong an bình
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
20:24 08/07/2008
THIẾU NỮ ĐỨC CHẤP NHẬN CHẾT TRONG AN BÌNH

Isabell Zachert là nữ sinh trung học người Đức, vui tươi, duyên dáng và tràn đầy sức sống. Cô may mắn chào đời trong một gia đình Công Giáo hiệp nhất và hạnh phúc. Isabell có anh cả Christian 19 tuổi và em trai Matthias 14 tuổi. Ông bà Zachert là bậc cha mẹ biết yêu thương và chăm sóc con cái.

Một ngày tháng 11 năm 1991, Isabell bất ngờ bị cúm. Mọi người trong gia đình tưởng chỉ là cơn cảm cúm nhẹ. Nào ngờ bệnh trở nặng và Isabell được đưa vào nhà thương. Bác sĩ khám phá ra dấu chứng bệnh ung thư máu đến hồi trầm trọng. Cuộc chạy đua với tử thần khởi đầu. Dĩ nhiên nhân vật chính là Isabell, cô nữ sinh xinh đẹp 15 xuân xanh. Bên cạnh cô là toàn thể gia đình, các bác sĩ, y tá và bạn bè cùng lớp.

Bác sĩ thông báo cho Isabell biết tính chất nghiêm trọng của cơn bệnh. Tuy nhiên, ông không quên nhấn mạnh:

- Chứng bệnh có dấu hiệu như thế, nhưng chúng ta không có quyền buông tay đầu hàng hay thất vọng. Trái lại, chúng ta phải can đảm chiến đấu và hy vọng vào một phép lạ có thể xảy ra!

Isabell can đảm và kiên trì chịu đựng mọi phương thức chữa trị, thật mệt mỏi và đau đớn. Lòng yêu đời cộng với tính tình tươi vui khiến Isabell chấp nhận tất cả.

Trong thời gian nghỉ học để chữa bệnh, Isabell vẫn tiếp tục giữ liên lạc với các bạn thân. Cô viết cho bạn gái:

- Doris thân mến. Mình cảm thấy thật yếu nhược trong lúc này. Cuộc chữa trị rất cam go, rất gắt gao! Dầu vậy, cơn đau vẫn không giảm bớt. Mình sợ phải chết như thế này. Thật hãi hùng! Đôi khi mình bị nghẹt thở. Nhiều lúc khác thì không thể nào cử động được. Nhưng mình lại hết sức muốn sống và ham sống!

Mấy ngày sau Isabell nhận thư trả lời của bạn. Doris viết:

- Isabell thương mến. Trong một bức thư của thánh Phaolo tông đồ có đoạn viết rằng: ”Không gì, kể cả sự sống, sự chết, cũng như không một quyền lực nào có thể tách lìa chúng ta ra khỏi Tình Yêu THIÊN CHÚA”. THIÊN CHÚA luôn luôn ở cùng bạn. Chính Ngài ban cho bạn sức mạnh chiến thắng sự sợ hãi. Mình nhớ bạn và cầu nguyện cho bạn luôn.

Đúng một năm sau ngày khám phá ra cơn bệnh hiểm nghèo và theo những phương thức chữa trị cam go, chứng bệnh vẫn không thuyên giảm. Ngày 12-11-1992, Isabell viết trong nhật ký:

- Mình vẫn nuôi hy vọng được phép lạ khỏi bệnh. Bởi vì, thật là buồn biết bao, nếu mình nhận quà Giáng Sinh, rồi lại phải chết ngay sau đó. Có thể, nếu mình vận dụng mọi ý chí và gặp phương thức chữa trị thích hợp, thì may ra mình sẽ khỏi bệnh chăng?

Các bác sĩ và song thân Isabell thấy rõ họ đang đối đầu với chứng bệnh hiểm nghèo, không phương thế trị liệu và không lối thoát. Một ngày, bác sĩ Kern đến phòng bệnh nhân. Isabell cất tiếng hỏi bác sĩ trước:

- Bệnh tình của cháu ra sao rồi?

Bác sĩ trả lời:

- Không tốt! Cơn bệnh vẫn tiếp tục tàn phá.

Isabell nói:

- Điều đó có nghĩa là các phương thức chữa trị không mang lại cho cháu hiệu quả nào phải không?

Bác sĩ Bern lặng lẽ đáp gọn:

- Phải!

Isabell điềm nhiên nói:

- Cháu không muốn theo bất cứ phương thức chữa trị nào nữa. Cháu xin phó thác mọi sự trong tay Chúa!

Câu nói rõ ràng và dứt khoát. Isabell bày tỏ cùng vị bác sĩ đã tận tâm chữa trị cho cô:

- Cháu muốn ra đi cách êm ái, không đau đớn, hầu tránh cho gia đình cháu mọi nỗi khổ tâm!

Một vài ngày trước khi chết, Isabell tâm sự với em trai Matthias:

- Nếu có thể được thì, ở trường học, xin em mô tả cái chết của chị. Có lẽ nhà trường sẽ tổ chức buổi lễ nhỏ tưởng niệm chị. Chị sẽ hãnh diện về em, nếu em nói với mọi người về giây phút cuối đời của chị!

Rồi Isabell bày tỏ nguyện ước sau cùng với hiền mẫu. Cô nói:

- Xin Mẹ mặc cho con chiếc áo màu trắng. Rồi xin Mẹ để xác con, hầu ai muốn đến viếng, đều có thể trông thấy mặt con.

Thánh Lễ an táng diễn ra nơi trường học của Isabell. Cuối Thánh Lễ, Matthias nói đôi lời như sau:

- Chị con nói với con là đừng sợ chết. Chị con thâm tín sâu xa rằng, một ngày kia chị con sẽ gặp lại mọi người. Sáng 17-11-1992, chị Isabell an bình từ biệt chúng con. Như người được giải thoát, chị con sung sướng ra đi về Thiên Đàng.

... ”Trước khi ngày tàn và khí trời mát dịu, và trước khi bóng chiều buông xuống, ta sẽ đi lên núi mộc dược, đi lên đồi nhũ hương. Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp, nơi nàng chẳng một chút vết nhơ. Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới, trái tim anh, em đã chiếm mất rồi! Mắt em, chỉ một liếc nhìn thôi, cổ em, chỉ một vòng kiềng trang điểm, đã đủ chiếm trọn trái tim anh” (Sách Diễm Ca 4,6-9).

(”Reader's Digest SÉLECTION, 8/1994, trang 64-69)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC kêu gọi mỗi tín hữu hãy trở thành những nhà truyền giáo của Tin Mừng
Đặng Thế Dũng
00:08 08/07/2008
ĐTC kêu gọi mỗi tín hữu hãy trở thành những nhà truyền giáo của Tin Mừng.

Cùng với Đức Thượng Phụ Bartolomeo I, Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli, và những Đại Diện của các Giáo Hội Kitô và các Cộng Đoàn Kitô khác, ĐTC Bênêđitô XVI đã chính thức khai mạc Năm Thánh Phaolô trong giờ Kinh Chiều I ngày thứ bảy 28 tháng 6, áp Lễ Kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, ở Roma. Sau đó sang ngày Chúa Nhật 29 tháng 6, trong bài huấn đức trước khi đọc kinhTruyền Tin, vào lúc kết thúc Thánh Lễ, ĐTC đã nói vài lời về ý nghĩa của Năm Thánh Phaolô và kêu gọi mọi tín hữu hãy trở thành nhà truyền giáo của Tin Mừng. ĐTC đã nói như sau:

Anh chị em thân mến,

Năm nay, lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô đúng vào ngày Chúa Nhật; và như thế toàn thể Giáo Hội, chứ không chỉ riêng giáo hội tại Roma, đều mừng lễ này cách long trọng. Sự trùng hợp này cũng là điều tốt để làm nổi bật một biến cố ngoại thường là Năm Thánh Phaolô, mà Tôi vừa khai mạc chính thức vào chiều hôm qua (tức thứ bảy áp lễ hai thánh Phêrô và Phaolô) bên phần mộ của vị Tông Đồ các dân ngoại, và là năm sẽ kéo dài cho đến ngày 29 tháng 6 năm 2009. Quả thật, các sử gia xác định Saulô, -sau này là Thánh Phaolô,- sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 7 cho đến năm 10 kỷ nguyên Kitô. Vì thế, vào lúc trọn đủ hai ngàn năm, tôi đã muốn thiết lập Lễ Mừng đặc biệt này, dĩ nhiên là tại Roma, và một cách đặc biệt tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và tại Tre Fontane, nơi mà ngài chịu tử đạo. Nhưng Năm Thánh Phaolô mời gọi toàn thể Giáo Hội phổ quát cùng cử hành, từ thành Tarsô, nơi sinh của thánh Phaolô, và từ những nơi khác nữa có liên hệ với thánh Phaolô, những điểm hành hương nằm trong nước Thổ Nhỉ Kỳ ngày nay, cũng như tại Thánh Địa, trong Đảo Malta, nơi Thánh Tông Đồ bị dạt vào sau một trận bão và đã gieo tại đó hạt giống phong phú của Tin Mừng. Thật vậy, chiều kích của Năm Thánh Phaolô không thể không có tính cách phổ quát, bởi vì thánh Phaolô là vị tông đồ tốt nhất cho những ai mà tâm thức của người Do Thái gọi là “những kẻ ở xa”, và là những kẻ “nhờ máu thánh của Chúa Kitô mà trở nên gần gũi (x. Eph 2,13). Vì thế, trong thời đại hôm nay, trong một thế giới đã trở nên nhỏ hơn, nhưng lại còn rất nhiều người chưa gặp Chúa Kitô, Năm Thánh Phaolô mời gọi tất cả mọi người kitô hãy là những nhà truyền giáo của Tin Mừng.

Chiều kích truyền giáo này cần phải luôn đi đôi với chiều kích hiệp nhất, được đại diện bởi thánh Phêrô, viên Đá Tảng mà trên đó, Chúa Giêsu Kitô đã xây dựng Giáo Hội của Người. Như Phụng vụ nhấn mạnh, ơn đoàn sủng của hai vị Đại Tông Đồ bổ túc cho nhau để xây dựng một dân duy nhất của Thiên Chúa và những người Kitô không thể nào làm chứng hữu hiệu cho Chúa Kitô, nếu họ không hiệp nhất với nhau. Chủ đề hiệp nhất được làm nổi bật hôm nay (Chúa nhật 29 tháng 6), bởi nghi thức truyền thống trao dây choàng Pallium, mà trong Thánh Lễ tôi đã trao cho các vị Tổng Giám Mục chính toà vừa được bổ nhiệm trong năm qua. Có tất cả 40 vị lãnh nhận hôm nay, và những vị còn lại sẽ nhận dây choàng Pallium này tại địa phương nơi toà của các ngài. Một lần nữa, tôi xin gởi lời chào thân tình đến quý ngài. Ngoài ra, trong ngày lễ trọng hôm nay, vị Giám Mục Roma có được niềm vui đặc biệt, vì được đón tiếp Đức Thượng Phụ Đại Kết của toà Costantinopoli, Đức Bartolomêô I; tôi xin lặp lại nơi đây lời chào đầy tình huynh đệ, chào ngài và chào toàn thể phái đoàn của Giáo Hội Chính Thống do ngài hướng dẫn đến Roma.

Năm Thánh Phaolô, công cuộc rao giảng Phúc Âm, sự hiệp thông bên trong giáo hội và sự hiệp nhất trọn vẹn của tất cả mọi người Kitô: tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho những ý chỉ cao đẹp này, vừa phó thác chúng cho lời bầu cử trên trời của Mẹ Maria rất thánh, Mẹ của Giáo Hội và là Nữ Vương các thánh Tông đồ.

Sau những lời trên ĐTC xướng kinh truyền tin với cộng đoàn tín hữu hiện diện.

Tiếp liền sau lời Kinh Truyền Tin, ĐTC nói thêm vài lời chào bằng các thứ tiếng khác nhau.

Bằng tiếng Pháp, ĐTC đã nói như sau: “Anh chị em hành hương nói tiếng Pháp thân mến, trong ngày lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, anh chị em đã muốn đến đây quanh Đức Thánh Cha và các vị Tổng Giám Mục vừa lãnh nhận dây Pallium. Đây là dịp để xác định sự hiệp thông trong giáo hội và để củng cố sự dấn thân Kitô của anh chị em. Xin Chúa nâng đỡ đức tin của anh chị em, ngõ hầu, theo gương của hai thánh Tông Đồ được mừng kính vào Chúa Nhật hôm nay, anh chị em có thể trở thành những tông đồ loan truyền Lời Chúa. Vào lúc khởi đầu năm mừng lễ thánh Tông Đồ Phaolô, ước gì giáo huấn của vị Tông Đồ các dân tộc, chỉ cho anh chị em biết con đường phải theo.

Bằng tiếng Anh, ĐTC nói: “Tôi sung sướng chào chúc tất cả anh chị em hành hương nói tiếng Anh. Một cách đặc biệt tôi xin chào quý vị Tổng Giám Mục chính toà vừa lãnh nhận giây Pallium, với sự hiện diện của những người thân và bạn hữu, nhân dịp lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Ước gì mẫu gương can đảm của hai vị Thánh Bổn Mạng gợi sáng cho quý vị Tổng Giám Mục trong tác vụ rao giảng Lời Chúa. Tôi vui mừng gởi lời chào đến Đức Thượng Phụ Đại kết Costantinopoli, Đức Bartolomêô I và đến các thành viên của phái đoàn do ngài hướng dẫn. Nhờ lời khẩn cầu của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, ước gì những người kitô làm chứng rõ ràng cho sự thật và cho tình yêu có sức giải phóng chúng ta.

Kết thúc buổi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC cầu chúc mọi người một ngày lễ đầy an lành tốt đẹp.
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Từ tiêu cực tới tích cực
Vũ Văn An
01:16 08/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Từ tiêu cực tới tích cực

Bất cứ biến cố lớn quốc tế nào cũng gặp nhiều loại phản ứng khác nhau gồm cả tiêu cực lẫn tích cực từ phía quần chúng. Nhất là khi biến cố ấy có tính tôn giáo như Ngày Giới Trẻ Thế Giới, do Giáo Hội Công Giáo đứng ra tổ chức, làm điểm gặp gỡ cho giới trẻ thế giới đến để cùng chia sẻ một niềm tin. Người ta rất vui khi nghe Đức Hồng Y George Pell công bố đại đa số nhân dân Úc nói chung và nhân dân Sydney nói riêng hết lòng ủng hộ biến cố lịch sử này, mặc dù họ thấy trước một số bất tiện đối với cuộc sống họ. Chỉ khoảng từ 10 đến 11 phần trăm là tỏ ra bất thiện cảm mà thôi.

1. Tiêu cực

WYD 2008 ờ Sydney


Trong số những người bất thiện cảm này, ta thấy có những nhà bỉnh bút như Chris McGillion của tờ Sydney Herald Morning. Trên số báo ngày 5 tháng Bẩy, nhà báo này nhận định tiêu cực rằng các thực hành như Đàng Thánh Giá, tôn kính hài cốt các thánh, ơn đại xá…vừa không có gì độc đáo so với các Đại Hội trước đây vừa khiến người ta sợ rằng đạo Công Giáo ở Úc đang lui dần trở lại thời kỳ tiền Cải Cách. Chris McGillon viết: “Nếu WYD mang lại cho giới trẻ một tầm nhìn về các giá trị và mục tiêu của cuộc đời có thể thách thức một cách tích cực được với những mời gọi ích kỷ của xã hội tiêu thụ, thì tốt đẹp xiết bao. Và nếu nó chỉ nhằm khích lệ họ trở thành những người thực hành đức tin tích cực hơn, thì ít ai mà phàn nàn cho được. Nhưng xem ra, công trình ở đây không nhằm truyền bá hay tươi trẻ hóa niềm tin Công Giáo nhưng đúng hơn chỉ là một ý thức hệ loay hoay với việc làm thế nào để phát biểu niềm tin kia trong thế giới ngày nay”.

Nhận định của McGillion thực ra không có gì mới nếu người ta nhớ lại ông vốn là bỉnh bút cuốn A Long Way From Rome: Why The Australian Catholic Church Is in Crisis (Allen & Unwin). Thực ra nhận định của McGillion mới đúng là một ý thức hệ theo nghĩa một cái khung tiền chế có sẵn, không một chút phản ảnh tâm thức người Công Giáo hiện nay. Các thực hành, được ông nhắc đến, xưa nay vẫn thuộc truyền thống Công Giáo, mà nếu cử hành với một ý thức đạo rõ ràng, lúc nào cũng đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng. Giáo Hội Công Giáo chưa hề có những đứt đoạn, nó là một giòng suối liên tục đem sức sống thiêng liêng lại cho muôn thế hệ từ những ngày Tông Đồ Phêrô cúi xuống trên người tàn tật thành Giêrusalem mà nói với ông ta: “nhân danh Chúa Giêsu thành Nagiarét, anh hãy đứng dậy mà đi!” (Cv 3:6). Mục tiêu của WYD bao gồm mọi điều được McGillion nhắc đến. Nó nhằm mang lại cho người trẻ một cái nhìn ngược với cái nhìn của xã hội tiêu thụ, ngược cả với điều được Đức Tổng giám mục thành Bhopal của Ấn Độ gọi là những cơn bệnh của hoàn cầu hóa (Xem bài Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Từ xin lỗi đến cầu nguyện, đăng hôm qua). Nó cũng nhằm biến giới trẻ trở thành những người thực hành tích cực hơn niềm tin của họ, vừa truyền bá và trẻ trung hóa niềm tin vừa tìm cách phát biểu niềm tin ấy ra trong thế giới ngày nay, không theo bất cứ ý thức hệ nào, mà chỉ căn cứ vào sứ điệp sai đi của Chúa Kitô: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19). Cũng từng ấy nội dung thôi nhưng đã bị những người như McGillion làm ra méo mó.

Michael Duffy cũng có thể được xếp vào hàng bất thiện cảm. Trên tờ Sydney Morning Herald ngày 5 tháng Bẩy, dưới tiêu đề: Church caught in crossfire of public's unholy war, nhà báo này đề cập đến những luật lệ vừa được Chính Phủ NSW phổ biến, cho phép cảnh sát ra giấy phạt cho bất cứ ai “gây phiền nhiễu” nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Theo Michael Duffy, trong số 10,695 người được tờ Sydney Morning Herald thăm dò, chỉ có khoảng 10 phần trăm là ủng hộ các biện pháp trên mà thôi. Và dù không trực tiếp đả kích Giáo Hội Công Giáo trong vụ này, nhưng ông ta ngầm cho thấy có một sự đồng lõa nào đó giữa Giáo Hội này và Chính phủ của ông Iemma. Ông ta khuyên Giáo Hội nên giữ cho mình ở thế độc lập: “Dù không theo Kitô giáo, tôi rất kính trọng các Kitô hữu. Tôi nghĩ họ đã thực hiện được rất nhiều việc, theo nghĩa đã duy trì một số giá trị và đã mang lại trợ giúp cho rất nhiều người, đã tạo ra loại xã hội này mà tôi rất muốn sống bên trong. Một lý do khác khiến tôi kính trọng Giáo Hội Công Giáo là vì đó là một định chế độc lập và tôi nghĩ có được những định chế như thế là điều tốt đối với xã hội. Sự độc lập này sẽ lâm nguy một khi giáo hội nằm chung giường với chính phủ. Nhất là một chính phủ như chính phủ này (tức chính phủ NSW).

2. Tích cực

Lời khuyên của Michael Duffy rõ ràng là dư thừa. Đức Hồng y George Pell từng tuyên bố Giáo Hội đâu có yêu cầu ban hành luật lệ gì đâu nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới (Xem Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Từ xin lỗi đến cầu nguyện, đăng hôm qua).

Ngày 3 tháng Bẩy, Kristina Keneally, phát ngôn viên hàng bộ trưởng đặc trách WYD của chính phủ NSW, có một bài trên tờ Sydney Morning Herald, tựa là: Libertarian 'moral panic' aside, it's a happy event.

Theo bà Keneally, WYD là một biến cố có tầm mức lớn lao. Nó sẽ đưa 500,000 người trẻ vào trung tâm thành phố và Trường Đua Randwick và rất nhiều đám đông lớn tới hàng chục địa điểm khác khắp Sydney. Các biến cố như thế luôn cần một số luật lệ nhằm bảo đảm an toàn cho đám đông và hữu hiệu cho việc quản trị.

Nhưng trong hai ngày qua, có khá nhiều than phiền “giật gân” liên quan đến một số luật lệ đem ra áp dụng trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Và những than phiền ấy khiến cộng đồng tỏ ra quan tâm đến việc vi phạm các quyền tự do công dân, trong đó có quyền được biểu tình phản đối.

Theo Keneally, quan tâm của cộng đồng là điều dễ hiểu, nhưng không có căn cứ, mà ta có thể gọi là ‘nỗi hoảng loạn tinh thần’ của những nhà chủ trương duy tự do. Vì các quyền chấp pháp này không khác gì các quyền chấp pháp tại các địa điểm có các biến cố lớn trong dĩ vãng, bất kể là đời hay là đạo.

Bà cho hay: các tường thuật cho rằng các quyền trên đã được Đức Hồng Y George Pell yêu cầu một cách đặc thù không những sai lạc, mà còn tạo nên một thứ lý thuyết ‘âm mưu’ giống như tiểu thuyết của Dan Brown. Cái lý thuyết này cho rằng đây là các quy định mới được tạo ra để bảo vệ sự nhậy cảm của người tham dự. Nhưng thực ra, điều khoản gây “phiền nhiễu và bất tiện” (annoyance and inconvenience) không phải là quy định mới hay đặc thù riêng cho WYD. Nó đã từng có mặt trong ít nhất 15 đạo luật và quy định của tiểu bang NSW, từ Các Quy định (về) Công Viên Quốc Gia và Sự Sống Hoang Dã tới các đạo luật về Sân Dã Cầu Sydney và Vận Động Trường Đá Banh Sydney. Các hình phạt trong các đạo luật và quy định đó còn nặng hơn là các quy định áp dụng cho WYD. Như Quy Định (về) Hải Công Viên (Marine Park) chẳng hạn phạt tới tối đa 11,000 dollars cho những vụ gây “phiền nhiễu và bất tiện”.

Các quyết định trong việc buộc một người nào đó phải rời khỏi các địa điểm ấy vì đã gây ra “phiền nhiễu và bất tiện” là quyền của cảnh sát. Họ được quyền chấp hành các quy định này nhằm quản trị và an toàn đám đông tại bất cứ biến cố thể thao hay hòa nhạc công cộng nào. Chưa có than phiền nào là họ đã lạm dụng quyền này.

Bà Keneally cũng bác bỏ lời tố cáo vô căn cứ khác cho rằng các người biều tình phản đối phải mang các biểu ngữ hay áo thung được cảnh sát chấp thuận trước. Cảnh sát vốn không có quyền ấy và cũng sẽ không có quyền ấy trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Họ không phải là cảnh sát viên thời trang cũng không phải các nhà kiểm duyệt nội dung. Quan tâm chính của họ và việc điều hành an toàn một biến cố và điều hợp quyền hợp pháp của người biểu tình phản đối để họ nói lên quan điểm của họ.

Cảnh sát ở đó để bảo đảm cho người biểu tình phản đối có thể thi hành quyền phản đối của họ. Cảnh sát chỉ yêu cầu người biểu tình phản đối phải tuân theo các yêu cầu vốn có sẵn: thông báo cho cảnh sát biết giờ, địa điểm và kích thước của buổi biểu tình…

Lời tố cáo giật gân khác là cảnh sát có quyền ngăn cấm người ta không được dùng các bảng đường (billborads) và chữ viết trên trời để trruyền bá các sứ điệp phản đối của mình. Bà Keneally cho hay: thực ra, các thực hành trên bị ngăn cấm dưới các khoản luật khác nhằm ngăn cản việc tiếp thị có tính phục kích (ambush marketing). Nó bảo vệ các nhà bảo trợ thương mại, chứ không bảo vệ tính nhậy cảm của người tham dự đại hội. Điều này hoàn toàn nhất quán với các biến cố khác như Thế Vận Hội hay Giải Bầu Dục Thế Giới.

Bà Kristina Keneally kết luận rằng điều đáng buồn không phải những lời tố cáo trên, mà là người ta đã quên khuấy đây là một biến cố hân hoan. Các thành phố tổ chức WYD trước đây như Cologne, Paris, Toronto và Rome đều cho hay: bầu không khí của các cử hành này đầy hân hoan và lễ hội, và gây hiệu quả tích cực đối với thành phố của họ. Bà tin Sydney cũng sẽ như thế.

3. Tiêu cực

Linton Besser, Andrew Clennell và Andrew West, ngày 8 tháng Bẩy hôm nay, trên tờ Sydney Morning Herald, có một bài với tựa đề: Những chặng đường rất thánh giá (Stations of the very cross) về cuộc đình công của công nhân hỏa xa, đe dọa sẽ xẩy ra vào ngày 17 tháng Bẩy khi Đức Bênêđíctô XVI tới Barangaroo để được 200,000 người trẻ thế giới chào đón. Việc này còn khiến nhiều người không tới được sở làm trong trung tâm thành phố.

Vận động trường Sydney
Thủ hiến Morris Iemma cho hay ông sẽ không nhượng bộ cuộc “khủng bố kỹ nghệ” này, được nghiệp đoàn hỏa xa đưa ra để đòi hỏi 5% tăng lương. Hôm nay, dù tòa án kỹ nghệ có thể ra lệnh đình hoãn cuộc đình công này, nhưng Rob Mason, xử lý thường vụ tổng nha Hỏa Xa cho hay: “Rõ ràng chúng tôi phải đặt kế hoạch phòng hờ cho việc không có xe lửa”. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn về vận chuyển, chính phủ chả làm được chi để trám vào chỗ thiếu hụt một khi cuộc đình công kia xẩy ra. Hoả Xa từng dự kiến sẽ có hơn 700,000 lượt người đáp xe lửa vào ngày Thứ Năm tới. Điều ấy có nghĩa chính phủ phải cần tới 8,750 chiếc xe buýt mới thay thế được xe lửa. Con số ấy hiện hơn toàn bộ hệ thống xe búyt của toàn tiểu bang tới 6,850 xe! Trong khi ấy, toàn bộ 2,400 xe buýt tư nhân đã ký giao kèo với WYD hoặc phải chạy trên các tuyến thường lệ.

Đêm hôm qua, văn phòng bộ trưởng vận chuyển, là John Watkins, đang nghiên cứu xem liệu có thể dùng Đạo luật Các Dịch Yếu Cốt Yếu hay ngay cả Đạo luật Các Liên Hệ Chỗ Làm của chính phủ Howard để dẹp cuộc đình công hay không. Người ta đang hy vọng Ủy Ban Các Liên Hệ Kỹ Nghệ Của Úc sẽ ra lệnh cho nghiệp đoàn phải đình hoãn cuộc đình công, nhưng nếu Ủy Ban này từ chối không can thiệp, thì chính phủ NSW phải nại tới Tổng trưởng Các Liên Hệ Chỗ Làm của Liên Bang, Julia Gillard, là người có thẩm quyền chấm dứt giai đoạn hành động kỹ nghệ “kéo dài” của nghiệp đoàn nếu nó ảnh hưởng tới “phúc lợi của quốc gia hay nền kinh tế”. Tuy nhiên, giáo sư Ron McCallum, một chuyên viên về luật lao động, hoài nghi, không chắc Julia Gillard có chịu can thiệp không, vì thẩm quyền của bà chỉ có giá trị trong trường hợp có những cuộc đình công “kéo dài” mà thôi.

4. Tích cực:

Trong khi đó, trên tờ Daily Telegraph ngày hôm nay, Joe Hildebrand, phóng viên chính trị, có bài tựa là Tình trạng hỗn loạn xe lửa Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Mở đầu bài báo, anh cho rằng: “Nó sẽ được ghi nhớ là cuộc đình công ích kỷ và vô tâm nhất trong ký ức người sống - nghiệp đoàn hỏa xa đã tạo ra một hỏa ngục cho người dùng xe lửa giữa ngay những ngày WYD”.

Theo Hildebrand, Hỏa Xa vốn âm thầm nhìn nhận rằng hệ thống của họ không thể nào thoả mãn yêu cầu của WYD, dù mọi sự diễn tiến tốt đẹp như dự tính. Dù gần 1,000 chuyến xe phụ trội đã được dự liệu cho những ngày cao điểm, các ga xe lửa cũng sẽ đầy ứ người và yêu cầu đó cao hơn 3 lần mức cao điểm thường lệ vào buổi sáng.

Tuyến đường phía tây sẽ trầm trọng nhất: dự trù vào cuối thánh lễ bế mạc, tuyến này sẽ có 80,000 hành khách, 3 lần nhiều hơn giờ cao điểm thường lệ

Các tuyến phía nam, phía tây nội thành và tuyến Bankstown cũng sẽ vào khoảng giữa hai và ba lần nhiều hơn mức cao điểm thường lệ. Hỏa Xa sẽ tăng thêm 448 chuyến xe nữa cho các ngày từ thứ Hai tới thứ Sáu, 791 chuyến xe nữa cho ngày thứ Bẩy khi khách hành hương đi bộ và canh thức và 931 chuyến nữa vào Chúa Nhật.

Nghiệp đoàn hỏa xa đã khai thác nỗi sợ thiếu xe ấy bằng cách đưa ra đe doạ sẽ đình công vào Thứ Năm tới, ngày Đức Giáo Hoàng tới. Hành động của nghiệp đoan sẽ làm tê cứng thành phố. Chính phủ sẽ không có kế hoạch phòng hờ để giải quyết việc thiếu các chuyến xe lửa, nên đang tìm cách sử dụng hành vi luật pháp để ngăn chặn cuộc đình công.

Lãnh tụ Đối lập là Barry O’Farrell khuyên chính phủ nên sử dụng Đạo luật Các Dịch Vụ Cốt Yếu của mình để buộc công nhân hỏa xa phải làm việc hay chịu phạt 1,100 dollars.

Dù bộ trưởng vận chuyển John Watkins tin sẽ có giải pháp, ba ký giả này vẫn yêu cầu độc giả của họ hãy gọi cho nghiệp đoàn hỏa xa ở số (02) 9264 2511 để cho họ biết ý kiến của mình.

Hy vọng mọi sự sẽ được giải quyết ốn thỏa để, như Kristina Keneally đã nhấn mạnh trên đây, WYD sẽ trở thành dịp hân hoan và lễ hội cho mọi người kể cả các công nhân hỏa xa, những người đang đòi hỏi 5% tăng lương chứ không chịu chỉ có 2.5 như bộ trưởng ngân khố Michael Costa quy định trong ngân sách tiểu bang vừa qua, và 4% như chính phủ, cho đến nay, đã nhượng bộ.

Một nét tích cực nữa là chiến dịch vận động người dân Sydney chịu mở cửa tiếp đón khách hành hương (Homestay).Theo Jonathan Dart của tờ Sydney Morning Herald ngày 8 tháng Bẩy hôm nay, việc ban tổ chức WYD tỏ ra chậm chạp trong việc sắp xếp càng chứng tỏ thiện chí của người dân ở đây khi tham gia “chiến dịch này”. Họ nôn nóng được thông báo ai sẽ đến với họ.

Các khách hành hương đã được thông báo phải chấp nhận một số điều lệ cư xử trước khi đến ngụ ở một gia đình nào đó. Như không được ngủ chung phòng với người khác phái; không được ra khỏi nhà mà không được một người lớn đi hộ tống, phải giữ giờ “giới nghiêm” từ nửa đêm đến 6 giờ 30 sáng.

Tuy nhiên, một gia đình ở Castle Hill sẵn sàng chấp nhận những lộn xộn mà Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ mang đến cho họ. Nanette và Brian D’Arcy sẽ nhận 20 khách hành hương tham dự đại hội, gần như biến căn nhà của họ thành một nhà trọ tạm thời có cả ăn trong một tuần lễ. Họ sẽ cung cấp 20 chỗ ngủ: gồm 12 chỗ trong các phòng ngủ đôi và 8 người phải ngủ trong túi ngủ ở trên sàn nhà. Ngoài ra còn phải lo bữa sáng cho 20 người này suốt tuần lễ cũng như cung cấp khăn tắm sạch sẽ cho họ nữa.

Bà D’Arcy không lạ gì với chuyện nhà đầy người như thế. Bà vốn dưỡng dục 8 người con và 16 người cháu. Họ thường đến thăm bà thường xuyên. Bà bắt đầu mở cửa đón khách hành hương nhiều năm trước đây rồi, khi một người bạn của gia đình và là một mục sư thuộc Giáo Hội Hillsong yêu cầu bà cung cấp nơi ở cho các vị khách tham dự các lễ hội tuổi trẻ kéo dài một tuần của giáo hội này.

Bà bảo: "tôi luôn vui thích khi thấy người trẻ quan tâm đến đức tin của họ và làm một điều gì đó tích cực. Hillsong rất hay trong việc làm cho giới trẻ quan tâm, cho nên khi (WYD) được công bố và vì mình là người Công Giáo, nên chúng tôi bảo: lẽ dĩ nhiên bọn này phải giúp một tay chẳng cách này cũng cách khác”.
 
Lời nhắn nhủ của ĐHY Daniel Dinardo về Năm Thánh Phaolô
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
06:25 08/07/2008
Vào ngày 28 thánh 6, Đức Thánh Cha khai mạc một “Năm Thánh Phaolô” để kỷ niệm sinh nhật thứ 2000 của ngài. Tên đại khủng bố của Hội Thánh thời sơ khai đã trở thành một trong những vị thầy và tông đồ vĩ đại nhất của Hội Thánh. Đức Kitô Phục Sinh đã gặp Saolô trên đường Đamascô, một biến cố được cả Sách Tông Đồ Công Vụ và chính vị đại tông đồ ghi nhận. Saolô đã “mù” không thấy Chúa và Hội Thánh Người, nhưng ánh sáng chói lọi của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã thật sự làm cho Saulô bị mù vì vẻ huy hoàng của nó. Toàn thể cuộc đời ngài cũng như tên ngài đã thay đổi. Saulô đã trở thành Phaolô. Người mù này bắt đầu thấy được. Việc găp gỡ trực tiếp Chúa Giêsu và rửa tội sau đó làm cho Thánh Phaolô trở thành một vị thầy và một nhân chứng can trường mà chúng ta biết từ nhiều Thư của ngài. Thánh Phaolô “thấy” ngay ngài được gọi để trở thành một tông đồ, không phải do một người phàm nào đó chỉ định. Sau đó ngài còn phải tranh đấu cho ơn gọi của ngài suốt đời. Ngài phải đương đầu với các tông đồ khác và bào chữa cho mình. Ngài không biết sợ, ngay cả đối với Thánh Phêrô, nhưng ngài cũng kính trọng vị Hoàng Tử của các Tông Đồ, và như ngài nói trong Thư gửi tín hữu Galatê rằng ngài đến thăm ông Kêpha (Thánh Phêrô) để trình bày Tin Mừng mà ngài đã rao giảng để nhận được bằng chứng của việc chuẩn y mà Thánh Phêrô thực thi trong Hội Thánh sơ khai.

Thánh Phaolô là một tác giả sâu sắc và đôi khi khó hiểu; ngay từ thủa ban đầu của Hội Thánh, tác phẩm của ngài đã được đón nhận như Lời Chúa. Sự hiểu biết của ngài có ảnh hưởng rất sâu rộng trong lịch sử Hội Thánh Công Giáo. Cảm nghiệm riêng của chính ngài về ân sủng đã làm nền tảng cho nhận thức đáng kính sợ của ngài về ân sủng của Thiên Chúa Cha trong Đức Chúa Giêsu Kitô. Giáo huấn đặc thù của ngài về công chính hóa nhờ đức tin được thể hiện qua đức ái cho đến bây giờ vẫn là suy nghĩ chính trong sự hiểu biết của chúng ta về ân sủng thiêng liêng của đức tin. Lời công bố của ngài về tình yêu của Thiên Chúa được tỏa chiếu qua Đức Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh là một linh đạo mà không người Kitô hữu Công Giáo nào có thể tránh né hoặc làm như không biết đến. Không một phân tích nào có thể trổi vượt hơn phân tích tuyệt mỹ của ngài về công trình của Chúa Thánh Thần trong Chương 8 của Thư gửi tín hữu Rôma. Ngài cũng cho chúng ta một sự hiểu biết trọng yếu về Hội Thánh như là Nhiệm Thể Đức Kitô, Đền Thờ của Thiên Chúa nơi mà cả đầu (Đức Kitô) và các chi thể (chúng ta) hợp thành một sự hiệp nhất đến nỗi có thể nói rằng Hội Thánh là sự hiện diện sống động của Đức Kitô trên thế gian. Ngài mạnh dạn sửa chữa những sai lầm cả về giáo huấn lẫn đời sống luân lý. Không nhượng bộ cả với chính mình, ngài trở nên mọi sự cho mọi người, như ngài đã có lần viết. Việc ngài không tự thương hại cho mình giữa nhiều bách hại và hiểu lầm là do sự tuyệt đối gắn bó với Chúa Giêsu, Đấng là toàn thể sự sống của ngài. Gương sáng của ngài đặc biệt quan trọng ngày nay khi mà quá nhiều Kitô hữu đang làm tổn thương đến Tin Mừng bởi vì nó có vẻ khó hoặc bị coi là không thích hợp bằng những ý kiến của những người tài giỏi và của thông tin đại chúng.

Năm Thánh Phaolô cũng xảy năm nay ra như một gợi hứng cho Thượng Hội Đồng Giám Mục được tổ chức tại Rôma vào tháng Mười tới. Tôi hân hạnh được chọn như một trong bốn đại diện Mỹ tại Thượng Hội Đồng. Đề tài của năm nay là: “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Vụ Hội Thánh.” Thượng Hội Đồng sẽ chú trọng đặc biệt đến Thánh Kinh và vai trò cần thiết của Thánh Kinh trong việc đào luyện Giáo Lý và tâm linh của Hội Thánh. Tôi tin rằng Thánh Phaolô sẽ là Quan Thầy vĩ đại của chúng ta ở trên Trời trong các buổi hội thảo, biểu quyết và đề nghị mà các Giám Mục của Thượng Hội Đồng sẽ đệ trình lên Đức Thánh Cha trong tác vụ mục tử phổ quát trong Hội Thánh như Đấng Kế Vị Thánh Phêrô.

Chúng ta sẽ mừng Năm Thánh Phaolô và Thánh Kinh ban sự sống, đặc biệt là trong việc dạy Giáo Lý, trong Hội Thánh Địa Phương Galveston-Houston này vào những tháng sắp tới. Tôi xin tất cả các linh mục, các phó tế, và các tín hữu canh tân hoặc phục hồi lòng yêu mến Lời Chúa của anh chị em. Nếu các thư của Thánh Phaolô xem ra quá khó khăn, thì hãy nhớ rằng các lời rao giảng của ngài luôn luôn và ở khắp nơi là lời rao giảng Tin Mừng của Đức Chúa Giêsu Kitô. Hãy cầm một trong bốn Sách Tin Mừng lên và mỗi ngày đọc từ từ một trong những tuyệt tác này. Hãy cầu nguyện về những gì anh chị em đọc. Hãy bỏ một năm ra đọc Thánh Mátthêu, hay Thánh Marcô, Thánh Luca hay Thánh Gioan và lại trở nên nhiệt tình vì quyền năng của Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng chiếu soi từng trang một. Chúc anh chị em đọc vui vẻ!
 
Thần học gia Phủ Giáo Hoàng nói về truyền thông
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:02 08/07/2008
Vatican (H2Onews) - Thần học gia Phủ Giáo Hoàng, Cha Woyciech Giertych, Dòng Đa Minh, nghĩ rằng sự hiện diện của ơn Thiên Chúa trên thế giới đã được ban cho người khiêm hạ hơn, qua lời cầu nguyện của mỗi cá nhân, qua phẩm chất của lòng nhân đức nơi họ, qua sự khiêm hạ một cách trong sáng của họ hướng về quyền năng của Thiên Chúa.

Đây là quan điểm mà ngài đưa ra tại Hội nghị Quốc tế về Radio (truyền thanh) Công Giáo do Hội đồng Giáo Hoàng về Truyền thông Xã hội tổ chức: “Truyền thông Công Giáo, Radio, TV, là thành phần của việc phục vụ cho công cuộc loan báo Tin Mừng mà Giáo Hội sử dụng. Và vì thế, chúng được nảy sinh để truyền tải bài giảng trong phụng vụ cùng với giáo lý. Và truyền giáo luôn truyền tải Lời. Lời mà chúng ta có được trong Tin Mừng và Chúa Kitô đã ra lệnh giảng dạy đến tận cùng thế giới,đến tận cùng trái đất. Rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Và vì thế thừa tác vụ của radio, TV, thừa tác vụ của Radio Công Giáo, TV Công Giáo là nhằm phục vụ việc truyền tải đức tin cho thế giới”.

Thần học gia người Ba Lan nhấn mạnh đến trách nhiệm được trao phó cho những người làm truyền thông, dù có làm việc trong môi trường Công Giáo hay không: “Vì thế không có gì sai đối với một người làm việc cho cả cơ quan Công Giáo và không Công Giáo. Chúng ta đã được bén rễ trong thời đại và lịch sử và vì thế không có sự mâu thuẫn. Nhưng điều quan trọng là phẩm chất của trách nhiệm cá nhân chúng ta, của lòng trung thành với lương tâm chúng ta và với sự thật – dù chúng ta làm việc trong một cơ quan Công Giáo hay không Công Giáo”.
 
Con đường hiệp nhất chông gai hơn với quyết định của Anh giáo phong chức giám mục cho nữ giới
Linh Tiến Khải
20:21 08/07/2008
VATICAN - Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô lấy làm tiếc vì Giáo Hội Anh giáo bỏ phiếu chấp nhận quyết định tấn phong Giám Mục cho phụ nữ. Quyết định này là một xé rách truyền thống tông đồ đã được tất cả mọi Giáo Hội của ngàn năm đầu tiên duy trì, và vì thế sẽ là một chướng ngại đối với việc hòa giải giữa Công Giáo và Anh Giáo.

Hội Đồng Tòa Thánh đã bầy tỏ lập trường trên đây trong thông cáo công bố ngày 8-7-2008 sau khi được tin Giáo Hội Anh giáo bỏ phiếu chấp nhận quyết định tấn phong Giám Mục cho phụ nữ ngày mùng 7-7-2008 trong hội nghị triệu tập tại York bên Anh quốc. Thông cáo cho biết lập trường của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề này đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bầy rõ ràng. Như Đức Hồng Y Walter Kasper đã giải thich rõ ràng khi được Đức Tổng Giám Mục Canterbury mời nói chuyện với tất cả các Giám Mục Anh giáo ngày mùng 5 tháng 6 năm 2006, quyết định này sẽ có các hậu qủa đối với cuộc đối thoại, cho tới nay đã đem lại nhiều kết qủa tốt. Đức Hồng Y Kasper cũng đã được mời trình bầy lập trường của Giáo Hội Công Giáo trong Hội nghị Lambeth vào cuối tháng 7 này.
 
Toàn cầu hóa tình liên đới để chiên thắng nghèo đói trên thế giới
Linh Tiến Khải
20:22 08/07/2008
VATICAN - Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu gọi toàn cầu hóa tình liên đới và tôn trọng phẩm giá con người để chiến thắng nghèo đói trên thế giới.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lập lại trong thư gửi cho thủ tướng Gordon Brown của Anh quốc ngày 18 tháng 6, trả lời cho thư thủ tướng viết cho Đức Thánh Cha ngày 23 tháng 5 trong viễn tượng Hội nghị thượng đỉnh của khối G8 khai mạc tại Toyako bên Nhật Bản sáng 8-7-2008.

Nhắc lại lời Đức Thánh Cha kêu gọi ”toàn cầu hóa tình liên đới” nhân hội nghị của tổ chức Lương Nông Quốc Tế tại Roma ngày mùng 3 tháng 6, Đức Hồng Y Bertone nhấn mạnh sự cấp thiết tạo ra các tiền đề làm sao để tất cả mọi người có thể hưởng các tài nguyên của trái đất, và để cho các cuộc khủng hoảng kinh tế có các giải pháp hữu hiệu, giải thoát thế giới khỏi nạn đói và cảnh triền miên thiếu thuốc men săn sóc sức khỏe. Để được như thế cần phải chú ý tôn trọng các quyền con người trong mọi quyết định và cung cách thực hiện chúng.

Trong thư gửi Đức Thánh Cha, thủ tướng Gordon Brown nhắc tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do 191 quốc gia đề ra hồi năm 2000 nhằm nhổ tận gốc rễ nạn bần cùng nghèo đói nội trong năm 2015, và giảm 2 phần 3 số trẻ em chết dưới 5 tuổi, cũng như chặn đứng nạn dịch HIV Sida. Ông ghi nhận rằng thế giới không giữ các lời đã hứa. Tiếp đến thủ tướng Anh duyệt qua các sáng kiến liên đới trong đó Tòa Thánh đã đi tiên phong như phát động chủng ngừa bắt buộc trên toàn thế giới cho 500 triệu trẻ em và cứu sống 5 triệu trẻ em khác. Ông Gordon Brown xin Đức Thánh Cha Biển Đức XVI yểm trợ việc thành lập một liên minh quốc tế bảo đảm cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
 
Top Stories
Dissident Anglican bishops may seek refuge in Rome
Catholic World News
07:00 08/07/2008
London, Jul. 7, 2008 (CWNews.com) - Some Anglican bishops have been in Rome during the past week, speaking with senior Vatican officials about the prospects for reunion with the Holy See.

While the discussions have been reported in several London media outlets, neither the Vatican nor the Church of England has confirmed the reports.

The talks have reportedly accelerated on the eve of a meeting of the synod for the Church of England. The synod faces a potentially explosive debate on proposed steps to ease a crisis in which several hundred Anglican clerics, and tens of thousands of laymen, have refused to accept the authority of female bishops. Some leaders associated with these conservative Anglicans have reportedly begun to investigate the possibility of leaving the Anglican communion and entering the Roman Catholic Church while preserving their Anglican identity.

A proposal to incorporate a large number of entries into the Catholic Church from the Church of England could go beyond the existing limits of the "pastoral provision," which allows for Anglican priests and sometimes entire parishes to be received into the Catholic Church, preserving their distinctive liturgical tradition. Rumors about the latest talks have suggested the creation of a hierarchical structure for the Anglo-Catholics, perhaps in the form of a new prelature.

Similar proposals for the establishment of a hierarchical structure to allow for the preservation of Anglican traditions with the Catholic Church arose in the early 1990s, as the Church of England began to splinter over questions involving the ordination of women. At the time, reliable sources said that the proposals were opposed by the English Catholic hierarchy. Today the English bishops are more willing to consider the proposals, in light of the continuing disintegration of the Anglican communion.

Other reliable sources have reported that those earlier proposals won a sympathetic ear from the then-prefect of the Congregation for the Doctrine of the Faith, Cardinal Joseph Ratzinger-- now Pope Benedict XVI (bio - news).
 
Décès du vénérable Thich Huyên Quang, quatrième patriarche du bouddhisme unifié
Eglises d'Asie
09:20 08/07/2008
Décès du vénérable Thích Huyền Quang, quatrième patriarche du bouddhisme unifié

Le patriarche du bouddhisme unifié Thích Huyền Quang est décédé au début de l’après-midi du 5 juillet dernier, au monastère de Nguyên Thiêu, dans la province du Binh Dinh, lieu où le religieux a passé la dernière partie de sa vie. Un communiqué publié à Saigon et diffusé par le Bureau international d’information bouddhiste à Paris a annoncé que le quatrième patriarche du bouddhisme unifié, après une longue maladie et malgré les soins des médecins, des religieux et de fidèles de sa communauté, venait « de faire le sacrifice de sa vie ». Dans la matinée du 6 juillet, la plupart des membres de la hiérarchie du bouddhisme unifié, parmi lesquels le vénérable Thich Quang Dô, adjoint et sans doute successeur du patriarche, de nombreux religieux et fidèles des provinces environnantes étaient réunis dans l’enceinte du monastère pour célébrer la première cérémonie des funérailles bouddhiques, « Lê Nhâp Kim Quan ».

Après un séjour à l’hôpital de Quy Nhon où il était rentré le 25 mai derniers pour soigner diverses affections dues au diabète, il avait été ramené, la veille de sa mort, dans le monastère où il séjournait. Dans les jours qui ont précédé la mort du patriarche, alors que les membres de la hiérarchie du bouddhisme unifié s’étaient regroupés auprès de lui, un grand nombre de médias officiels ont répercuté une très virulente campagne contre le vénérable Thich Quang Dô et ses confrères, accusés de s’être réunis pour empêcher l’organisation d’obsèques officielles par l’Eglise bouddhiste patronnée par l’Etat. La veille de la mort du patriarche, une lettre ouverte d’un des membres de la hiérarchie bouddhiste dénonçait cette tentative de récupération post-mortem.

Le religieux était originaire de la province du Binh Dinh, où il était né en 1920. C’est dans cette province qu’il avait entamé sa formation à la vie religieuse dès l’âge de 12 ans. En 1945, il participa pendant un temps à la lutte du Vietminh contre les Français. Mais, en 1951, il fut interné pendant quatre ans pour avoir critiqué la politique religieuse des communistes. En 1963, il participa aux manifestations bouddhistes qui préludèrent à la chute du président Ngo Dinh Diêm. A partir de 1964, il devint l’un des principaux animateurs du bouddhisme unifié, créé à cette époque.

Après le changement de régime au Sud-Vietnam en 1975, avec son confrère Thich Qiang Dô, le vénérable Thich Huyên Quang s’est fait le porte-parole de l’autonomie du bouddhisme unifié, face au nouveau pouvoir. Dès le mois de mars 1977, dans une lettre de protestation adressée à Pham Van Dông, le religieux, alors vice-président du Conseil exécutif de l’Eglise bouddhique unifiée, s’était élevé contre ce qu’il appelait « une politique de répression du bouddhisme » mise en œuvre par l’Etat. Le mois suivant, le religieux était arrêté une première fois, en compagnie de Thich Quang Dô et de quatre autres dirigeants, à la pagode An Quang, siège de l’Eglise bouddhique unifiée. Ils furent relâchés en décembre 1978.

En novembre 1981, l’Eglise bouddhique unifiée fut, sur l’initiative du gouvernement, supplantée par l’Eglise bouddhique du Vietnam, qui, selon les termes mêmes de sa charte, était seule habilitée à représenter le bouddhisme vietnamien. Thich Huyên Quang protesta aussitôt. Au mois de février 1982, il fut arrêté et « une mesure administrative » prise par la municipalité de Hô Chi Minh-Ville lui signifia son exil. Le dirigeant bouddhiste était relégué dans la province du Quang Ngai, au Centre-Vietnam, alors que Thich Quang Dô était conduit au Nord-Vietnam, dans la province de Quang Binh. Dix ans plus tard, le 3 mai 1992, passant outre le refus du gouvernement, il vint assister à Huê aux obsèques du troisième patriarche, Thich Dôn Hâu, à qui il devait succéder. De retour dans sa résidence surveillée, dont il devait changer en décembre 1994 (1), puis plus tard dans le monastère de Nguyen Thiêu, il n’a cessé de diffuser dans le monde entier ses protestations contre la répression exercée contre son Eglise (2). Ses démêlés avec les autorités ont été innombrables, même si ces dernières ont quelquefois essayé de le séduire, comme le 2 avril 2003(3), date où il a rencontré le Premier ministre à Hanoi et jouit d’une relative liberté pendant quelques mois, ou encore tout récemment, lorsque le gouvernement l’a invité à présider la fête officielle du Vesak.

(1) Voir EDA 193.

(2) Ces textes ont été principalement diffusés par le Bureau international d’information bouddhiste à Paris. Plusieurs d’entre eux ont été traduits dans Eglises d’Asie. Voir par exemple le cahier de documents d’EDA 141. Voir aussi « Histoire récente du bouddhisme au Vietnam », dans EDA 15 (Cahier de documents).

(3) Voir EDA 370.

(Source: Eglises d'Asie - 8 juillet 2008)
 
Celebrating the Year of Saint Paul (June 28, 2008 - June 29, 2009)
The Most Reverend Michael A. Saltarelli
09:28 08/07/2008
Celebrating the Year of Saint Paul (June 28, 2008 - June 29, 2009)

A Pastoral Letter by Bishop Michael Saltarelli to the People of the Diocese of Wilmington for the January 25, 2008 Celebration of the Feast of the Conversion of Saint Paul the Apostle and in Anticipation of the Year of Saint Paul proclaimed by Pope Benedict XVI.

On the Eve of the Solemnity of the Holy Apostles Peter and Paul, celebrated on June 28, 2007 at the Basilica of Saint Paul Outside-the-Walls, Pope Benedict XVI stated in his homily at Vespers:

“Dear brothers and sisters, as in early times, today too Christ needs apostles ready to sacrifice themselves. He needs witnesses and martyrs like St. Paul. Paul, a former violent persecutor of Christians, when he fell to the ground dazzled by the divine light on the road to Damascus, did not hesitate to change sides to the Crucified One and followed him without second thoughts. He lived and worked for Christ, for him he suffered and died. How timely is his example today! And for this reason I am pleased to announce officially that we shall be dedicating a special Jubilee Year to the Apostle Paul from 28 June 2008 to 29 June 2009, on the occasion of the bimillenium of his birth, which historians have placed between the years 7 and 10 AD. It will be possible to celebrate this ‘Pauline Year’ in a privileged way in Rome where the sarcophagus which, by the unanimous opinion of experts and an undisputed tradition, preserves the remains of the Apostle Paul, has been preserved beneath the Papal Altar of this Basilica for 20 centuries.”

This Pauline Year presents us with many opportunities to spread our Catholic faith here in the Diocese of Wilmington and beyond. I am writing to you in advance of the beginning of the Pauline Year so that the people of the Diocese can discern how best to study, pray and celebrate the life, inspired writing, spirituality and missionary spirit of Saint Paul.

I offer six themes to consider:

I. Paul’s Conversion Experience on the Road to Damascus and our Personal Conversion in the Year of Saint Paul

I am Jesus, the one you are persecuting. Get up and go into the city, where you will be told what to do. (Acts of the Apostles 9:5-6)


Paul was complicit in the murder of Saint Stephen, the first martyr, whose feast day we celebrate on December 26. The Acts of the Apostles tells us that those who were stoning Stephen to death “laid down their cloaks at the feet of a young man named Saul.” (Acts 7:58).

Stephen’s glowing, peaceful face and his forgiveness of his persecutors as he died must have made an indelible impression on Saul, and prepared him for the experience of the Risen Lord that he had on the road to Damascus, when all of Saul’s energetic personality previously focused on the persecution of Christianity suddenly became focused on the spread of Christianity. In a blinding flash of light, the Risen Lord penetrated the inmost being of Saul – henceforth to be known as Paul – and shattered his resistance, causing a complete change of mind and heart, a metanoia1, that led him to be a “servant” and “apostle” of Jesus Christ. (Romans 1:1)

We can never underestimate the power of a Catholic life lived with integrity and radiant vitality. How many potential “Saint Pauls” might we influence by radiating the power of Christ from deep within as Saint Stephen did? Paul’s reversal was so striking and complete as to be almost unbelievable to his contemporaries. When the Lord spoke in a vision to Ananias to seek out Paul and lay hands on him to restore his sight, Ananias replied "Lord, I have heard from many sources about this man, what evil things he has done to your holy ones in Jerusalem." (Acts 9:13) It’s as though Ananias was politely asking the Lord if he really knew who this man was!

The great English churchman, theologian and writer, John Cardinal Newman, meditated on how Paul’s conversion prepared him for his missionary role: “…his awful rashness and blindness, his self-confident, headstrong, cruel rage against the worshippers of the true Messiah, then his strange conversion, then the length of time that elapsed before his solemn ordination, during which he was left to meditate in private on all that had happened, and to anticipate the future – all this constituted a peculiar preparation for the office of preaching to a lost world, dead in sin. It gave him an extended insight, on the one hand, into the ways and designs of Providence, and, on the other hand, into the workings of sin in the human heart, and the various modes of thinking in which the mind is actually trained.”2

So much of the story of the early Church can be traced back to the contemplative and enthusiastic heart of Saint Paul ignited by his intimacy with the Risen Lord. Saint Paul understood how sin works in human nature and how the Holy Spirit can completely transform habits of corruption. Saint Paul also understood how to influence non-Christian and anti-Christian mindsets with charity so as to be able to be an instrument of another mind’s enlightenment.

The best way that we can celebrate the Year of Saint Paul is to go to the Risen Lord and ask Him about what deep and intimate conversion of life He is calling us to.

We know from Paul’s life that at the heart of conversion is a surrender to the love of the Risen Lord. Any interior movement leading from pride to humility, anger to mildness, greed to detachment, lust to a chaste spirit, envy to joy in the talents of others, sloth to zeal, gluttony (including internet, television, cell phone and blackberry gluttony!) to temperance is a surrender to the power of Christ’s love within. This love allows us to let go of the fear of surrendering completely to Christ3 so that we can see others with the eyes of Christ4.

II. Living and Praying Christ in the Year of Saint Paul

It is no longer I who live but Christ who lives in me. (Galatians 2:20)


Many great saints have built their lives on Galatians 2:20: “It is no longer I who live but Christ who lives in me.” It can be so easy for us to hear these inspired words over and over again during the course of our lives and never really understand their revolutionary character.

Christ lives within us. He wants to express himself through our facial expressions, our tone of voice, even our body language. Paul was aware of his personal weaknesses, his intellectual and personality shortcomings, his unnamed struggle with “a thorn in his flesh.”(2 Corinthians 12:7) But his humble awareness of these weaknesses only made him more reliant on Christ: “I can do all things in He who strengthens me.”(Philippians 4:13) His understanding of his personal weakness drove him to open up to the presence and power of Christ within him.

When we are aware of Christ’s presence in this way, we enkindle it in many ways: through prayer, meditation, Mass and the sacraments, the sanctification of our daily work5, through joyful and sacrificial family life. Then the light of Christ that naturally emanates from us can be an illumination for a wide range of people, be they fellow believers and people of good will on the road to belief or be they atheists and agnostics. All whom we encounter will sense something different in us and be led to ask themselves questions that could alter their lives and destinies.

We have seen this not only in the lives of saints like Stephen and Paul, but in many others. Think of Saint Thomas More, Patron of Statesmen, Politicians and Lawyers, and his example of virtuous governance and family life6. Think of Saint Vincent de Paul and Saint Louise de Marillac serving the poor on the streets of Paris. Think of Blessed Damien serving his lepers in Molokai. Think of Blessed Teresa of Calcutta serving the destitute and disfigured in city streets around the world even as she courageously navigated through dry times in her interior life. Think of Pope John Paul II’s radiant and joyful face on his papal journeys. Think of millions of Catholic lay people who through the centuries have lived the sacrament of marriage heroically and radiated Christ to the generations that came before and after them. All of these lives are eloquent, tangible commentary on Paul’s testimony that, “It is no longer I who live but Christ who lives in me.”

The Year of Saint Paul is a time for us to stand on the shoulders of Catholic saints through the centuries and to live Paul’s life-changing words in ways that address the world’s need for holiness in the 21st Century.

III. Praying, Studying and Living the Inspired Word of God in the Pauline Year

The Word of God cannot be chained. (2 Timothy 2:9)


In a September 16, 2005 address to participants in the International Congress organized to commemorate the 40th anniversary of Dei Verbum7 (The Word of God), the Second Vatican Council’s Dogmatic Constitution on Divine Revelation, Pope Benedict XVI wrote:

* “I would like in particular to recall and recommend the ancient tradition of Lectio divina (divine or sacred reading): the diligent reading of Sacred Scripture accompanied by prayer brings about that interior dialogue in which the person reading hears God who is speaking, and in praying, responds to him with trusting openness of heart (cf. Dei Verbum 25). If it is effectively promoted, this practice will bring to the Church – I am convinced of it – a new spiritual springtime. As a strong point of biblical ministry, Lectio divina should therefore be increasingly encouraged, also through the use of new methods carefully thought through and in step with the times. It should never be forgotten that the Word of God is a lamp for our feet and a light for our path (cf Ps 119[118]: 105).”

* I echo Pope Benedict’s advice for Catholics to engage daily in Lectio divina of the Sacred Scriptures as a means for deepening our communion with God and attaining spiritual insight. “Let the word of Christ dwell in you richly.” (Colossians 3:16) This daily meditative prayer on the Sacred Scriptures engages thought, imagination, emotion and desire. This mobilization of our faculties deepens our convictions of faith, prompts the conversion of our hearts and strengthens our wills to follow Christ.8

A deep focus on the Word of God reveals to us the fundamental Catholic truth of the road to Emmaus story in the Gospel of Luke9. To be authentically biblical is at the same time to be authentically sacramental and Eucharistic. Any investment in understanding and praying the Scriptures more deeply is at the same time an investment in a fuller, more active and conscious participation in our Catholic Mass and sacramental liturgies.

Saint Jerome described the union of the Word and the Eucharist: “The Lord’s flesh is real food and his blood real drink; this is our true good in this present life: to nourish ourselves with his flesh and to drink his blood in not only the Eucharist but also the reading of Sacred Scripture. In fact, the Word of God, drawn from the knowledge of the Scriptures, is real food and real drink.10”

In addition to prayerful Lectio Divina, the Year of Saint Paul affords us the opportunity to rediscover the Roman Catholic Church’s contemporary biblical scholarship. The Church’s scientific approach to the Sacred Scriptures, characterized by a balanced use of the historical critical method, canonical exegesis11 and many other sophisticated tools for the interpretation of the sacred texts, is well documented in the Pontifical Biblical Commission’s The Interpretation of the Bible in the Church issued in 1993 and available on the Vatican website.

Of course, Dei Verbum continues to be an excellent resource to understand the Church’s approach to Sacred Scripture:

* “Sacred tradition and Sacred Scripture form one sacred deposit of the word of God, committed to the Church. Holding fast to this deposit the entire holy people united with their shepherds remain always steadfast in the teaching of the Apostles, in the common life, in the breaking of the bread and in prayers (see Acts 2, 42), so that holding to, practicing and professing the heritage of the faith, it becomes on the part of the bishops and faithful a single common effort. But the task of authentically interpreting the word of God, whether written or handed on, has been entrusted exclusively to the living teaching office of the Church, whose authority is exercised in the name of Jesus Christ. This teaching office is not above the word of God, but serves it, teaching only what has been handed on, listening to it devoutly, guarding it scrupulously and explaining it faithfully in accord with a divine commission and with the help of the Holy Spirit, it draws from this one deposit of faith everything which it presents for belief as divinely revealed.” (Dei Verbum 10)

* The popularity of recent books and films, which purport to expose Church history or to challenge our beliefs, serve as a catechetical wake up call to promote biblical literacy and daily biblical engagement as well as a fuller understanding of Catholic teaching on Revelation according to the Catholic principle of the union and harmony of faith and reason12.

IV. Lifting High the Cross of Christ in the Year of Saint Paul

I was determined that while I was with you I would speak of nothing but Jesus Christ and Him crucified. (1 Corinthians: 2:2)


The Cross of Jesus Christ is at the center of all that Paul does. He teaches us how to deal with the hardships and grief of life. Paul experienced it all: rejection, calumny, indifference, shipwrecks, imprisonment and, ultimately, martyrdom as symbolized in art by Paul holding a sword.13

The Cross influences everything about Paul. He states: “I preach Christ and Him Crucified.” The Cross transformed his teaching and allowed him to evangelize others by helping them to interpret the meanings of their own sufferings. He also uses a curious phrase: “I boast in the Cross of Christ.” (Galatians 6:14) He puts the Cross of Christ above any temptation to egoism or pride. The Cross is the true source of his apostolic effectiveness.

Paul’s letters reveal an intense driving personality. The tone of his letters also reveals temperamental struggles. Easily hurt, he was prone to brooding especially when the early Christian communities did not live up to the Gospel. Paradoxically, his interior struggles offer us encouragement and strength to continue fighting with regard to our own character and temperament struggles.

With Paul, we too fight the good fight, endeavoring to allow the Beatitudes, the theological and cardinal virtues, the corporal and spiritual works of mercy, and ultimately Father, Son and Holy Spirit to reign in us. Dying to self and rising in Christ, we embrace the Cross and remember: “Love bears all things, believes all things, hopes all things, endures all things. Love never ends.” (1 Corinthians 13:7-8)

Pope Saint Clement I, in his own letter To the Corinthians, 514, described how Paul made progress in these struggles: “It was through jealousy and conflict that Paul showed the way to the prize for perseverance. He was put in chains seven times, sent into exile, and stoned; a herald both in the east and the west, he achieved a noble fame by his faith. He taught justice to all the world and, when he had reached the limits of the western world, he gave his witness before those in authority; then he left this world and was taken up into the holy place, a superb example of endurance.”

Pope Benedict XVI’s recent encyclical on the theological virtue of hope entitled Spe Salvi has many references to Paul’s living the virtue of hope while he was in prison15 and shows the inspiration his texts provided to subsequent saints such as Saint Augustine16 and a Vietnamese martyr Paul Le-Bao-Tinh (+1857)17 and the African religious Saint Josephine Bakhita.18

In the Year of Saint Paul, each of us is called to lift high the Cross of Christ and to carry it with Paul’s courage, determination and trust in God’s providential design.19

V. Rekindling a Love for the Eucharist and the Church in the Year of Saint Paul

Is not the cup of blessing we bless a sharing in the blood of Christ? And is not the bread we break a sharing in the body of Christ. (1 Corinthians 10:16)


One of the classic Pauline images is that of the Body of Christ as a communion of individuals with specific charisms and talents which build up of the Body. Paul shows that the Eucharist is the source of unity, harmony and communion in the Body. Our reverent reception of the Eucharist is the great spark of missionary activity that leads us, like Saint Paul, to the ends of the earth.

In his 2003 encyclical Ecclesia de Eucharistia, Pope John Paul II wove Paul’s teaching throughout his meditation on the Eucharist:

* “The words of the Apostle Paul bring us back to the dramatic setting in which the Eucharist was born…The Apostle Paul, for his part, says that it is ‘unworthy’ of a Christian community to partake of the Lord’s Supper amid division and indifference to the poor (cf. 1 Cor 11:17-22, 27-34). Proclaiming the death of the Lord ‘until he comes’ (1 Cor 11:26) entails that all who take part in the Eucharist be committed to changing their lives and making them in a certain way completely ‘Eucharistic.’ [#20]”

* Studying and praying Pauline texts on the Eucharist help us to “rekindle our Eucharistic amazement”20 and to realize that every Mass has a “cosmic significance.”21 Every Mass is “celebrated on the Altar of the World.”22 When we rekindle our Eucharistic faith, awe and amazement at the truth of the Real Presence, our marriages and our families are rekindled in Christ. Vocations to the priesthood and religious life are rekindled. A missionary spirit, evangelization and effective catechesis at every level are rekindled. And as mentioned earlier, a devotion to the inspired Word of God is rekindled resulting in a new “spiritual springtime.” We rekindle a concrete living of our Catholic respect for life and social justice in regard to the poor, the imprisoned, the stranger and the unborn.

In his 2007 apostolic exhortation Sacramentum Caritatis, Pope Benedict XVI captures the power of the Eucharist: “More than just statically receiving the incarnate Logos (Word), we enter into the very dynamic of his self-giving.’ Jesus ‘draws us into himself.’ The substantial conversion of bread and wine into his body and blood introduces within creation the principle of a radical change, a sort of ‘nuclear fission,’ to use an image familiar to us today, which penetrates to the heart of all being, a change meant to set off a process which transforms reality, a process leading ultimately to the transfiguration of the entire world, to the point where God will be all in all (cf. 1 Cor 15:28).”23 With Saint Paul’s intercession, we too can be apostles of the Real Presence of the Eucharist in the world.

VI. The Universal Call to Holiness and the Universal Call to Mission in the Year of Saint Paul

Woe to me if I do not preach the Gospel! (1 Corinthians 9:16)


Oscar Andres Cardenal Rodriguez Maradiaga, SDB, Archbishop of Tegucigalpa in Honduras, wrote me a Christmas card which included these words:

Que el ano de San Pablo, evangelizador infatigable sea la occasion para renovar nuestro Corazon misionero. ‘Ay de mi si no evangelizo’ (1 Cor 9,16)” [“May the Year of Saint Paul, the untiring evangelizer, be a time for renewing our missionary heart. ‘Woe to me if I do not preach the Gospel’ (1 Cor 9,16)”]

I am convinced that one of the goals of Pope Benedict XVI in proclaiming the Year of Saint Paul is to have every Catholic hold up a mirror to his or her life and to ask: am I as determined and as energetic about spreading the Catholic faith as Saint Paul was? Is spreading the faith both by example and by our conversations with our friends even a concern?24

What are we doing, in particular, to instill a love of Jesus and an understanding of our faith in the hearts and minds of our youth who are the future of the Church? In his boundless energy and athletic metaphors, Saint Paul’s example should be especially appealing to young people, encouraging them to apply their energy and enthusiasm to spreading the Gospel of Christ.

Pope John Paul II always reminded us that our Catholic faith only grows when we consciously and conscientiously share it with others. Christ will look at each one of us with his merciful eyes at our individual judgment and ask what efforts we made during the course of our lifetime to invite people into communion with Jesus Christ and His Church. Is it any surprise to us that Pope John Paul began his 1990 encyclical on missionary activity Redemptoris Missio with a tribute to Saint Paul? He wrote:

* “The mission of Christ the Redeemer, which is entrusted to the Church is still very far from completion. As the second Millennium after Christ’s coming draws to an end, an overall view of the human race shows that this mission is still only beginning and that we must commit ourselves wholeheartedly to its service. It is the Spirit who impels us to proclaim the great works of God: ‘For if I preach the Gospel, that gives me no ground for boasting. For necessity is laid upon me. Woe to me if I do not preach the Gospel!’ (1 Cor 9:16) In the name of the whole Church, I sense an urgent duty to repeat this cry of Saint Paul.”

* May each of us living now in the 21st century sense that same duty to repeat the cry of Saint Paul. Pope John Paul II showed us that mysticism and missionary spirit go hand in hand and that the universal call to holiness is closely linked to the universal call to mission.25

Pope Paul VI captured the heart of Saint Paul in a passage from his 1975 apostolic exhortation Evangelii Nuntiandi:

* “That model evangelizer, the Apostle Paul, wrote these words to the Thessalonians, and they are a program for us all: ‘With such yearning love we chose to impart to you not only the gospel of God but our very selves, so dear had you become to us.’ What is this love? It is much more than that of a teacher; it is the love of a father; and again, it is the love of a mother. It is this love that the Lord expects from every preacher of the Gospel, from every builder of the Church. A sign of love will be the concern to give the truth and to bring people into unity. Another sign of love will be a devotion to the proclamation of Jesus Christ, without reservation or turning back.”26

* What better example of that than Bishop Fulton J. Sheen, our own American Saint Paul, whose cause for canonization is currently in process. Living in the dawn of the television age, he recognized early the potential of harnessing modern means of technology to spread the Gospel. Imagine how Saint Paul would have used satellite communications, the Internet and YouTube. On the Roman campus of Propaganda Fide, a seminary that forms future priests for the Third World, there is a retreat center whose main room has a beautiful bust of Bishop Sheen at its heart. I can think of no better image that describes the Pauline missionary fire in the heart of this great 20th century American, a fire that spread to the ends of the earth influencing the formation of so many African, Asian and Indian priests and religious.

May the fire that the Holy Spirit cast down into the heart of Saint Paul, which in turn lit up the earth, inflame our hearts to be vibrant and effective missionaries in the Year of Saint Paul and throughout our lives.

TEN WAYS TO CELEBRATE THE YEAR OF SAINT PAUL

1. Pray to the Holy Spirit about your unique and intimate “Road to Damascus” conversion experience that the Spirit is calling you to in the Year of Saint Paul.

2. Live Galatians 2:20 “It is no longer I who live but Christ who lives in me” and study the lives of saints from Saint Paul to Blessed Mother Teresa of Calcutta who lived these words so inspirationally.

3. Read and pray The Acts of the Apostles and the letters of Saint Paul in the New Testament. Consult, too, the many helpful biblical commentaries and general studies of Paul that are presently available and will become available during the Year of Saint Paul.

4. Take Pope Benedict XVI’s challenge and engage daily in Lectio divina so that the Church will have a “new springtime” of spiritual growth and evangelization. Discover in a personal way that “the Word of God cannot be chained!” For an introduction to Lectio divina, see www.valyermo.com/ld-art.html.

5. Study the Church’s Teaching on Revelation and biblical interpretation in such Church documents and resources as:

a. The Second Vatican Council’s Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum

b. The Pontifical Biblical Commission’s The Interpretation of the Bible in the Church (1993)

c. Relevant sections of the Catechism of the Catholic Church [Part One: sections 26-184, pp. 13-50] and the Compendium of the Catechism of the Catholic Church [Questions 1-32, pp. 5-12]

c. Pope Benedict XVI’s Jesus of Nazareth


6. Study and Pray through Paul’s teaching on the power of the Cross of Christ. “Preach Christ crucified” in the way you carry the Cross and the way you help others carry their crosses.

7. Develop even more deeply a Pauline reverence for the Eucharist and the Body of Christ. Read and pray:

a. Pope John Paul II’s apostolic letter Dies Domini 1998

b. Pope John Paul II’s encyclical Ecclesia de Eucharistia 2003

c. Pope Benedict XVI’s post-synodal apostolic exhortation Sacramentum Caritatis


8. Participate in Parish and Diocesan Masses during the Year of Saint Paul for the Solemnity of Saints Peter and Paul (Sunday, June 29, 2008 and Monday, June 29, 2009), the Feast of the Conversion of Saint Paul the Apostle (Sunday, January 25, 2009), and the Feast of Saint Stephen, First Martyr (Friday, December 26, 2008).

Make a pilgrimage during the Year of Saint Paul to Saint Paul’s parish in Wilmington, Saint Paul’s Parish in Delaware City and Saint Peter and Paul’s Parish in Easton, MD. If you should be fortunate enough to visit Rome this year, make sure to visit and venerate the tomb of Saint Paul at the Basilica of Saint Paul-Outside-the-Walls.

Vatican officials announced in December 2006 that several feet below the Basilica’s main altar and behind a smaller altar, they had found a roughly cut marble sarcophagus beneath an inscription that reads “Paul Apostle Martyr.” The small altar was removed and a window inserted so that pilgrims can see the sarcophagus. Also visit the new ecumenical chapel which will be located in the southeast corner of the Basilica (what had been since the 1930s a baptismal chapel). While praying there, ask the intercession of Saint Paul for ecumenical progress and full Christian unity.27

9. Seek Paul’s intercession to be a more vibrant missionary in the world. Respond to the Universal Call to Holiness and the Universal Call to Mission. Study classical Church texts on missionary spirit and evangelization that discuss the life and ministry of Saint Paul such as Vatican Council II’s 1965 Decree on the Church’s Missionary Activity, Ad Gentes Divinitus, Pope Paul VI’s 1975 apostolic exhortation Evangeli Nuntiandi, Pope John Paul II’s 1990 encyclical Redemptoris Missio and Pope John Paul II’s 1999 post-synodal apostolic exhortation Ecclesia in America.

10. Study and pray the classical paintings of Saint Paul such as Rembrandt’s Saint Paul at his Writing-Desk (1629-1630), Caravaggio’s The Conversion of Saint Paul (1600), El Greco’s Saint Paul (1606), Michelangelo’s The Conversion of Saul (1542-1545), Raphael’s Saint Paul Preaching in Athens. For an internet tour of these paintings and other art works that focus on Saint Paul, see the website: www.jesuswalk.com/philippians/artwork-st-paul.htm. And see the 1981 film Chariots of Fire (and other films with Pauline themes) which examines how Eric Liddell, a Scottish 1924 Olympic runner, lives and speaks about the Pauline “running the race” of faith and “feeling God’s pleasure” when he runs. This film is a moving commentary on Galatians 2:20.28

We can explore many other Pauline themes during the Year of Saint Paul and many other creative ideas beyond the ten above will help us to live the Year of Saint Paul well. I am counting on you to study the themes and to discover in prayer the ideas. I am counting on you to develop, spread, and live them.

The great French Catholic historian Henri Daniel-Rops summarized Paul’s charism in this way:

“How close he seems to us, this man whom the Divine Light struck down on the road to Damascus – defeated, yet through his very defeat, overwhelmed by a profound anticipation of Grace – for, after all, we ourselves are still treading that same Damascus road today! He is, after Jesus, the most vivid and complete of all the New Testament figures, the man whose face we can visualize most clearly… And whenever we listen to the least important of his sayings, we recognize that tone of unforgettable confidence attainable only by those who have risked their all.” 29

May you and I risk our all for the Gospel during the Year of Saint Paul. And may I express my love for you as your Shepherd in the words of Saint Paul himself: “Do I need letters of recommendation to you or from you as others might? You are my letter, known and read by all men, written on your hearts. Clearly you are a letter of Christ which I have delivered, a letter written not with ink but by the Spirit of the living God, not on tablets of stone but on tablets of flesh in the heart.” (2 Corinthians 3:1-3)

Saint Paul, Apostle, Martyr, Mystic and Missionary, pray for us!

--------------------------------------------------------------------------------

1. Cf. Roch A. Kereszty Jesus Christ: Fundamentals of Christology (Staten Island, NY: Communio Books), 40.

2. John Henry Newman, Parochial and Plain Sermons, Sermon 9, Saint Paul’s Conversion Viewed in Reference to his Office, The Feast of the Conversion of Saint Paul (San Francisco: Ignatius Press, 1997), 290-291.

3. Cf. Pope Benedict XVI’s Homily for the Mass for the Inauguration of the Pontificate, April 24, 2005.

4. Cf. Pope Benedict XVI’s 2005 encyclical Deus Caritas Est 18.

5. See Bishop Michael Saltarelli’s August 30, 2001 Pastoral Letter Holiness in the World of Work published in The Dialog and available on the Diocese of Wilmington website www.cdow.org. The Pastoral Letter was also published nationally in Origins under the same title on August 30, 2001 (Vol. 31: No. 12), 217-220.

6. See Bishop Michael Saltarelli’s September 30, 2004 Litany of Saint Thomas More, Martyr and Patron Saint of Statesmen, Politicians and Lawyers and the accompanying statement On the Litany of Saint Thomas More, Martyr and Patron Saint of Statesmen, Politicians and Lawyers published in The Dialog and available on the Diocese of Wilmington website www.cdow.org. It has become a custom in the Diocese of Wilmington to pray this litany during October Respect Life month and at the conclusion of the Red Mass that the Saint Thomas More Society celebrates with the Bishop each October.

7. The full English text of Dei Verbum and the other Church documents referred to in this letter can be accessed using the search feature on the Vatican website at www.vatican.va/phome_en.htm.

8. Cf. Catechism of the Catholic Church (second edition) 2708.

9. See the Pope John Paul II’s October 7, 2004 Apostolic Letter entitled Mane Nobiscum Domine for the Year of the Eucharist (October 2004-October 2005)

10. S. Hieronymous, Commentarius in Ecclesiasten, 313: CCL 72, 278 as quoted in the Lineamenta for the Universal Church Synod on the Word of God in the Life and Mission of the Church scheduled in Rome for October 5-26, 2008.

11. See Pope Benedict XVI’s Jesus of Nazareth (New York: Doubleday, 2007), xviii: “The aim of this (canonical) exegesis is to read individual texts within the totality of the one Scripture, which then sheds new light on all the individual texts. Paragraph 12 of the Second Vatican Council’s Constitution on Divine Revelation had already clearly underscored this as a fundamental principle of theological exegesis: If you want to understand the Scripture in the spirit in which it is written, you have to attend to the content and to the unity of Scripture as a whole.”

12. See Bishop Michael Saltarelli’s September 15, 2005 Pastoral Letter Go and Teach: Facing the Challenges of Catechesis Today published in The Dialog and available on the Diocese of Wilmington website www.cdow.org. The Pastoral Letter was also published nationally in Origins under the title A Vision for Catechesis on October 27, 2005 (Vol. 35: Number 20), 329-334.

13. See 2 Corinthians 11:23-29.

14. See the Liturgy of the Hours Office of Readings for the June 30th Feast of the First Martyrs of the Church of Rome.

15. Pope Benedict XVI’s 2007 encyclical Spe Salvi 4.

16. Pope Benedict XVI’s 2007 encyclical Spe Salvi 33.

17. Pope Benedict XVI’s 2007 encyclical Spe Salvi 37.

18. Pope Benedict XVI's 2007 encyclical Spe Salvi 3.

19. For a reflection on the Cross of Christ in our experience of September 11, 2001, see Bishop Michael Saltarelli’s September 5, 2002 Pastoral Statement The Spiritual Lessons of September 11 published in The Dialog and available on the Diocese of Wilmington website www.cdow.org.

20. Pope John Paul II’s 2003 encyclical Ecclesia de Eucharistia 6.

21. Pope John Paul II’s 2003 encyclical Ecclesia de Eucharistia 8.

22. Pope John Paul II’s 2003 encyclical Ecclesia de Eucharistia 8.

23. Pope Benedict XVI’s 2007 post-synodal apostolic exhortation Sacramentum Caritatis 11.

24. See Bishop Michael Saltarelli’s January 13, 2000 Pastoral Letter How to Reach Out to Inactive Catholics in the United States Today published in The Dialog and available on the Diocese of Wilmington website www.cdow.org. The Pastoral Letter was also published nationally in Origins under the title How to Reach Inactive Catholics on January 27, 2000 (Vol. 29: Number 32), 514-518.

25. Cf. Pope John Paul II’s 1990 encyclical Redemptoris Missio 90.

26. Pope Paul VI’s 1975 apostolic exhortation Evangelii Nuntiandi 79.

27. Cf. Catholic News Service Report by Cindy Wooden, December 19, 2007.

28. See Bishop Saltarelli’s April 1, 2004 Pastoral Letter Contemplating the Face of Christ in Film published in The Dialog and available on the Diocese of Wilmington website www.cdow.org. The Pastoral Letter was also published nationally in Origins under the same title on April 15, 2004 (Vol. 33: Number 44), 764-767.

29. Henri Daniel-Rops The Church of Apostles and Martyrs (Volume 1) (New York: Image Books, 1962), 72.
 
Women bishops are obstacle between Canterbury and Rome, warns Vatican
VietCatholic
10:28 08/07/2008
The Vatican today criticised the Church of England's decision to press ahead with the ordination of women as bishops, saying it presented a "further obstacle" for reconciliation between Canterbury and Rome.

In a statement released through the Vatican Council for the Promotion of Christian Unity, the Vatican said it had "regretfully" learned of the historic vote, which took place last Monday following an epic seven-hour debate.

It read: "Such a decision signifies a breaking away from the apostolic tradition maintained by all of the churches since the first millennium and is a further obstacle for reconciliation between the Catholic church and the Church of England.

"This decision will have consequences on the future of dialogue, which had up until now borne fruit."

Cardinal Walter Kasper, who heads the council, will speak at next week's Lambeth conference, where he will reiterate the Catholic position.

The condemnation came as a senior figure from the Catholic wing of the Church of England warned of a "bloodbath" at next week's once-a-decade summit, which will draw 700 bishops from around the world.

The Very Reverend Prebendary David Houlding said: "Rowan Williams is going to Lambeth with his own church in chaos, first gay weddings and now women bishops.

"They [Canterbury and York] showed a lack of leadership. They made two very clear pleas to Synod - to have some safeguards for us - and nobody listened. Williams will have no authority. The last thing he wanted was an ecclesiological row. I feel very sorry for him."

Houlding claimed the Archbishop of York met with key Anglo-Catholic leaders after the vote to discuss the future.

"He was pleading with us until the early hours, asking us to stay. But we are not leaving, we are being pushed out. What happened on Monday was a very clear statement: we do not want you here. This is the beginning of the end."

He, like other dissenters lingering on the University of York campus, the venue for the General Synod meeting, talked about finding a new home and other churches.

One possibility is the creation of Anglican Use parishes, former Anglican congregations that that have joined Roman Catholicism while retaining some Anglican traits. Such parishes currently exist only in the US.

Another option is the Global Anglican Future Conference, the breakaway traditionalist movement in the Anglican Communion that was launched last month in Jerusalem.

Synod member and Gafcon leader Canon Chris Sugden said there were precedents for severing ties with liberal churches and opting into the care of bishops overseas, and gave examples of US dioceses that had rebelled against progressive leadership. "It is a factor. Unless something is done, it is obvious, although not inevitable," he said.

However, a statement from a conservative group, Forward in Faith, said it would work with English bishops who were sympathetic to their cause and could lobby on their behalf.

It has joined forces with evangelicals, who are unhappy with the ordination of gay clergy, to fight for control in the Church of England.

Central to this approach is General Synod membership, which will play a crucial role when a final vote on legislation is taken in several years time.

More traditional factions will work together to increase the influence of the more conservative voters in Synod when it is re-elected in 2010. They they could secure enough dioceses to ultimately defeat women bishops.

Evangelical Synod member Paul Eddy said: "This is a fight for the centre of the church. We have far more in common than divides us. I am an evangelical but I voted with the Catholics all the way."

He was disappointed by the Archbishop of Canterbury's failure to intervene, believing that Williams could have changed the outcome.

"He has people in the House of Bishops that speak for him. He could have made a difference. He wanted to. He wanted safeguards for us."

Increasing the conservative profile within Synod membership would "push off" legislation on women bishops for at least a few years, he added, possibly until the Synod elections in 2015.

"There are about 14 bishops who are due to retire and most are from the liberal wing. "There will be greater pressure to appoint traditionalists."

This move was aimed at placating some 1,300 clergy who had threatened to leave the church if safeguards were not agreed to reassure traditionalists opposed to women bishops.

The Church of England, the main Protestant denomination in England and Wales, is the hub of the worldwide Anglican Communion of 78 million.
 
Pour la première fois si nombreux, environ 700 catholiques en provenance du Vietnam participeront aux Journées mondiales de la jeunesse à Sydney
Eglises d'Asie
15:51 08/07/2008
Pour la première fois si nombreux, environ 700 catholiques en provenance du Vietnam participeront aux Journées mondiales de la jeunesse à Sydney

Les 200 premiers catholiques venant du Vietnam pour participer aux Journées mondiales de la jeunesse qui auront lieu cette année à Sydney, en Australie, à partir du 15 juillet, sont déjà sur place. Embarqués à l’aérodrome de Tân Son Nhât, ils sont arrivés le 4 juillet à Melbourne. Ils y étaient attendus par de jeunes catholiques d’origine vietnamienne résidant en Australie. Ce sont eux qui, pendant la dizaine de jours qui les séparent de l’ouverture des Journées, les prendront en charge. Ils les accueilleront chez eux et les accompagneront dans des activités à la fois profanes et religieuses. Quelques heures après l’arrivée du groupe en Australie, tous ces jeunes se sont rassemblés dans une église paroissiale de Victoria pour participer à une messe d’action de grâces, concélébrée par 30 prêtres dont beaucoup faisaient partie du groupe.

Mais il ne s’agit là que des premiers arrivés. Jamais, la participation de l’Eglise du Vietnam au rassemblement des Journées mondiales de la jeunesse n’aura été aussi importante. Il y a quelques jours, Mgr Joseph Vu Van Thiên, responsable de la Commission épiscopale des jeunes et chargé de l’organisation de cet événement, a confié à l’agence Ucanews que le groupe qui se préparait à partir pour cette manifestation comprendra quelque 70 évêques et prêtres, 50 religieux et pas moins de 244 laïcs. Si l’on ajoute à ce chiffre les personnes qui vont se rendre en Australie par leurs propres moyens, on peut estimer à 700 les catholiques vietnamiens qui seront à Sydney pour ces Journées mondiales de la jeunesse. Lors des précédents rassemblements, les participants en provenance du Vietnam n’étaient guère que quelque dizaines. Bien évidemment, les chiffres précédents ne prennent pas en compte les très nombreux jeunes catholiques issus de la diaspora vietnamienne répandue un peu partout dans le monde, dont le nombre est très difficilement évaluable.

Le nombre des participants aurait été plus grand si les frais de voyage n’avaient pas été si élevés, a déclaré Mgr Thiên. Chacun des membres du groupe a dû s’acquitter personnellement du prix du billet d’avion, soit la somme de 1 200 dollars US, ce qui reste une somme très importante pour un catholique vietnamien, malgré l’élévation du niveau de vie de ces dernières années. Les catholiques d’origine vietnamienne, fort nombreux en Australie, ont décidé de prendre en charge les frais de logement, de nourriture et de déplacement liés aux activités de ce rassemblement. A la demande de la Commission des jeunes, le Saint-Siège a promis de participer pour une part aux frais occasionnés par ce voyage et enverra une contribution financière à l’Eglise du Vietnam après la tenue de cette manifestation.

L’ensemble des membres de la délégation vietnamienne s’est regroupé dans la région de Melbourne où des activités religieuses mais aussi touristiques sont organisées pendant une dizaine de jours. Tous seront à Sydney pour le début du rassemblement, le 15 juillet. Pendant les jours qui suivront, le groupe vietnamien participera aux activités communes mais apportera aussi sa contribution spécifique. Ainsi le 16 juillet, les jeunes Vietnamiens participeront au rassemblement des jeunes d’Asie. Ils y feront une démonstration de danses du folklore vietnamien.

(Source: Eglises d'Asie - 8 juillet 2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mother Teresa của người Việt Tây Úc
Nguyễn Việt Nam
08:54 08/07/2008
Ngày thứ Sáu 13/6 vừa qua Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam miền Tây nước Úc đã cử hành thánh lễ mừng thượng thọ cho một nữ tu người Úc: Sr. Patricia – một người Úc nhưng có tinh thần rất Việt Nam.

Từ thập niên 1960, khi quê hương Việt Nam còn mịt mù trong khói lửa, Sr. Patricia đã hiện diện ngay trên miền đất đau khổ thân yêu của chúng ta để giúp xoa dịu chiến tranh.

Khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, Sr. Patricia tiếp tục đồng hành với người Việt tị nạn tại các trại tị nạn vùng Đông Nam Á. Sr. Patricia đã di chuyển giữa Perth và các nước Đông Nam Á để giúp đỡ người tị nạn những thủ tục xin định cư nơi đệ tam quốc gia, và khi họ được nhận vào Úc, Sr. Patricia lại có mặt để đưa đón họ tại các phi trường, làm thủ tục nhập cư và chăm nom săn sóc cho họ những ngày đầu tiên trên miền đất mới.

Sr. Patricia đã giúp đỡ người Việt tị nạn bất kể lương giáo. Nhờ lòng tận tụy và tình yêu của sơ, nhiều anh chị em thấy được qua sơ lòng từ ái và yêu thương của Thiên Chúa và đã đón nhận Ngài là Đấng Cứu Độ của đời mình.

Thực sự, Sr. Patricia đã cùng đồng hành với người Công Giáo Việt Nam trong suốt cuộc đời của sơ.

Video này giới thiệu những tâm tình của các linh mục, và anh chị em giáo dân, những người đã sống nhiều năm với một nữ tu thường được trìu mến gọi là Mẹ Têrêxa của người Việt Tây Úc.
 
Khai mạc tuần sinh họat giới trẻ Công giáo Việt Nam tại Melbourne.
Jos. Nguyễn
11:02 08/07/2008
Melbourne. Vào lúc 17g ngày 06/07/2008, thánh lễ khai mạc tuần sinh hoạt của giới trẻ Công giáo Việt Nam trong và ngòai nước đã diễn ra tại nhà thờ thánh Gioan, thuộc tổng giáo phận Melbourne, nước Úc.

Nhằm nối liền giới trẻ Công giáo Việt Nam từ khắp bốn phương trời, thánh lễ giới trẻ Việt Nam khai mạc những ngày sinh họat, học hỏi và gặp gỡ cho các bạn trẻ Công giáo Việt Nam từ ba miền Bắc- Trung- Nam trong nước cũng như ngòai nước được diễn ra tại Melbourne một tuần trước những ngày đại hội giới trẻ thế giới 2008. Liên đòan thanh niên Công giáo Melbourne sẽ tham gia một số chương trình và sẽ tổ chức thêm một vài chương trình dành riêng cho giới trẻ Việt Nan.

Chương trình này bắt đầu từ ngày 6-13 tháng 7 tại thành phố Melbourne, thành phố lớn thứ nhì sau Sydney nước Úc. Hiện có 400 bạn trẻ Việt Nam hiện diện trong thánh lễ. Trong số đó có 200 bạn trẻ đến từ Tổng giáo phận Sài gòn và số còn lại đến từ các giáo phận khác như Ban–Mê-Thuật, Hà Nội, Phú Cường… Ban tổ chức ước lương có 700 bạn trẻ và khách hành hương sẽ dừng chân tại Melbourne trước khi đến Sydney tham dự ngày giới trẻ thế giới 2008.

Đòan đồng tế trong thánh lễ khai mạc gồm có khỏang 60 linh mục Việt Nam, đa số đến từ Việt Nam. Một số khác là linh mục Việt Nam đến từ các nước như Đài Loan, Anh quốc, nước Úc… Một cha hạt trưởng, đại diện cho Đức tổng giám mục của Tổng giáo phận Melbourne đến phát biểu và chào đón các bạn trẻ, các linh mục, các nam nữ tu sĩ và quí khách hành hương đến từ Việt Nam và các nước khác trên thế giới tham dự thánh lễ khai mạc này.

Gió Đông đã về với Melbourne làm cho hầu hết các bạn trẻ Việt Nam cảm thấy lạnh buốt! Dù có mặc nhiều lớp áo ấm trên mình cũng vẫn chưa đủ ấm! Nhiệt độ hiện nay ở thành phố này là 14 độ C. Đêm xuống sẽ càng lạnh thêm lên vài độ. Những ngày tới sẽ càng lạnh hơn vì dự báo thời tiết nói sẽ có mưa! Nhưng các bạn trẻ Việt Nam tham dự chương trình sinh họat này cảm thấy ấm cúng lại vì được sưởi ấm bởi tình đồng hương của những người Việt Nam cùng góp mặt nơi đây, làm cho bầu khí trở nên thân thiện như đang ở tại quê nhà mình. Ấm cúng hơn nữa là có sự hiện diện của Đức Kitô, bạn của những người trẻ, trên bàn tiệc thánh Mình Máu thánh Chúa. Các bạn cành ấm lòng hơn nữa khi được đón Chúa ngự vào tâm hồn mình qua việc hiệp lễ!

Mong ước của Đại hội giới trẻ lần này nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam khám phá ra tình thương của Đức Kitô, đồng thời các bạn trẻ sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần để rồi ra đi làm nhân chứng cho Chúa, giữa lòng quê hương Việt Nam và cho xã hội hôm nay. Bài hát kết lễ hướng các bạn trẻ về với Đức Maria, để xin Mẹ phù giúp cho các bạn trẻ trong tuần sinh họat này cũng như trong mọi sinh họat của đời sống.
 
Dòng Thánh Tâm Huế hỗ trợ 630 chỗ trọ miễn phí cho thí sinh thi đợt 2
Josephus Nguyễn
19:00 08/07/2008
HUẾ- Kì thi Đại học năm 2008 đã bước vào đợt 2 với những khối thi còn lại nên lượng thí sinh tăng lên đột biến. Do đó quý Cha, quý Thầy của Hội Dòng Thánh Tâm cũng miệt mài hơn với công việc – “tiếp sức mùa thi”.

Một niềm khắc khoải

Xuất thân từ những miền quê nghèo trên khắp miền đất nước, các tu sĩ Dòng Thánh Tâm phần nào đã cảm nhận được những khó khăn một nắng hai sương mà người nông dân một đời gánh chịu, nhưng trong họ vẫn nung nấu một “ước mơ nuôi chữ”. Và cũng đã nhiều lần người dân xứ Huế chứng kiến cảnh ông bố, bà mẹ tay xách vai mang những nắm cơm, bao gạo vượt đường xa về Cố Đô với hi vọng con mình sẽ được thỏa chí anh tài. Đáp ứng thực tại đó, năm 2007 vừa qua Dòng Thánh Tâm đã mạnh dạn tổ chức Mục vụ hè bằng việc hỗ trợ chỗ trọ miễn phí cho các thí sinh đến Huế dự thi. Năm đầu tiên với biết bao bỡ ngỡ trong công tác mục vụ mới này nhưng kết quả cũng thật bất ngờ: hơn 400 thí sinh và phụ huynh đã chọn nhà Dòng làm nơi tá túc.

Từ những kinh nghiệm mục vụ mùa thi năm trước, các tu sĩ Thánh Tâm đã tổ chức một chương trình “tiếp sức mùa thi 2008” có quy mô và phục vụ cũng “chuyên nghiệp” hơn. Không chỉ dừng lại ở phạm vi một số tỉnh hay những người công giáo biết đến hoạt động này của Hội Dòng như năm trước, năm nay từ Bắc, Trung, Nam mọi người đều tìm đến Thánh Tâm để ghi danh lưu trú trong suốt mùa thi từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 11 tháng 7. Tính đến 22 giờ ngày 8 tháng 7 đã có 630 thí sinh và phụ huynh đăng kí ở trọ tại Dòng, trong đó số ngoài công giáo là 44 người. Đây là niềm vui của Hội Dòng vì được phục vụ và cũng là sự may mắn đối với thí sinh và phụ huynh - những người chưa một lần đến Huế.

Cùng nhau chơi cùng nhau học

Khi trọ học tại Dòng, bên cạnh điều kiện thuận lợi cho việc ôn lại bài vở, các thí sinh cũng có giờ phút giải trí với những môn thể thao yêu thích: bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, bi lắc… Cũng chính trong môi trường thể thao bổ ích này các bạn trẻ có thêm cơ hội giao lưu làm quen để rồi khi màn đêm buông xuống những tay bóng hay chân sút cừ khôi ban chiều lại ngồi bên nhau trao đổi bài vở. Nhìn những gương mặt xa lạ bỗng trở nên thân thiện ai ai cũng thấy lòng vui thêm nhiều.

Những bữa cơm bụi “chớp nhoáng” cùng nhau cũng là dịp thuận lợi để các sĩ tử trau dồi thêm kiến thức còn hổng nhằm trang bị kịp thời trước ngày ứng thí. “Vô đây mình học hỏi từ các bạn rất nhiều điều. Giờ mình thấy chắc hơn những kiến thức còn “lơ mơ” trước đây. Đúng là học thầy không tày học bạn” - Nguyễn Văn Nghị - thí sinh đăng kí thi trường ĐH kinh tế, nói trong khi đang mải mê làm toán với các bạn khác.

Niềm tin chiến thắng

Đến Huế với một niềm hi vọng được trở thành những tân sinh viên của giảng đường Đại học, sẽ là niềm hãnh diện cho gia đình, cho thôn xóm… nhưng khó khăn trước mắt đối với các thí sinh chính là những bỡ ngỡ nơi đất khách quê người. Không lo sao được đối với những cô cậu chưa một lần xa gia đình, không lo sao được khi tất cả mọi người đang bị cuốn theo vòng xoáy của “xã hội hóa”. Thế nhưng, con lo một bố mẹ lo mười nên không ít phụ huynh cũng khăn gói lên đường “lều chõng cùng con”.

Một kì thi có ý nghĩa quan trọng đã thôi thúc các sĩ tử ngày đêm “dùi mài kinh sử” và được trọ học trong Thánh Tâm, được các Tu sĩ động viên, tận tâm chăm sóc, niềm tin chiến thắng càng được nhân lên trong mỗi thí sinh. Mỗi thánh lễ hay một vài phút thinh lặng bên Thánh Tâm Chúa đã giúp cho các bạn trẻ thêm tự tin để bước vào kì thi đầy cam go.

Đáp ứng niềm mong mỏi của các bậc phụ huynh và thí sinh lần này, tối ngày 8-7, tại Nguyện Đường của Hội Dòng, Cha Bề trên Tổng quyền - Simon Trương Quỳnh - đã dâng Thánh lễ cầu bình an cho các thí sinh. Trong Thánh lễ, qua việc nhắc lại ý nghĩa của phẩm phục màu xanh Cha đã nói đến niềm hi vọng để từ đó các sĩ tử vững tin hơn cho đợt ứng thí lần này. Cha cũng nhắn gửi thêm: “Thành công là điều dễ thực hiện nhưng thành nhân mới là điều khó; nó đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những cám dỗ của đời sống thường nhật. Chúng ta đã có Chúa ở trong lòng, vì thế hãy cố gắng để trở thành người Kitô hữu đích thực”.

Đến Huế dự thi, các thí sinh không chỉ nhận được sự hỗ trợ của Dòng Thánh Tâm mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đức tổng Giám mục - Giáo phận Huế - Têphanô Nguyễn Như Thể. Tuy mới kết thúc chuyến công du, sức khoẻ chưa kịp hồi phục nhưng khi nghe Dòng Thánh Tâm tổ chức Thánh lễ cho thí sinh, qua lời Cha Bề trên Hội Dòng, Đức tổng đã gửi lời thăm hỏi và cầu chúc cho các thí sinh đạt được kết quả tốt trong kì thi Đại học lần này.

Kết thúc Thánh lễ, bạn Tê-rê-xa Lê Thị Việt Hà đã thay mặt cho hơn 500 thí sinh tham dự nói lên lời tri ân: “Chúng con từ bốn phương trời về Huế dự thi Đại học với biết bao bỡ ngỡ nơi xứ lạ. May mắn đã được quý Cha, quý Thầy trong Hội Dòng cưu mang, động viên, giúp đỡ, … để chúng con an tâm vững bước “vượt vũ môn”. Chúng con xin hết lòng tri ân cảm tạ.”

Trên con đường tìm kiếm tri thức còn lắm gian nan, giữa bao cám cảnh cơm áo gạo tiền… bao bạn trẻ đã ngã gục, thế nhưng con số hơn 500 thí sinh có mặt trong Dòng Thánh Tâm lần này đã phần nào nói lên nghị lực kiên cường và lòng cậy trông vào tình Chúa, tình người, để các em vững tiến. Cần lắm những tấm lòng!
 
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Portland tổ chức Hành Hương lần thứ 33
Phan Hoàng Phú Quý
20:17 08/07/2008
PORTLAND, Oregon - Theo thông lệ hàng năm, nhân ngày lễ Độc lập Hoa Kỳ, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại tiểu bang Oregon đã tổ chức Đại Hội Hành Hương với Chủ đề: “THẦN LỰC CHÚA THÁNH THẦN”, trong 3 ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chúa Nhật vừa qua.

Thời tiết năm nay mát mẽ, nên đã thu hút nhiểu khách thập phương đến hành hương, xa xôi nhất là các giáo dân đến từ Santa Ana, Los Angles, San Jose, San Fransisco thuộc tiểu bang California, Vancouver B.C thuộc Canada, Spoken, Seattle, Tacoma, Kent, Olympia, thuôc tiểu bang Washington, rồi đến những giáo dân thuôc các vùng phụ cận như: Vancouver thuộc tiểu bang Washington, Salem, Tigar, Hillsboro, Aloha, Beaverton và Portland thuộc tiểu bang Oregon. Đăc biệt chúng tôi cũng nhận thấy có sự hiện diện của một số quý linh mục, quý tu si nam nữ, quý giáo dân đến từ Việt Nam qua diện mục vụ hoặc diện du lịch.

Trong thời gian hành hưong có nhiểu chương trình được tổ chức như: Hòa giải, Chầu Thánh Thể, Hiệp Dâng Thánh Lễ, Hội thảo về Hôn nhân và gia đình,, đặc biệt có buổi cầu Thánh Linh để chữa bệnh do linh mục Micael Nguyễn Trường Luân thuộc dòng Chúa Cứu Thế đến từ California, đã thu hút được rất nhiều người đến tham dự, trong số này có những người thuộc các tôn giáo bạn.

Thánh lễ Mừng kính các Thánh Tử Đao Việt Nam được tổ chức tại Lễ Đài Đức Mẹ La Vang lúc 7 giờ chiều thứ Bảy do Đức Ông chánh xứ Giacôbê Pham Văn Ninh chủ tế, và quý vị linh mục Việt Nam và Hoa Kỳ cùng đồng tế với hàng ngàn giáo dân tham dự.

Một hoạt cảnh nói về cái chết Vì Đạo của Thánh Anrê Dũng Lạc cũng được trình diễn trước thánh lễ để mọi ngưòi học hỏi và noi theo gương sống đạo tốt lành thánh thiện của Ngài, nhất là làm chứng cho Đức Tin thà chết chứ không bỏ Chúa, bỏ đạo

Người đi, đi trong nước mắt
Đem hạt giống gieo trên nương đồng
Khi về, về miệng vui ca
Tay ôm bó lúa
Lúa thơm hương nồng.


Dù máu chảy đầu rơi, xác thân tan tành rã rời, đớn đau vì nhục hình để dâng lên Cha Nhân Ái làm của lễ hy sinh.
Một đời sống trung kiên, trọn đời trong đức tin, sống chứng nhân tình yêu, chết trong hồng ân muôn đời.

Linh mục Phạm Tĩnh, trong bài giảng thuyết, đã đề cao gía trị của những vị Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam, trong đó có những giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và phần đông là giáo dân, Ngài cũng khuyên nhủ mỗi người chúng ta noi gương sống đạo của các Thánh Tử Đạo VN. và cầu xin các Ngài giúp đở chúng ta biết giữ gìn và tuyên xưng Đức tin trước mặt mọi người, cho chúng ta luôn luôn tuân lệnh của Vua Trên Trời, chứ không phải tuân lệnh vua trần gian, phải có mối giây liên lạc mật thiết với Chúa, đến với Chúa qua bí tích Hòa Giải,hãy làm chứng cho Chúa trước mặt thiên ha, hãy sống thanh thãn, bình an, hãy mạnh dạn đứng lên trong những lúc sa ngã, yếu đuối, để trở về với Chúa Kitô với các thánh Tử Đạo Việt Nam.

Thánh lễ Tạ ơn và cầu nguyện cho Tự Do và Hòa Bình được tổ chức tại The Grotto Núi Đức Mẹ Sầu Bi lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật, do Đức Tổng Giám Mục Portland John G. Vlazny chủ tế, cùng với 16 linh mục Việt Nam đồng tế, và trên 8 ngàn giáo dân tham dự.

Chương trình được bắt đầu bằng nghi thức rước quốc kỳ Hoa Kỳ, Việt Nam Cọng Hòa và Đồng Minh đến trước lễ đài. Quốc ca Việt Mỹ được hát lên một cách nghiêm chỉnh và ba hồi chiêng trống cũng được dóng lên để chiêu hồn tử sĩ, tưỏng nhớ đến những chiến sĩ VNCH và Đồng Minh cũng như đồng bào đã hy sinh vì chính nghĩa tự do. Linh mục Phạm Văn Ninh chánh xứ Đức Mẹ La Vang đã niệm hương trước lễ đài.

Tiếp theo là phần cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ đi vòng quanh trung tâm hành hương Grotto với hầu hết các đoàn thể tham dự, vừa đi vừa lần hạt Mân Côi và hát lên những bài ca ngợi Đức Mẹ một cách thiết tha và thành khẩn.

Các em thanh thiếu niên nam nữ thuộc giáo xứ Đức Mẹ La vang đã cùng nhau dâng lên Đức Mẹ những đóa hoa tươi qua những vũ điệu dân tộc:

Một trời hoa, xinh tươi muôn sắc
Một trời hoa, hương thơm man mác
Tỏa khắp bốn phương
Kính mừng Mẹ. Nữ Vương nhân hiền
Mẹ là hoa Hồng thiêng tươi thắm
Đức Trung kiên, Đức Mến vô biên
Mẹ là bông Huệ ngát hương duyên
Đức Đồng trinh hồn xác nguyên tuyền.


Trong phần huấn từ nhân ngày Lễ Độc lập Hoa Kỳ và kỷ niệm 33 năm ly hương của người Việt tị nạn, ĐTGM Portland đã nhắc nhỡ mọi người
về ý nghĩa của Độc lập, của Tự Do, tự do nhưng không phải tự do quá trớn, mà là tự do trong tinh thần yêu thương và tôn trọng lẩn nhau, chúng ta đến đây từ khắp nơi trên thế giới để tìm tự do, nhất là Độc lập Tự do trong niềm tin vào Thiên Chúa. Người là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta, nhìn vào sự trưởng thành và lớn mạnh của cộng động công giáo VN tại địa phương, chúng ta hãy cảm ta Hồng Ân Thiên Chúa vì Ơn Chúa Thánh Thần đã tác động trong mọi sinh hoạt của quy anh chi em, từ cá nhân, gia đình và xã hội, nguyện xin Thiên Chúa luôn tiếp tục đồng hành với quý anh chị em, đặc biệt năm nay giáo xứ chúng ta long trong tổ chức hành hương với chủ đề Thần Lực Chúa Thánh Thần “Chúng con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, và chúng con sẽ là chứng nhân của Thầy” ( CV 1:8)


Thánh lễ Tạ ơn được kết thúc sau phần cám ơn của Đức Ông chánh xứ Giáo xứ Đức mẹ La Vang gởi đến quý ĐTGM. Quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ, quý vị đại diện các cộng đồng bạn và toàn thể giáo dân đã về đây cầu nguyện và hiệp dâng thánh lễ tạ ơn thật trang nghiêm và sốt mến, ngài cầu chúc mọi người ra về được bình an và gặp nhiều may mắn, đồng thời xin hẹn tái ngộ trong kỳ hành huơng lần thứ 34 tới vào những ngày 3, 4 và 5 tháng 7 năm 2009.

Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó
Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho những kẻ thành tâm
Đem yêu thương đến cho mọi người
Đem tin vui đến ai đợi mong.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Saigòn kêu cứu vì chính quyền cướp Vườn Trà bán cho nước ngoài làm sân golf
Sa Nguyên
09:16 08/07/2008
THỊ XÃ BẢO LỘC, Lâm Đồng -- Một khu đất do quyền sở hữu của các nữ tu Dòng Thành Phaolô, tỉnh dòng Sài Gòn, đang dùng làm đất canh tác để nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em mồ côi và khuyết tật từ bao năm qua, nay chính quyền ngang nhiên cướp bán cho nước ngoài làm sân chơi Golf.

Một vườn trà tại Bảo Lộc
Từ Sai Gòn, nữ tu Êligiabét Lê Thị Thành, người chịu trách nhiệm về nhà đất của tỉnh dòng Phaolô Sài Gòn, vừa cho chúng tôi biết thông tin đau lòng này. Các nữ tu vốn có một đời sống hiền hoà và khiến tốn, chịu thương chị khó cả một đời luôn tìm cách xoa dịu nỗi đau của biết baô kiếp người trong xã hội Việt Nam này, bây giờ không biết nương nhờ ai lên tiếng công khai tố cáo việc làm bất nhân của giới chính quyền địa phương của Thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Sr Thành đang là người đứng tên Sổ Đỏ sở hữu khu đất có diện tích khoảng 5 mẫu nam bộ, toạ lạc tại Xóm 4, Hiệp Nhất, Phường Lộc Phát, Thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, Sr Thành cùng với các nữ tu của nhà dòng đang tìm mọi cách để giữ lại khu đất canh tác là nguồn sống cho trẻ em mồ côi khuyết tật từ bao năm nay. Xin dư luận quốc tế cùng lên tiếng để lên án vấn đề này, đòi lại công lý và bảo vệ nhân nghĩa cho các nữ tu và các trẻ em tội nghiệp.

Được biết, khu đất mà dòng Phaolô đang sở hữu hiện đang trồng trà và cà phê, các cây trồng đang tươi tốt và cho nguồn thu nhập, nhờ bao công sức và vốn đầu tư của các tổ chức Misereor, Caritas Đức, Secours Catholicque Pháp, và tổ chức của Ý trợ giúp qua trung gian là các nữ tu dòng Phaolô thành Chart.

Sr Thành nói: “Khi nghe tin chính quyền làm như vậy, ai nấy đều bức xúc, không còn tinh thần để làm việc”. Sr Thành nói thêm rằng chính quyền từ Trung ương đến cấp Sở đều công nhận đây là chương trình duy nhất trong nước đã thành công, bởi vì công việc trồng cây và canh tác trên phần đất trên đã đảm bảo môi trường sinh thái tốt và đem lại nguồn thu nuôi dưỡng các trẻ em xấu số.

Việc làm sân Golf có khả thi hay không hoặc có nguy hại như thế nào, xin đọc các bài viết với chủ đề “Khi sân golf lấn ruộng vườn” trong Link sau: http://vnarchitects.ashui.com/index.php?topic=1638.0 Sau đây là bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu ở đại học tổng hợp London:

Ám ảnh sân golf

Mươi năm gần đây, các sân golf ở VN nở rộ. Với trên 60 sân golf đã đi vào hoạt động, các tỉnh vẫn muốn tiếp tục thu hút đầu tư vào các dự án sân golf mới. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên - môi trường, cả nước sẽ có tới 123 sân golf sử dụng trên 38.000ha đất.

Từ Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc cho đến Đà Nẵng, Lâm Đồng, Nha Trang, Phan Rang, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ... đâu đâu cũng có sân golf. Quanh Hà Nội đã và đang xây dựng bảy sân, đồng bằng Bắc bộ sẽ có tới 25 sân, Nam Trung bộ hàng chục sân. Đáng chú ý là phần lớn sân golf ở VN không xây trên các đồi cát ven biển hay đồi dốc cằn cỗi không canh tác được mà tọa lạc trên những khu vực nhiều nước, vẫn canh tác được và có cảnh quan đẹp.

Sân golf nhiều như vậy nhưng phần lớn lỗ vốn, hiện chỉ có vài sân có lãi ở gần TP.HCM. Sân golf thường chỉ đông khách vài ngày trong tuần nhưng phải đầu tư hạ tầng, thuê đất, tưới nước chăm sóc liên tục nên có chi phí tính trên người chơi rất cao. Nếu chỉ xét riêng về kinh doanh môn golf thì hầu hết các sân hiện đang lỗ vốn vì chưa tìm đủ người chơi.

Thống kê mới đây cho biết VN mới có khoảng 5.000 hội viên và 2.000 người chơi thường xuyên. Với năng lực các sân hiện có thì thậm chí hàng chục năm nữa vẫn đủ phục vụ dù hội viên tăng nhanh.

Người chơi ở các sân golf chủ yếu là người nước ngoài, doanh nhân thành đạt và các hội viên được hưởng suất giao tế. Mỗi thẻ hội viên giá từ mười ngàn tới vài chục ngàn đôla Mỹ. Hội phí dù đắt nhưng cũng mới chỉ là một phần bởi chi phí hướng dẫn tập, bộ đồ nghề, tiền trả cho người phục vụ, nhặt bóng rất cao. Mỗi buổi chơi như vậy tốn chừng một tháng lương công chức nên ở VN ít người có đủ tiềm lực kinh tế để theo đuổi môn thể thao này.

Chỉ ba năm trước, các sân golf đều lỗ và kiến nghị Chính phủ giảm thuế, nhưng tại sao gần đây các tỉnh lại sốt sắng duyệt dự án xây mới sân golf?

Đầu tiên là các sân golf đã được sử dụng đất nằm trong các dự án phát triển đô thị mới, dự án đầu tư nước ngoài vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Chi phí thuê đất ở các dự án như vậy khá thấp (1ha đất nông nghiệp ở Long An được đền bù giá 350 triệu đồng). Đặc biệt, ở những nơi cảnh quan đẹp, có nguồn nước dồi dào và hạ tầng giao thông thuận tiện, các chủ sân golf sẽ kết hợp kinh doanh bất động sản, như cắt một phần đất để xây biệt thự, nhà nghỉ, xây các công trình dịch vụ và cho thuê để kinh doanh kết hợp, và bất động sản ở cạnh các sân golf sẽ ngày càng có giá. Sân golf Long Thành là một ví dụ.

Lý do thứ hai là tính thương hiệu của sân golf. Các dự án phát triển bất động sản sẽ gia tăng giá trị nếu có sân golf ở trong. Hội phí giá trị cao thì các suất ngoại giao càng có ý nghĩa. Golf là môn chơi của giới thượng lưu nên đưa golf về địa phương cũng có nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội giao lưu cho những người đang muốn vươn lên “đẳng cấp” mới.

Tuy nhiên, vấn đề là số lượng sân golf quá nhiều và danh mục các đề xuất lấy đất trồng lúa xây sân golf ngày càng dài. Nếu động cơ làm sân golf là đầu cơ bao chiếm đất thì việc quản lý sẽ rất khó. Bài học của ximăng lò đứng, gạch tuy nen, nhà máy đường vẫn còn đó. Vấn đề là ai sẽ đảm bảo sự cân đối vĩ mô này trong đầu tư trong tình hình luật pháp đất đai vẫn còn nhiều kẽ hở.

Trích dẫn:

“Trò chơi golf (còn gọi là môn cù) xuất xứ từ Scotland, một xứ sở mưa quanh năm, nhiều đồi dốc và nhiều khu vực đất đai cằn cỗi không canh tác được. Đến thế kỷ 20, môn này trở nên thịnh hành cùng với sự thịnh vượng của các nền kinh tế và nhìn chung là dành cho giới quí tộc và trung lưu lớp trên. Golf được nhân rộng cùng với sự bành trướng của đế quốc Anh và phát triển ở những quốc gia giàu có, đất rộng người thưa như Hoa Kỳ, Úc, Canada...

Giới nhà giàu trên thế giới coi golf là biểu tượng của sự thành đạt. Nhưng sân golf tiềm ẩn nhiều hiểm họa về môi trường do sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và nước sạch.

Việc xây dựng sân golf trên thế giới đã bị các nhà khoa học và môi trường phản đối trên 50 năm nay vì phí phạm và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên. Mỗi sân golf 18 lỗ sử dụng 5.000m3 nước tưới hằng ngày (tương đương lượng nước sử dụng của 8.000-10.000 hộ gia đình), chiếm dụng 30-60ha đất (khoảng 2-4 lần hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội). Vì vậy, xu hướng hiện nay là xây sân golf trên cát sa mạc như ở vùng Vịnh. Bất chấp điều đó, một số nước nghèo như Indonesia, Philippines đã cho mở nhiều sân golf với hi vọng thu hút du lịch và phát triển kinh tế.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Nhắn Tin: Xin các Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ giúp cập nhật địa chỉ
VP Liên Đoàn CGVN/HK
16:00 08/07/2008


Nhắn Tin: Xin các Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ giúp cập nhật địa chỉ

Kính thưa qúy Đức ông và qúy Cha,

Vào tháng 7 hằng năm, thường có một số Linh mục được bài sai phục vụ tại một địa điểm mới. Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ & Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ kính xin qúy Cha vui lòng thông báo cho chúng con biết địa chỉ mới, số điện thoại và e-mail mỗi khi di chuyển, để danh sách anh em Linh mục chúng ta được cập nhật.

Chúng con đặc biệt xin chúc mừng qúy tân Linh mục trong thời gian gần đây, và xin qúy Cha giúp gửi cho chúng con được biết nhiệm sở phục vụ mới để chúng ta có dịp liên lạc với nhau.

Nếu sử dụng e-mail, xin gửi thông tin về Thư ký Văn phòng: bantinliendoan@aol.com

hoặc gửi qua đường Bưu Điện:
Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ
Rev. Joseph Nguyễn Thanh Liêm
231 Rothell Rd. Extension
Toccoa, GA 30577

Chân thành cám ơn qúy Đức ông và qúy Cha.

Trong Chúa,

Văn phòng CĐGSTS & LĐCGVNHK
 
Văn Hóa
Vì Một Trái Xoài
Tuyết Mai
09:23 08/07/2008
Vì Một Trái Xoài

Oái oăm thay! Khó xử thay! Bất bình thường thay! Chỉ vì một trái xoài. Vâng câu chuyện xẩy ra thật không ai có thể hiểu và ngờ được hai người già tranh nhau vì một trái xoài.

Sáng nay tôi đang đi đo áp huyết cho các ông các bà cao niên trong trung tâm của tôi, thì hồi đầu tôi nghe có tiếng lớn đấu qua đấu lại và có cả tiếng cười góp của một vài người gần đó, rồi sau đó tôi không còn nghe thấy gì nữa cả! Khoảng độ một giờ sau thì chuyện xẩy ra có vẻ hơi lớn tiếng, tôi quay mặt lại nhìn thì ồ có cả cô giám đốc cũng có mặt tại nơi xẩy ra có tiếng của hai người như cãi lộn nhau về chuyện gì đó mà tôi chưa được biết. Bỏ lại bàn cái máy đo áp huyết và sổ sách của tôi để lại xem chuyện gì đã xẩy ra mà to tiếng đến thế? Khi tôi đến nơi thì chứng kiến hai ông đang cãi nhau tiếp tục và cũng như đang phân bua với cô giám đốc và hình như có nhờ cô xử dùm.

Số là bác Anh trai được một ông bà nào đó cho một trái xoài đầu mùa rất to vàng và ngon, và rồi vì đang mải chơi cờ tướng thì trái xoài bỗng nhiên biến đi đâu mất mà lại thấy nó nằm trên một bàn cờ tướng khác. Ông Anh mới đi hỏi thăm bác trai khác tên Bảo, đang có trái xoài nằm trước mặt, là: "Tại sao ông Bảo lại có trái xoài của tôi? ". Ông Bảo trả lời rằng: " Hồi nãy ông Châu đến cho tôi thì tôi chỉ biết nhận và cám ơn thôi! ", và hỏi ngược ông Anh rằng: " Tại sao ông lại nhận bừa là trái xoài của ông? ".

Có thế thôi rồi thì bác Anh nói với bác Bảo là: “ Ông già rồi coi vậy mà còn cái tánh tham lam “. Tôi nghĩ chắc ông Anh cũng tiếc mất trái xoài ngon mà chưa được ăn nên đánh cho một câu nói đùa chứ cũng không cố ý nhưng vì đối với ông Bảo thì đó là một câu nói nhục vì trước mặt mọi người ở bàn chơi cờ tướng họ cũng cười góp nên ông bị mất mặt. Rồi thì chuyện gì đến sẽ phải đến là vì một lời nói nghe nặng nề như thế mới gây ra chuyện cãi lộn om xòm cả lên vì một trái xoài.

Cô giám đốc cũng phải vất vả lắm mới ngăn được sự cãi vả của hai người mà không tránh được tiếng xầm xì và bàn tán của những ông bà cao niên khác khi phải nghe chuyện, cớ sự, và đã chứng kiến câu chuyện đã xẩy ra như trên. Quả trên đời nếu không biết nhường và nhịn nhau trong lời nói thì hậu quả có thể dẫn đến những phiền phức và ẩu đả khó mà lường và ngăn được?

Còn một chuyện nữa mà hầu như xẩy ra thường hơn ở trung tâm của tôi là các ông bà dành nhau ghế ngồi. Có phải thường tình khi các ông bà về già thì tất cả đều trở thành giống như con nít? Vì họ đối xử và hành xử với nhau chẳng khác chi là con nít vậy! Tôi nói đây thì có vẻ như nói quá cho người có tuổi nhưng thật tình thì trong ngành y khoa có chứng minh rõ ràng là khi con người trở về già thì tất cả mọi bản năng sinh tồn của mình sẽ từ từ bị giảm bớt. Tôi nghe rất là nhiều người nói là khi về già thì có rất nhiều các ông bà đổi tánh? Thưa rằng không phải vậy đâu, mà tôi nghiệm thấy như vầy! Sở dĩ khi ta về già thì hầu như tất cả chúng ta sẽ bị mất đi bản năng sinh tồn hoặc yếu kém về trí nhớ cũng như trí khôn.

Khi còn trẻ ta còn có khả năng để quân bình lý trí của khối óc và bản năng tự nhiên trong sự sinh tồn hằng ngày của con người chúng ta. Ví dụ như khi ta còn trẻ, ta có khả năng để che đậy khi làm việc gì mà ta cảm thấy sai hoặc khác thường không giống ai. Bất cứ trong lời nói hay trong việc hành xử ta đều có khả năng rất tinh tế, tinh nhậy, và tế nhị để đối xử tốt đẹp cùng với anh chị em của ta mà không một mảy may hiểu lầm hay gây xích mích hoặc mích lòng nhau. Có phải vì ta có được sự nhịn nhục hoặc vì danh dự của hai bên, ta có thể tự giải quyết và nhường nhịn nhau được, nhưng khi về già thì ta mất hẳn khả năng đó! Nên lúc bấy giờ tánh tình thuở xưa của ta khi được sanh ra làm sao hay bản chất của con người của ta ra sao thì khi về già ta sẽ trở về với cái bản chất thật của ta, có nghĩa là không còn khả năng để giữ cho mình một chút che đậy hay còn biết mắc cở do việc của mình làm.

Đây là tôi nói chuyện về những người già cao niên, chắc Chúa cũng biết và chẳng chấp nhất họ nữa đâu, nhưng còn chúng ta thì sao? Chúa dậy là chúng ta phải bắt chước Ngài là: "Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được BÌNH AN. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng". (Mt 11, 25-30).

Phải, Một lời nói là chi? Một câu đáp trả cho ta được gì? Sao ta không có thể nhịn nhục để trở nên một con người hiền lành và có trái tim giống Chúa? Và BÌNH AN của Chúa sẽ luôn ở cùng chúng ta?

Năm nay là Năm Thánh, nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa luôn ở cùng chúng con để tội lỗi chúng con được Chúa tha mà trở nên con cái xứng đáng của Chúa ngay tại đời này và mãi mãi muôn đời ở đời sau. Hạnh phúc thay! Tốt đẹp thay! Khi tất cả anh chị em chúng con luôn đối xử tốt đẹp với nhau vì tất cả đều học cùng Chúa là ăn ở hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Amen.
 
Hãy Cùng Nhìn Ngắm và Chiêm Niệm về Cuộc Đời của Thánh Phaolô qua các Hình Ảnh Nghệ Thuật
Anthony Lê
10:35 08/07/2008
Hãy Cùng Nhìn Ngắm và Chiêm Niệm về Cuộc Đời của Thánh Phaolô qua các Hình Ảnh Nghệ Thuật

Trong Năm Thánh Phaolô này, chúng ta hãy cùng nhau dành vài giây phút lắng đọng để nghĩ suy, chiêm niệm và nhìn ngắm về cuộc đời của Thánh Phaolô qua các hình ảnh nghệ thuật được người viết sưu tầm từ các họa sĩ tài danh tầm cở thế giới như:

Remrandt Hamerszoon van Rijn, Pieter Bruegel the Elder, Caravaggio, El Greco, Masaccio, Michelangelo Bounarroti, Raphael, Paolo Romano, Andrei Rublev, Jacopo Tintoretto, Sebastiano Torrigiani, Adam Elsheimer, Giotto di Bondone, Johann Liss, Sassetta, Alessandro Algardi, Taddeo Zuccaro, Gustave Doré, Giovanni Paolo Pannini, Albrecht Dürer, Frederic James Shields, Pier Francesco Sacchi, Valentin de Boulogne, Nicolas Tournier, Ravenna Mosaics, Baron von Lind, Correggio, Bernado Daddi, Filippino Lippi, Francesco Xanto Avelli, Brian K. Peterson, vân vân. ...

để từ đó chúng ta có dịp hiểu, yêu mến, và quý trọng về Vị Thánh Tổ Phụ này hơn - nhằm qua Thánh Phaolô, cuộc đời của chúng ta, rồi cũng sẽ được biến đổi vì giá trị đích thực của Tin Mừng, và của việc làm chứng tá về tình yêu của Thiên Chúa ngay giữa dòng đời, ngược xuôi, tăm tối và tội lỗi này. ...









































































































 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Làm Quen
Diệp Hải Dung
00:27 08/07/2008

LÀM QUEN



Ảnh của Diệp Hải Dung – Australia - Hình chụp tại Penrith Sydney.


Bán anh em xa,

Mua láng giềng gần!

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền