Ngày 17-07-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 18/07: Đức Tin và Phép Lạ – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:18 17/07/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối. Người nói:

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:33 17/07/2023

11. Nếu một người không hết lòng khiêm tốn tự hạ vì Chúa, thì nhất định không ở lâu trong tu viện được.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:39 17/07/2023
4. HIỂU LẦM “HIẾN THẾ” (1)

Ngu Khiếu Phụ được Hiếu Võ đế cho làm tư mã diệu, kề cận bên mình hầu hạ.

Một lần nọ, Hiếu Võ đế bình tâm tịnh khí nói với họ Ngu:

- “Khanh ở trong cung nhậm chức vụ rất quan trọng, sao lại không nghe khanh “hiến thế” cho triều đình nhỉ?”

Nhà họ Ngu giàu có lại ở bên biển, vừa nghe Hiếu Võ đế nói như vậy thì lầm tưởng rằng muốn ông ta tặng lễ vật, nên vội vàng nói:

- “Mấy ngày nay khí trời quá nóng, đợi mùa thu bắt được cá, nghêu, cua, ba ba thì nhất định đem dâng cho đại vương?”

Hiếu Võ đế nghe ông ta giải thích sai như thế thì cười ha ha.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 4:

Cùng một tư tưởng nhưng không phải tất cả mọi người đều lãnh ngộ giống nhau, nhưng tùy theo cá tính, trí tuệ và sự nhạy cảm của cá nhân mà đạt được sự hiểu biết.

Có một vài linh mục khi giảng trong thánh lễ thì phân tích rất chi tiết bài Phúc Âm, các ngài đem tất cả những hiểu biết về thần học thánh kinh ra nói về bài Phúc Âm rồi... đọc kinh tin kính, mà không chỉ cách cho giáo dân đem Lời Chúa hôm nay đi vào trong cuộc sống đời thường, hoặc có chăng nữa thì cũng sơ sài vài câu.

Thần học là lý thuyết, tu đức là thực hành, dạy giáo dân đem cái lý thuyết lồng vào trong cái thực hành thì cuộc sống của họ sẽ đổi mới và có căn bản hơn, bởi vì không phải ai cũng có trình độ để hiểu được lý thuyết thần học, nhưng thực hành tu đức thì chắc chắn mọi người đều hiểu và sẽ thực hành tốt nếu các linh mục dạy cho họ.

Ngu Khiếu Phụ đã hiểu lầm câu nói của Hiếu Võ đế vì nhà vua chỉ nói lý thuyết về “hiến thế” mà không nói cụ thể công việc. Tai hại thay !

(1) Đưa ra kiến nghị có thể thi hành để thay thế các chế độ không hợp lý.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ân phúc và sứ vụ
Lm. Minh Anh
14:09 17/07/2023

ÂN PHÚC VÀ SỨ VỤ
“Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi!”.

Trong “You Were Born An Original, Don’t Die A Copy!”, tạm dịch, “Sinh Ra Là Một Bản Gốc, Đừng Chết Như Một Bản Sao!”, John Mason viết, “Chúa cho bạn tất cả những gì bạn cần để bắt đầu một tương lai tốt; thế mà bao lần, bạn đã bỏ qua các cơ hội. Không bao giờ Ngài đòi điều gì quá sức bạn, chỉ có điều, bạn không biết nên bắt đầu từ đâu. Bạn quên rằng, ‘ân phúc và sứ vụ’ luôn song hành!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến ‘ân phúc và sứ vụ!’. Môisen được phúc cứu sống; về sau, mang sứ vụ giải phóng dân. Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum được phúc chứng kiến bao phép lạ Chúa Giêsu làm, cần nhận ra con người của Ngài; đồng thời, ý thức trách vụ của mình là đón nhận Con Thiên Chúa và rao truyền Ngài!

Bài đọc Xuất Hành tóm tắt một phần cuộc đời của Môisen, một cậu bé lẽ ra phải chịu chung số phận ‘ném sông’ với các bé trai Israel khác; nhưng Chúa quan phòng đã cho cậu một bà mẹ tuyệt vời. Bà đem con thả sông, để sau đó, được vớt lên, làm con nuôi của công chúa. Lớn lên trong triều, Môisen được đào tạo như một thái tử, được chuẩn bị cho sứ vụ giải phóng dân. Cuộc đời Môisen là một cuộc đời của ‘ân phúc và sứ vụ!’.

Tin Mừng hôm nay cho thấy sự cứng lòng của các thành được Con Thiên Chúa viếng thăm. Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum có thể được coi là biểu tượng của tất cả chúng ta, những người Công Giáo được sinh ra và lớn lên trong đức tin của Hội Thánh; thế nhưng, không ít người dẫu được nuôi dưỡng trong sự thánh thiện Kitô giáo vẫn từ chối đức tin và làm ngơ trước Tin Mừng. Tất nhiên, sự từ chối này không phải lúc nào cũng tuyệt đối và toàn bộ; nhưng thường xuyên, đó là một sự từ chối theo cấp độ. Đầu tiên, từ chối dưới hình thức bỏ lễ Chúa Nhật, sau đó là các thoả hiệp về mặt đạo đức; và rốt cuộc là lầm lạc, nghi ngờ và mất đức tin hoàn toàn.

Anh Chị em,

“Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi!”. Với ‘điệp khúc’ này, cùng với Đức Thánh Cha, bạn và tôi thử kiểm điểm lương tâm! “Ta đã cho con quá nhiều, Ta cho con chính Ta, Ta chọn con là Kitô hữu, Ta kỳ vọng rất nhiều vào con! Thế mà con thích sống một nửa, một cuộc sống hời hợt: một chút Kitô hữu và nước thánh, ngoài ra không có gì hơn!”; “Khi sống theo kiểu đạo đức giả Kitô này, cuối cùng, chúng ta ném Chúa Giêsu ra khỏi lòng mình. Giả vờ có Ngài, nhưng kỳ thực, chúng ta đã đuổi Ngài ra ngoài. ‘Chúng tôi là Kitô hữu!’, ‘Chúng tôi tự hào là Kitô hữu!’, nhưng chúng ta sống như người ngoại đạo!”.

Hãy khiêm cung, thống hối và tìm kiếm Thiên Chúa! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Hỡi những ai nghèo hèn, hãy kiếm tìm Thiên Chúa, là tâm hồn phấn khởi vui tươi!”. Bạn và tôi sẽ mãi phấn khởi vui tươi khi ý thức để sống ‘ân phúc và sứ vụ’ của mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, sinh ra là một bản gốc, đừng để con chết như một bản sao! Cho con biết chỗi dậy, đứng lên và đi tới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục nói rằng thủy táng là không thể được đối với người Công Giáo
Đặng Tự Do
16:44 17/07/2023


Khi nhiều tiểu bang xem xét hợp pháp hóa quá trình thủy phân bằng kiềm, các giám mục Hoa Kỳ khuyên người Công Giáo tránh phương pháp chôn cất này, và nhấn mạnh rằng hài cốt được giải quyết một cách trang trọng.

Theo truyền thống, một người Công Giáo đã qua đời sẽ được chôn dưới đất hoặc an táng trong lăng mộ hoặc hầm mộ. Mặc dù Giáo Hội Công Giáo cho phép hỏa táng, nhưng nó đi kèm với một số yêu cầu - chẳng hạn như hài cốt vẫn phải được chôn cất hoặc thi hài phải được đặt trong một nhà thờ lớn - và hạn chế nghiêm ngặt việc rải tro. Tuy nhiên, có một phương pháp hỏa táng mới hơn, sử dụng hỗn hợp nước kiềm hòa tan hoàn toàn các vật liệu sinh học. Các giám mục cảnh báo rằng phương pháp này không phù hợp với người Công Giáo.

Quá trình này được gọi là thủy phân kiềm, thủy hóa hoặc “hỏa táng trong nước” và đây là hình thức chôn cất hợp pháp ở 24 tiểu bang, với 7 tiểu bang khác hiện đang xem xét hợp pháp hóa hình thức này. Theo Hiệp hội Hỏa táng Bắc Mỹ, quá trình này đòi hỏi phải đặt thi thể của người quá cố trong một buồng kín, nơi hỗn hợp nước có tính axit sẽ phân hủy thi thể trong khi được điều áp và làm nóng.

Quá trình này được cho là có lượng khí thải carbon thấp hơn so với hỏa táng thông thường và để lại nhiều hài cốt hơn - ở dạng xương, phải được nghiền thành bụi - sẽ cần một chiếc bình lớn hơn. Tuy nhiên, phần còn lại của thi thể đã hòa tan trong chất lỏng được tống khứ vào trong hệ thống nước thải địa phương, nói cho dễ hiểu là đổ xuống cống, hoặc thậm chí được sử dụng để làm phân bón, và đây là lúc Giáo Hội Công Giáo gặp vấn đề thực sự với quá trình này.

Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh rằng hài cốt của con người phải được đối xử tôn trọng để bảo vệ phẩm giá của người quá cố, giống như khi họ còn sống. Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy: “thi thể của người chết phải được đối xử với sự tôn trọng và bác ái, trong niềm tin và hy vọng vào sự Phục sinh. Việc chôn cất người chết là một công việc của lòng thương xót, nó tôn vinh con cái Thiên Chúa là đền thờ của Chúa Thánh Thần.”

Trong khi Vatican vẫn chưa cân nhắc về phương pháp mới này, các giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra hướng dẫn cho các tín hữu. Theo Tổng giáo phận St. Louis, cựu Tổng Giám mục Washington Donald Hồng Y Wuerl đã gọi các phương thức giải quyết liên quan đến thủy táng là “sự thiếu tôn trọng không cần thiết đối với cơ thể con người”.

Tổng giáo phận St. Louis cũng cho rằng phương pháp này không phù hợp với người Công Giáo. Đức Tổng Giám Mục Robert J. Carlson mới về hưu đã kết luận rằng “hình thức hỏa táng này trong thực tế hiện nay vi phạm phẩm giá của con người đã khuất”. Tổng giáo phận tiếp tục cảnh báo người Công Giáo tránh thủy táng “cho đến khi có thể thiết lập một phương tiện phù hợp khác để giải quyết chất lỏng còn sót lại”.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Texas cho biết như sau:

“Đối xử với người chết một cách tôn trọng là nghĩa vụ của người sống và quyền của người chết và dự luật này không đối xử tôn trọng với người chết. Những người ủng hộ phương pháp thủy phân bằng kiềm cho rằng kết quả tương tự như kết quả hỏa táng với một số phần xương còn lại có thể được chôn cất. Điều mà họ không giải thích được là cũng có một lượng lớn chất lỏng, khoảng 100 gallon, trong đó phần còn lại của cơ thể đã bị hòa tan. Thông thường chất lỏng được đổ vào cống.”

Các giám mục Texas tiếp tục đặt câu hỏi liệu quy trình này có thực sự thân thiện với môi trường hơn hay không, vì hài cốt và hóa chất được sử dụng để hòa tan chúng đều được đưa vào cống rãnh. Họ cũng lưu ý rằng, mặc dù thủy táng rẻ hơn, nhưng “Không được hy sinh sự tôn trọng và tôn kính đối với cơ thể con người để đổi lấy việc giải quyết rẻ hơn, nhanh hơn cho các cơ sở nghiên cứu y tế.”


Source:Aleteia
 
ĐGH xác nhận việc bổ nhiệm Giám Mục Thượng Hải mặc dù vi phạm thỏa thuận Vatican-Trung Quốc
Đặng Tự Do
16:46 17/07/2023


Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định phê chuẩn việc bổ nhiệm giám mục Thượng Hải, người trước đó đã được chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Vatican.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican Pietro Parolin đã công bố hôm thứ Bảy rằng Đức Thánh Cha Phanxicô muốn “khắc phục sự bất thường về giáo luật đã tạo ra ở Thượng Hải, vì lợi ích lớn hơn của giáo phận và việc thi hành hiệu quả thừa tác vụ mục vụ của giám mục”.

Đức Hồng Y Parolin nói rằng “ý định của Đức Thánh Cha về cơ bản là mục vụ” và sẽ cho phép giám mục “làm việc một cách thanh thản hơn để thúc đẩy việc truyền giáo và thúc đẩy sự hiệp thông trong giáo hội.”

Giám mục Giuse Thẩm Bân được bổ nhiệm tại Thượng Hải vào tháng 4, vi phạm thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm giám mục. Đây là lần bổ nhiệm trái phép thứ hai của chính quyền Trung Quốc trong năm qua.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức xác nhận Giám mục Shen Bin cho chức vụ Thượng Hải vào ngày 15 tháng 7. Đức Hồng Y Parolin nói rằng Vatican cố ý trì hoãn đưa ra “quyết định dành thời gian trước khi bình luận công khai về vụ việc” để đánh giá tình hình mục vụ ở Thượng Hải, nơi đã không có giám mục trong hơn một thập kỷ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News được công bố cùng với thông báo về việc bổ nhiệm giám mục Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng “điều tất yếu là tất cả việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc, bao gồm cả việc thuyên chuyển, phải được thực hiện bằng sự đồng thuận, như đã thỏa thuận, và duy trì tinh thần đối thoại giữa Tòa Thánh và Trung Quốc.”

Tòa Thánh lần đầu tiên ký kết một thỏa thuận tạm thời hai năm với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục vào năm 2018, thỏa thuận này đã được gia hạn vào năm 2020 và một lần nữa vào năm 2022.

Một tháng sau khi Tòa thánh đồng ý gia hạn thỏa thuận vào tháng 10 năm ngoái, Vatican nói rằng chính quyền Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản được quy định trong thỏa thuận bằng cách bổ nhiệm Giám mục Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao, 彭卫照), làm “giám mục phụ tá của Giang Tây”, một giáo phận không được Tòa thánh công nhận.

Đức Hồng Y Parolin giải thích rằng văn bản của thỏa thuận tạm thời đã được giữ bí mật “bởi vì nó vẫn chưa được phê chuẩn một cách dứt khoát”.

“Nó xoay quanh nguyên tắc cơ bản của các quyết định đồng thuận ảnh hưởng đến các giám mục,” ngài nói.

“Do đó, chúng tôi đang cố gắng làm rõ điểm này, trong một cuộc đối thoại cởi mở và trong một cuộc đối đầu tôn trọng với phía Trung Quốc.”

Khi được hỏi những chủ đề nào khác cần được thảo luận trong cuộc đối thoại của Vatican với Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin đã liệt kê việc truyền giáo, hội đồng giám mục và sự liên lạc giữa các giám mục Trung Quốc và Đức Giáo hoàng.

Đức Hồng Y kêu gọi thành lập một hội đồng giám mục Trung Quốc với “các quy chế phù hợp với bản chất giáo hội và sứ mệnh mục vụ của nó” và thiết lập sự liên lạc thường xuyên giữa các giám mục Trung Quốc và Đức Giáo hoàng.

“Thật ra, phải nói rằng có quá nhiều nghi ngờ làm chậm lại và cản trở công việc loan báo Tin Mừng: Người Công giáo Trung Quốc, ngay cả những người được định nghĩa là ‘hầm trú’, đáng được tin tưởng, bởi vì họ chân thành muốn là những công dân trung thành, đáng được chính quyền tin tưởng, lương tâm và đức tin của họ đáng được trân trọng” Đức Hồng Y Parolin nói.

Bất chấp những vi phạm lặp đi lặp lại, Đức Hồng Y Parolin nói thêm rằng Tòa Thánh “quyết tâm” tiếp tục đối thoại với Trung Quốc.

“Thật vậy, cuộc đối thoại giữa phía Vatican và phía Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ và tôi tin rằng đó là một con đường bắt buộc theo một cách nào đó,” ngài nói.

“Để làm cho nó suôn sẻ và hiệu quả hơn, đối với tôi, dường như việc mở một văn phòng liên lạc ổn định của Tòa thánh ở Trung Quốc sẽ vô cùng hữu ích. Tôi xin mạn phép nói thêm rằng, theo ý kiến của tôi, sự hiện diện như vậy sẽ không chỉ thúc đẩy đối thoại với chính quyền dân sự, mà còn góp phần vào sự hòa giải hoàn toàn trong Giáo hội Trung Quốc và hành trình hướng tới sự bình thường đáng mong muốn”.

Giám mục Thẩm Bân, 53 tuổi, được phong làm giám mục Công giáo vào năm 2010 với sự đồng ý của cả Giáo hoàng và chính quyền Trung Quốc, theo Vatican. Ông phục vụ với tư cách là giám mục của Giáo phận Hải Môn cho đến tháng 4 năm 2023, khi ông được chuyển đến Thượng Hải mà “không có sự phê chuẩn của Tòa thánh”.

Kể từ năm 2022, Giám mục Thẩm Bân là chủ tịch của một nhóm gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc, một hội đồng giám mục do nhà nước phê chuẩn không được Vatican công nhận. Trước đây ông là phó chủ tịch Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập và dưới sự kiểm soát của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất.

Một tháng sau khi Giám mục Thẩm Bân được bổ nhiệm, các quan chức từ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, gọi tắt là CPPCC, đã đến thăm Thượng Hải để đánh giá tiến trình “Hán hóa” trong giáo phận.

Trong buổi lễ tấn phong của mình, Đức Giám mục nói rằng ông sẽ “tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước tốt đẹp của Giáo hội Công giáo ở Thượng Hải, tuân thủ nguyên tắc độc lập và tự trị, tuân theo đường hướng của Công giáo trong Trung Quốc, và thúc đẩy tốt hơn sự kế thừa lành mạnh của việc truyền giáo Công giáo ở Thượng Hải.”

Giáo phận Thượng Hải là giáo phận Công giáo lớn nhất trong cả nước và là quê hương của Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, còn được gọi là Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Xà Sơn. Đền thờ, được thánh hiến vào năm 1873, được coi là vương cung thánh đường đầu tiên của Đông Á và là một trong những địa điểm hành hương chính trên đất liền của người Công giáo.

Sau chiến thắng của Mao vào năm 1949, Đức Cha Ignatius Cung Phần Mai đã giúp thành lập bộ máy kháng chiến Công giáo mà sau này trở thành Giáo hội Công giáo hầm trú. Vào đêm ngày 8 tháng 9 năm 1955, Đức Cha Cung, cùng với hàng trăm giáo sĩ và giáo dân Công giáo khác, bị bắt vì từ chối từ bỏ sự kết hợp với Đức Giáo Hoàng. Đến cuối tháng, khoảng 1.2000 người Công giáo Thượng Hải đã bị bắt. Đức Cha Cung đã bị cầm tù tổng cộng 30 năm trước khi đến Hoa Kỳ vào năm 1988.

Giáo phận Thượng Hải đã bị trống toà kể từ cái chết của Đức Cha Kim Lỗ Hiền (Jin Luxian - 金魯賢) vào năm 2013. Đức Cha Kim đã bị cầm tù và đưa đến các trại “cải tạo”, chỉ được trả tự do hoàn toàn vào năm 1982. Ngài được bổ nhiệm làm giám mục Thượng Hải vào năm 1985, trong thời gian xảy ra Thời kỳ mở cửa của Đặng Tiểu Bình, nhưng mãi đến năm 2005, ngài mới được Tòa Thánh công nhận. Ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái lập Chủng viện Xà Sơn và xây dựng lại Giáo hội địa phương ở Thượng Hải.

Giám mục Giuse Hình Văn Chi (Xing Wenzhi), người đã được tấn phong với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha và sự chấp thuận của chính phủ, đã được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của Thượng Hải vào năm 2005 và “biến mất” khỏi công chúng vào năm 2011.

Việc bổ nhiệm Giám mục Thẩm Bân tại Thượng Hải diễn ra gần 10 năm sau khi Đức Cha Tađêô Mã Đại Thanh (Ma Daqin, 马达钦) được Đức Bênêđíctô bổ nhiệm làm Giám Mục Thượng Hải. Ngay trong Thánh lễ tấn phong vào ngày 7 tháng 7 năm 2012, Đức Cha Mã Đại Thanh nói rằng ngài muốn rời bỏ vị trí của mình trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước của Trung Quốc, là cơ quan của chế độ Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm giám sát Giáo Hội địa phương. Đức Cha Mã Đại Thanh ngay lập tức bị quản thúc tại gia.

Bốn năm sau, Đức Cha Mã Đại Thanh đã đảo ngược quyết định của mình. Tuy nhiên, bọn cầm quyền Trung Quốc cho rằng đã quá trễ, không chấp nhận. Năm 2017, lần đầu tiên giáo phận Thượng Hải có thể phong chức cho bốn linh mục Công Giáo kể từ năm 2012. Nhưng vào thời điểm đó, lễ tấn phong được chủ trì bởi giám mục trái phép của giáo phận lân cận Hải Môn, là Ông Thẩm Bân.

Thành phố Thượng Hải là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới với gần 25 triệu dân. Tại đây có một trung tâm hành hương lớn nhất của Công Giáo là đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn.


Source:National Catholic Register
 
Ukraine: Giám mục Donetsk xác nhận các linh mục DCCT bị bắt cóc vẫn mất tích
Đặng Tự Do
16:48 17/07/2023


Giám mục Phụ tá của tổng giáo phận Donetsk, là Đức Cha Maksym Ryabukha dòng Salêsiêng, đi khắp nơi để thăm từng người trong giáo phận bị chiến tranh tàn phá của mình. Ngài yêu cầu những lời cầu nguyện, đặc biệt là những người mà ngài không thể gặp trực tiếp trong các lãnh thổ bị chiếm đóng và những người bị bắt cóc.

Tổng giáo phận Công Giáo Đông phương Donetsk ở cực đông của Ukraine, hiện không thể tiếp cận một phần lớn lãnh thổ của mình. Khu vực Luhansk gần như bị tạm chiếm hoàn toàn, khu vực Donetsk và Zaporizhzhia bị tạm chiếm một phần, khu vực Dnipro đang bị bắn phá hàng ngày và trụ sở của giáo phận tạm thời được chuyển đến Zaporizhzhia từ Donetsk do chiến tranh bắt đầu ở những khu vực này vào năm 2014.

Cho đến tháng 11 năm 2022, một số giáo xứ Công giáo và một tu viện Dòng Chúa Cứu Thế vẫn đang hoạt động trong các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, nhưng vào giữa tháng 11, hai Cha Dòng Chúa Cứu Thế, là Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Heleta đã bị quân đội Nga bắt giữ và vẫn đang bị giam giữ tại một địa điểm không xác định.

Cha Bohdan Heleta mắc bệnh tiểu đường nặng, và có thể đã qua đời vì không nhận được thuốc điều trị.

Giám mục phụ tá Maksym Ryabukha cho biết: “Mặc dù Giáo hội Công giáo đã cầu nguyện, phản đối và nỗ lực liên lạc với những người chịu trách nhiệm, để tìm hiểu tình hình của các linh mục, nhưng vẫn không có tin tức gì về các linh mục cho đến ngày nay”.

Đức Giám mục yêu cầu tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tiếp tục kêu gọi tất cả các nhà hảo tâm và bạn bè cầu nguyện cho Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Heleta được trả tự do nhanh chóng.

Trong chuyến viếng thăm trụ sở quốc tế của ACN, tại Đức, Đức Giám mục Phụ tá đã làm chứng rằng sự cô đơn là một dấu hiệu của thời gian này trong các lãnh thổ bị tạm chiếm. Đức Cha Ryabukha cho biết ngài muốn trở thành “người cha tinh thần không chỉ của phần có thể tiếp cận tự do của Tổng giáo phận, mà còn của cả khu vực”, mà ngài được bổ nhiệm làm giám mục vào tháng 11 năm 2022, do đó ngài cố gắng “gặp gỡ trực tiếp mọi người và giúp đỡ họ về vật chất và sức mạnh tinh thần”.

Kể từ khi bắt đầu thừa tác vụ giám mục của mình, vào tháng 12 năm 2022, và nhờ một chiếc xe hơi do ACN tài trợ, Đức Giám mục Ryabukha đã đi 50.000 km để thăm những người được ủy thác cho ngài và chia sẻ số phận của họ, đặc biệt là củng cố những người sống gần chiến tuyến, mang đến cho họ những dấu hiệu cho thấy Giáo hội vẫn còn tồn tại.

Các giáo sĩ đã bị đuổi ra khỏi các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm khi chiến tranh bùng nổ, và “ngày nay không có một linh mục nào của tổng giáo phận ở đó”, vị giám mục cho biết. Người Công giáo sống ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm chỉ có thể cầu nguyện và tham gia Thánh lễ thông qua phương tiện truyền thông xã hội.

Vị giám mục phụ tá giải thích rằng bằng cách nhận được sự hỗ trợ hào phóng do ACN trao tặng và chia sẻ nó với những người khác trong hoàn cảnh chiến tranh này, “Giáo hội ở Ukraine đang trở thành nơi gặp gỡ của những người thuộc hơn một quốc gia. Điều này làm nổi bật bản chất của việc ở bên nhau: tình bạn không có nghĩa là cùng cách suy nghĩ hay nhìn nhận mọi thứ, mà là bạn là sống cùng nhau, cho phép người kia được là chính mình, với nền văn hóa, lịch sử và niềm tin của riêng họ”.

Điều này được tiết lộ trong tổng giáo phận Donetsk thông qua các ví dụ rất cụ thể. Đức Cha nhớ lại việc đến thăm hai cụ già. Khi một cụ bà mất nhà vì bom đạn, một cụ già hàng xóm đã mở cửa cho bà vào ở chung với cụ. “Giáo hội đã thành lập các trung tâm xã hội dành cho trẻ em, gia đình và người già, nơi những người thuộc các giáo phái khác nhau đến. Trong thời kỳ chiến tranh, người ta không nghĩ người ta tin rằng Chúa ở dạng nào; đó là thời gian để cùng nhau cầu nguyện và hiệp thông với nhau”, Đức Cha nói.

Là một người Salêdiêng và đã cống hiến toàn bộ sứ vụ của mình cho việc giáo dục giới trẻ trước khi trở thành giám mục của Tổng giáo phận Donetsk, Đức Cha Maksym Ryabukha mời gọi đoàn chiên của mình noi gương những người trẻ tuổi. “Những người trẻ không ngừng ước mơ và không mệt mỏi, và đây là nguồn cảm hứng cho chúng tôi,” Đức Cha nói, bày tỏ lòng biết ơn và tin tưởng.


Source:ACN
 
Giám mục Américo Aguiar, Hồng Y tân cử, trưởng ban tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới Lisbon 2023 thực sự là ai?
Vũ Văn An
18:09 17/07/2023

Filipe d’Avillez, trên The Pillar ngày 13 tháng 7 năm 2023, thuật lại cuộc phỏng vấn qua điện thoại Đức Cha Américo Aguiar, vị Giám Mục gây xôn xao về câu tuyên bố: ngày Giới Trẻ Thế Giới không nhằm hoán cải giới trẻ cho Chúa Kitô. Hóa ra, ngài là người quả có tài tổ chức và thân thiện giới truyền thông, hai điều hình như Đức Phanxicô rất cần. Sau đây là bài viết của d’Avillez:



Trong một động thái bất thường, hôm Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm một Giám Mục Phụ Tá trẻ tuổi của Tòa Thượng Phụ Lisbon vào Hồng Y Đoàn.

Thượng phụ — tổng giám mục của Lisbon — thường được phong làm Hồng Y, cả theo truyền thống lẫn theo sắc lệnh năm 1737 của Đức Clêmentê XII, Inter praecipuas apostolici Ministryii, quy định rằng ngài phải được thăng cấp trong công nghị đầu tiên sau khi được đề cử.

Nhưng việc nâng một phụ tá lên hàng Hồng Y là rất hiếm ngay cả theo tiêu chuẩn của Đức Phanxicô, và là điều chưa từng có ở Lisbon.

Vậy Giám mục Américo Aguiar, Giám Mục Phụ Tá Lisbon được phong Hồng Y là ai? Chiếc mũ đỏ của ngài có ý nghĩa gì đối với tương lai của ngài và vai trò của Bồ Đào Nha trong Giáo hội?

Đầu tiên, ngài có phải là một kẻ dị giáo đang hoành hành không?

Đó có thể không phải là câu hỏi mà bạn muốn hỏi đối với một “hoàng tử của Giáo hội”, nhưng đó là câu hỏi đang diễn ra vào lúc này. Câu hỏi đặc biệt được đặt ra trong giới truyền thống hơn, dựa trên điều mà Aguiar đã nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài truyền hình công cộng của Bồ Đào Nha, nói về Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới, mà ngài đang tổ chức.

Ngài nói với người phỏng vấn: “Chúng ta không muốn hoán cải những người trẻ tuổi này cho Chúa Giêsu Kitô”

Đoạn phỏng vấn đã bị cắt, nhưng toàn bộ cuộc phỏng vấn, bằng tiếng Bồ Đào Nha, có thể dễ dàng truy cập và cho thấy Aguiar đang theo đuổi ý tưởng cho rằng lời mời tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới được mở rộng cho tất cả những người trẻ tuổi, chứ không chỉ người Công Giáo.

Trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với The Pillar, vị giám mục nhằm mục đích làm sáng tỏ những lời của ngài — hoặc ít nhất là giải thích chúng.

“Kể từ lần đầu tiên của Ngày Giới trẻ Thế giới, các vị giáo hoàng đã mời gọi tất cả những người trẻ tuổi gặp gỡ nhau, gặp gỡ giáo hoàng và cảm nghiệm Chúa Kitô hằng sống. Đó là điều chúng ta muốn xảy ra, và đó là điều tôi đang cố gắng vượt qua,” Giám mục Aguiar nói như thế.

“Và mục tiêu là mỗi người, sau khi trở về nhà, có thể cảm thấy được kêu gọi hoán cải, trở nên tốt hơn, đưa ra quyết định cho cuộc đời mình về ơn gọi, gia đình, công việc và các dự án khác nhau, nhưng được đánh dấu bằng kinh nghiệm gặp gỡ những người trẻ muốn làm chứng cho Chúa Kitô hằng sống.”

“Nhưng,” vị Hồng Y tân cử nói với The Pillar, “Tôi không coi Ngày Giới trẻ Thế giới là một cơ hội cho hoạt động tích cực cải đạo, mà là một sự kiện để thử và hoán cải tất cả những ai tình cờ đến.”

Aguiar cho biết, “Tôi hiểu rằng, khi xét riêng, câu đó có thể gây ra một số bối rối, và nó có thể bị hiểu sai.”

“Nhưng trong bốn năm qua, chúng tôi đã có một điệp khúc chung: làm chứng cho Chúa Kitô hằng sống, đây là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống. Nếu mọi người chỉ nghe những gì họ muốn nghe thì tôi có thể làm gì?”

Bất kể ý định của ngài là gì, cuộc bầu chọn tân Hồng Y đã tạo nên những gợn sóng trong tuần này.

Nhưng trong khi một số người cho rằng ngài là một người cấp tiến không theo khuôn phép, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô kéo ra khỏi cảnh tương đối tối tăm, thì vị giám mục này thực sự không phải là từ trên trời rơi xuống.

Thay vào đó, ngài được nâng lên hàng ngũ của Giáo hội địa phương bởi Thượng phụ hiện tại của Lisbon, Manuel Clemente, người được nhiều người ở Bồ Đào Nha coi là một người bảo thủ ôn hòa và một người có tâm linh sâu sắc.

Một chính trị gia trong chiếc áo linh mục

Những người chỉ trích việc bầu chọn Aguiar làm Hồng Y cũng cho thấy sự kiện kiện này, trước ơn gọi của ngài, ngài là ủy viên hội đồng thị trấn địa phương, và là thành viên của Đảng Xã hội ở thành phố Matosinhos phía bắc, và ngài đã làm việc trong tòa thị chính của thành phố lân cận, Maia, trong vài năm.

Để xem xét điều đó một cách công bằng, bối cảnh là điều đáng kể. Chủ nghĩa xã hội chính trị ở châu Âu ngày nay không có ý nghĩa và sự kỳ thị giống như ở Hoa Kỳ, nơi xuất phát của nhiều lời chỉ trích. Điều đó càng đúng hơn vào những năm 1990, khi vị giám mục nay đang làm việc trong lĩnh vực chính trị.

Vào thời điểm đó, Đảng Xã hội ở Bồ Đào Nha có một thành phần Công Giáo vững chắc và có ảnh hưởng, bao gồm cả đương kim Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres. Rất ít người đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc vừa là đảng viên vừa là người đi dự thánh lễ.

Giám Mục Aguiar chưa bao giờ che giấu lý lịch chính trị và sự nghiệp ngắn ngủi của mình, và trên thực tế, ngài nói ngài tự hào về điều đó.

Ngài nói với The Pillar, “Tôi tin rằng loại phục vụ công cộng này là nghĩa vụ đối với tất cả chúng ta. Chính trị là một sự theo đuổi cao quý, và nên được trình bày cho những người trẻ tuổi như vậy”.

Tất nhiên, bạn có thể loại bỏ con người ra khỏi chính trị, nhưng loại bỏ chính trị ra khỏi con người thì khó hơn.

Aguiar vẫn được biết đến ở Bồ Đào Nha vì hiểu biết chính trị của mình. Ngài đã sử dụng nó để đạt được một số hiệu quả khi quản trị việc chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới ở Lisbon — sự kiện công cộng lớn nhất trong lịch sử Bồ Đào Nha.

Về phần mình, vị giám mục đã cười khi được tờ The Pillar hỏi rằng ngài thấy hãnh diện hay bị xúc phạm khi người ta nói rằng ngài giống như một chính trị gia mặc áo linh mục: “Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào giọng điệu mà họ nói,” Aguiar trả lời như vậy.

Thân thiện với báo chí

Một trong những phẩm chất nổi tiếng nhất của Giám Mục Aguiar là sự thoải mái khi ngài đối phó với báo chí, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.

Khi Thượng phụ Manuel có một sự nhầm lẫn tai hại với các nhà báo đầu năm nay, sau một báo cáo mang tính bước ngoặt về lạm dụng tình dục của giáo sĩ trong nước, cả nước đã thấy những tiêu đề sai lệch nói rằng các linh mục ấu dâm ở Lisbon sẽ không bị cách chức.

Vụ tai tiếng kéo dài năm ngày trước khi Aguiar được gọi đến để nói chuyện với báo chí và đã làm yên mọi chuyện.

Tương tự như vậy, khi dư luận phản đối Ngày Giới trẻ Thế giới vì chi phí sân khấu cho Thánh lễ cuối cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ước tính ban đầu là 4.2 triệu euro, tình hình đã sôi sục trong nhiều ngày, trước khi Aguiar trở về nước sau một chuyến đi và nói với một trong cuộc họp báo rằng không ai sốc với mức giá này hơn ngài, và ban tổ chức sẽ làm việc ngay lập tức để giảm giá - điều mà họ đã làm với hơn 1 triệu euro.

Aguiar cũng được biết đến với khiếu hài hước thường đánh giá thấp mình. Ngài mỉm cười khi nói chuyện, gọi các nhà báo bằng tên riêng của họ, không bao giờ tỏ ra hung hăng hay phòng thủ khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Ngài cũng cực kỳ lắm lời, điều này khiến ngài khó có thể cắt ngang, một phẩm chất được ngài thường xuyên triển khai để hướng cuộc trò chuyện về vùng an toàn của mình.

Nhưng mặt trái của vấn đề là một khi Aguiar đã ổn định với tốc độ hùng biện của mình, giám mục có xu hướng nói những điều không được suy nghĩ kỹ trước.

Điều đó cũng có thể giải thích tại sao Aguiar có thể nghĩ ra một cụm từ như “chúng tôi không muốn hoán cải những người trẻ tuổi cho Chúa Giêsu Kitô” - một cụm từ được ngài thừa nhận với The Pillar có thể bị “hiểu sai” và gây “bối rối.”

Lên như diều

Một số linh mục ở Lisbon nói với The Pillar rằng một nhược điểm khác trong phong cách giao tiếp của Aguiar là dường như ngài không có cách nào khác để tương tác.

Mặc dù những trò đùa và nụ cười có thể xuất hiện trên truyền hình và trong những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nhưng một số nhà phê bình cho rằng ngài có thể bị coi là chớt nhã (flippant) hoặc nông cạn trong những bối cảnh nghiêm túc hơn, chẳng hạn như các bài giảng trong thánh lễ.

Cả linh mục và giáo dân ở Lisbon đã nói với The Pillar rằng như họ biết ngài trong nhiều năm, giám mục không có vẻ là một người tâm linh.

Nhưng hầu như tất cả những người quen thuộc với Aguiar đều đồng ý rằng ngài là người luôn hoàn thành công việc, và đó rất có thể là lý do khiến ngài tiến xa, tiến nhanh như vậy.

Aguiar được thụ phong linh mục cách đây 22 năm, khi ngài 28 tuổi — ngài mới làm giám mục được bốn năm.

Trong Hồng Y đoàn hiện nay, chỉ có hai người thăng tiến nhanh hơn Aguiar từ việc tấn phong đến đội mũ đỏ: Hồng Y Dieudonné Nzapalainga, ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, được tấn phong năm 31 tuổi, trở thành giám mục năm 45 tuổi và Hồng Y năm 49 tuổi, chỉ 18 năm sau khi thụ phong. Đức Hồng Y Giorgio Marengo, Trưởng tông tòa của Ulaanbaatar, Mông Cổ, được phong làm “hoàng tử của Giáo hội” vào lúc 48 tuổi, 21 năm sau khi thụ phong, và chỉ hai năm sau khi trở thành giám mục.

Bất chấp những phẩm chất bản thân của các vị, việc Nzapalainga và Marengo được nâng lên hàng Hồng Y đoàn có thể được giải thích một phần bởi nỗ lực của Đức Thánh Cha Phanxicô muốn thấy các vùng ngoại vi được đại diện tốt hơn trong các định chế trung tâm của Giáo hội, như được minh họa bởi bài phân tích gần đây của The Pillar, cho thấy Hồng Y đoàn đã trở nên ít Âu Mỹ hơn trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô.

Nhưng cơ sở lý luận này dường như không áp dụng cho Américo Aguiar, hay Bồ Đào Nha.

Là một quốc gia nhỏ ở châu Âu với 10 triệu dân, Bồ Đào Nha chưa bao giờ có nhiều Hồng Y như hiện nay. Kể từ công nghị tiếp theo, con số sẽ tăng lên sáu vị, bốn vị trong số này vẫn còn trong độ tuổi bỏ phiếu.

Về viễn cảnh, các quốc gia như Áo và Bỉ, có dân số tương đương, mỗi quốc gia có một Hồng Y.

Tây Ban Nha có số Hồng Y và cử tri gấp đôi Bồ Đào Nha, nhưng dân số gấp bốn lần; Đức, với dân số gấp tám lần Bồ Đào Nha, và 20.9 triệu người Công Giáo, có sáu Hồng Y và chỉ có ba cử tri; Brazil, quốc gia Công Giáo lớn nhất thế giới, với dân số gấp 21 lần Bồ Đào Nha, có 8 Hồng Y, trong đó 6 vị đang trong độ tuổi bầu cử.

Ái Nhĩ Lan không có tân Hồng Y kể từ năm 2007, và Úc cũng không có.

Sự ưa thích rõ ràng của Đức Thánh Cha đối với Bồ Đào Nha dường như cũng rõ ràng trong lịch trình của ngài. Trong vòng chưa đầy một tháng nữa, Đức Phanxicô sẽ đến tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, chuyến thăm thứ hai của ngài đến Bồ Đào Nha với tư cách là giáo hoàng, trong khi ngài vẫn chưa đến thăm Tây Ban Nha, Đức, Áo hoặc Vương quốc Anh - và Đức Phanxicô chỉ đến thăm Pháp để đến với các định chế của Liên hiệp Châu Âu tại Strasbourg.

Lisbon hay Rome? Người chăn chiên hay chó chăn chiên?

Khi ngôi sao của Bồ Đào Nha tiếp tục tỏa sáng ở Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể nghĩ gì về Đức Giám Mục Américo Aguiar?

Tại Lisbon, người ta đồ đoán rất nhiều về tương lai của vị giám mục, sau khi Ngày Giới trẻ Thế giới kết thúc.

Thượng phụ Manuel bước sang tuổi 75 vào tháng 7 này và bị ốm yếu. Ngài vốn nói rõ rằng ngài sẽ không còn tại vị lâu nữa. Một mặt, Aguiar có vẻ như là người thừa kế tự nhiên. Chính Manuel Clemente, khi còn là giám mục của Porto, lần đầu tiên đã thu nhận Aguiar dưới trướng của mình, đảm bảo việc thuyên chuyển này ngay sau khi ngài được bổ nhiệm làm Thượng phụ của Lisbon. Sau đó, ngài đã phong vị này làm Giám Mục Phụ Tá. Hiện nay, Aguiar dường như là người sẽ thay thế ngài.

Tuy nhiên, những dự đoán về một quá trình chuyển tiếp liền mạch sẽ là quá sớm: Aguiar có thể quyến rũ và tốt với công chúng, nhưng phong cách của ngài chưa bao giờ được giới gáo sĩ ở Lisbon ưa chuộng.

Một linh mục trẻ nói với The Pillar, “Khi được bổ nhiệm làm phụ tá, ngài đã viết một lá thư cho tất cả các linh mục chúng tôi. Và hầu hết chúng tôi nghĩ 'Ngài đang làm gì đây? Ngài đâu phải là giám mục của chúng tôi, đó không phải là vị trí của ngài”.

Trên thực tế, The Pillar đã nói chuyện với một số linh mục, từ những người trẻ tuổi và có khuynh hướng bảo thủ hơn đến những người lớn tuổi và tự do hơn, và dường như không ai hào hứng với viễn cảnh có Aguiar làm mục tử của họ, với lý do ngài thiếu kinh nghiệm mục vụ – trong 22 năm, ngài chỉ phục vụ hai nhiệm kỳ một năm với tư cách là linh mục chánh xứ - và nền linh đạo bị coi là nông cạn của ngài.

Một linh mục đã nói như sau: “Nếu ngài được phong làm Thượng phụ [của Lisbon], thì đó phải là ý muốn của Thiên Chúa, bởi vì không ai khác muốn điều đó, đó là điều chắc chắn.”

Khi được The Pillar hỏi liệu ngài có cảm thấy việc thiếu kinh nghiệm mục vụ của mình là một vấn đề không, Aguiar đã nhìn nhận mọi việc theo cách khác.

“Đúng vậy, tôi chỉ làm cha xứ trong hai năm. Nhưng tôi đã làm gì trong phần còn lại của chức vụ mình? Tôi đã có được một loại kinh nghiệm khác, tôi là một con chó chăn chiên [sheepdog], phục vụ dưới quyền bốn giám mục khác nhau. Và vai trò của người mục tử, người đi trước đàn chiên của mình, không quan trọng hơn vai trò của con chó chăn giữ chiên khỏi đi lạc.”

Câu trả lời của ngài có lẽ minh họa cả lý do tại sao ngài không thực sự được các linh mục địa phương yêu mến và tại sao ngài trở nên nổi bật như vậy.

Là một người luôn hoàn thành công việc và luôn trung thành với cấp trên, Aguiar thường được yêu cầu làm những công việc không được ai muốn. Và, trong một Giáo hội mà sự quản trị tốt không phải lúc nào cũng dồi dào, ngài thấy mình ngày càng được yêu cầu đội nhiều chiếc mũ hơn.

Trước khi được yêu cầu đứng đầu tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới, Aguiar đã là chủ tịch điều hành của tập đoàn truyền thông do Giáo hội sở hữu, một trong những tập đoàn lớn nhất trong nước, mà ngài đã hướng dẫn thông qua một cuộc cải cách khó khăn nhưng cần thiết.

Và cho đến gần đây, ngài cũng là người chỉ đạo của tổng giáo phận trong việc giải quyết các trường hợp lạm dụng tình dục, một vai trò mà phần lớn người ta tin rằng ngài đã thực hiện tốt hơn đáng kể so với hầu hết các giám mục đồng cấp của mình ở Bồ Đào Nha.

Nhưng một linh mục Lisbon khác nói với The Pillar rằng ngài tin ngay cả Aguiar cũng không muốn trở thành giáo chủ của Bồ Đào Nha.

Vị linh mục này nói, “Ngài giỏi hoàn thành công việc, và tòa thượng phụ cần cải cách, nhưng một thượng phụ không chỉ là một nhà cải cách. Ngài biết mình sẽ không hạnh phúc với tư cách là thượng phụ. Các giáo sĩ không đứng bên ngài, hầu hết các tín hữu cũng vậy, ngài sẽ gặp rắc rối ngay từ ngày đầu tiên. Ngài có thể có tham vọng được phong làm thượng phụ để có được chiếc mũ đỏ, nhưng bây giờ điều đó không cần thiết nữa”.

Sự không hài lòng của người dân địa phương trước viễn cảnh Aguiar thăng tiến dường như cũng đã lan tới Rôma. Gần đây hơn, thông tin đang lan truyền là Aguiar thực sự không còn khả năng lãnh đạo tòa thượng phụ, và tên của ngài thậm chí không có trên terna — tức danh sách ngắn gồm ba ứng viên mà theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng sẽ chọn các giám mục tương lai.

Nếu đúng như vậy, thì kịch bản có khả năng nhất là một vị trí trong tương lai ở Rôma, có thể liên quan đến việc tổ chức các sự kiện lớn như Ngày Giới trẻ Thế giới, hoặc các sự kiện khác.

Có một điều chắc chắn đối với Aguiar: Đức Giáo Hoàng Phanxicô thích ngài và tin tưởng ngài đủ để phá vỡ quy ước phong ngài làm Hồng Y. Tương lai trước mắt của ngài cũng nằm trong tay Đức Phanxicô, và có thể sớm được tiết lộ.

Trong khi không ai nói về vị giám mục trong tư cách giáo hoàng tương lai, thì Đức Hồng Y Aguiar tương lai sẽ có đến hơn 30 năm đặc quyền bỏ phiếu trong Hồng Y Đoàn.

Với sở trường về chính trị và tổ chức – và đặc biệt nếu ngài được chuyển đến Rôma – Đức Hồng Y Aguiar có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình Giáo hội trong những năm tới.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp các bạn trẻ hành hương Ba Lan
Thanh Quảng sdb
21:18 17/07/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp các bạn trẻ hành hương Ba Lan

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp riêng một nhóm khoảng 150 bạn trẻ hành hương từ Ba Lan đến thăm Rôma để tĩnh tâm với cộng đồng Ánh sáng và Sự sống.

(Tin Vatican - Paweł Kowalski, SJ và Tomasz Matyka, SJ)

Khoảng 150 người trẻ Ba cùng với một số gia đình Ba Lan hành hương tới Roma và được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng thứ Hai 17/7/2023.

Những người hành hương này đến Rome vào ngày 15 tháng 7 để tham gia khóa tĩnh tâm do cộng đồng Ánh sáng và Sự sống, thường được biết đến với tên gọi "Ốc đảo của Giáo hội Sống", một phong trào Giáo hội rộng lớn tại Ba Lan.

Cuộc tĩnh tâm được hướng dẫn bởi Đức Hồng Y tân cử Grzegorz Ryś, Tổng Giám mục của Łódź.

Các thanh thiếu niên và gia đình họ đã đi theo con đường đào tạo Công Giáo tại các giáo xứ trong suốt năm qua.

Cộng đoàn được Cha Franciszek Blachnicki, thành lập, người đã bị giết vào năm 1987 bởi an ninh cộng sản.

Cầu nguyện và tìm kiếm

Hành hương Rôma và gặp gỡ Đức Thánh Cha là giai đoạn quan trọng nhất của kỳ tĩnh tâm ba cấp dành cho các bạn trẻ và các gia đình.

Những người tham gia được mời trải nghiệm mầu nhiệm của Giáo hội trong sự đa dạng, đồng thời tìm kiếm con đường sinh động trong cộng đồng tín hữu.

Những người tĩnh tâm tìm hiểu về các hình thức và truyền thống cầu nguyện khác nhau, tham gia vào các cuộc họp mặt huynh đệ và khám phá chiều sâu của lịch sử Kitô giáo và hiện tại của Giáo hội bằng cách đến thăm các khu bảo tồn khác nhau.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ mừng kính Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, Bổn Mạng Liên Ca Đoàn – TGP Sydney
Khanh Lai
01:36 17/07/2023
Thánh Lễ mừng kính Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, Bổn Mạng Liên Ca Đoàn

Xem thêm hình

Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh là một Linh Mục, tử đạo Việt Nam cũng là quan thầy LCD Lê Bảo Tịnh thuộc CDCG VN Tổng Giáo Phận Sydney, năm nay LCD Lê Bảo Tịnh tổ chức tại nhà thờ Cabramatta ngày thứ bảy 15/7/2023 lúc 11 sáng.



Vài dòng về tiểu sử Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh.

Phaolô Lê Bảo Tịnh sinh năm 1793 tại thôn Trinh Hà, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, thuộc Giáo phận Thanh Hóa trong một gia đình Công Giáo có sáu người con, ông là con thứ ba. Năm 12 tuổi, Lê Bảo Tịnh đến ở với linh mục tên Ruệ tại giáo xứ Bạch Bát để học chữ Nho, sau đó vào trường Kẻ Vĩnh để học tiếng Latinh. Đến khi được lên đại chủng viện, Lê Bảo Tịnh quyết định vào rừng ở Bạch Bát để ẩn tu, ngày cầu nguyện và ăn chay. Nhưng chỉ sau một năm, Giám mục địa phương khi ấy là Havard buộc Ngài phải trở về lại Đại chủng viện tiếp tục tu học. Về sau, Ngài được Giám mục Havard tin tưởng phái đi Macao hai lần để tiếp nhận tiền bạc và đồ đạc để lo cho việc truyền giáo trong giáo phận, trong đó có một lần cả đoàn bị cướp hết. Tương truyền, trong khi ở Macao, Ngài có chiêm bao thấy một phụ nữ xinh đẹp hiện ra nói rằng: "Phaolô, Phaolô, khi về An Nam, con sẽ phải chịu khổ vì đạo"; nhưng ông không tin, tưởng là mỹ nhân kế nên mới hỏi lại ba lần bằng tiếng Latinh, tiếng Việt và tiếng Hoa. Người phụ nữ này trả lời bằng tiếng tương tự: "Ta là Đức Bà Maria". Dù vậy, Ngài vẫn không tin cho đến khi bị bắt ở Thạch Tổ năm 1841.



Năm 1839, Ngài được phái sang Lào để truyền giáo. Được ít lâu, Ngài lại về nước xin Giám mục sai thêm người sang cùng. Thời gian này, triều đình đang lùng bắt gắt gao các nhà Thừa sai, Giám mục Havard trốn ở rừng Bạch Bát và chết tại đó, Giám mục kế vị là Retord. Năm 1840, Giám mục Retord lại phái Lê Bảo Tịnh sang Macao lần thứ ba để chở đồ và đưa nhà thừa sai Taillandier về Kẻ Vĩnh. Năm 1841, sau khi về nước được vài tháng, trong một lần đi giảng đạo tại, Ngài bị lý trưởng bắt tại nhà ông Nhiêu Ba và giam ở Hà Nội. Sau 7 năm bị giam ở Hà Nội, ông lại bị đày xuống Phú Yên. Khi vua Tự Đức lên ngai kế vị vua Thiệu Trị, ông ban lệnh ân xá cho tù nhân, Lê Bảo Tịnh cũng được phóng thích và trở về Vĩnh Trị.

Năm 1848, ở tuổi 56, Lê Bảo Tịnh được truyền chức Linh mục và đặt làm Giám đốc Chủng viện Vĩnh Trị. Ngày 27 tháng 2 năm 1857, Ngài bị bắt lần thứ hai tại Chủng viện trên. Ngài bị giam ở Nam Định chờ ngày vua ra án. Ban đầu, Ngài chịu án tù chung thân vì tuổi đã cao, nhưng về sau, nhà vua ra án tử hình trảm quyết. Nhận được bản án, quan án cố gắng giải cứu cho linh mục Tịnh bằng cách khuyến dụ Ngài bỏ đạo Công Giáo. Nhưng Ngài từ tốn đáp lại lời quan rằng: "Tôi xin chân thành cảm ơn quan, vẫn luôn có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tùy ý, tôi rất vui lòng, không oán than gì. Nó chết đi nhưng mai ngày sẽ sống lại trong vinh quang. Còn linh hồn tôi là của Thiên Chúa, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể lay chuyển lòng tin tưởng của tôi. Đạo Thiên Chúa là chính đạo, là đạo thật, tôi yêu mến và giữ đạo ấy từ thuở bé, và dù tôi có chết cũng chẳng bỏ được".

Ngày 6 tháng 4 năm 1857, Linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh bị trảm quyết tại pháp trường Bảy Mẫu Nam Định. Ngày 2 tháng 5 năm 1909, Giáo hoàng Piô X đã phong Linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh lên bậc Chân phước. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong ông lên bậc hiển thánh.



Từ cuối nhà thờ rước kiệu hình Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh, đi đầu là Thánh Giá nến cao, 2 ca viên khiêng hình Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh, theo sau là 14 ca viên cầm nến cháy theo sau, đại diện cho 16 ca đoàn về tham dự, một ca viên cầm Phúc Âm và Thừa Tác Viên Thánh Thể, cuối cùng là 3 Cha Tuyên úy Cộng đồng: Lm. Phêrô Trần Văn Trợ, Lm. Paul Văn Chi, Lm. Remy Bùi Sơn Lâm, Tuyên Úy Trưởng.



Kiệu hình Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh được an vị bên phải cung thánh, Lm. Paul Văn Chi xông hương, sau đó 14 ca viên đại diện cho 14 ca đoàn tiến lên đặt nến trước Hình Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh và cúi đầu. Một ca trưởng đứng lên điều khiển bài ca nhập lễ thật hùng hồn, với gần 200 ca viên hợp ca làm cho không khí Thánh lễ thật hùng hồn ngay từ đầu Thánh Lễ.





Sau phần ca viên đọc sách Thánh, chúng tôi nhận thấy từ cuối nhà thờ, đi đầu là anh phó nội vụ, tay cầm cuốn Phúc Âm giơ cao ngang đầu, theo sau là 4 cô ca viên mặc áo dài vàng thuộc ca đoàn Cabramatta tay cầm giải khan mầu đỏ được nối kết từ cuốn Phúc Âm tiến lên trước cung thánh. Từ trên cung thánh Lm. Phêrô Trần Văn Trợ bước xuống giữa bàn thờ và ngài đọc Phúc Âm hôm nay. Sau phần nghi thức rước Phúc Âm và đọc Phúc Âm, phần chia sẻ lời Chúa hôm nay do Lm. Paul Văn Chi Tuyên úy Cộng đồng cũng là Cha Tuyên Úy LCĐ Lê Bảo Tịnh, với lời chia sẻ hùng hồn về đức tính Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh đã anh dũng bị trảm quyết vì bảo vệ đức tin.





Một điểm đặc sắc nữa trong Thánh Lễ hôm với 18 người dâng của lễ, mỗi cặp đại diện cho một ca đoàn, thì trên Cung thánh, một đại diện đọc lời nguyện, đây là lần đầu tiên LCĐ Lê Bảo Tịnh tổ chức riêng mừng kính Thánh bổn mạng, mọi năm thường làm chung với các Thánh Lễ các Giáo đoàn.





Trước khi kết thúc Thánh Lễ một ca viên làm Mc giới thiệu anh Trường Giang đại diện HĐMV có lời chúc mừng tới LCD Lê Bảo Tịnh, sau đó MC giới thiệu Cha Tuyên úy trưởng Remy Bùi Sơn Lâm có đôi lời, qua lời chia sẻ của ca mọi thành viên ca đoàn biết thêm về tiểu sử Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh, Ngài là người viết nhiều sách về đức tin giống như thánh Phaolô Tông Đồ của Chúa, sau cùng là lời cám ơn của anh LCĐ trưởng Vũ Ngọc Minh Khang cám ơn tới quý Cha, các trưởng ca đoàn, cùng các ca viên đã chung tay tổ chức Thánh Lễ thêm phần sốt sáng, và đã bỏ công tập dợt hát cho Thánh Lễ hôm nay. Sau Thánh Lễ mọi người ra sân nhà thờ cùng nhau ăn trưa và văn nghệ thân mật để mừng kính ngày bổn mạng LCD Phaolo Lê Bảo Tịnh.

Khanh Lai tường trình
 
VietCatholic TV
Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 106 Nhảy Dù Nga lâm nạn. FSB bắt nhóm trẻ em Nga vu cáo là biệt kích Ukraine
VietCatholic Media
03:12 17/07/2023


1. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho biết một Tư Lệnh Dù vừa bị thanh trừng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia 'Fires' Another Commander as Part of 'Ongoing Purge'—ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho biết Nga 'sa thải' một Tư Lệnh khác như một phần của 'cuộc thanh trừng đang diễn ra'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mạc Tư Khoa được cho là đã sa thải một quan chức quân sự cấp cao khác như một phần của “cuộc thanh trừng đang diễn ra đối với các chỉ huy không phục tùng”, theo một đánh giá mới của Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW.

Thiếu tướng Vladimir Seliverstov, chỉ huy lực lượng nhảy dù Nga, đã bị cách chức Tư lệnh Sư đoàn Dù 106, các nguồn tin Nga đưa tin hôm thứ Bảy. Điều này chưa được Bộ Quốc phòng Nga xác nhận và Newsweek đã yêu cầu bình luận qua email vào Chúa Nhật.

Các báo cáo cho thấy các tường trình về việc loại bỏ Seliverstov “có thể là một phần trong cuộc thanh trừng đang diễn ra đối với các chỉ huy không phục tùng Bộ Quốc phòng Nga”, viện nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington DC cho biết như trên.

Tổ chức tư vấn này cho biết thêm, việc Seliverstov bị sa thải có thể chỉ ra rằng “sự ăn mòn hệ thống chỉ huy của Nga ở Ukraine đang gia tăng”.

Trong suốt cuộc chiến ở Ukraine, các nhà phân tích phương Tây đã nói rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa phải vật lộn với cơ cấu chỉ huy kém hiệu quả và sự thiếu tin cậy hoặc thiếu minh bạch trong hệ thống quân giai. Lực lượng Dù số 106 được cho là đã đảm nhận vai trò chủ chốt trong các hoạt động của Nga tại thành phố Bakhmut đang có tranh chấp quyết liệt trong những tuần gần đây.

Thông tin về việc Seliverstov bị sa thải được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thiếu tướng Ivan Popov, Tư lệnh Tập Đoàn Quân 58 tại Quân khu phía Nam của Nga, cho biết ông bị tước bỏ chức vụ sau khi khiếu nại với Điện Cẩm Linh từ tiền tuyến Ukraine ở khu vực phía nam Zaporizhzhia.

Trong một thông điệp được chia sẻ trên mạng xã hội bởi thành viên Duma Nga và nhà bình luận truyền thông nhà nước, Andrey Gurulyov, Tướng Popov cho biết ông đã nêu những lo ngại của mình, bao gồm việc thiếu hệ thống phản pháo, với các quan chức ở “cấp cao nhất”.

“Điều quan trọng là không được giữ im lặng, tỏ ra hèn nhát hoặc chỉ nói theo cách cấp trên muốn nghe,” anh ta nói, trong một bản dịch do BBC xuất bản.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Bảy, thông điệp của Popov là dành cho quân đội của ông, và dẫn đến một “cuộc tấn công gay gắt” vào các quan chức hàng đầu tại Bộ Quốc phòng Nga.

Popov cáo buộc các chỉ huy của Bộ Quốc phòng Nga “đánh chúng tôi từ phía sau, chặt đầu tàn ác quân đội vào thời điểm khó khăn và căng thẳng nhất”, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh viết.

“Những bình luận của Popov thu hút sự chú ý đến sự bất mãn nghiêm trọng mà nhiều sĩ quan có thể chất chứa trong lòng đối với lãnh đạo quân đội cấp cao,” Bộ Quốc phòng Anh viết thêm trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Mặc dù không rõ lý do Seliverstov bị cáo buộc sa thải, nhưng ISW báo cáo rằng có thể do danh tiếng của ông ta trong việc bảo vệ quân đội của mình.

Các báo cáo về một cuộc thanh trừng các chỉ huy quân sự hàng đầu của Mạc Tư Khoa diễn ra sau cuộc binh biến của Tập đoàn Wagner vào cuối tháng 6, sau khi thủ lĩnh lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin lãnh đạo một cuộc nổi dậy vũ trang ngắn ngủi chống lại Điện Cẩm Linh.

Sau cuộc binh biến, Tướng Sergei Surovikin, được một số phương tiện truyền thông phương Tây mệnh danh là “Tướng Armaggedon” vì các chiến dịch quân sự tàn bạo của ông ở Syria, đã bị bắt giữ, mặc dù chính quyền Nga không xác nhận điều này. Surovikin có liên hệ với Prigozhin và không xuất hiện trước công chúng kể từ khi cuộc nổi dậy bị hủy bỏ.

Sau đó, một chính trị gia cấp cao của Nga cho biết Surovikin, cựu chỉ huy lực lượng Nga ở Ukraine, đang “nghỉ ngơi”.

Frederik Mertens, một nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hague, trước đây đã nói với Newsweek rằng việc thanh trừng các lực lượng của Nga khi họ đang chiến đấu với cuộc phản công của Ukraine.

Ông nói, loại bỏ một Tư Lệnh quân đội có “những yếu tố không đáng tin cậy về mặt chính trị không bao giờ làm tăng hiệu quả của quân đội”, đồng thời cho biết thêm rằng nó gieo rắc một bầu không khí “ngấm ngầm sợ hãi về những bước đi sai lầm của những người ở lại” và loại bỏ những chỉ huy có năng lực.

2. Tòa án ở Mạc Tư Khoa kết tội 7 người Nga và Ukraine mưu toan tấn công hai tuyên truyền viên trên TV của Nga

Một tòa án ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Bảy đã đưa ra cáo buộc hình sự đối với 7 người “được thúc đẩy bởi lòng thù hận dân tộc” muốn giết hai nhà báo nổi tiếng của Nga trong một âm mưu do Ukraine hậu thuẫn, hãng thông tấn TASS thuộc sở hữu nhà nước của Nga cho biết như trên.

TASS cho biết tòa án đã phê chuẩn việc giam giữ cho đến ngày 14 tháng 9 với cáo buộc hình sự về tội “côn đồ” đối với 5 trẻ vị thành niên sinh năm 2005 và 2006 và 2 người đàn ông mà tòa cho là thành viên của một nhóm có tổ chức.

TASS cho biết cơ quan an ninh FSB của Nga đã bắt giữ một số lượng người không xác định vào hôm thứ Sáu, là những người đã tiến hành do thám gần nhà và nơi làm việc của nhà báo Margarita Simonyan, người đứng đầu cơ quan truyền thông nhà nước Russia Today, gọi tắt là RT, và Ksenia Sobchak, người đã từng tranh chức tổng thống với Putin vào năm 2018.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, phát biểu trên truyền hình rằng nước Nga đang sống trong một “thần thoại được dựng nên” một cách phi lý.

Khi được hỏi về vụ việc trong một cuộc phỏng vấn, Podolyak đã giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề, nói rằng các nhà báo “không đóng bất kỳ vai trò quan trọng nào” trong cuộc chiến, cũng như việc Nga mất đi vị thế trên trường thế giới.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời FSB nói rằng những người bị giam giữ đã thừa nhận thay mặt Ukraine chuẩn bị các cuộc tấn công vào hai phụ nữ và đã được hứa thưởng 1,5 triệu rúp hay 16.620 USD, cho mỗi người.

Simonyan, một người lên tiếng ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đã đăng một thông điệp trên Telegram về âm mưu bị cáo buộc, kêu gọi các cơ quan an ninh “Hãy tiếp tục làm việc, các anh em!”

Sobchak, có người cha quá cố Anatoly Sobchak, nguyên là cố vấn chính trị của Putin, nói rằng nếu kế hoạch ám sát là đúng, thì “xin cảm ơn tất cả các dịch vụ liên quan vì công việc của họ.”

Trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình, nơi thường đăng các báo cáo chỉ trích chính sách của chính phủ Nga, cô ấy nói thêm rằng nếu các báo cáo đó không đúng sự thật, “và ý tưởng chỉ là đặt tôi và Simonyan vào cùng một bản án, thì đây là điều tồi tệ thông thường.”

“Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi muốn báo cáo rằng, bất kỳ hành động khủng bố nào cũng đều xấu xa, không cần biết đó là gì,” cô nói thêm.

Trong năm qua, các vụ đánh bom bên trong nước Nga đã giết chết các nhân vật ủng hộ chiến tranh nổi tiếng của Nga, bao gồm nhà báo Darya Dugina và blogger quân sự Vladlen Tatarsky. Nga đổ lỗi cho Ukraine về những vụ giết người của họ, trong khi Kyiv phủ nhận điều đó và coi chúng là bằng chứng về sự đấu đá nội bộ của Nga.

Vào tháng 5, một nhà văn theo chủ nghĩa dân tộc nổi tiếng của Nga, Zakhar Prilepin, đã bị thương trong một vụ đánh bom xe khiến tài xế của ông thiệt mạng. Các nhà điều tra cho biết một nghi phạm đã bị giam giữ và đã thừa nhận hành động thay mặt cho Ukraine.

3. Cố vấn của Tổng thống Zelenskiy khẳng định các nhân vật truyền hình nhà nước Nga quá 'vô nghĩa' để Ukraine bận tâm ám sát

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Figures Too 'Meaningless' To Assassinate: Zelensky Adviser”, nghĩa là “Cố vấn của Zelenskiy khẳng định các nhân vật truyền hình nhà nước Nga quá 'vô nghĩa' để ám sát.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một cố vấn của nhà lãnh đạo văn phòng tổng thống Ukraine cho biết, Ukraine sẽ không cần tấn công vào các nhà tuyên truyền nổi tiếng của truyền hình nhà nước Nga vì họ quá “vô nghĩa”.

Hôm thứ Bảy, Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, cho biết họ đã ngăn chặn được vụ ám sát hai nhà báo nổi tiếng của Nga bởi các đặc vụ Ukraine. “Những người bị giam giữ” đang lên kế hoạch giết Margarita Simonyan, nhà lãnh đạo mạng Russia Today, gọi tắt là RT, do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, và người dẫn chương trình truyền hình nhà nước kiêm chính trị gia Ksenia Sobchak, với tổng số tiền thưởng là 3 triệu rúp, tương đương khoảng 33.000 USD, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đưa tin.

Nga trước đây đã cáo buộc các cơ quan tình báo Ukraine là chủ mưu trong cái chết của nhà báo Nga và người có tiếng nói thân Putin là Darya Dugina vào tháng 8 năm 2022 và của blogger quân đội Nga có liên hệ với Điện Cẩm Linh, Maxim Fomin. Tuy nhiên, một nhóm chống Putin đã nhận trách nhiệm về cái chết của Dugina, và chính quyền Nga đã bắt giữ một cư dân St. Petersburg 26 tuổi về cái chết của Fomin.

Bảy người đã bị chính quyền Nga bắt giữ liên quan đến vụ việc bị cáo buộc, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin, trích dẫn Tòa án quận Basmanny của Mạc Tư Khoa. Họ sẽ bị giam cho đến ngày 14 tháng 9, tòa án có thẩm quyền chung trên toàn khu vực Mạc Tư Khoa cho biết trong một tuyên bố.

Bốn trong số những người bị bắt giữ là trẻ vị thành niên sinh từ năm 2005 đến 2006, với một người bị bắt khác cũng dưới 18 tuổi, hãng tin độc lập Mediazona của Nga đưa tin. Hai người còn lại bị buộc tội “côn đồ” là 18 và 22 tuổi, theo cơ quan truyền thông này.

Nhưng Kyiv dường như phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc được báo cáo. “Chúng tôi chắc chắn không cần phải làm như thế,” cố vấn tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, nói với đài truyền hình nhà nước Ukraine, Suspilne, theo bản dịch của Ukrainska Pravda.

Podolyak nói: “Họ chẳng có tác động gì cả. Họ không đóng một vai trò quan trọng trong những gì đang xảy ra ngày nay, trong khuôn khổ của cuộc chiến nói chung, cũng như trong khuôn khổ của việc Nga mất vị trí trên bình diện toàn cầu.”

Newsweek đã liên hệ với Cơ quan An ninh Ukraine và văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy để nhận xét qua email vào Chúa Nhật.

FSB của Nga cho biết các đặc vụ của họ đã thu giữ một khẩu súng trường tấn công Kalashnikov, cùng với 90 viên đạn cho loại vũ khí này, trong quá trình bắt giữ 7 người Ukraine bị cáo buộc là đặc vụ. Trong một tuyên bố được các cơ quan truyền thông nhà nước Nga đăng tải, cơ quan an ninh cho biết họ cũng đã tìm thấy dao, khăn lau ngón tay, còng tay và các vật dụng mang phù hiệu của Đức Quốc xã trong các cuộc đột kích của họ.

Kể từ khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Mạc Tư Khoa đã biện minh cho các hành động của mình bằng cách tuyên bố đất nước này cần phải bị thanh trừng khỏi “Đức quốc xã”.

Câu chuyện này đã bị Ukraine và cộng đồng quốc tế bác bỏ.

Các báo cáo của FSB xuất hiện khi Ukraine tiếp tục phản công, mà Nga cho biết đã bắt đầu vào đầu tháng Sáu. Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington DC cho biết lực lượng của Kyiv đã tiến hành các cuộc tấn công mở rộng “vào ít nhất ba khu vực” của tiền tuyến ở miền đông và miền nam Ukraine, thu được “những lợi ích nhất định”.

Vào sáng Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết đã có 39 cuộc đụng độ với lực lượng Nga trong ngày qua. Bộ Quốc phòng Nga cho biết một số máy bay không người lái và hai thuyền không người lái đã tấn công vào thành phố Sevastopol, thuộc bán đảo Crimea bị sáp nhập. Mạc Tư Khoa cho biết tất cả các tàu và phương tiện không người lái đã bị chặn.

4. Putin nói Nga có 'đủ dự trữ' bom chùm

Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga có “kho dự trữ đủ” bom chùm và Mạc Tư Khoa bảo lưu quyền sử dụng chúng nếu những loại vũ khí này được sử dụng để chống lại lực lượng Nga ở Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước vào hôm Chúa Nhật, Putin nói:

“Tất nhiên, nếu chúng được sử dụng để chống lại chúng tôi, chúng tôi có quyền thực hiện hành động đối ứng.”

Ông nói thêm rằng Nga vẫn chưa sử dụng loại vũ khí này mặc dù “ở một số thời điểm nhất định có sự thiếu hụt đạn dược”.

Ukraine đã nhận được bom chùm từ Hoa Kỳ, loại vũ khí bị cấm ở hơn 100 quốc gia. Kyiv đã cam kết chỉ sử dụng chúng để đánh bật các nơi tập trung binh lính của đối phương, Reuters đưa tin.

5. Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở miền nam Ukraine khi không bên nào giành được lợi ích đáng kể

Dọc theo mặt trận phía nam - có lẽ được coi là ưu tiên chiến lược chính của Ukraine, với mục đích phá vỡ cây cầu trên bộ của Nga tới Crimea bằng cách chọc thủng Biển Azov - các báo cáo tiếp tục cho thấy các lực lượng Ukraine và Nga tham gia giao tranh rất ác liệt.

Tướng Oleksandr Tarnavsky, chỉ huy Chiến dịch Lực lượng Liên hợp Tavria đang hoạt động trên một khu vực rộng lớn của mặt trận phía nam Ukraine, nói với truyền hình Ukraine vào sáng Chúa Nhật rằng các binh sĩ của ông đã “đánh bật đối phương khỏi vị trí của chúng một cách có hệ thống”.

Ông liệt kê 33 thiết bị của Nga bị phá hủy trong các cuộc tấn công mới nhất của Ukraine, bao gồm xe bọc thép chở quân, pháo và hệ thống hỏa tiễn phòng không, cùng nhiều thiết bị khác. Tuy nhiên, những lời khích lệ đó, theo quan điểm của Ukraine, vẫn chưa được chuyển thành danh sách dài các thị trấn và làng mạc được giải phóng.

Blogger quân sự Nga Rybar cũng tuyên bố Ukraine gây áp lực hơn nữa đối với các vị trí của Nga gần làng Robotyne thuộc vùng Zaporizhzhia, nằm ở phía nam Orikhiv trong một khu vực mà lực lượng Ukraine đã giành được một số lợi ích trong tuần qua.

Về phía Nga, nếu họ hứng chịu tổn thất nặng và Ukraine có thể cô lập các phần của mặt trận, thì khi đó lực lượng Ukraine có thể đạt được bước đột phá.

Một phần trong chiến dịch hiện tại của Ukraine dường như đang đạt được kết quả rõ ràng là các cuộc tấn công vào các mục tiêu phía sau tiền tuyến. Những thứ này nhằm mục đích làm gián đoạn và làm suy giảm các tuyến tiếp tế của Nga cũng như nhắm vào các căn cứ chỉ huy và doanh trại của binh lính Nga.

Trong các bình luận của mình, Chuẩn Tướng Tarnavsky nói với khán giả truyền hình Ukraine rằng chín kho đạn dược của Nga đã bị phá hủy trong ngày qua. Anh ta không nói vị trí của các kho đạn, nhưng có khả năng chúng cách tiền tuyến một khoảng cách đáng kể.

Đầu tuần này, một tướng cấp cao của Nga đã thiệt mạng khi một hỏa tiễn của Ukraine bắn trúng căn cứ của Tập Đoàn Quân thứ 58 của Nga ở thành phố cảng Berdiansk bị tạm chiếm.

6. Nga tấn công vào dân thường tại Kharkiv và Zaporizhzhia

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết một thường dân đã thiệt mạng và một người khác bị thương trong vụ pháo kích của Nga ở khu vực Kharkiv của Ukraine, trong khi 7 người khác bị thương tại một ngôi làng ở Zaporizhzhia.

Cô cho biết một người đàn ông 33 tuổi đã chết và một người đàn ông bị thương khi Nga bắn vào các tòa nhà dân cư ở làng Kolodiazne trong khu vực.

Cô nhấn mạnh rằng Nga đã phóng 4 hỏa tiễn đất đối không S-400 trong đêm tại thành phố Kharkiv, làm hư hại nhẹ một tòa nhà dân cư.

Ba phụ nữ và bốn người đàn ông đã bị thương và một số ngôi nhà bị hư hại trong cuộc pháo kích dữ dội của Nga từ nhiều bệ phóng hỏa tiễn vào làng Stepnohirske vào chiều thứ Bảy.

7. Nga cáo buộc Ukraine tấn công xuyên biên giới

Thống đốc vùng Belgorod của Nga cho biết hôm Chúa Nhật rằng các lực lượng Ukraine đã nã pháo vào thị trấn Shebekino của Nga gần biên giới Ukraine bằng hỏa tiễn Grad, giết chết một phụ nữ đang đạp xe.

Không có bình luận ngay lập tức từ Ukraine, quốc gia hầu như chưa bao giờ công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong Nga.

Vyacheslav Gladkov, thống đốc Belgorod, cho biết hỏa tiễn Grad đã tấn công một khu chợ, làm hư hại một tòa nhà và hai xe hơi.

Gladkov nói:

“Rất đau buồn, một người đã thiệt mạng - một phụ nữ đang đi xe đạp trên vỉa hè vào thời điểm xảy ra vụ pháo kích. Những vết thương mà cô ấy nhận được từ mảnh đạn đã kết liễu cuộc sống của cô.”

Hệ thống vũ khí Grad là một bệ phóng hỏa tiễn đa năng gắn trên xe tải. Việc sử dụng nó chống lại các khu vực dân sự bị các nhà hoạt động nhân quyền coi là tội ác chiến tranh.

8. Cựu thủ tướng Vương quốc Anh Tony Blair nhận xét rằng Ukraine đã thực hiện một công việc “phi thường” trong việc bảo vệ đất nước của mình

Cựu thủ tướng Vương quốc Anh Tony Blair đã nói rằng Ukraine đã thực hiện một công việc “phi thường” trong việc bảo vệ đất nước của họ nhưng khi được hỏi kết cục của cuộc chiến sẽ như thế nào, ông nói rằng con đường sẽ “cực kỳ khó khăn”.

Trong cuộc hội thảo hôm Chúa Nhật, ông nói

“Tôi nghĩ cực kỳ khó để biết làm thế nào bạn có được giải pháp cho cuộc chiến này trừ khi Ukraine có một lộ trình rõ ràng để trở thành thành viên Liên minh Âu Châu và một lộ trình rõ ràng để trở thành thành viên của NATO.

Tôi nghĩ có lẽ mọi người sẽ chờ xem điều gì sẽ xảy ra sau cuộc phản công này của Ukraine. Người Ukraine đã thực hiện một công việc phi thường trong việc bảo vệ đất nước của họ và nhân tiện, bảo vệ chúng ta bằng cách bảo vệ đất nước của họ. Kết thúc của cuộc chiến này sẽ cực kỳ khó khăn, nhưng tôi nghĩ một khi chúng ta kiểm điểm sau cuộc phản công này, chúng ta sẽ có thể xét xem liệu có cách nào để kết thúc nó bằng một kết thúc có thương lượng hay không.”

Về lãnh thổ, ông nói thêm:

“Lãnh thổ sẽ là điều khó khăn nhất bởi vì người Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận mất lãnh thổ của họ mà theo quan điểm của cộng đồng quốc tế đã bị tước đoạt một cách sai trái.”

Nhiều người cho rằng nếu Ukraine chịu nhường một phần lãnh thổ cho Nga, điều đó chưa chắc đã dẫn đến hòa bình. Nó có thể khích lệ những bọn xâm lược khác trên thế giới noi gương Nga.

9. Nam Phi nên tuân thủ luật pháp quốc tế nếu Putin đến thăm, công tố viên trưởng của ICC nói

Nam Phi nên làm “điều đúng đắn” và tuân thủ luật pháp quốc tế nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân tham dự hội nghị thượng đỉnh khối BRICS tại Johannesburg vào tháng tới, Trưởng công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, Karim Khan nói với CNN hôm thứ Sáu.

Thuật ngữ BRIC được nhà kinh tế Jim O'Neill của Goldman Sachs đặt ra vào năm 2001 để mô tả sự trỗi dậy của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Khối BRIC đã có hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm 2009 tại Nga và Nam Phi đã tham gia vào năm 2010.

Một số thông tin cơ bản: ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Putin và ủy viên quyền trẻ em của Nga Maria Lvova-Belova vào ngày 18 tháng 3 về tội ác chiến tranh bắt cóc trẻ em trái pháp luật. Nga – giống như Mỹ, Ukraine và Trung Quốc – không phải là thành viên của ICC.

Vì tòa án không tiến hành xét xử vắng mặt, Putin hoặc sẽ phải bị Mạc Tư Khoa giao nộp hoặc bị bắt giữ bên ngoài nước Nga. Hầu hết các quốc gia trên Trái đất – 123 quốc gia trong số đó – là các bên tham gia hiệp ước và đạo luật của ICC quy định rằng tất cả các quốc gia thành viên có nghĩa vụ pháp lý hợp tác với tòa án. Có nghĩa là họ có nghĩa vụ thi hành lệnh bắt giữ.

Tuy nhiên, Nam Phi - chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay - đã ban hành quyền miễn trừ ngoại giao cho tất cả các quan chức tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8, nghĩa là Putin có thể tới nước này bất chấp lệnh bắt giữ của ICC.

Các quan chức Nam Phi nhấn mạnh rằng đây là giao thức tiêu chuẩn và nó có thể thay thế lệnh bắt giữ của ICC. Nam Phi chưa nhận được bất kỳ xác nhận nào về việc liệu ông Putin có tham dự hội nghị thượng đỉnh hay không, theo Naledi Pandor, Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế của Nam Phi.

Khan, công tố viên của ICC, nói với CNN: “Nam Phi đã cảm thấy tội ác chống lại loài người trong nhiều thập kỷ, tội ác của chế độ phân biệt chủng tộc, tôi không nghĩ họ cần những bài học từ tôi. Họ tự nguyện là một quốc gia tham gia ICC, họ biết luật là gì và tôi nghĩ họ sẽ làm điều đúng đắn. Và chúng tôi sẽ đánh giá những gì thực sự xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh BRICS và có phản ứng phù hợp”.

“Tôi là một công tố viên, tôi cần thận trọng và chuẩn bị cho các tình huống khác nhau bằng những công cụ tôi có sẵn. Bất cứ khi nào nhìn về Nam Phi, tôi lại nhớ đến sự vĩ đại của Mandela vĩ đại. Và tôi nghĩ tất cả người dân Nam Phi sẽ hướng về ông ấy, chứ không phải tôi, về những gì mà Nelson Mandela vĩ đại sẽ làm”.

10. Đồng minh của Putin cảnh báo rằng các cuộc tấn công của Ukraine 'Sâu bên trong nước Nga' sẽ gia tăng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Attacks 'Deep Inside Russia' Will Increase, Putin Ally Warns”, nghĩa là “Đồng minh của Putin cảnh báo rằng các cuộc tấn công của Ukraine 'Sâu bên trong nước Nga' sẽ gia tăng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Sergey Mardan, người dẫn chương trình Solovyov Live và là đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, gần đây đã cảnh báo rằng các cuộc tấn công “sâu bên trong nước Nga” sẽ gia tăng trong bối cảnh nước này đang tiếp diễn cuộc chiến ở Ukraine, bắt đầu từ tháng 2 năm ngoái.

Tháng trước, một số cuộc tấn công bên trong Nga đã được báo cáo. Vyacheslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod của Nga, tuyên bố rằng khoảng 850 hỏa tiễn và các vật thể phóng khác đã được phóng vào Shebekino, một đô thị trong khu vực nằm ngay gần biên giới với Ukraine. Thống đốc nói thêm rằng các cuộc tấn công đã làm 16 người bị thương, những người được điều trị tại bệnh viện và giết chết 2 phụ nữ ở làng Maslova Pristan.

Ông Gladkov cho biết các tòa nhà trong khu vực, bao gồm văn phòng và công trình công nghiệp cũng bị hư hại. Trong khi Ukraine tuyên bố rằng họ không chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công, các nhóm phiến quân Nga thân Ukraine được cho là đã đóng quân ở Belgorod, mặc dù Điện Cẩm Linh trước đó cho biết họ đã bị đẩy lùi. Một trong các nhóm, Quân đoàn Tự do Nga, đã đăng tải nhiều cảnh quay chiến đấu trực tuyến vào thời điểm đó và cho biết họ đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ các lực lượng Nga.

Ukraine gần đây đã phát động cuộc phản công được chờ đợi từ lâu, được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự từ phương Tây để đánh bại Nga và giành lại lãnh thổ của mình. Mặc dù Putin và các đồng minh của ông, bao gồm cả Mardan, tự tin rằng Kyiv sẽ thất thủ rất nhanh, nhưng quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đã thể hiện phản ứng phòng thủ mạnh mẽ vượt quá mong đợi.

Trong một phân đoạn truyền hình Nga được đăng vào Chúa Nhật với phụ đề tiếng Anh của Anton Gerashchenko, cố vấn của bộ trưởng nội vụ Ukraine, Mardan nói rằng ông lo lắng rằng máy bay không người lái của Ukraine sẽ tiếp cận nhiều nơi hơn ở Nga.

“Chiến lược mà đối phương đang thực hiện là nhằm chiếm Kursk nằm gần các thành phố của Ukraine để đưa chiến tranh vào lãnh thổ của Nga. Ví dụ, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, số lượng các cuộc tấn công chắc chắn đang tăng lên. Đó là một thống kê, không khó để kiểm tra. Và không còn nghi ngờ gì nữa về thực tế là mật độ của các cuộc tấn công này sẽ tiếp tục gia tăng. Họ sẽ cải thiện vũ khí của họ. Vâng, hệ thống phòng không của chúng ta hoạt động hoàn toàn tốt, nhưng thật vô ích khi tự an ủi mình về điều này “, Mardan nói.

Vào tháng 6, một vụ nổ được báo cáo đã đóng cửa một tuyến đường sắt quan trọng ở Crimea bị Nga tạm chiếm khi chính quyền Nga phải đối mặt với làn sóng tấn công phá hoại.

Sergey Aksyonov, nhà lãnh đạo Crimea do Điện Cẩm Linh xâm lược, cho biết vào thời điểm đó rằng một tuyến đường sắt ở khu vực Feodosia của bán đảo “đã bị hư hại” trong một sự việc qua đêm.

“Nếu là pháo kích thì sao? Và nếu đó là cuộc tấn công phá hoại thì sao? Và trong cuộc xung đột đóng băng này, làm thế nào để bạn tưởng tượng tin tức gần như hàng ngày về các cuộc tấn công phá hoại trên đường sắt ở Nga? Ý tôi là chỉ cần nhìn vào dữ liệu, nó không khó. Bất cứ ai cũng có thể kiểm tra số lần thử hoặc số lần thử thành công để đốt tủ rơle. Đó là đối phương, đang tiến hành khủng bố và phá hoại sâu bên trong nước Nga,” Mardan nói thêm trong đoạn truyền hình.

Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Ngoại giao Ukraine để xin bình luận.
 
Tòa Ân Giải Tối Cao ban Ơn Toàn Xá khi tham dự Thánh Lễ ở Dòng Đa Minh. Cha sở bị tấn công bằng dao
VietCatholic Media
05:09 17/07/2023

1. Linh mục da đen Louisiana nhập viện sau cuộc tấn công bằng dao rựa, phân biệt chủng tộc được coi là động cơ có thể xảy ra

Một linh mục Công Giáo đang trong tình trạng nguy kịch nhưng ổn định sau khi ngài bị tấn công trong khuôn viên Nhà thờ Công Giáo Thánh Gioan ở Melville, Louisiana, vào tối thứ Năm 13 Tháng Bẩy.

Trong cuộc họp báo, cảnh sát trưởng hạt St. Landry Parish cho biết Cha Stephen Ugwu, là cha sở nhà thờ, đã bị Johnny Dwayne Neely, 58 tuổi ở Palmetto, Louisiana, tấn công bằng một con dao rựa.

Các nhân chứng cho biết trong khoảng thời gian từ 6 giờ chiều đến 7 giờ tối, họ thấy Neely đến gần vị linh mục và xin ngài tiền bạc hay một thứ gì đó. Khi vị linh mục từ chối anh ta, anh ta bắt đầu tấn công vị linh mục bằng một con dao rựa.

Cha Ugwu đã được đưa đến một bệnh viện trong khu vực và đang được điều trị những vết rách trên đầu và cơ thể.

Văn phòng Cảnh sát trưởng Giáo xứ St. Landry xác nhận rằng Neely phải đối mặt với cáo buộc cố ý giết người cấp độ hai, tội ác căm thù và xâm phạm gia cư bất hợp pháp.

Các nhà chức trách báo cáo rằng Neely nói rằng anh ta “muốn giết một người da đen hôm nay,” KLFY News đưa tin. Cảnh sát trưởng Melville Phillip Lucas cho biết sở của ông đang nhờ FBI hỗ trợ trong vụ này.

Giáo phận Lafayette đã xác nhận vụ tấn công và yêu cầu tiếp tục cầu nguyện.

“Cha Ugwu đã được chuyển đến một bệnh viện trong khu vực và đang trong tình trạng ổn định. Sở cảnh sát Melville đang giải quyết cuộc điều tra,” Blue Rolfes, giám đốc truyền thông của Giáo phận Lafayette, cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho Cha Ugwu và yêu cầu anh chị em tiếp tục làm như vậy.”

Văn phòng Cảnh sát trưởng St. Landry Parish xác nhận rằng Neely phải đối mặt với cáo buộc cố ý giết người cấp độ hai, tội ác căm thù và xâm phạm gia đình.

Cha Ugwu đã được đưa đến một bệnh viện trong khu vực và đang được điều trị những vết rách trên đầu và cơ thể.

2. Tòa Ân Giải Tối Cao ban Ơn Toàn Xá trong hai năm kỷ niệm Thánh Tôma Aquinô, Tiến sĩ Hội Thánh

Vatican đang ban ơn toàn xá cho bất kỳ ai tham gia hai năm mừng lễ Thánh Tôma Aquinô trước lễ kỷ niệm 800 năm ngày sinh của ngài.

Bắt đầu với lễ kỷ niệm 700 năm ngày phong thánh cho Aquinô vào ngày 18 tháng 7, Dòng Đa Minh sẽ cử hành ba ngày kỷ niệm quan trọng của vị “Tiến sĩ Thiên thần” trong Năm Thánh. Tòa Thánh rộng ban Ơn Toàn Xá trong dịp này bắt đầu từ ngày 18 Tháng Bẩy năm nay cho đến ngày 28 Tháng Giêng năm 2025.

Thánh Tôma Aquinô được Đức Giáo Hoàng Gioan 22 phong thánh vào ngày 18 tháng 7 năm 1323. Giáo hội sẽ đánh dấu kỷ niệm 700 năm ngày này vào thứ Ba 18 Tháng Bẩy bằng một Thánh lễ lúc 6:30 chiều tại Tu viện Fossanova, cách Rôma khoảng 60 dặm về phía nam, nơi Thánh Aquinô qua đời. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ định Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, làm đặc phái viên của ngài cho Thánh Lễ này.

Vào ngày 7 tháng Ba năm 2024, Giáo hội sẽ kỷ niệm 750 năm ngày mất của Thánh Aquinô. Nhà thần học qua đời năm 1274 khi đang trên đường đến Công đồng Lyons. Ngài bị ốm trong cuộc hành trình và dừng lại ở tu viện Xitô Nhặt Phép ở Fossanova.

Ba tháng trước khi qua đời, Thánh Tôma Aquinô đã trải qua một thị kiến mãnh liệt trong khi dâng Thánh lễ khi ngài gần hoàn thành tác phẩm quan trọng nhất của mình, “Summa Theologiae” hay “Tổng lược Thần học”. Sau khi trải nghiệm thị kiến này, Thánh Tôma Aquinô nói với người bạn và thư ký của mình là Thầy Reginald: “Công việc của tôi đã đến lúc cuối cùng. Tất cả những gì tôi đã viết dường như chỉ là rơm rác sau những điều đã được tiết lộ cho tôi,” và ngài không bao giờ viết nữa.

Thi thể của Thánh Tôma Aquinô được lưu giữ trong Tu viện Fossanova cho đến cuối thế kỷ 14 khi thánh tích của ngài được chuyển đến Toulouse, bên Pháp, nơi Dòng Anh em Thuyết giáo hay còn được gọi là Dòng Đa Minh được thành lập và là nơi ngày nay mộ của Thánh Tôma Aquinô có thể được tôn kính trong Nhà thờ Jacobins.

Năm thánh kép của Dòng Đa Minh sẽ kết thúc vào ngày lễ Thánh Tôma Aquinô vào ngày 28 Tháng Giêng năm 2025, kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Thánh Aquinô.

Thánh Tôma Aquinô sinh năm 1225 tại thị trấn Roccasecca của Ý, cách Rôma khoảng 75 dặm về phía đông nam, vào thời điểm đó là một phần của Vương quốc Sicily.

Đầu tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một lá thư bằng tiếng Latinh ca ngợi thánh Aquinô vì “sự khôn ngoan vĩ đại về đàng thiêng liêng và nhân bản”.

“Ngài tỏa sáng với trí thông minh chính trực và sự rõ ràng, và trong khi cung kính tìm hiểu các bí ẩn thiêng liêng bằng lý trí, ngài đã suy ngẫm về những điều này với niềm tin nhiệt thành,” Đức Giáo Hoàng viết.

Làm thế nào để có được Ơn Toàn Xá trong dịp này?

Ơn Toàn Xá là ân sủng do Giáo hội ban cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria và tất cả các thánh để xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra.

Ơn Toàn Xá áp dụng cho những tội lỗi đã được tha thứ. Ơn Toàn Xá làm sạch tâm hồn như thể một người vừa được rửa tội.

Chúng ta có thể nhận được Ơn Toàn Xá trong dịp này cho chính mình hoặc cho một người đã qua đời nếu chúng ta hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi; đồng thời chúng ta phải thực hiện một trong những cách sau đây do Tòa Ân Giải Tối Cao quy định. Cứ mỗi lần thực hiện một trong những công việc này thì được một Ơn Toàn Xá.

Cách thứ nhất: Có thể nhận được ơn toàn xá bằng cách hành hương đến bất cứ nhà thờ, đền thờ hay nhà nguyện nào hiện đang được ủy thác cho Dòng Đa Minh để tham dự các cử hành trong Năm Thánh kép bắt đầu từ ngày 18 Tháng Bẩy, năm nay cho đến ngày 28 Tháng Giêng năm 2025.

Cách thứ hai: Nếu không thể thực hiện được theo cách thứ nhất vì những trở ngại chính đáng như đau ốm, hay quá xa xôi, thì “ít là dành một thời gian thích hợp để hồi tâm đạo đức,” kết thúc bằng việc đọc Kinh Lạy Cha, đọc Kinh Tin Kính, và cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Tôma Aquinô.

Tòa Ân giải Tối Cao minh định rằng những người già cả, bệnh tật và những người không thể đến được các nhà thờ, đền thờ hay nhà nguyện nào hiện đang được ủy thác cho Dòng Đa Minh vì bất kỳ lý do nghiêm trọng nào cũng có thể nhận được ơn toàn xá “nếu, từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi và có ý định thực hiện ba điều kiện thông thường là xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha càng sớm càng tốt, đồng thời tham gia một cách thiêng liêng vào các cử hành Năm Thánh trước hình ảnh của Thánh Tôma Aquinô, dâng lên Thiên Chúa nhân từ những lời cầu nguyện của họ cũng như những đau khổ và bệnh tật trong cuộc sống của họ.”

Tòa Ân Giải Tối Cao nhấn mạnh rằng Ơn Toàn Xá này cũng có thể được áp dụng “cho linh hồn của các tín hữu đã ra đi vẫn còn trong luyện ngục.”

Cha Gerard Francisco Timoner III, Bề Trên Dòng Đa Minh, viết: “Ước gì việc cử hành Năm Thánh kép trong cuộc đời của Thánh Tôma thúc đẩy chúng ta phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội với lòng sùng kính lớn lao và lòng khiêm nhường sâu xa.”

Cha Bề Trên dòng Đa Minh nhắc nhớ lại câu Thánh Tôma Aquinô nói với Thầy Reginald “đừng tìm kiếm phần thưởng nào trên thế giới này ngoại trừ việc được ở với Chúa — Domine, non nisi Te, ‘Lạy Chúa, ngoài Chúa ra, chẳng còn gì.’

3. Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh bênh vực lập trường của Đức Thánh Cha đối với cuộc chiến tại Ukraine

Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher phê bình những xuyên tạc sai trái lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cổ võ chấm dứt chiến tranh và xây dựng hòa bình cho Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher, người Anh, đã bày tỏ lập trường trên đây, trong buổi giới thiệu bản ấn hành mới, số tháng 5 2023, với tựa đề “Các bài học Ukraine” của tạp chí Limes ở Ý, chuyên về các hoạt động ngoại giao.

Đức Tổng Giám Mục đã trình bày những điểm chính trong “lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh tại Ukraine và những giải thích người ta đưa ra về những lời nói và cử chỉ của ngài.”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhấn mạnh rằng: “Giải thích những lời nói và cử chỉ của Đức Thánh Cha như những “hành động chủ hòa trống rỗng”, một “ước muốn đạo đức trình diễn”, đó là những điều không phản ánh đúng quan điểm và chủ ý của Đức Thánh Cha, là người không muốn cam chịu chiến tranh, nhưng quyết liệt tin tưởng nơi hòa bình, mời gọi tất cả mọi người hãy trở thành những người có tinh thần sáng tạo và can đảm trong việc tìm kiếm hòa bình. Thực vậy, “Điều thúc đẩy Đức Thánh Cha không là gì khác hơn, là làm cho việc đối thoại và hòa bình trở thành điều có thể, lấy hứng khởi từ nguyên tắc “Giáo hội không được sử dụng ngôn ngữ chính trị, nhưng ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Vì thế, thật là điều bất công khi định nghĩa “Những cố gắng, toan tính của Vatican là vô ích cũng như có hại, hoặc coi đó là một nỗ lực “bài Mỹ” bằng mọi giá, giống như lập trường của các đảng khuynh tả của Ý.

Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh nói thêm rằng: “Dĩ nhiên, chủ ý của Tòa Thánh không phải là nhắm mắt trước những tội ác chiến tranh từ phía quân đội và chính quyền Nga, đặt ngang hàng nhau nước gây hấn và nước bị tấn công”, vì chính Đức Thánh Cha đã nói rõ là đã phân biện giữa kẻ tấn công và người bị tấn công, với xác tín chắc chắn rằng cả thế giới đều biết rõ đó là những ai.

Cũng trong bài giới thiệu, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhấn mạnh rằng: “Ngày hôm nay có một số thái độ phải thay đổi để bênh vực hòa bình, trước tiên là đi ngược với xu hướng hiện nay trên thế giới, đó là cần thay đổi tiêu chuẩn coi việc tiếp tục chiến tranh như phương thế để giải quyết xung đột, hoặc dưới chiêu bài là cần thiết để tự vệ. Không thể để cho quan niệm “chẳng có thể làm được gì, không có chỗ cho lời nói, cho sự đối thoại sáng tạo và ngoại giao, cần đành chịu và chấp nhận tiếp tục những cuộc chiến tàn khốc, gieo rắc chết chóc và tàn phá.”

“Cần có những thay đổi nhỏ để có thể vượt thắng một số khuôn mẫu và mở tâm trí đối với người khác. Vì thế, xu hướng biện minh sự bất tín nhiệm đối với người khác cần phải được vượt thắng bằng một sự dấn thân mạnh mẽ hơn để kiến tạo sự tín nhiệm đối với nhau. Theo nghĩa đó, có thể là một sự trợ giúp thực sự nếu củng cố các sáng kiến nhân đạo đã có, như việc trao đổi các tù binh chiến tranh, hoặc xuất khẩu ngũ cốc, hồi hương các trẻ em, như Đức Hồng Y Matteo Zuppi đã theo đuổi, theo sau sứ vụ tại Kyiv /ki-díp/ và Mạc Tư Khoa. Và Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh kết luận rằng: “Cuộc chiến tranh hiện nay phải được chấm dứt càng sớm càng tốt”.

4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Chúa Nhật 16 Tháng Bẩy, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 15 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”

Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe. Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nông nổi nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời, khiến Lời không sinh hoa kết quả. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay Tin Mừng trình bày cho chúng ta dụ ngôn người gieo giống (x. Mt 13,1-23). “Gieo” là một hình ảnh rất đẹp và Chúa Giêsu dùng nó để diễn tả món quà Lời của Ngài. Chúng ta hãy tưởng tượng một hạt giống: nó nhỏ bé, hầu như không nhìn thấy được, nhưng nó làm cho cây lớn lên và đơm hoa kết trái. Lời Chúa cũng thế: hãy nghĩ đến Tin Mừng, một cuốn sách nhỏ, đơn giản và trong tầm với của tất cả mọi người, nhưng mang lại sức sống mới cho những ai đón nhận. Vì vậy, nếu Lời là hạt giống, thì chúng ta là đất: chúng ta có thể nhận được Tin Mừng hoặc không. Nhưng Chúa Giêsu, “người gieo giống tốt lành”, không mệt mỏi gieo một cách quảng đại. Ngài biết địa hình của chúng ta, Ngài biết rằng những hòn đá của sự bất nhất của chúng ta và những gai gốc trong những tật xấu của chúng ta (x. c. 21-22) có thể bóp nghẹt Lời Chúa, nhưng Ngài hy vọng, Ngài luôn hy vọng rằng chúng ta có thể sinh nhiều hoa trái (x. c.. số 8).

Đây là điều Chúa làm, và đây là điều chúng ta cũng phải làm: đó là gieo không mệt mỏi. Nhưng làm thế nào để có thể làm được điều này, gieo liên tục mà không mệt mỏi sao? Chúng ta hãy đưa ra một vài ví dụ.

Trước hết là cha mẹ: họ gieo lòng tốt và niềm tin vào con cái, và họ được kêu gọi làm như vậy mà không nản lòng ngay cả khi đôi khi họ dường như không hiểu hoặc không đánh giá cao những lời dạy của họ, hoặc nếu não trạng của thế giới chống lại họ. Hạt giống tốt vẫn còn, đây mới là điều quan trọng, và nó sẽ bén rễ vào đúng thời điểm. Nhưng nếu vì mất lòng tin, họ từ bỏ việc gieo hạt và bỏ mặc con cái của mình cho thời trang và điện thoại di động, không dành thời gian cho chúng, không giáo dục chúng, thì mảnh đất màu mỡ sẽ đầy cỏ dại. Hỡi các bậc cha mẹ, đừng bao giờ mệt mỏi để gieo vào con cái của anh chị em!

Vậy chúng ta hãy nhìn vào những người trẻ: họ cũng có thể gieo Tin Mừng vào những luống cày của cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, với lời cầu nguyện: đó là một hạt giống nhỏ mà anh chị em không thể nhìn thấy, nhưng anh chị em phó thác tất cả cuộc sống của mình cho Chúa Giêsu, và nhờ đó, Người có thể làm cho nó chín muồi. Nhưng tôi cũng đang nghĩ đến thời gian để cống hiến cho người khác, cho những người cần nhất: nó có vẻ lãng phí; nhưng trái lại, đó là thời gian thiêng liêng, trong khi sự thỏa mãn rõ ràng của chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa khoái lạc khiến người ta trắng tay. Và tôi nghĩ đến việc học: đúng là nó mệt mỏi và không thỏa mãn ngay lập tức, giống như việc gieo hạt, nhưng là điều cần thiết để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Chúng ta đã đề cập đến cha mẹ, và giới trẻ. Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào những người gieo giống Tin Mừng, nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân tốt dấn thân vào việc loan báo, những người sống và rao giảng Lời Chúa thường không thành công ngay lập tức. Chúng ta đừng bao giờ quên, khi chúng ta công bố Lời Chúa, ngay cả khi dường như không có gì xảy ra, thì trong thực tế, Chúa Thánh Thần đang hoạt động và vương quốc của Thiên Chúa đã phát triển nhờ và ngoài những nỗ lực của chúng ta. Vì vậy, hãy vui vẻ tiến lên, anh chị em thân mến! Chúng ta hãy nhớ đến những người đã gieo hạt giống Lời Chúa vào cuộc đời chúng ta: mỗi người chúng ta hãy nghĩ lại “đức tin của tôi đã bắt đầu như thế nào”. Có lẽ nó đã nảy mầm nhiều năm sau khi chúng ta gặp những gương sáng của họ, nhưng nó đã xảy ra nhờ có họ!

Dưới ánh sáng của tất cả những điều này, chúng ta có thể tự hỏi: tôi có gieo rắc điều thiện không? Tôi chỉ quan tâm đến việc gặt hái cho mình, hay tôi cũng gieo cho người khác? Tôi có gieo hạt giống Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày: học hành, làm việc, rảnh rỗi không? Tôi có nản lòng hay giống như Chúa Giêsu, tôi tiếp tục gieo, ngay cả khi tôi không thấy kết quả ngay lập tức? Xin Mẹ Maria, Đấng mà chúng ta tôn kính hôm nay là Đức Trinh Nữ Núi Cát Minh, giúp chúng ta trở thành những người gieo Tin Mừng quảng đại và vui tươi.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau.

Tôi chào các Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Tông Đồ, đang quy tụ tại Rôma để tham dự Tổng Tu Nghị.

Tôi gửi lời chào chân thành đến Cộng đồng Cenacolo, nơi đã là một chốn hiếu khách và thăng tiến con người trong bốn mươi năm qua; Tôi chúc lành cho Mẹ Elvira, giám mục của Saluzzo, và tất cả các huynh đệ đoàn và bạn bè. Những gì anh chị em làm là tốt, và thật tốt khi anh chị em tồn tại! Cảm ơn!

Tôi muốn nhắc lại rằng, tám mươi năm trước, vào ngày 19 tháng 7 năm 1943, một số khu vực của Rôma, đặc biệt là San Lorenzo, đã bị ném bom, và Đức Giáo Hoàng lúc bấy giờ là Đức Piô 12, muốn đi giữa những người bị tàn phá. Thật không may, ngày nay những bi kịch này cũng được lặp lại. Sao có thể như thế được? Có phải chúng ta đã mất trí nhớ không? Xin Chúa thương xót chúng ta và giải thoát gia đình nhân loại khỏi tai họa chiến tranh. Đặc biệt, chúng ta cầu nguyện cho người dân Ukraine thân yêu, những người đang chịu nhiều đau khổ.

Tôi muốn chào và cảm ơn tất cả các giáo xứ đang thực hiện các hoạt động mùa hè với trẻ em và thanh thiếu niên – có một hoạt động rất nổi tiếng ở Vatican. Xin cám ơn các linh mục, các sơ, các hoạt náo viên và các gia đình! Trong bối cảnh này, tôi gửi đến những lời chúc tốt đẹp nhất cho lần tổ chức tiếp theo của Liên hoan phim Giffoni, nơi các nhân vật chính là thanh niên và trẻ em.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi: Tôi cũng sẽ cầu nguyện cho anh chị em. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Biến cố lịch sử: Ukraine đánh gẫy cầu Crimea 4 tỷ USD. Kyiv hò reo hân hoan. Chuyện gì sắp xảy ra?
VietCatholic Media
15:03 17/07/2023


1. Nga đổ lỗi cho Mỹ và Anh về vụ tấn công cầu Crimea khi video cho thấy thiệt hại khổng lồ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Blames U.S. for Crimea Bridge Attack as Video Shows Colossal Damage”, nghĩa là “Nga đổ lỗi cho Mỹ về vụ tấn công cầu Crimea khi video cho thấy thiệt hại khổng lồ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một cuộc tấn công vào Cầu Kerch của Crimea đã được thực hiện với “sự tham gia trực tiếp” của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, Mạc Tư Khoa cho biết, khi các video tiết lộ mức độ thiệt hại lan truyền nhanh trên các mạng xã hội.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã cho biết như trên trong một tuyên bố sau vụ nổ vào sáng thứ Hai trên cây cầu dài 12 dặm, hay hơn 19km, nối mạng lưới giao thông của Nga và bán đảo Crimea bị Mạc Tư Khoa sáp nhập vào năm 2014.

Kênh Grey Zone Telegram của Nga báo cáo rằng đã có hai cuộc tấn công trên cầu lúc 3:04 sáng và 3:20 sáng giờ địa phương.

Cây cầu khánh thành vào năm 2018 và có một đường dành cho giao thông đường bộ và một đường dành cho giao thông đường sắt riêng biệt được hỗ trợ bởi các cột bê tông. Có một nhịp rộng hơn nơi các con tàu đi qua giữa Hắc Hải và Biển Azov.

Đoạn video quay từ một đoàn tàu đi qua cầu đường sắt cho thấy cấu trúc bị hư hại với một đoạn đường bị sập nhào xuống dưới nước và nghiêng về một bên.

Phát ngôn nhân Bộ Maria Zakharova cho biết: “Cuộc tấn công hôm nay vào cây cầu Crimea do chính quyền Kyiv thực hiện. Chế độ này là khủng bố và có tất cả các dấu hiệu của một nhóm tội phạm có tổ chức quốc tế.”

“Các quyết định đã được đưa ra bởi các quan chức và quân đội Ukraine với sự tham gia trực tiếp của các cơ quan tình báo và chính trị gia Mỹ và Anh”.

“Mỹ và Anh chịu trách nhiệm về cấu trúc nhà nước khủng bố,” bà ta nói thêm, mà không cung cấp thêm chi tiết. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Ngoại giao Anh và Bộ Quốc phòng Ukraine để xin bình luận.

Hai người đến từ vùng Belgorod của Nga, một người mẹ và một người cha, đã thiệt mạng và con gái của họ bị thương trong vụ việc, thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết.

Trong vài giờ đầu tiên ngay sau vụ nổ, phản ứng của Ukraine là tìm cách tránh trách nhiệm vì sợ người Nga lấy cớ tấn công trả đũa. Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine, nói rằng các vụ nổ có thể là “sự khiêu khích” của Nga để lấy cớ chấm dứt thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép xuất khẩu an toàn ngũ cốc Ukraine ra Hắc Hải. Thỏa thuận hết hạn vào ngày thứ Hai. Sau đó, phát ngôn viên cục tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov nói rằng Crimea “được người Nga sử dụng như một trung tâm hậu cần lớn để di chuyển lực lượng và tài sản vào sâu trong lãnh thổ Ukraine và các vấn đề hậu cần sẽ “phức tạp hơn” đối với Mạc Tư Khoa vì vụ nổ ngày hôm nay.

Tuy nhiên, sau khi đã nhận ra tầm mức thiệt hại kinh hoàng đối với cây cầu, người Ukraine nhận thức rõ ràng rằng chối hay nhận đều có hậu quả như nhau, Ukrinform, cơ quan thông tấn của Ukraine tuyên bố một cách rõ ràng rằng cuộc tấn công được thực hiện bằng thuyền không người lái và được tiến hành bởi lực lượng hải quân và cơ quan an ninh nội địa của Ukraine, gọi tắt là SBU.

Các cổng thông tin của Ukraine cũng bắt đầu đưa tin rằng cơ quan an ninh nội địa Ukraine SBU đứng sau vụ tấn công, trích dẫn các nguồn dịch vụ an ninh. Họ lưu ý rằng nhà lãnh đạo của SBU, Vasyl Malyuk, trước đây đã nói rằng cây cầu là một mục tiêu hợp pháp.

Nhà lãnh đạo quốc hội Crimea do Nga bổ nhiệm, Vladimir Konstantinov, nói rằng Ukraine đứng sau vụ việc mà ông mô tả là một “tội ác mới”, mặc dù ông nói rằng phần đường sắt của cây cầu không bị hư hại.

Tháng 10/2022, Nga đổ lỗi cho Ukraine tấn công cây cầu vốn được Kyiv coi là biểu tượng cho việc Mạc Tư Khoa xâm lược Crimea.

Không rõ thiệt hại mới nhất đối với cây cầu sẽ có ý nghĩa gì đối với thỏa thuận sẽ hết hạn vào hôm thứ Hai do Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine an toàn ra Hắc Hải.

2. Tuyên bố của thông tấn xã quốc gia Ukraine: SBU và Hải quân Ukraine đứng sau cuộc tấn công rạng sáng thứ Hai vào cầu Crimea

Một cuộc tấn công rạng sáng ngày thứ Hai vào Cầu Eo biển Kerch là một chiến dịch đặc biệt do Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, và Hải quân Ukraine tiến hành. Các thuyền không người lái đã được sử dụng để tấn công cây cầu.

SBU cho biết: “Thật khó để đến được cây cầu, nhưng điều này cuối cùng đã được thực hiện.”

Theo các báo cáo sơ bộ, một nhịp cầu của chiếc cầu eo biển Kerch đã bị sập vào khoảng 04:00 thứ Hai, ngày 17 tháng 7. Trước đó, đã xảy ra một vụ nổ. Ít nhất hai người được cho là đã thiệt mạng và một người bị thương. Hàng dài người xếp hàng trước cây cầu. Giao thông đường sắt đã bị dừng lại.

Tổng cục Tình báo chính của Bộ Quốc phòng Ukraine nhắc lại một tuyên bố của nhà lãnh đạo cơ quan này, Kyrylo Budanov, người nói rằng Cầu Eo biển Kerch là một cấu trúc không cần thiết.

Thỏa thuận ngũ cốc hết hạn vào ngày 17 tháng 7. Nga đã tuyên bố rằng họ không có ý định gia hạn thỏa thuận và yêu cầu dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt.

Nhiều người Ukraine đã hân hoan chào đón tin tức về sự việc trên cầu Kerch.

Viết trên mạng xã hội, họ hy vọng hậu quả là hậu cần của Nga sẽ bị gián đoạn – cây cầu từng là tuyến đường tiếp tế chính cho xe tăng, xe thiết giáp và vật tư của Nga.

Phát ngôn nhân của nhóm lực lượng phía đông Ukraine, Serhiy Cherevaty, cho biết những người lính ở tiền tuyến “đã phản ứng tốt” với các sự kiện trên cây cầu. Nhiều binh sĩ đã bắn chỉ thiên để chào mừng biến cố này.

Ông nói với BBC: “Họ có niềm tin vào các chỉ huy của mình và họ muốn tấn công đối phương bất cứ khi nào có thể – để trừng phạt chính xác những người dân của chúng tôi đã bị giết, và cho những thành phố bị phá hủy của chúng tôi”.

3. Những gì chúng ta biết về lịch sử sử dụng bom chùm của Nga ở Ukraine

Mặc dù nói rằng Ukraine sử dụng bom chùm là một “tội ác” — và thề sẽ trả đũa nếu Kyiv sử dụng loại bom do Mỹ cung cấp gần đây — lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng loại vũ khí gây tranh cãi này trong suốt cuộc chiến, Ukraine và Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ lên án điều đó.

Văn phòng Tổng công tố Ukraine đã mở một số cuộc điều tra về việc Nga sử dụng bom chùm kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Đây là những gì các thăm dò và báo cáo từ các tổ chức quốc tế đã tiết lộ cho đến nay:

Tuyên bố của Ukraine: Trong một tuyên bố vào ngày 27 tháng 3 năm 2022, Văn phòng Tổng Công tố cho biết Nga đã sử dụng bom chùm vào các mục tiêu dân sự ở khu vực phía đông Dnipropetrovsk và văn phòng công tố khu vực đã tiến hành “các thủ tục tố tụng hình sự vì vi phạm luật pháp và phong tục của chiến tranh.”

Theo cuộc điều tra, các lực lượng vũ trang Nga đã thực hiện các vụ tấn công bằng các hỏa tiễn từ các hệ thống phóng nhiều hỏa tiễn, nhắm vào một khu định cư ở quận Kryvyi Rih của khu vực, văn phòng công tố cho biết như trên.

“Hỏa tiễn được trang bị bom chùm bị cấm. Trong quá trình kiểm tra hiện trường, các nhân viên thực thi pháp luật và các chuyên gia về chất nổ đã phát hiện và thu giữ các mảnh vỡ của hỏa tiễn”, thông báo cho biết thêm.

Trong một video trên Telegram được đăng vào ngày 11 tháng 5, chính quyền quân sự khu vực Zaporizhzhia cho biết các lực lượng Nga “đã tấn công ồ ạt thị trấn Malokaterynivka bằng nhiều bệ phóng hỏa tiễn, khiến 8 người bị thương do đạn chùm”. Ba trong số những người bị thương là nhân viên cứu thương đang đáp ứng một cuộc gọi.

Báo cáo từ các tổ chức bên ngoài: Bom chùm cũng đã được sử dụng cho các mục tiêu dân sự ở vùng đông bắc Kharkiv, một cuộc điều tra của CNN từ năm ngoái cho thấy.

Báo cáo ghi lại cách một vị tướng Nga giám sát các hành động tàn bạo ở Syria đã lãnh đạo các vụ đánh bom chùm vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

Liên Hiệp Quốc và các tổ chức trực thuộc cũng đã công bố các báo cáo về vấn đề này.

Trong một tuyên bố được công bố vào ngày 30 tháng 3 năm 2022, nhà lãnh đạo Ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào thời điểm đó, Michelle Bachelet, cho biết các báo cáo đáng tin cậy cho thấy Nga đã sử dụng bom, đạn chùm ở các khu vực đông dân cư của Ukraine “ít nhất hai chục lần”, chỉ hơn một tháng sau cuộc xâm lược.

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 25 tháng 8 năm 2022, nhóm xã hội dân sự Giám sát Bom, đạn chùm do Liên Hiệp Quốc hợp tác cho biết các lực lượng Nga đã “liên tục” sử dụng bom, đạn chùm kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Việc Ukraine sử dụng vũ khí riêng: Báo cáo tương tự của nhóm Giám sát bom, đạn chùm cho thấy các lực lượng Ukraine cũng đã sử dụng bom, đạn chùm “một vài lần”.

Ukraine đã thừa nhận việc sử dụng vũ khí này trước đó, nói rằng họ sử dụng bom để bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi cuộc chiến do Nga phát động.

Các quan chức Ukraine và Mỹ cho biết bom, đạn chùm do Mỹ cung cấp sẽ không được sử dụng ở các khu vực đông dân cư, ngay cả khi những khu vực đó bị lực lượng Nga xâm lược, và Kyiv sẽ nỗ lực quét sạch các khu vực bị ném bom bằng bom, đạn chùm..

Theo báo cáo của nhóm giám sát, bom chùm đã giết chết ít nhất 215 dân thường và làm bị thương 474 người kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

4. Các vị trí chiến đấu thay đổi cho cả hai bên dọc theo mặt trận phía đông

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Hai 17 tháng Bẩy, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết vị trí của cả hai bên đang “thay đổi linh hoạt” dọc theo mặt trận phía đông khi giao tranh ở đó “có phần leo thang”.

Hanna Maliar cho biết: “Có những trận chiến khốc liệt và vị trí của hai bên đang thay đổi linh hoạt nhiều lần trong ngày.

Maliar cho biết Nga đã “tích cực tiến công” gần thành phố Kupyansk ở vùng Đông Bắc Kharkiv của đất nước trong hai ngày liên tiếp. “Chúng tôi đang phòng thủ,” cô nói thêm.

Xa hơn về phía nam dọc theo mặt trận phía đông, Maliar cho biết các lực lượng Ukraine đang dần tiến về phía trước quanh Bakhmut và rằng có “những bước tiến hàng ngày ở sườn phía nam” của thành phố tranh chấp lâu nay.

Cô nói thêm rằng, ở sườn phía bắc của Bakhmut, lực lượng Ukraine đang cố gắng giữ vững vị trí của mình, trong khi lực lượng Nga tiếp tục tấn công.

“Ở chính Bakhmut, chúng tôi đang pháo kích đối phương, và đối phương đang pháo kích chúng tôi”

Và phía nam Bakhmut, các lực lượng Nga cũng đang tấn công ở các khu vực xung quanh thị trấn Avdiivka và Marinka.

“quân phòng thủ của chúng tôi tiếp tục ngăn cản họ một cách hiệu quả. Các trận chiến nóng bỏng vẫn tiếp tục mà không có sự thay đổi về vị trí,” cô nói.

Trong 24 giờ qua, 620 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 8 xe tăng, 8 xe thiết giáp, 23 hệ thống pháo, 4 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 3 hệ thống phòng không, và 15 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 17 Tháng Bẩy, khoảng 238.300 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.115 xe tăng, 8.034 xe thiết giáp, 4.504 hệ thống pháo, 685 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 428 hệ thống tác chiến phòng không, 315 máy bay, 310 trực thăng, 3.828 máy bay không người lái, 1.273 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 7.059 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 677 đơn vị thiết bị đặc biệt.

5. Mỹ không trì hoãn huấn luyện F-16 cho phi công chiến đấu Ukraine, cố vấn an ninh quốc gia nói

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm Chúa Nhật xác nhận rằng Mỹ sẽ cho phép các nước Âu Châu bắt đầu huấn luyện phi công chiến đấu Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16, sau khi có báo cáo rằng Âu Châu đang chờ phê duyệt chính thức.

“Vâng, chúng tôi sẽ chấp thuận,” Sullivan nói. “Tổng thống đã bật đèn xanh và chúng tôi sẽ chuẩn y, cho phép, hỗ trợ, tạo điều kiện và trên thực tế là cung cấp các công cụ cần thiết để người Ukraine bắt đầu được đào tạo về F-16, ngay khi người Âu Châu chuẩn bị sẵn sàng”.

Sullivan lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Âu Châu đã nói rằng họ cần vài tuần để chuẩn bị khả năng đào tạo và Hoa Kỳ sẽ đáp ứng bất kỳ mốc thời gian nào họ đặt ra.

“Mỹ sẽ không cản trở việc bảo đảm rằng khóa huấn luyện F-16 này có thể được tiến hành.”

Việc Ukraine tìm kiếm các chiến đấu cơ ưu việt do Mỹ sản xuất đã nhận được một sự thúc đẩy lớn khi chính quyền Biden cho biết vào tháng 5 rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ một chương trình đào tạo phi công và sẽ không ngăn cản các đồng minh cung cấp máy bay cho Kyiv. Tuy nhiên, Mỹ chưa khẳng định sẽ trực tiếp cung cấp F-16 cho Kyiv hay không.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang nói gì: Thượng nghị sĩ Mark Kelly, một đảng viên Đảng Dân chủ Arizona và là cựu phi công Hải quân, thành viên của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang, đã bảo vệ mốc thời gian cung cấp trực tiếp chiến đấu cơ cho Ukraine.

Đáp lại những lời chỉ trích cho rằng chính quyền đang chậm chạp trong quyết định gửi F-16, Kelly cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào hôm Chúa Nhật rằng sẽ cần thời gian và nguồn lực để đào tạo các phi công Ukraine về cách lái máy bay ngay từ đầu.

“Điều này sẽ mất một thời gian. Tôi không nghĩ rằng nó diễn ra chậm chạp, nhưng quá trình này lâu hơn rất nhiều”, Kelly nói và cho biết thêm rằng trong chuyến thăm Ukraine vào tháng 4, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và nhóm của ông vẫn chưa chắc chắn về những nhiệm vụ chiến đấu cụ thể mà họ muốn sử dụng các máy bay phản lực.

Ngược lại, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, một đảng viên Đảng Cộng hòa Alaska và là cựu Thủy quân lục chiến, người cũng ngồi trong Ủy ban Dịch vụ Vũ trang, đã chỉ trích đường lối của chính quyền Biden.

Trong khi ca ngợi Biden vì những hành động của ông tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của liên minh quân sự NATO, ông chỉ trích chính quyền vì đã “chuyển chậm” các hệ thống vũ khí cho Ukraine, cụ thể là máy bay F-16.

“Như tôi đã dự đoán, cuối cùng thì họ cũng sẽ làm được, nhưng nó quá dài. Đó chính xác là những gì đã xảy ra,” Sullivan nói.

6. Cựu chỉ huy Nga cho rằng lực lượng Wagner sẽ giết những người Nga cả tả khuynh lẫn hữu khuynh.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Forces Will Kill Fellow Russians 'Right and Left': Former Commander”, nghĩa là “Cựu chỉ huy Nga cho rằng lực lượng Wagner sẽ giết những người Nga cả tả khuynh lẫn hữu khuynh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu chỉ huy Nga Igor Girkin đã cảnh báo vào hôm Chúa Nhật rằng Tập đoàn Wagner, một công ty quân sự tư nhân, sẽ không ngần ngại giết người Nga nếu được lệnh của người sáng lập Yevgeny Prigozhin, người đã lãnh đạo một cuộc binh biến ngắn hạn chống lại Bộ Quốc phòng Nga vào tháng trước.

Prigozhin đã nổi dậy chống lại Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 23 tháng 6 và cáo buộc quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin tấn công các vị trí của Wagner ở Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra bắt đầu từ tháng 2 năm ngoái.

Ông tuyên bố vào thời điểm đó rằng nhóm lính đánh thuê của ông đã kiểm soát các địa điểm quân sự ở thành phố Rostov-on-Don của Nga. Tập đoàn Wagner kiểm soát các địa điểm an ninh quan trọng, bao gồm cả trụ sở điều hành các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một trong những đánh giá của mình vào tháng trước.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Prigozhin nhằm tiến tới Mạc Tư Khoa với lực lượng của ông đã giảm leo thang vào ngày hôm sau sau khi các cuộc đàm phán được thực hiện với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một trong những đồng minh hàng đầu của Putin. Prigozhin vào thời điểm đó nói rằng các đoàn xe của ông đang quay đầu để quay trở lại trại dã chiến của họ.

Girkin đã cho biết vào hôm Chúa Nhật, rằng mặc dù cuộc nổi dậy của họ đã thất bại, nhưng Tập đoàn Wagner đã “thể hiện một cách hoàn hảo sự sẵn sàng của họ” để “giết hại đồng bào của họ thẳng tay” trong tương lai dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh “điên cuồng” của họ, người đã từng là một đồng minh của Putin.

“Khẩu hiệu của cái gọi là 'cuộc tuần hành của công lý' đã trở thành điểm tham chiếu cho sự tồn tại lâu dài của công ty quân sự tư nhân này và những lực lượng còn ở lại trong đơn vị vũ trang bất hợp pháp được chỉ định dưới sự chỉ huy của Prigozhin cũng là những kẻ phản bội nước Nga giống như ông ta. Hoàn toàn giống nhau chứ không có gì khác, đơn giản vì giờ đây 'đội quân riêng' của Prigozhin không có quyền đạo đức để được coi là người bảo vệ Tổ quốc. Và các chiến binh của nó bảo vệ quyền giết bất cứ ai, ở bất cứ đâu vì số tiền mà 'chủ nhân' của họ trả cho họ.”

Girkin nói thêm rằng Tập đoàn Wagner đã không “chịu sự trừng phạt nhỏ nhất” vì cuộc binh biến thất bại chống lại Nga.

Trong khi đó, Putin gọi cuộc nổi dậy của Tập đoàn Wagner là “đâm sau lưng” và thề sẽ có “hành động quyết liệt”.

“Những người đã tổ chức một cuộc nổi loạn vũ trang sẽ phải chịu trách nhiệm,” Putin nói trong một bài phát biểu trên truyền hình mà không đề cập đến Wagner hay Prigozhin. “Những ai đã bị lôi kéo vào chuyện này, tôi kêu gọi các bạn hãy dừng các hành động tội ác của mình lại.”

Tổng thống Nga nói rằng những quân nhân “đi theo con đường phản quốc sẽ bị trừng phạt và phải chịu trách nhiệm”, đồng thời nói thêm rằng “các lực lượng vũ trang đã nhận được mệnh lệnh cần thiết”.

Putin sau đó đã trục xuất lực lượng của Tập đoàn Wagner đến Belarus sau cuộc nổi dậy thất bại của lực lượng này chống lại giới lãnh đạo quân đội Nga, diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng giữa Prigozhin và bộ quốc phòng về hoạt động của quân đội Nga ở Ukraine.

7. Tổng thống Putin cho rằng cuộc phản công của Ukraine đến nay vẫn chưa thành công

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc phản công của Ukraine đã “không thành công”, trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo thân Cẩm Linh Pavel Zarubin được công bố hôm Chúa Nhật.

“Mọi nỗ lực của đối phương nhằm chọc thủng tuyến phòng thủ của chúng ta, kể cả việc sử dụng lực lượng dự bị chiến lược, đều không thành công trong toàn bộ cuộc tấn công. Đối phương không thành công”, ông Putin nói. “Quân đội của chúng ta đã chiến đấu quả cảm”.

Ông Putin nói thêm rằng Nga có cơ hội nghiên cứu các thiết bị quân sự của đối phương và xem những gì Mạc Tư Khoa có thể sử dụng.

Ông nói: “Có một biểu hiện như là kỹ thuật đảo ngược. Nếu có cơ hội nhìn vào bên trong và xem liệu có điều gì có thể áp dụng cho chúng ta hay không — thì tại sao không?”

Kyiv nói rằng có tiến triển chậm trong cuộc phản công: Các quan chức và tướng lĩnh cấp cao của Ukraine cũng tiếp tục mô tả cuộc giao tranh khó khăn và tiến triển hạn chế trên chiến trường khi họ tìm cách đánh bật lực lượng Nga ra khỏi đất nước và xoay chuyển cục diện cuộc chiến.

Sau khi các đối tác chủ chốt của Ukraine gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania, các cam kết về quan hệ an ninh sâu sắc hơn nữa đã được đưa ra - mặc dù không nêu rõ bất kỳ thời gian biểu nào về việc Ukraine trở thành thành viên tiềm năng trong liên minh. Kyiv khẳng định họ không cảm thấy bị áp lực phải đưa ra kết quả nhanh chóng.

Phát biểu với các nhà báo hôm thứ Sáu tại Kyiv sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, thừa nhận cuộc phản công - được coi là đã được tiến hành từ đầu tháng 6 - là “công việc khó khăn”.

“Nó không diễn ra nhanh như vậy; nó diễn ra chậm,” ông nói, đồng thời nói thêm rằng điều quan trọng là người Ukraine được nói sự thật về những diễn biến trên thực địa.”

8. Nhóm liên kết với Điện Cẩm Linh tố cáo các mối đe dọa hạt nhân của Nga, được rêu rao trên truyền hình nhà nước là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kremlin-Aligned Group Denounces Russian Nuclear Threats, State TV Rhetoric”, nghĩa là “Nhóm liên kết với Điện Cẩm Linh tố cáo các những lời đe dọa hạt nhân, và luận điệu trên truyền hình nhà nước.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Luận điệu của Mạc Tư Khoa về việc vũ khí hạt nhân là một lựa chọn trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, và đã bị một nhóm chuyên gia cố vấn thân với Điện Cẩm Linh coi là “đỉnh cao của sự vô trách nhiệm”.

Một bức thư của Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng của Nga, có tiêu đề “Về những lời kêu gọi chiến tranh hạt nhân,” đã phản đối các mối đe dọa hạt nhân vốn là chủ đề chính của truyền hình nhà nước và một số nhân vật chính trị.

Hội đồng là tổ chức chính sách đối ngoại hàng đầu của Nga và chủ tịch danh dự của nó, Sergei Karaganov, là một khoa học gia có quan hệ mật thiết với Tổng thống Vladimir Putin. Chính ông này tháng trước đã kêu gọi một cuộc tấn công hạt nhân vào các mục tiêu quốc tế “để đưa những kẻ mất trí nhớ về với lý trí”.

Nhưng 24 thành viên hội đồng, là những nhân vật nổi tiếng của Nga trong các lĩnh vực học thuật, khoa học và chính trị, đã đưa ra một bức thư bày tỏ lo ngại về những cuộc nói chuyện như vậy như một cuộc tấn công hạt nhân phòng ngừa của Mạc Tư Khoa nếu chiến tranh ở Ukraine leo thang.

Bức thư được công bố trên trang web của hội đồng cho biết, luận điệu về vũ khí hạt nhân này không chỉ giới hạn ở việc sử dụng chúng trong chiến tranh ở Ukraine mà còn bao gồm các đề xuất “tấn công vào các quốc gia chính của NATO”.

“Những hy vọng cho rằng một cuộc xung đột hạt nhân hạn chế có thể được quản lý và ngăn chặn leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu là hão huyền và là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm. Mối đe dọa là sự tàn phá của hàng chục và thậm chí hàng trăm triệu người ở Nga, Âu Châu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khác.”

“Đây là một mối đe dọa trực tiếp đối với nhân loại nói chung,” bức thư nói thêm khi chỉ trích tiếng rít của thanh kiếm hạt nhân do các khách mời truyền hình nhà nước thực hiện.

“Những lý luận giả tạo và những tuyên bố cảm tính theo kiểu 'chương trình trò chuyện' có thể tạo ra tâm trạng trong xã hội có thể thúc đẩy việc thông qua các quyết định tai hại. Không ai nên tống tiền nhân loại bằng mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc ra lệnh sử dụng chúng trong chiến đấu.”

Nhà sử học thời Chiến tranh Lạnh và giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, ông Sergey Radchenko, đã viết rằng đó là một “bức thư đáng chú ý, cho thấy rằng có nhiều những cuộc tranh luận công khai ở Nga hơn là những gì chúng ta đã nhìn thấy”.

“Một luồng gió mới sau hành động gần đây của Karaganov,” ông nói thêm. Karagonov, người đã hối thúc Putin tấn công Thủ đô các quốc gia NATO, đã không ký vào bức thư.

Các nhà bình luận trên truyền hình nhà nước Nga thường xuyên thúc giục Điện Cẩm Linh sử dụng hỏa tiễn hạt nhân và Putin đã ám chỉ vào tháng 9 năm 2022 rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga. “Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta bị đe dọa, chắc chắn chúng ta sẽ sử dụng mọi biện pháp sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng ta – đây không phải là một trò lừa bịp,” nhà lãnh đạo Nga cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Newsweek đã liên hệ với Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng và Điện Cẩm Linh qua email để xin bình luận.

Một tháng sau khi ông nói rằng khả năng Mạc Tư Khoa có thể sử dụng vũ khí hạt nhân là “có thật”, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Năm tuyên bố rằng ông không tin rằng có nguy cơ Putin sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử chống lại Ukraine.

Tuy nhiên, trong tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Mạc Tư Khoa coi việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 của phương Tây cho Kyiv là mối đe dọa “hạt nhân” vì chúng có khả năng mang vũ khí nguyên tử.

9. Cố vấn an ninh quốc gia cho biết Hoa Kỳ sắp hết đạn dược khi viện trợ quân sự cho Ukraine

Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Mỹ đang cạn kiệt đạn dược trong kho dự trữ của mình khi tiếp tục nỗ lực giúp Ukraine tự vệ trước Nga.

Sullivan cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden, khi nhậm chức, “nhận thấy rằng tổng kho dự trữ loại đạn 155 ly, là loại đạn tiêu chuẩn của NATO được sử dụng cho đạn pháo, là tương đối thấp”.

Sullivan cho biết chính quyền cũng biết rằng sẽ mất nhiều năm chứ không phải vài tháng để bổ sung nguồn cung cấp đến mức có thể chấp nhận được – đó là một nhiệm vụ khó khăn.

“Tổng thống Biden đã ra lệnh cho Ngũ Giác Đài nhanh chóng tăng cường khả năng của Hoa Kỳ để sản xuất tất cả các loại đạn dược mà chúng ta có thể cần cho bất kỳ cuộc xung đột nào vào bất kỳ lúc nào,” Sullivan nói. “Hàng tháng, chúng tôi đang tăng khả năng cung cấp đạn dược.”

Đầu năm nay, CNN đã báo cáo rằng Ukraine đang đốt cháy đạn dược nhanh hơn khả năng sản xuất của Mỹ và NATO, và Ngũ Giác Đài đã đóng vai trò trung tâm trong việc cố gắng tăng cường sản xuất.

Về bom chùm: Cố vấn an ninh quốc gia không thể cho biết liệu Ukraine hiện có đang sử dụng bom chùm gây tranh cãi mà Biden gần đây đã gửi cho Ukraine hay không, nhưng cho biết, “nếu chúng chưa được triển khai, chúng sẽ được sử dụng trong vài giờ hoặc vài ngày tới.”

Sullivan xác nhận rằng đạn dược đã đến nước này, như CNN đã đưa tin trước đó.

Ông nói thêm: “Bây giờ chúng đã được chuyển rất nhanh vào cuộc chiến và nằm trong tay những người bảo vệ Ukraine ở tuyến đầu”.

10. Nga đã chính thức thông báo không gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Hắc Hải

Nga đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hiệp Quốc rằng họ phản đối việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Hắc Hải, hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin.

Trong năm ngoái, sáng kiến ngũ cốc ở Hắc Hải đã cho phép xuất khẩu hơn 32 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine. Nhưng mọi sự đã bị đình trệ vì Nga từ chối gia hạn thỏa thuận.

Chuyến tàu chở hàng cuối cùng được thông quan bởi các bên ký kết thỏa thuận đã đi qua Hắc Hải từ cảng Odesa của Ukraine tới Istanbul, trang web Marine Traffic cho biết vào tối qua. Theo dữ liệu từ Trung tâm điều phối chung giám sát thỏa thuận, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là những người hưởng lợi chính từ các lô hàng ngũ cốc, cũng như các nền kinh tế phát triển.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, đã làm việc cật lực để gia hạn thỏa thuận. Ông ủng hộ việc loại bỏ các rào cản đối với việc xuất khẩu phân bón của Nga và đã gửi cho Putin một lá thư vào tuần trước.

11. Điện Cẩm Linh tuyên bố Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Hắc Hải

Điện Cẩm Linh cho biết Nga đã đình chỉ thực sự việc tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Hắc Hải.

Thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm ngoái, nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị phong tỏa do xung đột Nga-Ukraine một cách an toàn. Nó đã được gia hạn nhiều lần, nhưng đã hết hạn vào hôm thứ Hai 17 Tháng Bẩy. Nga đã nói trong nhiều tháng rằng các điều kiện để gia hạn đã không được đáp ứng.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Thực tế, các thỏa thuận Hắc Hải đã không còn hiệu lực từ hôm nay. Thật không may, một phần của các thỏa thuận Hắc Hải liên quan đến Nga vẫn chưa được thực hiện, vì vậy hiệu lực của nó đã bị chấm dứt.”

Mạc Tư Khoa từ lâu đã phàn nàn rằng vẫn còn những trở ngại đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón. Ông Peskov nói: “Ngay sau khi phần của Nga trong các thỏa thuận được hoàn thành, phía Nga sẽ ngay lập tức quay trở lại thực hiện thỏa thuận này.”

Ông cho biết quyết định không gia hạn thỏa thuận không liên quan đến cuộc tấn công trong đêm vào cây cầu giữa Nga và Crimea, mà ông gọi là “hành động khủng bố” và đổ lỗi cho Ukraine. “Đây là những sự kiện hoàn toàn không liên quan. Ngay cả trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố, quan điểm này đã được Tổng thống Putin tuyên bố,” ông Peskov nói.

12. Tuyên bố của Vyacheslav Gladkov, Thống đốc khu vực Belgorod của Nga, về tai nạn xảy ra cho một gia đình đang lái xe qua cây cầu Kerch

Thông tấn xã Ukrinform cho biết quân Ukraine đã cố ý tấn công vào cầu eo biển Kerch nối Crimea của Ukraine và khu vực Kresnodar của Nga vào khoảng 3 giờ sáng là giờ ít có xe cộ qua lại nhất. Tuy nhiên, cũng không thể tránh được các thương vong đối với dân thường.

Vyacheslav Gladkov, Thống đốc khu vực Belgorod của Nga, cho biết một cặp vợ chồng người Nga đã thiệt mạng cuộc tấn công của Ukraine khi họ lái xe qua cầu Kerch vào ban đêm vì họ hy vọng sẽ là một kỳ nghỉ gia đình trên bờ Hắc Hải của Crimea, cùng với cô con gái 14 tuổi của họ.

Theo Gladkov, chiếc xe của gia đình bị hư hại hoàn toàn, với những thi thể đầy máu biến dạng và câm nín. Cô con gái Angelina, 14 tuổi. Cha mẹ cô là Alexei và Nataliya.

Angelina bị thương ở đầu và ngực nhưng vẫn tỉnh táo và tự thở và tính mạng của cô không gặp nguy hiểm, theo các bác sĩ cấp cứu.

Gladkov cho biết gia đình đã đi cùng với dì của cô gái trên hai chiếc xe hơi và quyết định lái xe vào ban đêm để tránh tắc đường.

“Khoảng 3h sáng, gia đình nghe thấy tiếng nổ đầu tiên, sau đó đèn trên cầu vụt tắt. Sau tiếng nổ thứ hai, không còn liên lạc được nữa.” Người dì của cô gái đậu xe phía sau đã chứng kiến thảm kịch của gia đình.
 
Tòa Thánh nhượng bộ TQ trong vụ bổ nhiệm GM trái phép. Tình trạng 2 LM Dòng Chúa Cứu Thế bị Nga bắt
VietCatholic Media
16:42 17/07/2023


1. Các giám mục nói rằng thủy táng là không thể được đối với người Công Giáo

Khi nhiều tiểu bang xem xét hợp pháp hóa quá trình thủy phân bằng kiềm, các giám mục Hoa Kỳ khuyên người Công Giáo tránh phương pháp chôn cất này, và nhấn mạnh rằng hài cốt được giải quyết một cách trang trọng.

Theo truyền thống, một người Công Giáo đã qua đời sẽ được chôn dưới đất hoặc an táng trong lăng mộ hoặc hầm mộ. Mặc dù Giáo Hội Công Giáo cho phép hỏa táng, nhưng nó đi kèm với một số yêu cầu - chẳng hạn như hài cốt vẫn phải được chôn cất hoặc thi hài phải được đặt trong một nhà thờ lớn - và hạn chế nghiêm ngặt việc rải tro. Tuy nhiên, có một phương pháp hỏa táng mới hơn, sử dụng hỗn hợp nước kiềm hòa tan hoàn toàn các vật liệu sinh học. Các giám mục cảnh báo rằng phương pháp này không phù hợp với người Công Giáo.

Quá trình này được gọi là thủy phân kiềm, thủy hóa hoặc “hỏa táng trong nước” và đây là hình thức chôn cất hợp pháp ở 24 tiểu bang, với 7 tiểu bang khác hiện đang xem xét hợp pháp hóa hình thức này. Theo Hiệp hội Hỏa táng Bắc Mỹ, quá trình này đòi hỏi phải đặt thi thể của người quá cố trong một buồng kín, nơi hỗn hợp nước có tính axit sẽ phân hủy thi thể trong khi được điều áp và làm nóng.

Quá trình này được cho là có lượng khí thải carbon thấp hơn so với hỏa táng thông thường và để lại nhiều hài cốt hơn - ở dạng xương, phải được nghiền thành bụi - sẽ cần một chiếc bình lớn hơn. Tuy nhiên, phần còn lại của thi thể đã hòa tan trong chất lỏng được tống khứ vào trong hệ thống nước thải địa phương, nói cho dễ hiểu là đổ xuống cống, hoặc thậm chí được sử dụng để làm phân bón, và đây là lúc Giáo Hội Công Giáo gặp vấn đề thực sự với quá trình này.

Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh rằng hài cốt của con người phải được đối xử tôn trọng để bảo vệ phẩm giá của người quá cố, giống như khi họ còn sống. Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy: “thi thể của người chết phải được đối xử với sự tôn trọng và bác ái, trong niềm tin và hy vọng vào sự Phục sinh. Việc chôn cất người chết là một công việc của lòng thương xót, nó tôn vinh con cái Thiên Chúa là đền thờ của Chúa Thánh Thần.”

Trong khi Vatican vẫn chưa cân nhắc về phương pháp mới này, các giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra hướng dẫn cho các tín hữu. Theo Tổng giáo phận St. Louis, cựu Tổng Giám mục Washington Donald Hồng Y Wuerl đã gọi các phương thức giải quyết liên quan đến thủy táng là “sự thiếu tôn trọng không cần thiết đối với cơ thể con người”.

Tổng giáo phận St. Louis cũng cho rằng phương pháp này không phù hợp với người Công Giáo. Đức Tổng Giám Mục Robert J. Carlson mới về hưu đã kết luận rằng “hình thức hỏa táng này trong thực tế hiện nay vi phạm phẩm giá của con người đã khuất”. Tổng giáo phận tiếp tục cảnh báo người Công Giáo tránh thủy táng “cho đến khi có thể thiết lập một phương tiện phù hợp khác để giải quyết chất lỏng còn sót lại”.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Texas cho biết như sau:

“Đối xử với người chết một cách tôn trọng là nghĩa vụ của người sống và quyền của người chết và dự luật này không đối xử tôn trọng với người chết. Những người ủng hộ phương pháp thủy phân bằng kiềm cho rằng kết quả tương tự như kết quả hỏa táng với một số phần xương còn lại có thể được chôn cất. Điều mà họ không giải thích được là cũng có một lượng lớn chất lỏng, khoảng 100 gallon, trong đó phần còn lại của cơ thể đã bị hòa tan. Thông thường chất lỏng được đổ vào cống.”

Các giám mục Texas tiếp tục đặt câu hỏi liệu quy trình này có thực sự thân thiện với môi trường hơn hay không, vì hài cốt và hóa chất được sử dụng để hòa tan chúng đều được đưa vào cống rãnh. Họ cũng lưu ý rằng, mặc dù thủy táng rẻ hơn, nhưng “Không được hy sinh sự tôn trọng và tôn kính đối với cơ thể con người để đổi lấy việc giải quyết rẻ hơn, nhanh hơn cho các cơ sở nghiên cứu y tế.”


Source:Aleteia

2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận việc bổ nhiệm Giám Mục Thượng Hải mặc dù vi phạm thỏa thuận Vatican-Trung Quốc

Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định phê chuẩn việc bổ nhiệm giám mục Thượng Hải, người trước đó đã được chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Vatican.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican Pietro Parolin đã công bố hôm thứ Bảy rằng Đức Thánh Cha Phanxicô muốn “khắc phục sự bất thường về giáo luật đã tạo ra ở Thượng Hải, vì lợi ích lớn hơn của giáo phận và việc thi hành hiệu quả thừa tác vụ mục vụ của giám mục”.

Đức Hồng Y Parolin nói rằng “ý định của Đức Thánh Cha về cơ bản là mục vụ” và sẽ cho phép giám mục “làm việc một cách thanh thản hơn để thúc đẩy việc truyền giáo và thúc đẩy sự hiệp thông trong giáo hội.”

Giám mục Giuse Thẩm Bân được bổ nhiệm tại Thượng Hải vào tháng 4, vi phạm thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm giám mục. Đây là lần bổ nhiệm trái phép thứ hai của chính quyền Trung Quốc trong năm qua.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức xác nhận Giám mục Shen Bin cho chức vụ Thượng Hải vào ngày 15 tháng 7. Đức Hồng Y Parolin nói rằng Vatican cố ý trì hoãn đưa ra “quyết định dành thời gian trước khi bình luận công khai về vụ việc” để đánh giá tình hình mục vụ ở Thượng Hải, nơi đã không có giám mục trong hơn một thập kỷ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News được công bố cùng với thông báo về việc bổ nhiệm giám mục Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng “điều tất yếu là tất cả việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc, bao gồm cả việc thuyên chuyển, phải được thực hiện bằng sự đồng thuận, như đã thỏa thuận, và duy trì tinh thần đối thoại giữa Tòa Thánh và Trung Quốc.”

Tòa Thánh lần đầu tiên ký kết một thỏa thuận tạm thời hai năm với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục vào năm 2018, thỏa thuận này đã được gia hạn vào năm 2020 và một lần nữa vào năm 2022.

Một tháng sau khi Tòa thánh đồng ý gia hạn thỏa thuận vào tháng 10 năm ngoái, Vatican nói rằng chính quyền Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản được quy định trong thỏa thuận bằng cách bổ nhiệm Giám mục Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao, 彭卫照), làm “Giám Mục Phụ Tá của Giang Tây”, một giáo phận không được Tòa thánh công nhận.

Đức Hồng Y Parolin giải thích rằng văn bản của thỏa thuận tạm thời đã được giữ bí mật “bởi vì nó vẫn chưa được phê chuẩn một cách dứt khoát”.

“Nó xoay quanh nguyên tắc cơ bản của các quyết định đồng thuận ảnh hưởng đến các giám mục,” ngài nói.

“Do đó, chúng tôi đang cố gắng làm rõ điểm này, trong một cuộc đối thoại cởi mở và trong một cuộc đối đầu tôn trọng với phía Trung Quốc.”

Khi được hỏi những chủ đề nào khác cần được thảo luận trong cuộc đối thoại của Vatican với Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin đã liệt kê việc truyền giáo, hội đồng giám mục và sự liên lạc giữa các giám mục Trung Quốc và Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y kêu gọi thành lập một hội đồng giám mục Trung Quốc với “các quy chế phù hợp với bản chất giáo hội và sứ mệnh mục vụ của nó” và thiết lập sự liên lạc thường xuyên giữa các giám mục Trung Quốc và Đức Giáo Hoàng.

“Thật ra, phải nói rằng có quá nhiều nghi ngờ làm chậm lại và cản trở công việc loan báo Tin Mừng: Người Công Giáo Trung Quốc, ngay cả những người được định nghĩa là ‘hầm trú’, đáng được tin tưởng, bởi vì họ chân thành muốn là những công dân trung thành, đáng được chính quyền tin tưởng, lương tâm và đức tin của họ đáng được trân trọng” Đức Hồng Y Parolin nói.

Bất chấp những vi phạm lặp đi lặp lại, Đức Hồng Y Parolin nói thêm rằng Tòa Thánh “quyết tâm” tiếp tục đối thoại với Trung Quốc.

“Thật vậy, cuộc đối thoại giữa phía Vatican và phía Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ và tôi tin rằng đó là một con đường bắt buộc theo một cách nào đó,” ngài nói.

“Để làm cho nó suôn sẻ và hiệu quả hơn, đối với tôi, dường như việc mở một văn phòng liên lạc ổn định của Tòa thánh ở Trung Quốc sẽ vô cùng hữu ích. Tôi xin mạn phép nói thêm rằng, theo ý kiến của tôi, sự hiện diện như vậy sẽ không chỉ thúc đẩy đối thoại với chính quyền dân sự, mà còn góp phần vào sự hòa giải hoàn toàn trong Giáo hội Trung Quốc và hành trình hướng tới sự bình thường đáng mong muốn”.

Giám mục Thẩm Bân, 53 tuổi, được phong làm giám mục Công Giáo vào năm 2010 với sự đồng ý của cả Giáo hoàng và chính quyền Trung Quốc, theo Vatican. Ông phục vụ với tư cách là giám mục của Giáo phận Hải Môn cho đến tháng 4 năm 2023, khi ông được chuyển đến Thượng Hải mà “không có sự phê chuẩn của Tòa thánh”.

Kể từ năm 2022, Giám mục Thẩm Bân là chủ tịch của một nhóm gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc, một hội đồng giám mục do nhà nước phê chuẩn không được Vatican công nhận. Trước đây ông là phó chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập và dưới sự kiểm soát của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất.

Một tháng sau khi Giám mục Thẩm Bân được bổ nhiệm, các quan chức từ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, gọi tắt là CPPCC, đã đến thăm Thượng Hải để đánh giá tiến trình “Hán hóa” trong giáo phận.

Trong buổi lễ tấn phong của mình, Đức Giám Mục nói rằng ông sẽ “tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước tốt đẹp của Giáo Hội Công Giáo ở Thượng Hải, tuân thủ nguyên tắc độc lập và tự trị, tuân theo đường hướng của Công Giáo trong Trung Quốc, và thúc đẩy tốt hơn sự kế thừa lành mạnh của việc truyền giáo Công Giáo ở Thượng Hải.”

Giáo phận Thượng Hải là giáo phận Công Giáo lớn nhất trong cả nước và là quê hương của Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, còn được gọi là Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Xà Sơn. Đền thờ, được thánh hiến vào năm 1873, được coi là vương cung thánh đường đầu tiên của Đông Á và là một trong những địa điểm hành hương chính trên đất liền của người Công Giáo.

Sau chiến thắng của Mao vào năm 1949, Đức Cha Ignatius Cung Phần Mai đã giúp thành lập bộ máy kháng chiến Công Giáo mà sau này trở thành Giáo Hội Công Giáo hầm trú. Vào đêm ngày 8 tháng 9 năm 1955, Đức Cha Cung, cùng với hàng trăm giáo sĩ và giáo dân Công Giáo khác, bị bắt vì từ chối từ bỏ sự kết hợp với Đức Giáo Hoàng. Đến cuối tháng, khoảng 1.2000 người Công Giáo Thượng Hải đã bị bắt. Đức Cha Cung đã bị cầm tù tổng cộng 30 năm trước khi đến Hoa Kỳ vào năm 1988.

Giáo phận Thượng Hải đã bị trống toà kể từ cái chết của Đức Cha Kim Lỗ Hiền (Jin Luxian - 金魯賢) vào năm 2013. Đức Cha Kim đã bị cầm tù và đưa đến các trại “cải tạo”, chỉ được trả tự do hoàn toàn vào năm 1982. Ngài được bổ nhiệm làm giám mục Thượng Hải vào năm 1985, trong thời gian xảy ra Thời kỳ mở cửa của Đặng Tiểu Bình, nhưng mãi đến năm 2005, ngài mới được Tòa Thánh công nhận. Ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái lập Chủng viện Xà Sơn và xây dựng lại Giáo hội địa phương ở Thượng Hải.

Giám mục Giuse Hình Văn Chi (Xing Wenzhi), người đã được tấn phong với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha và sự chấp thuận của chính phủ, đã được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Thượng Hải vào năm 2005 và “biến mất” khỏi công chúng vào năm 2011.

Việc bổ nhiệm Giám mục Thẩm Bân tại Thượng Hải diễn ra gần 10 năm sau khi Đức Cha Tađêô Mã Đại Thanh (Ma Daqin, 马达钦) được Đức Bênêđíctô bổ nhiệm làm Giám Mục Thượng Hải. Ngay trong Thánh lễ tấn phong vào ngày 7 tháng 7 năm 2012, Đức Cha Mã Đại Thanh nói rằng ngài muốn rời bỏ vị trí của mình trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước của Trung Quốc, là cơ quan của chế độ Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm giám sát Giáo Hội địa phương. Đức Cha Mã Đại Thanh ngay lập tức bị quản thúc tại gia.

Bốn năm sau, Đức Cha Mã Đại Thanh đã đảo ngược quyết định của mình. Tuy nhiên, bọn cầm quyền Trung Quốc cho rằng đã quá trễ, không chấp nhận. Năm 2017, lần đầu tiên giáo phận Thượng Hải có thể phong chức cho bốn linh mục Công Giáo kể từ năm 2012. Nhưng vào thời điểm đó, lễ tấn phong được chủ trì bởi giám mục trái phép của giáo phận lân cận Hải Môn, là Ông Thẩm Bân.

Thành phố Thượng Hải là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới với gần 25 triệu dân. Tại đây có một trung tâm hành hương lớn nhất của Công Giáo là đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn.


Source:National Catholic Register

3. Ukraine: Giám mục Donetsk xác nhận các linh mục bị bắt cóc vẫn mất tích

Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Donetsk, là Đức Cha Maksym Ryabukha dòng Salêsiêng, đi khắp nơi để thăm từng người trong giáo phận bị chiến tranh tàn phá của mình. Ngài yêu cầu những lời cầu nguyện, đặc biệt là những người mà ngài không thể gặp trực tiếp trong các lãnh thổ bị chiếm đóng và những người bị bắt cóc.

Tổng giáo phận Công Giáo Đông phương Donetsk ở cực đông của Ukraine, hiện không thể tiếp cận một phần lớn lãnh thổ của mình. Khu vực Luhansk gần như bị tạm chiếm hoàn toàn, khu vực Donetsk và Zaporizhzhia bị tạm chiếm một phần, khu vực Dnipro đang bị bắn phá hàng ngày và trụ sở của giáo phận tạm thời được chuyển đến Zaporizhzhia từ Donetsk do chiến tranh bắt đầu ở những khu vực này vào năm 2014.

Cho đến tháng 11 năm 2022, một số giáo xứ Công Giáo và một tu viện Dòng Chúa Cứu Thế vẫn đang hoạt động trong các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, nhưng vào giữa tháng 11, hai Cha Dòng Chúa Cứu Thế, là Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Heleta đã bị quân đội Nga bắt giữ và vẫn đang bị giam giữ tại một địa điểm không xác định.

Cha Bohdan Heleta mắc bệnh tiểu đường nặng, và có thể đã qua đời vì không nhận được thuốc điều trị.

Giám Mục Phụ Tá Maksym Ryabukha cho biết: “Mặc dù Giáo Hội Công Giáo đã cầu nguyện, phản đối và nỗ lực liên lạc với những người chịu trách nhiệm, để tìm hiểu tình hình của các linh mục, nhưng vẫn không có tin tức gì về các linh mục cho đến ngày nay”.

Đức Giám Mục yêu cầu tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tiếp tục kêu gọi tất cả các nhà hảo tâm và bạn bè cầu nguyện cho Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Heleta được trả tự do nhanh chóng.

Trong chuyến viếng thăm trụ sở quốc tế của ACN, tại Đức, Đức Giám Mục Phụ Tá đã làm chứng rằng sự cô đơn là một dấu hiệu của thời gian này trong các lãnh thổ bị tạm chiếm. Đức Cha Ryabukha cho biết ngài muốn trở thành “người cha tinh thần không chỉ của phần có thể tiếp cận tự do của Tổng giáo phận, mà còn của cả khu vực”, mà ngài được bổ nhiệm làm giám mục vào tháng 11 năm 2022, do đó ngài cố gắng “gặp gỡ trực tiếp mọi người và giúp đỡ họ về vật chất và sức mạnh tinh thần”.

Kể từ khi bắt đầu thừa tác vụ giám mục của mình, vào tháng 12 năm 2022, và nhờ một chiếc xe hơi do ACN tài trợ, Đức Giám Mục Ryabukha đã đi 50.000 km để thăm những người được ủy thác cho ngài và chia sẻ số phận của họ, đặc biệt là củng cố những người sống gần chiến tuyến, mang đến cho họ những dấu hiệu cho thấy Giáo hội vẫn còn tồn tại.

Các giáo sĩ đã bị đuổi ra khỏi các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm khi chiến tranh bùng nổ, và “ngày nay không có một linh mục nào của tổng giáo phận ở đó”, vị giám mục cho biết. Người Công Giáo sống ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm chỉ có thể cầu nguyện và tham gia Thánh lễ thông qua phương tiện truyền thông xã hội.

Vị Giám Mục Phụ Tá giải thích rằng bằng cách nhận được sự hỗ trợ hào phóng do ACN trao tặng và chia sẻ nó với những người khác trong hoàn cảnh chiến tranh này, “Giáo hội ở Ukraine đang trở thành nơi gặp gỡ của những người thuộc hơn một quốc gia. Điều này làm nổi bật bản chất của việc ở bên nhau: tình bạn không có nghĩa là cùng cách suy nghĩ hay nhìn nhận mọi thứ, mà là bạn là sống cùng nhau, cho phép người kia được là chính mình, với nền văn hóa, lịch sử và niềm tin của riêng họ”.

Điều này được tiết lộ trong tổng giáo phận Donetsk thông qua các ví dụ rất cụ thể. Đức Cha nhớ lại việc đến thăm hai cụ già. Khi một cụ bà mất nhà vì bom đạn, một cụ già hàng xóm đã mở cửa cho bà vào ở chung với cụ. “Giáo hội đã thành lập các trung tâm xã hội dành cho trẻ em, gia đình và người già, nơi những người thuộc các giáo phái khác nhau đến. Trong thời kỳ chiến tranh, người ta không nghĩ người ta tin rằng Chúa ở dạng nào; đó là thời gian để cùng nhau cầu nguyện và hiệp thông với nhau”, Đức Cha nói.

Là một người Salêdiêng và đã cống hiến toàn bộ sứ vụ của mình cho việc giáo dục giới trẻ trước khi trở thành giám mục của Tổng giáo phận Donetsk, Đức Cha Maksym Ryabukha mời gọi đoàn chiên của mình noi gương những người trẻ tuổi. “Những người trẻ không ngừng ước mơ và không mệt mỏi, và đây là nguồn cảm hứng cho chúng tôi,” Đức Cha nói, bày tỏ lòng biết ơn và tin tưởng.


Source:ACN