Ngày 19-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:23 19/07/2020

32. Nơi nào ngập đầy bóng tối, thì tôi phải gieo xuống hạt ánh sáng.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:27 19/07/2020
79. LỪA DỐI ĐÚNG CÁCH

Chu Cổ Dân nói đùa rất giỏi.

Một hôm, anh ta ngồi chơi trong phòng đọc sách của Thang Sinh, Thang Sinh nói:

- “Anh lâu nay là người có trí mưu, nhiều phương pháp, bây giờ tôi ngồi trong phòng này, anh có thể lừa tôi đi ra khỏi phòng được không? ”

Chu Cổ Dân liền nói:

- “Ngoài cửa gió lạnh buốt, nhất định là anh không dám đi ra ngoài, nếu như anh ra đứng ngoài cửa, thì tôi có thể lấy cái ấm áp dễ chịu ở trong phòng để lừa anh, thì anh sẽ nghe lời của tôi.”

Thang Sinh đi ra ngoài cửa, đứng ở đó và nói:

- “Anh nghĩ như thế rất đẹp ! Coi, anh làm thế nào để lừa tôi đi vào trong phòng? ”

Chu Cổ Dân vỗ tay cười lớn nói:

- “Ha ha, tôi đã lừa được anh đi ra ngoài cửa rồi đó !”

(Nhã Ngược)

Suy tư 79:

Người tham mà muốn trộm đồ của người khác thì trước sau gì cũng trộm được, bởi vì họ đã quyết tâm ăn trộm; người nói đùa nổi tiếng lại thêm có cơ trí nữa thì trước sau gì cũng lừa được người, cho nên đừng dại mà đùa với lửa, trước sau gì cũng bị cháy.

Ma quỷ là sư phụ của các sư phụ lừa dối, người Ki-tô hữu đều biết điều ấy, vì thánh Gioan tông đồ đã thức tỉnh chúng ta trước sự lừa dối của ma quỷ và phe cánh nó là những phản ki-tô: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian”. Vậy mà cũng có nhiều Ki-tô hữu tin theo những lời lừa dối ấy để bỏ đi đức tin chân chính của mình đã lãnh nhận từ nơi Đức Chúa Giê-su, họ tin và làm theo lời những ngôn sứ giả -là những người nói Lời Chúa nhưng không sống Lời Chúa.

Có ba điểm sau đây đễ nhận ra ngôn sứ giả trong thời đại này:

1. Họ giải thích thánh kinh theo ý họ để chống đối Giáo Hội.

2. Họ chống đối và phỉ báng các giám mục và linh mục của Hội Thánh mà Đức Chúa Giê-su đã lập.

3. Họ luôn tìm cách gây chia rẻ trong cộng đoàn.


Ma quỷ là kẻ lừa dối, cho nên những kẻ lừa dối là thần khí của tên phản ki-tô, họ nói thánh kinh rất giỏi và dùng thánh kinh để chống Giáo Hội; họ tìm những khuyết điểm của các giám mục và linh mục để công kích, phỉ báng, ác ý, chứ không góp ý; họ tìm cách để giáo dân này chia rẻ với giáo dân kia, chia rẻ cộng đoàn với chủ chăn.v.v...

Ai có Thần Khí của Đức Chúa Giê-su thì hãy nghe, nhìn và cảnh tỉnh...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ơn bất khả ngộ của Đức Thánh Cha: Một món quà tuyệt vời cho Giáo hội
Thanh Quảng sdb
02:11 19/07/2020
Ơn bất khả ngộ của Đức Thánh Cha: Một món quà tuyệt vời cho Giáo hội

Khi mừng kỷ niệm 150 năm Thánh Công đồng chung Vatican I, chúng ta hãy học hỏi lại Hiến Chế “Chủ chiên trường cửu” (Pastor Aeternus), Một tín điều đầu tiên về Giáo hội của Chúa Kitô.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Vào ngày 19 tháng 7 năm 1870, Chính quyền Pháp đã công bố cuộc chiến chống lại quân đội bắc Đức, khởi đầu cho một cuộc chiến Pháp-Phổ. Sự thù hận đã phá vỡ sự cân bằng quyền lực ở châu Âu và quân đội Pháp đứng ra bảo vệ các vương quốc trực thuộc Đức Giáo Hoàng khỏi cuộc chiến.

Tại Rome, Công Đồng Chung Vatican I mới triệu tập được bảy tháng, nay bị đình chỉ vô thời hạn, không biết bao giờ mới có thể triệu tập lại.

Chỉ một ngày trước khi kết thúc khóa họp, các nghị phụ đã bỏ phiếu phê chuẩn, thông qua Tín điều đầu tiên của Giáo hội, được công bố trong Hiến chế “Chủ chiên Trường cửu” (Pastor Aeternus). Cuộc bỏ phiếu đánh dấu sự kết thúc của nhiều tháng thảo luận, đôi khi tranh cãi rất sôi nổi, tập trung vào tín điều “ơn bất khả ngộ” của Đức Giáo Hoàng.

Trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ ngày 13 tháng 7, một nhóm thiểu số không đáng kể của Công đồng đã bỏ phiếu chống lại tín điều này, và một số Giám mục đã quyết định rời bỏ Rome thay vì tham gia cuộc bỏ phiếu cuối cùng.

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm của Hiến chế “Chủ chiên Trường cửu” (Pastor Aeternus), Đài Vatican đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Michael Sirilla, một Giáo sư Thần học về Tín lý và Tổng luận Thần học tại Đại học Dòng Phan sinh tại Steubenville, về những công bố của Công đồng Chung này.

Ơn Bất Khả Ngộ của Đức Giáo Hoàng


Tiến sĩ chuyên về Công đồng chung Vatican I định nghĩa tín điều về Ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng được nói tới trong chương bốn của Hiến chế “Chủ chiên Trường cửu” (Pastor Aeternus).

Ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng không có nghĩa là Đức Giáo Hoàng không có những sai phạm, hoặc bất cứ điều gì mà ngài nói về bất cứ vấn đề nào cũng đúng cả! Tiến sĩ Sirilla giải thích ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng, phải ở trong trong những điều kiện rất đặc biệt, đây là một hồng ân do Chúa Giêsu ban cho Ngài và Chúa đã hứa gìn giữ, dẫn dắt Giáo hội bước đi sự thật dưới sự lãnh đạo của các Tông đồ và những người kế vị các ngài, trong sự soi động của Chúa Thánh Thần.

Vì vậy, tiến sĩ Sirilla cho hay Đức Giáo Hoàng chỉ được ơn bất khả ngộ, khi ngài quyết định một vấn đề liên quan đến đức tin và luân lý, công bố điều ấy với quyền kế vị tối cao của thánh Phêrô Tông đồ, để quyết định một điều gì đó, liên quan đến đức tin và luân lý và đòi buộc toàn Giáo hội phải tin, thì lúc đó mới gọi là ơn bất khả ngộ!

Tiến sĩ Sirilla cho hay: Quyền giảng dạy của Đức Giáo Hoàng – về tín lý - là ơn vô cùng trọng đại. Nó nói lên một dấu chỉ hiệp nhất hiển nhiên của một thân thể bao la, liên kết tất cả các tín hữu, đây thật là một món quà tuyệt vời.

Quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng

Hiến chế “Chủ chiên Trường cửu” (Pastor Aeternus) cũng công bố giáo huấn của Giáo hội về quyền hạn và bản thể của ngôi vị Giáo hoàng.

Tại Công Đồng Chung Vatican I, các Giáo phụ đã dựa vào Kinh thánh mà nhìn nhận thánh Tông đồ Phêrô được đặt làm đầu của các Tông đồ, và quyền tối thượng này đã được truyền lại cho những người kế vị của Ngài là các vị Giáo hoàng La Mã.

Tiến sĩ Sirilla nói: Quyền tối thượng này không chỉ đơn thuần là vị trí danh dự, mà là một quyền tài phán: Đức Giáo Hoàng có quyền lập pháp, quyền giảng dậy và giữ kỷ cương trong cương vị của mình.

Đó là một món quà tuyệt vời mà Chúa Kitô ban cho Giáo hội, nó là dấu hiệu rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Kitô trong vị đại diện hữu hình của Ngài. Dù Giáo hội nhìn nhận rằng các vị giáo hoàng đều là những kẻ có tội, kể từ thánh Phêrô cho đến vị bây giờ. Nhưng theo như tiến sĩ Sirilla quả quyết: Thiên Chúa đã dùng các ngài để rao giảng sự thật về giáo huấn của Chúa, để ban phát các ơn lành và ân sủng qua các Bí tích, và với tình bác ái, trông coi việc tuân thủ luật pháp và nắm giữ kỷ cương trong vài trò cai quản của ngài.

Một giáo huấn vẫn còn thích hợp

Những tín điều được thánh Công đồng chung Vatican I công bố vẫn còn có giá trị cho cuộc sống ngày nay, như những giáo huấn về Chúa Ba Ngôi của Công đồng Nicaea, và về Kinh Thánh... Các giáo huấn đó còn gắn liền với cuộc sống đức tin của chúng ta, trước những mầu nhiệm của Giáo hội, một Giáo hội lữ hành đang cùng chúng ta tiến về quê hương nước trời.

Đối với tiến sĩ Sirilla, một khía cạnh quan trọng liên quan đến vấn đề này là: Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một vị thủ lãnh hữu hình nơi thánh Phêrô và những đấng kế vị Ngài. Như chính Chúa đã phán: “Thầy ở trong các con và các con ở trong Thầy! Ai tiếp rước các con là tiếp rước chính Thầy và tiếp đón Đấng đã sai Thầy…”
 
Thống Đốc tốt lành kêu gọi ăn chay cầu nguyện cho các nạn nhân của đại dịch coronavirus kinh hoàng
Đặng Tự Do
04:19 19/07/2020

Thống đốc John Bel Edwards của tiểu bang Louisiana sẽ nhịn bữa trưa vào tuần tới, và đang khuyến khích người dân Louisiana thuộc mọi tín ngưỡng cũng làm điều tương tự.

Vị Thống đốc Công Giáo tốt lành này đã kêu gọi ba ngày ăn chay và cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi coronavirus. Khi lên tiếng ca ngợi hành động này của vị Thống đốc, Đức Tổng Giám Mục New Orleans nói rằng ngài hy vọng người Công Giáo trong tiểu bang sẽ tham gia trong sáng kiến tốt lành này.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 16 tháng 7, để thảo luận về phản ứng của nhà nước đối với COVID-19, Thống đốc John Bel Edwards thừa nhận rằng nỗ lực mới nhất của ông để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus có một chút bất thường, nhưng ông tin rằng nó sẽ có kết quả tốt cho tiểu bang.

Thống đốc John Bel Edwards đã lên tiếng kêu gọi ba ngày ăn chay và cầu nguyện cho tiểu bang, từ ngày 20 tháng 7 đến ngày 22 tháng 7. Vị Thống đốc giải thích rằng ông đã quyết định thực hiện thực hành tâm linh này sau một cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo tôn giáo trong khắp tiểu bang.

“Cầu nguyện và ăn chay là một hình thái tập thể dục tinh thần mà tôi với tư cách là một người Công Giáo tin rằng điều đó rất quan trọng, ” Thống đốc Edwards nói.

Thống đốc cho biết ông sẽ bỏ ăn bữa trưa từ thứ Hai đến thứ Tư, và cầu nguyện cho người dân Louisiana, đặc biệt là những bệnh nhân, những người chăm sóc họ, linh hồn những người thiệt mạng vì COVID-19 và gia đình của họ.

“Nếu bạn nghĩ như tôi, hãy tham gia với tôi và Đệ nhất phu nhân cũng như các nhà lãnh đạo đức tin của Louisiana, bất kể giáo phái hay tôn giáo của bạn, và chúng tôi cũng yêu cầu các bạn hiệp nhất với chúng tôi trong lời cầu nguyện và chay tịnh, ” ông nói.

Thống đốc trước đây đã kêu gọi một ngày cầu nguyện và ăn chay trên toàn tiểu bang cho những người bị ảnh hưởng bởi coronavirus vào ngày 24 tháng 3.

Quyết định kêu gọi một ngày cầu nguyện và ăn chay trên toàn tiểu bang hồi cuối tháng Ba được thúc đẩy sau khi Đức Tổng Giám Mục Gregory Aymond của tổng giáo phận New Orleans, báo cho ông biết ngài được chẩn đoán mắc COVID-19.

May mắn, Đức Tổng Giám Mục đã khỏi bệnh vào tháng Tư. Ngài cám ơn sáng kiến cầu nguyện của Thống đốc và khuyến khích mọi người nhịn ăn vào tuần tới.

Đức Cha Aymond viết:

“Tôi khuyến khích mọi người thuộc mọi tín ngưỡng hãy cầu nguyện cho những người đã chết vì coronavirus, xin ơn chữa lành cho những bệnh nhân ở thời điểm hiện nay, cho những người chăm sóc và các nhân viên y tế ở tuyến đầu, và xin Chúa bảo vệ mọi người trên toàn thế giới và đặc biệt là ở tiểu bang chúng ta, và xin cho thứ virus chết người này sớm được khống chế.”

Đức Tổng Giám Mục New Orleans cũng nhắc nhở mọi người rằng họ phải tuân theo các hướng dẫn liên quan đến việc cách ly và khoảng cách xã hội.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Chúng ta biết rằng Chúa nhận lời cầu nguyện của chúng ta và chúng ta phải hợp tác với Chúa trong việc thực thi phần việc của mình để bảo đảm rằng chúng ta không lan truyền virus sang người khác bằng cách tuân thủ lời kêu gọi của Thống đốc. Cùng với Thống đốc, tôi cũng mời tất cả những người có đức tin và thiện chí nhịn ăn vào ba ngày thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư.”

Đức Cha Aymond giải thích rằng “ăn chay là một hình thức cầu nguyện. Bằng cách nhịn ăn, chúng ta nói với Chúa rằng chúng ta thèm khát sự bảo vệ của Chúa và sự an toàn của chúng ta hơn là thức ăn. Xin Chúa hãy đến phù trợ chúng ta!”

Sau khi được hồi phục từ COVID-19, Đức Tổng Giám Mục Aymond đã bay khắp vùng trời thành phố New Orleans bằng một chiếc máy bay thời Thế chiến II và ban phép lành cho thành phố từ trên máy bay vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.


Source:Catholic News Agency
 
Chính quyền Trump chuẩn bị cấm tất cả đảng viên cộng sản Tầu và gia đình không được vào Mỹ
Đặng Tự Do
04:24 19/07/2020


Tờ New York Times báo cáo rằng chính quyền của Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho lệnh cấm vào Mỹ tất cả các thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình họ. Một nguồn tin thông thạo về quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng nói với Reuters về vấn đề này vào hôm thứ Năm. Động thái này chắc chắn sẽ làm căng thẳng thêm quan hệ giữa hai bên và sẽ tiêu biểu cho một trong những hành động cứng rắn nhất từ phía Washington trong một mối thâm thù ngày càng leo thang mà một số người đã ví như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Nếu được thực thi, lệnh cấm như vậy sẽ vượt ra ngoài cả phạm vi của đảng cộng sản Tầu. Lệnh cấm này sẽ từ chối thị thực cho hàng chục triệu công dân Trung Quốc trong hàng ngũ của đảng và gia đình. Nguồn tin cho biết các quan chức Mỹ cũng đang xem xét liệu có nên cấm con em của các đảng viên cộng sản ghi danh theo học các trường đại học Mỹ hay không.

Gần như nay lập tức, các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích một lệnh cấm như thế. Greg Schultz giám đốc chiến lược truyền thông của đảng Dân Chủ nói:

“Các biện pháp mạnh như thế hầu như chắc chắn sẽ gây ra sự trả đũa đối với những người Mỹ đến Trung Quốc, bao gồm không chỉ các nhà ngoại giao, mà cả các giám đốc điều hành doanh nghiệp, và có khả năng gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ ở nước này.”

Đến nay vẫn không rõ lệnh cấm sẽ được thực thi như thế nào vì chính quyền Mỹ không có danh sách thành viên của đảng cộng sản Trung Quốc. Tờ New York Times là tờ báo đầu tiên loan tin về lệnh cấm trên vào đầu tuần này đã không giải thích chi tiết này.

Dù chưa chắc chắn, lệnh cấm có khả năng xảy ra này đã gây ra phản ứng tức giận từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying - 华春英) vào hôm thứ Năm 16 tháng 7.

Trong cuộc họp báo chiều thứ Năm 16 tháng 7, bà Hoa Xuân Oánh nói:

“Theo ý kiến của chúng tôi liên quan đến những bình luận này từ phía Hoa Kỳ, chúng tôi không thể xác minh liệu chúng có đúng hay không. Bạn có thể theo dõi vấn đề này với chính quyền Hoa Kỳ. Nhưng nếu điều này là sự thật, tôi nghĩ đó là quyết định thật thảm hại.”

Vài giờ sau, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo không xác nhận tin tức này nhưng cũng không phản đối. Ông nói rằng “chúng tôi đang làm việc theo hướng dẫn của tổng thống về cách nghĩ về việc làm sao đẩy mạnh việc chống lại đảng cộng sản Trung Quốc.”

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chìm đến mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua từ việc đối phó với coronavirus của Trung Quốc.

Tổng thống Trump thường dùng các từ ngữ khiến Bắc Kinh tức giận như “Wuhan Virus”, “Chinese Virus” và gần đây là từ “Kung flu”.

Các biện pháp siết chặt tự do tại Hương Cảng và các yêu sách lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông khiến quan hệ giữa hai bên càng thêm căng thẳng. Khả năng một lệnh cấm du lịch đại trà như vậy có thể được thực thi cho thấy các trợ lý của tổng thống Trump có thể đi xa đến mức nào khiến cho lập trường cứng rắn với Trung Quốc trở thành một trong những tiêu điểm chính trong chiến dịch tái tranh cử của ông.


Source:Reuters
 
Kỷ niệm 150 năm về hai tín điều: quyền tối thượng và tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
15:09 19/07/2020
Công đồng Vatican I diễn ra từ năm 1869 -1870 do Đức Giáo Hoàng Piô IX triệu tập ngày 8 tháng 12 năm 1869. Có 747 giám mục tham dự và nhiều giáo sĩ trong 4 khoá từ 8 tháng 12 năm 1869 đến 1 tháng 7 năm 1870. Công đồng lên án những ảnh hường của thuyết duy lý, tự do, vật chất. Đồng thời, Công Đồng đã thiết lập một tín điều, củng cố quyền bình thiêng liêng của Đức Giáo Hoàng.

Công Đồng phê duyệt hai văn kiện: 1. Hiến chế Tín lý “Dei Filius” – Con Thiên Chúa” về Đức tin Công Giáo, ban hành ngày 24 tháng 4 năm 1870, liên quan đến mối tương quan giữa Mặc Khải và Đức Tin, Lý trí và sự Tiếp thụ như Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn quyền của Giáo hội. 2. Hiến chế Tín lý "Pastor Aeternus” - Mục Tử Đời Đời" về Giáo Hội Công Giáo, ban hành ngày 18 tháng 7 năm 1870, khẳng định quyền tối thượng của Đức Giám Mục Roma và tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng.

Ngày 18 tháng 7 năm 1870, một trăm năm mươi năm trước, Hiến chế “Pastor Aeternus” được phê duyệt tại Công đồng Vatican I. Cùng với Hiến chế này, Đức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố hai tín điều trong Giáo Hội Công Giáo: quyền tối thượng của Đức Giám Mục Roma và tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng. Một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đã làm dấy lên những phản ứng rất mạnh mẽ cả bên ngoài và bên trong Giáo hội về một số lĩnh vực, gây ra sự ly giáo của "những người Công Giáo cũ".

Theo nhận định của Carlo Fantappiè, giáo sư về lịch sử giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Roma, văn bản công đồng "biểu hiện thành tựu của một quá trình hội nghị thượng đỉnh trong Giáo hội, từ thời đại Grêgoriô đến Công Đồng Trentô, sau khi đánh bại những chủ trương muốn đề cao tính ưu việt của Công Đồng trên Đức Giáo Hoàng và sự thánh hiến của các đặc quyền giáo huấn của ngài sau nhiều thế kỷ thảo luận về tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng». Trên thực tế, ngay từ những thế kỷ đầu, vai trò của Giám mục Rôma là "người bảo vệ đức tin" đã được công nhận. Trong thời hiện đại, Luther và các nhà cải cách, sau đó là người Gallicans và Jansenists, đã cố gắng nhiều lần để từ chối hoặc hạn chế tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng.

Giáo sư cũng chú ý đến sự liên kết được hình thành trong thế kỷ 19 giữa quyền cai trị của Đức Giáo Hoàng và quyền bình của ngài trên các quốc gia: "Xung đột giữa các quốc gia và Giáo hội Roma đã tập trung vào vấn đề chủ quyền và vấn đề các tín hữu thuộc về Giáo hội hoặc quốc gia. Đức Piô IX muốn khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Giáo hội với hai tín điều của Vatican I chống lại chủ quyền tạm thời của các quốc gia đã buộc các cấu trúc của Giáo hội phải chịu quyền lực thế tục và chống lại đe dọa Nhà Nước Giáo Hoàng ". Trong một thế kỷ rưỡi này, Đức Piô XII đã sử dụng đặc quyền bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng, để tuyên bố về tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời vào năm 1950.

Fantappié tập trung vào một số khía cạnh của Hiến chế Mục Tử Đời Đời, có thể gây tranh cãi khi nhìn bằng con mắt ngày nay, "Văn bản cuối cùng mà chúng tôi biết – giáo sư giải thích - tập trung vào các đặc quyền của Đức Giáo Hoàng. Thật ra, người ta đã nghĩ đến việc soạn thảo Hiến chế thứ hai để hoàn thành các khía cạnh còn thiếu nhưng do sự đình chỉ của Vatican I, điều này là không thể.” Đây cũng là lý do tại sao Vatican I là một "Công đồng được vũ trang". Trong Hiến chế Mục Tử Đời Đời này có sự mất cân bằng về giáo lý để ủng hộ các chức năng và quyền bính của Giám mục Rôma trong khi các quyền lợi và đặc quyền của chức giám mục như được diễn tả như là sự tham gia của "cộng đồng tín hữu" trong việc xây dựng huấn quyền và đời sống của Giáo hội. Thật ra, một số nghị phụ trong công đồng đã nhận ra "sự mất cân bằng" này. Một khoảng trống sẽ được lấp đầy một trăm năm sau chỉ với Vatican II ".

Giáo tiếp tục nhận xét: "Những nghị phụ của Công đồng đã được cảnh báo hạn chế các đặc quyền của Đức Giáo Hoàng khi ngài tuyên bố "ex cathedra – từ ngai tòa" với tư cách là" mục tử và thầy dậy của tất cả các Kitô hữu "trong các vấn đề về đức tin và luân lý». Thật vậy, cần phân định giữa tính chất không sai lầm và tính miễn nhiễm sai lầm.

Fantappié chú ý đến sợi chỉ đỏ liên tục "không chỉ có ý tưởng về huấn giáo" mà những người kế vị của Piô IX, đặc biệt là Gioan XXIII và Phaolô VI, "cả hai người rất ngưỡng mộ Đức Giáo Hoàng Piô IX", đã nhìn thoáng qua ở Công Đồng Vatican II (1962-1965) là " hoàn thành những gì không thể có trong các cuộc họp của Công đồng Vatican I (1869-1870)".

Suy tư cuối cùng của giáo sư: «Theo một nghĩa nào đó, Thánh Hồng Y John Henry Newman đã hiểu trước những người khác rằng mọi Công Đồng, kể cả Vatican I, phải được đọc dưới ánh sáng của những công đồng trước đó. Ngài đã bị thuyết phục rằng, chính Vatican I là đối tượng của "những chống đối và những thử thách lớn" ở cấp độ thảo luận thần học, cần một sự sắp xếp lại và sự tái cân bằng để xác định lại những sự thật về đức tin vẫn còn hiệu lực. Và một trăm năm sau, ước nguyện của ngài đã được thực hiện với Vatican II. Vì lý do này, theo Jean Guitton, Newman với trực giác của mình được coi là một trong những ẩn sĩ giỏi nhất của Công Đồng Vatican I và tiền thân của Công Đồng Vatican II tiếp theo».

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Avvenire
 
Lại quỳ trên cổ người da đen, London báo động khẩn cấp
Đặng Tự Do
17:50 19/07/2020
1. Đánh chết cái nết không chừa: London báo động khẩn cấp sau khi cảnh sát quỳ trên cổ một người da đen

Một viên chức cảnh sát đã bị đình chỉ ngay tức khắc sau khi một video xuất hiện trên các mạng xã hội cho thấy anh ta đang quỳ trên cổ một người đàn ông da đen.

Đoạn video được ghi hình tại Islington, Luân Đôn, vào chiều thứ Năm 16 tháng 7, cho thấy hai cảnh sát viên đang ghì chặt một người da đen xuống vĩa hè trong khi anh ta đã bị còng tay.

Cảnh sát viên thứ hai đã bị loại khỏi các nhiệm vụ hàng ngày sau vụ bắt giữ vào tối thứ Năm.

Sir Steve House, Chỉ huy phó lực lượng cảnh sát thủ đô Luân Đôn, cho biết đoạn phim này “cực kỳ đáng lo ngại” và đã được chuyển đến cơ quan giám sát của cảnh sát.

Theo sở cảnh sát thủ đô Luân Đôn người đàn ông da đen 45 tuổi đã bị cảnh sát bắt giữ vì cầm một con dao ở nơi công cộng.

Người da đen này có tên là Marcus Coutain, cư trú tại Islington, đã ra trước Tòa Sơ Thẩm Highbury Corner vào hôm Thứ Bảy.

Trong đoạn phim, một trong hai viên chức cảnh sát đang sử dụng đầu gối của mình để khống chế nghi phạm và đè mạnh người ấy xuống vỉa hè trong cùng một tư thế y chang như cảnh sát viên Derek Chauvin của sở cảnh sát Mineapolis, là người đang phải đối diện với cáo buộc cáo buộc giết người cấp hai và ngộ sát cấp hai vì cái chết của anh George Floyd.

Người đàn ông da đen trong vụ việc vừa xảy ra tại Luân Đôn cũng nằm úp mặt xuống đất, cũng bị còng tay, chỉ khác một điều là anh ta vẫn còn sức để liên tục hét lên: “Cút khỏi cổ của tôi”.

Khác biệt thứ hai trong vụ này là anh ta may mắn không chết như George Floyd, và vẫn có thể tiếp tục nói chuyện với các viên chức cảnh sát sau khi họ cho anh ngồi dậy.

Một đám đông lớn đã vây quanh và có khả năng xảy ra bạo động thì một số xe cảnh sát đến hiện trường kịp thời.

Một nhân chứng tại hiện trường nói với BBC: “Tôi lo lắng anh ta sẽ bị giết. Đó chính là cách George Floyd bị giết.”

“Nếu không phải vì đám đông vây quanh cảnh sát, họ có thể đã làm anh ta nghẹt thở hoặc gãy cổ.”

“Anh ta nằm trên mặt đất và bị còng tay, thì tại sao lại phải quỳ trên cổ anh ta? ”

Sir Steve nói: “Đoạn phim mà tôi đã xem ngày hôm nay và đang lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội là vô cùng đáng lo ngại.”

“Một số kỹ thuật được sử dụng khiến tôi rất lo lắng - chúng không hề được dạy trong các trường đào tạo cảnh sát.”

“Một cảnh sát viên đã bị đình chỉ và một cảnh sát viên khác đã bị loại khỏi nhiệm vụ hoạt động hàng ngày, nhưng chưa bị đình chỉ vào thời điểm này. Quyết định này sẽ được xem xét sau.”

Thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan nói: “Tôi vô cùng lo lắng về vụ việc đáng tiếc này và chúng tôi đã nêu ra vấn đề này với các sĩ quan cao cấp tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Thủ Đô. Đây là một vấn đề cấp bách.”

Ngay sau vụ anh George Floyd, Black Lives Matter, gọi tắt là BLM, đã tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ trên đất Anh bất kể các hạn chế vì đại dịch coronavirus. Người ta lo ngại rằng các lời kêu gọi ồn ào trong mấy qua trên các mạng xã hội tại Anh đang tiên báo những đám mây đen bạo lực kinh hoàng.


Source:BBC
 
Đức Giáo Hoàng lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và mời gọi hòa bình cho vùng Caucasus
Thanh Quảng sdb
18:01 19/07/2020
Đức Giáo Hoàng lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và mời gọi hòa bình cho vùng Caucasus

Đức Giáo Hoàng Phanxicô lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để cho phép các tổ chức nhân đạo cứu trợ tới những người dân trong vùng giao chiến và Ngài bày tỏ âu lo về những bạo lực đang gia tăng ở khu vực Caucasus.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Trong buổi triều yết trưa Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi ngừng chiến toàn cầu để cùng nhau chống lại đại dịch coronavirus vẫn đang tiếp tục cướp đi nhiều sinh mạng và tàn phá nền kinh tế mọi nơi.

Đức Giáo Hoàng chia sẻ ngài nhớ tới mọi người, đặc biệt những người dân vô tội giữa các cuộc chiến tương tàn… ĐTC nhắc lại lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc gần đây về ngưng chiến toàn cầu và ngay lập tức để dân chúng có thể nhận được sự hỗ trợ nhân đạo cần thiết.

Vào ngày 1 tháng 7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lặp lại lời kêu gọi của ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về ngừng chiến trên toàn thế giới, để chung sức chống lại đại dịch coronavirus đã và đang cướp đi hơn nửa triệu sinh mạng.

Bùng nổ bạo lực giữa Azerbaijan và Armenia

Đức Giáo Hoàng sau đó bày tỏ mối quan ngại của ngài đối với sự bùng phát bạo lực ở khu vực Caucasus và kêu gọi Cộng đồng quốc tế hãy nỗ lực giúp đỡ các phe phái hòa giải với nhau.

ĐTC nói ngài rất đau lòng trước những tin về vùng Caucasus làm cho nhiều người thiệt mạng. ĐTC hy vọng cộng đồng quốc tế, có thể tìm ra một giải pháp lâu dài cho những người dân trong vùng đó.

Các cuộc đụng độ vũ trang hạng nặng với xe tăng và pháo binh ở biên giới giữa Armenia và Azerbaijan đang làm dấy lên những lo ngại cho một cuộc bùng phát chiến tranh giữa hai quốc gia trong vùng Caucasus.

Ít nhất có 12 binh sĩ và một thường dân của Azerbaijan, cũng như bốn binh sĩ của Armenia đã bị tử thương và nhiều người bị thương.

Cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc nhau là đã vi phạm lệnh ngừng bắn giữa các quốc gia của họ.

Các cuộc đụng độ đã diễn ra không phải ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, mà xảy ra dọc theo một biên giới đã được quốc tế công nhận giữa hai nước.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cảm nhận về một thánh lễ tạ ơn mừng ngân khánh linh mục
Trương Minh Phương
07:58 19/07/2020
Năm 1967, chúng tôi vào Chủng viện Hoan Thiện gồm 121 chú, cùng lúc đó có một số anh đã học xong Đệ Tứ và Đệ nhị nhập vào gọi là “Tu muộn” như linh mục Augustino Nguyễn Văn Dụ, linh mục J.B. Lê Văn Nghiêm. Chúng tôi được chia thành 2 lớp gọi là Đệ Thất A và Đệ Thất B. Niên khóa 1969, qua nhiều đợt sàng lọc, chúng tôi chỉ còn lại một lớp, lúc này gọi là lớp 8. Chủng viện là nơi đào tạo linh mục được uốn nắn từ khi còn “MĂNG”, vì vậy đến khi vào Đại Chủng viện chỉ còn gần 30 thầy. Đã vậy khi biến cố 1975 xảy ra, hầu hết các thầy bị giải tán, chỉ còn một số ít đeo đuổi ơn gọi, cuối cùng chỉ còn được 5 linh mục gồm: Đức Ông F.X. Cao Minh Dung hiện đang mục vụ tại Vatican; Đức Ông Phaolo Nguyễn Minh Tâm đang mục vụ tại Úc và phụ trách Vietcatholic tại Úc châu; trong nước chỉ còn 3 linh mục: Phaolo Nguyễn Luận, Quản xứ Loan Lý thuộc Giáo phận Huế; linh mục Phero Lê Minh Cao thuộc Giáo phận Nha Trang và linh mục Phero Trần Ngọc Anh thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột, và là Giáo sư Đại Chủng viện Sao Biển-Nha Trang mà vừa qua mừng lễ Tạ ơn 25 năm linh mục tại Ban Mê Thuột.

Xem Hình

Gia đình Cựu Chủng sinh Huế được nối kết trong tình huynh đệ gồm 3 Nhà: An Ninh (A.N.), Phú Xuân (P.X.) và Hoan Thiện H.T.), vì vậy tuy là đồng môn nhưng có vị là Tổng Giám mục đã trên 80 tuổi, có những Niên trưởng đã 90.

Nói đến Thánh lễ Tạ ơn mừng 25 năm Linh mục của cha Phero Trần Ngọc Anh vừa qua: Chúng tôi muốn nói đến mối tình huynh đệ đồng môn, không chỉ anh em lớp HT 67 chúng tôi cùng gia quyến đều tham dự mà còn các linh mục đồng môn và linh tông như: Đức Ông Tổng Đại diện Giáo phận Nha Trang Giuse Lê Văn Sĩ và nhiều linh mục từ khắp nơi về dự; linh mục J.B. Lê Quang Quý là huynh trưởng Linh tông cùng là nghĩa tử của Cố Đức Ông Trần Văn Hoài, tuy bị tai biến phải ngồi xe lăn vẫn vượt đường xa từ Huế vào dự. Một Thánh lễ Tạ ơn đầy nghĩa tình do Đức Giám Mục Giáo phận Ban Mê
Thuột Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chủ tế, hơn 200 linh mục đồng tế, đông đảo tu sĩ và gần 1.500 giáo dân tham dự. Tất cả đều là nghĩa tình đối với linh mục Phero Trần Ngọc Anh: một linh mục hiền lành và nhân hậu, đầy tình cảm huynh đệ, một cha Giáo nghiêm khắc nhưng đã góp phần đào tạo 500 linh mục cho 3 Giáo phận Nha Trang, Quy Nhơn và Ban Mê Thuột. Đối với linh mục Phero Trần Ngọc Anh, suốt 25 năm linh mục, chưa một lần mừng lễ tạ ơn ngày thụ phong linh mục, nhưng hôm nay do nhiều thúc đẩy và động viên từ gia đình, anh em đồng môn để tạo cơ duyên cho ngày họp mặt của anh em đồng môn Gia đình Cựu Chủng sinh và thân quyến. Nếu không có Đại dịch Covid xảy ra, tất cả các Đức Ông và anh em đồng môn HT67 từ hải ngoại đã có dịp họp mặt đông đủ.

Linh mục Phero Trần Ngọc Anh luôn quý mến anh em đồng môn và gia đình, luôn quan tâm đến mọi người, xuất phát từ Cố đô Huế thân yêu, chính vì thế các phu nhân Gia đình HT 67 Huế đã biểu diễn Vũ khúc “Thương về xứ Huế” với chiếc nón bài thơ uốn lượn theo tà áo dài tím, tạo cho những người con xa Huế một chút gì để nhớ để thương.

Gia đình HT67 được bố trí ăn ở tại Dòng Nữ Vương Hòa Bình, được sự ân cần chăm sóc của các Soeur mới thấy tấm lòng mến khách của những nữ tu, nhất là khi được các linh mục đồng môn cùng đi mỗi sáng dâng Thánh lễ đồng tế tại Nguyện đường của Hội Dòng. Các phu nhân là những con người ít khi được đi xa nên đây là cơ hội để tung tăng, tuy đã lên chức bà nội bà ngoại nhưng thật đơn sơ như những con chim non ríu rít nhảy nhót khắp nơi tìm chốn lưu lại những tấm hình kỷ niệm thật đẹp.

Nói đến tinh thần HT67 không khỏi nhắc đến Vũ Quang Hà, một bạn đồng môn luôn hết lòng vì anh em và luôn khuyến khích anh em thường xuyên tổ chức Hội ngộ, là người luôn gánh vác những chi phí cho anh em, cũng không thể không nhắc đến tâm tình của anh em đồng môn hải ngoại luôn tạo điều kiện cho các cuộc Hội ngộ được niềm vui.

Sau lễ tạ ơn, theo đề nghị của bạn Vũ Quang Hà, anh em lớp chúng tôi gồm 3 xe Huế-Sài Gòn-Nha Trang Ninh Thuận đi Kon Tum viếng Đức Mẹ Măng Đen, thăm Nhà thờ Gỗ, thăm nhà Cô nhi Vinh Sơn 1 và thăm Tòa Giám mục Kon Tum. Chúng tôi được Đức Giám Mục Kon Tum Aloisio Nguyễn Hùng Vị ân cần thăm hỏi. Chúng tôi tá túc tại Nhà thờ Tân Hương, được cha Giuse Đỗ Hiệu tiếp đón nồng nhiệt và nhường cho các linh mục trong đoàn được dâng Thánh lễ đồng tế.

Kết thúc lễ tạ ơn 25 năm linh mục của cha Phero Trần Ngọc Anh, chúng tôi đầu dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã chọn một người anh em làm tư tế của Người.

Trương Minh Phương

HT67 Huế
 
Giáo xứ Tân Phước Sàigòn : sống hồng ân Chúa Thánh Thần
Martino Lê Hoàng Vũ
10:28 19/07/2020
“Các con phải đem Chúa đến cho người khác, và sống sao cho người bên cạnh mình được vui” Trên đây là lời nhắn nhủ của Đức Tổng GM Giuse Nguyễn Chí Linh với các em thiếu nhi lãnh nhận bí tích Thêm Sức tại Giáo xứ Tân Phước vào sáng nay Chúa Nhật ngày 19.7.2020.

Xem Hình

Thánh lễ khởi sự vào lúc 8 giờ sáng, tuy nhiên ngay từ sáng sớm tiếng kèn tây của đội kèn trường Võ Thành Trang đã làm cho không khí tại nhà thờ Tân Phước thêm rộn ràng tươi vui, báo hiệu ngày hồng ân.Kế đó, cộng đoàn giáo xứ đã có nghi thức trang trọng chào mừng Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giáo phận Huế, Chủ tịch HĐGMVN.

Trong dịp này, Đức Tổng GM Giuse chủ tế thánh lễ, Linh mục chánh xứ Tân Phước Giuse Vũ Minh Danh đồng tế, ngoài ra còn có 8 linh mục khách mời và cộng đoàn giáo xứ ngồi chật kín trong và ngoài nhà thờ. Giáo xứ Tân Phước hôm nay có 104 em được lãnh nhận bí tích Thêm sức và 101 em được rước Chúa Giêsu Thánh Thể lần đầu tiên trong cuộc đời.

Chia sẻ sau bài Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Giuse mời gọi các em thiếu nhi sống ơn bí tích Thêm sức và bí tích Thánh Thể. Đức Tổng GM nói lên hình ảnh Cha chánh xứ của chúng ta đã làm việc, chuẩn bị sắp xếp từ gần đến xa cho thánh lễ này được tốt đẹp, và nói chung cha luôn chăm lo cho giáo xứ, từ vật chất đến đời sống đức tin, cha luôn làm cho mọi người vui lòng. Các em thiếu nhi có một không gian sinh hoạt học hành, học giáo lý và được vui chơi trong sân nhà thờ vào mùa hè, đó là nhờ cha chánh xứ lo liệu mọi sự.Ngài làm hết mình cho các em nhưng dù có mệt, ngài vẫn vui. Chúng ta hãy học theo gương của cha, sống sao cho mọi người vui, đem Chúa đến cho mọi người. Qua ba dụ ngôn Chúa Giêsu kể trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy được sức sống của Giáo hội mà Chúa Kitô thiết lập ở trần gian. Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận bí tích Thêm sức hãy làm cho ơn huệ Chúa Thánh Thần được phát triển, biết chu toàn sứ mệnh của người Kitô hữu.Đó là chúng ta đem Chúa đến cho mọi người, trong sự khiêm tốn và âm thầm hy sinh phục vụ họ.

Tiếp theo đó là Nghi thức ban bí tích Thêm sức cho 104 em thiếu nhi.

Sau phần Phụng Vụ Thánh Thể, trước khi kết lễ, một em vừa lãnh nhận bí tích Thêm sức có những lời tri ân Đức Tổng Giám Mục, linh mục chánh xứ, quý tu sĩ và cộng đoàn.Đức Tổng Giám Mục Giuse đáp từ, linh mục chánh xứ Tân Phước kêu gọi cộng đoàn đóng góp cho công trình Đền Thánh Đức Mẹ La Vang và công trình xây dựng Tòa Tổng Giám mục Huế, những công việc của Giáo phận Huế.

Thánh lễ kết thúc vào gần 10 giờ, các em cùng với Đức Tổng GM và quý linh mục chụp hình kỷ niệm, ghi nhớ ngày hồng phúc hôm nay.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Giáo xứ Thiên Ân Sàigòn : Hồng Ân Chúa Thánh Thần
Tiến Hương
21:12 19/07/2020
Giáo xứ Thiên Ân Sàigòn Hồng Ân Chúa Thánh Thần

“Gia đình là nơi vun trồng ơn gọi Thánh hiến”

Đó là lời nhắn nhủ của Đức Cha Phụ Tá Louis Nguyễn Anh Tuấn khi ngài đến thăm mục vụ và ban bí tích Thêm Sức cho 148 em trong Gx. Thiên Ân, hạt Tân Sơn Nhì, Tổng Giáo Phận Sài Gòn, vào lúc 8g sáng Chúa Nhật ngày 19/7/2020.

Trước Thánh lễ cộng đoàn giáo xứ (Gx.) Thiên Ân đã hân hoan lập giàn chào và đội kèn tây trổi những giai điệu rộn rã chào đón Đức Cha Louis.

Xem Hình

Đồng tế với Đức Cha có linh mục (Lm) Phêrô Nguyễn Văn Tâm và Lm. phó xứ Giuse Nguyễn Thuân Hải.

Tham dự Thánh lễ, ngoài phụ huynh, cha mẹ đỡ đầu của các em lãnh nhận bí tích Thêm sức, còn có các nam nữ tu sĩ, các đoàn thể và rất đông cộng đoàn Dân Chúa.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Louis đã chào mọi người và nói lên niềm vui được đến với Gx. Thiên Ân ban bí tích Thêm sức (BTTS). Các em được lãnh nhận hồng ân Chúa ban sai đi loan báo Tin Mừng.

Trong bài giảng, Đức Cha nói các em lãnh nhận BTTS rằng các con là những chiến sĩ có vũ khí trong tay, chiến đấu với kẻ thù trong mặt trận vô hình, thiêng liêng. Chúa Giêsu cũng ví trận địa đó như là cánh đồng, Thiên Chúa là người gieo hạt giống tốt, lúa mọc lên. Kẻ thù do ma quỷ gieo cỏ lùng cũng mọc lên. Cuộc chiến giữa thiện và ác nơi con người còn kéo dài cho đến ngày tận thế.

Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng ma quỷ, tiêu diệt thần chết. Vũ khí của Chúa Giêsu là Tình Yêu, tình yêu đối với Chúa Cha và với nhân loại. Ngài đã chết vì yêu, đã phục sinh vinh quang cứu độ con người. Ai tin vào Ngài thì sẽ có sự sống đời đời. Mọi sự trên thế gian này sẽ qua đi, nhưng Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu sẽ ban cho những ai tin vào Ngài cũng được hưởng sự sống vĩnh cửu.

Ai tin thì sống theo hoa trái của Thần khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Hôm nay, Chúa Thánh Thần ban thêm sức mạnh cho 148 em để sống theo hoa trái của Thần khí. Sống trong sạch, nghĩa là không sống theo những sự ô uế trong tư tưởng, lời nói, việc làm.

Kết thúc bài giảng Đức Cha đã cầu mong rằng với ơn Chúa Thánh Thần thêm sức mà các em sắp lãnh nhận, là vũ khí để sống sự thanh sạch, thánh thiện, loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của mình.

Nghi thức trao ban BT Thêm Sức

Trước khi trao ban BTTS, cha chánh xứ Phêrô đã giới thiệu với Giám Mục về 148 em, trong đó có 69 em nữ và 79 em nam. Các em đã học xong chương trình giáo lý Thêm Sức trong thời gian 3 năm; đã chuẩn bị tâm hồn. Ngài xin Đức Cha ban BT Thêm Sức cho các em.

Nghi thức gồm 3 phần:

1. Các em lập lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận BT Rửa Tội.

2. Đức Giám Mục đặt tay trên các em để xin ơn Chúa thánh Thần.

3. Đức Giám Mục xức dầu Thánh trên các em và chúc bình an.

Kết thúc Nghi thức ban BTTS, Thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện Hiệp Lễ, ông chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ Gx. Thiên Ân đã tri ân Đức Cha Louis, cảm ơn quý cha, cùng với lời cầu xin Chúa ban nhiều ơn lành. Các em đại diện đã dâng lên Đức Cha bó hoa tươi thắm cùng với tràng pháo tay nồng nhiệt của cộng đoàn giáo xứ.

Đáp từ, Đức Cha khen ngợi Gx. Thiên Ân có được nhiều em lãnh nhận BT Thêm Sức. Ngài nhắn nhủ phụ huynh hãy vun trồng ơn gọi Thánh hiến từ trong gia đình, đồng thời khuyên các em sống mẫu mực để lớn lên ra đi truyền giáo.

Thánh lễ kết thúc lúc 9g30 với bài hát “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi”.

Tiến Hương
 
VietCatholic TV
Nhà xuất bản Dòng Tên lên tiếng bênh vực Đức Hồng Y Timothy Dolan
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:48 19/07/2020

Ở Hoa Kỳ có hai tờ báo có tên khá giống nhau là tờ National Catholic Register và tờ National Catholic Reporter. Tờ National Catholic Register là một tờ báo trực thuộc đài truyền hình Công Giáo EWTN. Đó là tờ báo có uy tín và có lập trường ủng hộ các giáo huấn chính thống của Giáo Hội. Tờ National Catholic Reporter, tuy mang danh Công Giáo, nhưng là một tờ báo Pro-Choice, nói nôm na cho dễ hiểu là phò phá thai. Tờ này cũng theo đuổi một lập trường rất xa lạ với giáo huấn của Giáo Hội về các kết hiệp đồng tính, an tử và trợ tử.

Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vừa cho ra mắt một cuốn sách có tựa đề là “The Next Pope: The Office of Peter and a Church in Mission”, nghĩa là “Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo: Sứ Vụ Phêrô và một Giáo Hội trong Sứ Mệnh”, trong đó ông phân tích tình hình của Giáo Hội trong thế giới hôm nay và những gì vị Giáo Hoàng kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phải đương đầu.

Tiến sĩ George Weigel giao cuốn sách cho Ignatius Press - Nhà Xuất Bản Y Nhã - của Dòng Tên in cuốn sách này. Đức Hồng Y Timothy Dolan, là một người bạn thân thiết với Tiến sĩ George Weigel nên ngài được mời viết một lá thư giới thiệu khi nhà xuất bản tặng sách này cho các vị Hồng Y.

Nói là lá thư, nhưng thực ra chỉ có một dòng. Đức Hồng Y viết như sau: “Tôi biết ơn Nhà Xuất Bản Y Nhã đã làm cho suy tư quan trọng này về tương lai của Giáo Hội đến tay Hồng Y Đoàn”.

Theo thông lệ, khi có sách mới, Nhà Xuất Bản Y Nhã thường gởi tặng các Hồng Y và Giám Mục. Lần này cũng vậy. Tuy nhiên, tờ National Catholic Reporter vu cáo Đức Hồng Y Dolan là đang chính trị hoá Cơ Mật Viện sắp tới, nhằm thuyết phục các Hồng Y cử tri bầu theo định hướng của mình.

“Việc các nhà xuất bản Công Giáo gửi sách cho các nhà lãnh đạo Công Giáo, trong đó có các Hồng Y và Giám Mục, không phải là chuyện bất thường. Điều đó chắc chắn không phải là hiếm đối với chúng tôi. Nhưng ngay cả khi điều đó là bất thường đi chăng nữa, thì chẳng có gì là sai trái khi làm như thế, ” Mark Brumley, chủ tịch của nhà xuất bản Y Nhã, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, sau một bài báo ngày 14 tháng 7 từ National Catholic Reporter nói rằng Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York đã gửi cuốn sách, tựa đề “Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo: Ngai Tòa Phêrô và một Giáo Hội trong Sứ Vụ” cho các vị Hồng Y.

“Đức Hồng Y Dolan, là một người bạn lâu năm của Weigel, đã viết một lá thư đi kèm với cuốn sách khi nhà xuất bản gửi cuốn sách cho các vị Hồng Y, ” Brumley nói với CNA. Ngài viết “Tôi biết ơn Nhà Xuất Bản Y Nhã đã làm cho suy tư quan trọng này về tương lai của Giáo Hội đến tay Hồng Y Đoàn”

Tờ National Catholic Reporter cho biết bức thư này là “một sự tách biệt rõ ràng với thực hành truyền thống theo đó hàng giáo phẩm cao nhất của Giáo Hội Công Giáo không công khai vận động hành lang cho các ứng viên Giáo Hoàng.” Brumley không đồng ý với nhận định này.

“Thật là tai tiếng cho một ai đó, hiểu biết về nội dung lá thư Đức Hồng Y Dolan, mà lại dám khẳng định hay ngụ ý rằng Đức Hồng Y Dolan đã vận động chính trị cho một ứng viên trong Cơ Mật Viện tiếp theo. Hoặc cho rằng cuốn sách này đang vận động chính trị cho một ứng viên Mật Nghị bầu Giáo Hoàng tiếp theo, ” Brumley nói với CNA.

“Thật ngớ ngẩn khi khẳng định như thế, những ai đọc bức thư đó thì thấy đó thực sự chỉ là một ghi chú ngắn từ Đức Hồng Y Dolan bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà xuất bản Y Nhã vì đã gửi sách tới Hồng Y Đoàn; và nếu ai đó chịu khó đọc cuốn sách này, thì có thể thấy ngay cuốn sách không hề nói gì về các ứng viên hoặc Cơ Mật Viện tiếp theo hoặc bất cứ điều gì như thế.”

Tiến Sĩ Weigel nói với CNA rằng cuốn sách có tựa đề “The Next Pope” nhưng không thực sự thảo luận về mật nghị bầu Giáo Hoàng sắp tới. Thay vào đó, ông nói rằng cuốn sách chỉ là một cố gắng suy tư về cách thế Giáo hội và Đức Giáo Hoàng, có thể tiếp tục sứ mệnh Tân Phúc Âm Hoá trong những thập kỷ tới.

Tiến Sĩ Weigel nói hôm 14 tháng 7: “Không có bất cứ thảo luận nào về các ứng viên Giáo Hoàng, và hoàn toàn không có bất cứ thảo luận nào về chính trị liên quan đến Cơ Mật Viện. Gợi ý ngược lại thì chỉ có hai khả năng một là chẳng biết gì, chưa hề đọc cuốn sách; hai là có tâm địa độc hại nhằm phục vụ cho một chương trình nghị sự.”

“The Next Pope” gợi ý một chương trình nghị sự cho tương lai của Giáo Hội Công Giáo, qua lăng kính của Sứ vụ Phêrô. Cuốn sách đưa ra lời mời đã được Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra trong Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng - để suy nghĩ về ý nghĩa của một Giáo hội “liên tục truyền giáo”.


Source:Catholic News Agency
 
Hình ảnh quá đẹp: Chiến thắng trào lưu đồng tính, tổng thống và các tín hữu tạ ơn Đức Mẹ Czestochowa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:56 19/07/2020
1. Đánh chết cái nết không chừa: London báo động khẩn cấp sau khi cảnh sát quỳ trên cổ một người da đen

Một viên chức cảnh sát đã bị đình chỉ ngay tức khắc sau khi một video xuất hiện trên các mạng xã hội cho thấy anh ta đang quỳ trên cổ một người đàn ông da đen.

Đoạn video được ghi hình tại Islington, Luân Đôn, vào chiều thứ Năm 16 tháng 7, cho thấy hai cảnh sát viên đang ghì chặt một người da đen xuống vĩa hè trong khi anh ta đã bị còng tay.

Cảnh sát viên thứ hai đã bị loại khỏi các nhiệm vụ hàng ngày sau vụ bắt giữ vào tối thứ Năm.

Sir Steve House, Chỉ huy phó lực lượng cảnh sát thủ đô Luân Đôn, cho biết đoạn phim này “cực kỳ đáng lo ngại” và đã được chuyển đến cơ quan giám sát của cảnh sát.

Theo sở cảnh sát thủ đô Luân Đôn người đàn ông da đen 45 tuổi đã bị cảnh sát bắt giữ vì cầm một con dao ở nơi công cộng.

Người da đen này có tên là Marcus Coutain, cư trú tại Islington, đã ra trước Tòa Sơ Thẩm Highbury Corner vào hôm Thứ Bảy.

Trong đoạn phim, một trong hai viên chức cảnh sát đang sử dụng đầu gối của mình để khống chế nghi phạm và đè mạnh người ấy xuống vỉa hè trong cùng một tư thế y chang như cảnh sát viên Derek Chauvin của sở cảnh sát Mineapolis, là người đang phải đối diện với cáo buộc cáo buộc giết người cấp hai và ngộ sát cấp hai vì cái chết của anh George Floyd.

Người đàn ông da đen trong vụ việc vừa xảy ra tại Luân Đôn cũng nằm úp mặt xuống đất, cũng bị còng tay, chỉ khác một điều là anh ta vẫn còn sức để liên tục hét lên: “Cút khỏi cổ của tôi”.

Khác biệt thứ hai trong vụ này là anh ta may mắn không chết như George Floyd, và vẫn có thể tiếp tục nói chuyện với các viên chức cảnh sát sau khi họ cho anh ngồi dậy.

Một đám đông lớn đã vây quanh và có khả năng xảy ra bạo động thì một số xe cảnh sát đến hiện trường kịp thời.

Một nhân chứng tại hiện trường nói với BBC: “Tôi lo lắng anh ta sẽ bị giết. Đó chính là cách George Floyd bị giết.”

“Nếu không phải vì đám đông vây quanh cảnh sát, họ có thể đã làm anh ta nghẹt thở hoặc gãy cổ.”

“Anh ta nằm trên mặt đất và bị còng tay, thì tại sao lại phải quỳ trên cổ anh ta? ”

Sir Steve nói: “Đoạn phim mà tôi đã xem ngày hôm nay và đang lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội là vô cùng đáng lo ngại.”

“Một số kỹ thuật được sử dụng khiến tôi rất lo lắng - chúng không hề được dạy trong các trường đào tạo cảnh sát.”

“Một cảnh sát viên đã bị đình chỉ và một cảnh sát viên khác đã bị loại khỏi nhiệm vụ hoạt động hàng ngày, nhưng chưa bị đình chỉ vào thời điểm này. Quyết định này sẽ được xem xét sau.”

Thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan nói: “Tôi vô cùng lo lắng về vụ việc đáng tiếc này và chúng tôi đã nêu ra vấn đề này với các sĩ quan cao cấp tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Thủ Đô. Đây là một vấn đề cấp bách.”

Ngay sau vụ anh George Floyd, Black Lives Matter, gọi tắt là BLM, đã tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ trên đất Anh bất kể các hạn chế vì đại dịch coronavirus. Người ta lo ngại rằng các lời kêu gọi ồn ào trong mấy qua trên các mạng xã hội tại Anh đang tiên báo những đám mây đen bạo lực kinh hoàng.


Source:BBC

2. Giáo phận Hương Cảng lại phải ngưng các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự

Giáo phận Hương Cảng lại phải đưa ra quyết định tạm ngưng lần thứ hai các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự từ ngày 15 tháng 7 năm 2020, vì làn sóng lan lây coronavirus lần thứ ba tại lãnh thổ này.

Hôm 14 tháng 7 năm 2020, Ðức Hồng Y Gioan Thang Hán, Giám quản Tông tòa Hương Cảng, đã ra quyết định trên đây và cho biết các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự bị ngưng cho đến ngày 28 tháng 7 năm 2020, để giảm bớt tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đoàn. Ðức Hồng Y xin các tín hữu tham dự thánh lễ trực tuyến qua trang mạng của giáo phận (www.catholic.org.hk). Trên trang này luôn có thánh lễ hằng ngày và các cử hành phụng vụ khác.

Như lần tạm ngưng trước, Ðức Hồng Y Thang Hán cũng yêu cầu các giáo xứ tiếp tục mở cửa nhà thờ để các tín hữu có thể đến cầu nguyện riêng. Mọi người cần mang khẩu trang, khử trùng ở tay, và kiểm soát thân nhiệt, cũng như giữ khoảng cách an toàn xã hội. Trong thông cáo, Ðức Hồng Y cũng yêu cầu ngưng cử hành các bí tích như rửa tội, rước lễ lần đầu và thêm sức cho đến ngày 28 tháng 7 năm 2020. Ngoài ra, các lễ cưới và lễ an táng chỉ được tối đa 20 người tham dự.

Ðây là lần thứ hai Tòa Giám Mục giáo phận Hương Cảng thông báo ngưng thánh lễ, sau khi đại dịch bắt đầu lan tràn. Các biện pháp ngưng thánh lễ đã được thu hồi vào ngày 1 tháng 6 năm 2020, sau hơn ba tháng tiến hành.

Chính quyền đặc khu Hương Cảng đã ra lệnh áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội từ nửa đêm ngày 14 tháng 7 năm 2020. Số người tham dự các cuộc hội họp, gặp gỡ bị giảm bớt từ 50 xuống còn 4 người.

Hôm 14 tháng 7 năm 2020, Hương Cảng có thêm 48 ca nhiễm mới, trong đó có 40 vụ lây nhiễm trong cộng đồng. Ít nhất 12 tài xế xe taxi có kết quả xét nghiệm dương tính hôm 13 tháng 7 năm 2020. Các hành khách của họ có thể đã bị lây và chính quyền cảnh giác nguy cơ dịch có thể tái bộc phát mạnh. Các lớp học bị ngưng từ ngày 10 tháng 7 năm 2020 và kỳ nghỉ hè được bắt đầu sớm hơn.

Các hạn chế mới bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang y tế đối với những người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Không được ăn tại chỗ trong các nhà hàng. Những người vi phạm có nguy cơ bị phạt 5, 000 đô la Hương Cảng, tức khoảng 645 Mỹ Kim.


Source:UCAN

3. Tổng thống Andrzej Duda đến tạ ơn tại đền thánh Ðức Mẹ Czestochowa

Như chúng tôi đã đưa tin Tổng thống Andrzej Duda, một người Công Giáo thuần thành luôn ủng hộ lập trường của các Giám Mục Ba Lan trong các vấn đề liên quan đến phá thai, an tử, hôn nhân và gia đình đã chiến thắng với 68.18% số phiếu.

Chiều thứ Hai 13 tháng 7 năm 2020, tổng thống tái cử của Ba Lan, ông Andrjej Duda đã đến kính viếng đền thánh Ðức Mẹ Czestochowa, Nữ Vương Ba Lan, để cầu nguyện cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Chiến thắng của ông Duda mang lại niềm vui cho các tín hữu Công Giáo Ba Lan. Thật thế, theo báo cáo của Bộ Nội Vụ Ba Lan, 2.6 triệu người nước ngoài đã được tung vào Ba Lan từ giữa tháng 6 năm ngoái để tổ chức các cuộc biểu tình phò đồng tính lớn nhất Âu Châu cho đến nay, diễn ra ở mọi thành phố lớn của Ba Lan, kéo dài hàng mấy tháng trời, và chỉ bị ngưng lại bởi đại dịch coronavirus kinh hoàng. Một hiến chương của những người đồng tính luyến ái, nam cũng như nữ, những người lưỡng tính và đổi giống, gọi tắt là LGBT đã được đưa ra trong dịp này.

Vé máy bay, tiền khách sạn và các chi phí ăn ở không dưới 1, 000 Mỹ Kim cho mỗi một người. Chi phí quá lớn như thế giải thích tại sao cho đến lúc chúng tôi thu hình chương trình này các nhà hoạt động đồng tính vẫn tiếp tục không tin vào kết quả bầu cử và nộp đơn khiếu nại với Tối Cao Pháp Viện Ba Lan đòi hủy bỏ kết quả bầu cử.

Tuyên bố với giới báo chí nhân dịp kính viếng đền thánh Ðức Mẹ Czestochowa, tổng thống Duda nói: “Ðây là nơi thánh thiêng và quan trọng đối với tôi, tôi cảm thấy sự nâng đỡ tinh thần tại đây. Trong cuộc hành hương này, tôi muốn cảm tạ và cầu xin ơn phù trợ của Ðức Mẹ cho nhân dân Ba Lan và cho bản thân tôi”.

Trong cuộc kính viếng, tổng thống Duda đã tham dự kinh chiều tại nhà nguyện Ân Phúc, nơi có tôn kính ảnh Ðức Mẹ Nữ Vương Ba Lan. Trong các lời nguyện tín hữu, khi linh mục Waldemar Pastusiak, dòng thánh Phaolô, mời gọi mọi người cầu nguyện cho tổng thống, các tín hữu hiện diện đã vỗ tay. Cha cũng cám ơn tổng thống Duda về cuộc viếng thăm và về chứng tá đức tin của ông.

Cách đây năm năm, sau khi thắng cử trong cuộc bầu cử năm 2015, ông Duda cũng đến đền thánh Czestochowa để “cảm tạ Mẹ Thiên Chúa vì tất cả năng lực mà Ngài ban cho tôi”, như ông tuyên bố hồi đó.


Source:Catholic News Agency