Ngày 20-07-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:59 20/07/2015
TỰ CẮT THỊT MÌNH ĂN
N2T

Nước Tề có hai người dũng sĩ: một ở thành đông, và một ở thành tây. Một hôm, ngẫu nhiên họ gặp nhau trên đường, cả hai đều nói: “Đi, chúng ta đi ăn và uống chút ruợu.”
Sau khi uống vài ly thì một người nói:
- “Tôi đi mua thịt để uống ruợu, được chứ?”
Người kia nói:
- “Ái dà, anh và tôi trên người đều là thịt, mắc mớ gì phải tốn tiền mua thịt chứ ?”
Thế là, hai người cùng rút dao từ thắt lưng ra, anh cắt thịt tôi, tôi cắt thịt anh, vưà chấm xì dầu, vừa uống rượu, cuối cùng hai vị tráng sĩ đều chết vì máu ra quá nhiều.
(Lã thị xuân thu)

Suy tư:
Có những người con vì nhà nghèo không có tiền mua thịt cho mẹ già ăn nên đã cắt thịt mình nấu cho mẹ ăn, đó là hành động của người con có hiếu, tiếng tốt để mãi cho đời sau.
Thời nay có những người tuy không uống máu và cắt thịt mình để ăn, nhưng họ dùng chức quyền để chèn ép người thấp cổ bé họng, họ dùng tiền để mua chuộc công lý làm hại người nghèo, người ta gọi những việc làm đó là hút máu nhân dân, là ăn thịt giống nòi, là giặc cướp ban ngày ác ôn.v.v...
Thời nay cũng có nhiều người “cắt thịt” mình để giúp người khác, đó là những tấm lòng hảo tâm đem những đồng tiền do mồ hôi và có khi bằng máu của mình, để bố thí giúp cho những người nghèo khó bất hạnh, những “miếng thịt đồng tiền” này sẽ làm cho những người bất hạnh nhận ra được trden6 đời này vẫn còn đó nhiều tấm lòng nhân ái.
Tạ ơn Chúa và cảm ơn người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:01 20/07/2015
N2T

35. Phàm ai muốn được sự thương yêu của Đức Mẹ, thì nhất định Mẹ sẽ bảo hộ phù trì họ.

(Thánh Anselm of Canterbury)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ khấn dòng tại Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế
Trương Trí
09:01 20/07/2015
LỄ KHẤN DÒNG TẠI HỘI DÒNG CON ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG HUẾ

Trong bầu khí hân hoan đầy tràn hồng ân của Thiên Chúa, sáng ngày 20/7 Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi viếng đã tổ chức Thánh lễ Tạ ơn Mừng Hồng ân Tiên khấn của 13 khấn sinh, 3 Tân Vĩnh khấn, 3 chị mừng Ngọc khánh và 4 chị mừng Kim khánh khấn Dòng.

Xem Hình

Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã dâng Thánh lễ đồng tế Tạ ơn và cầu nguyện cho các Tân Khấn sinh cũng như các chị mừng Ngọc khánh và Kim khánh khấn Dòng.

Đoàn rước đoàn Đồng tế trang nghiêm tiến vào Nhà thờ, các Tân Khấn sinh cùng Cha Mẹ vinh dự đi trong đoàn rước. Đức Tổng Giám mục vừa tiến vào Nhà thờ vừa ban Phép lành cho Cộng đoàn hiện diện.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục mời gọi Cộng đoàn sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn và chia sẻ niềm vui với Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi viếng dịp mừng Ngọc Khánh, Kim Khánh của các chị em: “Đây là những điểm nhấn rất quan trọng trong cuộc đời tận hiến, nhắc nhỡ chị em về hồng phúc và ân huệ Chúa đã trao ban để sống tâm tình tạ ơn, đồng thời cũng là cơ hội tốt để chị em làm tươi trẻ lại giao ước tình yêu bằng quyết tâm luôn trung thành với đời sống hiến dâng.”

“Hội Dòng cũng hân hoan đón nhận 3 chị khấn tron đời và 13 chị em khấn lần đầu. Đây là niềm vui chung của Giáo Hội và cách riêng của Tổng Giáo phận Huế vì luôn có nhiều tâm hồn quảng đại dấn thân phục vụ Chúa.

Xin cảm ơn gia đình các khấn sinh đã hiến dâng con mình để phục vụ cho Thiên Chúa và Giáo Hội. Xin Chúa chúc lành và bù đắp bằng những ân huệ khác.”

Sau phần phụng vụ Lời Chúa, Nghi thức khấn dòng bắt đầu với Kinh Cầu Đức Chúa Thánh Thần “Veni Craetor” do Đức Tổng Giám mục khởi xướng. Tiếp đó Đức Tổng Giám mục ban huấn từ. Ngài nói: “Tu viện Dòng Con Đức Mẹ Đi viếng có 2 cổng chính. Một cổng phía trước đi thẳng tới Nhà Nguyện, một cổng sau đi ra với đường đời. Hình ảnh Tu viện với 2 cổng ra vào đó minh họa rõ nét linh đạo của Dòng Con Đức Mẹ Đi viếng:

- Đi viếng Chúa trong Nhà Nguyện,

- để cùng với Chúa đi viếng tha nhân ở chợ đời.

Đức Maria ngay sau khi đón nhận Chúa vào lòng, Mẹ tức khắc lên đường, đi đến đâu Mẹ mang Chúa theo đến đó.

Noi gương Đức Maria, Dòng Con Đức Mẹ Đi viếng đã đề ra linh đạo tu đức: Làm nữ tu không phải cho mình mà cho tha nhân, đưa người ta đến với Chúa và đưa Chúa đến với người ta.

Tuy nhiên không ai cho cái mà mình không có. Phải mang Chúa trong mình mới có thể ban Chúa cho người ta được.

Chìa khóa và bí quyết để người nữ tu vừa mang Chúa vừa ban Chúa là tuân giữ 3 lời khuyên Phúc âm cũng là 3 cột trụ trong đời sống thánh hiến.

- Khấn giữ đức khó nghèo, người nữ tu vui nhận Chúa làm gia nghiệp, không mơ ước chiếm giữ điều gì khác ngoài chính Chúa.

- Khấn giữ đức khiết tịnh, người nữ tu muốn thuộc trọn về Chúa để toàn tâm toàn ý phục vụ tha nhân.

- Khấn đức vâng lời, người nữ tu noi gương Chúa Kitô và Mẹ Maria dâng trọn cuộc đời để thi hành Thánh ý Thiên Chúa.

Sau bài chia sê của Đức Tổng Giám mục, chị Giáo tập xướng tên các khấn sinh tuyên khấn lần đầu. Bước lên trước vị Chủ chăn của Giáo phận và chị Tổng Phụ trách M. Martha Lê Thị Lệ, Đức Tổng Giám mục thẩm vấn các Tân Khấn sinh trước khi tuyên khấn.

Sau lời tuyên khấn, Đức Tổng Giám mục làm phép khăn lúp và trao cho các tân khấn sinh. Ngài cũng trao Hiến chương của Hội Dòng chính là luật sống để các tân khấn sinh học tập và nhận ra được ý Chúa trong cuộc sống.

Các chị vĩnh khấn bày tỏ công khai quyết định dứt khoát theo Chúa suốt cuộc đời trước những lời thẩm vấn của Đức Tổng Giám mục. Tiếp đó các chị đọc lời tuyên khấn của mình.

Phần quan trọng nhất trong nghi thức tuyên khấn: Các chị khiêm tốn phủ phục trước Thánh nhan Chúa, bày tỏ thân phận mỏng dòn yếu đuối xin Chúa đoái thương dìu dắt.

Các chị mừng Ngọc khánh và Kim khánh tiến lên quỳ gối trước bàn thờ lập lại lời khấn, sốt sắng làm mới giao ước tình yêu thánh hiến ban đầu với Chúa Kitô.

Sau Thánh lễ, Chị Tổng Phụ trách M. Martha Lê Thị Lệ thay mặt Hội Dòng nói lời tri ân Đức Tổng Giám mục và quí Cha đồng tế đã dâng Thánh lễ tạ ơn và chúc lành cho chị em Hội Dòng. Cảm ơn quí Bề trên Dòng, quí tu sĩ nam nữ và cộng đoàn đã hiệp dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Hội Dòng.

Cảm ơn quí Cha Mẹ đã quảng đại dâng cho Hội Dòng cũng như Giáo Hội những người con thân yêu của gia đình mình. Khấn dòng là điểm đến trong quá trình ơn gọi, nhưng khấn dòng cũng là điểm khởi hành cho một sứ vụ. Cha Mẹ đã đóng góp vào sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội và Hội Dòng những tâm hồn tươi trẻ, những thiện chí dấn thân, những bước chân hăng say. Hội Dòng xin ghi nhận và tri ân tình thương của quí Cha Mẹ.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục và quí Cha đồng tế đã chụp hình lưu niệm với các Tân Khấn sinh và quí chị mừng Kim khánh và Ngọc khánh khấn dòng.

Trương Trí
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần III, chương I)
Vũ Van An
17:01 20/07/2015
Phần III

Sứ mệnh của gia đình ngày nay

Chương I

Gia đình và việc phúc âm hóa

Công Bố Tin Mừng Gia Đình Ngày Nay trong Các Bối Cảnh Khác Nhau

69. (29) Cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng nào tập chú vào một số vấn đề khẩn cấp hơn cần được tiến hành tại các Giáo Hội địa phương, trong sự hiệp thông cum Petro et sub Petro (với Phêrô và dưới quyền Phêrô). Công bố Tin Mừng Gia Đình là điều khẩn cấp cần thiết trong công cuộc phúc âm hóa. Giáo Hội có nhiệm vụ thi hành việc này với sự dịu hiền của một bà mẹ và với sự minh bạch của một bà thầy (xem Eph 4:15), luôn trung thành với lòng thương xót được biểu lộ trong mầu nhiệm hư vị hóa (kenosis) của Chúa Kitô. Sự thật trở thành xác phàm trong sự yếu đuối nhân bản, để không kết án nó mà là để cứu vớt nó (xem St 3:16,17).

Tình âu yếm trong gia đình – Tình âu yếm của Thiên Chúa

70. Âu yếm nghĩa là cho đi một cách hân hoan, và ngược lại, khơi dậy nơi người khác niềm hân hoan cảm thấy được yêu thương. Âu yếm được biểu lộ một cách đặc biệt qua việc nhìn các giới hạn của người khác một cách yêu thương, nhất là khi các giới hạn này nổi bật rõ ràng. Cư xử một cách tế nhị và tôn trọng có nghĩa: chăm sóc các vết thương và tái lập hy vọng để có thể phục hoạt sự tin tưởng nơi người khác. Tình âu yếm trong các liên hệ gia đình là nhân đức giúp người ta thắng vượt các tranh chấp hàng ngày ngay bên trong một con người và trong các liên hệ với người khác. Về phương diện này, Đức GH Phanxicô mời gọi mọi người suy nghĩ lời ngài nói: “Ta có lòng can đảm âu yếm đón nhận các khó khăn và các vấn đề của những người gần gũi chúng ta không hay ta thích các giải pháp vô ngã hơn, là các giải pháp, có thể hữu hiệu nhưng thiếu hẳn cái ấm áp của Tin Mừng? Thế giới ngày nay cần tình âu yếm xiết bao! Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, sự thân thiết của Thiên Chúa, tình âu yếm của Thiên Chúa” (Bài giảng Thánh Lễ Nửa Đêm Giáng Sinh, 24 tháng 12, 2014).

71. (30) Việc phúc âm hóa là trách nhiệm chung của toàn thể dân Chúa, mỗi người theo thừa tác vụ và đặc sủng của mình. Không có chứng từ hân hoan của các vợ chồng và các gia đình, các Giáo Hội tại gia, việc công bố, dù được thi hành thích đáng bao nhiêu đi chăng nữa, cũng có nguy cơ bị hiểu lầm hay mất hút trong cái náo động của ngôn từ vốn là đặc điểm của xã hội ngày nay (xem Novo Millennio Ineunte, 50). Trong nhiều dịp khác nhau, các nghị phụ thượng hội đồng từng nhấn mạnh rằng các gia đình Công Giáo, vì lý do ơn thánh của Bí Tích Hôn Phối, được mời gọi trở thành các tác nhân tích cực trong mọi hoạt động mục vụ nhân danh gia đình.

Gia đình: tác nhân của sinh hoạt mục vụ

72. Giáo Hội phải truyền dẫn vào các gia đình một ý hướng thuộc về Giáo Hội, một ý hướng “chúng ta”, trong đó, không chi thể nào bị lãng quên. Mọi người phải được khuyến khích để phát triển các kỹ năng của mình và hoàn thành kế hoạch bản thân của đời mình trong việc phục vụ Nước Thiên Chúa. Cũng thế, mọi gia đình trong Giáo Hội phải khám phá lại niềm vui hiệp thông với các gia đình khác để có thể phục vụ ích chung của xã hội bằng cách phát huy chính sách công, nền kinh tế và văn hóa phục vụ gia đình, cho dù phải dùng tới mạng lưới xã hội và các phương tiện truyền thông.

Điều trên đòi ta phải có khả năng tạo nên các cộng đồng nhỏ làm nhân chứng sống động cho các giá trị của Tin Mừng. Một số gia đình cần được chuẩn bị, huấn luyện và giúp khả năng để họ có thể đồng hành với các gia đình khác trong việc sống theo con đường Kitô Giáo. Những gia đình nào sẵn sàng đảm nhiệm sứ mệnh ad gentes (truyền giáo) thì cần được thừa nhận và khuyến khích. Sau cùng, việc nối kết thừa tác mục vụ giới trẻ với thừa tác mục vụ gia đình là một điều quan trọng đã được ghi nhận.

Phụng vụ lễ cưới

73. Cặp đính hôn phải dành khoảng thời gian đáng kể để chuẩn bị hôn nhân. Việc cử hành chính hôn phối, nên cử hành trong cộng đồng mà một hay cả hai người cùng thuộc về, đòi phải lưu tâm và nhấn mạnh thích đáng, trên hết, tới đặc điểm thiêng liêng và Giáo Hội đặc trưng của nó. Với một sự nồng ấm và hân hoan tham dự vào việc cử hành và khẩn cầu Chúa Thánh Thần, cộng đồng Kitô hữu sẽ tiếp nhận gia đình mới vào lòng mình để, trong tư cách Giáo Hội tại gia, gia đình mới này tự cảm nhận được mình là thành phần của gia đình Giáo Hội rộng lớn hơn.

Lắm khi, vị cử hành có dịp nói chuyện với một cộng đoàn chỉ tham dự vào đời sống Giáo Hội cách tối thiểu hay thuộc một hệ phái Kitô Giáo khác hoặc một tôn giáo khác. Thành thử, đây có thể là dịp qúy giá để công bố Tin Mừng Gia Đình, một việc công bố có thể thúc đẩy, ngay trong các gia đình hiện diện, việc khám phá lại các hồng ân tin và yêu của Thiên Chúa. Việc cử hành một lễ cưới cũng có thể là dịp may đúng lúc để mời gọi nhiều người cử hành Bí Tích Hòa Giải.

Gia đình: Công trình của Thiên Chúa

74. (31) Cần phải làm nổi bật tính ưu vị (primacy) của ơn thánh và do đó, các khả thể mà Chúa Thánh Thần vốn ban cho trong Bí Tích. Đây là vấn đề giúp người ta cảm nhận được rằng Tin Mừng Gia Đình là một niềm vui “tràn ngập các tâm hồn và các cuộc đời” vì trong Chúa Kitô, ta “được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn sầu, trống vắng nội tâm, và cô đơn” (Evangelii Gaudium, 1). Dưới ánh sáng Dụ Ngôn Người Gieo Giống (xem Mt 13:3), trách vụ của chúng ta là hợp tác vào việc gieo; phần còn lại là việc của Thiên Chúa; ta cũng đừng quên rằng, khi rao giảng về gia đình, Giáo Hội là dấu chỉ mâu thuẫn.

75. Tính ưu vị của ơn thánh được biểu lộ trọn vẹn khi gia đình giải thích lý lẽ cho đức tin của mình và khi cặp vợ chồng thực sự sống cuộc hôn nhân của mình như một ơn gọi. Về phương diện này, các khuyến cáo sau đây đã được nêu ra: hỗ trợ và khuyến khích chứng tá trung thành của các cặp vợ chồng Kitô hữu; dấn thân vào các chương trình có cơ sở nhằm phát triển ơn thánh của Phép Rửa, nhất là các chương trình dành cho tuổi trẻ; sử dụng một ngôn từ có tính biểu tượng, cảm nghiệm và nhiều ý nghĩa để giảng thuyết và dạy giáo lý; và cung cấp các buổi gặp gỡ và các khóa học đặc biệt cho các nhân viên mục vụ, để họ có thể thông đạt cách hữu hiệu với các người nghe họ và giáo dục những người này biết khẩn cầu và nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc kết hợp bí tích cũng như diễn trình liên tục hồi tâm của họ.

Hồi tâm truyền giáo và đổi mới ngôn từ

76. (32) Thành thử, công trình này kêu gọi mọi người trong Giáo Hội phải hồi tâm truyền giáo, nghĩa là, không dừng lại ở việc công bố một sứ điệp chỉ có tính lý thuyết mà không liên hệ gì tới các vấn đề có thực của người ta. Ta phải liên tục nhớ rằng cuộc khủng hoảng đức tin vốn dẫn tới cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình và do đó, việc thông truyền đức tin từ cha mẹ cho con cái thường hay bị gián đoạn. Trước một đức tin mạnh, việc áp đặt một số tầm nhìn văn hóa nào đó nhằm làm suy yếu gia đình và hôn nhân sẽ không gây nên bất cứ thiệt hại nào.

77. (33) Hồi tâm cũng cần được thấy ngay trong ngôn ngữ ta sử dụng, để chứng tỏ nó có ý nghĩa hữu hiệu. Việc công bố cần tạo ra cảm nghiệm cho thấy Tin Mừng Gia Đình quả đáp ứng được các hoài mong sâu sắc nhất của con người nhân bản: một đáp ứng đối với phẩm giá và sự thành toàn trọn vẹn của mỗi người trong tính hỗ tương, hiệp thông và sinh hoa trái. Điều này không hệ ở việc chỉ trình bày một mớ qui luật, nhưng hệ ở việc ủng hộ các giá trị đáp ứng được nhu cầu của những người đang hiện diện trong các xã hội bị tục hóa hơn cả.

78. Sứ điệp Kitô Giáo cần phải được ưu tiên công bố cách nào đó để gợi lòng hy vọng. Cần phải chọn lối truyền đạt rõ ràng, có tính mời gọi và cởi mở, tức lối truyền đạt không có tính dạy đời, phê phán hay kiểm soát, nhưng làm chứng cho giáo huấn luân lý của Giáo Hội, trong khi, cùng một lúc, vẫn nhậy cảm đối với các hoàn cảnh của mỗi cá nhân.

Vì nhiều người không hiểu các chủ đề đa dạng của Huấn Quyền Giáo Hội, nên khẩn thiết phải có một ngôn từ mà mọi người, nhất là người trẻ, có thể hiểu được và là ngôn từ có thể chuyển tải vẻ đẹp của tình yêu gia đình và nghĩa của các từ ngữ, như tự hiến, tình yêu phu phụ, khả năng sinh sản (fertility) và sinh đẻ (procreation).

Sử dụng văn hóa như một phương tiện

79. Thời ta, hình như cần phải sử dụng văn hóa như một phương tiện để thông truyền đức tin cách thỏa đáng hơn, một nền văn hóa có khả năng diễn tả một cách gắn bó việc trung thành cả với Tin Mừng Chúa Kitô lẫn với con người thời nay. Chân phúc Phaolô VI từng dạy rằng: “Nhất là chúng ta, các mục tử của Giáo Hội, chúng ta có trách nhiệm phải lên khuôn lại các phương tiện thích hợp nhất và hữu hiệu nhất để truyền đạt sứ điệp Tin Mừng cho mọi người nam nữ thời đại ta, một cách mạnh dạn và khôn ngoan, nhưng hoàn toàn trung thành với nội dung phúc âm hóa” (EN, 40).

Nhất là ngày nay, ta cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hân hoan và lạc quan công bố các sự thật của đức tin liên quan tới gia đình và của việc sử dụng các nhóm chuyên môn và các chuyên gia trong truyền thông có khả năng hiểu biết cách xem xét thích đáng các vấn đề do cách sống của người thời nay đặt ra.

Lời Chúa: nguồn của đời sống thiêng liêng trong gia đình

80. (34) Lời Thiên Chúa là nguồn sự sống và linh đạo cho gia đình. Mọi công trình mục vụ nhân danh gia đình phải giúp người ta được lên khuôn và đào luyện nội tâm để trở thành các chi thể của Giáo Hội tại gia nhờ việc đọc Sách Thánh theo kiểu cầu nguyện của Giáo Hội. Lời Thiên Chúa không những là tin mừng trong đời sống tư của người ta mà còn là tiêu chuẩn để phán đoán và là ánh sáng để biện phân các thách đố khác nhau mà các cặp vợ chồng và các gia đình gặp phải.

81. Dưới ánh sáng Lời Chúa, một lời đòi có sự biện phân trong các tình huống đa dạng, việc chăm sóc mục vụ cần xem xét điều này: một cuộc thông đạt cởi mở để đối thoại và không thiên kiến là điều cần thiết, nhất là trong các trường hợp trong đó, người Công Giáo không sống hay không ở trong hoàn cảnh sống hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, trong các vấn đề hôn nhân và đời sống gia đình.

Một bản hòa tấu các dị biệt

82. (35) Cùng một lúc, nhiều nghị phụ thượng hội đồng còn nhấn mạnh tới cách tiếp cận tích cực hơn đối với sự phong phú của nhiều cảm nghiệm tôn giáo khác nhau, mà không bỏ qua các khó khăn nội tại. Trong các thực tại tôn giáo khác nhau và trong tính đa dạng văn hóa lớn lao vốn là đặc điểm của các quốc gia hiện nay, ta nên đánh giá trước nhất các khả thể tích cực, rồi, trên căn bản này, ta mới nên lượng giá các giới hạn và thiếu sót.

83. Căn cứ trên sự hiện hữu của tính đa nguyên tôn giáo và văn hóa, một số người mong rằng Thượng Hội Đồng duy trì và đánh giá cao hình ảnh “bản hòa tấu các dị biệt”. Nói một cách tổng quát, có nhiều dấu chỉ cho thấy việc chăm sóc mục vụ đối với hôn nhân và gia đình cần phải biết đánh giá cao các yếu tố tích cực hiện hữu trong các trải nghiệm văn hóa và tôn giáo khác nhau; chúng vốn là præparatio evangelica, nghĩa là, “một chuẩn bị cho Tin Mừng”. Một cuộc gặp gỡ với những người đã chọn con đường hiểu biết và lãnh trách nhiệm đối với các thiện ích chân chính của hôn nhân có thể tạo nên một sự cộng tác hữu hiệu để phát huy và bảo vệ gia đình.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Hồng Môn
Đặng Đức Cương
21:29 20/07/2015
HOA HỒNG MÔN
Ảnh của Đặng Đức Cương
Long lanh dưới nắng đoá Hồng Môn*
Trái tim tươi thắm của vùng Hawaii.
(bt)

*Hoa Hồng Môn còn được gọi là
“Heart of Hawaii”
 
VietCatholic TV
Diễn từ của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ xã hội dân sự Paraguay
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:38 20/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc sau 4 giờ chiều thứ Bẩy 11 tháng 7, Đức Thánh Cha đã đi xe từ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tới tòa nhà thể thao León Condou của trường Thánh Giuse, cách đó 2 cây số rưỡi. Tòa nhà này có thể chứa 5.000 người và nằm trong khu vực trường Thánh Giuse do các linh mục dòng Thánh Tâm Bétharram điều khiển.

Đức Thánh Cha đã được cha Bề trên dòng và ban giám đốc trường tiếp đón. Đại diện các thành phần xã hội dân sự tham dự cuộc gặp gỡ gồm các nhà giáo, các nghệ sĩ, doanh thương kỹ nghệ, nghiệp đoàn, lực sĩ thể thao thể dục, giới truyền thông, các hiệp hội phụ nữ, giới nông dân và thổ dân.

Sau lời chào mừng của ĐC Alberto Martinez Flores thư ký HĐGM Paraguay, đã có phần chia sẻ chứng từ của 5 đại diện các giới.

Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha bầy tỏ niềm vui có thể gặp gỡ các đại diện của xã hội dân sự Paraguay để chia sẻ với họ các giấc mơ và các lý tưởng của một tương lại tươi sáng hơn. Nhìn thấy anh chị em tất cả là những người thuộc một lãnh vực, một tổ chức của xã hội Paraguay yêu qúy, với các niềm vui, lo âu, chiến đấu và tìm tòi, khiến cho tôi nâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Một dân tộc mà không duy trì sống động các lo lắng của mình là một dân tộc đã chết. Trái lại, tôi trông thấy nơi anh chị em nhựa sống của một cuộc sống luân lưu và muốn nảy mầm. Thiên Chúa chúc phúc cho điều này. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Thiên Chúa luôn luôn thuận lợi với những gì trợ giúp nâng cao và cải tiến cuộc sống của con cái Ngài. Có những chuyện không tốt, phải. Có những hoàn cảnh bất công, phải. Nhưng nhìn thấy anh chị em và nghe anh chị em giúp tôi canh tân lòng hy vọng nơi Chúa, là Đấng tiếp tục hành động giữa dân Ngài. Đến từ nhiều quan điểm khác nhau, từ nhiều hoàn cảnh và lộ trình khác nhau, anh chị em tất cả cùng nhau làm thành nền văn hóa Paraguay. Anh chị em tất cả đều cần thiết cho việc kiếm tìm công ích. “Trong các điều kiện hiện nay của xã hội trên thế giới này, nơi người ta gặp biết bao nhiêu gian ác và luôn luôn có nhiều người bị gạt bỏ”, đuợc gặp anh chị em nơi đây là một món quà.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã trả lời ba câu hỏi của cử tọa. Một bạn trẻ hỏi phải làm sao để xã hội là một nơi của tình huynh đệ, công bằng, hòa bình và phẩm giá cho tất cả mọi người. Đức Thánh Cha nói: tuổi trẻ là thời gian ôm ấp các lý tưởng. Thật là quan trọng, khi các bạn trẻ hiểu rằng hạnh phúc đích thật đi qua cuộc tranh đấu cho một thế giới huynh đệ hơn. Thật là tốt đẹp, khi người trẻ nhận thức rằng hạnh phúc và khoái lạc không giống nhau. Nhưng hạnh phúc đòi hỏi sự dấn thân và tận tụy. Paraguay có đầy tràn người trẻ và đó là một sự phong phú lớn. Vì thế tôi nghĩ điều đầu tiên phải làm đó là tránh để cho sức mạnh này, ánh sáng này tắt lịm trong con tim các bạn, và chống lại tâm thức ngày càng gia tăng coi việc khát vọng những điều đáng công là vô ích và không thể hiểu nổi. Tranh tài cho một cái gì đó, tranh tài cho một ai đó. Các bạn đừng sợ hãi cho đi tất cả trên sân đấu. Đừng sợ cho đi tất cả những gì tốt nhất của mình. Điều đó phải, nhưng đừng làm một mình. Hãy tìm thảo luận, lợi dụng để lắng nghe cuộc sống, các lịch sử, các câu chuyện của những người già, của giới ông bà của các bạn. Hãy mất nhiều thời giờ để lắng nghe tất cả những điều tốt đẹp mà các ngài có thể dậy dỗ các bạn. Các ngài là những người giữ gìn gia tài tinh thần đức tin và các giá trị nhào nặn một dân tộc và soi sáng đường đi của các bạn.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ mọi người hãy tìm an ủi trong sức mạnh của lời cầu nguyện, nơi Chúa Giêsu, trong sự hiện diện liên lỉ thường ngày của Người. Qua ký ức của dân tộc anh chị em, Chúa Giêsu là bí quyết giúp con tim của anh chị em luôn tươi vui trong việc kiếm tìm tình huynh đệ, công bằng, hòa bình và phẩm giá cho tất cả mọi người. Tôi rất thích bài thơ của thi sĩ Carlos Miguel Giménez mà ĐC Alberto Martinez đã trích dẫn. Tôi nghĩ nó diễn tả diều tôi muốn nói với anh chị em: “Tôi mơ một thiên dàng không có chiến tranh giữa các anh em, giầu những người khoẻ mạnh trong linh hồn và con tim và một Thiên Chúa chúc lành cho cuộc thăng thiên mới của nó”. Phải, Thiên Chúa bảo đảm cho phẩm giá của con người.

Trả lời câu hỏi thứ hai liên quan tới sự đối thoại như phương thế xây dựng một dự án quốc gia bao gồm tất cả mọi người. Đức Thánh Cha nói Đúng thật là đối thoại không dễ. Có nhiều khó khăn phải vượt thắng, và đôi khi xem ra chúng ta lại dấn thân khiến cho chúng trở thành khó khăn hơn. Đối thoại giả thiết, đòi buộc từ chúng ta nền văn hóa gặp gỡ. Một cuộc gặp gỡ biết thừa nhận rằng sự khác biệt không chỉ là điều tốt, mà con cần thiết nữa. Vì thế điểm khởi hành không thể là người khác đang sai lầm. Công ích được tìm kiếm từ các khác biệt của chúng ta, bằng cách luôn luôn trao ban khả thể cho các lựa chọn mới. Nó có nghĩa là tìm ra cái gì mới, cùng nhau thảo luận , suy nghĩ một giải pháp tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Nhiều khi nền văn hóa gặp gỡ bị lôi cuốn vào một cuộc xung đột. Đây là điều có thể thấy trước. Nhưng chúng ta không được sợ hãi nó, hay không biết đến nó, trái lại chúng ta được mời gọi chấp nhận nó. Điều này có nghĩa là “chấp nhận chịu đựng cuộc xung đột, giải quyết nó và biến đổi nó thành một móc xích nối với một tiến trình mới” (Niềm Vui Phúc Âm, 227). Bởi vì sự hiệp nhất cao hơn xung khắc” (ibid., 228). Một sự hiệp nhất không bẻ gẫy các khác biệt, nhưng sống nó trong sự hiệp thông và qua tình liên đới và sự cảm thông. Khi tìm hiểu biết các lý do của người khác, kinh nghiệm của họ, các ước mong của họ, chúng ta có thể thấy rằng đa số chúng là các ước vọng chung. Nền tảng của sự gặp gỡ đó là chúng ta tất cả là anh em, con của cùng một Cha trên trời, mỗi người với nền văn hóa tiếng nói, các truyền thống riêng và có nhiều điều để cống hiến cho cộng đoàn. Các nền văn hóa thật không đóng kín trong chính mình, nhưng được mời gọi gặp gỡ các nền văn hóa khác và tạo ra các thực tại mới. Nếu không có giả thiết nòng cốt và nền tảng huynh đệ này, sẽ rất khó đạt tới cuộc đối thoại. Ai cho rằng có những người, những nền văn hóa những hoàn cảnh thuộc hạng hai hạng ba hay hạng bốn, thì có điều gì đó không ổn, vì thiếu cái tối thiểu là việc thừa nhận phẩm giá của người khác.

Câu hỏi thứ ba liên quan tới việc tiếp nhận tiếng kêu của dân nghèo để xây dựng một xã hội bao gồm mọi người. Đức Thánh Cha nói có một khía cạnh nền tảng giúp thăng tiến người nghèo: đó là cách chúng ta nhìn họ. Không cần một cái nhìn ý thức hệ rốt cuộc sử dụng người nghèo cho các lợi lộc chính trị hay cá nhân khác.

Để tìm thiện ích cho người nghèo điều đầu tiên là biết lo lắng cho con người của họ, đánh giá họ vì lòng tốt của họ. Nhưng việc đánh giá đích thực đòi hỏi phải sẵn sàng học hỏi nơi họ. Người nghèo có rất nhiều để dậy chúng ta trong lãnh vực nhân bản, lòng tốt, hy sinh. Và ngoài ra kitô hữu chúng ta lại còn có một lý do nữa để yêu thương và phục vụ người nghèo: vì nơi họ chúng ta trông thấy gương mặt và thịt xác của Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo nàn để khiến cho chúng ta giầu có nhờ sự nghèo nàn của Ngài (x. “ Cr 8,9).

Đức Thánh Cha khẳng định rằng sự tăng trưởng kinh tế và việc tạo ra giầu có cho cả mọi người không loại trừ ai, rất cần thiết cho một nước. Việc tạo ra sự thịnh vượng ấy phải luôn luôn phục vụ công ích, chứ không phải chỉ phục vụ một ít người thôi. “Việc tôn thờ con bò vàng xưa kia (Xh 32,1-35) đã tìm ra một ấn bản mới không thương xót trong việc tôn thờ thần tượng tiền bạc và sự độc tài của một nền kinh tế không có gương mặt” (Niềm vui Phúc Âm 55). Các người có ơn gọi trợ giúp phát triển kinh tế có nhiệm vụ bảo đảm để nền kinh tế luôn có gương mặt nhân bản. Họ nắm trong tay khả thể cung cấp công ăn việc làm cho rất nhiều người và trao ban hy vọng cho biết bao nhiêu gia đình. Việc làm là một quyền và nó trao ban phẩm giá cho con người. Đem bánh về nhà, cống hiến cho con cái một mái nhà, sức khoẻ, giáo dục là các khiá cạnh nền tảng của phẩm giá con người, và các doanh thương, các nhà chính trị, các nhà kinh tế phải để cho mình được gọi hỏi bởi những điều đó. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi như sau:

Tôi xin anh chị em đừng nhượng bộ một mô thức kinh tế tôn thờ thần giả cần hy sinh các mạng người trên bàn thờ của tiền bạc và lợi nhuận. Trong các lãnh vực kinh tế, trong hãng xưởng, chính trị, điều đầu tiên là con người và môi trường trong đó nó sinh sống.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng Paraguay nổi tiếng là vùng đất nơi đã bắt đầu các “Giảm thiểu” là một trong các kinh nghiệm hay nhất của việc rao truyền Tin Mừng và tổ chức xã hội trong lịch sử. Trong đó Tin Mừng đã là linh hồn và cuộc sống cộng đoàn không có đói khát, thất nghiệp, mù chữ, áp bức. Kinh nghiệm lịch sử này dậy cho chúng ta biết rằng một xã hội nhân bản hơn là điều có thể thực hiện được, cả ngày nay nữa. Khi có tình yêu đối với con người và ý chí phục vụ, thì có thể tạo ra các điều kiện để tất cả mọi người có các của cải cần thiết, và không có ai bị loại trừ.

Cuối cùng Đức Thánh Cha khích lệ mọi người yêu thương quê hương, các công dân và nhất là yêu thương người nghèo. Như thế anh chị em sẽ là một chứng tá trước mặt thế giới và cho thấy một mẫu phát triển khác là điều có thể làm được. Tôi xác tín rằng anh chị em có sức mạnh lơn lao nhất có thể có đó là nhân bản tính , đức tin và tình yêu thương của anh chị em.

Diễn văn của Đức Thánh Cha đã nhiều lần bị ngắt quãng bởi các tràng pháo tay của cử tọa.

Sau khi ban phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha đã từ giã giới đại diện xã hội dân sự để tới nhà thờ chính tòa Đức Mẹ hồn xác lên trời cách đó 2 cây số rưỡi chủ sụ buổi hát Kinh Chiều với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và thành viên các phong trào Công Giáo.