Ngày 22-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Từ bỏ của cải đời nầy đổi lấy Nước Trời đời sau
Lm. Đan Vinh
03:10 22/07/2020
Chúa Nhật 17 Thường Niên A

1 V 3, 5.7-12; Rm 8, 28-30; Mt 13, 44-52

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 13, 44-52

(44) “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. (45) Nước Trời lại giống như một thương gia đi tìm ngọc đẹp. (46) tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. (47) Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. (48) Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. (49) Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính. (50) Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (51) Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? “Họ đáp: Thưa hiểu”. (52) Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.

2. Ý CHÍNH:

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su tiếp tục dùng ba dụ ngôn là Kho Báu, Ngọc Quý và Lưới Cá, nhằm trình bày những khía cạnh khác nhau của Nước Trời mà Người sắp thiết lập: Nước Trời có giá trị thiêng liêng giống như một kho báu hay một viên ngọc quý giá, mà người khám phá ra, sẽ sẵn lòng hy sinh mọi thứ mình có ở đời này để mua lấy Nước Trời có giá trị vĩnh hằng ấy. Vào ngày tận thế, chỉ những tín hữu sống đức tin cậy mến, giống như giống cá tốt, mới được tiếp nhận, còn những kẻ bất tín gian ác, giống như cá xấu, sẽ bị loại khỏi Nước Trời.

3. CHÚ THÍCH:

- C 44: + Nước Trời giống như: Không phải Nước Trời được so sánh với kho tàng châu báu, nhưng giống như thái độ của người khám phá ra giá trị của kho báu. + Kho báu chôn giấu trong ruộng: Dân Do Thái luôn bị các nước lớn chung quanh như Ai Cập, Át-si-ri, Ba-by-lon… xâm lược và cướp bóc tài sản, nên họ thường đào hố chôn giấu vàng bạc châu báu trong ruộng của mình. Về sau, thỉnh thoảng có người đã đào được những kho báu chôn giấu như thế. + Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại: Luật La Mã và Do thái thời bấy giờ cho phép ai tìm thấy tài sản trên đất của mình thì có quyền sở hữu. Ở đây người nông dân này không có quyền sở hữu đất ruộng mà anh đang cày thuê, nên anh ta vội vã chôn vùi lại để tránh bị kẻ khác biết, rồi tìm cách mua thửa ruộng ấy để có thể công khai chiếm hữu kho báu kia. Ở đây kho báu được tình cờ tìm thấy, cho thấy việc khám phá ra Nước Trời là một ơn cho không của Thiên Chúa. + Rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy: Kho báu kia quý giá đến nỗi đã thôi thúc anh đánh đổi mọi cái đang có. Cũng vậy, Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập cũng là một kho báu thiêng liêng, mà khi khám phá ra, người ta sẵn sàng hy sinh từ bỏ mọi sự để có được Nước Trời ấy.

Tóm lại: Nước Trời đòi người ta phải đáp trả cách trọn vẹn, sẵn sàng hy sinh bản thân (x. Mt 16, 24), tình cảm gia đình (x. Mt 10, 37), chấp nhận mất mát cả những bộ phận quý giá trong cơ thể như mắt, tay, chân (x. Mt 18, 8-9), và ngay cả mạng sống của mình nữa (x. Mt 10, 39) để có được Nước Trời làm phần gia nghiệp. Dù hy sinh như vậy nhưng người ta vẫn không bị thiệt, mà trái lại sẽ được lợi gấp trăm ở đời này và còn được hưởng hạnh phúc Nước Trời đời sau (x. Mt 19, 28-29).

- C 45-46: + Giống như chuyện một thương gia: Dụ ngôn không nhằm so sánh Nước Trời với viên ngọc đẹp, mà nhấn mạnh tới hành động của người thương gia sau đó. + Đi tìm ngọc đẹp: Thời xưa, ngọc trai là một vật rất được ưa chuộng. Chúng được các thợ lặn mò từ đáy biển Đỏ, vịnh Ba Tư hay Ấn Độ Dương. Các hạt ngọc trai này được kết thành tràng chuỗi đeo nơi cổ. + bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy: Sau nhiều vất vả học hỏi giáo lý và gặp được Chúa, các tín hữu sẽ noi gương các môn đệ xưa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để phục vụ Dân Chúa, tận hiến cuộc đời để ngày một nên hòan thiện, hoặc sẵn sàng hy sinh mọi đam mê lạc thú đời này để có Nước Trời làm phần gia nghiệp muôn đời.

- C 47-48: + Giống như chuyện chiếc lưới: Nước Trời không giống như lưới cá, nhưng được so sánh với toàn bộ công việc thả lưới bắt cá. + Thả xuống biển: Lưới đây ám chỉ Hội Thánh, biển là trần gian, ngư phủ thả lưới là Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sai Đức Giê-su đến thiết lập Hội Thánh để ban ơn cứu độ cho loài người. + Gồm được đủ thứ cá: Đủ thứ cá tốt và cá xấu. Trong Hội Thánh cũng có cả người tốt lẫn kẻ xấu. + Lưới đầy người ta kéo lên bãi: Đến ngày tận thế, mọi kẻ chết sẽ được Chúa cho sống lại để chịu phán xét chung. + Cá tốt cho vào giỏ: Cá tốt là loại cá mà luật Mô-sê cho phép ăn là “những loài cá có vây và có vẩy” (Đnl 14, 9). Ở đây cá tốt ám chỉ người lành. Họ sẽ được thu nhận vào giỏ thiên đàng. + Cá xấu thì vứt ra ngoài: Cá xấu là loại cá mà luật Mô-sê cấm ăn là “những loài không có vây và không có vẩy” (Đnl 14, 10). Ở đây cá xấu ám chỉ những kẻ làm tay sai của ma qủy và cố tình làm điều ác.

- C 49-50: + Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa…: Đến ngày tận thế, sẽ không còn cảnh vàng thau lẫn lộn: Kẻ dữ sẽ bị loại bỏ khỏi Nước Trời, và sẽ bị phạt trong hỏa ngục. Ở đó họ sẽ phải khóc lóc đau khổ trong sự nghiến răng hận thù.

- C 51-52: + Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời: Kinh sư là thày dạy về kinh thánh Cựu Ước, nay họ lại được nghe Đức Giê-su giảng về mầu nhiệm Nước Trời của Tân Ước. + Thì cũng giống như chủ nhà kia…: Tất cả những ai nghe và hiểu tường tận về mầu nhiệm Nước Trời, thì sẽ biết sử dụng những điều mới và cũ đã nghe để ứng dụng vào việc rao giảng Tin Mừng. Chính nhờ hiểu biết Luật Mô-sê mà các môn đệ sẽ dễ dàng hiểu biết những lời Đức Giê-su rao giảng và biết được ý nghĩa của những lời tuyên sấm Cựu Ước đã được ứng nghiệm nơi Người.

4. CÂU HỎI:

1) Ba dụ ngôn về Nước Trời được trình bày trong Tin Mừng hôm nay là gì?

2) Ý nghĩa của hai dụ ngôn đầu thế nào?

3) Thái độ của người nông dân khi tìm thấy kho báu chôn giấu trong thửa ruộng đang cày ra sao? Anh ta làm như vậy nhằm mục đích gì?

4) Cá tốt cá xấu trong dụ ngôn lưới cá ám chỉ những ai?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13, 44).

2. CÂU CHUYỆN:

1) MỘT CUỘC XỬ ÁN KHÔN NGOAN CỦA VUA SA-LO-MON:

Có hai người đàn bà tới tìm Sa-lo-mon nhờ giải quyết một chuyện khó xử. Một người trong họ giải thích: “Bà này với tôi sống chung một nhà. Tôi sinh được một con trai, và hai ngày sau bà này cũng sinh được một con trai. Rồi một đêm nọ con bà chết. Nhưng khi tôi đang ngủ bà bồng đứa con chết bỏ xuống bên cạnh tôi và bồng con tôi đi. Khi tôi thức dậy và nhìn đứa con chết thì thấy nó không phải là con tôi.”

Nghe tới đây người đàn bà kia nói: “Không phải vậy! Đứa con sống là con tôi, và đứa chết là con bà ấy!” Người đàn bà thứ nhất đáp: “Không phải vậy! Đứa con chết là con bà, đứa sống là con tôi!” Hai người đàn bà cứ cãi nhau như vậy. Sa-lo-mon sẽ phải xét xử thế nào đây?

Ông bảo đem lại một thanh gươm, và khi người ta đem gươm lại thì ông nói: “Hãy xẻ đứa bé sống này ra làm hai, và giao cho mỗi bà một nửa!”

Người mẹ thật la lên: “Khoan, khoan! Xin đừng giết đứa nhỏ. Hãy giao nó cho bà kia!” Nhưng người đàn bà kia nói: “Đừng giao nó cho bà này hay tôi gì cả; cứ việc xẻ nó ra làm hai đi.”

Cuối cùng Sa-lo-mon nói: “Chớ giết đứa bé! Hãy giao nó cho bà thứ nhất. Bà ấy mới là mẹ thật của nó.” Sa-lo-mon biết được điều này vì người mẹ thật yêu đứa bé đến nỗi sẵn sàng nhường nó lại cho người đàn bà kia miễn là nó được sống.

Khi dân chúng nghe thấy cách Sa-lo-mon phân giải vụ khó xử này, họ rất vui mừng vì có được một vị vua khôn ngoan như thế. (x. 1V 3, 16-28).

Câu chuyện xử kiện trên đây cũng như cách xử sự khôn ngoan của vua Sa-lo-mon được đồn đi rất xa, nên từ mọi dân tộc, thiên hạ kéo tới học hỏi sự khôn ngoan của vua Sa-lo-mon (x. 1V 5, 14), trong đó có nữ hoàng Sơ-va (x.1V 10, 1-13). Nhưng sự khôn ngoan của vua Sa-lo-mon cũng chỉ được một thời. Cuối đời, ông đã sống thiếu khôn ngoan. Ông theo các bà vợ ngoại giáo, ngã theo các thần dân ngoại, không còn chung thủy với Thiên Chúa như phụ vương Đa-vít nữa (x. 1V 11, 1-8).

2) KHÔN NGOAN LÀ CHỌN AI TRONG BA BẠN THÂN?

Người kia có ba người bạn thân. 2 người trước là bạn rất thân, người thứ ba là bạn thân bình thường vậy thôi. Ngày kia ông bị bắt cách oan ức ra tòa xét xử về tội lừa đảo. Ông yêu cầu ba người bạn thân đi theo ra tòa để làm chứng biện hộ cho ông. Người bạn thứ nhất liền từ chối, viện cớ bận việc không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại không dám vào. Chỉ có người thứ ba tuy không được ông yêu thích nhưng lại trung thành đi vào trong tòa án để làm chứng cho ông ta không những được trắng án khỏi bị phạt tù, mà còn được bên kia đền bù thiệt hại nữa.

Người bạn thứ nhất là Tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Người bạn thứ hai là Bà Con Bạn Hữu. Họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là các Việc Lành. Chúng theo ta đến tòa phán xét và đưa ta vào cửa thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời.

3) GƯƠNG TỪ BỎ DANH LỢI TRẦN THẾ CỦA THÁNH PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê:

PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê (1506-1552) là con của gia đình quí tộc nước Tây Ban Nha. Lớn lên được cha mẹ cho sang Pháp du học. Phan-xi-cô có một người bạn thân là I-nha-xi-ô Lôi-ô-la. Một hôm trong khi tham dự thánh lễ, Phan-xi-cô đã nghe được Lời Chúa phán: "Lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì? " Câu Kinh thánh này đã ảnh hưởng sâu xa trong suốt thời gian học đại học của Phan-xi-cô. Cũng chính câu lời Chúa ấy đã đánh động tâm hồn khiến anh quyết định từ bỏ mọi danh vọng trần thế đang chờ đón, để chọn theo lý tưởng tu trì phụng sự Chúa Giê-su. Phan-xi-cô đã xin gia nhập vào dòng Tên do I-nha-xi-ô thành lập. Sau đó anh vâng lời bề trên từ giã quê hương sang truyền giáo bên nước Ấn độ xa xôi và đã đưa được hàng vạn người tin theo Chúa. Sau đó, Phan-xi-cô còn có ước vọng đi truyền giáo tại Trung Hoa. Nhưng trên đường đi, ngài đã bị bệnh nặng và chết trên một hòn đảo, mặt luôn hướng về nước Trung Hoa.

4) LỜI NHẮN NHỦ CÁC BẠN TRẺ CỦA MỘT BÁC SĨ TÀI DANH:

Bác sĩ RICHARD TEO KENG SIANG, 40 tuổi. Một triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở đảo quốc Sin-ga-pore. Đột nhiên phát hiện mình đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi anh đang ở đỉnh cao tiền tài và danh vọng. Richard Teo qua đời ngày 18/10/2012. Những chia sẻ của anh được đưa lên facebook đã gây xúc động rất lớn cho các bạn trẻ và được nhiều lời bình luận đồng ý.

- “Chào tất cả các em. Tôi tên là Richard và là một bác sĩ. Từ lúc trẻ, tôi là sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay. Hồi nhỏ, tôi lớn lên trong một gia đình sống dưới mức trung bình. Tôi được mọi người dạy rằng: thành công và giàu có đồng nghĩa với hạnh phúc. Với suy nghĩ này, tôi quyết tâm ganh đua học tập ngay từ nhỏ và đã đạt được thành công và có được mọi thứ như lòng mong ước. Nhưng thật trái ngược, chỉ khi sắp chết thì tôi mới nhận biết mình nên sống ra sao. Tôi biết điều này nghe có vẻ phi thực tế, nhưng lại là sự thật mà chính tôi đang trải qua: Sự thành công, xe cộ, nhà cửa, những thứ mà tôi nghĩ sẽ đem lại hạnh phúc cho mình. Nhưng thực ra chúng đã không mang lại niềm vui, mà nếu được chọn lại, tôi sẽ chọn một lối sống khác tốt đẹp hơn.”

- Đây không chỉ là lối sống thực dụng của Richard Teo, mà còn của mọi người chúng ta. Chúng ta đã quá lo toan lao vào cuộc cạnh tranh tìm kiếm tiền tài danh lợi, mà quên đi giá trị cao cả hơn là hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. Chúng ta đã đầu tư quá nhiều công sức vào những thứ mau qua chỉ có giá trị tương đối, mà bỏ qua cơ hội tích lũy cho mình một gia tài thiêng liêng có giá trị lâu bền ở đời sau.

3. SUY NIỆM:

1. SỰ KHÔN NGOAN CỦA VUA SA-LO-MON:

Sa-lo-mon là con vua Đa-vít và được thừa kế ngai vàng của vua cha. Sa-lo-mon nhận biết mình “trẻ người non dạ” và còn nhiều hạn chế trước trọng trách làm vua. Ông được Đức Chúa hứa ban các ơn cần cho chức vụ cai quản Dân Chúa. Sa-lo-mon đã không xin của cải giàu có, quyền lực vinh quang hay sống lâu trường thọ. Ông chỉ xin Chúa ban sự khôn ngoan để hướng dẫn Dân Chúa đi theo đường lối của Ngài. Điều ông xin đẹp lòng Đức Chúa và ông đã được Chúa ban cho ông trở thành một vị vua tài trí bậc nhất thiên hạ. Danh tiếng về sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi biên giới đất nước: Trước ông, không ai được như ông và sau ông cũng không ai được bằng ông.

2) Ý NGHĨA HAI DỤ NGÔN NƯỚC TRỜI LÀ KHO BÁU VÀ VIÊN NGỌC QUÝ:

Đức Giê-su đến rao giảng Tin Mừng Nước Trời và mời gọi mọi người gia nhập để được ơn cứu độ. Người đòi người ta phải khôn ngoan chọn lựa Nước Trời qua hai dụ ngôn là Kho Báu và viên Ngọc Quý như sau:

- Một nông dân nghèo phải đi cày thuê để kiếm sống. Một hôm ông ta tình cờ phát hiện ra một cái chum trong có chứa nhiều vàng bạc quý báu, được ai đó đem chôn giấu trong ruộng mà anh đang cày thuê. Một nhà buôn nọ tình cờ gặp thấy một viên ngọc quý được bán với giá hời. Phản ứng của hai người giống nhau là thái độ khôn ngoan: trở về nhà, âm thầm đem bán tất cả nhà cửa ruộng vườn và những gì đang có, lấy tiền mua lấy thửa ruộng có chôn kho báu, mua lấy viên ngọc mà chỉ ông ta mới biết giá trị lớn lao thực sự của nó.

- Kho báu và viên ngọc quý nói chung là những gì có giá trị trước mắt, vì chúng hứa hẹn sự giàu có mà ai cũng mong muốn. Chúng chính là động lực thôi thúc người ta sẵn sàng hy sinh tất cả để lấy làm của riêng mình. Nhưng Lời Chúa hôm nay dạy các tín hữu chúng ta: Kho báu và ngọc quý nói trên dù sao cũng chỉ có giá trị tương đối và không bền vững. Chúng chỉ mang lại cho người ta thứ hạnh phúc bọt bèo chóng qua không bền vững. Cách đây ít lâu báo chí đã đăng tin về một vụ án giết người cướp của bằng súng AK ngay trên đường phố. Hồi 19 giờ tối, một vụ cướp táo bạo đã xảy ra trên đường Huỳnh khương Ninh, Phường Đa Kao, Quận 1. Một ông chủ tiệm chở vàng bằng xe du lịch từ tiệm vàng về nhà, thì bất ngờ bị 2 tên cướp đi xe Su-zu-ki Sì-po áp sát. Chúng dùng súng AK hãm thanh bắn gục cô người làm khi cô vừa mở cửa nhà. Sau đó, trước khi tẩu thoát chúng tiếp tục bắn ông chủ mấy phát và giật phăng chiếc túi xách chứa vàng ông đang ôm, và để lại hiện trường một khẩu súng AK. Theo lời khai của nạn nhân thì trong túi vàng chứa 250 lượng vàng SJC, 20 ngàn đô la và khoảng 20 triệu đồng. Như vậy: giàu có của cải đã không mang lại hạnh phúc cho chủ sở hữu, mà lại trở thành nguyên nhân gây tai họa cho ông ta và người thân nữa.

3) CẦN SẴN SÀNG HY SINH CỦA CẢI ĐỜI NÀY ĐỔI LẤY NƯỚC TRỜI:

Nhiều người coi Nước Trời chỉ là một thứ kho báu thiêng liêng không thực tế, nên đã không muốn từ bỏ của cải mình đang có. Nhưng đối với các tín hữu chúng ta: Nước Trời thực sự là một kho báu. Chỉ khi nào xác tín như thế, chúng ta mới dám hy sinh từ bỏ của cải chỉ có giá trị tương đối, để đổi lấy kho báu trên trời giá trị vĩnh hằng (x. Mt 6, 10-20). Tin Mừng Mác-cô cũng thuật lại câu chuyện về một chàng thanh niên giàu có muốn nên trọn lành đến gặp Đức Giê-su hỏi xem mình phải làm gì để nên trọn lành. Anh cho biết đã tuân giữ các giới răn ngay từ khi còn bé. Nhưng khi Đức Giê-su yêu cầu anh về nhà bán của cải đem phân phát cho người nghèo để đổi lấy kho báu thiêng liêng trên trời, rồi theo làm môn đệ của Người, thì anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh không thể từ bỏ của cải vật chất đang chiếm hữu (x Mc 10, 17-22).

Thánh Phao lô dạy: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư. Trái lại, chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9, 25). Vàng bạc châu báu khi ta chết sẽ về tay kẻ khác. Phần thưởng huy chương vàng sau khi vận động viên chết đi sẽ chỉ còn là một vật lưu niệm. Trái lại, nếu người tín hữu biết từ bỏ của cải vật chất để mua lấy Nước Trời bằng sự thực hành bác ái từ thiện, thì sau khi chết, họ sẽ chiếm hữu được Nước trời là của cải quý giá và có giá trị muôn đời.

4) PHẢI KHÔN NGOAN CHỌN LỰA NHỮNG GÌ TRONG CUỘC SỐNG?

- Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta phải khôn ngoan chọn lựa: Chọn lựa của cải trần gian mau qua hay chọn Nước Trời vĩnh cửu. Chọn với thái độ dứt khoát không nửa vời, vì “thà mất một mắt, một tay, một chân mà được vào Nước Trời, hơn là còn nguyên vẹn mà phải sa hỏa ngục”. Chọn với sự đánh đổi: Chấp nhận đánh dổi những gì đang có để mua lấy hạnh phúc Nước Trời?

- Để có Nước Trời là hạnh phúc đời đời, các tín hữu chúng ta phải khôn ngoan cầu xin Chúa như vua Sa-lô-môn: Ông không cầu xin Chúa ban giầu có hay khả năng đánh bại quân thù, mà chỉ xin Chúa ban sự khôn ngoan để luôn chọn theo ý Chúa muốn, phân biệt thiện ác, làm theo lẽ phải.

- Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ mọi sự để đạt được Nước Trời cần phải có ơn Chúa trợ giúp. Thực vậy: Làm sao chúng ta dễ dàng bán hết những gì một đời vất vả mới có được? Làm sao chúng ta có thể từ bỏ một mối tình vụng trộm đầy sức cuốn hút? Làm sao từ bỏ được một thói quen mang lại sự thỏa mãn xác thịt? Làm sao chúng ta có thể bỏ lỡ một cơ hội giúp kiếm được nhiều tiền… để chu toàn bổn phận đến nhà thờ tham dự thánh lễ Chúa Nhật? Làm sao chúng ta có thể bố thí cho một bệnh nhân nghèo một ít tiền chữa bệnh, dù chúng ta có thể dễ dàng chi gấp nhiều lần cho một chai rượu ngoại để ăn nhậu với bạn bè? Làm sao chúng ta có thể xin lỗi người dưới khi biết mình sai? Làm sao chúng ta có thể không đi chơi với chúng bạn để đi theo học giáo lý? ... Để có thể chọn lựa lối hành xử đúng đắn, chúng ta cần năng nghe Lời Chúa dạy và suy niệm để tìm ra ý Chúa muốn và xin ơn Thánh Thần soi dẫn, giúp chúng ta vâng phục ý Chúa.

- TÓM LẠI, nếu vì hạnh phúc Nước Trời mà mình có thể bị nghèo đi, bị mất công ăn việc làm, hay có thể mất cả địa vị xã hội… thì chúng ta cũng vẫn phải đánh đổi. Vì dù sao tiền tài danh vọng cũng không dành riêng cho mình và cũng không mang lại cho chúng ta hạnh phúc thực sự. Chỉ có hạnh phúc Nước Trời mới có giá trị lâu dài và mang lại hạnh phúc thực sự cho chúng ta, như ông Gia-kêu sau khi gặp Chúa đã vui lòng chia phân nửa gia sản bố thí cho người nghèo, và sẵn sàng đền gấp bốn lần những thiệt hại đã gây ra cho người khác.

4. THẢO LUẬN:

Đức Giê-su đòi các môn đệ từ bỏ mọi sự mà đi theo Người. Còn các tín hữu hôm nay cần từ bỏ những gì để trở thành tông đồ giáo dân mở mang Nước Chúa?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY Chúa GIÊ-SU. Chúng con thường bị giàu sang, danh vọng, sắc dục lôi cuốn trói buộc. Chúng không cho chúng con nâng tâm hồn lên cao để gặp Thiên Chúa là nguồn chân thiện mỹ và đạt được hạnh phúc đời đời. Xin giải thoát chúng con khỏi những ham mê của cải vật chất trần gian, nhưng cho chúng con biết tìm kiếm kho báu thiêng liêng trên trời. Xin cho chúng con luôn cởi mở thân thiện với tha nhân, sẵn sàng quên mình để phục vụ lợi ích cho tha nhân cách vô vụ lợi. Nhờ đó, chúng con chắc chắn sẽ có được kho báu thiêng liêng là hạnh phúc Nước Trời đời sau.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:12 22/07/2020

35. Nếu chúng ta hiểu được rõ ràng trong bệnh tật có cả một kho tàng quý báu thì nhất định vui vẻ đón nhận nó, giống như tiếp nhận ân sủng lớn nhất vậy.

(Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:18 22/07/2020
82. BẢY ĐỨC CỦA CON GÀ

Bạn của họa sĩ Nghê Vân Lâm nuôi rất nhiều gà, vừa to vừa béo, nhưng vì tiếc rẻ nên không dám giết gà để mời khách.

Một hôm, Nghê Vân Lâm đến nhà bạn nói:

- “Nghe nói gà có bảy đức, anh có biết không? ”

Người bạn nói:

- “Từ trước đến nay chỉ nghe người xưa nói gà có năm đức: văn, võ, dũng, nhân và tín mà thôi, làm gì có bảy chứ? ”

Nghê Vân Lâm đáp:

- “Nếu như anh không tiếc (捨得) ( 1) thì tôi cũng có thể ăn được 吃得 (2), cộng lại không phải là bảy đức sao? ”

(Nhã Ngược)

Suy tư 82:

Người xưa nói con gà có năm đức, đó là văn, võ, dũng, nhân và tín; con người cũng có năm đức, đó là nhân, lễ, nghĩa, trí và tín. Trong năm đức của con gà thì có hai đức giống con người, đó là nhân và tín, thế mới biết con vật thì không giống con người, bởi vì nó không có lễ, nghĩa và trí.

Lễ và nghĩa thuộc về tâm hồn, trí thuộc về trí khôn, lấy tâm hồn và trí khôn để kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân thì con vật chắc chắn là không có, mà chỉ có nơi con người mà thôi, mất đi lễ, nghĩa, trí thì con người sẽ đối xử với nhau như con vật chỉ biết danh lợi, lạc thú và ích kỷ cho mình mà thôi.

Người Ki-tô hữu không những có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mà thôi, nhưng còn có thêm hai đức khác nữa, đó là yêu thương và phục vụ, bởi vì hai nhân đức này làm nổi bật căn tính của người Ki-tô hữu.

Con gà có bảy đức thì không có, nhưng người Ki-tô hữu có bảy đức là chuyện có thật, thế mà có nhiều người không nhận ra chúng ta là người Ki-tô hữu, bởi vì chúng ta không thực hiện hai đức nổi bật nhất của mình là yêu thương và phục vụ.

(1) 捨得 phát âm là ”sờ tở” nghĩa là tiếc. 德phát âm cũng là “tở” nghĩa là đức, hai chữ “tở” đồng âm khác nghĩa.

(2) 吃得 phát âm là “trư tở” nghĩa là ăn được. 德 phát âm cũng là “tở”nghĩa là đức, hai chữ “tở” đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Ngọc Qúi
Lm Vũđình Tường
23:02 22/07/2020
Ba dụ ngôn; dụ ngôn thứ nhất liên quan đến lùng tìm vật quí. dụ ngôn thứ hai liên quan đến viên ngọc quí và dụ ngôn cuối liên quan đến lưới cá, tất cả đều rất ngắn, chỉ có vài câu. Dụ ngôn lưới cá dài nhất cũng chỉ có 4 câu. Nhìn thoáng qua thì hình như cả ba dụ ngôn đều rời rạc, không liên quan gì đến nhau. Xét kĩ hơn về phương diện hành xử trong việc trao đổi thì cả ba dụ ngôn có nhiều điểm chung. Thứ nhất là liên quan đến vấn đề tìm, kiếm, tìm thấy, thu xếp bán tất cả để mua vật quí tìm được. Thứ hai liên quan đến kiến thức cần thiết để biết đó là viên ngọc thật quí hiếm, hay viên ngọc thường. Thứ ba liên quan đến việc quyết tâm, bằng mọi cách, mua cho bằng được điều ước mong. Cuối đến là công việc cần thiết phải làm để mua viên ngọc. Hành động tìm kiếm, mua bán, đổi chác có nhiều điểm chung. Chẳng hạn như chúng đều đòi hỏi tinh thần mạo hiểm. Chúng đòi hỏi thời gian tìm kiếm, mò mẫm. Tìm được chúng đòi hỏi nghệ thuật thương thuyết, điều đình trong việc buôn bán, đổi chác trong thương trường. Chúng đòi hỏi định lượng khả năng đổi chác và khả năng tài chánh gia đình. Cuối cùng cần phải bảo vệ, giữ kín, việc đang âm thầm thực hiện thành công. Tất cả những việc này đều có niềm vui, hy vọng và ngay cả thất vọng. Việc làm chủ viên ngọc quí đòi hỏi nhiều cố gắng hơn cả. Có được viên ngọc quí thì cần bỏ công sức ra gìn giữ, bảo vệ viên ngọc. Công việc bảo vệ, gìn giữ không phải một thời gian ngắn mà suốt thời gian làm chủ viên ngọc. Vì thế mà cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày cần thay đổi cho thích hợp với nhiệm vụ mới.

Đức Kitô ám chỉ viên ngọc quí trong dụ ngôn chính là Đức Tin, tin vào Đức kitô. Là viên ngọc hiếm quí, nên cần gìn giữ đức tin với tất cả khả năng. Đức tin thay đổi cuộc sống trước kia. Khi chưa có đức tin sống khác; sau khi tin vào Đức Kitô cuộc sống mới bắt đầu, thay đổi bắt nguồn từ trong tâm hồn, thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi lời nói, thay đổi việc làm, thay đổi cách đối xử với tha nhân, thay đổi cách cầu nguyện. Như thế toàn thể con người thay đổi để trở thành con người mới. Việc thay đổi cuộc sống dẫn đến việc chọn lựa lối sống cách nào cho phù hợp với giáo huấn của Đức Kitô. Chọn loại bỏ những gì trái nghịch yêu thương, trái nghịch tha thứ. Những chọn lựa này làm cho dụ ngôn lưới cá trở nên thực hơn, gần gũi hơn, liên quan đến cách sống của Kitô hữu. Từ bỏ lối sống cũ để đón nhận lối sống mới là việc cần làm, và là việc quan trọng hơn cả. Loại bỏ những gì làm hại sống, gây đau thương, lo lắng cho thân nhân và đau khổ cho tha nhân đòi quyết tâm, cố gắng, dứt khoát từ bỏ. Từ bỏ những gì xã hội yêu thích, đón nhận đức tin Kitô chính là hành động khôn ngoan. Thánh Phaolô trong thư cho tín hữu thành Philiphê viết: 'Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô' Pl. 3, 7-8.

Từ bỏ tất cả để tin theo Đức Kitô là có tất cả bởi tất cả mọi sự trên đời đều qua đi. Lòng mến, tình yêu dành Cho Đức Kitô không bao giờ qua đi. Bán mọi sự để mua thửa ruộng có ngọc quí là điều có thể làm được, nhưng mua đức tin thì không thể, bởi không có người bán, và cũng không ai có để bán. Đức Kitô là Đấng duy nhất ban cho niềm tin tuyệt hảo đó. Không gì trên đời có thể so sánh với tình yêu Chúa dành cho Kitô hữu. Đáp lại tình yêu tuyệt vời Chúa trao, thì con tim Kitô hữu, dù bất toàn, cũng là món quà duy nhất ta có để đáp lại tình Chúa. Dùng tình yêu đáp trả tình yêu là điều Kitô hữu có khả năng làm; được khuyến khích làm. Ngoài ra ta không còn gì tốt hơn để đền đáp tình Chúa yêu ta. Những ai thành tâm đón Đức Kitô vào lòng mình, Đức Kitô sẽ ban cho đức tin. Đây là món quà quí, Đức Kitô tặng không cho những ai yêu mến Ngài. Như thế dụ ngôn nói bán tất cả mọi sự để mua viên ngọc quí là ngụ í nói đến con người từ bỏ tất cả để tin theo Đức Kitô. Nói cách khác dụ ngôn muốn nói đến đức tin Đức Kitô trao ban có giá trị hơn tất cả mọi sự ta có. Thánh Matthêu cgi lại điều Đức Kitô giáo huấn. 'Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó' Mat 6, 21. Cần bảo vệ đức tin hết khả năng, hết tâm tình. Càng dành nhiều thời giờ cho đức tin, bạn sẽ nhận được nhiều niềm vui nước trời. Chúng ta cầu xin biết xét tấm lòng của ta mỗi ngày để biết kho tàng của ta ở đâu.

TiengChuong.org

Treasure

There are three short parables in today's reading. The last parable which has only four verses, is the longest one. At first glance, the three parables are disjointed. There are no obvious connections amongst them, but when one examines each of them in detail, they correlate and are compatible with one another. They all have something in common, such as searching, finding, selling, purchasing and celebrating. None of these actions is free from risk. These human actions require personal commitment. They are time consuming. That requires self- sacrifice and patience. Searching, finding, selling and purchasing all require negotiating skills, and clever strategies. The whole process from start to end gives hope, joy and, maybe even disappointment. Hope and joy are in finding the treasure and purchasing. Disappointment comes with any hiccup in the process of doing the business. The act of owning the treasure or the pearl is the biggest challenge of all, because it is life changing.

Commitment to God's kingdom is life changing, and the adjustment to a new way of life in Christ interrupts a person's former way of life. The real change begins inside that person, from one's heart. The selection process of what to take and what to discard, makes the parable of the dragnet relevant to our daily living. Each day we do make choices, what to take and what not to. Where is one's priority in life? . In this sense the parable of the dragnet is not disjointed from the parable of the hidden treasure and the fine pearl, but it is well connected to them. Choosing to follow Jesus requires knowing what to discard, what to throw away, to make room for Jesus in one's heart. Having faith in Jesus is worth much more than giving away whatever we own. Giving away is a big sacrifice, but it is worth doing it, because giving away many things with some value to take only the one with best value requires wisdom and courage. This is the way St Paul chose. Written in his letter to the Philippians revealed his insight: 'I believe nothing can happen that will outweigh the supreme advantage of knowing Christ Jesus my Lord. For him I have accepted the loss of everything, and I look on everything as so much rubbish if only I can have Christ' Phil. 3, 7-8. Losing everything for Christ means gaining everything in Christ, because only through Him, does our life gain true and everlasting meaning.

Selling everything to buy the field, or the pearl is possible, but buying eternal life is impossible, simply because no one has it to sell. God alone has salvation. Nothing in this world can buy God's love, not even good works. God's love is given, and one must respond with love to receive it. To those who love Jesus dearly with their heart; Jesus gives His heart. Faith in Christ is God's gift given freely for those who love God and God's people. Selling everything for salvation means a person will do whatever it takes to have faith in Jesus. The parables proclaim that salvation is worth much more than whatever we have in life. Selling everything for salvation points to the reality that 'where your treasure is, there will your heart be also'. Mat 6, 21.
Faith in Jesus requires personal commitment to take care of it. The more time one spends nurturing one's faith; the more joy is the reward.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin nóng: Hoa Kỳ ra lệnh lãnh sự quán Trung Hoa tại Houston đóng cửa trong 72 giờ
Trần Mạnh Trác
11:58 22/07/2020
Theo những tin tức tổng hợp ngày hôm nay, thì Hoa Kỳ đã ra lệnh Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston trong 72 giờ, và một nguồn tin cho biết Bắc Kinh cũng đang cân nhắc việc trả đuã, có thể là đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Vũ Hán.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao cuả Trung Quốc thì Washington đã đột ngột yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán cuả họ ở Houston vào thứ ba. Trung quốc gọi hành động này là một sự leo thang chưa từng thấy nhưng chưa cho biết họ sẽ áp dụng biện pháp nào để trả đuã.

Cùng lúc đó thì Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, động thái này phải được thực hiện để kịp thời bảo vệ tài sản trí tuệ và những thông tin cá nhân của công dân Mỹ.

“Trước đây nhiều lần, Tổng Thống Trump đã nói rõ rằng ông không hài lòng với Trung Quốc, ” theo lời một cố vấn cuả toà Bạch Cung khi đề cầp đến việc đóng cửa lãnh sự quán.

Phát biểu trong khi đi thăm Đan Mạch, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng liên tục tố cáo những hành vi trộm cắp của Trung quốc trên tài sản trí tuệ cuả Hoa Kỳ và cuả châu Âu, mà theo ông, Phương Tây đã phải trả một giá đắt đỏ là con số hàng trăm ngàn việc làm cuả các công dân.

Trong khi từ chối bình luận thêm về việc lãnh sự quán Houston, ông Pompeo đã đề cập đến bản cáo trạng công bố trong ngày thứ Ba của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, tố cáo hai công dân Trung Quốc về một chiến dịch gián điệp trên mạng kéo dài nhiều chục năm nhắm vào các nhà thầu quốc phòng, các nhà nghiên cứu COVID và hàng trăm nạn nhân khác trên toàn thế giới.

“Tổng thống Trump nói là đủ rồi, chúng ta sẽ không cho phép điều này tiếp tục xảy ra, ” ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo. “Đây là một hành động cuả Tổng thống và chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia vào việc này.”

Theo tờ New York Times thì một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ về Đông Á là ông David Stilwell, nói rằng lãnh sự quán Houston là trung tâm của những hoạt động của quân đội Trung Quốc nhằm thúc đẩy lợi thế chiến tranh bằng cách gửi sinh viên đến các trường đại học Hoa Kỳ.

“Chúng tôi đã thực hiện một bước đi thực tế để ngăn chặn điều đó, ” ông Stilwell nói.

Ông Stilwell cũng cho biết gần đây, tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston và hai nhà ngoại giao khác đã bị bắt quả tang đang tham gia vào một hoạt động đáng ngờ tại khu kiểm tra an ninh ở sân bay Houston, trong thời gian trước giờ bay đặc biệt đi Trung Quốc mà Bắc Kinh đã sắp xếp do sự hạn chế đi lại trong đại dịch coronavirus.

Ông nói rằng hai nhà ngoại giao đã hộ tống du khách đến cổng kiểm tra an ninh và Air China, thông qua các nhà ngoại giao, đã cung cấp giấy tờ giả cho họ để đi qua cổng.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời về những tiết lộ của ông Stilwell.

Vào chiều thứ ba tại Houston, lính cứu hỏa đã phải huy động đến lãnh sự quán sau khi phát hiện có khói bay lên mù mịt. Một nguồn tin từ phía Hoa Kỳ tin rằng các tài liệu mật đã bị vội vã đem đi đốt ở trong sân, tuy nhiên người phát ngôn cuả Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Vương Văn Bân (Wang Wenbin) thì cho biết lãnh sự quán vẫn hoạt động bình thường và từ chối không bình luận gì thêm.
 
Cán bộ Trung Quốc vội vã đốt tài liệu để phi tang tại lãnh sự quán ở Houston, Texas. Khói mù mịt cả một vùng.
Đặng Tự Do
13:40 22/07/2020
Hoa Kỳ đã ra lệnh cho Trung Quốc phải đóng cửa lãnh sự quán ở Houston trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Một quan chức Trung Quốc gọi động thái này của Hoa Kỳ là ngang ngược, phi lý, và sẽ phá hoại quan hệ giữa hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tầu Cộng là Vương Văn Bân (Wang Wenbin - 王文斌) đã lên án hành động này, và cho rằng nó diễn ra vào thời điểm căng thẳng càng lúc càng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông ta cảnh báo Trung Quốc sẽ có các biện pháp đối phó lại nếu Hoa Kỳ không đảo ngược quyết định của mình.

“Quyết định đơn phương buộc tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston phải đóng cửa trong một thời gian ngắn là một sự leo thang chưa từng thấy trong các hành động gần đây của Mỹ đối với Trung Quốc, ” Vương Văn Bân nói trong một cuộc họp báo chiều thứ Tư 23 tháng 7.

Ngoài đại sứ quán tại Bắc Kinh, Hoa Kỳ còn có năm lãnh sự quán ở Trung Quốc đại lục. Đó là các lãnh sự quán ở Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Vũ Hán và Thẩm Dương.

Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn rằng chính quyền Hoa Kỳ buộc lãnh sự quán ở Houston Texas phải đóng cửa để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và các thông tin cá nhân của người Mỹ.

Ngay sau khi Hoa Kỳ đưa ra quyết định này, cán bộ Trung Quốc mang các giấy tờ trong lãnh sự quán ra đốt công khai trong một hành động rõ ràng là để phi tang các chứng cớ.

Các phương tiện truyền thông ở Houston cho biết lính cứu hỏa đã được người dân chung quanh gọi đến khi ngọn lửa dâng cao bên trong lãnh sự quán Trung Quốc. Các nhân chứng nói rằng các cán bộ Trung Quốc đang đốt giấy trong những thùng lớn đựng rác.

“Các cán bộ Trung Quốc đã hối hả đốt tài liệu trong một container được đặt trong sân của lãnh sự quán Trung Quốc. Ngọn lửa lên rất cao đe dọa khu phố chung quanh, nhưng dường như không phải là một đám cháy không được kiểm soát. Hơn nữa chúng tôi không được phép vào bên trong. Chúng tôi đang đứng bên ngoài và tiếp tục theo dõi, ” chỉ huy lính cứu hỏa Sam Pena nói.

Lãnh sự quán Trung Quốc được yêu cầu đóng cửa tòa nhà vào thứ Sáu này.

Cảnh sát Houston cũng cho biết các đơn vị cảnh sát đã được yêu cầu tăng viện cho lính cứu hỏa tại tòa nhà Lãnh sự quán Trung Quốc tại số 3417 Montrose Blvd. Khi đến nơi họ thấy khói mù mịt bốc lên từ một khu vực ngoài trời trong sân của tòa lãnh sự, nhưng cảnh sát không được phép vào bên trong tòa nhà.

Liên quan đến vụ cháy này, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố sau đây:

“Công ước Vienna khẳng định rằng các nhà ngoại giao phải tôn trọng luật pháp và quy định của Quốc gia tiếp nhận và có nghĩa vụ không được can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia đó. Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho các hành vi xâm phạm chủ quyền và mang tính chất đe dọa của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đối với người dân của chúng ta, và chúng ta cũng sẽ không dung thứ cho các hoạt động thương mại bất công bằng của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, việc trộm cắp thành quả công việc của người Mỹ và các hành vi nghiêm trọng khác. Tổng thống Trump khẳng định về sự công bằng và có qua có lại trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.”


Source:ABC13 Houston
 
Các cuộc tấn công chống Kitô giáo gia tăng ở Châu Âu
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
15:19 22/07/2020
Hậu quả của một vụ hỏa hoạn ngày 4 tháng 7 tại Giáo xứ Thánh Phaolô ở Corbeil-Essonnes, nước Pháp.

Catholic News Agency loan tin, ngọn lửa đã xé toạc Nhà thờ Chính tòa kiều Gothic kính thánh Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ở Nantes ngày 18 tháng 7 đã được báo cáo trên khắp thế giới. Nhưng các cuộc tấn công bị nghi ngờ đốt phá các nhà thờ Pháp thường không trở thành tin tức quốc tế.

Từ năm 2010, Đài quan sát về Kitô giáo có trụ sở tại Paris đã ghi lại những sự cố chống Kitô giáo ở Pháp và trên thế giới. Đài đã ghi lại những sự kiện này hàng tháng trên các bản đồ tương tác kể từ năm 2017, xếp chúng thành sáu loại: đốt phá, giết người / tấn công, phá hoại, trộm cắp, ném bom và bắt cóc.

Sau vụ hỏa hoạn hôm thứ Bảy 18/7 tại Nantes, tổ chức này đã báo cáo một số sự cố ít được công bố, bao gồm cả việc phá hủy cây thánh giá trên Île-d’Arz ở Brittany, việc đâm thủng những bức tranh trong một nhà thờ ở Auxerre và việc chặt đầu một bức tượng Đức Trinh Nữ Maria tại Montaud.

Thống kê cho thấy có gần ba vụ tấn công như vậy mỗi ngày ở Pháp, trong khi Giáo hội Pháp được mô tả là “con gái lớn nhất của Giáo hội” vì vua Clovis I (466-511), đã theo đạo Công Giáo vào năm 496.

Bộ Nội vụ Pháp đã ghi nhận 996 hành vi chống Kitô giáo vào năm 2019 - trung bình 2, 7 mỗi ngày. Con số thực sự có thể cao hơn, vì người ta cho rằng các quan chức không tính các vụ cháy không rõ nguyên nhân tại các nhà thờ trên cả nước.

Vào ngày 4 tháng 7, chẳng hạn, lửa đã tàn phá Giáo xứ Thánh Phaolô ở Corbeil-Essonnes. Chuyên viên nhà điều tra kết luận rằng ngọn lửa bắt nguồn từ một vụ rò rỉ khí gas gây ra bởi các phi đội, nhưng người dân địa phương đòi hỏi lời giải thích chính thức.

Samuel Gregg, giám đốc nghiên cứu tại Viện Acton, nói với CNA rằng hàng loạt sự cố đã buộc chính quyền Pháp phải giải quyết vấn đề này một cách cởi mở. Trong hai năm qua, các quan chức chính phủ Pháp đã bắt đầu nói về nó một cách công khai hơn, có lẽ bởi vì tầm nhìn của các cuộc tấn công như vậy bây giờ là rất lớn. Chẳng hạn, cả Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng mới của ông, Jean Castex, đã nói cách rõ ràng và cách cưỡng ép về cuộc tấn công gần đây vào nhà thờ ở Nantes, ” ông nói.

Trong khi số vụ việc chống Kitô giáo được ghi nhận chính thức vẫn ổn định trong hai năm qua (1.063 vào năm 2018 và 1.052 vào năm 2019), nó đã tăng 285% từ năm 2008 đến 2019, theo Ellen Fantini.

Fantini, giám đốc Đài quan sát tại Vienna về Không khoan dung và Phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu ở Châu u (OIDACE), nói rằng xu hướng tấn công gia tăng không chỉ giới hạn ở Pháp. OIDACE ghi lại các cuộc tấn công vào các nhà thờ Châu u trên trang web của mình, nhưng các tường trình chính thức khó tìm được. Hầu hết các nước Châu u không cung cấp số liệu thống kê về các sự cố chống Kitô giáo. Nhiều nơi không chẳng thèm ghi lại. Một vấn đề khác là nhiều quan chức nhà thờ thậm chí không báo cáo sự cố - họ chỉ cần giải quyết vấn đề này bằng cách dọn dẹp và tiếp tục, cô nói với CNA.

“Trong số các quốc gia có báo cáo, những con số này cũng đang tăng lên. Ví dụ, theo dữ liệu được cung cấp cho OSCE - Tổ ​​chức An ninh và Hợp tác ở Châu u của Anh, tội ác chống Kitô giáo đã tăng gấp đôi từ năm 2017 đến 2018. Chúng tôi biết rằng tội ác đang gia tăng ở Tây Ban Nha, Đức và Thụy Điển." Ở Anh và Wales, chính phủ đang cung cấp tài trợ cho những nơi thờ phượng phải đối mặt với các cuộc tấn công thù hận tiềm tàng.

Khi được hỏi tại sao các cuộc tấn công đang gia tăng, Fantini nói: “Đây là một câu hỏi phức tạp bởi vì chúng tôi thường không biết về danh tính - hay thậm chí là động lực ý thức hệ - của thủ phạm. Đôi khi các động cơ rõ ràng, nhưng những lần khác chúng tôi phải đưa ra dự đoán tốt nhất của chúng tôi. Khi các phong trào cực đoan tăng cả về số lượng và cường độ, số vụ tấn công vào các nhà thờ dường như tăng lên.”

Cô ấy tiếp tục: Tôi đã nói trước đây rằng các nhà thờ là ‘cột thu lôi’ đối với các nhà hoạt động. Và mỗi nhóm có lý do riêng để chọn tấn công một nhà thờ. Các nhà thờ có thể đại diện cho chế độ ‘phụ hệ’, ‘quyền bính’, ‘truyền thống’, ‘chứng sợ đồng tính’, ‘Kitô giáo phương Tây’ v.v… Thí dụ, những người Hồi giáo nhắm vào các nhà thờ vì những lý do khác với nhóm người hỗn loạn. Nhưng tất cả các nhóm này càng ngày càng hoạt động nhiều hơn trong những ngày này.” “Một vấn đề phức tạp hơn nữa là bản chất độc đáo của các nhà thờ có xu hướng khiến nhà thờ dễ bị tổn thương hơn – các nhà thờ mở cửa cho công chúng vào ban ngày và thường không có nhiều an toàn.”

Đối với Fantini, cách hiệu quả nhất để đối phó với các cuộc tấn công là thông qua hành động cục bộ. Cô nói: “Tôi nghĩ nó bắt đầu với các cộng đồng nhà thờ và tín hữu. Họ phải yêu cầu bảo vệ và lên tiếng khi nhà thờ của họ bị nhắm mục tiêu. Ở Pháp, có một sáng kiến tuyệt vời bắt đầu vào năm ngoái có tên là Protège ton église - Bảo vệ nhà thờ của bạn. Những người Công Giáo trẻ tự tổ chức tại các thị trấn trên khắp nước Pháp để kiểm tra nhà thờ của họ vào ban đêm, bình tĩnh can ngăn hoặc báo cáo những kẻ phá hoại, và nói chung họ muốn mọi người biết họ đang hiện diện” “Chính quyền cũng cần bắt đầu bảo vệ các nhà thờ dễ bị tổn thương với sự chú ý nhiều hơn như họ làm những nơi thờ phượng dễ bị tổn thương khác.”

Gregg lưu ý rằng các Giám mục Pháp đã lên tiếng về các cuộc tấn công, bao gồm Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris và Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp. Đây cũng là một chủ đề mà các Giám mục Pháp đã nêu ra trong các cuộc họp được lên lịch thường xuyên với chính quyền nhà nước, kể cả gần đây là vào tháng 3 năm nay khi họ yêu cầu đưa ra một kế hoạch an ninh cho các nhà thờ, ” ông nói.

“Vì vậy, một số Giám mục người Pháp đã chủ động về chủ đề này. Tuy nhiên, các cuộc tấn công vẫn tiếp tục. Một phần của thách thức là phần lớn các tòa nhà này mở cửa để người Công Giáo và những người khác có thể vào và cầu nguyện; họ không được phép, và không nên sử dụng nhà thờ chỉ là viện bảo tàng.”

Gregg đề nghị các Giám mục tại những nơi khác ở Châu u nên theo đường hướng của các Giám mục Pháp. “Bằng cách đó, tôi không muốn nói đến một tuyên ngôn giống như tổ chức phi chính phủ khác, vì có quá nhiều Giám mục Châu u và Hội đồng Giám mục đưa ra những tuyên bố hành chánh mà không ai đọc, ” ông nói. Tôi muốn rằng các Giám mục và giáo sĩ nói về chủ đề này với các tín hữu và nói về nó thường xuyên hơn ở quảng trường công cộng.”

Họ có thể đặt câu hỏi như “Tại sao nhiều người Châu u lại bực bội về các cuộc tấn công vào các tòa nhà và địa điểm là một phần của cảnh quan văn hóa Châu u? ” Hoặc 'Sự phá hoại đang diễn ra đối với các địa điểm tôn giáo nói về thái độ của Châu u đối với sự khoan dung tôn giáo như thế nào? ” “Nói cách khác, đó là một cơ hội để khơi dậy những cuộc thảo luận rộng rãi hơn về các chủ đề từ tôn giáo trong Châu u hiện đại đến sự đóng góp không thể thay thế của Kitô giáo cho sự phát triển của nền văn minh phương Tây.”

Cha Benedict Kiely, người sáng lập Nasarean.org, một tổ chức từ thiện ủng hộ các Kitô hữu bị đàn áp, nói với CNA rằng các Kitô hữu không nên im lặng nhìn các nhà thờ bị tấn công. “Thực tế, các nhà thờ, v.v., phải nhận được sự bảo vệ đúng đắn từ chính quyền dân sự và bất kỳ cuộc tấn công nào vào nhà thờ hoặc hình ảnh tôn giáo phải bị đối xử như “tội ác căm thù, ” ngài nhận xét. “Thứ hai, chúng ta phải mạnh dạn lên tiếng để giải mã những cuộc tấn công đang tiếp diễn này và không được im lặng. Các nhà lãnh đạo của chúng ta phải can đảm.”

Suy tư về tương lai, Fantini nói: “Vấn đề có thể tệ hơn bao nhiêu tùy thuộc vào những gì các nhà hoạt động sẵn sàng rút ra cho họ. Họ sẽ dừng lại ở việc đốt một nhà thờ trống rỗng? Họ sẽ dừng lại ở việc chặt chém tượng? Chắc chắn bầu khí ngày nay, cả ở Châu u và Châu Mỹ, không khiến tôi lạc quan rằng mọi thứ sẽ sớm được cải thiện.”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Lộ Đức : 80 triệu người trên khắp thế giới hành hương trực tuyến
Lê Đình Thông
15:25 22/07/2020
Đền thánh Lộ Đức ở miền núi Pyrénées đã tổ chức hành hương trực tuyến. Cuộc hành hương trực tuyến diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ gồm 5 thứ tiếng, từ 15 giờ mỗi thứ năm, quy tụ số người hành hương kỷ lục là 80 triệu người.

Linh mục Olivier Ribadeau-Dumas, quản đốc ngôi thánh điện cho biết các tín hữu hành hương trên khắp thế giới hiệp thông trong các nghi thức và lời cầu nguyện.

Các đài truyền hình Công Giáo trên khắp thế giới tiếp vận diễn tiến của cuộc hành hương. Trong số các quốc gia phát sóng có Indonexia. 87% dân số Indonesia theo đạo hồi, là quốc gia có nhiều người hồi giáo nhất thế giới. Thứ năm 16/07 vừa qua kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần chót vào năm 1858 ở Lộ Đức với Thánh nữ Bernadette Soubirous. Ông Mathias Terrier, giám đốc truyền thông Thánh Điện cho biết khách thập phương không ngừng tuôn đổ về Thánh Điện qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Một nhóm các cha tuyên úy đã trực tiếp trả lời các câu hỏi về lịch sử và tín lý bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thánh điện nhận được khoảng 200 ngàn lời khấn xin trên khắp thế giới, trong số có nhiều người ngoài Công Giáo. Các lời khấn xin được đọc trước hang đá, kết hiệp với các thánh lễ diễn ra trên khắp thế giới, từ Việt Nam và nhiều nước khác.

Các khách hành hương cũng đã rộng rãi dâng cúng tiền bạc để Đền Thánh bù đắp thiếu hụt vì phải ngưng hoạt động trong suốt thời gian qua.

Lê Đình Thông
 
Bọn quá khích chụp thùng rác lên đầu tượng Đức Mẹ. Phản ứng tại Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc
Đặng Tự Do
16:08 22/07/2020
Một bọn quá khích đã chụp một thùng rác lên đầu bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria được đặt bên ngoài Giáo xứ Thánh Teresa thành Calcutta ở Dorchester, Boston.

Ông Doyle, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Công Giáo Massachusetts, cho biết:

“Đây là lần thứ hai bức tượng này bị tấn công. Lần đầu tiên là trong đêm 11 rạng ngày 12 tháng 7. Tôi nghĩ đó là thực sự là một việc làm cố ý, có tính toán của một kẻ có lòng dạ tiểu nhân nhằm thể hiện một sự khinh miệt đối với Đức Mẹ, và đối với đức tin Công Giáo và một thách thức đối với người Công Giáo ở Boston.”

Trước hàng loạt các vụ tấn công nhắm vào các nhà thờ trong mấy tuần qua, Dân biểu Cộng hòa Jim Banks của tiểu bang Indiana đã lên tiếng yêu cầu Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ điều tra các vụ phá hoại các nhà thờ Công Giáo xảy ra trên khắp nước Mỹ.

Theo Dân biểu Jim Banks, các vụ tấn công chống Công Giáo ở Florida, Rhode Island, Massachusetts, Connecticut, New York và nhiều địa điểm khác cho thấy đang có một tâm tình bài Công Giáo mù quáng ở đất nước này.

Ông nhấn mạnh rằng:

“Chúng ta đang chứng kiến một sự gia tăng những tội ác thể hiện sự căm thù đối với nhiều cộng đồng trên khắp nước Mỹ, nhưng các tội ác chống lại cộng đồng Công Giáo ở quốc gia này chưa nhận được bất kỳ sự quan tâm thích đáng nào nơi những người có trách nhiệm. Tôi muốn thấy nhiều người, nhiều cơ quan có trách nhiệm phải lên tiếng và có hành động trước làn sóng chống Công Giáo mù quáng ở đất nước này. Cả Cục Điều tra Liên bang và Bộ trưởng Tư pháp William Barr phải nhìn vào những tội ác này và truy tố những tội ác căm thù chống lại Giáo Hội Công Giáo đến mức tối đa của pháp luật.”

Trong cuộc họp báo hôm 21 tháng 7, cô Kayleigh McEnany, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc cho biết:

“Tổng thống Donald Trump bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Công Giáo trong thời gian khó khăn này. Xin hãy yên tâm, tổng thống sẽ luôn luôn yêu cầu pháp luật và trật tự phải được tái lập trong cộng đồng người Mỹ, và bảo đảm rằng những tên tội phạm gây ra những hành vi xúc phạm này sẽ bị truy tố đến mức tối đa của pháp luật.”


Source:Daily Signal
 
Lắng nghe để hòa giải - Người di cư và Thông điệp Ngày di cư của Đức Thánh Cha.
Thanh Quảng sdb
19:30 22/07/2020
Lắng nghe để hòa giải - Người di cư và Thông điệp Ngày di cư của Đức Thánh Cha.

Cô Sarah Hassan suy tư về cảm nghiệm của cô về việc phải di tản, nhân Ngày di cư và tị nạn thế giới lần thứ 106 sẽ ghi nhớ vào ngày 27 tháng 9 năm 2020.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra ra kinh nghiệm của Chúa Giêsu và cha mẹ Ngài là những người tị nạn như trọng tâm của thông điệp của ngài cho Ngày di cư và tị nạn Thế giới, sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng 9 năm 2020.

Trong một thế giới mà mọi người đều cho mình là đúng, và không còn chỗ để lắng nghe. Đức Thánh Cha cho hay: Tất cả những gì chúng ta làm toàn là nói mà thôi! Tuy nhiên, chỉ có sự khiêm tốn, biết lắng nghe, chúng ta mới thực sự hòa giải với nhau được.

Buộc phải di tản

Trước dịp này, Thánh bộ về di dân và tị nạn của Vatican đã phát hành một loạt các video vào ngày thứ Tư 22/7/2020 với tựa đề: “Lắng nghe để hòa giải”.

Đoạn video ghi lại câu chuyện về cô Sarah Hassan, một phụ nữ người Yazidi ở làng Dogorî, tỉnh Sinjar, Iraq, kể lại kinh nghiệm của cô lúc cô chạy trốn...

Trong nhiều lý do khiến dân chúng phải di tản... Một trong những lý do chính là sự bất an trong khu vực! Sinjar là một tỉnh chiến lược dọc theo biên giới. "

Lý do thứ hai là vì tôn giáo, cô tiếp tục. Chúng tôi là một tôn giáo thiểu số và chúng tôi sống trong một khu vực tranh chấp, vì vậy không ai quan tâm đến chúng tôi cả!

Được chào đón bởi người khác


Sarah nhớ lại khi cô trốn sang Kurdistan, cô được cả người Kitô hữu và Hồi giáo chào đón.

Ở Kurdistan, người Hồi giáo đã mở cửa đền thờ của họ cho chúng tôi tá túc và các nhà thờ Kitô giáo cũng làm như vậy. Họ đã mở cửa nhà thờ đón chúng tôi. Vì thế, chúng tôi cảm thấy an tâm và ít sợ hãi hơn.

Tuy nhiên, cô Sarah cho hay nỗi sợ hãi của cô không phải là tan biến hết đâu! Là người Yazidis, chúng tôi luôn sống trong nỗi sợ, cô nói. Và hiện tại chúng tôi đang cảm thấy sợ hãi...

Cô cho hay: Một số người cho rằng câu chuyện không liên quan gì đến họ! Cô tha thiết yêu cầu tất cả hãy tham gia với chúng tôi và biết lắng nghe nhau. Chúng ta không nên biến tôn giáo trở thành một trở ngại, thế giới nhân loại lớn hơn tất cả chúng ta.

Chấp nhận lẫn nhau

Cô Sarah khẳng định rằng: Chúng ta sẽ không tìm được giải đáp qua bạo lực; bạo lực chỉ đẻ ra thêm nhiều bạo lực hơn.

Tinh thần hòa đồng và chấp nhận lẫn nhau sẽ kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho những thế hệ trẻ tương lai, bất luận chúng là người Hồi giáo, Yazidis, Kakaï hay Kitô hữu, cô Sarah nói, cô hướng tâm tư và hy vọng về tương lai…
 
Top Stories
Des artistes vietnamiens utilisent des thèmes chrétiens et la culture traditionnelle pour évangéliser
Églises d'Asie
09:15 22/07/2020
De nombreux artistes vietnamiens, comme le frère Joseph Tran Tri, bénédictin, mêlent leur culture traditionnelle à des thèmes chrétiens pour évangéliser. Au monastère de Thien An, dans la province de Thua Thien Hue, frère Joseph sculpte des statues religieuses destinées à des paroisses et à des boutiques catholiques depuis près de vingt ans. Depuis 2002, il a ainsi créé près de 6000 statues de toutes tailles, dans un style vietnamien : « À travers mes œuvres, les gens peuvent sentir une proximité avec Jésus et avec les saints, et leur parler de leurs joies et de leurs peines. Ainsi, le catholicisme n’est plus vu comme une foi étrangère. J’utilise les arts traditionnels vietnamiens pour l’inculturation et l’évangélisation. »

Frère Joseph Tran Tri, bénédictin, sculpte minutieusement les détails d’une statue du Christ Roi, dans un style vietnamien, à l’aide d’outils traditionnels. Frère Tri a façonné cette statue grandeur nature en plâtre et en ciment avec un moule en argile; la statue porte un livre dans sa main gauche et une cane en bambou dans sa main droite – le bambou est un symbole de la culture vietnamienne. « J’essaie de créer des statues du Christ avec des visages montrant de la magnanimité, de la jeunesse, de la compassion et de la bonté », explique le moine, qui a appris son art auprès de son père, à Hô-Chi-Minh-Ville. Il a également conçu des statues de la Vierge Marie et de saint Joseph à la vietnamienne – avec des costumes et des symboles représentant sa culture. Sa statue de saint Joseph est vêtue du costume traditionnel vietnamien, un ao dai noir – une tunique longue traditionnelle – avec un turban et un pantalon blanc. Le visage carré montre la force, le courage et la bienveillance du chef de famille. Le visage de la statue de Marie exprime davantage la tendresse, la charité et l’amour maternel – la statue mariale porte un turban jaune et une tunique traditionnelle bleue et blanche. Frère Joseph a commencé son artisanat en 2000.

Depuis, il a été prolifique avec plus de 6 000 statues religieuses de tailles diverses, de 20 cm à 1, 6 m. Le religieux, qui a rejoint le monastère bénédictin de Thien An, dans la province de Thua Thien Hue, en 2002, explique que ses œuvres sont destinées à des paroisses et à des boutiques catholiques des provinces centrales du Vietnam. « J’essaie de répondre aux besoins des catholiques vietnamiens, dans le pays et à l’étranger, et qui aiment les statues religieuses dans le style traditionnel national. À travers mes œuvres, les gens peuvent sentir que Jésus, Marie et Joseph sont avec les Vietnamiens et protègent le pays », ajoute le moine, âgé de 49 ans. « Ils peuvent trouver une proximité émotionnelle et physique avec Jésus et avec les saints, et leur parler de leurs joies et de leurs peines. Et ainsi, le catholicisme n’est plus vu comme une foi étrangère. J’utilise les arts traditionnels vietnamiens pour orner les sculptures sacrées, pour l’inculturation de la foi chrétienne et pour l’évangélisation. »

Inculturation et évangélisation

Peter Le Hieu, un artiste catholique de 62 ans et père de deux enfants, a quant à lui créé plus de 700 toiles, pour la plupart religieuses. Il explique que les personnages bibliques peints à la vietnamiennes sont facilement acceptés par les nouveaux convertis et par les fidèles d’autres confessions religieuses. « Ainsi, les catéchumènes et les non chrétiens peuvent se sentir aussi proches des personnages bibliques que de leurs ancêtres, et donc accepter plus facilement la foi catholique », confie Peter Le Hieu. Le peintre et son épouse se sont convertis en 1980 après avoir prié saint Antoine de Padoue pour la guérison de leur fille malade. Aujourd’hui, il dirige Domini Art, un groupe d’artistes fondé par des dominicains en 2008 afin d’évangéliser par l’art. Il explique que traditionnellement, les Vietnamiens aiment représenter leurs proches afin de leur rendre hommage et de se souvenir d’eux. Pour lui, le fait d’intégrer les valeurs chrétiennes dans la culture vietnamienne traditionnelle est une méthode d’évangélisation efficace. Peter Le Hieu, membre des fraternités laïques dominicaines, vient juste de finir une toile représentant la Cène dans un style vietnamien. Il explique qu’avec d’autres artistes, ils essaient de peindre beaucoup d’œuvres sur des thèmes religieux pour préparer une exposition annuelle, qui doit avoir lieu à la fin de l’année. Chaque année, ils utilisent les bénéfices des ventes afin de permettre aux personnes dans le besoin de célébrer le Nouvel an lunaire.

Maria Goretti Phan Thi Anh, de la paroisse de Lang Co, dans la province de Thua Thien Hue, confie qu’elle a chez elle une statue de Jésus d’un mètre de haut, portant une tunique ao dai verte, un pantalon blanc et un turban rose, qu’elle place sur son balcon. La statue, au visage souriant, tient une feuille de cyca à la main. De son côté, Tuyet, 69 ans, explique qu’elle a commandé au frère Joseph Tran Tri une statue à la vietnamienne, après avoir été touchée en priant devant une autre statue dans la paroisse de Hoi An, dans la province de Quang Nam, en 2018. Antoine Tran Dinh Ty, de Hué, confie quant à lui que l’an dernier, sa famille a demandé au moine bénédictin de créer une série de personnages de la nativité dans un style vietnamien. « Nous faisons la crèche à la maison à Noël, et cela nous permet d’expliquer le catholicisme à nos voisins », explique Antoine Ty, qui vit à côtés de voisins bouddhistes et athées. Il ajoute que l’achat des statues marquait leur 25e anniversaire de mariage.

(Source: Églises d'Asie - le 22/07/2020, Avec Ucanews, Hue)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họp Mặt Ủy Ban Mục Vụ Giáo Dân, Giáo Tỉnh Huế năm 2020
Tô-ma Trương Văn Ân
15:37 22/07/2020
ỦY BAN GIÁO DÂN (UBGD) – trong hai ngày 21 và 22 / 7 / 2020. Đức cha chủ tịch Uỷ ban Giáo dân (UBGD) trực thuộc Hội đồng Gián mục Việt Nam (HĐGMVN) Giuse Trần Văn Toản đã có cuộc gặp gỡ với các Cha Trưởng Ban, Phó Ban và các Thành Viên của Ủy Ban mục vụ Giáo Dân của 6 Giáo phận trong Giáo Tỉnh Huế ( gồm có: Tổng Giáo phận Huế, và các Giáo phận: Đà Nẵng, Kon Tum, Ban Mê Thuộc, Qui Nhơn và Nha Trang) tại Tòa Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuộc. cùng đồng hành với Đức Cha Chủ Tịch có Cha An-tôn Hà Văn Minh, Quản xứ Chính Tòa GP Phú Cường- Thư ký UBGD và Cha Giuse Phạm Thanh Liêm SJ, nguyên Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam- Trưởng Ban Nghiên huấn của UBGD.

Xem Hình

Trong cuộc họp mặt này có 57 Tham dự viên, với mục đích: gặp gỡ, chia sẻ, thảo luận, cùng nhau học hỏi và trao đổi kinh nghiệm mục vụ Giáo dân tại các Giáo phận. Cha Tổng Đại diện Gp Ban Mê Thuộc- Stêphanô Nguyễn Văn Đậu đã Đại diện Đức Giám Mục Giáo phận, đầy quan tâm yêu thương trong giờ khai mạc hội thảo.

Trong các Huấn từ của Đức Cha Chủ tịch, trong Bài thuyết trình chia sẻ và huấn giáo của Cha Trưởng Ban Nghiên Huấn và Cha Thư ký, các Tham dự viên được học và biết những phần chính yếu trong Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân của Công Đồng Vat II, Tông Huấn Người Ki-tô Hữu Giáo Dân Christifideles Laici của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II và Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2011 của HĐGMVN. Mỗi người Giáo dân với phẩm giá và vai trò của mình, trong công trình tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, sống Mầu nhiệm Hiệp thông, Sứ vụ và loan báo Tin Mừng. Người Giáo dân tham gia đa dạng vào đời sống Giáo Hội, cộng tác đắc lực với Giáo sỹ trong tinh thần đồng trách nhiệm. Người Giáo dân cần được đào tạo, cần nổ lực bản thân, nhờ Ơn Chúa Thánh Thần…. ý thức vai trò của mình trong cộng đồng Dân Chúa, làm muối men cho đời, đem những giá trị Linh thiêng và nhân bản của Ki-tô Giáo vào đời sống xã hội, đem Chúa đến cho Anh chị em trong môi trường mình đang sống và làm việc.

Ban Mục vụ Giáo Dân tại các Giáo phận trong thời gian qua đã có những chương trình huấn luyện cho các Ủy viên của Hội Đồng mục vụ Giáo xứ và Ban Điều hành các Đoàn thể Công Giáo tiến hành. UBGD qua Ban Nghiên Huấn đã cung cấp các tài liệu Tu đức và huấn giáo, cùng cộng tác với Ban mục vụ Giáo dân các Giáo phận, đào tạo Người Giáo dân trưởng thành cả về Đức tin và nhân bản, để Người Giáo dân góp phần không thể thiếu được vào sự Thánh Thiêng của Hội Thánh, cùng cộng tác với Giáo Sỹ và Tu Sỹ xây dựng sự hiệp nhất và bình an trong cầu nguyện – hy sinh và bác ái. Người Giáo dân đảm nhận rất tốt nhiều lãnh vực trong cuộc sống, nhất là công việc: y tế, Giáo dục, Truyền thông và Kinh tế. Người Giáo dân cộng tác với mọi người thành tâm thiện chí trên thế giới xây dựng một nền văn minh tình thương và sự sống của Nước Thiên Chúa.

Các Tham dự viên đã chia sẻ, học hỏi các Kinh nghiệm quý trong việc mục vụ Giáo dân… Đức Cha Chủ tịch và UBGD đã lắng nghe, giải đáp một số câu hỏi và đưa ra những đường hướng hoạt động của UBGD trong thời gian sắp đến. Dự Thảo Nội Quy của Ủy Ban Giáo Dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã được soan thảo, trong thời gian chờ đóng góp ý kiến và chỉnh sửa cho hoàn chỉnh.

Trong dịp này, Đức Cha Chủ tịch và các Tham dự viên đã đến thăm Trung tâm lưu trú Teresa của Quý Nữ tu Dòng Nữ Vương Hòa Bình – Gp Ban Mê Thuộc, Trung tâm này đang nuôi dưỡng và giáo dục, tạo điều kiện cho 203 em của 14 sắc tộc có những hoàn cảnh đặc biệt trên toàn Quốc đến sống ở đây, được đi học trong tất cả các cấp học ( các em được miễn phí hoàn toàn ). Các Em đã có những vũ điệu đặc sắc, đậm nét văn hóa Dân tộc Tây nguyên ( Dân tộc Ba-na ) để chào mừng, giới thiệu nét văn hóa bản địa và chia sẻ niềm vui được tiếp những Vị khách quý.

Chúng con cám ơn Thiên Chúa vì cuộc họp đạt nhiều kết quả tốt đẹp, cám ơn Ủy Ban Giáo Dân- Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quan tâm đến đời sống Đức tin và nhân bản của Người Giáo dân Việt Nam hôn nay. Chúng con cũng cám ơn Đức Giám Mục và Quý Cha trong Ban mục vụ Giáo dân Giáo phận Ban Mê Thuộc. Chúng con được tiếp đón, được lưu trú, được chia sẻ tâm tình anh em con một Cha …. Trong tình yêu, trong Chân lý và hiệp nhất.

Tô-ma Trương Văn Ân
 
Những biện pháp hạn chế cấp 3 trong các khu nội thành Melbourne và Mitchell Shire
Giáo Hội Năm Châu
20:59 22/07/2020

Nếu quý vị cư ngụ trong các khu nội thành Melbourne và Mitchell Shire (Current restrictions – if you live in metropolitan Melbourne and Mitchell Shire), chúng ta phải chấp hành những biện pháp hạn chế cấp 3:

Hiện nay, chúng ta chỉ có bốn lý do để có thể ra khỏi nhà:

1. Đi mua sắm thực phẩm hay các nhu yếu phẩm

2. Đi chăm sóc người khác hay viếng thăm để an ủi người gặp chuyện đau buồn hoặc đi khám hay điều trị bệnh.

3. Vận động, tập thể dục (ở ngoài trời, cùng với chỉ một người khác hoặc với nhiều người cùng sống chung một nhà)

4. Vì việc làm hay việc học, nếu không thể làm việc hay học tại nhà.

Lưu ý:

Quý vị không thể tiếp khách đến thăm tại nhà hoặc đi thăm người khác, ngoại trừ vì lý do chăm sóc người khác hay để an ủi vì họ gặp chuyện đau buồn.

Quý vị chỉ nên tập thể dục, đi mua sắm ở những nơi trong khu vực quý vị đang sinh sống.

Như quý vị đã biết:

Các nghi lễ tôn giáo, thờ phượng chỉ có thể cử hành qua mạng, với tối đa được 5 người phụ trách cử hành nghi lễ.

Thánh lễ hôn phối bị giới hạn chỉ được tối đa năm người tham dự (gồm đôi tân hôn, hai người chứng và người cử hành hôn lễ)

Thánh lễ an táng bị giới hạn chỉ được 10 người tham dự, không tính nhân viên phụ trách tang lễ

Hôn lễ hay tang lễ cử hành tại nhà riêng bị giới hạn chỉ có thành viên cùng sống trong nhà tham dự, không tính những nhân viên phụ trách nghi thức hôn lễ và tang lễ

Ngoài ra, chúng ta phải luôn nhớ những điều sau: (What you must remember)

• Rửa tay, che miệng và mũi khi ho hay nhảy mũi.

• Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà,

• Giữ khoảng cách an toàn 1 mét rưỡi với người khác.

• Nếu cảm thấy mình bị bệnh, hãy ở nhà. Đừng đi thăm thân nhân hoặc đi làm.

• Nếu có triệu chứng của coronavirus, quý vị nên đi xét nghiệm.

• Phải tiếp tục làm việc tại nhà nếu có thể.

Quý vị có thể vào trang mạng của

https://www.dhhs.vic.gov.au/coronavirus/vietnamese

Kính thưa cộng đoàn!

Vào lúc 11:59 khuya tối thứ tư 22/07/2020, tất cả dân cư trên 12 tuổi tại các vùng đô thị Melbourne và vùng lân cận Mitchell Shire, phải đeo khẩu trang hoặc che mặt khi rời khỏi nhà cho một trong bốn lý do được phép như sau:

• Đi học hoặc đi làm - nếu không thể làm việc tại nhà

• Đi Chăm sóc y tế hoặc chăm sóc người khác

• Mua sắm nhu yếu phẩm

• Tập thể dục hàng ngày

Điều này cũng áp dụng cho tất cả những người sống bên ngoài các khu vực này nhưng đến đấy vì một trong những lý do được phép nêu trên.

Nếu chúng ta không tuân thủ thì sẽ bị phạt $200. Hy vọng cộng đồng chúng ta không ai phải trả tiền này. Hãy dùng số tiền này cho các việc thiện nguyện khác.

Tại sao chúng ta phải đeo khẩu trang - việc đeo khẩu trang rất quan trọng vì một người nhiễm bệnh đeo khẩu trang làm giảm bớt lượng vi-rút phát tán và những người xung quanh họ ít bị lây nhiễm hơn. Nói tóm là làm giảm khả năng lây lan vi-rút.

Có những trường hợp không cần đeo khẩu trang hay che mặt như sau:

• Những người có lý do về y tế

• Trẻ em từ 12 tuổi trở xuống nếu đang học tiểu học

• Vì lý do nghề nghiệp khi nó ngăn cản chúng ta thực hiện công việc của mình, ví dụ như làm việc trong một trung tâm liên lạc điện thoại, giáo viên khi đang giảng dạy

• Một lý do thực tế như khi chúng ta chạy bộ, nhưng nhớ mang theo khẩu trang vì chúng ta phải đeo trước và sau khi chạy bộ.

Con tin rằng chúng ta sẽ rất dễ quên mang theo khẩu trang nên con xin đề nghị một vài việc cụ thể như sau:

• Để khẩu trang gần chỗ để chìa khóa xe và nhà, vì khi chúng ta ra khỏi nhà lúc nào chúng ta cũng cần mang theo chìa khóa nhà và xe, vì thế chúng ta sẽ không quên mang theo khẩu trang

• Chúng ta nên có một số khẩu trang trong xe và nếu được có thể có 1 lọ rửa tay khử trùng nhỏ trong xe.

Có nhiều người sẽ hỏi, khẩu trang như thế nào?

Dạ thưa - Có các loại khẩu trang bằng vải và khẩu trang phẫu thuật bán trên thị trường. (đưa hai khẩu trang ra)

Hoặc chúng ta có thể tự làm khẩu trang vải với ba lớp: lớp chống nước ở ngoài, lớp pha trộn ở giữa và lớp trong bằng vải cotton thấm nước.

Nếu chúng ta không mua được khẩu trang thì chúng ta chỉ cần tìm một cái gì đó để che mặt là ok rồi.

Chúng ta cần bảo đảm khẩu trang che được mũi và miệng.

• Vừa khít quanh mặt, đặc biệt che vùng mũi và miệng

• Được ràng bằng dây buộc ở phía sau vòng đầu hoặc vòng tai

• Hãy chắc chắn rằng nó không có lỗ hoặc van

• Cho phép thở mà không bị hạn chế

• Có thể giặt và sấy khô bằng máy mà không làm hỏng hoặc thay đổi hình dạng của nó (khẩu trang vải nên được giặt thường xuyên trong máy giặt)

Khẩu trang vải nên được tháo bỏ ngay khi chúng trở nên ẩm ướt và không được dùng lại cho đến khi chúng được giặt sạch. Nó phải được làm sạch bằng chất tẩy với chu trình giặt nóng trong máy giặt.

Nó cũng cần được sấy khô trong không khí và khô hoàn toàn trước khi sử dụng lại.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nỗi Oan Thiên Kỷ Của Thánh Nữ Maria Ma-Đa-Lê-Na
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng
08:37 22/07/2020
Nỗi Oan Thiên Kỷ Của Thánh Nữ Maria Ma-Đa-Lê-Na

Chứng nhân đầu tiên cho cuộc phục sinh của Chúa Giêsu - mà cả bốn Thánh Sử của Tin Mừng đều ghi nhận - là một phụ nữ, nhưng, đáng buồn thay, tên và thanh danh của cô đã bị hiểu lầm, giải thích sai, hiểu sai. Hơn 1.400 năm qua, cô chỉ được nhắc đến như một cô điếm hoàn lương thay vì một chứng nhân trung kiên của Phúc Âm.

Người phụ nữ ấy tên là Maria, người làng Mác-đa-la (Magdala). Qua bao thế kỷ, cuối cùng thì thanh danh của cô đã được phục hồi. Câu chuyện hoang đường cho rằng cô và một kẻ tội lỗi biết ăn năn (được hiểu như một gái điếm) đã dùng nước mắt và tóc của mình để rửa chân Chúa, là cùng một người. (Lu-ca 7:36-50).

Không như các phụ nữ khác trong Kinh Thánh, tên cô Maria không được gọi kèm với tên một người khác, vì cô không là mẹ, vợ, hay chị/em của ai. Thay vào đó, cô được gọi là Maria Ma-đa-lê-na, một danh xưng để chỉ một người đáng kính trọng ở Mác-đa-la, một làng chài lưới về phía tây-bắc của hồ Ga-li-lê. Cô đã tự rời quê hương để đi theo Chúa Giêsu, được kể là một trong những phụ nữ khá giả, độc lập, đã trợ giúp vật chất trong cuộc rao giảng của Chúa.

Vậy tại sao sau khi Maria Ma-đa-lê-na lìa trần hơn 500 năm, cô đã “chính thức” bị cho là một gái điếm?

Câu trả lời có thể tóm tắt như sau: Cô đã bị gán ép, một cách lầm lẫn, là cùng một người với mấy phụ nữ khác trong Kinh Thánh. Chuyện đáng buồn và gây thiệt hại cho cô nhất là với một cô gái điếm hoàn lương, không tên, đã được kể bên trên (Lu-ca 7:36-50). Thật ra, chẳng có chỗ nào trong Phúc Âm nói rằng người phụ nữ đó đã là một cô gái điếm. Cũng chẳng có chỗ nào nói rằng người đó chính là Maria Ma-đa-lê-na.

Sự lầm lẫn tai hại này, có lẽ đã xảy ra vì tên cô đã được nhắc đến trong Phúc Âm của thánh Lu-ca (8:2), là người được Chúa chữa khỏi 7 tên quỉ ám. Trước đây, việc này đã được diễn giải rằng đó là tội về đàng xác thịt; nhưng ngày nay, người ta lại cho đó là một thứ bệnh tâm thần. Hãy bỏ mấy lời phỏng đoán đó đi, cứ đơn giản chấp nhận lời Kinh Thánh: Cô ấy đã được Chúa Giêsu chữa khỏi 7 tên quỷ ám, thế là đủ.

Người nữ hối nhân không tên đó, lại còn bị ghép với một cô Maria khác, Maria người làng Bê-ta-ni-a (Bethany), là em của Mát-ta và chị của La-gia-rô. Cô ấy cũng xức dầu chân Chúa và lau bằng tóc của mình (Phúc Âm theo thánh Gioan 12:3-8). Nhưng Maria này (của Bê-ta-ni-a) là bạn thân của Chúa Giêsu, chứ không phải là một người xa lạ, không bị mang tiếng là kẻ có tội, như cô kia. Thánh Mát-thêu cũng kể về chuyện này nhưng không ghi rõ tên cô Maria (26:6-13).

Một số người tin rằng sự gán ép giữa hai cô Maria, của Bê-ta-ni-a và Mác-đa-la, không chỉ là vì họ có cùng tên, mà còn vì cách họ sùng bái Chúa Giêsu, với dầu thơm và dùng tóc để lau chân ngài. Điều này đã là nguyên cớ cho sự hiểu lầm. Maria của Mác-đa-la còn đem dầu thơm đến mộ của Chúa để định xức dầu cho thân xác Ngài.

Sự gán ép này đã trở thành “chính thức” và hơn nữa, Maria Ma-đa-lê-na còn biến thành cô điếm hoàn lương vào ngày 14 tháng 9, năm 591, khi Đức Giáo Hoàng Gregory cả, trong bài giảng thứ 23 của ngài, đã tuyên bố: “Maria Ma-đa-lê-na, với người đàn bà tội lỗi không tên trong Phúc Âm của thánh Lu-ca, và Maria của Bê-ta-ni-a, (cả ba người ấy) thực sự chỉ là một!”
ĐGH Gregory tiếp: “Cô ấy, người mà thánh Lu-ca gọi là đàn bà tội lỗi, người mà thánh Gioan gọi là Maria (của Bê-ta-ni-a), chúng ta tin rằng cũng là Maria đã được chữa khỏi bệnh bị 7 tên quỷ ám trong Phúc Âm của thánh Mác-cô, (đúng ra là thánh Lu-ca)”. “Và 7 tên quỷ này là biểu hiệu cho điều gì, phải chăng là tất cả những hành động vô luân? … Thưa anh em, thật là rõ ràng, người đàn bà trước đó đã dùng dầu mỡ để làm thơm da thịt của mình trong những hành động bị nghiêm cấm…” “Vì vậy, điều cô ấy (Maria Ma-đa-lê-na) đã biểu lộ một cách hết sức tai tiếng, thì nay cô lại dâng cho Chúa trong một cách đáng khen nhất.”

Có lẽ ĐGH Gregory chỉ muốn dùng câu chuyện để cam đoan với những tân tòng rằng các tội lỗi của họ (dù nặng đến đâu) cũng sẽ được tha. Nhưng đoạn Phúc Âm thâm thúy đó vẫn rất thâm thúy, mà không phải nói về cô Maria Ma-đa-lê-na nặng nề như vậy! Từ năm 591, gần cuối thế kỷ thứ 6, đó, bất hạnh thay, việc trình bày về Maria Ma-đa-lê-na như một cô điếm hoàn lương đã trở thành phổ biến trong Giáo Hội Công Giáo.

Hơn 6 thế kỷ trôi qua, cho đến khi thánh Tô-ma A-ki-nô (Thomas Aquinas) (1225-1274) thuộc dòng Đa-minh và là một tiến sĩ của Hội Thánh, đã gọi cô Maria Ma-đa-lê-na là vị “Tông Đồ của các tông đồ”, vì cô đã là người đầu tiên được nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh, cô đã là người được Ngài trao nhiệm vụ loan báo với các môn đệ khác về việc Chúa đã sống lại từ cõi chết.

Nhưng vẫn phải thêm gần 8 thế kỷ nữa, hay tất cả là gần 14 thế kỷ sau “bản án” năm 591; Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vào năm 1969, mới chính thức xóa bỏ sự gán ép cô Maria Ma-đa-lê-na với Maria của làng Bê-ta-ni-a và “người đàn bà tội lỗi”, đồng thời xếp cô vào hàng ngũ các thánh trong niên lịch phụng vụ của giáo hội (Calendarium Romanum), lễ “nhớ” nữ thánh là ngày 22 tháng 7 hàng năm.

Đến năm 2016, Đức Đương Kim Giáo Hoàng, Phanxicô, đã nâng lễ “nhớ” (optional) của thánh nữ lên hàng lễ “kính” (feast) theo niên lịch phụng vụ. Ngài cũng tìm cách phục hồi “thanh danh” của thánh nữ, đồng thời ghi nhận vai trò quan trọng của bà trong Phúc Âm. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Thật là một điều đáng tiếc, hình ảnh một phụ nữ gương mẫu cho các nữ môn đệ của Chúa Giêsu, quan trọng như vậy mà đã bị làm hoen ố, bị gán ép thành một cô điếm!”

Kẻ sọan bài này xin được mạo muội thêm: “Cả Giáo Hội đang nợ thánh nữ một lời xin lỗi!”

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)
 
VietCatholic TV
Phép lạ ngoạn mục: Ngôi nhà thờ bị hàng chục hoả tiễn bắn tung cả nóc, vẫn đứng vững, vừa mở cửa lại
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:24 22/07/2020


1. Nhà thờ Công Giáo ở Syria sống sót sau các cuộc tấn công hoả tiễn được mở cửa trở lại sau khi trùng tu

Một nhà thờ Công Giáo liên tục bị tấn công bằng trong cuộc nội chiến ở Syria đã được mở cửa trở lại vào hôm thứ Hai sau một thời gian trùng tu.

Nhà thờ Thánh Elijah của Công Giáo nghi lễ Maronite ở Aleppo đã bị bắn phá bằng hỏa tiễn ít nhất ba lần từ năm 2012 đến 2016, và bị thiệt hại nặng khi các nhóm thánh chiến Hồi Giáo chiếm được khu phố Kitô giáo Al-Jdayde vào năm 2013.

Việc khôi phục được tài trợ chủ yếu bởi tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN.

Ông Thomas Heine-Geldern, chủ tịch điều hành của ACN International, đã mô tả việc mở cửa trở lại là một phép lạ.

ACN ước tính chỉ còn 30, 000 Kitô hữu trong thành phố, so với dân số trước chiến tranh là 180, 000. Aleppo là thành phố đông dân nhất của Syria trước chiến tranh, nhưng giờ đây là thành phố lớn thứ hai sau thủ đô Damascus.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Tobij của tổng giáo phận Công Giáo Maronite Aleppo nói rằng việc trùng tu nhà thờ có cả một ý nghĩa biểu tượng và thực tế.

“Theo ý nghĩa biểu tượng, đó là một thông điệp tới các giáo dân và các Kitô hữu ở Aleppo và thế giới là chúng tôi vẫn còn ở lại đất nước này bất chấp sự suy giảm dân số của chúng tôi, và sự phục hồi nhà thờ là bằng chứng về điều này. Các môi miệng phải tiếp tục ca ngợi Thiên Chúa ở nơi này bất chấp tất cả những khó khăn, ” ngài nói trong một cuộc phỏng vấn với ACN.

Nhà thờ này có một điểm đặc biệt là có một tháp chuông đôi và một mái vòm rất nghệ thuật, ban đầu được xây dựng vào năm 1873, trên địa điểm của một nhà thờ nhỏ có từ thế kỷ 15. Nhà thờ sau đó đã được cải tạo vào năm 1914.

Nhà thờ bị bỏ hoang từ giữa năm 2012 đến năm 2016 khi chiến tranh nổ ra trong vùng. Sau khi phiến quân bị đánh đuổi khỏi khu vực, nhà thờ đã mở cửa trở lại cho các tín hữu vào Đêm Giáng sinh năm 2016, mặc dù gạch đá vẫn còn ngổn ngang.


Source:Catholic News Agency

2. Hội Đồng Giám Mục cảnh báo rằng nền dân chủ đang bị xói mòn ở Phi Luật Tân

Các Giám Mục Phi Luật Tân đã công bố một lá thư mục vụ cáo buộc chính phủ phá hoại các thể chế dân chủ của đất nước.

Bức thư dài hai trang, ngày 16 tháng 7, đã được công bố ngay trước diễn văn hàng năm về tình trạng quốc gia của Tổng thống Rodrigo Duterte và sau khi Quốc Hội thông qua một luật chống khủng bố gây nhiều tranh cãi.

“Trong khi một bóng dáng của nền dân chủ vẫn còn tồn tại và thể chế dân chủ của quốc gia chúng ta cách nào đó vẫn tiếp tục hoạt động, chúng ta thực ra chỉ giống như các con ếch đang bơi trong một nồi nước đang từ từ được đun sôi lên, ” Đức Cha Pablo Virgilio David, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Phi Luật Tân viết.

Bức thư của Đức Cha David đã khiến chính phủ Duterte tức giận và tung ra một tuyên bố ngày 19 tháng 7, trong đó thóa mạ các Giám Mục dữ dội.

Các Giám Mục cho biết các ngài đang thực thi trách nhiệm ngôn sứ của mình khi lên tiếng trước các đau khổ của người dân và tình trạng bất công trong xã hội. Nhưng Salvador Panelo, cố vấn pháp lý của tổng thống Duterte, tuyên bố rằng bức thư của các ngài đã vi phạm sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước được ghi trong hiến pháp.

Trong thư, các Giám Mục nói rằng các ngài đã nhận được yêu cầu dâng lời cầu nguyện cho Hương Cảng của Đức Hồng Y Miến Điện Charles Maung Bo, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu. Các Giám Mục Phi nhận xét rằng có một sự tương đồng cao độ giữa luật An ninh Quốc gia mới đe dọa nhân quyền ở Hương Cảng và Đạo luật Chống khủng bố mới vừa được thông qua ở Phi Luật Tân.

“Nhà cầm quyền Trung Quốc bảo đảm với người dân Hương Cảng rằng họ không có gì phải sợ, nếu ‘họ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào đe dọa an ninh quốc gia.’ Tại sao điều này nghe có vẻ quen thuộc với người dân Phi Luật Tân? Thưa: Bởi vì chúng ta đang ở trong một tình huống tương tự. ”

Các Giám Mục đã bày tỏ sự “hoài nghi” rằng dự luật chống khủng bố đã được nhanh chóng thông qua ngay cả trong thời gian cách ly nhằm làm giảm sự lây lan của coronavirus, mà đến nay đã giết chết 1, 835 người ở Phi Luật Tân tính đến ngày 20 tháng 7.

Các Giám Mục cũng chỉ trích các nhà lập pháp vì bỏ qua sự phản đối đối với dự luật này từ các luật sư, các học giả, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm tôn giáo.

Hàng chục ngàn người đã chết trong một chiến dịch chống buôn bán ma túy do Duterte phát động sau khi ông ta được bầu làm tổng thống năm 2016. Các nhóm nhân quyền đã cáo buộc cảnh sát giết nhiều người không liên quan gì đến chuyện mua bán ma túy bất hợp pháp. Vào tháng 3 năm 2019, Phi Luật Tân đã rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế sau khi tổ chức này đòi mở một cuộc điều tra sơ bộ về các vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến ma túy của Phi Luật Tân.

Thư của các Giám Mục cũng than thở về việc đóng cửa ABS-CBN, một mạng truyền hình lớn nhất của đất nước, sau những tranh chấp với chính phủ.

“Mô hình này đe dọa tạo ra một không khí bất lợi đối với tự do ngôn luận ở nước ta. Anh chị em không thấy điều này là hiển nhiên sao? ” Các Giám Mục nêu ra câu hỏi trên và hoan nghênh những thách thức đối với tính hợp hiến của Đạo luật chống khủng bố tại Tối Cao Pháp Viện.

Duterte, một đối thủ rất quyết liệt đối với Giáo Hội Công Giáo, dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào ngày 30 tháng 6 năm 2022.

Các Giám Mục đã kết thúc lá thư mục vụ với một lời cầu nguyện xin Chúa giúp vượt qua các chia rẽ của đất nước và ban cho các cho công chức ”can đảm để giữ vững lập trường của họ đứng về phía sự thật và công lý.”


Source:Catholic News Agency
 
Xúc phạm quá bỉ ổi Mẹ chúng ta tại Boston. Trò xỏ lá, thách thức Đức Thánh Cha của Erdogan
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:06 22/07/2020
1. Trò xỏ lá: Erdogan mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Hagia Sophia dự lễ chuyển thành đền thờ Hồi Giáo

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Hagia Sophia, nhân dịp ngôi đại đền thờ Công Giáo này được biến thành đền thờ Hồi Giáo vào ngày 24 tháng 7.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông İbrahim Kalin, nói hôm Chúa Nhật rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong những vị khách được mời tham dự buổi lễ chuyển đổi Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo vào ngày thứ Sáu tới đây.

Hôm 10 tháng 7, Erdoğan đã ký một sắc lệnh tái xác định Hagia Sophia là một “đền thờ Hồi Giáo đang hoạt động, ” đảo ngược quyết định vào năm 1934 của tổng thống Mustafa Kemal Ataturk, biến cấu trúc được hình thành từ thế kỷ thứ 6 này thành một viện bảo tàng.

Được xây dựng như một nhà thờ Công Giáo dưới thời Hoàng đế Byzantine Justinian vào năm 537, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa, đã là một đại đền thờ Công Giáo và sau đó là đền thờ Chính thống Đông phương lớn nhất trong 9 thế kỷ, trước khi bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo của hoàng gia sau cuộc chinh phạt Constantinople vào năm 1453 của Đế Quốc Ottoman. Tổng thống Mustafa Kemal Ataturk, người khai sáng ra Cộng Hoà Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại sau khi Đế Quốc Ottaman thất trận trong thế chiến thứ nhất, công khai coi Hồi Giáo cực đoan là mối đe dọa đối với vận mệnh của Thổ Nhĩ Kỳ, đã hạn chế rất nhiều quyền hạn của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo. Ông đã biến Hagia Sophia thành một viện bảo tàng như một dấu chỉ thiện chí và lòng khao khát cùng tồn tại trong hòa bình giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển đổi Hagia Sophia thành một nhà thờ Hồi giáo.

Ngài nói: “Biển đưa tôi đi xa hơn một chút trong suy nghĩ của mình: đến Istanbul. Tôi nghĩ đến Hagia Sophia, lòng buồn rười rượi”.

Tình cảm của Đức Giáo Hoàng đã được lặp lại bởi các Giám Mục Âu châu. Phát ngôn viên Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu nói rằng việc biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo làm gia tăng ”khoảng cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Âu châu và nó là một đòn giáng mạnh vào các Giáo Hội Kitô cũng như công cuộc đối thoại liên tôn.”

Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới, quy tụ 350 Giáo Hội thành viên, đã viết một bức thư cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đảo ngược quyết định.

Phát ngôn viên UNESCO nhận định rằng:

“Quyết định biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo đã đảo ngược các dấu hiệu tích cực và cởi mở của Thổ Nhĩ Kỳ, và thay thế bằng các dấu chỉ loại trừ và chia rẽ. Đáng tiếc là quyết định này đã được thực hiện mà không thông báo trước và cũng chẳng thảo luận gì với UNESCO về tác động của quyết định này đối với các giá trị phổ quát của Hagia Sophia như một dinh thự được công nhận theo Công ước Di sản Thế giới.”

Trò xỏ lá mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Hagia Sophia dự lễ chuyển thành đền thờ Hồi Giáo của Erdoğan là một cử chỉ thách thức, ngạo mạn và xem thường tình cảm của Đức Thánh Cha và thế giới Kitô trước quyết định này.

Cho đến nay, Vatican đã không đưa ra bình luận nào về lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Hagia Sophia.

Hôm thứ Ba 22 tháng 7, Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không phá hủy các bức tranh khảm Kitô giáo và các hình ảnh khác trang trí nội thất của ngôi đền.


Source:Breibart

2. Bọn quá khích chụp thùng rác lên đầu tượng Đức Mẹ. Phản ứng tại Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc

Một bọn quá khích đã chụp một thùng rác lên đầu bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria được đặt bên ngoài Giáo xứ Thánh Teresa thành Calcutta ở Dorchester, Boston.

Ông Doyle, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Công Giáo Massachusetts, cho biết:

“Đây là lần thứ hai bức tượng này bị tấn công. Lần đầu tiên là trong đêm 11 rạng ngày 12 tháng 7. Tôi nghĩ đó là thực sự là một việc làm cố ý, có tính toán của một kẻ có lòng dạ tiểu nhân nhằm thể hiện một sự khinh miệt đối với Đức Mẹ, và đối với đức tin Công Giáo và một thách thức đối với người Công Giáo ở Boston.”

Trước hàng loạt các vụ tấn công nhắm vào các nhà thờ trong mấy tuần qua, Dân biểu Cộng hòa Jim Banks của tiểu bang Indiana đã lên tiếng yêu cầu Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ điều tra các vụ phá hoại các nhà thờ Công Giáo xảy ra trên khắp nước Mỹ.

Theo Dân biểu Jim Banks, các vụ tấn công chống Công Giáo ở Florida, Rhode Island, Massachusetts, Connecticut, New York và nhiều địa điểm khác cho thấy đang có một tâm tình bài Công Giáo mù quáng ở đất nước này.

Ông nhấn mạnh rằng:

“Chúng ta đang chứng kiến một sự gia tăng những tội ác thể hiện sự căm thù đối với nhiều cộng đồng trên khắp nước Mỹ, nhưng các tội ác chống lại cộng đồng Công Giáo ở quốc gia này chưa nhận được bất kỳ sự quan tâm thích đáng nào nơi những người có trách nhiệm. Tôi muốn thấy nhiều người, nhiều cơ quan có trách nhiệm phải lên tiếng và có hành động trước làn sóng chống Công Giáo mù quáng ở đất nước này. Cả Cục Điều tra Liên bang và Bộ trưởng Tư pháp William Barr phải nhìn vào những tội ác này và truy tố những tội ác căm thù chống lại Giáo Hội Công Giáo đến mức tối đa của pháp luật.”

Trong cuộc họp báo hôm 21 tháng 7, cô Kayleigh McEnany, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc cho biết:

“Tổng thống Donald Trump bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Công Giáo trong thời gian khó khăn này. Xin hãy yên tâm, tổng thống sẽ luôn luôn yêu cầu pháp luật và trật tự phải được tái lập trong cộng đồng người Mỹ, và bảo đảm rằng những tên tội phạm gây ra những hành vi xúc phạm này sẽ bị truy tố đến mức tối đa của pháp luật.”


Source:Daily Signal
 
Lòi mặt chuột: Trung Quốc vội vã đốt phi tang tài liệu tại tòa lãnh sự ở Houston sau khi bị đóng cửa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:40 22/07/2020
Hoa Kỳ đã ra lệnh cho Trung Quốc phải đóng cửa lãnh sự quán ở Houston trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Một quan chức Trung Quốc gọi động thái này của Hoa Kỳ là ngang ngược, phi lý, và sẽ phá hoại quan hệ giữa hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tầu Cộng là Vương Văn Bân (Wang Wenbin - 王文斌) đã lên án hành động này, và cho rằng nó diễn ra vào thời điểm căng thẳng càng lúc càng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông ta cảnh báo Trung Quốc sẽ có các biện pháp đối phó lại nếu Hoa Kỳ không đảo ngược quyết định của mình.

“Quyết định đơn phương buộc tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston phải đóng cửa trong một thời gian ngắn là một sự leo thang chưa từng thấy trong các hành động gần đây của Mỹ đối với Trung Quốc, ” Vương Văn Bân nói trong một cuộc họp báo chiều thứ Tư 23 tháng 7.

Ngoài đại sứ quán tại Bắc Kinh, Hoa Kỳ còn có năm lãnh sự quán ở Trung Quốc đại lục. Đó là các lãnh sự quán ở Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Vũ Hán và Thẩm Dương.

Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn rằng chính quyền Hoa Kỳ buộc lãnh sự quán ở Houston Texas phải đóng cửa để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và các thông tin cá nhân của người Mỹ.

Ngay sau khi Hoa Kỳ đưa ra quyết định này, cán bộ Trung Quốc mang các giấy tờ trong lãnh sự quán ra đốt công khai trong một hành động rõ ràng là để phi tang các chứng cớ.

Các phương tiện truyền thông ở Houston cho biết lính cứu hỏa đã được người dân chung quanh gọi đến khi ngọn lửa dâng cao bên trong lãnh sự quán Trung Quốc. Các nhân chứng nói rằng các cán bộ Trung Quốc đang đốt giấy trong những thùng lớn đựng rác.

“Các cán bộ Trung Quốc đã hối hả đốt tài liệu trong một container được đặt trong sân của lãnh sự quán Trung Quốc. Ngọn lửa lên rất cao đe dọa khu phố chung quanh, nhưng dường như không phải là một đám cháy không được kiểm soát. Hơn nữa chúng tôi không được phép vào bên trong. Chúng tôi đang đứng bên ngoài và tiếp tục theo dõi, ” chỉ huy lính cứu hỏa Sam Pena nói.

Lãnh sự quán Trung Quốc được yêu cầu đóng cửa tòa nhà vào thứ Sáu này.

Cảnh sát Houston cũng cho biết các đơn vị cảnh sát đã được yêu cầu tăng viện cho lính cứu hỏa tại tòa nhà Lãnh sự quán Trung Quốc tại số 3417 Montrose Blvd. Khi đến nơi họ thấy khói mù mịt bốc lên từ một khu vực ngoài trời trong sân của tòa lãnh sự, nhưng cảnh sát không được phép vào bên trong tòa nhà.

Liên quan đến vụ cháy này, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố sau đây:

“Công ước Vienna khẳng định rằng các nhà ngoại giao phải tôn trọng luật pháp và quy định của Quốc gia tiếp nhận và có nghĩa vụ không được can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia đó. Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho các hành vi xâm phạm chủ quyền và mang tính chất đe dọa của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đối với người dân của chúng ta, và chúng ta cũng sẽ không dung thứ cho các hoạt động thương mại bất công bằng của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, việc trộm cắp thành quả công việc của người Mỹ và các hành vi nghiêm trọng khác. Tổng thống Trump khẳng định về sự công bằng và có qua có lại trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.”


Source:ABC13 Houston