Ngày 27-07-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật XVIII thường niên C
Lm. Anthony Trung Thành
09:55 27/07/2016
Suy Niệm Chúa Nhật XVIII THƯỜNG NIÊN C

Khi đề cập đến của cải vật chất, trong tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đừng sa vào những cạm bẫy đáng sợ khi nghĩ rằng, cuộc sống tùy thuộc vào tiền bạc, và so với tiền bạc, các thứ khác đều không có giá trị và không quan trọng. Đó chỉ là một ảo tưởng. Chúng ta không mang theo tiền bạc khi đi vào cõi chết. Tiền bạc không đem lại hạnh phúc đích thực. Bạo lực tàn ác dùng để thu tích tiền bạc, không đem lại quyền lực cũng không giúp chúng ta khỏi chết. Sớm hay muộn, mọi người đều phải chịu Thiên Chúa phán xét, không ai tránh được” (Số 19).
Lời Chúa hôm nay cũng cho chúng ta thấy, đồng tiền không phải là tất cả, vì đồng tiền là vật chất nên có thể mục nát, trở về hư vô. Vì vậy mỗi người chúng ta cần có một thái độ đúng đắn đối với tiền của.

1. Sự hư vô của vật chất
Bài đọc I, tác giả sách Giảng Viên cho chúng ta thấy sự hư vô của vật chất: “Phù vân, ôi phù vân. Tất cả chì là phù vân” (Gv 1,2). Nghe qua chúng ta cảm thấy tác giả có tính bi quan với cuộc đời, với của cải vật chất, nhưng đó lại là sự thật. Con người đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi ra khỏi đời này cũng hai bàn tay trắng. Ca dao có câu: “Vua Ngô ba sáu tấn vàng, chết xuống âm phủ chẳng mang được gì.” Thật đáng tiếc cho những người suốt đời làm ăn vất vả chỉ để thu tích của cải vật chất nhưng khi chết chẳng mang được gì cả. Giống như nhà phú hộ trong bài Tin mừng hôm nay. Chúng ta không biết ông ta làm giàu bằng cách nào. Chúa Giêsu cũng không lên án cách ông ta làm giàu. Nhưng Chúa lên án anh ta vì anh ta qúa cậy dựa vào tiền của, coi của cải là mục đích, là tối hậu. Vì của cải mà anh ta quên đi các mối quan hệ khác: với Thiên Chúa, với tha nhân. Cho nên, Chúa Giêsu mới quở anh ta rằng: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20).
Có lẽ hôm nay Chúa vẫn nói những lời đó với chúng ta: khi chúng ta buôn gian bán lận; khi chúng ta tranh chấp đất đai, tiền của mà quyền lợi không thuộc về mình; khi chúng ta tham nhũng, trộm cắp gian lận của người khác để làm giàu cho mình; khi chúng ta chỉ biết thu tích mà không biết chia sẻ, không biết làm phúc bố thí cho người nghèo khó, bệnh tật…Nghĩa là chúng ta chỉ lo thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận của chúng ta cũng như vậy (x. Lc 12, 21).

2. Hãy tìm kiếm những sự trên trời
Thánh Phaolô trong bài đọc thứ II, khuyên chúng ta: “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,2). Chúa Giêsu đã từng nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33); “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6, 19-20).
Thật vậy, mục đích chúng ta sống trên đời này là để làm sao được hưởng hạnh phúc đời sau. Vì vậy, chúng ta luôn phải hướng về trời cao, tìm kiếm những gì thuộc về trời cao, để được hạnh phúc đời sau. Vậy, làm sao để tìm kiếm được nước trời?

Thứ nhất, cần phải xa tránh “những sự dưới đất”. Đó là chính là tội lỗi, là những thứ cản trở chúng ta trên con đường về với Chúa: ma quỷ, thế gian, xác thịt. Thánh Phaolô đã gợi ý cho chúng ta những điều sau đây: “Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3,5). Rồi Ngài nói tiếp :“Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi” (Cl 3, 9). Xét mình lại, nếu có lỗi phạm những điều trên đây, hãy kịp thời thống hối ăn năn và quyết tâm từ nay không tái phạm nữa.
Thứ hai, tránh mọi thứ tham lam. Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, sau khi từ chối việc chia gia tài, Chúa Giêsu khuyên: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu" (Lc 12,13). Tránh mọi thứ tham lam, tức là không được trộm cắp, gian lận, lỗi công bằng, tham nhũng cách này hay cách khác. Nhưng trong thực tế của xã hội hôm nay, rất nhiều người không bao giờ thỏa mãn những gì mình có: có cái này thì muốn cái kia; có nhiều thì muốn nhiều hơn nữa…Vì vậy, người ta tìm cách thu tích về cho mình càng nhiều càng tốt, thu tích hợp pháp cũng có, thu tích bất hợp pháp, không loại trừ thủ đoạn cũng không thiếu. Họ chạy theo lòng tham bất chấp mọi hậu quả. Trong Tông sắc Lòng Xót Thương, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi tham nhũng là “vết thương đang mưng mủ này của xã hội chính là một trọng tội đang kêu thấu tới trời, vì nó hủy hoại nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội. Sự tham nhũng cướp đi mất niềm hy vọng vào tương lai của con người, vì trong sự tàn nhẫn và trong sự thèm muốn của mình, nó hủy hoại những kế hoạch tương lai của những người yếu đuối, và nghiền nát những người nghèo. Đó là một tội ác, mà nó bắt đầu với việc xâm nhập vào trong những điều nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, rồi sau đó phát tán một cách rộng rãi, và đôi khi trở nên rõ ràng như trong những vụ việc lớn. Sự tham nhũng chính là một sự ở lỳ trong tội lỗi, mà tội lỗi ấy nhắm tới việc thay thế Thiên Chúa với ảo tưởng về quyền năng của tiền bạc. Nó là một công việc của bóng tối, được hỗ trợ bởi sự nghi kỵ và quỷ kế…”
Và để loại trừ được sự tham nhũng ra khỏi cuộc sống, Ngài đòi hỏi chúng ta: “phải có sự khôn ngoan, sự canh chừng, sự trung thành với luật lệ, cũng như phải có tính minh bạch và sự can đảm để đặt ngón tay vào trong vết thương. Ai không chiến đấu một cách công khai với sự tham nhũng thì sớm muộn gì người ấy cũng sẽ trở thành những kẻ đồng lõa, và rồi sẽ hủy hoại cuộc sống” (x. số 19).

Thứ ba, cần phải biết chia sẻ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: "Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá" (Lc 12,33). Thật vậy, của cải chỉ là phương tiện để phục vụ: phục vụ bản thân, phục vụ gia đình, phục vụ anh em đồng loại, phục vụ lẫn nhau. Chúng ta nhớ bài Tin mừng nói về ngày phán xét chung, Chúa Giêsu dựa vào những việc làm hay không làm của chúng ta đối với những kẻ bé mọn để phán xét ta lên Thiên đàng hay sa Hỏa ngục (x. Mt 25, 31-46). Cho nên, tất cả chúng ta cần phải biết chia sẻ của cải mình có cho những người khác, nhất là những người giàu cần phải biết san sẻ cho những người nghèo. Thánh Tôma Aquinô quả quyết: "Những người giàu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa." Thánh Basiliô thì nói rằng: "Tấm bánh mà bạn giữ lại là của người đói khổ, chiếc áo mà bạn cất trong vali là của kẻ trần trụi."
Sau thánh lễ hôm nay, mỗi chúng ta hãy xem trong gia tài của mình có cái gì đó mà lâu nay chúng ta không dùng tới không? Nếu có, hãy mạnh dạn chia sẻ cho những người cần đến nó.

Lạy Chúa Giêsu, vì của cải, tiền bạc mà biết bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình phải tan nát. Xin cho mỗi chúng con tránh mọi thứ tham lam, biết làm ăn chân chính và quảng đại chia sẻ những gì có thể cho những người xung quanh. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha đến phi trường Gioan Phaolô II, Krakow
VietCatholic Network
13:13 27/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ra đón Đức Thánh Cha tại sân bay Gioan Phaolô II cũng còn gọi là sân bay Balice của thành phố Krakow chúng tôi thấy có tổng thống Andrzej Duda, và phu nhân là bà Agata Kornhauser. Về phía Giáo Hội có Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz là Tổng Giám Mục Krakow, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki của tổng giáo phận Poznań và là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan.

Tổng thống Andrzej Duda, sinh ngày 16 tháng 5 năm 1972 (44 tuổi), là một người Công Giáo rất ngoan đạo.

Các Giám Mục Ba Lan rất hài lòng với tổng thống Andrzej Duda.

Ông là người gốc Krakow. Ông nguyên là một luật sư, đã từng là dân biểu viện Sejm, tức là Hạ Nghị Viện Ba Lan trước khi đắc cử tổng thống vào năm 2015. Ngày 6 tháng 8 năm ngoái 2015, ông chính thức nhậm chức tổng thống Ba Lan với nhiệm kỳ 5 năm.

Vào ngày 9 tháng 11 năm 2015, tức là chỉ ba thánh sau khi nhậm chức tổng thống Cộng Hòa Ba Lan. Ông đã triều yết Đức Thánh Cha để xin ngài ban phép lành cho nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Đây là lần thứ ba tổng thống gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tưởng cũng nên biết thêm là Tổng thống Ba Lan không phải chỉ là một chức vụ danh dự như tại nhiều nước khác ở châu Âu. Tổng thống Ba Lan có rất nhiều quyền kể cả quyền giải tán Quốc Hội.

Giờ đây hai vị đang duyệt qua hàng quân danh dự và chuẩn bị cho lễ chào quốc kỳ của hai nước.
 
Nhà thờ Đức Bà Paris cử hành thánh lễ tưởng niệm cố Linh Mục Georges Hamel bị khủng bố sát hại
Lê Đình Thông
17:07 27/07/2016
NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS CỬ HÀNH THÁNH LỄ TƯỞNG NIỆM CỐ LINH MỤC GEORGES HAMEL

Chiều 27/07/2016, tại vương cung thánh đường Notre-Dame de Paris, ĐHY André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris, đã cử hành trọng thể thánh lễ tưởng niệm cố linh mục Georges Hamel, vị tu sĩ 86 tuổi bị quân khủng bố hồi giáo cắt cổ man rợ sáng 20/07 trong lúc cử hành thánh lễ tại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray. Tổng thống Pháp François Hollande, thủ tướng Manuel Valls, chủ tịch lưỡng viện Quốc hội, nhiều vị bộ trưởng và dân biểu, nhiều đại sứ và đông đảo tín hữu đã dự thánh lễ

Trong phần phát biểu, ĐHYAndré Vingt-Trois khuyến cáo nước Pháp cần bình tâm hành động để khỏi rơi vào cảm bẫy của quân khủng bố.’’

Đức TGM Paris khai triển lời Chúa dựa trên chủ đề hy vọng. Ngài nói : ‘‘Những kẻ mượn danh tôn giáo để che đậy hành động giết hại dân lành vô tội, những kẻ nhân danh thần chết để gieo tang tóc, kinh hoàng cho bao người, họ đừng trông mong nhân loại nhường bước cho ảo vọng hão huyền. Niềm hy vọng mà Thiên Chúa khắc ghi trong tâm khảm loài người mang tên ‘‘sự sống’’. Hy vọng có khuôn mặt Chúa Kitô hy sinh sự sống đế nhân loại sống sung mãn. Niềm hy vọng tập hợp nhân gian, tứ hải giai huynh đệ ; không phải bằng hủy diệt, nhưng mời gọi tự do. Chính niềm hy vọng đứng vững trong cơn thử thách đã ngăn nẻo đường thất vọng chồng chất những hận thù và chết chóc. Chính trong niềm hy vọng này, cha Jacques Hamel đã bị cắt cổ một cách man rợ trong lúc cử hành bí tích Thánh thể. Chính niềm hy vọng đã nâng đỡ các tín hữu trời đông thoát chạy khỏi sự bách hại mà không từ bỏ đức tin. Niềm hy vọng còn nung nấu con tim các tín hữu tập họp quanh Đức Thánh Cha Phanxicô ở Cracovie. Chính niềm hy vọng này khiến ta không chịu khuất phục trước hận thù, luôn vững vàng trong cuồng phong bão tố.’’

Trong bản tin xứ đạo Saint-Étienne-du-Rouvray phát hành ngày 06/06, cha Hamel đã để lại mấy lời dặn dò, mời gọi mọi người cư xử với nhau trong tình huynh đệ, trông cậy vào lòng Chúa thương xót. Ngài viết : ‘‘Năm nay mùa xuân còn lạnh. Nếu tinh thần có bị sa sút, hãy vững tâm vì ngày hè sẽ đến.

Ngày hè còn là thời gian gặp gỡ, chia sẻ. Có người đi tĩnh tâm hoặc hành hương. Người khác nghiền ngẫm lời Chúa giúp ta vui sống, hoặc lần giở kinh sách, ngắm nhìn cảnh vật tuyệt đẹp, nhắc nhở ta kỳ công Thiên Chúa. Nào ta hãy lắng nghe Chúa nhắn nhủ ta sống với nhau hòa thuận, trong tình nghĩa huynh đệ. Mùa hè còn thời gian nguyện cầu cho những ai lâm cảnh thiếu thốn, cho hòa bình, cho chung sống hiền hòa. Trong năm lòng Chúa thương xót, nào ta hãy quan tâm đến các điều tốt đẹp.’’

Thánh lễ kết thúc trong nhạc chuông tiễn biệt cố linh mục Hamel, với niềm hy vọng và trông cậy vào lòng thương xót Chúa.

Paris, ngày 28/07/2016
Lê Đình Thông
 
Trên đường đi Ba Lan, Đức Giáo Hoàng không quên những trẻ nghèo, bất hợp pháp tại biên giới Texas-Mexico.
Trần Mạnh Trác
17:24 27/07/2016


Khi chiếc máy bay chở Đức Giáo Hoàng đi đến Ba Lan tham gia Ngày Giới trẻ Thế Giới, thì hàng trăm người nhập cư bất hợp pháp ở Texas đã nhận được một thông điệp đặc biệt cuả Ngài qua video trực tuyến: "hảy sống nhiệt tình và tiến về phía trước! "đừng để bị cản trở bởi" bức tường, " Ngài nói.

" Cha muốn nói với các con hãy luôn nhìn về phía trước, luôn luôn nhìn về phía chân trời, đừng để cuộc sống đặt ra những bức tường đặt ở phía trước các con, luôn luôn nhìn về chân trời." Ngài nói như vậy với các bạn trẻ trong giáo phận Brownsville, nằm ở biên giới Mexico và được coi là một trong những vùng nghèo khổ nhất của Hoa Kỳ.

"Luôn luôn có lòng dũng cảm muốn nhiều hơn nữa, nhiều hơn, nhiều hơn. .. với lòng can đảm, nhưng đồng thời, đừng quên nhìn lại những di sản mà các con đã nhận được từ tổ tiên, từ ông bà, cha mẹ của các con; di sản đức tin mà các con đang có trong tay, trong khi vẫn nhìn về phía trước" Ngài nói.

Hôm thứ ba vừa qua, cùng lúc với ngày khai mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) tại Krakow, thì giáo phận Texas này đã tổ chức một lễ kỷ niệm cho hàng trăm thanh niên trong độ tuổi 13-18 tại một vùng nông thôn nghèo khó gọi là Penitas.

Ước tính có khoảng 10.000 người sống trong khu vực, nhiều người ở trong tình trạng nhập cư bất hợp pháp, do đó nhiều bạn trẻ không thể đi du lịch qua Ba Lan- thậm chí dám ước mơ là có đủ khả năng để đi Ba Lan.

Vì thế, DTC Phanxicô đã gửi cho họ một tin nhắn video, bằng tiếng Tây Ban Nha, và như Ngài đã làm với các bạn trẻ ở Brazil hồi năm 2013, Ngài kêu gọi họ sống "trò chơi của cuộc sống" trọn vẹn.

Việc đề cập đến "bức tường" là một điều quan trọng, vì rằng ứng cử viên tổng thống cuả đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump đã lặp đi lặp lại một lần nữa kế hoạch xây một bức tường ở biên giới với Mexico và "làm cho họ phải trả tiền xây nó."

Đức Thánh Cha đã từng nói rằng các ứng cử viên hứa sẽ xây dựng bức tường để cầm giữ những người di cư là "không phải là Kitô hữu."

Khái niệm "trò chơi của cuộc sống" là một khái niệm rất quen thuộc được sử dụng trong tiếng Tây Ban Nha, có ý nói đến trò chơi túc cầu.

"Trong thế giới ngày nay, (than ôi) một trò chơi đang diễn ra, trong đó không có chỗ cho đồ phế thải: hoặc là các con đang ở trong đội (banh) hoặc các con ở ngoài "

Ngài khuyến khích bạn trẻ luôn luôn nhìn về phía trước, và không lùi bước bởi các bức tường, tức là, những trở ngại cuả cuộc sống đặt trên con đường của mình, bởi vì "Thiên Chúa đang kêu gọi các con lan truyền cuộc đời này sang những người khác. Thiên Chúa kêu gọi các con tạo ra hy vọng. Thiên Chúa kêu gọi các con nhận lấy lòng thương xót và tỏ lòng thương xót cho những người khác. Thiên Chúa kêu gọi các con được hạnh phúc. Đừng sợ! Đừng sợ. Chơi trò cuộc sống cho đầy đủ! Đó là cuộc sống. "

Thông điệp ngắn 2 phút này xem ra là một phiên bản của những gì mà DTC sẽ nói trong chuyến viếng thăm quê hương cuả Thánh Giáo Hoàng John Paul II từ ngày 27 cho đến ngày 31 tháng 7 này. Giới trẻ rõ ràng là đối tượng chính của Đức Giáo Hoàng, và vấn đề di cư là mối quan tâm day dứt của Ngài.

Xin xem video và bản dịch dưới đây:



Thông điệp cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi các bạn trẻ của Giáo phận Brownsville (Texas):

Cùng các bạn trẻ thân mến của Giáo phận Brownsville, đang tụ tập nhân ngày lễ thánh Anne, bà ngoại của Chúa Giêsu. Cha biết rằng các con đang tập trung tại Texas, rất gần với Mexico, rất gần với Mỹ Latinh. Và Cha biết rằng các con đang tụ tập để đến với nhau trong tinh thần Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow. Cha muốn được gần gũi với các con. Cha muốn nói với các con hãy luôn nhìn về phía trước, luôn luôn nhìn về phía chân trời, đừng để cuộc sống đặt ra những bức tường đặt ở phía trước các con, luôn luôn nhìn về chân trời. Luôn luôn có lòng dũng cảm muốn nhiều hơn nữa, nhiều hơn, nhiều hơn. .. với lòng can đảm, nhưng đồng thời, đừng quên nhìn lại những di sản mà các con đã nhận được từ tổ tiên, từ ông bà, cha mẹ của các con; di sản đức tin mà các con đang có trong tay, trong khi vẫn nhìn về phía trước.

Cha biết rằng một số các con sẽ hỏi: "Thưa Cha, vâng, Cha vừa nói cho chúng con hãy nhìn vào chân trời và hãy nhớ mọi thứ, nhưng ngay hôm nay, con phải làm gì?" Hãy thực hiện cuộc chơi cuả sự sống thật đầy đủ! Hôm nay, hãy đón nhận cuộc sống như nó đang diễn ra và hãy thực hiện những điều tốt lành cho người khác. Trong thế giới ngày nay, (than ôi) một trò chơi đang diễn ra, trong đó không có chỗ cho đồ phế thải: hoặc là các con đang ở trong đội (banh) hoặc các con ở ngoài. (Vậy) Các con phải nhớ rằng các con là những người kế thừa, hãy nhìn về phía chân trời và ngay ngày hôm nay, hãy nắm bắt cuộc sống và đưa nó tiến về phía trước, sử dụng nó cho hiệu quả, làm cho nó có hiệu quả. Thiên Chúa đang kêu gọi các con sinh hoa kết trái! Thiên Chúa đang kêu gọi các con lan truyền cuộc đời này sang những người khác. Thiên Chúa kêu gọi các con tạo ra hy vọng. Thiên Chúa kêu gọi các con nhận lấy lòng thương xót và tỏ lòng thương xót cho những người khác. Thiên Chúa kêu gọi các con được hạnh phúc. Đừng sợ! Đừng sợ. Chơi trò cuộc sống cho đầy đủ! Đó là cuộc sống.

Chúc các con một cuộc họp tốt lành của những người trẻ tuổi, kết hợp với Ngày Giới trẻ Thế giới, đoàn kết với những người trẻ, những người đang ở Krakow. Sống nhiệt tình và tiến về phía trước! Xin Đức Trinh Nữ Maria chăm sóc tuyệt vời cho các con và xin Chúa Giêsu chúc lành cho các con. Và xin đừng quên cầu nguyện cho Cha. Cha cám ơn các con.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ các bạn trẻ từ Cửa Sổ Giáo Hoàng tại Krakow.
VietCatholic Network
20:04 27/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Cũng như các vị tiền nhiệm của ngài là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc ngày đầu tiên trong chuyến tông du Ba Lan của ngài với cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ từ Cửa Sổ Giáo Hoàng tại Krakow.

Tòa Giám Mục ở Kraków (ở tại số 3 đường Franciszkańska) là nơi cư trú truyền thống của các giám mục Kraków từ cuối thế kỷ thứ 14. Đó là cung điện lớn thứ hai tại thành phố sau hoàng cung Wawel. Tòa Giám Mục là một phần trong khu vực tu viện dòng Phanxicô. Tòa Giám mục này có lẽ nổi tiếng nhất thế giới vì là nơi cư trú của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thời gian lưu trú của ngài trước khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng và mỗi khi về thăm quê hương. Ngài đã nói chuyện với dân chúng từ một cửa sổ phía trên cổng chính vào mỗi đêm. Chính vì thế, người ta gọi cửa sổ này là Cửa Sổ Giáo Hoàng tại Krakow.

Sau cái chết của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 02 Tháng 4 năm 2005, hơn 40,000 người Công Giáo đã tập trung ở phía trước Tòa Giám Mục và cầu nguyện. Mỗi năm vào ngày 2 tháng Tư, hàng ngàn bông hoa được đặt xung quanh và hàng ngàn ngọn nến được thắp sáng để kính nhớ ngài.

Trong bài nói chuyện ngắn với các bạn trẻ Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Chào buổi tối! Tôi nồng nhiệt chào đón tất cả các bạn!

Tôi chào mừng các bạn trong khi nhìn thấy bạn rất nhiệt tình và rất hân hoan. Nhưng bây giờ tôi phải nói với bạn điều gì đó phần nào sẽ buồn lòng con tim các bạn. Tôi xin các bạn ít phút im lặng. Đây là câu chuyện về cuộc đời của một người trong số các bạn. Maciek Simon Carpenter chưa quá 26 tuổi. Anh đã học về thiết kế đồ họa và bỏ công việc của mình để trở thành một tình nguyện viên Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Chính anh là người đã chuẩn bị tất cả các dự án, hình ảnh của những các thánh bảo trợ, phù hiệu của khách hành hương, mà bây giờ đang trang hoàng thành phố rất đẹp. Chính trong công việc này anh tìm thấy đức tin của mình. Hồi tháng mười một vừa qua, bác sĩ chẩn đoán ra anh mắc bệnh ung thư. Các bác sĩ không còn biết làm gì hơn là cắt bỏ chân anh. Anh muốn sống khi Đức Giáo Hoàng đến đây. Anh thậm chí đã có một vé dành riêng trên tàu điện Đức Giáo Hoàng sẽ di chuyển. Anh qua đời vào ngày mùng 2 vừa qua. Cái chết của anh làm rung động tất cả mọi người, vì tất cả những điều tốt lành anh đã thực hiện. Bây giờ, tất cả chúng ta hãy để mình chìm trong im lặng suy nghĩ về người bạn đã từ giã chúng ta, là người đã làm việc rất nhiều cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới này. Và trong sự im lặng của tâm hồn, chúng ta hãy cùng cầu nguyện. Anh ấy đang hiện diện nơi đây với chúng ta”

Một số bạn có thể nghĩ rằng vị giáo hoàng này đang muốn kéo dài buổi tối của các bạn một chút. Nhưng sự thật là chúng ta nên làm quen với những trắc trở của đường đời. Cuộc sống là như thế, các bạn trẻ thân yêu của tôi. Nhưng có một điều chúng ta không bao giờ hoài nghi. Đức tin của cậu bé này, người bạn này của chúng ta, người đã làm việc rất nhiều cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới này. Đức tin dẫn anh đến với Chúa Giêsu và bây giờ anh ta ở trên trời, nhìn xuống trên chúng ta. Và đây là một hồng ân lớn lao. Chúng ta cũng sẽ gặp anh ta một ngày.

“Ồ, bạn đó à! Hân hạnh được gặp bạn! “

Vấn đề duy nhất là chọn đường ngay nẻo chính trong cuộc sống.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta những con người dũng cảm như thế. Đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người đã giúp chúng ta dấn bước trên đường đời. Và đừng sợ, đừng sợ! Thiên Chúa là Đấng tốt lành!

“Ngày mai chúng ta sẽ gặp nhau. Bây giờ tôi sẽ chào từ giã các bạn. Và bây giờ, hãy hân hoan và vui lên - đó là nhiệm vụ của chúng ta như là các môn đệ của Chúa Kitô. Nhưng, đừng ồn quá trong đêm! Và bây giờ chúng ta hãy nhận phép lành của Thiên Chúa.

Và, như chúng ta đã biết từ khi còn nhỏ, trước khi chia tay, chúng ta hãy hướng về mẹ mình - chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria, mỗi người chúng ta hãy đọc Kinh Kính Mừng bằng tiếng của mình.

Chúc ngủ ngon! Và xin cầu nguyện cho tôi!
 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, ngày đầu tiên của Đức Phanxicô tại Krakow
Vũ Văn An
20:45 27/07/2016
Sau đây là bản tin ghi nhanh, từng giờ (địa phương), ngày đầu tiên, 27 tháng Bẩy, của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Krakow:

11 giờ 00 sáng:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang trên đường tới thăm Ba Lan lần đầu tiên. Đây là một quốc gia đại đa số theo Công Giáo và còn rất tự hào đối với vị giáo hoàng đã quá cố là Thánh Gioan Phaolô II, người từng phục vụ tại Krakow trong tư cách linh mục và tổng giám mục trước khi làm giáo hoàng.

Cảm thức mong đợi hiển hiện dưới bầu trời đầy nắng của Krakow vào hôm thứ Tư với cờ vàng trắng giáo hoàng và hình ảnh hai Đức Phanxicô và Gioan Phaolô II rực rỡ trên các phố xá. Các sân khấu được dựng lên và nhiều địa điểm dành cho hòa nhạc và các hoạt động khác được tổ chức bởi và được tổ chức cho khách hành hương ở Krakow.

Có sự hiện diện đông đảo của cảnh sát và các lực lượng an ninh khác khắp thành phố, trong lúc các đám đông công chúng mỗi lúc mỗi gia tăng khắp ngả.

“Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người như thế này tại Krakow, di chuyển tới lui quả là khó khăn, dù các công sở đã đóng cửa và nhiều người đã ra ngoài thành phố”, đó là lời của bà Anna Gazda, 43 tuổi, chủ nhân một tiệm bán đồ kỷ niệm.

Dự báo thời tiết cho Krakow nói có thể sẽ có mưa bão vào buổi chiều.

Khoảng 200,000 khách hành hương đã tham dự Thánh Lễ khai mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới chiều hôm qua.

1 giờ 00 chiều:

An ninh khá chặt chẽ khi các khách hành hương trẻ trung và vui tươi từ khắp thế giới tụ họp tại Krakow, miền nam Ba Lan, hàng giờ trước kki Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Cuộc cử hành nói trên bị phủ mờ đôi chút do vụ hạ át dã man một linh mục bên Pháp, gia tăng nỗi lo âu về an ninh vốn đã cao do hàng loạt các vụ ấn công bạo động tại Pháp và Đức. Các viên chức Ba Lan nói rằng họ đã triển khai hàng chục ngàn nhân viên an ninh để bảo toàn Đại Hội, kéo dài tới Chúa Nhật.

"Nó khiến tôi ngỡ ngàng vì hình như người ta chờ đến ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới để tấn công người Công Giáo chúng tôi”, Nounella Blanchedent, 22 tuổi, nói như thế. "Họ chọn thời điểm có biến cố đại chúng lớn lao như thế này để kéo nhiều chú ý hơn cho việc họ đang làm. Quả là đáng thương vì mọi điều chúng tôi làm chỉ là muốn được ở bên nhau, ca hát và ngợi khen Thiên Chúa. Nhưng họ lại muốn phá rối việc ấy”.

Cô là một trong các thiện nguyện viên giúp hậu cần tại Nhà Thờ Thánh Casimir, lúc này đang đông nghẹt, nơi một Thánh Lễ đang được cử hành bằng tiếng Pháp cho các khách hành hương đến từ Pháp, Bỉ và nhiều nước khác. Di hài Thánh Maria Mađalêna từ Pháp đã được đem qua đây suốt thời gian Đại Hội.

2 giờ 20 chiều:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã rời Rôma đi Ba Lan, nơi ngài sẽ lưu lại 5 ngày để gặp gỡ giới trẻ Công Giáo và thăm Auschwitz cũng như một số đền thánh Công Giáo quan trọng nhất của Ba Lan.

Chuyến bay của hang Alitalia, mang cờ giáo hoàng và cờ Ý, đã cất cánh khỏi phi trường Rôma sau 2 giờ chiều địa phương một chút (1200 GMT) và sẽ hạ cánh xuống Krakow, Ba Lan, sau 2 giờ bay.

Đây sẽ là chuyến tông du Ba Lan đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một trong các quốc gia Công Giáo nhất của Âu Châu và vẫn còn hết sức sùng mộ vị giáo hoàng quá cố người Ba Lan là Thánh Gioan Phaolô II.

Đức Phanxicô sẽ tham gia Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới với giới trẻ Công Giáo, một cuộc tụ họp có tính hoàn cầu. Biến cố thường hân hoan diễn ra mỗi hai hoặc ba năm này đang bị phủ bóng bởi vụ sát hại dã man một linh mục Công Giáo ở Pháp bởi những người quá khích duy Hồi Giáo.

3giờ 20 chiều:

Bộ trưởng nội vụ Ba Lan nói rằng hơn 39,000 cảnh sát viên và nhân viên an ninh khác sẽ bảo đảm an ninh cho cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với hàng trăm ngàn người trẻ khắp thế giới tại miền nam Ba Lan.

Các lo lắng về an ninh đã lên cao sau khi một linh mục Công Giáo bị sát hại ở Pháp vào hôm thứ Ba trong một cuộc tấn công bằng dao được cho là do nhóm Nhà Nước Duy Hồi Giáo.

Bộ trưởng Mariusz Blaszczak nói đến các biện pháp an ninh phi thường vào ngày thứ Tư, chỉ 3 giờ đồng hồ trước khi Đức Phanxicô dự tính tới Krakow cho một cuộc tông du kéo dài tới Chúa Nhật, bao gồm các Thánh Lễ và các buổi cầu nguyện ngoài trời với khoảng 1triệu rưỡi tham dự viên Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, và viếng thăm trại tập trung Auschwitz-Birkenau của Đức Quốc Xã trước đây, và đền thánh linh thiêng nhất của Ba Lan là Jasna Gora.

Trong một cuộc họp báo Bộ Trưởng nói rằng: “Chúng tôi đã phái ra phố xá Ba Lan 7,500 nhân viên để giữ gìn an ninh mỗi ngày cho các trạm xe lửa, phi trường và trung tâm buôn bán”.

Bộ Trưởng Blaszczak cũng kêu gọi dân chúng tỉnh táo và thông báo các tình huống bất thường hay nghi ngờ cho cảnh sát hoặc các viên chức an ninh khác. Ông nói: “chúng tôi không xem thường bất cứ dấu hiệu nào, tuy nhiên Ba Lan là một đất nước rất an toàn”.

4 giờ 05 chiều:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng thế giới đang có chiến tranh, nhưng nhấn mạnh rằng đây không phải là chiến tranh tôn giáo. Ngài nói chuyện với các ký giả trên chuyến bay từ Rôma qua Ba Lan, nơi ngài bắt đầu chuyến tông du 5 ngày vào hôm thứ Tư.

Được hỏi về vụ sát hại vị linh mục 85 tuổi trong một nhà thờ ở Normandy, Pháp, vào hôm thứ Ba, Đức Phanxicô trả lời: “chữ đúng thực là chiến tranh… vâng đây là chiến tranh. Vị linh mục thánh thiện này chết ngay lúc ngài đang dâng lời cầu nguyện cho toàn Giáo Hội”.



Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Tôi chỉ muốn minh xác, khi tôi nói tới chiến tranh, tôi thực sự nói tới chiến tranh… cuộc chiến tranh giành quyền lợi, tiền bạc, tài nguyên… Tôi không nói tới cuộc chiến tranh tôn giáo, các tôn giáo không muốn có chiến tranh. Người khác mới muốn có chiến tranh”.

5 giờ 40 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được nghinh đón tại Ba Lan bởi Tổng Thống Andrzej Duda và hàng trăm người ca hát và hoan hô khi ngài tới phi trường Krakow.

Ngài sẽ cùng hàng tram ngàn người trẻ khắp thế giới tới đây tham dự cuộc tụ họp lớn của tuổi trẻ Công Giáo.

Trong số những người nghinh đón Đức Giáo Hoàng còn có Đệ Nhất Phu Nhân Agata Kornhauser-Duda vả Thủ Tướng Beata Szydlo, người qùy và hôn nhẫn Đức Giáo Hoàng theo lối cổ truyền của người Ba Lan khi nghinh đón các vị cao cấp của Giáo Hội. Chính phủ bảo thủ của Szydlo công khai tuyên bố sự gắn bó với đức tin Công Giáo.

Một dàn nhạc quân đội đã trình tấu quốc ca Vatican và Ba Lan và đám đông vẫy cờ vàng trắng của Tòa Thánh và cờ đỏ trắng của Ba Lan. Bất chấp sự hiện diện trông thấy và dầy đặc của an ninh, Đức Giáo Hoàng đã vẫy tay với đám đông từ cửa sổ chiếc xe hơi chở ngài.



Một buổi lễ nghinh đón chính thức với các bài diễn văn sẽ được tổ chức sau đó, tại Hoàng Cung Wawel ở Krakow.

Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên một quốc gia Đông Âu của Đức Phanxicô.

6 giờ 00 tối

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục các nhà lãnh đạo Ba Lan “vượt qua sợ sệt” và tỏ lòng cảm thương đối với các di dân. Nhiều sợ sệt đang thấm thật sâu vào quốc gia rất Công Giáo này. Họ sợ người tỵ nạn Hồi Giáo sẽ tạo nguy hiểm cho an ninh quốc gia và sói mòn các truyền thống Kitô Giáo của họ.

Khi nhận định rằng nhiều người Ba Lan từng di cư ra ngoài đất nước, Đức Phanxicô nói đến việc phải tìm cách làm dễ dàng việc họ hồi cư nếu có hy vọng làm thế và phải hiểu các lý do khiến họ ra đi.

Ngài nói thêm: “điều cũng cần là tinh thần sẵn sàng chào đón những người chạy trốn khỏi chiến tranh và đói kém, và tinh thần liên đới với những người bị tước các quyền căn bản, trong đó có quyền được tuyên xưng đức tin trong tự do và an toàn”.

Đức Giáo Hoàng lên tiếng như trên vào hôm thứ Tư tại thành phố Krakow, miền nam Ba Lan, sau khi tới đây để khởi đầu chuyến viếng thăm Ba Lan trong 5 ngày.

Năm ngoái, người Ba Lan đã bầu cho Đảng Luật Pháp và Công Lý cánh hữu, một đảng ửng hộ Giáo Hội Công Giáo nhưng có một sứ điệp bài di dân mạnh mẽ, ngược với lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng phải tỏ lòng thương xót đối với những người thuộc các tôn giáo khác đang trốn thoát tranh chấp.

6 giờ 45 tối

Tổng Thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đem tới Ba Lan và hàng ngàn người hành hương trẻ các giá trị mà thế giới cần hôm nay: đức tin và lòng tốt.

Chào kính Đức Phanxico trong nghi lễ nghinh đón tại Lâu Đài Wawel ở Krakow, ông Duda nói rằng Đức Giáo Hoàng là một “nâng đỡ, một dấu chỉ đường” cho đời sống giới trẻ.

Là một người Công Giáo quê ở Krakow, Ông Duda nhấn mạnh rằng “Thế giới ngày nay rất cần các giá trị, nó cần đức tin và lòng tốt, tất cả các điều này Đức Thánh Cha đang mang tới. Tất cả chúng con đang mong đợi lời nói của ngài”.

Đức Phanxicô và ông Duda cũng đã gặp riêng nhau trong nửa tiếng đồng hồ, trước khi Đức Giáo Hoàng gặp các nhà lãnh đạo Giáo Hội Ba Lan.

7giờ 35 tối

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện bên di hài Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Lâu Đài Wawel và đang gặp mặt các giám mục Ba Lan; các vị hứa sẽ “lắng nghe cẩn thận” lời dạy của ngài.

Nhiều quan sát viên cho rằng Giáo Hội Ba Lan không hoàn toàn cùng nhịp với triết lý khiêm tốn và khiêm nhường của Đức Phanxicô. Tổng Giám Mục Krakow, Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz đã khai mạc cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô bằng câu nói rằng sự hiện diện của ngài làm sâu sắc thêm ý thức của các ngài được làm thành viên của Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội vốn vuợt qua các ranh giới quốc gia và văn hóa.

Đức Hồng Y Dziwisz nói: “Chúng con sẽ lắng nghe cẩn thận lời lẽ của Đức Thánh Cha”.

10 giờ 00 đêm

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chào hỏi và chúc lành cho một đám đông lớn các người hành hương trẻ đầy phấn khích ở Krakow, nói với họ từ cùng một chiếc cửa sổ tại Dinh Giám Mục của thành phố mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng xuất hiện trong các chuyến về thăm quê hương của ngài.

Đám đông ca hát và nhẩy múa trước và sau khi Đức Giáo Hoàng xuất hiện.

Đức Phanxicô bắt đầu bằng cách yêu cầu giới trẻ im lặng cầu nguyện cho một thiện nguyện viên 22 tuổi của Đại Hội, người vốn thiết kế các lá cờ trang trí cho Đại Hội. Anh vừa qua đời vì ung thư đầu tháng này.

Đức Giáo Hoàng nói với họ: “Có lẽ, một số các con nghĩ rằng ‘cụ giáo hoàng này làm hỏng cả buổi tối của chúng ta’. Nhưng đây là sự thật và chúng ta cần làm quen cả với điều tốt lẫn điều xấu. Đời là thế, các bạn trẻ thân mến”.

10 giờ 10 đêm

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cám ơn tất cả những ai ngỏ lời chia buồn trước việc sát hại một linh mục người Pháp, nhất là Tổng Thống Pháp Francois Hollande.

Đức Phanxicô nói với các ký giả trên chuyến bay hôm thứ Tư từ Rôma tới Ba Lan rằng “cả Tổng Thống Pháp cũng đã muốn liên lạc với tôi bằng điện thoại, như một người anh em, xin cám ơn”.

Ngài có ý nói tới vị linh mục cao niên bị thảm sát bởi một tên quá khích ở Normandy, Pháp, một ngày trước đây, trong lúc đang cử hành Thánh Lễ.

10:45 đêm

Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi lòng tương cảm đối với các di dân trong cuộc họp kín với các giám mục Ba Lan.

Cuộc họp trên được tổ chức hôm thứ Tư, ngày khởi đầu chuyến viếng thăm Krakow của Đức Phanxicô nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Ai cũng biết chính phủ bảo thủ của Ba Lan hiện nay đã đóng cửa đối với các di dân, một chủ trương cũng được gán cho các vị lãnh đạo Giáo Hội ở đây, những vị vốn hỗ trợ chính phủ này trong nhiều vấn đề.

Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki cho biết: Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng Tin Mừng đòi phải giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn; ngài nói một cách khiến gợi lòng tương cảm nơi các giám mục. Cuộc gặp gỡ kết thúc bằng việc cho rằng còn có thể làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ các di dân.
 
Tổng lược nghị trình của Đức Giáo Hoàng tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Vũ Văn An
22:36 27/07/2016
Thế là Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 đã chính thức khai mạc. Hàng ngàn khách hành hương không những đang tràn ngập đường phố Krakow (một thành phố chỉ có khoảng 750,000 cư dân) mà còn tràn qua nhiều nơi chung quanh đó, trong đó có Wadowice, thị trấn quê hương gần đó của Thánh Gioan Phaolô II.

Ngày 27 tháng Bẩy, sự phấn khích lại càng lên cao khi Đức Giáo Hoàng tới. Trong tuần này, hàng trăm nhà thờ ở Krakow và cả nhiều vận động trường nữa sẽ tổ chức các buổi giáo lý do một số các vị trong 844 giám mục và 47 Hồng Y làm giáo lý viên. Cũng sẽ có những đại nhạc hội, trình diễn âm nhạc, thi đấu bóng tròn và vô số các sinh hoạt khác.

Từ lúc đặt chân xuống cho tới lúc rời khỏi Ba Lan, Đức Giáo Hoàng sẽ đọc 9 bài diễn văn và 3 bài giảng lễ. Ngoài ra, ngài sẽ khánh thành một nhà dành cho người cao niên do Caritas điều hành, viếng Vận Động Trường Tauron, địa điểm giáo lý lớn nhất của Đại Hội dành cho người nói tiếng Anh, do Hội Hiệp Sĩ Columbus và các Nữ Tu Đức Bà Thương Xót điều hành, và nói chuyện với các bệnh nhân của một bệnh viện nhi đồng địa phương.

Sau đây là tổng lược các biến cố chính

Thứ Tư

Đức Phanxicô sẽ tới phi trường Krakow vào buổi chiều, nhưng không có nghi lễ nào tại đây. Sau đó, ngài sẽ tới thăm Tổng Thống Ba Lan và đọc diễn văn ở dinh tổng thống. Đây sẽ là dịp để ngài khởi động âm sắc chính trị của chuyến đi. Ai cũng biết Đức Phanxicô có chủ trương phò di dân nhiều hơn chính phủ hiện tại của Tổng Thống Andrzej Duda và hàng giáo phẩm Công Giáo, bất kể tuyên bố báo chí mới đây của hội đồng giám mục Ba Lan tố cáo một số chính khách “tạo ra niềm sợ hãi người Hồi Giáo một cách giả tạo”.

Các vị giáo hoàng thường tránh né việc gây bối rối cho các vị chủ nhà trong các chuyến tông du của các ngài, nhưng các ký giả địa phương nói rằng bất cứ Đức Phanxicô xa gần nhắc tới vấn đề di dân cũng sẽ được coi và được tường thuật là một tấn công vào chính phủ Ba Lan.

Nói cho cùng, các chính phủ Ba Lan đã quá quen thuộc với lời phê phán của các vị giáo hoàng rồi. Ngay năm 1991, khi trở lại Ba Lan, người con yêu qúy của đất nước này, Đức Gioan Phaolô II, đã không ngại chỉ trích sự trở cờ của Ba Lan, tự biến mình thành một xã hội buông lỏng và qúa ư duy tiêu thụ. Đức Phanxicô, tuy không phải là Đức Gioan Phaolô II, nhưng khi tới lúc phải nói tâm tư của mình về những vấn đề thiết thân, thì ngài cũng không kém quở trách như vị tiền nhiệm người Ba Lan của mình.

Thứ Năm

Ngày thứ hai của Đức Giáo Hoàng sẽ nổi bật với cuộc viếng thăm đan viện nổi tiếng Jasna Gora ở Częstochowa, nơi khả năng nối kết với nhân dân Ba Lan của ngài sẽ được nhiều người “soi mói”: đây là địa điểm hành hương quan trọng nhất của cả nước, hàng năm, hàng triệu người tới đây kính viếng.

Đan viện này tọa lạc cách Krakow khoảng 90 dặm và đại đa số những người tới đây lúc Đức Giáo Hoàng viếng thăm là người Ba Lan chứ không hẳn là khách hành hương của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, thành thử, đây là cơ hội hàng đầu để Đức Phanxicô khẳng định ý thức quốc gia sâu sắc của Ba Lan, bắt nguồn từ lòng sùng kính Đức Mẹ.

Người ta cũng biết rằng kế hoạch khởi thủy của Đức Giáo Hoàng là bay tới và bay về, chỉ ở đó ít phút đủ để kính viếng Đức Bà Đen nổi tiếng ở Częstochowa mà thôi. Nhưng sau đó, ngài được thuyết phục cử hành Thánh Lễ ở địa điểm này nhằm nâng cao tinh thần chính trị và văn hóa cho cả các nhà lãnh đạo lẫn dân chúng Ba Lan.

Thế là tại đây, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ để tưởng niệm 1,050 năm lễ rửa tội cho nhà Vua Ba Lan cũng là lễ rửa tội cho Ba Lan, đánh dấu nền độc lập quốc gia.

Sau đó, vào buổi chiều, ngài sẽ chính thức bắt đầu việc tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới của ngài, khi hàng trăm ngàn người trẻ khắp thế giới sẽ nghinh đón ngài tại Công Viên Blonia. Cũng nên biết, người ta thường nói giới trẻ họp nhau để gặp Đức Giáo Hoàng trong các biến cố này. Nhưng Thánh Gioan Phaolô II, vị sáng lập ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, quen nói rằng thực ra chính người trẻ mời Đức Giáo Hoàng. Thành thử, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận được thiệp mời chính thức tham dự ngày này từ giới trẻ.

Thứ Sáu

Hai biến cố chủ yếu của ngày Thứ Sáu sẽ là cuộc thăm viếng lần đầu tiên của Đức Phanxicô tới các trại tập trung khét tiếng tại Auschwitz và Birkenau vào buổi sáng, trong khi vào buổi chiều, ngài sẽ hướng dẫn giới trẻ đi Đàng Thánh Giá. Dù không đọc diễn văn tại Auschwitz, Đức Phanxicô sẽ gặp một nhóm 10 người sống thoát cuộc Diệt Chủng và sau đó, thăm hỏi 25 “Người Chính Trực Giữa Các Quốc Gia” khắp thế giới. Tước hiệu này là do Nhà Nức Israel ban cấp cho những người không phải là người Do Thái từng liều mạng cứu người Do Thái thời Quốc Xã diệt chủng.

Đức Phanxicô sẽ cuốc bộ tiến qua cửa vòm ở lối vào chính, nơi có hàng chữ Arbeit macht frei, có nghĩa: “Việc làm sẽ giải phóng các bạn”. Rồi ngài sẽ được xe chở tới Khối 11, nơi ngài gặp Thủ Tướng Ba Lan Beata Szydlo, cũng như 10 người sống thoát Diệt Chủng.

Theo phát ngôn viên Tòa Thánh, một trong các người sống sót trên, thọ 101 tuổi, đang hướng dẫn một nhóm hành hương tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Tại buổi tưởng niệm Đàng Thánh Giá, căn cứ vào cả bản chất của biến cố lẫn trải nghiệm của ngài vào buổi sáng, người ta tin Đức Phanxicô sẽ đọc bài diễn văn nghiêm chỉnh nhất trong chuyến đi của ngài nhằm trình bầy một loạt các thách thức luân lý.

Thứ Bẩy

Thứ Bẩy là ngày kín mít của Đức Giáo Hoàng, trong đó, có cuộc viếng thăm Đền Thờ Lòng Chúa Thương Xót nơi ngài sẽ cử hành Thánh Lễ cho các linh mục, chủng sinh và tu sĩ Ba Lan, ngồi tòa giải tội, và ăn trưa với một nhóm bạn trẻ. Sau đó, trọng điểm trong ngày sẽ là buổi canh thức cầu nguyện với các tham dự viên Đại Hội.

Chủ đề thương xót, chủ đề chính của Đại Hội chắc chắn sẽ được nhấn mạnh hàng đầu, khiến nó trở thành một dịp bằng vàng để nối kết Thánh Faustina, Thánh Gioan Phaolô II và quan tâm của triều giáo hoàng hiện nay với lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa đối với đau khổ và tội lỗi.

Buổi canh thức cầu nguyện sẽ diễn ra một cách rất thích hợp tại nơi hiện được gọi là Campus Misericordiae, Cánh Đồng Thương Xót. Khoảng 2 triệu khách hành hương sẽ đi bộ từ Krakow và các thị xã lân cận tới cánh đồng mênh mông, mà sau này sẽ trở thành quần thể kỹ nghệ của thành phố.

Theo điều nay đã thành truyền thống của Đại Hội, phần lớn các người hành hương sẽ đi bộ từ 8 tới 9 dặm và khi tới nơi, họ sẽ trải túi ngủ để ngủ qua đêm.

Trong suốt 24 giờ, Campus Misericordiae sẽ giống như một chiến trường kiểu xưa, với cờ của nhiều phong trào, giáo phận và cộng đoàn sẽ tung bay khắp hướng, cắm xuống đất giữa các nhóm tuổi trẻ nằm trên chiếu nhựa.

Trong Đại Hội mới đây ở Rio de Janeiro, Ba Tây, năm 2013, gần 3 triệu người đã kéo nhau tới bãi biển Copacabana, nơi Đức Phanxicô khuyến khích họ chiếm đường phố để xây dựng “một xã hội công bình và huynh đệ hơn”.

Dịp đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khích lệ người trẻ coi mình như “các người chủ đạo của thay đổi” sẵn sàng đưa ra “một giải pháp Kitô Giáo cho các quan tâm xã hội và chính trị hiện có tại đất nước họ”.

Dịp này, chắc chắn ngài sẽ đưa ra một số thách thức khẩn cấp của thời cuộc: bạo lực duy Hồi Giáo, người tị nạn, cả các căng thẳng do cuộc rút khỏi Liên Hiệp Âu Châu của Anh gây ra, và tái lên khuôn chúng dưới ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chúa Nhật

Vào ngày cuối cùng, ngài sẽ cử hành điều vẫn được gọi là “Thánh Lễ Sai Đi”. Ngoài chính ý nghĩa hiển nhiên của Thánh Lễ ra, ở đây, Đức Giáo Hoàng cũng sẽ đưa ra lời mời tham dự Đại Hội Giới Trẻ lần tới, có lẽ sẽ xẩy ra trong hai hoặc ba năm sắp đến.

Có nhiều nguồn tin cho biết Panama có lẽ là địa điểm sắp tới. Người ta cho rằng Tổng Thống nước này, Juan Carlos Varela, một tín hữu Công Giáo ngoan đạo, người sẽ đến Krakow tham dự Đại Hội, từng cố gắng rất nhiều trong việc thuyết phục các vị giám mục đăng cai Đại Hội sắp tới.

Nếu đúng như thế, thì cuối Thánh Lễ hôm nay, người ta sẽ được nghe lời mời vang vọng của ngài: hasta Panamá (Hẹn gặp Panama)!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Lễ Chân Phước An-rê Phú Yên tại Giáo Phận Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
09:58 27/07/2016
Ngày 26.7.2016, tại Trung tâm hành hương, Đền Thánh An-rê Phú Yên , Phước Kiều. Giáo phận Đà Nẵng lọng trọng mừng Đại lễ Kính Chân phước An-rê Phú Yên.

Hình ảnh

Lúc 7 giờ, Đức Giám Mục Giu-se – Giám mục Giáo phận ( ĐGM), Linh mục đoàn, Tu sĩ nam nữ, mỗi Giáo xứ 5 Giáo lý viên đã Đại diện Cộng đoàn Dân Chúa hân hoan kiệu Thánh tích (mẫu xương nhỏ và vài sợi tóc), mừng sinh nhật trên trời lần thứ 372 ( 1644-2016) của Ngài.

Mở đầu Thánh lễ đồng tế do ĐGM chủ sự, Ngài sơ lược qua dòng lịch sử của Việt Nam từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, Lịch sử Giáo Hội Việt nam giai đoạn này , là một cuộc bắt đạo triền miên kéo dài, có vài khoảng thời gian tạm ngưng, nhưng là chuẩn bị cho những cuộc bắt Đạo và cấm Đạo cách gắt gao hơn. Hơm 130 ngàn Tín hữu Tử Đạo, 117 Vị được tuyên Thánh và Chân Phước An-rê Phú Yên là mẫu gương sống Đức Tin, tuyên xưng Đức Tin cho mọi người tín hữu. Các Ngài khắc họa một chọn lựa , một con đường, thành người chứng Thiên Chúa. ĐGM mời gọi cộng đoàn Dân Chúa sống hiệp nhất, tuyên xưng niềm tin, ghi dấu ấn và chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa tình yêu, làm chứng và loan truyền tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người.

Trong bài giảng , ĐGM đã minh chứng đời sống của tất cả các Thánh nhân của Giáo Hội, cách riêng các Thánh Tử Đạo, các Ngài đã sống giá trị Tin Mừng : Sự thật , công bằng , bác ái yêu thương, tôn trọng phẩm giá con người…. Người Công Giáo đã làm chứng về Thiên Chúa giàu lòng xót thương cho mọi người, dù nhiều thách đố khó khăn, kể cả hy sinh cuộc sống. ĐGM mời gọi mỗi người, cách riêng các Giáo lý viên và bạn trẻ tự vấn lương tâm của mình : Tôi phải làm gì để sống, làm chứng và loan báo lòng thương xót Chúa cho anh em? ĐGM mời gọi cộng đoàn đặc biệt trân trọng nâng đỡ Giáo lý viên, để Giáo lý viên trở nên dấu chỉ người cảm nhận,” lưu giữ ký ức” về Thiên Chúa tình yêu, sống và loan truyền ký ức đó cho mọi người xung quanh nơi mình đang sống và làm việc.

Cuối Thánh lễ, đội hoạt vũ các em Thiếu nhi Thánh thể Giáo xứ Hội An với “ Vũ Khúc Tạ Ơn”, hoạt diễn đời sống chứng nhân của Chân Phước An-rê Phú yên, vượt qua sóng đời để đạt Nhành Thiên Tuế Nước Trời, là lời mời gọi cách triệt để quyết liệt mỗi người Tín hữu cảm nhận lòng thương xót Chúa, sống làm chứng và chia sẻ lòng thương xót Chúa cho mọi người dù nhiều thử thách khó khăn trong cuộc sống , để được hưởng trọn vẹn lòng thương xót Chúa.

Trước lúc ĐGM ban phép lành kết lễ , Cha Phao lô Trần Ngọc Hoàng – Quản nhiệm Đền thánh, tạ ơn Thiên Chúa đã cho Giáo Hội , cách riêng Giáo Hội Việt Nam chứng nhân tiên khởi anh dũng. Cha cám ơn ĐGM , Quý Cha , quý Tu sĩ và cộng đoàn Giáo phận đã nâng đỡ đời sống đức tin của cộng đoàn Giáo dân Phước Kiều, qua việc hành hương và hiệp dâng Thánh lễ. Cha cũng cám ơn Chính Quyền , Bà con Lương dân cận kề, Ân nhân …. Và tất cả những người đã tạo điều kiện giúp đỡ cách này hay cách khác, để Thánh lễ diễn ra cách tốt đẹp.

Mọi người cùng cám ơn nhau trong tình hiệp nhất yêu thương, nhờ lời chuyển cầu của Chân Phước An-rê, xin bình an của Thiên Chúa đến trong mỗi người.

Huấn từ kết lễ , ĐGM mời gọi cộng đoàn “lên đường” làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta đến đây tham dự Thánh lễ , là lên đường đón nhận, trở về với cuộc sống, là lên đường loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống nhân chứng Tình yêu Thiên Chúa nơi môi trười mình đang sống và làm việc.

Sau Thánh lễ, Đức Cha , các Cha, nhiều đoàn thể và cá nhân đã ghi lại một số hình ảnh lưu niệm sự kiện trọng đại đặc biệt ý nghĩa này.

Ngày hội truyền thống Giáo lý viên Giáo phận Đà Nẵng:

Giáo lý viên Giáo phận Đà Nẵng chọn Chân phước An-rê Phú Yên làm Bổn mạng.

Theo chương trình chuẩn bị, các GLV sẽ gặp gỡ tại Đền thánh Phước Kiều ngày 26 / 7 / 2016, nhưng vì số Tham dự viên đông ngoài dự kiến mà khuôn viên Đền thánh hẹp và nóng.

Vì thế, sau Thánh lễ mừng kính Chân Phước An-rê Phú Yên, Giáo lý viên trong Giáo phận di chuyển về Giáo xứ Xuân Thạnh ( cách Phước Kiều 5 Km về phía nam) để tham dự ngày Hội truyền thống của mình. Được biết : Cha An-rê Phan Quang, đương nhiệm Quản xứ Xuân Thạnh là Phó Ban giáo lý giáo phận Đà Nẵng.

Tại đây, Đức Giám Mục Giáo phận , cùng 6 Linh mục, 18 Tu sĩ , 4 Chủng sinh và 371 Giáo lý viên, đã hân hoan sống, cầu nguyện, lắng nghe , suy nghĩ, trao đổi thảo luận về chủ đề : Giáo Lý viên: Ơn gọi, Thầy dạy và Chứng nhân Đức tin.

sau phần khởi động của quý Thầy và Linh hoạt viên, hoạt vũ " những bông hoa nở " của GLV Giáo xứ Hòa Khánh . nội dung : một bông hoa nở, rồi nhiều bông hoa nở, tượng trưng sức sống mãnh liệt lan tỏa hương thơm, như Giáo Hội Chúa ngày càng phát triển không ngừng, đem Chúa đến cho mọi người.

Với đề tài học hỏi thứ nhất : “ Giáo lý viên là thầy dạy và chứng nhân đức tin” . Theo lịch trình, ĐGM thuyết giảng, nhưng vì sức khỏe, Đức Cha đã mời Cha Đa- minh Trần Công Danh trình bày đề tài thay .

Trích tài liệu: Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý ( 1997) của Thánh Bộ Giáo Sĩ đã quả quyết rằng: “ GLV không những phải là một chứng nhân mà còn là một thầy dạy đức tin” . Vì thế , Họ cần được hưởng một sự huấn luyện thích đáng, đòi hỏi “ Mục vụ giáo phận phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc đào tạo GLV giáo dân”

Các GLV gặp mặt đã chia thành 8 tổ để thảo luận, chia sẻ ….

Buổi chiều, Cha Phê-rô Trần Đức Cường thuyết trình đề tài thứ hai: “Giáo lý viên là một Ơn gọi”.

Cha Phê-rô đã phân tích , chia sẻ … cho Giáo lý viên( GLV) thấy những điểm khác biệt giữa một GLV giảng dạy như một Ơn gọi , và một GLV giảng dạy như một nghề nghiệp dịch vụ

Việc Tông Đồ của Giáo lý viên bắt nguồn từ bí tích Rửa tội, được tăng sức bí tích Thêm sức, được mời gọi bên trong, một ơn gọi do Chúa Thánh Thần khơi dậy.

GLV không đơn thuần chỉ là người giúp đỡ Linh mục, nhưng thật sự là chứng nhân của Đức Ki-tô trong cộng đoàn của mình. Giáo lý viên có đời sống thân thiết với Chúa Ki-tô, dùng lời , đời sống và chứng tá của mình để rao giảng Giáo lý và đưa học viên gặp gỡ Chúa, luôn luôn bắt đầu lại với Chúa Ki-tô và đặt Chúa làm trung tâm cuộc đời của mình.

Giáo lý viên, theo định nghĩa của Bộ Truyền giáo” là một Giáo dân được Giáo Hội đặc cử, tùy theo những nhu cầu tại chổ để làm cho Đức Ki-tô được nhận biết , yêu mến và noi theo, nơi những người chưa nhận biết Chúa cũng như nơi các tín hữu”. “ GLV là người chuyển giao Đức tin, Giáo dục Đức tin” (Gioan Phao-lôII)

Các tổ GLV đã thảo luận và tổng hợp những ý kiến chung, có 5 điểm cần lưu ý :

1. Tình trạng hiện nay:

* Về giáo trình giảng dạy : mỗi giáo xứ giảng dạy giáo lý theo các giáo trình khác nhau của các Giáo phận : Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... Vậy, để có tính thống nhất, các giáo lý viên ao ước có một chương trình giảng dạy giáo lý chung, áp dụng cho toàn Giáo phận.

* Về giáo lý viên : số lượng GLV còn thiếu, nhiều GLV độ tuổi lớn, thiếu thế hệ trẻ kế thừa, chất lượng giảng dạy không đồng đều, do không được đào tạo đầy đủ. Đề nghị Ban giáo lý giáo phận tăng cường mở các khóa đào tạo giáo lý viên, đặc biệt các khóa ngắn ngày trong dịp hè, để tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo lý viên trẻ tham gia học tập.

* Về Chương trình đào tạo giáo lý viên: cần được đưa đến với các giáo xứ vùng sâu, vùng xa. Nên có Chứng chỉ phổ thông cho từng môn học.

* Về phương pháp giảng dạy : đề nghị cố gắng thực hiện phương pháp giảng dạy trực quang, với giáo án điện tử có những hình ảnh sống động giúp các em thiếu nhi dễ hiểu, ít nhàm chán vv…

2. Ngoài ngày Lễ Chân phước Anrê Phú Yên - bổn mạng giáo lý viên, đề nghị Ban giáo lý giáo phận tổ chức Đại hội Giáo lý viên toàn giáo phận, để các giáo lý viên có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau sinh hoạt.

3. Xin kiến nghị tách riêng ngày bổn mạng của giáo lý viên với ngày sinh hoạt giới trẻ giáo phận, (không nên cùng ngày Lễ Chân phước Anrê Phú Yên), để tạo điều kiện thuận lợi cho các GLV trẻ có cơ hội tham dự ngày bổn mạng giáo lý.

4. Ban giáo lý giáo phận nên cố gắng đến tham gia sinh hoạt với ban giáo lý của các giáo xứ, để khích lệ và đặc biệt tạo sự hiệp thông với nhau.

5. Ban giáo lý giáo phận nên lập trang tin điện tử mạng Internet, để các giáo lý viên có thể thường xuyên trao đổi, tra cứu, tham khảo tài liệu cần thiết cho việc giảng dạy.

Ước mong mỗi giáo lý viên ý thức về ơn gọi của mình, quyết tâm ra đi rao giảng Tin Mừng, trở thành Thầy dạy và chứng nhân đức tin.

Trước lúc kết thúc một ngày Hội của Giáo lý viên, lúc 15 giờ, Quý Cha và anh chị em đã Chầu Thánh Thể.

Cám ơn Chúa vì muôn Hồng ân mỗi người đã nhận lãnh, và xin Chúa nâng đỡ ban thêm nhiều ơn cho mỗi người, để mỗi GLV dưới tác động Chúa Thánh Thần, cố gắng tu dưỡng rèn luyện chính mình, để trở thành “ người lưu giữ ký ức về Thiên Chúa, sống và loan truyền ký ức Thiên Chúa Tình yêu” cho mọi người , nhất là những học viên mình đang giảng dạy đảm nhận.

Một GLV Đại diện , cám ơn Đức Cha , quý Cha và tất cả những người đã giúp đỡ tạo điều kiện cho GLV được gặp gỡ.
 
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
14:55 27/07/2016
ĐÀ NẴNG 26 / 7 / 2016 - Hiệp thông với các bạn trẻ Công Giáo trên toàn thế giới, nhân ngày Giới trẻ thế giới, từ ngày 25 đến 31 /7 / 2016 tại Krakow, Ban Lan; và theo nguyện vọng của Giới Trẻ Giáo phận có ngày “Hội ngộ” với hình thức “Trại hè”, để các bạn gặp gỡ, giao lưu chia sẻ …..và sống cùng với nhau.

Hình ảnh

Ban Mục vụ giới trẻ Giáo phận đã tổ chức trại hè cho Giới trẻ Công Giáo Giáo phận Đà Nẵng, tại Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu vào ngày 26 và 27 /7/2016, với chủ đề trong Năm Thánh Lòng Thương Xót: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7)

Ngày thứ nhất: 26. 7. 2016

Các bạn trẻ đã tham dự Đại lễ mừng kính Chân Phước An-rê Phú Yên tại Trung tâm hành hương, đền thánh Phước kiều vào sáng 26 / 7 / 2016. Sau đó, lúc 9 giờ, các bạn đã di chuyển đến đất trại, tại Trà Kiệu. Hơn 800 bạn của 38 Giáo xứ tham dự.

Những trại có khuôn mẫu và băng rôn do Ban tổ chức in giống như nhau, trông rất xinh và đẹp măt.

Các bạn trẻ nhận đất trại và dựng trại xong, vừa hết buổi sáng.

Sau giờ nghĩ trưa, các bạn đã tập họp đội hình để sinh hoạt chung và nghe Cha Phao-lô Phạm Thanh Thảo trình bày đề tài: Chúa Ki-tô là khuôn mẫu Lòng Thương Xót. Mỗi người sống trong lòng thương xót Chúa, cảm nhận, thực hành… chúng ta trở nên dung mạo lòng thương xót, sống lòng thương xót như Chúa…. Cha Phao lô đã hướng dẫn các bạn trẻ sống có trách nhiệm, biết đóng góp sáng kiến và khả năng của mình cho sự phát triểu của Giáo Hội và xã hội, biết chạnh lòng xót thương với người lầm lỡ, đau khổ…như kinh “Thương người có 14 mối”, ý thức chăm sóc bảo vệ môi trường. Cha cũng khuyến khích các bạn trẻ sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như Internet, facebook… để chia sẻ thông tin và hình ảnh những mảnh đời bất hạnh cần sự giúp đỡ….

15 giờ chiều, các bạn trẻ đã đi Đàng Thánh Giá, một số bạn đến Tòa Hòa Giải để tâm hồn được Thiên Chúa tha thứ hòa giải.

Sau đó chương trình thi giáo lý, dưới hình thức trò chơi “Rung Chuông Vàng” do quý Thầy đảm trách. Mỗi Giáo xứ, cử 5 bạn Đại diện. cuộc thi rất sôi động. Các ban cổ động la khản cả cổ. Cuội thi vừa chơi vừa học thật vui và bổ sung kiến thức Giáo lý rất tốt.

19 giờ, Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận đến trong tiếng vỗ tay “Hân hoan chào đón Đức Cha của các ban. Một chương trình văn nghệ “bán chuyên nghiệp” gồm 21 tiết mục của 21 giáo xứ khuấy động hết cả đất trại. Thể loại Hip Hop được các bạn quan tâm, có tiết mục các bạn tràn lên cả sân khấu.

Một số tiết mục mang thông điệp lòng thương xót…. Cho con làm nhân chứng ở khăp mọi nơi. Có những lúc trên đường đời, Ta gặp thấy người anh em, nhưng đôi mắt tâm hồn lại bít kín, có lúc chúng ta làm tổn thương anh em xung quanh

Sau hơn 2 tiếng giao lưu văn nghệ, các ban trẻ quây quần quanh lửa trại, vui ca múa hết mình, những bài múa đồng diễn, băng reo…. Tất cả các bạn sôi động cuốn quanh đống lửa, như vòng xoáy một cơn bão lớn, thấy được mắt bảo là đống lửa.

Cuộc vui giao lưu văn nghệ kết thúc lúc 22 giờ với phần “ Tĩnh Lặng Bên Chúa”.

Xin Chúa giúp con, để mắt con biết xót thương, nhờ đó con không bao giờ ngờ vực hay phán đoán theo vẻ bề ngoài, nhưng biết nhìn thấy những gì là mỹ miều tốt đẹp nơi tâm hồn tha nhân và giúp đỡ họ.

Xin Chúa giúp con, để tai con biết xót thương, nhờ đó con lắng nghe các nhu cầu của tha nhân, và không dửng dưng trước những đớn đau và than van của họ.

Xin Chúa giúp con, để lưỡi con biết xót thương, nhờ đó con không bao giờ nói tiêu cực về người khác, nhưng biết có lời ủi an và tha thứ cho mọi người.

Xin Chúa giúp con, để tay con biết xót thương và đầy những việc thiện

Xin Chúa giúp con, để chân con biết xót thương, nhờ đó con mau mắn giúp đỡ tha nhân, bất kể sự mệt nhọc và chán chường của bản thân

Xin Chúa giúp con, để tim con biết xót thương, nhờ đó chính con có thể chung chia mọi khổ đau của tha nhân.
 
Đoàn Việt Nam tham dự Đại Hội Giới trẻ Thế giới lần 31 tại Krakow Ba Lan 2016
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
15:10 27/07/2016
KRAKOW – Còn nhớ, cuối thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, tại thành phố Rio de Janeiro, Brasil năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo thời điểm và nơi cử hành Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới: “Các bạn trẻ thân mến, chúng ta có một cuộc hẹn trong Ngày Quốc tế giới trẻ lần tới, vào năm 2016, tại Cracovia, Ba Lan. Nhờ sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, chúng ta hãy cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Linh trên con đường dẫn chúng ta đến giai đoạn mới này của việc vui mừng cử hành niềm tin và tình yêu nơi Chúa Kitô”. Phái đoàn
các bạn trẻ Ba Lan hiện diện, nhiều người trong y phục truyền thống, đã nhẩy mừng và reo hờ, tung cờ, chào đón tin vui này.

Hình ảnh

Sau 3 năm chuẩn bị, nay Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31, được tổ chức tại thành phố Krakow, Balan, từ ngày 25 đến 31 tháng 7 năm 2016. Đức Thánh Cha Phanxicô đến gặp gỡ các bạn trẻ trong dịp đặc biệt này.

Đại hội lần này diễn ra trong Năm Thánh Lòng thương xót 2016, cho nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn câu phúc âm “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7) làm chủ đề. Đây cũng là dịp kỷ niệm 1050 năm nước Balan đón nhận Tin Mừng. Theo thống kê của Ban Tổ Chức, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm nay, sẽ có 47 vị Hồng Y, 800 vị giám mục và 20.000 linh mục và hơn 2 triệu bạn trẻ từ khắp thế giới tham dự Đại Hội Giới Trẻ. Thành phố Krakow được chọn làm địa điểm chính cho Đại hội, nơi đây là quê hương của Thánh Nữ Maria Faustina, sứ gỉa của lòng Chúa thương xót, và là quê hương của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II, chính ngài đã phong Thánh cho Maria Faustina và ngài đã thành lập lễ kính lòng Chúa thương xót vào ngày Chúa Nhật sau lễ Chúa Giêsu phục sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Phái đoàn Việt Nam gồm Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên – Chủ tịch Uỷ ban mục vụ giới trẻ thuộc HĐGMVN, 18 linh mục (trong đó có cha Phêrô Quý thuộc giáo phận Bùi chu đã 78 tuổi mà vẫn trẻ trung yêu đời) và 32 bạn trẻ. Đức Cha Giuse đi qua đây trước mấy ngày, có 9 bạn trẻ Sài gòn đi trước mười ngày nay để làm tình nguyện viên.

Đoàn chúng tôi có 22 người, gồm 13 linh mục và 9 bạn trẻ đi theo tour do Công ty Carnival Group Sài gòn tổ chức. Chúng tôi đi từ Sài gòn, tối thứ hai lúc 9 giờ ngày 25/7. Sau 7 giờ bay đến Dubai, tiếp tục 7 giờ bay nữa mới đến sân bay Warsaw.

Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được cử hành long trọng lúc 17 giờ ngày 26.7, do Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám mục Krakow chủ sự tại công viên Blonia. Thật đáng tiếc, do không kịp giờ tham dự cho nên chúng tôi đi đến Czestochow, thánh địa của người Công Giáo Ba Lan, dâng thánh lễ tại Đền Thánh Đức Mẹ Czestochowa (Đức Mẹ Đen). Đây là Đền Thánh quốc gia Ba Lan, là một trong những trung tâm hành hương kính Đức Mẹ trên toàn thế giới.

Tại Đền Thánh này đặc biệt có bức linh ảnh là Đức Bà Czestochowa, thường gọi là Đức Bà Đen vì có màu da ngăm đen. Bức ảnh bằng gỗ cao 1,2m vẽ Đức Trinh Nữ mặc bộ áo thêu nhiều nhánh hoa huệ đang chỉ tay qua Chúa Giêsu là nguồn mọi ân sủng.

Thật lạ, nhìn bức linh ảnh Czestochowa ai cũng thấy trên má của Đức Mẹ có hai vết chém.

Truyền thuyết kể lại rằng bức linh ảnh do Thánh Sử Luca vẽ, ngài sử dụng một chiếc bàn thợ mộc mà Chúa Giêsu đã dùng. Khi vẽ, Thánh Luca cũng lắng nghe những câu chuyện cuả Mẹ Maria kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu, do đó mà trong Tin Mừng thứ ba có viết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu.

Huyền thoại cùng cho rằng chính Thánh Nữ Helena đã đến Jerusalem vào năm 326 để tìm Thánh Giá thật, Bà đã tìm thấy bức ảnh này. Bà đã đem tặng cho con trai là hoàng đế Constantine, và vị hoàng đế đã xây dựng một ngôi đền ở thành đô Constantinople để tôn kính.

Khi thành Constantinople bị quân Hồi Giáo Saracens vây hãm, người ta đã rước bức linh ảnh lên tường thành và quân Saracen đã bị đánh bại. Khi vua Charlemagne thống nhất Châu Âu và được tấn phong Hoàng Đế cuả 'Đế Quốc Thánh Roma', ông đã tặng bức linh ảnh cho vua Leo của Ruthenia (phía tây bắc Hungary, là vùng đất cuả giống người Slav, bao gồm Lithuania và Balan ).

Vào thế kỷ 11 Ruthenia bị xâm lăng bởi một vương quốc lớn mạnh hơn nhiều, nhà vua đã cầu nguyện với Đức Mẹ để che chở cho mình, và sự việc xẩy ra là trời đất đã đen khịt lại, bóng tối che phủ toàn thể quân địch, và họ đã tấn công tiêu diệt lẫn nhau.

Vào thế kỷ 14 thì bức linh ảnh được đưa tới Jasna Gora ở Ba Lan, từ đó chúng ta bắt đầu có những ghi chép cẩn thận vể những biến cố xảy ra sau này.

Năm 1382 quân Tartar vây hãm pháo đài Belz đang lưu giữ bức linh ảnh, một mũi tên đã ghim vào cổ của hình Đức Mẹ. Ông hoàng trấn thủ pháo đài lo sợ bức ảnh có thể rơi vào tay địch quân nên đã chạy trốn trong đêm và mang bức linh ảnh tới thị trấn Czestochowa.

Bức linh ảnh được đặt trong một nhà thờ nhỏ, và sau đó một tu viện được xây lên để đảm bảo sự an toàn cho bức linh ảnh.

Tuy nhiên vào năm 1430, loạn quân Hussites đã tràn ngập tu viện cướp được linh ảnh. Một tên cướp đã đặt bức linh ảnh vào một chiếc xe ngựa để đem đi. Nhưng những con ngựa không chịu bước. Tức giận, nó đã rút gươm và chém vào bức tranh hai lần, khi nó vung gươm lên lần thứ ba, thì đột nhiên ngã xuống, quằn quại trong đau đớn, và chết.

Những nỗ lực để sửa chữa những vết sẹo từ mũi tên và thanh kiếm đã gặp rắc rối và người ta đã phủ lên bức linh ảnh một lớp sơn pha với lòng trứng và sáp. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn thấy dấu tích cuả các vết thương.

Vào năm 1655, Ba Lan đã thua trận và gần như hoàn toàn bị tàn phá bởi Vua Charles X của Thụy Điển, chỉ còn vùng chung quanh tu viện cuả bức linh ảnh là chưa bị chiếm. Một cách kỳ diệu, với chỉ có 70 thầy tu và 180 dân quân tình nguyện từ các làng xã lân cận mà họ chống trả được một lực lượng tinh nhuệ cuả Thuỵ Điển đông đến 4.000 trong suốt 40 ngày đêm, sau cùng quân Thuỵ Điển đã nản chí phải lui binh. Từ đó nước Ba Lan đã lật ngược thế cờ và đánh đuổi được quân xâm lược.

Sau sự kiện kỳ diệu đó, vua John II Casimir Vasa đã đăng quang bức linh ảnh Đức Bà Czestochowa là Nữ Hoàng Ba Lan, đặt quốc gia dưới sự bảo vệ cuả Mẹ.

Trong thời cận đại, đã vẫn có những câu chuyện lạ được truyền tụng liên quan đến bức linh ảnh, như trong cuộc xâm lược của Nga vào Ba Lan năm 1920, khi quân Nga tiến đến bờ sông Vistula và đe dọa thành phố Warsaw, thì họ nhìn thấy hình ảnh của Đức Mẹ xuất hiện trong đám mây trên thành phố, và họ đã rút.

Czestochowa là địa điểm hành hương quan trọng nhất cuả người Ba Lan. Từ năm 1711 cho đến nay vẫn có nhiều người tham gia một cuộc hành hương đi bộ, họ khời hành từ Warsaw vào ngày 6 tháng 8 và đi qua một đoạn đường dài 230 km (140 dặm) đến nơi đây. Ngay trong những lúc khó khăn nhất vẫn có người thm gia cuộc hành hương này, nhiều cụ già vẫn còn nhớ lại những đêm tối mò mẫm, bất chấp hiểm nguy, đi lén lút theo những con đường mòn trong thời Ba Lan bị Đức Quốc Xã xâm chiếm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng từng đi lén lút như vậy trong thời Ngài còn là một sinh viên.

Sau thánh lễ, chúng tôi cầu nguyện sốt mến trước linh ảnh Đức Mẹ, tham quan thánh đường rồi về nghĩ ngơi lấy sức cho ngày mai.

Sáng nay ngày 27 tháng7, chúng tôi đến Nhà thờ nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, tại số 24 Garncarska để học giáo lý. Đây là một trong 240 địa điểm làm nơi học hỏi giáo lý của kỳ đại hội. Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên vui mừng đón tiếp các phái đoàn bạn trẻ người Việt đến từ nhiều nước trên thế giới. Tay bắt mặt mừng hỏi han tâm sự, bầu khí thân thiện, ấm áp tình gia đình.

Trong 3 ngày, Đức Cha Giuse trình bày 3 đề tài giáo lý: Đây là thời gian của lòng thương xót; Để cho lòng thương xót Chúa Kitô chạm tới; Lạy Chúa, xin làm cho con nên khí cụ của lòng thương xót Chúa.

Buổi đầu, sau 45 phút Đức Cha khai triển đề tài, các phái đoàn tự giới thiệu, các bạn tình nguyện viên chia sẻ…Bầu khí thật thân thương tình huynh đệ.

Đến 11 giờ, thánh lễ đồng tế, cộng đoàn hiệp ý tạ ơn Chúa. Sau khi ghi lại những tấm hình lưu niệm, chúng tôi lưu luyến chia tay nhau, mỗi đoàn theo chương trình hành hương riêng của mình.Chúng tôi hòa vào dòng chảy nhộn nhịp nhảy múa ca hát reo hò của những nhóm bạn trẻ khắp năm châu.

Vào năm 1938, khi nữ tu Faustina qua đời, chàng thanh niên Karol Wojtyla, sau này là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tới Krakow để khởi đầu chương trình học đại học. Hai vị thánh này chưa hề gặp gỡ nhau ở thế gian, nhưng Chúa Quan phòng lại định liệu để các ngài có cùng một lý tưởng chung, đó là quảng diễn lòng thương xót của Chúa. Hai vị thánh của quê hương Krakow được chọn làm thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31. Các ngài là niềm tự hào của Giáo Hội Ba Lan, cách riêng của Thành phố Krakow. Dọc qua các đường phố, chúng tôi thấy hình ảnh của hai vị thánh được trưng bày trân trọng, với cờ hoa rực rỡ muôn màu sắc.

Đến với Krakow, bạn trẻ Công Giáo được mời gọi dấn thân để phục vụ Giáo Hội. Như lời Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz trong bài giảng lễ khai mạc, ngài mời gọi các bạn trẻ “Hãy mang đến cho mọi người ngọn lửa đức tin của các bạn và hãy thắp lên những bó đuốc mới để rồi trái tim của mọi người đập cùng một nhịp đập với trái tim của Chúa Giêsu, là lò lửa yêu mến. Ước chi ngọn lửa tình yêu bao trùm cả thế giới này, để không còn ích kỷ, bạo lực và bất công. Ước chi thế giới này được củng cố bởi nền văn minh của sự thiện, của hoà giải, của tình yêu và hoà bình”.

Đại Hội Giới trẻ Thế giới chính là hình ảnh môt Giáo Hội trẻ trung năng động đầy sức sống. Cầu chúc đại hội lần thứ 31 được diễn ra trong an bình và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô. Xin cho các bạn trẻ luôn là khí cụ của Lòng Chúa Thương Xót.
 
Giáo xứ Đông Trì, GP Hà Nội chầu lượt
Giáo xứ Đông Trì
15:02 27/07/2016
GIÁO XỨ ĐỒNG TRÌ CHẦU THÁNH THỂ THAY MẶT GIÁO PHẬN

Chúa Nhật 24/7/2016, Giáo xứ Đồng Trì thuộc Giáo hạt Chính tòa, Giáo phận Hà Nội được thay mặt Giáo Phận Chầu Mình Thánh Chúa trọng thể.

Xem Hình

Ngày chầu thực sự là ngày hội lớn của giáo xứ. Bên trong nhà thờ suốt ngày vang lên tiếng ca thờ lạy, cảm tạ Chúa. Bên ngoài nhà thờ đại diện Ban Mục vụ giáo xứ cùng ca đoàn và giới trẻ trong giáo xứ thay phiên nhau đón tiếp các giáo xứ trong hạt Chính tòa và một vài giáo xứ hạt Phú Xuyên về thông công ngày Chầu lượt.

Đúng 6h00, Quí Cha dòng Donbosco đã chủ sự Thánh lễ khai mạc ngày Chầu Thánh Thể thay mặt Giáo phận của Giáo xứ Đồng Trì, sau đó, các giáo xứ, giáo họ đã thay phiên nhau Chầu Mình Thánh Chúa.

10g30, Thánh lễ đồng tế do Cha Anphongsô Nguyễn Ngọc Châu - Quản hạt Chính tòa, chính xứ Hàm Long chủ tế. Đồng tế với Ngài còn có sự hiện diện của Cha xứ Phaolô Nguyễn Trung Thien, Cha nguyên chính xứ Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh - Quản hạt Nam Định, Cha Phaolô Nguyễn Văn Đoàn - Quản hạt Thanh Oai, Cha bản hương Giuse Nguyễn Thực Nghiệm và các Cha, các thầy phó tế đã yêu thương Giáo xứ về hiệp dâng Thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa cùng cộng đồng dân Chúa giáo xứ. Thánh lễ đã được diễn ra sốt sắng, trang nghiêm, cùng với Cha chủ tế, quí Cha và cộng đoàn dân Chúa dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân của muôn vàn hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Giáo xứ. Sau Thánh lễ, Cha chủ sự và quí Cha đã đặt Mình Thánh để cộng đoàn tiếp tục tôn vinh Thánh Thể.

17h00, cộng đoàn Giáo xứ đã cùng thông công tham dự Thánh lễ Tạ ơn, tạ ơn hồng ân Thiên Chúa đã thương ban cho Giáo xứ muôn ơn lành trong ngày Chầu lượt.

Hình ảnh: Song Hào

Ban Truyền Thông Giáo xứ
 
Giáo xứ Hòa Cường, Giáo phận Đà Nẵng hành hương Năm thánh Lòng Thương Xót 2016
Giáo xứ Hòa Cường
18:37 27/07/2016
Giáo xứ Hòa Cường, Giáo phận Đà Nẵng hành hương Năm thánh Lòng Thương Xót 2016

‪24/04/2016 Dấu chỉ đặc biệt của Năm Thánh là hành hương. Trong tâm tình đó, sáng ngày 24/7/2016 cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Hòa Cường đã tiến về Nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng để hành hương Năm Thánh và lĩnh ơn toàn xá.

Xem Hình

Vào lúc 13h00, mọi người đã tập trung tại nền đất Giáo xứ Hòa Cường, nơi mà đang được thi công - công trình Thánh đường mới của Giáo xứ Hòa Cường trong tương lai. Vẫn còn đó những thao thức, những khó khăn nhất định để có thể hoàn thành tốt đẹp được ngôi nhà Chúa tại Giáo xứ Hòa Cường này. Sau khi đã tề tựu với 2 chiếc ôtô lớn, và rất nhiều xe máy cũng như nhiều ôtô con...ước tính có khoảng hơn 500 người tham dự cuộc hành hương, trong khi Giáo xứ Hòa Cường là một Giáo xứ tại thành phố với con số giáo dân rất hạn chế, mọi người thật vui vẻ và hứng khởi để cùng nhau "hành" hương trong tiết trời nắng gắt khoảng hơn 35oC.

Sau khi ổn định, đúng 13h30 đoàn xe khởi hành tiến về Nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng trong niềm vui mừng, phấn khởi. Đến với Giáo xứ Chính Tòa, mọi người được hướng dẫn để vào Hội trường và chuẩn bị cho giờ chia sẻ thật sâu sắc về Năm Thánh Lòng Thương Xót - dưới sự hướng dẫn của Cha Phanxicô Salêsiô Lê Văn La Vinh.

Sau giờ chia sẻ, cộng đoàn nghỉ ngơi và chuẩn bị sắp xếp hàng ngũ chuẩn bị cho cuộc rước hành hương để bước qua Cửa Thánh, cánh cửa của lòng thương xót mà bất cứ ai bước vào sẽ có được kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng an ủi, tha thứ và ban cho niềm hy vọng để lĩnh ơn toàn xá và cùng hiệp dâng thánh lễ. Đoàn rước bước tới cửa năm thánh, Đức Giám Mục Giáo phận đón đoàn hành hương, Ngài hôn kính Thánh giá và dẫn đoàn hành hương của Giáo xứ Hòa Cường tiến qua cửa Năm Thánh vào bên trong ngôi Nhà thờ Chính Tòa. Ca đoàn hát Ca nhập lễ bài Tung Hô Danh Ngài, trong tâm tình Tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa đấng giầu lòng xót thương.

Mở đầu thánh lễ và trong bài chia sẻ Tin Mừng, cha xứ Phêrô ngỏ lời với cộng đoàn: Hành hương là đi tới một nơi được coi là linh thiêng để thắp nhang kính bái và cầu nguyện. Đời sống trần gian là cuộc hành hương về Nước Trời. Và ngài cũng mời gọi mỗi người hãy khám phá lại những điều chúng ta được mời gọi làm trong Năm Thánh như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi và chôn xác kẻ chết. Các mối thương linh hồn như: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta trong việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện chân thành không phải là những sáo ngữ rỗng tuếch bên ngoài, nhưng phải phát xuất từ sâu tận, bên trong tâm hồn. Đặc biệt trong bài Tin mừng, chính Chúa Giêsu đã dạy các học trò cầu nguyện với lời kinh lạy Cha. Đây là lời cầu nguyện hoàn hảo nhất và ý nghĩa nhất để chúng ta diễn bày tâm tình con thảo đối với Cha, đấng ngự trên trời.

Cuối thánh lễ, cha xứ Phêrô cảm ơn Đức Cha Giuse - Giám mục Giáo phận, Cha Tổng Đại Diện, quý Cha, quý HĐMV giáo xứ Chính Tòa đã tiếp đón và tạo mọi điều kiện cho cộng đoàn Giáo xứ Hòa Cường đến hành hương trong Năm Thánh Lòng Thương Xót thu được nhiều hoa trái thiêng liêng, giúp cho mọi người tìm được sức mạnh để đón nhận lòng Chúa thương xót đồng thời hiến mình cho lòng thương xót anh em, như Chúa Cha đã thương xót chúng ta.

Cha quản xứ Phêrô cũng nói lên tâm tình của Giáo xứ Hòa Cường, khi mà ngôi Thánh đường đang được thi công và còn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chánh. Cha cũng ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa thêm lời cầu nguyện cũng như những sự chia sẻ, đóng góp để công trình nhà Chúa sớm được hoàn thành. Cùng với đó, Giáo xứ cũng có món quà đặc biệt dâng lên Đức Cha và Cha tổng đại diện đó là 2 bức Đồng hồ in hình ngôi thánh đường Giáo xứ Hòa Cường.

Sau đó Đức Cha Giuse ngỏ lời với cộng đoàn, Ngài cũng nói lên tâm tình khi mà lần đầu tiên đến Giáo xứ Hòa Cường, cũng là giáo xứ đầu tiên Ngài cử hành việc mục vụ ban bí tích thêm sức nơi Giáo phận Đà Nẵng thân yêu trong sứ vụ mục tử Giáo phận. Đức Cha cũng mời gọi cộng đoàn hãy cùng cầu nguyện, bởi cầu nguyện là yêu, cầu nguyện là tin, cầu nguyện là đối thoại. Đức Cha cũng nói: “Không ai nghèo đến nỗi mà không thể sẻ chia – không ai giàu đến mức mà không thể nhận lãnh”…

Sau đó cộng đoàn cúi mình để đón nhận phép lành ơn Toàn xá của Đức Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng. Thánh lễ hành hương kết thúc trong niềm vui hòa cũng lời ca của Ca đoàn tổng hợp giáo xứ trong bài hát: Maria Mẹ của Lòng Chúa Xót Thương, công đoàn tiến ra tiền đường Giáo xứ Chính Tòa để cùng chụp hình lưu niệm.

Cuộc hành hương kết thúc trong niềm vui, trong ân sủng và trong bình an của Thiên Chúa là đấng giàu lòng thương xót.

Hiệp lòng cùng Mẹ Maria, Tạ ơn Chúa!

_____GxHC_____
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Muà bầu cử Hoa Kỳ: những mưu mô tìm Lá Phiếu Công Giáo cuả liên danh Clinton-Kaine.
Trần Mạnh Trác
14:20 27/07/2016


Những chiêu bài tranh cử:

Như đã trình bày trong bài trước bàn về liên danh Trump-Pence, là “Kể từ thời Franklin D. Roosevelt cho đến nay, mọi ứng viên tổng thống đắc cử đều là người đã chiếm được Lá Phiếu Công Giáo."

Vì lý do trên và đồng thời tìm cách 'làm bàn' một vùng 'sôi đậu' khó khăn là Tiểu Bang Virginia, Bà Hilary Clinton đã chọn ứng viên đứng chung liên danh là một người Công Giáo, nguyên Thống Đốc và là đương kim Thượng nghị sĩ Tim Kaine cuả Virginia.

Bà Clinton cũng ra dấu hiệu cho biết rằng, từ nay bà sẽ tỏ lộ nhiều hơn về niềm tin cá nhân cuả mình chứ sẽ không giữ vẻ lạnh lùng cuả một người chuyên làm chính trị như trước đây.

Phe Dân Chủ quảng bá ông Kaine là một người Công Giáo mộ đạo, đã tham gia nhiều chục năm giáo xứ St. Elizabeth ở Richmond, là một Gx đa phần là người Da Đen. Họ mô tả ông là một người Công Giáo 'chính hiệu' theo khuôn mẫu 'Phanxicô'.

Ông quả là một sĩ tử dòng Tên (đi học trường dòng Tên), luôn hãnh diện là người Công Giáo, tuyên bố phá thai là vô đạo đức, tin tưởng hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ, và ủng hộ quan điểm cuả Giáo Hội về di dân và môi trường...

Nhưng!...

Sự thực về ông Kaine:

Đó chỉ là niềm tin cá nhân cuả ông mà thôi, ông tuyên bố như vậy, và thêm rằng ông không muốn áp đặt niềm tin riêng tư lên 'quyền tự do lựa chọn cuả một người đàn bà.'

Thành tích trên trường chính trị cuả ông thì khá phức tạp. Thường là "nói một đằng làm một nẻo."

Trong thời gian làm Thống Đốc, mặc dù tuyên bố chống án tử hình, ông cho phép xử tử 11 phạm nhân, một thành tích hiếm có.

Vấn đề phá thai thì phức tạp hơn.

Khi làm Thống đốc, ông thường nói con nuôi là giải pháp tốt nhất cho những người mang thai ngoài ý muốn. Ông ủng hộ giải pháp giáo dục tiết chế, ủng hộ giải pháp những phụ nữ muốn phá thai phải làm siêu âm trước.

Tuy nhiên, sau khi bước vào Thượng viện năm 2010, ông thay đổi, ông ủng hộ phá thai với một thành tích kỷ lục, đến nỗi đã được NARAL, một tổ chức quảng bá phá thai, cho điểm hoàn hảo đến 100 phần trăm. Ông hoạt động để tăng quĩ tài trợ cho Planned Parenthood, một hãng phá thai, và chống lại mọi biện pháp để kiểm soát tổ chức này.

Giám đốc cuả Planned Parenthood là Cecile Richards tuyên bố rằng ông Kaine "không chỉ cung cấp những lá phiếu quyết định, nhưng thực sự là một đồng minh."

Quan điểm cuả hàng giáo phẩm:

Nhiều giám mục Hoa Kỳ đã lên tiếng quan ngại về cái 'mác Công Giáo' cuả ông.

Đức Giám Mục Tobin của Providence trong một bài đăng trên Facebook vào ngày thứ Bảy vừa qua, với tựa đề "Ứng viên Phó TT, Tim Kaine, một người Công Giáo ư?" đã viết:

"Việc lựa chọn ông Kaine làm ứng viên phó TT, được rêu rao là một người Công Giáo La Mã. Nhưng đồng thời quảng đại quần chúng đều biết rằng ông công khai ủng hộ "quyền tự do lựa chọn" phá thai, hôn nhân đồng tính, nhận con nuôi đồng tính, và việc truyền chức Linh Mục cho phụ nữ. "

"Tất cả những quan điểm đó rõ ràng là trái với giáo huấn Công Giáo; tất cả những điều đó đã bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô phản đối mạnh mẽ."

Còn Đức Giám Mục Francis X. DiLorenzo của giáo phận Richmond, Virginia, tức là giáo phận nhà cuả ông Paine, thì đưa ra một tuyên bố vào ngày 22 tháng 7 rằng:

"Quan điểm cuả Giáo Hội Công Giáo về việc bảo vệ sự sống con người là rất rõ ràng vì nó gắn liền với công bằng xã hội, và tầm quan trọng của cuộc sống gia đình," Ngài viết.

"Giáo huấn Công Giáo dạy rằng sự sống con người là thiêng liêng từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên. Quyền được sống cuả những trẻ chưa sinh là một nhân quyền cơ bản và luật pháp nào phủ nhận quyền sống cuả chúng thì dứt khoát là loại luật pháp bất chính. "

"Chúng tôi tiếp tục duy trì một sự giao tiếp cởi mở với những người có chức quyền đưa ra những quyết định tác động đến các vấn đề quan trọng, đạo đức và xã hội. Đây là một trách nhiệm mà tôi coi trọng, và cùng với các giám mục anh em của tôi, chúng tôi tiếp cận với các nhà lãnh đạo cộng đồng để giải thích nguyên tắc Công Giáo và khuyến khích họ bảo vệ cuộc sống con người và nhân phẩm trong tất cả các quyết định mà họ sẽ làm ", Đức Cha DiLorenzo nói.

"Chúng tôi luôn luôn cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Công Giáo có những lựa chọn đúng, và hành động sáng suốt với một lương tâm tốt, hiểu biết các giá trị và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo."
 
Văn Hóa
Phiên Bản Nhà Giàu Luca 12:16-21: Tôi Hét Lên!
Nguyễn Trung Tây
18:44 27/07/2016
□ Nguyễn Trung Tây
Phiên Bản Nhà Giàu Luca 12:16-21: Tôi Hét Lên!


Tôi mệt nhọc với cuộc đời,
Tôi khò khè với cuộc sống!
Tôi làm hãng cam, làm anh cai.
Tôi đếm tiền.
Tôi, vợ đẹp.
Tôi, con khôn.
Tôi ung thư.
Tôi hét lên!


Hai mươi năm rồi, ngày nào tôi cũng mệt thở không ra hơi, đầu nhức căng căng, tim đập hồi hộp, thần mắt khờ khạo; bởi sáng nào cũng vậy, tôi dậy thật sớm, hốt hoảng như người bị ma đuổi, tôi phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm. Nước ấm dội xuống cuống cuồng, tôi sấy tóc hối hả, tôi chải tóc vội vàng, tôi mặc quần áo thật lẹ, tôi ba chân bốn cẳng phóng ra xe, xe đề máy, tôi biến mất vào dòng đời xe cộ ngược xuôi.

Tách rời dòng xe đen nghìn nghịt như những con bọ hung đông lạnh không nhúc nhích trên xa lộ chằng chịt dọc ngang, tôi kiếm đường tắt, hốt hoảng bẻ trái, lừa lừa quẹo phải, tôi bực bội bấm còi, tôi phóng vội vàng vào hãng cam.

Ngồi nhặt những trái cam tươi, tôi xếp vào thùng đều đặn như người máy. Ngồi đếm những quả cam bóng lực lưỡng da căng tròn, tôi xếp vào thùng gỗ, đường rầy dây chuyền lăn đều đẩy tới những vòng quay. Nơi cuối đường, thùng gỗ đầy cam chầm chậm lăn vào lòng xe vận tải. Đầy những thùng cam, xe vận tải đề máy quay tròn mười sáu bánh xe lăn tới những nẻo đường xa lộ. Xe vận tải khác trống hoắc lầm lì lăn bánh tới, nóng nẩy chờ đợi những thùng gỗ cam tươi chất đầy lòng xe…

Hai mươi năm của cuộc đời vừa qua, tôi ngồi nhặt cam, xếp cam, lương khá. Thoạt tiên là mười lăm đồng. Năm năm sau lương tăng lên. Năm thứ bẩy, tôi hóa thành anh cai, nhận được lương phụ trội làm xếp. Được làm anh cai, tôi tới hãng sớm hơn, ở lại cũng trễ hơn. Nhưng cũng chẳng sao. Sớm và trễ đều hóa ra những đồng tiền bạc trăm bạc ngàn vào ngày thứ Sáu cuối tuần. Bởi thế tôi hăng hái lao vào nghề xếp những trái cam vô thùng gỗ. Cuộc đời bỗng dưng ngập những tiền là tiền. Cuối tuần, cầm tờ ngân phiếu hãng cam trả với bốn con số, tim tôi đập mạnh, niềm vui tiền bạc dâng lên tê tê đầu lưỡi, bao nhiêu nhọc nhằn cực khổ bởi sáng dậy sớm, chiều về trễ, hốt hoảng tranh giành đường đi trên xa lộ tự nhiên tan biến bởi những đồng tiền vào ngày thứ Sáu cuối tuần.

Tôi hát nho nhỏ,

“Tiền là tiên là Phật,

Là sức bật của tuổi trẻ,

Là sức khỏe của tuổi già”.

Tiền!

Có tiền là có tiên. Vợ tôi đã đẹp giờ lại càng thêm đẹp bởi những đồng tiền của hãng cam. Nàng sửa cằm, bơm môi, nâng ngực, cắt mắt, nàng đẹp rực rỡ, nàng ăn trắng mặc trơn. Tôi muốn ăn Phở, nàng nấu Phở nước trong. Tôi muốn ăn cháo lòng rắc tiêu sọ, cơm sườn tàu hủ ky, nàng lái xe Bimmơ xuống phố mua cơm cháo. Tôi muốn hút thuốc ba số 5, nàng ghé vào tiệm mua cho tôi mấy cây. Cẩn thận, nàng còn mua thêm mấy gói thuốc con mèo. Con tôi hai đứa, mịn da đẹp thịt, học hành giỏi giang trong trường đại học tư thục nhờ lương bốn số cuối tuần của anh cai hãng cam. Nhà tôi cất cao nhất khu đồi, bốn phòng rộng thênh thang. Hai vợ chồng tôi một phòng, căn phòng có màn cửa nhung. Một đứa con gái, một đứa con trai, mỗi đứa một phòng. Mỗi phòng căn bản là một TV và một máy vi tính. Cạnh phòng ăn là bar rượu rộng thênh thang. Dưới hầm nhà, xếp đều tăm tắp những chai rượu VSOP, rượu vang đắt tiền. Cạnh phòng ăn, tôi gọi người tới biến thành căn phòng có ghế da hơi nằm dài theo dõi dàn máy home theater hiệu Sony chiếu phim trên màn ảnh đại vĩ tuyến. Asia, Thúy Nga, Vân Sơn, phim Việt Nam, tôi nằm dài coi trong rạp nhà, mà tưởng là mình đang ngồi coi trong rạp màn ảnh 4D bốn chiều.

Cuộc sống tôi thênh thang. Xe Bim-mơ, vợ tôi một cái, tôi một cái. Tôi yêu vợ, yêu con, và yêu cuộc sống!

Bởi yêu vợ và yêu con, tôi anh cai hãng cam làm thêm ngày thứ Sáu, thứ Bẩy, và luôn cả ngày Chúa Nhật. Hai chục năm rồi, ngày nào tôi cũng đi làm.

Tôi đếm tiền mỏi tay!

Tiền giấy đếm, sướng những đầu ngón tay.

Tôi hạnh phúc mênh mông!

Đời tôi màu hồng.

Chuồn chuồn bay đầy trên cánh đồng cỏ xanh.

Chuột đồng no nê căng tròn rong chơi trên đồng lúa vàng.

Cá chem chép vàng ươm êm đềm bơi lội dọc theo bờ sông đỏ màu phù sa.

Tôi, thiên đàng trần thế!

Hồn ơi, vui lên!

Sáng hôm qua, như thường lệ, tôi dậy sớm, cổ họng đau ran rát.

Đi khám,

Bác sĩ nói,

— Ung thư cuống họng.

Lần đầu tiên trong đời tôi nếm vị thuốc.

Những lần chạy chemotherapy, tóc tôi rụng, đầu tôi sói sọi!

Thân thể xanh xao. Mặt bủng da chì!

Tôi vàng như những trái cam mà có một thời tôi xếp xếp gói gói vào thùng gỗ năm xưa.

Tôi húp phở, phở không ngon.

Tôi chán những chén cháo lòng rắc tiêu sọ.

Tôi ói ra những miếng cơm sườn nướng tàu hủ ky.

Tôi ho sặc sụa với hơi thuốc ba số 5, thuốc đầu con mèo.

Tôi nhổ ra phèn phẹt ngụm rượu đỏ Cabernet Sauvignon.

Tôi giờ này chỉ còn nuốt được những viên thuốc ung thư.

Sáng sáng nhìn qua khung cửa,

Bình minh rực rỡ,

tôi mơ sức khỏe.

Tôi khóc! Trời ơi, sao đời phù vân!

Nếu biết thế, tôi sẽ không sống như tôi đã từng sống hơn hai mươi năm vừa qua.

Trời mùa hạ xanh tươi, nhưng sao tôi thấy lá vàng đong đưa bên khung cửa.

Tôi hối tiếc cho những ngày xưa, những ngày còn sung mãn.

Cuối tuần, vợ tôi ghé vào viếng thăm.

Mười ngón tay của nàng, mầu hồng tô son thơm mùi phưng phức. Cặp môi trái tim, mắt phượng mở lớn, đôi ngực căng tròn, nước hoa từ thân thể nàng bốc mùi thơm hăng hắc. Tôi nhìn nàng, dáng nàng sang, tóc nàng đen óng sợi tóc dầy, tôi mơ ước sức khỏe ngày xưa.

Nàng hỏi, “Bao giờ anh về?”

Con tôi hôn lên vầng trán, “Thôi, con phải về,

Ngày mai con có bài thi cuối khóa.

Chúc bố chóng bình phục”.

Nhưng tôi vẫn tuột dốc.

Ung thư cổ họng gậm nhấm ăn mòn thân xác.

Tôi rớt xuống.

Tôi chạm đáy vực sâu.

Tôi đốt nến, nhìn lên tượng thánh giá.

Tôi đôi môi mấp máy như Hàn Mặc Tử:

“Ave Maria, Thánh Nữ Đồng Trinh,

Xin chữa con!

Xin cứu con.

Nếu bây giờ,

Phép lạ xẩy ra,

Con sẽ vẫn đi làm ở hãng cam,

Con sẽ vẫn làm anh cai,

Nhưng con sẽ không đi làm thêm ngày thứ Bẩy, Chúa Nhật.

Bởi con đã nhận ra đời sống này vô thường!

Có đó rồi mất đó,

Vô thường! Vô thường! Đại vô thường!”.

Nhưng phép lạ không xẩy ra.

Tôi tiếp tục mệt nhọc với ung thư,

Tôi khò khè với bệnh tật!

Ung thư tiếp tục phá nát cuống họng!

Tôi nằm dài trên giường bệnh,

Con tôi hỏi, “Bố ơi, bao giờ bố về?”.

Tôi khóc, không nói được nữa, bởi ung thư đã phá rách toang cổ họng.

Tôi run run năm đầu ngón tay, viết lên trên tờ giấy trắng tinh, “Sao hai đứa con gầy vậy?”

Con tôi nói, “Bố ơi! Mẹ bỏ đi rồi!”.

Tôi hét lên! Tiếng hét cuồn cuộn xoáy sâu đẩy tôi rơi xuống vực thẳm!

Tôi mở mắt ra,

Người ướt đẫm mồ hôi!

Nhìn qua khung cửa,

Tôi nhận ra bình minh thứ Bẩy cuối tuần rộn ràng khua vang.

Bên khung cửa,

Có chú chim nho nhỏ say mê hót vang khúc hát bình dị, “Good morning! Chào bình minh buổi sáng”.

Tỉnh cơn ác mộng,

Tôi KHÔNG hốt hoảng như người bị ma đuổi, phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm như mọi ngày trong hai mươi năm qua.

Nhưng tôi quỳ bên chân giường, tôi đọc một lời kinh nho nhỏ với Chúa, với Phật, và với Bụt.

Thấy tôi bước xuống nhà pha ly café buổi sáng, vợ tôi ngạc nhiên hỏi,

— Ủa, không đi làm sao?

Tôi đáp cộc lốc,

— Không!

Nhưng mặt tươi như hoa, nhìn qua khung cửa, hát nho nhỏ một bài ca…

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com

□ Nguyễn Trung Tây
A New Version of Luke 12:16-21: I Scream Out Loud!

I am exhausted because of life,
I breathe stertorously because of life!
I work at an orange factory as a foreman.
I count money!
I, who have a beautiful wife.
I, who have intelligent children.
I have been diagnosed with cancer.
I scream out loud!


For twenty years already, I have felt so exhausted that I am very often short of breath. I have suffered with migraine headache, the pulse of my heart is fast, my eyes appear like that of a fatuous person, because every morning, I must get up quite early; like a person who is chased by a ghost, I speedily rush to the bathroom. I hurriedly pour warm water on my head, I nervously blow my hair with a hair drier, I hastily comb my hair, I put on my clothes, I frantically run to my car, I start the engine, I then quickly disappear into the river of the many cars streaming up and down the freeways.

Deserting the waves of a multitude of cars which have become frozen just like the frozen beetles in numerous freeways that are interlaced, I look for a shortcut, and in panic turn left, and then nervously turn right. I angrily honk the horn, I run quickly into the orange factory.

Having selected the fresh oranges, I, just like a robot, motionlessly place them into the containers evenly. After counting the fresh round oranges with polished skins, I put them into the wooden containers, which are one by one picked up by the iron rail that slowly rolls along. The wooden containers, filled to the brim with the oranges, are quietly carried away towards the end of the rail, and then all the way to a huge truck. Having filled its empty belly with many wooden containers of oranges, the truck turns on the engine which in turn moves its sixteen wheels to roll on the freeways. Another ravenous truck with its empty belly taciturnly rolls its sixteen wheels towards the iron rail, and impetuously waits for many wooden containers of the fresh oranges to fill up its empty belly.

I, the foreman who receives good wages, have worked for an orange factory for the past twenty years. At first my salary was fifteen dollars per hour. The next five years, it was raised. In the seventh year, I was promoted to be the foreman. I thus received bonus money for being the boss. Being a foreman, I have to arrive at the factory earlier and stay up late. What a big deal! Being early and staying late have fashioned many hundred dollar notes that I receive on the last day of every week. Because of this paycheck, I am excited with my career: selecting and packing the fresh oranges into the wooden containers. Life is suddenly filled with countless notes and cash. While holding the check signed with four digit number each week, my heart is throbbing, the money makes the tip of my tongue numb. Exhaustion in all forms, waking up early, arriving home late, fighting for a lane on the freeway, suddenly evaporates because of the coins and the notes that I receive on the last day of every week.

I sing softly,

“Money is the fairy,

the energy of the youth, and

the health of the aged,

Oh! Money!”

Possessing much money means possessing the fairy. My wife, a beauty by nature, now becomes even more beautiful than ever because of the money from the orange factory. She has undergone many cosmetic surgeries: her chin, her lips, her breasts, her eyes, so many that she has been transformed into a figure of the fairy. She wears the best clothes; she enjoys luxurious meals. Above all, she loves me. I love to eat Phở [1], she cooks Phở with very pellucid broth. I love to eat pig intestine porridge with black pepper on the top, fried rice with grilled pork ribs and tofu, she immediately drives her convertible Volkswagen downtown. I love to smoke 555 cigarettes, she stops by the store to purchase many cartons. Showing her affection and concern, she even buys some additional expensive Cuban cigars on the way home. My two children, beautiful with their smooth skin, are the best students in a famous private university; their expensive tuition fees come from the four digits salary at the end of each week of the foreman of an orange factory. My house with the four huge bedrooms is the tallest mansion on the hill. My wife and I have the room with velvet curtains for all the windows. My daughter and my son, each enjoys their own room. Every room is basically provided with a HD TV set and a Sony computer set. Next to the dining room is a huge bar. The basement is filled with numerous brand name VSOPs and expensive wine bottles. Next to the dining room is the entertainment room, provided with leather sofas for those who would like to lie down while watching the movies displayed on the big screen by a Sony home theater system. Titanic, Avatar, Life of Pie, I lie down in the sofa in my home theater, watching them. I feel like I am watching a 3D movie in a cinema theater.

My life is fully fruitful. Volkswagens, my wife owns one, I have mine. I love my wife, my children and my life!

Because of my love for my wife and my children, I work for the orange factory two more days, Saturday and Sunday. I have worked every single day for the past twenty years.

My fingers feel tired while counting money!

The notes, while counting, cause the delighted feelings on the tops of the fingers.

I am abundantly blissful.

My life is colored in pink.

The red fly dragons fly over the green fields.

The fatty brown field mice delightfully stroll on the yellow rice fields.

The golden fish peacefully swim along the red rivers.

I, heaven on earth!

My soul, rejoice!

Yesterday, as usual, I got up early, I have a sore throat.

After paying a visit to my doctor,

he finally concludes,

— Throat cancer!

For the very first time in my life I taste medicines.

After receiving several chemotherapy treatments, my hair all falls out, I become bald!

My body becomes pallid. My face turns wan!

My skin changes to a yellow color, the color of the orange fruits that I once packed up and placed evenly in the wooden containers.

I sip Phở, Phở has become insipid.

I no longer desire a bowl of pig intestine porridge with black pepper on the top.

I throw out fried rice with grilled pork ribs and tofu!

I cough repeatedly while smoking the 555 cigarette and Cuban cigars!

I spit out the red wine, Cabernet Sauvignon.

I can swallow only the pills, the medicines for throat cancer!

Every morning I look through the window,

The sunrise is dazzling!

I dream of health.

I cry! Oh gosh, life is fugacious!

Should I realize this, I would have never lived my life like I had in the past twenty years.

The summer sky is azure blue, and yet I see only dried leaves waving by the window.

I feel regret for the past days, the days of copious health,

My wife drops by for a visit at the weekend.

I pick up the scent of the expensive fragrance from her body. Her nails are polished with the pink color; her mouth is the shape of a heart, her phoenix’s eyes, her round breasts. I stare at her. Her elegant body with her sleekly black hair makes me dream of my past health.

She asks, “When will you come home?”

My children kiss my forehead with goodbye kisses, “I have to go,

Tomorrow I have final exams.

Get well soon, daddy.”

But still I am falling down the cliff.

Throat cancer eats up my entire body.

I am slipping.

I almost hit the bottom of the ravine!

I burn the candles, looking up to the crucifix.

I pray like Hàn Mặc Tử:[2]

“Ave Maria! The Virgin Mother,

Please heal me!

Please help me!

If now,

a miracle happens,

I would still work in the orange factory,

Still work as the foreman.

But I would not work on Saturday and Sunday,

Because I have deeply realized how transient is this life!

There is and then there is not!

Vanity! Vanity! All is vanity!”

Unfortunately, a miracle does not happen.

I continue to suffer with cancer,

I breathe stertorously because of the deadly disease!

Cancer destroys my entire throat!

I lie down hopelessly in my sick bed,

My children ask, “Daddy, when are you coming home?”

I cry, cannot talk anymore, because the cancer has completely destroyed my throat!

With my five trembling fingers, I jot down on the piece of white paper, “Why are you both so skinny?”

They cry, “Oh dad! Mom has left us!”

I scream out loud! My immense scream pushes me down into the abyss.

I open my eyes,

My entire body is perspiring.

Looking through the window,

I see the Saturday morning sun joyfully rising.

By the window,

A tiny sparrow enthusiastically sings a simple hymn, “Good morning! The sun!”

Waking up from the nightmare,

I DON’T run in panic like a person chased by a ghost into the shower room like every day in the past twenty years.

But kneeling down, I pray to God, to Buddha, and to Mr. Sky.[3].

Seeing me in the kitchen making a cup of coffee, my wife surprisingly asks,

— Really? You’re not working today?

I respond roughly,

— Nope!

But my face shines blissfully like a flower, I turn to the window, softly singing a song…

□ Nguyễn Trung Tây

_______________

Notes

[1] A Vietnamese soup eaten for breakfast... Phở is considered one of the Vietnamese’s most famous dishes.

[2] A famous Vietnamese Catholic poet who suffered with leprosy and died with a lingering death complicated with tuberculosis.

[3] The name of God in the Vietnamese culture

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bến Nghỉ
Đặng Đức Cương
19:47 27/07/2016
BẾN NGHỈ
Ảnh của Đặng Đức Cương
Sau khi lướt sóng bồng bềnh
Thuyền về nằm nghỉ bình yên bến chờ
Chờ mai ta lại ra khơi.
(bt)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21 – 27/07/2016: Giáo Hội tại Ba Lan
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:38 27/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Xung quanh chuyện Venezuela nhờ Vatican làm trung gian hòa giải

Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro Venezuela được tường thuật là đã đồng ý với đề xuất của lãnh tụ phe đối lập yêu cầu Vatican đứng làm trung gian hòa giải trong cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế của đất nước.

Chính phủ Maduro và phe đối lập Liên minh Dân chủ Thống nhất đã không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng, đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thực phẩm và thuốc men, dẫn đến sự sụp đổ các dịch vụ về y khoa, năng lượng và vệ sinh.

Tuy nhiên, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ tin này.

Trong thông cáo công bố hôm 22 tháng 7, Cha Lombardi cho biết: “Như mọi người đều biết, từ trong quá khứ, Tòa Thánh vẫn luôn bày tỏ sự sẵn sàng nếu có những điều kiện tiên quyết cần thiết, để có thể góp phần vào cuộc đối thoại. Nhưng cho đến nay, không có một thông tin chính thức nào được gửi đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cũng như tới Bộ ngoại giao Tòa Thánh để trình bày và xác định nội dung chi tiết lời yêu cầu như vậy”.

Ông Ernesto Samper, Tổng thư ký Liên Hiệp các nước Nam Mỹ đã gặp tổng thống Maduro hôm 21 tháng Bẩy và sau đó ông tuyên bố là sẽ thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi đại diện đến Venezuela. Ông Samper đã đến thủ đô Caracas để cùng với cựu thủ tướng José Zapatero của Tây Ban Nha thúc giục các phe liên hệ ở Venezuela ngồi lại với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng trầm trọng của đất nước về kinh tế và chính trị.

2. Đức Hồng Y Pietro Parolin giải thích quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô giữ thinh lặng khi viếng trại tử thần Auschwitz

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói rằng trong cuộc viếng thăm tại trại tập trung Auschwitz trong thinh lặng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tưởng niệm tất cả các nạn nhân của sự oán thù và điên rồ Đức quốc xã, và cả những nạn nhân của bạo lực mù quáng hiện nay, như nạn khủng bố.

Đức Hồng Y Parolin bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho Trung tâm truyền hình Vatican, truyền đi hôm 22 tháng 7. Trong cuộc viếng thăm trại Auschwitz, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định không đọc bài diễn văn nào, nhưng chỉ cầu nguyện trong thinh lặng.

Đức Hồng Y Parolin nói:

“Cuộc viếng thăm này của Đức Thánh Cha cũng là một sự cảnh giác trong thinh lặng: đứng trước những hành động kinh khủng, nhiều khi sự im lặng hùng hồn hơn là lời nói. Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha giữa các khu của trại tập trung, cũng muốn nhắc nhớ rằng đáng tiếc thay, ngày nay cũng có những tình trạng bạo lực, coi rẻ mạng sống con người, những tình trạng trong đó người ta xách động chia rẽ, sự dụng kinh hoàng, khủng bố, vì tư lợi, hoặc để theo đuổi những lợi lộc kinh tế và chính trị”.

Mặt khác, trong một bài đăng trên báo “Quan sát viên Roma” của Tòa Thánh, bà Noemi Di Segni, chủ tịch Cộng đoàn Do thái Italia, đã chào mừng quyết định của Đức Thánh Cha giữ thinh lặng trong cuộc viếng thăm Auschwitz, và nhận định rằng “trong một sự thinh lặng dài và khẩn trương, ngài có thể tập trung vào khía cạnh cảm xúc của cuộc viếng thăm rất có ý nghĩa này. Hình thức cầu nguyện của ngài sẽ mang lại một tiếng nói cho sự kêu than và đau khổ của nhiều nạn nhân.”

3. Đức Thánh Cha cám ơn bà Carmen Hernández

Đức Thánh Cha Phanxicô nhiệt liệt đề cao và cám ơn Bà Carmen Hernández, người đồng sáng lập Con đường Tân Dự Tòng, mới qua đời chiều ngày 19 tháng Bẩy tại Madrid, hưởng thọ 85 tuổi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây qua sứ điệp gửi đến Ông Kiko Arguello, người đã cùng với bà Carmen khởi xướng Con đường Tân dự tòng tại ngoại ô Madrid, Tây Ban Nhà vào cuối thập niên 1960, và nay đã có hơn 30 ngàn Cộng đồng thuộc Con đường này tại 120 nước trên thế giới.

Bà Carmen sinh năm 1930 tại tỉnh Navarra, Tân Ban nha, trong một gia đình thân phụ là người sáng lập công ty Herba, một trong những hãng về gạo quan trọng nhất tại nước này.

Sau khi tốt nghiệp ngành hóa học tại Đại học Madrid và làm việc một thời gian trong hãng của gia đình, Carmen đã quyết định theo đuổi ơn gọi thừa sai đã cảm thấy từ nhỏ và gia nhập Nữ Thừa Sai của Chúa Giêsu Kitô, và chuẩn bị đi truyền giáo. Nhưng rồi dòng tu này bị khủng hoảng trong thời kỳ Công đồng chung Vatican 2, khiến chị Carmen phải tìm con đường khác.

Về sau chị gặp ông Kiko Arguello, một họa sĩ, dấn thân loan báo cho những người nghèo, người du mục, người khuyết tật ở khu vực ngoại ô Madrid và đã cộng tác vào công trình này. Con đường Tân Dự Tòng nảy sinh từ đó và lớn mạnh với thời gian.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha được đọc lên trong lễ an táng Bà Carmen tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Madrid chiều ngày 21 tháng Bẩy vừa qua, do Đức Cha Carlos Osorio Sierra, Tổng Giám Mục sở tại chủ sự. Đức Thánh Cha viết:

Mến gửi ông Francisco Kiko Arguello, Con đường Tân dự tòng, Madrid

Tôi xúc động hay tin bà Carmen Hernández qua đời sau một cuộc đời dài, được ghi đậm bằng tình yêu đối với Chúa Giêsu và lòng hăng say truyền giáo. Trong giờ chia li đau thương này tôi gần gũi trong tinh thần, với lòng quí mến đối với thân nhân và toàn thể Con đường Tân dự tòng mà Bà là người đồng khai sáng, cũng như đối với toàn thể những người quí chuộng nhiệt huyết tông đồ của Bà được cụ thể hóa, nhất là trong việc đề ra một hành trình tái khám phá bí tích Rửa Tội và thường huấn về đức tin. Tôi cảm tạ Chúa vì chứng tá của người phụ nữ này, được linh hoạt bằng tình yêu chân thành đối với Giáo Hội mà Bà đã hiến toàn thân trong việc loan báo Tin Mừng nơi mọi môi trường, cả những môi trường xa lạ nhất, và không quên những người bị gạt ra ngoài lề. Tôi phó thác linh hồn Bà cho lòng từ nhân của Chúa, xin Chúa đón nhận linh hồn Bà trong niềm vui Phục Sinh vĩnh cửu và tôi khích lệ những người đã quen biết Bà và bao nhiêu người tham gia Con đường Tân Dự tòng hãy giữ cho mối quan tâm truyền giáo của Bà được luôn sinh động, hoạt động trong niềm hiệp thông thực sự với các Giám Mục và Linh mục, thực thi lòng kiên nhẫn và từ bi đối với tất cả mọi người. Với những ước nguyện ấy, tôi cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và vui lòng ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả những người hiện diện tại lễ an táng này”.

4. Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Porziuncola

Ngày 4 tháng 8 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến hành hương tại Porziuncola, ngôi thánh đường nhỏ ở bên trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ các thiên thần của các cha dòng Phanxicô gần Assisi.

Cuộc hành hương diễn ra 2 ngày sau khi khai mạc các buổi lễ kỷ niệm 800 năm ơn Toàn Xá tại Assisi.

Ngôi nhà thờ nhỏ dâng kính Đức Mẹ các thiên thần có lẽ được xây hồi thế kỷ thứ 4 và sau đó thuộc quyền sở hữu của các cha dòng Biển Đức. Nhà thờ được gọi là Porziuncola, nghĩa đen là mảnh đất nhỏ. Thánh đường bị bỏ hoang trong thời gian dài và là nhà thờ thứ 3 được thánh Phanxicô Assisi trực tiếp tu bổ sau khi nhận được mệnh lệnh từ Đấng Chịu Đóng Đanh trên thánh giá ở nhà thờ thánh Damiano.

Tại nhà thờ này, thánh Phanxicô hiểu rõ ơn gọi của mình và đã lập dòng Anh em Hèn mọn vào năm 1209. Tại đây, 2 năm sau, vào ngày 28-3 năm 1211, Clara được thánh Phanxicô trao áo dòng, khởi sự dòng thánh Clara.

Cách đây đúng 8 thế kỷ, tức là vào năm 1216, trong một thị kiến, thánh Phanxicô được chính Chúa Giêsu ban ơn toàn xá, hay cũng gọi là ơn Tha Thứ ở Assisi, việc ban ơn này được Đức Giáo Hoàng Onorio III phê chuẩn.

Để kỷ niệm 800 năm biến cố này, Đức Thánh Cha Phanxicô đến hành hương tại Porziuncola, mà ngài gọi là “con tim đang đập của dòng Anh Em Hèn mọn”.

Theo chương trình được công bố hôm 20 tháng Bẩy vừa qua, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng từ Vatican tới sân thể thao Migaghelli, lúc 3 giờ 40 chiều ngày 4 tháng 8, rồi dùng xe đến Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ các Thiên Thần. Tại đây vào lúc 4 giờ, ngài sẽ được Cha Michael Anthony Perry, Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô, cùng với cha Giám tỉnh Phanxicô miền Umbria và cha Bề trên tu viện địa phương đón tiếp.

Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện trong thinh lặng tại nhà thờ nhỏ Porziuncola, trước khi trình bày một bài suy niệm cho các tu sĩ và giáo dân hiện diện trong Vương cung Thánh Đường, dựa vào Tin Mừng theo thánh Mathêu, đoạn 18, từ câu 21 đến 35.

Sau bài suy niệm huấn giáo, Đức Thánh Cha sẽ chào thăm các Giám Mục và các Bề trên Phanxicô hiện diện, rồi đến bệnh xá nơi có 15 tu sĩ Phanxicô và 1 linh mục giáo phận đang được điều trị săn sóc. Ngài cũng chào thăm các nhân viên phục vụ tại đây.

Sau cùng, Đức Thánh Cha sẽ tiến ra thềm Đền thờ để chào thăm các tín hữu tụ tập tại đây, trước khi giã từ vào lúc 6 giờ chiều để trở về Roma, cách đó khoảng 200 cây số.

5. Tòa Thánh lên án vụ quân khủng bố Hồi Giáo IS cắt cổ một linh mục tại thành phố Rouen bên Pháp

Khoảng 9 giờ 45 sáng ngày thứ Ba 26 tháng Bẩy, hai tên khủng bố đã lẻn vào cửa sau thánh đường Saint-Etienne-du-Rouvray, gần Rouen ở mạn tây bắc Pháp. Trong cuộc tấn công, hai tên khủng bố dùng dao sát hại cha Jacques Hamel, 86 tuổi đang dâng lễ và làm bị thương một tín hữu khác. Lực lượng đặc biệt của Pháp đã bao vây và bắn chết hai tên khủng bố.

Phản ứng về sự kiện trên đây, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, ra thông cáo nói rằng:

“Lại thêm một tin khủng khiếp, thêm vào một loạt những vụ bạo hành trong những ngày này làm cho chúng ta kinh hoàng xúc động, gây ra đau khổ vô biên và lo âu. Chúng tôi theo dõi tình hình và chờ thêm các thông tin để hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra.

“Đức Thánh Cha đã được thông báo và ngài chia sẻ nỗi đau đớn và kinh hoàng vì bạo lực vô nghĩa lý này, ngài quyết liệt lên án mọi hình thức oán ghét đồng thời cầu nguyện cho những người bị thương tổn. Chúng tôi đặc biệt xúc động vì bạo lực kinh khủng này xảy ra trong một thánh đường, một nơi thánh thiêng trong đó tình thương của Thiên Chúa được loan báo; bạo lực ấy là sự giết hại dã man một linh mục và liên quan đến các tín hữu.

Chúng tôi gần gũi với Giáo Hội tại Pháp, với Tổng giáo phận Rouen và với cộng đoàn bị tấn công, với nhân dân Pháp.”

6. Không có bất cứ thay đổi hay hủy bỏ nào trong chương trình tông du Ba Lan của Đức Phanxicô

Hôm 20 tháng Bẩy, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết sẽ không có bất cứ thay đổi hay hủy bỏ nào trong chương trình tông du Ba Lan của Đức Phanxicô, bất chấp những lo ngại tạo ra bởi các cuộc tấn công khủng bố gần đây nhất tại Nice, Pháp.

Cha cũng cho hay: không có bất cứ nhóm tín hữu nào hủy bỏ việc tham dự biến cố vĩ đại của tuổi trẻ Công Giáo thế giới lần này.

Cha Federico Lombardi nói với các phóng viên rằng có “những lo lắng cụ thể nào” về an ninh trong chuyến đi năm ngày đến Krakow và các khu vực lân cận ở miền nam Ba Lan của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các nhà tổ chức sự kiện này của Giáo Hội Ba Lan nói rằng họ dự kiến sẽ có những đám đông khổng lồ tại các sự kiện quan trọng. 1.8 triệu thanh niên hy vọng sẽ có mặt tại buổi Canh Thức với Đức Thánh Cha tối thứ Bẩy 30 tháng Bảy tại Cánh Đồng Lòng Thương Xót.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz của Krakow, thành phố chủ nhà của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, nói với Crux hôm thứ Tư rằng “đối với những người chưa quyết định đến, tôi nói bạn nên đến” tình hình rất là an toàn.

Đức Hồng Y Dziwisz nhấn mạnh rằng tham gia vào Ngày Giới trẻ Thế giới, bất chấp bầu khí căng thẳng hiện nay, tiêu biểu cho một xác tín rằng một châu Âu hòa bình là có thể.

Trong suốt cuộc hành hương của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cầu nguyện âm thầm tại đài tưởng niệm Auschwitz và để lại một ngọn nến thắp sáng tại Birkenau là trại tàn sát người tù nhân trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.

7. An ninh tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Liên tiếp trong mấy tuần trước Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Lan, nhiều vụ khủng bố đã xẩy ra ở Hoa Kỳ, Pháp, Đức, khiến nhiều người lo ngại, mặc dù ban tổ chức khẳng định không có dấu hiệu đáng lo ngại nào đối với an ninh tại địa điểm tổ chức.

Ngay từ tháng Năm, lúc chưa xẩy ra các biến cố khủng bố nói trên, chính phủ Ba Lan đã lưu ý tới khía cạnh an ninh của việc tổ chức Đại Hội. Họ cho rằng địa điểm chính để tổ chức Đại Hội, tức Krakow, gặp khó khăn trong việc cung cấp chăm sóc y tế cũng như di tản nhanh chóng, vì đường lui tới địa điểm không được thỏa đáng và không đủ các cơ sở y tế. Hơn nữa, vì quá gần sông Vistula nên viễn ảnh bị lụt cũng có thể xảy ra.

Chính vì thế, ngoài việc cung cấp các lực lượng để duy trì an ninh cho Đại Hội, quân đội Ba Lan còn dựng thêm 4 chiếc cầu tạm để giải quyết việc lưu thông.

Quân Đội Ba Lan cũng cung cấp lều cho các tham dự viên, một bệnh viện dã chiến và việc chăm sóc y tế, được hỗ trợ bằng các máy bay CASA, 2 trực thăng với dụng cụ y khoa và các xe cứu thương. Các chuyên viên của quân đội sẽ kiểm soát khu vực để phát hiện bất cứ vật dụng nguy hiểm nào, trong khi máy bay thám thính từ trên không cũng sẽ được triển khai. Ngoài ra, vì trong tháng Bẩy, Ba Lan cũng là nơi hội họp của khối NATO, nên chính phủ đã triển khai việc kiểm soát biên giới.

Chính phủ Ba Lan quan tâm tới Đại Hội vì ngoài việc đây là một trong các công trình sáng tạo của người con yêu qúy nhất của đất nước trong hai thế kỷ 20 và 21, người được công chúng Ba Lan coi như vị vua không ngai của họ, nó còn mang đến cho họ Đức Phanxicô là một vị Giáo Hoàng không những họ muốn mà họ còn cần nữa, vì hoàn cảnh xã hội và chính trị hiện nay của họ.

Ba Lan hiện do đảng Luật Pháp và Công Lý cai trị, được coi như “đồng minh” của Giáo Hội ở đây. Nhưng gần đây, chính phủ đang bị nhiều cuộc biểu tình lớn phản đối và các chia rẽ xã hội ngày một gia tăng. Giáo Hội có lẽ là định chế duy nhất có thể trấn an tình hình. Thứ Năm vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki của Poznan, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã ra lời kêu gọi “hòa giải quốc gia”.

8. Các con số thống kê về Giáo Hội tại Ba Lan

Diện tích Ba Lan tương tự diện tích Việt Nam: 323,250 km vuông, nhưng dân số chỉ là 37,507,000 người, trong đó 36,607,000 người theo Công Giáo chiếm 97.6 phần trăm dân số. Giáo Hội ở đây, có 45 giáo phận, 10,379 giáo xứ và 786 trung tâm mục vụ. Hiện có 156 giám mục, 30,661 linh mục, 21,174 nam nữ tu sĩ 1,075 thành viên các viện tu đời, 14,154 giáo lý viên, 125 tiểu chủng sinh và 3,388 đại chủng sinh.

Giáo Hội hiện quản trị 1,425 trung tâm giáo dục Công Giáo mọi cấp, với 213,940 học viên , cũng như 39 trung tâm giáo dục đặc biệt. Giáo Hội cũng có 3,129 trung tâm bác ái xã hội, 54 bệnh viện, 293 bệnh xá, hai trại cùi, 214 nhà cho người cao niên hoặc khuyết tật, 383 viện mồ côi và nhà trẻ, 2,154 trung tâm cố vấn gia đình và các trung tâm khác để bảo vệ sự sống, và 2,190 viện thuộc các loại khác.

9. Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Nam Sudan

Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thư cho các vị lãnh đạo Nam Sudan kêu gọi chấm dứt nội chiến tại nước này.

Đức Hồng Y Turkson người Ghana đã đến thủ đô Juba của Nam Sudan và đã cử hành thánh lễ cho các tín hữu ở nhà thờ chính tòa địa phương. Ngài chuyển lời chào thăm và tình liên đới của Đức Thánh Cha với Cộng đoàn tín hữu, rồi sau lễ, Đức Hồng Y đã viếng thăm một số người tị nạn. Hôm sau, 18-7, Đức Hồng Y đã gặp tổng thống Nam Sudan và trao sứ điệp của Đức Thánh Cha. Ngài cũng mang theo một sứ điệp của Đức Thánh Cha cho cựu phó tổng thống Nam Sudan cũng là lãnh tụ phiến quân. Trong cả hai sứ điệp, Đức Thánh Cha kêu gọi hai bên chấm dứt tình trạng nội chiến hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican sau khi trở về Roma, Đức Hồng Y Turkson nói đến tình trạng dân chúng Nam Sudan đang phải sống trong tình trạng đau khổ, nghèo đói và thiếu an ninh, bệnh tật mà thiếu thuốc men. Hiện thời, tình hình tạm lắng dịu nhưng người ta lo sợ sẽ tái diễn tình trạng tuy có hiệp định hòa bình được ký kết, nhưng rồi đụng độ lại tái diễn, và dân chúng lại phải bỏ chạy. Đã 3 lần xảy ra như vậy.

Đức Hồng Y Turkson cho biết Đức Thánh Cha rất quan tâm tới tình hình Nam Sudan. Khi Đức Hồng Y đến chào ngài để chuẩn bị ra đi và xin ngài viết hai lá thư cho hai lãnh tụ đối nghịch nhau tại nước này, Đức Thánh Cha đã viết thư ngay, và nói: “Tôi cũng muốn tới Nam Sudan..”.

10. Tông Hiến của Đức Thánh Cha Phanxicô về đời sống của các nữ tu chiêm niệm

Sáng thứ Sáu 22 tháng Bẩy, Tông Hiến của Đức Thánh Cha Phanxicô về đời sống của các nữ tu chiêm niệm đã được công bố và giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

Tông Hiến mang tựa đề “Vultum Dei quaerere” (Tìm Nhan Thiên Chúa), mang chữ ký của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 29-6 năm nay và được Đức TGM José Rodriguez Carballo, dòng Phanxicô, Tổng thư ký Bộ các dòng tu, trình bày với giới báo chí.

Văn kiện dài 18 trang theo bản tiếng Ý và được chia làm 37 đoạn: sau phần tiền đề, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của đời sống chiêm niệm trong Giáo Hội, rồi lần lượt bàn về 12 đề tài liên quan đến đời sống này, đó là: huấn luyện và cầu nguyện; Lời Chúa, Thánh Thể và Hòa giải; Đời sống huynh đệ và sự tự trị của các Đan viện; Liên hiệp các Đan viện và nội vi; Lao động và thinh lặng; Các phương tiện truyền thông và khổ chế. Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha liệt kê 14 qui định có tính chất pháp luật, theo tinh thần những điều được trình bày trong các phần trên.

Đi vào chi tiết hơn, người ta nhận thấy Tông Hiến mới của Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến việc thăng tiến một sự huấn luyện thích hợp, đề cao vị trí trung tâm của lectio divina, đọc và nguyện gẫm Lời Chúa; các tiêu chuẩn đặc thù để các cộng đoàn chiêm niệm được tự trị; vấn đề các đan viện họp thành một liên hiệp.

Đức Thánh Cha cho biết sở dĩ ngài ban hành Tông Hiến “Tìm Nhan Thiên Chúa” là vì hành trình của Giáo Hội 50 năm sau Công đồng chung Vatican 2 có nhiều thay đổi và vì những tiến bộ mau lẹ của lịch sử nhân loại. Vì thế, cần có sự đối thoại với xã hội hiện đại, nhưng vẫn duy trì các giá trị cơ bản của đời sống chiêm niệm, với những đặc tính như thinh lặng, lắng nghe, sự vĩnh cư, có thể và phải tạo nên một thách đố đối với não trạng ngày nay.

Về tầm quan trọng của đời sống chiêm niệm, Đức Thánh Cha khẳng định rằng trong một thế giới đang tìm kiếm Thiên Chúa - dù là một cách vô tình - những người thánh hiến phải trở thành những người đối thoại khôn ngoan, để nhận ra những câu hỏi mà Thiên Chúa và nhân loại đang đặt ra. Vì thế, sự tìm kiếm của họ đối với Thiên Chúa không bao giờ được ngừng lại.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các nữ tu chiêm niệm và nhấn mạnh rằng “Giáo Hội đang cần các chị để đưa Tin Mừng cho con người ngày nay. Đây không phải là một sứ mạng dễ dàng, xét vì thực tại ngày nay tuân hành những tiêu chuẩn quyền bính, kinh tế và tiêu thụ. Tuy nhiên, thách đố mà Đức Thánh Cha đề ra cho các nữ tu chiêm niệm là: làm sao trở thành những đèn pha, những ngọn đuốc sáng hướng dẫn và đồng hành hành trình của nhân loại, các chị là “những người canh ban mai” chỉ cho thế giới thấy Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Đời sống chiêm niệm là một hồng ân vô giá và không thể từ khước được đối với Giáo Hội. “Đời sống chiêm niệm là một chuyện tình say mê đối với Chúa và nhân loại, được biểu lộ qua sự hăng say tìm kiếm nhan Thiên Chúa, và đứng trước nhan Chúa, tất cả đều được điều chỉnh lại, vì dưới nhãn giới này, với cặp mắt thiêng liêng, con người có thể chiêm ngắm thế giới và sự vật với cái nhìn của Thiên Chúa.

Tiếp đến, đứng trước những cám dỗ, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nữ tu chiêm niệm hãy can đảm thi hành cuộc chiến tinh thần, kiên trì vượt thắng cám dỗ lâm vào tình trạng lãnh đạm, sống và hành động theo thói quen, không còn năng lực và ươn lười làm tê liệt.

11. Đức Thượng Phụ Ignatius Joseph III Yonan chỉ trích chính sách can thiệp của phương Tây vao Syria

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syriac hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh đã đưa ra những chỉ trích mạnh mẽ các chính tri gia “Mỹ, Pháp, Anh, và Liên minh châu Âu” vì những nỗ lực của họ nhằm loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad. Sự can thiệp này vào nội tình Syria đã dẫn đến những cơn ác mộng cho các Kitô hữu trong khu vực.

Đức Thượng Phụ Ignatius Joseph III Yonan nói với tờ National Catholic Register rằng Syria là một nơi “chính phủ đã chiến đấu xóa nạn mù chữ, nơi mọi người được chăm sóc y tế, một đất nước thanh bình, nơi mà bạn có thể đi bất cứ nơi nào bạn muốn đi, 24 giờ một ngày mà không có bất kỳ vấn đề gì. Thế mà các cường quốc phương Tây lại thấy đất nước này có một chế độ độc tài mà họ phải bằng mọi cách lật nhào xuống”.

Đức Thượng Phụ nói thêm rằng Syria là “một trong quốc gia ôn hòa nhất trong khu vực. Nhưng ngày nay đất nước phải gánh chịu một trong những cuộc chiến tranh tôn giáo nặng nề nhất”. Ngài đưa ra nhận định trên khi công khai chỉ trích các quốc gia phương Tây đồng minh với “chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo của Ả Rập Saudi, Qatar và các quốc gia khác trong vùng Vịnh”.

Theo Đức Thượng Phụ có những thứ “chính trị lắt léo” đang ngăn chặn các cuộc thảo luận ở phương Tây về sự nguy hiểm của Hồi giáo cực đoan.

“Hãy đi thẳng vào chiều sâu của vấn đề: Đó không phải là vấn đề về sự nghèo khó” ngài nói. “Đó là vấn đề của Hồi giáo, Hồi giáo cực đoan, và hầu hết những người Hồi giáo Sunni là cực đoan. Tại sao? Bởi vì họ giải thích kinh Quran của họ theo nghĩa đen.”

12. Ðức Thánh Cha chia buồn về vụ thảm sát tại Munich.

Ðức Thánh Cha Phanxicô chia buồn về vụ thảm sát tại Munich làm cho 10 người bị thiệt mạng, kể cả thủ phạm.

Trong điện văn gửi đến Ðức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục giáo phận Munich, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðức, Ðức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết:

“Ðức Thánh Cha Phanxicô kinh ngạc hay tin về sự kiện kinh khủng xảy ra tại Munich, trong đó nhiều người, nhất là người trẻ, bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng. Ngài chia sẻ nỗi đau khổ của những người sống sót và bày tỏ sự gần gũi của ngài với những ai phải đau khổ. Trong kinh nguyện, Ðức Thánh Cha phó thác những người qua đời cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những người bị thương tổn vì vụ sát hại này và cám ơn các lực lượng cứu trợ và an ninh vì sự dấn thân nhiệt thành và quảng đại của họ. Ðức Thánh Cha Phanxicô cầu xin Chúa Kitô, là Chúa Tể sự sống, ban cho tất cả mọi người ơn an ủi và nâng đỡ, đồng thời ban phép lành Tòa Thánh cho họ như bảo chứng niềm hy vọng”.

Thủ phạm vụ thảm sát tại tiệm ăn McDonald ở Munich hôm thứ Sáu 22 tháng 7 năm 2016 là Ali Sonboly, 18 tuổi, gốc Iran. Theo các giới chức điều tra, Ali đã chuẩn bị cuộc thảm sát này từ 1 năm nay.

Trong số 9 người bị Ali sát hại, đa số là người trẻ và có 7 người là người Thổ Nhĩ Kỳ và Kosovar. Số người bị thương lên tới 35 người. Ali tự sát lúc 20 giờ 30 trong khi một toán cảnh sát tìm cách liên lạc với anh ta.