Ngày 27-07-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Thể: Bánh từ trời ban sự sống đời đời
Lm. Đan Vinh
01:29 27/07/2021
CHÚA NHẬT 18 TN B
Xh 16,2-4.12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6,24-35

THÁNH THỂ: BÁNH TỪ TRỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 6,24-35

(24) Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm kiếm Người. (25) Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? (26) Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. (27) Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (28) Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (29) Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (30) Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? (31) Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi Trời” (32) Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: Không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực. (33) Vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (34) Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy. (35) Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là Bánh Trường Sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói. Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !”

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su cảnh cáo dân chúng đi tìm Người vì muốn được ăn thứ bánh vật chất mau hư nát. Ngay cả Man-na thời Xuất Hành cũng không phải là bánh bởi trời thực sự và không cứu được cho người ta khỏi chết. Họ cần phải đi tìm Bánh bởi trời đích thực là Đức Giê-su, Đấng từ trời mà đến và ban sự sống đời đời cho trần gian. Bánh Hằng Sống đó chính là Mình Máu Đức Giê-su trong bí tích Thánh Thể mà Người sẽ thiết lập.

3. CHÚ THÍCH:

- C 24-25: + Ca-phác-na-um: Là một thành phố thuộc xứ Ga-li-lê, nằm trên bờ biển hồ Tibêria. Đức Giê-su lấy thành Ca-phác-na-um làm trung tâm hoạt động suốt thời gian đi giảng đạo công khai. Tại đây, Người đã nhiều lần rao giảng trong các hội đường (x. Mc 1,21), làm nhiều phép lạ như: Xua trừ ma quỷ (x. Mc 1,23-28), chữa bệnh cảm sốt cho nhạc mẫu Phê-rô và nhiều bệnh nhân khác (x. Mc 1,29-31.32-34), chữa lành một phụ nữ bệnh loạn huyết 12 năm và làm cho con gái ông Gia-ia mới chết được sống lại (x. Mc 5,21-43), giảng về Bánh Hằng Sống (x. Ga 6,24-66)… Về sau thành này cũng là một trong các thành của dân Do Thái bị Đức Giê-su quở trách, vì đã được chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà vẫn cứng lòng không tin vào Người (x. Mt 11,23-24). + Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ: Sau phép lạ nhân bánh ra nhiều trong hoang địa, vì biết dân chúng muốn tôn mình làm vua, nên Đức Giê-su đã lánh lên núi một mình (x. Ga 6,15). Sau đó Người đi trên mặt nước đến với thuyền của các môn đệ để sang thành Ca-phác-na-um nằm phía bên kia biển hồ.
- C 26-27): + Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê: Đức Giê-su cảnh báo dân chúng về động lực khiến họ đi tìm Người là vụ lợi: để được ăn bánh no nê mà không phải làm việc. + Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh: Đức Giê-su chấp nhận nhu cầu về lương thực là bánh ăn nuôi sống thân xác, nên đã làm phép lạ cho họ được ăn no. Nhưng Người còn muốn dạy rằng: Ngoài thể xác còn có linh hồn tồn tại mãi mãi. Chính Người sẽ ban cho họ thứ lương thực nuôi linh hồn là Bí tích Thánh Thể mà Người sẽ thiết lập. + Con Người: Là một nhân vật thần thiêng mà Ngôn sứ Đa-ni-en trong một thị kiến đã xem thấy đang đứng bên Thiên Chúa (x. Đn 7,13-14). Khi tự xưng mình là Con Người từ trời mà đến, Đức Giê-su muốn cho người ta biết Người là Sứ giả đích thực của Chúa Cha, được Thánh Thần thánh hiến trở thành Đấng Thiên sai và Thánh Thần sẽ giúp Người chu toàn sứ vụ Thiên sai ấy (x. Lc 4,18; Is 61,1-2). + Là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận: Dấu ấn là một vật dùng để xác định nguồn gốc thay cho chữ ký. Ngoài việc dấu ấn được in trên giấy tờ, bao bì hay các vật khác để làm bằng chứng bảo đảm sự chân thực, người ta còn dùng dấu ấn để niêm phong mồ mả (x. Mt 27,66). Ngoài ra, dấu ấn hay ấn tín cũng được dùng theo nghĩa bóng như lời Thánh Phao-lô: “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Cr 1,22). Câu này cho thấy Chúa Cha đã đóng dấu ấn trên Đức Giê-su như một dấu chứng để xác nhận Người thực là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa.
- C 28-29: + Chúng tôi phải làm gì?: Đây là câu hỏi bày tỏ thiện chí muốn đáp ứng đòi hỏi của Thiên Chúa sau khi nghe giảng Tin Mừng, như đám đông đã hỏi ông Gio-an Tẩy Giả tại sông Gio-đan (x. Lc 3,10.12.14), hay dân chúng hỏi ông Phê-rô sau khi nghe ông giảng vào lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem (x.Cv 2,37). + Tin vào Đấng Người đã sai đến: Đấng Thiên Chúa sai đến ở đây là Đức Giê-su.
- C 30-31: + Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông?: Dù mới chứng kiến phép lạ nhân bánh ra nhiều vào chiều hôm trước, nhưng dân chúng vẫn chưa thỏa mãn. Họ đòi Người làm một phép lạ đặc biệt phát xuất từ trời để minh chứng sứ mạng Thiên Sai của Người, giống như Mô-sê xưa đã làm phép lạ cho man-na từ trời mưa xuống để nuôi dân Ít-ra-en suốt 40 năm trong sa mạc, nên man-na được gọi là bánh bởi trời. + Man-na: Phát xuất do từ “Mannu?”, nghĩa là “Cái gì vậy?”, vì dân Ít-ra-en không biết đó là cái gì (x. Xh 16,15). Mô-sê bảo dân rằng: “Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn !”. Như vậy, Man-na chính là lương thực lạ lùng mà Đức Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en, khi họ đi qua sa mạc về Miền Đất Hứa (x. Xh 16,11-18). Man-na có hình dạng giống như hạt ngò, màu trắng và mùi vị tựa bánh tráng tẩm mật ong (x. Xh 16,31). Trông nó như nhựa hương. Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh (x. Ds 11,7-8). Man-na là hình bóng của Lời Chúa, là của ăn được Đức Chúa ban để dân Ít-ra-en biết rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn sống nhờ mọi Lời do miệng Đức Chúa phán ra” (x. Đnl 8,3; Mt 4,4). Khi dân Ít-ra-en vào tới Đất hứa là xứ Ca-na-an bắt đầu trồng và thu hoạch được các loại thổ sản tại đó, thì Man-na không còn rơi xuống nữa (x. Gs 5,12). Cũng vậy, trong thời gian lưu lạc trần gian, các tín hữu cũng được ăn lương thực thiêng liêng là Mình Thánh Chúa để đủ sức về tới Đất Hứa Thiên Đàng, được tham dự Bữa Tiệc Cánh Chung trong Nước Trời với Đức Giê-su (x. Lc 22,30), và ngồi đồng bàn với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp của dân Do Thái (x. Mt 8,11).
- C 32-33: + Không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi: Đức Giê-su đã giúp dân chúng hiểu rõ: Man-na được ban thời kỳ Xuất Hành không phải do Mô-sê, nhưng do Đức Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en. Ngoài ra man-na cũng không thực sự là Bánh của Thiên Chúa, mà chỉ là thứ luơng thực vật chất mau hư nát và chỉ có khả năng nuôi sống thể xác mà thôi (x. Xh 16,19-21), vì dù đã ăn man-na, thế mà dân Do thái vẫn phải chết (x. Xh 32,33-35). + Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian: Để được gọi là Bánh của Thiên Chúa thì cần hai đặc tính là xuất phát từ trời, và ban sự sống muôn đời. Bánh ấy chính là Đức Giê-su. Người vừa là Ngôi Lời vốn ở trên trời, được Chúa Cha sai xuống làm Đấng Thiên Sai (x. Ga 1,14), và Người sẽ ban Mình Máu Người làm lương thực đem lại sự sống muôn đời cho ai lãnh nhận (x. Ga 6,51).
- C 34-35: + Chính tôi là Bánh Trường Sinh: Kiểu nói “Tôi là” thường được Đức Giê-su dùng và Tin Mừng Gio-an đã ghi lại một số Lời Chúa có hai tiếng “Tôi là” như sau: “Chính tôi là Bánh Trường Sinh” (Ga 6,34); “Tôi là Ánh Sáng Thế Gian” (x. Ga 8,12; 9,5); “Tôi là Cửa cho chiên ra vào” (x. Ga 10,7); “Tôi là Mục Tử nhân lành” (x. Ga 10,11); “Tôi là Sự Sống Lại và là Sự Sống” (x. Ga 11,25); “Tôi là Con Đường, là Sự Thật và Là Sự Sống” (x. Ga 14,6); “Tôi là Cây Nho thật” (x. Ga 15,1). Trong câu nói trên, khi khẳng định: “Chính Tôi là Bánh Trường Sinh”, Đức Giê-su muốn nói về bí tích Thánh Thể mà Người sắp lập. Qua bí tích đó Người sẽ trở nên bánh thiêng nuôi dưỡng người dương thế và đem lại hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. + Ai đến với tôi, không hề phải đói; Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ: Người hứa sẽ ban cho những ai lãnh nhận bí tích Thánh Thể được no thỏa; Cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Người thỏa mãn khát vọng được sống vĩnh cửu.

4. CÂU HỎI:

1) Bạn biết gì về thành Ca-phác-na-um?
2) Khi nói lên động cơ đi tìm Chúa của dân chúng là tìm bánh ăn vật chất, Đức Giê-su muốn họ phải tìm kiếm điều gì khi đến với Người? 3) Tại sao Đức Giê-su tự xưng là Con Người?
4) Đức Giê-su trả lời cho dân chúng biết họ cần phải làm gì sau khi nghe Người giảng Tin Mừng?
5) Dân Do Thái đòi Đức Giê-su làm gì để chứng minh sứ mạng Thiên Sai của Người?
6) Thời Mô-sê danh từ Man-na ám chỉ điều gì? Man-na được ban cho ai ăn và nhằm mục đích gì? Trong Tân Ước Man-na ám chỉ điều gì? 7) Bánh bởi Trời thực sự phải có những đặc tính nào?
7) Khi tự xưng “Tôi Là Bánh Trường Sinh”, Đức Giê-su muốn nói gì về Người?
8) Người hứa ban cho những ai chịu phép Thánh Thể được ơn gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:
“Chính Tôi là bánh trường sinh. ai đến với Tôi, không hề phải đói. ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ !”

2. CÂU CHUYỆN:

1) ĐÓN NHẬN ĐƯỢC ĐỨC TIN NHỜ TIN VÀO BÍ TÍCH THÁNH THỂ:

HÉC-MAN KON (Hermann Cohn) là người Do Thái và là một tài năng xuất chúng về đàn dương cầm (Pianô). Anh là học trò xuất sắc của Phăng Lít (Franz Liszt), một nhạc sĩ nổi tiếng tài hoa vào lúc đó. Kon cùng với mấy người bạn thân thành lập một ban nhạc trẻ và đi đó đây biểu diễn âm nhạc để kiếm sống. Sau khi đã có nhiều tiền và bị bạn bè cám dỗ, Kon đã tìm đến những nơi hàng quán để ăn chơi trụy lạc. Rồi một ngày kia, một người bạn thân của Kon là ca trưởng một ca đoàn nhà thờ, do thiếu người đánh đàn, đã mời Kon đến đánh đàn giúp ca đoàn hát thánh ca trong một buổi dâng hoa kính Đức Mẹ tại nhà thờ.
Buổi dâng hoa hôm ấy kết thúc bằng giờ chầu Mình Thánh Chúa. Mặc dù không phải là người Công Giáo, nhưng khi vị chủ sự ban phép lành Mình Thánh Chúa, thì tự nhiên Kon cảm thấy như có một sức mạnh vô hình bắt anh phải quì gối cúi đầu thờ lạy Chúa. Kon không lý giải được tại sao lại có hiện tượng trên. Sau đó, Kon tiếp tục đến nhà thờ và cảm thấy có một Đấng nào đó hiện diện ở trong anh, và thôi thúc anh đi tìm gặp Chúa Giê-su. Sau đó anh xin học đạo nơi một linh mục trẻ và được người bạn ca trưởng tặng cho cuốn sách tựa đề là: “Các kinh nguyện trong Thánh lễ”. Kon đã say sưa đọc đi đọc lại nhiều lần phần Kinh Nguyện Thánh Thể. Về sau anh đã chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa Giê-su như sau: “Trong thời thơ ấu, tôi thường hay khóc mỗi lần bị cha mẹ sửa phạt vì làm sai một điều gì đó. Nhưng chưa khi nào nước mắt tôi lại chảy ra nhiều như lúc bấy giờ. Đột nhiên tôi nhận ra các tội lỗi mình đã phạm bấy lâu nay, tôi thấy rõ những sự xấu xa hèn hạ của tôi và tôi nghĩ mình đáng bị phạt trong hỏa ngục. Nhưng sau khi khóc hết nước mắt, tôi cảm thấy tâm hồn bình an. Tôi xác tín rằng: Chúa nhân lành đã thấu hiểu lòng tôi, đã tha thứ lỗi lầm cho tôi để tôi xứng đáng nên con cái Người”.
Sau đó, Kon được học giáo lý và được chịu phép rửa tội gia nhập đạo Công Giáo, rồi ông xin nhập vào dòng Các-me-lô. Trong nhà dòng, Thầy Kon đã được học các môn về triết lý và thần học, thực tập các nhân đức, và bảy năm sau thày đã được thụ phong linh mục. Tân linh mục Kon đã được nhiều người công nhận là một linh mục đạo đức. Cha nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và thường chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa cho những người chưa biết Chúa. Nhiều người nhờ tiếp xúc với cha cũng gặp được Chúa. Chính nhờ sự hướng dẫn của cha mà cả thầy dậy đàn là nhạc sĩ Phăng Lít và 10 bạn thân thời thơ ấu cũng đã tin Chúa và xin gia nhập đạo.

2) ĐÓN NHẬN CHÚA GIÊ-SU LÀ BÁNH TRƯỜNG SINH ĐỂ ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ:
MÉ-ZE-RAY (1610-1689) là một sử gia danh tiếng của nước Pháp. Cả đời ông không tin có thần thánh. Hơn nữa ông còn coi đạo Công Giáo là mê tín dị đoan. Năm 1683 lúc ốm nặng nằm trên giường bệnh, biết mình sắp chết, ông đã nhờ người nhà mời linh mục đến dạy đạo và rửa tội cho ông. Nghe tin này, bạn bè thân thiết rủ nhau đến thăm và cùng nhau ngăn cản ông theo đạo. Nhưng Mé-ze-ray đã nói với họ rằng:
- Này các bạn, như các bạn đã biết: Cả đời tôi không tin tưởng vào thần thánh. Nhưng thời gian nằm trên giường bệnh chờ thần chết đến, tự nhiên tôi thấy nảy ra trong đầu óc tôi thắc mắc này: Tại sao tôi lại phải chết giữa lúc còn đang ham sống? Ai bắt tôi phải chết giữa lúc tôi còn chưa muốn chết? Các bác sĩ thời danh nhất cũng không thể chữa cho tôi khỏi chết được? Chính các bác sĩ tuy có thể chữa cho nhiều người khỏi bệnh, nhưng rồi cuối cùng chính các ông cũng phải chết! Thắc mắc này, khoa học không thể giải đáp cho tôi thỏa mãn được, nên tôi đã đến với đức tin Công Giáo và đã tin vào Thiên Chúa. Vậy các bạn hãy tin tôi: Mé-ze-ray lúc sắp chết đáng tin hơn Mé-ze-ray khi còn khỏe mạnh.

3) TÌNH THƯƠNG LÀ CÁCH TỐT NHẤT GIÚP THA NHÂN NHẬN BIẾT CHÚA:
Một hôm một lão hành khất trên đường phố đã gặp Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta và chìa tay ra xin bố thí. Bà lục lọi hết các túi áo mà không tìm thấy một đồng tiền nào. Bà đành vỗ vai ông lão, vừa cười vừa nói lời xin lỗi vì không có gì để tặng cho ông. Bấy giờ lão hành khất liền nói: “Hôm nay bà đã cho tôi một món quà quí giá nhất mà từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ nhận được. Món quà đó chính là nụ cười cảm thông và một sự an ủi đầy tình người của bà. Tôi cảm thấy vui mừng và hạnh phúc, vì tôi đã được bà tôn trọng và đối xử bình đẳng !”.

Như vậy điều quan trọng phải làm là hãy chia sẻ niềm vui cho những người bất hạnh, để qua chúng ta họ gặp được Chúa và tin yêu Chúa, để được chia sẻ sự sống đời đời với chúng ta.

4) SỐNG DÀI LÂU NHỜ ĂN BÁNH THÁNH THỂ:

Năm 1868, một cô gái người Bỉ yếu ớt đã được in năm dấu thánh tên là LU-Y LA-TÔ (Louis Lateau). Từ ngày đó, cô không còn ăn uống gì nữa. Trong bảy năm trời, cô sống được là nhờ rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày
.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với chị TÊRÊSA NEWMAN và cô MATTA ROBIN, người đã sáng lập Tu hội Bác Ái. Những điều kỳ diệu đó phần nào chứng minh cho lời Chúa phán: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh…” (Mt 4,4).- “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông” (Ga 6, 27). Thế, lương thực Chúa nói ở đây là gì?

Chúa Giê-su đã khẳng định: “Chính tôi là Bánh Trường Sinh” (Ga 6,35). Để có tấm bánh, trước hết cần có hạt giống. Hạt giống được gieo trong ruộng, rồi được tưới bón, làm cỏ… Cây lúa cần ánh nắng mặt trời để lớn lên và đến mùa trổ bông kết hạt. Rồi phải được gặt hái, xay nhuyễn thành bột mì. Bột được nhào nặn thành bánh và được nướng chín trong lò.

Đức Giê-su, tấm bánh được Thiên Chúa ban cũng phải trải qua những công đoạn tương tự. Người đã được Chúa Cha gieo vào ruộng trần gian, nơi cung lòng Trinh Nữ Ma-ri-a. Người được lớn lên dưới ánh mặt trời làng Na-gia-rét. Năm ba mươi tuổi Người chịu phép rửa của Gio-an Tẩy Giả tại sông Gióc-đan và được Chúa Cha tấn phong làm Đấng Thiên Sai. Người đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời và ban ơn lành hồn xác cho đám đông dân chúng theo Người. Sau cùng, Người đã bị nghiền nát và được nướng chín trong cuộc tử nạn và phục sinh, để trở nên Bánh Thánh Thể ban sự sống đời đời cho chúng ta.

3. THẢO LUẬN:

Trong những ngày này, tôi sẽ làm gì cụ thể để chia sẻ tình thương và niềm tin cho những người chưa nhận biết Chúa và chịu nhiều bất hạnh?

4. SUY NIỆM:

1) Phép lạ nhân bánh ra nhiều của Đức Giê-su:
Hơn ai hết, Đức Giê-su thấu hiểu cơm bánh vật chất là một nhu cầu không thể thiếu để con người được sống, nên Người đã làm phép lạ nhân bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng được ăn một bữa no nê. Người cũng dạy môn đệ cầu Chúa Cha ban bánh ăn hằng ngày như lời kinh Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Tuy nhiên, Người muốn mọi người hiểu rằng: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh”, nhưng họ còn có những khát vọng mà chỉ mình Đức Giê-su mới có thể thỏa mãn là tin vào Người, Đấng là “Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Nhờ Người mà chúng ta sẽ được thỏa mãn các nhu cầu tinh thần và đạt được hạnh phúc trọn vẹn.

2) Cần tìm Chúa để được ơn cứu độ:
Sau phép lạ nhân bánh ra nhiều, đám đông dân chúng đã đi tìm Đức Giê-su để được Người ban cho của ăn mà không cần phải vất vả làm việc. Đức Giê-su không chấp nhận điều đó, nên Người nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi, không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê". Đức Giê-su mời gọi dân chúng hãy lo tìm của ăn thiêng liêng mang lại sự sống đời đời chứ đừng chỉ đi tìm lương thực vật chất hư nát: "Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh" (Ga 6, 27).

3) Lời Chúa và Thánh Thể là lương thực ban ơn cứu độ:
Ông Phê-rô đã hiểu được giá trị của lương thực thiêng liêng chính là Lời Chúa và Bánh Thánh Thể nên đã thưa với Đức Giê-su: “Chỉ có Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Chính Đức Giê-su cũng dạy về hiệu quả của Bánh Thánh Thể như sau: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời… Đây là Bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,54.58). Mỗi ngày các tín hữu chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ để nhận hai của ăn thiêng liêng là Lời Chúa và Thánh Thể Chúa. Nhờ đón nhận hai của ăn đó chúng ta mới được sống đời đời.

4) Chia sẻ tình thương là phương thế giúp tha nhân đón nhận ơn cứu độ:
- Ngoài cơn đói cơm bánh vật chất, người ta còn có nhiều cơn đói khác cần được thỏa mãn như: Cơn đói muốn được tôn trọng; Đói muốn được giao tiếp với người khác. Nhất là cơn đói tình thương. Đức Giê-su đã không làm phép lạ cho Manna từ trời rơi xuống cho dân chúng ăn như dân Do thái thời kỳ xuất hành, nhưng Người đã nhân bánh ra nhiều là hình ảnh của bí tích Thánh Thể sẽ thiết lập như Người đã phán: “Chính tôi là Bánh Trường Sinh, Ai đến với tôi không hề phải đói. Ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ” (Ga.6,35).
- Trong những ngày này, sau khi dự lễ và đã được thỏa mãn cơn đói Lời Chúa và Mình Thánh Chúa, mỗi tín hữu chúng ta cũng cần mang bánh Thánh Thể là tình thương ơn cứu độ đến cho bạn bè chưa biết Chúa, các bệnh nhân liệt giường, các người già neo đơn nghèo khó, các đôi vợ chồng bất hạnh có nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc… để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho họ, noi gương Mẹ Ma-ri-a mang Chúa đi thăm và chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho gia đình Gia-ca-ri-a.
- Trong những ngày này, chúng ta sẽ làm gì để trở nên tấm bánh chia sẻ cho những người nghèo khó; nên cánh tay phục vụ những kẻ yếu đuối; nên bạn đồng hành với những kẻ cô đơn; nên ánh lửa hy vọng sưởi ấm con tim của tất cả mọi người.

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cơm ăn áo mặc tiền bạc của cải là những nhu cầu không thể thiếu cho cuộc sống thể xác. Ma quỷ luôn cám dỗ chúng con đi tìm kiếm chúng, thay vì lẽ ra trước hết chúng con phải lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn những thứ khác như cơm ăn áo mặc, của cải vật chất và các nhu cầu thể xác thì Chúa sẽ ban cho chúng con sau.
Lạy Chúa, chúng con rất sợ bị lâm vào cảnh nghèo đói bần cùng, nên thường mải mê tìm kiếm những của cải chóng qua đời này mà chẳng thiết tha tìm kiếm của cải thiêng liêng là Lời Chúa và Thánh Thể Chúa đem lại hạnh phúc đời sau. Xin Chúa tha thứ và giúp chúng con luôn biết tìm kiếm Chúa là hạnh phúc và là lẽ sống của đời chúng con.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Chói lọi như mặt trời
Lm. Minh Anh
01:36 27/07/2021
CHÓI LỌI NHƯ MẶT TRỜI
“Bấy giờ, kẻ lành sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha mình!”.

“Một người mẹ trẻ, mắt đầy nét cười; hai ‘chiếc bóng đổ’ theo sau. Bất cứ nơi đâu cô đến, chúng có ngay ở đó, giữ chặt váy cô, leo lên ghế của cô. Trước cô, sau cô; một cặp dính trết. “Đừng bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi, ngày này qua ngày khác, vì ‘hai cái đuôi’ vướng víu ấy! Thật tốt khi bạn chạy, ‘những chiếc bóng đổ’ chạy; khi bạn hạnh phúc, ‘những chiếc bóng đổ’ reo vui; khi bạn ngân nga, ‘những chiếc bóng đổ’ ngân nga. ‘Những chiếc bóng đổ’ cho phép bạn ‘chói lọi như mặt trời!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu nữ thi sĩ người Mỹ, Martha Wadsworth, viết về ‘những chiếc bóng đổ’ khiến người mẹ trẻ ‘chói lọi như mặt trời’ trong bài thơ “Shadows” của cô, thì Chúa Giêsu hôm nay cũng nói đến ‘những chiếc bóng đổ’ sau Ngài, vốn cũng có thể trở nên ‘chói lọi như mặt trời’ vào thời cánh chung.

Kết thúc dụ ngôn cỏ lùng trong đồng lúa, Chúa Giêsu đưa ra một lời giải thích ngời sáng hy vọng cuối đoạn Tin Mừng hôm nay, “Bấy giờ, kẻ lành sẽ ‘chói lọi như mặt trời’ trong Nước của Cha mình!”. Đồng lúa, hình ảnh của cả thế giới; trong đó, Thiên Chúa sai chúng ta đi vào để xây dựng Vương Quốc Ngài. Những hạt giống tốt được Chúa Giêsu đích thân gieo vào lòng đời bao gồm tất cả những ai ở trong tình trạng ân sủng; thế nhưng, ‘Kẻ Ác’ cũng gieo vào đó ‘con cái’ của nó, ám chỉ tất cả những ai sống một cuộc sống trái ngược ý muốn của Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay đề cập phần thưởng ‘phúc kiến’ con cái Nước Chúa nhận được; đồng thời, cũng chỉ ra rằng, vào ngày phán xét, con cái ‘Kẻ Ác’ sẽ bị kết án, “ném vào lửa; ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

“Kẻ lành sẽ ‘chói lọi như mặt trời’ trong Nước của Cha mình!”. Lời hứa này phải là động lực hy vọng trong cuộc sống của chúng ta. Hy vọng, một đức tính cần thiết thường không được nói đến đủ! Quà tặng hy vọng không chỉ đơn giản là mơ tưởng; hy vọng mang tính thần học là quà tặng của Thiên Chúa dựa trên một sự thật có nền tảng về một cuộc sống vĩnh cửu, nếu chúng ta tin điều Thiên Chúa hứa và ra sức thực hiện ý muốn của Ngài.

Vấn đề là chúng ta thường không hiểu trọn vẹn về phần thưởng Thiên Chúa hứa, được ‘chói lọi như mặt trời’ trong Nước của Cha; nghĩa là chúng ta được ‘nên một’ với Cha, điều đáng mong đợi nhất của một cuộc đời. Phần thưởng này có giá trị vô song vì đó là hợp hoan trong vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa. Cách tốt nhất để củng cố niềm hy vọng trong đời sống làm con Chúa là chúng ta ngày càng xác tín hơn về lời hứa này; cần hiểu hơn về thiên đàng và giá trị vô hạn của nó. Nếu thực sự hiểu được điều Chúa Giêsu hứa, sự hiểu biết này sẽ là động lực mãnh liệt thúc đẩy chúng ta sống và làm tất cả những gì Thiên Chúa muốn. Niềm hy vọng này sẽ là nguồn cảm hứng vô bờ khiến chúng ta chấp nhận tiêu hao hầu có thể sở hữu một phần thưởng lớn lao đến như thế!

Phần thưởng ở đây chính là Thiên Chúa; Thiên Chúa, xét cho cùng, chính là Chúa Giêsu; Chúa Giêsu, xét cho cùng, chính là thiên đàng. Ai có Chúa Giêsu, người ấy có tất cả; có thiên đàng! Ngài là hiện thân của một Thiên Chúa xót thương, nhân hậu như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tán tụng, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”. Bài đọc Xuất Hành cho thấy sự nhân ái từ bi đó. dân Chúa đúc bò vàng mà thờ lạy, Ngài nổi giận, đòi tru diệt họ; thay cho dân, Môisen cầu khẩn, “Lạy Chúa, dân này là dân cứng đầu, xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi chúng con”. Cuối cùng, Thiên Chúa đã xiêu lòng; Ngài tha thứ, tiếp tục bảo ban, nuôi dưỡng một dân mà Ngài đã chọn làm cơ nghiệp!

Anh Chị em,

Chúng ta là ‘những chiếc bóng đổ’ theo sau Chúa Giêsu, Ngài không mệt mỏi khi chúng ta cứ bám lấy Ngài. Ngài không coi chúng ta là ‘những chiếc bóng đổ’ phiền hà, nhưng dám gọi chúng ta là “Ánh sáng thế gian”. Ngài không chỉ muốn chúng ta ‘chói lọi như mặt trời’ thời cánh chung, nhưng ‘chói lọi’ ngay hôm nay, dẫu Ngài biết chúng ta cứng đầu cứng cổ như Israel xưa. Vì thế, Ngài ra sức đổ đầy ân sủng cho chúng ta qua các Bí tích, đặc biệt, Bí tích Hoà Giải, để chúng ta giao hoà với Thiên Chúa, với anh em; Thánh Thể và Lời Ngài bổ sức mỗi ngày để chúng ta đủ sức toả sáng. Ước gì, chúng ta hiểu được quà tặng ‘chói lọi như mặt trời’ Ngài hứa; để đủ sức là ‘những chiếc bóng đổ’ theo Ngài; và khi không còn là ‘những chiếc bóng đổ’, chúng ta trở nên chính Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để con có thể ‘chói lọi như mặt trời’ ngày sau hết, trước tiên, xin cho con trở thành ‘những chiếc bóng đổ’ theo sau Chúa, ngay hôm nay, mỗi ngày”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Tư 28/7: Có Chúa là con giàu rồi, con không xin gì nữa. Linh mục Giuse Vũ Hải Đăng, SDĐ
Giáo Hội Năm Châu
04:50 27/07/2021

PHÚC ÂM: Mt 13, 44-46

“Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:20 27/07/2021
< >

4. Con người ta nếu hợm mình thì đã trở thành ma quỷ, mà không cần ma quỷ đến lừa dối cám dỗ họ nữa.

(Thánh John Chrysostom)

m. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:30 27/07/2021
11. GẶP ĐƯỢC CÂU TUYỆT DIỆU

Thi nhân đời nhà Đường là Châu Lâm làm thơ, ở nơi cánh đồng bát ngát đang mệt nhọc vì tìm cấu trúc từ, đột nhiên gặp một tiều phu, họ Châu vội vàng nắm chặt và níu kéo, nói:

- “Tôi được rồi !”

Người tiều phu ấy rất kinh hoàng, giựt tay ra và bỏ chạy, nhưng Châu Lâm lại thong thả nói:

- “Thơ tuyệt, thơ tuyệt !”

Té ra là anh ta đang muốn làm bài “thơ cổ mộ”, nhưng đang lúng túng vì hai câu kết thúc thì ngẫu nhiên gặp tiều phu, như có linh cảm thì la lên:

- “Con cháu chỗ nào rỗi làm khách, tùng bá được người kiếm làm củi.”

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 11:

Thơ, trước hết được xuất phát từ một trái tim yêu thương, và được hình thành qua hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, cho nên có những bài thơ được viết trên giấy người ta gọi là thi nhân, và có những bài thơ được viết bằng đời sống chứng nhân hy sinh người ta gọi đó là gương anh hùng.

Có nhiều người Ki-tô hữu dùng thơ văn để ca tụng tình yêu của Thiên Chúa, và cũng có rất nhiều Ki-tô hữu lấy đời sống bác ái hy sinh của mình, để làm những bài thơ sống động, cụ thể ca ngợi và quảng bá tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng xã hội: bài thơ của họ được viết bằng máu tử đạo, được viết bằng sự hiểu lầm của người khác, được viết bằng những bất công của xã hội dành cho họ, được viết bằng khiêm tốn và nổi bật nhất là viết bằng sự tha thứ trong yêu thương…

Bởi vì Đức Chúa Giê-su đã làm như thế bằng chính cuộc sống của mình, và khi bị đóng đinh vào thập giá, Ngài đã để lại cho nhân loại một bài thơ tuyệt tác, đó là hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổn thất kinh hoàng về nhân mạng của các linh mục và nam nữ tu sĩ Công Giáo
Đặng Tự Do
04:56 27/07/2021


Hãng tin AP cho rằng thiệt hại nhân mạng vì COVID-19 đang làm gia tăng tình trạng thiếu hụt các linh mục và nam nữ tu sĩ Công Giáo.

Hơn một năm sau khi đại dịch thế giới bắt đầu, hãng tin AP đang xem xét tác động của COVID-19 đối với các linh mục và nam nữ tu sĩ Công Giáo. Báo cáo tập trung vào một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Báo cáo lưu ý rằng không phải tất cả những người chống chọi với căn bệnh này đều là người cao niên, mặc dù đó là nhóm dễ mắc bệnh nhất. Nhiều người trong số những người đã khuất đã ngã bệnh trong khi làm việc trên tuyến đầu của đại dịch với các nhân viên y tế.

Tại Ấn Độ

Mùa xuân năm 2021 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các trường hợp nhiễm COVID-19, cũng như các trường hợp tử vong. Theo AP, tháng 4, có tới hai linh mục hoặc nữ tu Ấn Độ chết mỗi ngày. Người Công Giáo là thiểu số ở quốc gia chủ yếu theo Ấn Giáo, chỉ chiếm 20 triệu trong tổng số 1.38 tỷ dân của đất nước.

Tỷ lệ tử vong lên cao hơn rất nhiều ở các vùng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Khi bắt đầu đợt nhiễm trùng đột biến năm nay, thời tiết đã ngăn cản việc phân phối vắc xin cũng như việc di chuyển các bệnh nhân đến bệnh viện. Người ta ước tính rằng hơn 500 linh mục và nữ tu đã bỏ mạng vì căn bệnh này kể từ giữa tháng Tư.

Ý và Brazil

Ý là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ đầu của đại dịch. Người ta ước tính rằng 292 linh mục giáo phận Ý đã qua đời từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021. Con số này gần tương đương với 299 tân linh mục ở Ý trong cùng khung thời gian.

Tương tự, Brazil đã chứng kiến một số tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong số các linh mục Công Giáo. AP báo cáo khoảng 1,400 vị trong hàng giáo sĩ bị nhiễm coronavirus, 65 vị trong số đó đã qua đời. Trong số những cái chết này có ba giám mục Công Giáo và Đức Hồng Y Eusebio Scheid, 88 tuổi, người đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y.

Hoa Kỳ

Mỹ đứng thứ nhất trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng, mặc dù báo cáo lưu ý rằng không có số liệu thống kê toàn diện về vấn đề này. Kể từ tháng 3 năm 2020, hơn 600,000 người Mỹ đã chết vì COVID-19.

Mặc dù báo cáo thiếu những con số cụ thể, nhưng nó cũng lưu ý rằng hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm, các nữ tu đã qua đời. Những trường hợp tử vong này đã được báo cáo trên toàn quốc, và phần lớn các trường hợp được phát hiện ở những người sống trong cộng đồng. Nhiều người trong số những người đã qua đời là các nữ tu đã nghỉ hưu, những người đã làm việc trong lĩnh vực giáo dục hoặc y học. Chỉ riêng dòng các nữ tu Feliciô, đã mất 21 nữ tu trong bốn tu viện.


Source:Aleteia
 
Đức Bênêđíctô XVI than thở về sự thiếu đức tin trong các định chế Giáo hội ở Đức
Vũ Văn An
19:24 27/07/2021

Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI đã phát biểu lo ngại về việc thiếu đức tin trong các định chế Giáo hội ở Đức.



Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, vị giáo hoàng hưu trí đã đưa ra những bình luận trên trong một cuộc trò chuyện bằng văn bản trong số tháng 8 của tạp chí Đức Herder Korrespondenz, đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày ngài được truyền chức linh mục.

Ngài nói: “Trong các định chế của Giáo hội – các bệnh viện, trường học, Caritas - nhiều người tham gia vào các chức vụ quyết định nhưng không chia sẻ sứ mệnh nội bộ của Giáo hội và do đó, trong nhiều trường hợp, đã che khuất chứng tá của các định chế này”.

Trong cuộc trao đổi với Tobias Winstel, vị Giáo Hoàng 94 tuổi này đã suy tư về khái niệm “Amtskirche”, một thuật ngữ tiếng Đức có thể được dịch là “Giáo Hội định chế” và được sử dụng để chỉ một số lượng lớn các cơ cấu và định chế được tài trợ bởi thuế Nhà thờ ở Đức.

Ngài viết: “Hạn từ ‘Amtskirche’ được đặt ra để phát biểu sự tương phản giữa những gì được yêu cầu chính thức và những gì được tin tưởng một cách bản vị. Từ ‘Amtskirche’ ám chỉ sự mâu thuẫn bên trong giữa những gì đức tin thực sự đòi hỏi và biểu thị và sự phi bản vị hóa nó”.

Ngài gợi ý rằng nhiều bản văn do Giáo hội Đức ban hành được soạn thảo bởi những người mà đức tin chủ yếu chỉ có tính định chế.

Ngài nhận xét “Theo nghĩa này, tôi phải thừa nhận rằng đối với phần lớn các bản văn của Giáo hội định chế ở Đức, hạn từ ‘Amtskirche’ thực sự đã được áp dụng”.

Ngài tiếp tục: “Chừng nào trong các bản văn của Giáo hội định chế chỉ có văn phòng, chứ không có trái tim và tinh thần, thì cuộc xuất hành ra khỏi thế giới đức tin sẽ còn tiếp diễn”.

Đức Bênêđíctô, người từng là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican trước khi được bầu làm giáo hoàng, nói: “Đó là lý do tại sao đối với tôi lúc đó, cũng như bây giờ, điều quan trọng là đưa người ta ra khỏi vỏ bọc của chức vụ và mong chờ một chứng tá đức tin thực sự bản thân từ các người phát ngôn của Giáo hội”.

Trong cuộc trò chuyện, Đức Bênêđíctô cũng thảo luận về một vấn đề mà ngài đã nhấn mạnh vào năm 2011, trong chuyến tông du cuối cùng của ngài tới Đức trước khi từ chức Giáo hoàng vào năm 2013.

Trong một bài diễn văn ở Freiburg, một thị trấn đại học ở tây nam nước Đức, ngài đã ngầm chỉ trích một số khía cạnh của Giáo hội Đức, đề cập đến xu hướng dành “sức nặng cho việc tổ chức và định chế hóa” hơn là “ơn gọi hướng tới việc cởi mở đối với Thiên Chúa” của Giáo hội.

Trong bài phát biểu, Đức Bênêđíctô kêu gọi một "Giáo hội tách rời khỏi tinh thần thế gian", sử dụng cụm từ tiếng Đức "entweltlichte Kirche."

Cựu giáo hoàng nói với Herder Korrespondenz rằng giờ đây ngài cảm thấy thuật ngữ này không thỏa đáng.

Ngài viết, “Từ‘ Entweltlichung ’[‘tách khỏi tinh thần thế gian’] chỉ phần tiêu cực của phong trào mà tôi quan tâm. Qua nó, sự tích cực không được thể hiện đầy đủ".

Ngài nói, thay vào đó, đây là việc bước ra khỏi các ràng buộc của một thời điểm đặc thù “để bước vào tự do của đức tin”.

Trong cuộc trao đổi bằng văn bản, Đức Bênêđíctô cũng cảnh báo người Công Giáo chống lại nguy cơ tìm cách “trốn chạy vào tín lý thuần túy”.

Đức Bênêđíctô, người đứng đầu ngành tín lý của Vatican từ năm 1982 đến năm 2005, nói rằng việc ráng trốn như thế là “hoàn toàn không thực tiễn”.

Ngài nói: “Một tín lý nếu chỉ hiện hữu như một điều tự nhiên được bảo tồn tách biệt khỏi thế giới hàng ngày của đức tin và các nhu cầu của nó thì cùng một lúc sẽ là chính sự từ bỏ đức tin”.

Trong cuộc đàm luận, Đức Bênêđíctô cũng được hỏi liệu ngài có phải là một mục tử tốt khi ngài phục vụ tại nhà thờ Máu Thánh ở quận Bogenhausen của Munich sau khi thụ phong vào ngày 29 tháng 6 năm 1951 hay không.

“Tôi có là một linh mục và mục tử tốt hay không, tôi không dám đánh giá,” ngài trả lời và nói thêm rằng ngài đã cố gắng “sống theo những yêu cầu của thừa tác vụ và việc thụ phong của tôi”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lời kêu gọi cứu trợ cho đồng bào nghèo đang khốn khó vì đại dịch coronavirus tại Việt Nam
Giáo Hội Năm Châu
04:48 27/07/2021


 
Chút Tâm Tình Trước Cái Chết Của Người Đau Khổ.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
08:21 27/07/2021
Chút Tâm Tình Trước Cái Chết Của Người Đau Khổ.

Thăm viếng mục vụ tại vùng miền sơn cước hết sức cần thiết đối với những ai đang thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng cho dầu đường sá xa xôi hay cách trở. Vì bà con giáo dân ở rải rác khắp mọi vùng trong cả 3 huyện, nên khi có chuyện vui hay chuyện buồn, chúng tôi, những người đang làm mục vụ nơi đây không thể không hiện diện với họ, không thể không thăm viếng và gặp gỡ họ. Vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15) là vậy.

Chính vì thế, sáng nay, vào lúc 6h30, ngày 27/7/2021, với gần 20km, tôi cũng lên đường để đến với hoàn cảnh éo le, nghèo khổ, có bà mẹ Maria Lang Thị Quý, 85 tuổi qua đời. Bà là người có thể được coi là cô thể cô thân tuy có 5 đứa con. Cách đây 7 năm, sau khi lên nhận sứ vụ tại vùng miền đặc biệt này, tôi đã tìm ra bà và từ đó, chúng tôi đã thường xuyên thăm viếng, chu cấp thức ăn và tiền hàng tháng cho bà qua sự giúp đỡ của ân nhân. Thân thể tiều tuỵ và teo tóp của bà nói lên sự đơn chiếc và quá khổ đau cũng như đói khát. Dường như cái thập tử nhất sinh đang kề cận bà. Chúa nhật 17 thường niên 25/7, tôi đến thăm bà và lo của ăn đàng cho bà. Sáng hôm qua, bà được chăm sóc, tắm giặt và cắt tóc qua bàn tay của quý nữ tu. Buổi chiều tối hôm qua 26/7/2021, vào lúc 17h, bà đã an nghỉ cách âm thầm mà không có một đứa con nào bên cạnh. Tội nghiệp bà dù vẫn có con ở kề bên nhưng không được chăm sóc đàng hoàng và được yêu thương trìu mến, chưa nói đến những đứa con phải lấy chồng xa. Bà đã về bên Chúa. Với sự im lặng phó thác và lòng tin tuyệt đối vào Chúa, chúng ta tin rằng linh hồn bà Maria sẽ sớm Chúa thưởng về thiên đàng cùng Ngài.

Hôm nay, đến với đại gia đình tang quyến, tôi bắt gặp nhiều đứa con từ phương xa đang ngồi khóc bên linh cửu của người mẹ. Họ khóc vì không được gặp mẹ trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời. Họ khóc vì phần nào đó vì sự lơ đãng, vô tâm và thiếu sót của đứa con đối với mẹ mình. Họ khóc vì mất đi khúc ruột, là người mẹ. Họ khóc vì hối hận vì đã không quan tâm đủ cho mẹ. Họ khóc vì sự bạc bẽo của đứa con. Liệu chăng tiếng khóc lúc này đây có làm mẹ thức dậy không? Liệu chăng tiếng khóc đó có làm cho mẹ vui hơn không? Liệu chăng tiếng khóc đó có xoá hết được những vô tâm, vô cảm của chính mình trước người mẹ khổ đau? Có lẽ mẹ cần hơn sự gần gũi, sẻ chia, quan tâm và cho mẹ ăn đôi miếng khi mẹ còn sống. Có lẽ mẹ thèm miếng khi đói, mong muốn cốc nước khi khát hơn là tiếng khóc bây giờ. Có lẽ mẹ cần hơn bao giờ hết là khi đang còn sống có con bên cạnh, có sự an ủi vỗ về khi ốm khi đau. Lúc này đây có lẽ bà mong anh chị em hiệp nhất, yêu thương và liên đới với nhau hơn. Từ nay, có lẽ bà mong muốn con cái cháu chắt sống hoà thuận, cố gắng sống tốt từng ngày hơn.

Hỡi ai còn cha còn mẹ, hãy yêu thương và quan tâm các ngài. Hãy trao yêu thương bằng cử chỉ hành động khi các ngài đang còn sống hơn là để các ngài cô đơn, buồn sầu và chết dần chết mòn. Đừng để khi các ngài tạ thế rồi, chúng ta mới sắm chiếc quan tài thật đắt tiền, sắm hoa thật nhiều, viết các bức trướng đầy dẫy, cũng như khóc than và la ó thật thảm thiết trước mọi người. Có lẽ khi sống cần hơn khi chết. Khi sống mà không hề chăm sóc, không màng tới, không quan tâm chưa muốn nói là hắt hủi, chửi rủa, đánh đập các ngài, thì khi chết mà khóc thật to, lo thật hoàng tráng các vật dụng hậu sự, xem ra người ta không ngần ngại nói rằng “đồ giả tạo”, “đồ bất hiếu”.

Tôi đang đối xử với cha mẹ của tôi như thế nào? Tôi có thường xuyên gọi điện thoại, thường xuyên thăm viếng, thường xuyên hỏi thăm, thường xuyên tiếp cận gần gũi các ngài không? Tôi có hay la ó, nạt nỗ, khinh bỉ, miệt thị hoặc đánh đập cha mẹ của tôi không? Tôi có sống tử tế, có vâng lời các ngài? Tôi có làm cho bố mẹ buồn không? Tôi có dính vào các tệ nạn xã hội và nhũng việc làm xấu để nước mắt của các ngài đã khô ráo vì tôi? Tôi đang là ai đối cha mẹ tôi: là người con gần gũi hay người xa lạ? Quả thật, đôi khi chúng ta quá dễ dàng, nhẹ nhàng và quảng đại với người lạ cũng như người ngoài, còn cha mẹ và người thân, tôi đã la mắng, khinh thường, bỏ qua, keo kiệt, bon chen và giết chết! Cha mẹ đang cần tôi khi ngài đang còn sống chứ không chỉ là đã nhắm mắt xuôi tay đâu nhé!

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Bài Giảng Thánh Lễ Cầu Hồn Cho Cựu Thủ Tướng Phaolô Trần Thiện Khiêm
LM. Justin Lê Trung Tướng
08:46 27/07/2021
Bài Giảng Thánh lễ Cầu Hồn Cho Cựu Thủ Tướng Phaolô Trần Thiện Khiêm

Ông Trần Thiện Khiêm, cựu Thủ Tướng VNCH, từ trần ngày 23/6/2021 tại Nam California, hưởng thọ 95 tuổi. Sau tang lễ tại San Diego, được thực hiện đơn giản trong vòng thân tộc gia đình, một thánh lễ tưởng niệm và cầu hồn đã được long trọng tổ chức tại thánh đường Maria Goretti, thành phố San Jose, vào ngày 16/7/2021, với sự hiện diện của các linh mục, phó tế, cùng các viên chức từng cộng sự với ông trong chính phủ VNCH, và bạn hữu của ông trong vùng.

Trong bài giảng thánh lễ, cha Justin Lê Trung Tướng, chánh xứ Giáo xứ Maria Goretti, người cách đây ba năm từng ban phép rửa tội cho ông, để ông trở thành Phaolô Trần Thiện Khiêm, đã nói về ơn thánh Chúa và hành trình đức tin đã biến đổi con người để những năm tháng cuối đời của ông không những đầy tràn niềm vui, bình an, mà còn lạc quan hy vọng với hạnh phúc đang tới. Sau đây là nguyên văn bài giảng.

Thánh Lễ Cầu Hồn Phaolô Trần Thiện Khiêm

Bài Giảng – Linh mục Justin Lê Trung Tướng

St. Maria Goretti Catholic Church, San Jose, California

Thứ Sáu, ngày 16 tháng 7, 2021


1. Kính thưa quý vị chính khách, quý nhân sĩ, quý vị quan khách, kính thưa quý cụ, quý ông bà và anh chị em! Ngày xưa Đức Lão Tử có nói thế này: “Trí giả bất ngôn, ngôn giả bất trí.” (Người biết thì không nói, mà người nói thì không biết). Trong giờ phút này, thật sự tôi không nên nói gì về cụ Phaolô Trần Thiện Khiêm, người mà chúng ta đang tụ họp nơi đây để dâng Thánh Lễ theo nghi thức Công Giáo cầu nguyện cho cụ. Nhất là ngồi dưới đây là bao nhiêu vị cựu chính khách, cựu tướng lãnh, sĩ quan, công chức cao cấp, các vị giáo chức, nhà báo đã từng làm việc hay từng tiếp xúc với cựu Thủ Tướng/Đại Tướng Trần Thiện Khiêm. Hơn nữa, người Tây Phương cũng có khuyên: “Nói nhiều, sai nhiều. Nói ít, sai ít. Không nói, không sai!” Thà không nói gì, vậy mà lành.

2. Tôi được biết có những cuốn sách người ta viết về Đại Tướng Khiêm, nêu ra những chi tiết về cuộc đời của ông, mà vui ở chỗ là chính ông còn không biết. Còn sau khi ông qua đời, tôi có đọc một bài viết của nhà báo Ngô Nhân Dụng đăng trên trang mạng của đài VOA. Trong đó ông nhắc lại rằng chính ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi, cũng nhận xét rằng chưa thấy ai “lẩn” giỏi như Đại tướng Khiêm. Rồi nhà báo Dụng tự kết: “Đáng lẽ không nên viết nhiều về Đại tướng Trần Thiện Khiêm, vì biết ông không thích người khác nói đến mình.”

Ông Thủ Tướng không thích ai nói nhiều về mình, thế nhưng tôi đứng đây làm gì?! Thôi thì tôi xin mạn phép chia sẻ vài tản mạn về những gì tôi cảm nghĩ về biến cố Đại Tướng Khiêm gia nhập Giáo Hội Công Giáo và qua đó phản ảnh ít nhiều về con đường ông đã đi qua.

3. Có nhân duyên mới có gặp nhau. Trong cuộc đời từ binh nghiệp qua tới chính trị, cựu Thủ tướng Khiêm đã gặp gỡ rất nhiều Đấng bậc Công Giáo và làm việc với nhiều người Công Giáo. Chẳng hạn như Đức cha Tađêô Lê Hữu Từ (Tổng Tuyên úy Quân đội Việt Nam Cộng Hòa), Đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền (Giám mục Sài Gòn 1955-1960), Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (Tổng Giám mục Sài Gòn 1960-1993), Đức cha Nicola Huỳnh Văn Nghi (Giám Đốc Caritas Việt Nam). Rồi Thủ Tướng Khiêm cũng làm việc gần gũi với những người tín hữu Công Giáo như cố Tổng thống Martinô Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu tướng Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Khắc Bình, Tổng trưởng Kinh Tế Nguyễn Đức Cường, Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, Đệ nhất Phó Chủ tịch Thượng nghị viện. Đó là số ít các vị chính khách mà tôi gặp gỡ và đang sống tại thành phố San Jose. Rồi sau khi sống lưu vong, Đại Tướng Khiêm cũng đã gặp gỡ các đấng bậc trong Giáo Hội Công Giáo là Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Đức ông Đomincô Đỗ Văn Đĩnh, cha Phaolô Lưu Đình Dương, cha Andrew Nguyễn Vũ, v.v… Người cuối cùng mới đến tôi, gặp gỡ ông trong nursing home Mission dela Casa.

Vào năm 1972, khi đó Đại tướng Trần Thiện Khiêm đang làm Thủ tướng chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng ông đâu biết trong một con hẻm ở đường Nguyễn Đình Chiểu gần nhà thờ Tân Định – Sài Gòn, có một cậu bé chào đời mang tên là Trung Tướng. Khi đó chắc vị Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Khắc Bình, đang nắm cục tình báo, cũng không biết về vai trò của đứa bé này. Và rồi 46 năm sau, chú bé đó đã đặt tay lên đầu ông Đại Tướng. Ngày xưa ai đụng tay vào đầu Đại Tướng chắc là “bang bang”. Ngày nay cậu bé Trung Tướng lại đặt tay rửa tội cho ông Đại Tướng và còn khiến ông mỉm cười. Phải là nhân duyên thì mới gặp nhau và đụng nhau.

Nhưng dưới con mắt đức tin Công Giáo, thì mối nhân duyên này do bởi một bàn tay từ Trời Cao sắp đặt. Cuộc gặp gỡ giữa Đại Tướng “thiệt” và Trung Tướng “giả” thật ra đã được chuẩn bị bởi những bước chân âm thầm của nhiều bậc vị vọng trong Giáo Hội Công Giáo cũng như trong xã hội. Đúng là Thiên Chúa viết thẳng bằng những đường cong.

4. Phù vân nối tiếp phù vân! Khác với nhiều chính khách nổi tiếng khác, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm ra đi, không để là một tập hồi ký nào. Không phải vì ông không có gì để nói. Người biết ít hay không biết gì mà còn thích nói cơ mà. Hơn nữa ông đã đi một chặng đường trăm năm. Hẳn phải có nhiều chuyện vui buồn, đúng sai để giải bày. Vậy nếu không viết gì hay nói gì, thì phải chăng là vì những năm cuối đời ông nghiệm ra rằng mọi sự là phù vân. Tất cả rồi sẽ qua đi. Với người Công Giáo thì xác tín rằng con người từ cát bụi rồi sẽ trở về cát bụi. Điều quan trọng chưa hẳn là nhìn về quá khứ để nói chuyện của ngày hôm qua, mà là nhìn đến tương lai để hỏi chính mình rằng cái gì chờ đợi tôi ở thế giới bên kia. Và rồi là biến cố té ngã xảy ra. Từ đó ông đã có câu trả lời.

5. Biến cố tái sinh trong Nước và Thánh Thần. Trong buổi lễ Chúa Nhật Lễ Lá năm đó, khi Đại Tướng Khiêm lãnh nhận Bí Tích Khai Tâm, trở thành tín hữu Công Giáo, nhìn ông giống như một người trẻ hồn nhiên tự tại ngồi trong chiếc xe lăn. Tôi nhớ mãi hình ảnh ông chấp tay cung kính rước Mình Thánh Chúa. Dù đã từng nắm giữ các chức vụ cao của một đất nước, dù nhiều người giơ tay kính cẩn chào ông như là vị niên trưởng, nhưng rồi trước mặt Thượng Đế, ông cũng vẫn chỉ là một con người bé nhỏ, yếu đuối, bất toàn.

Ông từng cảm thấy lạc lỏng, bơ vơ trên hành trình dương thế, dù đã có lúc ông nắm cương vị quân sự và dân sự rất cao. Rồi trong căn phòng nghỉ dưỡng tại nhà thương, ông xoay đầu nhìn bơ vơ để tìm một lối đi. Thế rồi ông hỏi người quen: “Đi tìm cho tôi một linh mục”. Ông đâu biết ở phòng kế bên, có một linh mục trẻ đang thăm viếng thân phụ của cha trong giờ phút đó. Và thế là ông Đại tướng đã tìm một con đường, tìm một lối đi… và con tim đã vui trở lại (bài hát Con Tim Đã Vui Trở Lại của nhạc sĩ Đức Huy).

Những ai gặp gỡ cụ Phaolô Trần Thiện Khiêm đều được nghe ông chia sẻ rằng ông rất vui và bình an sau khi trở thành người Công Giáo. Niềm vui đó dù có tiền tài hay danh vọng cũng mua không được. Trạng thái đó cứ như là của thánh Augustinô: “Tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa.” Trong đêm cuối cùng trước khi ông qua đời, ông đã nhắn tin cho các con cháu một chữ một: “Happy”. Ông vui không phải vì đoạn đường dài ông đã đi qua, nhưng vui vì đoạn đường mà ông sắp bước đến.

6. Một “trẻ thơ” trong “Trời Mới Đất Mới”. Qua biến cố gia nhập đạo Công Giáo, Đại Tướng Trần Thiện Thiêm nghiễm nhiên trở thành một Phaolô mới. Ông đã trở thành con cái Chúa. Ông đã được tái sinh. Những người Công Giáo còn nhớ chuyện ông Nicôđêmô gặp Đức Giêsu (Jn 3:1-8). Tư tưởng tái sinh làm cho ông ấy thắc mắc: không lẽ phải chui vào bụng mẹ để sinh lại sao? Nhưng Đức Giêsu đã giải thích cho ông hiểu từ ngữ tái sinh đó. Tái sinh mà Chúa muốn nói là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ ý muốn tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình.

7. Mới theo Chúa hay đã theo từ lâu? Cứ tưởng ở tuổi 93 thì Đại Tướng Trần Thiện Khiêm mới theo đạo Công Giáo. Đúng và không đúng. Đúng là khi gần trăm tuổi ông mới trở thành người Công Giáo. Thế nhưng thật sự Chúa đã theo ông từ lâu. Và ông cũng đã theo Chúa từ lâu rồi. Khi tôi hỏi ông: “Tại sao bác quyết định gia nhập Giáo Hội Công Giáo?” Ông trả lời: “Không có Chúa tôi không còn sống đến ngày hôm nay.” Một người kiệm lời như ông trả lời ngắn gọn thế thôi, nhưng câu trả lời phản ảnh lại cả một đời người hơn 90 năm được Thiên Chúa đoái thương. Như vậy, ông theo đạo Công Giáo không phải là vì người này mời, người kia khuyên, hay vì lợi ích chính trị, mà vì “ông đã thấy và ông đã tin” (Jn 20:29). Ông theo đạo Công Giáo vì ông đã là một chứng nhân của lòng nhân từ Chúa.

8. Té ngã rồi dừng lại: vậy mà hay! Người xưa có nói thế này: “Đi nhanh hay chậm không quan trọng. Quan trọng là đừng dừng lại.” Cuộc đời là một hành trình mà. Dừng lại tức là bước lùi. Phải tiến bước. Ấy vậy mà cũng có những lúc nên dừng lại để “đổi đời”.

Xin chia sẻ với quý vị quan khách chút xíu về Thánh Phaolô, vị mà cụ Trần Thiện Khiêm nhận làm thánh bổn mạng. Phaolô trước đây có tên là Saolô. Có một lần ông ấy bị té ngã. Truyền thuyết nói Saolô bị ngã ngựa khi đang trên đường đi Damascus. Bức tranh nổi tiếng của hoạ sĩ Caravaggio “Conversion of St. Paul” vào năm 1601 đã miêu tả giây phút đổi đời đó. Nhưng thật ra trong Tân Ước không có nơi nào người ta tìm thấy sự kiện Saolô té ngựa cả. Người ta còn không biết ông có đi ngựa hay không nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn thích hình ảnh ngã ngựa này. Vì sao? Vì có ngã ngựa là từng có cỡi ngựa. Mà người cỡi ngựa đi đâu? Đi “bắt bớ Chúa”. Có nghĩa là ông đang hung hăng, đang vội vã, đang háu chiến. Một cú ngã đã làm giảm chân ông. Dù lịch sử không nói là ông ngã ngựa, nhưng hiểu theo hướng đó sẽ nhận ra ông đã ngã xuống từ những toan tính loại trừ con người, từ nẻo đường lạc lối mà ông cứ tưởng là chính lối.

Tại sao Saolô ngã xuống đất? Vì “một luồng ánh sáng chói lọi”. Chính điểm này mới là trọng tâm của cuộc “trở lại” của Saolô. Người ta có nhiều lý do để té ngã. Đi tắm trượt chân: ngã. Đi trong bóng tối vấp phải cục đá: ngã. Đi trên đường lo nhìn cô gái đẹp, đụng phải bà già: ngã. Tức là gặp tai nạn mới ngã. Còn Saolô thì ngã vì bị choáng ngợp bởi một luồng ánh sáng. Đấy không phải là một tai nạn mà là một ơn thánh. Một cú ngã làm ông được chữa lành. Một nguồn sáng can thiệp vào cuộc đời ông, giúp ông đi từ mù loà thành nhìn thấy, từ trong bóng tối bước qua ánh sáng, từ “chết” thành “sống”.

Câu chuyện xưa đó rất giống câu chuyện của chính Đại tướng Khiêm. Ông đã té ngã. Không chỉ một lần. Tôi nghĩ rằng hễ là con người thì “nhân vô thập toàn”. Chắc là ông đã nhiều lần té ngã. Nhưng NGƯỜI NÀO đã đỡ nâng ông lên? Và cú té ngã cuối cùng ở tuổi 93 đã buộc ông dừng lại. Ấy vậy mà hay. Vì ông dừng chân để gặp Chúa và theo Chúa.

9. Hiểu gì qua biến cố gia nhập đạo Công Giáo của Đại Tướng Khiêm? Đơn giản như thế này đây thưa quí vị: Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi và ý định của Thiên Chúa là không để mất một ai. Vậy mà hơi buồn khi biết vẫn có những người không hiểu chuyện đó. Họ cứ tưởng Chúa đến để kêu gọi những người công chính. Không! Chúa đến để đi tìm chiên lạc, đi tìm đồng tiền bị mất, đi tìm người tội lỗi.

Cuộc chiến Việt Nam đã qua 46 năm. Thiết nghĩ đã lâu, nhưng chưa đủ lâu để con người vội vã nói về lịch sử. Nhiều người có vẻ hăng say nói về những nhân vật lịch sử, với những kết luận vội vã, dù chính mình không biết nhiều về lịch sử. Trong đó có cả những người Công Giáo. Họ dễ bị cuốn hút vào vị trí “quan toà” để xét xử những nhân vật lịch sử với những đúc kết rời rạc về những biến cố của lịch sử.

Sao họ không có cái nhìn của Thiên Chúa nhỉ? Nhìn vào biến cố Saolô trở lại năm xưa, rồi nhìn vào biến cố cụ Phaolô Trần Thiện Khiêm chịu phép thánh tẩy ba năm trước, chúng ta mới nghiệm ra rằng Thiên Chúa rất kiên nhẫn và không bỏ cuộc. Một tầm nhìn xa và nhân từ. Thì ra không chỉ có con người gõ cửa tìm gặp Chúa, mà Chúa cũng gõ cửa tâm hồn mỗi người để chỉ cho họ một con đường. Cho nên không phải chỉ khi chúng ta làm điều gì tốt lành là được Thiên Chúa chú ý và đoái thương, nhưng còn khi chúng ta đang ở trong bóng tối. Hơn nữa Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe cũng nói lên ý định của Thiên Chúa: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài.” (Jn 6:37)

10. Ca tụng Lòng Thương Xót Chúa. Ông cố chánh án Tối Cao Pháp Viện Antonin Scalia có lần chia sẻ ý nhị đại khái thế này: Mười lần dự đám táng hết mười lần nghe người ta ca ngợi người quá cố. Nhưng chính việc ca tụng những đức tín tốt lành của người đã khuất đôi khi cũng khiến cho người còn sống quên mất là phải cầu nguyện và tạ ơn về lòng thương xót của Chúa dành cho người hối nhân.

Trong bài thơ “Sách sự sống” một thi sĩ khuyết danh đã viết:

“Tôi trình diện trước mặt Đức Chúa.

Tôi đứng với đôi mắt cúi xuống,

vì Đức Chúa đang cầm trong tay một quyển sách,

sách sự sống.

Đức Chúa nhìn vào trong sách và nói:

“Cha không tìm thấy tên con,

vì có lần Cha dự tính viết xuống,

nhưng chẳng lúc nào Cha có thời giờ”.

Đó là bài thơ diễn tả lòng thương xót Chúa. Thiên Chúa là Đấng toàn năng và làm chủ thời gian. Làm gì có vụ Chúa quên và không có thời giờ. Chẳng qua là Chúa cố tình quên và cố tình không có thời giờ. Một Thiên Chúa “cố tình” do bởi vì lòng thương xót. Và chính lòng thương xót Chúa dẫn chúng ta liên tưởng tới một điều tốt nhất mà Đức Kitô sẽ làm cho những người theo Chúa, kể cả những người vào làm vườn nho vào giờ thứ mười một (Mt 20:1-16). Đó là Chúa sẽ ban tặng cho họ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI! Đó mới là điểm đích của một đời người!

LM. Justin Lê Trung Tướng
 
Ngày ông bà và người cao tuổi tại Tụy Hiền Tgp. Hà Nội
GX Tụy Hiền
15:31 27/07/2021
Ngày ông bà và người cao tuổi tại Tụy Hiền Tgp. Hà Nội

Thực hành ý của vị cha chung là Đức giáo hoàn Phanxicô, Giáo xứ Vạn Thắng và Tụy Hiền đã qui tụ đại diện giới ông bà và người cao tuổi thay mặt cho 350 cụ cao niên trong hai xứ xét mình xưng tội, làm giờ chầu trong 3 ngày thứ 2, thứ 3 và thứ 4. Cao điểm là Chúa nhật ngày 25 tháng 7, ngày mà Đức Thánh Cha ấn định ban ơn toàn xá cho những ai làm theo ý Đức Thánh Cha truyền.

Xem Hình

Các cụ đã đến tham dự Thánh lễ được cử hành tại tại Vạn Thắng, Tụy Hiền và Đông Mỹ. Trong Thánh lễ, các cụ được nghe nói về tuổi già của mình thật đáng kính trọng, lời nói, sự khôn ngoan và nhân đức để lại cho con cháu. Lễ này cũng khơi dậy lòng tôn kính ông bà và người ca tuổi nơi cộng đoàn nói chung và gia đình nói riêng. 72 cụ già và đau yếu được lãnh bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Cuối Thánh lễ, mọi người đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính và Kinh cầu cho ông bà và người cao tuổi để lĩnh Ơn Toàn Xá. Mỗi cụ nhận được phần quà mọn tang thêm niềm vui nhân ngày của mình. Trong ngày, Ban bác ái giáo xứ đã đến tận nhà thăm đại diện một số cụ, trò chuyền, tặng quà và đọc kinh xin ơn bình an. Các cụ và nhiều người trong gia đình không khỏi ngỡ ngàng, vì đây là Ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ I do Đức Giáo Hoàng Phanxicô ấn định.

BTTGX. Tụy Hiền
 
Chúc mừng Cha Giuse Vũ Hải Đăng vừa được thăng cấp Thiếu tá Không quân Hoa Kỳ
VietCatholic
16:42 27/07/2021


VietCatholic xin chúc mừng Cha Giuse Vũ Hải Đăng vừa được thăng cấp thiếu tá không quân Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 7 vừa qua.

Quý vị khán thính giả có lẽ không xa lạ với ngài vì ngài phụ trách thuyết giảng trong chương trình Suy Niệm Tin Mừng Hàng Ngày của VietCatholic.

Cha Giuse Vũ Hải Đăng sinh ngày 15 tháng 05, 1964 tại Qui Nhơn.

Ngài đến Hoa Kỳ năm 1990. Năm sau đó, ngài gia nhập Chủng Viện.

Cha Giuse Vũ Hải Đăng đã theo học tại Đại học Seton Hall, đạt được bằng Cử Nhân Âm Nhạc và Triết Lý vào năm 1996.

Ngài cũng có Cao Học Thần Học vào năm 2002 tại Đại Chủng Viện Notre Dame.

Năm 2002, ngài tuyên khấn trong Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ và được truyền chức linh mục

Cha Giuse Vũ Hải Đăng cũng từng theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Thomas Acquinas, hay còn gọi là trường Angelicum ở Rôma và lấy bằng Thạc Sĩ Thần Học tại đây vào năm 2015.

Ngài cũng có thời gian học Kinh Thánh ở Thánh Địa Giêrusalem.

Ngài cũng là một Nghệ sĩ Dương Cầm và sáng tác nhạc

Cha Giuse Vũ Hải Đăng đã hoạt động mục vụ tại Giáo Xứ Nữ Vương Việt Nam ở New Orleans, Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang và Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á ở Portland, Oregon, Giáo Xứ St. Rose ở Longview, St. Catherine ở Cathlamet, Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Kelso, và St. Mary ở Castle Rock.

Ngài cũng từng đảm trách các chức vụ quan trọng như Giám Đốc Ơn Gọi Tu Đoàn Nhà Chúa, Bề Trên phụ trách Miền Tây Bắc của Tu Đoàn Nhà Chúa; Giám Đốc Tu Viện Thánh Giá ở Washougal, và Giám Đốc Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Tu Đoàn Nhà Chúa.

VietCatholic xin chúc mừng Cha và xin Chúa ban cho Cha nhiều hồng ân để chu toàn tốt đẹp sứ vụ Người đã ủy thác cho Cha.
 
Văn Hóa
Đọc Thánh Tôma Aquinô, Con Người
Vũ Văn An
00:05 27/07/2021

Con Người



Bất cứ điều gì chúng ta trân qúi nhất nơi yếu tố “nhân bản” đều tìm thấy bên trong sự hiện hữu được Thánh Tôma coi như nguồn gốc của giá trị nơi con người. Vì nơi con người, “hiện hữu” vừa là sáng tạo vừa là cải tạo [conversion], nền tảng của mối tương quan với và hướng về Thiên Chúa. Tư cách tạo vật không hề là tình trạng phân cách với Thiên Chúa mà là một lối tương quan với Thiên Chúa. Mọi lực lượng vũ trụ có đó là để nâng đỡ sự hiện hữu của con người và cả sự ác cũng được hiểu một cách sâu xa nhất khi được coi như mối đe dọa cho tính viên mãn và các khả thể của hiện hữu con người. Sự ác luân lý hay tội lỗi gây hủy hoại nhiều nhất cho mọi lực lượng chính vì nó phi nhân bản nhất trong mọi mối nguy hiểm con người gặp phải. Thực vậy, người ta phải ý thức được chiều sâu và chiều cao của phẩm giá con người do nguồn gốc và số phận thần thiêng của nó, họ mới đánh giá được trọn vẹn sự kinh khủng của việc phi nhân bản này, nghĩa là việc hủy diệt hình tượng Thiên Chúa, tức con người. Nhưng với Thánh Tôma, tín lý hình ảnh hay việc xem con người như hình ảnh của Thiên Chúa và xem các sự vật không phải là con người như các dấu vết của Thiên Chúa, việc nhấn mạnh đến thuyết kiểu mẫu [exemplarism] hay việc nhìn quá bên kia các sự vật bất toàn của kinh nghiệm để thấy các ý niệm hoàn hảo của chúng trong tâm trí Thiên Chúa, quan điểm coi vũ trụ có tính bí tích hay biểu tượng không được phép làm ta sao lãng tính toàn vẹn, tính tự chủ và thực tại mạnh mẽ của con người.Trong vũ trụ của học thuyết Tôma, mọi nhiệt tình thực chất đối với Thiên Chúa đều được diễn dịch thành việc cổ vũ các giá trị nhân bản. Bất cứ điều gì đáng kể đối với việc nhân bản hóa và giải phóng con người đều là một phần chủ yếu của việc phụng sự Thiên Chúa thánh thiêng. Với Thánh Tôma, bản chất thụ tạo là lãnh vực thực tại với các mục đích nội tại, và con người được định hướng kinh qua việc hoàn tất các mục đích nội tại này để đạt được các mục đích tối hậu. Để là một Kitô hữu, người ta phải là một con người. Ở đây, sở dĩ có một thuyết nhân bản nhiệt tình là vì có một nền thần học đích thực. Như chúng ta đã thấy, khi nhìn nhận các phân biệt giữa con người và Thiên Chúa, Thánh Tôma nhằm sự kết hợp giữa hai chủ thể, điều làm cho số phận con người trở thành thánh thiêng theo nhiều ý nghĩa.



Thực sự có một lý do triết lý tuyệt vời cho thấy tại sao lý thuyết hình ảnh trong tư tưởng Thánh Tôma không biến con người và thế giới của họ thành phi thực hay chỉ là cái bóng, vì trong một nền siêu hình trong đó Thiên Chúa là hiện hữu vô hạn (ipsum esse subsistens), con người không bao giờ họa hình Thiên Chúa mà không có thực một cách mạnh mẽ!

Như chúng ta vốn chờ mong, lý thuyết chân lý của Thánh Tôma bão hòa với hiện hữu. Từ cuộc tiếp xúc nguyên khởi với một hữu thể khả giác, con người, như chủ thể nhận thức, nhìn thấy điều có thể biết được bên trong nó, phán đoán nó hiện hữu. Mô tả chính xác cách một vật hiện hữu, do đó, được gọi là “đích thực”. Ý thức bao gồm tự ý thức, và qua ý hướng tính [intentionality], ta có ý thức về “người khác”. Thiên Chúa nằm ngoài việc biết của chúng ta như thế nào thì hành vi hiện hữu cũng nằm ngoài hành vi biết của chúng ta như vậy, đến nỗi hiện hữu phải được khúc xạ tới chúng ta qua các yếu tính mà không bao giờ chuyển dịch sự quan tâm của chúng ta từ hiện hữu qua yếu tính chỉ vì để dễ dàng xử lý với các ý niệm. Theo Thánh Tôma, bất cứ việc mất quan tâm nào đối với hiện hữu cũng sẽ tạo nên việc đầu hàng của siêu hình học, một biến cố chưa từng thấy trong lịch sử triết học! Nhờ duy trì sự quan tâm đối với hiện hữu, Thánh Tôma do đó đã giữ được chỗ cho mầu nhiệm trong diễn trình nhận thức. Không phải chỉ trong thần học, mầu nhiệm mới có chỗ đứng của nó. Dĩ nhiên, thần học là việc tham gia vào nhận thức của những người thấy Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa có bao giờ được biết hoàn toàn đâu. Và vì con người và thế giới của họ được Thiên Chúa tạo nên họ phần nào tham dự vào tính bất khả hiểu thấu [incomprehensibility]. Đến nỗi triết gia nào biết thừa nhận mầu nhiệm của hiện hữu thụ tạo sẽ không bao giờ cho rằng mình đã tóm gọn được hiện hữu, không bao giờ cao ngạo cho rằng mình đạt tới một nhận thức thấu đáo [exhaustive] về thực tại như các nhà duy lý được tiếng đã huênh hoang. Không bao giờ nên lẫn lộn nền siêu hình duy lý với nền siêu hình hiện hữu, là nền siêu hình không bao giờ huênh hoang là mình đã đưa ra được các câu trả lời cuối cùng hay có tính kết luận mà chỉ là đề xướng một số khẳng định có giá trị được kinh nghiệm hỗ trợ mà thôi.

Một xem xét ở điểm này cuộc phân tích của Thánh Tôma về nhận thức cũng có tính giáo huấn như cách ngài đi đến các kết luận. Trong Tổng luận Thần học I, q. 84, a. 6, Thánh Tôma khai triển lý thuyết của ngài về nhận thức trong tương quan với các lý thuyết khác. Ngài chọn theo Aristốt, nhưng tìm thấy các mâu thuẫn giữa việc triết gia này dạy rằng “khởi đầu nhận thức của ta là ở các giác quan” và giả thuyết cho rằng “nhận thức của trí khôn vượt quá những điều thuộc giác quan”. Khi gặp khó khăn này, ngài lần giở lại tiến độ trong nhận thức luận từ Democritus qua Platông tới Aristốt; ngài kết luận rằng Aristốt đến gần sự thật nhất. Mặc dầu quan điểm của các nhà duy nguyên tử [atomists] sơ khai của Hy lạp liên quan đến vật chất và linh hồn hoàn toàn khác với quan điểm của ngài, ngài vẫn thừa nhận nhu cầu phải nắm chắc tư duy của họ trước khi bất đồng với nó. Mặc dầu vật chất không phải là toàn bộ con người, nó quả thuộc về bản chất con người. Và do đó, sự lệ thuộc thái quá của Platông vào các ý niệm như là nguyên nhân và nội dung của bản chất con người xem ra không có thực chất đối với Thánh Tôma. Nếu Aristốt đúng khi tuyên bố rằng con người được tạo lập bằng chất thể và mô thức, thì nhận thức của con người cũng rất có thể đạt được bằng việc nối kết các nguyên lý chất thể và mô thức. Nhưng vì cả chất thể đứng một mình lẫn tinh thần đứng một mình đều không thể giải thích bản chất con người, nên phải có một nguyên lý trung gian làm việc trong sinh hoạt của con người. Aristốt gọi nguyên lý ấy là trí hiểu tích cực [active intellect]; trí hiểu này biến đổi các hình sắc [species] khả giác của trí khôn thành những hình sắc khả niệm được in dấu [impressed intelligible species] có khả năng được trí hiểu tiếp nhận. Diễn trình này là việc trừu tượng hóa, loại bỏ mọi chi tiết cá thể hoá khỏi mô thức ý hướng [intentional form] để nó có thể được thấu triệt bởi một quan năng hoàn toàn vô chất. Ở đây, Thánh Tôma sử dụng kiểu nói hiện thể/tiềm thể [act/potentiality] của Aristốt khi ngài giải thích nhận thức như hành vi tiếp nhận một mô thức thực sự khả niệm hay, nói cách khác, đem trí hiểu khả hữu từ tình trạng tiềm thể sang tình trạng hiện thể. Trí hiểu tích cực thực hành chức năng này không tách biệt khỏi con người như đoạn văn của Aristốt trong Về Linh Hồn [On the Soul] (III, 5) gợi ý cho một số người, nhưng linh hồn trong hiện thể sinh động hóa chính việc hình thành hình ảnh khả giác. Thánh Tôma nghiêng về “lý thuyết trừu tượng hóa” của chính ngài hơn chỉ vì nó để cho trí hiểu hoàn toàn siêu việt trong khi không mưu toan loại bỏ sự lệ thuộc ngoại tại của nó vào thân xác để có được các hình ảnh sử dụng trong diễn trình trừu tượng hóa.

Đối tượng thích đáng của trí hiểu con người, như thế, là yếu tính của các thực tại khả giác, bản thể [quiddity] của chúng, không tách biệt với các sự vật khả giác, như Platông vốn nghĩ, nhưng được trí khôn phân biệt. Nhờ sự trừu tượng hóa của trí hiểu này con người sử dụng các dữ kiện do các giác quan trình bầy, và nhờ suy tư, nhận ra từ đâu, đã nhận được dữ kiện. Vậy thì, việc Thánh Tôma tiếp nhận ý niệm quân bình của Aristốt về nội dung chất thể/mô thức của yếu tính con người quả là một thành lũy chống những cực đoan do đó mà có. Mặc dù các lý thuyết của Democritus không còn được duy trì trong hình thức nguyên thủy của chúng nữa, vì khoa học đã tiến quá xa đối với nó, nhưng một số người vẫn chủ trương rằng có thể giản lược nhận thức chỉ còn là hiện tượng vật lý. Những ai giải thích các năng lực thuận lý của con người chỉ như một vấn đề của các khớp thần kinh [synapses] và việc tái sắp xếp các chất đạm về phương diện hóa học quả đã không nắm được điểm hết sức quan trọng. Bất cứ họ giải thích hay bao nhiêu các vận hành của bộ óc con người, họ cũng không thể đạt tới năng lực vô chất của con người, nhờ đó, người ta nắm được ý nghĩa. Sự khác nhau có tính định phẩm và chủ yếu. Hiện cũng đang có khuynh hướng muốn tạo ra một “trí hiểu chung” từ xã hội và ngăn cấm con người không được độc lập tiến tới chân lý. Tất cả bị bao phủ bởi đám mây văn hóa và xã hội như bầu khí của tư tưởng là nguyên nhân tạo ra các suy tư của ta. Nhưng trong học lý của Thánh Tôma, con người có thể vượt quá môi trường của họ chính vì họ có thể vượt quá các điều kiện vật chất bao quanh bất cứ yếu tính nào; các điều kiện vật chất sẽ là các khởi điểm của họ, nhưng việc đạt tới chân lý hay hữu thể của bất cứ vật gì họ nghiên cứu không bị loại trừ. Như một năng lực vô hạn, trí hiểu của con người mở cửa cho con người vươn tới vô hạn, mặc dù chỉ có tình yêu mới đạt được vô hạn mà thôi. Tương quan giữa mỗi con người với hiện hữu siêu việt trong kinh nghiệm biết và sống của họ, chính đó là cơ sở của khách quan tính.

Hiện hữu cũng là cơ sở cho bất cứ cái hiểu đúng đắn nào về tình yêu. Có tính tự thông đạt mình, đại lượng, biết ngây ngất [ecstatic], hiện hữu bên trong Thiên Chúa là mô hình cho mọi tình yêu đích thực và cho mọi khả thể mênh mông của sự cao thượng nhân bản. Ngược với điều một số sách giáo khoa trước đây quảng bá về việc Thánh Tôma trọng nhận thức hơn tình yêu, các văn bản cho thấy ở đây và ở mọi chỗ, trong vấn đề thân xác tương quan với linh hồn, nhận thức suy lý tương quan với nhận thức thực tế, tự nhiên tương quan với ơn thánh, Thánh Tôma luôn chống lại nhị phân [dichotomy] và lập luận về phiá liên tục và đồng qui. Ngài nhắc đến các chân lý quan trọng, thuộc lãnh vực luân lý và tôn giáo, như được mở ra cho những ai yêu thương. Và ngài đặt cơ sở cho tình yêu tinh ròng, nghĩa là, tình yêu hiến mình hơn là tình yêu thèm muốn, trên việc đánh giá có ý thức các giá trị nội tại của con người.

Còn về các khía cạnh khác của con người, dù có thể tạo nên một nền tâm lý học Tôma bằng cách phân tích riêng rẽ từng khả năng của con người, trí hiểu và các giác quan nội ngoại, ý chí và sức mạnh của xu hướng, nhưng một thủ tục như thế chỉ đem lại một cái nhìn cắt xén về con người. Dĩ nhiên, thánh Tôma, cũng như Aristốt, có thảo luận các năng lực này nhưng trong học lý của Thánh Tôma về con người, năng lực [power] không là gì ngoại trừ trong tương quan với các năng lực khác, tất cả liên hệ với các hành động được nguyên lý hiện hữu tinh thần [esse] làm cho sinh động, trong đó, mọi hành động ít nhiều tham dự vào tùy theo mức độ độc lập của chúng đối với vật thể. Nếu xem xét từng năng lực một cách riêng rẽ, ta phải lưu ý phục hồi nó trở lại vị trí của nó trong tính toàn diện của chủ thể hiện hữu nhân bản, tức con người đang sống, đang nhận thức và đang yêu thương, hành động một cách tự do để đáp ứng những mời gọi có thực chất. Trong khung cảnh này, toàn bộ xu hướng trong con người hướng về điều thiện, vốn là mục đích của ý chí; sự thiện này luôn là một điều hiện hữu, một điều có thực chất. Vì mọi chủ thể nhận thức đều hướng về điều thiện như một điều có thực, chúng ta gọi điều này là “cùng đích” [finality] hay telos, mọi và mỗi hành động của con người đều tham dự vào xu hướng hướng tới điều có thực này, và ngay cả việc nhận thức của trí hiểu, do đó, cũng liên hệ tới một đối tượng có thực. Qua trung gian của ý chí, đối tượng của nhận thức trở thành nội tại như mục đích đối với chủ thể nhận thức.

Bất cứ xu hướng tự nhiên nào thường cũng được xác định bởi mô thức của chủ thể có xu hướng, nhưng một chủ thể nhận thức hay vô chất cảm nhận sự lôi cuốn hướng tới sự vật không phải nguyên bởi mô thức của nó mà thôi, cũng không phải một cách bất định nào đó, mà được chuyên biệt hóa bởi mô thức của các vật nó nhận thức. Và đặc ân của các hữu thể vô chất là tự nhận thức mình, và hữu thể vô chất, với mọi nét vô hình của nó, vốn là hữu thể thực sự, nên mô thức xác định việc nó nhận thức chính nó và các sự vật kết hợp với nó có tương quan một cách yếu tính với điều có thực. Hữu thể có ý hướng, do đó, có bất cứ mô thức nào nó có dưới ảnh hưởng xu hướng của chúng ta hướng tới sự vật có thực dưới sự lôi cuốn của mục đích nơi ý chí. Chúng ta gọi sự vật có thực này là đối tượng vì nó không thể được đồng nhất hóa với chủ thể, nhưng điều này không có nghĩa là nó “ở ngoài kia”. Thực vậy, qua mô thức của xu hướng do nó xác định, nó có tính nội tại, và trong từ vựng Kinh Viện, nó được biết như là hình thái khả niệm [intelligible species], nghĩa là, hữu thể có ý hướng của đối tượng, vốn chuyên biệt hóa việc ý thức về chính mình.

Đối với Thánh Tôma, việc tự ý thức chính mình là mối nối kết các điều kiện siêu hình và tâm lý của nhận thức hơn là các điều kiện luận lý. Điều này cho thấy sự liên kết ở một bình diện sâu sắc giữa viễn kiến của Thánh Augustinô và phương pháp của Kant. Hữu thể tuyệt đối hay chân lý tự nó áp đặt như điều kiện xác định tiên thiên tối hậu hay siêu việt của mọi nhận thức của con người. Do đó, điều phán đoán của chúng ta muốn nói không phải chỉ là điều được phát biểu trong các ý niệm ta khẳng định. Vì đối tượng mô thức của trí hiểu là hữu thể tuyệt đối, mặc dù không nằm ở bình diện ý thức, tư tưởng khách quan trở thành khả hữu. Qua việc tự ý thức hay phản tỉnh về chính sinh hoạt tri thức của mình này, chúng ta thấy hai yếu tố hoàn toàn không do giác quan cung cấp: bản ngã hay cái tôi, vốn là yếu tố cụ thể chung cho mọi phán đoán, và hữu thể, vốn là căn bản cho tính khách quan nhận thức, tức hiện hữu, chỉ đạt tới nhờ sinh hoạt tinh thần chẳng hạn như việc nhận thức của trí hiểu. Bằng cách áp dụng nguyên tắc actio sequitur esse (hành động theo hiện hữu), chúng ta có thể lập luận cho việc hiện hữu tinh thần của linh hồn, vốn là lý do được Thánh Tôma cung cấp cho tính bất tử của nó. Nhưng vì Nguyên Nhân Sau Cùng hay hữu thể tuyệt đối là nguyên nhân đầu hết và thực sự, dù một cách hàm ngụ, lôi cuốn tôi tới sự thiện hoàn toàn hay chân lý hoàn toàn, nên mọi hành vi của ý chí đều là một xu hướng hướng tới sự thiện hoàn toàn này, và mọi hữu thể hữu hạn đều đáng được mong muốn nhờ tham dự vào sự thiện này. Và vì mọi phán đoán, do đó, đều là một kinh nghiệm hướng tới thể vô hạn, chúng ta có thể kết luận rằng trong mọi phán đoán, có một khẳng định về Thiên Chúa, dù một cách mặc nhiên.

Cũng có hệ luận này là vì tương lai tối hậu của con người khởi xướng mọi khát mong nhân bản hướng tới các mục tiêu hữu hạn, nên tất cả những gì con người khát mong, họ đều mặc nhiên khát mong trong diễn trình hướng tới sự thành toàn sau cùng của họ: Omega của họ. Nhưng nếu xu hướng năng động của con người hướng tới “hữu thể”, điều vốn bảo đảm tính khách quan trong việc suy tư của họ, phát xuất từ chiều kích linh hồn thiêng liêng của họ, thì đóng góp chính vào nhận thức của con người lại được thực hiện bởi thân xác của họ. Vì chỉ bằng cách “trở về với phantasm [niệm ảnh]” tức đem lại với nhau ý niệm phổ quát và hình ảnh cụ thể, con người mới có khả năng phán đoán những điều cá thể cụ thể; đến nỗi, việc tự ý thức thỏa đáng có nghĩa ý thức được sinh hoạt nhận thức của con người, một điều, dù sao, cũng bắt nguồn từ sự hợp nhất có tính bản thể giữa vật thể và tinh thần trong chủ thể nhận thức. Tất cả những điều này đứng đàng sau việc các nhà duy thực hiện hữu trong truyền thống Tôma không thoả mãn đối với những người vốn được coi là duy nghiệm triệt để. Do sự kiện này là người theo trường phái Tôma thấy việc tự cảm nghiệm là khởi điểm cho một nền siêu hình về con người và Thiên Chúa, họ cũng thấy “thuyết duy nghiệm triệt để” không triệt để đủ.

Nên, trong học lý toàn diện của Thánh Tôma về con người, chúng ta sẽ nghiên cứu con người nhân bản biết trong kinh nghiệm biết, con người nhân bản muốn trong kinh nghiệm muốn.

Cuối cùng, nên nói về chủ đề tự do, rất quan trọng hiện nay. Thánh Tôma coi tự do không phải là độc lập đối với thể tuyệt đối nhưng độc lập đối với thể tương đối. Dù sao, thể tương đối mới là nơi duy nhất con người gặp đề kháng đối với hành động tự do của họ. Vì, nếu Thiên Chúa, Đấng vốn tuyệt đối, là Đấng đã tạo ra con người tự do, thì sự tự do của con người, nhờ lệ thuộc Đấng tuyệt đối, chỉ được tăng cường mà thôi. Giờ đây, cách duy nhất để con người kết hợp với Đấng tuyệt đối, Đấng vốn vô cùng vượt quá năng lực tri thức của con người, là phó mình cho tình yêu, và ai cũng biết rằng không tình yêu nào nếu không dâng hiến một cách tự do thì không đáng danh xưng tình yêu. Và như thế, nếu con người liên hệ với các hữu thể khác một cách đến nỗi làm người là hiệp thông với người khác, sống cho họ, thì tình yêu quả thực không bao giờ làm giảm tự do của con người, vì chỉ qua tình yêu, con người mới trở nên chính mình. Và là chính mình là được tự do.

Tất cả những điều trên cho thấy Thánh Tôma chấp nhận con người Kitô hữu cụ thể của Thánh Augustinô ngay cả khi ngài lợi dụng cuộc phân tích lý thuyết của Aristốt về bản chất con người.

Kỳ tới: Con người luân lý
 
Bấm chuông nhà người ta
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:19 27/07/2021
BẤM CHUÔNG NHÀ NGƯỜI TA

Lại nghe Sài Gòn phong thành. Không phải chỉ phong thành. Bởi lần này còn gắt gao hơn lần trước. Nỗi ảm đạm mang tên "dịch" của Sài Gòn và nhiều nơi khác, vốn đã quá đáng thương, càng như bị đám mây đen phủ chồng lên, càng đáng thương, càng ảm đạm. Số người nhiễm chẳng những tăng vọt từng ngày, mà số người chết cũng theo đó cộng dần lên.

Bao nhiêu ngày qua, chúng ta đã và vẫn đang bị chôn chân trong bốn bức vách nhà mình. Lần đầu tiên mọi người đều thấm cảnh không còn tự do đúng nghĩa nhất. Nếu trước đây chưa bao giờ hiểu nổi cảnh bị giam cầm là gì, thì bây giờ đã hiểu, đã thấu...

Bao nhiêu ngày qua, chúng ta cầm cự cho qua bữa bằng những thực phẩm đông lạnh. Bao nhiêu ngày qua, chúng ta không có nổi một tô phở thơm lừng, một cái bánh bao nóng hổi, một ly chè đậu hay một ly cà phê đen, uống cà phê thì ít mà tán gẫu thì nhiều...

Bao nhiêu ngày qua, cuộc sống chúng ta phải thay đổi, nhiều thói quen, nhiều nếp nghĩ, nếp làm, nếp sinh hoạt, cả đến những tập quán của bản thân, của gia đình, của mọi người quen biết, mọi người thân thương, thậm chí mọi tương quan, mọi mối dây liên hệ của nhau... đều phải thích nghi, phải khác hơn, mới hơn và cũng xa nhau hơn...

Bao nhiêu ngày qua chúng ta chứng kiến quá nhiều những mãnh đời đen bạc, khốn khổ, lăn lóc, tạm bợ, thậm chí đói khổ... Kẻ thì đi bộ về quê vượt nhiều trăm cây số; kẻ thì không chịu nổi cuộc sống bế tắc, bỏ chốn tạm sống để lang thang, không biết sẽ về đâu, không biết có thể đến nơi mình muốn đến? Kẻ thì bồng bế, dắt díu nhau nheo nhóc phờ phạc, rã rời chỉ có rách và đói...

Hiện trạng mà chúng ta đang đối diện, nhất là ngay giữa lòng thành phố lớn nhất nước chưa từng có một ngày êm ả; chưa từng có một ngày mất bụi, khói, mất tiếng ồn, hay gia giãm bất cứ âm thanh nào; chưa từng có một ngày mà bước chân vốn trĩu nặng vì mưu sinh, lại thêm nặng trĩu vì bệnh tật, nặng trĩu vì mọi âu lo khác, lại như đang rã rời, như đang lịm đi, như đang hổn hển, như đang phều phào, như đang thắc thỏm...

Thôi thì vẫn cần phải sống, vẫn cần phải tự gồng để có thể vượt qua. Nỗi đau thì cũng đã nỗi đau rồi. Bệnh tật thì cũng đang là bệnh tật đấy thôi. Lê lết để cùng nhau trôi, dù trôi rất chậm cho qua những ngày khắt nghiệt, vẫn cứ phải lê lết, có khác được đâu.

Một chút thôi, chúng ta hãy tự giành cho mình sự thảnh thơi để thêm gia vị cho cuộc sống đang vô cùng cơ cực này. Một chút thôi, chúng ta hãy tự đặt lên bờ môi mình một nụ cười để thấy nghị lực tràn về mà đối đầu với tất cả. Một chút thôi, để dịu bớt căng thẳng, rồi lại đi tiếp hành trình mà vẫn chưa thể biết điều gì sẽ tiếp tục đập vào cuộc sống và sự sống của chúng ta...

Để có cái khoảnh khắc cho "một chút thôi" ấy, tôi muốn hiến dâng mọi người một kỷ niệm vui của một thời trẻ trung xa lắc...

Dù xa thời gian, nhưng không hề xa không gian. Kỷ niệm ấy xảy ra ngay giữa lòng Sài Gòn...

Nhớ mãi cái lần ba đứa: tôi, thằng Sự nhà ở Nha Trang, thằng Tòng ở quận 7 (viết văn khá hay. Nó hay viết bài gởi đăng trên báo Áo Trắng) dừng xe đạp ở đường Nơ Trang Long (hướng về Gò Vấp) ăn tàu hũ của một chị gánh rong.

Đang ăn, bỗng dưng thấy hai thằng nhóc từ đâu chạy đến bấm chuông cổng của một căn nhà. Bấm xong, chúng nó chạy biến. Một cô bé có lẽ nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi, chắc đang học trung học, tóc dài, nước da trắng, khá đẹp mở cổng.

Thấy ba chúng tôi và chị bán tàu hũ còn ngồi đó, cô bé cất giọng hỏi nhẹ như chiếc lá tươi non rơi trong gió chiều:
- Cô và mấy anh thấy có ai bấm chuông nhà em không?

Thằng Sự nhanh như diều hâu bắt mồi:
- Có, bé ơi! hai thằng nhóc bấm xong chạy mất, tụi anh còn chưa kịp nhìn mặt nó.

Dừng một chút như để nuốt cho trôi muỗng tàu hũ, nó nói tiếp:
- Xin lỗi bé nha. Tụi anh không kịp bắt hai thằng đó. Nó chạy nhanh quá.
- Cám ơn mấy anh. Mấy anh đâu có lỗi gì đâu. Thôi con chào cô. Cô bé nhẹ tay đẩy cánh cổng nhà mình.

Thằng Sự lại lên tiếng:
- Bé ơi, mời bé ăn tàu hũ...
- Em cám ơn. Em không ăn.

Nói xong, cô bé nhẹ khép cổng. Tôi thấy trong mắt thằng Sự có cái gì lạ lắm, hình như là tiếc nuối.

Đến lúc ba thằng ăn xong, chị bán tàu hũ cũng đã đi. Tự dưng thằng Sự bảo chúng tôi chờ nó một chút. Nấng ná vài giây, rồi nó đi nhanh vào phía bức tường nhà của cô bé lúc nãy. Chúng tôi cứ tưởng thằng này dám đ... bậy vào tường nhà người ta...

Nhưng hết sức bất ngờ, nó thò tay lên cái chuông và bấm hai tiếng liền nhau "reng, reng" trước bốn con mắt trợn tròn vì ngạc nhiên của tôi và thằng Tòng.
- Trời ơi! Mày làm cái gì vậy, Sự? Không ai bảo ai, cả tôi và thằng Tòng đều hét lên. Chúng tôi cuống cuồng trèo lên xe định đạp đi, nhưng thằng sự nắm chặt baga xe tôi kéo ngược về phía sau.

Cánh cổng đen bắt đầu mở ra. Chúng tôi sợ khiếp vía. Nhưng thay vì mái tóc dài, gương mặt trắng của cô bé, thì một cái đầu hớt cao, cái bụng trần hơi phệ, cùng một chiếc quần đùi phía dưới cái bụng xuất hiện. Người đàn ông, có lẽ là cha của cô bé lúc nãy nhìn quanh rồi nhìn chúng tôi.

Thằng Sự mặt cắt không còn một hột máu. Thấy tình hình khó đỡ, thằng Tòng vội lên tiếng. Nó nói láo trơn tru như da lươn vậy:
- Có hai thằng nhóc đi ngang bấm chuông rồi chạy mất, chú ơi. Nó chạy hướng này nè.

Người đàn ông vừa chửi tục "Đ.M. con cái nhà thằng nào mất dạy", vừa đóng cửa đánh "rầm" trong tức giận.

Y như người đàn ông của căn nhà, tôi cũng giận không kém. Sau khi hoàn hồn và hiểu chuyện gì vừa xảy ra, tôi la thằng Sự như chưa từng được la:
- Trời ơi! Mê gái. Mày ngu vừa vừa thôi. Mê gái mà ngu kiểu mày giết cả đám.

Hình như thằng Sự quê quá. Nó lên xe đạp, đạp một nước...

Sau này khi đã làm linh mục, vài lần có dịp đến Nha Trang, tôi có ghé thăm nhà thằng Sự. Dù vợ chồng nó không phải là người Công Giáo, nhưng vẫn "đổi tông" gọi tôi là "cha". Một lần trong bữa cơm do vợ chồng nó đãi tôi, tôi có kể lại "bí mật" năm xưa của thằng Sự. Vợ nó thốt lên "chua chát":
- Ông Sự nhà em vẫn vậy thôi, cha ạ. Mê gái lắm. Thấy con gái nhà người ta là quên hết sự sống, sự chết...

Nghe vợ thằng Sự nói, tôi nhìn nó xong lại nhìn vợ nó. Không lẽ đã ngoài năm mươi mà nó còn...?

Tội nghiệp cho bất cứ người phụ nữ nào lấy phải thằng đàn ông ham... "bấm chuông nhà người ta" kiểu thằng Sự bạn tôi.

Hóa ra thời bệnh tật đang rải khắp, không chừa một nơi nào như lúc này đây, lại có cái hay. Bởi đố thằng đàng ông nào, dù có thèm "bấm chuông nhà người ta" đến tràn nước bọt, cũng phải cố nuốt mà nhịn cho qua cơn. Có lẽ nhiều ông, hơn lúc nào hết, đang o bế, nịnh nọt vợ. Có lẽ chính lúc này, họ xem vợ là niềm hạnh phúc duy nhất trên đời của họ...

Kỷ niệm của một thời đã xa. Xin được nhắc lại giữa cảnh tang thương của cả nước, chỉ mong một chút gì khoây khỏa, một chút gì gọi về niềm vui, một chút gì, dẫu chỉ là khoảnh khắc, tạm quên cái khốn khổ lừng lửng trước mắt, để rồi mạnh mẽ vượt qua, mạnh mẽ sống, mạnh mẽ trụ trên đôi chân mình mà bước tiếp...

Anh chị em ơi, mọi người ơi! Một chút thôi. Tự đặt trên bờ môi mình một nụ cười nhé...

Có thể chỉ là một nụ cười. Nhưng có khi cả một nghị lực sống đang trao về mỗi chúng ta phía đàng sau cái nụ cười của sự cố gắng đấy...!
Một chút thôi. Cười lên nhé!...
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền:Độc Ẩm
Nguyễn Trung Tây Lm.
16:22 27/07/2021
ĐỘC ẨM
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Trà thơm nhưng thiếu bạn hiền
Thôi đành độc ẩm bạn hiền trong tâm
(bt)
 
VietCatholic TV
Qua đời vì lòng bác ái: Thống kê tổn thất về nhân mạng của các linh mục và nam nữ tu sĩ Công Giáo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:54 27/07/2021


1. Một Giám mục Miến Điện chết vì Covid-19

Đức Cha John Hsane Hgyi, Giám mục giáo phận Pathein ở miền nam Miến Điện, đã qua đời hôm 21/7/2021 vừa qua, vì Covid-19, thọ 68 tuổi.

Đức Giám Mục John Hsane vốn bị bệnh tiểu đường và đã bị nhiễm Coronavirus hồi đầu tuần, ngày 19/7. Ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm coi sóc Giáo phận Pathein từ 18 năm nay. Nguyên ngày 21 tháng 7 vừa qua, tại Miến Điện có thêm hơn 6.000 ca nhiễm và 247 người chết, theo thống kê chính thức của nhà cầm quyền quân sự, nhưng các bác sĩ Miến Điện nói rằng con số do chính quyền thông báo ở dưới con số đích thực.

Theo các chuyên gia y tế, mức độ lây nhiễm Covid-19 tại Miến Điện khó có thể chính xác, vì mỗi ngày chỉ có từ 12,000 đến 15,000 cuộc xét nghiệm. Trung tâm Hoa Kỳ kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, gọi tắt là CDC, đã xếp Miến Điện vào số những nước có tỷ lệ nguy hiểm về sự lan lây Coronavirus.

Để ngăn chặn sự lây nhiễm, nhà cầm quyền cấm di chuyển từ làng này sang làng khác, và ngày 21 tháng 7 đã tuyên bố trả tự do cho một số tù nhân bị giam trước ngày 1 tháng 2, tức là trước cuộc đảo chánh, để tránh virus lan lây thêm tại các nhà tù chật chội. Hội trợ giúp các tù nhân chính trị ở Miến Điện nói rằng biện pháp của nhà cầm quyền quân sự tại đây có thể là để nới rộng chỗ trong nhà tù, hầu có thể giam cầm thêm những thành phần chống đối.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết trong khi đó, các nhà thương Công Giáo ở Miến Điện đang trang bị để đón nhận các bệnh nhân không tìm được chỗ trong các nhà thương công. Các bệnh nhân không bị nặng thường bị các nhà thương công từ chối, không đón nhận và vì thế họ phải chạy chữa tại gia, tự kiếm mua thuốc và dưỡng khí.

Tại giáo phận Loikawm, bang Kayah, một nhà thương nhỏ do Caritas điều hành trong khu vực nhà thờ chính tòa đã được biến thành một bệnh viện dã chiến, trong đó các bác sĩ phẩu thuật và các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, những người tình nguyện và tu sĩ đang săn sóc miễn phí cho các bệnh nhân, theo lời cha Celso Ba Shwe, Giám quản Tông tòa giáo phận Loikaw.


Source:UCANews

2. Vụ Cha Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bị buộc từ chức gây tranh cãi về quyền riêng tư

Như chúng tôi đã loan tin, Đức Ông Jeffrey Burrill, tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã phải từ chức vào hôm thứ Ba trước một báo cáo truyền thông cáo buộc rằng ông thường xuyên lui tới các quán bar và nhà riêng dành cho người đồng tính trong khi sử dụng một ứng dụng “hookup” phổ biến trên thiết bị di động của mình.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết các linh mục nên cẩn thận vì các giáo phận có thể áp dụng các công nghệ giám sát trong các nỗ lực cải cách Giáo hội. Ngày nay công nghệ nhận dạng khuôn mặt và công nghệ định vị đã phát triển tới mức sử dụng các công nghệ này, giáo phận có thể biết chắc chắn các hoạt động trên Internet, danh sách các cá nhân vị linh mục thường xuyên liên lạc, và các di chuyển hàng ngày của một vị linh mục. Đức Ông Jeffrey Burrill là “nạn nhân” số một. Sẽ có thêm nhiều “nạn nhân” khác sắp được công bố trong những ngày tới.

Tuy nhiên, thông tấn xã AP cho rằng, vụ Đức Ông Jeffrey Burrill không phải do một cơ quan Công Giáo nào áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và công nghệ định vị để theo dõi, mà là do chính những kẻ điều hành các ứng dụng này buôn bán các dữ liệu mà họ thủ đắc được.

Alvaro Bedoya, Giám đốc Trung tâm bảo mật và Công nghệ tại Trường Luật Georgetown nói:

“Khi bạn download một ứng dụng trên điện thoại di động, bạn phải đồng ý với các điều kiện nhất định. Các trường hợp như thế này sẽ nhân lên nhanh chóng”.


Source:AP

3. Tổn thất kinh hoàng về nhân mạng của các linh mục và nam nữ tu sĩ Công Giáo

Hãng tin AP cho rằng thiệt hại nhân mạng vì COVID-19 đang làm gia tăng tình trạng thiếu hụt các linh mục và nam nữ tu sĩ Công Giáo.

Hơn một năm sau khi đại dịch thế giới bắt đầu, hãng tin AP đang xem xét tác động của COVID-19 đối với các linh mục và nam nữ tu sĩ Công Giáo. Báo cáo tập trung vào một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Báo cáo lưu ý rằng không phải tất cả những người chống chọi với căn bệnh này đều là người cao niên, mặc dù đó là nhóm dễ mắc bệnh nhất. Nhiều người trong số những người đã khuất đã ngã bệnh trong khi làm việc trên tuyến đầu của đại dịch với các nhân viên y tế.

Tại Ấn Độ

Mùa xuân năm 2021 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các trường hợp nhiễm COVID-19, cũng như các trường hợp tử vong. Theo AP, tháng 4, có tới hai linh mục hoặc nữ tu Ấn Độ chết mỗi ngày. Người Công Giáo là thiểu số ở quốc gia chủ yếu theo Ấn Giáo, chỉ chiếm 20 triệu trong tổng số 1.38 tỷ dân của đất nước.

Tỷ lệ tử vong lên cao hơn rất nhiều ở các vùng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Khi bắt đầu đợt nhiễm trùng đột biến năm nay, thời tiết đã ngăn cản việc phân phối vắc xin cũng như việc di chuyển các bệnh nhân đến bệnh viện. Người ta ước tính rằng hơn 500 linh mục và nữ tu đã bỏ mạng vì căn bệnh này kể từ giữa tháng Tư.

Ý và Brazil

Ý là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ đầu của đại dịch. Người ta ước tính rằng 292 linh mục giáo phận Ý đã qua đời từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021. Con số này gần tương đương với 299 tân linh mục ở Ý trong cùng khung thời gian.

Tương tự, Brazil đã chứng kiến một số tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong số các linh mục Công Giáo. AP báo cáo khoảng 1,400 vị trong hàng giáo sĩ bị nhiễm coronavirus, 65 vị trong số đó đã qua đời. Trong số những cái chết này có ba giám mục Công Giáo và Đức Hồng Y Eusebio Scheid, 88 tuổi, người đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y.

Hoa Kỳ

Mỹ đứng thứ nhất trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng, mặc dù báo cáo lưu ý rằng không có số liệu thống kê toàn diện về vấn đề này. Kể từ tháng 3 năm 2020, hơn 600,000 người Mỹ đã chết vì COVID-19.

Mặc dù báo cáo thiếu những con số cụ thể, nhưng nó cũng lưu ý rằng hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm, các nữ tu đã qua đời. Những trường hợp tử vong này đã được báo cáo trên toàn quốc, và phần lớn các trường hợp được phát hiện ở những người sống trong cộng đồng. Nhiều người trong số những người đã qua đời là các nữ tu đã nghỉ hưu, những người đã làm việc trong lĩnh vực giáo dục hoặc y học. Chỉ riêng dòng các nữ tu Feliciô, đã mất 21 nữ tu trong bốn tu viện.


Source:Aleteia
 
Tai ương của Giáo Hội tại Chí Lợi vừa mới từ trần, thọ 90 tuổi. Đức Mẹ Lộ Đức hy vọng của bệnh nhân
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:40 27/07/2021


1. Tai ương của Giáo Hội Công Giáo tại Chí Lợi vừa mới từ trần, thọ 90 tuổi

Fernando Karadima, một cựu linh mục có ảnh hưởng rất lớn ở Chí Lợi, hay còn gọi là Chilê, là người mà các hành vi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên đã khiến tất cả các Giám Mục Chí Lợi phải làm đơn từ chức, đã qua đời ở tuổi 90.

Truyền thông địa phương đưa tin rằng mặc dù nguyên nhân cái chết của Karadima vẫn chưa được biết rõ, nhưng trước đó ông ta đã được điều trị các vấn đề về tim mạch. Cái chết của Karadima đã được tường thuật rất khác nhau. Thông tấn xã Reuters nói rằng Karadima qua đời hôm thứ Hai. Đáp lại CNN Chí Lợi đã đưa ra một giấy chứng tử chứng minh rằng ông đã qua đời vào đêm Chúa Nhật, ngày 25 tháng 7 trong một viện dưỡng lão ở Chí Lợi.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Ba 27 tháng 7, Đức Hồng Y Celestino Aós Braco, Tổng Giám Mục Santiago de Chile cho biết:

“Chúng tôi đồng hành chặt chẽ với các nạn nhân còn sống và gia đình của họ, cầu xin Chúa nhân từ chữa lành nỗi đau đã gây ra cho tất cả những người đã phải chịu đựng. Đồng thời, với tư cách là Tổng giám mục, chúng tôi tái khẳng định cam kết tiếp tục làm việc để thúc đẩy môi trường lành mạnh và an toàn trong Giáo hội”.

Karadima là một linh mục tại tổng giáo phận Santiago có ảnh hưởng rất lớn. Ông là người đã lãnh đạo một phong trào giáo dân từ giáo xứ của mình ở El Bosque trong nhiều thập kỷ. Ông được biết đến với thành tích đáng ca ngợi là nuôi dưỡng khoảng 40 ơn gọi linh mục, và một số vị đã trở thành giám mục.

Bản thân Karadima đã phủ nhận các cáo buộc lạm dụng tình dục. Các cuộc điều tra của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã dẫn đến xác nhận các cáo buộc chống lại Karadima là đúng. Tuy nhiên, ông ta chưa bao giờ phải đối mặt với các phiên tòa xét xử theo luật của Chí Lợi vì các tội danh của mình. Lý do là vì đã qua thời hiệu tố cáo.

Karadima bị kết tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong một tiến trình điều tra theo giáo luật do Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican tiến hành vào năm 2011. Vì tuổi cao và sức khỏe kém, ông được lệnh “lui về sống cầu nguyện và đền tội, và đền bù vì các tội ác của mình cho các nạn nhân của sự lạm dụng”.

Khi các chi tiết liên quan đến hành vi lạm dụng của ông ta được công khai hoá, một số giám mục nổi tiếng của Chí Lợi đã bị buộc tội che đậy hành vi lạm dụng của ông.

Ngày 10 tháng Giêng năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Juan Barros Madrid, lúc ấy đang là Giám Mục giáo phận Quân đội Chí Lợi về làm Giám Mục giáo phận Osorno. Quyết định này của Đức Thánh Cha bị chống đối vì có các cáo buộc cho rằng Đức Cha Juan Barros là học trò cũ của Karadima, và đã che chở cho ông ấy.

Trong chuyến tông du Chí Lợi vào năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công khai tranh luận rằng cáo buộc cho rằng Đức Cha Juan Barros đã che chở cho Karadima là “vu cáo”. Diễn biến này đã dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình và đốt phá các nhà thờ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải triệu tập các Giám Mục Chí Lợi sang Rôma trong một cuộc họp kéo dài từ 15 đến 18 tháng 5, 2018. Sau cuộc họp đó, 32 Giám Mục đương nhiệm của Chí Lợi đã nộp đơn từ chức.

Tháng 9 năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên án Karadima, trục xuất anh ta khỏi hàng giáo sĩ trong một động thái mà Vatican mô tả là một “biện pháp đặc biệt” được thực hiện để đáp lại “ thiệt hại đặc biệt “ do tội ác của linh mục gây ra.

Ba nạn nhân của Karadima là Juan Carlos Cruz, James Hamilton và José Andrés Murillo đã đệ đơn kiện tổng giáo phận vào năm 2013 vì “thiệt hại về mặt đạo đức” và đòi bồi thường 600,000 Mỹ Kim. Lời khai của Juan Carlos Cruz, một cựu chủng sinh, và là một người đồng tính, rất bất lợi cho Giáo Hội và khiến cuộc khủng hoảng lạm dụng ở Chí Lợi thu hút sự chú ý của quốc tế. Juan Carlos Cruz cáo buộc rằng Karadima đã lạm dụng rất nhiều người trẻ trong giáo xứ El Bosque. Tuy nhiên, chính thức mà nói ngành tư pháp Chí Lợi chỉ ghi nhận có 3 người trong nhóm Juan Carlos Cruz là những người đã tố cáo.

Tháng 3 năm 2019, Tòa phúc thẩm Santiago đã ra lệnh cho tổng giáo phận Santiago phải trả 300 triệu peso - khoảng 439,000 Mỹ Kim - cho ba nạn nhân của Karadima, là những người nói rằng cựu linh mục đã lạm dụng họ trong khoảng thời gian nhiều năm khi họ còn là trẻ vị thành niên.

Tổng giáo phận Santiago đã chấp nhận phán quyết của tòa án và lên tiếng hy vọng hành động này có thể giúp khôi phục lòng tin và ngăn chặn hành vi lạm dụng sai trái tiếp theo. Tổng giáo phận cho biết phán quyết cho thấy sự cần thiết của việc thực hiện “cải cách sâu sắc” để ngăn chặn những thất bại khác.

Sau hàng loạt các vụ tấn công vào các nhà thờ, và nhiều vụ phóng hỏa, báo chí gọi Karadima là “Flagelo de la Iglesia Católica en Chile”, nghĩa là “Tai ương của Giáo Hội Công Giáo tại Chí Lợi”. Tuy nhiên, công bằng mà nói Karadima không thể chịu hoàn toàn trách nhiệm về tất cả các thiệt hại liên quan đến các tội lỗi do ông gây ra. Các thế lực chống báng Giáo Hội cũng góp một phần đáng kể trong các tai họa này.
Source:Catholic News Agency

2. Chúc mừng Cha Giuse Vũ Hải Đăng vừa được thăng cấp Thiếu tá Không quân Hoa Kỳ

VietCatholic xin chúc mừng Cha Giuse Vũ Hải Đăng vừa được thăng cấp thiếu tá không quân Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 7 vừa qua.

Quý vị khán thính giả có lẽ không xa lạ với ngài vì ngài phụ trách thuyết giảng trong chương trình Suy Niệm Tin Mừng Hàng Ngày của VietCatholic.

Cha Giuse Vũ Hải Đăng sinh ngày 15 tháng 05, 1964 tại Qui Nhơn.

Ngài đến Hoa Kỳ năm 1990. Năm sau đó, ngài gia nhập Chủng Viện.

Cha Giuse Vũ Hải Đăng đã theo học tại Đại học Seton Hall, đạt được bằng Cử Nhân Âm Nhạc và Triết Lý vào năm 1996.

Ngài cũng có Cao Học Thần Học vào năm 2002 tại Đại Chủng Viện Notre Dame.

Năm 2002, ngài tuyên khấn trong Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ và được truyền chức linh mục

Cha Giuse Vũ Hải Đăng cũng từng theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Thomas Acquinas, hay còn gọi là trường Angelicum ở Rôma và lấy bằng Thạc Sĩ Thần Học tại đây vào năm 2015.

Ngài cũng có thời gian học Kinh Thánh ở Thánh Địa Giêrusalem.

Ngài cũng là một Nghệ sĩ Dương Cầm và sáng tác nhạc

Cha Giuse Vũ Hải Đăng đã hoạt động mục vụ tại Giáo Xứ Nữ Vương Việt Nam ở New Orleans, Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang và Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á ở Portland, Oregon, Giáo Xứ St. Rose ở Longview, St. Catherine ở Cathlamet, Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Kelso, và St. Mary ở Castle Rock.

Ngài cũng từng đảm trách các chức vụ quan trọng như Giám Đốc Ơn Gọi Tu Đoàn Nhà Chúa, Bề Trên phụ trách Miền Tây Bắc của Tu Đoàn Nhà Chúa; Giám Đốc Tu Viện Thánh Giá ở Washougal, và Giám Đốc Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Tu Đoàn Nhà Chúa.

VietCatholic xin chúc mừng Cha và xin Chúa ban cho Cha nhiều hồng ân để chu toàn tốt đẹp sứ vụ Người đã ủy thác cho Cha.

3. Lịch sử đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức.

Ngày 11 tháng 2 năm 1858, cô Bernadette Soubirous, lúc đó mới 14 tuổi. Bernadette nói với mẹ rằng cô đã gặp một “bà đẹp” ở hang đá Massabielle trong khi đang đi nhặt củi với em gái và 1 người bạn. Các cuộc xuất hiện tương tự với hình dạng “người nữ mặc áo choàng xanh” trên 17 lần trong cùng năm đó. Bernadette từ đó đã sống cuộc sống hy sinh nhiệm nhặt để hy sinh, hãm mình cầu nguyện theo lời Mẹ dậy và sau khi chết cô đã được phong thánh. Việc tin rằng Đức Mẹ hiện ra với Bernadette được xác nhận bởi nhiều phép lạ Đức Mẹ đã thệ cách “kỳ lạ” tại suối nước Lộ Đức. Tước hiệu “Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội” đã được chính Đức Mẹ xác quyết là tên của Mẹ, sau khi Giáo hội công bố tín điều “Mẹ Vô Nhiễm” (vào năm 1854) nghĩa là Mẹ cưu mang sinh ra Chúa Giêsu mà Mẹ không hề bị đặt để dưới ách thống trị tội lỗi của Adam và Eva và Mẹ luôn trinh khiết.

Tổng cộng Đức Mẹ hiện ra là 18 lần tại hang đá Massabielle từ tháng 2 cho tới tháng 7 năm 1858. Chín lần đầu là vào các ngày 11, 14, 18, 19, 20, 21, 23, 24, 25 tháng 2.

- Lần thứ nhất, vào buổi trưa ngày 11 tháng 2 năm 1858. Cùng đi với Bernadette có em gái là Marie-Antoinette và bạn gái là Jeanne Abadie. Khi đến trước hang đá Massabielle trước dòng sông Gave, Marie và Jeanne lội qua trước để nhặt củi trong hang. Bernadette đang cúi xuống cởi vớ để lội qua con sông. Bernadette thuật lại như sau: “Thình lình tôi nghe thấy một cái gì đó như tiếng gió vi vu. Tôi ngoảnh đầu lại hướng về phía bụi cỏ gần bờ sông, song cây cối vẫn im lặng, rõ là tiếng động, nhưng không xuất phát từ đó... Đoạn tôi nhìn lên và thấy trong hang động, một người nữ mặc áo trắng dễ thương với chiếc dây thắt lưng óng ánh. Trên chân của bà mỗi bên đều có một bông hồng màu vàng nhạt, Bà đeo trong tay một chuỗi mân côi”. Bernadette giơ tay dụi mắt, rồi nhắm và mở ra, nhưng cô thấy Bà lạ vẫn đức đó, tiếp tục mỉm cười và ra dấu biết cô. Bernadette thò tay vào túi lấy tràng hạt và quỳ xuống. Khi Bernadette lần hạt xong Bà ra hiệu cho cô lại gần, nhưng Bernadette không dám. Khi đó Bà lui vào và biến mất trong đám mây sáng. Bernadette muốn giữ kín mọi sự, nhưng trên đường về nhà, cô em gái cứ vặn hỏi, khiến cho cô kể lại chuyện xảy ra với điều kiện là không được nói với ai. Nhưng Marie Antoinette mách lại cho mẹ. Bà Soubirous cho là chuyện bịa đặt nên đánh cho hai cô con gái một trận đòn chí tử! Ba ngày sau đó Bernadette quay trở lại hang đá cùng với em gái và cô bạn. Bernadette đem theo một chai nước phép với ý nghĩ: sẽ rẩy nước phép… “Nếu bà ấy đến từ Thiên Chúa, bà ấy sẽ ở lại, còn nếu bà ấy là quỷ, bà ấy sẽ phải biến mất”. Lát sau Bernadette kêu lên: “Bà ở đó! Bà ở đó!”. Cô đứng dậy vội vã rảy nước thánh về phía bụi hồng và nói: “Nếu Bà đến nhân danh Thiên Chúa, thì xin hãy lại gần”.

– Và vào Ngày 18 tháng 2, lần đầu tiên Bà nói chuyện với Bernadette và xin cô hãy trở lại hằng ngày trong vòng 15 ngày kế tiếp. Đồng thời cũng yêu cầu Bernadette nói với cha xứ hãy xây một thánh đường ở đó. Bà còn nói với cô: “Ta không hứa cho con được hạnh phúc ở đời này nhưng đời sau”. Ngày 24 tháng 2, Bà yêu cầu Bernadette hãy cầu nguyện và sám hối thay cho các tội nhân. Ngày hôm sau bà bảo cô hãy uống nước ở mạch nước từ hang đá. Điều này khiến cho Bernadette bối rối vì chỉ có dòng sông Gave là dòng nước duy nhất ở đó. Nhưng bà ra dấu không phải nước ở dòng sông mà là một mạch nước nhỏ cạnh chỗ cô đang đứng: “Tôi chỉ thấy có một vài giọt nước, còn toàn là bùn. Tôi chụm tay lại để hớt lấy một chút nhưng cũng không được, tôi liền cào đất lên. Tôi cố tìm lấy một ít nước, nhưng mãi sau, tôi mới có đủ ít nước để uống”. Những người chứng kiến đã thất vọng khi thấy Bernadette bới đất, và uống nước bùn… nhưng rồi 1 dòng nước sạch từ đó chảy ra và nó đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của những cuộc hành hương. Thông tin loan truyền từ vùng này qua vùng khác và người ta mang đến đây đủ thứ bệnh nhân. Đã có nhiều bệnh nhân được ghi nhận là được chữa khỏi một cách lạ kỳ. Bảy trong số trường hợp đầu tiên được xác nhận là không cắt nghĩa y khoa được do giáo sư Verges ghi nhận vào năm 1860. Người đầu tiên được chứng nhận một “phép lạ” là một phụ nữ có cánh tay bị tật nguyền bởi một tai nạn.

- Những điều này đã khiến Giáo hội và chính quyền hết sức quan tâm. Từ tháng 4 tới tháng 10 năm 1858, chính quyền cấm dân chúng đến hang đá, cấm bất cứ người nào lấy nước từ mạch nước từ hang đá Massabielle. Một hàng rào bằng gỗ chặn trước cửa hang để ngăn chặn không cho người ta lui tới hang. Những ai vi phạm sẽ phải bị phạt. Muốn đến hang đá phải có giấy phép của hoàng đế Napoléon III.

Trong các cuộc hiện ra, Bernadette Soubirous đã nhiều lần hỏi về tên của bà, song bà chỉ mỉm cười. Sau cùng ngày 25 tháng 3 với cánh tay giang rộng và đôi mắt ngước lên trời, bà phán rằng bà là “Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Bernadette Soubirous không hiểu ý nghĩa “vô nhiễm nguyên tội” là gì. Vì thế cô đến gặp cha xứ và cho cha biết tên của bà là “Vô Nhiễm Nguyên Tội” và cha xứ hiểu đó là Đức Mẹ Maria.

- Ngày 7 tháng 4, những người có mặt chứng kiến sự xuất thần của Bernadette. Chính ngày đó bác sĩ Dozous đã quan sát thấy “phép lạ cây nến”. Ngọn lửa của cây nến cháy trên tay của Bernadette 15 phút mà không gây ra vết cháy nào trên da thịt Bernadette trong lúc cô xuất thần.

Lần cuối cùng vào ngày 16 tháng 7 năm 1858. Vì hang đá đã bị rào bởi lệnh của chính quyền, Bernadette cùng với dì Lucile và vài bạn gái đi đến bờ bên phải của sông Gave trong cánh đồng Ribère đối diện với hang đá. Tất cả quỳ gối và cầu nguyện. Sau một lúc Bernadette kêu lên: “Vâng, vâng, Mẹ đó! Mẹ mỉm cười với chúng ta và chào chúng ta bên trên hàng rào. Chưa bao giờ tôi thấy Mẹ đẹp như vậy”. Đó lần cuối cùng được ghi nhận về việc Đức Mẹ hiện ra với Bernadette.

Lộ Đức trở thành địa điểm hành hương.

- Ngày 19 tháng 11 năm 1858, Ủy ban điều tra của Tòa giám mục đến hang đá lần đầu tiên, sau khi xem xét tỉ mỉ các biến cố, tìm hiểu về Bernadette cũng như các phép lạ chữa lành đã xảy ra mà các tín hữu nhận được tại hang đá Đức Mẹ, vị giám mục thừa nhận tính cách đích thực của các lần hiện ra và tuyên bố: “Đức Mẹ Maria đã thực sự hiện ra với Bernadette Soubirous”. Điều này đã được tôn kính dưới tước hiệu là Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày nay Lộ Đức cùng với Fatima là hai linh địa được nhiều người hành hương nhất. Hàng năm có từ 4-6 triệu du khách hành hương về đây từ khắp mọi miền trên thế giới. Cuộc hành hương chính thức đầu tiên được tổ chức ngày mùng 4 tháng 4 năm 1864 nhân dịp khánh thành và đặt bức tượng Đức Mẹ vào hang đá trong sự hiện diện của 20.000 khách hành hương. Tượng bằng đá cẩm thạch Carrara do ông Joseph-Hugues Fabish người Lyon tạc. Tháng 5 năm 1866, hang Massabielle được làm phép. Từ 1-3 tháng 7 năm 1876 là lễ thánh hiến Vương cung thánh đường và đội triều thiên cho tượng Đức Mẹ do Giáo hoàng Piô IX. Ngày 16 tháng 7 năm 1883 kỷ niệm 25 năm Đức Mẹ hiện ra và lễ đặt viên đá đầu tiên xây Vương cung thánh đường Mân Côi. Trong năm đó đã có 230 cuộc hành hương. Năm 1908 kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ hiện ra có 157 cuộc hành hương, trong đó 76 cuộc hành hương là của các tín hữu đến từ nước ngoài nước Pháp, tổng cộng có hơn 1 triệu người.

Suối nước Lộ Đức.

Nước suối Lộ Đức được phân tích lần đầu tiên ngày 7 tháng 8 năm 1858, cho thấy nó là nước bình thường. Nhà hóa học Filhon, giáo sư Đại học Toulouse liệt kê các thành phần hóa chất của nước, bao gồm đầy đủ cả: Carbonat, clorat, silicat, calcium, sắt, mangesium, phốt pho, amomiac, pồ-tạt và các muối khoáng khác. “Từ những phân tích trên, chúng tôi kết luận: Mẫu nước từ mạch suối Lộ Đức không có gì đặc biệt, chỉ là nước uống bình thường, nó không chứa đựng chất nào chữa bệnh cả. Hiệu quả của các cuộc chữa lành là do quyền năng chuyển cầu của Đức Mẹ. Năm 1882, một ủy ban khoa học với mục đích nghiên cứu và xác nhận các phép lạ tại Lộ Đức được thành lập. Tiếp đó, văn phòng khảo sát y khoa do Đức Giáo Hoàng Piô X thành lập năm 1905. Nó hoàn toàn theo các tiêu chuẩn chuyên môn y khoa chứ không bị kiểm soát của Giáo hội. Làm việc trong văn phòng này có các bác sĩ chuyên môn không phân biệt tôn giáo. Họ quan sát ghi nhận các vụ khỏi bệnh lạ lùng và trình lên Ủy ban y khoa quốc tế xác nhận. Nếu thấy đó là các vụ khỏi bệnh không thể nào giải thích được trên bình diện y khoa. Tiếp đến sau khi có các thẩm định khác, Giáo hội có thể khẳng định việc lành bệnh là một phép lạ. Cho tới nay trên tổng số 7.000 vụ khỏi bệnh không thể giải thích được trên bình diện y khoa, tuy nhiên chỉ có 70 trường hợp được Giáo hội chính thức thừa nhận là phép lạ.

Các cuộc Hành hương:

Trong cuộc hành hương, khách hành hương thường đi tắm suối Lộ Đức để xin ơn chữa lành hoặc tham dự các thánh lễ, đi đàng Thánh giá hoặc cầu nguyện riêng tư… Nhưng mỗi ngày tại Lộ Đức vào mùa hè có hai cuộc rước kiệu: Cuộc rước Thánh Thể lúc 3 giờ chiều từ Hang đá về nhà thờ hầm, một thánh đường vĩ đại dưới hầm, có sức chứa 30 ngàn người. Cuộc rước Thánh thể và chầu Thánh thể cùng ban phép lành các bệnh nhân. Và cuộc rước nến vĩ đại mỗi tối lúc 7.30 với hàng ngàn bệnh nhân nằm trên giường bệnh hoạc ngồi trên xe lăn và cả 50 hay 60 ngàn người hành hương, vừa đi vừa lần chuỗi. Cuộc rước từ hang đá Đức Mẹ đi quanh quảng trường rộng lớn… mà đoàn rước đi zíc zắc mãi mới tập trung về trước Vương cung Thánh đường Nữ Vương Mân côi trong lúc đó khác hành hương đứng đầy trên các lối đi và trên các bậc của Vương cung thánh đường lần chuỗi tung hô Thánh tượng Đức Mẹ.