Ngày 28-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời nguyện trong cơn dịch tái phát
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
06:05 28/07/2020

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con tha thiết nguyện cầu. Xin cho chúng con:

Khi còn được tham dự thánh lễ, biết nhớ đến những người khao khát trẩy hội nhà Chúa nhưng không thể, vì nơi thờ phượng bị đóng cửa.

Khi hàng ngày được rước Mình Máu Chúa, biết nhớ đến những người, dù khao khát Chúa, vẫn chỉ rước lễ thiêng liêng.

Khi còn được đưa đó con cháu mình đến lớp giáo lý, biết nhớ đến các trẻ em trong vùng dịch không thể tập trung học giáo lý.

Khi rơi vào đôi chút khó khăn, rắc rối, biết nhớ đến những người đang nhiễm dịch, nhất là những ai mạng sống đang hết sức mong manh.

Khi chưa đến nỗi đối diện với nguy cơ trầm trọng, biết nhớ đến những người đang hiểm nguy do dịch bệnh rình rập.

Khi còn được đi làm thoải mái, biết nhớ đến những người do cách ly mà phải đình chỉ công việc.

Hàng ngày vẫn no cơm ấm áo, biết nhớ đến những người do cách ly, phải sống trong cảnh thiếu thốn, chật vật.

Khi sự sống còn đang yên ổn, biết nhớ đến những người đang mắc kẹt giữa tâm dịch.

Khi nhận ra sự khỏe mạnh của bản thân, biết nhớ đến những người nhiễm dịch và những ai phải liều thân bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Khi cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày chưa bị xáo trộn, biết nhớ đến những người đêm ngày phải chịu đựng vì chấp nhận gói mình trong hàng lớp găng tay, khẩu trang, nón bảo hộ, quần áo bảo hộ..., hy sinh giành giật từng mạng sống của bệnh nhân.

Khi được chăm sóc người già, người yếu là thân nhân của mình, biết nhớ đến những người bên bờ tử sinh, lại không thể ở cạnh người thân.

Khi phải hủy những chuyến công tác, biết nhớ đến những người chấp nhận xa cách gia đình vì không thể rời nơi thực thi nhiệm vụ.

Khi phãi hủy những chuyến du lịch, biết nhớ đến những người đang trong tâm dịch không thể rời chốn cư trú.

Khi mất tiền vì không thể kinh doanh trong mùa dịch, biết nhớ đến những người không có đủ tiền để trang trải cuộc sống.

Nếu vì dịch bệnh phải ở lại nhà mình, biết nhớ đến những người, giữa đại dịch, phải sống lang thang không nơi cư trú.

Khi hàng ngày được quây quần trong mái ấm của mình, biết nhớ đến những người không thể trả tiền thuê nhà mà phải dọn đi giữa mùa dịch.

Khi chúng con đau buồn than khóc người thân ra đi, biết nhớ đến những người phải từ giã cõi đời cách lặng lẽ trong tâm dịch, thiếu vắng người thân hay bằng hữu tiễn đưa.

Lạy Chúa, trong thời đại dịch toàn cầu đầy đe dọa, dù không thể dành cho nhau ngay cả một cái bắt tay, xin cho chúng con biết nhớ lại lời Chúa Giêsu: "Các con hãy yêu nhau như Thầy yêu các con" (Ga 15, 12) mà mở rộng tấm lòng trao cho nhau tình yêu, sự niềm nỡ, lòng quý trọng, sự cảm thông, lòng nhân ái, tinh thần sớt chia...

Lạy Chúa, xin ghé mắt thương xem đoàn con trần thế đang kêu cầu Danh Chúa. Và dù lâm vào thử thách đến đâu, xin cho chúng con đừng bao giờ thất vọng hay nghi nan, nhưng luôn vững một lòng tin tưởng tín thác trong bàn tay quan phòng vô biên của Chúa. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:39 28/07/2020

41. Để chúng ta hiểu rõ Thiên Chúa chính là bác sĩ thì đau khổ là phương thuốc tốt để được cứu rỗi, chứ không phải là trời phạt.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:45 28/07/2020
88. MẮT CỦA ANH NÓNG ĐÓ

Sau khi Vương Văn Thành làm quan thì nơi địa phương ấy có một người rất không hâm mộ ông ta.

Ngày nọ, anh ta nhìn thấy cái mũ (mão) quan của Vương Văn Thành hai bên có dây rủ xuống hai dải gấm vừa đúng che mất cái tai, anh ta cười nói:

- “Thưa ngài, cái tai của ngài bị lạnh sao? ”

Vương Văn Thành trả lời:

- “Tai của ta không lạnh, nhưng con mắt của ông nóng rồi đó !”

(Nhã Ngược)

Suy tư 88:

Có người thấy người khác ăn nên làm ra thì nóng mặt, tức tối và ghen ghét, thế là không phải chỉ một con mắt nóng mà thôi, nhưng mắt mũi, miệng, mặt và quả tim đều nóng, tội nghiệp cho họ thật chứ không phải chuyện đùa.

Tai bị lạnh thì lấy mũ che lại chẳng hại gì cả, nhưng mắt bị nóng phát hỏa thì nhìn không rõ, nên hay đoán mò đoán bậy làm mất lòng người khác.

Có một vài người Ki-tô hữu tìm nhiều lý do để ngăn cản không cho người khác dâng cúng nhà thờ xây cái này làm cái nọ, vì họ sợ người khác chơi nổi chơi đẹp hơn mình; lại có những người tai không bị lạnh mắt không bị nóng, nhưng luôn luôn nói sai sự thật, chuyện ít nhưng xít cho nhiều, thêm mắm thêm muối làm câu chuyện nhỏ trở thành câu chuyện lớn trầm trọng, có khi có hại và làm mất danh dự của người khác...

Đó là căn bệnh tự ti mặc cảm thường có nơi những người thường cho mình bị thua thiệt vì nghèo, vì không học hành, vì không có tài cán gì...

Khiêm tốn và thành thật chính là ân huệ mà Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta nhận ra ân sủng mà Chúa ban cho tha nhân, đó chính là hâm mộ thật vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Suy niệm Chúa Nhật tuần 18A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
18:59 28/07/2020
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 14:13-21)
LƯƠNG THỰC


Vào nơi hoang địa khô khan,
Nhiều người theo Chúa, xin ban ơn lành.
Xót thương dân chúng đồng hành,
Chữa lành bệnh tật, nhân danh Chúa Trời.
Suốt ngày say đắm nghe lời,
Hoàng hôn dủ xuống, biết nơi nào về.
Xa nhà, bụng đói trăm bề,
Thương thay số phận, đừng chê trách gì.
Cảm thông ân lượng từ bi,
Thức ăn ban phát, những khi cần dùng.
Làm sao năm bánh chia chung,
Chỉ còn hai cá, ai dùng ai không.
Quây quần bên Chúa đám đông,
Trong tay bánh cá, mong trông phép lành.
Ngợi khen Thiên Chúa thánh danh,
Đọc lời chúc tụng, chân thành tri ân.
Tông đồ phân phát cho dân,
Hóa thành bánh cá, dư phần trao ban.
Năm ngàn nhân khẩu sẻ san,
Mười hai thúng vụn, dư tràn ân thiêng.

Trong khi những nhà giầu có ẩn náu sau bức tường cao. Những người nghèo vẫn đi ăn xin để nuôi sống. Theo thống kê, có gần một nửa số dân chúng trên thế giới không có đủ nước uống trong lành và an toàn. Có khoảng 450 triệu người đói khi lên giường ngủ. Nghe thế, đôi khi chúng ta chẳng quan tâm và nghĩ rằng chuyện đó khó tin và chẳng liên quan gì tới chúng ta.

Trong bài phúc âm hôm nay, nhiều người gặp được Chúa như tìm được một kho tàng. Mọi người tuôn về bên Chúa, người thì xin ơn chữa bệnh, người thì đến nhìn xem việc lạ lùng và kẻ thì đến lắng nghe Lời hằng sống. Họ mải mê bên Chúa quên ngày giờ và quên cả đói khát. Họ cảm thấy an vui bên Chúa. Họ không còn lo lắng của ăn, áo mặc. Có Chúa là có tất cả.

Điều gì đã lôi cuốn họ đến với Chúa. Đó không phải là hội ca đàn nhạc, không diễn hành, không tiệc tùng lễ hội, không ca múa và không kịch nghệ. Chỉ có Chúa là vai chính ở nơi hoang vắng. Chúa có sức thu hút mãnh liệt. Lời Chúa có sức mạnh vô song. Biến đổi tất cả.

Chúa tỏ lòng thương xót họ. Chúa quan tâm đến những nhu cầu cuộc sống của họ. Chúa nhìn thấu tâm hồn khao khát chân lý của họ. Và Chúa đã chữa lành tâm hồn và thể xác cùng với mọi bệnh hoạn tật nguyền.

Trong bài phúc âm hôm nay, diễn tả hành động bác ái của cậu bé đã góp phần ăn dưỡng nuôi nhiều người. Nếu mỗi người chúng ta biết chia xẻ một phần nhỏ của những cái chúng ta có, chúng ta cũng sẽ góp phần làm vơi nhẹ những khổ đau trong cuộc sống của những người xung quanh.

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng nếu chỉ cho 5 hay 10 đồng thì có là chi so với nhu cầu của hàng triệu người đang đói khát. Và thế là chúng ta đóng cửa lòng lại không muốn cho nữa. Cần lắm bạn ạ, chỉ ít tiền xu góp nhặt cũng đủ làm vơi bớt một nỗi sầu. Hãy đốt lên một ngọn nến, còn hơn ngồi đó để nguyền rủa bóng tối.

Chúa vẫn cứ tiếp tục ban ơn cho chúng ta. Chúa ban phát dư tràn. Chúa còn cho họ ăn no nê cả phần hồn lẫn phần xác. Chúa đem lại cho họ niềm hy vọng. Chúng ta hãy đến với Chúa. Chúa sẽ không để chúng ta về tay không.

TUẦN 18 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 14: 13-21


Chúa Giêsu nói với các tông đồ: Dân chúng chẳng cần phải đi đâu, các con hãy cho họ ăn. Các ông thưa: Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá Chúa đã nuôi năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

Trong khi đi giảng đạo, Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều hai lần để nuôi dân. Chúa ban cho họ dư tràn, họ ăn no, người ta còn thu lại được mười hai thúng đầy những bánh vụn. Chúa Giêsu đã rộng tay ban phát cho dân chúng của ăn phần xác. Chúa chuẩn bị tư tưởng cho dân để đón nhận của ăn phần hồn mà Ngài sẽ trao ban. Đó chính là thịt máu của Ngài qua Bí tích Thánh Thể.

Người ta nói rằng: Có thực mới vực được đạo. Biết bao điều thực Chúa đã làm cho dân chúng. Chúa đã chữa bệnh, trừ qủy, hóa bánh ra nhiều và cho kẻ chết sống lại. Tất cả đều là sự thực. Nhưng thực nơi đây, người ta muốn ám chỉ những cái cụ thể như cơm áo gạo tiền. Chúa không chỉ ban cho họ bánh một hay hai lần mà Chúa sẽ ban cho họ lương thực hằng ngày qua bàn tiệc lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con có khả năng để tìm kiếm của ăn vật chất, Chúa còn ban cho chúng con của ăn tinh thần là lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa. Tạ ơn Chúa.

THỨ BA
Mt. 14: 22-36


Chúa Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các tông đồ, các ông hoảng sợ và lớn tiếng kêu la: Ma kìa. Chúa Giêsu nói với các ông: Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ. Phêrô thấy thích quá vội xin Chúa cho đi trên mặt nước đến với Chúa. Chúa phán: Hãy đến. Ông Phêrô bước xuống đi trên mặt nước nhưng thấy gió mạnh, ông sợ hãi và bắt đầu chìm. Ông la lên: Thưa Thầy, xin cứu con.

Chúa đã mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn. Thật vậy, các tông đồ được chứng kiến nhiều phép lạ ngoại thường như mẻ cá lạ, như Chúa biến hình trên núi, như Chúa quát sóng biển cho im lặng và nay Chúa đi trên mặt nước. Các ông được chứng kiến và Phêrô còn được thử nữa. Thử đi trên mặt nước nhưng vì yếu tin, ông đã bị chìm xuống. Chúng ta thấy Chúa thương yêu các tông đồ một cách đặc biệt. Theo Chúa, nghe Chúa giảng, về nhà, Chúa lại cắt nghĩa các dụ ngôn. Có nghĩa là các tông đồ còn có giờ học thêm và được dạy kèm.

Hành trình sống đạo của người Kitô hữu là hành trình đức tin. Sóng gió chính là những khó khăn, đau khổ và lo toan trong cuộc sống. Những sóng gió đó có thể làm chúng ta sợ hãi, nghi ngờ và lung lạc đức tin. Phêrô nhìn vào Chúa và bước đi nhưng khi ông rời Chúa, nhìn vào sóng gió, ông đã sợ hãi và tự chìm xuống. Chúng ta hãy đặt niềm tin nơi Chúa cho dù hoàn cảnh khó khăn hay bất trắc của cuộc đời, đừng rời bàn tay của Chúa. Nắm lấy bàn tay Chúa, Chúa sẽ cứu chúng ta.

THỨ TƯ
Mt. 15: 21-28


Người phụ nữ Canaan đến kêu van xin Chúa chữa cho đứa con gái bị qủy ám. Bà nói: Lạy Ngài là Con Vua Đavít. Xin thương xót tôi. Con gái tôi bị qủy ám khốn khổ lắm. Chúa Giêsu chẳng đáp lại lời nào. Bà ta cứ năn nỉ ỉ ôi làm các tông đồ cũng phiền lòng. Các ông muốn xin Chúa cho bà ta về đi.

Các tông đồ đã chẳng xin Chúa chữa cho con gái của bà ta mà chỉ xin Chúa cho bà ta về để khỏi bị quấy rầy. Thái độ của các ông hơi hẹp hòi và kỳ thị chủng tộc, coi bà là người ngoại. Chúa nói: Ngài chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel. Người đàn bà Canaan có lẽ cũng thuộc loại chiên lạc. Chúa đã thách thức niềm tin của bà qua cuộc đối thoại. Bà ta không ngại ngùng nhận thân phận ngoại lai của mình nhưng bà ta nhất định muốn xin cho bằng được. Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót tôi, lời của bà đã đánh động lòng thương xót của Chúa. Chúa đã chữa cho con gái của bà khỏi qủy ám.

Người phụ nữ trong câu truyện đã tỏ lòng khiêm tốn và kiên nhẫn van xin. Bà ta được như lòng ước mong. Trong cuộc sống của chúng ta cũng như thế: con cái đau yếu, bệnh tật, thất bại trong công ăn việc làm và những khó khăn trong cuộc sống nhiều khi làm chúng ta chán nản và mất lòng cậy trông. Chúng ta hãy chạy đến với Chúa trong sự khiêm tốn và kiên trì trong lời cầu nguyện. Chúa không để chúng ta trở về tay không. Hãy xin thì sẽ được và hãy gõ thì sẽ mở cho.

THỨ NĂM
Mt. 16: 13-23


Chúa Giêsu hỏi han các môn đệ xem dân chúng nghĩ Ngài là ai. Họ thưa rằng: Có người nói Thầy là Gioan, có kẻ bảo là Êlia, là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó. Như vậy cho tới giờ này chưa ai biết Chúa Giêsu là ai. Chúa quay lại hỏi các tông đồ, còn các con, các con bảo Thầy là ai? Simon Phêrô thưa: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.

Chúa chúc phúc cho Phêrô và nói: Không phải xác thịt hay máu huyết mặc khải cho con nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Biết được Chúa là Con Thiên Chúa là do Chúa Cha soi cho. Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô chìa khóa Nước Trời : Điều gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc. Điều gì con tháo cởi dưới đất, trên trời cũng tháo cởi.

Danh hiệu Kitô, có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu, Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị hành hạ và bị giết chết để đền tội cho nhân loại. Sứ mệnh của Chúa Kitô là Đấng gánh tội trần gian. Ngài chính là con chiên hy tế. Máu của Ngài là máu của Giao Ước mới được đổ ra để giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người. Chúa Giêsu biết trước những khổ đau Chúa sẽ phải chịu, Chúa lãnh nhận chén đắng này hoàn toàn theo thánh ý của Chúa Cha.

Chúa Giêsu đã chuẩn bị lập giao ước mới bằng máu của Ngài. Chúa đã chọn Phêrô làm đá, trên đá này Chúa sẽ xây Hội Thánh của Chúa và cửa địa ngục sẽ không thắng được.

THỨ SÁU
Mt. 16: 24-28


Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Nếu ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Từ bỏ mình không phải là tự làm hại chính mình, không phải là sống bi quan yếm thế và buông thả. Bỏ mình là bỏ đi cái tôi để phó mình trong sự quan phòng của Chúa. Nếu chúng ta theo Chúa mà còn giữ lại cái tôi và những ý hướng riêng là chúng ta bắt cá hai tay.

Chúa nói thêm: Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt mất mạng sống mình thì được ích gì? Chúa Giêsu nói mạng sống đây chính là sự sống linh hồn. Có nhiều khi suốt đời chúng ta mải mê tìm kiếm của cải thế gian, tìm danh vọng lợi lộc và tìm thỏa mãn thú vui xác thịt, sau cùng khi chúng ta ra đi cũng chỉ hai bàn tay trắng. Chúng ta chẳng mang theo được gì xuống nấm mồ.

Cuộc sống của chúng ta còn có những cái qúy nhất gấp trăm lần của cải trần gian. Cuộc đời này dù chúng ta có chắt chiu cách nào đi nữa cũng chỉ sống trên dưới một trăm tuổi. Và chúng ta vĩnh viễn ra đi vào hư vô. Chúa Giêsu đã mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc đời của chúng ta là từ bỏ mình vác thánh giá mình hằng ngày mà theo Chúa.

Thánh giá đương nhiên có sự đau khổ, phải từ bỏ và hy sinh nhưng tất cả mọi sự sẽ đến và sẽ qua, chúng ta sẽ được chung hưởng hạnh phúc với Chúa muôn đời.

THỨ BẢY
Mt. 17: 14-20


Có một người đến qùy gối trước mặt Chúa Giêsu mà thưa : Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong rất trầm trọng. Tôi đã đem nó đến các môn đệ Ngài, nhưng các ông không chữa được. Các môn đệ hỏi Chúa: Tại sao chúng con không thể trừ qủy ấy được. Chúa Giêsu bảo: Vì các con yếu lòng tin.

Chúa Giêsu trừ qủy chữa bệnh là vì Chúa uy quyền. Các tông đồ được Chúa trao ban quyền trên các thần ô uế và quyền chữa bệnh nhưng không phải cứ hô lên là qủy xuất hay cứ muốn chữa bệnh là bệnh được khỏi. Trong việc trừ qủy và chữa bệnh có một điều rất quan trọng đó là đức tin. Đức tin của người chữa bệnh và đức tin của người được chữa. Các tông đồ không thể trừ qủy ấy được vì các ông yếu lòng tin.

Vấn đề đức tin là vấn đề tâm linh. Không phải chúng ta kiếm tìm được qua sách vở hay do học hỏi. Đức tin là ơn thiêng Thiên Chúa ban cho từng người. Làm sao chúng ta biết được mình có đức tin mạnh mẽ hay không? Hãy xem qủa thì biết cây. Xem việc chúng ta sống đạo và hành đạo thế nào. Có một vài người nói rằng đi dự buổi cầu nguyện chữa bệnh qua Thánh Linh, nhiều người được ơn ngã xuống và nói rằng họ có đức tin mạnh. Còn có nhiều người yếu đức tin, đứng hoài không ngã. Ai dám tự khoe mình nói rằng mình có đức tin mạnh. Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con. Chúng ta nên nhớ rằng cầu nguyện và đức tin luôn đi đôi với nhau.
 
Bữa Tiệc Tình Thương
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:02 28/07/2020

Chúa Nhật 18 Thường Niên A

Hành hương Thánh Địa, chúng tôi có ghé thăm miền đất Tabgha với nhiều địa danh quen thuộc được kể trong Phúc Âm.Vùng Tabgha màu mỡ trải dọc theo hướng Tây Bắc bờ Biển hồ Galilê. Tên Tabgha bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “Heptapegon” nghĩa là “7 con suối” và được thu gọn lại theo tiếng Ả Rập là Tabgha.

Theo truyền thống, tại miền đất này đã diễn ra những sự kiện quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu: Phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều; Chúa giảng Bài giảng trên Núi; sau khi Phục sinh, Chúa đã hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ và trao quyền lãnh đạo cho Simon Phêrô…

Chúng tôi đến thăm “Nhà Thờ Bánh Hóa Nhiều”, giữa một khu vườn rất nhiều cây ôliu và hoa cỏ xanh tươi xinh đẹp. Ngôi Nhà thờ nguyên thủy được xây dựng dưới thời Byzantine, trong nhiều giai đoạn khác nhau và được trùng tu vào các thế kỷ sau đó. Nhà thờ vẫn còn lưu giữ một sàn nhà khảm đá (mosaic) đã được khám phá tại Thánh địa. Có lẽ biểu tượng nổi bật nhất, nằm ngay trên đỉnh của bức tranh phía dưới bàn thờ chính là 4 chiếc bánh và 2 con cá, kính nhớ việc Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ tại đây.

Khi chiêm ngắm bức họa với 2 con cá và 4 chiếc bánh, ai cũng hỏi tại sao lại 4 mà không phải là 5 chiếc bánh như Phúc Âm đã kể? Đây là một sự “thiếu sót” có chủ ý của nghệ nhân khi làm nên bức hình đó. Vì chiếc bánh thứ năm không nằm trong giỏ nhưng nằm trên bàn thờ, đó chính là Mình Thánh Chúa mỗi khi thánh lễ được cử hành trên bàn thờ này.

Người Ba Tư xâm chiếm vùng này và phá hủy Nhà thờ vào năm 614. Vương cung Thánh đường mới được xây dựng trên nền cổ của ngôi Nhà thờ, vẫn còn giữ nguyên phong cách cũ đồng thời kết hợp hài hòa những nét cổ xưa và hiện đại. Ngày nay, các thầy dòng Biển Đức chăm sóc ngôi Nhà thờ này.

Chúng tôi đọc Phúc Âm câu chuyện phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều và thinh lặng suy niệm. Matthêu chương 14 mô tả hai bữa tiệc xảy ra nối tiếp nhau để độc giả so sánh và suy nghĩ: bữa tiệc sang trọng với cái đầu của Gioan Tẩy Giả và bữa tiệc của dân nghèo với 5 cái bánh và 2 con cá.

Mt 14, 1-12: Tại bữa tiệc ở cung điện của vua Hêrôđê với các quan khách sang trọng quý phái. Họ có tất cả mọi sự trên đời: quyền hành, danh vọng, tiền bạc, sắc đẹp, lạc thú, thức ăn cao lương mỹ vị, rượu ngon thoả thích, vũ nữ duyên dáng chân dài chân ngắn…và có cả hận thù ích kỷ, máu đổ đầu rơi.

Mt 14, 13-21: Tại bữa tiệc nơi hoang vắng với đám dân nghèo đói. Họ chẳng có gì ngoài sự tin tưởng, hy vọng vào tình thương và sự chia sẻ của Chúa Giêsu. Đây là phép lạ của tình thương. Các môn đệ cũng đóng vai trò quan trọng là cộng tác với Chúa, đi phân phát thức ăn cho dân chúng. Mọi người chia sẻ cho nhau, bánh và cá cứ thế mà tiếp tục nhiều lên. Chúa không làm phép lạ một núi bánh và cá cho mọi người đến lấy. Chúa làm phép lạ khi mọi người liên đới với nhau, cùng bẻ ra và trao cho nhau. Bữa ăn hôm đó là một biểu tượng của bữa tiệc Thánh Thể. Không còn ranh giới, không còn giai cấp, không còn kẻ trên người dưới. Một tinh thần hoà đồng, tất cả đều là anh chị em trong Chúa Giêsu. Trong tiệc Thánh Thể, người ta tìm thấy bình an và nguồn hạnh phúc trào dâng trong tâm hồn. Người ta tận hưởng hoa trái tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, người ta nhận biết giá trị của bình an nội tâm do ân sủng Chúa ban đến.

1. Bánh Trường Sinh

Phép lạ hoá bánh là dấu chỉ báo trước Thánh Thể: "Ngài cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ" (Mt 14, 20). Trong Tiệc Ly "Ngài cấm lấy bánh, chúc tụng" (Mc 14, 22). Cử chỉ Bẻ Bánh đã trở thành nét đặc trưng của Chúa Giêsu ( Lc 24, 30) và của Giáo hội (Cv 2, 42).

Ðược bánh ăn, dân chúng muốn "bắt lấy Ngài tôn lên làm vua" (Ga 6, 15). Họ tiếp nối Satan cám dỗ Ngài lần nữa. Chúa Giêsu nhắc nhở họ rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh "Hãy ra công làm việc, đừng vì lương thực hư nát nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời mà Con Người sẽ ban cho các ngươi" (Ga 6, 27). Họ xin cho được ăn mãi thứ bánh ấy và Chúa đã bảo họ: "Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với ta không hề phải đói, ai tin vào ta, chẳng khát bao giờ" ( Ga 6, 35). Chóp đỉnh của mạc khải về Bánh Hằng Sống chính là "Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì được sống muôn đời, và ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6, 54). Ăn thịt, uống máu nhấn mạnh đến cái chết trên thập giá của Chúa.

"Bánh Ta sẽ ban" hướng về cái chết của Chúa Giêsu và gợi đến Tiệc Thánh Thể lưu niệm vĩnh viễn sự chết cứu độ của Chúa trên Thập giá. Giá trị cứu rỗi của cái chết trên Thập giá được hiện tại hoá luôn mãi trong Tiệc Tạ Ơn của Giáo Hội. Người tín hữu được sống dồi dào khi ăn uống Mình Máu Chúa Giêsu.

Chúa vẫn tiếp tục đồng hành cùng Giáo hội, thực hiện công trình cứu độ trong Giáo hội, qua Giáo hội và với Giáo hội. Trao cho chúng ta Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, Chúa mời gọi chúng ta bẻ ra và trao cho anh em mình.

2. Bánh Lời Chúa:

"Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1, 14). Lời Thiên Chúa là Lời Quyền Năng, nhưng Ngài lại trao cho con người sứ mạng công bố lời Ngài "Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ" (Dt1, 1). Cũng một sứ mạng ấy được tiếp nối trong Giáo hội hôm nay "Ngài sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân" (Lc 9, 2). Sứ mạng đó là nhiệm vụ cốt yếu của các tông đồ "Chúng tôi không thể sao nhãng Lời Thiên Chúa để lo giúp việc bàn ăn" (Cv 6, 2) và chính Thánh Phaolô kêu lên "khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng". Thế là, con người tội lỗi được giao trách nhiệm công bố Lời thánh hoá; con người yếu đuối công bố Lời quyền năng; con người giới hạn công bố Lời vĩnh cửu. Một vinh dự quá đổi lớn lao.

Lời Chúa có thể đọc và giải thích ngoài phụng vụ, trong phạm vi cá nhân hoặc khi làm việc đạo đức. Khi đó Lời Chúa là cơ hội ban ơn hiện sủng và hiệu năng ở đây là hiệu năng "do nhân" (ex opere operantis), tuỳ thuộc thái độ tâm hồn của người đọc và người nghe. Lời Chúa được công bố khi cử hành phụng vụ, đó là Lời do Chúa Giêsu hoặc Giáo hội ấn định, được công bố nhân danh Chúa và Giáo hội bởi Thừa tác viên chính thức. Lời Bí Tích mang hiệu năng "do sự" (ex opere operato), qua các bí tích Chúa Kitô ban ân sủng cho người lãnh nhận.

Sứ vụ công bố Lời Chúa được thực hiện trong tác động của Thánh Thần. Bởi thế người rao giảng Tin mừng chỉ có thể thực rao giảng Lời Chúa nhờ quyền năng và tác động của Thánh Thần. Chính Thánh Thần tác động lên người nói cũng như người nghe, để Lời được công bố không còn là Lời của người phàm nhưng là Lời Thiên Chúa. Dù ta có cố gắng đến đâu cũng không thể cải hoá lòng người vì: "Không ai có thể tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa mà không do Thánh Thần" (1Cor 12, 3) và "Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả chỉ là uổng công"(Tv 127, 1).

Các con có mấy chiếc Bánh Lời Chúa để trao cho anh em? Chúa vẫn luôn hỏi chúng ta điều ấy mỗi ngày. Bởi đó, cần trau dồi Lời Thiên Chúa, vì người được sai đi để công bố Lời Chúa chứ không phải lời của thế gian, cho dẫu lời ấy có khôn ngoan đến đâu chăng nữa. Ðồng thời cũng phải trau dồi lời con người, là khả năng nói, loan báo, kỹ năng diễn đạt tư tưởng và rao giảng để Lời Chúa chinh phục các tâm hồn.

Công bố Lời Chúa vừa là một hồng ân vừa là một trách nhiệm. Là hồng ân vì con người tầm thường được Thiên Chúa mời gọi làm ngôn sứ. Là trách nhiệm vì phải nỗ lực để chu toàn sứ vụ.

3. Bánh Thánh Thể:

Bánh và rượu tương trưng đầy đủ chính con người chúng ta. Bánh là kết quả công lao khó nhọc của con người. Người ta thường nói: Ðổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có mà ăn. Bánh như thế tượng trưng công lao khó nhọc và chính sự sống con người. Bên cạnh đời sống vật chất còn có đời sống tinh thần. Vì thế cùng với bánh chúng ta dâng rượu. Rượu tượng trưng cho mọi nỗi vui buồn sướng khổ của đời người: khi vui ta uống chén rươụ mừng nhưng khi buồn ta uống chén rượu giải khuây. Dâng lên Chúa bánh và rượu là chúng ta dâng lên tất cả đời sống với mọi nỗi vui buồn sướng khổ, tất cả dệt nên cuộc sống hiện tại của mình.

Ðến Nhà Thờ dâng Lễ, mỗi tín hữu mang lễ vật riêng là chính đời sống của mình, nhưng khi dâng lễ, nó được thu hợp lại thành lễ vật chung của cộng đoàn dâng lên Chúa. Tấm bánh được hình thành bởi trăm ngàn hạt lúa miến đã được xay nát ra và hoà trộn với nhau trong chậu bột. Ly rượu là kết quả của nhiều trái nho được ép ra và hoà tan với nhau. Cả hai tượng trưng đầy đủ ý nghĩa cộng đồng cho lễ vật mỗi người cũng như lễ vật toàn thể cộng đoàn. Linh mục đọc Lời Truyền Phép là Lời Chúa Kitô, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Đồng thời Chúa Kitô cũng biến đổi những hy sinh, những hạnh phúc đau khổ, những trách nhiệm của cộng đoàn trong hiến lễ để rồi khi mỗi người rước lễ, họ đón nhận Mình Máu Chúa là đón nhận lại của lễ mình dâng lên mà giờ đây đã được thánh hiến. Người tín hữu được lớn lên trong đức tin, trong lòng mến nhờ ân sủng của Thánh Thể Chúa Kitô. "Chính tôi là Bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ" (Ga 6, 35). "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời" (Ga 6, 51). Thánh Thể như thế là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người; là quà tặng Thiên Chúa trao ban cho nhân loại, và chính là lương thực thiêng liêng, bảo đảm hạnh phúc trường cửu của chúng ta. Bởi đó tham dự thánh lễ cách đầy đủ tích cực trọn vẹn với tất cả con người là cách tốt nhất đáp lại tình thương của Chúa, yêu mến Thánh Thể.

ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận viết “Con muốn hỏi: ‘Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả? ’. Hãy tham dự Thánh lễ, vì không kinh nào, không tổ chức, nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên Thánh giá”. (Đường Hy Vọng #349).Bí tích Thánh Thể là ‘nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu’ (GH 11), là trung tâm điểm của Phụng Vụ vì cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, ‘mầu nhiệm Chúa Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta’ (GLCG 1068).

Tham dự Thánh Lễ cách “trọn vẹn, ý thức và linh động”, và “qua cuộc sống biểu lộ cho người khác thấy mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Hội Thánh chân chính” (PV 2) là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một niềm tin nhạy cảm để biết nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa. Xin ban cho chúng con tấm lòng quảng đại, để biết sống chia sẻ, hầu cảm nhận được tình yêu của Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Amen!
 
Luôn làm cho sống
Lm Minh Anh
22:10 28/07/2020

Nhờ Ngài, chúng ta được sống”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa được chọn trong ngày lễ thánh Matta nêu bật chủ đề Thiên Chúa là tình yêu, cũng là một Thiên Chúa làm cho sống. Một sự trùng hợp ít ai để ý là tác giả của cả hai bài đọc chỉ là một, Gioan tông đồ. Qua thư thứ nhất, Gioan nói về Thiên Chúa là tình yêu; qua Tin Mừng, Gioan cho biết, Thiên Chúa đó làm cho sống: Lazarô, chỗi dậy sau bốn ngày chết trong mồ.

Thánh thư hôm nay là một trong những đoạn văn hay nhất của Tân Ước; trong đó, Gioan định nghĩa Thiên Chúa Là Tình Yêu, một định nghĩa tuyệt vời nhất về Thiên Chúa của Thánh Kinh mà chỉ mình Gioan có. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, tình yêu đó được biểu lộ khi “Người sai Con Một đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống”. Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống; bởi lẽ, công việc của tình yêu là làm cho sống, nhân lên sự sống. Ở đâu không làm cho sống, ở đó vắng bóng Thiên Chúa; ở đó, không phải là tình yêu.

Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu và các môn đệ đến nhà những người bạn thân của Ngài. Matta, người chị có cô em là Maria và Lazarô, người mới qua đời. Cuộc đối thoại bắt đầu với những dỗi hờn như trách yêu vị khách quý, “Nếu Thầy ở đây thì em con không chết”; nói như thế, Matta hàm ý, vị khách của mình đã từng làm cho nhiều người sống. Cô nói thêm, “Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”; Matta xác tín, vị khách quý của mình đầy quyền năng. Chúa Giêsu nói với cô, “Em con sẽ sống lại”; Matta hiểu em cô sẽ sống lại như bao người vào ngày thế mạt, “Con biết em con sẽ sống lại trong ngày sau hết”. Đến lúc này, Chúa Giêsu không thể cầm mình, Ngài buộc phải nói lên bản chất của tình yêu nơi Ngài, làm cho sống, “Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin Thầy thì dầu có chết cũng sẽ sống; kẻ nào sống mà tin Thầy, sẽ không chết bao giờ”; và Ngài dồn Matta đến chân tường, “Con có tin điều đó không? ”. Matta đáp, “Thưa Thầy, vâng, con tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”. Sau đó, trước cửa mộ, Ngài cất tiếng gọi, “Lazarô”; người chết bước ra.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu không chỉ làm cho con người sống lại phần xác như đã cho Lazarô em của Matta Maria sống lại, hoặc như cho con gái ông Giairô, con trai goá phụ thành Nain sống lại nhưng Ngài còn làm cho tinh thần, phẩm giá và nhân vị của con người được hồi sinh; cũng là điều mà trong kinh nguyện bình dân, con cái Giáo Hội xin cho được là “sống lại thật về phần linh hồn”. Lần giở các trang Tin Mừng, chúng ta đọc thấy biết bao con người được Chúa Giêsu làm cho sống lại thật về phần linh hồn. Một Nicôđêmô biệt phái được ơn tái sinh, những người phong cùi được lành sạch, hai người quỷ ám sống mà như chết lây lất giữa mồ mả được trừ tà, những người mù thành Giêricô được sáng mắt, một phụ nữ Samaria bên bờ giếng được nước trường sinh, một phụ nữ ngoại tình suýt bị ném đá được ra về an bình, một Giakêu thu thuế hồi tâm, một Lêvi trưởng quan thuế thành tông đồ hay một anh trộm lành trên gò Sọ được cả nước thiên đàng… Đó là những người được Ngài làm cho sống lại thật về phần linh hồn.

Chúa Giêsu là sự sống, không chỉ sự sống đời sau nhưng còn là sự sống hiện tại, qua đó, ơn thánh sự sống của Ngài đang hoạt động cùng với Thánh Thần trong linh hồn chúng ta, những lữ hành chốn khách đày cùng với Giáo Hội chinh chiến. Những lời lạ lùng, “Thầy là sự sống lại và là sự sống” của Ngài thật an ủi khiến mỗi người không ngần ngại để đến gần Ngài hơn; nhờ đó, Ngài cũng sẽ làm cho sống những gì đang chết… trong những ước muốn lăng loàn, những tâm tưởng khùng điên và cả linh hồn có thể đang rối bời như mớ bòng bong của mỗi người.

Tại một trại cùi tanh tưởi đến tởm lợm, bệnh nhân vật vờ như bóng ma trơi. Vậy mà ở đó có một bệnh nhân yêu đời đến lạ thường. Sau nhiều ngày, soeur phụ trách phát hiện, thì ra, đúng sáu giờ mỗi chiều, qua khe hở của bức tường, anh nhìn ra đỉnh đồi. Kìa, ở đó, người vợ yêu dấu của anh trao tặng anh một nụ hôn gió, kèm theo một nụ cười. Ôi, tình yêu làm cho sống.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống cũng là “Bánh ban sự sống” cho chúng ta ngay hôm nay trên bàn thờ. Ngài đang đợi để làm cho mỗi người chúng ta sống. Hãy tin điều đó!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, qua khe hở của ngày sống, chớ gì con cũng thấy Chúa mỉm cười và giúp con sống; nhờ đó, mỗi ngày, con cũng làm cho anh chị em con sống, lớn lên và người hơn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Cho phúc hơn nhận
Lm Đan Vinh
22:16 28/07/2020
Chúa Nhật 18 Thường Niên A
Is 55, 1-3; Rm 8, 35.37-39; Mt 14, 13-21

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 14, 13-21

(13) Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người. (14) Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. (15) Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi. Vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. (16) Đức Giê-su bảo: “họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn”. (17) Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá !” (18) người bảo: “Đem lại đây cho Thầy !”. (19) Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. (20) Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. (21) Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU HÓA BÁNH RA NHIỀU LẦN THỨ NHẤT

Như ông Mô-sê trong thời Xuất Hành, Đức Giê-su đã đưa dân chúng tin Người vào hoang địa. Tại đây Người đã làm phép lạ nhân bánh ra nhiều để nuôi “năm ngàn người đàn ông không kể đàn bà con trẻ” giống như Mô-sê xưa đã xin Đức Chúa ban man-na từ trời rơi xuống để nuôi dân Ít-ra-en. Phép lạ này tiên báo về bí tích Thánh Thể mà Đức Giê-su sẽ thiết lập trong bữa Tiệc Ly sau này.

3. CHÚ THÍCH:

- C 13-14: + Lánh khỏi nơi đó: Khi Gio-an Tẩy Giả bị vua Hê-rô-đê bỏ tù thì Đức Giê-su đã lánh sang miền Ga-li-lê (x. Mt 4, 12). Giờ đây, khi nghe tin Gio-an bị vua Hê-rô-đê chém đầu thì Đức Giê-su lánh vào nơi hoang vắng, vì chưa đến “giờ của Người” (x.Ga 8, 59;11,53-54). Cái chết của Gio-an là điềm báo về cái chết của Người sắp xảy đến. + Đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt: Theo Mác-cô và Lu-ca, lý do chính của cuộc rút lui này là để thầy trò có những giờ phút ở riêng bên nhau, tránh sự quấy rầy của dân chúng (x. Mc 6, 31). Hướng đi của thuyền các ngài là hoang địa gần thành Bét-sai-đa (x. Lc 9, 10), nằm về phía Đông Bắc và cách biển hồ Ga-li-lê khoảng một cây số. Đây là thời gian gần đến lễ Vượt qua của dân Do Thái (x. Ga 6, 4). + Đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người: Đông đảo dân chúng đi theo Đức Giê-su gợi lên hình ảnh dân Ít-ra-en xưa cũng đi theo Mô-sê vào trong sa mạc Xi-nai. + Chạnh lòng thương: Khi chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân, Đức Giê-su chứng tỏ Người chính là Mục tử lý tưởng mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm (x. Ed 34, 11-16).
- C 15-18: + xin Thầy giải tán đám đông: Các môn đệ đã biết nghĩ đến nhu cầu của đám đông đang cần được ăn uống, nhưng các ông lại bất lực trước nhu cầu lớn lao kia, nên đề nghị Đức Giê-su giải tán dân chúng để ai nấy tự lo lương thực cho mình. + Chính anh em hãy cho họ ăn: Đức Giê-su biết rõ các môn đệ bất lực, nhưng Người vẫn ra lệnh cho các ông phải lo cho họ được ăn. Qua câu này, Người muốn Giáo Hội sau này không những phải rao giảng Tin Mừng, mà còn phải làm hết khả năng để đáp ứng nhu cầu về thể xác cho dân chúng nữa. + chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá !: Số lượng quá nhỏ bé so với nhu cầu cần dùng. Riêng Tin Mừng Gio-an còn cho biết năm chiếc bánh đó làm bằng lúa mạch, tức là loại bánh của người nghèo. + Đem lại đây cho Thầy !: Với mấy chiếc bánh như vậy, các môn đệ không thể làm được gì. Nhưng Đức Giê-su chỉ cần các ông có thiện chí đóng góp hết khả năng của mình là Người sẽ thực hiện một phép lạ lớn lao.
- C 19: + Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ: Cỏ chỉ mọc vào mùa xuân, nghĩa là khoảng tháng ba dương lịch trước lễ Vượt Qua (x. Ga 6, 4.10; Mc 6, 39). Việc cho dân chúng ngồi trên cỏ là để tránh mất trật tự thường xảy ra mỗi khi phân phát đồ ăn. + Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá: Trong các gia đình Do thái, vào trước bữa ăn, người cha thường đọc kinh cảm tạ Thiên Chúa về những ơn lành Người đã thương ban. Ở đây khi làm cử chỉ này, Đức Giê-su cho thấy Người là gia chủ của đại gia đình nhân loại. + Ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng và bẻ ra, trao cho các môn đệ: Các cử chỉ và hành động ở đây tương tự như Người sẽ làm trong bữa tiệc ly để thiết lập bí tích Thánh Thể vào tối Thứ Năm trước cuộc khổ nạn sau này (x. Mt 26, 26).
- C 20-21: + Ăn no và còn dư: là hai yếu tố nói lên sự dồi dào của bữa tiệc Thiên Sai mà I-sai-a đã tuyên sấm trước đó: “ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thì béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25, 6). + Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại đựơc mười hai giỏ đầy: Mười hai Tông đồ thu được mười hai giỏ. Con số 12 ở đây tượng trưng cho 12 chi tộc dân Ít-ra-en. Qua đó cho thấy sự nghiệp của Đức Giê-su lan rộng đến toàn dân chứ không dừng lại ở số người được ăn bánh hôm ấy. + Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con: Vì con đường theo Đức Giê-su quá xa nên có lẽ chỉ đàn ông mới quyết tâm đi tới nơi. Có thể đàn bà con nít cũng có mặt, nhưng không được tác giả Tin mừng nhắc đến do quan niệm “trọng nam khinh nữ” của dân Do thái thời bấy giờ.

4. CÂU HỎI:

1)Tại sao Đức Giê-su phải lánh vào nơi hoang địa? Nơi đó nằm ở đâu? 2) Đông đảo dân chúng đi theo Đức Giê-su gợi lên hình ảnh nào trong thời kỳ Xuất Hành? Thái độ chạnh lòng thương và chữa lành bệnh tật của Đức Giê-su cho thấy Người là ai? 3) Tại sao các môn đệ lại đề nghị Đức Giê-su giải tán đám đông? Khi đòi chính các ông phải lo cho dân chúng ăn, Đức Giê-su muốn dạy bài học gì cho các mục tử của Hội Thánh? 4) Đức Giê-su đã làm gì trước khi nhân bánh ra nhiều để nuôi dân chúng? Phép lạ này tiên báo về bí tích nào sẽ được Người thiết lập sau này? 5) Hai đặc tính của bữa tiệc là ăn no và còn dư cho thấy lời tuyên sấm nào của Ngôn sứ I-sai-a đã được ứng nghiệm? Ý nghĩa của con số 12 giỏ đầy bánh thừa nói lên điều gì? 6) Phải chăng đàn bà và trẻ con không được ăn bánh hóa nhiều trong phép lạ này của Đức Giê-su?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14, 14).- Đức Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC THỂ HIỆN BẰNG SỰ SẺ CHIA?

Ăn thêm cái nữa đi con!
- Ngán quá, con không ăn đâu!
- Ráng ăn thêm một cái, má thương. Ngoan đi cưng!
- Con nói là không ăn mà. Vứt đi ! Vứt nó đi !
Thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay. Chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường, sát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy đi.
Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ, chạy nhanh đến nhặt. Mắt hai đứa sáng lên dán chặt vào chiếc bánh kem thơm ngon. Thấy bánh bị lấm láp, đứa em gái nuốt nước miếng và bảo thằng anh:
- Anh Hai thổi sạch rồi hai anh em mình cùng ăn nhé.
Thằng anh phùng má thổi. Nhưng bụi đất đã dính vào kem chẳng chịu đi cho. Đứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó đã làm chiếc bánh rơi tòm xuống mương đầy nước dơ bên cạnh.
- Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh – Con bé nói rồi thút thít khóc.
- Ừa.Tại anh! Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi.

2) TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT.

Có hai anh em nhà kia, cậu bé trai 8 tuổi và cô em gái 6 tuổi. Cả hai đều gầy yếu và đau ốm luôn. Một hôm cậu bé bị đau gan cấp tính, được cha mẹ đưa vào cấp cứu trong bệnh viện gần nhà. Sau thời gian hai tuần lễ điều trị, cậu bé đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm và nằm viện thêm ít ngày để hồi sức. Nhưng sau đó, đến lượt em gái bị chứng xuất huyết nội và được cha mẹ mang đi cấp cứu trong cùng một bệnh viện với anh. Cô bé bị mất máu khá nhiều cần phải được cấp thời tiếp máu. Thế nhưng bệnh viện lại không có sẵn loại máu của cô để truyền cho cô. Rất may là máu của cậu anh lại cùng một loại với cô em. Khi được hỏi có muốn truyền máu để cứu sống em gái không, thì lúc đầu cậu bé tỏ ra chần chừ và lo lắng một chút. Nhưng ngay sau đó, cậu ta đã can đảm trả lời bác sĩ: “Vâng, con bằng lòng hiến máu cho em con. Xin bác sĩ hãy cố gắng cứu sống nó. Vì con thương em con lắm”. Sau đó các bác sĩ đã tiếp máu từ cậu bé sang cho cô em. Đến khi cậu bé tỉnh dậy, mọi người trong phòng đều ngạc nhiên và buồn cười nghe cậu bé hỏi: “Ô hay! Con vẫn còn sống đấy ư? Vậy bác sĩ đã tiếp máu cho em gái con chưa? Em con bây giờ ra sao rồi? ”

3) TÌM THẤY NIỀM VUI KHI CẢM THÔNG GIÚP ĐỠ THA NHÂN:

Một cậu bé thuộc dòng dõi quí tộc đang đi dạo với người giám hộ dọc theo một bờ ruộng, bên cạnh đó một người tá điền đang cày ruộng cho cha cậu. Ông tá điền cởi đôi ủng để lại trên bờ ruộng trước khi làm việc. Cậu bé tinh nghịch muốn giấu đôi ủng ấy để trêu chọc người nông dân. Nhưng người giám hộ đã khuyên cậu rằng:
- Con chớ làm cho người tá điền nghèo khổ này buồn phiền, nhưng hãy làm cho ông ta được vui thì tốt hơn. Ta khuyên con hãy bỏ tiền vào hai chiếc giày ủng. Chúng ta sẽ núp ở gần đây để xem thái độ của ông ta thế nào khi nhận được tiền.
Cậu bé đã làm như lời dạy của thầy mình. Chờ cho người nông dân không để ý, cậu đã mon men đến gần đôi ủng và bỏ vào mỗi chiếc ủng một đồng bạc.
Một lát sau, người nông dân trở lại lấy đôi ủng để về nhà. Sau khi khám phá ra có tiền trong đó, ông đã vội quì xuống và ngước mắt lên trời cảm tạ Chúa đã thương ban ơn giúp cho gia đình ông qua cơn túng cực. Ông cũng xin Chúa chúc lành và trả công cho vị ân nhân vô danh đã làm điều này.
Đứng trước nhưng gì dã xảy ra và nghe lời người nông dân cầu nguyện, cậu bé đã rất cảm động muốn khóc. Đây là lần đầu tiên cậu cảm thấy lòng mình vui vẻ hạnh phúc.

4. CẢM THƯƠNG CHÚ CHÓ CON BỊ TẬT NGUYỀN:

Một cậu bé xuất hiện trước cửa hàng bán chó và hỏi người chủ cửa hàng:
- Giá mỗi con chó là bao nhiêu vậy bác?
Người chủ cửa hàng trả lời:
- Khoảng từ 30 tới 50 đô la một con!
Cậu bé rụt rè nói:
- Cháu có thể xem chúng được không ạ?
Người chủ cửa hàng mỉm cười rồi huýt sáo ra hiệu. Từ trong chiếc cũi, năm chú chó con bé xíu như năm cuộn len chạy ra, duy có một chú bị tụt lại sau khá xa. Ngay lập tức, cậu bé chú ý tới chú chó chậm chạp đi hơi khập khiễng đó. Cậu liền hỏi:
- Con chó này bị sao vậy hả bác?
Ông chủ giải thích rằng nó bị tật ở khớp hông và nó sẽ bị khập khiễng suốt đời.
Nghe thế cậu bé tỏ ra xúc động:
- Đó chính là con chó mà cháu muốn mua!
Chủ cửa hàng nói:
- Nếu cháu thực sự thích con chó đó, ta sẽ tặng cho cháu. Nhưng ta biết là cháu sẽ thực sự không muốn mua nó đâu.
Gương mặt cậu bé thoáng buồn, cậu nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng và nói:
- Cháu không muốn bác tặng không nó cho cháu đâu. Con chó đó cũng có giá trị như những con chó khác mà. Cháu sẽ trả bác đúng giá. Thực ra, ngay bây giờ cháu chỉ có thể trả 2 đô la 37 xu thôi. Sau đó, mỗi tháng cháu sẽ trả góp 50 xu được không ạ?
- Bác bảo thật nhé, cháu không nên mua con chó đó, người chủ cửa hàng khuyên. Nó không bao giờ có thể chạy nhảy và chơi đùa với cháu như những con khác được đâu.
Ông vừa dứt lời, cậu bé liền cúi xuống vén ống quần lên, để lộ ra cái chân trái bị tật nguyền, cong vẹo được nâng đỡ bằng một thanh kim loại. Cậu ngước nhìn ông chủ cửa hàng và nói:
- Chính cháu cũng chẳng chạy nhảy được mà, và chú chó con này sẽ cần một ai đó thấu hiểu và sẵn sàng chơi đùa với nó. (theo Dan Clark)
Yêu thương là thế đó. Chúng ta không những phải yêu thương con người mà còn phải yêu thương cả các con vật do Chúa dựng nên nữa. Như thế mới gọi là yêu như Chúa.

5) BẠN CHÍNH LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA:

Vào cuối Thế Chiến Thứ Hai, để thu phục nhân tâm của dân chúng trong một làng quê ở miền cực Nam nước Ý vừa được giải phóng khỏi phát xít Đức, toán quân Đồng Minh đã cố gắng phục hồi lại bức tượng Thánh Tâm Chúa Giê-su bằng thạch cao, đã bị bể tan trong cuộc chiến trước đó. Bức tượng này cao khoảng 2 mét, được dựng trên đài phía trước nhà thờ của làng. Sau nhiều ngày tìm kiếm, toán lính kia đã tìm các mảnh bị vỡ và gắn lại thành bức tượng Thánh Tâm như trước, duy chỉ còn thiếu đôi tay của bức tượng. Có lẽ hai cánh tay bức tượng đã bị bể tan do bom đạn. Sau khi đã làm hết cách, cuối cùng tóan lính đành chịu bỏ dở công việc. Bấy giờ một người trong bọn bật ra sáng kiến hay. Anh ta đi lấy hai khúc gỗ gắn giả thay cho hai cánh tay của bức tượng Chúa, rồi viết vào đó hàng chữ: “BẠN CHÍNH LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA”. Hàng chữ này không những đã đánh động tâm hồn của dân chúng trong làng, mà còn thu hút nhiều du khách từ các nơi đến chiêm ngưỡng bức tượng Thánh Tâm với đôi tay của loài người.

3. SUY NIỆM:

1) DIỄN TIẾN PHÉP LẠ:

Tin Mừng thuật lại như sau:
- Đem lại đây cho Thầy !: Dù đây chỉ là phần đóng góp nhỏ nhoi của các môn đệ, nhưng Người vẫn sử dụng. Người chỉ cần các ông nhiệt tình và quảng đại trao cho Người những gì các ông đang có là đủ.
- Người cầm lấy năm chiếc bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông: Con đường đi của những tấm bánh là từ tay các môn đệ đến tay Đức Giê-su, dâng lên cho Chúa Cha, rồi trở lại tay các môn đệ, và cuối cùng đến tay từng người trong đám đông.
- Bẻ ra, trao đi, chia sẻ và hóa nhiều: Phép lạ các tấm bánh được nhân ra nhiều khi nó đang ở trong tay ai? Tin Mừng không nói rõ Đức Giê-su đã làm phép lạ từ năm cái bánh trở thành một đống bánh và cá thật lớn, rồi các môn đệ chỉ việc lấy ra phân phát cho dân chúng nhưng thánh sử Mát-thêu viết như sau: “Người bẻ bánh ra trao cho các ông”, và sau đó chắc các ông cũng phải bẻ ra và chia cho đám đông. Và có lẽ mỗi người trong đám đông cũng phải bẻ tấm bánh của mình để chia sẻ cho người bên cạnh. Chẳng mấy chốc ai nấy đều có bánh ăn. Như thế những tấm bánh từ tay Đức Giê-su đã được bẻ ra, trao đi và chỉ nhân ra nhiều khi nó được chia sẻ từ người này sang người khác. Đó là điều then chốt mà phép lạ này muốn nói lên.

2) ANH EM HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ TƯỞNG NHỚ ĐẾN THẦY (Lc 22, 19):

- Phép lạ Bánh hóa nhiều là hình ảnh của bí tích Thánh Thể Đức Giê-su sắp thiết lập trong bữa Tiệc ly trước cuộc Khổ nạn: Bữa tiệc này trùng với bữa tiệc Vượt Qua của dân Do thai. Đức Giê-su đã sử dụng Bánh Không Men dùng trong bữa tiệc Vượt Qua theo truyền thống, để biến thành Bánh Ban Sự Sống tức là Thân Mình của Người, sắp chịu hiến tế vì nhân loại. Người cũng dùng chén rượu nho để biến thành Máu Huyết Người sắp đổ ra để đền tội thay cho nhân loại. Cuối cùng Người truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (x. Lc 22, 19-20).
- Điều kiện để tham dự Bữa Tiệc của Chúa là quảng đại tha thứ và yêu thương hiệp nhất (x. Mt 5, 23-24; 6, 14-15): Thánh Phao-lô đã quở trách các tín hữu Cô-rin-tô họp nhau mà không làm theo cách thức như bữa tối của Chúa. Vì mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế kẻ thì đói, người lại no say (x. 1 Cr 11, 17-21). Thánh nhân cảnh cáo họ về tội chia rẽ và thái độ lỗi đức bác ái như sau: “Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? ”(1 Cr 11, 20-22). Vì thế bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” (1 Cr 11, 27).

3) PHÉP LẠ BẺ BÁNH TRONG ĐỜI THƯỜNG:

Phép lạ nhân Bánh ra nhiều không dừng lại ở việc Bẻ Bánh tại nhà thờ, mà còn phải đựơc tiếp tục kéo dài trong cuộc sống: bẻ ra, trao đi và hóa nhiều.
- Đừng sợ tấm bánh bị bẻ ra và cho đi sẽ bị hao hụt và không còn đủ cho mình: Nếu các môn đệ xưa cũng nghĩ như vậy và không chịu trao cho Đức Giê-su năm chiếc bánh và hai con cá thì số bánh cá đó vẫn chỉ có bằng đó. Nhưng nhờ biết quảng đại trao cho Đức Giê-su, để Người bẻ ra trao lại cho các ông để các ông phân phát cho dân chúng mà bánh đã hóa ra nhiều.
- Ngày nay cũng có nhiều người đang cần các thứ bánh vật chất và tinh thần: bánh công lý, bánh yêu thương, bánh cảm thông tha thứ và phục vụ. Đừng ngại khi bạn phải hy sinh nhiều. Nếu bạn dám bẻ đôi những gì bạn có thì chắc thế giới này sẽ không còn người đói, nhưng tất cả sẽ được no nê bánh ăn vật chất và còn được no đầy cả bánh tinh thần là sự bình an, vui tươi, hạnh phúc và niềm hy vọng.

4. THẢO LUẬN:

1) Ngoài việc cho kẻ đói bánh ăn vật chất, bạn có thể cho họ những thứ bánh tinh thần hay không? 2) Trong những ngày sắp tới bạn quyết tâm sẽ trao bánh tinh thần nào cho người sống bên cạnh bạn: Một nụ cười, một lời khen thành thật, một sự giúp đỡ tận tình và còn gì nữa…?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn chúng con noi gương Chúa “Luôn chạnh lòng xót thương” những kẻ đói nghèo đang sống bên cạnh chúng con. Xin cho chúng con cảm nghiệm được sự đói khát đang giày vò bao người, để sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Nhưng Lạy Chúa. Khả năng chúng con giới hạn và không thấm vào đâu so với nhu cầu của tha nhân. Xin cho chúng con biết noi gương quảng đại của các môn đệ Chúa xưa bằng việc dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con.
- LẠY CHÚA. Con xin mượn lời cầu nguyện của một thi sĩ để dâng lên Chúa như sau: “Con chỉ là một tia lửa, xin biến con thành ngọn lửa hồng. Con chỉ là một sợi dây, xin biến con thành một cây đàn. Con chỉ là một quả đồi, xin biến con thành một rặng núi. Con chỉ là một giọt nước, xin biến con thành một đại dương. Con chỉ là một cọng lông, xin biến con thành đôi cánh lớn. Con chỉ là một gã ăn xin, xin biến con thành một Vương hầu”. Khi nhìn lại bản thân, con cảm thấy thân xác con quá yếu đuối, suy nghĩ con thật nông cạn, trái tim con lại nhỏ bé, địa vị con quá thấp hèn, tài sản con chỉ là đôi bàn tay trắng ! Nhưng con tin rằng, nếu con biết quảng đại hiến dâng cho Chúa, thì Chúa sẽ biến hóa nó nên sức mạnh giúp con làm được những việc lớn lao.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sóng gió tại Ý sau khi một linh mục chứng hôn cho một cặp đồng tính
Đặng Tự Do
16:09 28/07/2020
Một linh mục đã từ chức cha sở giáo xứ sau khi ngài thực hiện một nghi thức chứng hôn dân sự cho một cặp đồng tính tại tòa thị chính của thị trấn Sant’Oreste của Ý. Vụ này đã gây nên một làn sóng phản đối rất lớn tại Ý.

Theo dự kiến, vị linh mục này sẽ không thi hành các thừa tác vụ công khai ít nhất là trong một năm nữa. Nhiều kiến nghị đòi hỏi vị linh mục này phải bị huyền chức vì công khai chống lại giáo huấn căn bản của Giáo Hội.

Vào ngày 11 tháng 7, Cha Emanuel Moscatelli đã chủ sự một buổi lễ, trong đó hai người phụ nữ, là những người bạn của vị linh mục, đã ký kết hôn nhân dân sự, trong một buổi lễ được mô tả trên truyền thông Ý là một đám cưới.

Vị linh mục đã không mặc trang phục phụng vụ, thay vào đó là một chiếc khăn lễ nghi màu đỏ, trắng và xanh lá cây, thường được các thị trưởng và các quan chức dân sự Ý khác mặc khi cử hành các buổi lễ dân sự. Cha Moscatelli được Valentina Pina, thị trưởng của thị trấn, ủy quyền để thực hiện buổi lễ này.

Tin tức về buổi lễ được hãng thông tấn Ý ADN Kronos đưa tin đầu tiên vào ngày 20 tháng 7 và đã lập tức gây nên một làn sóng phản đối dữ dội. Cùng ngày, Đức Cha Romano Rossi của giáo phận Civilita đã nói chuyện với vị linh mục này và tuyên bố rằng vị linh mục đã tự nguyện từ chức cha sở của giáo xứ Thánh Lôrensô tại thị trấn Sant’Oreste.

Trong một tuyên bố được công bố vào ngày 20 tháng 7, Đức Cha Rossi nói rằng ngài đã gặp cha Moscatelli vào ngày 14 tháng 7 và vị linh mục đã đồng ý từ chức cha sở của mình một cách tự nguyện. Đức Cha cũng yêu cầu cha Moscatelli ngưng các thừa tác vụ công khai trong một năm để có một thời gian suy tư hợp lý để lấy lại sự rõ ràng và niềm vui trong chức vụ linh mục của mình trong thực tế cụ thể của thế giới ngày nay.

Đức Cha Rossi nói với trang tin tức La Nuova Bussola của Ý rằng “Cha Emanuel bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào Giáo hội trong tư cách là mẹ và vào giám mục của mình, và hoàn toàn chấp nhận kế hoạch mà tôi sẽ đề xuất.”

Ngài nói thêm: “Tôi đã làm cho ngài hiểu được mớ hỗn độn mà ngài đã gây ra. Tôi nghĩ có thể trong một số trường hợp yếu đuối, tình bạn hay sự bốc đồng nhất thời mà ngài đã làm ra chuyện này, nhưng cử hành một kết hiệp dân sự đồng tính như thế là quá đáng.”

“Bây giờ nhiệm vụ của tôi là giúp vị linh mục này nhìn rõ bên trong tâm hồn chính mình. Và sau đó khởi động lại cuộc đời linh mục của mình trên những nền tảng mới, tôi tin rằng vẫn còn có cơ hội để sửa chữa sau sai lầm mà ngài đã gây ra. Dù sao đi nữa, chúng ta hãy dành ra một năm để xem sao.”

Trong tuyên bố ban đầu của ngài, Đức Cha Rossi nói rằng ngài muốn truyền đạt cho cha Moscatelli, một sự rõ ràng ở cấp độ giáo lý, và sự hiệp thông trên bình diện mục vụ, trong thời kỳ vị linh mục này không được thi hành các thừa tác vụ công khai.

Hôn nhân đồng giới không được công nhận là hợp pháp tại Ý, nhưng các kết hiệp dân sự đồng giới được coi là hợp pháp kể từ năm 2016, và thường được ký hợp đồng dân sự - không có giá trị hôn nhân - trong các nghi lễ giống như lễ cưới.

Đến nay, vẫn chưa rõ liệu vị linh mục này có phải đối mặt với một hình phạt giáo luật hoặc bị xét xử theo điều 1369 của Bộ luật Giáo luật hay không.

Ðiều 1369 nói rằng: “Ai, trong buổi trình diễn công cộng, hay trong buổi đại hội, hay trong bài viết phổ biến cho công chúng, hay dùng phương tiện truyền thông xã hội khác mà nói lộng ngôn phạm thượng, hoặc xúc phạm nặng nề đến thuần phong mỹ tục, hoặc nguyền rủa hay khích động lòng thù ghét hay khinh bỉ tôn giáo hay Giáo Hội, phải bị phạt hình phạt xứng đáng.”

Giáo luật 1369: “Ai, trong buổi trình diễn công cộng, hay trong buổi đại hội, hay trong bài viết phổ biến cho công chúng, hay dùng phương tiện truyền thông xã hội khác mà nói lộng ngôn phạm thượng, hoặc xúc phạm nặng nề đến thuần phong mỹ tục, hoặc nguyền rủa hay khích động lòng thù ghét hay khinh bỉ tôn giáo hay Giáo Hội, phải bị phạt hình phạt xứng đáng.”

Theo tờ La Nuova Bussola, Giáo Hội Công Giáo dạy rằng các hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi trái ngược với sự khiết tịnh. Cha Moscatelli, lẽ ra trong tư cách một người bạn phải thực thi nghĩa vụ của bất cứ một người Công Giáo nào là phải lấy lời lành mà khuyên người. Cha Moscatelli đã không làm như thế nhưng công khai chống lại giáo huấn của Giáo Hội.

Giáo Hội dạy rằng những người đồng tính nam hay đồng tính nữ nên được tôn trọng, cảm thông và nhạy cảm, và không nên bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, năm 2003, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã khẳng định rằng “sự tôn trọng người có khuynh hướng đồng tính luyến ái không thể nào dẫn đến việc tán thành các hành vi đồng tính luyến ái hoặc công nhận hợp pháp các kết hiệp đồng tính.”

“Trong những tình huống mà các kết hiệp đồng tính đã được công nhận về mặt pháp lý hoặc đã được trao cho tư cách pháp lý và các quyền thuộc về hôn nhân, sự phản đối rõ ràng và dứt khoát là một nghĩa vụ. Ta phải tránh mọi sự hợp tác trong việc áp dụng các luật bất công nghiêm trọng đó. Trong lĩnh vực này, mọi người đều phải thi hành quyền phản đối lương tâm.”


Source:Catholic News Agency
 
Châu Phi/ Bờ Biển Ngà – Hội nghị toàn thể của Hội đồng Giám mục Công Giáo Bờ biển Ngà lần thứ 116 đặt trọng tâm về khủng hoảng y tế, xã hội và chính trị
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
16:32 28/07/2020
Abidjan (Agenzia Fides) - Cuộc khủng hoảng sức khỏe đang diễn ra, với những thách thức về tinh thần, mục vụ, kinh tế, xã hội và chính trị: là chủ đề chính của Hội nghị toàn thể lần thứ 116 của Hội đồng Giám mục Công Giáo Bờ biển Ngà, bắt đầu vào ngày 26 tháng 7 năm 2020 tại trung tâm giáo phận Yamoussoukro và sẽ kéo dài đến ngày 31 tháng 7.

Hội nghị ban đầu được dự định tổ chức vào tháng 5 tại giáo phận Yopougon, nhưng đã bị hoãn lại vì lý do liên quan đến đại dịch Covid-19. Đây là một hội nghị đặc biệt nhằm mục đích bầu cử: các Giám mục sẽ bầu chủ tịch mới của hội đồng giám mục và cũng sẽ tiến hành bầu cử các chủ tịch mới của ủy ban giám mục và, nếu cần, các thư ký điều hành mới của các ủy ban giám mục.

Trong những ngày đại hội, hội nghị sẽ lắng nghe bản tường trình của Đức cha chủ tịch mãn nhiệm, và các báo cáo của các ủy ban giám mục khác nhau, trong khi cũng bàn về các chủ đề quan tâm khác, như việc thành lập Học viện Công Giáo, kiểm tra tình hình y tế, xã hội và chính trị cũng sẽ được thảo luận.

Hướng về cuộc bầu cử tổng thống dự kiến ​​vào tháng 10 năm 2020, Giáo Hội Công Giáo và các cộng đồng tôn giáo được kêu gọi đóng góp cho quốc gia, trong khi bầu khí chính trị ở nước này vẫn căng thẳng không có dấu hiệu giảm bớt. Các giám mục luôn đề cao hòa bình, hòa giải và gắn kết xã hội. (S.S.) (Agenzia Fides, 27/7/2020)

Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu

Nguồn: http://www.fides.org/en/news/68441-AFRICA_IVORY_COAST_Bishops_in_plenary_assembly_health_social_and_political_crisis_at_the_center
 
Đức Tổng Giám Mục Portland lên tiếng về các cuộc biểu tình đầy bạo lực liên tục trong suốt hơn 60 ngày qua
Đặng Tự Do
16:41 28/07/2020
Đức Tổng Giám Mục Portland, Oregon kêu gọi người Công Giáo tìm hiểu và học hỏi cách đối phó với tội lỗi phân biệt chủng tộc, đồng thời lên án bạo lực đi kèm với nhiều cuộc biểu tình trong thành phố trong suốt hai tháng qua.

Trong một video được công bố hôm 24 tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Alexander Sample đã chia sẻ nhận định của ngài về các cuộc biểu tình kinh hoàng tại Portland, Orgeon theo sau cái chết của anh George Floyd vào ngày 25 tháng 5 tại thành phố Minneapolis.

“Tất cả những điều này bắt đầu từ một thảm kịch khủng khiếp, trong bi kịch giết hại một người đàn ông, và ban đầu chủ yếu đó là sự phản đối kịch liệt chống lại bất công, chống phân biệt chủng tộc, và tôi đã rất ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa nhân danh công lý và chống phân biệt chủng tộc. Nhưng buồn thay, đó không phải là những gì đang diễn ra.”

Portland đã trải qua hơn 60 ngày liên tục biểu tình trên đường phố, thường diễn ra dưới hình thức những đám đông hàng trăm người biểu tình, dưới chiêu bài chống phân biệt chủng tộc, sự tàn bạo của cảnh sát và chủ nghĩa phát xít. Các cuộc biểu tình đã thu hút các tiêu đề quốc gia và quốc tế.

Một số cuộc biểu tình đã đi kèm với bạo loạn và cướp bóc. Ngoài thiệt hại tài sản trên một bình diện rất kinh hoàng ở trung tâm thành phố, thỉnh thoảng còn có những hành vi bạo lực xảy ra bên trong hoặc bên cạnh các cuộc biểu tình, bao gồm cả những vụ xả súng bắn nhau và đâm chém.

Trong thông điệp video, Đức Tổng Giám Mục Sample nhấn mạnh rằng trong tư cách là mục tử của người Công Giáo trong thành phố này, ngài không thể can dự vào một một hình thái chính trị đảng phái, và không thể chọn đứng về phía nào, bất chấp những yêu cầu qua email và hộp thư đòi hỏi ngài phải lên tiếng bênh vực bên này hay bên kia.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục cho biết, vào mỗi buổi sáng sau khi xem các tin tức, và nhìn thấy mỗi đêm đều có thêm những sự tàn phá mới, ngài cảm thấy “mất tinh thần” và “lúng túng”.

“Ngày nay có ai còn nhớ đến anh George Floyd nữa không? Hãy dừng lại và nghĩ về điều đó trong một giây, ” ngài nói.

“Chúng ta cần phải nói sự thật trong đức ái, và không ngần ngại lên tiếng. Tôi nghĩ rằng đại đa số mọi người không chấp nhận những gì đang diễn ra hiện nay, đặc biệt là các hình thái bạo lực, phá hủy tài sản và cướp bóc.”

Người Công Giáo - và bất cứ ai quan tâm đến điều này - nên phẫn nộ trước tội ác phân biệt chủng tộc, nhưng người Công Giáo phải cẩn thận, suy nghĩ hợp lý và bình tĩnh, và nên tránh “các nhân đức hời hợt” nhưng thay vào đó hoạt động để thực sự thăng tiến trên đàng thiêng liêng, và đưa các giáo huấn xã hội Công Giáo vào thực hành để đối phó với nạn phân biệt chủng tộc.

Giáo hội dạy rằng mỗi người đều có một phẩm giá mà chúng ta, với tư cách là con người, không ban cho những người khác, nhưng phẩm giá ấy mà đến từ Thiên Chúa.

Đức Tổng Giám Mục Sample mạnh mẽ khuyến khích tất cả mọi người hãy đọc thư 2018 có tựa đề “Hãy Mở Rộng Trái Tim Chúng Ta” của các Giám Mục Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc, và chỉ thị cho các giáo xứ tại Portland tổ chức các nhóm chuẩn bị, nghiên cứu và thảo luận về lá thư này.

Những người biểu tình ở Portland đã nhiều lần bắn các thứ pháo hoa hạng nặng vào tòa án liên bang, là trung tâm của các cuộc biểu tình bạo lực và đã ném đá, lon, chai nước và khoai tây vào các đặc vụ liên bang. Cảnh sát báo cáo rằng vào đêm 26 tháng 7, những người biểu tình đã mưu toan đốt cháy tòa án.

Cảnh sát thỉnh thoảng đã sử dụng lựu đạn cay và bình xịt hơi cay chống lại người biểu tình. Các đặc vụ liên bang đã thu hút những lời chỉ trích vào tuần trước sau khi các video xuất hiện cho thấy họ kéo người biểu tình vào những chiếc xe không rõ lai lịch.

“Sự cần thiết phải nhổ tận gốc nạn phân biệt chủng tộc là vấn đề cấp bách, ” Đức Tổng Giám Mục Sample nói, “nhưng mọi hình thái bạo lực trong các cuộc tranh luận phải bị thẳng thừng bác bỏ vì ta không thể đáp lại một cái ác bằng một cái ác khác.”

Đức Tổng Giám Mục Sample cho biết ngài đã nghe nhiều người cố gắng biện minh cho bạo lực, nhưng ngược lại, ngài chỉ vào Martin Luther King, Jr., như một ví dụ tuyệt vời về sự phản kháng bất bạo động. Đức Tổng Giám Mục Sample cho biết, Mục sư King và những người theo ông thường phải gánh chịu bạo lực, nhưng họ không đáp lại bạo lực bằng bạo lực, thay vào đó họ cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình như Chúa Giêsu đã phán bảo chúng ta phải làm như thế trong Tin Mừng.

Đức Tổng Giám Mục Sample công khai chỉ trích những gì ngài nói dường như là những nỗ lực ở Mỹ nhằm “xóa bỏ quá khứ, ” cũng như cách thức đánh giá quá khứ một cách hời hợt dựa trên tư duy hiện tại của chúng ta. Thay vào đó chúng ta nên học hỏi từ những sai lầm của mình, nhìn lại và thừa nhận rằng có nhiều ví dụ về tội ác trong quá khứ của chúng ta.

Đức Tổng Giám Mục Sample nhấn mạnh rằng:

“Nhiều vấn đề của chúng ta ngày nay là do xã hội đã quay lưng lại với Chúa”.

“Nếu nhiều người nhận ra rằng họ được mời gọi vươn đến sự vĩ đại, thánh thiện, đức hạnh, đến cõi vĩnh hằng, họ sẽ không tìm kiếm những cách khác, đặc biệt là những phương thế trần tục để lấp đầy khoảng trống trong trái tim chúng ta.”


Source:National Catholic Register

 
Đức Bênêđíctô XVI ca ngợi âm nhạc vinh tụng ca của Bach trong liên hoan âm nhạc ở Leipzig
Đặng Tự Do
17:36 28/07/2020
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã lên tiếng ca ngợi “âm nhạc vinh tụng ca” của Johann Sebastian Bach trong một thông điệp gởi tới một liên hoan âm nhạc ở Đức.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 27 tháng 7, ban tổ chức Festival nhạc Bach 2021 ở Leipzig, cho biết Đức Bênêđictô XVI bày tỏ sự hài lòng khi thấy lễ hội sẽ bao gồm một trường ca của Bach có tên là “Đấng Thiên Sai”, trong đó nhà soạn nhạc dùng tài năng âm nhạc của mình để ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu qua âm nhạc.

Đức Bênêđictô viết: “Nét đặc thù của lễ hội này là nó đã tổng hợp các tác phẩm của Bach liên quan đến cuộc sống và công việc của Chúa Giêsu Kitô thành Nazareth vào một tổng thể, và, do đó, đem đến cho chúng ta cái nhìn của Bach về ‘Đấng Messiah’”.

Liên hoan Bach sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 15, tháng 6, năm 2021, với chủ đề “Ơn Cứu Chuộc”. Trường ca “Đấng Thiên Sai” của Bach sẽ được trình tấu trong 11 buổi hòa nhạc kéo dài đến bốn ngày trong các nhà thờ của Leipzig, thành phố ở miền đông nước Đức, nơi nhà soạn nhạc qua đời năm 1750. Trường ca sẽ bao gồm 33 bản cantat của Bach, Bài Thương Khó theo Tin Mừng Thánh Matthêu, các bài liên quan đến Giáng sinh, Phục sinh và bài Ôratô Thăng thiên.

CNA tiếng Đức cho biết hai buổi biểu diễn nổi bật trường ca “Messiah” sẽ do George Frideric Handel trình tấu. Một trong hai buổi biểu diễn sẽ diễn ra tại nhà thờ chính tòa Halle, nơi nhà soạn nhạc chào đời.

Trong khi lên kế hoạch cho liên hoan âm nhạc này, giám đốc nghệ thuật Michael Maul đã đọc bộ ba cuốn “Chúa Giêsu thành Nazareth” của Đức Bênêđíctô thứ 16 được xuất bản trong giai đoạn 2007 và 2012 khi ngài đang trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Đoàn Chiên Chúa.

Maul đã trao đổi thư từ với Đức Bênêđíctô XVI, mà cao điểm là thông điệp của Đức Giáo Hoàng danh dự gởi đến liên hoan âm nhạc này.

Các nhà tổ chức liên hoan cho biết vị Giáo Hoàng nghỉ hưu, năm nay 93 tuổi, nói với họ rằng ngài đã viết thông điệp trên hồi tháng Sáu năm 2019, “vì tôi không biết sức khỏe của tôi còn chống đỡ được bao lâu trước thử thách của thời gian.”

Trong thông điệp, Đức Bênêđíctô than thở rằng: “Đức tin đã sản sinh ra âm nhạc này và là đức tin mà Bach, trong tư cách là một nhạc sĩ, đã trung thành phục vụ, hiện đang tàn lụi và chỉ còn ảnh hưởng như một lực lượng văn hóa.”

“Là một tín hữu Kitô mộ đạo, ta có thể lấy làm tiếc trước sự suy giảm này, nhưng thật ra nó vẫn có một yếu tố tích cực. Vì thực tế là người ta vẫn còn chấp nhận âm nhạc này như một nét văn hóa, đó là kết quả của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và âm nhạc ấy mang nguồn gốc này mãi mãi”

“Chúng ta hãy nhớ rằng theo Bach, ‘sự kết thúc và cùng đích của lý trí’ của tất cả mọi thể loại âm nhạc ‘không gì khác hơn là vinh quang của Thiên Chúa và sự thanh thản của tâm hồn’. Và thực sự, âm nhạc vinh tụng ca của Bach đã làm chúng ta xúc động sâu sắc và tôn vinh Thiên Chúa, ngay cả khi ông không chính thức thể hiện qua đức tin.”

“Trong ý nghĩa này, chính những người chia sẻ đức tin với Bach có thể vui mừng và biết ơn rằng thông qua âm nhạc của ông, bầu khí đức tin, hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, sáng lên ngay cả khi chính đức tin không hiện diện.”

Đức Giáo Hoàng danh dự viết tiếp: “Và như thế đối với tôi có vẻ như có một quá trình hai chiều: đức tin đã tạo ra nền văn hóa, là điều tỏa sáng xa hơn nữa. Nhưng ngược lại, ngay cả ngày nay, nền văn hóa này vẫn truyền tải một cái gì đó có nguồn gốc của nó cho toàn thế giới. Đó là một cái gì đó giống với ‘hương thơm dễ chịu’ tỏa ra từ Chúa Kitô (x. 2Cr 2, 14f). Nó không có ý định truyền giáo; ‘hương thơm dễ chịu’ hiện diện vì mục đích riêng của nó, không có ý định, nhưng chính bằng cách này nó lại lan truyền ‘vinh quang của Chúa’”

“Như thế, chúng ta hết thảy, cả các Kitô hữu và những người ngoài Kitô giáo, các tín hữu và những người không có niềm tin, có thể để cho mình bị xúc động bởi vẻ đẹp, và biết rằng nó chỉ cho chúng ta đâu là chính lộ. Theo nghĩa này, tôi gởi đến anh chị em những lời chúc tốt đẹp nhất và những lời chúc chân thành của tôi đối với Lễ hội Bach 2021.”


Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha đề lời tựa cho cuốn sách viết về niềm hy vọng trong cơn đại dịch Covid-19
Thanh Quảng sdb
19:41 28/07/2020
Đức Thánh Cha đề lời tựa cho cuốn sách viết về niềm hy vọng trong cơn đại dịch Covid-19

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết lời tựa cho một cuốn sách có tựa đề “Hiệp thông và Hy vọng”, và khuyến khích mọi người hãy tái khám phá ra tình đoàn kết giữa cơn tàn phá của đại dịch coronavirus.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Trong lời Tựa cho cuốn sách được phát hành vào thứ ba (28/7/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về những bài học mà các Kitô hữu có thể học được từ đại dịch Covid-19.

Sự hiệp thông và Niềm Hy vọng là cuốn sách được Đức Hồng Y Walter Kasper và Cha George Augustin chuẩn bị, chứa đựng những suy tư thần học từ nhiều tác giả khác nhau về các chứng tá niềm tin trong thời gian đại dịch coronavirus.

Đức Thánh Cha viết: “Giống như một cơn bão bất ngờ ập tới, cơn đại dịch coronavirus làm chúng ta ngạc nhiên, làm thay đổi cách đột ngột cuộc sống cá nhân, cộng đoàn, gia đình và công ăn việc làm của chúng ta trên bình diện cả thế giới!

Nhiều người đã mất người thân, cũng như công ăn việc làm, tài chính bất ổn… Ở nhiều nơi, ngay cả lễ Phục sinh cũng đã cử hành một cách bất thường và đơn độc… Mọi người không được tham dự các Bí tích hầu có thể tìm được sự nâng đỡ thiêng liêng...

Nguồn gốc hạnh phúc

Đức Thánh Cha Phanxicô viết: Trước thảm trạng này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới bản chất dễ bị tổn thương của con người chúng ta, trước những định chế thời gian và nhiều sự phụ thuộc khác.

Cơn đại dịch buộc chúng ta phải đặt vấn nạn về cội nguồn hạnh phúc và khám phá lại kho tàng đức tin Kitô giáo của chúng ta.

Đức tin nhắc nhở chúng ta một số vấn đề chính của cuộc sống mà chúng ta đã lãng quên! Nó đang giúp chúng ta định giá lại những gì thực sự quan trọng và thiết yếu, và những gì thứ yếu và nhất thời.

Đoàn kết trong gian nan thử thách

Đức Thánh Cha gọi đây là một thời gian thử thách, giúp chúng ta có cơ hội định hướng lại cuộc sống của mình đối với Thiên Chúa.

ĐTC nói: Cuộc khủng hoảng dậy chúng ta rằng, trong những lúc cấp thiết, chúng ta cần tới tha nhân trong một tình đoàn kết. Theo một cách thế mới, tình đoàn kết đang mời gọi chúng ta dấn thân để phục vụ người khác. Nó giúp chúng ta nhận ra sự bất công toàn cầu và làm thức tỉnh chúng ta trước những tiếng than khóc của người nghèo và của một hành tinh nghèo nàn bệnh hoạn của chúng ta. "

Chiến thắng Phục sinh trên sự chết

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục suy tư về ý nghĩa của lễ Phục sinh duy nhất mà nhiều Kitô hữu buộc phải cử hành một mình.

Thông điệp Phục Sinh về sự chiến thắng vinh hiển của Chúa Kitô trên cái chết, cho Kitô hữu chúng ta ý thức rằng chúng ta không thể bị nhậm chìm trong cơn đại dịch.

Phục Sinh mang lại cho chúng ta hy vọng, tin tưởng và khích lệ. Nó củng cố tâm thức đoàn kết của chúng ta. Nó mời gọi chúng ta vượt lên trên những ganh đua quá khứ để nhìn thấy nhau, và siêu vượt lên trên mọi khác biệt, để thấy mình là thành viên của một đại gia đình, chúng ta cùng nhau gánh vác những buồn đau của nhau. "

Lây nhiễm tình yêu

Đức Thánh Cha nói: Nguy cơ lây lan của một loại virus dạy chúng ta cách làm sao để truyền tình yêu từ một con tim này đến một con tim khác.

Tôi rất biết ơn trước những hành vi tự nguyện, đầy lòng vị tha và dâng hiến anh hùng được thể hiện nơi những người chăm sóc cho các bệnh nhân, các bác sĩ y tá và các linh mục. Trong những tuần vừa qua, chúng ta đã cảm nhận được sức mạnh ấy từ đức tin.

Không được rước Thánh Thể

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay giai đoạn đầu của cơn đại dịch, buộc nhiều chính phủ phải cấm các Thánh lễ công khai, khiến nhiều người Tín hữu trong một thời gian không thể tham dự thánh lễ và rước Chúa!

Trong thời gian này nhiều người khám phá ra sự hiện diện của Chúa ở bất cứ nơi nào mà có hai hoặc ba người tụ họp lại nhân danh Chúa.

ĐTC nói các Thánh lễ trực tuyến là một nhu cầu cấp thiết cho người tín hữu, mà rất nhiều người biết ơn trước những nỗ lực ấy; mặc dầu các thánh lễ trực tuyến không thể thay thế cho sự hiện diện sống động của Chúa trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể.

Đức Thánh Cha tạ ơn khi biết rằng người Công Giáo ở nhiều nơi trên thế giới đã có thể trở lại cuộc sống phụng vụ bình thường.

Sự hiện diện của Chúa phục sinh trong Lời của Ngài và trong việc cử hành Thánh Thể sẽ cho chúng ta sức mạnh cần thiết để giải quyết những khó khăn và những thách đố mà chúng ta phải đối diện sau cơn đại dịch!

Đổi mới niềm hy vọng và tình đoàn kết

Đức Thánh Cha Phanxicô đã luận lời tựa cuốn sách với hy vọng rằng cuốn sách sẽ giúp mọi người khám phá ra một ý nghĩa hy vọng và một tình đoàn kết mới.

Giống như hai môn đệ trên đường đi Emmaus, Chúa cũng sẽ đồng hành với chúng ta trong lời của Ngài và qua việc bẻ bánh trong Bí tích Thánh Thể. Và Ngài nói với chúng ta: “Đừng sợ! Thầy đã chiến thắng sự chết”.

Về cuốn sách

Tác phẩm “Hiệp thông và Hy vọng” đã được Nhà xuất bản Vatican (LEV) xuất bản bằng tiếng Đức vào tháng 6/2020. Phiên bản tiếng Ý đã được phát hành vào tuần trước.

Đức Hồng Y Walter Kasper, nguyên chủ tịch của Thánh bộ cổ súy tình Hiệp nhất Kitô giáo.

Năm 2005, Cha Augustin đã thành lập Viện học Walter Kasper, một phân khoa triết của Đại học Triết-Thần thuộc Đại học Pallottines ở Vallendar. Cha cũng là thành viên của Thánh bộ về sự hiệp nhất các Kitô giáo, và cũng là thành viên của Thánh bộ về Giáo sĩ.
 
Thiếu niên phò sự sống thắng vụ kiện CNN đã bôi lọ cậu trong vụ diễn hành phò sự sống đầu năm nay
Vũ Văn An
21:55 28/07/2020



Theo LifeNews, cậu thiếu niên Nicholas Sandmann thuộc Trung học Công Giáo Covington, người nổi tiếng đi diễn hành phò sự sống và sau đó bị CNN bóp méo sự thật vu vạ cáo gian, nay thắng cuộc kiện cơ quan truyền thông cánh tả phò phá thai này. Nguyên văn xin xem tại (https://www.lifenews.com/2020/01/07/pro-life-teen-nicholas-sandmann-wins-settlement-from-cnn-for-smearing-him/).

Theo nguồn tin trên, Nicholas Sandmann đã nhận được một vụ giàn xếp không được tiết lộ nội dung từ CNN sau khi cơ quan truyền thông phò phá thai này bôi lọ cậu và nhóm thiếu niên phò sự sống tham dự Cuộc Diễn Hành Phò Sự Sống.

Vụ bôi lọ các học sinh của Trung Học Công Giáo Covington bắt đầu sau khi một cuốn video bị chỉnh sửa nặng nề được phát tán cho thấy các học sinh này đụng đầu với nhà hoạt động cấp tiến Nathan Phillips sau Cuộc Diễn Hành Phò Sự Sống hồi tháng Giêng.

Cuốn phim dài hơn quay biến cố, sau đó, đã bác bỏ các bịa đặt chống các học sinh phò sự sống của tiểu bang Kentucky. Tuy nhiên, các học sinh và gia đình họ đã nhận được nhiều lời đe dọa đến sinh mạng họ và trường học của họ đã phải đóng cửa một thời gian vì lý do an ninh.

Nay, CNN đã dàn xếp vụ kiện chống lại họ. Số tiền của cuộc dàn xếp không được công bố tại phiên điều trần ở Covington, Kentucky, nhưng Sandmann đòi 75 triệu dollars vì danh tiếng cậu bị gây hại và 200 triệu dollars vì những thiệt hại để làm gương (punitive damages).

Đơn kiện viết “Các tố cáo của CNN hoàn toàn và nhất quyết sai lầm và đáng lẽ CNN biết rõ chúng không đúng nếu chịu khó kiểm chứng sự chính xác của chúng trước khi đăng tải các lời tố cáo sai lầm và đầy phỉ báng của họ”.

Năm ngoái, Lin Wood, một trong các luật sư của Sandmann, nói với Mark Levin của Fox News rằng “CNN có lẽ nham hiểm trong các tấn công trực tiếp của họ đối với Nicholas hơn Washington Post. Và CNN đi vào hàng triệu căn nhà cá nhân”.

Vụ kiện diễn ra sau khi một cuộc điều tra độc lập xác nhận rằng nhóm các thiếu niên Công Giáo Covington nói sự thật về cuộc đụng đầu nay nổi như cồn với một người Thổ Dân Mỹ hồi tháng Giêng ở Washington, D.C. Phúc trình của Greater Cincinnati Investigation, Inc. quả quyết rằng các thiếu niên phò sự sống không khởi diễn cuộc đụng đầu hay sử dụng bất cứ lời bêu xấu có tính kỳ thị chủng tộc nào chống lại Người Thổ Dân Mỹ Nathan Phillips hay nhóm Do Thái Da Đen Nói Tiếng Hebrew.

Phúc trình viết “Chúng tôi không thấy bằng chứng nào về những lời tuyên bố gây xúc phạm hay kỳ thị chủng tộc của các học sinh đối với Ông Phillips hay các thành viên của nhóm ông. Chúng tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy các học sinh hô to khẩu hiệu ‘Hãy Xây Bức Tường’”.

Luật sư L. Lin Wood cho hay Phillips nói “dối và các lời tố cáo sai lầm” về Sandmann và các học sinh khác sau biến cố ngày 18 tháng Giêng”.

Phillips không tham gia cuộc điều tra độc lập này. Theo Townhall, ông ta nói dối về việc các học sinh hô to khẩu hiệu “Hãy Xây Bức Tường” và việc ông ta phục vụ tại Việt Nam.

Các nhà điều tra viết thêm “Chúng tôi đã cố gắng tiếp xúc với Ông Phillips bằng điện thoại và điện thư, thông báo cho ông rằng chúng tôi muốn được đích thân phỏng vấn ông và chúng tôi sẵn sàng gặp ông ở Michigan hay bất cứ nơi nào ông thích hơn. Chúng tôi cũng gửi cho con gái Ông Phillips một điện thư vì cả hai cha con xem ra có liên hệ với Liên Minh Tuổi Trẻ Thổ Dân và từng chia sẻ các địa chỉ điện thư sau biến cố trên để cám ơn mọi người đã tiếp xúc và hỗ trợ họ”.

Họ cho biết ông Phillips không bao giờ trả lời. Các nhà điều tra cho biết thêm “Các cuộc phỏng vấn công khai Ông Phillips chứa một số điều bất nhất, và chúng tôi không thể giải quyết các bất nhất này hay kiểm chứng các nhận định của ông do việc không tiếp xúc được với ông”.

Họ nói chính nhóm Do Thái Da Đen Nói Tiếng Hebrew đã thốt ra những lời bêu xấu có tính kỳ thị chủng tộc chống lại các thiếu niên cũng như những người Thổ Dân Mỹ. Các nhà điều tra cho rằng “Chúng tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy các học sinh đáp trả bằng những ngôn từ gây xúc phạm hay kỳ thị chủng tộc. Một số học sinh khẳng định rằng một trong những vị trông chừng (chaperon) luôn nhắc nhở các học sinh rằng nếu các em đối đáp bằng lời với các người Do Thái Da Đen, các em sẽ bị giam khi trở về trường”.

Một số các nhà đấu tranh cho phá thai cũng tố cáo các học sinh đã có những nhận định gây xúc phạm về hiếp dâm, nhưng các nhà điều tra cho biết cá nhân đưa ra các nhận định này trong một cuốn video không phải là học sinh của Trung học Công Giáo Covington.

Các nhà điều tra cũng nhận xét rằng các tuyên bố công khai của Sandmann chính xác dựa vào các tìm tòi khác của họ.

Nhóm luật sư của các học sinh nói rằng họ đang trong diễn trình gửi thư yêu cầu các nhân vật rút lại các tuyên bố của họ chống lại các học sinh. Một danh sách gồm 52 nhân vật loại này đã được thiết lập.

Luật sư Todd McMurty, đồng luật sư của Sandmann, trước đây từng nói rằng “Có một sự vội vàng của giới truyền thông sẵn sàng tin điều họ muốn tin ngược với điều thực sự xẩy ra”.

Thí dụ, McMurty nói với cuộc điều tra Cincinnati rằng Sandmann bị tố cáo sáp gần vào mặt Phillips, nhưng trọn cuốn phim quay biến cố đã bác bỏ lời tố cáo này.

Mặc dầu có bằng chứng mới, nhà hoạt động cánh tả Kathy Griffin và nhiều người khác vẫn khăng khăng tiếp tục chỉ trích các học sinh và chỉ các học sinh mà thôi. Họ rất ít chỉ trích các người lớn Do Thái Da Đen Nói Tiếng Hebrew la hét những lời tục tĩu và kỳ thị chủng tộc chống các thiếu niên và Người Thổ dân Mỹ, hay người Thổ Dân Mỹ cho rằng các học sinh đã sáp gần lại mặt ông ta trong khi bằng chứng video cho thấy chính ông ta sáp lại gần các học sinh, theo tạp chí Reason (https://reason.com/2019/01/20/covington-catholic-nathan-phillips-video).

Trong một bản tuyên bố, Sandmann nói rằng cậu rối bờ về toàn bộ biến cố và cậu mỉm cười chỉ để các người biểu tình khác biết rằng cậu không hề bị mất tinh thần.

Cậu nói “tôi là một Kitô hữu tín trung và là người Công Giáo ngoan đạo, và tôi luôn cố gắng sống đúng các lý tưởng mà đức tin vốn dạy dỗ tôi: mãi mãi tôn trọng người khác, và không làm bất cứ hành động nào dẫn đến tranh chấp hay bạo lực”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xuân Lộc: Tâm tình, huấn dụ của Đức Cha Giáo Phận với Giáo lý viên Giáo Phận trong ngày Đại Lễ Mừng Chân Phước Anrê Phú Yên- Bổn mạng.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P.
08:57 28/07/2020
Với Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, Giáo lý viên – Huynh Trưởng (GLV-HT) của Giáo Phận luôn ở trong tim của Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc đoàn chiên Giáo phận. Đức Cha luôn dành một tình cảm rất yêu thương, nụ cười luôn ở trên môi mỗi khi gặp các Giáo lý viên khi có những chuyến mục vụ tại Giáo xứ, Giáo Hạt, và nhất là ở trong những sự kiện nổi bật, quan trọng như ngày Đại Lễ mừng Chân Phước Anrê Phú yên vừa qua được tổ chức hôm Chúa Nhật 26/7/2020, tại Giáo xứ Thái Hòa, Hạt Hòa Thanh, Giáo phận Xuân Lộc khi chào các bạn “Các giáo lý viên- huynh trưởng rất thương của Giáo Phận và của Cha.”

Xem Hình

Vì thế, trong khi đi giữa những người con thân yêu của mình là những GLV-HT, Đức Cha Giáo phận đã luôn giữ mãi một nụ cười thật tươi, cũng như hai cánh tay luôn giang ra, choàng cả hai bên, như thể mới vừa lòng để có thể nắm lấy, chạm được các giáo lý viên của ngài. Hay khi Vị Cha Chung nhìn ngắm những em thiếu nhi nhỏ xíu, các giáo lý viên trình diễn các bài ca chủ đề Anrê Phú Yên hùng tráng, và những tiết mục văn nghệ xuất sắc, khuôn mặt Ngài thật rạng rỡ niềm vui, tràn đầy hy vọng về tương lai của Giáo phận. Quả thật, đó là những hình ảnh tuyệt vời, dù tĩnh nhưng lại rất động, nói lên được rất nhiều ý nghĩa và tâm tình ẩn chứa bên trong.

Không chỉ có gần 4000 giáo lý viên- huynh trưởng đang cháy hết mình trong niềm vui hân hoan ngày đại lễ, nhưng nơi Đức Cha Giuse của Giáo phận, ngay trong lời tuyên bố khai mạc, “Cha tuyên bố khai mạc ngày Đại Lễ” đã chất chứa rất mạnh mẽ cung bậc cảm xúc của sự hân hoan, niềm vui, hạnh phúc trong cường độ, cao độ của âm thanh giọng nói… đã cộng hưởng cho bầu khí ngày đại lễ thêm tưng bừng. Niềm vui ấy, sự hân hoan của ngày đại lễ có lẽ không chỉ có ở tại Thái Hòa hôm ấy nhưng như chảy tràn lan đến mọi miền đất của Giáo Phận, trong mọi con tim của người giáo lý viên của Giáo phận nhà, dù họ không thể hiện diện.

Niềm vui thẳm sâu đến từ Chúa Giêsu

Trong những lời chia sẻ, huấn dụ ngay trong những giờ phút khai mạc ngày Đại Lễ Mừng Bổn Mạng, Đức Cha đã muốn các giáo lý viên- huynh trưởng phải có được “niềm vui sâu xa thiêng liêng đến từ Chúa Giêsu”.

“Ở đâu có huynh trưởng- giáo lý viên…Ở đó có Giêsu!

Ở đâu có huynh trưởng- giáo lý viên…Ở đó có niềm vui!

Ở đâu có huynh trưởng- giáo lý viên…Ở đó có lòng hăng say!”

Đó là băng reo, là khẩu hiệu mà chính Đức Cha đã dạy các giáo lý viên- huynh trưởng cùng Ngài hô vang khi bắt đầu bài huấn dụ của Ngài. Những tiếng hô vang đáp lại lời mời gọi của Đức Cha làm cho mọi người như cảm nhận “tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu.” (Tv 18, 5b)

Đức Cha nói rằng, “niềm vui có Chúa” phải là niềm vui nền tảng, chi phối mọi cuộc đời của người giáo lý viên-huynh trưởng. Bởi lẽ, giữa biết bao niềm vui bên ngoài, như khi những giáo lý viên- huynh trưởng có cơ hội gặp gỡ nhau, Đức Cha Giáo phận nhắc họ nhớ đến những lời Chúa nói trong Mt 18, 20 khi nói rằng “Các con phải cảm nghiệm được niềm vui có Chúa hiện diện ở giữa…cảm nghiệm được niềm vui sâu xa đến từ Chúa.” Chính nhờ sự cảm nghiệm về niềm vui quan trọng này, Đức Cha mong muốn họ hãy lắng nghe từ chính những cảm nghiệm đó để đưa vào trong tâm hồn và trở thành hành động, thực hiện niềm vui đó trong cuộc đời của chính mỗi người GLV-HT.

Nhưng làm thế nào để có thể làm cho niềm vui sâu xa có Chúa thành hành động trong cuộc đời và sứ mạng của một người GLV-HT? Đức Cha nhấn mạnh rằng “Các con cần biết lắng nghe tiếng Chúa. Các con phải cảm nghiệm được điều Chúa cảm. Các con cần biết nhìn với đôi mắt của Chúa. Các con cần biết yêu với con tim của Ngài.”

Chính từ đây, bằng đôi mắt và con tim của Chúa Giêsu, Đức Cha nói rằng, các giáo lý viên- huynh trưởng hãy nghe tiếng Chúa nói “Thầy còn nhiều chiên chưa thuộc đàn này.” Từ đó, giáo lý viên- huynh trưởng sẽ nhận ra rằng còn rất nhiều bạn trẻ, các em thiếu nhi không tham gia vào phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, không đi học giáo lý. “Để cuối cùng, chỉ còn một đàn chiên và một Chúa chiên mà thôi.” Kết thúc bài huấn dụ, Đức Cha trao cho họ nhiệm vụ, “Các con hãy đi tìm những chiên lạc! Các con hãy đi tìm các bạn trẻ, các em chưa tham dự Phong trào TNTT, không đi tham dự Thánh lễ, không tham dự các giờ kinh trong giáo xứ… Hãy đi đưa các bạn, các em về với Chúa. Các con hãy đón tiếp họ bằng lòng thương xót của Chúa. Đó là tình yêu tha thứ, tình yêu kiên nhẫn mà Chúa cũng đã dành cho chiên lạc. Các con hãy nhớ, hãy cùng nhau đi tìm chiên lạc!”

Nên thánh: sẵn sàng hy sinh từ những điều rất nhỏ

Trong bài giảng Thánh Lễ, dõi theo gương Thầy Giảng Anrê Phú Yên- Đấng đã tìm cội rễ, nguồn sống đời mình nơi Chúa Giêsu, Đức Cha tiếp tục trao cho giáo lý viên- huynh trưởng lời mời gọi đích thực theo chân Đấng Bổn Mạng Giáo lý viên: Nên thánh, trung thành với Chúa qua việc sẵn sàng hy sinh những điều nhỏ nhặt từ đời sống thường ngày.

Nếu Thầy Giảng Anrê Phú Yên không tìm điều gì khác ngoài Chúa, cho dẫu phải hy sinh mạng sống, niềm vui trong Chúa, Đức Cha nói với giáo lý viên- huynh trưởng rằng, “các con được mời gọi không chỉ tin vào Chúa, nhưng còn phải khám phá ra được niềm vui vì đã gặp được Chúa…dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào.”

Và từ bài đọc 2 trích từ Thư 1Côrintô, cho thấy các Tông đồ, môn đệ vẫn trung thành rao giảng niềm tin vào Đức Kitô chết và sống lại dù gặp bao khó khăn và cả cái chết, dù bao người không muốn nghe, đón nhận (x. 1Cr 1, 22-23), Đức Cha đưa ra hai điểm nhắc các giáo lý viên cần nhớ, và thực hiện: Hãy tin vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và cố gắng tập hy sinh những điều nhỏ trong đời sống thường ngày. “Các con đừng lo, đừng sợ. Hãy mở lòng ra, đón nhận Chúa Thánh Thần và để Ngài hoạt động.” Tiếp nữa, dù hoàn cảnh hiện tại trong khi rao giảng Tin Mừng, về Đức Giêsu Kitô, chết và sống lại của người giáo lý viên- huynh trưởng không phải đối diện với cái chết, nhưng như Đức Cha nói, việc trung thành với Chúa đòi buộc “một sự chọn lựa trong hoàn cảnh hết sức đời thường của các con.” Điều này đưa tới điểm thứ hai mà Đức Cha Giáo phận mong muốn giáo lý viên- huynh trưởng của Giáo phận và của ngài thực hiện. “Các con hãy sãn sàng chịu thiệt thòi, dù nhỏ nhoi, vì Chúa Giêsu… Hãy tập hy sinh, từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống của chúng con.” Và ngài xác tín “Chúng con sẽ làm được điều này nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.”

Với tâm tình, huấn dụ của Vị Chủ Chăn Giáo phận dành cho các Giáo lý viên – Huynh trưởng được thể hiện rõ nét trong ngày Đại Lễ này, sẽ trở thành nguồn động lực giúp họ sống mạnh mẽ, nhiệt thành hơn trong sứ mạng họ lãnh nhận, lan tỏa vẻ đẹp thánh thiện, niềm vui khi có Chúa cho các em thiếu nhi và những người họ gặp gỡ. Đồng thời, với sự hy sinh nhỏ bé hằng ngày mà giáo lý viên- huynh trưởng cố gắng luyện tập, họ sẽ trở nên những ngọn lửa thắp sáng thế giới đang tối tăm, đem Chúa đến cho mọi người, như ngọn nến họ cầm trên tay trong Nghi thức Chầu Thánh Thể và Sai đi – do Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám Mục Phụ Tá Giáo phận chủ sự- trước khi kết thúc chương trình ngày Đại Lễ Mừng Chân Phước Anrê Phú Yên, Bổn mạng Giáo lý Giáo phận Xuân Lộc.

Ngày Đại Lễ Mừng Bổn Mạng Giáo lý viên- Chân Phước Anrê Phú Yên, cũng là ngày đặc biệt “ba trong một” khi cùng đồng mừng kỷ niệm 30 năm Chương trình Giáo lý Hồng Ân, và 25 Năm Sinh Nhật Đuốc Hồng. Trong ngày Đại Lễ này, có 139 Anh Chị Giáo lý viên được Đức Cha Giuse trao bằng tốt nghiệp khóa huấn luyện Đuốc Hồng. Và để ghi nhận những cống hiến trong việc huấn giáo các em thiếu nhi, cũng như gắn bó với Đuốc Hồng một quãng đường khá dài, 76 anh chị Giáo lý viên cũng được Đức Cha trao huy hiệu kỷ niệm 25 năm Đuốc Hồng.

Vì thế, trong chương trình ngày Đại Lễ, ngoài sự hiện diện của Đức Cha Phụ Tá Gioan, còn có sự hiện diện của Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú, Cha Cố Giuse Bùi Trung Phong- là những vị đã dày công làm nên bộ Giáo lý Hồng Ân của Giáo phận. Đặc biệt, hiệp thông với Ban Giáo lý Xuân Lộc, Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Việt- Trưởng ban Giáo lý Toàn Quốc cũng hiện diện, tham dự, dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Giới Giáo lý viên Xuân Lộc trong ngày mừng Bổn Mạng

Tin: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P.
 
Tinh thần bác ái của các em thiếu nhi giáo xứ Bình Khánh, GP. Xuân Lộc
Giuse Bình An
09:24 28/07/2020
Sáng sớm ngày thứ Bảy 25 tháng 7 vừa qua, bắt đầu cho một mùa hè 2020 là chuyến đi bác ái của 33 em lớp Sống Đạo và anh chị Giáo Lý Viên của Giáo xứ Bình Khánh giáo phận Xuân Lộc về Trảng Bom, Đồng Nai. Ngay từ lúc khởi hành, ta dễ dàng nhận thấy sự háo hức của các em hiện rõ trên từng khuôn mặt khi khiêng các thùng quà sẽ được trao tặng lên xe.

Điểm đến đầu tiên trong hành trình là cơ sở bảo trợ xã hội người già và tàn tật Hòa Xuân, thuộc giáo xứ Lai Ổn, ấp Lộ Đức, Hố Nai 3. Cơ sở này được thành lập bởi linh mục Nguyễn Văn Uy và hoạt động trong suốt 5 năm qua. Nơi đây hiện đang chăm sóc cho 12 cụ, gồm 4 cụ ông và 8 cụ bà. Người trẻ tuổi nhất là 62 tuổi và cao nhất là trên 90 tuổi. Các cụ tâp trung về đây là những người ở khắp nơi (không phân biệt lương giáo) và không có con cái chăm sóc.

Xem Hình

Các em nhanh chóng làm quen, hỏi han, truyện trò với các cụ. Trong nhóm có em còn chu đáo đem bấm móng tay lên bấm cho các cụ nữa đó, … làm cho không khí các phòng ở thật ấm áp và tràn đầy yêu thương. Qua chị Linh chúng tôi được biết các cụ được chăm sóc chu đáo, được khám bệnh và được lo hậu sự khi về với Chúa.

Và rồi giờ chia tay cũng đến, các em lưu luyến chia tay các cụ để đến cô nhi viện của giáo xứ Suối Sao. Trên đoạn được dốc hơn một cây số đầy đá lởm chởm, xe lớn không vào được, các em phải khuân vác đồ đạc dưới trời hè nóng bức nhưng niềm háo hức không giảm trong các em.

Cô nhi viện Suối Sao hiện đang nuôi dưỡng 40 trẻ từ sơ sinh đến dưới 16 tuổi, trong đó có hơn 78% các trẻ ở đây là người dân tộc. Hiện có 2 trẻ sơ sinh và 1 trẻ bị bệnh động kinh. Coi sóc cô nhi viện là dì Thúy, dì Hà và di Toan.

Được biết các trẻ ở đây bị bỏ rơi từ nhỏ được các dì đem về nuôi dạy và cho đi học. Dù nhỏ tuổi nhưng các trẻ được rèn luyện tính tự lập rất cao, các trẻ tự biết vệ sinh cá nhân và tự chăm sóc lẫn nhau rất tốt. Dì Thúy khoe trong năm học vừa qua có 11 em đạt học sinh tiên tiến trong 28 em đi học, đây là năm có tỉ lệ học sinh học khá cao nhất.



Chúng tôi chia làm 2 nhóm: 1 nhóm chơi đùa cùng trẻ con ở đây, 1 nhóm phụ các dì nhổ cỏ và trồng hoa mười giờ. Nhìn những đôi mắt trong veo của trẻ, nhìn nụ cười hồn nhiên của các em làm trong đoàn ai cũng không tránh khỏi chạnh lòng, xót xa. Hy vọng chuyến viếng thăm sẽ được tổ chức thường xuyên nhiều nhiều năm sau nữa.

Khi mặt trời lên cao, là lúc chúng tôi phải từ giả trở về để kịp đến giao lưu với các bạn khối sống đạo giáo xứ Bắc Hải. Ngồi trên xe tôi chợt nhớ đến lời dì Thúy: “Trong cuộc sống này, việc học là quan trọng nhưng hơn hết là việc giáo dục đạo đức cho các trẻ. Mình sống là vì mọi người nên phải biết hy sinh khi chúng ta còn cha, còn mẹ”.

Qua một ngày giao lưu, thăm viếng làm việc tông đồ, các em lớp Sống Đạo và các anh chị GLV giáo xứ Bình Khánh xin gửi lời cảm ơn cha xứ Phêrô, Quý vị Ban Hành Giáo, cảm ơn các ba mẹ, các anh chị GLV, nhà xe Công ty Du lịch Sao Vàng, cảm ơn tất cả vì chuyến đi! và cảm ơn các anh chị GLV giáo xứ Bắc Hải có buổi giao lưu nhiều thú vị và niềm vui.

Với những tâm tình biết ơn, chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa vì Ngài ban cho chúng ta một sự may mắn là còn có cha mẹ và người thân bên cạnh. Con người sinh ra không có sự lựa chọn, nhưng biết lựa chọn là người tử tế là quyết định của chúng ta. Hãy biết chia sẻ, yêu thương với mọi người xung quanh thì chúng ta đã làm cho cuộc sống tươi đẹp lên thật nhiều đó các bạn !.

Giuse Bình An
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Muốn Mỹ cứu nguy nhưng Việt Nam vẫn sợ bỏ Tầu
Phạm Trần
08:46 28/07/2020
Bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam đã kín đáo bắn tiếng muốn Mỹ nhảy vào giải quyết xung đột ở Biển Đông, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Cộng đã cảnh giác Việt Nam “không dành bất cứ cơ hội nào cho sự quấy rối và phá hoại của thế lực bên ngoài”.

Đề nghị bán chính thức của Việt Nam đưa ra ngày 17/7/2020, bốn ngày sau khi Bộ trưởnng Ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo gọi hành động đe dọa các nước nhỏ để chiếm đoạt và mưu toan cướp chủ quyền nguồn tài nguyên ở phần lớn Biển Đông của Trung Quốc là “phi pháp”.

Dưới Tiêu đề “Quan hệ Việt-Mỹ và vấn đề Biển Đông”, Tiến sỹ Lại Thái Bình của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao CSVN đã đề nghị 2 khả năng hợp tác, chưa từng được nêu lên trước đây giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đó là:

1.- “ Việt Nam và Mỹ cũng có thể cùng các quốc gia khu vực và trên thế giới tạo dựng một diễn đàn an ninh cấp cao thường niên để thảo luận và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan Biển Đông.”

2.- “Hai nước cũng có thể thúc đẩy những hợp tác liên quan việc tăng cường năng lực cho mỗi bên liên quan đào tạo, huấn luyện, diễn tập chung, trao đổi thông tin liên quan sự phát triển của Biển Đông, hợp tác kinh tế, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, phòng chống khủng bố, cướp biển, cứu trợ thiên tai…”

Về đề nghị thứ nhất, có vẻ như Việt Nam muốn “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, điều mà phía Trung Cộng không tán thành. Lập trường của Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết tranh chấp biển đảo “song phương” với từng nước có xung đột với Trung Quốc gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Brunei.

Trung Cộng cũng không muốn nói chuyện Biển Đông với ASEAN như một khối 10 quốc gia vì có 5 nước không có quyền lợi ở Biển Đông và không có tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng gồm Thái Lan, Tân Gia Ba, Miến Điện, Lào và Cao Miên.

Đây là nguyên nhân tại sao ASEAN không thể đoàn kết và thống nhất quan điểm trong khi thảo luận tìm giải pháp cho xung đột Biển Đông với Trung Quốc.

Nhưng liệu Mỹ có sẵn sàng đứng mũi chịu sào đứng ra làm đầu tầu để tổ chức “một diễn đàn an ninh cấp cao thường niên” với khối ASEAN và các nước lớn khác để giải quyết vấn đề Biển Đông?

Hay liệu Trung Cộng có từ bỏ lập trường “chỉ thảo luận song phương với nước nào có tranh chấp” để tham gia một diễn đàn quốc tế về Biển Đông?

Đề nghị thứ 2 của Tiến sỹ Lại Thái Bình có vẽ táo bạo vì ông muốn Mỹ không chỉ “tăng cường năng lực cho mỗi bên liên quan đào tạo, huấn luyện” mà còn muốn hai nước “diễn tập chung” và “ trao đổi thông tin liên quan sự phát triển của Biển Đông.”

Rõ ràng sáng kiến này liên quan đến chính sách quốc phòng của Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhưng sách trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam đã minh thị “4 không”, thay đổi từ “3 không” trước đây:

Sách trắng viết rằng: " (1)Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; (2) không liên kết với nước này để chống nước kia; (3) không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; (4) không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”

Nhưng điểm 4 mới nên được hiểu như thế nào trong hoàn cảnh của Việt Nam? Phải chăng lãnh đạo CSVN muốn bắn tiếng với đàn anh Trung Cộng rằng “chúng em sẽ không gây chiến với bất kỳ nước nào, vì chúng em chỉ muốn được yên thân”?

Nhưng nếu Bắc Kinh hành quân xâm lược Việt Nam cả trên bộ lẫn ngoài khơi thì Việt Nam làm gì?

Chắc chắn CSVN sẽ không được Mỹ “tự động yểm trợ và bảo vệ” như Mỹ sẽ bảo vệ Phi Luật Tân khi bị nước ngoài tấn công. Thỏa hiệp Quốc phòng Mỹ-Phi ký ngày 30/08/1951 tại Hoa Thịnh Đốn gồm 8 Điều đã minh thị rằng:”Hai nước sẽ yểm trợ nhau nếu, Phi Luật Tân hay Hoa Kỳ bị tấn công bởi lực lượng bên ngoài.” (The overall accord contains eight articles and dictates that both nations would support each other if either the Philippines or the United States are attacked by an external party.”

TẦU CẢNH CÁO VIỆT NAM

Cũng đáng chú ý là bốn ngày sau khi bài viết của Tiến sỹ Lại Thái Bình xuất hiện trên báo Thế giới & Việt Nam của Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có Hội nghị trực tuyến lần thứ 12 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, ngày 21/07 (2020), với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc.

Tại diễn đàn này, theo tin Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Minh “đã nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây; đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC; thúc đẩy đàm phán COC sớm đạt kết quả thực chất.”

Tuy nhiên, phía Việt Nam đã giấu nhẹm phát biểu lên lớp Việt Nam của Vương Nghị.

Đài Phát thanh quốc tế Trung Hoa (CRI, China Radio International) đưa tin trong bản tiếng Việt ngày 22/07 (2020) :”Về vấn đề Nam Hải, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết, Nam Hải là quê nhà chung của chúng ta, Trung Quốc và ASEAN vĩnh viễn là láng giềng, tìm kiếm hòa bình, thúc đẩy phát triển là nguyện vọng chung của chúng ta. Chính sách Nam Hải của Trung Quốc không thay đổi, giữ bền vững.”

Sau khi giáo đầu như thế, họ Vương lên án Mỹ:” Xuất phát từ nhu cầu địa chiến lược, Mỹ châm ngòi thổi gió ở khắp nơi, liên tục cử tàu chiến và máy bay diễu võ dương oai tại Nam Hải, mục đích là nhằm gây ra sự bấp bênh căng thẳng trên Nam Hải, phá hoại đoàn kết giữa các nước trong khu vực, làm hỏng triển vọng phát triển của các nước và khu vực, các nước trong khu vực cần nêu cao cảnh giác.”

Vương Nghị nói với ông Phạm Bình Minh:”Trung Quốc và Việt Nam cần kiên trì kiểm soát bất đồng thông qua đối thoại và hiệp thương song phương theo nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo tối cao hai Đảng và hai nước, tìm kiếm giải pháp công bằng và hợp lý theo một loạt thỏa thuận ký giữa hai bên. Trung Quốc và Việt Nam còn cần cùng các nước ASEAN, tuân thủ “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Nam Hải” (DOC, Declaration on the Conduct of the Parties in the South China Sea )., thúc đẩy tham vấn về “Bộ Quy tắc ứng xử trên Nam Hải” (COC, Code of Conduct), không dành bất cứ cơ hội nào cho sự quấy rối và phá hoại của thế lực bên ngoài.”

Vương Nghị nói đến COC, nhưng sự thật là Trung Quốc đã tìm mọi cách trì hoãn thảo luận nghiệm chỉnh để hoàn tất văn kiện có tính rang buộc pháp lý đối với các bên vi phạm.

Nhưng tại sao cuộc thương thảo giữa khối ASEAN và Trung Quốc đã kéo dài gần 4 năm mà chưa đi đến đâu?

Theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, một Học giả về bang giao quốc tế, thì :”Trở ngại chính là các nước ASEAN không đoàn kết và nhất trí vì quyền lợi bất đồng và bị Trung Cộng chi phối trong khi đó Trung Cộng muốn kéo dài việc ký kết để có thời gian thực hiện các “việc đã rồi” hầu có thế thượng phong trong việc thương thuyết. Ngoài ra trong khi ASEAN muốn bộ Quy tắc Ứng xử có tính cách ràng buộc thì Trung Cộng không muốn thế. Việt Nam muốn bộ Quy tắc Ứng xử áp dụng cho cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa, điều mà Trung Cộng không muốn. Đó là chưa kể những bất đồng về cơ chế giải quyết tranh chấp và cách tiếp cận trong việc xử lý tranh chấp.”

Vậy ông Minh đã nói gì với Vương Nghị? CRI viết :”Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giới thiệu lập trường của Việt Nam trong vấn đề trên biển, cho biết sẵn sàng cùng Trung Quốc giữ gìn hòa bình và ổn định của Nam Hải, thúc đẩy sự hợp tác cùng phát triển trên biển, điều này phù hợp lợi ích của Việt Nam và Trung Quốc, cũng là nguyện vọng phổ biến của các nước trong và ngoài khu vực.”

Rõ ràng trong tuyên bố của Vượng Nghị, ông ta đã cảnh giác khối ASEAN và riêng Việt Nam phải tỉnh táo trước các hành động của Mỹ ở Biển Đông, và “ không dành bất cứ cơ hội nào cho sự quấy rối và phá hoại của thế lực bên ngoài.”

Phía Trung Hoa cũng cố ý không nói đến việc ông Phạm Bình Minh đã “quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây” với Vương Nghị.

Nên biết Trung Cộng đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/1/1974 và sau đó từ 1988 đến 1995, chính thức chiếm thêm 7 đá gồm Châu Viện, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Xu Bi và Vành Khăn trong Quần đảo Trường Sa.

Sau Vành Khăn bị mất năm 1995, Việt Nam coi như mất luôn quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây, một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa nằm về phía đông nam của đá Vành Khăn. Hiện bãi Cỏ Mây đang bị tranh chấp giữa Phi Luât Tân và Trung Cộng.

Ngoài ra, Đài Loan cũng đã chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba Island), lớn nhất ở Trường Sa từ sau năm 1956. Đảo này có diện tích tối đa 0, 4896 cây số vuông với chiều dài 1, 400 mét, rộng 379 mét. Có tài liệu nói Đài Loan đã chính thức đem quân đội và dân cư đến sống và bảo vệ đảo từ năm 1971.

Như vậy, cho đến nay, Trung Cộng và Đài Loan đã chiếm 9 đảo và đá của Việt Nam thuộc Trường Sa.

MẤT QUYỀN DẦU KHÍ

Trong khi đó, theo tài liệu của Bách khoa toàn thư mở thì Việt Nam

đang thực thi chủ quyền hợp pháp tại 21 điểm đảo. Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã chia thành thành 2 nhóm đảo, tuyến Bắc Trường Sa và Nam Trường Sa.

Ông nói:”Các đảo Bắc Trường Sa mà Việt Nam đang canh giữ, thực thi chủ quyền gồm 10 đảo, đá lực lượng sau: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Lớn. Các đảo Phía Nam Trường Sa mà Việt Nam đang bảo vệ gồm 11 đảo, đá sau: Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây, Đá Đông, Đá Lát.” (theo Infonet)

Tuy kiểm soát nhiều vị trí nhưng quân đội CSVN vẫn không có sức mạnh quân sự như Trung Cộng ở Biển Đông. Ngược lại Trung Cộng đã bồi đắy, tân tạo và xây dựng các vị trí ở Trường Sa thành căn cứ quân sự với bến cảng và sân bay. Ít nhất Bắc Kinh đã biến Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thành căn cứ quân sự với sân bay và doanh trại kiên cố để đe dọa trực tiếp vào quân trú phòng Việt Nam.

Riêng đảo Gạc Ma, nơi đã xẩy ra cuộc chiến đẫm máu ngày 14/03/1988 với lính Trung Cộng khiến 64 binh sỹ CSVN bị lính Tầu tự do thảm sát vì, được nói, Đại tướng Lê Đức Anh, khi ấy là Bộ trưởng Quốc phòng, đã ra lệnh cho binh sỹ không được nổ súng.

Ngày nay, Gạc Ma đã được Trung Cộng tân tạo và xây dựng thành căn cứ quân sự kiên cố với sân bay, doanh trại 6 tầng và hệ thống Radar tối tân. Gạc Ma sẽ là nút thắt cắt đường liên lạc và tiếp vận từ đất liền với lính CSVN ở Trường Sa, nếu xẩy ra chiến tranh.

Trung Cộng cũng đã áp lực Việt Nam phải hủy bỏ một số dự án tìm kiềm dầu khí ở khu vục nam Hoàng Sa và ở Trường Sa, trong số này có nhiều Đại công ty đã bỏ Việt Nam gồm BP (Anh, 2008) Chevron (Mỹ, 2015), Repsol (Tây Ban Nha, 2018), ConocoPhillips (2012).

Mới đây, ngày 9/7/2020, liên doanh dầu khí Rosneft Việt Nam đã hủy hợp đồng khoan dầu với công ty Noble Corporation tại Lô 06-01 vì bị áp lực từ Trung Cộng.

Vị trí Lô 06-01 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, cách bờ biển Vũng Tầu 160 hải lý (370 cây số) hướng Đông-Nam. Trung Cộng tự coi bãi Tư Chính nằm trong khu vực Đường Chín Đoạn, hay Đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vẽ để dành quyền chủ quyền.

Với tình hình vừa kể, liệu bài viết của Tiến sỹ Lại Thái Bình muốn Mỹ nhảy vào giúp giải quyết xung đột Biển Đông với Trung Quốc có được coi là Việt Nam chỉ muốn Mỹ cứu nguy, hay lãnh đạo đã vượt qua nỗi sợ Trung Quốc? -/-

Phạm Trần

(07/020)

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vắng Tanh
Nguyễn Trung Tây Lm.
22:39 28/07/2020
VẮNG TANH
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Quán xá vắng tanh treo bảng “đóng",
Đường phố ngủ yên, không một người!
Trời xanh ngăn ngắt, chim sẻ hót!
Tự nhiên không biết cám ơn ai!
Covid-19?
(NTT)
 
VietCatholic TV
Tầu cộng coi vụ kéo cờ Mỹ ở Thành Đô xuống là chiến thắng. Dân Tầu rầu rĩ vì giá cổ phiếu xuống
Giáo Hội Năm Châu
01:53 28/07/2020

Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Thành Đô phía tây nam Trung Quốc đã chính thức đóng cửa giữa lúc căng thẳng sôi sục giữa hai quốc gia.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết lãnh sự quán tại Thành Đô chính thức đình chỉ hoạt động vào lúc 10 giờ sáng thứ Hai theo giờ địa phương.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc liên tục chiếu cảnh cờ Mỹ hạ xuống như một chiến thắng.

Việc đóng cửa đã thu hút rất đông người dân địa phương. Các đường phố xung quanh cũng bị chặn bởi sự hiện diện của cảnh sát và một mạng lưới an ninh khổng lồ, cắt đứt hầu như mọi góc nhìn vào bên trong tòa nhà. Một số người có lẽ đã được tuyển chọn để vào bên trong đứng trước cửa lãnh sự quán hét lên những khẩu hiệu đã được một cơ quan tuyên truyền nào đó soạn sẵn, trong khi lá cờ được hạ xuống. Những người khác không được vào bên trong đứng lặng lẽ nhìn với dáng vẻ lo lắng. Giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc và Hương Cảng đã không ngừng tụt dốc từ sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Vương Văn Bân công bố quyết định của bọn cầm quyền Bắc Kinh buộc Hoa Kỳ phải đóng cửa lãnh sự quán tại Thành Đô.

Bắc Kinh đã ra lệnh cho lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô đóng cửa để trả đũa một lệnh của Hoa Kỳ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Texas vào tuần trước.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Trung Quốc và cho biết Mỹ sẽ cố gắng tiếp tục tiếp cận khu vực này thông qua các nhiệm vụ khác tại Trung Quốc.

Lãnh sự quán này “đã đứng ở trung tâm các mối quan hệ của chúng tôi với người dân ở miền Tây Trung Quốc, bao gồm cả Tây Tạng, trong 35 năm, ” tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm thứ Hai 27 tháng 7 nói.

Việc đóng cửa ăn miếng trả miếng đã đánh dấu sự leo thang đáng kể trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về một loạt các vấn đề, bao gồm thương mại, công nghệ, an ninh và nhân quyền.

Từ chiều thứ Bẩy đến chiều Chúa Nhật, các xe tải đã đến lãnh sự quán Hoa Kỳ để di chuyển đồ đạc.

Đã có các cố gắng để tháo tấm bảng có huy hiệu hình vuông của lãnh sự quán nhưng không thành công. Các nhân viên trong lãnh sự quán đã dùng một miếng vải che lại.

Công an mặc đồng phục và thường phục theo dõi cả hai bên rào chắn sau vài biến cố rải rác sau thông báo đóng cửa lãnh sự quán tại Thành Đô vào hôm thứ Sáu. Một người đàn ông đốt pháo và một số người quá khích đã chửi rủa phóng viên của các phương tiện truyền thông nước ngoài đang quay video và hình ảnh tại hiện trường.

Một người đàn ông đã nhanh chóng bị bắt đi sau khi cố gắng giương lên một tờ giấy lớn vào cuối ngày Chúa Nhật mà anh ta gọi là một bức thư ngỏ gởi cho bọn cầm quyền Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã cáo buộc rằng lãnh sự quán Houston, Texas là một tổ gián điệp của Trung Quốc nhằm đánh cắp dữ liệu từ các cơ sở thương mại và y tế ở Texas, bao gồm hệ thống y tế Texas A&M và Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas ở Houston.


Source:Daily News Australia
 
Virus Tầu độc địa chỉ trong một tuần cướp đi mạng sống của ba Giám Mục trên thế giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:32 28/07/2020
1. Chỉ trong một tuần duy nhất, coronavirus cướp mất mạng sống của ba Giám Mục trên thế giới

Kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, thứ virus Tầu độc địa này đã cướp đi sinh mạng của vô số linh mục và tu sĩ trên khắp thế giới, nhưng tuần trước được ghi nhận là một thảm họa đối với Giáo Hội Công Giáo khi virus quái ác này chỉ trong vài ngày đã cướp đi mạng sống của ba Giám Mục tại Bangladesh, Bolivia và Ba Tây.

Các vị Giám Mục này là Đức Tổng Giám Mục Moses Costa của tổng giáo phận Chittagong, Bangladesh; Đức Cha Eugenio Scarpellini Giám Mục giáo phận El Alto, Bôlivia; và Đức Cha Henrique Soares da Costa là Giám Mục Palmares, Ba Tây.

Đức Tổng Giám Mục Costa, 69 tuổi, đã qua đời vào hôm thứ Hai, 13 tháng 7, khi đang được điều trị coronavirus tại Bệnh viện Square ở thủ đô Dhaka. Tính đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này Bangladesh đã có 207, 453 trường hợp nhiễm coronavirus, với 2, 668 trường hợp tử vong.

Tại Bolivia, nơi có 59, 582 trường hợp nhiễm bệnh và 2, 151 trường hợp tử vong, Đức Cha Scarpellini, 66 tuổi, đã chết vào hôm thứ Tư, 15 tháng 7, tại bệnh viện Thánh Tâm Chúa Giêsu sau khi bị ngừng tim hai lần vì COVID-19.

Đức Cha Scarpellini là một người Ý đến từ Bergamo, quê hương của Thánh Giáo Hoàng Gioan 23. Ngài đã trải qua 32 năm phục vụ tại Bolivia. Ngài đến nước này vào tháng Giêng năm 1988, 10 năm sau khi được phong chức linh mục vào tháng 6 năm 1978.

Trong bài giảng cuối cùng của mình, vào ngày 13 tháng 7, Đức Cha Scarpellini đã yêu cầu các tín hữu mình lắng nghe và suy niệm trong im lặng lời Chúa, trung tín với Chúa trên con đường hoán cải, để có thể vững vàng trong mọi nghịch cảnh và vì thế sinh nhiều hoa trái, cũng như trở thành môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay.

Tại Brazil, Đức Cha Soares da Costa là một trong những thương vong mới nhất tại một quốc gia chỉ đứng sau Hoa Kỳ về số trường hợp nhiễm bệnh. Tính đến nay, Brazil đã có tổng cộng 2, 098,389 trường hợp nhiễm coronavirus và 79, 488 trường hợp tử vong.

Đức Cha Soares da Costa qua đời vào hôm thứ Bảy, 18 tháng 7, lúc 9 giờ sáng, sau một trận chiến khó khăn với COVID-19. Ngài đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện San Jose Memorial ở Recife ngày 4 tháng 7, và đó là nơi ngài trút hơi thở cuối cùng.

Trong một tuyên bố sau cái chết của Đức Cha Soares da Costa, Đức Tổng Giám Mục João José Costa của Aracaju đã gọi ngài là một người có trí tuệ phi thường. Cuộc đời của ngài được đánh dấu bởi một cuộc sống đẹp đẽ về đức tin và lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội của Người.

Ngay sau cái chết của ngài, một bản thu thập chữ ký đã thu được 48, 000 chữ ký trong vài ngày xin Tòa Thánh tức khắc mở án tuyên thánh cho ngài vì hương thơm thánh thiện và các thành tích rạng ngời của vị Giám Mục quá cố.

Cùng ngày Đức Cha Soares da Costa qua đời, Giáo phận Propriá của Brazil đã ra một tuyên bố xác nhận rằng giám mục giáo phận, là Đức Cha Vítor Agnaldo de Menezes, cũng đã thử nghiệm dương tính với COVID-19.


Source:Crux

2. Nhà lãnh đạo hàng đầu của Công Giáo Phi Luật Tân nhiễm coronavirus

Đức Cha Broderick Pabillo, Giám Quản Tông Tòa của Tổng giáo phận Manila, đã thử nghiệm dương tính với COVID-19. Ngài là nhà lãnh đạo hàng đầu tại Phi Luật Tân mắc phải căn bệnh quái ác này.

Trong thông báo được đưa ra vào ngày 23 tháng 7 sau khi có kết quả dương tính, Đức Cha cho biết ngài không có triệu chứng gì nghiêm trọng và đang trải qua một hình thức tự cô lập bắt buộc. Ngài cho biết các nhân viên thân cận đều đã thử nghiệm âm tính, và tất cả những người mà ngài từng tiếp xúc đã được khuyên nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa.

Trong một lá thư gửi các linh mục và tu sĩ trong tổng giáo phận Manila, Đức Cha viết: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định, ” Đức Cha viết như trên khi trích dẫn thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu Rôma, và nhấn mạnh rằng “Trong bất cứ điều gì xảy ra, tình yêu của Chúa luôn luôn ở bên chúng ta.”

“Mặc dù tôi không cảm thấy gì nghiêm trọng, tôi vẫn theo các giao thức được thiết lập. Bây giờ tôi đang ở trong một khu vực được chỉ định để kiểm dịch và tuân thủ các giao thức nghiêm ngặt theo yêu cầu của các cơ quan y tế”.

Ngài cũng nói rằng tình trạng của ngài đang được theo dõi và ngài được khuyên nên uống vitamin và tập thể dục thường xuyên.

“Tôi biết tôi sẽ vượt qua được thứ virus này, vì vậy xin đừng lo lắng cho tôi, mặc dù tôi biết ơn những lời cầu nguyện của anh chị em. Tạ ơn Chúa, tôi vẫn là con người bình thường của tôi nên các cuộc họp trực tuyến theo lịch trình mà chúng ta đã thiết lập sẽ được tiếp tục.”

Theo thông tấn xã UCANews, Đức Cha Pabillo được xem là một trong những giám mục tích cực nhất ở Phi Luật Tân

Tháng Hai vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám Quản Tông Tòa của Tổng giáo phận Manila sau khi Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle được cử sang Rôma để nhận nhiệm vụ của mình với tư cách là Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Đức Cha Pabillo cũng được biết đến vì sự tham gia tích cực của ngài trong phản ứng của Giáo Hội Phi Luật Tân đối với các vấn đề xã hội. Ngài cũng là một người phê bình mạnh mẽ các chính sách độc tài và tàn bạo của Tổng thống Rodrigo Duterte.


Source:Crux
 
Trò đời trớ trêu: Mẹ bề trên tốt lành phải ra tòa vì lòng thương xót
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:08 28/07/2020
1. Trò đời trớ trêu: Mẹ bề trên tốt lành phải ra tòa vì lòng thương xót

Vì lòng thương xót mà phải ra hầu tòa, đó là một câu chuyện thật trớ trêu vừa xảy ra đối với một nữ tu là bề trên tu viện nữ Biển Đức. Thông tấn xã Công Giáo Đức KNA vừa cho biết như trên.

Việc xử phạt sơ bề trên không phải chỉ là xử phạt một cá nhân nhưng tầm vóc của câu chuyện có thể trở thành một trường hợp mang tính bước ngoặt trong việc xác định xem việc các Giáo Hội tại Đức cung cấp nơi tị nạn trong các cơ sở của mình có thể coi là hành vi phạm tội cung cấp nơi cư trú bất hợp pháp hay không. KNA báo cáo rằng chuyện này cuối cùng có lẽ phải nhờ đến sự can thiệp của Tối Cao Pháp Viện.

Mẹ Mechthild Thurmer bị cáo buộc đã cho những người phụ nữ xin tị nạn được cư trú trong tu viện của mình tại thị trấn Kirchschletten trong miền Bavaria hơn 30 lần. Phiên tòa tại quận Bamberg được dự trù vào giữa tháng 7 đã bị hủy bỏ vì thẩm phán muốn chờ đợi một cáo buộc của công tố viện có sức thuyết phục hơn, và có thể chống lại được sơ bề trên, một phát ngôn viên của tòa án nói với KNA.

“Tôi đã hành động theo tinh thần Kitô giáo, ” Mẹ bề trên Mechthild Thurmer, năm nay 62 tuổi nói. “Tôi không thể nào hiểu được tại sao cung cấp sự giúp đỡ cụ thể cho một người đang quẫn bách lại có thể là một tội phạm.”

Cho đến nay, các nhà chức trách ở Bavaria hầu hết đã mắt nhắm mắt mở lờ đi các thủ tục tố tụng chống lại những người cho tị nạn trong các nhà thờ và tu viện, và thực tế là chưa hề áp dụng hình phạt nào. Trong một vài trường hợp, họ đề nghị đóng tiền phạt thay vì phải ra tòa. Nếu bị cáo đồng ý, vấn đề được kết thúc, mặc dù án lệ vẫn không phải là một sự tha bổng.

Franz Bethauser, luật sư của Mẹ Mechthild, từ lâu đã hy vọng có thể làm rõ vấn đề cơ bản của hệ thống tư pháp để mang lại cho mọi người sự chắc chắn về mặt pháp lý.

KNA cho biết phiên điều trần ở Bamberg sẽ không chỉ là về Mẹ Mechthild. Nó cũng nói về việc thỏa thuận vào năm 2015 giữa các Giáo Hội và chính phủ về việc cung cấp nơi tị nạn có còn hiệu lực hay không. Theo thỏa thuận đó, các nhà chức trách công nhận quyền tị nạn trong khi đơn xin tị nạn cá nhân đang được cứu xét, với điều kiện là người đó không được chạy trốn.

Tòa án quận Freising phán quyết vào năm 2018 rằng chừng nào nhà nước chưa đưa ra phán quyết yêu cầu người tị nạn phải rời khỏi đất nước, các cơ sở của Giáo Hội cung cấp nơi tị nạn không thể bị trừng phạt.

Bộ trưởng Nội vụ Bavaria Joachim Herrmann kêu gọi cảnh sát và cơ quan nhập cư bám sát đường dây này nhưng không được trực tiếp trục xuất người tị nạn khỏi các nhà thờ. Tuy vậy, cho đến nay, những người xin tị nạn và những người cung cấp chỗ ở cho họ không có một bảo đảm pháp lý nào, và do đó không có chút an ninh nào trong vấn đề này.


Source:The Catholic Universe

2. Sóng gió tại Ý sau khi một linh mục chứng hôn cho một cặp đồng tính

Một linh mục đã từ chức cha sở giáo xứ sau khi ngài thực hiện một nghi thức chứng hôn dân sự cho một cặp đồng tính tại tòa thị chính của thị trấn Sant’Oreste của Ý. Vụ này đã gây nên một làn sóng phản đối rất lớn tại Ý.

Theo dự kiến, vị linh mục này sẽ không thi hành các thừa tác vụ công khai ít nhất là trong một năm nữa. Nhiều kiến nghị đòi hỏi vị linh mục này phải bị huyền chức vì công khai chống lại giáo huấn căn bản của Giáo Hội.

Vào ngày 11 tháng 7, Cha Emanuel Moscatelli đã chủ sự một buổi lễ, trong đó hai người phụ nữ, là những người bạn của vị linh mục, đã ký kết hôn nhân dân sự, trong một buổi lễ được mô tả trên truyền thông Ý là một đám cưới.

Vị linh mục đã không mặc trang phục phụng vụ, thay vào đó là một chiếc khăn lễ nghi màu đỏ, trắng và xanh lá cây, thường được các thị trưởng và các quan chức dân sự Ý khác mặc khi cử hành các buổi lễ dân sự. Cha Moscatelli được Valentina Pina, thị trưởng của thị trấn, ủy quyền để thực hiện buổi lễ này.

Tin tức về buổi lễ được hãng thông tấn Ý ADN Kronos đưa tin đầu tiên vào ngày 20 tháng 7 và đã lập tức gây nên một làn sóng phản đối dữ dội. Cùng ngày, Đức Cha Romano Rossi của giáo phận Civilita đã nói chuyện với vị linh mục này và tuyên bố rằng vị linh mục đã tự nguyện từ chức cha sở của giáo xứ Thánh Lôrensô tại thị trấn Sant’Oreste.

Trong một tuyên bố được công bố vào ngày 20 tháng 7, Đức Cha Rossi nói rằng ngài đã gặp cha Moscatelli vào ngày 14 tháng 7 và vị linh mục đã đồng ý từ chức cha sở của mình một cách tự nguyện. Đức Cha cũng yêu cầu cha Moscatelli ngưng các thừa tác vụ công khai trong một năm để có một thời gian suy tư hợp lý để lấy lại sự rõ ràng và niềm vui trong chức vụ linh mục của mình trong thực tế cụ thể của thế giới ngày nay.

Đức Cha Rossi nói với trang tin tức La Nuova Bussola của Ý rằng “Cha Emanuel bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào Giáo hội trong tư cách là mẹ và vào giám mục của mình, và hoàn toàn chấp nhận kế hoạch mà tôi sẽ đề xuất.”

Ngài nói thêm: “Tôi đã làm cho ngài hiểu được mớ hỗn độn mà ngài đã gây ra. Tôi nghĩ có thể trong một số trường hợp yếu đuối, tình bạn hay sự bốc đồng nhất thời mà ngài đã làm ra chuyện này, nhưng cử hành một kết hiệp dân sự đồng tính như thế là quá đáng.”

“Bây giờ nhiệm vụ của tôi là giúp vị linh mục này nhìn rõ bên trong tâm hồn chính mình. Và sau đó khởi động lại cuộc đời linh mục của mình trên những nền tảng mới, tôi tin rằng vẫn còn có cơ hội để sửa chữa sau sai lầm mà ngài đã gây ra. Dù sao đi nữa, chúng ta hãy dành ra một năm để xem sao.”

Trong tuyên bố ban đầu của ngài, Đức Cha Rossi nói rằng ngài muốn truyền đạt cho cha Moscatelli, một sự rõ ràng ở cấp độ giáo lý, và sự hiệp thông trên bình diện mục vụ, trong thời kỳ vị linh mục này không được thi hành các thừa tác vụ công khai.

Hôn nhân đồng giới không được công nhận là hợp pháp tại Ý, nhưng các kết hiệp dân sự đồng giới được coi là hợp pháp kể từ năm 2016, và thường được ký hợp đồng dân sự - không có giá trị hôn nhân - trong các nghi lễ giống như lễ cưới.

Đến nay, vẫn chưa rõ liệu vị linh mục này có phải đối mặt với một hình phạt giáo luật hoặc bị xét xử theo điều 1369 của Bộ luật Giáo luật hay không.

Ðiều 1369 nói rằng: “Ai, trong buổi trình diễn công cộng, hay trong buổi đại hội, hay trong bài viết phổ biến cho công chúng, hay dùng phương tiện truyền thông xã hội khác mà nói lộng ngôn phạm thượng, hoặc xúc phạm nặng nề đến thuần phong mỹ tục, hoặc nguyền rủa hay khích động lòng thù ghét hay khinh bỉ tôn giáo hay Giáo Hội, phải bị phạt hình phạt xứng đáng.”

Giáo luật 1369: “Ai, trong buổi trình diễn công cộng, hay trong buổi đại hội, hay trong bài viết phổ biến cho công chúng, hay dùng phương tiện truyền thông xã hội khác mà nói lộng ngôn phạm thượng, hoặc xúc phạm nặng nề đến thuần phong mỹ tục, hoặc nguyền rủa hay khích động lòng thù ghét hay khinh bỉ tôn giáo hay Giáo Hội, phải bị phạt hình phạt xứng đáng.”

Theo tờ La Nuova Bussola, Giáo Hội Công Giáo dạy rằng các hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi trái ngược với sự khiết tịnh. Cha Moscatelli, lẽ ra trong tư cách một người bạn phải thực thi nghĩa vụ của bất cứ một người Công Giáo nào là phải lấy lời lành mà khuyên người. Cha Moscatelli đã không làm như thế nhưng công khai chống lại giáo huấn của Giáo Hội.

Giáo Hội dạy rằng những người đồng tính nam hay đồng tính nữ nên được tôn trọng, cảm thông và nhạy cảm, và không nên bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, năm 2003, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã khẳng định rằng “sự tôn trọng người có khuynh hướng đồng tính luyến ái không thể nào dẫn đến việc tán thành các hành vi đồng tính luyến ái hoặc công nhận hợp pháp các kết hiệp đồng tính.”

“Trong những tình huống mà các kết hiệp đồng tính đã được công nhận về mặt pháp lý hoặc đã được trao cho tư cách pháp lý và các quyền thuộc về hôn nhân, sự phản đối rõ ràng và dứt khoát là một nghĩa vụ. Ta phải tránh mọi sự hợp tác trong việc áp dụng các luật bất công nghiêm trọng đó. Trong lĩnh vực này, mọi người đều phải thi hành quyền phản đối lương tâm.”


Source:Catholic News Agency