Ngày 30-07-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 31/07: Bước đi trong ký thác vào Chúa – Kính Thánh Í-Nhã – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
00:49 30/07/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: Người nói: “Nước Trời giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.


Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:02 30/07/2023

4. Khấn lại thì có ba ích lợi lớn: (1) Tăng gia lửa yêu mến Thiên Chúa. (2) Cảnh tỉnh chúng ta không được quên lời mà chúng ta đã hứa với Thiên Chúa ngay từ đầu, và gắng sức tự mình thực hiện. (3) Giữ vững lòng của chúng ta không làm mất ơn gọi của Thiên Chúa.

(Thánh Ignatius de Loyola)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:03 30/07/2023
16. NGỰA HAY CHẠY TỐT

Lý Đông Dương có một con ngựa tốt đem tặng cho Trần Sư Triệu, Trần Sư Triệu cưỡi con ngựa này về triều và lúc ngồi trên lưng ngựa thì làm được hai bài thơ, cách hai ngày sau ông ta đem ngựa trả lại cho Lý Đông Dương và nói:

- ”Con ngựa trước kia cứ mỗi lần về triều thì có thể làm được sáu bài thơ, nhưng khi cưỡi con ngựa này thì chỉ làm được có hai bài, thật không hay”.

Đông Dương cười trả lời:

- “Ngựa mà tốt thì chạy hay”.

Trần Sư Triệu suy nghĩ rất lâu và cảm thấy câu này rất có lý bèn cưỡi lên ngựa mà về nhà.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 16:

Ngựa chạy chậm thì có thể làm được sáu bài thơ, nhưng nếu ngựa chạy nhanh thì chỉ có thể làm hai bài thơ, do đó mà suy ra: làm được hai bài thơ là ngựa giỏi ngựa tốt, làm được sáu bài thơ là ngựa dở ngựa ốm yếu.

Có những người Ki-tô hữu khi “ăn không nên làm không ra” thì mỗi ngày đều đi dâng thánh lễ, đến khi ăn nên làm ra thì mỗi tuần chỉ đi lễ ngày chủ nhật mà thôi; có một vài người Ki-tô hữu khi được làm việc trong ban hành giáo thì ngày ngày đều đi lễ đọc kinh, nhưng đến khi hết làm thì không thấy đến nhà thờ nữa. Cho nên đừng đánh giá lòng đạo đức và yêu mến Thiên Chúa của người khác nơi sự giàu nghèo hay chức vụ, nhưng nơi việc làm thường xuyên của họ trong mọi hoàn cảnh, đó chính là sự kiên trì bền đỗ vậy.

Ngựa hay ngựa tốt thì chạy nhanh nên không còn giờ để làm thơ, người thật lòng yêu mến Thiên Chúa thì không lệ thuộc vào chức vụ hay giàu nghèo để yêu mến Ngài…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 17 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:06 30/07/2023
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 13, 44-52.

“ Người ấy bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.”


Bạn thân mến,

Bài Phúc Âm hôm nay Đức Chúa Giê-su đưa ra ba dụ ngôn nói về Nước Trời với ba ý nghĩa khác nhau, để cho bạn và tôi cùng suy nghĩ xem mình có phải là người mừng vui khi tìm được Nước Trời hay không: Nước Trời ví như kho tàng chôn giấu trong ruộng, Nước Trời giống như thương gia đi tìm ngọc đẹp, Nước Trời cũng giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển.v.v...

Bạn là người tìm được Nước Trời chôn giấu giữa thế gian, khi mà chung quanh bạn có rất nhiều người chưa tìm được kho tàng quý báu ấy, nhưng bạn có vui lòng bán tất cả, đánh đổi tất cả những gì bạn đang có để chiếm hữu Nước Trời không? Bạn có so đo thời gian tham dự thánh lễ quá dài so với thời gian ngồi nhậu nhẹt với bạn bè không? Bạn có sẵn lòng hy sinh sự nghiệp, hy sinh tình yêu, hy sinh tiền bạc, hy sinh tất cả, để chiếm lấy Nước Trời là kho tàng mà bạn đã tìm được giữa thế gian này không?

Khi mà có rất nhiều đang mò mẫm đi tìm chân lý thì bạn đã tìm được chân lý là Đức Chúa Giê-su; khi mà người ta đi tìm Thiên Chúa trên mặt trăng, dười biển sâu, trong các thư viện cổ kính giá trị, thì bạn đã tìm được Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của mình; khi mà người ta quyết đánh đổi tất cả để được sự bình an trong tâm hồn, thì bạn đã được sự bình an của Đức Chúa Giê-su trong lòng. Tất cả những điều ấy chính là kho tàng quý giá mà Thiên Chúa –vì yêu thương- đã trao ban cho bạn khi bạn tìm kiếm Ngài.

Bạn thân mến,

Có nhiều người Ki-tô hữu đã tìm được kho tàng quý giá là Nước Trời, nhưng họ không giữ được lâu bền, bởi vì họ đem kho tàng vô giá ấy đánh đổi với vật chất của thế gian. Nhưng bạn và tôi là những người được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, đã đem kho tàng Nước Trời mặc khải cho chúng ta, và giúp chúng ta phương pháp gìn giữ kho tàng ấy, đó chính là tham dự các bí tích và khiêm tốn ước ao đón nhận ân sủng của Ngài.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lặng lẽ nhưng mạnh mẽ
Lm. Minh Anh
13:57 30/07/2023

LẶNG LẼ NHƯNG MẠNH MẼ
“Hạt cải trở thành cây đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.

Adoniram Judson vật vã với cái nóng của Miến Điện những 18 năm; 6 năm đầu, không một người trở lại. Bị giam cầm, tra tấn, Judson thừa nhận, “Chưa bao giờ thấy một con tàu ra khơi mà tôi không muốn nhảy lên để về nhà”. Thế mà cũng trong những trang nhật ký đầu tiên đó, ông viết thêm, “Cuộc đời thật ngắn ngủi. Hàng triệu người Miến Điện đang diệt vong. Tôi gần như là người duy nhất trên trái đất đạt được ngôn ngữ của họ để rao truyền sự cứu rỗi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu Adoniram Judson xem ra không mấy thành công trong những năm đầu, thì công trình dịch thuật Thánh Kinh sang Miến ngữ của ông vẫn lặng lẽ góp phần cho công cuộc truyền giáo mạnh mẽ ở đất nước này. Tin Mừng hôm nay cho biết, Vương Quốc của Chúa Kitô không phải là một tổ chức quá dễ thấy và hào nhoáng. Trên tất cả, nó là một thực tại thiêng liêng, hoạt động ‘lặng lẽ nhưng mạnh mẽ!’.

Bằng cách sống đức tin, đức cậy và đức ái, các Kitô hữu khám phá ra rằng, việc quảng đại đáp lại tiếng nói của Chúa Kitô trong lương tâm họ sẽ xây dựng một đời sống có ‘lực và chất’; sức mạnh và chất liệu. Đức tin Kitô làm cho một người mạnh mẽ giữa những khó khăn và thậm chí, có thể nâng đỡ những người khác trong hành trình cuộc sống của họ.

Khi cho phép Chúa Kitô ngự trị trong lòng mình nhiều hơn mỗi ngày, ảnh hưởng của Ngài không chỉ tác động đến thái độ bên trong của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến những người chung quanh. Thế giới này trở thành một nơi mà người ta quan tâm và nhân ái với nhau hơn. Sự thật được gieo! Mọi người được nhắc nhở về sự hiện diện và tình yêu của một Đấng Vô Hình và thế giới ngày càng trở thành một nơi mà nhiều người có thể tìm thấy Thiên Chúa. Đó là một sự biến đổi ‘lặng lẽ nhưng mạnh mẽ’ không ngưng nghỉ của thế giới, như sự nổi lên của bột nhào nhờ hoạt động của men.

Bằng các dụ ngôn, Chúa Giêsu cho biết, Nước Thiên Chúa là có thật và có thể đến được. Thiên Chúa có kế hoạch trên từng người, và việc hoàn thành kế hoạch đó nằm trong tầm tay của mỗi người nhờ ân điển Ngài. Bí quyết để sinh hoa kết trái trong cuộc sống nằm ở sự cởi mở và cộng tác của chúng ta với ân sủng; và chúng ta có thể nắm chắc điều đó nếu thực hành đức tin của mình. Chúa Kitô đã đến, mở rộng tầm nhìn của chúng ta về ân sủng Chúa. Liệu chúng ta có sống trong tâm tình tạ ơn bằng cách thi hành thánh ý Ngài?

Anh Chị em,

“Hạt cải trở thành cây đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”. Lời Chúa mời gọi bạn và tôi hãy để Nước Trời lớn lên trong lòng mình theo cách mà chúng ta có thể âm thầm nâng đỡ người khác bằng các giá trị và lòng bác ái của mình. Ước gì các giá trị của Nước Trời biến đổi cách chúng ta cư xử với người khác; và ước gì bạn và tôi tin vào sức mạnh biến đổi của Tin Mừng, một sức mạnh tuy ‘lặng lẽ nhưng mạnh mẽ!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết rằng, bằng cách gieo niềm tin, hy vọng và tình yêu, con đang cho phép mình làm những điều vĩ đại trong thế giới; ít nữa, thế giới quanh con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các quan chức Giáo triều gặp gỡ các giám mục Đức để thảo luận về Con đường Thượng hội đồng
Thanh Quảng sdb
03:56 30/07/2023
Các quan chức Giáo triều gặp gỡ các giám mục Đức để thảo luận về Con đường Thượng hội đồng

UCA News

Các đại diện của Giáo triều Rôma và Hội đồng Giám mục Đức đã thảo luận các vấn đề thần học và kỷ luật liên quan đến Con đường đồng nghị của Giáo hội Đức trong một “bầu không khí cởi mở và xây dựng” trong cuộc họp tại Vatican ngày 26 tháng 7.

Cuộc họp này được “tiếp tục của cuộc đối thoại được khởi xướng trong chuyến thăm ‘ad limina’ của các giám mục Đức vào tháng 11 năm 2022,” Vatican và các giám mục Đức cho biết trong một thông cáo chung ngày 26 tháng 7 và vào tháng 11, 63 giám mục Đức đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong hai giờ và thảo luận với những người đứng đầu các văn phòng của Vatican về Con đường Công nghị mà Giáo hội Đức khởi xướng vào tháng 12 năm 2019.

Nó nêu rõ rằng dự kiến sẽ có nhiều cuộc họp hơn nữa giữa các quan chức Vatican và các giám mục Đức trong tương lai, trong đó các chủ đề thần học và kỷ luật sẽ được thảo luận thêm.

Cuộc họp có sự tham dự của các Hồng Y Luis Ladria, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin (nhiệm kỳ sẽ kết thúc vào tháng 9); ĐHY Kurt Koch, tổng trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo; Đức Hồng Y Robert Prevost, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục; Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, Tổng trưởng Bộ Văn bản Lập pháp và ĐTGM Vittorio Viola, thư ký Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.

Nhiều giám mục Đức bao gồm Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, và chủ tịch các ủy ban của Hội đồng Giám mục Đức về phụng vụ, ơn gọi, dịch vụ Giáo hội, Giáo hội phổ quát và đức tin, cùng với tổng thư ký và phát ngôn viên của Hội đồng đại diện các phái đoàn Đức.

Các giám mục Đức đang ở Rôma trong chuyến thăm “ad limina” thay cho chương trình được lên lịch là vào tháng 11 năm 2022. Đức Giám Mục Bätzing nói với các phóng viên khi kết thúc chuyến thăm vào ngày 19 tháng 11 rằng cuộc gặp của các giám mục với các quan chức Vatican là “một tiến trình thử nghiêm túc đối với tính đồng nghị” trong đó một lệnh cấm về Con đường Thượng hội đồng của Đức đã được nêu ra, nhưng cuối cùng đã được bãi bỏ!

Sau vụ bê bối lạm dụng tình dục của giáo sĩ và với việc công bố một nghiên cứu về các nguyên nhân bị nghi ngờ của nó, Hội đồng giám mục Đức và Ủy ban Trung ương người Công Giáo Đức đã khởi động Lộ trình Thượng hội đồng vào năm 2019, đưa ra các đề cương thích hợp. Quá trình bắt đầu với các diễn đàn để thảo luận các vấn đề trong bốn lĩnh vực mà nghiên cứu đã xác định cho là "các nguyên nhân mang dẫn đến "việc lạm dụng tình dục và sự che đậy của nó: việc thực thi quyền lực trong Giáo hội; đạo đức tình dục; sự sống còn của các linh mục; và vai trò phụ nữ trong Giáo hội.

Trong một bức thư ngỏ được công bố vào tháng 1, Vatican nói với các giám mục Đức rằng họ không có thẩm quyền thành lập một "Thượng hội đồng" để đề xuất, vì đây vẫn còn trong quá trình hình thành, bao gồm các giám mục và giáo dân mà các quan chức hàng đầu của Vatican cho biết sẽ thay thế cho thẩm quyền của Hội đồng giám mục quốc gia.

Giám mục Bätzing đã trả lời trong một tuyên bố được đưa ra cùng ngày bức thư của Vatican được công bố, nói rằng trong khi "Tòa thánh nhận thấy nguy cơ làm suy yếu chức vụ giám mục" trong việc thành lập Thượng Hội đồng, thay vào đó, ngài cho "sự tham vấn của Thượng hội đồng gần như là củng cố cho văn phòng này."

Trong thông cáo chung được công bố sau cuộc họp của các quan chức Vatican với các giám mục Đức trong cuộc họp vào tháng 11 năm 2022, họ đã đồng ý rằng “sự lắng nghe và đối thoại lẫn nhau nên tiếp tục được thể hiện trong những tháng tới”.
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30/7/2023
Đặng Tự Do
16:48 30/07/2023
Chúa Nhật 30 Tháng Bẩy, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 17 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay Tin Mừng thuật lại dụ ngôn người lái buôn đi tìm ngọc quý, Chúa Giêsu nói: “Khi tìm được một viên ngọc quý, ông đã bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13:46). Chúng ta hãy tạm dừng một chút về hành động của thương gia này, người đầu tiên tìm kiếm, rồi tìm thấy và cuối cùng là mua.

Hành động đầu tiên của người đàn ông này: tìm kiếm. Anh ta là một thương gia dám nghĩ dám làm, không đứng yên mà rời khỏi nhà và lên đường tìm kiếm những viên ngọc trai quý giá. Anh ta không nói: “Tôi hài lòng với những gì tôi có”; anh ta tìm kiếm những cái đẹp hơn. Và đây là lời mời gọi chúng ta đừng khép mình trong thói quen, trong sự tầm thường của những kẻ tự mãn, nhưng hãy làm sống lại khát vọng: hãy làm sống lại khát vọng, để khát vọng tìm kiếm, tiến tới không bị dập tắt; hãy nuôi dưỡng những ước mơ tốt lành, tìm kiếm sự mới mẻ của Chúa, vì Chúa không lặp đi lặp lại, Ngài luôn mang đến sự mới mẻ, sự mới mẻ của Thần Khí; Người luôn làm cho các thực tại của cuộc sống trở nên mới mẻ (x. Kh 21:5). Và chúng ta phải có thái độ này: đó là tìm kiếm.

Hành động thứ hai của thương gia là tìm kiếm. Ông là một người khôn ngoan, “có con mắt tinh tường” và biết cách nhận ra một viên ngọc trai có giá trị lớn. Điều này không dễ dàng. Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ về những khu chợ phương Đông hấp dẫn, nơi những quầy hàng chất đầy hàng hóa chen chúc dọc theo những bức tường của những con phố chật kín người; hoặc của một số quầy hàng mà người ta thấy ở nhiều thành phố, đầy sách và nhiều đồ vật khác nhau. Đôi khi ở những khu chợ này, nếu dừng lại nhìn kỹ, người ta có thể phát hiện ra những kho báu: những thứ quý giá, những của hiếm hoi, lẫn lộn với mọi thứ khác, thoạt nhìn không thể nhận ra. Nhưng người lái buôn trong dụ ngôn có con mắt tinh tường và biết cách tìm, anh ta biết cách “phân biệt” để tìm ra viên ngọc trai. Đây cũng là một bài học cho chúng ta: mỗi ngày, ở nhà, trên đường phố, nơi làm việc, ngày nghỉ, chúng ta có khả năng nhận ra điều tốt. Và điều quan trọng là phải biết cách tìm ra những gì quan trọng: rèn luyện bản thân để nhận ra những viên ngọc quý của cuộc sống và phân biệt chúng với những thứ rác rưởi. Chúng ta đừng lãng phí thời gian và tự do vào những thứ tầm thường, những trò tiêu khiển khiến chúng ta trống rỗng bên trong, trong khi cuộc sống cống hiến cho chúng ta mỗi ngày viên ngọc quý của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và với người khác! Cần phải biết cách nhận ra nó: biện phân để tìm thấy nó.

Và hành động cuối cùng của thương gia: anh ta mua viên ngọc trai. Nhận ra giá trị to lớn của nó, anh ta bán tất cả mọi thứ, anh ta hy sinh tất cả của cải của mình chỉ để có nó. Anh ta thay đổi hoàn toàn kho báu của mình; không còn gì khác ngoài viên ngọc trai đó: nó là của cải duy nhất của anh ta, là ý nghĩa của hiện tại và tương lai của anh ta. Đây cũng là một lời mời cho chúng ta. Nhưng vì cái gì mà người ta có thể từ bỏ tất cả để đổi lấy viên ngọc mà Chúa nói với chúng ta? Thưa: Viên ngọc này là Ngài: đó là Chúa! Tìm Chúa và gặp Chúa, gặp Chúa, sống với Chúa. Viên ngọc trai là Chúa Giêsu: Ngài là viên ngọc quý của cuộc sống, được tìm kiếm, tìm thấy và trở thành của mình. Thật đáng để đầu tư mọi sự vào Ngài, bởi vì khi một người gặp gỡ Chúa Kitô, cuộc đời sẽ thay đổi như thế này, phải không? Cuộc sống của anh chị em… anh chị em gặp Chúa Kitô và theo cách này, cuộc sống của anh chị em thay đổi.

Sau đó, chúng ta hãy tiếp tục ba hành động của thương gia: tìm kiếm, nhận ra và mua – và tự hỏi mình một số câu hỏi. Tìm kiếm: tôi có đang tìm kiếm, trong cuộc sống của tôi không? Tôi có cảm thấy ổn, hoàn thành mọi thứ, tôi hài lòng hay tôi thực hiện mong muốn tốt đẹp của mình? Có phải tôi đang nghỉ hưu tâm linh không? Có bao nhiêu người trẻ đang nghỉ hưu! Hành động thứ hai, tìm kiếm: tôi có thực hành phân định điều gì là tốt và đến từ Thiên Chúa không, có biết từ bỏ những gì để lại cho tôi rất ít hoặc chẳng có gì không? Cuối cùng là mua: tôi có biết hiến mình cho Chúa Giêsu không? Có phải Ngài ở vị trí đầu tiên đối với tôi, Ngài có phải là điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời không? Thật tốt khi nói với Ngài hôm nay: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là điều tốt lành nhất của con”. Mỗi người trong anh chị em hãy nói trong tâm hồn mình ngay bây giờ: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là điều tốt lành nhất của con”.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta tìm kiếm, gặp gỡ và đón nhận Chúa Giêsu với tất cả bản thân mình.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta kỷ niệm hai Ngày Thế giới do Liên Hiệp Quốc tuyên bố: Ngày Hữu nghị Quốc tế và Ngày Thế giới Chống Buôn bán Người. Ngày thứ nhất thúc đẩy tình hữu nghị giữa các dân tộc và các nền văn hóa; ngày thứ hai chống tội phạm biến con người thành hàng hóa. Nạn buôn người là một thực tế khủng khiếp, ảnh hưởng đến quá nhiều người: trẻ em, phụ nữ, công nhân..., rất nhiều người bị bóc lột; tất cả đều sống trong điều kiện vô nhân đạo và chịu sự thờ ơ và từ chối của xã hội. Có quá nhiều buôn bán trên thế giới ngày nay. Xin Chúa phù hộ cho những người làm việc để chống lại nạn buôn người.

Chúng ta hãy không ngừng cầu nguyện cho Ukraine đang bị bao vây, nơi chiến tranh đang phá hủy mọi thứ, ngay cả ngũ cốc. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa, vì ngũ cốc là món quà của Ngài để nuôi sống nhân loại; và tiếng khóc của hàng triệu anh chị em đang chịu nạn đói thấu tận Thiên Đàng. Tôi kêu gọi những người anh em của tôi, các nhà chức trách của Liên bang Nga, rằng Sáng kiến Hắc Hải có thể được khôi phục và ngũ cốc có thể được vận chuyển an toàn.

Ngày 4 tháng 8 sắp tới sẽ đánh dấu ba năm kể từ vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut. Tôi lập lại lời cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, những người đang tìm kiếm sự thật và công lý, và tôi hy vọng rằng cuộc khủng hoảng phức tạp của Li Băng có thể tìm ra một giải pháp xứng đáng với lịch sử và giá trị của dân tộc đó. Chúng ta đừng quên rằng Li Băng cũng là một thông điệp.

Tôi xin anh chị em đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện trong hành trình của tôi đến Bồ Đào Nha, sẽ bắt đầu vào thứ Tư tới, nhân Ngày Giới trẻ Thế giới. Rất nhiều người trẻ, từ khắp các châu lục, sẽ cảm nghiệm được niềm vui gặp gỡ Thiên Chúa và với anh chị em mình, dưới sự hướng dẫn của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng sau lời truyền tin “đã đứng dậy và vội vã lên đường” (Lc 1:39). Tôi phó thác những người hành hương Ngày Giới trẻ Thế giới và tất cả những người trẻ trên thế giới cho Mẹ, là ngôi sao sáng trên con đường Kitô hữu.

Và giờ đây tôi xin chào tất cả anh chị em, những người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia. Đặc biệt, tôi xin chào ca đoàn thiếu nhi đến từ Veliko Tarnovo, ở Bulgari, và nhóm các bạn trẻ Mễ Tây Cơ, cũng như các thiếu niên đến từ Biadene và Caonada. Và tôi chào các bạn trẻ Immacolata.

Và tôi chúc tất cả các bạn một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Hơn 28.600 Thanh niên và 60 Giám mục từ Hoa Kỳ đến Lisbon tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới
Đặng Tự Do
17:03 30/07/2023


Hơn 1.300 nhóm bao gồm hơn 28.600 cá nhân từ khắp Hoa Kỳ, sẽ đến Lisbon, Bồ Đào Nha, để tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) lần thứ 37 với Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong khi số lượng ghi danh vẫn đang tiếp tục tăng, Hoa Kỳ là một trong năm phái đoàn lớn nhất tham gia WYD, diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm 2023. Hầu hết những người hành hương đến WYD của Hoa Kỳ là thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 25.

Đức Giám Mục Robert E. Barron Địa phận Winona-Rochester, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Thanh niên của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết: “Đất nước chúng tôi rất mong chờ cuộc hành hương này. Đức Giám Mục Barron, cùng với 60 giám mục Hoa Kỳ khác, sẽ tháp tùng các bạn trẻ đến Lisbon. Ngài nói tiếp: “Đây là một cơ hội tuyệt vời để những người thành niên trẻ tuổi có một cuộc gặp gỡ quan trọng với Chúa Giêsu Kitô trong sự đồng hành của Giáo Hội hoàn vũ. Đó cũng là thời điểm mà Đức Thánh Cha và ban lãnh đạo Giáo hội có cơ hội lắng nghe những người trẻ hiện diện, giảng dạy và đào tạo họ trong Tin Mừng, và cuối cùng sai họ hướng tới ơn gọi và sứ mệnh của họ trên thế giới.”

Những người hành hương Hoa Kỳ sẽ ở tại các giáo xứ, khuôn viên, nhà ở và khách sạn quanh Lisbon trong tuần lễ WYD, tham gia cầu nguyện và phụng vụ, dạy giáo lý hàng ngày, hòa nhạc, thuyết trình, đối thoại, phục vụ và kết nối với những người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới. Hơn 35 giám mục từ Hoa Kỳ cũng sẽ phục vụ với tư cách là giám mục chính cho các buổi giáo lý hàng ngày mang tên “Hãy trỗi dậy!”

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia cùng với những người hành hương WYD vào ngày 3 tháng 8, trong một buổi lễ Chào mừng tại trung tâm thành phố. Ngài cũng sẽ chủ sự Đàng Thánh Giá vào ngày 4 tháng 8, canh thức cầu nguyện vào ngày 5 tháng 8 và Thánh lễ Bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới, với sự tham dự của hơn một triệu người, vào ngày 6 tháng 8.

USCCB đang lên kế hoạch cho một cuộc Tụ họp Hành hương Quốc gia cho tất cả những người hành hương Hoa Kỳ vào ngày 2 tháng 8, lúc 7:00 tối giờ địa phương Lisbon, tại Parque da Quinta das Conchas, một công viên mở trong thành phố. Sau thời gian âm nhạc và chứng từ của những người trẻ tuổi, Giám mục Barron sẽ đưa ra một bài phát biểu quan trọng và cùng với Giám mục Edward Burns của Dallas, hướng dẫn Giờ Thánh như một phần của sáng kiến Phục hưng Thánh Thể Quốc gia.

Ủy ban Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Thanh niên của USCCB gần đây đã hợp tác với các nhà tổ chức WYD ở Lisbon và Oregon Catholic Press trên phiên bản tiếng Anh của bài thánh ca chính thức của WYD, “Feel the Rush in the Air,”

Ngày Giới trẻ Thế giới bắt đầu vào năm 1986 như một sáng kiến do Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng, nhằm quy tụ những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới để gặp gỡ Chúa Kitô và Giáo hội hoàn vũ. WYD chính thức diễn ra hàng năm với tư cách là Lễ kỷ niệm toàn cầu của giới trẻ. Tuy nhiên, cứ sau 2 đến 4 năm, một sự kiện quốc tế lớn lại được tổ chức ở một địa điểm khác trên thế giới. Các WYD trước đây bao gồm Buenos Aires (1987), Santiago de Compostela (1989), Czestochowa (1991), Denver (1993), Manila (1995), Paris (1997), Rôma (2000), Toronto (2002), Cologne (2005), Sydney (2008), Madrid (2011), Rio de Janeiro (2013), Krakow (2016) và Panama (2019).


Source:USCCB
 
Bắc Kinh có thể là điểm dừng chân tiếp theo của đặc phái viên hòa bình Ukraine của Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
17:06 30/07/2023


Sau khi thực hiện các chuyến đi đến Kyiv, Mạc Tư Khoa và Washington DC như một phần trong sứ mệnh hòa bình của mình thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc chiến ở Ukraine, Đức Hồng Y người Ý Matteo Zuppi hiện có thể sẽ đến Bắc Kinh, theo các tài khoản trên các phương tiện truyền thông Ý.

Sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm đặc phái viên hòa bình cho cuộc chiến Ukraine vào đầu mùa hè này, Đức Hồng Y Zuppi đã thực hiện chuyến thăm từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 6 tới Kyiv, nơi ngài gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các nhà lãnh đạo chính phủ và Giáo hội cấp cao khác, và tới Mạc Tư Khoa từ Ngày 28 đến 29 tháng 6, nơi ngài gặp các thành viên của Bộ Ngoại giao Nga cũng như Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, nhưng không gặp Tổng thống Vladimir Putin.

Một trong những điểm thảo luận chính trong mỗi chuyến thăm là trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine, cũng như việc trao trả trẻ em Ukraine bị cưỡng bức bắt cóc về Nga – một yêu cầu mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy đã đưa ra với Vatican trong chuyến thăm Rôma vào tháng Năm.

Theo Kyiv, cho đến nay có khoảng 19.592 trẻ em đã bị bắt khỏi Ukraine và trục xuất về Nga.

Để được trợ giúp về những vấn đề này, Đức Hồng Y Zuppi cũng đã tìm cách thu hút sự tham gia của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Gần đây, ngài đã kết thúc giai đoạn thứ ba của nhiệm vụ của mình, trong đó ngài đã đến thăm Washington DC từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 7, gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, các thành viên của Ủy ban An ninh và Hợp tác Hoa Kỳ ở Âu Châu, những người tham gia Bữa sáng Cầu nguyện Thượng viện, và các cơ quan giáo hội hàng đầu của Hoa Kỳ.

Nhiều phương tiện truyền thông Ý đã đưa tin rằng giai đoạn tiếp theo trong sứ mệnh của Đức Hồng Y Zuppi sẽ là thăm Bắc Kinh, nơi ngài sẽ gặp chính quyền Trung Quốc để thảo luận về các sáng kiến nhân đạo và hòa bình khác, bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi tù nhân và trao trả trẻ em Ukraine.

Các quan chức Trung Quốc rõ ràng sẵn sàng tiếp đón Đức Hồng Y Zuppi, chuyến thăm của ngài đã được thông báo là đã được phê duyệt và ngày giờ đang được tổ chức. Một số nhà quan sát cho rằng nó có thể đến sớm nhất là vào giữa tháng 8.

Nếu Đức Hồng Y Zuppi đến thăm Bắc Kinh, nó sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ Vatican-Trung Quốc, vì hai bên đã không có quan hệ ngoại giao chính thức trong hơn 70 năm, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao lên nắm quyền và buộc sứ thần lúc đó tại Trung Quốc, Đức Tổng Giám Mục Antonio Riberi, ra đi hai năm sau đó.

Chuyến thăm của Đức Hồng Y Zuppi tới Bắc Kinh sẽ đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao kể từ khi Đức Hồng Y Roger Etchegaray đi vào năm 1980, thực hiện các chuyến thăm tiếp theo cho các hội nghị vì những lý do khác vào năm 1993, 2000 và 2003, theo một tuyên bố của chính Đức Hồng Y Etchegaray với giới truyền thông trong năm 2010.

Cho đến nay, Trung Quốc, quốc gia có mối quan hệ bền chặt với Nga, đã có quan điểm thận trọng trong cuộc chiến Nga-Ukraine, từ chối lên án cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 năm 2022 của Nga, nhưng kêu gọi các bên tránh các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng. Trung Quốc cũng kêu gọi các bên tại các địa điểm của Liên Hiệp Quốc nối lại các cuộc đàm phán về bảo đảm lương thực và nối lại xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Trung Quốc thường thực hiện chính sách không can thiệp khi xảy ra các cuộc xung đột bên ngoài biên giới của mình, nhưng ngày càng được coi là một trung gian hòa giải tiềm năng trong cuộc chiến Ukraine-Nga.

Theo Marco Impagliazzo, chủ tịch Cộng đồng Sant'Egidio, chuyến thăm Trung Quốc của Đức Hồng Y Zuppi “không chỉ có thể xảy ra mà còn đáng mong đợi. Trung Quốc là một bên đối thoại cơ bản trong cán cân địa chính trị toàn cầu và có thể có ảnh hưởng đối với Nga”.

Chuyến thăm của Đức Hồng Y Zuppi và việc các quan chức Trung Quốc sẵn sàng tiếp đón ngài cũng sẽ diễn ra trong bối cảnh Vatican gia tăng nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ chính thức hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Vatican News, Quốc vụ khanh Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, người Ý, đã đề cập đến quyết định của Đức Thánh Cha công nhận việc thuyên chuyển một giám mục ở Trung Quốc vào đầu năm nay mà ngài không hề hay biết hoặc chấp thuận mặc dù thực tế là điều đó vi phạm các điều khoản của thỏa thuận tạm thời năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục.

Đức Hồng Y Parolin cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra quyết định “vì lợi ích lớn hơn của giáo phận và việc thi hành hiệu quả” thừa tác vụ của giám mục ở đó.

Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác nhiều hơn giữa Tòa thánh và chính quyền Trung Quốc về các quyết định này và cho biết một “văn phòng liên lạc ổn định” sẽ “cực kỳ hữu ích” trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại tiếp theo và bảo đảm sự hợp tác trong tất cả các quyết định liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục.

Một nguồn tin biết về đề xuất thành lập văn phòng liên lạc đã nhấn mạnh rằng các quan chức Vatican đã thúc đẩy sự hiện diện thường trực ở Trung Quốc trong “một thời gian dài” và họ muốn văn phòng ở Bắc Kinh, nhưng nhấn mạnh rằng sẽ không có “ một sự hiện diện ngoại giao”.

Thay vào đó, ý tưởng là có một đại diện thường trực để giúp bảo đảm rằng các quyết định, đặc biệt là những quyết định liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục theo thỏa thuận năm 2018, được đưa ra với sự cộng tác và để thiết lập mối liên lạc nhất quán và thường xuyên giữa các giám mục Trung Quốc và Rôma.

Do đó, chuyến thăm của Zuppi tới Trung Quốc có thể sẽ được coi không chỉ là một nỗ lực nhằm giảm leo thang chiến tranh Nga-Ukraine, mà còn là một phần trong chương trình nghị sự dài hạn của chính Vatican nhằm củng cố mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Quốc.


Source:Crux
 
Đức Thánh Cha kêu gọi thỏa thuận ngũ cốc, tiếng kêu của người đói khổ kêu thấu tận trời cao
Thanh Quảng sdb
18:34 30/07/2023
Đức Thánh Cha kêu gọi thỏa thuận ngũ cốc, "tiếng kêu của người đói khổ kêu thấu tận trời cao"

Đức Thánh Cha Phanxicô xin cầu nguyện để khôi phục lại việc phân phối ngũ cốc thông qua Sáng kiến Biển Đen, Ngài kêu gọi chính quyền Liên bang Nga, đừng để hàng triệu người bị đói khổ như hiện nay.

(Tin Vatican - Thaddeus Jones)

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc buổi đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật đã kêu gọi mọi người hãy tiếp tục cầu nguyện cho “Ukraine đang bị bao vây, chiến tranh phá hủy mọi thứ, kể cả ngũ cốc”. Ngài đặc biệt bày tỏ mối quan ngại của mình về sự đổ vỡ Sáng kiến Biển Đen cho phép vận chuyển ngũ cốc từ các hải cảng trong khu vực thông qua một thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian giữa Nga và Ukraine.

“Tôi kêu gọi những người anh em của tôi, các nhà chức trách của Liên bang Nga, hãy khôi phục lại Sáng kiến Biển Đen để cho ngũ cốc có thể được vận chuyển đi cách an toàn.”

Đức Thánh Cha nói ngũ cốc là một quà tặng của Thiên Chúa để nuôi sống nhân loại, và sự tàn phá nó do chiến tranh là một tội phạm nghiêm trọng đến Thiên Chúa.

“Tiếng kêu của hàng triệu anh chị em đói khổ đã kêu thấu tận Trời cao.”

Phát biểu với các báo giới trong những ngày gần đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông António Guterres đã phê bình sự phá vỡ Sáng kiến Biển Đen đối với việc chuyến vận ngũ cốc, cũng như việc bắn phá các cơ sở tại bến cảng và thậm chí cả các kho chứa ngũ cốc.

Ông nói "chúng tôi rất lo ngại cuộc xung đột kéo dài sẽ có những tác động thậm chí còn nghiêm trọng hơn cho toàn cầu và đặc biệt là liên quan đến các nước đang phát triển." Đồng thời, ông đảm bảo sự sẵn sàng của Liên Hợp Quốc, giúp hồi sinh sáng kiến, ông cho hay "chúng tôi cần làm những việc có thể và chúng tôi đang nỗ lực hết sức đảm bảo sự thành công về thực phẩm và phân bón của Ukraine và Nga được tung ra thị trường toàn cầu.
 
Ngày Giới trẻ Thế giới và chính trị bản sắc
Vũ Văn An
20:30 30/07/2023

John Allen, trên Crux ngày 26 tháng 7 (https://cruxnow.com/news-analysis/2023/07/what-wyd-and-gay-pride-have-in-common-its-not-what-you-think) nhận định rằng dù các nhà tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới luôn cố gắng nhấn mạnh rằng họ không muốn nó trở thành một thao tác nhận diện bản sắc theo bất cứ nghĩa tiêu cực và loại trừ nào, mà là một biến cố chào đón mọi người, thì biến cố này vẫn là biểu thức công cộng lớn nhất nói lên các biểu tượng, ngữ vựng và thực hành Công Giáo trên hành tinh, đến nỗi có người đã gọi nó là “thế vận hội” hay “Woodstock” của Giáo Hội Công Giáo. Với Allen, Ngày Giới trẻ Thế giới là “ấn bản thành công một cách đồ sộ nhất của một nền chính trị bản sắc trong tôn giáo có tổ chức ngày nay”.

Ngày Giới trẻ Thế giới tại Denver 1993


Theo ông, cụm từ “nền chính trị bản sắc” (politics of identity) có từ năm 1977 khi nó được Hợp Tác xã Sông Combahee (Combahee River Collective) tạo ra. Họ là một nhóm đồng tính duy nữ và duy xã hội da đen, muốn quan điểm và kinh nghiệm của họ có chỗ ngồi tại bàn văn hóa.

Một cách nhanh chóng, ý niệm chính trị bản sắc phổ biến qua nhiều nhóm khác nhau, phần lớn tự coi mình như nổi dậy chống lại các qui chuẩn và thiên kiến văn hóa bị họ coi là có liên hệ với các tôn giáo có tổ chức. Điều này không đâu đúng bằng phong trào Tự Hào Đồng Tính, một phong trào, đến thập niên 1980, đã biến các cuộc tụ tập của họ thành một trong các thao tác có khuôn dạng cao nhất trong nền chính trị bản sắc trên thế giới.

Nhưng thật ra, theo Allen, xét theo khía cạnh coi tôn giáo như lực lượng xã hội nổi bật, thì phong trào này quả có lạc điệu. Vì tới đầu thập niên 1980, việc thế tục hóa đã biến cải đức tin tôn giáo từ một đa số lên khuôn văn hóa ở Âu châu vá bắc Mỹ trở thành một nền văn hóa phụ, một nền văn hóa mà các thành viên cảm thấy mình bị bao vây, hiểu lầm nhiều cách, và thậm chí ngày càng bị bách hại, đến nỗi vị Giáo Hoàng tương lai Bênêđíctô XVI phải mượn lời Arnold Toynbee mà cho rằng số phận của tôn giáo có tổ chức, ít nhất ở thế giới phát triển, là trở thành một “thiểu số sáng tạo”.

Trước tình huống đó, người có trực quan tuyệt diệu là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận thấy đạo Công Giáo cần một nền chính trị bản sắc, đặc biệt ở Phương Tây, để không những hãm đà suy thoái từ từ về tính hiển thị và ảnh hưởng của đạo mà còn thách thức não trạng văn hóa ngày một lớn mạnh coi tôn giáo chỉ như một chuyện riêng tư không nên diễu hành ở nơi công cộng.

Đối với não trạng ấy, Ngày Giới trẻ Thế giới quả là ấn bản của câu nổi tiếng được Tiến sĩ Johnson dùng để phản bác lập trường duy tâm của Berkeley coi mọi sự không có thật mà chỉ là ý nghĩ rằng “Tôi phản bác điều ấy!” [ I refute it thus].

Ngày nay, Ngày Giới trẻ Thế giới nằm trong danh sách các cuộc tụ họp thường xuyên lớn nhất của nhân loại trên khắp thế giới, chỉ bị cạnh tranh bởi các biến cố như lễ hội Kumbh Mela của Ấn Giáo và cuộc Hành hương Arba’een của Hồi Giáo Shia, cả hai đều nhằm nói với thế giới rằng đức tin tôn giáo khó trở thành một loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Allen cho hay, thậm chí, Ngày Giới trẻ Thế giới vượt xa các cuộc tụ họp của Hãnh diện Đồng tính. Năm 2000, Ông tường trình cả Ngày Giới trẻ Thế giới lẫn cuộc gặp gỡ của Hãnh diện Thế giới tại Rôma, chỉ cách nhau không đầy một tháng. Biến cố đầu thu hút 2 triệu người. Biến cố sau chỉ 500 ngàn người.

Điều đáng nói là sau nhiều năm, những người tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới cho hay, khi trở về nhà họ đã đi nhà thờ thường xuyên hơn, lần chuỗi môi khôi ở trường, từ chối làm tình hay say sỉn hoặc dùng ma túy, ăn mặc đoan trang hơn hoặc làm bất cứ điều gì vẫn được coi là đặc điểm của bản sắc Công Giáo.

Việc may mắn được sống một khoảng thời gian trong một môi trường trong đó rõ ràng họ là đa số, trong đó, các giá trị của họ được tăng cường và cử hành thay vì bị chế giễu, và trong đó, cuối cùng, họ là “chính họ” quả là một trải nghiệm đổi đời. Dĩ nhiên, thành công của Ngày Giới trẻ Thế giới tùy thuộc phần không nhỏ nơi sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng, người làm phấn khởi khối quần chúng lớn lao mà biến cố này luôn tạo ra. Quả thực, người ta có thể lập luận rằng Ngày Giới trẻ Thế giới chỉ là một ấn bản lớn nhất và nhiều lớp lang gây tác động của việc tông du của Đức Giáo Hoàng nói chung, vốn là cơ hội để người Công Giáo địa phương củng cố và công bố bản sắc của họ một cách công khai. Nhưng ta nên nhớ, ngay việc du hành của các vị Giáo Hoàng hiện nay cũng đã được Đức Gioan Phaolô II đi tiên phong. Thành thử có thể nói, ngài quả là vị Giáo Hoàng của nền chính trị bản sắc.
 
Church Documents
Cẩm Hạnh - News 31 July 2023
VietCatholic Media
17:55 30/07/2023
1. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Nga tham gia lại thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải

Đức Thánh Cha Phanxicô hôm Chúa Nhật kêu gọi Nga tham gia lại một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang thị trường quốc tế, giúp giảm thiểu cuộc khủng hoảng nguồn cung lương thực toàn cầu đã và đang trở nên tồi tệ hơn do cuộc chiến của Mạc Tư Khoa.

“Chúng ta hãy không ngừng cầu nguyện cho Ukraine đang bị bao vây, nơi chiến tranh đang phá hủy mọi thứ, ngay cả ngũ cốc. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa, vì ngũ cốc là món quà của Ngài để nuôi sống nhân loại; và tiếng khóc của hàng triệu anh chị em đang chịu nạn đói thấu tận Thiên Đàng. Tôi kêu gọi những người anh em của tôi, các nhà chức trách của Liên bang Nga, rằng Sáng kiến Hắc Hải có thể được khôi phục và ngũ cốc có thể được vận chuyển an toàn.”

Một số thông tin cơ bản: Thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian vào tháng 7 năm 2022 đã cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển, cụ thể là các tàu vượt qua sự phong tỏa của Nga đối với các cảng Hắc Hải của nước này và di chuyển an toàn qua tuyến đường thủy đến Eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ, cuối cùng vươn ra thị trường toàn cầu.

Liên Hiệp Quốc cho biết điều này chứng tỏ tầm quan trọng trong việc ổn định giá lương thực toàn cầu và mang lại sự cứu trợ cho các nước đang phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu của Ukraine.

Nga đã rút khỏi hiệp định vào ngày 17 tháng 7, lập luận rằng họ đang bị ngăn cản xuất khẩu lương thực của chính mình. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết mục tiêu chính của thỏa thuận - cung cấp ngũ cốc cho các nước có nhu cầu - đã không thành hiện thực.

Chuyện gì đã xảy ra kể từ khi thỏa thuận sụp đổ: Nga đã mở một loạt cuộc tấn công vào nguồn cung cấp ngũ cốc ở các thành phố quan trọng của Ukraine, bao gồm cả thành phố cảng Odesa, quét sạch 60.000 tấn ngũ cốc, đủ để nuôi sống 270.000 người trong một năm, Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Barbara Woodward nói.

Trong khi đó, Nga đã tán tỉnh các nước Phi Châu. Putin thuyết phục họ tin rằng Mạc Tư Khoa là một nguồn thực phẩm đáng tin cậy. Putin đã đề nghị gửi ngũ cốc miễn phí tới lục địa này, nhưng Liên Hiệp Quốc nói rằng điều đó sẽ không bù đắp cho việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.

2. Zelenskiy nói lời kêu gọi khôi phục thỏa thuận ngũ cốc của Đức Giáo Hoàng là quan trọng

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm Chúa Nhật cho biết lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải là “quan trọng” và phản ứng của các nhà lãnh đạo tôn giáo đối với chiến tranh là rất quan trọng.

“Phản ứng của các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đối với vụ khủng bố bằng hỏa tiễn của Nga và phá hủy các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine là vô cùng quan trọng để bảo vệ toàn thế giới, và đặc biệt là các dân tộc ở Phi Châu và Á Châu, những người phải chịu đựng nhiều nhất trước mối đe dọa của nạn đói, thiếu lương thực và khủng hoảng,” ông nói.

Một số bối cảnh: Nga tuyên bố ngừng tham gia thỏa thuận vào ngày 17 tháng 7, làm dấy lên lo ngại về mất an ninh lương thực toàn cầu. Khi chỉ còn vài tháng nữa là đến vụ thu hoạch, các quan chức Mỹ và phương Tây đang tìm kiếm các phương án để vận chuyển thêm ngũ cốc ra khỏi Ukraine. Theo Ủy ban Âu Châu, quốc gia này chiếm 10% thị trường lúa mì thế giới, 15% thị trường ngô và 13% thị trường lúa mạch.

“Ukraine đang và sẽ là người bảo đảm an ninh lương thực của thế giới. Điều quan trọng bây giờ là ngăn chặn khủng bố của Nga và thực hiện đầy đủ Công thức Hòa bình,” Zelenskiy nói thêm, đề cập đến kế hoạch 10 điểm mà ông đã trình bày trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, năm ngoái. Các bước đi bao gồm lộ trình dẫn đến an toàn hạt nhân, an ninh lương thực, một tòa án đặc biệt xét xử các tội ác chiến tranh của Nga và một hiệp ước hòa bình cuối cùng với Mạc Tư Khoa.

3. Cuộc họp của các nhà lãnh đạo Phi Châu với Putin chẳng mang lại lợi ích gì

AFP có bài tường trình nhan đề “African leaders leave Russia summit without grain deal or path to end the war in Ukraine”, nghĩa là “Các nhà lãnh đạo Phi Châu rời hội nghị thượng đỉnh với Nga mà không có thỏa thuận ngũ cốc hay con đường chấm dứt chiến tranh ở Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

NAIROBI, Kenya – Các nhà lãnh đạo Phi Châu đang rời cuộc họp kéo dài hai ngày với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không có nhiều điều để chứng minh về những yêu cầu của họ nhằm nối lại một thỏa thuận giữ cho ngũ cốc chảy khỏi Ukraine và tìm ra con đường chấm dứt chiến tranh ở đó.

Putin trong một cuộc họp báo vào cuối ngày thứ Bảy sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi Châu cho biết việc Nga chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc hồi đầu tháng này đã khiến giá ngũ cốc tăng cao có lợi cho các công ty Nga. Ông nói thêm rằng Mạc Tư Khoa sẽ chia sẻ một số doanh thu đó với “các quốc gia nghèo nhất”.

Cam kết đó, không có chi tiết, tuân theo lời hứa của Putin bắt đầu vận chuyển miễn phí 25.000 đến 50.000 tấn ngũ cốc cho mỗi quốc gia trong số 6 quốc gia Phi Châu trong vòng 3 đến 4 tháng tới - một khối lượng thấp hơn nhiều so với 725.000 tấn mà Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc vận chuyển tới một số nước đói, Phi Châu và các nước khác, theo thỏa thuận ngũ cốc. Nga có kế hoạch gửi ngũ cốc miễn phí tới Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Eritrea và Cộng hòa Trung Phi.

Ít hơn 20 trong số 54 nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ của Phi Châu tham dự hội nghị thượng đỉnh với Nga, trong khi 43 người tham dự cuộc họp trước đó vào năm 2019, phản ánh những lo ngại về việc Nga xâm lược Ukraine ngay cả khi Mạc Tư Khoa tìm kiếm thêm đồng minh trên lục địa Phi Châu có 1,3 tỷ dân. Putin ca ngợi Phi Châu là một trung tâm quyền lực đang lên trên thế giới, trong khi Cẩm Linh đổ lỗi cho áp lực “quá đáng” của phương Tây đã ngăn cản một số nước Phi Châu xuất hiện.

Các tổng thống của Ai Cập và Nam Phi là một trong những người thẳng thắn nhất về sự cần thiết phải nối lại thỏa thuận ngũ cốc.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết: “Chúng tôi muốn sáng kiến Hắc Hải được thực hiện và Hắc Hải phải được mở”. “Chúng tôi không ở đây để kêu gọi quyên góp cho lục địa Phi Châu.”

Putin cũng cho biết Nga sẽ phân tích đề xuất hòa bình của các nhà lãnh đạo Phi Châu đối với Ukraine, đề xuất này chưa được chia sẻ công khai. Nhưng nhà lãnh đạo Nga hỏi: “Tại sao các bạn lại yêu cầu chúng tôi ngừng bắn? Chúng ta không thể ngừng bắn khi đang bị tấn công.”

Thay vào đó, bước quan trọng tiếp theo trong các nỗ lực hòa bình dường như là một hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Ukraine tổ chức và Saudi Arabia đăng cai tổ chức vào tháng 8. Nga không được mời.

Các quốc gia Phi Châu tạo thành khối bỏ phiếu lớn nhất tại Liên Hiệp Quốc và bị chia rẽ nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác về các nghị quyết của Đại hội đồng chỉ trích hành động của Nga ở Ukraine. Các phái đoàn tại hội nghị thượng đỉnh ở St. Petersburg đã đi tham quan các khu trưng bày vũ khí, một lời nhắc nhở về vai trò của Nga với tư cách là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho lục địa Phi Châu.

Putin trong bài phát biểu hôm thứ Bảy cũng hạ thấp sự vắng mặt của mình tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế BRICS ở Nam Phi vào tháng tới trong bối cảnh tranh cãi về lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành đối với ông. Putin nói, sự hiện diện của ông ấy ở đó không “quan trọng hơn sự hiện diện của tôi ở đây, ở Nga”.
 
VietCatholic TV
Chặn đường rút của quân Nga, Ukraine pháo sập cầu, nổ tung kho đạn, tuyên bố sẽ sớm tiến vào Crimea
VietCatholic Media
03:07 30/07/2023


1. Giám đốc tình báo Kyiv nhận định rằng Lực lượng Ukraine sẽ sớm tiến vào Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Forces Will Enter Crimea 'Soon'—Kyiv Intelligence Chief”, nghĩa là “Giám đốc tình báo Kyiv nhận định rằng Lực lượng Ukraine sẽ sớm tiến vào Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự của Ukraine đã nói rằng các lực lượng của Kyiv đã nhắm vào bán đảo mà Nga đã chiếm giữ vào năm 2014.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TSN của Ukraine, Krylo Budanov nói rằng Lực lượng Vũ trang Ukraine “sẽ sớm tiến vào Crimea” mà không nêu rõ khung thời gian hay bất kỳ chi tiết nào khác. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để có thêm bình luận.

Đầu tháng này, cây cầu Kerch nối Crimea với vùng Krasnodar của Nga đã bị đánh bom, trong bối cảnh có tin cho rằng cơ quan an ninh nội địa của Kyiv và Hải quân Ukraine chịu trách nhiệm.

Tuần này, nhà lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine Vasyl Malyuk xác nhận Kyiv đứng sau vụ nổ vào tháng 10 năm ngoái nhắm vào cây cầu vốn là biểu tượng của sự xâm lược của Nga ở Crimea.

Trong khi giành lại bán đảo là một mục tiêu chiến tranh được tuyên bố của Kyiv, Budanov thường xuyên đưa ra những tuyên bố lạc quan về lợi ích của Ukraine và tổn thất của Nga.

Budanov cũng cho biết trong cuộc phỏng vấn, được các phương tiện truyền thông Ukraine đưa tin, rằng ông không quan tâm đến sự hiện diện của lính đánh thuê Wagner ở Belarus, nơi họ đã bị lưu đày sau cuộc binh biến chống lại cơ sở quân sự của Nga vào ngày 4 tháng Sáu.

Ông nói rằng không có sự gia tăng quân số của quân đội Nga và rằng “họ có bao nhiêu người thì bây giờ cũng chỉ có bấy nhiêu” mặc dù việc huy động “cho phép họ liên tục bổ sung những tổn thất mà họ phải gánh chịu.”

Bình luận của Budanov được đưa ra trong bối cảnh có các báo cáo về những bước tiến của Ukraine ở phía nam đất nước về phía Crimea, đặc biệt là phía nam Orikhiv ở phía tây Zaporizhia.

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Bảy rằng giao tranh đã gia tăng trong 48 giờ qua trong khu vực với sự thù địch tập trung gần làng Robotyne, gần Orikhiv, chống lại Tập Đoàn Quân thứ 58 của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một video tuần này rằng quân đội Ukraine đã giải phóng ngôi làng Staromaiorske, 50 dặm về phía đông của Orikhiv.

Nhà phân tích quân sự Konrad Muzika, giám đốc của Rochan Consulting, đã viết trong một bài đăng trên Substack vào hôm thứ Sáu rằng trục Orikhiv là “ưu tiên” cho các lực lượng Ukraine “điều này đã được xác nhận bởi việc triển khai Quân đoàn 10.”

Ông viết: “Kết quả của sự thay đổi này là người Ukraine đã tiến bộ vài km, nhưng tính bền vững của tiến bộ là một mối quan tâm lớn.”

Trong khi đó, tướng Úc đã nghỉ hưu Mick Ryan đã viết trên Substack hôm thứ Sáu rằng “vẫn còn một số chặng đường trước khi lực lượng bộ binh Ukraine có thể tạo ra một bước đột phá trong chiến dịch và tiến tới bờ biển phía nam của họ.”

2. Kho đạn dược phát nổ ở Crimea sau vụ 'phá hoại'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Ammunition Depot Explode in Crimea After 'Sabotage'“, nghĩa là “Video cho thấy kho đạn phát nổ ở Crimea sau vụ phá hoại”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lực lượng vũ trang Ukraine đã công bố một đoạn video về vụ nổ rõ ràng tại một kho đạn dược ở Crimea bị tạm chiếm.

Người ta có thể nghe thấy tiếng nổ trong đoạn clip ban đêm kéo dài 55 giây, bao gồm cả những ánh chớp từ vụ nổ do một “vụ phá hoại” được cho là diễn ra vào đêm thứ Sáu.

“Khoảng 10 giờ tối ngày 28 tháng 7, có rất nhiều tiếng ồn ở Vịnh Cossack thuộc bán đảo Crimea bị tạm chiếm”, phát ngôn nhân của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết.

Vịnh nằm gần Sevastopol, thành phố lớn nhất ở Crimea và là cảng chính của Hải quân Nga.

Trên kênh truyền thông xã hội Telegram của mình, tình báo Ukraine đã chia sẻ đoạn video, viết rằng các nhân chứng đã nghe thấy hai vụ nổ và âm thanh của tiếng nổ tiếp theo của đạn dược. “Một số xe cứu thương và cảnh sát đã đến hiện trường,” báo cáo nói thêm.

“Được biết, các vụ nổ và phát nổ do phá hoại đã diễn ra tại 'nhà kho tạm thời' chứa đạn dược của quân xâm lược Nga”, bài đăng cho biết thêm, theo một bản dịch, sử dụng thuật ngữ miệt thị của người Ukraine đối với lực lượng Nga. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

Vụ việc được báo cáo sau khi nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Ukraine, Krylo Budanov, bình luận trên truyền hình Ukraine rằng lực lượng của Kyiv sẽ “sớm” tái chiếm Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.

Việc giải phóng nó là một mục tiêu chiến tranh cấp nhà nước đối với Kyiv và bán đảo này là nơi xảy ra nhiều vụ nổ trong những tháng gần đây, trong đó các mục tiêu như kho đạn dược và máy bay tại các sân bay đã trở thành mục tiêu.

Hôm thứ Năm, các nhà chức trách Nga cho biết có một “mối đe dọa an ninh” ở một phần khác của Crimea, và do đó đã cấm dân thường tiếp cận Arabat Spit ở cuối phía đông của bán đảo nối Crimea với đất liền Ukraine.

Ngày 17/7, cây cầu Kerch nối Crimea với vùng Krasnodar của Nga đã bị nổ trong một vụ việc mà Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Kyiv.

Ukraine chưa thừa nhận trách nhiệm nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov nói với CNN rằng đó là một mục tiêu quân sự hợp pháp và “các cuộc tấn công vào cây cầu sẽ tiếp tục.”

Vào ngày 22 tháng 6, các cây cầu bắc qua eo biển Chonhar giữa phía bắc Crimea và đất liền của Ukraine cũng bị hư hại sau các cuộc tấn công mà Kyiv sau đó xác nhận rằng họ đã thực hiện bằng hỏa tiễn Storm Shadow.

Ukraine cũng thừa nhận họ đứng sau vụ tấn công vào cầu Kerch hồi tháng 10 năm ngoái, cây cầu đó cũng là tuyến tiếp tế quan trọng cho quân Nga, và được coi là biểu tượng cho sự xâm lược của Mạc Tư Khoa.

Sáng ngày thứ Bẩy, 29 Tháng Bẩy, cầu Chonhar lại bị tấn công một lần nữa.

3. Quan chức do Nga bổ nhiệm cho biết Ukraine bắn hỏa tiễn Storm Shadow vào tuyến đường sắt giữa Crimea và vùng Kherson

Theo một quan chức địa phương do Nga hậu thuẫn, các lực lượng Ukraine đã nhắm vào một tuyến đường sắt giữa khu vực phía nam Kherson và Crimea trong đêm bằng 12 hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow.

Đến sáng ngày thứ Bẩy, 29 Tháng Bẩy, nhà cầm quyền khu vực đã cấm qua lại trên cầu Chonhar, cả đường sắt lẫn đường bộ.

Tuyến đường sắt kết nối các thành phố Henichesk ở vùng Kherson và Dzhankoi ở Crimea. Nó rất quan trọng đối với hậu cần của Nga đến và đi từ Crimea.

Vào tháng 5, CNN lần đầu tiên đưa tin rằng Vương quốc Anh đã chuyển giao nhiều hỏa tiễn hành trình Storm Shadow cho Ukraine, cung cấp khả năng tấn công tầm xa mới. Storm Shadow là hỏa tiễn hành trình có khả năng tàng hình do Anh và Pháp hợp tác phát triển.

Để di chuyển giữa Kherson và Crimea, quân Nga có thể đi một con đường xa hơn về phía Bắc đang nằm trong tầm hoả lực của pháo binh Ukraine. Một cách khác là dùng phà phao qua eo biển Chonhar. Các phà phao này nằm ngoài tầm bắn của pháo binh Ukraine. Về nguyên tắc các phà phao này có thể bị tấn công bằng HIMARS hay hỏa tiễn Storm Shadow phóng từ trên máy bay. Tuy nhiên, người Ukraine sẽ không làm như thế vì quá tốn kém. Một khả năng thực tế hơn là quân Ukraine sẽ tấn công các phà phao này bằng máy bay không người lái hay thuyền không người lái.

4. Zelenskiy đến thăm quân đội gần khu vực Bakhmut để đánh dấu Ngày Lực lượng Hoạt động Đặc biệt

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã tới khu vực Bakhmut ở miền đông Ukraine để thăm các binh sĩ và trao giải thưởng nhà nước cho họ vào hôm thứ Bảy, đánh dấu Ngày Lực lượng Hoạt động Đặc biệt ở Ukraine.

“Hôm nay, tôi ở đây để chúc mừng các chiến binh của chúng ta trong ngày chuyên nghiệp của họ, để tôn vinh sức mạnh của họ,” Zelenskiy cho biết trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào, kèm theo một số hình ảnh. “Tôi đã nghe báo cáo của chỉ huy, nói chuyện với các chiến binh. Rất mạnh mẽ, rất hiệu quả. Cảm ơn!”

Zelenskiy cho biết ông đã đến thăm “các vị trí tiền tuyến” của lực lượng, nhưng ông không thể đi vào chi tiết về nhiệm vụ hiện tại của họ.

Hình ảnh và video do văn phòng của ông công bố cho thấy tổng thống nói chuyện với các binh sĩ tại một trạm xăng địa phương, uống cà phê và chụp ảnh với họ. Zelenskiy gọi cuộc gặp là “buổi nói chuyện cà phê truyền thống”.

Zelenskiy đã đến một sở chỉ huy cho các nhóm chiến thuật của lực lượng đặc biệt ở thị trấn Chasiv Yar, nằm cách Bakhmut khoảng 15 km về phía tây.

Ngoài Chasiv Yar, ông Zelenskiy còn đến thăm các thành phố Kramatorsk, Sloviansk, Druzhkivka và Kostiantynivka ở vùng Donetsk.

“Một ngày quan trọng đối với Ukraine, đối với Lực lượng Vũ trang. Đó là một niềm vui để chúc mừng bạn. Rõ ràng là tình hình không dễ dàng, nhưng các bạn là những người rất mạnh mẽ. Tôi chúc các bạn sức mạnh, sức khỏe và chiến thắng”, Zelenskiy nói.

Kỷ niệm vụ tấn công nhà tù: Zelenskiy cũng đề cập đến lễ kỷ niệm vụ tấn công vào một trung tâm giam giữ ở Olenivka, nơi hơn 50 tù nhân Ukraine thiệt mạng vào năm ngoái.

“Hôm nay là ngày tưởng niệm Olenivka, một trong những tội ác ghê tởm và tàn ác nhất của nước Nga. Việc giết hại có chủ ý, được lên kế hoạch trước đối với các chiến binh Azov bị bắt giữ,” Zelenskiy nói.

Một cuộc điều tra mở rộng của CNN được công bố vào tháng 8 năm ngoái đã chứng minh rằng tường thuật của Nga tuyên bố trại ở Olenivka đã bị hỏa tiễn HIMARS của Ukraine tấn công đã không đứng vững trước những lý chứng. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng đã ủng hộ những phát hiện của cuộc điều tra.

5. Khả năng đóng cửa biên giới với Belarus của các quốc gia Đông Âu

Ba Lan và Lithuania đang xem xét đóng cửa biên giới với Belarus trong bối cảnh lo ngại về sự hiện diện của nhóm lính đánh thuê Wagner ở đó, một Thứ trưởng Nội vụ Lithuania cho biết hôm thứ Sáu.

“Những cân nhắc là có thật. Khả năng đóng cửa biên giới tồn tại,” Arnoldas Abramavičius nói với các phóng viên.

Belarus đã chứa chấp các chiến binh Wagner sau cuộc nổi dậy ngắn ngủi của họ chống lại quân đội hàng đầu của Nga.

Lithuania liên tục cảnh báo các đồng minh phương Tây của mình rằng lính đánh thuê Wagner có thể cải trang thành những người xin tị nạn cố gắng vượt qua biên giới của Belarus với các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu hoặc thực hiện các hành động khiêu khích liên quan đến người tị nạn.

6. Người Ukraine nỗ lực dẹp bỏ các ảnh hưởng của Nga

Người Ukraine đang “phi Nga hóa” các bức tượng và đường phố của họ, kể cả ở các thành phố có mối liên hệ lịch sử và văn hóa gần gũi với Nga, phóng viên Shaun Walker của tờ Guardian ở trung và đông Âu viết.

Tại Odesa, chính quyền thành phố đã dỡ bỏ tượng đài Catherine Đại đế khỏi phòng trưng bày mỹ thuật và tranh luận về việc có nên đổi tên Phố Pushkin hay không.

Ngày Quốc Khánh được tổ chức ở Ukraine hôm thứ Sáu 28 Tháng Bẩy vì nó được coi là ngày kỷ niệm lễ rửa tội của Kyiv, khi Kitô giáo bắt đầu được chấp nhận trong khu vực.

Một buổi lễ đã được diễn ra tại thủ đô để kỷ niệm thời khắc quan trọng này trong lịch sử của Kyivan Rus.

Năm tới, Ngày Quốc khánh sẽ rơi vào ngày 15 tháng 7 thay vì ngày 28 tháng 7, vì Giáo Hội ở Ukraine đang áp dụng lịch Julian sửa đổi. Điều đó cũng tiêu biểu cho một sự rạn nứt nữa giữa các Giáo Hội Ukraine và Nga.

Dự luật do tổng thống Volodymyr Zelenskiy ký hôm thứ Sáu nêu bật sự rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa các Giáo Hội ở Kyiv và Mạc Tư Khoa kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng thân phương Tây.

“Cuộc đấu tranh không ngừng và thành công cho bản sắc của họ góp phần vào… mong muốn của mọi người Ukraine được sống cuộc sống của riêng họ với những truyền thống và ngày lễ của riêng họ,” một ghi chú giải thích cho dự luật trên trang web của quốc hội viết.

Theo truyền thống, các Giáo Hội Kitô tại Ukraine tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 7 Tháng Giêng, cùng thời điểm với Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa, nơi đã chúc lành cho cuộc tấn công của Putin vào Ukraine. Thượng phụ Kirill, nhà lãnh đạo nhà thờ Chính thống Nga, là một người ủng hộ nổi tiếng của Putin và đã nói rằng những người lính Nga bị giết sẽ được tẩy sạch mọi tội lỗi của họ. Năm ngoái, Giáo Hội Chính thống Ukraine đã cho phép các tín hữu tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Năm nay, ngày 25 tháng 12 là ngày lễ chính thức.

7. Tokyo tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Mạc Tư Khoa

Nhật Bản đang tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Mạc Tư Khoa bằng cách mở rộng lệnh cấm xuất khẩu xe hơi hạng sang đến Nga từ tháng tới để nó bao gồm tất cả các loại xe mới và đã qua sử dụng trên 1900 phân khối, chính phủ cho biết hôm thứ Sáu.

Lệnh cấm rộng hơn sẽ có hiệu lực từ ngày 9 tháng 8 và có khả năng hạn chế xuất khẩu xe hơi cũ của Nhật Bản sang Nga, vốn đã tăng mạnh kể từ khi bắt đầu xung đột do nhu cầu cao đối với các phương tiện bền và đáng tin cậy.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho biết, nội các Nhật Bản đã quyết định sửa đổi lệnh kiểm soát xuất khẩu cấm xuất khẩu hàng hóa sang Nga nhằm hạn chế thêm nền công nghiệp của Nga.

Lệnh cấm xuất khẩu xe hơi rộng rãi hơn của Nhật Bản khiến nước này phù hợp với Liên Hiệp Âu Châu, nơi đã tuyên bố lệnh cấm đối với xe 1900 phân khối trở lên vào ngày 23 tháng 6.

8. Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người Nga về “chiến dịch thao túng thông tin kỹ thuật số”

Hội đồng Liên minh Âu Châu cho biết hôm thứ Sáu rằng họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bảy cá nhân và năm tổ chức của Nga.

Những người bị trừng phạt bị cáo buộc tiến hành một “chiến dịch thao túng thông tin kỹ thuật số” được gọi là 'RRN' nghĩa là “Tin tức đáng tin cậy gần đây”, nhằm bóp méo thông tin và phổ biến tuyên truyền ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine,” hội đồng cho biết trong một tuyên bố.

Tuyên bố cho biết chiến dịch mà “các cơ quan chính phủ hoặc các cơ quan liên kết với nhà nước Nga đã tham gia” dựa trên “các trang web giả mạo chiếm đoạt danh tính của các cơ quan truyền thông quốc gia và các trang web của chính phủ, cũng như các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội”.

Tuyên bố cho biết thêm: “Việc thao túng thông tin có mục tiêu và phối hợp này là một phần trong chiến dịch hỗn hợp rộng lớn hơn của Nga chống lại Liên Hiệp Âu Châu và các quốc gia thành viên”.

Các thực thể bị ảnh hưởng: Các thực thể bị trừng phạt bao gồm Infornos - một cơ quan truyền thông trực tuyến “liên kết chặt chẽ với tình báo quân đội Nga, gọi tắt là GRU, và chịu trách nhiệm thiết lập hơn 270 cơ quan truyền thông đại diện trực tuyến truyền bá tuyên truyền ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine.

Chúng cũng bao gồm ANO Dialog phi lợi nhuận có liên kết với Điện Cẩm Linh, Viện Cộng đồng người Nga hải ngoại, cũng như Cơ quan thiết kế xã hội và Công nghệ quốc gia Structura —là hai công ty công nghệ thông tin của Nga và là đại diện nổi bật của các thực thể nêu trên.

Tuyên bố cho biết các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine hiện áp dụng cho khoảng 1.800 cá nhân và tổ chức.

9. Cố vấn Ukraine tiết lộ chi tiết về việc thúc đẩy tiền tuyến 'cơ hội' của Kyiv

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Adviser Reveals Details of Kyiv's 'Opportunistic' Front-Line Push”, nghĩa là “Cố vấn Ukraine tiết lộ chi tiết về việc thúc đẩy tiền tuyến 'cơ hội' của Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine ở Kyiv, các lực lượng phản công của Ukraine đang săn lùng các điểm yếu của Nga dọc theo chiến tuyến dài 800 dặm, trong bối cảnh có các báo cáo về những bước đột phá quan trọng của Ukraine ở phía nam và phía đông của đất nước.

Andriy Zagorodnyuk từng là Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine từ năm 2019 đến 2020 và hiện là cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine. Anh ta nói với Newsweek vào hôm thứ Sáu rằng hoạt động đang diễn ra là săn lùng “cơ hội” và tấn công nhanh nhẹn.

Zagorodnyuk nói: “Chúng tôi đang thúc đẩy ở những nơi khác nhau. Chúng tôi đang cố gắng đến những nơi khác nhau. Sau đó, chúng tôi thấy cơ hội ở đâu, thì bắt đầu đột ngột tung lực lượng ở đó.”

“Đó là cái được gọi là 'đang phát triển'; đó là một thuật ngữ mang tính học thuyết có nghĩa là bạn sử dụng cơ hội một cách tối đa và dồn lực vào nơi mà bạn cảm thấy chúng sẽ thành công. Đó chính xác là những gì đang xảy ra,” Zagorodnyuk nói thêm.

Nhiều báo cáo hôm thứ Tư cho biết có một cuộc tấn công lớn mới của Ukraine ở mặt trận phía nam Zaporizhzhia hướng tới — và được cho là xuyên qua — các tuyến phòng thủ của Nga gần thị trấn Robotyne. Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã định vị địa lý đoạn phim về cuộc giao tranh đến một địa điểm cách xa các vị trí tiền phương của Nga vài dặm, cho thấy sự xâm nhập của quân đội Ukraine.

Ở những nơi khác, các lực lượng Ukraine đã báo cáo những bước tiến xung quanh thị trấn Bakhmut bị tàn phá ở phía đông Donetsk. Vào tối thứ Năm, Ukraine tuyên bố giải phóng ngôi làng Staromaiorske, có cùng khoảng cách đến Zaporizhzhia và Donetsk trên chiến tuyến phía đông nam. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Các quan chức Kyiv đã ca ngợi những thành tựu gần đây, với việc Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Năm đã đáp lại việc Staromaiorske được giải phóng bằng cách cho biết: “Miền Nam của chúng ta! Các chàng trai của chúng ta! Niềm tự hào cho Ukraine!”

Nhưng những bước đột phá mang tính quyết định cho đến nay vẫn khó nắm bắt, khoảng sáu tuần sau chiến dịch phản công được chờ đợi từ lâu. Tốc độ tấn công chậm—và số thương vong cũng như tỷ lệ tổn thất thiết bị được báo cáo cao—đã làm dấy lên lo ngại rằng quân đội của Kyiv sẽ không thể đẩy quân Nga ra khỏi các vị trí kiên cố vững chắc trong các khu vực bị tạm chiếm.

Zagorodnyuk nói với Newsweek hôm thứ Sáu rằng “còn quá sớm” để nói bất kỳ chiến thắng quyết định nào sẽ đến ở đâu và khi nào.

“Về thời gian, không ai biết chính xác,” Zagorodnyuk nói. “Và nhiều người đang nghĩ rằng việc này mất quá nhiều thời gian. Tôi không nghĩ vậy. Nhưng đó là một điều rất chủ quan. Về cơ bản, không ai có thể có một lịch trình, bởi vì tất cả đều mang tính cơ hội.

“Có phải diễn biến sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến không? Chúng tôi không biết. Chúng ta sẽ thấy điều đó theo dòng thời gian. Khi thời điểm đến, chúng ta sẽ xem nó diễn ra như thế nào và sẽ hiểu. Nhưng hướng đi là đúng. Hướng chiến lược của chúng tôi là về phía nam. Chúng tôi muốn phát triển mọi thứ ở phía nam, đó là điều chắc chắn.”

Zagorodnyuk nói thêm rằng tiến bộ về mặt địa lý không nhất thiết quan trọng hơn sự suy thoái dần dần về năng lực chiến đấu của Nga.

Ông nói: “Điều mà nhiều người không để ý là chúng tôi đã cho nổ một lượng lớn kho đạn dược trong những tháng gần đây. “Tất cả những điều đó liên quan đến khả năng chịu áp lực của người Nga.

“Về cơ bản, đó là những gì chúng tôi đã làm việc suốt thời gian qua; để bảo đảm rằng Nga có càng ít cơ hội chịu đựng được áp lực càng tốt. Điều này có vẻ không giống như chúng ta đang tiến về phía trước, nhưng điều này rất quan trọng đối với nỗ lực,” Zagorodnyuk nói thêm.

10. Cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Nhà thờ Odesa để lại cho Ukraine những lựa chọn khó khăn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Missile Strike on Odesa Cathedral Leaves Ukraine With Stark Choices”, nghĩa là “Cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Nhà thờ Odesa để lại cho Ukraine những lựa chọn khó khăn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ngay sau 2 giờ sáng Chúa Nhật, giờ địa phương, một hỏa tiễn chống hạm dẫn đường chính xác Onyx của Nga đã tấn công nhà thờ chính tòa Chúa Biến hình của Chính thống giáo ở trung tâm Odesa, Ukraine. Hoàn toàn khác với khuôn mẫu của các cuộc không kích trước đây của Nga, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn này đã nhắm trực tiếp vào một số yếu tố chính của di sản văn hóa của thành phố.

Chỉ trong một đêm, ít nhất ba cuộc tấn công trong và xung quanh trung tâm thành phố được UNESCO bảo vệ của Odesa đã gây ra thiệt hại cho khoảng 25 tòa nhà lịch sử. Trong khi vài ngày sau đó, lực lượng Nga quay trở lại tấn công vào cơ sở hạ tầng giao thông ven biển — bao gồm cảng sông Danube chỉ cách biên giới Rumani 200 mét — người dân và quan chức của Odesa lo sợ rằng cuộc tấn công vào sáng Chúa Nhật có thể báo hiệu một bước ngoặt trong kế hoạch của Nga đối với thành phố của họ.

“Không có cuộc tấn công nào trước đây vào Odesa có quy mô lớn như vậy và tất cả chúng đều tập trung chủ yếu vào các đối tượng bên ngoài trung tâm thành phố: sân bay, cơ sở cảng biển, nhà kho, trạm biến áp điện, kho chứa dầu và kho chứa ngũ cốc,” thành viên hội đồng thành phố Odesa Petro Obukhov nói với Newsweek.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã quá quen với việc lực lượng phòng không của mình bắn hạ tất cả máy bay không người lái và hỏa tiễn đe dọa thành phố nên các cuộc không kích của Nga gần giống như một màn trình diễn”.

Tuy nhiên, trong những ngày sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải vào ngày 17 tháng 7, một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép Ukraine vận chuyển hàng xuất khẩu nông sản một cách an toàn từ các cảng biển trong và xung quanh Odesa, Nga đã nhanh chóng thay đổi chiến thuật của mình, dẫn đến một loạt các cuộc tấn công đã phá hủy ít nhất 60.000 tấn ngũ cốc trên toàn khu vực trong vòng chưa đầy một tuần.

“Đột nhiên, người Nga bắt đầu bắn một lượng lớn hỏa tiễn Kh-22, Onyx và Iskander-M, và lực lượng phòng không của chúng tôi không có câu trả lời cho chúng. Lần đầu tiên kể từ những tháng đầu của cuộc chiến, tôi dành thời gian trong hầm tránh bom.”

Bất chấp diễn biến đáng sợ của các sự kiện, thiệt hại về người ở Odesa cho đến nay vẫn ít hơn nhiều so với các cuộc tấn công đáng chú ý của Nga ở các thành phố khác trước đó trong cuộc chiến toàn diện, như bản tóm tắt sau đây về một số cuộc tấn công đáng chú ý trước đó tiết lộ, dựa trên các chi tiết của các cuộc tấn công được phát hành bởi chính phủ Ukraine:

Ngày 8 tháng 4 năm 2022: Một số hỏa tiễn Tochka-U của Nga được trang bị bom chùm giết chết 63 người và làm bị thương ít nhất 150 người tại nhà ga chính ở Kramatorsk

Ngày 27/6/2022: Hai quả hỏa tiễn Kh-22 của Nga tấn công một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk, khiến 21 người thiệt mạng và 59 người bị thương.

Ngày 14 tháng 7 năm 2022: Tại Vinnytsia, ba quả hỏa tiễn Kalibr của Nga đã giết chết 28 người và làm bị thương 202 người ở trung tâm thành phố.

Ngày 17-18 tháng 8: Một loạt cuộc tấn công bằng hỏa tiễn ở Kharkiv khiến 25 người thiệt mạng và 44 người bị thương.

Ngày 11 tháng 10 năm 2022: Ít nhất 23 người thiệt mạng trên toàn quốc, trong đó có 7 người ở thủ đô Kyiv, trong một loạt cuộc tấn công của Nga.

Ngày 14 tháng 1 năm 2023: Tại thành phố Dnipro, ít nhất 46 người thiệt mạng và 80 người bị thương do Kh-22 của Nga tấn công một khu chung cư.

Ngoài ra, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2022, thành phố Mykolaiv đã phải hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công bằng hỏa tiễn S-300 gần như hàng đêm, dẫn đến gần như ngày nào cũng có người chết và bị thương. Và kể từ khi được giải phóng khỏi lực lượng xâm lược của Nga vào tháng 11 năm ngoái, thành phố Kherson đã phải hứng chịu những đợt pháo kích không ngừng bằng đạn pháo của Nga bắn từ ngay bên kia sông Dnipro, chỉ riêng cuộc tấn công ngày 3 tháng 5 năm 2023 đã giết chết hơn 20 cư dân.

Để so sánh, một người chết và khoảng 20 người bị thương đã được báo cáo vào Chúa Nhật sau cuộc tấn công vào ban đêm của Nga vào trung tâm Odesa.

Tuy nhiên, thành phố vẫn dễ bị tổn thương trước chính kiểu tấn công mà Nga đã thực hiện ở những nơi khác trên đất nước. Mặc dù đã cung cấp các hệ thống phòng không tinh vi, bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất và SAMP/T của Pháp-Ý, Ukraine vẫn thiếu số lượng các khí tài này để bảo đảm rằng mọi mục tiêu tiềm năng đều được bảo vệ.

“Các đối tác phương Tây của chúng tôi đã giúp đỡ rất nhiều,” Trung tá Ukraine Serhii Sudets cho biết khi trả lời câu hỏi của Newsweek tại Trung tâm Truyền thông Ukraine ở Odesa vào ngày 25 tháng 7. “Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi chỉ đơn giản là không có đủ những hệ thống Patriot để cho phép triển khai dù chỉ một khẩu đội duy nhất tới khu vực Odesa.”

Vào ngày 23 tháng 7, chỉ vài giờ sau cuộc tấn công làm hư hại nhà thờ chính tòa Chúa Biến hình, Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra một tuyên bố đưa ra một cái nhìn rất khác về cuộc tấn công.

“Lý do rất có thể khiến nó bị phá hủy là do một hỏa tiễn phòng không có điều khiển của Ukraine bị rơi do hành động thiếu năng lực của những người vận hành hệ thống phòng không mà Lực lượng vũ trang Ukraine cố tình đặt trong các khu dân cư, kể cả trong thành phố của Odessa,” Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, nói.

Sau cuộc họp báo ngày 25 tháng 7 tại Trung tâm Truyền thông Odesa, Trung tá Sudets người Ukraine đã phản hồi cáo buộc của Nga.

Sudets giải thích: “Chúng tôi có một khu vực rộng lớn trên biển, vì vậy tất cả các vụ phóng từ các hệ thống phòng không chính của chúng tôi đều được gửi theo hướng đó, về phía Crimea. Ngôi thánh đường nằm ở hướng ngược lại, và đơn giản là không thể có một hỏa tiễn phòng không nào được phóng về phía đó.”

Khi được hỏi liệu hỏa tiễn Onyx của Nga đâm xuyên qua nóc Nhà thờ có thể đã hạ cánh nhầm ở đó hay không, Sudets tỏ ra nghi ngờ. Bản thân Nhà thờ nằm ở rìa của một quảng trường lớn cách xa bất kỳ mục tiêu tiềm năng nào có trong cảng biển gần hai dặm.

Ông nói: “Các hỏa tiễn của Nga không thiếu chính xác đến mức cho phép xảy ra khả năng như vậy. Nếu chúng bắn trượt 100 mét, điều đó có thể hiểu được, nhưng không có mục tiêu hợp pháp nào trong vòng 100 mét quanh Nhà thờ. Người Nga đã phóng hỏa tiễn vào trung tâm Odesa vì họ định gửi hỏa tiễn vào trung tâm Odesa.”

Một lời giải thích khác được đưa ra bởi các nhân vật được Cẩm Linh hậu thuẫn liên quan đến câu chuyện kể rằng một hỏa tiễn của Nga sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn cho Nhà thờ so với những gì có thể nhìn thấy sau cuộc tấn công ngày 23 tháng 7.

“Rõ ràng là nếu đây là Kalibr hoặc Onyx của Nga, vũ khí dẫn đường chính xác của chúng tôi, thì tòa nhà sẽ không thể tồn tại”, người dẫn chương trình tin tức Channel One của Nga Alyona Lapshina cho biết trong một bản tin sáng Chúa Nhật.

Một chuyên gia quân sự phương Tây hoàn toàn không đồng ý.

Marcel Plichta, cựu nhà phân tích của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, nói với Newsweek: “Thiệt hại mà chúng tôi thấy là hoàn toàn phù hợp với Onyx. “Các nhà thờ không được làm bằng giấy bồi. Một đầu đạn nặng 300 kg sẽ không thể phá hủy hoàn toàn một cấu trúc bằng đá lớn được xây dựng để tồn tại hàng trăm năm.”

“Thiệt hại mà nó gây ra là khá lớn,” ông nói, “nhưng nếu người Nga nghĩ rằng lẽ ra nó phải gây ra nhiều hơn thế, tôi đoán họ có quyền đưa ra ý kiến của mình.”

Tuy nhiên, mối đe dọa về các cuộc tấn công tiếp theo, nếu các lực lượng Nga quyết định thực hiện chúng, vẫn treo lơ lửng trên thành phố.

Plichta nói: “Người Nga đã tấn công những nơi không phải là nhà thờ chung quanh Odesa, và họ đã làm điều đó khá chính xác. Họ dường như đang đánh những gì họ muốn đánh.”

Trừ khi Ukraine nhận được thêm các khẩu đội Patriot hoặc SAMP/T từ các đối tác phương Tây trong tương lai gần, các nhà hoạch định quân sự của nước này có thể sớm phải đối mặt với một lựa chọn rất khó khăn.

Plichta giải thích: “Odesa không có cùng mức độ phức tạp trong hệ thống phòng không như Kyiv. Nhưng nếu những cuộc tấn công này tiếp tục, có thể Ukraine sẽ quyết định rằng việc di chuyển hệ thống Patriot về phía nam là đáng để khiến thủ đô dễ bị tổn thương hơn”.

“Đó thậm chí có thể chính xác là điều mà người Nga hy vọng họ sẽ làm,” ông cảnh báo.
 
Moscow và Crimea đồng loạt bị tấn công, phi trường bị đóng cửa. Kết quả trận đấu xe tăng Nga – NATO
VietCatholic Media
16:21 30/07/2023


1. Máy bay không người lái tấn công Thủ đô Mạc Tư Khoa. Phi trường phải đóng cửa, một tòa nhà bị hư hại

Ký giả Ethan Singh của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “Mạc Tư Khoa buildings damaged in overnight drone attacks that Russia blames on Kyiv”, nghĩa là “Các tòa nhà ở Mạc Tư Khoa bị hư hại trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm mà Nga đổ lỗi cho Kyiv.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Các quan chức cho biết một người bị thương trong vụ tấn công mới nhất vào thủ đô Nga mà Ukraine không nhận trách nhiệm.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ba máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ ở Mạc Tư Khoa vào sáng sớm Chúa Nhật 30 Tháng Bẩy, trong một cuộc tấn công khiến một sân bay quốc tế phải đóng cửa trong thời gian ngắn.

Một trong những chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ ở ngoại ô thành phố, hai chiếc khác bị “hệ thống tác chiến điện tử ngăn chặn” và lao vào một khu phức hợp văn phòng. Hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga đưa tin, dẫn lời các quan chức khẩn cấp cho biết một nhân viên bảo vệ đã bị thương.

“Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công tối nay. Mặt tiền của hai tòa tháp văn phòng thành phố bị hư hại nhẹ”, thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin đăng trên Telegram.

Mạc Tư Khoa và khu vực lân cận cách biên giới Ukraine hơn 500 km và cuộc xung đột đang diễn ra ở đó, nhưng đã trở thành mục tiêu của một số cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong năm nay.

Vụ tấn công được báo cáo hôm Chúa Nhật là vụ mới nhất trong một loạt vụ tấn công bằng máy bay không người lái gần đây - bao gồm cả các cuộc tấn công vào Điện Cẩm Linh và các thị trấn của Nga gần biên giới với Ukraine - mà Mạc Tư Khoa đã đổ lỗi cho Kyiv.

Kyiv vẫn chưa bình luận, nhưng Ukraine thường từ chối nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công vào Nga.

Bộ Quốc phòng Nga gọi đây là một “âm mưu tấn công khủng bố”.

“Một máy bay không người lái của Ukraine đã bị phá hủy trên không bởi các hệ thống phòng không trên lãnh thổ của quận Odintsovo thuộc khu vực Mạc Tư Khoa,” Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên Telegram.

“Hai máy bay không người lái khác đã bị áp chế bởi hệ thống tác chiến điện tử và do mất kiểm soát, đã rơi xuống lãnh thổ của khu phức hợp tòa nhà phi dân cư của Thành phố Mạc Tư Khoa”.

Hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin rằng sân bay Vnukovo của thủ đô đã “đóng cửa đối với các chuyến khởi hành và đến, các chuyến bay đã được chuyển hướng đến các sân bay khác”.

Trong vòng chưa đầy một giờ, các hoạt động dường như đã trở lại bình thường.

Đầu tháng này, một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã làm gián đoạn giao thông hàng không trong một thời gian ngắn tại cùng một sân bay, ở phía tây nam của thành phố.

Các cuộc tấn công vào Mạc Tư Khoa diễn ra vài tuần sau một cuộc phản công của Ukraine nhằm giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm giữ kể từ khi chiến sự quy mô lớn nổ ra vào tháng 2 năm 2022.

Hôm thứ Sáu, Nga cho biết họ đã đánh chặn hai hỏa tiễn của Ukraine bay qua khu vực phía nam Rostov giáp với Ukraine, khiến ít nhất 16 người bị thương do các mảnh vỡ rơi xuống thành phố Taganrog.

Các khu vực giáp biên giới với Ukraine thường xuyên xảy ra các cuộc tấn công và pháo kích bằng máy bay không người lái kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động chiến dịch quân sự vào tháng 2 năm ngoái, nhưng hiếm khi bị hỏa tiễn nhắm tới.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hỏa tiễn S-200 đầu tiên nhằm vào “cơ sở hạ tầng dân cư” của Taganrog, thành phố có khoảng 250.000 dân.

Ở phía bên kia biên giới, ít nhất một thường dân đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào thành phố Sumy, phía đông bắc Ukraine vào tối thứ Bảy, theo cảnh sát quốc gia, đồng thời cho biết thêm rằng có 5 người bị thương.

2. Quân Nga đấu xe tăng với xe tăng NATO, 14 chiếc bị bắn cháy

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 30 tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong ngày qua, 24 trận giao tranh đã diễn ra giữa các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Ukraine và quân xâm lược Nga.

Hoạt động tấn công của quân Ukraine vẫn tiếp tục ở các hướng Melitopol và Berdiansk. Quân Ukraine giành được chỗ đứng trên các ranh giới đã đạt được.

Trong ngày, lực lượng không quân Ukraine đã tiến hành 5 cuộc tấn công vào các cụm nhân sự, vũ khí và thiết bị quân sự của đối phương. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bắn trúng một hệ thống pháo binh của địch tại vị trí khai hỏa, trạm tác chiến điện tử và cụm nhân sự.

Đặc biệt vào sáng thứ Bẩy, không quân Ukraine đã phóng hỏa tiễn Storm Shadow đánh sập cầu Chonhar nối thành phố Henichesk ở vùng Kherson và thành phố Dzhankoi ở Crimea. Nó rất quan trọng đối với hậu cần của Nga đến và đi từ Crimea. Biến cố này có tác động sâu sắc đến tinh thần của quân Nga đang giao chiến tại khu vực Zaporizhzhia.

Vào tháng 5, CNN lần đầu tiên đưa tin rằng Vương quốc Anh đã chuyển giao nhiều hỏa tiễn hành trình Storm Shadow cho Ukraine, cung cấp khả năng tấn công tầm xa mới. Storm Shadow là hỏa tiễn hành trình có khả năng tàng hình do Anh và Pháp hợp tác phát triển.

Để di chuyển giữa Kherson và Crimea, quân Nga có thể đi một con đường xa hơn về phía Bắc đang nằm trong tầm hoả lực của pháo binh Ukraine. Một cách khác là dùng phà phao qua eo biển Chonhar. Các phà phao này nằm ngoài tầm bắn của pháo binh Ukraine. Về nguyên tắc các phà phao này có thể bị tấn công bằng HIMARS hay hỏa tiễn Storm Shadow phóng từ trên máy bay. Tuy nhiên, người Ukraine sẽ không làm như thế vì quá tốn kém. Một khả năng thực tế hơn là quân Ukraine sẽ tấn công các phà phao này bằng máy bay không người lái hay thuyền không người lái.

Trong ngày, quân đội Nga đã thực hiện 5 cuộc tấn công hỏa tiễn, 19 cuộc không kích và 30 cuộc tấn công hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của quân đội Ukraine và các khu định cư đông dân cư.

Theo các blogger quân sự Nga, một trấn đấu xe tăng dữ dội đã diễn ra tại Novodarivka giữa các xe tăng Nga và các xe tăng NATO. Xe tăng NATO có lớp giáp dày hơn, vận tốc bắn nhanh hơn. Do đó, có thể đoán trước được kết quả.

Trong 24 giờ qua, 480 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 14 xe tăng, 11 xe thiết giáp, 9 hệ thống pháo, cùng với 28 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 30 Tháng Bẩy, khoảng 245.700 quân xâm lược đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.205 xe tăng, 8.178 xe thiết giáp, 4.795 hệ thống pháo, 698 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 459 hệ thống phòng không, 315 máy bay, 311 máy bay trực thăng, 4011 máy bay không người lái cấp tác chiến-chiến thuật, 1347 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 7275 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 711 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết về quy mô của quân Wagner tại Belarus sau khi có các không ảnh cho thấy khoảng 300 lều và 200 phương tiện di chuyển đã được xác định ở Tsel, Belarus. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Kể từ giữa tháng 7 năm 2023, ít nhất vài nghìn quân Wagner có thể đã đóng quân tại một trại quân sự ở Tsel, miền trung Belarus. Hình ảnh cho thấy kể từ giữa tháng 7 năm 2023, hàng trăm phương tiện đã đến cơ sở này mà trước đây gần như trống rỗng.

Các báo cáo riêng biệt cho thấy hầu hết các phương tiện có thể nhìn thấy là xe tải và xe buýt nhỏ với một số phương tiện chiến đấu bọc thép.

Vẫn chưa rõ điều gì đã xảy ra với thiết bị hạng nặng mà Wagner sử dụng ở Ukraine; có khả năng thực tế là họ buộc phải trả lại những thứ này cho quân đội Nga.

Khả năng của Wagner trong việc bảo đảm có các thiết bị hạng nặng và các phương tiện hỗ trợ như vận chuyển bằng đường hàng không sẽ là những yếu tố chính bảo đảm hiệu quả chiến đấu trong tương lai của nó.

4. Lực lượng của Kyiv đang củng cố các vị trí ở đông nam Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 30 tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết giao tranh đang diễn ra ác liệt trên khắp các mặt trận phía nam và phía đông của cuộc chiến ở Ukraine trong tuần này, nhưng quân Ukraine đã giành được những thành tựu ở những khu vực mà gần đây họ đã tăng cường phản công.

Ở miền nam Ukraine: Quân đội của Kyiv tiếp tục tấn công ở các khu vực xung quanh các thành phố Melitopol và Berdiansk ở miền nam đất nước.

Nga đang đáp trả bằng hỏa tiễn, đạn pháo và các cuộc không kích nhắm vào quân đội Ukraine và các khu vực đông dân cư ở miền nam Ukraine.

“Thật không may, đã có thương vong dân sự và các tòa nhà dân cư đã bị phá hủy”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói.

Một chiến binh Ukraine cùng với lữ đoàn bộ binh cơ giới nói với CNN hôm thứ Bảy rằng họ đã giành được thành công ở vùng ngoại ô Robotyno, phía bắc Melitopol thuộc vùng Zaporizhzhia. Lữ đoàn cũng đã đạt được tiến bộ ở vùng ngoại ô của làng Verbove gần đó.

“Robotyno bây giờ về cơ bản chỉ là những ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn và nó nằm trong tầm kiểm soát hỏa lực hoàn toàn của chúng tôi. Đối phương đã rút tất cả các sở chỉ huy của chúng khỏi đó và tất cả những gì chúng có thể làm bây giờ là tung vào các nhóm nhỏ bộ binh. Nó không còn nằm dưới sự kiểm soát của Nga nữa,” anh nói.

Quân đội Ukraine cũng báo cáo các cuộc không kích của Nga gần Orikhiv ở khu vực Zaporizhzhia và Antonivka ở khu vực Kherson. Tại những khu vực đó, Bộ Tổng tham mưu cho biết, “đối phương đang tập trung nỗ lực chính vào việc ngăn chặn bước tiến tiếp theo của quân ta.”

Theo Trung tâm truyền thông quân sự của Ukraine, các lực lượng Nga ở cả hai khu vực cũng đã tập trung vào việc giữ hành lang trên đất liền tới Crimea.

Ở miền đông Ukraine: Tại khu vực Bakhmut, quân đội Ukraine đã đẩy lùi lực lượng Nga gần như tới làng Klishchiivka.

Các lực lượng vũ trang Ukraine đang di chuyển trên hai cánh - phía bắc và phía nam của Bakhmut. Ông cho biết trong ba ngày qua, một lữ đoàn bộ binh cơ giới đã tiến được nửa dặm ở ngoại ô thành phố, đẩy lùi đối phương và đạt đến độ cao thuận lợi để kiểm soát lối vào Bakhmut, Klishchiivka và các con đường vào thành phố này.

“Thực tế là toàn bộ Klishchiivka đang bị hỏa hoạn, và điều này cho thấy bản chất nhất định trong các hành động của đối phương”. “Bộ binh của ta đang tiến lên một cách anh dũng, rất đẹp mắt và rất bền bỉ, từng mét một.”

5. Ukraine đang sử dụng máy bay không người lái trên biển để xua đuổi hải quân Nga ở Hắc Hải như thế nào

Một trong những vũ khí mới nhất trong kho vũ khí của Ukraine là máy bay không người lái điều khiển từ xa được thiết kế để tấn công các lực lượng Nga ở Hắc Hải.

Thuyền không người lái do Ukraine sản xuất, lần đầu tiên được giới thiệu công khai được trang bị 300 kg chất nổ và có thể tấn công mục tiêu cách đó 800 km.

Một binh sĩ có biệt danh “Cá mập” cho biết thuyền không người lái rất dễ điều khiển và đã hạn chế hoạt động của hải quân Nga. Theo nhà phát triển thuyền không người lái, thiết bị trên các tàu Nga được thiết kế để tấn công các tàu lớn, không phải các thuyền không người lái tí hon, khiến khả năng phòng thủ của các tàu không hiệu quả.

Thuyền không người lái của hải quân đã được sử dụng để tấn công cây cầu Kerch - nối Crimea với đất liền Nga - vào đầu tháng này, và chúng có thể chứng tỏ vai trò sống còn trước các mối đe dọa của Nga đối với các tàu sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải.

6. 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương do các cuộc tấn công của Nga ở Zaporizhzhia

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật 30 tháng Bẩy, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết các cuộc tấn công của Nga đã khiến hai người thiệt mạng và một người khác bị thương ở thành phố Zaporizhzhia phía nam.

“Một hỏa tiễn của đối phương đã đánh trúng một khu vực trống trải. Thật không may, một người đàn ông và một phụ nữ đã chết. Một phụ nữ khác bị thương”.

“Sóng nổ đã đánh sập cửa sổ của các tòa nhà cao tầng và làm hư hại tòa nhà của một cơ sở giáo dục và một siêu thị”, cô nói thêm.

Các lực lượng Ukraine trong tuần này lần đầu tiên đã tiếp cận pháo đài “răng rồng” quan trọng của Nga, một phần trong tuyến phòng thủ chính của Mạc Tư Khoa. Hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy Nga đã lắp đặt các đường “răng rồng” – tức là các kim tự tháp bằng bê tông và cốt thép được thiết kế để ngăn chặn bước tiến của các phương tiện bọc thép - trên khắp lãnh thổ mà Nga kiểm soát ở Ukraine. CNN đã định vị địa lý một video đến một khu vực ngay phía đông của các ngôi làng nhỏ Nove và Kharkove, gần Robotyno, dọc theo trục Melitopol ở vùng Zaporizhzhia.

7. Hơn 100 chiến binh Wagner di chuyển về phía biên giới với Ba Lan và Lithuania, thủ tướng Ba Lan nói

Hơn 100 lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner đã tiến về hành lang Suwałki, một dải lãnh thổ nhỏ của NATO ngăn cách vùng đất Kaliningrad của Nga với Belarus, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết hôm thứ Bảy.

Morawiecki gọi đó là “một bước tiến tới một cuộc tấn công hỗn hợp hơn nữa vào lãnh thổ Ba Lan.”

Chính phủ Ba Lan đã sử dụng thuật ngữ “tấn công hỗn hợp” để mô tả các nỗ lực của chế độ Belarus láng giềng nhằm thao túng dòng người di cư qua khu vực, gây áp lực lên Liên Hiệp Âu Châu về các lệnh trừng phạt đối với Minsk. Các quan chức Ba Lan đã nói rằng đồng minh của họ là Nga giúp Belarus thực hiện kế hoạch này.

“Chúng tôi có thông tin rằng hơn 100 lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner đã tiến về hành lang Suwałki, cách thành phố Grodno của Belarus không xa. Tại sao họ làm điều đó? Đây chắc chắn là một bước tiến tới một cuộc tấn công hỗn hợp hơn nữa vào lãnh thổ Ba Lan,” Morawiecki nói.

Mateusz cho biết từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 16.000 nỗ lực vượt biên trái phép của người di cư, bị Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin “đẩy sang Ba Lan”.

Thủ tướng cảnh báo, theo Cơ quan báo chí Ba Lan, rằng lính đánh thuê Wagner có thể cố gắng đóng giả người di cư để đi từ Belarus vào Ba Lan.

Ông nói: “Họ có thể sẽ cải trang thành lính biên phòng Belarus và sẽ giúp đỡ những người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ Ba Lan, gây bất ổn cho Ba Lan, nhưng họ cũng có thể sẽ cố gắng xâm nhập Ba Lan giả làm người nhập cư bất hợp pháp và điều này tạo ra thêm rủi ro”.

Căng thẳng gia tăng: Đây là ví dụ mới nhất về căng thẳng khu vực bùng lên khi Lukashenko chào đón quân đội Wagner vào đất nước của mình sau cuộc nổi dậy ngắn ngủi của họ chống lại Mạc Tư Khoa.

Belarus đã thông báo trước đó vào tháng 7 rằng các lực lượng của họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung với các chiến binh Wagner gần biên giới với Ba Lan. Putin cũng đưa ra một loạt cáo buộc vô căn cứ vào tuần trước, cáo buộc Ba Lan nuôi dưỡng kế hoạch “can thiệp trực tiếp” vào cuộc chiến và “xé” các phần của Ukraine cho mình, đồng thời tuyên bố Warsaw có nguyện vọng sáp nhập các phần của Belarus.

Đức đã cam kết NATO sẽ bảo vệ thành viên liên minh Ba Lan trong trường hợp bị tấn công.

Thông tin thêm về hành lang Suwałki: Dải đất mỏng này, còn được gọi là khe hẹp Suwałki, là đường liên kết trên bộ duy nhất giữa các quốc gia vùng Baltic — các thành viên NATO Estonia, Latvia và Lithuania — và phần còn lại của Liên minh Âu Châu. Hành lang ngăn cách khu vực độc lập Kaliningrad của Nga với Belarus và kết nối lãnh thổ Ba Lan và Lithuania.

Kaliningrad bị quân đội Liên Xô chiếm được từ tay Đức Quốc xã vào tháng 4 năm 1945 và sau đó trở thành một phần lãnh thổ của Liên Xô theo Hiệp định Potsdam. Nó được đổi tên từ Königsberg của Đức vào năm 1946.

Năm 2002, Liên Hiệp Âu Châu và Mạc Tư Khoa đã đạt được thỏa thuận về việc đi lại giữa Nga và Kaliningrad, trước khi Ba Lan và Lithuania gia nhập Liên minh Âu Châu vào năm 2004. Khi các quốc gia này gia nhập, vùng ngoại ô này bị lãnh thổ Liên Hiệp Âu Châu bao vây ba mặt.

Nga cho biết thỏa thuận năm 2002 hiện đã bị vi phạm, với việc Lithuania cấm vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt qua lãnh thổ của mình. Nhưng chính phủ ở Vilnius nói rằng họ chỉ ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu được đưa ra sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Nga không thừa nhận rằng họ có vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad, nhưng vào năm 2018, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ đã kết luận rằng Nga đã hiện đại hóa đáng kể một hầm chứa vũ khí hạt nhân trong khu vực, dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh.

8. Putin đổ lỗi cho cuộc phản công của Ukraine khiến không thể ngừng bắn

Khi cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đang diễn ra ác liệt và Kyiv leo thang các cuộc phản công, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng lệnh ngừng bắn rất khó thực hiện.

Ông đưa ra tuyên bố tại một sự kiện báo chí được dàn dựng cẩn thận với sự tham dự của một nhóm nhỏ các phương tiện truyền thông Nga ở thành phố St. Petersburg.

Putin khẳng định Mạc Tư Khoa chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình với Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, để bắt đầu quá trình chấm dứt chiến tranh, cần có một thỏa thuận từ cả hai bên, nhưng rất khó để đạt được một thỏa thuận trong khi quân đội Ukraine đang tấn công.

Putin cũng tuyên bố hôm thứ Bảy rằng các lực lượng Ukraine đã mất hàng trăm xe tăng và hơn 1.000 xe bọc thép kể từ ngày 4 tháng 6, phần lớn trong số đó do phương Tây sản xuất. CNN không thể xác minh độc lập các tuyên bố về diễn biến chiến trường từ bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột.

Bối cảnh chính: Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và một số nhà lãnh đạo Phi Châu khác đã trình bày sáng kiến hòa bình 10 bước cho cả Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi Châu tuần này, ông Putin cho biết Điện Cẩm Linh đang “cẩn thận” xem xét đề xuất của các nhà lãnh đạo Phi Châu và đổ lỗi cho Kyiv vì đã không ngồi vào bàn đàm phán.

Nhưng Zelenskiy đã loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga cho đến khi quân đội của Mạc Tư Khoa rút khỏi lãnh thổ đất nước của ông. Zelenskiy nhận xét rằng cho phép bất kỳ cuộc đàm phán nào trong khi quân đội của một quốc gia khác đang xâm lược Ukraine sẽ chỉ “đóng băng” chiến tranh, nỗi đau và sự đau khổ do cuộc xâm lược của Putin gây ra.

9. Putin và các nhà lãnh đạo Phi Châu sẽ đưa ra tuyên bố chung về Ukraine sau cuộc hội đàm ở thành phố St. Petersburg

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo Phi Châu sẽ đưa ra tuyên bố chung sau cuộc gặp về Ukraine ở St. Petersburg, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các nhà báo hôm thứ Bảy.

“Một tuyên bố chung ngắn gọn đang được chuẩn bị sau cuộc họp. Nó sẽ được phát hành ngay sau khi được đồng ý”, ông Peskov nói.

Một số bối cảnh: Putin đã tiếp đón các nhà lãnh đạo Phi Châu trong một hội nghị thượng đỉnh vào tuần này, tìm cách tăng cường quan hệ sau khi bị quốc tế cô lập bởi cuộc xâm lược Ukraine.

Ông nói với phái đoàn rằng lục địa Phi Châu sẽ trở thành một trong những đối tác quan trọng của Mạc Tư Khoa “trong một thế giới đa cực mới.”

Thế giới đa cực mới mà Putin hứa hẹn dường như không mấy thuyết phục đối với các nhà lãnh đạo Phi Châu, những người hô hào tuân thủ trật tự quốc tế hơn là não trạng mạnh được yếu thua. Phi Châu trong suốt các thập niên gần đây chìm trong bạo lực. Họ cần lương thực, không cần bạo lực.

Đã có những lo ngại sâu sắc ở Phi Châu về việc Nga rút khỏi một thỏa thuận ngũ cốc quan trọng. Putin đề nghị gửi ngũ cốc miễn phí tới sáu quốc gia Phi Châu trong vài tháng tới, điều mà Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ không bù đắp được sự thiếu hụt.

Chỉ có 17 nguyên thủ các quốc gia Phi Châu tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay - ít hơn một nửa trong số 43 nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị năm 2019.

10. 4 người bị thương trong vụ pháo kích của Nga vào vùng Kherson của Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật 30 tháng Bẩy, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết ít nhất 4 người đã bị thương ở vùng Kherson của Ukraine sau khi Nga pháo kích vào các khu dân cư và gần một kho ngũ cốc ở quận Beryslav.

“Đối phương đã thực hiện 29 cuộc tấn công, bắn 126 quả đạn từ súng cối, pháo, xe tăng, máy bay và máy bay không người lái”, trong đó có 11 quả đạn vào thành phố Kherson.

Cô cho biết các khu dân cư của các khu định cư trong vùng và lãnh thổ của kho chứa ngũ cốc ở quận Beryslav đã bị ảnh hưởng.

Một số bối cảnh: Đã có một loạt các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở sản xuất ngũ cốc của Ukraine sau quyết định của Điện Cẩm Linh rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải vào đầu tháng này.

Thỏa thuận cho phép xuất khẩu lúa mì Ukraine an toàn sang thị trường quốc tế - sự sụp đổ của nó đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

11. Thụy Điển lặng lẽ cung cấp cho Ukraine một phương tiện có thể thu hồi xe tăng bị hư hỏng để sửa chữa

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Sweden Quietly Gave Ukraine A Unique Armored Recovery Vehicle—One That Can Retrieve Damaged Tanks For Repair”, nghĩa là “Thụy Điển đã lặng lẽ cung cấp cho Ukraine một phương tiện thu hồi xe bọc thép độc đáo—Một phương tiện có thể thu hồi xe tăng bị hư hỏng để sửa chữa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Thật ngạc nhiên! Khi Thụy Điển viện trợ xe tăng, xe chiến đấu và tăng pháo để trang bị cho khoảng một nửa lữ đoàn quân đội Ukraine, họ cũng trao cho Ukraine ít nhất một phương tiện thu hồi các xe bọc thép rất có giá trị.

Chúng tôi biết điều này không phải vì Stockholm đã thông báo về việc chuyển nhượng, mà vì một nhiếp ảnh gia của Getty đã chụp một bức ảnh về chiếc Bärgningsbandvagn 90 ARV do Thụy Điển sản xuất ở đâu đó trên chiến trường Ukraine trong tuần này. ARV là từ viết tắt cho Armoured recovery vehicle hay xe thiết giáp thu hồi.

Tuy nhiên, nó có ý nghĩa. Sáu tuần sau cuộc phản công ở phía nam Ukraine, các phương tiện thu hồi trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Rất nhiều phương tiện Ukraine bị trúng mìn - đặc biệt là mìn - nhưng không nhiều phương tiện Ukraine bị phá hủy.

Với loại xe ưu tiên thu hồi các xe thiết giáp và xe tăng này, các lực lượng Ukraine có thể thu hồi nhiều phương tiện bị hư hỏng, kéo chúng đến các đơn vị sửa chữa ở hậu phương và sửa chữa chúng.

Bgbv 90 ARV rất đặc biệt. Nó nhỏ hơn và nhẹ hơn nhiều loại ARV của Ukraine, khiến nó phù hợp hơn với các chiến trường đô thị và rừng rậm đông đúc hơn là một loại ARV lớn hơn, và có thể là mạnh hơn.

Bgbv 90 về cơ bản là xe chiến đấu bộ binh CV90 nặng 41 tấn với cần cẩu thay cho tháp pháo. Bgbv 90 chở được bốn người có thể kéo các phương tiện cố định nặng tới 79 tấn.

Büffel ARV lớn hơn mà lực lượng Thụy Điển cũng sử dụng có thể kéo 98 tấn, nhưng sự khác biệt 19 tấn giữa nó và Bgbv 90 không quan trọng lắm đối với lực lượng Ukraine. Để bắt đầu, người Ukraine cũng có ít nhất ba chiếc Büffel mà họ nhận được từ Canada và Đức, cũng như các loại ARV hạng nặng khác bao gồm M-88 do Mỹ sản xuất và ARV Challenger của Anh.

Và Kyiv gần như chắc chắn đã giao những chiếc Bgbv 90 của mình cho Lữ đoàn cơ giới số 21 vừa được thành lập, lực lượng này cũng vận hành 50 chiếc CV90, 10 xe tăng Stridsvagn 122 và 8 khẩu pháo Archer mà Thụy Điển tặng cho Ukraine. Bgbv 90 có thể kéo theo mọi phương tiện chiến đấu trong kho của Lữ đoàn 21.

Lữ đoàn 21 đang tiến dần về phía tiền tuyến phía tây Kreminna ở đông bắc Ukraine, nơi các lực lượng Nga trong những tuần gần đây đã tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhỏ mà họ hy vọng rõ ràng sẽ đánh lạc hướng người Ukraine khỏi cuộc phản công của họ ở phía nam.

Lữ Đoàn 21 vẫn chưa có nhiều trận chiến trực tiếp. Cho đến khi nó xảy ra, các chiến binh Bgbv 90 có thể không có nhiều việc phải làm. Nhưng một khi lữ đoàn tiếp xúc trực tiếp với người Nga - và đặc biệt là nếu lữ đoàn tấn công - sẽ thấy rất nhiều CV90 và Strv 122 bị hư hỏng và bị bỏ lại.

Những phương tiện đó không nhất thiết phải xóa sổ hoàn toàn. Thiết kế phương tiện chiến đấu của phương Tây ưu tiên khả năng bảo vệ. Thiệt hại làm bất động phương tiện không phải lúc nào cũng phá hủy phương tiện.

Hãy xem xét lực lượng xe chiến đấu bộ binh M-2 do Mỹ sản xuất đang phát triển của Ukraine. Những chiếc M-2 thuộc Lữ đoàn cơ giới số 47 của quân đội Ukraine đã tham gia vào cuộc giao tranh ác liệt nhất ở tỉnh Zaporizhzhia, miền nam Ukraine.

Các nhà phân tích tại Oryx, một tổ chức tình báo mã nguồn mở, đã đếm được không ít hơn 35 chiếc M-2 bị hư hại. Tuy nhiên, chỉ một chục trong số 33 phương tiện nặng 33 tấn bị hư hỏng nặng đến mức không thể phục hồi được, một quan chức Mỹ nói với The Washington Post.

Quá trình thu hồi, sửa chữa và đưa trở lại hoạt động của một phương tiện bị hư hại trong chiến đấu bắt đầu với một phương tiện thu hồi bọc thép — ví dụ như Bgbv 90 — lăn bánh trên chiến trường, kéo phương tiện sa lầy ra khỏi bãi lầy và kéo nó về phía sau.

Nếu hư hỏng nhẹ, thợ máy của lữ đoàn sở hữu phương tiện bị hư hỏng có thể tự khắc phục. Thiệt hại nặng hơn có thể yêu cầu lực lượng hậu cần đưa chiếc xe lên một chiếc xe tải hạng nặng và đưa nó đến một kho sửa chữa ở Ukraine hoặc một quốc gia láng giềng.

Trong cả hai trường hợp, người Ukraine càng có nhiều ARV, họ càng có thể lấy và sửa chữa các phương tiện bị hư hỏng nhanh hơn. Nhu cầu về ARV rất cao khi Ukraine bắt đầu mua hàng trăm xe tăng và IFV do phương Tây sản xuất. Thậm chí còn cực đoan hơn khi nhiều lữ đoàn Ukraine đang sử dụng các phương tiện chiến đấu có xu hướng bị hư hại và bất động hơn là bị tiêu diệt.

Trước khi Nga mở rộng cuộc chiến với Ukraine 17 tháng trước, Ukraine chỉ có khoảng 30 chiếc ARV do Liên Xô sản xuất. Khi cuộc chiến mở rộng hơn, các đồng minh nước ngoài của Kyiv đã cam kết cung cấp không ít hơn 36 ARV bổ sung. Người Ukraine cũng đã chế tạo ARV từ trên thân xe tăng T-62 bị bắt của Nga.

Không rõ Thụy Điển đã tặng bao nhiêu Bgbv thập niên 90 cho Ukraine. Tính đến năm 2022, người Thụy Điển có 26 chiếc xe quý giá này.
 
Trung Quốc có thể là điểm dừng chân tiếp theo của đặc phái viên hòa bình Ukraine của Đức Giáo Hoàng
VietCatholic Media
17:02 30/07/2023


1. Hơn 28.600 Thanh niên và 60 Giám mục từ Hoa Kỳ đến Lisbon tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới

Hơn 1.300 nhóm bao gồm hơn 28.600 cá nhân từ khắp Hoa Kỳ, sẽ đến Lisbon, Bồ Đào Nha, để tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) lần thứ 37 với Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong khi số lượng ghi danh vẫn đang tiếp tục tăng, Hoa Kỳ là một trong năm phái đoàn lớn nhất tham gia WYD, diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm 2023. Hầu hết những người hành hương đến WYD của Hoa Kỳ là thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 25.

Đức Giám Mục Robert E. Barron Địa phận Winona-Rochester, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Thanh niên của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết: “Đất nước chúng tôi rất mong chờ cuộc hành hương này. Đức Giám Mục Barron, cùng với 60 giám mục Hoa Kỳ khác, sẽ tháp tùng các bạn trẻ đến Lisbon. Ngài nói tiếp: “Đây là một cơ hội tuyệt vời để những người thành niên trẻ tuổi có một cuộc gặp gỡ quan trọng với Chúa Giêsu Kitô trong sự đồng hành của Giáo Hội hoàn vũ. Đó cũng là thời điểm mà Đức Thánh Cha và ban lãnh đạo Giáo hội có cơ hội lắng nghe những người trẻ hiện diện, giảng dạy và đào tạo họ trong Tin Mừng, và cuối cùng sai họ hướng tới ơn gọi và sứ mệnh của họ trên thế giới.”

Những người hành hương Hoa Kỳ sẽ ở tại các giáo xứ, khuôn viên, nhà ở và khách sạn quanh Lisbon trong tuần lễ WYD, tham gia cầu nguyện và phụng vụ, dạy giáo lý hàng ngày, hòa nhạc, thuyết trình, đối thoại, phục vụ và kết nối với những người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới. Hơn 35 giám mục từ Hoa Kỳ cũng sẽ phục vụ với tư cách là giám mục chính cho các buổi giáo lý hàng ngày mang tên “Hãy trỗi dậy!”

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia cùng với những người hành hương WYD vào ngày 3 tháng 8, trong một buổi lễ Chào mừng tại trung tâm thành phố. Ngài cũng sẽ chủ sự Đàng Thánh Giá vào ngày 4 tháng 8, canh thức cầu nguyện vào ngày 5 tháng 8 và Thánh lễ Bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới, với sự tham dự của hơn một triệu người, vào ngày 6 tháng 8.

USCCB đang lên kế hoạch cho một cuộc Tụ họp Hành hương Quốc gia cho tất cả những người hành hương Hoa Kỳ vào ngày 2 tháng 8, lúc 7:00 tối giờ địa phương Lisbon, tại Parque da Quinta das Conchas, một công viên mở trong thành phố. Sau thời gian âm nhạc và chứng từ của những người trẻ tuổi, Giám mục Barron sẽ đưa ra một bài phát biểu quan trọng và cùng với Giám mục Edward Burns của Dallas, hướng dẫn Giờ Thánh như một phần của sáng kiến Phục hưng Thánh Thể Quốc gia.

Ủy ban Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Thanh niên của USCCB gần đây đã hợp tác với các nhà tổ chức WYD ở Lisbon và Oregon Catholic Press trên phiên bản tiếng Anh của bài thánh ca chính thức của WYD, “Feel the Rush in the Air,”

Ngày Giới trẻ Thế giới bắt đầu vào năm 1986 như một sáng kiến do Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng, nhằm quy tụ những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới để gặp gỡ Chúa Kitô và Giáo hội hoàn vũ. WYD chính thức diễn ra hàng năm với tư cách là Lễ kỷ niệm toàn cầu của giới trẻ. Tuy nhiên, cứ sau 2 đến 4 năm, một sự kiện quốc tế lớn lại được tổ chức ở một địa điểm khác trên thế giới. Các WYD trước đây bao gồm Buenos Aires (1987), Santiago de Compostela (1989), Czestochowa (1991), Denver (1993), Manila (1995), Paris (1997), Rôma (2000), Toronto (2002), Cologne (2005), Sydney (2008), Madrid (2011), Rio de Janeiro (2013), Krakow (2016) và Panama (2019).


Source:USCCB

2. Thầy Alois Löser chọn người kế nhiệm lãnh đạo tu viện Taizé

Ngày 23 tháng Bảy vừa qua, thầy Alois Löser, một tín hữu Công Giáo người Đức, Bề trên tu viện đại kết Taizé bên Pháp, thông báo là đã chọn người kế nhiệm là thầy Matthew Thorpe, 58 tuổi, thuộc Anh giáo. Thầy Thorpe sẽ nhận nhiệm vụ Bề trên, từ Chúa nhật thứ I Mùa vọng năm nay.

Nguồn gốc tu viện Taizé bắt đầu với thầy Roger Schutz người Thụy Sĩ thuộc Giáo hội Tin lành trưởng lão, đến sống tại làng Taizé, miền Bourgogne bên Pháp, từ năm 1940 và năm 1949 thầy chính thức lập cộng đoàn đại kết với một số tu huynh thuộc nhiều hệ phái Kitô khác nhau và hiện nay có khoảng 100 tu sĩ thuộc 25 nước. Cũng có những nhóm nhỏ các tu huynh Taizé sinh sống và hoạt động tại những khu xóm nghèo ở Á, Phi, Nam và Bắc Mỹ.

Quy luật của Taizé không quy định nhiệm kỳ của Tu viện trưởng, nhưng năm 1998, thầy Roger tuyên bố chọn thầy Alois Löser, người Công Giáo Đức, thuộc bang Bavaria làm người kế nhiệm. Thầy Alois bắt đầu nhiệm vụ này sau khi thầy Roger bị một phụ nữ bệnh tâm thần dùng dao đâm chết trong buổi cầu nguyện tối ngày 15 tháng Tám năm 2005.

Chúa nhật 23 tháng Bảy vừa qua, thầy Alois, năm nay 69 tuổi (1954), tuyên bố với cộng đoàn rằng “18 năm sau khi kế nhiệm thầy Roger, với thế giới và Giáo hội đã thay đổi rất nhiều trong hai thập niên qua, tôi cảm thấy rằng đã đến lúc một anh em đã gia nhập cộng đoàn chúng ta sau tôi, đảm nhận trách nhiệm của tôi. Trong sự cảm thông gia đình của chúng ta về đời sống cộng đoàn, sứ vụ của tu viện trưởng không có giới hạn tuổi tác hoặc thời hạn ấn định trước. Nhưng tôi tự nhủ: tôi có nhiệm vụ chuyển giao trách vụ này trong khi tôi có thể có giờ để chuẩn bị cho sự chuyển tiếp này mà không bị một ràng buộc nào. Trong hai năm gần đây, tôi đã tham khảo ý kiến các anh em tôi, chúng tôi đã cầu nguyện và suy nghĩ. Và tôi đã chọn thầy Matthew làm tân bề trên của Taizé. Tôi hoàn toàn tin tưởng thầy sẽ mang lại sự tiếp tục và đề ra những bước tiến đúng để thúc đẩy cộng đoàn chúng ta là “một dụ ngôn nhỏ bé về tình hiệp thông”, theo ý hướng của vị sáng lập.

Thầy Matthew Thorne sinh ngày 10 tháng Năm năm 1965, tại Pudsey Anh quốc, gia nhập Cộng đồng Taizé ngày 10 tháng Mười Một năm 1986, lúc 21 tuổi.

3. Trung Quốc có thể là điểm dừng chân tiếp theo của đặc phái viên hòa bình Ukraine của Đức Giáo Hoàng

Sau khi thực hiện các chuyến đi đến Kyiv, Mạc Tư Khoa và Washington DC như một phần trong sứ mệnh hòa bình của mình thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc chiến ở Ukraine, Đức Hồng Y người Ý Matteo Zuppi hiện có thể sẽ đến Bắc Kinh, theo các tài khoản trên các phương tiện truyền thông Ý.

Sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm đặc phái viên hòa bình cho cuộc chiến Ukraine vào đầu mùa hè này, Đức Hồng Y Zuppi đã thực hiện chuyến thăm từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 6 tới Kyiv, nơi ngài gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các nhà lãnh đạo chính phủ và Giáo hội cấp cao khác, và tới Mạc Tư Khoa từ Ngày 28 đến 29 tháng 6, nơi ngài gặp các thành viên của Bộ Ngoại giao Nga cũng như Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, nhưng không gặp Tổng thống Vladimir Putin.

Một trong những điểm thảo luận chính trong mỗi chuyến thăm là trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine, cũng như việc trao trả trẻ em Ukraine bị cưỡng bức bắt cóc về Nga – một yêu cầu mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy đã đưa ra với Vatican trong chuyến thăm Rôma vào tháng Năm.

Theo Kyiv, cho đến nay có khoảng 19.592 trẻ em đã bị bắt khỏi Ukraine và trục xuất về Nga.

Để được trợ giúp về những vấn đề này, Đức Hồng Y Zuppi cũng đã tìm cách thu hút sự tham gia của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Gần đây, ngài đã kết thúc giai đoạn thứ ba của nhiệm vụ của mình, trong đó ngài đã đến thăm Washington DC từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 7, gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, các thành viên của Ủy ban An ninh và Hợp tác Hoa Kỳ ở Âu Châu, những người tham gia Bữa sáng Cầu nguyện Thượng viện, và các cơ quan giáo hội hàng đầu của Hoa Kỳ.

Nhiều phương tiện truyền thông Ý đã đưa tin rằng giai đoạn tiếp theo trong sứ mệnh của Đức Hồng Y Zuppi sẽ là thăm Bắc Kinh, nơi ngài sẽ gặp chính quyền Trung Quốc để thảo luận về các sáng kiến nhân đạo và hòa bình khác, bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi tù nhân và trao trả trẻ em Ukraine.

Các quan chức Trung Quốc rõ ràng sẵn sàng tiếp đón Đức Hồng Y Zuppi, chuyến thăm của ngài đã được thông báo là đã được phê duyệt và ngày giờ đang được tổ chức. Một số nhà quan sát cho rằng nó có thể đến sớm nhất là vào giữa tháng 8.

Nếu Đức Hồng Y Zuppi đến thăm Bắc Kinh, nó sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ Vatican-Trung Quốc, vì hai bên đã không có quan hệ ngoại giao chính thức trong hơn 70 năm, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao lên nắm quyền và buộc sứ thần lúc đó tại Trung Quốc, Đức Tổng Giám Mục Antonio Riberi, ra đi hai năm sau đó.

Chuyến thăm của Đức Hồng Y Zuppi tới Bắc Kinh sẽ đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao kể từ khi Đức Hồng Y Roger Etchegaray đi vào năm 1980, thực hiện các chuyến thăm tiếp theo cho các hội nghị vì những lý do khác vào năm 1993, 2000 và 2003, theo một tuyên bố của chính Đức Hồng Y Etchegaray với giới truyền thông trong năm 2010.

Cho đến nay, Trung Quốc, quốc gia có mối quan hệ bền chặt với Nga, đã có quan điểm thận trọng trong cuộc chiến Nga-Ukraine, từ chối lên án cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 năm 2022 của Nga, nhưng kêu gọi các bên tránh các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng. Trung Quốc cũng kêu gọi các bên tại các địa điểm của Liên Hiệp Quốc nối lại các cuộc đàm phán về bảo đảm lương thực và nối lại xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Trung Quốc thường thực hiện chính sách không can thiệp khi xảy ra các cuộc xung đột bên ngoài biên giới của mình, nhưng ngày càng được coi là một trung gian hòa giải tiềm năng trong cuộc chiến Ukraine-Nga.

Theo Marco Impagliazzo, chủ tịch Cộng đồng Sant'Egidio, chuyến thăm Trung Quốc của Đức Hồng Y Zuppi “không chỉ có thể xảy ra mà còn đáng mong đợi. Trung Quốc là một bên đối thoại cơ bản trong cán cân địa chính trị toàn cầu và có thể có ảnh hưởng đối với Nga”.

Chuyến thăm của Đức Hồng Y Zuppi và việc các quan chức Trung Quốc sẵn sàng tiếp đón ngài cũng sẽ diễn ra trong bối cảnh Vatican gia tăng nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ chính thức hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Vatican News, Quốc vụ khanh Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, người Ý, đã đề cập đến quyết định của Đức Thánh Cha công nhận việc thuyên chuyển một giám mục ở Trung Quốc vào đầu năm nay mà ngài không hề hay biết hoặc chấp thuận mặc dù thực tế là điều đó vi phạm các điều khoản của thỏa thuận tạm thời năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục.

Đức Hồng Y Parolin cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra quyết định “vì lợi ích lớn hơn của giáo phận và việc thi hành hiệu quả” thừa tác vụ của giám mục ở đó.

Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác nhiều hơn giữa Tòa thánh và chính quyền Trung Quốc về các quyết định này và cho biết một “văn phòng liên lạc ổn định” sẽ “cực kỳ hữu ích” trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại tiếp theo và bảo đảm sự hợp tác trong tất cả các quyết định liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục.

Một nguồn tin biết về đề xuất thành lập văn phòng liên lạc đã nhấn mạnh rằng các quan chức Vatican đã thúc đẩy sự hiện diện thường trực ở Trung Quốc trong “một thời gian dài” và họ muốn văn phòng ở Bắc Kinh, nhưng nhấn mạnh rằng sẽ không có “ một sự hiện diện ngoại giao”.

Thay vào đó, ý tưởng là có một đại diện thường trực để giúp bảo đảm rằng các quyết định, đặc biệt là những quyết định liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục theo thỏa thuận năm 2018, được đưa ra với sự cộng tác và để thiết lập mối liên lạc nhất quán và thường xuyên giữa các giám mục Trung Quốc và Rôma.

Do đó, chuyến thăm của Zuppi tới Trung Quốc có thể sẽ được coi không chỉ là một nỗ lực nhằm giảm leo thang chiến tranh Nga-Ukraine, mà còn là một phần trong chương trình nghị sự dài hạn của chính Vatican nhằm củng cố mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Quốc.


Source:Crux