Ngày 01-08-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
19:12 01/08/2016
Xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần

LỄ CHÚA BIẾN HÌNH

(Lc 9, 28b-36)

Ngày sáu tháng Tám trong năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm một mầu nhiệm vĩ đại là biến cố Biến Hình của Chúa Giêsu. Lịch sử cho thấy ba Tông Đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê là những tấm gương trong việc lắng nghe lời Đức Giêsu và để Chúa Thánh Thần biến đổi. Thánh sử Luca nhắc đến việc Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện, và đang khi cầu nguyện... bỗng có hai vị đàm đạo với Người, là Môsê và Êlia.... Một số câu hỏi được đặt ra chung quanh biến cố Chúa Biến Hình :

1. Tại sao Đức Giêsu Biến Hình ?

2. Tại sao Môi-se và Ê-li lại có mặt lúc Chúa Giêsu Biến Hình?

3. Tại sao không phải là các Tông đồ khác mà lại là Phêrô, Giacôbê và Gioan được Đức Giêsu đưa lên núi ?

Chúng ta biết, trước khi Chúa Giêsu biến hình, Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng chừng năm ngàn người ăn no (Lc 9, 14), loan báo cuộc thương khó lần thứ I (Lc 9, 22). Tám ngày sau (Lc 9, 28), Matthêu và Marcô (Mt 17, 1-9) và (Mc 9, 1-9) thì sáu ngày sau. Chúa đưa Phêrô, Gioan và Giacôbê lên một ngọn núi và biến hình trước mặt các ông. Vì chưa nhận ra ý Chúa nên Phêrô muốn dựng ba lều ở trên núi Tabore (Lc 9, 33). Và như thế, Phêrô đã muốn biến cái tạm thời trở thành cái vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với khổ đau và thập giá. Chúa biến hình để củng cố niềm tin của các ông trước cuộc khổ nạn.

Trở lại câu hỏi tại sao Đức Giêsu lại chọn ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, phải chăng là vì họ hoàn hảo hơn những người khác?

Theo Thánh Gioan Kim Khẩu, Phêrô được chọn là vì Phêrô đã từng tuyên xưng Đức Giêsu là “Ðức Kitô của Thiên Chúa” và được Đức Giêsu trao cho chìa khóa Nước Trời (Mt 16, 19). Hơn nữa cũng bởi Phêrô đã yêu mến Chúa Giêsu Kitô nhiều hơn, “Lạy Chúa, Chúa thông hay mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa!” (Ga 21, 17). Phần Gioan, vì Gioan đã yêu mến nhiều, nên được mệnh danh là “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 21, 20). Còn Thánh Giacôbê, là vì phản ứng của ông đã thực hiện cùng với anh trai mình: “Chúng tôi có thể uống chén của Thầy” (Mt 20,22) ông giữ lời và đã đi đến cùng của lời cam kết, khiến người Do Thái không chịu nổi, đã xử trảm ông.

Tại sao không phải là một tiên tri hay ngôn sứ nào khác mà lại là Môi-sen và Ê-lia?

Sứ vụ công khai của Chúa Giêsu tại Galilê đã khiến cho dân chúng đồn đoán về Ngài. Có kẻ cho rằng Ngài là Đấng Kitô, kẻ khác cho là Môi-sen hoặc Ê-lia, Giê-rê-mia hay là một tiên tri (Lc 9,19). Chúng ta biết rằng, người Do Thái không ngừng buộc tội Chúa Giêsu Kitô là người vi phạm luật, kẻ nói phạm thượng, kẻ chiếm đoạt vinh quang, mà theo họ, vinh quang đó không thuộc về Đức Giêsu, vinh quang của Thiên Chúa Cha. Họ thường nói: “Con người ấy không bởi Thiên Chúa được, vì hắn không giữ Hưu lễ!” (Ga 9, 16). Và chỗ khác họ nói : “Không phải vì một việc trọn hảo mà chúng tôi ném đá ông; nhưng vì một lời phạm thượng! ông là một người phàm mà dám cho mình là Thiên Chúa” ( Ga 10, 33). Đức Giêsu muốn chỉ cho mọi người biết, vì nghen tương mà họ gán cho Chúa hai tội danh ấy. Khi Ngài biến hình đàm đạo với hai nhân vật là Môi-sen và Ê-lia, Ngài khẳng định mình còn hơn cả Môi-sen và Ê-lia nữa. Môi-sen là người đã trao ban lề luật cho dân chúng, nên những người Do Thái không thế nói rằng vị tiên tri thánh này đã muốn chịu đau khổ vì một người vi phạm lề luật. Còn Êlia xuất hiện cùng Đức Giêsu, Đức Giêsu dạy chúng ta rằng Ngài là Chúa của kẻ sống và kẻ chết, cả trên trời và trong địa ngục. Đó là lý do Ngài biến hình cùng với Ê-lia là người đã không chết.

Đức Giêsu biến hình để cho chúng ta được chiêm ngưỡng :

Vinh quang Ba Ngôi

Vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ trong Biến Cố Chúa Biến Hình." Biến cố Chúa Biến Hình trên núi Tabor là như hình ảnh loan báo trước cho biến cố Chúa Phục Sinh. Trong biến cố Biến Hình, Chúa mạc khải vinh quang mình cho các tông đồ với lời xác nhận của Thiên Chúa Cha: “Ðây là Con Ta Yêu Dấu!” (Lc 9, 35). Trong ánh sáng vinh quang của Người, chúng ta nhìn thấy ánh sáng; và được Chúa Thánh Thần nâng lên, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi qua mọi muôn thế hệ .

Lắng nghe lời Đức Giêsu

Trong biến cố Chúa Biến Hình, chúng ta không những chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa, mỗi ngày một sâu xa hơn vừa đi từ ánh sáng nầy sang ánh sáng khác, nhưng chúng ta còn được mời gọi hãy lắng nghe Lời Chúa được gởi đến chúng ta. Ngoài Lời Lề Luật nơi Ông Môi-sen và Lời Tiên Tri nơi Sứ Ngôn Elia, còn vang lên Lời của Thiên Chúa Cha hướng chúng ta đến Con Thiên Chúa. Khi chỉ cho chúng ta biết “Con Yêu Dấu của Ngài”, và Thiên Chúa Cha mời gọi chúng ta hãy lắng nghe Con Ngài “các người hãy nghe lời Người” (Lc 9, …).

Xin ơn biến đổi

Nhìn xem và lắng nghe, chiêm ngắm và vâng phục, đó là những con đường dẩn dắt chúng ta lên Núi Thánh trên đó Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải trong vinh quang của Chúa Con. Trong Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, Cha phước Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta. Mượn lời thánh Gioan Damasceno chúng ta thưa : “Lạy Chúa Kitô, Chúa đã thu hút con bằng cách làm cho con ao ước Chúa, và Chúa đã biến đổi con bằng tình yêu của Chúa. Xin hãy dùng lửa linh thánh thiêu đốt hết mọi tội lỗi con, và xin thương ban cho con được tràn đầy sự dịu dàng của Chúa, ngõ hầu được đầy tràn niềm vui, con cất lời chúc tụng những thể hiện vinh quang Chúa.” Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video WYD 2016: Krakow trở thành trung tâm của Tình Huynh Đệ
VietCatholic Network
12:03 01/08/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tại Krakow trong những ngày này được bao phủ bởi một bầu khí hòa bình an vui. Trong khi châu Âu đang co quắp lại bởi những tin tức đáng kinh sợ hàng ngày về các vụ khủng bố bắn giết, nổ bom, đâm chém của những kẻ cực đoan, thì Krakow đang trở thành trung tâm của tình huynh đệ. Từ Đại hội Giới trẻ, hàng chục ngàn bạn trẻ chọn gửi đi cùng một sứ điệp hòa bình, ngay cả khi ngôn ngữ họ dùng khác nhau.

Paola, một bạn trẻ người Colombia chia sẻ: “Mặc dù có sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ nhưng có một tinh thần chung: là ước mơ, khao khát tham gia vào Ngày Giới Trẻ này. Krakow là một thành phố rất Công Giáo và thành phố của niềm tin. Ví dụ như trong Thánh lễ ngày Chúa Nhật có rất nhiều nhiều bạn trẻ và tôi tin đây là một điều mà Ba Lan muốn dạy cho tất cả chúng ta: cách thức các người trẻ đến gần Thiên Chúa. Tôi tin là nơi đây có đang có ngọn lửa biến đổi trái tim, như lời kinh chính thức của Đại hội Giới trẻ. Tất cả các bạn trẻ này sẽ đến để thắp sáng tâm hồn và con tim của họ”.

Một bạn trẻ khác đến từ vùng Cuneo nước Italia, và là tình nguyện viên trong ban tổ chức ngày họp mặt ở Krakow, cô diễn tả về sức mạnh của việc tham gia vào ngày Giới trẻ, đó là điều thường thúc đẩy thực hiện những chọn lựa mạnh mẽ của cuộc sống và dấn thân. Cô chia sẻ: “Tôi đã tham gia như một khách hành hương vào ngày Giới trẻ Quốc tế ở Madrid. Đối với tôi đó là một khoảnh khắc đẹp nhất! Đức tin của tôi đã tăng trưởng rất nhiều và tôi đã có cơ hội gặp gỡ những người đến từ khắp nơi trên thế giới… Tôi đã học biết cầu nguyện. Tôi đã bắt đầu dấn thân hơn vào giáo xứ và quyết định phục vụ trong kỳ đại hội Giới trẻ này để các bạn trẻ khác có thể sống, nếu không có cùng kinh nghiệm của tôi, thì ít nhất có một kinh nghiệm đẹp như tôi đã có. Ở đây ai cũng có thể nhận ra là: không có ai thực sự lẻ loi. Nơi đây tất cả chúng tôi ở cùng với nhau; không biết nhau, nhưng chúng tôi lớn lên, chúng tôi trở thành một gia đình.”

Một bạn trẻ khác người Palestin chia sẻ: “Thực tế là tôi muốn đến đây để nhìn tận mắt Đức Giáo Hoàng Phanxicô và để tham dự vào Năm Thánh Lòng thương xót, và để chia sẻ những giây phút đáng nhớ của đức tin với các bạn trẻ khác”. Được hỏi về sứ điệp mà bạn muốn chuyển đến Đức Thánh Cha, cô nói: “Chủ đề được chọn cho Năm Thánh Lòng Thương xót thực sự rất đẹp: chúng ta thực sự cần lòng thương xót, năm nay, đặc biệt nếu tôi nhìn về quê hương tôi, Palestin, đang chịu đau khổ rất nhiều vì chiến tranh”….

Tại Krakow, các bạn trẻ được mời gọi trở thành thừa sai lòng thương xót.

Cô Tara Gouldring chưa bao giờ nghĩ đến việc trở thành một nhà thừa sai đối với người khác, nhưng sau khi dự buổi giáo lý do Đức Cha Frank Caggiano của Giáo phận Bridgeport, Connecticut hướng dẫn vào ngày 28/7, cô được soi sáng để thấy lòng thương xót của Thiên Chúa trong rất nhiều cách thế và có thể mang nó vào trong cuộc sống như thế nào và làm sao để yêu người khác dù cho họ làm điều không tốt với bạn.

Bài chia sẻ của Đức Cha Caggiano tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu tập trung vào ý tưởng là bất cứ ai cũng có thể trở thành một thừa sai của lòng thương xót qua việc bày tỏ sự cảm thông, tình yêu và thái độ quan tâm đối với những ai đang đau khổ.

Đức Cha đã đưa khoảng 150 bạn trẻ đang tập trung trong nhà thờ, phần lớn thuộc Giáo phận Birmingham, Anh quốc, trở lại ngày ngài còn là đại diện bán hàng cho một nhà xuất bản lớn ở New York. Mỗi sáng trên đường đi làm, ngài gặp một người vô gia cư trong một quảng trường dọc đại lộ America. Hàng tuần qua đi, ngài đã không nhận thấy người đàn ông đó; phải mất 2 tháng để nhận ra một người đàn ông ở đó; ngài đã dường như bước trên người ông ta. Khi nhận ra đó là một con người, cha bắt đầu cho ông một đô la mỗi ngày. Đức Cha chia sẻ: “Cha đã nghĩ là cha đang cho ông ta điều ông cần, nghĩ là cha đang làm điều tốt, nghĩ là cha là một người Công Giáo tốt.” Nhưng hôm nay, Đức Cha nhận ra mình còn thiếu lòng thương xót, Đức Cha giải thích: vì điều đó “có thể là đủ tốt đối với thế giới nhưng không đủ đối với Chúa Giêsu Kitô. Nó không phải là điều chúng ta được gọi để làm. Chúng ta được gọi để làm hơn thế nữa”. Đức Cha đã quỳ xuống và thực hiện cách thế mà lẽ ra ngài đã nên làm khi thấy người đàn ông vô gia cư đó. Đức Cha nói: “các con quỳ xuống và đặt tay dưới họ và ôm họ gần vào mình và nâng họ lên. Và mùi của chiên là khi trái tim của các con và trái tim của họ thật gần, đến độ họ có thể sờ được.”

Đức Cha chia sẻ là lòng thương xót có thể thực hiện với bất cứ ai và bất cứ lúc nào, bao lâu nó cần theo gương Chúa Giêsu và ngài gợi ý: Ngày Quốc tế Giới trẻ 2016 có thể là khởi đầu của hành động thương xót đối với những ai tham dự 6 ngày cử hành đức tin này. Nó không dễ dàng và chúng ta có thể thất bại, không làm được, nhưng chúng ta học được từ thất bại, vì Chúa Giêsu yêu chúng ta. Đức Cha kêu gọi cá nhân mỗi cử tọa trở thành thừa sai của lòng thương xót.

Bridget Phiri, 20 tuổi, từ Wolverhampton, Anh quốc cũng gặp thấy mình trong câu chuyện của Đức Cha Caggiano, “thay vì chỉ cho họ tiền, tôi cần đứng lên và ôm họ và làm cho họ cảm thấy họ cũng là con người, giống như họ được chấp nhận trong xã hội; cần làm điều gì đó rõ ràng hơn là cho họ vài đồng rồi bỏ đi.”

Toby Duckworth, 21 tuổi, người sẽ vào chủng viện Anh ở Roma tháng 8 tới, kết luận: Có thử thách đối với chúng ta là vượt qua điều mà thế giới thấy như thương xót. Vượt lên trên ngay cả điều mà chúng ta, như những con người, nghĩ đó là lòng thương xót. Đối với tôi đó là một thử thách lâu dài, luôn luôn, và ở mọi nơi”. Anh thú nhận là khi trở về Anh quốc và những nơi khác, các khách hành hương gặp thấy khó khăn để vượt lên trên những vòng xoay bình thường của họ. Thử thách “là Chúa Giêsu với người khác”.
 
Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
VietCatholic Network
02:33 01/08/2016
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự về Thánh lễ Bế mạc ĐHGT tại cánh đồng Lòng chúa Thương xót sáng Chúa Nhật 31/7 lúc 10 giờ sang.

Trong lúc ca đoàn hát nhập lễ thì Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế tiến lên lễ đài. Ca đoàn vừa dứt tiếng hát thì Đức Thánh Cha làm dấu Thánh giá bắt đầu Thánh lễ:

Nhân danh Cha và Con và Thánh thần…

Sau đó là lời mời gọi thống hối , kinh cáo mình và ca đoàn hát Kinh thương xót và Kinh Vinh danh và rồi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện đầu lễ:

Chúng ta hãy cầu nguyện.

Lạy Thiên Chúa Cha hằng hữu, qua Con Cha chúa chúng con Ngài đã đồng hành cùng chúng con trong thân phận khổ đau của phận người. Xin nhìn đến những anh chị em chúng con đang dau khổ xác hồn… Xin Chúa trở nên Vị Lương Y chúng con cần chạy tới để được cứu chữa. Xin kiện cường sức mạnh cho chúng con hầu chúng con có thể phục vụ Chúa và anh chị em chúng con trong niềm vui Thần Linh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Sau đó là phần phụng vụ Lời Chúa bài đọc thứ nhất trích từ sách Tiên tri Hosea 6:1-6

1 “Nào chúng ta hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA.

Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành.

Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương.

2 Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống;

ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy,

và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người.

3 Chúng ta phải biết ĐỨC CHÚA, phải ra sức nhận biết Người;

như hừng đông mỗi ngày xuất hiện,

chắc chắn thế nào Người cũng đến.

Người sẽ đến với chúng ta như mưa rào,

như mưa xuân tưới gội đất đai.”

4 Ta phải làm gì cho ngươi đây, Ép-ra-im hỡi?

Ta phải làm gì cho ngươi, hỡi Giu-đa?

Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng,

mau tan tựa sương mai.

5 Vì vậy, Ta dùng ngôn sứ mà đánh phạt chúng,

lấy lời miệng Ta mà diệt trừ.

Phán quyết của Ta sẽ bừng lên như ánh sáng.

6 Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ,

thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.

Tội ác của Ít-ra-en xưa và nay

Đáp ca: Hãy tường thuật các kỳ công Chúa đã làm

Thánh vịnh 95

- 1 Hãy đến đây ta reo hò mừng CHÚA,

tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,

2 vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,

cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.

- 3 Bởi ĐỨC CHÚA là Chúa Trời cao cả,

là Đại Vương trổi vượt chư thần,

4 nắm trong tay bao vực sâu lòng đất,

giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao.

- 5 Đại dương Chúa đã tạo thành là của Chúa,

lục địa do tay Người nhào nắn cũng thuộc về Người.

6 Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,

quỳ trước tôn nhan CHÚA là Đấng dựng nên ta.

- 7 Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,

còn ta là dân Người lãnh đạo,

là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.

Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!

Bài đọc 2 trích từ thư Thánh Phaolo gửi giáo đoàn Epheso (2:4-10)

4 Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta,5 nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!6 Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.

7 Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người.8 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa;9 cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.10 Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

Ca đoàn hát Alleluia trong lúc đó thầy phó tế tời Đức Thánh Cha xin phép lành và rước Phúc âm tới lễ đài để xông hương và hát Phúc âm (Luc 19: 1-10)

1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Sau bài Phúc âm, Đức Thánh Cha đã quảng diễn Lời Chúa cho cộng đoàn

Các bạn trẻ thân mến, các con đã đến Krakow để gặp Chúa Giêsu. Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta chính cuộc gặp gỡ như thế giữa Chúa Giêsu và một người đàn ông tên là Giakêu, tại Jericho (Lc 19: 1-10). Ở đấy, Chúa Giêsu không chỉ rao giảng hay chào hỏi mọi người; như Thánh sử nói với chúng ta, Người đi qua thành phố (v. 1). Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn đích thân đến gần chúng ta, để đi cùng với chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta cho đến lúc chót, để cuộc sống của Người và cuộc sống của chúng ta thực sự có thể gặp nhau.

Một cuộc gặp gỡ tuyệt vời sau đó đã diễn ra, với Giakêu, giám đốc thu thuế. Như thế, Giakêu là một cộng tác viên giàu có của những kẻ chiếm đóng La Mã đáng ghét, người bóc lột chính nhân dân của mình, một người, vì tiếng xấu của mình, thậm chí không thể tiếp cận Thầy. Cuộc gặp gỡ của ông với Chúa Giêsu đã thay đổi cuộc sống của ông, và hàng ngày vẫn có thể thay đổi mỗi cuộc đời của chúng ta. Nhưng Giakêu đã phải đối mặt với một số trở ngại mới được gặp Chúa Giêsu. Ít nhất ba trong số các trở ngại này cũng có thể nói một điều gì đó cho chúng ta.

Trở ngại đầu tiên là tầm vóc nhỏ bé. Giakêu không thể nhìn thấy Thầy, vì ông nhỏ con. Cả ngày nay, chúng ta cũng có thể có nguy cơ không đến gần được Chúa Giêsu, vì chúng ta không cảm thấy đủ lớn, bởi vì chúng ta không nghĩ rằng mình xứng đáng. Đây là một cám dỗ lớn; nó liên hệ không những với lòng tự trọng, mà còn với chính đức tin nữa. Vì đức tin cho chúng ta biết: chúng ta là "con cái của Thiên Chúa ... đó là điều chúng ta là" (1 Ga 3: 1). Chúng ta đã được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa; Chúa Giêsu đã mặc lấy nhân tính của chúng ta và trái tim Người sẽ không bao giờ xa cách chúng ta; Chúa Thánh Thần muốn ngự trong chúng ta. Chúng ta đã được kêu gọi để được hạnh phúc mãi mãi với Thiên Chúa!

Đó chính là "tầm vóc" đích thực của chúng ta, là bản sắc thiêng liêng của chúng ta: chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa, luôn luôn. Vì vậy, các con có thể thấy rằng không chấp nhận chính mình, sống một cách rầu rĩ, tiêu cực, có nghĩa là không thừa nhận căn tính sâu xa nhất của chúng ta. Giống như ngoảnh đi khi Thiên Chúa muốn nhìn tôi, cố tình làm hỏng giấc mơ của Người đối với tôi. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong con người hiện hữu của chúng ta, và không tội, không lỗi hoặc sai lầm nào của chúng ta làm cho Người thay đổi tâm trí. Còn đối với Chúa Giêsu - như Tin Mừng cho thấy - không ai là bất xứng, hoặc xa rời suy nghĩ của Người. Không ai là không đáng kể. Người yêu thương tất cả chúng ta với một tình yêu đặc biệt; Đối với Người, tất cả chúng ta đều quan trọng: các con là quan trọng! Thiên Chúa trông mong các con vì con người các con, chứ không phải vì những gì các con sở hữu. Trong mắt Người, những bộ quần áo các con mặc hoặc các loại điện thoại di động các con sử dụng là hoàn toàn không có liên quan chi. Người không quan tâm việc các con có hợp mốt hay không; Người quan tâm đến các con! Trong mắt Người, các con quý giá, và giá trị của các con là vô giá.

Đôi khi, trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đặt mục tiêu thấp hơn thay vì cao hơn. Những lúc đó, tốt hơn nên nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn trung thành, thậm chí còn cố chấp, trong tình yêu của Người dành cho chúng ta. Sự thực là, Người yêu thương chúng ta thậm chí còn nhiều hơn chúng ta yêu bản thân mình. Người tin chúng ta thậm chí còn nhiều hơn chúng ta tin tưởng vào chính mình. Người luôn "cổ vũ chúng ta"; Người là người hâm mộ lớn nhất của chúng ta. Người ở đó cho chúng ta, kiên nhẫn và hy vọng chờ đợi, ngay cả khi chúng ta quay vào trong chính mình và nghiền ngẫm các rắc rối và chấn thương trong quá khứ của mình. Nhưng nghiền ngẫm như vậy là không xứng đáng với tầm vóc thiêng liêng của chúng ta! Nó là một loại vi khuẩn lây nhiễm và ngăn chặn mọi sự; nó đóng mọi cánh cửa và ngăn cản chúng ta đứng dậy và bắt đầu lại. Mặt khác, Thiên Chúa là Đấng hy vọng một cách vô vọng! Người tin rằng chúng ta luôn luôn có thể đứng dậy, và Người ghét nhìn thấy chúng ta cau có và ảm đạm. Bởi vì chúng ta luôn là những con trai và con gái yêu quý của Người. Chúng ta hãy chú ý đến điều này vào hừng đông của mỗi ngày mới. Quả là điều tốt cho chúng ta nếu mỗi buổi sáng, ta đều cầu nguyện: "Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì đã yêu thương con; xin giúp con biết yêu cuộc sống của chính con!" Không yêu lỗi lầm của con, là điều cần được sửa trị, nhưng yêu cuộc sống riêng của con, vốn là một hồng phúc tuyệt vời, vì đây là thời để yêu thương và được yêu thương.

Giakêu phải đối mặt với một trở ngại thứ hai trong cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu: sự tê liệt do xấu hổ. Chúng ta có thể tưởng tượng những gì đang diễn ra trong trái tim ông trước khi ông leo lên cây sung đó. Đây hẳn phải là một cuộc đấu tranh - một đàng, là tò mò và uớc muốn lành mạnh được biết Chúa Giêsu; đàng khác, nguy cơ bị phát hiện như một người hoàn toàn kỳ cục. Giakêu là một nhân vật công cộng, một người đàn ông có quyền lực. Ông biết rằng, khi cố gắng leo lên cây đó, ông sẽ trở thành một trò cười cho mọi người. Tuy nhiên, ông làm chủ sự xấu hổ của mình, bởi vì sự lôi cuốn của Chúa Giêsu mạnh hơn. Các con biết điều gì xảy ra khi một người nào đó lôi cuốn đến nỗi chúng ta đem lòng yêu thương họ: kết cục, chúng ta sẵn sàng làm những điều mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm. Một điều gì đó tương tự đã diễn ra trong trái tim Giakêu, khi ông nhận ra rằng Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho Người, vì chỉ có Chúa Giêsu mới có thể kéo ông ra khỏi vũng lầy của tội lỗi và bất mãn. Sự tê liệt vì xấu hổ đã không cuỗm được tay trên. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Giakêu "chạy lên trước", "leo lên" cây, và rồi, khi Chúa Giêsu gọi ông, ông đã "vội vã leo xuống" (cc. 4, 6). Ông đã đánh liều, ông đã đặt cuộc sống của mình trên dây lơ lửng. Đối với chúng ta cũng thế, đây là bí quyết của niềm vui: không để sự tò mò lành mạnh bị ngột ngạt, nhưng đánh liều, bởi vì cuộc sống không phải là để bị giấu khuất. Khi nói đến Chúa Giêsu, chúng ta không thể khoanh tay ngồi chờ; Người hiến cho chúng ta sự sống - chúng ta không thể đáp ứng bằng cách ngồi nghĩ về nó hoặc "nhắn tin" vài lời!

Các bạn trẻ thân mến, đừng xấu hổ đem mọi sự kể cho Chúa trong tòa giải tội, đặc biệt là các điểm yếu của các con, các cuộc đấu tranh của các con và tội lỗi của các con. Người sẽ làm các con ngạc nhiên với sự tha thứ và bình an của Người. Đừng sợ nói chữ "có" với Người bằng cả trái tim của các con, đừng sợ đáp ứng một cách đại lượng và bước chân theo Người! Đừng để tâm hồn các con tê cóng, nhưng hãy nhắm mục tiêu yêu thương đẹp đẽ vốn cũng đòi hỏi hy sinh. Các con hãy nói "không" một cách cương quyết với thứ ma túy thành công bằng bất cứ giá nào và thuốc an thần chỉ biết lo lắng về bản thân và sự thoải mái của riêng các con.

Sau tầm vóc nhỏ bé và sự tê liệt vì xấu hổ của mình, có một trở ngại thứ ba mà Giakêu phải đối mặt. Nó không phải là một trở ngại nội tâm, nhưng là ở quanh ông. Đó là sự tức giận của đám đông; đầu tiên họ ngăn chặn ông và sau đó chỉ trích ông: Làm thế nào Chúa Giêsu lại có thể bước vào nhà ông, nhà của một kẻ tội lỗi! Chào đón Chúa Giêsu, chấp nhận một "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (Eph 2: 4) quả thực khó khăn xiết bao! Người ta sẽ cố gắng ngăn chặn các con, làm cho các con nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng xa xôi, cứng ngắc và vô cảm, tốt với người tốt và xấu với kẻ xấu. Thay vào đó, Cha chúng ta trên trời "khiến mặt trời của Người mọc cả trên người xấu và người tốt" (Mt 5:45). Người đòi hỏi chúng ta can đảm thực sự: can đảm để mạnh mẽ hơn cả sự ác bằng cách yêu thương mọi người, ngay cả kẻ thù của chúng ta. Người ta có thể cười nhạo các con vì các con tin vào sức mạnh nhẹ nhàng và khiêm tốn của lòng thương xót. Nhưng đừng sợ. Các con hãy nghĩ tới huy hiệu của những ngày này: "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót" (Mt 5: 7). Người ta có thể xét đoán các con là người mơ mộng, bởi vì các con tin vào một nhân loại mới, một nhân loại bác bỏ hận thù giữa các dân tộc, một nhân loại từ chối không coi biên giới như các rào cản và có thể trân trọng các truyền thống riêng của mình mà không lấy mình làm trung tâm hay có đầu óc nhỏ mọn. Đừng nản lòng: với một nụ cười và vòng tay rộng mở, các con hãy loan truyền niềm hy vọng và các con là một chúc phúc đối với gia đình nhân loại của chúng ta, mà ở đây các con là đại diện một cách đẹp đẽ!

Ngày hôm đó, đám đông xét đoán Giakêu; họ dò xét ông, lúc trọng lúc khinh. Nhưng Chúa Giêsu đã làm điều ngược lại: Người từ dưới nhìn lên ông (v 5.). Chúa Giêsu nhìn bên kia các lỗi lầm và thấy con người của họ. Người không dừng lại trước cái xấu đã qua, nhưng nhìn ra tương lai tốt đẹp. Ánh mắt Người không thay đổi, ngay cả khi nó không được đáp ứng; nó tìm cách đoàn kết và hiệp thông. Không có trường hợp nào nó ngưng ở những dáng vẻ bề ngoài, nhưng nhìn thẳng vào trái tim. Với cái nhìn của Chúa Giêsu, các con có thể giúp mang lại một nhân loại khác, mà không cần tìm kiếm sự thừa nhận nhưng tìm kiếm sự tốt đẹp vì chính nó, bằng lòng duy trì một trái tim tinh khiết và chiến đấu một cách hòa bình cho sự trung thực và công lý. Không dừng lại ở bề mặt của sự vật; không tin vào sự sùng bái của thế gian đối với dáng bề ngoài, các cố gắng thẩm mỹ nhằm cải thiện dáng vẻ của chúng ta. Thay vào đó, hãy "tải xuống" cái "liên kết" tốt nhất, đó là một trái tim biết nhìn thấy và loan tuyền sự tốt lành một cách không mệt mỏi. Niềm vui mà các con đã tự do nhận được từ Thiên Chúa, các con hãy tự do cho đi (x Mt10: 8): rất nhiều người đang chờ đợi nó!

Cuối cùng chúng ta hãy lắng nghe những lời Chúa Giêsu nói với Giakêu, những lời dường như có ý dành cho chúng ta hôm nay: "Hãy xuống đây, vì tôi phải ở lại nhà của ông ngày hôm nay" (câu 5.). Chúa Giêsu ngỏ cùng một lời mời ấy với các con: "Cha phải ở lại nhà của các con ngày hôm nay". Chúng ta có thể nói rằng Ngày Giới trẻ Thế giới bắt đầu ngày hôm nay và tiếp tục vào ngày mai, trong ngôi nhà của các con, vì đó là nơi mà Chúa Giêsu muốn được gặp các các con từ bây giờ. Chúa không muốn ở lại trong thành phố xinh đẹp này, hoặc trong ký ức yêu thương mà thôi. Người muốn vào nhà của các con, cư ngụ trong cuộc sống hàng ngày của các con: trong việc học hành của các con, năm đầu làm việc của các con, tình bạn và tình âu yếm của các con, hy vọng và ước mơ của các con. Người hy vọng xiết bao rằng trong mọi “liên lạc” và “tán gẫu” hàng ngày, chỗ danh dự phải được dành cho sợi chỉ vàng xuyên suốt của cầu nguyện! Người mong muốn xiết bao được thấy lời Người có thể ngỏ với các con ngày qua ngày, để các con có thể biến Tin Mừng thành của riêng các con, để nó có thể phục vụ như một la bàn cho các đường cao tốc của cuộc sống!

Khi yêu cầu được đến nhà các con, Chúa Giêsu đã gọi các con bằng tên, như đã làm với Giakêu. Tên của các con quý giá đối với Người. Cái tên "Giakêu" có thể làm cho người ta nghĩ tới việc tưởng nhớ tới Thiên Chúa. Hãy tin tưởng vào bộ nhớ của Thiên Chúa: bộ nhớ của Người không phải là một "đĩa cứng" có thể "lưu" và "trữ" tất cả các dữ liệu của chúng ta, nhưng là một trái tim đầy lòng từ bi dịu dàng, một trái tim biết tìm niềm vui trong việc "xóa bỏ" trong chúng ta mọi dấu vết của cái ác. Ước mong cả chúng ta bây giờ cũng cố gắng bắt chước các bộ nhớ trung thành của Thiên Chúa và lưu trữ những điều tốt mà chúng ta đã nhận được trong những ngày này. Trong im lặng, chúng ta hãy ghi nhớ cuộc gặp gỡ này, chúng ta hãy duy trì kí ức về sự hiện diện của Thiên Chúa và lời lẽ của Người, và chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa tiếng nói của Chúa Giêsu khi Người gọi chúng ta bằng tên. Vì vậy, bây giờ, chúng ta hãy cầu nguyện âm thầm, nhớ lại và cảm ơn Chúa đã muốn chúng ta ở đây và đã đến đây để gặp chúng ta.

Sau đó cả cộng đoàn hòa nhập bài ca tuyên xưng đức tin.

Tiếp sau là Lời Nguyện giáo dân được đọc bằng nhiều thứ tiếng:

Đức Thánh Cha: Anh chị em thân mến chúng ta hãy thành tâm dâng lên Thiên Chúa các tâm tư cầu nguyện của chúng ta.

Lời xướng là: Xin Chúa Kito thương xót chúng con

1. Cầu nguyện cho Giáo Hội (Được đọc bằng tiếng Pháp): Lạy Thiên Chúa giàu lòng xót thương xin kiện cường Giáo Hội của Chúa trong công cuộc loan truyền Tin mừng hầu thế giới chúng ta đang sống được thực sự sống đúng nhân phẩm con người trong tình yêu vị tha. Chúng con cầu xin Chúa.

2. Cầu nguyện cho Chính quyền (Được đọc bằng tiếng Do Thái): Lạy Thiên Chúa hằng thương xót, xin ban cho những người đang gánh vác trách nhiệm điều hành cuộc sống của các quốc gia có được một tình yêu đích thực hầu phục vụ cho mọi người công dân trong quốc gia của mình. Chúng con cầu xin Chúa.

3. Cầu nguyện cho Giới trẻ (Được đọc bằng tiếng Anh): Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin ban ánh nhìn và tình yêu cho những người trẻ đến từ khắp năm châu biết mạnh dạn tuyên xưng rằng họ thuộc về Chúa Kitô. Xin làm cho trái tim tinh khiết của họ biết rộng mở xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng con cầu xin Chúa.

4. Cầu nguyện cho những người nghèo khổ (Được đọc bằng tiếng Ba lan): Lạy Thiên Chúa giầu lòng từ bi xin thương nhìn đến nhiều anh chị em chúng con đang bị đàn áp

vì đức tin. Xin ban cho họ luôn cảm thấy Chúa gần bên nâng đỡ và xin cho họ ơn can đảm biết vượt thắng những khó khăn trong đời. Chúng con cầu xin Chúa.

5. Cầu nguyện cho Những bị bách hại (Được đọc bằng tiếng Hoa): Lạy Thiên Chúa giầu lòng xót thương, xin nâng đỡ những ai đang bị bách hại khổ đau, xin cho họ lòng can đảm để vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Chúng con cầu xin Chúa.

6. Cầu nguyện cho các khách hành hương và các thiện nguyện viên (Được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha): xin chúc lành cho tất cả các tổ chức và tất cả các khách hành hương, vì trong những ngày này rất nhiều các tình nguyện viên, những người đã và đang giúp chúng con có cơ hội gặp gỡ nhau tại đây trong tình yêu của lòng thương xót Chúa. Xin củng cố tình hiệp thông giữa chúng con. Chúng con cầu xin Chúa.

Đức Thánh Cha: Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin thương nhìn đến chúng con, xin gia tăng niềm tin yêu hy vọng cho chúng con và qua lời cầu bầu của Thánh Gioan Phaolô II và Thánh nữ Faustina Kowalska, xin giúp chúng con trở nên những nhân chứng nhân đích thực của Tin Mừng.

Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

Sau đó phần dâng của lễ, và Thánh lễ được tiếp tục với kinh nguyện Thánh Thể thứ III được xử dụng hôm nay.

Phần kết thúc Thánh lễ với bài ca về Đức Mẹ và phép lành trọng thể.

ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VÀ PHÉP LÀNH

Đức Thánh Cha đọc Kinh lạy Cha, Kính mùng và Sáng Danh sau đó là kinh truyền tin và ban phép lành.Đức Thánh Cha công bố thời điểm và địa danh của lần ĐHGT thế giới lần thừ 32…

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về địa chỉ tv@vietcatholic.net

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
 
Krakow 2016: Đức Thánh Cha Phanxicô rất cảm động về lòng tốt của người dân Ba Lan
Bùi Hữu Thư
16:56 01/08/2016
Họp báo trên chuyến bay Krakow-Rome

L'Osservatore Romano: ngày 1 tháng 8, 2016

Đức Thánh Cha nhắc đến một “nước Ba Lan rất đặc biệt” và “lòng tốt” của người dân Ba Lan trong buổi họp báo với các phóng viên trong chuyến bay Krakow-Rome ngày Chúa Nhật 31 tháng 7.

Ngài cũng giải thích vụ ngài té ngã trong Thánh Lễ ở Jasna Gora.

Đức Thánh Cha nói:“Đó là một nước Ba Lan rất đặc biệt, vì đó là một nước Ba Lan lại một lẫn nữa bị xâm chiếm, nhưng lần này bởi giới trẻ, phải không? Tôi đã thấy Krakow rất đẹp và người Ba Lan rất sốt sắng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có “một kinh nghiệm hiểu biết về người Ba Lan” khi ngài còn “thơ ấu”. “Nơi cha của ngài làm việc có rất nhiều người Ba Lan đã tới kiếm việc làm sau thế chiến thứ hai, ngài đã ghi nhận. Đây là những người rất tốt, và điều này tôi đã ôm ấp trong lòng. Tôi đã tìm lại được lòng tốt này. Đó là một vẻ đẹp huy hòang…”

Còn về vụ ngài bị ngã trong Thánh Lễ ở Jasna Gora, Đức Thánh Cha đã giải thích như sau: “Tôi đã ngắm nhìn Đức Trinh Nữ Maria và tôi quên để ý đến bậc thềm … Tôi đang cầm bình sông hương và khi tôi cảm thấy mình đang ngã, tôi đã để cho mình té xuống mà không gượng lại. Chính việc này đã cứu tôi, vì nếu tôi đã gượng lại thì tôi đã có những hậu quả xấu. Tôi không sao cả, tôi vẫn khỏe mạnh!”

 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, ngày thứ tư, 30 tháng Bẩy, của Đức Phanxicô tại Krakow
Vũ Văn An
18:19 01/08/2016
Sau đây là bản tin ghi nhanh ngày thứ tư của Đức Phanxicô tại Krakow

08 giờ 45 sáng

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện tại Đền Thờ Lòng Chúa Thương Xót ở Lagiewniki khi ngài bắt đầu một ngày với nhiều lễ nghi tôn giáo trong chuyến viếng thăm Ba Lan.

Các nữ tu và các linh mục, vừa ca hát vừa vẫy biểu ngữ nhỏ, chào đón Đức Giáo Hoàng khi ngài bước vào nhà thờ ở ngoại ô Krakow.
Sau đó ngài đã cầu nguyện trước nhà nguyện Thánh Faustina, một nhà thần bí người Ba Lan, đã được phong thánh dưới triều Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bây giờ đã là một vị thánh.

Sau đó, ngài đến thăm Đền Thờ Thánh Gioan Phaolô II, gần đền thờ Lagiewniki, thánh hiến năm 2013. Nhà thờ thấp hơn này chứa các di tích của Đức Gioan Phaolô, trong khi cơ thể của ngài được chôn bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vatican.

Đức Phanxicô đang tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, một cử hành toàn cầu của các bạn trẻ Công Giáo, trong chuyến viếng thăm năm ngày của ngài tại Ba Lan.

11 giờ 25 sáng

Đức Thánh Cha Phanxicô đang khuyến khích các giáo sĩ của mình rời khỏi vùng thoải mái của họ và chăm sóc những người nghèo khó ở các khu ngoại vi.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên khi cử hành Thánh lễ tại một ngôi đền ở Ba Lan dâng kính Đức Cố Giáo Hoàng người Ba Lan, tức Thánh Gioan Phaolô II. Trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu muốn Giáo Hội của Người "là một Giáo Hội luôn di chuyển, một Giáo Hội chịu đi vào thế giới".

Ngài đưa ra các lời nói trên trong một nhà thờ lớn hiện đại, tức Đền thờ Thánh Gioan Phaolô II, trong một vùng ngoại ô Krakow.

Ngài nói rằng lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phục vụ thế giới cũng liên quan đến những người đàn ông và đàn bà của Giáo Hội ngày nay.

Đức Phanxicô cho biết: "Lời mời gọi này cũng được ngỏ với chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể không nghe thấy tiếng vang của nó trong lời kêu gọi tuyệt vời của Thánh Gioan Phaolô II: 'Hãy mở rộng cửa'"?

12 giờ 40 trưa

Phát ngôn viên của Vatican cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp một đứa trẻ không có chân mà ngài đã mua chân tay giả cho.

Linh mục Federico Lombardi nói với các phóng viên rằng cuộc gặp gỡ trên diễn ra ngày thứ Bẩy tại Krakow trong chuyến hành hương năm ngày của Đức Giáo Hoàng tại Ba Lan.

Cha Lombardi nói rằng Đức Phanxicô đã đến Đền Thờ Lòng Chúa Thương Xót ở Krakow vào ngày thứ Bảy khi ngài gặp bé gái đã được ráp chân tay giả mà ngài đã trả tiền cho.

02 giờ 55 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ăn trưa với 12 thiện nguyện viên tại một cuộc tụ họp giới trẻ Công Giáo ở Ba Lan.

Một trong những người tại bữa ăn trưa hôm thứ Bẩy, Paula Mora từ Colombia, cho biết "quả giống như được ở với cha của chúng tôi, và chúng tôi là con cái của ngài".

Cô cho biết, cô hỏi ngài xem ngài cảm thấy thế nào khi được bầu năm 2013 và ngài đã trả lời: "Tôi cảm thấy một chút bình yên, và tôi chưa đánh mất sự bình an này".

Mora nói thêm: "Ngài thực sự bình yên, và ngài rất khiêm nhường".

Fatima Leung Wai, từ Auckland, Tân Tây Lan, cho biết cô xin Đức Phanxicô lời khuyên cho người trẻ, và ngài trả lời "Đừng từ bỏ hy vọng. Các con là hy vọng của chúng tôi".

Thiếu nữ 28 tuổi này cho biết ngài nói với họ: điều "quan trọng là trở nên chính chúng ta trong thời gian này, trong những giây phút quan yếu này".

Theo truyền thống, các vị Giáo Hoàng ăn trưa với một vài thiện nguyện viên tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới, một cuộc tụ họp toàn cầu diễn ra mỗi 2 hay 3 năm.

03 giờ 25 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô đang nghỉ ngơi vài giờ trước khi có buổi cầu nguyện buổi tối thứ Bảy với hàng trăm ngàn khách hành hương trẻ ở một đồng cỏ rộng lớn ở miền nam Ba Lan.

Đức Phanxicô 79 tuổi đã có một lịch trình khít khao kể từ khi ngài đến Ba Lan vào hôm thứ Tư để dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, một cuộc tụ họp Công Giáo toàn cầu. Ngài đã hướng dẫn các Thánh lễ, thăm viếng Auschwitz, và gặp gỡ các chính trị gia Ba Lan, hàng giáo sĩ, các trẻ em bị bệnh và nhiều tín hữu.

Vào ngày thứ Bảy, ngài đang nghỉ ngơi tại cư sở của tổng giám mục Krakow sau Thánh lễ buổi sáng và ăn trưa với các thiện nguyện viên trẻ, và đang chờ cuộc gặp gỡ vào buổi tối với các bạn trẻ; cuộc gặp gỡ này sẽ bao gồm những lời cầu nguyện và biểu diễn nghệ thuật.

Hàng trăm ngàn người trẻ được mong sẽ tham dự buổi canh thức vui tươi ở đó, chờ một Thánh Lễ cũng sẽ được cử hành bởi Đức Phanxicô ở cùng cánh đồng này vào hôm Chúa Nhật, biến cố nổi bật nhất của cuộc tụ họp năm ngày. Nếu đúng như phiên bản của Ngày Giới Trẻ các năm trước, nhiều người sẽ cắm trại ở đó cả đêm.

03 giờ 35 chiều

Dưới ánh nắng chói chang, một số lượng lớn các khách hành hương trẻ đang nhàn tản đi vào một cánh đồng lớn gần Krakow trước khi có buổi canh thức với Đức Thánh Cha Phanxicô vào buổi tối.

Vào chiều thứ Bảy, dọc theo con đường tới Brzegi, một ngôi làng 12 kilô mét bên ngoài Krakow, có một dòng liên tục gồm nhiều nhóm với cờ quốc gia từ những nơi xa xôi như Hàn Quốc, Zimbabwe và Gia Nã Đại.

Các nhóm này dừng lại dọc đường để nghỉ ngơi hoặc mua thức ăn hoặc lấy nước từ các điểm được tổ chức đặc biệt.

Các lực lượng chống khủng bố với súng tay và súng tiểu liên đang triển khai lực lượng. Một thông báo viên trên loa phóng thanh đang thúc giục đoàn người tiếp tục di chuyển và không làm nghẹt đường.

Thứ trưởng Bộ Y Tế, Marek Tombarkiewicz, khuyên người hành hương đội mũ hoặc mang dù để chống nắng và uống nước.

08 giờ 10 tối

Đức Thánh Cha Phanxicô đang xem biểu diễn nghệ thuật hiện đại bao gồm các bài hát, các màn nhảy múa và diễn lại lịch sử nhằm miêu tả các nhân đức và các cuộc đấu tranh của Kitô Giáo.

Để miêu tả sự tha thứ, diễn viên ăn mặc như cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II và người suýt trở thành kẻ sát hại ngài là Ali Agca, diễn lại cảnh Đức Giáo Hoàng đến thăm Agca trong một phòng giam, bắt tay và ôm anh.

Một cuộc trình diễn múa ba lê miêu tả vấn đề dửng dưng mà nhiều người phải đối mặt trong thế giới hiện đại, với một người phụ nữ cô đơn tìm kiếm các kết nối với con người nhưng bị từ chối bởi những người mải mê với máy tính và điện thoại di động.

Các màn trình diễn này là một phần của một buổi canh thức buổi tối ở một cánh đồng rộng lớn gần Krakow trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới, một cử hành Công Giáo toàn cầu trong nhiều ngày diễn ra ở Ba Lan trong tuần này.
 
Ba lời khuyên để đối phó với các Câu Lạc Bộ Thờ Quỷ dành trẻ em Sau Tan Trường.
Giuse Thẩm Nguyễn
19:10 01/08/2016
Ba lời khuyên để đối phó với các Câu Lạc Bộ Thờ Quỷ dành trẻ em Sau Tan Trường.

Theo tờ Washington Post thì vào mùa thu này các thành viên của Đền Thờ Quỷ sẽ mở các câu lạc bộ tại các trường công lập ở Hoa Kỳ. Mục đích của các câu lạc bộ này là lôi kéo các em học sinh ở vào độ tuổi lên năm và gieo rắc cho các em những tư tưởng về vô thần và ma quỷ mà các em chưa hề nghe đến bao giờ.

Những người thờ quỷ nhận định rằng các nhóm Phúc Âm hóa Kitô giáo đã thâm nhập vào đời sống trẻ em ở Mỹ qua các chương trình học về tôn giáo sau giờ tan trường ở các trường công lập và họ muốn các em học sinh này có sự chọn lựa: Chúa Giêsu hay Ma Quỷ. “Rất quan trọng cho các học sinh hiểu rằng có nhiều quan điểm về nhiều đề tài, và các em có sự chọn lựa trong cách mình nghĩ,” Doug Mesner, người đồng sáng lập Đền Thờ Quỷ nói như vậy.

Bây giờ thì quý vị hiểu những gì đang xảy tới. Đây là ba lời khuyên để giúp quý phụ huynh hoặc là đối diện với một người thờ quỷ trong trường học của con mình hoặc là nói về vấn đề này với những người khác cùng quan tâm đến câu chuyện này.

1. Biết những sự kiện:

Đừng vô văn phòng hiệu trưởng của trường hay thành viên ban giáo dục trường địa phương và nói là những người thờ quỷ đang lôi kéo con mình vào việc thờ phụng quỷ. Loại người thờ quỷ này tin rằng quỷ là kẻ có thật đáng được tôn thờ và trung thành. Còn thành viên của Đền Thờ Quỷ thì không là loại tin đó. Thực ra họ là những kẻ vô thần, chỉ dùng biểu tượng Quỷ để dành thêm quân số từ những người đang có niềm tin tôn giáo. Theo một trang nhà của họ thì:

[Chúng tôi không khuyến khích một sự tin tưởng vào Quỷ. Lấy cái tên Quỷ chỉ để nắm bắt cái đòi hỏi hợp lý nhằm loại bỏ chủ nghĩa siêu nhiên và những mê tín lâu đời.. Quỷ là biệu tượng của sự Nổi Loạn Muôn Đời trong việc chống lại quyền độc đoán, mãi mãi bảo vệ quyền làm chủ cá nhân ngay cả phải đối diện với khó khăn không thể vượt qua.]

Mục đích cơ bản của câu lạc bộ Quỷ Sau Tan Trường là lôi kéo trẻ em trở thành những người vô thần hơn là người thờ Quỷ. Cũng theo trang nhà của họ:

Câu Lạc Bộ Quỷ Sau Tan Trường dựa trên một giáo trình thống nhất, nhấn mạnh đến một cái nhìn khoa học, hợp lý, không mê tín về thế giới… Câu Lạc Bộ Quỷ Sau Tan Trường kết hợp các trò chơi, dự án, và bài tập suy nghĩ để các em hiểu làm sao chúng ta biết, chúng ta biết những gì về thế giới và vũ trụ của chúng ta.

(Nếu nhóm này tìm cách thuyết phục các bậc cha mẹ, quý vị sẽ không bao giờ đoán ra là nó dùng một băng hình Video tuyên truyền rất đáng sợ)

2. Dùng lối phê bình thay cho cấm đoán.

Chúng ta có khuynh
hướng cố gắng để cấm loại câu lạc bộ này trong trường công lập của con em mình, nhưng những người thờ quỷ cũng có quyền hiến định để tổ chức câu lạc bộ sau khi tan trường như là câu lạc bộ của Tìn Lành, Công Giáo, Do Thái Giáo hay nhóm nào khác. Nếu họ không sinh hoạt phạm pháp, thì không ai cấm họ hội họp trong các trường công (nếu đã tan trường và việc sinh hoạt là tự nguyện). Mat Staver, sáng lập viên Hội Cố Vấn Luật Pháp Kitô Giáo nói:

Dứt khoát là tôi chống các câu lạc bộ Thờ Quỷ Sau Tan Trường, nhưng họ có quyền sinh hoạt theo Tu Chính Án Thứ Nhất. Tôi nghĩ rằng có thể ở một trường hợp nào đó, sẽ có nhiều học sinh tham dự cái câu lạc bộ này. Có thể lúc đầu do họ vận động, nhưng sẽ tàn lụi dần thôi trong một tương lai rất gần bởi chẳng có lợi ích gì.

May mắn thay, tu chánh án thứ nhất cũng bảo vệ chúng ta phê bình loại câu lạc bộ này. Quý vị có thể nói với ban giáo dục của trường, báo chí địa phương và hội đồng thành phố về những thất vọng của quý vị khi thấy xuất hiện một câu lạc bộ mà lấy quỷ làm thần tượng, một biểu tượng đi đôi với những hành vi của tội ác, dùng làm khuôn mẫu cho trẻ em mới chập chững tập đọc và tập viết. Hãy nghĩ như thế này:

Giả sử có một nhóm người muốn bắt đầu một Chương Trình Hannibal Lecter Sau Tan Trường ở trường tiểu học của con quý vị. Họ thừa nhận rằng Hannibal Lecter, một kẻ giết người hằng loạt rồi lại ăn thịt những người bị giết ấy từ một cuốn phim kinh dị tên là The Silence of The Lambs ( Sự im lặng của những con chiên), là một nhân vật tưởng tượng thôi, nhưng họ lại muốn đề cao nhân vật ấy như một biểu tượng văn hóa và chống đối nhà cầm quyền.

Dĩ nhiên, thật là phi lý để cho một nhân vật xấu xa tồi tệ như thế được ngang ngược đề cao trong các sinh hoạt sau khi tan trường. Thậm chí nó còn kỳ quặc tệ hại hơn đối với các em nhỏ để các em nghĩ rằng những hành vi tội ác như Hannibal hay quỷ thì vẫn được chấp nhận, bởi người bạn mới ở câu lạc bộ này nói rằng nhân vật này thì “không có gì là quan trọng cả “ hay “ chỉ là hiểu nhầm.”

Những người Kitô giáo chúng ta phải quan tâm bởi vì thành viên của Đền Thờ Quỷ sẽ làm cho trẻ em hiểu nhầm về quỷ là ai và giảm nhẹ quỷ xuống chỉ còn là một nhân vật tưởng tượng đần độn đại diện cho “các tôn giáo mê tín”.Người tin có bổn phận để nói cho mọi người biết là quỷ là có thật. Thánh Phêrô nói rằng:

“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loạt thống khổ như thế.” (Pet. 5:8-9)

3. Tham gia Câu lạc bộ Công Giáo sau tan trường.

Các chương trình sau tan trường thần tượng các nhân vât gian ác có thể hợp pháp, nhưng việc hợp pháp không làm cho các chương trình ấy hợp đạo lý và tránh khỏi sự lên án chính đáng. Cách tốt nhất để chứng minh nó sai trái không phải chỉ là phàn nàn, nhưng là rao giảng về sự thật!

Chương trình Quỷ sau tan trường bắt đầu để phản ứng lại với Câu Lạc Bộ Tin Mừng, một dự án của Child Evangelism Fellowship nhằm giúp “cho các em trai và gái học đạo qua sách phúc âm của Chúa Giêsu và thiết lập nhóm (môn đệ) cho các em trong Lời của Chúa và trong một nhà thờ địa phương để sống đời Kitô hữu.” Nếu các Giáo Hội tin lành hay những người thờ quỷ có thể lợi dụng nơi trường học để mang thông điệp của họ tới các em, thì tại sao những người Công Giáo không thể cũng làm như vậy?

Xin mời quý vị thăm trang nhà của Life Teen (Đời Vị Thành Niên) hay những chương trình khác giúp trẻ em Công Giáo để có tài liệu và cố vấn nhằm thành lập một câu lạc bộ như thế. Quý vị nên có một bản sao của cuốn The Big Picture (Bức Tranh Lớn) hay The True is Out There ( Sự Thật ở Ngoài Kia) của Catholic Answers Press và đem tặng cho các em học sinh đọc. Sách cũng có phúc âm trình bày theo lối thích hợp cho tuổi mới lớn và thanh niên.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, bản tin ghi nhanh ngày cuối cùng, 31 tháng Bảy, của Đức Phanxicô tại Krakow
Vũ Văn An
23:06 01/08/2016
Sau đây là bản tin ghi nhanh ngày cuối cùng tại Krakow và chuyến bay trở lại Rôma của Đức Phanxicô:

08 giờ 35 sáng

Các người trẻ hành hương đã tràn đầy một cánh đồng lớn gần Krakow ở miền nam Ba Lan để tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô, biến cố lớn cuối cùng được Đức Thánh Cha hướng dẫn khi ngài kết thúc tốt đẹp chuyến thăm kéo dài năm ngày tại Ba Lan.

Một số người trẻ thậm chí còn cắm trại qua đêm ở cánh đồng sau một buổi tối với Đức Thánh Cha ở đó, từng thu hút một đám đông lớn, mà ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới ước chừng 1.6 triệu người.

Thánh lễ được diễn ra tại Cánh Đồng Thương Xót (Campus Misericordiae) ở Brzegi, một ngôi làng gần Krakow.

Đức Thánh Cha đã có một lịch trình bận rộn kể từ khi ngài đến Ba Lan vào thứ Tư trong chuyến đi đầu tiên của ngài tới Đông Âu: thăm Auschwitz, hướng dẫn Thánh Lễ và tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với những người trẻ háo hức đã từ khắp nơi trên thế giới đến đây để được ở bên ngài.

09 giờ 10 sáng

Một phóng viên của đài truyền hình nhà nước Italia, RAI, đã qua đời ở tuổi 58 trong khi đang thi hành nhiệm vụ tường trình chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ba Lan để dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, một cuộc tụ họp toàn cầu đối với Giáo Hội Công Giáo.

Hãng tin Ý ANSA cho biết Anna Maria Jacobini được phát hiện đã chết trên giường tại phòng khách sạn của cô vào ngày thứ Sáu và người ta tin cô đã chết đêm hôm trước. Hãng này cho biết cô có phàn nàn với đồng nghiệp đêm thứ năm rằng cô cảm thấy mệt mỏi. Cái chết của cô đã không được tường trình ngay lập tức vì bà mẹ 94 tuổi của cô phải được thông báo trước.

Jacobini điều khiển một chương trình các vấn đề Công Giáo hàng tuần trên RAI và trong quá khứ từng tường trình các chuyến tông du của các vị giáo hoàng, một việc khá gây mệt mỏi cho các phóng viên, những người thường phải làm việc từ trước bình minh cho đến nửa đêm.

09 giờ 30 sáng

Khi xe chở ngài hướng về một cánh đồng lớn ở Ba Lan để cử hành một Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng đã vội dừng lại để làm phép cho hai tòa nhà, do cơ quan từ thiện Công Giáo Caritas điều hành.

Một tòa nhà được xây dựng làm trung tâm ban ngày cho người già, trong khi tòa nhà kia sẽ được dùng làm nhà kho chứa thực phẩm cho những người nghèo và được đặt tên là "Bánh Thương Xót".

Trên đường xuất hành vào sáng Chúa Nhật, Đức Phanxicô gặm mẩu bánh mì đen từ một ổ lớn, tròn được dâng cho ngài bởi các phụ nữ trong trang phục truyền thống của Ba Lan. Ngài gật đầu khen ngon khi nhai mẩu bánh.

10 giờ 50 sáng

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích hàng trăm ngàn người trẻ tụ tập trong một cánh đồng rộng lớn "tin vào một nhân loại mới", một nhân loại từ khước sử dụng biên giới như rào cản và bác bỏ hận thù giữa các dân tộc.

Đức Phanxicô nói như thế hôm Chúa Nhật khi đang chuẩn bị kết thúc cuộc hành hương tại Ba Lan, bao gồm việc suy niệm tại trại tử thần Auschwitz và đột ngột dừng lại để cầu nguyện cho các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố.

Trong hai ngày liên tiếp, một đám đông khổng lồ đã đứng chật cánh đồng lớn ở vùng quê bên ngoài Krakow để đón chào Đức Phanxicô mà chuyến viếng thăm năm ngày ở miền nam Ba Lan là chuyến viếng thăm đầu tiên của vị Giáo hoàng người Á Căn Đình ở Đông Âu.

Trong bài giảng cuối cùng của cuộc hành hương, Đức Phanxicô nói Thiên Chúa "đòi chúng ta lòng can đảm thật sự, can đảm phải mạnh mẽ hơn sự dữ, bằng cách yêu thương mọi người, ngay cả kẻ thù của chúng ta".

11giờ 50 sáng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố rằng Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo sẽ diễn ra tại Panama năm 2019.

Đức Phanxicô đã đưa ra công bố trên ngày Chúa Nhật khi sắp sửa kết thúc cuộc tụ họp toàn cầu năm nay của các tín hữu Công Giáo trẻ ở Krakow, Ba Lan.

Ngài không nói rõ chính xác nơi nào ở Panama sẽ tổ chức biến cố này.

Trước đó trong ngày, ngài đã khuyến khích hàng trăm ngàn thanh niên tụ tập ở Krakow "tin vào một nhân loại mới", một nhân loại từ khước sử dụng biên giới như các rào cản và bác bỏ hận thù giữa các dân tộc.

01 giờ 30 chiều

Cảnh sát Ba Lan nói không có trục trặc an ninh lớn nào đã được báo cáo trong thời gian Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm đất nước trong 5 ngày này, nhờ được bảo vệ bằng các biện pháp an ninh cao cấp nhất, bao gồm cả chó đánh hơi và các lực lượng chống khủng bố với súng máy.

Khi chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến hồi kết thúc vào Chúa Nhật, phát ngôn viên cảnh sát Mariusz Ciarka nói rằng: các túi sách không ai trông coi là vấn đề lớn nhất đối với các lực lượng an ninh vì mỗi túi như vậy phải được kiểm tra.

Hôm thứ bảy, xe cảnh sát đến với số lượng lớn để bảo vệ cánh đồng nơi có ít nhất 1.6 triệu người hành hương đang cắm trại qua đêm, trước khi dự Thánh Lễ Chúa Nhật với Đức Phanxicô.

Vụ thảm sát một linh mục người Pháp 85 tuổi bởi hai người cực đoan ở Normandy vào hôm thứ Ba đã làm tăng thêm các lo ngại an ninh xung quanh chuyến đi của Đức Phanxicô, vốn đã cao do một loạt các vụ tấn công bạo động ở Pháp và Đức.

Các viên chức cho biết họ đã triển khai hàng chục ngàn nhân viên an ninh để bảo vệ biến cố này.

Ông Ciarka nói rằng lực lượng an ninh mặc đồng phục và thường phục đã được triển khai trên các tàu thuyền trên sông Vistula, và trên các trực thăng bay quanh đám đông và trên mặt đất.

Trước khi lên đường trở về Rôma chiều Chúa Nhật, Đức Phanxicô còn phải gặp các nhà tổ chức biến cố này tại một sân vận động thể thao ở Krakow.

03 giờ 40 chiều

Một phát ngôn viên của hãng hàng không LOT của Ba Lan cho biết, máy bay Boeing 787 Dreamliner của họ sẽ chở Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở về Rôma sau chuyến viếng thăm năm ngày ở miền nam Ba Lan.

Hôm Chúa Nhật, Adrian Kubicki cho biết rằng huy hiệu giáo hoàng đã được đặt ở bên ngoài và bên trong máy bay và hoa dại Ba Lan đã được đặt gần nơi Đức Phanxicô sẽ ngồi. Phô mai xông khói Oscypek của Ba Lan sẽ có trên thực đơn của Đức Thánh Cha.

Truyền thống của Vatican vốn để các vị giáo hoàng bay ra nước ngoài bằng các máy bay của hãng Alitalia, và trở về bằng các máy bay của nước chủ nhà.

Đức Phanxicô đang kết thúc năm ngày lưu lại Ba Lan vào hôm Chúa Nhật sau khi tham gia các cử hành Công Giáo với hàng trăm ngàn người trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại Đông Âu.

05 giờ 15 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một cuộc xuất hiện bất ngờ và ngắn ngủi ở Krakow, tiếp tục truyền thống lâu dài của người con yêu quí của Ba Lan, tức Đức Gioan Phaolô II, bằng cách nói chuyện với đám đông từ chiếc cửa sổ của dinh giám mục.

Hưởng ứng các tiếng hô "Đức Thánh Cha Phanxicô!" và "Hãy đến với chúng con!" kéo dài như cả tiếng đồng hồ, của đám đông tụ tập trên đường phố, Đức Phanxicô đã xuất hiện tại “cửa sổ giáo hoàng" vào hôm Chúa Nhật. Nói bằng tiếng Tây Ban Nha và sử dụng một thông dịch viên, ngài cảm ơn mọi người về sự đón tiếp nồng hậu mà ngài nhận được trong chuyến đi đầu tiên của ngài tại Ba Lan, và sau đó cầu nguyện.

Ngài đã khiến cử tọa vỗ tay khi nói bằng tiếng Ba Lan "Do widzenia," nghĩa là "cho đến khi chúng ta gặp nhau một lần nữa". Đức Phanxicô đang kết thúc chuyến viếng thăm năm ngày của ngài vào chiều Chúa Nhật.

Đức Gioan Phaolô II, một cựu tổng giám mục Krakow trước khi trở thành giáo hoàng, quen trò chuyện và ca hát bằng tiếng Ba Lan với đám đông, từ chiếc cửa sổ này.

7 giờ 30 tối.

Mưa lớn đã khiến các quan chức phải rút ngắn buổi lễ chia tay với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Krakow, miền nam Ba Lan, nơi ngài đã dành năm ngày tham dự một cuộc tụ họp toàn cầu của tuổi trẻ Công Giáo.

Một buổi lễ có trải thảm đỏ tại sân bay Balice ở Krakow với sự hiện diện của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đổi thành một cuộc trò chuyện ngắn ở bên trong nhà ga. Không có bài phát biểu từ bục đứng có lọng che. Thay vào đó, Đức Phanxicô được một chiếc xe hơi chở tới máy bay giữa âm thanh của một dàn nhạc quân đội.

Ông Duda và các viên chức nhà nước và Giáo Hội Ba Lan, che dù, nói lời chia tay ngắn ngủi với Đức Phanxicô tại chân cầu thang của chiếc Boeing 787 Dreamliner thuộc Hãng Hàng Không Ba Lan, là chiếc máy bay sẽ đưa ngài về Rôma.

Chuyến bay bị trễ so với chương trình.

07 giờ 35 tối

Một chiếc máy bay của hãng hàng không Ba Lan LOT chở Đức Thánh Cha Phanxicô đã cất cánh từ Krakow và đang hướng về Rôma, kết thúc chuyến thăm năm ngày của Đức Giáo Hoàng tại Ba Lan, chuyến thăm đầu tiên ngài đến Trung và Đông Âu.

Một ban nhạc quân đội Ba Lan đã chơi những giai điệu như "When Saints Go Marching In" và "My Way", rất được phổ biến nhờ Frank Sinatra, khi Đức Phanxicô đến trên đường băng trong một chiếc xe hơi mầu đen. Tổng thống Ba Lan và các viên chức khác nói lời chia tay với Đức Phanxicô, và vị giáo hoàng vận áo trắng sau đó đã bước lên cầu thang máy bay; chiếc máy bay này cũng chở hàng chục nhà báo trở về Rôma.

Các viên chức an ninh Ba Lan chắc chắn đang cùng nhau thở phào nhẹ nhõm vì cuộc tụ họp trong đó Đức Giáo Hoàng mỗi ngày gặp gỡ nhiều đám đông khổng lồ nhưng không có trục trặc nào, đã kết thúc. An ninh rất cao suốt trong chuyến đi, dù diễn ra sau một loạt các cuộc tấn công trên thế giới.

Các viên chức và dân chúng Ba Lan rõ ràng đã dành một sự chào đón nồng nhiệt cho Đức Giáo Hoàng, mặc dù nhãn hiệu cấp tiến của ngài không được một số người bảo thủ của quốc gia Công Giáo này ưa thích.

10 giờ 00 đêm.

Máy bay chở Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạ cánh xuống Rôma, sau năm ngày bận bịu thăm viếng Ba Lan để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới, một cuộc tụ họp toàn cầu của người Công Giáo trẻ, diễn ra mỗi 2-3 năm.

Đức Phanxicô đến sân bay Fiumicino ở Rôma lúc sau 21giờ 30, giờ địa phương, hôm Chúa Nhật.

Trong chuyến đi Ba Lan, ngài cũng đã đến thăm trại tử thần cũ của Đức Quốc xã tại Auschwitz-Birkenau, cử hành thánh lễ kỷ niệm 1.050 năm đạo Công Giáo La Mã có mặt tại Ba Lan, và tổ chức một số cuộc gặp mặt với các bạn trẻ Công Giáo, lên đến hàng trăm ngàn người, xung quanh thành phố chủ nhà Krakow.

11 giờ 30 đêm

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài sẽ không đề cập tới những cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em chống lại một vị Hồng Y cao cấp của Vatican, người hiện là một trong những phụ tá tin cậy nhất của ngài, cho đến khi các viên chức tư pháp ở Úc đưa ra phán quyết.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên vào ngày Chúa Nhật, trên chuyến máy bay trở về từ Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow, rằng những cáo buộc chống lại Đức Hồng Y George Pell, cố vấn tài chính hàng đầu của Đức Phanxicô, "đang nằm trong tay công lý". Sau khi cho rằng người bị cáo buộc đáng được hưởng nguyên tắc suy đoán vô tội, ngài nói thêm: "khi công lý đã lên tiếng, tôi sẽ nói chuyện".

Đức Hồng Y Pell, người từ lâu bị đeo bám bởi những cáo buộc về việc xử lý sai các vụ giáo sĩ lạm dụng khi còn là Tổng Giám Mục Melbourne và Sydney, gần đây đã bị buộc tội lạm dụng trẻ em khi ngài còn là một linh mục trẻ. Theo truyền thông Úc, hai người đàn ông, bây giờ ở độ tuổi 40, cho biết ngài rờ rẫm họ cách không thích đáng dưới lốt một trò chơi tại một hồ bơi trong thời gian cuối thập niên 1970. Truyền thông Úc cũng cho hay những người đàn ông này đã báo cáo sự vụ cho cảnh sát Victoria.

Đức Hồng Y Pell, 74 tuổi, đã phủ nhận bất kỳ tác phong không thích đáng nào.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
WYD 2016 Đoàn Việt Nam tại ''Đất Thánh của Lòng Thương xót
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:59 01/08/2016
Trong 3 ngày học giáo lý về Lòng Thương Xót Chúa tại Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, số 24 Garncarska,
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Chủ tịch UBMV Giới trẻ HĐGMVN trình bày 3 đề tài chung của Đại Hội Giới Trẻ là:

- Đây là thời gian của lòng thương xót;

- Để cho lòng thương xót Chúa Kitô chạm tới;

- Lạy Chúa, xin làm cho con nên khí cụ của lòng thương xót Chúa.

Hình ảnh

Ngày thứ hai có Đức Cha Đôminicô Mai Thanh Lương (Hoa Kỳ) đến dự và dâng thánh lễ đồng tế. Ngày thứ ba có 26 linh mục đang phục vụ từ nhiều quốc gia và hơn 200 bạn trẻ đến tham dự và hiệp dâng thánh lễ.

Đức Cha Giuse trình bày tổng quan về Năm Thánh, về Lòng Thương Xót, về cuộc hành hương là cuộc hành trình đức tin. Sau khi gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô vị đại diện Chúa Giêsu ở trần gian, mỗi người đã được Lòng Thương Xót Chúa chạm đến trái tim. Như nhiều nhân vật trong Tân ước đã gặp Chúa và đã được biến đổi (Giakêu, Mađalêna, Nicôđêmô…); như người phụ nữ ngoại tình đã được ân sủng Chúa chạm đến và họ không còn đi con đường cũ mà bắt đầu con đường mới. Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy trở nên khí cụ của Lòng Thương Xót. Ngài gợi lên thao thức: có bao giờ bạn nghĩ mình là khí cụ của Lòng Thương Xót Chúa không? Ngài nhắn gởi: bạn hãy làm chứng cho Lòng Thương Xót trong cách đối xử với cha mẹ, anh chị em, trong đời sống đức tin và trong môi trường xã hội…

Sau đó cha Phaolô Khoa ofm nói về niềm vui của sự trở về qua câu chuyện “Người cha nhân hậu”. Sau hội ngộ này mỗi bạn trẻ trở về, không chỉ mang theo nhiều hình ảnh trong Ipad, Iphone, máy chụp hình, địa chỉ bạn bè mới…mà chính yếu là kinh nghiệm về Lòng Thương Xót nhờ cuộc gặp gỡ nhiều ý nghĩa trong những ngày hành hương tại “Đất Thánh Lòng Thương Xót”.

Kết thúc những ngày học hỏi giáo lý, chúng tôi hòa vào nhiều đoàn hành hương đến Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa tại Quận Lagiewniki, nơi mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là “Thủ Đô lòng Thương xót”. Nơi đây có Tu Viện Đức Mẹ Nhân Lành, Vương Cung thánh đường kính Lòng Thương Xót Chúa và Trung tâm Gioan Phaolô II nơi lưu dấu nhiều chứng tích của thánh nhân. Có nhiều tòa giải tội đặt bên ngoài những bãi cỏ xanh mướt. Sau khi thăm Tu Viện và viếng Nhà thờ, chúng tôi cầu nguyện với thánh Faustina.

Thánh Nữ Faustina được mọi người khăm thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ và là Sứ Giả của Lòng Thương Xót Chúa”, một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trổi vượt trong Giáo Hội. Ngài được nhìn thấy Chúa Giêsu với 2 luồng ánh sáng chiếu giải từ Trái Tim Chúa.

Faustina chào đời ngày 25 tháng 8 năm 1905 tại Glogowiec, Ba Lan, và được đặt tên là Helen Kowalska. Thánh nữ là con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo khổ có 10 người con, 2 trai 8 gái. Faustina lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy ngày 27 tháng 8 năm 1905, tại nhà thờ giáo xứ Swinice, Warckie, và được đặt tên là Helen. Ngay từ khi còn nhỏ, Helen đã nổi bật về đời, yêu thích cầu nguyện, làm việc chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân.

Năm lên 7 tuổi, lần đầu tiên Halen được cảm nhận về ơn gọi sống đời sống tu trì, sống đời thánh hiến và gắng đạt đến sự trọn lành. Năm lên 9 tuổi, Helen được xưng tội và rước lễ lần đầu. Thánh nữ Faustina rất có lòng sùng kính bí tích Thánh Thể, đến nỗi hầu như mọi trang nhật ký của chị đều có nhắc đến bí tích này. Ngày 30 tháng 10 năm 1921, Halen đã được Đức Cha Vincent Tymieniecki của giáo phận Aleksandrow – Lodz ban bí tích Thêm Sức. Trong thời gian này, Helen đang sống xa nhà và giúp việc cho một gia đình khác.

Khi đã 12 tuổi, Helen mới cắp sách đến trường tịa Suinice Warckie. Helen không thể đi học sớm hơn vì nhà trường bị đóng cửa trong thời kỳ quân Nga chiếm đóng Ba Lan. Đến năm 14 tuổi, Helen đã rời gia đình để đi làm như một người giúp việc tại Aleksandrow và tại Lodz, với mục đích tự lập và giúp đỡ gia đình.

Năm 18 tuổi, Helen mới ngỏ ý với mẹ về ước muốn vào tu trong một tu viện. Cha mẹ dứt khoát không đồng ý. Helen đã muốn bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn. quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Giêsu tử nạn và những lời trách cứ của Ngài: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK 9). Helen đã xin vào dòng tu. Chị đã gõ cửa không ít Tu viện nhưng không được nơi nào đón nhận. Cuối cùng ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helen đã được bước qua ngưỡng cửa của Dòng Đức Mẹ nhân Lành ở phố Zytnia tai Warsaw.Helen cảm thấy tràn ngập hạnh phúc. Dường như chị đã bước vào cuộc sống thiên đàng. Một lời kinh chợt phát ra từ tâm hồn chị, một lời kinh tạ ơn. Vào dòng, Helen nhận tên mới là Maria Faustina.

Vào năm 1933, nữ tu Faustina đã được tuyên khấn trọn đời. Chị sống trong hội dòng Các Nữ Tu Đức Mẹ Nhân Lành được mười ba năm, đảm nhận các công tác như làm bếp, coi vườn, giữ cổng tại nhiều trụ sở của dòng tại Plock, Vilnius, và Krakow. Trong tất cả các nơi ấy, chị thánh đã trung thành với những tục lệ của cộng đoàn và tận tâm chu toàn các việc phận sự.

Bề ngoài, không có gì cho thấy cuộc sống phong phú nơi nội tâm chị thánh. Chị sốt sắng chu toàn các công tác và trung thành giữ trọn luật dòng. Chị thánh có một cuộc sống tịnh hiệp cao độ, nhưng rất tự nhiên, thanh thản, và có một đức ái vô điều kiện với người chung quanh. Mặc dù bên ngoài, đời sống chị thánh xem ra vô nghĩa và đơn điệu, nhưng bên trong là một sự kết hiệp ngoại thường với Thiên Chúa. Từ khi còn nhỏ, chị đã ước ao trở nên một vị đại thánh, và với lòng kiên định, chị đã hoàn thành hoài bão này đến mức hiến dâng chính cuộc sống cho các tội nhân.

Những năm sống trong dòng của thánh nữ Faustina tràn đầy những ân huệ ngoại thường: hưởng những lần thị kiến, các dấu thánh kín ẩn, chia sẻ cuộc thương khó của Chúa, hiện diện hai nơi cùng một lúc, đọc được tâm hồn người khác, nói tiên tri, và được đặc ân cao quí là kết ước nhiệm hôn cùng Chúa.

Mối tương giao sống động giữa chị thánh với Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thiên thần, các vị thánh, các linh hồn luyện ngục – toàn bộ thế giới vô hình – cũng thực tế như thế giới hữu hình mà chị thánh cảm nhận được qua các giác quan.

Đời sống đạo đức của thánh nữ Faustina chủ yếu tập trung vào việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Rõ ràng, nhờ hội dòng đặc biệt của mình, chị thánh đã chuẩn bị đầy đủ cho các công việc sứ mạng. Ngoài nếp sống của dòng, chị thánh còn có một lòng sùng kính ngoại thường với Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Thể.

Chúa đã ủy thác cho chị nữ tu hèn mọn nhưng mạnh mẽ, khiêm nhượng, và tín thác cao độ của Người một sứ mạng đặc biệt: “Hiện nay Cha sai con đem tình thương của cha đến cho toàn thế giới, Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha” (NK 1588).

Chúa đã biến đổi Faustina thành nên người Tông Đồ của Lòng Thương Xót. Thánh nhân là chứng nhân sống động của Chúa, công bố Lòng Thương Xót của Chúa bằng ngôn từ và hành động, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong việc cộng tác cứu độ các linh hồn.

Chúa đã chuẩn bị chị thánh Faustina cho sứ mạng này một cách tiệm tiến. Bước quan trọng để thực hiện sứ mạng này là việc vẽ bức hình Chúa Thương Xót – theo như mẫu Người đã hiện ra tại Plock. Qua bức hình này, ý nghĩa của sứ mạng ấy trở nên rõ rệt và có nền tảng vững vàng hơn.

Nếp sống khổ hạnh và những lần chay tịnh đến kiệt sức đã làm yếu nhược thể trạng của chị. Gần cuối năm đầu của thời kỳ nhà tập, chị còn phải trải qua những kinh nghiệm thần bí đớn đau lạ thường của giai đoạn đêm tối giác quan và sau đó là các khổ đau tinh thần và luân lý liên quan đến sức mạng mà chị nhận lãnh từ Chúa Kitô. Faustina đã hy hiến cuộc đời cho các tội nhân, vì thế chị đã chịu đựng những đau khổ tư bề để trợ giúp các linh hồn. Trong nhũng năm tháng cuối đời của chị thánh, các đau khổ nội tâm của đêm thụ động linh hồn và những bệnh nặng phần xác càng trở nên dữ dội hơn. Tuy kiệt quệ thể lý, nhưng Faustina đã đến mức trưởng thành sung mãn trong đời sống thiêng liêng. Sau 13 năm sống đời tu, ngài đã từ trần vào ngày 5 tháng 10 năm 1938, khi mới 33 tuổi đời. Thi hài của ngài an nghỉ tại ngoi mộ chung trong nghĩa trang Tu viện. Năm 1966, trong khi tiến hành các thủ tục điều tra án phong Chân phước, thi hài của ngài được cải táng vào Nhà nguyện của Tu Viện.

Mặc dù chỉ có một học vấn rất giới hạn, nhưng người nư tu hèn mọn này được giáo dục trong trường học của Thày Chí thánh. Chị đã để lại một cuốn nhật ký (đã được dịch ra nhiều thứ tiếng), khơi lên một nguồn hoan lạc và là trường dạy về đời sống thánh cho hàng ngàn tín hữu nam nữ. Từ quyển Nhật Ký này, người đọc có thể tìm thấy những con đường đưa họ đến với Chúa và học biết để sống tín thác và nhân ái.

Chúa Giêsu đã ủy thác cho chị nữ tu đơn sơ, ít học nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp lòng Thương Xót Chúa cho thế giới. Chúa phán với ngài: “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới. Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim Thương Xót của Cha” (NK 1588); “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha. Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy ở đời này và đời sau” (NK 1605)…”Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ và kêu gọi họ tín thác vào Lòng Thương Xót vô hạn của Cha (NK 1567).

Vào ngày 18 tháng 4 năm 1993, tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma, Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Faustina Kowalska lên hàng chân phước.

Sáu năm sau, vào ngày 11 tháng 4 năm 1999, nhân dịp năm dâng kính Chúa Cha, Đức Gioan Phaolô II đã chúc mừng 50.000 tín hữu từ khắp thế giới tụ về quảng trường thành Phêrô tại Roma, để cử hành lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Đó là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa được cử hành lần đầu tiên tại quảng trường thành Phêrô.

Ngày 30 tháng 4 năm 2000, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong nữ tu Maria Faustina lên bậc hiển thánh. Chị là đấng thánh đầu tiên của năm thánh Cứu Độ. Trong một lời công bố đầy ngạc nhiên, Đức Thánh Cha đã ấn định Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa trong toàn Giáo Hội hoàn vũ.

Đến tại “Đất Thánh Lòng Thương Xót”, chúng tôi được lắng nghe nhiều nhân chứng và cảm nghiệm nhiều ơn lành của Lòng Thương Xót. Chiều tối, chúng tôi cùng hòa vào nhiều đoàn bạn trẻ đi đến quảng trường Bolivia tham dự Chặng Đàng Thánh Giá.

Sáng 30.7, chúng tôi thăm trại tù Auschwitz và ban tối tham dự Đêm Canh Thức tại quảng trường Campus Misericordiae, rồi ngày mai dự đại lễ bế mạc và trở về nhà.

Năm 1673, Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647–1690) tại tu viện Thăm Viếng ở Parayle Monial và trao cho chị việc truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Người: “Trái Tim đã yêu dấu loài người quá bội.” Việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa là mời kêu gọi tha thiết, dịu dàng qua việc cầu khẩn “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Nhưng dần dần con người đã sao nhãng.

Nối tiếp, Chúa Giêsu lại trao cho thánh Maria Faustina về Lòng Chúa Thương Xót: “Con chuẩn bị cho thế giới về lần đến cuối cùng của Ta… Hãy làm cho cả nhân loại nhận biết Lòng Thương Xót sâu thẳm khôn dò của Ta. Đó là dấu hiệu của thời cuối cùng, sau đó sẽ là ngày công lý”.

Đại Hội Giới Trẻ lần thứ 31 trong Năm Thánh Lòng Thương Xót đang mang đến cho các bạn trẻ nhiều thay đổi trong tâm hồn và trong đời sống.

Ngày nay, xã hội hiện đại đề cao lối sống hưởng thụ, chiến tranh và nạn khủng bố đe dọa thế giới, nhiều tội ác, mafia, nạn ly dị, nạn tự tử, phá thai, hợp thức đồng tính luyến ái, kỹ nghệ sex, hiệp hội trao đổi vợ chồng, bạo lực trong gia đình và xã hội, kích dục trong phim ảnh và quảng cáo, những trang Web đen, vũ khí hủy diệt hàng loạt, ô nhiễm và tàn phá thiên nhiên, hàng ngàn giáo phái thần bí phi nhân bản ra đời, chủ nghỉa cực đoan, khủng hoảng và tha hóa tinh thần, sự tục hóa tâm linh, làn sóng bỏ đạo, chủ nghĩa thực dụng, duy hưởng thụ… Những vấn đề này được gọi là “văn hóa của sự chết” (Đức Gioan Phaolô II), “văn hóa tận số” (Đức Phanxico). Toàn cảnh đã tạo cho thế giới một bức tranh ảm đạm, xám xịt…

Niềm tin đem lại nhiều hy vọng. Lòng Thương Xót Chúa vượt thắng tất cả. Hãy tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa. Xin cho nhiều bạn trẻ nhờ việc gặp gỡ Chúa Giêsu, gặp gỡ ĐTC Phanxicô, gặp gỡ nhiều nhân chứng lòng thương xót, gặp gỡ nhau…sẽ trở nên khí cụ của Lòng Thương Xót Chúa. Amen
 
Giáo Phân Phú Cường mừng kính thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quý
Tôma Đỗ Lộc Sơn
09:19 01/08/2016
GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG - MỪNG KÍNH THÁNH TỬ ĐẠO PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG QUÝ

Mừng 157 năm hồng ân tử đạo của linh mục Phêrô Đoàn Công Quí (Hạt giống đức tin nguyên khởi); mừng 50 năm thành lập Giáo phận Phú Cường (Cây đức tin đang kết trái), cộng đoàn Giáo xứ Búng, Giáo phận Phú Cường, đã tổ chúc mừng kính một cách trọng thể.

Xem Hình

Sau mấy ngày âm u do ảnh hưởng cơn bão số 1, sáng ngày 31/7/2016, bầu trời trên vùng đất Búng trong xanh xen lẫn với những vạt nắng là những đám mây trắng bay lững lờ tạo nên những đợt gió làm mát dịu không gian, mát dịu lòng người.

Trong khuôn viên nhà thờ Giáo xứ Búng, đã có hàng trăm người tập trung quanh lễ đài để tham dự buổi diễn nguyện với hoạt cảnh: “Cuộc đời Thánh Quí”. Đúng 8 giờ, cha Micae Lê Văn Khâm - Tổng Đại diện giáo phận và cũng là cha chánh xứ Giáo xứ Búng, đã khai mạc buổi trình diễn trong tiếng kèn đồng cùng tiếng trống cổ truyền của giáo xứ.

Cuộc đời Thánh Quí đã quá quen thuộc với nhiều người, nhất là người dân nơi đây, những hậu duệ của ngài. Thế mà hôm nay, được tận mắt chứng kiến hoạt cảnh các tu sĩ cùng người dân bị bắt bớ, bị đánh đập bị gông cùm, thầy Quí rất đau lòng, đã có ý định ra tự nộp mình, nhận hết những hình phạt, nhưng rồi chính thầy cũng bị bắt, bị tra hỏi cùng những hình phạt nặng nề như thế.

Hơn một giờ ngồi xem, nét mặt mọi người nhất là các bạn trẻ rất chăm chú lắng nghe những câu đối đáp của thầy Quí với quan quân triều đình. Có bạn vươn cao cổ để thấy rõ hơn khi bị người ngồi trước che khuất, có bạn ngồi nhắm mắt suy tư mà đôi dòng lệ tuôn trào. Các ông bà lớn tuổi, các cô các chú cũng một niềm tin như vậy. Riêng chúng tôi, chúng tôi chỉ biết cúi đầu tạ ơn Chúa.

Sau buổi diễn nguyện mọi người được hôn kính xương Thánh Quí. Xương thánh là dấu tích xác thực nhất còn lưu truyền cho tới ngày nay. Cùng với xương thánh còn có các kỷ vật như: gông cùm, xích sắt, v.v. Những kỷ vật này được trưng bày tại nhà truyền thống giáo xứ, thường xuyên mở cửa cho người xem.

Đến 10 giờ, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước cùng 15 cha đồng tế đã đến trước tượng đài Thánh Quí để dâng hương, nguyện xin thánh nhân bầu cử cho mọi người có được ơn đức tin ơn trung thành, để tất cả vững vàng trong đời sống hiện tại và được hưởng phúc thiên đàng với ngài sau này.

Tiếp theo, đoàn rước đã cung nghinh linh ảnh Thánh Quí đến lễ đài và Đức Cha Giuse cử hành Thánh lễ ở đây. Đồng tế có: Cha chánh xứ Micae, 2 cha phó cùng 13 cha khách. Tham dự Thánh lễ còn có nhiều tu sĩ và bà con giáo dân trong và ngoài xứ, ước khoảng 1.500 người.

Trong bài giảng lễ các thánh tử đạo, Đức Cha Giuse đã nhấn mạnh đến ơn Chúa trong cuộc sống. Có người cho rằng: “Nếu tôi sống trong thời của Thánh Quí, tôi cũng chịu tử đạo với ngài”. Nhưng thực tế, đã có người không chịu nổi những cực hình, có người vì đức tin yếu kém, có người đổ lỗi cho hoàn cảnh đã chối bỏ Chúa. Ngày nay cũng vậy: Tôi không đi nhà thờ được vì tôi thế này vì tôi thế khác. Tất cả là do chúng ta có giang rộng đôi tay để hứng lấy ơn Chúa hay không? Câu trả lời do mỗi người chúng ta quyết định.

Thánh lễ kết thúc lúc 12 giờ trưa, nắng và nóng nhưng mọi người thật vui khi được nhận phép lành với ơn Toàn xá.

Những Lời Bất Hủ của Cha Thánh Phêrô Đoàn Công Quí.

Ở Cái Mơn, khi nghe biết những hình khổ ghê rợn mà các nữ tu Matta Lành và Isave Ngọ phải gánh chịu trong tù, cha liền viết thư cho cha bề trên Borelle với những lời lẽ như sau:

“Thưa cha, thật con đang ở giữa những nguy hiểm nhưng Thiên Chúa gìn giữ, chưa để con phải bị bắt, vì tội lỗi con còn nhiều, chưa được phúc chịu khổ vì Chúa. Thế nhưng, ngày xưa Chúa Cứu Thế đã phải chết treo trên trên Thánh giá. Ôi chớ gì con được mang gông cùm và xiềng xích. Tuy nhiên, con chưa đáng được trang điểm bằng những dấu chỉ như thế. Con rất ước ao được đến dinh tổng đốc để khuyến khích các vị tuyên xưng đức tin”.

Một lần cha diễn tả lòng ước ao được tử đạo:

“Chớ thì tôi không được diễm phúc chiến đấu và chết vì vinh quang của Chúa sao?- Ước gì xiềng xích trở thành những vòng đeo cổ quí giá, gông cùm trở thành vòng đeo tay! Than ôi, hãy xem các bạn hữu đã được ngành lá chiến thắng, còn một mình tôi ở đây như người lính canh bị bỏ quên. Ôi Lạy Chúa, xin ban phúc tử đạo cho con”.

Tôma Đỗ Lộc Sơn – Truyền thông Phú Cường
 
Cộng đoàn Mến Thánh Giá Phú Cam Huế hành hương viếng Đức Mẹ Măng Đen
Trương Trí
09:54 01/08/2016
CỘNG ĐOÀN MẾN THÁNH GIÁ PHỦ CAM HÀNH HƯƠNG VIẾNG ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN

Từ lâu nay, các nữ tu Cộng đoàn Mến Thánh giá Phủ Cam Huế mong ước được 1 lần hành hương kính viếng Đức Mẹ Măng Đen. Đồng thời tham quan Miền Truyền giáo đầu tiên tại Tây Nguyên, nơi mà biết bao Linh mục Thừa sai đã nằm xuống để Giáo phận Kon Tum phát triển. Biết tôi thường xuyên đi công tác ở Kon Tum, nên các nữ tu nhờ tôi sắp xếp để làm hướng dẫn đưa các Xơ đi.

Xem Hình

Sau nhiều lần sắp xếp, vì có một số xơ phụ trách trường Mẫu giáo của Dòng, do đó phải chọn đúng dịp thứ Bảy và Chúa Nhật cuối tháng nhằm ngày 30 để các xơ được nghỉ. Thế là chiều tối thứ Sáu 29 tháng 7, chúng tôi khởi hành lúc 19 giờ.

Vượt qua đèo Lò Xo, ranh giới giữa tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, có xơ cảm thấy khó chịu vì đèo cao và xoắn ốc nhưng vẫn vượt qua được. Suốt cuộc hành trình chúng tôi dâng lên Mẹ tràng chuỗi Mân côi, phó thác cho mọi vất vả trên đường cho Mẹ. Một vài xơ vì mệt mà thiếp đi lúc nào không hay, xơ Bề trên Maria Nguyễn Thị Tuyệt thì lo lắng cho mọi người nên suốt đêm không ngủ mà ngồi chuyện trò với lái xe.

Cuộc hành trình rồi cũng lên đến Kon Tum lúc 3giờ30 sáng 30 tháng7. Tôi đã liên lạc với các xơ Dòng Ảnh Phép lạ để chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi cho các xơ nên khi đến nơi thì phòng ốc đã được chuẩn bị sẵn sàng. Làm vệ sinh cá nhân xong thì cũng đến giờ lễ sáng, cùng dự lễ với các xơ dòng Ảnh Phép lạ bằng tiếng dân tộc Ba Na nên các xơ Mến Thánh giá cũng chỉ “nghe như vịt nghe sấm”.

Sau Thánh lễ, được mời vào ăn sáng, ai cũng thích món măng tươi của Nhà Dòng nên ăn rất ngon miệng.

Theo chương trình, tôi đã hẹn lịch với Đức Giám Mục Giáo phận Kon Tum để các xơ được thăm Ngài lúc 8 giờ. Đức Cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị dù đang bị cảm nhưng cũng rất ân cần thăm hỏi các xơ, Ngài chụp hình lưu niệm với các xơ và ban phép lành cho cả đoàn.

Rời tòa Giám mục Kon Tum, chúng tôi lên đường đi Măng Đen, con đường hiện nay đang được mở rộng nên cũng tương đối dễ đi. Đến Đức Mẹ Măng Đen, được gặp Cha Tổng Đại diện và một số Cha cũng dẫn các đoàn đi hành hương Đức Mẹ. Nhằm vào ngày thứ Bảy cuối tháng nên lượng người đi hành hương khá đông, có những chiếc xe mang biển số của các tỉnh khác về. Các xơ hết sức xúc động trước ảnh tượng Mẹ không được lành lặn, hai cánh tay không có, khuôn mặt Mẹ thì sần sùi. Có thể tượng Đức Mẹ Măng Đen là bức tượng Đức Mẹ xấu nhất trên toàn cầu, nhưng ơn lành mà Mẹ đã ban cho con cái thì không đếm hết được.

Chúng tôi dâng lên Mẹ tràng chuỗi Mân Côi, xin tạ ơn Mẹ đã gìn giữ và cũng xin Mẹ luôn đồng hành mọi lúc mọi nơi. Vẫn vương bên Mẹ mãi rồi cũng phải chia tay vì sợ cơn mưa chiều ập đến.

Về đến Cộng đoàn Vinh Sơn 4, chúng tôi dừng chân nghĩ ngơi và được mời ăn bắp tươi vừa nấu xong thật ngon miệng.

Về lại thành phố Kon Tum, sau một đêm và buổi sáng chưa được nghỉ, chúng tôi ngủ một giấc ngon lành đến 4 giờ chiều.

Viếng thăm Nhà thờ Gỗ cũng là Nhà thờ Chính tòa Giáo phận, ngôi Nhà thờ được dựng bằng gỗ qua hơn 100 năm những vẫn còn nguyên vẹn những nét hoa văn độc đáo. Viếng mộ Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc, một người con của Phủ Cam, một vị chủ chăn của Giáo phận Kon Tum được mọi người yêu mến, Ngài luôn yêu thương và chăm lo cho cuộc sống của bà con người dân tộc.

Thăm Nhà thờ Tân Hưng, ngôi Nhà thờ đầu tiên của miền Truyền giáo Tây Nguyên, nơi mà Thầy Sáu Do được lệnh của Thánh Giám mục Cunot Thể: “đi theo giòng sông, đến nơi nào có đồng bằng thì lên đó lấp Nhà thờ”. Và thầy Sáu Do cùng các vị Thừa Sai đã theo giòng sông Đăc Bla tìm đến nơi đây, để đến được nơi này, nhiều vị Thừa sai nằm xuống dọc rừng núi vì bệnh tật.

Cũng vì yêu mến ngôi Nhà thờ của lịch sử truyền giáo Kon Tum mà sáng hôm sau, chúng tôi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Được nghe Cha Giuse Đỗ Hiệu, Chưởng ấn Tòa Giám mục chia sẻ tâm tình. Một Thánh lễ thật sốt sắng với lòng tạ ơn vì những kỳ công vĩ đại Chúa đã ban cho con người.

Sau Thánh lễ được các xơ dòng Saint Paul đang mục vụ nơi đây mời về ăn sáng. Cũng là những người quen một thời cùng nhau ở Huế nên bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu kỷ niệm tuôn trào.

Rời cộng đoàn Saint Paul, chúng tôi đi tham quan Biển Hồ Pleiku và phố Núi, nơi mà ca khúc đã từng diễn tả “Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây mỗi chiều quanh năm mù sương, mắt em ướt và môi em ướt nên em dễ thương…”.

Thăm Cộng đoàn Saint Paul Pleiku với những vườn cà phê bạt ngàn, một khung cảnh nên thơ tỉnh lặng được dự kiến làm nơi tĩnh tâm cho các cuộc tĩnh huấn của Giáo phận.

11 giờ trưa, chúng tôi rời Pleiku, rời Kon Tum về lại Huế bình yên với bao kỷ niệm sẽ không bao giờ quên.

Trương Trí
 
Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn mừng lễ thánh Anphongsô Maria Ligouri
Người Giồng Trôm
10:08 01/08/2016
ĐỀN ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP SÀI GÒN: MỪNG ĐẠI LỄ THÁNH ANPHONGSÔ MARIA LIGOURI

Cùng với Hội Thánh, cùng với Dòng Chúa Cứu Thế trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn mừng Đại Lễ Thánh Anphongsô Maria Liguori.

Xem Hình

Đôi nét về cuộc đời thánh Anphongsô: Thánh Anphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696. Thánh Anphongsô lãnh nhận sứ vụ linh mục vào ngày 21 tháng 12 năm 1726. Năm 1762, thánh Anphongsô được đặt làm Giám mục Giáo phận thánh Agatha Gothorum Lập Dòng Chúa Cứu Chuộc tại Scala tháng 11 năm 1732. Ngày 01 tháng 8 năm 1787, ngài an nghỉ trong Chúa, hưởng thọ 90 tuổi

Ngài được phong thánh năm 1831, và được tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.

17 giờ 30, cộng đoàn cùng hướng lên Thánh Anphongsô trong giờ cầu nguyện. Giờ cầu nguyện này, cộng đoàn cùng cầu nguyện với Cha Anphongsô Trần Ngọc Hướng. Đặc biệt, giờ cầu nguyện này có sự hiện diện, hiệp thông của Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh.

Cha Anphongsô Trần Ngọc Hướng mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lại khi khai mạc sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã nói ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi vì Chúa sức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó”. Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo là trung tâm sứ vụ của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu trao lại cho Hội Thánh.

Thánh Anphongsô ý thức sứ mạng của Chúa Giêsu, của Hội Thánh và Dòng Chúa Cứu Thế. ..

Kết thúc giờ cầu nguyện với Thánh Anphongsô, cộng đoàn cùng ôn một số bài hát dùng trong Thánh Lễ chiều này.

18 giờ 00, cộng đoàn cùng tiến ra Cung Thánh cùng tâm tình của cộng đoàn và ca đoàn được cất lên trong bài hát “Nơi Nhà Chúa” của cố nhạc sĩ Viết Chung: “Nơi Nhà Chúa đoàn con về đây ẩn nương. Như lữ khách trở lại tổ ấm quê hương. Nơi Nhà Chúa con sống trong tình thương. Từng nỗi vui nỗi buồn được Cha cảm thông.Cất tiếng hát tâm tình với cung đàn êm đềm. Nào ta ca tụng Chúa là Cha chí nhân. Đến với Chúa chiên lành. Đến trong nguồn an bình. Hồn con luôn được sống hạnh phúc lâu bền...”

Hiện diện trong Thánh Lễ mừng kính Thánh Anphongsô Maria Liguori gồm quý cha quý thuộc cộng đoàn Tỉnh Dòng, cộng đoàn Sài Gòn và nhiều cha ở các cộng đoàn khác nữa. Đặc biệt, chủ tế Thánh Lễ chiều nay là Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh.

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông – Phó Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế - ngỏ lời chào mừng Đức Cha Cosma:

“Trọng kính Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt – tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – giám mục Giáo Phận Bắc Ninh.

Hôm nay chúng con rất hân hoan đón Đức Cha ở giữa chúng con. Chủ tế Thánh lễ mừng kính thánh Anphong là tổ phụ của chúng con. Chúng con xin được chào mừng Đức Cha. ..

Trong Thánh Lễ này, chúngc on xin Đức Cha hiệp ý với chúng con tạ ơn Thiên Chúa vì thánh tổ của chúng con, xin Đức Cha cũng thương cầu nguyện cho anh em chúng con được ơn tha thiết với việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, được ơn cầu nguyện và trung thành với việc cầu nguyện. Chúng con xin cám ơn Đức Cha. Và xin Đức Cha dâng lễ cầu nguyện cho Nhà Dòng, cho anh tu sĩ linh mục dòng Chúa Cứu Thế”.

Sau lời chào mừng của Cha Phó Giám Tỉnh, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt đáp lại:

“Xin cảm ơn Cha phó Giám Tỉnh, quý cha và quý thầy cũng toàn thể cộng đoàn. Tôi rất vui mừng đến với cộng đoàn chúng ta dâng lễ kính thánh Anphongsô. Dòng Chúa Cứu Thế. Chúng ta cùng cầu nguyện cho quý cha quý thầy Dòng Chúa Cứu Thế trên toàn thế giới, trên đất nước Việt Nam và quý cha quý thầy Dòng Chúa Cứu Thế đang làm việc ở những nơi xa xôi địa phận Bắc Ninh nữa. Giờ đây để chuẩn bị cử hành Thánh Lễ, chúng ta cùng xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi”

Trong bài chia sẻ, Cha Phêrô Nguyễn Hữu Hạnh gợi lại cho cộng đoàn về hình ảnh, của Cha Thánh Anphongsô.

Cha Phêrô gợi lên bối cảnh của xã hội và Giáo Hội thời Thánh Anphongsô có nhiều biến động. Thế kỷ XVIII được gọi là thế kỷ Ánh Sáng nhưng thời đó có nhiều người chống Giáo Hội, chống giáo sĩ. ..

Trong bối cảnh đó, Chúa gửi cho Hội Thánh một khuôn mặt đó chính là Thánh Anphongsô Maria Liguori.

Cha Phêrô cũng gợi lại cho cộng đoàn hoàn cảnh của giao đình Thánh Anphongsô Maria Liguori. Thánh Anphongsô sinh ra trong một gia đình quý tộc. .. Thiên Chúa đưa Thánh Anphongsô đi con đường khác, từ bỏ sự giàu khó và thành đạt, trở thành linh mục mặc dù bị phản đối từ người Cha của Ngài.

Thánh Anphongsô cổ võ lòng đạo đức và cầu nguyện. .. Thánh Anphongsô dùng lời nói các kỳ Đại Phúc và Hậu Phúc để đưa các linh hồn về với Chúa qua các chuyến đại phúc. .. Thánh Anphongsô đã dùng ngòi viết để viết trong các lĩnh vực để lay động lòng người.

Trước khi kết thúc bài chia sẻ, Cha Phêrô ngỏ với cộng đoàn những bách hại mà Giáo Hội đanh chịu.. .. mỗi Kitô hãy học theo Thánh Anphong qua lời cầu nguyện: “Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội và cho chính chúng ta”. Nguyện xin Thánh Anphongsô vị Thánh Tiến sĩ của Giáo Hội cũng là vị thánh Tiến Sĩ của cầu nguyện ban cho chúng ta chuyên chăm cầu nguyện và sống đức tin giữa lòng thế giới.

Trước khi nhận phép lành cuối Lễ với ơn Toàn Xá, Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông – Phó Giám Tỉnh – ngỏ đôi lời cảm ơn đến Đức Cha Cosma, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn. Cha Đaminh nhắc lại hình ảnh thân thương khi Đức Cha hiện diện với nhà dòng trong những biến cố đặc biệt. .. “Xin Đức Cha tiếp tục yêu thương và nâng đỡ chúng con. Chúng con dâng lên Đức Cha bó hoa bày tỏ lòng biết ơn của chúng con.

Hướng về cộng đoàn, Cha Đaminh nói: “. .. Xin tiếp tục cộng tác với chúng tôi trong những lúc vui, lúc buồn, biến cố buồn vui của Tỉnh Dòng. Xin cảm ơn anh chị em. Xin cộng tác, đồng hành với chúng tôi trong công việc mục vụ. ..”

Sau một tràng pháo tay dòn giã, Đức Cha Cosma nói đôi lời với anh chị em:

“Hôm nay tôi đi bộ từ Dòng Tên đến đây để nhớ. .. 40 năm trước đây đi bộ đến đây để lãnh sứ vụ linh mục. ..”

Đức Cha nói rằng Đức Cha mang mang ơn dòng Chúa Cứu Thế rất nhiều, từ khi tôi còn là một em bé, từ những ngày bà cố dẫn đến nhà thờ Thái Hà mà ngày xưa gọi là nhà thờ Nam Đồng. ..

Đức Cha còn nhớ lời kinh ngày xưa mà bà Cố dạy: “Lạy thánh Anphongsô là quan thầy bầu chữa con, / xin giúp đỡ con trong những khi thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Bà Maria”.

Đức Cha nói rằng Ngài là người mắc nợ Nhà Dòng. .. và Đức Cha xin tạ ơn Chúa cùng với Nhà Dòng và xin quý cha và cộng đoàn cùng cầu nguyện cho Giáo Phận Bắc Ninh.

Thánh Lễ mừng kính thánh Anphongsô khép lại nhưng những người nghèo khó tất bạt vẫn còn đó. Nguyện xin Chúa Cứu Thế, qua lời chuyển cầu của thánh Anphongsô, thêm nhiều ơn để quý tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế nhiệt tình lên đường loan báo Tin Mừng theo gương Cha Thánh Anphongsô.
 
Lần Thứ 2 Liên Tiếp, Giáo Xứ Lào Cai Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Cộng Đoàn Công Giáo Tại Mường Khương
Lm. Nguyễn Văn Thành
12:30 01/08/2016
Lần Thứ 2 Liên Tiếp, Giáo Xứ Lào Cai Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Cộng Đoàn Công Giáo Tại Mường Khương

Chúa Nhật thứ XVIII TN, giáo xứ Lào Cai lại tiếp tục thắp nến cầu nguyện cho cộng đoàn Công Giáo tại Mường Khương. Đây là lần thứ hai liên tiếp, giáo xứ Lào Cai tổ chức cầu nguyện trong ngày Chúa Nhật.

Xem Hình

Chúa Nhật thứ XVIII TN, giáo xứ Lào Cai lại tiếp tục thắp nến cầu nguyện cho cộng đoàn Công Giáo tại Mường Khương. Đây là lần thứ hai liên tiếp, giáo xứ Lào Cai tổ chức cầu nguyện trong ngày Chúa Nhật.

Cho đến hôm nay, ngày 31.7.2016, chưa có một kết luận hay câu trả lời từ phía chính quyền cấp tỉnh hay cấp huyện. Những chứng cứ rất rõ ràng bằng nhân chứng, bằng hình ảnh và bằng nhiều đoạn video ghi lại được cho thấy dưới sự hướng dẫn của cấp huyện (sự hiện diện của Mặt Trận Tổ Quốc huyện), UBND thị trấn đã chỉ đạo cán bộ, công an viên cản trở và bắt bớ người dân sinh hoạt tôn giáo tại nhà bà Trầm, thị trấn Mường Khương, huyện Mương Khương.

Tòa Giám Mục Hưng Hóa, linh mục đoàn giáo phận Hưng Hóa và cả giáo xứ Lào Cai nữa, đang chờ đợi câu trả lời từ phía những người có trách nhiệm. Trong thời gian chờ đợi, xin cộng đoàn Công Giáo trong và ngoài giáo phận và những ai yêu mến tự do nhân quyền, tự do tôn giáo, cầu nguyện cho những anh chị em Công Giáo tại huyện Mường Khương.

Nến sáng lung linh soi tỏ cõi lòng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt Nam đi về đâu?
Bảo Giang
09:46 01/08/2016
Việt Nam đi về đâu? phần 4.

“Nếu Cộng Sản miền Bắc chiếm được miền Nam, thì toàn thể nước Việt Nam sẽ trở thành quận, huyện hay tỉnh nhỏ của Trung cộng! Yếu tố còn lại (sự hình thành, tổ chức) chỉ là thời gian”. (TT Ngô đình Diệm. Đồng Tâm, Tuy Hòa ngày 17-9-1955). Lời công bố này sẽ đi về đâu?

1. Những diễn tiễn sau lời tuyên bố của TT Ngô đình Diệm.

Điểm qua những dòng mực cũ. Ai cũng biết, với chủ trương “dân vi qúy, quân vi khinh…” TT Ngô đình Diệm đã khai sinh ra nền Cộng Hòa tại miền nam Việt Nam. Cuộc khai sinh này là dấu chấm hết cho các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê, Nguyễn… và mở ra một nếp sống mới, một hướng đi mới cho đất nước và cho dân tộc.

Với chủ trương này, trước hết, những thành phần phá hoại, phản bội lại cuộc sống của dân sinh và của đất nước như tập đoàn Cộng sản Hồ chí Minh bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, chúng không còn tìm ra chốn dung thân ở tại miền nam Việt Nam.Từ đó, chúng bị co cụm, phân tán thành từng toán nhỏ, chờ chết. Không còn sức phá hoại cuộc sống an bình, no ấm của người dân. Trong khi đó, mọi tầng lớp dân sinh dần bước vào cuộc sống của đất nước có tổ chức, có kỷ cương. Người người có cuộc sống ổn định và có cơ hội đồng đều để phát triển về nhân cách và mức sống. Các trường học mở ra, gìa trẻ đều hân hoan đến trường, giúp xã hội thăng tiến. Các khu dinh điền được thiết lập, khai thác, tạo cho đất nước một bộ mặt rất sinh động. Chỉ trong 10 năm, miền nam Việt Nam từ nếp áo thuộc địa nghèo nàn, lạc hậu, không chính lệnh dần trở nên cường thịnh, bước lên vũ đài quốc tế.

Giữa lúc người người hân hoan bước vào vận hội mới của dân tộc, bất hạnh nở hoa. Chính phủ do TT Diệm lãnh đạo đã bị loạn tướng Minh, Khiêm, Đôn, Đính, Xuân, Mậu… nhận tiền ngoại làm đảo chánh. Chúng đã sát hại ông trong xe thiết giáp M113 cùng với bào đệ của ông là Ngô đình Nhu vào ngày 02-11-1963. Có thể nói, cái chết của ông đã mở ra con đường đưa miền nam đến ngày 30-4-1975. Từ đây, nước mắt người dân Việt luôn trào trên mảnh đất cũ!

Sử còn ghi, sau khi TT Diệm bị sát hại, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền nam. Tạo cơ hội cho Hồ chí Minh vươn lên trong dối trá với khẩu hiệu “ đánh Mỹ cứu nước”! Đến sau mùa hè đỏ lửa 1972, Hoa kỳ triệt thoái quân đội khỏi miền nam VN theo Hiệp định đình chiến Paris. Cuộc chiến vẫn không dứt. Trái lại, nó trở nên tàn khốc hơn. Khi gió mùa xuân 1975 chưa đổi, cộng quân tiến chiếm Ban mê Thuột, khởi đầu cho cuộc giông bão tại miền nam. Rồi Sài Gòn bỏ cuộc vào ngày 30-4-1975. Từ đây, nước Việt Nam đã hoàn toàn rơi vào tay của Cộng sản bắc Việt.

II. Sự nghiệp Cộng sản trên đất Việt.

Vào ngày 14-9-1958, chỉ sau 4 năm ký hiệp định Geneve (1954), Phạm văn Đồng nhân danh Thủ tướng của nước VNDCCH, nhận lệnh từ Hồ chí Minh chủ tịch nhà nước, ký giao nộp hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam cho Tàu như là phần trả nợ chiến phí. Cuộc ký kết này không tự nhiên mà có, nó đã được Ung văn Khiêm (1956) thứ trưởng ngoại giao nhắc đến, sửa soạn dư luận trước đó hai năm. Y phát biểu trước mặt đại diện của TQ: “theo lịch sử thì Trường Sa và Hoàng Sa là của Trung quốc). Sau đó, vào năm 1999 đường biên giới giáp ranh với TC cũng được nhà nước cộng sản dưới trào Nguyễn văn Linh, Lê khả Phiêu, Đỗ Mười, Lê đức Anh, Nguyễn mạnh Cầm, Phan văn Khải… vẽ lại (để lấy tiền riêng?) và nhường thác Bản Giốc, ải Nam Quan, núi Lão Sơn và bờ biển Tục Lãm là nhà của Việt Nam thành ra đất của Trung cộng.

Sau chuyện đường biên giới, một thế hệ bán nước mới vươn lên với những tên tuổi nổi trội: Nông đức Mạnh, Võ văn Kiệt, Lê khả Phiêu rồi Nguyễn phú Trọng, Trương tấn Sang, Nguyễn tấn Dũng, Nguyễn sinh Hùng, Hoàng trung Hải, Uông chung Lưu… phò tá TC tự tung tự tác trên khắp mọi phần đất nước của Việt Nam. Từ những nơi được gọi là đấu thầu xây dựng cơ sở, cầu đường, nhà máy đến khai thác khoáng sản, hay thuê mướn rừng đầu nguồn cho đến những khách sạn, hàng qúan, các cơ sở kinh doanh, nóc gia tư nhân, cửa nguồn, bãi biển thuộc quyền quản lý của người Tàu (Trung cộng) mọc lên, nằm rải rác trên mọi phần đất từ bắc chí nam của Việt Nam. Nó mọc lên nhiều đến nỗi chính nhà cầm quyền CS ngày nay cũng không thể kiểm tra được tổng số người cũng như các cơ sở hàng quán, nhà cửa của họ nằm trên giải đất của Việt Nam là bao nhiêu. Tệ hơn thế, có rất nhiều khu dinh cơ, khai thác của Tàu nằm trên đất nước Việt Nam mà các cấp quyền ở nơi đây, từ cao nhất đến nhỏ nhất, đều không được phép bước đến.

Trong khi đó, vào thời TT Diệm, Chính Phủ ban hành Dụ số 53 ngày 06/9/1956, nghiêm cấm ngoại kiều, nếu không có quốc tịch Việt Nam, thì không được làm 11 nghề như: Buôn bán thịt, cá, Chạp phô (Tạp Hóa), than củi, nhiên liệu, tơ sợi, làm trung gian mua bán, buôn bán kim loại, lương thực, hành nghề xay gạo, chuyên chở hay gịch vụ. Thành phần kỹ nghệ gia hay thương gia người Hoa, nếu lai Việt, hoặc có vợ chồng Việt, thì vẫn được tiếp tục kinh doanh, nhưng phải đăng bạ dưới tên vợ, chồng hay tên bà con, người Việt. Những điều nghiêm cấm này không thi hành với người Hoa có quốc tịch Việt Nam. Hỏi xem, việc buôn bán làm ăn còn khó khăn là thế, nói chi đến quyền thủ đắc bất động sản như đất đai, cửa sông, bãi biển của ngoại kiều.

Qua sự việc này, nếu bạn là người có chút công tâm, kể cả trường hợp không biết đọc, không biết viết, không bị mù lòa hay câm điếc, hãy tự trả lời theo tính nhân văn, nhân bản của con người xem, TT Ngô đình Diệm hay Hồ chí Minh là kẻ bán nước? Ai là kẻ rước voi về dày mả tổ?

III. Bản án cho dân tộc Việt Nam từ Hội Nghị Thành Đô 1990?

Thật ra vấn đề mất đất, mất biển hay chuyện nhà cửa, kinh doanh, đất đai của người Tàu trên đất Việt hôm nay đã là điều người Việt Nam không bao giờ tưởng tượng ra được. Tuy thế, nó vẫn chưa phải là nỗi lo âu đong đầy trên đôi mắt, chất ngập trong tim lòng người Việt Nam, nếu đem so sánh nó với dòng chữ ngắn: Hội nghị Thành Đô. Hỏi xem, cái Hội Nghị Thành Đô 1990 kia ghi chép những gì mà ghê gớm đến như thế?

Đến nay, hầu như mọi người đều trắng mắt chờ đợi hay thao thức hỏi nhau về những công đọan, chi tiết được ghi chép trong Hội Nghị Thành Đô, là nơi đã hun đúc khí huyết của các nhà lãnh đạo Việt cộng bán nước, giết dân chuyên nghiệp như Phạm văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn văn Linh, Lê khả Phiêu, Nguyễn mạnh Cầm… đã tâm đầu, ý hợp, kính dâng lên Giang trạch Dân, Lý Bằng, Lương quang Liệt, Diệp tuyến Ninh, Dương đắc Chí, Hứa thế Hữu của Trung cộng là những cái gì, ra sao?

Kết qủa, chỉ nghe nói về số phận Việt Nam sẽ làm nô lệ cho Tàu sau năm 2020, nhưng chưa tìm ra một chỉ dẫn nào cụ thể, ngoài lời công bố của Nguyễn văn Linh “ Tôi cũng biết làm như thế, dựa vào Trung quốc sẽ mất nước. Nhưng thà mất nước còn hơn mất đảng” Lời công bố này mang ý nghĩa gì? Tại sao Nguyễn văn Linh lại nói: “ Làm như thế là mất nước, nhưng thà mất nước còn hơn mất đảng? Có phải họ đã giao Việt Nam cho Trung cộng quản lý, và đảng cộng sản VN trở thành một tỉnh bộ trực thuộc đảng CS Trung cộng như đã ghi trong Hiệp Ước? Hẳn nhiên, chúng ta chưa có câu trả lời chuẩn xác, nhưng xem ra có đủ dữ kiện để đặt vấn đề.

Ai cũng biết, VC và TC sau cuộc chiến biên giới (1979) đang gườm nhau trong tư thế, phải chém giết nhau mà sống. Không thể có hòa giải, nói chi đến tình bầu bạn thắm thiết. Bỗng nhiên, CS Đông Ấu, CS Nga sụp đổ. Cộng sản VN trắng mắt bơ vơ. Họ đành làm một cuộc cúi đầu đi chầu Trung cộng. Kết qủa, sau chuyến đi với những đôi mắt trắng, bàn chân run. Tập đoàn VC bán nước hớn hở mang về “ 4 tốt và 16 chữ vàng” chia nhau. Tất cả đều mừng rỡ hơn bố mẹ chết lâu ngày, nay sống lại. Bởi lẽ, môi sứt được vá lại. Cái răng gẫy được thay bằng răng gỉa. Từ đó, kẻ theo Trung cộng được bảo kê, nâng như nâng trứng để tung mây lướt gío. Kẻ muốn theo xét lại Liên sô như Ủy viên BCT Bách phải chết. Như thế, câu chuyện Thành Đô tự nó không phải chỉ là một thắc mắc lớn trong lòng mọi người. Trái lại, nó phải là cái thòng lọng, là bản án tử, khoác vào cổ dân tộc và lịch sử Việt Nam, nhưng lại là vòng hoa trong cổ cán nhớn theo Tàu! Đó là lý do, từ đó đến nay không có một cấp quyền nào của Việt cộng ngay sau khi nhậm chức mà không phải sang trình diện Trung cộng nhận vòng hoa.

IV. Những sắc dân nào tạo thành nhà nước Trung cộng?

Đây không phải là câu hỏi lạc đề. Tuy nhiên, trong lúc người Việt Nam chờ… Việt cộng buộc cho cái thòng lọng vào cổ và trao cho Trung cộng nắm đầu giây kéo. Chúng ta có lẽ cũng nên đọc lại vài trang sử của Trung Hoa để ngẫm về phận mình mai sau!

Cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) với Tôn Trung Sơn đã mang đến một ý nghĩa to lớn đối với dân tộc TQ và có ảnh hưởng đến các quốc gia trong vùng, trong đó có Việt Nam. Cuộc cách mạng này đã kết thúc nền quân chủ chuyên chế thống trị Trung Quốc qua nhiều nghìn năm. Có thể nói, cuộc Cách Mạng này đã đưa tư tưởng và nền dân chủ nẩy rễ trong công chúng, đồng thời nó cũng nâng cao ý thức Dân Tộc ở Trung Hoa. Tuy nhiên, nó đã không đồng hành theo ước muốn, không đủ khả năng xây dựng vững chắc để đưa TQ đi lên. Trái lại, nó đã đẩy Trung Hoa bước vào một giai đoạn tự xâu xé lẫn nhau. Kết qủa, phong trào cộng sản nổi lên. Đảng cộng sản Trung Quốc ra đời vào tháng 7/1921. Nó bị thảm bại vì Quốc Dân Đảng trước Đệ nhị thế chiến. Nhưng sau đó, lại trở thành kẻ chiến thắng.

Đến tháng 4/1949, “quân đội giải phóng nhân dân Trung cộng” đã vượt sông Trường Giang tấn công vào tận các căn cứ của Quốc Dân Đảng. Cuộc thống trị của Quốc dân Đảng sụp đổ. Cộng sản Trung quốc bắt đầu thiết lập một hệ thống mới trên đất nước này. Từ 21 đến 30-9-1949 Hội Nghị Hiệp Thương được triệu tập tại Bắc Kinh để thông qua cương lĩnh chung và bầu hội đồng chính phủ do Mao trạch Đông làm chủ tịch. Trung quốc từ đây bước vào quần thể đỏ. Ngày 1-10- 1949 nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung cộng chính thức được khai sinh.

Từ đây, Trung quốc dùng một lá cờ màu đỏ, trên đó có năm ngôi sao là biểu tượng cho quốc gia và dân tộc của họ. Nằm trên góc cao gần thân cờ là một ngôi sao lớn, đại diện cho đảng cộng sản cũng là người Hán, kẻ chỉ huy. Rồi lan tỏa về phía trước, nằm thấp hơn theo vòng cung là bốn ngôi sao nhỏ. Bốn ngôi sao này có ý dành cho bốn sắc dân Mãn, Hồi, Mông, Tạng? Về dân số, Trung cộng ngày nay có vào khoảng 1,400 triệu người, được chia ra như sau (theo wikipedia):

1. Người Mãn Thanh, sắc dân đã từng cai trị Trung Hoa từ 1644-1912. Theo công bố của nhà nước Trung cộng hiện nay còn khoảng 10,682, 263 người. Tiếng Mãn hầu như không còn được biểu hiệu và xử dụng ở nơi đây.

2. Người Hồi. Bao gồm 18 dân tộc ở Tân Cương, khu tự trị lớn nhất của Trung Quốc với diện tích 1,6 triệu km². Dân số 21,8 triệu người, trong đó có tới một nửa là người Hán gốc Hồi. Người Ngô Nhĩ là sắc dân chính tại đây chỉ còn lại khoảng 8,3 triệu người.

3. Nội Mông. Là khu tự trị dành cho người gốc Mông cổ, Một sắc dân từng lập ra triều đại Nguyên Mông cai trị nước Trung hoa vào thế kỷ 13 và 14. Có diện tích 1,183 triệu km², và dân số 24,7 triệu người. Tuy nhiên, người gốc nội Mông chỉ còn lại khoảng 8,94 triệu. Chiếm 14,7% dân số toàn Khu tự trị..

4. Người Tạng. sống ở Khu tự trị Tây Tạng có diện tích 1,25 triệu m². Dân số chỉ còn khoảng 5,18 triệu người, trong đó một phần đáng kể đã là người Hán.

5. Người Việt trong quy ước Thành Đô…..?

Dân số các sắc tộc khác ít hơn, và cũng không được ghi biểu tượng bằng ngôi sao như sau: Choang 17,17 triệu. Hmong 8,94 triệu. Thổ gia 8.9 triệu, Di 7,76 triệu, Tạng 5,4 triệu… có một số các sắc dân khác với số lượng từ vài ba ngàn người cho đến khoảng hơn 1 triệu người. Riêng sắc dân với tên tự là Hán được ghi là: 1,234 triệu người (wiki). Theo bảng dân số được công nhận chính thức tại Trung cộng, người ta không còn được nghe biết đến các sắc dân Tề, Hàn, Triệu, Ngô, Sở, Tần, Tấn, Ngụy, Yên…. nữa. Họ đã mất dấu và mất tên.

Nay, hãy nhìn lá cờ Trung quốc với 5 ngôi sao nhỏ xuất hiện trên đài truyền hình VTV1 khi Nguyễn phú Trọng đi thăm Trung cộng, và trên tay những trẻ thơ VN mặc áo đỏ, đứng trong hàng danh dự ra đón TC Binh khi Y đến Hà Nội xem nó có ý nghĩa gì? Có phải đã đến lúc Việt cộng bắt đầu thực hành những công đoạn nổi trong Hiệp Ước Thành Đô trước khi giao đất và xin cho 90 triệu người Việt Nam được trở thành một sắc dân nữa trong ngôi nhà Trung cộng hay không? Liệu số phận Việt Nam có bị Việt cộng giao cho Trung cộng thu gọn vào trong mục số 5 ở trên với tựa đề: Người gốc Việt trong Trung Quốc đại thống chí hay không?

Dĩ nhiên, câu hỏi này không phải đến hôm nay mới có. Nhưng nó có ngay từ khi Hồ Quang, người Hẹ, sau đổi thành Hồ chí Minh nhờ Trung cộng hỗ trợ mà chiếm được miền bắc vào năm 1954. Tuy nhiên, mãi đến sau hội nghị Thành Đô 1999, nhà nước CS bắc Việt mới dần úp mở sự thật. Trước hết, khi Nguyễn Phú Trọng, thủ lãnh của đảng cộng sản VN trong chuyến sang thăm Bắc Kinh ngày 11 tháng 10 năm 2011, Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 của nhà nước CS chính thức phát đi bản tin, tường thuật về cuộc đi Tàu của Trọng, trên đó có kèm theo lá cờ của Trung Quốc với 6 sao. Bản tin làm cho dư luận xôn sao, phản đối, VTV1 đã lặng lẽ gỡ bỏ bản tin với lá cờ trên mạng xuống, mà không có một lời giải thích nào.

Chuyện thứ hai: Giữa Hà Nội, Việt cộng đón Tập cẩm Bình với cờ 6 sao! Chuyện cũ chưa qua, ngày 21/12/2011 Tập cảm Bình đến Việt Nam, Trọng lại đưa bầy trẻ thơ Việt Nam mặc áo đỏ, ý muốn nói là tương lai của Việt Nam, ra đứng chào đón Bình trong hàng danh dự với cờ đỏ 6 sao! Có người cho rằng, Việt cộng lại dùng cờ sai? Lẽ nào như thế nhỉ? Nếu kẻ tổ chức và người đón, tiếp chỉ 5, 7 tuổi thì đó là chuyện trẻ con không biết, chẳng ai trách. Nhưng đây là chuyện của nhà nước đi đón thượng khách nước ngoài, lẽ nào lại không hay biết chuyện sơ đẳng này? Hơn thế, không phải là cờ của Trung cộng mới có từ vài ba ngày trước. Trái lại, nó đã hiện diện ngay trên miền bắc Việt Nam từ hơn 60 năm qua! Như thế, nó phải có một nguyên do khác. Có người cho rằng, nó sửa soạn cho tương lai của Việt cộng đấy! Bởi lẽ, ngày của năm 2020 như hội ước Thành Đô đã gần kề. Nghe thế, có người từng phục vụ chế độ, giật mình, nóng mặt, trong lúc người dân choáng váng! Tuy nhiên, với nhà nước Việt cộng thì xem ra nó là chuyện rất bình thường, phải đến, chẳng cần một đính chính.

Như thế, ta hãy hỏi xem. Liệu đây có phải là việc tập diễn, sửa soạn hướng đi dọn đường cho Trung cộng vào chiếm ngụ trong năm 2020 không? Bạn là người Việt Nam máu đỏ da vàng, mang trong người huyết thống của Ngô Quyền, Nhị Trưng, Trần hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung hay Lý thường Kiệt… có mừng rỡ khi quê mẹ bị Việt cộng trao tay cho Trung Cộng hay không?

V. Cuộc tràn xuống phương nam.

Thực ra, không phải đến hôm nay, người Việt Nam mới biết đến sức ép, hay bị tràn xuống từ phương bắc, nhưng Lịch sử Việt Nam đã từng ghi lại những cuộc chiến với cái tên như Tống, Hán, Nguyên Mông, Thanh… Và những cuộc tràn bờ từ ngàn năm trước. Và rồi, chính trên mảnh đất hiện hữu này đã có những cuộc chiến, phải được coi là thánh chiến, là dân tộc chiến để cái tên Việt Nam còn tồn tại đến hôm nay.

Tuy nhiên, cuộc tràn xuống phương nam từ phương bắc sau ngày 3-2- 1930, lại phải được coi là một cột mốc điểm lịch sử quan trọng khác của một Việt Nam u mê vào thời cận đại. Bởi lẽ, Trung cộng không dùng quân đội của họ tràn xuống phương nam như xưa để ta dễ nhận biết. Nhưng dùng Hồ Quang, người Hẹ, trong vai Hồ chí Minh dưới lớp áo cộng sản, trong chiêu bài giải phóng để nhuộm đỏ Việt Nam, để đưa Việt Nam vào vòng thống trị của Tàu. Phải nói rằng, đây là một kế hoạch hoàn chỉnh hơn trăm lần con cờ Trần ích Tắc hay Lê chiêu Thống xưa kia. Nó hoàn chỉnh vì ta mất nước mà ta không hề biết rằng mất nước, lại còn vỗ ngực là yêu nước và ca tụng kẻ bán nước. Bởi lẽ:

1. Nếu Hồ chí Minh là Nguyễn tất Thành thì chính Y là người rước voi về giết dân, dày mả tổ. Bằng chứng hiển nhiên là 172000 ngàn người bị Y giết chết rập theo sách lược đấu tố của Tàu trong mùa đấu tố. Kế đến là hơn 4,000,000 người chết, bị thương, khi Y mở ra cuộc chiến từ 45-75 với chiêu bài Độc Lập rồi chống Mỹ cứu nước. Kết qủa, chỉ toàn là xương máu Việt đổ ra để mở đường cho Tàu xâm nhập nội địa Việt Nam qua Hiệp ước Thành Đô theo lời xác minh của Nguyễn văn Linh “Biết làm thế là mất nước, nhưng thà mất nước còn hơn mất đảng”. Quả thật, việc giết hại nhân dân, đào mả tổ tiên mình, rồi dâng đất nộp thành, xin làm nô lệ cho Trung cộng là một kỳ công vĩ đại không ai có thể làm được, ngoại trừ Hồ chí Minh. Vỗ tay đi!

2. Ở trường hợp Hồ chí Minh là Hồ Quang người Hẹ thì rõ ràng tất cả mọi người Việt Nam chúng ta đã bị lừa đảo vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn, tự tiêu diệt lẫn nhau trong xuốt hơn 70 năm qua. Kết qủa, nếu chúng ta không biết nhìn lại nhau, nhận ra sự thật này, thì chính chúng ta, người Việt Nam đã bị rơi vào vòng xiếc do Trung cộng đạo diễn với ý đồ, dùng người Việt giết người Việt. Riêng phần lãnh thổ ở đó sẽ do người Tàu chiếm cứ và đặt vòng cai trị từ 2020 theo chính ước nguyện của tập đoàn Hồ Quang do Đỗ Mười, Nguyễn văn Linh, Phạm văn Đồng… tiếp quản, khẩn tấu.

Với hai thực tế này, lẽ nào người Việt Nam yêu tổ quốc yêu nòi giống của mình lại cúi đầu, khoanh tay đứng hầu? Lẽ nào người Việt Nam vì tổ quốc, vì tiền nhân mình mà không đứng dậy, lột mặt nạ của Y?

Bảo Giang

30-7-2016
 
Thông Báo
VietCatholic chân thành cám ơn cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc và quý ân nhân
LM Văn Chi và Vietcatholic Network.
17:47 01/08/2016
Cha Giám đốc John Trần Công Nghị, Cha Phó Giám đốc Paul Văn Chi và VietCatholic chân thành cám ơn Cha Quản Nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh, Cha Linh Hướng PT Cursillo Phạm Quang Hồng, Quý Cha, Quý Tu Sĩ, Ban Thường Vụ, Quý Vị trong các Phong Trào Đoàn Thể CĐCGVN Tổng Giáo Phận Perth, đặc biệt cám ơn Ban Tổ Chức, Phong Trào Cursillo, cùng 3 Ca Đoàn Thánh Linh, Cecilia, Têrêsa, và các em Diễn Nguyện, Quý Thân Hữu cộng tác trong Dạ Ca Tâm Tình Cảm Tạ Tri Ân, và toàn thể Quý Ân Nhân. Đêm Dạ Ca đã nhận được sự ủng hộ quý báu của Quý Cha và Quý Vị với tổng kết của Ban Thủ Quỹ như sau:

• THU: 22/7/2016: $28,112.00 Úc Kim.

• CHI: 9295.00.

• TẶNG VIETCAHOLIC PERTH TÂY ÚC CHÂU: $18,817.00. (28,112.00-9295.00=18,817.00).


Anh Đặng Minh An đã thay mặt VietCatholic nhận nơi Ban Tổ Chức vào thứ 2 ngày 25.7.2016. VietCatholic muốn gửi tặng Đại Hội Cursillo 2000.00, nhưng Phong Trào Cursillo xin tặng lại VietCatholic. Cám ơn PT Cursillo.

Như Cha Văn Chi đã hứa là 50% tiền bán Sách, DVD, CD cho VietCatholic. BTC phổ biến được là 3450.00.

Chi phí cho sách, DVD và CDs tặng BTC và những ân nhân. Cha Văn chi tặng luôn cho VietCatholic hơn 50% là 2680.00 và Cha đã không lấy số tiền này với chi tiết:

• 28 Sách x 30.00 = 840.00
• 36 DVD x 30.00 = 1080.00.
• 30 CDs x 20.00= 600.00.
• 4 DVD Con Đường Chúa Đã Đi Qua. 40.00x4= 160.00.

TOTAL: 2680.00.

Một lần nữa, trước hết, Tạ Ơn Chúa và Hiền Mẫu Maria. Chúa là tác giả chính của Dạ Ca. Cha Văn Chi và BTC tại Perth là dụng cụ của Ngài. Tất cả để vinh danh Chúa và Hiền Mẫu Maria. Cha Văn Chi và VietCatholic đặc biệt chân thành cám ơn BTC: AC Vũ Bình, AC Cận Hạnh, AC Hùng Nhung, AC Tịnh Hải, AC Thảo Ly, AC Đinh Lan, Anh Hoa, 3 Ca Đoàn Thánh Linh, Cecilia, Teresa, các em Diễn Nguyện, các Ban Chuyên Môn, và tất cả chúng con đã cộng tác. Kính cám ơn Cha Quản Nhiệm, Cha Linh Hướng Cursillo, Quý Cha, Quý Tu Sĩ, Ban Thường Vụ, Quý Phong Trào Đoàn Thể, Quý Ân Nhân Thân Hữu, và toàn thể Quý Vị. Nhân dịp này Ban Giám Đốc Vietcatholic chân thành cám ơn sự đóng góp vào các chương trình truyền hình VietCatholic của các thành viên trong CĐCGVN Tây Úc

Nguyện xin Thiên Chúa qua sự bầu cử của Hiền Mẫu Maria chúc lành cho Quý Cha, Quý Tu Sĩ, BTC, và toàn thể CĐCGVN Tổng Giáo Phận Perth.

Chân Thành Cám Ơn.
 
Văn Hóa
Ánh Sáng Cuối Ðường Hầm
Bùi Hữu Thư
17:01 01/08/2016
Ánh Sáng Cuối Ðường Hầm
________________________________________

Có ánh sáng đầu kia đường hầm,
Can đảm lên nào, hãy vững tâm.
Ở nơi nào đó trong bóng tối,
Sẽ thấy đường đi, khỏi khóc thầm.

Ðường lối âm u, chẳng ngại ngần,
Bóng tối chẳng ngăn được bước chân.
Dù cho mắt thường chưa thể thấy,
Chúa dắt dìu đi, đừng lần khân.

Ðã có thời êm ấm, no say,
Dù lắm khi vật lộn qua ngày.
Sẽ có ngày Chúa thương ghé đến,
Cất sạch mọi phiền não trên tay.

Vì Thiên Ðàng luôn luôn chờ đón,
Cuối giòng đời trần thế của tôi.
Trong niềm vui yêu thương dâng trọn,
Tôi sẽ quên nước mắt cuộc đời.

Có ánh sáng đầu kia đường hầm,
Dù dặm trường thiên lý xa xăm.
Luôn biết rằng Chúa không hề bỏ,
Lời hứa Ngài ghi dạ trăm năm.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Con Ong Cái Kiến Sau Vườn
Joseph Nguyễn Tro Bụi
20:12 01/08/2016
CON ONG CÁI KIẾN SAU VƯỜN
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Con ong cái kiến sau nhà
Xem ra cũng rất thật thà dễ thương
Dù cho đôi lúc ương ương…
(nđc)
 
Thánh Ca
Ave Maria – Trình bày: Tố Hằng
Minh Trung
17:28 01/08/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây