Ngày 02-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhỏ bé nhưng đầy mùi Chúa
Lm Minh Anh
06:03 02/08/2020

NHỎ BÉ NHƯNG ĐẦY MÙI CHÚA

“Hỡi tất cả những ai đang khát, hãy đến mà uống”;
“Chính anh em hãy cho họ ăn”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay gợi lên một lời mời gọi kép. Thiên Chúa mời gọi con người ‘đến để nhận’ và cũng chính Thiên Chúa mời gọi con người ‘đi để trao’.

Bài đọc thứ nhất cho thấy Thiên Chúa biết con người đang khát. Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa mời gọi con người đến, “Hỡi tất cả những ai đang khát, hãy đến mà uống”. Và không chỉ biết con người đói khát bánh ăn nước uống, nhưng Người còn biết một cơn đói khát quan trọng hơn, khắc khoải hơn nơi nó, một cơn đói khát sống còn. Cũng trong bài đọc hôm nay, Thiên Chúa nói một câu rất sâu sắc, “Hãy lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe, thì các ngươi sẽ được sống”; và như thế, ai không đến, không nghe, sẽ không thể sống. Quả vậy, được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là một hữu thể vô biên; vì là vô biên nên chắc chắn không gì ‘hữu biên’ có thể lấp đầy nó. Ngay buổi đầu tạo dựng, từ vô biên, dường như một mũi tên vô hình nào đó đã bắn trúng trái tim con người khiến nó thương tổn và chuốc lấy một vết đau đời đời vô phương chữa chạy như giáo phụ Origen nói, “Người là chúa hụt nhớ miền trời xa”. Không ai có thể chữa lành nó trừ Đấng đã gây thương tích, Đấng ẩn trong cõi vô biên có tên là “Vô Cùng” như một tác giả ví von, “Nơi tâm hồn con người có một lỗ hỗng mang dáng dấp Thiên Chúa mà chỉ mình Người mới có thể lấp đầy, chỉ mình Người mới trùng khớp và ráp kín nó như trò chơi ráp hình jigsaw puzzle của trẻ em”. Đó là lý do Thiên Chúa mời con người đến để ban cho nó chính mình Người.

Đó là một Thiên Chúa tình yêu, nhân ái, trao ban sự sống và bản tính của Người mà một khi đã đến, con người cảm nhận một tình yêu không gì sánh tày như tác giả Thánh Vịnh đã trải nghiệm, “Hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao”; “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy”; hoặc như thánh Phaolô xác tín trong bài đọc Rôma hôm nay, “Ai có thể tách chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Thiên Chúa tình yêu đó một lần nữa được gặp thấy nơi con người Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay. Thánh Matthêu nói, “Vừa ra khỏi thuyền, thấy dân chúng đông đảo, Người chạnh lòng thương, chữa lành nhiều người”. Và khi chiều xuống, các môn đệ “Xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn” thì Ngài lại bảo, “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã giúp các môn đệ đãi dân chúng sau khi ngước mắt lên trời dâng lời chúc tụng; chỉ với ngần ấy, năm chiếc bánh và hai con cá, dân chúng vẫn no nê và người ta thu lại được mười hai thúng đầy.

Có bao giờ chúng ta cảm thấy mình có quá ít để dâng? Có bao giờ chúng ta cảm thấy mình chưa làm được một điều gì đó lớn lao cho thế giới, cho Giáo Hội? Và đôi khi chúng ta ước mình là người này, người kia vốn có một tầm ảnh hưởng lớn để làm một điều gì đó thật cả thể; thế mà, sự thật là, chính chúng ta vẫn có thể làm được những việc cả thể với những gì nhỏ bé đang có. Tin Mừng hôm nay cho thấy, chính Thiên Chúa có thể lấy những gì nhỏ bé như đã lấy năm chiếc bánh, hai con cá để hoá nhiều hầu nuôi sống cả ngàn người mà vẫn còn thừa.

Phép lạ hôm nay không chỉ là phép lạ Chúa Giêsu làm với mục đích cung cấp bánh ăn cho đoàn người giữa hoang địa, nhưng phép lạ hôm nay còn là dấu chỉ cho thấy quyền năng của Thiên Chúa có thể biến những gì nhỏ bé chúng ta dâng mỗi ngày thành muôn phúc lành theo cấp số mũ cho thế giới. Mục đích của chúng ta không phải là định hình những gì Thiên Chúa làm với cái chúng ta dâng; đúng hơn, mục đích của chúng ta là trao cho Chúa những gì chúng ta là, những gì chúng ta có và chính Người sẽ làm điều còn lại; đó là biến đổi, là hoá nhiều, là nhân lên theo cấp số mũ, cấp luỹ thừa.

Một đôi khi, những gì chúng ta dâng xem ra quá nhỏ bé, chẳng nên tích sự gì; chẳng hạn những chuyện vặt vãnh thường ngày và chúng ta tự hỏi, Thiên Chúa sẽ làm gì với những cái này? Cũng chính câu hỏi ấy đã được đặt ra nơi người có năm chiếc bánh và hai con cá. Thế nhưng, kìa, xem Chúa Giêsu đã làm gì với chúng! Chúng ta phải tin rằng, mỗi ngày, mọi sự chúng ta dâng cho Chúa, dù bề ngoài lớn hay nhỏ vẫn được Chúa sử dụng theo cách nhân số chồng chất lên số thần kỳ của Ngài. Và dẫu không thấy những hoa trái như câu chuyện Tin Mừng kể lại, chúng ta vẫn tin chắc, những hoa trái của nó vẫn vô lượng vô ngần.

“Chính anh em hãy cho họ ăn”, Chúa đang sai chúng ta đi, hãy nghĩ đến những việc nhỏ bé chúng ta làm, những hy sinh, những hành vi bác ái, những nghĩa cử yêu thương, tha thứ, cúi xuống, phục vụ… tất cả sẽ có một giá trị không đo đếm được. Hãy cứ sẵn sàng lễ dâng và giao cho Chúa việc còn lại. Trao cho Chúa tình yêu, công việc, ý nghĩ và cả những buồn đau, yếu hèn, cuồng si và thậm chí, cả tội lỗi. Hãy để Chúa nhận hết những gì nhỏ bé tầm thường này để biến chúng thành ân sủng cho vinh quang Người và phúc lành cho tha nhân.

Mẹ Têrêxa nói, “Hãy trao tặng tình yêu của con bất cứ nơi đâu con hiện diện. Trước hết trong mái ấm của con; hãy yêu thương con cái, bạn đời và cả những hàng xóm… Đừng để ai đến với con mà khi rời đi, không tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Với những gì nhỏ bé nhất mà con có thể, hãy là hiện thân sống động cho lòng thương xót của Thiên Chúa bằng cách thể hiện nhân ái trên gương mặt, trong ánh mắt, qua nụ cười và cả trong những lời chào nồng ấm của con”.

Anh Chị em,

Chúng ta đừng bao giờ tham dự Thánh Lễ với hai bàn tay trắng, cùng với bánh rượu trên bàn thờ, hãy chất thêm vào đó những gì bé nhỏ của chúng ta; Chúa sẽ làm nên những gì tốt nhất, nhiều nhất. Đó vẫn là những của lễ có ý nghĩa cứu độ, vô biên và đời đời. Tại sao không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con đầy Chúa, để con có thể cho đi những gì nhỏ bé nhưng đầy mùi Chúa của con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:35 02/08/2020

46. Người yêu nhiều, thì Thiên Chúa gởi đau khổ cho họ cũng nhiều hơn; người yêu ít, thì Thiên Chúa ban cho họ đau khổ cũng ít hơn.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:39 02/08/2020
94. THẠCH SINH GHẸO GÁI

Ở đất Tô Châu có người tên là Thạch Sinh rất cơ trí và phong lưu.

Có lần, bởi vì đi bộ mệt phờ người lại còn trèo lên lầu nhỏ để nghỉ ngơi, không ngờ chỗ đó lại bị một hòa thượng chiếm mất tiêu. Thạch Sinh nhìn thấy hòa thượng đóng cửa sổ ngủ trưa, bên ngoài cửa sổ lại có một lầu khác đối diện có một phụ nữ còn trẻ đang dựa vào cửa sổ thêu thùa, Thạch Sinh bèn lén lấy mũ áo của hòa thượng mặc vào mở cửa sổ chọc ghẹo trêu bỡn người đàn bà ấy.

Người đàn bà nổi giận báo với chồng, chồng bực tức chạy vội qua chửi mắng hòa thượng, hòa thượng ngủ dậy lại không biết chuyện gì cả nên vội vàng bỏ chạy, còn Thạch Sinh thì không thấy bóng dáng đâu cả !

(Nhã Ngược)

Suy tư 94:

Chọc ghẹo con gái để cười đùa cho vui giữa bạn bè với nhau thì chẳng ai chửi mắng làm gì, chỉ là chuyện nhỏ vui đùa mà thôi, nhưng giả mạo kẻ tu hành để chọc gái thì tội đền gấp trăm gấp ngàn.

Chọc ghẹo đến nổi bị người ta chửi là “mất dạy” thì đáng phải xét lại, bởi vì tất cả những hành vi chọc ghẹo thô bạo, mất tư cách đó đều là bày bỏ một tâm hồn không được giáo dục nhân bản; xã hội càng văn minh, khoa học càng phát triển thì con người cần phải có nhân bản để tạo sự hài hòa và cảm giác bình an cho xã hội...

Giả danh kẻ tu hành để chọc gái, chỉ là một trong nhiều ung nhọt của một xã hội có quá nhiều tệ nạn, cho nên cũng đừng buồn nó, nhưng cái nên buồn là buồn cho con người thời nay chỉ biết đến hưởng thụ, mà không biết làm cho nhân cách của mình tăng trưởng.

Thế hệ này không đề cao nhân bản thì thế hệ sau sẽ vô nhân vô cảm.

Ai có tâm thì nhức nhối !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Ở đó gió sẽ lặng
Lm. Minh Anh
23:03 02/08/2020

Ở ĐÓ GIÓ SẼ LẶNG
Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất ngạc nhiên khi nói, Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay dù chúng ta không ở trong mùa giáng sinh nhưng đang ở giữa mùa thường niên; đó là một “Thiên Chúa ở cùng” với lòng nhân ái xót thương như là hằng tính của Người. Chúa đã ở cùng Giêrêmia, ban cho ông sự khôn ngoan để ông phân định ai là ngôn sứ thật, ai là ngôn sứ giả; Chúa đã ở cùng Phêrô, ban cho ông can đảm để ông đi trên nước mà đến với Ngài, sau đó, kịp đưa tay chộp lấy ông khi ông sắp chìm nghỉm.
Sách Giêrêmia bất ngờ kể chuyện sự xuất hiện của một ngôn sứ giả, Hanania. Giêrêmia, người có Chúa ở cùng, thoạt tiên xử sự rất khôn ngoan và đúng mực. Tiên vàn, ông phải bênh vực quyền lợi tôn giáo của đất nước, không để dân thoả hiệp chính trị với người ngoại vì điều này sẽ phương hại đến niềm tin vào Thiên Chúa của mình. Hanania lộ diện, đưa ra những lời tuyên sấm thuận tai mê hoặc lòng dân. Trước những lời đường mật của vị ‘ngôn sứ mới’, Giêrêmia bình tĩnh lắng nghe, ông không vội trả lời, cũng không phản đối; Giêrêmia đợi chờ Thiên Chúa, Đấng ông hoàn toàn tuỳ thuộc. Và một khi Chúa đã ngỏ lời với ông, ông lên tiếng nhân danh Người và thẳng thừng với ngôn sứ giả, “Chúa phán như sau, ‘Này, Ta sẽ bứng ngươi ra khỏi mặt đất, ngay năm nay, ngươi phải chết vì ngươi đã hô hào chống lại Thiên Chúa’”. Quả thế, Hanania đã chết năm đó. Thiên Chúa ở cùng Giêrêmia, ban cho ông khôn ngoan và sức mạnh.

Điều tương tự đã xảy ra với Phêrô qua trình thuật Tin Mừng. Giữa đêm khuya, biển khơi dậy sóng, gầm rú đến rợn người, thuyền các môn đệ bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió; ấy thế, Chúa Giêsu, người Thầy nhân ái vẫn đồng hành xa xa bên cạnh các học trò thân yêu của mình. Và câu chuyện xảy ra sau đó vốn thường được coi như một bài học về đức tin khi Phêrô đi trên nước mà đến cùng Thầy; vậy mà, bài học về lòng nhân ái và xót thương ở đây còn lớn hơn. Giữa trùng khơi đen kịt hãi hùng, một bóng người xuất hiện thấp thoáng trên sóng, các môn đệ la lên, “Ma kìa”, thì Chúa Giêsu, Thầy họ, lại thanh thản như đứng trên đất liền hoặc trên một bờ cát, Ngài lên tiếng trấn an, “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. Ôi, dịu dàng!

Nghe thế, Phêrô lên tiếng, “Thưa Thầy, nếu quả là Thầy, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy”. Nói như thế, cách nào đó, Phêrô thách thức Thầy; không chỉ thách thức có phải Thầy đó hay không nhưng còn thách thức quyền năng của Thầy. Liệu Thầy có thể làm nước hoá cứng hay chắp cho tôi đôi cánh vô hình để tôi đến được với Thầy? Bên cạnh đó, Phêrô còn muốn ngang sức với Thầy, tài giỏi như Thầy và đàng sau những lời đó, còn cả một Phêrô tự phụ khi ông ỷ mình là người bơi giỏi, lỡ chìm thì bơi. Chúa Giêsu không chấp xét, trách móc; một lần nữa, Ngài nhân từ bảo ông như không có chuyện gì, “Cứ đến”. Ôi, dịu dàng!

Từ thuyền bước xuống, Phêrô đi trên nước, đến với Thầy nhưng khi thấy gió mạnh và bắt đầu chìm, ông la lên, “Lạy Thầy xin cứu con”. Tin Mừng nói, “Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông”. Lòng nhân ái và xót thương của Thiên Chúa nơi Ngài không cho phép Ngài ngần ngừ một giây; với một người thầy nào khác, có lẽ họ sẽ để cho người học trò đầy tự phụ no nước đến lả người rồi mới đưa tay cứu. Còn Chúa Giêsu, Ngài chỉ nhẹ nhàng trách yêu, “Hỡi kẻ kém lòng tin, sao lại hoài nghi? ”. Ôi, dịu dàng!

Tin Mừng nói, “Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng”. Ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó gió sẽ lặng; ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có bình an. Tin Mừng kể tiếp, “Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói, ‘Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa’”, và hẳn trong số người bái lạy Ngài, chúng ta tin, thế nào cũng có cả Phêrô, người được Ngài ở cùng nhiều hơn cả. Ôi, dịu dàng!

Cha Charles de Foucauld đã thưa lên điều tương tự như Phêrô, “Lạy Chúa, nếu quả có Chúa, xin tỏ cho con nhận ra Ngài”. Chúa đã tỏ mình cho vị chân phước vốn đã mất đức tin từ thời thiếu niên; Chúa đã ở cùng Charles de Foucauld mãi đến những ngày cuối đời trong sa mạc.

Anh Chị em,
Chúa Giêsu, Đấng Emmanuel, đang ở cùng và yêu thương chúng ta cả khi chúng ta không nhận ra Ngài trong đêm tối giữa dông tố cuộc đời hoặc cả khi chúng ta dám thách thức Ngài cách này cách khác. Ngài vẫn luôn sẵn sàng đưa tay cứu lấy chúng ta cả khi đức tin của chúng ta đầu hàng và bất lực trước những nỗi sợ và nghi ngờ có thực vốn chúng ta có thể sắp ngã lòng. Ngài vẫn hằng yêu thương chúng ta dù chúng ta có nghi ngờ đến mấy, thách thức Ngài đến đâu; Ngài không thể bỏ chúng ta vì Ngài là Thiên Chúa đời đời nhân ái và xót thương.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa luôn ở cùng con nhưng con ít ở cùng Chúa; xin cho con biết quay về với Ngài nhất là giữa lúc bão tố vì tin rằng, Chúa đang đưa tay ra cho con, bàn tay đẫm ân sủng”, Amen.

( Tgp. Huế)
 
Thánh Gioan Maria Vianney và Tòa Giải Tội
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
23:43 02/08/2020

Thánh Gioan Maria Vianney và Tòa Giải Tội

Đức Thánh Cha Biển Đức 16 kêu gọi các linh mục hãy siêng năng ban bí tích hòa giải cho các tín hữu noi gương thánh Gioan Maria Vianney.Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 11-3-2010, dành cho các linh mục tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao tổ chức.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến Năm Linh Mục kỷ niệm 150 năm qua đời của thánh Gioan Maria Vianney và đặc biệt đề cao tấm gương của thánh nhân “đã thi hành sứ vụ hòa giải một cách anh hùng với nhiều thành quả”. Ngài nhận xét rằng để thi hành sứ vụ ấy, thánh Vianney đã kín múc sức mạnh từ chiều kích thống hối bản thân, ý thức giới hạn của mình và nhu cầu cần tìm đến Lòng Từ Bi của Chúa để xin ơn tha thứ, để hoán cải tâm hồn và được nâng đỡ trên con đường nên thánh” (SD 11-3-2010).

“Mỗi tòa giải tội là một nơi đặc biệt hồng phúc, từ nơi đó, các sự chia rẽ đã được xóa sạch, sinh ra một con người mới, không tì ố, một con người được giao hòa, một thế giới được giao hòa”. (Thánh Gioan Phaolô II, Reconciliatio et Paenitentia - Hòa giải và Sám hối, số 31).

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các cha giải tội, hãy gắn bó với Chúa Kitô qua kinh nguyện, biết phân định và ý thức rằng tòa giải tội chính là nơi loan báo Tin Mừng. Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17-3-2017 dành cho 700 người gồm các linh mục trẻ và chủng sinh sắp thụ phong linh mục tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY Chánh Tòa và các chức sắc của Tòa Ân Giải tối cao những như các cha giải tội tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khai triển 3 điều kiện để trở thành cha “giải tội tốt”:

- Trước tiên phải là người bạn đích thực của Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành. Điều này trước tiên có nghĩa là phải vun trồng đời sống cầu nguyện, luôn cầu xin Chúa ơn bác ái mục tử, ơn có khả năng hiểu những vết thương của người khác để chữa lành, ơn khiêm tốn, và luôn xin ơn Thánh Linh là Thánh Thần Phân Định và cảm thương.
- Tiếp đến, cha giải tội tốt là người của Thánh Linh, người biết phân định. Cha giải tội không dạy đạo lý riêng của mình, nhưng luôn luôn thực thi thánh ý Chúa, trong niềm hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội. Sự phân định là điều cần thiết vì người đến tòa giải tội có thể đến từ những hoàn cảnh rất khác nhau. Cũng có thể họ là người có những xáo trộn về tâm linh và bản chất của tình trạng này cần phải được phân định kỹ lưỡng, để ý tới tất cả những hoàn cảnh cuộc sống, hoàn cảnh Giáo Hội, tự nhiên và siêu nhiên.
- Sau cùng, ĐTC nói, cha giải tội tốt là người ý thức rằng tòa giải tội cũng là nơi thực sự để loan báo Tin Mừng. Thực vậy, không có sự loan báo Tin Mừng nào chân chính hơn là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa từ bi thương xót. (SD 17-3-2017).

***

Có thể nói rằng: phép lạ vĩ đại của cha Thánh Gioan Maria Vianney là tòa giải tội, nơi tội nhân được ơn hoán cải. Mỗi ngày, ngài ngồi giải tội từ 11 giờ đến 12 giờ vào mùa Đông, và thậm chí là 16 đến 18 giờ vào mùa Hè. Khi hành hương đến xứ Ars, trước tiên tôi tìm đến tòa giải tội nơi thánh nhân ngồi mấy mươi năm, quỳ gối cầu nguyện và xin ngài chúc lành cho sứ vụ hòa giải trong đời linh mục của mình.

Công việc mục vụ ngồi tòa, giải tội là sứ vụ đức ái mục tử đẹp nhất trong cuộc đời của cha thánh, là hoạt động sáng chói nhất trong nhiệm vụ của một mục tử.
Thời trẻ, Gioan có một tâm nguyện: “Nếu một ngày nào đó tôi được làm Linh mục, tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa”. Khi làm Linh mục, ngài đã thực hiện tâm nguyện ấy. Tòa giải tội là nơi ngài đưa các linh hồn về cho Chúa nhiều nhất. Tòa giải tội đã thu hút biết bao hối nhân tìm đến với xứ Ars. Tòa giải tội là phép lạ lớn nhất trong cuộc đời của thánh nhân. Đức Giáo Hoàng Piô XII viết về cha thánh Gioan Maria Vianney một câu thật ngắn gọn: “Một chuyên viên thành thạo nhất về các tội nhân”.

1. Thời gian ở tòa giải tội.

Một phần lớn cuộc đời Linh mục của cha Vianney trôi qua trong tòa giải tội. Trong 30 năm dài, một làn sóng người hành hương không ngừng đổ về ngôi nhà thờ cũ kỷ của họ Ars. Mùa đông rét buốt, số người đến đây không ít hơn các mùa ấm áp.

Tứ tháng 11 đến tháng 3, cha sở phải ngồi tòa trung bình không dưới 12-13 giờ mỗi ngày. Người ta đứng thành hàng dài, từ trong nhà thờ ra bên ngoài, nối đuôi nhau không ngớt chờ đợi tới phiên mình.

Trong năm 1845, có ngày số người hành hương đến Ars lên tới ba hay bốn trăm. Tại nhà ga lớn nhất của Lyon, người ta mở một văn phòng hoạt động 24/24 để bán vé tàu cho khách đi Ars, vé có giá trị tám ngày, đó là thời gian trung bình người ta phải đợi cho đến phiên mình vào tòa xưng tội với vị Linh mục thánh thiện nổi tiếng.

Vào mười năm cuối đời, Thánh Vianney phải giải tội từ mười sáu đến mười tám tiếng một ngày! Còn khách hành hương nói chung phải đợi ba mươi, năm mươi, bảy mươi giờ trước khi được lãnh nhận bí tích hòa giải. Cũng có khi người ta mua lại chỗ đứng của người nghèo. Ai muốn đi ra ngoài phải thỏa thuận với người bên cạnh hoặc với người bảo vệ nhà thờ. Đêm thì sao? Khi cửa nhà thờ đóng lại, người ta đánh số chổ của mình. (x.Linh mục, người loan báo Tin Mừng, Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM).

2. Ai đến với tòa giải tội?

Họ gồm đủ mọi thành phần và lứa tuổi: có giáo dân, tu sĩ, linh mục và đôi khi cả giám mục nữa; họ là quý tộc và bình dân, kẻ vô chủ nghĩa và người học thức, người thành thị và người thôn quê, … Có khi nguyên một gia đình ngồi trên xe ngựa đến từ những tỉnh xa xôi. Từ những vùng lân cận, người ta tuôn về đây bằng đôi chân hay bằng xe, theo đường bộ hay đường thủy. Năm cuối cùng của cuộc đời cha Vianney (1858-1859), số khách hành hương lên tới tám mươi ngàn, chỉ tính riêng số người dùng các phương tiện chuyên chở công cộng; còn tính chung có lẽ là khoảng một trăm ngàn đến một trăm hai mươi ngàn.

Đám đông này rất trật tự và nghiêm trang. Họ đến là để nhìn một vị thánh, để xưng tội, để cầu nguyện hay để hoàn thành một lời khấn với thánh nữ Philomêna. Có những người vào làng Ars như vào một đền thánh; vừa nhìn thấy tháp chuông nhà thờ, họ liền cất nón mũ xuống và làm dấu thánh giá. Một nhân chứng kể lại quang cảnh họ nhìn thấy vào tháng ba năm 1859: đông đảo những người ngoài họ Ars đứng trong nghĩa trang cũ và đến tận trong những con đường nhỏ kế cận chờ đến phiên vào tòa giải tội.

Buổi sáng vào khoảng chín giờ, Cha Vianney dành một số thời gian cho các tu sĩ và linh mục. Ngài giải tội cho họ ở một tòa đặt sau bàn thờ chính. Có lần Đức Giám Mục địa phận nhà cũng ngồi chờ phiên mình. Cha giải tội cũng dành một số ngoại lệ cho giáo dân con chiên cha, người bệnh, người tàn tật và những hối nhân không thể chờ đợi. Đối với trường hợp cuối cùng này, ngài thường dùng ơn “nhìn thấy trong tâm hồn” để nhận ra từ trong dòng người chờ đợi, rồi ưu tiên cho họ.(sđd, trang 62-63).

3. Cha Vianney khuyên bảo các hối nhân như thế nào?

Nói chung, ngài mạnh mẽ thẳng thắn, nhân từ nhưng không yếu đuối. Ngài biết cần phải “đánh” điểm nào cho trúng đích. Đọc một số lời khuyên còn ghi lại, tôi thấy ngài thường ngắn gọn, đầy tâm tình chứ không máy móc lạnh lùng.

Để lay tỉnh những “đại tội nhân”, khá nhiều khi ngài tung ra một câu đanh thép: “này con, con bị luận phạt đời đời”. Phát ra từ môi miệng một vị thánh mà người ta tin là ngài đọc được tương lai, câu đó giống như một lời phán quyết khủng khiếp. Nhưng thật ra ngài chỉ muốn nói: “nếu con không xa lánh dịp tội ấy, nếu con cứ duy trì cái thói quen tội lỗi ấy, nếu con không nghe theo lời khuyên dạy thì con sẽ bị luận phạt”.

Đối với những người đạo đức, ngài không cần nhiều lời. Nhưng ngay cả với trường hợp này, vẫn là những mũi tên nóng bỏng đâm thấu tận con tim: “xin Đức Cha yêu thương các Linh mục của ngài!”. Đó là lời duy nhất ngài nói với Đức cha De Langalerie, Giám mục địa phận Belly đang quỳ gối trước mặt ngài. Một cộng sự viên gần gũi của ngài xưng thú: “con đã lười biếng làm điều này nhưng tận đáy lòng, con vẫn thiện chí”, cha giải tội đáp lại duy nhất một câu “Ồ! thiện chí, thiện chí … hỏa ngục cũng lót toàn thiện chí”. Linh mục Monnin kể: “tôi đã xưng tội với ngài hai lần. Lần nào cũng thế, sau mỗi tội tôi xưng ra dù là tội nhẹ nhất, ngài đều nói: ‘đáng tiếc quá’. Từ một người khác, đó có thể là một cách nói thông thường, nhưng từ môi miệng của Cha Sở họ Ars, Linh mục Monnin coi như là tiếng kêu của lòng tin, lòng thương xót và sự ghê tởm đối với tội lỗi; ngài thêm: “Nhất là giọng nói đầy âu yếm đã đánh động tôi” (sđd, trang 64).

4. Cha Vianney yêu thương tội nhân.

Cha Vianney ghê tởm tội lỗi bao nhiêu thì yêu mến người tội lỗi bấy nhiêu. Ngài có một lòng cảm thương vô bờ đối với hối nhân. Tình yêu ấy được biểu lộ qua những nhân đức sau đây.

a. Cầu nguyện cho tội nhân.

Xen lẫn với kinh nguyện hằng ngày, ngài thường khóc lóc mà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải chết… Những người có tội thật đáng thương. Ước gì con có thể thú tội thay cho họ”. Một người thân tín nói với ngài: “Cha cầu nguyện cho họ ít đi một tí được không? Thấy cha vất vả đau khổ quá!. Ngài trả lời: “Biết sao được. Cha đã hứa cầu nguyện cho họ, cha không thể bỏ…”. Lần khác ngài tâm sự: “Tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi cầu nguyện cho những người tội lỗi”.

b. Đền tội thay cho họ.

Ngài ăn chay hãm mình để đền bù tội lỗi và mong cho tội nhân hối cải.Trong những năm cuối đời, ngài thường ra việc đền tội nhẹ cho hối nhân. Ngài nói: “Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ, phần đền tội còn lại, tôi sẽ làm thay”. Và ngài làm thay bằng chính sự khổ chế của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Đối với những lỗi nặng mà cứ tái phạm mãi, ngài bắt hối nhân phải làm những việc đền tội nặng, để họ chứng tỏ sự chân thành và quyết tâm sửa đổi, hầu đem lại lợi ích cho chính họ. Cha Vianney nhiều khi còn khóc trong tòa giải tội nữa. Ngài khóc vì người ta xúc phạm tới Chúa, ngài cũng khóc vì thương các linh hồn… Chính sự thánh thiện của ngài mang lại cho lời khuyên răn và nước mắt của ngài có sức mạnh và hiệu lực. Có người hỏi: “sao cha khóc thế? ” ngài đáp ngắn gọn: “tôi khóc vì các ông các bà không khóc cho đủ”.

c. Yêu thương tội nhân

Đối với những tội nhân cứng lòng, ngài tìm hết cách giúp họ thống hối như gặp gỡ, khuyên nhủ, khi nặng khi nhẹ, và ngay cả bằng nước mắt. Nước mắt và Thánh giá, nhờ ngài, có thể làm cho một trái tim chai đá trở thành trái tim thịt mềm. Có người lúc trước đã trả lời thẳng thừng: “Tôi không muốn xưng tội”, hoặc: “Tôi không đến đây để làm cái chuyện đạo đức của mấy bà”. Mặc kệ. Cuối cùng tất cả đều quỳ xuống dưới chân ngài và xưng thú. Chúa đã ban cho ngài một trực giác lạ lùng để nhận ra giữa đám đông hoặc giữa những người đi qua, ai là kẻ cần được đưa về với Chúa nhất để giúp họ, trước sự ngạc nhiên của chính họ. Do đó mà khi có người buột miệng hỏi: “Mỗi năm cha bắt được bao nhiêu cá lớn? ”, ngài trả lời ngay, không lưỡng lự: “Hơn 700”. Không nhớ con số sao được đối với những con cá như thế!

d. Luôn nhẫn nại

Một dù vất vả ngồi tòa và có những chuyện dễ làm người ta bực mình, nhưng ngài thì không. Ngược lại, ngài tỏ ra đặc biệt nhẫn nại. Đây là một trong những đức tính nổi bật nhất nơi ngài. Một linh mục đã nhận xét : Tôi đã từng quan sát kỹ xem ngài có tỏ ra bất nhẫn bực tức lúc nào không, mà không thấy. Đem chuyện này hỏi ngài thì được ngài trả lời: “Phải nhẫn nại mới có thể cho cái người ta cần chứ ! Bất nhẫn thì được cái gì? ” Ngài cũng nói với một cha bạn: “Hãy học tập sự nhẫn nại của Chúa”.

e. Hiền hòa, kính trọng hối nhân.

Vào thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi ngày có từ 300 đến 400 người xếp hàng xưng tội. Công việc vất vả và liên tục trong 30 năm này đã làm cho ngài kiệt lực, đến nỗi có lần ngài tự thú: “Khi tôi rời tòa giải tội, tôi phải lấy tay sờ vào đùi xem nó có còn ở đấy không. Đôi khi ra khỏi nhà thờ, tôi phải vịn vào tường mà đi cho khỏi ngã. Đầu tôi nặng trĩu. Thực sự tôi đã không biết mình chống lại như thế nào”.

Suốt ngày bị công việc mục vụ dồn ép như thế, ngồi nghe hối nhân hàng giờ như thế mà ngài vẫn không mất kiên nhẫn, không la lối nạt nộ ai bao giờ, thật là lạ lùng.

Ngài luôn hiền hòa, tế nhị, kính trọng đối với hối nhân, bất kể là ai. Có Linh mục sa ngã nặng đến xưng tội vẫn được ngài yêu mến, kính trọng. Lời khuyên dành cho Đức Giám Mục Giáo Phận đến xưng tội với ngài là : xin Đức cha hãy yêu thương các Linh mục của Đức cha.

Dù có đông người xếp hàng bên tòa giải tội, ngài vẫn dành cho mỗi người một thời gian cần thiết, bởi người nào cũng có vấn đề riêng của mình. Ngài không khuyên dài, nhiều khi chỉ một lời thôi, nhưng là lời làm cho hối nhân phải động tâm suy nghĩ, một lời tác động mạnh trên họ có khi cả đời. Chính sự thánh thiện và yêu thương đem lại sức mạnh và hiệu năng cho lời đó. (x. Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng các Linh mục, Lm Micae Trần Đình Quảng; simonhoadalat.com).

5. Theo gương cha thánh, Linh mục cử hành Bí Tích Hòa Giải

Giải tội là một tác vụ khó khăn nhất, đòi hỏi nhất, nhưng đó là một tác vụ cao đẹp nhất, an ủi nhất của Linh mục trong đời mục vụ. (x.Chân dung Linh mục trang 39, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).

Là tác vụ khó khăn nhất bởi lẽ, ngồi tòa giải tội giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Với một tư thế không đổi là lắng nghe, phân định, khuyên nhủ, ban phép giải tội. Nghe đi nghe lại đủ thứ tội luỵ trần gian. Linh mục Nguyễn Tầm Thường đã dùng hình ảnh “cái bô rác” để nói về lỗ tai các Linh mục, chứa đựng mọi rác rưới tội lỗi hồng trần, nhưng Linh mục không để mình bị lây nhiễm rác rưới.Trí óc luôn làm việc căng thẳng. Một tư thế ngồi, tay cầm tràng hạt, tay chống trán, đầu tựa vào tòa nghe chăm chú. Có khi cơ thể mệt mỏi ê ẩm mà không được nghĩ ngơi.

Là tác vụ đòi hỏi nhất bởi lẽ, trước khi ngồi tòa, Linh mục đã phải chuẩn bị bằng cách trang bị kiến thức tương hợp; trong khi giải tội, linh mục phải vận dụng khôn ngoan để phân định, cương nghị để khuyên can, nhân từ để xá giải; sau khi đã ra khỏi tòa hòa giải, Linh mục phải trung tín với ấn tòa giải tội. Nếu điều Linh mục phải nhớ trong ngày là sách nguyện, thì điều Linh mục phải quên chính là tội người ta xưng.

Là một tác vụ cao đẹp nhất và an ủi nhất bởi lẽ, qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ tòa giải tội bước ra.

Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hòa với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an, niềm vui tâm hồn. Hối nhân càng nhiều tội lỗi, càng lâu năm xa cách nguội lạnh mà được ơn trở lại thì Linh mục càng dâng đầy hạnh phúc. Có những hối nhân đã khóc nức nở khi sám hối về tội lỗi của mình và nhận ra lòng thương xót của Chúa. Họ quỳ đó, khóc chân thành với những dòng lệ ăn năn. Nước mắt hạnh phúc của người con trở về với Cha nhân từ. Những nổi đau thể xác, tâm hồn được bộc bạch. Có những người mẹ, người vợ thổ lộ tâm sự của gia đình, tâm tư không thể nói cùng ai chỉ trừ Cha giải tội. Thanh niên nam nữ với những thao thức tuổi trẻ xin linh hướng. Thiếu nhi đón nhận lời thăm hỏi khuyên bảo.

Có nhiều tâm hồn trong sáng, thánh thiện đến tòa giải tội đã làm gia tăng lòng đạo đức của linh mục.

Thi hành tác vụ cao đẹp ấy, Linh mục là người diễn dịch lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa (Thư Thứ Năm Tuần Thánh 2002, số 3).

Để có thể thi hành tác vụ của lòng thương một cách hữu hiệu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khuyên Linh mục phải sống khả tín và khả ái.

- Khả tín: “Thật vậy, dù ơn Chúa ban có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng đi theo sự thúc giục và hướng dẫn của Thánh Thần hơn, bằng kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời sống thánh thiện” (PO, 12)
- Khả ái: “Người ta thường muốn được nhận biết và chăm sóc, vì chính trong tư thế gần gũi này mà họ có thể cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa một cách mạnh mẽ hơn” (Thư TNTT số 9). Linh mục phải làm hết cách để lòng thương xót của Thiên Chúa được sáng lên giữa những cử hành“Nghiêm nhặt quá làm cho dân chúng bị dằn vặt tháo lui. Dễ dãi qúa gây hiểu lầm và ngộ nhận. Đấng giải tội rập theo gương Chúa Chiên lành mà tha tội phải diễn đạt đúng mực thước lòng đã sẵn có và sự tha thứ hầu mang lại an bình và chữa lành” (Thư TNTT số 8).

Nhân ngày lễ kính thánh Gioan Maria Vianney (ngày 4 tháng 8), đọc lại nét tiêu biểu cuộc đời thánh nhân nơi tòa giải tội. Như người ta đã nói: phép lạ lớn nhất của cha Vianney thánh thiện là tòa giải tội của ngài bị bao vây suốt ngày đêm. Cũng có thể nói cách khác: phép lạ tiêu biểu của ngài là sự hoán cải của những người tội lỗi. Các Linh mục noi gương cha thánh thực thi sứ vụ khó khăn và cao đẹp này. Mỗi lần ban ơn xá giải là Linh mục thấy mình được cộng hưởng trên đường nên thánh.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thành tích bất hảo của Trung Quốc đang tạo ra các áp lực mạnh trên sự im lặng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
00:55 02/08/2020


Trong mấy năm qua, Trung Quốc đã công khai bách hại các tín hữu Công Giáo tại Hoa Lục, giam cầm hàng giáo sĩ, bắt các ngài gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước, triệt hạ thánh giá, san bằng các nhà thờ và cướp đoạt các cơ sở của Giáo Hội. Trẻ con không được đến nhà thờ, ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ bị giật xuống thay bằng ảnh của Mao Chủ Tịch và Tập Đại Đế. Bọn cầm quyền Trung Quốc còn giam cầm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung lao động, buộc phụ nữ Hồi Giáo triệt sản. Để bù đắp những sai lầm của chính sách dân số, nhiều phụ nữ ở các quốc gia láng giềng bị bọn buôn người đưa vào Trung Quốc. Gần đây nhất là tình trạng hạn chế tự do tại Hương Cảng. Những thành tích bất hảo này của Trung Quốc, theo Elise Ann Allen của tờ Crux, đang tạo ra các áp lực rất mạnh trên sự im lặng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Pressure on Francis increases over human rights in China

Áp lực lên Đức Thánh Cha Phanxicô đang gia tăng trước tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc

Elise Ann Allen


Khi chính quyền trung ương Trung Quốc siết chặt quyền tự do ở Hương Cảng và khi thế giới tiếp tục nghe những tin tức về sự đàn áp người dân thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Hoa Lục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang là mục tiêu của các áp lực quốc tế ngày càng gia tăng trước sự do dự của ngài.

Sự im lặng này từ một trong những nhà vô địch chống áp bức mạnh nhất trên thế giới là chủ đề của một bài báo mới trên tạp chí Foreign Policy - Chính Sách Đối Ngoại - của Benedict Rogers - Trưởng nhóm Đông Á tại Christian Solidarity Worldwide và là người sáng lập Hong Kong Watch. Ông Rogers nói trong bài viết rằng ông là một người cải đạo sang Công Giáo và thông cảm với Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng cho biết ông rất bối rối trước những “sai lầm tệ hại” trong việc đối phó với Trung Quốc của ngài.

Trong bài báo, Rogers trích dẫn các tuyên bố của các nhân vật công chúng như Marie van der Zyl, chủ tịch Hội đồng Đại biểu người Do Thái tại Anh, là người hồi đầu tháng này đã viết một lá thư cho Đại sứ Trung Quốc tại London so sánh tình hình của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc với tình cảnh người Do Thái trong vụ Diệt Chủng của Quốc Xã Đức.

Trong lá thư, Van der Zyl đã chỉ ra những gì cô cho là những điểm tương đồng giữa các báo cáo về những chuyện đã xảy ra với những người Duy Ngô Nhĩ và những gì đã xảy ra trong các trại tập trung của phát xít Đức: “Người ta bị tống lên tàu hỏa; râu của những giáo sĩ bị cạo; phụ nữ bị triệt sản; và những bóng ma nghiệt ngã trong các trại tập trung.

Maajid Nawaz, một nhà hoạt động chống chủ nghĩa Hồi giáo nổi tiếng của Anh, đã tuyệt thực và thúc đẩy một cuộc tranh luận tại quốc hội về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì chính sách của chúng đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Trong một tuyên bố đưa ra vào tuần trước, Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon, Miến Điện nói rằng, “Ở Trung Quốc, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang phải đối mặt những điều có thể coi là những tội ác tập thể tồi tệ nhất trong thế giới đương đại và tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy điều tra.”

Trong bài viết của mình, Rogers ghi nhận rằng cho đến nay, không có chính quyền nào trong các quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo dám ra mặt lên án tình hình của người Duy Ngô Nhĩ, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Canterbury, người đứng đầu Cộng đồng Anh giáo, cũng không dám làm phật lòng Trung Quốc. Tuy nhiên, Rogers nói, trong tất cả những sự im lặng này, “sự im lặng Đức Thánh Cha Phanxicô là cú sốc lớn nhất”, vì ngài thường thẳng thắn lên tiếng thay mặt cho những người bị áp bức.

Trong quá khứ, Đức Phanxicô đã đưa ra nhiều lời kêu gọi thay mặt cho những người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện. Khi ngài đến thăm nước này vào tháng 12 năm 2017, ngài đã tế nhị tránh sử dụng thuật ngữ “Rohingya” để khỏi kích động người chủ nhà của mình. Tuy nhiên, ngay khi đến Bangladesh cho chặng tiếp theo của chuyến tông du, ngài đã sử dụng tên gọi này khi gặp một nhóm người tị nạn Rohingya.

Ngài cũng không né tránh việc chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ khi sử dụng từ “diệt chủng” trong một Thánh Lễ vào năm 2015 kỷ niệm 100 năm cuộc thảm sát hàng loạt người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu thế kỷ 20. Đó là một hành động đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi đại sứ về nước trong vài tháng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần ủng hộ việc chấm dứt xung đột ở Syria, Yemen, Ukraine và Nigeria, và gần đây cho biết ngài “đau buồn sâu sắc” trước quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia của Istanbul thành một đền thờ Hồi Giáo.

Tuy nhiên, trong tất cả các lời kêu gọi của ngài, người ta dễ thấy Trung Quốc đã vắng mặt, bất kể sự chú ý ngày càng gia tăng đối với người Duy Ngô Nhĩ, việc áp dụng luật an ninh mới ở Hương Cảng và sự quấy rối liên tục các giáo sĩ Công Giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đã bị chỉ trích mạnh trong những tháng gần đây vì hồ sơ buôn người, đặc biệt là buôn bán cô dâu từ các nước láng giềng và thậm chí đến tận châu Phi.

Trong báo cáo về nạn Buôn Người năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặt Trung Quốc lên Cấp 3, cùng với Nam Sudan, Bắc Triều Tiên, Syria, Afghanistan, Eritrea, Nicaragua, Venezuela và Nga, trong số những nước khác.

Theo một báo cáo gần đây từ Human Rights Watch có tựa đề, “Give Us a Baby and We’ll Let You Go: Trafficking of Kachin ‘Brides’ from Myanmar to China”, nghĩa là “Đẻ Cho Chúng Tôi Một Đứa Con Rồi Chúng Tôi Sẽ Trả Tự Do Cho Cô: Nạn Buôn Bán ‘Cô Dâu’ Từ Kachin, Miến Điện Sang Trung Quốc”, Hoa Kỳ cho biết ít nhất 226 phụ nữ đã bị buôn bán từ Miến Điện sang Trung Quốc vào năm 2017, và Bộ phúc lợi xã hội Miến Điện đã hỗ trợ cho khoảng từ 100 đến 200 phụ nữ bị buôn bán trở về từ Trung Quốc mỗi năm.

Đầu năm nay, Bộ Nội vụ Campuchia đã báo cáo rằng ít nhất 112 phụ nữ từ quốc gia này đã bị buôn bán làm cô dâu cho Trung Quốc vào năm 2019.

Nhà hoạt động cho quyền của phụ nữ Reggie Littlejohn, là người sáng lập Women’s Rights Without Frontiers, nghĩa là tổ chức Không Biên Giới Về Quyền Của Phụ Nữ gọi thống kê về tình trạng nô lệ tình dục ở Trung Quốc là “quá đau lòng”.

“Do sự kết hợp chết người giữa thành kiến ưa thích con trai và một giới hạn cưỡng chế về sinh đẻ rất thấp, các bé gái bị phá thai có chọn lọc, bị bỏ rơi, và thậm chí bị giết sau khi đã chào đời” bà nói thêm rằng: “Sự sụp đổ của chính sách kiểm soát dân số này dẫn đến việc hình thành thị trường hôn nhân tại Trung Quốc, trong đó bọn cầm quyền nhắm mắt làm ngơ cho việc buôn bán tình dục - và trong một số trường hợp, thậm chí còn tạo điều kiện cho nó xảy ra”.

Cô cũng lên án hành động của Trung Quốc chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, và nói rằng tội ác chống lại họ bao gồm “lao động cưỡng bức, phá thai cưỡng bức và triệt sản ngoài ý muốn”.

Trong bài viết của mình, Rogers cho rằng sự im lặng của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Trung Quốc về tất cả các vấn đề này là kết quả của thỏa thuận năm 2018 giữa Vatican và Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục, mà việc gia hạn hiện đang được đàm phán.

Rogers lặp lại những lời chỉ trích của nhiều nhà phê bình Đức Thánh Cha Phanxicô, và nói rằng qua thỏa thuận này, Trung Quốc đã “mua đứt” sự im lặng của Đức Giáo Hoàng, vì ngài khó có thể thực hiện bất kỳ tuyên bố công khai lên án nào trong khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành.

Nhiều chuyên gia đã lập luận rằng rất ít thay đổi sẽ được thực hiện như là kết quả của thỏa thuận, chưa có giáo sĩ bị cầm tù nào đã được thả ra, và thậm chí trên thực tế, một số người đã bị giam giữ hoặc bị bắt trong hai năm qua.

Trong bài viết của mình, Rogers cho rằng bây giờ là thời gian để các nhà lãnh đạo Kitô giáo như Đức Tổng Giám Mục Welby và Đức Thánh Cha Phanxicô “tỉnh thức” và xem xét quan điểm của mình cho đến thời điểm hiện nay.

“Các ngài cần phải là những dấu chỉ rõ ràng cho thấy các ngài tin vào những lời dạy từ đức tin của mình – về nhân phẩm, tự do, và công lý – là những điều quan trọng hơn bất kỳ giao dịch mờ ám nào với một chế độ tàn bạo. Các ngài cần phải từ bỏ sự ngây thơ. Các ngài cần phải nói rằng các ngài sẽ không thỏa hiệp khi nói đến mạng sống và phẩm giá con người, ” ông nói.

Nhắc đến Dietrich Bonhoeffer, một mục sư Tin Lành, là người đã dám đứng lên chống lại Adolf Hitler, Rogers nhấn mạnh rằng Bonhoeffer đã làm đúng khi ông nói rằng “ Im lặng khi đối mặt với cái ác tự nó là một cái ác... không nói thực ra cũng là nói. Không hành động thực ra cũng là hành động.”


Source:Crux
 
Cả thế giới ngỡ ngàng trước tuyên bố của Dân biểu đảng Dân Chủ USA đòi phải rỡ bỏ tượng Cha thánh Damien!
Thanh Quảng sdb
03:40 02/08/2020
Cả thế giới ngỡ ngày trước tuyên bố của Dân biểu đảng Dân Chủ US đòi phải rỡ bỏ tượng Cha thánh Damien!

Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez và tượng cha thánh Damien


Bà Alexandria Ocasio-Cortez, dân biểu Đảng Dân Chủ của một đơn vị của thành phố New York tuyên bố: Tượng Thánh Damien ở Thủ đô Hoa Kỳ cần phải được rỡ bỏ, vì đây là biểu tượng của một nền văn hóa Thượng tôn da trắng!

Cả thế giới biết đến cha Damien là một tông đồ cho người phong cùi! Cha Damien tên thật là Joseph de Veuster, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1840 tại Tremelo, Bỉ. Ngài đã dành cả cuộc đời cho những người phong cùi bị đầy ra Kalaupapa của hải đảo Molokai trong quần thể của những hải đảo thần tiên Hawaii.

Để lo cho những người phong, Ngài đã dấn thân xây dựng nhà thờ, nhà ở, đường xá, trường học và bệnh viện cho những người phong bị lãng quên và bị đầy ra đảo hoang này! Bất hạnh thay, Ngài đã bị nhiễm bệnh và qua đời ngày 15 tháng 4 năm 1889 tại đảo Molokai, Hawaii [US], hưởng dương 49 tuổi. Ngài được Đức Nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI phong thánh ngày 11 tháng 10 năm 2009.

Chính quyền và dân chúng tiểu bang đảo Hawaii đã tặng cho Thủ đô Washington bức tượng này vào năm 1969.

Bà dân biểu kỳ lạ này lý luận: Đây không phải là một sự kiện đơn thuần của bức tượng riêng lẻ, mà nằm trong cả một triết lý suy tôn tính ưu việt của người da trắng mà chúng tiềm ẩn trong Quốc hội của đất nước chúng ta. Triết lý đó dành ưu tiên cho nam giới, cho người da trắng, hay cho cả hai. Đây là một văn hóa trịch thượng và ưu việt dành cho người da trắng!
 
Đức Thánh Cha Phanxicô lên án vụ tấn công nhà thờ chính tòa thủ đô Nicaragua
Đặng Tự Do
06:45 02/08/2020
Phát biểu sau bài huấn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 2 tháng 8, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án vụ một người đàn ông không rõ danh tính đã ném một quả bom xăng vào một nhà nguyện của nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở thủ đô Managua, làm hư hại nghiêm trọng nhà nguyện và một hình ảnh sùng kính Chúa Kitô đã có từ hơn ba thế kỷ qua.

Vụ tấn công diễn ra vào ngày thứ Sáu 31 tháng 7 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Giáo hội và bọn cầm quyền Nicaragua. Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của thủ đô Managua mô tả cuộc tấn công là “một hành động khủng bố có tính toán”

Phát biểu từ một cửa sổ phòng làm việc của ngài nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: “Tôi đang nghĩ đến những người dân Nicaragua là những người đang phải đau khổ vì cuộc tấn công vào Nhà thờ Managua, nơi hình ảnh rất được tôn kính của Chúa Kitô, là bức ảnh đã đồng hành và nâng đỡ cuộc sống của các tín hữu trong suốt nhiều thế kỷ qua, đã bị tổn hại rất nghiêm trọng đến mức gần như bị phá hủy”

“Thưa anh chị em Nicaragua, tôi gần gũi với anh chị em và tôi cầu nguyện cho anh chị em”

Diễn tiến các vụ tấn công

Một người đàn ông chưa rõ danh tính và có lẽ chúng ta không bao giờ biết được danh tính của y vì nó là tay sai của bọn cầm quyền Nicaragua đã ném một quả bom xăng vào một nhà nguyện của Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội vào hôm thứ Sáu 31 tháng 7, làm hư hại nghiêm trọng nhà nguyện và một hình ảnh Chúa Kitô đã được sùng kính hơn ba thế kỷ qua.

“Đây là một hành động có kế hoạch, một kế hoạch rất lạnh máu, ” Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của Managua nói. “Vì thế, tôi muốn nói một cách thật rõ ràng: đó là một hành động khủng bố, một hành động đe dọa Giáo Hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình”

Người đàn ông đội mũ trùm đầu và cầm thứ gì đó trong tay mà các nhân chứng tại chỗ không thể xác định được đó là vật gì. Hắn ta bước vào nhà nguyện Máu Châu Báu Chúa Kitô và nói “Tao đến lấy máu của Chúa Kitô đây, ” tờ báo La Prensa của Nicaragua tường thuật. Các nhân chứng nhìn thấy hắn ta ném đồ vật đang cầm trên tay vào nhà nguyện.

Đức Hồng Y cho biết trước đó các nhân chứng đã nhìn thấy người đàn ông đi vòng quanh nhà thờ chính tòa của thủ đô Nicaragua trong 20 phút để hoạch định kế hoạch thoát ra qua một cánh cổng đã bị đánh cắp gần đây.

“Nói cách khác, hắn ta đã tính toán tất cả mọi thứ: làm thế nào để đột nhập, vị trí tấn công, và sau đó trốn thoát ra ngã nào. Tất cả những điều này đã được lên kế hoạch, ” Đức Hồng Y nói.

Y hoặc đồng bọn của y đã đánh cắp trước cánh cổng để y không bị kẹt bên trong sau khi gây án.

Một nhân viên nhà thờ và một giáo dân đang có mặt ở trong nhà nguyện. Họ nhận thấy vụ cháy và báo cáo với nhà chức trách địa phương. Đến nay hung thủ chưa được xác định danh tính, nhưng nhân chứng Alba Ramirez cho biết một số người trong khu vực biết rõ người đàn ông này. Theo Radio Corporación, trong khi vụ tấn công xảy ra, đã có những người đàn ông mặc đồ dân sự với thái độ đe dọa đang lảng vảng ở gần nhà thờ.

Nhà nguyện lưu giữ một hình ảnh có niên đại 382 năm là bức ảnh Máu Châu Báu Chúa Kitô, mô tả Chúa Giêsu Kitô đổ máu khi bị đóng đinh.

Đức Hồng Y Brenes nói do nhiệt độ cao từ trận hoả hoạn “một nửa khuôn mặt đã rơi mất, và toàn bộ bức ảnh bị bám khói. Chúng tôi sẽ đánh giá điều này một cách bình tĩnh bởi vì đó là một hình ảnh đẹp hơn 300 năm tuổi”

Tổng Giáo Phận Managua nói hành động này là “một hành động đáng lên án vì phạm thánh và xúc phạm nặng nề Chúa Giêsu Kitô”

“Chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện liên lỉ để đánh bại các thế lực gian ác, ” tổng giáo phận nói.

Nhà thờ đã bị đóng cửa sau vụ cháy. Đức Hồng Y Leopoldo Brenes đã đến thăm nhà nguyện để kiểm tra thiệt hại.

Đức Cha Silvio Baez, là Giám Mục Phụ Tá, nói trên Twitter rằng ngài đã liên lạc với các tu sĩ nam nữ và các linh mục phụ trách nhà thờ sau vụ cháy. Ngài bày tỏ những lời cầu nguyện của mình cho người dân Nicaragua và bày tỏ sự gần gũi của ngài với họ “ trong khoảnh khắc đau đớn này”

“Chúng ta đã khóc cùng nhau vì ngọn lửa đã xảy ra trong nhà nguyện tôn kính hình ảnh Máu Châu Báu Chúa Kitô, ” ngài nói.

Cuộc tấn công rõ ràng xảy ra sau những căng thẳng giữa một số người Công Giáo và những người ủng hộ Tổng thống Daniel Ortega, là tên trùm cộng sản trước đây đã thống trị đất nước trong hơn một thập kỷ sau khi lật đổ chế độ Somoza vào năm 1979. Sau thời kỳ cộng sản, Ortega một lần nữa trở thành tổng thống Nicaragua kể từ năm 2007 và bãi bỏ việc giới hạn nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2014 để trở thành đại đế suốt đời.

Bọn cầm quyền Ortega đã buộc tội nhiều giám mục và linh mục đứng về phía phe đối lập.

Những người ủng hộ Ortega đã dẫn đầu các hành động tấn công một số nhà thờ, bao gồm cả nhà thờ chính tòa Managua khi những người đối lập với Ortega lánh nạn trong đó.

Vợ của Ortega, Đệ nhất phu nhân Rosario Murillo, lại cũng là phó tổng thống.

Phản ứng trước đám cháy, dù chẳng có bằng chứng gì trong tay, bà ta cho rằng không có ai tấn công hết cả, chẳng qua là các tín hữu đốt nến trước bức ảnh nên gây ra đám cháy.

Báo La Prensa tường thuật rằng hôm thứ Tư, một số thành phần dân quân do bọn cầm quyền Ortega sai khiến đã làm ô uế nhà nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại quận Nindirí, của thành phố Masaya, một đô thị cách thủ đô Managua khoảng 21km. Chúng đã đánh cắp bình đựng Mình Thánh Chúa, lật đổ nhà tạm và dẫm đạp lên các bánh thánh. Chúng cũng phá vỡ các ảnh tượng, phá vỡ các băng ghế, và làm hỏng nhiều đồ nội thất, cửa và đường ống nước.

Hôm 25 tháng 7 đã xảy ra một cuộc tấn công vào nhà nguyện của giáo xứ Chúa Chúng Ta ở Veracruz trong quận Masaya. Nhà nguyện bị mạo phạm và các thiết bị âm thanh và hộp tiền đã bị đánh cắp.

Vào tháng 11 năm 2019, các bà mẹ tuyệt thực trong cuộc biểu tình đòi bọn cầm quyền trả lại người thân cho họ, là những người bị coi bọn cầm quyền coi là tù nhân chính trị, đã lánh nạn tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Họ nhanh chóng bị đám đông dân quân ủng hộ bọn cầm quyền Ortega truy đuổi rượt đánh ngay trong nhà thờ,

Bọn côn đồ thân chính phủ đã đánh một linh mục và một nữ tu khi các vị cố gắng ngăn cản chúng.

Vào thời điểm đó, Đức Ông Carlos Avilés, tổng đại diện của Tổng Giáo Phận Managua, cho biết “có một số tù nhân chính trị bị bị giam giữ bất công không cần xét xử. Những người mẹ của họ đã vào nhà thờ để cầu nguyện, sau đó bọn côn đồ với sự giúp đỡ của cảnh sát, đã xâm phạm thánh đường và đánh những bà mẹ này tới tấp”

Các cuộc biểu tình là một phần của cuộc khủng hoảng bắt đầu vào tháng 4 năm 2018 sau khi Ortega tuyên bố cải cách an sinh xã hội và trợ cấp hưu trí. Những thay đổi này đã sớm bị bãi bỏ sau các cuộc biểu tình phản đối rộng lớn, đặc biệt là sau khi hơn 40 người biểu tình bị lực lượng an ninh giết chết.

Cho đến nay lực lượng an ninh của bọn độc tài Ortega đã giết chết ít nhất 320 người biểu tình, và hàng trăm người khác đang bị bắt giữ.


Source:Catholic News Agency

Source:Catholic News Agency
 
Nicaragua: Đức Hồng Y Leopoldo Brenes nói: Tấn công vào Nhà thờ Chính tòa Managua là sự thù ghét đối với Giáo hội
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:23 02/08/2020
Buổi tối 30 tháng 7, một người đàn ông đội mũ trùm đầu bước vào nhà thờ và ném một chai thuốc nổ molotov trong nhà thờ, gây ra một vụ hỏa hoạn làm hỏng một thánh giá cổ xưa và rất được tôn kính.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes đã đến thăm nhà nguyện Máu Chúa Kitô trong Nhà thờ Chính tòa một vài giờ sau đó. ĐHY tuyên bố: Đây là hành vi khủng bố phạm thánh. Nỗi đau của cộng đồng Công Giáo Nicaragua. Không có ai bị thương tích, nhưng cuộc tấn công đã ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng tín hữu và tạo lên sự phẫn nộ mạnh mẽ.

Theo các nhân chứng, một người đàn ông đội mũ trùm đầu bước vào nhà thờ và trước khi để lại thiết bị gây cháy, anh ta nói to: "Tôi đến với máu của Chúa Kitô", thực ra là đến với cây thánh giá mang tên "Máu của Chúa Kitô", rõ ràng đó là mục tiêu đột kích. Một bà coi sóc nhà thờ cùng với một tín hữu đã chứng kiến ​​cảnh đó và đã báo động. Đám cháy được dập tắt nhanh chóng nhưng những thiệt hại là nghiêm trọng: thánh giá quý giá với 382 tuổi đã bị hư hại nghiêm trọng. Các nguồn của giáo phận nói rằng thánh giá "bị nung hoàn toàn".

Tổng giáo phận Managua đã định nghĩa cử chỉ này là "một hành động phạm thánh và phỉ báng tôn giáo, tuyệt đối phải bị kết án" và mời mọi người cầu nguyện chống lại các thế lực xấu xa. Đức Hồng Y Leopoldo José Brenes cũng nói cách rõ ràng đây là một hành động khủng bố. Giám Mục Phụ Tá của Managua, Silvio Baez, đã viết trên twitter: "Tôi muốn diễn tả sự gần gũi và lời cầu nguyện của tôi với người dân Nicaragua trong thời khắc đau đớn này". Sau kinh Truyền tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô ngày 2 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc đến sự cố xảy ra tại Managua, nước Nicaragua và diễn tả tâm tình gần gũi của Người với tất cả anh chị em Công Giáo tại xứ sở này.

Một bản thông báo của tổng giáo phận nói rằng việc tấn công là một "hành động được lên kế hoạch trước và được thực hiện bởi một chuyên gia". Phải "loại trừ giả thuyết đó là một vụ hỏa hoạn tai nạn". Tổng giáo phận cũng nói về một "hành động đáng trách", "xúc phạm và làm tổn thương sâu sắc" tất cả người Công Giáo bởi vì thánh giá này "là một trong những thánh giá được tín hữu Nicaragua yêu mến và tôn kính nhất. Thông báo nhắc lại "những hành vi phạm thánh, vi phạm tài sản của Giáo hội, bao vây các đền thờ, không gì khác hơn là một chuỗi các sự kiện phản ánh sự thù ghét đối với Giáo Hội Công Giáo và công việc truyền giáo của Giáo hội. Những cuộc tấn chống lại đức tin của dân chúng Công Giáo cần phải được phân tích kỹ lưỡng, để làm rõ các tác giả tinh thần và vật chất của hành động rùng rợn và phạm thánh này ".

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cầu nguyện trước thánh giaá Chúa bị đóng đinh này, khi viếng thăm Nhà thờ vào tháng 2 năm 1996, trong một chuyến đi tông đồ đến Trung và Nam Mỹ. Dưới đây là những lời của ĐTC: «Anh chị em muốn rằng đền thờ này, trái tim của Tổng giáo phận Managua, tại đó anh chị em tôn kính hình ảnh cổ xưa của 'Máu Chúa Kitô', đến từ Tây Ban Nha hơn ba thế kỷ trước và biểu hiện Chúa Giêsu trên thập giá đã dâng lên Chúa Cha tất cả Máu của Người và toàn thể nhân tính của Người, đã được thống trị bởi Chúa Phục sinh với biểu ngữ chiến thắng của Người trên tội lỗi và sự chết. Đừng quên mầu nhiệm về sự chết và sự phục sinh này khi mệt mỏi, cô đơn hoặc khó hiểu người khác có thể làm giảm sự nhiệt tình của anh chị em hoặc khiến tinh thần anh chị em chùn bước. Đừng nghi ngờ rằng anh chị em được Chúa yêu thương và tình yêu của Người đi trước anh chị em và luôn đồng hành cùng anh chị em: chiến thắng của Người là sự bảo đảm cho chúng ta! ».

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Aleteia
 
Hồi Giáo cực đoan bắn chết người ngay giữa phiên tòa khiến người Công Giáo Pakistan vô cùng lo lắng
Đặng Tự Do
16:22 02/08/2020
Một người đàn ông lớn tuổi bị buộc tội phạm thượng đã bị bắn chết hôm 30 tháng 7 ngay trong phòng xử án ở Peshawar. Nạn nhân, tên là Tahir Ahmad Naseem, là một người theo giáo phái Ahmadi. Đó là một nhóm tôn giáo thiểu số tuyên bố tách ra từ Hồi Giáo vào năm 1974. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết như trên hôm 31 tháng 7.

Tòa án nơi xảy ra vụ việc nằm trong khu vực an ninh cao độ trên đường Khyber là đại lộ chính của tiểu bang, nơi có Hội đồng tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tòa án tối cao Peshawar, Bộ Ngaọi Giao tiểu bang và Dinh Thống đốc.

Tahir Ahmad Naseem, đã bị bắn sáu phát ngay giữa lúc tòa án đang xử ông tội báng bổ tiên tri Muhammad vào năm 2018 khi ông ta tuyên bố mình cũng là một nhà tiên tri.

Theo báo cáo của cảnh sát, ông ta thuộc cộng đồng Ahmadi và đã kết bạn với người tố cáo của mình, là Awais Malik, trên Facebook. Ông ta mời người ấy gặp gỡ mình để thảo luận về niềm tin.

Kẻ giết người trẻ tuổi, Khalid Khan, đã tìm cách vào tòa án và bắn vào Tahir mặc dù rõ ràng phiên tòa đã được bảo vệ an ninh rất hùng hậu.

Hung thủ bị cảnh sát bắt tại hiện trường và được các phương tiện truyền thông Pakistan tôn vinh là anh hùng bảo vệ đạo Hồi.

Cha Qaisar Feroz dòng Phanxicô Capuchin, thư ký điều hành của Ủy ban Truyền thông Xã hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Pakistan nói: “Chúng tôi rất âu lo vì chuyện này. Ngay giữa tòa án được bảo vệ cẩn thận như thế còn xảy ra một vụ tấn công như thế. Huống hồ là các nhà thờ của chúng tôi, ”

Hôm 28 tháng Tư, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, đã đưa Pakistan vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì các hành vi xâm phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố vào ngày 13 tháng 4, USCIRF cho biết họ quan ngại đặc biệt trước các báo cáo rằng viện trợ lương thực đã không đến tay những người theo Ấn Giáo và Kitô giáo trong bối cảnh Covid-19 lan rộng ở Pakistan. Đa số người dân Pakistan không có công ăn việc làm ổn định. Họ sống theo kiểu tay làm hàm nhai, không có bất cứ một thứ an sinh xã hội nào. Tình trạng cô lập trong suốt tháng Tư đã khiến nhiều người lâm vào tình cảnh đói kém. Các tổ chức phi chính phủ và cả các tổ chức chính phủ đã tận dụng tình hình này để buộc các tín hữu thiểu số phải cải đạo sang Hồi Giáo nếu không muốn chết đói.


Source:Asia News
 
Đừng bỏ họ lại phía sau: Các Giám mục Hoa kỳ yêu cầu Nhóm Nghị sĩ Da đen nhớ đến các trường Công Giáo.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
17:47 02/08/2020
Theo hãng tin Công Giáo – CNA ngày 31 tháng 7, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đang kêu gọi Nhóm Nghị sĩ Da đen (Congressional Black Caucus) ủng hộ các gia đình chọn gửi con cái họ đến các trường ngoài công lập, bao gồm cả các trường Công Giáo. Bức thư được đưa ra ước tính 500 trường Công Giáo có nguy cơ bị đóng cửa.

Bức thư được gửi đến Dân biểu Karen Bass, chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Da đen, với chữ ký của Giám mục Michael Barber của Oakland, Giám mục Shelton J. Fabre của Houma-Thibodaux, và Đức cha Joseph Perry, Giám Mục Phụ Tá của Chicago.

Barber là chủ tịch Ủy ban về giáo dục Công Giáo thuộc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ; Fabre lãnh đạo Ủy ban thuộc HĐGMHK chống phân biệt chủng tộc; và Perry là người đứng đầu tiểu ban về các vấn đề của người Mỹ gốc Phi.

Sau khi lưu ý rằng các trường công đã yêu cầu thêm 300 tỷ đô la trong gói hỗ trợ coronavirus tiếp theo, các giám mục đã yêu cầu các gia đình của các trường ngoài công lập được coi là một phần của nhu cầu giáo dục toàn diện K12, vì học sinh ngoài công lập chiếm mười phần trăm tổng số học sinh K12.

Các giám mục yêu cầu 10% số tiền được trao cho các trường công lập phải được chuyển trực tiếp đến cộng đồng trường ngoài công lập để cung cấp viện trợ trực tiếp cho các gia đình dưới dạng học bổng dành cho các học sinh thuộc gia đình thu nhập thấp.

Các giám mục lưu ý rằng các trường Công Giáo ở khu vực thành thị chủ yếu phục vụ học sinh dân tộc thiểu số, và các trường này có nguy cơ bị đóng cửa do dịch Covid-19 đang diễn ra. Tại Tổng giáo phận New York, nơi 20 trường học không mở cửa lại vào mùa thu, 91% học sinh theo học tại các trường Công Giáo nội thành là nhóm dân tộc thiểu số. Gần ba trong số bốn học sinh tại các trường Công Giáo nội thành ở New York sống trong mức nghèo hoặc dưới mức nghèo liên bang.

Những trường này có lợi cho sinh viên của họ và cần phải mở, họ đề nghị.

“Giáo dục Công Giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng nhiều người từ nghèo đói sang một tương lai nhiều hy vọng hơn, ” các giám mục nói, trích dẫn nghiên cứu chỉ ra rằng các trường Công Giáo đã thu hẹp khoảng cách thành tích trong các khu dân cư thu nhập thấp.

“Học sinh càng nghèo và càng có nguy cơ cao, là học sinh càng đạt được nhiều thành tích tương đối trong các trường Công Giáo, ” các giám mục tuyên bố. “Một đứa trẻ da đen hoặc Latinh có khả năng tốt nghiệp trung học cao hơn 42% và có khả năng tốt nghiệp đại học cao gấp hai lần rưỡi nếu đi học trường Công Giáo.”

“Các gia đình người da đen đang theo học tại các trường Công Giáo đang trông cậy vào bạn, cũng như các gia đình có trẻ em ở trường công lập, ” các giám mục cho biết.

“Xin vui lòng đừng bỏ họ lại phía sau chỉ vì họ coi trọng phúc lợi lịch sử và trường tồn của các trường Công Giáo chúng tôi dành cho con cái của họ.”

Trên khắp nước Mỹ, có 1, 7 triệu trẻ em theo học tại hơn 6.000 trường Công Giáo. Học sinh dân tộc thiểu số chiếm 21, 8% tổng số ghi danh, và khoảng một trong năm học sinh tại một trường Công Giáo không phải là người Công Giáo.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Thanh Tẩy gia nhập Đạo Công Giáo tại Nhà thờ Chúa Kitô, có ông Phaolo Nguyễn Phúc Liên Thành
Đồng Nhân
11:48 02/08/2020
GARDEN GROVE, CALIFORNIA -- Ông Phaolo Nguyễn Phúc Liên Thành đã được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy gia nhập Đạo Công Giáo trong thánh lễ ngoài khung viên Nhà thờ chính tòa Kitô (quen gọi là nhà thờ kính) thuộc giáo phận Orange vào lúc 6:15 chiều ngày 1 tháng 8 năm 2020 cùng với 11 tân tòng khác. (Đúng ra nghi lể Rửa tội được cử hành vào dịp lễ Chúa Phục Sinh ngày 11/4/2020, nhưng vì tình trạng dịch corona virus nên đã hoãn lại ít nhất hai lần).

Xem hình ảnh (Photos: Phong Trần & Myke Trần)

Thánh lễ do cha quản nhiệm Chris Tuấn Phạm chủ sự, có Đức ông Christopher Smith, chánh xứ nhà thờ chính tòa, LM Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic, và LM Trương Quyền, phó xứ chính tòa đống tế. Hiện diện trong thánh lễ còn có: Thầy Phó tế Joseph Khiết Nguyễn, thân nhân và bạn hữu của các gia đình tân tòng và đông đảo giáo dân Việt Nam thuộc nhà thờ chính tòa Kitô. Trong bài giảng rất ý nghĩa và gây cảm xúc mạnh mẽ, Cha Chris Tuấn đã nói về lịch trình ơn Cứu độ của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại và cho từng người chúng ta... Cha Tuấn kể về một chàng thanh niên có hết mọi sự nhưng vẫn ao ước tìm được câu trả lời cho câu hỏi là "Sau khi chết tôi sẽ đi về đâu? " Gặp được vị ẩn tu trên núi khai sáng cho anh biết Đấng Toàn Năng của Chân Thiện Mỹ luôn hiện diện trong mỗi người chúng ta, ngay cả với anh ta nữa... Cuối cùng anh đã ngộ đạo và được rửa tội làm con cái Thiên Chúa, không những thế anh ta còn muốn cho nhiều người khác cũng được có được kho tàng chân lý và anh quyết tâm làm Sứ giả cho Tin Mừng đó.

Danh sách các tân tòng được gia nhập Đạo Công Giáo gồm có:
  • Phaolo Nguyễn Phúc Liên Thành
  • Teresa Nguyễn Ngọc Anh Trâm
  • Katarina Nguyễn Katie Băng
  • Maria Nguyễn Tammy Trâm
  • Anna Thái Julie Hằng
  • Cecilia Nguyễn Thị Cẩm Linh
  • Maria Trần thị Diệu Huyền
  • Maria Lâm Huyền Trân
  • Maria Phạm Thị Thu
  • Maria Nguyễn Thị Kim Phụng
  • Maria Nguyễn Thị Hoàng Linh
  • Giuse Nguyễn Phạm Duy Phương

Trong số các anh chị em tân tòng, có một vị hết sức đặc biệt là Ông Phaolo Nguyễn Phúc Liên Thành, ông không những có liên hệ với hoàng tộc nhà Nguyễn Gia Long, mà gia đình còn có các đại lão Hòa Thượng Phật Giáo. Chính ông Liên Thành cũng là một nhân chứng lịch sử thời Đệ Nhất Cộng Hòa và từng là người có mặt và tham dự vào cuộc chiến tranh không những giữa Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và phía kia là Cộng Sản Việt Nam mà còn là sự tranh chấp bạo loạn trong thời kỳ xã hội Miền Nam Việt Nam bị một số chính trị gia lợi dụng tôn giáo tạo nên sự bất hòa to lớn giữa Phật Giáo và Công Giáo, giữa các tôn giáo với nhau.

Ông Liên Thành cùng với Cha Chris Tuấn và Cha Nghị
Ông Phaolo Nguyễn Phúc Liên Thành sinh ra trong một gia đình Hoàng Tộc với truyền thống Phật Giáo từ lâu đời. Bà nội là phu nhân của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, chắt nội đời thứ 5 của vua Gia Long. Người anh ruột của bà, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, là Đệ I Tăng Thống Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Bào huynh của ông Liên Thành: Nguyễn Phúc Liên Phú, là Đại Lão Hòa Thượng Thích Chơn Kim [đã viên tịch gần 2 năm nay]. Một người chú bên bà nội của ông cũng là Đại Lão Hòa Thượng Thích Chơn Trí, đã viên tịch sau 1975 tại Huế.

Ngay từ thuở nhỏ, anh em ông Liên Thành đã được mẹ dẫn vào chùa tại xóm An Lăng, Quận Hương Thủy, Tỉnh Thừa Thiên, để được thầy Ngoạn, tức Thích Thiện Lạc làm lễ Quy Y. Thầy đã đặt pháp danh cho ông Liên Thành là Nguyên Tịnh.

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông vào quân đội, trở thành người lính Việt NamCộng Hòa, cầm súng gìn giữ non sông, tổ quốc, bảo vệ đồng bào miền Nam trước làn sóng xâm lăng của Bắc quân cộng sản.

Chúng ta hãy nghe chính Ông Liên Thành đã kể vài nét chính về cuộc đời mình và lý do tại sao ông gia nhập Đạo Công Giáo như sau:

“Còn nhớ vào một đêm mùa đông tháng 12 năm 1970, trời mưa và lạnh, với chức vụ là Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh ThừaThiên và Thị Xã Huế, tôi đã đích thân chỉ huy một Toán Đặc Nhiệm, thuộc Lực Lượng Cảnh Sát Đặc Biệt của BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, phục kích tại sân của ngôi chùa mà năm xưa tôi đã Quy Y, bắn chết tên Thiếu Tá Thanh Bình, tức Nguyễn Đối, đặc công cộng sản cùng với 2 tên khác... Chúng tôi đã ngăn chặn được kế hoạch của bọn chúng dự định tàn sát Giáo dân tại Làng Phủ Cam nhân dịp đêm lễ Giáng Sinh năm đó, năm 1970. Ngay sau đó tôi cho lệnh lục soát ngôi chùa và bắt giữ Thầy Ngoạn, tức Thích Thiện Lạc, người đã làm lễ Quy Y và đặt pháp danh cho tôi khi tôi còn nhỏ được Mẹ nắm tay dẫn đi vào chùa làm lễ Quy Y.

Nghe tôi bắt thầy Thích Thiện Lạc, mẹ tôi kinh hoảng nói với anh Cả của tôi: “Nói hắn thả thầy ra, đời thuở nhà ai hắn lại đi bắt thầy đã làm kễ Quy Y và đặt Pháp danh cho hắn, thằng con bất hiếu.” Mẹ tôi đã giận tôi và cả gần sáu tháng bà không nói, không nhìn mặt tôi.”

... suốt thời gian gần 10 năm trong chức Vụ Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế, tôi là mộtchứng nhân và cũng là tác nhân của một giai đoạn lịch sử đầy bi thương của miền Nam Việt Nam từ 1964 đến 30 tháng 4 năm 1975. Vì vậy mà từ năm 2000 đến 2019, tôi -- như nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã từng nói –“Đem tâm tình viết lịch sử”. Tôi đã hoàn tất 4 tác phẩm liên quan đến các hoạt động của đám cộng sản giả dạng tu sĩ nằm vùng trong Phật Giáo để phá hoại miền Nam Việt Nam, đưa đến thảm họa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đó là những cuốn:

1/ BiếnĐộng Miền Trung
2/ HuếThảm Sát Mậu Thân 1968
3/ ThíchTrí Quang, Thần Tượng Hay Tội Đồ Dân Tộc
4/ TrậnChiến Tình Báo, Phản Tình Báo, Giữa VNCH/CIA và Tình Báo Cộng Sản Hà Nội[1955-1975]

Tôi đã hoàn thành trách nhiệm đối với sự thật về một khía cạnh của lịch sử miền Nam Việt Nam từ 1963 đến 1975. Giờ đây tôi đã lớn tuổi, muốn tìm về niềm tin tôn giáo để được thanh thản trước khi từ giả cõi trần mệt mỏi nầy.

Tôi tôn kính mọi tôn giáo đặt tình người và sự công bằng lên trên tất cả, không phân biệt chủng tộc, phái tính, và giai cấp xã hội. Nhưng riêng phần tôi, sau khi nghĩ là mình đã hoàn thành sứ mạng của một công dân Việt yêu mến tự do và nhân phẩm và nay đã đến lúc suy niệm và cần có quyết định về đời sống tâm linh của bản thân.

Gần 8 tỷ người hiện diện trên quả đất vào giờ phút này chắc hẳn không phải là một ngẫu nhiên. Vũ trụ có hằng ức triệu thiên hà đứng vững trong không gian trong một tư thế liên lập toán học chínhxác không thể tưởng tượng được mà chỉ cần một sai số cực nhỏ cũng sẽ làm vỡ tan tành. Điều này phải có nguyên nhân. Và nguyên nhân đầu tiên, theo tầm hiểu biết thô thiển của bản thân tôi, chính là Đấng Tối Cao đã tạo dựng nên vũ trụ tuyệt hảo này mà trong đó mỗi một cá nhân -- tuỳ theo khả năng trí tuệ của mình -- có quyền, có trách nhiệm và có tự do xác định cho mình một sứ mạng và con đường mình phải đi theo. Và tôi đã lựa chọn."


Cầu chúc ông Liên Thành và quí anh chị em tân tòng được tràn đầy ơn sủng của Thiên Chúa và tiếp tục sứ mạng mang Tin Mừng Tình Yêu vô bờ bến của Chúa Giêsu Kitô đến với mọi người.

Đồng Nhân
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chấp Nhận Mùi Cọp Để Thành Chánh Quả
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
21:19 02/08/2020
Ơn gọi thánh hiến và đời sống cộng đoàn

"Con không chỉ cầu nguyện cho những người nầy, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con" (Ga 17, 20-21). “Chính anh em là muối cho đời…Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…” (Mt 5, 13-16)

“Một nhiệm vụ quan trọng mà Công đồng Vatican II nhiệt liệt đề nghị, được trao cho đời thánh hiến, đặc biệt theo ánh sáng giáo huấn của Giáo Hội, chính là sự hiệp thông. Những người được thánh hiến được yêu cầu phải thật sự trở nên những chuyên gia của sự đoàn kết nhất trí và thực hành linh đạo của sự hiệp thông” (Tông huấn ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN 46)

Vào chuyện:

Theo công bố của cha José Rodriguez Caballo tại Rôma ngày 29/10/2013 và nhật báo Osservatore Romano đã đăng trích, thì mỗi năm (từ 2008-2012) có khoảng 3.000 tu sĩ nam nữ hồi tục[1]. Qua “con số biết nói” đó, chúng ta phải chấp nhận một sự thật, cho dù có đau lòng: Giáo Hội Công Giáo đang có sự khủng hoảng ơn gọi thánh hiến khá trầm trọng. Chính Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã xác nhận sự kiện nầy trong Tông thư gởi cho giới tu sĩ nhân dịp Năm Thánh Hiến: “Chúng ta biết rằng đời sống thánh hiến đang gặp nhiều khó khăn dưới mọi hình thức: ơn gọi sụt giảm, các thành viên tuổi cao, nhất là tại các nước Tây phương, những vấn đề kinh tế tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chánh trầm trọng, những thách đố của việc quốc tế hóa và toàn cầu hóa, những nguy cơ của thuyết tương đối, đời tu bị gạt ra bên lề và không được xã hội trân trọng…”[2]

Và điều nầy liệu Giáo Hội Việt Nam, các Dòng tu tại Việt Nam … có tránh khỏi không? Chắc chỉ các tu sĩ mới là những người có thể trả lời đúng. Bởi vì là “những người trong cuộc”. Và đằng sau “cơn khủng hoảng” đó, người ta cũng lần mò tìm những nguyên do. Sau đây là một số những nguyên do:

- Khủng hoảng văn hoá: “Văn hoá zapping”[3] (internet, điện thoại thông minh, các kênh truyền hình…): “Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đều chìm trong một nền văn hóa cảm ứng, liên tục “chấm, quẹt”. Ta có thể đồng thời lướt hai hoặc ba màn ảnh và tương tác trên hai ba cảnh ảo cùng một lúc. Nếu thiếu sự sáng suốt phân định, ta có thể dễ biến thành những con rối chiều theo mọi xu hướng chóng qua.” (GE số 167)[4]

- Khủng hoảng đức tin (Cầu nguyện, bí tích, Lời Chúa…): “Trong số các nguyên nhân của sự rời bỏ này, cha Caballo đặc biệt nhấn mạnh đến sự “vắng mặt đời sống thiêng liêng (cầu nguyện cá nhân, cầu nguyện cộng đoàn, đời sống bí tích), vốn dẫn đến một “cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa”. Cộng đoàn tu trì, ngay cả Giáo Hội, lúc đó không còn ý nghĩa nữa đối với người tu sĩ rời bỏ đời sống tu trì của mình.”[5]

- Khủng hoảng về tương giao (quyền bính, vâng phục, cộng đoàn…): “Cha thư ký cũng nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng về quyền bính ngay giữa các cộng đoàn, cũng như “những vấn đề liên vị, những hiểu lầm, việc thiếu đối thoại và tương giao đích thực”.[6]

Đối diện với những khủng hoảng, tiêu cực trong đời sống thánh hiến của Giáo Hội nói chung, hay với “bức tranh khá ảm đạm” của tương lai Hội Dòng, không phải để chúng ta “nản chí anh hùng”, hay bàng quan “nhắm mắt xuôi tay” để mặc “tới đâu thì tới”…mà phải cùng nhau nỗ lực góp phần tìm ra phương thuốc chữa trị, phát hiện những cách thức mới, những con đường phù hợp với niềm hy vọng và tin yêu phó thác, như ĐTC Phanxicô gọi mời: “Anh chị em đừng chiều theo chước cám dỗ về số lượng và hiệu quả, lại càng không nên tín thác vào sức riêng của mình. Hãy lục lọi những chân trời của cuộc đời anh chị em và của thời buổi hiện tại với sự tỉnh thức. Cùng với đức Bênêđictô XVI, tôi xin lặp lại: “Anh chị em đừng liên minh với những ngôn sứ yếm thế dự đoán sự chấm dứt đời sống thánh hiến vì mất ý nghĩa ở thời đại này. Trái lại, anh chị em hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và khoác vào binh giáp của ánh sáng – như thánh Phaolô đã khuyên nhủ - trong thái độ tỉnh thức mong chờ”[7]

I. ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN TRÊN NỀN TẢNG “LINH ĐẠO HIỆP THÔNG”

Tại một vùng núi nọ, người ta truyền tụng cho nhau câu chuyện nầy: Ngày xưa, có hai thầy dòng quyết tâm nên thánh bằng cách chọn con đường ẩn tu. Để thực hiện việc nầy, cả hai thầy lên núi, tìm hai hang động cách xa nhau làm chỗ dung thân để qua hết cuộc đời trong thinh lặng và kết hợp với Chúa. Để cuộc sống ẩn tu đạt kết quả cao, và để khỏi bận tâm, chia trí về những "sự thế gian", cả hai quyết định, hang ai nấy ở, mỗi người một không gian riêng, một thế giới riêng, không liên hệ, không giao tiếp với nhau và với mọi người… Rồi năm tháng qua đi. Cả hai chết lúc nào không ai biết. Hai hang động trở thành hoang phế. Thời gian sau đó, có hai tên cướp bị săn đuổi, đã thay tên, đổi họ, lần mò trốn lên núi nầy để ẩn danh tìm chút bình an cho cuộc sống thừa. Gặp được hai cái hang hoang lạnh của người xưa, cả hai nẩy sinh sáng kiến: chọn nơi đây làm chốn dừng chân để sám hối và làm lại cuộc đời. Thế là cả hai dọn sạch hang cũ và bắt đầu cuộc sống mới của những người "ẩn tu bất đắc dĩ." Chỉ khác với hai thầy dòng trước một điều là cả hai quyết định làm một con đường nối liền hai hang để thường xuyên qua lại, thăm viếng, giúp đỡ, ủi an …Dần dà, dọc theo con đường nối hai hang đã mọc đầy hoa, xung quanh hang động cảnh trí phô đầy sức sống và vẻ đẹp. Hai tên cướp năm nào giờ đây đã trở thành hai vị ẩn tu hiền lành, thánh thiện, đến nỗi hương thơm thánh đức lan toả khắp vùng khiến nhiều người cất công lên núi để xin "Hai Thầy" cầu nguyện và hướng dẫn đạo đức…Và rồi, hai "thầy tướng cướp ẩn tu" đó qua đời. Vì đời sống thánh thiện và vì có những phép lạ xảy ra cho một số người lên núi cầu xin, nên dân chúng vùng đó "tự động" phong thánh cho hai "thầy cướp ẩn tu" nầy…

Huyền thoại "Hai cái hang của thánh ẩn tu" trên sẽ dẫn chúng ta vào câu chuyện sắp chia sẻ hôm nay: chiêm ngưỡng Đức Ki-tô để viết bài thuyết minh về hiệp nhất. Bởi vì "hiệp nhất, hiệp thông, tình huynh đệ cộng đoàn" đó chính là con đường thích hợp nhất, chắc chắn nhất để giúp mỗi người đạt được ơn cứu độ, nên thánh, (giống như con đường nối liền hai cái hang của hai tên cướp ẩn tu !!!).

1. Cộng đoàn tu trì: dấu chỉ và sứ mệnh hiệp thông:

Đời sống tu trì, xét về mặt căn tính, cơ cấu tổ chức cũng như sinh hoạt, là phản ảnh rõ nét “chiều kích Giáo hội”, nhất là chiều kích “hiệp thông huynh đệ”, cũng là sứ mệnh thực hiện việc “hiệp nhất nhân loại” được Đức Kitô trao cho “Giáo Hội”, như xác định của tông huấn “Đời Thánh Hiến” của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II: “Trong đời sống Giáo Hội hẳn có nhiều cơ chế và hình thức diễn tả tình hiệp thông huynh đệ. Chắc hẳn đời thánh hiến đã có công duy trì trong Giáo Hội đời sống huynh đệ như một cách tuyên xưng Thiên Chúa. Khi thường xuyên cổ võ tình yêu huynh đệ, nhất là dưới dạng đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy rằng việc tham dự vào tình hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những mối tương quan nhân loại, và tạo ra một kiểu tình liên đới mới. Nhờ thế, đời thánh hiến làm cho loài người thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ và của những con đường cụ thể đưa tới đó. Quả thế, những con người tận hiến sống "cho" Thiên Chúa và sống "bởi" Thiên Chúa, và chính vì thế, họ có thể tuyên xưng quyền năng hoà giải của ân sủng, là tiêu diệt các lực lượng gây chia rẽ nằm trong trái tim con người và trong những tương quan xã hội.”[8]

Đó cũng chính là những điều Chúa Giêsu dạy, Hội Thánh truyền và Hiến Chương của mỗi Hội Dòng quy định. Chúng ta thử đọc lại những lời sau:

Chúa Giêsu cầu nguyện: Con không chỉ cầu nguyện cho những người nầy, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con" (Ga 17, 20-21); “Chính anh em là muối cho đời…Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…” (Mt 5, 13-16)

Hội Thánh yêu cầu: “Một nhiệm vụ quan trọng mà Công đồng Vatican II nhiệt liệt đề nghị, được trao cho đời thánh hiến, đặc biệt theo ánh sáng giáo huấn của Giáo Hội, chính là sự hiệp thông. Những người được thánh hiến được yêu cầu phải thật sự trở nên những chuyên gia của sự đoàn kết nhất trí và thực hành linh đạo của sự hiệp thông” (ĐTH 46)

Hiến Chương mời gọi: “Vì vậy, trong tâm tình hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội địa phương, chị em Khiết Tâm hiếu kính và tuân phục Đức Giáo Hoàng và các vị Chủ chăn. Chúng ta liên đới và cộng tác với mọi thành phần Dân Chúa, để xây dựng và phát triển Giáo Hội trần thế. Đời sống thánh hiến của chúng ta loan báo và chuẩn bị cho đời sống viên mãn của Nước Trời mai sau, nơi mà cộng đồng nhân loại được:

- Qui tụ thành một gia đình hiệp nhất

- Và thông dự vào hạnh phúc sung mãn của cộng đồng Ba Ngôi Thiên Chúa.”[9]

2. Trên nền tảng “Linh đạo hiệp thông”:

Trước hết, chúng ta hãy lắng nghe lời dạy của Giáo Hội trong văn kiện “XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ” của Thánh Bộ đời sống thánh hiến và hiệp hội tông đồ: “Một linh đạo hiệp thông hệ tại trước tiên là một cái nhìn của tâm hồn hướng về mầu nhiệm Ba Ngôi đang ngự trong chúng ta và chúng ta cũng phải có khả năng thấy ánh sáng của Người sáng chói trên gương mặt của anh chị em xung quanh chúng ta. Một linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là một khả năng chú ý đến anh chị em chúng ta trong đức tin, trong sự hiệp nhất sâu xa của Thân Thể mầu Nhiệm và vì thế như “những chi thể của tôi”…” Một vài hậu quả về phương diện cảm xúc và hành động xuất phát từ nguyên tắc này với luận lý đáng thuyết phục: chia sẻ niềm vui và những đau khổ của anh chị em chúng ta; nhạy cảm trước những ước muốn và chú ý đến các nhu cầu của họ; tặng ban cho họ tình bạn sâu sắc và chân chính. Linh đạo hiệp thông cũng bao hàm khả năng nhìn thấy những gì tích cực nơi người khác, đón nhận và khen ngợi điều đó như là một hồng ân Thiên Chúa ban, và biết dành một chỗ cho người khác, bằng cách mang gánh nặng cho nhau. Trừ phi chúng ta đi theo con đường thiêng liêng này, những cơ cấu bên ngoài của hiệp thông sẽ sinh rất ít kết quả…”[10]

Chúng ta có thể rút ra những “điểm nhấn” quan trọng trong giáo huấn trên:

- Xây dựng đời sống hiệp thông trên nền tảng quy chiếu vào mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ut sint unum”.

- Xây dựng đời sống hiệp thông trên nền tảng quy chiếu vào mầu nhiệm Hội Thánh là Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô mà chúng ta là những chi thể.

- Xây dựng đời sống hiệp thông trên nền tảng Đức Ái: đón nhận nhau và mang lấy gánh nặng cho nhau.

II. NÀO HÃY BẮT ĐẦU !

1. Những “dụng cụ” đầu tiên cần phải có:

- Lòng yêu mến Hội Thánh:

Muốn làm “chuyên gia hiệp nhất”, trước tiên hãy yêu mến Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội, tha thiết xây dựng Giáo Hội, hãy thuộc về Giáo Hội một cách trọn vẹn. Đức Cha F.X Nguyễn Văn Thuận, trong bài suy niệm 16 "Hội Thánh là hy vọng của bạn", đã khai triển chiều kích nầy trong khi nhắc lại những lời cuối cùng trước lúc lìa đời của Thánh Nữ Tiến sĩ Tê-rê-sa Avila: “Chúng ta yêu mến Hội Thánh vì Hội Thánh là Mẹ rất tinh tuyền đã tháp nhập chúng ta vào gia đình của Mẹ, mở rộng cho chúng ta những cánh cửa thiên đàng đích thực qua các tư tế và các bí tích (…). Nếu con tim chúng ta không ca ngợi Hội Thánh, chúng ta chỉ là một chiếc đàn phong cầm im tiếng. Nếu tâm trí chúng ta không nhìn thấy Hội Thánh và không ngưỡng mộ Hội Thánh, chúng ta trở nên thật mù quáng và u mê. Nếu miệng chúng ta không nói về Hội thánh, thì tốt hơn là nên im tiếng đi.” (Chứng nhân Hy vọng tr. 225-226).

- Ý thức và nhạy cảm trước nhu cầu hiệp nhất, hiệp thông của Giáo Hội: "Những người được thánh hiến được yêu cầu phải thực sự trở nên những chuyên gia của sự đoàn kết nhất trí và thực thi linh đạo của sự hiệp thông. Ý thức hiệp thông của Giáo Hội, trở thành một linh đạo của sự hiệp thông, cổ vũ cách suy nghĩ, cách nói năng và cách hành động, khiến Giáo Hội vững tiến theo chiều sâu và chiều rộng. Hẳn thật đời sống hiệp thông trở nên một dấu chỉ đối với thế gian và trở thành một sức thu hút đưa đến việc tin nhận Chúa Ki-tô" (ĐTH số 46).

"Lời Chúa Ki-tô cầu xin Chúa Cha, trước khi chịu nạn, để cho các môn đệ nên một (x. Ga 17, 21-23) còn kéo dài trong kinh nguyện và trong hành động của Giáo Hội. Những người được mời gọi sống đời thánh hiến làm sao không cảm thấy mình có liên quan? " (ĐTH số 100).

- Xây dựng hiệp nhất bằng tình thương, nhờ cầu nguyện, Lời Chúa, Thánh Thể: "Đời sống huynh đệ, được hiểu như một cuộc sống san sẻ trong tình yêu, là một dấu chỉ rõ ràng của sự hiệp thông trong Giáo Hội…Sẽ không có hiệp nhất thật sự nếu không có tình yêu thương nhau vô điều kiện… Điều đó thực hiện được nhờ tình yêu thương nhau giữa các thành viên trong cộng đoàn, một tình yêu được nuôi dưỡng bằng Lời và bằng Thánh Thể, được tinh luyện bằng Bí tích Hoà giải, được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất, là ân huệ mà Chúa Thánh Thần trao ban cho những ai biết lắng nghe và vâng theo Tin Mừng" (ĐTH số 42).

2. Cộng đoàn: môi trường và điểm tựa cần thiết để nên thánh:

Không thể bỏ qua giáo huấn của Gaudete et Exsultate về nội dung nầy:

- Cả một cộng đoàn có thể cùng nhau nên thánh: “Nên thánh là một hành trình trong cộng đoàn, sống cùng với những người khác. Chúng ta thấy điều này nơi một vài cộng đoàn thánh thiện. Đôi khi Giáo Hội đã tuyên thánh trọn cả cộng đoàn đã sống Tin Mừng một cách anh hùng hay đã dâng hiến cho Thiên Chúa sự sống của tất cả các thành viên. (...). Cũng thế, có nhiều cặp vợ chồng thánh thiện, trong đó mỗi người trở thành một phương tiện mà Đức Kitô dùng để thánh hóa người kia. Sống hay làm việc cùng với những người khác chắc chắn là một con đường tăng trưởng thiêng liêng. Thánh Gioan Thánh Giá đã nói với một trong các môn đệ của ngài: “Con sống với những người khác là để được họ uốn nắn và thử thách về đàng nhân đức”[11].

- Môi trường cần thiết để khám phá, nuôi dưỡng, phát triển ơn gọi nên thánh: “Việc chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thế với nhau thúc đẩy tình huynh đệ và làm cho chúng ta dần dần trở thành một cộng đoàn thánh thiện và truyền giáo. Điều đó cũng làm nảy sinh những kinh nghiệm thần bí đích thực chia sẻ chung với nhau, như trường hợp của thánh Biển Đức và thánh Scholastica, hay như kinh nghiệm thiêng liêng tuyệt vời được chia sẻ bởi thánh Augustinô và Mẹ ngài là thánh Mônica.”[12]

- Đời sống cộng đoàn có biết bao nhiêu “việc nhỏ” để giúp nên thánh: “Đời sống cộng đoàn, dù là trong gia đình, giáo xứ, cộng đoàn tu trì hay bất cứ cộng đoàn nào khác, được hình thành bởi bao điều nhỏ nhặt thường ngày. Đó thực sự là trường hợp của cộng đoàn thánh, được họp thành bởi Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, ở đó phản ánh một cách mẫu mực vẻ đẹp của sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó cũng là đời sống mà Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đệ của Ngài và với dân chúng.

Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết:

Chi tiết nhỏ về chuyện hết rượu tại một tiệc cưới;

Chi tiết nhỏ về chuyện một con chiên lạc mất;

Chi tiết nhỏ về việc người goá phụ dâng cúng hai đồng xu nhỏ;

Chi tiết nhỏ về việc mang dầu dự trữ cho đèn, phòng trường họp chàng rể đến chậm;

Chi tiết nhỏ về việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh;

Chi tiết nhỏ về việc nhóm bếp lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.

Một cộng đoàn biết trân trọng những chi tiết nhỏ của tình yêu, nơi đó các thành viên chăm sóc lẫn nhau và tạo ra một môi trường mở và đầy tinh thần Phúc âm, là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hóa cộng đoàn theo kế hoạch của Chúa Cha. Có đôi khi, nhờ món quà tình yêu của Chúa giữa những chi tiết nho nhỏ này, chúng ta được Thiên Chúa ban cho những kinh nghiệm an ủi.”[13]

3. Lớn lên trong trường học của Giáo Hội (Hay vận dụng Học thuyết xã hội của Giáo Hội vào đời sống cộng đoàn):

Để nắm bắt nội dung ý nghĩa về việc “vận dụng” nêu trên, xin được mượn lời của nữ tu Maria Lê Thị Kim (Học Viện MTG.QN NK 17-18): “Như một quy luật tất yếu, trần thế và thiêng liêng, cộng đồng xã hội và cộng đoàn tu trì thuộc hai lãnh vực khác nhau, cho nên khó có thể dung hòa khi áp dụng những nguyên tắc và các giá trị hướng dẫn của đời sống này vào đời sống sống kia. Tuy nhiên, học thuyết về xã hội của Giáo Hội Công Giáo đã được rút ra từ nền tảng luân lý tự nhiên và luân lý Tin Mừng để đưa ra các nền tảng và các giá trị như: nhân phẩm, công bằng, liên đới, bổ trợ, sự thật, tự do, tình yêu...rất phù hợp với từng cá nhân trong mối tương quan với cơ cấu xã hội con người, hay với các cộng đồng xã hội con người trong bất cứ hoàn cảnh hoặc thể chế nào trên thế giới.”[14]

Và sau đây là những điểm cần vận dụng:

Học thuyết Xã Hội của Giáo Hội được xây dựng và định hướng trên 4 nguyên tắc: Nhân phẩm, Công ích, Bổ trợ, Liên đới; và 4 giá trị: Sự thật, Tự do, Công bằng và Yêu thương.

Để cùng nhau xây dựng một cộng đoàn “hiệp thông thật sự”, chúng ta cần nhấn mạnh “2 nguyên tắc: NHÂN PHẨM, LIÊN ĐỚI và 2 giá trị: TỰ DO, YÊU THƯƠNG.”

3.1. Nguyên tắc “NHÂN PHẨM”:

3.1.1. Những điều Giáo Hội dạy:

Con người là trọng tâm của mọi lĩnh vực và mọi biểu hiện trong xã hội: “Toàn bộ đời sống xã hội đều là sự biểu hiện của một nhân vật chính không thể lầm lẫn được, đó chính là con người. … Nhận thức quan trọng này được phản ánh trong lời khẳng định sau đây: “Thay vì làm đối tượng hay làm nhân tố thụ động của đời sống xã hội”, con người “nên và phải luôn luôn là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu của đời sống xã hội”.”[15]

Phẩm giá của con người: bất khả xâm phạm: “Trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử, con người chính là trọng tâm và linh hồn của tư duy xã hội Công Giáo. Thật vậy, toàn bộ Học thuyết Xã hội Công Giáo chẳng qua chỉ là sự triển khai nguyên tắc: con người có phẩm giá bất khả xâm phạm… Giáo Hội luôn cố gắng bênh vực phẩm giá con người mỗi khi có toan tính xác định lại hay bóp méo hình ảnh ấy; Giáo Hội cũng thường xuyên tố cáo những sự xâm phạm phẩm giá con người.”[16]

Giải đáp đúng về con người sẽ cho đáp án đúng về xã hội: “Đời sống con người, xã hội và lịch sử sẽ đi theo hướng nào tuỳ thuộc rất nhiều vào những câu trả lời mà chúng ta tìm được cho những câu hỏi về vị trí của con người trong thiên nhiên và xã hội. … Thật vậy, ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc sống con người được lộ ra khi con người tự do tìm kiếm sự thật nào có thể định hướng và đem lại sự sung mãn cho cuộc sống.”[17]

3.1.2. Cộng đoàn áp dụng:

Đây là nhận xét và đề nghị của một nữ tu Mến Thánh Giá Vinh trong việc “áp dụng nguyên tắc” trên: “Trên thực tế, chúng ta thường nhìn người khác bằng quan niệm và thành kiến của riêng ta và dễ có xu hướng bắt người khác suy nghĩ theo lối nhìn của ta. Tệ hơn, chúng ta thường lấy bản thân ta làm thước đo, làm tiêu chuẩn để đánh giá người khác. Sâu xa ra, chính là ta không muốn tôn trọng cái thế giới riêng tư của người khác, cái thế giới mà chỉ có Thiên Chúa mới có quyền biết. Do đó, để tiến đến đón nhận và yêu thương tha nhân, trước hết ta phải tôn trọng mỗi người như một nhân vị cá biệt, độc đáo, bất khả tương nhượng.”[18]

Và đây là ý kiến của một nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn: “Nói cách khác, có một tiêu cực lớn thường vẫn còn tồn tại trong nhiều cộng đoàn tu trì đó là người ta thường chú trọng đến tổ chức, cái đẹp của bề mặt bên ngoài của tập thể, sự ngăn nắp hoàn bị của đơn vị… mà quên đi việc thăng tiến, chăm sóc mỗi thành viên, trân trọng phẩm giá, nhân vị của từng người; nhất là những người kém may mắn, ít ỏi, không có gì nổi trội. Áp dụng nguyên tắc Nhân Vị trong đời tu cũng có nghĩa là không để ai cảm thấy mình bị lạc lõng, bị cô lập, bị coi thường…để phải dẫn đến cái kết cục ơn gọi bị đổ vỡ !”[19]

3.2. Nguyên tắc liên đới:

3.2.1. Những điểm giáo lý:

- Tột đỉnh của chiều kích Liên đới đó chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng liên kết nhân loại với nhau và với Thiên Chúa: “Tột đỉnh của viễn tượng mà chúng ta đang nói đến ở đây là chính cuộc đời Đức Giêsu Nazareth, Con Người Mới, Đấng đã kết hợp với nhân loại sâu xa tới mức “chết trên thập giá” (Pl 2, 8). Nơi Người, chúng ta luôn luôn nhận ra dấu chỉ sống động của một tình yêu khôn lường và siêu việt của “Thiên-Chúa-với-chúng-ta”, Đấng đã mang lấy những tật bệnh của dân mình, cùng đồng hành với họ, cứu thoát họ và hợp nhất họ thành một.”[20]

- Trong viễn tượng đức tin, nguyên tắc liên đới dẫn tới sự hiệp thông của Ba Ngôi: “Lúc ấy, người thân cận của chúng ta không phải chỉ là một con người có những quyền lợi và sự bình đẳng căn bản cùng với hết mọi người, mà còn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha, đã được máu Đức Giêsu Kitô cứu chuộc và được đặt dưới tác động trường kỳ của Thánh Thần. Thế nên, phải yêu thương tha nhân, dù đó là kẻ thù, bằng cùng một tình yêu như tình yêu mà Thiên Chúa yêu thương họ; và chính vì ích lợi của người ấy mà người ta sẵn sàng hy sinh, thậm chí tới mức cuối cùng là hy sinh tính mạng vì anh em (x. 1 Ga 3, 16)”.[21]

- Làm nổi bật bản tính xã hội của nhân vị: “Xây dựng trên nền tảng triết lý xã hội, liên đới (solidarité, solidarity, solidaridad) nhìn con người như một hữu thể xã hội, một đồng bào, một thành phần của nhân loại và nhất là một nhân vị. Vận mệnh của mỗi người được nối kết và gắn chặt với vận mệnh của bao nhiêu người khác. Chiều kích liên đới này là yếu tố nền tảng của con người sống bên nhau và sống với nhau trong một thế giới.”[22]

- Liên đới, một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý: “Đây là một yêu cầu luân lý vốn tồn tại trong hết mọi mối quan hệ của con người. Bởi đó, cần phải nhìn sự liên đới dưới hai khía cạnh bổ sung cho nhau: liên đới là một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý.”[23]

3.2.2. Áp dụng vào đời sống cộng đoàn:

“Xây dựng tình liên đới qua tương quan với nhau, hổ trợ nhau, trò chuyện, trao đổi để nâng đỡ nhau, giúp nhau cũng thăng tiến trong đời sống tu đức, trí thức cũng như nhân bản. …Để sống tình liên đới, cần tập sống hy sinh xả kỷ vì người khác.… Trong đời sống tu trì, việc liên đới còn được áp dụng trong đời sống phụng vụ, nguyện cầu nơi nguyện đường. Sống mỗi tương quan với tha nhân để lắng nghe, để cảm thông và đặc biệt tình liên đới này được biểu hiện khi ta biết đem những thao thức, trăn trở của tha nhân đến với Chúa. … Liên đới giúp cho các thành viên và các cộng đoàn cộng tác với nhau, với bề trên, với những người có trách nhiệm…để Hội dòng đạt được mục tiêu chung và cùng nhau thăng tiến.”[24]

3.3. Giá trị “Tự do”:

3.3.1. Giáo huấn Giáo Hội:

- Dấu chỉ phẩm giá tuyệt vời của con người: “Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người cho thấy con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và do đó, cũng là dấu chỉ cho biết phẩm giá tuyệt vời của mỗi người. “Tự do diễn ra trong các quan hệ giữa người với người. Mỗi người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có quyền tự nhiên là được nhìn nhận như một hữu thể tự do và có trách nhiệm.”[25]

“Tự do đích thực không phải là khả năng chọn bất cứ thứ gì mình muốn, dù tốt hay xấu, mà là khả năng chọn lựa điều thiện hảo. Chỉ trong con người tự do mới có thể lãnh nhận trách nhiệm. Được tự do cá nhân, con người trở nên độc đáo…”[26]

“Điều vĩ đại nhất được ban tặng cho con người là được chọn lựa, là tự do” (Soren Kierkegaard)[27]

3.3.2. Áp dụng vào cộng đoàn tu trì:

- Đồng hành thay vì kiểm soát: “Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta gặp những nhà đào tạo giống “công an” hay nhà quản trị hơn là một người bạn đồng hành. Phải chăng vì khả năng của bản thân còn quá hạn chế, không bao quát được nên một số vị đã nệ luật, đưa vào khuôn khổ để quản trị theo kiểu “kiểm soát không được thì cấm” như nhà nước vẫn thường áp dụng…”[28]

- Sáng tạo, sinh động thay vì cứng nhắc, rập khuôn: “Một cộng đoàn lấy vào luật lệ làm thước đo và sẵn sàng áp dụng mọi hình thức kỷ luật chỉ để nhắm đến sự ổn định, xuôi chảy, không gì sai chạy sẽ sớm trở thành một cộng đoàn vô hồn, tồn tại một cách tẻ nhạt và thiếu sức sống.

Được ‘sản xuất’ từ những cái lò với bầu không khí ô nhiểm như thế, các tu sĩ dường như dĩ nhiên trở thành “cá mè một lứa”, rập khuôn và ‘khờ người’ ra như người ta vẫn nói. Chúng ta rất thường nghe những câu nhận xét hết sức chân tình, thực tế mà cũng rất đau lòng về các tu sĩ, đại loại như: ‘nhìn chú hiền hiền, ’ ‘lù đù như thầy tu, ’ ‘hiền như ma sơ’. Đó là cái Mẫu rập khuôn mà chúng ta đang quảng diễn cùng thế gian. Còn chăng cái chức năng là nguồn an ủi và chổ dựa tinh thần cho mọi người của tầng lớp tu sĩ khi họ thiếu trưởng thành và quá xa rời cuộc sống như thế? Giá như dưới mắt người đời, người tu sĩ luôn là những con người có thái độ bình thản, khoan thai nhưng rất nhạy cảm với nhân tình thế thái, dám nghĩ, dám làm và có khả năng sưởi ấm những tâm hồn giá buốt và xoa dịu những vết thương lòng đang rướm máu khắp nơi.”[29](Xem thêm: Huấn thị “XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ”)[30]

3.4. Giá trị “Yêu thương”:

3.4.1. Giáo huấn Giáo Hội:

- Tình yêu: tiêu chuẩn và phổ quát nhất của đạo đức xã hội:

“…tình yêu trong giá trị thật của nó, coi đó như tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát nhất của toàn bộ nền đạo đức xã hội.Trong mọi con đường sống của nhân loại, kể cả những con đường đã được tìm kiếm và đón nhận để đáp ứng những vấn đề xã hội hiện hành, bằng những hình thức càng ngày càng mới mẻ, có một con đường “trổi vượt hẳn” (x. 1 Cr 12, 31), đó chính là con đường mang đậm nét yêu thương.”[31]

- Tình yêu là nền tảng để khai sinh và phát triển các giá trị cao cả: “Chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển.”[32]

- Công lý, luật pháp… đều phải được tình yêu hướng dẫn mới có giá trị: “trong bất cứ lĩnh vực quan hệ liên vị nào, có thể nói, công lý phải được điều chỉnh thật nhiều bởi tình yêu, vì như thánh Phaolô nói, tình yêu hay bác ái vốn ‘nhẫn nại và nhân hậu’ hoặc có thể nói, đó là tình yêu mang những đặc điểm của lòng thương xót, là cốt tuỷ của Tin Mừng và của Kitô giáo”[33].

3.4.2. Áp dụng vào cộng đoàn tu trì:

- Xuất phát lại từ tâm điểm: Tình yêu của Đức Kitô: “Xuất phát lại từ Đức Ki-tô có nghĩa tìm lại một lần nữa tình yêu ban đầu của ta, tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên đi theo Người. Bước đầu là tình yêu của Thiên Chúa. Bước tiếp mới là sự đáp trả đầy lòng yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa. Nếu “chúng ta yêu mến” đó là “Người đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4, 10.19). Điều đó có nghĩa là nhìn nhận Người yêu ta với cái ý thức sâu đậm đã làm cho thánh Phao-lô thốt lên: “Đức Ki-tô đã yêu tôi và đã hiến mạng sống cho tôi” (Gl 2, 20). Chỉ khi ý thức mình được yêu thương vô cùng mới có thể giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn riêng tư hay do cơ cấu. Người thánh hiến không thể có tính sáng tạo, có khả năng canh tân tu hội và mở ra những con đường mục vụ mới nếu họ không cảm thấy được yêu mến với tình yêu ấy. Chính tình yêu ấy làm cho họ trở nên mạnh mẽ, có thể dám làm mọi sự.”[34]

- Ưu tiên một: một cộng đoàn yêu thương: “Có thể nói, yêu thương là phẩm chất của nhân cách đời tu. … Để tiến đến nhân cách đời tu, họ phải sống tích cực trên bình diện đức tin. Nghĩa là họ yêu thương người khác không chỉ vì đã được yêu thương mà còn vì họ đã cảm nghiệm tình Chúa yêu thương. Thế nên, động lực thúc đẩy họ sống đời tu cách tích cực và hữu hiệu hơn cả là tình yêu Chúa. Cũng vì tình yêu, họ coi cộng đoàn là nhà mình, nơi đây, họ thực hiện mọi dự phóng của cộng đoàn nhằm thăng tiến từng cá nhân. Nơi đây, mọi người chấp nhận họ như họ là, nghĩa là cả ưu điểm và khuyết điểm đều được cộng đoàn nhìn nhận. Nói cách khác, họ được sống với tất cả con người giới hạn của mình. Có thể nói, sống thật với chính mình như thế là một trong những nét đẹp của nhân cách đời tu.

Ngoài ra, sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn cũng góp phần tô điểm nét đẹp nội tâm. Người già kiên nhẫn và lắng nghe người trẻ, ngược lại, người trẻ yêu thương và tôn trọng người già. Chính trong viễn tượng này, tình yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi. Thật vậy, một cộng đoàn yêu thương là có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia. Không có một chi tiết nhỏ mọn nào của cá nhân mà không thuộc về cộng đoàn. Cũng vậy, một nhân cách triển nở thì cộng đoàn tăng tiến.”[35]

Kết luận:

Cuộc "hành trình hiệp nhất" mãi mãi là con đường nhiêu khê, đòi hỏi hy sinh, khiêm nhượng, yêu thương và đón nhận, (cho dù đôi lúc phải cắn răng mà đón nhận như đón nhận một thứ "Mùi cọp"!)[36]. Đó cũng chính là điều mà Đức Cha F.X Nguyễn Văn Thuận đã viết trong khi Ngài còn bị cầm tù:

Xin Chúa cho con năng xét mình:

"Ai là trung tâm của đời tôi? "

"Tôi hay Chúa? "

Nếu Chúa là trung tâm,

Ngài sẽ qui tụ mọi người hiệp thông.

Nếu thấy thiên hạ quanh con dần dần rút lui tản mác,

Ấy là dấu con đang tự đặt mình làm trung tâm"[37]

Sau cùng, nếu phải dùng “ngôn ngữ biểu tượng” hay “ngôn ngữ dụ ngôn” của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêô đoạn 5, câu 13-16, thì để đời sống cộng đoàn chúng ta được tươi mát đầy chất hương thơm nồng của tình “tỷ-muội”, của phục vụ yêu thương, của thuận hòa chia sẻ…thì mỗi người hãy phấn đấu trở thành “hạt muối ướp hương nồng” và “ngọn đèn rực lên ánh sáng”; hay như cách cảm nhận tuyệt vời của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng: “Ở giữa lòng Hội Thánh, con sẽ là tình yêu”[38]. Vâng, chỉ có tình yêu mới giúp người tu sĩ sẵn sàng chấp nhận “Mùi cọp” giữa cộng đoàn để nhờ đó mà “đời tu đạt thành chánh quả”.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

[1] Nguồn: Kênh thông tin Xuân Bích:

http://xuanbichvietnam.net/trangchu/moi-nam-co-hon-3000-tu-si-roi-bo-doi-song-thanh-hien/

[2] SĐD (ĐGH. Phanxicô, Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, số 3). Nguồn : http://www.betrenthuongcap.net/tong-thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-tat-ca-cac-nguoi-tan-hien-nhan-dip-nam-doi-song-thanh-hien.html

[3] Xem: Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền: Văn hoá “Zapping” ảnh hưởng tới hôn nhân: “Phải chăng cuộc khủng hoảng này cũng liên hệ đến một thứ văn hóa mới mà người ta gọi là văn hóa “zapping”. Văn hóa Zapping nghĩa là việc hay thay đổi các kênh truyền hình bằng điều khiển từ xa. Văn hóa này nói về hiện tượng đa số chúng ta mỗi lần đến quảng cáo là liền remos qua chương trình khác ngay, hoặc một chương trình nhàm chán là họ chuyển kênh ngay. Văn hóa Zapping cũng là một thói quen lướt wed trên điện thoại hay Ipad được ghi nhận là nhiều người trở thành con nghiện Internet.” Nguồn: Trang mạng giáo phận Xuân Lộc: http://giaophanxuanloc.net/dac-biet/van-hoa-zapping-anh-huong-toi-hon-nhan-4413.html

[4] ĐGH Phanxicô, tông huấn Gaudete et Exultae (GE) số 167:

[5] Theo nhận định của báo La Croix. Nguồn:

http://xuanbichvietnam.net/trangchu/moi-nam-co-hon-3000-tu-si-roi-bo-doi-song-thanh-hien/

[6] Ibid.

[7] SĐD (ĐGH. Phanxicô, Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, số 3). Nguồn: http://www.betrenthuongcap.net/tong-thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-tat-ca-cac-nguoi-tan-hien-nhan-dip-nam-doi-song-thanh-hien.html

[8] SĐD số 41

[9] Linh đạo và đoàn sủng của Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang.

[10] ĐGH. Phanxicô, Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, số 29

[11] Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ. Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ (GAUDETE ET EXSULTATE). Chuyển ngữ: Giám mục Đỗ Văn Ngân. Nxb. Tôn giáo 2018. Số 141. Tr. 93-94.

[12] Ibid. Số 142. Tr. 95.

[13] Ibid. Các số 143-145. Tr. 95-97.

[14] Maria Lê Thị Kim, Học viện MTG.QN, NK 17-18: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔN GIÁO VÀ CỘNG ĐOÀN TU TRÌ. Nguồn: Trang mạng Giáo phận Qui Nhơn: http://gpquinhon.org/q/dong-mtg-qui-nhon/hoc-thuyet-xa-hoi-cong-giao-va-cong-doan-tu-tri-1110.html

[15] HĐGMVN, Ủy Ban Bác ái Xã Hội. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Số 106. Tr. 99-100.

[16] Ibid.. Số 107, tr. 100

[17] Ibid.. Số 15, tr. 37

[18] Soeur Sourire 2: TU SĨ LỚN LÊN TRONG TƯƠNG QUAN VỚI CỘNG ĐOÀN. Nguồn: trang Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh. Link: http://mtgvinh.net/tu-si-lon-len-trong-tuong-quan-cong-doan/2014/08/

[19] Maria Lê Thị Kim, Học viện MTG.QN, NK 17-18: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔN GIÁO VÀ CỘNG ĐOÀN TU TRÌ. Nguồn: Trang mạng Giáo phận Qui Nhơn: http://gpquinhon.org/q/dong-mtg-qui-nhon/hoc-thuyet-xa-hoi-cong-giao-va-cong-doan-tu-tri-1110.html

[20] SĐD (HĐGMVN, Ủy Ban Bác ái Xã Hội. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo). Số 196, tr. 153.

[21] Ibid. số 196, tr. 154.

[22] GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công Giáo, Phần II, chương 9, tr. 165.

[23] SĐD (HĐGMVN, Ủy Ban Bác ái Xã Hội. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo). Số 193, tr. 151.

[24] Maria Lê Thị Kim, Học viện MTG.QN, NK 17-18: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔN GIÁO VÀ CỘNG ĐOÀN TU TRÌ. Nguồn: Trang mạng Giáo phận Qui Nhơn: http://gpquinhon.org/q/dong-mtg-qui-nhon/hoc-thuyet-xa-hoi-cong-giao-va-cong-doan-tu-tri-1110.html

[25] HĐGMVN, Ủy Ban Bác ái Xã Hội. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Số 199. Tr. 156.

[26] DOCAT. Câu hỏi 106. Tr. 106

[27] Ibid. tr.106

[28] Soeur Sourire 2: TU SĨ LỚN LÊN TRONG TƯƠNG QUAN VỚI CỘNG ĐOÀN. Nguồn: trang Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh. Link:

http://mtgvinh.net/tu-si-lon-len-trong-tuong-quan-cong-doan/2014/08/

[29] Ibid.

[30] Sđd: “Các Tu hội thánh hiến càng ngày càng có đặc tính khác biệt về văn hoá, tuổi tác và dự phóng. Việc huấn luyện phải chuẩn bị cho biết đối thoại trong cộng đoàn, với lòng chân thành và bác ái của Đức Ki-tô, bằng cách dạy cho biết nhìn xem sự khác biệt như là một sự phong phú và làm quen với các cách nhìn và cảm nghĩ khác nhau. Nỗ lực liên lỉ tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức ái như thế sẽ trở thành trường dạy hiệp thông cho các cộng đoàn ki-tô hữu và là một đề nghị cho sự chung sống huynh đệ giữa các dân tộc.”

[31] SĐD (HĐGMVN, Tóm lược…) số 204, tr. 158.

[32] Ibid. số 205, tr. 158.

[33] Ibid. số 206 và 207, tr. 159-160.

[34] Thánh Bộ đời sống thánh hiến và hiệp hội tông đồ, Huấn Thị “XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ”, SỐ 22

[35] Eymard An Mai Đỗ, O.Cist. Nhân Cách Đời Tu, tr. 37. Bản PDF: Nguồn:

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/DoiSongThanhHien/64NhanCachDoiTu.pdf

[36] Truyện ngắn “Mùi Cọp” của Quý Thể (Xem trang mạng: https://cafevannghe.wordpress.com

[37] ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, tr. 247-248

[38] Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Manuscrit B, 3v: Manuscrits autobiographiques (Paris 1992) 299. (Xem thêm GLHTCG số 826)
 
Văn Hóa
Lá Thư Canada : Chuyện Ông Adam Và Bà Eva
Trà Lũ
15:24 02/08/2020
Canada tháng Tám, nắng hè chan hòa khắp nơi làm tôi nhớ quê hương hết sức, nhất là quê ngoài Bắc. Nào hàng cau trước nhà trổ hoa thơm ngát, nào lúa chín đầu làng trĩu hạt trên cánh đồng bao la, nào hoa sen từ ao làng tỏa hương bay lên ngạt ngào, nào tiếng ve sầu râm ran giữa trời nóng đổ lữa. Nó làm tôi nhớ câu thơ ngày xưa khi còn đi học, thơ LaFontaine: La cigale ayant chanté, tout l’été…và lời dịch thật hay của Cụ Nguyễn Văn Vĩnh: Con ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè…Rồi nó làm tôi miên man nhớ bài ca Hè Về của Hùng lân: Trời hồng hồng, sang trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song… Ôi mùa hè quê nhà khi xưa mới đẹp và đáng yêu làm sao !

Tôi nói khi xưa, chứ bây giờ ngay trên đất nước thanh bình này tôi cũng không thấy đẹp nên thơ như vậy nữa. Tại sao ư? Chắc các cụ quá rõ rồi. Vì Tàu Công hăm he đánh nhau với Mỹ và cai trị thế giới, vì Dịch Cô Vít của Tàu Cộng lan ra khắp thế giới. Suốt ngày trên mạng và trên báo toàn những tin này, Ngoài ra còn tin tranh cử của Vua Trump và ngài Bí Đen. Nghe tới tên Bí Đen, ông ODP trong làng tôi lên tiếng ngay: Canada và Hoa Kỳ là hai nước tự do ngôn luận, khen ai chê ai là quyền của mọi người, tôi thấy bên Hoa Kỳ, phía cộng đồng VN cũng có hai phe, tiếng mới bây giờ ‘là cuồng mê Trump’và ‘cuồng chống Trump’. Khen Vua Trump chỉ có GS Dương Đại Hải là công khai, minh danh và lớn tiếng, còn những vị chê Trump và bênh Bí Đen thì đều ẩn danh, dấu mặt. Tôi cho như vậy là hèn. Các vị này có ngon thì lên mạng đấu lý với Ông Dương Đại Hải coi. Xin đừng hèn như vậy nữa. Lại có tin mới nhất thấy trên mạng làm tôi giật mình là Ông Henry Kissinger vừa lên tiếng khen Vua Trump. Ông Kít năm nay đã 94, hơn Vua Trump 20 tuổi, và thuộc phe Dân Chủ. Xưa nay tôi vẫn ghét ông này vì ông là con cáo già chính trị đã phá VNCH chúng ta. Ông vừa lên tiếng khen vua Trump hết lời. Lạ chứ. Chắc là fake news quá. Các cụ cuồng ghét Trump nghĩ sao cơ?

Nhưng thôi, xin thôi chuyện thời sự, vì toàn những chuyện nhức đầu, và ai cũng ngấy rồi. Xin mời các cụ nghe chuyện cộng đồng VN ở Toronto nơi có làng An Lạc của chúng tôi, sẽ vui hơn. Đây là tin bác ái xã hội. Đã có nhiều hội đoàn trong cộng đồng Việt tự nấu ăn rồi đem thức ăn nóng đến tặng những cụ già, những bệnh nhân neo đơn, những bác sĩ và các nhân viên bệnh viện, và những người phục vụ trong cơn dịch Vũ Hán này. Đó là Hội Làng Dưỡng Lão Toronto, Hội Phụ Nữ VN Toronto, Hội Người Việt Toronto… Ngoài thức ăn họ còn tặng các khẩu trang, các bình sát trùng… Thật đáng ca ngợi những tấm lòng vàng này.

Còn bọn già chúng tôi thì được tiếp tế rất nhiều thức ăn tinh thần từ bạn bè phương xa. Họ chuyển tới cho bao nhiêu bài đọc rất vui và rất hay. Chẳng hạn bài sau đây kể một chuyện cười về hai ông cháu đối thoại với nhau. Ông thuộc thế hệ 1, nói tiếng Anh ba rọi. còn đứa cháu thuộc thế hệ 2 sinh đẻ ở đây, tiếng Việt của nó cũng ba rọi, cháu hiểu sơ sơ tiếng Việt nhưng nói không được. Việc này rất đúng tình trạng đang xảy ra trong mỗi gia đình. Tôi xin chép nguyên văn để các cụ giải trí cho nhẹ cái đầu, xin đa tạ tác giả mà tôi không biết tên. Chuyện như sau:

.. Ông nội đến thăm cháu. Ông nói:

- Lấy cho ông lon Coke

- There is no Coke, Pepsie OK?

- Cho ông một lon cũng được.

- There is no lon, only bottles, 2 lít or 1 lít?

- Thôi thì cho ông chai nước vậy.

- Sparkling water or Mountain water?

- Nước có ga.

- What flavor? Sweetened or non-sweetened?

- Mệt mày quá !

- Are you tired?

- Thai cái con khỉ !

- Tie the monkey? What monkey?

- Trời ơi, chắc tao chết quá !

- Oh my God, are you dying?

- Không. Tao muốn đập mày một cái !

- Do you mean I am a bug?

- Ừ !

- Mosquito or fly?

- Not muỗi, not ruồi ! You là thằng quỷ nhỏ !

- Oh, you mean I am a ghostbuster or a zombie, don’t you?

- Tao không biết nói sao luôn !

- Why you don’t know what to say?

- Thôi nói chuyện với mày khó qúa. Tao đi về.

- No, please stay. What do you want to talk about?

- Bà mày !

- Oh, what about her?

- Khi tao muốn coke là có coke, tao muốn nước là có nước. chứ không nhiều chuyện như mày !

- Is she your slave? People are pulling down many President statues due to this matter. She might pull you down someday.

- Hừ, kéo cái quần tao nè.

- She pulled down your pants? When?

- …Ờ, khi tao đi đái.

- Ew, you’re a spoiled brat !

- Cha mày, chớ brat.

- No, my dad is not a brat. He is a hero !

- Hí rồ là sao?

- He arrests the bad guys. If you’re bad guy he cuffs you too

Điện thoại reng, bà gọi ông về. Ông trả lời ‘mai về’, bà nói không được.

Ông liền nói với cháu:

- Bà kêu, ông phải đi về.

- Is she your boss?

- Phải, mày nói nghe được

- Am I right? Be a good man, don’t be bossy, don’t make grandma your slave, don’t make her pull your pants down for you to pee, don’t be a spoiled brat, don’t be a bad guy or my Dad could cuff you…

- OK. Nói daddy của may đừng có đè cổ người ta là ở tù đó con à.

- I know that’s the bad cop like Derek Chauvin, not my dad. Now you can go home and remember Women Power Matters.

- Mồ tổ cha mày ! Ai dạy mày như vậy hổng biết !

- My Mom.

Khi tôi đọc xong chuyện này thì cả làng cười rũ ra, các bà các cô thì vừa cười vừa đấm nhau thùm thụp, trừ có cụ B.95 chả cười gì cả vì cụ có hiểu tiếng Anh gì đâu. Chị Ba Biên Hòa phải cắt nghĩa lại từng câu, nhưng cái hay nó bay đi hết rồi. Chị Ba phải xin anh John kể chuyện vui khác đền cho cụ. Anh John là gương mẫu sự vâng lời, nên anh kể ngay:

Cháu vừa đọc trên báo và gặp 2 tiếng này làm cháu thích và cười mãi. Đó là tiếng ‘ngủ nướng’ và ‘đánh rắm’. Sao lại nướng được giấc ngủ hở cụ? Cái rắm xuất phát từ miệt dưới và là không khí làm sao mà bắt được nó để mà đánh hở cụ. Cái chữ ĐÁNH trong tiếng Việt thật hay.

Cụ B.95 nghe xong thì khoái quá, cười ngặt nghẽo. Nhân cái chuyện này, ông ODP xin xen vào chuyện khác. Rằng hiện giờ vì con virus CoVít mà ai cũng phãi giãn cách, xa nhau ít là 2 mét. Tôi có ý định đề nghị với chính quyền bắt mọi người ăn hột mít trước khi ra đường. Ai cũng phải ăn. Lý do là hột mít luộc hay nướng làm bom khí nổ tùm lum nên sẽ không có ai muốn đên gần ai.

Cụ B.95 không thích chuyện ăn hạt mít bằng chuyện học tiếng Việt của Anh John, nên cụ xin anh kể tiếp những cái hay của tiếng Việt. Anh vâng lời và kể ngay. Cháu thấy tiếng Việt hay và giầu có rất nhiều mặt. Riêng mặt một bài văn mà các chữ trong bài đều bắt đầu bằng chỉ một phụ âm thôi thì cháu đã thấy không có tiếng nước nào trên thế giới tuyệt vời bằng tiếng Việt. Ngày xưa mới học tiếng Việt, cháu thấy hai câu bắt đầu bằng chữ B và chữ R thì đã thấy hay và mê tiếng Việt hết sức. Chữ B như thế này ‘ Bà Ba béo bán bánh bèo bên bờ biển bướng ba bướng bỉnh bị bắt bỏ bót ba bốn bẩy bận’, một câu 21 chữ B. Còn câu chữ R: Rầu rĩ râu ria ra rậm rạp, rờ râu râu rụng, rờ rốn rốn rung rinh’, có 16 chữ R.Riêng chữ T thì khỏi nói. Ngay vừa đây trên mạng có bài mấy trăm chữ T viết về Tổng Thống Trump. Cháu chỉ xin đọc một phần nhỏ mở đầu bài này thôi nha:

…Thời thế tạo thần Trump. Tụi truyền thông thổ tả, tụi thiên tả thối tha, tồi tệ, trăm thằng tưởng Trump thua…Thùng, thùng, thùng, Trump trở thành tổng thống, tụi truyền thông thổ tả tức tối tố Trump tư tình Totmy, tụi tuyền thông thổ tả tung tin thất thiệt, tòng theo tụi thiên tả thối tha ti tiện toan tính tìm thế triệt Trump, tố Trump tư thông…

Đây mới là so sơ vài dòng mở đầu. Cụ nào muốn đọc cả bài mấy trăm chữ T thì xin tìm trên mạng với đầu đề ‘Tên Trump TT’.

Anh John vừa nói đến đây thì bữa trưa được dọn ra. Hôm nay chúng tôi ăn ở nhà ông ODP. Ông đãi món phở bò. Cai ông gốc Bắc Kỳ đặc này là thiên tài về nấu ăn. Ông bảo dân ta, nhất là dân Miền Nam trước 75 khi nói đến phở là ai cũng thuộc bài này: Chín tái gầu nạm gân sách, húng quế ngò gai, giá sống, tương đen tương đỏ, chanh, mắm, tiêu… Hôm nay tôi xin đãi cả làng món phở Bắc thuấn túy, nên xin làng đừng tương đen tương đỏ, đừng giá sống nha. Người sành ăn thì việc đầu tiên là nếm nước phở, phở ngon là ngon ở cái nước. Rồi ông ngưng nói, xin mọi người bắt đầu. Mà nước phở ngon thiệt các cụ ạ, tôi không biết tả làm sao. Và cả làng đã say mê xì xụp. Ông biết ông không cần nói thêm về phở của ông nữa mà ông bàn sang các chuyện chung quanh. Ông nói về cái ngon của phở Pasteur Saigon ngày trước. Và ông nói một chuyện mà tôi là dân nghiền phở này mà không hề biết, đó là món ‘vú bò cái’. Món này khách phải dặn trước mới có. Ông tả món vú này rất thơm, nó ngầy ngậy. Theo ông, dân sành ăn phở thì ăn phở là để thưởng thức cái ngon hơn là ăn lấy no. Ai đến đây cần no bụng để đi làm thì không hề biết thưởng thức cái ngon. Lại còn món dái bò quen gọi là món ngầu pín nữa. Ngầu pín là bởi chữ ‘ngưu tiện’ có nghĩa là cái ‘chày’ của con bò. Bữa nay tôi đã cố tìm mua để đãi cả làng mà mua không được vì không dặn trước. Ở Canada và Hoa Kỳ có thể mua được ngầu pín nếu ta dặn trước tiệm bán thịt. Ngầu pín, tiếng Anh là ‘bull puzzles hay bull fryes’.

Các cụ đã thấy bồ chữ ODP của làng tôi thông thái chưa!

Cụ B.95 ăn xong tô phở, vừa buông đũa vừa nói: tô phở của Bác làm tôi sống lại những ngày con bé được mẹ cho ăn một tô phở. Ôi nó ngon làm sao. Nhưng sau 1954, ngoài Bắc toàn phở chay, không hề có thịt, nên không bao giờ biết đến tái đến nạm chứ đừng nói tới vú bò cái hay ngầu pín của bác ODP.

. Ông ODP tiếp lời và kể ngay chuyện về cụ B.95. Năm 1995 từ Bắc Kỳ cụ sang thẳng đây, Cụ gặp con gặp cháu, được ăn mọi món ngon của cả 3 miền. Riêng tên các thức ăn thức uống cụ rất bỡ ngỡ, giống y như chuyện tiếngAnh ba rọi và tiếng Việt ba rọi ở trên. Cụ bảo mãi cụ mới nhớ hết. Nói gì đâu xa, trái cây và rau cỏ miền Bắc có tên khác miền Nam. Chị Ba Biên Hòa hỏi cụ khác như thế nào, cu nói ngay: Trái mận ngoài Bắc, trong Nam gọi là trái roi, trái dứa ngoài Bắc trong Nam gọi là trái thơm, rồi rọc mùng là bạc hà, củ sắn là khoai mì, mướp đắng là khổ qua, quả na là mảng cầu…

Ông H.O. nghe đến đây bèn chọc: Bác có biết lá mơ mà người Bắc ăn với thịt chó, và lá sung ăn với gỏi cá sống thì người Nam gọi tên 2 lá này là gì không?

Đúng là ông này muốn chọc cười cụ B.95. Các cụ độc giả có biết tên tiếng Nam gọi 2 thứ lá Bắc kỳ này không? Tôi không dám viết ra đây, xin các cụ tự tìm lấy nha.

Ông ODP chủ tiệc xin lái chuyện sang hướng khác. Ông bảo ông xin nói tiếp chuyện ông tổ Adam của loài người. Lần trước có người đố Adam khác loài người chúng ta cái gì, câu trả lới là Adam không có mẹ vợ. Đó mới là câu hỏi 1. Tôi còn câu thứ 2: Xin đố quý vị ông Adam và bà Eva cũng còn khác loài người chúng ta một phần cơ thể, xin đố phần cơ thể này là phần nào? Cả làng ai cũng cười và tự hỏi: Chúng ta có nhìn thấy ông bà ấy đâu mà biết cơ thể của hai ông bà thừa thiếu chỗ nào ! Cả làng tòan những vị thông thái mà hầu như ai cũng lắc đầu chịu và cho rằng ông ODP bịa chuyện. Chị Ba Biên Hòa lớn tiếng cãi: Hai ông bà là thủy tổ loài người, cha mẹ hình hài làm sao thì sinh ra con cũng hình hài như vậy, chẳng lẽ ông bà thiếu mà chúng ta thừa sao. Câu đố của bác vô lý quá. Nếu bác đáp mà có lý thì tháng sau phe chúng em sẽ cũng nấu phở đãi làng và nhất định sẽ có món vú của bò cái và ngầu pín của bò đực để bác xơi.

Ông ODP xin mọi người nhớ kỹ và làm chứng lời hứa này của Chị Ba, rồi ông trả lời: Ông Adam và vợ ông là bà Eva đều không có cái rốn ! Làng chưa hiểu gì thì ông nói tiếp: theo cơ thể học thì rốn là vết sẹo còn lại của dây kết nối thai nhi và nhau thai người mẹ. Thiên Chúa đâu có sinh ra Adam và Eva theo lối thai nhi từ bụng mẹ chui ra, bởi vậy đâu có việc cắt dây nhau mà thành cái rốn !

Cả làng tôi nghe xong đều tròn mắt mà kêu to lên ‘ Ờ nhỉ’, rồi vừa vái ông ODP vừa nói: Xin bái phục sư phụ. Sư phụ quả là có lý. Bái xong rồi lăn ra cười. Cụ Chánh tiên chỉ cười hà hà rồi bảo ông ODP: Mai mốt lên thiên đàng nhất định lão sẽ xin ông Adam cho kiểm chứng việc này. Các cụ đã thấy làng An Lạc của tôi vui chưa ! À, tôi gọi tên ông tổ loài người là Adam, cụ B.95 nghe không hiểu. Hóa ra tôi đã bị tây hóa mất rồi. Xưa ở quê nhà, cha ông chúng ta gọi tên cụ tổ la ông Adong và vợ ông là bà Evà

Nhận thấy ông ODP thông thái làm vậy nên anh John nhân cơ hội này đã hỏi ông ODP về gốc cái tên chai nước ngọt 7-up. Anh bảo tên các chai khác như Coke và Pepsi thì anh tìm được nguồn gốc, riêng tên 7-up thì anh chịu. Ông ODP lại cười hà hà rồi trả lời: Xưa tôi cũng thắc mắc như anh, tôi cũng tìm hiểu mà không tìm ra. Sau này có đứa bạn thân nó nói rằng tên này do cái gốc của chuyện Nàng Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn. Rằng nhân dịp sinh nhật năm đó, Bảy Chú Lùn mới thưa với Chị Bạch Tuyết rằng: chúng em cả đời phục vụ chị, được biết hết mọi sự về chị trừ một sự mà chúng em từng ao ước nhưng chưa được, vậy nhân dịp lễ này xin Chị cho chúng em được thỏa lòng. Nàng Bạch Tuyết nói ngay: OK, các em ao ước cái gì? Bảy chú đều đông thanh: Xin Chị cho chúng em được nhìn thấy ‘kho quý’ của Chị. Nàng Bạch Tuyết thấy 7 chú bé tí nên chả sợ gì, bèn gât đầu rồi cho các chú chiêm ngưỡng. Các chú vô cùng sung sướng. Xong việc, Chị Bạch Tuyết thấy khát nước nên sai 7 chú xuống bếp khiêng lên cho chị một chai Coke. Một lúc sau 7 chú chạy lên và e lệ nói: Thưa Chị, kho đã hết coke, bây giờ chỉ có toàn 7 up thôi ạ. Tên chai nước này là do 7 chú lùn đặt ra từ đó. Vì bảy chú lùn chỉ nói mà không viết ra giấy nên nữ sĩ Hồ Xuân Hương của VN mới ghi lại qua 2 câu thơ này

: ‘Thân em vừa trắng lại vừa tròn, 7 nổi 3 chìm với nước non’

‘7 nổi’ dịch ra tiếng Anh là ‘7 up’

Các cụ thấy sao cơ?

TRÀ LŨ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sen Hồng
Đặng Đức Cương
16:35 02/08/2020
SEN HỒNG
Ảnh của Đặng Đức Cương

Hồng Sen hương sắc ngọt ngào
Khiến ong cũng phải sà vào đắm say
(bt)
 
VietCatholic TV
Vụ án gián điệp tại Vatican hiện nay và vụ theo dõi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1998
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:58 02/08/2020

Nhóm tin tặc RedDelta do bọn cầm quyền Trung Quốc bảo trợ đã xâm nhập vào các mạng máy tính của Vatican, và cả vào các cơ quan của Giáo Hội Công Giáo tại Hương Cảng. Công ty an ninh mạng của Hoa Kỳ Recorded Future cho biết như trên hôm thứ Tư 29 tháng 7.

Nhận định về biến cố này, Tiến Sĩ Paul Kengor, là giáo sư khoa học chính trị tại Grove City College ở Grove City, Pennsylvania, đã có bài nhận định sau được đăng trên tờ National Catholic Register của Công Giáo Hoa Kỳ.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Tháng 10 năm 1997, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chuẩn bị cho chuyến thăm lịch sử tới Cuba, một quốc gia Công Giáo sùng đạo mà cộng sản đã dìm trong một cuộc chiến thảm khốc về tôn giáo, các phụ tá của Vatican đã tìm thấy một chiếc microphone giấu trong nhà giáo xứ nơi Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ lưu lại. Nhóm Vatican đã thực hiện khám phá này khi đến trước Havana để giúp lập kế hoạch cho chuyến tông du từ ngày 21 đến 25 tháng Giêng năm 1998 của vị Thánh Giáo Hoàng.

Theo tờ El Pais có trụ sở tại Madrid, các vị phụ tá của Vatican đã phẫn nộ vì sự phản bội này và đe dọa sẽ hủy bỏ chuyến đi. Vị Giáo Hoàng Ba Lan, về phần mình, chắc chắn là không ngạc nhiên. Từ lâu, ngài đã đối phó với các trò còn tồi tệ hơn nhiều từ những người cộng sản ở quê hương Ba Lan. Ngài chắc chắn cũng không ngạc nhiên khi các quan chức Cuba cười ngượng nghịu giải thích rằng cái microphone ấy là một phần còn sót lại không được ai lưu ý từ thời đại Batista mà các cuộc kiểm tra của họ trước đó đã không phát hiện ra.

Lối hành xử như thế là giao thức hoạt động tiêu chuẩn của một chế độ cộng sản.

Tôi đã nghĩ đến biến cố này trước những báo cáo liên quan đến các hoạt động gián điệp của Trung Quốc chống lại Vatican dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

“Tòa Thánh Vatican Được Tường Trình Bị Xâm Nhập Bởi Điện Tặc Từ Trung Quốc Trước Các Cuộc Đàm Phán Với Bắc Kinh, ” đó là hàng tít lớn trên tờ New York Times, lặp lại những gì được tường thuật trên những tờ báo khác. Thông tấn Công Giáo CNA đưa tin:

“Các tin tặc được nhà nước bảo trợ được báo cáo đã nhắm vào các mạng máy tính của Vatican nhằm cố gắng tạo cho Trung Quốc một lợi thế trong các cuộc đàm phán trong việc gia hạn một thỏa thuận tạm thời với Tòa Thánh.”

“Một báo cáo, được công bố ngày 28 tháng 7, nói rằng tin tặc có thể đã sử dụng một thông điệp giả mạo lời chia buồn của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, để đoạt được quyền truy cập vào hệ thống thông tin liên lạc Vatican.”

“Bản báo cáo này được biên soạn bởi nhóm Insikt, bộ phận nghiên cứu của công ty an ninh mạng Recorded Future có trụ sở tại Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện ra ‘một chiến dịch tấn công mạng do một nhóm hoạt động gián điệp trên không gian mạng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ’, mà họ gọi là RedDelta.”

Theo các nhà điều tra, bọn RedDelta bắt đầu nhắm mục tiêu đến Vatican và Giáo phận Công Giáo Hương Cảng vào đầu tháng Năm. Các mục tiêu Công Giáo khác bao gồm Phái bộ Nghiên cứu Trung Quốc tại Hương Cảng và Học Viện Giáo Hoàng về Truyền Giáo Hải Ngoại ở Ý. Những cuộc “xâm nhập mạng” này diễn ra trước các cuộc đàm phán nhạy cảm để gia hạn một “thỏa thuận tạm thời” giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Thỏa thuận gây tranh cãi này được ký sơ khởi vào năm 2018, và sẽ hết hạn vào tháng Chín.

Theo báo cáo của nhóm Insikt, sự xâm nhập đáng ngờ này sẽ cung cấp cho RedDelta cái nhìn sâu sắc quan trọng về quan điểm đàm phán của Tòa Thánh trước khi gia hạn thỏa thuận vào tháng 9 năm 2020. Hơn nữa, mục tiêu Phái bộ Nghiên cứu Trung Quốc và giáo phận Công Giáo Hương Cảng cũng có thể cung cấp “một nguồn tin tình báo có giá trị cho cả việc giám sát các mối quan hệ của giáo phận này với Vatican, cũng như quan điểm của giáo phận đối với phong trào dân chủ của Hương Cảng trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan rộng và gần đây đã càn quét qua Hương Cảng vì luật an ninh quốc gia.”

Nếu những báo cáo này là chính xác - và không có lý do gì để nghi ngờ tính chính xác của chúng - thì chúng phải được xem là một lời cảnh tỉnh cho Vatican khi theo đuổi một chính tương tự như Ostpolitik đối với Trung Quốc cộng sản, giống như những gì vị tiền nhiệm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, đã theo đuổi với Liên Sô vào những năm 1970. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô và Vatican dưới triều đại ngài, những báo cáo này, nếu đúng, sẽ dạy cho họ thực tế phũ phàng về những người họ đang đối thoại ở Bắc Kinh.

Để có thể đối thoại nổi với Bắc Kinh, Vatican không nên chỉ coi đây là một bài học mà còn phải chống lại trò hai mặt của Bắc Kinh bằng lợi thế của mình. Trên thực tế, Vatican nên đọc lại một trang từ chuyến đi của Đức Gioan Phaolô II tới Cuba vào năm 1998, là điều tôi muốn đề cập đến trong phần còn lại của câu chuyện liên quan đến chiếc microphone bí mật được tìm thấy trong ngôi nhà giáo xứ ở Havana vào tháng 10 năm 1997.

Theo các báo cáo từ tháng Giêng năm 1998, Fidel Castro – là người, bất kể vì những lý do gì, rất mong mỏi chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II tới đảo quốc của ông ta - đã tìm cách xoa dịu các vị phụ tá đang tức giận của Vatican bằng cách tuyên bố Ngày Giáng sinh là một ngày lễ quốc gia ở Cuba vào năm đó. Cho đến lúc đó, Giáng sinh đã bị cấm ở Cuba. Sau đó, ngày lễ này đã được công nhận và thậm chí còn được cử mừng long trọng. Người ta nghi ngờ rằng Fidel thực hiện động thái này dưới áp lực từ Vatican của Đức Gioan Phaolô II, khi vị Giáo Hoàng Ba Lan sắc sảo đã đẩy nhà độc tài Cuba đi theo chiều hướng đó. Đức Karol Wojtyla đã rất thành thạo trong các thao tác như thế với các quan chức cộng sản trong biết bao những trận chiến với chúng ở Krakow trong những năm 1960.

Theo sử sách, Vatican dưới thời Đức Gioan Phaolô II đã thúc đẩy việc mừng lễ Giáng sinh vào năm đó. George Weigel, trong tiểu sử kinh điển của mình, Chứng Nhân Hy Vọng, ghi nhận rằng phát ngôn viên Vatican là Tiến Sĩ Joaquin Navarro-Valls cho biết câu chuyện tháng Mười này đã được dùng để đẩy Castro tới mức đó, bất kể tên bạo chúa phản đối rằng sẽ rất khó để ăn mừng Giáng sinh năm ấy “vì thời gian ấy đang giữa mùa thu hoạch mía”.

Một cái gì đó đã thúc đẩy hắn ta phải nhượng bộ. Theo El Pais, hắn ta đã rúng động khi các quan chức Vatican bày tỏ sự phẫn nộ về chiếc microphone bí mật, và quyết liệt đe dọa sẽ hủy chuyến đi. Vatican đã tung một quả bóng rất cứng về ngoại giao.

Điều quan trọng ta phải hiểu là Đức Gioan Phaolô II cũng mong muốn đến Cuba như Fidel và người Cuba muốn ngài đến đó. Ngài thực tâm không muốn gây phương hại cho chuyến đi. Tuy nhiên, một nhà đàm phán giỏi phải biết nắm bắt một lá bài thương lượng khi nó rơi xuống trước mặt mình.

Và điều đó đưa tôi trở lại với sự lãnh đạo của cộng sản Trung Quốc và Đức Thánh Cha Phanxicô ngày hôm nay.

Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô nên tận dụng tình huống này để có được sự nhượng bộ nào đó từ các quan chức cộng sản nhằm mang lại lợi ích cho các Kitô hữu ở Trung Quốc và Hương Cảng. Mặc cả là nhằm thương lượng.

Vatican không nên cho phép bản thân mình bị người Trung Quốc cộng sản chơi hết lần này đến lần khác. Những lo ngại về sự ngây thơ của Vatican đối với Trung Quốc đã tồn tại và những báo cáo mới nhất này chỉ đơn thuần làm tăng thêm những nỗi sợ hãi đó. Người Trung Quốc đã phản bội lòng tin của Tòa thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô và Vatican không thể để cho Bắc Kinh đối xử với mình như những người khờ khạo.

Tiến Sĩ Paul Kengor là giáo sư khoa học chính trị tại Grove City College ở Grove City, Pennsylvania. Các tác phẩm nổi bật của ông bao gồm cuốn A Pope and a President, The Divine Plan - Một vị Giáo hoàng và một Tổng thống, Kế hoạch của Thiên Chúa, và cuốn The Politically Incorrect Guide to Communism – Sự Hướng Dẫn Lầm Lạc Về Chính Trị Dẫn Đến Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Source:National Catholic Register
 
ĐTC lên án vụ phạm thánh trầm trọng ở Managua: đốt ảnh Chúa, dẫm đạp lên Thánh Thể, ném bom nhà thờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:49 02/08/2020

Phát biểu sau bài huấn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 2 tháng 8, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án vụ một người đàn ông không rõ danh tính đã ném một quả bom xăng vào một nhà nguyện của nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở thủ đô Managua, làm hư hại nghiêm trọng nhà nguyện và một hình ảnh sùng kính Chúa Kitô đã có từ hơn ba thế kỷ qua.

Vụ tấn công diễn ra vào ngày thứ Sáu 31 tháng 7 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Giáo hội và bọn cầm quyền Nicaragua. Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của thủ đô Managua mô tả cuộc tấn công là “một hành động khủng bố có tính toán”

Phát biểu từ một cửa sổ phòng làm việc của ngài nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: “Tôi đang nghĩ đến những người dân Nicaragua là những người đang phải đau khổ vì cuộc tấn công vào Nhà thờ Managua, nơi hình ảnh rất được tôn kính của Chúa Kitô, là bức ảnh đã đồng hành và nâng đỡ cuộc sống của các tín hữu trong suốt nhiều thế kỷ qua, đã bị tổn hại rất nghiêm trọng đến mức gần như bị phá hủy”

“Thưa anh chị em Nicaragua, tôi gần gũi với anh chị em và tôi cầu nguyện cho anh chị em”

Diễn tiến các vụ tấn công

Một người đàn ông chưa rõ danh tính và có lẽ chúng ta không bao giờ biết được danh tính của y vì nó là tay sai của bọn cầm quyền Nicaragua đã ném một quả bom xăng vào một nhà nguyện của Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội vào hôm thứ Sáu 31 tháng 7, làm hư hại nghiêm trọng nhà nguyện và một hình ảnh Chúa Kitô đã được sùng kính hơn ba thế kỷ qua.

“Đây là một hành động có kế hoạch, một kế hoạch rất lạnh máu, ” Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của Managua nói. “Vì thế, tôi muốn nói một cách thật rõ ràng: đó là một hành động khủng bố, một hành động đe dọa Giáo Hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình”

Người đàn ông đội mũ trùm đầu và cầm thứ gì đó trong tay mà các nhân chứng tại chỗ không thể xác định được đó là vật gì. Hắn ta bước vào nhà nguyện Máu Châu Báu Chúa Kitô và nói “Tao đến lấy máu của Chúa Kitô đây, ” tờ báo La Prensa của Nicaragua tường thuật. Các nhân chứng nhìn thấy hắn ta ném đồ vật đang cầm trên tay vào nhà nguyện.

Đức Hồng Y cho biết trước đó các nhân chứng đã nhìn thấy người đàn ông đi vòng quanh nhà thờ chính tòa của thủ đô Nicaragua trong 20 phút để hoạch định kế hoạch thoát ra qua một cánh cổng đã bị đánh cắp gần đây.

“Nói cách khác, hắn ta đã tính toán tất cả mọi thứ: làm thế nào để đột nhập, vị trí tấn công, và sau đó trốn thoát ra ngã nào. Tất cả những điều này đã được lên kế hoạch, ” Đức Hồng Y nói.

Y hoặc đồng bọn của y đã đánh cắp trước cánh cổng để y không bị kẹt bên trong sau khi gây án.

Một nhân viên nhà thờ và một giáo dân đang có mặt ở trong nhà nguyện. Họ nhận thấy vụ cháy và báo cáo với nhà chức trách địa phương. Đến nay hung thủ chưa được xác định danh tính, nhưng nhân chứng Alba Ramirez cho biết một số người trong khu vực biết rõ người đàn ông này. Theo Radio Corporación, trong khi vụ tấn công xảy ra, đã có những người đàn ông mặc đồ dân sự với thái độ đe dọa đang lảng vảng ở gần nhà thờ.

Nhà nguyện lưu giữ một hình ảnh có niên đại 382 năm là bức ảnh Máu Châu Báu Chúa Kitô, mô tả Chúa Giêsu Kitô đổ máu khi bị đóng đinh.

Đức Hồng Y Brenes nói do nhiệt độ cao từ trận hoả hoạn “một nửa khuôn mặt đã rơi mất, và toàn bộ bức ảnh bị bám khói. Chúng tôi sẽ đánh giá điều này một cách bình tĩnh bởi vì đó là một hình ảnh đẹp hơn 300 năm tuổi”

Tổng Giáo Phận Managua nói hành động này là “một hành động đáng lên án vì phạm thánh và xúc phạm nặng nề Chúa Giêsu Kitô”

“Chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện liên lỉ để đánh bại các thế lực gian ác, ” tổng giáo phận nói.

Nhà thờ đã bị đóng cửa sau vụ cháy. Đức Hồng Y Leopoldo Brenes đã đến thăm nhà nguyện để kiểm tra thiệt hại.

Đức Cha Silvio Baez, là Giám Mục Phụ Tá, nói trên Twitter rằng ngài đã liên lạc với các tu sĩ nam nữ và các linh mục phụ trách nhà thờ sau vụ cháy. Ngài bày tỏ những lời cầu nguyện của mình cho người dân Nicaragua và bày tỏ sự gần gũi của ngài với họ “ trong khoảnh khắc đau đớn này”

“Chúng ta đã khóc cùng nhau vì ngọn lửa đã xảy ra trong nhà nguyện tôn kính hình ảnh Máu Châu Báu Chúa Kitô, ” ngài nói.

Cuộc tấn công rõ ràng xảy ra sau những căng thẳng giữa một số người Công Giáo và những người ủng hộ Tổng thống Daniel Ortega, là tên trùm cộng sản trước đây đã thống trị đất nước trong hơn một thập kỷ sau khi lật đổ chế độ Somoza vào năm 1979. Sau thời kỳ cộng sản, Ortega một lần nữa trở thành tổng thống Nicaragua kể từ năm 2007 và bãi bỏ việc giới hạn nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2014 để trở thành đại đế suốt đời.

Bọn cầm quyền Ortega đã buộc tội nhiều giám mục và linh mục đứng về phía phe đối lập.

Những người ủng hộ Ortega đã dẫn đầu các hành động tấn công một số nhà thờ, bao gồm cả nhà thờ chính tòa Managua khi những người đối lập với Ortega lánh nạn trong đó.

Vợ của Ortega, Đệ nhất phu nhân Rosario Murillo, lại cũng là phó tổng thống.

Phản ứng trước đám cháy, dù chẳng có bằng chứng gì trong tay, bà ta cho rằng không có ai tấn công hết cả, chẳng qua là các tín hữu đốt nến trước bức ảnh nên gây ra đám cháy.

Báo La Prensa tường thuật rằng hôm thứ Tư, một số thành phần dân quân do bọn cầm quyền Ortega sai khiến đã làm ô uế nhà nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại quận Nindirí, của thành phố Masaya, một đô thị cách thủ đô Managua khoảng 21km. Chúng đã đánh cắp bình đựng Mình Thánh Chúa, lật đổ nhà tạm và dẫm đạp lên các bánh thánh. Chúng cũng phá vỡ các ảnh tượng, phá vỡ các băng ghế, và làm hỏng nhiều đồ nội thất, cửa và đường ống nước.

Hôm 25 tháng 7 đã xảy ra một cuộc tấn công vào nhà nguyện của giáo xứ Chúa Chúng Ta ở Veracruz trong quận Masaya. Nhà nguyện bị mạo phạm và các thiết bị âm thanh và hộp tiền đã bị đánh cắp.

Vào tháng 11 năm 2019, các bà mẹ tuyệt thực trong cuộc biểu tình đòi bọn cầm quyền trả lại người thân cho họ, là những người bị coi bọn cầm quyền coi là tù nhân chính trị, đã lánh nạn tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Họ nhanh chóng bị đám đông dân quân ủng hộ bọn cầm quyền Ortega truy đuổi rượt đánh ngay trong nhà thờ,

Bọn côn đồ thân chính phủ đã đánh một linh mục và một nữ tu khi các vị cố gắng ngăn cản chúng.

Vào thời điểm đó, Đức Ông Carlos Avilés, tổng đại diện của Tổng Giáo Phận Managua, cho biết “có một số tù nhân chính trị bị bị giam giữ bất công không cần xét xử. Những người mẹ của họ đã vào nhà thờ để cầu nguyện, sau đó bọn côn đồ với sự giúp đỡ của cảnh sát, đã xâm phạm thánh đường và đánh những bà mẹ này tới tấp”

Các cuộc biểu tình là một phần của cuộc khủng hoảng bắt đầu vào tháng 4 năm 2018 sau khi Ortega tuyên bố cải cách an sinh xã hội và trợ cấp hưu trí. Những thay đổi này đã sớm bị bãi bỏ sau các cuộc biểu tình phản đối rộng lớn, đặc biệt là sau khi hơn 40 người biểu tình bị lực lượng an ninh giết chết.

Cho đến nay lực lượng an ninh của bọn độc tài Ortega đã giết chết ít nhất 320 người biểu tình, và hàng trăm người khác đang bị bắt giữ.


Source:Catholic News Agency

Source:Catholic News Agency
 
Báng bổ nghiêm trọng: Tượng Chúa Giêsu vác thánh giá bị nhóm đồng tính xúc phạm tại Warsaw, Ba Lan
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:20 02/08/2020
1. Tượng Chúa Giêsu vác thánh giá bị nhóm đồng tính xúc phạm nghiêm trọng tại Ba Lan

Đức Hồng Y Kazimierz Nycz, Tổng Giám Mục thủ đô Warsaw, đã mạnh mẽ lên án các hành vi phạm thánh nghiêm trọng của một nhóm đồng tính do hai phóng viên nhiếp ảnh John Bob và Sophie Art cầm đầu.

“Chúng ta hãy ngừng sử dụng các hành động phá hoại và quá đà trong các cuộc tranh luận công khai, ” Đức Hồng Y nói như trên sau vụ nhóm đồng tính này xúc phạm tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Chúng đã treo cờ đồng tính trên thánh giá Chúa và bịt mặt Chúa bằng một miếng vải có dấu hiệu của những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ. Bức tượng bị nhóm đồng tính tấn công được đặt ngay trước cửa Vương Cung Thánh Đường Thánh giá ở thủ đô Warsaw.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em thấy đây là cuộc họp báo do Công Tố Viện thủ đô Ba Lan tổ chức hôm 29 tháng 7, chỉ vài giờ sau vụ mạo phạm.

Ông Alexandra Skrzyniarz, đại diện Công Tố Viện nói:

“Đài tưởng niệm Nicolaus Copernicus ở Nowy Świat, Nàng tiên cá ở Phố cổ, hay tượng của Đại tá Jan Kiliński trên đường Piekarska - chỉ là một số trong danh sách dài các tượng đài lịch sử của chúng ta bị các thành phần cực tả và trào lưu đồng tính tấn công.

Tuy nhiên, việc mạo phạm bức tượng Chúa Giêsu Kitô đang vác thánh giá tại trước Vương cung thánh đường Thánh giá đã gây ra nhiều phẫn nộ trong lòng người dân Ba Lan.

Chúng tôi quyết định khởi tố vụ này và cảnh sát đang một cuộc điều tra về việc xúc phạm các di tích và chống lại tình cảm tôn giáo.”

Vụ việc bị Thủ tướng Mateusz Morawiecki chỉ trích. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Sebastian Kaleta tuyên bố rằng ông sẽ trực tiếp chỉ đạo văn phòng công tố trong trường hợp này.

Đức Hồng Y Nycz cho biết ngài nghẹn ngào trước biến cố này. Trong khi đó, Cha Kryspin Banko của Tu Hội Các Linh Mục Truyền Giáo Thánh Vincent De Paul cho biết:

“Việc mạo phạm hình ảnh của Chúa Kitô ngay phía trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Giá tại quận Krakowskie Przedmieście của thủ đô Warsaw dìm các giáo dân và cư dân của thủ đô trong đau đớn.”

Các linh mục khác trong Tu Hội Các Linh Mục Truyền Giáo Thánh Vincent De Paul đã phục vụ tại đền thờ này trong bốn thế kỷ qua, cũng bày tỏ sự phẫn nộ của họ đối với hành vi không thể giải thích này.

“Trước kinh nghiệm khó khăn này đối với tất cả chúng ta, chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn hoán cải con tim của những kẻ báng bổ này.”

Chính trị gia Ba Lan Beata Szydło, nguyên là thủ tướng nước này nói: “Hành động phỉ báng tôn giáo này phải bị lên án bởi tất cả chúng ta.”


Source:ChurchPop

2. Hồi Giáo cực đoan bắn chết người ngay giữa phiên tòa khiến người Công Giáo Pakistan vô cùng lo lắng

Một người đàn ông lớn tuổi bị buộc tội phạm thượng đã bị bắn chết hôm 30 tháng 7 ngay trong phòng xử án ở Peshawar. Nạn nhân, tên là Tahir Ahmad Naseem, là một người theo giáo phái Ahmadi. Đó là một nhóm tôn giáo thiểu số tuyên bố tách ra từ Hồi Giáo vào năm 1974. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết như trên hôm 31 tháng 7.

Tòa án nơi xảy ra vụ việc nằm trong khu vực an ninh cao độ trên đường Khyber là đại lộ chính của tiểu bang, nơi có Hội đồng tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tòa án tối cao Peshawar, Bộ Ngaọi Giao tiểu bang và Dinh Thống đốc.

Tahir Ahmad Naseem, đã bị bắn sáu phát ngay giữa lúc tòa án đang xử ông tội báng bổ tiên tri Muhammad vào năm 2018 khi ông ta tuyên bố mình cũng là một nhà tiên tri.

Theo báo cáo của cảnh sát, ông ta thuộc cộng đồng Ahmadi và đã kết bạn với người tố cáo của mình, là Awais Malik, trên Facebook. Ông ta mời người ấy gặp gỡ mình để thảo luận về niềm tin.

Kẻ giết người trẻ tuổi, Khalid Khan, đã tìm cách vào tòa án và bắn vào Tahir mặc dù rõ ràng phiên tòa đã được bảo vệ an ninh rất hùng hậu.

Hung thủ bị cảnh sát bắt tại hiện trường và được các phương tiện truyền thông Pakistan tôn vinh là anh hùng bảo vệ đạo Hồi.

Cha Qaisar Feroz dòng Phanxicô Capuchin, thư ký điều hành của Ủy ban Truyền thông Xã hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Pakistan nói: “Chúng tôi rất âu lo vì chuyện này. Ngay giữa tòa án được bảo vệ cẩn thận như thế còn xảy ra một vụ tấn công như thế. Huống hồ là các nhà thờ của chúng tôi, ”

Hôm 28 tháng Tư, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, đã đưa Pakistan vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì các hành vi xâm phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố vào ngày 13 tháng 4, USCIRF cho biết họ quan ngại đặc biệt trước các báo cáo rằng viện trợ lương thực đã không đến tay những người theo Ấn Giáo và Kitô giáo trong bối cảnh Covid-19 lan rộng ở Pakistan. Đa số người dân Pakistan không có công ăn việc làm ổn định. Họ sống theo kiểu tay làm hàm nhai, không có bất cứ một thứ an sinh xã hội nào. Tình trạng cô lập trong suốt tháng Tư đã khiến nhiều người lâm vào tình cảnh đói kém. Các tổ chức phi chính phủ và cả các tổ chức chính phủ đã tận dụng tình hình này để buộc các tín hữu thiểu số phải cải đạo sang Hồi Giáo nếu không muốn chết đói.


Source:Asia News

3. Đức Hồng Y Lacroix của Quebec nói: Chúng tôi không thể thở nổi

Trong một thông cáo với những lời lẽ rất mạnh, Ðức Hồng Y Gérard Cyprien Lacroix, Tổng giám mục giáo phận Québec, Canada, phê bình chính quyền tại tiểu bang này thiếu tôn trọng đối với các cộng đoàn tôn giáo trong thời kỳ cách ly vì đại dịch.

Trong thông cáo công bố hôm 28 tháng 7 năm 2020, Ðức Hồng Y Lacroix than thở rằng: “Chúng tôi không thể thở nổi” với các biện pháp áp chế của chính quyền.

“Ngay từ đầu chúng tôi đã cộng tác với chính quyền và chấp nhận đóng cửa các nơi thờ phượng. Chúng tôi đã tìm cách để biết xem có thể mở lại các nơi thờ phượng như thế nào, nhưng không bao giờ chúng tôi được trao đổi với chính quyền. Chúng tôi có một điểm liên lạc, cố gắng hết sức trong vấn đề này, nhưng chúng tôi không hề được trả lời cho những câu hỏi chúng tôi gửi đến chính quyền. Ông Legault không hề cám ơn những hy sinh của các tín hữu trong dịp lễ Phục sinh, tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo. Nếu chúng tôi muốn có những câu trả lời, chúng tôi phải xin các ký giả nêu câu hỏi. Các sòng bạc đã được mở lại trước các thánh đường!”

Ðức Hồng Y Lacroix than phiền rằng hiện thời các nơi thờ phượng chỉ được đón tiếp 50 người. Nhưng Chúa nhật vừa qua, tại Ðền thánh Anne de Beaupré, Ðức Hồng Y đã đón tiếp 200 người. Mọi người đều mang khẩu trang và duy trì khoảng cách an toàn xã hội. Mình Thánh Chúa được trao cho người rước lễ mà không có sự đụng chạm, người cho rước lễ đã được khử khuẩn trước đó. Các cuộc xưng tội và giải tội được thực hiện trong các phòng thay vì trong tòa giải tội, các buổi rước lễ lần đầu được hoãn đến mùa thu. Các nhóm khác được báo La Presse tiếp xúc, tất cả đều giữ giới hạn 50 người, trong khi chờ đợi tuần tới có thể lên tới 250 người tại nơi nào có thể.

Ðức Cha Christian Lépine, Tổng giám mục giáo phận Montréal cho biết, “tại nhà thờ chính tòa Ðức Maria Nữ Vương Thế giới chẳng hạn, có khả năng chứa được 1, 200 người, nhưng người ta tính toán để số người tham dự ở dưới mức 200 người, và không tới 250 người. Trái lại, tôi nghĩ có thể cho mở các thánh đường để cá nhân các tín hữu đến cầu nguyện, nếu có đợt dịch thứ hai. Thật là điều bất công vì các phòng an táng có thể cử hành lễ an táng trước các nhà thờ, là những nơi có thể đón nhận nhiều người hơn.”

Ông Salem Elmenyawi, thuộc Hội đồng Hồi giáo ở Montréal, cũng tỏ ra choáng váng vì sự thiếu tôn trọng của chính quyền. Ông nói: “Người ta đã mở lại các nơi thờ phượng vài ngày sau khi kết thúc tháng chay tịnh Ramadan, và sẽ lên tới 250 người vài ngày sau lễ hy tế, vào cuối tuần này là lễ quan trọng nhất trong lịch Hồi giáo. Thật là điều bất bình thường vì người ta có thể đi mua khoai tây, nhưng lại không được nuôi dưỡng về tinh thần”.


Source:American Magazine