Ngày 06-08-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Học Al Azhar ca ngợi Đức Thánh Cha không liên kết Hồi giáo với bạo lực, một Giám Mục Ý không đồng ý
Đặng Tự Do
19:31 06/08/2016
Đại Học Al Azhar ở Cairo, là trung tâm thần học của Hồi giáo Sunni, hôm thứ Tư 3 tháng 8, đã lên tiếng ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô vì không chấp nhận liên kết Hồi giáo với bạo lực.

Trên đường trở về từ Ba Lan, hôm Chúa Nhật 31 tháng 7, Đức Thánh Cha đã nói rằng “Tôi tin rằng việc đồng hóa Hồi giáo với bạo lực là không đúng. Đây là điều không đúng và không thật.”

Trong thông cáo, đưa ra hôm thứ Tư 3 tháng 8, trường Đại Học này nói:

“Tuyên bố này phản ánh sự hiểu biết của Đức Giáo Hoàng về bản chất thực sự của Hồi giáo và giáo lý của đạo Hồi về sự khoan dung”.

Lời tuyên bố của Đức Thánh Cha cũng được các phương tiện truyền thông đánh giá cao. Tờ The Guardian của Anh nhấn mạnh là lời khẳng định này của Đức Thánh Cha, khi được nhìn dưới ánh sáng những gì ngài đã nói liên quan đến cuộc chiến đang xảy ra trên thế giới, minh định rằng cuộc chiến thế giới từng mảnh ngày nay không thể xem như một cuộc xung đột tôn giáo. Và với sự đoan chắc này ngài đưa ra mục tiêu cụ thể là sự chung sống hoà bình giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, và dần dần có thể trở thành một bức tường thành chống lại nhiều mâu thuẫn đang ghi dấu trên trái đất này.

Trong khi đó, hai tờ báo lớn của Hoa Kỳ là The New York Times và The Wall Street Journal nhấn mạnh đến lời mời gọi đừng đồng hóa Hồi giáo với bạo lực của Đức Giáo Hoàng, bởi vì thái độ này không chỉ là sai lầm mà còn có thể làm nảy sinh những hành động nguy hiểm trên một thế giới đã bất an và mỏng manh bởi những căng thẳng đang gia tăng. Phóng viên Francis X. Rocca của The Wall Street Journal nhận xét: “Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng muốn chỉ rõ là Hồi giáo không phải là nguyên nhân của khủng bố nhưng chính là nền kinh tế toàn cầu bị hướng dẫn bởi những lợi ích cá nhân và khao khát vô độ với tiền bạc.”

Một giám mục Ý đã về hưu cho biết ngài không đồng ý với tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô theo đó “Hồi giáo không thể chiụ trách nhiệm về bạo lực khủng bố”.

“Đó là một cuộc tấn công liên tục của đạo Hồi đối với Thiên Chúa giáo”, Đức Cha Andrea Gemma, Giám Mục hưu dưỡng của giáo phận Isernia-Venafro nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với La Fede Quotidiano, ngài nói rằng ngài “hoang mang” và thậm chí “mất phương hướng” trước những tuyên bố của Đức Giáo Hoàng.

“Tôi hy vọng một lời bảo vệ mạnh mẽ hơn cho các Kitô hữu. Tôi muốn thấy một vị Giáo Hoàng tràn đầy nhiệt tình hơn trong việc bảo vệ các nguyên tắc của chúng ta và đức tin của chúng ta.”

Đức Cha Gemma nói rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thực hiện một phê phán có tính cách “tiên tri” về Hồi giáo trong diễn từ của ngài tại Regensburg, là một diễn từ mà người ta nên “đọc đi, đọc lại, và nghiên cứu.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre đầu tháng 8
Người Giồng Trôm
07:49 06/08/2016
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA MÃ ĐẦU THÁNG 8

Dẫu mưa gió, dẫu phải vượt chặng đường dài cũng như dù chỉ có 2 km đường từ ngoài đường chính vào Trung Tâm Hương La Mã Bến Tre thật khó khăn cộng thêm lối hành xử thiếu văn hóa của một số tài xế xe ôm và bán hàng rong nhưng vẫn không ngăn được bước chân của những người con yêu của Mẹ. Tưởng nghĩ cũng phải nhắc đến đội ngũ xe ôm cũng như những người bán hàng rong khu vực Trung Tâm Hành Hương La Mã một chút bởi lẽ họ không nghèo tiền nghèo bạc cho bằng nghèo nhân cách, nghèo cách cư xử với dân tự phương xa. Chính thái độ của những người như thế đã làm cho nhiều người ngại ngùng khi đến với Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã.

Xem Hình

Sáng hôm nay, thứ Bảy đầu tháng 8, con cái của Mẹ dập dìu từ nhiều nơi xa đến với Mẹ.

Từ sáng, có đoàn từ giáo xứ Bắc Hà, Đồng Tiếng, Tống Viết Bường, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng.. . đã không quản đường xa để về bên Mẹ. Có lẽ xa nhất vẫn là đoàn của các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng Tỉnh Dòng Cần Thơ. Cùng đến với Mẹ hôm nay có cả một số Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn nữa.

10 giờ 00, cộng đoàn cùng bước vào giờ hành hương.

Giờ hành hương hôm nay, Cha dẫn mời cộng đoàn cùng nhìn lên “Thánh Anphongsô với lòng sùng kính Đức Maria”

Sau lời nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, Cha dẫn dâng lời cầu nguyện: Lạy Cha là Thiên Chúa đầy yêu thương, Cha đã ban cho chúng con Đức Trinh Nữ Maria là người dẫn đưa nhân loại đến cùng Đức Giêsu Con Một Cha. Mẹ cũng là người thay mặt Cha giới thiệu và trao Đức Giêsu Kitô cho nhân loại. Và ở mọi thời, Cha lại cho trỗi lên trong Hội Thánh những khuôn mặt hết lòng sùng kính Đức Maria. Cha đã ban cho chúng con thánh Anphongsô Maria đệ Ligôri, Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài là một con người hết lòng phục vụ Cha trong việc đem Tin mừng cứu độ cho những anh chị em nghèo khổ bị bỏ rơi. Thánh nhân cũng là một con người có lòng sùng kính và mến yêu Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Con Cha.

Ngày hôm nay cộng đoàn chúng con chạy đến bên Cha cùng với Đức Maria và thánh Anphongsô ca tụng lòng yêu thương của Cha. Xin cha biến đổi cõi lòng chúng con để giúp bản thân mỗi người trở nên những con người thờ phượng Cha trong tin yêu, biết hết lòng kính mến Cha, và noi gương thánh Anphongsô cũng biết sùng kính mến yêu Mẹ Maria.

Sau lời hát dâng Mẹ, Cha dẫn mời cộng đoàn: “Chúng ta hãy nhìn lại tấm lòng sùng kính mến yêu Đức Trinh Nữ Maria của thánh Anphongsô.

Cha Rey Mermet ghi lại, vào lúc được 12 tuổi, đang khi chơi với bạn bè, vì bất bình do một câu văng tục của người bạn, cậu bé Anphongsô đã bỏ các bạn, chạy biến vào rừng. Chiều đến, người ta tìm thấy cậu đang ngất trí trước một tấm ảnh Đức Mẹ được cậu đặt trên cành cây. Vậy là cậu luôn mang theo mình tấm ảnh này. Ngay từ những ngày thơ ấu, Đức Maria là Đức Bà của lòng cậu và là mẹ của đời cậu.

Bốn năm sau, lúc được 16 tuổi, chàng trai Anphongsô thề hứa sẵn sàng đổ máu ra, nếu cần, để bênh vực lòng tin vào Đức Maria Vô Nhiễm. Từ đó, hằng ngày chàng đến kính viếng "Đức Bà chuộc kẻ làm tôi" tại ngôi nhà thờ bên cạnh.

Lúc 27 tuổi, cũng chính ngay dưới chân tượng Đức Mẹ này, chàng trai Anphongsô đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi và chàng trao cho Mẹ thanh kiếm hiệp sĩ của mình. Rồi khi còn là chủng sinh, trong một cơn bệnh nặng, thầy Anphongsô đã xin người ta rước tượng Đức Mẹ lại cho mình và Mẹ đã cứu thầy.

Đó là vài nét ít ỏi, nhỏ nhoi giúp chúng ta nhận ra thánh Anphongsô thật gần gũi và có mối thân tình với Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria là Đức Bà và là mẹ của thánh Anphongsô. Thánh nhân không những sùng kính Mẹ Maria hết lòng mà ngày còn rao giảng, mời gọi người khác sùng kính Đức Mẹ. Ngài đã dành suốt 16 năm để viết một tác phẩm rất nổi tiếng "Vinh quang Đức Maria". Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn, đây là cuốn sách vĩ đại cuối cùng của Châu Âu viết để tôn kính Đức Maria.

Kính thưa cộng đoàn,

Dù rằng chúng ta không phải là những tu sĩ DCCT, nhưng cách nào đó chúng ta là những giáo dân DCCT. Là con cái của thánh Anphongsô, cha thánh mời gọi mỗi người hãy cảm nghiệm cách đặc biệt lòng yêu mến của Đức Mẹ dành cho chúng ta. Chắc hẳn cứ mỗi lần chạy đến với Đức Mẹ trong ngày thứ bảy, ít nhiều chúng ta cũng đụng chạm được tấm lòng của Mẹ, cảm nhận được Mẹ luôn săn sóc, yêu thương, vỗ về chúng ta. Những lời tạ ơn, những lời nguyện xin Đức Mẹ chuyển cầu cùng Thiên Chúa cũng nói lên lòng tin yêu của chúng ta đối với Mẹ.

Thánh Anphongsô cũng mời gọi các đồ đệ của ngài không những cảm nghiệm mà thôi, nhưng còn phải cao rao cho người khác biết tấm lòng từ bi vô cùng của Đức Maria và giúp họ sùng kính mến yêu Mẹ. Đã biết bao người được biết Chúa Giêsu nhờ họ chạy đến cùng Đức Maria. Chúng ta cũng hãy đưa những anh chị em chưa biết Chúa đến cùng Mẹ Maria, để Mẹ nghe lời họ tâm sự, Mẹ sẽ nói với họ và đưa họ đến cùng Thiên Chúa.

Vậy giờ đây, chúng ta cầu xin cho mỗi người được lòng sùng kính Mẹ và cầu nguyện cho những anh chị em khác được sớm nhận ra tình yêu thương Thiên Chúa qua tấm lòng từ bi của Mẹ Maria.

Để kết, Cha dâng lời nguyện xin: “Lạy Mẹ Maria, thánh Anphongsô đã cảm nghiệm rất rõ ràng về vị trí thương yêu của Mẹ trong cuộc đời của thánh nhân. Mẹ là Đức Bà luôn yêu thương, gìn giữ cho thánh nhân và cũng là người mẹ dấu yêu của ngài. Ở mọi khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời, Mẹ hiện diện ở đó để bảo bọc, chỉ dạy và nâng đỡ.

Lạy Mẹ, chúng con cũng là những người con của Mẹ. Chúng con chạy đến bên Mẹ xin Mẹ cùng với Chúa Giêsu Con Mẹ bước vào trong gia đình mỗi người, bước vào trong cuộc đời của chúng con. Nhờ đó trong những biến cố của cuộc đời, Mẹ luôn nhắc nhở chúng con lắng nghe lời Chúa và sống theo thánh ý của Người. Xin giúp chúng con biết mở rộng lòng mình để đón nhận ơn thánh của Chúa vẫn tuôn đổ dạt dào trên chúng con. Xin dạy chúng con biết mến yêu sùng kính Mẹ để mỗi người là những tông đồ nhiệt thành của Mẹ biết rao giảng về lòng từ bi vô cùng của Mẹ cho những anh chị em khác. Vì chúng con biết rằng chính nhờ tình yêu thương của Thiên Chúa ban cho nhân loại qua bàn tay và tấm lòng dịu hiền của Mẹ mà họ sẽ được gặp gỡ Đức Kitô Con”

10 giờ 30, cộng đoàn cùng bước vào Thánh Lễ tạ ơn cùng với những ước nguyện của đoàn hành hương.

Trong bài chia sẻ, Cha giảng mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lên Mẹ và cùng xin Mẹ thương thêm ơn để mỗi người thưa với Chúa hai tiếng xin vâng như Mẹ.

Lễ xong, nhiều người nán lại để tâm sự với Mẹ. Một số khác lại ra để thăm nơi vớt được Linh Ảnh Mẹ.

Và rồi, mỗi người lại trở về với gia đình, với công việc thường ngày nhưng vẫn tin rằng Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre luôn đồng hành với con cái của Mẹ trên mọi nẻo đường.

Được biết ngày 13 tháng 8 tới đây vẫn có giờ hành hương và Thánh Lễ lúc 10 giờ 30 như thường lệ.

Đặc biệt, thứ Sáu ngày 2 tháng 9 tới đây, trung tâm Hành Hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre sẽ hân hoan đón tiếp Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ - nguyên giám mục Giáo Phận Phú Cường – sẽ hành hương và dâng Thánh Lễ xin Chúa chúc lành cho ngày khai giảng năm học mới. Hy vọng ngày 2 tháng 9 những ai thu xếp được sẽ về bên Mẹ và với Mẹ để xin Mẹ chuyển cầu cho mỗi người những ơn lành cần thiết, đặc biệt là ơn đức tin và lời nói xin vâng như xưa Mẹ đã thưa với Chúa.
 
Bút ký Ngày Giao Lưu Giới Trẻ Miền Tây Bắc
Gioan Lê Quang Vinh
10:09 06/08/2016
HƯNG HÓA - Tháng 7, miền trung du Tây Bắc trời thường nắng chói chang, và thỉnh thoảng có mưa ngâu. Thứ bảy cuối tháng, miền Tây Bắc Phú Thọ (giáo phận Hưng Hóa), trời đẹp, mát mẻ. Và trong thời tiết ấy, ngày giao lưu Giới Trẻ Tây Bắc Phú Thọ diễn ra thật tưng bừng, đầy niềm vui và bình an.

Hơn 1250 bạn trẻ từ các giáo xứ vùng Tây Bắc tụ họp chung quanh các vị Mục Tử của mình. Cha Hạt trưởng Giuse Chu Văn Khương cho biết việc chuẩn bị năm nay chu đáo hơn nhờ kinh nghiệm những lần tổ chức trước, và nhờ Chúa cho thời tiết thuận lợi hơn.

Từ sáng sớm, các bạn đã tề tựu đông đủ. Vì ban tổ chức giới hạn số thành viên tham dự cho mỗi giáo xứ, nếu không con số có lẽ còn đông gần bằng số người đàn ông trong lúc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều!

Quả thật, các bạn trẻ hăng say đến với ngày hội Giới Trẻ trước hết là để tìm Bánh Hằng Sống chân thật là chính Đức Chúa Giêsu Kitô, thần tượng của mỗi người.

Năm ngoái vào dịp này, chúng tôi cũng được Chúa thương cho đến đây để hòa mình với các bạn trẻ, và trong bài viết cảm nhận sau đó, chúng tôi đã nêu lên ba nét sáng: tấm lòng mục tử - sự hiệp nhất – tấm lòng con cái đối với vị Giám mục và các linh mục mà Chúa gửi đến.

Năm nay, nhìn con số bạn trẻ gần gấp đôi năm ngoái, những cảm xúc ấy càng tràn ngập trong lòng khi chúng tôi nhìn thấy Đức Cha Anphong có mặt với các bạn từ sáng sớm, và chỉ về đến Tòa Giám Mục lúc 11 giờ khuya. Các Cha cũng có mặt với các bạn suốt ngày dài, nghĩa là từ sáng tinh mơ cho đến khi buổi hòa nhạc hợp xướng chấm dứt cũng đã gần nửa đêm.

Ngày Giao lưu giới trẻ Tây Bắc Phú Thọ năm nay có một điểm đặc biệt khó có thể lặp lại lần thứ 2: trùng với ngày kết thúc Đại Hội Giới trẻ thế giới tại Krakow, Balan, và vào Năm Thánh Lòng Thương Xót. Do đó mà chủ đề giao lưu là “Lòng Thương Xót là con đường gắn kết Thiên Chúa và con người lại với nhau” (Tông sắc Năm Thánh LTX, số 02).

Chúng tôi có mặt trọn vẹn trong ngày Giao lưu và khi ra về, cảm giác lưu luyến bồi hồi cũng như niềm hy vọng còn kéo dài mãi.

Đức Cha Anphong nhắc nhở các bạn trẻ hãy tin vào lòng Thương Xót của Chúa, và không được ngã lòng thất vọng trong bất cứ tình huống nào.

Và chính Đức Cha đã thể hiện dung mạo Thiên Chúa thương xót khi ngài hòa đồng với giới trẻ, ngồi chung ghế sinh hoạt với các bạn, ăn cơm hộp với các bạn, lắng nghe các bạn. Đồng thời, vào những phút giải lao ngắn ngủi, ngài lắng nghe, chia sẻ và chúc lành cho những người đau khổ đến tìm ngài.

Trong ngày Giao Lưu Giới Trẻ năm ngoái, khi “người lớn” ngồi dùng cơm trong phòng, thì Đức Cha Anphong lặng lẽ ra chia sẻ cơm hộp với các bạn trẻ ngoài sân.

Những hình ảnh ấy khiến người ta nghĩ ngay đến khẩu hiệu Giám mục của ngài “Mang vào mình mùi chiên”. Mà không chỉ có ngài, trong ngày Giao Lưu, các vị mục tử trong giáo hạt cũng theo gương ngài mang vào mình các ngài mùi chiên như thế.

Các Cha trong giáo hạt, Cha Quản Hạt Giuse Chu văn Khương, cha đặc trách Giới Trẻ Giuse Nguyễn Văn Hạnh và các Cha xứ đều hiện diện, chia sẻ và đồng hành với các bạn trẻ từ sáng sớm cho đến gần khuya. Sự tận tụy của các ngài phản chiếu tấm lòng Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành.

Những vị mục tử mang dung mạo của Lòng Chúa Thương Xót làm cho gương mặt Hội Thánh hữu hình trở nên niềm hy vọng cho dân Chúa.

Tham dự ngày Giới Trẻ lần này, nghe thuyết trình, nghe giảng dạy, sinh hoạt,tham dự phụng vụ và nhìn những tấm gương mục tử, chắc chắc các bạn trẻ Tây Bắc Phú Thọ sẽ cảm được lời Đức Thánh Cha giảng khi các bạn trẻ thế giới đi Đàng Thánh Giá tại Krakow như sau:

“Nhân loại ngày nay cần những người đàn ông và đàn bà, nhất là những người trẻ như các con, những người không muốn sống cuộc sống mình một cách “nửa đường”, những người trẻ sẵn sàng tự hiến đời mình để phục vụ các anh chị em nghèo nhất và yếu thế nhất, noi gương Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình hoàn toàn để cứu chuộc chúng ta. Đứng trước sự ác, đau khổ và tội lỗi, đáp ứng duy nhất có thể có đối với một môn đệ Chúa Giêsu là tự hiến, thậm chí hiến mạng sống mình, noi gương Chúa Kitô; đây là thái độ phục vụ. Những người tự gọi là Kitô hữu nếu không sống để phục vụ, thì đời họ không phục vụ bất cứ mục đích tốt lành nào. Với lối sống ấy, họ bác bỏ chính Chúa Giêsu Kitô.”
 
Giao lưu Giới Trẻ hạt Phú Thọ tại Giáo xứ Tạ Xá
Lm Giuse Nguyễn Văn Hạnh
10:35 06/08/2016
GIAO LƯU GIỚI TRẺ GIÁO HẠT TÂY BẮC PHÚ THỌ LẦN THỨ III TẠI GIÁO XỨ TẠ XÁ

Từ 06g30 đến 23g30 thứ Bảy, ngày 30.07.2016, tại Nhà thờ Tạ Xá (xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) Giáo hạt Tây Bắc Phú Thọ đã tổ chức ngày Họp mặt giới trẻ lần thứ III với chủ đề: “Lòng Thương Xót là con đường gắn kết Thiên Chúa và con người lại với nhau” (Tông sắc Năm Thánh LTX, số 02)

Hình ảnh

Tới tham dự ngày họp mặt giới trẻ giáo hạt Tây Bắc Phú Thọ (TBPT) có Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long - Giám mục phụ tá Giáo phận Hưng Hóa, cha Giuse Chu Văn Khương - Quản hạt TBPT, Cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh – phó ban thánh nhạc giáo phận, đặc trách giới trẻ và ca đoàn giáo hạt, cùng quý Cha trong và ngoài giáo hạt (12 cha), quý thầy Phó tế, quý chủng sinh, quý Dì Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Con Đức Mẹ phù hộ, quý cha và quý dì trong ban giảng huấn lớp ca trưởng giáo phận, ban chấp hành mục vụ giáo dân giáo hạt, 14 Hội đồng giáo xứ trong giáo hạt, cùng 1.255 bạn trẻ đến từ 14 giáo xứ trong toàn giáo hạt; 146 học viên lớp ca trưởng I của giáo phận vừa kết thúc sau 14 ngày học và đặc biệt là sự hiện diện của 26 thành viên của dàn hợp xướng Công Giáo Hà Nội đã vào tới vòng chung kết Vietnam’s Got Talent 2016.

Do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1 khiến thời tiết trước những ngày chuẩn bị rất vất vả và đầy lo lắng. Tuy nhiên, trong niềm tín thác, nhờ ơn Chúa, sự chuyển cầu của Mẹ Maria và sự đồng tâm cầu nguyện của tất cả mọi thành phần dân Chúa: “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10), “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7), giông bão đã qua đi để nhường lại một khung trời tươi sáng hết sức tốt đẹp.

Từ 05g00, ban tổ chức gồm cha hạt trưởng, cha đặc trách Giuse Nguyễn Văn Hạnh, quý cha, quý thầy phó tế, quý chủng sinh, thầy xứ, quý dì, quý HĐGX cùng các bạn giới trẻ Giáo xứ Tạ Xá đã có mặt tại khuôn viên nhà thờ chuẩn bị nghi thức ghi danh và đón tiếp, phát cáp đeo và mũ cho 14 giáo xứ trong giáo hạt. Sau những bài cử điệu đầy sôi động và tiểu phẩm đầy ấn tượng của các vạn trẻ giáo xứ Ro Lục về hình ảnh người Samaria, cả biển người đứng lên ho to, người giơ tay, người phất cao mũ vỗ tay chào đón sự hiện diện của vị cha chung của giáo phận – Anphong Nguyễn Hữu Long. Cảm nhận được tấm lòng và sự hào hứng của mọi người, nhất là các bạn trẻ, Đức Cha như quên đi sự mệt nhọc của quãng đường xa xôi cũng như những lo lắng mục vụ khác để nở nụ cười tươi, giơ tay chào đón các bạn trẻ và chúc lành cho các em nhỏ.

Sau phần giới thiệu thành phần tham dự, đúng 08g00 Đức Cha đã trịnh trọng bước lên sân khấu để ngỏ lời và tuyên bố khai mạc. Ngài nhấn mạnh đến sự hiệp thông với tất cả hơn 2 triệu bạn trẻ đang tham dự ngày Đại hội giới trẻ thế giới tại Cracovia-Ba Lan để cùng sống những phút giây hữu ích của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài rất vui và cảm kích trước sự chuẩn bị và tinh thần chung của các bạn trẻ trong giáo hạt. Ngài nhắc nhở ngày họp này nhắm nâng cao tinh thần của các bạn trẻ, thúc đẩy thăng tiến trong đời sống đức tin để góp sức phục sự đất nước, quê hương và Giáo Hội, đem “lòng thương xót” như là “mắt xích” để nối lại với Thiên Chúa và với nhau. Sau đó, các giáo xứ thứ tự tiến vào nhà thờ. Cuối cùng là cung nghinh Thánh giá vào nhà thờ.

Sau giây phút ổn định tổ chức, căn cứ theo chủ đề của cuộc gặp gỡ: “Lòng Thương Xót là con đường gắn kết Thiên Chúa và con người lại với nhau” (Tông sắc Năm Thánh LTX, số 02), các bạn trẻ được nghe Đức Cha chia sẻ một cách sống động, mạnh mẽ và đầy sức thuyết phục. Ngài nhấn mạnh đến lòng “thương” và “xót” của Thiên Chúa với con người, đặc biệt là những người tội lỗi: “Thiên Chúa không bao giờ đặt dấu chấm hết cho những người còn sống”. Theo mầu áo của các giáo xứ, Ngài hoàn cảnh hóa câu lời Chúa trong sách Ngôn sứ Isaia chương 1 câu 18: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết” - “Tội các con, dầu có đỏ như áo của Ro Lục hay Yên Tập, cũng sẽ ra trắng như áo của Mộ Xuân và Phi Đình”. Trước khi kết thúc, Ngài nhấn mạnh với các bạn trẻ: “ Một việc làm dù nhỏ bé đến đâu, nhưng nếu đặt nơi đó tình yêu thì việc làm đó sẽ có giá trị vững bền”. Ngài cầu mong các bạn trẻ hãy là chứng nhân, là niềm hy vọng của gia đình, của xã hội cũng như của Giáo Hội.

Sau khi giải lao đôi chút, với lối sư phạm giáo lý và kinh nghiệm trong nghề nhà giáo, thầy Gioan Lê Quang Vinh, người luôn đồng hành với Đức Cha trong công tác loan báo Tin Mừng và hiện diện đầy đủ cả ba cuộc giao lưu giới trẻ của giáo hạt. Cũng căn cứ theo chủ đề của ngày giao lưu, thầy xác tín: “Nếu chúng ta không cảm thấy mình là người tội lỗi, thì không bao giờ mình cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa… Với hơn 200 quốc gia trên thế giới, hơn 90 nước có án tử hình. Nếu ai đó bị án tử hình mà được người nào cứu khỏi án đó, chắc người đó sẽ mang ơn, thậm chí nguyện phục vụ người đã cứu mình cả đời. Thiên Chúa của chúng ta còn hơn thế… Chúng ta ca rao lòng thương xót bằng lời nói chưa đủ, nhưng quan trọng nhất là yêu thương bằng việc làm, là sống có ích cho người khác. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, cảm thông, hành động và quyết định…”. Thầy nhắc lại lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, biết thương xót là biết: 01: Tha thứ cho người khác; 02: Thông cảm cho người khác; 03: Biết cho đi. Thầy dựa vào 1 Corintô, chương 13,4-7: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” Thầy áp dụng một cách sống động khi gọi tên một số bạn trẻ “Hùng”, “Lan”, “Hải”… để công khai sự chọn lựa của mình: “Hùng tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. Để kết thúc, thầy nhấn mạnh đến chủ đề qua lời cầu nguyện ba lần cùng các bạn trẻ: “Nào chúng ta chúc tụng lòng Chúa Thương Xót – Tạ ơn Chúa”.

Sau phần chia sẻ, các bạn trẻ nghỉ giải lao, đúng 10g30 các bạn trẻ đối thoại trực tiếp với Đức Cha qua các câu hỏi liên quan đến đời sống đạo, luân lý, đức tin…. Với tầm hiểu biết, thâm thúy và thực tế, không né tránh quanh co trước những thắc mắc của các bạn trẻ: “Hỏi: … Điều răn thứ 6, cấm làm sự dâm dục. Vậy âu yếm đến mức độ nào thì có tội?” (Bạn trẻ giáo xứ Tạ Xá). Đức Cha trả lời: “… Chúng ta đang đề cập đến một vấn đề “nhạy cảm”. Không thể lấy thước đo, vì cái vạch phân chia tội và không tội trong luân lý không rõ rệt, cũng không nên loay hoay tới cái gọi là “mức độ”: tới đâu thì có tội, tới đâu thì được phép. Có thể giải thích như thế này: Không cấm đôi bạn có những cử chỉ âu yếm để tỏ tình, nhưng đối với những cử chỉ, hành động nào có thể cả hai đến chỗ không kềm chế nổi mình thì hãy mạnh mẽ tránh. Ví dụ cầm tay, đầu kề nhau, áp má, ôm nhau, hôn nhẹ thì hẳn là chưa sao; nhưng ôm chặt nhau lâu không rời, hôn say đắm đến cả bầu trời sụp đổ mà chẳng hay, đụng chạm đến những vùng nhạy cảm trên thân thể, hẳn là có sao rồi. Các bạn trẻ hãy tìm hiểu nhau bằng mắt và tai, chứ đừng nên bằng tay và miệng. Có một nguyên tắc tu đức như sau: “Nếu bạn cứ làm điều được phép làm, thì đến một ngày bạn sẽ làm điều không được phép làm”. Đức Cha ví von với các bạn trẻ: “Tình yêu như trái còn xanh và hôn nhân như trái đã chín. Người ta chẳng ăn khi trái còn xanh, vì chua chát, ê răng và không ngon. Khi trái chín, ăn sẽ ngọt lịm, bùi béo, thơm ngon”. Ngài tặng các bạn trẻ một câu ca dao mang tính Công Giáo: “Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ, đôi ta trinh khiết đợi chờ lấy nhau”. Đang say mê với chủ đề “hot” của các bạn trẻ, cả nhà thờ im phăng phắc lắng nghe, cả nhiều thành phần dân Chúa thuộc đủ mọi lứa tuổi của giáo xứ Tạ Xá cũng đến nhà thờ để chăm chú lắng nghe thì tiếng chuông báo “hết giờ” vang lên để nghỉ ngơi chuẩn bị cơm trưa.

Hôm nay là một bữa cơm đặc biệt. Nói “đặc biệt” không phải vì cao lương mỹ vị, cũng chẳng phải vì thành phần tham dự, cũng không phải số người đông hay lý do nào khác ngoài việc từ Đức Cha đến các cha, phó tế, quý dì, tất cả các bạn trẻ đều “ăn cơm hộp” như nhau, khẩu phần như nhau. Người ăn đứng, kẻ ăn ngồi, đi lại trao đổi giữa các trại thật thân tình, vui vẻ và ý nghĩa, đúng là: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1). Sau giây phút hàn huyên giữa các bạn trẻ sau giờ cơm là phần khởi động của các bạn trẻ của buổi chiều.

Dẫu vừa cơm xong, nghỉ ngơi chưa đủ, nhưng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, những cử điệu, những tiếng hô, lời hát như át đi cái mệt nhọc để thay vào đó là những nét mặt rạng rỡ, vui tươi đầy sức sống.

Một chương trình hết sức đặc biệt đối với cuộc giao lưu lần này là phần “Tiếng lòng nơi bạn trẻ”: 14 đề tài liên quan đến Năm Thánh Lòng Thương Xót và thiết thực tới cuộc sống hiện đại, luân lý, đạo đức, môi trường… do Ban Tổ Chức soạn ra, đã được các bạn trẻ rút thăm. Trong thời gian tối đa 7 phút, các bạn trẻ đã trình bày một cách hết sức sinh động, sâu sắc, thâm thúy mà cũng rất thực tế. Đức Cha đã chăm chú ngồi lắng nghe, ghi chép và trả lời thấu đáo “tiếng lòng” của các bạn trẻ. Đức Cha rất hài lòng về suy nghĩ, cách trình bày và cái “tâm Công Giáo” của các bạn trẻ. Ngài nói: “Chúng con giỏi lắm. Cha hy vọng ở chúng con. Cha tin tưởng chúng con. Cha mong chúng con hãy là những chứng nhân của Lòng Thương Xót trong môi trường sống của chúng con…”. 4 tiếng đồng hồ của buổi chiều như ngắn đi về những đề tài hấp hẫn cũng như những cách thức trình bày hết sức phong phú và đa dạng của các bạn trẻ, đặc biệt là sự giải thích và áp dụng của Đức Cha. Tiếng chuông hết giờ lại rung lên để Cha – Con nghỉ ngơi và chuẩn bị cơm chiều.

Quảng trường của giáo xứ Tạ Xá rộng lắm, nhưng hôm nay vẫn chưa đủ để chứa khoảng hơn 6000 người của Tạ Xá, Tiên Phong, Yên Tập, An Phú, Ro Lục, Vĩnh Hòa, Xuân Ứng, Dư Ba, Phượng Vĩ, Vân Thê, Khổng Tước, Vân Bán và Bằng Giã…Dù 19g00 mới đến giờ cử hành thánh lễ, nhưng mới 18g00, dòng người đổ xô về đã rất chật chội, khiến ban tổ chức và ban trật tự phải căng hết mình để làm việc.

19g00 thánh lễ bắt đầu. Bài hát đầu lễ “Chúng con về nơi đây” vừa cất lên là lúc đoàn đồng tế bắt đầu. Khởi đầu thánh lễ, Đức Cha đã ngỏ lời chào thăm cộng đoàn, bày tỏ sự vui mừng trước sự nhiệt tình năng động của 1.255 bạn trẻ của giáo hạt và cộng đoàn dân Chúa. Qua lời Chúa của Chúa Nhật XVIII Thường Niên C, Ngài động viên khích lệ cộng đoàn đừng quá bám víu vào của cải, tiền bạc trần gian, nhưng hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu trên trời, vì tất cả chỉ là “phù vân” (Bài đọc 1).

Trong bài giảng lễ, qua Tin Mừng Lc 12,13-21, bằng những hình ảnh gần gũi, với lối diễn tả bình dân, Đức Cha đã đưa cộng đoàn dân Chúa, nhất là các bạn trẻ đến với một chân lý sống: Tiền bạc rất cần, nhưng nó là con dao hai lưỡi. Tiền rất cần, nhưng nó rất Bạc. Vàng rất cần, nhưng nó cũng rất “Bạc”. Hãy coi đó là phương tiện, là đầy tớ chứ không phải là ông chủ.

Trước khi lãnh nhận phép lành, một bạn trẻ đã đại diện cho giới trẻ của giáo hạt tri ân Quý Đức Cha, cha trưởng hạt, cha Giuse Hạnh đặc trách giới trẻ và thánh nhạc của giáo hạt, quý cha và mọi thành phần dân Chúa. Cuối bài cám ơn, bạn trẻ cũng đã thay lời cho các bạn trẻ nói riêng và cộng đoàn dân Chúa nói chung chúc mừng ngày bổn mạng kính Thánh Anphong vào ngày 01/8 tới đây. Đức Cha đã ngỏ lời cám ơn, căn dặn các bạn trẻ sống tốt. Ngài bày tỏ sự “rất hài lòng” về cuộc tổ chức này. Nhân dịp này, Ngài đã tặng cho các bạn trẻ và Ban Tổ Chức 1.500 cuốn “nói với giới trẻ II”. Kế đến là nghi thức trao thánh giá cho giáo xứ Mộ Xuân, nơi sẽ tổ chức ngày họp mặt giới trẻ lần IV.

Đúng 20g00, Cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh, phó ban thánh nhạc, đặc trách giới trẻ và thánh nhạc của giáo hạt tuyên bố khai mạc đêm giao lưu thánh ca. Đêm giao lưu thánh nhạc có sự tham gia của các ca đoàn, giới trẻ của 14 giáo xứ, lớp ca trưởng và đặc biệt là sự hiện diện của đoàn hợp xướng Công Giáo Hà Nội.

Đêm giao lưu thánh ca như một bức tranh đầy sắc màu: 14 giáo xứ gồm hợp xướng, đơn ca, vũ điệu, tiểu phẩm tập trung theo chủ đề: Tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa. Đặc biệt anh Phaolô Lê Đoài Huy, người con của giáo phận Hưng Hóa tại giáo họ Phú Châu, giáo xứ Vĩnh Thọ, hiện đang theo học tại Học Viên Âm Nhạc quốc gia, chuyên ngành chỉ huy, cùng với 21 bạn trẻ, trong đó có cả những người tôn giáo bạn đã đem đến cho đêm giao lưu một cái nhìn mới về hợp xướng. Những tiết mục đầy “lửa” từ người hát đến điều khiển đã làm cho đêm giao lưu dù đã khuya (23g30) vẫn chật cứng người và hô lên “nữa đi…”. Đáp lại, đoàn đã trình diễn tiếp một bài trong những tràng pháo tay không ngớt. Thật là một đêm giao lưu đầy ý nghĩa !

Đêm giao lưu thánh nhạc kết thúc lúc 23g30, Ban Tổ Chức trao quà lưu niệm cho 14 giáo xứ, 5 cộng đoàn nữ tu trong giáo hạt.

Giao lưu giới trẻ hạt Tây Bắc Phú Thọ lần III đã kết thúc tốt đẹp: “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa” trong sự an toàn tuyệt đối về tất cả mọi mặt. Ngoài việc tạ ơn Thiên Chúa, Ban Tổ Chức cũng xin tri ân Quý Đức Cha, Ban Mục Vụ giới trẻ và Ban Thánh Nhạc của giáo phận, cha Trưởng hạt, Cha Giuse đặc trách giới trẻ và thánh nhạc của giáo hạt, quý cha, quý thầy phó tế, thầy xứ, quý chủng sinh, quý dì, quý HĐGX, Quý BHG, quý chính quyền xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, quý Ban giảng huấn lớp ca trưởng cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Hẹn gặp nhau năm tới tại giáo xứ Mộ Xuân, xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
 
Tham dự Lễ Khấn Dòng Đa Minh Nữ Thái Bình
Triết Giang
10:29 06/08/2016
Nhận được giấy mời của Sơ Bề trên Tổng quyền dòng Đaminh nữ Thái Bình Maria Ngô Thị Hạnh về chia vui với dòng nhân sự kiện có 5 chị khấn lần đầu và 11 chị khấn vĩnh viễn. Sáng sớm 5-
8-2016, chúng tôi rời Hà Nội về Thái Bình. Trời mưa tầm tã như có ai hắt cả xô nước vào xe, gạt nước không kịp làm mờ hết kính chắn, lái xe phải chạy chậm lại. Vậy mà về Thái Bình, chẳng có hạt mưa nào. Thời tiết rất đẹp chứ không phải như dịp này năm 2015, trời mưa ngập cả sân. Người ta phải lót những viên bi cao làm lối đi vào nhà thờ.

Chúng tôi đến sớm nhưng ở bên tu viện cũng như sân Đại chủng viện Mỹ Đức đã kín người, đầy xe. Lối đi nào cũng có các nữ tu túc trực để hướng dẫn khách. tới nới gặp nhiều linh mục và các tu sĩ quen biết cùng đến dự lễ khấn dòng hôm nay.

Đúng 9h, đoàn rước khởi hành từ tu viện sang nhà thờ Cát Đàm (ảnh). Nhà thờ chật ních khách mời. Cha F. Ad Nguyễn Tiến Tám- Tổng đại diện giáo phận Thái Bình- chủ trì thánh lễ hôm nay. Cùng đồng tế với cha có hơn 50 cha trong và ngoài giáo phận. Các nữ tu hôm nay ai cũng đẹp, tươi vui. Sau phần chia sẻ lời Chúa là nghi thức tuyên khấn lần đầu cho 5 nữ tu và vĩnh khấn cho 9 nữ tu.

Với các nữ tu khấn lần đầu, sau khi tuyên hứa, mỗi chị sẽ nhận được một lúp mới và hiến pháp của dòng. Các chị được thay lúp trắng bằng lúp đen. Với các chị tuyên hứa vĩnh khấn sẽ qua nghi thức nằm sấp trên sàn nhà thờ trong khi cộng đoàn đọc kinh cầu Các thánh. Các chị sẽ được nhận một nhẫn cưới vì bây giờ các chị sẽ suốt đời gắn kết cuộc sống của mình với Đức Kitô- như chàng rể. Mỗi chị sẽ tự mình ký vào sổ tuyên hứa và chị Bề trên Tổng quyền của dòng sẽ nhận các chị là thành viên và trao hôn bình an cho các chị. Cả cộng đoàn đã vỗ tay hồi lâu chúc mừng nhà dòng, chúc mừng các chị đã tuyên hứa.

Trong lời cảm ơn cuối lễ, sơ Hạnh đã cảm ơn các Đức Cha FX Nguyễn Văn Sang, Phêrô Nguyễn Văn Đệ và các cha luôn quan tâm, đồng hành với nhà dòng. Cảm ơn các ông bà cố đã dâng đứa con yêu quý của mình cho dòng đào tạo thành môn đệ của Chúa. Cảm ơn quý ân nhân đã giúp đỡ nhà dòng suốt từ khi thành lập năm 2005 đến nay.

Năm nay cũng là dịp kỷ niệm 800 năm ngày thành lập dòng Đaminh (1216-2016) và dòng nữ Đaminh Thái Bình tước hiệu Đức Maria Trinh Nữ vương nên liên tục mấy năm nay, cứ vào dịp kính lễ thánh quan thày Đaminh đầu tháng 8, lại có lễ tuyên khấn.

Bữa cơm liên hoan hôm nay thật đông vui. Ăn xong, chúng tôi vội chạy qua Tòa Giám mục thăm Đức Cha FX. Nguyễn văn Sang. Một số người chưa biết Tòa Giám mục mới cứ trầm trồ như thể đang ở châu Âu hay Rôma vậy. Lần này gặp Đức Cha, ngài vui lắm, nói rõ ràng. Tôi cũng chuyển lời hỏi thăm của mấy Đức Cha phía Nam mà tôi mới gặp. Ngài ngạc nhiên và vui sướng...

Ngôi nhà cao tầng của các nữ tu Đaminh Thái Bình đã lợp xong mái tôn đỏ. Lại sắp có dịp về Thái Bình để chia vui với các nữ tu.
 
Phóng Sự: Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang ở Ottawa, Canada
Trần Mạnh Trác
13:26 06/08/2016
Xem hình ảnh

Phải gọi là 'Tiền' phóng sự mới đúng, bởi vì chúng tôi, 50 người từ Giáo Xứ ĐMHCG Garland Texas, chưa đến nơi ấy!

Nơi đó là Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang ở Ottawa, một Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam nằm giữa lòng Thủ Đô cuả xứ lạnh Canada.

Cách đây 2 tuần tôi có dịp ghé thăm Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở St Petersburg Florida và sau khi lược duyệt qua giòng lịch sử cuả họ, tôi đã ghi lại rằng họ là một hoàn cảnh 'éo le'...nhưng có lòng và do đó là một viên ngọc quí.

Tuy chưa đến Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Ottawa, nhưng qua những gì tôi thâu thập được thì rất có thể vẫn là một câu kết luận y như thế.

Nghiã là đây là một cộng đoàn Công Giáo VN đã được qui tụ từ thời Tị Nạn CS năm 1975, nhưng cũng phải 'ăn nhờ ở đậu' với cộng đoàn cuả người Canada cho mãi đến năm 2001 thì được trao cho một nhà thờ 'bị ngưng sinh hoạt' là nhà thờ St Jeanne D'Arc và trở thành Giáo Xứ Ðức Mẹ La Vang.

Nhưng hình như hoàn cảnh kinh tế xã hội đã không thuận lợi cho họ lắm, vì tính tới năm 2007 thì con số giáo dân mới chỉ được 1200 người (theo LM Phêrô Trần thế Tuyên, chủ tịch Liên Giáo Sĩ &Tu Sĩ Công Giáo Việt Nam tại Canada) và có nhiều 'cái' mà Cha Tuyên gọi là 'cái KHÔNG':

“Giáo xứ không già lắm, mới chính thức được thành lập năm năm nay. Nhà thờ không lớn, không khang trang lắm. Giáo dân cũng không đông lắm. Người có công ăn việc làm vững chắc cũng như mức thu nhập dồi dào cũng không đều khắp. Cha xứ cũng không to con béo tốt lắm. Hội đồng Giáo xứ cũng không có nhiều người có máu mặt cho lắm. Không có nhiều quán ăn ngon dồi dào rau tươi cho lắm. Vật giá cao, thuế má nặng, không nhiều công ăn việc làm. Nhiều cái KHÔNG được tìm thấy trong cộng đồng người Việt Nam Công Giáo ở thủ đô Ottawa nầy."

Không rõ tình trạng bây giờ ở đó ra sao, nhưng vào thời điểm 2008, thì ở Mỹ tình hình kinh tế cũng u ám lắm, mãi mới đây mới vực dậy lại.

Nhưng mà, càng nhiều cái KHÔNG thì càng chứng tỏ là những người Việt Nam ở đây có nhiều bản lãnh. Cũng như ở Việt Nam, càng nơi khô cằn sỏi đá thì càng xuất thân ra những nhân tài xuất chúng. Cha Tuyên đã khẳng định về Gx ĐMLV như thế này:

"Số KHÔNG sẽ thành giá trị cấp số nhân lên mười, một trăm, một ngàn hay một triệu, nều có số MỘT dẫn đầu. Đúng, Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang có nhiều cái KHÔNG nối sau đuôi một cái CÓ: CÓ TÌNH"

...

Và hình như cái 'TÌNH;' nói trên vẫn chưa phai mòn, mới đây, qua những liên hệ để chuẩn bị cho cuộc 'hành hương' cuả 50 người chúng tôi từ Texas lên, các viên chức ở Ottawa đã chứng tỏ là những người có kinh nghiệm, kiên nhẫn và nhất là đầy 'sốt sắng'.

50 người chúng tôi là những giáo dân cũ cuả Cha Buì Quang Tuấn, hiện là chánh xứ mới cuả Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang. Chúng tôi đi thăm ngài chỉ vì 'cái TÌNH' với vị chủ chiên cũ đồng thời là một dịp được 'hành hương' qua những nơi thánh thiêng nhất cuả dân tộc Canada.

Cho nên sau bài 'tiền phóng sự' này, giống như là một lời 'khai lộ' vậy, sẽ có một phóng sự tiếp theo về ngày lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang vào cuối tuần sau.

Những hình ảnh ở trên đều là những hình ảnh trích ra từ website cuả Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, có thể truy cập ở http://www.lavangparish.org/
 
CĐCGVN TGP Sydney Hành Hương Bước Qua Cửa Năm Thánh 2016
Diệp Hải Dung
20:37 06/08/2016
CĐCGVN TGP Sydney Hành Hương Bước Qua Cửa Năm Thánh 2016

Sáng thứ Bảy 06/08/2016 hơn 2000 người trong CĐCGVN TGP Sydney hành hương đến nhà thờ Chính toà Sydney, St Mary’s Cathedral Sydney để bước qua Cửa Thánh để lãnh Ơn Toàn Xá trong năm Thánh Lòng Thương Xót.

Xem Hình

Đúng 9:30 sáng, tất cả mọi người tập trung trước cửa nhà thờ Chính tòa, theo sự hướng dẫn của Cha Paul Văn Chi mọi người nghiêm chỉnh bước qua Cửa Thánh. Sau khi bước qua Cửa Thánh đoàn hành hương tiến vào nhà thờ qua Con Đường Thương Xót. Đoàn người nghiêm trang vừa đi vừa hát Bài Ca Hành Hương Cửa Công Chính. Dẫn đầu là Thánh Giá Hành Hương với Cờ Hội Thánh, Quốc Kỳ Úc, và Quốc Kỳ Việt Nam mầu Vàng 3 Sọc Đỏ, nói lên tâm tình của người Việt Nam nơi viễn xứ. Mọi người sốt sắng đi qua 6 chặng Hành Hương: Cửa Thánh, Giếng Rửa Tội, Tòa Giải Tội, Bàn Thờ Bí Tích Thành Thể, Bàn Thờ Thánh Phêrô, Nhà Nguyện Đức Mẹ, để cùng suy niệm và cầu nguyện.

Trước khi cử hành Thánh lễ, Cha Tuyên úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đã tham dự cuộc hành hương bước qua Cửa Năm Thánh để nhận lấy Ơn Toàn Xá trong năm Thánh Lòng Thương Xót. Tiếp đó là thánh lễ tạ ơn do Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Paul Văn Chi và Cha Khách cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi nói về Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời mời gọi của Đức Giêsu KiTô sống lòng thương xót và hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót. Lời mời gọi của Đức Giêsu Kitô trong 8 mối phúc thật; phúc cho ai có long xót thương vì họ sẽ được thương xót…Lạy Chúa, chúng con phó thác vào Chúa là Đấng thương xót, xin Chúa chúc lành cho mỗi người mỗi gia đình, cho Cộng Đồng Công Giáo và quê hương Việt Nam chúng con…

Trước khi kết thúc Thánh lễ. ông Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha và tất cả mọi người đã dành thì giờ quý báu để tham dự hành hương bước qua Cửa Thánh. Trong niềm cậy trông vào Lòng Chúa Thương Xót, thay mặt Hội Đồng Mục Vụ chúng tôi chân thành cám ơn qúy Cha và tất cả mọi người.

Kết thúc Thánh lễ, mọi người tham quan hầm mộ của các vị Giám Mục được chôn cất dưới nền của nhà thờ Chính tòa. Sau đó mọi người dùng bữa trưa nhẹ và ra về.

Diệp Hải Dung
 
Lào Cai: Cơn Lũ Kinh Hoàng Sau Bão Số 2
Lm. Nguyễn Văn Thành
20:59 06/08/2016
Lào Cai: Cơn Lũ Kinh Hoàng Sau Bão Số 2

Được biết chiều nay, cha xứ, HĐMV Giáo xứ, BHG các họ và các hội đoàn sẽ đi thăm và cứu trợ vùng bị lũ lụt ở khu vực xã Gia phú mỗi hộ 20kg gạo, 1 thùng mì, 1 gói bột canh và quần áo...

Xem Hình

Đợt mưa này kèm theo lũ quét trên diện rộng nên nhìn chung toàn tỉnh Lào Cai thiệt hại nặng, ước tính khoảng 200 tỷ đồng, có 13người chết và mất tích. Nhiều cánh đồng bị san bằng và mất hoàn toàn hoa màu, nhiều dòng suốt bị nắn dòng, thay đổi dòng chảy…

Ngoài sông Hồng, nước cũng dâng cao, có lẽ đây là lần lũ về làm nước sông Hồng dâng cao nhất trong năm.

Riêng tại huyện Bảo Thắng cũng bị ảnh hưởng nhiều, tin từ một cán bộ huyện Bảo Thắng cho biết 2 thôn: TRANG và MUỒNG, xã Gia Phú, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, LŨ QUÉT đã làm cho 49 gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Họ không có đồ ăn, không nước uống, không đồ dùng. Giáo xứ Lào Cai đang gấp rút chuẩn bị nhu yếu phẩm để giúp đỡ cho hai thôn này. Được biết khu vực này cũng có một số gia đình Công Giáo.

Mưa lũ cũng cuốn trôi 1 cầu treo “Bắc Cường” ở tổ 29 phường Bắc Cường và nhiều hoa màu ở khu vực này. Ở đây một giáo dân tên Giuse Nguyễn Văn Phương, tổ 28, p Bắc Cường bị lũ cuốn trôn phần sau của căn nhà. Gia đình phải di chuyển trong đêm vì lũ lớn, tài sản cũng bị cuốn trôn một phần. Còn những đồ dùng phía sau nhà bếp là hoàn toàn bị lũ cuốn trôi.

Tại TP Lào Cai, lũ từ đầu nguồn suối Ngòi Đum và suối Đôi đổ về bất ngờ gây ngập nhiều hộ dân ở tổ 1A, tổ 1B (phường Kim Tân) và tổ 14 (phường Nam Cường). Theo thống kê ban đầu tại ở tổ 1A, tổ 1B (phường Kim Tân) đã có trên 50 nhà dân bị ngập sâu và tổ 14 (phường Nam Cường) có 6 nhà bị ngập.

Cha xứ, cha phó, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, các ban ngành ghé thăm và động viên những gia đình Công Giáo.

Sau khi lũ rút, nhờ anh em bà con và các bạn Giới trẻ trong giáo xứ Lào Cai và hội Legio giáo họ Cốc Lếu tới để giúp tát nước và quét bùn. Với hơn chục bạn trẻ và 5 hội viên làm suốt cả ngày mà cũng không xong. Vì mất nước và mất điện nên các bạn phải chở nước từ một gia đình giáo dân gần đấy để rửa nhà. Riêng lúa thóc thì phải chở đi nơi khác phơi hay thuê sấy, nhưng cũng không cứu vãn được tình thế.

Còn bên kia đường, mẹ vợ của anh Sểnh nó nhỏ trong cổ họng…: Nước ngập tới bàn thờ gia tiên, bức ảnh thờ của chồng tôi cũng bị ngập, khủng khiếp thật. Tạ ơn Chúa là không bị thiệt hại về tính mạng”

Tại xã Quang Kim, lũ ập đến lúc 3g sáng 5/8 làm cho các thôn Làng Quang, Đồng Quang, An Thành, Kim Thành 2, Làng San 1, Làng San 2 đều bị ngậpchìm trong biển nước. Trong thôn Làng Quang, có một số giáo dân thuộc họ Quang Kim, giáo xứ Lào Cai cũng bị ngập nặng, đặc biệt là hộ anh Giuse Tẩn A Sểnh (dân tộc Dao), là người trong BHG và nhà mẹ vợ là bà Maria Trần Thị Quyết họ Quang Kim bịt thiệt hại nặng về tài sản, rất may là không bị thiệt hại về người. Căn nhà cấp bốn của Bà Quyết hầu như bị nhấn chìm trong biển nước. Vì lũ về vào ban đêm nên không ai trở tay kịp, chỉ lo bảo toàn cho mạng sống của mình và của người khác, nên tài sản trong nhà như xe máy, xoong nồi, tủ lạnh, đều bị nhấn chìm. Mùa lúa năm nay mới thu hoạch được khoảng gần chục bao cũng bị nhấn chìm trong bùn và nước. Anh Tẩn A Sểnh nói trong nghẹn ngào “Lần này lại bị thiếu nữa rồi đấy; còn sách vở xe cộ của các cháu hư hỏng hoàn toàn.” Anh còn cho biết thêm, đây là cơn lũ lớn nhất kể từ khi anh có trí khôn tới giờ, lũ xuất hiện nhanh quá, không kịp chạy..”

Tại huyện Bát Xát, lũ quét và mưa lớn đã làm hơn 100 căn nhâ dân xã Cốc San bị ngập, có 30 hộ dân xã Quang Kim và hơn chục hộ dân xã Phìn Ngan bị cô lập. Các tuyến đường vào trong này bị bùn và rác phủ kín hoàn toàn

Cơn bão số 2 đã đổ bộ vào vùng Việt Nam, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đêm 4,8 và ngày 5.8 đã xảy ra mưa cực lớn trên toàn diện rộng. Các trục lộ chính đều bị tắc, nhiều tuyến đường bị sạt lở. Đường quốc lộ 4D nối liền Tp Lào Cai và Sa Pa hoàn toàn tê liệt..

LM Nguyễn Văn Thành
 
Mừng kim khánh khấn dòng của Sr Marguerite Nguyện FMA
Thanh Quảng và Trần Văn Minh
20:56 06/08/2016
Melbourne, vào lúc 4:00 giờ chiều Thứ Bảy 6/8/2016. Tại Nhà thờ Saint Margaret Mary vùng Brunswick Melbourne. Thánh lễ đồng tế tạ ơn mừng Kim khánh 50 năm khấn dòng của Sr. Marguerite Nguyện FMA đã được cử hành trọng thể.

Mời xem hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB chủ tế cùng với quý linh mục Giuse Đinh Thanh Bình sdb, John Murphy sdb, John Papworth sdb, và Lm Trần Công Danh đồng tế, cùng với đông đảo các Soeur của dòng FMA, quý giáo viên, đồng nghiệp tại Trường Đại học, trường Việt Ngữ Thiên Ân và giáo dân các cộng đoàn Saint John, Collingwood và hai Ca đòan Don Bosco, Cecilia xuất sắc trong các bài Thánh ca phụng vụ Thánh lễ thêm long trọng và sốt sắng.

Trong phần chia sẻ, Linh mục Anthony đã tóm tắt tiểu sử ơn gọi của Soeur Marguerite một thiếu nữ dòng dõi “trâm anh, tiểu thư đài các đã đáp trả ơn gọi tận hiến” như sau:

Bài chia sẻ trong Thánh lễ Kim Khánh của Sơ Marguerite Nguyện FMA

Thưa OB anh chị em,

Nhiều người trong chúng ta không ít thì nhiều đã biết về Sơ Nguyện qua những công việc sơ làm việc cho giới trẻ tại Collingwood, East Melbourne và Brunswick, qua việc dậy học, qua việc điều hành trường Thiên Ân cũng qua những tranh họa của sơ… Họp mặt nơi đây, có gia đình người cháu đại diện cho gia đình tại quê nhà cũng như tại Pháp và Canada hiện diện trong ngày vui này với sơ.

Còn tôi thực sự gặp và biết về sơ từ năm 1983 khi sơ qua định cư tại Úc… Rồi từ những thân quen đó tôi sống và được xem như một thành viên thân thương trong gia đình của sơ và ngược lại… Khi gặp gỡ chị hai của sơ và các cháu của sơ tôi mới rõ hơn về gia thế, sơ xuất thân từ một gia đình quyền quí là hậu duệ của Thánh Philipphê Minh và dòng dõi của cụ Trương Vĩnh Ký, một học giả Công Giáo nổi bật của nền Văn học chữ Quốc ngữ.

Xuất thân từ một gia đình mang quốc tịch Pháp mà ông cụ thân sinh là một bác sĩ tài ba học và làm việc tại Paris và được cụ Diệm mời về nước giúp cụ trong vai trò Cố vấn phát triển thủ đô Saigon; vì thế các cô tiểu thư và cậu ấm trong gia đình của ông đều theo học trường Pháp và chơi thân với giới quyền quí… Ấy vậy mà một ngày Marguerite ngỏ lời với ba xin vào dòng Salesian… Cô được Đức tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình hỗ trợ và dòng Salesian nữ lúc đó mới vào VN, rất nghèo sống trọ ở một căn hộ ở quận 8… Các sơ đã nhận cô vào tu và một thời gian ngắn gửi sơ qua Ý tu học… Ba của sơ thì đã dàn xếp tất cả việc học hành cho người con gái của mình tại Pháp, nên ông qua Ý bắt cô ra nhưng cô từ chối, quyết tâm theo đuổi đời tu… Vì vậy trong đời sơ vẫn thương cha nhớ mẹ thật nhiều:

Lâng lâng lòng cảm mến,

Tri ân đến mẹ cha;

Thương con tựa ngọc ngà,

Con chọn đời dâng hiến…

Nhiều năm theo học đại học tại Ý với các cấp vị Cử nhân, Cao học rồi theo học Anh văn tại Đại học Oxford Luân Đôn cũng như tiếng Hoa tại Đại học Hồng Kong nên sơ thông thạo được 5 thứ tiếng.Sơ chia sẻ:

Thuở còn bé ít lần con mơ ước,

Mốt lớn lên con sẽ làm Ma-sơ.

Sống hiền hòa, dễ thương như sơ giáo,

Đem tình yêu trao ban hết cho đời,

Sau khi tốt nghiệp, sơ được điều về giúp nhà tập tại Hồng Kong; và không may

vận nước rơi vào tay Cộng Sản năm 1975… Trước làn sóng tỵ nạn nhiều thương

đau, sơ đã được mời làm nhân viên cao ủy, làm việc trong các trại tỵ nạn Hồng Kông cho tới 1983 khi các trại tỵ nạn dần dần đóng cửa… Chính Cao Ủy đã xin sơ hãy chọn một quốc gia để họ đưa sơ đi hầu ổn định về cư trú! Trước nhiều chọn lựa, sơ đã quyết định xin đi Úc và sơ tới Melbourne vào năm 1983.

Dù tiếng Anh nhuần nhuyễn, nhưng sơ rất khiêm nhừơng đăng ký học khóa Anh

văn cho những người mới định cư tại Đại học Latrobe… Nhưng cũng chính tại đây cô giáo Anh văn đã giới thiệu sơ cho trường Ngôn ngữ của Đại học và sơ là người đầu tiên giảng dậy môn tiếng Việt cho sinh viên người Úc từ năm 1984 cho tới ngày trung tâm ngôn ngữ của Latrobe đóng cửa. Sơ tiếp tục dậy tại CAE Melbourne cho tới ngày nay…

Chu toàn việc giảng dậy hay coi trẻ trong Dòng nhưng cuối tuần sơ luôn luôn gắn bó với cộng đồng Việt Nam, sơ đã trông coi một lưu xá cho các thiếu nữ định cư tại Melbourne không có gia đình, sơ yêu thích và giúp đỡ các em thiếu nhi từ St

Joseph Collingwood, qua St John East Melbourne và gần 10 năm nay là hiệu trưởng của trung tâm Thiên Ân dậy kèm Toán Anh văn và tiếng Việt cho các em… Dù tuổi đời chồng chất, thế mà sơ vẫn còn chạy nhẩy vui chơi với các em…

Xin được cám ơn sơ về tất cả những nhiệt tâm yêu thương cho giới trẻ và tình liên đới với cộng đoàn, đặc biệt cộng đoàn này.

Tin mừng trong ngày lễ Chúa biến hình hôm nay Thánh Luca tường thuật Chúa đưa 3 môn sinh lên núi cầu nguyện… Trong cuộc đàm đạo với Maisen và Elia mặt Chúa chói sáng… nhưng các tông đồ ngủ vùi và khi bừng tỉnh, các ông hốt hoảng, Ông Phêrô thưa: “Lạy Thầy chúng con được ở dây thì vui quá, chúng con xin làm ba lều một cho Thày, một cho Maisen và một cho Elia!” dù ông chẳng hiểu ông nói gì! Đang khi Chúa trở về nguyên dạng thì từ trời có tiếng phán “Này là Con Ta Chí Ái, các ngươi hãy nghe lời Người!”

50 năm đời tận hiến của sơ chắc chắn có nhiều niềm vui, thành công chói chang nhưng cũng không thiếu nỗi buồn u uất… Sơ luôn vững tin đáp lại trong tâm tình tri ân và “lắng nghe” tiếng Chúa Giêsu trong cuộc đời…

Sơ song hành đi vào thiên tình sử,

Trong tin yêu phó thác và cậy trông;

Sống trung tín làm Ma-sơ thánh thiện,

Ước mơ trọn đời hằng mãi trung trinh.

Sau phần chia sẻ của Cha chủ tế, Soeur Nguyện đã được Sr Edna Mary mời ra trước cộng đoàn, đón nhận cây nến kỷ niệm 50 năm do gia đình dâng lên, thắp nến để cùng với tất cả các chị em trong Dòng hiện diện đọc lại lời tuyên khấn dòng.

Của lễ dâng lên bàn thờ, ngoài bánh miến cùng rượu nho, hoa nến còn thêm phép lành Tòa Thánh và chiếc bánh mừng 50 năm khấn dòng của Soeur được dâng lên Thiên Chúa với lòng tạ ơn cảm mến của một đời tu trì 50 năm qua.

Cuối lễ, các ông Nguyễn Khoa đại diện các cộng đoàn Giáo xứ Saint Margaret, ông Nguyễn Ngọc Trúc Cộng đồng Công Giáo Việt Nam, ông Trần Ngọc Cẩn Cộng đoàn Collingwood lên chúc mừng nhân kỷ niêm Kim khánh khấn dòng của Soeur Marguerite Nguyện, với những lời chúc tốt đẹp nhất. Và Soeur Nguyện đơn sơ vẫn với nụ cười tươi dễ mến cố hữu thường ngày, đã lên bằng những lời nói nhẹ nhàng rất xúc động để cảm ơn đến quý Cha, quý Soeur, quý ca đoàn, thân hữu đã về dâng lễ và thêm lời cầu nguyện cho Soeur trong ngày trọng đại hôm nay, qua những tràng pháo tay nồng nhiệt của cộng đoàn thay lời chúc mừng.

Một tiệc mừng đã được cộng đoàn tổ chức tại hội trường nhà xứ với nhiều món ăn ngon và phần văn nghệ thật gồm ca, vũ thật đặc sắc do các ca đoàn cùng với đoàn thiếu nhi Salesian Don Bosco trình diễn. Những câu chuyện xưa với đầy ắp những kỷ niệm đẹp về Soeur Marguerite Nguyện, khi Soeur về các cộng đoàn để giúp đỡ các thanh thiếu niên trong bước đường tỵ nạn thủa ban đầu, đã được các anh nay đã trưởng thành kể lại trong niềm vui mừng kim khánh đã làm cho không khí ấm cúng hơn trong mùa Đông lạnh giá của đất trời Melbourne
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ngày môi truờng 07-08-2016
Hà Minh Thảo
20:30 06/08/2016
NGÀY MÔI TRƯỜNG 07.08.2016

Ngày 27.07.2016, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh đã gởi văn thư đến quý Cha, quý Tu sĩ, Chủng sinh và quý Ông Bà, Anh Chị Em trong toàn Giáo phận Vinh v/v tổ chức ngày bảo vệ môi trường vào ngày Chúa Nhật 07.08.2016. Văn thư được ký tên bởi Linh mục Antôn Nguyễn Văn Ðính, Trưởng ban, và được thông qua bởi Ðức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh.

http://giaophanvinh.org/modules.php?name=News&op=viewst&sid=12800

Thấm nhuần giáo huấn từ Thánh Giáo hoàng Gioan 23 viết trong Thông điệp ‘Hòa bình trên Trái đất’ (Pacem in Terris) dạy Hòa bình chỉ đạt được khi hội tụ dủ bốn điều kiện căn bản : Sự thật, Công lý, Tự do và Bác ái. Trên Quê hương, để tuyên bố năm 1969 là Năm Ðức Tin của Giáo phận Nha Trang, Hồng Y Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đã gởi Thư luân lưu ‘Vững mạnh trong Ðức Tin? Tiến lên trong An Bình’, để dạy đường lối xây dựng và củng cố, phát triển một nền Hòa bình chân chính, trường cửu theo quan niệm Công Giáo. Người xác định: « Người Công Giáo yêu chuộng Hòa bình, nhưng người Công Giáo không yêu chuộng Hòa bình cách thơ ngây, quá lạc quan và. Hòa bình theo quan niệm Công Giáo: … - Hòa bình không có nghĩa là không chiến tranh ; - Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái ; - Hòa bình là con đường duy nhất đi đến tiến bộ nhân loại…

Từ ngày 30.04.1975, mọi nước cộng sản (tự cho ‘thắng trận’) lẫn tư bản cùng tuyên truyền cái gọi là ‘không chiến tranh’ nhưng điều đó đâu có nghĩa là Hòa bình cho toàn dân Việt Nam… Bằng chứng, nhiều triệu người Việt phải đua nhau vượt biên trên những con thuyền ọp ẹp mà phần chết nhiều lần lớn hơn cái sống để tới bến bờ tự do. Tại sao ? đảng và nhà nước việt cộng không mang lại Hòa bình cho người dân nước Việt. Cuớp quyền làm chủ Ðất Nước của dân tộc, họ hoàn toàn bất lực trong việc đem lại Hòa bình cho đồng bào bằng thực thi Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái cho Dân tộc Việt. Do đó, vì không Hòa bình, Việt Nam ra khỏi ‘con đường duy nhất đi đến tiến bộ nhân loại’. Xác tín như vậy, ước gì chúng ta, những người thiện chí, hãy đáp ứng lời mời gọi của Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh trong khả năng và điều kiện của mình

I.- PHÁ HỦY MÔI TRƯỜNG.

A./ Vị trí. Giáo phận Vinh nằm trên khu vực địa lý từ ngày thành lập bao gồm tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và phía Bắc tỉnh Quảng Bình, với tổng diện tích 30.783 km2. Hiện nay, Giáo phận Vinh gồm trọn ba tỉnh: Nghệ-Tĩnh-Bình). Tên gọi giáo phận Vinh chính thức có từ năm 1924. Trước đó, từ khi thành lập, được mang danh là địa phận Nam Ðàng Ngoài. Trước đó nữa là một phần địa phận Tây Ðàng Ngoài và là phần cực Nam của Miền Ðại diện Tông tòa Ðàng Ngoài.

B./ Thảm họa Môi trường.

Từ ngày 06.04.2016, tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc thị xã Kỳ anh (Hà tĩnh). Ðến lối ngày 10.04.2016, hiện tượng cá chết lan tiếp đến vùng biển xã Quảng đông, huyện Quảng trạch (Quảng bình). Sau đó, tình trạng cá chết được thấy tại vùng biển Quảng trị rồi lan rộng vào Thừa thiên-Huế. Hiện tượng cá chết vẫn tiếp tục xuất hiện suốt 20 ngày dọc theo bờ biển miền Trung dài hơn 200 cây số.

Giáo phận Vinh nằm ngay ở vùng đất Miền Trung, nơi có thảm họa môi trường do Formosa gây nên từ ngày 06.04.2016. Cá nuôi ở vùng biển Vũng Áng đồng loạt chết một cách bất thường. Hiện tượng được ghi nhận đầu tiên và nghiêm trọng nhất ở khu vực từ vùng biển gần nơi có nhà máy thép Formosa. Cá biển chết trắng bờ trong những ngày tiếp theo, khiến lượng cá đánh bắt sụt giảm nhanh chóng… Những lưới công an thả xuống biển khi kéo lên thì trắng tinh như được rửa sạch bằng bằng thuốc tẩy cực mạnh, đến nổi không còn cả rong rêu bám vào lưới. Một vùng biển rộng lớn tanh hôi nồng nặc mùi cá chết. Dưới đáy biển, các loài sinh vật nhuyễn thể, giáp xác, san hô, rong rêu thối rữa. Cá dưới biển, chim trên trời, các loài sinh vật trong chuỗi thức ăn liên quan đều chết. Các vụ ngộ độc khi người dân ăn thuỷ hải sản trong vùng. Người dân lo lắng khi nồi cơm bao nhiêu đời có nguy cơ không còn nữa, cái đói nghèo kéo đến ngưỡng cửa rất nhanh.

Cuối tháng 07/2016, chính phủ đã cho biết chất thải do nhà máy Formosa Hà Tĩnh thừa nhận thải ra biển/ tác động đến cuộc sống của hơn 200 ngàn người dân, trong đó có 41 ngàn ngư dân. Điều này được trích từ một báo cáo mà chính phủ trình cho. Theo đó, chính phủ cũng cho biết sẽ bắt đầu bồi thường cho người dân vào tháng tới. Thiệt hại cụ thể do những chất mà Formosa thải ra biển gây ra là khoảng 115 tấn cá chết. Ngoài ra, còn có 140 tấn cá và 67 tấn ngao nuôi bị chết. Ðó là đánh giá sơ bộ về thiệt hại, chưa kể đến 450 héc ta rạn san hô bị hủy hoại từ 40 đến 60%, đồng thời một số loài sinh vật biển tại vùng chịu tác động suy giảm đến phân nửa.

Trong cuối tuần rồi, bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sắp tới bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn sẽ có báo cáo với Quốc hội vấn đề tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân tại các vùng chịu tác động. Theo đó, Formosa đến ngày 28.07.2016 đã chuyển 250 triệu mỹ kim tiền bồi thường trong số 500 triệu đã hứa với chính phủ khi thừa nhận xả thải làm cá chết hằng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. {Thủ phạm chủ động số tiền bồi thường và chỉ đưa lúc nào tùy ý ?}. Ông còn dự kiến vào giữa tháng 8 sẽ thông qua hội đồng các nhà khoa học {thứ thiệt hay hồng hơn chuyên ?} để đánh giá về mức độ hiện nay cùng với giải pháp cụ thể nhằm có thể khắc phục ô nhiễm nếu còn và cũng để xác định các giải pháp để phục hồi hệ sinh thái môi trường.

B./ Thảm trạng chết người và tội ác chống lại họ.

Bên cạnh những thiệt hại về tài sản còn gây chết đến Anh Lê Văn Ngày (44 tuổi), một thợ lặn quê ở Khánh Hòa. Tháng 04/2016, hệ thống ống ngầm dưới biển xả thải của Formosa được các thợ lặn Hà Tĩnh và các phóng viên ghi lại rất rõ ràng đang xả thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý. Những thợ lặn cho biết họ bị triệu chứng tức ngực, khó thở, sức khoẻ suy sụp rất nhanh khi lặn ở vùng biển gần ống xả thải. Anh Lê Văn Ngày, công nhân tại Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (Nibelc), làm việc trong khu công nghiệp đã tử vong do nhiễm độc chì vào ngày 25.04.2016. Ðến tháng 6/2016, gần 3 tháng trôi qua nhưng nguyên nhân khiến thợ lặn Lê Văn Ngày chưa được làm rõ. Công an tỉnh Quảng Bình không giao kết quả xét nghiệm tử thi cho gia đình.

Ngày 20.07.2016, Công an huyện Quảng Trạch thông báo nguyên nhân tử vong của thợ lặn Lê Văn Ngày là do bị suy tim cấp, không phải do nhiễm độc. Theo đó ‘Không có dấu hiện tác động ngoại lực; giám định hóa pháp trong phủ tạng và máu không tìm thấy các chất độc..’. Theo Bà Ðỗ Thị Hòa, hiền thê anh Ngày, cho biết bản thông báo gia đình bà nhận được do Công an huyện Quảng Trạch ký ngày 17.05.2016, nhưng chỉ đến ngày 18.07.2016, văn bản mới tới tay bà để chúng kết luận rằng anh Ngày chết do suy tim mà bà cho là không thuyết phục. Chúng ta thấy sự thất đức của chế độ và người cộng sản.

II.- HÀNH ÐỘNG VÌ MÔI TRƯỜNG.

A. Tại Quốc nội.

Sau thảm trạng cá chết, ngày 27.04.2016, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng ra thông cáo, yêu cầu nhà cầm quyền ‘thành lập một Ủy ban điều tra độc lập cấp Chính phủ, với sự cố vấn của các chuyên gia trong nước cũng như các cơ quan quốc tế có uy tín trong lĩnh vực bảo vệ môi sinh’, ‘Hỗ trợ ngư dân, hộ gia đình nuôi trồng thủy hải sản, làm muối và các doanh nghiệp để họ có cuộc sống ổn định và duy trì nghề nghiệp của họ’.

Ngày 01 và 08.05.2016, những cuộc biểu tình vì môi trường diễn ra trên qui mô rộng trên toàn quốc dù chịu sự đàn áp thẳng tay của chính quyền cộng sản. Nhiều nơi như ở Sài Gòn, một người tham gia biểu tình thì có 10 nhân viên công lực sẵn sàng trấn áp. Các cuộc tuần hành nhanh chóng bị xé lẻ và người biểu tình bị đưa tới nơi giam giữ trá hình như trung tâm hỗ trợ xã hội, hoặc đưa đi xa khỏi địa phương. Chính quyền Hà Nội tuyên bố ‘biểu tình là phản động’.

Ngày 13.05.2016, Ðức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh công bố ‘Thư Chung’ về ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung. Qua đó, Người kêu gọi người Công Giáo có trách nhiệm với quê hương, đất nước và các thế hệ tương lại bằng các hành động thiết thực như: không sản xuất thực phẩm bẩn, phá hoại môi trường, nên chôn cất, không trao đổi, giao dịch cá chết, hợp tác tìm ra thủ phạm vụ việc,... Nhân dịp này, Ðức cha cho rằng các nhà chức trách đã tránh né công bố nguyên nhân và thủ phạm hơn một tháng.

http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=12620

Ngày 12.06.2016, hàng trăm người dân ở khu vực Quỳnh lưu (Nghệ an) xuống đường vì hiện tượng cá chết đã xảy ra từ hơn hai tháng nay. Ông Trần minh Nhật, thuộc truyền thông Công Giáo 'Tin mừng cho người nghèo' nói với đài BBC : ‘Ðồng bào Quỳnh lưu đa phần là ngư dân. Công việc chính của họ là nghề biển. Thảm họa môi trường hiện nay cuộc sống của họ gần như đảo lộn. Tàu thuyền không thể ra khơi, hay có đưa cá về cũng không thể bán được ’. Trong cuộc biểu tình, đồng bào ở đây giăng biểu ngữ có nội dung ‘Phản đối VTV1 vu cáo đối với Ðức cha Phaolô Nguyễn thái Hợp’. Việc gây ra phản đối xuất phát từ bản tin ngày 13.05.2016 của Ðài Truyền hình VTV nói: ‘ngày 13.05.2016 Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn thái Hợp đã ra bản thư chung, diễn tả sự việc một cách thiếu khách quan, thổi phồng, gây hoang mang và dùng những lời lẽ kích động giáo dân’.

Sáng ngày 16.06.2016, bất ngờ Ðức cha Giuse Ngô quang Kiệt đến thăm bà con giáo dân Ðông Yên, khiến nhiều người không kìm được cảm xúc của mình đã khóc lớn. Những giọt nước mắt trào ra; những dồn nén, oan ức mấy năm nay tự nhiên vỡ ra… Ðức cha đã cùng bà con vào nhà thờ, cùng nhau kunh nguyện, ân cần hỏi thăm, động viên. Người căn dặn, trong đau khổ, người giáo dân phải can trường gìn giữ đức tin, làm chứng cho sự thật-công lý-hòa bình, sống yêu thương, tha thứ cho kẻ thù. Ðức cha đã ban phước lành cho tín hữu.

Dự án Formosa là dự án tại Hà Tĩnh, nơi đây có nhiều giáo dân thuộc Giáo phận đã phải chịu nhiều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, gia đình và nhiều mặt xã hội trong quá trình Formosa đến đầu tư ở vùng đất này. Giáo xứ Đông Yên là một điển hình tan nát bởi dự án đó. Sau khi thảm họa biển Miền Trung xảy ra, Giáo phận Vinh đã có nhiều hành động nhằm bảo vệ giáo dân và quan tâm đến Cộng đồng người dân nơi đây. Nhiều bản Kiến nghị của tập thể Linh mục Hạt Kỳ Anh, của Đoàn linh mục Vinh và của Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp đã được sự ủng hộ rộng rãi của Cộng đồng dân chúng và xã hội.

Cùng ngày 27.07.2016, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh đã gởi một Ðơn Kiến nghị đến các lãnh đạo nhà nước trung ương và địa phương :

1. Nhanh chóng cứu trợ ngư dân ;

2. Buộc Formosa bồi thường thiệt hại căn cứ trên cơ sở thực tế đã xảy ra và kéo dài trong tương lai ;

3. Truy cứu trách nhiệm Formosa và những cá nhân, tổ chức liên hệ ;

4. Yêu cầu đóng cửa vĩnh viễn Formosa để bảo đảm môi trường ổn định.

Trước khi chấm dứt, Linh mục Antôn Nguyễn Văn Ðính, Trưởng ban Công lý và Hòa bình Vinh, viết : Ý thức trách nhiệm với đồng bào và tương lai Dân tộc, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa ra các quyết sách đúng đắn cho lợi ích quốc gia và sự hương thịnh của dân tộc.

http://giaophanvinh.org/modules.php?name=News&op=viewst&sid=12805

Ngày 08.04.2016, Linh mục Antôn Ðặng Hữu Nam, Chính xứ Phú Yên (Giáo phận Vinh) đã bị công an ‘chìm’ chặn đường và ‘mời’ về công an phường Dịch Vọng (Hà Nội) để ‘làm việc’. Tại đây, Cha trực tiếp làm việc với đại úy Phạm Văn Trung, đội phó đội điều tra quận Cầu Giấy. Ông nói có một người tên là Lê Văn Kiên, ngụ tại xóm 4, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An viết đơn tố cáo Cha nhận 50.000 mỹ kim từ đảng Việt Tân để ‘phát cho giáo dân đi biểu tình chống phá nhà nước’. Tuy nhiên, ‘quan’ công an này đã không trình được đơn tố cáo theo yêu cầu của Cha. Cha khẳng định đơn tố cáo chỉ là thư nặc danh và việc này là ‘trò bịa đặt’. Chưa chịu thua, ‘tên này’ buộc Cha tội tổ chức biểu tình để chống phá nhà nước và viết bài đưa lên mạng. Cha khẳng định việc thể hiện quan điểm là quyền tự do ngôn luận. Cha nói tôi không tổ chức biểu tình chống nhà nước mà khi dâng Thánh Lễ, kêu mời giáo dân nói riêng, và người Việt Nam nói chung phải bảo vệ Tổ quốc. Trong Thánh Lễ, Cha đều cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cho quốc thái dân an, cầu cho chính những người lãnh đạo cộng sản phải biết yêu nước và có trách nhiệm với người dân. Việc tuần hành bảo vệ môi trường và kêu gọi tình yêu thương không phải là biểu tình. Trước khi tổ chức các cuộc tuần hành, Cha đều thông báo với trưởng công an huyện để đề nghị cơ quan này bảo vệ người dân khi tham gia tuần hành.

Ngoài ra, Cha cho biết Cha đi Hà Nội để chữa bệnh và giải quyết một số công việc. Trong đó, có việc xin visa đi Ðài Loan theo lời mời của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng để bàn thảo một số công việc về Tôn giáo.

B. Tại Hải ngoại.

Sáng ngày 01.05.2016, hiệp thông với đồng bào Hà nội và vài tỉnh, thành khác, cộng đồng người Việt sinh sống, lao động và học tập tại Ðài loan biểu tình chống Formosa trước Phủ Tổng thống Ðài loan.

Sau đó, thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam mà nghi phạm là công ty Formosa ở Vũng áng, đã lan đến Ðài loan. Trong hai ngày 15 và 16.06.2016, đã có một cuộc họp báo ở Quốc hội và một ngày họp của các cổ đông Formosa, đồng thời, bên ngoài có cuộc biểu tình phản đối Formosa với sự góp mặt của nhiều người Việt. Ðược mời tham dự và góp tiếng tại buổi họp báo này và tham dự biểu tình ngày hôm sau, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô Dâu Việt ở Ðài loan, thuật lại diễn biến sự việc về :

Cuộc họp báo được tổ chức bởi các Dân biểu và các tổ chức phi chính phủ gồm Liên minh theo dõi và Thực thi Công ước Nhân quyền, Hiệp hội Luật sư về Môi trường và Văn Phòng chúng tôi với một người lao động, anh Lê quang Ðông, xuất thân từ huyện Kỳ anh. Gia đình anh là một trong những gia đình bị bắt di dời khỏi vùng Ðông yên. Những gia đình không chịu dời đi thì các con không được đi học. Anh ấy trình bày những gì đã thấy, đã nghe và đã biết.

Dân biểu Ngô công Dụ, giáo sư đại học, nói về vấn đề hóa chất có thể gây nên thảm trạng ô nhiễm môi trường. Dân biểu Tô trị Phân, đến từ tỉnh Vân Lâm, nơi có một công ty Formosa lọc dầu. Chính công ty này đã gây nên ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường sống chung quanh của người dân Ðài Loan cũng như các loài cá sống trong vùng biển này. Sau cùng, Dân biểu Vu mỹ Nữ đã nói lên quyền được sống, được an cư lạc nghiệp, được chọn nơi mình ở, được giáo dục... Những quyền đó đã bị tước đoạt khi Formosa đến Hà tĩnh, buộc cả ngàn hộ dân ở vùng Ðông yên phải di dời. Hiện nay còn 180 hộ từ chối không đi vì mức bồi thường không công bằng. Nên để tạo áp lực, nhà nước Cộng sản không cho con em của họ đi học ở trường quanh đó mà bắt các em phải đến cái trường nơi đó họ yêu cầu gia đình các em phải di dời đến.

Tiếp đến, đại diện Hiệp hội Luật sư về Môi Trường cho biết : Năm 2009, Formosa cũng đã đệ trình dự án thành lập một cơ xưởng như họ đang có ở Hà tĩnh nhưng đã bị chính quyền Ðài Loan yêu cầu làm lại những việc họ nghĩ chưa tốt và sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống. Do đó, Formosa đã đưa dự án đó qua Việt Nam. Sau đó, đến phần báo cáo của một nhân viên cao cấp Bộ Môi sinh : Khi biến cố cá chết xảy ra ở Hà tĩnh thì chính họ đã đề nghị với chính phủ Việt cộng hợp tác để điều tra nhưng chúng từ chối.

Cha Hùng đã nhắc lại sự quan tâm của Giáo Hội Công Giáo. Năm ngoái, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra một Thông điệp liên quan đến môi sinh, Người có nói đến một yếu tố rất quan trọng là sự liên hệ việc tàn phá môi trường sống mà những công ty kinh doanh trong đó có công ty của nước ngoài, làm ô nhiễm môi trường sống là tội lỗi chống lại tự nhiên, chống lại chúng ta và chống lại Thiên Chúa. Công ty Formosa Ðài loan phải điều tra và phải giải trình một cách công khai cho người Ðài Loan, cho chính phủ Ðài loan và cho người Việt Nam biết được nguyên nhân gây tác hại môi trường sống như vậy.

Trước áp lực từ giới công quyền và các tổ chức phi chánh phủ, công ty Formosa buộc lòng phải cho phép nhà cầm quyền Việt Nam, ngày 30.06.2016, công bố kết quả điều tra về nguyên nhân (Phenol, Cyanua và nhiều chất độc hại khác chiếm nồng độ quá mức cho phép ở ngưỡng nặng) và thủ phạm phá hoại môi trường, gây cá chết hàng loạt tại Miền Trung. Formosa phải gánh tội, chính phủ cộng sản phải liên đới chịu tội.

III. THỦ PHẠM VÀ TÒNG PHẠM.

A. Công bố Thủ phạm và Bồi thường vô lý.

Chiều 30.06.2016 tại Hà Nội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung từ ngày 06.04.2016, chính phủ cộng sản mới tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra về nguyên nhân và thủ phạm. Mặc dù, ngay ngày 02.06.2016, ông này tuyên bố đã tìm ra nguyên nhân cá chết. Tại sao, phải đợi đến gần một tháng sau mới công bố? Ðành rằng, đảng và nhà nước với Formosa có nhu cầu phải bàn thảo, để cuộc công bố giảm thiểu những thiệt hại cho chế độ lẫn cho Formosa, hầu xứng chủ trương ‘Formosa nhận lỗi, đảng nhận tiền, người dân nhận thãm họa’. Sau đó, ngày 18.06.2016, Trần Nguyên Thành, chủ tịch Hộu đồng Quản trị Formosa, đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ‘chính thức nhận tội’ và OK 500 triệu mỹ kim bồi thướng. Nhưng vẫn còn chờ… Ngày 27.06.2015, Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung cộng đến Việt Nam.

1./ Một hành động pháp lý

Thủ phạm gây ra thảm họa môi trường là từ nhà máy Formosa, nên họ đã xin lỗi gây ô nhiễm biển miền Trung và cam kết bồi thường, gồm 5 điểm: công khai xin lỗi; bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền tương đương 11.500 tỷ, tương đương 500 triệu mỹ kim.

Ngay sau khi kết thúc buổi họp báo, trả lời phỏng vấn của RFA, nhà báo JB. Nguyễn Hữu Vinh nói : « Có nhiều tổ chức quốc tế cũng như các chính phủ khác người ta đề nghị để cùng tham gia điều tra nguyên nhân thảm họa cá chết, như Chính phủ Đài loan hay Liên Hiệp Quốc nhưng Chính phủ VN lại từ chối, cộng với việc đàn áp người dân, bắt bớ người biểu tình bảo vệ môi trường môi trường này khác. Tất cả những điều đó đã nói lên bản chất của sự việc. Cho nên việc nhà nước có tuyên bố nguyên nhân hay biện pháp khắc phục, thì tôi vẫn cho rằng đó là các hành động chống đỡ áp lực của dư luận và của nhân dân mà thôi. Chứ tôi không hy vọng vào các điều công bố đó.”

2./ Bao che thủ phạm?

Nhà báo JB. Nguyễn Hữu Vinh bày tỏ: « Riêng về hành động lấp liếm và bao che của nhà nước rồi đến ngày cuối của tháng 6 mới công bố, đã nói lên tính cách của nhà cầm quyền, là họ có coi trọng cuộc sống, tính mạng và quyền lợi của người dân hay không? Sự phẫn nộ của người dân lúc này là khủng khiếp và ghê gớm, do vậy buộc họ phải công bố Formosa là thủ phạm. Song họ sẽ nương nhẹ hoặc sẽ tìm một cái cớ mào đó để làm giảm nhẹ lòng dân đang bức xúc, vì thảm họa môi trường này nó quá lớn ».

B./ Truy tìm tòng phạm.

Ngày 01.08.2016, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, khi tiếp xúc với dân chúng ở Sài Gòn, đã cam kết sẽ mở cuộc điều tra sâu rộng để tìm hiểu những sai phạm của công ty Formosa, và hứa sẽ đưa tất cả những tổ chức, cá nhân có liên quan ra tòa xét xử. Ông cũng nói tới việc vừa phát hiện việc công ty này chôn chất thải ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh và ở Đồng Nai, mà chính phủ đang điều tra và sẽ xử lý nghiêm nhặt.

Chủ tịch nước Trần Ðại Quang bật đèn xanh? Nói đến điều này, nhiều đồng bào nghĩ ngay đến đồng chí Võ Kim Cự như là con chốt trong là tín hiệu thí chốt. Tuy nhiên, con chốt này đe dọa không để bị ‘thí’ mà không khai các lãnh đảng và nhà nước, kể cả đồng chí Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy nhiên, chúng ta luôn nhớ lời ông Thiệu ‘Ðừng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm’. Khi người Sài gòn khám phá ra sự tàn bạo của cộng sản sau ngày 30.04.1975, họ bắt đầu nhận thức ‘Ông Thiệu nói 10 câu thì chín sai chỉ có một đúng là ‘Ðừng tin … cộng sản làm’. Ông Hồ nói 10 câu thì chín đúng chỉ có một sai ‘Không gì quý hơn Ðộc lập, Tự do’. Có kẻ ‘tếu’ hơn đề nghị ‘Không gì quý hơn Ðộc lập, Tự do và không cộng sản’.

Hà Minh Thảo
 
Văn Hóa
Nền văn minh tình liên đới
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:04 06/08/2016
Nền văn minh tình liên đới

Từ ngày 05. đến 21. Tháng Tám 2016 diễn ra các cuộc tranh tài thể thao thế vận hội Olympia mùa Hè lần thứ 31. ở Rio de Janeiro bên nước Brazil, Nam Mỹ

Các nước trên thế giới được kêu mời gửi các người chơi thể thao chuyên nghiệp tham dự cuộc tranh tài.

Hàng ngàn Vận động viên thể thao từ 206 quốc gia đất nước trên khắp 05 châu lục được cử đến tham dự các cuộc tranh tài thi đấu Olympia mùa Hè 2016 ở Rio de Janeiro.

Thể thao và đời sống cùng với niềm tin tôn giáo có liên quan với nhau không?

1. Lịch sử Olympia

Ngay từ thời thượng cổ năm vào khoảng 776 / 775 trước Chúa giáng sinh (v. Chr.) đã có hội lễ thể thao Olympia kính thờ thần Zeus bên Hy lạp, như sử sách còn ghi chép để lại.

Những cuộc tranh tài lễ hội Olympia được tổ chức cứ bốn năm một lần cho tới thế kỷ thứ ba sau Chúa giáng sinh. Vào năm 394 n.Chr. Hoàng Đế Theodosius I. ra chiếu chỉ cấm hẳn những sinh hoạt lễ hội Olympia. Từ thời điểm đó không còn lễ hội thể thao Olympia nữa.

Ðến năm 1894 Pierre Baron de Coubertin, người Pháp, đã đưa ý kiến làm sống lại truyền thống thể thao Olympia. Thế vận hội Olympia mùa Hè lần đầu được tổ chức ở thành phố Athena bên Hylạp năm 1896.

Các cuộc tranh tài thể thao Olympia được tổ chức cho hai loại thể thao mùa Ðông và mùa Hè khác nhau. Cách bốn năm lễ hội thể thao Olympia được tổ chức ở một địa điểm tùy theo ban tổ chức Olympia thế giới chọn quyết định.

Ngay từ lúc bắt đầu trong thời gian lễ hội Olympia được tổ chức, không chỉ có các cuộc tranh tài thể thao, nhưng còn có những lễ hội khác như ca nhạc, như rước kiệu tôn kính thần thánh. Nên mọi hình thức chiến tranh gây hấn thù địch nhau trong thời gian Olympia phải ngừng nghỉ.

Hòa bình là mục tiêu Olympia muốn loan truyền xây dựng trong cuộc sống con người với nhau.

Các vận động viên thể thao tham dự các cuộc tranh tài không chỉ dành phần thắng lợi, nhưng họ còn phải có một đời sống biểu lộ niềm vui tươi trên khuôn mặt.

Lễ hội tranh tài thể thao Olympia được tổ chức để khuyến khích mọi người luyện tập cho thân thể được khỏe mạnh dẻo dai cường tráng.

Trong khi tranh tài thi đua sự chân thành, cao thượng là đức tính cao cả được đề cao.

Và qua các cuộc gặp gỡ tranh tài thể thao, ca hát trình diễn văn hóa, con người hiểu biết nhau hơn cùng xây dựng với nhau tình bằng hữu.

Ngày nay khi lễ hội thể thao Olympia được khai mạc, lá cờ mầu trắng Olympia được kéo lên trong suốt thời gian tranh tài Olympia.

Trên lá cờ Olympia có hình năm vòng tròn in hay thêu nằm sát cạnh đan chéo một phần góc lên nhau. Ðiều này nói lên nếp sống văn hóa tình liên kết cùng chung sống của con người khắp năm châu bốn bể trên thế giới.

Năm vòng tròn tượng trưng cho năm Châu lục: Úc châu, Á châu, Phi châu, Âu châu và Mỹ châu với năm mầu khác nhau: Xanh da trời, Vàng, Ðen, Xanh lá cây và Đỏ. Năm mầu này chỉ là tượng trưng cho đẹp thôi.

2. Ngọn lửa Olympia

Không chỉ lá cờ Olympia với năm vòng tròn tượng trưng cho năm châu lục được long trọng kéo lên trên sân vận động Olympia, nhưng ngọn lửa Olympia cũng được rước vào khai mạc và đốt cháy sáng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội thể thao Olympia.

Ngọn Lửa Olympia được lấy trực tiếp từ mặt trời ở tại chính vận động trường Olympia ngày xưa đã diễn ra Olympia lần đầu tiên bên Hylap. Ðây là một vận động trường nhỏ ngày xưa thời thượng cổ xây có sân vận động, có nhiều ngôi đền thờ trong khuôn viên để tôn kính thần Zeus.

Bây giờ khu vận động trường Olympia lịch sử chỉ còn lại những tàn tích đổ nát. Và cứ gần tới lễ hội Olympia được tổ chức nơi đâu trên thế giới, lại có lễ lấy lửa Olympia từ sân vận động Olympia ngày xưa bên Hy lạp. Ngọn lửa đó được gìn giữ rước vòng quanh các nước, các thành phố cho tới ngày khai mạc Olympia rước vào vận động trường nơi tổ chức Olympia.

3. Olympia và đời sống đức tin

Lễ hội thể thao Olympia có những cuộc thi đua tranh tài các bộ môn thể thao. Người thay đội tuyển hắng cuộc được tưởng thưởng hạng nhất bằng Huy chương vàng, hạng nhì Huy chương bạc và hạng ba Huy chương đồng. Tranh tài thuộc về quy luật trong đời sống. Có thế cuộc sống mới phát triển, mới trăm hoa đua nở! Nhưng phải trong tinh thần cao thượng thể thao, tôn trọng sự chân thật.

Thành tích thi đua ở lễ hội thể thao Olympia được tóm tắt trong khẩu hiệi:

Citius – Altius – Fortius – Nhanh hơn – Cao hơn và khoẻ mạnh dẻo dai hơn!

Thánh Phaolô viết nhắn nhủ: “ Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng không bao giờ hư nát.” (1Cor 9,24-25).

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 3-8-2016, Đức Thánh Cha Phanxico có tâm tình hướng về Olympia lần 31. ở Rio de Janeiro:

"Giờ đây tôi muốn gửi lời chào thân ái đến nhân dân Brazil, đặc biệt là dân thành Rio de Janeiro, đang đón tiếp các vận động viên và những người hâm mộ đến từ các nơi trên thế giới, nhân dịp thế vận hội Olimpia.

Trong một thế giới khao khát hòa bình, bao dung và hòa giải, tôi cầu mong tinh thần các cuộc tranh tài thế vận Olimpia có thể gợi hứng cho tất cả mọi người, các tham dự viên cũng như các khán giả, chiến đấu ”một cuộc chiến tốt đẹp” và cùng nhau kết thúc cuộc chạy đua (Xc 2 Tm 4,7-8), mong ước đạt được một phần thưởng, không phải là một huy chương, nhưng là một cái gì quí giá hơn nhiều: đó là thực hiện một nền văn minh trong đó có tình liên đới hiển trị, dựa trên sự nhìn nhận rằng tất cả chúng ta là thành phần của một gia đình nhân loại duy nhất, bất luận những khác biệt về văn hóa, màu da hoặc tôn giáo.

Và đối với nhân dân Brazil, đang tổ chức lễ hội thể thao này trong tinh thần vui tươi và lòng hiếu khách đặc thù, tôi cầu chúc cho lễ hội này là một cơ hội để vượt tháng những thời điểm khó khăn và dấn thân trong ”hoạt động đồng đội” để xây dựng một đất nước công bằng và an ninh hơn, nhắm đến một tương lai đầy hy vọng và vui tươi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!”. ( Vietcatholic 4.8.2016)

Mùa Kiết Hạ 08.2016
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Krakow Ba Lan : Thánh địa Lòng Chúa Thương Xót
Đinh Văn Tiến Hùng
13:34 06/08/2016
Krakow Ba Lan: Thánh Địa LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
( ĐGH Phanxicô chủ sự Đại Hội Giới Trẻ Thế giới lần 31 từ 27-31/7/16 )

*”Tiếng gọi của Tình yêu đã cuốn hút chúng ta và biến đổi đời sống chúng ta, để từ đó chúng ta từ bỏ mọi thứ, theo lời mời gọi của Ngài, cất bước theo Ngài.”

Rừng người qui tụ về đây,
Con tim rạo rực dâng đầy mến thương,
Triệu người đến từ muôn phương,
Đón nhận chân lý con đường Tình yêu.

-Krakow Ba Lan !
Thánh Địa Lòng Chúa Thương Xót !
Những đám mây trôi dạt về đâu, mở rộng vòm trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ, đón chào hàng triệu con tim sôi động từ muôn phương tràn về Khai Hội Tình yêu mang chủ đề “ Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được xót thương “.

-Các nữ tu dòng Faustina vũ điệu nhịp nhàng thanh thoát quanh ảnh Chúa mến thương bên bờ cát vàng, cuốn hút khách hành hương nhập hội luân vũ trong tiếng nhạc trùng dương reo gọi.

-Sân bay Krakow tràn ngập đoàn người với rừng cờ, sắc áo muôn màu nhộn nhịp ca hát reo vui át cả tiếng nhạc chào đón, khi Vị Chủ Chiên Giáo Hội Hoàn Vũ từ phi cơ bước xuống.

-Tu viện Đức Me Dâng Chúa- Viện tu Jasna Gora- Nguyện đường Đức Mẹ Đen bừng lên sức sống linh thánh khác thường- Kỷ niệm 1050 đất nước Ba Lan gia nhập Giáo Hội Công Giáo Hoàn Cầu.

-Vị Giáo Hoàng áo trắng nổi bật giữa khung cảnh vắng lặng u buồn Trại Tử Thần Auschwitz. Khi Ngài vừa bước qua cổng mang hàng chữ man rợ ‘ Arbeith Marcht Frei : Lao động giải phóng con người ‘, các giáo sĩ Do Thái cất giọng trầm buồn bằng tiếng Hebreux bài Thánh Vịnh Vực Sâu :’Trong cậy Chúa đi, Israel hỡi ! Bởi Chúa luôn từ ái. Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa !...Giáo Hoàng quì gối thầm lặng cầu nguyện cho những sinh linh oan nghiệt. Ôi địa ngục trần gian ! Ôi lò sát sinh con người như muông thú ! Xin đừng tái diễn trò chơi ngụy danh khoa học thử nghiệm con người !

-Thánh Giá là biểu tượng linh thánh nhất Kitô giáo.
Xưa Chúa Giêsu vác thập giá lên đồi Ca-ve chịu chết cứu chuộc loài người.
Giờ đây chúng con vác Thánh Giá theo bước chân Ngài trong tâm tình Thống hối- Yêu thương- Cảm tạ.
Từng nhóm chia nhau vác Thánh Giá cung kính thầm lặng cầu nguyện theo lời dẫn giải trên mỗi chặng đường khổ nạn của Chúa, phù hợp với đời sống trần thế ngày nay.

-Đêm Canh Thức nơi ‘Cánh Đồng Tình Thương’, sau những màn trình diễn văn nghệ sôi động hào hứng,
dưới triệu ánh đèn lung linh soi những khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt tin yêu.
Chứng từ cuộc sống của 3 bạn trẻ Ba Lan, Syria, Paraguay gây xúc động lòng người.
Diễn từ của ĐTC Phanxicô thân thương cảm hóa tâm hồn :
“Hôm nay Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống đang kêu gọi các con, ghi lại dấu ấn của các con trên lịch sử. Người là Đấng Sự Sống đang yêu cầu mỗi người các con để lại dấu ấn, mang lại Sự Sống cho chính lịch sử của mình và lịch sử của nhiều người khác.
Đấng là Sự Sống đang yêu cầu các con từ bỏ con đường báng bổ, chia rẽ và trống rỗng. Các con có làm được điều này không ? Bằng bàn tay, bàn chân các con sẽ có câu trả lời nào cho Chúa, Đấng là Đường,
là Sự Thật, là Sự Sống.”

-Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 31, qui tụ 3 triệu người đến từ 187 quốc gia, nối kết tình thân ái giữa các Bạn Trẻ từ các châu lục đổ về. Qua những ngày đầm ấm bên nhau, rồi cũng phải chia tay với những xiết tay, những vòng ôm chân tình, ánh mắt rưng rưng… Mỗi người thự nhủ mình : Hãy đem về tình thương yêu chia sẻ với các bạn không được may về đây hội ngộ.
Giờ chia tay tại phi trường Balice, Krakow, với sự hiện diện của Tổng Thống Ba Lan và các viên chức cao cấp chính quyền, tôn giáo, đoàn thể, các bạn trẻ, dân chúng chào tiễn biệt. Trời bỗng đổ mưa buồn trong tiếng quân nhạc tiễn đưa.
Do Widzenia ! Tạm biệt ! Tạm biệt !
Từ biệt Ba Lan Đất nước hiền hòa nhân ái !
Hẹn gặp lại nhau năm 2019 tại Quốc gia nhỏ bé Kinh đào Panama.

Giã từ Đất Nước hiền hòa,
Mang về dấu ấn nở hoa muôn lòng,
Ba năm ta hãy chờ trông,
Nơi Chân Trời Mới Vầng Đông đón chào.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG