Ngày 08-08-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trên biển đời
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
18:11 08/08/2017
Chúa Nhật 19 Thường niên A

Trong cuộc xuất hành của dân Do thái từ Ai cập về Đất Hứa, có một phép lạ lớn lao trên biển. Đó là phép lạ vượt qua Biển đỏ. Khi dân Do thái rời bỏ Ai cập đến Biển Đỏ thì quân Ai cập đuổi theo sát phía sau lưng. Được lệnh Thiên Chúa, ông Môsê giơ tay trên biển làm cuồng phong nổi lên, nước biển liền rẽ ra làm hai để lộ đất khô ráo, dân Do thái đi vào lòng biển khô cạn, quân Ai cập đuổi theo. Đến sáng, khi người Do thái cuối cùng đi sang bờ bên kia. Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê giơ tay trên biển, nước trở lại như cũ. Quân Ai cập bị nhấn chìm trong biển, chết không còn một ai sống sót. Ngày đó, Thiên Chúa đã cứu dân Do thái thoát khỏi dân Ai cập. Đó là một phép lạ lớn lao Thiên Chúa đã làm trên biển. Phúc Âm hôm nay kể một phép lạ Chúa Giêsu làm trên biển. Đó là biển hồ Galilê.

Biển hồ Galilê có hình bầu dục dài 21km rộng 12km, còn được gọi là hồ “Giênêzarét” (Lc5,1). Thánh kinh cựu ước gọi là biển “Kinnerét” (Ds 34,11; Gs 12,13) hay còn gọi là “biển Tibêria” (Ga 6,1). Tibêria hiện nay là một thành phố sầm uất ở Galilê, nằm trên bờ tây nam biển hồ. Nằm về hướng bắc Giêrusalem 100Km, biển hồ Galilê là nơi mà dòng sông Jordan đổ vào trước khi chảy qua biển Chết. Thung lũng và sông Jordan mang một sắc thái địa lý rất đặc biệt, duy nhất trên thế giới vì thấp hơn mực nước biển:208 mét tại biển hồ Galilê và 300 mét tại biển Chết. Thực vật ở đây thuộc dạng nhiệt đới, chung quanh biển hồ núi non bao phủ, lẫn vào con sông Jordan, thời tiết bất thường ở miền đất từ miền nam đến biển Chết, đó là những yếu tố hình thành những vùng gió giật và giông bão xảy ra bất ngờ trên biển hồ (Mt 8,23-27; 14,22-23).

Đối với Tân ước, biển hồ Galilê được nói đến nhiều vì là một trong những trung tâm hoạt động của Chúa Giêsu. Rất nhiều biến cố đã xảy ra tại đây: Bão tố ngừng lại (Mt 8,24-26), Mẻ lưới kỳ diệu (Lc 5,4-14), Đức Giêsu rảo trên thuyền (Mc 4,1), đi trên biển (Ga 6,16-21). Những thành ven bờ hồ như Khôrazin, Bếtsaiba, Caphanaum, Magđala là những nơi Chúa Giêsu thường lui tới, qua nhiều thế kỷ, biển hồ Galilê được gọi dưới nhiều tên: Hồ Kinnêzét, hồ Giênêsarét, và biển hồ Tibêria.

Biển hồ và những vùng lân cận, có rất nhiều di tích liên hệ đến cuộc đời của Chúa và các môn đệ Ngài. Galilê là vùng có núi đồi khô cằn, nhưng các thung lũng phì nhiêu trải dài từ biển Địa trung Hải cho đến biển hồ Galilê. Chính trong các thung lũng này đã hình thành nhiều đồn điền trái cây nổi tiếng đem lại nguồn lợi xuất khẩu. Vào năm 1960, biển hồ là điểm xuất phát cho ngày quốc gia tưới tiêu, chính quyền Israel cho đào một con kênh lớn dẫn nước từ tận biển hồ đến sa mạc Negew. Công trình thuỷ lợi mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho một nước mà địa dư, khí hậu đa phần được xem là không mấy thuận lợi. Nhiều nước trên thế giới đã gởi người tới học tập.

Trở lại bài Phúc âm, Thánh Matthêu kể chuyện: trên Biển hồ Galilê, khi có trận cuồng phong từ thung lũng Baka thổi vào thì tất cả các ngư phủ vốn quá quen đi thuyền ngang dọc trên biển hồ cũng phải sợ hãi. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Vậy mà đêm hôm đó họ đã trải qua một phen hải hùng, sóng to nổi lên, gió lớn thổi ngược, phải chống chèo rất vất vả các ông mới giữ vững được con thuyền. Và rồi đã xảy ra một sự kiện bất ngờ. Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ. Vốn đã khiếp đảm vì biển động sóng gió, các môn đệ nay hoảng sợ la lên vì họ tưởng là gặp ma. Thế nhưng khi nghe tiếng nói quen thuộc trấn an : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, các ông mới nhận ra Chúa, lập tức Phêrô xin phép đi trên mặt nước đến gặp Chúa. Chúa bằng lòng. Phêrô bước ra khỏi thuyền đến với Chúa, nhưng đức tin của ông còn yếu kém, ông hồ nghi và lo sợ nên bị chìm dần xuống nên kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đưa tay cầm lấy tay ông và trách nhẹ : “Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi ?”. Khi Chúa và Phêrô đã lên thuyền, sóng gió liền yên lặng và mọi người tuyên xưng : “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa”.

Tuần vừa rồi, tôi đi thăm các gia đình giáo dân trong giáo xứ. Tôi đi với hai ông trong hội đồng mục vụ. Đến cổng một gia đình, có con chó to sủa lớn xông ra như muốn vồ lấy. Chúng tôi hoảng sợ đứng im. Bé Hoa 6 tuổi từ trong nhà chạy ra, bé nạt con chó: lu lu, đi vô mau. Con chó to hung dữ bỗng ve vẫy đuôi, trở lại hiền lành chạy vào nhà. Con chó to vậy mà nghe lời cô gái nhỏ vì bé Hoa là chủ của nó. Còn tôi và mấy ông tuy to con nhưng không phải chủ nó nên nó chẳng sợ mà còn định nhảy vào cắn. Hôm đó tôi miên man nghĩ về câu chuyện Phúc âm Chúa Nhật này. Các môn đệ sợ hãi trước sóng to gió lớn bão tố sấm sét. Chúa Giêsu ra lệnh: hãy im đi, tức thì sóng yên biển lặng. Chúa Giêsu có quyền trên mọi sức mạnh thiên nhiên vì Người là Thiên Chúa sáng tạo, là chủ muôn loài.
Cả hai phép lạ: vượt qua Biển đỏ, Chúa Giêsu đi trên biển có một điểm giống nhau, đó là quyền năng Thiên Chúa trên mọi sức mạnh thiên nhiên.

Trên biển đời, có biết bao bão tố phong ba bủa vây, tin vào Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài, chúng ta sẽ sống bình an trước mọi giông bão cuộc đời. Hãy vững tin và tín thác nơi Chúa Giêsu.

1. Sự hiện diện của Chúa Giêsu, nguồn bình an

Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng yên lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức mang lại yên tĩnh và chế ngự phong ba bão táp. Biển theo nghĩa Kinh thánh tượng trưng cho quyền lực của sự ác. Đi trên biển chứng tỏ quyền năng và sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ, nguồn gốc của bất an, chia rẽ, đau khổ
.
Nhiều người Kitô hữu thờ phượng Thiên Chúa nhưng vẫn còn lo lắng, sợ hãi tà thần ma quỷ, nhiều khi còn mê tín dị đoan nữa. Hãy tin tưởng rằng: quyền lực của bóng tối không có gì đáng sợ khi Chúa đã hiện diện và hoạt động trong đời sống và công việc làm của chúng ta. Nếu biết lắng nghe, trong giông bão cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra tiếng Chúa “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Nếu chúng ta tin tưởng vào lời Chúa hứa thì sự hiện diện của Chúa sẽ làm bão tố êm dịu và khủng hoảng được giải quyết (Pl 4,13).

Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có bình an. Cuộc đời người Kitô hữu không thể tránh khỏi những phong ba giông bão của cuộc sống. Cần phải đến với Chúa Giêsu. Nếu biết đặt Người ở trung tâm đời mình thì sẽ tìm kiếm được an bình nội tâm, cho dù có gặp biết bao gian truân thử thách. Chúa Giêsu hiện diện ngay trong cuộc sống của Kitô hữu nếu mọi người biết đến với Người qua việc nghe, thực thi lời Người, đón nhận Mình Máu Thánh Người và siêng năng cầu nguyện với Người.

2. Tín thác cuộc đời trong tay Chúa Giêsu

Các môn đệ vì sợ hãi sóng gió bủa vây nên không nhận ra Chúa Giêsu, ngộ nhận Người là ma. Chúa Giêsu trấn an họ: “Thầy đây, đừng sợ”. Hơn cả một lời trấn an, đây còn là một mạc khải : sự hiện diện của Chúa sẽ xua đi mọi nỗi sợ hãi; hãy tín thác cuộc đời trong tay Người. Khi Người xuất hiện thì gió yên biển lặng ; khi Người có mặt thì có sự bình an. Chính vì thế mà các môn đệ đã thờ lạy Người : Thầy quả thật là Con Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này đồng thời cũng là lời biểu lộ một sự tín thác nơi Người. Tất cả mọi người trên thuyền cùng tuyên xưng một đức tin, cùng chung một lòng trông cậy. Một tỉ lệ thuận ngàn năm bất biến: tín thác vào Chúa, bình an tâm hồn.

Trong cuộc sống của mỗi người, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cần được thanh luyện và minh chứng qua thử thách gian nan. Nếu biết yêu mến và tín thác vào Chúa, thì càng khó khăn vất vả, càng vươn lên mạnh mẽ trong đức tin, luôn có được bình an nội tâm. Mọi gian nan thử thách đều trở nên tốt đẹp, hữu ích cho những ai yêu mến Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,
Con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô, nhưng nhiều khi con cảm thấy sống đức tin
giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng
về Chúa. Amen (Mana).




 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:17 08/08/2017
92. NÓI KHOÁC LÒI RA CÁI XẤU
Có một nông dân thường hay nói khoác, nói rằng tất cả các thứ sơn hào hải vị trên thế gian mình đã ăn qua, có người hỏi:
- “Anh đã ăn món yến sào chưa ?“
Người ấy lớn tiếng thoá mạ:
- “Thối mồm, cái đó để cho mày ăn !”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 92:
Yến sào là món ăn của nhà vua, hay ít nữa là của các nhà quý tộc cở “công tử Bạc Liêu” hoặc các đại gia thời nay đi xe trăm tỷ mới dám bỏ tiền ra mua ăn, khoe mình đã ăn tất cả các thứ sơn hào hải vị mà không biết đến món yến sào, thì đúng là ếch ngồi đáy giếng và khoác lác vậy.
Người Pha-ri-siêu và các thầy thông luật đã khoe khoang là mình đã thuộc làu làu lề luật của Thiên Chúa và tuân giữ từng nét từng chữ, nhưng luật căn bản nhất của lề luật là bác ái mà các ông cũng không biết (Lc 10, 29-35), thật là đáng tiếc cho họ vậy.
Có một vài thanh niên tôi mời họ đến nhà thờ tham dự giáo lý dành cho người lớn, họ cười và nói với tôi:
- “Tụi con giáo lý thuộc làu làu từ lúc nhỏ, đến bây giờ vẫn còn nhớ không quên, cho nên khỏi cần đi học lại giáo lý”.
Tôi vừa cười vừa hỏi lại:
- “Vậy thì Chúa Thánh Thần là ai ?”
Họ trả lời rất “oai”:
- “Chúa Thánh Thần là thiên thần mà Thiên Chúa đã dựng nên...”
Thật tội nghiệp cho họ không biết tí gì về giáo lý cả, vậy mà vẫn cứ khoác lác.
Món ăn của người nông dân trên đây thì không bao giờ có yến sào, và người nông dân ấy cũng không biết yến sào là món gì cả nên thoá mạ người khác.
Tất cả những người Ki-tô hữu đều biết lề luật của Chúa đều ở trong hai điều là kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận, cần phải thực hành chứ không phải chỉ là thuộc lòng. Giáo lý của đạo Công Giáo không phải chỉ là thuộc lòng mấy điều đã học từ nhỏ, nhưng chính là đào sâu và thực hành mỗi ngày trong cuộc sống của mình về những điều mà mình đã tin đã nghe và đã biết.
Khoác lác thường bày ra cái đuôi, cái đuôi đó là sự dốt nát và kiêu ngạo.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:19 08/08/2017

25. Chúng ta cần phải suy gẫm cầu nguyện để bồi dưỡng linh hồn, bởi vì suy gẫm cầu nguyện là lương thực của linh hồn.

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TV Thời sự Giáo hội và Thế giới Hôm nay - Chúa Nhật 06 08 2017
VietCatholic Network
10:42 08/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô.

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1. Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 6 tháng 8.

2. ĐHY Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tái khẳng định lập trường Tòa Thánh về Jerusalem.

3. Thông cáo của Tòa Thánh về tình hình ở Venezuela.

4. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Hiệp Sĩ Colombo.

5. Chủ Tịch Hội Đồng GMHK kêu gọi TT Trump nhanh chóng làm dịu nhẹ luật buộc ngừa thai.

6. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi Quốc Hội loại bỏ luật di trú phân biệt đối xử.

8. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc kêu gọi hiệp ước hòa bình.

9. Đức Cha Nguyễn Thái Hợp phát biểu tại Quốc hội Đài Loan ngày 4/8.

10. Đại Hội Giới Trẻ Á Châu đã khai mạc: Người trẻ trong sứ mệnh đồng cảm và cộng tác.

11. Giới thiệu thánh ca: Thập Giá Tình Yêu.

Sau đây là phần tin chi tiết:
 
Mục sự Franklin Graham nói rằng việc cấm dùng Danh Thánh Giêsu ở các trường công lập là một sự ngu dại
Giuse Thẩm Nguyễn
09:34 08/08/2017
(Cnsnews.com ) Bình luận về một đề nghị ở tiểu bang Queensland, nướu Úc là cấm dùng Danh Thánh Giêsu ở tất cả các trường công lập ở tiểu bang này, ngay cả trên thiệp mừng Giáng Sinh, mục sự Franklin Graham, Chủ Tịch của hội Người Samari Hoa Kỳ nói rằng quả là xấu hổ và điều này sẽ không thể xóa bỏ đi sự thật là Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và chung cuộc là mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Danh Người.

Trên trang mạng xã hội vào ngày 4 tháng Tám, Mục sư Graham nói “Cấm dùng một tên cao trọng trên hết mọi tên ư? Tiểu bang Queensland, nước Úc đang đề nghị một biện pháp ngăn cấm việc dùng danh thánh Giêsu, gồm cả thiệp chúc Giáng sinh, tại các trường công lập. Đề nghị này quả là điên rồi, đáng xấu hổ biết bao.”

Mục sư cho biết Bộ Giáo Dục Tiểu Bang nại lý do rằng “ họ sợ những em học sinh không tôn giáo sẽ cảm thấy bị buộc phải quan tâm đến niềm tin của những em theo Kitô giáo.”

“Chủ nghĩa vô thần dường như đang dành ưu thế ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng việc ngăn cấm danh thánh Giêsu sẽ không thay đổi được sự thật rằng Ngài là Con Thiên Chúa và tới một ngày mọi người sẽ phải chấp nhận sự thật đó. Kinh Thánh nói rằng “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa".

Mục sư Graham kêu gọi mọi người tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội ở Úc Châu và cùng mạnh mẽ đứng lên để làm cho biện phát cấm cản này sẽ bị thất bại.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Vatican bổ nhiệm Sứ thần Tòa Thánh đầu tiên tại Myanmar - Miến Điện
Chân Phương
10:38 08/08/2017
Chính phủ Myanmar vừa chấp thuận để Vatican bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Liên bang Myanmar (Miến Điện).

Thỏa thuận này là kết quả của việc Myanmar và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ngay sau cuộc hội kiến giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn quốc gia Myanmar tại Vatican vào hôm 4 tháng 5 vừa qua.

Sau đó, Vatican tuyên bố rằng Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm một sứ thần tới Myanmar và sẽ nhận một đại sứ từ quốc gia Đông Nam Á này.

Đức Tổng Giám mục Tschang sinh ngày 30 tháng 10 năm 1949 tại Seoul (Nam Hàn), được thụ phong linh mục năm 1976 và được tấn phong giám mục năm 2003 tại Rôma.

Ngài gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh vào năm 1985 và từng phục vụ trong các Tòa Sứ thần tại El Salvador, Ethiopia, Syria, Pháp, Hy Lạp và Bỉ với nhiều chức vụ khác nhau cho đến năm 2002.

Ngài làm Sứ thần tại Bangladesh từ năm 2003-2007 và Uganda từ năm 2007-2012. Từ năm 2012 cho đến nay, ngài làm Sứ thần tại Thái Lan và Campuchia, kiêm Khâm sứ tại Myanmar và Lào.

Công Giáo là tôn giáo thiểu số ở Myanmar trong tổng số dân 51 triệu người mà phần lớn Phật giáo. Có khoảng 700.000 người Công Giáo do 16 giám mục, hơn 700 linh mục và 2.200 tu sĩ phục vụ tại nước này.

Đức Tổng Giám Mục Tschang làm Sứ thần Tòa Thánh tại Myanmar nhưng Tòa Sứ Thần vẫn đặt tại Bangkok, Thái Lan.

Các nguồn tin Công Giáo cao cấp nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ viếng thăm Myanmar vào ngày 27 tháng 11 sắp tới, trong bốn ngày đêm.

Cách đây hai tuần, theo các giáo sĩ hàng đầu chia sẻ thì Đức Thánh Cha dự kiến sẽ đến thủ đô Naypyidaw để hội kiến Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và lãnh đạo thực tế của nước này là Bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn Quốc gia kiêm Ngoại trưởng.

Người ta hy vọng rằng ngài sẽ cử hành ít nhất hai Thánh lễ ở đó trước khi đến thành phố Yangon lớn nhất và là trung tâm thương mại của quốc gia này để cử hành một Thánh lễ đại chúng ngoài trời, dự kiến ngài còn thăm viếng Đại Chủng viện Công Giáo Thánh Giuse ở Yangon.

Các vị giám mục Công Giáo đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến viếng thăm từ năm 2014 nhân lễ kỷ niệm 500 năm Công Giáo hiện diện ở Myanmar. (UCANews)

Chân Phương
 
Nicolás Maduro quay 179 độ với Tòa Thánh
Đặng Tự Do
17:27 08/08/2017
Hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã lên tiếng kêu gọi Venezuela đình chỉ việc triệu tập Quốc Hội Lập Hiến nhằm viết lại hiến pháp quốc gia. Phản ứng lại lời kêu gọi này Nicolás Maduro, nói Vatican đã chiều theo bạo lực “chống lại cách mạng Bolivaria, chính phủ hợp pháp của Venezuela và toàn dân Venezuela nói chung.”

Đây là lần đầu tiên Nicolás Maduro công khai bày tỏ thái độ bất mãn với Tòa Thánh.

Nói với đài phát thanh Á Căn Đình, Maduro nói “Tôi nghĩ rằng quan điểm của Đức Hồng Y Pietro Parolin về đất nước tôi thật là đáng tiếc.”

Maduro cho rằng vị Hồng Y cánh tay phải của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chiều theo bạo lực “chống lại cách mạng Bolivaria, chính phủ hợp pháp của Venezuela và toàn dân Venezuela nói chung.”

Y tố cáo hàng giáo phẩm tại Venezuela là “có truyền thống liên minh với những nhóm quyền thế, và đã phá hoại đất nước này gần một thế kỷ”. Maduro đã nói như trên với đài phát thanh Rebelde của Buenos Aires. Đây là một đài phát thanh ít được người ta biết đến.

Các giám mục Venezuela đã công khai phản đối việc thành lập Quốc Hội Lập Hiến. Các ngài coi đó là một hành động “bất hợp pháp và không hợp lệ” chống lại lợi ích cao nhất của nhân dân Venezuela.

Trước thông báo của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào hôm thứ Sáu tuần qua, Vatican luôn cố giữ một thái độ quân bình đối với tình hình tại Venezuela; trong khi các Giám Mục nước này tỏ ra thẳng thắn và quyết liệt hơn đối với chế độ phản dân hại nước của Maduro. Chế độ Maduro khai thác triệt để sự khác biệt này nhằm cáo buộc hàng giáo phẩm Venezuela là quá khích. Giờ đây, tuy công khai bày tỏ bày tỏ thái độ bất mãn với Tòa Thánh, Maduro cũng chỉ mới quay 179 độ, vẫn còn dành lại 1 độ cho Đức Giáo Hoàng.

Thật vậy, sau khi công kích Đức Hồng Y Pietro Parolin, Maduro nói thêm rằng “có một điều này, đó là, chúng tôi, những người Công Giáo, những người dân của Chúa Kitô; phân biệt một bên là Đức Thánh Cha Phanxicô như là người bảo vệ cho các dân tộc với sự khiêm tốn của ngài, và một bên hoàn toàn khác là hệ thống quan liêu của ngành ngoại giao Tòa Thánh”
 
Tuyên ngôn cuả Giới trẻ Công giáo châu Á: “Chúng tôi sẽ đối mặt với những thách thức của thiên niên kỷ để truyền bá Tin Mừng”
Trần Mạnh Trác
17:28 08/08/2017
Yogyakarta (Agenzia Fides, Thứ ba 8 tháng 8, 2017) - “Việc sống đức tin Công Giáo đang gặp nhiều vấn đề và thách thức và sống trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa đang có ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người chúng tôi. Tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng đã phát sinh ra chủ nghĩa tiêu thụ, gây ra nạn nghiện ngập, xoá mờ các nền văn hoá và làm mất đi bản sắc riêng của chúng tôi.” Là những điều được khẳng định trong bản tuyên ngôn cuối cùng của Ngày Giới trẻ châu Á lần thứ 7, tổ chức tại Học viện Không quân Dirgantara, Yogyakarta ở Indonesia từ ngày 31 tháng 7 đến 06 tháng tám.

“Chúng tôi không thể tránh việc hiện đại hóa - như đã viết trong báo cáo có tựa đề ‘Giới trẻ vui tươi cuả Châu Á: Sống Tin Mừng trong văn hoá đa nguyên cuả Châu Á’-“một số trong chúng tôi có thể cảm thấy thiếu tự tin trong cuộc sống đức tin. Do những áp lực phát sinh ra từ những bối cảnh xã hội bất khoan dung và đang cảm thấy bị bỏ lại ở phía sau, chúng tôi thiếu sự gần gũi với Thiên Chúa và những tạo vật của Ngài. Chúng tôi cảm thấy như không có đủ sự ủng hộ từ các thành phần khác trong xã hội. Vì vậy, là những thanh niên Công Giáo ở châu Á, chúng tôi cần có cơ hội và không gian để được lắng nghe và được chú ý.”

Bản tuyên ngôn tiếp tục rằng các thành viên AYD 7 có khả năng vượt qua thách thức. “Những phẩm chất sau đây đang đóng một vai trò quan trọng để duy trì sự liên tục của đức tin Công Giáo của giới trẻ. Là người trẻ chúng tôi được Chuá Thánh Linh tác động mạnh mẽ và hun nóng ngọn lửa truyền bá Tin Mừng trong thế giới đa văn hóa này. Chúng tôi là nhà những người đi tiên phong. Chúng tôi có lớp áo giáp là tài năng của chúng tôi, là lòng dũng cảm, lòng trắc ẩn và sự quyết tâm. Những phẩm chất này là những tài sản cần thiết giúp cho xã hội đáp ứng được những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt. ”

Nhắc lại cảm tưởng cuả những người trẻ Công Giáo trong cuộc gặp gỡ với hơn 100 thanh niên Hồi giáo mới đây:“Những cuộc gặp gỡ đa văn hóa giúp mhư thế giúp chúng tôi nhận thức về đức tin của chúng tôi trong một ánh sáng mới. Nó lan toả ngọn lửa đam mê của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng thông qua Chúa Thánh Thần, chúng tôi sẽ có thể đốt sáng thế giới.”

Tuy nhiên, những người trẻ Công Giáo nói thêm rằng lửa đó nếu không được hướng dẫn có thể trở nên không thể kiểm soát và làm hại đến người khác. “Như vậy, điều quan trọng là cần có sự giúp đỡ để hoàn thiện các kỹ năng và sử dụng chúng vào những việc tốt.” Những người trẻ Công Giáo yêu cầu sự giúp đỡ từ các bậc linh hướng bằng cách "nêu gương tốt và giúp chúng tôi nhận ra rằng niềm đam mê của chúng tôi có thể trở nên hữu ích.”

“Chúa Giêsu dạy chúng tôi yêu thương vô điều kiện. Chúng tôi cũng muốn sống làm chứng cho cùng một tình yêu mà Ngài đã tỏ lộ. Điều này bao gồm việc chăm sóc cho ngôi nhà chung theo lời kêu gọi của thông điệp Laudato Sii. Chúng tôi sẽ đi ra ngoài để giao tiếp với người khác ở nơi cuả họ, và tìm cách hiểu sâu hơn về nền văn hóa của họ. Chúng tôi sẽ đóng những vai trò hỗ trợ và tác động cho sự đoàn kết, tạo ra một cầu nối để yêu thương và tôn trọng những nền văn hóa khác nhau “.

Bản tuyên ngôn khẳng định và kết luận:“Ngoài ra, kể từ khi công nghệ và truyền thông xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống những người trẻ, chúng tôi sẽ sử dụng những công cụ này một cách có trách nhiệm để tán dương những điều tích cực và sự tốt lành chứ không phải là những điều tiêu cực và sự thù hận, để chia sẻ lời Chúa và truyền cảm hứng cho những người khác. "
 
Đức Thánh Cha kêu gọi nhân dân Peru kiến tạo hiệp nhất
LM. Trần Đức Anh OP
20:19 08/08/2017
VATICAN. Để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ngài tại Peru vào năm tới, ĐTC Phanxicô kêu gọi nhân dân nước này noi gương các thánh người Peru, kiến tạo sự hiệp nhất tại nơi nào có chia rẽ.

Trong sứ điệp Video được tòa TGM thủ đô Lima phổ biến, ĐTC nói: ”Anh chị em có nhiều vị thánh, các vị đại thánh, đã ghi đậm nét tại Mỹ Châu la tinh, đã xây dựng Giáo Hội, và đã kiến tạo hiệp nhất trong những tình trạng chia rẽ, đã hoạt động không biết mệt mỏi để đưa những người bị phân tán đoàn tụ với nhau. Mỗi tín hữu Kitô cũng phải bước theo con đường đó”.

ĐTC nhận xét rằng có thể có một số người mong ước hiệp nhất, nhưng lại nhìn về tương lai với sự hoài nghi và có thái độ cay đắng, nhưng các tín hữu Kitô không được có thái độ như vậy. Một Kitô hữu hướng nhìn về hy vọng vì họ tin là sẽ đạt được điều Chúa hứa”.

Hồi tháng 6 năm nay, Phòng báo chí Tòa Thánh đã thông báo: ĐTC sẽ viếng thăm Chile và Peru từ ngày 15 đến 21 tháng giêng năm 2018. Ngài sẽ viếng Chile từ 15 đến 18-1, dừng lại tại các thành phố Santiago, Temuco và Iquique. Sau đó ĐTC bay lên Peru để thăm từ ngày 18 đến 21-1, và sẽ dừng lại tại thủ đô Lima, Puerto Maldonado và Trujillo.

Video sứ điệp của ĐTC được ĐHY Juan Luis Cipriani, TGM Lima, thu hình trong cuộc viếng thăm mới đây tại Vatican. Trong băng này, ĐTC đứng cạnh tượng thánh Martino de Porres, vị thánh rất được nhân dân Peru kính mến.

Giáo Hội Peru còn có thánh Rosa de Lima, thành Juan Marcias (CNS 7-8-2017)
 
Đi bộ 150 cây số kỷ niệm chân phước Oscar Romero 100 tuổi
LM. Trần Đức Anh OP
20:23 08/08/2017
SAN SALVADOR. Nhiều người El Salvador sẽ tham dự cuộc đi bộ 150 cây số trong 3 ngày để kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Chân phước TGM Oscar Romero.

Ngài là TGM giáo phận thủ đô San Salvador, nổi tiếng về các hoạt động bênh vực người nghèo và nhân quyền, bị đội quân tử thần của nhóm cực hữu sát hại ngày 24-3 năm 1980 trong lúc cử hành thánh lễ tại nguyện đường một nhà thương ở ngoại ô San Salvador. Đức TGM Romero được phong chân phước ngày 23-5 năm 2015 tại thủ đô San Salvador trước sự tham dự của 250 ngàn tín hữu.

Các tham dự viên cuộc đi bộ tưởng niệm sắp tới sẽ khởi hành từ Nhà thờ chính tòa San Salvador ngày thứ sáu 11-8-2017 và sẽ đến thành phố Barrios ngày 13-8, nơi chân phước Oscar Romero sinh ra ngày 15-8 năm 1917.

Cuộc hành hương có chủ đề là ”Tiến bước đến nơi sinh của vị ngôn sứ”, và sẽ tiến qua 4 giáo phận là San Salvador, San Vicente, Santiago de Maria và San Miguel.

Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Đức TGM Romero sẽ được ĐHY Ricardo Ezzati, người Chile, Đặc Sứ của ĐTC, chủ tế tại Nhà Thờ Chính Tòa San Salvador.

Nhiều thánh lễ khác cũng sẽ được cử hành tại một số nơi ở El Salvador như thánh lễ ngày 12-8 tại giáo phận Santa Ana, do Đức TGM Leon Kalenga Badikebele, Sứ thần Tòa Thánh tại Congo, và ĐHY Gregorio Rosa Chavez, người cộng tác thân tín của Chân phước Romero sẽ trình bày về cuộc sống và sự nghiệp của thánh nhân (CNS 7-8-2017)
 
Ngày Quốc Tế Của Các Dân Tộc Bản Địa Trên Thế Giới kêu gọi tôn trọng nhân quyền và đất đai.
Giuse Thẩm Nguyễn
21:01 08/08/2017
Ngày Quốc Tế Của Các Dân Tộc Bản Địa Trên Thế Giới kêu gọi tôn trọng nhân quyền và đất đai.

(News.va) Tin Từ Madrid. Ngày 09 tháng Tám hằng năm là Ngày Quốc Tế Của Các Dân Tộc Bản Địa Trên Thế Giới. Thế giới chúng ta hiện có trên 370 triệu dân tộc bản địa sống trong 70 quốc gia, họ nói 5,000 loại ngôn ngữ khác nhau, cũng như có một nền văn hóa và khiến thức đóng góp làm thành lịch sử nhân loại.

Tuy nhiên những người anh chị em bản địa này là những người nghèo đói và dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 15% người nghèo trên thế giới và một phần ba những người rất đói rách với cuộc sống thô sơ nơi các vùng xa xôi hẻo lánh. Và điều tồi tệ hơn nữa là những năm gần đây do sự tăng nhanh của nền kinh tế hóa toàn cầu họ càng bị từ chối, bị phân biệt đối xử, bị lợi dụng, bị đẩy ra khỏi vùng đất quê hương của họ và bị ảnh hưởng do sự biến đổi khí hậu.

Tổ chức phi chính phủ của Công Giáo Tân Ban Nha Manos Unidas, đã nhiều năm tham gia vào việc bảo vệ và phát triển đời sống của những người bé mọn nhất này thì những khó khăn chính của dân số thế giới hiện này là ngoài những vị phạm về nhân quyền đối với dân bản địa, những kế hoạch kinh tế quy mô mới phát triển trên quê cha đất tổ của họ thường phá hủy môi trường thiên nhiên là nguồn sống của các dân tộc bản địa.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tòa Thánh giải thích rõ ý nghĩa lá thư của Đức Thánh Cha gửi cho một người đồng tính
Chân Phương
21:50 08/08/2017
Một nguồn tin của Vatican vừa xác nhận, lá thư chúc mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho cặp đồng tính nam liên quan đến việc làm phép rửa tội cho con nuôi của họ là một dạng thư xã giao thông thường (form letter) dành cho tất cả những ai viết thư đến Đức Thánh Cha.

Lá thư này không phải là sự công nhận mối kết hợp của người đồng tính nam, bởi vì có thể Đức Thánh Cha không hề biết rằng lá thư này sẽ gửi đến cho một cặp đôi đồng tính, vì mục đích của nó là gửi cho một cá nhân.

Sự việc là ông Tony Reis - một người cổ võ cho LGBT - và người bạn trai là David Harrad đã đăng trên Facebook hồi tháng Tư nói rằng họ đã gửi một lá thư tới Đức Thánh Cha để kể cho ngài biết là ba đứa con nuôi của họ đã được làm phép rửa tại một nhà thờ ở Curitiba, Brazil. Cặp đôi này còn cho biết đã nhận được một lá thư hồi âm chúc mừng, với chữ ký của Đức Ông Paolo Borgia từ Văn phòng Quốc vụ Khanh Vatican.

Lá thư được dịch sang tiếng Bồ Đào Nha, nói rằng Đức Thánh Cha "nhìn nhận và đánh giá cao" về việc làm phép rửa tội cho con cái, "bày tỏ sự trân trọng khi ông này đã chúc cho ngài có được những hoa trái tâm linh trong tác vụ làm Mục tử của Giáo Hội Hoàn Vũ".

Lá thư kết thúc: "Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chúc tốt đẹp đến ông ấy, nguyện xin cho gia đình của ông được dồi dào thánh ân, để có thể tiếp tục sống và trung thành với căn tính của người Kitô hữu, làm những người con tốt của Thiên Chúa, của Giáo Hội, và gửi cho họ một lời chúc lành từ Tòa Thánh, cũng xin họ không ngừng cầu nguyện cho ngài".

Cùng với lá thư bằng tiếng Bồ Đào Nha, cặp đôi này còn nhận được một bức ảnh của Đức Thánh Cha.

"Lá thư ấy là một cách thức phúc đáp lịch sự của Vatican gửi cho tất cả những ai viết thư đến Đức Thánh Cha, và do đó không phải là một lá thư mang suy tư rõ ràng về người gửi", nguồn tin của Vatican lí giải.


Nguồn tin còn nói rằng lá thư này được gửi cho một người, "cùng với bằng chứng cho thấy Phủ Quốc Vụ Khanh đã không hề biết một cặp đôi đồng tính" là người đã gửi thư đến trước. Cặp đôi này cũng không công bố văn cảnh lá thư mà họ gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô, vì vậy không rõ liệu họ có phải là cặp đôi đồng tính hay không.

Trong một tuyên bố chính thức, phó giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh Bà Paloma Ovejero khẳng định: thật sai lầm nếu nghĩ rằng lá thư này là một sự công nhận hôn nhân đồng tính. Lá thư chỉ được gửi cho một người (là ông Reis). "Lá thư từ Vatican chỉ được gửi đến một cá nhân với lời chào "Thưa ông".

“Mặc dù đúng là trong nội dung thư phúc đáp [của Vatican] có nhắc đến việc chúc lành cho gia đình người nhận, nhưng trong tiếng Bồ Đào Nha cụm từ này có hàm ý chung chung và rộng lớn, tương đương với cách hiểu là "tất cả những người thân cận với bạn", Bà Ovejero giải thích.

Bà nói thêm rằng trong ngữ cảnh của lá thư Vatican gửi "không có yếu tố nào liên quan đến nội dung cụ thể trong thư của ông Reis, ngoại trừ lời cảm ơn của Đức Thánh Cha đối với việc ông này đã biểu tỏ lòng tôn kính và trân trọng dành cho vị Mục tử của Giáo Hội Hoàn vũ".

Hồi năm 2015, Vatican đã làm sáng tỏ một sự việc tương tự, lúc đó Cha Ciro Benedittini, Phó Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận rằng lá thư hồi âm mà Đức Thánh Cha gửi cho một cặp đôi đồng tính nữ không phải là một sự tán thành hôn nhân đồng giới.

Nhiều lần trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái khẳng định giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, ngài bày tỏ lo ngại trước những gì ngài coi là sự tấn công vào hôn nhân và gia đình.

"Theo thánh ý Chúa, gia đình bao gồm một người đàn ông và một người phụ nữ, vì lợi ích của vợ chồng cũng như việc giáo dục thế hệ con cái. Gia đình đang bị biến dạng bởi những ý tưởng vô cùng nghịch lý, do những ý thức hệ thực dụng ủng hộ", Đức Thánh Cha nói như vậy với một nhóm hành hương tại Rôma vào tháng 9 năm 2015.

Cũng trong năm đó, ngài đã lên tiếng ủng hộ "những nỗ lực bảo vệ gia đình" trong lời chào mừng khách hành hương đến từ Slovakia, ngay trước ngày nước này bỏ phiếu về việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới.

Phát biểu trong chuyến tông du Philippines, Đức Thánh Cha Phanxicô thẳng thắn cảnh báo: "Gia đình cũng đang bị đe doạ bởi những nỗ lực ngày càng gia tăng của một số người muốn xác định lại cách tổ chức hôn nhân".

Trong một cuộc phỏng vấn tháng 10 năm 2014, ngài cảnh báo rằng "gia đình đang bị khinh rẻ", và cảnh báo về một quan điểm chung đang lưu hành trong xã hội rằng "Bạn có thể gọi mọi thứ là gia đình à?"

"Những gì đang được đề xuất không phải là hôn nhân, đó là một kiểu tụ tập. Đó không phải là hôn nhân! Cần phải làm rõ điều này và chúng ta phải nói như vậy!", Ngài nhấn mạnh kèm theo lời than thở rằng có rất nhiều “hình thức mới" về sự kết hợp làm tàn phá hoàn toàn và tổn hại đến sự cao đẹp trong tình yêu hôn nhân". (CNA)

Chân Phương
 
Phản ứng của Tòa Thánh về vụ thảm sát tại một nhà thờ Công Giáo tại Nigeria
Đặng Tự Do
21:58 08/08/2017
Các tay súng đã xông vào một nhà thờ Công Giáo ở bang Ekwusigo, Nigeria hôm Chúa Nhật 6 Tháng Tám, giết chết mười một người và ít nhất làm nhiều người khác bị thương.

Đó là những con số do cảnh sát đưa ra. Tuy nhiên, các nhân chứng tại chỗ cho biết con số thương vong còn cao hơn nhiều. Giáo xứ thánh Philip, nơi xảy ra vụ thảm sát, cho biết có tới 35 người đã bị thiệt mạng.

Thanh tra cảnh sát Garba Umar cho rằng vụ nổ súng này có liên quan đến các băng đảng buôn bán ma túy trong khu vực. Trong khi đó, cha Hygi Aghaulor, là giám đốc truyền thông của giáo phận Nnewi từ chối bình luận về nguyên nhân vụ tấn công. Ngài cho biết giáo phận đang cầu nguyện cho các nạn nhân. Nhiều người cho rằng vụ tấn công có thể là do các thành phần cực đoan Hồi Giáo gây ra.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gửi một bức điện chia buồn nhân danh Đức Giáo Hoàng đến Đức Giám Mục Hilary Paul Odili Okeke của giáo phận Nnewi, Nigeria, sau vụ tấn công vào nhà thờ Thánh Philip tại Ozubulu.

Trong điện thư, được gửi một ngày sau vụ tấn công, Đức Hồng Y cho biết Đức Thánh Cha đã “vô cùng đau buồn trước sự thiệt mạng và bị thương của nhiều người sau vụ tấn công bạo lực” và “gởi lời chia buồn chân thành đến tất cả các tín hữu của Giáo Phận Nnewi, đặc biệt là gia đình của những người quá cố và tất cả những ai chịu ảnh hưởng bởi thảm kịch này.”

Đức Hồng Y viết thêm: “Đức Thánh Cha khấn xin phép lành của Thiên Chúa ban ơn an ủi và sức mạnh cho toàn thể giáo phận”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đan viện Cát Minh Thánh Giuse Phú Cường mừng lễ khấn trọng thể
Tôma Đỗ Lộc Sơn
10:22 08/08/2017
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho hồng ân bí tích Thánh Tẩy khơi dậy trong tâm hồn các tu sĩ sắp tuyên khấn đây, ý nguyện theo chân Đức Kito và gắn bó với Người. Xin ban ơn cho các chị sống theo Tin Mừng cách quyết liệt hơn, hầu làm cho Giáo Hội ngày càng thánh thiện và hăng say làm việc tông đồ”. Đó là lời nguyện nhập lễ của Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường, trong nghi thức khấn trọng thể tại Đan viện Cát Minh Thánh Giuse Phú Cường, lúc 9 giờ sáng ngày 7/8/2017.

Xem Hình

Cùng hiệp dâng thánh lễ có: Cha Tổng Đại diện Giáo phận Ban mê thuật, quý cha trong Giáo phận Ban mê Thuật, quý cha Giáo phận Nha Trang, quý cha Giáo phận Mỹ Tho, quý cha Giáo phận Saigon, quý cha Giáo phận Phú Cường ( 26 cha). Tham dự thánh lễ có nhiều tu sĩ và bà con giáo dân, là ân nhân, thân nhân các khấn sinh (300 người).

Sau khi linh mục phụ tế xướng danh các nữ tu sắp tuyên khấn, Đức Cha Giuse đã thẩm vấn thỉnh nguyện các khấn sinh.

Các khấn sinh:

Marie Ursula Hài Đồng Giêsu Nguyễn Thị Thu Hường

Marie Madeleine Chúa Giêsu Nguyễn Thị Thu Huyền

Kế đến là bài giảng của Đức Cha Giuse. Đức Cha đã nói lên những khó khăn gặp phải khi các chị em bước vào đan viện và lối mở cho các chị em. (Có audio đính kèm).

Sau bài giảng, Đức Cha Giuse đã thẩm vấn và đã chấp thuận lời khấn của các khấn sinh, Cả cộng đoàn vui mừng thưa Amen.

Cầu các thánh: Khấn sinh phủ phục, cộng đoàn quỳ gối, cầu xin các thánh phù trợ cho các khấn sinh trong ngày trọng đại này.

Tuyên khấn: Khấn sinh tiến đến trước mặt Mẹ Bề Trên và tuyên khấn, lời tuyên khấn này do chính khấn sinh viết (Đính kèm Audio) và sau đó ký tên vào sổ Lời Khấn của Đan Viện.

Đức Cha đã long trọng Dâng Lời Nguyện Thánh hiến, cà cộng đoàn thưa Amen.

Đức Cha đã trao phù hiệu và lúp là biểu hiệu sự thánh hiến, nhờ biểu hiện này người ta sẽ nhận ra các khấn sinh là người đã được thánh hiến toàn vẹn cho Đức Kito và nhiệm thể Người là Hội Thánh.

Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể..

Cuối lễ, Mẹ Bề Trên Myryam Nguyễn Thị Trúc đã có lời cảm ơn Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và cộng đoàn và các khấn sinh đã dâng kính Đức Cha đóa hoa tươi nói lên tấm lòng con thảo với người cha của mình.

Thánh lễ kết thúc với lời chúc lành, phép lành Cuối lễ và cả cộng đoàn hát bài Te Deum.

Toma Đỗ Lộc Sơ
 
Dòng Thánh Tâm Huế Mừng Hồng Ân Khấn Dòng
Trương Trí
11:15 08/08/2017
Sáng ngày 8 tháng 8, giòng người lũ lượt đổ về Hội Dòng Thánh Tâm Huế. Chưa có năm nào như năm nay, san Nhà Chung của Tòa Tổng Giám mục Huế được Hội Dòng mượn cho xe ô tô và xe máy đỗ tạm để tham dự Thánh lễ nên chật cứng. Vì năm nay có đến 14 thầy khấn trọng và 15 thầy khấn lần đầu, lại là con em từ khắp mọi miền đất nước nên thân nhân và ân nhân từ khắp mọi nơi đều hiện diện để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và chung vui với các thầy.

Xem Hình

Thánh lễ đồng tế do Cha Tổng Đại diện Anton Dương Quỳnh chủ tế, Ngài được sự ủy quyền của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đang đi công tác xa, và Đức nguyên Tổng Giám mục F.X. Lê Văn Hồng vì lý do sức khỏe không thể đến chủ tế Thánh lễ được.

Cùng đồng tế có rất đông linh mục từ khắp các Giáo phận, rất nhiều Hội Dòng Nam Nữ và hàng ngàn tín hữu là bà con thân nhân, ân nhân và cồng đồng giáo dân cùng hiệp dâng lời cầu nguyện cho quí thầy bền đỗ trong ơn gọi tận hiến.

Mở đầu Thánh lễ, Cha Tổng Đại diện nhắn gởi đến cộng đoàn và đặc biệt đến quí thầy sắp tuyên khấn: Sáng hôm nay, chúng ta hiệp với dòng Thánh Tâm tạ ơn Thiên Chúa, đặc biệt tri ân Trái tim rất Thánh Chúa Giêsu đã vui nhận và ôm vào lòng 15 Tân Khấn sinh lần đầu và 14 Tân Vĩnh khấn. Cha Tổng Đại diện xin được thay mặt 2 Đức Cha để chúc mừng Hội Dòng và các Khấn sinh trong ngày trọng đại này. Ngày lễ khấn dòng là ngày tạo cho chúng ta nhiều cảm xúc, không chỉ vì được Thiên Chúa chọn gọi, mà còn vì các chàng trai trẻ đã không ngần ngại dứt bỏ thế giới trần tục đầy dẫy đam mê dục vọng đang lôi cuốn. Đây là những chàng trai đầy năng lực và nhiệt huyết và lãnh nhận được ơn Chúa để hiến dâng đời mình cho Chúa.

Khởi đầu Nghi thức khấn dòng, Cha Phero Nguyễn Thái Công, phụ trách ơn gọi của Hội Dòng xướng tên 15 Tân Khấn sinh tiên khấn lên trước mặt Cha Tổng Đại diện là đại diện của vị Chủ chăn của Giáo phận. Cha Tổng Đại diện thẩm vấn các khấn sinh có chấp nhận vâng giữ đức Thanh khiết vì Nước Trời, tự nguyện sống đời Khó nghèo và Vâng phục. Ngài dâng lời nguyện xin Thiên Chúa cho đời sống của quí thầy luôn làm vinh danh Chúa và mưu ích phần rỗi cho các linh hồn.

Cha Tổng Đại diện làm phép và trao Thánh giá cho các tân khấn sinh như một sự hiện diện của Chúa Giêsu chịu đóng đinh trong cuộc đời tận hiến, Ngài cũng đã trao Hiến pháp và Nội quy của Hội Dòng để quí thầy chuyên chăm lo tìm kiếm Chúa và vâng giữ luật sống của Hội Dòng.

Tiếp đến là nghi thức khấn trọn đời của 14 thầy đã trải qua một thời gian thử thách sau lần đầu khấn tạm. Các thầy đã cảm nhận được đầy tràn ơn Chúa và chấp nhận cuộc đời tận hiến theo Đức Kitô. Các thầy được Cha Tổng Đại diện thẩm vấn và tuyên hứa tuân giữ trọn đời nếp sống thanh khiết hoàn hảo, vâng phục và khó nghèo để luôn quảng đại hiến trọn đời mình cho Thiên Chúa để phục vụ Hội Thánh và mọi người.

Để tỏ lòng thần phục, quí thầy phủ phục trước bàn thờ trong lúc cộng đoàn dâng lời kinh Cầu các Thánh, xin các Ngài chuyển cầu cùng Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên quí thầy ơn bền đỗ theo Chúa đến cùng và luôn trung thành với lời cam kết.

Kết thúc kinh cầu các Thánh, quí thầy lần lượt vững bước tiến lên trước mặt Cha Tổng Đại diện và Cha Tân Bề trên Tổng quyền Phêrô Nguyễn Đức Huyền tuyên khấn trọn đời thuộc về Đức Kitô. Và ký vào sổ thành viên Hội Dòng. Sau cùng, Cha Tổng Đại diện dâng lời nguyện chúc long trọng thánh hiến các Khấn sinh để từ đây quí thầy hoàn toàn thuộc về Đức Kitô.

Cha Phêrô Nguyễn Đức Huyền, Bề trên Tổng quyền dòng Thánh Tâm thay mặt Hội Dòng tuyên bố từ nay quí thầy là thành viên chính thức của Hội Dòng, cùng chung trách nhiệm và quyền lợi với mọi anh em khác.

Cha Bề trên Tổng quyền cùng với Ban Cố vấn đại diện cho Hội Dòng tiến lên hôn chúc bình an cho quí thầy.

Kết thúc Nghi thức khấn dòng trong niềm hân hoan và đầy xúc động dâng trào trong lòng bà con thân nhân và ân nhân của quí thầy.

Trương Trí
 
Hội diễn Thánh ca LM Ân Đức tại Scarborough, Canada
VietCatholic Network
13:15 08/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Thánh lễ Bổn mạng Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng
GP Lạng Sơn
16:00 08/08/2017
Sáng ngày 08 tháng 8 năm 2017, mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng hướng về Nhà thờ Chính toà của Giáo phận trong ngày mừng kính Thánh Đaminh, bổn mạng của Giáo phận. Thánh lễ Đại triều kính Thánh Bổn mạng Giáo phận do Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri chủ sự được cử hành lúc 9 giờ 30 với sự đồng tế của Linh mục đoàn Giáo phận và sự tham dự của đông đảo mọi thành phần Dân Chúa.

Xem Hình

Vào năm 1913, khi Toà Thánh thiết lập Phủ doãn Tông Toà Lạng Sơn – Cao Bằng, đã trao cho các cha dòng Đaminh Lyon coi sóc mục vụ. Theo qua Tông thư Venerabilium Nostrorum của Đức Thánh Cha Gioan XXIII khi thiết lập Giáo phận chính toà Lạng Sơn – Cao Bằng vào ngày 24 tháng 11 năm 1960, Thánh Đaminh hiển tu được chọn làm bổn mạng Giáo phận. Điều này mang nhiều ý nghĩa, trong đó nhấn mạnh tới sự bầu cử của Thánh Đaminh qua các tu sỹ của dòng Anh Em Thuyết Giáo đã dấn thân khai mở những con đường mới cho Tin Mừng đến với miền đất biên giới phía bắc từ những năm đầu thế kỷ XX. Ngọn đuốc sáng của cha thánh Đaminh đã được các ngài chiếu tỏa khắp vùng đất còn hoang sơ lúc đó. Để rồi đến hôm nay, hạt giống Tin Mừng được gieo vãi khắp nơi và trổ sinh hoa trái. Vào ngày 02 tháng 10 năm 2004, nhà thờ Chính Toà mới của Gp đã được khánh thành và cung hiến với tước hiệu Thánh Đaminh hiển tu. Thánh Đaminh cũng chính là bổn mạng của Gx. Chính Toà.

Khuôn viên Nhà thờ Chính Toà và Toà Giám mục Lạng Sơn hôm nay trở nên đông vui và nhộn nhịp khác thường. Thời tiết nắng đẹp nhưng mát mẻ càng làm cho lòng người thêm phấn khởi. Từ buổi sáng sớm, bà con giáo dân từ các giáo xứ đã tụ họp để gặp gỡ, chia sẻ niềm vui và tham dự thánh lễ long trọng này. Có những đoàn giáo dân đã vượt qua hàng trăm cây số đường đồi núi quanh co nguy hiểm để có thể về dự lễ. Đặc biệt, hôm nay Giáo phận cũng đón quý Cha thuộc dòng Chúa Cứu Thế do Cha Giám tỉnh dẫn đầu, quý đại diện Huynh đoàn Giáo dân Đaminh Việt Nam, quý khách từ Giáo phận Đà nẵng, tới thăm và cùng hiệp dâng Thánh lễ với Giáo phận trong ngày Bổn mạng này.

Đúng 9g30, đoàn rước từ Toà Giám Mục sang nhà thờ Chính Toà trong tiếng kèn trống tưng bừng để cử hành Thánh lễ trọng mừng kính Thánh Đaminh, bổn mạng của Giáo phận. Ngôi Nhà thờ Chính Toà hôm nay diễn tả một cách sống động hình ảnh hiệp thông nơi Giáo Hội địa phương, khi có sự hiện diện của mọi thành phần Dân Chúa, từ Cha Tổng đại diện, cha Đại diện, quý Cha, quý tu sỹ nam nữ, chủng sinh và giáo dân xung quanh Đức Giám Mục Chính Toà của Giáo phận để cử hành Thánh lễ.

Bước vào Thánh lễ, Đức Cha Giuse vui mừng chào đón sự hiện diện đông đảo của quý Cha khách, quý Cha trong Giáo phận, quý tu sỹ, chủng sinh, quý Hội đồng mục vụ các giáo xứ cùng cộng đoàn Dân Chúa trong ngày đại lễ hôm nay. Ngài nói tiếp: Thánh Đaminh được tôn nhận làm Bổn mạng của Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng chúng ta, Bổn mạng Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn và Giáo xứ Chính Tòa, dòng Đaminh hiện diện trong Giáo phận chúng ta và những anh em nhận ngài làm bổn mạng. Chúng ta vui mừng vì có một vị thánh Bổn mạng hết sức mẫu mực cho đời sống đức tin chúng ta, nhất là trong Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn Cao Bằng này. Việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô là nhiệm vụ cấp bách, chúng ta có vị thánh Đaminh quan thầy, và những vị thừa sai đầu tiên đến truyền giáo nơi miền đất này cũng là những tu sỹ dòng Đaminh do thánh nhân thiết lập. Trong tâm tình tri ân cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, chúc ta cùng hiệp ý chúc mừng Giáo phận, chúc mừng nhau trong ngày hôm nay và cùng cầu nguyện cho Giáo phận, cầu nguyện cho mỗi người chúng ta được noi gương thánh nhân trong việc hăng say loan báo Tin Mừng.

Mở đầu bài chia sẻ Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay, Đức Cha Giuse nhắc đến biến cố nhà thờ Trung Lao thuộc Giáo phận Bùi Chu bị cháy cách đây vài ngày, ngài cũng đã có thư hiệp thông với Đức Cha và Giáo phận Bùi Chu. Ngôi đền thờ vật chất dù vô giá và là biểu tượng đức tin cho xứ đạo trên 9000 giáo dân bị thiêu rụi, nhưng, Đức Cha nhấn mạnh, đức tin của dân Chúa không thể vì thế mà bị mai một.

Điều đó minh chứng nơi chính Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng chúng ta. Biết bao năm tháng khó khăn. Biết bao ngôi nhà thờ bị tàn phá. Ngay cả ngôi Nhà thờ Chính Tòa cũ cũng bị bom đạn chiến tranh san phẳng. Nhưng đức tin vẫn được gìn giữ và phát triển trên miền đất này, dẫu bao khó khăn và muôn vàn thách đố. Tất cả là nhờ ơn của Chúa và sự yêu thương nâng đỡ của Chúa. Với đức tin kiên vững vào sự quan phòng của Chúa, chúng ta sẽ vượt qua tất cả để thánh ý Chúa được thể hiện. Giá trị vật chất không thể so bì với đức Khôn ngoan của Thiên Chúa mà mỗi người chúng ta nhận lãnh khi nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa.

Đức Cha nói tiếp: Ngay trong đời sống mỗi người cũng đầy biến cố thăng trầm, nhất là trong đời sống đức tin. Nhưng khi nhìn lại những biến cố ấy, tất cả đã qua đi hết, chúng ta sẽ hiểu được giá trị của chúng. Đời sống đức tin cũng vậy, cần có thách đố để tôi luyện đức tin chúng ta nên kiên vững, nhờ đó làm chúng ta trở nên ngọn đèn sáng chói như đuốc thánh Đaminh là chính đèn sáng Đức tin cho vùng đất này.

Đức Cha nhấn mạnh: Là những người sống nơi Giáo phận truyền giáo này, để mang Chúa đến cho mọi người thì trước hết và trên hết, mỗi chúng ta cần thấm nhuần tinh thần của Đức Kitô, mang lấy Chúa Kitô trong lòng mình. Thánh Đaminh là mẫu gương cho chúng ta. Ngài luôn “nói với Chúa” và “nói về Chúa”, yêu mến việc cầu nguyện, sống đúng lời Chúa và mạnh mẽ rao giảng về tình yêu Cứu độ của Thiên Chúa cho tha nhân. Mỗi người chúng ta hãy xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Bổn mạng Đaminh, cho chúng ta được một đức tin kiên vững và mạnh mẽ loan báo Tin mừng cho mọi người.

Cuối thánh lễ, Cha Tổng Đại diện Giuse thay mặt cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận chúc mừng Đức Cha Giuse nhân kỷ niệm 11 năm được tấn phong Giám mục, chúc mừng Giáo phận và Giáo xứ Chính Tòa, chúc mừng Dòng Đaminh và quý nam giới nhân ngày lễ kính Thánh Đaminh bổn mạng.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ, cộng đoàn Phụng vụ sốt sắng lãnh nhận Phép lành từ Đức Cha chủ sự. Ngài xông hương tôn kính trước thánh tượng Thánh Đaminh trên cung thánh. Cộng đoàn cùng hát vang bài Tán Tụng Hồng Ân, cảm tạ muôn phúc lành của Thiên Chúa, qua thánh bổn mạng Đaminh đã và đang tuôn đổ tràn đầy trên Giáo phận truyền giáo này.

Ban truyền thông. GPLSCB
 
Một cảm nghiệm tham dự Đại hội Thánh Mẫu Missouri 2017
Bùi Lộc
18:20 08/08/2017
Đại hội Thánh Mẫu năm nay với chủ đề “Làm những gì Ngài nói” (Gioan 2:5) và nhằm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và 40 năm Ngày Đại hội Thánh Mẫu Missouri.

Với dự báo thời tiết năm nay tại đại hội sẽ rất lạnh vào ban đêm dưới 60 độ và sẽ mưa bão bắt đầu từ trưa Thứ Bẩy kéo dài sang suốt ngày Chúa Nhật. Tuy nhiên số người tham dự cũng vẫn đông cả trên 100.000 người. Người ta đến từ khắp nơi trên thế giới; cũng có nhiều người từ trong nước ra. Cuối Thánh Lễ khai mạc chiều Thứ Năm, Cha Bề trên Nhà Dòng đã yêu cầu mọi người cùng đọc ba kinh Kính Mừng cầu xin Đức Mẹ cho thời tiết được thuận hoà.

Còn đây là những gì đã xẩy ra vào ngày 13 tháng Bẩy năm 1917 tại Fatima theo một phóng viên viết trên Báo Ilustracao Portuguesa:

“Hôm đó, tôi đến nơi vào giữa trưa. Cơn mưa tầm tã từ sáng sớm chẳng những không ngớt, mà bây giờ còn bị những trận gió dữ dội thổi ào tới tấp như muốn làm tràn ngập cả cảnh vật (…) Lúc đó khoảng hai giờ chiều. Trong vài giây lát đó, mặt trời còn bị che khuất sau đám mây dầy đặc, bỗng chốc chiếu sáng qua đám mây. Tiếp theo là phép lạ”Mặt trời nhẩy múa. Số người đến Fatiama được các tài liệu ghi lại từ 70,000 tới 80,000 người..."

Còn tại Đại hội Thánh Mẫu với dự báo thời tiết đã làm mọi người bắn khoăn thấp thỏm, nhưng suốt thời gian từ sáng Thứ Năm đến hết Lễ Bế Mạc vào chiều Thứ Bẩy thời tiết lại thật tuyệt vời trong suốt thời gian các nghi thức phụng vụ diễn ra ngoài trời.

Gặp người nào cũng đều nghe nói: “Đúng là Chúa và Mẹ thương cho thời tiết tốt đẹp" ... sự kiện này khiến tôi miên man suy nghĩ về hai biến cố tại Fatima với 80,000 người tham dự cách đây 100 năm và ngày Đại hội Missouri năm nay với số người tham dự hơn 100,000 người.

Biến cố Fatima với mưa bão tiếp theo là phép lạ mặt trời nhẩy múa được diễn giải là để củng cố niềm tin của những người đang hiện diện hãy tin vào Thiên Chúa và lòng yêu thương của Mẹ Maria muốn cứu vớt nhân loại thoát khỏi sự huỷ diệt của chủ thuyết cộng sản vô thần.

Tôi được sinh ra và lớn lên tại Làng Cao xá, Phù cừ, Hưng yên, toàn tòng Công Giáo do Linh mục Chánh xứ người Tây ban Nha và tên Việt nam của Ngài là Cha Thập. Ngài rất kinh nghiệm về cộng sản ngay tại quê hương mình, về những trò phỉnh gạt, khủng bố và thủ tiêu của họ nên ngài tìm mọi cảch để giáo xứ chúng tôi không bị rơi vào vòng kiềm toả của công sản.

Trong thời gian chiến đấu chống cộng trước 1954, chúng tôi luân phiên đến mỗi gia đình đọc Kinh Mân Côi và dâng mình đền tạ Thánh Tâm Mẹ. Có một lời kinh chắc hẳn nhiều người lớn tuổi vẫn ghi nhớ: "Gia đình chúng con quyết không theo thuyết cộng sản vô thần.”

Chúng tôi chiến đấu chống cộng không những vì sự sống còn của bản thân và gia đình mà còn vì sự sống còn của tổ quốc và tự do dân chủ của mọi người dân và quan trọng nhất là tự do giữ vững niềm tin tôn giáo của mình.

Thời tiết tại Đại hội Thánh Mẫu năm nay thật lý tưởng, mát mẻ không mưa như những dự báo của các đài khí tượng. Mặc dầu không gây nhiều ấn tượng như những trận mưa lũ đã đổ xuống tại Fatima năm xưa nhưng cũng đủ để củng cố niềm tin cho mọi người đến tham dự ngày Đại hội Thánh Mẫu này.

Tại Fatima vào ngày 13 tháng 10 năm 1917 bốn ngày trước Cách mạng Vô sản xẩy ra tại Liên sô do Lenin chủ xướng vào ngày 17 tháng 10 năm 1917. Trong biến cố này Đức Mẹ đã nói với Lucia, Jacinta và Phanxicô: “Để cứu nhân loại thoát khỏi sự hủy diệt của Công sản vô thần, mọi người phải: Ăn năn đền tội, Siêng năng lần hạt Văn côi và Tôn sùng Trái tim Mẹ.”

Còn Ngày Thánh Mẫu Missouri năm nay Đức Mẹ nói gì với mỗi người. Người không trực tiếp nói với con người như tại Fatima năm xưa. Mọi người tham dự thấy trước Lễ đài một hàng chữ lớn trên building chính của Nhà Dòng được trích dẫn trong Thánh Kinh: “Làm những gì Ngài nói". (Gioan 2:3-5)

Hiện tình thế giới ngày nay ra sao? Bình nhưỡng đang cưỡng bức dân chúng nhịn đói, giồn mọi nỗ lực vào việc sản xuất hoả tiễn tầm xa đe doạ hết ngày này qua ngày khác các quốc gia lân cận. Không những thế, còn huyênh hoang tuyên bố có thể tấn công cả Hoa kỳ. Sau lưng Bình Nhưỡng là ai. Biển Đông là của chúng nhân loại và Trung cộng đang bành trướng để chiếm độc quyền và đe doạ an ninh hàng hải và hàng không quốc tế. Rồi Hồi giáo cực đoan đang đe doạ và làm xáo trộn cuộc sống của nhiều quốc gia Âu châu và ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi sân bay quốc tế.

Còn riêng Việt nam, bao nhiêu người đang bị cộng sản hành hạ, cưỡng bức và giam cầm. Đất đai tư nhân hay của các tổ chức tôn giáo bị chiếm đoạt một cách ngang nhiên và phi pháp, nhiều khi còn bắt cả chủ nhân vào tù. Chưa bao giờ có một chế độ bạo hành, ức hiếp con người từ xa xưa đến ngày hôm nay giống như chế độ cộng sản này. Những tiếng rên xiết đau thương của người dân đang thấu tới trời.

Hãy làm những gì Ngài nói”. Làm theo những gì Chúa dậy còn mọi việc phó dâng cho sự quan phòng của Người. Trong cuộc sống ngắn ngủi, nhưng nhiều người trong chúng ta đã từng chứng kiến những điều lạ lùng xẩy ra tưởng như không thể; chẳng hạn chế độ cộng sản Liên sô và Đông Âu sụp đổ không đổ máu. Người ta không ai có thể tin được Bức Tường Bá linh chỉ một đêm bị giật sập và dân chúng hai miền Đông và Tây Đức ôm nhau reo hò trong hạnh phúc.

"Đối với con người thì nhiều điều không thể xẩy ra được, nhưng với Thiên Chúa mọi sự đều có thể.” (Mathêu 19:26). Cầu nguyện và phó thác mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Việt nam chúng ta chắc chắn cũng sẽ có ngày mọi người từ Nam ra Bắc cùng tuôn ra đường phố nhẩy mừng và la hét trong niềm hân hoan vui sướng như dân tộc Đông-Tây Đức.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Nói thêm về nghĩa vụ đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ của hàng giáo sĩ.
Nguyễn Trọng Đa
10:03 08/08/2017

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: [Liên quan đến bài trả lời của cha ngày 18-7-2017 về các giáo sĩ có nghĩa vụ đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ], tại sao cha lại quá nệ luật - cha có nghĩ rằng bằng cách này cha sẽ làm cho Dân Chúa (bao gồm cả giáo sĩ) yêu mến phụng vụ không? Hơn nữa, con nghĩ rằng cha đã sai ở điểm sau đây. Làm thế nào cha có thể lập luận rằng "Đúng đây là nghĩa vụ gắn liền với chức thánh”? Theo con, đây là một luật của Giáo Hội cần được vâng theo trong cùng cách thức, mà các luật khác của Giáo Hội cần được vâng theo. Nhưng nó không gắn liền với chức thánh. Điều tương tự cũng có thể được nói về luật độc thân của các giáo sĩ đấy chứ! - J. I., Ghaxaq, Malta.


Đáp: Tôi cho rằng việc tuân thủ luật lệ là gắn liền, hoặc ít nhất là đặc hữu, với một chuyên viên phụng vụ. Nhưng thành thật mà nói, nếu một người hỏi tôi một câu hỏi về luật phụng vụ, thì người ấy chỉ cần tôn trọng và công bằng để đóng khung câu trả lời về mặt pháp lý mà thôi. Người ta cũng cố gắng trình bày chiều kích thiêng liêng nữa, nhưng tôi cố gắng trả lời câu hỏi mà tôi được hỏi.

Nói như thế rồi, tôi nghĩ rằng bạn đọc này có một điểm đúng, mặc dù tôi sẽ đưa ra sự phân biệt rõ ràng.

Những gì là gắn liền với chức thánh là vai trò của linh mục như là người cầu bầu và người trung gian. Như Thư gửi tín hữu Hipri 5,1 nói: "Vì chưng mọi Thượng tế lấy giữa loài người thì được đặt lo việc Thiên Chúa thay cho loài người, để hiến dâng lễ vật và hy sinh tạ tội” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Đó là lý do tại sao “câu trả lời năm 2000 cho một nghi ngờ được công bố bởi Thánh Bộ Phụng Tự”, mà chúng tôi đã trích dẫn, có thể nói:

"Các thừa tác viên thánh, cùng với các Giám mục, thấy mình tham gia vào sứ vụ cầu bầu cho Dân Thiên Chúa, đã được giao phó cho họ, như xưa đã giao cho ông Mô-sê (Xh 17, 8-16), cho các Tông Đồ (1 Tim 2, 1-6) và cho Chúa Giêsu Kitô “Đấng ngự bên hữu Chúa Cha mà chuyển cầu cho chúng ta" (Rm 8,34). Tương tự như vậy, ‘Văn kiện trình bày và Quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ’, số 108 nói: "Khi đọc thánh vịnh trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, thì ta không đọc nhân danh cá nhân, mà nhân danh Nhiệm thể Chúa Kitô" (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Luật của Giáo Hội là sự xác định cụ thể rằng vai trò này của người cẩu bầu được thực hiện qua việc đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, và các việc phụng vụ khác, đặc biệt là Hy lễ Tạ Ơn.

Một lần nữa, tài liệu được trích dẫn ở trên nói thêm: "Việc đọc này không có bản chất của lòng đạo đức riêng tư, hoặc sự thực hành đạo đức được thực hiện bởi ý muốn cá nhân mà thôi của giáo sĩ, nhưng đúng hơn là một hành động phù hợp với chức thánh và sứ vụ mục vụ”. (Zenit.org 8-8-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thông Báo
Cáo phó: Phó Tế Anthony Lê Kim Lai qua đời tại Oklahoma.
Trần Mạnh Trác
10:53 08/08/2017


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chú Chim Sẻ
Nguyễn Đức Cung
18:57 08/08/2017
CHÚ CHIM SẺ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Cần chi lông Yến, đuôi Công
Chú chim se sẻ nâu sồng vẫn xinh.
(nđc)