Ngày 09-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Có mấy loại bất ngờ, và, làm sao loại bất ngờ ?
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
21:12 09/08/2019
Có mấy loại bất ngờ, và, làm sao loại bất ngờ ?

Tuần báo Khoa Học Phổ Thông số ngày 3/8/2001 có đăng mẩu tin ngắn này: Cô Army Dolby 26 tuổi, sống ở Yorshire nước Anh, có người yêu là anh Johnstone sống ở Sydney nước Úc. Vì nhớ nhung và vì muốn làm một ngạc nhiên bất ngờ cho nên nàng đã lằng lặng đáp máy bay vượt 20.000 km để đến thăm chàng. Nhưng khi đến Sydney, thì nàng mới hay, chàng người yêu của nàng cũng muốn làm một ngạc nhiên bất ngờ cho nàng, nên đã không báo trước gì cả, lấy máy bay bay qua Anh, tới Yorshire để gặp nàng. Hai bất ngờ gặp nhau trong một ngày, cho nên chẳng ai gặp được ai. Còn bài Tin Mừng hôm nay vang lên bên tai ta như thể đang Mùa Vọng: chính giờ phút anh em không ngờ, Con Người sẽ đến. Bất ngờ là đề tài suy niệm Lời Chúa hôm nay, với 2 điểm: (1) Có những loại bất ngờ nào ? và (2) Làm sao để loại bất ngờ ?

1. Có những loại bất ngờ nào ?

Chắc các vị càng lớn tuổi càng trải qua nhiều bất ngờ không ngờ. Trong bài Tình Nhớ, Trịnh Công Sơn đã viết, “Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang… Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy, người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây… Tình ngỡ chết trong nhau nhưng tình vẫn rộn ràng. Người ngỡ đã quên lâu nhưng người vẫn bâng khuâng… Người ngỡ đã xa xưa nhưng người bỗng lại về …” Đó có thể là loại bất ngờ về thời gian và không gian. Tưởng xa (xưa) mà bất ngờ lại thật gần (kề).

Đang đi đường, bất ngờ con chó chạy qua, cán phải, phải vào nhà thương. Không phải chó vào, mà người vào. Tưởng không thể thương nhau được, mà bất ngờ có biến cố nào đó xảy đến, hai người gắn bó với nhau. Ngược lại cũng không thiếu. Tưởng gắn bó được với nhau suốt đời, mà bất ngờ phải xa nhau mãi mãi. Những bất ngờ trong tình yêu này, tiểu thuyết, phim ảnh khai thác hoài mà không phai. Có rất nhiều loại bất ngờ, nhưng dựa vào Lời Chúa hôm nay, xin nói đến 2 loại bất ngờ: bất ngờ về thời gian và bất ngờ về tính cách.

a) Thời gian

Không ai chối cãi được rằng Lời Chúa trong bài Tin Mừng nhấn mạnh rất nhiều đến sự bất ngờ và là sự bất ngờ về thời gian:

"Anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến".

"Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến"

“Anh em hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”.

Rõ ràng những chi tiết trong lời Đức Giêsu đều nhấn mạnh đến sự bất ngờ về thời gian. Vào ngày không ngờ, giờ không biết chính là lúc Chúa đến.

Trong cuộc sống thường ngày, ta rất thường gặp những bất ngờ về thời gian. Bất ngờ nhưng lại rất thường gặp. Đúng là mâu thuẫn ngay trong ngôn từ. Giống như thành ngữ Tây: Hãy vội vã một cách thong thả. Hâtez-vous lentement. Bất ngờ về thời gian, nhưng thường xảy ra trong dòng đời. Đang tán gẫu, bất ngờ ông chủ tới. Vài lần bất ngờ như thế, là bất ngờ mình bị thôi việc. (Thực ra thì chẳng bất ngờ gì cả việc mình bị thôi việc này). Trong giờ học, đang đọc tiểu thuyết, bất ngờ giám thị tới. Tiểu thuyết bị thu, hạnh kiểm điểm trừ. Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm, biết bố mẹ đi vắng lâu, ở nhà dẫn lâu la về phá phách, bất ngờ ông bà quay trở lại, bắt gặp. Bất ngờ về thời gian rất thường xảy ra trong gia đình, nơi học đường, ngoài xã hội. Chúng là những bài học tốt cho ta chuẩn bị cái bất ngờ về ngày giờ Chúa đến. Ngày không ngờ, giờ không biết, Chúa đến… Ngài còn sẵn sàng hạ xuống để ví mình như kẻ trộm rình đến, trong thời gian đêm tối nữa kìa. Và như thế từ bất ngờ về thời gian ta chuyển qua bất ngờ về tính cách. Chúa mà lại có tính cách như kẻ trộm, kẻ trộm đêm hôm.

b) Tính cách.

Bất ngờ này có lẽ ta ít quan tâm hơn nhưng lại rất cần chú ý.

Hãy thử nhìn lại biến cố Lụt Hồng Thủy mà có lần Đức Giêsu đã trưng dẫn làm hình ảnh gợi ý suy tư : "Trong những ngày trước nạn Hồng Thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Noê vào tàu. Họ không hay không biết gì". Họ không hay biết gì vì xem ra mọi sự đều thuận buồm xuôi gió: làm ăn phát đạt, kinh tế phát triển, dựng vợ gả chồng, vui chơi thỏa thích. Cứ theo lôgích tự nhiên mà nói, chỉ có dấu hiệu của hạnh phúc chứ không có dấu hiệu gì loan báo tai họa cả. Ai ngờ! Tai họa đã ập đến ngoài cái lôgích bình thường của cuộc sống và của suy nghĩ nhân loại.

Khi Đức Giêsu đến cũng vậy. Chúa đã đến viếng thăm dân của Ngài, nhưng dân Ngài lại không nhận biết. Vì Ngài đã đến trong một tính cách hoàn toàn khác với ước mong và dự định của con người. Người ta đã nuôi sẵn trong đầu óc và tâm tưởng hình ảnh về Đấng Sẽ Đến phải là: giàu sang, quyền quý, uy nghi, hùng mạnh. Đang khi đó, Ngài lại đến trong cảnh khó nghèo, cơ cực, yếu đuối... từ khi sinh ra đến lúc chết đi. Làm sao có thể nhận ra Ngài cho dẫu Ngài đang ở giữa họ và chung sống với họ.

Bất ngờ về tính cách ta vẫn thường gặp trong đời thường. Ai cũng tưởng ông ấy nghèo, ăn xin, nhưng khi nằm xuống, mới biết ông ta có bạc triệu cất giấu. Ai cũng nghĩ Trần văn Giao, giám đốc công ty xây dựng và kinh doanh nhà Đông Phương là giám đốc giỏi, trẻ tuổi mà tài cao. Bất ngờ, bị bắt, mới vỡ lẽ mình giao tiền cho Trần văn Giao là tên lừa đảo. Danh sách bị bất ngờ, lên tới cả ngàn, trong đó có cả những công ti lớn, quốc doanh, như nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội. Mới đây Võ Kim Cự nói rất bất ngờ khi Formasa gây ô nhiễm. Tưởng Formosa (tiếng Latinh nghĩa là đẹp) giàu đẹp như thế, ai ngờ gây ô nhơ như vậy. Còn nói bằng ngôn ngữ hình ảnh của Tin Mừng hôm nay, có sự bất ngờ của tên kẻ trộm đến giữa đêm khuya, nhưng cũng có cả sự bất ngờ của tên ăn cướp đến giữa ban ngày, đi xe con, mặc áo veste... vì thế ai cũng tin tưởng quý mến, nhưng thực chất của hắn vẫn chỉ là tên ăn cướp! Cướp đêm là trộm, cướp ngày là… vẫn luôn có (*). Cuộc sống hôm nay đầy dẫy những thứ bất ngờ như thế

2. Làm sao để loại bỏ bất ngờ ?

Bất ngờ về thời gian và bất ngờ về tính cách là hai loại bất ngờ thường gặp. Làm sao để loại hai loại bất ngờ này. Câu chữ nghiêng đặt đầu bài Tin Mừng hôm nay cho ta lời đáp: Hãy tỉnh thức để được sẵn sàng. Nói cách khác, để không bị bất ngờ thì hãy tỉnh thức.

Người thức thì thường khó mà tỉnh. Người thức đêm, thì phải ngủ ngày bù lại. Còn người đã làm việc ban ngày, cộng thêm thức đêm canh chừng, thì không thể tỉnh được quá ba đêm, cho dù cà-phê Trung Nguyên, Mê Trang đậm đặc được cung cấp. Cho nên tỉnh thức Chúa nói đây, cái chính không phải là thức, mà là tỉnh.

Ta hay nói: Sự việc bất ngờ xảy ra mà ông ta tỉnh bơ như không có gì. Tỉnh bơ có thể là xấu, vì đó là thái độ dửng dưng: tỉnh bơ không ngó tới. Nhưng tỉnh bơ cũng mang nghĩa tốt, lúc đó, tỉnh bơ có nghĩa là quen thuộc lắm rồi, chẳng có gì là bất ngờ cả.

Làm quen với sự bất ngờ về thời giờ Chúa đến bằng cách gặp Chúa hoài, thì có gì là bất ngờ nữa. Gặp Chúa trong giờ kinh, gặp Chúa trong giờ lễ, gặp Chúa trong nhà thờ, gặp Chúa trong giờ thờ phượng, thì ta cứ đi ngủ thẳng chân, mà chẳng lo bất ngờ giờ Chúa đến, vì cả lúc ngủ mà ta vẫn tỉnh, tỉnh nghĩa là quen.

Làm quen với sự bất ngờ về tính cách trong cách Chúa đến, bằng cách gặp Chúa trong hình bánh, gặp Chúa trong công việc, và nhất là gặp Chúa trong người nghèo, thì có gì là bất ngờ nữa khi Chúa đến với bất cứ tư cách nào.

Trong thư Rôma, thánh Phaolô viết giữa ban ngày, mà người nói: Đã đến lúc anh em phải thức dậy. Không thức làm sao đọc được lá thư đó. Thức dậy lâu rồi, Phaolô ơi ! Phaolô còn nói thêm: Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Chắc tín hữu Roma cũng phải buồn cười khi giữa thanh thiên bạch nhật, mà Phaolô lại nói: đêm sắp tàn, ngày gần đến, nếu như không có câu đi theo: anh em hãy loại bỏ những hành vi đen tối và cầm lấy khí giới sự sáng.

Nhưng khi nào là đêm và lúc nào là ngày? Làm sao biết được ranh giới giữa ngày và đêm ? Một vị sư phụ đã nêu câu hỏi trên với các đệ tử của mình: “Chúng con có biết khi nào đêm chấm dứt và lúc nào ngày bắt đầu?” Một anh nhanh nhảu: “Thưa thầy, ấy là lúc ta thấy một con vật từ đàng xa và phân biệt được nó là con bê hay con lừa.” Một anh khác: “Thưa thầy, ấy là lúc ta phân biệt được đâu là cô gà mái đâu là cậu gà trống.” Một anh khác, sau lúc suy tư cũng xin góp ý: “Thưa thầy, khi nào ta nhìn thấy người bộ hành và phân biệt được là thù hay bạn.” Nhiều câu trả lời nữa cũng được đưa ra nhưng dường như vị sư phụ không thoáng chút hài lòng nào. Cuối cùng cả đám xin thầy giải thích. Sau phút trầm ngâm như muốn thấm sâu giòng tư tưởng, vị sư phụ lên tiếng: “Khi nào các con nhìn vào người khác và nhận ra đó chính là anh chị em ruột của mình thì đêm đã tàn và ngày đã tới.”

Thế ra không phải việc “phân biệt” con vật này hay con vật kia hoặc người này hay người nọ, song là “nhận ra” tha nhân là anh chị em mình, mới làm cho bóng tối tan đi và ánh sáng toả rạng.

Đêm đen sẽ mãi thống trị tâm hồn nếu đời tôi cứ đắm chìm trong hiềm khích, hận thù, bất công, chia rẽ, vô luân, lừa dối. Còn khi để cho yêu thương dẫn lối đưa đường, ngày mới cuộc đời đã bắt đầu lên ngôi, nhờ khí giới sự sáng soi tỏ mọi lối đường.

Nhưng vượt cao hơn lời giải thích của sư phụ, ta còn có thể mạnh dạn nói : đêm sẽ tàn, ngày sẽ tới khi ta nhìn người khác, nhất là người khác đây là người cùng khổ, người bị bỏ rơi… như là chính khuôn mặt của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Không phải chỉ nhìn họ như anh chị em mình, mà nhìn họ như chính hiện thân của Chúa. Nếu vậy, ta chẳng còn gì là bất ngờ cả, hay nói đổi lời, ta loại được bất ngờ khi Chúa đến với ta dưới bất cứ tư cách nào: bởi vì ta đang tỉnh –tỉnh nghĩa là quen—quen nhận biết khuôn mặt của Ngài.

Bất ngờ về thời giờ Chúa đến và bất ngờ về tư cách Chúa trở lại đã được ta phân tích để loại bỏ bất ngờ bằng cách năng gặp Chúa và biết nhận ra Người nơi người anh em, nhất là anh em cùng khổ. Đó là ta loại bỏ được tính bất ngờ đáng sợ, nhưng đồng thời lại đón nhận được cái bất ngờ đáng yêu—ở đời cũng thường có những bất ngờ thích thú đáng yêu, như nàng Dolby kia từ Anh bay qua Úc để gặp người yêu, tạo ngạc nhiên thích thú cho chàng Johnstone; như em nhắm lại, anh cho em xem cái này… chắc chắn khi mở mắt ra, trước mặt em không phải là ổ bánh mì thịt nguội, hay cái bánh ú nóng, mà là phải ngạc nhiên bất ngờ hơn nhiều—thì thánh Phaolo nói trong 2Cr “điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề tưởng nghĩ,” tức là những cái thật bất ngờ ngạc nhiên, Thiên Chúa đã dành sẵn cho kẻ có lòng yêu mến Người. Chớ gì chúng ta cũng được những bất ngờ đáng yêu đó. Amen

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

----------------------------

(*) bài thơ lục bát về "Cướp" của nhà thơ Nguyễn Duy rất là hay, đỉnh hay !
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 19 Mùa Thường Niên 11/8/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
23:29 09/08/2019
Bài Ðọc I: Kn 18, 6-9

"Như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy".

Trích sách Khôn Ngoan.

Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy.

Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 1 và 12. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa; ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.

Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Xướng: Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Bài Ðọc II: Dt 11, 1-2, 8-19

"Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập.

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì.

Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: "Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi". Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 32-48

"Các con hãy sẵn sàng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ấn tín tòa giải tội lại bị tấn công ở Wisconsin
Đặng Tự Do
00:34 09/08/2019
Trong tổng số 329,257,000 dân Hoa Kỳ hiện nay, người Công Giáo chỉ chiếm có 20.8% dân số. Nếu tính đến số người thường xuyên gắn bó với Giáo Hội, thì còn ít hơn nữa. Cho nên, cách kiếm phiếu dễ ăn nhất của các nhà lập pháp tại Hoa Kỳ là tấn công vào ấn tín tòa giải tội. Tính toán thống kê mà nói, đa số cử tri sẽ ủng hộ cho họ.

Chính vì thế, bất chấp sự thất bại của dự luật SB 360 tại California vào đầu tháng Bẩy vừa qua, chưa đầy một tháng sau đó, hai dân biểu Chris Taylor và Melissa Sargent của Madison, và Thượng nghị sĩ Lena Taylor của Milwaukee lại vừa đệ trình một dự luật tương tự tại tiểu bang Wiscosin.

Dự luật được giới thiệu bởi 3 nhà lập pháp toan tính loại bỏ việc bảo vệ được ghi trong luật tiểu bang theo đó các linh mục không buộc phải tiết lộ các thông tin nghe thấy “trong bối cảnh tòa giải tội” hoặc nghe được “thông qua các giao tiếp được giữ kín.”

“Bây giờ là thời điểm tất cả các giáo sĩ đều phải báo cáo các hành vi lạm dụng trẻ em, trong đó có lạm dụng tình dục, không có ngoại lệ nào cả, bất kể mọi lý do,” bà Lena Taylor nói tại một cuộc họp báo tại Quốc Hội Tiểu bang Wisconsin.

Rút kinh nghiệm của thất bại tại California, đồng thời với dự luật này, hôm thứ Tư 7 tháng Tám, nhóm của bà Taylor cũng giới thiệu một dự luật bảo vệ các nạn nhân trẻ em trong đó loại bỏ thời hiệu tố cáo các tội lỗi lạm dụng tính dục. Luật của Wiscosin quy định rằng người bị lạm dụng tính dục trong thời niên thiếu có thể kiện cáo thủ phạm từ khi xảy ra vụ việc cho đến khi tròn 35 tuổi.

Tiểu bang Wiscosin có 1.2 triệu người Công Giáo sinh hoạt trong 715 giáo xứ. Giáo Hội sở hữu 277 trường Công Giáo và 38 bệnh viện Công Giáo.


Source:Catholic World Report
 
Lần đầu tiên quan chức chính phủ Sri Lanka thừa nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố sáng Chúa Nhật Phục sinh
Đặng Tự Do
00:49 09/08/2019
Trong cuộc điều trần trước Quốc Hội Sri Lanka hôm 7 tháng Tám, Thủ tướng Wickremeinghe thừa nhận trách nhiệm của chính phủ trong các cuộc tấn công khủng bố hôm Chúa Nhật Phục sinh

Thủ tướng Sri Lanka nói với Ủy ban Điều Tra của Quốc hội: “ Các quan chức an ninh của tôi không được thông báo.” Khoảng 263 người đã chết trong các cuộc tấn công vào ngày 21 tháng 4. Ông giải thích rằng Tổng thống Sirisena đã không mời thủ tướng tham dự các cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia kể từ tháng 10 năm 2018.

Tuy nhiên, Thủ tướng Sri Lanka, Ranil Wickremeinghe nói trước Ủy ban Điều Tra của Quốc hội rằng chính phủ của ông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, vì sự thất bại không hành động trước các tin tình báo và phản ứng lúng túng của các cơ quan thi hành pháp luật trong ngày Chúa Nhật Phục sinh đẫm máu vừa qua.

Ông Wickremeinghe lưu ý rằng lần cuối cùng ông tham gia một cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia là vào tháng 10 năm 2018. Từ đó trở đi, Tổng thống Maithripala Sirisena không còn mời ông tham gia. Sirisena cũng loại trừ Tổng Thanh tra Cảnh sát, Pujith Jayasundara khỏi các cuộc họp này.

Trong cuộc họp báo hôm mùng 4 tháng Tám, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám mục của Colombo, cho biết ngài đã từ chối gặp bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào cho đến khi các báo cáo điều tra liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố vào hôm Chúa Nhật Phục sinh được công bố.

Trước đó, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith đã cáo buộc chính phủ “không có xương sống”, cứ đổ qua đổ lại cho nhau, không ai chịu nhận trách nhiệm và yêu cầu chính phủ nên từ chức.

Ngài nói rằng có một nỗ lực rõ ràng nhằm che giấu sự thật vì tất cả những người có trách nhiệm vẫn chưa bị đưa ra ánh sáng.

“Chúng tôi không muốn chính phủ hoặc các chính trị gia sử dụng biến cố bi thảm này để giành lợi thế trong cuộc bầu cử, nhưng chúng tôi muốn thấy một quốc gia đoàn kết và có hành động thích hợp để ngăn chặn những việc như thế có thể xảy ra trong tương lai. Đó là những gì chúng tôi mong đợi,” ngài nói.


Source:Asia News
 
Lời kêu gọi lên tiếng phản đối dự luật SB 24
Giuse Thẩm Nguyễn
18:21 09/08/2019


Tin tổng hợp: Hiện nay người Công Giáo tại tiểu bang CA nói riêng và Hoa Kỳ nói chung đang phải đối diện với những khó khăn gây ra bởi các nhà lập pháp mang tính thù địch với Giáo Hội Công Giáo.

Nhìn một cách khách quan, chúng ta thấy có nhiều luật lệ ở cấp tiểu bang và liên bang chỉ nhằm tấn công vào Công Giáo của chúng ta.

Mới đây dự luật SB360 được đưa ra bởi ông nghị tiểu bang là Jerry Hill, thuộc vùng 13, San Mateo, nhằm tấn công trực tiếp vào ấn tín giải tội, nghĩa là buộc các cha giải tội phải tiết lộ những lời thú tội của hối nhân trong tòa giải tội. Ông nghị này đã có nhiều thành tích can thiệp vào nội bộ của đạo Công Giáo. Trước đây khi ĐGM của Giáo Phận San Francisco gởi cho anh chị em giáo lý viên, khuyên họ phải sống đúng những gì mình dạy cho các em, nhất là lối sống đạo đức để làm gương, thế mà cái ông này cũng lên tiếng phê bình, chỉ trích.

Nhờ vào sự tham gia của những người Công Giáo của tiểu bang CA, mà dự luật SB360 đã bị chính tác giả bóp chết trước khi đưa ra hạ viện, vì ông ta cảm thấy run sợ trước sức mạnh của người Công Giáo. Dự luật này đã không còn là mối lo cho chúng ta nữa, nhưng qua sự việc này, chắc là sẽ tạo ra mối lo cho cái ghế của ông nghị Jerry Hill vào mùa bầu cử năm 2020.

Cũng vào năm ngoái bà nghị tiểu bang là Connie Leyva đã đưa dự luật SB 320 đòi buộc cung cấp thuốc ngừa thai tại các đại học. Dự luật này cũng được sự đồng tình của dân biểu tiểu bang là Wendy Carrillo thuộc đơn vị 51, Los Angeles, nhưng cuối cùng thì dự luật này đã bị phủ quyết bởi thống đốc Jerry Brown, một người Công Giáo, cựu tu sinh dòng Tên, công khai ủng hộ phá thai với lý do không cần thiết. Có hay có luật này thì thuốc phá thai cũng đã đầy rẫy ở các đại học rồi.

Thế nhưng bà nghị Connie Leyva,một đảng viên dân chủ, vẫn bướng bỉnh, sửa đổi đôi chút cái dự luật SB320 thành cái dự luật SB24 (Abortion Pill) và đã đưa ra phiên họp tại quốc hội tiểu bang. Dự luật SB24 này tiếp tục yêu cầu các trung tâm y tế trong khuôn viên của các trường đại học công lập ở California cung cấp các loại thuốc gây sảy thai miễn phí như thuốc RU-486.

Dự luật SB24 cũng cho phép các trung tâm y tế của sinh viên cung cấp dịch vụ tư vấn phá thai cho sinh viên, nhưng được viết riêng theo cách để loại trừ tư vấn của những cố vấn ủng hộ sự sống, có nghĩa là dự luật này không cho phép sinh viên cơ hội biết đến các lựa chọn khác phò sự sống của họ.

Bên cạnh tính cách vô đạo đức, dự luật SB24 còn gây nguy cơ cao về sức khỏe cho phụ nữ tại đại học. Phá thai bằng hóa chất có thể là một kinh nghiệm đau đớn và chấn thương,nếu không được sử dụng vào thời điểm thích hợp, có thể dẫn đến các biến chứng và thậm chí dẫn họ đến tử vong.

Dự luật cũng thành lập một ủy ban để gây một quỹ nhằm khuyến khích phá thai, nhận tiền quyên góp từ các tư nhân, và các cơ quan chính phủ địa phương và liên bang. Tiểu bang California không nên khuyến khích hay tài trợ cho việc phá thai. Hầu hết người dân California, thậm chí cả những người ủng hộ quyền lựa chọn của phụ nữ (pro-choice), cũng chống lại việc chính phủ can thiệp vào những quyết định đang gây tranh cãi như hiện nay.

Hãy cho các nhà lập pháp biết rằng không cần các dịch vụ này trong khuôn viên trường đại học và chúng ta phản đối dự luật ngớ ngẩn này. Các vị dân cử nên dùng thời giờ được trả lương của người dân đóng thuế để bàn những việc ích nước lợi dân khác. Có trợ giúp nào dành cho những người phụ nữ muốn chọn để bảo toàn thai nhi, giữ gìn em bé? Tại sao các mối quan tâm chính đáng của các nhà cung cấp y tế đại học lại bị bỏ qua? Tại sao tiểu bang không quyên góp tiền cho một chương trình hỗ trợ sinh viên mang thai mà lại là hỗ trợ phá thai. Sao không xây mà lại chọn cách đạp đổ?

Chúng ta hãy vào trang nhà của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo California tai www.cacatholic.org để yêu cầu các vị dân cử hãy bỏ phiếu KHÔNG cho dự luật SB 24 này.

Nếu mỗi người Công Giáo đều ý thức trách nhiệm của mình, biết được sức mạnh lá phiếu của mình, chỉ cần lên tiếng thôi, thì cái dự luật SB24 cũng sẽ bị vất vào thùng rác như số phận của dự luật S360 trước đây.

 
Cái dũng của thánh nhân - Tổng Giám Mục San Antonio xin lỗi vì chỉ trích tổng thống nặng quá
Đặng Tự Do
18:24 09/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau một loạt các vụ xả súng giết người hàng loạt gần đây ở Gilroy, California; El Paso, Texas; và Dayton, Ohio, cũng như nhiều vị Giám Mục khác tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Gustavo Garcia-Siller của tổng giáo phận San Antonio đã lên tiếng bày tỏ nỗi bức xúc của ngài.

Trong ba tweets liên tiếp vào ngày thứ Hai 5 tháng Tám, Đức Tổng Giám Mục Gustavo viết:

“Thưa tổng thống, ngài là một người thiệt tệ, yếu quá. Làm ơn đừng gây hại thêm cho người dân.”

“Thưa tổng thống, xin dừng ngay lòng thù hận. Người dân Hoa Kỳ đáng được hưởng những gì tốt hơn.”

“Xin dừng ngay sự phân biệt chủng tộc. Xin dừng ngay lòng thù hận. Làm ơn trở thành người thiện chí. Xin dừng ngay những lời cầu nguyện giả dối. Ngài đã gây hại quá nhiều. Ngài đã làm mất đi nhiều sinh mạng. Ngưng, ngưng, ngay. Làm ơn, làm ơn, làm ơn.”

Nhiều người cho rằng Đức Tổng Giám Mục “phang” nặng quá! Dân chúng Mỹ hiện đang nắm giữ trong tay số vũ khí cá nhân bằng một nửa kho vũ khí cá nhân của toàn thế giới. Bất cứ tổng thống Mỹ nào, dù thiện chí đến đâu, cũng không thể nào đảo ngược được tình hình một sớm một chiều.

Sau cơn giận, Đức Tổng Giám Mục đã nghĩ lại, và đã thực hiện video sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Kim Thúy. Xin quý vị và anh chị em để ý trong khi nói, Đức Tổng Giám Mục để lộ một nỗi buồn, có thể nói là ứa nước mắt trong một niềm hối tiếc rất chân thành. Ngài nói:

Thưa anh chị em giáo dân của tôi, cộng đồng rộng lớn hơn và tất cả các linh mục tận tụy của Tổng giáo phận San Antonio, xin biết rằng chức trách của tôi là nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của anh chị em, và trình bày ý kiến bản thân mình trong những cách thế thể hiện lòng trắc ẩn, văn minh và xây dựng sự hiệp nhất.

Tôi rất tiếc rằng các nhận xét trong các Tweet gần đây của tôi không tập trung vào các vấn đề nhưng lại đi tập trung vào một cá nhân.

Tất cả các cá nhân đều có phẩm giá do Chúa ban và đáng được tôn trọng và yêu thương như con cái Chúa, đặc biệt là trong các đối thoại và tương tác của chúng ta. Chúng ta nên nhận thức được điều này khi bàn cãi về chức trách của Tổng thống Hoa Kỳ, là vị đáng được chúng ta tôn trọng.

Các gia đình bị ảnh hưởng trong vụ xả súng giết người hàng loạt ở El Paso, Dayton và Gilroy, California cần những lời cầu nguyện của chúng ta. Ở Nam Texas, cộng đồng Sutherland Springs gần đó đã phải chứng kiến cảnh tượng của một thảm kịch như vậy hai năm trước đây. Cái ác này hoàn toàn vô nghĩa và sẽ không bao giờ có thể hiểu được một cách đầy đủ. Sự hoài nghi và bàng hoàng là những cảm giác áp đảo; và không có từ ngữ nào diễn tả đầy đủ được. Không thể có lời giải thích thỏa đáng nào cho những cảnh kinh khủng như thế.

Hy vọng của tôi là mang lại niềm an ủi tại thời điểm đầy xúc động này.

Tôi đã từng là chủ tịch của Ủy ban /Đa văn hóa trong Giáo Hội/ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và mùa thu năm ngoái Hội Đồng Giám Mục của chúng ta đã thông qua một tài liệu có tựa đề, “Lời Mời Gọi Yêu Thương Liên Lỉ: Thư Mục Vụ Chống Phân biệt chủng tộc.”

Bức thư mục vụ nói rằng: “Mặc dù có nhiều bước tiến đầy hứa hẹn được thực hiện ở quốc gia chúng ta, khối ung thư tệ hại của nạn phân biệt chủng tộc vẫn tiếp tục lây lan khắp đất nước. Các hành vi phân biệt chủng tộc là tội lỗi vì chúng chà đạp công lý. Chúng cho thấy một sự thất bại trong việc thừa nhận phẩm giá con người của những người bị xúc phạm, cũng như trong việc nhận ra họ là những người lân cận mà Chúa Kitô kêu gọi chúng ta yêu thương.”

Tài liệu này cũng nói rằng: “ Mỗi hành vi phân biệt chủng tộc - mỗi lời bình luận như thế, mỗi câu nói đùa, mỗi cái nhìn miệt thị như một phản ứng đối với màu da, sắc tộc hay xuất xứ của một người - là một sự thất bại trong việc thừa nhận người khác như một người anh chị em của chúng ta, được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa.”

Không ai được phép đưa ra các tuyên bố phân biệt chủng tộc.

Đây là những điều tôi muốn tweet và rao giảng, cũng như muốn bắt đầu cuộc đối thoại đổi mới. Chúng ta hãy tập trung vào điều này. Lời cầu nguyện của tôi là điều này sẽ dẫn đến các cuộc đối thoại quốc gia lành mạnh về những vấn đề đang ảnh hưởng đến nhiều người ở nước ta.

Ngày càng có sự sợ hãi và những quấy rối, và lúc này lúc khác có những phát biểu công khai sử dụng các luận điệu tạo ra những nỗi sợ cho người nước ngoài, người nhập cư và người tị nạn.

Chúng ta phải cầu nguyện cho hòa bình một cách nhiệt thành hơn giữa tất cả các hình thái bạo lực dường như đang áp đảo xã hội của chúng ta. Chúng ta phải là ánh sáng trong bóng tối. Chúng ta hãy tiếp tục đẩy mạnh các giá trị của Nước Trời. Chúng ta không cần những chia rẽ hơn nữa, nhưng đúng hơn, chúng ta cần tiến về phía trước trong tự do để thảo luận về những chủ đề này sâu sắc hơn, dưới ánh sáng Tin Mừng.


Source:Archdiocese of San Antonio
 
Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cảnh giác về ý thức hệ độc tài đồng tính
Đặng Tự Do
19:03 09/08/2019
Từ một hiện tượng bất thường, trào lưu đồng tính tại Ba Lan không chỉ dừng lại ở việc buộc xã hội phải chấp nhận đó là một chuyện bình thường mà các nhà hoạt động đồng tính còn muốn tiến xa hơn trong việc coi đó là một “chuẩn mực” của xã hội. Thay đổi sách giáo khoa, sa thải những người không chấp nhận “chuẩn mực” mới, tấn công các nhà thờ là các biểu hiện tiêu biểu của một ý thức độc tài muốn thay đổi tận gốc xã hội.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cảnh cáo ý thức hệ độc tài về đồng tính này trong lá thư ngày 8 tháng 8, 2019. Toàn văn như sau:


Bất kể những ngày nghỉ, lẽ ra phải là thời gian nghỉ ngơi và suy ngẫm về vẻ đẹp của thiên nhiên do Thiên Chúa tạo thành, các cuộc tranh luận đang dấy lên ở Ba Lan về “ý thức hệ LGBT” (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới). Điều này có lẽ liên quan đến bầu khí tấn công của các nhóm LGBT và sự gia tăng đáng kể số lượng các cuộc tuần hành gọi là “tự hào” được tổ chức ở nước ta, song song với việc giới thiệu các chương trình giảng dạy mới của trường học về một cách tiếp cận mới liên quan đến giáo dục giới tính, phù hợp với ý thức hệ này, được một số chính quyền địa phương lên kế hoạch thực hiện sau kỳ nghỉ hè này.

Những người thuộc nhóm được gọi là thiểu số về tính dục này là anh chị em của chúng ta, là những người Chúa Kitô đã hiến mạng sống của Người cho họ và là những người mà Chúa cũng muốn cứu độ. Tuy nhiên, việc tôn trọng các cá nhân được nêu trên không thể dẫn đến sự chấp nhận một ý thức hệ muốn thay đổi tận gốc các phong tục xã hội và các mối quan hệ giữa các cá nhân. “Cuộc nổi loạn về phong tục và đạo đức này – như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh - thường vẫy những ‘lá cờ tự do’, nhưng thực tế, nó đã mang đến sự tàn phá về tinh thần và vật chất cho vô số con người, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất” (Vatican, 17/11/2014).

Do đó, tôi kêu gọi các chính quyền địa phương đừng đưa ra các quyết định - dưới chiêu bài chống phân biệt đối xử - để che giấu một ý thức hệ phủ nhận sự khác biệt giới tính tự nhiên và sự bổ sung giữa người nam và người nữ. Tôi cũng kêu gọi các nghị sĩ chống lại các kế hoạch sâu rộng của trào lưu LGBT, nhằm mục đích thay đổi luật pháp Ba Lan để giới thiệu cái gọi là hôn nhân đồng tính và khả năng nhận con nuôi của họ.

Làn sóng chỉ trích đã ảnh hưởng đến Tòa Thị Chính Krakow, các trường Đại Học, cũng như phản ứng của các chủ nhân đối với những người thể hiện thái độ không tán thành ý thức hệ LGBT. Điều đó chứng minh tính chất độc tài toàn trị của ý thức hệ bắt nguồn từ những người đồng tính, bao gồm việc loại bỏ những người có suy nghĩ khác mình. Do đó, tôi kêu gọi tất cả những người có thiện chí hãy áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thảo luận công khai không chỉ với những người ủng hộ ý thức hệ đã nêu mà còn phải cho phép các đối thủ của mình có quyền bình đẳng để tranh luận.

+Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki
Tổng Giám mục Poznań
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan


Warsaw, ngày 8 tháng 8 năm 2019


Source:Konferencji Episkopatu Polski

 
Những tư duy của Đức Thánh Cha Phanxicô trước “Chủ nghĩa cô lập và Chủ nghĩa độc chủng chỉ dẫn đến chiến tranh”
Thanh Quảng sdb
20:13 09/08/2019
Những tư duy của Đức Thánh Cha Phanxicô trước “Chủ nghĩa cô lập và Chủ nghĩa độc chủng chỉ dẫn đến chiến tranh”

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Stampa-Vatican Insider của Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận rằng châu Âu cần tôn trọng bản sắc của các dân tộc mà không tự đóng khung chính mình. Ngài đề cập đến một số vấn đề như chính trị, di dân, Thượng hội đồng vùng Amazon, môi trường và sứ vụ truyền giáo của Giáo hội.
Âu Châu phải được tồn vong vì đó là một di sản "không thể và không thể bị giải thể". Đối thoại và lắng nghe, phải được "khởi đi từ bản sắc riêng của mỗi cá nhân " và từ các giá trị nhân bản và Kitô giáo, như là những liều thuốc chống lại chủ quyền của chủ nghĩa Duy tôn giáo và chủ nghĩa độc chủng; đây cũng là động lực cho "một quá trình tái khởi động" mà không bao giờ được kết thúc.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về những vấn đề này và nhiều vấn đề khác với ký giả Domenico Agasso, một chuyên gia và điều phối viên về những vấn đề nội bộ của Tòa Thánh ‘Vatican Insider’, và là một dự án trực tuyến hàng ngày của tờ nhật báo Ý "La Stampa".

Châu Âu và những người sáng lập
Đức Thánh Cha hy vọng châu Âu sẽ tiếp tục hiện thực giấc mơ của những người hình thành ra nó. Đó là một viễn kiến đã trở thành hiện thực bằng cách thể hiện sự thống nhất về lịch sử, văn hóa và địa lý đây là đặc trưng của lục địa này.
Mặc dù Châu Âu "có vấn đề về quản trị và nhiều bất đồng nội bộ", Đức Thánh Cha vẫn lạc quan về việc bổ nhiệm bà Ursula von der Leyen làm Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. ĐTC rất hài lòng về vai trò của bà ấy, vì một người phụ nữ có thể thích hợp để vực dậy sức mạnh của những người sáng lập ra Liên hiệp Âu Châu. Đức Thánh Cha có thể nhìn thấy bà ấy sẽ có cách kết nối mọi người ngồi lại với nhau và đoàn kết. "

Châu Âu nguồn nhân bản và Kitô giáo
Theo Đức Thánh Cha thì thách đố chính của châu Âu trong việc tái khởi động chính nó phải bắt đầu bằng đối thoại. "Trong Liên minh châu Âu, chúng ta cần phải trao đổi với nhau, ngay cả đối đầu với nhau hầu có thể hiểu biết nhau", Đức Thánh Cha giải thích làm thế nào thì làm phải đề cao "cái gia sản tinh thần" trước mọi lý luận! Ưu tiên phải là "châu Âu trước rồi mới tới từng quốc gia".
Để làm được điều này, Đức Thánh Cha nói, "chúng ta cần phải lắng nghe nhau", vì thông thường chúng ta chỉ có "thỏa hiệp độc thoại ". ĐTC nói: Điểm khởi đầu và khởi động lại, phải khởi đi từ giá trị con người. Đó là một thực tại của lịch sử chứng minh cho chúng ta thấy rằng châu Âu có cả nguồn gốc nhân bản con người và Kitô giáo. Và khi tôi đề cập tới điều này, thì ĐTC nói, chúng ta đừng bao giờ tách biệt người Công Giáo ra khỏi Chính thống và Tin lành. Chính thống có một vai trò rất quý giá đối với châu Âu. Tất cả chúng ta đều có cùng giá trị khởi đầu.

Căn tính mở cửa cho đối thoại
Đức Thánh Cha giải thích mọi người đều quan trọng, không ai là thứ yếu. Do đó, trong mọi cuộc đối thoại, chúng ta phải bắt đầu từ căn tính riêng của mình. Ngài đưa ra một ví dụ: "Tôi không thể tìm kiếm sự đại kết nếu tôi không bắt đầu từ chính Giáo Hội Công Giáo của tôi, cũng như người khác tìm kiếm sự đại kết với tôi phải khởi đi từ Giáo hội Tin lành, Chính thống, v.v ... Bản sắc riêng của chúng tôi không thể thay đổi được; nhưng nó có thể thích ứng được.
Đức Thánh Cha đề cập tới những vấn đề có thể là chúng ta tự cô lập đóng lòng lại mà không mở ra. ĐTC cho hay bản sắc của chúng ta phải làm phong phú văn hóa, quốc gia, lịch sử và nghệ thuật, và mỗi quốc gia có sắc thái riêng, nhưng nó phải được thích ứng qua việc đối thoại. Điều quan trọng là trong khi bắt đầu từ một căn tính riêng của mỗi người, chúng ta cần phải biết mở tâm lòng mình ra qua các cuộc đối thoại, hầu có thể nhận diện được có một cái to lớn và rộng lớn hơn chính mình.
Đức Thánh Cha cắt nghĩa: Đừng bao giờ quên, cái tổng thể toàn bộ thì phải lớn hơn các bộ phận. Toàn cầu hóa và đoàn kết, không được coi là một hình cầu, mà là một khối đa diện: mỗi người giữ được căn tính của mình trong sự hiệp nhất với nhau".

Chủ nghĩa Quốc gia và chủ nghĩa Độc chủng
Đức Thánh Cha bày tỏ mối quan tâm của Ngài trước những ý niệm về “Chủ nghĩa Quốc gia” và “Chủ nghĩa Độc chủng” mà ngài cho là một thái độ cô lập. Ngài bày tỏ mối lo âu của ngài trước những bài phát biểu tương tự như những bài phát biểu của nhà độc tài Hitler vào năm 1934 với những ngôn từ “Chúng ta trước ... chúng tôi ...”
Trong khi chủ nghĩa Quốc gia phải siêu việt lên trên cá nhân... Chủ quyền ấy phải được bảo vệ và rộng mở ra với các quốc gia khác! Cho nên Liên hiệp Âu Châu cần phải được bảo vệ và phát huy.
Đức Thánh Cha cho hay chủ nghĩa Quốc gia thường là một cường điệu đưa tới một kết thúc tồi tệ là "nó dẫn đến chiến tranh". Và Chủ nghĩa độc chủng là một cách áp đặt một thái độ dẫn đến chủ nghĩa quốc gia, ở đây chúng ta không nên nhầm lẫn với "chủ nghĩa đa chủng tộc", đó là một thứ văn hóa cần được cổ súy. ĐTC cho hay những chủ thuyết có chữ “ism” ở cuối một chữ trong tiếng Anh, hay chữ “duy” trong tiếng Việt thường có nghĩa không tốt!

Di dân: tính ưu việt của quyền sống
Về vấn đề di dân, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tới bốn hành động được biểu hiện bằng bốn động từ: chào đón, đồng hành, thúc đẩy và hội nhập.
Tiêu chí quan trọng nhất trong vấn đề này, theo ĐTC, là quyền sống vì nó có liên lụy tới chiến tranh và nạn đói làm cho người ta phải chạy trốn, đặc biệt từ các vùng Trung Đông và Châu Phi. Các chính phủ và các chính quyền được mời gọi mở lòng ra trước việc họ có thể nhận bao nhiêu người di cư.
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các sáng kiến như nhận người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số quốc gia có nhiều thị trấn bỏ hoang vì sự suy giảm về dân số. Những người di dân có thể giúp hồi sinh nền kinh tế của các khu vực này.
Nói về chiến tranh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh chúng ta phải cam kết và tranh đấu cho hòa bình. Chiến tranh đói khát là lãnh vực chính yếu liên quan đến châu Phi mà theo ĐTC thì đó là nạn nhân của một tham vọng độc ác, ích kỷ cần phải được loại bỏi! ĐTC mời gọi hãy mở ra một giải pháp đầu tư hầu giúp giải quyết các vấn nạn của người dân và ngăn ngừa các dòng người di cư.

Sự cấp thiết của Thượng hội đồng vùng Amazon
Khi được hỏi về Thượng hội đồng vùng Amazon vào tháng 10 tới đây được triệu tập tại Vatican, Đức Thánh Cha cho hay đó là kết quả được nảy sinh từ Thông điệp “Laudato si”. ĐTC cho hay Thông điệp “Laudato si” không phải là một bách khoa toàn thư về rừng xanh mà là một bách khoa toàn thư dựa trên thực tế của rừng cây xanh trong sự hài hòa của Đấng tạo hóa.
ĐTC cho đây sẽ là hội nghị cấp bách của tất cả chúng ta, khi Ngài trình bày mối lo chung của toàn cầu trong Ngày Trái đất 29 tháng 7 vừa qua.ĐTC nói con người đã làm cạn kiệt các tài nguyên... Cộng thêm vào đó sự gia tăng nồng độ của khí quyển làm tan chảy những tảng băng, gây lên nguy cơ làm dâng cao mực nước biển, sự gia tăng chất thải ra biển, nạn phá rừng và các tình huống nguy cấp khác, khiến hành tinh này rơi vào tình trạng nguy cấp!...

Thượng hội đồng, công việc của Chúa Thánh Thần để tái truyền giáo
Thượng hội đồng, mà Đức Thánh Cha nêu ra đây không phải là một cuộc tụ họp của các nhà khoa học, chính trị gia hay một quốc hội. Đây là một cuộc triệu tập được Giáo hội tổ chức hầu đáp ứng trước sứ mệnh và tìm ra chiều kích truyền giáo mới thích hợp với thời đại. Đó là công việc của Chúa Thánh Linh và được hướng đạo bởi Chúa Thánh Thần.
Các chủ đề của các Thương hội đồng này là những chủ đề liên quan đến "việc mục vụ truyền giáo và cách thế để truyền giáo mới cho thời đại".
Thượng Hội đồng Vùng Amazon, Chìa khóa cho tương lai của toàn cầu
Đức Thánh Cha giải thích sự lựa chọn vùng Amazon làm chủ đề cho Thượng hội đồng, vì khu vực này trải rộng trên chín Tiểu bang. "Đó là một nơi đại diện và quyết định cho địa cầu chúng ta. Cùng với các đại dương khác, nó đóng một vai trò quyết liệt cho sự sống còn của hành tinh trái đất. Phần lớn oxy chúng ta thở phát sinh từ đó. Đó là lý do tại sao nạn phá rừng hiện nay đang là mối lo diệt chủng của loài người chúng ta!

Chính trị
Khi được hỏi về chính trị, Đức Thánh Cha nói "mối đe dọa đối với cuộc sống của người dân và lãnh thổ xuất phát từ lợi ích kinh tế và chính trị của các thành phần thống trị của thế giới". Do đó, chính trị phải "loại bỏ đi các mối quan hệ và tham nhũng." Nó phải lãnh các trách nhiệm cụ thể, như trách nhiệm về việc khai thác các quặng mỏ lộ thiên không được gây lên các độc tố nhiễm độc các dòng sông, cũng như không là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh!".

Hy vọng nơi những người trẻ
Đức Thánh Cha bày tỏ sự tin tưởng vào những người trẻ và các phong trào của họ, vì họ có một thái độ ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc cho trái đất, chẳng hạn như những hoạt động Thanh thiếu niên Thụy Điển, Greta Thunberg, người đang dẫn đầu một cuộc biểu tình trên toàn thế giới chống nạn biến đổi khí hậu. Đức Thánh Cha rất xúc động trước một tấm bảng của cô với dòng chữ: Chúng tôi là tương lai. Nó nói lên sự chú ý đến những điều nhỏ nhặt hàng ngày làm "ảnh hưởng đến" nền văn hóa sống", bởi vì chúng là những hành động cụ thể"...
 
Chính thống Eritrea: Giám mục cung đình trục xuất Đức Thượng Phụ đáng kính
Đặng Tự Do
21:32 09/08/2019
Trong một diễn biến bi đát, 5 Giám Mục trong Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Eritrea đã trục xuất Đức Thượng Phụ Abune Antonios [1], người được toàn dân kính ngưỡng, khỏi Giáo Hội Chính Thống Giáo tại quốc gia này. Cho đến nay, ngài là vị Thượng Phụ duy nhất của Giáo Hội Chính Thống Eritrea được Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống trên thế giới nhìn nhận.

Eritrea là quốc gia Phi Châu nằm dọc theo bờ biển phía tây nam của Biển Đỏ. Kitô Giáo đã có mặt tại đây ít nhất là vào thế kỷ thứ 4 khi vương quốc Kitô giáo Aksum phát triển mạnh ở vùng mà ngày nay là Eritrea và Ethiopia. Vương quốc bắt đầu suy tàn vào thế kỷ thứ 7 sau cuộc xâm lược của người Hồi giáo, nhưng một phần dân số Eritrea vẫn luôn là người Kitô giáo.

Tổng thống Eritrea hiện nay là ông Isaias Afwerki, sinh ngày 2 tháng Hai năm 1946. Ông Afwerki là một người vô thần, được đào tạo tại Trung Quốc để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập với Ethiopia. Mặt trận Giải phóng Nhân dân Eritrea của ông được tổ chức rập khuôn “giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc”, đã chiến thắng trong cuộc nội chiến nhằm tách ra khỏi Ethiopia vào năm 1991. Đây cũng là lực lượng trấn áp thẳng tay các thành phần đối lập, giúp ông ngồi vững trên ngai vàng trong suốt 28 năm qua. Thành tích nhân quyền của Eritrea thường xuyên được xếp hạng trong số những quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới.

Về phương diện tôn giáo, bắt chước Trung Quốc, Afwerki đã xen mình vào nội bộ Chính Thống Giáo Eritrea. Sau khi Đức Thượng Phụ Abune Yacob qua đời vào ngày 2 tháng 12 năm 2003, Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Eritrea đã bầu Đức Giám Mục Abune Antonios của Hamasiye làm Thượng Phụ. Ngài thường xuyên chỉ trích các thành tích nhân quyền tồi tệ của chính phủ. Tháng 8 năm 2005, Afwerki truất phế ngài, quản thúc tại gia, và chỉ định giáo dân Yoftahe Dimetros làm lãnh đạo Chính Thống Giáo Eritrea, y hệt như giáo gian Lưu Bách Niên lãnh đạo “Công Giáo yêu nước” Trung Quốc.

Các Giáo hội Chính thống Đông phương khác cũng như Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục công nhận Đức Thượng Phụ Antonios là nhà lãnh đạo chính thức.

Tháng Tư vừa qua Đức Thượng Phụ Antonios thuê người làm một cuốn phim tài liệu về Chính Thống Giáo Eritrea dưới triều đại giáo gian Yoftahe Dimetros. Cuốn phim chưa hoàn thành đã bị bại lộ.

Trong tuyên bố vừa được đưa ra, 5 trong 6 Giám Mục của Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Eritrea (thường được gọi mỉa mai là các Giám Mục cung đình, nô bộc của chế độ) nói rằng các hoạt động gần đây của Đức Thượng Phụ đã khiến họ nhận ra rằng “sự ăn năn của ông không phải là chân thật” nên họ quyết định trục xuất ông.

“Tên của ông không bao giờ được nhắc đến và ghi nhớ và những người vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”, tuyên bố nói thêm.

Chính thống giáo chiếm khoảng 30% trong số 4.9 triệu dân của Eritrea. Khoảng 60% dân số là người Hồi giáo Sunni, 5% là người Công Giáo và 2% theo Tin lành. Chính thống Eritrea có khoảng 1,500 nhà thờ, 22 tu viện và 15,000 linh mục.

[1]. Eritrea Orthodox Church ex-leader expelled for 'heresy'


Source:CNEWA