Ngày 09-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tìm kiếm và ôm lấy nó
Lm. Minh Anh
02:41 09/08/2020

TÌM KIẾM VÀ ÔM LẤY NÓ

“Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”;
“Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cách đây mấy tuần, chúng ta chia sẻ với nhau câu chuyện Êlia gặp Chúa trên núi; cách đây mấy ngày, chúng ta cùng suy nghĩ về câu chuyện Chúa đi trên nước… vậy thì Chúa Nhật hôm nay, với hai bài đọc này, chúng ta còn gì để nói với nhau. Vậy mà có đó, nếu không nói là sẽ thú vị hơn. Nào, hãy cùng nhau dừng lại ở một chủ đề khác, Thiên Chúa ở gần con người đến mức nó phải sợ; nhưng, sợ Thiên Chúa hay sợ một cái gì khác; đó là vấn đề. Trên núi Horeb, Thiên Chúa gọi Êlia; giữa biển hồ, Chúa gọi các môn đệ, và những con người này không thể tưởng tượng một Thiên Chúa lại có thể ở gần họ đến thế.

Bài đọc thứ nhất nói đến cuộc thần hiện trên núi của Thiên Chúa cho Êlia. Theo quan niệm Do Thái, núi là nơi Thiên Chúa ngự. Trên núi Sinai, Chúa hiện ra với Môisen; trên núi Horeb, Người hiện ra với Êlia; trên một ngọn núi khác, Chúa Giêsu công bố hiến chương Nước Trời; trên núi Taborê, Ngài hiển dung xán lạn và trên núi Sọ, Ngài hiến mình thê lương. Từ núi Horeb, nơi Êlia đang ẩn mình cho khỏi quân thù đang tiễu phỉ, Thiên Chúa gọi ông, buộc ông trở về để phong vương, để xức dầu cho những ai Người định.

Nếu núi là nơi Thiên Chúa ngự thì cũng theo quan niệm Do Thái, biển là chốn ma vương trị vì. Sách Khải Huyền nói, “Biển đã trả lại những người chết trong nó; tử thần và âm phủ hoàn lại những người chết chúng giam giữ”; “Tôi thấy một trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã qua, và biển không còn nữa”; hoặc quỷ nhập vào đàn heo và lao xuống biển. Vì thế, việc Chúa Giêsu hiện diện giữa đêm khuya trên biển hồ khiến gió yên biển lặng có nghĩa là Ngài chiến thắng, thống trị ma quỷ và các thế lực thù nghịch. Tin Mừng hôm nay nói, Ngài lên tiếng với các môn đệ, “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”. “Thầy đây” theo bản dịch Hy Lạp, có nghĩa “Ta là”, một thuật ngữ Thánh Kinh gợi lên sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa. Trước bụi gai, Chúa gọi Môisen, sai ông đi giải phóng dân; ông lấy tay che mặt, miệng ú ớ. Ông hỏi Người là ai, Chúa trả lời, “Ta là Đấng Hiện Hữu”, Đấng Hiện Hữu luôn mang theo sức mạnh của Người.

Anh Chị em,

Thiên Chúa đó có khiến chúng ta sợ hãi không? Hoặc một câu hỏi hay hơn, ý muốn tốt lành của Thiên Chúa có làm chúng ta sợ không? Hy vọng là không; thế nhưng, có lúc chúng ta sợ thật, ít nữa là lần đầu. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta phần nào sự hiểu biết thiêng liêng và cách thức chúng ta phản ứng trước ý muốn của Thiên Chúa trong đời mình.

Trước hết, bối cảnh Tin Mừng thật quan trọng. Các môn đệ ở trong thuyền, giữa biển hồ sóng gió một đêm khuya. Bóng tối tượng trưng cho màn đêm chúng ta phải đương đầu với vô vàn khó khăn; con thuyền, theo truyền thống, được coi như Giáo Hội và biển hồ, biểu tượng cho thế gian. Vì thế, trình thuật Tin Mừng nói với chúng ta rằng, rất thực tế, mỗi người, giữa thế gian, trong Giáo Hội, đang phải đối mặt với những “đêm tối” cuộc đời.

Một đôi khi, trong đêm tối đời mình, Thiên Chúa đến với chúng ta và chúng ta sợ hãi. Thế nhưng, không phải chúng ta sợ chính Chúa, cho bằng, chúng ta sợ những ý muốn và đòi hỏi của Người. Ý muốn của Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta vươn tới một điều cao cả hơn, hướng thượng hơn, thánh thiện hơn; đó là một sự quên mình để trao ban, đó là một tình yêu đòi phải có hy tế. Đó là những lý do khiến chúng ta sợ và lắm lúc, điều này thật khó chấp nhận. Thế nhưng, trong niềm tin, nếu chúng ta chịu nhượng bộ Chúa, thuận thảo, mềm mỏng với Người… thì Chúa Giêsu cũng sẽ dịu dàng nói với chúng ta như đã nói với các môn đệ, “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”. Ý muốn của Người không là điều để chúng ta sợ; trái lại, chúng ta tìm kiếm và ôm lấy nó, lòng đầy tin yêu phó thác. Thoạt tiên, điều này có vẻ thách đố; thế nhưng, với lòng cậy tin, việc đáp ứng ý muốn của Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta đến một cuộc sống tràn đầy nhất, hạnh phúc nhất, một cuộc sống có tên là ân phúc.

Anh Chị em,

Hôm nay, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta điều gì, Người đang muốn điều gì cụ thể nơi tôi. Một điều gì đó có thể làm chúng ta chết lặng, choáng ngợp hay ngắc ngoải… thế nhưng, đó chính là điều Thiên Chúa đang chờ. Đó có thể là một lời thứ tha thật lòng cho ai đó, có thể là từ bỏ một lối sống nào đó, một ý định điên khùng nào đó hay một ước muốn quái gở nào đó… Hãy dán mắt vào Người và hãy tin, Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta một điều gì đó quá sức khiến chúng ta không thể hoàn thành. Ơn Chúa luôn luôn đủ cho chúng ta và những gì Người muốn luôn luôn đáng giá để chúng ta chấp nhận và liều lĩnh tín thác.

Ngày kia, Têrêxa Avilla nói, “Chúa đã đối xử với con quá tệ, Chúa quá đòi hỏi”; Chúa Giêsu trả lời, “Ta thường đối xử với các bạn Ta như thế!”. Chị thánh mới ngoe nguẩy, “Hèn chi, chẳng mấy ai thèm làm bạn với Chúa”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thật lòng… con cũng không sợ Chúa mấy, nhưng con rất sợ Chúa đòi hỏi điều này điều kia nơi con. Xin hãy xua tan nỗi sợ của con với ân sủng của Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:17 09/08/2020

53. Đối với một người Ki-tô hữu, quang vinh không phải là vì Chúa Giê-su mà chịu đau khổ sao?

(Thánh Philip Neri)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:20 09/08/2020
101. MÈO CHÚC THỌ CHUỘT

Có một con chuột già chạy trốn trong một cái hủ lớn, con mèo túm không tới nó bèn dùng râu khều khều lão chuột, thế là lão chuột hách xì một cái.

Con mèo bên ngoài kêu:

- “Thiên tuế”.

Lão chuột chớp chớp con mắt nói:

- “Ông làm gì mà biết chúc thọ ta ! Nếu không phải muốn ta chui ra để ăn ta sao, hahahaha”.

(Nhã Ngược)

Suy tư 101:

Con mèo là sát tinh của con chuột, thì không thể nào đi chúc thọ con chuột cả, bởi vì vừa thấy chuột là mèo “xực” ngay, còn đâu nữa mà chúc thọ với chúc phúc !

Người Ki-tô hữu thì luôn nghe lời của Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy làm ơn và cầu nguyện cho những người ghen ghét và bách hại anh em. Lời dạy này cũng là một lời chúc thọ rất độc đáo mà người môn đệ của Ngài luôn thực hành trong cuộc sống của mình, cho nên đi đến đâu họ cũng đều biết “chúc thọ” cho những người không thích mình, ganh ghét mình và làm hại mình.

Con mèo làm bộ tung hô “thiên tuế” với con chuột, nhưng trong bụng thì muốn xơi tái nó, bởi vì mèo và chuột thì kỵ rơ nhau, nhưng người Ki-tô hữu sẽ không bao giờ kỵ rơ với ai, bởi vì họ luôn biết rằng, tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa và là anh chị em với nhau.

Đó là lời “chúc thọ” hay nhất vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Brandmüller vạch trần sai trái của Tổng Giám Mục Viganò đối với Công Đồng Vatican II
Vũ Văn An
00:07 09/08/2020

Ký giả lão thành Sandro Magister vừa có bài nhận định “The ‘Fake News’ of Viganò and Company. Unmasked by a Cardinal” (‘Tin giả’ của Viganò và tập đoàn. Bị một vị Hồng Y lột mặt nạ).

Như báo chí đã đăng tải, càng ngày Tổng Giám Mục Viganò càng sa sâu hơn vào các sai lầm của ngài. Khởi đầu là chuyện tranh chấp quyền lực khi kêu gọi Đức Phanxicô từ chức, sau đó đụng tới tín lý, vốn là cốt lõi đời sống Giáo Hội. Ngài đi xa đến nỗi đã kết án toàn bộ Công Đồng Vatican II, coi nó như một ổ dị giáo, do đó, tốt nhất nên hủy bỏ nó một cách “in toto” (toàn diện) và quên hẳn nó đi.

Magister cho rằng luận điểm do Viganò đưa ra sau khi đọc một phân tích khác của Giám Mục Athanasius Schneider. Nhưng trong khi phê phán Công Đồng Vatican II, vị giám mục của Kazakhstan này chỉ muốn các điểm ngài cho là sai lầm của nó được sửa chữa, thì Tổng Giám Mục Viganò đã cực đoan đòi dẹp bỏ nó toàn diện.



Đối với Giám Mục Schneider, Đức Hồng Y Walter Brandmüller, một sử gia lỗi lạc của Giáo Hội, từng đứng đầu Ủy Ban Giáo Hội về Các Khoa Học Lịch Sử từ năm 1998 tới năm 2009, và từng là một trong bốn Hồng Y “hoài nghi” Đức Phanxicô, đã gửi tới một bản tóm tắt chỉ ra các điểm thiếu chính xác trong bài viết của ngài.

Riêng đối với Viganò, cho đến nay, cả Tòa Thánh lẫn Đức Hồng Y Brandmüller vẫn im lặng. Phải chăng Viganò bị coi như một thứ cùi hủi không ai muốn đụng tới?

Tuy nhiên, nhân cơ hội này, Magister có phổ biến một bài diễn văn của Đức Hồng Y Brandmüller tựa là “Công Đồng Vatican II: Các Khó Khăn Trong Việc Giải Thích Nó”, đọc trước Học Viện Ecclesia Mater hồi tháng 8 năm 2019. Bài diễn văn nhằm nói chung với những người coi Vatican II như dị giáo, nhưng gián tiếp nói với những người như Giám Mục Schneider và Tổng Giám Mục Viganò: lập trường của họ hoàn toàn sai lầm. (Xin xem nguyên bản tiếng Anh tại https://www.marcotosatti.com/2020/07/07/brandmuller-difficulties-of-interpretation-of-vat-ii/):

Sự kiện trong khi giải thích các văn kiện công đồng, việc đạt tới các ý kiến khác nhau chắc chắn không phải là một điều mới lạ đối với lịch sử của các công đồng. Việc phát biểu các chân lý đức tin có nghĩa phải phát biểu mầu nhiệm khôn tả của chân lý thần thiêng bằng ngôn ngữ nhân loại. Tuy nhiên, đó là và vẫn là một đảm trách táo bạo, một đảm trách mà Thánh Augustinô từng so sánh với việc một em bé cố gắng cát tạn nước biển bằng một chiếc chậu.

Và trong đảm trách này, ngay cả một công đồng cũng không thể làm hơn em bé đó.

Do đó, không có gì là lạ nếu cho dù những lời khẳng định tín lý bất khả ngộ của một công đồng hoặc của một vị giáo hoàng có thể định tín được chân lý mặc khải - và do đó giới hạn nó khỏi sai lầm - nhưng chúng vẫn không bao giờ nắm được trọn vẹn chân lý thần thiêng.

Đó là sự kiện thiết yếu mà chúng ta không được sao lãng khi đối diện với những khó khăn trong việc giải thích mà Công đồng Vatican II đã trình bày cho chúng ta. Để minh họa chúng, chúng ta sẽ giới hạn vào các bản văn công đồng đã được các giới gọi là duy truyền thống tri nhận như khó hiểu một cách đặc biệt.

Tuy nhiên, trước hết, chúng ta nên xem xét những đặc điểm phân biệt Công đồng Vatican II với các công đồng trước đó.

Về phương diện này, có một tiền đề cần được nêu rõ: đối với sử gia của công đồng, Vatican II, về nhiều khía cạnh, trước hết, là một công đồng của những cái nhất (superlatives). Chúng ta bắt đầu với nhận xét rằng trong lịch sử của Giáo hội, không có công đồng nào khác được chuẩn bị kỹ càng bằng Công đồng Vatican II. Đúng vậy, công đồng trước nó cũng đã được chuẩn bị rất kỹ trước khi khai mạc vào ngày 8 tháng 12 năm 1869. Có lẽ phẩm chất thần học của các lược đồ chuẩn bị thậm chí có khi còn vượt trội hơn so với công đồng theo sau nó. Tuy nhiên, không thể bỏ qua điều này: số lượng các ý tưởng và đề nghị được gửi tới từ khắp nơi trên thế giới, cũng như cách chúng được khai triển chi tiết, nhiều hơn tất cả những gì đã được thấy [trong lịch sử của các công đồng] cho đến lúc đó.

Sự kiện Công đồng Vatican II là một công đồng của những cái nhất xuất hiện rõ ràng hơn vào ngày 11 tháng 10 năm 1962, khi một số lượng lớn các giám mục - hai nghìn bốn trăm bốn mươi vị - diễn hành tiến vào Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Nếu Công đồng Vatican I, với khoảng 642 Nghị phụ, tìm đủ chỗ ngồi ở cánh phải của Vương cung thánh đường, thì giờ đây toàn bộ gian giữa đã được biến thành Phòng Họp Công Đồng. Trong khoảng cách một trăm năm giữa hai công đồng, Giáo hội, như giờ đây hiển hiện một cách hết sức ấn tượng, đã trở thành một Giáo hội phổ quát không những trên danh nghĩa mà còn trên thực tế nữa. Thực tại này nay được phản ảnh trong con số 2, 440 Nghị phụ và các quốc gia xuất xứ của họ. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, một công đồng có thể bỏ phiếu với sự trợ giúp của kỹ thuật điện tử, và các vấn đề về âm thanh (acoustical) từng làm phiền các vị tham gia Vatican I thậm chí không còn được đề cập đến nữa.



Còn nói về các phương tiện truyền thông hiện đại: trước đó chưa bao giờ xảy ra, như đã xảy ra vào năm 1962, là khoảng một nghìn nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã được công nhận theo dõi công đồng. Điều này làm cho Công đồng Vatican II trở thành công đồng được biết đến nhiều nhất trong mọi thời đại, một biến cố truyền thông bậc nhất.

Tuy nhiên, nó cũng là một công đồng của những cái nhất một cách rất đặc biệt về phương diện kết quả của nó. Trong số 1, 135 trang thu thập ấn bản các sắc lệnh của mọi công đồng vẫn thường được coi là công đồng chung, tổng cộng lên tới 21 Công Đồng, riêng một mình Vatican II đã chiếm 315 trang, tức hơn một phần tư tổng số. Do đó, nó chắc chắn chiếm một vị trí đặc biệt trong loạt mọi công đồng chung, dù chúng ta mới chỉ sử dụng các tiêu chuẩn vật chất và bên ngoài của nó mà thôi.

Ngoài tất cả những điều trên, còn có những đặc điểm khác phân biệt Công đồng Vatican II với các công đồng trước nó, chẳng hạn, về các chức năng của một công đồng chung. Các công đồng là những thầy dậy tối cao, các nhà lập pháp tối cao, các thẩm phán tối cao, dưới và với Đức Giáo Hoàng, người mà những vai trò này vốn thuộc về ngay cả khi không có công đồng. Nhưng không phải công đồng nào cũng thực hiện chức năng này.

Chẳng hạn, nếu Công đồng Lyons thứ nhất, vào năm 1245, bằng vạ tuyệt thông và phế truất Hoàng đế Frederick II, đã đóng vai trò như một tòa án và hơn thế còn thông qua các đạo luật, thì ngược lại, Vatican I đã không tổ chức các phiên xử cũng như không ban hành bất cứ đạo luật nào mà chỉ quyết định hoàn toàn về các vấn đề tín lý.

Thay vào đó, Công đồng Vienne các năm 1311-12 vừa thông qua phán quyết vừa ban hành các đạo luật, đồng thời quyết định các vấn đề tín lý.

Cùng một điều trên cũng diễn ra với Công đồng Constance năm 1414-18 và Công đồng Basel-Ferrara-Florence năm 1431-1439.

Nhưng, Vatican II đã không tuyên bố bất cứ phán quyết nào, không thực sự ban hành bất cứ luật lệ nào, và thậm chí không đưa ra bất cứ quyết định định tín nào về các vấn đề đức tin.

Đúng hơn, trên thực tế, nó đã lên khuôn cho một loại công đồng mới, có ý định trở thành một công đồng mục vụ, do đó quan tâm đến việc chăm sóc các linh hồn, nhằm làm cho thế giới thời đó biết đến giáo huấn và chỉ thị của Tin Mừng một cách lôi cuốn hơn và một cách có định hướng. Đặc biệt, nó không công bố bất cứ sự lên án tín lý nào. Đức Gioan XXIII, trong diễn văn long trọng khai mạc công đồng, đã nói rõ: “Không có thời nào trong đó Giáo hội không phản đối những sai sót này; Giáo Hội thường lên án chúng, đôi khi một cách nghiêm khắc nhất. Đối với thời điểm hiện tại, […] Giáo Hội thích sử dụng thuốc thương xót hơn […]; Giáo Hội nghĩ mình nên ra đi để đáp ứng nhu cầu của ngày hôm nay, phát biểu rõ ràng hơn giá trị giáo huấn của mình hơn là lên án”. Tuy nhiên, như chúng ta biết năm mươi năm sau khi nó kết thúc, công đồng đáng lẽ đã viết được trang sử huy hoàng nếu, theo bước chân của Đức Piô XII, nó có đủ can đảm để lên án chủ nghĩa cộng sản một cách minh nhiên rõ ràng và lặp đi lặp lại.

Thay vào đó, nỗi sợ hãi phải tuyên bố các lời kết án lý thuyết và các định nghĩa tín điều, khiến vào cuối công đồng, người ta có ấn tượng rằng một số khẳng định của công đồng có mức độ chân chính cao hơn, và do đó, có tính chất ràng buộc hoàn toàn khác. Do đó, như Hiến chế Lumen Gentium về Giáo hội và Hiến chế Dei Verbum về Mặc Khải Thiên Chúa, chẳng hạn, chắc chắn có bản chất và đặc tính ràng buộc của các giáo huấn tín lý chân chính - mặc dù ở đây không có gì được định nghĩa một cách ràng buộc theo nghĩa chặt chẽ - trong khi, như Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo Dignitatis Humanae chẳng hạn, theo [nhà thần học người Đức] Klaus Mörsdorf [1909-1989], “tuy đưa ra một lập trường về các vấn đề của thời đại nhưng không có nội dung quy phạm rõ ràng”. Thực thế, lập trường này có giá trị cho các văn kiện kỷ luật, quy định việc thực hành mục vụ. Rõ ràng, đặc tính ràng buộc của các bản văn công đồng có các mức độ khác nhau.

Tiến thêm một bước nữa, thì ta phải đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa Công đồng Vatican II và toàn bộ Truyền thống của Giáo hội. Chúng ta có thể tìm ra câu trả lời bằng cách phân tích xem các bản văn công đồng đã rút tỉa nhiều hay ít ra sao từ Truyền thống. Theo chiều hướng này, thí dụ, chỉ cần khảo sát Hiến chế Lumen Gentium cũng đủ. Ta chỉ cần lướt qua các ghi chú của bản văn. Nhờ thế, ta có thể thấy mười công đồng trước đã được văn kiện trích dẫn. Trong số này, Vatican I được tham chiếu đến 12 lần, và Trent 16 lần. Do đó, điều rõ ràng là ta có thể tuyệt đối loại bỏ bất cứ ý tưởng nào về việc “tách rời khỏi công đồng Trent”.

Mối liên hệ với Truyền thống thậm chí càng gần gũi hơn nữa nếu chúng ta nghĩ tới cung cách, trong số các giáo hoàng, Đức Piô XII được trích dẫn 55 lần, Đức Lêô XIII 17 lần, và Đức Piô XI 12 lần. Thêm vào đó còn có Đức Bênêđíctô XIV, Đức Bênêđíctô XV, Đức Piô IX, Đức Piô X, Đức Innocentê I và Đức Gelasiô.

Tuy nhiên, khía cạnh gây ấn tượng nhất là sự hiện diện của các Giáo phụ trong các bản văn của Lumen Gentium. Công đồng tham chiếu giáo huấn của các Giáo phụ trọn vẹn 44 lần, bao gồm các thánh Augustinô, Ignaxiô thành Antiokia, Cyprianô, Gioan Kim Khẩu và Irenê.

Hơn nữa, các nhà thần học và tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội cũng đã được trích dẫn: Thánh Tôma Aquinô trong 12 đoạn văn, cùng với bảy vị quan trọng khác.

Chỉ riêng bản liệt kê trên mà thôi cũng đủ để minh họa mức độ các Nghị phụ của Công đồng Vatican II cố ý tự đặt mình vào dòng Truyền thống, tự tích hợp mình vào tiến trình tiếp nhận và chuyển giao điều vốn là raison d’être (lý do hiện hữu) của Giáo hội ra sao: Thánh Tông đồ vốn nói “Tôi đã nhận được từ Chúa những gì tôi đã chuyển giao cho anh em”. Rõ ràng là cũng dưới khía cạnh này, chúng ta không thể nói tới một sự khởi đầu mới của Giáo Hội, hay tới một Lễ Hiện Xuống mới.

Điều trên dẫn đến những hậu quả quan trọng đối với việc giải thích Công đồng, và nói chính xác hơn, không hẳn giải thích về “biến cố công đồng” mà là về các bản văn của nó. Mối quan tâm hữu hình chính trong nhiều tuyên bố của Đức Bênêđíctô XVI là làm nổi bật mối liên hệ hữu cơ chặt chẽ giữa Công đồng Vatican II và Truyền thống Giáo hội nói chung, nhờ đó cho thấy nền giải thích nào tin rằng, trong Vatican II, mình nhìn thấy một đứt đoạn với Truyền thống là hoàn toàn sai lầm.

Nền “giải thích đứt đoạn” này được tạo ra bởi cả những người nhìn thấy ở Vatican II một sự xa rời đức tin chân chính, do đó một sai lầm hoặc thậm chí một dị giáo, lẫn bởi những người, bằng sự đứt đoạn như vậy với quá khứ, muốn trân tráo thực hiện một cuộc lên đường liều lĩnh hướng tới những bến bờ mới.

Tuy nhiên: suy đoán về một đứt đoạn trong giáo huấn và hành động bí tích của Giáo hội là điều bất khả, ngay cả chỉ vì những lý do thần học. Nếu chúng ta tin vào lời hứa của Chúa Giêsu Kitô sẽ ở với Giáo Hội của Người cho đến tận thế, sẽ sai Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dẫn dắt chúng ta vào sự phong phú của chân lý, thì thật là vô lý khi nghĩ rằng giáo huấn của Giáo Hội, được thông truyền một cách chân chính, theo thời gian, lại có thể được chứng minh là sai lầm ở thời điểm này hay thời điểm khác, hoặc một sai lầm vốn luôn bị bác bỏ lại có thể, vào một thời điểm nào đó, được mặc khải là đúng. Bất cứ ai chủ trương rằng điều này có thể xảy ra sẽ là nạn nhân của thuyết tương đối, một thuyết vốn cho rằng sự thật, trong yếu tính, có thể thay đổi; nghĩa là, trong thực tế, sự thật hoàn toàn không hiện hữu.

Mọi công đồng đều đóng góp chuyên biệt vào Truyền thống này. Đương nhiên, việc đóng góp của một công đồng không thể hệ ở việc thêm nội dung mới vào kho tàng đức tin của Giáo hội. Và càng không có việc một công đồng có thể loại bỏ các giáo huấn đức tin được lưu truyền cho đến nay. Đúng hơn, những gì được hoàn thành ở đây là một tiến trình phát triển, làm sáng tỏ và biện phân, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, một tiến trình dẫn dắt mỗi công đồng, với những tuyên bố định tín dứt khoát, nhập vào Truyền thống tổng thể của Giáo hội, như một phần cấu tạo ra nó. Từ quan điểm này, các công đồng luôn mở ra phía trước, hướng tới một tuyên bố tín lý đầy đủ, rõ ràng và hiện hành hơn; chúng không đi trở lui. Một công đồng sẽ không bao giờ mâu thuẫn với những công đồng đã đi trước nó, nhưng nó có thể tích hợp, chỉ rõ và tiếp tục.

Tuy nhiên, sự việc sẽ ra khác, nếu hiểu công đồng như một cơ quan lập pháp. Một công đồng như thế có thể - và chắc chắn phải – đương đầu với các nhu cầu cụ thể của một hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhưng luôn luôn bên trong các giới hạn được đức tin chỉ định, và theo quan điểm này, trên nguyên tắc, công đồng này có thể thay đổi.

Còn 1 kỳ
 
Đức Thánh Cha kêu gọi đoàn kết chia sẻ cùng Lebanon
Thanh Quảng sdb
05:28 09/08/2020
Đức Thánh Cha kêu gọi đoàn kết chia sẻ cùng Lebanon

Trong buổi đọc kinh Truyền tin Chúa nhật hôm nay 9/8/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Giáo hội Lebanon hãy quảng đại, gần gũi chia sẻ với dân chúng của họ, và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy “viện trợ quảng đại cho nước này”.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi triều yết rằng: “Trong những ngày này, tâm trí tôi thường nghĩ và hướng về nhân dân Lebanon.”

Sau vụ nổ kinh hoàng làm rung chuyển Beirut vào tuần trước, Đức Thánh Cha nói: “Thảm họa hôm thứ Ba tuần trước kêu gọi tất cả mọi người, bắt đầu từ người Lebanon, hãy cùng nhau hành động vì lợi ích chung của đất nước thân yêu của các bạn”.

Mô hình sống chung

Đức Giáo Hoàng ghi nhận “bản sắc đặc biệt” của đất nước Lebanon, một “bản sắc được hình thành theo thời gian đã trở thành một mẫu gương chung sống hòa bình.” Đức Thánh Cha thừa nhận sự mong manh của việc chung sống tại quốc gia này trong thời điểm khó khăn này, nên ĐTC nguyện xin Thiên Chúa nâng đỡ và với thiện tâm chân thành của mọi người dân Lebanon, đất nước này có thể làm tái sinh lại một đất nước tự do giầu mạnh."

Trái tim thương cảm và bàn tay rộng mở

Đặc biệt, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội tại Libanon, “hãy gần gũi với những người khổ đau đang trên đỉnh đồi Canvê, và như Giáo hội đã làm xưa nay, với tình liên đới và lòng trắc ẩn, với trái tim thương cảm và bàn tay rộng mở để chia sẻ.” ĐTC đưa ra những lời kêu gọi đầy xúc động dành cho "các Giám mục, linh mục và các tu sĩ nam nữ của Libanon là hãy gần gũi với mọi người và sống quảng đại, mang dấu ấn của người nghèo khó theo Tin mừng Phúc âm, đừng cầu kỳ nhưng với lòng chân thật tất cả vì dân tộc đau khổ của chúng con”.

ĐTC tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy đóng góp "viện trợ cách quảng đại" cho Lebanon trong thời điểm bi kịch khó khăn của quốc gia này.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc lời mời gọi của ngài bằng hướng về Đức Trinh Nữ Maria với tâm tình cầu nguyện: “Lạy Trinh nữ Harissa, Nữ hoàng Libanong, xin cầu cho chúng con!”
 
Đức Hồng Y Brandmüller vạch trần sai trái của Tổng Giám Mục Viganò đối với Công Đồng Vatican II, tiếp và hết
Vũ Văn An
17:45 09/08/2020

Từ những quan sát trên, một điều cần phải xác định rõ ràng: tất cả những điều vừa nói cũng phải được áp dụng vào Công đồng Vatican II. Nó cũng không hơn gì - nhưng cũng không kém gì - một công đồng giữa, bên cạnh và sau các công đồng khác. Nó không ở trên càng không ở ngoài, nhưng nằm trong loạt các công đồng chung của Giáo hội.



Sở dĩ như thế phần lớn là do việc tự hiểu về mình của hầu hết mọi công đồng. Chỉ cần nhắc lại các lời khẳng định liên hệ của chúng, cũng như của các Giáo phụ tiên khởi của Giáo hội, về vấn đề này. Trong Truyền thống, các ngài nhận ra chính bản chất của các công đồng.

Thánh Vincentê thành Lerins († trước năm 450) đã minh nhiên suy tư về điều này trong tác phẩm Commonitorium của ngài: “Giáo hội mong muốn điều gì qua các sắc lệnh công đồng của mình, nếu không phải để bảo đảm rằng những gì được tin trước công đồng thì sau đó được tin một cách chuyên cần hơn; những gì đã được công bố trước đó nhưng không mãnh liệt lắm thì sau đó được công bố với một cường độ cao hơn; những gì mà trước đây Giáo Hội vốn cử hành một cách chắc chắn tuyệt đối thì sau đó sẽ được tôn thờ một cách nhiệt thành hơn? Theo tôi, Giáo hội, bị lung lay bởi những đổi mới của những người dị giáo, luôn đạt được điều này chứ không phải điều gì khác, nhờ các sắc lệnh của các công đồng của mình: điều mà trước đây Giáo hội tiếp nhận từ “ các tổ tiên” chỉ qua truyền thống, thì nay Giáo hội cũng ký thác bằng văn bản cho “hậu thế”. Giáo Hội đã làm như vậy bằng cách tổng hợp rất nhiều trong một ít từ ngữ, và thường với mục đích để hiểu rõ hơn, nhằm diễn đạt nội dung đức tin không thay đổi bằng các định tín mới” (Commonitorium, chương 36).

Xác tín Công Giáo chân chính trên tìm được sự phát biểu của nó trong định tín của Công đồng Nixêa thứ hai năm 787, trong đó nêu rõ: “Vì vậy, tiến bước trên nẻo đường hoàng gia và tuân theo tất cả và vì tất cả thẩm quyền mặc khải thần thiêng của các thánh Giáo phụ và truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, thừa nhận, thực sự, rằng Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội, chúng tôi xác định rằng… ”; và sau đó là các nguyên tắc trung tâm của sắc lệnh công đồng. Điều cuối cùng trong bốn vạ tuyệt thông (anathemas) của công đồng đó cũng đặc biệt quan trọng: “Nếu ai bác bỏ bất cứ truyền thống giáo hội nào, dù là chữ viết hay không có chữ viết, hãy để người đó bị tuyệt thông”.
Khi tổ chức một công đồng, Giáo hội nhận ra bản chất sâu xa nhất của mình. Giáo hội - và do đó công đồng – lưu truyền bằng cách sống và sống bằng cách lưu truyền. Truyền thống là việc hiện thực hóa bản chất của Giáo Hội.

Yếu tố quyết định của chân trời diễn giải chính là việc lưu truyền Đức tin chân chính, chứ không phải tinh thần của thời đại. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là cứng ngắc và bất di bất dịch. Cách Giáo hội để mắt tới ngày nay không thể được bớt đi. Các vấn đề hiện tại đòi một câu trả lời. Nhưng các yếu tố tạo nên câu trả lời chỉ có thể đến từ Mặc khải Thiên Chúa, được cung ứng một lần và mãi mãi, mà Giáo hội vốn lưu truyền một cách chân chính trong các thế kỷ. Do đó, việc lưu truyền này tạo thành tiêu chuẩn mà mọi giải đáp mới phải tham chiếu nếu nó muốn đúng và hợp lệ.

Cần phải tính đến những xem xét căn bản trên ngay trong việc giải thích các bản văn công đồng gây tranh cãi nhất.

Các bản văn đó chủ yếu là các Tuyên ngôn Nostra Aetate Dignitatis Humanae, từng bị Huynh đoàn Thánh Piô X phản đối. Huynh đoàn này cáo buộc công đồng đã sai lầm trong đức tin. Tuy nhiên, đối với cáo buộc này, chúng ta phải trả lời một cách dứt khoát.

Rõ ràng là khi một bản văn công đồng, được soạn thảo vào năm 1965, một bản văn mà vào thời điểm đó được dự định khởi đi từ hoàn cảnh trong đó nó được tạo ra và trên cơ sở ý hướng trong các khẳng định của nó, được công bố trong thế giới ngày nay, nhất thiết nó phải được chiêm niệm trong chân trời diễn giải hiện nay.

Chúng ta hãy lấy Nostra Aetate làm thí dụ. Bất cứ ai ngày nay tố cáo bản văn này theo chủ nghĩa dửng dưng (indifferentism) tôn giáo phải đọc nó dưới ánh sáng của tuyên bố Dominus Iesus, một tuyên bố đã tuyệt đối loại trừ mọi hiểu lầm theo nghĩa chủ nghĩa dửng dưng hoặc chủ nghĩa chiết trung (syncretism). Với những thôi thúc ngày càng mới, huấn quyền hậu công đồng, bằng các minh xác của mình, đã loại bỏ cơ sở cho bất cứ cách giải thích sai lạc nào về các bản văn công đồng, bất luận theo nghĩa duy truyền thống hay theo nghĩa duy cấp tiến.

Sau các nhận xét căn bản trên, giờ đây tôi muốn giải thích một nguyên tắc diễn giải khác vốn phát xuất từ tính lịch sử của mọi bản văn. Mọi bản văn - và do đó, mọi bản văn huấn quyền – phát sinh từ một hoàn cảnh lịch sử đặc thù và được xác định bởi hoàn cảnh cụ thể của việc thai nghén ra chúng thế nào, thì chúng cũng được công bố với một ý định chính xác trong một thời điểm lịch sử chính xác như vậy.
Ngày nay, chúng ta phải để ý đến nguyên tắc này khi bắt đầu giải thích một trong những bản văn này.

Chúng ta cũng phải tính đến sự kiện này là chân trời diễn giải, một chân trời đã được xác định như vậy, thay đổi và được sửa đổi tương ứng với khoảng cách thời gian mà người giải thích hiện nay có so với thời điểm bản văn được tạo ra. Điều này có nghĩa là các diễn giải trong quá khứ, tùy thuộc khoảng cách về thời gian của chúng, có thể trở thành những tuyên bố mà hiện giờ chỉ được lưu ý ít nhiều về phương diện lịch sử. Ý thức này đặc biệt quan trọng khi chúng ta xem xét các bản văn về thừa tác vụ huấn quyền và mục vụ của Giáo Hội.

Người ta có thể ngay lập tức phản đối rằng chân lý, đặc biệt là chân lý của mặc khải Thiên Chúa, là chân lý vĩnh cửu và bất biến, một chân lý không chịu bất cứ thay đổi nào. Chắc chắn, chân lý ấy không bị đem ra bàn cãi. Chúa từng phán: “Trời và đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không qua đi”.

Tuy nhiên, điều cũng đúng là việc thừa nhận chân lý vĩnh cửu này của con người, vì con người vốn chịu sự thay đổi của lịch sử, nên chính sự thừa nhận này cũng chịu sự thay đổi... Điều này có nghĩa: tùy theo thời điểm lịch sử, phương diện này hay phương diện khác của chân lý vĩnh cửu được nắm bắt, thừa nhận và hiểu theo một cách mới mẻ và sâu sắc hơn.

Chính vì lý do trên, ngay cả một bản văn công đồng, nếu được suy gẫm trong bối cảnh tâm linh và văn hóa của nó, v.v., và dưới ánh sáng của thời đại chúng ta, có thể được hiểu một cách mới mẻ, sâu sắc và rõ ràng hơn.

Theo mức độ chúng ta xem xét khái niệm này trong nỗ lực tìm hiểu các giáo huấn của Công đồng Vatican II ngày nay và cho ngày hôm nay, chúng ta sẽ thành công trong việc khắc phục được các xung đột khác nhau nảy sinh liên quan đến nó.

Đương nhiên, việc giải thích công đồng là khả năng của cuộc tranh luận thần học, vốn luôn luôn đương đầu với nó. Nhưng trên thực tế, kết quả của cuộc tranh luận này cuối cùng đã tìm được vị trí trong các văn kiện của huấn quyền hậu công đồng.

Theo những điều đã nói trên đây, ta sẽ sai lầm nghiêm trọng nếu không xét đến nguyên tắc này trong việc giải thích công đồng cho thời hiện tại và hành động như thể thời gian đã dừng lại vào năm 1965.

Tôi muốn minh họa những gì đã được nói tới bằng ba thí dụ mà đối với tôi dường như có tính đặc biệt.

Về phương diện đó, điều nổi bật ngay lập tức là Tuyên ngôn Nostra Aetate về mối liên hệ giữa Giáo hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo và Sắc lệnh Unitatis Redintegratio về đại kết. Đã từ lâu, hai văn kiện này đã bị chỉ trích bởi những người được gọi là giới duy truyền thống. Cả hai văn kiện này đều bị cáo buộc là thiếu rõ ràng và tính dứt khoát trong việc đề cao sự thật liên quan đến chủ nghĩa chiết trung, chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa dửng dưng. Vào thời điểm phê chuẩn các bản văn này, thật khó có thể lường trước rằng chúng sẽ tạo chỗ đứng cho những lời phê bình tương tự.

Chính trải nghiệm về chủ nghĩa toàn trị của tiền bán thế kỷ 20 và những cuộc bách hại cùng nhau trải qua đã nhắc nhở người Do Thái và các Kitô hữu - Công Giáo, Thệ phản và Chính thống – nhớ đến những điều căn bản mà họ cùng có chung. Cam kết để vượt qua những thù nghịch cổ xưa giữa họ với nhau và nỗ lực hướng tới một cuộc sống chung mới, nói chung, đã được tri nhận như một nghĩa vụ do Chúa áp đặt. Đọc với tinh thần này và trong bối cảnh này, hai văn kiện quả đã tạo động lực rất mạnh cho cam kết này.

Nhưng rồi một trang sử đã được lật qua. Chỉ vài thập niên sau khi công đồng kết thúc, một viễn kiến thần học về các tôn giáo không phải là Kitô giáo đã phát triển, trước hết trong thế giới Anglo-Saxon, một viễn kiến nói tới nhiều nẻo đường cứu rỗi khác nhau cho con người, ít nhiều tương đương nhau, và do đó đặt việc truyền bá Kitô giáo thành nghi vấn. Người ta nói rằng việc công bố của Giáo hội nên được thực hiện theo cách làm cho một người Hồi giáo trở thành một người Hồi giáo tốt hơn, v.v. Chính John Hick, người Anh, đã truyền bá loại ý tưởng này ít nhiều bắt đầu từ năm 1980. Thực thế, trong bối cảnh mới này, một hay nhiều công thức khác của Nostra Aetate có thể bị hiểu lầm. Hơn nữa, Nostra Aetate “chỉ nói đến tôn giáo một cách tích cực và bỏ qua những hình thức tôn giáo bệnh hoạn và rối loạn, những hình thức mà theo quan điểm lịch sử và thần học có một phạm vi rộng lớn” (Đức Bênêđíctô XVI, quyển VII / 1, Lời nói đầu).

Ở điểm này, cần phải nhớ lại một cách đặc biệt đoạn văn của Nostra Aetate nói đến Hồi giáo. Bản văn không những bị cáo buộc theo chủ nghĩa dửng dưng. Mà trước hết, về mặt này, cần phải quan sát điều này, sắc lệnh chắc chắn đòi “cum aestimatione quoque muslimos respicit” [phải nhìn những người Hồi giáo một cách kính trọng], nhưng tuyệt đối không phải chính Hồi giáo. Ở đây, không đề cập đến giáo huấn của tôn giáo này, mà là đến những người theo nó. Sự kiện trong các công thức tiếp theo, đằng sau những từ ngữ bình đẳng hoặc tương tự ẩn chứa một sự hiểu biết rất khác biệt nhưng hiển hiện đối với các nhà Hồi giáo học ngày nay. Ở điểm này của văn kiện, một điểm có ý định dọn đường cho một cuộc đối thoại hòa bình, không nên áp dụng tiêu chuẩn cứng ngắc của thứ thuật ngữ giáo điều, mặc dù một cam kết theo chiều hướng này là điều đáng mong đợi. Trên thực tế, bản văn bản đã được công bố vào năm 1965.

Đối với sự hiểu biết hiện nay của chúng ta, vấn đề này, thay vào đó, giả định một khía cạnh hoàn toàn khác: đó là Hồi giáo đã thay đổi sâu sắc trong nửa thế kỷ qua, như đã được chứng tỏ qua mức độ gây hấn và thù nghịch của người Hồi giáo đối với phương Tây “Kitô giáo”. Trong bối cảnh kinh nghiệm của nhiều thập niên kể từ ngày 9-11, một sắc lệnh loại này nên nói một điều gì đó khác thế.

Đối với mục đích của một lối diễn giải công đồng nghiêm túc, không có lý do gì để nổi giận và tranh luận chống lại bản văn năm 1965: một sắc lệnh bây giờ chỉ nên được lưu ý về phương diện lịch sử.

Vì thế, chính huấn quyền, với Tuyên bố Dominus Iesus [năm 2000], đã loại bỏ cơ sở cho bất cứ chủ nghĩa dửng dưng nào và xác định một cách không hàm hồ Chúa Giêsu Kitô là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi vĩnh cửu và Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền của Chúa Giêsu Kitô như là cộng đồng cứu rỗi duy nhất cho mọi người.

Một điều tương tự cũng đã diễn ra qua các minh xác khác nhau về ý nghĩa của cụm từ nổi tiếng “subsistit in” (tự hữu trong). Nếu trong ngôn từ đại kết có những khẳng định có thể làm phát sinh ấn tượng rằng Giáo Hội Công Giáo chỉ là một trong số nhiều khía cạnh của Giáo hội Chúa Giêsu Kitô, thì việc giải thích cụm từ “subsistit in” được Dominus Iesus xác nhận đã loại bỏ bất cứ hiểu lầm nào.

Một tai tiếng khác đối với nhiều người là Tuyên ngôn Dignitatis Humanae về tự do tôn giáo. Tuyên ngôn này cũng bị tố cáo là theo chủ nghĩa dửng dưng, phản bội chân lý đức tin, và mâu thuẫn với Syllabus Errorum (Danh sách các Sai lạc) của Chân phúc Piô IX.
Sự thực là trường hợp này xem ra không hiển nhiên nếu các nguyên tắc diễn giải đã nói ở trên được áp dụng: hai văn kiện đã được tạo ra trong một bối cảnh lịch sử khác và phải ứng phó với các tình huống khác.

Syllabus Errorum - cũng giống như văn kiện Mirari Vos của Đức Gregoriô XVI trước đó - nhằm bác bỏ về phương diện triết học các chủ trương cho rằng nhờ chủ nghĩa dửng dưng và chủ nghĩa tương đối, người ta có thể đạt được tính tuyệt đối của chân lý, đặc biệt là chân lý mặc khải. Nhưng Đức Piô IX nhấn mạnh rằng sai lạc không có bất cứ quyền gì đối với sự thật.

Thay vào đó, Dignitatis Humanae xuất phát từ một hoàn cảnh hoàn toàn khác, được tạo ra bởi các chủ nghĩa toàn trị của thế kỷ 20, một chủ nghĩa, bằng cách hạn chế về mặt ý thức hệ, đã bôi nhọ tự do của cá nhân, của con người. Hơn nữa, các Nghị phụ của Công đồng Vatican II đã có trước mắt họ thực tại chính trị của thời đại họ, một thực tại, trong những điều kiện khác nhau, dù không ở mức thấp hơn, vốn đang đe dọa quyền tự do của con người. Vì lý do này, điểm trung tâm của Dignitatis Humanae không phải là tính không thể được đụng tới- không được tranh luận -, mà là sự tự do của con người khỏi mọi ràng buộc bên ngoài đối với xác tín tôn giáo.

Về phương diện này, điều tốt lành là bảo đảm với những người ủng hộ “tính lịch sử tuyệt đối của chân lý” rằng không một nhà thần học hay triết học nào, với một cảm thức ngay thẳng, lại có thể nói tới tính có thể thay đổi hoặc bất nhất của chân lý. Thay vào đó, những gì thay đổi, những gì chịu sự biến đổi, là việc thừa nhận, là ý thức về chân lý của con người, điều này hoàn toàn thay đổi. Ở đây, Lời Tuyên xưng Đức tin của Dân Chúa chiếm một vị trí tuyệt vời, điều mà Đức Phaolô VI đã công bố vào thời điểm tuyệt đỉnh của cuộc khủng hoảng hậu công đồng.

Tóm lại: Danh sách các Sai lạc bảo vệ sự thật; Vatican II bảo vệ quyền tự do của con người.

Khó có thể biện phân được sự mâu thuẫn giữa hai văn kiện nếu chúng được suy gẫm trong bối cảnh lịch sử của chúng và được hiểu theo các ý định của những lời khẳng định vào thời điểm chúng được soạn tác.

Hơn nữa, để giải thích đúng, ngày nay phải xem xét mọi huấn quyền sau công đồng.

Cuối cùng, nên đề cập đến tính lạc quan của thế gian, rõ ràng có phần ngây thơ, một điều đã phấn khích các nghị phụ công đồng trong lúc soạn thảo Gaudium et Spes.

Ngay sau khi công đồng kết thúc, người ta thấy rõ rằng “thế gian” này đang kinh qua một diễn trình tục hóa nhanh hơn bao giờ hết, một diễn trình đã đẩy đức tin Kitô giáo, và tôn giáo nói chung, ra ngoài lề xã hội.



Do đó, cần phải tái định nghĩa mối liên hệ giữa Giáo hội và “thế gian này” - theo cách gọi của Đức Gioan - và bổ túc cùng giải thích bản văn công đồng, chẳng hạn, theo chiều hướng các bài phát biểu của Đức Bênêđíctô XVI trong chuyến thăm Đức của ngài.

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là cách giải thích hiện nay về công đồng, một cách giải thích làm nổi bật yếu tính của giáo huấn công đồng làm cho nó trở nên mầu mỡ cho đức tin và giáo huấn của Giáo hội hiện nay, phải đọc các bản văn của nó dưới ánh sáng của mọi huấn quyền hậu công đồng và hiểu các văn kiện của nó như là sự hiện thực hóa chính công đồng.

Như đã nhấn mạnh ở phần đầu: Công đồng Vatican II không phải là công đồng đầu tiên và cũng sẽ không phải là công đồng cuối cùng. Điều này có nghĩa là các tuyên bố huấn quyền của nó phải được khảo sát dưới ánh sáng Truyền thống, nghĩa là, được giải thích theo một cách để có thể nhận diện ra một mở rộng, một đào sâu hoặc thậm chí một minh xác liên quan đến nó, chứ không phải một mâu thuẫn.

Chuyển giao – tức “truyền thống” - không ngụ ý việc đơn giản giao một gói hàng được niêm phong kỹ càng tương tự như một diễn trình hữu cơ, quan trọng, mà Thánh Vincentê thành Lerins so sánh với sự biến đổi tiệm tiến của con người từ một trẻ thơ thành một người trưởng thành: luôn luôn cùng một con người trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau.

Điều trên cũng đúng đối với các lĩnh vực tín lý và cơ cấu phẩm trật-bí tích của Giáo hội, nhưng không đúng đối với hoạt động mục vụ của Giáo hội, vì hiệu năng của hành động này tiếp tục được xác định bởi nhu cầu của các tình huống ngẫu nhiên của thế giới bao quanh Giáo hội. Đương nhiên cả ở đây, mọi mâu thuẫn giữa thực hành và tín điều đều cần được loại trừ.

Chính “tiến trình tiếp nhận tích cực” cũng phải được thực hiện trên cơ sở hiệp nhất trong lòng Giáo hội. Thực vậy, cũng có những trường hợp - không thuộc phạm vi chân lý đức tin, mà thuộc phạm vi luân lý - trong đó điều bị cấm ngày hôm qua có thể thích hợp cho ngày hôm nay.

Thí dụ, nếu trước Công đồng Vatican II, lệnh cấm tuyệt đối việc hỏa táng người chết đến nỗi ra tuyệt thông cho bất cứ người Công Giáo nào chọn hỏa táng, nhưng đến lúc hỏa táng mất đi khía cạnh phản đối chống lại đức tin vào sự sống lại của người chết, ta có thể dỡ bỏ lệnh cấm này.

Điều trên cũng áp dụng một cách tương tự trong trường hợp cấm lãi xuất vào thế kỷ 15-16, khi các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Đa Minh – nói chính xác hơn là ở Florence - thách thức nhau trong các cuộc đấu tay đôi gay gắt từ các bục giảng, nơi các đối thủ buộc tội nhau là tà giáo về vấn đề cho phép tính lãi suất, và đe dọa đối thủ bị thiêu đốt trong lửa hỏa ngục. Đó là một vấn đề luân lý, phát sinh từ các thay đổi của cải cách kinh tế, và sau đó, một lần nữa, nó đã trở thành lỗi thời.

Do đó, chúng ta phải đi từ từ cả trong cuộc tranh luận về Công đồng Vatican II và việc giải thích nó, một việc đến lượt nó, phải diễn ra trong bối cảnh một hoàn cảnh đã thay đổi theo thời gian. Về phương diện này, huấn quyền của các giáo hoàng sau công đồng đã có những đóng góp quan trọng. Tuy nhiên các đóng góp này vẫn chưa được xem xét đầy đủ trong cuộc tranh luận hiện nay.

Hơn nữa, trong cuộc thảo luận này, điều tốt đẹp là nhắc lại lời khuyên kiên nhẫn và khiêm tốn mà Thánh Phaolô đã nói với Timôthê (2 Tm 4: 1 tt.).

Thật không may, những cuộc thảo luận này tiếp tục giả định các hình thức không phù hợp với tình yêu huynh đệ. Điều nên làm là có thể giao hòa giữa lòng nhiệt thành đối với sự thật và tính đúng đắn của tình yêu thương người lân cận. Cách riêng, điều thích đáng là tránh “lối diễn giải nghi ngờ” chuyên buộc tội người đối thoại ngay từ lúc đầu là có những quan niệm dị giáo.

Tóm lại: Những khó khăn trong việc giải thích các bản văn công đồng không những chỉ xuất phát từ nội dung của chúng mà thôi. Cần phải ngày càng xem xét cách thức trong đó các cuộc thảo luận của chúng ta khai triển về phương diện này.
 
Điện tặc Trung Quốc ồ ạt tấn công cơ sở hạ tầng bầu cử Mỹ
Đặng Tự Do
19:47 09/08/2020
Hôm Chúa Nhật 9 tháng 8, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc là ông Robert O'Brien cho biết các tin tặc có liên hệ với chính phủ Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng bầu cử Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Lời tuyên bố này của Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien cho thấy mức độ cụ thể hơn của các cáo buộc rằng Trung Quốc đang can thiệp vào cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ với ước muốn hạ gục Tổng thống Trump.

Nhận xét của ông O'Brien đã bổ sung cho một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia cho biết Trung Quốc, Iran và Nga “đang mở rộng các nỗ lực ảnh hưởng của mình” để thao túng cuộc bầu cử vào ngày 3 tháng 11 sắp tới tại Hoa Kỳ.

“Họ muốn thấy Tổng thống thua cuộc, ” O'Brien nói trên đài CBS trong chương trình “Face the Nation.” Trung Quốc, cũng như Nga, và Iran đã tham gia vào các cuộc tấn công mạng và các trò lừa đảo và những trò đại loại như thế nhắm vào các cơ sở hạ tầng bầu cử của chúng ta, liên quan đến các trang web và những thứ tương tự.”

Trung Quốc đã liên tục phủ nhận các tuyên bố của chính phủ Mỹ rằng họ cho các tin tặc tấn công các công ty, các chính trị gia và các cơ quan của chính phủ Mỹ. “Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ là chuyện nội bộ của họ, chúng tôi không quan tâm đến việc can thiệp vào việc đó, ” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang - 耿爽) nói như trên hồi tháng Tư.

Ông O'Brien cho biết Hoa Kỳ đã chứng kiến các trường hợp tin tặc cố gắng xâm nhập vào các trang web trực thuộc các văn phòng của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trên khắp đất nước, và những nơi chịu trách nhiệm quản lý các cuộc bầu cử ở cấp địa phương. Bên cạnh đó còn có các hoạt động nhằm thu thập dữ liệu về người Mỹ.

“Đó là một mối quan tâm thực sự và chúng tôi nói rõ rằng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với bất kỳ quốc gia nào cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tự do và công bằng của chúng tôi.”

Hội đồng An ninh Quốc gia, gọi tắt là ODNI đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận hoặc làm rõ liệu những lời tuyên bố của ông O'Brien có mâu thuẫn với ý kiến của họ hay không.

Trước đây ODNI đã nhiều lần nói rằng có “những kẻ thù” đang tìm cách thâm nhập các thông tin liên lạc riêng tư của các ứng cử viên chính trị Mỹ và thâm nhập vào hệ thống bầu cử của Mỹ trước cuộc bầu cử vào tháng 11. ODNI cũng cho biết rằng Trung Quốc muốn Tổng thống Donald Trump không được tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa.


Source:Reuters
 
VietCatholic TV
Quá ác: Trung Quốc buộc các nơi thờ tự phải dâng cúng cho Đảng Cộng sản tiền thu được từ các tín hữu
Giáo Hội Năm Châu
05:08 09/08/2020


Mở rộng cuộc đàn áp các nơi thờ phượng, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt buộc các chức sắc tôn giáo phải đóng góp vào cái gọi là quỹ cứu trợ coronavirus, nếu không, họ sẽ không được phép mở cửa trở lại sau khi bị khóa.

“Năm nhân dân tệ cho bốn cái bánh nhồi thịt hấp”, một ni cô Phật giáo chào mời những người qua đường trên đường phố Thành Sơn (Chengshan - 成山) một thị trấn ở thành phố Trang Hà (Zhuanghe - 庄河) là một thành phố cấp quận thuộc tỉnh Liêu Ninh (Liaoning -辽宁). Chùa Pháp Hoa (Fahua - 法华) ở làng Cổ Thành (Gucheng - 古城) trong thị trấn, nơi sinh sống của ni cô này, vẫn chưa được phép mở cửa trở lại sau khi dịch coronavirus bùng phát. Vì hầu hết các ngôi chùa sống bằng tiền quyên góp từ du khách và tín đồ, nên giờ đây họ phải tìm các phương tiện thu nhập khác để tồn tại — như bán bánh chay và cả bánh mặn trên đường phố.

Vào tháng 5, một người trông coi ngôi chùa Phật giáo ở thành phố Tiên Đào (Xiantao - 仙桃), tỉnh Hồ Bắc (Hubei - 湖北), miền Trung nước này đã nhận được thông báo từ Cục Tôn giáo vụ địa phương, yêu cầu nhà chùa quyên góp cho những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát coronavirus.

“Bản thân tôi đang phải sống một cuộc sống khó khăn và không có tiền để dâng cúng”, thủ từ của ngôi chùa nói trong sự bất lực. Ngôi đền đã đóng cửa kể từ ngày 24 tháng Giêng và vì không có tiền quyên góp, người canh giữ chùa phải sống nhờ vào thức ăn từ các thiện nam tín nữ. “Đối với tôi như vậy là đủ, nhưng yêu cầu của chính phủ về việc quyên góp để cứu trợ dịch bệnh đã khiến tôi gặp khó khăn”, người thủ từ nói. “Họ thu thập thông tin về các khoản đóng góp của các đền chùa và nếu chúng tôi bỏ sót không khai một khoản đóng góp nào đó, chúng tôi sẽ bị trừng phạt và thậm chí bị đóng cửa”.

Hiệp hội Phật giáo Phụ Dương quyên ra 80, 000 nhân dân tệ
Hiệp hội Phật giáo thành phố Phụ Dương (Fuyang -阜阳) ở phía đông tỉnh An Huy đã phải quyên ra 80, 000 nhân dân tệ, tức là khoảng 11, 200 Mỹ Kim, cho các vùng bị dịch, mặc dù họ biết rằng những số tiền này cuối cùng chỉ chảy vào túi bọn quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc ở địa phương.

Một mục sư trông nom một nhà thờ Tam tự ở Hà Trạch (Heze -菏泽), một thành phố cấp tỉnh ở phía đông tỉnh Sơn Đông (Shandong - 山东), giải thích rằng các nhà thờ do nhà nước điều hành cũng bị buộc phải đóng góp cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi coronavirus. Ông nói thêm rằng các quan chức từ Cục Tôn giáo vụ địa phương đe dọa sẽ đóng cửa nhiều nhà thờ nếu họ không quyên góp.

Vào tháng Hai, chính quyền thị trấn Trương Thôn ( Zhangcun - 张村), trong địa hạt thành phố Đăng Châu (Dengzhou - 登州) thuộc tỉnh Hà Nam (Henan - 河南), đã ban hành hạn ngạch quyên góp từ 4, 000 đến 10, 000 nhân dân tệ, tức là từ 560 đến 1, 400 Mỹ Kim, cho các nhà thờ Tam Tự. Các chức sắc nói họ không muốn dâng cúng tiền cho bọn cầm quyền địa phương nhưng yêu cầu được ký gửi những khoản đóng góp của họ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của các nạn nhân đại dịch. Nhưng các quan chức phụ trách tôn giáo vụ địa phương từ chối yêu cầu chính đáng này.

Vào ngày 3 tháng Hai, một số nhà thờ Tam tự ở Tiên Cư (Xianju -仙居), một quận do thành phố Đài Châu (Taizhou - 台州) thuộc tỉnh Chiết Giang (Zhejiang -浙江), miền đông Trung Quốc quản lý, nhận được thông báo từ chính quyền thị trấn và Hội Tin Lành Yêu Nước, yêu cầu mỗi thành viên của giáo đoàn phải quyên góp 100 nhân dân tệ, tức là khoảng 14 Mỹ Kim, cho Vũ Hán, tâm chấn của đợt bùng phát coronavirus.

“Những người đi nhà thờ ở thành phố Hàng Châu (Hangzhou- 杭州) của Chiết Giang cũng bị buộc phải quyên góp, ” một mục sư Tin Lành Tam Tự trong thành phố cho biết. “Một số thành viên hội thánh cao tuổi sống một mình và không có nguồn thu nhập, nhưng cũng bị buộc phải đưa tiền ra.”

Tin Lành Yêu Nước Thượng Hải quyên ra ba triệu nhân dân tệ
Các phương tiện truyền thông chính thức đưa tin rằng Hội Tin Lành Yêu Nước của thành phố Thượng Hải đã quyên góp ba triệu nhân dân tệ, tức khoảng 420, 000 Mỹ Kim, cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Những nơi thờ tự ở Trung Quốc cũng bị khai thác thường xuyên, không chỉ trong thời kỳ đại dịch mà thôi. Họ buộc phải dâng cúng cho bọn cầm quyền dưới chiêu bài đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo hoặc các dự án “từ thiện” khác của chính phủ.

“Năm ngoái, Cục Tôn giáo vụ đã yêu cầu chúng tôi thu tiền để sửa một cầu trượt trên sân chơi mẫu giáo, ” một chấp sự từ nhà thờ Tam tự ở thành phố Trú Mã Điếm (Zhumadian - 驻马店) nói với Bitter Winter. “Các cơ quan chính phủ yêu cầu chúng tôi đóng góp từ thiện hàng năm. Nếu chúng tôi từ chối, nhà thờ của chúng tôi sẽ bị đóng cửa “.

Theo một khảo sát về tôn giáo của Trung Quốc vào năm 2015, do Đại học Nhân dân Trung Quốc thực hiện, các thành viên thuộc hàng giáo phẩm của năm tôn giáo chính thức ở Trung Quốc nhận được trung bình 506 nhân dân tệ, tức là khoảng 70 Mỹ Kim, tiền lương hàng tháng. Bốn mươi mốt phần trăm không có bảo hiểm tuổi già. Các nhà sư Phật giáo thường nhận được 397 nhân dân tệ, tức khoảng 50 Mỹ Kim, mỗi tháng, trong khi một ngôi chùa Phật giáo thông thường phải quyên góp đến 41, 000 nhân dân tệ, tức là khoảng 5, 800 Mỹ Kim, hàng năm cho các hoạt động từ thiện.


Source:Bitter Winter
 
Trong một ngày, Tổng Thống Trump tung hai đòn trừng phạt Trung Quốc - Phản ứng giận dữ của Bắc Kinh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:00 09/08/2020


1. Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố: Rửa tội theo công thức tự ý thay đổi là vô hiệu.

Điều 865, triệt 2 quy định rằng: Trong trường hợp nguy tử, người thành niên có thể đượcRửa Tội, nếu sau khi đã có một vài nhận thức về những chân lý chính yếu của đức tin, họ tỏ ý muốn lãnh nhận bí tích Rửa Tội bằng bất cứ cách nào, và hứa sẽ tuân giữ các giới răn của Kitô giáo.

Riêng đối với các trẻ nhỏ, Điều 867, triệt 2 cho biết nếu trẻ nhỏ đang lâm cơn nguy tử, thì được Rửa Tội ngay không chút trì hoãn.

Thừa tác viên thông thường của bí tích Thánh Tẩy là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế. Trong trường hợp khẩn cấp và nguy tử thì mọi người, kể cả người ngoại giáo, đều có quyền ban bí tích Thánh Tẩy miễn là có ý ngay lành muốn làm theo ý Hội Thánh và làm đúng công thức Rửa Tội. Công thức ấy là: “Cha rửa con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Trong trường hợp người cử hành không phải là linh mục thì có thể xưng là “Tôi”. Thí dụ: “Tôi rửa anh nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Trong thời đại dịch, do không chuẩn bị trước, nhiều y tá được tường trình đã rửa tội cho những bệnh nhân nguy tử theo một công thức khác. “Chúng tôi rửa ông nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin, với sự chấp thuận của Ðức Thánh Cha Phanxicô, xác quyết rằng rửa tội với công thức tự ý thay đổi là điều vô hiệu lực và ai đã được rửa tội theo công thức như thế thì cần phải rửa tội lại nếu còn sống.

Trên đây là nội dung câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin, công bố hôm 6 tháng 8 cho hai vấn nạn được nêu lên trong thời gần đây:

- Vấn nạn thứ nhất: “Phép rửa tội được cử hành với công thức: “Chúng ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần có hiệu lực hay không? ”. Bộ trả lời: “Bất thành”.

- Vấn nạn thứ hai: “Những người đã được chịu phép rửa tội theo công thức như thế, có phải rửa tội lại theo công thức tuyệt đối hay không? ”. Bộ trả lời: Cần phải rửa tội lại theo các qui luật phụng vụ đã được Giáo hội thiết định nếu người ấy còn sống.

Ðức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến dành cho Ðức Hồng Y Luis Ladaria Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã phê chuẩn các câu trả lời trên đây, và truyền công bố.

Giải thích của Bộ Giáo Lý Đức Tin

Trong thông cáo giải thích, Bộ Giáo Lý Đức Tin nhắc đến hiện tượng gần đây có những người sáng chế ra công thức rửa tội như: “Nhân danh ba và má, cha mẹ đỡ đầu, ông bà, thân nhân, bạn hữu, nhân danh cộng đoàn, chúng ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Người ta tự ý thay đổi công thức rửa tội theo qui luật của Hội thánh, vì muốn nhấn mạnh giá trị cộng đoàn của Bí tích rửa tội, để biểu lộ sự tham gia của gia đình và những người hiện diện và để tránh ý tưởng tập trung quyền lực thánh thiêng nơi vị linh mục, mà làm thương tổn cha mẹ và cộng đoàn.

Thông cáo giải thích của Bộ Giáo Lý Đức Tin nhắc lại Hiến chế “Thánh Công Ðồng” (Sacrosanctum Concilium) khẳng định rằng: “Khi một người làm phép rửa thì chính Chúa Kitô rửa tội”, chính Chúa là “người giữ vai chính trong biến cố được cử hành”. Dĩ nhiên, trong nghi lễ rửa tội, “cha mẹ, người đỡ đầu và toàn thể cộng đoàn được kêu gọi giữ một vai trò tích cực, một nghi lễ phụng vụ đích thực”, nhưng điều này bao hàm “mỗi người, thừa tác viên hoặc tín hữu, chu toàn vai trò của mình, chỉ làm và làm tất cả những gì thuộc thẩm quyền của mình, theo bản chất của nghi lễ và các qui luật phụng vụ” (S.C. n.28).

Bộ Giáo Lý Đức Tin tố giác cám dỗ muốn thay thế công thức rửa tội theo truyền thống, bằng những văn bản khác mà người ta coi là thích hợp hơn, nhưng hành động đó che đậy một sự sai trệch chủ quan và một ý muốn lèo lái.

Công đồng chung Vatican II, theo hướng của Công đồng Trento, tuyên bố Giáo hội không thể tùy ý thay đổi bảy bí tích và qui định rằng: “không một ai, dù là linh mục, được tự ý mình thêm thắt, cắt bỏ hoặc thay đổi điều gì trong vấn đề phụng vụ”. Thực vậy, “tự ý thay đổi công thức cử hành một bí tích, không những là một sự lạm dụng phụng vụ, một sự xâm phạm một qui luật tích cực, nhưng còn là một vết thương gây ra cho sự hiệp thông Giáo hội và đặc tính có thể nhận diện hoạt động của Chúa Kitô, và trong những trường hợp trầm trọng hơn, làm cho chính bí tích bị vô hiệu, vì bản chất hoạt động thừa tác đòi phải trung thành thông truyền điều đã được nhận lãnh”.

Kết luận

Thông cáo của Bộ Giáo Lý Đức Tin kết luận rằng: “Thay đổi công thức bí tích có nghĩa là không hiểu chính bản chất của thừa tác vụ Giáo hội, luôn luôn là một sự phục vụ Thiên Chúa và dân của Ngài, chứ không phải là thực thi một quyền bính đến độ lèo lái điều đã được ủy thác cho Giáo hội, do một hành vi thuộc về Truyền thống. Vì thế, mỗi thừa tác viên cử hành Bí tích rửa tội, không những phải ý thức mình phải hành động trong sự hiệp thông với Giáo hội nhưng còn phải có cùng xác tín mà thánh Augustino đã nói về thánh Tiền Hô, là người “đã hiểu rằng nơi Chúa Kitô có một đặc tính mà, dù có nhiều thừa tác viên, thánh thiện hay tội lỗi, làm phép rửa, sự thánh thiêng của Bí tích rửa tội phải được dành cho Ðấng có chim bồ câu đậu trên và là vị được gọi là “Chính Ngài là vị làm phép rửa trong Thánh Linh” (Ga 1, 33). Vì thế, thánh Augustino giải thích: “Dù là Phêrô rửa, cũng chính là Chúa Kitô làm phép rửa; dù là Phaolô rửa, cũng chính là Chúa Kitô rửa; và cả khi Giuda làm phép rửa, thì cũng là Chúa Kitô làm phép rửa”.


Source:Catholic News Agency

2. Hoa Kỳ công bố các biện pháp trừng phạt đối với Carrie Lam về Luật An ninh Quốc gia

Hôm thứ Sáu 7 tháng 8, Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Carrie Lam, lãnh đạo chính quyền Hương Cảng, cũng như các quan chức khác ở Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm đáp lại các hành động gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tự do dân sự ở Hương Cảng.

“Hoa Kỳ đứng về phía người dân Hương Cảng và chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ và thẩm quyền của mình để nhắm mục tiêu vào những kẻ phá hoại quyền tự chủ của họ, ” Bộ trưởng Tài chính Steven T. Mnuchin cho biết trong một tuyên bố của Bộ Tài chính hôm thứ Sáu.

“Đặc khu trưởng Hương Cảng là Carrie Lam, hay còn được gọi là Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã bị trừng phạt vì các nỗ lực muốn thông qua luật dẫn độ gây tranh cãi vào năm 2019, ” ông Mnuchin nói, và nhấn mạnh rằng mưu toan của bà ta đã gây ra “một loạt các cuộc biểu tình phản đối lớn ở Hương Cảng” vào năm ngoái. Ông cũng đề cập đến vai trò của bà Lam trong việc “phát triển, thông qua, và thực hiện Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa liên quan đến An ninh Quốc gia tại Đặc khu Hành chính Hương Cảng.”

Hôm 1 tháng 7, một Luật An ninh Quốc gia mới đã có hiệu lực tại Hương Cảng. Đạo luật này đã bị các chính trị gia của cả hai đảng lớn ở Hoa Kỳ chỉ trích gay gắt là vi phạm rõ ràng các quyền tự do dân sự được bảo đảm cho Hương Cảng theo chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” được đồng ý tại thời điểm bàn giao lãnh thổ từ tay người Anh.

Chi tiết về các hành động cụ thể của Mỹ không được tiết lộ trong thông báo. Tuy nhiên, quyết định này có lẽ cũng giống như các biện pháp trước đó của chính quyền đối với các quan chức của bọn cầm quyền Trung Quốc, là những kẻ đã góp phần vào việc giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nói cách khác, các biện pháp sẽ là cấm Carrie Lam không được vào Mỹ và tịch thu tài sản trên đất Mỹ, cũng như cấm người Hoa Kỳ thực hiện các giao dịch kinh tế với bà ta.

Bọn cầm quyền Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt một số chính trị gia nổi tiếng của Hoa Kỳ, là những người đã lên tiếng phản đối cách đối xử của Trung Quốc với các dân tộc thiểu số, bao gồm cả Đại sứ Tự do Tôn giáo Sam Brownback.

“Khi Bắc Kinh công bố ý định thông qua Luật An ninh Quốc gia, chúng tôi đã lo ngại. Điều đó thật đáng sợ”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết tại phiên điều trần ngày 1 tháng 7 với tiêu đề “ Sự kết thúc của một quốc gia, hai hệ thống. Hệ quả của Luật An ninh Quốc gia của Bắc Kinh ở Hương Cảng.”

Đảng Dân chủ California cho biết: “Luật này không gì khác hơn là một nỗ lực tổng lu65c nhằm phủ nhận các quyền của người dân Hương Cảng vì nó vi phạm mọi thỏa thuận trong cam kết ‘Một quốc gia, hai hệ thống’”.

Bà Pelosi nói rằng Quốc hội từ lâu đã lo ngại về hình thức cuối cùng của luật này, nhưng văn bản của luật hiện nay “thậm chí còn vượt quá những điều kinh hoàng đó.”


Source:Catholic News Agency

3. Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm ứng dụng nổi tiếng TikTok

Các biện pháp trừng phạt đối với Carrie Lam và các quan chức Trung Quốc khác đã được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm ứng dụng nổi tiếng TikTok. TikTok thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc, là công ty ByteDance. Sắc lệnh hành pháp cấm bất kỳ giao dịch nào giữa các công ty Mỹ và ByteDance.

TikTok đã bị chỉ trích vì thu thập dữ liệu cá nhân quá nhiều, kiểm duyệt video liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hương Cảng và việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cũng như quảng bá các thuyết âm mưu liên quan đến COVID-19.

“TikTok tự động tóm lấy những mảng lớn các thông tin từ người sử dụng, bao gồm cả các thông tin liên quan đến các hoạt động mạng khác trên Internet, cũng như các dữ liệu về vị trí và thông tin liên quan đến các chương trình duyệt Internet và lịch sử các tìm kiếm, ” sắc lệnh nói. “Việc thu thập dữ liệu này cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp cận thông tin cá nhân và những thông tin độc quyền của người Mỹ - và có khả năng cho phép Trung Quốc theo dõi vị trí của các nhân viên và các nhà thầu Liên bang, xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân để tống tiền và thực hiện các hoạt động gián điệp thương mại.”

TikTok cũng bị chỉ trích vì thiếu các tính năng bảo vệ trẻ em. Ứng dụng này không có tùy chọn đặt hồ sơ ở chế độ riêng tư và các hạn chế an toàn khác nhau trên ứng dụng sẽ tự động tắt sau khoảng thời gian 30 ngày.

Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Về Tệ Nạn Khai Thác Tình Dục cho rằng TikTok không có một hệ thống giám sát các phát biểu thù hận và quá khích. Trong báo cáo thường niên “Dirty Dozen” đã liên tục liệt kê TikTok vào số những công ty tồi tệ nhất không những không bảo vệ trẻ em mà còn làm cho chúng bị khai thác tình dục.

Trước đại dịch coronavirus, TikTok được báo cáo là có khoảng 800 triệu người sử dụng, trong đó 40% là người Ấn Độ. Trong thời gian đại dịch khi nhiều người bị khóa tại nhà, con số này được tin là đã lên đến 1.1 tỷ.

Anh chàng người Ấn này cho rằng upload lên TikTok dễ hơn lên YouTube và dễ nhanh chóng trở thành nhân vật nổi tiếng. Anh nói để upload lên YouTube bạn phải edit video trên laptop rồi mới upload lên YouTube được. Đó là chi tiết sai lầm có lẽ xuất phát từ các tuyên truyền sai lạc. Những người thường upload lên YouTube đều dễ nhận ra không hẳn là như thế.

Bangladesh đã cấm TikTok như một phần trong chiến dịch bài trừ các hình ảnh khiêu dâm. Ấn Độ cũng đã cấm TikTok sau các cuộc giao tranh với Trung Quốc dọc theo biên giới.

Tuy nhiên, nhiều người Ấn vẫn mê man với TikTok. Anh chàng người Ấn này là một ví dụ. Gia đình anh ta bảo anh đi kiếm việc làm nhưng anh ta không muốn làm gì khác hơn là dành thời gian cho TikTok. Còn chị người Mỹ này, bất kể an ninh quốc gia, đang càm ràm Tổng thống Trump vì cấm TikTok.

Microsoft được tường trình là đang trong quá trình thương thảo để mua lại công ty này. Với sắc lệnh này của Tổng thống Trump hàng trăm triệu Mỹ Kim đã được chận đứng trước khi rơi vào tay Tầu Cộng.

Tại Úc, thủ tướng Scott Morrison cho biết chính quyền Úc đang theo dõi sát các hoạt động của TikTok và không loại trừ khả năng cấm ứng dụng này trên không gian điện toán của Úc.


Source:Catholic News Agency

4. Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ 'đàn áp chính trị' đối với TikTok và WeChat

Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố lệnh cấm TikTok và WeChat, Bắc Kinh đã cáo buộc Hoa Kỳ “đàn áp chính trị” bằng các lệnh hạn chế sâu rộng đối với những công ty khổng lồ về truyền thông xã hội của Trung Quốc là TikTok và WeChat.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Vương Văn Bân (Wang Wenbin - 王文斌), nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh rằng động thái này của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các công ty Mỹ.

Các lệnh hành pháp của ông Trump, có hiệu lực sau 45 ngày, cấm bất kỳ ai dưới quyền tài phán của Hoa Kỳ làm ăn với chủ sở hữu của TikTok hoặc WeChat.

Các lệnh hành pháp này xảy ra khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang xung đột với nhau về một loạt các vấn đề từ coronavirus, Hương Cảng cho đến gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.

Các sắc lệnh của tổng thống Trump, được đưa ra khi tổng thống tìm cách kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, nói rằng các gã khổng lồ truyền thông xã hội của Trung Quốc là mối đe dọa đối với “an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và kinh tế” của Hoa Kỳ,

Vương Văn Bân nói “ Hoa Kỳ thường xuyên lạm dụng sức mạnh quốc gia của mình và đàn áp một cách vô cớ các công ty không phải của Hoa Kỳ”.

“Quyền lợi của của người tiêu dùng Mỹ và lợi nhuận của các công ty Mỹ đang phải trả giá cho các thao tác chính trị độc đoán và đàn áp, ” ông ta nói.

Hôm 7 tháng 8, một tòa án Trung Quốc tại tỉnh Quảng Đông đã kết án tử hình Diệp Kiến Huy (Ye Jianhui, 叶建辉) về tội buôn bán và tàng trữ ma túy. Huy là người Hoa có quốc tịch Canada. Một ngày trước đó, tòa án Trung Quốc cũng tại tỉnh Quảng Đông đã kết án tử hình một người Hoa có quốc tịch Canada khác là Từ Vĩ Hoành (Xu Weihong, 徐伟宏) với cùng một tội danh.

Khi được hỏi về hai bản án này, Bân từ chối trả lời nhưng nói rằng Canada nên sửa chữa những sai lầm của mình và đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng bằng cách thả bà Mạnh Vạn Châu (Meng Wanzhou - 孟万洲).

Mạnh Vạn Châu là giám đốc tài chính của Huawei, và cũng là con gái của người sáng lập công ty - đã bị bắt vào ngày 1 tháng 12 năm 2018 tại Vancouver.

Bộ tư pháp Hoa Kỳ yêu cầu bắt giữ bà với cáo buộc bà vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran. Hoa Kỳ đã yêu cầu Canada dẫn độ bị can sang Mỹ.


Source:Reuters