Ngày 17-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 20 Quanh Năm 16/8/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 17/08/2020


Bài Ðọc I: Is 56, 1. 6-7

"Ta sẽ dẫn con cái Ta lên núi thánh".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Thiên Chúa phán: "Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ tỏ hiện.

"Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Ðáp: Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài

Xướng: Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan Ngài tươi sáng, để trên địa cầu, thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ.

Xướng: Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.

Xướng: Chư dân hãy ca tụng Ngài. Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài.

Bài Ðọc II: Rm 11, 13-15. 29-32

"Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi Israel, thì Người không hề hối tiếc".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết?

Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 15, 21-28

"Này bà, bà có lòng mạnh tin".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm". Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel". Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống". Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Ðó là lời Chúa.
 
Được gọi để bị tước đoạt
Lm. Minh Anh
01:29 17/08/2020

ĐƯỢC GỌI ĐỂ BỊ TƯỚC ĐOẠT

Kính thưa Anh Chị em,

Cả hai bài đọc Lời Chúa hôm nay nói đến sự tước đoạt, một sự tước đoạt cần thiết. Chúa tước đoạt người vợ thân yêu của Êzêkiel để ông nên lời sấm báo trước tai hoạ sắp ập xuống Giêrusalem và tình huống hoảng loạn của dân vào buổi lưu đày; Chúa Giêsu đề nghị chàng thanh niên hãy để người nghèo tước đoạt những gì anh sở hữu nếu anh muốn giàu có thực sự với những của cải bền vững trên trời.

Như ‘nửa kia’ của Êzêkiel là ‘niềm vui của mắt ông’ bị Thiên Chúa tước đoạt thì Giêrusalem, ‘niềm vui của mắt dân’ cũng sẽ bị Người tước đoạt đột ngột như thế; đột ngột đến nỗi họ không kịp khóc, cũng không có thời giờ để khóc. Mục đích là, “Khi sự việc xảy ra, các ngươi sẽ biết Ta là Thiên Chúa”, Đấng sẽ tước đi những gì chỉ để vui mắt và che chắn việc con người nhận biết Người.

Đặt vấn đề với Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay là một người trẻ đáng trân trọng; đáng trân trọng vì lẽ dù giàu có, anh vẫn nhận ra Đấng nhân lành nơi một Giêsu nghèo khó và nhất là anh luôn luôn khắc khoải bởi một khát vọng cao hơn, đời đời hơn: khát vọng nên thánh, “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời? ”. Chúa Giêsu phỏng vấn anh về các giới răn, và câu trả lời của anh chứng tỏ anh càng đáng được trân trọng hơn, “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Nhiều người tưởng anh quá đủ tiêu chuẩn; nhưng với Chúa Giêsu thì không, “Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải anh có, bố thí cho người nghèo khó; anh sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Tôi”.

Ngài nói đến một chuỗi, một tiến trình mà anh phải làm nếu anh muốn giàu có hơn. Anh phải đi, phải bán, phải cho, phải trở lại và theo Ngài; tắt một lời, anh hãy để cho người nghèo tước đoạt hết. Chúa Giêsu mời anh đi một vòng rồi quay lại vì Ngài biết, một khi trở lại, anh sẽ nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn và bay bổng hơn vì anh đã được Thiên Chúa tước đoạt. Tiếc thay, anh đã từ chối. Anh sa sầm nét mặt, buồn buồn bỏ đi; và vì tôn trọng, Ngài cũng không buồn gọi anh lại. Thực ra, không phải vì anh chiếm hữu nhiều của cải; đúng hơn, của cải đã chiếm hữu anh. Bao lâu chỉ biết thu tóm, người ta cứ mãi sa sầm nét mặt.

Anh Chị em, Chúa Giêsu thật nhân lành khi Ngài không đòi chúng ta bán hết như thế. Đúng không? Hay Ngài đã đòi? Nếu muốn nên trọn lành, liệu chúng ta có thể đáp ứng điều Ngài đòi không? Câu trả lời sẽ rất thú vị và lắm ngạc nhiên.

Sự thực, Thiên Chúa đã kêu gọi một số người bán hết những gì họ có và cho đi đúng theo nghĩa đen. Với những ai đáp lại tiếng gọi này, họ khám phá ra một sự tự do tuyệt vời để mình được tước đoạt tất cả. Ơn gọi của họ là dấu cho thấy có một tiếng gọi tận căn bên trong mà mỗi người đã được ngỏ mời. Phần chúng ta thì sao? Lời mời gọi tận căn bên trong được ngỏ với mỗi chúng ta là gì? Đó là một lời mời sống tinh thần nghèo khó. Bằng tinh thần nghèo khó, mỗi người được gọi để bị tước đoạt khỏi những gì thuộc về thế gian cùng một trương độ như những người được gọi để sống khó nghèo triệt để theo nghĩa đen. Khác biệt duy nhất ở đây là một người được kêu gọi để sống khó nghèo cả bên trong lẫn bên ngoài; đang khi người kia thì chỉ nghèo khó bên trong; thế nhưng, cả hai đều đòi hỏi triệt để, tận căn.

Vậy thì nghèo khó bên trong là gì? Đó là một mối phúc, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” như Matthêu nói; và “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” như Luca nói. Tâm hồn nghèo khó chính là phúc lành giàu có thiêng liêng được khám phá khi một người để cho mình bị tước đoạt khỏi những cám dỗ vật chất đời này. Vật chất không phải là sự dữ, chúng ta có thể sở hữu nó nhưng quá gắn bó và muốn có nhiều hơn vì nghĩ rằng nhiều hơn sẽ hạnh phúc thì đó là cạm bẫy, “Ai có tiền sẽ không bao giờ có đủ tiền”. Của cải chỉ là phương tiện giúp chúng ta nên thánh và hoàn thành mục đích đời mình; quá gắn bó và ham hố đến nỗi phương hại đời sống ân sủng của con cái Chúa là điều tối kỵ và như thế, tước bỏ sẽ thật cần thiết.

Đã một thời tỷ phú George Soros than thở, “Tôi không biết mình đang giàu hay đang nghèo; đang làm chủ số phận hay đang nô lệ cho những thành công. Bởi lẽ, để thành công tôi đã phải làm việc như một con chó và để giàu có, tôi đã phải bất an triền miên”. Thế nhưng, sau khi đến với người cùng khốn, George Soros chia sẻ, “Chỉ khi biết yêu thương, tôi mới nếm được mùi hương hạnh phúc và sung túc thật sự”.

Anh Chị em,

Chúng ta không giàu như người thanh niên trong Tin Mừng, không là tỷ phú như George Soros, nhưng để có sự sống đời đời, những gì Chúa cần tước đi cũng sẽ không bằng một Nước Trời Người đang dành sẵn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con trao vào tay Chúa những gì con có như một lễ tế thiêng liêng. Xin đón nhận tất cả và giúp con dùng nó theo cách Chúa muốn. Chớ gì trong khi để mình bị tước đoạt, con khám phá ra sự giàu có đích thực Chúa dành cho con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:00 17/08/2020

2. Khắc khổ xác thịt có thể sửa đổi các loại khuyết điểm, có thể sửa đổi các loại đức hạnh, có thể từng bước đạt tới sự hoàn thiện cách thỏa đáng.

(Hiền sĩ Casien)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:12 17/08/2020
8. THIẾU HAI CÁI XÀ

Chi Nguyên Hiến vì làm một cái nhà vừa cao vừa lớn nên đã dùng hết số tiền mình đã có. Nhà làm xong rồi, nhưng lại bịa đặt với cấp trên là còn khó khăn.

Đậu Gián Nghĩa đi ngang qua nói:

- “Cái nhà làm rất đẹp, chỉ có điều là thiếu hai cái xà 樑 (1) : một cái không có “suy nghĩ思量” (2), một cái không có “cân nhắc酌量” (3).

(Nhã Ngược)

Suy tư 8:

Cái nhà đẹp mà thiếu cái xà thì cũng chưa tốt lắm, bởi vì nó sẽ làm cho cái nhà không được hoàn hảo, đẹp thì đẹp nhưng vẫn cứ thấy “chướng” khi nhìn lên trần nhà mà thấy thiếu hai cái xà ngang...

Cái nhà là con người ta, có người đẹp trai anh tuấn nhưng lại thiếu “cái xà” là hiểu biết, nên trở thành người nông nỗi; có người đẹp khuynh nước khuynh thành nhưng thiếu “cái xà” là nết na, nên trở thành gái lẳng lơ đa tình; có người học rộng tài cao nhưng thiếu “cái xà” là đạo đức, nên trở thành kẻ độc ác và gian xảo; có người làm quan rất to rất lớn nhưng thiếu “cái xà” là thanh liêm, nên trở thành kẻ làm nghèo đất nước...

Thiên Chúa tạo dựng nên con người có thân xác và linh hồn, có vật chất và tinh thần, cả hai đều tốt lành đẹp đẽ, cho nên người Ki-tô hữu không thể chỉ chăm sóc thân xác mà bỏ bê phần linh hồn, cũng như không chỉ lo chăm sóc phần hồn mà bỏ bê phần xác, nhưng cần phải chăm sóc cả hai, bởi vì đến ngày tận thế cả xác và hồn đều sẽ sống lại để chịu phán xét, lúc đó nếu mất hai “cái xà” là kính Chúa yêu người thì có mà...chết đời đời trong hỏa ngục !

(1) 樑phát âm là “liang” nghĩa là cái xà.

(2) 量 cũng phát âm là “liang” nhưng nghĩa là lượng.思量nghĩa là suy nghĩ.

(3) 酌量 nghĩa là “cân nhắc, xem xét”, Đậu Gián Nghĩa chơi chữ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đến với một sở hữu trên một con đường không sở hữu
Lm Minh Anh
22:37 17/08/2020
ĐẾN VỚI MỘT SỞ HỮU TRÊN MỘT CON ĐƯỜNG KHÔNG SỞ HỮU

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến ‘của đời này, của đời sau’; ‘người nhiều của, kẻ ít của’; ‘người trước hết, kẻ sau hết’ và như thế, con người phải chọn lựa điều mình sở hữu. Vua Tirô, cậy mình lắm của, ông chết giữa trùng khơi; Chúa Giêsu bảo, ‘Người có của khó vào Nước Trời; người trước hết sẽ nên sau hết, kẻ sau hết sẽ nên trước hết’.

Bài đọc Êzêkiel nói về Tirô, một vị vua cậy mình lắm của, bị Thiên Chúa truất phế. Người phán với ông, “Ngươi chỉ là người phàm, chứ không phải là Chúa, ngươi dám tự cho mình là Chúa!”; “Ngươi đã tích trữ vàng bạc trong kho tàng”; “Ngươi tự cao tự đại về sự phú cường của ngươi”. Vì thế, “Ta sẽ dẫn quân ngoại bang, những kẻ hung bạo nhất trong các dân đến giày xéo ngươi, họ sẽ tuốt gươm chống lại sự khôn ngoan tốt đẹp của ngươi và làm ô danh ngươi. Họ sẽ giết, triệt hạ ngươi, ngươi sẽ chết như những kẻ chết chìm dưới lòng biển”; đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng hôm nay, “Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử”.

Bối cảnh Tin Mừng hôm nay xảy ra ngay sau trình thuật người thanh niên sở hữu nhiều của cải bỏ đi. Chúa Giêsu nói, “Người giàu có thật khó vào Nước Thiên Chúa!”; “Nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và nhiều kẻ sau hết sẽ nên trước hết”.Câu cuối cùng này sẽ nói lên nhiều điều.

“Những kẻ trước hết” là ai? Trước tiên, chúng ta phân biệt ‘Vương quốc Satan’ và ‘Vương quốc Thiên Chúa’. Ở bất cứ nền văn hoá nào, con người đều ham danh, ham của, ham uy tín, ham thành công…vậy mà Satan là thủ lãnh của thế gian không ngừng tìm kiếm những con người này để tâng bốc, mua chuộc; và con người bị mê hoặc, bị cuốn hút vào những cạm bẫy huyễn danh mà Satan chào mời. “Những kẻ trước hết” là những kẻ đang được Satan và những ai thuộc về nó tôn làm thần tượng, họ nỗ lực sở hữu của cải, quyền lực và danh vọng; họ sống bằng lời khen ngợi và đánh giá của người khác. Vậy mà, Thánh Kinh coi họ là những kẻ rốt hết trong Nước Trời. Tương phản với những ai phụng sự Satan là “Những kẻ trước hết” trong Nước Thiên Chúa. Đó là những tâm hồn thánh thiện vốn có thể được tôn vinh hoặc không được tôn vinh trong thế giới này; ai đó có thể nhìn thấy sự tốt lành của họ, tôn vinh họ nhưng rất thông thường, họ bị coi khinh và chẳng đáng để ai học đòi bắt chước theocách nhìn thế gian vì họ khó nghèo, dung dị.

Vậy thì con người phải sở hữu điều gì? Hư danh trong vương quốc Satan hay trở nên những tâm hồn thánh thiện dán mắt vào Thiên Chúa và phần thưởng đời đời của Người? Dĩ nhiên chúng ta sẽ cầu xin để mỗi ngày chọn lựa Thiên Chúa. Và như người leo núi luôn mang theo mình những gì nhẹ nhất; cũng thế, trong hành trình leo núi thiêng liêng, chúng ta sẽ mang theo những gì nhẹ nhất.Một chiếc thuyền chìm không phải vì nó không có khả năng nổi nhưng bởi trọng lượng nó phải tải vượt quá sức nó; cũng thế, chúng ta chỉ có thể đến được với Chúa khi chúng ta trở nên trống rỗng để ân sủng Người có thể tràn ngập linh hồn.

Một thiền sư nhắm mắt ngồi tịnh niệm bên bờ sông Hằng, một thanh niên mạo muội đến xin làm đồ đệ. Anh rón rén đặt hai viên ngọc như của lễ bái sư dưới chân ông. Mở mắt, vị thiền sư không để lộ một chút vui thú… và không cần nhìn kỹ tặng vật, ông cầm lấy một viên ném xuống dòng sông. Tiếc của, chàng thanh niên nhảy xuống dòng nước, cố tìm viên ngọc, nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm thấy. Chiều đến, mệt mỏi, buồn bã, anh lên bờ, xin vị linh sư chỉ rõ nơi đã ném ngọc quý. Vị thiền sư cầm viên còn lại ném luôn và nói, “Chỗ đó, xuống đó mà tìm!”.

Anh Chị em,

Chú tiểu đồng tầm sư học đạo xem ra còn quá quyến luyến với của cải thế gian; phần chúng ta, chúng ta đã chọn đi theo Chúa, chúng ta có dám chọn lấy Thiên Chúa và phần thưởng Người hứa ban? Thánh Gioan Thánh Giá, người đã trải nghiệm được tình yêu của Chúa Kitô một cách sâu sắc, đã hiểu được thế nào là sự từ bỏ, ngài viết, “Để đến với một sở hữu mà bạn không có, bạn phải đi qua một con đường, trên đó, bạn không sở hữu gì cả”. Như vậy là đến với một sở hữu trên một con đường không sở hữu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì con chỉ khát khao sở hữu Chúa và làm vui lòng Người. Xin giúp con tránh xa mọi hư danh, cho con biết chọn Chúa làm gia nghiệp và thuộc về Chúa mỗi ngày”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Báo chí Công Giáo tường thuật các vụ đốt phá nhà thờ và phạm thánh, chứ báo chí chính dòng thì không
Vũ Văn An
01:19 17/08/2020

Theo trang mạng GetReligion (https://www.getreligion.org/getreligion/2020/8/2/catholic-news-outlets-do-the-reporting-on-church-vandalism-where-secular-media-wont), mùa hè này tràn ngập tin tức về chia rẽ chính trị, bất ổn dân sự và giật sập tượng đài. Nhưng nổi bật nhất vẫn là chuyện văn hóa bị chính trị tha hóa.



Theo dõi tin tức hiện nay đã trở thành một việc làm người ta mệt lử, nhất là qua các mạng xã hội, chính vì cái lăng kính chính trị này, qua đó họ nhìn mọi chuyện. Cái lăng kính này đã trở thành một thứ tôn giáo mới cho khá nhiều người.

Vì các cơ quan đưa tin chính dòng ngày càng từ bỏ tính khách quan, nên một số lớn các câu truyện và xu hướng rất quan trọng đã không bao giờ đến được các độc giả. Liên mạng đã và đang nuôi dưỡng tình huống trong đó người sử dụng nó chỉ gặp các thông tin và ý kiến phù hợp và tăng cường các niềm tin của họ, một điều được thuật ngữ thông tin ngày nay gọi là “filter bubbles”, và các tờ báo, khi chuyển qua kỹ thuật số, ngày càng dựa nhiều hơn vào các “subscribers” (người đăng ký? ) chứ ít dựa vào các độc giả nói chung. Việc này cũng giúp loan truyền thông tin sai lạc. Một nghiên cứu của Pew mới đây cho biết: những người nhận tin tức qua các phương tiện truyền thông xã hội thực sự biết ít đi.

Điều trên có nghĩa ngày nay các chủ bút cung cấp cho người đọc những gì họ muốn đọc hơn là trình bầy cái nhìn vô tư về những điều đã xẩy ra. Đồng thời, các công ty kỹ thuật thường nhận được những phê phán của Đảng Cộng Hòa, một đảng vốn cho rằng các công ty khổng lồ như Facebook và Amazon chuyên cung cấp khả năng để người ta rao bán hận thù chống tôn giáo.

Trong khi báo chí chính dòng không lưu ý tới khía cạnh trên trong buổi điều trần ở Quốc Hội, thì Timothy Nerozzi, viết cho Religion Unplugged, đã lưu ý tới nó. Ông tường thuật:

“Trong suốt buổi điều trần chống doanh nghiệp độc quyền (antitrust) lâu hàng giờ tại Quốc Hội ngày 29 tháng Bẩy với các giám đốc chấp hành (CEO) của Amazon, Facebook, Google và các công ty kỹ thuật khác, dân biểu Matt Gaetz (R-Fla.) đã tố cáo Amazon và Facebook cung cấp khả năng để người ta ‘buôn bán hận thù' chống lại các tôn giáo chính dòng ở Hoa Kỳ”.

Cũng trong buổi điều trần trên, dân biểu Gaetz lớn tiếng đặc biệt với Jeff Bezos, tố cáo rằng ông ta cố ý hùn hạp với các định chế vốn bất khoan dung với các cơ quan bác ái và qũy tôn giáo. Gaetz nói “tôi không cáo buộc ông là người buôn bán hận thù. Nhưng, xem ra ông đã giúp người ta khả năng làm như thế. Và tôi đặc biệt muốn nói tới Trung Tâm Luật Southern Poverty”.

Trung tâm trên là một cơ quan luật bất vụ lợi thành lập năm 1971, vốn tự định nghĩa mình như “chuyên đấu tranh chống hận thù và cuồng tín và mưu cầu công lý cho các thành viên dễ bị tổn thương nhất của xã hội chúng ta”. Trung tâm này, trong mấy năm gần đây, vốn bị phản ứng dữ dội vì đã bị tri nhận là quá sốt sắng trong việc gọi cá nhân này hay tổ chức nọ là “cực đoan”.

Dân biểu Gaetz nói tiếp: “Trung Tâm Luật Southern Poverty, trung tâm mà ông cho phép quyền ấn định ai được nhận lãnh các tặng dữ trên cương lĩnh Amazon Smile của ông, từng nói rằng các cơ sở như Tin tức Gia đình Công Giáo (Catholic Family News), Các Thừa tác vụ Gia đình Công Giáo (Catholic Family Ministries), Liên Đoàn Cải tổ Di dân Hoa kỳ (Federation for American Immigration Reform), Hiệp hội Gia đình Hoa kỳ (the American Family Association), Hội Đồng Nghiên cứu Gia đình (the Family Research Council), Liên đoàn Bảo vệ Người Do Thái (the Jewish Defense League), và ngay cả Tiến sĩ Ben Carson cũng là người quá khích và nên được đối xử cách khác”.

Tại sao thế?

Vì mô thức kinh doanh này đã thay đổi các ưu tiên của báo chí trong thời đại liên mạng. Các thuật giải (Algorithms) và các chủ đề tạo xu hướng nay đã thay thế các phán đoán về tin tức. Tờ New York Times vốn viết trên trang nhất của họ: “Mọi tin tức đáng in”. Thiển nghĩ nay nên viết như sau mới đúng: “Mọi tin tức đáng để hót (tweet)”.

Trong những điều trên, điều không ai lưu ý đó là động lực của một ký giả. Chỉ cần nhìn vào xu hướng ngày càng đáng lo ngại trong đó các nhà thờ và ảnh tượng Công Giáo đang bị phạm thánh khắp Châu Âu và nay khắp nước Mỹ.

Tháng Bẩy quả không tốt chút nào về phương diện đó, nhưng các phương tiện truyền thông toàn quốc phần lớn làm ngơ các vụ phạm thánh ấy. Điều chắc chắn là các chủ bút, các người viết và những người suốt ngày dán mắt nhìn vào lưu thông liên mạng có lẽ nghĩ rằng nó không mấy được độc giả lưu ý. Ngoại lệ chỉ có tờ The Wall Street Journal với tường thuật ngày 22 tháng Bẩy, khoảng ba tuần sau các biến cố đầu tiên.

Các cuộc tấn công vẫn đang tiếp diễn. Vụ gần đây nhất diễn ra cuối tuần rồi khi những kẻ phá hoại bứt đầu bức tượng của Thánh Giuđa bên ngoài một nhà thờ lâu đời ở Denver.

Tờ The New York Times NBC News, những cơ quan truyền thông với hàng triệu độc giả, vốn cảnh cáo chúng ta suốt tháng qua về các phong trào chính trị cánh hữu đang mạnh thế ở Đức và khắp Châu Âu. Nhưng lại im như tờ, không tường trình chi về các vụ phạm thánh, bứt đầu tượng Chúa Giêsu bởi các lực lượng chính trị cánh tả.

Vụ cố ý đốt nhà thờ chính tòa Nantes, một phần của xu hướng phản Kitô giáo ở Pháp trong mấy năm gần đây, và việc các nhà tranh đấu LGBTQ phạm thánh tượng Chúa Giêsu chỉ mới tuần trước cho ta thấy sức mạnh hoàn cầu của một số lực lượng cánh tả trên thế giới ngày nay. Có những người biểu tình ở Portland đốt một số Sách Thánh vào cuối tuần trước.Tất cả những biến cố này có điều gì liên quan đến việc phạm thánh các nhà thờ hay không hay đây là một phần của bầu khí bất khoan dung phổ quát đối với các biểu tượng Kitô giáo? Hay là cả hai?

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Công Giáo đã làm một việc rất tốt khi hăng hái tường trình xu hướng đáng lo ngại trên.
Đúng, khán giả của họ lưu tâm tới các tin tức trên, nhưng không phải chỉ có thế. Bất cứ điều gì liên quan tới những gì đang diễn ra trong thế giới Công Giáo đều đáng được tường trình. Đó là sứ mệnh của họ. Trong một số trường hợp, không phải chỉ có các nhà báo tường trình mà thôi, dân thường cũng làm thế. Điều này từng diễn ra trong quá khứ. Một số “bloggers” đã nổi tiếng trong việc lột mặt nạ CBS News đã phát tuyến một báo cáo sai bằng cách sử dụng các bức thư (sau đó bị khám phá là thư giả) nói về việc George W. Bush phục vụ tại Texas Air National Guard, một vụ tai tiếng, được biết dưới tên tài liệu Killian, kết cục đã kết liễu sự nghiệp của Dan Rather.

“Complicit Clergy”, một nhóm giáo dân thoạt đầu đấu tranh chống việc giáo sĩ lạm dụng tình dục, đã khai triển một bản đồ tương tác cho thấy các vụ tấn công khác nhau vào người Công Giáo diễn ra trong năm nay khắp Bắc Mỹ. EWTN, một cơ quan tin tức Công Giáo bảo thủ, đã tường trình về việc này như sau:

“Bản đồ cho thấy các vụ tấn công vào ‘các tượng ảnh, giáo xứ và người Công Giáo’. Nó gồm các chữ thập có thể ‘click’ được, dẫn người sử dụng vào từng địa điểm tấn công.

"Một khi người sử dụng đã “click” vào địa điềm tấn công, họ sẽ thấy hình chụp, ngày tháng, và dịa điểm chính xác của vụ tấn công”.

EWTN tường trình thêm rằng bản đồ này, do Google Maps phát hành, đã ghi lại hơn 60 biến cố tính đến cuối tuần qua, một con số đáng phục nội trong một năm. Bản đồ này đã nhận được hơn 73, 000 lượt người coi. Bản đồ cũng cung cấp cách để người ta báo cáo các biến cố.

Tại sao tờ The New York Times không làm một điều như thế?

Tờ báo có cả hàng tá nhân viên có khả năng tạo nên đủ loại bản đồ tương tác có phẩm chất thật cao. Chính nhờ các ảnh chụp, bản vẽ và phương tiện kỹ thuật mà việc tường trình các biến cố lớn của tờ này đã giúp độc giả khả năng hiểu thấu câu truyện hơn hẳn nhiều tờ báo khác. Một bản vẽ tương tác vụ hỏa hoạn tại Nhà Thờ Đức Bà ở Paris năm ngoái, một vụ cháy hiện vẫn được coi như một tai nạn, quả đáng được hết lời ca ngợi.

Việc thiếu tường trình, vì thế, có liên hệ đến mô thức làm ăn mới. Với các nhân viên ngày càng lưu ý tới việc cổ vũ bất cứ chính nghĩa chính trị mới mẻ nhất nào, việc phạm thánh các nhà thờ, và ai vi phạm, có thể gây hại cho trình thuật mà họ đang cố gắng gói ghém cho độc giả của họ. Tại sao không có ai đặt câu hỏi với Tổng thống Trump về việc phạm thánh trong các cuộc họp báo ông vốn cung cấp cho các ký giả? Hỏi người đang tranh cử với ông ta tức Joe Biden, thì sao? Dù sao, ông ta cũng là một người Công Giáo!

Cũng có các trình thuật tin tức về các giáo dân trong xứ tụ họp nhau dựng lại các bức tượng Chúa Giêsu hay Đức Mẹ từng bị phá hoại. Sau đây là một tường trình của CNA:

“Một giáo xứ ở California đã dựng lại một bức tượng Đức Mẹ Guadalupe ở bên ngoài Nhà thờ, sau khi bị đá xuống đất và bị bể do hành động phá hoại.

"Ngày 21 tháng Bẩy, máy an ninh ghi hình tại giáo xứ Thánh Giuse ở Upland, California, đã ghi hình một người đàn ông tiến lại gần tượng Đức Mẹ Guadalupe và đá bức tượng liên tiếp cho tới khi tượng rơi khỏi bệ...

“Cùng buổi tối hôm ấy, máy an ninh ghi hình ghi được hình một người đàn ông khác, đến lượm bức tượng từ đất lên, đặt tượng vào bệ, rồi ngồi trước bức tượng cầu nguyện.

"Cha Timothy Đỗ, cha sở Nhà thờ, yêu cầu giáo dân trong xứ 'cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới, chấm dứt hận thù và giận dữ, và chúng ta tiếp tục có lòng cảm thương và yêu thương nhau', trong một cuốn video phát hành ngày 22 tháng Bẩy trên Facebook.

"Trong một cuốn video khác, các giáo dân trong xứ đã đọc cả chuỗi hạt Lòng Chúa Thương Xót lẫn chuỗi Mân Côi bằng tiếng Tây Ban Nha trong khi đứng trước bức tượng bị hư hại”.

Ở Dorchester, gần Boston, tượng Đức Mẹ bị phạm thánh hai lần trong một tháng. Báo chí địa phương có tường trình biến cố, nhưng không tờ báo phát hành toàn quốc nào tường trình cả.

Quả là một xu hướng không những làm người Công Giáo, mà mọi tín đồ tôn giáo, đều lo ngại kể cả những người mưu cầu hòa bình và lòng khoan dung.
 
Đoàn người biểu tình đòi cải cách chính trị ở Thái Lan
Thanh Quảng sdb
05:11 17/08/2020
Đoàn người biểu tình đòi cải cách chính trị ở Thái Lan



Tại Thái Lan, hôm Chúa nhật vừa qua, hơn 10.000 người đã xuống đường biểu tình, đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc đảo chính năm 2014 để đòi hỏi cải tổ chính trị.

(Tin Vatican)

Đoàn người biểu tình đòi hỏi thay đổi chính quyền ở Thái Lan. Họ đòi hỏi chính phủ phải từ chức, hiến pháp phải được cải tổ và tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Trong vài tuần qua, các cuộc biểu tình đã diễn ra hàng ngày ở Bangkok do các nhóm sinh viên lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc biểu tình vào hôm Chủ nhật là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc đảo chính năm 2014.

Yêu sách của đoàn người biểu tình

Đoàn người biểu tình yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha - người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với nhiều nghi vấn vào năm 2019 phải từ chức.

Họ cũng đòi hỏi phải cải tổ hiến pháp và chấm dứt tình trạng quấy rối chống lại các nhà hoạt động đối lập.

Nhưng các sinh viên đang chuyển đích của họ vào chế độ quân chủ. Họ kêu gọi cải cách nó, hạn chế quyền của vua trên hiến pháp và chấm dứt vai trò của chế độ quân chủ trong chính trị, mặc dù họ không có ý muốn bãi bỏ hẳn nó.

Nguồn gốc phản kháng

Các cuộc biểu tình chống chính phủ lần đầu tiên bắt đầu vào cuối năm ngoái sau khi tòa án cấm các đảng đối lập là những đảng phản đối chính phủ hiện hành.

Do đại dịch coronavirus, nên các cuộc biểu tình âm ỉ diễn ra trên mạng, nhưng đến tháng 7, các nhóm sinh viên bắt đầu xuống đường.

Gần đây dân chúng nhận thấy có sự biến mất của một số các nhà hoạt động chống chính phủ Thái Lan ở Campuchia, và số người mất tích mới nhất là nhóm 9 người gần đây làm gia tăng sự căng thẳng.

Hành động của chính phủ

Ba sinh viên lãnh đạo các cuộc biểu tình đã bị bắt và được tại ngoại với những cáo buộc về các cuộc biểu tình trước đây. Cảnh sát cũng ra lệnh bắt giữ thêm 12 nhà hoạt động khác.

Chính phủ cho hay người dân có quyền biểu tình, và Thủ tướng cho biết ông đang tìm cách đối thoại với những người biểu tình.

Ông cũng cho biết Đức vua yêu cầu ông đừng áp dụng những hình phạt về luật được gọi là "khinh thị đức vua", mà người phạm luật này có thể bị kết án đến 15 năm tù...
 
COVID-19 tái phát ở Nam Hàn, một giáo phái chống chính quyền là ổ dịch.
Trần Mạnh Trác
12:03 17/08/2020
(AsiaNews, AP ngày 17 tháng 8 năm 2020) Một mục sư Hàn Quốc, thường chỉ trích tổng thống Moon Jae-in (Văn tại dần) một cách gay gắt, đã xét nghiệm dương tính coronavirus, hai ngày sau khi ông tổ chức một cuộc biểu tình tuần hành chống chính phủ ở Seoul (Hán Thành).

Đã có hơn 300 trường hợp nhiễm vi rút trong số 4000 tín đồ cuả giáo phái Sarang Jeil (Tát Lãng-Gia Nhĩ) cuả mục sư Jun Kwang-hoon (Tuấn quang huân).

Người ta đang lo ngại về một đợt bùng phát lớn ở thủ đô. Sự lây lan của virus có thể trở nên tồi tệ hơn vì hàng ngàn thành viên của Nhà thờ Sarang Jeil đã tuần hành và tương tác với của hàng chục nghìn người ở trung tâm thành phố Seoul vào thứ Bảy bất chấp lời cảnh báo từ các quan chức là phải ở nhà.

Ông mục sư Jun, được biết đến trong quá khứ qua những lời phát biểu khiêu khích và kỳ quái, cho biết vụ bùng phát tại nhà thờ của ông là kết quả của một cuộc tấn công do một đối thủ “nào đó” đã “đổ” vi-rút vào nhà thờ.

Được biết ông Jun đã từng bị truy tố vào tháng 3 với tội danh vi phạm luật bầu cử trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 4. Ông đã tổ chức biểu tình chống lại đảng của ông Moon một các bất hợp pháp vì thời gian vận động chính thức chưa bắt đầu. Ông Jun sau đó được tại ngoại với điều kiện ông sẽ không tham gia các cuộc biểu tình có thể liên quan đến vụ án đang chờ xử lý của ông.

Cho đến nay Hàn Quốc đã có 15.318 người nhiễm bệnh và 305 người chết.

Bộ trưởng Y tế Kim Ganglip (Kim lợi phổ) đã đưa ra lời kêu gọi tất cả các thành viên của giáo phái phải trải qua các cuộc thử nghiệm.

Nhắc lại trước vụ Sarang Jeil này, một giáo phái khác là Shincheonji (Tân thiên địa của Chúa Giê-su) cũng đã tạo ra một đợt nhiễm trùng lớn nhất nước với 5200 trường hợp lây nhiễm.

Vụ Shincheonji đã xảy ra ở thành phố Daegu, là một thành phố nhỏ ở phiá đông nam Hàn quốc, Chính quyền lúc đó đã dồn mọi nỗ lực để ổn định khu vực vào tháng 4. Nhưng vụ Sarang Jeil mới này xảy ra ở một khu vực lớn hơn là thủ đô Seoul, với một dân số đông gấp 10 lần Daegu, đây sẽ là một gánh nặng to lớn bội phần.

Hồi trước các nỗ lực phòng chống đã chỉ phải tập trung vào khu vực Daegu và những sự bùng phát chủ yếu gắn liền với nhà thờ Shincheonji, nhưng hiện nay, chính quyền phải vật lộn để theo dõi sự lây truyền và dự đoán các tuyến đường lây nhiễm ở một khu vực Seoul rộng lớn, và sự bùng phát cuả bệnh không chỉ xuất hiện từ các nhà thờ, mà còn từ các nhà hàng, trường học và nhiều nơi khác.
 
Joe Biden bị ép duyên để liên danh với người đàn bà liên tục công khai mạt sát và vu cáo mình
Đặng Tự Do
16:15 17/08/2020


Hôm 28 tháng 7, trong bài Analysis: Where Biden's VP shortlist stands on abortion, ký giả Christine Rousselle của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho rằng 5 người phụ nữ có khả năng được ông Joe Biden chọn làm ứng cử viên phó tổng thống là Dân biểu Karen Bass, Dân biểu Val Demings, Thượng nghị sĩ Kamala Harris, Cựu Đại sứ Susan Rice, và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.

Cũng trong cùng ngày 28 tháng 7, Philip Lawler của Catholic World News, trích dẫn các nguồn tin thông thạo từ đảng Dân Chủ nói rằng ông Joe Biden không có nhiều lựa chọn như thế. Lựa chọn duy nhất của ông ta là Kamala Harris.

Điều này gây ngạc nhiên cho nhiều người vì theo CNA, bà Kamala Harris là người thường xuyên gây xôn xao dư luận với những lời mạt sát thậm tệ ông Joe Biden.

Harris là người ủng hộ cuồng nhiệt cho các luật lệ cho phép phá thai, và hô hào dùng tiền thuế của dân để tài trợ cho phá thai. Thông tấn xã Reuters cho biết chỉ trong 2 ngày đầu tiên sau khi ông Joe Biden chính thức xác nhận đã mời Kamala Harris làm ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh với mình, qũy tranh cử của ông Joe Biden đã nhận được 48 triệu Mỹ Kim tài trợ.

Kamala Harris được nồng nhiệt mô tả là “một chiến binh không biết sợ hãi” sẽ xóa tan tất cả các thành quả phò sinh của Tổng thống Trump.

Các nhóm phò phá thai và làm giầu bằng trợ cấp phá thai từ tiền thuế dân như Planned Parenthood đang đặt tràn trề hy vọng nơi bà Kamala Harris.

Các tổ chức phò phá thai tại Mỹ như National Network of Abortion Funds, The Guttmacher, Reproductive Rights và Planned Parenthood không mấy tin tưởng vào ông Joe Biden vì dù sao ông ta cũng là một người Công Giáo. Vì thế, ngay khi Kamala Harris được ông Joe Biden chọn liên danh với mình, các tổ chức này chịu chi ngay các số tiền khổng lồ trong quyết tâm hạ gục Tổng thống Trump.

Trước khi được chọn để tranh cử với Biden, Harris đã gây chú ý với rất nhiều các cuộc tấn công vào cựu phó tổng thống Biden trong các cuộc tranh luận. Harris đặc biệt chỉ trích sự ủng hộ trong thời gian dài của Biden đối với Tu chính án Hyde, là đạo luật ngăn chặn việc sử dụng quỹ liên bang để phá thai.

Biden đã ủng hộ Tu chính án Hyde, bằng cách bỏ phiếu tán thành và công khai viết ra trong tác phẩm của mình và trong các bài phát biểu, trong suốt hơn bốn thập kỷ. Nhưng ông ta đã đảo ngược quan điểm của mình vào tháng 6 năm 2019, chỉ một ngày sau khi tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Tu chính án Hyde. Harris đã nhanh chóng chỉ ra điều này trong các cuộc tranh luận.

Bà Harris nói:

“Chỉ cho đến khi ông được chọn ra tranh cử tổng thống lần này, ông mới nói sẽ rút lại sự ủng hộ của mình và không đồng ý với quyết định chính ông đã đưa ra và theo đuổi trong nhiều, rất nhiều năm làm ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều phụ nữ ở đất nước của chúng ta.”

Không những không tiếc lời mạt sát công khai ông Joe Biden, bà Harris đã làm mọi cách để ông Joe Biden không được đảng Dân Chủ chọn làm ứng viên tổng thống. Tháng Tư năm ngoái trên các phương tiện truyền thông rộ lên tin ông Joe Biden bị một số phụ nữ đã cáo buộc có hành vi sai trái tình dục trong thời gian ông ở Thượng viện và trong thời gian ông là phó tổng thống. Bất kể bản thân ông Biden phủ nhận việc từng có hành động “không thích hợp” với phụ nữ, Harris tuyên bố rằng bà tin những phụ nữ đã cáo buộc ông Biden và thúc giục đảng Dân Chủ chọn người khác.

Bà nói:

“Tôi tin họ và tôi tôn trọng việc họ có thể kể câu chuyện của mình và can đảm làm điều đó, ” cô nói tại một sự kiện ở Nevada.

Chọn một người liên tục chỉ trích mình như một kẻ thù không đội trời chung để đứng liên danh với mình, rõ ràng là ông Joe Biden đã bị ép duyên.

Tu chính án Hyde là gì?

Trong chính trị Hoa Kỳ, Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Trước khi Tu chính án Hyde có hiệu lực, ước tính có khoảng 300, 000 ca phá thai được thực hiện hàng năm bằng tiền đóng thuế của dân.

Hạ viện thông qua Tu chính án Hyde vào ngày 30 tháng 9 năm 1976 với tỷ lệ bỏ phiếu 312 trên 93. Tu chính án này có tên là Hyde vì do Dân biểu Cộng hòa Henry Hyde của Illinois đề xuất. Tu chính án thể hiện một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất và đầu tiên nhất của phong trào ủng hộ sự sống tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các phong trào phò sinh của Công Giáo và Ủy ban Quốc gia về Tu chính án Cuộc sống Con người do nhà vận động hành lang Mark Gallagher đứng đầu.

Quốc hội sau đó đã sửa đổi Tu chính án Hyde nhiều lần. Phiên bản có hiệu lực từ năm 1981 đến năm 1993 cấm sử dụng quỹ liên bang để phá thai “trừ trường hợp tính mạng của người mẹ bị đe dọa.”

Theo các cuộc thăm dò vào năm 2016, Tu chính án Hyde được 57% cử tri ủng hộ và 36% phản đối. Năm 2016 cũng đánh dấu lần đầu tiên đảng Dân Chủ Mỹ công khai tuyên bố sẽ làm mọi cách để hủy bỏ Tu chính án Hyde. Vào ngày 24 tháng Giêng năm 2017, Hạ viện đã thông qua H.R. 7 để “làm cho Tu chính án Hyde có hiệu lực vĩnh viễn.” Tuy nhiên, chẳng may dự luật này không thông qua được tại Thượng viện và không trở thành luật.

Kamala Harris tuyên bố một trong những động tác đầu tiên của bà ta nếu được đắc cử là tìm mọi cách để xóa bỏ Tu chính án Hyde.

Trong tư cách là Bộ trưởng Tư Pháp California, bà Kamala Harris đã thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ Hội Đồng Giám Mục tiểu bang khi tài trợ một dự luật buộc các trung tâm trợ giúp các phụ nữ mang thai phải quảng cáo các dịch vụ phá thai “miễn phí hoặc chi phí thấp” cho khách hàng của họ. Luật đó đã bị Tòa án Tối cao lật lại vào năm 2018.
Source:Catholic News Agency

Source:Wiki
 
Khuynh hướng quyết liệt loại bỏ Tổng thống Trump mạnh hơn bao giờ sau khi nữ tướng phò phá thai được Joe Biden liên danh
Đặng Tự Do
16:17 17/08/2020


Sky News Australia nhận xét rằng sau khi ông Joe Biden chọn người đứng liên danh với mình là bà Kamala Harris, một người khét tiếng phò phá thai, các phương tiện truyền thông tại Hoa Kỳ đã tăng tốc một chiến dịch vận động tranh cử cho liên danh Joe Biden, Kamala Harris. Khuynh hướng quyết liệt loại bỏ Tổng thống Trump mạnh hơn bao giờ. Thông tấn xã Reuters tường thuật rằng chỉ 2 ngày sau khi bà Kamala Harris được chọn, ít nhất 48 triệu Mỹ Kim đã được tặng cho quỹ tranh cử của liên danh Joe Biden, Kamala Harris. Số tiền trên chủ yếu từ các tổ chức phá thai đã chịu nhiều thiệt thòi dưới các chính sách phò sinh của Tổng thống Trump.

Khuynh hướng quyết liệt loại bỏ Tổng thống Trump cũng có thể thấy trong cung cách một số phương tiện truyền thông tại Mỹ loan tin về cái chết của bào đệ Tổng thống Trump là ông Robert Trump, đã qua đời tại bệnh viện ở tuổi 71.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz đã chỉ trích tờ báo Washington Post vì hàng tít mà ông gọi là “quá sức bệnh hoạn” khi loan tin về cái chết của ông Robert Trump.

Tổng thống Trump đã thông báo về cái chết của em trai mình trong một tuyên bố, và nói rằng ông Robert Trump “không chỉ là em trai của tôi, nhưng còn là người bạn tốt nhất của tôi”.

Ông Trump đã nói ngắn gọn về Robert Trump, người từng là giám đốc điều hành của Tổ chức Trump, tại một cuộc họp báo vào hôm thứ Sáu và nói rằng ông Robert đang ở bệnh viện nhưng hy vọng ông sẽ sớm khỏe lại.

Nguyên nhân cái chết của người em út của tổng thống Trump chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, các nhân viên phủ tổng thống tiết lộ rằng Tổng thống sẽ tạm dừng các chuyến đi trong chiến dịch tái tranh cử của mình để tham dự lễ tang của người em.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng bà Kamala Harris là một người có khuynh hướng bài Công Giáo rất quyết liệt. Trong suốt thời gian hoạt động tại Thượng Viện Hoa Kỳ, bà ta đã tìm mọi cách bác bỏ các bổ nhiệm của tổng thống Donald Trump liên quan đến người Công Giáo.

Úc tỏ ra hết sức lo ngại trước viễn cảnh Tổng thống Trump không được tái đắc cử. Một chính sách thân thiện với Bắc Kinh của chính quyền Mỹ sẽ có tác động kinh tế và chính trị sâu sắc đối với Úc Đại Lợi.
Source:Sky News Australia
 
Câu chuyện Đàn ngang cung của nhân viên Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
17:29 17/08/2020
Thượng nghị sĩ Kamala Harris, người vừa được chọn làm ứng viên phó tổng thống của Joe Biden, là một người khét tiếng phò phá thai và bài Công Giáo.

Trong tư cách là Bộ trưởng Tư Pháp California, bà Kamala Harris đã thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ Hội Đồng Giám Mục tiểu bang khi tài trợ cho một dự luật buộc các trung tâm trợ giúp các phụ nữ mang thai phải quảng cáo các dịch vụ phá thai “miễn phí hoặc chi phí thấp” cho khách hàng của họ. Luật đó đã bị Tòa án Tối cao lật lại vào năm 2018.

Bà Kamala Harris là một người có khuynh hướng bài Công Giáo rất quyết liệt. Trong suốt thời gian hoạt động tại Thượng Viện Hoa Kỳ, bà ta đã tìm mọi cách bác bỏ các bổ nhiệm của tổng thống Donald Trump liên quan đến người Công Giáo.

Ngày 10 tháng 10, 2018, Tổng thống Trump đề cử ông Brian Buescher, một hiệp sĩ Kha Luân Bố là thẩm phán tòa án quận hạt Nebraska. Vào ngày 13 tháng 11 cùng năm, việc bổ nhiệm này được đưa ra xem xét tại Thượng Viện Hoa Kỳ. Bà Harris đã tra vấn liệu Buescher có biết rằng Hiệp sĩ Đoàn Kha Luân Bố “phản đối quyền lựa chọn của phụ nữ” và chống lại “quyền bình đẳng trong hôn nhân” khi ông tham gia vào tổ chức Công Giáo này không.

Những nhận xét này của bà Harris đã bị chỉ trích là bài Công Giáo và Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, đã mô tả những chỉ trích ấy là “quá quắt”.

Trường hợp của ông Brian Buescher chỉ là một thí dụ điển hình. Thực tế là tất cả các bổ nhiệm liên quan đến người Công Giáo của Tổng thống Trump khi đưa ra Thượng Viện Hoa Kỳ đều bị bà ta phản đối rất quyết liệt như thể người Công Giáo có vấn đề và không có khả năng đảm nhận các chức vụ dân cử tại Hoa Kỳ.

Hôm 12 tháng 8, phát biểu với Catholic News Service, gọi tắt là CNS, dịch vụ tin tức chính thức của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Donna Grimes, phó giám đốc phụ trách các vấn đề người Mỹ gốc Phi trong Ủy Ban Đa Văn hóa trong Giáo Hội của các Giám Mục Mỹ, cho biết cô “hồ hởi phấn khởi” trước việc ông Joe Biden chọn bà Kamala Harris làm ứng cử viên phó tổng thống. Sự “hồ hởi phấn khởi” của Donna Grimes trước một nhân vật phò phá thai và bài Công Giáo quyết liệt như thế làm nhiều tín hữu Công Giáo Mỹ ngã lòng.

Cô Donna Grimes nói với CNS rằng Harris không phải là lựa chọn đầu tiên của cô để liên danh với Biden, nhưng “thực sự xứng đáng và mang lại nhiều điều đáng bàn”.

“Tôi đã rất hồ hởi phấn khởi. Cộng đồng chúng ta, cần những tin tốt lành và điều này thật tuyệt vời”.

Cô cho biết cô tin rằng Biden và Harris sẽ đưa ra “chính sách có lợi cho những người bên lề xã hội” và nói rằng cô hy vọng rằng nếu được bầu, họ sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến cải cách chăm sóc sức khỏe và quyền bầu cử.

Grimes không đề cập đến những vấn đề mà Biden và Harris đã xung đột với các Giám Mục Hoa Kỳ, trong số đó có sự bảo vệ lương tâm trong chính sách chăm sóc sức khỏe, hôn nhân đồng tính và thường xuyên nhất là phá thai. Biden và Harris đã cam kết khôi phục nguồn tài trợ hiện đang bị hạn chế của liên bang cho việc phá thai. Harris trước đây đã cam kết sử dụng luật liên bang để hạn chế luật của các tiểu bang cấm hoặc hạn chế phá thai.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi phá thai là một hành động “vô nhân đạo”, thúc giục việc xóa bỏ nó, và nói rằng những đứa trẻ chưa sinh nằm trong số những người bị gạt ra ngoài lề “những vùng ngoại vi hiện sinh, ” mà Giáo hội phải có sự chăm sóc đặc biệt.

Donna Grimes đã cố ý lờ đi những vấn đề đó.

Năm ngoái, phát ngôn viên của USCCB, là cô Judy Keane, đã phải rời khỏi văn phòng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sau khi các phương tiện truyền thông báo cáo rằng cô đã tweet ủng hộ Tổng thống Trump và phản đối đảng Dân chủ từ tài khoản Twitter cá nhân của riêng mình.

Trong số các dòng tweet của Keane có một bài chỉ trích Harris, khi đó đang vận động để đảng Dân Chủ cử mình ra tranh cử tổng thống. Trả lời một bản tin nói rằng Harris, hứa sẽ tăng lương cho giáo viên, Keane viết “Cô ấy sẽ hứa đủ thứ để được bầu. Sau đó, cô ấy sẽ tăng thuế để những người Mỹ làm việc chăm chỉ phải trả cho tất cả. Không, cám ơn.”

Sau khi dòng tweet của Keane lần đầu tiên được chú ý, nữ phát ngôn viên đã bị cho nghỉ phép, và ngay sau đó bị buộc phải rời khỏi USCCB. Theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đến giờ này không ai biết cô ấy bị sa thải hay tự nguyện xin nghỉ.

Nhiều người đề nghị rằng, để cho công bằng, Donna Grimes cũng nên biến đi cho.
Source:Catholic News Agency
 
Tuyên bố của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ về câu chuyện hồ hởi phấn khởi đối với nữ tướng phò phá thai Kamala Harris
Đặng Tự Do
17:42 17/08/2020
James Rogers, Giám đốc truyền thông của Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã đưa ra tuyên bố sau:

“Đầu ngày hôm nay, Dịch vụ Tin tức Công Giáo, gọi tắt là CNS, đã đưa ra lời giải thích về câu chuyện ngày 12 tháng 8 của mình, trong đó một thành viên của Hội Đồng Giám Mục đã được phỏng vấn để cho ý kiến về một ứng cử viên phó tổng thống Hoa Kỳ. CNS làm rõ rằng các trích dẫn được đưa ra với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách đại diện cho Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ.

Tại mọi thời điểm, nhân viên của Hội đồng không được phép phát biểu thay mặt cho các Giám Mục trong việc ủng hộ hoặc phản đối các ứng cử viên cho chức vụ dân cử. Vì những bình luận được đề cập có thể đã dẫn đến sự nhầm lẫn giữa các tín hữu, hãy để tôi nói rõ: Là người Công Giáo, mỗi người chúng ta được kêu gọi đánh giá các ứng cử viên cho chức vụ công quyền bằng cách đánh giá xem các chính sách của họ có phù hợp chặt chẽ với các nguyên tắc Phúc âm, như đã được các Giám Mục Hoa Kỳ giải thích trong Tài Liệu có tựa đề Hình thành Lương tâm cho các Công dân Tín hữu.”

Tuyên bố của Dịch vụ Tin tức Công Giáo CNS:

“Trong câu chuyện ngày 12 tháng 8 về việc chọn Kamala Harris làm ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, Catholic News Service đã phỏng vấn Donna Grimes với tư cách là một trong số những người Công Giáo da đen về phản ứng của cô. Grimes đã không được yêu cầu phát biểu thay mặt cho Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, cô ấy cũng không nói rằng cô ấy đang phát biểu thay mặt cho Hội Đồng.”


Source:USCCB
 
Đức Hồng Y George Pell: Chúa Kitô giúp tôi tránh được sự cay đắng
Vũ Văn An
22:27 17/08/2020

Theo tuần báo Công Giáo The Catholic Weekly của tổng giáo phận Sydney, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền mới đây, Đức Hồng Y George Pell đã chia sẻ nhiều chi tiết về thời gian ngồi tù của ngài và các lý do khiến ngài duy trì được niềm hy vọng.



Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ngài cho hay Ủy Ban Sự Thật, Công Lý và Hàn Gắn do Giáo Hội Công Giáo Úc thiết lập lúc khởi đầu Ủy Ban Hoàng Gia điều tra việc lạm dụng của các định chế năm 2013, đã không nghiêm túc làm nổi bật thành tích dứt khoát của Giáo Hội trong việc chống trả việc lạm dụng tại đất nước này cách nay 1 phần tư thế kỷ.

Ngài phát biểu các điều trên trong một cuộc phỏng vấn thu hình sẵn về nhiều chủ đề và được trình chiếu tại một hội nghị Công Giáo tại Hoa Kỳ ngày 16 tháng 8.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Pell đã thảo luận về đời sống cầu nguyện của mình ở trong tù và cách ngài có thể tập chú về phương diện thiêng liêng dù biết mình vô tội, sự hỗ trợ mà ngài nhận được qua thư từ của người Công Giáo bình thường trên khắp thế giới, tình hình tài chính của Vatican và vấn đề liên hệ là việc tham nhũng trong các định chế chủ chốt.

Ngài cũng tiết lộ mối quan tâm của mình về các khía cạnh của Thượng hội đồng về vùng Amazon được tiến hành vào tháng 10 năm ngoái và thảo luận các dấu hiệu đổi mới trong Giáo hội - bao gồm các thực tại mới của Giáo hội như Opus Dei Neocatechumenal Way - và tầm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đối với tương lai của Đạo Công Giáo trên toàn thế giới.

Ngài nói: “Các tên gian lận” phần lớn đã bị loại khỏi các định chế tài chính của Vatican hoặc bị cấm tiếp cận chúng nhưng cần phải cảnh giác để ngăn chặn tham nhũng và sự thiếu hiệu năng vốn cố hữu trong quá khứ.

'Lỗi lầm nghiêm trọng' của Hội đồng Sự thật, Công lý và Hàn gắn

Về Hội Đồng Sự thật, Công lý và Hàn gắn, ngài cho biết họ đã “mắc một lỗi lầm nghiêm trọng khi không giải thích cho người ta - điều đó có thể không được lòng dân - rằng quả thực, Giáo hội 'cũ', từ giữa thập niên 90, đã hành động một cách kiên quyết và hữu hiệu, để ngăn chặn bệnh dịch này, để ngăn chặn các hành vi vi phạm vẫn đang tiếp diễn”. Ngài nói như thế trong cuộc phỏng vấn dài 30 phút được thực hiện tại Sydney cho một hội nghị do Viện NAPA, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại California tập chú vào Giáo Hội Công Giáo, tổ chức.

Ngài nói, không thể phủ nhận việc các tội ác đã diễn ra, chúng khét tiếng và đã được Giáo quyền xử lý kém, “nhưng ở Úc, chúng tôi đã phá vỡ phần khó nhất của việc vi phạm vào giữa thập niên 90”, một sự thật thậm chí đã được luật sư phụ tá Ủy ban Hoàng gia thừa nhận trong cuộc điều trần của họ.

Ngài nói, người Công Giáo ngạc nhiên khi biết rất ít về việc vi phạm đã thực sự xảy ra trong những thập niên gần đây.

Ngài nói với nhà báo Monica Doumit giữ chuyên mục của The Catholic Weekly: “Tôi nghe nói về một cuộc hội họp công khai trong đó một người bạn của tôi thực sự biết chuyện gì đang xảy ra đã hỏi giáo quyền trong giáo phận đó rằng ‘ngài có bao nhiêu vụ vi phạm trong giáo phận ngài, trong các định chế Công Giáo, ở thế kỷ này? ’Và [vị này trả lời] không có hoặc hầu như không có vụ vi phạm nào. Khiến khán giả Công Giáo ở đó sững sờ”.

Đối phó với nhà tù

Ngài nói, sự thay đổi lớn trong đời sống thiêng liêng của ngài là không thể cử hành Bí tích Thánh Thể mỗi ngày. Không thể dâng Thánh lễ theo ý định của người khác như ngài thường làm, thay vào đó, ngài đọc kinh Hãy Nhớ (Memorare), một kinh nguyện xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, theo yêu cầu cá nhân được gửi đến ngài.

Ngài nói, “Trong tù, bạn không thể bào chữa là bạn quá bận rộn đến không thể cầu nguyện được. Tôi có thói quen thường xuyên hàng ngày đọc Sách Nguyện, suy niệm và đọc sách thiêng liêng. Và vào Chúa Nhật, tôi xem Thánh Lễ Cho Các Bạn Ở Nhà vào khung giờ không thể tưởng tượng được là sáu giờ sáng.

“Sau đó, tôi theo dõi các nhà truyền giảng Tin Mừng người Mỹ Joseph Prince từ California và Joel Osteen từ Texas. Và trong nhật ký của mình, tôi phê bình các cố gắng của họ về thần học - nhưng cả hai đều là những nhà thuyết giáo rất giỏi và họ đã có nhiều người theo dõi".

Hỗ trợ từ khắp nơi trên thế giới

Ngài ước tính ngài đã nhận được khoảng 4, 000 lá thư lúc ở trong tù nhưng hầu như chỉ giới hạn vào việc trả lời các bạn tù – ngược với lời khuyên pháp lý. Ngài nói Ngài làm thế vì Ngài cảm thấy đó là nhiệm vụ của mình trong tư cách một linh mục.

Mọi người từ khắp nơi trên thế giới và thuộc mọi bối cảnh của cuộc sống đã viết thư cho ngài trong thời gian ngồi tù, trong đó có hai phụ nữ ở Texas. Ngài cho biết các bức thư của họ là “những bức thư rất khuyến khích và đẹp đẽ, thú vị. Chúng đã cho tôi một thứ gì đó để ‘ngẫm nghĩ’ về mặt thần học và tâm linh”.

Ngài theo sát các sự kiện thế giới thông qua việc đọc báo Melbourne ba lần một tuần và xem tin tức thế giới của đài SBS được phát sóng vào mỗi buổi tối.

Ngài nói, “Vì vậy, tôi đã theo khá sát mọi chuyện và người ta gửi cho tôi nhiều bài cắt từ báo chí. Bạn bè đã gửi cho tôi vô số bài báo”.

Nhật ký gần như không viết

Ngài cũng tập chú vào việc ghi lại những suy nghĩ hàng ngày của mình nhưng trước đó gần như không làm điều này vì thoạt đầu cho rằng mình sẽ không ngồi tù lâu.

“Tôi luôn làm mình bận rộn nên đã viết nhật ký. Tôi nghĩ mình sẽ ở trong này ba tháng hoặc gần như thế nên tôi viết ba trang mỗi ngày; điều này, theo ước tính, sẽ cho tôi một cuốn sách dầy 250 trang. Nhưng tôi đã ở đó 13 tháng! Tôi gần như không muốn viết, nhưng rất vui là đã viết. Đó là một trị liệu pháp rất tốt và [tôi nghĩ] tôi có thể nói một điều gì đó có thể giúp ích cho người ta".

Tập đầu tiên của cuốn hồi ký trong tù của Đức Hồng Y Pell sẽ được nhà Ignatius Press xuất bản năm 2021.

Mối quan tâm về Thượng Hội Đồng Amazon

Ngài thừa nhận ngài lo ngại về Thượng hội đồng Amazon được tổ chức tại Vatican vào tháng 10 năm ngoái nhưng không có nhiều thiệt hại xảy ra như ngài lo ngại.

Ngài nói “Tôi không chắc mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào và cuối cùng thì kết quả không quá tệ”.

“Tôi cảm thấy một số người được trao quyền lãnh đạo trong việc chuẩn bị Thượng Hội đồng - một giám mục chưa bao giờ làm cho một cư dân địa phương trở lại trong suốt nhiều thập niên làm nhà truyền giáo - tôi thấy một hoặc hai điều đó khá đáng chú ý. Nhưng kết quả cuối cùng, theo như tôi thấy, không có quá nhiều thiệt hại".

Các vấn đề tài chính của Vatican

Về tình hình tài chính hiện nay của Vatican và vấn đề tham nhũng đang hoành hành, ngài cho biết đại dịch coronavirus đã làm trầm trọng thêm một vấn đề tài chính vốn đã nghiêm trọng.

Người kế nhiệm của ngài tại Văn Phòng Kinh tế của Vatican đã nói với ngài rằng Vatican đang mất 70 triệu đô la Úc một năm trước khi đại dịch xảy ra. Trong khi đó, các Bảo tàng Vatican hiện đã đóng cửa kể từ khi đại dịch xảy ra ở Ý, thông thường mang lại doanh thu 80-100 triệu đô la Úc một năm.

Ngài nói thêm “Bây giờ điều đó gần như đã biến mất hoàn toàn, hơi minh họa quá đáng một chút khi nói rằng Vatican sắp khánh kiệt, bởi vì nó không phải vậy. Nó vốn có... không phải một di sản lớn... còn kém hơn một số trường đại học lớn của Mỹ, kém hơn một cách đáng kể như một di sản. Nhưng bạn không thể tiếp tục mất tiền theo tốc độ như hiện tại mãi mãi… Đó là thực tại rất căn bản”.

Trong khi đó, ngài nói, công chúng biết rằng Vatican đang có “một khoản thâm hụt rất đáng kể trong quỹ hưu trí - và gần như mọi quốc gia khác ở châu Âu cũng thế - nhưng điều đó không mấy an ủi".

Ngài nói "Bây giờ tôi đã hiểu rõ điều đó, tôi chậm hơn hai hoặc ba năm so với những gì người ta đang nghĩ, nhưng ít nhất về mặt công chúng, tôi chưa thấy bất cứ gợi ý nào thực sự giải quyết được thách thức tài chính đáng kể".

Đối phó với tham nhũng và sự thiếu hiệu năng

Ngài nói rằng không nghi ngờ gì nữa, Vatican đã “bị điêu đứng trong nhiều năm qua bởi sự thiếu hiệu năng và tham nhũng. Vụ bất động sản ở London có lẽ là một điển hình của cả hai, chắc chắn là một điển hình về thiếu hiệu năng, nếu nói cho nhẹ".

Vụ được ngài nói đến hiện đang được các nhà chức trách Vatican điều tra xem Phủ Quốc Vụ Khanh của Vatican đã sử dụng khoảng 270 triệu đô la Úc ra sao để tài trợ một dự án phát triển bất động sản ở quận Chelsea của London năm 2014.

Nhưng “vì Giáo hội không phải là một doanh nghiệp, điều này không có nghĩa là có bất kỳ lý do nào biện minh cho việc Giáo hội hoạt động thiếu hiệu năng hoặc không nên mạnh mẽ và cảnh giác chống lại tham nhũng”.

Ngài nói ngài tin rằng “hầu hết những kẻ gian lận đã bị loại ra ngoài hệ thống [mặc dù] bạn không bao giờ có thể hoàn toàn chắc chắn. Nhưng tất nhiên bạn phải hết sức cảnh giác. Vì vậy, tôi rất tin tưởng vào người kế nhiệm của tôi. Họ đang đi đúng hướng, nhưng lời hứa đó phải mang lại thành quả.

“Họ vừa bổ nhiệm một Hội đồng Tài chính mới - một nửa số người được bổ nhiệm, gần như vậy, là các phụ nữ có trình độ cao - vì vậy tôi lạc quan rằng họ sẽ có một cái nhìn tốt về tình hình và có lập trường rất vững chắc về việc đâu là những vấn đề căn bản, và không bị phân tâm vào việc nêu lý thuyết hoặc các an ủi ngắn hạn. Vì vậy, tôi có một sự lạc quan có cơ sở”.

Các thách thức nghiêm trọng - nhưng có dấu hiệu đổi mới

Ngài cho biết chắc chắn Giáo hội ở khắp thế giới phương Tây đang đối diện với tình hình nghiêm trọng về mặt nhân khẩu học và chính trị, nhưng ngài vẫn lạc quan và nhận thấy nhiều dấu hiệu đổi mới, nhất là trong các thực tại Giáo hội mới như Opus Dei Neocatechumenal Way.

Opus Dei, được thành lập vào thời hậu Nội chiến Tây Ban Nha bởi Thánh Josemaria Escriva, tập chú vào việc giúp người trẻ và người lớn khám phá ra và sống sự thánh thiện thông qua tình bạn với Thiên Chúa. Neocatechumenal Way, cũng được thành lập ở Tây Ban Nha vào năm 1968, tập chú vào việc xây dựng các cộng đồng nhỏ theo con đường đào tạo hướng tới một đức tin trưởng thành, với việc hết sức nhấn mạnh tới việc hiểu biết Lời Chúa và các chủ đề có liên quan với Lời Chúa trong Kinh thánh.

Đức Hồng Y Pell nói, “Ở nhiều nơi trên thế giới - chẳng hạn như ở Châu Phi - Giáo hội đang tiến tới”. Nhưng chúng ta đang phải chịu áp lực ở nhiều nơi, nhất là ở thế giới phương Tây. Có một sự xói mòn nhất định ở đó, nhưng nếu đó là cái giá chúng ta phải trả để duy trì sự tinh ròng của Tin Mừng trong giáo huấn của chúng ta, thì chúng ta sẵn sàng để trả.

Con đường dẫn đến việc bất liên quan

Ngài nói, con đường dẫn đến sự bất liên quan cho Giáo hội đã quá rõ ràng.

“Điều nghịch lý là - và nó được chứng minh trong thế giới Tin lành cấp tiến, nó được chứng minh trong thế giới Công Giáo, ở Bỉ, Hà Lan, Quebec và đến một mức độ nào đó ở Thụy Sĩ và Áo - càng thích nghi với thế giới thì Giáo Hội Công Giáo càng mất nhanh hoạt động của mình”.

Tuy nhiên, ngài nói, nếu Giáo hội vẫn trung thành với Chúa Kitô, thì luôn có cơ may các lực lượng đổi mới và lãnh đạo mới sẽ xuất hiện.

“Tôi nghĩ rằng điều này đã xảy ra trong thế kỷ trước qua Opus Dei, Neocatechumenal Way, cũng giống như nó đã xảy ra vào Thế kỷ 16 với các tu sĩ Dòng Tên, với các tu sĩ Dòng Đa Minh và Dòng Phanxicô thế kỷ 13, và trước đó với các tu sĩ Dòng Biển Đức. Ngài cho hay, Thiên Chúa ở cùng chúng ta và ơn quan phòng của Chúa đang hoạt động và điều đó có nhiều khả năng hữu hiệu hơn nếu chúng ta phấn đấu làm những gì Người muốn”.

Đau khổ trở thành các mục tiêu cao hơn

Suy tư về trải nghiệm hơn 400 ngày ở trong tù vì một tội ác mà ngài chưa từng phạm, ngài cho biết chính đức tin và việc đào tạo Kitô giáo đã ngăn ngài khỏi bị khuất phục trước sự cay đắng.

“Tôi rất tin tưởng rằng các đau khổ nhỏ nhoi của tôi - và chúng quả không to lớn - là một điều có thể được cống hiến, cùng với đau khổ của Chúa Kitô, vì lợi ích của Giáo hội”.

Ngài cũng nhận được sự hỗ trợ từ các giới bất ngờ. Ngài nói “Tôi nhận được một lá thư từ một tù nhân dài hạn; người này nói rằng 'sự đồng thuận giữa các tội phạm chuyên nghiệp là bạn đã bị thêu dệt, tất nhiên là bạn vô tội!' Và ông ta nói 'há không lạ lùng sao khi phạm nhân nhìn thấy điều này nhưng các thẩm phán lại không nhìn ra? ’ Tôi hiểu điều đó".

Khi được hỏi điều gì đã khiến ngài không trở nên cay đắng trước sự bất công mà ngài phải chịu, ngài nói cả đức tin của ngài lẫn giáo huấn Kitô giáo "và có lẽ sự thừa nhận rằng theo cả quan điểm nhân bản thế tục, sự cay đắng vẫn có tính xâm thực và gây tổn hại".

Ngài cho biết, “Không cay đắng hơi giống đức tin một chút. Nó không phải là thứ bạn có thể bỏ vào túi và ở đó mãi mãi. Bạn phải tiếp tục cầu nguyện để đức tin của bạn luôn vững mạnh và bạn phải cầu nguyện và cảnh giác để không rơi vào sự cay đắng tự lấy mình làm trung tâm và trở nên thù địch và cáu giận điều này điều nọ. Nhưng trên hết, chính giáo huấn Kitô giáo của tôi đã thôi thúc tôi đi đúng hướng trong những vấn đề này”.

Giáo hội Hoa Kỳ, chìa khóa mở cửa tương lai

Ngài nói ngài muốn nhắc nhở khán giả Hoa Kỳ của ngài rằng Giáo hội ở Hoa Kỳ quan trọng xiết bao đối với Đạo Công Giáo thế giới và nền văn minh phương Tây.

Bất chấp các tai tiếng trong giới lãnh đạo Giáo hội, các tai tiếng vốn đã “gây thương tích sâu xa”, nhiều bộ phận của Giáo hội ở Hoa Kỳ đang cung ứng một con đường tiến lên trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Ngài nêu tên các giám mục Hoa Kỳ như Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York và cựu Hồng Y Tổng Giám mục Chicago, Francis George OMI, người đã qua đời vào năm 2015, như những tấm gương xuất sắc về khả năng lãnh đạo và tầm nhìn Giáo hội trong thời đại hiện nay.

Tự mô tả mình như một người bạn và đồng minh lớn của Hoa Kỳ nhưng không phải là một nhà quan sát thiếu phê phán, ngài nhắc khán giả của ngài nhớ vị trí trung tâm và sức sống của Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đối với thế giới phương Tây.

Ngài nói, “[Đạo Công Giáo Hoa Kỳ] cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi ở các nước nhỏ hơn, chúng tôi dựa vào các bạn vì tư cách bác học của các bạn, khả năng lãnh đạo của các bạn… các chiến lược mục vụ mà các bạn thực thi và chứng minh là thành công sẽ được chúng tôi theo dõi và bắt chước”.
 
81 ngày sau khi đòi bãi bỏ cảnh sát, 81% người da đen muốn có cảnh sát gác trong khu phố
Đặng Tự Do
22:33 17/08/2020
Các cuộc biểu tình trên khắp Hoa Kỳ theo sau cái chết của anh George Floyd đã dẫn đến những lời kêu gọi nguy hiểm là “giảm ngân sách cảnh sát” và thậm chí là “bãi bỏ cảnh sát”.

Hội đồng thành phố New York đã bỏ phiếu vào tháng trước để cắt giảm 1 tỷ đô la từ ngân sách hàng năm gần 6 tỷ đô la của cảnh sát New York, gọi tắt là NYPD, cho năm tài chính 2020. NYPD, nơi giám sát gần 36, 000 cảnh sát, hiện bị cắt giảm ngân sách nghiêm trọng gần 17%.

Tại Minneapolis, hội đồng thành phố đã đề xuất kế hoạch thay thế sở cảnh sát và đầu tư vào các chương trình an toàn công cộng dựa vào cộng đồng, mặc dù động thái này đã bị chặn lại trong một cuộc bỏ phiếu gần đây.

Còn tại Seattle, các quan chức dân cử đã bắt đầu giảm bớt số nhân viên cảnh sát với con số hàng nghìn người. Điều không thể tưởng tượng được nay đang đe dọa trở thành hiện thực trên toàn quốc.

Tội phạm đường phố có những nhịp điệu cơ hội của riêng nó gắn liền với môi trường xung quanh hoặc sự dễ dãi của nhà nước. Trong khi một số chiến thuật trị an của cảnh sát vẫn còn gây tranh cãi, người ta thực sự đã chứng kiến sự giảm thiểu tội phạm một cách lịch sử ở Thành phố New York bắt đầu từ những năm 1990, khi bọn tội phạm được thông báo rằng ngay cả những vi phạm nhỏ cũng sẽ bị trừng phạt và việc thực thi pháp luật nghiêm minh được ghi nhận là đã lấy lại đường phố và cứu sống vô số người. Việc nới lỏng gần đây đang có tác dụng làm quay trở lại những cảnh giết chóc kinh hoàng trước đó.

Thật đáng báo động khi những lời kêu gọi giảm bớt ngân sách hoặc bãi bỏ cảnh sát ngày càng trở nên phổ biến trong thời điểm các vụ xả súng và giết người đang gia tăng ở nhiều thành phố lớn. Ngày nay, thành phố New York đang trải qua một đợt đấu súng gia tăng nguy hiểm trên khắp năm quận. Chỉ 8 tháng đầu năm 2020, NYPD đã ghi nhận 777 vụ xả súng - với nhiều nạn nhân và thương vong hơn trong năm nay so với toàn bộ năm 2019, theo một phân tích của New York Post.

Tờ New York Times gần đây đã báo cáo rằng tỷ lệ giết người ở 64 thành phố lớn của Mỹ đã tăng lên trong ba tháng đầu năm 2020 so với những năm trước. Và sau một thời gian ngắn tạm dừng, dường như do đại dịch Covid-19, tỷ lệ giết người bắt đầu tăng trở lại vào tháng 5, với thành phố New York trải qua sự gia tăng đáng báo động về số vụ giết người trong sáu tháng đầu năm 2020. Tờ New York Post hôm 9 tháng 8 cho biết: “Số vụ xả súng ở NYC vào năm 2020 gần bằng tổng số của cùng kỳ trong hai năm qua cộng lại.”

Tại Portland, những người biểu tình và các sĩ quan liên bang đã đụng độ trước Tòa án Liên bang Mark Hatfield. Những người biểu tình đã cố gắng chặn các cửa trước thoát thân của cảnh sát và gây ra một vụ hỏa hoạn trong khi có rất nhiều người còn ở bên trong như thể muốn thiêu sống họ.

Và ở Chicago, đêm Chúa Nhật và sáng sớm thứ Hai đã chứng kiến cảnh cướp bóc và bạo loạn tràn lan sau khi cảnh sát bắn một kẻ tình nghi mà họ cho là đã xả súng vào họ. Những kẻ cướp bóc đã nhắm mục tiêu vào các cửa hàng, ngân hàng và thậm chí phá hủy một điểm bán xe của Tesla trên con đường Magnificent Mile của thành phố.

Dữ liệu tội phạm gần đây - cho thấy sự gia tăng mạnh các vụ xả súng, giết người, bắt cóc, tống tiền, hiếp dâm ở các thành phố như New York, Chicago và Portland - là một cảnh báo đáng ngại.

Một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, được công bố 81 ngày sau khi có các lời kêu gọi giải tán cảnh sát của BLM, cho thấy một con số khổng lồ 81% người Mỹ da đen muốn có sự hiện diện của cảnh sát trong khu phố của họ. Quan điểm cấp tiến của nhiều nhà hoạt động trong phong trào BLM rõ ràng không tiêu biểu cho quan điểm của người Mỹ da đen.
Source:Acton Times

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Khuôn Viên Tưởng Niệm Chúa Hằng Sống tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney.
Diệp Hải Dung
07:57 17/08/2020
Sáng thứ Bảy 15/08/2020 nhân dịp Đại lễ mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney đã long trọng đặt Viên Đá Đầu Tiên Khuôn Viên Tưởng Niệm Chúa Hằng Sống tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney do Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long, Giám Mục Giáo Phận Parramatta Chủ tế.

Xem Hình

Trước khi khai mạc Thánh Lễ tạ ơn, Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chào mừng Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long, đã ưu ái quý mến Cộng Đồng đến chủ tế dâng Thánh Lễ và làm phép Viên Đá Đầu Tiên Khuôn Viên Tưởng Niệm Chúa Hằng Sống. ĐGM cùng với quý cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, và Cha Trần Văn Trợ cùng hiệp dâng Thánh Lễ.

Trong bài giảng Đức Giám Mục nói: Bước tiến hành trình xây dựng Trung Tâm ngày hôm nay nhân ngày mừng Lễ kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là việc đặt viên đá để xây dựng nơi an vị cho những người đã khuất. Đây là công trình đáng thi công vì Trung Tâm chẳng những là nơi diễn ra các sinh hoạt tôn giáo cho người sống mà còn là nơi an nghỉ cho người ra đi trước chúng ta. Những người thân yệu này chẳng những có một nơi an nghỉ xứng đáng mà còn được thông phần vào những Kinh Nguyện, Bì Tích và những hoa trái thiêng liêng cuả chúng ta cử hành nơi đây….

Sau đó là nghi thức Đức Giám Mục làm phép Viên Đá và anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney thay mặt Cộng Đồng ngỏ lời cám ơn Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long….Chúng con hết lòng biết ơn Đức Cha nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria cùng các Thánh Tử Đạo Việt Nam trả công bội hội cho Đức Cha.

Sau khi Thánh Lễ kết thúc Đức Giám Mục, Qúy Cha và mọi người ra ngoài Khuôn Viên Tưởng Niệm Chúa Hằng Sống và Đức Giám Mục làm phép khuôn viên. Sau cùng Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm thay mặt Ban Tuyên Úy và mọi người cám ơn Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long và Cộng Đoàn Dân Chúa.

Diệp Hải Dung
 
Dòng Thánh Gia: Kỉ niệm 89 năm lập Dòng và hồng ân Vĩnh khấn
Joseph Hoàng Văn Thương, CSF
08:23 17/08/2020
“Với 89 năm hiện diện trong lòng Giáo hội, 50 năm trong giáo phận Long Xuyên, chắc chắn Dòng Thánh Gia là một kỳ công của Thiên Chúa”.

Đây là những chia sẻ của đức cha Giuse Trần Văn Toản – giám mục giáo phận Long Xuyên trong thánh lễ mừng kính trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời được cử hành vào lúc 09g ngày 15.8.2020 tại nhà nguyện Dòng Thánh Gia. Dịp này, Dòng Thánh Gia cũng kỉ niệm 89 năm lập dòng (1931-2020), đồng thời có 04 Tu huynh tuyên khấn trọn đời.

Xem Hình

Cùng đồng tế với ngài có cha Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Gia cùng khoảng 40 linh mục trong và ngoài giáo phận. Tham dự thánh lễ cũng có sự hiện diện đông đảo quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà cố, thân nhân, ân nhân và quý khách của Hội dòng.

Thánh lễ được bắt đầu với đoàn rước gồm có: Thánh Giá đèn hầu, quý Tu huynh Vĩnh khấn, ông bà cố của các Tu huynh Vĩnh Khấn, quý cha đồng tế, Đức cha chủ tế.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Đức cha Giuse đã quảng diễn đoạn Tin Mừng Lc 1, 39-56 nói về việc Đức Maria đến thăm chị họ mình là bà Elisabeth và bài ca Magnificat nổi tiếng mà Mẹ đã cất lên để ca khen và cảm tạ Chúa. Ngài chia sẻ: “Với đặc ân Lên Trời Cả Hồn Lẫn Xác mà chúng ta mừng kính hôm nay, cùng với 03 đặc ân khác mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ: Mẹ Thiên Chúa, Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trọn Đời Đồng Trinh, chúng ta sẽ nhận ra ý định đời đời của Thiên Chúa nơi Đức Mẹ. Mẹ là công trình vĩ đại của Thiên Chúa được đặt để nơi thế gian này”. Liên hệ từ cuộc đời Đức Mẹ và nhìn vào những biến cố thăng trầm của Dòng Thánh Gia, đức cha nhận định: “Với 89 năm hiện diện trong lòng Giáo hội, 50 năm trong giáo phận Long Xuyên, chắc chắn Dòng Thánh Gia là một kỳ công của Thiên Chúa”.

Sau bài giảng là nghi thức Vĩnh khấn.

Mở đầu nghi thức, một Tu huynh trong Ban Phục Vụ xướng tên các ứng sinh cho nghi thức Vĩnh khấn và các Ứng sinh này sẽ bày tỏ ước nguyện của mình trước mặt Bề trên và cộng đoàn đang hiện diện. Các Ứng sinh Vĩnh khấn:

Tu huynh Felix Ngô Thành Hưng, CSF

Tu huynh Grégoire Phạm Hữu Sở, CSF

Tu huynh Georges Đoàn Ngọc An, CSF

Tu huynh Germain Lê Phát Nhu, CSF.

Sau phần thẩm vấn của Bề trên là Kinh Cầu Các Thánh. Các Ứng sinh nằm phủ phục trước bàn thờ trong khi ca đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh.

Tiếp đến, các Ứng sinh tiến lên trước mặt bề trên và 02 nhân chứng đọc công thức tuyên khấn trọn đời.

Sau khi đọc công thức tuyên khấn, Đức cha chủ tế đọc lời nguyện Thánh Hiến trên các Tân khấn sinh.

Kết thúc nghi thức khấn dòng là nghi thức ôm chúc bình an. Cha Bề trên sẽ ôm chúc bình an cho từng Tân khấn sinh.

Kết thúc nghi thức khấn dòng, thánh lễ được tiếp tục như thường lệ với phần Phụng Vụ Thánh Thể.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, cha Bề trên Tổng quyền Louis Gonzaga Phạm Thế Nhung, CSF thay mặt nhà dòng cảm ơn Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể cộng đoàn.

Thánh lễ kết thúc lúc 11g. Sau thánh lễ là bữa tiệc mừng tại khuôn viên Hội Dòng.

Joseph Hoàng Văn Thương, CSF
 
Giáo phận Xuân Lộc dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Giáo phận và đất nước Việt Nam khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P.
08:49 17/08/2020
Vào chiều ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8/2020), ngay tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Núi Cúi, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận đã chủ tế Thánh lễ Mừng Lễ Mẹ Lên Trời, đặc biệt để cầu xin Đức Mẹ che chở Giáo phận, nhờ Mẹ khẩn cầu với Chúa cho Quê hương Việt Nam được mau thoát khỏi hiểm nguy khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Thánh Lễ đồng tế còn có sự hiện diện của với Đức Cha Phụ Tá Gioan Đỗ Văn Ngân, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận, quý Cha trong Ban Tư Vấn, quý Cha Quản Hạt, và sự tham dự của các Đại diện của Tu sĩ và Ban Hành Giáo trong Giáo phận.

Xem Hình

Trước khi cử hành Thánh Lễ, quý Đức Cha, quý Cha và mọi người đã sốt sắng dâng những lời Kinh Mân Côi lên Mẹ Maria, để xin Mẹ đoái thương che chở thế giới, đất nước Việt Nam, đặc biệt Giáo phận Xuân Lộc cùng với mọi con cái của Mẹ Maria trong Giáo phận này như lời thân thưa của Đức Cha Giáo phận dâng lên Mẹ Maria thương đoái “khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới, và vừa bùng phát trở lại trên quê hương đất nước chúng con.”

Trong lời nguyện tha thiết, Đức Cha đã dâng lên những bệnh nhân đang bị lây nhiễm chủng virus mới gây Covid-19, hoặc những ai đã qua đời vì căn bệnh này “Xin Mẹ thương đặt các bệnh nhân và gia đình họ vào lòng thương xót và quyền năng của Chúa Giêsu để họ được ủi an, nâng đỡ và chữa lành. [...] Xin cho các bệnh nhân đã qua đời trong đại dịch được an nghỉ đời đời trong tình thương của Chúa.” Lời khẩn nài Mẹ Maria của Đức Cha Giáo phận còn hướng đến các nhà lãnh
đạo, xin Chúa khai sáng để họ mau tìm ra những cách thức tốt nhất để ngăn chặn, phòng dịch bệnh; cho các y bác sĩ, nhân viên y tế đang hy sinh chính bản thân, đặt mình vào trong tình trạng nguy hiểm để cố gắng cứu chữa những người nhiễm bệnh được Chúa và Mẹ bảo vệ. Đồng thời, lời khẩn nài dâng lên Mẹ của Giáo phận cũng hướng đến tất cả mọi người, nhất là những người nghèo, đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch trong mọi lãnh vực. Và cuối cùng, Đức Cha đã cầu xin Mẹ Maria chúc lành cho những nỗ lực mà mọi thành phần trong Giáo Phận đang cố gắng “đem lòng thương xót của Chúa đến cho những người, những gia đình đang gặp đau khổ về tinh thần- thể xác, ”, để nhờ đó, những nỗ lực này “được sinh nhiều hoa trái ủi an nơi cả người nhận lẫn người trao.” Đức Cha Giáo Phận cũng cầu xin Mẹ làm cho con cái Giáo Phận, nhờ biến cố đại dịch, “thêm vững mạnh trong đức tin vào nơi Chúa, biết sám hối ăn năn...hy sinh nhiều hơn”, để nhờ đó, Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đổ xuống trên đất nước Việt Nam và Giáo Phận, qua việc chở che và chữa lành mọi con cái của Người.

Sau Giờ Kinh Mân Côi, Đức Cha Giáo Phận đã chủ sự Thánh Lễ Mừng Kính Trọng thể Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời với các ý nguyện như Đức Cha mời gọi mọi người ở khắp nơi đang hiệp thông trong Thánh lễ đang được phát trực tuyến trên các phương tiện truyền thông của Giáo phận “Chúng ta đang tề tựu họp nhau nơi đây, tại Trung Tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi để xin Đức Mẹ che chở Giáo phận, mọi người sống trong địa bàn Giáo Phận và cho toàn thế giới [...] Với Thánh Lễ cử hành Mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời, chúng ta cùng nhau tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa vì đã ban cho Đức Mẹ những hồng ân rất đặc biệt. Chúng ta cũng tôn vinh, cảm tạ Đức Mẹ đã luôn gìn giữ che chở từng người, từng gia đình và toàn giáo phận. Xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng ta những ơn lành cần thiết, những ơn thiêng mà Thiên Chúa muốn ban cho con cái của Ngài.”

Cho dẫu số người tham dự tại chỗ thật ít ỏi - vì lý do đảm bảo những qui định y tế- nhưng Thánh Lễ được cử hành thật sốt sắng, vì chắc rằng, biết bao con cái Giáo Phận cũng đang cùng tham dự hiệp thông Thánh Lễ tạo nên sự lan tỏa lòng sốt mến và cậy trông Thiên Chúa và Mẹ Maria của con cái Giáo Phận khi cùng một lòng hợp ý với Vị Chủ Chăn dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria lời khẩn cầu tha thiết.

Từ các bài đọc Lễ Đức Mẹ Lên Trời (Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab; 1 Cr 15, 20-26 và Lc 1, 39-56), cùng với hồng ân thật đặc biệt Đức Mẹ được Chúa rước về Thiên Quốc cả hồn lẫn xác, Đức Cha đã chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ về viễn tượng, về niềm hy vọng, về hạnh phúc mà mỗi người đang được mời gọi để cảm nghiệm. Đức Cha nói rằng “Hạnh phúc về Trời của Đức Mẹ, cũng là hạnh phúc mà chúng ta cảm nghiệm, bởi hạnh phúc đó cũng sẽ được ban cho chúng ta [...] khi chúng ta lần hạt ngắm thứ năm trong Mầu Nhiệm Mừng với lời cầu ‘xin cho chúng ta cũng được hưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên Đàng.”

Nhưng “chúng ta có thực sự ao ước hạnh phúc này hay không? ”, là cật vấn đầu tiên mà Đức Cha gợi ý cho con cái Giáo phận. Đức Cha nhấn mạnh rằng, hạnh phúc về Trời cùng với Mẹ Maria phải là ao ước, khao khát mãnh liệt mà mỗi người phải có. Bởi lẽ, với những niềm vui thuộc trần gian, với những lo lắng bận rộn của cuộc sống dễ khiến con người bị lạc mất khao khát về hạnh phúc đích thực này, cũng như chẳng còn hăm hở đi tìm kiếm Nước Trời. Đức Cha muốn con cái Giáo Phận phải cật vấn mình hằng ngày “Hôm nay, tôi đang ao ước điều gì, phải chăng là Nước Trời, hay điều gì khác? ” Vì thế, Đức Cha nhấn mạnh, “Mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời hôm nay thúc đẩy chúng ta khao khát ước ao hạnh phúc Nước Trời như Mẹ Maria đang hưởng.” Nhưng để có được khao khát đó, Đức Cha nói rằng, hãy như Thánh Phaolô “coi tất cả mọi sự là rơm rác, để được Đức Kitô, và kết hợp với Người.” (Pl 3, 9). Tiếp đến, Đức Cha chỉ ra hai con đường – chính là hai thái độ mà Mẹ Maria đã sống- giúp người tín thanh thoát mọi sự, có được Nước Trời: hành động bác ái hướng về người khác và lắng nghe tiếng Chúa. Từ trình thuật Đức Mẹ đi thăm chị họ Elisabet, Đức Cha nói rằng, Mẹ Maria đã ra khỏi chính mình, sự an toàn của mình để đến với người khác- người chị họ. Bác ái hướng đến người khác từ trong những điều rất nhỏ của cuộc sống, tuy tưởng là dễ, nhưng thật khó, nhất là đối với những người thật quen thuộc, những người có nhiều lầm lỗi, khuyết điểm. “Chỉ khi chúng ta thay đổi, làm mới lại tâm hồn mình, chúng ta mới có thể đến với người khác.”

“Không chỉ là thực hiện việc bác ái, nhưng còn phải là biết lắng nghe tiếng nói từ bên trong của hành vi bác ái đó nữa” Đức Cha chuyển tiếp sang thái độ thứ hai liên quan đến thực thi bác ái. Tiếng nói ở bên trong đó là gì? Là chính tiếng Chúa nói khi mỗi người muốn thực hiện việc bác ái. Đức Cha nhấn mạnh rằng “chúng ta cần phải quan tâm đến nguồn gốc của việc bác ái [...]“Tại sao chúng ta phải yêu thương, phải bác ái với nhau? Thưa, là vì Chúa. Chúa là động lực cho mọi công việc bác ái của chúng ta.’ Vì thế, Đức Cha khuyên con cái Giáo phận cũng hãy thực hiện những công việc bác ái hướng về người khác bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, một động lực căn bản khiến cho những công việc bác ái người tín hữu thực hiện phân biệt được với những việc bác ái khác, không mang tính xã hội, nhưng là bác ái Kitô giáo, bác ái khởi đi từ Thiên Chúa. Nhưng để có thể làm cho hành động bác ái thấm được tình yêu Thiên Chúa, Đức Cha Giáo phận nhấn mạnh đến với mọi người “hãy biết lắng nghe tiếng Chúa” từ bên trong những công việc bác ái mỗi người thực hiện.

Thánh Lễ mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời cùng với ý nguyện cầu Mẹ nài xin Chúa che chở, chữa lành cho đất nước Việt Nam, đặc biệt cho con cái Giáo Phận Xuân Lộc, chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhậm lời và Mẹ Maria thương đoái nhìn, như xác tín của Đức Cha Giáo Phận, quý Đức Cha, quý Cha và toàn thể con cái Giáo Phận đã phó thác và tin tưởng.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P.
 
Văn Hóa
Video nhạc: Nhớ Quê Hương
nhạc và lời Nguyễn Đức Cung
10:09 17/08/2020
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Súng Tím
Thérésa Nguyễn
10:43 17/08/2020
HOA SÚNG TÍM
Ảnh của Thérésa Nguyễn

Dẻo dai sống ở trên đồng dưới ao
Giữa bùn mà vẫn thanh cao
Mang cho đời vị ngọt ngào canh chua.
(Trích thơ của Nguyễn Đình Huân)
 
VietCatholic TV
Tin vui giữa thời dịch bệnh: Phép lạ rắn Hy Lạp chầu ảnh Đức Mẹ đã diễn ra vào Lễ Đức Mẹ Lên Trời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:47 17/08/2020


1. Phép lạ Serpii Maicii Domnului Lễ Đức Mẹ Lên Trời tại Hy Lạp

Tính cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, tại Hy Lạp chỉ có 6, 632 trường hợp nhiễm bệnh và 223 trường hợp tử vong. Trong bối cảnh đó, Đài truyền hình Hy Lạp cho biết con số người hành hương Lễ Đức Mẹ Lên Trời rất đông. Trước là để cầu xin cho gia đình bình an, sau là để tạ ơn Đức Mẹ cho quốc gia này tránh được tai họa khủng khiếp về nhân mạng và kinh tế.

Năm nay, số người đến tu viện Chính Thống Giáo trên đảo Kefalonia để tận mắt chứng kiến phép lạ Serpii Maicii Domnului đông hơn rất nhiều so với những năm trước.

Hàng năm từ mùng 5 tháng 8 đến 15 tháng 8, các tín hữu Chính Thống Giáo mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời tại tu viện Dormition of the Theotokos, nghĩa là Mẹ Thiên Chúa an nghỉ. Đó là một tu viện nổi tiếng trên hòn đảo Kefalonia của Hy Lạp.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một hiện tượng rất siêu tự nhiên. Trong thời gian 10 ngày mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời từng đàn rắn từ biển bò lên và tụ tập chung quanh một ảnh tượng Đức Mẹ. Những con rắn này được gọi là Serpii Maicii Domnului, nghĩa là rắn của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Chúng rất hiền lành, không cắn ai. Các tín hữu có thể để chúng bò trên mặt mình. Các tín hữu Chính Thống Giáo tin rằng đây là một phép lạ diễn ra hàng năm. Năm nào không xảy ra hiện tượng này thì đó là một điềm xấu.

Những năm loài rắn đã không xuất hiện trên đảo là vào Thế chiến thứ Hai, và vào năm 1953, khi hòn đảo này xảy ra một trận động đất lớn.

Theo truyền thống, phép lạ này bắt đầu diễn ra vào năm 1705, khi các nữ tu của tu viện sắp bị những tên cướp biển tấn công.

Truyền thuyết kể rằng các nữ tu đã cầu nguyện nhiệt thành với Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ biến các chị thành rắn để tránh bị bắt hay làm sao cho tu viện có đầy rắn để xua đuổi những tên cướp biển. Cuối cùng họ đã được cứu.

Kể từ đó, mỗi năm ngay trước dịp lễ, một đàn rắn lại bò từ biển vào tu viện như thể để tôn vinh Đức Mẹ. Sau lễ chúng rút hoàn toàn ra biển không còn con nào sót lại trên đảo.

2. Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây.

Diễn biến chúng tôi đã tường trình với quý vị và anh chị em là ngày 10 tháng 07, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký sắc lệnh biến nó thành đền thờ Hồi giáo và ngày 24 tháng 07, buổi cầu nguyện đầu tiên của Hồi giáo đã diễn ra trong đền thờ.

Ðền thờ Hagia Sophia - Sự Khôn ngoan của Thiên Chúa - được xây dựng vào năm 537 như nhà thờ chính tòa của Tòa Thượng phụ Constantinople. Năm 1453, sau khi đế quốc Ottoman chiếm thành phố này, đền thờ bị biến thành đền thờ Hồi giáo. Năm 1934, đền thờ được chuyển thành bảo tàng viện.

Các vị lãnh đạo tôn giáo trên toàn thế giới, trong đó có Ðức Thánh Cha Phanxicô, đã lên án việc thay đổi này. Ðức Thánh Cha nói rằng ngài rất đau lòng khi đền thờ Hagia Sophia bị biến thành đền thờ Hồi giáo

Căng thẳng lại bùng nổ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương cử một tàu tìm dầu vào vùng biển tranh chấp với Hy Lạp.

Pháp đã mau chóng tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở Đông Địa Trung Hải.

Bộ quốc phòng Pháp cho biết hôm thứ Năm rằng “Pháp sẽ cử khu trục hạm Lafayette và hai chiến đấu cơ Rafale đến khu vực tranh chấp trong một kế hoạch tăng cường quân sự”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi tình hình ở Đông Địa Trung Hải là “đáng lo ngại”, ông kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngưng những hoạt động tìm kiếm “đơn phương” để “cho phép sự đối thoại hòa bình” giữa các thành viên NATO là hàng xóm với nhau.

“Tôi quyết định củng cố sự hiện diện quân sự của Pháp ở đông Địa Trung Hải một cách tạm thời trong những ngày tới, đã có sự hợp tác của các đối tác ở châu Âu, trong đó có Hy Lạp”, ông Macron cho biết trên Twitter vào hôm thứ Tư.

Theo một nguồn tin quốc phòng cuả Hy Lạp thì quân đội Pháp đã tiến hành các cuộc tập trận với lực lượng Hy Lạp ở ngoài khơi cuả đảo Crete, đây là một biểu hiện cho thấy sự ủng hộ của ông Macron với Hy Lạp.

“Ông Emmanuel Macron là một người bạn thực sự của Hy Lạp và là người bảo vệ các giá trị Âu châu và luật pháp quốc tế một cách nhiệt thành”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã tweet bằng tiếng Pháp sau một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là 2 đồng minh trong khối NATO, đã bất đồng một cách kịch liệt về những tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong vấn đề thềm lục địa, dựa trên quan hai điểm trái ngược nhau về phạm vi thềm lục địa cuả các đảo rải rác của Hy Lạp.

Vùng đó cũng là vùng biển giàu khí đốt và đã là nguồn tranh chấp thường xuyên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Síp và Israel.

3. Cuộc gặp gỡ Giới trẻ Âu châu Taizé bị hoãn lại một năm vì đại dịch.

Vì đại dịch Covid-19, cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu châu lần thứ 43, do Tu viện đại kết tổ chức, dự kiến từ ngày 28 đến 31 tháng 12 năm 2020, tại thành Torino bị hoãn lại một năm, và sẽ tiến hành từ 28 đến 31 tháng 12 năm 2021.

Cho đến nay, người ta không chắc chắn về diễn tiến lan lây của nạn dịch trong những tháng sắp tới. Tu viện Taizé cũng như cộng đoàn giáo phận Torino mong muốn có những điều kiện an ninh y tế cho tất cả mọi người, nên đã đi tới quyết định trên đây. Lý do vì, trong những ngày gặp gỡ, các bạn trẻ sẽ được đón tiếp trong các gia đình, viếng thăm các bảo tàng viện, gặp gỡ dân chúng và các cộng đoàn địa phương, và tham dự những cuộc gặp gỡ cầu nguyện, suy niệm và đặc biệt là chiêm ngắm Khăn Liệm thánh ở nhà thờ chính tòa Torino. Các hoạt động đó phải diễn ra trong các điều kiện hoàn toàn an ninh về y tế.

Cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu châu hồi cuối năm 2019, đã được tu viện Taizé tổ chức tại thành phố Breslavia bên Ba Lan, với sự tham dự của 15, 000 bạn trẻ đến từ các nước Âu châu, Liban và Nhật Bản, và có chủ đề là “Luôn luôn trên đường, không bao giờ bị mất gốc”.

Cộng đoàn tu viện Taizé được thầy Roger Schutz, người Thụy Sĩ, thuộc Giáo hội Tin lành cải cách thành lập cách đây 76 năm, cụ thể là năm 1944, bên Pháp, và hiện có khoảng 100 tu huynh thuộc các hệ phái Kitô khác nhau. Bề trên tu viện hiện nay là thầy Alois Loser, người Ðức, thuộc Giáo Hội Công Giáo.
 
Joe Biden bị ép duyên chọn Kamala Harris, trào lưu hạ gục Tổng thống Trump quyết liệt hơn bao giờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:10 17/08/2020


1. Joe Biden đã bị ép duyên với Kamala Harris trong một liên minh ma quỷ

Hôm 28 tháng 7, trong bài Analysis: Where Biden's VP shortlist stands on abortion, ký giả Christine Rousselle của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho rằng 5 người phụ nữ có khả năng được ông Joe Biden chọn làm ứng cử viên phó tổng thống là Dân biểu Karen Bass, Dân biểu Val Demings, Thượng nghị sĩ Kamala Harris, Cựu Đại sứ Susan Rice, và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.

Cũng trong cùng ngày 28 tháng 7, Philip Lawler của Catholic World News, trích dẫn các nguồn tin thông thạo từ đảng Dân Chủ nói rằng ông Joe Biden không có nhiều lựa chọn như thế. Lựa chọn duy nhất của ông ta là Kamala Harris.

Điều này gây ngạc nhiên cho nhiều người vì theo CNA, bà Kamala Harris là người thường xuyên gây xôn xao dư luận với những lời mạt sát thậm tệ ông Joe Biden.

Harris là người ủng hộ cuồng nhiệt cho các luật lệ cho phép phá thai, và hô hào dùng tiền thuế của dân để tài trợ cho phá thai. Thông tấn xã Reuters cho biết chỉ trong 2 ngày đầu tiên sau khi ông Joe Biden chính thức xác nhận đã mời Kamala Harris làm ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh với mình, qũy tranh cử của ông Joe Biden đã nhận được 48 triệu Mỹ Kim tài trợ.

Kamala Harris được nồng nhiệt mô tả là “một chiến binh không biết sợ hãi” sẽ xóa tan tất cả các thành quả phò sinh của Tổng thống Trump.

Các nhóm phò phá thai và làm giầu bằng trợ cấp phá thai từ tiền thuế dân như Planned Parenthood đang đặt tràn trề hy vọng nơi bà Kamala Harris.

Các tổ chức phò phá thai tại Mỹ như National Network of Abortion Funds, The Guttmacher, Reproductive Rights và Planned Parenthood không mấy tin tưởng vào ông Joe Biden vì dù sao ông ta cũng là một người Công Giáo. Vì thế, ngay khi Kamala Harris được ông Joe Biden chọn liên danh với mình, các tổ chức này chịu chi ngay các số tiền khổng lồ trong quyết tâm hạ gục Tổng thống Trump.

Trước khi được chọn để tranh cử với Biden, Harris đã gây chú ý với rất nhiều các cuộc tấn công vào cựu phó tổng thống Biden trong các cuộc tranh luận. Harris đặc biệt chỉ trích sự ủng hộ trong thời gian dài của Biden đối với Tu chính án Hyde, là đạo luật ngăn chặn việc sử dụng quỹ liên bang để phá thai.

Biden đã ủng hộ Tu chính án Hyde, bằng cách bỏ phiếu tán thành và công khai viết ra trong tác phẩm của mình và trong các bài phát biểu, trong suốt hơn bốn thập kỷ. Nhưng ông ta đã đảo ngược quan điểm của mình vào tháng 6 năm 2019, chỉ một ngày sau khi tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Tu chính án Hyde. Harris đã nhanh chóng chỉ ra điều này trong các cuộc tranh luận.

Bà Harris nói:

“Chỉ cho đến khi ông được chọn ra tranh cử tổng thống lần này, ông mới nói sẽ rút lại sự ủng hộ của mình và không đồng ý với quyết định chính ông đã đưa ra và theo đuổi trong nhiều, rất nhiều năm làm ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều phụ nữ ở đất nước của chúng ta.”

Không những không tiếc lời mạt sát công khai ông Joe Biden, bà Harris đã làm mọi cách để ông Joe Biden không được đảng Dân Chủ chọn làm ứng viên tổng thống. Tháng Tư năm ngoái trên các phương tiện truyền thông rộ lên tin ông Joe Biden bị một số phụ nữ đã cáo buộc có hành vi sai trái tình dục trong thời gian ông ở Thượng viện và trong thời gian ông là phó tổng thống. Bất kể bản thân ông Biden phủ nhận việc từng có hành động “không thích hợp” với phụ nữ, Harris tuyên bố rằng bà tin rằng những phụ nữ đã cáo buộc ông Biden và thúc giục đảng Dân Chủ chọn người khác.

Bà nói:

“Tôi tin họ và tôi tôn trọng việc họ có thể kể câu chuyện của mình và can đảm làm điều đó, ” cô nói tại một sự kiện ở Nevada.

Chọn một người liên tục chỉ trích mình như một kẻ thù không đội trời chung để đứng liên danh với mình, rõ ràng là ông Joe Biden đã bị ép duyên.
Source:Catholic News Agency

2. Tu chính án Hyde là gì?

Trong chính trị Hoa Kỳ, Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Trước khi Tu chính án Hyde có hiệu lực, ước tính có khoảng 300, 000 ca phá thai được thực hiện hàng năm bằng tiền đóng thuế của dân.Hyde

Hạ viện thông qua Tu chính án Hyde vào ngày 30 tháng 9 năm 1976 với tỷ lệ bỏ phiếu 312 trên 93. Tu chính án này có tên là Hyde vì do Dân biểu Cộng hòa Henry Hyde của Illinois đề xuất. Tu chính án thể hiện một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất và đầu tiên nhất của phong trào ủng hộ sự sống tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các phong trào phò sinh của Công Giáo và Ủy ban Quốc gia về Tu chính án Cuộc sống Con người do nhà vận động hành lang Mark Gallagher đứng đầu.

Quốc hội sau đó đã sửa đổi Tu chính án Hyde nhiều lần. Phiên bản có hiệu lực từ năm 1981 đến năm 1993 cấm sử dụng quỹ liên bang để phá thai “trừ trường hợp tính mạng của người mẹ bị đe dọa.”

Theo các cuộc thăm dò vào năm 2016, Tu chính án Hyde được 57% cử tri ủng hộ và 36% phản đối. Năm 2016 cũng đánh dấu lần đầu tiên đảng Dân Chủ Mỹ công khai tuyên bố sẽ làm mọi cách để hủy bỏ Tu chính án Hyde. Vào ngày 24 tháng Giêng năm 2017, Hạ viện đã thông qua H.R. 7 để “làm cho Tu chính án Hyde có hiệu lực vĩnh viễn.” Tuy nhiên, chẳng may dự luật này không thông qua được tại Thượng viện và không trở thành luật.

Kamala Harris tuyên bố một trong những động tác đầu tiên của bà ta nếu được đắc cử là tìm mọi cách để xóa bỏ Tu chính án Hyde.

Trong tư cách là Bộ trưởng Tư Pháp California, bà Kamala Harris đã thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ Hội Đồng Giám Mục tiểu bang khi tài trợ một dự luật buộc các trung tâm trợ giúp các phụ nữ mang thai phải quảng cáo các dịch vụ phá thai “miễn phí hoặc chi phí thấp” cho khách hàng của họ. Luật đó đã bị Tòa án Tối cao lật lại vào năm 2018.
Source:Wiki

3. Khuynh hướng quyết liệt loại bỏ Tổng thống Trump mạnh hơn bao giờ

Sky News Australia nhận xét rằng sau khi ông Joe Biden chọn người đứng liên danh với mình là bà Kamala Harris, một người khét tiếng phò phá thai, các phương tiện truyền thông tại Hoa Kỳ đã tăng tốc một chiến dịch vận động tranh cử cho liên danh Joe Biden, Kamala Harris. Khuynh hướng quyết liệt loại bỏ Tổng thống Trump mạnh hơn bao giờ. Thông tấn xã Reuters tường thuật rằng chỉ 2 ngày sau khi bà Kamala Harris được chọn, ít nhất 48 triệu Mỹ Kim đã được tặng cho quỹ tranh cử của liên danh Joe Biden, Kamala Harris. Số tiền trên chủ yếu từ các tổ chức phá thai đã chịu nhiều thiệt thòi dưới các chính sách phò sinh của Tổng thống Trump.

Khuynh hướng quyết liệt loại bỏ Tổng thống Trump cũng có thể thấy trong cung cách một số phương tiện truyền thông tại Mỹ loan tin về cái chết của bào đệ Tổng thống Trump là ông Robert Trump, đã qua đời tại bệnh viện ở tuổi 71.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz đã chỉ trích tờ báo Washington Post vì hàng tít mà ông gọi là “quá sức bệnh hoạn” khi loan tin về cái chết của ông Robert Trump.

Tổng thống Trump đã thông báo về cái chết của em trai mình trong một tuyên bố, và nói rằng ông Robert Trump “không chỉ là em trai của tôi, nhưng còn là người bạn tốt nhất của tôi”.

Ông Trump đã nói ngắn gọn về Robert Trump, người từng là giám đốc điều hành của Tổ chức Trump, tại một cuộc họp báo vào hôm thứ Sáu và nói rằng ông Robert đang ở bệnh viện nhưng hy vọng ông sẽ sớm khỏe lại.

Nguyên nhân cái chết của người em út của tổng thống Trump chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, các nhân viên phủ tổng thống tiết lộ rằng Tổng thống sẽ tạm dừng các chuyến đi trong chiến dịch tái tranh cử của mình để tham dự lễ tang của người em.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng bà Kamala Harris là một người có khuynh hướng bài Công Giáo rất quyết liệt. Trong suốt thời gian hoạt động tại Thượng Viện Hoa Kỳ, bà ta đã tìm mọi cách bác bỏ các bổ nhiệm của tổng thống Donald Trump liên quan đến người Công Giáo.

Úc tỏ ra hết sức lo ngại trước viễn cảnh Tổng thống Trump không được tái đắc cử. Một chính sách thân thiện với Bắc Kinh của chính quyền Mỹ sẽ có tác động kinh tế và chính trị sâu sắc đối với Úc Đại Lợi.
Source:Sky News Australia