Ngày 23-08-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:08 23/08/2016
2. VỢ CỦA BÀNH TỔ.
Một hôm Ngải tử ra khỏi nhà nhìn thấy một bà lão tóc bạc phơ đang khóc bên đường.
Ngải tử hỏi:
- “Tại sao bà lại khóc thương tâm như thế ?”
Bà lão trả lời:
- “Chồng của tôi đã chết rồi.”
Ngải tử lại hỏi:
- “Chồng bà là ai ?”
- “Bành tổ.”
- ”Bành tổ thọ tám trăm tuổi mới chết thì không phải là đoản thọ, bà không cần phải thương tâm như thế.”

Bà lão trả lời:
- “Chết khi tám trăm tuổi đương nhiên là không phải ngắn ngủi, nhưng trên thế gian còn có người sống đến chín trăm tuổi, thì tôi làm sao có thế an tâm được chứ ?”
(Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư 2:
Con người ta ai thọ được trên một trăm tuổi là báo chí, truyền thanh truyền hình, internet sẽ đăng tải rùm beng lên và được gọi là sống thọ, là mô phạm cho người thời nay trong cách ăn uống cũng như trong cách lao động... Nhưng cho dù ăn kiêng cử uống đến đâu chăng nữa, hoặc là học tập phương pháp để được trường thọ, thì “mạnh khỏe chăng cũng chỉ ngoài bảy mươi”, có nghĩa là cuộc sống rất ngắn ngủi và phải chết.
Sự sống đời đời mà mỗi người Ki-tô hữu đều biết, đó chính là sống hạnh phúc vĩnh viễn với Thiên Chúa trên thiên đàng, một cuộc sống thọ gấp triệu triệu lần ông Bành tổ, nhưng rất ít người quảng bá và học theo. Thánh Phao-lô tông đồ trong thư gởi cho giáo đoàn Ê-phê-sô đã mời gọi chúng ta hãy sống “đời sống mới trong Đức Ki-tô”, nghĩa là đừng có ham muốn cái “sống thọ” của người thế gian, bởi vì cái thọ của con người chỉ là như “bóng câu qua cửa sổ”, như hoa sớm nở chiều tàn mà thôi. Sống đời sống mới trong Đức Ki-tô chính là “phải để cho Thần khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.”
Tám trăm tuổi cũng chết và chín trăm tuổi cũng chết, bởi vì con người chỉ là loài thụ tạo từ không mà có, bây giờ chết rồi trở về với hư không là chuyện đương nhiên.
Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới làm cho nhân loại được phúc trường sinh mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:10 23/08/2016

24. Để có thể hoàn thành nhân đức vâng lời, thì phải chú ý ba điểm này:
(1) Tuân lệnh bên ngoài;
(2) bên trong đồng ý;
(3) lý trí nhận biết.


(Thánh Ignatius de Loyola)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Bài học khiêm tốn
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
14:29 23/08/2016
Chúa Nhật XXII Thường niên , năm C
Hc 3, 17-18.20.28-29 Hr 12, 18-19.22-24a Lc 14, 1.7- 14

Bài học khiêm tốn

Khiêm tốn vẫn là điều xem ra dễ nhưng lại khó khi thực hành trong cuộc sống. Quả vậy, ai cũng thích tự khoe, tự cao, tự mãn. Ai cũng muốn được người khác tâng bốc và cảm thấy thích thú. Đó là lẽ bình thường của con người. Tuy nhiên, Chúa lại dạy chúng ta phải khiêm nhường, tự hạ. Chúa đã nói với các môn đệ và nói với mỗi người chúng ta rằng : “ Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ “ và Ngài còn nói :” Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên “ ( Lc 14, 14 ).

Thật vậy, Lời Chúa trong trích đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay đề ra một nét rất đặc thù của Kitô giáo là đi ngược với thái độ khoe khoang, hám danh, ham địa vị của con người, và cũng là bài học cho mọi người trong mọi thời :” Hãy khiêm nhường “. Chúa Giêsu đã có lần nói với các môn đệ:” Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường “. Hiền lành và khiêm nhường là nét đặc thù của người môn đệ Chúa. Thầy là Chúa mà còn hiền từ, khiêm nhường thì những môn đệ của Chúa sẽ không thể đi ngoài hướng của Thầy đã đi…Bài học Chúa đưa ra hôm nay thật ấn tượng, bởi vì thời Chúa Giêsu sống, Ngài đã chứng kiến biết bao sự việc, biết bao biến cố vv…Mỗi sự việc, mỗi biến cố là một bài học Ngài dùng, đưa ra để giáo huấn, dạy dỗ nhân loại, giáo dục con người. Hôm nay, Chúa dùng bữa tại nhà một người đầu mục nhóm Biệt phái, có rất nhiều người được mời. Chúa quan sát, thấy có rất nhiều thực khách hăm hở chọn chỗ nhất để ngồi. Chớp cơ hội này, Chúa Giêsu liền dạy họ một bài học là khi đi đám hãy chọn chỗ dưới, chỗ cuối vì sợ rằng sẽ có khách quan trọng hơn và lúc đó, ông chủ sẽ mời xuống chỗ dưới, lúc đó người được mời sẽ xấu hổ…Nếu xét bề ngoài, đây chỉ là một vấn đề tế nhị, lịch sự mà thôi bởi vì xếp đặt chỗ ngồi là do gia chủ, còn nếu khách giả bộ kiếm chỗ cuối ngồi để rồi ông chủ sẽ mời lên chỗ trên thì đó lại là giả hình cần phải tránh.

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu còn nhắm thấy ý nghĩa sâu xa hơn : đó là tiệc Nước Trời . Chúng ta đã chẳng đọc thấy có nơi Chúa đã nói về tiệc Nước Trời :”thực khách được mời và dự tiệc rất đông, nhưng có một người dự tiệc mà không mặc áo cưới, nên đã bị đuổi ra khỏi bữa tiệc cưới này”. Ở đây, tiệc cưới đối với Chúa Giêsu là tiệc Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nâng lên và ngược lại. Trái với sự suy nghĩ, tầm nhìn của con người, lời nói của Chúa Giêsu có một ý nghĩa sâu và cao vời : “ đưa con người xuống chiều sâu của sự khiêm nhường và đưa con người đi lên chiều cao là Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là ân huệ, là dành cho những kẻ bé mọn, những kẻ khiêm hạ trước mặt Chúa, mới được Chúa tặng ban. Kẻ kiêu căng Chúa đuổi về không, do đó, những kẻ tự mãn, tự cao, tự đại, hống hách sẽ không thể nào vào được Nước Thiên Chúa. Vâng, gương Mẹ Maria luôn phải là bài học cho mỗi người chúng ta…Trẻ nhỏ mà Chúa Giêsu đặt trước mặt các môn đệ là bằng chứng cụ thể Chúa dạy mỗi người chúng ta. Bởi vì, là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã tự hủy mình, mặc lấy thân phận hèn yếu của con người ngoại trừ tội lỗi. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cúi mình, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, Ngài đã cúi mình xuống để nâng cao con người lên.

Khiêm nhường như Chúa Giêsu không phải là sợ sệt, hèn nhát, nhưng chỉ những ai can đảm, mạnh mẽ, quảng đại, mới dám tự hạ phục vụ anh em. Khiêm nhường như Chúa Giêsu không phải là nô lệ, tôi đòi nhưng phục vụ như Ngài là một cử chỉ yêu thương, cử chỉ, hành động cao quí. Phục vụ như Chúa Giêsu là yêu thương hết mình như Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con luôn biết phục vụ và yêu thương như Chúa. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Bữa tiệc ở đây do ai khoản đãi ?
2.Biệt phái là ai ?
3.Khiêm nhường là gì ?
4.Muốn dự tiệc Nước Trời chúng ta phải làm gì ?
 
Chúa Yêu Thích Những Kẻ Khiêm Nhường
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
17:11 23/08/2016
Chúa Yêu Thích Những Kẻ Khiêm Nhường

Chúa Nhật XXII năm – C

( Luca Lc 14, 1a.7-14)

«Nhằm một ngày sabbat » (Lc 14, 1), chi tiết quan trọng này hé mở ra chân trời của Vương Quốc, nơi ấy Đức Giêsu chuẩn bị bữa tiệc dành cho chúng ta là những người được mời. Đây không phải là bữa tiệc bình thường, vì được diễn ra « trên núi Sion, thành trì của Thiên Chúa hằng sống là Giêrusalem trên trời », có sự hiện diện của « muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời » (Dt 12, 22). Là nơi chúng ta có quyền lợi ở đấy. Đó là điều Đức Giêsu muốn dẫn chúng ta trong Tin Mừng hôm nay.

Chỗ nhất trong bữa tiệc là một vấn đề thương gây tranh luận trong các trường học Do thái thời Chúa Giêsu. Thực ra, chủ nhà không có qui định chỗ ngồi cho thực khách, nên mỗi người phải chọn lấy cho mình một chỗ sao phù hợp với địa vị của mình so với thực khách khác. Có thể có nhiều khách sang trọng hơn ta đến vào giây phút cuối, lúc ấy, cần phải thận trọng nhường chỗ cho thượng khách đó. Họ có thể được mời vào chỗ vinh dự hơn, khi mà Chủ nhà ra dấu hiệu trong bữa ăn, vẫn còn nhiều chỗ trống, cũng có thế sớm muộn người ấy phải nhường chỗ cho người có chức quyền đến vào giờ áp chót.

Lời khuyên của Đức Giêsu không có gì là cách mạng, vì sách Châm ngôn đã từng dạy : « Trước long nhan, đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: "Xin mời ông lên trên!" còn hơn bị hạ xuống » (Cn 25, 6-7). Thoáng nhìn, người ta có thể nghĩ, đơn giản chỉ là cách ứng xử thận trọng trong cuộc sống, nhưng quả thật, không dễ chịu chút nào khi thấy mình bị hạ xuống trước mặt mọi người. Hoặc là lịch sự so với các thực khách khách, vì họ xứng đáng vào chỗ nhất trong đám tiệc. Hoặc là chịu đựng có tính toán, hơi chút kiêu căng : tôi chọn chỗ rốt hết, với nụ cười trên môi thể hiện sự khiêm nhường, nhưng ẩn tàng hy vọng được mời bước qua trước mặt mọi người để lên ngồi chỗ nhất...

Đây không phải điều mà Đức Giêsu mong đợi chúng ta. Khi nói về Nước Trời; có lúc Người cũng thêm vào « Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống ; ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên », người hạ bệ không ai khác ngoài Thiên Chúa, Ngài hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo là « người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác » (Lc 18, 9), khi « sự thiện không có ở trong người ấy » (x. Rm 7, 18). Họ « tự cao tự đại, nên chẳng thấy tội mình mà chê ghét » (Tv 36, 3). Như người pharisiêu trong dụ ngôn, ông tự phụ khoe khoang trước mặt Thiên Chúa và người đời : « Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì con không như những người khác» (Lc 18, 11). Ông ngửa mặt lên trời và xét đoán nghiêm khắc về tha nhân.

Trái lại, người khiêm nhường, trước Mạc khải tình thương của Thiên Chúa, họ ý thức về thân phận bụi đất của mình, nên « khiêm nhường ». Như người thu thuế (Lc 18, 13), hay như vịnh gia, than vãn : « Xin rủ lòng thương con, lạy Chúa: con kêu con gọi Chúa suốt ngày. Lạy Chúa, xin làm cho con được vui thoả, vì con nâng tâm hồn lên tới Chúa. Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin » (Tv 85, 3.5). Ý thức về thân phận tội lỗi của mình trước nhan Chúa, tin tưởng nài van và xưng thú tội lỗi cùng Ngài, là những điều căn bản của sự khiêm nhường.

«Những kẻ khiêm nhường» thực sự mới có thể nói lời « tạ ơn » đối với Thiên Chúa (Bài đọc 1) vì vinh quang từ đâu đến để chúng ta có thể « tạ ơn » Đấng Tối Cao, nếu không phải đến từ Thiên Chúa? Chúng ta đón nhận vinh quang ấy thế nào nếu không phải là nhận lãnh Tin Mừng với lòng thống hối ăn năn ? Vì thế, ý tưởng của người khôn ngoan là lắng tai nghe, họ nghe tiếng Chúa gọi, và « hướng về Đức Giêsu, trung gian của Giao ước mới » (Dt 12), để đón nhận ơn cứu độ tự nơi Người.

Triết gia Nietzsche trách Kitô giáo là tôn giáo của những người yếu thế ; thấp cổ bé họng; khi tán dương kẻ khiêm nhường ở dưới đất trong khi mong đợi tiến về trời cao. Một quan niệm về khiêm nhường như vậy thực sự mà nói quá thụ động với đòi hỏi của Tin Mừng. Tuy Đức Giêsu chịu đựng những điều lăng nhục trong cuộc Thương khó, nhưng Ngườii đã chọn lựa con đường này có suy nghĩ : «Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.» (Ph 2, 6-8). Sự khiêm nhường tự hạ của Chúa Con biểu lộ đức ái cao cả, Người ấp ủ trong lòng ơn cứu rỗi các linh hồn và tôn vinh Thiên Chúa Cha trong họ. Khiêm nhường thật để duy trì hạnh phúc phục vụ anh em, « lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình» (x. Ph 2, 3). Đối với người yêu mến, thì phục vụ vô vị lợi là phần thưởng của họ : « Khi anh dọn tiệc mời khách, thì hãy mời những người nghèo ; và anh sẽ hạnh phúc, vì họ không có gì để trả lại anh. » Anh có thể có bác ái trong sự khiêm nhường, vì người khiêm nhường không qui chiếu về mình nhưng làm phúc vô vị lợi đối với tha nhân trong tình yêu. Thế nên, Tình Yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa là khiêm nhường hoàn hảo nhất.

Lạy Chúa, xin đẩy xa tính kiêu ngạo xa con, dẫn con đi trên đường chân lý là khiêm nhường, để con coi người khác trọng hơn mình, và tìm thấy niềm vui khi phục vụ người khác. Xin đừng để sự tự cao, tự đại làm con thỏa mãn ; nhưng ban cho con ơn nhận ra Chúa luôn khiêm nhường, ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, là Thiên Chúa toàng năng, trao ban chúng con tình yêu và sự sống. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 22 Mùa Quanh Năm C 28.8.2016
Lm Francis Lý văn Ca
17:26 23/08/2016
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Trong cuộc sống, người đời thường có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai hạng người xấu và tốt, bạn và thù. Kẻ xấu là người đáng xa lánh và kẻ thù thì phải oán căm sâu sắc....
Khi Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài đã đánh đổ óc "kỳ thị". Những kẻ bị xã hội ruồng bỏ bên lề đường, Ngài đã nhận họ như bạn hữu và ước ao ngồi đồng bàn với họ. Ngài đã nhìn người đồng thời với nhãn hiệu có sẵn, nhưng bằng hình ảnh cao quý của một vị Thiên Chúa đầy tình thương. Với cái nhìn nầy, hàng rào giữa bạn và thù, giữa kẻ trên người dưới, giữa tốt và xấu sẽ được tháo gỡ trong mối giây tình yêu và sự khiêm nhường.
Với cái nhìn trên đây, tất cả mọi người đều có một danh xưng chung: Đó là anh em với nhau. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta được nhân đức khiêm hạ và trong tình yêu chúng ta sống và chia sẻ với anh chị em chung quanh tâm tình mà chính Chúa đã sống và truyền lại cho chúng ta là những môn đệ của Ngài. Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀi I:
Khi chúng ta nhận thức được điều nào nên làm đẹp lòng Chúa thì chúng ta đã có một mối tương quan mật thiết đối với Ngài. Xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan trong nhận thức và tăng trưởng trong phục vụ, khi nghe bài đọc thứ I hôm nay.

TRƯỚC BÀI II:
Qua sự kiện được thánh Phaolô đề cập đến là biến cố Chúa biến hình trên núi Sinai, Ngài muốn giúp các tín hữu trong thời đại của ngài và cho chính chúng về biến cố thế mạt, Chúa quang lâm ngự đến.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Đời sống của người tín hữu luôn được tô điểm bằng những nhân đức tự nhiên như bác ái, khiêm nhường. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Kitô đề cao tromg cách xử thế phải khiêm hạ và đầy lòng nhân đạo.

Lời Nguyện Giáo Dân.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến, Với những ưu tư và bận rộn trong cuộc sống, chúng ta quên đi những điều hay những việc đúng ra phải nhớ đến. Chúng ta cầu xin Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được những điều nào nên thực hiện trong đời sống hằng ngày.

1. Xin cho những nhà lãnh đạo các quốc gia luôn hướng dẫn thần dân trong quốc gia của họ sống trong yêu thương và chia sẻ cơm bánh với nhau. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho các Đấng Bậc Lãnh Đạo trong Giáo Hội Hoàn vũ, luôn học mẫu gương khiêm hạ và phục vụ của Thầy Chí Thánh Giêsu và áp dụng trong việc quản lý nguồn máy của Giáo Hội. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho giới trẻ hôm nay, khi thừa hưởng của cải vật chất, luôn nhớ đến Thiên Chúa là Đấng ban phát cho họ tài năng để tiếp tục biến đổi thế giới họ đang sống nên hoàn tốt đẹp hơn. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho thế giới luôn cảm nghiệm sâu xa tình người trong sự chia sẻ về tình thần cũng như vật chất. Với nhận thức nầy, chúng con sẽ làm cho thế giới mỗi ngày thêm xinh tươi đầy những hoa trái tình thương. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, thế giói chúng con đang sống còn biết bao nhiêu người, biết bao quốc gia thiếu thốn về thực phẩm, tình người. Xin cho chúng con luôn nhìn thấy những nhu cầu của tha nhân, để thông cảm và chia sẻ những gì chúng con có thể chia sẻ được. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Suy Niệm Lễ Kính Thánh Batôlômêô Tông Đồ
Lm. Anthony Trung Thành
22:14 23/08/2016
Suy Niệm Lễ Kính Thánh Batôlômêô Tông Đồ
Ngày 24 tháng 08

Thánh Bartôlômêô, còn gọi là Nathanael, sinh tại Cana miền Galilê, là một trong số Mười Hai được Đức Giêsu trực tiếp chọn làm Tông đồ. Đoạn Tin mừng hôm nay tóm tắt hai biến cố quan trọng trong cuộc đời của thánh nhân: đó là việc thánh Philipphê giới thiệu cho Ngài về Đức Giêsu và việc Ngài gặp Đức Giêsu.

1. Philipphê giới thiệu về Đức Giêsu cho Bartôlômêô
Sau khi Philipphê gặp được Đức Giêsu thì ông liền giới thiệu cho Bartôlômêô rằng: "Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét" (Ga 1,45). Chắc chắn Philipphê gặp Đức Giêsu chưa lâu, nhưng ông đã đặt niềm tin tưởng tuyệt đối với Đức Giêsu. Bằng chứng qua lời giới thiệu đầy xác tín của ông. Philipphê đã nói rõ về nguồn gốc, về cha mẹ và về quê hương thực sự của Đức Giêsu. Lời giới thiệu của Philipphê cũng nói lên tinh thần đầy trách nhiệm của ông. Ông là người đi trước, ông đã biết Đức Giêsu, đó là một niềm vui và niềm vinh dự lớn lao, ông không muốn giữ riêng cho mình, ông muốn chia sẻ niềm vui và niềm vinh dự đó cho Bartôlômêô.
Nhưng chúng ta thấy, phản ứng ban đầu của Bartôlômêô có vẻ tiêu cực. Bởi vì, khi nghe lời giới thiệu của Philiphê về Đức Giêsu, Bartôlômêô nói rằng: "Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?" (x. Ga 1,46). Đó là một phản ứng tự nhiên của Bartôlômêô. Nadarét đúng là một làng quê nghèo. Bartôlômêô nghĩ rằng một làng quê nghèo như vậy thì không thể là nơi sinh ra Đấng Cứu Thế?
Thuyết phục Bartôlômêô bằng lời nói chưa đủ, Philipphê đổi chiến lược khác, ông mời gọi Bartôlômêô chuyển hình thức nghe bằng hình thức thấy. Vì vậy, ông nói với Bartôlômêô: “Cứ đến mà xem” (x. Ga 1, 46).

2. Cuộc gặp gỡ giữa Bartôlômêô và Đức Giêsu
Thật vậy, người ta hay nói “trăm nghe không bằng mắt thấy.” Philipphê không thuyết phục được Bartôlômêô bằng lời nói thì Đức Giêsu đã thuyết phục được Bartôlômêô qua chính con người của Ngài. Bartôlômêô thấy Đức Giêsu, nghe lời Ngài nói và tin theo Ngài. Đức Giêsu cho Bartôlômêô biết rằng, chính Ngài không chỉ thấy ông từ hình thức bên ngoài mà con thấy ông từ những bản chất bên trong, không chỉ thấy được những gì trong hiện tại mà con thấy những gì trong quá khứ của ông. Cụ thể, khi thấy Bartôlômêô đến với mình, Đức Giêsu nói: "Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối" (Ga 1, 47). Bartôlômêô ngạc nhiên hết sức, liền hỏi lại Đức Giêsu: "Sao Ngài biết tôi?" (x. Ga 1, 48). Đức Giêsu lại tiếp tục làm cho Bartôlômêô ngạc nhiên hơn nữa khi cho ông biết rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi" (x. Ga 1, 48). Và như vậy, Bartôlômêô chỉ có cúi đầu tâm phục khẩu phục. Ông nói: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel"(x. Ga 1, 49).

3. Bartôlômêô làm Tông đồ
Sau cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, Bartôlômêô đã đi theo Chúa. Ông đã được sống với Chúa, nghe Lời Chúa giảng, chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhất là chứng kiến cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Giêsu. Sau khi Đức Giêsu sống lại, Đức Giêsu hiện ra với các Tông đồ, cũng là hiện ra với chính ông. Cũng như các Tông đồ khác, Bartôlômêô lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin mừng. Tương truyền rằng, Ngài đi truyền giáo nhiều nơi như Lycaonia, Ấn độ, Armênia…đưa về cho Chúa nhiều linh hồn. Cuối cùng, Ngài bị trảm quyết vào ngày 24 tháng 08 năm 52.

4. Sứ mạng của chúng ta hôm nay
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Chúng ta có bổn phận tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu và của các Tông đồ. Để chu toàn sứ mạng đó, chúng ta cần phải:
Thứ nhất, như Thánh Philipphê chúng ta cần giới thiệu Đức Giêsu cho những người chưa biết Chúa.
Thứ hai, để thuyết phục được anh chị em tin Chúa, chúng ta không chỉ giới thiệu Chúa qua lời nói mà còn phải giới thiệu Chúa qua đời sống đạo tốt lành thánh thiện của chúng ta.
Thứ ba, hãy thường xuyên đến gặp gỡ Chúa trong kinh nguyện và các bí tích.

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã thuyết phục Bartôlômêô đi theo Chúa bằng chính lời nói và con người của Chúa, xin cho mỗi người chúng con hôm nay cũng biết thuyết phục người khác đi theo Chúa bằng lời nói và đặc biệt là bằng chính đời sống chứng tá của chúng con. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Khiêm nhường và bác ái
Lm Vũ Xuân Hạnh
22:16 23/08/2016
Khiêm nhường và bác ái

Chúa Nhật XXII THƯỜNG NIÊN. C

Đọc Tin Mừng, thánh Luca kể chuyện Chúa Giêsu dự tiệc tại nhà một thủ lãnh các biệt phái, và có lời trách cứ từ khách dự tiệc đến chủ nhà, cảm nhận đầu tiên của tôi là, hình như Chúa Giêsu quá đáng. Sao Chúa lại “chơi quê” người khác đến vậy?

Đã là tiệc, luôn có hai đối tượng: chủ nhà và khách được mời dự tiệc. Thấy nhiều người được mời tìm chỗ nhất để ngồi, Chúa Giêsu lên tiếng: “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết...”. Nói như thế, khác gì đuổi khách dự tiệc: “Xuống đi, xuống chỗ chót mà ngồi...”.

Chưa dừng ở đó. Thấy toàn khách sang trọng tới dự, Chúa quay qua chủ nhà, ban cho ông mấy lời như tạt gáo nước lạnh: “Khi ông dọn tiệc, đừng mời bạn bè, anh em, bà con láng giềng giàu có... Hãy mời những người nghèo, mời những người què quặt, đuôi mù vì họ không có gì trả lễ...”.

Chúa Giêsu đúng là người thích gây sự? Với những lời chỉ trích công khai, chắc chắn Chúa sẽ bị không ít người thù ghét. Trong số những người thù ghét đó, chắc chắn có nhiều người nuôi lòng thù hận mãi về sau.

Nếu bạn và tôi đứng trong trường hợp của Chúa Giêsu, không đời nào làm như thế. Chúng ta không dám lên tiếng, không dám day dưa và chuyện người khác, càng không dám làm thầy đời của anh chị em mình. Bởi ta chẳng có tư cách nào để chỉnh đốn ai. Nhưng với Chúa Giêsu, luôn ý thức mình là Thiên Chúa, là Đấng mọi người phải tôn thờ, Người tự biết mình có quyền làm như vậy.

Đó là ý thức của Chúa Giêsu. Về phía chúng ta, nếu nhìn xa hơn và suy nghĩ sâu hơn bản chất của lời Chúa nói, ta sẽ phải đặt lại vấn đề: Có thật Chúa đang “chơi quê” người khác? Người gây sự với họ? Hoàn toàn không đúng như thế.

Nếu tôi gây sự với ai, muốn hạ nhục ai, thì hàm ý trong lời của tôi, chứa đựng sự thù ghét. Chúa Giêsu không nuôi lòng thù ghét để tìm cách vỗ vào mặt người ta, để trả thù và làm cho người ta sượng sùng. Chúa không bao giờ làm điều đó. Trong lời nói của Chúa Giêsu không hề chứa đựng ác ý.

Đúng hơn, Người rút ra từ những câu chuyện đời thường để dạy chúng ta, dạy mỗi người qua từng thời đại một bài học quý giá nào đó.

Bởi rút ra từ thực tế và từ kinh nghiệm cuộc sống, những bài học Chúa Giêsu trao ban đều dễ hiểu, dễ nhớ, cụ thể, phù hợp mọi nơi, mọi lúc. Bài Tin Mừng hôm nay có hai bài học quý giá, rút ra từ những lời phê phán đối với chủ và khách.

Bài học thứ nhất: sự khiêm nhường. Đối với khách dự tiệc, nếu Chúa bảo đừng ăn trên, ngồi trước, thì sau đó có một kết luận: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Bài học này làm ta nhớ lại lời ca tụng Chúa của Đức Maria: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 51-52).

Chúa luôn luôn yêu thương những ai khiêm nhường, những ai mang thân phận nhỏ bé. Từ ngàn xưa, lịch sử đã chứng minh lòng yêu thương đó.

Chẳng hạn, Để lãnh đạo dân Người, Chúa không chọn ai khác, nhưng lại chọn một Môisen ngọng ngệu. Để tiếp tục công cuộc giải phóng dân, Chúa nâng lên địa vị quốc vương một Đavít chỉ là đứa em bé bỏng, sức yếu, lực kém trong số các anh em. Chuẩn bị cho Con Một của mình làm người, Chúa chọn một vị tiền hô là Gioan Tẩy giả, sinh ra từ một người mẹ son sẻ, lớn lên giữa cảnh nghèo hèn chỉ có núi đồi làm bạn, hoang địa làm nhà cư trú…

Đến lược Chúa Giêsu, để chuẩn bị cho một dòng tộc cưu mang ơn cứu độ đời đời, Người tuyển chọn cho mình mười hai tông đồ dốt nát, đầy bất toàn, yếu đuối.

Chính Đức Maria là một bằng chứng về lòng Chúa yêu thương những người phận nhỏ. Muốn có một người mẹ để sinh ra làm người, Chúa không chọn bất cứ một phụ nữ trang đài nào, lại chọn Đức Mẹ, vốn là một thiếu nữ nghèo hèn, không tiếng tăm, chìm khuất giữa làng quê Nagiaret bình dị.

Đúng là “Chúa đã nâng cao những người phận nhỏ”, bởi một lẽ rất đơn giản: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Còn bài học thứ hai, bài học của lòng bác ái. Nếu Chúa bảo ông chủ nhà hãy mời người nghèo, người thấp bé, ngưới tật nguyền dự tiệc, thì sau đó có một kết luận: “Ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.

Chúa yêu thương chúng ta. Người đòi chúng ta, một khi đã đón nhận lòng yêu thương, hãy chia sẻ tình yêu ấy cho anh chị em quanh mình, nhất là những người nghèo, người bất hạnh.

Chúng ta đừng quyên rằng, thực hành bác ái, sự trao ban và cho đi chính mình, lòng yêu thương quan tâm đến anh chị em xung quanh là tấm vé để chúng ta vào Nước Trời.

Hai bài học được rút ra từ Tin Mừng hôm nay có một tương quan rất lớn. Bởi lòng yêu thương bao giờ cũng cần khiêm nhường. Không có khiêm nhường thật, không bao giờ có bác ái, yêu thương đúng nghĩa, mà chỉ là khoe khoan, chỉ là sự bố thí nếu có cho ai cái gì.

Mặt khác, một người kênh kiệu, thích ra oai tác oái, làm sao có thể yêu thương người khác. Yêu thương và khiêm nhường là hai bài học của một thái độ sống. Nếu ta xưng mình là con Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa, chắc chắn thái độ sống của ta sẽ là sự khiêm nhường và bác ái thẳm sâu.

Bạn thân mến, chính vì nêu gương sống yêu thương và khiêm nhường, Chúa Kitô, Thiên Chúa quyền năng nhưng đã hạ mình sống kiếp phàm nhân.

Là Thầy Cả của mọi người, Chúa cúi mình rửa chân cho môn đệ.

Là Đấng bất tử và là chủ của sự sống, Người chấp nhận chết thương đau để cứu độ loài người.

Xứng đáng được tôn vinh trên trời cao thẳm, Người lại chọn cho mình chỗ rốt hết trong nhân loại.

Chúa Kitô chính là bài học sống động về tình yêu và lòng khiêm nhường cho tất cả những ai muốn nên giống Người.

Là Kitô hữu, chúng ta hãy nhìn ngắm bài học sống động là chính cuộc đời Chúa Kitô và nghe theo lời Người dạy mà sống khiêm nhường và bác ái trong cuộc sống của mình. Biết chấp nhận sống như thế, chúng ta mới mong vững niềm hy vọng “sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại” (Lc 14, 14).

Lm. VŨ XUÂN HẠNH
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mẹ Têrêsa và giải Nobel Hòa Bình 1979
Vũ Văn An
02:03 23/08/2016
Năm 1979, Ủy Ban Nobel của Na Uy đã quyết định trao giải Nobel về Hòa Bình cho Mẹ Têrêsa.

Khi quyết định như trên, Ủy Ban Nobel thừa nhận công trình của Mẹ trong việc trợ giúp nhân loại đau khổ. Năm 1979 là năm thế giới đặc biệt chú ý tới số phận trẻ em và người tỵ nạn (dĩ nhiên có người tỵ nạn Việt Nam!), và đây chính là các đối tượng mà Mẹ Têrêsa đã dành nhiều thập niên để giúp đỡ một cách hoàn toàn vô vị lợi.

Ủy Ban đặc biệt nhấn mạnh tới tinh thần đã gợi hứng cho các hoạt động của Mẹ và là tinh thần vốn mô tả sống động thái độ bản thân và phẩm tính nhân bản của Mẹ.

Ủy Ban cho rằng các cố gắng xây dựng nhằm diệt trừ nghèo đói và bảo đảm cho nhân loại một cộng đồng an toàn và tốt đẹp hơn nên bắt chước tinh thần của Mẹ Têrêsa trong việc tôn trọng giá trị và phẩm giá của con người cá thể.

Trong nghi lễ trao giải thưởng Nobel cho Mẹ Têrêsa tại Oslo, Thụy Điển, ngày 10 tháng 12, năm 1979, Giáo Sư John Sanness, Chủ Tịch Ủy Ban Nobel Na Uy, sau khi lược thuật lại các nhân vật trước đây được lãnh giải, đã nhấn mạnh rằng: có nhiều cung cách trao giải thưởng này, nhưng tất cả đều tập chú vào mục tiêu hòa bình và tình huynh đệ.

“Và khi trao giải thưởng Nobel về Hòa Bình năm 1979 cho Mẹ Terêsa, Ủy Ban đã đặt ra một câu hỏi có tính tiêu điểm như sau: Có phải bất cứ nỗ lực xây dựng chính trị, xã hội hay trí thức nào, trên bình diện quốc tế hay quốc gia, dù hữu hiệu và hợp lý bao nhiêu, dù các người chủ đạo của nó có duy lý tưởng và có đầy nguyên tắc bao nhiêu đi chăng nữa, cũng chỉ có thể cho chúng ta một căn nhà xây trên cát, nếu tinh thần của Mẹ Têrêsa không linh hứng người xây và giúp tinh thần ấy ngụ cư trong tòa nhà của họ?”

Dĩ nhiên, tinh thần ấy, ngoài nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời ra, Mẹ Têrêsa đã thêm vào điều thứ bốn: “Hết lòng và tự ý phục vụ những người nghèo khổ nhất”.

Giáo Sư Chủ Tịch nhắc lại sự phát triển mau chóng của tinh thần trên, lan qua ít nhất hơn 20 quốc gia, ngoài Ấn Độ và Bangladesh. Và cho tới năm 1979, vài triệu người đã hưởng được sự giúp đỡ của tinh thần này. Tuy nhiên, khi quyết định trao giải thưởng, Ủy Ban không hẳn tập chú vào các dữ liệu thống kê, không so sánh các dữ liệu này với những dữ liệu của các tổ chức hoặc cơ quan khác. Nhưng Ủy Ban lưu ý tới tinh thần từng thấm nhiễm công trình của Mẹ. Tinh thần này “bộc phát từ thái độ sống căn bản và cá tính hết sức đặc biệt của Mẹ Têrêsa. Thái độ và cá tính này rõ ràng bắt nguồn từ đức tin Kitô Giáo của Mẹ. Mẹ tiếp nhận tin đầu tiên về việc trao Giải Thưởng Hòa Bình với những lời lẽ sau: ‘Tôi chấp nhận giải thưởng nhân danh người nghèo. Giải thưởng này nhìn nhận thế giới người nghèo. Chúa Giêsu từng nói: ‘Ta đói, Ta trần truồng, Ta vô gia cư’. Nhờ phục vụ người nghèo, tôi đã phục vụ Người”.

Theo Giáo Sư, Mẹ đã chỉ lặp lại điều Mẹ từng nói nhiều lần trước đó rằng “Chúng ta đang thực sự chạm đến thân thể Chúa Kitô nơi người nghèo. Nơi họ, chúng ta đang nuôi ăn Chúa Kitô đói khát, chúng ta đang mặc quần áo cho Chúa Kitô trần truồng, chúng ta đang cho Chúa Kitô vô gia cư trú ngụ”. Hoặc: “khi tôi rửa các vết thương của người phong cùi kia, tôi cảm thấy tôi đang chăm sóc chính Chúa”. Mẹ thấy Chúa Kitô trong mọi phàm nhân, và dưới mắt Mẹ, điều này khiến con người trở nên thánh thiêng.

Bác ái tôn trọng nhân phẩm

Giáo Sư cho rằng dấu ấn chuyên biệt trong việc làm của Mẹ là “lòng tôn trọng cá nhân và giá trị cùng phẩm giá của họ. Người cô đơn nhất và người tả tơi nhất, người kiết xác đang hấp hối, người phong cùi bị bỏ rơi, tất cả đã được Mẹ và các nữ tu của Mẹ tiếp đón bằng một niềm cảm thương ấm áp không hề coi thường ai, dựa trên lòng tôn kính Chúa Kitô nơi con người”.

“Hơn bất cứ ai khác, Mẹ đã thành công đem ra thực hành sự kiện được thừa nhận này là: các ơn phúc được ban bố kiểu de haut en bas (từ trên xuống dưới), theo đó, người nhận có cảm giác phải lệ thuộc một chiều và nhục nhã vào người cho, thực ra làm tổn hại tới phẩm giá nhân vị của người nhận đến nỗi chỉ tạo ra cay đắng và thù hận chứ không phải hòa hợp và bình an”.

“Mẹ đã đạt đến một thái độ tương quan giữa người cho và người nhận có thể loại bỏ hết sự phân biệt về ý niệm thường được đa số người ta chấp nhận. Dưới mắt Mẹ, người mà người ta vốn cho là nhận, cũng là người cho, và là người cho nhiều hơn cả. Cho, cho đi một điều của chính mình, là điều đem lại niềm vui thực sự, và người được phép cho là người nhận được ơn phúc qúy giá nhất. Nơi người khác chỉ thấy thân chủ hay khách hàng, Mẹ thấy những người cùng làm việc, một tương quan không đặt căn bản trên việc mong chờ được biết ơn ở người kia, mà đặt căn bản trên việc hiểu và tôn trọng nhau, và trên sự tiếp xúc đầy tình người ấm áp và phong phú hóa”.

Vượt trên mọi rào cản

Kitô Giáo của Mẹ Têrêsa không phải là thứ Kitô khép kín. Mẹ là Kitô hữu điển hình nhưng Mẹ làm việc với và cho người thuộc mọi tôn giáo; “Mẹ là một người Âu Châu giữa những người Ấn Độ, nhưng điều này không hề gây trở ngại, và có lẽ sẽ chính xác hơn khi nói rằng việc làm phát xuất từ tinh thần của Mẹ đã thắng vượt mọi trở ngại”.

Giáo Sư nhắc lại lời của Tổng Thống Cộng Hòa Ân Độ năm 1972 rằng “Mẹ Têrêsa là một trong những linh hồn giải phóng đã vượt lên trên mọi rào cản tạo nên do chủng tộc, tôn giáo, và quốc tịch. Trong thế giới nhiễu loạn ngày nay, càng ngày càng bị khốn khổ bởi tranh chấp và hận thù, đời sống được sống và công việc được thực hiện bởi những người như Mẹ Têrêsa đem lại niềm hy vọng mới cho tương lai nhân loại”.

Giáo sư cũng trích dẫn lời một nhà báo Ấn mới viết về Mẹ: “Các nữ tu với cung cách thanh thản, áo sari, biết các ngôn ngữ địa phương của họ… đã đạt tới chỗ biểu tượng hóa được không những điều tốt đẹp nhất trong đức ái Kitô Giáo của họ, mà cả điều tốt đẹp nhất trong nền văn hóa và văn minh Ấn Độ nữa, từ Buddah tới Gandhi, các thánh nhân vĩ đại, các nhà tiên tri, những người yêu nhân loại vĩ đại có lòng cảm thương và ân cần vô bờ bến đối với người kém may mắn: điều mà Shakespeare gọi là đức tính thương xót”.

Nghèo khổ tâm linh

Linh Mục Kolodiejchuk, thỉnh nguyện viên án phong thánh của Mẹ, cho rằng nét đặc biệt nơi Mẹ Têrêsa và nói chung của Dòng Truyền Giáo Bác Ái không hẳn tập chú vào việc trợ giúp người nghèo theo nghĩa vật chất mà thôi. Tập chú của Mẹ là những con người không được yêu thương, ước muốn và chăm sóc, những con người nghèo khổ về phương diện tâm linh.

Đấy vốn là nhận định của Giáo Sư John Sanness, khi ông quả quyết: “Mẹ Têrêsa có lần nói rằng ‘suốt 20 năm làm việc giữa người ta, tôi càng ngày càng hiểu ra rằng không được ước muốn là căn bệnh tệ hại nhất người ta từng cảm nghiệm xưa nay’. Mẹ tin rằng căn bệnh tồi tệ nhất hiện nay không phải là bệnh cùi hay ho lao, mà đúng hơn là cảm giác không được ước muốn, không được chăm sóc và bị mọi người bỏ rơi”.

“Chính những người gặp số phận này, những người nghèo nhất trong số người nghèo, là những người đầu tiên tìm được sự ấm áp và che nắng che mưa nơi Mẹ Têrêsa. Ý hướng của Mẹ là bảo đảm để những người này hưởng được cảm giác được chào đón và nhìn nhận như là con người có nhân phẩm riêng và quyền được tôn trọng”.

Về ảnh hưởng quốc tế của tinh thần Têrêsa Calcutta, Giáo Sư nhắc lại nhận định của cựu chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới và cũng là người mạnh mẽ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam, Robert MacNamara, rằng: “Mẹ Têrêsa xứng đáng lãnh giải Nobel về Hòa Bình vì Mẹ cổ vũ hòa bình một cách căn để nhất, bằng cách xác nhận tính bất khả xâm phạm của nhân phẩm”.

Diễn văn của Mẹ Têrêsa

Dịp này, Mẹ Têrêsa đã đọc một bài diễn văn với câu mở đầu như sau:

“Chúng ta hãy cùng nhau cám ơn Thiên Chúa vì dịp may đẹp đẽ này trong đó, chúng ta hết thẩy được công bố niềm vui loan truyền hòa bình, niềm vui yêu thương nhau và niềm vui nhìn nhận rằng những người nghèo nhất trong các người nghèo đều là các anh chị em của chúng ta”.

Sau đó, Mẹ mời cử tọa cùng đọc Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi với Mẹ. Rồi nói tiếp:

“Thiên Chúa yêu thương thế giới đến nỗi đã ban Con của Người và Người ban Người Con Ấy cho một trinh nữ, Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, và lúc Người Con này chào đời, Trinh Nữ đã vội vàng ban Người cho người khác. Nhưng lúc đó, Trinh nữ làm gì? Ngài làm công việc của một nữ tỳ, chỉ thế thôi. Chỉ loan truyền niềm vui yêu thương phục vụ ấy thôi. Còn Chúa Giêsu Kitô thì yêu thương qúy vị và yêu thương tôi, Người hiến sự sống Người cho chúng ta và như thể như thế chưa đủ, Người nói tiếp: Hãy yêu như Thầy đã yêu chúng con, như Thầy đang yêu thương chúng con bây giờ; nhưng chúng ta phải yêu thương ra sao, yêu thương bằng cách cho đi. Vì Người đã cho ta sự sống của Người. Và Người tiếp tục cho đi, Người tiếp tục cho đi ngay ở đây, khắp nơi trong đời ta và trong đời người khác.

Chết cho chúng ta chưa đủ với Người, Người muốn chúng ta yêu thương nhau, thấy Người ở trong nhau, đó là lý do khiến Người nói: Phúc cho người có lòng trong sạch, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa.

Và để chắc chắn chúng ta hiểu điều Người muốn nói, Người dạy ta rằng vào giờ chết, ta sẽ bị phán xét về việc ta đã đối xử ra sao với người nghèo, người đói, người trần truồng, người vô gia cư, và Người biến Người thành người đói, người trần truồng, người vô gia cư, không chỉ đói cơm bánh, mà đói yêu thương, không chỉ trần truồng vì thiếu áo mặc, mà còn trần truồng vì mất nhân phẩm, không chỉ vô gia cư vì thiếu căn phòng để sống, mà còn vô gia cư vì bị lãng quên, không được yêu thương, không được chăm sóc, không là ai đối với ai cả, quên cả thế nào là tình yêu nhân bản, thế nào là đụng chạm nhân bản, thế nào là được một ai đó yêu thương, và Người nói rằng: các con làm bất cứ điều gì cho một trong các anh em bé nhỏ của Thầy này là các con làm cho Thầy.

Trở nên thánh thiện đối với tình yêu trên quả là điều đẹp đẽ, vì sự thánh thiện không phải là một xa xỉ phẩm của một số ít người, nhưng là bổn phận của mỗi người chúng ta, và nhờ tình yêu này, chúng ta có thể trở nên thánh thiện. Đối với tình yêu thương nhau này và hôm nay khi tôi lãnh giải thưởng này, bản thân tôi quả là người hết sức bất xứng, và tôi, vì từng thề khấn khó nghèo để hiểu người nghèo, tôi đã chọn sự nghèo khó của người ta. Nhưng tôi rất biết ơn và hạnh phúc được nhận nó nhân danh những người đói khát, những người trần truồng, những người vô gia cư, qùe quặt, mù lòa, phong cùi, tất cả những người cảm thấy không được ước muốn, yêu thương, chăm sóc, bị quăng bỏ ra ngoài xã hội, những người đã trở thành gánh nặng cho xã hội và bị mọi người hạ nhục.

Nhân danh họ, tôi chấp nhận giải thưởng. Và tôi chắc chắn rằng giải thưởng này sẽ đem tới một tình yêu hiểu biết nhau giữa người giầu và người nghèo. Đây là điều Chúa Giêsu vốn nhấn mạnh rất nhiều, đây là lý do khiến Chúa Giêsu xuống trần gian, để công bố tin mừng cho người nghèo. Và qua giải thưởng này cũng như qua tất cả chúng ta đang tụ họp nhau nơi đây, chúng ta muốn công bố tin mừng cho người nghèo rằng Thiên Chúa yêu thương họ, chúng ta yêu thương họ, họ là một ai đó đối với chúng ta, cả họ nữa cũng đã được dựng nên bởi cùng một bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, để yêu thương và được yêu thương”.

Mẹ cho rằng "người nghèo của chúng ta là những người vĩ đại, đáng yêu, họ không cần sự thương hại và thiện cảm của chúng ta, họ cần tình yêu hiểu biết của chúng ta. Họ cần chúng ta tôn trọng; họ cần điều này: chúng ta cư xử với họ một cách xứng đáng. Và tôi nghĩ đấy là điều họ cần hơn cả". Mẹ kể lại câu truyện Mẹ đem từ đường phố về một người đầy giòi, chỉ còn bộ mặt là tương đối sạch sẽ. Ấy thế nhưng khi được đem về căn nhà dành cho người hấp hối, ông đã nói câu này: “tôi đã sống như một con vật ở ngoài phố, nhưng giờ đây tôi sẽ được chết như một thiên thần, được yêu thương và chăm sóc”. Sau đó, ông đã qua đời một cách tốt đẹp. “Ông đã về nhà Chúa, vì chết chỉ là về nhà Chúa. Và ông đã hưởng được tình yêu ấy, được ước muốn, được yêu thương, được là một ái đó với một ai đó vào giây phút cuối cùng, mang mãi niềm vui ấy trong đời mình”.

Nhân dịp này, Mẹ đề cập tới nạn phá thai: “Tôi muốn chia sẻ với tất cả qúy vị nhân tố hủy diệt hòa bình hơn cả đó là tiếng kêu của đứa trẻ vô tội chưa sinh ra. Vì nếu một bà mẹ có thể sát hại chính đứa con còn ở trong bụng mình, thì còn gì để qúy vị và để tôi không giết lẫn nhau? Ngay trong Thánh Kinh cũng đã có lời này: Dù người mẹ có thể quên con mình, thì Ta cũng sẽ không quên con. Ta đã khắc ghi con trong lòng bàn tay Ta. Dù người mẹ có thể quên, nhưng ngày nay hàng triệu trẻ em chưa sinh đang bị sát hại. Và chúng ta không nói gì. Trên báo chí, qúy vị đọc số người này người nọ bị giết, bị diệt, nhưng không ai nói đến hàng triệu trẻ nhỏ từng được tượng thai cùng lúc với qúy vị và tôi, để hưởng sự sống của Thiên Chúa, và chúng ta không nói gì, chúng ta cho phép nó diễn ra. Đối với tôi, những quốc gia nào hợp pháp hóa phá thai là những quốc gia nghèo nàn nhất. Họ sợ trẻ nhỏ, họ sợ các trẻ chưa sinh, và đứa trẻ phải chết vì họ không muốn nuôi thêm một đứa trẻ, giáo dục thêm một đứa trẻ, đứa trẻ phải chết”.

Nhắc lại niềm vui của Gioan Tẩy Giả, trong bụng mẹ, nhẩy mừng vì nhận ra Hoàng Tử Hòa Bình tới thăm, Mẹ kêu gọi “Và hôm nay, tại đây, chúng ta hãy làm một cuộc cách mạng mạnh mẽ, chúng ta sẽ cứu mọi trẻ nhỏ, mọi trẻ nhỏ chưa sinh, cho các em cơ hội được sinh ra. Và điều chúng tôi đang làm, chúng tôi đang chống phá thai bằng việc nhận con nuôi, và Thiên Chúa nhân lành chúc phúc cho việc làm này một cách tốt đẹp đến nỗi chúng tôi đã cứu được hàng ngàn trẻ em, và hàng ngàn trẻ em tìm được mái ấm, nơi các em được yêu thương, được ước muốn, được chăm sóc. Chúng tôi đã đem rất nhiều niềm vui tới những mái nhà không có con và do đó, hôm nay, ở đây, tôi xin Đức Vua trước mặt tất cả qúy vị, những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau, tất cả chúng ta hãy cầu xin để được ơn can đảm ủng hộ trẻ em chưa sinh, đem lại cho trẻ em cơ hội yêu thương và được yêu thương và tôi nghĩ với ơn thánh của Thiên Chúa chúng ta sẽ đem lại hòa bình cho thế giới”.

Mẹ nói với cử tọa rằng Na Uy giầu có, khó có những gia đình thiếu cơm bánh, nhưng chắc chắn có những gia đình có người “không được ước muốn, yêu thương, chăm sóc, bị bỏ quên, không có tình yêu”. Theo Mẹ, "tình yêu bắt đầu từ nhà và tình yêu muốn chân thực phải làm ta đau". Mẹ kể lại câu truyện cậu bé Ấn Giáo 4 tuổi ở Calcutta, nghe tin Mẹ không có đường, đã về nói với cha mẹ sẽ nhịn ăn đường trong ba ngày để có đường biếu Mẹ Têrêsa. Mẹ nhận định: em bé này “đã yêu bằng một tình yêu lớn lao, em đã yêu đến lúc nó làm em đau. Và đây là điều tôi muốn đề xướng với qúy vị, để qúy vị thương yêu nhau cho tới lúc nó làm qúy vị đau, nhưng qúy vị đừng quên rằng còn rất nhiều trẻ em, rất nhiều người nam nữ không có những điều qúy vị có. Và xin qúy vị nhớ thương yêu họ cho tới lúc tình yêu này làm qúy vị đau”.

Cái đau trên người nghèo cũng nêu gương cho ta. Mẹ thuật lại cho cử tọa nghe câu truyện: “một tối kia, có người đến cho tôi hay có một gia đình Ấn Giáo với 8 đứa con chưa có gì ăn đã khá lâu và yêu cầu tôi giúp đỡ họ. Tôi liền mang cơm đến cho họ ngay, và kìa người mẹ, kìa khuôn mặt những đứa nhỏ, mắt sáng lên vì đói. Bà mẹ lãnh cơm từ tay tôi, chia đôi và đi ra ngoài. Khi bà trở lại, tôi hỏi bà: bà đi đâu vậy? Bà làm gì vậy? Và câu bà trả lời tôi là: họ cũng đói. Bà biết nhà hàng xóm, một gia đình Hồi Giáo, cũng đói.

“Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả, không hẳn bà ấy cho họ cơm, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn hết là trong sự đau khổ của bà, trong cái đói của bà, bà còn biết một ai khác đang đói, và bà có can đảm chia sẻ, chia sẻ yêu thương”.

Mẹ kết luận: “Và đó là điều tôi muốn nói, tôi muốn qúy vị thương yêu người nghèo, và đừng bao giờ quay lưng với người nghèo, vì khi quay lưng với người nghèo, qúy vị quay lưng với Chúa Kitô. Vì Người đã tự biến Người thành người đói ăn, thành người trần truồng, thành người không nhà, để qúy vị và tôi có cơ hội thương yêu Người, vì Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa thương yêu chúng ta ra sao? Nói rằng: lạy Chúa, con thương yêu Chúa không đủ, mà phải nói: lạy Chúa, con thương yêu Chúa ở đây. Tôi có thể vui hưởng điều này, nhưng tôi xin hy sinh. Tôi có thể ăn đường này, nhưng tôi xin hy sinh nó. Nếu tôi có thể ở lại đây suốt ngày suốt đêm, qúy vị sẽ ngạc nhiên (được nghe) những điều đẹp đẽ của người ta trong việc chia sẻ niềm vui cho đi. Thành thử, tôi cầu xin cho qúy vị để sự thật sẽ đem lời cầu nguyện vào gia đình qúy vị, và nhờ lời cầu nguyện, chúng ta sẽ tin rằng Chúa Kitô ở trong người nghèo. Và khi tin thật như thế, chúng ta sẽ bắt đầu thương yêu. Và khi thương yêu cách tự nhiên, chúng ta sẽ ráng làm một điều gì đó. Trước nhất trong gia đình, rồi hàng xóm, rồi khắp nước và khắp thế giới. Và chúng ta hãy cùng nhau chung lời cầu nguyện, xin Thiên Chúa ban can đảm cho chúng ta để chúng ta bảo vệ trẻ em chưa sinh ra, vì trẻ em là quà phúc vĩ đại nhất Thiên Chúa ban cho gia đình, cho quốc gia và cho toàn thế giới. Xin Thiên Chúa chúc phúc cho qúy vị!”
 
Tổng thống Brazil nhận được điện văn của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
03:01 23/08/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một điện văn cá nhân cho Tổng thống Dilma Rousseff của Brazil, người đang phải vất vả đối phó với khả năng bị truy tố ra tòa vì vi phạm luật ngân sách.

Với 55 phiếu thuận và 22 phiếu chống, Thượng viện Brazil ngày 12 tháng 5 đã thông qua quyết định đưa Tổng thống Dilma Rousseff ra tòa. Trước đó, ngày 17 tháng 4, với 367 phiếu thuận, 137 phiếu chống và 7 phiếu trắng, Hạ viện Brazil đã chính thức thông qua việc luận tội Tổng thống Rousseff vì những cáo buộc liên quan tới thao túng công quỹ để tái đắc cử vào năm 2014.

Bà Dilma Rousseff nói:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết cho tôi một lá thư, tôi sẽ không tiết lộ nội dung. Tôi chỉ có thể nói đó không phải là một lá thư chính thức.”

Một công văn chính thức từ Đức Giáo Hoàng có thể gây ra những khiếu nại về sự can thiệp của Vatican vào tình hình chính trị của Brazil nơi đang rộ lên các nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống. Những nỗ lực này đã làm tăng cao các chia rẽ chính trị, và làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng kinh tế lâu dài và sâu sắc.

Dù sao, các nhà phân tích ở Brazil vẫn cứ cho rằng điện văn của Đức Giáo Hoàng là một dấu chỉ ủng hộ cá nhân cho bà Rousseff.
 
Đức Thánh Cha gởi thông điệp cho Tuần Phụng Vụ toàn quốc Italia
Đặng Tự Do
03:14 23/08/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho Đức Cha Claudio Maniago, giám mục giáo phận Castellaneta, Italia nhân Tuần Phụng Vụ Toàn Quốc Italia thứ 67 đang diễn ra ở Gubbio.

Trong thông điệp, do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gởi nhân danh ngài, Đức Thánh Cha nói rằng toàn bộ phụng vụ là một nơi mà lòng thương xót của Thiên Chúa được “thể hiện, công bố, cử hành, và truyền đạt.”

Riêng về Bí Tích Hòa Giải, ngài nhấn mạnh rằng: Hối nhân là những người đang hòa giải với Thiên Chúa cần được khích lệ để hòa giải với những người khác, trút bỏ sự hằn thù, và tỏ lòng thương xót với những ai đang túng thiếu.
 
Tại cuộc gặp gỡ ở Rimini, tượng Đức Mẹ bị che đi vì sợ khủng bố Hồi Giáo
Đặng Tự Do
03:27 23/08/2016
Cuộc gặp gỡ tại Rimini hàng năm được tổ chức bởi phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng. Cuộc gặp gỡ năm nay được tổ chức từ 19 đến 25 tháng 8.

Trong cuộc gặp gỡ này một người bán sách đã dùng một miếng vải để che một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria. Bà giải thích là “để tránh đụng độ” với những kẻ cực đoan Hồi giáo.

Francesco Curridori, đại diện cho nhà xuất bản Shalom tại cuộc gặp gỡ ở Rimini, nói với các phóng viên truyền hình rằng ban tổ chức cuộc gặp gỡ Rimini không yêu cầu bà che đi bức tượng. Bà tự quyết định làm như vậy “Bởi vì nếu bất cứ điều gì xảy ra, tôi sẽ cảm thấy có trách nhiệm.”
 
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo Nam Sudan cầu nguyện cho hòa bình
Đặng Tự Do
03:45 23/08/2016
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Nam Sudan đã tập trung tại một nhà thờ Anh giáo ở thủ đô Juba hôm 18 tháng 8 để cầu nguyện cho hòa bình trong vùng đất bị tàn phá bởi các cuộc xung đột.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo của thủ đô kêu gọi các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Kitô khác nhau “làm việc cùng nhau để vãn hồi hòa bình và tình huynh đệ.”

Một nhà lãnh đạo Anh giáo Kenya nói “Ở Nam Sudan, có 64 bộ lạc. Và Chúa đã không tạo ra các bộ lạc ở châu Phi để chúng ta thù ghét nhau nhưng là để xây dựng sự đoàn kết mạnh mẽ và tình yêu trong bản thân chúng ta.”
 
Đức Giáo Hoàng muốn đến thăm Bạch Nga
Đặng Tự Do
03:52 23/08/2016
Đức Tổng Giám mục Gábor Pintér, là tân sứ thần Tòa Thánh tại Belarus, hay còn gọi là Bạch Nga, đã đến Minsk để bắt đầu sứ mệnh của ngài. Trong cuộc phỏng vấn với giới báo chí, Đức Tổng Giám Mục cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước có dịp đến thăm quốc gia Đông Âu này.

Hãng tin Interfax cho biết Đức Tổng Giám Mục tiết lộ rằng:

“Đức Giáo Hoàng nói chúng ta nên tìm một thời gian và một cơ hội thuận lợi cho chuyến thăm này. Tôi không thể nói khi nào và như thế nào, nhưng tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng đánh giá tích cực về Belarus.”

Belarus có 9.5 triệu dân trong đó 80% là Chính Thống Giáo Đông Phương và 14% là người Công Giáo.
 
Hồi giáo cực đoan tấn công các Kitô hữu ở Cộng hòa Dân chủ Congo
Đặng Tự Do
04:11 23/08/2016
Các nhóm Hồi giáo cực đaoan đã tăng cường các vụ tấn công vào các làng Kitô giáo tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Sau khi thất bại trong một nỗ lực để lật đổ chính phủ của nước láng giềng Uganda, Lực lượng Liên Minh Dân chủ Hồi giáo đã tập trung sức mạnh của họ vào vùng Đông Bắc Cộng Hoà Dân Chủ Congo, khiến hàng trăm người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Liên Hiệp Quốc ước tính có hơn 600 người đã bị giết chết trong khu vực này trong hai năm vừa qua. Tổ chức Open Doors International báo cáo rằng “nhiều làng mạc đã bị xóa sạch và khó tìm thấy bất cứ cuộc sống dân sự nào còn lại.”

Trong cuộc tấn công gần đây nhất, vào tuần trước, các nhóm Hồi giáo giết chết ít nhất 36 người, và con số nạn nhân có thể lên đến 50 người trong một vụ thảm sát tàn bạo khác ở Bắc Kivu.
 
ĐTC sẽ tham dự Ngày liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi
Linh Tiến Khải
09:16 23/08/2016
VATICAN: Hôm 18-8 vừa qua Phòng báo chí Toà Thánh ra thông cáo cho biết ĐTC sẽ tham dự buổi gặp gỡ kết thúc ngày các tôn giáo và nên văn hóa cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi ngày 20 tháng 9 tới đây.

Ngày cầu nguyện cho hoà bình do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức năm nay có đề tài là “Khát khao hoà bình. Các tôn giáo và nền văn hoá đôi thoại”. Cộng đồng đã đứng ra tổ chức các ngày liên tôn cầu nguyện cho hoà bình này tiếp theo sau Ngày các tôn giáo cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi do thánh Gioan Phaolo II tổ chức lần đầu tiên ngày 27 tháng 10 năm 1986, Hồi đó dại hội quy tụ 50 đại diện các Giáo Hội Kitô và 60 đại diện các tôn giáo lớn toàn thế giới.

Phát biêu nhân dịp này Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Ngày cầu nguyện tự nó là một lời mời gọi thế giới ý thức rằng có một chiều kích khác của hoà bình, và một cách thức khác thăng tiến hoà bình. Nó không phải chỉ là kết qủa của các cuộc thương thuyết hay các giàn xếp chính trị kinh tế. Lời cầu nguyện và chứng tá của các tín hữu thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào có thể góp phần rất nhiều cho nền hoà bình trên thế giới”. Trong diễn văn kết thúc Ngày cầu nguyện Đức Gioan Phaolô II đưa ra lời khích lệ sau đây: “Hãy tiếp tục sống sứ điệp hoà bình, hãy tiếp tục sống tinh thần của Assisi” (LTK Tổng hợp 19-8-2016)
 
ĐTC gửi sứ diệp chào thám các tham dự viên Công nghị Methodist và Valdese
Linh Tiến Khải
09:17 23/08/2016
VATICAN: ĐTC Phanxicô cầu mong các khác biệt giữa các tín hữu Công Giáo và các tín hữu tin lành Methodist và Valdese không cản ngăn tìm ra các hình thức cộng tác trong lãnh vực loan báo Tin Mừng và phục vụ người nghèo, người bệnh, các người di cư và bảo vệ môi sinh.

ĐTC đã bầy tỏ như trên trong sứ điệp gửi các tham dự viên Công nghị tin Lành Methodist và Valdese tại Torre Pellice trong các ngày từ 21 tới 26 tháng 8 này. Trong sứ điệp, do ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, ĐTC bảo đảm sự gần gũi tinh thần và lới cầu nguyện của ngài cho các tham dự viên. Ngài cầu xin Chúa ban ơn cùng nhau bước tới sự hiệp nhất tràn đầy với con tim chân thành để làm chứng tá cho Chúa Kitô một cách hữu hiệu trước gia đình nhân loại, bằng cách gặp gỡ con người ngày nay và thông truyền cho họ cốt lõi của Tin Mừng. Với các lời cầu chúc trên ĐTC khẩn nài Chúa Thánh Thần trợ giúp các kitô hữu sống sự hiệp thông đi trước mọi đối chọi và được sự thương xót và hoà bình của Chúa Kitô.

Hồi tháng 3 năm nay lần đầu tiên trong lịch sử một phái đoàn chính thức của các Giáo Hội tin lành Methodist và Valdese đã được ĐTC tiếp kiến tại Vaticăng. Năm trước đó ngày 22 tháng 6 2015 ĐTC Phanxicô đã viếng thăm nhà thờ Tin Lành Valdese tại Torino. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng viếng thăm một nhà thờ tin lành Valdese.

Tham dự Công nghị có 180 đại diện của hai Giáo Hội tin lành Methodist và Valdese gồm các mục sư và giáo dân. Trong số các tham dự viên có mục sư Benjamin Boni, thủ lãnh Giáo Hội tin lành Methodist Cote d’ Ivoire, mục sư Laurent Schlumberger thủ lãnh Giáo Hội tin lành thống nhất Pháp, mục sư Manfred Rekowski, thủ lãnh Giáo Hôi tin lành vùng Renania bên Đức, bà Carola Tron, đại diện các Giáo Hội Valdese Rio de la Plata Uruguay và Argentina. Đại diện HĐGM Italia có ĐC Ambrogio Spreafico, chủ tịch Ủy ban đối thoại đại kết, và Linh Mục Cristiano Bettega giám đốc văn phòng đối thoại đại kết toàn quốc Italia. Thông cáo của ban tổ chức cho biết Công nghị đã khai mạc với một cuộc rước và buổi cử hành phụng vụ long trọng giữa tiếng chuông đổ dồn của nhà thờ Valdese tại Torino.

Trong các ngày họp Công nghị các tham dự viên sẽ thảo luận ba đề tài chính là: các làn sóng di cư tỵ nạn, kỷ niệm 500 cải cách và con đường đại kết. Đặc biệt sẽ có một cuộc hội thảo bàn tròn về vấn đề các hành làng nhân đạo do Liên hiệp các Giáo Hội tin lành và Cộng đồng thánh Egidio điều hành (SD 22-8-2016)
 
Hồi ký của Đức Bênêđíctô XVI bằng tiếng Anh sẽ phát hành vào Tháng Mười Một năm nay
Chân Phương
09:21 23/08/2016
Hồi ký của Đức Bênêđíctô XVI bằng tiếng Anh sẽ phát hành vào Tháng Mười Một năm nay

Quyển hồi ký của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI - dưới dạng một cuộc phỏng vấn dài với nhà báo người Đức là Peter Seewald - đang được biên dịch sang tiếng Anh và sẽ được phát hành trong Tháng Mười Một năm nay.

Quyển sách mang tựa gốc tiếng Đức là "Letzte Gespräche" (tiếng Anh: "Last Testament", nghĩa là "Giao Ước Sau Cùng") đang được biên dịch bởi ông Jacob Phillips - một giảng viên thần học tại Đại học St Mary, Twickenham (Anh Quốc) và sẽ được xuất bản bởi hãng Bloomsbury.

Tác phẩm này là thành quả của nhiều cuộc phỏng vấn mà nhà báo Seewald đã thực hiện một vài tháng sau khi Đức Bênêđíctô XVI thoái vị chức giáo hoàng hồi năm 2013.

Hồi ký sẽ đề cập đến các sự kiện gần đây như việc cải tổ Giáo triều Rôma, sự thoái vị của Đức Bênêđíctô cũng như về Đức Thánh Cha Phanxicô, bên cạnh đó, nó cũng là một tổng quan về cuộc đời của vị nguyên Giáo hoàng từ thời thơ ấu cho đến lúc ngài làm Giám Mục thành Rôma.

Chúng ta sẽ thấy thời thơ ấu của Đức Bênêđíctô dưới chế độ Đức Quốc Xã, những khó khăn giữa cuộc chiến và sự khám phá ra ơn gọi linh mục của ngài; rồi việc được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Munich và khoảng thời gian làm việc tại Vatican trước khi được bầu vào sứ vụ giáo hoàng. Hồi ký cũng bao gồm vài ngày đầu tiên của ngài trên cương vị là người kế vị Thánh Phêrô, cũng như quyết định thoái vị và những suy nghĩ của ngài về Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trả lời trước nhà báo Seewald, Đức Bênêđíctô đã kể về bản thân mình, đức tin, nhược điểm, đời sống riêng tư, những vụ rối rắm và các vấn đề gây tranh cãi trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Ngoài ra, đức nguyên Giáo hoàng cũng nói về việc cải tổ Giáo triều Rôma, vụ bê bối "Vatileaks" mà nhiều người cho rằng đó là lý do khiến ngài thoái vị, và chỉ ra sự khác biệt giữa ngài và Đức Phanxicô trong ánh sáng một "bản sắc riêng" so với vị giáo hoàng kế nhiệm người Argentina.

"Last Testament" là quyển sách dưới dạng phỏng vấn thứ tư mà nhà báo Seewald thực hiện với Đức Bênêđíctô. Hồi năm 2010, ngài cũng đã xuất bản quyển "Light of the World" (Ánh Sáng Thế Gian), và đang khi còn là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ngài cũng cho ra mắt quyển "Salt of the Earth" (Muối Cho Đời) và "God and the World" (Thiên Chúa và Trần Thế).

Ông Jacob Phillips - dịch giả tiếng Anh của quyển sách lần này là một thân hữu của Trung tâm Tôn giáo Xã Hội Benendict XVI, trực thuộc Đại học St Mary. Ông có học vị tiến sĩ tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn cho công trình viết về mục sư Dietrich Bonhoeffer thuộc Giáo Hội Luthêrô là nạn nhân của Đức Quốc Xã. (CNA)

Chân Phương
 
Giáo Hội Nam Hàn tổ chức hành hương và diễn đàn hoà bình
Vatican Radio
11:18 23/08/2016
SEOUL: Trong các ngày từ 13 đến 19 tháng 8 Tổng giáo phận Seoul đã tổ chúc cuộc hành hương hoà bình đến vùng biên giới giữa Bắc và Nam Hàn từ Goseong tới Imjingak.

Cuộc hành hương được tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng Đại Hàn lần thứ 71 cử hành hôm 15 tháng 8 vừa qua. Tham dự cuộc hành hương có các bạn trẻ đến từ các nước Serbia. Slovenia, Libăng và Nam Sudan. ĐHY Yeom Soo-Jung, TGM Seoul, và ông Hong Yong-Pyo, Bộ trưởng hiệp nhất của chính quyền, cũng tham dự. ĐHY cho biết ngài cảm thấy thực tại nặng nề của tình trạng chia rẽ giữa hai miền Nam Bắc Hàn. Ngày nay chúng ta đứng trước các căng thẳng quân sự bên Đông Á, các cuộc nội chiến ở khắp nơi trên thế giới, và các hiện tượng khủng bố không phân biệt, Tuy tình hình nghiêm trọng nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có thể khước từ niềm hy vọng vào một nền hoà bình đích thực”.

Linh Mục Chung Se-Teok, chủ tịch uỷ ban hòa giải của nhân dân Đại Hàn, nói: “Tôi hy vọng nhờ sáng kiến này các bạn trẻ trở thành những người hoạt động cho hoà bình trong tương lai, bằng cách thăng tiến hoà giải và tìm giải quyết các tranh cãi lớn nhỏ.”

Sau khi kết thúc ngày tuần hành sẽ có một Diễn đàn đặc biệt cho hoà bình tại Đại Hàn với sự tham dự của hàng trăm khách mời, trong đó có ĐHY Boutros Béchara Rai của Libăng, ĐHY Vinko Puljic của Bosni Erzegovina, ĐTGM Stanislav Hocevar của Belgrad, nghĩa là tất cả các nước đã sống kinh nghiệm chiến tranh xung khắc. Ngoài ra cũng có sự hiện diện của các vị lãnh đạo Công Giáo, các thần học gia, giới trí thức, các chuyên viên dấn thân trong các vùng có nội chiến hay các vụ khủng bố. Các vị sẽ đối chiếu, trao đổi ý kiên liên quan tới các con đường và chiến thuật giúp đạt hoà giải lâu bền tại Đại Hàn và trên thế giới. Đề tài đầu tiên là “Vai trò của Gío Hội Công Giáo đối với nền hoà bình trên thế giới”; đề tài thứ hai là “Các nỗ lực quốc tế về một giải pháp cho các tranh chấp”; đề tài thứ ba là “Thực tại của Đại Hàn: bắt mạch và các giải pháp” (FIDES 17-8-2016)
 
Top Stories
La mobilisation du diocèse de Vinh contre la pollution maritime se poursuit
Eglises d'Asie
09:45 23/08/2016
La mobilisation du diocèse de Vinh contre la pollution maritime se poursuit.

Dimanche 7 août dernier, près d’une dizaine de milliers de catholiques de Vinh, à l’appel de la hiérarchie du diocèse, se sont mobilisés sur les routes du pays. De longs cortèges se sont formés pour protester contre la catastrophique pollution de l’environnement maritime déclenchée par l’usine taïwanaise Formosa, installées sur les côtes de la province du Ha Tinh. Le complexe industriel a déversé en mer des matières toxiques qui ont provoqué la mort d’innombrables poissons et crustacés de toutes espèces, qui sont venus s’échouer sur les plages de quatre provinces côtières du Centre-Vietnam; le début de la pollution date des premiers jours du mois d’avril. Elle a suscité rapidement les protestations de groupes, de villages, de la hiérarchie catholique, avec une lettre pastorale de l’évêque du lieu particulièrement sévère pour l’incurie des autorités locales. La manifestation du 7 août était en quelque sorte la conclusion d’une série de protestations locales ayant eu lieu dans les diverses paroisses du diocèse.

C’est un communiqué publié le 27 juillet 2016 par la Commission diocésaine ‘Justice et Paix’, signé par l’évêque lui-même, qui avait proposé aux catholiques de choisir le 7 août comme jour consacré à la protection de l’environnement. Les motivations de la manifestation y étaient clairement exposées: « Notre environnement vital est gravement menacé. Le complexe sidérurgique Formosa du Ha Tinh a rejeté des déchets toxiques dans les eaux de la mer, provoquant de graves dommages pour la vie de la population, des dommages qui se prolongeront durant de nombreuses années encore. Ces derniers jours, la presse a informé ses lecteurs que Formosa non seulement rejetait ces déchets en mer, mais enfouissait en terre des substances toxiques en de nombreux endroits. » Le communiqué proposait aux catholiques de faire du 7 août, une journée de prière pour la protection de l’environnement naturel et de protestation contre les atteintes récentes à l’équilibre écologique.

Le 7 août dernier, la manifestation principale a rassemblé plus de cinq mille fidèles, dont beaucoup étaient des pêcheurs, venus de différentes paroisses. Selon le curé de la paroisse de Phu Yên, un des animateurs du mouvement, les manifestants appartenaient principalement à trois grosses paroisses. Mais certains groupes venaient d’autres paroisses éloignées de Vinh d’une dizaine de kilomètres.

Selon les comptes-rendus des radios étrangères et le témoignage du curé de Phu Yên, la première motivation des participants était la volonté de s’exprimer sur la catastrophe écologique provoquée sur l’environnement maritime par l’usine taïwanaise. Les calicots demandaient la fermeture immédiate de l’usine dont les responsables devaient auparavant indemniser les victimes et restaurer les dégâts causés à la faune maritime.

Le cortège formé par l’ensemble des manifestants occupait à lui seul plus d’un kilomètre de route et a traversé de nombreuses communes. Selon le curé de Phu Yên, l’itinéraire de la manifestation, ainsi que les horaires, avaient été présentés auparavant aux autorités locales afin que celle-ci assurent la sécurité. Selon les dires du prêtre, des forces policières considérables avaient été postées sur le parcours. Aucun heurt cependant ne s’est produit, en respect de la consigne donnée aux participants de défiler dans le respect et la non-violence. Pourtant, les jours précédant la manifestation et particulièrement la veille, un peu partout, la tension était très forte et préoccupait les responsables. Le jour même, le calme était revenu et la manifestation s’est déroulée sans que la police fasse preuve d’agressivité.

Le même dimanche 7 août, d’autres manifestations de moindre ampleur, rassemblant quelques centaines de personnes, ont eu lieu en divers autres lieux du diocèse, en particulier dans la province de Quang Binh et de Ha Tinh. Là aussi, les forces de l’ordre étaient présentes en grand nombre. Il faut signaler tout particulièrement le groupe de plus de 700 manifestants, des catholiques de l’ancienne paroisse de Dong Yên, qui sont parvenus jusqu’aux portes de l’usine Formosa pour y faire connaître leurs sentiments. Les participants portaient inscrit sur leurs vêtements la phrase: « Formosa, fous le camp du Vietnam ! », et d’autres slogans de ce type. C’est le seul endroit où des heurts, sans conséquence toutefois, ont eu lieu entre les forces de l’ordre et les manifestants.

Récemment, le 22 août, un communiqué du ministère vietnamien des Ressources naturelles et de l’Environnement s’est efforcé de ramener de l’optimisme au sein de l’opinion publique. Selon lui, une enquête portant sur les quatre mois de pollution dans les quatre provinces touchées montrerait que le taux de substances toxiques aurait considérablement diminué et que de jeunes poissons commenceraient à voir le jour. (eda/jm)

(Source: Eglises d'Asie, le 23 août 2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sa mạc huấn luyện giáo lý viên hạt Hố Nai
Du Mục
08:53 23/08/2016
GIÁO LÝ VIÊN GIÁO HẠT HỐ NAI SA MẠC HUẤN LUYỆN CHỦ ĐỀ “DẤN THÂN”

Ngày 20, 21/8/2016, các anh chị GIÁO LÝ VIÊN (GLV) hạt Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc đã tham gia hội trại Sa Mạc với chủ đề "Dấn Thân".

Xem Hình

12h00 trưa thứ 7, từng tốp anh chị GLV từ 17 giáo xứ bắt đầu tập trung về khu đất trại để làm thủ tục nhập trại. Từng gương mặt tràn đầy năng lượng đã sẵn sàng cho 2 ngày học tập, vui chơi và rèn luyện.

Vào đất trại, các đội đã bắt tay ngay vào thi đua dựng lều. Những kỹ năng nút dây-lều trại đã được thực hiện rất thuần thục dù cho khu đất trải địa hình không thuận lợi.

Bài khóa nghiêm tập là hành trang để các trại sinh sử dụng trong suốt hành trình của mình, từ một tập thể còn rời rạc thì nay toàn trại đã nhanh chóng có những đội hình đẹp để tham gia những hoạt động.

Nghi thức khai mạc diễn ra long trọng và trang nghiêm. Thành phần tham dự Khai Mạc:

- Cha Tuyên Úy

- Cha Sa Mạc Trưởng

- BTS Thiếu Nhi giáo phận

- Ban Điều Hành Sa Mạc

- Gần 300 Sa mạc sinh

Sau Lễ chào cờ và sự giới thiệu thành phần tham dự của Sa Mạc Phó, Cha sa mạc trưởng nêu ý nghĩa, mục đích và tuyên bố Khai mạc sa mạc, Cha tuyên úy nêu Ý lực sống và Thánh hóa sa mạc.

Sau những giây phút đầu bỡ ngỡ thì các SMS đã làm quen với nhau trong giờ sinh hoạt đầu tiên, những cái bắt tay, những câu chuyện khiến cho tình thân của mọi người được tăng cao.

Bài khóa Lửa Thiêng Thánh Thể hướng dẫn SMS cách thức chuẩn bị-thực hiện một buổi Lửa Thiêng sao cho ý nghĩa và lắng động.

Cao điểm của ngày là buổi Lửa Thiêng Thánh Thể, các nhóm đã có những tiết mục rất hay tuy thời gian chuẩn bị không có nhiều. Các tiết mục xoay quanh cốt truyện trong Kinh Thánh nói về Lòng Thương Xót của Chúa và tấm gương của Lòng Thương Xót giữa xã hội ngày nay. Kết thúc lửa Thiêng, các đội đã thực hiện nghi thức Mang Lửa Về Tim và quỳ trước Thánh Thể Chúa, dâng hết những âu lo muộn phiền cho Người.

Sáng sớm ngày Chúa Nhật, nghi thức Chào cờ đầu ngày và câu chuyện dưới cờ của Cha Sa Mạc Trưởng muốn gửi đến các SMS lời chia sẻ: Hãy ra đi Dấn Thân cho lý tưởng của mình. Và Cha cũng tuyên bố ý lực sống của ngày thứ 2 là: Rước Lễ và Làm Tông Đồ. Lúc này, Thánh Thể Chúa cũng đã hiện diện giữa Sa Mạc để các SMS có thể gần gũi Chúa hơn.

Sau giờ ăn sáng là bài khóa Đời Sống Đạo Đức Người Huynh Trưởng do Cha Giuse Đỗ Đức Trí, trưởng ban Giáo Dục Công Giáo giáo phận Xuân Lộc chia sẻ. Những tấm gương đạo đức, những chuẩn mực trong đời sống của người Huynh Trưởng đã được Cha Giuse chia sẻ với SMS.

Đúng 8h00, Thánh Lễ ngày Chúa Nhật diễn ra ngay tại Sa Mạc trong bầu khí rất trang nghiêm do Cha Tuyên Úy và Cha Sa Mạc Trưởng đồng tế.

Trong bài giảng, Cha Sa Mạc Trưởng hỏi thăm tình hình sức khỏe của các SMS và Ngài mong muốn các SMS luôn thể hiện tinh thần hăng say Dấn Thân như tên gọi của trại Sa Mạc này.

Sau Thánh Lễ là bài khóa Phương Pháp Giáo Dục của PTTNTT, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể sử dụng những phương pháp thích hợp để giáo dục thanh thiếu niên về hai phương diện tự nhiên và siêu nhiên.

Tự nhiên: Dùng những phương pháp tự nhiên như ca vũ, sinh hoạt ngoài trời, vào sa mạc, hoạt động xã hội... mà các hoạt động này được thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh.

Siêu nhiên: Đặt căn bản cho đời sống tinh thần bằng cách Sống Ngày Thánh Thể qua việc dâng ngày, cầu nguyện, rước lễ, thực hiện bó hoa thiêng liêng, tĩnh huấn, chia sẻ Lời Chúa.

Không chỉ có học tập, các SMS còn được vui chơi qua Trò Chơi Thánh Kinh. Cốt truyện của trò chơi xoay quanh câu chuyện của dụ ngôn Người Con Hoang Đàng:

- Người con đòi chia gia tài: Các đội lên và dùng cây gậy tìm câu LỜi Chúa sao cho đúng và phù hợp (chia gia tài)

- Người con ăn xài phung phí và khi hết tiền phải làm lụng vất vả, phải chăn heo: Các đội dùng những câu Lời Chúa (tài sản) mà mình có được để sử dụng (tiêu xài) mua bong bóng thổi, rồi dùng cây đẩy quả bóng bóng đó vào vị trí của đội (chăn heo)

- Người con hối hận và trở về cùng gia đình: Bánh kẹo được bày ra (mở tiệc) khi người con trở về.

Chưa hết vui với trò chơi Kinh Thánh thì sau giờ ăn trưa, các SMS lại tiếp tục với Hành Trình Sa Mạc.

Bốn trạm chính muốn hướng đến các SMS bốn lời hứa của người Thiếu Nhi: Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh và Làm Tông Đồ.

Ở mỗi trạm, các SMS như lạc vào thế giới của mỗi vị Thánh có những tấm gương của bốn lời hứa trên, từng thử thách được các SMS thực hiện một cách nhiệt tình và hăng say.

Kết trạm, người điều khiển nhắc nhớ SMS luôn tâm niệm bốn lời hứa ấy trong đời sống Huynh Trưởng của mình và luôn là tấm gương cho các em Thiếu Nhi.

Nghi thức Bế Mạc, SMP báo cáo tình hình hai ngày hội trại Sa Mạc Dấn Thân.

Đặc biệt trong nghi thức Bế Mạc có sự hiện diện của Cha quản hạt giáo hạt Hố Nai, Ngài đã rất quan tâm đến những Huynh Trưởng trong giáo hạt và đã đến chia sẻ cũng như tiếp thêm tinh thần cho các SMS.

Cuối cùng, Cha Tuyên Úy cũng phát lệnh Bế Mạc Sa Mạc Dấn Thân 2016 của GLV hạt Hố Nai.

Những cái bắt tay chia tay, những tấm hình được lưu giữ sẽ luôn là kỷ niệm với mỗi SMS.

Suốt hai ngày cùng nhau sinh hoạt học tập thảo luận chia sẻ kinh nghiệm, thời gian trôi qua rất nhanh, SMS phải trở về cuộc sống đời thường đem theo những gì đã lãnh nhận làm hành trang cho những ngày phục vụ sắp tới, nhiệt tình mới hơn, phương pháp mới hơn.

Hẹn gặp lại vào Sa Mạc sau.

Tin: Du Mục

HÌnh Ảnh: Ban Truyền Thông Sa Mạc
 
Lễ Thêm Sức tại giáo xứ Búng giáo phận Phú Cường
Phượng Nguyễn
09:09 23/08/2016
LỄ THÊM SỨC, BAO ĐỒNG TẠI GIÁO XỨ BÚNG Chúa Nhật 21-8-2016

Chiều Chúa Nhật tràn ngập nắng vàng nơi khuôn viên thánh đường Giáo xứ Búng, lúc 16g ngày 21-8-2016, tiếng chuông ngày đại lễ vang tưng bừng, hòa với tiếng trống, tiếng kèn, và sự nô nức của cộng đoàn dân Chúa hân hoan chào đón Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước- Giám mục giáo phận đến ban Bí Tích Thêm Sức cho 46 em, và 40 em Rước lễ Bao Đồng sau 3 năm học giáo lý chuyên chăm. Từ đây tâm hồn các em là đền thờ Thánh Thần, luôn có Chúa hướng dẫn trên bước đường tương lai.

Xem Hình

"Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được.(Lc 12, 22-30) Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta hưởng ơn cứu độ của Ngài, những người biết sống, vác thập giá theo chân Ngài một chiều xưa trên đồi Calvê loang máu và thái độ chọn lựa, tin tưởng tuyệt đối vào tình thương Chúa; tuyên xưng niềm tin, loại bỏ những gì không phù hợp qua cửa hẹp, với những khổ đau, thử thách hôm nay, tìm vinh phúc Nước Trời mai sau.

Sau bài giảng, Đức Cha Giuse với gậy và mũ mitra ra trước bàn thờ, cha sở Micae giới thiệu về khóa giáo lý và 46 em đã sẵn sàng xin Đức Cha trao ban Bí Tích Thêm Sức. Các em tuyên xưng lại lời hứa khi chịu phép Rửa tội. Đức Cha Giuse là người kế vị các thánh Tông đồ, đại diện Hội Thánh Công Giáo, Xức Dầu Thánh trên trán các em.

Các em Rước lễ Bao Đồng tuyên xưng Đức tin, quyết tâm xa lìa tội lỗi, nhận sách Phúc Âm làm hành trang để sống đời sống mới trong Đức Kitô.

Sau phần hiệp lễ, vị đại diện Hội Đồng Giáo xứ, và em Thiếu Nhi cảm tạ tri ân Đức Cha Giuse vì tình thương đến chủ tế và trao ban Bí Tích Thêm Sức, để các em mang hình ảnh Chúa KiTô đi khắp muôn nơi; cám ơn cha sở Micae Lê văn Khâm và hai cha phó đã mở các lớp giáo lý cho các em; các dì, các giáo lý viên, các anh chị Huynh trưởng dìu dắt các em suốt khóa học; cảm ơn cha mẹ luôn làm gương sáng, thôi thúc các em siêng năng chịu lễ, Rước lễ, các việc đạo đức trong đời sống.

Và dâng lên Đức Cha Giuse, cha sở Micae bó hoa tươi thắm để tỏ lòng biết ơn của các em, trong tràng pháo tay của những ân nhân, thân nhân, những người hiện diện, các hội đoàn của Giáo xứ Búng.

Đức Cha Giuse ban phép lành Toàn xá, cộng đồng hân hoan cúi nhận trong niềm tin yêu.

"Xin đóng ấn tín Ngài Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa. Suốt đời con thề nguyện ước sẽ trở thành, là muối, là men là ánh sáng cho trần gian, chiếu sáng cho gian trần.. . " Tiếng hát vút cao, trong trẻo của các em Thiếu Nhi, làm mọi người nhớ lại những ngày thơ ấu, khi được Rước lễ, Thêm Sức cũng nơi ngôi thánh đường này, trên gian cung thánh này, và ra về trong ánh nắng chan hòa, dẫm trên những lá sao đang xào xạc trên lối đi, với những cảm xúc thiêng liêng đang trào dâng trong lòng; dâng lời cầu nguyện cho các em mãi trắng trong, xinh tươi như những đóa hoa cài trên tóc, với một lời hứa không phai ngày đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, thêm sức mạnh, khôn ngoan từng bước vào đời.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 16g15. Các em được nhận những món quà nhỏ và ra về trong niềm vui Năm Thánh, mong sao các em sẽ là những chứng nhân cho Tin Mừng, là những viên gạch sống động góp phần xây dựng một Giáo Hội duy nhất vững bền trong Nước Cha.

Ban Truyền Thông
 
Đan Viện Châu Sơn Sacramento California Mừng Bổn Mạng
Lê Quang Uyên
17:17 23/08/2016
Đan Viện Châu Sơn Sacramento California Mừng Bổn Mạng

Hằng năm vào tháng 8 nhân ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Sacramento California Hoa Kỳ cùng Cộng Đoàn Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ tổ chức Mừng Lễ Bổn Mạng, năm nay được tổ chức vào 2 ngày thứ Sáu 19 tháng 8 và thứ Bảy ngày 20 tháng 8 năm 2016 tại Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn ở Walnut Grove, California

Xem Hình

Chiều thứ Sáu ngày 19 tháng 8 các cộng đoàn Gia đình Châu Sơn khắp nơi tề tựu về Đan Viện có phần đông hơn mọi năm, tuy khí hậu mùa hè Cali có phần nắng nóng và oi bứt đối với các cộng đoàn vùng xứ lạnh, nhưng nó cũng không đủ sức để mọi người cảm thấy khó chịu về thể lý, bởi lòng yêu mến và sùng kính Đức Mẹ qua cách sống lao động và chiêm niệm của các Đan Tu Sĩ vào những giờ lao động với cánh đồng bát ngát và 7 giờ kinh trong mỗi ngày.

Bắt đầu khai mạc Đại Hội bằng Thánh Lễ Tôn Kính Thánh Giuse tại Hội Trường Đan Viện vào lúc 7 giờ tối ngày thứ Sáu 19 tháng 8 do Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương cựu Phụ Tá Địa Phận Orange California Chủ Tế, cùng Đồng Tế có quý Cha Đan Viện, quý Thầy và Cha Cố Antôn Lê Quang Trình đến từ Portland, Oregon, và quý Cha khách. Cùng hiện diện tham dự Thánh Lễ có qúy Sơ các Hội Dòng như Mên Thánh Giá Đà Lạt, Thủ Thiêm v.v…và quý hội viên Gia Đình Châu Sơn các miền khắp nơi về tham dự 2 ngày Hành Hương năm nay.

Trước khi vào Thánh Lễ Cha Bề Trên Đan Viện Vincent Nguyễn Đình Hậu O,Ist. ngỏ lời chào đón và cám ơn Đức Cha Đaminh, quý Cha, quý Sơ các Hội Dòng và tất cả quý hội viên Gia Đình Châu Sơn đã hy sinh thời gian để về Đan Viện tham dự 2 ngày Đại Hội nầy.

Sau khi kết thúc Thánh Lễ có nghi thức cung nghinh Thánh Thể quanh khuôn viên Đan Viện và sau đó được kiệu Mình Thánh Chúa về nhà nguyện của Đan Viện.

Bước qua ngày thứ Bảy 20 tháng 8 vào lúc 9 giờ sáng.Nghi thức Kiêụ Đức Mẹ từ Trung Tâm đến Hội Trường Đan Viện với số lượng hội viên tham dự rất đông đảo, đi theo đoàn kiệu có quý Cha và quý Sơ …

Kết thúc nghi thức Cung Nghinh Đức Mẹ là Thánh Lễ Đại Trào tại Hội Trường do Đức Viện Phụ Xito Thomas X. Davis ở New Clever CA Chủ Tế, cùng Đồng Tế có Đức Cha Đanminh Mai Thanh Lương, Cha Bề Trên Đan Viện Vincent Nguyễn Đình Hậu, O,Ist. Cha Phụ Trách Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ Đominic Trần Thiết Hùng, O,Ist. Quý Cha của Đan Viện Châu Sơn như Lio Nguyễn Văn Tiên, Nicolas Lê Quang Thành, Cha cố Antôn Lê Quang Trình cùng quý Cha khách.

Tham dự Thánh lễ Đại Trào ngoài các Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Sơ các Hội Dòng còn có rất đông hội viên của 20 miền đến từ khắp Tiểu Ban Hoa Kỳ và 1 miền ở Vannes Pháp Quốc.

Chia sẻ lời Chúa hôm nay do Cha Bề Trên Đan Viện Vincent Nguyễn Đình Hậu, O.Ist. giảng thuyết dựa vào Bài Phúc Âm của Thánh Luca (1, 39-56). Cha muốn nhấn mạnh đến với cộng đoàn về ý nghĩa ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 1 trong 4 tín điều mà Giáo Hội tôn vinh Mẹ được Đức Giáo Hoàng Piô 12 đã công bố vào ngày 01-11-1950. qua Hiến chế "Munificentissimus Deus"…Cha chia sẻ, chúng ta là con cái của Mẹ, chúng ta là những con người mang thân phận yếu hèn, vậy chúng ta hãy noi gương và học hỏi cách sống bằng những sự hy sinh và phục vụ như Mẹ đã phục vụ cho người chị họ Elizabeth khi được tin bà chị họ tuổi đã cao mà được mang thai, Mẹ đã lặn lội bao khó nhọc để lên đường trong khi Mẹ cũng đang được diễm phúc mang trong lòng người con Thiên Chúa. Vậy, chúng ta cùng với Mẹ để tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta được làm con cái của Chúa, biết sống như Mẹ sống, nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng ơn phúc lên Trời cùng với Mẹ ở đời sau.

Cuối Thánh Lễ Cha Phụ Trách Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ, Đôminic Trần Thiết Hùng đã ngỏ lời cám ơn Đức Viện Phụ Thomas X. Davis, Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương, quý Cha, quý Sơ và tất cả các hội viên Gia Đình Châu Sơn, đồng thời Cha Phụ Trách cũng nhắc lại Lịch sữ sự hình thành Đan Viên Thánh Mẫu Châu Sơn Sacramento CA vào lúc khởi đầu từ năm 1998 cho đến hôm nay đã 16 năm qua. Cha chia sẻ, rất vui mừng và không hết lời cảm tạ Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Hồn Xác Lễ Trời, cho ngài được gặp Đức Viện Phụ Thomas X. Davis thuộc Dòng Xitô ở New Clever CA Hoa Kỳ trên đất Pháp khi Ngài từ Việt Nam đang du học tại Pháp quốc, với ý tưởng muốn mở rộng và xây dựng Đan Viện Châu Sơn tại quê hương mới của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ từ Dòng Mẹ chính ở Đơn Dương Lâm Đồng Việt Nam. Qua cuộc tiếp xúc đó sau khi mãn học sang thăm Hoa Kỳ để thăm dò, Ngài đã được Đức Viện Phụ Thomas X. Davis quan tâm và nâng đỡ rất nhiều, nhờ đó mới có được cơ sở như hôm nay. Ngoài ra, cũng không quên cám ơn các vị ân nhân là những người ngoại quốc, đã hiến dâng khu đất rộng lớn gồm 50 acres (56 mẫu tây) nầy và Ngài đã giới thiệu từng vị ân nhân được mời đến tham dự Thánh Lễ nầy hằng năm, vì lòng sùng kính và bác ái nên những gia đình trên đã tạo điều kiện và giúp đỡ cho Đan Viện, cũng như các hội viện của các cộng đoàn Việt Nam khắp nơi trên nước Mỹ đã hưởng ứng và cộng tác với Đan Viện trong những ngày đầu tiên mới đặc chân đến mãnh đất xa lạ nầy và bây giờ vẫn tiếp tục và tiếp tục… “Hồng Ân, Tất Cả là Hồng Ân”.

Qua thời gian đã ổn định cơ sở thì Đan Viên Thánh Mẫu Châu Sơn Sacramento được cho Thành Lập ngày 1 tháng 10 năm 2004, do Đức Cha William K. Weigand, Giám Mục Giáo Phận Sacramento, Hoa Kỳ cấp.

Sau lời cám ơn, Cha Phụ Trách đã hướng dẫn cộng đòan đọc kinh “Cầu Cho Các Linh Hồn” đặc biệt cho các linh hồn hội viên đã qua đời. Sau đó Cha ngỏ lời mời quý Đức Cha, quý Cha, quý Sơ, quý Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả quý hội viên ở lại dùng buổi tiệc mừng và chương trình văn nghệ gíup vui.

Chương trình Đại Hội Mừng Bổn Mạng của Đan Viện được chất dứt lúc 3 giờ chiều, mọi người ra về trong hân hoan và lưu luyến, cùng nhau xin hẹn gặp lại năm sau ngày19 tháng 8 năm 2017.

Lê Quang Uyên
 
Đan viện Cát Minh Phú Cường cung hiến nguyện đường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
17:32 23/08/2016
Đan viện Cát Minh Phú Cường cung hiến nguyện đường

Đan viện Cát Minh Phú Cường tọa lạc tại số 3 khu phố Tân Bình, phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; liền ngay sau nhà thờ Thánh Tâm – Giáo xứ Bến Sắn đã cung hiến nguyện đường

Xem Hình

Vào lúc 8g00 sáng ngày 22/8/2016, chúng tôi có mặt trong khuôn viên đan viện, một khuôn viên nhỏ, giờ này càng nhỏ hơn bởi sự hiện diện của khoảng 1.000 khách thập phương về đây tham dự Thánh lễ Tạ Ơn - Cung hiến ngôi nhà nguyện vừa mới hoàn thành sau 18 tháng thi công.

Đến 9g00, sau tiếng kèn đồng, đoàn rước xương các thánh tử đạo, khoảng 70 linh mục cùng Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường, đã tiến ra cuối nhà nguyện để cắt băng khánh thành; Đức Cha đọc lời nguyện và trao chìa khóa cửa nhà nguyện cho cha xứ Bến Sắn Đa Minh Nguyễn Đức Trung.

Khi cánh cửa được mở, Đức Giám Mục, đoàn linh mục đồng tế cùng cộng đoàn bước vào nhà nguyện, cùng hát vang bài “Vào Nhà Chúa”: Hân hoan bước vào nhà Chúa, một niềm tin sắc son, không ngơi. Tình thân thương hiệp nhất muôn lòng với bao hy vọng...”

Sau khi ổn định chỗ ngồi, Đức Cha Giuse làm phép nước và rảy lên cộng đoàn cùng bàn thờ với ý chỉ: Xin Thiên Chúa tẩy rửa tâm hồn tín hữu Chúa cùng ngôi nhà nguyện này để xứng đáng là nơi Chúa ngự.

Tóm tắt nghi thức cung hiến:

1 – Hát kinh cầu các thánh. Nhận biết thân phận con người thật yếu đuối mỏng dòn, toàn thể cộng đoàn hơn 10 phút đắm chìm trong tâm tình, xin các thánh cầu thay nguyện giúp cho mỗi tâm hồn tín hữu trở thành đền thờ Chúa ngự cho thật sạch trong như lòng Chúa mong muốn.

2 – Đặt xương các thánh tử đạo Việt Nam: Phaolô Phạm Khắc Khoan, Anê Lê Thị Thành và Mátthêu Lê Văn Gẫm. Công đoàn lắng nghe đọc tiểu sử của các ngài trước khi Đức Giám Mục đặt dưới bàn thờ.

3 – Lời nguyện cung hiến. Dâng lên Thiên Chúa ngôi nhà nguyện này, Đức Cha Giuse giang tay đọc lớn tiếng lời nguyện sau: Lạy Cha, chúng con nài xin Cha tuôn đổ ơn thánh hóa bởi trời xuống trên bàn thờ dựng trong ngôi thánh đường này, để mãi mãi là bàn thờ cung hiến cho Hy Tế của Đức Kitô và trở nên bàn ăn của Người, để ở đó dân Chúa được tiệc thánh thiêng bổ dưỡng.

4 – Xức dầu bàn thờ: Đức Cha dùng dầu thánh xức lên bàn thờ và các góc cạnh bàn thờ. Cha Tổng Đại diện Micae Lê Văn Khâm và cha Đa Minh Nguyễn Đức Trung cùng lau dầu với Đức Cha. Xin Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài thánh hóa bàn thờ này, để bàn thờ trở nên dấu hiệu hữu hình, diễn tả mầu nhiệm Đức Kitô đã dâng mình cho Chúa Cha vì sự sống của thế gian.

5 – Xông hương bàn thờ, nhà nguyện: Lạy Chúa, xin cho lời nguyện cầu của chúng con bay lên trước tôn nhan như hương trầm nghi ngút; và như nhà này đầy mùi thơm thế nào, thì xin cho Hội Thánh Chúa cũng toả lan hương thơm Đức Kitô như vậy!

6 – Phủ khăn và thắp sáng bàn thờ. Để tôn vinh Đức Kitô là Ánh sáng thế gian, Đức Cha Giuse đã thắp sáng ngọn nến và đọc: Xin ánh sáng Chúa Kitô chiếu sáng bàn thờ này và xin cho những người dự bàn tiệc của Chúa cũng được sáng lên ánh sáng ấy.

7 – Trao chứng chỉ cung hiến.

Trong bài giảng, Đức Cha đã giảng về ngôi đền thờ, mọi người có thể hiểu: Đền thờ Giêrusalem xưa đã được xây dựng 46 năm, rất hoành tráng và đã được cung hiến cho Thiên Chúa, vậy mà ngôi đền thờ ấy đã biến thành nơi buôn bán, là sào huyệt của kẻ cướp. Hôm nay, chúng ta cung hiến cho Thiên Chúa ngôi nhà nguyện của Đan viện Cát Minh, thật đẹp, chúng ta cố gắng duy trì cho được mãi như vậy. Đồng thời, chúng ta cũng dâng lên Thiên Chúa ngay bản thân mỗi người chúng ta, cũng phải giữ cho trong sạch để xứng đáng là nơi Chúa ngự, đừng như những ngôi đền trước đây đã bị bỏ hoang không chăm sóc và mau mục nát.

Trước khi thánh lễ kết thúc, Đan nữ Myriam Chúa Giêsu Nguyễn Thị Trúc – Đại diện Đan viện, có đôi lời cảm ơn Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ, quý chính quyền, quý ân nhân và quý khách. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả.

Thánh lễ kết thúc, mọi người cúi đầu nhận phép lành với ơn Toàn xá.

Tôma Đỗ Lộc Sơn – Truyền thông Phú Cường.
 
Chương trình Lễ Tấn phong Giám Mục Giuse Nguyễn Thế Phương và Nghi lễ tiếp nhận Ngai Toà Giáo phận Kamloops
Dominic David Tran
19:02 23/08/2016
CANADA - Đối với Giáo Phận Công Giáo Kamloops thuộc Tỉnh Bang British Columbia nói chung và đối với Cộng Đồng Công Giáo người Canada gốc Việt Nam thì vào ngày Thứ Năm 25 tháng Tám năm 2016 này sẽ lại là một ngày lịch sử, một ngày cầu nguyện đặc biệt để “ Đội Ơn Thiên Chúa” và “Cảm ơn Canada-Thank You Canada/Merci Canada again!” Đây sẽ là ngày tấn phong chính thức cho Đức Cha tân cử Giuse Nguyễn Thế Phương trở thành vị Giám Mục Chính Toà đời thứ Sáu của Giáo phận Kamloops thuộc Tổng Giáo phận Vancouver Canada.

ĐẠI LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC

Giáo phận Công Giáo Kamloops hân hoan kính mời Quý vị
đến tham dự Thánh Lễ Truyền Chức Giám Mục và Tấn Phong của
Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương
Giám Mục Chính Toà đời thứ Sáu của Giáo phận Kamloops
Vào lúc 3:00PM chiều ngày thứ Năm ngày 25th tháng Tám năm 2016
tại Sandman Centre, tại địa chỉ số 300 Lorne Street, Kamloops, British Columbia BC, V2C 1W3.

Đức Cha J. Michael Miller, CSB, Tổng Giám Mục Vancouver là vị Chủ tế Thánh Lễ và Chủ Phong.
Đồng Phụ Phong bởi Đức Cha Stephen Jensen, Giám Mục Chính Toà Giáo phận Prince George;
và Đức Cha David Monroe, Nguyên Giám Mục Chính Toà Giáo Phận Kamloops.

Ngay sau Đại Lễ sẽ có buổi tiếp tân nhẹ gặp Đức Tân Giám Mục tại công viên Riverside Park.

Trân trọng Kính Mời.
Giáo Phận Công Giáo Kamloops
.

(Ghi chú về việc đậu xe; trên trang nhà www.rckd.org;
Ban Tổ chức có đăng bản đồ chỉ đường đến Sandman Centre, và ghi rõ ta nên đến sớm để đậu xe
đúng nơi quy định như sau; Ở cả hai bên patking lot của Lorne Street, phía East và the Keg Restaurant
ở corner của 6th & Lorne Street cũng như ở bãi đậu xe của Hotel 540 East end.
Hai nơi này chỉ cách Sandman Centre có 2 block đường.)


Hành trình bền vững Đức Tin của Tân Giám mục Giuse Nguyễn Thế Phương

Theo bản tin chính thức trên trang nhà của Giáo phận Công Giáo Kamloops, ở Tỉnh Bang British Columbia, miền viễn Tây Canada (www.rcdk.org) vào ngày 01 tháng Sáu năm 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Sắc chỉ chọn Linh Mục Giuse Nguyễn Thế Phương, sinh ngày 25/03/1957, Đại chủng sinh Việt Nam, thuyền nhân tỵ nạn đến Vancouver vào năm 1987, thợ sơn, tu học tại Đại Chủng Viện Chúa Ki Tô Vua và được truyền chức Linh Mục vào ngày 30/5/1992. Trong gần 25 năm qua Đức Giám Mục tân cử Giuse Nguyễn đã phục vụ tại các Giáo Xứ trong TGP Vancouver, và đã là Giám Đốc Ơn Gọi, Trưởng Giáo Phủ- Điều Phối Viên Văn phòng Toà TGM và sau cùng trở thành Linh Mục Tổng Đại Diện Tổng Giáo phận Vancouver (Vicar General and Moderator of Archdiocese of Vancouver).

Đức Giám Mục tân cử Giuse Nguyễn Thế Phương sẽ được tấn phong Giám mục và trở thành vị Giám Mục Chính Toà đời thứ 6 của Giáo phận Kamloops, Vancouver để kế vị người tiền nhiệm là Đức Cha David Monroe, cũng nguyên là Tổng Đại Diện TGP Vancouver, Giám Mục Chính Toà đời thứ 5 của Giáo phận Kamloops (2002-1/6/2016) năm nay 75 tuổi và đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận cho nghỉ hưu theo Giáo Luật.

Thông tin Toà Giám Mục Kamloops tuyên bố lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Phận và Tổng Giáo Phận có một vị Linh Mục được đào tạo, phục vụ và thuộc về TGP Vancouver, tức là Giám Mục Giáo phận nhà. Điều tự hào thứ hai cũng mang tính lịch sử, là một người tỵ nạn thuyền nhân từ Việt Nam trở thành vị Giám Mục Chính Toà Kamloops đầu tiên thuộc TGP Vancouver.

Nhờ ơn Chúa thương xót, người thuyền nhân tỵ nạn Đại chủng sinh Giuse Nguyễn Thế Phương, sau những năm bị bách hại gian khổ vì Đức Tin, đến Vancouver năm 30 tuổi, đi làm thợ sơn để có tiền đi học tiếng Anh, được thụ phong Linh Mục vào năm 35 tuổi; và ngày nay ở tuổi 59 là Linh Mục Tổng Đại Diện của TGP Vancouver, người thuyền nhân tỵ nạn Giuse Nguyễn Thế Phương đã được chọn làm vị Giám Mục Chính Toà đời thứ 6 của Giáo phận Kamloops, Vancouver.

ĐỨNG VỮNG TRONG CHÚA- STAND FIRM IN THE LORD (Phil. 4,1)

Vâng nhờ ơn Chúa và Đứng Vững Trong Chúa, hành trình bền vững Ơn Gọi và bền đỗ trong Đức Tin của Đức Giám Mục tân cử Giuse Nguyễn Thế Phương thật đáng được ghi nhận, học tập và suy ngẫm.

Trên Huy hiệu Giám Mục của Đức Giám Mục tân cử bao quanh bởi Mũ và 12 dải tua màu xanh lá cây của vị Giám mục. Trong phần khiên ở trên cùng là ngôi sao trắng trên nền trời vàng, chiếu soi trên 3 ngọn núi nhưng là hợp phần của hai màu xanh biển và đỏ, hai màu xanh đỏ này giống như một nụ hoa hồng, hoa tulip, ở giữa hai vùng màu xanh đỏ là một con thuyền có 1 cánh buồm to no gió màu trắng, con thuyền tượng trưng cho Giáo Hội của Chúa trên hành trình thế gian và cũng mang ý nghĩa người thuyền nhân Giuse Nguyễn Thế Phương đã đến Canada qua trại tỵ nạn tại Phillipines, ở giữa cánh buồm màu trắng nổi bật lên Thánh Giá màu trắng được bao bọc bởi hai nhánh lá phong (Maple leaf của Canada) lá phong bên phải là màu xanh lá cây của Canada mùa hè, nửa lá phong bên trái màu đỏ tượng trưng cho mùa thu đẹp của Canada và quốc kỳ Canada. Màu đỏ tươi và màu xanh lá cây phong này cũng bao hàm ý nghĩa tươi trẻ, nhiệt thành bền vững ĐứcTin, dưới đáy khiên là một con chim Lạc đang dang rộng đôi cánh bay. Trước đây khi còn là Chủ Tịch Miền Tây của Liên Giáo Sỹ Tu Sỹ VN Canada, hình như vị Chủ Tịch này và các Linh Mục cùng Miền đã vẽ huy hiệu cho Liên Giáo Sỹ Tu Sỹ Việt Nam-Canada có con chim Lạc của truyền thuyết con Hồng cháu Lạc Việt Nam. Sau cùng ở dưới chân phần Thánh Giám Giám mục trên dải châm ngôn ghi hàng chữ bằng tiếng Latin “ STATE IN DOMINO (Phil. 4,1) Chữ in màu đen đơn sơ trên nền trắng. Chính Đức Cha tân cử Giuse phiên dịch ra tiếng Việt Nam là "Đứng vững trong Chúa".

Mời tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn tại Thánh đường St. Cecilia
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và hân hoan vui mừng,
Nhóm Thân Hữu cuả
Đức Tân Giám Mục GIUSE NGUYỄN THẾ PHƯƠNG
Trân trọng kính mời Quý Vị
tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn do Đức Tân Giám Mục chủ tế
tại THÁNH ĐƯỜNG ST. CECILIA
Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
161 Annette Street, Toronto, Ontario M6P 1P5
Lúc 01g00 trưa Chúa Nhật ngày 02 tháng 10 năm 2016

Sau Thánh Lễ, kính mời Quý Vị tham dự Tiệc Mừng,
chung vui và gặp gỡ Đức Tân Giám Mục,
tại Nhà Hàng DIM SUM KING RESTAURANT
Lầu 3 - 421 Dundas Street West Toronto
Lúc 5giờ chiều Chúa Nhật ngày 02 tháng 10 năm 2016
(5g00: Tiếp tân, 6g00: Nhập tiệc)
Sự hiện diện của Quý Vị là vinh hạnh cho nhóm thân hữu,
là niềm vui và khích lệ cho Đức Tân Giám Mục.
Trân trọng Kính Mời
Nhóm Thân Hữu
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tắm biển đâu cần bằng cơm áo ?
Phạm Trần
21:23 23/08/2016
TẮM BIỂN ĐÂU CẦN BẰNG CƠM ÁO ?

Bộ Tài nguyên và Môi trường của Nhà nước Cộng sản Việt Nam kết luận ngày 22/08/2016 rằng “nước biển miền Trung đã "đạt chuẩn" cho hoạt động bơi lội, nuôi trồng thủy sản”, nhưng chưa thể bảo đảm cá biển đã an tòan để ăn. Nhà nước cũng chưa biết bao lâu nữa “môi trường biển trở lại như trước khi sự cố ô nhiễm xảy ra” ngày 06/04/2016.

Như vậy là gần 5 tháng sau khi các sinh vật biển bị ô nhiễm bởi Formosa mà nhà nước vẫn vẫn chưa bảo đảm được người ăn sẽ không nhiễm độc.

Nhưng sinh vật biển chưa an tòan chỉ nằm trong phạm vi 20 Hải lý chiều ngang (mỗi Hải lý dài 1,852 mét) tính từ bờ biển và chiều dài ngót 300 cây số của 4 Tỉnh Hà Tĩnh, Qủang Bình, Qủang Trị, Thừa Thiên-Huế khi xẩy ra thảm trạng Formosa hay bao gồm cả vùng biển bên ngòai 20 hải lý ?

Sau ngày cá chết vì nhiễm độc bị phát giác ngày 06/04/2016, Chính phủ CSVN đã mau chóng cho dân biết họ có thể đánh bắt an tòan ở vùng biển bên ngoài 20 hải lý vì nghĩ rằng chất độc chỉ ở gần bờ. Nhưng không phải gia đình ngư dân nào cũng có thuyền máy có công sức đánh xa bờ nên đại đa số phải kéo thuyền lên bãi phơi nắng và thất nghiệp nằm nhà.

Cá ngư dân có khả năng đánh từ vùng biển cho là an tòan bên ngoài 20 hải lý, và dù được chứng nhận là cá sạch vẫn không bán được hoặc phải bán với gía rẻ mạt vì tâm lý sợ bị nhiễm độc vẫn lảng vảng trong đầu dân.

Bằng chứng dân không tin những gì nhà nước nói được một báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 08/07/2016 xác nhận :”Giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2015, việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. Cụ thể, sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý thì giá bán giảm 30 - 50% còn sản phẩm khai thác trong 20 hải lý thì không tiêu thụ được.”

Theo tin trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam thì:”Hiện nay, tại Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công suất kho lạnh toàn tỉnh)”

Trong báo cáo ngày 22/08/2016, Bộ Tài Nguyên & Môi trường không nói rõ các lọai thực phẩm nào từ biển còn nghi ngờ chưa sạch nên dân tiếp tục hoang mang. Dân cũng thắc mắc liệu nước mắm và muối sản xuất sau ngày cá chết, hay từ cá chết khi dân chưa biết đã bị nhiễm độc Formosa mà chưa có kiểm chứng của giới khoa học và Bộ Y tế có thuộc diện nguy hại không ?

Người dân chỉ biết Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà nói tại Hội nghị công bố kết qủa điều tra được tổ chức tại Thị trấn Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị ngày 22/08/2016 rằng :”Về bơi lội, tắm biển và nuôi trồng thủy sản, dưới góc độ khoa học, tôi thấy an toàn tuyệt đối, trừ các vũng xoáy ở bắc đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ-Quảng Bình, mũi biển từ Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ-Quảng Trị và Chân Mây-Thừa Thiên Huế. Riêng vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn hải sản, thì cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y tế."

Đại diện Bộ Y tế tại cuộc họp cho biết “trong thời gian qua Bộ này đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lấy mẫu hải sản, giám sát chất lượng. Theo đó, từ tháng 6 đến nay, kết quả giám sát bước đầu cho thấy chất ô nhiễm trong các mẫu đã giảm dần, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn chưa có kết luận cuối cùng.” (theo báo VNExpress, 22/08/2016)

“Giảm dần” có nghĩa là chưa hết nên bộ này còn chần chờ chưa dám quyết. Vậy đến bao giờ thì Bộ Y tế mới nghiên cứu xong để có “kết luận cuối cùng” là điều hàng triệu người dân miền Trung đang điêu đứng vì cá chết cần được trả lời.

Do đó khi công bố kết luận điều tra tình trạng biển đã sạch đến đâu là nhà nước mới làm được 50 phần trăm để ưu tiên đem lợi cho kỹ nghệ du lịch và tắm biển của giới dư tiền nhiều của.

50 phần trăm còn lại là món nợ nhà nước phải trả cho đại đa số người dân nghèo khổ, nạn nhân của Formosa. Hàng triệu nạn nhân, trực tiếp và gián tiếp của biển, thuộc 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Qủang Bình, Qủang Trị-Thừa Thiên-Huế) cần được biết khi nào an tòan thực phẩm biển được bảo đảm và chừng nào họ có thể ra khơi đánh bắt kiếm cơn ăn áo mặc hàng ngày chứ đâu họ có muốn biết có thể nhịn đói đi tắm biển ?

Vì vậy, khi nhìn Bộ trưởng Tài Nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà diễn kịch khoe trần tắm biển Cửa Việt (Qủang Trị) 30 phút cùng với một số viên chức để cho báo chí chụp hình chiêu khách du lịch, sau khi kết thúc buổi họp công bố kết luận ngày 22/08/2016, không ít ngư dân ngậm ngùi. Bởi lẽ khi dân chưa được bảo đảm ăn cá không chết, chưa biết tương lai con cháu đã bao đời sống nhờ biển sẽ ra sao thì nhà nước lại coi mối lợi thu được từ du lịch tắm biển quan trọng hơn mạng sống người dân là một xúc phạm rất khó tha thứ.

VẪN CHƯA BIẾT CHẮC

Hơn thế nữa, khi nhà nước hớn hở báo tin mừng “đã có thể tắm biển thỏai mái” thì mọi người cũng được nghe Giáo sư, Tiến sỹ Mai Trọng Nhuận (nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên nhóm chuyên gia nghiên cứu hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) nói với báo chí về tương lai biển miền Trung.

Khi được hỏi:”Vấn đề dư luận quan tâm nhất là bao giờ biển miền Trung trở lại như trước khi xảy ra sự cố môi trường ?”

GS Nhuận đáp:” Số liệu nghiên cứu hiện chưa thể trả lời được chính xác khi nào, cần thêm nghiên cứu chi tiết, áp dụng phương pháp mô phỏng mới có thể đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, thực tế các hàm lượng (chất ô nhiễm) đều giảm rất nhanh, có nơi giảm đến 90% từ tháng 4 đến tháng 8 này.

Hệ sinh thái san hô từ chỗ bị hủy diệt hoàn toàn, bị tẩy trắng nay bắt đầu xuất hiện san hô sống, cá con trở về. Điều này cho thấy môi trường hồi phục tốt. Tôi hy vọng rằng, cùng với việc giám sát chặt chẽ nguồn thải của Formosa và áp dụng giải pháp đẩy nhanh quá trình phục hồi bằng khoa học công nghệ, trong thời gian không lâu nữa biển sẽ trở lại như trước.”

Tuyên bố của GS Nhuận cho thấy 2 điều: 1) Nuớc biển đã hòa tan dần chất độc hại giết sinh vật biển nên đã thấy mầm sống san hô tái xuất hiện và cá con trở lại. 2) Tuy nhiên, sự tồn tại và sống còn của sinh vật biển hòan tòan tùy thuộc vào công việc kiểm soát chất thải của Formosa trong tương lai.

Trong khi đó, theo báo chí Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Nghi, người nhiều năm nghiên cứu môi trường, trầm tích biển, đánh giá đây là kết quả nghiên cứu bước 1. Ông nói:” Chúng tôi chờ nghiên cứu bước 2 lúc đó mới có kết luận khi nào môi trường 4 tỉnh thật sự có thể đánh bắt, cá ăn được, biển trở lại bình thường. Đây chưa phải là kết thúc nghiên cứu để trả lời thỏa đáng cho dân, nhưng tôi đánh giá cao cách tiếp cận nghiên cứu của tác giả. Ngay ban đầu có vụ Formosa này, nếu để quy luật tự nhiên thì tất yếu chất độc sẽ bị đào thải và trầm tích dưới biển sẽ trong sạch, nhưng vấn đề là thời gian nào.”

“Thời gian nào” là câu hỏi người dân miền bị nạn Formosa đã trông chờ từ gần 5 tháng qua và chưa ai biết họ sẽ phải chờ thêm bao nhiều tháng hay bao nhiêu năm nữa.

Đó cũng là băn khoăn của chuyên gia người Đức, Tiến sỹ Friedhelm Schroeder, người đã tham gia đòan điều tra Quốc tế cùng với các chuyên viên Việt Nam về thảm họa môi trường miền Trung.

Báo chí Việt Nam cho biết ông đã khuyến cáo:” Tuy cá nhỏ đã quay trở lại vùng biển 4 tỉnh, chúng ta cần giữ chứ không được đánh bắt ngay lập tức, cũng phải nghĩ tới việc thu hút các loài cá khác mang lại nguồn lợi thủy hải sản. Tuy nhiên, để biết đã ăn được chưa Bộ Y tế cần giám sát kỹ và đưa ra những khuyến cáo cụ thể.”

Ông cũng khuyên phía Việt Nam cần tạo niềm tin với dân chúng bắng ”các phân tích tiếp theo cần có đối chứng gửi từ các cơ quan khoa học lận cận như Australia, Nhật Bản. Chúng ta cần chứng tỏ cho công chúng, những người không làm khoa học đó là cách tiếp cận hợp lý, chính xác.”

Vế khía cạnh chuyên môn, Tiến sỹ Friedhelm Schroeder được báo chí Việt Nam trích lời nói rằng:”Chất độc xyanua đã sạch, phenol vẫn còn ở một số nơi. Liên quan đến 2 thông số xyanua và phenol, TS Friedhelm Schroeder, thông tin qua quan trắc cho thấy cyanua qua thời gian đã sạch. Phenol vẫn còn nhưng đã có chiều hướng giảm dần và nằm trong ngưỡng cho phép ở Việt Nam. Ngoài ra, còn một số hố, bẫy thủy lực cần giám sát thêm để theo dõi các thông số phenol chìm sâu ở dưới thay đổi như thế nào. Tóm lại, các thông số đảm bảo cho hoạt động bơi lội, du lịch là hoàn toàn an toàn tuyệt đối.”

Đó là kết luận phấn khởi, nhưng “ hoạt động bơi lội, du lịch” không phải là nhu cầu cấp bách của hàng triệu dân nghèo miền cá chết. Điều cần ngay là làm sao để dân có cơm ăn, áo mặc và trẻ em học sinh cấp 2 (từ 12 tuổi đến 15 tuổi) có thể quay lại trường học, thay vì phải bỏ nhà đi lao động tận bên Lào và cả Trung Quốc vì nhà không còn tiền để sống từ khi cá chết. Tương lai của hàng trăm nghìn trẻ em vô tội này sẽ ra sao nếu cha mẹ sống nhờ vào biển cứ thất nghiệp mãi để đeo nợ chồng chất ?

Vì vậy, hơn bao giờ hết ông Bộ trưởng Tài Nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cần đi “thăm dân cho biết sự tình” chứ không nên ngồi ở Hà Nội để phồng mang trợn mắt hô hào mọi người “hãy đi tắm biển”.

Cả bộ tứ lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước CSVN từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng quê Qủang Nam Nguyễn Xuân Phúc hãy can đảm nhìn vào sự thật phũ phàng do Formosa đã gây ra cho người dân miền Trung.

Việc nhà nước CSVN vội vã xè tay nhận khỏan tiền đền bù 500 triệu dollars của Formosa mà chưa hề điều tra cho đúng và rõ ràng sự thiệt hại trong hiện tại và cả tương lai của người dân và môi trường cần bao nhiêu là vô trách nhiệm. Đây là hành động nông cạn, nếu không phải là hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam đã cúi đầu nhận ỏan bố thí của kẻ chủ mưu Trung Quốc đứng sau lưng Formosa Đài Loan.

Vì vậy, thái độ hả hê, tắm cười rất phản cảm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà ở biển Cửa Việt hôm trời mưa 22/08/2016 chẳng có nghĩa gì khác ngòai sự xúc phạm đến tận cùng nỗi đau khổ của dân miền Trung. -/-

Phạm Trần

(08/016)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Thế nào là việc đền tội thích đáng?
Nguyễn Trọng Đa
09:20 23/08/2016
Giải đáp phụng vụ: Thế nào là việc đền tội thích đáng?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Xin cha cho biết bình luận của cha về việc đền tội thích hợp và thích đáng trong bí tích Hòa giải. Con thường ra việc đền tội cho hối nhân là đọc một số Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, nhưng đôi khi con cảm thấy như thế là chưa thích đáng cho hối nhân. Một linh mục bạn ra việc đền tội "khó khăn" hơn: thí dụ, đi Đàng Thánh Giá, lần hai hoặc ba chuỗi, đọc vài Thánh vịnh hoặc đọc vài đoạn Kinh Thánh. Nhiều hối nhân của ngài lại đến lần sau, nhưng chưa hoàn thành việc đền tội lần trước, nên khá bối rối. Là một linh mục trẻ, con được hướng dẫn là ra việc đền tội như thế nào, để hối nhân có thể hoàn thành trước khi ra khỏi nhà thờ. Xin cha giúp ý kiến cho con. - H. J., Peabody, Massachusetts, Hoa Kỳ.


Đáp: Trước tiên có lẽ cần nhận định rằng tất cả việc đền tội là không hề tương xứng cho việc đền tội thật sự. Sự nặng của bất cứ tội nào là vượt quá khả năng của chúng ta, để sửa chữa việc chúng ta thiếu lòng yêu mến Chúa. Điều kỳ diệu của việc xưng tội là sự rộng lượng của Thiên Chúa đối với chúng ta trong việc ban cho chúng ta sự hòa giải, và đưa chúng ta trở lại với tình bạn của Ngài.

Giáo Hội tự giới hạn trong việc dạy các linh mục đưa ra việc đền tội thích đáng, tương ứng với tính chất của từng trường hợp. Tập tục áp đặt việc đọc một số kinh như việc đền tội là không có công thức đơn thuần; đúng hơn, chính vì đó là lời cầu nguyện, nó là một dấu hiệu của sự đổi mới của ân sủng trong tâm hồn, vốn làm cho việc cầu nguyện đích thực trở nên có thể được và có công.

Trong việc áp đặt một việc đền tội thích hợp, có một số điều cần được chú ý.

Trước hết, bản chất của tội lỗi phải được coi như là một sự, mà việc đền tội tìm cách khắc phục hậu quả, và các tội trọng hơn cần phải có việc đền tội nặng hơn, để đánh thức lương tâm về sự nghiêm trọng của tội, đặc biệt là nếu chúng lặp đi lặp lại thường xuyên. Tội về bất công, chẳng hạn như ăn cắp hoặc vu khống, cũng phải được khắc phục, thông qua một số hình thức đền trả của cải, hoặc tiếng tốt của người khác.

Tuy nhiên, cũng quan trọng là bản tính của hối nhân, vì không có bản mẫu đền tội tự động tương ứng với một số tội nhất định.

Một linh mục cố gắng hết sức để phán đoán sức nặng tinh thần của hối nhân, trước khi áp đặt việc đền tội thích hợp. Điều này thường trở nên rõ ràng, thông qua cách thức của chính việc xưng tội. Một người có một sự cộng hưởng tinh thần mạnh mẽ, và sự đào tạo Công Giáo vững chắc, có nhiều khả năng được hưởng lợi từ các việc đền tội như đọc Kinh Thánh, đọc Thánh vịnh, hoặc thực hành các việc đạo đức nảo đó.

Khi một người có ít tri thức về đức tin và không quen với một số việc đạo đức như lần chuỗi Mân Côi, Đi Đàng Thánh Giá (Via Crucis), hoặc ăn chay, thì có lẽ tốt hơn không nên áp đặt các việc đền tội như vậy, vì chúng có thể dẫn đến sự thất vọng.

Quy tắc rằng, việc đền tội nên được hoàn thành trước khi hối nhân rời khỏi nhà thờ, nên được áp dụng trước tiên cho tầng lớp này của hối nhân. Nếu linh mục nghĩ rằng việc đền tội với vài Kinh Lạy Cha và vài Kinh Kính Mừng là chưa thích đáng trong các trường hợp đặc biệt, ngài có thể áp đặt một việc đền tội có thể thực hiện được, nhưng ít chính thức hơn. Thí dụ, ngài bảo hối nhân làm việc đền tội bằng cách viếng Thánh Thể, hoặc đến một bàn thờ Đức Mẹ, cầu nguyện trong một thời lượng nào đó, và trong bầu khí thân tình này, hãy tạ ơn về sự tha thứ đã nhận được, và cầu xin sự trợ giúp vượt thắng một lỗi đặc biệt.

Hình thức cuối cùng này của việc đền tội thường là rất hữu ích cho các linh hồn, vốn đã lâu chưa xưng tội, và đã được tác động bởi một ơn đặc biệt, để đên với bí tích Hòa giải.

Đôi khi chính việc đền tội có thể là một nguồn hoán cải. Có một giai thoại cũ của một linh mục, khi ngài nghe lóm chuyện một nhóm thanh niên đánh cược với nhau, mà ai thua thì phải đi xưng tội. Biết chuyện này, linh mục liền ngồi tòa giải tội, và khi một thanh niên vào xưng tội, ngài ra việc đền tội là hối nhân phải đi trước cây thánh giá lớn của nhà thờ, và nói 20 lần: "Chúa đã làm việc này cho con, và con không thể chăm sóc ít hơn". Lúc đầu, thanh niên này nhắc lại lời một cách thờ ơ, sau đó nói chậm hơn và cuối cùng đã khóc nhiều. Đối với người thanh niên, lần xưng tội này là sự khởi đầu của một cuộc hành trình hoán cải, vốn sẽ dẫn mình trở thành Tổng Giám mục Paris sau này.

Sau khi trả lời như trên đây, tôi xin giải quyết tiếp một vài câu hỏi liên quan.

Một bạn đọc ở Oregon hỏi: "Lần trước con đi xưng tội, cha giải tội cố ý không đưa ra việc đền tội cho con. Liệu điều này có ảnh hưởng gì đến bí tích không, thưa cha?”.

Từ cái nhìn của hối nhân, tôi tin rằng không có hậu quả tiêu cực nào ở đây. Để cho bí tích thành sự, hối nhân phải chấp nhận sự đền tội, nghĩa là, người ấy không được từ chối chấp nhận nó, hoặc công khai hoặc trong lòng. Bởi vì ước muốn này hiện diện, mặc dù thực tế là linh mục đã không đưa ra việc đền tội, do đó người ấy đã hợp lệ hòa giải với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, linh mục trong trường hợp này đã không hành động tốt. Là người đại diện của Chúa Kitô và Giáo Hội, và hoàn toàn tôn trọng quyền của tín hữu để lãnh nhận các bí tích, ngài phải tuân giữ các bước cách cẩn thận, vốn được đòi hỏi cho việc việc giải tội tốt.

Các bổn phận này bao gồm, sự ra việc đền tội (thậm chí một sự đền tội nhẹ), vì sự chấp nhận đền tội tạo thành một trong ba hành vi của hối nhân, vốn làm nên chất thể của bí tích Hòa giải: ăn năn tội, xưng tội, và đền tội.

Một bạn đọc ở New York hỏi: "Gần đây con đọc, trong một loạt bài về bí tích Hòa giải, rằng việc đền tội mà người ta nhận, chẳng hạn ba Kinh Kính Mừng, tha hình phạt tạm được phát sinh bởi các tội đã xưng. Con đã không bao giờ nghe nói về điều này trước đây. Thưa cha, điểu này là đúng không?”.

Điều này cũng là mới đối với tôi. Trong khi việc đền tội, giống như bất kỳ sự cầu nguyện nào, sẽ chắc chắn có một số tác dụng trong việc cân bằng tác động của tội lỗi chúng ta, tôi nghi ngờ rằng người ta có thể cho rằng việc đền tội hoàn toàn loại bỏ tất cả các hình phạt tạm do tội lỗi đã xưng.

Nếu giả thuyết này là đúng, một hệ quả có thể là làm cho vô dụng học thuyết và sự thực hành của Giáo Hội liên quan đến việc sử dụng ân xá. Trong kịch bản này, việc xưng tội sẽ có được hiệu quả, là nó được tìm kiếm để thực hiện sự thực hành có ân xá.

Bởi vì giáo huấn Giáo Hội không hủy bỏ điều này điều khác, nhưng kết nối chúng trong một tổng thể hài hòa, tôi tin rằng lý thuyết được đề cập bởi độc giả trên là không tương hợp với học thuyết chân chính. (Zenit.org 2-9-2008, 17-9-2008)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Ngọn lửa tình yêu
Đinh Văn Tiến Hùng
17:57 23/08/2016
Ngọn Lửa TÌNH YÊU

“ Thày đã đến đem ngọn lửa xuống thế gian và Thày mong muốn biết bao cho ngọn lửa bùng cháy lên “
( Lc.12: 49- 53 )

*Hỡi Ánh Sáng gieo vui vào thế giới,
Là từ bi là nhựa sống cho đời,
Đổ máu đào làm giá chuộc bày tôi,
Khỏi thần chết hỡi Ki-tô Cứu Chúa.

Giây phút đầu tiên con người phát sinh ra lửa,
Cất tiếng reo vui tràn ngập ngọn lửa thiên ân,
Lửa chiếu sáng, tinh luyện đời, sưởi ấm xác thân,
Đó là lúc khởi động cho một niềm tin mới.

Cột lửa hướng dẫn It-ra-en luôn tiến tới,
Dù phải trải qua đường dài khổ cực gian nan,
Ánh sáng soi đường là Tình yêu Chúa trao ban,
Suốt bốn mươi năm lang thang tìm về Đất Hứa.

Ngôn sứ Moi-sê thấy trong bụi gai bốc lửa,
Thiên Chúa ban lệnh truyền giải thoát dân Ngài,
Biết mình yếu đuối nhưng tin vào Chúa an bài,
Bừng ngọn lửa tin yêu nên không còn do dự.

Sau khi Chúa chết môn đồ buồn rầu khiếp sợ,
Trong phòng kín dâng lời cầu nguyện và đợi trông,
Bỗng xuất hiện trên đầu các ngài ngọn lửa hồng,
Chính là ngọn lửa Chúa Thánh Thần ban sức mạnh.

Hãy nhìn vào Ngọn lửa nơi Trái Tim Cực Thánh,
Đang bốc cháy vì tha thiết cứu độ loài người,
Chúa hạ sinh khó nghèo trong hang đá Be-lem,
Chết khổ nhục đớn đau treo mình trên thập giá.

Ôi Lạy Chúa! Cuộc sống con tối tăm sa đọa,
Bao năm tháng qua, một lãng tử đi hoang,
Đi đi mãi ngụp lặn trong lớp bụi trần gian,
Xin soi sáng hồn con với tình thương tha thứ.

*Đời con cay đắng đã nhiều,
Hận thù danh lợi đốt thiêu cõi lòng,
Hồn con mong mỏi sạch trong,
Mái chèo buông nhẹ theo dòng thuyền trôi.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*) Chữ viết nghiêng trích dẫn Thánh Thi Phụng Vụ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Em Chơi Pháo Bông
Nguyễn Bá Khanh
20:25 23/08/2016
EM CHƠI PHÁO BÔNG
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Chúa dạy phải hiền lành khiêm nhượng,
Giống trẻ thơ để hưởng nước trời.
Trẻ thơ chỉ biết vui cười
Hồn nhiên, trong trắng, sáng ngời tin yêu.
(Trích thơ của Hồng Phúc, Lm.)