Ngày 27-08-2017
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Linh Mục Brazil bị đâm chết tại nhà.
Giuse Thẩm Nguyễn
14:21 27/08/2017
(EWTN News/CNA)Brazil 26/8/2017.- Nguồn tin cảnh sát Brazil cho biết một linh mục ở vùng đông bắc của bang Paraiba thuộc Brazil đã chết tại phòng riêng của ngài tại nhà xứ vào sáng thứ năm với nhiều vết bị đâm.

Cha Fedro Gomes Bezerra đã bị đâm chết trong phòng ngủ của ngài tại nhà xứ với 29 nhát trên cơ thể của ngài. Người ta thấy xác ngài bị cuốn cùng với tấm trải giường và mọi thứ trong phòng vương vãi ngổn ngang, vào sáng ngày 24 tháng Tám tại Borberema, cách thành phố Guarabira khoảng 20 dặm về phía tây bắc. Theo báo chí địa phương thì cha Fedro sẽ được 50 tuổi vào cuối tháng này.

Chiếc xe của cha không có trong nhà để xe và phòng ngủ của ngài không có dấu hiệu gì chứng tỏ có sự xâm nhập.

Thông báo của giáo phận Guarabira về cái chết của cha Bezerra rằng “Trong lúc đau buồn khóc thương cha, chúng ta hãy cùng chung lời cầu nguyện, khẳng định niềm tin vào sự sống lại từ cõi chết. Xin Chúa ban cho linh hồn cha Pedro Gomes được an nghĩ đời đời trong nước Chúa.”

Hàng xóm không thấy có dấu hiệu lạ gì và người thư ký của giáo xứ nói với cảnh sát là rất ngạc nhiên khi thấy các cửa đều đóng khi tới làm việc.

Cảnh sát trưởng Joao Alves nói với tờ Portal MaisPB rằng cuộc điều tra về tội phạm sẽ được tiến hành.

Cái chết của cha Bezerra để lại sự khóc thương cho dân chúng thành phố Borborema và Belem, nơi ngài đã làm việc từ 1999-2007.

Thị trưởng của Belem tuyên bố ba ngày tang và nhắc lại rằng “sự ra đi của cha Bezerra để lại một di sản quan trọng về niềm tin và các công tác xã hội cho chúng ta như Trung Tâm Nhà Chúa Chiên Lành. Xin Chúa an ủi những thân nhân, bạn bè và giáo phận Guarabira trong giờ phút đau thương và mất mát to lớn này.”

Cha Pedro sẽ được chôn cất tại Guarabira vào hôm thứ Sáu.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đại hội giới trẻ châu Âu vì hòa bình lần thứ 7
Hồng Thủy
14:55 27/08/2017
Cuộc gặp gỡ giới trẻ châu Âu vì hòa bình lần thứ VII đang được tổ chức tại Barcelona, Tây ban nha, nơi đã xẩy ra thảm kịch khủng bố làm cho hơn 100 người chết và bị thương.

Cuộc gặp gỡ này là sinh hoạt được cộng đồng thánh Egidio tổ chức. Các lần gặp gỡ trước được tổ chức lần lượt tại Assisi, Krakow, Roma, Berlin, Anversa và Paris.

Cuộc gặp gỡ lần VII có chủ để là “Thêm người trẻ, thêm hòa bình”, được kéo dài 3 ngày, bắt đầu chiều thứ sáu, 25/08 và kết thúc vào Chúa Nhật 27/08. Chương trình gồm có các buổi hội họp, suy tư, trao đổi, thăm viếng và kết ban. Phần lớn người tham dự là các học sinh và sinh viên đại học thuộc châu Âu, nhưng cũng có đại diện của phong trào tại châu Phi, châu Á và Nam mỹ.

Những người trẻ tin rằng tin rằng sự liên đời là nền tảng để xây dựng hòa bình. Những người trẻ này, trong suốt năm, mỗi ngày dấn thân vào trong những tình cảnh bên lề xã hội để giúp các trẻ em trong những khu phố nghèo khổ, thăm viếng người cao tuổi, giúp đỡ người vô gia cư và đón tiếp người tị nạn. Cuộc gặp gỡ là nơi diễn tả quan niệm này về hòa bình và gửi đến tất cả lời kêu gọi mạnh mẽ cho hòa bình.

Chiều 25/08, vào lúc 18 giờ, tại Rambla, sau cuộc đi bộ, các tham dự viên đã đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của cuộc khủng bố ở Barcelona và Cambrils và đọc tuyên ngôn hòa bình. Ngày thứ bảy, 26/08, các bạn trẻ tham gia vào cuộc tuần hành của Barcelona, chống lại khủng bố và cỗ võ sống chung hòa bình.

Nói có với hòa bình và liên đới, nói không với khủng bố và chia rẽ đang đe dọa sự sống chung và tương lai của thế giới, là lời kêu gọi mạnh mẽ của những ngừoi trẻ tại Barcelona trong những ngày này. (RV 25/08/2017)
 
Linh mục dòng Salêsiêng Ấn Độ bị bắt cóc sẽ sớm được trả tự do
Đặng Tự Do
20:55 27/08/2017
Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Ấn nói vị linh mục Ấn Độ bị những tên khủng bố Hồi giáo bắt cóc ở Yemen vào tháng 3 năm 2016 sẽ sớm được trả tự do.

Các vị đại diện của dòng Salesian đã họp tuần trước với Ngoại trưởng Ấn Độ, Sushma Swaraj, để thúc ép các hành động của chính phủ hơn nữa trong cuộc tìm kiếm việc trả tự do cho Cha Tom Uzhunnalil. Bà Bộ trưởng Ngoại giao nói rằng linh mục còn sống, và nói bà nghĩ rằng ngài sẽ sớm được trả tự do. Bà hứa rằng chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để mang lại việc trả tự do cho ngài.

Vào tháng 5, cha Uzhunnalil đã xuất hiện trên một video cầu xin giúp đỡ, và nói rằng ngài cần được chăm sóc y tế. Bà Swaraj xác nhận rằng các tin tức của chính phủ Ấn cho biết cha Tom đã bị "nhiều vết thương và đau khổ" không thể tưởng tượng được trong tình trạng bị giam cầm.

Tháng 7 vừa qua, ngoại trưởng Yemen nói rằng Cha Uzhunnalil vẫn còn sống, và chính phủ của ông cũng đang làm việc để giải phóng ngài. Chính phủ Yemen cũng không cho biết nơi cha Tom bị giữ. Những kẻ bắt cóc ngài được tin là có liên hệ với quân khủng bố Hồi Giáo IS.
 
Một cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Vatican chỉ là vấn đề sớm muộn
Đặng Tự Do
21:09 27/08/2017
Vụ tấn công khủng bố tại Barcelona kéo một đám mây u ám trên nền trời Âu Châu. Thật vậy, lần đầu tiên trong số các vụ tấn công khủng bố tại Âu Châu, người ta tìm thấy những bằng chứng rõ nét nhất cho thấy hàng giáo sĩ Hồi Giáo can dự trực tiếp vào việc sắp đặt các kế hoạch tấn công. Cảnh sát đã lục soát một đền thờ Hồi Giáo tại Ripoll, bắt giữ một thày giảng Kinh Koran tên là Abdelbaki Es Satty, tịch thu hàng trăm ống ga chứa các chất độc hóa học được chuẩn bị cho một vụ khủng bố quy mô lớn.

Trong bối cảnh này, lần đầu tiên người đứng đầu lực lượng Hiến Binh Thụy Sĩ nói rằng đơn vị của ông đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc tấn công khủng bố vào Vatican.

Đề cập đến khả năng xảy ra một vụ tấn công khủng bố của các nhóm thánh chiến Hồi Giáo, chỉ huy trưởng Christoph Graft nói:

“Một cuộc tấn công khủng bố như thế có lẽ chỉ là chuyện sớm hay muộn. Tuy nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng phản ứng lại một cuộc tấn công như thế.”

Những kẻ cực đoan Hồi giáo thường đề cập đến Vatican như là một mục tiêu tấn công. Các lực lương an ninh Italia cũng cảnh báo về những cuộc tấn công như thế. Tuy nhiên, Vatican thường xem nhẹ những lời cảnh báo này và mỗi thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tiếp tục đi một vòng trên chiếc xe mui trần chào thăm các tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô.
 
Các Giám Mục Nigeria khích lệ anh chị em giáo dân tuân phục Đức Thánh Cha vô điều kiện
Đặng Tự Do
21:31 27/08/2017
Các giám mục giáo tỉnh Owerri, Nigeria, đã khích lệ anh chị em giáo dân thuộc giáo phận Ahiara "tuân phục Đức Thánh Cha, Vị Đại Diện của Chúa Kitô, vô điều kiện" và chấp nhận sự lãnh đạo của Đức Cha Peter Okpaleke.

Các linh mục và giáo dân Công giáo ở Ahiara đã từ chối công nhận Đức Cha Okpaleke, gây ra một cuộc khủng hoảng trong giáo phận. Tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho hàng giáo sĩ Ahiara, nói rằng những linh mục nào không chấp nhận thẩm quyền của vị giám mục được bổ nhiệm trong vòng 30 ngày sẽ bị đình chỉ khỏi chức vụ.

Các giám mục Owerri đã cảm ơn Đức Thánh Cha vì sự can thiệp của ngài, và kêu gọi các tín hữu tuân theo. Các vị nói rằng:

“Chúng tôi, các giám mục trong giáo tỉnh Owerri, đã biết và cảm nhận được tầm mức vụ tai tiếng và nỗi đau đớn của sự chia rẽ trong cuộc khủng hoảng ở giáo phận Ahiara. Nhiều người đã bị tổn thương nặng nề, và nhiều người khác đã cảm thấy cay đắng. Chúng tôi, các giám mục và mục tử của anh chị em nài van anh chị em hoán cải, tha thứ và hòa giải.”

Nói chung về tình hình trong xã hội Nigeria đang gặp rắc rối bởi những chia rẽ sâu xa, các Giám Mục kêu gọi tất cả người dân Nigeria nên “tránh tất cả các hình thức và các ngôn từ thù hận có khả năng kích thích thêm những căng thẳng”.
 
ĐGH kêu gọi hãy trả lại “quyền đầy đủ” cho người thiểu số Rohingya bị bách hại.
Giuse Thẩm Nguyễn
21:42 27/08/2017
(EWTN News/CNA) Tin Vatican. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào ngày Chúa Nhật 27 tháng Tám, ĐGH Phanxicô đã bày tỏ sự cảm thông của ngài với những đau khổ của người thiểu số Hồi Giáo Rohingya bị bách họ do hậu quả của cuộc bạo động mới đây và thay mặt họ kêu gọi trả lại quyền đầy đủ cho nhóm sắc tộc thiểu số này. Ngài cũng nhắc đến “những tin buồn về việc bách hại anh chị em Rohingya của chúng ta.

“Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi với họ” và kêu gọi các tín hữu hành hương hãy cầu nguyện “xin Chúa cứu giúp họ, ban cho những người có lòng thiện tâm giúp họ và cho họ đầy đủ quyền sống làm người.”

Rohingya là nhóm thiểu số sắc tộc Indo-Aryan phần đông sống ở tiểu bang Rahhine thuộc Miến Điện, phía tây của Myanmar. Từ khi bắt đầu cuộc chiến vào năm 2012 giữa cộng đồng Phật Giáo quốc doanh và nhóm thiểu số Hồi Giáo Rohingya bị áp bức lâu năm, hằng trăm ngàn người Rohingya đã phải chạy trốn, trong lúc số đông khác vượt biên để tỵ nạn ở Myanmar.

Để trốn khỏi sự phân biệt của những người còn xót lại nơi vùng nghèo đói ổ chuột miền quê, nhiều người Rohingya đã phải liều lĩnh vượt biên đầy gian nan nguy hiểm với hy vọng thoát khỏi sự bách hại. Tuy nhiên khi đến Myanmar, họ đã không được chính quyền sở tại công nhận như là một sắc tộc hợp pháp, được đối xử công bằng như một người dân của Myanmar.

Chỉ tính từ năm ngoái, đã có khoảng 87 ngàn người Rohingya trốn thoát sang Bangladesh giữa lúc có những cuộc tiêu diệt quân nổi dậy ở tiểu bang Rakhine thuộc phía tây của Myanmar. Trong hòa cảnh nhiễu nhương đó, nhiều câu chuyện khủng khiếp được kể lại như hãm hiếp, giết người và đốt phá bởi các lực lượng an ninh.

Tuy nhiên ở Bangladesh, người Rohingya nhận được rất ít sự trợ giúp, bởi vì họ không được công nhận là người tỵ nạn ở nước này. Từ tháng Mười năm ngoái, nhiều người trốn sang Bangladesh đã bị cầm tù và bị đưa trở lại biên giới của bang Rakhine.

Lời kêu gọi của ĐGH vào hôm Chúa Nhật theo sau số người chết đã tiếp tục tăng lên khi có cuộc đụng độ vào hôm thứ Sáu ở ngoại ô của thành phố Maungdaw giữa người Rohingya và quân đội Miến. Đây là cuộc đụng độ ác liệt nhất từ tháng Mười năm ngoái, khiến chính quyền Miến phải di tản nhân viên và những người không phải là Hồi Giáo ra khỏi khu vực. Theo tờ Guardian, có gần 100 người chết và hằng ngàn người đã phải di tản khi cuộc chiến đã tiếp tục đến ngày thứ ba. Con số tử vong đã lên tới 98 người, gồm 80 người Rohingya và 18 nhân viên an ninh Miến.

Hiện nay, chính quyền đã phải di tản ít nhất là 4,000 người dân, với khoảng 2,000 người Hồi Giáo Rohingya, hầu hết là đàn bà và trẻ em, chạy trốn qua biên giới Bangladesh. Hiện nay họ đang sống trong các trại tỵ nạn tạm thời dọc theo biến giới.

ĐGH Phanxicô dự trù sẽ thăm cả hai Miến Điện và Bangladesh trong khoảng thời gian trước lễ Giáng Sinh. Ngài thường lên tiếng thay cho người Rohingya về khó khăn cũng như quyền lợi của họ, dường như đây là điểm then chốt trong lần viếng thăm các nước Á Châu của ngài.

Vào hôm Chúa Nhật, ĐGH đã nhấn mạnh đến đoạn Tin Mừng của Thánh Mattheu, trong đó Thánh Phêrô tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Thế và Chúa nói với Phêrô rằng “Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”

Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của ngài rằng “Anh em nói thày là ai? Ngài biết được câu trả lời của Thánh Phêrô và rằng “Niềm xác tín của con được mặc khải bởi Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Đó là nền tảng vững chắc để xây dựng Hội Thánh của Ngài.

ĐGH nói rằng Chúa Giêsu mong ước tiếp tục xây dựng Hội Thánh của Ngài hôm nay, một ngôi nhà có nền móng vững chắc, nhưng không thiếu những vết nứt và cần phải tiếp tục tu sửa như trong thời đại của Thánh Phanxicô-Assisi.

Chúng ta thường không cảm nhận được những cục đá lớn, chỉ là những viên sỏi nhỏ, nhưng ĐGH nhấn mạnh “không viên sỏi nhỏ nào là vô dụng. Thật ra, trong bàn tay của Chúa Giêsu nó trở nên quý giá, bởi vì Chúa nhặt nó lên, ngắm nhìn nó với ánh mắt nhân lành, ban cho nó thần khí và đặt nó vào đúng vị trí nơi Chúa biết là thích hợp và có hữu ích nhất cho toàn thể dân ngài.

Mỗi người chúng ta, bất kể là nhỏ bé thế nào “hãy trở thành viên đá sống động của tình yêu và do đó chúng ta có một vị trí, một nhiệm vụ trong Giáo Hội. Đây là một cộng đồng sống động, được làm thành bởi nhiều viên đá, rất khác nhau và hình thành nên một tòa nhà duy nhất trong tình huynh đệ và hiệp thông.

Sau đó ĐGH hướng dẫn đọc kinh Truyền Tin và cùng cầu nguyện cho các nạn nhân bão lụt ở Bangladesh, Napal và Ấn Độ.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Bức thư của Kha Luân Bố bị đánh cắp khỏi thư viện Vatican đã được tìm thấy tại Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
21:48 27/08/2017
Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ đã tìm ra một lá thư của Kha Luân Bố (Christopher Columbus) đã bị đánh cắp từ thư viện Vatican.

Bức thư, trong đó Kha Luân Bố trình bày với Tòa Thánh về những khám phá của ông về châu Mỹ, đã được tìm thấy trong bộ sưu tập của một người đàn ông tại Mỹ. Ông Robert Parsons không biết đó là một tài sản của Tòa Thánh đã bị đánh cắp; và đã phải bỏ ra 875,000 Mỹ Kim để mua lá thư này vào năm 2004. Ông đã qua đời vào năm 2014 và nay thì bà vợ Mary Parsons đồng ý trả lại bức thư cho thư viện Vatican.

Tờ Wall Street Journal cho biết bức thư của Kha Luân Bố gởi cho Tòa Thánh vào năm 1493 đã bị đánh cắp không biết vào lúc nào và bức thư được trưng bày trong thư viện Vatican chỉ là một bản sao trong khi bản gốc đã bị mất
 
Kitô Giáo lan truyền nhanh chóng trong giới trẻ Iran
Đặng Tự Do
21:59 27/08/2017
Mohabat News, một cơ quan tin tức của các tín hữu Kitô Iran, cho biết Kitô giáo đang lan rộng nhanh chóng trong giới trẻ ở một số thành phố.

Theo báo cáo, “hàng loạt thanh thiếu niên Iran đã cải đạo sang Kitô Giáo bất chấp sự huấn luyện chặt chẽ về Hồi giáo trong gia đình và hệ thống giáo dục.”

“Chính phủ Hồi giáo của Iran dành ra những ngân sách khổng lồ để hỗ trợ cho các tổ chức Hồi giáo cổ vũ Hồi giáo trong giới trẻ trong nước và cả ngoài biên giới Iran. Bất kể những nỗ lực như thế, thanh niên Iran dường như ngày càng xa rời đạo Hồi, điều này là một mối quan tâm lớn cho chính phủ Hồi giáo Iran.”

Trong 83 triệu dân, Kitô Giáo chỉ chiếm 0.3% dân số. 90% dân số theo Hồi Giáo Shiite. Đối với người Hồi Giáo Sunni, bỏ đạo Hồi theo đạo khác là lên án tử hình cho chính mình. Người Hồi Giáo Shiite việc cải đạo không nguy hiểm như thế nhưng cũng rất khó khăn.
 
Các Giám Mục Angola bày tỏ lạc quan về tương lai đất nước
Đặng Tự Do
22:11 27/08/2017
Trước cuộc bầu cử tổng thống bị các nhà lãnh đạo đối lập và các quan sát viên châu Âu chỉ trích là thiếu công bằng, các giám mục Angola đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu trong hòa bình.

Chủ tịch José Eduardo dos Santos, một người theo chủ nghĩa cộng sản nhưng đã trở nên cởi mở hơn với thị trường tự do trong những thập niên gần đây, đang thoái vị sau 38 năm cầm quyền. Cố nhiên, để “hạ cánh an toàn”, José Eduardo đã thực hiện nhiều thủ đoạn để đàn em có thể lên nắm quyền hầu che chắn cho mình sau này.

Tuy nhiên, một chính phủ chuyển tiếp chế độ José Eduardo cũng là một bước tiến rất đáng kể. Vì thế, Đức Cha António Jaca của Caxito, chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Angola, nói rằng ngài hy vọng các cuộc bầu cử sẽ “trở thành một lễ hội dân chủ ... thể hiện sự trưởng thành dân chủ của toàn dân và chứng tỏ rằng chúng ta có thể tiến lên.”

Ngài nói thêm: “Cầu xin cho chúng ta có thể tiến bước cùng nhau trong hòa bình với tư cách là những anh chị em Angola với nhau”
 
Đức Thánh Cha nói cần phải tạo cho các tù nhân một chân trời hy vọng
Đặng Tự Do
23:11 27/08/2017
Mặc dù các tù nhân phải trả giá cho tội ác của họ, nhưng việc giam giữ không nên được sử dụng như một phương pháp tra tấn mà phải là một cơ hội để biến họ trở thành những thành viên đóng góp cho xã hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong một băng video gửi cho các tù nhân trong nhà tù Ezeiza, là một nhà tù liên bang ở Á Căn Đình.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự giam cầm chỉ có hiệu quả khi các tù nhân được hướng nhìn về tương lai hơn là chỉ quay trở lại quá khứ và sống trong sự xấu hổ.

“Chúng ta đừng quên rằng để hình phạt có kết quả, nó phải có một đường chân trời hy vọng, nếu không nó vẫn đóng kín trong chính nó và chỉ là một công cụ tra tấn; khi đó nó không có hiệu quả.”

Thông điệp của Đức Thánh Cha đã được gửi tới các tù nhân tham gia vào một chương trình học nghề do một trường đại học cung cấp. Đức Thánh Cha ca ngợi chương trình học này vì nó cung cấp “không gian cho công việc, văn hoá, tiến bộ” và là “dấu hiệu nhân bản”.

Ngài cảm ơn các viên chức quản lý trại giam đã cho phép chương trình cũng như các tù nhân phụ trách là Marcelino, Guille và Edo – là những người mà Đức Thánh Cha “biết qua điện thoại”.

Các tù nhân phải có được hy vọng tái hoà nhập và đóng góp cho xã hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Và chương trình đào tạo của nhà tù sẽ cho các tù nhân cơ hội trở thành những thành viên có năng suất của xã hội mặc dù họ đã từng phạm tội.
 
Đức Thánh Cha nói những thay đổi về Phụng Vụ sau Công Đồng Chung Vatican II là không thể đảo ngược.
Đặng Tự Do
23:31 27/08/2017
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viện dẫn đến “Huấn Quyền” khi tuyên bố rằng những cải cách phụng vụ sau Công Đồng Vatican II là “không thể đảo ngược”.

Tuyên bố của ngài đã được đưa ra trong một diễn văn khoảng 2,500 từ cho các chuyên gia về Phụng Vụ của Italia đang tham gia vào một tuần lễ Phụng Vụ quốc gia.

Đức Thánh Cha lập luận rằng những cải cách không mang lại hoa trái “một cách đột ngột” nhưng cần một thời gian dài để thấy những lợi ích. Ngài đã nhắc lại các biện pháp được Đức Giáo Hoàng Piô X và Đức Giáo Hoàng Piô XII đưa ra vào nửa đầu thế kỷ 20. Đức Piô X đã hình thánh một ủy ban để đổi mới Phụng Vụ vào năm 1913. Đức Giáo Hoàng Piô XII với Tông Thư Mediator Dei đưa ra năm 1947 đã thay đổi sâu sắc phụng vụ Tuần Thánh.

Cực điểm của những thay đổi này là Hiến Chế Sacrosanctum Concilium của Công đồng Vatican II, mà Đức Thánh Cha cho là, “muốn đưa ra một phụng vụ sống động cho một Giáo Hội hoàn toàn được sống động bởi những mầu nhiệm được cử hành.”

Các sách phụng vụ mới đã được ban hành, nhưng vẫn còn nhiều “việc phải làm” để cải cách tâm lý của các tín hữu - “đặc biệt là việc tái khám phá các lý do đã dẫn đến những quyết định cải cách phụng vụ và vượt qua những bài viết vô căn cứ và hời hợt, đã từng gây ra các ngộ nhận.”

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là “suy nghĩ lại về cải cách”, nhưng để “hiểu biết rõ hơn những lý do cơ bản dẫn đến những cải cách ấy”
 
Kitô hữu lũ lượt trở về vùng bình nguyên Ninivê
Đặng Tự Do
23:43 27/08/2017
Khoảng 15,000 người Kitô hữu Iraq tị nạn dự kiến sẽ trở về nhà trong khoảng thời gian một tháng. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết có khoảng 3,000 gia đình sẽ hồi hương vào tháng 8 này tại Qaraqosh trong vùng đồng bằng Nineveh, nơi đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS tàn phá nặng nề nhất.

Các Kitô hữu đang trở lại với tỷ lệ nhanh như vậy vì các bậc cha mẹ lo lắng muốn có một chỗ học cho con cái của họ tại các trường học địa phương. Điều phối viên dự án Trung Đông của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là Cha Andrzej Halemba nói rằng sẽ có khoảng 10,000 chỗ học, và các tòa nhà đang được sửa chữa khẩn cấp cho đầu năm học mới.

Khoảng 5,000 Kitô hữu đã quay trở lại Qaraqosh, tuy nhiên đây chỉ là một phần nhỏ trong số 50,000 người đã từng sống ở đó cho đến khi họ bị buộc phải di tản vào tháng 8 năm 2014.

Cha Halemba nói rằng chính phủ ở Baghdad đã khuyến khích các Kitô hữu trở lại Qaraqosh và các thị trấn khác ở Nineveh.

Cha Halemba, người cũng là Chủ tịch Uỷ ban Tái thiết Nineveh, cho biết các tổ chức bác ái Công Giáo đã phải vật lộn để xây dựng lại cơ sở hạ tầng như điện và nước. Tất cả đã bị khủng bố Hồi Giáo phá tan nát.
 
Đức Hồng Y Nichols chúc mừng sinh nhật thứ 85 của vị tiền nhiệm, đang bị bệnh nặng trong bệnh viện
Đặng Tự Do
23:56 27/08/2017
Đức Hồng Y Vincent Nichols đã dâng lời cầu nguyện và lời chúc tốt đẹp cho Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor trong ngày sinh nhật thứ 85 hôm thứ Năm 24 tháng 8 vừa qua.

Đức Hồng Y Murphy-O'Connor, người từng là Tổng giám mục Westminster từ năm 2000 đến năm 2009, đã bị bệnh nặng phải vào bệnh viện kể từ tuần trước. Thứ năm 24 tháng 8 vừa qua là sinh nhật thứ 85 của ngài.

Đức Hồng Y Nichols cầu chúc vị tiền nhiệm của mình một ngày sinh nhật “an bình và hạnh phúc, dư dật những ơn lành của Thiên Chúa”.

Đức Hồng y nói thêm: “Chúng con bảo đảm với Đức Hồng Y những lời cầu nguyện và tình yêu của chúng con vào lúc này. Xin Thiên Chúa ban cho Đức Hồng Y niềm vui khi biết rằng Chúa luôn giữ gìn ngài trong sự chăm sóc yêu thương, kể từ khi Đức Hồng Y chào đời ở thời điểm chào đời 85 năm trước!”

Trong một bức thư gửi các linh mục trong giáo phận Westminster ghi nhớ ngày sinh nhật của Đức Hồng Y Murphy-O'Connor, Đức Hồng Y Nichols viết:

“Mặc dù ngài phải cử hành ngày sinh nhật mình trong lặng lẽ, tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta sẽ nhớ đến ngài trong những lời cầu nguyện của chúng ta vào một ngày quan trọng như vậy. Chúng ta không chỉ cảm ơn vì cuộc sống và hoa trái lâu dài từ sứ vụ cuả ngài, nhưng chúng ta cũng mong ngài sớm được khoẻ mạnh trong những ngày tới.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nghĩa Tình Đối Với Đòng Bào Nghèo Kontum
Trương Trí
15:00 27/08/2017
Thấu hiểu những khó khăn của các em mồ côi người dân tộc tại Kontum mà Hội dòng Ảnh Phép lạ đang nuôi dưỡng, nhất là vào mùa giáp hạt, lại còn phải chuẩn bị cho các em bước bào năm học mới.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá G.B. Lê Đức Thịnh dù đang còn trong thời gian điều trị căn bệnh ung thư, vẫn liên hệ với một số anh chị thân hữu ở Sài Gòn để giúp cho các em và đồng bào nghèo ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy. Đây là vùng chiến tranh khốc liệt vào những năm 1971 đến 1973 mà ai cũng đã từng biết đến qua bài “Người ở lại Charlie”.

Xem Hình

Sáng sớm ngày 24 tháng 8, đoàn Từ thiện gồm 40 anh chị hầu hết là những người không Công Giáo từ Sài Gòn đến Hội dòng Ảnh Phép lạ, do các anh Phan Công Thành, Lê Hoàng Chí Hùng và chị Nguyễn Hoàng Anh Thư làm trưởng nhóm. Nhìn các em vui mừng và hồn nhiên đón đoàn mà các anh chị không khỏi xúc động. Tại đây, các anh chị đã trao cho các em 500 chiếc cặp, 5.000 cuốn vỡ, 1.000 cây bút, áo quần và mì tôm. Cảm nhận được những khó khăn của các xơ, các anh chị còn đóng góp thêm 40 triệu để trao cho Mẹ Bề trên hầu góp phần lo cho các em. Xơ Y Kham, phó Bề trên Hội Dòng thay mặt nói lên lời cảm ơn đối với Hiệp sĩ và các anh chị đã có lòng hảo tâm chia sẻ khó khăn với Hội Dòng.

Chia tay với các em đầy quyến luyến sau khi chụp hình lưu niệm để các em tranh thủ đến trường, với lời hứa hẹn sẽ tiếp tục đến với các em trong một ngày gần đây.

Đoàn tiếp tục đến thăm xã Sa Bình, nơi mà cách đây một năm, Hiệp sĩ Đại Thánh giá đã đến tặng quà cho 400 hộ gia đình khó khăn trong số 800 hộ với lời hứa sẽ tiếp tục đến thăm và tặng quà cho 400 hộ còn lại.

Khi đến tại trụ sở xã thì bà con đã tập trung đông đủ, các vị lãnh đạo xã tiếp đón ân cần, bà con thì phấn khởi khi thấy đoàn từ thiện về. Tại đây, các anh chị đã trực tiếp trao tặng cho bà con mỗi phần quà trị giá trên 500 ngàn đồng gồm: 1 bao gạo, 1 cái chăn, 1 cái mùng, 1 thùng mì, cá khô, xì dầu, đường và 150 ngàn đồng tiền mặt.

Với chủ trương của Nhà nước không phân biệt chế độ củ như trước, không còn xưng hô “Ngụy quân, Ngụy quyền” mà gọi là “Quân đội và chính quyền của chế độ Việt Nam Cộng hòa”. Phát biểu tại Hội trường của xã Sa Bình, Hiệp sĩ đã trao tặng 25 triệu đồng cho những gia đình thương binh liệt sĩ gồm cả hai chế độ củ và hiện nay.

Đại diện lãnh đạo xã Sa Bình đã thay mặt bà con cảm ơn đoàn từ thiện đã đến với xã để giúp cho bà con nghèo. Cảm ơn Hiệp sĩ đã nối kết tình đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân, đặc biệt là với đồng bào Công Giáo.

Trương Trí
 
Tĩnh Tâm Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney
Diệp Hải Dung
15:04 27/08/2017
Chiều thứ Sáu 25/08/2017 anh chị em thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sydney đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly tham dự 2 ngày tĩnh tâm với chủ đề Phục Vụ Trong Niềm Vui và Hy Vọng”

Sau khi ghi danh và dùng cơm tối, tất cả mọi người tập trung trong hội trường, Cha Tuyên Úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm thay mặt Ban Tuyên úy ngỏ lời chào mừng các anh chị em đã hy sinh nhiều thời gian quý báu để đến đây tham dự tĩnh tâm đồng thời Cha tuyên bố khai mạc buổi Tĩnh Tâm. Kế đến Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết thuyết giảng với đề tài: Phục Vụ Trong Niềm Vui” và các anh chị em chia từng nhóm để hội thảo chia sẻ đóng góp và phát biểu những ý tưởng trong tinh thần phục vụ.

Xem hình

Sau đó mọi người cùng thắp nến dâng lên trước bàn thờ và Cha Paul Văn Chi điều hành phục vụ với nghi thức tất cả mọi người cùng rửa chân cho nhau đễ luôn ghi nhớ lại Chúa Giêsu đã yêu thương hạ mình rửa chân cho các Tông Đồ.

Chấm dứt nghi thức ohục vụ rửa chân cho nhau là giờ Chầu Thánh Thể Chúa Giêsu KiTô. Tất cả mọi người cùng quỳ quây quần trước Thánh Thể Chúa và đại diện mỗi Giáo Đoàn cùng dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể lời nguyện xin cho Gia Đình, cho Giáo Đoàn và cho Cộng Đồng.

Sáng thứ Bảy 26/08 mọi người cùng tham dự Thánh lễ và Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm thuyết giảng đề tài "Phục Vụ trong Hy Vọng" và các anh chị em cũng chia nhóm hội thảo với nhau.

Sau đó là họp Đại Hội Đồng Mục Vụ, anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN Sydney báo cáo và tường trình về những sinh hoạt trong Cộng Đồng trong những tháng vừa qua và trình chiếu Slide Show những hình ảnh sinh hoạt trong Cộng Đồng đồng thời anh cũng thông báo những sinh hoạt kế tiếp của Cộng Đồng từ bây giờ cho đến cuối năm 2017 có những dự án như làm cổng Trung Tâm và những dự án khác…

Trong buổi họp các anh chị em thành viên Hội Đồng Mục Vụ cũng đóng góp nêu những ý kiến thắc mắc đã được quý Cha Tuyên úy giải đáp thỏa đáng và kết thúc bế mạc vào lúc 12.30pm.
Diệp Hải Dung
 
Ngày gặp mặt Các Bà Mẹ Công Giáo tại Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng
GP. Lạng Sơn
15:05 27/08/2017
Vào Chúa Nhật, ngày 27 tháng 8 năm 2017, Các Bà Mẹ Công Giáo của Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng đã quy tụ về Tòa Giám mục để tham dự ngày họp mặt nhân ngày mừng lễ kính Thánh nữ Mônica. Khoảng 350 bà mẹ đã tham dự cuộc họp mặt này. Đây là dịp các bà mẹ được gặp gỡ nhau, chia sẻ và học biết thêm về cuộc đời của thánh nữ Mônica. Qua việc lắng nghe suy niệm theo mẫu gương thánh Mônica quan thầy, mỗi bà mẹ thăng tiến trên con đường nhân đức và ý thức hơn thiên chức hiền mẫu của mình trong mỗi gia đình.

Xem Hình

Ngoài các bà mẹ trong Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng, buổi gặp gỡ cũng có sự góp mặt của một đoàn trên 30 bà mẹ Công Giáo từ Giáo xứ Chính Tòa của Giáo phận Đà Nẵng.

Tại phòng khách của Tòa Giám mục, các đoàn bà mẹ từ các giáo xứ đã được Đức Giám Mục Giáo phận gặp gỡ và chào đón. Đoàn của Giáo xứ Tà Lùng đến Tòa Giám mục từ chiều ngày 26 tháng 7, là đoàn sớm nhất. Các đoàn nhận phù hiệu, thẻ đeo và chương trình chi tiết cho ngày Họp mặt hôm nay.

Chương trình ngày Họp mặt được chính thức khai mạc lúc 9 giờ 15 tại Nhà thờ Chính Tòa. Tất cả các tham dự viên quy tụ để chào thăm Đức Cha Giuse, quý Cha, quý tu sỹ và mọi người. Đức Cha Giuse vui mừng chào đón sự hiện diện của đông đảo quý Hiền mẫu trong Giáo phận và Giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng về mừng lễ Thánh nữ Mônica hôm nay.

Cha Aloisio Lê Văn Vinh (OP) đã có bài chia sẻ với giới hiền mẫu về mẫu gương nhân đức và cuộc đời làm mẹ của Thánh nữ Mônica. Qua đó, ngài nhấn mạnh tới những chiều kích quan trọng mà mỗi người Mẹ Công Giáo cần có, để xây dựng Gia đình Hạnh phúc, xây dựng Giáo Hội ngày một thăng tiến.

Trong chương trình buổi sáng, các tham dự viên cũng chia sẻ kinh nghiệm về đời sống gia đình, về vai trò của người mẹ cũng như những khó khăn thách đố mà nhiều người mẹ đang phải đương đầu. Giữa bối cảnh cuộc sống nơi các xứ đạo nhỏ bé của Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn Cao Bằng nơi biên giới này, người mẹ gặp phải không ít những khó khăn, về đời sống đạo, về việc giữ vững niềm tin cũng như giáo dục con cái trước những cám dỗ của cuộc sống hiện tại.

Vào lúc 11 giờ 45, các tham dự viên cùng dự bữa trưa tại Tòa Giám mục, tuy không linh đình, nhưng nói lên sự đoàn kết yêu thương và đầy tình liên đới. Mọi người tặng nhau bằng những lời ca, điệu múa đơn sơ mà vui. Xua đi mọi nỗi lo toan, muộn phiền mà các bà mẹ hằng gánh chịu mỗi ngày. Các bà, các chị đã đóng góp những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” nhưng đầy ý nghĩa, làm nên một bầu khí vui tươi, hứng khởi. Các tham dự viên cũng có cái nhìn khái quát hơn về cuộc đời Thánh Mônica qua tiểu phẩm của Giáo xứ Chính Tòa.

Cao điểm của ngày Họp mặt là Thánh Lễ do Đức Cha Giuse chủ sự tại Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn. Đồng tế với ngài có Cha Tổng Đại diện Giuse Trần Đức Hạnh, quý Cha trong và ngoài Giáo phận. Đông đảo quý nam nữ tu sỹ và các bà mẹ cùng cộng đoàn tham dự Thánh lễ trong một bầu khí sốt sắng và trang nghiêm.

Ngỏ lời với Cộng đoàn Phụng vụ khi bước vào Thánh lễ, Đức Cha Giuse nói: Một danh nhân đã nói lên câu nói thật ý nghĩa mà sâu xa rằng: Trong vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt với nhất chính là Trái Tim Người Mẹ. Mỗi người Mẹ là một công trình tạo dựng tuyệt vời của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho những người mẹ, người cha trong Gia đình được cộng tác với Người trong công trình Sáng tạo, Quan phòng và Cứu độ thế giới này. Vì thế, Giáo Hội luôn tuyên dương thiên chức của những người cha người mẹ trong Gia đình.

Đức Cha nói tiếp: Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng kính Thánh nữ Mônica – một người mẹ thánh thiện và gương mẫu tuyệt vời cho tất cả chúng ta, cho những người mẹ trong Gia đình, bằng một tình yêu tha thiết và niềm tin vững vàng, bằng lời cầu nguyện sắt son. Chúng ta nguyện cầu cho nhau, cho tất cả những người mẹ và mọi gia đình trong thế giới này được luôn noi gương Thánh nữ Mônica, kiên trì trong đời sống cầu nguyện và hy sinh để trước hết làm thăng tiến chính bản thân cùng gia đình mình, và sau đó góp phần xây dựng Nước Chúa cùng xã hội trần thế, nơi mà ngày nay chúng ta thấy nền tảng gia đình đang ngày một sa sút. Chúng ta cùng cầu nguyện cho từng người mẹ trong chúng ta đây biết hiến dâng cho Thiên Chúa mọi vui buồn sướng khổ của cuộc sống, tin tưởng vào quyền năng của mình để kiên trì trong việc cầu nguyện và hy sinh.

Cuối Thánh lễ, một bà mẹ đại diện cho các Bà mẹ Công Giáo tham dự ngày họp mặt đã nói lên lời tri ân tới Đức Cha Giuse, quý Cha, quý thầy, quý dì và mọi người, đã nhiệt tâm tổ chức ngày họp mặt đầy ý nghĩa và thành công, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp hôm nay. Tâm tình tri ân được gói ghém trong bó hoa tươi thắm kính tặng Đức Cha.

Đức Cha Giuse một lần nữa bày tỏ sự cảm động khi chứng kiến giới Bà mẹ Công Giáo của Giáo phận quy tụ thật đông đảo trong ngày lễ đặc biệt hôm nay. Ngài cảm ơn sự cộng tác của quý Cha, quý thầy và mọi người để làm nên nét đẹp thật đáng quý trong ngày họp mặt này. Ngài mong rằng những hoa trái thu lượm được trong ngày này sẽ thêm hành trang cho các Bà mẹ Công Giáo trong Giáo phận xây dựng Gia đình thành mái ấm yêu thương, nơi vun trồng và nuôi dưỡng cùng làm thăng tiến đức tin, xây dựng Giáo Hội và Xã hội.

Ngày họp mặt kết thuc lúc 17 giờ chiều. Ngày họp mặt lần đầu tiên các Bà mẹ Công Giáo của Giáo phận mừng kính Thánh Nữ Mônica giúp cho các bà mẹ thêm nhiều hành trang sống thiên chức làm vợ và làm mẹ. Yêu mến, biết ơn, kính trọng các hiền mẫu, ai cũng ước mong các thế hệ các Bà mẹ Công Giáo tiếp tục đi theo con đường của Mônica, không những tại nhà thờ, mà còn nơi mỗi gia đình, các hiền mẫu trở nên những người mẹ hiền thật sự, làm cho gia đình mình được ấm cúng thuận hòa, làm cho các thế hệ con cháu trong gia đình và trong giáo xứ được vẻ vang. Như Mônica, có con cái là triều thiên của mình thế nào, các hiền mẫu cũng có các thế hệ con cháu làm vẻ vang cho chính các bà mẹ Công Giáo như vậy.

Để kết thúc, xin ghi lại những câu thơ Đức Cha Giuse dành tặng cho các Bà mẹ Công Giáo họp mặt trong ngày hôm nay:

NĂM SẮC HOA MẸ Công Giáo

Một: Tin, Cậy, Mến sáng ngời,

Phận Mẹ Công Giáo giữa đời thơm hương.

Hai: luôn chung thủy đảm đương,

Một chồng một vợ yêu thương chung tình.

Ba: giữ hạnh phúc gia đình,

Cảm thông, nhẫn nhục, hy sinh vẹn toàn.

Bốn: năng giúp đỡ họ hàng,

Giáo, lương, nội, ngoại, xóm làng tương thân.

Năm: lo kinh lễ chuyên cần,

Hội họp, quyên góp đỡ đần sẻ chia.

Ban truyền thông GP.LSCB
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ bài 37
Vũ Văn An
18:38 27/08/2017
Đâu là các thách đố lớn lao đang đặt ra cho Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ?

Hãy hỏi 3 người Công Giáo Hoa Kỳ câu hỏi trên, có lẽ bạn sẽ nhận được 4 ý kiến khác nhau. Không dám nói là dứt khoát, ta có thể nhận ra ít nhất 4 thách đố đang ló dạng ở cuối chân trời.

Đầu tiên là các điểm gây đau đầu mới cũng như các điểm đem lại cơ may mới, do việc thay đổi dân số học đem lại. Về phương diện mục vụ, các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ sẽ bị áp lực phải bảo đảm điều này: cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha đang lớn mạnh không được hiện hữu trong một thứ vũ trụ song hành với các trung tâm truyền thống của đời sống Công Giáo, nhưng phải hội nhập trọn vẹn vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Về phương diện xã hội và chính trị, các giám mục và các vị lãnh đạo khác sẽ được kêu gọi thực hiện điều các vị vốn thực hiện trong thế kỷ 19, là hành xử như các tòa tranh đấu quyền lợi cho di dân và như thành trì chống lại việc loại trừ có tính xã hội. Các vị cũng phải chấp nhận việc cộng đoàn của các vị mỗi ngày một già đi và tìm phương thế sáng tạo để khuyến khích các tín hữu có tuổi trong cộng đoàn mình đầu tư nhiều thì giờ và tài nguyện hơn vào các chính nghĩa Công Giáo, hơn là cảm thấy bị bỏ rơi và quên lãng.

Thứ hai, tính cạnh tranh về tôn giáo ở Hoa Kỳ có giảm đi đôi chút ở đầu thế kỷ 21, và hiện có bằng chứng cho thấy Giáo Hội Công Giáo nên quan tâm tới phần mất mát “thị trường” của mình. Cuộc Thăm Dò về Khung Cảnh Tôn Giáo năm 2008 của Trung Tâm Pew cho thấy hiện tượng khá linh động trong việc thống thuộc tôn giáo ở Hoa Kỳ: gần nửa số người trưởng thành Hoa Kỳ một là thay đổi tôn giáo hai là hoàn toàn từ bỏ các mối liên kết của họ đối với tôn giáo. Đối với Đạo Công Giáo, nhiều hàng tít lớn cho thấy hiện có tới 22 triệu người cựu Công Giáo ở Hoa Kỳ, một mất mát lớn hơn hết trong bất cứ tổ chức tôn giáo nào. Một trong ba người Hoa Kỳ được dưỡng dục trong đức tin Công Giáo đã rời bỏ Giáo Hội. Nếu không có di dân, Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ hẳn đã gảm thiểu một cách đáng kể: với mỗi thành viên mới Giáo Hội có được, họ mất tới 4 thành viên.

Dù các con số trên có thể là dấu chỉ một cuộc xuất hành hàng loạt ra khỏi Đạo Công Giáo, nhưng bức tranh phức tạp hơn thế. Giáo hội hiện vẫn duy trì được 68 phần trăm những người sinh ra trong đức tin cho tới tuổi trưởng thành, một ỷ lệ thấp hơn Ấn Độ Giáo (84 phần trăm) cũng như Do Thái Giáo, Chính Thống Giáo, và Đạo Mormon (tất cả đều trên 70 phần trăm), nhưng vẫn hơn bất cứ hình thức Thệ Phản nào. Phái Baptist duy trì được 60 phần trăm tín hữu, phái Luthêrô duy trì được 59 phần trăm, phái Ngũ Tuần duy trì được 47 phần trăm, phái Trưởng Lão duy trì được 40 phần trăm. Các Chứng Nhân Giêhôva chỉ duy trì được 37 phần trăm các thành viên từ lúc mới sinh đến tuổi trưởng thành, nghĩa là họ phải đương đầu với một ỷ lệ ra đi gần 2 phần 3. Tuy nhiên, điều các giáo phái này xem ra làm trội hơn Giáo Hội Công Giáo là việc họ tuyển mộ. Người Thệ Phản thu nhận 3 thành viên mới cho mỗi 4 thành viên họ bị mất ở Hoa Kỳ. Các Chứng Nhân Giêhôva nổi bật về phương diện này: vì họ tuyển được nhiều thành viên mới hơn là số bị mất, thành thử nói chung, họ vẫn phát triển mặc dù họ có ỷ lệ duy trì thấp hơn tỷ lệ duy trì của Giáo Hội Công Giáo.

Điều cốt yếu ở đây là: khi so sánh với các nhóm tôn giáo khác, các cuộc đấu tranh của Giáo Hội Công Giáo không thực sự là việc chăm sóc mục vụ mà là sức mạnh truyền giáo. Nói chung, Đạo Công Giáo phục vụ các thành viên hiện hữu rất tốt, căn cứ vào con số các tín hữu trung thành với Giáo Hội. Điều Giáo Hội này làm không tốt bằng là việc rao giảng Tin Mừng. Đặt tất cả các điều này vào lối nói thô thiển của tư bản chủ nghĩa, nghĩa là vào thị trường tôn giáo đầy tính cạnh tranh của Hoa Kỳ, thì vấn đề thực sự của Công Giáo không phải là việc phục vụ khách hàng mà là các vụ rao bán mới. Gia tăng khả năng truyền giáo của Giáo Hội, do đó, phải là ưu tiên khá khẩn thiết.

Thứ ba, Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đang đương đầu với một loạt các cuộc tranh đấu mỗi ngày một khó khăn thêm giữa nhà nước và giáo hội, trong các trận tuyến như chính sách tiểu bang và liên bang về phá thai, ngừa thai, và hôn nhân đồng tính; khả năng của các trường, các bệnh viện và cơ quan bác ái thống thuộc Giáo Hội trong việc duy trì giáo huấn của Giáo Hội trong khi vẫn nhận được tài trợ công cộng; và quyền phản đối lương tâm của các cá nhân và định chế tôn giáo.

Ai chịu trách nhiệm đối với các cuộc tranh đấu này thì vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Các giám mục Hoa Kỳ tin rằng hiện có một cố gắng có phối hợp nhằm làm suy yếu việc truyền thống Hoa Kỳ bảo đảm tự do tôn giáo, do giai cấp trí thức ưu tú thế tục và các lực lượng chính trị cấp tiến lãnh đạo (theo họ, phần lớn có liên hệ với Đảng Dân Chủ). Đặc biệt, các giám mục tin rằng tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ đang bị tái định nghĩa như một điều hoàn toàn tùy thuộc các cá nhân chứ không phải các định chế, nhằm một là làm tê liệt các định chế của Giáo Hội hai là gây chia rẽ giữa các định chế này và hàng giáo phẩm. Các người phê bình các giám mục, trong đó, có thành phần ý kiến cấp tiến rất đáng kể ngay bên trong Giáo Hội, cho rằng hàng giáo phẩm chịu trách nhiệm phần nào về việc này, một phần vì đã càng ngày càng có chủ trương cứng rắn hơn trong giáo huấn phò sự sống, và một phần khác vì đã liên minh trên thực tế với Đảng Cộng Hòa và do đó, trở thành một mục tiêu chính trị.

Bất kể người ta chẩn đoán vấn đề ra sao, sự kiện gia tăng căng thẳng giữa nhà nước và giáo hội ở Hoa Kỳ là điều không thể chối cãi. Năm 2011, các giám mục lập một Ủy Ban Đặc Nhiệm về Tự Do Tôn Giáo để đáp úng tình thế và một trong các hành vi đầu tiên của Ủy Ban là thuê một nhóm luật sư. Ở Hoa Kỳ thế kỷ 21, đây thường là điều bạn biết bạn đang gặp rắc rối: lúc bạn cần phải thuê một nhóm luật gia danh tiếng.

Thứ tư, Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ là một điển hình đặc biệt rõ nét của cuộc khủng hoảng mô tả ở chương 10 về việc “bộ lạc hóa”. Cảnh vực Công Giáo ở Hoa Kỳ được chấm phá bằng nhiều bộ lạc khác nhau: người Công Giáo phò sự sống, người duy truyền thống về phụng vụ, các phong trào, người Công Giáo cải tổ, các nhóm hòa bình và công lý,v.v… Trong thực hành, đôi khi các nhóm này kình chống nhau hơn là đồng minh với nhau, và do đó, Giáo Hội bị sa lầy vào cuộc tranh chấp nội bộ. Nói cách khác, đây là hình thức bộ lạc kiểu Balkan, chứ không phải liên minh Iroquois. Trong một môi trường như thế, giữ cho Giáo Hội hợp nhất với nhau sẽ là một thách đố hết sức gay go ở đầu thế kỷ 21.

Khi nhìn Hoa Kỳ, Vatican thấy gì?

Trước đây không lâu, Vatican thấy có nhiều điều đáng để sợ ở Hoa Kỳ, hoặc ít nhất, có nhiều điều hàm hồ lưỡng nghĩa. Ngày nay, nhìn qua sông nước, Vatican thấy Hoa Kỳ là người bạn tốt nhất của mình và là người hùn hạp tự nhiên nhất của mình trên sân khấu hoàn cầu. Cả hai phản ứng này đều cần được giải thích phần nào.

Lúc Hoa Kỳ mới lập quốc, Vatican phần lớn bận bịu với sự việc ở Âu Châu. Có nghĩ đến Tân Thế Giới, thì Vatican cũng chỉ chú tâm tới các tranh chấp thực dân giữa các cường quốc Công Giáo ở Nam Mỹ. Vatican có lưu ý tới cuộc nội chiến Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn, cụ thể qua việc trao đổi thư từ giữa Đức Giáo Hoàng Piô IX và Jefferson Davis, lãnh tụ của Phe Liên Minh (confederacy). Đức Piô chưa bao giờ nhìn nhận Các Tiểu Bang Liên Minh Hoa Kỳ (Codfederacy States of America), nhưng ngỏ với Davis như là “Thưa Ngài Tổng Thống” và tiếp một đại sứ của Davis. Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ là tiết mục chuyển tiếp (interlude) không để lại nhiều dấu ấn trong các thái độ của cả Rôma lẫn Hoa Kỳ.

Phải đợi lúc Hoa Kỳ trở thành một đại cường hoàn cầu sau Thế Chiến I, Vatican mới lưu ý nhiều hơn và khi đã lưu ý như thế, Vatican duy trì mãi thái độ này. Cuộc Cách Mạng Bônxêvích lúc đó đã diễn ra ở Nga rồi, nên Vatican hoan nghinh sự xuất hiện của một bức tường lửa mới và mạnh mẽ chống lại sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản. Đồng thời, nhiều chính khách Công Giáo Âu Châu, kể cả một số nhà ngoại giao và tư tưởng kỳ cựu của Vatican, coi Hoa Kỳ như một nền văn hóa phần lớn theo Thệ Phản, thậm chí theo Canvinh, đối nghịch với đạo đức học xã hội Công Giáo. Sau Thế Chiến II, một số giới chức cao cấp Vatican thực sự còn khuyên Ý không nên tham gia khối NATO, lấy lý do liên minh này chỉ là con ngựa thành Troa nhằm truyền bá các giá trị thệ phản ra khắp thế giới, nhất là việc tách biệt hoàn toàn giữa giáo hội và nhà nước, dưới sự che chở của sức mạnh quân sự và kinh tế Hoa Kỳ. Phải có sự can thiệp đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Piô XII, người ủng hộ NATO, cuộc tranh luận mới kết thúc.

Cuộc tranh đấu chung chống chủ nghĩa cộng sản trở thành trọng điểm trong mối bang giao Hoa Kỳ - Vatican suốt hậu bán thế kỷ 20, đạt tới cao điểm thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; Nhà báo Hoa Kỳ Carl Bernstein gọi cuộc phối hợp tâm trí giữa Rôma và Washington là “liên minh thần thánh”. Thế nhưng, các thiên kiến cũ không bao giờ hoàn toàn biến đi. Năm 2003, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phái một đặc phái viên qua Washington để cố thuyết phục chính phủ Bush đừng gây chiến với Iraq. Đặc phái viên này, Đức Hồng Y Pio Laghi, một vị hồng y người Ý rất kỳ cựu, đã trở về Rôma với lời phàn nàn cho rằng Bush và nhóm của ông nhìn thế giới dưới nhãn quan nhị nguyên Canvinh, một thế giới bị phân chia giữa những người được chọn và những người bị kết tội.

Tuy nhiên, trong mấy thập niên gần đây, thái độ Vatican đối với Hoa Kỳ và ảnh hưởng hoàn cầu của nó đã nồng ấm hẳn lên. Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tông du Hoa Kỳ năm 2008, ngài ca ngợi truyền thống giáo hội và nhà nước tách biệt nhau của Hoa Kỳ, mô tả nó như có mục đích cổ vũ quyền tự do theo (for) tôn giáo, hơn là quyền tự do thoát khỏi (from) tôn giáo. Phần lớn, việc này xẩy ra là do các khai triển ở Âu Châu từ cuối thập niên 1960, nhất là sự xuất hiện của hình thức duy tục triệt để, một hình thức mà Vatican tin rằng có quyết tâm diệt trừ ảnh hưởng tôn giáo khỏi đời sống công cộng. Thời điểm chủ yếu hơn cả là năm 2004, khi ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ John Kerry thua George Bush một phần vì lá phiếu “đức tin và các giá trị” ở Hoa Kỳ. Cùng thời điểm này, một triết gia và chính trị gia Công Giáo người Ý, Rocco Buttiglione, một người bạn thân của Đức Gioan Phaolô II bị bác chức bộ trưởng trong Ủy Ban Âu Châu vì đã duy trì giáo huấn Công Giáo về phá thai và đồng tính luyến ái. Tri cảm ở Rôma là Âu Châu đã trở thành một vùng “người Công Giáo không nên nạp đơn”, trong khi người có đức tin vẫn được nghinh đón vào đời sống công cộng tại Hoa Kỳ.

Thành thử, bài toán địa dư nổi bật ở Vatican hiện nay là: bất chấp các lỗi lầm của nó, Hoa Kỳ vẫn là đại cường chủ yếu trên hoàn cầu, sẵn sàng cổ vũ một vai trò công cộng và sinh động cho tôn giáo và sẵn sàng nhất trong việc lắng nghe các quan tâm của Vatican. Các nhà ngoại giao của Đức Giáo Hoàng tin rằng Hoa Kỳ chắc chắn là quốc gia thân thiện với Giáo Hội hơn bất cứ siêu cường mới xuất hiện nào khác trong thế kỷ 21, như Trung Quốc, nơi các giám mục Công Giáo và hàng giáo sĩ tiếp tục bị giam giữ , hay Ấn Độ, nơi phong trào Ấn Giáo cực đoan đang làm ngơ các vụ tàn sát Kitô Giáo. Niềm xác tín này giúp giải thích lý do tại sao Vatican có đường hướng ôn hòa với Chính Phủ Obama hơn nhiều giám mục Hoa Kỳ. Trong khi nhiều người Hoa Kỳ có xu hướng so sánh Obama với phe đối lập trong nước, thì các nhà ngoại giao Vatican có xu hướng so sánh ông ta (và bất cứ lãnh tụ Hoa Kỳ nào) với các chính khách ở Âu Châu, cũng như các nhà lãnh đạo của các cường quốc chính khác trên thế giới. Nói chung, Vatican dường như tin rằng trong thế kỷ mới này, Hoa Kỳ là cuộc cá độ tốt nhất trong việc bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ vai trò sinh động cho những người có đức tin trong sinh hoạt công cộng, và trật tự quốc tế vững ổn từ trong căn bản.

Vatican nhìn giáo hội Hoa Kỳ như thế nào?

Một lần nữa, Vatican thấy cả tích cực lẫn tiêu cực. Cuối thế kỷ 19, Vatican lo rằng người Công Giáo Hoa Kỳ sẽ loan truyền một thứ lạc giáo, gồm cả “duy đặc thù” (particularism: tức ý niệm cho rằng người Công Giáo Hoa Kỳ là một trường hợp đặc biệt và cần sự rộng rãi để hội nhập vào một quốc gia đa số theo Thệ Phản), “duy cá nhân” (kể cả việc bác bỏ thẩm quyền của hàng giáo phẩm), và triệt để tách biệt giáo hội và nhà nước. Trong thông điệp năm 1898, tựa là Testem Benevolentiae Nostrae, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tố cáo lạc giáo “Duy Hoa Kỳ” (Americanism) này. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Hoa Kỳ vào lúc đó không nhận mình chủ trương các ý niệm được mô tả trong thông điệp và phần lớn các sử gia hiện nay tin rằng thông điệp này thực sự nhắm vào các trào lưu cấp tiến lúc ấy ở Pháp. Tuy nhiên, lá thư vẫn cho thấy rõ các nhà tư tưởng của Vatican từ lâu vốn không hài lòng với hình thức Công Giáo đang thành hình ở Hoa Kỳ.

Vì ảnh hưởng hoàn cầu của Hiệp Chúng Quốc và các tài nguyên khổng lồ của Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ, Vatican phải lưu ý đặc biệt tới Giáo Hội ở đây. Thập niên 1980, Vatican mở một cuộc điều tra về thừa tác vụ dành cho người Công Giáo đồng tính nam nữ do hai người Công Giáo Hoa Kỳ phát động, đó là Nữ Tu Jeannine Gramick và Cha Robert Nugent, vi sợ rằng thừa tác vụ này đang bán rẻ giáo huấn chính thức về đồng tính luyến ái. Gần cùng thời gian này, một nhà thần học luân lý Hoa Kỳ nổi tiếng, Cha Charles Curran, là đối tượng của một cuộc điều tra khá lâu dài của Vatican mà kết cục là Cha Curran bị sa thải khỏi Đại Học Công Giáo America. Cha bị tố cáo duy trì các lập trường bất đồng về nhiều vấn đề đạo đức học tính dục, như ngừa thai chẳng hạn. Gần đây, vào năm 2012, Vatican ra lệnh xem xét toàn bộ nhóm lãnh đạo chung của các nữ tu Hoa Kỳ, tức Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu (LCWR), dựa trên các lệch lạc đối với giáo huấn của Giáo Hội về nhiều vấn đề như phụ nữ làm linh mục, phá thai và hôn nhân đồng tính, và điều bị Vatican coi như “chủ nghĩa duy nữ cực đoan”. Những việc can thiệp như thế này khiến người ta châm biếm cho rằng Giáo Hội ở Hoa Kỳ mà hắt hơi thì cả thế giới Công Giáo chắc đang cảm cúm cả.

Tuy nhiên, một lần nữa, việc đánh giá của Vatican đối với Giáo Hội Hoa Kỳ ở đầu hế kỷ 21 về căn bản khá tích cực. Đến một mức độ nào đó, việc này có được một phần do trong 30 năm qua, dưới thời các Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, các vị giám mục được bổ nhiệm cho Hoa Kỳ có xu hướng thân Vatican. Một phần khác cũng vì các tổ chức Công Giáo chính ở Hoa Kỳ, nhất là Hội Hiệp Sĩ Columbus với 1.8 triệu thành viên, là ân nhân chính của nhiều chính nghĩa Công Giáo. (Hãy lấy một thí dụ nhỏ: những người tới thăm Vatican hẳn lưu ý điều này: các xe vận tải của CTV, tức hệ thống truyền hình của Vatican, đều mang huy hiệu của Hội Hiệp Sĩ Columbus). Thành thử, người Công Giáo Hoa Kỳ có xu hướng tạo ảnh hưởng rất lớn đối với các bình diện cấp cao của Giáo Hội. Tính đến năm 2012, chẳng hạn, Hoa Kỳ có nhiều hồng y có quyền bỏ phiếu bầu vị giáo hoàng kế tiếp hơn cả Ba Tây (sáu) và Mễ Tây Cơ (bốn) cộng lại. Đây là hai quốc gia Công Giáo lớn nhất trên thế giới, với tổng số dân Công Giáo cộng lại gấp tới hơn 3 lần rưỡi dân số Công Giáo của Hiệp Chúng Quốc. Ở các bình diện thấp hơn, cũng thế, Vatican cũng càng ngày cành dựa vào Hoa Kỳ nhiều hơn. Chẳng hạn, khi bị Âu Châu lượng giá về việc rửa tiền năm 2012, Tòa Thánh đã phải cậy nhờ một luật sư Hoa Kỳ, vốn là một giáo dân ở California, Ông Jeffrey Lena, làm cố vấn chính. Cùng năm đó, để giải quyết các vấn đề giao tế nhân sự kéo dài lâu năm của mình, Vatican cũng đã phải thuê một nhà báo Hoa Kỳ, Ông Gregory Burke, một phóng viên kỳ cựu của hãng Fox và là thành viên của Opus Dei.

Khi nói với các nhân viên của Vatican về người Công Giáo Hoa Kỳ, chắc chắn bạn sẽ được nghe họ than phiền. Họ nói rằng người Công Giáo Hoa Kỳ chỉ chiếm 6 phần trăm dân số Công Giáo thế giới, nhưng hình như không chịu hiểu cho rằng họ là thành phần của một Giáo Hội hoàn cầu rộng lớn hơn và vì thế sự việc không luôn theo ý họ. Trong khi người Công Giáo Hoa Kỳ đôi lúc than phiền rằng họ không được Rôma yêu thương đủ, thì các nhân viên của Vatican thường phản đối mà cho rằng Hoa Kỳ đã có quá nhiều ảnh hưởng đối với Giáo Hội rồi. Các thiên kiến xưa cũ về Hoa Kỳ như một nền văn hóa cao bồi ấu trĩ cũng khá dai dẳng nơi một sối giới ở Vatican. Tuy nhiên, nói thế thì nói, xem ra ở đầu thế kỷ 21, càng ngày càng có “thời điểm Hoa Kỳ” ở Vatican, được nuôi dưỡng nhờ cái nhìn khá tích cực đối với sự đóng góp của người Công Giáo Hoa Kỳ, cả về phương diện cá nhân lẫn về phương diện tập thể.

Chúng ta có thể có một vị giáo hoàng người Hoa Kỳ không?

Đã từ lâu, sự khôn ngoan thông thường vẫn cho rằng một người Hoa Kỳ không thể được bầu làm giáo hoàng vì cùng một lý do như họ không thể được bầu làm Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc. một định chế hoàn cầu giả thiết phải là một môi giới hợp tình hợp lý đối với mọi quốc gia và do đó, người lãnh đạo nó không thể xuất thân từ một trong các siêu cường. Tuy nhiên, đầu thế kỷ 21, ít nhất có 3 lực lượng đang làm cho thứ luận lý học này tan vỡ, và giúp cho ý niệm một giáo hoàng người Hoa Kỳ có thể trở thành khả hữu hơn.

Thứ nhất, Hoa Kỳ không còn là siêu cường đơn độc của thế giới nữa. Các giám mục Công Giáo có xu hướng coi Trung Quốc hoặc Saudi Arabia như là các siêu cường nhiều hơn chứ không phải Hoa Kỳ. Các giám mục ở Đông Nam Á, có xu hướng ít nhất nghĩ tới Ấn Độ như một lực lượng hoàn cầu chủ yếu giống như Hoa Kỳ. Nói cách khác, trong một thế giới đa cực, các cấm kỵ truyền thống chống lại một “giáo hoàng siêu cường” đã dần mất đi sức mạnh của nó.

Thứ hai, việc bầu Đức Gioan Phaolô II năm 1978 đã thay đổi năng động tính tâm lý nơi các vị hồng y bầu giáo hoàng. Cùng một lúc, người ta nghĩ việc bầu vị giáo hoàng người Ba Lan cũng đã báo hiệu việc kết thúc 500 năm độc quyền của người Ý đối với ngôi vị giáo hoàng, nhưng nhờ nhìn thấy các ơn phúc của nó, việc này còn có giá trị hơn nữa. Thực vậy, trên thực tế, nó đã tạo nên một não trạng mới nơi các vị hồng y, giúp các ngài cởi mở hơn đối với ý niệm vị giáo hoàng sắp tới có thể xuất thân từ bất cứ nơi đâu, vì chính cá nhân, chứ không phải quốc tịch của vị này, là điều đáng kể. Để chứng tỏ điều này, sau mật nghị hồi tháng Tư năm 2005 nhiều vị hồng y nói rằng các ngài bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI không phải vì ngài là người Đức. Thực sự, các ngài cho hay, các ngài bầu ngài bất chấp việc ngài là người Đức. Nói một cách tổng quát, nhiều vị hồng y cho biết các ngài bị lôi cuốn bởi ý tưởng chọn một người không phải là Âu Châu, nhưng các ngài thấy nơi Đức Ratzinger một cá nhân đầy đủ tư cách vào lúc đó.

Thứ ba, vấn đề căn bản liên quan tới việc nói đến xuất xứ của vị giáo hoàng kế tiếp là các vị hồng y không chọn một giấy xuất cảnh, mà chọn một hữu thể nhân bản bằng xương bằng thịt. Dù trong lý thuyết, việc bầu một người Hoa Kỳ làm giáo hoàng hoàn toàn hợp lý đi chăng nữa, thì vị này cũng phải có đủ tư cách mới làm cho viễn tượng ấy thành sự thực được. Trong phần lớn thế kỷ 20, hình như chưa có vị hồng y Hoa Kỳ nào buộc người ta phải xếp vào loại papabile hay có thể trở thành ứng viên chức giáo hoàng. Các vị hồng y Hoa Kỳ nổi tiếng là các nhà cai trị hay kỹ trị (techcrats), là các vị “gạch vữa” hơn là các chính khách (statesmen) hay các tư tưởng gia thâm thúy. Tuy nhiên, gần đây, hình ảnh này bắt đầu thay đổi. Đức Hồng Y Francis George của Chicago được quốc tế coi như một nhà trí thức nghiêm túc, một trong ít thành viên của hồng y đoàn có khả năng so sánh với với Đức Bênêđíctô. Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York được coi như một nhà lãnh đạo nhiều đặc sủng, thông thạo truyền thông, có khả năng tỏa chiếu một hình ảnh tích cực của Giáo Hội trên sân khấu công cộng. Nói cách khác, lần kế tiếp, khi các vị hồng y họp lại để bầu vị tân giáo hoàng, chắc chắn các ngài sẽ không loại bỏ ý niệm bầu một người Hoa Kỳ làm giáo hoàng.

Còn tiếp
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 28/08/2017: Chuyến thăm Nga của Đức Hồng Y Pietro Parolin
VietCatholic Network
14:52 27/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Chuyến thăm Nga của Đức Hồng Y Pietro Parolin

Hôm 21 tháng 8, Ðức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tòa Thánh, đã gặp gỡ và thảo luận với Ðức Tổng Giám Mục Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Thông cáo của tòa Thượng Phụ cho biết hai vị đã trao đổi về cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay và tình trạng bi thảm của các tín hữu Kitô tại Trung Ðông. Nhận xét về việc có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, hai vị đã đồng ý về sự kiện trước tiên cần loại trừ nạn khủng bố ra khỏi lãnh thổ Syria, và chỉ sau khi đạt được hòa bình tại nước này, người ta mới có thể xác định tương lai chính trị của đất nước.

Về vấn đề Syria và tình trạng các tín hữu Kitô Trung Ðông có sự đồng ý hoàn toàn với nhau giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, nhưng không có sự đồng ý như vậy về vấn đề Ukraine.

Thứ ba 22 tháng 8 năm 2017, Ðức Hồng Y Parolin đã gặp gỡ và làm việc với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, và ban chiều, Ðức Hồng Y viếng thăm Ðức Thượng Phụ Chính Thống Kirill ở Mascơva.

Thứ tư 23 tháng 8 năm 2017, Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh đã đến Sochi để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin.

2. Chính Thống Giáo Nga phàn nàn Ukraine

Một trong những đề tài nóng bỏng được đề cập trong các cuộc thảo luận giữa Đức Hồng Y Pietro Parolin và các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga là vấn đề Ukraine và tự do tôn giáo tại nước này. Quốc hội Ukraine đang chuẩn bị một số đạo luật trong thực tế kỳ thị vị thế của Giáo Hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Ngoài Giáo Hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, còn có Chính Thống Ukraine tự ý tách rời khỏi Chính Thống Nga do Ðức Thượng Phụ Filaret cai quản, và không được Chính Thống thế giới công nhận. Sau cùng là một Giáo Hội Chính Thống gốc hải ngoại, trở về Ukraine sau khi nước này tìm lại tự do sau khi nhà nước Liên Xô sụp đổ.

Ðức Tổng Giám Mục Hilarion bày tỏ sự bất mãn về những lời tuyên bố có tính cách chính trị của các đại diện Công Giáo Ukraine nghi lễ đông phương, nhưng đồng thời Ðức Tổng Giám Mục cũng nhìn nhận sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với các tín hữu Chính Thống.

Thông cáo của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga cho biết hai vị lãnh đạo Tòa Thánh và Chính Thống Nga đều xác tín rằng chính trị không được xen mình vào đời sống Giáo Hội, và các Giáo Hội Kitô tại Ukraine được kêu gọi giữ một vai trò kiến tạo hòa bình, cộng tác với nhau để tái lập sự hòa hợp dân sự tại Ukraine.

3. Sứ điệp Ngày thế giới người di dân và tị nạn lần thứ 104.

Hôm thứ Hai 21 tháng Tám năm 2017, Toà thánh đã công bố Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô cho “Ngày thế giới người di dân và người tị nạn” lần thứ 104, sẽ được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng năm 2018 với chủ đề “Ðón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và người tị nạn”. Sứ điệp được Ðức Thánh Cha ký ngày 15 tháng Tám năm 2017, ngày Lễ trọng mừng kính Ðức Mẹ Lên Trời.

Ðức Thánh Cha viết: “Trong suốt những năm đầu thi hành sứ vụ giáo hoàng, tôi đã nhiều lần bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về tình trạng đáng buồn của nhiều người di dân và người tị nạn trốn chạy chiến tranh, khủng bố, thiên tai và đói nghèo. Tình trạng này chắc chắn là một 'dấu chỉ của thời đại', mà tôi cố gắng giải thích, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, kể từ chuyến viếng thăm Lampedusa vào ngày 8 tháng Bảy 2013. Khi thành lập bộ mới, Bộ Thăng tiến sự phát triển con người toàn diện, tôi muốn có một phân bộ đặc biệt -hiện nay do chính tôi đứng đầu- để nói lên mối quan tâm của Giáo Hội đối với người nhập cư, người tị nạn và các nạn nhân của nạn buôn người”.

Ðức Thánh Cha nói rằng đáp ứng nhu cầu của người tị nạn là một dịp để Phúc âm hoá: “Mỗi người khách lạ gõ cửa nhà chúng ta là một cơ hội để chúng ta gặp Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đồng hoá mình với những người khách lạ được tiếp đón hay bị từ chối trong mọi thời ... Ðây là một trách nhiệm lớn lao mà Giáo Hội muốn chia sẻ với tất cả các tín hữu và mọi người thiện chí, những người được kêu gọi đáp ứng những thách đố của thời đại di dân hiện nay với lòng quảng đại, sự nhanh nhẹn, khôn ngoan và nhìn xa trông rộng, tuỳ theo khả năng của mỗi người.

Trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến hành động của Liên hiệp quốc:

“Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc tổ chức ở New York vào ngày 29 tháng Chín năm 2016, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ mong muốn có hành động dứt khoát trong việc trợ giúp người di dân và người tị nạn để cứu mạng và bảo vệ quyền lợi của họ, bằng cách chia sẻ trách nhiệm này trên toàn cầu. Ðể đạt được mục tiêu này, các quốc gia đã cam kết soạn thảo và thông qua, trước cuối năm 2018, hai Hiệp ước Toàn cầu, một cho người tị nạn và một cho người di dân”.

4. Bốn yếu tố của một chính sách chung đối với nhu cầu của người nhập cư,

Trong Sứ điệp Ngày thế giới người di dân và tị nạn lần thứ 104, người ta đặc biệt chú ý đến bốn yếu tố đối với nhu cầu của người nhập cư, mà Đức Thánh Cha đã từng nêu ra trong Diễn văn tại Diễn đàn Quốc tế về Di cư và Hoà bình, ngày 21 tháng 02 năm 2017; và được lặp lại trong sứ điệp này.

Ðức Thánh Cha mô tả các yếu tố này bằng bốn động từ:

Ðón tiếp: ... “trên hết, phải cung cấp nhiều lựa chọn hơn để người di dân và người tị nạn đến được các quốc gia tiếp nhận một cách an toàn và hợp pháp. Ðiều này đòi hỏi một dấn thân cụ thể để gia tăng và đơn giản hoá tiến trình cấp thị thực nhân đạo và đoàn tụ gia đình. Ðồng thời, tôi hy vọng rằng nhiều quốc gia sẽ thông qua các chương trình tài trợ tư nhân và cộng đồng, và mở các hành lang nhân đạo cho những người tị nạn đặc biệt yếu thế. Hơn nữa, cũng nên cấp thị thực tạm thời đặc biệt cho những người trốn chạy các cuộc xung đột ở những nước láng giềng. Việc tuỳ tiện trục xuất tập thể những người nhập cư và người tị nạn không phải là giải pháp thích hợp, đặc biệt là khi người dân được đưa trở lại các quốc gia không có sự bảo đảm tôn trọng nhân phẩm và những quyền cơ bản của con người”. Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại rằng “nguyên tắc trung tâm của nhân vị”, mà vị tiền nhiệm của ngài là Ðức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI vẫn nhấn mạnh, “buộc chúng ta phải luôn đặt ưu tiên cho sự an toàn của cá nhân trước an ninh quốc gia”.

Bảo vệ: ... “có thể được hiểu là một loạt các bước nhằm bảo vệ quyền và phẩm giá của người di dân và người tị nạn, bất chấp tình trạng pháp lý của họ. Sự bảo vệ ấy bắt đầu ở quốc gia xuất phát và bao gồm việc cung cấp thông tin đáng tin cậy và được xác minh trước khi người ấy ra đi và việc cung cấp sự an toàn để tránh các hoạt động tuyển dụng bất hợp pháp. Ðiều này phải được tiến hành ở mức tối đa có thể tại quốc gia tiếp nhận, bảo đảm cho họ có đủ trợ giúp về mặt lãnh sự, có quyền luôn giữ lại các giấy tờ cá nhân, được mở một tài khoản ngân hàng cá nhân và một mức tối thiểu để sống”.

Thăng tiến: ... “đó là một nỗ lực kiên quyết để bảo đảm rằng tất cả những người di dân và người tị nạn - cũng như các cộng đồng đón tiếp họ - đều có quyền thể hiện tiềm năng của mình như những con người, trong mọi chiều kích làm thành nhân loại mà Ðấng Sáng Tạo đã dự định. Trong những chiều kích ấy, chúng ta phải nhìn nhận giá trị đích thực của chiều kích tôn giáo, bảo đảm cho tất cả các ngoại kiều ở bất cứ quốc gia nào có quyền tự do tín ngưỡng và thực hành tôn giáo. Nhiều người di dân và người tị nạn có những khả năng phải được nhìn nhận và đánh giá một cách thích hợp”.

Hội nhập: ... liên quan đến các cơ hội phong phú hoá qua việc giao thoa văn hóa nhờ sự hiện diện của người di dân và người tị nạn. Hội nhập không phải là “đồng hóa”, đẩy người nhập cư đến chỗ xoá bỏ hay quên đi bản sắc văn hoá của họ. Nhưng, việc giao tiếp với người khác phải dẫn tới chỗ khám phá được 'bí quyết' của họ, cởi mở với họ để đón nhận các mặt đúng đắn của họ và như thế góp phần vào việc hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Ðây là một tiến trình lâu dài nhằm định hình xã hội và văn hoá, làm cho chúng ngày càng trở nên phản ánh những ơn huệ đa dạng mà Thiên Chúa ban tặng cho con người”.

5. Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Chilê của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

“Mi paz les doy” - Tôi ban bình an của tôi cho họ - là khẩu hiệu tiếng Tây ban nha của chuyến viếng thăm Chilê của Ðức Thánh Cha Phanxicô từ ngày 15 đến 18 tháng 01 năm 2018. Khẩu hiệu này lấy ý từ Lời Chúa trong Tin mừng thánh Gioan 14,27: “Thầy để lại bình an cho anh em”.

Ủy ban quốc gia chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này cho biết, câu này vừa quen thuộc với các tín hữu Công Giáo và cả người ngoài Công Giáo. Nó diễn tả rằng với cuộc viếng thăm của mình, Ðức Thánh Cha Phanxicô mang lời của Chúa Giêsu như món quà đến cho Chilê. Trong thông cáo, Ủy ban cũng nhấn mạnh rằng: “Với chuyến viếng thăm này, Ðức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích một nền văn hóa gặp gỡ, thúc đẩy một bầu khí hiệp nhất cho dân tộc Chilê.”

Logo của chuyến viếng thăm rất đơn giản nhưng chứa đựng 3 yếu tố chính của cuộc viếng thăm: Thánh giá và khẩu hiệu là hai điều nhắc đến Chúa Kitô; chữ ký và lá cờ nói đến Ðức Thánh Cha; và bản đồ nước Chilê với hàng chữ “Chilê 2018” được viết bằng màu đỏ và xanh dương, hai màu cờ của Chilê, nói đến quốc gia này.

Ðược biết logo này không phải là một tác phẩm của một tác giả, nhưng là kết quả làm việc của một nhóm các nhà vẽ mẫu, các nhà truyền thông, các linh mục và giáo dân.

6. Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Pêru của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Hội đồng Giám mục Pêru đã công bố khẩu hiệu và chuyến viếng thăm quốc gia này, từ ngày 18 đến 21 tháng 01 năm 2018, của Ðức Thánh Cha Phanxicô. Ðây là lần thứ 3 Pêru được người kế vị thánh Phêrô viếng thăm.

“Unidos por la speranza” - Hiệp nhất bởi hy vọng - là lời mời gọi hoạt động cho sự hiệp nhất dưới sự hướng dẫn của hy vọng, điều Ðức Thánh Cha đã ngỏ lời với người dân Pêru trong sứ điệp video gửi đến họ hồi đầu tháng 8 năm 2017.

Các yếu tố được trình bày trong logo là: sự gần gũi, cầu nguyện và hiệp nhất. Ðôi bàn tay: màu đỏ và vàng, màu cờ Pêru và Vatican, như hình đôi cánh đang cầu nguyện, ngợi khen và vui mừng với việc Ðức Thánh Cha đến Pêru. Bản đồ Pêru thể hiện sự gần gũi của Ðức Thánh Cha với Pêru qua sự hiện diện của ngài. Hình ảnh tươi cười của Ðức Thánh Cha trong bản đồ nước Pêru diễn tả sự liên kết của các miền đất nước để đón tiếp Ðức Thánh Cha.

Theo các Giám mục Pêru, logo muốn diễn tả sự gần gũi của Ðức Thánh Cha với nhân dân Pêru và sự đồng hành của ngài trên hành trình đức tin, đồng thời muốn xác định rằng ngày lễ hội trong hy vọng sẽ đoàn kết mọi người

7. Tổ chức ân xá quốc tế lên án cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Duterte.

Chỉ trong một ngày 15 tháng 8 năm 2017, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 32 người Phi Luật Tân đã bị cảnh sát giết chết. Có lẽ đây là con số nạn nhân cao nhất trong một ngày từ khi tổng thống Duterte tuyên bố cuộc chiến chống ma túy.

Ông James Gomez, giám đốc tổ chức Ân xá quốc tế khu vực Ðông nam á Thái bình dương nhận định rằng cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Duterte đã tiến tới mức độ man rợ mới: giết những kẻ bị tình nghi, vi pham quyền sống của họ và phớt lờ các quy luật của một tiến trình đúng đắn cho đến nay vẫn được thực hiện. Cũng theo ông Gomez, những người bị ảnh hưởng bởi mức độ bạo tàn thường là các cộng đồng nghèo.

Từ khi lên nắm chính quyền vào năm 2016, ông Duterte và chính phủ của mình đã vi phạm nhân quyền dưới danh nghĩa cuộc chiến chống ma túy. Họ đe dọa và giam tù những người phê bình đường lối của ông và tạo nên một bầu khí không có luật pháp. Trong vai trò người lãnh đạo tối cao của đất nước, Duterte đã phê chuẩn và cổ võ những vụ hành quyết không xét xử.

Trong một báo cáo hồi đầu năm 2017, có tựa đề “Nếu anh là người nghèo, anh bị giết”, tổ chức Ân xá quốc tế đã tố cáo cảnh sát Philippines đã giết hại hoặc đã trả tiền để giết hàng ngàn người bị cáo buộc phạm tội buôn bán ma túy trong làn sóng của các vụ giết người không xét xử, có thể so sánh với tội ác chống lại nhân loại.

8. Người Hồi giáo Pakistan thương nhớ sơ Ruth Pfau

Hồi trung tuần tháng 8 năm 2017, thế giới thương tiếc sự ra đi vĩnh viễn của nữ tu Ruth Pfau, một bác sĩ y khoa người Ðức. Tổng thống Mamnoon Hussein và Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi của Pakistan, quốc gia có đại đa số dân theo Hồi Giáo, đã công bố Pakistan sẽ tổ chức quốc táng cho sơ Ruth.

Thông cáo của văn phòng thủ tướng Pakistan đã ví sơ Ruth Pfau như là Mẹ Teresa của Pakistan, một người “đã được sinh ra ở Ðức, nhưng trái tim bà luôn ở với chúng ta ở Pakistan này.” Tổng thống Mamnoon Hussein ca ngợi sự dấn thân của sơ Ruth Pfau trong việc phục vụ các bệnh nhân và góp phần chấm dứt bệnh phong ở Pakistan. Ông ca ngợi sự hy sinh dấn thân của sơ trong việc chon Pakistan là nhà của mình để phục vụ nhân loại. Ông và đất nước Pakistan bày tỏ lòng kính trọng đối với sơ Ruth hy vọng rằng tinh thần phục vụ nhân loại tuyệt vời của sơ sẽ được tiếp tục.

Kakkazai Aamir, một nhà văn và nhà nghiên cứu Hồi giáo nói rằng dân Pakistan sẽ nhớ về sơ Ruth như biểu tượng của sự cống hiến và ngọn hải đăng hy vọng cho người bị bệnh phong và sẽ không bao giờ quên sự phục vụ của sơ. Ông nhắc lại lời của sơ Ruth: “Chúng tôi không phục vụ nhân loại để được phần thưởng hay thiên đường, nhưng chúng tôi làm việc để giảm bớt những vấn đề của dân tộc chúng ta. Chúng tôi làm việc để chữa lành các bệnh tật của nhân loại'. Ông tin rằng sơ Ruth không cần những lời cầu nguyện của dân Pakistan để xin sự tha thứ của Thiên Chúa nhưng chính họ phải cầu nguyện để có được một chỗ cạnh sơ trên thiên đàng.

Ðối với ông Hamza Arshad, một nhà giáo dục Hồi giáo, sơ Ruth là một thiên thần của lòng thương xót đối với dân Pakistan, nơi mà chính quyền làm ngơ trước các chương trình sức khỏe cộng đồng. Sơ Ruth đã chăm sóc các bệnh nhân phong cùi, những người bị xua đuổi và xa lánh. Sơ đã chiến đấu thực sự chống lại căn bệnh này và hầu như đã chiến thắng nó. Năm 1996, Pakistan là nước đầu tiên trong vùng đã kiểm soát được bệnh phong. Sơ Ruth không hề nghĩ đến việc cần phổ biến trên truyền thông để được biết đến hay được trợ giúp kinh tế. Trên hết sơ có sự trợ giúp ủng hộ của dân chúng... Ông tin rằng sơ Ruth sẽ tiếp tục nghĩ đến các người bệnh và các bệnh nhân của sơ đang thiếu vắng người mẹ thánh thiện.

Giáo trưởng Rana, một luật sư và giám đốc trang mạng nhật báo Mukaalma (đối thoại) khẳng định: “Những con người như bác sĩ Pfau hy sinh hiện tại của họ cho tương lai của người khác. Sơ Ruth còn được tôn trọng hơn nữa vì không chỉ hy sinh cho đất nước của sơ nhưng cho một quốc gia khác. Sơ là một trong những tia sáng cuối cùng của hệ thống truyền giáo Kitô giáo, đã sản sinh ra các nhân vật vĩ đại yêu mến Thiên Chúa qua các thụ tạo của Ngài và phục vụ Thiên Chúa bằng cách phục vụ nhân loại, không phân biệt tôn giáo. Sơ Ruth đã và sẽ vẫn là một biểu tượng của tình yêu, của nhân loại và của sự hy sinh. Tình yêu và sự chăm sóc sơ dành cho các bệnh nhân phong cùi không chỉ là rất quan trọng và cần thiết, nhưng cũng mang tính cách mạng. Ðặc biệt là trong một xã hội như Pakistan, nơi mà những người phong cùi được coi là phải chịu số phận và định mệnh phải chết một mình. Sơ Pfau đã cho thấy rằng 'lời nguyền của Thiên Chúa' có thể được chiến thắng
 
Thánh Ca
Thánh ca: 'Tựa Nai Khát' -- Trình bày: ca sĩ Thanh Lan
VietCatholic Network
20:56 27/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây