Ngày 07-08-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 19 Mùa Quanh Năm 8/8/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:09 07/08/2021

BÀI ĐỌC I: 1 V 19, 4-8

“Nhờ sức của nuôi ấy, ông mới đi tới núi của Thiên Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia đi một ngày đàng vào trong hoang địa. Khi đến nơi kia, và ngồi dưới gốc cây tùng, ông xin được chết mà rằng: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con”. Rồi ông nằm ngủ dưới bóng cây tùng. Và đây Thiên Thần Chúa đánh thức ông và bảo rằng: “Hãy chỗi dậy mà ăn”. Ông nhìn thấy gần đầu ông có chiếc bánh lùi và một bình nước: ông ăn uống, rồi ngủ lại. Thiên Thần Chúa trở lại đánh thức ông lần thứ hai và bảo: “Hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa”. Ông liền chỗi dậy ăn uống, và nhờ sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Đáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa, và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người.

BÀI ĐỌC II: Ep 4, 30 – 5, 2

“Anh em hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã sống”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em chớ làm phiền hà Thánh Thần của Thiên Chúa, vì trong Người, anh em được ghi ấn tín để chờ đợi ngày cứu chuộc đến. Anh em hãy loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác. Anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô. Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó Mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 6, 41-52 (Hl 41-51)

“Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống'”.

Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.

“Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

Đó là lời Chúa.
 
Dịch chuyển một tâm hồn
Lm. Minh Anh
01:33 07/08/2021
DỊCH CHUYỂN MỘT TÂM HỒN

“Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Ngài!”.

Thánh nữ Brigid Ireland đã từng để lại những dòng thơ, “Lạy Chúa, con chưa bao giờ di chuyển một ngọn núi và có lẽ sẽ không bao giờ. Tất cả niềm tin mà con có thể tập hợp vẫn không di chuyển nổi một ngọn đồi kiến nhỏ. Tuy nhiên, con sẽ nói với Chúa, Chúa ơi, con cám ơn Chúa vì niềm vui được biết Ngài; cám ơn Ngài đã cho tất cả những ngọn núi di chuyển xuống đời con!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Dịch chuyển một ngọn núi, xem ra còn dễ hơn ‘dịch chuyển một tâm hồn!’; tuy nhiên, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho biết, ‘dịch chuyển một tâm hồn’ vẫn là điều có thể, khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa, tin vào Ngài, cậy trông vào dũng lực của Ngài.

Sách Đệ Nhị Luật hôm nay tiết lộ, một khi con người yêu mến, kính tin Thiên Chúa hết lòng, thì điều gì cũng có thể xảy ra, điều gì cũng có thể dịch chuyển. Môisen nói, “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi!”; được như vậy, “Ngài sẽ ban cho ngươi những thành phố to lớn và phồn thịnh mà ngươi không xây cất, những ngôi nhà đầy của cải mà ngươi không làm ra, những giếng nước mà ngươi không đào, vườn nho và vườn ôliu ngươi không trồng; ngươi sẽ được no nê!”. Để từ đó, dân Chúa có thể tuyên xưng, “Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Ngài!” như lời Thánh vịnh Đáp ca xác tín.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy một điều tương tự khi các môn đệ bất lực trước việc chữa lành một em bé. Tại sao? Ngài cho biết lý do, “Vì các con yếu lòng tin!”; yếu lòng tin là chưa có đức tin, chưa có lòng mến, chưa cậy trông thực sự vào dũng lực của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu nói tiếp, “Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, các con có khiến núi này, ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được”. Như vậy di chuyển một ngọn núi là điều không tưởng, nhưng với đức tin, Ngài bảo đảm, điều ấy vẫn khả thi.

Dịch chuyển các ngọn núi luôn được hiểu ở cấp độ nghĩa bóng và tinh thần. Bất cứ lúc nào Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống chúng ta, đúng hơn là giúp chúng ta thay đổi cuộc sống mình nên tốt hơn; hoặc Ngài sử dụng chúng ta để ‘dịch chuyển một tâm hồn’ nào đó theo cách siêu nhiên, thì đó vẫn là một cái gì lớn hơn so với việc dịch chuyển một ngọn núi theo nghĩa đen. Dưới lăng kính vĩnh cửu, thử hỏi điều gì sẽ mang lại vinh hiển lớn lao cho Thiên Chúa hơn; di chuyển một ngọn núi theo nghĩa đen hay ‘dịch chuyển một tâm hồn’ nhờ ân sủng biến đổi của Ngài? Dĩ nhiên, một tâm hồn được biến đổi vĩnh viễn bởi ân sủng sẽ là điều ấn tượng hơn, đáng mong đợi hơn và cũng thiên đàng hơn. Không nghi ngờ gì nữa, việc chúng ta được Thiên Chúa biến đổi và Ngài sử dụng chúng ta để mang lại sự biến đổi cho linh hồn người khác có tầm quan trọng lớn lao vô cùng. Vì thế, phúc cho ai tựa nương vào Chúa, phúc cho ai chọn Ngài làm dũng lực của mình!

Anh Chị em,

Có ngọn núi nào trong linh hồn chúng ta mà Thiên Chúa hằng canh cánh bên lòng muốn dịch chuyển? Ngài đang muốn chúng ta thực hiện một sự biến đổi cấp thiết nào? Đó là những câu hỏi quan trọng thiết thực nhất cho việc nên thánh của mỗi người. Chúa Giêsu muốn chúng ta có một đức tin sâu sắc vào Ngài, lắng nghe Ngài và tin tưởng Ngài với từng thớ thịt của con người mình. Sách Đệ Nhị Luật hôm nay đã không nói “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi” sao! Có một đức tin, một lòng yêu mến như thế, thì Thiên Chúa không chỉ sẽ làm những điều không thể tưởng tượng trong cuộc sống chúng ta, nhưng qua chúng ta, Ngài sẽ làm nhiều điều không tưởng khác nơi các linh hồn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘dịch chuyển một tâm hồn’ luôn luôn là công việc của ân sủng, xin giúp con biết cộng tác với Chúa trong việc biến đổi bản thân con; nhờ đó, con có thể trở thành công cụ của Chúa trong việc biến đổi các linh hồn, biến đổi thế giới”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lễ Mẹ Về Trời Giữa Mùa Đại Dịch
Giáo Hội Năm Châu
02:15 07/08/2021
 
Người Lữ Hành Không Cô Đơn
LM. Giuse Trương Đình Hiềnt
08:17 07/08/2021
Chúa Nhật 19 Thường Niên (B 2021)

Văn sĩ V. Georghill, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Giờ Thứ 25”, đã có một nhận xét tinh tế đầy niềm tin: “Không có người lữ hành nào là cô đơn trên con đường đi về vĩnh cửu, bởi vì Chúa cùng đi với họ”. Và cũng từ nhận xét đó, chúng ta mới thấy rõ cái ngụ ý sâu xa của cử hành Thánh Thể dành cho người hấp hối trong phụng vụ của Hội Thánh mang tên “Của Ăn Đàng” (Viaticum). Thì ra, Hội Thánh luôn quan niệm cuộc sống chính là một cuộc “Lên đường”, và cuộc sống đức tin chính là một “cuộc đi đàng” tiến về vĩnh cửu. Chính vì thế, cho dầu ở ngay ngưỡng cửa sự chết, dân Chúa vẫn tràn đầy niềm hy vọng với Thánh Thể như “Của Ăn Đàng” giúp người tín hữu chuẩn bị đầy đủ hành trang và nghị lực tinh thần để bước qua đoạn đường dương thế và sẵn sàng tiến vào con đường mới dẫn tới quê hương hằng sống. Tuy nhiên, cuộc hành trình của con người, của kiếp nhân sinh, của đời sống đức tin không phải chỉ bắt đầu khi bước gần tới ngưỡng cửa sự chết, mà là một cuộc hành hương khởi sự từ khi cất bước vào đời.

Thánh Thể và lữ hành chính là trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay.

1. Giấc ngủ an yên hay lữ hành xa tắp:

Cho tới mãi hôm nay, sau mấy ngàn năm lịch sử, cuộc hành trình của ngôn sứ Ê-li-a về Núi Thánh Horeb vẫn còn nguyên giá trị qui chiếu cho cuộc hành trình đức tin của dân Chúa. Thật vậy, sau những chiến thắng ngoạn mục trên núi Các-men để triệt hạ các thần tượng Ba-an và phục hồi niềm tin cho dân Chúa, cứ tưởng rằng “Vị ngôn sứ độc hành bách chiến bách thắng Êlia” sẽ ngồi rung đùi mà hỉ hả với chiến công vô địch; ai ngờ chính vị đại tiên tri nầy lại ba chân bốn cẳng trốn chạy trước đồ đệ của Ba-an, một hoàng hậu gian ác, Jézabel.

Nếu có lặp lại sự kiện nầy trong lịch sử cứu độ thời Hội Thánh thì chúng ta có thể nhớ lại huyền thoại “Quo vadis”, khi Phêrô cũng định lủi trốn trước một rừng gươm giáo của bạo chúa Nêrô. Chỉ có điều, (theo chuyện kể của huyền thoại), nhờ lời nhắc khéo của Thầy “vì ngươi bỏ đoàn chiên mà đi trốn nên ta phải trở lại Rôma chịu đóng đinh lần nữa chứ đi đâu !”, Phêrô đã quay lại và chấp nhận đóng đinh ngược đầu xuống đất để ấn chứng cho thế gian thấy rằng: cuộc chiến thắng cuối cùng, đích điểm của hành trình đức tin vào Đức Kitô không phải là vinh quang trần thế, là quyền uy và sức mạnh cai trị, là giàu sang phú quí của ngai vàng…, mà là được thuộc trọn về Thiên Chúa, là hoàn tất ý định của Thiên Chúa, là trở nên giống Chúa Kitô…

Vì thế cuộc hành trình đức tin của dân Chúa muôn nơi muôn thuở vẫn mang dáng đứng “cuộc lữ hành về Núi Thánh Horeb” của sứ ngôn Êlia; vẫn giăng mắc những đau thương và mỏi mệt, vẫn đan xen những nước mắt và mồ hôi; vẫn thiếu những suối mát rừng mơ để nhanh chân vươn tới, nhưng lại thừa những chán nản mỏi mệt để bỏ cuộc dừng chân.

Lời Chúa hôm nay đã nói thế chứ đâu phải chuyện đùa: Êlia đi một ngày đàng vào trong hoang địa. Khi đến nơi kia, và ngồi dưới gốc cây tùng, ông xin được chết mà rằng: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con”. Rồi ông nằm ngủ dưới bóng cây tùng… (BĐ1).

Vâng, thế gian mà !

- Ai mà không muốn chọn “việc nhẹ nhàng”, một giấc ngủ an yên, thay vì ra đi với vất vả đắng cay !

- Ai lại không muốn những công việc truyền giáo, những công trình mục vụ, những phong trào Công Giáo tiến hành phải được rầm rộ phất cờ vang trời dậy đất, thay vì phải chịu cảnh chui rúc âm thầm trong đố kỵ ghét ghen !

- Ai lại không muốn Thiên Chúa phải ra mặt xuất đầu lộ diện vung cánh tay uy quyền để làm những dấu lạ động trời cho những kẻ vô tín vô tâm phải im hơi lặng tiếng thay vì Ngài cứ im lặng ẩn khuất để mặt cho đàn chiên bị săn đuổi, bách hại tả tơi !

- Ai lại không muốn nhà thờ mở cửa, lễ lạc linh đình… thay vì bóng tối và sự chết của đại dịch Covid cứ dâng tràn khắp nơi khắp chốn !...

Đứng trước những thực tại “thay vì” nhứt buốc đó, nhiều Kitô hữu đã thích chọn thái độ “giấc ngủ an yên” của Êlia, thay vì “đứng lên tiếp tục chiến đấu”. Quả thật: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông !”

2. Dậy mà ăn vì đường còn xa tắp:

Thế nhưng, chính vào lúc mọi sức lực hầu như kiệt cạn, thì Lời Chúa đã vang vọng gần xa: “Hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa!”. Thì ra, Thiên Chúa đâu mãi im tiếng, Thiên Chúa đâu luôn ẩn mình. Lời cầu nguyện thiết tha của xuyên suốt bao ngàn năm cựu ước “Lạy Chúa xin tỏ ánh tôn Nhan Ngài” luôn mang tính thời sự và hiệu năng tuyệt đối. Thiên Chúa không ngừng ra tay nâng đỡ những kẻ đặt niềm tin nơi Ngài, như tâm tình cầu nguyện của những người công chính xa xưa mà Thánh Vịnh 33 đã ghi lại: “Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa, và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người.” (Tv 33,4-5)

Chính trong ý nghĩa đó, người ta có thể khám phá sự tỏ mình của Thiên Chúa trong muôn vạn biến cố cuộc đời như nhận xét sau đây về tấm bánh của Êlia trên đường về Horeb: “Với Êlia, chỉ là tấm bánh rất bình thường, tấm bánh lùi trong than hồng của lửa. Nhưng vấn đề không là tám bánh mà là tấm lòng và sự hiện diện của Đấng Thiên Chúa yêu thương, quan tâm chăm sóc sự sống của con cái. Để rồi tấm lòng ấy vươn tới đỉnh cao khi Thiên Chúa ban tặng chính Người Con Một chí ái của Ngài cho thế gian” (Ga 3,16).

Và Người Con đó, trước khi dấn thân vào cuộc Khổ nạn, đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể; tấm bánh trong tay Ngài đã trở thành “Bánh trường Sinh từ trời xuống”, đã trở thành thịt máu của một xác thân bị trao nộp: “Tất cả anh em hãy nhận lấy mà ăn: vì nầy là Mình Thầy, …”. Và từ đó, Bánh Thánh thể đã hiện thực hóa “tấm bánh lùi của Êlia” thuở trước để trở thành nguốn sống thiêng liêng đích thực dành cho con người trong cuộc “lữ hành về Núi Thánh”, cuộc lữ hành tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực; tìm kiếm sự hoàn thành đời mình và sự dấn thân phục vụ tha nhân…

3. Lên đường với và trong Thánh Thể:

Nếu Georghill đã nói rằng: “Không có người lữ hành nào là cô đơn trên con đường đi về vĩnh cửu, bởi vì Chúa cùng đi với họ”, thì chúng ta có thể nói thêm rằng: “Với Của Ăn Đàng là Thánh Thể mọi cuộc lữ hành đều tới bến bình an”. Chính vì thế, nếu có ai đó xa rời Thánh Thể, coi thường Thánh Thể và đã để vuột mất những cơ hội được đồng hành với Chúa Giêsu Thánh Thể, thì mãi mãi là những khách lữ hành cô độc; chẳng chóng thì chày, chẳng sớm thì muộn cũng gục ngã thảm thương trên con đường dài của kiếp nhân sinh.

Cũng chính vì lý do thiêng liêng đầy tính thuyết phục đó, mà thánh Ignatio sẵn sàng đục cánh cửa từ phòng làm việc thông sang nhà tạm để thường xuyên gặp gỡ và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong mọi suy nghĩ và quyết định. Hay Á thánh Charles de Foucauld mỗi ngày dành 4 tiếng đồng hồ để thờ phượng Thánh Thể hầu có được nghị lực phục vụ không mệt mỏi những người dân bán khai trong sa mạc Tamanrasset. Trong khi đó thánh nữ Têrêsa Calcutta luôn khởi đầu ngày sống và làm việc bằng việc ưu tiên hàng đầu là gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh lễ…. Hay như Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen, nhờ cuộc “tử đạo vì 32 Bánh Thánh Thể” của một em bé Trung Quốc 11 tuổi mà đã gợi hứng để Ngài yêu mến Thánh Thể và dành suốt 60 năm trường để chầu Thánh Thể mỗi ngày một giờ; và nhờ đó “gợi hứng” cho bao người yêu mến phụng sự Chúa !...

Trước một thế giới mịt mùng chiến tranh và bạo lực, chết chóc và đại dịch, lầm lạc và sự dữ, thì hãy tin rằng: chỉ có Thánh Thể mới là sức mạnh đổi mới mọi sự; sẽ giúp người tín hữu hoàn thiện chính mình, như lời Thánh Phaolô dạy, khi: “loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác. … ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, … hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó Mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta”. (Bđ 2)

Hãy nguyện cầu cho nhau đừng phai nhạt niềm tin vào Bánh Thánh Thể như thái độ xầm xì của đám dân Do Thái khi nghe Chúa Giêsu xưng mình là Bánh ban sự sống (Ga 6,43); và hãy cầu nguyện cho nhau kiên vững niềm tin yêu để khám phá Chúa đang hẹn gặp ta nơi mọi biến cố vui buồn của đời thường và cũng đang hẹn chờ ta trong thinh lặng nguyện cầu nơi góc nhỏ Nhà Tạm. Nhờ có Thánh Thể, “không có người lữ hành nào là cô đơn trên con đường đi về vĩnh cửu, bởi vì Chúa cùng đi với họ”.

Giuse Trương Đình Hiền
 
Càu nhàu bên trong
Lm. Minh Anh
20:30 07/08/2021
CÀU NHÀU BÊN TRONG
“Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!”.

Tại phòng hồi sức, một bệnh nhân đang mơ màng vì sắp hết thuốc mê. Tiếng chuông nhà thờ xa xa ngân vang. “Tôi phải ở trên thiên đàng!”, nữ bệnh nhân thì thầm. Bỗng, bóng một chiếc áo trắng đi qua, cô la lên, “Không, tôi không thể…”; và cô càu nhàu, “Gọi ngay bác sĩ trưởng khoa cho tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cũng nói đến sự càu nhàu, một sự ‘càu nhàu bên trong’, càu nhàu với Thiên Chúa, với chính mình, khi chúng ta nản lòng thất vọng. Trong những ngày này, chúng ta ‘được ở nhà’ nhiều hơn, quanh quẩn trong cái không gian chật hẹp; không chỉ để nghỉ ngơi, nhưng còn để lo toan nhiều điều, sợ hãi nhiều chuyện; sợ mất công ăn việc làm, xấu hơn, sợ mất cả người thân… Vậy mà, Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta, hãy biến những càu nhàu đó thành lời cầu nỉ non với Thiên Chúa, tín thác vào Ngài; nhờ đó, có thể trải nghiệm được sự tốt lành của Ngài như Thánh Vịnh đáp ca gợi ý, “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!”.

Không chỉ chúng ta càu nhàu; nhưng cả những người có đức tin mạnh mẽ cũng có thể càu nhàu vì nản lòng và thất vọng. Sách Các Vua hôm nay cho biết, Êlia vĩ đại, một người dám chiến đấu với các thần ngoại nay cũng nản lòng tột độ trên đường chạy trốn quân thù; Êlia thất vọng đến độ ngủ thiếp bên đường, xin cho được chết đi mà rằng, “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi!”. Lời ‘càu nhàu bên trong’ đã trở thành một lời cầu nguyện thực sự từ vực sâu tâm hồn, và Thiên Chúa đã can thiệp. Ngài sai sứ thần đến, mang cho ông những món quà đơn giản nhất, một chiếc bánh, một hũ nước. Vậy mà với nguồn lực đơn giản đó, Êlia đã không ngủ nữa nhưng tiếp tục hành trình cho đến đích, núi của Thiên Chúa. Hẳn Êlia đã nghiệm ra, Chúa tốt lành biết mấy!

Qua thư Êphêsô, thánh Phaolô gọi sự ‘càu nhàu bên trong’ nếu không là lời cầu nguyện sẽ là sự làm phiền lòng Chúa Thánh Thần, “Anh em chớ làm phiền hà Thánh Thần của Thiên Chúa!”, “Hãy loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ ác độc”. “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!”, và “Hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó mình làm lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta!”.

Với bài Tin Mừng, rõ ràng Chúa Giêsu là đối tượng của những đàm tiếu, chế giễu, coi thường và ‘càu nhàu bên trong’. Người đương thời kêu trách Ngài; xem ra, họ không có việc gì để làm ngoài việc cau có khi Ngài đang nói với họ về những giáo huấn sâu sắc nhất của Bí tích Thánh Thể, quà tặng Mình và Máu Ngài làm Bánh Sự Sống cho con người, “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Tôi sẽ ban, chính là thịt Tôi, để cho thế gian được sống”. ‘Càu nhàu bên trong’ với Chúa Giêsu là một điều ngớ ngẩn đối với nhiều người thời Ngài; nhưng buồn thay, điều tương tự vẫn xảy ra theo nhiều cách khác nhau hôm nay! Mỗi Chúa Nhật và mỗi ngày nếu có thể, chúng ta đều có cơ hội rước lấy Mình và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Đấng Messia, Vua các vua, Đấng Cứu Thế, Đấng Tạo Hoá Toàn Năng và Vinh Quang! Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta xem ra cũng ‘càu nhàu bên trong’; chúng ta tham dự Thánh Lễ một cách cực chẳng đã, không mấy quan tâm, không mấy tập trung, hơn là quan tâm đến những gì chúng ta sẽ làm sau đó. Đây là một sự thật đáng buồn cần sửa chữa. Thánh Gioan Maria Vianney nói, “Nếu hiểu được món quà của Thánh Lễ, chúng ta sẽ chết ngay lập tức vì tình yêu!”.

Anh Chị em,

Thiên Chúa tốt lành biết mấy, Ngài kiên nhẫn biết bao! Êlia càu nhàu bởi cô đơn, đói khát trong hoang mạc và muốn chết, Ngài sai thiên thần mang bánh và nước để ông ăn và đi trọn hành trình; người đương thời càu nhàu Chúa Giêsu, bởi họ biết quá rõ lai lịch của Ngài khi Ngài dùng Lời mà mặc khải Chúa Cha và Bánh Ban Sự Sống của Trời. Lắm lúc chúng ta cũng càu nhàu Thiên Chúa, bởi những điều xảy đến không vừa ý; thế mà, Ngài vẫn tiếp tục nuôi sống chúng ta mỗi ngày bằng Thịt Máu Ngài và bao của ăn khác; Ngài đang nói với chúng ta như sứ thần đã nói với Êlia, ‘Hãy đứng dậy mà ăn, nếu không, cuộc hành trình sẽ quá dài đối với các con!’. Rõ ràng, tốt lành và thiện hảo là bản chất của Thiên Chúa, nản lòng và càu nhàu là bản tính của con người! Lời Chúa mời gọi chúng ta thay đổi suy nghĩ, thay đổi con tim. Hãy để Thần Khí hướng dẫn, để không ngừng ca ngợi tán dương Thiên Chúa thay vì thở than càu nhàu! Thánh Phaolô nói, “Anh em hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh; đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu”. Hãy để lòng trí tràn ngập niềm vui và một niềm khao khát thiêng liêng sâu sắc!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, xin giúp con được nhìn thấy Chúa trong Thánh Lễ, giúp con khao khát Chúa trong Bí Tích Cực Thánh này. Đừng để con thiếu đức tin và lòng yêu mến mà càu nhàu!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:51 07/08/2021

13. Người tin tưởng vào mình thì không được cứu độ, người tin vào Thiên Chúa thì không gì mà không thể làm được.

(Thánh Alphonsus de Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:56 07/08/2021
20. NHỚ VỢ LÀM CÂU ĐỐI

Mưu Đồng Sinh đến đô thành để thi tú tài, đột nhiên lại nhớ đến vợ, bèn viết một câu đối liễn để tự mình tìm niềm vui:

- “Lính vô tội sung công ba trăm vạn lý, quả phụ thủ tiết vì chồng hai mươi ngày”.

Bạn học nhìn thấy, thì lấy đó làm câu chuyện cười truyền cho nhau.

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 20:

Chồng xa nhà nhớ vợ con là chuyện thường tình, vì nhớ vợ con mà làm thơ hay làm câu đối để đỡ nhớ nhung cũng là chuyện không có gì đáng cười cả, chỉ có những người chồng khi xa nhà mà không nhớ vợ con mới là chuyện đáng cười mà thôi.

Có những cái chợt nhớ da diết, đó lá nhớ quê hương; có những cái nhớ quay quắc, đó là nhớ nguời yêu; có những cái nhớ lo âu phiền muộn, đó là nhớ vợ con; tất cả những cái nhớ ấy đều bày tỏ tình cảm thân thương của con nguời…

Nguời Ki-tô hữu có một cái nhớ, đó là cái nhớ của thánh Phê-rô: cái nhớ yêu thương và hối hận, cái nhớ lo âu và hy vọng, nhớ đến đôi mắt nhân từ của Đức Chúa Giê-su để thống hối ăn năn những tội mình đã phạm làm mất lòng Ngài trong cuộc sống…

Nhớ vợ con rồi trút nỗi nhớ trong câu đối liễn chỉ là chuyện bình thường, và nhớ đến tình thương yêu của Đức Chúa Giê-su dành cho chúng ta là cái nhớ cũng bình thường trong cái vĩ đại của yêu thương và tha thứ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 19 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:58 07/08/2021
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Ga 6, 41-51.

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.”


Bạn thân mến,

Trong lịch sử Trung Hoa, có những vị vua muốn được sống đời đời, tức là muốn trường sinh bất tử, cho nên đã tìm nhiều cách, sai phái nhiều người đi tìm thuốc trường sinh, nhưng nhiều người đã ra đi và không bao giờ trở lại vì họ đã chết, và các vị vua ấy cũng đã chết, bởi vì trên cõi đời này không có thứ lương thực nào có thể làm cho con người được sống đời đời.

Nhưng cũng trên cõi đời này có thứ lương thực khiến cho chúng ta –người Ki-tô hữu- được sự sống đời đời, đó chính là lương thực từ trời xuống, tức là Lời Chúa và Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su.

1. Lời Chúa là lương thực hằng sống.

Lời Chúa nói với chúng ta qua mọi biến cố trong cuộc sống hàng ngày: thấy người bị tông xe, chúng ta liền nghĩ đến đây là Chúa dạy chúng ta phải cẩn thận khi đi đường; thấy người ta chửi bới thoá mạ nhau, chúng ta liền nghĩ đến Chúa dạy tôi phải sống hiền hoà với mọi người; thấy người đói ăn, nghèo khổ bất hạnh, chúng ta liền nghĩ đến Đức Chúa Giê-su đang ở trong họ, Ngài muốn tôi phải sống bác ái và yêu thương tha nhân như yêu chính Ngài...

Lời Chúa nói với chúng ta qua những vui buồn trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta biết hồi tâm suy tư những biến cố dưới ánh sáng của đức tin, thì chúng ta sẽ thấy Lời Chúa chính là lương thực hằng sống cho chúng ta. Có người vì yêu thích Lời Chúa mà cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, nghĩa là họ biết nghe và thấy Lời Chúa trong cuộc sống rất bon chen của trần gian.

Lời Chúa cũng nói với chúng ta khi chúng ta đi tham dự thánh lễ và các bí tích, bởi vì chính trong thánh lễ hiến tế này, mà chúng ta được nghe chính tiếng nói của Thiên Chúa qua các ngôn sứ, các thánh Tông Đồ và nhất là trong bài Tin Mừng. Tuy nhiên, vẫn còn những lúc bạn và tôi cứ tưởng lương thực hằng sống chỉ là Mình Máu Thánh của Chúa Ki-tô mà thôi, cho nên chúng ta không thiết tha nghe Lời Chúa trong thánh lễ, và vì thế mà -có nhiều lúc- bạn và tôi sống như những người chưa hề biết Phúc Âm là gì.

Lời Chúa là lương thực hằng sống giúp cho chúng ta hiểu rõ và thấu triệt tính chất hằng sống nơi bí tích Thánh Thể, không ai có thể hiểu rõ mầu nhiệm Thánh Thể, nếu không yêu mến và không thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình.

2. Mình Máu Thánh Chúa là lương thực hằng sống.

Không một ai biết Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa nếu Chúa Cha không lôi kéo họ, cũng vậy không ai hiểu được bánh trường sinh là gì, nếu họ không được Lời Chúa soi sáng.

Bánh bởi trời hôm nay không phải là man na ngày xưa nuôi dân Do Thái trong sa mạc, nhưng chính là Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, thịt máu này đã bị nghiền nát bằng những tội lỗi của bạn và tôi, và bằng chính những xúc phạm của chúng ta, để trở thành tấm bánh tinh tuyền hằng sống dưỡng nuôi linh hồn của những kẻ tin. Đức Chúa Giê-su đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”, chỉ ăn một Bánh và uống một Chén mà được sự sống đời đời, thì đó là hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho những ai tin vào Đức Chúa Giê-su, là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa thể hiện giữa loài người cho đến ngày tận thế.

Bạn thân mến,

Lương thực hằng sống mà Đức Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta chính là Mình Máu Thánh của Ngài và lời của Ngài, lương thực này không như ở trong các nhà hàng kara-ôkê máy lạnh, không như ở trong các tụ điểm vui chơi, cũng không như ở trong những cuộc nhậu nhẹt tưng bừng nghiêng trời đổ đất, nhưng ở trong đền thờ của Thiên Chúa, đó là các nhà thờ, nhà nguyện trên khắp thế giới, chính nơi đây, phép lạ vĩ đại hoá bánh ra nhiều ngày xưa ấy của Đức Chúa Giê-su tái thực hiện: chỉ một tấm bánh nhưng nuôi sống những kẻ tin vào Ngài trên khắp thế gian.

Lương thực phần linh hồn đã có sẵn, đó là Lời Chúa và Mình Máu thánh của Ngài, nhưng chúng ta phải ăn uống với thái độ như thế nào để được sống đời đời? Hy vọng và cầu mong cho bạn và tôi, và tất cả những người Ki-tô hữu, đừng ai dại dột đem của ăn cao quý này, để đổi lấy những của ăn chóng qua và đem lại sự chết cho linh hồn mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhật Bản: Từ bom nguyên tử đến ngọn lửa Thế Vận Hội Olympic
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
02:51 07/08/2021
“Bom nguyên tử đối lập hoàn toàn với ngọn lửa này, ngọn lửa hạt nhân nên bị dập tắt! Ngọn lửa duy nhất nên là ngọn lửa của sự đoàn kết, tình yêu và hòa bình... "

Cách đây đúng 76 năm: vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử đã rơi xuống Hiroshima, và ba ngày sau đó là Nagasaki. Ngày kỷ niệm đáng buồn lần này lại trùng với Thế vận hội Olympic đang diễn ra tại Nhật Bản - và đó là lý do khiến Đức Tổng Giám Mục Nagasaki chia sẻ một số có các suy tư trong cuộc phỏng vấn mới đây:

Nhật Bản: Các giám mục kêu gọi ngăn cấm vũ khí hạt nhân

Thông điệp của ngọn lửa Thế Vận Hội Olympic được đúc kết từ Nhật Bản: “Đừng bao giờ ném bom nữa.” Đó là lời kêu gọi Đức Giám Mục Joseph Mitsuaki Takami trong một cuộc phỏng vấn với chúng tôi. Đức Cha Takami là giám mục của giáo phận lớn nhất Nhật Bản: Nagasaki. Hai năm trước, Ngài đã chào đón Đức Giáo Hoàng đến thăm Nagasaki. Trong chuyến tông du đến Nhật Bản, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phác họa bức tranh về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Vị giám mục chia sẻ tiếp: "Số người sống sót (bom nguyên tử) đang giảm dần từ năm này qua năm khác- Nhưng họ để lại cho chúng tôi một kinh nghiệm quan trọng và quý giá. Trên hết, kinh nghiệm này phải được lưu truyền lại cho trẻ em – việc lưu truyền kinh nghiệm này, như Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần nói, rất quan trọng. Lời chứng này phải được lưu truyền lại –cũng thông qua các phương tiện như điện ảnh, văn học hoặc phương tiện truyền thông. Chúng ta phải tiếp tục phấn đấu để ký ức luôn tồn tại! "

Không một phút im lặng mặc niệm nào tại Thế vận hội Olympic?!

Khoảng 140.000 người đã chết trong hai cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ vào Nhật Bản vào cuối Thế chiến II. Vào lúc 8g15 sáng, vào đúng thời điểm chính xác xảy ra thảm kịch, một hồi chuông hòa bình đã vang lên ở Hiroshima vào thứ Sáu hôm nay. Trên toàn quốc, mọi người dừng lại trong một phút im lặng mặc niệm; Tuy nhiên, Thế vận hội Tokyo vẫn tiếp tục không bị gián đoạn. Quyết định của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) không giữ một phút im lặng mặc niệm tại Thế vận hội đã vấp phải sự khó hiểu và chỉ trích từ nhiều người Nhật Bản. Mặc dầu vậy, Đức Giám Mục Takami vẫn muốn tin vào thông điệp hòa bình từ Olympia.

"Kích thích cho hòa bình"

“Thế vận hội Olympic là một đại hội thể thao, nhưng cũng là một sự kích thích để tạo ra hòa bình trên thế giới. Đó là lý do tại sao sự trùng hợp thời gian này rất có ý nghĩa. Thật đáng tiếc là vì đại dịch mà các cuộc đua tài đã không có khán giả nào được tham dự - tuy nhiên, các trò chơi vẫn là một tài sản quý giá tạo ra một bầu không khí tốt đẹp và đầy nhiệt huyết! "

Đức cha cũng ca ngợi thực tế là Thế vận hội có sự tham gia của một đội người di cư và người tị nạn. Và sự cân bằng giới tính khá đồng đều tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật "Paralympics" bắt đầu sau Thế vận hội Olympic "chính thức" ở Tokyo.

Một kỷ niệm đau buồn khác tương tự

Thật không may, ngoài Hiroshima và Nagasaki, còn có một kỷ niệm khác: mười năm trước, vào tháng 3 năm 2011, đã xảy ra một vụ tai nạn kinh hoàng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Không có gì ngạc nhiên khi Giám mục Takami – cũng như Đức Giáo Hoàng Phanxicô - thậm chí còn rất hoài nghi về việc sử dụng năng lượng nguyên tử trong dân sự.

“Vấn đề là phải giải quyết toàn bộ. Chúng ta phải thoát ra khỏi năng lượng hạt nhân, điều đó là vô cùng nguy hiểm! Trong một thời gian dài, năng lượng nguyên tử dường như không thể thiếu đối với chúng ta, nhưng ngày nay nó đã trở thành năng lượng cần phải được thay thế. Chúng ta nên sản xuất năng lượng theo những cách khác, không phải theo cách hạt nhân, nguy hiểm này. "

"Đây không phải là hòa bình thật, mà là hòa bình giả"

Đức Giám Mục Nagasaki cũng kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân khỏi mặt đất. Ngài đang vận động sự ủng hộ cho hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân - một sáng kiến của Đại hội đồng LHQ từ năm 2017. Hiệp ước có hiệu lực từ tháng 1 năm nay, nhưng các cường quốc hạt nhân chưa phê chuẩn. Kể cả Nhật Bản cũng vậy.

“Không thể có hòa bình thực sự chừng nào còn tồn tại những vũ khí như vậy. Đây không phải là một nền hòa bình thực sự, đây là một nền hòa bình giả tạo... Chúng ta cần phải làm mọi cách để đảm bảo rằng cuối cùng các cường quốc hạt nhân cũng tham gia hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Đức Cha Alexis Mitsuru Shirahama, Giám mục của Hiroshima, đã thành lập một quỹ vào tháng 7 năm ngoái để hỗ trợ tài chính cho tất cả các sáng kiến theo hướng này. Tuy đây chỉ là một sáng kiến nhỏ nhưng điều quan trọng là phải đạt được mục tiêu ”.

Ngọn lửa Olympic ở Tokyo

Đối với Đức Giám Mục Takami: Ngọn lửa Olympic hiện đang bùng cháy ở Tokyo biểu trưng cho “một lời cầu nguyện cho tình yêu, một lời cầu nguyện cho hòa bình”.

“Bom nguyên tử đối lập hoàn toàn với ngọn lửa này, ngọn lửa hạt nhân nên bị dập tắt! Ngọn lửa duy nhất nên là ngọn lửa của sự đoàn kết, tình yêu và hòa bình... " (Vatican News - sk)


Source:Vatican News
 
Khả năng Đức Giáo Hoàng đến thăm Bắc Hàn chưa bao giờ lớn hơn bây giờ
Đặng Tự Do
03:48 07/08/2021

Hôm thứ Sáu, the giờ địa phương Rôma, Đức Tổng Giám Mục Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik) đã đến Vatican để nhận chức vụ mới là Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ Vatican. Ra đón ngài tại sân bay Fiumicino có khoảng 20 người bao gồm Đại sứ Hàn Quốc cạnh Tòa thánh Choo Kyu-ho, và Đại sứ Hàn Quốc tại Ý Kwon Hee-seog.

Theo Đức Tân tổng trưởng, ngài có một cảm giác khác với khi đến học thần học tại thủ đô nước Ý năm 1975. Ngài cũng nhấn mạnh với giới truyền thông Italia rằng ngài cam kết cống hiến hết mình để hỗ trợ Đức Giáo Hoàng.

Về triển vọng có thể đóng vai trò một cầu nối cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Triều Tiên, vị tân tổng trưởng người Hàn Quốc cho biết đây sẽ là vinh dự lớn nhất của ngài và không có bất hạnh nào tồi tệ hơn khi hai anh em phải xa cách nhau trong hơn bảy thập kỷ.

Trước khi nói thêm rằng triển vọng chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Bình Nhưỡng chưa bao giờ lớn hơn bây giờ, ngài nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ thấy một kết quả tích cực nếu chúng ta bắt đầu bằng các cuộc thảo luận nhỏ.
Source:KBS
 
Chuyến thăm của Đức Thánh Cha tại Slovakia có thể làm sáng tỏ tình trạng của một Tổng Giám Mục
Đặng Tự Do
03:49 07/08/2021


Tyzden.sk, một tạp chí Slovakia đã rất chú ý theo dõi chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới một số thành phố của đất nước gần thủ đô Bratislava từ ngày 12 đến 15 tháng 9.

Hôm 24 tháng 6 vừa qua, Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa, và có cuộc trò chuyện cùng với Đức Cha Róbert Bezák, người đã bị buộc phải từ chức dưới thời Đức Bênêđíctô 16.

Đức Cha Róbert Bezák, Dòng Chúa Cứu Thế, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1960, đã được Đức Hồng Y Jozef Tomko tấn phong Tổng Giám mục Trnava vào ngày 6 tháng 6 năm 2009.

Ba năm sau đó, ngày 2 tháng 7 năm 2012, Tòa Thánh thông báo rằng ngài bị loại khỏi chức vụ vì các tuyên bố nghịch lại đức tin Công Giáo. Hàng trăm người Công Giáo đã biểu tình tại nhà thờ chính tòa Trnava sau thông báo này. Đức Cha Bezák nói với những người biểu tình rằng Vatican đã đưa ra “những cáo buộc nghiêm trọng” chống lại ngài và cấm ngài trả lời các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông.

Vào tháng 12 năm 2013, Đức Cha Bezák chuyển đến tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ở thị trấn Bussolengo của Ý gần Verona.

Tyzden.sk cho biết vào ngày 24 tháng 6 vừa qua, lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Cha Bezák đã được đồng tế Thánh lễ với Đức Thánh Cha và sau đó đích thân Đức Thánh Cha trao lại cho Đức Cha Bezák chiếc nhẫn giám mục đã bị Tòa Thánh lấy lại cách đây nhiều năm.

Ngay từ đầu, một bức màn bí mật nặng nề đã phủ xuống câu chuyện của Đức Cha Bezák. Có lẽ sự hiện diện của Đức Thánh Cha ở Slovakia trong một vài tuần nữa sẽ là dịp thích hợp để làm sáng tỏ câu chuyện không rõ ràng này cho các tín hữu Công Giáo Slovakia.
Source:Tyzden.sk
 
Bề trên tổng quyền Dòng Tên mở cửa Năm Thánh ở Manresa
Đặng Tự Do
03:49 07/08/2021


Thánh Ignatiô thành Loyola, sinh năm 1491 và qua đời năm 1556, đã thành lập một dòng tu, gọi là Dòng Tên, vào ngày 27 tháng 9 năm 1540. Ngày nay, gần 17,000 tu sĩ Dòng Tên, thành đang tham gia vào các hoạt động giáo dục, phục vụ xã hội, phát triển nông thôn, chủng viện, giáo xứ, truyền thông đa phương tiện và tâm linh ở mọi nơi trên thế giới.

Thánh Ignatiô, khi còn là một binh lính người Tây Ban Nha, trong trận chiến với quân Pháp vào năm 1521, đã bị bắn gãy chân bởi một viên đạn đại bác. Trong thời gian dưỡng bệnh, cuộc gặp gỡ của ngài với các cuốn sách ‘Cuộc đời của Chúa Kitô’ và ‘Cuộc đời của các vị thánh’ đã khiến cuộc sống của ngài thay đổi.

Các tu sĩ Dòng Tên trên khắp thế giới đang kỷ niệm Năm Thánh Ignatiô từ tháng 5 năm 2021 đến tháng 7 năm 2022. Các ngài kỷ niệm 500 năm ngày Thánh Ignatiô bị thương tại Pamplona, và bắt đầu cuộc hành trình nội tâm để tìm kiếm Chúa trong cuộc sống. Sự hoán cải này đã khiến ngài khám phá ra sự kêu gọi đích thực của mình và thành lập Dòng Tên.

Hôm thứ Bảy 31 tháng 7, ngày Lễ Thánh Ignatiô, Cha Sosa đến Manresa, thủ phủ của Bages, rất gần với sông Cardener, nơi Thánh Ignatiô thành Loyola kinh nghiệm sâu sắc nhất sự biến đổi, sự khai sáng, cho phép ngài nhìn thấy mọi thứ mới mẻ.

Trong bài giảng, Cha Sosa, người Venezuela, Bề trên tổng quyền Dòng Tên cho biết chính tại Manresa, thánh nhân đã tìm thấy nguồn cảm hứng cho kinh nghiệm về Linh Thao. Đó “chắc chắn là điều tốt nhất mà các tu sĩ Dòng Tên và những người thừa kế và những người bạn của linh đạo này có thể cung cấp cho những người khác. Đó là một kho tàng vĩnh viễn cần khai quật, nơi mà vă chương và tinh thần của văn bản Y Nhã được kết hợp một cách đáng ngưỡng mộ theo một cách luôn mới mẻ.”

Từ Manresa, vị Bề trên Tổng quyền đã khuyến khích tất cả các nhà tĩnh tâm của Dòng Tên trên khắp thế giới “đừng mệt mỏi khi cung cấp các Linh Thao theo tất cả các thể thức được dự kiến trước trong ý định của tác giả”.

Bí tích Thánh Thể được cử hành vào thứ Bảy ngày 31 ở Manresa là một trong những hành động quan trọng nhất của Năm Thánh Ignatiô để kỷ niệm vết thương mà thánh nhân phải chịu ở Pamplona.
Source:Religion Digital
 
Đức Tổng Giám Mục Dublin thương tiếc vị linh mục đã hy sinh tính mạng để cứu người thư ký của mình
Đặng Tự Do
16:58 07/08/2021


Hôm thứ Tư 4 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Dublin đã bày tỏ lòng kính trọng đối với một linh mục người Ái Nhĩ Lan đã qua đời sau khi đẩy người thư ký của mình qua một bên để tránh một chiếc xe buýt đang lao tới. Người thư ký thoát nạn nhưng vị linh mục qua đời.

Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell nói với RTÉ's News at One hôm 4 tháng 8 rằng cái chết của Cha Con Cronin đánh dấu một “ ngày rất buồn”.

“Tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với Cha Con Cronin và chia buồn với gia đình ngài về cái chết bi thảm của Cha Cronin. Đồng thời, tôi tôn vinh sự dũng cảm của ngài đã hy sinh bản thân để cứu người thư ký của mình.”

Đức Cha Dermot Farrell lưu ý rằng câu chuyện này diễn ra ngay trong Ngày lễ Thánh John Vianney, vị thánh bảo trợ của các linh mục giáo xứ.

Người dân địa phương nói rằng vị linh mục 72 tuổi đã đẩy người phụ nữ qua một bên an toàn khi một chiếc xe buýt lao về phía họ ở Monkstown, một ngôi làng ở County Cork, vào ngày 3 tháng 8.

Tài xế xe buýt, Mark Wills, 52 tuổi, cũng thiệt mạng. Tờ Thời báo Ireland đưa tin rằng anh ta đã mất kiểm soát chiếc xe sau khi bị tai biến tim mạch.

Cảnh sát Ái Nhĩ Lan, thường được gọi là Gardaí, ở Togher, Cork, đã đưa ra lời kêu gọi các nhân chứng của vụ tai nạn xảy ra trên đường Strand lúc khoảng 1:30 chiều

Đức Cha Fintan Gavin của giáo phận Cork và Ross bày tỏ sự bàng hoàng trước cái chết của linh mục từng phục vụ trong giáo phận của mình với tư cách là Cha Phó ở các Giáo xứ Passage West và Monkstown trong miền Harbour.

Đức Cha Fintan Gavin nói: “Những suy nghĩ và lời cầu nguyện chân thành của chúng tôi dành cho Cha. Gia đình của Cha, các bạn bè, giáo dân và các linh mục quen biết ngài trong Hội Truyền giáo Thánh Patrick, Kiltegan, cũng như các linh mục của Giáo phận Cork và Ross”.

“Tai nạn thương tâm này cũng khiến một gia đình khác phải thương tiếc vì mất đi một người thân yêu và tôi cũng cầu nguyện cho gia đình ngài”.

“Tôi cầu nguyện sự chữa lành và bình an cho tất cả những người bị thương và những người chứng kiến vụ tai nạn. Tôi muốn ghi nhận sự chuyên nghiệp và tử tế của các dịch vụ cấp cứu đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn”.

Đức Cha Gavin nói tiếp: “Cha Con đã phục vụ trong các Giáo xứ trong vùng Harbour từ năm 2012, thiết lập một mối quan hệ nồng ấm cả về mục vụ và cá nhân với tất cả những người mà ngài phục vụ và tất cả những người có liên hệ với ngài”.

“Ngài sẽ được mọi người nhớ đến với khiếu hài hước độc đáo và sự cởi mở với tất cả mọi người. Ngài qua đời vào ngày mà Phúc Âm nhắc nhở chúng ta điều gì đã xảy ra vào ngày Chúa Giêsu yêu cầu Thánh Phêrô bước ra khỏi thuyền và đi trên mặt nước để đến với Chúa.”

Đức Cha kể lại rằng vị linh mục được thụ phong năm 1979 và phục vụ với các các Cha Kiltegan - còn được gọi là Hội Truyền giáo Thánh Patrick - ở Phi Châu trong 25 năm trước khi trở về Ái Nhĩ Lan vào năm 2004.

“Tất cả những ai biết Cha Con rất cảm kích vì đã biết ngài và giáo phận của chúng ta được chúc phúc vì ngài đã phục vụ giữa chúng ta”.

Cha Sean O’Sullivan cùng phục vụ với Cha Con cho biết lễ tang của vị linh mục sẽ diễn ra theo quy định của COVID-19. Các quy định của chính phủ nêu rõ rằng chỉ có 50 người đưa tang được phép tham gia lễ tang.

“Các nhà thờ của chúng tôi sẽ vẫn mở cửa muộn hơn bình thường trong những ngày tới để mọi người có thời gian đến thăm nhà thờ và cầu nguyện cho Cha Con”, linh mục nói.

“Cũng xin nhớ đến người lái xe buýt, Mark Wills, người cũng đã chết trong vụ tai nạn và chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa an ủi gia đình anh ấy và bao quanh họ với sự hỗ trợ yêu thương trước sự mất mát tàn khốc này.”
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Dublin: yêu cầu của chính phủ hoãn lại các cuộc Rước lễ lần đầu, và Thêm Sức có vẻ phân biệt đối xử
Đặng Tự Do
16:59 07/08/2021


Hôm thứ Ba 3 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo của Dublin nhận định rằng yêu cầu của chính phủ Ái Nhĩ Lan buộc các giáo xứ phải trì hoãn các cuộc Rước lễ lần đầu và Thêm Sức dường như là một hành động “phân biệt đối xử”.

Trong một lá thư gửi cho các linh mục vào ngày 3 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell bày tỏ “sự đau buồn sâu sắc” rằng các đại diện của Giáo hội đã không được hỏi ý kiến về việc sửa đổi các hướng dẫn.

“Có thể hiểu được, nhiều người đã lo ngại và thất vọng rằng các hướng dẫn hiện hành hạn chế việc cử hành các bí tích với lý do dường như cho rằng các buổi lễ như thế có thể dẫn đến các cuộc họp mặt gia đình, và điều này có thể vi phạm các hướng dẫn y tế công cộng dành cho các gia đình”.

“Điều này thật khó hiểu, vì không có lệnh cấm nào như vậy được áp dụng cho các sự kiện khác, chẳng hạn như các sự kiện thể thao hoặc dân sự, hoặc các dịp gặp gỡ gia đình khác, chẳng hạn như mừng sinh nhật và lễ kỷ niệm khác, như đám cưới hoặc đám tang”.

“Nhiều người đã kết luận rằng, trong trường hợp không có sự biện minh thích hợp, các hướng dẫn này là phân biệt đối xử”.

Trong bức thư, Đức Tổng Giám Mục Farrell nói rằng các giáo xứ có thể tiến hành các cuộc Rước lễ lần đầu và Thêm Sức “nếu quý cha cho là an toàn”.

Vị tổng giám mục 66 tuổi nói thêm rằng cần phải “thận trọng bảo đảm rằng các gia đình tuân thủ các hướng dẫn sức khỏe cộng đồng liên quan đến việc đón khách đến thăm”.

Đức Cha Farrell được bổ nhiệm làm tổng giám mục Dublin vào tháng Hai vừa qua. Ngài là giám mục Ái Nhĩ Lan mới nhất cho biết rằng các giáo xứ có thể tiến hành Rước lễ lần đầu và Thêm Sức. Các giám mục ở Elphin, Clogher, Waterford và Lismore đã bật đèn xanh cho các buổi lễ trong giáo phận của các ngài.

Các giám mục của các giáo phận Meath, Raphoe và Killaloe cũng đã làm theo.

Truyền thông Ái Nhĩ Lan đưa tin bốn tổng giám mục Công Giáo Ái Nhĩ Lan – là các Đức Tổng Giám Mục Farrell, Eamon Martin của Armagh, Kieran O'Reilly của Cashel và Emly, và Michael Neary của Tuam - đã viết thư cho chính phủ vào ngày 28 tháng 7, chỉ ra rằng các cuộc Rước lễ lần đầu và Thêm Sức sẽ bắt đầu từ giữa tháng 8.
Source:Catholic News Agency
 
Chứng kiến thảm cảnh trên quê hương và nhìn qua nước láng riềng Myanmar! Quỹ thực phẩm Thế giới kêu gọi yểm trợ để cứu đói người dân Myanmar
Thanh Quảng sdb
19:31 07/08/2021
Chứng kiến thảm cảnh trên quê hương và nhìn qua nước láng riềng Myanmar! Quỹ thực phẩm Thế giới (WFP) kêu gọi yểm trợ để cứu đói người dân Myanmar

Thanh Quảng sdb

Chúng ta người Việt đang chứng kiến nhiều thảm cảnh do đại dịch gây ra cho người dân Việt Nam nói chung và ở thành phố diễm lệ Sàigòn trong những ngày qua… Nhưng may mắn thay người dân Việt Nam chúng ta vốn sẵn sàng mở lòng ra chia sẻ của ăn thức uống… đặc biệt Giáo Hội Công Giáo tại quê nhà, tuy các thánh đường bị đóng cửa cài then, không nghi lễ… Nhưng các vị chủ chăn đã kêu gọi từng gia đình, từng khu xóm và từng giáo xứ mở lòng cứu giúp những anh chị em nghèo túng. Các sân nhà thờ, các viện tu được mở cửa, linh mục tu sĩ và rất đông anh chị em giáo dân đã biến các con hẻm thành bàn tiệc Thánh thể nuôi sống anh chị em đồng loại, đã rao giảng Lời yêu thương không bằng sách Phúc âm nhưng bằng chính những lời mời “ông bà, anh chị một bữa ăn, một chai nước, trao tặng chút nhu yếu phẩm…” với tấm lòng tương kính yêu thương cảm thông. Còn hải ngoại, bà con được may mắn hơn vì các hệ thống an sinh và chính phủ chăm sóc cho dân… Tuy không dư giả, nhưng không phải đối diện với đói khát hoặc lo lắng y tế… Trong tình nghĩa huynh các cộng đoàn gây quỹ để gửi về chia sẻ với HĐGM VN trong công cuộc chống đại dịch và cứu khổ này!

Nhìn qua nước láng riềng Myanmar, cuộc đảo chính quân đội vào đầu tháng Hai năm nay đã đẩy đất nước này vào thảm cảnh nội chiến, và thêm vào thảm trạng của đại dịch lây lan, hàng triệu triệu người phải bỏ xóm làng chạy đi lánh nạn gây ra làn sáng tỵ nạn mà hàng triệu người Myanmar đang phải đối diện với nạn đói.

Quỹ Thực Phẩm Quốc tế cho biết họ cần thêm ít là 86 triệu đô để duy trì hoạt động cứu đói cho Myanmar trong thời gian 6 tháng tới.

Nguồn vốn thiếu hụt

Trong một tuyên bố, Quỹ thực phẩm Thế giới (WFP) cho biết họ đang phải đối diện với sự thiếu hụt hơn 70% thực phẩm trong 6 tháng tới. Vào tháng Tư, ước tính số người đói khổ có thể tăng gấp đôi lên 6,2 triệu người trong sáu tháng tới, so với 2,8 triệu người trước tháng Hai. Các cuộc khảo sát do Quỹ thực phẩm Thế giới (WFP) thực hiện cho thấy kể từ tháng 2, ngày càng nhiều gia đình bị đẩy vào đường cùng, thiếu thốn ngay cả những thức ăn cơ bản nhất hàng ngày...

Ông Stephen Anderson, Giám đốc Quỹ thực phẩm Thế giới (WFP) Myanmar, cho hay: “Chúng tôi đã chứng kiến nạn đói ngày càng lan rộng ở Myanmar, gần 90% các gia đình sống trong các khu định cư ổ chuột quanh Yangon nói rằng họ phải vay mượn tiền để mua thực phẩm; thu nhập là một vấn nạn lớn đối với nhiều người. "

Chương trình Quỹ thực phẩm Thế giới (WFP) hôm thứ Sáu (6/8/2021) cảnh báo rằng họ không có đủ tiền để tiếp tục nâng đỡ các đợt cứu đói những người di tản nữa…

Tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới đã phát động một chiến dịch cung cấp thực phẩm cho hai đô thị lớn, khoảng 2 triệu người ở Yangon và Mandalay, hai thành phố lớn nhất của Myanmar. Phần lớn những người được hỗ trợ là các bà mẹ, trẻ em, người khuyết tật và người cao niên. Đến nay, có 650.000 người đã được trợ giúp tại các khu vực thành thị trên.

Cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 của quân đội lật đổ chính phủ do dân bầu của bà Aung San Suu Kyi, đã dấy nên các cuộc biểu tình trên toàn quốc và phong trào bất tuân dân sự đang gây ra những hậu quả phong tỏa về kinh tế-xã hội, nhân quyền và nhân đạo đối với khoảng 54 triệu người tại quốc gia này.

Lập trường cứng rắn của chính quyền quân sự đã khơi lại các cuộc xung đột cũ với một số tổ chức dân thiểu số vũ trang, trong khi một số nhóm kháng chiến dân sự độc lập đã tự vũ trang để chống lại sự tàn bạo của quân đội. Hơn 220.000 người đã chạy trốn khỏi bạo lực kể từ tháng Hai đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Quỹ thực phẩm Thế giới (WFP) đã tiếp cận 17,500 người mới được di dời và đang nỗ lực để hỗ trợ nhiều hơn vào tháng Tám. Tổng cộng 1,25 triệu người ở Myanmar đã nhận được trợ giúp về thực phẩm, tiền mặt và hỗ trợ của Quỹ thực phẩm Thế giới (WFP) vào năm 2021 trên các khu vực thành thị và nông thôn.

Quyên góp

Ông Anderson cho hay “người dân Myanmar đang phải đối diện với thời khắc khó khăn nhất trong cuộc sống của họ”. "Điều thiết yếu của chúng tôi lúc này là có thể tiếp cận được những người đang cần được giúp đỡ và nhận được tài trợ để cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho họ."

Ông Anderson nói thêm: “Hơn bao giờ hết, người dân Myanmar cần sự hỗ trợ của chúng tôi. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế - người dân Myanmar sẽ không bao giờ quên tấm lòng quảng đại và tâm tình chia sẻ của các bạn”.

Ông Ramanathan Balakrishnan, Điều phối viên nhân đạo và thường trú của LHQ, cho biết sự gia tăng giá cả các mặt hàng cơ bản do cuộc khủng hoảng chính trị, đã dẫn đến việc “dân chúng không có tiền để mua các thức ăn dinh dưỡng cao, phần đa mọi người phải mua các mặt hàng rẻ và kém chất lượng hơn”.

Một báo cáo của Quỹ thực phẩm Thế giới (WFP) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 30/7 ước tính có tới 3,4 triệu người đang sống trong sự bấp bênh, thiếu thốn lương thực... Vào đỉnh điểm của Covid-19 giữa năm 2020, số người này ước tính có khoảng 2,8 triệu mà thôi! (Nguồn: WFP, UN)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cảm Nghiệm Sau 2 Tuần Phục Vụ Bệnh Nhân Tại Bệnh Viện Dã Chiến
Nữ tu Francesca Do - Dòng Chúa Chiên Lành
17:00 07/08/2021


Đã qua 2 tuần được phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến, tôi đã học và trải nghiệm với bao nhiêu là cung bậc cảm xúc.

Nhớ lại lúc dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát, mỗi ngày tiếng còi xe cứu thương một dồn dập. Mỗi tiếng còi vang lên là một lần làm tim tôi đau nhói, vì biết rằng có thêm một bệnh nhân nữa đang trong tình trạng nguy kịch. Nhiều lần tôi đã tự hỏi bản thân có thể làm gì cho họ?

Rồi văn phòng tu sĩ gửi đi bức thư kêu gọi Tình Nguyện Viên phục vụ cho bệnh nhân Covid 19. Đọc thư, tôi có một cảm nhận rất mạnh mẽ về lời mời gọi cá vị mà Chúa dành cho tôi. Sau khi cầu nguyện và được sự động viên của chị em trong nhà dòng, tôi đã quyết định xin đăng ký tham gia nhóm Tình Nguyện Viên. Có nhiều cuộc gọi đến từ người thân, chị em trong dòng và bạn bè, người này hỏi thăm, người kia khuyến khích và cũng có người bày tỏ sự lo lắng cho tôi. Hơn ai hết, tôi cảm nghiệm chính mình đang đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, nên sự tin tưởng và phó thác thì lớn hơn những điều khác.

Sau ngày chích ngừa, tôi bị đau đầu và sốt suốt một ngày một đêm, tưởng chừng không thể đi cùng đoàn theo dự định. Tuy nhiên, sự khát khao được đi phục vụ cùng với sự quan tâm chăm sóc của chị em trong cộng đoàn đã cho tôi sức mạnh để vượt lên chính mình. Tôi đã lên đường với một tâm trạng của một người Môn đệ Thầy Giêsu, sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho các bệnh nhân.

Sau buổi gặp mặt chung, tôi biết nơi mình được gửi đến là cơ sở II Bệnh viện Ung Bướu Thủ Đức. Trên đường đi, trong đầu tôi cứ miên man nghĩ về những ngày sắp tới của mình. Không biết mình sẽ làm gì? Mình có thể giúp gì cho những bệnh nhân?... Nói chung suy nghĩ nhiều nhưng tôi không thể mường tượng được công việc mình sẽ làm là gì.

Mọi người bắt đầu gọi những Tình Nguyện Viên chúng tôi là “Đội quân lên đường chống dịch”. Quân thì phải có vũ khí, nhưng trong chúng tôi, không ai có thứ vũ khí nào trong tay, ngoài thứ vũ khí duy nhất mang theo trong mình là “Tình yêu của Đức Kitô”. Một tình yêu đang nung nấu và thôi thúc chúng tôi lên đường để được chia sẻ nỗi khốn khổ mà các bệnh nhân đang phải gánh chịu trong cơn dịch bệnh.

Đến nơi, chúng tôi được hướng dẫn nơi làm việc và nơi ở. Sau khi được cô y tá trưởng hướng dẫn cặn kẽ, chúng tôi biết công việc của mình là hỗ trợ các bác sĩ khi có nhu cầu và làm vệ sinh cho bệnh nhân cũng như mọi nơi khác trong khoa, chúng tôi lo chuẩn bị sẵn sàng để ngày hôm sau bắt tay vào việc. Nhóm của tôi gồm 16 người được phân công ở khoa Cấp cứu, chia làm 3 ca 4 kip để làm việc theo ca như ekip của khoa.

Ngày đầu tiên, tôi được phân công làm ca đêm nhưng tôi đã háo hức dậy ngay từ sáng sớm để cầu nguyện cho sự bình an của mỗi người và tiễn anh chị em đi làm ca sáng.

Sau khi ca một về chia sẻ kinh nghiệm, chúng tôi nhận rõ nguy cơ lây nhiễm cao của khoa và việc thiếu kiến thức chuyên môn sẽ rất nguy hiểm cho phục vụ. Có ý kiến khuyên chúng tôi không nên tiếp tục vì chúng tôi không học ngành y. Sự hoang mang lẫn lo lắng bao trùm lên cả nhóm. Chúng tôi đã quyết định nghỉ một ngày để ngồi lại với nhau cùng phân định. Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng khi đã quyết định tham gia đội Tình Nguyện Viên, ai cũng đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận những nguy hiểm sẽ gặp. Cuối cùng, mỗi người chúng tôi đều đi đến quyết định: ở lại tiếp tục làm việc vì nơi đây rất cần chúng tôi và chúng tôi tin tưởng vào lời mời gọi của Chúa.

Kinh nghiệm của ca trước đã giúp tôi cẩn trọng hơn trong việc trang bị đồ phòng hộ. Lần đầu vào ca, tôi thật sự không biết phải bắt đầu từ đâu. Làm việc gì. Các bác sĩ và y tá khá bận rộn nên không có thời gian để quan tâm chỉ dẫn việc cho chúng tôi. Một chút cảm thấy mình vô dụng trước hàng núi công việc họ đang phải gánh vác. Lòng ao ước để có thể chia sẻ gánh nặng của họ đã cho cho tôi sự chủ động để quan sát và tìm cách hỗ trợ. Một thái độ tích cực và sẵn sàng đã giúp tôi và các thành viên trong nhóm nhạy cảm hơn và mau chóng thích nghi với công việc.

Mỗi khi tan ca, chúng tôi đều chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm đã làm trong ngày để giúp nhau trong công việc. Giờ đây, mọi công việc đã trở nên rất quen thuộc, tinh thần và lòng hăng say mỗi ngày một gia tăng khi chúng tôi nhìn thấy được những biến chuyển tốt hơn của bệnh nhân, cảm nhận được niềm vui ánh lên nơi khóe mắt của bệnh nhân. Đó chính là động lực làm cho mỗi kíp chúng tôi đều mong đến ca của mình đi làm, để và có thể thăm hỏi, khuyến khích tinh thần họ.

Nhanh thật, nửa tháng đã trôi qua, chúng tôi đã thành thạo, không còn cảm thấy băn khoăn lo lắng về công việc nhưng khuôn mặt của mỗi người lại mang những ưu tư về tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Giờ đây, không ai còn chia sẻ về sự lo lắng hay việc sợ bị nhiễm bệnh nữa, mà thay vào đó là chia sẻ cho nhau về cách chăm sóc bệnh nhân như thế nào cho tốt, và làm gì để thể hiện lòng cảm thương đối với từng bệnh nhân để từng ngày phục vụ của chúng tôi được ý nghĩa hơn và giúp các bệnh nhân mau chóng hồi phục…

Trong tận đáy lòng, tôi tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc vì được phục vụ những con người đau khổ này. Bản thân, tôi thấy thật sự hạnh phúc vì cảm nghiệm được chính đôi tay của mình được đụng chạm vào khuôn mặt và thân thể của Đức Kitô mỗi khi tôi phục vụ, chăm sóc cho họ. Hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi đang cảm nhận lời cầu nguyện của tôi dâng lên Chúa rất thật và rất chân thành, như ý nghĩa một đoạn sách tôi đã từng đọc: “Trong cầu nguyện ta gặp được Đức Kitô, và trong Ngài ta gặp được những đau khổ của con người. Trong việc phục vụ, ta gặp được con người, và nơi họ, ta gặp được chính Đức Kitô chịu đau khổ.”

Thủ Đức, ngày 5-8-2021
Nữ tu Francesca Do
Dòng Chúa Chiên Lành
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam: Căn Nguyên Đổ Vỡ
Trần Phong Vũ
02:54 07/08/2021
(Đọc chương 10 tập 2 tác phẩm “The Viet-Nam Upheaval” của GS Vũ Quý Kỳ)

Bài 1.- Hệ Lụy Sự Hiểu Sai Về Bản Chất Cuộc Chiến!

Tác phẩm “THE VIET-NAM UPHEAVAL (1945 - 1975) - A Vietnamese Perspective of The Vietnam War, VOLUME 2 - American Attempt to Save South Vietnam (1963-1968) của Giáo sư Vũ Quý Kỳ.

Chính tác giả đã dẫn giải qua Việt ngữ về nhan đề và nội dung tác phẩm như sau: “Việt Nam – Cuộc Đổi Đời: Nhãn quan của một người Việt về Tấn Thảm Kịch dẫn tới Biến Cố tháng Tư 1975 và những gì xẩy ra sau đó. Quyển 2: Hoa Kỳ Nhập Cuộc Nhằm Cứu Nguy Nam Việt-Nam -1963-1975”.

Được biết đây là một tác phẩm lớn gồm 3 tập, tập 1 dày 304 trang, khổ 11 x 8 ½ in và xuất bản tại Mỹ với nhan sách ban đầu là A Shooting Star. Kể từ tập 2, tác phẩm mang tên mới trên đây, dày 402 trang, cùng một khổ lớn, bìa cứng, in bên Đài Loan sẽ ra mắt độc giả Hoa Kỳ vào cuối năm nay.

Trong chương 10 khởi đầu tập 2, tác giả tập trung vào những nét đặc biệt trong chính tình miền Nam, những căn nguyên xa gần dẫn tới biến cố ngày 1-11-1963, nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam sụp đổ, TT Ngô Đình Diệm và bào đệ, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát.

Chúng tôi chọn một số đặc nét trong chương sách này để viết một loạt bài liên hệ tới biến cố lịch sử kể trên. Và đây là bài thứ nhất: “Hệ Lụy Sự Hiểu Sai ề Bản Chất Cuộc Chiến”. Nội dung bài viết dựa vào luận điểm và những tài liệu của tác giả cùng những kinh nghiệm và sự hiểu biết hạn hẹp của riêng mình, chúng tôi sẽ cố gắng nói về những tai hại do cách nhìn và hiểu sai về bản chất đích thực của chiến cuộc Việt Nam.

Ngay từ chương 9 cuối tập 1, tác giả đã khẳng định:

“Toàn bộ cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam chỉ là một màn múa rối được chuẩn bị tỉ mỉ, được dàn dựng và điều khiển khéo léo bởi Bộ Chính trị của Hà Nội thông qua cánh tay nối dài gọi là COSVN* thực sự điều hành. - the whole war in South Vietnam was just a meticulously prepared puppet show, skillfully staged and controlled by Hanoi’s Politburo through its extended arm called the COSVN which actually ran the show”.

Từ xác quyết trên đây, mở vào chương 10 tập 2, tác giả không ngần ngại thẳng thắn đưa ra nhận định: “Nhiều thành viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dường như giữ quan điểm rằng cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam là một cuộc chiến “cách mạng”, theo nghĩa đó là một cuộc

‘nổi dậy’của nông dân bất mãn chống lại chính phủ do Tổng thống Diệm lãnh đạo - Many members of the State Department seemed to hold the view that the war in South Vietnam was a “revolutionary” war, in the sense that it was an “uprising” by the discontented peasants against the government led by President Diệm”.

Trong đoạn kế, ông viết:

MTDTGPMNVN chỉ là chiếc mũ chính trị do Hà Nội đẻ ra để ngụy tạo tính hợp pháp hầu che đậy cuộc xâm lược của cộng sản miền Bắc, thúc đẩy một “cuộc nổi dậy bản xứ” giả trá ngay trong lòng chế độ miền Nam Việt Nam.

Là người rời bỏ miền Bắc sau hiệp định chia đôi đất nước tháng 7 năm 1954 vào miền Nam tìm tự do, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ nhận định trên đây của tác giả.

Trong bài “Tháng Bảy Mưa Ngâu, Tháng Bảy Song Thất”**, người viết đã đúc kết những khó khăn, trở ngại về nội trị cũng như ngoại giao tưởng chừng không thể vượt qua của Thủ Tướng Diệm trong mấy tháng đầu về nước chấp chánh.

Nhưng chỉ một năm sau, với tinh thần yêu nước cao độ, và với nhiệt tình ủng hộ của đồng bào miền Nam và ngót một triệu dân di cư từ miền Bắc, ông Diệm đã chấm dứt nạn Sứ Quân, thống nhất Quân Đội, dẹp bỏ các ổ bài bạc Kim Chung, Đại Thế Giới các xóm Bình Khang đĩ điếm, trả lại cho Thủ Đô Sàigòn phương danh “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Quan trọng hơn hết là sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, ba ngày sau, miền Nam tuyên bố độc lập với Quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa và Thủ Tướng Diệm được suy tôn là Tổng Thống thứ nhất của nền Cộng Hòa Việt Nam.

Ngày 26-10 cũng đương nhiên trở thành Ngày Quốc Khánh. Và từ đấy mở vào một nhịp sống thanh bình, no ấm, huy hoàng của một miền Nam cường thịnh, được hầu hết các quốc gia tự do trên thế giới nhìn nhận.

Thủ Tướng Lý Quang Diệu của một Tân Gia Ba -biểu tượng cho văn minh tiến bộ toàn vùng Đông Nam Á ngày nay-, vào thời điểm vàng son ấy của VNCH đã coi Việt Nam như một mẫu mực để theo đòi trên bước đường xây dựng và phát triển đảo quốc do họ Lý nắm quyền. Trong khi ấy, đội tuyển bóng đá của Nhật đã phải hạ mình qua Thủ đô Sàigòn học hỏi kỹ thuật thủ thành, giao banh, làm bàn của đội tuyển Việt Nam.

Cho đến năm 1960, tiếp theo cuộc đảo chính bất thành của cặp Tướng/Tá Nguyễn Chánh Thi/Vương Văn Đông ngày 11/11, dưới sự đỡ đầu của tập đoàn cộng sản Hànội, chẵn 40 ngày sau, cái gọi là “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” (MTDTGPMNVN) tuyên bố ra đời hôm 20-12. Cũng từ đấy, những thành phần trí thức thiên tả và những kẻ theo đóm ăn tàn ở Sàigòn, Huế, Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện. Họ nắm bắt thời cơ thành lập các tổ chức với những danh xưng mỹ miều như Phong Trào Hòa Bình, Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, Ủy Ban Chống Chế Độ Lao Tù, Ủy Ban Đoàn Kết Yêu Nước Công Giáo Việt Nam v.v… do những tên tuổi như Ngô Bá Thành, BS Lê Khắc Quyến, BS Dương Quỳnh Hoa, Ni Sư Huỳnh Liên, Thượng Tọa Thích Trí Quang, Linh Mục Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần v.v… lãnh đạo.

Ngoài những tổ chức và những khuôn mặt trí thức kể trên, còn có những nhân vât công khai gia nhập MTDTGPMNVN.

Theo tác giả “Việt Nam, Cuôc Đổi Đời”, đây là kết quả những tính toán quỷ quyệt của Hồ Chí Minh, một tay cộng sản quốc tế có nhiều kinh nghiệm xương máu trong kế sách khơi động các cuộc chiến tranh khuynh đảo tại các quốc gia nhỏ mới giành được độc lập từ tay thực dân. Vẫn theo ông, không ai khác, chính họ Hồ với sự tiếp tay đắc lực của tên cộng sản khát máu Lê Duẩn, là linh hồn của các thủ đoạn ma mãnh, gian ác với mục tiêu đánh tráo khái niệm giữa điều chúng ngụy danh là “giải phóng” để che đậy thực chất của một mưu toan “khuynh đảo, xâm lược” nhằm đẩy mạnh mưu toan thôn tính Việt Nam Cộng Hòa.

Trong đoạn nói về lỗi lầm “hiểu sai bản chất cuộc chiến” được trình bày cặn kẻ ở phần đầu chương 10 tập 2, tác giả nhận định đại khái như sau.

Sự chuẩn bị công phu của họ Hồ đã đem lại thành công lớn cho Hànội trong việc đánh lừa một số lượng khá lớn trí thức và chính trị gia phương Tây. Về phía miền Nam, một nhúm trí thức người Việt đã ngây thơ, khờ khạo bỏ Sàigòn vào bưng gia nhập MTDTGPMNVN như những con rối dưới sự điều khiển của những tay phù thủy cộng sản Bắc Việt. Trong số những khuôn mặt chính trị gia gốc miền Nam là thành viên MTDTGPMNVN này, không nhất thiết là cộng sản, bị đánh lừa bởi tay tổ gian dối họ Hồ, gia nhập Mặt trận với giả định ngây thơ rằng họ đang chiến đấu cho một sự nghiệp yêu nước. Điều tệ hại là chính giả định này đã trở thành dữ kiện cụ thể và là căn nguyên cho bộ máy tuyên truyền bip bợm của Cộng sản miền Bắc có thêm bằng chứng để khua chiêng, gõ mõ tô vẽ cho Mặt Trận hầu đánh lạc hướng dư luận..

Bi kịch là các trí giả phương Tây, và một số chính trị gia, các nhà báo đã bị mờ mắt trước khẩu hiệu “giải phóng dân tộc” do Hồ Chí Minh giăng ra để tự sa vào ngộ nhận ‘chết người’ về bản chất cuộc chiến. Trong khi thực chất đây là cuộc chiến tranh tự vệ của quân dân Việt Nam Cộng Hòa chống lại mưu toan xâm lược của Bắc cộng thì lại cho rằng nó là cuộc nổi dậy của quần chúng bất mãn ở miền Nam Việt Nam.

Sự nhìn gà hóa cuốc này đưa tới quan niệm sai lầm rằng “chiến tranh Việt Nam là một cuộc nổi dậy từ bên trong” -một cuộc ‘nội chiến’- đã được sử dụng để thúc đẩy một đường lối hành động có lợi lớn về mặt tinh thần cho kế hoạch xâm lược của họ Hồ. Từ đấy đã vô tình làm suy yếu công cuộc chiến đấu tự vệ của miền Nam Việt Nam.

Để chứng minh cho những suy tư của mình, tác giả “Việt Nam: Cuộc Đổi Đời” đã trưng dẫn nhận định trong “Lost Victory” của William Colby như sau:

“It is indicative of the failure to understand the nature of the conflict, which would persist through the final collapse in 1975, that American perception of this critical turning point in 1959 was nil. Ironically, in 1959, at the same time the Lao Dong Party in Hanoi was reaching its conclusions after Le Duan’s trip to the South, the American intelligence community produced a National Intelligence Estimate assessing the prospect for Vietnam”.

Tạm dịch:“Nó chỉ ra sự thất bại về hiểu biết bản chất cuộc xung đột, -vốn còn dai dẳng qua sự sụp đổ cuối cùng (của miền Nam Việt Nam) vào năm 1975,- rằng nhận thức của người Mỹ về bước ngoặt quan trọng này vào năm 1959 là số không. Điều khôi hài là vào năm 1959, cùng lúc Đảng Lao Động ở Hà Nội đang dẫn tới kết luận sau chuyến đi của Lê Duẩn vào miền Nam***, thì cộng đồng tình báo Mỹ đã đưa ra một Bản Lượng Giá của Tình báo Quốc gia về triển vọng đối với Việt Nam”.

Thực chất Bản Lượng Giá đó không gì khác hơn là sản phẩm của những thành kiến, hiểu lầm, bao gồm luôn cả thái độ phản bội, đổi chiều của một số những tay chân thân tín vây quanh Tổng Thống Kennedy thời ấy.

Nền tảng tạo nên những thành kiến, ngộ nhận này trong đầu óc một số không nhỏ những giới chức ngoại giao Mỹ đang trực tiếp sắm vai trò trung gian giữa Bạch Cung và miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là thái độ hãnh tiến, trịch thượng, luôn coi nhẹ vấn đề chủ quyền của Việt Nam. Vì thế không lạ khi William Colby, Tác giả “Lost Victory” đã xa gần chỉ ra quan điểm sai lầm cơ bản của đối tác Hoa Kỳ trong vai trò “cầm lái cuộc chiến” ở miền Nam Việt Nam.

Tác giả “THE VIET-NAM UPHEAVAL (1945 - 1975) - A Vietnamese Perspective of The Vietnam War” trong phần đầu chương 10 quyển 2 đã tỏ ra hết sức tinh tế khi trưng dẫn nhiều lần hai từ “Việt Cộng” được Mỹ hóa, thường xuất hiện trên các hệ thống tuyền thông báo chí Hoa Kỳ là “VIETCONG”. Vẫn theo nhận định của tác giả họ Vũ, điều oái oăm chết người là không chỉ truyền thông mà cả chính giới Mỹ đã vô tình hay cố ý ngộ nhận, và tạo thêm ngộ nhận cho độc giả, khán thính giả Mỹ và khắp thế giới hiểu lầm từ VIETCONG là danh xưng dành cho MTDTGPMNVN. Nói rõ hơn là những lực lượng võ trang cộng sản đang chiến đấu chống lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nó minh nhiên xuất hiện trên các văn kiện chính thức của các viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hoặc tòa Đại Sứ Mỹ ở thủ đô Sàigòn khi trao đổi với đối tác trực tiếp là TT Diệm và chính phủ do ông lãnh đạo. Riêng với William Colby sự ngộ nhận tai hại này còn kéo dài sau khi Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ cho tới biến cố 30-4-1975, ngày CS Bắc Việt xua quân thôn tính toàn bộ phần lãnh thổ miền nam vĩ tuyến 17!

Quả thật không hẹn mà đầu năm 1964, khi có dịp đọc Bản Tường Trình của Phái Bộ Liên Hiệp Quốc tìm hiểu sự thật về vấn đề Phật Giáo ở miền Nam Việt Nam (vào lúc Đệ Nhất CHVN sụp đổ, TT Diệm và Cố Vấn Nhu bị giết), Thượng Nghị Sĩ Thomas Dodd đã có viễn kiến như một nhà tiên tri khi trong lá thư gửi một đồng viện, ông viết: đây là chỉ dấu cho thấy ngày Hànội thôn tính Việt Nam không còn bao xa.

Theo Giáo sư Vũ Quý Kỳ, dù vô tình hay cố ý, sự hiểu sai qua việc tách rời để gán danh xưng “Việt Cộng” cho bọn thảo khấu tay sai của Cộng sản Ba Đình đang sát hại nhân dân miền Nam đã hàm ẩn một số vấn đề.

Trước hết, từ sự kiện nghĩ sai, hiểu sai, viết sai cho thấy sự thiếu kiên định và nỗ lực để cảm thông với chính quyền của TT Diệm đang phải đối mặt với một cuộc chiến do cộng sản Bắc Việt cầm cương với sự đỡ đầu của khối CS quốc tế. Từ đấy, nó cũng lý giải cho lầm lẫn cơ bản mà những đồng minh phương Tây có thiện chí đến trợ giúp miền Nam VN nhưng lại thiếu khả năng và ý chí để tìm hiểu những vấn đề cơ bản vốn rất phức tạp tại địa phương.

Thứ đến, cùng một thuật ngữ “Việt Cộng” (hay VIETCONG theo cách viết phía Hoa Kỳ), nhưng khi sử dụng trong các cuộc đối thoại giữa các đại diện trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và các đối tác Mỹ, luôn có những ý nghĩa khác nhau qua tai nghe và trí óc suy nghĩ của các tác nhân có mặt trong cuộc đối thoại. Không phải chỉ xảy ra một thời gian mà hầu như trong suốt cuộc chiến. Làm sao kể hết được sự thất vọng phía Việt Nam khi phải thường xuyên đối diện với sự hiểu lầm khó chấp nhận từ các đối tác của họ trong suốt cuộc xung đột kéo dài.

Tiếp theo, với cái nhìn hời hợt bề ngoài, vấn đề tuồng như không đáng quan tâm. Nhưng nếu nhìn kỹ vào căn nguyên và hậu quả của nó, người ta sẽ dễ dàng nhận ra tính cách quan trọng sống/chết của vấn đề. Với định kiến MTDTGPMNVM và những lực lượng vũ trang của chúng là những thực thể riêng biệt của miền Nam mà không đủ sáng suốt để nhận ra nó chỉ là một thứ con rối của Hànội, vô hình chung vì ngờ nghệch hoặc vì bất cứ lý do nào khác, đã tự sa đà vào thuyết “Nội Chiến”. Sự sai lầm cực kỳ nghiêm trọng này đã tạo nên một cơ hội bằng vàng cho tập đoàn cộng sản xâm lược miền Bắc rút ngắn dã tâm thôn tính miền Nam.

Nam California, Thứ Tư, ng ày 04-8-2021

___________________________________________________

* Under the COSVN were the PRP (People Revolutionary Party), an extended arm of Vietnam Workers Party, representing the Party leadership over the PRG (People’s Revolutionary Government) and the NLF (National Liberation Front).

** Song Thất (hai bảy) ám chỉ ngày 07 tháng 7 năm 1954, thời điểm Chí sĩ Ngô Đình Diệm được Quốc Trưởng Bảo Đại đề cử về Sàigòn thành lập chính phủ sau khi đất nước bị chia đôi. Bài viết này đã được post trên các trang mạng Vận Hội Mới, Diễn Đàn Giáo Dân và Việt Catholic ngày 07-7-2021 vừa qua.

***Trong một diễn từ vào tháng 12-1975, Nguyễn Hữu Thọ, cựu chủ tịch của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, xác định rằng tổ chức của ông ta đã “hoàn toàn tuân theo đường lối của đảng,” như Nixon từng nhìn nhận trong “No More Vietnams” In December 1975, Nguyen Huu Tho, a former president of the National Liberation Front, admitted in a speech that his organization had been “wholly obedient to the party lines,”24 as Nixon recognized in “No More Vietnams”.
 
Hình ảnh sa mạc trong đời sống
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:22 07/08/2021
Theo hình thể địa lý, khí hậu vùng sa mạc ban ngày nóng cháy, nhưng ban đêm lại lạnh, nơi có những đồi cát không có cây cối thảo mộc. Trong sa mạc không có dân cư sinh sống, và chỉ thỉnh thỏang xa xa có vùng nhỏ, nơi có những bụi cây gai, cây chà là mọc phát triển cùng vũng nước chỗ trũng thấp. Vùng chỗ đó được gọi ốc đảo - giữa sa mạc hoang vu.

Sa mạc hình thể địa lý với toàn cát nóng cháy, lạnh buốt có nhiều nơi trên thế giới như ở bên Phi Châu, bên vùng Trung Đông, bên Hoa kỳ…

Nhưng ngoài ra còn có những sa mạc không theo hìmh thể địa lý ngay trong đời sống con người hầu như khắp nơi vào mọi không gian thời đại.

Đó là những sa mạc gì vậy?

Ngày xưa, như Kinh Thánh viết thuật lại nơi sách Các Vua (1 V 19, 4-8), Ngôn sứ Elija đi trong sa mạc mệt nhọc đói khát, và không muốn sống nữa, chỉ mong muốn cầu xin Thiên Chúa cho được chết.

Phải chăng chỉ vì sa mạc hình thể địa lý làm ông mệt mỏi đuối sức chán nản?

Có lẽ không chỉ vì như thế. Ngôn sứ Elija được Thiên Chúa trao cho sứ mệnh rao giảng cho dân biết về Thiên Chúa. Elija không chỉ sống trải qua trong sa mạc hình thể địa lý, nhưng nhiều hơn đã sống trải qua sa mạc nội tâm tinh thần. Ông có nhiệm vụ được trao phó rao giảng về Thiên Chúa cho con người, nhưng không mang lại hiệu qủa tốt. Ông thấy người ta không muốn nghe ông giảng dạy nữa. Họ làm ngơ không tuân giữ lời Thiên Chúa. Nên đến một lúc nào đó Ông cảm thấy sức lực nhuệ khí nơi mình chạm tới mức không thể chịu đựng tiếp tục được nữa…

Ông sống trải qua sa mạc trong đời sống ngoại cảnh và nội tâm. Có lẽ vì thế Ông muốn xin với Chúa được rút lui trở về với Ngài!

Khi được chọn bầu trở thành Giáo hoàng trong Hội Thánh Công Giáo hoàn vũ, Đức Thánh Cha Benedictô 16. ngày khai mạc sứ vụ mục tử đã có suy tư về trách vụ của Giáo Hội trước cảnh sa mạc trong đời sống của con người ngày hôm nay.

“ Có nhiều sa mạc trong đời sống ngày hôm nay. Và có nhiều thứ loại sa mạc trong đời sống con người: sa mạc nghèo túng khốn cùng, sa mạc đói khát, sa mạc bị bỏ rơi, sa mạc cô đơn, sa mạc tình yêu thương bị đổ vỡ phá hủy, sa mạc sống trong đêm tối thiếu vắng Thiên Chúa niềm tin thần thánh, sa mạc đời sống tâm hồn bị lung lay thành trống rỗng hoài nghi đến kiệt quệ sống không phương hướng. Những sa mạc bên ngoài phát triển trong đời sống xã hội, vì những sa mạc nội tâm đã trở thành lớn mạnh…” ( Vatican, Bài giảng ngày 24.04.2005).

Từ gần hai năm nay thế giới sống trải qua tình trạng những thời gian sa mạc. Vì bệnh đại dịch do vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ đời sống con người, nên phải sống trong Lockdown trong giới hạn cô lập, cô đơn như trong sa mạc vậy!

Hay khi người đó sống trong hoàn cảnh lo âu đau khổ, bị bệnh tật, trong hoàn cảnh bị thua lỗ, mất người thân yêu… họ cũng trải qua thời gian sa mạc trong đời sống.

Vướng mắc vào hoàn cảnh như thế, con người cảm thấy trống rỗng, đời sống như khô cằn tàn héo, trống rỗng, mệt mỏi cùng hoài nghi. Sống thiếu vắng như không có viễn tượng tương lai, không có ý tưởng khác mới, để có sức lực có thể tiếp tục đi tiếp…

Những lúc hoàn cảnh như thế cần sự khích lệ gây niềm hy vọng cho tinh thần lẫn thể xác sức mạnh chỗi dậy.

Ngôn sứ Elija ngày xưa cũng đã sống vướng mắc vào hoàn cảnh sống trong sa mạc thất vọng, và chỉ muốn buông xuống đầu hàng. Nhưng Thiên Chúa không để cho xảy diễn ra như ông muốn. Thiên Chúa sai Thiên Thần đến đánh thức ông, kêu gọi ông chỗi dậy đứng lên, thúc dục ăn uống no đủ cho có sức lực đi tiếp. Vì con đường sa mạc đời sống còn dài. Đời sống là một con đường. Có thể còn có thêm hoàn cảnh con đường sa mạc phía trước nữa…

Trong đời sống con người vào thời buổi nào cũng luôn cần đến một Thiên Thần như vậy mang bánh lương thực, nước uống đến đánh thức kêu gọi vực dậy cho tỉnh táo có sức chiến đấu đi tiếp con đường đời sống, những khi vướng mắc vào hoàn cảnh sa mạc tưởng chừng như toàn cát nóng bỏng khô cằn cùng lạnh lẽo.

Một vị Sứ gỉa, một tin mừng luôn cần thiết giúp hướng dẫn, cùng thông cảm và đánh thức cho phấn khởi vươn lên trong đời sống con người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Câu hỏi nhức nhối: Chúa ở đâu giữa đại dịch kinh hoàng này? ĐHY Raniero Cantalamessa có câu trả lời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:38 07/08/2021

“Giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết”. Đó là lời ta thán của Gioan Tẩy Giả được nghe trong bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng mà chúng ta muốn làm vang lên trong cuộc gặp gỡ cuối cùng trước lễ Giáng Sinh này.

Trong thông điệp Urbi et orbi đáng nhớ của mình vào ngày 27 tháng 3 tại quảng trường Thánh Phêrô, sau khi đọc bài Phúc âm về việc Chúa Giêsu làm sóng yên biển lặng, Đức Thánh Cha đã tản mạn đề cập đến những gì Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài khiển trách các môn đồ vì ‘hèn tin’ và Đức Thánh Cha giải thích rằng:

Các môn đệ không ngừng tin nơi Chúa, và thực sự họ kêu cầu Ngài. Nhưng chúng ta hãy xem cách thức các môn đệ cầu khẩn Ngài: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4:38). “Thầy chẳng lo gì”: họ nghĩ rằng Chúa Giêsu không đoái hoài gì đến họ, không chăm sóc cho họ. Một trong những điều làm chúng ta và các gia đình đau lòng nhất là câu: “chẳng lo gì sao?”. Đó là một câu làm thương tổn và khơi dậy bão tố trong tâm hồn. Câu ấy cũng làm tổn thương Chúa Giêsu. Vì Ngài quan tâm đến chúng ta hơn bất cứ ai.

Chúng ta có thể thoáng thấy một sắc thái khác trong lời trách móc của Chúa Giêsu. Các môn đệ đã không hiểu ai đang ở trên cùng con thuyền với họ; họ đã không hiểu rằng, khi Ngài ở trên thuyền, con thuyền không thể chìm vì Chúa không thể ra hư mất. Chúng ta, những môn đệ của Người trong thời đại này, cũng sẽ mắc sai lầm như các môn đệ xưa và sẽ đáng bị Chúa Giêsu khiển trách như vậy nếu trong cơn bão dữ dội đã ập đến thế giới qua trận đại dịch này chúng ta quên rằng mình không hề đơn độc trên con thuyền trước sự khống chế của những con sóng.

Lễ Giáng Sinh cho phép chúng ta mở rộng chân trời: từ biển Galilê đến khắp cùng thế giới, từ các tông đồ đến chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14). Trong tiếng Hy Lạp, động từ eskenosen (nghĩa đen là ‘dựng lều hạ trại’), ở thì aorist, chuyển tải ý tưởng về một hành động đã hoàn thành và không thể đảo ngược được. Con Người đã xuống thế gian và Thiên Chúa không thể hư mất. Một Kitô hữu có thể mạnh dạn hơn tác giả của Thánh Vịnh để tuyên bố rằng:

Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì. (Tv 46: 2-4)

“Chúa ở cùng chúng ta”, cụ thể là đứng về phía con người, như một người bạn và một đồng minh chống lại thế lực của cái ác. Chúng ta cần khám phá lại ý nghĩa nguyên thủy và đơn giản trong mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, vượt lên tất cả những giải thích thần học và những tín lý được xây dựng trên đó. Thiên Chúa đã cư ngụ giữa chúng ta! Ngài muốn biến sự kiện này thành tên riêng của mình: Emmanuel, Chúa ở cùng chúng ta. Điều mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: ‘Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen’. (Is 7:14) đã trở thành sự thật.

Như tôi đã từng nói, chúng ta cần quay trở lại cuộc tranh cãi đầu tiên trong tất cả các cuộc tranh cãi về Kitô học hồi thế kỷ thứ năm - trước các Công đồng Êphêsô và Chancêđon - để tái khám phá nghịch lý và tai tiếng chứa đựng trong tuyên bố: ‘Ngôi Lời đã cư ngụ giữa chúng ta’. Thật đáng đọc phản ứng của một người ngoại giáo có học thức sống vào thế kỷ thứ hai, sau khi biết về tuyên bố này của các tín hữu Kitô. Nhà triết học Celsius đã kinh hoàng và kêu lên rằng: ‘Con của Chúa – mà lại là một người chỉ sống cách đây vài năm thôi à?’ Ngôi Lời hằng sống – là một người chỉ mới ở đây “hôm qua hay hôm kia” thôi sao? là một người đàn ông “được sinh ra từ một người quay tơ nghèo, trong một ngôi làng của xứ Giuđêa” sao? Phản ứng ấy khá dễ hiểu: sự kết hợp hoàn hảo giữa thần tính và nhân tính trong con người của Chúa Kitô là điều mới lạ nhất có thể có, là “điều mới mẻ duy nhất dưới ánh mặt trời”, như Thánh Gioan thành Đamát định nghĩa.

Trận chiến lớn đầu tiên mà đức tin nơi Chúa Kitô phải đương đầu không phải là về thần tính của Ngài, mà là về nhân tính của Ngài, và về chân lý của mầu nhiệm nhập thể. Căn nguyên của sự từ chối đó là giáo điều của Plato, nói rằng ‘không có Thiên Chúa nào lại hòa hợp với con người’. Từ kinh nghiệm cá nhân, Thánh Augustinô khám phá ra rằng căn cội của khó khăn mà thánh nhân cảm thấy để có thể tin vào mầu nhiệm nhập thể là sự thiếu khiêm nhường. Như ngài viết trong cuốn Tự Thú của mình ‘không khiêm nhường, tôi không thể hiểu được sự khiêm nhường của chính Thiên Chúa’.

Kinh nghiệm của Thánh Augustinô có thể giúp chúng ta hiểu được căn cội của thuyết vô thần hiện đại và cho chúng ta thấy cách duy nhất có thể để vượt qua nó. Sự thật lịch sử của Phúc âm và thần tính của Chúa Kitô đã bị tấn công kể từ thời Hermann Samuel Reimarus, vào thế kỷ thứ mười tám. Chúa Giêsu nói: ‘Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy’ (Ga 14:6). Một khi người ta nói rằng con đường duy nhất đến với Thiên Chúa này đã bị đóng lại, thì trước tiên rất dễ chuyển sang thuyết hữu thần tự nhiên luận [deismo - Hermann Samuel Reimarus cho rằng có thể hiểu biết về Thiên Chúa chỉ dựa vào nhận thức tự nhiên không cần nhờ đến mạc khải hay giáo huấn của Giáo Hội – chú thích của người dịch] và sau đó là thuyết vô thần.

Kinh nghiệm của Thánh Augustinô - như tôi đã nói - chỉ ra con đường vượt qua trở ngại đó, cụ thể là bằng cách từ bỏ lòng kiêu hãnh và chấp nhận sự khiêm nhường của chính Thiên Chúa. ‘Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn’ (Mt 11:25): toàn bộ lịch sử bất tín của loài người được giải thích bởi những lời này của Chúa Kitô. Sự khiêm nhường cung cấp chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm nhập thể. Phô trương thì không cần nhiều cố gắng lắm đâu, nhưng cần rất nhiều sức mạnh để có thể bước sang một bên và tự hạ mình xuống. Thiên Chúa là quyền năng vô hạn trong sự tự hạ mình: ‘Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ […] Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự’ (Pl 2: 7-8).

Thiên Chúa là tình yêu và do đó là sự khiêm nhường! Tình yêu tạo ra sự phụ thuộc vào người bạn yêu, và kiểu phụ thuộc đó không làm bẽ mặt mà còn làm thăng hoa. Hai tuyên bố ‘Thiên Chúa là tình yêu’ và ‘Thiên Chúa là sự khiêm nhường’ giống như hai mặt của cùng một đồng tiền. Tuy nhiên, từ ngữ khiêm nhường có nghĩa là gì, khi nó được áp dụng cho Thiên Chúa và đâu là ý nghĩa trong những lời này của Chúa Giêsu: ‘Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng’ (Mt 11:29)? Về bản chất, điều cốt yếu là thế này: khiêm nhường không phải là ‘trở nên nhỏ bé’ (vì một người có thể nhỏ bé và tầm thường nhưng vẫn không có lòng khiêm nhường); cũng không phải là chuyện tự xem bản thân mình là hèn mọn (vì điều đó có thể phụ thuộc vào một hình ảnh tiêu cực về bản thân); và cũng chẳng phải là chuyện tuyên bố mình là hèn mọn (vì bạn có thể nói như thế nhưng không thực sự tin vào điều đó); đúng hơn, khiêm nhường là việc khiến bản thân mình trở nên nhỏ bé và ta làm điều đó vì tình yêu, để người khác có thể nổi lên. Theo nghĩa đó, chỉ có Chúa mới thực sự khiêm nhường. Thật thế,

Ai sánh bằng Thiên Chúa Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời,
cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất?
Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro. (Tv 113: 5-7).

Dù không được học hành nhiều, Phanxicô Assisi đã hiểu được điều đó. Trong lời Ca ngợi Thiên Chúa Tối Cao, tại một số chỗ, ngài nói với chính Thiên Chúa rằng: ‘Chúa là sự khiêm nhường!’ Và trong Thư gửi toàn thể Dòng, Ngài kêu lên: ‘Hỡi anh em, hãy nhìn vào sự khiêm nhường của Thiên Chúa’. Như ngài viết trong Lời khuyên đầu tiên của mình: ‘Người tự hạ mình xuống, chính khi ngự xuống trong lòng Đức Trinh Nữ’.

Lễ Giáng sinh là lễ của sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Để tôn vinh điều đó trong tinh thần và sự thật, chúng ta cần trở nên giống như những đứa trẻ, như bạn cần cúi đầu để đi qua cánh cửa hẹp nhỏ để bước vào Vương Cung Thánh Đường Chúa Giáng Sinh ở Bêlem.

“Giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết”

Tuy nhiên, chúng ta hãy quay trở lại trọng tâm của mầu nhiệm đó: ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’. Chúa ở với chúng ta mãi mãi, và điều đó là không thể đảo ngược được. Từ giờ trở đi, đó là trọng tâm của lời tiên tri Kitô. Ông Dacaria đã chào hài nhi Tiền Hô và gọi con trẻ là ‘ngôn sứ của Đấng Tối Cao’ (Lc 1:76) và Chúa Giêsu nói về Thánh Gioan Tẩy Giả rằng ông còn ‘hơn cả một ngôn sứ’ (Mt 11, 9). Nhưng theo nghĩa nào thì Gioan Tẩy Giả là một tiên tri? Yếu tố tiên tri nằm ở đâu trong trường hợp của ngài? Các tiên tri trong Cựu ước đã loan báo về một sự cứu rỗi trong tương lai; Gioan Tẩy Giả không công bố một sự cứu rỗi trong tương lai; đúng hơn, thánh nhân chỉ vào một người hiện diện ở đó trước ngài. Các tiên tri ban đầu đã giúp dân Israel vượt qua rào cản của thời gian; Gioan Tẩy Giả giúp họ vượt qua những rào cản thậm chí còn dày đặc hơn trước điều thoạt nhìn xem ra trái ngược với bản chất của nó. Liệu Đấng Thiên Sai được mong đợi từ lâu - được các chi tộc chờ đợi, được các tiên tri công bố, được ca ngợi trong các Thánh Vịnh – rốt cuộc có thể nào lại chính là người đàn ông trông rất khiêm nhường và bình thường, mà chúng ta biết tất cả mọi thứ về người ấy kể cả làng quê của ông ta?

Thật tương đối dễ tin vào một điều gì đó vĩ đại và thiêng liêng, nếu nó được dự kiến trong một tương lai vô định: ‘trong những ngày đó’, ‘trong những ngày sau hết’, trong một khuôn khổ vũ trụ, với các tầng trời nhỏ xuống mật ngọt, trái đất mở ra và ơn cứu rỗi chớm nở (x. Is 45: 8). Nhưng sẽ khó hơn nếu bạn phải nói: ‘Ngài ở đây! Chính là Ngài!’ Thật là chuyện quá đỗi người ta thường tình khi những người nghe bị cám dỗ để thốt lên tức khắc rằng ‘Chỉ có thế thôi à?’. ‘Có thể có điều gì tốt từ Nagiarét đâu?’ (Ga 1:46); ‘Chúng tôi biết rõ ông ta đến từ đâu mà’ (Ga 7:27).

Đó là một sứ vụ tiên tri vượt quá giới hạn của con người và đó là lý do tại sao vị Tiền Hô được định nghĩa là ‘hơn cả một tiên tri’. Ngài là người dám chỉ vào một người và thốt ra một câu dứt khoát “Ecce - Đây này! Ngài đây này”. “Chiên Con của Thiên Chúa đây!” (Ga 1:29). Bạn có thể tưởng tượng những người đầu tiên nhận được tiết lộ đó phải rùng mình như thế nào không? Quyền năng của Chúa Thánh Thần vang lên trong những lời của vị Tiền Hô khi ngài bày tỏ chân lý đó cho những tấm lòng lương thiện. Quá khứ và tương lai, một sự chờ đợi lâu dài và thành quả đã hội tụ và chạm vào nhau. Vòng cung huyền thoại của lịch sử cứu độ đã khép lại.

Tôi tin rằng Thánh Gioan Tẩy Giả đã để lại cho chúng ta nhiệm vụ tiên tri của chính ngài, đó là tiếp tục kêu lên rằng: “Giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết” (Ga 1:26). Ngài đã bắt đầu lời tiên tri mới. Như tôi đã nói, lời tiên tri đó không phải là loan báo về một ơn cứu độ trong tương lai, mà là để bày tỏ sự hiện diện của Chúa Kitô trong lịch sử: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Chúa Kitô không hiện diện chỉ vì người ta liên tục nói và viết về Người, nhưng vì Người đã sống lại và Người sống theo Thần Khí. Điều đó không chỉ là một dự định, mà còn là một hiện thực. Việc truyền giáo bắt đầu từ đó.

Vào thời của Gioan Tẩy Giả, cản trở chính là thân xác thể lý của Chúa Giêsu, hình hài của Ngài, rất giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngày nay, trở ngại chính là nhiệm thể của Ngài, là Giáo hội. Giáo hội rất giống phần còn lại của nhân loại, bao gồm cả tội lỗi nữa! Như vị Tiền Hô đã làm cho những người đương thời có thể nhận ra Đức Kitô trong thân xác khiêm nhường của Người, thì ngày nay Người cũng cần được nhận ra trong sự nghèo nàn và khốn cùng của Giáo hội Người cũng như trong sự nghèo nàn và khốn cùng trong đời sống của chính chúng ta.

Thánh Phaolô bổ sung gì cho Thánh Gioan?

Tuy nhiên, chúng ta cần thêm một số điều vào những gì chúng ta đã nói cho đến nay. Nhận thức rằng Thiên Chúa đã hóa thành người phàm thôi thì chưa đủ, nhưng chúng ta cũng cần biết Thiên Chúa đã hóa thành loại người phàm nào. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải thấy Thánh Gioan và Thánh Phaolô khác biệt nhau ra sao và bổ sung cho nhau như thế nào trong cách thức mỗi vị mô tả mầu nhiệm nhập thể. Đối với Thánh Gioan, điều này bao gồm sự kiện Ngôi Lời là Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể (x. Ga 1: 1-14); đối với Thánh Phaolô, điều đó bao gồm thực tế là ‘Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ’ (x. Pl 2: 5ff.) Đối với Thánh Gioan, Ngôi Lời, là Thiên Chúa, đã làm người; còn với Thánh Phaolô ‘Chúa Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó’ (x 2 Cor: 8-9).

Sự phân biệt giữa sự kiện nhập thể và cách thức sự kiện này được hoàn thành, giữa chiều kích bản thể học và chiều kích hiện sinh, khiến chúng ta quan tâm vì nó dõi chiếu một ánh sáng đặc biệt lên vấn đề nghèo đói hiện tại và cách thức các Kitô hữu nên phản ứng với vấn nạn đó. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta có thể đưa ra một nền tảng Kinh thánh và thần học về sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, như đã được công bố trong Công đồng Vatican II. Như Jean Guitton, một giáo dân tham dự Công đồng Vatican II với tư cách là quan sát viên, đã viết: ‘Các Nghị phụ của Công đồng đã tái khám phá ra bí tích của sự nghèo khó, đó là sự hiện diện của Chúa Kitô dưới các hình dạng của những người đau khổ’.

‘Bí tích’ của sự nghèo khó! Đây là những từ rất mạnh mẽ, nhưng chúng có cơ sở. Nếu quả thực, bởi sự kiện nhập thể, theo một cách nào đó, Ngôi Lời đã mặc lấy mọi người lên mình Ngài (như một số giáo phụ Hy Lạp đã tuyên bố), thì về cách thức điều này được thực hiện, Người đã mặc lấy lên mình những người nghèo, những người khiêm nhường, và những người đau khổ. Chúa Giêsu đã “thiết lập” dấu chỉ này theo cùng một thể thức như Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Người nói khi bẻ bánh: ‘Này là mình Thầy’ và Người cũng dùng những từ ngữ tương tự như thế về người nghèo. Người đã làm như vậy khi đề cập đến những gì người ta đã làm - hoặc không làm - cho những người đói khát, chịu giam cầm, trần truồng hay là những người lạ, bằng cách trang trọng thêm rằng: ‘mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy, và mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25: 31ff.).

Chúng ta hãy rút ra hệ quả của điều này ở cấp độ giáo hội học. Chính Thánh Gioan XXIII, tại Công đồng Vatican II, đã đặt ra cụm từ ‘Giáo hội của người nghèo’. Ý nghĩa của nó vượt xa cách giải thích thông thường. Giáo hội của người nghèo không chỉ bao gồm những người nghèo trong chính Giáo hội! Theo một nghĩa nào đó, tất cả những người nghèo trên thế giới đều thuộc về nó, cho dù họ đã được rửa tội hay chưa. Một số người sẽ phản đối: ‘Sao lại thế? Họ chưa lãnh nhận đức tin hoặc chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội mà!’ Điều đó đúng, nhưng nếu như thế thì cũng không có các Thánh Anh Hài mà chúng ta mừng sau lễ Giáng sinh. Trong mắt Thiên Chúa, sự nghèo khó và đau khổ của họ, nếu không xuất phát từ tội lỗi, chính là phép rửa bằng máu của chính họ. Thiên Chúa có nhiều cách cứu rỗi hơn những cách chúng ta tưởng tượng ra, mặc dù tất cả những cách này, không có ngoại lệ nào đều phải qua Chúa Kitô và ‘trong một cách chỉ một mình Thiên Chúa biết’.

Người nghèo ‘thuộc về Chúa Kitô’, không phải vì họ tự nhận mình thuộc về Ngài, nhưng vì Ngài tuyên bố họ thuộc về mình, Ngài tuyên bố họ là chi thể của Ngài. Điều này không có nghĩa là chỉ cần nghèo trong thế giới này là đủ để tự động bước vào vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Những lời: ‘Hỡi những ai được Cha Ta chúc phúc, hãy đến’ (Mt 25:34) được gửi đến những người đã chăm sóc người nghèo, không nhất thiết được gởi đến cho chính những người nghèo chỉ vì họ nghèo về vật chất trong cuộc sống của họ.

Do đó, Giáo hội của Chúa Kitô lớn hơn nhiều so với những con số và những gì các nhà thống kê học báo cáo. Đây không phải là một tuyên bố huênh hoang hay chiến thắng, điều này sẽ gây bất tiện, đặc biệt là trong những thời điểm này. Không ai khác ngoài Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: ‘Bất cứ điều gì anh em đã làm cho một trong những người anh em nhỏ bé nhất của Thầy, thì anh em đã làm cho Thầy' (Mt 25:40), ở đó ‘những người anh em nhỏ bé nhất’ này không chỉ là những người tin vào Đức Kitô, mà còn là mọi người.

Do đó, Đức Giáo Hoàng - cùng với mọi mục tử trong Giáo hội - thực sự là ‘cha của người nghèo’. Tất cả chúng ta đều vui mừng và cảm thấy được khích lệ khi thấy vai trò này được các Giáo hoàng gần đây và đặc biệt là vị mục tử hiện đang ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô coi trọng như thế nào. Ngài là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho người nghèo trong một thế giới chỉ quen với việc chọn lọc và đào thải. Ngài chắc chắn đã không ‘quên người nghèo’! Trong Kinh thánh, chúng ta tìm thấy một phước lành đặc biệt dành cho những ai quan tâm đến người nghèo:

Phúc thay ai lưu tâm đến người nghèo khổ:
trong ngày hoạn nạn, sẽ được Chúa cứu nguy.
Chúa bảo vệ và giữ gìn mạng sống,
lại ban cho hạnh phúc trên đời,
không trao họ cho địch thù hung hãn. (Tv 41: 2-3).

Trong Tin Mừng, chúng ta đọc về Đức Maria và Thánh Giuse rằng “nhà trọ không có chỗ cho họ” (Lc 2, 7). Ngày nay, không có chỗ cho người nghèo trong quán trọ trên thế giới, nhưng lịch sử đã cho thấy Thiên Chúa đứng về phía nào và Giáo hội phải đứng về phía nào. Đến với người nghèo là noi gương sự khiêm nhường của Chúa. Đó là tự mình nhỏ bé vì tình yêu thương, để nâng đỡ những người bên dưới.

Nhưng đừng tự huyễn hoặc bản thân: đây là điều nói thì dễ mà làm thì khó. Issac thành Ninivê, một Giáo phụ sống trong sa mạc, đã đưa ra lời khuyên này cho những người theo nghĩa vụ bị buộc phải nói về những điều thiêng liêng mà họ chưa đạt được trong đời sống của chính mình: “Hãy nói về điều đó như một người thuộc về hàng môn sinh chứ không phải với uy quyền, sau khi đã khiêm hạ trong lòng bạn và tự làm cho mình trở nên nhỏ bé hơn bất kỳ thính giả nào của bạn”. Và đó chính là cách mà tôi dám nói về điều đó.

“Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14:23)

“Ngôi Lời đã hóa thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Trước khi kết thúc, chúng ta cần chuyển từ số nhiều sang số ít. Ngôi Lời đã không đến thế gian một cách chung chung mơ hồ, nhưng đã đi vào mỗi tâm hồn tin tưởng một cách cá vị. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14: 23). Do đó, Đức Kitô không chỉ hiện diện trên con thuyền của thế giới hay của Giáo hội; Người hiện diện trên con thuyền nhỏ của đời tôi. Thật là một suy nghĩ sâu sắc! Giá như chúng ta có thể thực sự tin tưởng vào điều đó! Thánh Elizabeth của Chúa Ba Ngôi đã khám phá ra rằng bí mật về sự thánh thiện của thánh nữ nằm ở đó. Như ngài đã từng viết cho một người bạn rằng: “Tôi dường như đã tìm thấy thiên đường của riêng mình trên trái đất này, bởi vì thiên đường là Chúa và Chúa đang ở trong tâm hồn tôi. Ngày tôi hiểu ra điều này, mọi thứ đều tràn ngập ánh sáng”.

Với những hạn chế đối với việc thờ phượng nơi công cộng và đối với việc tham dự thánh lễ trong nhà thờ, do nó gây ra, đại dịch này có thể là cơ hội để nhiều người trong chúng ta khám phá ra rằng chúng ta không chỉ gặp được Chúa bằng cách đến nhà thờ, nhưng chúng ta có thể thờ phượng Chúa ‘trong tinh thần và chân lý’ và trò chuyện với Chúa Giêsu ngay cả khi bị nhốt trong nhà, hoặc thậm chí trong phòng của chúng ta. Đời sống Kitô không thể không có Thánh Thể và cộng đoàn, nhưng khi điều này bị ngăn cản bởi những điều kiện bất khả kháng, các Kitô hữu không nên nghĩ rằng đời sống Kitô bị gián đoạn. Nếu bạn chưa bao giờ gặp Chúa Kitô trong lòng mình trước đây, bạn sẽ không bao giờ gặp Ngài - theo nghĩa mạnh của từ này - ở bất cứ nơi nào khác.

Có một tuyên bố táo bạo về lễ Giáng sinh đã vang lên nhiều lần trên miệng lưỡi của các tiến sĩ Hội Thánh và các bậc thầy tâm linh vĩ đại của Giáo hội như Origen, thánh Augustinô, thánh Bernard, Angelus Silesius và nhiều vị khác. Về cơ bản, là thế này: “Chúa Kitô đã được sinh ra bởi Đức Maria một lần ở Bêlem, điều đó có ích gì đối với tôi nếu Ngài không được sinh ra bởi đức tin trong lòng tôi?”. Như thánh Ambrôsiô đã viết: “Theo nghĩa sâu xa nhất, liệu Chúa Kitô còn có thể được sinh ra ở đâu khác, ngoài trái tim và tâm hồn bạn?” Thánh Maximô Cha Giải Tội lặp lại rằng: “Ngôi Lời Thiên Chúa muốn lặp lại mầu nhiệm nhập thể của Ngài trong mọi người nam nữ”. Như bạn có thể thấy, đó là một chân lý đại kết thực sự.

Nhắc lại cùng một truyền thống này, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong sứ điệp Giáng Sinh năm 1962, đã nêu lên lời cầu nguyện cháy bỏng này: “Hỡi Lời Vĩnh Hằng của Cha, Con Thiên Chúa và Con của Mẹ Maria, hãy đổi mới một lần nữa hôm nay, trong thẳm sâu tâm hồn chúng con, điều kỳ diệu phi thường trong sự giáng sinh của Chúa”. Chúng ta hãy biến lời cầu nguyện này thành lời cầu nguyện của riêng mình, nhưng, trong hoàn cảnh bi đát mà chúng ta đang trải qua, chúng ta hãy thêm vào đó lời cầu xin cháy bỏng của phụng vụ Giáng sinh: “Hỡi Vua của các dân tộc, Đấng cai trị mà họ hằng mong ước, là đá tảng hiệp nhất mọi người: Hãy đến và cứu tất cả chúng con, là những người mà Ngài đã hình thành từ đất sét”. Xin hãy đến và nâng dậy nhân loại, đang kiệt sức vì thử thách kéo dài của đại dịch hiện nay!

1.In Origene, Contro Celso, I,26.28; VI,10.
2.S. Giovanni Damasceno, Fede ortodossa, 45.
3.Platone, Simposio, 203°; cf. Apuleio, De deo Socratis, 4: “Nullus deus miscetur ho minibus”.
4.Confessioni, VII, 18.24).
5.Fonti Francescane, 221.
6.Fonti Francescane, 144.
7.J. Guitton, cit. da R. Gil, Presencia de los pobres en el concilio, in “Proyección” 48, 1966, p.30.
8.In AAS 54, 1962, p. 682.
9.Gaudium et spes, 22.
10.Isacco di Ninive, Discorsi ascetici 4, Città Nuova, Roma 1984, p.89.
11.Lettera 107 del 1902 alla contessa De Sourdon.
12.Cf. Origene, Commento al vangelo di Luca 22,3 (SCh 87,p. 302); Angelo Silesio, Il Pellegrino cherubico, I, 61: “Wird Christus tausendmal zu Bethlehem geborn / und nicht in dir: du bleibst noch ewiglich verlorn“.
13.S. Ambrogio, In Lucam, 11,38.
14.S. Massimo Confessore, Ambigua (PG 91,1084.
15.Antifona ai Vespri del 22 Dicembre.


Source:Raniero Cantalamessa
 
Không tin cũng xảy ra: Khả năng Đức Giáo Hoàng đến thăm Bắc Hàn chưa bao giờ lớn hơn bây giờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:46 07/08/2021


1. Khả năng Đức Giáo Hoàng đến thăm Bắc Hàn chưa bao giờ lớn hơn bây giờ

Hôm thứ Sáu, the giờ địa phương Rôma, Đức Tổng Giám Mục Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik) đã đến Vatican để nhận chức vụ mới là Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ Vatican. Ra đón ngài tại sân bay Fiumicino có khoảng 20 người bao gồm Đại sứ Hàn Quốc cạnh Tòa thánh Choo Kyu-ho, và Đại sứ Hàn Quốc tại Ý Kwon Hee-seog.

Theo Đức Tân tổng trưởng, ngài có một cảm giác khác với khi đến học thần học tại thủ đô nước Ý năm 1975. Ngài cũng nhấn mạnh với giới truyền thông Italia rằng ngài cam kết cống hiến hết mình để hỗ trợ Đức Giáo Hoàng.

Về triển vọng có thể đóng vai trò một cầu nối cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Triều Tiên, vị tân tổng trưởng người Hàn Quốc cho biết đây sẽ là vinh dự lớn nhất của ngài và không có bất hạnh nào tồi tệ hơn khi hai anh em phải xa cách nhau trong hơn bảy thập kỷ.

Trước khi nói thêm rằng triển vọng chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Bình Nhưỡng chưa bao giờ lớn hơn bây giờ, ngài nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ thấy một kết quả tích cực nếu chúng ta bắt đầu bằng các cuộc thảo luận nhỏ.
Source:KBS

2. Chuyến thăm của Đức Thánh Cha tại Slovakia có thể làm sáng tỏ tình trạng của một Tổng Giám Mục

Tyzden.sk, một tạp chí Slovakia đã rất chú ý theo dõi chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới một số thành phố của đất nước gần thủ đô Bratislava từ ngày 12 đến 15 tháng 9.

Hôm 24 tháng 6 vừa qua, Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa, và có cuộc trò chuyện cùng với Đức Cha Róbert Bezák, người đã bị buộc phải từ chức dưới thời Đức Bênêđíctô 16.

Đức Cha Róbert Bezák, Dòng Chúa Cứu Thế, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1960, đã được Đức Hồng Y Jozef Tomko tấn phong Tổng Giám mục Trnava vào ngày 6 tháng 6 năm 2009.

Ba năm sau đó, ngày 2 tháng 7 năm 2012, Tòa Thánh thông báo rằng ngài bị loại khỏi chức vụ vì các tuyên bố nghịch lại đức tin Công Giáo. Hàng trăm người Công Giáo đã biểu tình tại nhà thờ chính tòa Trnava sau thông báo này. Đức Cha Bezák nói với những người biểu tình rằng Vatican đã đưa ra “những cáo buộc nghiêm trọng” chống lại ngài và cấm ngài trả lời các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông.

Vào tháng 12 năm 2013, Đức Cha Bezák chuyển đến tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ở thị trấn Bussolengo của Ý gần Verona.

Tyzden.sk cho biết vào ngày 24 tháng 6 vừa qua, lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Cha Bezák đã được đồng tế Thánh lễ với Đức Thánh Cha và sau đó đích thân Đức Thánh Cha trao lại cho Đức Cha Bezák chiếc nhẫn giám mục đã bị Tòa Thánh lấy lại cách đây nhiều năm.

Ngay từ đầu, một bức màn bí mật nặng nề đã phủ xuống câu chuyện của Đức Cha Bezák. Có lẽ sự hiện diện của Đức Thánh Cha ở Slovakia trong một vài tuần nữa sẽ là dịp thích hợp để làm sáng tỏ câu chuyện không rõ ràng này cho các tín hữu Công Giáo Slovakia.
Source:Tyzden.sk

3. Bề trên tổng quyền Dòng Tên mở cửa Năm Thánh ở Manresa

Thánh Ignatiô thành Loyola, sinh năm 1491 và qua đời năm 1556, đã thành lập một dòng tu, gọi là Dòng Tên, vào ngày 27 tháng 9 năm 1540. Ngày nay, gần 17,000 tu sĩ Dòng Tên, thành đang tham gia vào các hoạt động giáo dục, phục vụ xã hội, phát triển nông thôn, chủng viện, giáo xứ, truyền thông đa phương tiện và tâm linh ở mọi nơi trên thế giới.

Thánh Ignatiô, khi còn là một binh lính người Tây Ban Nha, trong trận chiến với quân Pháp vào năm 1521, đã bị bắn gãy chân bởi một viên đạn đại bác. Trong thời gian dưỡng bệnh, cuộc gặp gỡ của ngài với các cuốn sách ‘Cuộc đời của Chúa Kitô’ và ‘Cuộc đời của các vị thánh’ đã khiến cuộc sống của ngài thay đổi.

Các tu sĩ Dòng Tên trên khắp thế giới đang kỷ niệm Năm Thánh Ignatiô từ tháng 5 năm 2021 đến tháng 7 năm 2022. Các ngài kỷ niệm 500 năm ngày Thánh Ignatiô bị thương tại Pamplona, và bắt đầu cuộc hành trình nội tâm để tìm kiếm Chúa trong cuộc sống. Sự hoán cải này đã khiến ngài khám phá ra sự kêu gọi đích thực của mình và thành lập Dòng Tên.

Hôm thứ Bảy 31 tháng 7, ngày Lễ Thánh Ignatiô, Cha Sosa đến Manresa, thủ phủ của Bages, rất gần với sông Cardener, nơi Thánh Ignatiô thành Loyola kinh nghiệm sâu sắc nhất sự biến đổi, sự khai sáng, cho phép ngài nhìn thấy mọi thứ mới mẻ.

Trong bài giảng, Cha Sosa, người Venezuela, Bề trên tổng quyền Dòng Tên cho biết chính tại Manresa, thánh nhân đã tìm thấy nguồn cảm hứng cho kinh nghiệm về Linh Thao. Đó “chắc chắn là điều tốt nhất mà các tu sĩ Dòng Tên và những người thừa kế và những người bạn của linh đạo này có thể cung cấp cho những người khác. Đó là một kho tàng vĩnh viễn cần khai quật, nơi mà vă chương và tinh thần của văn bản Y Nhã được kết hợp một cách đáng ngưỡng mộ theo một cách luôn mới mẻ.”

Từ Manresa, vị Bề trên Tổng quyền đã khuyến khích tất cả các nhà tĩnh tâm của Dòng Tên trên khắp thế giới “đừng mệt mỏi khi cung cấp các Linh Thao theo tất cả các thể thức được dự kiến trước trong ý định của tác giả”.

Bí tích Thánh Thể được cử hành vào thứ Bảy ngày 31 ở Manresa là một trong những hành động quan trọng nhất của Năm Thánh Ignatiô để kỷ niệm vết thương mà thánh nhân phải chịu ở Pamplona.
Source:Religion Digital
 
Ireland xúc động mạnh: Linh mục mất mạng vì cứu giáo dân. Ký sự của một nữ tu tại bệnh viện Thủ Đức
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:53 07/08/2021


1. Đức Tổng Giám Mục Dublin thương tiếc vị linh mục đã hy sinh tính mạng để cứu người thư ký của mình

Hôm thứ Tư 4 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Dublin đã bày tỏ lòng kính trọng đối với một linh mục người Ái Nhĩ Lan đã qua đời sau khi đẩy người thư ký của mình qua một bên để tránh một chiếc xe buýt đang lao tới. Người thư ký thoát nạn nhưng vị linh mục qua đời.

Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell nói với RTÉ's News at One hôm 4 tháng 8 rằng cái chết của Cha Con Cronin đánh dấu một “ ngày rất buồn”.

“Tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với Cha Con Cronin và chia buồn với gia đình ngài về cái chết bi thảm của Cha Cronin. Đồng thời, tôi tôn vinh sự dũng cảm của ngài đã hy sinh bản thân để cứu người thư ký của mình.”

Đức Cha Dermot Farrell lưu ý rằng câu chuyện này diễn ra ngay trong Ngày lễ Thánh John Vianney, vị thánh bảo trợ của các linh mục giáo xứ.

Người dân địa phương nói rằng vị linh mục 72 tuổi đã đẩy người phụ nữ qua một bên an toàn khi một chiếc xe buýt lao về phía họ ở Monkstown, một ngôi làng ở County Cork, vào ngày 3 tháng 8.

Tài xế xe buýt, Mark Wills, 52 tuổi, cũng thiệt mạng. Tờ Thời báo Ireland đưa tin rằng anh ta đã mất kiểm soát chiếc xe sau khi bị tai biến tim mạch.

Cảnh sát Ái Nhĩ Lan, thường được gọi là Gardaí, ở Togher, Cork, đã đưa ra lời kêu gọi các nhân chứng của vụ tai nạn xảy ra trên đường Strand lúc khoảng 1:30 chiều

Đức Cha Fintan Gavin của giáo phận Cork và Ross bày tỏ sự bàng hoàng trước cái chết của linh mục từng phục vụ trong giáo phận của mình với tư cách là Cha Phó ở các Giáo xứ Passage West và Monkstown trong miền Harbour.

Đức Cha Fintan Gavin nói: “Những suy nghĩ và lời cầu nguyện chân thành của chúng tôi dành cho Cha. Gia đình của Cha, các bạn bè, giáo dân và các linh mục quen biết ngài trong Hội Truyền giáo Thánh Patrick, Kiltegan, cũng như các linh mục của Giáo phận Cork và Ross”.

“Tai nạn thương tâm này cũng khiến một gia đình khác phải thương tiếc vì mất đi một người thân yêu và tôi cũng cầu nguyện cho gia đình ngài”.

“Tôi cầu nguyện sự chữa lành và bình an cho tất cả những người bị thương và những người chứng kiến vụ tai nạn. Tôi muốn ghi nhận sự chuyên nghiệp và tử tế của các dịch vụ cấp cứu đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn”.

Đức Cha Gavin nói tiếp: “Cha Con đã phục vụ trong các Giáo xứ trong vùng Harbour từ năm 2012, thiết lập một mối quan hệ nồng ấm cả về mục vụ và cá nhân với tất cả những người mà ngài phục vụ và tất cả những người có liên hệ với ngài”.

“Ngài sẽ được mọi người nhớ đến với khiếu hài hước độc đáo và sự cởi mở với tất cả mọi người. Ngài qua đời vào ngày mà Phúc Âm nhắc nhở chúng ta điều gì đã xảy ra vào ngày Chúa Giêsu yêu cầu Thánh Phêrô bước ra khỏi thuyền và đi trên mặt nước để đến với Chúa.”

Đức Cha kể lại rằng vị linh mục được thụ phong năm 1979 và phục vụ với các các Cha Kiltegan - còn được gọi là Hội Truyền giáo Thánh Patrick - ở Phi Châu trong 25 năm trước khi trở về Ái Nhĩ Lan vào năm 2004.

“Tất cả những ai biết Cha Con rất cảm kích vì đã biết ngài và giáo phận của chúng ta được chúc phúc vì ngài đã phục vụ giữa chúng ta”.

Cha Sean O’Sullivan cùng phục vụ với Cha Con cho biết lễ tang của vị linh mục sẽ diễn ra theo quy định của COVID-19. Các quy định của chính phủ nêu rõ rằng chỉ có 50 người đưa tang được phép tham gia lễ tang.

“Các nhà thờ của chúng tôi sẽ vẫn mở cửa muộn hơn bình thường trong những ngày tới để mọi người có thời gian đến thăm nhà thờ và cầu nguyện cho Cha Con”, linh mục nói.

“Cũng xin nhớ đến người lái xe buýt, Mark Wills, người cũng đã chết trong vụ tai nạn và chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa an ủi gia đình anh ấy và bao quanh họ với sự hỗ trợ yêu thương trước sự mất mát tàn khốc này.”
Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Dublin: yêu cầu của chính phủ hoãn lại các cuộc Rước lễ lần đầu, và Thêm Sức xác nhận có vẻ 'phân biệt đối xử'

Hôm thứ Ba 3 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo của Dublin nhận định rằng yêu cầu của chính phủ Ái Nhĩ Lan buộc các giáo xứ phải trì hoãn các cuộc Rước lễ lần đầu và Thêm Sức dường như là một hành động “phân biệt đối xử”.

Trong một lá thư gửi cho các linh mục vào ngày 3 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell bày tỏ “sự đau buồn sâu sắc” rằng các đại diện của Giáo hội đã không được hỏi ý kiến về việc sửa đổi các hướng dẫn.

“Có thể hiểu được, nhiều người đã lo ngại và thất vọng rằng các hướng dẫn hiện hành hạn chế việc cử hành các bí tích với lý do dường như cho rằng các buổi lễ như thế có thể dẫn đến các cuộc họp mặt gia đình, và điều này có thể vi phạm các hướng dẫn y tế công cộng dành cho các gia đình”.

“Điều này thật khó hiểu, vì không có lệnh cấm nào như vậy được áp dụng cho các sự kiện khác, chẳng hạn như các sự kiện thể thao hoặc dân sự, hoặc các dịp gặp gỡ gia đình khác, chẳng hạn như mừng sinh nhật và lễ kỷ niệm khác, như đám cưới hoặc đám tang”.

“Nhiều người đã kết luận rằng, trong trường hợp không có sự biện minh thích hợp, các hướng dẫn này là phân biệt đối xử”.

Trong bức thư, Đức Tổng Giám Mục Farrell nói rằng các giáo xứ có thể tiến hành các cuộc Rước lễ lần đầu và Thêm Sức “nếu quý cha cho là an toàn”.

Vị tổng giám mục 66 tuổi nói thêm rằng cần phải “thận trọng bảo đảm rằng các gia đình tuân thủ các hướng dẫn sức khỏe cộng đồng liên quan đến việc đón khách đến thăm”.

Đức Cha Farrell được bổ nhiệm làm tổng giám mục Dublin vào tháng Hai vừa qua. Ngài là giám mục Ái Nhĩ Lan mới nhất cho biết rằng các giáo xứ có thể tiến hành Rước lễ lần đầu và Thêm Sức. Các giám mục ở Elphin, Clogher, Waterford và Lismore đã bật đèn xanh cho các buổi lễ trong giáo phận của các ngài.

Các giám mục của các giáo phận Meath, Raphoe và Killaloe cũng đã làm theo.

Truyền thông Ái Nhĩ Lan đưa tin bốn tổng giám mục Công Giáo Ái Nhĩ Lan – là các Đức Tổng Giám Mục Farrell, Eamon Martin của Armagh, Kieran O'Reilly của Cashel và Emly, và Michael Neary của Tuam - đã viết thư cho chính phủ vào ngày 28 tháng 7, chỉ ra rằng các cuộc Rước lễ lần đầu và Thêm Sức sẽ bắt đầu từ giữa tháng 8.
Source:Catholic News Agency

3. Cảm Nghiệm Sau 2 Tuần Phục Vụ Bệnh Nhân Tại Bệnh Viện Dã Chiến

Đã qua 2 tuần được phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến, tôi đã học và trải nghiệm với bao nhiêu là cung bậc cảm xúc.

Nhớ lại lúc dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát, mỗi ngày tiếng còi xe cứu thương một dồn dập. Mỗi tiếng còi vang lên là một lần làm tim tôi đau nhói, vì biết rằng có thêm một bệnh nhân nữa đang trong tình trạng nguy kịch. Nhiều lần tôi đã tự hỏi bản thân có thể làm gì cho họ?

Rồi văn phòng tu sĩ gửi đi bức thư kêu gọi Tình Nguyện Viên phục vụ cho bệnh nhân Covid 19. Đọc thư, tôi có một cảm nhận rất mạnh mẽ về lời mời gọi cá vị mà Chúa dành cho tôi. Sau khi cầu nguyện và được sự động viên của chị em trong nhà dòng, tôi đã quyết định xin đăng ký tham gia nhóm Tình Nguyện Viên. Có nhiều cuộc gọi đến từ người thân, chị em trong dòng và bạn bè, người này hỏi thăm, người kia khuyến khích và cũng có người bày tỏ sự lo lắng cho tôi. Hơn ai hết, tôi cảm nghiệm chính mình đang đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, nên sự tin tưởng và phó thác thì lớn hơn những điều khác.

Sau ngày chích ngừa, tôi bị đau đầu và sốt suốt một ngày một đêm, tưởng chừng không thể đi cùng đoàn theo dự định. Tuy nhiên, sự khát khao được đi phục vụ cùng với sự quan tâm chăm sóc của chị em trong cộng đoàn đã cho tôi sức mạnh để vượt lên chính mình. Tôi đã lên đường với một tâm trạng của một người Môn đệ Thầy Giêsu, sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho các bệnh nhân.

Sau buổi gặp mặt chung, tôi biết nơi mình được gửi đến là cơ sở II Bệnh viện Ung Bướu Thủ Đức. Trên đường đi, trong đầu tôi cứ miên man nghĩ về những ngày sắp tới của mình. Không biết mình sẽ làm gì? Mình có thể giúp gì cho những bệnh nhân?... Nói chung suy nghĩ nhiều nhưng tôi không thể mường tượng được công việc mình sẽ làm là gì.

Mọi người bắt đầu gọi những Tình Nguyện Viên chúng tôi là “Đội quân lên đường chống dịch”. Quân thì phải có vũ khí, nhưng trong chúng tôi, không ai có thứ vũ khí nào trong tay, ngoài thứ vũ khí duy nhất mang theo trong mình là “Tình yêu của Đức Kitô”. Một tình yêu đang nung nấu và thôi thúc chúng tôi lên đường để được chia sẻ nỗi khốn khổ mà các bệnh nhân đang phải gánh chịu trong cơn dịch bệnh.

Đến nơi, chúng tôi được hướng dẫn nơi làm việc và nơi ở. Sau khi được cô y tá trưởng hướng dẫn cặn kẽ, chúng tôi biết công việc của mình là hỗ trợ các bác sĩ khi có nhu cầu và làm vệ sinh cho bệnh nhân cũng như mọi nơi khác trong khoa, chúng tôi lo chuẩn bị sẵn sàng để ngày hôm sau bắt tay vào việc. Nhóm của tôi gồm 16 người được phân công ở khoa Cấp cứu, chia làm 3 ca 4 kip để làm việc theo ca như ekip của khoa.

Ngày đầu tiên, tôi được phân công làm ca đêm nhưng tôi đã háo hức dậy ngay từ sáng sớm để cầu nguyện cho sự bình an của mỗi người và tiễn anh chị em đi làm ca sáng.

Sau khi ca một về chia sẻ kinh nghiệm, chúng tôi nhận rõ nguy cơ lây nhiễm cao của khoa và việc thiếu kiến thức chuyên môn sẽ rất nguy hiểm cho phục vụ. Có ý kiến khuyên chúng tôi không nên tiếp tục vì chúng tôi không học ngành y. Sự hoang mang lẫn lo lắng bao trùm lên cả nhóm. Chúng tôi đã quyết định nghỉ một ngày để ngồi lại với nhau cùng phân định. Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng khi đã quyết định tham gia đội Tình Nguyện Viên, ai cũng đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận những nguy hiểm sẽ gặp. Cuối cùng, mỗi người chúng tôi đều đi đến quyết định: ở lại tiếp tục làm việc vì nơi đây rất cần chúng tôi và chúng tôi tin tưởng vào lời mời gọi của Chúa.

Kinh nghiệm của ca trước đã giúp tôi cẩn trọng hơn trong việc trang bị đồ phòng hộ. Lần đầu vào ca, tôi thật sự không biết phải bắt đầu từ đâu. Làm việc gì. Các bác sĩ và y tá khá bận rộn nên không có thời gian để quan tâm chỉ dẫn việc cho chúng tôi. Một chút cảm thấy mình vô dụng trước hàng núi công việc họ đang phải gánh vác. Lòng ao ước để có thể chia sẻ gánh nặng của họ đã cho cho tôi sự chủ động để quan sát và tìm cách hỗ trợ. Một thái độ tích cực và sẵn sàng đã giúp tôi và các thành viên trong nhóm nhạy cảm hơn và mau chóng thích nghi với công việc.

Mỗi khi tan ca, chúng tôi đều chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm đã làm trong ngày để giúp nhau trong công việc. Giờ đây, mọi công việc đã trở nên rất quen thuộc, tinh thần và lòng hăng say mỗi ngày một gia tăng khi chúng tôi nhìn thấy được những biến chuyển tốt hơn của bệnh nhân, cảm nhận được niềm vui ánh lên nơi khóe mắt của bệnh nhân. Đó chính là động lực làm cho mỗi kíp chúng tôi đều mong đến ca của mình đi làm, để và có thể thăm hỏi, khuyến khích tinh thần họ.

Nhanh thật, nửa tháng đã trôi qua, chúng tôi đã thành thạo, không còn cảm thấy băn khoăn lo lắng về công việc nhưng khuôn mặt của mỗi người lại mang những ưu tư về tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Giờ đây, không ai còn chia sẻ về sự lo lắng hay việc sợ bị nhiễm bệnh nữa, mà thay vào đó là chia sẻ cho nhau về cách chăm sóc bệnh nhân như thế nào cho tốt, và làm gì để thể hiện lòng cảm thương đối với từng bệnh nhân để từng ngày phục vụ của chúng tôi được ý nghĩa hơn và giúp các bệnh nhân mau chóng hồi phục…

Trong tận đáy lòng, tôi tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc vì được phục vụ những con người đau khổ này. Bản thân, tôi thấy thật sự hạnh phúc vì cảm nghiệm được chính đôi tay của mình được đụng chạm vào khuôn mặt và thân thể của Đức Kitô mỗi khi tôi phục vụ, chăm sóc cho họ. Hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi đang cảm nhận lời cầu nguyện của tôi dâng lên Chúa rất thật và rất chân thành, như ý nghĩa một đoạn sách tôi đã từng đọc: “Trong cầu nguyện ta gặp được Đức Kitô, và trong Ngài ta gặp được những đau khổ của con người. Trong việc phục vụ, ta gặp được con người, và nơi họ, ta gặp được chính Đức Kitô chịu đau khổ.”

Thủ Đức, ngày 5-8-2021
Nữ tu Francesca Do
Dòng Chúa Chiên Lành