Ngày 01-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:40 01/09/2016

29. Chỉ cần một giọt vâng lời thì có thể so với tất cả thần lực cao sang, và sự chiêm ngưỡng ơn huệ của Thiên Chúa càng cao hơn.

(Thánh Magdalena de Pazzi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------------

http://www.vietcatholic.net

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:39 01/09/2016
8. THẦN CỬA CAN.
Đào Phủ (1) ngước mặt nhìn Ngải Nhân (2) chửi:
- “Mày là thứ rơm rác thế mà tại sao lại ở cao trên tao chứ ?”
Ngải Nhân cúi người xuống trả lời:
- “Anh thì ở trong đất hết một nửa (3) còn mặt mũi nào mà tranh giành chỗ cao chỗ thấp với tôi sao ?”
Đào Phủ giận dữ, cùng với Ngải Nhân tranh luận không ngơi nghỉ. Thần cửa khuyên giải nói:
- “Mấy người chúng ta, bây giờ dựa vào môn hộ của người ta để sống qua ngày, còn thời gian đâu để mà tức giận vì chuyện không đâu chứ ?”
(Đông Pha Chí Lâm)

Suy tư 8:
Người ta chỉ vì một miếng cơm mà trở thành thù địch của nhau, chỉ một lời nói không đâu mà trở thành đối thủ của nhau.
Chúng ta là thân phận bùn đất được tình yêu của Thiên Chúa tạo thành, được vinh dự làm con cái của Thiên Chúa và được hứa Nước Trời làm gia nghiệp riêng mình. Nhưng trong cuộc sống với những đam mê cám dỗ do tiền tài, danh vọng và xác thịt mà con người trở thành thù địch lẫn nhau, chỉ trích nhau vì những chuyện không nhằm nhò gì cho phần rỗi đời đời của mỗi người.
Thân phận con người ai cũng có nhiều khuyết điểm như nhau, ai cũng có tham sân si trong lòng và tính kiêu ngạo thâm căn cố đế trong óc não, thế thì có gì hay đâu mà phải lên án nhau, chửi bới nhau trước mặt người đời, làm cho danh Đức Ki-tô mà mỗi người mang trên mình bị người ta nhạo cười, khinh bỉ...
Thân phận của con người nay còn mai mất như cánh hoa sớm nở chiều tàn, cuộc đời có là bao lâu, gần đất xa trời, vậy thì tại sao chúng ta cứ đấm đá nhau, cứ đấu tố nhau để tranh giành quyền được ngồi trên cao để “chơi cơ” anh em mình chứ ?

(1) Ngày xưa, ngày tết người ta dùng tấm bảng bằng gỗ cây đào viết tên thần linh để đuổi tà thần.
(2) Ngày xưa, tết đoan ngọ người ta lấy lá ngải để trừ khử khí độc.
(3) Từ tết nguyên đán đến ngày mồng năm tháng năm âm lịch là gần nửa năm, người xưa gọi là sống được một nửa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:42 01/09/2016

30. Con người ta ngoài việc toàn tâm phục tùng Thiên Chúa ra, thì không ở đâu linh hồn có thể được tự do.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lời mời gọi vào Hành trình thanh luyện nội tâm
+ GM Đinh Đức Đạo
15:33 01/09/2016
LỜI MỜI GỌI VÀO HÀNH TRÌNH THANH LUYỆN NỘI TÂM

Kính thưa quí Cha rất thân mến,

Từ kinh nghiệm của những lần gặp gỡ và những lời chia sẻ của giáo dân trong những tháng vừa qua, tôi nghĩ đến một nhu cầu quan trọng của đời sống Linh mục và muốn chia sẻ với quý Cha đôi suy tư về nhu cầu này theo đề tài “Lời mời gọi vào hành trình thanh luyện nội tâm

1. Nhu cầu thanh luyện nội tâm

Tôi muốn bắt đầu bài chia sẻ bằng mấy dòng từ lá thư của một giáo dân :

“Thưa Cha, con cưới vợ đã nhiều năm. Vợ con là người đạo gốc, lại có bố là ông trùm và vợ con cũng là ca viên ca đoàn nhà thờ... Từ đó, con đã gạt bỏ các mối quan hệ khác để sống chung thủy với vợ con. Cuộc sống yên ổn, sinh được 5 người con. Dù cuộc sống nghèo khổ, vợ chồng vẫn thương nhau được 30 năm.

Gần 10 năm nay, kể từ ngày cho đi làm công đức nhà thờ, vợ con hay đi họp đêm, về đến nhà thường hay mắng chồng, rồi đóng sầm cửa phòng riêng lại, con thì ở ngoài, vì vợ con đem lòng thương yêu người đàn ông khác... Thời gian sau này, ra vào cô ấy tránh nhìn mặt con, lại thấy hay bấm điện thoại nhắn tin cho ai đó. Vợ chồng cứ sống giằng co như vậy, con thấy rõ ràng người đàn ông cũ vẫn còn đó. Con đau đớn và xấu hổ vô cùng.

Giờ đây, chịu đựng đã lâu, con quyết định ly dị vợ theo luật đạo, trả tự do lại cho vợ con muốn làm gì thì làm. Xin nhờ Đức Cha giải quyết giùm con
.”


Mấy dòng tâm sự trên đây của người giáo dân nhắc chúng ta nhớ đến nhu cầu chữa lành và hoà giải trong sứ vụ Linh mục của chúng ta. Tuy nhiên, mục đích chính yếu của việc trích lại lá thư trên đây không nhắm đến nhu cầu mục vụ, nhưng nhắm đến chính đời sống của chúng ta.

Đôi vợ chồng được nói đến trong lá thư đã chung sống hạnh phúc trong tình thương yêu 30 năm trời, cả trong hoàn cảnh nghèo khổ và đã có được với nhau 5 mụn con. Thế mà bây giờ bà vợ lại đem lòng thương yêu một người đàn ông khác, còn ông chồng thì đau khổ buồn bực và muốn xin ly dị. Những hoàn cảnh tương tự chắc không thiếu trong kinh nghiệm mục vụ của nhiều anh em Linh mục chúng ta. Thực ra, các đôi vợ chồng hạnh phúc không phải là những đôi vợ chồng không có vấn đề, nhưng là những đôi vợ chồng biết chiến thắng những vấn đề của cuộc đời và nhất là chiến thắng chính mình ; các vị thánh không phải là những người không có yếu đuối hay khuynh hướng xấu, nhưng là những người biết chiến đấu và chiến thắng các khuynh hướng tội lỗi của mình.

Từ những nhận xét trên đây về hoàn cảnh chung của con người, tôi muốn có đôi suy tư về đời sống linh mục của chúng ta. Có lần, khi còn ở Roma, tôi tham dự bữa cơm mừng sinh nhật 60 tuổi của một Cha dòng, giáo sư Thánh Kinh. Khi chào và chúc mừng ngài, tôi hỏi : “Hôm nay cha mừng sinh nhật 60 tuổi, cha cảm thấy thế nào ?” Ngài trả lời hết sức tự nhiên : “Bê bối hơn !” Câu trả lời có vẻ như một lời nói chơi, nhưng lại có thể là sự thật. Điều này có thể xảy ra đối với những ai không cẩn trọng điều khiển con người của mình và không chiến đấu để thanh luyện, những khuynh hướng xấu từ từ xuất hiện trong cuộc đời của mình. Trong trường này, thay vì như Con Trẻ Giêsu, “càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan và ơn thánh trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2,51) thì người ta lại càng thêm tuổi, càng thêm tật xấu.

Đôi khi có xảy ra trường hợp một vị gây ra nhiều khó khăn cho người khác, nhưng hỏi lại thì thấy là thời kỳ được huấn luyện trong Chủng viện, không ai thấy có gì trầm trọng đáng quan tâm. Đây không nhất thiết là trường hợp “nín thở qua cầu”, nhưng chỉ vì trong Chủng viện không có hoàn cảnh để các khuynh hướng biểu lộ hoặc có thể vì luôn được nhắc nhở và vì có môi trường Chủng viện trợ lực, đương sự đã cố gắng giữ gìn. Tuy nhiên, vì đã không thực sự luyện tập để làm bật rễ khuynh hướng không trong lành, khi ra môi trường mục vụ, gặp sức lôi cuốn của hoàn cảnh và đương sự không tiếp tục chiến đấu với chính mình thì khuynh hướng đó lại chồi lên và bành trướng rõ ràng. Vì vậy, điều căn bản trong cuộc sống là luôn ý tứ nhận diện các tình cảm và ý tưởng thầm kín trong tâm hồn để, nếu cần, chiến đấu và thanh luyện để tâm hồn được hoàn toàn tự do, thanh thoát.

2. Nhận diện và thanh luyện nội tâm

a/ Tính cách hỗn độn của nội tâm


Trong lòng mỗi người, có thể có nhiều ao ước thánh thiện và quảng đại, nhưng đồng thời cũng thấy những sức mạnh của dục vọng, của tự ái, của tư lợi, v.v. Lòng con người có khác chi thửa đất trong đó có giống tốt và cỏ lùng cùng mọc lên (x. Mt 13,24-30). Chính tính cách hỗn độn này của nội tâm làm cho người ta dễ tự mâu thuẫn và nhiều khi lời nói và việc làm không ăn khớp với nhau. Vấn đề này có thể được cắt nghĩa bởi dụ ngôn Chúa nói về những người làm việc nhân danh Chúa : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : ‘Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !’ ” (Mt 7,21-23).

Lời trách mắng của Chúa thật dễ sợ, nói lên tất cả tính cách trầm trọng của vấn đề. Có điều lạ là Chúa quở trách rất nặng nề những người, nói cho cùng, đã làm những điều thiện, điều tốt có ích cho tha nhân. Tại sao vậy ? Lý do là vì việc làm thì tốt, nhưng lòng không tốt. Có thể họ đã lấy danh Chúa để phục vụ chính mình, đã dùng công việc của Chúa để thực hiện một tham vọng cá nhân. Lý do rất đơn giản, nhưng lại là cái cốt tủy của tất cả cuộc đời phục vụ của Linh mục. Nhiều người có thể cùng làm một công việc, nhưng lý do, mục đích và tinh thần thì rất khác, có thể còn trái ngược nhau nữa. Việc cử hành Thánh Lễ và các Bí tích là việc thánh thiêng, nhưng tâm tư thầm kín của vị Linh mục biết đâu lại không thánh thiêng ? Cũng thế, việc giúp đỡ phục vụ, tự bản tính, là một diễn tả của tình yêu, nhưng trong thực tế, có người phục vụ vì tình yêu Chúa thúc đẩy, người khác phục vụ chỉ vì tính tự nhiên thích phục vụ, người khác nữa phục vụ để trục lợi, để được khen ngợi, v.v. Chính vì vậy mà công việc từ thiện bác ái tự bản tính là công việc tốt và có tính cách xây đắp cuộc đời, trong thực tế lắm khi không những không xây đắp mà còn gây chia rẽ. Nhiều người suốt đời vất vả phục vụ người nghèo đói, bệnh tật mà trong tâm hồn vẫn đầy dẫy kiêu căng, hờn giận, áp bức, trục lợi. Công việc phục vụ của họ chẳng đem ơn ích cho chính họ, mà cũng chẳng xây đắp cuộc đời những người họ phục vụ. Chính vì vậy, việc thanh luyện nội tâm hết sức cần thiết nếu chúng ta muốn cho sứ vụ linh mục được tinh tuyền và làm lan toả hương thơm của tình yêu cứu độ của Chúa.

b/ Thanh luyện nội tâm

- Nhìn nhận sự yếu đuối và lỗi lầm

Bước căn bản đầu tiên trong hành trình thanh luyện nội tâm là khiêm nhường nhìn nhận trong lòng mình có những yếu đuối và những hướng chiều không lành mạnh. Nhưng chính đây lại là điểm khó khăn đầu tiên. Con người thường ngại nhìn nhận những yếu đuối của mình và nhiều khi còn tìm lý lẽ để bào chữa cho mình. Ngoài ra, người ta thường dễ nhìn thấy những sai sót của người khác và chỉ trích, nhưng lại không nhìn ra những sai sót của mình (x. Mt 7,1-5). Thực ra, đây là vấn đề chung của mọi người vì phát xuất từ bản tính loài người đã bị ô nhiễm bởi tội nguyên tổ. Ông Adam khi được Chúa hỏi vì sao ăn trái cấm, thay vì nhận tội mình, lại đổ tội cho bà Evà (x. St 3,13) để chạy tội, còn bà Evà thì đổ thừa cho con rắn (x. St 3,14).

- Thành thực với lòng mình

Tất cả mọi hoạt động của cuộc đời Linh mục chỉ nhắm có một mục đích duy nhất là đem Chúa đến cho đoàn Dân Chúa để xây đắp cuộc đời của họ để “họ được sống sung mãn” (Ga 10,10) theo gương Chúa Giêsu mục tử ; phục vụ Chúa và làm vinh danh Chúa, hay nói theo khẩu hiệu của thánh Ignazio Loyola : "Để Thiên Chúa được vinh hiển hơn". Trong thực tế, lắm khi một người nói là vì Chúa, tình thực Chúa chỉ là một lý do nhỏ hay chỉ là cái cớ, như đã được cắt nghĩa ở trên về dụ ngôn những người phục vụ nhân danh Chúa (x. Mt 7,21-23). Vì vậy, cần phải thành thực với lòng mình. Dám nhìn thẳng vào những động cơ thúc đẩy các lựa chọn và hành động của mình. Trong kinh nghiệm mục vụ, có khi một người lao mình làm việc trối chết, xả thân phục vụ xem ra rất quảng đại ; nhưng lắm khi lý do chính yếu lại là cạnh tranh hay vì hư danh hoặc một lợi lộc nào đó. Vì vậy, cần phải trở về nội tâm để dò hỏi lòng mình và gọi mỗi lý do, tâm tình và ý tưởng thầm kín với chính tên của nó. Nếu không chân thành nhìn nhận sự thật của lòng mình, chúng ta sẽ không thể bắt đầu hành trình dấn thân để thanh luyện cõi lòng được thanh thoát và tự do.

- Thanh thoát khỏi tất cả, kể cả những điều tốt

Để được hạnh phúc trong cuộc đời Linh mục và toàn tâm, toàn lực lo cho đoàn Dân Chúa, vị Linh mục cần phải thanh luyện cho lòng mình được tự do thanh thoát trước tất cả thụ tạo, kể cả những điều tốt. Các sách Tin Mừng cho thấy Chúa đòi các môn đệ Chúa phải từ bỏ những điều thật tốt : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26-27). Nếu vị Linh mục không làm cho lòng mình thanh thoát trước cả những điều tốt thì lòng của vị Linh mục đó sẽ rất hỗn độn và một vài điều tốt nào đó sẽ trở thành tuyệt đối và chiếm chỗ của Chúa trong lòng ngài. Chính vì thế, thánh Phaolô đã coi “tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,8-9).

Thực ra, nếu Linh mục nào dám chấp nhận “mất tất cả”, thì sẽ không mất gì, nhưng tìm lại được tất cả một cách trung thực. Tất cả sẽ trở lại đúng vị trí của chúng trong con tim của ngài. Đó là ý nghĩa lời Chúa trong sách Tin Mừng thánh Matthêu : "Ai yêu cha, yêu mẹ hơn Thầy, không đáng thuộc về Thầy... Ai muốn bảo vệ mạng sống mình thì sẽ mất mạng sống ; còn ai thí mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì lại giữ được mạng sống" (Mt 10,37-39). Nói cho cùng thì vấn đề không phải do các thực tại gây ra, nhưng tại con tim của con người làm cho chúng ra méo mó. Không phải là các thực tại xấu, nhưng vì con tim của con người sa đọa.

Chính vì vậy, đời sống thiêng liêng của Linh mục thường được ví von như cuộc hành trình xuyên qua sa mạc. Khách lữ hành muốn băng qua sa mạc phải lên đường với ít hành trang. Nhưng rồi trong cuộc hành trình sẽ thấy là số ít hành trang mang theo vẫn còn quá nặng, quá cồng kềnh và cản trở cuộc lữ hành. Do đó, từ từ phải vất bỏ tất cả những gì không tối cần thiết, và sau cùng phải vất tất cả, chỉ giữ lại một vật duy nhất. Đó là nước. Có thể thiếu tất cả, nhưng nếu thiếu nước thì sẽ chết khô trong sa mạc.

Hành trình thanh luyện cõi lòng đòi phải quyết tâm và cố gắng để chiến đấu với nhiều điều luôn tìm cách quyến rũ tâm trí. Xin hãy tin tưởng là với sức mạnh của ơn thánh và sự cố gắng của bản thân, chúng ta sẽ chiến thắng. Xin Đức Mẹ là Mẹ của các Linh mục, là Đấng đã nói lời “Xin vâng” và đã hiến dâng trọn cuộc đời để thực hiện thánh ý Thiên Chúa đồng hành và hướng dẫn chúng ta trong nỗ lực chiến đấu để thanh luyện lòng trí cho tinh tuyền.

Với lòng quý mến và tin tưởng, xin chào quí Cha.
 
Chúa là gia nghiệp - Chọn lựa tốt nhất
Lm. Đaminh Hương Quất
20:44 01/09/2016
‘CHÚA LÀ GIA NGHIỆP’- CHỌN LỰA TỐT NHẤT

(Lc 10, 38-42).

Ngày 22.8 vừa qua, Gia đình giáo xứ Thị Cầu ta có niềm vui đại Hồng ân, nữ tu Têrêxa Avila Maria Vũ Thị Hồng Hường thuộc Dòng Nữ Thừa sai Đức Mẹ Trinh Nữ Vương khấn trọn. Từ đây với lời hứa trung tín- thủy chung Dì tận hiến cho Chúa Giêsu, thuộc trọn về Chúa Giêsu, và nói theo ngôn ngữ gia đình, trong Giáo Hội Hiệp thông và Sứ vụ Dì kết hôn với Đấng Thánh Giêsu, là Tân nương của Thầy Giêsu hôm nay và mãi mãi.

Niềm vui càng càng được nhân rộng và thêm ý nghĩa khi Gia đình Giáo xứ bắt đầu bước vào Tuần Vàng Tri Ân (từ 01 đến 07 tháng 9) hướng đến ngày đại lễ Nhà thờ được Thánh hiến của giáo xứ.

Minh họa: Vợ chồng trẻ mới cưới bàn tính, tạm thời gác chuyện sinh con, tập chung lo làm giầu trước đã.

Và để hoàn thành triệt để kế hoạch, đảm bảo kín chặt không một kẽ hở, kiến gió cũng khó lọt (!), họ dùng viên tránh thai thường xuyên (…), ‘hoàn toàn yên tâm’ với lời quảng cáo, tuyên truyền.

Khi cuộc sống ổn định, khấm khá, họ tính đến truyện có con.

Nhưng cung lòng làm mẹ đã khép, họ hì hục cạy mãi vẫn chưa mở ra được!

Họ chạy tìm bác sĩ Đông- Tây chữa bệnh hiếm muội. Các bài thuốc Đông – Tây kim cổ đều… bó tay.com.

Họ đành tìm con nuôi.

Bây giờ hai vợ chồng thuộc hàng đại gia. Họ mới mua thêm được miếng ‘đất vàng’ bạc tỉ, đang xây biệt thự bạc tỉ…

Cuộc sống đầy đủ tiện nghi, gia đình có tiếng trẻ bi bô… song vẫn có khoảng lặng tê tái.

Một bạn thân của người vợ bật mí:- Đánh đổi cả gia tài để được làm cha mẹ, vợ chồng họ cũng sẵn sàng. Con nuôi dù thương thế nào vẫn không bao giờ là thịt máu mình.

Nghĩa là con mình sinh ra mới thực là gia nghiệp của vợ chồng.

Là Kitô hữu vậy ta chọn cái gì, lấy gì làm gia nghiệp của đời mình: Tiền- quyền- tài- danh vọng ?…

Nếu ta chọn sai lầm có thể làm cuộc sống ta sai lầm, lệch lạc, không tìm được ý nghĩa, mất đời này và có nguy cơ mất cả đời sau; có những chọn lựa sai chi một ly mà di một dặm, phải cản đảm lắm, nỗ lực cộng tác với ơn Chúa lắm mới có thể về lại nẻo chính đường ngay.

Dì Terêxa đã chọn cho mình câu Thánh vịnh “Chúa là gia nghiệp đời con’ (1,5) làm tâm niệm đời sống tận hiến như cách nhắc nhở chúng ta, như cách giúp ta nhìn lại chọn lựa đúng nhất, giá trị nhất.

‘Chúa là gia nghiệp đời con’, tâm niệm của Dì cũng phải là lẽ sống của mỗi chúng ta trong hành trình theo Chúa Giêsu, nếu muốn đời mình có ý nghĩa, có phúc thật, không phải đợi đến đời sau mà ngay đời này ta nếm cảm phúc thật trên trời.

‘Chúa là gia nghiệp đời con’ không phải nói một lần là xong, chọn một lần là xong mà là hành trình chọn lại nhiều lần, cần phải luôn nhắc nhớ mình để có chọn lựa sáng suốt, đúng nhất (nói theo ngôn ngữ thời đại xác chọn ‘chuẩn không cần chỉnh’), nhất là trong bối cảnh tục hóa đồng tiền lên ngôi- lương tâm không bằng lương tháng, xu hướng hưởng thụ, ích kỷ đang nở rộ, chủ nghĩa ‘makeno- mặc kệ nó’ đang gia tăng.

‘Chúa là gia nghiệp đời con’, Tin Mừng vừa công bố cho thấy cô Maria, em chị Matta, chị của Nadazo đã chọn Chúa làm gia nghiệp khi biết chọn ngồi dưới chân Chúa, lắng nghe Lời Chúa, biết ý Chúa để sống theo ý Chúa. Chúa Giêsu khẳng đinh: ‘Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai láy mất’.

‘Chúa là gia nghiệp đời con’, đấy cũng là điều Chúa Giêsu mời gọi trong những lời Rao giảng trong những buổi đầu trong Sứ vụ công khai: “Trước tiên các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn tất cả các điều khác, Ngài sẽ ban thêm cho các con”.

Bài Tin Mừng nói về ‘chọn lựa tốt nhất’ của chị thánh Maria cho ta cái nhìn phát sáng, thiết thực và cụ thề. Chọn ‘Chúa là gia nghiệp đời con’ điều đó cũng đồng nghĩa chọn sống theo Lời Chúa, sống theo Ý Chúa. Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành hai mặt của một vấn đề bất khả phân ly. Nghe Lời Chúa, biết Lời Chúa mà không sống, không đem ra thực hành thì theo Chúa Giêsu là người dại xây nhà trên cát. Ta biết rõ bi cục của việc xây nhà trên cát như thế nào rồi khi trực diện sóng bão.

Chính Chúa Giêsu quả quyết: không phải ai thưa ‘lạy Chúa, lạy Chúa…’ mà vào được Nước Trời nhưng phải biết đem Lời Chúa ra sống, ra thực hành.

Sống theo ý Chúa đòi ta phải biết bỏ đi ý mình, bỏ đi tính ích kỷ. Chúa Giêsu nói: ai bỏ mình vác thập giá theo Chúa Giêsu mới xứng đáng làm môn đệ Chúa.

Làm sao ta biết được ý Chúa để sống nếu ta không biết lắng nghe Lời Chúa, không có đời sống cầu nguyện thân thiết với Chúa ?

Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt vời nhất trong các thụ tạo Chúa dựng nên trong việc chọn Chúa làm gia nghiệp, luôn thực thi ý Chúa. Trong Chúa Thánh Thần, Mẹ đã chọn Chúa làm gia nghiệp, và cuộc đời Mẹ không phải chọn một lần là xong mà là tiếp tục nhiều lần xác quyết tâm nguyện ấy bằng thái độ ‘xin vâng’ đầy nghị lực. Trực diện trước những màu nhiệm khó hiểu, Mẹ có thái độ tuyệt vời: ‘suy đi nghĩ lại trong lòng”. Đấy là thái độ của một con người đạt trình độ thâm sâu trong đời sống cầu nguyện, tạo được mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa.

Cách Mẹ sống cũng chính là cách cho mỗi chúng ta sống khi chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình.

Nhờ lời Mẹ Trinh Vương cùng là quan Thầy của giáo xứ xin cho Dì Têrexa và cho tất cả chúng ta ngày càng tìm được niềm vui, niền hạnh phúc vì chọn lấy Chúa làm gia nghiệp đời mình.

Lm. Đaminh Hương Quất

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video ĐTC tiếp kiến chung ngày 31/8/2016: Cái nhìn của Chúa Giêsu giải thoát và chữa lành tật bệnh
VietCatholic Network
11:04 01/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Với cung cách hành xử tràn đầy thương xót của Ngài Chúa Giêsu chỉ cho Giáo Hội thấy lộ trình phải đi để gặp gỡ mọi người, để mỗi người có thể được chữa lành trên thân xác cũng như trong tâm trí và phục hồi phẩm giá là con cái của Thiên Chúa. ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến tín hữu và du khách hanh hương sáng thứ tư, ngày 31.08.2016.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa trình thuật phép lạ cho người đàn bà bị bệnh băng huyết được lành bệnh, như thánh sử Mátthêu trình thuật trong chương 9,20-22. Khi trông thấy Chúa Giêsu đi qua giữa đám đông, bà tới gần đàng sau Ngài để rờ vào gấu áo của Ngài. “Thật ra bà tự nhủ: nếu tôi chỉ thành công rờ vào áo choàng của Ngài thôi, tôi sẽ được lành” (c. 21). Biết bao đức tin phải không? Người đàn bà này có lòng tin biết bao! Bà lý luận như thế, bởi vì bà được linh hoạt bởi biết bao lòng tin và niềm hy vọng, và với một cử chỉ ma lanh, bà thực hiện điều có trong tim. Ước muốn được Chúa Giêsu chữa lành khiến cho bà vượt quá các điều lệ do luật lệ Môshê thiết định. ĐTC giải thích điểm này như sau:

Thật ra, người đàn bà đáng thương này đã bị bệnh từ nhiều năm, nhưng bà bị coi là ô uế vì bị bệnh băng huyết ( x. Lc 15,19-30) và vì thế bị loại trừ khỏi các buổi cử hành phụng vụ, khỏi cuộc sống hôn nhân, khỏi các tiếp xúc với người thân cận. Thánh sử Marcô cho biết thêm rằng bà đã gặp nhiều y sĩ, tiêu hao hết tiền của để trả cho họ và chịu các chữa trị đau đớn, mà bệnh tình chỉ tệ hạị hơn. Bà đã là một phụ nữ bị xã hội gạt bỏ. Thật là quan trọng chú ý tới điều kiện này – bị gạt bỏ - để hiểu tâm trạng của bà: bà cảm thấy rằng Chúa Giêsu có thể giài thoát bà khỏi bệnh và tình trạng bị gạt bỏ ngoài lề và bất xứng, trong đó bà đã phải sống từ nhiều năm qua. Tắt một lời: bà biết, bà cảm thấy Chúa Giêsu có thể cứu bà.

Trường hợp này khiến cho chúng ta suy tư về sự kiện phụ nữ thường bị nhận thức và giới thiệu như thế nào. Tất cả chúng ta, cả các cộng đoàn kitô nữa, đều được cảnh báo bởi các cách nhìn phụ nữ bị tiêm nhiễm các thành kiến và ngờ vực xúc phạm tới phẩm giá bất khả xâm phạm của họ. Trong nghĩa đó chính các Phúc Âm tái lập sự thật và tái dẫn đưa tới một quan điểm giải phóng. Chúa Giêsu đã khâm phục đức tin của người đàn bà đó, mà tất cả mọi người đều xa lánh, và Ngài đã biến niềm hy vọng của bà thành sự cứu rỗi.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta không biết tên của bà, nhưng ít hàng mà các Phúc Âm miêu tả cuộc gặp gỡ của bà với Chúa Giêsu vạch ra một lộ trình lòng tin có khả năng tái lập sự thật và phẩm giá cao cả của từng người. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô mở ra cho tất cả mọi người nam nữ thuộc mọi nơi và mọi thời con đường của sự giải thoát và cứu độ.

Phúc Âm thánh Matthêu nói rằng khi người đàn bà sờ vào áo choàng của Chúa Giêsu, Ngài “quay lại” và “trông thấy bà” (c 22) và nói với bà. Như chúng ta đã nói, vì tình trạng bị loại trừ của bà, bà ta đã hành động lén lút, sau lưng Chúa Giêsu, bà đã hơi sợ hãi, để không bị trông thấy, bởi vì bà đã là một người bị gạt bỏ. Trái lại, Chúa Giêsu trông thấy bà và cái nhìn của Ngài không phải là cái nhìn quở trách, Ngài không nói: “Cút đi, bà là một người bị gạt bỏ!”, làm như thể Ngài nói: “Bà là một người phong cùi, cút đi!”. Không, Chúa không quở trách bà. Nhưng cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn của lòng thương xót và dịu hiền. Ngài biết điều đã xảy ra và tìm sự gặp gỡ cá biệt với bà, là điều mà chính người đàn bà ước muốn. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu không chỉ tiếp đón bà, mà còn cho rằng bà đáng có được cuộc gặp gỡ ấy đến độ làm quà cho bà lời Ngài và sự chú ý của Ngài nữa.

Trong phần hai của trình thuật từ “cứu” được lập lại 3 lần: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu! " Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.” (cc.21-22).

Câu “can đảm lên con gái” - “can đảm lên, con gái” Chúa Giêsu nói - diễn tả tất cả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người ấy. Và đối với từng người bị gạt bỏ, biết bao lần chúng ta cảm thấy mình bị gạt bỏ trong thâm tâm vì các tội lỗi của chúng ta, chúng ta đã phạm biết bao tội, chúng ta đã có biết bao tội… Và Chúa nói với chúng ta: “Can đảm lên! Hãy đến!”. Đối với Ta con không phải là một người bị gạt bỏ. Can đảm lên, con gái. Con là một con trai, một con gái”. Và đây là thời điểm của ơn thánh, là thời điểm của ơn tha thứ, thời điểm của việc hội nhập vào trong sự sống của Chúa Giêsu, vào trong cuộc sống của Giáo Hội. Đây là lúc của lòng thương xót. Ngày hôm nay với tất cả chúng ta, những người tội lỗi, chúng ta là những người tội lỗi lớn hay tội lỗi nhỏ, nhưng tất cả đều tội lỗi, với tất cả chúng ta Chúa nói: “Can đảm lên, hãy đến !” Con không bị gạt bỏ: Ta tha cho con, Ta ôm con trong vòng tay”. Lòng thương xót của Thiên Chúa là thế đó. Chúng ta phải có can đảm đi đến với Ngài, xin lỗi Ngài vì các tội của chúng ta và tiến bước. Với lòng can đảm, như người đàn bà đã làm.

Thế rồi, sự cứu rỗi có nhiều ý nghĩa: trước hết nó tái lập sức khỏe cho người đàn bà; rồi giải thoát bà khỏi các kỳ thị xã hội và tôn giáo; ngoài ra nó hiện thực niềm hy vọng mà bà đã mang trong tim, bằng cách hủy bỏ các sợ hãi và nỗi tuyệt vọng của bà; sau cùng nó tái trao ban bà cho cộng đoàn bằng cách giải thoát bà khỏi sự cần thiết hành động lén lút. Điều cuối cùng này quan trọng: một người bị gạt bỏ luôn luôn làm một cái gì lén lút, vài lần hay trong suốt cuộc đời: chúng ta hãy nghĩ tới các người phong cùi thời đó, những người vô gia cư ngày nay… chúng ta hãy nghĩ tới các người tội lỗi, tới chúng ta tội lỗi, chúng ta luôn luôn làm cái gì đó lén lút… như thể chúng ta cần làm cái gì đó lén lút, và chúng ta xấu hổ vì điều chúng ta là. Và Chúa giải thoát chúng ta khỏi điều ấy. Chúa Giêsu giải thoát chúng ta và nâng chúng ta đứng lên: “Hãy đứng dậy và đến. Hãy đứng lên”. Như Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta: Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta đứng trên hai chân, chứ không bị hạ nhục. Hãy đứng lên. Sự cứu rỗi mà Chúa Giêsu trao ban là sự cứu rỗi toàn vẹn, tháp nhập cuộc sống của người đàn bà vào trong bầu khí tình yêu thương của Thiên Chúa, đồng thời tái lập phẩm giá tràn đầy cho bà.

Kết luận, không phải cái áo choàng mà người đàn bà đã sờ vào cho bà sự cứu thoát, nhưng là lời của Chúa Giêsu, được tiếp nhận trong lòng tin, có khả năng an ủi bà, chữa lành bà, tái lập bà trong tương quan với Thiên Chúa và với dân Ngài. Chúa Giêsu là suối nguồn duy nhất của phước lành, từ đó nảy sinh ra ơn cứu độ cho tất cả mọi người, và đức tin là sự sẵn sàng nền tảng để tiếp nhận nó. Một lần nữa Chúa Giêsu cho thấy với cung cách tràn đầy thương xót của Ngài, Ngài chỉ cho Giáo Hội thấy con đường phải theo để gặp gỡ mọi người, để mỗi người có thể được chữa lành trên thân xác và trong tinh thần và tái chiếm được phẩm giá là con cái Thiên Chúa.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương khác nhau. Với các nhóm nói tiếng Pháp, ngài nói: Kết thúc kỳ nghỉ hè tôi mời gọi anh chị em đặt để cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn thương xót của Chúa, để Ngài ban cho từng người ơn chu toàn bổn phận và đem tình yêu của Chúa Kitô tới mọi người chung quanh.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước Ai len, Malta, Philippines, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm Roma củng cố tình yêu của họ đối với Chúa Kitô và giúp họ trở thành các thừa sai của lòng thương xót Chúa, đặc biệt đối với những ai sống xa Chúa.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào các tín hữu đến từ Hoechstadt, Ostfildern và các học sinh trường trung học ĐHY Von Gallen tỉnh Muenster. Ngài chúc họ có những ngày hành hương tươi vui tại Roma.

Trong các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC chào các sinh viên trường Brasil, đoàn hải quân Brasil và tín hữu giáo phận Vitoria, và cầu chúc họ là các chứng nhân đem Tin Mừng và sự ủi an của Chúa tới cho mọi người.

Chào các tin hữu Ba Lan ĐTC khuyến khích mọi người đừng sợ hãi đến với Chúa với các khổ đau và yếu đuối của mình. Ngài cầu mong ơn thánh Chúa ban giúp họ tái khám phá ra phẩm giá là con cái Chúa.

ĐTC cũng chào các tín hữu tổng giáo phận Genova do ĐHY Angelo Bagnasco hướng dẫn, cũng như tín hữu giáo phận Melfi- Rapolla – Venosa do ĐC Gianfranco Todisco hướng dẫn, các đại chủng sinh giáo phận Milano và nhiều đoàn hành hương khác. Ngài cầu chúc họ có chuyến hành hương Năm Thánh sốt mến và gặt hái nhiều ơn lành của Chúa.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc tới thánh Gioan Tẩy Giả Giáo Hội mừng lễ ngày thứ hai vừa qua. Ngài cầu mong cuộc tử đạo anh hùng của thánh nhân giúp các bạn trẻ dấn thân sống Tin Mừng, người đau yếu can đảm tìm được sức mạnh và sự thanh thản nơi Chúa Kitô, và các cặp vợ chồng mới cưới sống kinh nghiệm niềm vui ủi an phát xuất từ việc tận hiến cho nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Sứ điệp Đức Thánh Cha: Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên
Lm. Trần Đức Anh OP
16:08 01/09/2016
VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu nhìn nhận tội lỗi gây hại cho thiên nhiên và con người, thống hối và quyết tâm thay đổi lối sống.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐTC Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự săn sóc thiên nhiên, cử hành hôm 1-9-2016, nơi các Giáo Hội Kitô. Sứ điệp mang tựa đề ”Chúng ta hãy dùng lòng thương xót đối với căn nhà chung của chúng ta”, và đã được ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cùng với Đức Cha Brian Farrell, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, giới thiệu với giới báo chí sáng ngày 1-9-2016 trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

ĐTC nhận xét rằng ”Trái đất tiếp tục bị hâm nóng hơn, một phần vì hoạt động của con người: năm 2015 là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và có lẽ năm 2016 này sẽ còn nóng hơn nữa. Tình trạng này tạo nên hạn hán, lụt lội, hỏa hoạn và những biến cố khí hậu cùng cực ngày càng trầm trọng hơn. Những thay đổi khí hậu cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng cao độ khiến cho nhiều người buộc lòng phải tản cư. Những người nghèo trên thế giới là những người ít có trách nhiệm nhất trong việc thay đổi khí hậu, nhưng họ lại là những người dễ bị tổn thương nhất và đang phải chịu những hậu quả của những thay đổi này”.

ĐTC xác quyết rằng những tội chống lại thiên nhiên cũng là một tội ác chống lại chính chúng ta và là tội chống lại Thiên Chúa.

Trước tình trạng đó, Ngài mời gọi mọi người hãy xét mình, ý thức tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa, để ăn năn hối cải và xưng thú tội với Chúa Cha giàu lòng xót thương, đồng thời quyết tâm thay đổi cuộc sống. ĐTC viết:

"Điều này phải được diễn tả qua những thái độ và lối cư xử cụ thể tôn trọng thiên nhiên, ví dụ sử dụng plastic và giấy một cách khôn ngoan thận trọng, không phung phí nước, lương thực và năng lượng điện, phân loại các loại rác, đối xử với các sinh vật với lòng chăm sóc, dùng các phương tiện chuyên chở công cộng, đi chung xe với nhiều người, v.v. (LS 211).

”Chúng ta đừng nghĩ rằng những cố gắng đó quá bé nhỏ không thể cải tiến thế giới. Những hành động ấy tạo nên giữa lòng trái đất này một điều tốt đẹp có khuynh hướng lan rộng, nhiều khi một cách vô hình” (LS 212) và khích lệ ”một lối sống có tính chất ngôn sứ và chiêm niệm, có khả năng mang lại vui mừng sâu xa và không bị ám ảnh vì sự tiêu thụ” (Ibidem 222).

Sau cùng, ĐTC khích lệ các tín hữu thực hiện một công việc mới mẻ về lòng thương xót. Thường khi nói về những công việc từ bi thương xót chúng ta thường nghĩ đến những việc bác ái về vật chất cũng như tinh thần. ”Nhưng nếu chúng ta nhìn chúng chung với nhau, thì sứ điệp là điều này: đối tượng của lòng từ bi thương xót chính là sự sống con người trong toàn thể. Và hiển nhiên, chính sự sống này bao gồm cả việc chăm sóc căn nhà chung. Vì thế tôi xin phép đề nghị một bổ túc cho danh sách truyền thống 7 công việc từ bi thương xót bằng công việc ”chăm sóc căn nhà chung”. Việc làm này thuộc về những công việc từ bi thương xót về mặt tinh thần cũng như về mặt vật chất”.

Sứ điệp của ĐTC kết thúc với lời nguyện, ”xin Chúa giúp chúng ta cứu giúp những người bị bỏ rơi và quyên lãng trên trái đất này, những người rất có giá trị trước mặt Chúa; xin Chúa ban cho chúng con ơn tha thứ và thông truyền lòng thương xót của Chúa trong toàn thể căn nhà chung của chúng con” (SD 1-9-2016)
 
Mẹ Têrêsa, người Công Giáo hình tượng nhất thế kỷ 20
Vũ Văn An
23:38 01/09/2016
Cô bé Agnes Bojaxhiu của làng quê Albania ngày nào ít còn được ai nhắc đến tên. Trong một biến cải kỳ diệu hơn Cinderella nhiều, cô đã trở thành “người Công Giáo hình tượng nhất thế kỷ 20”, như lời David Van Biema, Báo Time, quả quyết, dưới danh xưng Mẹ Têrêsa thành Calcutta.

Ký giả trên là tác giả của tập sách “Mẹ Têrêsa: Vị Thánh Hiện Đại” (Mother Teresa: A Modern Saint) do Time xuất bản. Trong tác phẩm này, Biema ghi lại cuộc phỏng vấn vợ chồng Tiến Sĩ Marcilio Haddad Andrino, người được chữa lành chứng tụ mủ cục bộ ở óc, do lời cầu bầu của Mẹ Têrêsa và việc chữa lành này được công nhận là dấu chỉ Thiên Chúa muốn Giáo Hội của Người tôn vinh “cô bé lọ lem” Bojaxhiu lên hàng hiển thánh, hay anh thư của gần 1 tỷ ba trăm triệu người Công Giáo khắp thế giới.

Marcilio là một kỹ sư cơ khí người Ba Tây, có cao học (MA) và tiến sĩ (PhD), là giảm nghiệm viên các bằng sáng chế của chính phủ liên bang. Ông sinh ngày 29 tháng 8 năm 1973. Năm 2008, hai năm sau khi đậu tiến sĩ, ông cảm thấy các triệu chứng đầu tiên của căn bệnh quái ác: ông bị song thị (double vision), mất thăng bằng, tai có tiếng rung. Các bác sĩ chỉ đoán mò, không rõ căn nguyên của các triệu chứng này, nên ông không được chữa chạy chi. Gia đình đôi bên, dù lúc ấy, ông chưa chính thức kết hôn với Fernanda Nascimento Rocha, chỉ mới đính hôn, hết sức lo lắng.

Chính lúc ấy, hai người nhận được tuần cửu nhật kính Mẹ Têrêsa do một đồng nghiệp tặng. Bà này mắc chứng phình mạch ở óc và phải kinh qua một cuộc giải phẫu khó khăn và lâu dài và thành công mà bà cho là do sự cầu bầu của Mẹ Têrêsa.

Thoạt đầu, hai người, tuy có sử dụng tuần cửu nhật này, nhưng không mấy lưu tâm, cho tới lúc nhận được di vật của Mẹ.

Cũng nên biết, chính trong khung cảnh bệnh hoạn và lo lắng này của Marcilio (bị co giật đến bất tỉnh), Fernanda đã bằng lòng làm lễ thành hôn. Lời Fernanda: “Tôi không cảm thấy đây là một gánh nặng. Đúng, đây là một thời điểm khó khăn chúng tôi phải trải qua, nhưng tôi tin rằng Thiên Chúa cuối cùng sẽ lo liệu cả và ban cho chúng tôi giải pháp tốt nhất. Có rất nhiều bất trắc liên quan tới bệnh tình của Marcilio trước lễ cưới, chính lúc đó, Cha Elmira tặng tôi di vật (của Mẹ Têrêsa)".

Đó là ngày 5 tháng 9 năm 2008, sau khi Cha Elmira nhận được di vật trên từ các Nữ Tu Dòng Bác Ái Truyền Giáo, lúc cha tới nhà dòng dự lễ kính chân phúc Têrêsa. Di vật này là một tấm ảnh bọc nhựa, có hình Mẹ Têrêsa đang đan tay vào nhau và một mảnh vải cắt từ y phục của Mẹ, phía sau có một lời cầu nguyện.

Khi nhận được di vật này, Fernanda tin là một chuyện lạ thường, vì “đây là lần thứ hai Mẹ Têrêsa gặp chúng tôi giữa đường. Mẹ sẽ là giải pháp cho các khó khăn của chúng tôi. Đây sẽ là điều cứu vớt chúng tôi”. Họ bắt đầu đọc cả tuần cửu nhật lẫn lời kinh trên di vật của Mẹ. Nhất là di vật. “Đọc hàng ngày, mỗi ngày tới mấy lần. Đây là những thời điểm suy niệm, cầu xin, đầy đức tin, yêu thương và năng lực”.

Ngoài lời kinh in sẵn trên di vật, Fernanda thêm những ý chỉ khác, nhất là cho Marcilio được lành bệnh. Lời kinh trên di vật như sau: “Lạy chân phúc Têrêsa thành Calcutta, Mẹ đã để cho tình yêu khát khao Chúa Giêsu trên Thập Giá trở thành ngọn lửa sống động ở trong Mẹ, và nhờ thế, trở thành ánh sáng tình yêu của Người cho mọi người. Mẹ hãy nhận lãnh từ Trái Tim Chúa Giêsu, ‘Lạy Mẹ Têrêsa, xin Mẹ chữa lành Marcilio’. Xin Mẹ dạy con biết để Chúa Giêsu vào sâu và chiếm hữu trọn con người của con, một cách hoàn toàn đến nỗi cả đời sống con nữa cũng tỏa rạng ánh sáng và tình yêu của Người cho nhiều người khác”.

Vừa cầu nguyện, Fernanda vừa đặt di vật lên trán, lên đầu chỗ có tụ mủ của chồng. Họ cầu nguyện mỗi đêm. Bệnh tình Marcilio càng bi đát, họ càng cầu nguyện nhiều hơn.

Ngày 17 tháng 10, năm 2008, Marcilio bị một cơn co giật thật mạnh, phải đưa vào bệnh viện. Ông ở đó một tháng rưỡi. Rồi tới tháng 12, ông bị đau đầu dữ dội đến phải được chích morphine và làm cho hôn mê (induced coma) vì chỗ bị tụ mủ sưng to lên làm trở ngại việc thải nước khỏi óc. Ông được đưa vào phòng săn sóc đặc biệt (intensive care) và chuẩn bị để giải phẫu.

Trước khi đi vào hôn mê, Marcilio xin mọi người trong gia đình và bạn bè cầu cùng Mẹ Têrêsa cho mình, mong Mẹ chữa lành mình.

Đến lúc đó, các bác sĩ cũng chưa biết điều gì đang xẩy ra. Dù đã biết chứng tụ mủ, nhưng họ không đủ các lý lẽ vững chắc để quả quyết. Nên họ cho thực hiện một số thử nghiệm mới. Họ không trực tiếp cho biết viễn tượng không thể cứu chữa. Nhưng khi Marcilio không đáp ứng các cách điều trị mới, các y tá và đội y khoa đều nghĩ rất có thể không cứu được anh.

Người nhà nghĩ tới việc mời Cha Elmira ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho Marcilio. Tuy nhiên, Fernanda vẫn cương quyết không nói lời “vĩnh biệt” với Marcilio. Lời bà: “tôi luôn tin tưởng Thiên Chúa sẽ làm điều thích đáng ở lúc thích đáng, và Mẹ Têrêsa sẽ bắt đầu việc chữa lành của mẹ vào lúc thích đáng. Tôi không nói lời vĩnh biệt. Tôi có đức tin. Nói lời vĩnh biệt có nghĩa muốn nói: Thiên Chúa và Mẹ Têrêsa không cứu giúp chúng tôi đúng lúc”.

Fernanda quả quyết: lúc Marcilio vào phòng mổ “là lúc xấu nhất nhưng cũng là lúc tốt nhất. Khi Marcilio vào phòng mổ, bác sĩ nói anh ấy sẽ phải giải phẫu, nhưng nhân viên gây mê không muốn gây mê cho anh vì họ cho hay: Marcilio không thể sống thoát việc gây mê này. Đây quả là lúc xấu nhất, vì tôi nhận thấy rằng y khoa không thể làm được điều gì cho Marcilio nữa. Nhưng đây cũng là lúc tốt nhất, vì tôi hiểu ra rằng điều này nằm bên ngoài khả năng kiểm soát của con người, nó hoàn toàn nằm trong tay Thiên Chúa và Mẹ Têrêsa”.

Dĩ nhiên, lúc ấy Fernanda chỉ còn biết cầu nguyện. “Tôi cầu nguyện ngay ở bệnh viện khi chúng tôi được thông báo về cuộc giải phẫu. Trước nhất, tôi cầu xin Thiên Chúa và rồi cầu xin với Mẹ Têrêsa. Tôi xin Thiên Chúa chữa trị và chữa lành Marcilio. Và nếu anh không được chữa trị, thì xin Mẹ Têrêsa tháp tùng anh về nơi ngự muôn đời của Đấng Toàn Năng, xin cho anh an toàn về [nhà Cha]”.

Sau khi Marcilio vào phòng săn sóc đặc biệt, Fernanda trở về nhà bố mẹ, cùng gia đình, tiếp tục cầu nguyện cho anh, nài nỉ Mẹ Têrêsa cứu giúp anh, chữa lành anh. Những lúc như thế, bà cảm thấy Mẹ rất gần gũi, nên rất được bình an, an ủi và yêu thương.

Về phần mình, Marcilio cho hay: “Trước khi vào phòng mổ, tôi bị đau đầu rất mạnh, và bất tỉnh. Thế rồi, tôi thức giấc và thấy mình ở một nơi khác, và không thấy đau đầu nữa, tự hỏi ‘mình đang làm gì đây?’. Và tôi cảm thấy hết sức bình an”.

Sáng hôm sau, Fernanda trở lại bệnh viện. “Tôi đi một mình. Tôi rất vui và tin tưởng vì đêm qua, tôi không nhận được cú điện thoại nào, và tôi tin rằng anh ấy được bình an”.

Gặp nhân viên bệnh viện, “họ nói lý do chính anh ấy phải vào đó là chứng tụ mủ, nước không thoát khỏi óc được, gây nên chứng tràn dịch não (hydrocephaly) đe dọa tới sinh mạng. Nhưng nay họ bảo các chứng đau đầu đã biến mất. Và vì hết chứng đau khủng khiếp ấy rồi, nên anh ấy không cần nằm ở phòng săn sóc đặc biệt nữa, có thể ra phòng thông thường”.

Fernanda kể tiếp: nhân viên bệnh viện “rất đỗi ngạc nhiên. Họ không có bất cứ ý niệm gì về điều đã xẩy ra. Nếu các chứng đau đầu không còn nữa, thì câu kết luận của họ là: sự sưng phù và sự tụ mủ hẳn đã giảm, nhưng thực sự họ không biết. Nay thì tôi biết. Tôi biết Mẹ Têrêsa đã chữa Marcilio”.

“Lúc ấy, tôi chỉ biết khóc. Tôi khóc vì sung sướng, hài lòng, vui tươi và biết ơn. Tôi không qùy gối để cầu nguyện vì chúng tôi đang ở phòng săn sóc đặc biệt, nên không có cách chi qùy gối để cầu nguyện được, nhưng tôi cảm thấy vừa vui mừng vừa hạnh phúc. Tôi thấy anh ấy đang ngồi. Tôi không nhớ lời đầu tiên anh ấy nói với tôi là lời gì. Tôi tin tôi đã hỏi anh ấy ‘anh khỏe không?’ và tôi nghĩ anh ấy trả lời, “khỏe”. Nhưng tôi không nhớ. Sau khi anh ấy được ra khỏi phòng săn sóc đặc biệt, tôi ra khỏi phòng và gọi điện thoại cho mọi người trong gia đình, những người tôi vốn yêu cầu họ cầu nguyện, và nói với họ ‘anh ấy lành bệnh rồi, Mẹ Têrêsa đã ở với Marcilio suốt đêm!’ Không những đây là một phép lạ lớn trong đời anh mà cả trong đời chúng tôi nữa”.

Khỏi nói, Cha Elmira, cha sở giáo xứ của hai vợ chồng, người đã chủ sự lễ nghi hôn phối của hai người, cũng có cùng nhận định như Fernanda. Ngài bảo: “Này chị Fernanda, đúng là Mẹ Têrêsa rồi. Há tôi không nói với chị là ngài sẽ cứu giúp đó sao? Việc này xẩy ra là nhờ Mẹ Têrêsa. Ta hãy viết thư cho các Nữ Tu Dòng Truyền Giáo Bác ái để họ chuyển qua Vatican”.

Được hỏi ông có lo lắng khi phải xuất hiện trước tòa án Giáo Hội hồi tháng 8 năm 2015 để trả lời án phong thánh cho Mẹ Têrêsa hay không, Marcilio trả lời: không. Fernanda nói thêm: “Thực sự không. Toàn bộ bối cảnh của việc biết mình đã nhận được ơn từ Thiên Chúa và Mẹ Têrêsa làm chúng tôi suy nghĩ và biết chắc chắn rằng Thiên Chúa ở với chúng tôi và Mẹ Têrêsa trông xem chúng tôi”.

Bà cho biết, đối với những người không phải là Công Giáo, thì điều này có vẻ kỳ cục. “Nhưng đối với chúng tôi, người Công Giáo, hàng ngày tuyên xưng đức tin và luôn thổ lộ với các cha, các linh mục, thì việc này (ra trước tòa án phong thánh) không có gì là bất thường cả”.
Hai vợ chồng Marcilio và Fernanda hết sức vui mừng khi việc chữa lành của họ được công nhận là một phép lạ. Tin vui ấy được thông báo cho họ sau một chuyến hai người đi du lịch. Marcilio thổ lộ: “Tôi cực kỳ hạnh phúc khi phép lạ được nhìn nhận, và đây là quyết định đồng thanh của các bác sĩ, các nhà thần học và các Hồng Y của Tòa Thánh.Tôi cũng hài lòng thấy Mẹ Têrêsa vẫn quanh quẩn đâu đây với tôi”.

Đối với anh diễn trình phong thánh này không có gì là lâu la cả. “Nó khá nhanh. Nhanh, hợp lý và bình thường”.

Nhân dịp này, ông cũng xác nhận điều thỉnh cáo viên án phong thánh là Cha Brian Kolodiejchuk coi như phép lạ thứ hai: việc ông có khả năng sinh con. Ông cho biết: “lúc 19 tuổi, tôi phải ghép thận và từng dùng cortisone từ hồi lên 6 và thuốc ức chế miễn dịch (immunosuppressors) từ lúc 18 tuổi, và năm 2008, tôi phải sử dụng thuốc kháng sinh rất mạnh nữa. Và vì thế, sau khi rời bệnh viện, lúc tôi đã khỏi bệnh, các bác sĩ nói rằng ‘vì lượng thuốc men Marcilio đã sử dụng, tôi khuyân anh chị nên xem xét nhận con nuôi nếu anh chị nghĩ tới con cái [vì] chúng sẽ không bình thường vì lượng thuốc men Marcilio đã dùng’.

“Chúng tôi thực sự mong muốn có con, và năm 2009, tôi đã thực hiện hàng loạt thử nghiệm thì thấy xác xuất có con của tôi chỉ là 1 phần trăm. [Thế mà] Fernanda có mang ngay năm 2009. Qua năm 2010, chúng tôi có một con gái. Rồi nhà tôi bị sẩy thai. Và năm 2012, chúng tôi sinh một đứa con nữa, như thế là ba lần thai nghén, một lần không thành. Nhưng chúng tôi có hai đứa con. Các cháu mạnh khỏe”.

Fernanda: “Ngợi khen Chúa! Murilo sẽ lên 4 vào ngày 28 tháng 8 (vừa qua), còn sinh nhật của Mariana là ngày 26 tháng 2. Cháu sẽ được 6 tuổi rưỡi vào tháng 8”.

Lẽ dĩ nhiên, hai vợ chồng Marcilio và Fernanda được mời tham dự Lễ Phong Thánh của Mẹ Têrêsa, được gặp gỡ Đức Phanxicô. Họ sẽ mang theo cả hai đứa con. “Chúng tôi mang chúng theo chúng tôi tới mọi biến cố tôn giáo, để chúng biết các sự việc vận hành ra sao”. Họ tin rằng Mẹ Têrêsa rất hài lòng về biến cố này và họ nhắc lại câu nói đã trở thành cổ điển của ngài: “khi tôi chết, nếu có khi nào được trở thành một vị thánh, tôi sẽ là vị thánh của bóng tối. Thay vì ở thiên đàng, tôi muốn đi vào đêm tối để cứu vớt người ta”.

Được hỏi họ có tin là họ được phép lạ hay không, Fernanda cho hay: “tôi không tin. Mà là biết chắc trăm phần trăm. Và tôi tin rằng Dòng Truyền Giáo Bác Ái rất hài lòng, rạng rỡ khi nghe điều này. Mẹ Têrêsa năng đi tới những nơi có các nhu cầu lớn lao nhất; ngài trợ giúp những người túng thiếu nhất trong các người túng thiếu nhất, các người nghèo nhất trong các người nghèo. Cho nên, đây không những chỉ là một ơn phúc chúng tôi cảm nghiệm được, mà là ơn phúc dành cho mọi người, cho các Chị Dòng Truyền Giáo. Và tôi tin chắc ngài vẫn tiếp tục loại việc làm này”.

Về tình trạng sức khỏe hiện thời, Marcilio cho ký giả Biema của tờ Time hay: “Sức khỏe của tôi trăm phần trăm trở lại bình thường. Tôi đã đi làm trở lại. Tôi vẫn còn đôi chút mất thăng bằng và hơi song thị một chút, nhưng tôi đã quen như thế rồi”.

Và họ tiếp tục cầu nguyện “để cám ơn Mẹ Têrêsa về sự cầu bầu này. Bây giờ, chúng tôi cám ơn Mẹ, nhiều hơn là cầu xin Mẹ. Cám ơn ngài về ơn phúc sự sống, ơn phúc làm mẹ, sự kiện ngài tiếp tục hiện diện với chúng tôi và với những người thiếu thốn. Chúng tôi tiếp tục thăm viếng Nhà của Nữ Tu Bác Ái ở Rio, mang an ủi và đức tin [đến mọi người]. Tôi luôn nói với người ta phải giữ vững đức tin, đừng nghi ngờ gì rằng ơn Chúa là có cho mọi người, cho con cái chúng ta”.

Được hỏi nếu Marcilio không mắc chứng bệnh quái ác thì đức tin của họ có khác hơn nay hay không, thì Fernanda cho hay: “Tôi tin như thế. Chúng tôi kinh qua nhiều thời khắc khó khăn với căn bệnh của Marcilio đến nỗi chúng đã thẩm thấu vào đức tin của chúng tôi và củng cố đức tin này”.

Bà cũng cho biết bà luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa, không hỏi tại sao chuyện này chuyện nọ xẩy ra cho mình mà không xẩy ra cho người khác. Như việc cha của bà bị bệnh: “Ba tôi bị tai nạn xe hơi khủng khiếp năm 1996. Lưng của ngài bị hư hại, tủy sống, dây thần kinh hông bị nén, nên bị đau 24 giờ mỗi ngày và người ta có thể nghe tiếng ngài kêu la từ cuối phố. Suốt 10 năm qua, tôi luôn cầu xin cho ngài được chữa lành, đi đứng trở lại. Nhưng tôi không bao giờ nghi ngờ Thiên Chúa. Không bao giờ nêu câu hỏi: ‘tại sao việc này xẩy đến cho tôi, cho ba tôi, cho gia đình tôi?’ Khi ba tôi qua đời, tôi vẫn không hỏi ‘sao Chúa lại đem ba con đi, sao ba con lại phải chịu nhiều đau khổ đến thế?’ Và ngay lúc này đây, tôi cũng sẽ không hỏi ‘tại sao lại chúng con?’

"Đây là ý Thiên Chúa, và Thiên Chúa là người cha và Người muốn để ba tôi không được chữa khỏi, không được chữa lành; nhưng cũng chính Người muốn cho Marcilio được chữa khỏi, được chữa lành. Khi tôi đọc Kinh Lạy Cha, tôi đọc rằng ‘ý Cha thể hiện’. Bởi thế, tôi sẽ không bao giờ đặt câu hỏi “tại sao lại là con?’

“Ý Chúa là điều rất quan trọng và rất đặc biệt, nó cũng rất tối cao. Nên tôi sẽ không hỏi lý do, không bao giờ”.
 
Liên Hội Đồng Giám Mục châu Âu kêu gọi các tín hữu cử hành 5 tuần 'thời gian cho sáng tạo'
Đặng Tự Do
23:39 01/09/2016
Liên Hội đồng Giám mục châu Âu, gọi tắt là CCEE, đã tham gia cùng Hội nghị các Giáo Hội Châu Âu và Mạng lưới Môi trường châu Âu trong việc kêu gọi cử hành năm tuần chăm sóc đặc biệt cho thiên nhiên.

Thời gian 5 tuần cho sáng tạo bắt đầu vào ngày 01 Tháng Chín, là Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên, và kết thúc vào ngày 04 Tháng mười, lễ kính Thánh Phanxicô thành Assisi.

“Theo Tin Mừng, trách nhiệm đối với môi trường không bao giờ có thể được tách ra khỏi trách nhiệm đối với tha nhân: đối với những người lối xóm của chúng ta, đối với người nghèo, đối với người bị lãng quên, tất cả trong một tinh thần liên đới và yêu thương thực sự”

Các Giám Mục trong Liên Hội đồng Giám mục châu Âu cho biết như trên trong tuyên bố của các ngài.

Các Giám Mục cũng kêu gọi cộng đồng Kitô hữu “nêu cao đức tin Kitô chung nơi Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa” và “cầu nguyện cho việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và các ân sủng Chúa ban cho chúng ta qua các kỳ công sáng tạo của Ngài”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Phố Lu Lào Cai thường huấn tháng 8 năm 2016
Lm Nguyễn Văn Thành
11:36 01/09/2016
Thứ Ba ngày 30.8.2016, giáo xứ Phố Lu tổ chức thường huấn tháng 8 cho Ban hành giáo (BHG), Giáo lý viên (GLV), Thừa tác viên (TTV) và anh chị trưởng Legio. Theo sự sắp xếp của giáo xứ, dịp này giáo họ Phong Niên đăng cai thường huấn. Số lượng tham dự được hơn 40 người.

Hình ảnh

Sau khi tách Phong Hải sinh hoạt riêng, vì lý do địa lý, giáo họ Phong Niên có 200 giáo dân, phần đa là người gốc Hải Phòng. Họ sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, nghèo và chân chất nhưng sống đạo khá thuần túy. Trình độ dân trí ở mức khiêm tốn. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa có nhà thờ và mới chỉ có nhà nguyện tạm thời. Giáo họ Phong Niên mới được thành lập được 3 năm và có đội ngũ tông đồ giáo dân tương đối tốt, nhất là thành phần trẻ. Vì còn thiếu linh mục nên mỗi tuần giáo họ có hai Thánh lễ vào thứ Năm và Chúa Nhật. Con số tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật tương đối cao.

Cũng vì hoàn cảnh nhiều năm không có nhà thờ và linh mục, việc sinh hoạt tôn giáo chỉ nằm trong phạm vi gia đình nên sự hiểu biết sâu về đức tin và phụng vụ hầu như không được bao nhiêu. Nhận diện cách rõ ràng như vậy, quý cha trong giáo xứ muốn bổ túc cho giáo dân, nhất là những người có trách nhiệm trong cộng đoàn, về hai phương diện đức tin và phụng vụ. Thể nào là tin và tin dựa vào cơ sở nào? Còn về phụng vụ, Phụng vụ là gì? Ai là chủ thể việc cử hành phụng vụ?

Để trả lời cho những vấn nạn trên, cha Giuse Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai, kiêm nhiệm giáo xứ Phố Lu, đã chọn một số cuốn sách làm giáo trình. Về giáo lý, cuốn sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo in năm 1996 làm sách hướng dẫn chính. Về phụng vụ, cuốn Phụng Vụ Tổng Quát của linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ làm giáo trình. Tuy những cuốn sách này có nhiều từ ngữ chuyên môn nhưng được các cha cắt nghĩa bằng những từ ngữ đơn giản cho giáo dân dễ hiểu.

Công Đồng Vatican II xác định bản chất của phụng vụ như sau: “Phụng vụ là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được mang ý nghĩa qua những dấu chỉ khả giác và được thực hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ nhiệm thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Đầu cùng các chi thể của Người” (PV 7).

Khi được hỏi về chủ thể chính yếu cử hành phụng vụ thì tất cả mọi người đều trả lời đó là linh mục. Một sự sai sót cơ cơ bản nhưng cũng dễ hiểu vì người ta chỉ nhìn thấy linh mục thôi! Cha xứ Giuse giải thích và trích dẫn: “Có hai chủ thể chính yếu của cử hành phụng vụ là Chúa Kitô và Giáo Hội. Hai chủ thể này không thể tách rời nhau”. (Phụng vụ Tổng Quát – Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ). Đây là khái niệm rất quan trọng trong phụng vụ, bởi linh mục làm gì trong phụng vụ cũng là đại diện Chúa Kitô, làm chính công việc Chúa Kitô làm và nhân danh Giáo Hội. Vì thế, linh mục không được phép nhân danh mình và nhân danh một nhóm người nào, bởi linh mục thuộc về Chúa, thuộc về Giáo Hội.

Buổi sáng trôi qua với biết bao niềm vui của sự gặp gỡ và chia sẻ. Anh chị em lại được dùng cơm trưa với nhau trong tình huynh đệ của con cái Chúa. Tiếng nói tiếng cười làm át đi những mệt mỏi của buổi học, của đường xá xa xôi và gánh nặng của cuộc đời.

Sau các giờ giáo lý và phụng vụ, cơm trưa và nghỉ ngơi, giờ giáo lý sư phạm dành cho các thầy cô giáo lý viên vào buổi chiều cũng thêm phần sinh động, bởi trước khi các thầy cô giáo dạy cho các em thì lên lớp thực tập trước đối với những người lớn để chính họ góp ý và sửa chữa. Hơn nữa, dụ ý của quý cha là muốn cho chính các ông BHG, GLV, TTV và anh chị trưởng Legio cũng tham gia vào công cuộc đào tạo giới trẻ trong giáo họ của mình. Tuy có nhiều bài vở lên lớp nhưng cha xứ vẫn muốn có những thời gian để mọi người hồi tâm và xưng tội và đón nhận Chúa sốt sáng qua Thánh lễ.

Đúng 16g00, Thánh lễ tạ ơn được cử hành do hai cha xứ và cha phó để cầu nguyện cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, cách riêng cầu nguyện cho các linh hồn là thân nhân đã qua đời của BHG, GLV, TTV và anh chị trưởng Legio. Đây cũng có thể nói đó là “quyền lợi” dành cho những người tham gia trực tiếp vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Cha xứ Giuse đã chia sẻ và động viên tất cả mọi người tham gia vào công tác truyền giáo vì Giáo Hội là truyền giáo. Nhưng chúng ta cần truyền giáo như thể nào? Chúng ta cần bắt đầu từ cuộc sống của từng người Công Giáo, từng gia đình Công Giáo. Có biết bao nhiêu người thân của chúng ta đã được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy mà không sống Đạo vì lý do này hay lý do khác. Chúng ta cần tiếp xúc, động viên và hướng dẫn họ trở về với Thiên Chúa.

Buổi thường huấn diễn ra tốt đẹp trong niềm vui của Chúa. Mỗi người ra về và hẹn nhau tháng sau gặp lại. “Thánh lễ đã hết chúng con ra về. Ra đi chung xây cuộc đời bác ái. Xin tạ ơn Chúa muôn đời. Chúng con xin tạ ơn Chúa muôn đời...”.
 
Hội Thảo Về Truyền Giáo Của Các Dòng Tu Tại Việt Nam
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
16:44 01/09/2016
Saigon- Từ ngày 29 đến 31 tháng 8 năm 2016, Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc HĐGMVN tổ chức cuộc hội thảo truyền giáo các Dòng tu trên toàn quốc với chủ đề “Chung tay loan báo Tin mừng đến vùng ngoại vi”. Năm nay Trung tâm mục Vụ của TGP. Saigon được mượn làm mái nhà chung cho cuộc hội thảo.

Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long chủ tịch UBLBTM cho biết : hiện nay tại Việt Nam có 236 Hội dòng, tu đoàn, tu hội đang làm việc và phục vụ.

Đến với ba ngày hội thảo có 113 vị gồm năm vị trong Ban tổ chức, năm vị thuyết trình viên, năm vị khách mời và 98 linh mục tu sĩ đại diện cho 48 Dòng tu.

Ba ngày hội thảo, các tham dự viên được lắng nghe các đề tài. Sau đó, các tổ thảo luận và đưa ra ý kiến đóng góp với mục đích : trao đổi và tìm hướng cộng tác thiết thực giữa các dòng tu và các giáo phận để loan báo Tin Mừng tại Việt Nam.

Các đề tài được trình bày gồm: Hãy khởi sự lại việc truyền giáo trực tiếp từ Chúa Kitô do ĐC. Phêrô Nguyễn Văn Đệ; Sống với dân, làm với dân, học với dân, tìm Chúa với dân do Cha Giuse Trần Sĩ Tín DCCT; Chung tay loan báo Tin Mừng đến vùng ngoại vi của ĐC. Anphong Nguyễn Hữu Long; ĐC Giuse Đinh Đức Đạo với đề tài Tu sĩ và công việc truyền giáo; Sr. Lucia Kim Cương, Dòng Đức Bà Truyền Giáo trình bày Đi vào nền văn hóa chuyên biệt để khôi phục văn hóa cho người sắc tộc- dùng ngôn ngữ sắc tộc để dạy người sắc tộc.

Tất cả các thuyết trình viên đã làm nóng hội trường bằng các bài giảng và những câu hỏi sau phần thuyết trình cũng như trao đổi sôi nổi của các tổ, nhóm cho thấy được rằng: việc Loan báo Tin Mừng đang là một đề tài nóng hổi và cần thiết ở mọi thời đại và có thể nói đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của mọi người Ki-tô hữu.

Các bài thuyết trình có những phần dựa theo Tin Mừng, theo Giáo huấn của Giáo Hội và những kinh nghiệm “ xương máu” của các vị đã từng trải với “ nghề” truyền giáo. Tất cả làm cho mọi người cảm nhận có một sự thôi thúc lên đường chung tay loan báo Tin Mừng.

Trong bài thuyết trình của mình, ĐC. Chủ tịch UBLBTM hỏi một câu để ngỏ: Tại Việt Nam hiện nay (1/2016) chúng ta có 236 Dòng tu, tu đoàn, tu hội và tổng cộng số tu sĩ 20,438 người. Vậy có bao nhiêu tu sĩ trong số hơn hai mươi ngày này được dành riêng ra, để loan báo Tin Mừng một cách trực tiếp ?

Một kinh nghiệm của cha Giuse Trần Sĩ Tín trong việc loan báo Tin mừng tại Gp. Kontum là một bài học cho chúng ta đừng mất sự kiên nhẫn mà hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Đó là các cha các thầy Dòng Chúa Cứu Thế lên ở với dân J’rai. Và trong vòng 18 năm vẫn chưa một ai theo đạo. Cha Tín gọi đây là thời kỳ Narazeth- thời kỳ này Chúa Giê-su ở đến 30 năm ẩn mình tại đây.

Đựơc biết tại Việt Nam, 50 năm qua người Công Giáo vẫn giữ con số duy nhất khoảng 7%. Đây là con số ấn tượng có lẽ không chỉ cho tôi mà cho mọi người khi nhìn lại thực trạng này. Vậy phương cách nào, hành động nào có thể nâng con số 7% này lên ? Câu trả lời vẫn còn đang mở.

Xin mượn câu : “ Truyền giáo là niềm đam mê với Đức Giê-su và cũng là niềm đam mê đối với dân Ngài” trong sứ điệp Ngày thế giới truyền giáo năm 2015 của ĐTC Phanxicô, như là lời chúc và là sự khích lệ của Đức Thánh Cha gửi riêng cho mỗi người chúng ta.

Saigon 8/2016

Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đưa vụ Formosa ra Liên Hiệp Quốc
Lữ Giang
11:03 01/09/2016
Sáng ngáy 22.8.2016 tại Quảng Trị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các đơn vị đã tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sau vụ Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải hủy diệt sinh vật biển tại 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016.

GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu, cho biết sau khi phân tích 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh đối chiếu với quy chuẩn Việt Nam, nhóm chuyên gia cho biết các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng trong giới hạn cho phép, đảm bảo với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản.

Ông Nhuận đưa ra các con số để chứng minh điều ông nói: Các thông số sắt, phenol và xyamua - nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường giảm đáng kể và nằm trong giới hạn cho phép. Cụ thể, quan trắc tháng 5 có 3,8% số mẫu sắt vượt giới hạn ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Một tháng sau, chỉ số này còn 1,8%, chủ yếu ở tầng đáy. Điều này cho thấy, sắt trong nước biển đã giảm đi đáng kể.

Hàm lượng xyanua đạt 0,002-0,1 mg/l (tháng 5) nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Riêng thông số tổng phenol trong tháng 5 hầu như không phát hiện được hoặc có giá trị thấp (2-10 mg/l), đến tháng 6 có 2,7% số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là tầng đáy. Đến tháng 8/2016, phenol trong nước biển giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Về hệ sinh thái, phân tích hơn 3.000 mẫu thuộc các nhóm sinh vật phù du, động vật đáy, san hô, cá biển..., nhóm nghiên cứu cho biết, tháng 4 và 5, rạn san hô là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất trong các hệ sinh thái biển. Nhưng đến tháng 6 và 7 không còn hiện tượng trên, san hô bắt đầu phục hồi tự nhiên, cá kích thước nhỏ có dấu hiệu trở lại với mật độ dày hơn.

Về các thông số ô nhiễm giảm, GS.TS Trần Nghi cho rằng sắp tới biển sẽ sạch trở lại như trước vì đó là quy luật và “sau những quy trình đánh giá khoa học, khách quan cho thấy biển sẽ sạch là hoàn toàn tự nhiên".

Ông Trần Hồng Hà hy vọng với sự nỗ lực của các bên, biển miền Trung sẽ sớm được phục hồi, “người dân miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn".

Nhưng hầu như chẳng ai tin những điều các ông ấy nói, vì có nhiều bằng chứng cho thấy có nhiều sự mờ ám trong việc giám định và kết quả công bố hoàn toàn trái với khoa học. Trên báo Người Lao Động số ra ngày 23/8, GS – TS Mai Trọng Nhuận cho rằng chúng ta không thể chờ biển tự làm sạch mà cần có sự can thiệp của khoa học và công nghệ và ông cho biết điều này sẽ rất tốn kém và Việt Nam nên tham khảo của các nước đã áp dụng để làm sạch môi trường biển. Cô Mai Linh Trần ở xã Kỳ Hà, Kỳ Anh cũng cho rằng đó là một kết luận vô trách nhiệm để đánh lừa người dân và dư luận, cô cũng cho rằng Bộ TNMT nói vậy là để bênh vực cho Formosa vì chính quyền đang cố để bảo vệ cho Formosa.

NHỮNG KINH NGHIỆM ĐAU XÓT

Để ước định mức độ tác hại của các độc chất tại Vũng Áng, chúng ta có thể nhìn lại một biến cố tương tự đã xảy ra ỏ vịnh Minamata, Nhật Bản, từ năm 1950 vẫn còn kéi dài cho đến nay. Vì tài liệu mô tả quá nhiều, chúng tôi chỉ xin ghi lại ở đây một số sự kiện được bốn tờ báo Việt ngữ nhắc lại.

1.- Báo Soha: Nỗi đau 50 năm vì biển bị đầu độc”

Ngày 4.4.2016 xảy ra vụ cá chết tại Vũng Áng thì ngày 23.4.2016, website soha.vn (Soha News của Nga?) ở trong nước cho phổ biến bài “Thảm họa Minamata ở Nhật: Nỗi đau 50 năm vì biển bị đầu độc” của Thanh Hương nói rằng “Về vụ cá chết hàng loại ở ven biển miền Trung, Việt Nam, tuy rằng cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân, nhưng có thể khẳng định đây là một nguy cơ rất lớn về môi trường.” GS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục YTDP và Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế đã liên tưởng sự kiện này với thảm họa vịnh Minamata ở Nhật. Ông Nga đặt ra giả thiết:

“Nếu lặp lại sự kiện Vịnh Minamata thì là thảm họa. Vịnh Minamata ở Nhật bị công nghiệp xả nước thải có chứa thủy ngân, thủy ngân xâm nhập vào sinh vật thủy sinh rồi vào cá tạo thành hợp chất thủy ngân hữu cơ. Người ăn cá từ vịnh này bị ngộ độc thần kinh với những hậu quả vô cùng thảm khốc.

"Sau hơn 50 năm, Nhật Bản vẫn có nhiều trẻ em sinh ra với dị tật do thủy ngân và hàng ngàn người hiện nay vẫn bị nhiễm độc thần kinh làm tiêu tốn rất nhiều triệu đô la của nhà nước. Đấy là cái giá phải trả cho sự buông lỏng kiểm soát môi trường trong phát triển".

Shinobu Sakamoto, sinh ra đã bị tổn thương não, hiện cũng đang được chăm sóc và điều trị ở bệnh viện Minamata. Chị gái của bà, lúc 4 tuổi, cũng chết do ngộ độc thủy ngân khi ăn cá. "Chừng nào chúng tôi còn sống, căn bệnh Minamata sẽ không bao giờ kết thúc”, Shinobu Sakamoto khẳng định.

2.- Báo Thanh Niên: Ác mộng 'vịnh thủy ngân' Minamata

Tiếp theo, nhiều báo khác ở trong nước đã lên tiềng về thảm họa này. Dưới đầu đề “Ác mộng 'vịnh thủy ngân' Minamata” đăng trên báo Thanh Niên ngày 25.4.2016, Lan Chi viết:

Hơn 6 thập niên đã trôi qua nhưng hậu quả của thảm họa nhiễm độc thủy ngân do Tập đoàn hóa chất Chisso gây ra vẫn hằn sâu lên thành phố cảng nhỏ bé Minamata, tây nam Nhật Bản.

Tháng 10/2013, lễ tưởng niệm khoảng 2.000 nạn nhân đã tử vong trong vụ nhiễm độc thủy ngân nghiêm trọng nhất lịch sử nhân loại được tổ chức tại Minamata với sự tham dự của đại diện 140 quốc gia. Đó là chưa kể hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng sức khỏe ở nhiều cấp độ khác nhau từ vụ bê bối về môi trường này. Đây cũng được xem là trường hợp đầu tiên của hàng loạt vụ ô nhiễm công nghiệp nghiêm trọng trong thế kỷ 20.

Năm 1959, sau khi khám nghiệm những con mèo chết kỳ quái, một nhóm khoa học gia kết luận có sự liên quan giữa “bệnh lạ” ở Minamata với nước thải chứa thủy ngân từ nhà máy của Chisso. Tuy nhiên, nghiên cứu đã bị tập đoàn này cùng chính quyền địa phương bác bỏ, nhóm khoa học gia bị giải tán. Chisso vẫn tiếp tục xả thải ra vùng biển quanh thành phố cảng Minamata cho đến năm 1968 mới bị buộc phải ngưng vì Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận nguyên nhân gây “bệnh lạ” chính là thủy ngân.

Sau khi được công nhận chính thức, “bệnh lạ” đã có tên là “bệnh Minamata”: bệnh nhân bị nhiễm độc thủy ngân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh (mất xúc giác, thị giác giảm, bị run tay, co giật, bị liệt…), nguy cơ bị ung thư cao. Thai nhi tại Minamata bị nhiễm thủy ngân từ mẹ khi sinh ra có khả năng rất lớn bị thiểu năng trí tuệ và nhiều khuyết tật nặng nề khác.

3.- Báo VOV: Bùi Hùng từ Tokyo

Cũng trong ngày 25.4.2016, báo vov.vn đăng bài “Thảm họa chết người ở vùng biển Minamata (Nhật Bản) do bị đầu độc” của ông Bùi Hùng từ Tokyo. Bài báo cho biết:

tham hoa chet nguoi o vung bien minamata (nhat ban) do bi dau doc hinh 0

Thành phố Minamita được coi là "vùng biển chết".

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Nhật Bản, bệnh Minamata là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm được phát tác từ các loại thực vật, động vật bị ô nhiễm thủy ngân do quá trình sinh sống trong lưu vực Vịnh Minamata chịu tác động xả thải của Công ty công nghiệp hóa học Chisso.

Bệnh này được xác nhận vào năm 1956, trở thành căn bệnh đầu tiên của loài người do ảnh hưởng của thực vật, động vật ô nhiễm trong môi trường.

Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất xuất hiện trong thời kỳ Nhật Bản đạt tăng trưởng kinh tế cao nhất, và cũng là căn bệnh làm nhiều ngưởi chết nhất.

Hàng trăm người không có khả năng nhận thức, sống dựa hoàn toàn vào bố mẹ. Nhiều bào thai không thể hình thành, nhiều người con sinh ra chân tay bị co quắp cho đến ngày nay. Ngay cả với những nhà nhiếp ảnh, bệnh Minamata là một kí ức kinh hoàng.

Đó là những hình ảnh người bệnh kêu la vì đau đớn, hình ảnh người co giật, sùi bọt mép, bại liệt cả đời sống trên xe lăn. Hay một số bệnh nhân bị mù, điếc, mất trí và mất thăng bằng.

Do mức độ nguy hiểm của bệnh Minamata, Bộ Môi trường Nhật Bản đã đưa ra một văn bản pháp lý với tên gọi “Tuyên truyền giáo dục về bệnh Minamata và cách phòng chống chất thủy ngân”.

Năm 2009, Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra một văn bản qui định việc cứu tế cho người bị thiệt hại do bệnh Minamata và giải quyết vấn đề bệnh này.

4.- Blog Nhìn Ra Bốn Phương: Một căn bệnh khủng khiếp nhất của mọi thời đại

Dưới đầu đề “Bệnh Minamata tại Nhật”, Blog Nhìn Ra Bốn Phương đã viết:

Vịnh Minamata, xinh đẹp thuộc tỉnh Kumamoto (Nhật Bản), nơi xảy ra thảm họa môi trường Minamata -30KM- vào năm 1950; do nhiễm hóa chất từ Công ty Chisso thải ra, chưa bằng 50% so sánh với FORMOSA,- 128KM

Người Nhật tận lực ngay lập tức vét đáy biển làm trong sạch môi trường. Tai sao vét đáy biển?

Vì rằng, mỗi khi có sóng ngầm, lớp trầm tích độc hại đang lắng đọng, nằm yên dưới đáy sẽ trỗi dậy, cuộn lên trên bề mặt mà khi “trời trong, biển lặng”, chúng ta cứ tưởng là biển sạch.

Lúc bấy giờ, với sự lao động miệt mài, chăm chỉ & đầy ý chí, họ đã MẤT 23 NĂM ĐỂ ĐÁNH BẮT, TIÊU HỦY HẾT SỐ CÁ ĐÃ NHIỄM ĐỘC, ĐỒNG THỜI MẤT 14 NĂM RÒNG RÃ ĐỂ NẠO VÉT, XỬ LÝ SỐ BÙN NHIỄM ĐỘC dưới lòng vịnh Minamata với kinh phí lên tới 48,5 tỉ yên. Họ đã dùng tàu hút trầm tích đáy biển, lấy chất độc xyanua & phenol ra khỏi biển.

Thế nhưng, ngày ấy, với sự thận trọng trong cách xử lý chất độc, đất nước Nhật đã không ngăn cản được bệnh Minamata, một căn bệnh khủng khiếp nhất của mọi thời đại. Máu của những người tắm biển, ăn cá & các sinh vật vỏ cứng từ vịnh Minamata đã bị nhiễm xyanua & phenol nhưng họ không hề hay biết. Và một thời gian không lâu, người dân của thành phố Minamata thơ mộng, xinh đẹp thuộc tỉnh Kumamoto (Nhật Bản) bỗng phát bệnh, tay, chân bị liệt, run lẩy bẩy, tai điếc, mắt mờ, nói lắp bắp, rú lên đau đớn vì co thắt. Những đứa trẻ sơ sinh bắt đầu bị liệt não, điếc, mù, đầu nhỏ, sống thoi thóp trong què quặt & dị dạng.

Thảm họa biển nhiễm độc tại vịnh Minamata đã đi vào lịch sử như một vết hằn đau đớn & khủng khiếp nhất của nhân loại.

NHỮNG KẺ KHÔNG CÒN LƯƠNG TRI!

Với những nét đại cương chúng tôi trình bày trên, mọi người có thể thấy vụ Công ty Chisso thải chất độc ở vịnh Minamata đã gây ra những tai hoạ khủng khiếp như thế nào. Ai muốn tìm hiểu thêm chỉ cần vào Google đánh chữ Minamata là tài liệu hiện ra từng đống. Nhà cầm quyền CSVN cũng biết rõ như vậy khi họ cho các báo trong nước phổ biến những bài nói về thảm Minamata để so sánh với vụ Vũng Áng lớn hơn gấp nhiều lần. Nhưng nay, có lẽ do sự "thương lượng" của Công ty Formoa, họ đã thay đổi thái độ, BIẾN ĐEN THÀNG TRẮNG: Trong cuộc họp báo hôm 22.8.2016 họ dám muối mặt tuyên bố: “sắp tới biển sẽ sạch trở lại như trước vì đó là quy luật”, “khách quan cho thấy biển sẽ sạch là hoàn toàn tự nhiên", “san hô bắt đầu phục hồi tự nhiên, cá kích thước nhỏ có dấu hiệu trở lại với mật độ dày hơn” và “biển miền Trung sẽ sớm được phục hồi, "người dân miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn"…

CHỈ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÒN LƯƠNG TRI MỚI DÁM TUYÊN BỐ NHƯ VẬY.

Chính quyền cũng đã chuẩn bị các biện pháp để đối phó khi dân không chấp nhận giải pháp giai xảo mà họ đưa ra. Nhiều giáo gian đã được cài vào các giáo xứ để theo dõi các hoạt động chống đối Formosa, chụp mũ các phong trào chống Formosa là Việt Tân, theo dõi các nguồn tài trợ từ hãi ngoại, dùng bọn “cà chớn chống xâm lăng” hay “trùm mền hô xung phong” ở trong cũng như ngoài nước để gây rối loạn các cuộc đấu tranh…, và nhất là cho điều tra và nắm vững các thành phần có khả năng lãnh đạo hay xách động đấu tranh trong từng khu vực để khi bắt đầu các biện pháp trấn áp là bắt những người này trước, v.v.

Vì sự sống còn của dân chúng trong vùng và tương lai của các thế hệ mai sau, người dân không thể để chính quyền muốn làm gì thì làm.

ĐƯA VỤ FORMOSA RA TRƯỚC LHQ

Sau thảm họa môi trường xảy ra ở Minamata, một Ủy Ban Thương Thuyết Liên Chính Phủ đã được thành lập tại Genève để thảo luận về các biện pháp chống phát thải chất thủy ngân gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe của con người. Trong phiên họp lần thứ 5 ngày 13.1.2013, Uỷ Ban đã hoàn thành bản Công ước Minamata về Thủy Ngân (Minamata Convention on Mercury). Bản Công Ước này đã được 140 quốc gia phê chuẩn, trong đó có Việt Nam, tại phiên họp ngày 11.10.2013 ở Kumamoto, Japan.

Công Ước nói rằng Thủy ngân là một chất gây ô nhiễm độc hại có ảnh hưởng thần kinh và môi trường khắc nghiệt khi phát thải vào không khí và nước. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (The United Nations Environment Programme - UNEP) có nhiệm vụ kiểm soát việc phát thải thủy ngân dựa theo Công ước Minamata về Thủy ngân. Chương trình này do ông Phó Tổng Thư Ký LHQ làm Giám Đốc Điều Hành.

Công Ước xác định rằng mục tiêu của Công Ước là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường chống lại thủy ngân và các hợp chất thủy ngân do con người phát thải và phóng thích ra. Công Ước đòi hỏi mỗi chính phủ cần phải làm mọi cách để giảm lượng phát thải thủy ngân.

Mặc dầu đã phê chuẩn Công ước Minamata về Thủy Ngân, chính phủ Việt Nam đã không thi hành Công Ước này, để cho Công ty Formosa Hà Tĩnh phát thải thủy ngân xuống biển gây ô nhiễm môi trường làm cá và nhiều sinh vật biển chết tại 4 tỉnh miền Trung. Sau đó, chính phủ không chịu mở cuộc giám định với sự tham gia của các chuyên viên quốc tế để xác định những thiệt hại đã thật sự gây ra với những hậu quả của nó, không bắt công ty Formosa phải làm sạch môi trường dưới sự giám sát quốc tế để trả lại sự trong lành cho biển, trái lại chính phủ chỉ làm những cuộc giám định ngụy tạo rồi tuyên bố “biển sẽ sạch hoàn toàn tự nhiên”. Đây là một trò lừa đảo.

Vậy, những người Việt ở hải ngoại có kiến thức về luật pháp và chuyên môn cần phối hợp với các nhà đấu tranh trong nước và các dân biểu Đài Loan, hình thành một bản phúc trình sơ khởi về biến cố môi trường tại Vũng Áng và trình lên Văn Phòng Tổng Thư Ký LHQ xin cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc mở cuộc điều tra về biến cố này và yêu cầu chính phủ Việt Nam phải thi hành nghiêm túc Công ước Minamata về Thủy Ngân.

Chỉ với bản nhận tội của Công ty Formosa Hà Tĩnh và bản công bố kết quả giám định của chính phủ ngày 22.8.2016, chúng ta có thể tiến hành thủ tục khiếu kiện được rồi. Chúng ta không thể để cho Vũng Áng trở thành một vụ Minamata thứ hai trong lịch sử nhân loại được.
 
Văn Hóa
Nay Trên Hè Phố
Nguyễn Trung Tây
04:48 01/09/2016
□ Nguyễn Trung Tây
Nay Trên Hè Phố (Luca 5:1-11)


Xưa Chúa gọi bên bờ Biển Hồ.
Nay Chúa gọi ngay trên hè phố,
Giữa dòng đời xe cộ ngược xuôi,
Trời trưa hè, nắng nung lửa đỏ.
Xưa ngư phủ Biển Hồ cực nhọc buông thả lưới,
Nguyên đêm dài vất vả lưng trần đẫm mồ hôi.
Bình minh buông rơi, lưới đời nhấc lên, ơi rác!
Thất vọng ngập hồn! Sao muốn bỏ cuộc buông xuôi!

Nay, con cực nhọc ngược xuôi,
Lề hè phố đôi chân mốc đen bước vội.
Chuyện một thời con đi buôn "muối".
Hàng trắng, thuốc lắc, thuốc E!
Một tay con gói...
Chúa đứng gọi bên đường biên giới...
Con trắng tay... Con bỏ nghề.
Nay! Con gầy xác ve,
Cũng vẫn đi buôn, nhưng giờ đồng nát, ve chai, ni-lông, giấy vụn,
Cực nhọc! Từng hạt mồ hôi, ướt đẫm trán!
Nhưng niềm vui thanh thản.
Và hồn ơi nhẹ nhàng,
tựa gió chiều thổi mát vành tai
mưa trời tưới mát làn da khô cằn cỗi.
Chúa nói khẽ, "Kìa con! Nhìn bên tay phải…"
Ông lão người Thượng hốt hoảng xiêu vẹo bước chân, băng ngang qua mặt đường.
Xe đạp vẫn phóng tới, xe máy ồn ào nóng nảy rú ga, xe hơi bấm còi khó chịu! Tin! Tin!
Con lẹ chân chạy tới dẫn Chúa vượt qua lòng đường nhựa.

Xưa, ngư phủ Biển Hồ chài cá kiếm sống,
Nay, con lang thang phố phường,
Kiếm tìm những tờ giấy thiên hạ gọi tiền,
Cũng vẫn những tờ giấy, cùng kích thước, cùng sắc mầu, cùng mệnh giá,
nhưng giờ không còn ướp đẫm mùi hương!
Giờ con giản dị bà ba...
Mặt phụ nữ hai mươi không son phấn, đẫm mồ hôi. Mặt trời nhiệt đới đốt cháy tóc, nhuộm đen làn da.
Hồn thanh thản nhẹ nhàng.
Bình dị! Hạnh phúc! Rộn ràng đan nối những bước chân bán hàng rong.
Chúa gọi, con nhận ra bé ngồi nhặt cát bỏ vô miệng.
Chúa nói mẹ em mắc bệnh Sida, chết, xác sình thối, dân làng vùi nông bên vệ đường!
Giờ bé bơ vơ!
Con bước tới, tay cầm ổ bánh mì, "Bé ơi! Chúa tặng em"...

Xưa, ngư phủ ngồi đan lưới,
Nay, con thanh niên một thời...
Bà cụ lên chùa, ngày trăng tròn,
Con, lái xe Honda, rú ga phóng tới,
Con, tay giật đứt dây chuyền vàng hai mươi!
Chúa gọi... Con ngồi tù một năm...Con, tay đã nhúng chàm, mười đầu ngón tay xám đen,
nhưng tuổi hai mươi, đường dài thênh thang chờ đợi.
Con bước ra cửa tù, con đi những bước chân mới...
Con nay ngồi đan cói...
Bạn bè cũ gọi,
Con tắt điện thoại Iphone, không trả lời.
Chúa lại gọi,
Con ngẩng lên nhìn,
Bà lão còm cõi.
đứng đó yên lặng, chờ đợi từ bao giờ;
bà lão ngần ngại chìa bàn tay, những sợi gân xanh, làn da khô khốc...
Con, móc hết tiền trong túi, cúi đầu,
"Cụ ơi! Cháu biếu cụ!"...

Xưa, ngư phủ bơ vơ sóng biển,
Nay, con lạc loài giữa sóng người.
Dòng đời sông nước mênh mông,
Con không bến đỗ, thuyền con bập bềnh.
Sông sâu còn có kẻ dò,
Lòng người sâu? cạn? con dò không ra.

Chúa gọi, “Bước theo ta…”
Bước con nối bước Chúa, con nhận ra
thương binh cụt chân ngồi bán trà đá
bên cột điện
trên vỉa hè,
vẻ nghèo nàn.
Con ngần ngại...
Trời trưa hè nắng,
Cầm ly trà đá,
Uống cạn một hơi!
Tay sờ túi,
Túi quần rỗng tênh với một lổ hổng không biết từ bao giờ.
Nhìn con đỏ bừng bừng, điệu bộ lúng túng,
người thương binh nói,
— Thôi, tặng chú em.
Con mở miệng lí nhí nói không ra lời.
Tự nhiên muốn khóc, ai nghèo hơn ai?

Xưa, Chúa gọi bên bờ biển Hồ,
Nay, Chúa gọi ngay nơi hè phố.
Dòng đời xe cô ngược xuôi,
Chúa đứng ngã ba đường,
tiếp tục mời gọi những mảnh đời,
dù có là vỡ vụn, nhưng với Chúa bước tới,
những bước tinh khôi, mới...


□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Hiến Tế
Sơn Ca Linh
08:22 01/09/2016
HIẾN TẾ

Mến tặng Sr. Mỹ Phúc trong ngày “Vĩnh Thệ” sau một ngày vĩnh biệt phụ thân, tặng Cô Tư ở Cát Hải sẵn sàng dâng hiến cả hai người con đi tu Dòng Cát Minh và Phaolô Đà Nẵng

Làm sao đếm hết,

Có bao nhiêu cuộc hiến tế trong đời.

Từ cuộc hiến tế “bất thành”

Mãi trong thời Cựu ước xa xôi,

Khi Cụ Tổ Abraham quyết sát tế con là Isaac.[1]

Rồi trải qua,

Một thời của chế độ gọi là “Quan án”,

Chúa đã chọn một người mang danh hiệu Giép-the.

Một cuộc ra đi với một lời thề,

Sẽ chấp nhận hy sinh,

Dẫu là con yêu để trọn bề vâng theo Thánh ý.

Và nước mắt khóc than cho một đời con gái,

Vì đại cuộc mà chấp nhận hy sinh.[2]

Mãi cho đến thời,

Đất nước chìm trong khổ ải điêu linh,

Dân ngoại đến,

Triệt tiêu lề luật và phá tan hoang đền thánh.

Có người mẹ,

Một ngày chứng kiến 7 người con kiên cường vững mạnh,

Quyết chọn đường chết cho Thánh Luật cao sang.[3]

Của lễ trần gian thấu tận thiên đàng,

Làm sao kể hết những chuyện tình hy tế.

Rồi trên đồi cao một chiều hoang tái,

Vụ án người tử tội,

Vị Ngôn sứ đến từ miền quê Na-da-rét vô danh.

Chết vì yêu, ôi hy tế trọn lành

Cho nhân thế từ đây,

Thắm duyên tình mùa hồng ân cứu rỗi.

Kể từ độ ấy,

Có biết bao cuộc đời

bổng dưng chọn con đường hy tế.

Chọn “chỗ cuối cùng”, chọn “cửa hẹp”,

chọn nẻo đường thánh giá hy sinh.

Như sáng hôm nay,

Giữa cung thánh huyền diệu, yên bình,

Có người những nữ tu,

Trân trọng cam kết trọn một đời dâng hiến.

Trong đó có một người,

Mà chỉ mới buổi chiều hôm trước,

Nước mắt nhạt nhòa vĩnh biệt chính người cha yêu.

Và ở tận vùng Cát hải xa xôi,

Có người mẹ,

Chấp nhận tuổi già cô đơn

để dâng hết cả hai người con cho Chúa !

Đẹp làm sao những cuộc đời hiến tế,

Chúa trên cao

chắc Ngài đang hạnh phúc mĩm cười,

Bởi đâu đó trên thế gian,

vẫn còn có những tâm hồn

sẵn sàng chọn con đường hy sinh hiến tế.

Ôi đẹp làm sao !

Những cuộc đời đã trở thành của lễ !



Sơn Ca Linh

[1] Sáng thế 22,1-19

[2] Thủ lãnh 11,29-38

[3] 2 Mac-ca-bê 7,1-41
 
Bức tranh nhiệm mầu
LM Phêrô Hồng Phúc
08:43 01/09/2016
BỨC TRANH NHIỆM MÀU

Bức tranh đặt ở trên tường,
Chẳng to hơn bức tranh thường là bao,
Mà nghe sóng vỗ rì rào,
Biển xanh gợn sóng, tàu vào tàu ra.
Bình minh sóng sánh chan hoà,
Nắng vàng toả rộng xuyên qua tranh tường.
Thoảng khi mây tới mưa cơn
Mù trời cả bức tranh tường mù theo.
Màn trời vừa thấp chân đèo
Tranh tường bừng sáng ai treo ánh đèn.
Lăn tăn dải nước đan xen
Dập dờn theo nhịp nền đen ánh vàng.
Trời đêm tranh sáng dịu dàng,
Ngày mai bừng sáng tranh càng sáng xa.
Lại thêm tàu mới đi qua,
Lại bình minh tới chiếu qua tranh tường…
Ngắm nhìn tranh, chạnh đời thường
Đởi là bức hoạ vấn vương xám mầu.
Tàu qua tựa bóng chim câu
Vụt qua cửa sổ đi đâu? Đâu về?
Giật mình ra đứng bên hè
Mới hay cửa kính nhìn ra Vũng Tàu.
Tranh tường phép lạ nhiệm màu !

Kỷ niệm Bãi Dâu 25/8/2016

Lm Phêrô Hồng Phúc
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chớm Thu
Tấn Đạt
21:24 01/09/2016
CHỚM THU
Ảnh của Tấn Đạt
Thu đã về đây ai biết chăng
Lá xanh vừa chớm nhuộm áng vàng.
(bt)