Ngày 06-09-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hoà Giải
Lm Vũđình Tường
03:57 06/09/2008
Sống chung với nhau bất hoà là điều khó tránh. Vì khó tránh nên bất hoà xảy ra. Có bất hoà nên cần giao hoà. Giao hoà có được khi cả hai bên khát khao làm hoà. Một bên không đủ mà phải cả hai đều khát khao việc giao hoà mới mau chóng thành tựu. Khát khao ngồi lại, lắng nghe và cùng bàn thảo, cân nhắc mong làm vơi đi những khác biệt đưa đến đồng thuận. Làm vơi đi chính là nhân nhượng. Nhân nhượng là san bằng những cách biệt, bỏ đi những gì gây bất hoà, cởi mở tấm lòng lắng nghe và sẵn sàng đón nhận những đề nghị khả dĩ đưa đến giao hoà. Giao hoà phải phát xuất từ tấm lòng. Cởi mở tấm lòng là bước quan trọng nhất dẫn đến giao hoà. Không thể giao hoà ngoài miệng hay trên giấy trắng mực đen mà phải giao hoà tận trong tâm, phát xuất từ tấm lòng. Giao hoà như thế mới là giao hoà thực sự, chân thành.

Điều cần

Giao hoà đòi đối thoại cởi mở, cần tôn trọng ý kiến của nhau và khao khát đạt kết quả chung giúp cả hai bên đều vui, hài lòng, nối lại tình liên đới xưa. Phương pháp giúp giao hoà là đối thoại. Không phải đối thoại luôn thành công. Đối thoại khi đả thông, khi bế tắc. Khi bế tắc xảy ra cần phải đối thoại nhiều hơn nữa. Một lần không đủ mà phải nhiều lần. Như thế đối thoại là bước đầu dẫn đến đả thông. Từ chối đối thoại chính là từ chối giao hoà vì ngoài cách đó ta không còn cách thông tin nào hữu hiệu hơn giúp hiểu nhau, san bằng cách biệt, đả thông tư tưởng. Nếu chỉ một bên chấp nhận san bằng, từ bỏ khác biệt bên kia không. Giao hoà nếu có chỉ là tạm bợ, nhường nhịn, làm ngơ, bỏ qua.

Tự trói

Từ chối giao hoà là tự trói, ràng buộc mình vào trong khuôn khổ của sợi giây vô hình. Vì tự mình ràng buộc nên phải chính mình cởi bỏ. Người ngoài giúp ý kiến mà không thể tháo cởi sợi giây vô hình kia. Tự trói bằng cách tự mình tách ra khỏi cộng đoàn, chiều theo ý riêng. Tự trói nên không để người khác cởi trói. Bao lâu còn tự trói bấy lâu còn sống khổ, cảm thấy mình cách biệt. Cá nhân tự trói sống cô đơn, tủi thân. Tự trói thường nặng lời phê bình chính cộng đoàn mình từng là thành viên, từng cộng tác vì lí do nào đó tách riêng ra trở thành phần tử đối chọi với những người thân thương mình từng yêu mến. Nhiều cá nhân tự trói thường ràng buộc với nhau thành nhóm nhỏ, tách mình riêng ra khỏi cộng đoàn để phê phán, kéo bè phái tìm hậu thuẫn qua tuyên truyền. Tuyên truyền thường là xuyên tạc, bịa đặt, đồn thổi. Tin đồn thường có nhiều ngọn nhưng ít ai xác định được nguồn gốc. Mục đích của tuyên truyền là gây hoang mang từ đó lợi dụng nước đục thả câu, một môi trường tốt cho kẻ xấu lợi dụng. Cởi trói cho nhóm khó hơn cá nhân vì nhóm thường ràng buộc bởi nhiều sợi giây vô hình. Sợi giây bền chặt nhất là sợi giây của kẻ cầm đầu chủ mưu giật giây. Thành viên nhiều khi muốn tháo gỡ nhưng kẻ chủ mưu giật thắt chặt lại khiến cho thành viên chùn bước, nhụt chí.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính đưa đến tự trói khích động bởi tự ái cá nhân. Coi mình hơn người, tự phong cho mình địa vị lãnh đạo là hành động kiêu ngạo phát xuất bởi cái tôi to lớn. Kẻ kiêu ngạo thường thích người nghe mình hơn là mình nghe người. Từ chối lời khuyên. Trái lại thích kết án. Khi đối thoại thường đòi phải thoả mãn điều kiện, yêu sách, bất chấp lòng thành của người đối thoại. Dùng tôn giáo làm chiêu bài đấu tranh.

Kiêu ngạo có nguồn gốc từ ma quỉ, chúng xúi bẩy, gài đặt cạm bẫy, tự phong, thích thú phê bình, chỉ trích người khác.

Chỉ trích ban cho một cảm giác giả tạo là tài giỏi hơn người. Chính vì thế mà chỉ trích bao giờ cũng dư thừa. Cảm giác này xoa dịu tính kiêu căng, tự phụ, thèm khát danh vọng, địa vị. Chỉ trích che lấp nội tâm bất an, lấn án tiếng nói chân chính, ôn hoà của lương tâm. Bình an có được là thứ bình an ảo tưởng.

Đường lối ma quỷ

Kiêu ngạo là bản chất của ma quỷ nên mọi hành vi kiêu ngạo lớn nhỏ đều là quỷ kế. Ma quỷ là cha của dối trá. Vì thế lời cổ võ khích động, tuyên truyền dối trá gây hoang mang, chia rẽ. Hoang mang tạo nghi vấn nên tin lời tuyên truyền, đồn thổi dễ hơn tiếng nói chân chính. Ma quỷ thường dùng những cạm bẫy như bảo vệ đức tin, trung thành với Giáo Hội hoặc tranh đấu cho công lí và ngay cả cổ võ phát huy văn hoá dân tộc để gây rối. Các chiêu bài giúp chúng khích động tinh thần yêu nước yêu quê hương để chia rẽ. Vì thế những tâm hồn đạo đức, đức tin thiếu chiều sâu thường bị khích động. Ma quỷ tạo ảo tưởng đạo đức và thánh thiện là một. Đừng để bị lợi dụng. Người thánh thiện không bao giờ chống lại Giáo Hội vì sống thánh thiện là sống khiêm nhường, rộng lượng và thứ tha. Kiêu ngạo và dối trá chung vai sát cánh. Nơi đâu có kiêu ngạo, nơi đó có gian manh, lừa lọc. Những dấu hiệu đó cho biết ma dẫn lối, quỷ đưa dường. Hãy mau mắn từ bỏ, đừng chần chờ.

Đón chào

Chỉ trích người khác là tự tách riêng ra một cõi, sống trong cộng đoàn nhưng tâm họ rời xa cộng đoàn. Cộng đoàn Kitô hữu thánh thiện rộng lượng đón họ trở về. Mục đích không nhằm thắng hay thua mà để được môt người anh em. Nếu cố gắng lần đầu thất bại hãy mời thêm người phụ lực, nếu vẫn còn thất bại thì mời thêm nhiều người hơn nữa. Sau nhiều lần vẫn không xong cộng đoàn coi như không có họ. Mặc họ chọn lối sống nào tuỳ ý. Chọn sống tách biệt là việc làm tự chọn. Chọn đi con đường riêng là tự tách biệt mình ra, bước trên con đường mà Phúc âm gọi là con đường ngoại, không thuộc về Giáo Hội Chúa.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
''Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em''
Tuyết Mai
11:54 06/09/2008
"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế". (Mt 18, 15-20).

Thưa lậy Chúa là Thiên Chúa của chúng con! Theo "Lời châu báu của Ngài" thì chúng con biết và nghe theo vậy thôi! Chứ thực sự để mà sữa lỗi cho anh chị em chúng con thì thật là khó vô cùng, không dễ như Lời của Chúa phán dậy đâu! Bởi đời thường thì tánh tình bất trị của chúng con là không ai chịu nhận là mình làm lỗi và lầm lỡ cả! Và không một ai thích được người khác chỉnh đốn hay sửa sai mình cả! Tuy dù trong bụng thì mười mươi là mình biết tánh tình dị hợm và chướng không giống ai của mình. Nhưng có phải mỗi một cá nhân chúng con đều muốn mình làm vua, không chịu nghe, và khuất phục ai cả! Bởi nếu mình nghe lời theo thì phải chăng mình đã công nhận với anh chị em rằng mình dở thật và thấp bé thật.

Thật sự theo con nghĩ chỉ có thể một vài người là có thể sửa lỗi của chúng con được mà thôi thưa Chúa!

Trước tiên hết người mà có thể sửa lỗi hay la rầy chúng con được, cho dù trong bụng có buồn phiền cách mấy cũng phải ráng mà dằn lòng, bấm bụng, ngồi nghe, và chịu nhận lỗi, thưa người đó không ai khác hơn là cha mẹ của chúng con. Hai đấng bậc đã có công sanh thành và dưỡng dục chúng con trong suốt cuộc đời của hai ngài. Không con cái nào mà không thương yêu kính nể cha mẹ của mình. Vì có phải hai ngài đã được Thiên Chúa kết hợp với nhau, có phận sự sinh con, nuôi dưỡng, và có trách nhiệm trên chúng con, cả thể xác và linh hồn!?

Người thứ hai con thiết nghĩ là những người đứng tuổi có thể thay thế cha mẹ mình mà trong họ hàng được rất là nhiều người kính trọng. Kính trọng theo hình thức nào đi chăng nữa! Có thể là có địa vị mà không những từ trong họ hàng đều kính nể mà ngay cả người ngoài cũng đôi khi phải lậy lục mà đến hỏi nhờ!? Giúp ý kiến? Giúp tiền bạc? Giúp đứng ra dựng vợ gả chồng? Giúp đứng ra làm chứng dùm cho đôi bên? Giúp đứng ra làm chứng dùm cho ai đó mượn một món nợ thật lớn mà chữ tín chỉ có thể có được là do ở người họ hàng này mà thôi!?

Người thứ ba con có thể nghĩ ra được để mà có thể sữa lỗi cho chúng con là đấng bậc trong hàng giáo phẩm của một cộng đoàn mà được nhiều người công nhận là thánh thiện là những bậc đáng kính, như các sơ, các thầy, các cha, và những ông bà chức sắc tham gia trong cộng đoàn lâu năm mà tiếng thơm của sự thánh thiện của họ, không ai mà không nghe tiếng và không biết đến.

Sau cùng người mà có thể sửa lỗi cho chúng con, chắc phải là người thân thiết nhất, kề cận nhất của chúng con trong gia đình, không ai khác hơn là vợ, chồng, hay bạn bè rất ư là thân thiết, không ngoài ý muốn hay ngoài mục đích là có ý gây dựng và xây dựng cho mình được nên tốt.

Chứ ngoài ra, thưa Chúa chúng con chẳng nghe ai khác nữa đâu thưa Chúa! Vì có phải chúng con chỉ thấy lỗi của anh chị em chúng con, và luôn có ý muốn sửa dậy anh chị em của mình!? Còn lỗi của chúng con ư!? Thật con thiết nghĩ, chẳng ai thấy chính lỗi của mình để mà sửa sai cả! Con nêu ra một thí dụ mà chúng con thấy rất là nhiều và rất là thường trong sự giao tiếp hằng ngày của chúng con như: Nơi công sở, nhà thờ, họ hàng, nơi bàn tiệc, và tất cả mọi nơi mà có sự tụ họp đông người, và thấy nhiều nhất là những nơi không ai quen biết ai. Có phải khi chúng con dự phần vào một bàn tiệc hay bàn ăn nào đó, thì hình như cái số người nói thì rất là nhiều!? Nhiều tới cái độ mà ai cũng tranh nhau để nói? Hoặc là tranh nhau để mà tự khoe lấy mình? Tranh nhau để mà thổi phồng mình lên? Hay là phải nói thật là nhiều và thật là nhanh, vì sợ ai đó sẽ tranh được vào trong cuộc "nói" thì sẽ bị mất phần?

Con không thấy mấy ai là người chịu nghe cả!? Có phải nếu có thì hình như những anh chị em này đã rất chán ngán cái khung cảnh quen thuộc là bắt buộc phải đến; Phải có mặt; Phải bị nghe vì là thân phận nhỏ bé, và nếu có nói cũng chẳng ai thèm nghe!? Và có phải những người càng nói nhiều lại là những người càng có rất nhiều lỗi lầm hay không thưa Chúa!? Vì bận nói quá nên không có thời giờ suy nghĩ xem rằng mình đã nói gì? Mình có đã động chạm đến rất là nhiều người? Mình đã đem chuyện không đúng của anh chị em ra mà bêu rêu và bêu xấu!? Hoặc tệ nhất là nói xấu người vắng mặt!? Có thì nói cho thành không và không thì nói thêm cho ra thành có. Có nhỏ thì thổi phồng lên cho thành to, và có ít thì thêm mắm thêm muối cho ra thật nhiều. Và rồi thì những gì họ nói hay vu khống đó lại được đến tai của người vắng mặt!? Có phải sự đời thường là thế!? Có rất nhiều người nổi tiếng là ăn nói rất năng nổ, rất mạnh dạn, và rất có khiếu!? Nhưng Chúa ơi! Chỉ cần ngồi gần và nghe họ 5 phút thôi thì sẽ hiểu ngay những anh chị em này họ "Nói năng" như thế nào ngay!

Thưa lậy Chúa! Những anh chị em này mà đi sửa lỗi cho chúng con ư!? Làm sao mà chúng con nghe theo họ cho được chứ!!?? Vì họ không trung tín trong lời nói!? Vì họ không kín miệng!? Vì họ còn nhiều lỗi hơn chúng con nữa kìa!? Vì họ chỉ muốn làm thầy dậy đời chúng con mà thôi! Ngay cả đôi khi họ còn rất là non trẻ, và rất ư là cụ non, nhưng chỉ vì họ là ông giám đốc này hay bà chủ kia,. ...

Lậy Chúa! Cuộc đời mà không có yêu thương, không có Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời, hay trong trái tim chai đá của chúng con, thì có phải tất cả đều là vô giá trị và là vô thường hay không thưa Chúa!? Tất cả chỉ là nước cuốn bèo trôi, không tồn tại, không ý nghĩa, không đem lại cho ta một hy vọng nào trong cuộc sống của hiện tại, quá khứ, và tương lai. Chỉ tình yêu Thiên Chúa, chúng con mới nhìn nhận và biết thế nào là Yêu thật. Yêu với ý nghĩa của Chúa là luôn cho đi. Yêu trong ý nghĩa của Chúa là hy sinh, chịu đựng, nhịn nhục, và luôn tha thứ.

Vì có phải nếu chúng con chu toàn lề luật của Chúa là luôn sống yêu thương, hòa thuận, xí xóa cho nhau, thì chúng con chẳng bao giờ có lỗi để mà cần phải sửa đổi phải không thưa Chúa!? Vì nếu chúng con giữ trọn lề luật là Kính Chúa và yêu tha nhân như yêu chính mình là điều nên trọn hảo. Khi yêu người là xem tất cả như yêu chính bản thân mình. Khi ấy sẽ hiểu thế nào là thông cảm khi anh chị em đau đớn bệnh tật. Khi ấy sẽ hiểu thế nào để mà xoa dịu anh chị em khi gặp những mất mát to lớn. Sẽ hiểu thế nào là chia sẻ khi miếng ăn thiếu thốn của từng ngày một. Hiểu thế nào là cô đơn khi về già, đối diện với cuộc sống đơn chiếc, và rất cần đến sự thăm hỏi và chăm lo của những người anh chị em biết thương cảm và chạnh lòng thương.

Lậy Chúa có phải khi chúng con tìm đến họ, quan tâm, lo lắng, và ân cần thì chuyện sửa lỗi cho nhau mới thật sự là cho nhau, và có phải chẳng những chúng con sửa đổi được họ và quan trọng nhất là họ sẽ cho chúng con biết lý do vì sao mà họ sai phạm lỗi lầm như thế! Có ai biết được lòng người khi chúng con đứng ngoài xa nhìn vào rồi dèm pha, lên án, kết tội người anh em của mình, bởi mình làm sao hiểu được cái gì đã làm cho họ khổ tâm!? Cái gì đã làm cho họ bước vào con đường tội lỗi!? Việc gì cũng vậy phải không thưa Chúa! Phải ở trong chăn thì mới biết chăn có rận, bởi có rất nhiều anh chị em của chúng con rất khéo che đậy nên không thể nào biết được chiều sâu và nỗi thống khổ của họ.

"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em". Thưa lậy Chúa dậy rất phải. Hạnh phúc cho chúng con biết bao khi chúng con có thêm được người anh em cho mình. Vì có phải hạnh phúc là mình càng có nhiều người thương mến và quan tâm cho nhau !? Hạnh phúc là con đường được trở về Quê Trời càng gần và càng nằm trong vòng tay của mình, phải không thưa Chúa!? Không hạnh phúc nào hơn là chung quanh luôn luôn có anh chị em để thăm hỏi, thông cảm, và luôn chia sẻ cho nhau. Dù cuộc sống của chúng con có khó khăn đến đâu chăng nữa nhưng hạnh phúc lại thật đầy và trên môi chúng con luôn nở những nụ cười thật tươi để trao cho nhau. Không ai vui hưởng hạnh phúc khi chỉ sống một mình trong bốn bức tường, đóng kín tâm hồn, đóng kín hai con mắt, đóng kín trái tim, mà gọi là hạnh phúc đích thực cả! Không gì bằng trao cho nhau những tiếng cười, những mẩu chuyện vui, những trăn trở trong cuộc sống từng ngày. Để vực nhau dậy khi mà cuộc sống có quá nhiều chông gai, bão tố, cạm bẫy, đớn đau, mất mát, nhưng có phải đó là con đường Thập Giá mà Chúa muốn tất cả con cái Chúa đều hướng tới. Amen.
 
Ave Maria (thơ)
Hoàng Quang
12:08 06/09/2008
AVE MARIA

Khi con viết lời thơ,
Ánh mắt Mẹ trên bàn thờ trìu mến,
Tâm hồn con xấp mình quyến luyến,
Tình Mẹ bao dung khởi quyện hoàn cầu!

Đường con đi về đâu,
Tìm bước Chúa từng đêm thâu khắc khoải!
Lời Thánh kinh con trượt nhoài ngã xoải,
Xác phàm trần xin thương đoái, Mẹ ơi!

Con tìm trong cung lòng mẹ không lời,
Chỉ khiêm hạ tiếng “vâng” vời vợi ngắn!
Mẹ như thế, Mẹ Đồng Trinh tuyệt cẩn,
Cứu chuộc đồng công định sẵn tự muôn đời!

Thiên Chúa quyền uy sáng tạo Ngôi Lời,
Người đã phán xá tội khơi cứu độ,
Ban chính Ngôi Hai tử truồng thập giá khổ,
Để loài người còn chỗ dung thân!

Tấu lạy Mẹ chở che khắp thế nhân,
Ánh sao Mai mỗi lần con thức dậy!
Kìa Bà nào chờ con hiền dịu vậy,
Nét nhân thay, Mẹ đứng vẫy đàn con!

Đây chuỗi Mân côi, từng giọt lệ héo mòn,
Mẹ đã dạy: lần hạt đi! và sám hối!
Trái tim Mẹ: hãy tôn sùng, ăn năn tội!
Có biết chăng cơn thịnh nộ Chúa Trời ??!!...

Lạy Mẹ Maria, rực rỡ ánh mặt trời,
Mẹ đã về trời cả HỒN lẫn XÁC!!
Thiên Thần chúc mừng Nữ Vương nghìn cung nhạc …
Người nữ Chúa ban: quyền đạp xác rắn thù!!

Lạy Mẹ Maria, đấng cầu bầu thiên thu.
Tràng chuỗi Mẹ xé mây mù, quang tạnh!
Gabriel: lời truyền tin rất thánh,
Để “magnificat” lấp lánh xóa lời nguyền!!

Lạy Nữ Đồng Trinh Vô Nhiễm vẹn tuyền!
Đường khổ nạn, Mẹ vẹn tuyền theo suốt,
Từng mũi đòng đâm thấu lòng đau buốt,
Máu-Nước mắt nào não nuột cùng Giêsu ?!!

Mẹ của con ơi, bà mẹ rất nhân từ,
CUNG LÒNG MARIA bao la như biển cả!
Nếu Sodoma thành cổ xưa hóa đá,
Xin vì Canaan để phép lạ hóa sạch trong!!!

(Xin cùng được cầu nguyện hiệp thông với
các Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân xứ Thái Hà,
để Tràng Chuỗi Mẹ sẽ làm tan đi làn mây mù
đang che lấp đất nước Việt Nam
)

Ngày 15-8-2008
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 06/09/2008
KHÔNG NGHIÊNG HẲN MỘT PHÍA

N2T


Phật Đà khi mới bắt đầu từ bỏ thế tục để tu đạo, thì không ngừng gò mình quá nghiêm khắc và khổ hạnh.

Một hôm, có hai nhà âm nhạc đi đường ngồi nghỉ dưới gốc cây, Phật Đà cũng đang ngồi dưới gôc cây nghĩ ngợi sâu xa, nghe được người nọ nói với người kia: “Dây đàn của anh không thể lên quá căng, bằng không thì sẽ bị dứt dây, nhưng cũng không thể quá dùn, kẻo khi đàn thì không có âm thanh, nên giữ độ vừa phải.”

Câu nói này làm Phật Đà chợt tỉnh, khiến cho chuyện tu đạo của ông ta hoàn toàn thay đổi.

Ông ta nhận định rằng mấy lời nói ấy là nói cho ông ta nghe, do đó mà lập tức buông lỏng sự khổ hạnh thái quá ấy. Sau cùng trong sự thỏa mái không nghiêng hẳn một phía thì ông ta đã giác ngộ.

(Trích: Bài ca của loài ếch, phần tu đức)

Suy tư:

Người luôn suy nghĩ lắng nghe thì dễ dàng nghe được tiếng Chúa nói với mình qua cách này hay cách khác; người luôn biết hồi tâm xét mình thì dễ dàng nhìn thấy ý Chúa tỏ hiện cho mình qua hoàn cảnh chung quanh...

Một tai nạn thảm khốc xảy ra, một lời nói giận dữ của người hàng xóm, hay một câu nói góp ý của người khác.v.v...đều làm cho người có đức tin tìm được thánh ý của Chúa đang nói với họ...

Không nghiêng hẳn một phía để làm theo cách suy nghĩ của mình mà không trông cậy vào ân sủng của Chúa, thì chỉ loay hoay trong mớ kiến thức tu đức mà thôi, cho nên dễ dàng cau có giận dữ, oán trời trách người khi tai nạn ập tới...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:14 06/09/2008
N2T


23. Tất cả các thánh đức của thánh nhân đều là do suy tư cầu nguyện mà tu luyện thành công.

(Thánh Alphonsus Liguori)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vài nét sử học về cuộc đời Thánh Phaolô (2)
Vũ Văn An
02:32 06/09/2008
Vài nét sử học về cuộc đời Thánh Phaolô(tiếp theo)

(3) Các Hành Trình Truyền Giáo

Như đã nói trên đây, sách Công Vụ gom hoạt động truyền giáo của Thánh Phaolô thành ba nhóm; nhưng có tác giả, như Knox, cho rằng: nếu bạn chặn Thánh Phaolô dọc đường mà hỏi xem Ngài đang làm cuộc hành trình truyền giáo thứ mấy, thì đến Ngài cũng phải ‘ngẩn tò te’ không biết phải trả lời ra sao. Nhưng lỗi không hẳn của một mình Thánh Luca, mà cũng do cả lối ta đọc Công Vụ nữa vì Thánh Luca không phân biệt rõ Hành Trình I, II, và III như kiểu của chúng ta ngày nay. Ấy thế nhưng, như ta đã thấy, vẫn có một tương đồng nào đó giữa các dữ kiện của Thánh Phaolô và của Thánh Luca liên quan đến hành trình truyền giáo, ngoại trừ hành trình đầu. Các hành trình này diễn ra trong khoảng các năm 46 tới 58, đó là những năm hoạt động nhất trong đời Ngài, những năm Ngài rao giảng Phúc Âm tại Tiểu Á và Hy Lạp.

(A) Hành Trình I (năm 46-49 CN): Chỉ có sách Công Vụ (13:3-14:28) thuật lại hành trình tiền “Công Đồng” này và cho thấy những nét chủ yếu phù hợp với thể văn của Thánh Luca. Thánh Phaolô không cung cấp cho ta chi tiết nào về hoạt động truyền giáo của Ngài trong suốt thời gian 14 năm trước khi có “Công Đồng” (Gl 2:1). Có lúc, Ngài ở “các miền Syria và Cilicia” (1:21) và “rao giảng đức tin” (1:23) “giữa Dân Ngoại” (2:2). Sau này khi viết thư Philiphê, Ngài nhắc lại rằng “lúc đầu mới rao giảng Phúc Âm, không giáo hội nào ngoài anh em chị em đã chia sẻ với tôi trong vấn đề cho và nhận, lúc tôi rời Macedonia” (4:15). Như thế, khi Ngài rời Macedonia (khoảng năm 50 CN), đã có nhiều giáo hội khác do Thánh Phaolô phúc âm hóa. Các giáo hội này ở đâu? Vì từ Tiểu Á, Ngài qua Philippi thuộc Macedonia, nên có thể Ngài muốn ám chỉ giáo hội tại Nam Galatia trong trình thuật hành trình truyền giáo I (Cv 13:13-14:25) chứ không hẳn các giáo hội tại Nam Galatia, Mysia hay Troas vốn thuộc hành trình truyền giáo II. Dù sao, Macedonia vẫn là khu vực đầu tiên được Thánh Phaolô phúc âm hóa và trình thuật Hành Trình I trong Công Vụ không mâu thuẫn với các chi tiết hiếm hoi của Thánh Phaolô.

Được Chúa Thánh Thần đánh động, các tiên tri và bậc thầy của Antiốc đã đặt tay trên Banaba và Phaolô và sai họ lên đường cùng với Gioan Máccô, người anh em họ của Banaba (Cl 4:10). Họ rời Seleucia, hải cảng của Antiốc thuộc Syria, mà qua Cyprus, lưu lại đảo Salamis một thời gian rồi vào Paphos. Tại đấy, thống đốc Sergius Paulus trở lại đạo (13:7-12). Từ Paphos, các nhà truyền giáo trẩy đi Perga thuộc Pamphylia (trên bờ biển nam của miền trung Tiểu Á) tại đấy Gioan Máccô bỏ đoàn mà trở về Giêrusalem. Hai ông Banaba và Phaolô tiếp tục cuộc hành trình tới các thị trấn thuộc Nam Galatia: Antiốc thuộc Pisidia, Iconium, Lystra, và Derbe. Tại Antiốc, Thánh Phaolô đầu tiên rao giảng cho người Do Thái trong các hội đường của họ và khi gặp chống đối, Ngài tuyên bố Ngài sẽ quay qua Dân Ngoại (13:46). Sau khi giảng phúc âm cho vùng này và gặp nhiều chống đối khác nhau của người Do Thái (đôi khi còn bị liệng đá như ở Iconium), Thánh Phaolô cùng Banaba tìm đường rời Derbe, băng qua Lystra, Iconium và Antiốc Pisidia mà trở lại Perga rồi từ đó, suôi buồm từ Attalia mà tới Antiốc thuộc Syria, nơi Ngài lưu lại “không ít thời gian” với các Kitô hữu (14:28). Một trong các vấn đề xuất hiện trong Hành trình Truyền Giáo I này là mối liên hệ giữa niềm tin mới và Do Thái Giáo, cụ thể hơn, giữa các Kitô hữu gốc Ngoại giáo và các Kitô hữu gốc Do Thái giáo. Các tân tòng gốc Ngoại Giáo có buộc phải cắt bì và tuân giữ luật Môsen hay không.

(B) Dự “Công Đồng” (năm 49 CN): Theo Thánh Luca, lúc Thánh Phaolô lưu lại Antiốc (cuối Hành Trình I), các tân tòng từ Giuđêa tới và bắt đầu nhấn mạnh tới việc phải cắt bì mới được cứu rỗi (15:1-3). Vì việc này dẫn tới cuộc tranh luận giữa họ và Thánh Phaolô cũng như Banaba, nên giáo hội Antiốc cử hai vị cùng một số người khác tới Giêrusalem để thỉnh ý các tông đồ và trưởng lão về vị thế của các tân tòng gốc Dân Ngoại. Việc ấy đưa tới việc mệnh danh là Công Đồng Giêrusalem.

Trong thư Galát 2:1-10, Thánh Phaolô có kể lại biến cố này; Ngài cùng Banaba và Titô lên Giêrusalem “một lần nữa trong 14 năm” (tính từ ngày Ngài trở lại tức là năm 49-50). Ngài nhắc đến cuộc thăm viếng này như là kết quả một ‘mạc khải” (2:2), và Ngài trình bầy với “các vị có tiếng tăm” tại Giêrusalem phúc âm được Ngài đã và đang rao giảng cho Dân Ngoại. Các vị ấy “không thêm bớt gì” vào phúc âm ấy. Các tông đồ Gia-cô-bê, Kê-pha và Gioan hiểu ra ơn thánh đã được phú ban cho Phaolô và Banaba và dơ vòng tay thân ái ra chào đón họ, chứng tỏ không còn bị ảnh hưởng chi bởi những “anh em giả mạo” từng lẻn vào do thám việc các Ngài được thoát khỏi lề luật, một giải thoát do chính Chúa Giêsu chiếm lãnh cho và được Thánh Phaolô nhất định không khoan nhượng bảo vệ “để chân lý phúc âm được bảo toàn” (2:4-5). Vấn đề được “Công Đồng” giải quyết dứt điểm chính là việc cắt bì: nó không phải là điều bắt buộc để được cứu rỗi; nên Titô, dù là người Hy Lạp, đã không bắt buộc phải chịu cắt bì.

Phần thứ nhất của Công Vụ 15 (các câu 4-12) cũng bàn tới vấn đề tín lý này. Những người bị Thánh Phaolô gọi là “anh em giả mạo” thì ở đây bị nhận diện là “một số tín hữu xuất thân từ phái Pharisêu” (15:5). Khi vấn đề được các tông đồ và trưởng lão tranh luận, thì lời nói của Thánh Phêrô xem ra thắng thế; và cuộc họp chấp nhận quyết định của Ngài (dựa trên chính cảm nghiệm của Ngài trong Công Vụ 10:1-11:18). Như thế, Công Đồng Giêrusalem đã giải thoát Giáo Hội phôi thai khỏi gốc rễ Do Thái và mở ra cho Giáo Hội một chân trời hoạt động tông đồ mới trên toàn thế giới mà lúc ấy Giáo Hội đang phải đương đầu. Quan điểm của Thánh Phaolô đã được minh chứng.

(C) Biến cố tại Antiốc (Năm 49): Sau “Công Đồng” Giêrusalem, Thánh Phaolô tới Antiốc, và sau đó, Thánh Phêrô cũng tới. Thoạt đầu, cả hai vị đều ăn uống với các Kitô hữu gốc Dân Ngoại, nhưng sau đó không lâu “một số người của Gia-cô-bê” (Gl 2:12) nghĩa là các Kitô hữu có khuynh hướng học theo Do Thái giáo rõ rệt, cũng tới và chỉ trích Thánh Phêrô về việc ăn uống với các tân tòng gốc Dân Ngoại. Nhượng bộ trước việc chỉ trích này, Thánh Phêrô đã tách rời khỏi các Kitô hữu gốc Dân Ngoại; và hành động ấy khiến nhiều Kitô hữu khác, kể cả Banaba, cũng bắt chước theo. Thánh Phaolô phản đối và chỉ trích Thánh Phêrô ngay trước mặt, vì vị thánh này đã “không bước chân theo chân lý phúc âm” (2:11). Xem ra lời chỉ trích của Thánh Phaolô có hiệu quả, nhưng dù thế, vấn đề kỷ luật liên quan đến các luật lệ Do Thái về ăn uống áp dụng cho các tân tòng gốc Ngoại Giáo nay đã được chính thức đặt ra (xem Brown và Meir, Antioch and Rome, 28-44).

(D) Sắc Lệnh Giêrusalem về Các Vấn Đề Ăn Uống: Việc Thánh Phaolô phản đối Thánh Phêrô vẫn không giải quyết được vấn đề ăn uống tại Antiốc. Dường như một số phái viên lại được gửi tới Giêrusalem, có lẽ sau khi hai Thánh Phêrô và Phaolô đã rời Antiốc. Thánh Gia-cô-bê lại triệu tập các tông đồ và trưởng lão và quyết định của các ngài dưới hình thức một bức thư được gửi cho các giáo hội địa phương ở Antiốc, Syria và Cilicia (Cv 15:13-19). Thánh Phaolô không đề cập gì tới quyết định này, và cả trong Công Vụ, Ngài cũng chỉ được Thánh Giacôbê thông báo khi thánh nhân tới Giêrusalem sau Hành Trình III (21:25).

Công Vụ 15 là chương gây vấn đề và có tính gom nhặt (composite), trong đó, hiển nhiên Thánh Luca đã thu gọn hai biến cố khác biệt nhau cả về chủ đề lẫn thời gian. Ta cần ghi nhận: (a) Các câu 1-2 là một chắp vá văn chương nối các tín liệu từ các nguồn khác nhau; (b) Câu 34 không có trong nhiều bản chép tay Hy Lạp, nhưng được thêm vào các bản văn truyền thống của Phương Tây để giải thích việc Silas ở đâu lúc khởi đầu Hành Trình II (nếu bỏ câu 34, chỗ Silas ở trở thành một vấn đề: ông tham gia với Thánh Phaolô lúc nào trong Hành Trình II?); (c) Simeon (15:14), người thường được coi là chính Simon Phêrô (và chắc chắn phải hiểu như thế trong câu truyện thu gọn của Thánh Luca), có lẽ là một nhân vật khác trong nguồn được dùng. Ở chỗ khác trong Công Vụ, Thánh Phêrô được gọi là Petros (15:7) hay Simon Petros (10:5; 18:32) chứ không bao giờ lại là Simeon. Trong nguồn của Thánh Luca, ông Simeon của câu 15:14 rất có thể là Simeon Đen (Simeon Niger), một trong các tiên tri hay thầy dạy tại Antiốc (13:1); có lẽ ông là một trong các phái viên được gửi tới cuộc họp do Thánh Giacôbê triệu tập về luật lệ ăn uống. (d) Bài diễn văn của Thánh Phêrô về cắt bì và Luật Môsen (15:7-11) khó mà ăn có với chủ đề thảo luận của Thánh Giacôbê (15:14-21).

Sau cuộc tham luận trên, Thánh Giacôbê gửi một lá thư cho Antiốc, Syria và Cilicia (15:22-29) để khuyến cáo rằng các Kitô hữu gốc Dân Ngoại tại các cộng đoàn hỗn hợp ấy phải kiêng không dùng thịt đã hiến tế cho các ngẫu thần, không dùng máu, không dùng thịt các con vật bị cắt tiết và không lấy nhau cách bất hợp pháp (illicit marriages). Có lẽ thư này đã được gửi tới Antiốc cùng với Judas Barsabbas và Silas (15:22) và gửi cho Thánh Phaolô và Banaba lúc đó giả thiết vẫn còn ở đó. Công Vụ 15: 35-36 có nhắc tới việc Thánh Phaolô và Banaba rao giảng tại Antiốc; nhưng nên hiểu việc này là thòi điểm Thánh Phaolô lưu lại Antiốc ngay sau khi tham dự “Công Đồng”. Sau đó, có lẽ Ngài đã rời Antiốc để bắt đầu Hành Trình II. Thánh Phaolô chỉ biết thư này mãi về sau (21:25).

(E) Hành Trình II (Các năm 50-52 CN): Theo Công Vụ 15:37-39, Thánh Phaolô từ khước không mang Gioan Máccô đi theo Hành Trình II vì trước đây vị này đã bỏ cuộc. Thay vào đó, Silas đã tháp tùng Thánh Phaolô. Khởi hành từ Antiốc, họ băng qua Syria và Cilicia mà vào các thị trấn của Nam Galatia, Derbe và Lystra (nơi Thánh Phaolô chọn Timôtê làm người đồng hành sau khi đã cắt bì cho ông Cv 16:1-3!). Từ đó, Ngài băng qua Phrygia mà vào Bắc Galatia (Pessinus, Ancyra và Tavium) và đã lập nhiều giáo hội mới. Bị ngăn trở không tới Bithynia, Ngài tiếp tục đi từ Galatia tới Mysia và Troas. Tại đây, dường như Ngài được Thánh Luca nhập đoàn, hay ít nhất các dữ kiện trong nhật ký của Thánh Luca đã bắt đầu ở điểm này (Cv 16:10-17, phần đầu trong “các Phần Chúng Tôi”).

Đáp ứng một thị kiến trong mộng, Thánh Phaolô qua Neapolis, hải cảng Philippi. Chính hải cảng này đã trở thành địa điểm cho giáo hội Kitô giáo đầu tiên của Âu Châu. Sau khi bị cầm tù và bị đánh đòn tại Philippi vì đã trừ qủy cho một nữ nô lệ, người từng mang lợi lớn lại cho chủ, Ngài lên đường qua Thessalonica qua ngả Amphipolis và Apollonia (Cv 17:1-9). Trong thời gian ngắn ngủi lưu lại Thessalonica, Ngài bận bịu lo rao giảng phúc âm và bị người Do Thái gây rắc rối, đến phải bỏ đó mà qua Beroea (17:10) và cuốicùng tới Athens (17:15). Tại đây, Thánh Phaolô cố gắng gây chú ý nơi người dân thành phố đối với phúc âm Chúa Kitô, vì họ vốn là những người thích các ý tưởng mới lạ (17:22-31). Nhưng Ngài không thành công. Họ bảo Ngài: “Để khi khác, chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy” (17:32). Chán nản, Thánh Phaolô bỏ đó mà qua Côrintô (năm 51), lúc đó là một trong những thành phố quan trọng bậc nhất của thế giới Địa Trung Hải. Tại đây, Ngài cư ngụ với Aquila và Priscilla (18:2-3), hai Kitô hữu gốc Do Thái mới từ Ý qua tới và cũng làm nghề dệt lều như Thánh Phaolô. Trong thời gian 18 tháng lưu lại Côrintô, Ngài làm nhiều người Do Thái và Hy Lạp và lập ra một giáo hội rất sinh động chủ yếu gồm các Kitô hữu gốc Dân Ngoại. Năm 51 CN, Thánh Phaolô viết thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalonica. Gần cuối thời gian ở đấy (năm 52 CN), Thánh Phaolô bị điệu tới trước tổng trấn L. Junius Gallio, nhưng ông này từ chối không xử vì coi đây là chuyện riêng của người Do Thái (18:15). Sau đó ít lâu, Thánh Phaolô rời Côrintô, đáp tầu từ Cenchreae qua Êphêsô và Caesarea Maritima. Sau khi thăm giáo hội Giêrusalem (18:22), Ngài tới Antiốc, và ở lại đó chừng hơn một năm, rất có thể từ cuối thu năm 52 tới xuân năm 54.

(F) Hành Trình III (các năm 54-58 CN): Rời Antiốc (Cv 18:23), Thánh Phaolô qua miền Bắc Galatia, Phrygia và Êphêsô. Thủ phủ tỉnh Asia này trở thành trung tâm hoạt động truyền giáo của Ngài trong ba năm sau đó (Cv 20:31), và trong “hai năm” Ngài thuyết giảng trong hội trường của Tyrannus (19:10). Chỉ ít lâu sau khi tới Êphêsô, Thánh Phaolô viết thư gửi tín hữu Galát (khoảng năm 54 CN). Trong thời gian này, Ngài cũng đã viết thư gửi tín hữu Philiphê và có lẽ cả thư gửi Philêmôn nữa (khoảng các năm 56-57).

Trong thời gian này, Thánh Phaolô được báo cáo về tình hình của giáo hội Côrintô: nào là hoài nghi, phe nhóm, nào là gương mù gương xấu và oán giận chính Thánh Phaolô. Để đương đầu với tình thế ấy, Ngài viết ít nhất năm lá thư cho giáo hội Côrintô, trong đó, chỉ có hai lá còn được lưu giữ (có người cho: một trong hai thư đó thực sự là một thư chắp nối). Một thư được viết trước thư 1Cor (xem 1Cor 5:9) để cảnh giác tín hữu Côrintô đừng giao du với các Kitô hữu vô luân. Rồi, để bình luận về các báo cáo và cũng để giải đáp các câu hỏi đã gửi tới, Ngài viết thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chỉ sau Lễ Ngũ Tuần ít lâu (có lẽ năm 57). Tuy nhiên, lá thư này không được tiếp nhận nồng hậu và liên hệ của Ngài với giáo hội đang bị xâu xé vì nạn bè phái này ngày một tệ đi hơn. Tình thế ấy đòi Ngài phải vội vã tới Côrintô một lần nữa (2Cor 12:14; 13:1-2; 2:1 [“một cuộc thăm viếng đau lòng”]; 12:21), một cuộc thăm viếng thực tế đã không thực hiện được việc gì. Trở lại Êphêsô, Thánh Phaolô lại viết một thư thứ ba cho tín hữu Côrintô, một thư Ngài soạn “trong nước mắt” (2Cor 2:3-4, 9; 7:8,12; 10:1,9). Bức thư này có thể đã được Titô mang theo khi tới Côrintô để đích thân lập lại hòa khí.

Có lẽ trong khi Titô vắng mặt, cuộc bạo động của thợ bạc Êphêsô đã nổ ra (Cv 19:23-20:1). Bài giảng của Thánh Phaolô về “đường lối” mới của Kitô giáo đã làm Demetrius tức giận. Vốn chế tạo các tượng đền tí hon của thần Artemis bán kiếm lời, hắn thấy bài giảng đó có nguy cơ phá hoại việc buôn bán của hắn, nên hắn đã cùng các thợ bạc khác tràn vào nhà hát phản đối Thánh Phaolô và việc khuếch trương Kitô giáo.

Biến cố trên khiến Thánh Phaolô phải rời Êphêsô mà qua Troas (2Cor 2:12). Không thấy Titô ở đấy, Ngài quyết định đi Macedonia (2Cor 2:13). Đâu đó tại Macedonia (có lẽ tại Philippi), Thánh Phaolô gặp lại Titô và được biết liên hệ của Ngài với tín hữu Côrintô đã tốt đẹp trở lại. Từ Macedonia, Ngài viết cho họ bức thư thứ tư vào mùa thu năm 57 (được Murphy-O’Connor O.P. gọi là thư A trong thư thứ hai Côrintô). Không thể nói chắc liệu Thánh Phaolô có tức khắc qua Côrintô hay từ Macedonia qua Illyricum trước (xem Rm 15:19) rồi từ đó Ngài viết 2 Cor 10-13 (gọi là thư B). Cuối cùng, Thánh Phaolô tới Côrintô, và đây là lần viếng thăm thứ ba của Ngài, có lẽ vào mùa đông năm 57 và lưu lại Achaia 3 tháng (Cv 20:2-3; xem 1Cor 16:5-6; 2Cor 1:16).

Tới lúc này, Thánh Phaolô đang nghĩ đến việc trở lại Giêrusalem. Nhớ lại khuyến cáo của “Công Đồng” phải nhớ tới người nghèo (Gl 2:10), nên Ngài lo liệu để các giáo hội gốc Dân Ngoại của mình quyên góp cho anh em tín hữu nghèo tại Giêrusalem. Cuộc lạc quyên này diễn ra trong các giáo hội Galatia, Macedonia và Achaia (1Cor 16:1; Rm 15:25-26). Thánh Phaolô dự tính sẽ đem của lạc quyên tới Giêrusalem và như thế sẽ chấm dứt việc rao giảng phúc âm của ngài tại miền đông Địa Trung Hải. Ngài muốn thăm Rôma (Rm 15:22-24) và từ đó qua Tây Ban Nha và Phương Tây. Trong ba tháng lưu lại Achaia, Thánh Phaolô viết lá thư gửi tín hữu Rôma (có lẽ viết tại Côrintô, hay tại hải cảng Cenchreae của thành phố này [Rm 16:1]) vào đầu năm 58. Xin xem thêm Brown và Meir, Antioch and Rome 105-127.

Khi xuân sang, Thánh Phaolô quyết định đáp tầu từ Côrintô (Cv 20:3) đi Syria. Nhưng khi sắp xuống tầu, thì vì âm mưu hãm hại của người Do Thái, Ngài phải đổi lộ trình, đi đường bộ băng qua Macedonia. Các môn đệ từ Beroea, Thessalonica, Derbe và Êphêsô tháp tùng Ngài. Họ qua Lễ Vượt Qua năm 58 ở Philippi (nơi Thánh Luca nhập bọn với họ, Cv 20:5, “Phần chúng tôi”). Sau lễ, họ đáp tầu qua Troas và đi đường bộ tới Assos, nơi họ lại đáp tầu đi Mitylene. theo duyên hải Tiểu Á, Thánh Phaolô đáp tầu từ Chios tới Samos, rồi Miletus, nơi Ngài nói truyện với các trưởng thượng Êphêsô đang họp nhau ở đấy (Cv 20:17-35). Không chùn bước khi nghe họ tiên đoán mình sẽ bị bắt, Ngài vẫn đáp tầu trẩy đi Cos, Rhodes, Patara thuộc Lycia, Tyre thuộc Phoenicia, Ptolemais, và Caesarea Maritima. Một cuộc hành trình đường bộ đưa Ngài tới Giêrusalem, nơi Ngài hy vọng tới đúng vào dịp Lễ Ngũ Tuần (20:16; 21:17). Xem Ogg, Chronology 133-145.

(4) Lần bị giam cuối cùng

Từ đây trở đi, ta chỉ còn biết dựa vào Công Vụ của Thánh Luca để biết ít nhiều về quãng đời còn lại của Thánh Phaolô; giai đoạn này kéo dài mấy năm sau năm 58, trong đó Ngài chịu cầm tù thời gian lâu.

(A) Thăm Giêrusalem lần cuối và bị bắt (năm 58): Tới Giêrusalem, Thánh Phaolô cùng những người đồng hành tới thăm Thánh Giacôbê và các trưởng thượng của giáo hội Giêrusalem (Cv 21:18). Thánh Giacôbê lập tức hiểu ngay sự hiện diện của Thánh Phaolô tại Giêrusalem sẽ gây bất ổn nơi các Kitô hữu gốc Do Thái. Nên Ngài khuyên Thánh Phaolô hãy cùng bốn người sở tại chịu làm nghi lễ Nazirite và chịu phí tổn cho họ như một nghĩa cử thiện chí đối với các Kitô hữu gốc Do Thái, để họ khỏi nghi ngờ. Thánh Phaolô đồng ý. Và nghi lễ kéo dài bẩy ngày trên sắp sửa kết thúc, thì người Do Thái từ tỉnh Asia nhận ra Thánh Phaolô ở khu vực Đền Thờ. Họ tố cáo Ngài khuyến khích người ta vi phạm Luật Môsen và làm hoen ố Đền Thờ bằng cách đưa người Hy Lạp vào đó. Họ túm lấy Ngài, lôi ra khỏi Đền Thờ và toan tính giết chết Ngài. Tuy nhiên, Ngài được cơ đội La Mã trú đóng tại Đồn Antonia cứu thoát khỏi đám đông. Họ giam giữ Ngài (22:27) và điệu Ngài ra trước đại hội đồng Do Thái. Nhưng rồi sau đó, vì sợ người Do Thái, nên viên chỉ huy cơ đội đã hộ tống Thánh Phaolô tới cho viên tổng trấn La Mã tại Giuđêa là Antonius Felix, đang ngụ tại Caesarea Maritima, xét xử (23:23-33). Hy vọng Thánh Phaolô sẽ đút lót (24:26), nên Felix giam Ngài tới hai năm.

(B) Chống án lên Caesar; tới Rôma (năm 60 CN): Lúc tổng trấn mới là Porcius Festus tới nhậm chức (có lẽ vào khoảng năm 60 CN), Thánh Phaolô “kháng án lên Caesar” nghĩa là đòi được xử tại Rôma, vì Ngài vốn là công dân La Mã. Festus buộc phải chấp thuận. Xem Sherwin-White, Roman Society 48-70.

Được một bách quân đội trưởng hộ tống (và có lẽ cả Thánh Luca nữa, theo “Phần chúng tôi” cho thấy), Ngài đáp tầu từ Caesarea Maritima đi Sidon và băng qua Cyprus mà vào Myra thuộc Lycia. Cuối mùa thu năm 60 (27:9), đoàn người rời Myra trên một con tầu của Alexandria nhằm Ý mà tới, mặc dù thời tiết xấu. Hải trình trước nhất đưa họ tới Cnidus (trên duyên hải phía nam Tiểu Á) rồi theo hướng nam “vì không thuận gió, phải vòng theo đảo Crete, hướng về mũi Salmone” đến tận Bến Lành (Fair Haven), gần thành Lasea của Đảo Crete (27:7-8). Khi họ cố tới cảng Phoenix, một cơn gió đông bắc ập tới làm tầu bị cuốn ra xa, trôi dạt giữa biển Adriatic và cuối cùng dạt vào đảo Malta, sau khi bị đắm tầu (28:1).

Sau khi qua mùa đông tại Malta, đoàn người đáp tầu đi Syracuse thuộc Sicily, rồi đi Rhegium (nay là Reggio di Calabria) và cuối cùng tới Puteoli (nay là Pozzuoli, gần Naples). Cuộc hành trình bằng đường bộ tới Rôma sau đó đưa họ qua Apii Forum và Tres Tabernae (28:5). Thánh Phaolô tới thủ đô đế quốc vào mùa xuân năm 61 và bị quản thức tại gia trong hai năm (61-63), có lính canh giữ. Tuy nhiên, hoàn cảnh ấy không cản trở việc Ngài mời người Do Thái ở Rôma tới nơi Ngài bị quản thúc để giảng phúc âm cho họ (28:17-28). Truyền thống vẫn cho rằng trong thời gian bị quản thúc này, Thánh Phaolô viết các thư Philêmôn, Côlôxê và Êphêsô. Tuy nhiên nhiều người không nghĩ vậy (xem Sherwin-White, Roman Society 108-119; R.E. Brown, The Churches The Apostles Left Behind [NY, 1984] 47-60).

(C) Cuối đời Thánh Phaolô: Công Vụ chấm dứt với trình thuật ngắn về vụ Thánh Phaolô bị quản thúc. Việc Ngài tới Rôma và rao giảng phúc âm gần như tự do ở đó đã tạo nên cao điểm câu truyện truyền bá lời Chúa từ Giêrusalem tới thủ đô thế giới văn minh hồi đó: Rôma vốn là biểu tượng của cõi “tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Nhưng đó chưa hẳn là kết thúc cuộc đời Thánh Phaolô. Nhắc tới “hai năm tròn” (28:30) không có nghĩa là Ngài qua đời ngay sau đó, dù người ta muốn giải thích ra sao tùy ý về sự kết thúc đột ngột của sách Công Vụ.

Các Thư Mục Vụ (Titô; 1-2 Timôtê) thường được coi là các trước tác chính hiệu của Thánh Phaolô và được cho là Ngài đã viết ra sau thơờ gian bị quản thúc tại Rôma. Thực thế, các thư này gợi ý cho thấy Ngài trở lại Phương Đông một lần nữa (Êphêsô, Macedonia, và Hy Lạp). Theo các thư này, Thánh Phaolô lập Titô đứng đầu giáo hội Crete và lập Timôtê đứng đầu giáo hội Êphêsô. Thư thứ hai gửi Timôtê vốn được coi là chúc thư và ước thư cuối cùng của Thánh Phaolô, được Ngài soạn thảo lúc gần qua đời. Nó gợi ý cho thấy Ngài rất có thể đã bị bắt ở Troas (4:13) và bị điệu về Rôma trở lại (1:17), nơi Ngài viết lá thư này khi đang ngồi tù. Có điều, ngày nay các thư này bị coi là ngụy thư (pseudepigraphical), có lẽ do một môn đệ của Thánh Phaolô viết ra (xem Brown, Churches 31-46).

Về các chi tiết khác liên quan đến những ngày sau cùng của Thánh Phaolô, ta phải nhờ vào các truyền thống sau này trong Giáo Hội, những truyền thống chịu ảnh hưởng nặng nề từ các nguồn dã sử. Thánh Phaolô có bao giờ tới Tây Ban Nha hay không? Ở đây, nếu có, thì hình như chỉ là một lịch sử hóa điều Ngài ước mơ trong Rm 15:24, 28. Quả có những truyền thuyết cho rằng sau khi bị quản thúc hai năm, Thánh Phaolô có qua Tây Ban Nha. Thánh Clêmentê thành Rôma (I Cor. 5:7) nói rằng Thánh Phaolô “dạy sự công chính cho toàn thể thế giới và đã du hành tới tận cùng phương tây. Và sau khi đã làm nhân chứng trước mặt các nhà cầm quyền, Ngài đã được đưa ra khỏi thế gian mà về nơi cực thánh, sau khi chứng tỏ mình là gương mẫu vĩ đại nhất của lòng kiên vững”. Lời chứng của Thánh Clêmentê (khoảng năm 90) gợi ý Thánh Phaolô có tới Tây Ban Nha, bị xử lần nữa và được phúc tử đạo. Khoảng năm 180, Mảnh Văn Muratorian (dòng 38-39; Enchiridion Biblicum [2nd ed., Naples, 1954] 4) hàm ý cho rằng phần cuối cùng của sách Công Vụ, tức phần kể lại “việc Thánh Phaolô rời bỏ Kinh Thành [Rôma] và lên đường qua Tây Ban Nha” đã bị thất lạc.

Eusebius (Historia Ecclesiastica 2.22.3) là người đầu tiên nhắc tới việc Thánh Phaolô bị cầm tù lần thứ hai tại Rôma và phúc tử đạo của Ngài dưới thời Nêrông: “Sau khi bào chữa cho mình, Thánh Phaolô lại được sai đi thi hành thừa tác vụ rao giảng của Ngài, và tới cùng một kinh thành như trước đây một lần nữa để chịu tử vì đạo dưới thời Nêrông. Lúc bị tù lần thứ hai này, Ngài viết thư thứ hai gửi Timôtê, đồng thời cho thấy rằng việc bào chữa lần đầu của Ngài có xẩy ra và phúc tử đạo của Ngài đã gần kề”. Sau đó, Eusebius còn trích lời Dionysius thành Côrintô (khoảng năm 170) cho rằng hai thánh Phêrô và Phaolô “chịu tử đạo cùng một lúc” (Historia Ecclesiatica 2.25.8). Tertullian (De praescr. 36) cho rằng cái chết của Thánh Phaolô giống như cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả nghĩa là bị chém đầu.

Lời chứng của Eusebius về cái chết của Thánh Phaolô dưới thời Nêrông bách hại được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên, cuộc bách hại này kéo dài từ mùa hè năm 64 tới lúc Nêrông băng hà (9 tháng Sáu, năm 68); nên khó mà xác định rõ được niên biểu cuộc tử đạo của Thánh Phaolô. Ghi chú của Dionysius thành Côrintô cho rằng hai Thánh Phêrô và Phaolô cùng chịu tử đạo một lúc thường được hiểu là cùng một năm, nhưng năm được nhiều người cho Thánh Phaolô chịu tử đạo là năm 67, vào cuối thời bách hại của Nêrông, giống như trình thuật của Eusebius. Tuy thế, niên biểu này không được mọi người chấp nhận và cũng không thể tránh khỏi các khó khăn của nó.

Tương truyền Thánh Phaolô được chôn tại Via Ostiensis, gần địa điểm hiện nay là Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Năm 258, khi các ngôi mộ Kitô hữu bị đe doạ xâm phạm trong thời Valerian bách hại đạo, hài cốt Thánh Phaolô đã được cải táng đưa về một nơi gọi là Ad Catacumbas (hang toại đạo) trên Đường Appian một thời gian. Sau đó đã được đưa trở lại địa điểm nguyên thủy, nơi hoàng đế Constantino cho xây vương cung thánh đường của ông.

Theo Joseph A. Fitzmyer S.J. trong The New Jerome Biblical Commentary, Student Edition, Geoffrey Chapman, 2000
 
Ý Đại Lợi: Ngày ăn chay và cầu nguyện cho Kitô giáo Ấn Độ
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:54 06/09/2008
Vatican (VIS) - Hôm 05/09, theo phụng vụ là ngày kính nhớ Chân Phước Mẹ Têrêsa Calcutta, thể theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Ý (CEI) đã kêu gọi các giáo phận Ý cử hành ngày ăn chay và cầu nguyện cho các Kitô hữu Ấn Độ.

Sáng kiến này cũng có được cử hành vào ngay khác tùy thuộc quy định của giám mục giáo phận, nó là “một dấu chỉ của sự gần gũi và liên đới về mặt tinh thần với những anh chị em chúng ta ở Ấn Độ, vì thế cố gắng hết sức trong đức tin”.

Hôm 27/08, Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt ngay các hành động bạo lực chống lại các cộng đoàn Kitô giáo ở bang Orissa Ấn Độ, vốn bắt đầu bằng vụ sát hại vị lãnh đạo Ấn Giáo là Thầy giảng Lakshmananda Saraswati.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mời gọi “các nhà lãnh đạo tôn giáo và giới hữu trách dân sự cùng làm việc với nhau để khôi phục sự sống chung hoà bình và hoà hợp giữa các thành viên của các cộng đồng khác nhau vốn luôn là dấu hiệu đặc trưng của xã hội Ấn Độ”.

Về phía Ấn Độ, Đức Hồng y Varkey Vithayathil C.SS.R., của Ernakulam-Angamaly và là Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Đô đã kêu gọi tất cả các giáo phận trên khắp Ấn Độ dành một ngày cầu nguyện và ăn chay là Chúa Nhật 7 tháng Chín, cũng như ngài “bày tỏ tình liên đới với tất cả các nạn nhân và cầu nguyện cho tất cả các nhà truyền giáo Ấn Độ, những người phải đối mặt với những thơi khắc gay go và khó khăn nhất vì mục đích loan báo Tin Mừng”.
 
Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ phục vụ vì sự thăng tiến phụ nữ ở Senegal
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:55 06/09/2008
Dakar (Agenzia Fides) – Kể từ khi đặt chân đến Senegal vào năm 1980, ngoài công việc mục vụ trong các giáo xứ, Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (FMM) còn tận hiến đời sống họ để thăng tiến điều kiện sống cho phụ nữ. Từ năm 1981, ở quận Salemata, phụ nữ gốc người thiểu số Bassari and Peulh cũng như các tộc người khác đã được tham dự khoá học 3 năm về Pháp ngữ, Toán học, Nấu ăn (gồm cả đan và thêu) và tham dự vào các chương trình huấn luyện về kinh tế gia đình và công việc nội trợ hợp vệ sinh.

Mục đích chính của đề án này là giáo dục phụ nữ, những người sau này sẽ truyền kiến thức của mình cho những người khác trong làng của họ, và vì thế sẽ góp phần vào việc cải thiện kinh tế trong toàn khu vực. Các nữ tu đã cẩn thận trông nom việc huấn luyện của mình và cố gắng thu xếp các hoạt động như thế để họ có thể mang kiến thức đến cho càng nhiều phụ nữ càng tốt. Từ năm 1992, nhiều khóa huấn luyện đã được trực tiếp tổ chức bởi chính những dân làng trong nỗ lực chấm dứt những cuộc di dân khổng lồ từ các khu vực nông thôn. Qua việc huấn luyện này, các phụ nữ và các cô gái được học cách chăm sóc đất đai và vật nuôi của họ.

Ngày nay, Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ hiện diện gần 20 thị trấn để truyền đạt các chương trình phát triển kinh tế vi mô. Từ năm 1992, Trung Tâm Huấn Nghệ Salemata đã mở cửa như một trường học ban đêm cho các phụ nữ trẻ của các làng lân cận. Trong 3 năm qua nó đã thành công vang dội làm cho các nữ tu phải mở một lớp khác trong Tỉnh Dòng dành phòng học cho 30 học viên nữ. Từ năm 2006, Giáo phận Tambacounda cũng đã tổ chức các hội nghị chuyên đề để phục vụ vì sự thăng tiến phụ nữ.
 
Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu phát hành văn bản mới về truyền thông
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:56 06/09/2008
Manila (Agenzia Fides) – Mới đây, Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu (FABC) đã phát hành một văn bản về truyền thông nhằm mục đích đào sâu và cập nhật hoá mối quan hệ giữa Giáo Hội và các phương tiện truyền thông trong các lĩnh vực khác nhau của lục địa Á Châu.

Văn bản được công bố giải thích về sự cần thiết của việc nghiên cứu không ngừng trong phạm vi này, để phản ánh và hiện đại hóa hơn nữa, thấy được sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông và là “những bục giảng mới” để từ đó Giáo Hội được kêu gọi rao giảng Tin Mừng. Văn bản có tựa đề: “Giáo Hội và Truyền thông Xã hội ở Á Châu” lưu ý rằng tiến trình này đang diễn ra ở Á Châu, nhất là ở các quốc gia Đông Á và Nam Á, vốn đang ở bên rìa trong việc sản xuất và sử dụng các hình thức mới nhất của công nghệ thông tin.

Văn bản do Ủy ban Truyền Thông Xã Hội của FABC đưa ra các bài báo gần đây của các thần học gia và các chuyên gia trong phần thứ nhất, còn phần thứ hai là tập hợp các dự thảo văn bản trong các cuộc họp của giám mục về truyền thông từ 1996 đến 2007. Tuy nhiên, văn bản hy vọng cung cấp hướng dẫn tham chiếu hữu dụng cho việc huấn luận những người chuẩn bị làm việc trong lĩnh vực này, trình bày sơ lược những hướng dẫn chung được áp dụng và thực hiện ở các quốc gia Á Châu.

Bản văn gồm các phân tích tập hợp từ Thượng Hội đồng Giám Mục Á Châu tổ chức ở Rôma vào năm 1998 và cũng đưa ra các bài báo về những chủ đề chuyên biệt từ thần học, truyền thông, tu đức và chăm sóc mục vụ. Trên bình diện mang tính cách địa phương hơn, bản văn bao gồm các báo các từ hai sáng kiến đặc biệt mang tính học thuật của Trung Tâm Nghiên Cứu Á Châu về Tôn Giáo và Truyền Thông Xã Hội thuộc Đại Học Thánh Gioan (Băng Cốc) và Chương trình Mục Vụ/ Truyền Thông Xã Hội của Phân khoa Giáo Dục Học Đường và Thần Học thuộc Đại Học Giáo Hoàng Santo Tomas (Manila).

Trong vài năm trở lại đây, Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu đã dành ưu tiên để củng cố sự hiện diện của mình trên các phương tiện truyền thông xã hội và tạo mọi thuận lợi để loan báo Tin Mừng trên “những bục giảng mới”, vốn sử dụng tất cả các phương tiện hiện đại của truyền thông mà các công nghệ mới đã đưa ra cho xã hội. Các Giám Mục Á Châu đã có nỗ lực rất lớn để khẳng định rằng truyền thông vốn tôn trọng phẩm giá và các quyền con người, thăng tiến công bằng và liên đới, đấu tranh chống phân biệt đối xử và truyền cảm hứng các giá trị Kitô giáo đích thực. Giáo Hội Á Chấu được kêu gọi cổ vũ các thành viên Giáo Hội thực hiện vai trò chủ động trong việc sử dụng các công cụ hiện đại trong việc loan báo Tin Mừng và Nước Trời, cũng như giáo dục những người khác quyết định sử dụng phương tiện truyền thông.

Giáo Hội tin chắc rằng phương tiện truyền thông và các công nghệ mới, nhất là Internet, sẽ góp phần tạo nên hoà bình và hoà giải trong xã hội và giữa người dân Á Châu.
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm 32 thành viên Thượng HĐGM thế giới
LM Trần Đức Anh, OP
20:58 06/09/2008
VATICAN - Hôm 6-9-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm 32 thành viên Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 12 sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 5 đến 26 tháng 10 tới đây với chủ đề ”Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”.

Trong số 32 thành viên, có 18 Hồng Y, đứng đầu là ĐHY Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn, và cũng có ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, GM Hong Kong. Trong số 12 GM được bổ nhiệm, có Đức Cha Orlando Quevedo, TGM giáo phận Cotabato, Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu. Sau cùng có 2 Linh mục được ĐTC bổ làm thành viên trong đó có có cha Bề trên Tổng quyền dòng Tên, Adolfo Nicolas.

Ngoài 32 vị được ĐTC bổ nhiệm, Thượng HĐGM sắp tới còn có khoảng 200 thành viên khác, gồm đại biểu do các HĐGM bầu lên, trong đó có 2 đại biểu của HĐGM Việt Nam là Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, GM Thanh Hóa, và Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, GM Phó Nha Trang. Sau cùng là 10 đại biểu của Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam.

Mặt khác, với sự chấp thuận của ĐTC, Đức TGM Nikola Eterovic, Tổng Thư Ký Thượng HĐGM thế giới, đã bổ nhiệm 37 dự thính viên gồm các Linh mục, nữ tu và giáo dân, trong đó có Ông Albert Anderson, người Mỹ, thủ lãnh Hội hiệp sĩ Colombo, nữ tu Evelyne Franc, Bề trên tổng quyền dòng Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh Sơn Phaolô, giáo sư Andrea Riccardi, Sáng lập Cộng đồng thánh Egidio. Các dự thính viên có quyền phát biểu nhưng không có quyền bỏ phiếu trong khóa họp.

Đức TGM Eterovic cũng bổ nhiệm 41 chuyên viên, phần lớn là các linh mục và nữ tu chuyên về Kinh Thánh, để phụ giúp vị Tổng thư ký đặc biệt của công nghị GM sắp tới là Đức Cha Monsengwo, TGM giáo phận Kinshasa, Congo. Trong số các vị được bổ nhiệm, có một vị người Việt Nam là Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, thuộc giáo phận Quy Nhơn, Giáo sư Kinh Thánh tại Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang.

Khác với những lần trước đây, thánh lễ khai mạc Thượng HĐGM thế giới sắp tới sẽ ĐTC chủ sự vào lúc 9 giờ rưỡi sáng chúa nhật 5-10 với các nghị phụ tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, nhân dịp năm Năm Thánh Phaolô, thay vì tại Đền thờ thánh Phêrô (SD 6-9-2008)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Nicaragua
LM Trần Đức Anh, OP
20:59 06/09/2008
CASTEL GANDOLFO -. Sáng 6-9-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 9 GM Nicaragua và ngài kêu gọi các vị tăng cường việc đào tạo cho mọi tầng lớp tín hữu trong các Giáo Hội địa phương.

Các GM thuộc 8 giáo phận ở Nicaragua về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung, ĐTC đề vao vai trò của các giáo lý viên và các thừa tác viên Lời Chúa trong việc giúp làm tăng trưởng đức tin nơi các trẻ em và các tín hữu tại những nơi xa xăm, thường không có linh mục. Ngài nói: ”Giáo Hội mang ơn những người này rất nhiều, họ trình bày Tin Mừng và Giáo Lý Kitô với tinh thần huynh đệ, diện đối diện, ngày qua ngày... Nhưng điều tối cần thiết là các cộng tác viên truyền giáo ấy của Giáo Hội phải nhận được một sự huấn luyện sâu xa và liên tục về tôn giáo để duy trì sự trung thành không lay chuyển đối với đạo lý của Giáo Hội”.

ĐTC nhận xét với các GM rằng: ”Một trong những thách đố lớn mà anh em đang đương đầu chính là sự huấn luyện tôn giáo vững chắc cho các tín hữu của anh em, làm cho Tin Mừng được ăn rễ sâu trong tâm trí, cuộc sống và công việc làm, để họ trở thành men của Nước Chúa, qua cuộc sống chứng tá trong mọi môi trường của xã hội và góp phần làm cho những công việc trần thế được tiến hành theo công lý và thích hợp với ơn gọi toàn diện của con người trên trái đất” (AA 7).

ĐTC ca ngợi nỗ lực của các GM Nicaragua cải tiến việc đào tạo LM tại nước này để giúp các chủng sinh trở thành những LM gương mẫu, tràn đầy tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội.

ĐTC cũng nhắc đến tình trạng nghèo đói và di cư ra nước ngoài do những chênh lệch xã hội và nền chính trị cực đoan, nhất là trong những năm gần đây. Ngài ca ngợi cố gắng của các GM Nicaragua trong việc kiến tạo bầu không khí đối thoại và hòa dịu, nhưng không quên bảo vệ các quyền căn bản của con người và tố giác những tình trạng bất công, cổ võ một quan niệm về chính trị, không nhắm tìm kiếm quyền bính và sự kiểm soát, nhưng là một sự quảng đại và khiêm tốn phục vụ công ích”.

Nicaragua rộng hơn 130 ngàn cây số vuông với hơn 5 triệu 200 ngàn dân cư, trong đó 89% là tín hữu Công Giáo. Thiểu số còn lại theo Tin Lành Pentecostal và Tẩy Giả.

Nicaragua là một trong những nước nghèo nhất ở miền tây bán cầu, lợi tức mỗi đầu người thấp kém, nạn thất nghiệp lan tràn và nạn nợ nần nước ngoài nặng nề. Nicaragua cũng là nước có sự chênh lệch giàu nghèo sâu rộng nhất thế giới, tuy nhiên, trong những năm gần đây, nền kinh tế có phần trở nên ổn định hơn, nhưng sự tăng trưởng vẫn còn quá yếu kém.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Cha Leopoldo José Brenes Solórzano, TGM giáo phận thủ đô Managua, Chủ tịch HĐGM Nicaragua cho biết Giáo Hội tại nước này đang nỗ lực đẩy mạnh công cuộc truyền giáo mới, theo đường hướng đã được Đại hội kỳ 5 của Hàng GM Mỹ châu la tinh đề ra hồi tháng 5 năm ngoái tại Aparecida, bên Brazil. Giáo Hội cũng phải đương đầu với các vấn đề như tình trạng thiếu ơn gọi LM và tu sĩ và nạn giáo phái lan tràn.

Về tình hình Nicaragua hiện nay, Đức Cha Brenes ghi nhận có những điểm sáng như hạ tầng cơ sở giáo dục được cải tiến và nền giáo dục miễn phí, việc tăng lương cho các giáo chức và việc chính phủ tài trợ các dự án giáo dục tại các giáo xứ. Tuy nhiên, Đức Cha cũng than phiền vì sự thiếu phẩm chất cao nơi hàng ngũ lãnh đạo chính trị và sự thiếu minh bạch trong việc quản lý viện trợ từ nước ngoài (SD 6-9-2008)
 
Top Stories
Vescovi portano solidarietà ai fedeli di Thai Ha
Asia-News
07:10 06/09/2008
di J.B. An Dang

Il vescovo di Haiphong denuncia la campagna di diffamazione contro i cattolici da parte della stampa governativa. In una lettera alle autorità, 82 sacerdoti della capitale chiedono di “non criminalizzare una disputa di natura civile” e di non usare “violente” misure di sicurezza.

Il vescovo di Haiphong Joseph Vu Van Thien
Hanoi (AsiaNews) – Due vescovi e migliaia di cattolici, ieri, sono andati a portare la loro solidarietà ai fedeli della parrocchia di Thai Ha, a Hanoi, partecipando a processioni e veglie di preghiera, per chiedere giustizia sulla proprietà dei terreni della chiesa. Al tempo stesso, 82 sacerdoti della capitale hanno scritto al governo chiedendo di “non criminalizzare una disputa di natura civile”, che oppone la parrocchia ad una ditta di confezioni, la Chien Thang Sewing Company.

Il vescovo di Haiphong Joseph Vu Van Thien, insieme a centinaia di cattolici della sua diocesi ha viaggiato cento chilometri per portare solidarietà ai pacifici manifestanti. “In questi giorni – ha detto – i servizi dei media hanno sconcertato e confuso cattolici e non cattolici. Ci sono stati così tanti servizi che hanno diffamato la reputazione e la dignità dei cattolici. Lasciateci pregare, così che tutti vedano come rispettate la verità e difendere la giustizia”.

In 3mila, lo stesso giorno sono venuti insieme con il vescovo Francis Nguyen Van Sang (nella foto) venuto da Thai Binh. “Vi porto – ha detto, dopo aver pregato – un rosario benedetto dal Papa stesso, nella speranza che la nostra Madre del perpetuo soccorso ci salvi dal pericolo e dal caos”. Rivolgendosi poi agli agenti di polizia presenti sul posto, “ai non cattolici ed ai non credenti – ha aggiunto – vi auguro un buon servizio e pace”. Le sue parole sono state ben accolte da numerosi agenti di polizia.

Quanto ai sacerdoti di Hanoi, nella loro lettera chiedono alle autorità di “non criminalizzare” e “non politicizzare la vicenda” e di “non prendere misure di sicurezza di natura violenta per risolvere le legittime richieste dei parrocchiani”.

Anche i sacerdoti chiedono poi di “non diffondere notizie a senso unico, distorto, diffamatorio insultante verso sacerdoti, religiosi e fedeli” e di “investigate e punire quegli individui e gruppi che hanno selvaggiamente assalito i fedeli mentre stavano pacificamente pregando” e di “non terrorizzare o discriminare studenti o impiegati pubblici cattolici”.
 
Bishops extend solidarity to faithful of Thai Ha
Asia-News
07:12 06/09/2008
The bishop of Haiphong denounces the campaign of defamation against Catholics on the part of the government media. In a letter to the authorities, 82 priests of the capital appeal "not to criminalize such a dispute of a civil nature", and not to use "violent" security measures.

Hanoi (AsiaNews) - Two bishops and thousands of Catholics yesterday went to extend their solidarity to the faithful of the parish of Thai Ha, participating in processions and prayer vigils to call for justice regarding the land belonging to the church. At the same time, 82 priests of the capital have written to the government appealing "not to criminalize such a dispute of a civil nature", in which the parish is pitted against the Chien Thang Sewing Company.

The bishop of Haiphong, Joseph Vu Van Thien, together with hundreds of Catholics of his diocese, traveled one hundred kilometers to express solidarity with the peaceful demonstrators. "In these days”, he said, “media coverage has bewildered and confused Catholics and non-Catholics. There have been so many news reports defaming the reputation and dignity of Catholics. Let us pray so that everybody knows how to respect the truth and defend justice”.

The same day, 3,000 faithful from Thai Binh went with Bishop Francis Nguyen Van Sang (in the photo) to Hanoi. “I bring you,” said Bishop Francis after a short prayer service, “a rosary bead that was blessed by the pope himself in the hope that our Mother of Perpetual Help will save you from dangers and chaos”. Addressing the police officers present, “for the non-Catholics and non-believers”, he added, “I also wish you good help and peace”. His words were welcomed by many of the officers.

As for the priests of Hanoi, in their letter they ask the authorities "not to criminalize such a dispute of a civil nature", and "not to take security measures of violent nature in resolving the parishioners’ legitimate demand".

The priests then say that the government “must not broadcast news that is one-way, distortional, defaming, insulting to the priests, brothers and parishioners, immediately investigate and prosecute those individuals and organizations who have savagely assaulted the parishioners while they were praying peacefully, and not terrorize or apply discriminating or prejudicial treatment to Catholic students and public servants”.
 
Vietnam: Redemptorists, Thai Ha Parishioners Enjoy Broad Support From Clergy
UCAN
11:57 06/09/2008
HA NOI (UCAN) -- Many priests from Ha Noi archdiocese and other places inside and outside the country have offered their full support to Redemptorists and Catholics from a northern parish engaged in a land dispute with the government.

"We, the college of priests from Ha Noi archdiocese, would like to express our deepest solidarity with local Redemptorists and Catholics," said a Sept. 4 letter sent to Redemptorist Father Matthew Vu Khoi Phung, pastor of Thai Ha parish in the capital's Dong Da district.

The letter, which 77 priests signed individually, was addressed to local Redemptorists and Catholics. It was formulated during the priests' bimonthly retreat at the archbishop's residence in Ha Noi Sept. 3-4.

"We completely support your peaceful dialogue in respect of the truth and justice all you have been holding patiently in the light of the Good News," stated the priests, who said they have been following recent developments at the parish. Many of them also paid a visit to Thai Ha parish after the retreat.

They said local Redemptorists and Catholics "have been vilified, defamed, accused, brutally suppressed and suffered acts of violence, especially on the evenings of Aug. 28 and 31." Some local Catholics have been detained unreasonably, they added.

Redemptorist Father Pierre Nguyen Van Khai, 38, told UCA News hundreds of local Catholics and eight Redemptorists gathered and said prayers in front of the gate of Dong Da district police station on the evening of Aug. 28 to press the police to release four Catholics arrested that morning. A mobile unit of 160 policemen suddenly arrived in four army trucks, attacked the crowd of Catholics for five minutes with clubs and tear gas, and then arrested 10 people and drove off, Father Khai recalled.

The priest, stationed at Thai Ha parish, said that attack left 50 injured, including many bleeding from wounds and unconscious at the scene. Many women were beaten heavily as they tried to protect the Redemptorists, he noted.

On Aug. 31, some Catholics who gathered at the site to pray in front of Marian statues apparently were overcome by tear gas and had to be carried to the nearby monastery. People on the scene asked policemen to file a report on the incident. Only one policeman admitted he sprayed tear gas, but would not sign any record or statement.

The priests' letter said the attacks have outraged Catholics throughout the archdiocese. "We would like to journey with and pray especially for all of you in the hard time," they stated, adding that they are asking all Catholics in the archdiocese to add their own prayers.

Clergy and laypeople from other dioceses in the country and foreign countries have also sent support messages to the local Redemptorists and Catholics.

Father Joseph Tran Quang Vinh, from neighboring Bac Ninh diocese, asked Catholics in his diocese in a letter to pray during their daily evening prayers for government authorities to resolve the dispute soon in justice and understanding.

In his letter, dated Aug. 28, Father Vinh also urged local Catholics who visit the site and Thai Ha church to pray calmly and avoid words or actions hurting others.

Redemptorist Father Vincent Pham Trung Thanh, provincial superior, sent his Sept. 2 letter to all his confreres, asking them to conduct novenas, nine days of special prayers, to Our Lady of Perpetual Help for the peaceful resolution of the situation. He also urged them to follow developments from Thai Ha parish and to give Catholics in their respective areas correct information on developments there and ask them to pray for a just resolution.

Father Khai said many Catholics from neighboring provinces have been visiting and attending daily Mass at the church and praying in front of the contested land.

"We are not alone because Catholics throughout the country and abroad support our prayers for justice and peace, not for the plot of land. We Religious and laypeople are ready to suffer pains and suppression to work for the common good," he said.

On Sept. 4, Bishops Francis Xavier Nguyen Van Sang of Thai Binh and Joseph Vu Van Thien of Hai Phong visited and prayed in front of the Marian statue at the site.

(Source: UCAN, September 5, 2008)
 
Speaker Pelosi Summoned by Archbishop
Zenit
13:45 06/09/2008
"Authentic moral teaching is based on objective truth, not polling. Accordingly, as her pastor, I am writing to invite her into a conversation with me about these matters."

SAN FRANCISCO, California (Zenit) - Speaker of the House Nancy Pelosi is being invited by her hometown archbishop to discuss her erroneous views on the Catholic Church's teaching on abortion.

In a statement released today, Archbishop George Niederauer of San Francisco joined the list of bishops who have responded to Pelosi's misrepresentation of Church teaching, which she expressed during an interview Aug. 24 on NBC-TV's "Meet the Press."

Catholic San Francisco, the official newspaper of the Archdiocese of San Francisco, published Archbishop Niederauer's text.Pelosi, when asked to comment on when life begins, said that as a Catholic, she had studied the issue for "a long time" and that "the doctors of the Church have not been able to make that definition."

Cardinal Justin Rigali, chairman of the U.S. bishops' Committee on Pro-Life Activities, and Bishop William Lori, chairman of the Committee on Doctrine, responded the next day stating that her answer "misrepresented the history and nature of the authentic teaching of the Catholic Church against abortion."

The prelates noted that since the first century the Church has "affirmed the moral evil of every abortion." A series of statements were released by other bishops across the United States, including Archbishop Donald Wuerl of Washington, D.C., Archbishop Charles Chaput and Auxiliary Bishop James Conley of Denver, Cardinal Edward Egan, archbishop of New York, Archbishop John Nienstedt of St. Paul and Minneapolis and Bishop Samuel Aquila of Fargo, North Dakota.

Not polling

Archbishop Niederauer's statement said, "It is my responsibility as archbishop of San Francisco to teach clearly what Christ in his Church teaches about faith and morals, and to oppose erroneous, misleading and confusing positions when they are advanced."

After citing the Catechism of the Catholic Church and reaffirming the teaching of the Church that life begins at conception and that abortion has always been considered wrong, he added, "We believe that we are called to trust the Spirit to guide the Church, so we do not pick and choose among her teachings."

Pelosi's office issued a statement Aug. 29 that said: "While Catholic teaching is clear that life begins at conception, many Catholics do not ascribe [sic] to that view." "That statement," responded Archbishop Niederauer, "suggests that morality can be decided by poll, by numbers. If 90% of Catholics subscribe to the view that human life begins at conception, does that makes Church teaching truer than if only 70% or 50% agree?Authentic moral teaching is based on objective truth, not polling."

Communion

Regarding calls for the archbishop to make a decision to exclude Pelosi from receiving Communion, the archbishop warned that the Church "should be cautious when making judgments about whether or not someone else should receive Holy Communion."

He cited the 2006 document of the U.S. episcopal conference "Happy Are Those Who Are Called to His Supper" that states: "If a Catholic in his or her personal or professional life were knowingly and obstinately to reject the defined doctrines of the Church, or knowingly and obstinately repudiate her definitive teachings on moral issues, however, he or she would seriously diminish his or her communion with the Church.

"Reception of Holy Communion in such a situation would not accord with the nature of the Eucharistic celebration, so that he or she should refrain." The archbishop added, "In his or her conscience, properly formed, a Catholic should recognize that making legal an evil action, such as abortion, is itself wrong."

"I regret the necessity of addressing these issues in so public a forum, but the widespread consternation among Catholics made it unavoidable," the prelate continued. "Speaker Pelosi has often said how highly she values her Catholic faith, and how much it is a source of joy for her.

"Accordingly, as her pastor, I am writing to invite her into a conversation with me about these matters. It is my obligation to teach forthrightly and to shepherd caringly, and that is my intent."

Today, tomorrow

Cardinal Francis George, archbishop of Chicago, also contributed a statement this week. He said that public policy issues are often misrepresented in the midst of political campaigns."While everyone could be expected to know the Church's position on the immorality of abortion and the role of law in protecting unborn children, it seems some profess not to know it and others, even in the Church, dispute it," he said.

The cardinal went on to clarify: "The Catholic Church, from its first days, condemned the aborting of unborn children as gravely sinful. [...] The teaching of the Church was clear in a Roman Empire that permitted abortion. This same teaching has been constantly reiterated in every place and time up to Vatican II, which condemned abortion as a 'heinous crime.'"This is true today and will be so tomorrow. Any other comments, by politicians, professors, pundits or the occasional priest, are erroneous and cannot be proposed in good faith."
 
Hanoi Archbishop: The government must listen and satisfy people’s legitimate aspirations
J.B. An Dang
17:02 06/09/2008
6000 on the strets of Hanoi
Bishops join in public demonstrations
Bishop Joseph Dang Duc Ngan of Lang Son and protestors
Two more bishops join in the largest public demonstration so far with more than six thousands of Catholics in cold rain. Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi observes that all petitions relating to land disputes have fallen into deaf ears, Catholics in their desperation were left with no choice other than holding peaceful protests completely complying with Vietnam law to call out for justice.

Though it was raining heavily, on Saturday, more than six thousands of Catholics braving cold rain to attend the largest prayer protest so far at Thai Ha, Hanoi. Numbers would have been even greater if the police hadn't banned protestors from Phat Diem and Thai Nguyen provinces from attending.

Protestors felt warm in the cold rain when they were joined by two more bishops. “I feel very emotional to be with you here,” said Bishop Joseph Dang Duc Ngan, from Lang Son Diocese, in far northern Vietnam, 154km from Hanoi, “to witness the way you express your desires for values of faith, justice and peace.” Bishop Joseph Dang is the youngest bishop in Vietnam, ordained to Bishop on December last year. “In these days, during my pastoral trips in Lang Son, I have explained to people on false and distortional information about priests and faithful of Thai Ha.”

Bishop Joseph Nguyen Van Yen of Phat Diem, whose most followers were barred to travel into the capital, presided a Mass for protestors with more than 20 priests. “We are here from many regions of the country to pray with our Mother of Perpetual Help,” said Bishop Joseph Nguyen in his sermon, “to be in communion and in solidarity with you in this difficult time. We are here to pray for the truth and justice.”

As the influx of protestors at Thai Ha has swelled rapidly, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi warned that “the situation will soon become more complicated”. “It is the responsibility of the government who has the power to solve the problem,” he added in an interview with Radio Free Asia (RFA) on Friday calling for Hanoi authorities “to listen and satisfy people’s legitimate aspirations.”

“No, absolutely not” was his answer when asked if the protest has been against the law as accused by state-run media repeating that Hanoi Catholics were left with no choice other than holding peaceful protests completely complying with Vietnam law to call out for justice. Also, he complained that state-run media only broadcast one-way information and do not allow Catholics to have their voice on these outlets.
 
Catholics assert themselves in Hanoi land dispute
AP
18:56 06/09/2008
HANOI, Vietnam (AP) — At a vacant lot in downtown Hanoi, Catholics have gathered to worship the Virgin Mary — and pressure the communist authorities.

For the second time this year, the city's Catholics have taken the extraordinary step of occupying state-controlled land that once belonged to the church. Their gatherings are putting pressure on a government eager to project religious tolerance but determined to maintain political control and public order.

Hundreds of Catholics have been holding daily prayer vigils since Aug. 15 to demand the return of the plot next to the Thai Ha Church. They broke through the brick wall surrounding the weed-covered, rubble-strewn site and installed a 15-foot-tall crucifix, dozens of statues of the Virgin Mary and hundreds of bamboo crosses.

City officials have pleaded with them to leave, but the crowds grew last week after rumors circulated that the Virgin Mary herself had come to lend her support.

In the decades after Vietnam's communists took power in 1954, the church was tightly controlled and public demonstrations were banned. But in recent years, religious freedom has increased gradually and the government has grown more tolerant of land protests by farmers and others.

These changes are part of a broader evolution that began in the 1990s and have accelerated as Vietnam has opened to foreign investment. Greater personal liberty has followed, with consumers gaining access to everything from CNN to Gucci to the World Wide Web.

Earlier this year, Catholics held prayer vigils next to St. Joseph's Cathedral, Hanoi's biggest church, to demand the return of land where the Vatican Embassy stood until the communists severed relations with the church in Rome.

Those demonstrations ended after authorities agreed to discuss the church's claim if the demonstrators halted their vigils.

"The talks are moving very slowly, and there has not been much progress," Hanoi Archbishop Ngo Quang Kiet told The Associated Press in an interview Thursday.

The land at Thai Ha is 17,000 square yards — roughly the size of two American football fields. The protesters began their vigils after they saw potential buyers scouting the land and heard a rumor that the city planned to sell the site, worth millions of dollars, to a property developer to build 28 residential and commercial lots.

After the vigils began, the government announced that it planned to turn the site into a public park. It views the demonstrators as vandals and trespassers, and has launched a campaign of denunciation in the state-owned media.

"A number of parishioners and some priests have ignored public opinion and belittled the rule of law," wrote the New Hanoi newspaper. It accused the Thai Ha priests of hatching "wicked plots."

Tensions increased last month after parishioners and two priests said dozens of police used stun guns and clubs to disperse a crowd of nearly 300 that had gathered outside a police station near the disputed land. City officials deny the charge.

"I am very upset that the police used violence to interfere with the prayer of Catholics," Kiet said. "Their vigils are very peaceful. We don't want to overthrow the authorities."

The archbishop said the vigils are grassroots initiatives not organized by the Hanoi diocese, but he supports them. "The Thai Ha parish has official ownership of that land," he said.

He acknowledged that Hanoi has increased religious freedom in recent years, but less than he would like.

Senior government officials have grown more supportive, and pressure has been applied by the international community and Vietnamese Catholics, who have grown increasingly assertive, Kiet said.

With more than 6 million followers, Catholicism is the second largest religion after Buddhism in the nation of 84 million.

Land ownership rules are complex in Vietnam, where the government controls all property.

After the communists ousted the French colonial regime, they seized land from wealthy property owners, including the Catholic church, and distributed it to those who fought in the revolution.

The church claims it has documents verifying its claim to the Thai Ha land. The city claims a former parish priest signed papers turning the property over to Hanoi in 1962.

(Source: AP, by Ben Stocking)
 
Vietnam Archbishop Defends Land Protesters
RFA
18:59 06/09/2008
Vietnamese Catholics get high-level support for protests calling on the government to return expropriated Church land.

BANGKOK—A top Catholic Church leader in Vietnam has defended peaceful protests by hundreds of Vietnamese Catholics for the return of Church lands seized by the Communist government in the 1950s, following the arrest of several demonstrators.

Some protesters have been beaten, and in recent days several were arrested, according to witnesses.

The official New Hanoi newspaper on Aug. 21 urged the archbishop to call on protesters to stop demonstrating, but Kiet said he hasn’t done so.

“I have not appealed to them [the protesters] to stop their prayers. I’ve asked them to say their prayers constantly, and especially to say them in peace and without violence, to pray in safety,” Kiet said.

“There is nothing that violates the law, and there is no disruption of social order and security at all and there is no interference in the lives of others, either," he said.

No access to media

Kiet also criticized the Vietnamese government’s monopoly of the country’s mass media

“The reason why you don’t see or hear the opinions of the Office of the Archbishop in the mass media is that such means of communication belongs to the government, and that we don’t have any right to use it to express our viewpoints,” Kiet said.

“Of course I’ve appealed the government to listen to others. People have their needs and aspirations, so the government should listen to their voices,” he said.

“I don’t see anything illegal in this matter, because the lot of land right beside their church belongs to them, so there is nothing that violates the law, and there is no disruption of social order and security at all, and there is no interference in the lives of others, either. So I think that nothing in this matter is illegal.”

“We don’t have any tools or weapons in our hands, so we only know to say our prayers. And we always pray that the Catholics will be in safety and that justice will appear,” Kiet said.

The land at issue was part of the capital's Thai Ha parish until the mid-1950s when communists took power from the French in North Vietnam and seized most church land.

The government has used most of the six-hectare (15-acre) property to build a hospital, a now-demolished textile factory, and other structures. Government official say the church gave them the land decades ago, but Catholics dispute that claim.

Legal action

The state-run Vietnam News Agency (VNA) has reported that police have initiated “legal proceedings” against people involved in the dispute after Christians broke part of a wall and entered the property on Aug. 15.

After the Philippines, Vietnam has Southeast Asia's largest Catholic community, numbering about 6 million.

In its most recent report on human rights around the world, the U.S. State Department noted that while the Vietnamese constitution and government provide for freedom of worship, “the government persisted in placing restrictions on the organized, political activities of religious groups,” although overall respect for religious freedom improved during 2007.

The U.S. Commission on International Religious Freedom last week criticized Vietnam’s record on religious freedom, citing abuses against the Unified Buddhist Church of Vietnam, indigenous sects such as Hoa Hao and Cao Dai, and discrimination against Christians.

The commission urged the State Department to re-designate Vietnam as a "country of particular concern" under the 1998 International Religious Freedom Act.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ truyền chức 3 tân Linh mục gốc Việt Nam tại Melbourne
Nguyễn Công Lịch
12:30 06/09/2008
MELBOURNE - Sáng nay lúc 10giờ thứ bảy, ngày 06 tháng 09 năm 2008, tại nhà thờ Chính toà St. Patrick Albert Street, East Melbourne, Victoria, Đức tổng Giám mục Denis J. Hart, D.D. đã chủ sự thánh lễ truyền chức linh mục cho các thầy phó tế: Giuse Nguyễn Hồng Ánh. Gioan Baotixita Lê Trọng Bình. Vũ Nhật Thăng và thầy Dispin John.

Tham dự thánh lễ còn có 4 Đức giám mục, 94 linh mục trong và ngoài giáo phận, các chủng sinh, nữ tu, các thân nhân và ân nhân của các tân linh mục và hàng ngàn giáo dân cùng tham dự.

Thời tiết Úc châu đã chuyển sang mùa xuân, thành phố Melbourne thời tiết đẹp, hoa Đào và các loài hoa đua nhau nở. Không khí nhộn nhịp của ngày lễ càng làm cho mọi người về dự lễ thêm vui tươi và phấn khởi, các ân nhân của các tân linh mục từ khắp Năm châu cũng tới dự lễ, nhà thờ chính toà chật ních người tham dự.

Hiện tại Đại chủng viện có 43 chủng sinh, với nhiều quốc tịch và hơn 10 tiếng nói khác nhau.
 
Nghề làm lồng đèn ở giáo xứ Phú Bình thời bão giá
Lê Hoàng Vũ
19:27 06/09/2008
Nghề làm lồng đèn ở giáo xứ Phú Bình thời bão giá

Vào những ngày đầu tháng 8 âm lịch, chúng tôi trở lại thăm khu làm lồng đèn trung thu ở giáo xứ Phú Bình thuộc P.5, quận 11 thành phố Sàigòn. Năm nay, đi từ cổng giáo xứ Phú Bình chúng tôi nhận thấy không khí mua bán ở đây thật đìu hiu vắng vẻ. Các đại lý ở đây chủ yếu trừng bày lồng đèn pin Trung Quốc. Lượng người mua lồng đèn giấy kiếng mỗi năm một ít.

Người đầu tiên mà chúng tôi trao đổi là chị T., một chủ đại lý bán lồng đèn ở cổng giáo xứ Phú Bình, chị cho biết: “Năm nay sức mua lồng đèn giấy kiếng kém hơn nhiều so với lồng đèn pin Trung Quốc”. Chúng tôi đi tiếp vào trong giáo xứ Phú Bình thuộc Phường 5, Quận 11, và sang cả khu vực giáo xứ Tân Phú Hoà, thuộc P. Phú Trung, Quận Tân Phú trước đây có mấy chục hộ làm lồng đèn nhưng hiện nay chỉ còn trên dưới 10 hộ gia đình còn giữ nghề. Có phải trẻ em bây giờ đã không còn thích thú với chiếc lồng đèn truyền thống khi mùa Trung Thu về, hay trong thời bão giá nghề làm lồng đèn không còn “đứng nổi”?

Nghề làm lồng đèn là cái nghề của cha ông để lại, nghề mang tính gia đình, cả nhà buổi tối cùng làm với nhau sau khi đi làm công sở về, cái nghề làm cho vui những lúc rảnh rỗi. Nghề làm lồng đèn trung thu hiện nay không còn là kế mưu sinh chính của các gia đình ở đây. Cho nên họ cũng không muốn kể chuyện về nghề của mình cho các nhả báo đến tìm hiểu. Nhất là những năm gần đây, nhiều gia đình không thể sống nổi với nghề nên đã bỏ dần. Tệ hơn nữa, sáu tháng đầu năm 2008, khi giá sinh hoạt, giá tiêu dùng leo thang, trong nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát, mọi thứ đều tăng giá thì đương nhiên vật liệu để làm ra chiếc lồng đèn cũng tăng giá theo. Tre, kẽm, giấy bóng kiếng, …và những vật liệu khác làm lồng đèn tăng từ 20% - 30%. Tuy chiếc lồng đèn lại được làm hoàn toàn bằng tay, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc tăng giá đó.

Anh H. một nghệ nhân làm lồng đèn đã có hơn 20 năm trong nghề nói với chúng tôi về tình hình năm nay. “Những năm trước, từ khi cò lồng đèn Trung Quốc thì chiếc lồng đèn này đã bán chậm. Năm nay, cái gì cũng tăng giá, tôi phải bỏ vốn nhiều hơn năm ngoái, nhưng một chiếc lồng đèn bán ra lại không tăng giá bao nhiêu”. Giá chiếc lồng đèn bỏ sỉ năm nay theo một số bà con làm lồng đèn cho biết chỉ khoảng 5000đ một chiếc cỡ trung và 2500đ một chiếc cỡ nhỏ thì vốn họ bỏ ra cũng hơn một nửa. Lượng tiêu thụ lồng đèn năm nay giảm đáng kể theo nhiều người lý giải có thể là do giá xăng dầu cao làm cho phí vận chuyển về các tỉnh tăng. Và khi chiếc lồng đèn đến tay trẻ em vùng nông thôn thì cũng phải ở mức giá 7000đ- 8000đ một chiếc. Với giá ấy thì trẻ em vùng quê còn nghèo không có khả năng để mua. Còn ở thành phố thì người lớn thường mua cho con em mình những chiếc lồng đèn xài pin Trung Quốc vừa tiện lợi và không sợ chúng phải bỏng tay. Dần dần những chiếc lồng đèn xài pin Trung Quốc đủ kiểu đã thay thế cho chiếc lồng đèn truyền thống của dân tộc. Hiện nay đã qua rồi cái thời mà ở khu Phú Bình nhà nhà làm lồng đèn như những năm thập niên 90 trước đây. ông H. một nghệ nhân làm lồng đèn tâm sự với chúng tôi: “Năm ngoái gia đình tôi làm năm sáu ngàn con một mùa, năm nay chỉ bằng một nửa năm ngoái, nhưng đến bây giờ chưa bán được bao nhiêu. Nếu năm nay bán không hết năm sau gia đình tôi không làm nữa. Bỏ nghề buồn lắm ! Nhưng biết làm sao được, vì nghề này bỏ nhiều vốn nhưng lời chẳng bao nhiêu. Chủ yếu là lấy công làm lời”.

Nhìn những chiếc lồng đèn lung linh ánh nến vào mỗi đêm rằm tháng tám làm chúng ta nhớ về những kỷ niệm đẹp thời xa xưa. Mong rằng nghề làm lồng đèn truyền thống ở giáo xứ Phú Bình còn mãi với thời gian để cho thế hệ trẻ em hôm nay được rạng rỡ niềm vui khi đi bên chiếc lồng đèn mỗi mùa trung thu về.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thái Hà ngày 6.9.2008: Lời cầu nguyện trong mưa
PV VietCatholic
00:57 06/09/2008
THÁI HÀ - Từ sáng sớm ngày hôm nay 6.9.2008 có đông đảo giáo dân tiếp tục đổ về linh địa Đức Bà. 8 giờ sáng bãi xe gắn máy và xe đạp tại nhà nguyện Giêrađô đã đầy kín. Tại linh địa Đức Bà chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng thật cảm động, mặc dù trời mưa to nhưng giáo dân vẫn đứng tràn ngập linh địa đọc kinh cầu nguyện. Nhiều lán, bạt che được dựng lên để che mưa.

Xem thêm hình ảnh các buổi cầu nguyện hôm nay

Khi chúng tôi viết những dòng tin ngày, thánh lễ thứ ba đang được cử hành. Nhà thờ và sân nhà Dòng không đủ chỗ cho giáo dân nên nhà Dòng phải mở cửa lầu 1 và 2 khu nhà cũ để giáo dân vào tham dự thánh lễ. Bây giờ là 10g30 sáng.

 
Thành phố Hà Nội tổ chức gặp giáo dân Thái Hà
DCCT
01:09 06/09/2008
TP. HÀ NỘI TỔ CHỨC GẶP GIÁO DÂN THÁI HÀ

Sáng ngày 05/09/2008, một xe do Sở công an thuê đã đến giáo xứ Thái Hà đón 11 người giáo dân đến văn phòng Sở công an để làm việc. Với mục tiêu là lắng nghe tiếng dân để giải quyết vấn đề đang tranh chấp.

Trong khi đó, tối 05/09/2008, cha Matthêu Vũ Khởi Phụng cho biết: “Chúng tôi đã mời ông Nhanh đến gặp toàn thể giáo dân, nhưng ông ấy từ chối, để rồi hôm nay lại mời một nhóm giáo dân theo cách riêng của ông ấy”. Được biết, một số trong những giáo dân này đã làm công việc đấu tố các linh mục Thái Hà, và cho rằng việc đòi đất của Thái Hà là sai.

Về phía chúng tôi, những người quan sát, chúng tôi lấy làm tiếc cho một đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Thành ủy viên, Ủy viên UBND và Giám đốc sở công an Hà Nội như thiếu tướng Nhanh lại dựng lên một cuộc họp gọi là “lắng nghe ý kiến nhân dân Thái Hà", mà lại chẳng thống báo cho cha xứ biết để thông báo giáo dân cử người đi một cách chính thức.

Một số người trong số 11 giáo dân đó đã từng là thành viên Ban hành giáo cách đây gần 10 năm; bấy giờ họ đã từng lũng đoạn giáo xứ đến mức độ cha xứ phải giải tán Ban hành giáo này. Được biết vài người trong số các giáo dân này, thời cha Giuse Vũ Ngọc Bích còn sống, đã móc nối với nhiều cán bộ buôn bán và chia nhau nhiều mảnh đất trong khuôn viên 60.000m2 của Tu viện-Giáo xứ Thái Hà.

Hành động của những người này đi ngược lại ý kiến của Đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, tâm nguyện của linh mục đoàn Hà Nội và ý chí của Dòng Chúa Cứu Thế.
 
Vừa canh chừng để dẹp loạn, vừa kích động nổi loạn
Xuân Văn
07:16 06/09/2008
Tối nay, lượng người kéo về Thái Hà vẫn tấp nập. Nếu chỉ quan sát qua, có lẽ người ta sẽ lầm tưởng hôm nay là ngày đại lễ nào đó, bởi vì trong và ngoài nhà thờ người ngồi chật kín. Hơn nữa, thành phần tham dự thánh lễ cũng rất đa dạng. Có tới 28 linh mục đồng tế, trong đó có linh mục của giáo phận Hà Nội, Bùi Chu và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đến từ các cộng đoàn trong cả nước. Có khoảng 60 nữ tu, trong đó hầu hết là các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, còn lại là các nữ tu Dòng Phaolô và Mến Thánh Giá Hưng Hóa.

Sau thánh lễ, tất cả đã tiến ra linh địa cầu nguyện. Lực lượng cảnh sát tối nay được tăng cường tới đây khá đông. Dẫu vậy, họ không có động thái gì khác hơn là đứng quan sát giáo dân cầu nguyện. Bên cạnh đó, những người quay phim, chụp hình của các đài báo nhà nước tiếp tục săm soi tác nghiệp. Có lẽ ngày mai những thông tin méo mó về Thái Hà lại tiếp tục được rêu rao trên các đài báo quốc doanh.

Dù bị quấy rối bởi các tay quay phim chụp hình, nhưng giáo dân vẫn giữ được tinh thần cầu nguyện trong ôn hòa và trật tự. Sau buổi cầu nguyện chung tại linh địa, một phần ba giáo dân vẫn còn nán lại câu nguyện riêng trước ảnh tượng Đức Mẹ. Những thành phần bất hảo vẫn được huy động đến đây để khiêu khích bà con giáo dân.
 
Nghị quyết 23 thực chất là gì? "Nghị cướp…hai…ba" hay “hai…ba… cùng cướp”?
An Dân
07:18 06/09/2008
Xem cách giải quyết của UBND thành phố Hà Nội trả lời đơn thư khiếu nại của Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà về việc giáo xứ đề nghị chính quyền trao lại khu đất mà Nhà nước đã quản lý trái phép, thì mọi người ai cũng ngạc nhiên và lấy làm lạ là tại sao Chính quyền lại cứ chỉ dựa vào một căn cứ duy nhất là theo “Nghị quyết 23/2003/QH11 thì không có cơ sở giải quyết” mà không căn cứ vào Hiến Pháp, luật đất đai hay bộ luật nào khác.

Vậy, Nghị quyết 23 thực chất là gì?

Có lẽ, để hiểu rõ tính cách pháp lý của cái gọi là Nghị quyết 23 cần trở ngược lại một chút để tìm hiểu xem đâu là bối cảnh mà cái Nghị quyết này đã chào đời.

Báo Đại Đoàn Kết số 77, ngày 26 tháng 9 năm 2003, cho biết, tại phiên họp thứ 12 Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội khoá XI (ngày 25/9/2003): “UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về một vấn đề đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, đó là việc giải quyết các tồn đọng về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý và cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991. Các Uỷ viên Thường vụ Quốc hội đều thừa nhận đây là vấn đề tồn tại mang tính lịch sử mà Nhà nước còn đang mắc nợ nhân dân, nên cần phải sớm có chính sách để giải quyết dứt điểm” (trích nguyên văn).

Ngày 26/11/2003, Nghị quyết 23 chào đời, nói theo Báo Đại Đoàn Kết, là để xoá món nợ mà “Nhà nước đang nợ nhân dân”. Nói theo ngôn ngữ bình dân, sau khi suy xét rất kỹ, Nhà nước thấy “còn đang mắc nợ nhân dân”, thay vì trả món nợ ấy theo lẽ công bằng, thì nhà nước bèn ra một Nghị quyết buộc chủ nợ phải im lặng, không được đòi và nếu đòi thì “không xem xét giải quyết”. Về mặt pháp lý, nguyên tắc “nợ ai thì phải trả”, nếu không trả thì vi phạm pháp luật. Ở đây, khi ra Nghị quyết 23, Nhà nước đã vi phạm pháp luật hai lần: thứ nhất biết mình mắc nợ mà nhất định không chịu trả; thứ hai cố tình ra một văn bản vi Hiến và ép buộc mọi người phải tuân thủ.

Mới đây đã có bài viết của Luật sư Trần Lê Nguyên vạch rõ ra rằng: Nghị quyết 23 là một văn bản dưới luật. Đây không phải là một văn bản pháp lý. Về mặt nguyên tắc, một văn bản dưới luật mà đi ngược lại Hiến Pháp và pháp luật thì tự nó bị phế bỏ và phải bị tuyên bố là vi hiến.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 23 được hình thành mà không dựa trên bất cứ căn cứ pháp luật nào, hoàn toàn chỉ dựa trên một thứ “ý chí không ngay tình, thiếu công minh” của một đám nghị viên do đảng lãnh đạo và chỉ đạo. Chắc chắn đây không phải là ý nguyện của nhân dân - những người chủ mà nhà nước còn nợ họ.

Chính vì biết rằng người dân không đồng thuận nên tại điều 5 – cũng là câu chốt của Nghị quyết 23 - viết: “Quốc hội kêu gọi đồng bào trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích chung của toàn dân tộc, đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội, coi đây là sự đóng góp thiết thực vào sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước”.

Như vậy, câu chốt “Quốc hội kêu gọi đồng bào…” tự nó cho thấy Nghị quyết 23 không phải là một văn bản pháp lý, nó chỉ có tính cách kêu gọi, dạm hỏi dân có đồng ý không? Vì thế, không thể coi đây là căn cứ pháp lý trong việc giải quyết đât đai, tài sản của các tổ chức, cá nhân mà Nhà nước đã chiếm dụng bất hợp pháp. Nhà nước không thể vin vào đây để từ chối trách nhiệm phải trả lại “món nợ nhân dân”. Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật phải thượng tôn. Nếu Nhà nước cứ cố tình vin vào đó, thì Nhà nước đang đi sai đường lối, đang trắng trợn vi phạm pháp luật. Nhà nước không thể bắt dân đóng góp kiểu ấy, bởi việc đóng góp như thế tự nó không có giá trị. Tôi cưỡng đoạt chiếc xe của anh, sau đó anh đòi, thì tôi không trả, lại còn vô liêm sỉ ‘coi như là sự đóng góp”. Trường hợp này, người Hà Thành gọi là “xin đểu” và việc “xin đểu” thì luôn có sự chế tài của luật pháp.

Đối với khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà, việc áp đặt Nghị quyết 23 trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại của Dòng, thì càng khiên cưỡng, bởi Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà đã có đơn khiếu nại từ năm 1996 - tức là việc khiếu nại đã có trước khi Nghị quyết 23 ra đời 7 năm. Việc Nhà nước áp đặt Nghị quyết 23 trong trường hợp này giống với việc một ông bố cướp đất của con, anh con chưng ra những bằng chứng hợp pháp, thì ông bố không biết xoay sở cách nào thì lấy quyền làm bố và chế ra một thứ Nghị quyết để hợp pháp hoá chuyện cướp đoạt này và công bố với bà con chòm xóm rằng: “chuyện thằng con tôi nó đòi tôi, căn cứ vào Nghị quyết 23 - ra đời sau đó 7 năm, thì không có cơ sở giải quyết”.

Như vậy, Nghị quyết 23 là một văn bản không có giá trị pháp lý, vì pháp luật thì hướng người ta tới sự công bằng và nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.

Việc Quốc hội đưa ra nghị quyết này, chúng tỏ sự yếu kém trong việc quản lý Nhà nước của Nhà nước Việt Nam và cho thấy câu khẩu hiệu “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, chỉ là một câu khẩu hiệu sáo rỗng nhằm mị dân.

Việc áp đặt Nghị quyết 23 trong quá trình giải quyết khiếu nại đất đai,cho thấy Nhà nước Việt Nam tự cho mình cái quyền đứng ngoài vòng pháp luật, sẵn sàng ra bất cứ văn bản nào cho dù biết rằng nó là vi hiến.

Cũng vậy, việc các ông Nghị gật tại Quốc Hội cố tình, nhắm mắt ra một văn bản hoàn toàn dựa trên thứ “ý chí muốn chiếm đoạt tài sản người khác”, bất chấp “nhân dân có đồng ý hay không”, bất chấp việc “Nhà nước còn đang nợ nhân dân”, thì phải kể đây là một “vụ cướp hội đồng” và cái Nghị quyết 23 phải được gọi là “Nghị cướp…hai…ba” hay “hai…ba… cùng cướp”.

Hà Nội, ngày 6 tháng 9 năm 2008
 
Đấu Tranh Bất Bạo Động
Trung Điền
08:30 06/09/2008
Đấu Tranh Bất Bạo Động



Câu chuyện Thái Hà đã được nhiều cơ quan truyền thông của Quốc tế, Việt cộng và cả Cộng đồng hải ngoại tường thuật nhưng với cái nhìn khác nhau. Quốc tế thì tường thuật dưới khía cạnh đàn áp tôn giáo khi công an ra lệnh bắt giữ một số giáo dân và tung hơi cay giải tán các buổi lễ cầu nguyện. Phía Cộng sản Việt Nam thì cho đây là vụ kích động dân chúng phá hủy tài sản và gây rối trật tự cộng đồng, đồng thời bị thế lực thù địch bên ngoài giật dây theo kiểu “diễn biến hòa bình”. Phía Cộng đồng hải ngoại thì coi đây là vụ tranh chấp đất đai giữa Dòng Chúa Cứu Thế tại Giáo xứ Thái Hà với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm qua. Trong khi đó, qua Tâm Thư Dòng Chúa Cứu Thế, đứng tên bởi Linh Mục Đinh Hữu Thoại, cho biết cuộc đấu tranh của giáo dân Thái Hà là nhắm vào sự công bằng, công lý và lẽ phải đối với những tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà. Như vậy đây không thể nào gọi là cuộc tranh chấp đất đai và cũng không thể nào gọi là âm mưu phá hoại tài sản. Nói cách khác, đây là cuộc đấu tranh nhằm soi rọi sự thật mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cố tình che dấu.

Sự thật đó là khu đất tại Thái Hà của Dòng Chúa Cứu Thế đã bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm và giao cho công ty Dệt Thảm Len Đống Đa sử dụng từ năm 1961. Nhưng đến năm 1994 thì khu đất này lại biến thành đất của tư nhân khi công ty Dệt Thảm Len Đống Đa bán cho công ty May Mặc Chiến Thắng sử dụng. Không những thế, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam còn để cho nhiều cá nhân và đoàn thể như Hội hồng thập tự, ủy ban nhân dân phường Quang Trung, Trường học, Kho bạc nhà nước... đã chiếm dụng nhiều khu đất của nhà dòng theo kiểu tư nhân hóa. Từ năm 1996 cho đến nay, Dòng Chúa Cứu Thế đã khiếu nại nhiều lần với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam để yêu cầu tôn trọng quyền sở hữu và giao lại khu đất cho Nhà Dòng và Giáo xứ, nhưng Cộng sản Việt Nam đã không lên tiếng giải quyết. Dù vậy giáo dân và quý linh mục trong Dòng Chúa Cứu Thế vẫn giữ sự chừng mực trong các buổi lễ cầu nguyện, chờ đợi thiện chí giải quyết của phía nhà cầm quyền Hà Nội. Nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội qua văn thư số 2474/QD-UBND, đưa ra quyết định rằng việc yêu cầu trả lại nhà dòng của Dòng Cứu Thế tại Thái Hà là không có cơ sở.

Chính quyết định phi lý nói trên của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đã làm cho sự chịu đựng, nhẫn nhục đấu tranh suốt 12 năm qua của Giáo Dân và quý Linh Mục Dòng Chứa Cứu Thế tại Thái Hà bùng vỡ thành một thế đối đầu công khai để đi tìm công bằng và công lý cho Giáo hội. Ngày 15 tháng 8, hàng trăm giáo dân đã khởi động các cuộc tụ tập cầu nguyện ngay tại nơi khu nhà dòng bị công ty May Mặc Chiến Thắng sử dụng. Ngày 19 tháng 8, các Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà đã gửi đơn Khiếu nại tới ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và các cơ quan liên hệ để yêu cầu trao quyền sử dụng đất cho Dòng Chúa Cứu Thế.

Nhìn vào diễn tiến đấu tranh tại Thái Hà trong suốt 12 năm vừa qua của Dòng Chúa Cứu Thế và đặc biệt trong hơn 2 tuần lễ vừa qua cho thấy là Cộng sản Việt Nam đang ở vào thế lúng túng đối phó trước cường độ tụ tập công khai cầu nguyện của Giáo dân Thái Hà ngày một gia tăng. Tình hình này đang đẩy Cộng sản Việt Nam ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu Cộng sản Việt Nam cho công an ra tay đàn áp mạnh thì sẽ bị quốc tế lên án coi đây là vụ đàn áp tôn giáo. Sợi giây thòng lọng CPC chắc chắn sẽ bị Hoa Kỳ cột ngay vào cổ của ông Nguyễn Tấn Dũng trong lúc ông ta đang vất vả đối chọi với phe bảo thủ. Nhưng nếu Cộng sản Việt Nam không làm gì cả, chỉ hù doạ và bắt giữ một số giáo dân đầu não đứng ra tổ chức các buổi lễ cầu nguyện thì vấn đề còn nguyên vẹn. Các Linh Mục của Dòng Chúa Cứu Thế đã biết khai thác phương thức đấu tranh bất bạo động một cách rất bài bản để vận dụng sự tập hợp đông đảo giáo dân tạo sức ép thường trực lên thành phần công an. Các Linh Mục đã điều hướng cuộc đấu tranh bất bạo động ra sao tại Thái Hà?

Yếu tố đầu tiên trước khi công khai tổ chức các buổi lễ cầu nguyện là minh định chính nghĩa. Đọc qua lá thư tường trình của Linh Mục Đinh Hữu Hoạt về diễn tiến sự việc, người ta thấy rõ sự vô lối của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trong việc cướp đất của nhà dòng và cho bán đi bán lại kiếm lời giữa các cơ quan nhà nước. Khi giáo dân và dư luận thấy rõ mục tiêu đấu tranh, tức là thấy rõ chính nghĩa, nên họ đã sẵn sàng hành động.

Yếu tố thứ hai là nhờ thấy rõ chính nghĩa và thấy sự yếu kém của 12 năm âm thầm đấu tranh không hiệu quả, các Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế đã chọn thế công khai hành động mà phương thức là cầu nguyện. Trong tay không có một tấc sắt sẽ dễ làm cho con người chùn bước đối đầu trước bộ máy bạo lực của công an. Nhưng nhờ có niềm tin và nhờ dựa vào sức mạnh che chở của Chúa qua cầu nguyện, giáo dân đã vượt lên trên sự sợ hãi.

Yếu tố thứ ba là các giáo dân đã tham gia cầu nguyện với một tinh thần kỷ luật cao độ. Ngay đêm 28 tháng 8 khi bị công an dùng dùi cui, roi điện tấn công, khiêu khích bằng những lời khiếm nhã, hay qua ngày hôm sau mồng 1 tháng 9, khi bị nhóm du đãng của công an trà trộn tung hơi cay nhằm gây rối buổi lễ cầu nguyện.... các giáo dân vẫn không tạo sự náo loạn. Mọi người đã theo sự hướng dẫn của các Linh Mục tiếp tục cầu nguyện và đã không có hành động chống trả. Đây là thái độ quan trọng trong đấu tranh bất bạo động để bẻ gãy những âm mưu khiêu khích của công an nhằm tìm lý cớ giải tán hay bắt giữ người tham dự các cuộc biểu tình.

Yếu tố thứ tư là các giáo dân sẵn sàng trực diện với nhà tù khi có người bị bắt. Khi công an quận Đống Đa quyết định bắt giữ hai giáo dân là bà Lê Thị Hợi và ông Lê Quang Kiện vào trưa ngày 28 tháng 8, hàng trăm giáo dân đã gọi nhau ra tụ tập trước trụ sở quận Đống Đa để cầu nguyện. Đây là hành động phản đối tập thể và công khai về hành vi bắt giữ người một cách phi lý của công an, có tác dụng tinh thần rất lớn cho gia đình của những người bị bắt, đồng thời giúp củng cố tinh thần đoàn kết và sẵn sàng cùng nhau chiến đấu của các giáo dân còn lại.

Yếu tố thứ năm là sự liên tục và kiên trì tham dự các buổi lễ cầu nguyện bất chấp những hù dọa, xuyên tạc của bộ máy truyền thông nhà nước. Ngay từ ngày 17 tháng 8 sau khi giáo dân tổ chức buổi lễ cầu nguyện đầu tiên, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã sử dụng bộ máy truyền thông đả kích và bóp méo tinh thần buổi lễ, đồng thời chỉ thị cho các thầy cô tra vấn học sinh và đe dọa sẽ cho nghỉ học nếu gia đình nào có người tham dự các buổi lễ cầu nguyện. Những đòn xảo quyệt này của công an hoàn toàn mất tác dụng khi giáo dân đã thấy rõ chính nghĩa của việc họ làm.

Yếu tố thứ sáu và cũng là yếu tố quan trọng của đấu tranh bất bạo động là sự liên kết giữa các cộng đồng để ủng hộ tinh thần cho nhau. Sự hiệp thông của những giáo dân ở các khu vực khác ngoài Thái Hà ngay sau khi có cuộc đàn áp xảy ra vào tối ngày 28 tháng 8, đã không chỉ làm phấn khởi tinh thần giáo dân Thái Hà mà còn làm cho Cộng sản Việt Nam phải chùn tay – dòm trước ngó sau – vì sợ công luận lên án.

Nói tóm lại, cuộc đấu tranh tại Thái Hà chắc chắn sẽ có ngày phải kết thúc. Sự kết thúc này phần lớn nằm ở thái độ ứng xử của Cộng sản Việt Nam. Nếu khôn ngoan, họ sẽ chọn theo cách giải quyết tòa Nhà Chung hồi đầu năm nay là ký quyết định trả khu đất dòng tu cho Dòng Chúa Cứu Thế. Ngược lại, nếu Cộng sản Việt Nam ngoan cố và tìm cách đàn áp các buổi lễ cầu nguyện thì họ sẽ hứng chịu một hậu quả khó lường trong bối cảnh mở cửa hiện nay.
 
Cố đấm ăn xôi (thơ)
Thái Hà
08:45 06/09/2008
Lời của ‘bác” đồng bào nghe rõ
Ý đồng bào đảng bỏ ngoài tai
Độc lập sáu chục năm nay
Công bằng, bác ái còn vời vợi xa

Đất giáo xứ Thái Hà đảng chiếm
Tài sản người hô biến … của ta
Chia nhau cán bộ xây nhà
Giáo dân đòi lại lần la câu giờ

Bảo dân cứ đợi chờ đảng …xét
Hết kỳ nầy hẹn tiếp kỳ sau
Mười hai năm chợt qua mau
Bây giờ … mặt ngựa đầu trâu hiện hình

Giận thay đám truyền thông nhà báo
Cùng giáo gian điên đảo trắng đen
Đúng quân ti tiện đê hèn
A tòng cũng đảng cướp gian hại người

Trước thế giới thêu hoa dệt gấm
Đối với dân cố đấm ăn xôi
Mặt dày hơn cả tường vôi
Khôn nhà dại chợ muôn người biết danh!
 
Đức Cha Đặng Đức Ngân từ Lạng Sơn về thăm Thái Hà
DCCT Thái Hà
09:33 06/09/2008
THÁI HÀ - Khoảng 10h30, ngày 6.9.2008, dưới trời mưa, Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân, Gp Lạng Sơn đã đến linh địa Đức Bà hiệp thông cầu nguyện với các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân Giáo xứ Thái Hà.

Xem thêm hình ảnh các buổi cầu nguyện hôm nay

Tại linh địa, sau khi cầu nguyện Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân đã trò chuyện với các linh mục, tu sĩ DCCT và anh chị em giáo dân hiện diện tại linh địa:

"Trong những ngày đi thăm các nơi thuộc tỉnh Lạng Sơn, được nghe rất nhiều về chuyện Thái Hà, và rất nhiều người thắc mắc về Thái Hà. Trong tư cách là Giám Mục, tôi đã phải giải thích cho giáo dân về những thông tin sai lạc và hiểu sai về các cha cũng như bà con giáo dân ở giáo xứ Thái Hà.

Tôi rất cảm động, cảm động không phải về vấn đề đất đai, mà là sự cảm động về sự thể hiện khao khát giá trị đức tin, công lý, hoà bình và tình yêu thương. Cầu xin Mẹ cho chúng ta đừng để xảy ra những gì đáng tiếc khi quá bức xúc, hoặc trong cách cầu nguyện, nói năng đừng bao giờ đánh mất giá trị thiêng liêng. Xin Đức Mẹ đón nhận lời cầu nguyện của anh chị em đến đây cùng hiệp nhất với quý cha và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Thái Hà và xin cho mọi công việc trở nên dấu chỉ tốt đẹp đem lại niềm vui, hạnh phúc cũng như tất cả những gì anh chị em mong ước được thực hiện nơi đây. Tôi cũng cám ơn những ai hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà…"


 
Tâm thư Ban Tuyên Úy Sydney về những diễn biến tại Thái Hà
Ban Tuyên Úy Sydney
09:47 06/09/2008
Kính thưa quý Ông Bà và Anh Chị Em

Qua các phương tiện truyền thông, chắc hẳn Ông Bà và Anh Chị Em đã ít nhiều theo dõi về việc công an Hà Nội nhẫn tâm đàn áp và gây thương tích cho các giáo sĩ và giáo dân tại Giáo xứ Thái Hà. Chính quyền Cộng Sản lại một lần nữa đã bất chấp dư luận và công pháp quốc tế chà đạp thô bạo nhân quyền và khống chế quyền thiêng liêng nhất của mỗi con người là quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.

Hiệp thông cùng các giáo dân tại hải ngoại và các Cộng Đồng Công Giáo Liên Bang Úc Châu cũng như những người yêu chuộng tự do công lý trên toàn thế giới, BTU, sau khi hội ý với Ban Thường Vụ, tha thiết kính xin Ông Bà và Anh Chị Em vui lòng ký thỉnh nguyện thư sau mỗi Thánh Lễ hôm nay để bày tỏ tình liên đới đồng bào đồng thời yêu cầu Chính Quyền Liên Bang Úc Châu cực lực lên án chính quyền Cộng sản Việt nam và đòi buộc phải lập tức chấm dứt những hành vi tàn ác và man rợ này.

TM. Ban Tuyên Úy

Lm Nguyễn Khoa Toàn

Tuyên Úy Trưởng
 
16 linh mục hạt Xóm Mới thuộc Tổng giáo phận Saigòn viết thư Hiệp thông với Thái Hà
LM Đaminh Đinh Ngọc Lễ
11:51 06/09/2008
16 linh mục hạt Xóm Mới thuộc Tổng giáo phận Saigòn viết thư Hiệp thông với Thái Hà

Kính gửi:
Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Cha Bề trên, qúi Cha Dòng Chúa Cứu Thế
và bà con Giáo dân giáo xứ Thái Hà, Hà Nội:

Kính thưa qúi Cha và qúi vị:

Từ ít lâu nay chúng con đã theo dõi những sự việc diễn tiến tại Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà;
Mới đây chúng con đã được đọc:
- Thư Mục tử của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Saigòn"
- Thư của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế gửi các Linh mục Việt Nam,
- Thư của Cha Giám tỉnh gửi anh em Dòng Chúa Cứu Thế,


Nhân danh Linh Mục Doàn và gần 60.000 giáo dân Giáo Hạt Xóm Mới, giáo phận Tp.HCM, trong tinh thần hiệp thông và liên đới, chúng con:

- Xin chia sẻ "Âu lo và Hy vọng" của quí cha và qúi vị,
- Cầu chúc qúi cha và qúi vị được khôn ngoan, can đảm, kiên trì trong mọi tình huống,
- Cầu mong mọi sự việc được giải quyết ổn thỏa, dựa trên lẽ phải, sự thật, công chính và bình an.

Tp. HCM, ngày 5.6.2008
Thay mặt Giáo hạt Xóm Mới
Hạt trưởng ký tên
LM Đaminh Đinh Ngọc Lễ


Các linh mục đang làm mục vụ tại Giáo hạt Xóm Mới, trong buổi sinh hoạt và tĩnh tâm sáng ngày thứ Ba 2/9/2008
đã nhất trí nói lên tâm tình của mình về vụ Thái Hà và đồng ý:
  • l. LM Giuse Mai văn Ru, chánh xứ An Nhân
  • 2. LM J.B. Nguyễn Ngọc Tân, phó xứ An Nhân
  • 3. LM Vinhson Nguyễn Đức Sinh, chánh xứ Bắc Dũng
  • 4. LM F.X. Nguyễn Hoàng Linh, chánh xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
  • 5.LM Phaolô Nguyễn Thức, chánh xứ Hà Đông
  • 6.LM Giuse Nguyễn Minh Thúy, phó xứ Hà Đông
  • 7.LM Đaminh Đinh Ngọc Lễ, chính xứ Hà Nội
  • 8.LM Vinhson Vũ Đức Liêm, chánh xứ Hoàng Mai
  • 9. LM Phêrô Nguyễn Văn Bắc, chánh xứ Hợp An
  • 10. LM Phêrô Nguyễn văn Nhuận, chánh xứ Lam Sơn
  • 11.LM JB.Nguyễn Văn Luyến, chánh xứ Lạng Sơn
  • 12.LM Giuse Phạm Trung Thu, chánh xứ Nữ Vương Hòa Bình
  • 13. LM Phêrô Nguyễn Văn Thiềm, chánh xứ Tân Hưng
  • 14.LM J.B.Nguyễn Xuân Đức, chánh xứ Thạch Đá
  • 15. LM Giuse Bùi Văn Quyền, chánh xứ Trung Bắc
  • 16. LM Vinhson Nguyễn Minh Huấn, chánh xứ Tử Đình
 
Thái Hà ơi! (thơ)
Trần Thế
12:13 06/09/2008
THÁI HÀ ƠI!

Thái Hà máu lệ, Thái Hà ơi!
Viết chẳng nên câu, nói nghẹn lời
Kinh hạt thế nào đương đầu nổi
Hơi cay, lựu đạn với dùi cui
Công lý chết rồi, dư bạo lực
Chân lý quay lưng mặc múa môi
Thiện ác, đáo đầu chung hữu báo
Thái Hà bình tĩnh, Thái Hà ơi!
 
6.000 lượt người dự thánh lễ ngày 6.9.2008 tại Thái Hà do GM Nguyễn văn Yến chủ sự
PV VietCatholic
13:20 06/09/2008
THÁI HÀ - Bất kể trời mưa tầm tã. Người thập phương về Thái Hà như nước chảy. Họ đến để kính viếng Đức Mẹ và tìm hiểu ngọn nguồn thực hư vụ Thái Hà qua những thông tin trên đài báo ti vi. Họ đến từ các giáo xứ ở Vinh, Thanh Hoá, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ, v.v. Chúng tôi gặp cả một số người đến từ Miền Nam.

Thánh lễ ban sáng tại Thái Hà

Hình ảnh đông giáo dân các nơi về tham dự Thánh Lễ ở Thái Hà

Tại nhà thờ Thái Hà, mới 9 h 45 phút đã lễ thứ ba. Người ngồi đầy sân. Khi chúng tôi đến thì cha Nguyễn Ngọc Hinh, Chính xứ Phùng Khoang và Hà Đông đang giảng lễ.

Khoảng 10 h, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Lạng Sơn- Cao Bằng và Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch UB Bác ái của HĐGM, Đặc trách Ban Bác ái của Giáo Tỉnh Hà Nội, đã cùng giáo dân đội mưa ra kính viếng Linh địa Đức Bà.

Hai Đức Cha đã cầu nguyện chung với giáo dân ít phút và cùng ban phép lành cho các tín hữu. Đức Giám Mục Lạng Sơn đã ngỏ lời với cộng đoàn tín hữu trên hệ thống tăng âm như sau: “ … Trong tư cách là giám mục những ngày vừa qua tôi đã phải giải thích những thông tin sai lạc và hiểu sai về các cha cũng như bà con giáo xứ Thái Hà. Tôi rất cảm động về sự thể hiện khao khát giá trị đức tin, công lý và hoà bình”.

Trước khi ban phép lành cho cộng đoàn dân Chúa hiện diện tại Linh địa Đức Bà, Đức Giám Mục Lạng Sơn kệu gọi mọi người hiệp thông cầu nguyện và cảm ơn những ai hiệp thông cầu nguyện cho Thái Hà.

Khu vực nhà thờ người chật như nêm cối. Các tầng lầu, các phòng học giáo lý, khu đến Giêrađô, các hành lang của nhà xứ đều chật ních những người là người. Một tu sĩ mang tu phục phải vất vả lắm mới mở đựơc lối cho một số linh mục lên bàn thờ chuẩn bị làm lễ.

Các công an chìm nổi đứng đầy quanh nhà thờ và chen giữa giáo dân. Khi chúng tôi đang ở khu vực cổng nhà thờ thấy một người mang thường phục đang ra lệnh cho một quán bán đồ ăn dẹp lều bạt để khỏi gây ách tắc. Lát sau chúng tôi mới biết người ấy là một ông công an khi thấy một linh mục trao đổi với ông về chuyện gì đó gần cổng nhà thờ, trước trụ sở Hội Chữ Thập Đỏ.

Đức Cha Giuse Nguyễvăn Yến dâng thánh lễ tại giáo xứ Thái Hà

Sau khi viếng thăm Tu viện và cầu nguyện tại linh địa Đức Bà, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch Ủy ban Bác ái xã hội, đặc trách Uỷ ban Bác ái Giáo tỉnh Hà Nội, đã chủ tế thánh lễ tạ ơn Đức Mẹ trong ngày hành hương đầu tháng. Số giáo dân tham dự thánh lễ ước chừng 6000 người, đến từ các giáo phận: Hà Nội, Phát Diệm, Bùi Chu, Thanh Hoá, Hải Phòng, Thái Bình, Vinh, Hưng Hoá, và Bắc Ninh… Dường như từ trong nhà thờ ra đến ngoài sân, vào tận tầng một và tầng hai của Tu Viện, cũng như khuôn viên đến thánh Giêrađô không con chỗ nào trống.

Đầu Thánh lễ, cha Bề Trên Chánh xứ Mátthêu Vũ Khởi Phụng đã có lời chào mừng Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và giáo dân đến từ khắp nơi, ngài nói: “Chúng con rất vui mừng được Đức Cha và các Cha đến đây để hiệp thông cầu nguyện, có lẽ là sự yêu thương của Đức Cha, quý cha và tất cả anh chị em những ngày này dâng lên cao độ, khiến cho Tu Viện, Giáo xứ trên cái mảnh đất của chúng con bị quá tải, không thể nào bảo đảm những tiện nghi tối thiểu cho Đức Cha, quý cha và anh chị em. Nhưng như cha xứ Bắc Giang vừa nãy nói với con: “Quá tải thì quá tải, nhưng không ai nỡ trách Thái Hà quá tải. Bởi vì ai cũng muôn tới đây để cầu nguyện.” Đội ơn Chúa đội ơn Đức Mẹ, cảm tạ Đức Cha các Cha và anh chị em.”

Trong lời chào đầu lễ Đức Cha Giuse đã nói lên tinh thần chia sẻ, hiệp thông của mọi tín hữu đối với những khó khăn ở Thái Hà: “Hôm nay chúng ta từ mọi miền đất nước hợp nhau ở đây để cầu nguyện với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, để dâng thánh lễ, để chia sẻ, hiệp thông với những khó khăn ở mảnh đất này, ở DCCT, ở Giáo xứ Thái Hà". “Chúng ta họp mặt ở đây là để cầu nguyện cho công lý và sự thật”. Trong bài giảng lễ Ngải lại nhấn mạnh: “Chúng ta tất cả đều liên đới với nhau. Chúng ta có mặt ở đây là để liên đới với giáo xứ Thái Hà.” “Chúng ta đến đây tất cả là vì niềm tin và sự liên đới như Chúa Giêsu dạy chứ không có lợi lộc gì”.

Các linh mục đồng tế trong thánh lễ này gồm có:

Quý cha trong Linh Mục Đoàn Hà Nội:
1. Cha Giuse Nguyễn Khắc Quế, Chính xứ Thạch Bích, quản hạt Hà Tây-Hoà Bình.
2. Cha FX Vũ Quang Hùng, Giáo xứ Cẩm Cơ.
3. Cha Giuse Phạm Minh Triệu, Phó xứ Hàm Long.
4. Cha Antôn Trịnh Duy Công, Phó xứ Sở Kiện.
5. Cha Giacôbê Nguyễn Văn Lý, Giáo xứ Hàm Long, Quản hạt Hà Nội.

Quý cha trong Linh Mục Đoàn Giáo phận Bắc Ninh
6. Cha Giuse Trần Quang Vinh, Đại diện Giáo phận Bắc Ninh
7. Cha Giuse Nguyễn Huy Tảo, Quản hạt Bắc Giang
8. Cha FX Nguyễn Đức Đại, Chính xứ Thái Nguyên.
9. Cha Giuse Trần Bá Hạnh, Chính xứ Đại Lãm.
10. Cha Đa Minh Vũ Quang Trí, Giáo xứ Tư Đình-Gia Lâm.
11. Cha Giuse Ngô Ngọc Đoàn, Chính xứ Ngọ Xá.
12. Cha Giuse Hoàng Trọng Hựu, Giáo phận Bắc Ninh
13. Cha Đa Minh Bùi Văn Sáu, Giáo phận Bắc Ninh

Quý cha quý thầy Dòng Thừa sai Đức tin, Phú Cường, Bình Dương
14. Phó tế Mátthêu Phạm Thanh Hoàng.
15. Cha Đa Minh Nguyễn Công Khương

Ca đoàn giáo xứ Lan Mát, Hà Nam hát lễ rất khí thế, hoành tráng và sốt sắng. Những người đọc sách và hát lễ của ca đoàn này thấy có vẻ rất chuyên nghiệp.

Kết thúc thánh lễ, cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, đã thay mặt Giáo xứ Thái Hà cám ơn Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, quý cha và cộng đoàn hiện diện. Ngài nói: “Sự hiện diện của quý đức cha là sự hiện diện của thẩm quyền Hội ThánH luôn ở bên chúng con, ở sau lưng chúng con

Sau đó, đoàn người đông đảo cùng các linh mục đã lại đội mưa lội bùn đất ra Linh địa Đức Bà cầu nguyện.


 
Công an chặn xe các giáo dân từ các nơi xa về Hành hương Đức Mẹ Thái Hà
PV VietCatholic
13:41 06/09/2008
THÁI HÀ - Chúng tôi nhận được tin tức từ một số các giáo phận miền Bắc cho biết rằng: một số các đoàn xe chở giáo dân do các linh mục dẫn đầu đi về Thái Hà hành hương đã bị công an địa phương theo dõi và chặn không cho đi.

Đoàn xe các anh chị em giáo dân từ Phát Diệm đi Thái Hà bị công an giải tán không cho đi. Họ phải tìm phương tiện riêng để đến được Thái Hà. (Nghe cuộc phỏng vấn)

Đoàn giáo dân giáo xứ Thái Nguyên gồm 6 xe ca khoảng 300 người sáng nay trên đường đến Thái Hà thì bị công an chặn không cho vào thành phố. Họ phải thuê xe nhỏ để tiếp tục cuộc hành hương. Các đoàn từ Thái Bình, Bùi Chu cũng bị chặn tương tự. Trên các tuyến xe đò vào Hà Nội, công an chặn xét hỏi và ép quay về những ai nói đi Thái Hà hay quận Đống Đa. Nhiều người đón xe buýt đi bệnh viện Đống Đa đều bị từ chối. Đó là một trong nhiều biện pháp thể hiện tự do tôn giáo của đất nước ta trong thời đại mở cửa – dù sao cũng “tế nhị” hơn những cung cách hành xử trước đây, hay ít ra nơi các thành phố lớn.

Cha Công ở Hà Nam, cùng đi hành hương với một nhóm giáo dân xứ Lan Mát, cho biết, đoàn của họ đi xe 30 chỗ, bị công an chặn ở ngã tư Vọng. Cả nhóm phải thuê một xe khác 15 chỗ chở 2 chuyến từ đấy vào nhà thờ Thái Hà.

Cha Đại đến từ thành phố Thái Nguyên cho biết: “Công an theo sát từ hôm qua. Chúng tôi phải đi từ 2h sáng thay vì 9h như dự định mới mong không bị chặn từ gốc. Thế mà khi đến Cầu Giấy- Hà Nội xe vẫn bị chặn. Chúng tôi phải thuê 6 chuyến xe nhỏ để đưa anh chị em giáo dân vào Thái Hà”.

Mặc cho những cơn mưa và gió lạnh rả rích từ đêm đến suốt sáng hôm nay thứ Bảy 6-9-2008, ngay từ sáng sớm giáo dân thuộc nhiều giáo phận miền Bắc lũ lượt tìm đến linh địa Đức Bà giáo xứ Thái Hà. Các ngày thứ Bảy đầu tháng vốn đã đông đúc, nay lại càng đông hơn vì các phương tiện truyền thông Nhà Nước mấy ngày qua loan tin về “tin đồn thất thiệt Đức Mẹ hiển linh tại mảnh đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng”, rồi còn thêm chi tiết: “khoảng 7 giờ sáng, trên bầu trời xuất hiện hình người nữ, đầu đội vương miện, tay trái bồng hài nhi, hiện ra, đứng trên mặt trời mọc... Rồi những hình tròn trắng nhỏ với viền đỏ xung quanh bắn ra từ mặt trời... ”.

Dĩ nhiên họ nhằm lên án, cho rằng các linh mục DCCT Thái Hà cố tình thêu dệt. Nhưng ý đồ lên án và vu cáo ấy đã gây phản tác dụng: giáo dân từ các giáo phận miền Bắc kéo đến ngày một đông để xem sự lạ mà báo đài loan tin để chứng kiến hư thực.
 
Lan man với Thái Hà
Trương Phú Thứ
14:44 06/09/2008
LAN MAN VỚI THÁI HÀ

Buổi sáng nay “lên mạng” theo dõi diễn biến vụ Thái Hà trên VietCatholic, tôi “chịu” nhất bài viết rất ngắn gọn nhưng lại quá rõ ràng và phân minh của tác giả Joseph Nguyễn. Vị thức giả này thật tinh mắt hoặc có thể vì nghề nghiệp chuyên môn đã chỉ dẫn cho độc giả thấy những thủ đọan gian manh của bọn người chỉ biết gian dối và bịp bợm. Bản tính gian dối và bịp bợm đó đã phơi bầy ra cái ngu dốt của những người chuyên lấy lươn lẹo xảo trá làm kim chỉ nam cho từng lời nói cho đến hành động.

Nhìn vào văn bản của những người cầm quyền trưng bầy ra để xác định rằng linh mục Vũ Ngọc Bích đã bàn giao nhà cửa đất đai của dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà cho Nhà Nước quản lý vào ngày 27 tháng 5 năm 1962 (bị sửa lại là 1963) thì một người bình thường cũng có thể có những câu hỏi như sau:

1- Câu hỏi thứ nhất thuộc về lãnh vực kỹ thuật: Kiểu chữ (font) của mẫu in này là một trong những kiểu chữ rất thông dụng của chương trình Microsoft Word đã được công ty Microsoft của tỷ phú Bill Gates phát minh vào năm 1989. Thế mà 26 năm trước, vào năm 1963 “Đảng và Nhà Nước ta” đã có kiểu chữ này “chế tạo” ra cái mẫu in để cho một người ở cõi âm được mang tên là linh mục Vũ Ngọc Bích ký vào. Các “đỉnh cao trí tuệ” ở Hà Nội sẽ trả lời sao? Người dân miền Nam có thói quen giơ tay lên trời mà than rằng: “hết chỗ nói” để diễn tả hoặc phản ứng lại một hành động gian giảo bịp bợm trắng trợn. Ngụy tạo và gian dối mà không có “tay nghề” chỉ phơi bầy ra cái ngu dốt. Thiệt đúng là …hết chỗ nói.

2- Chữ ký của “cụ Bích” khi thế này lúc thế nọ. Những tay chuyên làm công việc sai trái, như giả mạo chữ ký của người khác, thì lại luôn luôn ở trong một tình trạng tâm lý bất an, do vậy rất khó có thể “sao y bản chính” một cách thuần thục. Do vậy chữ ký cũng như chữ viết của “cụ Bích” cũng không thể nào đi theo một mẫu mực nhất định được. Mang những mẫu chữ và chữ ký của “cụ Bích” từ các văn bản khác nhau đến một cơ quan chuyên giảo nghiệm về chữ viết và chữ ký thì chắc hẳn sẽ nhận được một câu trả lời ngắn gọn: Bịp và đại bịp.

Lan man sang một chuyện khác thì đọc báo Hà Nội Mới có bài vịết nói rằng quốc hội của đảng cộng sản Việt Nam đã thông qua nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 không xem xét lại những khiếu nại về nhà đất chi phối bởi luật lệ về nhà đất ban hành trước ngày 1 tháng 7 năm 1991. Một người mù tịt về luật pháp chẳng biết thế nào là nghị quyết và cũng không có một ý niệm nào về thể thức sọan thảo và ban hành một bộ luật thì chỉ có một hình ảnh như sau: Một bọn cướp hung dữ với súng đạn trong tay chia phiên nhau đi cướp của giết người. Sau khi đứa nào cũng vơ vét đầy ắp túi tham rồi họp nhau lại, nhân danh các nạn nhân mà tuyên bố rằng: Kể từ hôm nay, các đồng chí không được cướp của giết người nữa vì chúng ta người nào cũng giầu có dư thừa rồi. Chúng ta có súng đạn trong tay thì ai mà dám cựa quậy. Các đồng chí cứ yên vị mà ăn chơi. Con cháu các đồng chí tha hồ thụ hưởng đời này sang đời khác. Chuyện cũ kể như xếp lại một bên, đã đi vào lịch sử. Các đồng chí cứ quên đi và yên tâm tại vị. Ai mà kiện cáo khiếu nại gì thì cứ nói là không có cơ sở để giải quyết. Thế là xong.

Một chuyện rất đáng vui mừng là nhìn những tấm ảnh chụp giáo dân tập họp nhau cầu nguyện trên miếng đất của giáo xứ Thái Hà phần đông là thanh niên thiếu nữ. Tuổi trẻ của những người này đã không bị lôi cuốn vào những sa đọa rẻ riền nhưng họ đã tìm ra và đi theo đường chân lý. Tuổi trẻ là tương lai của tổ quốc. Tuổi trẻ như những bó củi khô thắp sáng lên một chân trời rực rỡ và cũng thiêu rụi đi những hận thù bạo tàn. Tuổi trẻ Việt Nam sẽ mang vinh quang về cho quê hương và dân tộc. Thật vui mừng lắm thay.
 
Chính quyền Việt Nam đi ngược lại với những tư tưởng của Ủy Ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc
LS Phạm Đình Hải
14:51 06/09/2008
Chính quyền Việt Nam đi ngược lại với những tư tưởng của Ủy Ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc

Vào những năm 1990, Ủy ban Nhân quyền đã có những biện pháp nhằm điều tra tình hình nhân quyền tại một số quốc gia trên thế giới và quá trình này vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Có thể nói rằng đây là một hoạt động chủ yếu và rất thiết thực của Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc liệt kê vào một trong những nước bị xâm hại về nhân quyền và tôn giáo bị coi nhẹ.

Ở Việt Nam, thực sự thì chưa có một tổ chức liên minh chính thức nào vì Dân chủ và cùng các tổ chức khác đấu tranh cho việc thành lập chính quyền dân chủ tại Việt Nam để tạo ra những thay đổi về chính trị và xã hội, mà sẽ là đảm bảo một xã hội tiến bộ, ổn định và hòa bình, như đã được phác thảo trong Bản tuyên ngôn Nhân quyền. Trong đó các quyền tự do cơ bản của con người được luật pháp bảo vệ.

Những ai đang đấu tranh cho nền dân chủ tại Việt Nam cũng đều mong muốn phân biệt rõ giữa "sự cai trị bằng luật pháp", điều vốn có nghĩa là sự quản lý công bằng và vô tư của luật pháp hiến định – tức là những biện pháp do một Quốc Hội dân tuyển thông qua – và tiến trình luật pháp lẫn trật tự mà chỉ đơn thuần là sự "cưỡng chế bằng sắc lệnh độc đoán" của một chính quyền không do nhân dân ủy thác mà có, hoặc trên danh nghĩa thì chính quyền đó là của nhân dân nhưng lại đi ngược lại với lợi ích và những mong muốn của nhân dân.

Chẳng phải là giáo dân Giáo xứ Thái Hà – Dòng Chúa cứu thế Hà Nội đang tranh cho một nền dân chủ tại Việt Nam đấy chăng. Chính họ đang đứng lên để đấu tranh tự do, hòa bình và công bằng mà chính quyền Việt Nam đã và đang bóp méo nó. Những ai tin tưởng vào quyền bất khả xâm phạm của Nhân quyền không phản đối khái niệm luật pháp và trật tự, nhưng họ muốn được đảm bảo rằng sự công bằng được thực hiện và người ta đã thấy nó đang được thực hiện. Không thể nói những sắc lệnh có mục đích thực hiện những biện pháp chống lại những ai đang đấu tranh bảo vệ tình trạng những quyền mà Liên Hợp Quốc thừa nhận như là cốt lõi của tự do, hòa bình và công bằng thoát khỏi cảnh bị chà đạp là lực lượng đạo đức hay hợp pháp được.

Chính sách trước sau như một của Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc là tôn trọng và giữ gìn những luật pháp công bằng.

Giáo hội Công giáo nói chung và Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng đồng thừa nhận rằng, những ai mong muốn xây dựng một đất nước vững mạnh và hòa bình đều có bổn bận tránh những biện pháp tấn công vào chính nền tảng sự thật, công bằng và phẩm hạnh của con người.

Rất nhiều tù nhân chính trị đang bị giam giữ ở Việt Nam ngày nay đều bị quy vào tội hình sự bởi nỗ lại gìn giữ các điều khoản 19, 20 và 21 của Bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Và hiện tại, có một số giáo dân giáo xứ Thái Hà cũng bị Cơ quan công tố buộc tội theo Điều 143 Bộ luật hình sự, về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Suy cho cùng thì những người giáo dân Thái Hà là những người đang bày tỏ lòng ủng hộ đối với dân chủ và nhân quyền, họ đều không hề mong muốn có sự xung đột và đối đầu, điều chỉ có thể mang lại sự khốn khổ hơn nữa cho nhân dân nói chung và giáo dân Giáo xứ Thái Hà nói riêng vốn đã và đang bị đau khổ nhiều trước cảnh hà khắc chính trị.

Tìm kiếm sự hiểu biết thông qua đối thoại và thương lượng chính là nguyên tắc được thừa nhận của truyền thống dân chủ, điều mà các tổ chức liên minh vì Dân chủ vẫn luôn tuôn thủ kể từ khi thành lập. Những ai đang mong muốn có một chuyển dịch hòa bình và sớm sang một chính quyền dân chủ đều hiểu giá trị của phát biểu sau đây: "phủ nhận quyền của con người chính là khơi mào cho sự bất ổn về chính trị lẫn xã hội". Do đó, mà những nỗ lực của họ đều là nhằm tạo ra những điều kiện mà sẽ tránh được tình cảm rối ren chính trị và xã hội này. Thế nhưng các nỗ lực của chúng ta đều gặp sự cản trở rất quyết liệt của nhà cầm quyền là không biết tôn trọng ý muốn của đa số.

Hy vọng rằng Ủy Ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc sẽ có thể dành được những điều kiện cho phép quan tâm những ai cổ động và ủng hộ cho nhân quyền, công lý và sự thật ở Việt Nam (nhất là các giáo dân của Việt Nam đang bị nhà cầm quyền giam giữ) được chân thành nói lên quan điểm của mình mà không gặp cảnh lo sợ bị trả thù đối với bản thân mình, người thân của mình hay bạn bè mình.
 
Thái Hà, sẽ đi về đâu?
Alfonso Hoàng Gia Bảo
15:02 06/09/2008
Thái Hà, sẽ đi về đâu?

Đáp án cho ‘bài toán’ Thái Hà có vẻ như ngày càng khó giải, vì nhìn lại thì suốt mấy chục năm qua chưa có một cuộc phản đối chính quyền của một tập thể nào diễn ra một cách công khai mà lại ‘sống thọ’ đến những 8 tháng như Thái Hà.

Hơn 10 năm trước, vào đầu tháng 11/1997 khoảng 1.000 giáo dân tại Trà Cổ, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai cũng đã từng xuống đường biểu tình chống hành động cướp đất và tham nhũng của các quan chức đảng tại tỉnh Ðồng Nai. Nguyên nhân cũng lại chuyện đất đai y hệt như Thái Hà hôm nay, chính quyền yêu cầu Cha Thuấn, địa phận Trà Cổ phải ký tên giao cho nhà nước mảnh đất đang trồng cây chàm của giáo xứ Trà Cổ, nhưng Cha Thuấn không đồng ý.

Thế rồi công an xã Tân Minh vẫn được lệnh trên cho cắm một tấm bảng ngay miếng đất đang tranh chấp có ghi hàng chữ "Ðất Quy Hoạch", chính vì hành động thách thức này đã đẩy giáo dân Trà Cổ làm cái việc họ chẳng hề muốn là xuống đường biểu tình. Giáo dân Trà Cổ cũng hết sức dũng cảm, trong vòng 1 tháng có đến gần 50 giáo dân bị bắt, người biểu tình lại hầu hết là phụ nữ. Với những khẩu hiệu, biểu ngữ có nội dung chống cướp đất, chống tham nhũng họ đã khiến chính quyền phải run sợ. Trong số biểu ngữ này, có một biểu ngữ đáng lưu ý là: "Một cây xanh đổ xuống - Một mạng người thế vào đó" các giáo dân cho biết ý câu này xác định rằng "hễ ai chặt cây chàm ngã xuống thì người đó sẽ đền mạng".

Nhưng mọi cuộc phản kháng trước nay chưa nơi nào kéo dài quá 1 tháng! Có lẽ một phần vì thời ấy VN chưa có internet nên dễ bị dập tắt. Cuộc nổi dậy của 5.000 nông dân Quỳnh Lưu - Thái Bình số phận cũng tương tự vậy.

Trở lại chuyện Thái Hà, bản thân việc thời gian kéo dài đến được như vậy đã nói lên sự đuối lý của chính quyền. Khi trao đổi với nhiều bạn bè ở Sàigòn không phải là dân công giáo, chính họ cũng còn bảo với chúng con “nếu giáo dân Thái Hà mà sai trong việc này, thì ngay từ đầu quận Đống Đa đã huy động công an đến đập nát không chỉ mảnh đất ấy mà còn hết cả cái giáo xứ ‘phản động’ này từ khuya rồi !”

Trước một chuyện kéo dài chưa từng có tiền lệ như vậy, mọi chuyện hậu sự càng khó dự đoán, nhất là với môt chính quyền có thừa dùi cui lẫn hơi cay và một hệ thống truyền thông ‘cả vú lấp miệng em’ sẵn sàng đẩy sự việc vào đường cùng ngõ cụt.

Bi kịch Thái Hà còn là ở chỗ, chẳng ai có thể tiên liệu được điều gì sẽ xảy ra ngày mai, công lý bao giờ sẽ tỏa sáng hay nó sẽ phải ‘đền tội’? Nhưng nếu muốn ‘gỡ ngòi nổ’ bằng giải pháp trung hòa hơn, như bằng đối thoại, thì như lời đức TGM Ngô Quang Kiệt nhận định “rất khó mà thay đổi được lối tư duy đã quá cũ kỹ của chính quyền”

Còn theo chúng con thì nguyên nhân bế tắc là do, nhìn vào tình hình khiếu kiện đất đai trong nước nhiều như hiện nay, sẽ không có bất kỳ một lời giải nào dành riêng cho Thái Hà cả, vì thế không thể tìm nó thấy trên mảnh đất giáo xứ này, mà phải tìm nó trong đống ‘rối ren’ chung về tài sản của cả giáo hội. Chỉ bằng cái đáp án chung ấy mới mong tháo gỡ một cách có căn cơ bài bản mọi chuyện.

1. Một cây vẫn làm nên non?

Nếu chỉ có mỗi Thái Hà chẳng may bị vướng vào vụ rắc rối đất đai thôi, việc trả nó lại cho ‘khổ chủ’ sẽ đơn giản hơn rất nhiều, bởi xét cho cùng 6 ngàn m2 hay gấp đôi thế, nó cũng có đáng gì so với cả cái lãnh thổ kéo dài từ Bắc chí Nam gần 2 ngàn km vài trăm triệu km vuông mà chính quyền này đang một mình hưởng trọn.

Vừa nhỏ lại vừa khó ‘xơi’, xưa nay chẳng ai muốn làm chuyện ngược đời ‘bỏ tôm đi bắt tép’ bao giờ.

Nhưng vì Thái Hà mới chỉ là một phần của toàn bộ vấn đề lớn, ”phần nổi nhìn thấy của cả một tảng băng chìm” như báo chí thường bảo. Cái khó của vụ này cũng giống như chuyện một người đi vay tiền của nhiều khác người cùng xóm, trong đó con nợ tên Thái Hà. Lúc đến hạn trả, chủ nợ sẽ phải thanh toán hết cho các con nợ một cách đàng hoàng hoặc sẽ ‘giựt’ tất cả rồi… vô tù. Giải pháp trả cho người này mà không trả người khác khó khả thi, vì biết mình làm sai nên anh ta sợ thiên hạ sẽ chẳng để cho anh ta yên thân.

Với giáo hội, mặc dù không có chuyện ganh tỵ giữa nhà thờ này với họ đạo kia như cách xử sự của thế gian, nhưng trong hoàn cảnh nhiều tài sản của nhà thờ, dòng tu bị nhà nước hỏi ‘vay dài hạn’ chẳng những không được trả lãi, mà còn có nguy cơ bị họ giựt mất luôn vốn, thì bi đát có khác gì những con nợ kia?

Càng khó đòi hơn khi chủ nợ ấy cũng chính lại là chủ nhà, một nhà nước chuyên chính vô sản vốn chẳng ưa gì chuyện đạo nghĩa, tôn giáo với họ có khác gì các nàng ‘Ô-Sin’, đứa nào dễ bảo thì được cưng chiều, còn không thì bị hoạch hoẹ gây khó dễ đủ chuyện, thậm chí bị tống cổ ra khỏi nhà.

Điều chúng con muốn trình bày, không biết có được mọi người dễ chấp nhận, đó là những khó khăn gian truân mà giáo xứ Thái Hà hiện đang phải đương đầu, dùi cui và khói cay v.v…chắc chắn cũng sẽ là những thứ mà tất cả các nhà thờ, giáo xứ khác cũng sẽ được nhà nước ‘tưởng thưởng’ trong tương lai, nếu chuyện đòi đất còn mang tính riêng lẻ và quan trọng hơn là chỉ bằng danh nghĩa giáo xứ!

Chúng con biết rằng trong cơ cấu tổ chức của Hội Đồng Giám Mục Việt nam có nhiều ủy ban chuyên lo về nhiều lĩnh vực khác nhau như về Giáo dân, Giáo Lý, Giáo Luật, Thánh Nhạc, Phụng vụ… nhưng không rõ đã có một Ủy Ban Chuyên Trách Về Vấn Nạn Tài Sản chưa? Nếu có thì sao lâu nay chúng con không thấy lên tiếng trong những vụ việc như thế này? Còn nếu chưa thì một ủy ban như thế theo Quí Giám mục và Quí Cha có nên gấp rút thành lập?

Bởi qua theo dõi thông tin, nay chỗ này mai chỗ khác xảy ra đấu tranh, khiến chúng con có cảm giác dường như cho tới nay việc đấu tranh đòi lại tài sản của giáo hội tại các họ đạo, giáo xứ, nhà dòng, tu viện v.v… do các Quí Cha sở các nữ tu vì bức xúc khi thấy tài sản của mình bị xâm phạm, tự phát là chính. Nhưng thưa Quí Cha không phải mọi nơi đều có khả năng đấu tranh theo kiểu này và điều quan trọng hơn cả như chúng con đã trình bày, những sự rối rắm ấy về phiá nhà nước xem chúng có liên hệ mật thiết với nhau, BẤT CỨ ĐÂU ĐẤU TRANH MỘT MÌNH CŨNG ĐỀU RẤT KHÓ !

2. Vì sao giải pháp đối thoại lại bất khả thi?

Giáo hội mặc dù luôn đề đối thoại, nhưng qua vụ Tòa Khâm Sứ cho thấy kết quả đối thoại rất đáng thất vọng!

Sở dĩ thất bại vì theo chúng con biết KHÔNG CÓ AI CÓ THẨM QUYỀN LÀM VIỆC NÀY HẾT. Họp hành, trao đổi chỉ để câu giờ hoặc dụ dỗ giáo hội bằng hứa với hẹn là chủ yếu. Vì sao chúng con dám quả quyết vậy?

– Xin Thưa, Nghị Quyết số 23/2003/QH11 [1]đã ‘khóa miệng’ tất cả các sứ giả của họ rồi!

Ngay tại Điều 1 của nghị quyết này, họ đã khẳng định rằng: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 1 tháng 7 năm 1991.

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất.”
(hết trích)

Với nội dung ấy, xem như họ đã PHỦI TAY VỚI MỌI MÓN ‘NỢ NẦN’ về đất đai nhà cửa ruộng vườn không chỉ có mỗi xứ Thái Hà mà trên cả nước KỂ CẢ TRONG TRƯƠNG HỢP HỌ CHIẾM ĐOẠT TRÁI PHÉP trước đây. Làm sao giáo hội đối thoại?

Cũng chính điều này mà chúng con không thấy không có cơ hội cho giấy trắng mực đen của qúi Cha Thái Hà lên tiếng, bởi giấy tờ ấy dẫu là thật hay giả đều không còn chút ý nghĩa nào nữa, mọi sự đã bị đặt trước một việc đã rồi, bị phủ nhận chúng vì chuyện đã xảy ra trước ngày 1/7/1991.

3. Ngày 01/7/1991 “Cái ngày hôm ấy ngày gì?”

Bản Nghị Quyết số 23/2003/QH11 chính là loại lá chắn giúp đảng CSVN thoát khỏi những ‘nợ nần’ về tài sản, đất đai, nhà cửa đối với giáo hội cũng như dân oan khắp cả nước, nhưng nó lại được cái quốc hội và chính phủ bù nhìn CH-XHCN-VN giúp sức. Với bản NQ ấy, đảng CSVN đã lạnh lùng kết liễu số phận của hàng triệu dân oan và giáo oan trên mọi miền đất nước kể từ ngày lập nước 1945 cho đến ngày 1/7/1991.

Mốc ngày 1/7/1991 có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với một nghị quyết ban hành năm 2003, sau nó những 12 năm?

Đó chính là cái mốc kết thúc nhiệm kỳ tổng bí thư (TBT) của ông Nguyễn Văn Linh (18/12/86 - 28/6/1991) và bàn giao chức TBT sang cho ông Đỗ Mười (1991-1997). Năm 2003 thời điểm ra đời của NQ, mặc dù đã hết làm TBT nhưng ai cũng biết quyền lực của ông Đỗ Mười không hề suy giảm. Vì thế, cái mốc 1/7/1991 không còn nghi ngờ gì nữa, nó được chọn chủ yếu là để bảo vệ ông ta vì cho đến nay vẫn còn đang sống ‘nhăn răng’ tránh khỏi bị ‘quấy rầy’ bởi pháp luật, kể cả đối với những việc làm sai trái từ thời cải cách ruộng đất, đánh tư sản miền Nam v.v…. mọi trách nhiệm đã được đổ vấy lên đầu những người đã chết, mà người cuối cùng trong họ là ông Nguyễn Văn Linh (1998).

Còn việc tại sao ông cố vấn này phải lo xa dữ vậy thì ai cũng biết, năm 1991 là năm đầy ám ảnh đối với chính quyền Hà Nội. Tiếp theo sự sụp đổ của khối Đông Âu, tại Liên Xô chủ nghĩa cộng sản đã chính thức bị xoá sổ bởi một sắc lệnh của tổng thống dân cử đầu tiên của Nga là Boris Yeltsin vào tháng 11/1991.

Ngồi ở Hà Nội nhưng qua màn ảnh truyền hình chắc chắn ông Mười đã thấy rõ gương mặt đồng chí Erich Honecker người anh em của ông ta từng ôm hôn nhau thắm thiết, nay sao mà ‘xuống sắc’ nhanh đến thế!?

Sau khi bức tường Berlin bị phá bỏ, ông cựu TBT Đảng CS Đức này đã phải chạy vạy sang LX tìm nơi ẩn núp, nhưng sau đó lại bị trục xuất ông đành phải chạy sang Chile Nam Mỹ chẳng nơi nào muốn chứa ngoài quê hương nhà độc tài Pinoche. Tại sao ông phải chạy trốn, ông Đỗ Mười hiểu rõ hơn ai hết vì là đồng chí của nhau, “có tật giật mình” ai cũng vậy, ông cảm thấy bất an cho tương lai mình.

Chính vì lẽ đó mà ông Mười phải gấp rút lo ngay những gì có thể còn kịp làm ngõ hầu mong cứu rỗi…thân xác ông. Mà nguy cơ lớn nhất với một lãnh tụ chính trị tầm cỡ ông, lại dính dáng đến những sự ác gây ra cho dân dưới chế độ cộng sản, thì chỉ có thể là những Tòa án La Haye hoặc ít ra cũng cỡ tòa án quốc tế từng xử Sadam Hussein !

Vì thế nếu ở vài thế như ông chắc chắn phải làm sao tránh khỏi bị truy cứu trách nhiệm về mặt luật pháp là ưu tiên hàng đầu, để lỡ tình huống xấu nhất xảy đến như E.Honecker đang gặp, thì còn có lá chắn kia làm bia đỡ đạn, và ông đã làm được điều này. Dựa vào NQ 23 này ông sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm trước lịch sử hoặc nếu có cũng được giảm nhẹ phần nào, không đến nỗi bi thảm như lãnh tụ CHDC Đức kia.

Nhưng phải đợi mãi đến năm 2003 bản nghị quyết này mới ra đời, vì rất có thể nó đã từng vấp phải sự chống đối của những người hiểu rõ mục đích của bản NQ này. Nhưng càng lúc càng dấy lên phong trào đòi đất, dân oan xuất hiện nhiều nơi, đặc biệt là tại Thái Bình (1997), đảng đã có cớ để gây áp lực không còn cách nào khác quốc hội phải nhắm mắt thông qua, dù biết chắc hậu quả của nó sẽ ra sao.

Những lời than phiền của báo chí về cái gọi là “chính sách đất đai còn nhiều bất hợp lý, bất cập v.v…” phải chăng chủ yếu muốn nhắm vào cái nghị quyết này vì rõ ràng nó là một loại văn bản pháp lý rất không bình thường. Ban hành năm 2003 nhưng lại xác lập mốc thời gian giá trị pháp lý lại lùi sâu về quá khứ những 12 năm. Không hiểu trên thế giới có còn quốc gia nào khác, ban hành một bộ luật chỉ nhằm mục đích đối phó, phủi trách nhiệm với dân chúng và bảo vệ lãnh tụ Đỗ Mười kỹ như ở VN?

Đúng như nhận định của LS. Trần Lê Nguyên trong bài “Nhà nước Pháp Quyền qua vụ việc hành sử của Chính Quyền liên quan tới Bất Động Sản thuộc Nhà Thờ Xứ Thái Hà” [2] đó chỉ là một nghị quyết phi pháp, vì đi ngược lại luật chối bỏ trách nhiệm và phủi tay trước lịch sử.

Nhưng thật trớ trêu là cho đến nay nhà nước VN vẫn luôn lấy đó làm căn cứ pháp lý để giải quyết khước từ khiếu nại của giáo hội cũng như tất cả các nạn nhân. Nhưng cho đến nay sau gần 5 năm ra đời, cái pháp lệnh vi hiến này dân chúng, đặc biệt là dân oan chẳng mấy ai biết về cái ‘giá trị’ lẫn ‘ý nghĩa thâm sâu’ của nó.

Cũng chính cái nghị quyết ‘quái gở’ ấy đã bít hết mọi lối thoát cho cả ‘dân oan’ lẫn ‘giáo oan’ để tạo điều kiện cho những quan chức núp đằng sau cái Xí Nghiệp Thảm Len làm ăn lụn bại kia dựa vào nó, dám mạnh dạn tuyên bố đất cướp của giáo xứ Thái Hà là của họ.

Ngày 01/7/1991 chính là ngày đảng CSVN muốn kết liễu luôn cuộc đời lây lất ‘Dân Oan và Giáo Oan’ bằng phát súng ân huệ ‘NQ-23’ sau khi đã cướp hết tài sản của họ.

Đây còn là lời giải thích xác đáng vì sao đơn từ khiếu nại của dân oan trên khắp mọi miền đất nước suốt nhiều năm qua hết bị chính quyền địa phương đẩy lên, chính quyền trung ương đạp xuống mà có lấy lời giải thích hoặc nói thẳng cho họ biết về chính sách ‘phủi tay’ này.

4. Vì sao khó đòi ?

Ở VN, ai mà đòi lại được đất đai nhà cửa từng bị nhà nước chiếm đoạt mà chẳng cần phải chạy chọt, lo lót gì mọi chuyện cứ từ từ được giải quyết êm xuôi trót lọt là chuyện cực hiếm! Chẳng những lo không thôi mà còn phải biết học cách lo sao cho ‘thông minh’ điệu nghệ nữa là khác, chỉ cần nghe ‘đầy tớ’ buông dăm ba câu tức khắc phải hiểu mình cần phải làm gì.

Ai mà tính tình khí khái hay ngang tàng ‘thấy chuyện bất bình quyết chẳng tha’ chắc chắn khó mà ‘có duyên’ với mấy chuyện đi đòi nợ này. Bởi vì dựa vào cái nghị quyết lạ đời trên, câu ‘không có cơ sở giải quyết’ sẽ luôn trên miệng họ, đúng như những gì quận Đống Đa Hà Nội trả lời cha xứ Thái Hà.

Nhưng sự thật lại không phải vậy. Ai đã từng biết về “Một quyết định trả nhà gây xôn xao dư luận Sài thành” [3] trên báo Dân Trí ngày 22/7/2006 đều rõ.

“Tòa nhà 2 mặt tiền nằm giữa trung tâm TPHCM diện tích gần 465m2, theo thời giá hiện nay là khoảng hơn nửa tấn vàng. Dù đã được UBND TPHCM xác lập sở hữu Nhà nước và đến nay Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn chưa có quyết định nào cho phép trả nhà dạng này nhưng không hiểu sao Bộ Xây dựng lại ra quyết định trả lại tòa nhà này, bất chấp các qui định của pháp luật về việc quản lý nhà”

Cơ chế “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” đúng là một cơ chế quái gở vì là sự pha trộn giữa những ‘cái không thể và cái có thể’ lại với nhau, những cái mâu thuẫn nhau như nước với lửa vẫn có thể chung sống hòa bình!?. Tất cả là nhờ vào sự “linh động giải quyết” của chính quyền địa phương, họ muốn được là đưọc và bảo không thì sẽ không bao giờ được, thậm chí giữa các quận trong cùng một thành phố mỗi nơi làm mỗi khác.

Tất cả chỉ vì VN ngày nay, mặc dù trên danh nghĩa là một nhà nước thống nhất dưới sự độc quyền cai trị của đảng CSVN, nhưng nhìn qua các vụ án mang dáng dấp mafia được bao che rất kỹ bở các quan chức địa phương mà ‘Năm Cam’ là điển hình, thì mặt trái của hệ thống chính quyền ấy chẳng khác gì thời ‘thập nhị sứ quân’ dưới triều đại nhà Ngô (939-965) hơn ngàn năm trước. Thời nay coi bộ còn manh mún hơn tớ những “thập lục sứ quân’ vì đất nước đã bị phân chia ra hơn 60 tỉnh thành.

Khi Hà Nội phát hiện ra dằng sau tổ chức của Năm Cam là cả một thế lực đủ để lật đổ chế độ, vì có công an, qaun chức thành phố lẫn trung ương can dự vào, họ đã phải trực tiếp đem quân vào Sàigòn loại bỏ hiểm họa. Và ngay cả những ‘chuyên án’ nhỏ hơn sau này như vụ 5 sòng bạc kiểu Casino tại ‘Sàigon Food Center’, hay một sàn nhảy lớn nhất Hà Nội và Hải Phòng gần dây Bộ Công An không còn dám tin vào lực lượng công an địa phương. Nagy cả các lãnh đạo các Sở Công An Hà Nội, Sàigòn, Hải Phòng v.v… cũng chỉ được phối hợp rất hạn chế thậm chí có khi chỉ được thông báo kết quả sau khi đội quân dẹp loạn tinh nhuệ của bộ làm xong nhiệm vụ.

Thực tế này đã phơi bày tất cả những sự bất thường của cái gọi là ‘bảo vệ pháp luật’ ở VN ngày nay.

Nhưng tình trạng ‘lộn xộn’ ấy có liên quan gì đến chuyện đất đai của giáo hội?

Xin thưa rằng rất có ảnh hưởng. Bởi những tài sản giáo hội không tập trung ở Hà Nội hay Sàigòn mà có ở khắp các tỉnh thành. Trong một tình trạng pháp luật ‘không còn cơ sở để giải quyết’ như trên thì càng thêm nhiều ‘ông chủ’ chừng nào giáo hội sẽ càng ‘mệt mỏi’ vì chuyện đi đòi chừng nấy.

Với tình trạng ‘rừng nào cọp nấy’ số tài sản trên đang được quản lý trực tiếp bởi các quan chức địa phương và nó gắn liền với quyền lợi của họ, chính quyền trung ương Hà Nội muốn đụng vào không phải chuyện dễ. Trường hợp bài báo trên bảo là Bộ Xây Dựng ra quyết định nhưng làm gì có bộ nào có quyền hạn lớn trên ông Lê Thanh Hải trên lãnh thổ TP.HCM này?

Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ quá nhanh khiến đảng CSVN như rắn như mất đầu, họ phải thu mình lại, mặc dù rất run sợ nhưng ngoài miệng vẫn không ngớt tuyên truyền. Việc này chỉ có thể lừa dân đen nhưng giữa họ với nhau, cùng ‘cá mè một lứa’ làm sao họ không biết ‘tỏng’ sự sụp đổ ấy nói lên điều gì, nó có ý nghĩa ra sao đối với tương lai chính bản thân họ?

Trong nội bộ đảng, mấy từ ‘lãnh tụ vĩ đại’ từ nay bắt đầu bị phai nhạt dần. Từ bớt nể nang đến bất phục tùng chẳng còn mấy bước, cộng thêm những mối lo tiềm ẩn bắt nguồn từ sự sụp đổ ấy dính dáng đến chức tước của họ, chuyện ai nấy âm thầm lo thủ thế riêng cho mình để phòng ngừa mọi bất trắc là điều khó tránh khỏi.

Khuynh hướng ‘lo cho mình là chính’ này trở nên vững mạnh và họ cảm thấy yên tâm hơn trong thời đổi mới nhờ tiền đầu tư trực tiếp của các công ty tập đoàn nước ngoài ngay tại địa phương, nhờ vậy họ ít còn lệ thuộc vào chính quyền trung ương.

Lý tưởng bị sụp đổ cộng thêm việc phải tự lo lấy miếng ăn, dần dần đưa đến tình trạng “thập lục sứ quân” thằng nào cũng có quyền như nhau nên chẳng còn thằng nào bảo thằng nào nghe hồi nào chẳng biết, chỉ còn thiếu mỗi chuyện là chưa xảy ra chiến tranh.

Chính ông cựu thủ tướng Phan Văn Khải trước lúc về hưu giữa một cuộc họp tại dinh Thống Nhất cuối năm 2005 với các doanh nghiệp phía nam, khi nghe họ than thở về những khó khăn khi va chạm với các quan chức địa phương, ông đã phải thừa nhận bất lực trước tình trạng ‘trên bảo dưới chẳng chịu nghe’ này.

Hậu quả là sẽ không thể có một chính sách rõ rệt nào được ban hành từ trung ương nhằm xử lý thống nhất những tồn đọng về đất đai tài sản của giáo hội, vì sẽ đụng đến quyền lợi cục bộ của các đảng viên tại từng địa phương.

Đó cũng là lý do chính khiến VN sẽ không bao giờ dẹp được tham nhũng, thậm chí dẹp 10% lũ tham quan cũng không làm nổi. Nhưng luật đào thải xã hội đang làm thay họ, chỉ cần thêm 1-2 năm nữa thôi, sau ‘cơn lốc’ xin nghỉ làm của CB-CNV là biết ngay, ai còn đeo bám công sở chắc chắn là phải ‘có ăn’ nên mới cố đấm ăn xôi.

5. Chuyện gì sẽ đến với Thái Hà ngày mai?

Nhìn vào cách thức nhà nước xử lý các tài sản của giáo hội nhiều người thấy nó có vẻ hơi khó hiểu? Vì sao Thánh Địa La Vang không ầm ĩ lại được trả còn Thái Hà tốn nhiều công sức thì lại không? Tương tự đại chủng viện Thái Bình được trả còn Tòa Khâm Sứ căng thẳng vậy mà cũng lại không?

Phải chăng vì bị đạo công giáo đặt nhà nước vào thế quá khó xử? Sau khi gây chuyện ầm ĩ nhà nước có muốn trả cũng phải đắn đo suy tính, trả kiểu này thì sợ mai mốt chỗ khác cứ thế được đà làm tới? Mà không trả thì …???

- Thưa không, đấy là nhà nước buộc giáo hội phải làm thế! Giáo xứ Thái Hà với 12 năm mỏi mòn chờ đợi giải quyết, nhưng chính quyền nào có đoái hoài gì?

Một cách công tâm, trong năm 2008 nhà nước cũng tỏ thiện chí với giáo hội với qua hai cử chỉ trả đất trên ‘để bày tỏ trọng thị đối với phái đoàn tòa thánh’ mặt khác chúng tôi cũng nhận thấy rằng, đối với những tài sản giáo hội còn chưa thu hồi, nếu cái nào may mắn còn được giữ nguyên vẹn, chưa bị các quan lại địa phương ‘làm thịt’ làm nhà ở, kinh doanh nơi ấy có nhiều hy vọng việc giải quyết được dễ dàng hơn. Những tòa nhà nào còn được giữ làm của công, như trụ sở làm việc và KHÔNG BỊ VƯỚNG CÁC HỘ CÁN BỘ Ở TRONG, càng cũ kỹ xuống cấp càng dễ được trả.

Số phận của Thái Hà và Tòa Khâm Sứ sở dĩ trở nên ‘long đong’ là vì mặc dù còn nguyên vẹn, nhưng cả hai nơi này thực chất đã bị bán chác sang tay, mà sau lưng những vụ mua bán ấy chẳng ai khác ngoài các quan chức quận Hoàn Kiếm, Đống Đa. Đụng phải các ‘lãnh chúa’ Hoàn Kiếm, Đống Đa thì cỡ ông thủ tướng Dũng có lẽ cũng đành bó tay, chắc không thể can thiệp được gì sau lần đến Tòa Khâm Sứ tham quan đầu năm nay, nên nơi này vẫn bế tắc đến giờ.

Và cũng không loại trừ khả năng số phận những tài sản đáng giá về mặt tinh thần đối với giáo hội như Tòa Khâm Sứ, Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt v.v… nhà nước từ từ cũng sẽ giải quyết trả về cho giáo hội nhưng ngay bây giờ thì chưa, vì những tài sản này còn phải hoàn thành nốt cái ‘bổn phận và nghĩa vụ’ thiêng liêng cuối cùng đối với chế độ, là giúp họ hoàn thành thiết lập bang giao với Tòa Thánh Vatican sao cho có lợi nhất với họ?

Xin trở lại chuyện của giáo xứ Thái Hà, mấy ngày qua trông có vẻ yên ổn nhưng chắc chắn sóng gió chưa qua hết. Quyết định bắt giữ thêm 3 giáo dân cho thấy chính quyền đang ra sức vin vào cái cớ rất thiếu thuyết phục ‘giáo dân đẩy đổ cái bờ giậu’ hôm 15/8 để có lý do xử tội. Rồi dựa vào phán quyết của tòa họ sẽ đem quân xuống hiện trường dựng lại hàng rào ngăn cách giáo xứ với lô đất như đã từng làm với Tòa Khâm Sứ.

Trong phiên tòa xử chắc chắn họ sẽ không đả động gì đến mớ giấy tờ cha Bích hết, mà chỉ xử tội ‘phá hoại tài sản công’ để tòa phán quyết cho phép họ tái chiếm lại lô đất. Để bẻ gãy lập luận đất ấy là đất công chỉ còn bằng cách lật tẩy cho bằng được cái Nghị Quyết ‘quái gở’ 23-NQ/2003 của Quốc Hội Khoá 11 là vi hiến trầm trọng, một việc làm có ý nghĩa không chỉ với giáo xứ Thái Hà mà rất nhiều dân oan, giáo oan khác cũng đang rất trông chờ vào sự lật mặt nạ này.

Mấy ngày qua sự hiện diện của các giám mục và gần một trăm linh mục khắp Hà Nội và đặc biệt lá thư bày tỏ đồng tình của Linh Mục Đoàn thuộc tổng giáo phận Hà Nội với giáo xứ Thái Hà chắc chắn sẽ giúp chính quyền Hà Nội hiểu rõ hơn thái độ của giáo hội. Một cử chỉ biểu lộ sự đoàn kết hết sức cần thiết trong lúc này đối với giáo xứ Thái Hà.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng cần phải tổ chức một hệ thống thông tin nhanh trong giáo hội, để những vụ việc như giáo xứ Thái Hà hiện nay, tất cả các nhà thờ trên khắp các giáo phận và mọi tín hữu cùng biết là việc làm cấp thiết hiện nay.

Thông tin thời nay đang đóng vai trò cực quan trọng, có khả năng làm thay đổi nhanh chóng cục diện một sự việc, làm thay đổi quan điểm và đẩy lùi tội ác chỉ trong một sáng một chiều. Chính vì vậy mà những chính thể độc rất sự thông tin nhưng họ lại luôn theo dõi khả năng thông tin của đối phương mạnh yếu, hữu hiệu ra sao trước khi dám ra tay.

Ngày nay, những vụ “Thiên An Môn” chỉ còn là dĩ vãng, chỉ có chính quyền nào dại dột mới dám đàn áp dân chúng kiểu ấy, trừ phi họ nhận ra rằng hệ thống thông tin của ‘đối phương’ quá tệ!

6. Đôi lời Thưa Chuyện cùng Chính quyền Hà Nội và Báo Hà Nội Mới

Mấy chữ “Dòng Chúa Cứu Thế” lập đi lập lại khiến tôi nhớ, trước 1975 các Quí Cha nhà thờ Kỳ Đồng như cha Chân Tín, cha Nguyễn Ngọc Lan v.v… từng lập ra “Ủy Ban Cải Thiện Chế Độ Lao Tù Miền Nam VN” để giúp cán bộ của cách mạng không may bị chính quyền Sàigòn bắt giữ. Cùng với việc này các Ngài còn lập ‘UB Chống Tham Nhũng’, báo Đồng Dao, Đối diện, Đứng dậy đấu tranh chống bất công trong xã hội miền Nam v.v… kết quả là các cha nhà dòng CCT bị chế độ ông Thiệu lên án là ‘thân cộng’ là ‘Việt Cộng nằm vùng’ gây khó dễ.

Những ngày căng thẳng ấy khoảng 1974 công an mật vụ Sàigòn cũng canh chừng rình rập nhà Dòng CCT Sàigòn trong các buổi lễ y hệt như Quí vị đang làm bây giờ tại giáo xứ Thái Hà. Phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ cũng từng đến nhà dòng tham khảo ý kiến các Ngài về việc chính phủ Sàigòn xin thêm viện trợ 300.000 USD súng đạn để cố thủ chống cộng sản, nhưng bị các Cha trong UB Chống Tham Nhũng… ‘lắc đầu’!

Vậy có bao giờ Quí vị biết đến những chuyện này chưa? Cha Chân Tín rất có thể Ngài cũng đang có mặt ở xứ Thái Hà trong những ngày này, Quí vị có thể đến đó trao đổi với Ngài để nghe Ngài kể lại chuyện xưa. Còn chúng tôi là những giáo dân của họ đạo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng, thuộc Dòng CCT Sàigòn từ trước 1975 nên biết rất rõ mọi chuyện.

Vậy theo sự suy nghĩ của Quí vị, điều gì đã khiến Quí Cha Dòng CCT nói riêng và cả giáo hội công giáo chúng tôi, trong nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước đều bị xem chẳng khác gì ‘kẻ thù’ như vậy? Chúng tôi đứng ở đâu trên cái đất nước này? Câu trả lời xin để dành cho Qúi vị.

Riêng cá nhân tôi thấy rằng, mọi cuộc đối đầu với các tôn giáo xưa nay hầu hết là những cuộc đối đầu với công lý. Là người có đạo, chúng tôi hiểu rất rõ chuyện này vì giáo dân chúng tôi cũng chỉ mang trên mình ĐỨC TIN về công lý ấy, ngoài ra không có bất cứ thứ vũ khí hay chủ nghĩa nào khác cả tư bản lẫn cộng sản.

Vì thế giáo hội chúng tôi cũng không đấu tranh cho ngoại bang hay thế lực tay sai nào hết, xin đừng méo mó nó với ‘diễn biến hòa bình’ với ‘câu kết với thế lực phản động’ nào cả. Quí vị có thể kiểm chứng lại việc này qua chuyện các cha DCCT dấn thân đấu tranh giúp các tù nhân chính trị miền Nam, những đồng chí của quí vị, khi ấy nhà Dòng CCT có thỏa hiệp gì với Qúi vị chống lại chế độ Saìgòn không?

Tôi tin chắc chắn 100% là không. Bởi nếu có thì sau 1975, các Cha nhà dòng đã là người của cách mạng và như vậy thì UBND Q.3 TP.HCM chẳng dám hó hé ‘tạm mượn’ miếng đất vài trăm mét vuông để làm hồ bơi, kinh doanh ăn uống sát bên nhà dòng tại số 38 Kỳ Đồng Saìgon đến nay cũng chưa trả.

Bấy nhiêu điều xin thưa, để mong Quí vị trong chính quyền quận Đống Đa Hà Nội cũng như các nhà báo trong nước, hãy nhìn lại tất cả những cách thức mà Quí vị đã xử sự, xuyên tạc và bôi nhọ việc làm các Cha DCCT trên khắp các phương tiện thông tin cả nước, liệu chúng có đúng với bản chất của những người đã từng đấu tranh giúp Qúi vị không?

Sàigòn, 6/9/2008

-----------------

Tham khảo:

[1]http://www.quehuong.org.vn/vi/nr041215095635/nr050111144245/ns050222121540

[2] http://vietcatholic.net/News/Html/58048.htm

[3]http://dantri.com.vn/Sukien/Mot-quyet-dinh-tra-nha-gay-xon-xao-du-luan-Sai-thanh/2006/7/131181.vip
 
Video Nhạc: Hướng về Thái Hà
Alpha Linh
16:53 06/09/2008
THÁI HÀ - Bất kể trời nắng chang chang hay trời mưa tầm tã, từ hơn một tuần này khách thập phương tiép tục về Thái Hà như nước chảy. Họ đến để kính viếng Đức Mẹ và tìm hiểu ngọn nguồn thực hư vụ Thái Hà. Họ đến để nâng đở tinh thần cho giáo xứ Thái Hà trong cơn khốn khó. Có nhiều thanh niên nam nữ đến đây và đã tìm được ơn hối cải. Có những bà mẹ quê tìm thấy nơi Mẹ Maria nguồn cậy trông và ơn linh cảm.... Họ đến từ các giáo xứ ở Vinh, Thanh Hoá, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ, và ngay từ từ Miền Trung và Miền Nam Việt Nam, v.v. Bài hát này nói lên tâm tình của mọi người muốn hướng về Mẹ Maria ở Thái Hà.
 
Thơ: Vô Đề
TCY
19:26 06/09/2008
VÔ ĐỀ

Anh khuyên tôi: "Hãy quên đi thù hận"
Về quê hương xây dựng nước non nhà
Bằng tài năng học hỏi chốn phương xa
Đảng, nhà nước hoan nghênh người viễn xứ!

Anh khuyên tôi hãy "khép lại quá khứ"
Quên những ngày khói lửa dậy trời Nam
Chiến xa Nga hằn đậm vết hung tàn
Trên đường phố Sài Gòn ngày quốc hận!

Anh bảo tôi quên những ngày lận đận
Cha đi tù, mẹ buôn gánh bán bưng
Nuôi đàn con trong khốn khổ tột cùng
Tôi phải thôi học, sáng ngô chiều sắn

Vâng, tôi cố quên những ngày mưa, nắng
Đi mò cua, giúp mẹ buổi cơm chiều
Quên những ngày nước ngập mái tranh xiêu
Đêm u tịch hãi hùng: "kinh tế mới"!

Giờ, tha phương, quê nhà xa dịu vợi
Tôi sống cuộc đời dân chủ ấm no
Nhưng dân tôi ĐANG khắc khoải mong chờ
Ngày sụp đổ của bạo quyền tàn độc

Thương quê hương, bao lần tôi bật khóc
Thấy lương dân trong kiếp sống khốn cùng
Thương dân hiền cam chịu kiếp lao lung
Khổ đến nổi đem con mình đi bán!

Tôi chống anh KHÔNG PHẢI VÌ DĨ VÃNG
Mà là vì HIỆN TẠI với TƯƠNG LAI
Vì dân tôi ĐANG sống kiếp dọa đày
Thế hệ trẻ nhìn TƯƠNG LAI VÔ ĐỊNH!

Thì anh ơi, nói chi lời lừa phỉnh
Đến bây giờ, ai tin cộng sản đâu
Nếu thật lòng xin hãy thực hiện mau
Cuộc hòa giải với người dân quốc nội:

Hãy ngưng ngay những hành động bỉ ổi
Ngưng đuổi nhà, cưởng chiếm đất nhân dân
Ngưng đào mồ, sang phẳng những mộ phần
Xây khách sạn làm giàu cho đảng ủy

Hãy ngưng ngay những ngón nghề phù thủy
Đạo giáo quốc doanh, dân chủ cò mồi
Hứa hòa hợp hòa giải ở đầu môi
Nhưng cộng đảng vẫn độc quyền chúa tể

Nếu thật tình thì hãy mau giải thể
Đảng độc tài cộng sản (đảng vô lương)
Người TỴ NẠN bốn bể sẽ hồi hương
Đem tài sức hiến dâng cho đất nước

Hứa với anh, tôi là người đi trước!
 
Những sự thật phủ phàng
Thiên Ân
22:04 06/09/2008
Tối nay tôi đến Thái Hà cầu nguyện mà lòng không khỏi băn khoăn, day dứt. Không day dứt sao được khi người ta dùng đủ mọi hình thức ma quái, tồi tệ để chèn ép những người giáo dân hiền lành, vô tội.

Giáo dân từ ở những nơi xa muốn về Thái Hà cầu nguyện thì phải trải qua nhiều “cửa ải”, với đủ hình thức kiểm tra, rà soát. Tại các tỉnh miền Bắc, hầu như mọi người công giáo đều bị răn đe, ngăn cản khi có ý định đi cầu nguyện ở Thái Hà. Mà nếu ai vẫn “cố tình đi” thì ngay lập tức có những lực lượng ngầm bám theo họ.

Tại giáo xứ Thái Hà và các giáo xứ lân cận trong thành phố Hà Nội, giáo dân vẫn chịu đủ mọi hình thức chèn ép. Nếu người nào đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, đã bị nhắc nhở một hai lần mà vẫn đến linh địa cầu nguyện, thì người đó mất việc như chơi. Thực tế, tối nay tôi đã được gặp gỡ và trò chuyện với ba người (một nam, hai nữ) bị đuổi việc chỉ vì đã đi cầu nguyện ở Thái Hà. Những giáo dân ngoại tỉnh đang kiếm sống ở Hà Nội cũng bị đe dọa không cho đăng ký tạm trú nếu vẫn “cố tình” đến Thái Hà cầu nguyện.

Ngay cả các em học sinh công giáo khi đi học cũng bị khủng bố, đe dọa. Một trường học đã may áo đồng phục cho các em học sinh công giáo với ký hiệu riêng. Ở một trường khác, các em bị gọi đứng lên trước lớp để các bạn khác biết rõ mặt và sau đó là những trò trêu chọc, đàm tiếu. Ở một số trường khác nữa, các em bị các thầy cô hỏi cung: “Em có thường xuyên đi cầu nguyện ở Thái Hà không?” “Bố mẹ em có đi cầu nguyện và có phá tường của nhà nước không?”… Sau những chất vấn, các em được khuyên can đủ điều. Hỡi ôi, quyền tự do tín ngưỡng của người dân là thế đấy!

Khi viết ra những sự thật phủ phàng này, tôi đã phải đắn đo rất nhiều. Đắn đo vì có lẽ nhiều người không thể tin nổi. Đắn đo cũng vì có thể tôi vô tình làm cho vết thương lòng của những người trong cuộc thêm sâu thẳm và tiếp tục rỉ máu.
 
Thông báo của Tu viện DCCT – Giáo xứ Thái Hà
Tu viện DCCT – Giáo xứ Thái Hà
23:46 06/09/2008
DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM

Tu viện Thái Hà

180/2 Nguyễn Lương Bằng

Đống Đa, Hà Nội

Đt: 04. 8511 239
 

Hà Nội ngày 06 tháng 9 năm 2008

THÔNG BÁO

Kính thưa Anh Chị Em

Như chúng tôi đã nhiều lần thông báo một cách rõ ràng với anh chị em, cho đến nay, Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo xứ Thái Hà không hề ủy nhiệm cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào được đại diện cho cộng đoàn chúng ta trong những công việc liên quan đến nhà – đất của Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo xứ Thái Hà. Thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà – đất của Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo xứ Thái Hà, thuộc về các vị hữu trách trong Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và trong Hội Thánh, đúng theo những quy định của Bộ Giáo Luật.

Trong những ngày vừa qua, một số người đã tự nhận là “những giáo dân cốt cán, đại diện giáo dân giáo xứ Thái Hà”, để tham gia những buổi gặp gỡ và làm việc, trong đó, họ đã phát biểu những ý kiến không đúng sự thật, không phù hợp với công lý và đạo lý; trái ngược với những ý kiến, chủ trương và quyết định của các linh mục trong Ban quản xứ giáo xứ Thái Hà; trái ngược với những ý kiến và tâm tình hiệp thông của tất cả các linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội; trái ngược với nguyện vọng chung của toàn thể anh chị em giáo dân giáo xứ Thái Hà và của anh chị em giáo dân khắp nơi thường xuyên đến nhà thờ giáo xứ Thái Hà cầu nguyện.

Những người nói trên không phải là đại diện giáo dân giáo xứ Thái Hà. Họ hoàn toàn không đủ tư cách đại diện cho Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo xứ Thái Hà trong bất cứ công việc nào, tại bất cứ nơi đâu và vào bất cứ thời điểm nào. Họ đang tự tách mình khỏi sự hiệp nhất với cộng đoàn giáo xứ và với các vị chủ chăn trong Hội Thánh.

Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đó.

Xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp gìn giữ chúng ta trong sự hiệp thông với nhau và với toàn thể Hội Thánh.



Tu viện DCCT – Giáo xứ Thái Hà

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Kỷ Vật
Josephhoa Phạm
00:23 06/09/2008

KỶ VẬT



Ảnh của Josephhoa Phạm.

Người Chiến Binh, chứ không phải người Phóng Viên đem đến cho chúng ta tự do báo chí!

Người Chiến Binh, chứ không phải NhàThơ đem đến cho chúng ta tự do ngôn luận!

Người Chiến Binh, chứ không phải người tổ chức biểu tình đem đến cho chúng ta tự do phản đối!….

"It is the soldier, not the reporter, Who has given us freedom of the press.

It is the soldier, not the poet, Who has given us freedom of speech.

It is the soldier, not the organizer, Who has given us the freedom to demonstrate…

(Father Dennis Edward O'Brian, USMC – nđc chuyển ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền