Ngày 07-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 23 Mùa Thường Niên 8/9/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:07 07/09/2019
Bài Ðọc I: Kn 9, 13-18

"Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn".

Trích sách Khôn Ngoan.

Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề.

Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời, nào ai khám phá ra được? Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống. Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa.

Vì, lạy Chúa, những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17

Ðáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).

Xướng: Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến cho con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".

Xướng: Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô.

Xướng: Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.

Xướng: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.

Bài Ðọc II: Plm 9b-10. 12-17

"Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Philêmon.

Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích.

Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa con một thời gian để rồi con sẽ tiếp nhận muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với cha, huống chi là đối với con, về phần xác cũng như trong Chúa. Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 25-33

"Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.

"Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: 'Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi'.

"Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".

Ðó là lời Chúa.
 
Điều kiện để theo Chúa Kitô
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
02:31 07/09/2019
Chúa Nhật XXIII Thường niên Năm C

Những năm gần đây có nhiều cá nhân hay nhóm người sống nhờ làm tiếp thị. Họ rong ruổi khắp nơi để chỉ làm mỗi một việc là quảng cáo một sản phẩm nào đó. Nơi tôi đang ở, hầu như thường xuyên có người đi tiếp thị. Họ quảng cáo đủ mọi vật dụng, không trừ một sản phẩm nào, từ đôi đũa, chai dầu gội đầu, cái cốc uống nước đến cái bàn ủi, đầu máy may, máy giặt…

Tất cả họ đều có chung một cung cách: Những gì họ tiếp thị đều tốt, rất tốt. Họ ca tụng hết lời, dường như trên đời không còn cái gì bằng những gì họ đang quảng cáo.

Họ chỉ biết ca ngợi, không hề chê bai. Ca ngợi từ sản phẩm mà họ tiếp thị đến người được họ tiếp thị. Ví dụ, bạn muốn mua một đôi dép, dù kiểu nào, màu nào đi nữa, nếu thấy bạn xăm xoi, ngắm nghía, họ đều cho rằng chúng phù hợp với bạn…

Dẫu sao tôi vẫn nghi ngờ lắm. Càng nghi ngờ hơn, khi những anh chị em ấy rày đây mai đó, chẳng biết đâu mà tìm. Nhưng ngôn ngữ của quảng cáo là như thế: chỉ ca tụng, không bao giờ bài bác.

Bạn và tôi là những người theo Chúa. Ta cảm nhận rằng, bước theo Chúa sao mà khó quá, bởi ta sẽ phải từ bỏ, không chỉ là của cải vật chất, mà còn từ bỏ cả những cái là căn cội của cuộc đời mình như cha mẹ, mạng sống.

Không chỉ có thế, sự từ bỏ còn đi tới mức độ mạnh hơn: Chúa đòi ta từ bỏ để nhận thập giá: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta”. Đúng là một đòi hỏi quá dứt khoát và triệt để.

Vì thế, nếu Chúa Giêsu làm quảng cáo, chắc chắn Chúa thất bại. Vì không ai như Chúa, quảng cáo ơn gọi để mời gọi người ta theo mình, lại không đưa ra một tương lai sáng lạn nào, không tìm thấy bất cứ một vinh dự nào, hoặc ngay cả một sự hấp dẫn nào dù nhỏ nhoi nhất, cũng không có. Ngược lại chỉ là từ bỏ và nhận thập giá. Nghĩa là chỉ có nghèo đến trần trụi như Chúa đã không còn gì cho mình từ khi bắt đầu làm người, đến lúc bước lên thập giá.

Hơn nữa, theo Chúa, làm môn đệ Chúa để được gì mà phải thiệt thòi đến vậy? Theo mà đều kiện nặng nề như thế, thì theo để làm gì? Nhất là đối với thế giới hôm nay, con người chỉ muốn tìm cho mình một cuộc sống tự do dễ dãi, ích kỷ, coi trọng vật chất, tôn thờ quyền lợi cá nhân…, thì với một điều kiện khắtc nghiệt như thế, thật là điều không tưởng. Lời Chúa xem ra quá lạc lỏng, xa lạ?

Không đúng! Tất cả những suy nghĩ bên trên đều ngược hẳn thực tế mà lịch sử Hội Thánh ghi nhận hàng ngàn năm qua, đến hôm nay và sẽ còn mãi về sau.

Bởi đã hơn 2000 năm, nhưng Lời Chúa Giêsu vẫn cứ mới nguyên, vẫn là Lời Sống cho biết bao nhiêu anh chị em chọn làm lẽ sống của mình. Những anh chị em ấy quả cảm bước theo Chúa Giêsu, từ bỏ mọi sự, nhận thập giá làm niềm vui của đời mình.

Chính họ đã làm cho tinh thần và lời dạy của Chúa Giêsu chẳng những không mai một, không lạc lỏng mà còn sống, sống mạnh và lan rộng cả thế giới, qua mọi thế hệ.

Họ là ai? Hơn hai tỷ người theo Chúa Giêsu trên khắp thế giới là một bằng chứng hùng hồn. Đặc biệt, trong số ấy, có vô số anh chị em hiến dâng đời mình sống ơn gọi tu trì. Những anh chị em ấy đã đáp lại lời mời gọi bỏ mình, vác thập giá, theo Chúa Giêsu.

Hoặc biết bao nhiêu vị thánh, họ là những người có thể đã được Hội Thánh tôn phong, hay chưa tôn phong, cũng có thể sẽ không bao giờ tôn phong trên bàn thờ Hội Thánh. Tất cả những vị thánh ấy có chung một tấm lòng: Đã vì lời mời gọi từ bỏ mà suốt đời sống nghèo khó, chỉ có tình yêu là giàu có mà thôi.

Trong số những người ấy, biết bao nhiêu người đã nhìn lên Thánh giá Chúa mà không tiếc mạng sống mình, hiến dâng cho Thiên Chúa toàn thân đến giọt máu cuối cùng như của lễ toàn thiêu. Các thánh Tử đạo là những người đã sống và chết như thế.

Hóa ra, lời mời gọi từ bỏ và vác thập giá của Chúa Giêsu, với cái nhìn nhân loại, tưởng chừng khắc nghiệt, sẽ trở nên vô vọng, lại có một sức mạnh thu hút lạ thường.

Lời mời gọi ấy là lẽ sống vô song để những ai tin nhận và sống theo, sẽ đặt trọn niềm hy vọng của mình.

Đó cũng là lời mời gọi làm nên căng tính của tất cả những ai theo Chúa Kitô. Nhờ đó, người ta nhận ra họ là môn đệ của Người. Vì theo Chúa Kitô chỉ có mỗi một con đường duy nhất là từ bỏ và chấp nhận thập giá đời mình như Chúa Kitô.

Vì hơn ai hết, những anh chị em dám dấn thân làm môn đệ của Chúa hiểu rằng, chính khi từ bỏ là lúc nhận lại chính mình. Chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân. Chính lúc chết cho thân phận tội lỗi, chết cho sự tha hóa có thể lôi kéo ta hướng chiều về sự dữ, là lúc ta vui sống muôn đời (ý nghĩa của thánh Phanxicô - kinh Hòa Bình).

Bởi vậy, chính lúc chấp nhận thập giá, là chính lúc ta tiến vào vinh hiển của Đấng Phục Sinh.

Bạn thân mến, muốn dấn thân cho một điều gì, ta phải yêu điều ấy. Cũng vậy, để được tự do và tự nguyện chấp nhận sự từ bỏ và vác thập giá, đòi ta phải có lòng yêu mến. Với tình yêu, thập giá sẽ nhẹ hơn, dễ hơn.

Một người mẹ thức trắng đêm để may xong chiếc áo cho con sớm mai đến trường, người mẹ ấy là mẹ hơn qua những hy sinh vất vả. Bởi đó bạn và tôi hãy yêu thánh giá Chúa Giêsu và yêu lối sống từ bỏ để nên giống Người.

Bản tính tự nhiên, con người thích chọn lối sống dễ dãi. Nhất là cuộc sống văn minh hôm nay, lại càng đặt ta trước nhiều chọn lựa. Nếu không biết yêu thánh giá mà lại cứ chiều theo thói quen bản thân, ta dễ chọn cái tầm thường hơn những điều cao cả; chọn khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền; chọn lợi ích cá nhân hơn lợi ích tập thể.

Bởi vậy, biết mình dễ chọn cái xấu, đồng thời cảm nhận sâu xa Lời mời gọi của Chúa Giêsu, yêu thánh giá Chúa, yêu lối sống từ bỏ, bạn và tôi hãy làm lại chọn lựa của mình để dễ dàng dấn thân cho sự từ bỏ và vác thập giá, qua từng việc nhỏ nhặt trong đời thường như: bỏ nghiện thuốc lá, ma túy, rượu chè, trụy lạc…

Hoặc ta dành ngày Chúa Nhật để tôn thờ Chúa, học hỏi giáo lý, lo các việc bổn phận đạo đức. Cương quyết rời chiếc giường êm để đi dự lễ sáng; tắt tivi để đọc kinh tối gia đình; bỏ bớt những giờ táng gẫu trong quán cà phê để cầu nguyện nhiều hơn… Tất cả những điều đó, đòi sự tập luyện lâu dài trong từng ngày sống của mình.

Hãy khắc ghi Lời Chúa dạy: Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta”.
 
CN 23 C : Người môn đệ “chất lượng cao”
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:30 07/09/2019
Gần đây ở Việt Nam rộ lên phong trào “chất lượng cao”, từ sản phẩm và dịch vụ trên thị trường nội địa cho đến các mặt hàng xuất khẩu, lan qua cả các khu vực tinh thần là giáo dục và văn hoá. Nào là “xe chất lượng cao”, “khách sạn chất lượng cao” “phở chất lượng cao”,“lớp Anh ngữ chất lượng cao.” Loại bỏ ý nghĩa dư luận đàm tiếu về chất lượng cao, nhất là xe chất lượng cao (được đọc trệch là “xe chất thật cao,” “hàng chất thật cao”…), ta thấy cuộc sống ngày càng đòi hỏi phải có chất lượng cao. Từ sản phẩm, văn hoá, nghệ thuật, giáo dục… cho đến con người cần đạt chất lượng và có giá trị.

Có thể dùng cụm từ “chất lượng cao”(*) để suy niệm bài Tin mừng hôm nay.

Chúa Giêsu tuyển chọn môn đệ “chất lượng cao” với hai đòi hỏi : từ bỏ và vác thập giá, trong đó đòi hỏi từ bỏ thật hết nước nói : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Và cuối cùng, sau khi kể hai ví dụ về “người xây tháp” và “vua gây chiến” (một người xây tháp trước khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên xây hay không. Một ông vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để chọn lựa có nên giao chiến hay không), Chúa lại kết bằng một câu : Vậy ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, thì không đáng làm môn đệ ta, một người môn đệ “chất lượng cao.”

Vậy là trong một đoạn ngắn, mà có tới ba lần điệp khúc “không thể làm môn đệ tôi” : 2 lần cho từ bỏ, và 1 lần cho vác thánh giá.

Ta chỉ dừng lại điều kiện “từ bỏ,” vì một nghĩa nào đó, từ bỏ cũng là một cách vác thập giá chứ chẳng chơi !

Ta đề cập tới “từ bỏ” để làm người môn đệ chất lượng cao, là bởi vì những gì mà Chúa đòi từ bỏ quả là oái ăm, nếu không nói là bất hiếu, vô lý, và vô nghĩa. “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Chúng ta không nên hiểu lời Chúa Giêsu theo một nghĩa đen lạnh lùng, thiếu óc tưởng tượng. Ngôn ngữ Đông Phương bao giờ cũng sinh động tới độ cao nhất của trí khôn loài người. Khi Chúa Giêsu bảo chúng ta phải ghét những kẻ gần gũi và thân thiết với mình là Ngài không có ý nói theo nghĩa đen. Ngài chỉ muốn nói rằng không có tình yêu nào trên đời này có thể so sánh với tình yêu mà chúng ta phải có đối với Ngài được. Có một chân lý nổi bật trong đoạn này :

Có thể là người theo Chúa Giê-su mà vẫn không phải là môn đệ của Ngài ; có thể là kẻ theo trại quân mà vẫn không phải lính của vua ; có thể là kẻ bám víu vào một đại sự mà vẫn không dấn thân gì cả. Có người nói với một giáo sư về một chàng thanh niên rằng : "Anh ta nói với tôi rằng anh ta là học trò của ông." Vị giáo sư thẳng thắn trả lời : "Anh ta có thể đã ngồi trong lớp học của tôi, nhưng không phải là một trong số các học trò của tôi." Có sự khác biệt giữa một người trong lớp và thực sự làm học trò. Thật rất đáng buồn cho Hội Thánh khi trong Hội Thánh có quá nhiều kẻ theo Chúa cách xa xa và có quá ít người thực sự là môn đệ Chúa.

Những lời Chúa phán thật đáng ngạc nhiên, đến độ nghe chói tai nữa. Thế nhưng nó chỉ có ý diễn tả một điều : tình yêu Chúa phải chiếm chỗ nhất trong trái tim ta, và ta phải gỡ bỏ tất cả những gì cản trở tình yêu ấy. Thánh Grêgoriô Cả (mà ta mừng lễ hôm 3-9 mới đây) giải thích câu "khó nghe" này, ngài viết : "Ở đời này hãy yêu tất cả, kể cả kẻ thù, nhưng ta phải ghét những ai ngăn cản ta trên bước đường dẫn tới Chúa, dầu đó là người thân. Như vậy ta phải yêu người lân cận, phải có lòng bác ái đối với tất cả, với kẻ gần và người xa, nhưng không được vì yêu họ mà ta xa tình yêu Chúa." Dứt khoát là phải giữ bậc thang giá trị trong tình yêu : Chúa trên hết.

Năm 1960, Gale Sayer là cầu thủ bóng chày chạy nhanh nhất của đội banh Chicago Bear, nhưng trên cổ anh luôn mang một mề đai ghi hàng chữ, “tôi ở hạng ba.” Đó cũng là tựa đề cuốn tiểu sử của anh, bán khá chạy. Trong đó anh giải thích tại sao anh chọn câu đó làm lẽ sống, vì đối với anh : Chúa là hạng nhất, tha nhân hạng nhì, còn anh hạng ba. Và anh quyết định, hằng ngày anh cố sống câu đó. Không hẳn lúc nào cũng thành công, nhưng nó giúp anh không đi trệch đường.

Chúa là trên hết, Chúa là hạng nhất, là ưu tiên một, tha nhân là ưu tiên hai, bản thân là hạng ba. Nếu cả hạng hai và hạng ba trợ giúp tôi để tiến tới Chúa là hạng nhất, thì có cớ gì phải bỏ. Nếu nó là vật cản, sẵn sàng từ bỏ để theo tiếng gọi của Chúa : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Hẳn chúng ta cũng đã từng được nghe chuyện các vị thánh, và cả các vị “thường” muốn theo Chúa, mà mẹ cha cản ngăn, nên đã thà bất hiếu mà trở thành môn đệ chất lượng cao của Chúa. Chúa dùng thẳng chữ “ghét.”

Nhưng cũng rất nhiều, và chắc chắn nhiều hơn trường hợp trên, mẹ cha, anh em là đà đẩy, -chứ không phải kỳ đà cản mũi- đà đẩy đưa mình đi theo tiếng Chúa gọi. Lúc đó cha mẹ anh em là trợ lực, chứ chẳng phải trở lực. Những trường hợp đó thì đâu cần ghét mẹ cha, mà là thương, vì mẹ cha, người thân là bậc cho mình bước lên đi đến với Chúa với tư cách là người môn đệ chất lượng cao.

Trong tác phẩm “Người nghèo của Thiên Chúa,” Nikos Kazanzakis đã dệt nên mẩu chuyện này về Phanxicô :

Một bạn học từ thủa thanh xuân đi về làng quê, tình cờ gặp lại Phanxicô trong vóc dáng bơ phờ tả tơi. Anh nhận mãi mới ra bạn xưa, nên chạy tới ôm chồm Phanxicô và hỏi :

-Ai khiến anh ra nông nổi này ?

-Chúa đã làm giúp tôi

-Bao nhiêu đồ sang trọng của anh, bao nhiêu áo quần đẹp đẽ của anh, cả cái lông chim đỏ gắn trên mũ của anh thủa nào, sao mất hết rồi, cả cái nhẫn kim cương nữa, sao không thấy ?

-Satan cho tôi, tôi trả lại nó rồi

Người bạn dang xa, nhìn kỹ Phanxicô hào hoa xưa, nay như thế, mũ không, giày dép cũng không, nên rơi lệ hỏi :

-Bạn, bạn từ đâu đến vậy ?

-Từ một thế giới khác !

Môn đệ chất lượng cao phải vất bỏ hết như thế đó. Nhưng nếu có ai sợ hãi trước tất cả những đòi hỏi ấy thì nên nhớ rằng mình không phải chiến đấu cô đơn đâu, Đấng đã kêu gọi chúng ta vào con đường hẹp, sẽ đi cùng chúng ta trên con đường đó, và Ngài sẽ ở cùng cuối đường để đón tiếp chúng ta, nếu chúng ta muốn làm môn đệ chất lượng cao của Chúa tối cao.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(theo gợi ý từ Lm Ngọc Hàm và Lm Hữu An)

_______________________________

(*) thực ra phải nói là “phẩm chất cao” vì “lượng” thì cân đo đong đếm được. Không thể dùng “lượng” để chỉ “phẩm” là cái không cân đo đong đếm được. “Chất lượng cao” là kiểu nói thô thiển, nhưng vì quá quen, nên tạm dùng.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:29 07/09/2019

31. Nếu chúng ta bằng lòng để cho Đức Chúa Giê-su ở trong tâm hồn chúng ta, thì chúng ta sẽ tự khiêm tự hạ.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:36 07/09/2019
9. LANG SÓI ĂN CÁ

Xảy ra nạn hạn hán, cầu mưa thì phải bày tỏ lòng thành, chiếu theo lệ là cấm mổ thịt.

Ngự sứ Lâu Sư Đức đến huyện Thiểm Tây thị sát, quan địa phương vì để nịnh nọt ông ta nên sai đầu bếp đem thịt dê để mời ông ta ăn.

Lâu Sư Đức chất vấn tên đầu bếp:

- “Tại sao chúng mày giết dê ?”

Đầu bếp trả lời:

- “Không phải giết dê, mà là lang sói cắn dê chết đấy”.

Lâu Sư Đức cười cười nói:

- “Con lang sói này ngạo mạn hiểu ngược lễ tiết”.

Một lúc sau, đầu bếp lại dọn ra một dĩa cá nướng, ngự sứ lại hỏi, đầu bếp cố ý nói:

- “Nó cũng bị lang sói cắn chết đấy”.

Lâu Sư Đức cười lớn nói:

- “Mày đúng là thằng ngốc, tại sao không nói con rái cá cắn chết nó, nói như thế thì sẽ không lộ tẩy chứ !”

(Cổ kim tiếu sứ)

Suy tư 9:

Lang sói chỉ cắn chết dê chứ lang sói không xuống hồ ao sâu để cắn chết cá, mà nếu có cắn chết cá chăng nữa thì nó cũng xơi sạch có đâu để đem rán chiên thơm phứt ngon lành !

Ma quỷ là loài lang sói trong đời sống tín ngưỡng của chúng ta, nó cắn chết đức tin của chúng ta bằng những mưu mô cám dỗ, nó cắn chúng ta chết trong những đam mê của mình…

Nhưng có một loài lang sói cũng khủng khiếp chẳng kém gì ma quỷ nó ở ngay trong mỗi người chúng ta, nó chính là lòng tham của mỗi người, lòng tham này đã biến thành lang sói nhe nanh gầm gừ khi thấy mối lợi cho mình, nó gầm gừ chực cắn khi người khác có cái mà mình không có, nó cũng lồng lộn lên cắn xé người khác khi người ấy nói đúng tim đen tham lam của mình…

Lang sói chỉ ăn dê chứ ít khi ăn cá, người có lòng lang sói thì “siêu” hơn một bậc là “ăn” và cắn cái gì cũng được miễn là có lợi cho mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 23 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:39 07/09/2019
Chúa Nhật 23 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 14, 25-33.

“Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”


Bạn thân mến,

Muốn làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su thì phải từ bỏ mọi sự, đó là một lựa chọn dứt khoát mà Đức Chúa Giê-su đã không ngần ngại tuyên bố với những người muốn theo Ngài. “Từ bỏ những gì mình có” –theo quan niệm của giáo dân- thì chỉ có những người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa mới từ bỏ mà thôi, còn giáo dân thì từ bỏ cũng tốt mà không từ bỏ thì cũng chẳng sao, phải vậy không ?

Người phải từ bỏ những gì mình có trước hết chính là những môn đệ của Đức Chúa Giê-su, tức là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, không phân biệt ai là người đi tu hoặc không đi tu, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã nói câu này trong bối cảnh có rất đông người cùng đi đường với Ngài (Lc 14, 25) và “trong anh em bất luận là ai không từ bỏ hết những gì mình có…” (Lc 14, 33) chắc chắn trong số những người này vừa có các tông đồ vừa có những người hâm mộ lời của Ngài giảng dạy, cho nên không thể tách biệt người phải từ bỏ và người không từ bỏ ra hai bên.

1. Từ bỏ mọi sự những gì mình có.

Giáo dân hay linh mục, tu sĩ nam nữ đều có bổn phận từ bỏ mọi sự để vác thập giá đi theo Đức Chúa Giê-su, đó không còn là lời khuyên nữa nhưng là mệnh lệnh.

Từ bỏ và vác thập giá phải đi đôi với nhau, bởi vì khi từ bỏ là bạn và tôi phải hy sinh: từ bỏ ăn sung mặc sướng tức là hy sinh không hưởng thụ; từ bỏ của cải thế gian tức là hy sinh không bon chen kiếm tiền kiểu đầu tắt mặt tối, mà quên mất nghĩa vụ và bổn phận của người Ki-tô hữu; từ bỏ thú vui do danh vọng đưa đến, tức là hy sinh sống như không có quyền lực danh vọng.

2. Tử bỏ là vác thập giá ?

Có một vài linh mục địa phận (triều) nghĩ rằng: mình chỉ hứa vâng lời giám mục của mình mà thôi, còn sống khó nghèo là của các cha dòng (tu sĩ), do đó tuy không giàu có như những đại gia, nhưng các linh mục đa phần là có tiền bạc, rất ít các linh mục địa phận nghèo khó và sống nghèo, cho nên cái mà linh mục phải từ bỏ trước tiên chính là tiền bạc, để các ngài được thong dong rao giảng sự nghèo khó mà không bị chống đối, dĩ nhiên đó là cách giảng Lời Chúa hay nhất cho giáo dân trong thời đại ngày nay.

Cái mà các tu sĩ nam nữ phải từ bỏ chính là cái tôi kiêu ngạo của mình, bởi vì có một số các tu sĩ nam nữ -đôi lúc- coi giáo dân như là “công dân hạng thứ trong trong Giáo Hội”, nên có những thái độ và lời nói không mấy khiêm tốn với họ, và như thế việc truyền giáo sẽ không được thuận buồm xuôi gió…

Từ bỏ tức là vác thập giá, nếu các mục tử của Chúa biết vui với người vui và khóc với người khóc, thì đích thị mỗi vị mục tử là mỗi chứng nhân sáng chói nhất của Tin Mừng.

Bạn thân mến,

Còn chúng ta là những giáo dân thì từ bỏ những gì ? Bởi vì giáo dân cũng là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, cho nên chúng ta cũng phải từ bỏ những gì mà Ngài muốn chúng ta từ bỏ.

Từ bỏ cái tôi kiêu ngạo để khiêm tốn chấp nhận thói quen xấc láo của anh em, thì cũng là vác thập giá mình; từ bỏ thói quen phê bình người khác để nói lời thông cảm, là hy sinh để được người anh em; từ bỏ thói quen giận dữ với người khác, để hiền lành vác thập giá theo Đức Chúa Giê-su…

Đem cái áo mới mua, đem một số tiền bạc cho người khác thì dễ, nhưng đem cái mình quý nhất cho người khác thì rất khó, cái mình quý nhất là mạng sống, là cái tôi muốn hưởng thụ trong một xã hội dư thừa vật chất…

Từ bỏ mình cũng là đồng thời vác thập giá mình mà theo Đức Chúa Giê-su, nếu từ bỏ mà không muốn vác thập giá thì chưa trọn vẹn trở nên môn đệ của Ngài, cũng như chưa thật sự là anh em bạn hữu của mọi người…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khóa học chuẩn bị cho các vị truyền giáo Salesian lần thứ 150 được bắt đầu ở Cộng thể Hang Toại đạo Thánh Tarcisio ngoài thành Rome
Thanh Quảng sdb
03:42 07/09/2019
Khóa học chuẩn bị cho các vị truyền giáo Salesian lần thứ 150 được bắt đầu ở Cộng thể Hang Toại đạo Thánh Tarcisio ngoài thành Rome
Nhóm Truyền giáo đầu tiên do Don Bosco gửi đi Nam Mỹ

Hang toại đạo Thánh Tarcisio ở Rome, ngày 7 tháng 9 năm 2019 - 36 nhà truyền giáo cho chuyến truyền giáo lần thứ 150 được khai giảng chuẩn bị cho các ứng sinh đi truyền giáo. Đây là chuyến Truyền giáo thứ 150 sau khi cha thánh Bosco gửi các nhà truyền giáo đầu tiên đi Nam Mỹ Châu khi cha mới thành lập Tu hội được một thời gian ngắn… Các nhà truyền giáo mới, được hướng dẫn bởi cha cố vấn đặc trách Truyền giáo của Tu hội Salesian Don Bosco, cha Guillermo Basañes và linh mục mục phụ tá của Ngài là cha Gianni Rolandi và người kế nhiệm cha phụ tá Rolandi là Cha Giuse Nguyễn Thịnh Phước hướng dẫn, để đề ra các định hướng thích nghi với các nền văn hóa mới trước nhiệt tâm Tông đồ truyền giáo ngày nay. Sau một khóa học ngắn các thành viên sẽ tham dự cuộc hành hương các địa danh nơi Don Bosco sinh sống và làm việc xưa kia ở vùng Piemonte nước Ý.
Danh sách các vị truyền giáo của đoàn truyền giáo thứ 150 sẽ được xuất phát từ Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Phù Hộ tại Valdocco gồm có:
Thầy Piero Ramello (ICP tỉnh-Torino) – sẽ đi Pakistan (FIS)
Tư giáo David Mbanu (tỉnh AFW - Nigeria) - sẽ đi Mông Cổ (VIE)
Tư giáo Felix Almeida (tỉnh INB - Mumbai) - sẽ đi Đoàn Mông Cổ (VIE)
Tư giáo Philip Neri Tsutsumi Ryosaku (GIA-Nhật Bản) - sẽ đi Á tỉnh PGS
8 ứng viên truyền giáo từ vùng Á châu sẽ được gửi đến các khu vực khác (4 đi Châu Âu, 4 đi Châu Mỹ Latinh) là:
Cha Oliver Bautista Ryan (FIN) đến Litva (Tỉnh ICP, trong Trong Dự án Châu Âu)
Tư giáo Phêrô Nguyễn Thành Trung (VIE) đi Tây Ban Nha (tỉnh SSM, trong Trong Dự án Châu Âu)
Thày Phêrô Trần Quốc Thuận Peter (VIE) đến Albania (Tỉnh IME, Trong Dự án Châu Âu)
Tư giáo Giuse Lê Văn Nhân (VIE) đi Anh quốc (Tỉnh GBR, Trong Trong Dự án Châu Âu)
Thầy Gioan Lã Thanh Long (VIE) đi Brasil (Tỉnh BMA-Manaus, vùng Amazon)
Tư giáo Gregorio Ngô Minh Nhật (VIE) đi Ecuador (tỉnh ECU, vùng Amazon)
Tư giáo Gioan Nguyễn Thành Tín (VIE) đi Bôlivia (tỉnh BOL)
Tư giáo Luca Trần Quốc Hưng (VIE) đi Trung Mỹ (tỉnh CAM-6 quốc gia)
Xin chúc mừng tinh thần hăng say tông đồ Truyền giáo của các ứng sinh trẻ trong số đó phần đông là các tu sĩ Việt Nam và cũng chúc mừng cha Giuse Nguyễn Thịnh Phước SDB sẽ làm việc cho Ban Truyền Giáo của Tu hội tại Roma.
 
Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại buổi gặp gỡ các nhà cầm quyền, Ngoại giao đoàn và Đại diện của Xã hội Dân sự Madagascar
Vũ Văn An
04:47 07/09/2019

Thưa Tổng thống,
Thưa Thủ tướng
Các Thành viên của Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
Qúy Nhà Cầm Quyền,
Đại diện các tôn giáo khác nhau và của xã hội dân sự,
Thưa quý bà và qúy ông,

Tôi gửi lời chào thân ái tới Tổng thống Cộng hòa Madagascar. Tôi cảm ơn ngài, thưa Tổng thống, vì lời mời tốt đẹp của ngài đến thăm đất nước xinh đẹp này, và vì những lời chào mừng của ngài. Tôi cũng xin chào Ngài Thủ tướng, các thành viên của Chính phủ và Ngoại giao đoàn và các đại diện của xã hội dân sự. Tôi cũng gửi lời chào huynh đệ đến các Giám mục và các thành viên của Giáo Hội Công Giáo, và đến các đại diện của các tín phái Kitô giáo khác và của các tôn giáo khác. Tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến tất cả những người và định chế đã làm cho chuyến thăm này thành khả hữu, và đặc biệt là người dân Madagascar, những người đã chào đón chúng tôi với lòng hiếu khách đầy ấn tượng.



Trong Lời nói đầu của Hiến pháp Cộng hòa của qúy vị, qúy vị muốn lưu giữ như của thánh thiêng một trong những giá trị căn bản của nền văn hóa Madagascar: fihavanana, một hạn từ gợi lên tinh thần chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và liên đới. Nó cũng gợi lên tầm quan trọng của gia đình, tình bạn và thiện chí giữa con người và với thiên nhiên. Nó tiết lộ “linh hồn” của dân tộc qúy vị, bản sắc riêng biệt của nó vốn làm nó có khả năng đối đầu với những vấn đề và khó khăn khác nhau mà nó phải đối đầu hàng ngày một cách can đảm và đầy hy sinh. Nếu chúng ta phải công nhận, quý trọng và đánh giá cao vùng đất diễm phúc này vì vẻ đẹp và tài nguyên thiên nhiên vô giá của nó, thì chúng ta cũng phải làm điều y như thế với “linh hồn” này, một linh hồn, như Cha Antoine de Padoue Rahajarizafy, SJ, đã nhận sét một cách đúng đắn, đã cho qúy vị sức mạnh để tiếp tục ôm lấy “aina”, sự sống.

Kể từ khi quốc gia của qúy vị giành được độc lập, nó vốn khao khát sự ổn định và hòa bình, qua một diễn trình luân phiên dân chủ hữu hiệu, một diễn trình biết tôn trọng tính bổ sung của nhiều phong cách và tầm nhìn. Điều này chứng tỏ rằng “chính trị là một phương tiện chủ yếu để xây dựng cộng đồng và định chế nhân bản” (Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới 2019, ngày 1 tháng 1 năm 2019), khi nó được thực hành như một phương tiện phục vụ xã hội như một toàn thể. Rõ ràng, chức vụ chính trị và trách nhiệm chính trị đại diện cho một thách thức không ngừng đối với những người được giao sứ mệnh phục vụ và bảo vệ đồng bào của họ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất và tạo điều kiện cho sự phát triển có giá trị và công chính với sự can dự của mọi tác nhân trong xã hội dân sự. Như Thánh Phaolô VI đã lưu ý, sự phát triển của một quốc gia “không thể bị giới hạn ở mức tăng trưởng kinh tế mà thôi. Để được chân chính, nó phải có tính toàn diện; nó phải cổ vũ sự phát triển của mỗi con người và của toàn bộ con người” (Populorum Progressio, 14).

Về phương diện này, tôi khuyến khích qúy vị đấu tranh một cách mạnh mẽ và đầy quyết tâm chống lại mọi hình thức tham nhũng và đầu cơ cố hữu vốn làm gia tăng sự chênh lệch xã hội, và đối mặt với những tình huống bất ổn và loại trừ vốn luôn tạo ra các điều kiện nghèo đói vô nhân đạo. Ở đây chúng ta thấy sự cần thiết phải thiết lập các cơ cấu trung gian khác nhau có thể bảo đảm việc phân chia thu nhập tốt hơn và một sự phát triển toàn diện mọi con người, đặc biệt là những người nghèo nhất. Sự phát triển này không thể bị giới hạn ở các cơ cấu trợ giúp xã hội có tổ chức, mà còn đòi hỏi sự thừa nhận các chủ thể của luật pháp được kêu gọi tham dự đầy đủ vào việc xây dựng tương lai của họ (xem Evangelii Gaudium, 204-205).

Chúng ta cũng đã nhận ra rằng chúng ta không thể nói tới sự phát triển toàn diện mà không cho thấy sự quan tâm và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Điều này kêu gọi không những việc tìm tòi các phương cách để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn tìm tòi các “giải pháp toàn diện biết quan tâm đến các tương tác trong chính các hệ thống tự nhiên và với các hệ thống xã hội. Chúng ta đang đối đầu không phải với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một khủng hoảng môi trường và khủng hoảng kia có tính xã hội, mà là với một cuộc khủng hoảng phức tạp, vừa có tính xã hội vừa có tính môi trường (Laudato Si’, 139).

Hòn đảo Madagascar đáng yêu của qúy vị rất phong phú về tính đa dạng sinh học thực vật và động vật, tuy nhiên, kho tàng này đang đặc biệt bị đe dọa bởi nạn phá rừng quá mức, mà một số người được hưởng lợi nhờ đó. Sự suy thoái của tính đa dạng sinh học đó làm tổn hại đến tương lai của đất nước và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Như qúy vị đã thấy, những khu rừng cuối cùng bị đe dọa bởi những vụ cháy rừng, săn trộm, việc chặt phá những khu rừng có giá trị. Tính đa dạng sinh học thực vật và động vật đang bị đe dọa bởi buôn lậu và xuất khẩu bất hợp pháp. Tuy nhiên, điều cũng đúng là, đối với các dân tộc liên hệ, một số hoạt động gây hại cho môi trường hiện đang bảo đảm sự sống còn của họ. Vì vậy, điều quan trọng là tạo ra việc làm và các hoạt động phát sinh thu nhập, đồng thời bảo vệ môi trường và giúp người ta thoát cảnh nghèo đói. Tắt một điều, không thể có cách tiếp cận sinh thái đích thực hoặc các nỗ lực hữu hiệu để bảo vệ môi trường nếu không đạt được một nền công bằng xã hội có khả năng tôn trọng quyền được phân phối chung của cải của trái đất, không những của thế hệ hiện nay, mà của cả các thế hệ sắp tới.

Về phương diện này, mọi người có phận sự phải can dự vào, kể cả cộng đồng quốc tế, mà nhiều thành viên của nó hiện có mặt ở đây ngày hôm nay. Phải thừa nhận rằng viện trợ được các tổ chức quốc tế cung cấp cho sự phát triển của đất nước là rất lớn, và cho thấy sự cởi mở của Madagascar đối với thế giới rộng lớn hơn. Tuy nhiên, sự cởi mở này có thể có nguy cơ biến thành “một nền văn hóa cầm bằng phổ quát” chỉ biết khinh miệt, khuất phục và đàn áp gia tài văn hóa của các dân tộc cá thể. Một việc hoàn cầu hóa kinh tế, mà các hạn chế của nó ngày càng hiển nhiên, không nên dẫn đến sự độc dạng văn hóa. Nếu chúng ta tham gia vào một diễn trình biết tôn trọng các giá trị và cách sống của địa phương và hoài mong của người dân, chúng ta sẽ bảo đảm rằng viện trợ do cộng đồng quốc tế cung cấp sẽ không phải là sự bảo đảm duy nhất cho sự phát triển của đất nước. Người dân sẽ dần dần chịu trách nhiệm và trở thành nghệ nhân tạo ra tương lai cho chính mình.

Đó là lý do tại sao chúng ta nên chứng tỏ sự quan tâm và tôn trọng đặc biệt đối với xã hội dân sự địa phương. Khi hỗ trợ các sáng kiến và hành động của nó, tiếng nói của những người không có tiếng nói sẽ được lắng nghe, cùng với sự hòa hợp đa dạng và thậm chí bất đồng của cộng đồng quốc gia trong nỗ lực đạt được sự thống nhất. Tôi mời qúy vị tưởng tượng ra con đường này, trên đó không ai bị gạt sang một bên, hoặc bị bỏ lại một mình hoặc trở nên bị di hại.

Là một Giáo hội, chúng tôi muốn bắt chước thái độ đối thoại của người đồng công dân của qúy vị, Chân phước Victoire Rasoamanarivo, người mà Thánh Gioan Phaolô II đã phong chân phước trong chuyến viếng thăm của ngài ở đây ba mươi năm trước. Chứng tá tình yêu của bà đối với lãnh thổ này và các truyền thống của nó, việc phục vụ người nghèo của bà như một dấu chỉ đức tin của bà vào Chúa Giêsu Kitô, cho chúng ta thấy con đường mà chúng ta cũng được mời gọi bước theo.

Thưa Tổng thống, thưa quý bà và qúy ông, tôi muốn tái khẳng định lòng mong muốn và sự sẵn sàng của Giáo Hội Công Giáo ở Madagascar, trong cuộc đối thoại liên tục với các Kitô hữu của các tín phái khác, những người theo các tôn giáo khác nhau và tất cả các thành phần của xã hội dân sự, để đóng góp vào bình minh của một tình huynh đệ thực sự luôn luôn coi trọng fihavanana. Bằng cách này, một sự phát triển con người toàn diện có thể được cổ vũ, để không có ai còn bị loại trừ.

Với niềm hy vọng đó, tôi xin Thiên Chúa chúc phúc cho Madagascar và những người sống ở đây, giữ cho hòn đảo đáng yêu của qúy vị được bình an và đầy chào đón, và làm cho nó thịnh vượng và hạnh phúc!
 
Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại buổi gặp gỡ giới trẻ Madagascar
Vũ Văn An
21:37 07/09/2019
Sau đây là bản văn do Vatican cung cấp về bài diễn văn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đọc vào ngày 7 tháng 9 năm 2019, trong cuộc gặp gỡ giới trẻ Madagascar tại Cánh đồng giáo phận Soamandrakizay, Antananarivo, Madagascar. Ngài đang ở chặng thứ hai của chuyến tông du 4-10 tháng 9 đến Châu Phi

Cha cảm ơn các con, vì những lời chào mừng của các con. Cũng xin cảm ơn các con, các người trẻ thân mến, những người đã đến từ mọi nơi của hòn đảo xinh đẹp này, bất chấp nhiều cố gắng và khó khăn mà điều này đã gây ra cho nhiều người các con. Tuy nhiên, các con đang ở đây! Điều đó làm cho Cha hạnh phúc hơn khi cùng các con tham dự buổi canh thức cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã mời chúng ta tới. Cảm ơn các con vì những bài hát và điệu múa truyền thống mà các con đã biểu diễn với sự nhiệt tình như vậy. Mọi người nói với Cha trước về niềm vui và sự nhiệt tình đáng chú ý của các con, và họ không sai!



Cảm ơn các con, Rova Sitraka và Vavy Elyssa, vì đã chia sẻ với mỗi chúng ta quá trình tìm kiếm, đầy hy vọng và thách thức, đã đưa các con đến đây hôm nay. Thật tốt biết bao khi gặp hai người trẻ tuổi với một đức tin sống động, một niềm tin đang tiến bước! Chúa Giêsu luôn để trái tim chúng ta bồn chồn; Người chỉ đường cho chúng ta và khiến chúng Cha tiến bước. Các môn đệ của Chúa Giêsu, nếu muốn lớn lên trong tình bạn, không được đứng yên, phàn nàn hoặc nhìn vào bên trong. Họ cần phải di chuyển, hành động, cam kết, vì biết chắc chắn rằng Chúa đang hỗ trợ và đồng hành với họ.

Đó là lý do tại sao Cha thích nghĩ về mọi người trẻ như một người tìm kiếm. Các con có nhớ câu hỏi đầu tiên Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ của Người bên bờ sông Giócđan không? “Các con tìm kiếm gì?” (Ga 1:38). Chúa biết rằng chúng ta đang tìm kiếm “niềm hạnh phúc mà vì nó chúng ta đã được dựng nên”, và là niềm hạnh phúc “thế giới sẽ không thể lấy khỏi chúng ta” (Gaudete et Exsultate, 1; 177). Mỗi người biểu lộ điều đó cách khác nhau, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, tất cả các con đều đang tìm kiếm hạnh phúc mà không ai có thể lấy khỏi chúng ta” (x. Ibid., 177).

Này Rova, Con nói với chúng ta rằng trong trái tim con, con muốn đến thăm tù nhân từ lâu. Con bắt đầu bằng cách giúp đỡ một linh mục trong thừa tác vụ của ngài, và dần dần, con ngày càng tham gia nhiều hơn, đến độ điều này trở thành sứ mệnh bản thân của con. Con nhận ra rằng cuộc sống của con là một sứ mệnh. Được phát sinh từ đức tin, việc tìm kiếm này giúp làm cho thế giới nơi chúng ta sống trở thành tốt hơn, phù hợp hơn với Tin Mừng. Những gì các con đã làm cho người khác cũng biến đổi các con; nó thay đổi cách nhìn và đánh giá con người của các con. Nó làm cho các con thành người công bằng và nhạy cảm hơn. Các con đã hiểu và khám phá ra rằng Chúa là một phần của cuộc đời các con: Người ban cho các con một hạnh phúc mà thế giới không thể lấy mất khỏi các con.

Trong sứ mệnh của mình, các con đã học được cách ngừng dán nhãn hiệu lên mọi người và thay vào đó gọi họ bằng tên, như Chúa làm với chúng ta. Người không gọi chúng ta bằng tội lỗi, lỗi lầm, thiếu sót, giới hạn của chúng ta, nhưng bằng tên của chúng ta; mỗi chúng ta đều quý giá trong mắt Người. Ma quỷ cũng biết tên của chúng ta, nhưng nó thích gọi chúng ta bằng cách liên tục nhắc nhở chúng ta về tội lỗi và lỗi lầm của chúng ta; bằng cách này, nó làm cho chúng ta cảm thấy rằng dù chúng ta có làm bao nhiêu, không có gì có thể thay đổi, mọi thứ sẽ vẫn như cũ. Chúa không có bất cứ điều gì như thế. Chúa luôn nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta quý giá như thế nào trong mắt của Người và Người giao phó cho chúng ta một sứ mệnh.

Các con đã học được cách nhìn thấy sự khác biệt của mỗi người, nhưng cả lịch sử ẩn phía sau mỗi khuôn mặt nữa. Các con đã từ bỏ những lời chỉ trích nhanh chóng và dễ dãi luôn làm tê liệt chúng ta, và các con đã học được điều gì đó mà, đối với nhiều người, phải mất nhiều năm để khám phá. Các con nhận ra rằng một số lớn những người ở trong tù, họ ở đó không phải vì họ xấu, mà vì họ đã thực hiện những lựa chọn tồi. Họ đã đi sai đường và họ nhận ra điều đó, nhưng bây giờ họ mong muốn có một khởi đầu mới.

Điều này nhắc nhở chúng ta về một trong những món quà đẹp nhất mà tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu có thể cung ứng cho chúng ta: “Người ở trong các con, Người ở bên các con và Người không bao giờ bỏ rơi các con. Tuy nhiên, dù các con có đi lang thang bao xa, Người luôn ở đó, Đấng Phục sinh. Người gọi các con và Người chờ các con quay lại với Người và bắt đầu lại một lần nữa" (Christus Vivit, 2), và Người giao phó cho các con một sứ mệnh. Hôm nay Người yêu cầu tất cả chúng ta khám phá và ăn mừng món quà đó.
Cũng từ kinh nghiệm bản thân, chúng ta đều biết rằng mọi người có thể “đi lạc hướng” và chạy theo những ảo tưởng rù quyến luôn hứa hẹn những gì xem ra là niềm vui nhanh chóng, dễ dãi và tức thời, nhưng cuối cùng chỉ khiến trái tim, giấc mơ và tâm hồn chúng ta bị mắc kẹt giữa đường. Khi chúng ta còn trẻ, những ảo tưởng này quyến rũ chúng ta bằng những lời hứa hẹn mà sau cùng chỉ làm chúng ta chết đứng; chúng lấy đi sức sống và niềm vui của chúng ta; chúng để chúng ta lệ thuộc và cay đắng, bị mắc kẹt trong một ngõ cụt.

Về việc trở nên cay đắng... Có lẽ không phải vậy, nhưng có một rủi ro mà các con có thể bắt đầu nghĩ tới: “Đó là cách mà mọi thứ vốn hiện hữu... không có gì sẽ thay đổi và không ai có thể thay đổi dù một điều duy nhất”. Đặc biệt khi các con thiếu những điều cần thiết căn bản để sống qua ngày hoặc theo đuổi việc học, hoặc khi các con nhận ra rằng không có việc làm, sự ổn định và bất công xã hội, tương lai của các con bị chặn đứng... và sau đó bị cám dỗ bỏ cuộc.

Chúa là người đầu tiên nói với các con không! Đó không phải là con đường để đi. Người đang sống và Người cũng muốn các con được sống. Người muốn các con chia sẻ mọi tài năng và đặc sủng của các con, mọi giấc mơ và tài năng của các con (xem ibid., 1). Chúa gọi mỗi chúng ta bằng tên và nói: Hãy Theo Cha! Người không kêu gọi chúng ta chạy theo ảo ảnh nhưng trở thành môn đệ truyền giáo ở đây và lúc này. Người là người đầu tiên bác bỏ tất cả những giọng nói sẽ ru ngủ các con, khiến các con trở nên thụ động, tê liệt và lãnh đạm, và do đó ngăn các con tìm kiếm những chân trời mới. Với Chúa Giêsu, luôn có những chân trời mới để tìm kiếm. Người muốn thay đổi chúng ta và biến cuộc sống của chúng ta thành một sứ mệnh. Nhưng Người nói với chúng ta đừng sợ bẩn tay.

Qua các con, tương lai sẽ đến Madagascar và đến với Giáo hội. Chúa là người đầu tiên tin tưởng nơi các con, nhưng Người cũng yêu cầu các con tin tưởng vào chính mình và các kỹ năng và khả năng của chính các con, những điều có rất nhiều. Người yêu cầu các con khuyến khích nhau và cùng Người viết một trang đẹp đẽ nhất trong cuộc đời các con, bác bỏ sự lãnh đạm và, giống như Rova, cung ứng một câu trả lời Kitô giáo cho nhiều vấn đề mà các con đang gặp phải. Chúa kêu gọi chúng ta trở thành những người xây dựng tương lai (x. Ibid., 174). Người kêu gọi các con đóng góp như chỉ các con mới có thể đóng góp, bằng niềm vui và sự tươi mới trong đức tin của các con. Cha muốn mỗi các con tự hỏi: Chúa Giêsu có thể tin tưởng vào tôi không?

Chúa không tìm kiếm những nhà thám hiểm đơn độc. Người giao cho chúng ta một sứ mệnh, đúng, nhưng Người không sai chúng Cha đơn độc ra ngoài chiến tuyến.

Vavy Elyssa đã đưa ra điểm này rất hay. Không thể là một môn đệ truyền giáo một mình được. Chúng ta cần những người khác để trải nghiệm và chia sẻ tình yêu và niềm tín thác mà Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy. Một cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu là điều chủ yếu, không chỉ đơn giản như các cá nhân mà còn trong cộng đồng. Chắc chắn, chúng ta có thể tự mình hoàn thành những điều tuyệt vời, nhưng cùng nhau chúng ta có thể mơ ước và thực hiện những điều chưa mơ tưởng tới! Vavy nói điều này cách độc đáo: chúng ta được mời gọi tìm khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi khuôn mặt của người khác. Bằng cách cử hành đức tin trong gia đình của chúng ta, bằng cách tạo ra mối liên kết huynh đệ, bằng cách tham dự vào cuộc sống của nhóm hoặc phong trào và bằng cách khuyến khích nhau cùng nhau thắp sáng đường mòn trong tình liên đới. Nhờ cách này, chúng ta có thể học cách biện phân những nẻo đường mà Chúa đang mời chúng ta chọn, những chân trời mà Người đang chuẩn bị cho các con! Đừng bao giờ rút lui khỏi người khác, hoặc muốn đi một mình! Đây là một trong những cơn cám dỗ tồi tệ nhất có thể có.



Trong cộng đồng, chúng ta có thể học cách nhận ra những phép lạ nhỏ bé hàng ngày, như tất cả những điều giúp chúng ta thoáng nhìn thấy việc bước chân theo và yêu mến Chúa Giêsu đẹp đẽ nhường bao. Thông thường, thì một cách khiêm tốn hơn, như trong trường hợp cha mẹ của con, Vavy ạ. Mặc dù họ phát xuất từ các nhóm dân tộc khác nhau, mỗi nhóm có phong tục và truyền thống riêng, tình yêu lẫn nhau của họ đã cho phép họ vượt qua những thử thách và bất đồng. Họ chỉ cho các con một con đường đẹp đẽ để bước đi. Một con đường được xác nhận mỗi lần họ cho hoa quả trái đất để dâng lên bàn thờ. Chúng ta cần những nhân chứng này xiết bao! Hoặc như dì của con hoặc các giáo lý viên và linh mục từng đồng hành và hỗ trợ họ khi họ lớn lên trong đức tin. Tất cả những điều này đã giúp đỡ và khuyến khích các con, và dẫn đến việc các con nói “xin vâng”. Tất cả chúng ta đều quan trọng và cần thiết, và không ai có thể nói, “tôi không cần anh”, hay, “anh không phải là một phần của kế hoạch yêu thương này vốn là giấc mơ của Chúa Cha khi Người dựng nên chúng ta”.

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta là một gia đình lớn, và vì vậy chúng ta có thể học được rằng chúng ta có một người Mẹ: quan thầy của Madagascar, Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria. Cha luôn luôn có ấn tượng trước quyết tâm khi Mẹ Maria, lúc còn trẻ, nói lời “xin vâng”. Sự quyết tâm khi ngài nói với thiên thần: “Hãy để việc đó được thực hiện cho tôi”. Ngài còn lâu mới nói: “Vâng, nhưng hãy để xem sự việc sẽ ra sao”. Mẹ Maria không thể tưởng tượng được việc nói rằng: “Hãy để xem sự việc sẽ ra sao”. Ngài đơn giản thưa “xin vâng”. Đó là tiếng “xin vâng” của tất cả những người sẵn lòng cam kết và chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đánh cuộc mọi sự, không có sự bảo đảm nào ngoại trừ niềm tin chắc chắn khi biết họ là người mang một lời hứa. Người phụ nữ trẻ đó bây giờ là Người Mẹ trông chừng con cái mình khi chúng bước đi trong đời, thường xuyên mệt mỏi và thiếu thốn, nhưng luôn lo lắng rằng ánh sáng hy vọng sẽ không bị dập tắt. Đó là những gì chúng ta mong muốn cho Madagascar, cho mỗi các con và bạn bè của các con: rằng ánh sáng của hy vọng không bị dập tắt. Mẹ của chúng ta đang nhìn vào cuộc tụ họp lớn lao của người trẻ này, những người yêu mến ngài và tìm kiếm ngài trong sự thinh lặng của trái tim họ, bất chấp sự ồn ào của thế giới và những huyên náo và sao lãng của cuộc hành trình. Họ cầu nguyện với ngài rằng niềm hy vọng của họ sẽ không bao giờ bị dập tắt (x. Christus Vivit, 44-48).

Cha giao phó cuộc sống của mỗi các con và cuộc sống của gia đình và bạn bè của các con cho Mẹ Maria. Xin cho các con đừng bao giờ thiếu ánh sáng hy vọng, và xin cho Madagascar ngày càng trở thành vùng đất mà Chúa hằng mơ ước. Xin Đức Mẹ đồng hành cùng các con và bảo vệ các con luôn mãi.

Và, xin đừng quên cầu nguyện cho Cha.
 
Top Stories
Vietnamese Catholics grateful to Cardinal Roger Etchegaray
Églises d'Asie
10:18 07/09/2019
Joseph Nguyen Chi Linh, President of the Vietnam Bishops' Conference, paid tribute to Cardinal Roger Marie Elie Etchegaray, who died on 4 September in Cambo-les-Bains, for his work in building bridges between Vietnam and the Catholic world. Cardinal Etchegaray, who was former president of the pontifical council Justice and Peace and the Pontifical Council Cor Unum, died in the diocese of Bayonne at 96 years. His death is a great loss not only for his family and the French Church, but for all the college of cardinals and the universal Church, said Bishop Linh.

"Cardinal Etchegaray is a great benefactor in the history of the Church in Vietnam," said Bishop Joseph Nguyen Chi Linh, president of the Vietnam Bishops' Conference, in a special message sent to Vietnamese Catholics on September 5, to honor the late cardinal. The Archbishop of Hue recalled that the French Cardinal was the first high official of the Holy See to visit the Southeast Asian country, after his reunification under the communist regime in 1975, with a diplomatic visit of two weeks in 1989. In 1975, Bishop Henri Lemaître, the Apostolic Delegate, was expelled from South Vietnam by the Communist Government, which cut off all ties with the Vatican, and banned local bishops from keeping in touch with foreign churches. . Bishop Linh explained that the deceased cardinal had managed to strengthen the ties between the two parties."His historic visit was a success. The Vietnamese authorities and all the people of God in Vietnam loved it. His mission opened a historic bridge between Vietnam and the Catholic world, " said the 69-year-old archbishop.

After his visit, the government began to loosen its control over religions, and the local clergy were allowed to study abroad and establish links with foreign churches. In 1990, Cardinal Etchegaray returned to Vietnam to attend the funeral of Cardinal Joseph Trinh Van Can, Archbishop of Hanoi. Bishop Linh announced that he would send a letter of condolence to the French Church and the relatives of the deceased cardinal. He asked the Vietnamese faithful to pray for Bishop Etchegaray, while calling for his intercession for Vietnam and the Church. On September 5, Pope Francis, quoted by Vatican News, stated that Cardinal Etchegaray was "a zealous pastor and beloved of the people he had been called to serve."The pope also pointed out that he was an advisor listened to and appreciated, especially in difficult situations for the life of the Church in different parts of the world. He described the deceased cardinal as a man of peace and dialogue. The Holy Father also recounted the emotional memory of a striking figure of the French Church, with deep faith and a "look towards the ends of the earth, always on the alert when it came to announcing the 'Gospel to the men of today'. The funeral of Cardinal Etchegaray will be celebrated on September 9 in the Sainte-Marie cathedral of Bayonne.

(Source: Églises d'Asie - le 07/09/2019)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Legio Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Melbourne Mừng Sinh Nhật Đức Mẹ
Trần Văn Minh
15:16 07/09/2019
Melbourne, vào lúc 5 giờ 30 chiều Thứ Bảy 7/9/2019, tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Trong một buổi chiều lạnh giá, đoàn quân binh Legio Maria trực thuộc Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Melbourne đã quy tụ về ngôi Thánh đường dâng lễ mừng kính Sinh Nhật Đức Mẹ.

Xem hình

Trước thánh lễ đồng tế mừng sinh nhật Mẹ. Đoàn quân binh từ khắp các đơn vị trực thuộc Comitium bao gồm các Curiae Tôma Thiện, Curiae Gioan Hoan và Curiae Nữ Vương Hòa Bình, cùng với tất cả các Praesidia trong các giáo xứ, cộng đoàn đã chung tay nhau làm chiếc bánh sinh nhật mừng Mẹ bằng tràng chuỗi kinh Mân Côi, do anh phó Nguyễn Cao Ánh hướng dẫn, theo lời của Cha Linh giám Comitium để dâng lên như món quà mừng Mẹ.

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân, Linh giám Comitium, Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ tế, cùng với quý Cha Giuse Vũ Ngọc Tuyển Linh Curiae Tôma Thiện, Cha Anthony Nguyễn Ngọc Dũng Linh giám Curiae Thánh Gioan Hoan, Linh mục Trần Minh Hiếu và Thầy Phó tế Đinh Văn Bổn đồng tế. Ca đoàn Tin Yêu của Legio phụ trách thánh ca với những bài hát ca khen Mẹ, mừng Mẹ nhân ngày Sinh nhật của Mẹ

Trong ngôi thánh đường hôm nay, Tượng Đức Mẹ, vị Nữ tướng của đoàn quân Legio đứng trên ngai tòa nhìn đoàn quân binh của Mẹ đang tề tựu dưới chân để luôn sẵn sàng làm những điều Mẹ truyền bảo.

Sau Thánh lễ, anh Trưởng Comitium Mathew Lê Văn Miện đã lên cám ơn quý Cha linh giám đã cùng về dâng Thánh lễ cùng với Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Melbourne, nhân mừng kính Sinh nhật Đức Mẹ. Và hướng dẫn mọi người đọc kinh bế mạc. Lời kinh sốt sắng và vang vang của muôn người như một của đoàn quân binh Mẹ, như lời tung hô sống động để dâng lên Mẹ như món quà trong Lễ mừng Sinh Nhật của Mẹ vị Nữ tướng của đoàn quân binh Legio.

Như thông lệ, nhân dịp Lễ Mừng Sinh Nhật Đức Mẹ, quý Cha linh giám và Hội đồng Comitium đã chung tay cắt bánh mừng sinh nhật. Đây cũng là dịp cho các đơn vị gặp nhau, lời thăm hỏi, tiếng chào vui, dâng lễ, đọc kinh. Legio không thể thiếu phần văn nghệ mừng Mẹ. Năm nay, được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị trực thuộc Comitium, phần văn nghệ được kể là rất xuất sắc với đủ các bộ môn như: hợp ca mở đầu của Ca đoàn Tin Yêu, múa của Curiae Tôma Thiện với các anh chị lớn tuổi nhưng vẫn còn dẻo dai trong điệu mùa nón. Curiae Gioan Hoan với hoạt cảnh nói về cuộc đời của Thánh Monica và Augustino. Đội Nữ Vương Đức Mẹ thăm viếng Saint Albans với đồng phục áo dài xanh dương mùa nến, Đội Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa Sunshine trong đồng phục thật trẻ trung với điệu nhảy; như Người Samari cũng rất trẻ. Đội Đức Mẹ Vô Nhiễm trong hoạt cảnh bà mẹ quê. Curiae Nữ Vương Hòa Bình múa quạt. Đội trẻ Đức Mẹ Sầu Bi trong một hoạt cảnh. Đội truyền tin trong một nhạc cảnh Bà là ai thật sống động.

Kết thúc văn nghệ là phần trình diễn của Đội trẻ Gioan Hoan rất trẻ trung. Nhờ phần văn nghệ năm nay rất vui đã giữ chân mọi người ở lại tới phút chót. Còn một số tiết đóng góp mà không thể bỏ qua như chị Khang đã bỏ công tập luyện cho Ca đoàn Tin Yêu để phục vụ thánh lễ. Các chị nữa rất âm thầm phục vụ bữa ăn tối cho mọi người, họ đến rất sớm từ các đơn vị sinh hoạt tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, cùng hai chị Trần Thị Vân và Vũ Thị Khánh Vân nhận các phần đóng góp của các đơn vị mang đến rồi sắp xếp, và quý anh chuẩn bị bàn ghế, phần âm thanh ánh sáng của anh Nguyễn Văn Thân và Chương, hai người này đóng góp công rất lớn cho sự thành công của đêm văn nghệ, cùng sự điều khiển chương trình rất chuyên nghiệp của anh Phạm Hiếu. Xin Mẹ ban mọi ơn lành cho tất cả quý vị.
 
Giáo Xứ Việt Nam Paris Tĩnh Tâm Mở Đầu Năm Mục Vụ Mới
Lê Đình Thông
15:57 07/09/2019
Ngày 07/09/2010, Giáo Xứ Paris bắt đầu năm mục vụ 2019-2022 bằng buổi Tĩnh Tâm tại Maison Ephrem, Vương cung Thánh Đường Thánh Tâm trên ngọn đồi Montmartre (Paris). Thành phần dự gồm các thành viên trong Ban Giám Đốc, Ban Mục Vụ và Ban Kinh Tế.

Mở đầu, cha Giám đốc Nguyễn Kim Sang đã xướng kinh Chúa Thánh Thần, giới thiệu đề tài và linh mục giảng phòng.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền gốc giáo phận Kontum, tu học Tiến sĩ Thần học tại Đại Học Công Giáo Paris, đã diễn giảng về đề tài ‘‘Tinh thần phục vụ và sự dấn thân trong đời sống Kitô hữu’’.

Sau khi tuyên đọc Tin Mừng theo thánh Luca về người Samari tốt lành (Lc 10, 25-37) để dẫn nhập cho bài giảng, cha Hiền nói đến tinh thần phục vụ và sự dấn thân.

Phục vụ và dấn thân luôn đi đôi với nhau. Nếu phục vụ mà không có dấn thân chỉ là phục vụ nửa với. Phục vụ đích thực nào cũng đòi hỏi sự dấn thân. Nếu đã sống bác ái là phải cỏ hy sinh, đã sống phục vụ là phải quên mình.

Ngài đưa ra ý kiến của các cha Thừa sai Paris về lòng nhiệt thành của giáo dân Việt Nam. Giáo Hội Việt Nam đã trải qua nhiều gian nan, thử thách mà vẫn sống động, quảng đại, nhiệt thành.

Nhận định về Giáo Xứ Paris, ngài cho rằng các giáo dân phần đông giữ đạo nhưng chưa sống đạo, chưa dấn thân cho việc truyền giáo. Ngài so sánh giữa công đổng Trentô (1545-1563) đề cao vai trò của linh mục, tu sĩ và công đồng Vaticanô II (1962-1965) đề cao vai trò của giáo dân. Trong lịch sử Giáo hội, giáo dân đã góp phần thành lập Giáo Hội sơ khai : Hội Thầy giảng Truyền giáo do cha Đắc Lộ thành lập năm 1615 với các thầy giảng Phanxicô, Anrê Phú Yên, Inhaxiô… ; cũng như các Yaophu do các cha Thừa sai Paris thành lập tại Kontum năm 1908. Nhờ các Yaophu người Thượng, Giáo Hội thầm lặng tại Kontum đã tồn tại trong suốt thời kỳ cộng sản cấm đạo. Mặc dù không có nhà nguyện, cũng không có linh mục, họ tiếp tục cử hành phụng vụ tại nhà sàn của một Yaophu vào lúc 3 giờ sáng, khi công an còn ngủ.

Cha Nguyễn Văn Hiền đã nói lên các đặc điểm của Giáo Xứ Paris, tuy là một họ đạo hầm trú vì ở sâu dưới lòng đất, chẳng khác gì các hang toại đạo Catacombe ở Roma, sống nơi đất khách quê người nhưng vẫn dấn thân làm việc tông đồ. Ngài so sánh giáo xứ với bệnh viện, cả hai reo rắc tình thương đến với tha nhân.

Giáo xứ Paris có nhiều thành phần, bắc trung nam, đủ mọi trình độ, đủ mọi hoàn cảnh. Chúng ta phải là giềng mối của sự hòa hợp : ut sint unum.

Về câu hỏi của Chúa Giêsu Kitô : Ai là người thân cận của tôi, người Samari đưa ra một mẫu mực : đó là người thực sự dấn thân, không lý thuyết suông, không sống vô cảm, ‘‘mặc kệ nó’’, không kỳ thị, bắc nhịp cầu đến với người khác.

Ngài mời gọi các tín hữu phải có đôi mắt của Chúa, ra khỏi chính mình, thấy người khổ đau thì chạnh lòng thương xót, chấp nhận sự khác biệt bằng tấm lòng khiêm tốn để tiếp đón người khác như đón tiếp Chúa Giêsu ‘‘Vì xưa ta đói, các người cho ăn. Ta khát, các người cho uống, Ta là khách lạ, các người tiếp rước. Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các người đã viếng thăm, Ta bị tù đầy, các người đã đến với ta’’ (Mt 25, 31-45).

Trong phần kết luận, cha Hiền nhắc lại ý nghĩa phục vụ là cho đi chính mình. Con đường Giêrusalem tới Giêricô chính là con đường của một năm phục vụ mới. Ngài cầu chúc Giáo xứ trở thành nơi ban phát tình thương, mỗi giáo dân trở thành những Samari nhân hậu.

Sau bài thuyết giảng, các tham dự viên đã dự Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Sacré-Cœur, trước khi 3 ban Giám đốc, Mục vụ, Kinh tế họp chung để duyệt xét lịch mục vụ 2019-2020, ấn định đường hướng mục vụ với chủ đề : Tiếp đón và đồng hành tha nhân trong tinh thần bác ái phục vụ.

Buổi Tĩnh tâm đã kết thúc hồi 17 giờ cùng ngày.

Lê Đình Thông

Hình ảnh : Phó tế Phạm Bá Nha
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tần Tảo Nắng Mưa
Lê Trị
08:54 07/09/2019
TẦN TẢO NẮNG MƯA
Ảnh của Lê Trị

Sớm khuya tần tảo nắng mưa
Hằng ngày dùng đủ chẳng thưa bữa nào.
(bt)
 
VietCatholic TV
Mozambique lưu luyến chia tay Đức Thánh Cha trong mưa gió sau khi nhận được bí quyết hòa bình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
09:27 07/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Sáu, 6 tháng Chín, lúc 8:45 sáng, Đức Thánh Cha đã đến thăm bệnh viện Zimpeto gần thủ đô Maputo. Bệnh viện Zimpeto hiện có khoảng 200 trẻ em, 15 nhà truyền giáo và 150 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian.

Cơ sở này không chỉ phục vụ nhu cầu của trẻ em nội trú nhưng còn phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo từ các khu vực xung quanh. Ngay bên cạnh bệnh viện có một nhà thờ lớn do các nhà truyền giáo trong bệnh viện này điều hành.

Tiếp đó, lúc 10 giờ sáng, ngài cử hành Thánh lễ tại sân vận động Zimpeto cho các tín hữu chủ yếu thuộc tổng giáo phận thủ đô Maputo.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta vừa nghe một đoạn trích từ Phúc Âm theo Thánh Luca khi Chúa Giêsu giảng ở một chỗ đất bằng. Sau khi đã chọn các môn đệ và công bố Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu nói thêm rằng “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù” (Lc 6:27). Hôm nay, những lời này của Ngài cũng được gửi đến chúng ta, những người đang nghe những lời ấy trong Sân vận động này.

Chúa Giêsu nói với sự rõ ràng, đơn giản và kiên định khi Ngài vạch ra một con đường, một con đường hẹp đòi hỏi những đức tính nhất định. Chúa Giêsu không phải là người mơ mộng, một người phớt lờ thực tại. Ngài đang nói về những kẻ thù cụ thể, những kẻ thù thực sự, loại người mà Ngài đã mô tả trong bài giảng Tám Mối Phúc Thật trước đó (câu 22): đó là những kẻ ghét chúng ta, loại trừ chúng ta, chửi rủa chúng ta và lăng mạ chúng ta.

Nhiều người trong số anh chị em vẫn còn có thể kể rành rọt những câu chuyện của chính mình về bạo lực, thù hận và xung đột; một số chuyện liên quan đến cá nhân anh chị em, và một số chuyện khác liên quan đến những người mà anh chị em biết không còn sống trên đời; và những người khác nữa, giữa những quan ngại rằng những vết thương trong quá khứ sẽ mở lại và đảo ngược tiến trình hòa bình đã đạt được, như ở Cabo Delgado.

Chúa Giêsu không kêu gọi chúng ta đến với một tình yêu trừu tượng, xa vời hay chỉ là lý thuyết, giống như những gì được ca ngợi trong những bài diễn văn hay. Con đường Ngài đề xuất là con đường mà chính Ngài đã đi, con đường dẫn Ngài đến chỗ yêu mến những người đã phản bội, đã phán xét Ngài một cách bất công, và cả những kẻ đã giết Ngài.

Thật không dễ để nói về sự hòa giải trong khi vết thương vẫn còn mở vì những năm xung đột, và còn khó khăn hơn nữa khi bước thêm một bước nữa là tha thứ, điều này không giống như phớt lờ nỗi đau hoặc quên đi ký ức hoặc lý tưởng của chúng ta (x. Niềm Vui Phúc Âm, 100) . Mặc dù vậy, Chúa Giêsu Kitô đang kêu gọi chúng ta yêu thương và làm điều thiện. Điều này có nghĩa nhiều hơn là đơn thuần lờ đi những người đã làm hại chúng ta, hoặc cố gắng tránh phải đối mặt với họ. Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta thể hiện lòng nhân từ tích cực, vô tư và phi thường đối với những người đã làm tổn thương chúng ta. Chúa Giêsu cũng không dừng lại ở đó. Ngài cũng yêu cầu chúng ta chúc phúc cho họ và cầu nguyện cho họ. Nói cách khác, nói về họ với những lời chúc phúc, với những lời của sự sống chứ không phải là cái chết, kêu tên của họ không phải để xúc phạm hay trả thù, nhưng là để thiết lập một mối ràng buộc mới mang lại hòa bình. Đó là một tiêu chuẩn cao mà Thầy Chí Thánh đặt ra trước chúng ta!

Khi mời chúng ta làm điều này, Chúa Giêsu muốn chấm dứt mãi mãi một thực hành phổ biến của các Kitô hữu vẫn sống theo luật trả thù. Chúng ta không thể nhìn về tương lai, hoặc xây dựng một quốc gia, một xã hội công bằng, trên cơ sở bạo lực. Tôi không thể theo Chúa Giêsu nếu tôi sống cuộc sống của tôi dưới sự thống trị của luật “mắt đền mắt, răng đền răng”.

Không gia đình, không khu xóm, không dân tộc, quốc gia lại càng không thể, có tương lai nếu lực lượng đoàn kết họ lại, đưa họ đến với nhau và giải quyết sự khác biệt của họ chỉ là ước muốn báo thù báo oán. Chúng ta không thể đi đến thỏa thuận và đoàn kết chỉ vì muốn trả thù, hoặc đối xử với những người khác bằng chính bạo lực mà họ đã đối xử với chúng ta, hoặc bày ra các cơ hội trả thù dưới các chiêu bài xem ra có vẻ hợp pháp. “Vũ khí của bạo lực, đối kháng với việc đưa ra các giải pháp, chỉ tạo ra những mâu thuẫn mới và nghiêm trọng hơn” (Niềm Vui Phúc Âm, 60). Một sự “công bằng” phát sinh từ bạo lực luôn là một vòng xoáy không có lối thoát, và cái giá phải trả của nó là rất cao. Tuy nhiên, một con đường khác là có thể, vì điều quan trọng là đừng quên rằng các dân tộc của chúng ta có quyền được sống trong hòa bình. Anh chị em có quyền được bình an.

Để làm cho điều răn của mình cụ thể hơn và áp dụng được trong cuộc sống hàng ngày, Chúa Giêsu đề xuất một quy tắc vàng đầu tiên, đó là một trong những điều nằm trong tầm tay của tất cả mọi người. “Hãy làm cho người khác những gì anh chị em muốn người ta làm cho mình” (Lc 6:31). Và Ngài giúp chúng ta nhận ra điều gì là quan trọng nhất trong cách hành động này đối với tha nhân: hãy yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau và trao ra mà không mong đợi bất cứ hồi đáp nào.

“Hãy yêu thương nhau”, Chúa Giêsu phán cùng chúng ta. Thánh Phaolô dịch là “anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại” (Col 3:12). Thế giới coi thường và tiếp tục phớt lờ nhân đức yêu thương và từ bi. Nó giết chết hoặc bỏ rơi người tàn tật và người già, loại bỏ những người bị thương và bệnh tật, hoặc tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến sự đau khổ của động vật. Nó không thực hành lòng nhân hậu, và hiền hoà khiến chúng ta coi nhu cầu của người hàng xóm yêu quý của chúng ta như là nhu cầu của chính chúng ta.

Vượt qua thời gian chia rẽ và bạo lực đòi hỏi không chỉ là một hành động hòa giải hay hòa bình, hiểu theo nghĩa là không có xung đột. Nó còn đòi hỏi sự dấn thân hàng ngày từ phía mọi người đối với một mối quan tâm thu hút chú ý và tích cực khiến chúng ta đối xử với những người khác với lòng thương xót và lòng tốt mà chính chúng ta muốn được đối xử. Một thái độ của lòng thương xót và lòng tốt trên tất cả phải dành cho những người, vì vị trí của họ trong xã hội, thường nhanh chóng gặp phải sự từ chối và loại trừ. Đó không phải là một thái độ nhu nhược hèn nhát nhưng là thái độ của những người nam nữ nhận ra rằng không cần thiết phải ngược đãi, chê bai hay đè bẹp người khác để cảm thấy mình là quan trọng, nhưng ngược lại mới là đúng. Và điều này là sức mạnh tiên tri mà chính Chúa Giêsu Kitô đã cho chúng ta thấy qua ước muốn được đồng hóa với họ (x. Mt 25: 35-45) và qua cách thức Ngài dạy chúng ta con đường phục vụ.

Mozambique là một vùng đất giàu có về thiên nhiên và phong phú về văn hóa, nhưng nghịch lý thay, đại đa số dân chúng phải sống dưới mức nghèo khổ. Và đôi khi lại có những người tiếp cận dưới chiêu bài mong muốn được giúp đỡ nhưng lại có những toan tính khác. Đáng buồn thay, điều này cũng xảy ra ngay cả giữa những anh chị em là đồng bào với nhau, vì có những người đã để cho mình bị tha hóa. Sẽ rất nguy hiểm khi cam chịu rằng đây là cái giá bắt buộc phải trả cho viện trợ nước ngoài.

“Giữa anh em với nhau thì không thể như thế được” (Mt 20:26;. x. câu 26-28). Những lời của Chúa Giêsu thúc giục chúng ta đi tiên phong trong một cách hành động khác: đó là cách hành động của nước Chúa. Đó là trở thành hạt giống, ở đây và bây giờ, cho niềm vui và hy vọng, cho hòa bình và hòa giải. Điều mà Thánh Linh mang đến không phải là một hoạt động cực đoan nhưng trên hết là mối quan tâm đối với người khác, công nhận và đánh giá cao họ như anh chị em của chúng ta, thậm chí đến mức đồng hóa với cuộc sống và nỗi đau của họ. Đây là phong vũ biểu tốt nhất để đánh giá bất kỳ loại ý thức hệ nào xem nó có ý muốn thao túng người nghèo và các tình huống bất công vì lợi ích chính trị hoặc cá nhân hay không (x. Niềm Vui Phúc Âm, 199). Như thế, ở tất cả những nơi mà chúng ta gặp nhau, chúng ta có thể là hạt giống và công cụ hòa bình và hòa giải.

Chúng ta muốn hòa bình ngự trị trong trái tim và trong cuộc sống của người dân chúng ta. Chúng ta muốn có một tương lai hòa bình. Chúng ta muốn “ơn bình an của Đức Kitô ngự trị trong tâm hồn chúng ta” (Col 3:15), như thư của Thánh Phaolô đã nói rất hay. Ở đây, Thánh Phaolô sử dụng một từ được lấy từ thế giới thể thao, trong đó gợi lên người trọng tài hay người phân xử là người giải quyết các vấn đề tranh chấp. “Nguyện chúc bình an của Chúa Kitô đóng vai trò là trọng tài trong lòng anh em”. Nếu hòa bình của Chúa Kitô đóng vai trò như các trọng tài trong trái tim chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy sôi máu lao vào trong cuộc xung đột hoặc chúng ta cảm thấy bị giằng xé giữa hai cảm xúc trái ngược, “chúng ta nên để Chúa Kitô là trọng tài”, và để cho quyết định của Ngài giữ cho chúng ta đừng lạc ra khỏi con đường của tình yêu, con đường của lòng thương xót, con đường lựa chọn người nghèo và bảo vệ thiên nhiên. Con đường hòa bình. Nếu Chúa Giêsu là trọng tài cho những cảm xúc mâu thuẫn trong lòng chúng ta, trong những quyết định phức tạp của đất nước chúng ta, thì Mozambique sẽ được bảo đảm một tương lai đầy hy vọng. Khi đó, đất nước của anh chị em sẽ “đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca” (Col 3:16).

Lúc 12:25 trưa, Đức Thánh Cha đã ra sân bay Maputo. Tại đây đã có nghi thức tiễn Đức Thánh Cha bay sang phi trường quốc tế Antananarivo của Madagascar.
 
Madagascar tưng bừng chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô
Giáo Hội Năm Châu
01:44 07/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 12:40 thứ Sáu 6 tháng Chín, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ phi trường quốc tế Maputo để bay sang Antananarivo, Madagascar.

Sau 2 giờ 50 phút bay, ngài đã đến sân bay Antananarivo lúc 16:30 theo giờ địa phương. Xin được lưu ý là Antananarivo đi trước Maputo một giờ.

Nhân dịp này chúng tôi xin được giới thiệu vài nét về quốc gia Madagascar.

Madagascar, trước đây gọi là nước Cộng hòa Malagasy, là đảo quốc lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Indonesia), nằm ngoài khơi bờ biển đông nam bộ của Phi châu trong Ấn Độ Dương, đối diện với Mozambique. Quốc gia này bao gồm đảo Madagascar, là đảo lớn thứ tư trên thế giới chỉ sau Greenland, New Guinea, và Borneo, và nhiều hòn đảo ngoại vi nhỏ hơn.

Với tổng diện tích 587,041 km2 (1.7 lần Việt Nam) trong đó 581,540 km2 là đất liền, Madagascar là quốc gia lớn thứ 48 trên thế giới.

Hầu hết người dân Madagascar là người Merila, thuộc chủng Mã Lai. Sau đó đến người Cotiers pha trộn giữa chủng Mã Lai và Phi châu. Rồi đến người Pháp, Ấn Độ và những người Ả rập.

Các nhà nhân chủng học cho rằng con người bắt đầu định cư tại Madagascar trong khoảng từ 350 trước Chúa Giáng Sinh cho đến 550 sau Chúa Giáng Sinh. Tin tưởng chung được công nhận rộng rãi là vào thời điểm Chúa Giáng Sinh, Madagascar vẫn còn là một đảo hoang. Các nhà khảo cổ học cho rằng người Indonesia là những người đầu tiên di cư đến vùng đất này và canh tác ở vùng phía Đông của hòn đảo trong khoảng từ năm 200 đến năm 500 sau Chúa Giáng Sinh.

Cho đến nay, các thành phố lớn và các trung tâm kinh tế của Madagascar vẫn chủ yếu nằm ở phần phía Đông. 21% diện tích của Madagascar vẫn là các khu rừng nguyên sinh với các loại thú to lớn không nơi nào có.

Từ thế kỷ thứ 7, người Ả rập bắt đầu gia nhập với người Indonesia ở phía Đông Madagascar. Khoảng năm 1000, người Bantu bắt đầu vượt qua eo biển Mozambique để di cư sang Madagascar. Họ sống chủ yếu ở phần phía Tây.
 
Phản ứng của HĐGM Việt Nam và thế giới trước sự qua đi của vị Hồng Y kiệt xuất Roger Etchegaray
Giáo Hội Năm Châu
17:15 07/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tờ Crux có bài nhận định sau về vị Hồng Y Pháp vừa qua đời giữa niềm thương tiếc và tri ân của nhiều dân tộc trên thế giới. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: Cardinal Etchegaray, key papal envoy of St. John Paul II, dies at 96. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.

Đức Hồng Y Roger Etchegaray là một viên chức lâu năm của Vatican và là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng được phái đến một số nơi chịu nhiều thương tích và đầy thách đố nhất trên thế giới, đã qua đời tại Pháp vào ngày 4 tháng 9, thọ 96 tuổi.

Đức Hồng Y người Pháp đã là người xây dựng các nhịp cầu không mệt mỏi. Bên cạnh đó, ngài cũng đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ đại kết, bao gồm cả với Đức Thượng Phụ Chính Thống Alexy II của Mạc Tư Khoa, và trong các cuộc đối thoại liên tôn. Ngài là một trong những người tổ chức chính của Ngày cầu nguyện đầu tiên vì hòa bình ở Assisi năm 1986, nơi đã đưa 160 nhà lãnh đạo tôn giáo đến với nhau tại thời điểm những căng thẳng của thế giới liên tục gia tăng đến mức đã có những lo ngại chiến tranh hạt nhân.

Nhưng nổi bật hơn cả là những nỗ lực của ngài kéo dài trong hai thập kỷ với tư cách là nhà đàm phán xuất sắc của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài được gửi đến Trung Đông để tìm kiếm hòa bình, gặp gỡ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein với hy vọng tránh chiến tranh năm 2003, đến quốc gia cộng sản Cuba để gặp Fidel Castro, giám sát các tiến trình sau cuộc diệt chủng ở Rwanda và khuyến khích Li Băng xây dựng lại sau 16 năm nội chiến.

Đức Thánh Cha Phanxicô, đang viếng thăm Mozambique ngày 4 tháng 9, đã bày tỏ nỗi buồn sau khi nghe tin tức về cái chết của Đức Hồng Y.

Đức Hồng Y “đã ảnh hưởng sâu sắc đến hành trình” của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội ở Pháp, Đức Thánh Cha đã viết như trên trong một bức điện chia buồn do Vatican công bố vào ngày 05 tháng Chín.

Đức Giáo Hoàng viết tiếp: “Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp với con người có đức tin sâu sắc này,” là người được coi trọng đáng kể và lắng nghe như một vị cố vấn, “đặc biệt trong những tình huống nhạy cảm đối với đời sống của Giáo Hội trong các phần khác nhau của thế giới.”

Sinh ngày 25 tháng 9 năm 1922, tại Espelette, Pháp, cậu Etchegaray đã theo học tại Rôma trước và sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1947. Ngài đã từng phục vụ tại Giáo phận Bayonne, bên Pháp, làm thư ký cho giám mục, giám đốc cơ quan từ thiện giáo phận và là người đứng đầu Công Giáo Tiến hành Pháp.

Ngài tham dự Công đồng Vatican II với tư cách là một chuyên gia trong Hội Đồng Giám Mục Pháp. Trong thời gian diễn ra Công Đồng, ngài đã tổ chức một nhóm các Giám Mục quốc tế không chính thức gồm khoảng 20 Giám Mục – trong đó có cả vị Giáo Hoàng tương lai là Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục - để xem xét sâu hơn về một số vấn đề nhất định và tìm ra các phương pháp phối hợp tốt hơn.

Sau khi Công Đồng kết thúc, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khuyến khích Đức Hồng Y tổ chức một cách nào đó để các giám mục Âu châu có thể hợp tác với nhau. Nỗ lực của ngài đã xây dựng nên sự khởi đầu của những gì sau này sẽ trở thành Hội đồng Giám mục Âu Châu trong đó ngài là vị chủ tịch tiên khởi trong nhiệm kỳ 1971-1979. Đức Hồng Y Etchegaray đã được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp vào năm 1975 và đảm nhận liên tục hai nhiệm kỳ cho đến năm 1981.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Paris vào năm 1969 và, chưa đầy hai năm sau, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Marseille - một thành phố cảng có một trong cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu vào thời đó, cùng với các cộng đồng lớn của người Do Thái, Hy Lạp và Armenia.

Ngài nói với tờ Quan Sát Viên Rôma, vào năm 2014, rằng thi hành chức vụ chủ chăn trong một giáo phận đa dạng như vậy đã “ một trường học tốt cho tôi” trong việc mời gọi những người thuộc các tôn giáo khác gặp gỡ chứ không phải là xung đột.

Sau khi tấn phong Hồng Y cho ngài trong công nghị tấn phong đầu tiên của mình với tư cách là Giáo Hoàng vào năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã yêu cầu Đức Hồng Y đến Rôma vào năm 1984 để lãnh đạo Ủy ban Công lý và Hòa bình và Hội đồng Giáo Hoàng “Cor Unum”, là cơ quan điều phối các hoạt động cứu trợ của Vatican. Vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan ngay lập tức cho ngài biết các vấn đề đại kết là ưu tiên hàng đầu và đã phái ngài thực hiện nhiều chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Mạc Tư Khoa, Canterbury và Geneva.

Đức Gioan Phaolô II đã gửi ngài đến Rwanda ngay sau khi kết thúc cuộc diệt chủng năm 1994 khiến 800,000 người thiệt mạng khi những kẻ cực đoan người Hồi giáo sát hại những người Tutsi và Hutus ôn hòa.

Là một nhân chứng mắt thấy tai nghe trước những hậu quả thê thảm của cuộc diệt chủng này, Đức Hồng Y nói rằng các vụ thảm sát này “không chút nghi ngờ nào là một trong những sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử hiện đại”. Ngài thường xuyên trở lại đó trong những năm tiếp theo, lưu ý rằng cả một thập kỷ sau đó, hòa giải vẫn còn “một đồi Canvê đầy các vết thương vẫn còn mưng mủ” khi nhìn thấy những người sống sót phải sống chung với “một cộng đồng những tên đao phủ.”

Đức Hồng Y đã cử hành thánh lễ nửa đêm Giáng sinh tại Havana năm 1988 và gặp gỡ Fidel Castro trong nhiều cuộc nói chuyện. Ngài cũng là vị Hồng Y Công Giáo đầu tiên đến thăm nước Trung Quốc cộng sản. Bắt đầu từ năm 1980, ngài không bao giờ viếng thăm quốc gia này trong tư cách là một nhà ngoại giao, nhưng “trong tư cách cá nhân” để nói chuyện với các quan chức Trung Quốc và ghé thăm các chủng viện do Hiệp hội Công Giáo Yêu nước kiểm soát.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phái ngài đến Li Băng năm 1985 và năm 1991, và ngài nói rằng mình bị choáng ngợp bởi sự tàn phá kinh hoàng của cuộc nội chiến tại đó. Ngài chuyển đạt mong muốn của Đức Giáo Hoàng là quốc gia này cần phải là một tấm gương cho thế giới về sự sống chung hòa bình giữa các nền văn hóa và các tôn giáo.

Năm 1989, ngài được Thánh Giáo Hoàng Ba Lan cử sang Việt Nam để tìm cách khai thông những bế tắc tại đây. Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh nhận định rằng “Chuyến đi lịch sử đã thành công.” Cụ thể, vị Tổng Giám Mục Huế, ở Trung phần Việt Nam, cho biết nhà cầm quyền và toàn thể dân Chúa tại Việt Nam yêu mến ngài. “Sứ mạng của ngài đã trở thành chiếc cầu lịch sử đưa Việt Nam đến với thế giới Công Giáo trên lộ trình mỗi lúc một thông thoáng hơn và mở rộng đến ngày hôm nay.”

Trong tư cách là “sứ giả của Đức Thánh Cha,” Đức Hồng Y đã đến Giêrusalem vào năm 2002 để tìm kiếm một dấu chấm hết cho một bế tắc giữa Israel và Palestine tại Nhà thờ Giáng Sinh ở Bethlehem. Ngài đã nhiều lần đến các địa điểm tại Thánh địa để gặp gỡ các nhà lãnh đạo, để đích thân thực hiện mong muốn hòa bình của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở đó.

Đức Hồng Y Etchegaray đã tới Iraq một tháng trước cuộc xâm lược do Hoa Kỳ lãnh đạo vào năm 2003. Ngài gặp gỡ Sadam Hussein trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Đức Hồng Y đã đưa cho nhà lãnh đạo Iraq một lá thư riêng của Đức Gioan Phaolô II, trong mong muốn làm mọi thứ có thể được để giúp ngăn chặn một cuộc chiến. Ngài cho biết trong cuộc gặp gỡ này, ngài có thể nghe thấy âm thanh phát ra khi Hussein bấm vào chuỗi hạt cầu nguyện của ông ta trong cuộc họp.

Ngài được bầu làm chủ tịch ủy ban trung ương giám sát việc tổ chức Đại Năm Thánh 2000 và, và với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Công lý và Hòa bình, ngài chịu trách nhiệm về việc ban hành các tài liệu mang tính bước ngoặt của Vatican về nạn phân biệt chủng tộc, nợ quốc tế và tình trạng vô gia cư trên thế giới.

Năm 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã phê chuẩn việc đề cử Đức Hồng Y làm Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, là một trách vụ mà ngài đã giữ cho đến khi xin được nghỉ vào năm 2017, ở tuổi 94.

Đức Hồng Y bị gãy xương hông sau khi một phụ nữ bị tâm thần lao vào Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, lúc ấy 82 tuổi, khi đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ trong thánh lễ đêm Giáng sinh năm 2009. Đức Giáo Hoàng không hề hấn gì, nhưng Đức Hồng Y đã lãnh đủ và bắt buộc phải thay khớp háng toàn phần.

Cái chết của ngài khiến Hồng Y đoàn còn 213 vị, trong đó 118 vị dưới 80 tuổi và đủ điều kiện để bỏ phiếu trong một mật nghị Hồng Y bầu tân Giáo Hoàng.


Source:Crux