Ngày 12-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 13/09: Hạnh Phúc là khi Trao Ban – Thầy Phanxicô Xavie Cao Văn Trí, CP
Giáo Hội Năm Châu
02:33 12/09/2023


Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca

Khi ấy, Đức Giê-su dừng lại ở một chỗ đất bằng. Nơi đây có đông đảo dân chúng tìm đến với Người. Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,

vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,

vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,

vì anh em sẽ được vui cười.

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

“Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:22 12/09/2023

27. Con người ta trước là có thói quen phạm tội không khiết tịnh, sau đó thì dễ dàng bị cám dỗ. Dâm tư ác niệm, lòng người buồn phiền, phần nhiều là phạt tội trước, phải tránh cám dỗ này, phải ăn năn sám hối tội đã phạm.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:33 12/09/2023
47. THOẢI MÁI NỬA NGÀY

Có tên quan sứ đi chơi ở trên chùa, hòa thượng làm tiệc thết đãi ông ta. Tên quan sau khi ăn uống no say, tràn trề hứng thú, lập tức ngâm lên hai câu thơ của người nhà Đường:

- Nhân đi qua trúc viện gặp lời của tăng, lại được phù sinh thoải mái nửa ngày”.

Hòa thượng nghe xong thì cười khổ hai tiếng, quan sứ hỏi tại sao lại cười, hòa thượng nói:

- “Ngài là quan sứ già được nửa ngày thoải mái, tôi lão hòa thượng phải bận bịu ba ngày đấy !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 47:

Tên quan được thoải mái nửa ngày thì hòa thượng phải khổ ba ngày, bởi vì lo lắng làm tiệc mời quan, bởi vì lo hầu hạ quan lớn…

Thánh Phao-lô tông đồ khi đi rao giảng Tin Mừng thì ngài không muốn làm phiền ai, ngài đã nói với giáo dân ở giáo đoàn Ê-phê-sô rằng: “Vàng bạc hay quần áo bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế…” (Cv 20, 33-35)

Thời xưa cũng như thời nay, giáo dân rất kính trọng các linh mục và các tu sĩ nam nữ bởi vì họ là những người đã suốt đời tận tụy hy sinh cho Tin Mừng, bởi vì họ đã sống một đời anh hùng trong thế gian…

Thời xưa cũng như thời nay, cũng có một vài linh mục cũng như các tu sĩ mỗi lần được giáo dân mời ăn cơm thì hết chê món này không ngon, món kia nấu không hạp khẩu vị, bởi vì các ngài không thấy được tâm hồn kính trọng chủ chăn của giáo dân, mà các ngài chỉ thấy cái chức tước của mình to hơn tấm lòng của họ, các ngài không thấy mồ hôi của họ nhỏ giọt vì lửa bếp, vì lo lắng cho bữa cơm có các ngài ăn…

Khi được mời ăn cơm (dù ở nhà hay ở nhà hàng) thì đừng thấy đồ ăn ngon dở, nhưng hãy thấy tấm lòng tốt đẹp của người mời mình ăn cơm, đó là người có tinh thần tu đức vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Để nên thánh
Lm. Minh Anh
15:35 12/09/2023

ĐỂ NÊN THÁNH
‘Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, đang phải đói, phải khóc và bị khai trừ!’.

“Số phận của một Kitô hữu không phải là hạnh phúc vật chất hay thậm chí, sức khoẻ thể chất, mà là ‘sự thánh thiện!’. Thiên Chúa không phải là cỗ máy ban phước vĩnh cửu; Ngài đến không để cứu chúng ta vì chúng ta tội nghiệp, Ngài đến để cứu chúng ta vì Ngài đã lỡ tạo dựng chúng ta để nên thánh!” - Vima Dasan.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài đã lỡ tạo dựng chúng ta để nên thánh!”. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu công bố các mối phúc, mối hoạ vốn rất nghịch thường trong Tin Mừng hôm nay. Phải chăng đây là những nghịch lý của Tin Mừng Ngài đã sống và muốn chúng ta sống ‘để nên thánh!’.

Nghèo đói tự nó không đủ ‘để nên thánh!’; nhưng khi tuyên bố người nghèo có phúc theo nghĩa đen, Chúa Giêsu muốn nói, của cải tự nó không phải là tội lỗi, nhưng luôn mang theo cám dỗ hướng tới sự gắn bó, cậy mình và buông thả. “Đói” là một trạng thái may mắn, và “no” là một trạng thái nguy hiểm. Khi thực sự đói, bạn dễ hướng về Chúa và sự quan phòng của Ngài. Thức ăn ngon thường cám dỗ háu ăn khiến bạn khó đói khát Thiên Chúa và thánh ý Ngài. Vì vậy, nếu kiềm chế được sự mê ăn, bạn sẽ được ban phước để thoát khỏi thói háu ăn và thậm chí, không bị cám dỗ bởi nó.

“Cười” và “khóc” ở đây không ám chỉ niềm vui và sự tuyệt vọng; đúng hơn, ám chỉ những kẻ luôn tìm kiếm thú vui và sống buông thả. “Khóc” ám chỉ những ai đã phát hiện ra rằng, các thú vui sẽ không bao giờ có thể thoả mãn. Do đó, ăn chơi liên tục sẽ dẫn tới cám dỗ, trong khi việc thiếu đi các niềm vui này sẽ giúp loại bỏ chước cám dỗ đó.

Cuối cùng, phúc thật khi bị ghét bỏ, loại trừ… vì Chúa hơn là được khen ngợi. Ở đây, đề cập những lời khen đến từ những gì vô nghĩa ‘theo quan điểm đời đời’. Khi người ta khen lao những đức tính ‘không phải là nhân đức Kitô giáo’, bạn sẽ bị cám dỗ dựa vào chúng để thoả mãn. Hình thức thoả mãn này là kiêu ngạo vốn không bao giờ thực sự thoả mãn. Tuy nhiên, khi mọi người nhìn thấy và ca ngợi các nhân đức của Chúa trong bạn, Chúa được ca ngợi trước hết và chúng ta được phúc chia sẻ vinh quang của Ngài.

Trong thư Côlôssê hôm nay, Phaolô cho biết, ‘để nên thánh’, “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới!”. Bởi lẽ, “Ngài đã lỡ tạo dựng chúng ta để nên thánh!”. Thánh Vịnh đáp ca cho biết, “Chúa tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên!”.

Anh Chị em,

“Phúc cho anh em!”. Tin Mừng mời gọi chúng ta suy gẫm về ý nghĩa sâu xa của đức tin, hệ tại ở việc chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Đó là việc phá huỷ các thần tượng trần thế để mở lòng ra với Thiên Chúa. Chỉ Ngài mới có thể ban cho cuộc sống sự viên mãn mà chúng ta vô cùng mong muốn nhưng lại khó đạt được. Bạn và tôi rất dễ vô tình lỗi phạm điều răn thứ nhất: đó là thờ ngẫu tượng, thay Thiên Chúa bằng một ngẫu tượng. Đây là lý do Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi con đường Ngài đi ‘để nên thánh’ ngay từ bây giờ, theo mức độ chúng ta đặt mình về phía Chúa, về Vương Quốc, về phía những gì không phải là phù du mà là trường tồn cho sự sống vĩnh cửu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin mở mắt con để có thể nhìn thấy sự lừa dối của thế gian này. Nhờ đó, con có thể sống những nghịch lý của Tin Mừng ‘để nên thánh!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chủng sinh ở Nigeria bị thiêu sống trong vụ bắt cóc bất thành
Đặng Tự Do
17:47 12/09/2023


Theo Giáo phận Kafanchan, một chủng sinh Công Giáo ở Nigeria đã thiệt mạng sau khi nhà xứ nơi ngài đang sống bị phóng hỏa trong một vụ được xác nhận là một vụ mưu toan bắt cóc.

Thủ phạm của vụ án được cho là phiến quân Hồi giáo Fulani.

Theo Đức Giám Mục Julius Yakubu Kundi của Kafanchan, chủng sinh Na'aman Danlami đã chết khi quân Fulanis tấn Công Giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael ở Fadan Kamantan vào ngày 7 tháng 9 và đốt cháy nhà xứ.

Trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức bác ái Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là CAN, Đức Cha Kundi cho biết linh mục giáo xứ, Cha Emmanuel Okolo, và phụ tá của ngài đã có thể thoát khỏi đám cháy, nhưng chủng sinh 25 tuổi lại thiệt mạng..

“Những kẻ tấn công nhằm mục đích bắt cóc linh mục giáo xứ. Khi cố gắng đột nhập vào nhà xứ không thành công, họ đã phóng hỏa đốt nhà. Hai linh mục đã trốn thoát được nhưng chủng sinh đã bị thiêu cháy bên trong”, ACN dẫn lời vị giám mục Công Giáo Nigeria cho biết trong một báo cáo được chia sẻ với ACI Africa, đối tác tin tức của CNA tại Phi Châu.

Kundi nói thêm: “Cuộc tấn công kéo dài hơn một giờ nhưng không có phản ứng hay hỗ trợ nào từ lực lượng quân sự. Cách đó một km có trạm kiểm soát nhưng hoàn toàn không có phản ứng gì”.

“Công dân Nigeria không được bảo vệ. Chúng tôi hầu như không được hưởng lợi từ lực lượng an ninh”, Đức Cha Kundi nói.

Trước đó, chủng sinh Danlami được cho là đã mất tích. Một linh mục đã đưa lên mạng xã hội đoạn video cho thấy vụ đốt phá nói rằng họ không thể xác định được nơi ở của chủng sinh.

“Cha Okolo và tôi đã ra khỏi nhà. Nhưng anh Na'aman thì chúng tôi không biết ở đâu. Chúng tôi không biết anh ở đó trong ngọn lửa hay họ đã bắt anh, hay anh đã trốn thoát”, vị linh mục nói và cho biết thêm rằng giáo xứ đã bị tấn công vào khoảng 8 giờ tối.

Đức Cha Kundi mô tả cái chết của Danlami là “một mất mát khủng khiếp”, đồng thời nói thêm rằng vụ giết hại anh ta không phải là vụ đầu tiên diễn ra tại giáo phận của ngài ở Bang Kaduna.

Đức Giám Mục nói: “Chủng sinh này là thành viên thứ hai mà chúng tôi đã mất trong giáo phận dưới bàn tay của các cuộc tấn công khủng bố của bọn cướp Fulani”.

Ngài nói thêm rằng năm ngoái, Cha John Mark Cheitnum, giám đốc truyền thông của Giáo phận Kafanchan, đã bị bắt cóc và sát hại dã man.

Đức Cha Kundi nói với ACN: “Chúng tôi đã tìm thấy thi thể của anh Na'aman Danlami sáng nay và đã đưa đến đến nhà xác”.

ACN lên án vụ sát hại Danlami và vụ bắt cóc một chủng sinh khác ở Kaduna.

Trong ghi chú được chia sẻ với ACI Phi Châu, tổ chức giáo hoàng đã báo cáo về vụ bắt cóc chủng sinh Ezequiel Nuhu, được thực hiện vào ngày 7 tháng 9 tại Kaduna.

ACN đưa tin rằng thầy Nuhu đã bắt đưa đi cùng với cha mình. Tổ chức bác ái cho biết: “Nuhu là một chủng sinh ở Abuja nhưng đã đến miền nam Kaduna để nghỉ lễ cùng gia đình”.

“ACN International lên án vụ tấn công mới nhất nhằm vào Giáo Hội Công Giáo ở Nigeria, trong đó một chủng sinh bị thiêu chết ở Giáo phận Kafanchan, cũng như vụ bắt cóc một chủng sinh khác ở miền nam Kaduna,” ACN cho biết.

Tổ chức bác ái Công Giáo kêu gọi “những lời cầu nguyện cho sự an nghỉ của Na'aman Danlami và sự an ủi cho gia đình và cộng đồng của ông. ACN cũng cầu nguyện cho sự an toàn và nhanh chóng thả Ezekiel Nuhu.”

ACN đưa tin thêm rằng Nigeria là một quốc gia đặc biệt nguy hiểm đối với các giáo sĩ Công Giáo trong những năm gần đây.

Vào năm 2022, bốn linh mục Công Giáo đã bị giết ở quốc gia Tây Phi này và 28 người bị bắt cóc. Vào năm 2023, số thành viên giáo sĩ là nạn nhân của vụ bắt cóc đã lên tới 14 người.


Source:Catholic News Agency

 
Báo Công Giáo than phiền tổng thống Mễ Tây Cơ bỡn cợt về các tội ác ở quốc gia này
Đặng Tự Do
17:49 12/09/2023


Đức Hồng Y Francisco Robles Ortega của Guadalajara, Mễ Tây Cơ, và Tổng thống Mễ Tây Cơ Andrés Manuel López Obrador đang có một cuộc khẩu chiến dữ dội sau khi nhà lãnh đạo quốc gia trả lời bằng một trò đùa trước các câu hỏi về một vụ giết người hàng loạt tàn bạo đã khiến Mễ Tây Cơ quay cuồng thêm sau hàng nghìn vụ giết người liên quan với các băng đảng ma túy ngoài tầm kiểm soát.

Một chuyên mục ý kiến đăng trên El Seminario - tờ báo của Tổng giáo phận Guadalajara - đã chỉ trích López Obrador, người đã bị đặt câu hỏi về việc chính phủ của ông rõ ràng không có khả năng giải quyết các vụ giết người và khủng bố trên diện rộng dưới bàn tay của các băng đảng ma túy.

Tờ báo cáo buộc: “Không hề giải quyết nghiêm túc những vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt trong các lãnh vực tội phạm, y tế, giáo dục, López Obrador còn đáp lại” bằng sự khinh thường, thờ ơ và chế nhạo mà không quan tâm đến các nạn nhân.

Bài xã luận ngày 26 tháng 8 được đưa ra sau khi López Obrador kể một câu chuyện cười tại một trong những cuộc họp báo hàng ngày của ông khi giới truyền thông hỏi về vụ mất tích hồi tháng 8 và được cho là vụ sát hại một nhóm thanh niên ở miền trung Mễ Tây Cơ. Thay vì đề cập đến vấn đề, ông ta khẳng định mình chưa nghe câu hỏi và thay vào đó kể một câu chuyện cười. Sau đó ông ta rút lui.

Tờ báo của tổng giáo phận đã không ngần ngại phê bình López Obrador: “Ông ấy không sợ bị coi là lố bịch, điều này đã trở thành một hình thức cai trị. Với phản ứng mà ông ta đưa ra, điều mà tất cả chúng ta đều biết, về vấn đề 5 thanh niên biến mất ở Lagos de Moreno, ông ta không chỉ thể hiện sự thiếu nhạy cảm mà còn thể hiện sự băng hoại.”

Năm người bạn thời thơ ấu, trong độ tuổi từ 19 đến 22, đã cùng nhau tham dự hội chợ hàng năm tại Lagos de Moreno, một thành phố thuộc địa ở bang Jalisco. Lần cuối cùng họ được nhìn thấy đang chơi túc cầu cách thành phố khoảng 3 dặm. Sau đó, khi thi thể của họ vẫn chưa được xác định, trên mạng xã hội đã tràn ngập nhiều hình ảnh cho thấy những nam thanh niên này bị trói, bịt miệng và nhìn vào camera một cách đầy sợ hãi. Các nhà điều tra sau đó đã xác định được địa điểm có thể xảy ra vụ giết người. Hài cốt của họ cuối cùng được tìm thấy không xa hiện trường giết chóc. Báo chí đưa tin họ đã bị bọn côn đồ buôn ban ma túy sát hại dã man khi từ chối gia nhập tổ chức tội phạm.

Người Mễ Tây Cơ đã đáp lại bằng cách thắp hàng nghìn ngọn nến để tưởng nhớ họ tại các nhà thờ trên khắp đất nước.

“Chế giễu, không coi trọng sự việc, cười nhạo sự bất hạnh của người khác (chẳng hạn như trẻ em mắc bệnh ung thư) đã trở thành một trong những phương tiện của ông ta được gọi là “chiến lược đi quá xa” để 'trả lời' khi ông ta không muốn, không thể, hoặc không biết cách trả lời,” tờ báo tranh luận. Gọi là “chiến lược đi quá xa” vì khi bị chất vấn, López Obrador thường chọn cách chế diễu người đặt câu hỏi và chụp mũ họ là “đi quá xa”, là phóng đại.

Tờ báo dẫn lời Đức Hồng Y Robles, người đã nói: “Những gì chúng ta đang thấy là sự thờ ơ rất lớn từ phía chính quyền, những người lẽ ra phải quan tâm hơn đến việc chăm sóc giới trẻ và đưa ra những quyết định chắc chắn hơn”.

Robles nói tiếp: “Chúng ta đang sống trong một môi trường tội phạm mà không có tầng lớp xã hội nào là vô tội”. “Đây không phải là chuyển giao trách nhiệm mà là đối mặt với những gì đang xảy ra với toàn quyền pháp luật. Nếu không thì chuyện này không thể sửa được.” Điều này là do “trong mọi việc đang diễn ra đều có sự đồng lõa, không bị trừng phạt, và được bảo vệ”.

Tại cuộc họp báo ngày 28 tháng 8, khi được yêu cầu trả lời điều mà người đặt câu hỏi gọi là “sự can thiệp của các giáo sĩ”, López Obrador nói: “Tôi rất tôn trọng họ và họ có quyền bày tỏ bản thân; có sự tự do. Bạn đã biết rằng tôi được hướng dẫn bởi những gì Đức Thánh Cha Phanxicô suy nghĩ và tôi đồng cảm với cách suy nghĩ và cách sống của Đức Thánh Cha, bởi vì ngài luôn ủng hộ công lý, ủng hộ những người khiêm tốn, ủng hộ những người bị sỉ nhục. Ngài không ủng hộ chế độ giáo sĩ trị, ngài không ủng hộ kẻ có quyền lực. Ngài là một mục tử Kitô chân chính và tôi tôn trọng ngài.”

“Nếu ngài có ý kiến gì đó chống lại chính sách của Mễ Tây Cơ, thì chúng ta sẽ phải xem điều gì đang xảy ra, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể phản đối điều gì, nếu ở Mễ Tây Cơ chúng ta đang quan tâm đến người nghèo hơn bao giờ hết?” Nhà lãnh đạo Mễ Tây Cơ nói tiếp. “Ở đây người ta chứng minh rằng nghèo đói và bất bình đẳng đã giảm ở Mễ Tây Cơ, điều này không xảy ra ở các quốc gia khác trên thế giới. Vì thế nên không có gì phải sợ; chúng ta rất tốt.”

Theo Viện Thống kê Quốc gia Mễ Tây Cơ, có 32.223 vụ giết người vào năm 2022, giảm nhẹ so với năm 2021. Năm 2023, có 15.122 vụ giết người trong nửa đầu năm, so với 15.381 vụ cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giết người ở Mễ Tây Cơ lên tới 25 trên 100.000 dân, trong khi ở Mỹ là 7,8 trên 100.000 vào năm 2021.

López Obrador đã phải đối mặt với các vụ giết người ngày càng gia tăng, bạo lực băng đảng và các vụ giết người ngoài vòng pháp luật của cảnh sát và lực lượng vũ trang kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2018. Nguyên nhân phần lớn là do các cuộc chiến tranh giành quyền lợi giữa các băng đảng tham gia buôn người, sản xuất và buôn lậu ma túy, bắt cóc, tống tiền và các thủ đoạn khác. Ông từng hứa “ôm chứ không phải đạn” như một chính sách nhằm giải quyết nạn khủng bố ma túy ở Mễ Tây Cơ. Khi công bố số liệu thống kê tội phạm vào tháng trước, ông tuyên bố: “Chiến lược giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực đang bắt đầu cho thấy kết quả”.


Source:Catholic News Agency
 
Đã đến lúc Đức Phanxicô lái Thượng hội đồng về tính đồng nghị khỏi chiều hướng chính trị?
Vũ Văn An
18:48 12/09/2023

Michael Hanby, giáo sư về tôn giáo và triết học khoa học tại Viện Nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II của Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, trong bài “Tính Đồng Nghị và Thánh Thần Chân Lý”, trên tờ First Things Tháng 8 năm 2023 (https://www.firstthings.com/article/2023/08/synodality-and-the-spirit-of-truth), trích lời của Marx cho rằng, các sự kiện và các nhân vật vĩ đại trong lịch sử thế giới dường như xảy ra hai lần... lần đầu là bi kịch, lần thứ hai là trò hề.” Thượng hội đồng về tính đồng nghị dường như được định sẵn để xác nhận những lời của Marx (vốn là một câu sửa đổi của Hegel). Bi kịch phát sinh từ sự chia rẽ sâu xa về thần học và triết học đã gây khó khăn cho Công Giáo trong suốt thời kỳ hiện đại, kể từ khi Thiên Chúa biến mất khỏi chân trời và Giáo hội trở nên chia rẽ giữa chủ nghĩa truyền thống kiên cường và chủ nghĩa lịch sử hiện đại. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, Maurice Blondel đã mô tả kết quả bằng những từ ngữ có lẽ còn phù hợp hơn với thời đại chúng ta: “Mỗi ngày trôi qua, sự xung đột giữa các khuynh hướng đặt Công Giáo chống lại Công Giáo trong mọi trật tự - xã hội, chính trị, triết học - được bộc lộ sắc nét hơn và tổng quát hơn. Người ta gần như có thể nói rằng hiện nay có hai ‘tinh thần Công Giáo’ khá xung khắc nhau... Và điều đó rõ ràng là bất thường, vì không thể có hai đạo Công Giáo.”



Hơn một thế kỷ sau, quan sát đen tối này lại mang lại niềm an ủi lạ lùng. Đó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta không sống trong Năm Zero của Công Giáo, rằng sự chia rẽ hiện tại của chúng ta có một lịch sử lâu dài, và phần lớn những gì chúng ta đang trải qua đã được dự đoán, chẩn đoán và chỉ trích từ nhiều thập niên trước. Những câu hỏi có tầm quan trọng về mặt triết học và thần học vẫn còn tồn tại với chúng ta – những câu hỏi về sự thật – vốn lâu đời hơn và lâu dài hơn triều giáo hoàng hiện tại và sâu xa hơn những bề ngoài của tiến trình thượng hội đồng và thời đại truyền thông xã hội. Hiểu những câu hỏi này là cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu được những khó khăn hiện tại của mình. Sự hiểu biết này sẽ là một thành tựu khó đạt được trong sự thiếu suy nghĩ của thời điểm hiện tại - đó là nơi trò hề bắt đầu.

Vào thời của Blondel, một nhóm kiểm duyệt tự bổ nhiệm, Sodalitium Pianum [hội kín Piô], đã tiến hành một chiến dịch bí mật và nghiền nát tư tưởng chống lại những người bị họ coi là kẻ thù duy hiện đại của Đức Giáo Hoàng, thường sử dụng các chiến thuật độc đoán để đe dọa và bịt miệng họ. Trong thập niên qua, Sodalitium Franciscanum [hội kín Phanxicô] tự phong, một đảo ngược có tính ý thực hệ tiền thân đầu thế kỷ XX của nó, đã tiến hành một chiến dịch tương tự. Nó biến tất cả các câu hỏi triết học và thần học thành các câu hỏi chính trị, biến “đúng” và “sai” thành “bạn” và “kẻ thù”, với sự thật của mọi ý tưởng được đo lường bằng việc liệu nó có “ủng hộ” Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “giấc mơ” của ngài về thế giới hay không. Giáo hội, được đánh đồng, dứt khoát, với ý nghĩa của Công đồng Vatican II.

Thí dụ, trang mạng Where Peter Is hiện hữu chủ yếu để công bố danh sách các kẻ thù, với chủ sở hữu của nó dựa vào sự uyên bác sâu rộng của mình để tố cáo “những kẻ ly giáo”, bao gồm một số giám mục và Hồng Y của Giáo hội, từ phòng khách của ông ta ở ngoại ô Maryland. Massimo Faggioli, một nhà sử Giáo hội của Villanova và được cho là người làm việc chăm chỉ nhất trên Twitter, dậy trước bình minh để tweet các công văn từ tiền tuyến trong một chiến dịch bất tận nhằm miêu tả những người Công Giáo Mỹ là những người theo chủ nghĩa Trump và những người theo chủ nghĩa truyền thống loạn trí, kẻ thù của giáo hoàng và những kẻ ngoại đạo đối với “đạo Công Giáo hoàn cầu”—có thể nói là một phạm trù xã hội học hơn là thần học. Và sau đó là sự tuyên truyền, bút chiến và viết sách nhỏ vô tận của người viết tiểu sử Đức Giáo Hoàng, Austen Ivereigh, người đồng tác giả tài liệu thượng hội đồng hoàn cầu đầu tiên. Đội ngũ báo chí, theo kịch bản này, giúp tạo ra một buồng vang âm [echo chamber] gợi lại mô tả của Hannah Arendt về cuộc sống dưới các chế độ toàn trị của thế kỷ XX.

Sự kiện nền giáo dục hoàn hảo nhất về chủ nghĩa Mác và Lênin không hề là kim chỉ nam cho hành vi chính trị - ngược lại, người ta chỉ có thể đi theo đường lối của đảng nếu mỗi sáng lặp lại những gì Stalin đã tuyên bố vào đêm hôm trước - đương nhiên dẫn đến cùng một trạng thái tinh thần, cùng sự phục tùng tập trung, không bị phân chia bởi bất cứ nỗ lực nào để hiểu những gì một người đang làm, mà khẩu hiệu khéo léo của Himmler dành cho những người lính SS của ông đã bày tỏ: “Danh dự của tôi là lòng trung thành của tôi.”

Không phải những người Công Giáo cấp tiến là những người theo chủ nghĩa Stalin và Đức Quốc xã hay giáo hoàng là một nhà độc tài, mà đúng hơn là có một điều gì đó vô lý cố hữu về việc giản lược Công Giáo thành chính trị, đặc biệt là trong thời đại truyền thông xã hội. Có thể ai sở hữu quá khứ sẽ kiểm soát tương lai, và ai sở hữu internet sẽ sở hữu quá khứ, nhưng nỗ lực “kiểm soát câu chuyện” này đòi hỏi một khả năng thôi nhìn và quên nào đó không hợp với lối suy nghĩ nghiêm túc. Thật vậy, điều đáng chú ý về “dự án Faggioli” về kiểm soát tường thuật, nhằm thúc đẩy việc giải thích tiến bộ về Vatican II, là nó thiếu suy nghĩ nghiêm túc xiết bao. Người ta có thể lùng sục các dòng tweet, sách, bài báo và chuyên mục của nhà thần học tự mô tả này, người dường như thực sự không biết sự khác biệt giữa thần học và xã hội học về tôn giáo, và không bao giờ gặp phải một ý tưởng thần học hoặc triết học đúng đắn hoặc thậm chí một câu hỏi về sự thật theo nghĩa sự kiện, nhiều hơn nghĩa chức năng. Faggioli thường xuyên mô tả việc phản đối Đức Phanxicô như sự phản đối Vatican II, không bao giờ dừng lại để xem xét điều ngược lại: đó là sự phản đối Vatican II có thể bắt nguồn từ việc chống lại vị giáo hoàng hiện tại hoặc những mưu đồ vô tận của những người mà Faggioli gọi là “Công Giáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Tuy nhiên, chủ nghĩa truyền thống đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong thập niên qua, trớ trêu thay, cho thấy rằng không ai đã làm ít hơn cho việc tiếp nhận Công đồng đích thực, hoặc nhiều cho những kẻ thù duy truyền thống của Đức Giáo Hoàng, hơn những người tự coi là bạn hữu của ngài...

Nghiêm trọng hơn việc đe dọa kẻ thù là việc Sodalitium Franciscanum không ngừng tập chú vào Đức Giáo Hoàng khiến người Công Giáo khó có thể nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Kết quả là, chúng ta phải lao đao trong việc đặt Công đồng và Thượng hội đồng về Tính đồng nghị vào bối cảnh lịch sử và trí thức của chúng. Chúng ta không thể hiểu được vấn đề căn bản trong “các khuynh hướng xung đột” của Blondel, hay tại sao “Giáo hội trong thế giới hiện đại” lại là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi như vậy ngay từ đầu. Sự tuyệt đối hóa chính trị là triệu chứng chính của cuộc khủng hoảng Công Giáo trong thời hiện đại, vì việc chuyển từ thần học sang chính trị là một trong những dấu hiệu của thời hiện đại. Thành thử, một trong những mối quan tâm sôi nổi của Công đồng là sự chiến thắng của trật tự khoa học và kỹ thuật - và do đó là của quyền lực – đối với tính siêu việt của Thiên Chúa và tính tặng phẩm [givenness] của bản chất con người.

Tính ưu việt của chính trị chưa bao giờ là sai lầm độc chiếm của cánh tả Công Giáo. Đơn cử một thí dụ rõ ràng, ở Pháp đầu thế kỷ XX, đó là một đặc điểm của cánh hữu. Gần đây hơn ở Hoa Kỳ, tính ưu việt này mang hình thức một nỗ lực kết hợp Công Giáo bảo thủ và chủ nghĩa tự do mới, một nỗ lực hiện đang bị làm sai lệch bởi việc thực hiện các tiền đề tự do theo cách thế tục trong các phản đề kỹ trị và toàn trị của chúng, vốn đã bộc lộ bộ mặt chống Thiên Chúa giáo của chủ nghĩa tân tự do. Một “đạo Công Giáo chính trị” vẫn tồn tại trong chủ nghĩa toàn diện [integralism] và trong nỗi hoài niệm duy truyền thống về hiện trạng trước công đồng, nhưng đây là một nền chính trị ảo dành cho một thế giới ảo, không có tương lai thực sự trong Giáo hội hoặc trong một thế giới thế tục dựa trên sự đàn áp của nó. Động lực hiện nay đang theo điều mà Augusto Del Noce gọi là “chủ nghĩa tân hiện đại” của đạo Công Giáo cấp tiến, vốn phù hợp hơn nhiều với thực tại chính trị của thời đại, và những giả định sinh động của nó được phản ảnh hoàn hảo qua những nhân vật như Faggioli và Ivereigh.

Chủ nghĩa duy hiện đại vào thời của Blondel đáp lại các triết lý lịch sử thế kỷ 19 và sự thăng tiến được cho là của một “tôn giáo của nhân loại”. Những người duy hiện đại nhấn mạnh rằng sau Kant và Hegel, chúng ta sống trong một kỷ nguyên mới và các chân lý của đức tin phải giải đáp những thách thức triết học do thời hiện đại đặt ra, với việc nó cấm tính siêu việt và việc nó khám phá ra “các quy luật của lịch sử”. Trớ trêu thay, những xu hướng triết học này sẽ lên đến tuyệt đỉnh trong việc thay thế hoàn toàn triết học bằng chính trị, khi Marx, Dewey và những người theo chủ nghĩa thực dụng Mỹ đã lật đổ “triết học về sự hiểu biết” để ủng hộ hành động khoa học và chính trị, thuyết biến hóa của Darwin hạ giá các nền triết học ‘duy yếu tính” về bản nhiên con người, và sự biến đổi thế giới đã thay thế lối hiểu thế giới như mục tiêu và thước đo của tư duy. “Có thật không?” nhường chỗ cho “Tác dụng của nó là gì?” hoặc “Nó thúc đẩy sự quan tâm của ai?”

Mặc dù “chủ nghĩa tân hiện đại” có cùng đường lối siêu hình như tiền thân của nó, nhưng nguồn gốc và bản chất của nó lại khác. Nó không phải là một hiện tượng triết học mà là một hiện tượng chính trị. Nó bắt nguồn từ sự phản đối của Công Giáo đối với chủ nghĩa phát xít, nỗ lực của Jacques Maritain và những người khác nhằm hòa giải đạo Công Giáo và chủ nghĩa nhân bản hiện đại trong một chủ nghĩa Tôma không phản động tương thích với nền dân chủ hiện đại. Tham vọng này sẽ xúc tác nhiều nỗ lực sau này nhằm tổng hợp Đạo Công Giáo với các yếu tố “tích cực” và “đạo đức” của tư tưởng Mácxít, rõ ràng không mấy quan tâm đến việc loại chủ nghĩa vô thần đặc biệt của Marx có thể được đưa vào Kitô giáo một cách vô hình. Chống chủ nghĩa phát xít vẫn là yếu tính và lẽ sống của chủ nghĩa tân hiện đại. Faggioli đã vô tình tiết lộ sự thật này trong bài ca tụng gần đây của ông về “liên minh giữa những người Công Giáo, những người theo chủ nghĩa Xã hội-Cộng sản và những người theo chủ nghĩa tự do thế tục đã góp phần giải phóng nước Ý và cai trị trong nửa thế kỷ sau năm 1945,” dường như đã mang lại “cho đất nước một DNA đạo đức và chính trị bất biến.” Ở chỗ khác trong cùng một đoạn, khi ông than thở về sự biến mất của “những người Công Giáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô” - hậu duệ của “những người đã biến nước Ý thành một nước cộng hòa được thành lập dựa trên các giá trị chống Phát xít” - dường như ông đã xác định được yếu tính của “Đạo Công Giáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô” không phải với bất cứ nội dung thần học nào, mà với “các giá trị chống Phát xít”...

Về mặt lịch sử mà nói, chủ nghĩa tân hiện đại phát triển nhờ sự chiến thắng của chính trị đối với triết học và thần học và đơn giản coi việc phủ định tính siêu việt là điều hiển nhiên. Do đó, nó chu toàn và hoàn hảo hóa nền siêu hình của chủ nghĩa duy hiện đại trước kia chính bởi vì nó phi triết lý, bởi vì, nói theo kiểu nói của Del Noce, “triết lý tự vượt quá chính nó trở thành chính trị và tìm được ở đó việc xác minh cho nó”.

Không giống như chủ nghĩa hiện đại trước đó, chủ nghĩa tân hiện đại không đưa ra sự biện minh mang tính suy lý hoặc lý thuyết nào cho chính nó, ngoài việc thỉnh thoảng viện dẫn thẩm quyền của khoa học hoặc bản chất bị lịch sử điều kiện hóa của sự thật, và việc nại đến Chúa Thánh Thần, giờ đây bị vũ khí hóa để làm cho những người bất đồng trở thành phạm thánh. Chắc chắn, đây là một lý do dẫn đến tình huống hoàn toàn thiếu việc tự nhận thức về mặt triết học ở những nhân vật như Faggioli - và thực sự là sự thiếu vắng tư duy trong các tác phẩm của chủ nghĩa tân hiện đại so với tác phẩm của những nhân vật trước đó, chẳng hạn như Loisy và Tyrrell. Chủ nghĩa tân hiện đại gần như được dành toàn bộ cho lịch sử, xã hội học và các hình thức duy chức năng khác của lý trí. Nó thừa nhận thẩm quyền của các khoa học thực nghiệm và giả thiết tính ưu việt của lịch sử như một lĩnh vực của các mối quan hệ quyền lực nội tại đang tiệm tiến khai mở. Đối với Del Noce, nhân vật đặc trưng của chủ nghĩa tiến bộ Công Giáo, “Chủ nghĩa xã hội học,” là sự phụ thuộc hoàn toàn của triết học và thần học vào các hình thức tư tưởng này và các tiền giả định hữu thể học của chúng, vốn giản lược các yêu sách của sự thật vào các điều kiện lịch sử, chính trị và kinh tế của chúng và do đó vào các biểu thức ý thức hệ. Đơn cử một thí dụ trong toàn bộ thể loại, cuốn Vatican II: The Battle for Meaning Vatican II [Vatican II: Cuộc chiến giành Ý nghĩa] của Faggioli được chi phối triệt để bởi cách tiếp cận này, đặt ý nghĩa của Vatican II và thần học của nó phụ thuộc vào sự phán xét của các nhà sử học tiến bộ, những người coi Công đồng như một “sự kiện” vẫn đang diễn ra.” Nhưng không nơi nào cách tiếp cận này rõ ràng – hoặc hữu ích, xét vì cuốn sách đã được xuất bản trong triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô XVI – hơn là trong việc nó giản lược “tín lý” thành “chính sách tín lý”: từ một chủ trương sự thật về bản chất của sự vật, vốn khó có thể tưởng tượng trong khuôn khổ này, thành một biểu thức của ý chí giành quyền lực trong trò chơi chính trị giáo hội lâu dài.

Ở đây, sự phê phán của Blondel về chủ nghĩa lịch sử trong cuốn History and Dogma [Lịch sử và Tín điều] vẫn mang tính hướng dẫn. Lịch sử và xã hội học không tự cung tự cấp: Blondel nói, “Khoa học” về lịch sử “vẫn phụ thuộc vào những vấn đề ở phía sau, vào những khoa học vượt trội hơn nó, những khoa học mà nó không thể bứng bỏ hay thay thế ngoại trừ bằng sự tiếm quyền và bằng cách tuyên bố một cách sai lầm rằng mình là một loại siêu hình học toàn diện, một tầm nhìn phổ quát, một Weltanschauung [thế giới quan]” Lịch sử có thể chiếm đoạt siêu hình học, nghĩa là, chỉ bằng cách tự nó trở thành một “siêu hình học toàn diện”, bằng cách phủ nhận thực tại siêu việt của hữu thể, bản nhiên, và thậm chí cả Thiên Chúa và coi “các quy luật lịch sử” - giờ đây được cho là đương nhiên đến mức chúng không cần phải biện minh —như có giá trị tối cao. Tuy nhiên, không có gì trong chủ nghĩa vô thần ẩn danh này có thể ngăn cản việc sốt sắng khẩn cầu hữu thể của Chúa Thánh Thần xuống để rửa tội cho một việc lĩnh hội thế giới một cách vô thần. Thật vậy, kiểu thần học giả mạo này rất phổ biến—và được sử dụng một cách rộng rãi—trong Giáo hội đương thời.

Như Del Noce đã thừa nhận, chiến thắng của xã hội học, lịch sử và các hình thức lý trí duy chức năng khác biểu lộ trong suy nghĩ sự biến mất của Thiên Chúa khỏi chân trời hiện đại— theo lời Đức Bênêđíctô XVI viết vào năm 2009, “vấn đề thực sự tại thời điểm này trong lịch sử của chúng ta, và với sự mờ nhạt của ánh sáng đến từ Thiên Chúa, nhân loại đang mất đi phương vị của mình, với những hậu quả hủy diệt ngày càng rõ ràng”. Như chúng ta đã bắt đầu thấy, những hậu quả hủy diệt này đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến chính phạm trù sự thật. Trong cuốn Principles of Catholic Theology [Nguyên tắc Thần học Công Giáo] (1982), Joseph Ratzinger đã viết rằng, do sự chiến thắng của lịch sử đối với hữu thể, “Khái niệm sự thật... nhường chỗ cho khái niệm tiến bộ: ‘sự thật’ là bất cứ điều gì phục vụ cho sự tiến bộ, nghĩa là bất cứ điều gì phục vụ cho luận lý học của lịch sử.” Sự kết hợp giữa sự thật và tiến bộ là yếu tính của việc chính trị hóa.



Trong Gaudium et Spes, Công đồng Vatican II đã đề cập đến điều được gọi là “giai đoạn mới của lịch sử”, một thời điểm được đặc trưng bởi những nhạy cảm lịch sử này. Những sự nhạy cảm này đã không bị loại bỏ. Ngược lại, Công đồng thừa nhận “trí hiểu và các năng lực sáng tạo của con người”, từng khiến loài người “kinh ngạc trước những khám phá và sức mạnh của chính mình” và tra hỏi về vị trí của chúng ta trong vũ trụ. Tập chú Kitô học, nhân học và truyền giáo của Vatican II, rất trung tâm trong giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, nhằm hòa giải sự hiện hữu lịch sử của con người với bản chất siêu việt của họ – để khẳng định cả sứ mệnh lịch sử năng động, “tiến bộ” của Giáo hội và, theo lời của Ratzinger, “sự thống nhất của sự thật trong tính đa dạng của những biểu hiện lịch sử của nó”. Đấng đi vào lịch sử và ngỏ lời với con người vào thời điểm này, bằng cách mặc khải con người cho chính họ và làm sáng tỏ ơn gọi tối cao của họ, vẫn là Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha. Nửa thế kỷ với những cách giải thích thường xuyên bị tranh cãi gay gắt về Công đồng - thực ra là nửa thế kỷ thất bại, thậm chí không đạt được sự đồng thuận về chủ đề trọng tâm của Công đồng - cho thấy khuôn khổ này, bất chấp tính đúng đắn về mặt thần học của nó, đã không thành công trong việc giải quyết xung đột giữa sứ mệnh “tiến bộ” và “tính duy nhất của sự thật”. Đó là bi kịch của đạo Công Giáo hiện đại.

Trong khi đó, việc diễn ra Tiến trình Thượng hội đồng đại diện cho một trò hề - điều đó không có nghĩa đó là một sự kiện tầm phào. Với việc diễn ra tiến trình đồng nghị, cuộc xung đột giữa “hai đạo Công Giáo” đang lên đến tuyệt điểm, mặc dù ở dạng suy thoái về mặt trí thức. Điều này đặc biệt đúng khi Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị đã tự bộc lộ là Thượng hội đồng về sự khẳng định và hòa nhập LGBTQ, với việc vị tổng tường trình viên viện dẫn lịch sử và khoa học để làm suy yếu “nền tảng khoa học-xã hội học” của giáo huấn Giáo hội về tình dục, một giáo huấn mà ngài minh nhiên bác bỏ. Văn phòng Thượng Hội đồng của Vatican đã đăng trên mạng xã hội một bức tranh biếm họa nổi tiếng về một nữ linh mục trên bậc thềm của một nhà thờ, nắm tay một nhà hoạt động mặc áo thung “Niềm tự hào” cầu vồng và tuyên bố: “Chúng tôi là những người trẻ”. Không điều nào trong số này có thể gây ngạc nhiên cho bất cứ ai đọc về hoặc đọc giữa các dòng tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng về Gia đình trong hai năm 2014–15, mặc dù vẫn còn ngỡ ngàng—hoặc nên ngỡ ngàng—khi thấy một văn phòng của Giáo hội ở Rôma công bố tài liệu trực tuyến tương đương với một tấm áp phích tự hào của người đồng tính.

Rõ ràng, những người cấp tiến được giao nhiệm vụ điều hành các diễn tiến của thượng hội đồng coi Thượng hội đồng như cơ hội cuối cùng vớ được phương thế hằng mong đợi để lật đổ hệ thống giáo huấn về giới tính, phái tính và bản chất con người đã chín mùi quanh thông điệp Humanae Vitae. Những giáo huấn này phải được hạ xuống phạm vi “đạo đức tính dục”, tách rời khỏi các nền tảng thần học, hữu thể học và nhân học, đồng thời tách biệt một cách giả tạo khỏi huấn quyền xã hội nổi tiếng của Giáo hội và mối quan tâm của Giáo hội đối với cuộc sống trong một xã hội bị thống trị bởi kinh tế và kỹ thuật. Hoặc ít nhất, nó sẽ có nghĩa là trang trọng hóa các cách giải quyết “mục vụ” chạy vòng quanh đã trở thành chuẩn mực trên thực tế ở nhiều nơi.

Sự tập chú không tránh khỏi vào các giáo huấn về tình dục của Giáo hội, dù quan trọng đến đâu, cũng dễ dàng quyến rũ chúng ta đi vào một cuộc tranh luận hẹp về những đề xuất đặc thù. Sự xung đột căn bản giữa các khuynh hướng xung đột này, như Đức Hồng Y Ratzinger đã chỉ ra, xảy ra không phải ở bình diện các học thuyết riêng lẻ, mà là “trong lĩnh vực tiền giả định triết học của chúng”. Chiều sâu của sự bất đồng này có thể dễ dàng bị che giấu, thậm chí có thể đối với các bên tranh cãi, bằng cách chia sẻ một số hạn từ nào đó, những hạn từ, tuy nhiên, bị sử dụng theo những cách hoàn toàn khác nhau. Chỉ khi sự bất đồng được giải quyết ở bình diện triết học thì mới có hy vọng có được một giải pháp thực sự. Ratzinger từng đặt câu hỏi “Trong dòng thời gian lịch sử, có một sự đồng nhất nào có thể nhận biết được của con người với chính họ hay không? Có ‘bản chất’ con người nào hay không? Có sự thật nào vẫn mãi đúng trong mọi thời đại lịch sử bởi vì nó là sự thật hay không?” Bản chất của chính Thiên Chúa và cấu trúc của thực tại phụ thuộc vào những câu hỏi này.

Câu hỏi liệu có điều gì đúng ngoài ý nghĩa có điều kiện hoặc chức năng hay không – liệu chúng ta có còn tán thành quan niệm hữu thể học về sự thật hay không – nằm bên dưới nhiều câu hỏi được đặt ra bởi tiến trình thượng hội đồng. Giáo hội có ý định gì khi áp dụng thuật ngữ của phong trào LGTBQ? Làm thế nào Giáo hội có thể chấp nhận ngôn ngữ này mà không chấp nhận việc phong trào đó thay thế hữu thể luận bằng bản sắc? Làm sao nó có thể khẳng định quan niệm về bản sắc này mà không ngầm ủng hộ chế độ y sinh [biomedical] của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ có tính thương mại, cũng như thí nghiệm khoa học quy mô lớn về hormone ngăn chặn tuổi dậy thì và phẫu thuật xác định lại giới tính - chưa kể đến những biến đổi sâu xa về luật pháp, ngôn ngữ, gia đình và cơ cấu chính trị - cần thiết để biến nó thành quy phạm? Những người cấp tiến như James Martin, S.J., cố gắng một cách vô ích khi đóng ngoặc những câu hỏi như vậy khỏi câu hỏi hội nhập những người LGBTQ, nhưng chúng tạo thành một lớp áo liền mạch. Làm thế nào thuật ngữ này có thể phù hợp với quan niệm hình chất thuyết [hylomorphic] về bản chất con người được Công đồng giảng dạy, hoặc với học thuyết về sự sáng tạo như người ta vẫn luôn hiểu? Có lẽ Giáo hội vẫn tin rằng đàn ông và đàn bà là có thật. Hay ý tưởng về bản chất con người bất biến có tính phát xít?

Các câu hỏi được đưa ra bởi diễn trình thượng hội đồng không chỉ liên quan đến bản chất con người mà còn liên quan đến bản chất của Giáo hội. Giáo hội trong trí tưởng tượng của những kẻ chủ mưu thượng hội đồng là gì? Trong căn bản nó là một thực tại hữu thể học và bí tích, hay một thực tại xã hội học và chính trị? Sự hiệp thông của Ba Ngôi có phải là nền tảng hữu thể học của bản sắc Giáo hội như “Dân Thiên Chúa” như hiến chế Lumen Gentium gợi ý không? Hay “giáo hội học về dân Chúa” là “bối cảnh” cho hiệp thông, được “hiện thực hóa” thông qua phong cách, cơ cấu và sự kiện của Con đường Đồng nghị - nghĩa là thông qua một tiến trình chính trị? (Đây là điều mà Ủy ban Thần học Quốc tế ngụ ý trong nghiên cứu của họ về tính đồng nghị.) “Giáo hội như một toàn thể, trong mầu nhiệm yếu tính của mình... có phải là một thực tại có trước các Giáo hội đặc thù cá thể về mặt hữu thể học và thời gian,” như Tông huấn Communionis Notio của Đức Gioan Phaolô II dạy hay không? Nếu vậy thì Giáo hội có một bản chất thần học và bí tích vượt lên trên vị trí của nó trong không gian và thời gian, và “Dân Thiên Chúa” do đó bao gồm trọn sự hiệp thông các thánh, và cảm thức đức tin được thể hiện đầy đủ nhất trong Qui điển Vinh Sơn (đệ Lêrin): điều được tin ở mọi nơi, luôn luôn, và bởi mọi người.

Ngược lại, nếu cảm thức đức tin tương đương về mặt tôn giáo với dư luận quần chúng và có thể được nhận ra bằng cách bắt chước kém cỏi, phản khoa học các thủ tục thăm dò ý kiến và thu thập dữ kiện của các khoa học xã hội, thì Giáo hội chỉ còn là một thực tại xã hội học và chính trị, một Giáo hội của sự quản lý thuần túy, nếu không muốn nói là thao túng một cách khuyển nho. Tuy nhiên, những phản đối ngược lại, đây chính là cách nó xuất hiện trong nhiều bài viết về tính đồng nghị của Faggioli, như khi ông nói rằng thuật ngữ “Giáo hội có tính đồng nghị” đơn giản “có nghĩa là các tiến trình của giáo hội ít tập trung vào giáo sĩ hơn và cởi mở hơn với vai trò lãnh đạo của giáo dân, đặc biệt là phụ nữ.” Ông thừa nhận rằng đặc điểm này có thể làm cho tính đồng nghị có vẻ giống như một công việc bàn giấy. Nhưng đừng lo lắng—ông bảo đảm với chúng ta rằng “tính đồng nghị là về tính bí tích và Giáo hội như một bí tích,” và “các thượng hội đồng và công đồng luôn có cốt lõi phụng vụ”.

Tất cả những câu hỏi này – và còn nhiều câu hỏi khác – cuối cùng là những câu hỏi về bản chất thực sự của sự vật, thực sự là về việc liệu khái niệm “bản chất thực sự” có bị coi là lỗi thời trong một thế giới bị thống trị bởi khoa học tự nhiên và xã hội hay không, trong đó “tự nhiên” là bất cứ thứ gì được quan sát và do đó mỗi thứ được quan sát đều “tự nhiên” như mọi thứ khác. Tuy nhiên, đây chính là loại câu hỏi dường như bị loại trừ một cách có hệ thống bởi phương pháp “hòa nhập triệt để” của Thượng Hội đồng, như thể nền tảng của “Giáo hội lắng nghe” chỉ có thể được xây dựng trên đống đổ nát của “Giáo hội biết suy nghĩ”.

Những câu hỏi này có thể được trì hoãn nhờ phương pháp vốn được kính trọng xưa nay nhằm tách biệt các mối quan tâm mục vụ và tín lý. Nhưng điều rõ ràng là sự phân biệt này khó đứng vững, vì mọi hoạt động mục vụ phải diễn ra trong một chân trời ý nghĩa và tham chiếu một quan niệm nào đó về điều gì là đúng. Việc phân biệt mục vụ với tín lý dẫn đến kiểu thiếu trung thực mà người ta nhận thấy trong biến thể của James Martin về chiến thuật này. Động thái tu từ rất đơn giản: Hãy nhấn mạnh rằng bạn chưa bao giờ phủ nhận tín lý của Giáo hội, trong khi viết, nói và hành động như thể nó sai, và bạn có thể, trên thực tế, thực hiện một sự biến đổi cái hiểu của Giáo hội về chính mình, về Thiên Chúa, hoặc về bản nhiên con người, mà không bao giờ nêu ra câu hỏi về sự thật. Thành công trên quy mô đủ lớn—làm tràn ngập internet với đủ các bài viết chuyên mục nửa vời hoặc tweet đủ sớm để đồng chí của bạn ở Rôma có thể thưởng thức các cuộc tấn kích của bạn với cà phê buổi sáng của họ—và thế là, bạn có một sự thay đổi mô hình, hoặc ít nhất là ảo tưởng có một mô hình. Chiến thuật này có thể thành công trong việc mang lại sự thay đổi về cơ cấu trong Giáo hội, nhưng nó sẽ không đánh lừa được những ai không muốn bị lừa.

Thật dễ tin khi tin rằng dự án này có thể nghiêm túc về mặt thiêng liêng, như các nhân vật chính của nó nhấn mạnh một cách mến mộ, đồng thời lại không nghiêm túc về mặt trí thức. Toàn bộ truyền thống biện phân các tinh thần, từ Các Thể Chế [Institutes] của Gioan Cassian đến Linh thao của Thánh Inhaxiô, trước hết đều tìm cách tách tiếng nói của Thiên Chúa ra khỏi tinh thần của thời đại – thế gian, xác thịt và ma quỷ, nói theo thuật ngữ cũ. Diễn trình đồng nghị không những hoàn toàn thiếu tính nghiêm ngặt cổ xưa của những thao tác đó - và điều này diễn ra vào chính thời điểm mà tinh thần của thời đại hiện diện khắp nơi, tiếng nói của nó vang lên qua các phương tiện truyền thông, vốn nội thẳm trong tôi hơn chính tôi —nhưng nó chắc chắn mời gọi việc gom chúng thành một. Chỉ cần xem xét một trong những câu hỏi được đặt ra cho các nhóm nhỏ và được thảo luận trong suốt hai phút trong giai đoạn cấp giáo phận của tiến trình thượng hội đồng: “Từ việc chia sẻ trong nhóm nhỏ của bạn, hãy kể tên một nhận thức sâu sắc trong đó bạn đã nghe thấy tiếng Chúa Thánh Thần hôm nay?” Hãy kết hợp câu hỏi này với những câu hỏi khác—“Thiên Chúa đang nói với chúng ta như thế nào qua những tiếng nói ở giữa chúng ta?” “Thiên Chúa đang nói với chúng ta như thế nào qua những giọng nói mà đôi khi chúng ta bỏ qua, kể cả những giọng nói ở vùng ngoại vi?” “Có không gian nào để lắng nghe tiếng nói ở các vùng ngoại vi, đặc biệt là các nhóm văn hóa, phụ nữ, người khuyết tật, những người trải qua nghèo đói, bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc bị loại trừ khỏi xã hội?” – và kết luận không thể tránh khỏi là tiến trình đồng nghị đã được lên kế hoạch từ trước để xác định “Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt chúng ta đi đâu.”

Thật không thuyết phục cũng như an tâm khi Austen Ivereigh nhấn mạnh rằng việc biện phân chỉ diễn ra giữa các giám mục ở giai đoạn cuối cùng của tiến trình, như thể không có sự biện phân nào từng được đưa vào phương pháp luận của Thượng Hội đồng, việc xây dựng các câu hỏi hoặc việc lựa chọn các vấn đề của nó hay việc tuyển lựa các nhân viên hành chính của nó. Thượng hội đồng có bị thiết kế một cách ngẫu nhiên không? Điều đó có thể giải thích bản chất lố bịch của một số diễn biến hoặc chất lượng kém của những người viết và quản lý nó, nhưng khó có cơ sở để tin rằng Chúa Thánh Thần đã tự phát thúc đẩy Giáo Hội hoàn vũ chọn việc hòa nhập chính nghĩa LGTBQ như vấn đề quan trọng nhất mà thế giới và Giáo hội phải đối diện. Nhưng trọng điểm của những tuyên bố như vậy không phải là để thuyết phục chúng ta rằng kết quả của những xem xét này là đúng, được truyền thẳng từ Chúa Thánh Thần đến ngòi bút của Ivereigh. Vì với tiết lộ cho rằng chính Ivereigh là một trong những tác giả của tài liệu thượng hội đồng hoàn cầu đầu tiên, và lời huấn giáo lố bịch của nó nên tiếp cận các trang của nó như “nơi thánh”, mục đích quả có tính chính trị. Chúng ta được nhắc nhở ai là người có thẩm quyền ở đây, và chúng ta được hướng dẫn rằng ai chỉ trích Sodalitium Franciscanum là chỉ trích chính giáo hoàng, và do đó tương đương với việc bác bỏ Vatican II.

Nhiều câu hỏi được đặt ra bởi diễn tiến của qui trình đồng nghị và từ vựng chính trị và xã hội học của những người giáo dân cổ vũ nó cuối cùng quy vào câu hỏi về mối tương quan giữa auctoritas [thẩm quyền] và potestas [quyền lực], một mối tương quan xét cho cùng xoay quanh vấn đề sự thật. Một khi chủ nghĩa duy sử và duy xã hội học đã tiêu diệt cơ sở siêu việt của chân lý, giản lược “chân lý” thành tổng số các điều kiện có trước và “những gì chúng ta có quyền thực hiện”, thẩm quyền sẽ trở thành chỉ là một biểu thức khác của ý chí quyền lực. Người ta không thể tung mọi điều lên cao để ai muốn bắt thì bắt—chẳng hạn như “Người đã tạo ra họ có nam có nữ”—trong khi tuy vẫn tin quyền tối thượng của giáo hoàng dựa vào hiến chế Pastor Aeternus, nhưng không coi giáo hoàng như một vị vua có chủ quyền kiểu Hobbes và đặt căn bản cho thẩm quyền của ngài trên quyền lực của ngài chứ không ngược lại. Thẩm quyền không có sự thật cuối cùng không hề là thẩm quyền.

Các nhà sử học gần như chắc chắn sẽ nhìn lại thời kỳ này và kết luận rằng cả di sản của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như thẩm quyền của các vị giáo hoàng tương lai đều không được những người bạn của Đức Phanxicô phục vụ tốt, bất kể thành công ngắn hạn của tiến trình thượng hội đồng trong việc biến đổi “hệ thống quản trị giáo hội” yêu quý của Faggioli, hay nói đúng hơn là củng cố quyền kiểm soát cấp tiến đối với chúng. Tín lý bị giản lược thành chính sách tín lý cũng mong manh như bất cứ chính sách nào khác, phụ thuộc vào ý chí của những vị nắm quyền quản trị. Những người cấp tiến hiểu điều này - một lý do chắc chắn khiến họ luôn nóng lòng muốn thấy chính sách được thực hiện trong quá trình kiểm soát nhân sự và thủ tục của họ. Nguyên “chính sách tín lý” mà thôi cũng có thể tạo ra những thay đổi về cơ cấu; nó thậm chí có thể buộc người ta phải tuân phục, phải hoan hô Sodalitium Franciscanum; nhưng nó không thể đem người ta đến chỗ tin vào điều người ta biết là sai. Quyền lực có thể cưỡng bức nhưng không thể buộc người ta có bổn phận. Nó không thể lôi kéo được sự tán thành của đức tin, hoặc sự ưng thuận đó - tức con-sentire [đồng thuận], một "suy nghĩ với" - nghĩa là cùng một lúc biểu lộ sự thật và hành động của mình khi nhượng bộ sự thật. Quyền lực này hoàn toàn thuộc về thẩm quyền sự thật, như Dignitatis Humanae nói, “không thể áp đặt chính nó ngoại trừ nhờ vào sự thật của chính nó, khi nó đi vào tâm trí một cách lặng lẽ và mạnh mẽ”. Trọng điểm không phải là quan điểm dân chủ cho rằng sự đồng ý mang lại quyền lực, như James Martin dường như chủ trương, mà là quan điểm hữu thể học cho rằng thẩm quyền thực sự—thẩm quyền của sự thật—lôi kéo được sự đồng thuận.

Chính nhờ tiêu chuẩn sự thật mà kết quả của Thượng Hội đồng, cũng như tính thỏa đáng của nó như một cách giải thích Công đồng Vatican II, cuối cùng sẽ được đánh giá. Theo lời của Đức Gioan XXIII: “Mối quan tâm lớn nhất của Công đồng chung là kho tàng thánh thiêng của tín lý Kitô giáo phải được bảo vệ và giảng dạy một cách hữu hiệu hơn,” một tín lý, ngài nói thêm, “bao trùm toàn thể con người, bao gồm cả thể xác lẫn linh hồn”. Giáo hội có tính Công đồng vẫn tin vào quan niệm truyền thống này về bản chất con người. Thật khó hiểu làm thế nào mà một kết luận mâu thuẫn hoặc che khuất học thuyết này, đặc biệt khi nó liên quan đến “toàn bộ con người”, lại có thể được coi là đại diện cho tinh thần của Công đồng hoặc là một cách giải thích mạch lạc về “các dấu chỉ của thời đại”, những dấu chỉ ngày nay mang nhiều điềm báo gở hơn so với những năm 1960. Không ai có thể tưởng tượng rằng thập niên 2020 là thời điểm bắt đầu của Thời đại Bảo Bình [age of Aquarius]. Đó là một trò hề mà chúng ta dường như đã được miễn chước.

Thật không may, tiến trình đồng nghị dường như mù quáng trước ý nghĩa của thời điểm lịch sử của chúng ta. Del Noce từng nói một cách thất vọng về loại người Công Giáo tìm cách hấp thụ “sự thật một phần” của chủ nghĩa Marx vào đức tin: “Việc chứng minh rằng chủ nghĩa vô thần là điều yếu tính đối với chủ nghĩa Marx khiến ông hoàn toàn thờ ơ”. Tương tự như vậy, vì chủ nghĩa tân hiện đại, trong căn bản, vốn là một hiện tượng chính trị, nên dường như không có bằng chứng nào có thể thuyết phục những người ủng hộ nó rằng thế giới của chúng ta, trong căn bản, không phải là thế giới của năm 1968... hoặc của năm 1933. Người Công Giáo tân hiện đại là một người duy sử, nhưng không phải là người duy sử tốt. Họ luôn đến hiện trường lịch sử quá muộn đến nửa thế kỷ, có ý định “tiếp xúc” một thế giới không còn hiện hữu nữa — không thể nhìn thế giới như nó là hiện nay, khi các thế lực của một chủ nghĩa toàn trị mới, toàn diện hơn nhưng bề ngoài ít bạo lực hơn xưa, diễu hành dưới lá cờ cầu vồng chứ không phải hình chữ vạn. Trong khi đó, chính thế giới mà người tân hiện đại ca ngợi là “bình đẳng” và “dân chủ” nổi dậy chống lại chính Hữu thể, hoàn thiện các phương tiện kỹ thuật để mang lại cuộc cách mạng của nó và buộc cả một thế hệ phải thực hiện một dự án khoa học rộng lớn và không thể giải trình.

Đây khó là một nhận định mới lạ, hay thậm chí là một nhận định Kitô giáo. Viết vào năm 1958, khi các hung bạo của khoa học “tiến bộ” vẫn còn in sâu trong ký ức của bà, Hannah Arendt nhận xét: “Con người tương lai, con người mà các nhà khoa học nói với chúng ta rằng họ sẽ tạo ra không quá một trăm năm nữa, dường như bị ám ảnh bởi một cuộc nổi loạn chống lại sự hiện hữu của con người như nó đã được ban tặng, một món quà miễn phí từ hư không (nói theo cách thế tục), mà họ muốn trao đổi, có thể nói như vậy, để lấy thứ mà họ đã tự mình làm ra.” Lewis, Huxley, Hans Jonas, Del Noce và Ratzinger nằm trong số nhiều người đã đưa ra những quan sát và tiên tri tương tự trong thế kỷ qua. Tương lai của Arendt là hiện tại của chúng ta. Các lực lượng hùng mạnh trong Giáo hội sẽ giúp Giáo hội đồng hành cùng thế giới khi thế giới hướng tới một tương lai hậu chính trị và hậu nhân bản. Chủ nghĩa tân hiện đại này chỉ minh chứng cho mối quan tâm của Ratzinger về “những tác động hủy diệt” xảy ra sau sự lu mờ của Thiên Chúa và sự thật, xác nhận niềm tin của Arendt rằng chủ nghĩa toàn trị và sự thiếu suy nghĩ đi đôi với nhau. Đến một lúc nào đó, trước rất nhiều cảnh cáo và quá nhiều bằng chứng, quá nhiều hành động tàn bạo và quá nhiều thời gian, người ta phải đặt câu hỏi liệu sự thiếu suy nghĩ này có phải là cố ý hay không.

Mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát động tiến trình thượng hội đồng, nhưng ngài vẫn chưa đưa ra phán quyết nào về nó. Tôi không muốn đoán trước sự phán xét đó. Từ bản chất của chúng, các quy trình có xu hướng trốn tránh sự kiểm soát của những người khởi xướng ra chúng, giải phóng những sức mạnh không thể dễ dàng thu hồi được. Các sự kiện ở Đức làm tăng khả năng có sự khác biệt giữa việc diễn ra tiến trình thượng hội đồng và ý định của Đức Giáo Hoàng khi phát động nó. Chúng ta không nên giả thiết tiến trình hội nghị đồng nhất với ý muốn của Đức Giáo Hoàng, cũng như chúng ta không nên thừa nhận sự đồng nhất giữa tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng và chương trình nghị sự cấp tiến đang được thúc đẩy dưới danh nghĩa của ngài. Chính Faggioli đã viết rằng “quan niệm của vị giáo hoàng 82 tuổi về tính đồng nghị trong giáo hội chắc chắn có những giới hạn và mâu thuẫn của nó”. Ngay cả vào thời điểm muộn màng này, chúng ta vẫn có thể khám phá ra những giới hạn và mâu thuẫn đó là gì. Vẫn có khả năng là Đức Giáo Hoàng có thể bắt chước Đức Phaolô VI, người đã chọc giận tinh thần của thời đại bằng cách bác bỏ các khuyến nghị của Ủy ban Giáo hoàng về Kiểm soát Sinh sản của chính ngài. Vị giáo hoàng này vẫn có thể minh xác rằng tinh thần của thời đại phát biểu qua các bảng câu hỏi của thượng hội đồng, các nhóm tập chú và các viên chức không phải là Thánh Thần Chân Lý.

Đó là sự khôn ngoan cổ xưa như cuốn Cộng hòa của Platông và bi thảm như nhân vật Cordelia của King Lear: Những người bạn thực sự của một nhà cai trị không phải là những kẻ xu nịnh ngài, mà là những người nói ra sự thật, thậm chí có thể gặp nguy hiểm cho chính mình. Điều đúng với các vị vua thậm chí còn đúng hơn với các vị giáo hoàng, những người có thẩm quyền bắt nguồn từ chính Sự thật, mà chức vụ của họ được thành lập để phục vụ. Nếu vị giáo hoàng từ chối cuộc cách mạng đang được thúc đẩy nhân danh ngài - thậm chí ngài có làm thất vọng những kỳ vọng của “dân Chúa” được chăm sóc chặt chẽ - ngài có thể vẫn khám phá ra ai là bạn bè thực sự của ngài và ai từng luôn là bạn bè thực sự của ngài. Tuy nhiên, trước sự lựa chọn ảm đạm mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô phải đối diện dường như không thể tránh khỏi việc tiến hành diễn trình đồng nghị sẽ kết thúc trong thảm kịch: con đường đồng nghị, thay vì là việc chúng ta “cùng bước đi với nhau”, gần như chắc chắn sẽ đẩy nhanh sự chia rẽ của chúng ta. Blondel đúng khi nói: “Điều này rõ ràng là bất thường, vì không thể có hai đạo Công Giáo”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh Giá
Đinh văn Tiến Hùng
07:41 12/09/2023

*Thánh Giá*
(Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/9)

“Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác Thánh Giá của mình mỗi ngày mà theo Ta”
(Lc.9: 23)



( Liên Thi Khúc Suy Tôn Thánh Giá )

*Ngày nay, chúng ta thấy Thánh Giá được treo khắp nơi, nào là: Nhà Thờ, Nhà Nguyện, nhà tư; ở Nghĩa Trang, trên nấm mộ...; Thánh Giá còn xuất hiện trên áo, trong khăn và khắc trên gỗ, trên đá...; người ta cũng đeo Thánh Giá trên cổ, trên tay...

Tất cả những điều đó diễn tả niềm tin, sự tôn thờ của của người Công Giáo, bởi vì, Thánh Giá là niềm vinh dự, là sự toàn thắng, là ơn cứu chuộc, là sự sống, là niềm hy vọng của chúng ta.

Khi người Công Giáo tôn thờ Thánh Giá, chắc chắn không chỉ đơn thuần là tôn thờ một biểu tượng, càng không phải lưu ký một kỷ niệm buồn gợi lại sự đau khổ và chết chóc....

Nhưng Thánh Giá là tất cả, là trọn vẹn niềm tin, là niềm hy vọng duy nhất và là ơn cứu độ của chúng
.
Như vậy, khi tôn thờ Thánh Giá, chúng ta suy tôn tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ và mang lại cho chúng ta niềm hy vọng phục sinh.

- Chúa là Ðấng con ca mừng buổi sớm,
Chúa là Ðấng con khấn nguyện chiều hôm,
Chúa là Ðấng con trọn niềm hy vọng,
Mãi ngàn đời, xin kính cẩn suy tôn.

Thánh Giá là gì?
*Thánh Giá là gì anh biết không?
Trời mây non nước nhuộm sắc hồng,
Đỉnh cao vời vợi trông đẹp quá !
Thánh Giá vươn lên giữa không trung.

Biểu tượng đó tuyệt mỹ vô cùng,
Ngàn năm biến đổi vẫn uy hùng,
Vươn lên sức sống Ki-tô giáo,
Ấp ủ chở che bao tấm lòng.

Thánh Giá đâu phải để theo thời,
Không là trang điểm để thêm vui,
Dù bằng kim cương hay vàng bạc,
Vòng quanh cổ, ngực cho đẹp tươi.

Đừng dùng Thánh Giá mà đấu tranh,
Đừng mang Thánh Giá mà tuần hành,
Che lấp dưới chiêu bài chính trị,
Âm mưu lừa dối sẽ không thành.

Hãy nhìn lên đỉnh tháp giáo đường,
Thánh Giá vươn cao giữa trời trong,
Tiếng chuông vang dội đang mời gọi,
Hồn ta lắng dịu khỏi sầu vương.

Lặng nhìn tưởng niệm nơi nghĩa trang,
Mộ bia Thánh Giá lớp hàng hàng,
Bao người nắm xuống hai tay trắng,
Giã từ phú quí lẫn vinh quang.

Thánh Giá Chúa trao cho mỗi người,
Buồn vui vinh nhục của một thời,
Thiên Chúa đã trao ta đón nhận,
Gánh vác trên đường suốt cuộc đời.

Xưa Chúa trên đường Gôn-gô-ta,
Nhục hình quặn quại, máu lệ nhòa,
Hơi thở đứt đoạn, thân gục ngã,
Thánh Giá trĩu nặng bởi tội ta.

Thánh Giá minh chứng vì tình yêu,
Hy sinh cao cả biết bao nhiêu,
Chết khổ nhục, không lời oán trách,
Núi Sọ cô đơn buồn hắt hiu !

Lạy Chúa ! Con đây đã hiểu rồi,
Ấn tín trao con từ Chúa trời:
Hãy vác Thánh Giá theo chân Chúa,
Chỗi dậy mà đi hết cuộc đời.

* Kinh kính Thánh giá.

Con kính Thánh Giá cho được bằng yên.
Cây Thánh Giá ở giữa rừng vàng; cây Thánh Giá là gươm là giáo;
Cây Thánh Giá ở khắp gần xa tróc quỉ trừ ma, khiêm nhường mỹ tục;
Cây Thánh Giá là tầu vượt sang khỏi biển;
Cây Thánh Giá là chìa khoá mở cừa Thiên Đàng cho chúng con được vào.
Lạy cây Thánh Giá,
Lạy cành cây Thánh Giá! Lạy lá cây Thánh Giá,
Lạy hoa cây Thánh Giá! Lạy quả cây Thánh Giá!
Từ xưa đến nay chẳng có cây nào sánh bằng cây Thánh Giá.
Lạy Chúa con nằm trên cây Thánh Giá chịu chết vì chúng con- Amen.

*Di ngôn ĐỒI THẬP GÍA*

*”-Này là gỗ Cây THÁNH GIÁ đã treo Đấng Cứu Chuộc nhân loại !
Ta hãy đến thờ lạy ! “
( Lời suy tôn Thánh Giá Thứ sáu Tuần Thánh )

+ Cảm hứng theo tác phẩm ‘ Trên đỉnh cao Thập Tự ‘
của Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen.
*Bảy Di Ngôn trước khi Chúa Chết :

I-“ Lạy Cha ! Xin tha cho chúng vì chúng chẳng hiểu việc chúng làm ”
( Lc.23 : 24 )
II-“ Hôm nay con sẽ được ở trên Thiên đàng cùng Ta ”
( Lc.23; 43 )
III-“ Thưa Bà ! Đây là con Bà ! “

( Jn.19 : 26 )
IV-“ Lạy Thiên Chúa ! Lạy Thiên Chúa con! Sao Ngài bỏ Con ! “
( Mt.27 : 46 )
V-“ Ta khát ! “
( Jn.19 : 28 )
VI-“ Mọi sự đã hoàn tất ! ‘
( Jn.19: 30 )
VII-“ Lạy Cha ! Con phó linh hồn trong tay Cha ! “


Di ngôn vĩnh biệt

*Tình yêu Chúa thật bao la,
Trước khi vĩnh biệt ban ta Bảy Lời,
Di Ngôn Cứu chuộc Nước Trời,
Cho ta sức mạnh sống đời trần gian,

(1)Lạy Cha xin tha thứ !
Vì chúng không hiểu gì,
Việc làm đầy tội lỗi,
Xin Cha hãy quên đi !

(2)Giờ con biết xám hối,
Ta hứa sẽ ban cho,
Nước Trời nguồn ân phúc,
Mà con đang ước mơ.

(3)Xin Bà hãy nhận lấy,
Gio-an này con Bà !
Đại diện cho nhân loại,
Ơn cứu chuộc thứ tha.

(4)Linh hồn Con sầu não,
Sao Cha nỡ bỏ Con,
Hay là Cha từ chối,
Vì tội lỗi loài người?

(5)Ta khát sao lừa dối,
Trao mật đắng dấm chua,
Ta khát tình yêu đó !
Con đã nhận ra chưa?

(6)Mọi sự đã hoàn tất !
Kết ca khúc khải hoàn,
Vinh quang Đồi Thập Giá,
Đấng chiến thắng tử thần.

(7) Linh hồn con phó thác,
Trong tay Cha Toàn Năng,
Vì Con đã hoàn tất,
Công cuộc cứu thế trần.

Trên Đỉnh Cao Thập Tự,
Chúa đã kéo con lên,
Thoát khỏi vùng tăm tối,
Ban cuộc sống vững bền.

*Tình yêu Chúa thật bao la,
Trước khi vĩnh biệt ban ta Bảy Lời,
Di Ngôn Cứu chuộc Nước Trời,
Cho ta sức mạnh sống đời trần gian.



*KHÚC BI CA ĐỒI THẬP GIÁ*
Đồi Can-ve sao u buồn ảm đạm!
Mây ngừng trôi che lấp ánh mặt trời,
Vũ trụ ngưng đọng, vạn vật im hơi,
Khắc khoải âu sầu ngày tang trần thế.


Chân đồi lớp người cuốn như sóng bể,
Bọn quan binh đang la hét mở đường,
Tiếng roi vun vút vọng xoáy bi thương,
Tội nhân bị lôi đi không thương tiếc.

Thân mình nát tan, áo quần tơi tả,
Vòng mạo gai đâm suốt chặt quanh đầu,
Máu nhỏ dòng loang lổ khắp châu thân,
Quá kiệt sức nên nhiều lần ngã gục.

Tai vang dội biết bao lời sỉ nhục,
Các thượng tế, luật sĩ, cả đám dân,
Ngẩng mặt đắc chí, hò hét rần rần,
Say đắc thắng vì âm mưu hoàn hảo.

Người nhân đức bước sau buồn ảo não,
Hai phụ nữ dìu theo Người Mẹ hiền,
Lòng Bà dâng trào đau xót triền miên,
Tội tình chi hỡi Con Mẹ yêu dấu!

Tới đỉnh đồi nơi lý hình đang đợi,
Chúng cởi trói, lột áo mà chia nhau,
Giật mạo gai gẫy nát đâm vào đầu,
Để quyết liệt bắt đầu cho bản án.

Bắt tội nhân nằm ngửa trên thập ác,
Và tay chân bị lôi kéo giãn ra,
Tới lỗ đinh còn một khoảng cách xa,
Nghe xương cốt đang tách ra rơi rụng.

Những nhát búa đập mạnh để chọc thủng,
Chân tay tội nhân vặn vẹo đau thương,
Toàn thân quằn quại đau đớn khôn lường,
Không cuộc hành hình nào dã man hơn thế!

Thập giá dựng lên cùng hai tử tội,
Một tử tội biết thống hối kêu cầu,
Khát khao mong đợi diễm phúc bấy lâu,
Đang nhận được vinh quang nơi Thiên Quốc.

Ngước nhìn trời Tù nhân cầu nguyện:
Xin tha cho những kẻ làm khốn mình,
Xót thương Gio-an người đệ tử chân tình,
Trao cho Mẹ nhận người con đau khổ.

Rồi xuất thần ngước mặt kêu: Ta khát!
Một lý hình nhúng dấm chua đưa lên,
Sau khi nếm, nghiêng đầu qua một bên,
Kêu: Đã hoàn tất! Gục đầu tắt thở.

Lòng quặn đứt Bà Mẹ hiền chết ngất,
Khi lính cầm đòng đâm suốt nương nong,
Máu và nước tuôn xuống chảy thành dòng,
Bà đã chết cùng người Con yêu dấu!

Vũ trụ chuyển rung, quay cuồng tinh đẩu,
Bầu trời vần vũ, lốc cuộn bật mồ,
Đền thờ màn xé, mưa sóng tràn bờ,
Có phải chăng đây là ngày tận thế?

Dấu minh chứng cho muôn ngàn thế hệ,
Người tử tội: Đấng Cứu Thế Hiến Mình!
Chết nhục nhã cho ta sống quang vinh.
Khúc Ai ca nhiệm mầu đồi Thập Giá!


*Đồi Thập Giá: Xưa & Nay*

Đồng Chiêm sẽ có một ngày
Ngàn Cây Thập Giá vươn đầy Rừng Hoa.

Chúa gục ngã ba lần,
Oằn oại từng bước chân,
Thân Mình đầy thương tích,
Núi Sọ đang đến gần.

Trên đồi Gôn-gô-ta,
Để ngươi được thứ tha,
Chúa treo trên Thập Giá,
Máu đổ xuống giao hoà.

Từ ngày ấy đến nay,
Trải hai ngàn năm qua,
Ngọn đồi mang ấn tích,
Nảy mầm đã nở hoa.

Hương nhị bay đi xa,
Trong nắng ấm chan hoà,
Trổ ngàn hoa Thập Tự,
Dệt bao khúc hoan ca.

Tình Yêu phủ đầy trời
Mong biến đổi lòng người,
Nương theo cờ Thập Tự,
Hoà bình gieo muôn nơi.

Nơi ngọn đồi Đồng Chiêm,
Thánh Giá Chúa dịu hiền,
Giang hai tay che chở,
Ấp ủ cả bày chiên.

Đây cuộc sống êm đềm,
Lời kinh nguyện đêm đêm,
Vẫn vang lên tha thiết,
Xin cho sống bình yên.

Nhưng bỗng có một ngày,
Bày Quỉ Đỏ cả bày,
Kéo nhau về tàn phá,
Gieo kinh hoàng nơi đây.

Ngọn Đồi Thánh Đồng Chiêm
Biểu tượng của Đức Tin,
Sập tan hoang đổ nát,
Trong tiếng nổ cuồng điên.

Đoàn chiên thật hiên ngang,
Đầu chit vành khăn tang,
Máu tuôn rơi trên đất,
Kinh Hoà bình vang vang.

Trên đồi khuất nắng chiều,
Lòng nghe buồn hắt hiu,
Màu cờ tang ủ rũ,
Đồng Chiêm sao cô liêu.

Nhưng sáng sớm hôm nay,
Lữ khách dừng nơi đây,
Rừng xanh đang réo gọi
Ngàn Thập Giá vươn đầy.


* Biểu tượng & Các Kiểu mẫu THÁNH GIÁ

- Cây Thánh Giá trên đỉnh tháp giáo đường là biểu tượng Thánh đường Công Giáo.
- Cây Thánh Giá xây trên mộ huyệt các Ki-tô hữu qua đời trong Nghĩa trang.
- Thánh Giá đặt trên bàn thờ các gia đình Ki-tô-giáo.
- Cây Thánh Giá treo phía trên bàn thờ tế lễ.
- Thánh Giá dẫn đầu đoàn rước kiệu.
- Thánh Giá mở đầu và kết thúc chuỗi hạt Mân Côi.
- Các tu sĩ một số dòng mang Thánh Giá trên tu phục.
- Các vị Chủ tế giơ cao Thánh Giá hay giơ tay theo hình Thánh Giá chúc lành giáo dân tham dự nghi lễ.
- Thánh Giá thường được làm bằng kim quí. đá quí có giây đeo tôn kính trước ngực.
- Thánh Giá được tôn kính trọng thể Thứ Sáu Tuần Thánh.
- Thánh Giá là trọng tâm trong biểu tượng Năm Đức Tin.
- Trên đầu Thánh Giá thường thấy 2 chữ viết tắt : INRI và I.H.S –
( INRI : JESUS NAZARENUS REX JUDAEORUM – JESUS người Nazareth vua dân Do Thái, ’Bản án kết tội Chúa do lệnh Philatô treo trên thập giá’ - I.H.S : JESUS HOMINUM SALVATOR – Đấng Cứu Độ loài người )

*
*Các kiểu Thánh Giá*
- Thánh Giá Commissa (Biểu tượng của dòng Phan-xi-cô, hình chữ T )
- Thánh Giá Immissa ( Thánh Giá La-tinh )
- Thánh Giá Byzantine ( Bỏ thanh ngang )
- Thánh Giá Salvomic ( dùng trong Giáo hội Chính Thống Nga và Đông Phương, có hình Thiên Thần )
- Thánh Giá Hy Lạp ( hình chữ thập )
- Thánh Giá Jerusalem ( gồm 5 chữ thập, dùng trong Thập Tự Chinh )
- Thánh Giá Calvary ( đế tam cấp )
- Thánh Giá An-rê. ( buộc giây thay đóng đinh)
- Thánh Giá Celtic. ( có hình vòng tròn phía sau)
- Thánh Giá Thánh Brigid. ( thắt hình chữ thập bằng lá cây)
- Thánh Giá Thánh Phê-rô ( Thánh Giá ngược, đầu chúi xuống đất )
- Thánh Giá Giáo Hoàng ( Mũ 3 tầng Thánh Giá )
- Thánh Giá Carava ( 2 tầng Thánh Giá )
- Thánh Giá Thánh Damianô (có hình các Thánh)
- Thánh Giá Thánh Bênêđitô (trên Thánh Giá có mề đay hào quang và dòng chữ, thường dùng trong nghi thức trừ quỉ




*Từ hang đá Belem đến đồi Golgota*

*Suy niệm Mùa Chay : Tuyệt đỉnh Công trình Cứu Chuộc Nhân loại.
“ Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình,
vác Thập giá mình mà theo Ta.” (Mt: 16,24)
“Ngài đã trở nên nghèo để chúng ta được giàu có nhờ cái nghèo
của Ngài” (Xc.2 Cr.8,9 –Trích Sứ Điệp Mùa Chay ĐTC Phanxicô

*Có Tình yêu nào vĩnh cửu theo thời gian?
Có Tình yêu nào đọng mãi trong không gian?
Có Tình yêu nào chuyển thành muôn sắc màu rực rỡ?
Có Tình yêu nào mà muôn lòng ngất ngây bỡ ngỡ?

* Không có Tình Yêu nào,
Mà nhân loại khát khao,
Bằng Tình Yêu Thiên Chúa,
Chết cho ta vì yêu!


*Thánh Giá Tình yêu tuyệt vời*

Hỡi con ! Hãy bước theo Ta,
Con đường Thập giá chan hòa yêu thương,
Sinh nơi máng cỏ tầm thường,
Chết trên núi Sọ khơi nguồn Tình yêu

* Đêm đông sương tuyết Be-lem,
Hang đá buốt lạnh nơi chiên bò lừa
Chúa Trời giáng thế năm xưa,
Suối nguồn Hồng phúc tuôn mưa cứu đời.

Gương ba mươi năm của Người,
Âm thầm nhẫn nhục sống nơi quê nghèo,
Song thân vâng phục mọi điều.
Cảm thương nhân thế trăm chiều oan khiên.

Ba năm ngắn ngủi rao truyền,
Ruổi rong cứu độ khắp miền ngày đêm,
Nhân từ thương xót bày chiên,
Ủi an, thúc giục, nhủ khuyên quay về.

Loài người tội lỗi u mê,
Ham danh mê sắc thoả thuê đêm ngày,
Chiến tranh chém giết phơi bày,
Tranh quyền đoạt vị đắp xây cho mình,

Nhìn người đói khổ làm thinh,
Câm, mù, què, hủi lại khinh chê cười.
Lòng Chúa thương xót khôn nguôi,
Cứu nhân độ thế đem nguồn an vui.

Ba năm giảng dạy cho đời,
Muôn năm lưu lại một trời yêu thương,
Niềm tin xác tín tỏ tường,
Chứng tích Tân Ứớc tấm gương muôn đời.

Phúc cho nhân thế người ơi!
Chính Con Thiên Chúa Làm Người cứu ta!
Nhìn lên đồi Gôn-gô-ta,
Chúa trên Thập Giá giao hoà trần gian.

Cứu ta khỏi kiếp lầm than,
Đưa lên hưởng phúc Thiên Đàng vĩnh an.
Đường trần còn lắm gian nan.
Bước đi theo Chúa vững vàn an tâm.


Thánh giá là gì? – Linh Trần Thy (thơ: Đinh Văn Tiến Hùng)
Posted on Tháng Ba 8, 2018 by nguyenthoai
https://www.youtube.com/watch?v=MG1hYyvh0vM


Thể hiện: Ca đoàn Sao Mai (Download)
Đk.
Thánh giá là gì, Thánh giá là gì biết không? Trời mây non nước sắc hồng. Đỉnh cao vời vợi kìa trông đẹp quá! Thánh giá vươn lên giữa không trung. Biểu tượng đó tuyệt mỹ vô cùng. Ngàn năm biến đổi rất uy hùng. Bừng lên sức sống Ki tô giáo. Ấp ủ chở che bao tấm lòng.
1.
Thánh giá cuộc đời của mỗi người. Buồn vui vinh nhục của một đời. Thiên Chúa đã trao ta đón nhận. Gánh vác trên đường một mình thôi.
2.
Thánh giá chứng minh một mối tình. Tình yêu cao cả hiến thân mình. Chịu chết khổ nhục không oán phiền. Núi Sọ cô đơn buồn đìu hiu.
3.
Lúc Chúa trên đường Golgota. Quằn quại nhục hình máu lệ nhòa. Hơi thở đứt đoạn ôi xót xa. Thánh giá trĩu nặng bởi tội ta.
*
Thánh giá là gì? – Linh Trần Thy (thơ Đinh Văn Tiến Hùng)
*
Album: Tấu Khúc Hoan Ca – Linh Trần Thy
• – Album: Tấu khúc hoan ca 1 – Nhạc sĩ Linh Trần Thy.
• Bao Đấng anh hùng – Linh Trần Thy.
• Chúa vẫn thương con – Linh Trần Thy.
• Chỉ ước một điều – Linh Trần Thy.
• Hân hoan tiến lên – Linh Trần Thy.
• Kính mừng Maria – Linh Trần Thy.
• Kinh Mân Côi – Linh Trần Thy (thơ: Đinh Văn Tiến Hùng)
• Người có biết chăng – Linh Trần Thy.
• Thánh giá là gì? – Linh Trần Thy (thơ: Đinh Văn Tiến Hùng)
• Thầy là đường – Linh Trần Thy.
• Đường hy vọng – Linh Trần Thy & HY. Nguyễn Văn Thuận.

*Tổng hợp Thơ Suy Tôn Thánh Giá : Đinh văn Tiến Hùng-
 
Church Documents
Cẩm Hạnh – News 13 September 2023
VietCatholic Media
18:39 12/09/2023
1. Ukraine cho biết ít nhất 2 người thiệt mạng trong vụ pháo kích của Nga ở khu vực Donetsk

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 13 tháng Chín, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine cho biết ít nhất 2 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương do pháo kích của Nga ở khu vực Donetsk.

Cô cho biết thị trấn Krasnohorivka đã bị pháo binh Nga bắn vào đầu giờ thứ Ba, đồng thời lưu ý rằng một ngôi nhà riêng đã bị trúng một quả đạn 152ly khiến “một phụ nữ 84 tuổi và một cụ ông 71 tuổi thiệt mạng”

Một phụ nữ 70 tuổi tạm trú trong ngôi nhà bị bỏng và chấn động sau vụ tấn công.

Hai người khác bị thương do cuộc tấn công của Nga vào thị trấn Avdiivka của Ukraine: một bà mẹ 82 tuổi và con gái bà 55 tuổi.

Phát ngôn nhân cho biết thêm những người bị thương đã được đưa đến cơ sở y tế để điều trị khẩn cấp.

Cả Krasonohorivka và Avdiivka đều nằm gần tiền tuyến chạy qua vùng Donetsk bị Nga tạm chiếm một phần. Tình hình đặc biệt ở thị trấn Avdiivka, phía bắc thành phố Donetsk, đã “thực sự căng thẳng” trong nhiều tháng trước khi quân Nga bị quét sạch khỏi vùng này. Tuy nhiên,, quân đội Ukraine coi Avdiivka là một trong những khu vực trọng tâm của các hoạt động tấn công của Nga bằng các cuộc pháo kích.

2. Tổ chức Ukraine cho biết 13 trẻ em đã trở về nhà từ vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết Save Ukraine, một tổ chức phi chính phủ hoạt động để đưa trẻ em Ukraine về nhà, đã có thể đưa thêm 13 trẻ em đã trở về nhà từ các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

“Hôm nay, Save Ukraine đã trả lại thêm 13 trẻ em từ các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm ở vùng Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia như một phần của nhiệm vụ giải cứu thứ 11,” Vereshchuk cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã thực hiện “11 nhiệm vụ giải cứu cho đến nay và đã có thể trả lại 176 trẻ em cho Ukraine.”

Một trong những đứa trẻ được trả về là một cô gái tên Olesia, người mẹ “giấu cô với bọn cầm quyền xâm lược và những người dân làng trong suốt một năm. Nhưng cuối cùng cô bị phát hiện và bị đưa sang Nga mà quân xâm lược cho rằng để học tại một trường học ở Nga” Vereshchuk nói. Vùng cô ở ngày nay đã được quân Ukraine tái chiếm.

Ba anh chị em khác - Polina, Taras và Matvii - đã có sự chia rẽ trong gia đình sau khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022. Cha mẹ ly hôn của họ có quan điểm khác nhau về cuộc chiến.

Theo Save Ukraine, người mẹ “vô cùng lo lắng cho Ukraine, còn bố thì trở nên thân Nga”. Tổ chức này cho biết người cha đã cấm vợ cũ và các con rời khỏi lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

Tổ chức Save Ukraine cho biết: “Ở đó, trong thời gian bị tạm chiếm, trẻ em bị buộc phải đến Nga, học tại một trường học ở Nga và người mẹ bị đe dọa tước quyền làm cha mẹ”.

Văn phòng Tổng thống Ukraine gần đây ước tính có ít nhất 20.000 trẻ em Ukraine đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa. Kyiv cho biết hàng nghìn trường hợp đang được điều tra.

Nga phủ nhận việc họ làm bất cứ điều gì bất hợp pháp và nói rằng họ đang đưa trẻ em Ukraine đến nơi an toàn.

3. Zelenskiy nói: Đan Mạch gửi gói viện trợ quân sự trị giá 800 triệu Mỹ Kim cho Ukraine,

Đan Mạch sẽ gửi cho Ukraine gói viện trợ quân sự trị giá hơn 800 triệu Mỹ Kim, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Ba.

“Về mặt nội dung, đó chính xác là những gì chúng tôi đã đồng ý với Thủ tướng Mette Frederiksen và nội các của cô,” Zelenskiy nói.

Zelenskiy gọi gói này là “một quyết định quan trọng” và “một sự tăng cường tốt”, lưu ý rằng đây là “gói quốc phòng lớn nhất trong toàn bộ thời kỳ của một cuộc chiến toàn diện”.

Tháng trước, Đan Mạch và Hà Lan đã cam kết cung cấp cho Ukraine các chiến đấu cơ F-16 được nhiều người săn đón khi Kyiv tiếp tục gây áp lực lên các đồng minh để tiếp tục viện trợ và hỗ trợ quân sự để giúp đỡ họ trong cuộc phản công.

4. Chuyến đi Nga của ông Kim Chính Ân đánh dấu chuyến thăm nước ngoài hiếm hoi của nhà lãnh đạo Triều Tiên

Đoàn tàu riêng bọc thép hạng nặng của Kim Chính Ân đã đến Nga khi nhà lãnh đạo Triều Tiên dự kiến sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc gặp này sẽ là một bước phát triển quan trọng, quy tụ hai nhà lãnh đạo đang ngày càng bị cô lập trên trường thế giới.

Việc ông Kim đến Nga cũng đánh dấu chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của nhà lãnh đạo một trong những quốc gia bị cô lập nhất thế giới và đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ đại dịch Covid-19, khi biên giới Triều Tiên bị phong tỏa.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, ông Kim chỉ ra nước ngoài 10 lần - tất cả đều vào năm 2018 và 2019 - và đến khi nhà lãnh đạo Triều Tiên tham gia một loạt cuộc đàm phán về chương trình hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân của nước này.

Lần cuối cùng ông Kim đến thăm Nga là vào tháng 4 năm 2019 trong chuyến đi tới Vladivostok, nơi ông gặp Putin lần đầu tiên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra và chưa được giải quyết về chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng như cuộc đối thoại thất bại giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Giống như năm 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tới Nga hôm thứ Ba trên chuyến tàu màu xanh lá cây nổi tiếng, đặc trưng của ông ta, giờ đây đã trở thành biểu tượng cho sự cô lập và bí mật của quốc gia ẩn dật này.

Giống như ông nội, Kim Nhật Thành, và cha ông, Kim Chính Nhất, người ta nói rằng ông Kim thích di chuyển trên đoàn tàu bọc thép cao cấp, vốn từ lâu đã trở thành chủ đề gây tò mò.

5. Ngoại trưởng G7 lên án “bầu cử giả” được tổ chức ở vùng lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm

Các ngoại trưởng của Nhóm Bảy nước (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ) và Đại diện cao cấp của Liên minh Âu Châu đã “lên án một cách dứt khoát” việc tổ chức “các cuộc bầu cử giả mạo” của Nga tại các vùng lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm trên lãnh thổ Ukraine vào cuối tuần qua, theo một tuyên bố được công bố trên trang web của chính phủ Anh hôm thứ ba.

“Những 'cuộc bầu cử' giả tạo này là sự vi phạm hơn nữa đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc." “Nga không có cơ sở chính đáng cho bất kỳ hành động nào như vậy trên lãnh thổ Ukraine. 'Cuộc bầu cử' giả mạo là một cuộc diễn tập tuyên truyền nhằm hợp pháp hóa việc Nga chiếm giữ bất hợp pháp lãnh thổ Ukraine," tuyên bố viết.

“Các tỉnh Donetsk, Kherson, Luhansk, Zaporizhzhia và Crimea là một phần của Ukraine. Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận các yêu sách bất hợp pháp của Nga đối với lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine và kêu gọi tất cả các quốc gia bác bỏ chúng một cách dứt khoát”, các ngoại trưởng G7 nói.

Họ cũng gọi cuộc bầu cử là một nỗ lực của Nga “nhằm tạo ra một tình huống đã rồi”, nói thêm rằng động thái này sẽ “không làm thay đổi” đường lối cũng như sự ủng hộ của họ đối với Ukraine “khi nước này chiến đấu để đòi lại lãnh thổ được quốc tế công nhận”.

Tuyên bố kết luận: “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng người dân Ukraine và tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, an ninh và ngoại giao mà Ukraine yêu cầu khi nào còn cần thiết”.

Một số thông tin cơ bản: Các quan chức do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm đã tổ chức cái mà họ mô tả là “các cuộc bầu cử địa phương” ở các khu vực bị tạm chiếm, một quá trình mà các quan chức Ukraine cũng mô tả là một động thái giả tạo và tuyên truyền.

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin phần lớn đã giành chiến thắng trong cái gọi là cuộc bầu cử này.
 
VietCatholic TV
Oanh liệt: Biệt kích Ukraine chiếm 2 dàn khoan, Nga đầu hàng. Putin không dám cứu. Opytne giải phóng
VietCatholic Media
03:41 12/09/2023


1. Ukraine bất ngờ tấn công vào phía Bắc phi trường Donetsk, giải phóng thị trấn Opytne

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 12 tháng Chín, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân Ukraine đã giải phóng được thị trấn Opytne, cách Avdiivka 3 km về phía tây nam và cách phi trường quốc tế Donetsk 2 km về phía bắc.

Maliar cũng xác nhận rằng các đơn vị Nga đã rút khỏi Marinka và Avdiivka nhưng đã phá hủy mọi cơ sở hạ tầng ra vào các thị trấn, đồng thời tiếp tục duy trì pháo binh bao trùm các thị trấn này.

Các blogger quân sự Nga cho rằng sau khi chiếm được thị trấn Opytne, trong khi Lữ Đoàn 3 Biệt Động Quân tiếp tục tảo thanh các ổ kháng cự cuối cùng trong thị trấn, Lữ Đoàn 47 Cơ Giới và một tiểu đoàn của Lữ Đoàn 68 Jaeger đang tấn công dữ dội vào phi trường quốc tế Donetsk đã bị quân Nga chiếm từ năm 2014. Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết cô sẽ không xác nhận và cũng không phủ nhận tin này để tránh lộ các bí mật hành quân. Việc chiếm được phi trường quốc tế Donetsk chắc chắn sẽ là một thắng lợi về mặt quân sự và biểu tượng rất lớn đối với người Ukraine.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết sáng ngày thứ Hai 11 tháng 9, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng phối hợp với Hải Quân Ukraine đã tái chiếm hai trong số các “Giàn khoan Boyko” ngoài khơi; đó là các giàn khoan Petro Hodovalets và Ukraine. Các giàn khoan này đã bị quân đội Nga chiếm giữ từ năm 2015. Hải Quân Ukraine đã tịch thu các trạm radar Neva và bắt làm tù binh một số binh sĩ Nga đã bị bắt giữ. Một chiếc Sukhoi 30 của Nga đã được điều động đến để cứu viện nhưng bị trúng đạn và bỏ chạy. Vẫn không rõ liệu chiếc máy bay có bay thoát về đến căn cứ của nó hay đã rơi ngoài biển khơi.

Trong 24 giờ qua, 580 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 6 xe tăng, 12 xe thiết giáp, 28 hệ thống pháo, 3 hệ thống phòng không, và 32 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 12 Tháng Chín, lực lượng phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 269.210 quân nhân Nga. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 chiến đấu cơ, 316 máy bay trực thăng, 4.560 xe tăng, 4.628 máy bay không người lái chiến thuật, 8.767 xe thiết giáp, 1.455 hỏa tiễn hành trình, 5.839 hệ thống pháo, 19 tàu chiến, 760 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 8.370 xe chuyển quân và nhiên liệu, 512 hệ thống phòng không, cùng 7877 thiết bị chuyên dụng.

2. Tình báo quân sự cho biết: Lực lượng Ukraine đã giành quyền kiểm soát các giàn khoan gần bờ biển Crimea

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine hôm thứ Hai cho biết lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát các giàn khoan dầu khí ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Crimea.

Các dàn khoan này, được gọi là các Tháp Boyko, đã bị Nga kiểm soát vào năm 2015 chỉ vài tháng sau khi Mạc Tư Khoa sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết các Tháp này đã được người Nga sử dụng làm bãi đáp trực thăng và triển khai thiết bị radar.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine Andriy Yusov cho biết: “Một hoạt động độc đáo nhằm thiết lập quyền kiểm soát các tòa tháp của Boyko đã được thực hiện bởi các đơn vị Tình báo Quốc phòng”.

“Trong quá trình hoạt động, các lực lượng đặc biệt đã thu được những chiến lợi phẩm có giá trị: một kho đạn trực thăng loại UAM, tức là hỏa tiễn máy bay không dẫn đường, cũng như radar Neva, có thể theo dõi chuyển động của các tàu ở Hắc Hải,” Yusov nói.

“Trong một giai đoạn của chiến dịch, một trận chiến đã diễn ra giữa lực lượng đặc biệt Ukraine trên thuyền và chiến đấu cơ Su-30 của Nga. Kết quả của trận chiến là máy bay Nga bị trúng đạn và buộc phải rút lui”.

Lưu ý đến các cuộc đụng độ để giành quyền kiểm soát Tháp, Bộ Quốc phòng Anh cho biết chúng có thể đóng vai trò là “căn cứ tiên tiến để triển khai lực lượng, sân đỗ trực thăng và địa điểm đặt hệ thống hỏa tiễn tầm xa”.

3. Tình báo quân Ukraine cho rằng Nga sẽ phải động viên từ 400.000 đến 700.000 tân binh

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 12 tháng Chín, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine Andriy Yusov cho biết dự kiến Nga sẽ sớm phát động một chiến dịch huy động lớn để cố gắng tuyển mộ thêm hàng trăm nghìn binh sĩ từ bên trong nước Nga và vùng Ukraine bị tạm chiếm.

Yusov cho biết: “Một cuộc huy động dân chúng cưỡng bức quy mô lớn dự kiến sẽ sớm diễn ra ở Liên bang Nga và các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine do những tổn thất thảm khốc của quân xâm lược”.

Chiến dịch huy động có thể tấn công từ 400.000 đến 700.000 tân binh, trích dẫn các ước tính khác nhau.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong cuộc họp báo tình báo hàng ngày rằng họ tin rằng Nga có thể sẽ tìm cách tránh “các cuộc huy động không được lòng dân” trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Nga, dự kiến vào tháng 3 năm 2024.

4. Các nguồn tin cho biết Biden dự kiến sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng về việc gửi hỏa tiễn tầm xa tới Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng về việc lần đầu tiên gửi hỏa tiễn tầm xa tới Ukraine.

Những người quen thuộc với các cuộc thảo luận nói với CNN rằng đây là một bước quan trọng được Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng khuyến nghị sau nhiều tháng yêu cầu của Ukraine.

Các nguồn tin cho biết, các cuộc thảo luận về việc triển khai Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội tầm xa, còn được gọi là ATACMS, đã diễn ra đáng kể trong những tuần gần đây.

Các quan chức cho biết chưa có quyết định cuối cùng nào về việc gửi hỏa tiễn được đưa ra. Nhưng “khả năng điều đó xảy ra bây giờ cao hơn nhiều so với trước đây”, một quan chức quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết. “Lớn hơn nhiều. Tôi chỉ không biết khi nào thôi.”

Các quan chức Mỹ đã tỏ ra thận trọng trong việc gửi hỏa tiễn đất đối đất tầm xa do lo ngại xung đột sẽ leo thang vì chúng có thể được dùng để tấn công vào chính nước Nga. Tuy nhiên, mối lo ngại đó phần lớn đã giảm bớt vì Ukraine đã cho thấy họ không sử dụng các loại vũ khí khác do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ bên trong Nga, các quan chức cho biết.

Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga, nhưng chúng được tiến hành bằng cách sử dụng máy bay không người lái và vũ khí do họ tự sản xuất, cho phép Kyiv giữ vững cam kết không sử dụng vũ khí của Mỹ bên trong Nga.

Hiện tại, tầm bắn tối đa của vũ khí Mỹ cam kết với Ukraine là khoảng 93 dặm hay 150km với bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất. ATACMS có tầm bắn khoảng 186 dặm hay 300km, sẽ cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa hơn gấp hai lần.

Việc chuyển giao ATACMS sẽ đánh dấu trường hợp mới nhất về việc Mỹ đảo ngược việc cung cấp hệ thống sau nhiều tháng chịu áp lực từ các quan chức Ukraine và các tướng lĩnh Mỹ. Chính quyền Biden cũng từng phản đối việc gửi các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, hệ thống phòng không Patriot, xe tăng Abrams và bom chùm – cuối cùng tất cả đều được cung cấp cho Kyiv.

5. Quan chức Ukraine tăng áp lực cho hỏa tiễn tầm xa

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, cho biết Ukraine vận động hành lang để mua hỏa tiễn tầm xa “không chỉ là ý thích mà là nhu cầu thực sự”. Ông nói thêm: “Hiệu quả của quân đội trên chiến trường cũng như sinh mạng của quân đội và sự tiến bộ của chúng tôi phụ thuộc vào điều đó”.

Ông nói thêm rằng các quan chức Ukraine đã làm việc với các đối tác về vấn đề này trong một thời gian dài và yêu cầu của Ukraine về hỏa tiễn ATACMS đang được tiến hành.

ATACMS là hỏa tiễn tầm xa do Mỹ sản xuất với tầm bắn khoảng 300 km hay 186 dặm. Nó sẽ mở rộng phạm vi tấn công của Ukraine vượt ra ngoài tiền tuyến tới các tuyến tiếp tế và trung tâm hậu cần của Nga. Thừa nhận khả năng hỏa tiễn này, Yermak cho biết nó sẽ “tăng tốc” chiến thắng của Ukraine.

Ukraine cũng đang phát triển hỏa tiễn tầm xa của riêng mình.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm các hệ thống phòng không để bảo vệ các cảng Ukraine dùng để xuất khẩu ngũ cốc ra thế giới và chuẩn bị chống lại các cuộc tấn công dự kiến của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố của Ukraine khi mùa đông đến gần.

Tại cuộc họp báo ở Kyiv với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đang đến thăm, ông cho biết cuộc thảo luận về việc cung cấp hỏa tiễn hành trình tầm xa Taurus của Đức đã được thảo luận ở Berlin trong nhiều tuần và bày tỏ sự thất vọng trước sự chậm trễ trong việc nhận vũ khí.

“Chúng tôi có thể đã đạt được nhiều thành tựu hơn và cứu được nhiều mạng sống của binh lính và dân thường Ukraine hơn nếu chúng tôi có Taurus. Và tất cả những gì chúng tôi đang nói với chính phủ Đức là chúng tôi tôn trọng các cuộc thảo luận của các bạn, chúng tôi tôn trọng các thủ tục của các bạn, nhưng từ tất cả những gì chúng tôi biết về Taurus, không có một lập luận khách quan nào chống lại việc không làm điều đó,” ông nói.

6. Căn cứ hậu cần của Nga ở thành phố Ykovlevo bị tấn công

Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine tấn công vào căn cứ hậu cần của Nga ở thành phố Ykovlevo. Tuy nhiên, họ nói rằng các cuộc tấn công đã bị đánh chặn vào khoảng 1h20 sáng giờ Mạc Tư Khoa.

Thống đốc khu vực cho biết, hai máy bay không người lái đã bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ khi đang bay qua khu vực Belgorod vào sáng sớm thứ Ba 12 Tháng Chín.

“Hệ thống phòng không của chúng tôi đã hoạt động trên khu vực thành phố Ykovlevo. Hai máy bay không người lái bị bắn hạ. Không có thương vong. Các mảnh vỡ của một trong những chiếc máy bay không người lái rơi xuống con đường gần một ngôi nhà dân cư tư nhân”, thống đốc vùng Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết như trên.

7. Thủ tướng Anh cáo buộc Nga tấn công tàu chở hàng dân sự bằng hỏa tiễn vào tháng trước

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Nga đã nhắm vào một tàu chở hàng dân sự ở Hắc Hải bằng nhiều hỏa tiễn vào tháng trước.

Phát biểu trước Hạ viện hôm thứ Tư, Sunak nói: “Hôm nay tôi có thể nói với Hạ viện rằng nhờ thông tin tình báo được giải mật, chúng tôi biết quân đội Nga đã nhắm vào một tàu chở hàng dân sự ở Hắc Hải bằng nhiều hỏa tiễn vào ngày 24 tháng 8”.

Một tuyên bố do Văn phòng Ngoại giao Anh đưa ra cho biết các cuộc tấn công đã bị “ngăn chặn bởi lực lượng Ukraine bằng nhiều hỏa tiễn từ cảng Odesa”.

Tuyên bố cho biết: “Các hỏa tiễn, bao gồm hai hỏa tiễn Kalibr được bắn từ tầu chiến mang hỏa tiễn của Hạm đội Hắc Hải, đã bị lực lượng Ukraine bắn hạ thành công vào ngày 24/8”.

Tuyên bố cho biết thêm: “Thông tin tình báo cho thấy mục tiêu dự định là một tàu chở hàng treo cờ Liberia đang neo đậu tại cảng”.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cho biết như trên để giải thích với Quốc Hội quyết định của ông gởi quân đội và lực lượng an ninh Anh giám sát Hắc Hải trong nỗ lực ngăn chặn Nga tấn công các tàu chở hàng đang vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine đến các nước đang phát triển.

Nhiều quan sát viên cho rằng nếu Vương Quốc Anh đưa tầu chiến và máy bay vào Hắc Hải, khả năng xung đột trực tiếp với Nga là rất cao. Tuy nhiên, khối Bucharest Nine ủng hộ nồng nhiệt quyết định của Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Thủ tướng Anh, cho biết việc mất hiệp ước ngũ cốc đã “gây ra vô số đau khổ cho hàng triệu người”. Ông nhấn mạnh rằng”

Sáng kiến đó đã cung cấp khoảng 30 triệu tấn thực phẩm cho hơn 45 quốc gia thực sự cần nó. Và bây giờ nó không còn ở đó nữa. Bạn đã thấy kể từ khi rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải giá thực phẩm đã gia tăng đáng kể.

Và chỉ trong tháng trước, người Nga đã tiêu hủy nhiều ngũ cốc hơn mức có thể nuôi sống một triệu người trong một năm. Đó là hậu quả của những gì Nga đang làm.

8. Zelenskiy đề nghị Đức tiến gần hơn đến việc cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Kyiv

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết “quá trình ra quyết định ở Đức đang tiến triển” liên quan đến việc cung cấp hỏa tiễn Taurus sau cuộc gặp với Ngoại trưởng nước này, Annalena Baerbock đang có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv.

Trước đó vào thứ Hai, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi Berlin gửi hỏa tiễn Taurus tới Ukraine càng sớm càng tốt.

“Dù sao thì bạn cũng sẽ làm điều đó, đó chỉ là vấn đề thời gian và tôi không hiểu tại sao chúng ta lại lãng phí thời gian,” ông nói khi trả lời câu hỏi tại một cuộc họp báo ở Kyiv.

9. Thụy Điển tăng ngân sách quốc phòng

Reuters đưa tin rằng Thụy Điển một lần nữa tăng ngân sách quốc phòng theo kế hoạch cho năm 2024, nâng tổng mức tăng theo kế hoạch trong năm lên 27 tỷ curon hay 2,44 tỷ Mỹ Kim và vượt ngưỡng 2% GDP do NATO đề nghị.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển, Pål Jonson, tuyên bố rằng Thụy Điển sẽ bổ sung 700 triệu curon cho quốc phòng trong ngân sách mùa thu sắp tới, nâng tổng chi tiêu quốc phòng lên 119 tỷ curon vào năm 2024, gần gấp đôi so với năm 2020.

Jonson nói trong một cuộc họp báo: “Chúng ta đang ở trong tình trạng chính sách an ninh nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai”.

10. Điện Cẩm Linh xác nhận lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân sẽ thăm Nga “trong những ngày tới”

Điện Cẩm Linh xác nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân sẽ thăm Nga “trong những ngày tới”.

“Theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Chính Ân sẽ có chuyến thăm chính thức tới Nga trong những ngày tới”, Điện Cẩm Linh cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.

Tuyên bố không nêu rõ ngày chính xác cho chuyến thăm.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với nhà báo Nga Pavel Zarubin rằng Nga “sẽ tiếp tục tăng cường” “tình hữu nghị” với Triều Tiên và nói rằng một cuộc gặp “có thể diễn ra vào một trong những ngày này”.

Ông nói với Zarubin: “Đây sẽ là các cuộc đàm phán giữa hai phái đoàn và sau đó, nếu cần thiết, các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục liên lạc theo hình thức trực tiếp”.

Peskov nói rằng “một bữa tối chính thức cũng được lên kế hoạch thay mặt Tổng thống Nga để vinh danh vị khách đến từ Triều Tiên”.

Ông nói rằng “giống như với bất kỳ nước láng giềng nào, chúng tôi coi mình có nghĩa vụ thiết lập mối quan hệ tốt đẹp, cùng có lợi”.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA hôm thứ Hai đưa tin ông Kim sẽ “gặp và nói chuyện” với ông Putin trong chuyến thăm. Nó không cho biết khi nào cuộc gặp giữa ông Kim và ông Putin sẽ diễn ra.

Trước đó, CNN đưa tin ông Kim dường như đang trên chuyến tàu hướng tới Nga, theo một nguồn tin tình báo của chính phủ Hàn Quốc. Nguồn tin cho biết đoàn tàu khởi hành từ Bình Nhưỡng và đang trên đường đến Vladivostok, Nga.

11. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin ông Kim Chính Ân đi tàu riêng tới Nga

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân đã rời Bình Nhưỡng vào chiều Chúa Nhật để tới Nga bằng tàu hỏa riêng. Tuy nhiên, sáng thứ Ba theo giờ địa phương truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA mới đưa tin, chắc là vì có những lo ngại về an ninh. Cùng đi với ông Kim có các quan chức hàng đầu của đảng, chính phủ và lực lượng vũ trang,

Đầu ngày thứ Hai, Điện Cẩm Linh xác nhận ông Kim sẽ tới Nga “trong những ngày tới” nhưng không nêu rõ ngày chính xác của chuyến thăm.

Như thế, chuyến đi của Kim Chính Ân đã được loan tin một cách dè dặt vì những lo ngại liên quan đến an ninh của ông ta.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với nhà báo Nga Pavel Zarubin rằng Nga “sẽ tiếp tục tăng cường” “tình hữu nghị” với Triều Tiên.

Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc kêu gọi Triều Tiên “không cung cấp hoặc bán vũ khí cho Nga”.

Mới tuần trước, Mỹ đã cảnh báo ông Kim có thể tới Nga để thảo luận về một thỏa thuận tiềm năng cung cấp vũ khí cho nước này khi nước này tiến hành cuộc chiến ở Ukraine, và Tòa Bạch Ốc cho biết các cuộc đàm phán vũ khí giữa hai nước đang “tích cực tiến triển”.

12. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh cho biết Putin đến Vladivostok để tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thành phố Vladivostok ở vùng viễn đông nước Nga để tham dự cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế phương Đông, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Hai, theo kênh truyền hình nhà nước Russia 24.

Nga đã tổ chức Diễn đàn kinh tế phương Đông thường niên tại Vladivostok kể từ năm 2015, trong nỗ lực khuyến khích đầu tư nước ngoài vào vùng Viễn Đông của Nga.

Cuộc họp thường niên được tổ chức trong bối cảnh có thông tin cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân đang trên chuyến tàu tới Nga, sau khi các quan chức Mỹ cảnh báo vào tuần trước rằng ông Kim có thể gặp Tổng thống Vladimir Putin để đạt được một thỏa thuận vũ khí tiềm năng giữa Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa.

Tờ New York Times đưa tin, cuộc gặp tiềm năng giữa ông Kim và ông Putin có thể diễn ra trong khuôn viên một trường đại học ở Vladivostok.

13. Ngoại trưởng Đức cam kết hỗ trợ 21 triệu Mỹ Kim cho Ukraine trong chuyến thăm Kyiv

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Đức đang cam kết viện trợ nhân đạo thêm 20 triệu euro (khoảng 21 triệu Mỹ Kim) cho Ukraine để chuẩn bị cho mùa đông.

Baerbock đã đến thăm một trạm biến áp bên ngoài Kyiv, nơi đã chứng kiến một số cuộc tấn công vì trạm này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho khu vực.

Baerbock cho biết trong cuộc họp báo chung với Bộ Trưởng Ngoại Giao Ukraine Dmytro Kuleba hôm thứ Hai tại Kyiv, rằng nguồn cung cấp điện của Ukraine đã bị tấn công bởi 1.500 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn “chỉ riêng trong năm ngoái” và nước này đang chuẩn bị cho mùa đông tới bằng cách tăng cường các nhà máy điện của mình. Cô nói: “Rõ ràng Nga đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công một lần nữa đặc biệt vào mùa thu và mùa đông”.

Các quan chức Ukraine đã kêu gọi Đức cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn hành trình Taurus để tự vệ nước này. Kuleba nói: “Chúng tôi có thể đạt được nhiều thành tựu hơn và cứu được nhiều mạng sống của binh lính và dân thường Ukraine hơn nếu chúng tôi có Taurus “, đồng thời nói thêm rằng không có một lập luận nào phản đối việc chuyển giao hỏa tiễn hành trình Taurus từ Đức.

Tuy nhiên, Đức đang do dự về việc cung cấp hỏa tiễn hành trình tầm xa vì chúng có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.

Kuleba cho biết Ukraine hy vọng các công ty Đức sẽ sớm tham gia diễn đàn công nghiệp quốc phòng sẽ sớm được tổ chức tại Kyiv.

Về vấn đề trừng phạt chống lại Nga, Kuleba phản đối ý tưởng giảm bớt chúng để có thể khôi phục sáng kiến ngũ cốc Hắc Hải, như Nga đã yêu cầu.

Kuleba nói: “Tôi biết rằng có một số lực lượng ủng hộ những nhượng bộ đối với Nga liên quan đến yêu cầu này”, nhưng việc kết nối lại các ngân hàng Nga với hệ thống thanh toán SWIFT quốc tế sẽ cho phép các quan chức cao cấp của Nga kiếm được hàng chục triệu đô la.
 
Cuộc tháo chạy hoảng loạn của Nga ở Opytne. Tuyệt chiêu của Ukraine: Quân Putin bị lừa thêm cú nữa
VietCatholic Media
17:42 12/09/2023


1. Ukraine tạo ra 'Lịch sử hải quân' bằng việc chiếm lại giàn khoan dầu ở Hắc Hải

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Creates 'Naval History' by Retaking Black Sea Oil Rigs: Expert”, nghĩa là “Chuyên gia cho rằng Ukraine tạo ra 'Lịch sử hải quân' bằng việc chiếm lại giàn khoan dầu ở Hắc Hải.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Kyiv cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát các giàn khoan dầu và khí đốt quan trọng chiến lược ở Hắc Hải đã bị Nga chiếm giữ.

Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là GUR, cho biết các đơn vị GUR đã giành lại quyền kiểm soát các Tháp Boyko, nằm giữa Crimea và Odesa ở phía tây bắc Hắc Hải.

Một chuyên gia hàng hải nói với Newsweek rằng động thái này là một “sự kiện lớn” có thể chấm dứt khả năng hoạt động của Hải quân Nga ở khu vực Hắc Hải.

GUR hôm thứ Hai cho biết đã xảy ra một cuộc giao tranh giữa lực lượng đặc nhiệm Ukraine trên thuyền và một chiến đấu cơ Sukhoi-30 của Nga, khiến máy bay này buộc phải rút lui.

Ukraine cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát các giàn khoan “Petro Godovalets” và “Ukraine”, cũng như các giàn khoan di động “Tavrida” và “Sivash”, đã bị chính quyền thân Nga ở Crimea tịch thu sau khi sáp nhập Mạc Tư Khoa vào năm 2014.

Tình báo quân đội Ukraine đã đăng một đoạn video dài 13 phút về hoạt động trên Telegram, trong đó có vẻ như cho thấy các binh sĩ Ukraine tiếp cận bằng thuyền và sau đó lên dàn khoan. Ngoài ra, còn có hỏa tiễn máy bay không điều khiển của Nga và trạm radar “Neva”, có thể theo dõi chuyển động của tàu, cũng bị quân Ukraine tịch thu.

Video mô tả việc giành lại quyền kiểm soát cho thấy các dàn khoan “có tầm quan trọng chiến lược như thế nào”. Họ nói thêm rằng kết quả là “Nga đã bị tước đi khả năng kiểm soát hoàn toàn vùng biển của Hắc Hải” khiến mục tiêu giành lại Crimea của Kyiv “gần hơn nhiều bước”.

Đoạn video chưa được xác minh độc lập và Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận về tuyên bố của Ukraine.

Yörük Işık, từ công ty tư vấn hàng hải Bosphorus Observer có trụ sở tại Istanbul, cho biết đây là một lợi ích đáng kể đối với Ukraine. Yörük Işık nói với Newsweek: “Đây là sự kết thúc của mọi khả năng hoạt động của Hải quân Nga ở vùng Tây Bắc Hắc Hải”. “Đây là một sự kiện lớn.”

“Ukraine đang tiếp tục tạo nên lịch sử hải quân với tư cách là một quốc gia gần như không có hải quân, bằng cách giành được lợi thế trước một lực lượng hải quân lâu đời từ thời Chiến tranh Lạnh với những tàu rất lớn.”

Işık cho biết, với việc Ukraine sử dụng hỏa tiễn trên đất liền và việc sử dụng máy bay không người lái trên biển để thực hiện các cuộc tấn công rầm rộ ở Hắc Hải trong những tuần gần đây, “Nga không có cơ hội nào có thể lấy lại được những thứ này - chúng tôi đang thấy từng bước, Ukraine đang dọn sạch chúng khỏi Hắc Hải để mở cửa cho thương mại hàng hải.”

Ông nói thêm: “Đây là một thời điểm rất quan trọng khác vì nó sẽ cho phép Ukraine tiếp tục xuất nhập khẩu chứ không chỉ xuất khẩu ngũ cốc đã bị hạn chế sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận vào tháng 7 để cho phép họ đi qua Hắc Hải một cách an toàn”

Ông nói: “Các cảng của Ukraine có thể mở cửa và giao thông quốc tế có thể tự do quay trở lại từ các cảng Hắc Hải của Ukraine, điều này khiến bất kỳ nhượng bộ nào nữa đối với người Nga để quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc càng trở nên vô nghĩa hơn”.

Nằm ở phía tây bắc Hắc Hải, các giàn khoan này cung cấp khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên hydrocarbon. Giống như Đảo Rắn ở phía tây mà Ukraine tái chiếm được vào năm ngoái, các dàn khoan này cũng có thể đóng vai trò là căn cứ tiên tiến để triển khai lực lượng, sân đáp trực thăng và bố trí các hệ thống hỏa tiễn tầm xa.

Chúng được mệnh danh là các Tháp Boyko sau vai trò của cựu Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, Yury Boyko, trong việc mua giàn khoan vào năm 2011 dưới thời Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych trong một thỏa thuận vấp phải cáo buộc gian lận, là điều mà Boyko phủ nhận.

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết vào tháng 8 đã có những cuộc giao tranh xung quanh các giàn khoan dầu và khí đốt quan trọng chiến lược do công ty Chernomorneftegaz vận hành.

Họ nói rằng kể từ khi bắt đầu chiến tranh, “Ukraine đã tấn công một số dàn khoan do Nga kiểm soát” và cả hai bên “cũng định kỳ đưa quân đội tấn công chúng”.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nhiều lần tuyên bố lực lượng của họ đã phá hủy các tàu cao tốc của Ukraine chở quân đội đang tìm cách đổ bộ vào địa điểm này. Tất cả các tuyên bố trên đều bị Ukraine bác bỏ là giả mạo.

2. Liên tỉnh lộ T0513 đầy xác xe Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 12 tháng 9, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết các cuộc tảo thanh tại thị trấn Opytne mới vừa được giải phóng vẫn còn đang tiếp tục. Quân Nga được tin là đang tử thủ trong nghĩa trang Mariupol'ske. Quân Ukraine không muốn thả bom chùm phạm đến mồ mả nên tình hình vẫn còn đang giằng co.

Dọc theo liên tỉnh lộ T0513, người ta có thể thấy đầy xác xe Nga và các khí tài chiến tranh khác, đặc biệt là các cỗ trọng pháo, bị bỏ lại trên đường rút lui hay đã tan nát vì trúng phải bom chùm của quân Ukraine.

Trong 24 giờ qua, 550 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 8 xe tăng, 11 xe thiết giáp, 33 hệ thống pháo, 4 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 3 hệ thống phòng không, và 43 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 12 Tháng 9, khoảng 269.760 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 máy bay, 316 trực thăng, 4.568 xe tăng, 4.645 máy bay không người lái, 8.778 xe thiết giáp, 1.455 hỏa tiễn hành trình, 5.872 hệ thống pháo, 19 tàu chiến, 764 hỏa tiễn phóng hàng loạt hệ thống, 8.413 xe chuyển quân và nhiên liệu, 515 hệ thống tác chiến phòng không, 881 đơn vị thiết bị đặc biệt.

3. Những vũ khí mồi nhử Ukraine muốn Nga phá hủy

Pháo D-20 của Ukraine, pháo tự hành M777 do Mỹ sản xuất, súng cối, radar phòng không - đây là một số vũ khí mồi nhử được tạo ra với một mục tiêu duy nhất: tiêu diệt càng nhanh càng tốt.

Metinvest, công ty sản xuất thép đứng sau các thứ này tự hào rằng những vũ khí mồi nhử này đã thành công đáng kể khi hàng trăm vũ khí đã bị lực lượng Nga nhắm tới gần như ngay khi chúng được triển khai.

Công ty này đã sao chép vũ khí được triển khai và vận hành ở Ukraine, với hàng loạt bản sao gây ấn tượng của công nghệ giết người mới nhất của Mỹ và Âu Châu nằm ở rìa của một khu công nghiệp rộng lớn ở miền trung Ukraine.

Theo một đại diện của công ty yêu cầu giấu tên, trước chiến tranh, công ty này là tập đoàn luyện kim lớn nhất Ukraine nhưng không liên quan đến sản xuất vũ khí. Trên thực tế, nó vẫn không như vậy, vì bước đột phá duy nhất của nó vào thế giới vũ khí là những mồi nhử này, cực kỳ chân thực giống như thiệt nhưng các trọng pháo của họ không bắn ra được một viên đạn nào, còn các hệ thống tác chiến điện tử của họ thì có các radar chẳng bắt được một tín hiệu nào.

Bắt Nga phải trả toàn bộ giá trị của chiến tranh: Phát ngôn nhân cho biết, mục đích gồm hai phần - để cứu mạng người Ukraine và lừa người Nga phung phí máy bay không người lái cảm tử, đạn pháo và hỏa tiễn rất đắt tiền của họ.

Ý tưởng là, từ trên trời, mồi nhử trông có vẻ xứng đáng để tấn công mà thực ra nó chỉ là đồ vàng mả. Và điều đó có nghĩa là phải đạt được sự cân bằng trong việc lựa chọn vật liệu, bổ sung cho ván ép rẻ tiền – là loại không tỏa ra tín hiệu nhiệt phù hợp để đánh lừa các radar và máy bay không người lái tìm kiếm nhiệt của Nga – bằng đủ số lượng kim loại để người Nga có thể bị đánh lừa.

Phát ngôn nhân của Metinvest giải thích: “Chiến tranh rất tốn kém và chúng tôi cần người Nga chi tiền sử dụng máy bay không người lái và hỏa tiễn để tiêu diệt mồi nhử của chúng tôi”.

“Máy bay không người lái và hỏa tiễn rất đắt tiền. Các mô hình của chúng tôi rẻ hơn rất nhiều.”

Lấy ví dụ như lựu pháo M777 155ly. Đồ thật có giá vài triệu đô la. Phiên bản của Metinvest có giá sản xuất dưới 1.000 Mỹ Kim và không có gì phức tạp hơn những ống cống cũ. Nhưng – và đây mới là vấn đề – lực lượng Nga phải trả giá cho việc tiêu diệt bằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thật sự.

Cũng có các trường hợp các Sukhoi mấy chục triệu Mỹ Kim của Putin lao xuống nhưng trước khi chúng có thể hạ gục các vũ khí giả mạo này của Ukraine, các binh sĩ Ukraine núp gần đó đã đứng phắt dậy phóng ngay một quả hỏa tiễn vác trên vai vào những chiếc máy bay xấu số. Mọi chuyện diễn ra nhanh đến mức các phi công Nga nổ tung theo con tầu vì không kịp thoát ra ngoài.

4. Ukraine báo cáo tiến bộ gần thành phố Bakhmut và Donetsk

Các quan chức Ukraine báo cáo có những thắng lợi trong cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga xung quanh miền đông Ukraine, bao gồm cả thành công bất ngờ gần phi trường của thành phố Donetsk do Nga kiểm soát.

Các quan chức cũng nói rằng những nỗ lực mạnh mẽ vẫn tiếp tục ngăn chặn quân Nga tiến vào các khu vực phía bắc.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar cho biết hôm thứ Hai rằng có “sự năng động và hoạt động rất cao” ở tiền tuyến.

Tại Bakhmut, Maliar cho biết các lực lượng Ukraine đã “đẩy đối phương ra khỏi thành trì của họ” ở phía nam thành phố và mô tả các hoạt động của họ đã thành công ở hai thị trấn là Klischiivka và Andriivka.

Một blogger quân sự Nga hôm thứ Hai thừa nhận rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến vào Andriivka bắt tay với quân phòng thủ Ukraine.

Maliar cho biết lực lượng Ukraine đã giành lại thêm 2 km2 lãnh thổ trong khi về phía bắc Bakhmut, các đơn vị Ukraine đã chống đỡ được một số cuộc tấn công của Nga.

Bakhmut cuối cùng đã rơi vào tay lực lượng Nga vào tháng 5, sau khi quân phòng thủ Ukraine cầm cự trong nhiều tháng trước một cuộc tấn công khốc liệt do nhóm lính đánh thuê Wagner tiến hành. Các chiến thuật do Wagner triển khai thường được gọi là “máy xay thịt”, do số lượng lớn quân Nga được sử dụng để cố gắng chiếm thành phố.

Ukraine kể từ đó đã cố gắng giành lại thành phố này khỏi sự kiểm soát của Nga và trong mùa hè đã đạt được những bước tiến từ sườn phía bắc và phía nam.

Bất chấp con số thương vong cao, lực lượng Nga kiên trì nỗ lực xuyên thủng hàng phòng ngự của Ukraine tại một số điểm dọc chiến tuyến ở vùng Donetsk và Kharkiv tiến vào biên giới vùng Donetsk và Luhansk, theo Maliar.

Cô nói, trọng tâm của Nga là ở khu vực Sinkivka ở phía đông khu vực Kharkiv, đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng Ukraine đã “tiêu diệt nghiêm trọng lực lượng tấn công của đối phương ở đó”.

Maliar nói: “Đối phương đã không vượt qua được giới hạn và sẽ không thành công”.

Cả nguồn tin Ukraine và Nga đều mô tả giao tranh ác liệt ở phía bắc phi trường Donetsk, nơi vốn là tiền tuyến kể từ khi các tay súng thân Nga nắm quyền kiểm soát một phần khu vực Donetsk vào năm 2014.

Maliar và các quan chức khác cho biết, các đơn vị Ukraine đã chiếm được hầu hết thị trấn Opytne nằm ở phía bắc phi trường theo hướng hướng tới Avdiivka của vùng Donetsk.

Trong khi đó, các tài khoản không chính thức của Nga thừa nhận việc rút quân khỏi khu vực, có nghĩa là lực lượng Ukraine đang tiến gần đến thành phố Donetsk bị Nga tạm chiếm.

Theo nhà lãnh đạo Cục Quản lý Quân sự Dân sự Avdiivka, Vitaly Barabash, lực lượng Ukraine “đã giành được chỗ đứng ở đó”.

Maliar cho biết giao tranh ở miền Đông vẫn diễn ra căng thẳng, với khoảng 8.000 cuộc tấn công dọc toàn tuyến Mặt trận phía Đông với lực lượng Nga sử dụng khoảng 370.000 viên đạn.

Ở phía nam, Maliar xác nhận rằng “ở một số nơi, tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga đã bị chọc thủng và quân đội của chúng tôi đang tiến lên”.

Maliar cho biết, chỉ có 1,5 km2 được giải phóng nhưng công việc vẫn tiếp tục làm suy yếu các tuyến tiếp tế của Nga và phá hủy các sở chỉ huy cũng như kho đạn dược.

Bộ Tổng tham mưu cũng tuyên bố rằng người Nga sẽ sớm bắt đầu một cuộc “huy động cưỡng bức quy mô lớn” để bù đắp những tổn thất quân sự.

5. Nỗi buồn của người Ukraine đối với Ấn Độ

Các nhà ngoại giao Ấn Độ đã kiệt sức trong 200 giờ đàm phán không ngừng nghỉ, 300 cuộc gặp song phương và 15 dự thảo, để cuối cùng các nước G20 đã đạt được một tuyên bố đồng thuận về cuộc chiến ở Ukraine - một tuyên bố phần lớn rút lui vào các nguyên tắc chung hơn là lên án cụ thể các hành động đó và chính Nga mà nhóm các nhà lãnh đạo này đã đồng ý khi họ gặp nhau ở Bali một năm trước.

Hơn nữa, không có lời mời nào được gửi tới tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, để phát biểu tại cuộc họp, có nghĩa là trong hai bên trực tiếp tham chiến ở Ukraine, chỉ có người Nga được tham dự, do ngoại trưởng nước này, Sergei Lavrov đại diện.

Ấn Độ đã ca ngợi thỏa thuận này như một thắng lợi ngoại giao, một thỏa thuận đã được kết thúc ít nhất 24 giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh bế mạc. Bước vào hội nghị thượng đỉnh, có ba lựa chọn mà các nhà lãnh đạo phải đối mặt: một thỏa thuận có mẫu số chung thấp nhất, hay một tuyên bố có chú thích cuối trang cho phép một số quốc gia từ bỏ các phần của thỏa thuận, hay không có tuyên bố nào.

Thỏa thuận thừa nhận một cách nhạt nhẽo rằng có những đánh giá khác nhau về tình hình, nhưng vẫn đề cao các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia, hiến chương Liên Hiệp Quốc, các nghị quyết trước đây của Liên Hiệp Quốc về Ukraine và mô tả việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không được phép. Điều quan trọng được Nga đánh giá cao là tuyên bố này không lặp lại tuyên bố ở Bali rằng hầu hết các nước đều lên án cuộc xâm lược của Nga, và Nga nên rút quân vô điều kiện và ngay lập tức.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Jaishankar, dường như không quá bận tâm đến việc biện minh cho kết quả này. “Bali là Bali. New Delhi là Delhi. Bali cách đây một năm, tình hình đã khác. Nhiều điều đã xảy ra kể từ đó”, ông ta nói.

Kết quả này rõ ràng phản ánh quyết tâm cứng rắn của Ấn Độ không đứng về bên nào trong cuộc chiến, nhưng điều bất thường là phần lớn các quốc gia trong G20 quyết liệt phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Nga lại sẵn sàng để bị bịt miệng bởi thiểu số muốn ngoảnh mặt đi.

Một quan chức Anh cho biết tuyên bố chung, vốn bị nhiều người coi là yếu kém, trên thực tế lại có hiệu quả trong việc gây áp lực lên Mạc Tư Khoa. Ông nói: “Bằng cách đạt được sự đồng thuận ở New Delhi, G20 đã buộc Putin phải cam kết chấm dứt các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng, rút quân và trả lại lãnh thổ”.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Lavrov không chia sẻ cách giải thích này. “Chúng tôi đã có thể ngăn chặn những nỗ lực của phương Tây nhằm 'Ukraine hóa' chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh”, nhà ngoại giao kỳ cựu này nói, đồng thời gọi cuộc họp kéo dài hai ngày là một thành công vang dội. Ông chỉ ra rằng: “Văn bản không hề đề cập đến Nga”.

Ukraine khó có thể chấp nhận sự thỏa hiệp này và sẽ chỉ làm tăng thêm sự lo lắng của nước này rằng cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, một sự vi phạm trắng trợn hiến chương Liên Hiệp Quốc, ngày càng được các nước như Ấn Độ xem là một chuyện bình thường, hay thậm chí một tiêu chuẩn trong ứng xử giữa các quốc gia. Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết G20 “không có gì đáng tự hào”.

Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước được hưởng lợi nhất từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Tuy nhiên, các quan sát viên cho rằng trong khi Ấn Độ kiếm được 1 đồng, Trung Quốc kiếm được 18 đồng. Nói cách khác, nếu cuộc chiến tại Ukraine càng ngày càng kéo dài, Bắc Kinh, đối thủ nguy hiểm nhất của Ấn Độ, ngày càng vượt xa New Delhi.

6. Quan chức Liên Hiệp Quốc nói hành động gây hấn của Nga ở Ukraine “đi đôi với tra tấn”

Theo quan chức Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm điều tra về các hành vi tra tấn, hành động gây hấn vũ trang của Nga “đang trở nên đồng nghĩa với tra tấn và các hành vi tàn ác vô nhân đạo khác”.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Alice Jill Edwards cho biết hôm Chúa Nhật khi kết thúc chuyến thăm Kyiv: “Số lượng cáo buộc đáng tin cậy về việc tra tấn và các hành động vô nhân đạo khác đang được chính quyền Nga gây ra đối với dân thường và tù nhân chiến tranh dường như không hề suy giảm”.

“Những hành động đau buồn này xuất hiện không phải ngẫu nhiên hay tự phát mà được dàn dựng như một phần trong chính sách của nhà nước nhằm đe dọa, gieo rắc nỗi sợ hãi, trừng phạt hoặc moi thông tin và lời thú tội”.

Edwards cho biết cô đã thu thập “những lời khai đau lòng liên quan đến việc chích điện vào tai và bộ phận sinh dục, đánh đập đủ loại, hành quyết giả bằng súng, dìm cho chết đuối, bị buộc giữ tư thế căng thẳng, đe dọa hãm hiếp hoặc tử vong, và nhiều nghi thức chế giễu và sỉ nhục.”

“Những thường dân và binh lính Ukraine trở về kể lại rằng họ phải sống chen chúc trong các tầng hầm và phòng giam, trong điều kiện chật chội và thiếu ăn. Một số người đã giảm cân đến mức nguy hiểm.”

Edwards cũng đến thăm những nơi ở Ukraine nơi giam giữ tù binh chiến tranh Nga.

“Tôi thấy rằng chính quyền Ukraine đã thực hiện những nỗ lực chân thành để đối xử tôn trọng với các tù nhân chiến tranh Nga. Cơ sở vật chất kiểu doanh trại mà tôi đến thăm rất hợp vệ sinh và ngăn nắp. Các tù nhân được ăn uống đầy đủ,” cô nói.

Bình luận của Edwards được đưa ra vài ngày sau khi Tổng công tố Ukraine Andrii Kostin tuyên bố rằng khoảng 90% tù nhân chiến tranh Ukraine đã bị tra tấn, hãm hiếp và các hình thức đối xử tàn ác khác.

Ukraine đã tìm thấy “bằng chứng về những điều kinh hoàng này ở tất cả các vùng lãnh thổ được giải phóng”, Kostin nói trong cuộc gặp với Edwards vào tuần trước.

Theo số liệu của chính phủ Ukraine, cho đến nay, hơn 103.000 thủ tục tố tụng tội ác chiến tranh đã được ghi danh.

“Công việc mà chính quyền Ukraine đang thực hiện để ghi lại các tội ác chiến tranh còn ấn tượng hơn vì nó được thực hiện 'trong thời gian thực'. Hành động sớm đó hầu như chưa từng có ở bất cứ đâu trên thế giới”, Edwards nói khi kết thúc chuyến thăm Ukraine.

Tuy nhiên, Edwards cảnh báo rằng có những trở ngại lớn trong việc đưa những kẻ bị cáo buộc là thủ phạm ra trước công lý. Việc không thể tiếp cận các khu vực hiện đang bị tạm chiếm, mất bằng chứng quan trọng do suy thoái và mất thời gian từ khi phạm tội đến khi giải phóng khi các cuộc điều tra có thể bắt đầu, cũng như việc điều chỉnh hệ thống tư pháp hình sự để có thể giải quyết và truy tố các tội ác tàn bạo quốc tế, đều sẽ gây ra thách thức đối với các công tố viên Ukraine

7. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh: “Không ai có thể cạnh tranh” với Putin nếu ông ấy tranh cử tổng thống vào năm 2024

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Hai: “Sẽ không ai có thể cạnh tranh” với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông quyết định tái tranh cử vào năm 2024.

Peskov, được truyền thông nhà nước Russia-24 trích dẫn, tuyên bố Putin “nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ người dân”.

“Tổng thống vẫn chưa thông báo rằng ông ấy sẽ ứng cử. Nhưng nếu chúng ta cho rằng tổng thống làm như vậy thì rõ ràng là ở đất nước chúng ta ở giai đoạn hiện tại không ai có thể thực sự cạnh tranh được với tổng thống”, ông Peskov nói.

Peskov cho biết, việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vẫn chưa bắt đầu ở Điện Cẩm Linh.

Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Nga dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 3 năm 2024, và về mặt lý thuyết, vòng thứ hai có thể được tổ chức vào tháng 4.

Vào năm 2020, các nhà lập pháp Nga đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất cuối cùng nhằm sửa lại số nhiệm kỳ tổng thống của Putin trong phiên bản cập nhật của hiến pháp, trên thực tế cho phép Putin tiếp tục giữ chức tổng thống cho đến năm 2036.

Bình luận của Peskov về cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo được đưa ra một ngày sau khi cuộc bầu cử được tổ chức ở một số khu vực sáp nhập của Ukraine. Những cuộc bầu cử này - được kỳ vọng sẽ mang lại chiến thắng cho các ứng cử viên đảng Nước Nga Thống nhất của Putin, nhiều người trong số họ tranh cử mà không có đối thủ - và cuộc bầu cử đã bị cộng đồng quốc tế coi là một sự giả tạo.

8. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Trong những tuần gần đây, Nga đã điều chỉnh lại lực lượng phòng không tầm ngắn và tầm trung xung quanh Mạc Tư Khoa trong nỗ lực phòng thủ hiệu quả hơn trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mà thành phố hiện đang phải hứng chịu nhiều nhất.

Kể từ đầu tháng 9 năm 2023, các hình ảnh cho thấy những hệ thống phòng không SA-22 của Nga xung quanh thủ đô đã được bố trí trên các tòa tháp cao và các đường dốc

Trước đó, sau các cuộc tấn công vào căn cứ không quân Engels và Ryazan vào tháng 12/2022, Nga cũng bố trí SA-22 trên nóc các tòa nhà chính quyền ở Mạc Tư Khoa.

Điều này gần như chắc chắn sẽ cho phép hệ thống phát hiện và tấn công các mục tiêu loại máy bay không người lái. Tuy nhiên, nó có lẽ cũng nhằm mục đích trấn an công chúng rằng chính quyền đã kiểm soát được mối đe dọa.

9. Máy bay không người lái 'Cá mập' hợp tác với HIMARS để quét sạch 5 hệ thống Buk của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Shark' Drones Team Up With HIMARS To Wipe Out 5 Russian Buk Systems: Video”, nghĩa là “Video cho thấy máy bay không người lái 'Cá mập' hợp tác với HIMARS để quét sạch 5 hệ thống Buk của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đoạn phim mới xuất hiện cho thấy máy bay không người lái “Shark” của Ukraine đang hoạt động khi Kyiv tấn công một số hệ thống phòng không của Nga bằng HIMARS ở khu vực Zaporizhzhia đang tranh chấp gay gắt, nơi Ukraine đang tập trung phần lớn nỗ lực phản công.

Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái Shark để thực hiện trinh sát, trước khi tấn công 5 hệ thống hỏa tiễn đất đối không “Buk” của Nga trong khu vực do Mạc Tư Khoa kiểm soát bằng hỏa tiễn HIMARS, hãng tin Đông Âu NEXTA đưa tin.

Không rõ loại hệ thống Buk nào đã bị loại bỏ trong cuộc tấn công HIMARS rõ ràng của Ukraine và Newsweek không thể xác minh độc lập thời gian hoặc địa điểm nơi đoạn clip được ghi lại. Bộ Quốc phòng Nga đã được liên hệ để bình luận qua email.

Máy bay không người lái Shark là phương tiện bay không người lái tầm trung, do công ty Ukrspecsystems của Ukraine sản xuất và được chế tạo để mang hình dáng giống với tên gọi cá mập của chúng. Theo nhà sản xuất, máy bay không người lái có thể hoạt động tới 4 giờ mỗi lần, với phạm vi liên lạc lên tới 80 km hoặc 50 dặm. Chúng có thể đạt tốc độ tối đa 130 km một giờ, hoặc chỉ hơn 80 dặm một giờ.

Ukrspecsystems cho biết Sharks được sản xuất dành riêng cho quân đội có “khả năng phản ứng cao” trước các cuộc tấn công chiến tranh điện tử và các nỗ lực gây nhiễu, có nghĩa là máy bay không người lái sẽ “tiếp tục hoạt động và hoàn thành nhiệm vụ của mình, cung cấp thông tin tình báo có giá trị” bất chấp các biện pháp đối phó.

Các máy bay không người lái trinh sát như Shark giúp lực lượng Ukraine xác định vị trí tấn công cho các cuộc tấn công bằng pháo binh và hỏa tiễn. Vào giữa tháng 6, cơ quan tình báo quân sự Kyiv cho biết Sharks, được trang bị đầy đủ camera độ phân giải cao, đặc biệt hữu ích cho việc tấn công HIMARS.

Thủy quân lục chiến Ukraine trước đây đã chia sẻ cảnh quay lực lượng Kyiv sử dụng máy bay không người lái Shark để theo dõi hệ thống hỏa tiễn phòng không Buk-M2 của Nga. “Sau khi xác định mục tiêu, thiết bị đắt tiền của đối phương đã bị các xạ thủ đồng đội phá hủy,” Lữ đoàn bộ binh thủy quân lục chiến biệt lập số 36 của Ukraine cho biết về một cuộc tấn công trong một bài đăng trên mạng xã hội vào giữa tháng 7.

Mykhailo Fedorov, phó thủ tướng Ukraine phụ trách sản xuất xe không người lái nhanh chóng của Kyiv, nói với Newsweek vào đầu tháng 8: “Ukraine đang trên đường trở thành nước dẫn đầu thế giới về sản xuất máy bay không người lái”. Fedorov nói thêm: “Tôi chắc chắn rằng kinh nghiệm của Ukraine về việc sử dụng máy bay không người lái trong cuộc chiến này sẽ được các nước khác nghiên cứu trong tương lai”.

Fedorov cho biết Ukraine chủ yếu tập trung vào máy bay không người lái trinh sát trước cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022, nhưng Kyiv hiện đã mở rộng sang máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, cũng như máy bay không người lái một chiều và thuyền không người lái hải quân, những loại mà Kyiv đã nhiều lần sử dụng để chống lại lực lượng Nga ở bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập bất hợp pháp.
 
Ngậm ngùi: HG Fulani bắt cóc cha sở, đốt nhà xứ. Chủng sinh mắc kẹt bên trong. Căng thẳng tại Mexico
VietCatholic Media
17:46 12/09/2023


1. Chủng sinh ở Nigeria bị thiêu sống trong vụ bắt cóc bất thành

Theo Giáo phận Kafanchan, một chủng sinh Công Giáo ở Nigeria đã thiệt mạng sau khi nhà xứ nơi ngài đang sống bị phóng hỏa trong một vụ được xác nhận là một vụ mưu toan bắt cóc.

Thủ phạm của vụ án được cho là phiến quân Hồi giáo Fulani.

Theo Đức Giám Mục Julius Yakubu Kundi của Kafanchan, chủng sinh Na'aman Danlami đã chết khi quân Fulanis tấn Công Giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael ở Fadan Kamantan vào ngày 7 tháng 9 và đốt cháy nhà xứ.

Trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức bác ái Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là CAN, Đức Cha Kundi cho biết linh mục giáo xứ, Cha Emmanuel Okolo, và phụ tá của ngài đã có thể thoát khỏi đám cháy, nhưng chủng sinh 25 tuổi lại thiệt mạng..

“Những kẻ tấn công nhằm mục đích bắt cóc linh mục giáo xứ. Khi cố gắng đột nhập vào nhà xứ không thành công, họ đã phóng hỏa đốt nhà. Hai linh mục đã trốn thoát được nhưng chủng sinh đã bị thiêu cháy bên trong”, ACN dẫn lời vị giám mục Công Giáo Nigeria cho biết trong một báo cáo được chia sẻ với ACI Africa, đối tác tin tức của CNA tại Phi Châu.

Kundi nói thêm: “Cuộc tấn công kéo dài hơn một giờ nhưng không có phản ứng hay hỗ trợ nào từ lực lượng quân sự. Cách đó một km có trạm kiểm soát nhưng hoàn toàn không có phản ứng gì”.

“Công dân Nigeria không được bảo vệ. Chúng tôi hầu như không được hưởng lợi từ lực lượng an ninh”, Đức Cha Kundi nói.

Trước đó, chủng sinh Danlami được cho là đã mất tích. Một linh mục đã đưa lên mạng xã hội đoạn video cho thấy vụ đốt phá nói rằng họ không thể xác định được nơi ở của chủng sinh.

“Cha Okolo và tôi đã ra khỏi nhà. Nhưng anh Na'aman thì chúng tôi không biết ở đâu. Chúng tôi không biết anh ở đó trong ngọn lửa hay họ đã bắt anh, hay anh đã trốn thoát”, vị linh mục nói và cho biết thêm rằng giáo xứ đã bị tấn công vào khoảng 8 giờ tối.

Đức Cha Kundi mô tả cái chết của Danlami là “một mất mát khủng khiếp”, đồng thời nói thêm rằng vụ giết hại anh ta không phải là vụ đầu tiên diễn ra tại giáo phận của ngài ở Bang Kaduna.

Đức Giám Mục nói: “Chủng sinh này là thành viên thứ hai mà chúng tôi đã mất trong giáo phận dưới bàn tay của các cuộc tấn công khủng bố của bọn cướp Fulani”.

Ngài nói thêm rằng năm ngoái, Cha John Mark Cheitnum, giám đốc truyền thông của Giáo phận Kafanchan, đã bị bắt cóc và sát hại dã man.

Đức Cha Kundi nói với ACN: “Chúng tôi đã tìm thấy thi thể của anh Na'aman Danlami sáng nay và đã đưa đến đến nhà xác”.

ACN lên án vụ sát hại Danlami và vụ bắt cóc một chủng sinh khác ở Kaduna.

Trong ghi chú được chia sẻ với ACI Phi Châu, tổ chức giáo hoàng đã báo cáo về vụ bắt cóc chủng sinh Ezequiel Nuhu, được thực hiện vào ngày 7 tháng 9 tại Kaduna.

ACN đưa tin rằng thầy Nuhu đã bắt đưa đi cùng với cha mình. Tổ chức bác ái cho biết: “Nuhu là một chủng sinh ở Abuja nhưng đã đến miền nam Kaduna để nghỉ lễ cùng gia đình”.

“ACN International lên án vụ tấn công mới nhất nhằm vào Giáo Hội Công Giáo ở Nigeria, trong đó một chủng sinh bị thiêu chết ở Giáo phận Kafanchan, cũng như vụ bắt cóc một chủng sinh khác ở miền nam Kaduna,” ACN cho biết.

Tổ chức bác ái Công Giáo kêu gọi “những lời cầu nguyện cho sự an nghỉ của Na'aman Danlami và sự an ủi cho gia đình và cộng đồng của ông. ACN cũng cầu nguyện cho sự an toàn và nhanh chóng thả Ezekiel Nuhu.”

ACN đưa tin thêm rằng Nigeria là một quốc gia đặc biệt nguy hiểm đối với các giáo sĩ Công Giáo trong những năm gần đây.

Vào năm 2022, bốn linh mục Công Giáo đã bị giết ở quốc gia Tây Phi này và 28 người bị bắt cóc. Vào năm 2023, số thành viên giáo sĩ là nạn nhân của vụ bắt cóc đã lên tới 14 người.


Source:Catholic News Agency

2. Báo Công Giáo than phiền tổng thống Mễ Tây Cơ bỡn cợt về các tội ác ở quốc gia này

Đức Hồng Y Francisco Robles Ortega của Guadalajara, Mễ Tây Cơ, và Tổng thống Mễ Tây Cơ Andrés Manuel López Obrador đang có một cuộc khẩu chiến dữ dội sau khi nhà lãnh đạo quốc gia trả lời bằng một trò đùa trước các câu hỏi về một vụ giết người hàng loạt tàn bạo đã khiến Mễ Tây Cơ quay cuồng thêm sau hàng nghìn vụ giết người liên quan với các băng đảng ma túy ngoài tầm kiểm soát.

Một chuyên mục ý kiến đăng trên El Seminario - tờ báo của Tổng giáo phận Guadalajara - đã chỉ trích López Obrador, người đã bị đặt câu hỏi về việc chính phủ của ông rõ ràng không có khả năng giải quyết các vụ giết người và khủng bố trên diện rộng dưới bàn tay của các băng đảng ma túy.

Tờ báo cáo buộc: “Không hề giải quyết nghiêm túc những vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt trong các lãnh vực tội phạm, y tế, giáo dục, López Obrador còn đáp lại” bằng sự khinh thường, thờ ơ và chế nhạo mà không quan tâm đến các nạn nhân.

Bài xã luận ngày 26 tháng 8 được đưa ra sau khi López Obrador kể một câu chuyện cười tại một trong những cuộc họp báo hàng ngày của ông khi giới truyền thông hỏi về vụ mất tích hồi tháng 8 và được cho là vụ sát hại một nhóm thanh niên ở miền trung Mễ Tây Cơ. Thay vì đề cập đến vấn đề, ông ta khẳng định mình chưa nghe câu hỏi và thay vào đó kể một câu chuyện cười. Sau đó ông ta rút lui.

Tờ báo của tổng giáo phận đã không ngần ngại phê bình López Obrador: “Ông ấy không sợ bị coi là lố bịch, điều này đã trở thành một hình thức cai trị. Với phản ứng mà ông ta đưa ra, điều mà tất cả chúng ta đều biết, về vấn đề 5 thanh niên biến mất ở Lagos de Moreno, ông ta không chỉ thể hiện sự thiếu nhạy cảm mà còn thể hiện sự băng hoại.”

Năm người bạn thời thơ ấu, trong độ tuổi từ 19 đến 22, đã cùng nhau tham dự hội chợ hàng năm tại Lagos de Moreno, một thành phố thuộc địa ở bang Jalisco. Lần cuối cùng họ được nhìn thấy đang chơi túc cầu cách thành phố khoảng 3 dặm. Sau đó, khi thi thể của họ vẫn chưa được xác định, trên mạng xã hội đã tràn ngập nhiều hình ảnh cho thấy những nam thanh niên này bị trói, bịt miệng và nhìn vào camera một cách đầy sợ hãi. Các nhà điều tra sau đó đã xác định được địa điểm có thể xảy ra vụ giết người. Hài cốt của họ cuối cùng được tìm thấy không xa hiện trường giết chóc. Báo chí đưa tin họ đã bị bọn côn đồ buôn ban ma túy sát hại dã man khi từ chối gia nhập tổ chức tội phạm.

Người Mễ Tây Cơ đã đáp lại bằng cách thắp hàng nghìn ngọn nến để tưởng nhớ họ tại các nhà thờ trên khắp đất nước.

“Chế giễu, không coi trọng sự việc, cười nhạo sự bất hạnh của người khác (chẳng hạn như trẻ em mắc bệnh ung thư) đã trở thành một trong những phương tiện của ông ta được gọi là “chiến lược đi quá xa” để 'trả lời' khi ông ta không muốn, không thể, hoặc không biết cách trả lời,” tờ báo tranh luận. Gọi là “chiến lược đi quá xa” vì khi bị chất vấn, López Obrador thường chọn cách chế diễu người đặt câu hỏi và chụp mũ họ là “đi quá xa”, là phóng đại.

Tờ báo dẫn lời Đức Hồng Y Robles, người đã nói: “Những gì chúng ta đang thấy là sự thờ ơ rất lớn từ phía chính quyền, những người lẽ ra phải quan tâm hơn đến việc chăm sóc giới trẻ và đưa ra những quyết định chắc chắn hơn”.

Robles nói tiếp: “Chúng ta đang sống trong một môi trường tội phạm mà không có tầng lớp xã hội nào là vô tội”. “Đây không phải là chuyển giao trách nhiệm mà là đối mặt với những gì đang xảy ra với toàn quyền pháp luật. Nếu không thì chuyện này không thể sửa được.” Điều này là do “trong mọi việc đang diễn ra đều có sự đồng lõa, không bị trừng phạt, và được bảo vệ”.

Tại cuộc họp báo ngày 28 tháng 8, khi được yêu cầu trả lời điều mà người đặt câu hỏi gọi là “sự can thiệp của các giáo sĩ”, López Obrador nói: “Tôi rất tôn trọng họ và họ có quyền bày tỏ bản thân; có sự tự do. Bạn đã biết rằng tôi được hướng dẫn bởi những gì Đức Thánh Cha Phanxicô suy nghĩ và tôi đồng cảm với cách suy nghĩ và cách sống của Đức Thánh Cha, bởi vì ngài luôn ủng hộ công lý, ủng hộ những người khiêm tốn, ủng hộ những người bị sỉ nhục. Ngài không ủng hộ chế độ giáo sĩ trị, ngài không ủng hộ kẻ có quyền lực. Ngài là một mục tử Kitô chân chính và tôi tôn trọng ngài.”

“Nếu ngài có ý kiến gì đó chống lại chính sách của Mễ Tây Cơ, thì chúng ta sẽ phải xem điều gì đang xảy ra, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể phản đối điều gì, nếu ở Mễ Tây Cơ chúng ta đang quan tâm đến người nghèo hơn bao giờ hết?” Nhà lãnh đạo Mễ Tây Cơ nói tiếp. “Ở đây người ta chứng minh rằng nghèo đói và bất bình đẳng đã giảm ở Mễ Tây Cơ, điều này không xảy ra ở các quốc gia khác trên thế giới. Vì thế nên không có gì phải sợ; chúng ta rất tốt.”

Theo Viện Thống kê Quốc gia Mễ Tây Cơ, có 32.223 vụ giết người vào năm 2022, giảm nhẹ so với năm 2021. Năm 2023, có 15.122 vụ giết người trong nửa đầu năm, so với 15.381 vụ cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giết người ở Mễ Tây Cơ lên tới 25 trên 100.000 dân, trong khi ở Mỹ là 7,8 trên 100.000 vào năm 2021.

López Obrador đã phải đối mặt với các vụ giết người ngày càng gia tăng, bạo lực băng đảng và các vụ giết người ngoài vòng pháp luật của cảnh sát và lực lượng vũ trang kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2018. Nguyên nhân phần lớn là do các cuộc chiến tranh giành quyền lợi giữa các băng đảng tham gia buôn người, sản xuất và buôn lậu ma túy, bắt cóc, tống tiền và các thủ đoạn khác. Ông từng hứa “ôm chứ không phải đạn” như một chính sách nhằm giải quyết nạn khủng bố ma túy ở Mễ Tây Cơ. Khi công bố số liệu thống kê tội phạm vào tháng trước, ông tuyên bố: “Chiến lược giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực đang bắt đầu cho thấy kết quả”.


Source:Catholic News Agency

3. Họp báo về việc chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự buổi canh thức cầu nguyện đại kết, chiều tối ngày thứ Bảy, 30 tháng Chín tới đây, để chuẩn bị khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI, vào tháng Mười tới đây tại Vatican, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.

Trưa ngày 08 tháng Chín vừa qua, ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Tòa Thánh và nữ tu Nathalie Becquart, Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã mở cuộc họp báo về vấn đề trên đây.

Canh thức đại kết

Nữ tu Becquart, người Pháp, thuộc Dòng Nữ Thừa sai Chúa Kitô, quen gọi là dòng Xavières, cho biết buổi canh thức đại kết sẽ diễn ra từ lúc 5 giờ đến 7 giờ chiều, tại Quảng trường thánh Phêrô, với chủ đề là “Cùng nhau - Cuộc tập hợp dân Chúa”, do Đức Thánh Cha chủ sự và với sự tham dự của các vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô khác, như Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople và là vị đứng đầu Chính thống giáo, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, Đức Thượng phụ Teofilo III của Chính thống giáo tại Giêrusalem, một đại diện của Đức Thượng phụ Teodoro II, Giáo chủ Chính thống Coptic, Ai Cập, một số đại diện các Giáo hội Tin lành và Pentecostal v.v.

Sáng ngày 30 tháng Chín, có Công nghị tấn phong 21 Hồng Y mới, nên các vị cũng hiện diện tại buổi canh thức, cùng với các nghị phụ và các thành viên khác của Thượng Hội đồng Giám mục.

Buổi canh thức có sự hiện diện của Đức Thánh Cha, từ lúc 6 giờ chiều: sau lời giới thiệu của ngài, có kinh nguyện do Đức Thượng phụ Bartolomeo xướng lên và phần đọc Lời Chúa, các kinh nguyện chuyển cầu do một thủ lãnh Giáo hội Kitô khác hoặc một đại biểu Giáo hội Kitô anh em tại Thượng Hội đồng Giám mục, tuyên đọc. Sau cùng, phép lành kết thúc sẽ do Đức Thánh Cha và 11 thủ lãnh các Giáo hội Kitô cùng ban. Đặc biệt có 3.000 bạn trẻ, từ 18 đến 35 tuổi, đến từ các nước Âu châu và thuộc các hệ phái Kitô khác nhau. Thầy Matthew, Tu viện trưởng tu viện đại kết Taizé, từ ngày 03 tháng Mười Hai năm nay, cũng hiện diện tại cuộc họp báo. Thầy cho biết cộng đồng Taizé từ nhiều tháng nay đã cộng tác vào việc chuẩn bị buổi canh thức đại kết này.

Nữ tu Becquart nói rằng buổi canh thức cầu nguyện và biến cố “Tập hợp dân Chúa” này là thành quả sự cộng tác tuyệt với theo tinh thần đồng hành. Đây là biểu tượng “sự cùng tiến bước” dựa trên toàn thể tiến trình công nghị. “Thách đố của Công nghị này là học cách cùng nhau bước đi sát cánh với nhau hơn, lắng nghe Chúa Thánh Linh, để trở thành một Giáo hội cùng bước hơn, với mục đích loan báo Tin mừng trong thế giới ngày nay”.

Tĩnh tâm

Sau buổi canh thức, các thành viên và tham dự viên khác của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ dùng bữa tối do Hội đồng Giám mục Ý khoản đãi, tại hành lang Đại thính đường Phaolô VI, ở nội thành Vatican. Tiếp đến, họ sẽ di chuyển tới Fraterna Domus, Nhà Huynh Đệ, ở Sacrofano, một trung tâm tĩnh tâm rộng lớn, xanh tươi, ở mạn bắc Roma khoảng 20 phút đi xe, để tham dự cuộc tĩnh tâm cho đến sáng ngày 04 tháng Mười, là lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục.

Trong ba ngày tĩnh tâm, ban sáng sẽ có những bài suy niệm của cha Timothy Radcliffe, người Anh, cựu Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh, và của Mẹ Maria Ignazio Angelini, Bề trên nữ Đan viện Bênêđíctô Viboldone ở Ý.

Ban chiều, các tham dự viên sẽ chia thành các nhóm, và trước buổi tối, mỗi ngày sẽ có thánh lễ.

Diễn tiến Thượng Hội đồng Giám mục

Sáng Chúa nhật, ngày 04 tháng Mười, sẽ có thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục, do Đức Thánh Cha chủ sự. Phiên khoáng đại đầu tiên sẽ diễn ra vào ban chiều với các bài phát biểu của Đức Hồng Y Tổng thư ký Mario Grech, Đức Hồng Y Tổng Tường trình viên Jean-Claude Hollerich, và sau cùng là Đức Thánh Cha.

Tại cuộc họp báo, ông Bộ trưởng Ruffini đã trình bày về phương thức thông tin trong thời gian tiến hành Thượng Hội đồng Giám mục thế giới.

Ông cho biết chưa có lịch trình chung kết của Thượng Hội đồng này và cả quy luật cũng đang được xác định chung kết.

Năm ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại Thượng Hội đồng Giám mục, là: Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trong các phiên họp khoáng đại, có phần thông dịch trực tiếp.

Công việc của Thượng Hội đồng Giám mục được chia thành năm phần, theo các đề tài và vấn đề được trình bày trong Tài liệu Làm việc của công nghị này. Mỗi phần sẽ bắt đầu với một thánh lễ ở Đền thờ thánh Phêrô và một phiên khoáng đại, trong đó vị Tổng tường trình viên trình bày đề tài cần được bàn thảo.

Ngoài ra, có các cuộc thảo luận nhóm, không có phiên dịch trực tiếp.

Sau ba tuần cầu nguyện, suy tư và hoán cải, Thượng Hội đồng Giám mục sẽ thông qua một văn kiện tổng hợp, sẽ được công bố, nhưng đây không phải là văn kiện chung kết, vì đây là khóa đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục về đồng hành. Sẽ có khóa thứ hai diễn ra vào tháng Mười năm 2024.