Ngày 16-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Luôn biết khôn ngoan chuẩn bị cho tương lai
Lm. Đan Vinh
11:33 16/09/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN C

Am 8,4-7 ; 1 Tm 2,1-8 ; Lc 16,1-13

LUÔN BIẾT KHÔN NGOAN CHUẨN BỊ CHO TƯƠNG LAI

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 16,1-13

(1) Đức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh. Vì từ nay anh không được làm quản gia nữa”. (3) Người quản gia liền nghĩ bụng: Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cắt chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !”. (5) Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?”(6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu Ôliu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn thùng lúa” Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. (8) Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. (9) Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (10) Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tin trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. (11) Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? (12) Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? (13) Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia. Hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.

2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay dạy các môn đệ phải khôn ngoan, biết nhìn xa để chuẩn bị cho tương lai sau này. Đức Giêsu kể câu chuyện về một quản gia bất lương, đã lợi dụng những giờ phút cuối khi đang còn giữ chức quản lý, để làm ơn cho các con nợ của chủ bằng cách hạ thấp số nợ của họ xuống, với hy vọng sau này sau khi anh bị mất việc thì họ sẽ đền ơn đón anh về nhà họ. Cuối cùng Chúa dạy phải dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi giờ chết đến bị mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp vào chốn an nghỉ đời đời.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-4: + Một nhà phú hộ kia có một người quản gia: Theo luật Do thái thì người quản gia không phải thuộc hạng tôi tớ được trả lương. Anh ta có quyền thay mặt chủ lo liệu mọi sự. Trường hợp viên quản gia làm thất thoát tiền bạc của chủ, luật pháp cũng không có biện pháp nào bắt anh ta phải hoàn lại của cải đã bị thất thoát. Hình phạt cùng lắm chỉ là sa thải, kèm theo bị mất uy tín mà thôi. Sau khi nhận được giấy sa thải, người quản gia sẽ phải tính sổ sách, liệt kê tài sản. Trong thời gian này, người quản gia vẫn là đại diện cho chủ, và được hành động nhân danh chủ. Trong bài dụ ngôn, việc người quản gia đã phung phí tài sản của chủ để gây thiện cảm với các con nợ tức làm lợi cho mình. Có thể nói anh ta đã "mượn đầu heo nấu cháo"! Nhưng anh cũng là người khôn khéo biết lợi dụng thời gian ngắn đang còn tại chức để làm ơn cho các con nợ của chủ, hầu đến khi bị chủ cách chức thì anh hy vọng họ sẽ đền ơn giúp lại anh.

- C 5-7: + Một trăm thùng dầu: Thùng dầu là đơn vị chứa khoảng từ 21 đến 45 lít. + Một ngàn thùng lúa: Thùng lúa hay giạ lúa, một đơn vị có số lượng lớn gấp 10 lần thùng dầu nói trên.

- C 8-10: + Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo: Đức Giêsu khen việc biết chuẩn bị cho tương lai của anh quản gia là hành động khôn khéo. + Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại: Con cái đời này ám chỉ những kẻ thuộc về thế gian. Con cái ánh sáng là những người thuộc về Nước Trời. Con cái thế gian thường bén nhậy trong việc tìm kiếm tiền bạc vật chất, đang khi con cái Nước Trời lại thường khờ dại, không biết xử dụng ơn Chúa để lo cho mình được hưởng ơn cứu độ. + Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè: Người quản gia đã hành động khôn khéo. Còn các môn đệ là con cái sự sáng, cũng phải dùng tiền bạc mà mua lấy bạn hữu. Tiền của bất chính trong câu này không có nghĩa là có nguồn gốc bất chính như trộm cắp gian tham, nhưng bất chính vì tiền bạc thường làm cho người ta ra hư hỏng. Hãy sử dụng nó để giúp đỡ người nghèo, tức là biến nó trở thành đồng tiền có giá trị ở đời sau. + Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn: Tiền của là một vật để trắc nghiệm lòng trung tín. Ở đây Đức Giêsu dạy môn đệ phải trung thành trong việc nhỏ là sử dụng tiền bạc, để biến đồng tiền ấy trở thành của cải chân thật có giá trị lớn lao ở đời sau (x. Mt 25,21; Lc 19,17).

- C 11-13: + Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ: Đức Giêsu nhân cách hóa tiền bạc vật chất vì nó có thể sai khiến người ta như một tà thần. Kiểu nói “làm tôi” ở đây mang ý nghĩa “lụy phục”, “phượng thờ”, làm cho tiền của trở thành tà thần đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế Đức Giêsu đòi các môn đệ phải dứt khoát chọn tôn thờ một mình Thiên Chúa thay vì vừa tôn thờ Thiên Chúa lại vừa tôn thờ tiền của.

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao người quản gia bị đánh giá là bất lương? 2) Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người noi gương khôn khéo của người quản gia kia thế nào? 3) Khi nói: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè”, phải chăng Đức Giêsu dạy các tín hữu dùng tiền lừa đảo trộm cắp hay tham nhũng để giúp đỡ kẻ nghèo? 4) Khi nào tiên bạc trở thành ông chủ? Ta phải làm gì để biến nó nên đầy tớ của ta? 5) Tiền bạc sẽ đem lại hậu quả thế nào một khi trở thành ông chủ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13b).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CHỈ MUA ĐƯỢC BẰNG LOẠI “TIỀN CHO ĐI” MÀ THÔI:

Một người kia suốt đời chỉ biết thu gom tiền bạc chứ không chịu chi ra, nên ông ta ngày một giàu thêm. Rồi một hôm ông ta bị đau nặng sắp chết. Trước khi nhắm mắt, ông cho gọi vợ con lại bên giường và trăn trối như sau: “Khi tôi chết, bà nó hãy đem tất cả số vàng tôi đã dành dụm bấy lâu bỏ vào trong quan tài cho tôi, vì tôi sẽ cần dùng tới nó trong thế giới bên kia”. Sau khi ông ta chết, vợ ông đã làm y như lời trăn trối của ông. Trên đường về thế giới bên kia phải đi ngang qua một cái chợ, ông nhà giàu ghé vào xem và thấy người ta mua bán nhiều thứ rất ngon, giống như các chợ dưới trần gian. Ông ta chỉ vào một ký thịt bò tươi và hỏi cô bán hàng giá bao nhiêu. Cô ta trả lời: “Giá một đồng”. Ông nghĩ bụng: “Rẻ thật !”. Ông lại quay sang hỏi nhiều món hàng khác đang bày bán chung quanh, và vật gì giá cũng chỉ một đồng. Ông nhẩm tính với số tiền mang theo khi chết ông sẽ có thể sống sung sướng trong cả ngàn năm nữa. Nhưng đến khi trả tiền để lấy hàng, ông nhà giàu bỡ ngỡ khi người bán không chịu nhận đồng tiền của ông. Cô ta nói với ông rằng: “Ở đây chỉ xài loại “tiền cho đi” mà thôi ! Còn tiền của ông là loại “tiền thu vào”, không có giá trị thanh toán !” Bấy giờ ông nhà giàu rất buồn rầu và thất vọng, vì tiền của bấy lâu nay ky cóp giờ chẳng còn chút giá trị nào cả ! Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra bài học này: Chỉ những “đồng tiền cho đi” mới là “đồng tiền để dành” có giá trị thanh toán ở đời sau và mới thực sự đem lại hạnh phúc đời đời cho ta.

2) ĐẠO SĨ THAM TIỀN:

Có một nhà giàu kia đã mời mấy vị đạo sĩ tới nhà lập đàn để giải trừ tai nạn. Trong số đó có một đạo sĩ tính tình tham lam, muốn một mình được hưởng trọn số tiền công của chủ nhà, nên đã nhận đứng ra bao thầu trọn gói việc lập đàn cúng bái. Sau đó ông ta một mình làm việc ngày đêm không hề ngơi nghỉ. Cứ như thế đến ngày thứ ba thì bị kiệt sức, ông ta tự nhiên bất tỉnh ngã vật ra đất. Chủ nhà sợ ông đạo sĩ chết ở nhà mình thì mang hoạ, liền thuê mấy người lao công đến khiêng ông về miếu. Đạo sĩ nghe chủ nhà trao đổi như vậy, dù đang kiệt sức nhưng ông ta vẫn cố ngước đầu lên thì thào như sau: “Ông chủ đừng mất công thuê người khiêng cáng cho tôi làm chi. Cứ đưa tiền thuê ấy cho tôi. Tôi sẽ tự bò về miếu cũng được mà !”

3) KHÁC BIỆT GIỮA HAI LOẠI KÍNH:

Một lần kia có một người giàu có nhưng keo kiệt đến gặp vị giáo trưởng của ông và xin giáo trưởng ban phép lành cho ông. Vị giáo trưởng đón tiếp ông nhà giàu một cách thân thiện và đưa vào phòng khách. Rồi giáo trưởng dẫn ông đến cửa sổ nhìn xuống đường phố và nói: “Ông hãy nhìn ra kia và nói cho tôi biết ông thấy gì”.

“Tôi thấy người ta đi qua, đi lại”, ông nhà giàu đáp.

Rồi giáo trưởng đem ông ta ra khỏi cửa sổ, dẫn ông ta đến trước một tấm gương to và nói: “Ông hãy nhìn vào tấm gương này và ông thấy gì”.

“Tôi thấy chính tôi”, ông nhà giàu đáp.

“Thế đấy, ông bạn, hãy để tôi giải thích ý nghĩa điều ấy cho ông. Cửa sổ làm bằng kính cũng giống như tấm gương này. Tuy nhiên, kính của tấm gương có tráng lên một lớp bạc. Khi ông nhìn qua kính thường, ông thấy người khác. Nhưng khi ông tráng bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ thấy chính mình. Khi ông chỉ quan tâm đến tiền bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ còn nhìn thấy bản thân mình”.

4) THÀ BỊ CHỘT MỘT MẮT CÒN HƠN MẤT TIỀN CHỮA TRỊ:

Bác sĩ A.J. Gordon kể: ngày nọ, có một ông nhà giầu keo kiệt đến khám mắt. Sau khi khám, bác sĩ cho biết ông ta phải chữa trị cả hai mắt, nếu không muốn bị mù. Ông ta liền hỏi :

- Giá chữa trị mỗi con mắt là bao nhiêu?

- Là 100 đôla. Bác sĩ trả lời.

Nghe vậy, ông nhà giầu thừ người ra suy nghĩ một lúc. Sau đó ông ta nói với bác sĩ: "Tôi chỉ yêu cầu bác sĩ chữa cho tôi một mắt với giá 100 đôla thôi. Vì tôi nghĩ: chỉ cần còn một mắt cũng có thể thấy đường đi và đếm được tiền rồi. Còn chữa hai mắt phải tốn tới 200 đôla là quá nhiều!

5) ANH LÍNH ỨNG XỬ KHÔN NGOAN:

Có một anh lính ba gai, không bao giờ làm hài lòng viên đại tá là cấp chỉ huy của mình. Mỗi lần trình diện đại tá, anh ta luôn bị quở trách: Khi thì đôi giày bẩn, lúc thì súng không chịu lau chùi, cũng nhiều khi lại đến tập họp trễ mấy phút. Môtỵ hôm được xả trại và được tự do đi chơi tới 20g00. Đến hồi 19g45 mà anh lính này vẫn đang lang thang trên đường phố. Bấy giờ đột nhiên anh thấy chiếc xe của đại tá đang tiến đến gần. Anh liền rẽ vào một con hẻm gần đó nhưng không kịp: Viên đại tá đã chạy xe kịp đến và dừng ngay trước mặt anh. Đại tá ra lệnh:

- Đúng 20g anh phải trình diện tôi tại bộ chỉ huy, nếu không anh sẽ bị giam 3 ngày.

Anh lính liền suy nghĩ: Từ lúc này đến 20g00 chỉ còn 15 phút nữa. Nếu ta chạy nhanh vẫn không về kịp, mà đón xe ngoài thì giờ này không còn xe nào chạy. Thế là anh liền chạy nhau đi sau chiếc xe díp của ông đại tá. May thay cốp xe phía sau vẫn đang mở và anh vừa kịp leo lên rồi chui vào trong xe mà ông đại tá vẫn không phát hiện ra. Ông đại tá cho xe díp chạy vòng vòng qua mấy ngã đường rồi trở về doanh trại vào đúng 20g00. Khi chiếc xe vừa dừng lại thì anh lính cũng vừa nhảy xuống xe và đến trình diện vị đại tá. Bấy giờ đại tá xem đồng hồ và khen cậu lính như sau:

- Anh đã hành xử khôn ngoan đó anh lính trẻ. Hôm nay tôi không thể phạt anh. Nhưng từ nay trở đi anh cũng phải biến biến báo không ngoan để duy trì được kỷ luật tập thể nghe không?

3. SUY NIỆM:

Có người đã phát biểu về giá trị tương đối của đồng tiền như sau: “Tiền bạc có thể mua vỏ bọc ngoài của các sự vật nhưng không thể mua được điều cốt lõi của chúng được. Nó có thể đem đến cho bạn thức ăn nhưng không đem đến sự ngon miệng; có thể mang thuốc men nhưng không phải mang sức khỏe, mang sự quen biết nhưng không mang bạn bè, mang tôi tớ giúp việc nhà nhưng không phải là lòng trung tín, mang đến những ngày đầy lạc thú xác thịt nhưng không phải là sự bình an và hạnh phúc”. (Henrik Ibsen)

Nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta cũng thấy còn đầy dẫy những bất công: Có những người giầu có lối sống hưởng thụ xa hoa hoang phí đang khi nhiều người nghèo ăn không đủ no, mặc không đủ ấm và còn thiếu tất cả những nhu cầu tối thiểu. Sở dĩ có sự giàu nghèo bất công như vậy một phần là do hoàn cảnh xã hội tạo ra, nhưng chủ yếu là do lòng tham của con người, khi mà người giàu chỉ biết ích kỷ để tìm lo cho bản thân, mà không biết nghĩ đến những người nghèo đói bất hạnh ở ngay bên cạnh mình. Qua dụ ngôn về người quản gia bất lương trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn các môn đệ và các tín hữu chúng ta cũng phải có thái độ khôn ngoan để biết nhìn xa và có những hành động phù hợp có lợi cho tương lai của mình sau này.

Qua dụ ngôn người quản lý bất lương nhưng khôn ngoan trong bài Tin Mừng, chúng ta cần lưu tâm mấy chi tiết sau:

1) Tội tham nhũng tiền bac: Hằng ngày qua các phương tiện truyền thông nghe nhìn, chúng ta thấy nhiều người đã phải vào tù ra khám vì đã phạm tội tham lam, ăn cắp tài sản của người khác hay thâm lạm vào công quỹ. Những người này không thuộc diện đói nghèo, mà trái lại, họ còn là những kẻ giàu có dư ăn dư mặc. Căn bệnh của họ là lòng tham tiền bạc của cải bất chính.

2) “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó?: Người quản gia trong dụ ngôn hôm nay có nhiệm vụ điều hành mọi việc nhà của chủ, và cũng có quyền đại diện cho chủ để giao dịch làm ăn buôn bán. Tuy nhiên, anh quản lý này đã lợi dụng sự tín nhiệm của ông chủ: Thay vì làm lợi cho chủ, anh ta lại cắt xén bớt tiền bạc của chủ để làm lợi riêng cho bản thân mình. Cuối cùng việc làm bất chính của người quản gia đã bị phát hiện. Chủ cho gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh. Vì từ nay anh không được làm quản gia nữa” (Lc 16,2).

3) “Mình sẽ làm gì đây?”: Trong hoàn cảnh sắp bị sa thải, anh quản gia thuần suy tính: “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !” (Lc 16, 3-4). “Cái khó ló cái khôn”, cũng may trong thời gian tại chức vắn vỏi này, anh vẫn còn có tư cách đại diện cho ông chủ. Anh đã quyết định giảm nợ cho các con nợ của chủ: Từ Một trăm thùng dầu Ôliu, anh cho giảm nợ xuống còn năm chục; Từ một ngàn giạ lúa anh hạ xuống còn nợ tám trăm thôi (Lc 16, 5-7). Qua lối hành xử khôn khéo này, anh đã làm ơn cho các con nợ của chủ vời hy vọng họ sẽ đền ơn lại cho anh sau khi anh bị mất việc. Đức Giêsu đã khen anh ta hành động khôn khéo vì đã biết dùng tiền bạc của chủ để làm lợi cho tương lai của mình.

3) Khôn ngoan là biết dùng tiền của bất chính để tạo ra bạn bè: Đức Giêsu không khen hành động gian dối ích kỷ hại nhân của người quản gia bất lương, nhưng khen thái độ biết khôn ngoan tiên liệu của anh ta bằng cách sử dụng tiền của bất chính để tạo thêm bạn hữu cho mình như lời Đức Giêsu kết luận: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9); Hơn nữa, Đức Giêsu cũng dạy chúng ta phải biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của ở đời này, hãy biến đồng tiền trở thành đầy tớ, chứ đừng để nó biến thành ông chủ của chúng ta, vì: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Đồng tiền sẽ là một đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu.

4) Học sống Lời Chúa hôm nay:

- Trung thực trong việc quản lý tiền bạc: Điều Đức Giêsu muốn dạy các tín hữu chúng ta hôm nay là phải có lối hành xử công chính về tiền bạc. Có người đã nói: «Lấy lửa thử vàng; lấy vàng thử đàn bà; và lấy đàn bà thử đàn ông». Một người không trung thực về tiền bạc không thể là một người tốt, thành thật và đáng tín nhiệm được. Một người được người khác nhờ cậy giao tiền cho một người thứ ba, đã gửi số tiền ấy vào ngân hàng để lấy lãi cho mình, thì người đó không thể có lòng đạo đức thực sự. Hiện nay, có nhiều người giữ những địa vị cao trong xã hội, nhưng lại thiếu trung thực trong việc quản lý tiền bạc của tập thể. Đức Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”. Qua đó, Chúa muốn dạy chúng ta rằng: Công bình là nền tảng của bác ái, và bác ái là nền tảng của một lòng đạo đức thực sự.

- Phải hành động cách khôn khéo: Nếu “con cái đời này” mà còn biết cách làm lợi cho bản thân mình, thì tại sao “con cái sự sáng” lại không biết sử dụng của cải Chúa ban trong giây phút hiện tại để lo cho phần rỗi đời đời của mình sau này? Nếu người quản gia bất lương biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu, đề phòng khi mất việc…, thì tại sao người tín hữu chúng ta lại không biết sử dụng của cải chóng qua đời này bằng cách quảng đại chia sẻ cho người nghèo khổ để có thêm bạn hữu, hầu đến giờ chết những người đó sẽ đi đón rước chúng ta vào hưởng Nước Trời là hạnh phúc vĩnh hằng?

- Đồng tiền cho đi: Nên nhớ rằng: Chúng ta sẽ không trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa với những đồng tiền “nhận lãnh”, nhưng là với những đồng tiền “cho đi”. Chỉ khi biết quảng đại ban phát của cải cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những người quản gia trung tín và khôn ngoan biết làm theo ý chủ. Chỉ khi biết coi tiền của là phương tiện phục vụ tha nhân, chúng ta mới chứng tỏ mình là tôi trung của Thiên Chúa. Các Rabbi Do thái có câu này: “Kẻ giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo sẽ giúp kẻ giàu ở đời sau”. Khi chú giải truyện người giàu ngu dại xây kho vựa lớn hơn để tích trữ nhiều của cải, thánh Ambrosiô đã nói: “Bụng của người nghèo, nhà của bà goá, miệng của trẻ nhỏ là những kho vựa tồn tại mãi ở đời đời.” Người Do thái tin rằng của bố thí cho kẻ nghèo được ghi vào trương mục đời sau của kẻ cho. Do đó, sự giàu có thật của con người không hệ tại ở những gì mình đang nắm giữ, nhưng căn cứ ở những gì mình quảng đại cho đi.

- Làm chủ hay đầy tớ đồng tiền?: Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi hiện đang làm chủ hay đang làm đầy tớ cho đồng tiền?

Tôi sẽ là chủ đồng tiền nếu dám chia sẻ số tiền mình đang có cho người khác, dám cho vay mượn, dám lập tức trả lại cho chủ của khi phát hiện ra đồng tiền mình đang chiếm giữ không phải của mình. Nhất là khi bị mất cắp, tôi sẽ không quá đau buồn như kẻ mất hồn, đến nỗi chẳng còn thiết tha làm bất cứ việc gì khác!

Tôi sẽ là đầy tớ đồng tiền nếu năng nghĩ đến nó, thích mang ra nhìn ngắm và đếm đi đếm lại nhiều lần trong ngày; Năng đề cập đến tiền bạc trong câu chuyện và đề cao sức mạnh vạn năng của nó; Có thái độ tôn trọng đồng tiền hơn mọi thứ có giá trị khác; Sẵn sàng làm bất cứ việc gì dù vi phạm luật pháp hoặc bất công và bất nghĩa… miễn sao có nhiều tiền cho đầy túi tham.

4. THẢO LUẬN: 1) Bạn có đồng ý với lời nhận định: “Đồng tiền là một người đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu” không? 2) Hiện giờ bạn đang làm chủ hay đang làm tôi cho đồng tiền? 3) Bạn cần làm gì để tiền bạc trở thành đầy tớ phục vụ cách đắc lực cho các nhu cầu chính đáng của bạn và của tha nhân?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊSU. Hôm nay Chúa đã lưu ý chúng con về việc sử dụng tiền bạc của cải. Trước tiên Chúa dạy chúng con phải phụng thờ một mình Thiên Chúa. Chúa cấm chúng con gian lận, nhưng dạy chúng con phải khôn khéo xử dụng đồng tiền trần gian để biến nó thành của cải thiêng liêng có giá trị ở đời sau.

- LẠY CHÚA GIÊSU, từ nay chúng con sẽ qui hướng trọn cuộc sống về cho Thiên Chúa, từ việc nhỏ đến việc lớn. Xin Chúa giúp chúng con dứt khoát nói “không” với bất cứ cám dỗ nào xui giục chúng con tìm kiếm những đồng tiền bất chính, để chúng con xứng đáng trở thành những môn đệ thực sự của Chúa: luôn sống theo Lời Chúa dạy và mãi mãi thuộc trọn về Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Kiểm điểm
Lm Vũđình Tường
15:36 16/09/2016
Kiểm điểm đời sống là hình thức đi tìm khả năng cá nhân để biết rõ hơn ưu điểm và nhược điểm của mỗi cá nhân. Nếu kết quả của kiểm điểm là những điều hài lòng người đó sẽ cảm thấy an vui trong công việc và cuộc đời cũng thú vị hơn. Khi kiểm điểm vạch ra thiếu sót, sai trái nỗi buồn ập đến, cái lo tăng thêm và họ phải tìm cách tìm biết điều gì gây nên hậu quả đau buồn đó và hy vọng tìm cách sửa chữa.

Người quản lí Kinh Thánh hôm nay nhắc đến làm công việc kiểm điểm đời sống công việc của ông. Ông làm công việc này không phải do tự nguyện nhưng vì ông được cho biết công việc quản lí của ông sẽ chấm dứt trong nay mai. Niềm tin của chủ trong ông đã hết và ông phải tìm cách làm sao cho cuộc sống ngày mai. Để kiểm điểm công việc người quản lí nhìn lại sổ sách tìm cách nào đó lợi nhất cho tương lai của ông. Ông nhận biết khả năng điều đình là ưu điểm tuy nhiên ông cũng biết rõ khả năng điều đình với chủ không còn nữa, quá muộn rồi vì chủ đã đưa ra phán quyết cho ông nghỉ việc. Biết rõ như thế ông quay sang điều đình với các con nợ của chủ. Ông cũng biết tin ông mất việc chưa mấy ai biết nên ông còn đủ thời gian điều đình với các con nợ với hy vọng họ sẽ coi ông như người quản lí tốt, người ban ơn cho họ bằng cách giảm món nợ khổng lồ họ ngày đêm lo lắng. Biết được nỗi lo đó người quản lí tìm cách thủ lợi cho mình và cho con nợ. Ông có chương trình riêng thủ lợi cho mình nhưng con nợ không thể biết điều đó. Cách ông làm vừa dối trá lại phản phúc nhưng ông không quan tâm. Mối bận tâm lớn của ông chính là làm sao có chỗ dựa khi bị mất việc. Làm ơn với hy vọng được trả ơn sau này không phải là cách Phúc Âm khuyến khích. Phúc âm khuyến khích thi ơn mà không mong trả ơn. Luca 14,14.

Người chủ không kiểm soát sổ sách con nợ mả do tay quản lí hoàn toàn làm chủ. Ông ta có toàn quyền ghi món nợ con nợ phải trả vì thế ông nói với các con nợ tự ghi món nợ ông nói cho họ ghi. Không rõ phong tục luật lệ lúc đó thế nào. Ai là người có thẩm quyền ghi văn tự vay nợ, chủ nhà hay người quản lí hay con nợ. Điều chắc chắn là khi con nợ tự ghi lấy văn tự vay nợ nếu tương lai có xảy ra tranh cãi về món nợ có đúng ghi trong sổ gốc hay không sẽ là vấn đề lớn bởi chữ viết ghi trong giấy nợ khác nhau và rất khó xác định món nợ đúng sai khi tranh cãi.

Khi làm công việc ghi lại các văn tự vay nợ người quản lí không đặt vấn đề công bằng cho chủ hay công bằng cho con nợ. Điều quan tâm chính của ông là lo cho tương lai chính ông. Mặc kệ chủ, cũng không lo chi đến người nghèo mang nợ mà quan trọng nhất là mối lợi ông hy vọng con nợ sẽ đón nhận ông trong tương lai. Cả chủ lẫn con nợ đều bị ông lợi dụng cho lợi ích cá nhân mình. Bài đọc kết luận rõ con cái thế gian tính toán tương lai cho cuộc sống trần thế, không hề quan tâm đến phúc lợi người khác miễn sao mình được lợi là họ sẵn sàng làm theo vì lợi nhuận cá nhân.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:44 16/09/2016
21. CÂY THÔNG THẲNG TẮP.
Ở Hồ Bắc, một ngày của mùa đông nọ tuyết rơi rất lớn, có quan huyện nọ cùng các quan huyện khác hội lại uống rượu ngâm thơ thưởng thức tuyết rơi.
Quốc sư Dương Tuân Thông vì ly loạn mà ẩn danh chu du khắp nơi, nản chí nản lòng, và cũng may là không ai nhận ra ông ta.
Gặp lúc các quan huyện ngâm thơ ngắm tuyết, thì cũng ghé vào ngồi xuống, sau khi quý khách ngâm thơ xong, cuối cùng thì đến phiên của Tuân Thông, ông ta cao giọng ngâm:
- “To tay to miếng bay ngập trời, thẳng tắp cây thông bị oằn xuống; cười khẩy loại này vật hoa lá, khó mà hòa được mấy thời gian.”
(Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư 21:
Mùa đông các loại cây đều rụng hết lá chỉ còn cành vì không chịu được khí trời lạnh và tuyết rơi, nhưng chỉ có cây thông là vẫn trơ trơ chịu lạnh, lại còn xanh tươi, tuyết rơi trên nó rất là đẹp và nó trở thành niềm vui của các trẻ em trong ngày lễ Noel.
Cây thông, nó cũng là biểu tượng bất khuất của những người anh hùng thà chết chứ không chịu lòn cúi nịnh bợ, thà chết chứ không thà bỏ đức tin của mình như các vị tử đạo của chúng ta. Mỗi một Ki-tô hữu là một cây thông thẳng tắp giữa rừng cây xã hội loài người, mà đến cả những người anh hùng cũng có khi phải cúi lưng chịu khuất phục trước tiền tài, danh vọng và sắc dục.
Không ai có thể đứng thẳng tắp như cây thông trước sóng gió cuộc đời nếu không có ơn Chúa trợ giúp; cây thông thì không biết đầu hàng trước cám dỗ, nó thà bị gãy ngang chứ không chịu oằn người xuống, người Ki-tô hữu thà chịu ngục tù, chịu roi vọt, chịu mất tất cả chứ không chịu đánh mất đức tin của mình.
“Lạy Đức Chúa Giê-su, Chúa là cây thông vĩ đại không khuất phục trước những lần cám dỗ trong hoang địa, Chúa là cây thông vĩ đại không khuất phục trước những mưu mô hại người của bè phái Pha-ri-siêu và các kinh sư, và cuối cùng Chúa đã chết trên thập giá, nếu nói theo kiểu trần gian, thì Chúa đã chịu chết vì không chịu khuất phục các tư tế đền thờ của đạo Do thái, và như thế đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho chúng con.
Xin Chúa ban cho chhúng con trong cuộc sống biết trở thành những cây thông thẳng tắp trước những bon chen trần thế, trước những mưu toan bắt hại của người đời, để chúng con trở nên gương mẫu cho các anh em chị em của chúng con. Amen”


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 25 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:45 16/09/2016
Chúa Nhật 25 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 16, 10-13
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa , vừa làm tôi tiền của được.”


Anh chị em thân mến,
Sống ở đời cần phải có sự trung tín, trung tín trong việc nhỏ cũng như trung tín trong việc lớn, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã dạy như thế, và chỉ có như thế chúng ta mới có thể trở thành chứng nhân Tin Mừng cho Nước Trời tại trần gian này.

Trung tín trong việc nhỏ là những việc mà chúng ta có lúc cho là tầm thường, quá tầm thường nữa là khác, việc tầm thường ấy chính là mỗi tuần đến quét nhà thờ một lần, việc tầm thường ấy chính là mỗi tuần đi thăm một bệnh nhân mà đoàn thể đã ủy thác, việc tầm thường ấy là nhặt một miểng chai nằm giữa đường đi có thể gây thương tích cho người khác, việc tầm thường ấy là soạn bài giảng cho thánh lễ trẻ em mà chúng ta cho là không cần thiết.v.v…và còn nhiều việc rất tầm thường khác trong cuộc sống của chúng ta.

Trung tín trong những việc tầm thường hoặc việc nhỏ, là bày tỏ một ý chí quyết tâm cao của người Ki-tô hữu, có quyết tâm thì mới có thể trung tín, việc nhỏ quyết tâm làm thì việc lớn chắc chắn sẽ quyết tâm nhiều hơn nữa.

Trung tín trong việc lớn là trung tín trong những việc nhỏ, đó là lời khuyên đầy tính giáo dục và đạo đức của Đức Chúa Giê-su, bởi vì người chỉ biết trung tín với những việc lớn mà thôi thì sự trung tín ấy sẽ không được dài lâu, vì sự trung tín ấy của họ là trung tín của lợi nhuận, của ích kỷ và của tham lam.

Anh chị em thân mến,
Từ việc trung tín trong công việc hàng ngày, Đức Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta đến sự trung tín phải có trong việc thờ phượng Thiên Chúa, đó là trung tín với đức tin và tín ngưỡng của mình trong cuộc sống hàng ngày.

Có những người Ki-tô hữu chỉ trung tín với Đức Chúa Giê-su khi gia đình khá giả, khi cuộc sống phong lưu, nhưng đến khi gặp những chuyện đau buồn ngoài ý muốn thì không còn trung tín với Thiên Chúa nữa, họ oán trách Thiên Chúa, họ lơ là đi nhà thờ, và cuối cùng thì nghe theo lời bạn bè đi chùa miếu cúng vái những hình tượng mà đã có một thời họ cho là dị đoan nhảm nhí ma quỷ. Cho nên, lòng trung tín của chúng ta với Thiên Chúa cần phải giống như ông Gióp trong cựu ước khi bị bà vợ cám dỗ ông bất trung với Thiên Chúa, ông nói: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao ?” (G 2, 10a)

Sự bất trung của chúng ta đối với Thiên Chúa ở ngay trong con người của mình đó là khi chúng ta kiêu ngạo; ở ngay trong nhà và bên cạnh chúng ta, đó chính là vợ con, cha mẹ và bạn bè xúi giục chúng ta bỏ Chúa khi nhìn thấy những khó khăn mà chúng ta phải chịu, mà chính bà vợ và bạn bè của ông Gióp là những người đại diện, bởi vì khi lòng trung tín không được đặt trên nền tảng của đức tin và lòng yêu mến thì sẽ trở thành bất trung.

Không ai làm tôi hai chủ, bởi vì như thế có nghĩa là chúng ta có hai quả tim, mà người có hai qủa tim là quá bất bình thường, cũng vậy, người Ki-tô hữu không thể vừa làm con cái của Thiên Chúa vừa làm con cái của ma quỷ, vì như thế chúng ta không thể trở nên chứng nhân cho Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su, đó chính là chúng ta đi hàng hai vừa thỏa hiệp với ma quỷ để hưởng thụ vật chất ở đời này, vừa khấn vái cầu xin Thiên Chúa ban ơn khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:48 16/09/2016

8. Hết lòng rước lễ một lần thì có thể làm cho con người ta sửa đổi thành đức hạnh vẹn toàn, đạt tới mức độ thánh đức.

(Thánh Maria Magdalena de Pazzi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám Mục Canada khẳng định không có sự thay đổi trong kỷ luật bí tích đối với những người ly dị và tái hôn
Đặng Tự Do
00:45 16/09/2016
Các giám mục Công Giáo thuộc Alberta và các vùng lãnh thổ Tây Bắc của Canada đã ban hành một hướng dẫn mới dành cho các linh mục liên quan đến việc chăm sóc mục vụ cho những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn. Các ngài khẳng định rằng những ai trong hoàn cảnh như thế muốn được rước lễ cần phải quyết tâm sống như anh em với nhau.

Các Giám Mục nhận định rằng ngày nay đang có sự hoang mang trong các tín hữu Công Giáo về các khả năng của một sự thay đổi trong kỷ luật bí tích của Giáo Hội:

“Điều này có thể xảy ra thông qua các phương tiện truyền thông, bạn bè, hoặc gia đình khiến nhiều cặp vợ chồng hiểu nhầm rằng có một sự thay đổi trong thực hành của Giáo Hội, cụ thể là giờ đây những người ly dị và tái hôn có thể được Rước Lễ trong các Thánh Lễ miễn là họ có một cuộc trò chuyện với một linh mục. Quan điểm này là sai lầm.”

Các Giám Mục dạy rằng trong những trường hợp như thế, các mục tử cần tháp tùng các cặp vợ chồng trong “một cuộc hành trình chữa lành và hòa giải,” dẫn họ đến với việc tham khảo ý kiến của các toà án hôn nhân.

Viện dẫn các giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II trong Familiaris Consortio, các giám mục viết: “Những ai tham gia vào một cuộc hôn nhân thứ hai bất hợp pháp và không muốn chấm dứt tình trạng này, vì có con cái trong kết hiệp đó, thì cần phải tránh sự thân mật tình dục và phải sống trong khiết tịnh như anh trai em gái.”
 
Đức Hồng y Schönborn làm rõ nhận định của ngài về khả năng của một cuộc xâm lược văn hóa Hồi Giáo tại châu Âu
Đặng Tự Do
01:17 16/09/2016
Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna đã ra một tuyên bố phủ nhận rằng ngài đã cảnh báo chống lại âm mưu chinh phục châu Âu của người Hồi Giáo.

Bài giảng thánh lễ Chúa Nhật 11 tháng 9 của ngài tại nhà thờ chánh tòa Thánh Stêphanô đang thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, đặc biệt trong cộng đồng Hồi Giáo. Trong bài giảng này vị Hồng Y, Tổng Giám Mục thủ đô Vienna đã nói về khả năng chinh phục châu Âu của người Hồi Giáo.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố nhằm giải thích ý kiến của ngài, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng: “Căn tính Kitô giáo của châu Âu đang gặp nguy hiểm, vì chúng ta những người châu Âu coi rẻ nó.” Đức Hồng Y thêm rằng, người Hồi giáo bây giờ đang chuẩn bị để điền vào khoảng trống văn hóa đó.

Đức Hồng Y Schönborn nói rằng bài giảng của ngài bị “các phương tiện truyền thông diễn dịch sai lạc như thể đó là một cuộc tấn công vào người Hồi giáo và thậm chí chống lại những người tị nạn.” Thực ra, Đức Hồng Y cho rằng, thách đố đối với các Kitô hữu châu Âu là phải khôi phục lại bản sắc văn hóa của mình.

“Rõ ràng có nhiều người Hồi giáo muốn lợi dụng sự yếu đuối của chúng ta,” Đức Hồng Y nói, “Họ không phải chịu trách nhiệm về chuyện đó. Nhưng chính chúng ta phải chịu trách nhiệm.”
 
Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Luật làm rõ những cản trở trong việc thụ phong linh mục
Đặng Tự Do
03:24 16/09/2016
Nam giới đã từng tham gia vào một vụ giết người, phá thai, hoặc đã từng tự tử không thể được coi là ứng viên chức linh mục. Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Luật cho biết như trên hôm thứ Năm 15 tháng 9, 2016.

Làm rõ khoản 1041 trong Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo, Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Luật cho biết sự hợp tác trong việc phá thai hay giết người là một trở ngại cho chức linh mục. Điều này cũng được áp dụng trong việc toan tính tự tử hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho chính mình. Các phán quyết mới đã được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Cha Juan Ignacio Arrieta, tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Luật nói rằng mặc dù những tội liên quan đến những hành động này có thể được tha thứ thông qua bí tích hòa giải, những điều này “vẫn còn là những dấu hiệu cảnh báo” nghiêm trọng về khả năng thực hiện thừa tác vụ linh mục.

Tuy nhiên, Đức Cha Arrieta cho biết thêm là Đức Giám Mục bản quyền sau khi cân nhắc và phân định trong những trường hợp cụ thể có thể loại bỏ các chướng ngại này.
 
Nhận định của các Giám Mục Trung và Đông Âu về tương lai của châu Âu
Đặng Tự Do
03:37 16/09/2016
Đại diện các Hội đồng Giám mục Công Giáo ở Trung và Đông Âu đã có cuộc gặp gỡ tại Bratislava để thảo luận về cuộc khủng hoảng của gia đình và sinh suất quá thấp ở châu Âu.

“Điều cần thiết là phải thúc đẩy những suy tư về bản sắc châu Âu, là điều luôn được liên kết với gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người phụ nữ”, Hội đồng các Giám Mục Trung và Đông Âu đã cho biết như trên trong một tuyên bố sau cuộc họp.

Các ngài nhấn mạnh rằng: “Chỉ xã hội nào coi trọng con cái mới là một xã hội có hy vọng.”

“Hiện nay, châu Âu, trước hết, cần có những gia đình ổn định và một chính sách dân số thận trọng. Nhập cư không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.”

Các giám mục cũng đã thảo luận về các chủ đề khác, bao gồm người tị nạn và cuộc bách hại các Kitô hữu trên thế giới, và bày tỏ niềm hy vọng rằng “Châu Âu sẽ trở thành một lục địa đặt sự sống con người - từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên - lên trên hết; hết mình hỗ trợ cho gia đình, và hôn nhân phải có một vị trí ưu tiên trong nhận thức của các vị đại diện dân cử”
 
Một phụ nữ Công Giáo bị chặt đứt chân tay cho đến chết tại bang Punjab của Ấn Độ
Đặng Tự Do
04:57 16/09/2016
Một phụ nữ Công Giáo, sống trong khu vực Punjab của Ấn Độ, bị khuyết tật trí tuệ nghiêm trọng đã bị giết một cách dã man bởi các tín hữu theo đạo Sikh là những người nghĩ rằng cô đã làm nhục sách thánh của họ.

Đức Giám Mục Franco Mulakkai của giáo phận Jalandhar cho thông tấn xã Công Giáo AsiaNews biết là cô Balwinder Kaur, 55 tuổi, đã qua đời vào ngày 11 tháng 9 sau khi cô bị kéo lê từ nhà mình ra đường, bị đánh đập dã man, và bị chặt đứt chân tay bằng rìu. Cô bị để cho chảy máu đến chết, một cách từ từ và đau đớn.

Đức Cha nói: “Tất cả những điều này là những bằng chứng cho thấy đang có những cuộc bách hại công khai ở Punjab.”
 
Đức Thánh Cha tiếp Thái tử Abu Dhabi
Đặng Tự Do
04:00 16/09/2016
Hôm thứ Năm 15 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Thái tử xứ Abu Dhabi, là ông Mohamed bin Zayed. Abu Dhabi là một trong bảy tiểu vương quốc hình thành nên United Arab Emirates hay còn gọi là Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất.

Cuối buổi tiếp kiến Thái tử đã tặng Đức Thánh Cha một tấm thảm Afghanistan, đến từ một xưởng dệt thảm Afghanistan do con gái ông điều hành trong một dự án từ thiện.

Đáp lại, Đức Thánh Cha đã tặng cho Thái tử một huy chương miêu tả ‘Cây Hòa bình’, và giải thích với Thái tử rằng “hòa bình là ơn gọi của chúng ta.”

Một tweet từ văn phòng của Thái tử Mohamed bin Zayed nói Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất đánh giá cao “các nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm đối đầu với bạo lực và chủ nghĩa cực đoan.”

Sau cuộc họp với Đức Thánh Cha, Thái tử và doàn tùy tùng đã gặp gỡ với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Một tweet khác từ văn phòng của Hoàng tử nói trong cuộc gặp gỡ này các vị đã thảo luận về việc “tăng cường quan hệ song phương, và về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.”
 
Đức Thượng Phụ Công giáo Canđê hoan nghênh các nỗ lực giải phóng vùng bình nguyên Ninivê
Đặng Tự Do
04:44 16/09/2016
Đức Hồng Y Raphael Louis Sako lên tiếng hoan nghênh các nỗ lực của quân Kurd nhằm loại bỏ các loại bom mìn do bọn khủng bố Hồi Giáo IS cài lại sau khi bị đánh bật khỏi 11 làng trong vùng bình nguyên Ninivê.

Ngày 14 tháng 8, dưới sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ và liên quân, các chiến binh Kurd đã giải phóng được 11 làng chỉ trong vòng hai ngày. Khu vực giải phóng bao gồm 150 km vuông.

Hôm 13 tháng 9, Đức Hồng Y Louis Sako bày tỏ hy vọng rằng các loại mìn cần phải được loại bỏ trước khi các trường học và trạm y tế được xây dựng lại cho những người tản cư có thể an toàn trở về cố hương.

Tại khu vực cầu Gwer, trong ba ngày, công binh Kurd đã loại bỏ 280 mìn các loại, hai hầm chứa mìn và một địa đạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Chiến dịch giải phóng Mosul hiện nay vấp phải một nan đề là sự lo lắng về đất đai của chính phủ Baghdad. Họ lo ngại người Kurd sẽ mở rộng khu tự trị Kurdistan.

Sau khi quân Kurd giải phóng được 11 làng, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi bày tỏ mối quan tâm của ông trước đà tiến quá nhanh của người Kurd nên yêu cầu quân Kurd rút lui và bàn giao các vùng giải phóng được cho các lực lượng an ninh Iraq.

Trong khi đó, Khasro Goran, một thành viên người Kurd của quốc hội ở thủ đô Baghdad, phản đối đề nghị này và nói rằng vùng mới giải phóng từ quân khủng bố Hồi Giáo IS là một phần của khu Kurdistan, và người Kurd sẽ không rút lui.
 
Đức Thánh Cha tiếp đại diện Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa
Đặng Tự Do
07:00 16/09/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Trưởng Hilarion của giáo phận Volokolamsk, là chủ tịch của Ủy Ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, hôm 15 tháng 9.

Theo Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, hai vị đã thảo luận về tình trạng bách hại các Kitô hữu tại Trung Đông, các nỗ lực chung trong lĩnh vực văn hóa, và tuyên bố chung hồi tháng Hai vừa qua tại Cuba giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Kirill.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một món quà từ Thượng Phụ Kirill, đó là một di tích của một tu sĩ Nga, là Thánh Seraphim thành Sarov sinh năm 1754 và qua đời năm 1833.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tiếp kiến.

Thông cáo do Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra sau đó cho biết:

“Hai vị đã tập trung vào tình hình của các Kitô hữu tại Trung Đông và Bắc Phi đang đau khổ dưới bàn tay của những kẻ khủng bố. Đức Tổng Giám Mục Hilarion và Đức Hồng Y Pietro Parolin xem tình hình này là rất khó khăn, nhưng hy vọng các cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ sẽ mang lại những hoa trái tốt.”
 
Ngày Năm Thánh của các sứ thần Tòa Thánh
Đặng Tự Do
07:11 16/09/2016
106 trong tổng số 108 sứ thần Tòa Thánh và các vị đại diện ngoại giao của Đức Giáo Hoàng đã nhóm họp tại Rôma từ ngày 15 tháng 9 trong khuôn khổ ba ngày hội họp mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Ngày 15 tháng 9, Đức Ông Piero Coda, đứng đầu Viện Đại học Sophia của phong trào Focolare, đã hướng dẫn một cuộc thảo luận có chủ đề “Thế giới hôm nay - Giáo Hội hôm nay - và Đức Thánh Cha Phanxicô”.

Cha Robert Gahl, một linh mục của Opus Dei và là giáo sư môn đạo đức tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá, đã hướng dẫn một cuộc thảo luận về đề tài “Sách Sáng Thế và trường hợp của văn hóa giới tính: các phương pháp tiếp cận”

Ngày 16 tháng 9, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, hướng dẫn một cuộc thảo luận về đối thoại liên tôn và quan hệ với Hồi giáo.

Ngày 17 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự một thánh lễ với các sứ thần Tòa Thánh. Trong thánh lễ này Đức Ông Pierangelo Sequeri, tân viện trưởng của Viện Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa được thành lập để nghiên cứu về hôn nhân và gia đình, giảng trong thánh lễ.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục thực thi lòng thương xót
Lm. Trần Đức Anh OP
10:19 16/09/2016
VATICAN. Sáng ngày 16-9-2016, trong buổi tiếp kiến 154 GM thuộc Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, ĐTC mời gọi các vị trở thành những ”mục tử của lòng thương xót”.

Đây là những GM mới thụ phong gần đây, trong số các vị có một người Việt Nam là Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương, tân GM giáo phận Kamloop, ở miền tây Canada.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắn nhủ các GM chu toàn nghĩa vụ làm cho lòng từ bi thương xót trở thành trọng tâm toàn thể công việc mục vụ. Ngài nói: ”Cần làm sao để lòng thương xót hình thành và chi phối tới các cơ cấu mục vụ trong các giáo phận của anh em. Đây không phải là hạ thấp những đòi hỏi hoặc bán rẻ các hạt ngọc trai của chúng ta. Trái lại điều kiện duy nhất để hạt trai quí giá đặt ra cho những người tìm thấy nó, đó là cần phải chấp nhận mọi rủi ro để đạt được nó”.

”Anh em đừng sợ đề nghị Lòng Thương Xót như tóm lược tất cả những gì Thiên Chúa cống hiến cho thế giới, vì đó là điều lớn nhất mà trái tim của con người có thể khao khát”.

ĐTC cũng đề ra một loạt các lời khuyên cho các GM mới để biến lòng thương xót thành trọng tâm việc mục vụ, ví dụ: ”Anh em hãy trở thành những GM có khả năng thu hút tâm hồn con người,.. hãy làm cho sứ vụ anh em trở thành biểu tượng lòng thương xót, là sức mạnh duy nhất có khả năng thu hút và lôi kéo trường kỳ trái tim con người... Anh em hãy trở thành những GM có khả năng giáo huấn những người được ủy thác cho anh em.

ĐTC nói thêm rằng ”Tôi nhắc nhở anh em hãy chăm lo vun trồng cuộc sống thân mật với Thiên Chúa là nguồn mạch sự tự chủ và hiến thân, tự do đi ra ngoài và trở về.”

Hằng năm Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương vẫn tổ chức khóa bồi dưỡng kéo dài khoảng 10 ngày tại Học viện Nữ Vương các Tông Đồ của dòng Đạo Binh Chúa Kitô dành cho các GM mới chịu chức thuộc thẩm quyền của hai bộ, còn Bộ Truyền giáo tổ chức khóa tương tự, hai năm một lần, tại Giáo Hoàng Học viện thánh Phaolô. (SD 16-9-2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ khai giảng khóa Cao Học Thần Học : Viễn Tượng Học Viện Công Giáo Việt Nam
+Giám Mục Giuse Đinh Đức Đạo
15:37 16/09/2016
HỌC VIỆN Công Giáo VIỆT NAM
72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh
Email: uybangiaoduc@gmail.com; Đt: 093 890 5015 – 096 725 7483

VIỄN TƯỢNG HỌC VIỆN Công Giáo VIỆT NAM
LỄ KHAI GIẢNG KHÓA CAO HỌC THẦN HỌC

Ngày 14.09.2016

Trọng kính Đức Tổng Phaolô, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) Chưởng ấn Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN)
Trọng kính quý Đức Cha
Kính thưa quý Cha Bề Trên các Hội Dòng
Kính thưa quý Khách
Kính thưa quý Cha, quý Dì và quý Anh Chị trong Ban Giáo sư và Ban Điều hành của HVCGVN
Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ - Sinh viên của HVCGVN

Hôm nay, giấc mơ của HĐGMVN về Đại Học Công Giáo được chính thức thành hình trong những bước đầu. Đây là kết quả của sự cộng tác và nhiệt tâm của nhiều thành phần Dân Chúa, dưới sự lãnh đạo của các Giám mục Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo (UB.GDCG) của HĐGMVN.

I. TÓM LƯỢC NHỮNG BƯỚC HÌNH THÀNH HVCGVN

Hôm nay là ngày Khai giảng năm học 2016 – 2017 của Khóa Cao học Thần học, mà hơn nữa còn là ngày chính thức khai mào sinh hoạt của HVCGVN. Vì vậy, chúng con xin được trình bày tóm lược những bước hình thành của HVCGVN.

1. Trong Hội Nghị Thường niên Kỳ I năm 2010, 05-09/4/2010, tại Bãi Dâu, HĐGMVN đã bàn thảo và quyết định thành lập “Học Viện Thần Học Cao Cấp cho Giáo Hội Việt Nam”. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, khi đó là Chủ Tịch UB.GDCG và sau đó, Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ Tịch nhiệm kỳ tiếp theo, đã bắt tay vào công việc khó khăn của những bước đầu qua việc tham khảo ý kiến của nhiều thành phần Dân Chúa.

2. Ngày 28/01/2014 Dự Án “Học Viện Thần Học Cao Cấp” được UB.GDCG chính thức gửi đến quý Đức Hồng Y, quý Đức Tổng, quý Đức Cha trong HĐGMVN, quý Cha Giám Đốc các Đại Chủng Viện, Học Viện Thần Học và quý Bề Trên các Hội Dòng để xin ý kiến.

3. Từ những ý kiến nhận được, UB.GDCG đã soạn thảo Dự Án về Học Viện Thần Học với danh xưng Học Viện Công Giáo Việt Nam. Dự án này được HĐGMVN bàn đến trong Hội Nghị Thường Niên Kỳ I năm 2014, tổ chức từ ngày 21-15/4/2014, tại Trung Tâm Công Giáo TGP. TP HCM và được chấp thuận ngày 22/4/2014

4. Ngày 29/4/2014, Đức Cha Chủ tịch UB.GDCG trình bày Dự án “HVCGVN” lên Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc.

5. Ngày 02/5/2014, Đức Cha Chủ tịch UB.GDCG trình bày Dự án “HVCGVN” lên Bộ Giáo Dục Công Giáo (GDCG) của Tòa Thánh.

6. Ngày 25/5/2014, Đức Tổng Phaolô, Chủ Tịch HĐGMVN gửi văn thư sang Bộ GDCG của Tòa Thánh, xin thành lập một Phân Khoa Thần Học cho Giáo Hội Việt Nam.

7. Ngày 12/6/2014, Bộ GDCG của Tòa Thánh gửi văn thư chấp thuận chủ trương cho HĐGMVN thành lập một Học viện Thần Học tự lập (Autonomous Institute of Theology), tức là một Phân Khoa Thần Học.

8. Ngày 02/01/2015, Đức Tổng Phaolô, Chủ Tịch HĐGMVN gửi văn thư đến Thủ Tướng Chính Phủ xin được thành lập HVCGVN.

9. Ngày 07/7/2015, Ban Tôn Giáo Chính Phủ gửi đến HĐGMVN văn thư cho chủ trương thành lập HVCGVN.

10. Ngày 06/8/2015, Ban Tôn Giáo Chính Phủ trao Quyết Định cho thành lập HVCGVN.

11. Ngày 14/9/2015, Lễ Suy tôn Thánh Giá, Bộ GDCG của Tòa Thánh ký Sắc lệnh thành lập HVCGVN và ngày 21/10/2015 chính thức trao Sắc lệnh này cho HĐGMVN cùng với văn thư bổ nhiệm Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch UB. Giáo dục Công Giáo, làm Viện Trưởng HVCGVN, trong thời kỳ phôi thai của HVCGVN.

12. Ngày 05-06/7/2016, HVCGVN mở cuộc thi tuyển Khóa Cao học Thần học.

13. Ngày 14/9/2016, Khai giảng Khóa Cao học Thần học. HVCGVN chính thức bước vào thời kỳ hoạt động.

II. MỤC ĐÍCH CỦA HỌC VIỆN Công Giáo VIỆT NAM

1. Nhìn vào nhu cầu đời sống của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (GHCGVN) hôm nay, người ta có thể thấy ngay mục đích của HVCGVN là góp phần vào nỗ lực nâng cao kiến thức và khả năng thần học của mọi thành phần Dân Chúa (Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân), qua việc đào tạo các cấp Cao học và Tiến sĩ. Kiến thức sâu xa và khả năng suy tư thần học ở nơi nào và vào thời đại nào cũng hữu ích, nhưng đặc biệt cần thiết cho người Công Giáo Việt Nam hôm nay, đứng trước những hoàn cảnh của thời đại, nhất là hai hoàn cảnh sau đây:

- Qua các phương tiện truyền thông và qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu với nhiều thành phần trong nước và các quốc gia khác, người Công Giáo Việt Nam tiếp xúc với rất nhiều trào lưu tư tưởng và nếp sống khác nhau. Những tư tưởng và nếp sống đó có thể đóng góp cho việc hiểu và sống Tin Mừng được sâu đậm và phong phú hơn, nhưng cũng có thể gây ra những khó khăn, nghi nan về nếp sống theo Tin Mừng hay về chính Tin Mừng của Chúa.

- Vì nhu cầu, cơ cấu và nếp sống của xã hội kỹ nghệ hóa và kỹ thuật hóa, cuộc sống của con người Việt Nam đang từ từ chuyển biến từ nếp sống có tính cách gia đình và cộng đoàn sang nếp sống mang đậm tính cá nhân. Trong hoàn cảnh này, truyền thống và tập tục sống đạo sẽ không đủ để nâng đỡ đời sống Đức Tin của các tín hữu, mà còn cần có sự hiểu biết và xác tín cá nhân của người tín hữu nữa.

2. Nhìn vào chiều sâu, việc thành lập HVCGVN còn có nhiều ý nghĩa quan trọng khác

- Trước tiên, đối với chính Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (GHCGVN), việc thành lập HVCGVN nói lên mức độ trưởng thành của GHCGVN. Để thấy rõ ý nghĩa của nhận định nói trên, cần phải hiểu là việc đào tạo nhân sự trên khía cạnh trí thức theo hệ thống Đại học trong Giáo Hội Công Giáo (GHCG) có ba cấp (Chu kỳ). Cấp I là cấp căn bản, kéo dài 5 năm và kết thúc với bằng Cử nhân Thần học; Cấp II là cấp chuyên môn, kéo dài 2 hay 3 năm, tùy theo chuyên ngành và kết thúc với bằng Cao học Thần học và Cấp III là cấp nghiên cứu chuyên ngành, kéo dài 3 hay 4 năm tùy khả năng làm việc của mỗi ứng viên và kết thúc với bằng Tiến sĩ Thần học. Cho đến nay, GHCGVN mới có các Đại Chủng viện. Chương trình học về khía cạnh trí thức của Đại Chủng viện tương đương với chương trình học của Cấp I trong hệ thống Đại học của GHCG.

- Đối với GHCG hoàn vũ, qua Học viện Công Giáo, GHCGVN sẽ có cơ hội đóng góp với Giáo Hội hoàn vũ những suy tư về Đức Tin và về những kinh nghiệm sống Đức Tin của mình. Tuy cùng một Đức Tin, nhưng Đức Tin sẽ được mỗi người, mỗi dân tộc diễn tả theo sắc thái văn hóa và hoàn cảnh sống riêng biệt của mình. Ngoài ra, các suy tư thần học phát xuất từ một đời sống Đức Tin sống động như đời sống của GHVN hiện nay, chuyển tải sức sống của Tin Mừng và đây chắc chắn là một đóng góp quan trọng mà GHVN có thể dâng tặng cho Giáo Hội Hoàn Vũ.

- Đối với Quê Hương Việt Nam, GHCGVN hy vọng có những đóng góp qua các nghiên cứu của HVCGVN. Với những suy tư dưới ánh sáng của Đức Tin, người Công Giáo sẽ làm cho nhiều yếu tố và nếp sống của truyền thống Việt Nam được rõ nét và tươi sáng hơn. Chẳng hạn về chữ Hiếu. Người Việt Nam nào cũng coi trọng lòng hiếu thảo đối với Tổ tiên và ông bà, cha mẹ vì là nét đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam, nhưng đối với người CGVN, lòng hiếu thảo còn có tính chất linh thiêng vì là lệnh truyền của Thiên Chúa. Trong đạo Công Giáo có 10 Điều Răn của Đức Chúa Trời. Sau 3 điều răn về bổn phận đối với chính Thiên Chúa, điều răn thứ bốn là điều răn về lòng hiếu thảo: “Hãy thảo kính Cha Mẹ”. Với nền tảng văn hóa và thần học vững chắc, người Công Giáo rất trân trọng chữ Hiếu và có những nếp sống về lòng hiếu thảo rất đặc biệt và sâu đậm. Chỉ cần tham dự Thánh Lễ thì biết là người Công Giáo cầu nguyện cho Tổ tiên và ông bà, cha mẹ hằng ngày và nếu đến nghĩa trang của người Công Giáo vào ngày 02 tháng 11 và ngày Mồng Hai Tết sẽ thấy tâm tình của người Công Giáo đối với Tổ tiên và ông bà, cha mẹ của họ sâu đậm chừng nào. Những suy tư và nếp sống hiếu thảo của người Công Giáo sẽ là một đóng góp cho Đạo Hiếu của anh chị em đồng bào của mình.

III. ĐẶC TÍNH CỦA HỌC VIỆN Công Giáo VIỆT NAM: HIỆP NHẤT



Đặc t
ính của HVCGVN là tinh thần hiệp nhất, biết quy tụ những yếu tố khác biệt và biến chúng thành yếu tố bổ túc cho nhau, làm cho tất cả được thêm phong phú.

Tinh thần hiệp nhất phát sinh ngay từ bản chất của Học Viện Công Giáo, vì HVCGVN là chủ trương của HĐGMVN cho toàn thể GHCGVN và việc thực hiện của Học viện này là kết quả của sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa của GHVN: các Giáo phận, các Dòng tu, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân. Ban giảng huấn cũng nói lên sự hợp tác của nhiều thành phần, gồm Linh mục Giáo phận, Linh mục dòng, Tu sĩ nam nữ và Giáo dân. Xét về nguồn gốc thụ huấn, Ban Giảng Huấn gồm những vị đã được đào tạo và tốt nghiệp Tiến sĩ bên Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Pháp, Rôma, Phi luật tân, Vương quốc Bỉ, Đức Quốc, v.v. Ngoài ra, Học viện cũng có chương trình mời một số vị thỉnh giảng từ các Đại học quốc tế và liên kết với các Đại học quốc tế cho một số chương trình cụ thể. Hiện nay, HVCGVN đã có những chương trình cụ thể liên kết với Đại học “Holy Family University” bên Philadelphia/USA và Đại học Công Giáo Leuven (Vương quốc Bỉ). Hy vọng, trong tương lai, HVCGVN sẽ còn liên kết với một số Đại học khác nữa.

Hôm nay, HVCGVN được đặt trong tòa nhà Văn Phòng HĐGMVN. Chúng ta hy vọng trong một thời gian không xa, với sự hỗ trợ của nhiều người, HVCGVN sẽ có không gian riêng, rộng rãi và xứng hợp hơn.

IV. MỘT GIẤC MƠ

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ước mơ về một Đại học Công Giáo có uy tín và mở rộng để phục vụ các Giáo Hội địa phương trong khu vực.

Với nguồn nhân lực, cũng như trình độ và khả năng của Ban Giảng huấn, Học viện Công Giáo Việt Nam đã được Bộ Giáo Dục của Tòa Thánh công nhận và cho phép hoạt động. Do đó, văn bằng Thần học của HVCGVN có giá trị sánh ngang với văn bằng Thần học của các Đại học Công Giáo quốc tế trên thế giới. Tuy nhiên, trên thế giới và ngay cả trong Giáo Hội Công Giáo, có những Đại học có nhiều uy tín hơn các Đại học khác. Chúng ta mơ ước và đưa hết tâm lực thực hiện để HVCGVN sẽ trở thành một Đại học có uy tín trên thế giới.

Chúng ta muốn mơ xa hơn, đó là HVCGVN sẽ được tham dự vào việc giáo dục ở các ngành khác, ngoài Thần học và từ từ phát triển để đáp ứng nhu cầu, không phải chỉ của GHVN và cả những nước trong khu vực. Khi sang Rôma tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, có dịp nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Nagasaki (Nhật Bản) và Đức Cha Chủ tịch HĐGM Laos – Republica Khmer, các ngài tỏ lòng mong ước Việt Nam mở Đại học Công Giáo để các ngài có thể gửi chủng sinh sang học. Cả các nhân viên Ban Tôn Giáo Chính Phủ cũng cầu mong cho HVCGVN không những chỉ phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam, mà cả Giáo Hội tại các nước trong khu vực. Viễn tượng này đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó Ban Giáo Sư có khả năng truyền đạt kiến thức thần học bằng Anh ngữ là một yếu tố không thể thiếu.

Chúng ta tin tưởng rằng những giấc mơ của HĐGMVN về HVCGVN sẽ được thực hiện vì chúng ta không chỉ có các cộng tác viên, mà các cộng tác viên có khả năng, nhiệt thành, quảng đại và cùng hướng về giấc mơ của HĐGMVN và của chung GHVN. Đó chính là các Linh mục, Tu sĩ và các Anh chị trong Ban Giáo Sư và Ban Điều Hành của HVCGVN.

+ GM Giuse Đinh Đức Đạo
Viện Trưởng HVCGVN
 
Lễ giỗ thứ 14 Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận tại Roma
Lm. Trần Đức Anh OP
11:20 16/09/2016
ROMA. Sáng ngày 16-9-2016, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình, đã chủ sự lễ giỗ lần thứ 14 Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

ĐHY đã được ĐTC bổ nhiệm làm Tổng trưởng bộ ”Phục vụ sự phát triển toàn diện của con người”, mới được thành lập và bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-2017.

Đồng tế với ĐHY Turkson tại Nhà Thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Madonna della Scala) ở Roma còn có 6 GM Việt Nam vừa kết thúc khóa bồi dưỡng 2 tuần lễ do Bộ truyền giáo tổ chức, một số LM Việt Nam và Italia, trước sự hiện diện của khoảng 100 người gồm các viên chức của Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, cùng với Liên tu sĩ Việt Nam ở Roma.

Trong bài giảng, ĐHY Turkson đã diễn giải bài Tin Mừng của ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi mừng kính hôm 15-9 vừa qua, và áp dụng vào cuộc sống và sứ mạng của Vị Tôi Tớ Chúa ĐHY Nguyễn Văn Thuận. Như Mẹ Maria, Đức Cố Hồng Y cũng đã cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa Kitô qua sự tiếp nhận những đau khổ trong cuộc sống.

Cuối thánh lễ, cộng đoàn đã đến trước bàn thờ bên dưới có mộ của ĐHY Nguyễn Văn Thuận và cùng đọc kinh cầu xin Chúa cho án phong chân phước của Người sớm được kết thúc tốt đẹp với việc tôn vinh Vị Tôi Tớ Chúa trên bàn thờ (TPN 16-9-2016)
 
Lễ giỗ ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Huế
Trương Trí
11:40 16/09/2016
LỄ GIỖ LẦN THỨ XIV TÔI TỚ CHÚA: ĐỨC CỐ Hồng Y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA PHỦ CAM HUẾ

Sáng ngày 16 tháng 9, theo lời mời gọi của Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, Quản xứ Chính tòa Phủ Cam Huế. Lễ Giỗ lần thứ 14 của vị Tôi Tớ Chúa đáng kính: Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn thuận được cử hành trọng thể tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam Huế. Cùng đồng tế có Cha Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại Chủng viện Xuân Bích Huế; Cha Augustin Nguyễn Văn Dụ; Cha Phêrô Nguyễn Quang Duy, Bề trên dòng Chúa Cứu thế Huế; Cha Đaminh Phan Hưng, Giám đốc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế; Cha Georgio Nguyễn Thành Phương, Thư ký Tòa Tổng Giám mục; Quí Cha là con cái Giáo xứ Chính tòa và quí Cha trong Giáo phận. Cùng hiệp dâng lời cầu nguyện có quí nưc tu đại diện các Hội dòng tại Huế, bà con thân tộc của Đức Cố Hồng Y và cộng đoàn Giáo xứ Chính tòa. Di ảnh của Đức Hồng Y được đặt trang trọng trước bàn thờ.

Xem Hình

Trước khi đi vào Thánh lễ, ông Phêrô Đặng Văn Hoàng, Trưởng ban Phụng vụ của Giáo xứ Chính tòa thay mặt Giáo xứ đọc Tiểu sử của Đức Cố Hồng Y:

Ngài sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928 tại Phủ Cam, thân phụ là Cụ Cố Tađêô Nguyễn Văn Ấm, thân mẫu là Bà Cố Elisabeth Ngô Đình Thị Hiệp. Năm 1938, Ngài vào Chủng viện An Ninh – Quảng Trị, đến năm 1947 vào Đại Chủng viện Phú Xuân Huế.

Ngày 11 tháng 6 năm 1953, Ngài được Đức Cha Jean Baptiste Urrutia Thi, Giám mục Đại diện Tông tòa Huế truyền chức Linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam.

Năm 1956 – 1959, Ngài du học tại Ý và đậu bằng tiến sĩ Giáo luật tại Đại học Urbano năm 1959.

Năm 1962, Ngài làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Hoan Thiện Huế.

Năm 1964 – 1967, Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Đại diện Giáo phận Huế.

Ngày 24 tháng 6 năm 1967, Ngài được tấn phong Giám mục do Đức Khâm sứ Tòa Thánh Algelo Palma chủ phong.

Sau đó Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Nha Trang: 1967 – 1975.

Từ ngày 23 tháng 4 năm 1975, Ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó với quyền kế vị Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Kể từ ngày 15.8.1975 đến ngày 24.11.1988, Ngài bị mất tự do (13 năm).

Từ tháng 11 năm 1991, Ngài định cư tại Rooma, Ý.

Ngày 24.11.1994, Ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình. Và ngày 24.6.1998, Ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng này.

Mùa Chay Năm Thánh 2000, Ngài giảng Tĩnh tâm cho Giáo triều Rôma.

Ngày 21.02.2001, Ngài được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong tước Hồng Y.

Ngài qua đời ngày 16.09. 2002 tại Rôma, an tang tại nghĩa trang Campo Verano, Rôma.

Ngày 17.09.2007, Ngài được Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình xin mở án phong Thánh.

Ngày 22.10.2010, Tòa Thánh chính thức mở án phong Thánh cấp Giáo phận cho Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Ngày 08.06.2012, di hài của Ngài được cải tang về Nhà thờ Đức Mẹ Scala, Rôma để tiện cho việc điều tra án phong Thánh của Ngài.

Hôm nay, hiệp ý với Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, cũng như với tín hữu Công Giáo Việt Nam khắp toàn cầu, cầu nguyện và xin Chúa cho Giáo Hội Việt Nam có một vị Thánh hiển tu để làm rạng danh non sông, giống nòi Việt Nam.

Mở đầu Thánh lễ, Cha Quản xứ Antôn Nguyễn Văn Tuyến cũng nhắc lại vị Tôi Tớ Chúa đáng kính, người con ưu tú của Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam Huế. Một con người vĩ đại đã làm sáng danh Chúa, như những gì Ngài đã viết trong “Đường Hy Vọng”: Niềm vui lớn lao nhất của tôi là mỗi ngày với 3 giọt rượu nho và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi dâng Thánh lễ.

Cha Phó xứ Giuse Maria Hỗi Hiếu Trung đã đọc thư của Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình gởi Gia đình Cựu Chủng sinh Huế nói chung và ông Nguyễn Cả, đại diện Gia đình Cựu Chủng sinh Huế cách riêng. Qua đó cho biết: Đề án cho Tôi tớ Chúa Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã hoàn tất. Đề án này sẽ được thẩm định bởi những nhà Thần học trực thuộc bộ Phong Thánh. Giai đoạn mới của Đề án sẽ tốn khá nhiều kinh phí chi cho phụ trội việc in ấn và phổ biến các bản sao của Đề án. Mong có được sự yểm trợ của tất cả quí vị, đặc biệt là Gia đình Cựu Chủng sinh Huế.

Trong bài giảng lễ, Cha Augustino Nguyễn Văn Dụ, người được vinh dự sống gần Đức Cố Hồng Y trong những năm tháng cuối đời, và tham dự vào những biến cố của tiến trình phong Chân phước và phong Thánh cho Ngài chia sẻ: Ngày 17. 9. năm 2007, Giáo Hội bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc phong Chân phước và tuyên Thánh cho Ngài. Cùng lúc đó, trong buổi triều yết tại dinh thự Castel Gandolfo, Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “Tôi vui mừng nhân cơ hội này để một lần nữa nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Ngài đã soạn thảo bản Toát yếu Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh. Làm sao quên được những nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của Ngài. Chúng ta tưởng nhớ đến Ngài với sự than phục lớn lao, trong khi chúng ta hồi tưởng lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy hy vọng, đã làm cho Ngài luôn sống động và tìm cách thế để dễ dàng lan truyền ra và thuyết phục nhiều người. Đức Hồng Y Văn thuận là con người của Hy vọng,. Ngài sống bằng Hy vọng, và Ngài phổ biến niềm hy vọng cho những ai gặp gỡ.. Đức Cố Hồng Y thường nhắc lại rằng: Ki tô hữu là con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Đức Kitô.”

Sau đó, Cha Augustino chia sẻ về những năm tháng cuối đời của Đức Hồng Y, nhất là những ngày cuối đời sống trong bệnh viện. Nhất là cuộc gặp gỡ với Ngài khi Ngài ra khỏi phòng hồi sức, và cùng Ngài dâng Thánh lễ trên giường bệnh đúng một tháng trước khi Ngài qua đời. Cha Augustino thật sự xúc động khi nói về quyết định của Đức Hồng Y khi Ngài còn làm Giám đốc Chủng viện Hoan Thiện, đó là thu nhận một số chủng sinh lớn tuổi nhưng vẫn quyết định phó dâng cuộc đời cho Chúa, trong đó có Cha Augustino. Chúng tôi thường gọi là tu muộn hoặc Trưởng nhập, vì lúc đó các anh đã lớn tuổi như Cha Dụ, Cha Nghiêm cùng vào Chủng viện năm 1967 với lớp tôi, nhưng các anh vào là kiêm luôn dạy học cho các lớp nhỏ.

Kết thúc bài chia sẻ, Cha Augustino đã đọc lại bài nói chuyện của Đức Hồng Y tại Giáo hoàng Học viện Pio X Đà Lạt vào năm 1967, khi Ngài vừa làm Giám mục, như một linh đạo nên Thánh của Ngài: “Đức Tin trong cuộc đời Linh mục, bổn phận của người Linh mục. Một khía cạnh thực của đời Linh mục đó là cái khổ, và sau cùng là với những kết luận thực tiễn và cấp thiết.

Sau Thánh lễ, Cha Chủ tế và quí Linh mục đồng tế, đại diện các Hội Dòng, đại diện HĐGX Chính tòa Phủ Cam, đại diện bà con thân tộc của Đức Hồng Y đã niệm hương trước di ảnh của Ngài.

Như trên đã nói, do việc lập Đề án Phong Thánh cần một số kinh phí phụ trội, mong mõi sự đóng góp của không chỉ Gia đình Cựu Chủng sinh Huế, mà của nwhngx ai yêu mến Ngài. Mọi kinh phí xin gởi về:

Hải ngoại: Ca Nguyen. 4625 W. Stanford Ave. Denver, CO 80236

Quốc nội: Trần Thị Bích Huệ. Số Tài khoản: 6380 205 145 559 Ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Thạnh.

Trương Trí
 
Giáo xứ Mẹ Thiên Chúa Phan Thiết mừng Trung Thu
Pet. Đình Luyện
22:09 16/09/2016
GIÁO XỨ MẸ Thiên Chúa, PHAN THIẾT: THIẾU NHI VUI TRUNG THU

“Tết trung thu rước đèn đi chơi…”, tiếng hát vang báo hiệu ngày tết trung thu đã đến với các em thiếu nhi. Hòa trong dòng chảy của niềm vui năm thánh Lòng Chúa Thương Xót, cùng với sự giúp đỡ của các vị ân nhân, giáo xứ Mẹ Thiên Chúa đã tổ chức chương trình vui tết trung thu và phát quà cho các em thiếu nhi không phân biệt tôn giáo trong địa bàn giáo xứ: hai xã và một thị trấn vào tối thứ năm, ngày 15/9/2016.

Xem Hình

Đúng 18 giờ, các em thiếu nhi tập trung trước nhà xứ và được cha xứ trao cho các lồng đèn đủ màu sắc để theo đoàn rước tiến vào nhà thờ và tham dự thánh lễ trung thu cầu cho các em thiếu nhi thật sốt sắng.

Sau thánh lễ, các em thiếu nhi tiến ra khuôn viên nhà xứ để tham dự đêm văn nghệ vui trung thu với chủ đề “Vầng Trăng Yêu Thương” đầy ý nghĩa và sôi động.

20giờ 45, chương trình văn nghệ vui trung thu được khép lại. Các em ra về trong niềm vui với nụ cười hạnh phúc vì được sự yêu thương của cha mẹ, các ân nhân, giáo xứ, cha xứ…. được thể hiện qua 1000 phần quà, và các lồng đèn trên tay.

Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con vầng trăng để đêm nay chúng con được nối kết trong tình yêu và sự hiệp nhất. Ước mong sự yêu thương và hiệp nhất sẽ tỏa rạng trong cuộc sống đời thường của chúng con và mọi người sẽ nhận biết Chúa là Đấng yêu thương con người.

Pet. Đình Luyện
 
Đan viện Châu Sơn Nho Quan mừng 80 năm Thành lập
ĐV Nho Quan
19:07 16/09/2016
NHO QUAN - Ngày 8/9/2016, cùng với Giáo Hội hoàn vũ mừng kính trọng thể Lễ Sinh Nhật Đức Maria, Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan cũng mừng sinh nhật 80 năm thành lập Đan viện 1936 - 2016.

Hình ảnh

Trong dịp này, Đan viện Châu Sơn Nho Quan đã long trọng đón tiếp các nam nữ đan sĩ trong Hội Dòng về tham dự kỳ tĩnh huấn. Cũng là dịp có mặt đầy đủ các Viện phụ, Viện mẫu, Bề trên và các thành viên đại diện các cộng đoàn trong Hội dòng quy tụ về Đan viện Châu Sơn, trong ngày đại lễ mừng sinh nhật 80 năm thành lập cộng đoàn.

Trước đó, vào tối 7/9/2016, Đan viện Châu Sơn Nho Quan đã tổ chức đêm diễn nguyện và giao lưu văn nghệ cùng với Hội dòng. Qua ba phần diễn nguyện, các anh em trẻ trong cộng đoàn đã diễn tả lại một cách sống động bằng những tiểu phẩm hết sức công phu và ý nghĩa ba giai đoạn lịch sử phát triển Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Giai đoạn thành lập 1936 – 1950; giai đoạn thử thách 1951 – 1988; giai đoạn hồi sinh phát triển 1989 – nay. Phần thứ tư là giao lưu văn nghệ, với sự đóng góp rất nhiều tiết mục của các cộng đoàn Đan viện Châu Thủy, Đan viện Phước Lý; đặc biệt ba cộng đoàn Nữ Đan viện Vĩnh Phước, Phước Hải và Phước Thiên. Tất cả đã làm cho đêm giao lưu văn nghệ thật sinh động, thánh thiêng và ý nghĩa. Cuối buổi giao lưu văn nghệ là một vài tâm tình chia sẻ của Viện phụ Hội trưởng, Viện mẫu. Các cộng đoàn trong Hội dòng gửi tặng cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan những món quà ý nghĩa trong ngày mừng Sinh Nhật 80 năm thành lập. Cha Viện trưởng Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào đã đại diện cộng đoàn đáp lời cám ơn, và gửi tặng các thành viên tham dự kỳ tĩnh huấn món quà là bức chân dung cha Tổ phụ Biển Đức Thuận (do tự tay anh em trong cộng đoàn tác tạo nên), và một cuốn sách “Sống lòng thương xót theo gương Mẹ Tê-rê-xa” của Đức nguyên TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Đêm giao lưu văn nghệ kết thúc bằng giây phút hồi tâm cầu nguyện, do Đức nguyên TGM Giuse chủ sự, và ban phép lành, cuối cùng là buổi liên hoan nhẹ với nhau.

Thánh lễ Mừng Sinh Nhật Đức Maria, Đan viện Châu Sơn Nho Quan Mừng kỷ niệm 80 khai sinh cộng đoàn (8/9/1936 - 8/9/2016)

Thánh lễ diễn ra lúc 9h30 ngày 8/9/2016 tại Thánh đường Đan viện. Hiện diện trong thánh lễ này có Đức Giám Mục Giáo phận Phát Diệm, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng – chủ tế (hôm nay cũng chính ngày kỷ niệm 7 năm, ngài được thụ phong giám mục, trở thành chủ chăn Giáo phận Phát Diệm 2009). Đồng tế với Đức Cha Giuse, có Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Đức nguyên TGM Giuse Ngô Quang Kiệt và cha Viện trưởng Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào – Đan viện Châu Sơn Nho Quan; cùng với Viện Phụ Hội trưởng Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn – Cộng đoàn Phước Sơn, Viện phụ Bosco Trần Văn Thành – Cộng đoàn Châu Thủy, Viện phụ Giuse Khang Nguyễn Long Tiên – Cộng đoàn Thiên Phước, Viện phụ Phê-rô Khanh Trần Như Hảo – Cộng đoàn Phước Vĩnh, cha Viện trưởng Martino Porres Nguyễn Tiến Dũng – Cộng đoàn An Phước, cha Viện phó Martino Porres Nguyễn Văn An – Cộng đoàn Châu Sơn Đơn Dương, Cha Anphongso nguyễn Xuân Thái – đại diện Cộng đoàn Fatima – Thủy Sĩ; và quý cha trong Hội Dòng, quý cha trong giáo hạt Vô Hốt, quý cha đến từ các giáo xứ trong và ngoài Giáo phận Phát Diệm. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của tân Viện mẫu Gioan Thánh Giá Phạm Ghy Tạc – Nữ Đan viện Vĩnh Phước, chị Viện trưởng Timotheo Nguyễn Thị Nhẫn – Nữ Đan viện Phước Hải, chị Viện trưởng Cecilia Nguyễn Thị Oanh – Nữ Đan viện Phước Thiên, quý nam nữ đan sĩ thuộc các cộng đoàn trong Hội dòng Xi-tô Thánh Gia. Ngoài Hội dòng, còn có sự hiện diện của quý chị tổng phụ trách, quý bề trên và các nam nữ tu sĩ các hội dòng thuộc giáo tỉnh Hà Nội, quý ông bà cố của các cha các thầy và quý vị ân nhân của Đan viện Châu Sơn Nho Quan.

Trong bài giảng lễ, Viện phụ Hội trưởng Gioan Thánh Giá đã diễn giải bài Tin Mừng Mt1,1-16.18-23, ngài mời gọi Cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan suy gẫm gia phả của Chúa Giê-su; với một bản gia phả rất dài từ thời Ap-ra-ham đến thời Đức Giê-su, để thấy được những kỳ công vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện. Tất cả bản gia phả đó đều quy hướng về Chúa Giê-su, và Ngài là trung tâm điểm, là quyết định cho cả một gia phả có giá trị. Vì Ngài là Đức Ki-tô – Đấng cứu độ trần gian. Vì thế, Cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan cũng phải trở về nguồn, cảm tạ Thiên Chúa, cám ơn các thế hệ cha anh đi trước đã tiên phong đặt nền móng xây dựng cộng đoàn. Bổn phận anh em cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan phải viết tiếp trang sử mới, trang sử đó phải quy hướng về Đức Giê-su Ki-tô, và là trung tâm của đời sống cầu nguyện, giúp cho mọi người đến nơi đây gặp gỡ được Đức Ki-tô. Muốn vậy, anh em phải biết noi gương Mẹ Maria, luôn biết sống khiêm nhường, và luôn xin vâng theo thánh ý Chúa, để cho mọi kế hoạch của Chúa được thực hiện nơi cộng đoàn này cách tốt đẹp.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11 giờ cùng ngày. Sau thánh lễ, cha Viện trưởng Đaminh Savio đại diện Cộng đoàn Đan viện cám ơn Đức Cha chủ tế, và dâng lên ngài bó hoa tươi thắm chúc mừng 7 năm ngài thụ phong giám mục; đồng thời cám ơn cộng đoàn phụng vụ. Vào lúc 11 giờ 30 phút là bữa tiệc huynh đệ. Mọi thành phần tham dự chung chia niềm vui với Đan viện Châu Sơn Nho Quan trong ngày trọng đại mừng kỷ niệm 80 năm khai sinh cộng đoàn. Trong buổi tiệc có “chương trình văn nghệ bỏ túi” đã được quý cha, quý thầy và quý sơ tham gia các tiết mục một cách sôi động và nhiệt tình. Với niềm hân hoan vui mừng, Cộng đoàn Đan viện Châu Sơn Nho Quan cảm tạ tình thương Thiên Chúa, đã đoái thương gìn giữ Đan viện được kiên vững và phát triển mạnh mẽ trong suốt 80 năm qua. Mặc cho biết bao thăng trầm gian khổ xảy đến, có những giai đoạn mà các cha anh đã phải chia ly kẻ Bắc người Nam. Số cha anh bám trụ lại Đan viện đã bị bắt bớ tù đày, đã đổ những giọt máu hy sinh nơi cảnh tù ngục; các ngài đã ngã xuống nơi miền đất này, một thời được mệnh danh là “rừng thiêng nước độc”. Quả thực, các cha anh đi trước đã như hạt giống gieo vào lòng đất, phải mục nát đi để làm nảy sinh và phát triển thành những hạt giống khác. Hạt giống đó ngày nay đã đơm hoa kết trái, và không ngừng vươn lên trong vườn ươm của Giáo Hội. Ước mong qua dịp kỷ niệm này, Đan viện Châu Sơn Nho Quan tiến lên một bước phát triển mới, xứng tầm với sứ mệnh “trưởng nữ” của Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, là điểm hẹn của các tâm hồn khát khao tìm kiếm Thiên Chúa; và chính Đức Ki-tô là trung tâm của mọi cuộc gặp gỡ nơi đây.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
''Xác người bó chiếu'' thứ 2 làm lộ hết những xảo trá của quan chức
DanlambaoVN
16:14 16/09/2016
Bài viết Vụ "xác người gói chiếu" - những diễn biến đồng loạt trong một ngày 15 tháng 9 của Vũ Đông Hà (1) cho thấy có rất nhiều xác suất là: trước yêu cầu của Bộ Y tế muốn chữa cháy dư luận, các quan chức từ sở y tế tỉnh, chính quyền địa phương cho đến bệnh viện đã bằng những "hỗ trợ" như 5.400.000 đồng, đã dàn xếp với gia đình để có lá đơn từ người thân và câu chuyện thuật lại của người anh Lò Văn Muôn, nhằm chứng minh bệnh viện rất tử tế, không có chuyện người chết bó chiếu tại bệnh viện.

Tuy nhiên, những "nỗ lực" của các quan chức đã tan theo mây khói khi một "xác người bó chiếu" thứ hai bị phát hiện cũng tại bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La.

"Xác người bó chiếu" thứ hai đó là một bệnh nhân 57 tuổi bị bệnh lao, vào chữa trị tại bệnh viện nói trên và đã từ trần, xác bị gói chiếu vào ngày 8/9. Bệnh nhân này cũng ở huyện Quỳnh Nhai, Sơn La, cùng quê chị Lò Thị Phanh - người mà gia đình nghèo quá phải bó xác chị trong chiếu để đưa về nhà vào ngày 12/9.

Thông tin và hình ảnh bó chiếu bệnh nhân này được đăng tải trên Facebook của chị Điêu Thị Hải Quy (2), là cư dân ở Mường Giôn, Quỳnh Nhai, Sơn La. Chị đã vào bệnh viện điều trị và đã chụp được tấm hình người nhà phải bó chiếu người bố ngay trong sân của bệnh viện để đưa về nhà.

Hình ảnh trên FB vì một lý do nào đó hiện đã không còn, nhưng đã được chụp lại:

Trước hình ảnh không thể chối cãi được, ông Lương Văn Tuận, giám đốc bệnh viện đã phải xác nhận vụ việc này với phóng viên: “Tôi đã trao đổi lại với khoa chuyên môn và được biết việc bó bệnh nhân vào chăn để đưa về quê là nguyện vọng của gia đình. Vì gia đình đó quá nghèo nên các cán bộ trực cũng đã góp để hỗ trợ gần 1 triệu đồng, về thủ tục chúng tôi đã giải quyết đầy đủ” (3)

Ở đây ông lại nói đến "nguyện vọng của gia đình"! Thế gia đình còn lựa chọn nào khác nếu không đưa người chết về nhà? Và cán bộ trực góp hỗ trợ gần 1 triệu đồng trong khi bệnh viện của ông giải quyết thủ tục đầy đủ nhưng không có đủ trái tim và tấm lòng để giúp gia đình nghèo khó một chuyến xe về nhà?

Chưa đủ, Lương Văn Tuận còn phát ngôn vừa để bào chữa cho thái độ vô lương tri vừa vô lương đỗ thừa rằng:

"Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị gia đình sử dụng xe ôtô vận chuyển thi thể bệnh nhân về nhà để đảm bảo vệ sinh, môi trường nhưng gia đình họ nhất quyết không đồng ý.

Họ nói phong tục của họ là chở bằng xe máy như vậy. Họ không cần bệnh viện hỗ trợ xe hay thuê xe ôtô và cũng không có ý kiến gì" (4)

Hình ảnh trên cũng là cái tát vào miệng của Giám đốc Sở Y tế Sơn La - ông Lầu Sáy Chứ khi chữa cháy cho vụ việc Lò Thị Phanh: "sẽ không bao giờ có trường hợp để người nhà phải chở xác bệnh nhân từ bệnh viện về trên xe máy: “Nếu bất kể bệnh nhân nào tử vong trong bệnh viện, các bệnh viện đều có xe cứu thương, sẽ chở thi thể người bệnh về tận nhà để làm thủ tục an táng, đó là sự nhân đạo mà bệnh viện nào ở Việt Nam cũng sẽ làm”. (5)

Hình ảnh "xác người bó chiếu" thứ 2 đã chứng minh "sự nhân đạo" của ông Giám đốc Sở Y tế đồng thời bóc trần mọi sự xảo trá của toàn bộ các quan chức dàn dựng nên vở tuồng chữa cháy trong vụ chị Lọ Thị Phanh bị gói chiếu chở về nhà.

Để xem Bộ Y tế của bà Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ xử lý hay chữa cháy ra sao sau khi vừa giàn dựng kịch bản trong vụ Lọ Thị Phanh vừa hùng hổ đòi "xác minh vụ việc bệnh viện Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La để gia đình chở bệnh nhân nặng trên xe máy về nhà... xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, báo về Bộ Y tế trước 23-9" (6)

Chú thích:
(1) http://danlambaovn.blogspot.com/2016/09/vu-xac-nguoi-goi-chieu-nhung-dien-bien.html
(2) https://www.facebook.com/dieu.haiquy
(3) http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160916/lai-phat-hien-benh-vien-de-nguoi-nha-bo-chan-dua-bo-ve-que/1172667.html
(4) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/327154/son-la-them-vu-bo-nguoi-chet-roi-cho-xe-may.html
(5) http://thanhnien.vn/thoi-su/giam-doc-so-y-te-son-la-len-tieng-ve-vu-cho-xac-nguoi-tren-xe-may-744666.html
(6) http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160915/bo-y-te-yeu-cau-xac-dinh-ro-trach-nhiem-benh-vien-son-la/1172115.html


(Nguồn: 16.09.2016 danlambaovn.blogspot.com)
 
Dự án thép Hoa Sen Cà Ná và sự im lặng của báo chí
Mẹ Nấm
16:18 16/09/2016
Đến hôm nay, những thông tin phản biện dự án thép Hoa Sen Cà Ná gần như im bặt trên báo chí. “Dừng phản biện, đưa tin về dự án thép của Tôn Hoa Sen” là chỉ thị cuối cùng từ cuộc họp thứ Ba hàng tuần của Ban tuyên giáo kể từ ngày 13/9/2016 (1). Vậy là một lần nữa vai trò thông tin, khảo sát của truyền thông bị gạt ra bên ngoài một dự án có tầm ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống của người dân.

Chỉ thị “dừng đưa tin” lần này của Ban tuyên giáo được ban ra trong bối cảnh dự án thép Hoa Sen Cà Ná nhận khá nhiều phản hồi lo ngại từ báo chí kể từ sau thảm họa môi trường xảy ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung hồi tháng 4/2016.

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến công nghệ, nguồn vốn và tính khả thi của dự án chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng trong khi tỉnh Ninh Thuận khá ráo riết và mặn mà với dự án thép của tập đoàn Hoa Sen. Thậm chí ngay cả khi UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo về Festival Nho và Vang (chiều ngày 14/9/2016) ban tổ chức cũng tranh thủ phát thông cáo báo chí về dự án thép Hoa Sen Cà Ná (2).

Có lẽ bài học từ Formosa vẫn chưa đủ lớn để chính phủ, Ban tuyên giáo và các lãnh đạo nghiêm túc đặt vấn đề cho sự phát triển bền vững thay vì phê duyệt cho các dự án xây dựng nhà máy thép dọc theo các bờ biển trải dài khắp Việt Nam.

Yếu tố công khai minh bạch một lần nữa lại bị xem nhẹ trong việc phê duyệt đầu tư và chỉ thị phương thức thông tin liên quan đến dự án thép Hoa Sen Cà Ná. Việc Bộ Công thương đưa dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 thực chất còn nhiều thiếu sót trong quá trình đánh giá và phê duyệt.

Những câu hỏi liên quan đến công nghệ, quy trình, và nguồn vốn của dự án thép này vẫn đang nằm trong trạng thái chờ xử lý bởi chủ đầu tư chưa hoàn thành hồ sơ trình cho tỉnh.

Tại sao báo chí lại nhận được chỉ thị im lặng trong lúc này.

Bài toán đặt ra cho tỉnh Ninh Thuận hiện nay có lẽ không khác gì bài toán mà ông Võ Kim Cự đã từng đặt bút giải cho Hà Tĩnh ở những năm trước. Thu hút đầu tư, phát triển FDI bằng mọi giá, dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp để phát triển tương lai… Và kết quả là đời sống kinh tế - xã hội của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung bị đảo lộn.

Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và những bài học có thể nhìn thấy và tránh ngay từ đầu chứ không thể xây dựng kinh tế bằng cách rút kinh nghiệm như hàng chục năm qua Việt Nam đã và đang làm.

Buộc báo chí đứng ngoài cuộc trong việc thông tin về dự án thép Hoa Sen Cà Ná hôm nay, một lần nữa Ban tuyên giáo đang chứng minh chủ trương bịt miệng đã từng được sử dụng trong dự án bauxite, Dung Quất, Formosa Hà Tĩnh… là phương thức cuối cùng để khẳng định tính khả thi của một dự án mà người dân không có quyền lựa chọn.

(Nguồn: 15.9.2016 danlambaovn.blogspot.com)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tôi Tớ Chúa : Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Hà Minh Thảo
12:17 16/09/2016
VỊ Hồng Y TÔI TỚ CHÚA: PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN

Ngày 16.09.2016, người Công Giáo Việt Nam và các thân hữu của Người kỷ niệm 14 năm ngày Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian để về Nhà Cha hưởng vinh phúc. Ngày 05.07.2013, tiến trình phong Chân Phước cho Vị Tôi Tớ Chúa đã hoàn thành ở Tổng Giáo phận Rôma. Nhân dịp này, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình sẽ tổ chức buổi cầu nguyện cho hòa bình thế giới qua sự chuyển cầu của Ðức Hồng Y Tôi tớ Chúa vào ngày này.

I. ÐỨC Hồng Y VIỆT TẠI GIÁO TRIỀU.

A.- Hy vọng cho Giáo phận Huế. Thầy sáu P.X. Nguyễn Văn Thuận nhận sứ nhiệm Linh mục, một Ðức Kitô thứ hai, bởi sự đặt tay truyền Chức Thánh của Ðức cha Jean Baptiste Urrutia (Thi) M.E.P, Giám mục tông tòa Huế, ngày 11.06.1953, tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam. Ðây là niềm hy vọng cho Giáo Hội địa phương trong tiến trình thay thế các Linh mục người Pháp đang lần lượt hồi hương. Là Cha phó xứ Tam Tòa (Ðồng Hới, Quảng Bình), một giáo xứ quan trọng của Giáo phận, tân Linh mục đã tận tụy, cố gắng và bị ho ra máu. Bác sĩ khám thấy Cha có triệu chứng bệnh lao. Sau đó, Cha được vào điều trị tại Quân y viện Pháp Grall (Sài Gòn). Tuy nhiên, trước khi đưa vào phòng mổ, Một bác sĩ Pháp đề nghị chụp x-ray phổi trước khi gây mê. Kết quả cho thấy ‘khỏi giải phẩu vì không còn thấy dấu bệnh lao ở cả hai phổi’. Phép lạ ? Trở về Huế, Cha tiếp tục sứ vụ Linh mục trông coi Giáo xứ và kiêm nhiệm Tuyên úy Trường Bình Linh, Bệnh viện trung ương Huế và Lao xá Thừa Thiên. Năm 1956, Cha đi du học tại Ðại học Giáo hoàng Urbania. Năm 1957, Cha tốt nghiệp ưu hạng Tiến sĩ Giáo luật với luận án: ‘Studium comparativum de organisatione capellanorum militum in mondo’.

B. Hy vọng cho Giáo Hội Việt Nam. Trở về Quê Nhà, Ðức cha Urrutia nói với Cha rằng Người gởi Cha đi Rôma với chủ đích: ‘Giáo Hội Việt Nam cần nhiều Mục tử mới, và Cha sẽ là một trong những Vị đó. Ðừng khiêm nhượng… Cha phải chuẩn bị để lãnh đạo. Do đó, Cha cần phải hành động, cầu nguyện… và cộng tác với Giám mục của mình… Ngày 13.04.1967, Ðức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm Cha làm Giám mục Giáo phận Nha Trang khi 39 tuổi, tiếp sứ vụ Ðức cha Paul Raymond Piquet, MEP. Ngày 24.06.1967, Cha thụ phong Thánh Chức Ðức cha bởi Ðức Tổng Giám mục Angelo Palmas, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Lào và Campuchia, chủ phong tại Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, với khẩu hiệu ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ (Gaudium et Spes), tên Hiến chế Mục vụ của Công Ðồng Vatican II. Ngày 10.07.1967, Cha đã nhận nhiệm vụ. Chọn ‘Vui Mừng và Hy Vọng’, Cha không chỉ nói lên niềm tin yêu, hy vọng của Cha đối với Mẹ Giáo Hội mà còn cho thấy tâm hồn thanh thoát, tươi trẻ, hoà bình, vị tha và hướng thượng, đã được diễn tả trong suốt cuộc đời sứ vụ mục tử của Cha.

Thi hành sứ nhiệm Giám mục, Cha đã viết những Thư luân lưu có giá trị vượt thời gian và không gian cho mọi người Công Giáo Việt-Nam:

1 - ‘Tỉnh Thức và Cầu Nguyện’, Tỉnh thức để nhận định, để hành động với trí óc, với sức lực của chúng ta: ‘Là công dân của nước Trời, người Công Giáo không quên mình cũng là công dân của nước trần thế. Phải quan tâm về cộng đồng chánh trị. Thái độ thoái thác, ỷ lại, dửng dưng ích kỷ trong giai đoạn nầy là đắc tội với Chúa và Tổ Quốc. Cầu nguyện để có Ơn Chúa giúp ta tự cứu thoát.

2- ‘Vững mạnh trong Ðức Tin? Tiến lên trong An Bình’: « … Tỉnh thức trong bổn phận công dân, vì lúc này hơn bao giờ cả, người Công Giáo phải theo ánh sáng của Công Ðồng Vatican II, phải bỏ quan niệm chia đôi đời sống xã hội mà Công Ðồng cho là sự sai lầm tai hại nhất của thời đại ta. Tôi đã kêu gọi anh em cầu nguyện, chính vì thiếu cầu nguyện mà Giáo Sĩ, Tu Sĩ, Giáo Dân ngày nay gặp bao nhiêu khủng hoảng, bao nhiêu khó khăn. Thiếu cầu nguyện ta không biết chính bản thân ta nữa, ta sống ta phản ứng theo tinh thần thế tục… »

3- ‘Công Lý và Hòa Bình’ với lời mở đầu ‘Ðây là hai danh từ mà anh chị em đều cảm thấy cao đẹp mọi dân tộc đều khao khát’.

C. Hy vọng trong thử thách. Ngày 24.04.1975, Cha được Ðức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sàigòn với quyền kế vị. ‘Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Ðức Phaolô VI bổ nhiệm… Ðêm ấy 07.05.1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Ðức Thánh Cha. Tiếp đến là gian khổ, thử thách tại Sàigòn… ». Ngày 08.05.1975, 14 Linh mục do Trương bá Cần và Huỳnh công Minh đứng đầu, theo lịnh cộng nô, đã gởi một kiến nghị đến Ðức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình bày tỏ mối quan tâm lo ngại về việc thuyên chuyển Ðức cha về Sài-gòn trong tình thế hiện nay sẽ không thuận lợi cho Giáo Hội tại Việt Nam. Ngày 27.06.1975, tại Dinh Ðộc lập, Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy Ban Quân Quản cùng các Linh mục và giáo dân tự nhận là ‘Công Giáo yêu nước’. Chúng cho rằng sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Ðế quốc. Ðể trả lời sự cáo buộc đó, Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Cha đối với Bài Sai của Ðức Thánh Cha và bác bỏ lời cáo gian có âm mưu đó.

Trưa ngày 15.08.1975, Ðức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình và Cha được đưa đến Dinh Ðộc Lập. Tại đó, một tên công an chận Cha lại và nói: ‘Anh đi lối này’, rồi lôi Cha đi mất luôn. Khoảng 30 phút sau, chỉ thấy tướng Trà nói chuyện vu vơ, Ðức cha Bình hỏi:

- Thưa Thượng tướng, còn chuyện gì cần nữa không?

Tướng Trà trả lời:

- Thôi! Cụ ra về được rồi.

- Ðức cha phó của tôi đâu mời ngài cùng về.

- Như cụ thấy, chế độ này là chế độ Cộng sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Ðình Diệm, chúng nó chống Cách Mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.

Sau đó, Cha bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm và cuộc phiêu lưu của Cha bắt đầu… Trong cuộc hành trình, Cha biết mình đang mất tất cả. Cha ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Cha chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, Cha vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời...’ và Chúa yêu cầu Cha hãy trở về với điều cốt yếu. Ngày 21.11.1988, Cha được rời nhà tù nhưng và bị quản chế tại Hà Nội. Trong thời gian 13 năm tù không bản án, bắt chước Thánh Phaolô, Cha đã viết thư cho các giáo đoàn về kinh nghiệm sống Ðức Tin, Mục vụ, Tu đức. Ðó là ba tập sách: ‘Ðường hy vọng’ (1975), ‘Ðường hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Cộng Ðồng Vatican II’ (1979) và ‘Những người lữ hành trên Ðường Hy Vọng’ (1980).

Năm 1989, các Giám mục Quê hương hy vọng trao cho Cha trách vụ Chủ tịch hay Tổng thư ký Hội đồng Giám mục trong kỳ Ðại hội thường niên dự trù diễn ra vào cuối năm. Tuy nhiên, lúc đó, Cha bệnh nặng phải đưa vào điều trị tại Sài-Gòn. Bộ Nội vụ gởi ông Nguyễn tư Hà vào bệnh viện gặp Cha và yêu cầu Cha từ chối bất cứ chức vụ nào. Cha trả lời Cha không kiểm soát sự chỉ định của Hội đồng và nếu được cử, Cha không thể từ chối. Ông Hà đã đến phiên họp của các Giám mục và thông báo rằng chánh phủ không muốn thấy Cha được bầu vào một chức vụ nào trong Hội đồng. Khi Hội đồng Giám mục nhóm Ðại hội, Cha phải chịu giải phẫu, nên không thể đến họp và các Giám mục không bầu cho Cha được.

D. Hồng Y phục vụ tại Giáo triều.

Ngày 21.09.1991, Cha rời Việt Nam và chánh phủ Việt Nam đã không cho Cha trở lại Quê Hương. Ngày 09.04.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình. Ngày 24.11.1994, Cha chính thức từ chức Tổng Giám mục phó Sài gòn, để phó thác mình cho Chúa Quan Phòng để phục vụ tại Giáo Triều Rôma. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói với Cha: « Hiền huynh đến từ một quốc gia chiến tranh và hiền huynh đã bị giam cầm trong mười ba năm. Bây giờ, hiền huynh chia sẻ kinh nghiệm đó cho những người dân tại các quốc gia đang chịu đau khổ và bất công. Như vậy, chúng ta có thể thăng tiến Công lý và Hòa bình và giúp họ tìm hiểu những quyền của họ. »

Cha đã học hỏi những vấn đề của thế giới phức tạp về chính trị và công bằng xã hội từ Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và Đức Hồng Y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình. Những vấn đề về nhân quyền, thương mại thế giới, toàn cầu hóa, các quốc gia đang phát triển và những hậu quả tiếp diễn do sự sụp đổ của Liên bang Sô viết và các chế độ Cộng sản tại Đông Âu. Cha rất thích những cuộc tiếp xúc với các Giám mục đến từ các quốc gia khắp Năm Châu. Tiếp đến, ngày 24.06.1998, Đức Cha được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegaray. Do đó, ngày 18.11.1998, Cha kêu gọi sự xóa giảm nợ cho các quốc gia Trung Mỹ châu bị tàn phá bởi cơn bão xoáy (cyclone) Mitch. Sau đó, Cha gởi lời cám ơn những quốc gia giảm nợ theo lời Cha yêu cầu và, đồng thời, Cha cũng nhắc nhở lãnh đạo các quốc gia Trung Mỹ trách nhiệm của họ khi vay nợ ngoại quốc.

Trong Nhà Nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, từ chiều ngày 12 đến 18.03.2000, Cha đã giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma và đã được Người cám ơn như sau: « …Tôi đã ước mong rằng trong năm Toàn xá nầy, cần có một chỗ đặc biệt được dành cho chứng tá của những người đã chịu ‘đau khổ vì đức tin, đã trả bằng máu sự gắn bó của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, hoặc can đảm chịu đựng những năm thật dài cảnh tù ngục và thiếu thốn đủ loại’ (Tông sắc ‘Mầu nhiệm nhập thể’, số 13). Hiền Đệ đã chia sẻ chứng tá đó một cách nồng nhiệt và đầy xúc động, chứng tỏ rằng, trong toàn thể cuộc sống con người, tình thương xót của Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi lý luận của loài người, tại những phần đất khác nhau trên thế giới, đang tiếp tục phải trả giá thật đắt cho chính niềm tin của mình nơi Chúa Kitô… ». Những bài giảng tĩnh tâm nầy đã được in thành sách ‘Chứng Nhân Hy Vọng’, phát hành bằng ít nhất 12 thứ tiếng. Ngày 21.01.2001, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn Cha vào Hồng Y Đoàn.

Đáp ứng nguyện vọng của các Giám mục tham dự Thượng hội đồng Giám mục Mỹ châu năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã yêu cầu Hội Đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình thực hiện một ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’. Đầu năm 1999, Đức Gioan-Phaolô II đề nghị Cha viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’. Với trách vụ đó, tại Vatican City, ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, Cha đã ký ban hành ‘Sưu tập những Bản Văn của Huấn Quyền về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo’. Sau đó, Cha tiếp tục viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’. Nhưng tình trạng sức khỏe Cha không cho phép như Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino, đã viết trong ‘Lời Giới Thiệu’: « Vị tiền nhiệm của tôi, Đức cố Hồng Y đáng tiếc và khả kính Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, với sự khôn ngoan, sự kiên quyết và tầm nhìn xa trông rộng, đã thực hiện phần chuẩn bị phức tạp của tài liệu này. Chứng bệnh hiểm nghèo đã không cho ngài cơ hội hoàn thành phần kết thúc và xuất bản. Công việc trên đã được giao phó cho tôi và hôm nay dành cho tất cả những ai đọc quyển sách này, vì thế công trình này mang dấu ấn vị chứng nhân vĩ đại của Thập Giá, người đã có niềm tin mãnh liệt trong những năm gian khổ của đất nước Việt-Nam. Vị chứng nhân này sẽ thấu hiểu lòng biết ơn của chúng ta đối với sự lao động quý báu, tràn ngập bởi tình yêu và sự tận tuỵ của ngài, và ngài sẽ chúc lành cho những ai biết dừng lại để suy tư khi đọc những trang sách này.

Lúc 18 giờ, ngày 16.09.2002, Cha đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Ngay khi hay tin Cha qua đời, Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư ký Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đã tuyên bố với báo chí: « Một vị Thánh vừa qua đời ». Thánh lễ an táng được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử hành tại Vương cung Ðại Thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 20.09.2002.

[ Lưu ý: Ngày 24.05.1976, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có Ðức Hồng Y đầu tiên là Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê. Sau đó là hai Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn và Giuse Phạm Ðình Tụng. Ba Ðức Hồng Y đầu tiên đều là Tổng Giám mục Hà Nội. Ðức Hồng Y thứ tư người Việt là Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận phục vụ tại Giáo triều. Hai vị cuối cùng là các Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, cựu Tổng Giám mục Sài Gòn và Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội. Chỉ Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là Tổng Giám mục hiệu tòa nên thuộc đẳng Hồng Y Phó tế, năm vị khác là các Tổng Giám mục chính tòa, thuộc đẳng Hồng Y Linh mục. ]

II. TÔI TỚ CHÚA.

A. Mở án tuyên Chân phước và Phong Thánh

Ngày 17.09.2007, Giáo Hội Công Giáo Rôma bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc tuyên chân phước và tuyên thánh cho Cha. Nhân dịp này, tại Dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, trong buổi triều yết, Ðức Thánh Cha Biền Ðức 16 đã nói: Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh hùng này đã để lại cho chúng ta. Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã được vị tiền nhiệm Gioan-Phaolô II đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Người đã soạn thảo bản Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của Người.

Chúng tôi tưởng nhớ Người với sự khâm phục vô cùng, trong khi chúng tôi hồi tưởng lại trong tâm trí mình những dự án lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho Người luôn sống động và tìm cách thức để dễ dàng loan truyền và thuyết phục nhiều người.

Đức Hồng Y Thuận là một con người của Hy Vọng, sống bằng Hy Vọng, phổ biến niềm Hy Vọng cho tất cả những ai được Người gặp gỡ. [...] Đức Cố Hồng Y thường nhắc: Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Ðức Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này, đã chiếu tỏa điều sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ theo tinh thần Phúc âm. [...]

Và Ðức Biển Đức chấm dứt: Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án tuyên chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt về niềm hy vọng Kitô này và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của Người, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương Đức Cố Hồng Y là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em.

Đây là lần đầu có một người Việt Nam được khởi sự án phong Thánh mà không phải là tử đạo. Theo tiến trình này của Giáo Hội Công Giáo thì Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đang ở bậc Tôi tớ Chúa (đặc biệt từ năm 1983, một trong bốn bậc phong thánh: [Tôi tớ Chúa (Servant of God), Đáng kính (Venerable), Chân phước hay Á Thánh (Blessed) và Thánh (Saint)].

[Lưu ý: hiện có bốn người Việt đang thuộc một trong các giai đoạn kể trên:

1. Chân Phước Andrê Phú Yên, Thày Giảng Dòng Tên (Jesuit Catechist), Tử đạo đầu tiên ở Việt Nam, 1624-1644, đang chờ Phong Thánh;

Ba vị Tôi tớ Chúa:

2. Linh mục Tôi Tớ Chúa Phanxicô Trương Bửu Diệp, 1897-1946;

3. Tu sĩ Tôi Tớ Chúa “Marcel” Joakim Nguyễn Tân Văn,, Dòng Chúa Cứu Thế (Redemptorist – C.Cs.R.), 1928-1959;

4. Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, 1928-2002.]

B. Chính thức mở án tuyên Chân phước và Hiển Thánh.

Ngày 22.10.2010, Ðức Hồng Y Peter Turkson, chủ sự lễ cầu nguyện cho ông tại Nhà thờ Santa Maria della Scala. Tham dự thánh lễ có các thành viên thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, các Ðức Hồng Y, Ðức cha, Linh mục, thân nhân và bạn hữu Ðức Hồng Y Thuận. Lúc 12 giờ, tại Phòng Hòa Giải trong Dinh Laterano ở Roma, Phiên họp chính thức mở cuộc điều tra án tuyên chân phước và tuyên thánh cho Người khai mạc với Nghi thức bắt đầu bằng hát một Thánh ca, sau đó là việc đọc biên bản. Sau đó, Ðức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Giáo phận Rôma tuyên bố chính thức mở Án điều tra.

C. Kết thúc giai đoạn tuyên chân phước tại giáo phận.

Ngày 05.07.2013, người Công Giáo Việt Nam tưng bừng tham dự lễ ‘Bế mạc phần điều tra tại Giáo phận’ cho tiến trình phong Chân Phước cho Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã hoàn tất ở Tổng Giáo phận Rôma. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Ðức, được Hội đồng Công lý và Hòa bình mời tham dự lễ ‘Bế mạc phần điều tra tại Giáo phận’, đã bị công an sân bay Nội Bài, Hà nội chặn lại không cho xuất cảnh sang Bangkok (Thái lan) trên đường đi Rôma (Ý đại lợi). Ông Ðức kể cho ông Mặc Lâm, phóng viên Ðài Á châu Tự do RFA biết: « Khi làm ở Phòng Tôn giáo Bộ Công an, người ta có ‘đối sách’ về Ðức cha vì một tội rất to là cháu của Ngô Ðình Diệm và sự về Sài gòn làm Phó Tổng Giám mục là để lót ổ lên Tổng Giám mục nên Người bị chuyển ra Bắc ». Tại sao, với hai ‘tội nặng’ này và bị giam giữ 13 năm, trong có những năm biệt giam, nhưng đảng cộng sản không dám đem Ðức Cha ra tòa xét xử ?

III. LỜI Hồng Y TÔI TỚ CHÚA DẠY.

A. Các bài Ðức Hồng Y Tôi tớ Chúa đã giảng tĩnh tâm cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và các thành viên Giáo triều Rôma nhân Mùa Chay Năm Thánh 2000 được in thành sách 'Chứng nhân Hy vọng'. Nhiều người, đặc biệt là quý Linh mục và tu sĩ, lưu ý 'Bài suy niệm thứ 5. Chọn Thiên Chúa chứ không phải những việc của Thiên Chúa'.

« Trong 9 năm biệt giam cơ cực, có lúc tôi bị giam trong một xà lim không có cửa sổ. Có khi đèn điện bật sáng từ ngày này qua ngày nọ. Có lúc lại ở trong bóng tối từ tuần này qua tuần khác. Tôi cảm thấy bị ngộp vì nóng bức và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một giám mục trẻ, với 8 năm kinh nghiệm mục vụ. Tôi không thể ngủ nổi. Tôi bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải bỏ giáo phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẩn uất nổi lên trong tôi.

Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: ‘Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì con đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Chúa nhưng không phải là chính Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc đó. Hãy bỏ ngay, và hãy tín thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con phải chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!'

Ánh sáng ấy đã mang lại cho tôi một niềm an bình mới mẻ làm thay đổi hoàn toàn cách suy tư của tôi và đã giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi và lưu lại trong tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy sự yếu đuối của con người mình, nhưng tôi luôn nhắc lại điều đã quyết định khi phải đối diện với nghịch cảnh. Nhờ thế tôi không bao giờ mất sự bình an.

Chọn Chúa, chứ không phải chọn những công việc của Chúa. Ðó chính là nền tảng đời sống Kitô trong mọi thời đại. Và đồng thời đó cũng là câu trả lời đích thực nhất cho thế giới ngày nay. Ðó cũng là con đường để thực hiện những dự định của Chúa Cha đối với chúng ta, đối với Hội Thánh và nhân loại ngày nay.

B. Mười Ðiều Răn của Linh mục.

1. Những gì tôi sống trong tư cách là một Linh Mục, thì quan trọng hơn những gì tôi làm.

2. Những gì Chúa Kitô làm qua trung gian của tôi, thì quan trọng hơn những gì do chính tôi làm.

3. Những gì tôi với anh em Linh Mục cùng sống, thì quan trọng hơn những gì tôi làm một mình, dù hăng say tới mức suýt bị mất mạng.

4. Những gì tôi sống cho Kinh nguyện và Lời Chúa, thì quan trọng hơn những tổ chức sinh hoạt bên ngoài.

5. Những gì tôi sống vì lợi ích thiêng liêng của người cộng tác, thì quan trọng hơn những công việc tôi làm cho lợi ích của mình.

6. Hiện diện ít nơi nhưng thiết yếu để đem lại sức sống, thì quan trọng hơn có mặt khắp nơi nhưng vội vàng và nửa vời.

7. Hoạt động cùng với người cộng tác, thì quan trọng hơn là làm một mình,

cho dù mình có nhiều khả năng hơn họ. Nói cách khác, hợp tác thì quan trọng hơn hành động riêng rẽ.

8. Hy sinh thập giá âm thầm bên trong, thì quan trọng hơn những thành quả đạt được bên ngoài.

9. Mở rộng tâm hồn đến những thao thức của cộng đoàn, Giáo phận và Giáo Hội toàn cầu, thì quan trọng hơn chăm chú vào những bận tâm riêng, cho dù thiết yếu đến đâu đi nữa.

10. Làm chứng về Đức Tin trước mặt mọi người, thì quan trọng hơn tìm cách thoả mãn thị hiếu của họ.

Ðây là những chỉ giáo rất được lưu ý bởi các Kitô hữu toàn cầu, nhưng đối với người Công Giáo Việt Nam thì sao, nhất là khi Formosa, với sự bảo kê của cộng sản tham nhủng, gây thảm cảnh đau khổ cho đồng bào và cho chính chúng ta lẫn Chủ chăn Giáo phận hay Giáo xứ?

Hà Minh Thảo
 
Văn Hóa
Lòng thương xót với người làm khốn mình
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
11:57 16/09/2016
Lòng thương xót với người làm khốn mình

Lòng thương xót, lòng bác ái thường được hiểu là hướng đến người gặp hoàn cảnh đời sống kém may mắn, gặp khó khăn.

Lòng thương xót, lòng bác ái nghĩ hướng đến những hoàn cảnh quen biết thời sự, hoàn cảnh thương tâm gây chú ý mủi lòng cảm động.

Và lòng thương xót, lòng bác ái còn có khía cạnh khác nữa:

“ Một ngày nọ có một người canh tù hỏi tôi-

- Ông có yêu mến chúng tôi không?

- Có chứ, tôi hằng yêu mến các anh.

- Nhưng mà chúng tôi đã bỏ tù ông bao nhiêu năm, mà không xét xử, không kết án, vậy mà ông lại yêu mến chúng tôi à? Đây là điều không thể được! Có lẽ không thật đâu!

- Tôi đã ở với các ông nhiều năm, như ông thấy đó, có đúng không?

- Khi nào ông được tự do, ông sẽ không sai bổn đạo đến đốt nhà chúng tôi và giết người thân của chúng tôi đấy chứ?

- Không, ngay cả khi các anh có muốn giết tôi đi nữa, tôi vẫn yêu mến các anh.

- Mà tại sao?

- Bởi vì Chúa Giêsu đã dậy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu tôi không làm như thế, tôi sẽ không xứng đáng là Kitô hữu nữa.

- Thật là đẹp, nhưng khó hiểu qúa.”

(ĐHY Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận, Chứng nhân đường hy vọng, Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Roma năm toàn xá 2000, Dân Chúa Âu Châu, 2001, trang 89.)


Đây linh đạo của một nếp sống đạo đức cao thượng theo gương Chúa Giêsu, phản chiếu lại nơi đời sống đức cố Hồng Y Phanxico Nguyễn văn Thuận: linh đạo bác ái lòng thương xót.

Đây là linh đạo có sức thu phục cảm hóa lòng người hơn tất cả, cùng mở ra con đường mang lại hòa bình.

Đây là linh đạo của một tâm hồn có nếp sống đạo đức bình dân, nhưng chiếu tỏa chan chứa niềm Hy Vọng cho chính mình và cho người khác. Linh đạo của một đấng Thánh.

Và nếp sống đức tin theo linh đạo đó là hoa trái của tâm niệm đời ngài:

„Cuộc sống huynh đệ thử thách và nâng đỡ tình bác ái như cây trên rừng che đỡ nhau khỏi ngã lúc gío bão.“ ( Phanxico xavie Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy vọng, câu 746.)

Năm Thánh lòng thương xót 2016

Kỷ niệm năm thứ 14. ngày qua đời của

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Văn Thuận 2002. 16.09. 2016

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hãy Đến Cùng Ta
Nguyễn Bá Khanh
18:43 16/09/2016
HÃY ĐẾN CÙNG TA
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Hỡi người gánh vác nặng vai
Bao ngày ngược xuôi trăm hướng
Hỡi người xác hồn úa phai
Lưng còng, chân mệt, gối mỏi

Hãy đến bên Thánh Tâm Chúa
Suối nguồn bao la yêu thương
Ách Ngài dịu dàng êm ái
Gánh Ngài thoải mái nhẹ nhàng
(Trích thơ của Trầm Thiên Thu)
 
VietCatholic TV
Thời sự tuần qua 17/9/2016: Bi hài kịch “What is Aleppo?”
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:18 16/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Nếu như Mosul được coi là trung tâm của Kitô Giáo tại Iraq; thì Aleppo được coi là thủ phủ của Kitô Giáo tại Syria với các Giáo Hội Đông phương, trong đó nhiều Giáo Hội đã được thành lập từ thời các thánh Tông Đồ.

Trong các ngày này tình hình tại Aleppo đang rất nghiêm trọng đe dọa sự tồn vong của Kitô Giáo tại Syria. Điều đáng nói là thảm kịch nhân đạo này đang diễn ra trước sự thờ ơ của thế giới.

Trước khi nói về tình hình tại Aleppo, Trúc Ly và Hà Thu xin mạn phép kính mời quý vị và anh chị em theo dõi một vở bi hài kịch diễn ra trên đài truyền hình MSNBC hôm thứ Năm 8 tháng 9 vừa qua.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong chương trình truyền hình này, ông Gary Johnson nguyên là thống đốc bang New Mexico, và hiện là ứng cử viên tổng thống của đảng Tự Do đã được biên tập viên Michael Barnicle của MSNBC hỏi ý kiến về chính sách của ông đối với Aleppo nếu ông được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ.

Xin quý vị và anh chị em xem lại lần nữa.

Michael Barnicle: Nếu được đắc cử tổng thống, ông sẽ làm những gì liên quan đến Aleppo, liên quan đến Aleppo.

Gary Johnson: Nhưng Aleppo là cái gì?

Michael Barnicle: Ông đùa với tôi à?

Gary Johnson:Không.

Michael Barnicle: Aleppo ở bên Syria. Nó là tâm chấn của cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Gary Johnson:À, hiểu rồi.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Phản ứng trước vở bi hài kịch này, từ Aleppo, Đức Thượng Phụ Ignatius III Younan của Công Giáo nghi lễ Syriac nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ:

“Tôi cảm thấy ngỡ ngàng và đau đớn”.

Chuyện không dừng lại ở đó, trong chương trình MSNBC tiếp theo Christopher Hill, cựu đại sứ Mỹ khi chê bai Gary Johnson lại phạm sai lầm khi cho rằng Aleppo là thủ đô của cái gọi là Nhà Nước Hồi Giáo. Thực ra, thủ đô của bọn khủng bố Hồi Giáo IS là Raqqa cách Aleppo 202 km. Khi được hỏi về vở bi hài kịch của Gary Johnson, ứng cử viên tổng thống Hilary Clinton có vẻ cũng không khá gì hơn. Bà cười túm tím nói: “Bạn nhìn trên bản đồ thì thấy Aleppo chứ gì”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Khi con số người chết trong cuộc nội chiến tại Syria đã lên tới gần nửa triệu người, 4.8 triệu người phải tỵ nạn bên ngoài Syria và 6.6 triệu người phải tản cư bên trong lãnh thổ nước này, đúng là ngỡ ngàng và đau đớn thật khi một ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ phát biểu tỉnh bơ “Aleppo là cái gì?”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Aleppo là một thành phố nằm ở phía tây bắc Syria gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là thủ phủ của tỉnh Aleppo, và là thành phố đông dân nhất của Syria trước chiến tranh. Ngày nay nó là chiến trường quan trọng nhất trong cuộc xung đột ở Syria giữa một bên là quân đội của tổng thống Bashar al-Assad, được Nga và Iran hỗ trợ; và bên kia gồm phe nổi dậy gồm nhiều nhóm khác nhau; trong đó có những nhóm được Hoa Kỳ và các nước phương Tây yểm trợ, và cả những nhóm được các quốc gia theo Hồi Giáo Sunni trong vùng Vịnh đỡ đầu. Quân khủng bố Hồi Giáo IS cũng có mặt tại Aleppo.

Từ năm 2011, các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Syria đã lan rộng thành một cuộc nội chiến, Aleppo đã là một địa bàn quan trọng cho một số phe phái phiến quân. Cuộc chiến tại Aleppo diễn ra rất ác liệt, và không một phe nào có thể kiểm soát hoàn toàn được thành phố.

Từ tháng Chín năm ngoái 2015, quân đội của tổng thống Assad bắt đầu một chiến dịch tái chiếm thành phố. Đến tháng Mười Hai, họ đã có những tiến bộ đáng kể xung quanh thành phố, và đến ngày 5 tháng Hai, quân chính phủ bắt đầu bao vây thành phố này.

Trong khi đó trên không, Nga tập trung một phần quan trọng trong chiến dịch không kích của mình vào các vị trí phiến quân và các đường tiếp tế trong tỉnh Aleppo.

Chiến lược của quân chính phủ là bao vây, ngăn chận đường tiếp tế ở phần phía Đông thành phố nơi vẫn còn dưới quyền kiểm soát của phiến quân. Chiến lược này tỏ ra có hiệu quả vì các lực lượng phiến quân mất ý chí chiến đấu và thường dân thường tỏ ra hợp tác với quân chính phủ để khỏi phải chết vì đói.

Tháng Bẩy vừa qua, quân chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa trên các vùng nổi dậy, cắt đứt hoàn toàn nguồn tiếp tế, khiến cho 320,000 người có thể bị lâm vào nạn đói.

Trong khi đó, quân phiến loạn pháo kích bừa bãi vào các khu dân cư trong các quận do chính phủ kiểm soát.

Vào cuối tháng Bảy, các nhóm phiến quân phản công phá vỡ cuộc bao vây thành phố, cho phép viện trợ được đưa vào.

Ngày 04 tháng 9 một phần phía Đông Aleppo lại bị “bao vây lại” bởi các lực lượng của chính phủ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những gì diễn ra trong 5 năm qua cho thấy 3 điểm sau đây:

Thứ nhất: Không bên nào đủ mạnh để đè bẹp đối phương, vì vậy chiến thắng đạt được rất là mong manh và tạm thời.

Thứ hai: Tại bất kỳ thời điểm nào, hoặc là quân chính phủ hoặc là các phiến quân sẽ cảm thấy như họ đang chiến thắng trên chiến trường. Vì thế họ không có động cơ để đi đến một thỏa thuận hòa bình.

Thứ ba: Cả quân chính phủ lẫn phiến quân đều được hậu thuẫn bởi các tác nhân bên ngoài đất nước, là những kẻ có xu hướng muốn kéo dài cuộc chiến gần như bất tận trong một cuộc thương thảo nhằm giành được những ưu thế địa chính trị.

Đấng bản quyền Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Aleppo nói rằng chiến tranh đang leo thang dữ dội tại Aleppo vì các bên tham chiến cảm thấy rằng người nào kiểm soát được thành phố này sẽ là người giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến tại Syria.

“Mọi người lo sợ”, và các Kitô hữu cũng như người Hồi giáo đang “cầu nguyện không ngừng cho hòa bình”, Đức Cha Georges Abou Khazen cho biết như trên trong một báo cáo được đăng tải trên tờ Irish Catholic..

“Dân chúng không biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai,” ngài nói thêm. Trong bối cảnh của các dự đoán, người ta tin rằng “sắp xảy ra một trận chiến lớn, một trận chiến mà tất cả mọi người hy vọng sẽ có thể tránh được, bởi vì cuối cùng thường dân sẽ là những người phải trả giá đắt nhất.”