Ngày 16-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ai có quyền tha thứ? Ai cần tha thứ?
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:28 16/09/2023

AI CÓ QUYỀN THA THỨ? AI CẦN THA THỨ?
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A

Chắc chắn chúng ta có kinh nghiệm về sự bị tổn thương, bị phản bội, bị người khác xúc phạm. Và cũng không ít lần, chính chúng ta, dù vô tình hay cố ý, đã khiến người khác đau đớn, uất hận...

Gây lỗi lầm cho nhau là bởi không ai toàn vẹn, không ai hoàn toàn cao cả, không ai hoàn toàn có khả năng làm chủ cảm xúc của mình cách tốt nhất trong mọi nơi mọi lúc.

Vì thế cần lắm lòng khoan dung của tất cả mọi người dành cho nhau. Nếu loài người sống bên cạnh nhau mà không thể khoan dung với nhau, sẽ không bao giờ có sự tha thứ, không bao giờ có được tình yêu thương đúng nghĩa, không bao giờ có được sự đỡ nâng do tình người được thể hiện.

Ngược lại, nếu không có lòng bao dung, cuộc sống giữa người với người chắc chắn sẽ toàn hận thù, sẽ toàn những tình cảm muốn trả thù, muốn làm hại nhau, muốn gây đổ vỡ sự an toàn và bình an của nhau. Cuộc sống mà không có hai tiếng "tha thứ" được trao đi, xã hội loài người sẽ vô cùng u ám, tình người sẽ chỉ là thứ tình cảm hiếm hoi, mọi ngày sống sẽ vô cùng đáng sợ, vì ở đâu, lúc nào cũng có đầy những nguy cơ bạo lực.

Nhưng cuộc sống không chỉ có màn đen, vì bất cứ ở đâu, bất cứ ở giai đoạn nào, chúng ta đều có thể bắt gặp những người tốt, những tấm lòng hào hiệp, những tấm chân tình của nhiều người dành cho nhau.

1. Giáo huấn về tha thứ của Thiên Chúa.

Cách riêng với người tín hữu Kitô, ngoài sự hiểu biết tầm quan trọng của lòng khoan dung, tình yêu tha thứ, chúng ta còn được chính giáo huấn của Chúa hướng dẫn.

Trước hết giáo huấn đó xuất phát từ chính TẤM GƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA. Thiên Chúa không ngừng tha thứ cho chúng ta. Lịch sử cứu độ là lịch sử của tình yêu tha thứ mà Thiên Chúa không ngừng trao ban cho loài người.

CỤ THỂ VÀ ĐỈNH CAO TÌNH YÊU THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA LÀ CHÍNH CHÚA GIÊSU KITÔ, Đấng vì tội lỗi chúng ta, và để chúng ta được lãnh ơn tha thứ của Thiên Chúa, đã hy sinh gánh tội chúng ta. Người chết để ta được sống. Người sống lại để ta sống đời đời trong Thiên Chúa cùng Người.

Hôm nay, Chúa Giêsu dạy phải tha thứ cho nhau như chính Chúa tha cho chúng ta. Khi nói: "Hãy tha đến bảy mươi lần bảy", chắc chắn Chúa không có ý dạy chỉ tha 490 lần. Đúng hơn, qua cách nói này, Chúa dạy, hãy tha thứ vô vàn lần, tha thứ không giới hạn, tha thứ không mệt mỏi, tha thứ đến tận cùng.

Chúa còn minh họa câu chuyện người đầy tớ và là con nợ của chính chủ mình, được chủ tha vô điều kiện. Nhưng khi anh ta trở thành chủ nợ của một người bạn, anh ta thẳng tay trừng trị bạn mình. Anh ta quên ân huệ mình vừa lãnh nhận nơi chủ, mà nỡ tâm hại bạn. Chủ của anh không thể làm ngơ trước tội của "tên độc ác". Ông rút lại tất cả ân huệ mà ông đã ban cho. "Ông nổi giận trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ". Và Chúa Giêsu kết luận: "Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

2. Người tín hữu Kitô sống lòng tha thứ.

Dựa trên tấm gương và lời Chúa dạy, người tín hữu cần luôn khoan dung, buông bỏ lỗi lầm của người khác đã gây ra, giải phóng sự thù hận, oán trách khỏi bản thân. Tha thứ lỗi lầm của người khác đồng nghĩa với việc biết chấp nhận những thiếu sót của bản thân và vị tha với lỗi lầm của anh chị em.

Để tha thứ dễ dàng hơn, chúng ta cần thường xuyên học cách tha:
- Quý những điều tốt đẹp, thiện hảo. Nên nhìn mọi sự, mọi vật, mọi người bằng lăn kính đẹp. Đừng quá chú trọng vào những gì chưa hay, những gì gây nên bi quan, thiếu cởi mở.
- Trân trọng hiện tại, bớt nghĩ về quá khứ. Hãy gác lại những câu chuyện, những hình ảnh, những con người đã từng xuất hiện trong quá khứ, nếu những thứ đó đã từng khiến chúng ta đau buồn hay tổn thương.
- Học tập và ghi nhớ thường xuyên hình ảnh Thiên Chúa tha thứ cho dân riêng của Người, Chúa Giêsu tha thứ tội lỗi chúng ta. Nhất là hãy nhớ đến tòa giải tội để luôn biết rằng, nếu không có ơn tha thứ của Chúa, chúng ta đã không thể sống mà có bình an, có hạnh phúc. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhớ đến những tấm gương tha thứ của Kinh Thánh như: Vua Đavid tha cho vua Saun, Chúa Giêsu tha cho thánh Phêrô...
- Hãy cầu nguyện thường xuyên để xin ơn tha thứ của Chúa, để tự thấy mình nhiếu yếu đuối, lỗi lầm mà đủ sức mạnh tha thứ cho anh chị em. Hãy cầu nguyện cho anh chị em xung quanh, nhất là cầu nguyện cho những ai mình gây tổn thương và những ai gây tổn thương cho mình.

Hãy nhớ: Giữ hận thù chỉ khiến ta đau nhiều hơn, bất hạnh hơn, khó đáng yêu hơn. Một khi buông bỏ và giải phóng hận thù, ta sẽ đủ năng lượng sống vui, sống thoải mái với mọi người. Người không ấp ủ những đố kỵ, nhứng oán hận bên trong lòng là người sống tử tế, là người gần gũi, ấm áp, nồng nàn, tận tình, luôn dễ mến, dễ thương trong mắt mọi người xung quanh.

Đó là chưa kể đến lãnh vực đức tin. Bởi khi chúng ta sống mà không có bất cứ mối hận nào, chúng ta cũng dễ dàng nhận lãnh tình yêu của Chúa, lòng bao dung rộng lượng và tha thứ của Chúa. Chính Chúa dạy chúng ta và chính chúng ta đọc thường xuyên lời dạy ấy: "Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".





 
Thánh Lễ Chúa Nhật 24 Mùa Quanh Năm 17/9 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:00 16/09/2023

BÀI ĐỌC 1 Hc 27:30-28:7

Bài trích sách Huấn ca.

Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm,

về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.

Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa,

tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.

Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,

thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.

Người với người cứ nuôi lòng hờn giận,

thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!

Nó chẳng biết thương người đồng loại,

mà lại dám xin tha tội cho mình!

Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận,

thì ai sẽ xin tha tội cho nó?

Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù,

nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết

mà trung thành giữ các điều răn.

Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác,

nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao

mà không chấp nhất điều lầm lỗi.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Rm 14:7-9

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Ga13:34

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới,

là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.
Alleluia.

TIN MỪNG Mt 18:21-35

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.

“Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống lạy lục: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống van xin: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

Đó là lời Chúa.
 
Tha Thứ
Lm. Nguyễn Xuân Trường
15:35 16/09/2023
 
Không bao giờ sai lầm
Lm. Minh Anh
15:38 16/09/2023

KHÔNG BAO GIỜ SAI LẦM
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là tha đến bảy mươi lần bảy!”.

“Chỉ khi tha thứ, người ta mới không bao giờ sai lầm!” - Rustand.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay mời gọi bạn và tôi nhân hậu, từ bi, xót thương như Thiên Chúa; nên những con người tha thứ. Vì khi tha thứ, chúng ta sẽ ‘không bao giờ sai lầm!’.

Bài đọc Huấn Ca cho thấy những cám dỗ nuôi lòng oán hận là điều Thiên Chúa ghê tởm, “Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!”. Đó là cám dỗ “sống cho chính mình” mà Kitô hữu phải tránh xa như Phaolô lưu ý trong bài đọc hai.

Nghĩ đến tình yêu, lòng tốt, sự dịu dàng, lòng thương xót… là điều dễ hiểu; chúng truyền cảm hứng cho chúng ta trở nên thánh thiện. Nhưng đôi khi, bạn và tôi cần nhiều hơn thế. Đây là một trong những lý do dẫn tới dụ ngôn hôm nay, bạn và tôi ‘không bao giờ sai lầm’ khi tha thứ! Chúa Giêsu nói với Phêrô, “Tha đến bảy mươi lần bảy!”.

Linh Thao của Ignatiô trình bày một cấu trúc, trong đó, vị linh hướng dẫn người tĩnh tâm đi trọn 30 ngày. Điều thú vị là Ignatiô không bắt đầu bằng việc mời gọi mỗi người suy gẫm về các nhân đức cao đẹp; thay vào đó, tuần đầu tiên, họ được yêu cầu suy gẫm sự khủng khiếp của tội và những hậu quả tàn khốc của nó. Bằng cách này, mắt họ mở ra trước tội lỗi mình; để trong ba tuần kế tiếp, họ sẽ có thái độ đúng đắn khi chiêm ngắm Chúa Giêsu.

Theo một nghĩa nào đó, Tin Mừng hôm nay thật lý tưởng để suy gẫm trong tuần đầu tiên với Ignatiô. Và vì lý do đó, bài Tin Mừng này thật quý báu để suy gẫm bất cứ lúc nào bạn và tôi muốn sắp xếp lại đời sống thiêng liêng. Bởi lẽ, chúng ta rất dễ trở nên tự mãn; cũng như dễ trở nên hâm hẩm trong cầu nguyện và lơi lỏng trong đời sống luân lý. Nếu đó là bạn ở bất kỳ mức độ nào thì Lời Chúa hôm nay đáng để chú ý thật cẩn thận và kỹ lưỡng.

Tội lỗi Chúa Giêsu đề cập hôm nay là tội không tha thứ. Rõ ràng, cơn thịnh nộ của Chúa sẽ giáng xuống những ai không biết tha thứ. “Đầy tớ độc ác” được tha “một món nợ rất lớn”. Người này là tất cả chúng ta! Bạn và tôi được tha một món nợ lớn bằng mạng sống Chúa Kitô. Hậu quả tội lỗi của chúng ta là cái chết của Ngài. Mỗi chúng ta đáng nhận án tử hình! Nhưng giờ đây, cái chết đã hoá nên phương tiện của sự sống mới qua việc tha tội. Và nếu muốn nhận sự tha thứ và sự sống mới đang chờ đợi, chúng ta phải thông phần trọn vẹn vào sự tha thứ của Thiên Chúa. Không chỉ nhận sự tha thứ, chúng ta còn phải tha thứ cho những người đã có lỗi với mình. Hoàn toàn! Thảy thảy! Không dè giữ!

Anh Chị em,

“Tha đến bảy mươi lần bảy!”. Mọi tội chúng ta phạm dù nặng đến đâu trước mắt Thiên Chúa, cũng chỉ là một món nợ nhỏ so với món nợ chúng ta nợ Ngài, “Đấng từ bi nhân hậu” như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng. Do đó, đừng bao giờ ngần ngại “Tha đến bảy mươi lần bảy!”. Không bao giờ! Vì chúng ta sẽ ‘không bao giờ sai lầm’ khi tha thứ! Nếu điều này khó khăn và nếu việc suy gẫm về lòng thương xót, nhân hậu, từ bi và tình yêu của Thiên Chúa không buộc bạn phải hoàn toàn tha thứ cho tha nhân đến mức tối đa, hãy dành thời gian cho dụ ngôn này! “Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?”. Đó là những lời yêu thương Chúa Giêsu đang thức tỉnh chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trẻ em thường không giận lâu. Đừng để oán hờn gặm nhấm linh hồn con! Xin giải thoát con khỏi những dày vò đến từ sự không tha thứ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
CN 24A : Tha Thứ : Tại sao ? và Thế nào ?
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
16:24 16/09/2023
CN 24A : Tha Thứ : Tại sao? và Thế nào?

Nếu lịch sử của một dân tộc, cho dù là lâu đời hay non trẻ, đều có thể tóm tắt trong một vài ba chữ – như dân tộc VN, lịch sử lâu dài là một cuộc trường kỳ lập nước và giữ nước, tức là luôn phải đấu tranh để chống ngoại xâm,- thì lịch sử của Dân thánh với thời gian cũng gần tương tự, gồm Dân thánh cũ: Israel Cựu ước 2000 năm – và Dân thánh mới : Hội thánh 20 thế kỷ, cộng chung là 4000 năm, cũng có thể tóm tắt bằng hai chữ : tha thứ.

Tha thứ nằm nhan nhản trong suốt chiều dày lịch sử Dân thánh: Dân phản bội, rồi ăn năn, Chúa tha thứ; Dân lại bội phản, rồi sám hối, Chúa lại thứ tha; rồi Dân lại sa đọa, ăn năn, Chúa lại tha thứ. Tha thứ thứ tha nằm dẫy đầy trong lịch sử Dân Thánh. Mà cũng vì vậy giảng về sự tha thứ rất dễ. Làm thì khó, nhưng nói, giảng về sự tha thứ thì dễ lắm.

Hôm nay bài Tin Mừng gợi ý cho chúng ta về sự tha thứ – 7 lần đủ chưa như Phêrô hỏi Chúa Giêsu. Và Ngài đã trả lời bằng dụ ngôn : một bề tôi nợ vua 10.000 nén vàng được tha nhưng lại đi bóp cổ kẻ nợ hắn 100 đồng xèng.

Dựa vào dụ ngôn của Chúa, hôm nay chỉ muốn trả lời 2 câu hỏi về sự tha thứ : câu “Tại sao” và câu “Thế nào”?

1- Tại sao phải thứ tha?

Bài Tin Mừng với dụ ngôn 10.000 nén vàng và 100 đồng bạc đã được Chúa Giêsu trả lời giúp ta.

a)Tại sao phải thứ tha – vì chính ta là kẻ có nợ cũng phải được tha và đã được tha.

Dụ ngôn Chúa Giêsu còn nói chúng ta nợ gấp bội, không phải 100 lần, một ngàn lần, mười ngàn lần mà là 600 ngàn lần người khác nợ ta. Vậy sao ta được tha nhiều như vậy mà lại không tha cho kẻ khác chỉ nợ ta có cỏn con vài trăm bạc. Nếu ta có nợ máu với ai, ta được tha. Tại sao ta lại không tha cho kẻ chỉ có nợ với ta đúng một giọt mồ hôi mặn. Lời kinh Lạy Cha đòi hỏi chúng ta một điều kiện để được thứ tha là phải biết tha thứ. Xin tha nợ chúng con “như” chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Vậy tại sao phải thứ tha – Thưa vì chính ta cũng cần được tha thứ.

b) Và hỏi tại sao phải thứ tha, ta còn có thể trả lời thêm: vì oán thù chẳng lợi ích gì mà thường khi lại gây thiệt hại. Tha thứ sẽ làm cho ta thảnh thơi. Còn nuôi oán thù ghim căm hận sẽ làm cho tâm hồn ta nặng chĩu.

Có một người ăn mày đến xin cơm nơi cửa một nhà phú hộ. Ông phú hộ chẳng những không cho người ăn mày tí gì mà lại sẵn tay đang cầm viên đá liền ném vào mặt anh ta. Người ăn mày một tay bịt vết thương, một tay lượm viên đá vừa ném đó, cất vào bị. Anh ta nghĩ : Ta sẽ dùng chính viên đá này ném vào mặt nhà ngươi khi ngươi bị sa cơ thất thế.... Quả vậy ít lâu sau, người ta khám phá ra người phú hộ này giàu có vì gian lận, nên bị xử ném đá. Người ăn mày nghe tin cầm viên đá xưa đến để sẽ ném vào mặt nhà phú hộ. Khi đến nơi thấy mặt nhà phú hộ đã ra tiều tuỵ, người ăn mày vất hòn đá xuống đất, không ném vào mặt người phú hộ đó nữa. Anh ta nghĩ : bấy lâu ta cất giữ viên đá này như nuôi một mối thù mà đến giờ cũng không trả được, vì viên đá này có là gì so viên đống đá mà người ta sắp ném. Còn riêng ta, vì do cứ giữ kỹ viên đá trong bị, mà ta chẳng ngóc đầu lên được. Nó chẳng có lợi lộc gì mà lại trì kéo ta không cho ta nghĩ ra con đường kiếm sống.

Thù oán, không tha thứ chẳng lợi ích gì mà thường khi lại gây thiệt hại. Trong y khoa, người ta thường nói kẻ nuôi thù oán hay đau bao tử, bị sạn thận, sạn gan. Không biết trúng không. Thường là trúng. Nhưng ngược lại thì không nên, tức là đừng cứ thấy ai đau bao tử, sạn gan sạn thận, ta vội kết luận ngay, đúng người này đang ghim oán hận !

2. Tha thứ thế nào?

a) Tha thứ là bỏ qua.

Chính bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một giải đáp : tha thứ vô số lần và thứ tha vô số lượng. Dân gian mình có câu : quá tam ba bận. Các Rabbi Do thái cũng nói 3 lần trong một ngày là tối đa. Phê-rô muốn vượt quá gấp đôi điều luật bảo để hỏi Chúa mỗi ngày tha 7 lần thì đủ chưa. Tưởng là Thầy Giêsu sẽ khen mình, ai ngờ Chúa Giêsu còn dạy cho bài tính nhân 70 lần 7, tức là vô số lần. May mà thời đó chưa có toán lũy thừa, chứ nếu không, 70 lũy thừa 7 (8.235.430.000.000) hay 7 lũy thừa 70, thì con số lần phải là vô tận. Tha thứ vô số lần. Và tha thứ phải là vô số lượng nữa.

Dụ ngôn cho ta thấy, ta được tha 10.000 nén vàng, so với người khác nợ ta 100 đồng xèng, thì qua dụ ngôn đó Chúa còn có ý bảo ta nếu ta muốn “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha” – chúng ta muốn có một tương đương nào đó thì ta hãy tha thứ không những vô số lần mà vô số lượng nữa, tức là bao nhiêu cũng tha, nợ gì (mồ hôi, máu…) cũng bãi, oán gì cũng giải..

b) Tha thứ là biến chế.

Tha thứ không những loại bỏ, bỏ qua, tha thứ phải đi đến chỗ biến chế. Chế oán thành ân, biến thù thành bạn.

Trong một túp lều tranh lụp xụp tại một xóm nghèo bên Ấn Độ, một người đàn bà phải sống những ngày hẩm hiu với đàn con thơ dại. Chồng bà là một người thô bạo cộc cằn lại hay ăn chơi nhậu nhẹt. Ông vắng nhà suốt ngày và chỉ trở về trong men rượu vào buổi tối để đánh đập vợ con, những lúc như vậy bà chỉ biết đem giấu con cái để bảo toàn tính mạng cho lũ trẻ.

Một hôm, người chồng trở về cũng vào buổi tối sớm hơn thường lệ, ít say hơn nên tỉnh táo hơn. Từ xa xa ông đã nghe được tiếng thì thầm rầm rì từ trong túp lều. Nghi ngờ xâm chiếm, máu ghen dâng lên. Ông tự nhủ vô phúc cho thằng nào rơi vào tay ta. Rồi ông đến sát cửa ghé mắt nhìn vào trong lều. Ông thấy các con nhỏ đang ngồi quanh vợ ông và ông nghe rõ tiếng vợ ông nói : “Các con hãy đọc thêm một kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho người cha tốt lành của các con”. Thì ra họ đang thầm thì rầm rì đọc kinh.

Trước khung cảnh đầm ấm tình mẫu tử đó, lửa hung ác trong trái tim ông bị tắt ngụm, tâm hồn cứng cỏi trở nên mềm như sáp trước hơi nóng. Mắt ông bừng sáng sau một cơn mê ngủ dài. Ông đã nhận ra lòng tốt, quảng đại của vợ ông, chẳng những tha thứ mà còn biến hình ảnh xấu về ông trong đầu mấy đứa con thành hình ảnh người cha tốt lành.

Gandhi, nhà lãnh tụ của Ấn độ, người có công đuổi người Anh khỏi đất nước Ấn Độ của mình đã nói: “Người Anh sẽ ra đi như những người bạn”.

Thật ra chính tha thứ tự nó có sức biến đổi. Biến thù thành bạn, chế oán thành ân.

Chúng ta hãy tha thứ để người mà chúng ta tha thứ sẽ biến đổi và chính chúng ta cũng biến đổi – biến đổi theo chiều hướng xứng đáng trở nên người con cái của người Cha nhân từ toàn năng mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính đây.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng giám mục Kenya, người tham gia thượng hội đồng về tính đồng nghị chỉ trích phán quyết có lợi cho các nhóm LGBTQ+ của đất nước
Vũ Văn An
18:45 16/09/2023

Trên tạp chí CruxNow ngày 16 tháng 9, 2023, Ngala Killian Chimtom tường trình rằng Một vị giáo phẩm Công Giáo hàng đầu ở Kenya, người sắp tham gia Thượng hội đồng Giám mục ở Vatican về tính đồng nghị vào tháng tới, đã phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao nước này cho phép một nhóm bảo vệ quyền của người đồng tính được chính thức công nhận là một tổ chức phi chính phủ.

Biểu tình vì quyền của người đồng tính ở Nairobi, Kenya, vào năm 2019. Ảnh: Ben Curtis/Associated Press


Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin ACI, Đức Tổng Giám Mục Martin Kivuva Musonde của Tổng Giáo phận Mombasa cho biết quyết định của tòa án có nghĩa là thúc đẩy chương trình nghị sự về LGBTQ+ ở Kenya.

Ngài nói, “Thật là đáng tiếc. Nếu bạn hợp pháp hóa thứ gì đó, điều đó có nghĩa là bạn đang quảng bá nó”.

Ngài nói thêm, “Đăng ký họ (các hiệp hội LGBTQ) có nghĩa là bạn đang thổi hồn vào các hành vi. Nếu bạn tham gia một câu lạc bộ bóng đá, điều đó có nghĩa là bạn đã sẵn sàng chơi bóng đá”

Đức Tổng Giám Mục Kivuva, 71 tuổi, nằm trong số các vị giáo phẩm được Liên Hiệp các Hội đồng Giám mục Thành viên Đông Phi lựa chọn để tham gia Thượng hội đồng Giám mục từ ngày 4 đến 29 tháng 10 sắp tới về Thượng hội đồng tại Vatican, nơi, trong số các chủ đề khác, vấn đề ban phép lành cho các quan hệ tình dục đồng tính dự kiến sẽ được nêu ra.

Đức Tổng Giám Mục Kivuva, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Kenya, cho biết: “(Phán quyết) này không có nghĩa là chúng ta không nên tiếp tục tự bảo vệ mình”.

Ngài nói, “Chúng ta nên tiếp tục thúc đẩy hôn nhân dị tính, điều đó nên làm, bởi vì từ đó chúng ta có được con cái. Đó là việc vĩnh viễn hóa sự sống”.

Bình luận của, Đức Tổng Giám Mục Kivuva được đưa ra sau phán quyết ngày 12 tháng 9 của Tòa án tối cao bác bỏ thách thức đối với quyết định trước đó cho phép Ủy ban nhân quyền đồng tính nam và đồng tính nữ quốc gia (NGLHRC) đăng ký là một tổ chức phi chính phủ.

Mười năm trước, Ban điều phối phi chính phủ của Kenya, cơ quan chịu trách nhiệm đăng ký các tổ chức phi chính phủ, đã từ chối đơn đăng ký của nhóm với lý do “nó khuyến khích hành vi đồng tính”. Tuy nhiên, vào tháng 2, Tòa án Tối cao đã hủy bỏ quyết định đó và phán quyết ngày 12 tháng 9 xác nhận rằng nhóm được phép đăng ký.

Cộng đồng người đồng tính ở Kenya đã ăn mừng phán quyết này.

Marylize Biubwa của Queer Republic cho biết, “[Phán quyết] có nghĩa là được an toàn tổ chức như một cộng đồng, một phong trào và một tổ chức. Chiến thắng [này] mang lại sự bảo đảm rằng chúng tôi đang đi đúng hướng,”.

Androgenous Alpha, Giám đốc điều hành của Nadharia Kenya, một tổ chức phi chính phủ hoạt động nhằm thúc đẩy quyền của người đồng tính, gọi đó là khoảnh khắc “buồn vui lẫn lộn”.

Anh nói, “Thật tuyệt vời vì hệ thống pháp luật công nhận rằng chúng tôi đang ở đây. Rằng chúng tôi hiện hữu”.

Alpha cho biết, khía cạnh cay đắng của phán quyết này bắt nguồn từ sự không phù hợp giữa một quyết định mang tính bước ngoặt như quyết định này và sự thiếu hiểu biết chung của xã hội về nhân quyền.

Đó là một phán quyết có thể không làm hài lòng giới lãnh đạo chính trị của đất nước. Tổng thống William Ruto đã nhiều lần bày tỏ sự không đồng tình với các mối quan hệ đồng tính và cho biết quyết định của Tòa án Tối cao sẽ không thay đổi điều đó.

Tổng thống Ruto nói “Chúng tôi tôn trọng quyết định của Tòa án Tối cao, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải đồng ý với quyết định đó. Các giá trị, phong tục và Kitô giáo của chúng tôi không cho phép chúng tôi ủng hộ hôn nhân đồng tính”.

Ông nói thêm, “Chúng tôi có luật quản lý chúng tôi ở Kenya. Tôi muốn nói với bạn rằng điều đó sẽ không thể xảy ra… nó có thể xảy ra ở các quốc gia khác, nhưng không phải ở đây”.

Phó Tổng thống Rigathi Gachagua cũng nhấn mạnh rằng chính quyền sẽ không tán thành quan hệ đồng tính.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ không xem xét kiểu nói đó ở đây. Đó là việc ‘quỷ dữ’ đang làm. Tổng thống của đất nước này là người kính sợ Thiên Chúa; ông sẽ làm những gì cần phải làm. Trong mọi trường hợp, chúng tôi có truyền thống và phong tục của mình, và những gì họ đề xuất là trái ngược với đạo đức, công lý cũng như lối sống của chúng tôi”.

Nghị sĩ Quốc hội Alice Ng’ang’a nói, “Chúng tôi nói không với việc phụ nữ lấy phụ nữ khác và ngược lại. Là một nhà lãnh đạo kính sợ Thiên Chúa, đừng để điều này xảy ra”.

Bà nói thêm, “Phụ nữ không muốn cạnh tranh với đàn ông. Chúng tôi muốn có không gian riêng của mình với tư cách là phụ nữ và chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh về vấn đề này”.

Đức Tổng Giám Mục Kivuva cho biết ngài không hiểu tại sao, bất chấp sự phản đối của các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của đất nước, Tòa án Tối cao vẫn cho phép người LGBTQ+ có quyền thành lập hiệp hội.

Ngài hỏi, “Chúng tôi đã có một cuộc gặp với cựu và đương kim tổng thống và họ rõ ràng phản đối điều này. Tại sao chuyện này lại xảy ra lúc này? Tiền có được đổi chác hay không đây? Tiền có phải là thứ duy nhất chúng ta cần không?”.

Việc đề cập đến tiền có thể được kích hoạt bởi những gì đã xảy ra ở nước láng giềng Uganda, nơi Ngân hàng Thế giới đã giữ lại nguồn tài trợ quan trọng cho đất nước với lý do đất nước này ban hành luật hà khắc đối với người đồng tính.

Ngân hàng Thế giới cho biết trong một tuyên bố liên quan đến việc đình chỉ tài trợ ở Uganda, “Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ các nhóm thiểu số về giới tính và tình dục khỏi sự phân biệt đối xử và loại trừ trong các dự án mà chúng tôi tài trợ. Các biện pháp này hiện đang được thảo luận với chính quyền”.

Đức Tổng Giám Mục Kivuva đã kêu gọi người dân Kenya tiếp tục tự bảo vệ mình, một tuyên bố phản ảnh những tuyên bố trước đó của các giám mục nước này liên quan đến phán quyết của Tòa án Tối cao vào tháng Hai.

Vào thời điểm đó, các giám mục nhấn mạnh rằng đồng tính luyến ái “tìm cách hủy diệt sự sống” và nó đi ngược lại “trật tự tự nhiên của tạo vật”.
 
VietCatholic TV
Đại tang của Nga: Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù 247 tử trận. Ukraine thắng lớn. Vỡ trận, cả Lữ Đoàn Nga tơi tả
VietCatholic Media
02:46 16/09/2023


1. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho biết Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù Cận Vệ 247 của Nga vừa tử trận

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Elite Unit Commander Killed in Ukraine: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho biết Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù Cận Vệ 247 của Nga vừa tử trận”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo cập nhật mới nhất từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một Tư Lệnh lính Dù cao cấp của Nga đã thiệt mạng ở Ukraine, trong khi các đơn vị tinh nhuệ của Mạc Tư Khoa tiếp tục phải chịu tỷ lệ tiêu hao cao.

Tổ chức cố vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ đã trích dẫn các kênh Telegram của quân đội thân Nga và trang Mediazona độc lập của Nga trong báo cáo của mình rằng Vasily Popov, Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù cận vệ 247—một đơn vị dưới sự chỉ huy của Sư đoàn Dù cận vệ số 7— đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh tại chiến trường Zaporizhzhia.

Người đầu tiên đưa tin về cái chết của Popov là miblogger Egor Guzenko, người điều hành kênh Telegram ủng hộ chiến tranh có tên là “Mười ba”. Anh ta đã báo cáo Popov tử trận trong trong một audio được đăng lên kênh vào ngày 10 tháng 9.

Popov cho biết Popov “chỉ mới nhậm chức gần đây”, và mô tả người chỉ huy này là một người đàn ông tốt và một anh hùng. Guzenko nói thêm: “Tôi cảm thấy tiếc cho anh ta. Ba người nữa đã chết cùng anh ta và tôi cảm thấy tiếc cho họ”. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Mediazona trích dẫn những thông tin rò rỉ từ cơ sở dữ liệu của Nga trong báo cáo của mình rằng Popov qua đời ở tuổi 38 và được ghi nhận là Đại Tá. Tuy nhiên, các lời chia buồn gọi anh ra là Thiếu Tướng. Giải thích về sự khác biệt, tờ báo cho biết, vào năm 2021, Popov theo học tại Học viện Tổng hợp của binh chủng Nhảy Dù và có thể đã được thăng Thiếu Tướng trước khi được trao quyền chỉ huy Lữ Đoàn Dù 247.

Lữ Đoàn đóng tại Stavropol, một thành phố miền nam nước Nga, cách cầu eo biển Kerch và bán đảo Crimea bị tạm chiếm khoảng 250 dặm về phía đông. Sư đoàn 7 mẹ của nó có trụ sở chính tại thành phố cảng Novorossiysk ở Hắc Hải.

ISW đưa tin rằng Vasily Popov đã kế nhiệm Pyotr Popov làm chỉ huy Lữ Đoàn Dù 247 vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm 2023. Nếu cái chết của anh ta được xác nhận, Vasily Popov sẽ là chỉ huy thứ hai của đơn vị này thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện. Đại tá Konstantin Zizevsky bị giết ở miền nam Ukraine vào mùa xuân năm 2022.

Mediazona đưa tin, Lữ Đoàn Dù 247 đã chịu thương vong nặng nề trong suốt 18 tháng chiến đấu ở Ukraine. “Trong tuần đầu tiên của cuộc chiến, Lữ Đoàn đã mất ít nhất 60 người chết khi cố gắng tấn công Nikolaev,” tờ báo viết, sử dụng tên tiếng Nga cho thành phố cảng Mykolaiv của Ukraine ở Hắc Hải, nơi cuộc tiến công về phía nam của Nga đã bị dừng lại vào mùa xuân 2022.

Đơn vị này có thể đã phải hứng chịu thương vong trong loạt cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào Sân bay Quốc tế Kherson do Nga nắm giữ ở Chornobaivka. Lữ Đoàn Dù 247 cũng được tường trình đã bị tấn công khi bảo vệ khu định cư Staromaiorske ở Donetsk vào tháng Bảy.

ISW lưu ý rằng các thành phần của Lữ Đoàn 247 đang chiến đấu ở biên giới Donetsk-Zaporizhzhia, nơi Ukraine đã nỗ lực phản công dữ dội kể từ đầu tháng 6.

ISW cho biết, các đơn vị Dù “tương đối tinh nhuệ” đang tiến hành các cuộc phản công hạn chế ở các khu vực quan trọng của mặt trận, và cái chết của Vasily Popov củng cố cho đánh giá của ISW rằng những cuộc phản công này có thể sẽ khiến các đơn vị này bị tiêu hao thêm.

Lực lượng Dù của Nga - được gọi là VDV, từ viết tắt của Vozdushno Desantniye Voyska của Nga - là một trong những lực lượng được huấn luyện tốt nhất, được trang bị tốt nhất và giàu kinh nghiệm nhất của Nga. Họ được huấn luyện để lãnh đạo các hoạt động tấn công của Nga và được giao nhiệm vụ đánh chiếm và nắm giữ các mục tiêu chiến lược quan trọng.

Vai trò của họ ở mũi nhọn của Mạc Tư Khoa có nghĩa là các đơn vị VDV phải chịu thương vong cao trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Các quan chức quân sự Âu Châu trước đây đã nói với Newsweek rằng các đơn vị VDV tiên phong phải chịu tỷ lệ thương vong lên tới 40% trong những tháng đầu của cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Mạc Tư Khoa. Trong số những lực lượng bị tiêu diệt có Sư đoàn Dù cận vệ số 76, được chỉ định dẫn đầu một cuộc xâm lược giả định của Nga trong tương lai vào các quốc gia vùng Baltic của NATO.

2. Lữ đoàn Nga 'tơi tả' sau khi Ukraine giải phóng Andriivka

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Brigade 'in Tatters' After Liberation of Andriivka: Ukraine”, nghĩa là “Lữ đoàn Nga 'tơi tả' sau khi Ukraine giải phóng Andriivka.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân Ukraine cho biết một lữ đoàn Nga đã bị “tàn phá” đến “tơi tả” sau khi bị quân Ukraine hất cẳng khỏi thị trấn Andriivka ở Donetsk.

Hơn ba tháng sau cuộc phản công của Kyiv để đòi lại lãnh thổ bị tạm chiếm, quân đội Ukraine tuyên bố chiếm được Andriivka, một thị trấn trọng điểm nằm cách Bakhmut khoảng 10 km về phía nam, nơi từng là điểm giao tranh ác liệt nhất của cuộc chiến và vẫn là trung tâm của cuộc chiến. cảnh xung đột căng thẳng.

“Theo hướng Bakhmut, đối phương không từ bỏ nỗ lực xuyên thủng hàng phòng ngự của lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực Bohdanivka”, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết. “Đến lượt họ, lực lượng phòng thủ Ukraine trong các hoạt động tấn công đã thành công một phần ở khu vực Klishchiivka. Trong các cuộc tấn công, họ đã thành công và chiếm được Andriivka, khiến địch tổn thất đáng kể về nhân lực và trang thiết bị.”

Chưa có bình luận nào từ Điện Cẩm Linh. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine cho biết quân nhân của họ đã chiếm lại Andriivka sau khi bao vây lực lượng đồn trú của Nga trong thị trấn trong một “chiến dịch chớp nhoáng” diễn ra trong hai ngày. Lữ đoàn Nga đã bị bỏ lại “trong tình trạng tả tơi”, lữ đoàn Ukraine cho biết trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình.

“Trong hai ngày, Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân đã tiêu diệt: chỉ huy lữ đoàn tình báo Nga; ba chỉ huy khác; và gần như toàn bộ bộ binh của lữ đoàn 72, cùng với các sĩ quan và một lượng trang thiết bị đáng kể. Cho đến nay, giao tranh vẫn tiếp diễn, các đơn vị của chúng tôi tiếp tục củng cố ở các vị trí mới”.

Lữ đoàn cho biết việc chiếm lại Andriivka là “chìa khóa thành công trên mọi hướng tiếp theo”, đồng thời cho biết thêm: “Chúng tôi phải trả giá đắt cho kết quả của những trận chiến này. Và máu của mỗi chiến binh của chúng tôi sẽ chỉ được trả bằng máu.”

Việc chiếm lại Andriivka diễn ra vài tuần sau khi lực lượng Ukraine giành lại Robotyne, một thị trấn trọng điểm ở mặt trận Zaporizhzhia phía nam Ukraine. Đoạn phim định vị ngày 5 tháng 9 cho thấy lực lượng của Kyiv đã tiến về phía nam Robotyne và dọc theo các tuyến phòng thủ của Nga trong khu vực.

Yevgeny Balitsky, nhà lãnh đạo chính quyền do Mạc Tư Khoa cài đặt ở khu vực Zaporizhzhia bị tạm chiếm một phần, cho biết trong buổi phát sóng chương trình truyền hình nhà nước Nga Solovyov Live rằng Quân đội Nga đã rút khỏi khu vực vì lý do chiến thuật.

“Quân đội Nga đã rút lui—di tảnchiến thuật—khỏi khu định cư này vì việc ở trên một bề mặt trống trải khi không có cách nào để đào sâu hoàn toàn...nói chung là không có ý nghĩa gì. Vì vậy, quân đội Nga đã rút lui lên vùng đồi”, hãng tin RBC của Nga dẫn lời Balitsky nói.

3. Điện Cẩm Linh cho biết Vladimir Putin và Kim Chính Ân trao đổi súng trường làm quà

Điện Cẩm Linh cho biết Vladimir Putin và Kim Chính Ân đã tặng nhau súng trường làm quà sau khi hai nhà lãnh đạo tổ chức hội nghị thượng đỉnh cao cấp ở vùng viễn đông của Nga.

Putin đã tìm cách tăng cường liên minh với các nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn khác bị phương Tây tẩy chay và gặp ông Kim trong bối cảnh có đồn đoán rằng họ sẽ đồng ý về một thỏa thuận vũ khí.

Putin “đã tặng Kim một khẩu súng trường do chúng tôi sản xuất với phẩm chất cao nhất. Đổi lại, ông ấy cũng nhận được một khẩu súng trường do Triều Tiên sản xuất”, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên.

Theo AFP, ông Peskov cho biết ông Putin cũng tặng ông Kim “một chiếc găng tay từ bộ đồ du hành vũ trụ đã từng bay vào không gian nhiều lần”.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Năm rằng ông Kim đã mời ông Putin tới Triều Tiên trong cuộc gặp của họ ở Nga và ông Putin đã chấp nhận.

4. Làm thế nào Ukraine có thể lấy lại Crimea từ tay Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How Ukraine Could Take Crimea Back From Russia”, nghĩa là “Làm thế nào Ukraine có thể lấy lại Crimea từ tay Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Quân đội Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào Crimea, tiến hành các cuộc tấn công thành công trên cả đất liền và trên biển. Nỗ lực quân sự ngày càng tăng đã truyền cảm hứng cho cuộc thảo luận về việc Kyiv có thể giành lại khu vực bằng vũ lực và cách họ sẽ thực hiện điều đó.

Tiến sĩ Scott Savitz, kỹ sư cao cấp của Tập đoàn RAND, nói với Newsweek: “Việc chiếm lại bán đảo sẽ khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được”. “Ít nhất, Crimea không còn là căn cứ an toàn để Nga có thể tấn công các khu vực khác của Ukraine”.

Các cuộc tấn công vào Crimea đã trở nên phổ biến hơn kể từ khi Kyiv phát động cuộc phản công đang diễn ra vào tháng 6 nhằm giành lại lãnh thổ bị lực lượng Nga xâm lược. Với vị trí chiến lược của Crimea, nhiều cuộc tấn công trong số này đã nhắm vào các tuyến tiếp tế quân đội và vũ khí của Mạc Tư Khoa được sử dụng cho cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Chỉ trong tuần này đã chứng kiến các cuộc tấn công nhằm vào hạm đội Hắc Hải của hải quân Nga, khiến tàu đổ bộ Minsk lớn và một tàu ngầm bị hư hại nghiêm trọng. Một khẩu đội phòng không S-400 của không quân Nga trị giá lên đến 625 triệu Mỹ Kim cũng được tường trình là đã bị phá hủy ở Tây Crimea hôm thứ Năm, trong khi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái dường như đã trở nên thường xuyên xảy ra vào ban đêm.

Crimea nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin xâm chiếm và sáp nhập khu vực này vào năm 2014. Trong quá trình xâm lược hiện nay của Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần nói rằng việc giành lại bán đảo này là một trong những mục tiêu chính của ông trong cuộc chiến.

“Trong khi Ukraine muốn lấy lại Crimea, điều này sẽ không dễ dàng. Việc xâm chiếm nó sẽ không dễ dàng, đặc biệt là khi Nga vẫn kiểm soát lãnh thổ ở phía đông nối liền với Nga”, giáo sư Mark N. Katz của Đại học George Mason nói với Newsweek.

Katz cảm thấy Ukraine có thể sẽ không sớm lấy lại Crimea, nhưng ông cho biết lực lượng của Kyiv có thể có cơ hội thành công cao hơn bằng cách trước tiên cắt đứt “sự tiếp cận của Nga với Crimea trước khi có thể tiến hành một cuộc xâm lược bán đảo”.

John Spencer, thiếu tá quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là chủ tịch của Nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Diễn đàn chính sách Madison, nói với Newsweek rằng Kyiv có thể lấy lại Crimea bằng biện pháp quân sự. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “mọi người quá chú tâm vào việc 'chiếm' Crimea theo nghĩa là Ukraine cần phải tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào đó.”

Spencer nói: “Nếu Ukraine có thể khiến quân đội Nga không thể ở lại Crimea, họ sẽ phải rời đi”. “Giống như chúng ta đã thấy, Ukraine có thể thực hiện điều này bằng các cuộc tấn công của lực lượng kháng chiến, lực lượng đặc biệt và thông qua hỏa lực tầm xa.”

Savitz cho biết, Ukraine sẽ có một chiến lược hợp lý để tấn công “không ngừng” vào bờ biển Crimea, tiếp tục gây ra thiệt hại bằng các cuộc tấn công trước khi lực lượng của Kyiv tiến vào bằng một cuộc tấn công trực tiếp.

Savitz nói: Làm như vậy sẽ “đẩy các lực lượng Nga vào tình thế khó khăn là phải chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ mọi điểm dọc bờ biển Crimea và liên tục duy trì trạng thái cảnh giác cao độ ở mọi nơi”. “Tác động tâm lý của những cuộc đột kích như vậy cũng có thể là rất lớn.”

Savitz nói rằng một khi quân đội của Zelenskiy tiến hành một cuộc tấn công, “vấn đề then chốt” sẽ không phải là “Nga đã có mặt ở Crimea gần một thập kỷ, nhưng vấn đề là vị trí địa lý của Crimea khiến việc phòng thủ nó trở nên khó khăn”.

Savitz nói: “Ngay cả sau khi Ukraine giành lại các lãnh thổ tiếp giáp với bán đảo, các đường tiếp cận Crimea bằng đường bộ vẫn rất hẹp và Nga đã đánh cắp hầu hết tài sản hải quân của Ukraine vào năm 2014”. Một cuộc tấn công trực tiếp, do đó, vẫn còn khó khăn, “Điều đó nói lên rằng, Ukraine đang làm rất tốt việc tiến hành một cuộc bao vây hiệu quả của thế kỷ 21 – nhắm vào cả các tuyến đường tiếp tế quan trọng và chính bán đảo này bằng cách sử dụng hỏa tiễn, tàu mặt nước không có người lái, phá hoại và các phương tiện khác”. Cứ làm như thế cho người Nga kiệt quệ rồi hãy tấn công vào.

David Silbey, phó giáo sư lịch sử tại Cornell và là giám đốc giảng dạy và học tập tại Cornell ở Washington, nói với Newsweek rằng nếu Ukraine tìm cách đánh đuổi lực lượng Nga ở Ukraine, thì nước này sẽ phải “tiến vào và lật đổ các chính phủ do Nga chỉ định”.

Silbey cũng mô tả nỗ lực giành lại khu vực này là một nhiệm vụ khó khăn nhưng cho biết nó sẽ bắt đầu bằng việc Ukraine phải “tiến đến cái cổ của Crimea vượt qua lực lượng phòng thủ của Nga trước và sau đó chiến đấu trên một dải đất rất hẹp nối liền với đất liền. “

Ông nói: “Nếu họ cố gắng vượt qua điều đó bằng cách tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ, họ sẽ phải tập hợp một số lượng lớn tàu để chở quân của mình, những con tàu sẽ rất dễ bị Nga tấn công”. “Thứ hai, họ sẽ phải cung cấp đạn dược và thực phẩm cho bất kỳ lực lượng nào của họ ở Crimea, đòi hỏi số lượng lớn phương tiện và tàu hàng ngày. Những chiếc tàu đó cũng sẽ rất dễ bị can thiệp.”

Vì vậy, Silbey nói, “điều tốt nhất mà người Ukraine nên làm là cắt đứt những liên hệ của người Nga ở Crimea và buộc họ phải rút lui thay vì cố gắng tấn công và chiếm lấy nó một cách trực tiếp”.

Nhưng có lẽ một vấn đề thậm chí còn lớn hơn sẽ xuất hiện nếu Ukraine lấy lại Crimea: Đa số cư dân trên bán đảo là những người thân Nga sau khi nhiều người ủng hộ Ukraine đã bỏ trốn do cuộc xâm lược năm 2014.”

“ Việc tái áp đặt quyền kiểm soát của Ukraine đối với Crimea sẽ không được người dân thân Nga ở đó ưa chuộng”. “Nhưng nếu họ nghĩ rằng có khả năng lớn Ukraine sẽ lấy lại Crimea, thì họ có thể muốn chạy trốn hơn - giống như phần lớn người dân thân Ukraine khi Nga tiếp quản vào năm 2014. Cũng có thể một số người ủng hộ- Người Nga vào năm 2014 đã trở nên vỡ mộng với sự cai trị của Putin và có thể sẽ không phản đối việc kết thúc nó.”

Giáo sư khoa học chính trị William Reno của Đại học Northwestern nói với Newsweek rằng tình cảm thân Nga trong nhiều người dân khiến ông nghĩ rằng “cuối cùng thì tình trạng của Crimea có thể là đối tượng để đàm phán, có lẽ là việc chính thức trở lại Ukraine với quyền tự chủ rộng rãi của địa phương và lời hứa về một cuộc trưng cầu dân ý trong một tương lai xa nào đó.”

Khu vực này gần như chắc chắn sẽ tiếp tục được thảo luận nhiều trong suốt cuộc chiến.

Savitz nói: “Crimea vẫn là một viên ngọc chiến lược lấp lánh với vị trí địa lý đắc địa. Có nhiều lý do khiến nó được cai trị và định cư bởi người Đông Phương cổ đại, Đế chế Rôma, Genoa thời trung cổ, Đế chế Mông Cổ, Đế chế Ottoman và nhiều quốc gia khác.”

5. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh cho biết còn quá sớm để bình luận về vụ tai nạn máy bay Prigozhin khi cuộc điều tra đang diễn ra

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết còn quá sớm để bình luận về nguyên nhân khiến máy bay của nhà lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin bị rơi hồi tháng 8.

Khi được các nhà báo hỏi về cuộc điều tra vụ tai nạn – và liệu Điện Cẩm Linh có nghĩ rằng nó tiến triển quá chậm hay không – Peskov nói: “Đây là một cuộc điều tra phức tạp, một sự việc phức tạp”.

Ông nói thêm: “Một cuộc điều tra đang diễn ra, vì vậy sẽ còn quá sớm để đưa ra bất kỳ bình luận nào vào lúc này”.

Một số thông tin cơ bản: Prigozhin chết trong một vụ tai nạn máy bay ở khu vực Tver phía tây nước Nga vào ngày 23 tháng 8 - đúng hai tháng sau khi lãnh đạo một cuộc binh biến thất bại ở Mạc Tư Khoa, gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong 23 năm cầm quyền của ông.

Rosaviatsia, cơ quan hàng không dân dụng của Nga, cho biết vào thời điểm đó rằng họ đã mở một cuộc điều tra về “hoàn cảnh và nguyên nhân của vụ tai nạn”. Ủy ban Điều tra Nga cũng đã mở cuộc điều tra hình sự.

CNN đã xem xét dữ liệu và video chuyến bay, đồng thời phỏng vấn các chuyên gia hàng không và chất nổ để ghép lại những gì đã xảy ra trong vài phút dẫn đến vụ tai nạn. Phân tích cho thấy chiếc máy bay tư nhân đã gặp phải ít nhất một “sự việc thảm khốc trên chuyến bay” trước khi rơi khỏi bầu trời.

6. Nga trục xuất hai nhân viên đại sứ quán Mỹ

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết cho biết nước này đang trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ mà họ cho là đã làm việc với một công dân Nga bị cáo buộc cộng tác với một quốc gia nước ngoài.

Zakharova nói rằng Bộ Ngoại Giao Nga đã triệu tập Đại Sứ Mỹ Lynne Tracy và nói với bà rằng Bí thư thứ nhất đại sứ quán Jeffrey Sillin và bí thư thứ hai David Bernstein phải rời Nga trong vòng bảy ngày.

Bà ta cho biết thêm: “Những người được nêu tên đã tiến hành hoạt động bất hợp pháp, duy trì liên lạc với công dân Nga R Shonov, người bị cáo buộc 'hợp tác bí mật' với một quốc gia nước ngoài”.

Robert Shonov, quốc tịch Nga, đã làm việc cho Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Vladivostok phía đông Nga trong hơn 25 năm cho đến khi Nga ra lệnh chấm dứt nhân viên địa phương của phái bộ Mỹ vào năm 2021.

Hoa Kỳ hồi tháng 8 đã cáo buộc Mạc Tư Khoa cố gắng đe dọa và quấy rối nhân viên Mỹ sau khi truyền thông nhà nước Nga đưa tin Shonov đã bị cơ quan an ninh buộc tội thu thập thông tin về cuộc chiến ở Ukraine và các vấn đề khác cho Washington.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass dẫn lời cơ quan an ninh FSB cho biết Shonov đã chuyển thông tin cho nhân viên đại sứ quán Mỹ ở Mạc Tư Khoa về việc chiến dịch cưỡng bách tòng quân của Nga đang tác động như thế nào đến sự bất mãn chính trị trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 ở Nga.

FSB cho biết họ có kế hoạch thẩm vấn các nhân viên đại sứ quán Mỹ có liên hệ với Shonov, người đã bị bắt giữ kể từ tháng 5.

Bộ Ngoại giao hôm thứ Năm cho biết Shonov đã được trả tiền để hoàn thành các nhiệm vụ nhằm gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Nga và bất kỳ sự can thiệp nào của đại sứ quán Mỹ vào công việc nội bộ của nước này sẽ bị ngăn chặn.

7. Putin nói Nga bắt giữ nhiều lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu cho biết Nga đang phát hiện lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine và một số người trong số họ đã bị bắt trong vài ngày qua.

“Chúng tôi đang phát hiện lính đánh thuê nước ngoài và huấn luyện viên nước ngoài cả trên chiến trường và trong các đơn vị tiến hành huấn luyện. Theo như tôi được báo cáo, hôm qua và hôm kia lại có người bị bắt làm tù binh một lần nữa”, ông Putin nói trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ở Sochi.

Putin nói thêm rằng Nga không cần mời người từ bên ngoài tham chiến vì gần đây nước này đã ghi danh gần 300.000 người tình nguyện tham gia quân đội.

Ông nói: “Sáng nay tôi nhận được báo cáo - 300.000 hợp đồng đã được ký bởi những người, tôi muốn nhấn mạnh, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì lợi ích của quê hương, bảo vệ lợi ích của nước Nga”.

Ông Putin cho biết các đơn vị mới chiến đấu ở Ukraine đang được trang bị vũ khí và trang thiết bị hiện đại.

8. Slovakia trục xuất nhà ngoại giao Nga

Slovakia đã trục xuất một nhà ngoại giao làm việc tại đại sứ quán Nga, Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết như trên hôm thứ Năm.

Bộ cho biết: Nguyên nhân là do các hoạt động của ông này đã vi phạm trực tiếp Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao. Các hoạt động trái phép của ông ta đã được cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa Slovakia ghi chép kỹ lưỡng.

Họ nói thêm rằng nhà ngoại giao Nga có 48 giờ để rời khỏi đất nước.

Bộ này cho biết thêm họ đã triệu tập đại sứ Nga và kêu gọi đại sứ quán tiến hành các hoạt động của mình theo công ước Vienna.

Nga sẽ đưa ra “phản ứng thích hợp” trước việc trục xuất một trong những nhà ngoại giao của nước này khỏi Slovakia, hãng thông tấn nhà nước RIA đưa tin hôm thứ Năm, dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga.

9. Tổng công tố Ukraine cho biết tòa án hình sự quốc tế đã mở văn phòng hiện trường ở Kyiv, như một phần trong nỗ lực buộc các lực lượng Nga phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh

Kyiv đã kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để buộc Mạc Tư Khoa phải chịu trách nhiệm về những vi phạm xảy ra trong cuộc xâm lược toàn diện được phát động vào tháng 2 năm ngoái.

“Hôm nay đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình khôi phục công lý của chúng ta”, Công tố viên Gen Andriy Kostin cho biết như trên.

“Văn phòng hiện trường của tòa án hình sự quốc tế đã được mở tại Ukraine, đó là văn phòng Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, lớn nhất bên ngoài The Hague /đờ hây/. Giờ đây, sự hợp tác của chúng tôi sẽ còn hiệu quả và năng suất hơn nữa”.

Động thái này diễn ra sau khi một văn phòng quốc tế điều tra Nga về tội ác chiến tranh xâm lược được mở tại The Hague vào tháng 3, điều mà Kyiv gọi là bước đầu tiên “lịch sử” hướng tới một tòa án dành cho lãnh đạo Mạc Tư Khoa.

Kostin nói: “Không giống như chế độ tội phạm của Nga, Ukraine không có gì phải che giấu”.

Ông nói thêm: “Cùng với toàn bộ thế giới văn minh, chúng ta đoàn kết vì một mục tiêu – bảo đảm kẻ xâm lược phải chịu trách nhiệm về tất cả tội ác đã gây ra”.

10. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh điều trần với Quốc Hội về vụ phi công Nga muốn bắn hạ một chiếc máy bay của không quân Hoàng Gia Anh

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã cung cấp tất cả thông tin cho Quốc Hội sau một sự việc xảy ra vào năm ngoái liên quan đến một phi công Nga và một máy bay của không quân Hoàng Gia Anh, gọi tắt là RAF.

Ben Wallace cho biết một “phi công Nga liều lĩnh” đã cố gắng bắn hạ một máy bay RAF vào năm 2022.

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết cựu Bộ trưởng Quốc phòng đã trình bày chi tiết liên quan đến việc khai hỏa chiếc hỏa tiễn.

11. Cuba không chống lại công dân của mình chiến đấu bên phía Nga trong cuộc chiến Ukraine

Cuba không phản đối sự tham gia hợp pháp của công dân nước này vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA đưa tin hôm thứ Năm, dẫn lời Đại Sứ Cuba tại Mạc Tư Khoa.

Tuần trước, chính quyền Cuba cho biết họ đã bắt giữ 17 người với cáo buộc liên quan đến một đường dây buôn người được cho là đã dụ dỗ nam thanh niên Cuba phục vụ trong quân đội Nga trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.

Đại sứ Cuba tại Mạc Tư Khoa, Julio Antonio Garmendia Peña, cho biết những người bị bắt, tất cả đều là công dân Cuba, đã tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp và đã vi phạm pháp luật.

RIA dẫn lời đại sứ nói:

Chúng tôi không có gì chống lại những người Cuba chỉ muốn ký hợp đồng và tham gia hợp pháp với quân đội Nga trong hoạt động này. Nhưng chúng tôi chống lại những hoạt động bất hợp pháp và những hoạt động không kể gì đến lĩnh vực pháp lý.

Ông không nói liệu Cuba có thoải mái về việc công dân của họ chiến đấu bên phía Ukraine trong cuộc chiến hiện đã bước sang tháng thứ 19 hay không.

12. AFP đưa tin, Mỹ đã đưa 5 công ty Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách đen như một phần của các biện pháp trừng phạt mới nhằm cản trở nền kinh tế Nga vì cuộc chiến với Ukraine.

Ba công ty Thổ Nhĩ Kỳ bị trừng phạt vì cung cấp cho các nhà sản xuất liên quan đến quốc phòng của Nga, bao gồm cả các nhà sản xuất UAV, các bộ phận và thiết bị công nghệ.

Hai công ty khác của Thổ Nhĩ Kỳ và chủ sở hữu của một trong số đó đã bị tấn công vì cung cấp dịch vụ sửa chữa tàu cho các tàu do ngành quốc phòng Nga kiểm soát hoặc liên quan đến.

Họ nằm trong số hơn 150 cá nhân, công ty và tổ chức được thêm vào danh sách đen của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì cáo buộc vai trò của họ trong việc hỗ trợ cuộc chiến kéo dài gần 19 tháng của Nga chống lại Ukraine.

Hầu hết những người được nêu tên là các nhà sản xuất, công ty thương mại và viện nghiên cứu của Nga hỗ trợ sản xuất vũ khí và các vật tư khác cho lực lượng vũ trang Nga cũng như các cá nhân sở hữu hoặc quản lý các thực thể đó.

13. Nhà chức trách cho biết trẻ em thiệt mạng và 6 người khác bị thương do pháo kích của Nga ở vùng Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Bẩy 16 tháng Chín, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, cho biết một đứa trẻ đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương do pháo kích của Nga hôm thứ Sáu tại các khu vực do Ukraine kiểm soát ở vùng Kherson.

Cô cho biết Nga đã thực hiện 91 cuộc tấn công và bắn 349 quả đạn từ nhiều hệ thống vũ khí khác nhau “trong ngày qua”; và nói thêm rằng lực lượng Nga đã bắn 20 quả đạn pháo như vậy vào thành phố Kherson. Các khu dân cư cũng như cơ sở hạ tầng đều bị ảnh hưởng.

Lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng theo giờ địa phương bắt đầu từ ngày 18/9.
 
Thánh bảo trợ Hàn Quốc được vinh danh ở Vatican. Hiểu lầm từ Ukraine, tuyên bố của Ngân Hàng Vatican
VietCatholic Media
07:05 16/09/2023


1. Tượng vị thánh bảo trợ của Hàn Quốc sẽ được lắp đặt vĩnh viễn tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Vatican sẽ khánh thành một bức tượng mới của vị thánh bảo trợ của Hàn Quốc, Thánh Anrê Kim Đại Kiến (Andrew Kim Tae-gon, 김대건 안드레아), tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào Thứ Bảy, ngày 16 tháng 9 năm 2023.

Cha Anrê Kim Đại Kiến, linh mục Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc đã tử đạo vì đức tin vào thế kỷ 19 và được tuyên thánh vào năm 1984.

Theo phương tiện truyền thông của Dòng Phanxicô tại Hàn quốc, Cha Anrê Kim Đại Kiến, sinh năm 1821, là con trai của những người cải đạo theo đạo Công Giáo. Ngài được rửa tội ở tuổi 15. Sau đó ngài đến một chủng viện ở Ma Cao, Trung Quốc, và trở về quê hương sau sáu năm qua ngã Mãn Châu. Cùng năm đó, ngài vượt biển Hoàng Hải đến Thượng Hải, nơi ngài được thụ phong linh mục.

Cha Kim được giao nhiệm vụ sắp xếp cho nhiều nhà truyền giáo vào Hàn Quốc một cách bí mật bằng con đường ven biển để tránh các cuộc tuần tra biên giới. Ngài bị bắt, bị tra tấn và bị chặt đầu trên sông Hàn gần Hán Thành vào năm 1846.

Đền các thánh tử đạo ở Sa Nam Cơ (Saenamteo, 새남터) ở Nhị Thôn Động (Ichon-dong, 이촌동) thuộc quận Long Sơn (Yongsan, 용산구) của thủ đô Hán Thành là nơi chứa các thánh tích về cuộc tử đạo của vị thánh. Cha Kim hiện là vị thánh bảo trợ của hàng giáo sĩ ở Hàn Quốc.

Trong những ngày đầu của Kitô Giáo ở Hàn Quốc, đất nước được cai trị bởi triều đại Tiên Quốc kéo dài từ 1392 đến 1910. Đây là một triều đại tôn sùng Phật Giáo, luôn coi các tín hữu Kitô như một mối họa cho ngai vàng của mình. Hàng ngàn người Công Giáo đã bị sát hại vì không chịu từ bỏ đức tin.

Năm 1984, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 103 vị tử đạo trong đó có Cha Anrê Kim, Ông Ignatius cha của ngài, Thánh Phaolô Trang (Chong, 총) và bảy nhà truyền giáo người Pháp đã tử đạo vào thế kỷ 19.

2. Trước những ngày lễ cao điểm, các nhà lãnh đạo Do Thái ở Hoa Kỳ nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác an ninh khi chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng

Trước Ngày lễ trọng đại bắt đầu vào tuần này, một mạng lưới gồm các chuyên gia an ninh Do Thái và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tổ chức một số hội thảo trực tuyến để giúp chuẩn bị cho mùa lễ hội. Trong số các chủ đề: Cách ứng phó với “mối đe dọa tích cực” nhắm vào cộng đồng Do Thái và cách cầm máu trong trường hợp nghiêm trọng.

Những ngày lễ, bao gồm Rosh Hashana và Yom Kippur, được coi là khoảng thời gian vui vẻ và suy ngẫm. Trong những năm gần đây - trước những mối đe dọa và bạo lực chống Do Thái ngày càng gia tăng - mùa này cũng là thời điểm phải nâng cao cảnh giác.

Rabbi Noah Farkas, chủ tịch Liên đoàn Do Thái ở Greater Los Angeles cho biết: “Những ngày lễ trọng đại là về sự đổi mới - về việc cố gắng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. “Nhưng chúng tôi không thể làm điều đó nếu không có chế độ an ninh giúp mọi người cảm thấy thoải mái khi đến các giáo đường Do Thái.”


Source:AP

3. Ngân hàng Vatican bác bỏ cáo buộc về đầu tư liên quan đến Nga. Đó là điều 'không thể'

Tờ Pillar Catholic có bài tường trình nhan đề “Vatican bank rebuts 'impossible' Russian money claims”, nghĩa là “Ngân hàng Vatican bác bỏ cáo buộc về đầu tư liên quan đến Nga. Đó là điều 'không thể'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ngân hàng thương mại của Thành phố Vatican hôm thứ Bảy phủ nhận việc họ giữ tiền gửi và cho nhà nước Nga vay tiền. Lời buộc tội được đưa ra bởi Mykhailo Podolyak, một cố vấn cao cấp của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người đã cáo buộc Ngân hàng Vatican chứa chấp các quỹ của Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.

Viện Giáo Vụ “không nhận hoặc đầu tư tiền của Nga”, ngân hàng này cho biết trong một tuyên bố ngày 9 tháng 9, sau khi Podolyak đưa ra cáo buộc trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng tiền của Nga đang ảnh hưởng đến cố gắng môi giới hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào năm 2022.

Podolyak đưa ra cáo buộc trong một cuộc phỏng vấn ngày 8 tháng 9 với đài truyền hình tin tức Ukraine Kanal 24.

Trong cùng một cuộc phỏng vấn, Podolyak chỉ trích những nỗ lực hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô, đồng thời nói rằng những tuyên bố và cử chỉ của Giáo hoàng về cuộc chiến được coi là có thiện cảm với Nga.

Vào tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đang thực hiện một kế hoạch bí mật vì hòa bình giữa Ukraine và Nga, mặc dù đại diện của cả hai chính phủ đều phủ nhận mọi thông tin về kế hoạch này. Sau đó, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Matteo Zuppi làm đặc phái viên hòa bình cá nhân của ngài và phái Đức Hồng Y đến thăm Ukraine.

Kể từ đó, Đức Phanxicô đã thu hút sự chỉ trích từ các nhà lãnh đạo Ukraine, bao gồm cả các giám mục của nước này, vì những tuyên bố công khai mà các ngài nói là không thừa nhận một cách đúng đắn vai trò của Nga là kẻ xâm lược trong cuộc xung đột, mặc dù Đức Thánh Cha liên tục cầu nguyện cho đất nước và mô tả nước này là một quốc gia đang “tử vì đạo”.

Đức Giáo Hoàng “không có vai trò hòa giải, ngài thân Nga, ngài không đáng tin cậy”, Podolyak nói đồng thời cho biết thêm ông tin rằng “các khoản đầu tư mà Nga đang thực hiện vào Ngân hàng Vatican” đã thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao của Đức Giáo Hoàng.

“Nga có một khoản đầu tư lớn vào Ngân hàng Vatican, và điều này có thể ảnh hưởng đến quan điểm của Đức Giáo Hoàng,” Podolyak than thở và nói thêm rằng “Vatican không lên án hành động gây hấn của Nga”.

Đáp lại, ngân hàng Vatican cho biết hôm thứ Bảy rằng ngân hàng “bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc của Podolyak rằng ngân hàng Vatican đầu tư tiền của Nga”.

“Ngoài việc không tương ứng với sự thật, một hoạt động như vậy cũng sẽ không thể thực hiện được nếu xét đến các chính sách nghiêm ngặt của ngân hàng Vatican và các lệnh trừng phạt quốc tế áp dụng cho lĩnh vực tài chính.”

Ngân hàng cho biết: “Ngân hàng Vatican không nhận hoặc đầu tư tiền của Nga. Những tuyên bố ngược lại trên báo chí không dựa trên cơ sở nào và do đó nên được coi là vô nghĩa.”

Viện Giáo Vụ, tổ chức tài chính thương mại duy nhất ở Vatican, hoạt động như một tổ chức vì lợi nhuận cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản và ngân hàng cho khách hàng tư nhân. Tuy nhiên, đúng như tên gọi của nó, các dòng tu chiếm đa số trong cơ sở khách hàng của ngân hàng, sở hữu gần một nửa tài sản tiền gửi.

Ngân hàng Vatican cũng cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hội đồng giám mục, giáo phận và giáo xứ ở nhiều nơi trên thế giới mà không có quyền truy cập vào các dịch vụ ngân hàng địa phương đáng tin cậy. Ngân hàng Vatican cũng cung cấp tài khoản cho các phòng ban, tổ chức và nhân viên của Vatican cũng như cư dân Thành phố Vatican.

Hôm thứ Bảy, ngân hàng cho biết rằng về mặt chính sách cơ bản, ngân hàng “không chấp nhận tư cách là khách hàng những tổ chức hoặc thể nhân không có mối quan hệ chặt chẽ với Tòa thánh và Giáo Hội Công Giáo”.

Hơn nữa, ngân hàng cho biết, các biện pháp trừng phạt tài chính quốc tế chống lại Nga sau cuộc xâm lược năm 2022 sẽ khiến việc nhận tiền gửi hoặc kinh doanh đầu tư của Nga trở thành bất hợp pháp.

“Ngân hàng Vatican là một trung gian tài chính được giám sát, hoạt động thông qua các ngân hàng đại lý quốc tế ở cấp độ cao nhất và danh tiếng hoàn hảo cần thiết để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế,” ngân hàng cho biết trong tuyên bố của mình.

Do thành phố Vatican không đánh thuế cá nhân nên các tài khoản ngân hàng Vatican từ lâu đã trở thành mục tiêu của những kẻ rửa tiền hoặc những cá nhân muốn sử dụng nó làm thiên đường thuế và ngân hàng này trước đây từng là trung tâm của một số vụ bê bối tài chính trong lịch sử, đặc biệt là vụ bê bối Banco Ambrosiano những năm 1980.

Tuy nhiên, các cuộc thanh tra quốc tế gần đây đã mang lại cho ngân hàng một chứng nhận rõ ràng về tính minh bạch.

Ngân hàng Vatican là tổ chức tài chính Vatican duy nhất hiện chịu sự giám sát của Moneyval, cơ quan chống rửa tiền của Hội đồng Âu Châu. Lần cuối cùng nhóm Âu Châu đưa ra một báo cáo về tình hình tài chính của Vatican và ngân hàng Vatican là vào tháng 6 năm 2021, sau một cuộc kiểm tra tại chỗ kéo dài vào tháng 10 trước đó.

Báo cáo đó kết luận rằng, sau nhiều năm cải cách chính sách nội bộ và thay đổi lãnh đạo, nguy cơ rửa tiền bên ngoài tại ngân hàng Vatican là “trung bình thấp”.

“Liên quan đến các biện pháp phòng ngừa, MONEYVAL nhấn mạnh rằng ngân hàng Vatican có hiểu biết sâu sắc về hoạt động rửa tiền và tài trợ cho các rủi ro khủng bố”, cơ quan giám sát nhận định.

“Nói chung, nghĩa vụ thẩm định khách hàng và lưu trữ hồ sơ đã được áp dụng một cách cẩn thận và có một chương trình giám sát giao dịch dựa trên rủi ro nghiêm ngặt yêu cầu thu thập thông tin và tài liệu khi cần thiết trong suốt quá trình quan hệ kinh doanh.”


Source:Pillar Catholic
 
Công lý nhãn tiền: Bạo chúa tàn bạo với bác sĩ đã hôn mê. Giải phóng Andriivka, Kyiv bao vây Bakhmut
VietCatholic Media
17:33 16/09/2023


1. Bạo chúa đối xử tàn tệ với bác sĩ của mình đang trở bệnh nặng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Key Putin Ally Ramzan Kadyrov Is Critically Ill: Ukrainian Report”, nghĩa là “Ukraine báo cáo rằng Đồng minh chủ yếu của Putin Ramzan Kadyrov đang ốm nặng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo tình báo Ukraine, lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov được cho là đang trong tình trạng nguy kịch do các vấn đề sức khỏe đang diễn ra.

Andriy Yusov, đại diện của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, nói với trang tin tức Nexta của Belarus rằng tình trạng sức khỏe hiện tại của Kadyrov đã được cả “giới y tế và chính trị” xác nhận. Nhà lãnh đạo Chechnya được cho là đã phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe do bệnh thận ngày càng trầm trọng và gần đây đã đổ lỗi cho bác sĩ riêng về tình trạng sức khỏe ngày càng tồi tệ của mình.

“Đây không phải là về chấn thương. Các chi tiết khác cần được làm rõ thêm,” Yusov nói với hãng tin này, theo một báo cáo từ Nexta đăng lên X, trước đây là Twitter. “Ông ta bị bệnh đã lâu và chúng tôi đang nói về các vấn đề sức khỏe toàn thân.”

Bình luận của Yusov cũng được hãng thông tấn nhà nước Ukraine Ukrinform xác nhận. Obozrevatel, một cơ quan truyền thông trực tuyến của Ukraine, hồi đầu tuần đưa tin Kadyrov đã hôn mê và được đưa đến Mạc Tư Khoa để điều trị.

Là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Kadyrov được mệnh danh là “con chó tấn công của Putin” và đã hỗ trợ Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine, bao gồm cả việc triển khai quân đội của mình để chiến đấu dọc tiền tuyến.

Nhà lãnh đạo Chechnya cũng là một trong những nhân vật của công chúng đầu tiên lên án cuộc nổi dậy ngắn ngủi của Nhóm Wagner chống lại Mạc Tư Khoa vào tháng 6, do Yevgeny Prigozhin hiện đã qua đời lãnh đạo.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trừng phạt Kadyrov vào tháng trước vì được cho là có vai trò trong việc bắt cóc trẻ em Ukraine từ các lãnh thổ bị Nga tạm chiếm, một hành động vẫn còn đang tiếp diễn của Điện Cẩm Linh. Trong một tin nhắn video hồi đầu tháng này, Kadyrov yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, vốn cũng nhắm vào mẹ anh, bà Aymani Kadyrova, và gọi quyết định của Washington là “sự coi thường có chủ ý và đáng hoài nghi đối với mọi chuẩn mực đạo đức”.

Kadyrov nói trong video của mình: “Tôi đã không còn ngạc nhiên trước những quyết định trừng phạt chả có lý gì của Mỹ và phương Tây. Và đột nhiên một lần nữa, giờ đây người mẹ thân yêu của chính tôi lại bị đưa vào danh sách. Cả thế giới đều biết rằng mẹ tôi chỉ tham gia vào các hoạt động bác ái.”

Đầu tuần này, Kadyrov cũng bị buộc tội sát hại bác sĩ riêng của mình và cựu phó thủ tướng Chechen, Elkhan Suleymanov, người mà nhà lãnh đạo Chechen được tường trình là đã đổ lỗi cho tình trạng sức khỏe đột ngột xấu đi của ông ta. Theo kênh Telegram VChK-OGPU, kênh tuyên bố có thông tin nội bộ từ lực lượng an ninh Nga, Kadyrov cáo buộc Suleymanov đầu độc anh ta và đã chôn sống vị bác sĩ.

Newsweek trước đó đưa tin rằng không có bằng chứng chắc chắn nào chứng minh cho tuyên bố về cái chết của Suleymanov, mặc dù không có ai nhìn thấy ông ta nữa kể từ tháng 10 năm 2022, khi Kadyrov cách chức ông khỏi chức phó thủ tướng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận vào tối thứ Sáu.

2. Trục ma quỷ mới? Lukashenko chào mời liên minh Nga, Belarus, Triều Tiên

Ký giả Claudia CHIAPPA của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “The new Axis of Evil? Lukashenko touts Russia, Belarus, North Korea alliance”, nghĩa là “Phải chăng là trục ma quỷ mới? Lukashenko chào mời liên minh Nga, Belarus, Triều Tiên”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đề xuất thiết lập quan hệ đối tác ba bên giữa Belarus, Nga và Triều Tiên trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu.

“Tôi nghĩ chúng ta có thể nghĩ đến hợp tác ba bên. Triều Tiên, Nga… Tôi biết rằng người Triều Tiên rất quan tâm đến hợp tác với Nga”, ông Lukashenko nói, theo báo cáo của các cơ quan truyền thông Nga và Belarus. “Tôi nghĩ sẽ có một số việc làm cho Belarus. Có tính đến các vấn đề đang tồn tại.”

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, ông Lukashenko đã tới Sochi để trò chuyện với Tổng thống Nga vào hôm thứ Sáu, đó là cuộc gặp lần thứ bảy giữa hai nhà lãnh đạo trong năm nay. Cuộc gặp diễn ra chỉ hai ngày sau khi ông Putin gặp nhà độc tài Triều Tiên Kim Chính Ân tại Sân bay vũ trụ Vostochny, ở vùng viễn đông của Nga.

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 5 giờ giữa Putin và Kim, bao gồm một bữa tối xa hoa, đã kết thúc mà không có bất kỳ thông báo quan trọng nào, bất chấp lo ngại hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận và ký kết một thỏa thuận vũ khí. Tuy nhiên, ông Putin không loại trừ khả năng hợp tác quân sự với Triều Tiên và cho biết vấn đề này vẫn nằm trong chương trình nghị sự.

Nói chuyện với Putin hôm thứ Sáu, Lukashenko nói rằng “rất vui được thấy” Putin gặp ông Kim, trước khi chào mời liên minh Minsk-Mạc Tư Khoa-Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh Nga xâm lược toàn diện Ukraine, Putin nhận thấy mình bị cô lập trên trường quốc tế, đang tìm kiếm đồng minh ở những nơi khó có thể xảy ra. Nhưng khi cuộc xâm lược tiếp diễn, nhà lãnh đạo Belarus vẫn là đồng minh của Nga, tiếp đón Nhóm lính đánh thuê Wagner sau cuộc nổi dậy bị hủy bỏ chống lại Mạc Tư Khoa và cho phép Putin bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của mình.

Các nước phương Tây đã lên án sự tham gia của Belarus vào cuộc chiến ở Ukraine, trong đó Nghị viện Âu Châu tuần này đã gọi Lukashenko là “đồng phạm” trong những tội ác mà Nga đã gây ra.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết Nga đang phát triển tàu ngầm hạt nhân và máy bay không người lái dưới nước tiên tiến

Bộ trưởng Quốc phòng cho biết các khái niệm mới về tàu ngầm và phương tiện không người lái dưới nước đang được phát triển cho Hải quân Nga.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tích cực nghiên cứu thiết kế các tàu ngầm hạt nhân đa năng, hệ thống robot và các phương tiện không người lái dưới nước”.

Ông Shoigu phát biểu trong cuộc họp tại Bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Nga trong chuyến thăm vùng Primorsky Krai ở Viễn Đông của Nga.

Theo TASS, trong chuyến thăm của mình, Bộ trưởng Quốc phòng cũng đã kiểm tra việc thực hiện các hợp đồng mua sắm nhà nước tại xưởng đóng tàu ngầm Zvezda ở thị trấn Bolshoy Kamen và tại nhà máy trực thăng Progress ở Arsenyev.

4. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng cuộc tấn công Crimea cho thấy 'thất bại mang tính hệ thống' của phòng không Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Crimea Strike Suggests 'Systemic Failures' of Russian Air Defense: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng cuộc tấn công Crimea cho thấy 'thất bại mang tính hệ thống' của phòng không Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết, cuộc tấn công thành công của Ukraine vào hệ thống hỏa tiễn đất đối không của Nga ở Crimea có thể là dấu hiệu cho thấy Mạc Tư Khoa đang trải qua “những thất bại chiến thuật mang tính hệ thống” trong mạng lưới phòng thủ của mình trong khu vực.

Lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Năm cho biết quân đội của họ đã phá hủy thành công hệ thống S-400 “Triumf” của Nga gần thành phố Yevpatoria, cách Sevastopol khoảng 42 dặm về phía tây bắc, nơi Kyiv thực hiện cuộc không kích nhằm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga hồi đầu tuần này. Theo báo cáo từ cơ quan truyền thông Ukraine Ukrayinska Pravda, Kyiv đã sử dụng máy bay không người lái để tấn công radar và ăng-ten của hệ thống hỏa tiễn, đồng thời hai hỏa tiễn hành trình Neptune được sử dụng để bao vây các tổ hợp phóng của S-400.

Cuộc tấn công hôm thứ Năm là lần thứ hai trong những tuần gần đây Ukraine phá hủy một trong những mạng lưới phòng không của Nga ở Crimea. Kyiv cũng tấn công hệ thống hỏa tiễn S-400 tại Cape Tarkhankut, gần thành phố Oleniyka, vào ngày 23/8.

ISW lưu ý trong đánh giá mới nhất của mình về cuộc chiến ở Ukraine rằng đoạn phim định vị địa lý được công bố trên X, trước đây là Twitter, đã ghi lại một vụ nổ gần khu vực nơi hệ thống S-400 của Nga gần đây đã được triển khai ở Yevpatoria, cũng như “các đám khói sau đó” đến từ nơi xảy ra vụ nổ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên kênh Telegram của mình rằng các hệ thống phòng không của nước này đã đánh chặn 11 hỏa tiễn của Ukraine trên Bán đảo Crimea hôm thứ Năm, nhưng không thừa nhận bất kỳ cuộc tấn công nào trong khu vực.

ISW viết trong đánh giá của mình: “Cuộc tấn công cho thấy lực lượng Nga chưa chuẩn bị sẵn sàng để đánh chặn hỏa tiễn bằng hệ thống này hoặc không thể làm như vậy”.

“Lực lượng Ukraine đã tấn công hệ thống phòng không S-400 của Nga gần Olenivka, Crimea… vào ngày 23 tháng 8, và cuộc tấn công thứ hai của Ukraine vào hệ thống phòng không quan trọng của Nga trong những tuần gần đây cho thấy rằng những thất bại chiến thuật như vậy có thể phản ánh một vấn đề mang tính hệ thống rộng lớn hơn đối với hệ thống phòng không Nga”, tổ chức nghiên cứu này cho biết thêm.

Các cuộc tấn công dọc theo Bán đảo Crimea đã trở nên thường xuyên hơn trong những tháng gần đây trong thời điểm Ukraine phản công để đòi lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng tuyên bố rằng chiến tranh không thể kết thúc trừ khi Crimea, vốn được Nga sáp nhập vào năm 2014, được trả lại cho Kyiv.

Bán đảo Hắc Hải từng là trung tâm hậu cần của Mạc Tư Khoa cho quân đội đồn trú ở miền nam Ukraine. Nhưng các cuộc tấn công gần đây – bao gồm cả cuộc tấn công hỏa tiễn hồi đầu tuần này đã tiêu diệt một phần hạm đội hải quân của Nga và dẫn đến việc đóng cửa Cầu eo biển Kerch chiến lược – đặt ra những thách thức chiến lược mới cho Điện Cẩm Linh.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email vào tối thứ Năm để yêu cầu bình luận.

5. Ukraine giải phóng hoàn toàn Andriivka ở vùng Donetsk

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 16 tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết các ổ kháng cự cuối cùng của quân Nga đã bị dập tắt và hàng chục binh sĩ Nga đã đầu hàng. Andriivka đã hoàn toàn được giải phóng.

Ông cho biết theo hướng này, giao tranh đang diễn ra chung quanh khu vực Bohdanivka. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng tình hình không ác liệt vì quân xâm lược đã xuống tinh thần rất nhiều.

Đã có 25 cuộc đụng độ trong 24 giờ qua. Quân xâm lược đã bắn 2 hỏa tiễn và 59 đợt không kích, thực hiện 56 đợt pháo kích vào các vị trí của quân Ukraine và các đối tượng dân sự của nước này. Ngoài ra, ngày hôm qua, quân xâm lược đã tấn công Ukraine và sử dụng 22 máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 và 131, 17 chiếc trong số đó đã bị lực lượng phòng không Ukraine phá hủy.

Trong 24 giờ qua, 470 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 13 xe tăng, 4 xe thiết giáp, 28 hệ thống pháo, 5 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 4 hệ thống phòng không, và 34 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 16 Tháng Chín, khoảng 271.440 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 chiến đấu cơ, 316 máy bay trực thăng, 4.612 xe tăng, 4.714 máy bay không người lái chiến thuật, 8.814 xe thiết giáp, 1.455 hỏa tiễn hành trình, 5.972 hệ thống pháo, 20 tàu chiến, 1 tàu ngầm, 774 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 8.492 xe chuyển quân và nhiên liệu, 521 hệ thống phòng không cùng 889 thiết bị chuyên dụng.

6. Chỉ huy Ukraine nói rằng việc giải phóng thị trấn Andriivka là điều cần thiết để bao vây Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Bẩy 16 tháng Chín, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, nhận định rằng việc giải phóng thị trấn Andriivka trong khu vực tranh chấp khốc liệt xung quanh thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine là tiền đề cho việc bao vây thành phố Bakhmut.

Trích dẫn Maksym Zhorin, phó chỉ huy Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân, Đại Tá Serhiy Cherevatyi cho biết: “Nhiệm vụ của Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân là bao vây Bakhmut, và nếu không có Andriivka thì không thể đạt được điều này”.

Zhorin cũng lưu ý rằng việc giải phóng Andriivka có nghĩa là “toàn quyền kiểm soát tuyến đường sắt, là thành trì để tiếp tục tấn công”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chúc mừng Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân và tất cả những người tham gia chiếm lại Andriivka trong bài phát biểu hàng đêm, gọi đây là “một kết quả quan trọng và rất cần thiết”. Ông cho biết các trận chiến đang diễn ra xung quanh các làng Klishchiivka và Kurdiumivka gần Bakhmut vừa được quân Ukraine tái chiếm.

Giới lãnh đạo quân sự Ukraine, trong bản cập nhật hôm thứ Sáu, cho biết lực lượng của họ đã thành công một phần xung quanh Klishchiivka.

Một số bối cảnh: Việc Ukraine chiếm lại Andriivka, một thị trấn ở phía nam Bakhmut, đánh dấu một chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến lược cho lực lượng của Kyiv.

Bakhmut nằm về phía đông bắc vùng Donetsk, cách vùng Luhansk khoảng 23 km và từ lâu đã trở thành mục tiêu của lực lượng Nga.

Các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát vào tháng 5 sau một thời gian dài vất vả kéo dài nhiều tháng ở thành phố, nơi binh lính phải giành giật từng inch lãnh thổ. Cuộc tiến công của Nga được hỗ trợ bởi các thành viên của nhóm lính đánh thuê Wagner, nhóm này đã chịu tổn thất nặng nề trong cuộc giao tranh ác liệt.

7. Vương quốc Anh chính thức liệt Tập đoàn Wagner là tổ chức khủng bố

Vương quốc Anh đã chính thức liệt Nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga là một tổ chức khủng bố, sau khi có lệnh được đưa ra tại quốc hội và được các nhà lập pháp ủng hộ vào ngày 6 tháng 9, điều này sẽ khiến việc trở thành thành viên hoặc ủng hộ nhóm này là bất hợp pháp.

“Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức và sẽ coi việc thuộc về Tập đoàn Wagner hoặc tích cực hỗ trợ nhóm ở Vương quốc Anh là một tội hình sự, với mức án tù có thể là 14 năm, có thể được đưa ra cùng với hoặc thay cho tiền phạt, “ Chính phủ Anh cho biết hôm thứ Sáu trong một thông cáo báo chí.

Thêm bối cảnh: Ông chủ Wagner Yevgeny Prigozhin và chỉ huy hiện trường của nhóm Dmitriy Utkin đã chết vào tháng trước trong vụ việc mà các quan chức phương Tây tin là một vụ tai nạn máy bay có chủ ý, hai tháng sau khi Prigozhin tổ chức một cuộc nổi dậy ngắn ngủi chống lại Điện Cẩm Linh, mối đe dọa lớn nhất đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin quyền lực trong hơn hai thập kỷ.

Hầu hết các chuyên gia an ninh đều nghi ngờ Wagner sẽ khó có thể tồn tại được với phong độ hiện tại nếu không có Prigozhin, nhưng điều đó không ngăn được Vương quốc Anh tiến hành ra các sắc lệnh chống lại nhóm.

8. Ukraine cáo buộc Nga đang truy tìm chiến đấu cơ được sử dụng trong vụ tấn công Crimea

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 15 tháng Chín, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, nhận xét rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm của Nga vào khu vực Khmelnytskyi là một nỗ lực nhằm vào các chiến đấu cơ được sử dụng trong tuần này để tấn công Crimea bị Nga tạm chiếm.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã bắn 17 máy bay không người lái vào khu vực trung tâm Khmelnytskyi, nơi có căn cứ không quân Starokostiantyniv. Quan chức khu vực Serhiy Tiurin cho biết các mảnh vỡ đã làm hư hại 12 ngôi nhà và làm vỡ cửa sổ của một trường học nhưng không có ai bị thương.

“Vùng Khmelnytskyi đã bị tấn công. Chúng tôi hiểu đối phương đang tìm kiếm điều gì, chúng muốn tìm nơi bộ chỉ huy đã giấu những chiếc máy bay ném bom của chúng tôi sau những sự kiện xảy ra gần đây ở vùng biển gần Crimea”, Đại Tá Ihnat nói.

Nga đã đơn phương sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và đặt hạm đội Hắc Hải của mình ở đó. Các cuộc tấn công tuần này của Ukraine đã phá hủy hoàn toàn một tàu đổ bộ khổng lồ và một tàu ngầm đang neo đậu ở ụ tàu gần Sevastopol.

9. Putin chỉ trích lệnh trừng phạt và đe dọa quân sự của Mỹ trong bình luận về đàm phán hòa bình với Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích Hoa Kỳ với các cáo buộc cho rằng Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, hạn chế tài chính và đe dọa sử dụng lực lượng quân sự để đạt được các mục tiêu của mình trên trường toàn cầu.

Bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, ông Putin coi quan hệ quốc tế như một điệu nhảy, nói rằng người Mỹ “không biết nhảy điệu tango này”.

“Mỹ đang cố gắng giải quyết mọi việc từ vị thế sức mạnh hoặc bằng sự trợ giúp của các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc hạn chế tài chính, bằng đe dọa sử dụng hoặc sử dụng lực lượng quân sự”, Putin nói hôm thứ Sáu.

Mở rộng các suy diễn về khiêu vũ, Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ukraine phải ghi nhớ “hopak”, một điệu múa dân gian truyền thống của Ukraine, ám chỉ sự cần thiết của Ukraine để duy trì sự độc lập khỏi những ảnh hưởng bên ngoài.

“Tôi nghĩ rằng đối với Ukraine, điều quan trọng là không được quên hopak. Đây là điều quan trọng, nếu không, họ sẽ luôn nhảy theo giai điệu của người khác”, ông nói, trả lời câu hỏi của giới truyền thông sau cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ở Sochi.

Putin nhắc lại rằng Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán.

“Vì vậy, nếu bên kia muốn thì nên nói thẳng”, ông ta nói thêm.

Trong khi đó, bất kể Nga là nước đã khởi xướng cuộc xâm lược Ukraine, Lukashenko tuyên bố Hoa Kỳ đang hướng dẫn Ukraine đừng “tango” với Nga và “do đó, họ không có lý do gì để đổ lỗi cho người khác”, ông ta nói.

Một số bối cảnh: Hoa Kỳ đang nỗ lực tiếp tục gây áp lực lên Mạc Tư Khoa thông qua các lệnh trừng phạt tiếp theo khi các rạn nứt xuất hiện vào mùa hè này trong nền kinh tế và xã hội Nga vì chiến tranh và các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với chế độ này từ Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Hôm thứ Năm, chính quyền Biden đã công bố loạt biện pháp trừng phạt mới nhất chống lại Điện Cẩm Linh nhằm vào giới tinh hoa Nga thu lợi từ chiến tranh cũng như các lĩnh vực quan trọng đối với nỗ lực quân sự của Mạc Tư Khoa.

Ngoài ra, ngay sau cuộc gặp giữa Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân, Mỹ cũng đang tấn công vào giới tinh hoa và gia đình có liên quan đến mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên. Mỹ đã cảnh báo về một thỏa thuận giữa hai nước có thể cung cấp vũ khí cho Nga để đổi lấy công nghệ hỏa tiễn đạn đạo.

10. Nga và Ukraine đưa ra những thông tin trái ngược nhau về vụ đánh bom ở Nova Kakhovka

Các cơ quan do Nga chỉ định và các quan chức Ukraine đã chia sẻ những thông tin trái ngược nhau về vụ đánh bom hôm thứ Sáu ở Nova Kakhovka, thuộc khu vực bị tạm chiếm của vùng Kherson, mỗi bên cáo buộc bên kia đánh vào một khu dân cư trong thành phố.

Vladimir Saldo, tên phản bội, được Nga bổ nhiệm cáo buộc lực lượng Ukraine đã tấn công một khu vực có các tòa nhà chung cư trong thành phố, khiến một dân thường thiệt mạng và 12 người khác bị thương.

“Theo dữ liệu sơ bộ, một dân thường thiệt mạng, 12 người bị thương. Bốn tòa nhà chung cư trên đường Gorky và Dovzhenko bị hư hại: cửa sổ ở nhiều căn hộ bị vỡ, tường bên ngoài bị cắt, lối vào các tòa nhà và ban công bị hư hại, sân vườn phủ đầy mảnh vụn”, Saldo nói như trên.

Tuy nhiên, các quan chức Ukraine hôm thứ Sáu cho biết quân đội Ukraine đã không tấn công Nova Kakhovka - và lực lượng Nga đã vô tình ném bom một khu dân cư của thành phố.

“Sáng nay, khi cố gắng tiến hành một cuộc không kích khác vào quận Beryslav bằng bom dẫn đường, người Nga một lần nữa thể hiện sự kém cỏi và vụng về trong công việc, thả một trong những quả bom xuống Nova Kakhovka, trong một khu dân cư,” Thiếu Tá Natalia Humeniuk, nhà lãnh đạo Trung tâm Báo chí Điều phối Thống nhất của Lực lượng An ninh và Quốc phòng miền Nam Ukraine cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Bẩy.

“Một số tòa nhà chung cư bị hư hại. Theo thông tin ban đầu, có nạn nhân trong số người dân địa phương. Đổi lại, quân xâm lược Nga đang cố gắng truyền bá ý tưởng rằng đó là hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Ukraine. Nhưng thực tế thì mọi việc đều được ghi lại, mọi hành vi đều được biết”, cô nói.

“Đây không phải là lần đầu tiên quân xâm lược thả bom như thế này, ngay cả trên lãnh thổ của họ. Chúng ta hãy nhớ lại vụ Belgorod, nơi một chiến đấu cơ đã thả bom ở ngay trung tâm thành phố”, Humeniuk nói.

Một số bối cảnh: Đầu mùa hè này, thành phố Nova Kakhovka đã trở thành nơi xảy ra một trong những thảm họa sinh thái và công nghiệp lớn nhất ở Âu Châu trong nhiều thập kỷ. Vụ vỡ đập Nova Kakhovka hôm 6/6 đã phá hủy toàn bộ thị trấn, làm ngập lụt đất nông nghiệp và tước đi điện và nước sạch của hàng chục nghìn người.

11. Cuba phản đối việc công dân nước này tham gia làm lính đánh thuê trong chiến tranh

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez hôm thứ Năm ngày 14 tháng 9 cho biết đất nước của ông từ chối việc công dân của mình tham gia với tư cách lính đánh thuê trong chiến tranh.

Rodriguez nói trên mạng xã hội: “Quan điểm rõ ràng và không thay đổi của chính phủ Cuba, theo luật pháp quốc gia hoàn toàn trái ngược với sự tham gia của công dân Cuba vào các cuộc xung đột dưới bất kỳ hình thức nào cũng như chống lại chủ nghĩa hám lợi và buôn người”.

Chính quyền Cuba cho biết những người đánh thuê hoặc tham gia buôn người có thể phải đối mặt với án tù dài hạn hoặc thậm chí là tử hình, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

Diễn biến này xảy ra sau khi các phương tiện truyền thông Nga cho rằng Đại sứ Cuba tại Mạc Tư Khoa, Julio Antonio Garmendia Pena, cho biết chính phủ của ông không phản đối sự tham gia hợp pháp của công dân mình vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Tuyên bố của Ngoại trưởng Cuba khiến người ta hoài nghi về các thông tin được trích dẫn trên các phương tiện truyền thông Nga. CNN đã liên hệ với Đại sứ Cuba tại Mạc Tư Khoa để xin bình luận.

Tuần trước, chính quyền Cuba cho biết họ đã bắt giữ 17 người với cáo buộc liên quan đến đường dây buôn người được cho là đã dụ dỗ nam thanh niên Cuba phục vụ trong quân đội Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine.

12. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định về vụ tấn công của quân Ukraine vào công xưởng đóng tàu Sevmorzavod ở bán đảo Crimea. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Vào rạng sáng ngày 13 tháng 9 năm 2023, nhiều hỏa tiễn đã tấn công xưởng đóng tàu Sevmorzavod trong căn cứ hải quân Sevastopol của Hạm đội Hắc Hải của Nga. Tàu đổ bộ Minsk và tàu ngầm lớp Kilo 636.3 Rostov-on-Don đã bị trúng đạn khi đang bảo trì tại ụ tàu này.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga hạ thấp thiệt hại đối với các con tàu, nhưng bằng chứng nguồn mở cho thấy tàu Minsk gần như chắc chắn đã bị phá hủy về mặt chức năng, trong khi tàu Rostov đã bị thiệt hại thảm khốc.

Mọi nỗ lực để đưa tàu ngầm trở lại hoạt động có thể sẽ mất nhiều năm và tiêu tốn hàng trăm triệu Mỹ Kim. Có khả năng thực tế là nhiệm vụ phức tạp để loại bỏ đống đổ nát khỏi ụ tàu sẽ khiến ụ tầu này không thể được sử dụng trong nhiều tháng.

Điều này sẽ đặt ra cho Hạm Đội Hắc Hải một thách thức đáng kể trong việc duy trì hoạt động bảo trì đội tàu.

Việc Rostov bị khai tử đã loại bỏ một trong bốn tàu ngầm có khả năng mang hỏa tiễn hành trình của Hạm Đội Hắc Hải, vốn đã đóng vai trò quan trọng trong việc tấn công Ukraine và triển khai sức mạnh của Nga trên Hắc Hải và Đông Địa Trung Hải.