Ngày 23-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lừa gạt
Lm Vũđình Tường
05:44 23/09/2016
Chúng ta thường bị tình cảm con người lừa gạt. Lí do rất đơn giản là bạn nghĩ việc đó đã được giải quyết ổn thoả. Bạn cảm thấy yên tâm, không quan tâm đến nữa. Nghĩ như thế là bạn đang bị lừa gạt bởi sự việc có thể rất đơn giản đối với bạn nhưng xem ra phức tạp với người bạn đối xử với họ. Bạn cho vấn đề đó đơn giản bởi do công việc và địa vị trong xã hội khiến bạn từng giải quyết nhiều vấn đề phức tạp hơn trăm lần; tuy nhiên người khác có thể không có kinh nghiệm đó, điạ vị xã hội của họ không phải giải quyết vấn đề phức tạp nên vấn đề đối với họ là phức tạp. Quan hệ tình cảm, bác ái và lòng xót thương luôn đòi hỏi vừa tế nhị vừa công bằng. Thiếu những điều căn bản này vấn đề thay vì giải quyết êm thắm lại trở nên phức tạp. Có nhiều vấn đề bạn quyên bẵng đi vì công việc quan trọng khác chiếm chỗ nhưng nó lại sống động trong tâm não người khác nhất là khi họ cảm thấy họ là nạn nhân, bị đối xử bất công. Để í một chút bạn sẽ thấy hầu hết thời giờ trong các tiệc tùng, họp mặt người ta luôn nói về những vấn đề giao tế và cách xử thế con người đối xử với nhau trong xã hội. Có những chuyện tốt khi nghe kể lại ai cũng vui và cám ơn lòng tốt, lòng bác ái, thương người của kẻ vô danh nào đó. Lại cũng có hành động xảy ra truớc đó vài ba chục năm vẫn còn được khơi lại như chuyện mới bởi vết thẹo trong tim họ chưa lành và sẵn sàng bật máu khi cơ hội nhắc đến nó. Bị xử oan ức, hàm oan; bị coi thường, khinh khi, lăng mạ; bị vu cáo. Toàn là những bị. Những bị này chất trên vai họ khiến lưng họ cong xuống. Chúng nằm trong kí ức khiến tâm trí họ bị khuấy động. Chúng đè nặng con tim nên con tim hận thù hơn tha thứ. Chúng chợt thức giấc khi tiếng động thức tỉnh chúng.

Một số lí luận không làm gì cả là giải đáp tốt nhất. Thật ra không làm gì cả lại là một loại lừa gạt khác bởi hành động yêu thương, bác ái cần được thể hiện trong mọi hoàn cảnh khi có thể. Không thực thi bác ái là một tội. Chính Đức Kitô xác định điều này và đây cũng là điều mà người giầu trong Phúc âm hôm nay phạm phải- thiếu bác ái với tha nhân. Người giầu có đã bỏ qua hành động yêu thương và đó là cái vạ đời anh. Cả người giầu và người nghèo sống cùng một xóm nhưng cuộc sống hai người quá khác biệt. Người giầu có dư ăn, dư mặc, sống cuộc sống hưởng lạc; ngoài cửa nhà anh có người nghèo nhiều tối đi ngủ bụng đói cồn cào vì thiếu ăn, cơn gió lạnh căm khiến anh co rúm vì thiếu mặc. Cả đời chỉ được đứng ngoài hàng rào nhìn ngó thiên hạ dự tiệc, còn anh chưa bao giờ có cái vinh dự đó. Cuối cùng cả hai cùng chết và cùng gặp nhau trước toà Chúa. Người nghèo vật chất được tổ phụ đón chào, người nghèo bác ái thì không. Người nghèo vật chất được sống an vui, người nghèo bác ái khóc than. Người nghèo vật chất tràn ân sủng Chúa, người nghèo bác ái trắng tay. Người nghèo vật chất có bạn bè đón chào; người nghèo bác ái không cô đơn bởi cuộc sống trần thế của anh không có họ nên khi chết đi họ cũng không biết anh.

Ai sống cuộc đời thực thi bác ái, yêu thương họ sẽ được sống trong bác ái, yêu thương của Thiên Chúa. Ai sống chỉ lo hưởng lạc, khi chết tất cả lạc thú chết theo bởi lạc thú trần thế không gây tình cảm, khi chết họ cô đơn. Hãy sống chân thành, sống cho anh em người, lừa mình nhưng thực thi bác ái, công bình, yêu thương là đường dẫn đến tình yêu chân thật và vĩnh cửu.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:01 23/09/2016
26. DÒ HỎI NGƯỜI THAM ĂN.
An Tiêu Quân làm thông phán và vừa mới tới nhiệm sở, cùng đi với ông có một môn khách.
Ba ngày sau, tri châu cùng hội kiến với thông phán và mời môn khách tú tài cùng đi, một lúc sau người làm bếp lên hỏi yến tiệc ngày mai nấu món gì.
Tri châu nói:
- “Giống như thường ngày.”
Người nấu bếp lại hỏi thông phán:
- “Ăn món ngọt hay món mặn, có cần thêm gia vị không ?”
Thông phán nói:
- “Tốt nhất là một chút ngọt, một chút mặn.”
Người nấu bếp gật đầu, rồi lại hỏi môn khách, tú tài nói với người nấu bếp:
- “Ngọt mặn đối với tôi không thành vấn đề, chỉ cần cho nhiều thêm món ăn là được.”
Người nấu bếp nhịn không được bèn cười to lên.
(Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư 26:
Có người thích ăn đồ ngọt, có người thích ăn đồ mặn hoặc là có người thích ăn cay, ăn chua.v.v... nhưng cho dù thích ăn gì đi nữa, thì cũng là để nuôi sống thân xác mà thôi.
Có người “sống để mà ăn” nên họ coi việc ăn uống là số một, trên tất cả mọi hoạt động của con người, cho nên họ đã càm ràm khi đồ ăn không ngon, họ đã hết chê món này dở, món kia quá dở ăn không hợp khẩu vị, nên họ đã mắng như tát nước vào mặt người nhà vì nấu cơm không ngon.
Có người “ăn để mà sống”, nên họ coi việc ăn uống chỉ là thứ yếu, ăn cốt để thêm sức khoẻ, để có sức mà làm việc, cho nên họ ăn món nào cũng được, ngon dở đối với họ chỉ là chuyện nhỏ không nhằm nhò gì cho bằng việc quan tâm đến những vất vả của người làm bếp.
Có một vài linh mục có thói quen “sống để mà ăn”, cho nên các ngài không bao giờ ăn lại món đã ăn, dù món đó đã dọn ra nhưng chưa ăn, đem bỏ tủ lạnh hay cất lại vào trong chạn bếp. Tôi đã thấy có linh mục nọ đã to tiếng với bà nấu bếp vì bà dọn thức ăn hồi trưa lại cho ngài ăn tối, dù món ăn đó chưa ai dùng đến.
Có rất nhiều người nghèo khó không cơm ăn áo mặc đang đứng bên vệ đường ngữa tay xin bố thí từng đồng để mua cơm ăn; có rất nhiều em bé sữa mẹ không đủ để bú vì mẹ nó không có gì để ăn; có rất nhiều người rất muốn ăn một bữa cơm đạm bạc dưa muối mà cũng không có mà ăn, đang đợi lòng nhân ái của chúng ta là những người có cơm ăn áo mặc hàng ngày.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 26 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:04 23/09/2016
Chúa Nhật 26 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 16, 19-31
“Con đã nhận phần phước của con rồi, còn La-da-rô suốt một đời chịu hoàn toàn những bất hạnh. Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.”


Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đưa ra cho chúng ta thấy một bức tranh hai bối cảnh: giàu và nghèo, phúc và hoạ, qua dụ ngôn người giàu có và người nghèo La-da-rô; đây cũng là bức tranh của thế giới ngày nay, nơi có nhiều người cơm không có ăn áo không có mặc, họ đang cùng sống với những người giàu có dư thừa tiền bạc, đang phung phí thức ăn và sống xa hoa với những nhu cầu không cần thiết cho cuộc sống.

Giàu
Ông phú hộ giàu có ngày ngày yến tiệc linh đình, xa hoa hưởng thụ và đắm chìm trong những thú vui, ông sáng mắt trước những tờ giấy bạc và những đồng vàng lóe mắt, nhưng lại “đui mù” trước cảnh nghèo khó của anh La-da-rô.

Đây là một thảm kịch thường xảy ra trong xã hội hôm nay cũng như xã hội thời Đức Chúa Giê-su, đây cũng là thảm hoạ cho người giàu có vật chất nhưng lại thiếu thốn về tinh thần yêu thương anh em đồng loại, bởi vì Đức Chúa Giê-su qua bài dụ ngôn rất sống động hôm nay đã cảnh cáo chúng ta –những người giàu có- về cách thức sử dụng của cải mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta…

Nghèo
Anh La-da-rô nghèo khổ đói ăn ngồi trước cổng nhà của người phú hộ đang yến tiệc tưng bừng, anh hy vọng nhặt được những miếng bánh vụn từ bàn tiệc của thực khách rơi xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai cho, nghèo như anh thì thật là quá nghèo, và càng buồn tủi hơn nữa khi thân phận của mình còn thua một con chó của người phú hộ kia. Anh La-da-rô là hình ảnh thật của những người nghèo hôm nay đang ngồi ăn xin bên lề đường, trước cổng nhà thờ và có khi trước cửa nhà chúng ta, người nghèo ấy là hình ảnh của Đức Chúa Giê-su quằn quại đau thương trên thập giá đang chờ sự an ủi giúp đỡ của chúng ta.

Nghèo vật chất còn dễ chịu hơn là nghèo tình thương, bởi vì nghèo vật chất thì người khác có thể giúp đỡ, nhưng nghèo tình thương thì chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới làm cho họ được an vui, mà ân sủng của Thiên Chúa làm sao để xuống trong tâm hồn họ, khi mà họ vẫn không mở rộng tâm hồn để đón nhận những người nghèo !

Phúc
Đức Chúa Giê-su đã nói: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3), nghèo khó là phúc vì đó là lời khẳng định của Đức Chúa Giê-su, nhưng rất ít người coi đó là hạnh phúc của mình, nên họ vẫn thấy cuộc sống của mình quá phủ phàng, và oán trách Thiên Chúa bất công.

Phúc không hệ tại ở vật chất nhưng ở tại tâm hồn có Chúa hay không mà thôi, bởi vì một khi trong tâm hồn có Chúa thì giàu hay nghèo, sung sướng hay khổ cực cũng đều là phúc thật, nhưng nếu trong tâm hồn không có Chúa thì đúng là nghèo và đau khổ thật. Anh La-da-rô đã có phúc vì anh vui lòng chấp nhận cảnh nghèo mà không oán trời trách người, cho nên anh đã được thưởng phúc trên thiên đàng.

Hoạ
Người phú hộ giàu có đã gặp hoạ, không phải vì ông giàu mà gặp hoạ, nhưng là vì ông ta sống dửng dưng với anh em đồng loại của mình đang nghèo đói ngồi ăn xin trước cửa nhà. Họa ở đời này và hoạ ở đời sau thì khác nhau xa vô cùng, con người ta ai cũng nghĩ đến cái họa của mình trong cuộc sống đời này thì sợ hãi, nhưng lại không nghĩ đến cái hoạ đời sau để mà tu thân tích đức, thương người như thể thương thân.

Cái họa ở đời này đôi lúc là cái phúc cho người biết nhẫn nhục và chấp nhận nó, nhưng cái hoạ đời sau thì không thể biến thành phúc được, bởi vì cái khoảng cách biến đổi hoạ thành phúc ấy chỉ có ở đời này mà thôi…

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đem tình thương của Ngài trải rộng khắp trong cuộc sống đời thường của mình nơi những anh chị em nghèo khó, bởi vì đó chính là phương thế biến hoạ thành phúc của người Ki-tô hữu ở đời này.

Giàu chưa phải là họa mà nghèo cũng không phải là phúc, nhưng hoạ phúc là do tâm hồn của chúng ta có bóng dáng của Thiên Chúa hay không mà thôi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:07 23/09/2016

13. Người say rượu cùng với khi chưa say thì có hai dáng. Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su của chúng ta cũng có thể làm cho người ta say, chính là biến đổi tâm hồn của con người, khiến cho người ta chán ghét sự giàu sang của thế tục, chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa trên hết mọi sự mà thôi.

(Thánh Cyprian)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Quan tâm phục vụ những người bất hạnh
Lm. Đan Vinh
15:42 23/09/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN C

Am 6,1a.4-7 ; 1 Tm 6,11-16 ; Lc 16,19-31

QUAN TÂM PHỤC VỤ NHỮNG NGƯỜI BẤT HẠNH

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 16,19-31

(19) Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. (20) Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, (21) thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (22) Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn. (23) Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. (24) Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Ápraham. Xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát. Vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm”. (25) Ông Ápraham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi. Còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. (26) Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được. Mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”. (27) Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con. (28) Vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh báo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này. (29) Ông Ápraham đáp: “Chúng đã có ông Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. (30) Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu. Nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. (31) Ông Ápraham đáp: “Ông Môsê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”.

2. Ý CHÍNH:

Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện về một ông nhà giàu và người hành khất Ladarô nghèo khó. Ông nhà giàu thì ăn mặc sung sướng đang khi Ladarô có cuộc sống rất tồi tệ. Nhưng sau khi cả hai đều chết đã được Thiên Chúa xét xử công bình: Ladarô thì được an ủi ngồi trong lòng tổ phụ Ápraham, đang khi ông nhà giàu phải chịu đau khổ trong hỏa ngục.

3. CHÚ THÍCH:

- C 19-21: + Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình: Dụ ngôn này lấy từ hình ảnh quen thuộc trong xã hội Do thái có những người giàu sống tách biệt với người nghèo. + Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô: Đối nghịch với hình ảnh người nhà giàu kia là hình ảnh Ladarô nghèo khó khốn khổ. Anh này làm nghề hành khất, người đầy bệnh hoạn và tứ cố vô thân. Ladarô hay Êlêadarô nghĩa là “Thiên Chúa giúp”, ý nói anh ta chỉ còn biết trông chờ một mình Thiên Chúa giúp đỡ mà thôi. + Mụn nhọt đầy mình... Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta: trong Kinh thánh, chó bị coi là con vật ghê tởm và dữ tợn (x. Tv 22,17.21; Mt 7,6). Kiểu diễn tả “ước được những mụn bánh” và “chó đến liếm ghẻ chốc” nhằm làm nổi bật cảnh khốn cùng của Ladarô và sự thờ ơ ích kỷ của ông nhà giàu.

- C 21-24: + Dưới âm phủ: Theo quan niệm của một số giáo phái Do thái: Người chết bị vào trong âm phủ và tạm thời được xếp thành 2 loại: Loại một gồm những người công chính được Chúa an ủi và được ngồi dự tiệc trong lòng tổ phụ Ápraham (x. Lc 23,43). Loại hai gồm những kẻ vô tâm bất tín bị lửa hồng thiêu đốt rất đau đớn. Nhưng cả hai đều phải chờ đến ngày tận thế để được phán xét chung. Sau đó kẻ lành sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời vĩnh viễn và kẻ dữ sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời. + Thấy Ladarô trong lòng tổ phụ: “Ngồi trong lòng tổ phụ” là một chỗ vinh dự trong bữa tiệc do tổ phụ Ápraham chủ tọa. Sau này trong bữa tiệc ly, Gioan cũng được vinh dự “tựa đầu vào lòng Đức Giêsu” (Ga 13,23). + “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con”...: Cuộc đối thoại giữa người giàu có với tổ phụ Ápraham cho thấy số phận của con người ở thế giới bên kia tùy thuộc vào cuộc sống của họ khi còn ở trần gian.

- C 25-26: + “Bây giờ Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”: Người giàu có bị trừng phạt vì khi còn sống đã không sử dụng của cải theo thánh ý Chúa. Còn người nghèo khó được thưởng vì đã chấp nhận sống tinh thần nghèo khó. Cái chết sẽ làm đảo ngược vị trí của người giàu và kẻ nghèo. Chỉ nhờ ơn Chúa thì những người giàu có mới có thể được cứu độ (X. Lc 18,24-27). Nhưng không phải bất cứ người nghèo nào cũng đương nhiên được hưởng lòng Chúa thương xót. Nếu nghèo mà không có tinh thần siêu thoát đối với tiền bạc của cải, thì số phận của họ cũng sẽ bị diệt vong (x. Lc 12,15 ; Mt 19,29). + “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn”...: Vực thẳm lớn không thể vượt qua, biểu tượng cho tính dứt khoát của số phận của những người được hưởng hạnh phúc hay sẽ phải chịu đau khổ trong thế giới kẻ chết.

- C 27-31: + “Vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con”: Ông nhà giàu muốn dùng kinh nghiệm bản thân của mình để cảnh báo những anh chị em đang sống chung dưới cùng một mái nhà của cha ông. + “Chúng đã có ông Môsê và các ngôn sứ”...: Sự cảnh báo về việc sử dụng của cải đã hàm chứa trong Luật pháp Môsê và Lời Chúa do các ngôn sứ tuyên sấm, đủ thuyết phục họ sửa đổi thói ích kỷ và biết quảng đại nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo đói khác. Vì thế nếu những người giàu có đã không hồi tâm sám hối, không phải vì họ đã không có đủ các phương thế giúp ăn năn hối cải, nhưng chỉ vì họ đã cố tình từ chối thi hành các phương thế ấy mà thôi. + “Nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”: Ở đây ông nhà giàu muốn dùng việc kẻ chết hiện hồn về để đánh động lòng sám hối của các người anh em còn sống. + “Ông Môsê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”: Câu này là cốt tủy của dụ ngôn. Dù lời dạy của Môsê và lời các ngôn sứ không phải là những phép lạ và chỉ nhằm để thúc đẩy người ta tin, nhưng đó cũng chính là Lời Chúa phán trong Thánh kinh (x. Lc 24,27.44). Ở nơi khác, Đức Giêsu cũng nói đến sự vô hiệu của các phép lạ (x. Lc 10,13). Người cũng khẳng định các dấu chỉ thiêng liêng có giá trị hơn các phép lạ bên ngòai, khi nói: “Anh em hãy tin vào Thầy” (Ga 14,11.12) và: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29b).

4. CÂU HỎI: 1) Câu nào diễn tả cảnh khốn cùng của người nghèo khó Ladarô? 2) Bài Tin mừng hôm nay dựa theo quan niệm của Do thái giáo: chia người chết thành hai lọai người nào? 3) Phải chăng người giàu có ở đời này sẽ đương nhiên chịu hình phạt ở đời sau và người nghèo khó ở đời này đương nhiên sẽ được hưởng hạnh phúc ở đời sau? 4) Câu nào cho thấy tổ phụ Ápraham không cho phép Ladarô hiện hồn về để nhắc bảo các anh em của ông nhà giàu? Tại sao?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu” (Lc 16,19-20).

2. CÂU CHUYỆN:

1) PHIM "NHỮNG ĐỨA TRẺ KHỐN KHỔ" :

Một cô gái quê lên tỉnh đi tìm việc làm và đã bị kẻ gian lừa đến chỗ đã mang thai ngoài ý muốn. Sau đó do không thể vừa đi làm vừa nuôi con thơ, cô đành gởi con cho một chủ quán nhà trọ nuôi giúp. Người chủ quán này là kẻ vô lương tâm, đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của bà mẹ trẻ để ra sức bòn rút bóc lột: nay hắn đòi phải đưa thêm tiền sữa tăng giá, mai lại đòi tiền thuốc chữa bệnh cho đứa con. Bà mẹ trẻ chỉ còn biết nhịn ăn nhịn tiêu để chi trả những số tiền vượt kế hoạch. Khi không còn gì để trả, chị ta đành phải cắt mái tóc óng mượt đẹp đẽ của mình mang đi bán. Rồi sau đó lại phải nhổ từng cái răng để bán tiếp… và chỉ một thời gian ngắn sau đó chị biến thành một phụ nữ ốm đói quần áo lôi thôi rách rưới, mặt mũi xấu xí và bị mọi người khinh dể xa lánh như một người điên. Sau đó chị bị viên quản đốc thẳng tay đuổi ra khỏi chỗ làm giữa một buổi sáng mùa đông giá lạnh, phải co ro trong chiếc áo rách, vừa đi vừa ôm ngục ho sù sụ… Lần khác chị bị một đám đông hè nhau xô té xuống lề đường và thay nhau hò hét đấm đá... Khi xem phim, có lẽ nhờ đã hiểu biết về hoàn cảnh cùng cực của bà mẹ trẻ khiến nhiều ngừoi chúng ta cảm thương, đang khi do thiếu hiểu biết mà nhiều kẻ đã đang tâm hành hạ chị không chút thương tiếc.

Còn chúng ta thì sao? Có khi nào chúng ta đã làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân, thậm chí còn vào hùa với kẻ ác tâm để chế diễu hay hành hạ những kẻ điên loạn nghèo đói chúng ta gặp phải giữa đời thường hay không?

2) CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN LÀ NHẬN:

Ngày nọ, một cậu bé dòng dõi quí tộc đang đi chung với một người giám hộ dọc theo bờ ruộng của gia đình, trong thửa ruộng đó, có một bác nông dân đang làm việc cày bừa cho nhà cậu. Bác tá điền đã để đôi giày ủng trên bờ ruộng. Cậu bé tinh nghịch muốn giấu đôi giày ủng ấy để trêu chọc người nông dân. Bấy giờ người giám hộ đã khuyên bảo cậu bé rằng: "Con đừng làm cho người tá điền nghèo khổ kia buồn phiền, nhưng hãy làm cho ông ta vui mừng thì tốt hơn. Thầy khuyên con thay vì giấu giày đi thì con hãy bỏ tiền vào trong mỗi chiếc ủng, chúng ta sẽ đến núp trong đám bụi cây đằng kia để xem phản ứng của người nông dân thế nào?" Cậu bé liền làm theo lời thầy dạy. Chờ tới lúc người nông dân quay lưng đi chỗ khác, cậu đã lén đến gần đôi ủng và bỏ vào trong mỗi chiếc một quan tiền.

Một lát sau, khi đến giờ nghỉ trưa, người nông dân đến gần đôi giày và xỏ chân vào giày, ông ta vui mừng khi vào. Vừa khám phá ra có hai quan tiền trong đôi giày, ông ta đã qùy gối xuống ngước mắt lên trời dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã thương cứu giúp gia đình ông trong lúc túng cực. Ông cũng cầu Chúa chúc lành và trả công cho vị ân nhân vô danh. Chứng kiến niềm vui và nghe được những lời cầu nguyện của người nông dân, cậu bé cảm động muốn khóc. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời cậu cảm thấy hạnh phúc khi làm cho người khác được vui như lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

3) ƯỚC GÌ TÔI LÀ MỘT NGƯỜI BẠN NHƯ THẾ:

Một nhà doanh nghiệp đậu chiếc xe đời mới của ông vào lề đường và đi làm một vài công việc. Khi ông trở lại chiếc xe, ông thấy một cậu bé nghèo khoảng mười một tuổi đang quan sát chiếc xe với đôi mắt đầy vẻ thán phục và thèm muốn.

- Thưa ông, có phải chiếc xe này của ông? Cậu bé hỏi.

- Phải. Ông ta đáp.

- Nó đẹp quá. Ông phải trả bao nhiêu tiền để mua nó?

- Nói thật với chú bé là tôi không biết.

- Ông muốn nói ông mua nó và không thể nhớ đã trả bao nhiêu?

- Này chú bé, tôi không nói tôi mua nó. Đây là một món quà mà bạn tôi cho tôi.

- Ông muốn nói bạn ông cho ông và ông không mất một xu nào để mua?

- Đúng thế!

- Ước gì tôi…

Nhà doanh nghiệp tin chắc rằng cậu bé sẽ nói tiếp “Ước gì tôi có một người bạn như thế”. Nhưng cậu bé lại nói: “Ước gì tôi là một người bạn như thế”.

Và ông ta kết luận: “Đây là mình trong bộ áo quần lòe loẹt với chùm chìa khóa và một chiếc xe đời mới trong tay. Còn kia là cậu bé áo quần rách rưới. Tuy nhiên tâm hồn cậu có nhiều tình yêu thương hơn mình. Và trong ý nghĩa đó, cậu giàu sang hơn mình… Tôi thật sự xúc động đến nỗi lấy xe chở cậu và người bạn của cậu bị chứng sốt tê liệt lúc còn nhỏ làm chân tay co rút lại, cho cả hai đi một vòng với chiếc xe của tôi. Đó là những giờ hạnh phúc nhất của đời tôi”.

3. THẢO LUẬN: 1) Một văn sĩ nổi tiếng đã nói: “Mỗi khẩu súng được chế tạo, mỗi tàu chiến được hoàn thành, mỗi hỏa tiễn được bắn ra... Xét cho cùng, chính là một lần ăn trộm của những kẻ đói khát vì không được nuôi dưỡng, của những kẻ bị lạnh lẽo vì thiếu quần áo che thân !”. Bạn có đồng ý với lời đó hay không? Tại sao? 2) Bạn sẽ làm gì trong những ngày sắp tới để giúp đỡ cụ thể cho một cụ già neo đơn, một trẻ em mồ côi hay một bệnh nhân không tiền thuốc thang chữa trị mà bạn quen biết...?

4. SUY NIỆM:

1) Thực trạng giàu nghèo trên thế giới hiện nay:

- Hiện nay tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển. BIU GHẾT (Bill Gates) giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất. Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông thì Liên Hiệp Quốc sẽ có đủ tiền chi cho công cuộc cải cách giáo dục căn bản, phục vụ sức khỏe, nước sạch và vệ sinh cho cả thế giới trong một thời gian dài.

- Hiện nay hố sâu ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo ở các đô thị và giữa đô thị với vùng nông thôn càng lúc càng lớn. Có 800 triệu “Ladarô” đang lâm cảnh đói nghèo cùng cực. Hơn một tỉ “Ladarô” đang bệnh tật mà không được thuốc thang chữa trị. Hàng ngày vẫn có bao người bị chết đói, vì không được hưởng những thực phẩm dư thừa từ cac bàn tiệc của những người giàu. Dửng dưng trước nỗi đau của người khác chính là một tội ác lớn lao của con người thời nay.

2) Thế nào là sự giàu có và nghèo khó thực sự?:

- Sự giàu có thực sự không phải do những của cải người ta thu gom, mà do những của cải người ta cho đi. Người giàu đích thật là người biết quảng đại chia sẻ, còn người nghèo thật sự là người chỉ biết giơ tay đón nhận. Người giàu đích thật là người có ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đầy đủ, đang khi người nghèo thật sự lại có quá nhiều nhu cầu muốn thỏa mãn nên lúc nào cũng thấy thiếu thốn. Sự giàu có thực sự đáng giá nhất chính là giàu có về tinh thần.

- Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu nghèo khó tinh thần. Khi ta mở cửa lòng mình ra là lúc ta bắt đầu khỏe mạnh về tinh thần (McCarthy). Khi chỉ biết tìm làm sao cho mình có thật nhiều tiền, cặp mắt người ta sẽ bị che mờ, đến nỗi họ sẽ không còn nhìn thấy Thiên Chúa và tha nhân hiện diện chung quanh nữa. Người giàu thật sự là người biết cho đi; Còn người nghèo thật sự là người chỉ biết giơ tay nhận lãnh.

3) Tội làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân:

- Có người nêu ý kiến: Ông phú hộ trong bài Tin Mừng không đáng bị phạt trong hỏa ngục: Ông ta đâu có gian tham trộm cắp, đâu có bóc lột người nghèo… Cuộc sống của ông ta chỉ là ngày ngày ăn nhậu tiệc tùng dư thừa. Nhưng hưởng thụ những gì thuộc về mình thì đâu phải là tội? … Thực ra tội của ông phú hộ không phải là sự giàu có, mà ở chỗ đã làm ngơ, không biết quan tâm đến anh Ladarô nghèo đói bệnh tật đang nằm ngay trước cổng nhà ông ta. Ở liền kề bên nhau mà không nhìn thấy, không giúp đỡ thì quả là một con người bất nhân thất đức. Tội làm ngơ của ông phú hộ sẽ trở thành tội ác nếu do không chịu giúp đỡ kịp thời, khiến anh Ladarô bị kiệt sức và chết, nên ông ta đáng bị Chúa trừng phạt trong lửa hỏa ngục!

- Như vậy, chúng ta không chỉ phạm tội bằng tư tưởng, lời nói, việc làm, mà còn phạm tội cả trong những thiếu sót về bổn phận yêu thương, khi có thái độ thờ ơ trước nỗi đau của người khác… Tương tự như: khi thấy một người sắp bị chết đuối đang kêu cứu mà chúng ta không mau mắn cứu giúp, lại lấy điện thoại ra quay phim chụp hình !!! đã từng xảy ra nơi một bộ phận giới trẻ sinh viên học sinh; Thấy nhà hàng xóm bốc cháy mà vẫn bình chân như vại, không cấp thời báo đông dập lửa; Thấy một người khuyết tật mù điếc sắp bị xe lửa cán chết mà không chịu cấp thời ra tay cứu giúp họ tránh thoát tai nạn...

4) Phải tập quảng đại “cho đi hơn là nhận lãnh”:

- Cần ý thức về giá trị của sự cho đi: Có trao ban mới có hạnh phúc; Có trao ban mới tích lũy được phúc đức ở đời này và đời sau. Trái lại, cuộc đời vô phúc chính là cuộc đời không trao ban. Kẻ vô phúc là người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân và chỉ sống cho mình. Kẻ vô phúc sẽ không hưởng được niềm vui của sự trao ban. Họ sống mà không có hậu, vì không tích lũy phúc đức cho mình ở đời sau bằng những hành động chia sẻ bác ái và khiêm nhường phục vụ.

- Bác sĩ ANBỚT SUÝTDƠ (Albert Schweitzer), người đã bán toàn bộ gia sản lớn lao để xây dựng được một bệnh viện để cứu giúp những người cùng khổ ở Châu Phi, đã đặt vấn đề như sau: "Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc khi còn biết bao người khác chung quanh chúng ta đang bị đau khổ?".

5) Phải bắt đầu từ đâu? :

-Phải bắt đầu từ gia đình mình trước: Mẹ Têrêsa Canquýtta nói : "Tôi luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố. Yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình mới là khó”.

-Phải bắt đầu từ một con người cụ thể: Muốn yêu thương một người, bạn phải có sự gần gũi tiếp xúc với người đó. Mẹ Têrêsa kể tiếp: "Lần kia tôi đi dự một hội nghị ở Bombay chủ đề về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi thấy một người liệt giường sắp chết. Tôi đưa người ấy về nhà và chỉ một lát sau thì người ấy chết, chết vì bị đói lâu ngày. Đang khi phía trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng say bàn luận về nạn đói và về vấn đề lương thực: làm thế nào để có lương thực, để có cái này, để có cái kia... Đang lúc họ vạch ra kế hoạch kéo dài cả 15 năm, thì một người đã phải chết đói ngay phía bên ngoài!".

-Phải biết tích tiểu thành đại: Theo Mẹ Têrêsa: "Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn thấy từng cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ chăm sóc được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì đến nay tôi đã không đưa tới 42.000 người về nhà. Công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu nhiều giọt nước khác".

TÓM LẠI: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong bài giảng lễ Chúa nhật tại vận động trường YĂNG-KI (Yankee) Nữu Ước trong chuyến thăm nước Mỹ 1979 đã phát biểu về việc chia sẻ bác ái như sau: “Người nghèo khổ nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới đều là anh em của các bạn trong Chúa Kitô. Các bạn đừng bao giờ bằng lòng với hành vi chỉ cho họ những mẩu bánh vụn nơi bàn tiệc. Các bạn chỉ nên lo cho mình cái chính yếu của cuộc sống, và đừng tìm sống sung túc, để nhờ đó, các bạn sẽ có khả năng giúp đỡ cụ thể cho những người nghèo khổ. Ngoài ra các bạn còn phải mời gọi họ và đối xử với họ như những vị khách quí ngay trong gia đình của các bạn nữa”.

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊSU, Xin cho con nhìn thấy những Ladarô nghèo khó đang ở chung quanh con và đang cần đến sự giúp đỡ của con. Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó tìm đến với con, để con không xua đuổi, nhưng tiếp đón họ cách thân tình. Cảm tạ Chúa vì đã dựng nên loài người chúng con ai cũng nghèo về một phương diện nào đó, và ai cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác... Như vậy chúng con được mời gọi sống cho nhau, và làm cho hết mọi người đều được nên sung túc giàu có.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH – HHTM
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mohammad Sammak: “Đức Phanxicô là lãnh đạo tinh thần của toàn nhân loại”
Hồng Thủy
12:38 23/09/2016
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đươc xem như nhà lãnh đạo tinh thần cho toàn thể nhân loại khi ngài nói rằng không có tôn giáo tội ác, nhưng có tội ác trong mọi tôn giáo." Ông Mohammad Sammak, cố vấn chính trị cho Đại giáo trưởng Hồi giáo của Liban và Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về đối thoại giữa Kitô hữu và người Hồi giáo, đã phát biểu trong lễ khai mạc Hội nghị quốc tế về con người và tôn giáo được bắt đầu chiều Chúa Nhật 18/09/2016.

Ông Sammak miêu tả nhóm “nhà nước Hồi giáo” như “một nhóm của những kẻ báo thù, tuyệt vọng và cực đoan, những kẻ đã cướp Hồi giáo và sử dụng chỉ cho mục đích báo thù, trong khi đối với Hồi giáo – ông đưa ra ví dụ như việc phá hủy của các nhà thờ và tu viện ở Syria và Iraq - không ai được phép sử dụng những viên đá của một nhà thờ để xây nhà của mình.”

Ông nhắc đến cha Paolo Dall'Oglio, người đã “cống hiến cuộc đời để phục vụ người Hồi giáo và Kitô hữu ở Syria” và Đức Cha Mar Gregorios Yohanna Ibrahim, Giám mục của Aleppo, đã bị bắt cóc cách đây ba năm, là người mà ông đã được biết đến trong các buổi cầu nguyện cho hòa bình tổ chức bởi Sant'Egidio trong những năm qua.

Ông cũng nói về cha Jacques Hamel, đã bị giết hồi tháng 7 vừa qua trong khi đang dâng Thánh lễ tại một nhà thờ ở Rouen, nước Pháp. Ông nói: “Cha Hamel là một nạn nhân không chỉ đối với Giáo Hội của các bạn, mà còn đối với tôn giáo của chúng tôi”. Cuối cùng, ám chỉ tới nước Liban của mình, ông khẳng định rằng “mối quan hệ giữa tín hữu của các tôn giáo khác nhau không thể dựa trên việc loại trừ người khác - như nhóm “nhà nước Hồi giáo” (IS) muốn - và ngay cả trên sự khoan dung. Nó phải được dựa trên niềm tin vào chủ nghĩa đa nguyên và đa dạng, trên sự tôn trọng đối với nền tảng ý thức hệ và lý trí, những điều là nền tảng cho sự đa dạng.” Ông kết luận: “Quyền công dân không thể dựa trên sự khoan dung nhân nhượng, nhưng là dựa trên quyền lợi.” (Zenit 20/09/2016)
 
Quy định mới của Bộ Tuyên Thánh về việc công nhận các phép lạ
Đặng Tự Do
18:30 23/09/2016
Hôm 23 tháng 9, 2016, Bộ Tuyên Thánh đã ban hành các quy định mới chi phối việc điều tra về mặt y khoa các phép lạ liên quan đến các án tuyên chân phước và tuyên thánh.

Các quy định mới đưa ra nhiều yêu cầu hơn trong việc chấp nhận tính xác thực của một phép lạ, và cũng đặt ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn trong việc lập hồ sơ thanh toán cho các chuyên gia tham gia vào các cuộc điều tra.

Trong thông cáo, Bộ Tuyên Thánh cho biết các phép lạ được báo cáo đã “luôn được xem xét với sự chặt chẽ tối đa,”, và từ năm 1743 tất cả các báo cáo đều được xem xét bởi các chuyên gia y tế. Năm 1959, Đức Thánh Cha Gioan XXIII thiết lập các quy tắc cho các ủy ban y khoa chịu trách nhiệm điều tra; những quy tắc này đã được cập nhật dưới thời Đức Thánh Cha Phaolô VI, Gioan Phaolô II, và bây giờ được cập nhật thêm lần nữa bởi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các quy định mới yêu cầu phải có sự đồng thuận của ít nhất 5 chuyên gia y khoa nếu ủy ban điều tra có 7 thành viên. Nếu ủy ban chỉ có 6 thành viên, thì ít nhất 4 người phải đồng ý phê duyệt cấp giấy chứng nhận của một phép lạ. Nếu một trường hợp đã báo cáo bị phủ nhận, thì nó không thể được xem xét lại bởi cùng một ủy ban điều tra; và sẽ không có trường hợp nào có thể được xem xét hơn ba lần.

Các quy định cũng chỉ rõ rằng các chuyên gia y tế được hỏi ý kiến chỉ được thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng. Quy định mới này rõ ràng là để thắt chặt việc kiểm soát tài chính.

Các quy định mới không có tính hồi tố. Những phép lạ đã được chứng nhận bởi Hội đồng Y Khoa sẽ không phải tái xét. Ngoài ra, thông cáo của Bộ Tuyên Thánh khẳng định một lần nữa là Đức Giáo Hoàng có tiếng nói cuối cùng trong việc công nhận một sự kiện đặc biệt có phải là một phép lạ thực sự hay không.
 
Giám Mục cao niên nhất thế giới qua đời ở tuổi 104
Đặng Tự Do
22:41 23/09/2016
Đức Tổng Giám Mục Peter Gerety, Tổng giám mục nghỉ hưu của Newark, đã qua đời ngày 20 tháng 9 tại một nhà dưỡng lão ở New Jersey.

Đức Cha Gerety đã lãnh đạo giáo phận Newark từ năm 1974 cho đến khi về hưu vào năm 1986. Năm nay ngài 104 tuổi. Ngài là giám mục cao tuổi nhất thế giới, và đã là vị giám mục Mỹ cao tuổi nhất trong gần một thập kỷ qua.

Đức Cha Peter Gerety sinh ngày 19 tháng 7 năm 1912 tại Shelton, Connecticut Hoa Kỳ. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 29 tháng 6 năm 1939. Từ năm 1966 đến năm 1969, ngài là Giám Mục phó giáo phận Portland. Sau đó, làm Giám Mục chính tòa Portland cho đến năm 1974 khi được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Newark.
 
Các giám mục Ba Lan lên tiếng chống lại một nhóm đồng tính
Đặng Tự Do
22:59 23/09/2016
Các giám mục Công Giáo Ba Lan đã lên tiếng phản đối các hoạt động của một nhóm đồng tính đang muốn gây thanh thế tại nước này.

Nhóm đồng tính này tung ra chiến dịch có chủ đề “Hãy trao đổi một cử chỉ hòa bình”, bao gồm những buổi diễn thuyết rầm rộ, những buổi trình diễn âm nhạc và cả những bảng quảng cáo khổng lồ được đặt dọc theo các con đường lớn. Trong dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vừa qua nhóm này còn mời mọc các bạn trẻ đến cư ngụ tại những nơi gọi là “nơi trú ẩn của người hành hương”.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz của Krakow nói rằng chiến dịch này được thiết kế để “làm sai lệch những giáo huấn không thể thay đổi của Giáo Hội,” bằng cách mô tả các kết hiệp đồng tính như một điều gì đó là “tốt về mặt luân lý.”

Đức Hồng Y Kazimierz Nycz của Warsaw đồng ý rằng nhóm này đã vượt xa hẳn mục đích thường được rêu rao là vận động sự khoan dung và thông cảm của xã hội với người đồng tính. Chủ ý của họ là muốn thúc đẩy một sự thay đổi trong giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đang cân nhắc việc có nên đưa ra một tuyên bố bác bỏ chỉ trích của nhóm này cho rằng Giáo Hội là “đồng bóng”. Tuyên bố của các giám mục cho biết Giáo Hội đã và đang “không mệt mỏi tuyên bố mọi người, không trừ một ai, đều có nhân phẩm không thể bị chà đạp.”

Các ngài nói thêm rằng: “Giang rộng đôi tay với người khác có nghĩa là chấp nhận người đó. Nhưng nó không bao giờ có nghĩa là tán thành tội lỗi của họ.”
 
Một vị Hồng Y Phi Luật Tân nói những kẻ khủng bố Hồi giáo về thực chất là những kẻ vô thần
Đặng Tự Do
23:08 23/09/2016
Thành viên của các nhóm chiến binh Hồi giáo Abu Sayyaf tại Phi Luật Tân về thực chất là “những kẻ vô thần”. Các hành động của họ biểu hiện một sự “khước từ Thiên Chúa”. Một vị Hồng Y Phi Luật Tân cho biết như trên trong các ngày cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi vừa mới diễn ra trong tuần qua.

Đức Hồng Y Orlando Quevedo nói các thành viên Abu Sayyaf có một “kiến thức chưa đầy đủ về kinh Koran. Họ tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và có thể là sốt sắng cầu nguyện đấy nhưng các hoạt động khủng bố của họ và các hoạt động tội phạm của họ trong thực tế cho thấy họ chối bỏ Thiên Chúa và Lời của Ngài.”

“Điều này đôi khi cũng xảy ra với nhiều Kitô hữu. Trong khi tin vào Chúa Kitô và Giáo lý của Ngài, nhiều người có một sự phân đôi hoàn toàn giữa niềm tin và thực hành.”
 
Đức Giám mục Olmsted nói Tông Huấn Amoris Laetitia không có nghĩa là cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ
Đặng Tự Do
23:28 23/09/2016
Đức Giám Mục Thomas Olmsted của giáo phận Phoenix, Arizona, công bố rằng những người Công Giáo nào đã ly dị và tái hôn thì không nên rước Mình Thánh Chúa.

Viết trong tờ báo giáo phận của ngài, Đức Cha Olmsted nhấn mạnh rằng tông huấn Amoris Laetitia không thay đổi giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Trái lại, ngài lập luận rằng Tông Huấn của Đức Phanxicô là phù hợp với giáo huấn trước đây của các Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI trong đó “tái khẳng định truyền thống liên tục của Giáo Hội.”

Giải thích về Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Giám Mục Arizona được nhiều người xem là trái ngược với sự giải thích cuả các giám mục ở Á Căn Đình, theo đó trong một số trường hợp người Công Giáo đã ly dị và tái hôn có thể rước Mình Thánh Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng tuyên bố của các giám mục Á Căn Đình “nắm được toàn bộ ý nghĩa” của tông huấn này.

Đức Cha Olmsted hoan nghênh ý kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô về sự cần thiết phải tiếp cận với các cặp vợ chồng đã ly dị và tái hôn, và “đồng hành cùng với họ” trong nỗ lực sống các nguyên tắc Kitô giáo. Đức Cha Olmsted viết: “Tháp tùng là có thể được, và là điều nên làm trong các giáo xứ của chúng ta. Tuy nhiên, điều này không bao gồm việc cho những ai đã ly dị và tái hôn được rước Mình Thánh Chúa.”

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput đã cũng ra một tuyên bố theo đó giáo lý truyền thống của Giáo Hội về việc người ly dị và tái hôn không được rước Mình Thánh Chúa vẫn có hiệu lực trong Tổng Giáo Phận Philadelphia của ngài.
 
25 tháng Chín, Ngày Năm Thánh dành cho các Giáo Lý Viên
Vũ Văn An
23:54 23/09/2016
Chúa Nhật, ngày 25 tháng Chín này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cùng các giáo lý viên khắp thế giới cử hành Năm Thánh dành cho Các Giáo Lý Viên, một biến cố sẽ được Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa tổ chức.

Thực ra, chương trình bao gồm nhiều ngày, được chi tiết hóa như sau:

Thứ Sáu, 23 tháng Chín, 2016, từ 18 giờ 00 tới 19 giờ 00

Dẫn nhập vào Năm Thánh: “Hãy Chiêm Ngưỡng Lòng Thương Xót”, suy niệm về chủ đề Miserando atque eligendo (Thương Xót và Tuyển Chọn) trong họa phẩm “Kêu Gọi Thánh Mátthêu” của danh họa Caravaggio (Contarell Chapeli, Nhà Thờ San Luigi dei Francesi), dành cho các nhóm ngôn ngữ tại các nhà thờ sau đây:

– Nhà Thờ San Luigi dei Francesi (tiếng Bồ Đào Nha), Piazza di S. Luigi de’Francesi
– Nhà Thờ Santa Maria sopra Minerva (tiếng Pháp), Piazza della Minerva, 42
– Vương Cung Thánh Đường San Giovanni Battista dei Fiorentini (tiếng Tây Ban Nha) Piazza dell’Oro, 1
– Vương Cung Thánh Đường Sant’ Eustachio (tiếng Anh), Piazza S. Eustachio, 82

Buổi suy niệm bằng tiếng Ý sẽ diễn ra hôm Thứ Bẩy, 24 tháng Chín, lúc 16 giờ 00 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.

* Vào Thứ Sáu và Thứ Bẩy, Nhà Thờ San Luigi sẽ mở cửa thêm, từ 20 giờ 30 tới 22 giờ 00 để các giáo lý viên hành hương có thể chiêm ngưỡng Bức Danh Họa của Caravaggio.

Thứ Bẩy, 24 Tháng Chín, 2016, từ 9 giờ 00 tới 14 giờ 00

Tại các Nhà Thờ Năm Thánh:

-- S. Salvatore in Lauro, Piazza di San Salvatore in Lauro, 15
-- S. Maria in Vallicella (Chiesa Nuova), Piazza della Chiesa Nuova
-- S. Giovanni Battista dei Fiorentini, Piazza dell’Oro, 1

Chầu Thánh Thể, Bí Tích Hòa Giải:

Từ 9 giờ 00 sáng: Hành hương qua Cửa Thánh. Có thể suy niệm về đề tài: “Theo Chân Các Thánh và Các Chân Phúc dạy Giáo Lý”

18 giờ 00: Kinh chiều và các chứng từ ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.

Chúa Nhật, 25 tháng Chín, 2016: 10 giờ 30

Thánh Lễ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô.

Hãy Thương Xót Như Chúa Cha

Để mừng ngày trên, trang mạng của Tổng Giáo Phận Kota Kinabalu, Mã Lai, có bài chia sẻ sau đây:

Chủ đề của Chúa Nhật Giáo Lý năm nay, Hãy Thương Xót Như Chúa Cha, vừa là một lý tưởng vừa là một huấn giáo. Bản dịch cũ của lời nguyện Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Thường Niên cho thấy lý tưởng này đòi phải vượt quá con người của ta.

“Lạy Chúa Cha toàn năng, tình yêu Chúa ban luôn vượt quá biểu thức sâu xa nhất của khát vọng nhân bản chúng con, vì Chúa vĩ đại hơn trái tim con người. Xin Chúa hướng dẫn tư tưởng, mọi cố gắng của đời sống chúng con, để các lỗi lầm và yếu đuối của chúng con không che khuất việc chúng con nhìn thấy vinh quang Chúa hoặc khiến chúng con không được hưởng sự bình an mà Chúa đã hứa ban cho chúng con”.

Thứ nhất, Thánh Kinh cho chúng ta rất nhiều điển hình về lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa, nghĩa là các lý tưởng ta cần noi theo. Theo môt số học giả, Dụ Ngôn Người Con Trai Hoang Đàng nên được gọi là Dụ Ngôn Người Cha Hoang Đàng để nhấn mạnh tới phẩm tính lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót luôn vuợt quá các chờ mong của ta. Lời nguyện trên, vừa là một lời mời vừa là một mệnh lệnh, vừa là một lời kêu gọi vừa là một lệnh truyền, linh hứng một đáp ứng vô giới hạn mà Thiên Chúa vốn mời gọi ta hướng tới.
Thứ hai, lý tưởng này, lời mời hay lời kêu gọi này, được định vị ngay trong tính thế trần của sự sống và các mối liên hệ. Nó không nằm ngoài một bối cảnh vì thương xót như Chúa Cha nghĩa là thương xót người khác.

Giờ đây, nếu coi nó như một lệnh truyền hay một lời giáo huấn, là ta đã làm đúng. Mọi Nhà Thờ ta bước vào, ta đều nhìn thấy huy hiệu của Năm Thương Xót trên các biểu ngữ, trên các bức tường hay trên các tấm thẻ cầu nguyện v.v… Hàng đoàn xe buýt chở khách hành hương đổ về các nhà thờ được chỉ định có Cửa Thương Xót. Căn cứ vào những gì chúng ta đang làm, quả tình có dư bằng chứng cho thấy đây đúng là Năm Thương Xót. Là một xã hội bị thúc đẩy bởi chỉ số hiệu xuất chủ yếu (PKPI=key performance indicator) và chứng minh kết quả, ta thường có khuynh hướng ấn định ra các tiêu chuẩn để đo lường việc mình đã thực hiện được lý tưởng này đến đâu.

Thực vậy, câu hỏi đặt ra là ta phải đo lường lòng thương xót của ta bằng cách nào? Khi muốn thương xót như Chúa Cha thương xót chúng ta, có lẽ ta nên thương xót Chúa Cha. Thoạt nhìn, điều này không thể nào có được vì Lời Nguyện Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Thường Niên cho thấy tình yêu của Thiên Chúa luôn vượt quá biểu thức sâu xa nhất của khát vọng con người. Ta không bao giờ có thể làm hơn Thiên Chúa. Nhưng, lời mời gọi này muốn chúng ta vượt quá những gì chúng ta từng đặt làm thước đo bề ngoài. Tắt một lời, ngôn ngữ thương xót phải từ đầu bước xuống tim. Thước đo lòng thương xót không phải là cái đầu mà là con tim.

Tim nói thứ ngôn ngữ “hoang đàng” trong khi đầu bị giới hạn bởi ngôn ngữ thận trọng. Ta hãy nghĩ tới người đàn bà tội lỗi với bình dầu thơm. Sự “hoang đàng” của nàng đối với Thiên Chúa vừa là lời thừa nhận Thiên Chúa là ai, vừa là lời phát biểu sự đáp ứng của nàng. Giuđa, trái lại, hình như có thiện ý nhưng tình yêu của hắn là tình yêu tính toán.

Tinh thần tính toán đi ngược lại sự “hoang đàng” mà Thiên Chúa muốn mời gọi ta bước vào. Phản chiếu hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa, sự “hoang đàng” này là bản đại hòa tấu của một con tim đại lượng. Các Nhà Thờ Chính Tòa vĩ đại của Âu Châu là chứng từ của thứ đại lượng này và cũng là tiêu chí cho thấy ta thừa nhận không những luật Thiên Chúa hay sự tối thượng của Người nhưng còn điều này nữa: ta có thể phản chiếu lòng thương xót tuyệt vời của Thiên Chúa. Cũng người đàn bà từng đập bể bình dầu thơm đắt tiền để xức đôi chân Chúa Kitô đã tuôn đổ nước mắt của mình trên đôi chân này và lau khô chúng bằng tóc của mình. Nghĩa cử vĩ đại của trái tim nàng nói lên niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Không như Giuđa với một tình yêu giới hạn dành cho Thiên Chúa cho thấy một viễn kiến hẹp hòi chỉ dừng lại ở việc chu toàn bổn phận.

Ở các lớp giáo lý, các trẻ em của ta thường được dạy rằng Thánh Thể là Nguồn Suối và là Đỉnh Cao của đời sống Kitô hữu. Nhưng trong thực hành, Chúa Nhật chủ yếu bị rút gọn thành ngày thi hành bổn phận, bất kể nó thánh thiêng ra sao, một hành vi chỉ cho thấy thái độ của Giuđa. Khi Giuđa âm mưu để Chúa Giêsu bị bắt, hắn niêm phong việc này bằng một nụ hôn. Như thể, nụ hôn là chuyện phải làm để hành vi phản bội diễn ra và hoàn tất cho xong. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Nhật (và do đó, lớp giáo lý Chúa Nhật) cũng là một bổn phận cần phải làm và làm cho xong. Thứ “bổn phận” này dễ đi vào các hành động khác xiết bao, như yêu gia đình, yêu người lân cận và yêu quê hương xứ sở!

Thước đo tình yêu của ta dành cho Thiên Chúa phải là thước đo tình yêu của ta dành cho nhau. Chứ không phải tình yêu hay sự tha thứ người khác của ta là thước đo tình yêu của ta dành cho Thiên Chúa. Bởi đó, làm việc tốt không phải là tiêu chí cho thấy ta có lòng thương xót và ở đây, người Biệt Phái bỗng xuất hiện trong tâm trí ta vì mối nguy của lòng đạo “có tổ chức” của họ là: thoải mái ép buộc người khác thực hành các tập tục tôn giáo bề ngoài, như thể, bằng cách ăn chay, bố thí, hay như trường hợp của ta, trưng bầy huy hiệu thương xót khắp nơi, in ấn các tờ rời, tổ chức các cuộc hành hương… là ta đã thương xót như Chúa Cha. Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy: mối liên hệ đúng đắn của Người với Chúa Cha là tiêu chuẩn của mối liên hệ của Người với mọi người và từng người. Gương sáng của Chúa Giêsu cho thấy tình yêu của ta với Thiên Chúa càng sâu sắc, thì tình yêu của ta với thế giới của Người cũng càng sâu sắc như thế. Có một thế tương liên giữa một tình yêu Thiên Chúa sâu sắc và các hành vi thương xót và cũng có một sợi dây liên kết tương ứng giữa một tình yêu vâng phục Thiên Chúa và việc thực hành các bổn phận cần thiết.

Con đường tiến tới sự “hoang đàng” thương xót đòi ta phải giải thoát mối tương quan của ta với Thiên Chúa khỏi sự kềm kẹp của “bổn phận”. Nếu, giống như người con cả, ta trung thành thi hành mệnh lệnh của Đức Giáo Hoàng bằng cách tổ chức Năm Thương Xót, thì ta cũng hãy thừa nhận điều này: ta cần làm nhiều hơn thế. Trong bối cảnh Chúa Nhật Giáo Lý, nền giáo lý ta muốn đem lại cho các trẻ em của chúng ta không nên chỉ giới hạn ở bổn phận phải đào luyện các em trong chân lý đức tin mà thôi, nghĩa vụ của ta còn phải lên khuôn con tim các em nữa. Công trình rao giảng tin mừng của Giáo Hội có thể được gợi hứng bởi những viễn kiến vĩ đại của trí hiểu nhưng sự thành công của công trình này nằm ở một trái tim đam mê và can đảm. Do đó, giáo lý không phải chỉ là schola intellectus (trường dạy trí hiểu) mà còn là schola affectus (trường dạy tâm cảm). Thách đố không nằm ở bình diện “làm việc của mình” mà được khích lệ vượt quá việc chỉ dạy các sự kiện và thừa nhận nhu cầu đào tạo trái tim. Không có một con tim hồi tâm, giáo lý không tiến xa bao nhiêu.

Cuối cùng, Meister Eckhart, nhà huyền học Dòng Đa Minh, vốn nhắc nhở ta rằng “Bạn có thể gọi Thiên Chúa là tình yêu, bạn có thể gọi Thiên Chúa là sự thiện, nhưng tên đẹp nhất của Thiên Chúa là Thương Xót”. Trong Năm Thương Xót này, ta được mời gọi sống lòng thương xót.
 
Top Stories
Indonésie: Mobilisation de responsables religieux contre la déforestation de la Papouasie occidentale
Eglises d'Asie
09:13 23/09/2016
Appel adressé par des catholiques au président de la République, fatwa contre les musulmans provoquant des incendies de forêts, des responsables religieux se mobilisent contre la déforestation des forêts tropicales indonésiennes, et soutiennent la cause des Papous, victimes directes de la déforestation massive de leurs terres ancestrales par de grandes sociétés productrices d’huile de palme.

Un appel au président indonésien

« J’ai lancé un appel au président de la République afin que cesse la destruction des forêts vierges par les sociétés d’exploitation d’huile de palme ; c’est notre dernière chance pour faire entendre la cause des peuples aborigènes », explique le P. Anselmus Amo, missionnaire de la Congrégation du Sacré-Cœur de Jésus et président de la Commission ‘Justice et paix’ de l’archidiocèse catholique de Merauke, diocèse situé sur la côte Sud de la Papouasie occidentale (1). « Toutes nos pétitions auprès du gouvernement local, des militaires et de la police sont restées sans réponse », précise le prêtre catholique, qui ajoute avoir également déposé un recours auprès de la Commission nationale des droits de l’homme, espérant ainsi que la cause des aborigènes soit présentée au plan national.

Une fatwa édictée par le Conseil des oulémas

Le 13 septembre dernier, la plus haute instance musulmane d’Indonésie, le Conseil indonésien des oulémas (MUI, Majelis Ulama Indonesia), par l’entremise de son président, Huzaemah Yanggo, a publié une fatwa concernant les incendies des forêts et des terres. « Tout acte volontaire d’incendier des forêts ou des terres qui peut engendrer de graves dégâts écologiques et économiques, une pollution environnementale et des problèmes de santé pour la population, va à l’encontre des enseignements de l’islam, […] et est, donc haram [interdit] », a déclaré Huzaemah Yanggo.

L’édit interdit également aux musulmans de favoriser ou de tirer profit d’activités liées aux incendies de forêts ou de terres. « Cette fatwa est une décision morale car la destruction de l’environnement appelle à un changement urgent de comportements. A présent, les mauvais comportements doivent se transformer en comportements meilleurs. […] Si la communauté peut échapper aux jugements de ce monde, elle ne pourra échapper après la mort au jugement et aux lois d’Allah », a ajouté Huzaemah Yanggo.

D’après la station de télévision CNA, le Conseil des oulémas a travaillé étroitement avec le ministère de l’Environnement et des Forêts, avant de prendre cette fatwa dont le but est de dissuader les sociétés d’exploitation d’huile de palme de continuer à multiplier les incendies pour défricher les forêts. Dans le premier pays musulman au monde, où 85 % des 240 millions d’habitants sont considérés comme musulmans, le ministère de l’Environnement indonésien espère ainsi que cette fatwa aura davantage d’impact sur les comportements des Indonésiens, qu’une simple loi interdisant les incendies de forêts pour déforestation.

L’Indonésie, premier producteur mondial d’huile de palme

Les enjeux sont de taille car l’Indonésie est le premier producteur mondial d’huile de palme, avec une production annuelle de 28,5 millions de tonnes en 2012, devançant depuis quelques années la Malaisie.

Le 1er septembre dernier, un rassemblement international d’ONG de protection de l’environnement (Mighty, Pusaka et la Fédération européenne pour les transports et l’environnement), a rendu publics les résultats d’une enquête montrant que le groupe industriel indonésien Korindo a détruit en quelques années quelque 50 000 hectares de forêts en Indonésie pour développer son activité économique d’exploitation d’huile de palme. « Cela doit cesser. L’enquête a réuni suffisamment de preuves, avec des images satellites, des photos aériennes et des enquêtes sur le terrain », affirme le P. Amo. « Le groupe Korindo accuse souvent les autochtones de brûler la forêt lorsqu’ils chassent, ce qui est complètement ridicule ! », s’offusque-t-il encore.

Ce rassemblement d’ONG a déposé une requête auprès du ministère de l’Environnement, ainsi qu’auprès de l’Assemblée régionale de Papouasie occidentale et du gouverneur de Papouasie, afin qu’ils viennent constater sur place la destruction massive des terres ancestrales papoues.

Des populations aborigènes anéanties

Les incendies opérés par les sociétés d’exploitation d’huile de palme en Papouasie ont de multiples conséquences : outre que les terres tenues pour sacrées par les populations papoues se réduisent à grande vitesse, les feux détruisent une faune et une flore unique qui rassemblent de nombreuses espèces protégées, tout en menaçant la survie alimentaire des autochtones, lesquels se nourrissent principalement de sagou, une fécule produite à partir des troncs de sagoutiers, des palmiers très présents en Papouasie, et détruits dans ces incendies. Le problème est ancien et n’est pas cantonné à la seule Papouasie, et, par le passé, des responsables religieux se sont emparés du sujet pour en dénoncer les conséquences, sans beaucoup de résultats cependant.

Selon le directeur de la Pusaka Foundation, pour la seule année 2013, Korindo a détruit 30 000 hectares de forêts (dont la moitié portait des forêts primaires), provoquant des fumées massives qui ont engendré un coût sanitaire énorme pour la Papouasie, du fait de la multiplication des problèmes respiratoires chez les habitants. « Des enfants sont décédés prématurément suite à cette tragédie. Et aujourd’hui, ils menacent d’exploiter encore quelque 75 000 hectares de forêts primaires qui font partie de leur contrat de concession, signé avec les autorités locales », dénonce-t-il.

Selon certains responsables aborigènes, les militaires ou des milices privées viennent intimider ou menacer les populations locales, pour qu’elles cèdent leurs terres aux sociétés d’exploitation d’huile de palme. « Je pleure lorsque je vois ces forêts détruites. C’est sadique. Dieu a créé la nature de manière à ce qu’elle soit belle, et les êtres humains la détruisent », confie Elisabet Ndiwen, une responsable aborigène de Merauke. « Les forêts de Papouasie sont traditionnellement habitées par des centaines de tribus différentes. Détruire ces forêts, c’est déraciner ces tribus de leur vie quotidienne et de leur culture, déplore-t-elle. Le gouvernement local est responsable de cette situation car il n’a pas consulté les autochtones lorsqu’il a attribué ces concessions d’exploitation. Les forêts doivent être protégées car elles sont notre seul moyen de subsistance. »

« Nous ne voulons pas que des gens cupides viennent toucher à notre forêt, qu’ils détruisent nos terres ou nos lieux sacrés », s’offusque pour sa part Klemens Mahuze, un aborigène de la région de Merauke.

Un projet de loi pour protéger le patrimoine humain et culturel des aborigènes ?

Selon Moses Yeremias Kaibu, parlementaire papou, l’Assemblée législative de la province est en train de rédiger un projet de loi pour protéger les droits coutumiers des aborigènes, en incluant la protection des personnes, des forêts et de l’habitat. « Le Parlement travaille sur ce projet et aura terminé avant la fin de l’année », indique-t-il.

Pour Luwy Leunufna, porte-parole de Korindo, lui-même papou, les accusations portées contre le groupe industriel Korindo sont fausses. « Depuis le début des opérations en Papouasie, la société a suivi les instructions du gouvernement et n’a rien fait en dehors du permis délivré par le ministère de l’Environnement et des Forêts. Il n’y a pas de déforestation, ce n’est pas vrai. Je pense que c’est un malentendu sur les termes utilisés », explique-t-il à l’agence Ucanews, précisant que la société travaille à 350 km de Merauke et qu’elle contribue ainsi au développement des infrastructures, dans des régions restées longtemps très isolées.

Des conséquences régionales

Selon des chercheurs des universités de Harvard et de Columbia, aux Etats-Unis, les incendies survenus en Indonésie, à l’automne 2015, seraient à l’origine de près de 100 000 décès prématurés, un chiffre bien éloigné des statistiques officielles indonésiennes évoquant 19 morts… En 2015, plus de 2,5 millions d’hectares de forêts tropicales ont été détruits par des incendies pour défricher les terres destinées à la production d’huile de palme, provoquant en Indonésie, à Singapour et en Malaisie d’épais brouillards et une pollution de l’air plusieurs mois d’affilée. Selon ces chercheurs, ces incendies ont provoqué une surmortalité à laquelle peuvent être attribués le décès de 2 200 personnes à Singapour, 6 500 en Malaisie et 91 600 en Indonésie. (eda/nfb)

(1) La Papouasie-Occidentale (ex-Irian Jaya), West Papua, est une région indonésienne composée de deux provinces depuis 2003 (Papouasie et Papouasie occidentale). Elle se situe sur la partie occidentale de l’île de Nouvelle-Guinée et compte, parmi les autochtones, plus de 300 ethnies. La partie orientale de l’île, indépendante depuis 1975, est la Papouasie-Nouvelle Guinée.

(Source: Eglises d'Asie, le 23 septembre 2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Quới chức Bến Tre giáo phận Vĩnh Long hành hương năm thánh
Người Giồng trôm
09:38 23/09/2016
QUỚI CHỨC TỈNH BẾN TRE HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH

Trong bầu khí Năm Thánh Lòng Thương Xót, quý Cha hữu trách các giáo xứ thuộc tỉnh Bến Tre – giáo phận Vĩnh Long tổ chức cho quý quới chức hành hương Năm Thánh.

Ngày 23 tháng 9 năm 2016 đã diễn ra ngày hành hương Năm Thánh của Quới Chức tỉnh Bến Tre tại nhà thờ Cái Mơn.

Xem Hình

Vì chương trình bắt đầu khá sớm nên quý quới chức cũng có mặt khá sớm. Từ các họ đạo khá xa với Cái Mơn như các họ đạo ở Ba Tri, Giồng Trôm, Lương Quới, Mỹ Lồng, Bình Đại. .. phải đi thật sớm để kịp giờ khai mạc. Niềm vui được gặp gỡ nhau lại nở trên khuôn mặt của Quới Chức bởi lẽ họ cũng gặp nhau khá nhiều lần trong các kỳ Đại Hội Quới Chức hàng năm và những dịp lễ lớn của Giáo Phận.

7 g 30, chương trình bắt đầu dưới sự hướng dẫn của Cha Giuse Trần Văn Huynh. Cha Giuse hướng dẫn cộng đoàn đặt mình trước mặt Chúa và cùng nhau sám hối. Sau khi sám hối, mọi người có thể đến với các tòa Hòa Giải được sẵn chờ hối nhân.

8 giờ 15, Thánh Lễ tạ ơn được bắt đầu. Chủ tế Thánh Lễ tạ ơn này là Cha Giacôbê Bùi Văn Đảm – đặc trách Quới Chức Giáo Phận Vĩnh Long, quý Cha trong Tỉnh Bến Tre. Cùng hiện diện đồng tế trong Thánh Lễ có Cha G.B. Lê Minh Bạch, là Cha Sở Cái Mơn cũng là Cha Quản Hạt Cái Mơn.

Trong bài chia sẻ, Cha Giacôbê Bùi Văn Đảm chia sẻ: Là Quới Chức, phải có 4 chữ 4 H trong tiếng Anh là: Head – Hand – Heart – Holy Spirit. Cha giải thích ý nghĩa của từng chữ là: Đầu biết tính toán, tay phục vụ, con tim yêu thương và đặc biệt có ơn Chúa Thánh Thần. Và khi là Quới Chức phải có 5 chữ V: Vất Vả Vẫn Vui Vẻ. ..

Cha gợi lại lịch sử thành lập Giáo Phận Vĩnh Long, số lượng Quới Chức tăng nhiều nhưng cố gắng làm tăng hiệu quả làm việc ở các họ đạo để các Cha Sở cũng vui vẻ phục vụ. Anh chị em là cánh tay nối dài của các cha. .. chúng ta cố gắng làm việc cho có hiệu quả. Cha Giacôbê nhắc nhớ về Cố Đức Cha Tôma, Ngài không sợ tốn tiền để tổ chức nhưng làm việc phải có hiệu quả. ..

Trước khi nhận phép lành cuối Lễ, Cha G.B Lê Đình Bạch, Cha sở Cái Mơn ngỏ đôi lời chào Quý Cha Sở và cộng đoàn.

Sau khi nghỉ ngơi đôi chút, cộng đoàn lại trở vào Nhà Thờ để nghe quý Cha Giacôbê Bùi Văn Đảm, Cha Phaolô Lê Thanh Dũng (Cha Sở họ đạo Ba Châu) chia sẻ với cộng đoàn về chủ đề Năm Thánh Lòng Thương Xót cũng như về vai trò, nhiệm vụ của Quới Chức.

Đặc biệt, có sự hiện diện và chia sẻ của Trưởng Ban Quới Chức họ đạo Cái Mơn. Ông chia sẻ những hoạt động cũng như kinh nghiệm khi giúp Cha Sở của mình.

Sau khi Cha Đảm và Cha Dũng chia sẻ phần của mình, Cha Giuse Hoàng Kim Đại – Quản hạt Bình Đại – giúp cộng đoàn tìm hiểu “Tông Chiếu Dung Nhan Lòng Thương Xót” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Cha Giuse chia sẻ tông chiếu số 12, 13 và 15 của Tông Chiếu. Đặc biệt, Cha chia sẻ với cộng đoàn về Phút Hồi Tâm mà mỗi người nên làm hàng ngày vào buổi tối với 7 câu hỏi nhắc nhớ bản thân về lòng thương xót. ..

11 g 30 cộng đoàn nghỉ trưa và dùng cơm trưa

13 g 00, cộng đoàn quy tụ lại Nhà Thờ viếng Chúa và tiếp tục nghe Cha Giuse Trần Ngọc Xưa chia sẻ về những điều nên làm và không nên làm của Quới Chức. Kèm theo đó là những tâm tình chia sẻ của các Quới Chức.

14 g 30, Cha G.B Lê Đình Bạch đúc kết buổi hành hương cũng như trao ban bình an cho quý Quới Chức.

Cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót của Quới Chức Tỉnh Bến Tre khép lại, ước mong những hoa quả của cuộc hành hương này đọng lại mãi trên các Quới Chức để các Quới Chức trở nên cánh tay, con mắt, tấm lòng nối dài của các cha Sở nơi Quới Chức đang phục vụ. Xin Chúa là Cha giàu lòng Thương Xót ban muôn ơn lành trên Quới Chức giáo phận Vĩnh Long nói chung, cách riêng cho Quới Chức tỉnh Bến Tre thân thương này.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Người Hồi giáo có thể tham dự trọn vẹn Thánh Lễ không?
Nguyễn Trọng Đa
19:52 23/09/2016
Giải đáp phụng vụ: Người Hồi giáo có thể tham dự trọn vẹn Thánh Lễ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Cách đây vài Chúa Nhật, trong một số nhà thờ ở Pháp và Ý, nhiều người Hồi giáo đến tham dự Thánh lễ, như một dấu hiệu của tình đoàn kết với người Công Giáo, sau vụ linh mục Pháp Jacques Hamel bị hai phần tử cực đoan Hồi giáo sát hại gần Rouen vùng Normandy. Trong thời cổ đại, các người đền tội, người lạc giáo và thậm chí các dự tòng bị buộc phải rời khỏi Thánh lễ, trước phần hy tế của Thánh Lễ, vì họ không thể hiểu các mầu nhiệm Thánh Thể. Liệu tập tục này đã bị hủy bỏ bởi Giáo Hội rồi chăng? Người Hồi giáo có thể tham dự trọn vẹn Thánh Lễ không? - R. C., Rôma, Ý.


Đáp: Quả đúng là trong một giai đoạn nhất định của lịch sử, một số tầng lớp xã hội không được phép tham dự toàn vẹn Thánh lễ, nhưng đã được yêu cầu rời khỏi nhà thờ trước phần Lời nguyện Tín hữu. Thậm chí ngày nay, các nghi lễ trước lễ rửa tội của người lớn dự liệu một sự giải tán như thế, như là lời nhắc nhở biểu tượng của tập tục xa xưa ấy.

Những người thường được giải tán như thế là các dự tòng, vì họ đang học hỏi Tin Mừng và đường lối của Tin Mừng, và các người đền tội, vì họ đang thực hiện sự sám hối công khái, và không được Rước lễ trong một thời gian nhất định.

Các động thái ban đầu cho yêu cầu này là vừa thực hành vừa thần học. Trong các giai đoạn đầu của Giáo Hội, được bao quanh bởi một môi trường thường là thù địch, không phải là luôn an toàn hoặc luôn thích hợp để cho phép bất cứ ai tham dự các mầu nhiệm thánh. Bởi vì các dự tòng vẫn còn ở ngoài Giáo Hội, mặc dù đã là "người tin đạo”, họ được xem là chưa được thử thách, và chưa vững vàng trong đức tin. Giáo Hội chưa sẵn sàng cho phép họ có mặt, khi mầu nhiệm tuyệt vời của Mình và Máu Chúa Kitô được cử hành.

Do đó, họ được giải tán, để học thêm giáo lý, mặc dù trong một số trường hợp, sự giải thích đầy đủ về mầu nhiệm Thánh Thể đã không được truyền đạt, cho đến sau khi họ đã được rửa tội.

Về thần học, các dự tòng được giải tán, bởi vì họ chưa là thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Vì vậy, trong các tác phẩm của thánh Clement thành Alexandria (150-215), các dự tòng rời nhà thờ, sau khi họ đã chia sẻ trong lúc hát các Thánh Vịnh [De odor, in spir, et verit. 12]. Một lát sau, họ tham gia vào một số kinh nguyện.

Trong tác phẩm, được được gọi là Tông Hiến (Apostolic Constitutions, khoảng năm 375-380), chúng ta tìm thấy các sự giải tán liên tiếp, mỗi tầng lớp người có các lời nguyện riêng của mình. Trước tiên, có một cảnh báo cho người không tin là không hiện diện: "Đừng để các người chỉ nghe mà thôi, hiện diện, đừng để người ngoại đạo hiện diện". Một kinh cầu tiếp theo đó, bao gồm một loạt lời cầu cho dự tòng, và sau đó là một lời cầu nguyện cho họ, và sau đó họ được giải tán. Các dự tòng phủ phục, và thầy phó tế đọc:

Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho các dự tòng.

Cộng đoàn: Κύριε ἐλέησον (Kyrie eleison, Xin Chúa thương xót chúng con)

Xin ban bình an cho chúng con.

Chúng ta hãy cầu nguyện.

Xin Thiên Chúa nhân từ và thương xót nghe cầu xin của họ.

Xin Chúa mở lỗ tai của tâm hồn họ,

và dạy bảo (κατηχήσῃ) họ trong lời chân lý.

Xin gieo sự sợ hãi Chúa trong họ, và khẳng định niềm tin của Chúa trong tâm trí họ.

Xin tỏ lộ cho họ Tin Mừng của sự công chính.

Xin ban cho họ một tâm trí thánh thiện, lời khuyên thận trọng, và một cuộc trò chuyện đạo đức, luôn nghĩ đến, thiết kế và chăm sóc cho những gì thuộc về Thiên Chúa, bước đi trong giới luật Ngài cả ngày lẫn đêm, nhớ đến các điều răn của Ngài, và tuân giữ luật lệ của Ngài.

Chúng ta hãy tha thiết cầu xin cho họ;

Xin Chúa giải thoát họ khỏi mọi sự dữ, và các việc làm không thích hợp, khỏi mọi tội lỗi xấu xa, và khỏi sự tấn công của kẻ thù.

Xin Chúa làm cho họ trở nên xứng đáng trong thời gian đủ cho giếng rửa tội tái sinh, sự tha tội, và mặc lấy sự sống đời đời.

Xin chúc lành cho việc họ đến và việc họ đi, toàn lối sống của họ, nhà cửa và gia đình họ, và con cái họ, xin chúc phúc cho con cái khi chúng lớn dần lên, và ban cho họ sự khôn ngoan theo lứa tuổi của họ.

Xin uốn thẳng con đường trước mặt họ, vì hạnh phúc của họ.

Mời đứng lên.

Hỡi các dự tòng, thiên sứ hòa bình làm theo lời xin của anh chị em.

Tương lai của anh chị em sẽ được bình an.

Ngày hôm nay và mọi ngày của anh chị em sẽ được bình an.

Anh chị em sẽ trở thành Kitô hữu.

Vì thiện hảo và lợi ích của anh chị em.

Anh chị em hãy trình diện mình cho Thiên Chúa hằng sống và Chúa Kitô. [Kết thúc]

Sau thế kỷ VI, với sự phổ biến của phép rửa cho trẻ sơ sinh, và sự xuất hiện việc đền tội riêng tư hơn là công khai, các sự giải tán khác nhau có xu hướng biến mất, vì có rất ít dự tòng trưởng thành, và ít người đền tội công khai. Tuy nhiên, việc giải tán các hối nhân, không phải là một sự thực hành phổ quát, giống như sự thực hành của các dự tòng, và nó biến mất sớm hơn trước đó. Vì vậy, khi hoàng đế Theodosius làm việc đền tội trong năm 390, do một vụ thảm sát mà ông đã ra lệnh, ông được phép có mặt tại các nghi thức thánh, nhưng không được rước lễ cho đến khi ông được thu nhận lại một trọng thể.

Tuy nhiên, trong một số nghi lễ phương Đông, một số yếu tố còn lại từ các thực hành cổ xưa, mặc dù các lời nguyện cho các tân tòng thường được linh mục đọc thầm, bao gồm cả lời mời gọi đi ra khỏi nhà thờ. Một yếu tố khác trong các nghi lễ này là rằng trước khi đọc kinh Tin Kính, thầy phó tế hô ta: "Đóng cửa! Đóng cửa!". Đây là một sự sót lại của kỷ luật cổ xưa, mà trong đó cửa lớn của nhà thờ sẽ được canh giữ, để người không Kitô hữu, người "ngoài Giáo Hội”, sẽ ở ngoài nhà thờ theo nghĩa đen trong phần phụng vụ Thánh Thể.

Thời gian dần trôi qua, và châu Âu đã trở thành hầu như Kitô giáo toàn bộ, và giáo lý Kitô giáo trở thành tri thức công cộng, vì vậy nhu cầu về biện pháp bảo vệ như thế đã cơ bản biến mất. Bất kỳ ai có thể tham dự Thánh lễ, và thực tế không ai hiện nay có thể nói là đủ điều kiện hay không, để có thể tham dự trọn Thánh lễ.

Ý tưởng về một người không Công Giáo tham dự một Thánh Lễ Công Giáo, hoặc do sự tò mò hay vì tôn trọng người Công Giáo, không phải là mới, và trong khi chưa là phổ biến, nó đã xảy ra trước đây rồi. Chính khách George Washington nhiều lần tham dự Thánh Lễ, như một dấu hiệu của việc ông phản đối phe chống Công Giáo, như một số thành viên khác của Hội nghị Lập hiến đã làm. Hầu như hàng năm, nhà lãnh đạo Hồi giáo ở lãnh thổ Palestine tham dự Thánh lễ đêm ở Bê Lem. Các việc chứng tỏ cho sự tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo của công dân đồng bào là các hành vi lịch sự, và đang ở trong một bối cảnh hoàn toàn khác với tình hình trong Giáo Hội sơ khai, mà chúng ta đã thấy ở trên.

Sự tham dự Thánh lễ gần đây của một số người Hồi giáo, sau vụ sát hại một linh mục cao niên, có thể được xem trong ánh sáng này như một dấu hiệu của sự tôn trọng và tình đoàn kết đối với người Công Giáo trong khu vực của họ, cũng như của sự lên án các người có hành vi ghê tởm nhân danh tôn giáo của họ.

Hỏi 2: Đôi khi một số chính trị gia Ấn giáo đến tham dự Thánh Lễ với chúng con. Liệu là đúng luật đạo chăng, khi họ yêu cầu được phát biểu với cộng đoàn, họ đứng phía trước phòng thánh, và dùng loa lớn? – Một bạn đọc, Ấn Độ.

Đáp: Như trong hầu hết các trường hợp, bối cảnh xác định người ta nên hành xử như thế nào. Có thể là đúng rằng những gì một chính trị gia làm là nhắm đến cuộc tổng tuyển cứ kế tiếp, nhưng khi các chính trị gia giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, họ cũng nắm chức vụ công quyền và có quyền bính hợp pháp.

Vì vậy, thí dụ, một thống đốc hay thị trưởng có thể tham dự Thánh Lễ vào một dịp đặc biệt, và nói điều gì đó đại khái như: "Thay mặt cho tất cả các công dân, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn về sự đóng góp của đồng bào Công Giáo vào sự tiến bộ của xã hội chúng ta, và cầu chúc họ tổ chức buổi lễ hôm nay thật vui vẻ". Điều này có thể chấp nhận được, vì đó là một sự công nhận công khai từ một vị đại diện của xã hội dân sự.

Nhưng vấn đề sẽ là khác hơn, khi các ứng cử viên của cuộc bầu cử muốn lợi dụng Thánh lễ để vận động bầu cử cho họ, thì việc họ phát biểu trong bối cảnh Thánh lễ là không được khuyến khích.

Trong các dịp hiếm hoi, thường được Giám mục cho phép, một người cũng là một chính trị gia, có thể được phép để nói chuyện với các tín hữu ngoài Thánh lễ, liên quan đến một số giá trị hay nguyên tắc Công Giáo đang bị tấn công, và đòi hỏi một phản ứng trên nhiều cấp độ, bao gồm cả hành động chính trị. Trong số các vấn đề như vậy, có việc bảo vệ sự sống, tự do tôn giáo, và ở Ấn Độ, quyền của các Kitô hữu thành lập trường học riêng của mình. (Zenit.org 6-9-2016, 20-9-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thông Báo
Ban Giám Đốc VietCatholic phân ưu cùng Linh mục Nhạc sĩ Phêrô Nguyễn Mộng Huỳnh
Lm. Gioan Trần Công Nghị
14:15 23/09/2016
CÁO PHÓ

Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh,

VietCatholic trân trọng thông báo cùng quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em

Bà cố Anna Trương Thị Tỉnh

Là thân mẫu của Linh mục Nhạc sĩ Phêrô Nguyễn Mộng Huỳnh
Quản Nhiệm cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc
Vừa qua đời vào lúc 4:40 sáng thứ Ba 20 tháng 9, 2016
Hưởng thọ 90 tuổi.


Ban Giám Đốc VietCatholic xin thành kính phân ưu cùng
Cha Phêrô Nguyễn Mộng Huỳnh
Xin Thiên Chúa là Cha đầy Lòng Thương Xót đón nhận linh hồn Anna vào cõi vinh phúc muôn đời.

Chương trình tang lễ như sau:

Chiều Thứ Ba 20/9/16 Lễ Động Quan tại tư gia lúc 2pm
Chiều Thứ Tư 21/9/16 Lễ Cầu Hồn tại tư gia lúc 3pm
Chiều Thứ Năm 22/9/16 Lễ An Táng tại Nhà Thờ Thánh Gia,
Ấp Thày Ký, Thị Trấn Thạnh An, Huyện Vĩnh Thạnh,
Thành Phố Cần Thơ lúc 2pm..

Xin quý cha và anh chị em trong ban giám đốc, ban biên tập và quý vị ký giả dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn Anna.
 
Email của cha Huỳnh: monghuynh@gmail.com
 
Văn Hóa
Tổng Kết Giải Viết Văn Đường Trường 2016
Tađêô Nguyễn Thanh Xuân
15:13 23/09/2016
Tổng Kết Giải Viết Văn Đường Trường 2016

Giải “Viết Văn Đường Trường” do Ban mục vụ Văn hóa và Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn khởi xướng và tổ chức, nhằm tìm kiếm và xây dựng đội ngũ các tài năng văn xuôi cho văn học Công Giáo. Giải được tổ chức liên tục hằng năm trong 6 năm liền (2013-2018) dành cho thể loại truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo, đến nay đã là năm thứ 4. Trãi qua 4 năm, như mục tiêu ban đầu, BTC nhận thấy rằng: Chúng ta vẫn cần phát hiện thêm nhiều tài năng và phát huy năng lực sáng tạo của họ để đóng góp những tác phẩm giá trị cho nền văn học Công Giáo. Đó chính là con đường làm cho Tin Mừng trở thành văn hóa dân tộc. Điều ấy rất cần, cho hôm nay và cả mai sau. Bởi hiện nay, văn hóa đang bị làm cho suy đồi bằng các trào lưu của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa thực dụng, thiên về giải trí rẻ tiền, lai căng và thiếu hẳn giá trị nhân văn. Thứ văn hóa ấy dường như đang làm sụp đổ niềm tin, đưa người trẻ vào con đường lầm lạc…

Chương trình này nhắm đến đối tượng trẻ nhằm xây dựng cho tương lai nên cuộc thi chỉ dành cho các tác giả dưới 40 tuổi. Năm nay trong danh sách dự thi có 81 tác giả (không kể 2 người đã quá hạn tuổi) với các độ tuổi như sau: SN 1976-1980: 06 người, 1981-1985: 11, 1986-1990: 23, 1991-1995: 39, 1996-1998: 02. Như vậy các tác giả độ tuổi 20-30 chiếm số lượng áp đảo (3/4) và hầu hết các giải thưởng đều rơi vào tay các cây bút trẻ này. Cái hiện tượng “tre già măng mọc” ấy quả thực là một điều rất đáng để vui mừng. Tôi nhớ ngoài đời có cuộc thi “Văn học tuổi 20” ở tầm quốc gia, tổ chức 4 năm một lần cho các tập truyện ngắn và tiểu thuyết (mà tác giả Khánh Liên của chúng ta đã có lần đoạt giải), rồi bỗng mường tượng cuộc thi của chúng ta có thể gọi là “Văn học Công Giáo tuổi 20” chăng? “Tuổi 20” ở đây tượng trưng cho lực lượng trẻ, một lực lượng kế thừa mà ở lĩnh vực nào cũng cần phải gầy dựng.

Cuộc thi lần IV này có 143 tác phẩm (năm ngoái là 144) với 81 tác giả (năm ngoái 95) đến từ 19 giáo phận: Bắc Ninh (5), Bùi Chu (2), Buôn Mê Thuột (1), Đà Lạt (3), Hà Nội (3), Hải Phòng (1), Huế (1), Hưng Hóa (2), Kontum (2), Long Xuyên (1), Nha Trang (15), Phát Diệm (3), Phú Cường (1), Qui Nhơn (12), Sài Gòn (7), Thanh Hóa (2), Vinh (12), Vĩnh Long (1) và Xuân Lộc (5). Trong đó 4 giáo phận có số tác giả tham gia đông là: Nha Trang (15), Qui Nhơn (12), Vinh (12) và Sài Gòn (7). Như vậy, tuy số người tham gia có giảm nhưng độ lan tỏa của cuộc thi đã dần rộng khắp hơn, đến với nhiều nơi hơn. Đặc biệt vào giữa cuộc thi năm nay, với sáng kiến của anh Đình Chẩn và nhóm cộng sự, một trang Facebook “Giải Viết Văn Đường Trường” đã được thiết lập nhằm giới thiệu cuộc thi, đăng tải các tác phẩm dự thi, tạo sự tương tác rộng rãi với độc giả ở khắp nơi. BTC cũng mở thêm “giải bình chọn” để tạo nên không khí sôi nổi và hào hứng cho cuộc thi. Mới qua chưa được nửa năm, trang mạng này đã có hơn 30 ngàn lượt người vào truy cập. Hy vọng với đà này, cuộc thi năm sau sẽ rất “tưng bừng náo nhiệt” để “làm khổ” BTC hơn đúng như mong ước!

Về qui trình chấm giải, BTC vẫn thực hiện một cách công tâm và kỹ lưỡng như các năm trước: Các bài dự thi hợp lệ đều được rọc phách, xóa những thông tin về tác giả và đánh mã số. Sau đó BTC sẽ đọc sơ tuyển, loại bớt những bài viết còn non yếu, chưa phải là truyện ngắn hoặc vi phạm những qui định của thể lệ. Kết quả của cuộc thi được lượng giá và xem xét dưới nhiều góc độ bởi những giám khảo thuộc nhiều thành phần khác nhau, có uy tín trong những lãnh vực liên quan. Các bài dự thi được tiến hành chấm qua 2 vòng với thang điểm cụ thể trên từng tiêu chí đã đề ra. Qua vòng chấm sơ khảo đã chọn ra được 55 tác phẩm vào vòng chung khảo. Căn cứ vào tổng điểm của Ban chung khảo cùng với điểm trung bình cộng của Ban sơ khảo, BTC sẽ xem xét thêm các vấn đề khác và xếp hạng giải thưởng.

Nhìn chung, các tác phẩm dự thi năm nay có cái nhìn đa dạng hơn, nội dung truyện khai thác khá phong phú các mảng đề tài sát với chủ đề cuộc thi. Các truyện đã phản ánh được phần nào những chân dung, sắc màu, cung bậc cuộc sống của con người, của xã hội và của đời sống Kitô hữu. Các cây bút năm nay viết khá đều tay, điểm tổng kết thường bằng nhau hoặc chỉ chênh nhau 0,25 điểm, nên đã “làm khó” cho BTC khi xếp hạng. Và cũng chính vì thế nên đã không chọn được truyện nào vượt trội hẳn lên để trao Giải Nhất. Nói như nhận định của Ban Giám khảo thì: Sự phân biệt giá trị giữa các truyện là ở nghệ thuật dựng truyện. Nhiều tác giả tỏ ra là những cây bút có nghề, và ngược lại, người mới tập viết văn thì không tránh được sự non tay trong xử lý các yếu tố của tác phẩm. Một số truyện còn ở dạng ký, tác giả chỉ mới ghi lại sự việc theo thứ tự thời gian, không gian như trong một bài tường thuật, tính truyện còn nhạt, gần như chỉ là một ghi chép của người trong cuộc, chưa có bóng dáng của sự sáng tạo. Cũng có truyện lời kể như văn nghị luận, tác giả nêu một nhận định trước rồi sau đó kể câu chuyện để chứng minh cho chủ đề ấy. Mặt khác, xét trong tương quan cấu trúc, tư tưởng là yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm. Nếu truyện sai lệch về tư tưởng, thì các yếu tố khác, dù có hay, cũng không cứu vớt được. Các tác giả cần lưu ý về điều này, học hỏi thật sâu để thấm nhuần tư tưởng Công Giáo khi viết truyện. Điều đáng mừng là trong hành trình đi tới của cuộc thi, nhiều tác giả đã khám phá sâu sắc đời sống Công Giáo, không ngại đề cập đến những vấn đề xã hội nhạy cảm. Nhiều tác giả đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng tha hóa đạo đức ngay trong gia đình Công Giáo, nhưng nhiều tác giả cũng ghi nhận được những mẫu gương người Công Giáo sống và loan báo Lòng Thương Xót của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ở góc nhìn nào, tác phẩm cũng để lại cho chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm.

Kết quả cuối cùng đã có, với 21 giải thưởng sẽ được trao hôm nay gồm: 1 Giải Nhì, 3 Giải Ba và 17 Giải Triển vọng, kèm theo đó là 3 phần thưởng khích lệ với những lý do sẽ nói sau trong phần trao giải. Danh tính cụ thể của từng tác giả đạt giải và xếp hạng giải thưởng cũng sẽ được công bố trong phần trao giải. Các tác phẩm đạt giải và phần thưởng khích lệ được chọn in trong tuyển tập “Điểm hẹn Giêsu”. Chúng ta hãy đọc, hãy cùng cảm nghiệm và cùng trăn trở với các tác giả, để rồi bừng lên một niềm hi vọng cho tương lai văn học Công Giáo.

Với mục tiêu kép là tìm kiếm và xây dựng đội ngũ các tài năng văn xuôi cho văn học Công Giáo, cuộc thi đã phần nào đạt được mục tiêu thứ nhất. Mục tiêu thứ hai là xây dựng, tức là tạo điều kiện để các tác giả nối kết nhau, giao lưu và học hỏi nhau để tự đào tạo, tự trau dồi thêm tài năng, thì dường như kết quả vẫn còn khiêm tốn. Đây là điều mà Ban Tổ chức đang lo lắng vì thời gian đề ra cho cuộc thi chỉ còn hai năm nữa là kết thúc. Trong những năm vừa qua, một số tác giả đã liên tục tham gia mấy năm liền dù chưa đạt giải lần nào, nhờ đó đã tự nâng cao ngòi bút. Đây là kinh nghiệm về sự kiên trì tập luyện, và chắc rằng họ sẽ tiếp tục sáng tác lâu dài về sau cả khi những cuộc thi đã lùi vào quá khứ. Hình thức thứ hai là gặp gỡ trao đổi để giúp nhau rèn luyện. Hình thức này cũng đã manh nha với cuộc họp mặt các tác giả giáo phận Nha Trang đầu năm 2016 cùng với sự giao lưu rộng rãi trên Fb Văn thơ Công Giáo. Hình thức thứ ba mới được nhen nhóm trong cuộc họp mặt năm nay là tổ chức những cuộc tĩnh tâm, giúp các tác giả đào sâu những suy nghiệm tâm linh khi thường xuyên gặp gỡ Chúa. Hình thức thứ tư là mở ra cuộc vận động trau dồi tiếng Việt cho người trẻ, ước gì các tác giả sẽ có nhiều sáng kiến hữu hiệu để giúp đỡ các bạn trẻ quanh mình. Chính khi tìm cách giúp người khác, ta cũng sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm cho mình để tiến bộ rất nhanh. Mong rằng với hai năm còn lại của Giải Viết Văn Đường Trường, chúng ta sẽ chung tay góp sức để đội ngũ cầm bút Công Giáo thêm đông đảo và có đủ thực lực hầu tạo nên một diện mạo mới thật sống động cho văn học Công Giáo.

Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe những chia sẻ của chúng tôi.

Tađêô Nguyễn Thanh Xuân

LỜI CHIA SẺ CỦA BAN TỔ CHỨC GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG

Trước hết con xin được phép đọc điện thư của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, hiệp thông với cuộc họp mặt và lễ trao giải của chúng ta

“Kính thăm cha Gioan Phêrô,

-Trước hết cám ơn cha đã thăm hỏi và cầu chúc sức khỏe.

-Sau đó cũng hết lòng cám ơn cha vì thư mời đến dự lễ trao giải Viết Văn Đường Trường.

Xin chúc mừng cha và những người tâm huyết, cách riêng những người đã tham dự tích cực bằng những tác phẩm văn chương của mình. Xin Chúa chúc lành cho cha và công việc cha đang thực hiện, để một mặt tiếng Việt có cơ hội được trau dồi, và mặt khác người trẻ gặp được hướng đi lành mạnh và bổ ích để vươn lên.

-Xin lỗi cha vì những bất tiện trong quá khứ. Từ nay, mọi đề án và công việc liên quan đến Văn Hóa, xin cha vui lòng liên hệ với cha Tổng Thư Ký UBVH.

Chân thành cám ơn cha.

+ Giuse Vũ Duy Thống.”

Chúng con chân thành biết ơn Đức Cha Giuse.



Năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (21/9/1912-2012), một số tác giả văn thơ Công Giáo có dịp gặp nhau, cùng chia sẻ thao thức về nhu cầu khẩn cấp phải giúp các bạn trẻ Công Giáo trau dồi tiếng Việt. Cũng ngày ấy các năm sau, khi gặp gỡ trong dịp trao giải Giải Viết Văn Đường Trường, vấn đề được nhắc lại. Cách riêng năm 2015, các tham dự viên đã được khuyến khích trình vấn đề lên Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Nhóm được giao trách nhiệm khởi thảo văn bản gồm các ông An Thiện Minh,Lê Đình Bảng và linh mục Trăng Thập Tự đã làm việc qua email và chiều ngày16/01/2016 đã họp mặt tại Học viện Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn cùng làm việc với cha Bảo Lộc, Giám học của Học viện, để hoàn thiện văn bản đúc kết. Do thấy rằng một bản kiến nghị sẽ chỉ chất thêm gánh nặng lên vai các mục tử và kết quả sẽ chẳng đến đâu nếu Dân Chúa ở các cấp cơ sở không ý thức và tích cực hợp tác, nhóm làm việc đã chọn viết thành một bản thao thức để cùng chia sẻ với mọi thành phần Dân Chúa.

Bản văn “Thao thức về chăm sóc tiếng Việt cho người trẻ” đúc kết cuối tháng Hai 2016 đã được quý Cha đặc trách Văn hóa của 25 giáo phận đồng thuận nhưng vì một lý do ngoài ý muốn, còn bị trì hoãn chưa phổ biến. Tuy nhiên nhờ đó mà nhóm làm việc có thêm thời gian cân nhắc và cuối cùng đã tìm được giải đáp tốt nhất. Điều quan trọng phải nhắm đến là làm sao lôi cuốn sự nhập cuộc của chính các bạn trẻ. Nếu bản “Thao thức” mang chữ ký của một ai đó, nó sẽ thành một công văn, khiến các bạn trẻ sẽ chẳng quan tâm gì. Những lời kêu gọi các bạn trẻ càng gần gũi càng được đón nhận. Nếu là một bản văn thích hợp với Facebook được các bạn trẻ ưa thích, họ sẽ truyền đi rất nhanh. Vì thế, bản văn đã được rút ngắn, gửi đến các tác giả tham dự giải VVĐT xin góp ý và hôm nay chúng ta đã chung quyết để phổ biến.

Bản THAO THỨC TRAU DỒI TIẾNG VIỆC CHO NGƯỜI TRẺ quý vị và các bạn đang cầm trên tay có 2 phần:

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA TIẾNG VIỆT

1. Trong Việc Hình Thành Nhân Cách Và Đạo Đức

2. Trong Việc Xây Dựng Xã Hội – Quê Hương

3. Trong Việc Phát Triển Văn Hóa

4. Trong Việc Ươm Niềm Tự Hào Dân Tộc

5. Trong Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng

II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ MỌI THÀNH PHẦN DÂN CHÚA GÓP SỨC VÀO VIỆC TRAU DỒI TIẾNG MẸ ĐẺ?

1. Khởi Đi Từ Gia Đình

2. Đến Sinh Hoạt Giáo Xứ

3. Giới Trẻ

4. Chủng Viện Và Các Dòng Tu

5. Tiềm Năng Các Giáo Phận

6. Câu Hỏi Cho Người Cầm Bút

7. Trên Bình Diện Cả Nước

LỜI KẾT



Với Thời gian cho phép con xin dừng lại một chút ở mục 1 và 2 của phần II.

“1. Khởi Đi Từ Gia Đình

Các gia đình có phần trách nhiệm trong việc suy thoái tiếng Việt nơi người trẻ vì chúng ta thiếu quan tâm theo dõi nhắc nhủ con em mình. Đàng khác, khi cho con em đi học, thường chúng ta chỉ bận tâm tới chuyện học gì để dễ xin việc làm về sau, đua nhau học tiếng Anh theo phong trào, không bận tâm gì tới tiếng Việt.

Làm sao để giúp các gia đình có cái nhìn rộng lớn hơn, vươn tới lợi ích chung của Dân tộc và Hội thánh chứ không chỉ nghĩ tới lợi ích riêng của nhà mình? Làm sao để cha mẹ không chỉ lo liệu cho con cái biết làm ra tiền nhưng trước hết biết hướng đời mình về Chân, Thiện, Mỹ?

2. Đến Sinh Hoạt Giáo Xứ

Việc giữ gìn tiếng Việt là trách nhiệm của mọi người. Đang khi nhiều người khác không biết dựa vào đâu để cổ võ sự phục hưng cho tiếng Việt thì người Công Giáo may mắn có hệ thống giáo xứ. Chúng ta cần vận động tất cả phụ huynh và bạn trẻ ở các giáo xứ tích cực hưởng ứng, mới mong đạt kết quả cao.

Các giáo xứ cần có chương trình tìm kiếm và đào tạo các tài năng văn thơ trẻ qua các cuộc thi văn thơ tại chỗ, mở lớp trau dồi viết văn, khuyến khích các đoàn thể làm nội san, có phần thưởng cho các cá nhân và tập thể xứng đáng. Cần có tầm nhìn xa rộng để đầu tư mở lớp trau dồi tiếng Việt cho nhi đồng và thiếu niên. Nếu chính người dân trong giáo xứ ý thức được vấn đề, chúng ta có thể bắt đầu, hoàn toàn tự lực hoặc với sự trợ giúp của những đồng hương xa quê.

Về văn hóa đọc, nếu mỗi giáo xứ đều có một nhóm trẻ dấn thân làm tông đồ phát hành sách báo, hằng tuần bán sách, phim và nhạc đạo cuối nhà thờ, cổ võ mọi người đọc sách thì tình trạng sẽ khả quan hơn.

Các lớp giáo lý, các đoàn thể trẻ từ hội lễ sinh, Thiếu nhi Thánh thể đến ca đoàn cần khuyến khích thành viên của mình trau dồi Việt ngữ.

Nỗ lực tại giáo xứ kết quả nhiều hay ít tùy vào sự quan tâm của các cha xứ và cha phó. Xin quý cha tha thiết và thường xuyên nhắc nhở mọi người.”

Kính thưa Đức Cha, quý Cha, quý vị và các bạn,

Việc vận động trau dồi tiếng Việt cho người trẻ phải là một định hướng lâu dài.

Bản thao thức này chỉ nhằm khơi dậy ý thức về việc phát triển văn hóa nói chung và tiếng Việt nói riêng, đồng thời tha thiết mời gọi mọi người tích cực tham gia vào ích chung của Giáo Hội. Cụ thể mỗi người nên tận dụng mọi phương tiện: email, điện thoại, photocopy văn bản để chia sẻ những thao thức này đến càng nhiều người càng tốt, đến quý cha và quý Hội đồng Giáo xứ, đến từng giáo dân, cách riêng là các bạn trẻ, sinh viên và học sinh các cấp, nhất là các chủng sinh và những người tận hiến trẻ, để hướng đến một thông điệp và một sứ mạng chung cho tất cả chúng ta. Sự suy thoái tiếng mẹ đẻ là nguy cơ đáng sợ. Nếu chúng ta không quan tâm đúng mức, thì cả Giáo Hội lẫn xã hội sẽ gánh chịu hậu quả của việc suy thoái nhân cách và văn hóa ứng xử. Còn nếu chúng ta dám trực diện với thách đố và dấn thân giải quyết vấn đề, Chúa Thánh Thần sẽ làm cho công cuộc phúc âm hóa xã hội sinh hoa kết quả và Giáo Hội Chúa Kitô tại Việt Nam sẽ thành niềm hy vọng cho Dân tộc.

Ước mong sao mỗi người trong chúng ta sẽ có sáng kiến giúp cho bản Thao thức này lan nhanh trong giới trẻ ở các Giáo phận, làm dậy lên phong trào giới trẻ rủ nhau trau dồi tiếng Việt mến yêu. Xin chân thành cám ơn.

Lm Gioakim Nguyễn Đức Quang

Phó ban Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn
 
Câu chuyện truyền giáo Paraguay : Mùa Xuân và Tuổi Trẻ 2016
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
15:28 23/09/2016
PARAGUAY - MÙA XUÂN VÀ TUỔI TRẺ 2016

Tháng 9- Trong khi các quốc gia Âu châu, Bắc Mỹ và Á châu bước vào mùa Thu để bắt đầu cho niên học mới thì dân vùng Nam Mỹ lại bước vào mùa Xuân với những cành hoa muôn sắc thi nhau đua nở sau những ngày Đông lạnh buốt.

Năm nay thời tiết mưa gió thất thường trên thế giới nên cũng ảnh hưởng không ít đến mọi sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

Nói đến mùa Xuân, người ta thường nghỉ ngay đến Tết và Việt Nam mình thường có câu: “Tết 3 ngày nhưng Xuân 3 tháng”. Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong các mùa vì thời tiết khá ấm áp, muôn hoa đua nở và là mùa của những cuộc hội ngộ.

Ngày 21 tháng 9 là ngày chính thức bước vào mùa Xuân ở Paraguay và mọi người rất thích ngày này dù không phài là ngày Tết như Việt Nam. Người ta gọi là ngày đầu của mùa Xuân là Ngày Tuổi Trẻ (La Jornada de Juventud) vì tất cả các em từ 13 tuổi trở lên (tuổi teen), nhất là ở các trường học sẽ có những hoạt động bề nổi mang tính sáng tạo và tất cả giáo viên và học sinh đều mặc quần jean vào những ngày này như là đồng phục của giới trẻ. Nhìn các em vui vẻ và hăng say vui chơi, hò hét với những cuộc thi tài giống như cuộc thi SV ở Việt Nam mà chúng tôi cũng vui lây dù cũng có rất nhiều em nghịch ngợm, lợi dụng dịp này để quậy phá. Trước đây, chúng tôi không mấy thích thú với những khung cảnh ồn ào, náo nhiệt và nhất là sự huyên náo của bọn trẻ. Tuy nhiên, từ ngày về làm việc ở trường học và ngày nào lịch trình sinh hoạt cũng dày đặt với học sinh từ cấp mẫu giáo đến cấp 3 với tiếng khóc đòi mẹ của các em nhỏ, tiếng cười đùa của các em thiếu nhi và tiếng la hét của nhóm teen riết rồi cũng quen tai vì có mấy em học sinh thích ngồi một chỗ đâu. Bọn chúng luôn nghịch ngợm, quậy phá và vui chơi sau những giờ học nhằm quân bình đời sống. Nhìn thấy các em học mà chơi, chơi mà học dù sự thông minh và trí nhớ của các em ở đây không thể so với học sinh Việt Nam nhưng các em sống hồn nhiên, vui khỏe và không bị áp lực nhiều. Các giáo viên cũng rất thỏa mái vì không bị căn bệnh thành tích nên việc giảng dạy và đồng hành với các em học sinh luôn tiến triển tốt . Không hề xảy ra chuyện trù dập hay thành kiến vì nếu chuyện đó xảy ra thì phần thiệt thòi luôn thuộc về giáo viên và ban giám hiệu nếu đưa ra tòa án xét xử vì có luật bảo về quyền trẻ em. Nhiều khi chúng tôi cảm thấy hơi bức xúc vì quyền trẻ em quá được đề cao và cho rằng điều đó hơi bất công đối với thầy cô giáo và cha mẹ học sinh nhưng nghĩ lại mỗi quốc gia họ có luật lệ riêng và mình phải tôn trọng dù mình là ai đi nữa.

Các hoạt động bề nổi trong những ngày Xuân là đố vui để học, thể thao, khiêu vũ và các sinh cuộc thi mang tính đồng đội để tập cho các em phương cách làm việc chung. Các em từ lớp 7 đến lớp 12 lựa chọn các màu sắc giống như những sắc cầu vòng và những em cùng một màu sẽ hình thành đội của mình và bắt đầu tập dợt từ những ngày đầu tháng 9 cho những cuộc so tài. Phần thưởng thì không lớn lắm nhưng các em luôn cố gắng để thắng các đội khác vì đó là vinh dự cho cả năm của đội mình. Nhìn thấy các em đối đáp, hò hét, nhảy múa và cổ vũ cho đội của mình làm chúng tôi cũng vui lây. Các giáo viên cũng tham gia hết mình với học sinh dù có một số giáo viên lớn tuổi sắp về hưu cũng tham gia nhảy múa những vũ điệu truyền thống vì họ nói rằng tuổi tác không quan trọng nhưng tinh thần luôn trẻ trung là được.

Tháng 9 cũng là tháng có nhiều đám cưới ở Paraguay vì người người ta tin rằng mùa Xuân là mùa đem lại may mắn khi kết hôn với nhau. Những ngày cuối tuần chúng tôi lại phải đi chủ sự đám cưới cho những đôi tân hôn. Một người bạn lâu năm ở thành phố phía Đông giáp ranh với Brazil đã mời chúng tôi chủ sự lễ cưới cho con gái anh ta trong dịp này và chúng tôi không thể từ chối vì quen biết gia đình anh ta có cô dâu khi cô bé mới lên 9. Trong phần chia sẻ Lời Chúa chúng tôi đã nói với cô dâu chú rễ là việc cử hành đám cưới rất dễ dàng, chỉ cần chuẩn bị bao nhiêu bàn tiệc cho khách mời, quần áo thật đẹp cho ngày cưới thế là có thể cử hành đám cưới. Tuy nhiên, để giữ gìn một gia đình bền vững thì phải chiến đấu hàng ngày và luôn cần sự giúp đỡ của ơn trên vì ngày nay giới trẻ quen nhau rất nhanh, nhất là trên mạng xã hội, cưới nhau rất nhanh và … ly dị cũng rất nhanh vì thiếu ơn trên và một tình yêu bền chặt. Quan viên hai họ tham dự rất đông và cùng cười xòa khi chúng tôi kể chuyện hài để minh họa cho lễ cưới. Sau lễ cưới chúng tôi cũng tham dự trọn vẹn tiệc mừng với đôi uyên ương này. Nhìn khuôn mặt các cháu hớn hở tràn đầy hạnh phúc, chúng tôi cầu mong cho các cháu và những cặp hôn nhân trẻ luôn được hạnh phúc vững bền chứ đừng nhanh chóng lôi nhau ra tòa ly dị hay ly thân sau những ngày trăng mật.

Tháng 9 cũng là tháng kỷ niệm thành lập Dòng Ngôi Lời chúng tôi khi chúng tôi dâng lời tạ ơn Chúa vì đã gìn giữ hội Dòng sau hơn 1 thế kỷ. Nhìn lại ơn gọi của Dòng ở các nước Âu châu và Mỹ châu ngày một ít đi và rất nhiều anh em trong Dòng sau nhiều năm tuyên khấn và sống đời sống linh mục truyền giáo nhưng nay lại chuyển hướng để sống đời sống gia đình hay tham gia vào chính trị. Tuy nhiên với sự quan phòng của Chúa thì ơn gọi của Dòng ở Á châu và Phi châu lại phát triển mạnh nhằm cân bằng sự thiếu hụt nhân sự truyền giáo trên thế giới. Nghiệm lại lịch sử của Dòng mới thấy điều kỳ diệu của Chúa đã ban xuống cho Hội Dòng khi Đấng Sáng Lập ngày ấy chỉ là một linh mục tầm thường không tiền bạc, không nhân sự và lúc đầu ngay cả Đấng bản quyền thời ấy cũng đặt nghi vấn khi cha Sáng Lập bày tỏ ý định lập Dòng Truyền giáo được mua lại từ một kho lương thực cũ kỹ nằm ngay biên giới giữa Đức và Hà Lan. Đấng bản quyền đã mỉm cười khi đưa ra nghi vấn: “Thành lập Dòng truyền giáo ư??? Nếu được như vậy thì cha hoặc là một người khùng, hoặc là một ông Thánh!!!”. Tuy nhiên Chúa đã chọn những người rất tầm thường đã làm những điều phi thường và ngày Phong Thánh của Đấng Sáng Lập Arnoldo Janssen vào năm 2003 do Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II chủ phong thì con số nhà truyền giáo thuộc 5 châu lục do linh mục tầm thường ngày ấy đã lên đến 5.000 thành viên. Nếu không nói đó là phép lạ thì là gì. Tạ ơn Chúa đã luôn đồng hành và abn ơn cho Dòng chúng con và xin Ngài tiếp tục chở che nâng đỡ những lúc chúng con gặp khó khăn, thử thách.

Hôm nay mình lại già thêm một tuổi trong dịp sinh nhật. Người ta nói người sinh tháng 9 là người cẩn thận và có đầu óc tổ chức, rất điềm tĩnh, tốt bụng và giàu lòng vị tha. Họ cũng nói rằng người nào sinh vào tháng này cũng dễ nảy sinh tham vọng trong mọi việc, thích tìm tòi và khám phá, tỉ mỉ trong công việc. Có lẽ cũng đúng phần nào với con người của mình dù mình chẳng bao giờ tin vào tử vi, bói toán. Nhìn lại khuôn mặt ngày càng già đi với tóc mỗi ngày một bạc nhiều và phong độ không còn như xưa nữa nên đôi lúc cảm thấy luyến tiếc những gì đã qua. Thời gian trôi đi quá nhanh và nhiều lúc mình muốn làm điều này, điều kia nhưng lại không thề làm theo ý mình được vì còn phải lệ thuộc nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan nên lực bất tòng tâm. Nhìn lại những gì mình đã làm nơi xứ truyền giáo này mà trước đây mình hay càm ràm, ca thán thì nay người ta phần nào nhìn nhận khiến bản thân cảm thấy ấm lòng. Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã luôn đồng hành với con trong ơn gọi này. Cảm ơn Ba Má đã cho con hình hài này mà hôm nay con mừng ngày được sinh ra mà không còn Má. Cảm ơn tất cả mọi người đã luôn động viên, nâng đỡ những lúc tưởng chừng như ngã quỵ do những yếu đuối bản thân cũng như những cảm bẫy đời thường. Gracias, Thanks, Merci, Obrigado, cảm ơn tất cả bạn bè thân hữu khắp nơi đã gởi lời chúc mừng sinh nhật với những lời chúc tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại và tương lai của một anh hai lúa đang truyền giáo ở Paraguay này. Xin Chúa và Mẹ Maria luôn ban nhiều ơn lành hồn xác cho tất cả.

Paraguay, 23/9/2016, nhân dịp sinh nhật

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sớm Thu Trên Ngàn
Tấn Đạt
19:09 23/09/2016
SỚM THU TRÊN NGÀN
Ảnh của Tấn Đạt
Chớm thu vừa tới trên ngàn
Lá xanh còn đó lá vàng kề bên
Vẽ thành một bức tranh êm…
(bt)
 
VietCatholic TV
Thời sự tuần qua 23/09/2016: Donald Trump và Hilary Clinton dưới cái nhìn của ĐTGM Charles Chaput
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:42 23/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong một diễn từ quan trọng hôm thứ Năm 15 tháng 9 về tình hình chính trị và xã hội tại Mỹ, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của tổng giáo phận Philadelphia than thở rằng cuộc bầu cử tổng thống năm nay là cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên có những “khuyết điểm sâu sắc”, bao gồm “một kẻ điên cuồng mị dân”, và “một kẻ nói láo chuyên nghiệp”. Ngài nhấn mạnh rằng xã hội Mỹ nói chung đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

“Chúng ta đã rơi vào một thời điểm khi tư duy và từ vựng chính trị của quốc gia chúng ta dường như đã cạn kiệt”. Đức Tổng Giám Mục nói trong bài giảng Tocqueville tại Đại học Notre Dame.

Ngài cho rằng Kitô hữu cần phải hành động để phục hồi viễn kiến đạo đức của xã hội Hoa Kỳ.

Trong phần sau Hà Thu và Trúc Ly xin giới thiệu với quý vị và anh chị em những nhận định của Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput.

Nhưng trước hết bài giảng Tocqueville là gì?

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Alexis de Tocqueville, sinh năm 1805 và qua đời năm 1859, là một nhà ngoại giao và đã từng giữ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp.

Ông cũng là một nhà sử học, nhưng trên hết người ta nhớ đến ông như một người Công Giáo đi tiên phong trong khoa học về chính trị xã hội qua hai tác phẩm Democracy in America, nghĩa là Nền Dân Chủ tại Hoa Kỳ, và The Old Regime and the Revolution, nghĩa là Chế độ cũ và Cách Mạng.

Bài giảng Tocqueville là một phần trong chương trình Tocqueville của Đại học Notre Dame nhằm giới thiệu với các sinh viên những phân tích về tôn giáo và tình hình chính trị xã hội tại Hoa Kỳ.

Năm nay, nhà trường đã mời Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput nói về đề tài: “Sex, Family, and the Liberty of the Church: Authentic Freedom in Our Emancipated Age”, nghĩa là “Tính dục, Gia đình, Tự do của Giáo Hội: Tự do đích thực trong thời đại tháo thứ của chúng ta”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bàn về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục đưa ra một nhận định rất tiêu cực về hai ứng cử viên Donald Trump và Hilary Clinton. Ngài nói:

“Theo quan điểm của nhiều người, một ứng cử viên là một kẻ điên cuồng mị dân và không kiểm soát được những xung động của mình. Còn ứng cử viên thứ hai, cũng theo quan điểm của nhiều người, là một kẻ nói dối chuyên nghiệp, đầu óc phong phú một cách độc đáo với những suy nghĩ cũ mèm và những ưu tiên tệ hại”.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục cảnh cáo rằng hệ thống chính trị Mỹ, và xã hội Hoa Kỳ nói chung đang phải đối diện với những vấn đề còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với chuyện lựa chọn tổng thống trong năm nay.

Nghĩa vụ của người Công Giáo là tham gia xây dựng xã hội trần thế. Để làm điều đó, chúng ta không chỉ phê phán xã hội nhưng chính chúng ta cũng phải thay đổi lối sống của chính mình. Trên quan điểm của một linh mục đã ngồi tòa giải tội trong 50 năm qua, ngài tường trình rằng:

“Có một sự tăng vọt kinh hoàng những người – cả đàn ông lẫn đàn bà - thú nhận tội hoang dâm, ngoại tình, bạo lực và rối loạn tình dục xảy ra thường xuyên trong cuộc sống, và vai trò kinh khủng của phim ảnh khiêu dâm trong việc phá hoại hôn nhân, gia đình và thậm chí tàn phá cả các ơn gọi linh mục và tu sĩ”.

Theo Đức Tổng Giám Mục, người Mỹ ngày nay đang sống trong “một nền văn hóa rối loạn chức năng trong đó con người thất vọng và đầy thương tích ngày càng không có khả năng cam kết lâu dài, không có tinh thần xả kỷ, không duy trì được tình thân một cách bền lâu, và né tránh không muốn đối mặt với thực tế những vấn đề của riêng mình.”

Một quốc gia lành mạnh không thể được duy trì bởi những con người như thế. Tương lai của đất nước “thuộc về những ai tin vào một cái gì đó vượt ra ngoài bản thân họ, và những ai biết sống và hy sinh một cách thích hợp.”

Trong khi chào đón sự nhấn mạnh của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Tổng Giám Mục cảnh báo rằng thuật ngữ “thương xót” có thể bị hiểu lầm.

Lòng thương xót của Thiên Chúa được ban phát trong tòa giải tội, nhưng hối nhân chỉ có thể đến với tòa giải tội nếu họ “hiểu được, ít nhất một cách lờ mờ rằng họ cần phải thay đổi cuộc sống của họ và tìm kiếm sự thương xót của Thiên Chúa.”

Đức Tổng Giám Mục nói: “Nếu không có sự minh bạch về sự thật luân lý, lòng thương xót chẳng có nghĩa gì. Đó chỉ là biểu hiện của sự mủi lòng”.