Ngày 26-09-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Vinh Sơn Phaolô, Tông Đồ của người nghèo
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
10:30 26/09/2011
Hàng năm khi đến ngày 27 – 09, chúng ta lại nhớ đến một mẫu gương điển hình sống đức ái như Chúa Kitô đã dạy, sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn nhất, đó chính là vị tông đồ của người nghèo, Thánh Vinh sơn Phaolô.

1. Vị tông đồ của người nghèo

Thánh Vinh sơn Phaolô sinh ngày 24 – 4 – 1581, trong một gia đình nông dân tại Gát – côn, nước Pháp. Sau khi theo học trường các cha dòng Phan sinh tại Dax, rồi học đại học ở Toulouse, Cha được thụ phong linh mục và đi phục vụ một giáo xứ ở Pari.

Trong thời gian đầu phục vụ, Thánh nhân đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi cha linh hướng Piere de Bérulle và Thánh Francois de Sales, để từ đó hướng tới việc tận hiến cho Chúa bằng cách phục vụ những người nghèo khổ, bần cùng nhất.

Năm 1617, Cha được chỉ định làm tuyên úy cho các tù nhân tại Gondi. Đây là giai đoạn thực tế giúp cha sống gần gũi với những người bất hạnh và thấm thía nỗi khổ vật chất cũng như tinh thần của họ. Như dấu chỉ thúc đẩy con tim tràn đầy yêu thương, Thánh nhân đã vươn cao lý tưởng phục vụ cách có hệ thống và rộng lớn hơn.

Linh đạo sống của Ngài được khởi đi từ việc tập hợp các “nữ tỳ người nghèo”, để sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, nhằm hướng khả năng phục vụ hữu hiệu hơn. Nhờ sự trợ giúp của Thánh nữ Louise de Marillac, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái do Thánh Vinh sơn sáng lập ngay từ đầu đã cho thấy khả năng phục vụ phi thường và nhanh chóng lan rộng.

Thánh nhân cũng đặc biệt đề cao vai trò của các mục tử trong tương quan đức ái với người nghèo. Năm 1625, Người sáng lập Tu hội “Linh mục thừa sai” để giúp đào tạo các giáo sỹ theo tinh thần công đồng Trente, và nâng đỡ những người nghèo, đặc biệt là những người nghèo ở vùng quê. Như vậy, công việc giúp đỡ người nghèo của Thánh nhân đã hội tụ được những nguồn lực có tính quyết định cho cả lộ trình đồng hành với người nghèo của Người.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy những nét chính yếu trong linh đạo của Thánh Vinh sơn Phaolô, qua bút ký của Ngài cho các nữ tử bác ái. Với Ngài, con đường nên thánh được khởi đi từ việc nhận ra “hiện thân của Con Thiên Chúa, Đấng đã muốn là người nghèo”:

“… Chính chúng ta phải nghiệm điều đó, và phải xử sự như Đức Kitô là quan tâm đến người nghèo túng, an ủi, giúp đỡ và bảo lãnh cho họ… Quả thật, Đức Kitô đã muốn sinh ra là người nghèo, đã kết nạp những người nghèo làm môn đệ. Người đã trở thành kẻ phục vụ người nghèo, nên đã chia sẻ thân phận của họ…”

Việc phục vụ người nghèo với Thánh nhân, không phải theo một vài hình thức ban ơn phô trương, mà được xuất phát từ chính con tim biết “hiểu hoàn cảnh của họ mà thông cảm với họ. Sao cho tâm hồn chúng ta cũng rung động như Thánh Phaolô tông đồ, khi Người nói: Tôi trở nên tất cả cho mọi người…”.

Đức ái với người nghèo trong linh đạo của Thánh Vinh sơn Phaolô hệ tại ở hành động phục vụ và nhận biết những nhu cầu cấp thiết nơi người nghèo: “phải ưu tiên phục vụ người nghèo, không được trì hoãn… Vậy khi chị em bỏ đọc kinh nguyện để giúp đỡ người nghèo thì hãy nhớ rằng, đó là chị em phục vụ Thiên Chúa” (Kinh Sách, Các bài đọc).

2. “Linh đạo người nghèo” của Thánh Vinh sơn Phaolô vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay.

Phải chăng chúng ta đang quên đi sứ mạng “ưu tiên phục vụ người nghèo” do những cám dỗ của tiện nghi vật chất ? Phải chăng những lợi lộc và danh vọng thấp hèn đã khiến chúng ta lãnh cảm trước “hiện thân của Con Thiên Chúa” ?

Con đường và tinh thần phục vụ của Thánh Vinh sơn Phaolô một lần nữa khích lệ và mời gọi chúng ta hãy trở nên bạn hữu của những người bần cùng khốn khổ. Theo gương Thánh nhân, mỗi chúng ta hãy là tông đồ nhỏ đem ngọn lửa tình yêu Chúa đến an ủi, vực dậy những người cùng khốn. Chúng ta hãy nhớ lời của chính Thánh nhân:

“Yêu Chúa thôi, chưa đủ, nếu tôi không yêu thương anh em. Ưu tư, lao tâm, khổ trí của tôi, chính là người nghèo”.

Thánh Vinh sơn Phaolô qua đời ngày 27.9.1660 tại Pari và được phong thánh năm 1737. Năm 1883, Ngài được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tôn làm bổn mạng tất cả các nhóm, các công việc bác ái Công giáo.
 
Ngạc nhiên
Lm Vũđình Tường
16:54 26/09/2011
Chúa Nhật 27 thường niên, năm A

Mt 21, 33-43


Ngạc nhiên là điều xảy đến bất ngờ. Bất ngờ đến độ hững hờ, ngạc nhiên, vì không biết để chuẩn bị để đón hay cho điều đó xảy đến. Có những ngạc nhiên ta vui mừng đón nhận, lại cũng có những ngạc nhiên buồn vời vợi. Ngạc nhiên đến từ tin tức xa gần. Ngạc nhiên đến từ hành động. Ngạc nhiên đến từ cách xử thế. Ngạc nhiên đến từ sự xuất hiện. Ngạc nhiên đến từ thành quả là điều hôm nay các bài đọc trong Kinh thánh nhắc đến.

Chủ vườn nho nhà Israel ngạc nhiên vì thành quả chua chát của mùa thu hoạch. Chủ chọn trồng giống tốt, rào dậu kĩ càng, lên luống, bón phân và nhặt sạch đá sỏi. Chăm sóc kĩ đến thế, tốn quá nhiều công sức mà kết quả thu hoạch lại thất vọng. Thất vọng không phải do chủ ước vọng quá mức, do lòng tham, mà chính là ngạc nhiên tự hỏi sao có thể xảy ra như thế. chủ phải ngạc nhiên thốt lên,

Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm? Sao ta trông mong nó sinh quả nho, mà nó lại sinh quả nho dại Is 5,4

Bởi không còn có thể làm gì hơn cứu vãn cho vườn nho nên chủ vườn phó mặc nó. Để nó sống chung với cỏ dại, gai góc và điêu tàn là điều không thể tránh.

Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích. Ta trông mong nó thực hành điều chính trực, nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan. Is 5,6-7

Nho chua chát, nho dại gây nên bởi lòng người từ chối sống chính trực nhưng chọn lối sống gian tà. Gian tà phát xuất tự trong lòng, tim óc nên dễ chi thay đổi. Không thể đổ thừa bởi hoàn cảnh xã hội sống, hay thời cuộc tạo nên, hoặc phong thổ mà bởi chiều lòng người. Chiều lối sống buông thả, thích cuộc đời ăn chơi trác táng. Ham danh, hám lợi, vui với quyền hành, và tự hào, cậy thế hơn người. Chính những điều này dẫn đến tình trạng, thay vì thực hành đức công minh lại gieo tai vạ, bất bình tạo nên tiếng kêu oan nghiệt giữa lòng dân. Thay vì làm việc lành phúc đức giúp người, lại lợi dụng chức vụ, địa vị để hại người. Thay vì rao giảng lời công chính lại nguỵ tạo chứng gian, cớ giả đè nén sự thật, che lấp gian manh, dối trá gây đau thương, oan ức cho người dân. Thay vì biết dâng lời tạ ơn vì những ơn lành, lộc thánh Chúa ban lại kiêu ngạo tự phong mình là thầy, là chúa của anh em, ước mong người ta đến hầu hạ, cung phụng mình. Thay vì sống tâm tình cảm tạ, biết ơn người ta chọn lối sống vong ân, bạc nghĩa.

Điều nghịch lí là bản thân mình sống vong ân, bạc nghĩa với Chúa là Đấng dựng nên, ban cho trí khôn, thông minh, hiểu biết và sự sống. Đã không mang tâm tình cảm tạ lại còn bội phản. Trong khi chính mình lại muốn người mang ơn, bắt người dưới quyền hiếu nghĩa với chính mình. Nếu ai chưa kịp thi ơn, đáp nghĩa mình lạm dụng quyền hành đàn áp, hoặc nhờ phe cánh thẳng tay trừng phạt. Mình sống vô ơn nhưng bắt người thọ ơn. Mình mong sống sung sướng nhưng bắt người vất vả, phục dịch. Mình thích sang trọng lại bắt người khổ sở cung phụng cho nhu cầu của mình. Lối sống phản nghịch, tự mâu thuẫn từ trong lòng sinh ra nên không thể nào có được phán đoán chân chính, đối xử công bằng vì từ tâm đã không nhận biết công bằng.

Tinh thần vô ơn, bạc nghĩa. Tinh phần phản loạn muốn làm chúa thiên hạ thể hiện rõ hơn trong dụ ngôn thợ vườn nho tệ bạc Mt 23,33-43. Cuối mùa nho chủ vườn nho sai gia nhân trung thành đến lấy tiền thuê. Đã không trả thuế như giao kèo trái lại nhóm thợ làm vườn nho còn đánh đập gia nhân là những người vô tội. Thừa thắng xông lên, nhóm gia nhân thứ hai đến bị đánh đập tàn tệ hơn nhóm trước. Rõ ràng tình trạng bạo hành gia tăng, say máu gian ác và hận thù được nung nấu. Cuối cùng chủ sai chính con một ngài đi. Hy vọng họ kính nể con mình. Nào ngờ, vừa trông thấy nhóm thợ hô hoán ‘giết nó đi, giết nó đi’ để chiếm cứ gia tài của nó. Thoạt nghe qua tưởng thợ vườn nho ham tiền, bị của cải, vật chất mê hoặc. Suy nghĩ kĩ hơn một chút chúng ta thấy họ hăng say giết người, mà mục đích chính không phải vì tiền. Mục đích quan trọng hơn là chức tước, địa vị. Khi họ hô hoán đứa con thừa tự kia mà chết đi họ sẽ lên làm chủ, làm chúa. Vì thế họ giết cậu con thừa tự mong lên làm chúa. Mục đích cuối cùng chính là muốn làm chúa thiên hạ. Muốn làm chúa người khác là tư tưởng kiêu ngạo. Tư tưởng này đến từ ma quỉ, ghi lại trong chương đầu sách Sáng Thế 3,4 khi ma quỉ khuyến dụ tổ phụ ăn trái cấm giữa vườn để được sáng mắt làm chúa mọi loài.

Tư tưởng tân thời muốn làm chúa thiên hạ bằng cách từ chối Thiên Chúa hiện hữu. Người ta giải thích không có chúa nào hết. Tôn giáo nảy sinh do tưởng tượng. Đây là một mâu thuẫn lớn trong thời đại. Giáo điều, chủ thuyết họ hướng dẫn người khác do chính họ nghĩ ra, sáng chế ra được khẳng định là đúng nhất. Trong khi giáo huấn thật sự trong Kinh Thánh được Thần Linh Chúa mặc khải được giải thích là do tưởng tượng mà ra. Hãy cẩn trọng đừng để bị mắc lừa.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha gặp 35.000 Bạn trẻ Công giáo Đức
LM Trần Đức Anh OP
13:45 26/09/2011
FREIBURG. Tối ngày 24-9-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện với 35 ngàn bạn trẻ Công giáo đến từ Freiburg và các giáo phận ở Đức.

Đây là hoạt động cuối cùng của ĐTC trong ngày từ Erfurt đến Freiburg. Cuộc gặp gỡ diễn ra ở quảng trường bên ngoài khu vực hội chợ triển lãm của thành phố Freiburg, cạnh phi trường nơi ngài cử hành thánh lễ sáng chúa nhật hôm sau. Buổi canh thức có chủ đề ”Các con là ánh sáng thế gian”.

Các bạn trẻ tham dự đã dành cho ĐTC một sự tiếp đón thật nồng nhiệt khi chiếc xe bọc kính chở ngài tiến qua các lối đi ở khu hội chợ, bầu không khí tưng bừng giống như một Ngày Quốc Tế giới trẻ thu hẹp. Nhiều bạn trẻ mang biểu ngữ mang tên cộng đoàn xuất xứ của họ cùng với câu ”chúng con chào mừng Đức Benedik” hoặc câu ”Chúng con yêu mến ĐGH Benedict”. Có những người mang những áo T-Shirt màu có chữ ”Jesus is my star” Chúa Giêsu là ngôi sao của tôi”. Trong số các bạn trẻ, có đông đảo các trẻ nam nữ mặc y phục giúp lễ, xét vì trên toàn nước Đức có tới 420 ngàn bạn trẻ giúp lễ.

Sau lời chào mừng của Đức TGM Zollitsch, 9 bạn trẻ lần lượt trình bày chứng từ về Đức Mẹ và các vị thánh và giáo huấn của các ngài. Ảnh các vị được chiếu trên phông của lễ đài. 9 bạn trẻ đại diện cho các thành phần khác nhau: sinh viên, công nhân, hướng đạo, phong trào nông thôn, Hội hiệp sĩ Malta và Hội chân phước Kolping. Cứ sau 3 chứng từ, ĐTC đọc lời một lời nguyện và ngài thắp sáng những chiếc bình do 3 bạn trẻ mang đến trước mặt ngài.
Sau phần trình bày chứng từ, 9 bạn trẻ đã mang các bình ánh sáng chuyển cho tất cả các bạn trẻ hiện diện. Chẳng mấy chốc quảng trường biến thành một biển với hàng chục ngàn ngọn nến lung linh.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng sau bài Tin Mừng với câu nói của Chúa Giêsu ”các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14), ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa câu nói này và áp dụng vào hoàn cảnh và sứ mạng của các tín hữu Kitô. Ngài đi từ nghi thức làm phép lửa trong nghi thức vọng phục sinh: một ngọn lửa nhỏ bé chiếu tỏa trong bao nhiêu ngọn nến sáng và soi chiếu cho Nhà của Thiên Chúa trong bóng tối. Chúa Giêsu đã nói về bản thân Ngài: ”Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Chúa làm cho cuộc sống chúng ta được soi sáng để điều mà chúng ta vừa nghe trong Phúc Âm trở thành chân thực: ”Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14). Không phải những nỗ lực phàm nhân của chúng ta hoặc tiến bộ kỹ thuật của thời đại chúng ta mang ánh sáng cho trần thế này. Chúng ta luôn luôn phải tái cảm nghiệm rằng sự dấn thân của chúng ta để có một trật tự tốt đẹp hơn, công bằng hơn, vẫn thường gặp giới hạn. Sự đau khổ của những người vô tội, và sau cùng, cái chết của mỗi người tạo nên bóng đêm không thể thấu nhập, nó có thể được chiếu sáng trong một lúc nhờ những kinh nghiệm mới, như một luồng chớp trong đêm đen. Nhưng rồi sau cùng, bóng tối lo âu vẫn còn nguyên. ĐTC nói tiếp:

”Chung quanh chúng ta có thể có bóng đêm đen tối, nhưng chúng ta thấy một ánh sáng: một ngọn lửa nhỏ bé, mạnh mẽ hơn cả bóng đêm bề ngoài có vẻ là hùng mạnh và không thể khắc phục nổi. Chúa Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, đang chiếu sáng trong thế giới này, ngài chiếu sáng rõ rệt tại những nơi mà, theo phán đoán loài người, dường như âm u và không còn hy vọng gì nữa. Chúa đã chiến thắng sự chết, Ngài đang sống, và niềm tin nơi Chúa thấu nhập như một ánh sáng nhỏ vào trong tất cả những gì là tăm tối và đe dọa.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Ánh sáng không đơn độc lẻ loi. Chung quanh đều có những ánh sáng khác được thắp lên. Dưới các tia sáng ấy, ta thấy được bối cảnh chung quanh và ta có thể định hướng. Chúng ta không sống lẻ loi trong thế giới. Chính trong những điều quan trọng của cuộc sống, chúng ta cần những người khác. Cũng vậy, đặc biệt là trong đức tin, chúng ta không lẻ loi đơn độc, chúng ta là một mắt xích trong sợi dây dài các tín hữu. Không ai đi tới đức tin được nếu không được niềm tin của những người khác nâng đỡ, và đàng khác, với niềm tin của tôi, tôi cũng góp phần củng cố những người khác trong đức tin của họ. Chúng ta giúp đỡ nhau trở thành những gương sáng cho nhau, và chúng ta chia sẻ với những người khác những gì của chúng ta, tư tưởng và hành động, tình cảm của chúng ta. Chúng ta giúp đỡ nhau định hướng, tìm ra chỗ đứng của chúng ta trong xã hội”.

ĐTC cũng ghi nhận rằng ”tuy sứ mạng làm ánh sáng thế gian thật là cao cả, nhưng chúng ta vẫn luôn cảm nghiệm sự thất bại của những cố gắng bản thân và những lầm lỗi, dù có những ý hướng tốt nhất. Nhiều khi thế giới chúng ta đang sống, tuy có những tiến bộ, nhưng xét cho cùng, nó không trở nên tốt hơn. Vẫn còn chiến tranh, khủng bố, đói kém và bệnh tật, nghèo đói cùng cực và đàn áp tàn bạo. Cả những người, trong lịch sử chúng ta, tự nhận là 'những người mang ánh sáng', nhưng không được Chúa Kitô là ánh sáng chân thực duy nhất soi sáng, họ đã không kiến tạo được thiên đàng trần thế nào, nhưng chỉ thiết lập những thể chế độc tài, những chế độ độc đoán, trong đó dù tia sáng bé nhỏ nhất của tình nhân đạo cũng bị bóp nghẹt”.

ĐTC nhắc nhở rằng ”chúng ta không được im lặng về điều này là có sự ác hiện diện. Chúng ta thấy điều đó ở bao nhiêu nơi trên thế giới, và cả trong đời sống chúng ta nữa. ”Đúng vậy, trong chính con tim chúng ta có xu hướng về sự ác, lòng ích kỷ, ghen tương, thái độ hung hăng gây hấn. Có lẽ với kỷ luật bản thân, chúng ta có thể kiểm soát được chúng. Nhưng điều khó khăn hơn, đó là làm sao khắc phục những hình thức sự ác tiềm ẩn, chúng có thể vây bủa chúng ta như trong một đám mây, và đó là sự lười biếng, sự chậm chạp trong việc muốn và làm điều thiện. Nhiều lần trong lịch sử, những người quan tâm đã nhận xét rằng thiệt hại cho Giáo Hội không đến từ các đối thủ, nhưng từ chính cách tín hữu Kitô nguội lạnh. Như thế, làm sao Chúa Kitô có thể nói rằng các Kitô hữu, những Kitô hữu yếu đuối và nguội lạnh, là ánh sáng thế gian? Có lẽ chúng ta sẽ hiểu nếu Ngài kêu lên: ”Các con hãy hoán cải! Các con hãy trở thành ánh sáng thế gian! Hãy thay đổi cuộc sống, hãy làm cho đời sống chúng con trở nên trong sáng và rạng ngời!

Sau cùng, ĐTC nhắc đến sự kiện thánh Phaolô tông đồ, trong các thư của Người, đã không sợ gọi những người đồng thời, thành phần của các giáo đoàn địa phương, là ”các thánh”. Ở đây, điều hiển nhiên là một tín hữu đã chịu phép rửa, cả trước khi họ có thể thực hiện những công việc tốt đẹp hoặc những hoạt động đặc thù, họ được Thiên Chúa thánh hóa. Có thể nói trong bí tích rửa tội, Chúa thắp lên một ngọn lửa sáng trong đời sống chúng ta, một ánh sáng mà sách Giáo Lý gọi là ơn thánh hóa. Ai bảo tồn ánh sáng ấy, ai sống trong ơn thánh, thì thực là thánh.
ĐTC nói: ”Các bạn thân mến, nhiều lần hình ảnh các thánh đã bị chế nhạo và được trình bày một cách bóp méo, như thể nên thánh có nghĩa là sống ngoài thực tại, là ngây ngô và không có niềm vui. Nhiều khi người ta nghĩ rằng một vị thánh chỉ là người thực hiện những hành động khổ chế và có nền luân lý rất cao độ, và vì thế, ta có thể tôn kính các thánh, nhưng không bao giờ noi gương bắt chước các vị trong đời sống chúng ta. Thật là một ý kiến sai lầm và gây nản chí dường nào! Không vị thánh nào, ngoài Đức Mẹ Maria, không từng trải qua tội lỗi, và không hề sa ngã. Các bạn thân mến, Chúa Kitô chẳng quan tâm đến sự kiện các bạn lung lay và sa ngã bao nhiêu lần trong cuộc đời, nhưng Ngài chú ý xem bao nhiêu lần các bạn chỗi dậy. Chúa không đòi những hành vi ngoại thường, nhưng muốn rằng ánh sáng của Ngài chiếu sáng nơi các bạn. Ngài không gọi các bạn vì các bạn tốt lành và hoàn hảo, nhưng vì Ngài tốt lành và muốn làm cho các bạn thành bạn hữu của Ngài. Đúng vậy, các bạn là ánh sáng thế gian vì Chúa Giêsu là ánh sáng của các bạn. Các bạn là Kitô hữu - không phải vì các bạn thực hiện những việc lạ thường,- nhưng vì Chúa Kitô là cuộc sống của các bạn. Các bạn là thánh nhân vì ơn thánh của Chúa hoạt động nơi các bạn”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Một cây nến chỉ có thể trao ban ánh sáng nếu nó để cho mình được ngọn lửa tiêu hao. Cây nến ấy sẽ vô ích nếu nến của nó không nuôi sống ngọn lửa. Các bạn hãy để Chúa Kitô cháy sáng trong các bạn, cho dù điều này nhiều khi có nghĩa là phải hy sinh từ bỏ. Đừng sợ có thể mất một cái gì đó và sau cùng sẽ tay trắng. Hãy can đảm sử dụng các nén bạc và tài năng của các bạn cho Nước Chúa và hiến thân - như cây nến - để qua các bạn, Chúa soi sáng bóng đêm. Hãy dám trở nên một thánh nhiệt thành, trong đôi mắt và con tim có tình yêu của Chúa Kitô chiếu sáng và qua đó mang ánh sáng cho thế giới.

Sau bài huấn dụ của ĐTC, các bạn trẻ ở tiếp tục canh thức để chuẩn bị cho thánh lễ sáng hôm sau tại phi trường bên cạnh. Nhiều người đã nghỉ đêm tại chỗ, và cũng có các bạn trẻ vào 3 căn lều lớn để cầu nguyện.
 
Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ với 100.000 tín hữu tại Freiburg
LM Trần Đức Anh OP
13:45 26/09/2011
FREIBURG - Sáng chúa nhật hôm 25-9-2011, ĐTC đã đến khu vực phi trường máy bay du lịch ở Freiburg để cử hành thánh lễ cuối cùng trong cuộc viếng thăm tại Đức.

Hơn 100 ngàn người thuộc giáo phận Freiburg, cũng như từ các giáo phận khác của Đức và cả từ Thụy Sĩ cùng như các nước láng giềng đã tề tựu về đây, cùng với các GM của họ. Buổi lễ này cũng được coi là một cuộc hành hương toàn nước Đức.

Xe bọc kính chở ĐTC đã tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu dưới bầu trời nắng thu thật đẹp.
Đồng tế với ĐTC có hàng trăm GM và cùng với đông đảo linh mục. Hai ca đoàn với gần 1 ngàn ca viên đã đảm trách phần thánh ca.

Trong lời chào mừng ĐTC đầu thánh lễ, Đức TGM Zollitsch cho biết rất nhiều tín hữu từ xa đã đi cả đêm để đến đây dự lễ với ĐTC và ngài nói: ”Đây thực là Giáo hội của thế giới”! Đức TGM cũng nhắc lại rằng Freiburg là một thành phố của Caritas, cơ quan bác ái của Giáo Hội Công Giáo, một tổ chức có 500 ngàn nhân viên trên toàn nước Đức.

Bài giảng của ĐTC:

Trong bài giảng, ĐTC đã dựa vào lời nguyện cũng như các bài đọc của ngày lễ để nêu bật quyền năng từ bi của Thiên Chúa, đồng thời mời gọi các tín hữu hãy ra khỏi tình trạng giữ đạo vì thói quen, hãy hoán cải, noi gương khiêm tốn và tuân phục của Chúa Giêsu Kitô, can đảm tiến bước trên con đường đức tin. Ngài nói:
Đối với tôi thật là cảm động khi cử hành tại đây Thánh Lễ tạ ơn, với bao nhiêu người đến từ các miền của nước Đức và các nước láng giềng. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ trước tiên lên Thiên Chúa, trong Ngài chúng ta sống và cử động. Nhưng tôi cũng muốn cám ơn tất cả anh chị em vì đã cầu nguyện cho người kế vị thánh Phêrô để người có thể tiếp tục thi hành sứ vụ trong vui tươi và tín tưởng hy vọng, cũng như củng cố anh chị em trong đức tin”.
Nhắc đến kinh tổng nguyện của ngày lễ tuyên xưng ”Thiên Chúa biểu lộ quyền năng nhất là qua lòng từ bi và tha thứ..”, ĐTC nhận xét rằng ”có những nhà thần học, đứng trước bao nhiêu điều kinh khủng xảy ra trong thế giới ngày nay, họ nói rằng Thiên Chúa không thể là toàn năng. Phần chúng ta, đứng trước điều đó, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Đấng Sáng tạo trời đất. Chúng ta vui mừng và biết ơn vì Chúa toàn năng. Nhưng đồng thời chúng ta cũng ý thức rằng Chúa thực thi quyền năng của ngài theo thể thức khác với cách thức con người thường làm. Chính Chúa đặt giới hạn cho quyền năng của ngài khi nhìn nhận tự do của các thụ tạo mà ngài dựng nên. Chúng ta vui mừng vì hồng ân tự do, nhưng khi chúng ta thấy những điều kinh khủng vì tự do của con người, chúng ta kinh hãi. Chúng ta hãy tín thác nơi Thiên Chúa, quyền năng của Chúa được biểu lộ nhất là qua lòng từ bi và tha thứ. Anh chị em tín hữu thân mến, chúng ta hãy tin chắc rằng: Thiên Chúa muốn cứu thoát dân ngài. Ngài muốn cứu độ chúng ta. Luôn luôn và nhất là trong thời kỳ nguy hiểm, có những thay đổi toàn diện, Chúa gần gũi chúng ta, con tim của Chúa cảm động vì chúng ta, ngài cúi mình trên chúng ta.

Dụ ngôn 2 người con

Đề cập đến dụ ngôn trong Phúc Âm nói về hai người con: người thứ I thưa xin vâng mà lại không thực hiện lời cha; người thứ 2 ban đầu khước từ, nhưng rồi lại thi hành lời cha, ĐTC nói:

”Sứ điệp của dụ ngôn thật là rõ: lời nói chẳng đáng kể gì, nhưng chỉ hành động, sự hoán cải và tin tưởng mới đáng kể. Chúa Giêsu gửi sứ điệp này cho các thượng tế và các kỳ mục trong dân, nghĩa là những chuyên gia về tôn giáo trong dân Israel. Thoạt đầu họ thưa xin vâng thánh ý Chúa. Nhưng rồi lòng đạo đức của họ trở thành thói quen, và họ chẳng còn quan tâm đến Thiên Chúa nữa. Vì thế, họ coi sứ điệp của Gioan Tẩy Giả và sứ điệp của Chúa Giêsu là điều làm cho họ khó chịu. Và Chúa kết luận dụ ngôn với những lời quyết liệt: ”Những người thu thuế và mại dâm sẽ vào nước Chúa trước các ngươi..”. Nói theo ngôn ngữ thời nay, câu đó hơn kém có nghĩa là ”những người không biết Chúa, nhưng họ vẫn thao thức băn khoăn tìm Chúa; những người đau khổ vì tội lỗi chúng ta và ước muốn một con tim thanh sạch, họ gần nước Thiên Chúa hơn những tín hữu theo thói quen, những người từ nay chỉ nhìn thấy trong Giáo hội như một guồng máy, mà con tim của họ không được đức tin đánh động”.

ĐTC minh xác rằng: ”Lời Chúa Giêsu phải làm cho chúng ta suy nghĩ, đánh động chúng ta. Nhưng điều này không có nghĩa là tất cả những người sống trong Giáo hội và làm việc cho Giáo Hội bị coi là xa lạ với Chúa Giêsu và Nước Chúa. Không, tuyệt đối là không. Đúng hơn, đây là lúc phải chân thành nồng nhiệt cám ơn bao nhiêu nhân viên cộng tác và những người thiện nguyện, nếu không có họ thì đời sống trong các giáo xứ và trong toàn thể Giáo Hội không thể tiến hành được. Giáo Hội Công Giáo tại Đức có nhiều tổ chức xã hội và bác ái trong đó tình bác ái đối với tha nhân được thực thi theo thể thức hữu hiệu về mặt xã hội, cho đến tận bờ cõi trái đất. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn và quí chuộng đối với tất cả những người dấn thân trong tổ chức Caritas Đức, hoặc trong các tổ chức khác, hoặc quảng đại dành thời giờ, sức lực để thi hành các công tác thiện nguyện trong xã hội. Việc phục vụ này trước tiên đòi phải có khả năng khách quan và chuyên nghiệp. Nhưng trong tinh thần giáo huấn của Chúa Giêsu, cần có cái gì hơn nữa: cần có con tim mở rộng, để cho tình yêu Chúa Kitô đánh động, và qua đó mang lại cho tha nhân đang cần chúng ta, không phải một sự phục vụ chuyên môn mà thôi, nhưng cả tình yêu trong đó Thiên Chúa Đấng yêu thương, Chúa Kitô trở nên hữu hình đối với tha nhân. Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: đâu là quan hệ bản thân của tôi với Thiên Chúa, trong kinh nguyện, trong việc tham dự thánh lễ Chúa nhật, trong việc đào sâu đức tin nhờ suy niệm Kinh Thánh và học Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo? Các bạn thân mến, xét cho cùng, việc canh tân Giáo Hội chỉ có thể thực hiện được qua sự sẵn sàng hoán cải và nhờ một niềm tin được đổi mới.

Hy sinh noi gương Chúa Giêsu

Tiếp tục bài giảng thánh lễ sáng hôm qua tại phi trường Freiburg bên Đức, ĐTC nhận xét rằng trong bài Phúc Âm hôm nay có nói một cách huyền nhiệm về người con thứ ba: người con đã thưa xin vâng và làm điều cha đã truyền. Đó là Người Con duy nhất của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Đấng tụ họp tất cả chúng ta ở đây... Trong sự khiêm tốn và vâng phục, Chúa Giêsu đã chu toàn thánh ý Chúa Cha, đã chịu chết trên thập giá vì anh chị em mình và đã cứu chuộc chúng ta khỏi sự kiêu hãnh và ngoan cố. Chúng ta hãy cảm tạ Người vì sự hy sinh và uốn gối trước danh Chúa và cùng với các môn đệ thế hệ đầu tiên của Chúa tuyên xưng rằng: ”Đức Giêsu Kitô là Chúa - xin tôn vinh Thiên Chúa Cha” (Pl 2,10). Đời sống Kitô phải tiếp tục được đo lường theo mẫu mực Chúa Kitô: ”Anh chị em hãy có cùng tâm tình của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2,5).
ĐTC nói tiếp: ”Các bạn thân mến, cùng với thánh Phaolô, tôi dám nhắn nhủ anh chị em rằng: anh chị em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn bằng cách kiên vững đoàn kết trong Chúa Kitô! Giáo hội tại Đức sẽ vượt thắng những thách đố lớn của hiện tại và tương lai, và sẽ tiếp tục là men trong xã hội nếu các LM, những người thánh hiến và tín hữu giáo dân của Chúa Kitô cộng tác trong sự đoàn kết, trong niềm trung thành với ơn gọi của mình; nếu các giáo xứ, các cộng đoàn và các phong trào nâng đỡ và làm cho nhau được phong phú; nếu các tín hữu đã chịu phép rửa và phép thêm sức, hiệp nhất với Đức GM, giơ cao ngọn đuốc đức tin không bị biến thái và để cho kiến thức phong phú và khả năng của mình được soi sáng. Giáo hội tại Đức sẽ tiếp tục là một phúc lành cho cộng đoàn Công giáo thế giới, nếu tiếp tục trung thành hiệp nhất với các Đấng Kế Vị Thánh Phêrô và các Tông Đồ, nếu quan tâm cộng tác bằng nhiều cách với các nước thuộc miền truyền giáo và để cho mình được lây niềm vui đức tin của các Giáo Hội trẻ.

Thực hành khiêm tốn

Trong phần kết của bài giảng, ĐTC nhắc nhở các tín hữu về lời khuyên của thánh Phaolô về việc thực thi sự khiêm tốn:


”Anh chị em đừng làm gì vì cạnh tranh hoặc dư danh, nhưng mỗi người trong anh chị em, với tất cả lòng khiêm tốn, hãy con người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng ích lợi cho tha nhân” (Pl 2,3-4). Đời sống Kitô là một cuộc sống cho tha nhân, khiêm tốn dấn thân cho người khác và công ích. Anh chị em tín hữu thân mến, khiêm tốn là một nhân đức ngày nay không được người ta quí trọng lắm. Nhưng các môn đệ của Chúa biết rằng nhân đức này có thể nói là dầu làm tiến trình đối thoại được phong phú, làm cho sự cộng tác được dễ dàng và sự hiệp nhất có tính chất thành tâm. Trong tiếng la tinh, khiêm nhường là Humilitas, có liên hệ tới humus, nghĩa làm gắn liền với đất, với thực tại. Những người khiêm tốn đứng bằng cả hai chân trên mặt đất. Nhưng nhất là họ lắng nghe Chúa Kitô là Lời của Thiên Chúa, Lời này không ngừng canh tân Giáo Hội và mọi phần tử của Giáo Hội.
”Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn can đảm và khiêm tốn tiến bước trên con đường đức tin, kín múc nơi lòng từ bi phong phú của Chúa và luôn hướng nhìn về Chúa Kitô là Lời đổi mới mọi sự, là ”Đường, là Sự Thật và là sự Sống” cho chúng ta (Ga 14,6), là tương lai của chúng ta. Amen”

Các quan sát viên ghi nhận rằng ĐTC muốn ám chỉ đến tiến trình đối thoại giữa các GM và các nhà thần học cũng như các thành phần dân Chúa tại Đức mới khởi sự từ tháng 7 năm nay, để đưa Giáo Hội tại Đức ra khỏi tình trạng khủng hoảng.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự kinh Truyền Tin. Ngài mời gọi các tín hữu khi đọc kinh này hãy hiệp với lời thưa Xin Vâng của Mẹ Maria và tín thác gắn bó với vẻ đẹp của kế hoạch Thiên Chúa, cũng như sự quan phòng của Chúa dành cho chúng ta trong ân thánh của Ngài. Như thế, cả trong cuộc sống chúng ta, tình yêu Thiên Chúa sẽ trở nên như xác thể, ngày càng thành hình. Chúng ta đừng sợ giữa bao nhiêu bận tâm, lo lắng. Thiên Chúa nhân từ, và đồng thời chúng ta cảm thấy được cộng đồng bao nhiêu tín hữu nâng đỡ.

Thánh lễ kết thúc lúc gần 12 giờ với phép lành của ĐTC và mọi người cùng hát kinh Te Deum, Tạ Ơn.
Sau thánh lễ, ĐTC đã về Đại chủng viện để dùng bữa trưa với 90 GM thuộc HĐGM Đức và các vị thuộc đoàn tùy tùng vào lúc 1 giờ trưa.

Ban chiều vào lúc gần 4 giờ rưỡi, ngài gặp gỡ 16 vị Thẩm phán tòa bảo hiến cũng là tòa án tối cao của Liên bang Đức, rồi đến nhà hòa nhạc cách đó gần 2 cây số rưỡi để gặp gỡ 1.500 tín hữu. Nhà hòa nhạc này cũng là một trung tâm hội nghị có kiến trúc tân kỳ. Trong 15 năm qua, từ sau khi được khánh thánh, trung tâm đã tiếp đón hơn 6 ngàn sinh hoạt như hội nghị, hòa nhạc, kịch nghệ, v.v.

Lúc gần 7 giờ chiều, ĐTC đã ra phi trường Lahr để đáp máy bay về Roma. Tổng thống Christian Wulff cùng phu nhân, cùng với chính quyền địa phương và giáo quyền đã có mặt tại đây tiễn biệt Đức Thánh Cha.
 
Luther và sự hợp nhất các giáo hội: cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger
Vũ Văn An
00:42 26/09/2011
Trong bài "Chuyến viếng thăm của Đức Bênêđíctô và sự hợp nhất với tín hữu Luthêrô", chúng tôi có nhắc đến nhận định của John Allen Jnr trên tờ National Catholic Register cho rằng thái độ của Đức Đương Kim Giáo Hoàng đối với Luthêrô nói riêng và các cuộc thương thảo đại kết nói chung có tính lưỡng diện. Thái độ này đã có từ lâu nơi Đức Bênêđíctô XVI. Lúc còn là Hồng Y Joseph Ratzinger và vừa nhậm chức Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngài đã phổ biến thái độ ấy trên tờ Communio, số 3, năm 1984, dưới hình thức một bài phỏng vấn. Communio là một tập san do chính ngài và von Balthasar thành lập.

“Sự nối kết qua lại giữa giáo hội và thần học mới là vấn đề: nơi nào sự hợp nhất này kết liễu, thì bất cứ thứ hợp nhất nào cũng nhất thiết mất hết gốc rễ”.

Câu hỏi: Ngày nay, ngành nghiên cứu về Luthêrô hiện đang ra sao? Có bất cứ cố gắng nào nhằm tìm hiểu nền thần học của Luthêrô, ngoài các tìm hiểu có tính lịch sử hay không?

Đức HY Ratzinger: Không ai có thể trả lời câu hỏi này trong một vài mệnh đề được. Đàng khác, nó đòi một loại kiến thức đặc biệt mà tôi không có. Tuy nhiên, có lẽ tốt hơn nên vắn tắt nhắc tới một số tên tuổi từng đại biểu cho các giai đoạn và khuynh hướng khác nhau trong nền nghiên cứu Công Giáo về Luthêrô. Vào đầu thế kỷ 20, ta có công trình gây tranh cãi của linh mục Dòng Đa Minh H. Denifle. Ngài là người đã đặt Luthêrô vào ngữ cảnh của truyền thống Kinh Viện, một truyền thống mà Denifle biết rõ hơn ai hết nhờ thông thạo các tư liệu thuộc thủ bản. Theo bước chân ngài là linh mục Dòng Tên Grisar, người được coi là có tính giao hòa nhiều hơn. Tuy thế, Grisar vẫn gặp một số phê phán vì những khuôn mẫu tâm lý ngài dùng để giải thích vấn đề Luthêrô. J. Lortz của Luxembourg đã trở thành cha đẻ của nền nghiên cứu Công Giáo hiện đại về Luthêrô. Ngày nay, ngài vẫn được coi là bước ngoặt trong cuộc tranh đấu để có được một hình ảnh trung thực về lịch sử và thoả đáng về thần học đối với Luthêrô.

Trong bối cảnh phong trào thần học giữa hai thế chiến, Lortz đã có thể khai triển được nhiều cách tra vấn mới mà cuối cùng đã dẫn tới một đánh giá mới về Luthêrô. Trong khi ấy, các phong trào phụng vụ, Thánh Kinh, và đại kết từ cả hai bên đã thay đổi nhiều sự việc. Phía Thệ Phản đã dấn thân vào việc tìm hiểu bí tích và giáo hội, một điều lúc còn là Công Giáo, Luthêrô vốn có sở trường (K. A. .Meissinger). Phía Công Giáo thì cố gắng để có được một mối liên hệ mới mẻ và trực diện hơn với Thánh Kinh và đồng thời đi tìm một lòng đạo đức ít dựa nhiều hơn vào nền phụng vụ cổ truyền. Phần lớn các lời chỉ trích nhắm vào nhiều hình thức đạo đức từng được khai triển trong thiên niên kỷ thứ hai, nhất là trong thế kỷ 19.

Những chỉ trích này có nhiều tương đồng với Luthêrô, nhằm nhấn mạnh “nét Tin Lành” nơi người Công Giáo. Chính trong bối cảnh này, Lortz đã mô tả các thúc đẩy tôn giáo vĩ đại từng kích thích nhà cải cách và phát sinh ra cái hiểu thần học đối với lời chỉ trích của Luther, một lời chỉ trích bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng của giáo hội và thần học cuối thời trung cổ. Vì suy nghĩ như thế, nên Lortz đã đưa ra luận đề thời danh đối với thời kỳ thay đổi lớn lao này trong tư duy của nhà cải cách: “trong chính bản thân mình, Luthêrô đã vật lộn và đã vứt bỏ một Đạo Công Giáo vốn chẳng Công Giáo chút nào” (1). Nghịch lý một điều, Lortsz xem ra đã dựa luận đề của mình trên Denifle, người từng chứng minh rằng lối giải thích có tính cách mạng của Luthêrô đối với Thư Rôma 1:17, mà sau này Luthêrô coi là bước ngoặt thực sự của Cải Cách, trên thực tế tương hợp với dòng suy luận của truyền thống chú giải trung cổ.

Dù khoảng năm 1525, tiếp theo việc Luthêrô bị tuyệt thông và cuộc tranh cãi của ông nhằm vào tâm điểm tín lý Công Giáo, các đường nét chính hình thành ra giáo hội tin lành đã trở nên quá rõ ràng, vậy mà Lortz vẫn nghĩ là ngài có thể an tâm nói được rằng Luther “chưa biết là mình đã ở bên ngoài Giáo Hội” (2). Mặc dù không tối thiểu hóa sự nạn rứt sâu xa thực sự đã lên khuôn cho các tranh cãi của Cải Cách, Lortz vẫn nghĩ rằng sự phân rẽ thực ra chỉ là chuyện hiểu lầm, mà nếu giáo hội tỏ ra thận trọng hơn thì đã tránh được rồi.

Thế hệ sau Lortz nhấn mạnh tới các khía cạnh khác: các học giả như E. Iserloh, P. Manns, và R. Baumer cho rằng: không như Lortz, người ta có thể khai triển nhiều chiều hướng và chủ trương khác thế. Những thần học gia trẻ như 0. H. Pesch hay J. Brosseder, đều là học trò của H. Fries và chủ yếu vẫn nằm trong quĩ đạo của J. Lortz.

Tôi muốn nhắc tới hai người ở bên ngoài không muốn nhìn thần học như đang được giảng dạy trong lớp do phương cách họ tiếp cận hiện tượng Luthêrô: trước nhất là nhà Ấn Độ Học Paul Hacker, một tân tòng, với cuốn sách về Luthêrô tựa là Das Ich im Glauben (Đức Tin và Cái Tôi) (3). Người ta cho rằng trong cuốn sách này, tác giả cũng muốn đề cập đến hành trình tâm linh của chính mình. Do đó, ông đã cực lực bác bỏ lý thuyết cho rằng việc Luthêrô phân ly khỏi Giáo Hội chỉ là do hiểu lầm. Ông cũng không chấp nhận những quan điểm cho rằng có những đồng qui hay bổ túc nơi Luthêrô. Thứ đến là Theobald Beer, một mục sư tại Leipzig, người từng hiến cả đời nghiên cứu về Luthêrô cũng như nền thần học cuối thời trung cổ trước Luthêrô.

Beer không những chỉ nghiên cứu các thay đổi trong suy tư thần học cũng như trong sự khác nhau giữa Luthêrô và Kinh Viện, mà còn giữa Luthêrô và Thánh Augustinô. Nhờ thế, ông đã chứng nghiệm nhiều điểm thay đổi quan yếu trong sơ đồ Kitô học, một sơ đồ, khi dựa vào định đề “mà cả thánh” (sacred bargaining) đã hoàn toàn nối kết với nhân học và giáo huấn về ơn thánh. Theo Beer, cấu trúc mới này đã nói lên thái độ mới và hoàn toàn dị biệt của nhà cải cách đối với đức tin, một thái độ bác bỏ mọi hòa giải (4).

Như thế, ta nên biết rõ: không thể có bất cứ việc nghiên cứu nào về Luthêrô mà lại không cùng một lúc bao gồm việc tìm hiểu nền thần học của ông. Người ta không thể tiếp cận Luthêrô bằng một con mắt xa xăm của nhà sử học. Phải làm sao để nền thần học của ông được phân tích và giải thích theo cái nhìn lịch sử, nhưng đối với một nhà sử học Kitô Giáo, lịch sử tuy xuất phát từ quá khứ, lúc nào cũng ảnh hưởng tới ta trong hiện tại. Về chiều hướng của việc tìm hiểu này, tôi tin rằng ngày nay, ta có thể nhận ra hai chủ trương căn bản liên quan tới điều Harnack coi là phương thức thay thế căn bản: với sách giáo lý, các thánh ca và hướng dẫn phụng vụ của mình, Luthêrô đã tạo ra một truyền thống sinh hoạt trong giáo hội đến độ ta có thể coi ông là “cha đẻ” của sinh hoạt này, và giải thích công trình của ông với tính giáo hội tin lành trong đầu. Mặt khác, Luthêrô cũng tạo ra cả một công trình thần học và tranh luận có tính cách mạng triệt để mà ông sẽ không bao giờ thu hồi trong các thương lượng chính trị với các vua chúa cũng như với phe duy tả bên trong phong trào Cải Cách. Như thế, ta cũng có thể hiểu Luthêrô dựa trên việc ông cách mạng tách rời khỏi truyền thống, và qua cái hiểu này, ta sẽ có được một tầm nhìn tổng quát hoàn toàn khác. Thiển nghĩ ta nên lưu ý tới lòng đạo đức của Luthêrô khi đọc các công trình tranh luận của ông, cũng như hậu cảnh cách mạng của ông khi bàn tới các vấn đề có liên quan tới Giáo Hội.

Câu hỏi: Có thực tiễn hay không việc Giáo Hội Công Giáo có thể rút lại vạ tuyệt thông đối với Luthêrô dựa vào thành quả của các nghiên cứu gần đây?

Đức HY Ratzinger: Muốn trả lời đúng đắn cho câu hỏi này, thiết tưởng ta nên phân biệt giữa vạ tuyệt thông như một biện pháp tài phán mà một cộng đoàn hợp lệ trong Giáo Hội áp dụng chống lại một cá nhân nào đó, và các lý do thực sự dẫn tới biện pháp này. Vì quyền tài phán của Giáo Hội theo luật tự nhiên chỉ áp dụng vào người còn sống, nên vạ tuyệt thông đối với một con người sẽ chấm dứt khi người này qua đời. Thành thử không cần bàn tới việc bãi bỏ vạ tuyệt thông cho Luthêrô: vạ ấy chấm dứt với cái chết của ông vì phán xử sau khi chết chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Vạ tuyệt thông của Luthêrô không cần phải bãi bỏ; từ lâu, nó đã không còn hiện hữu.

Tuy nhiên, vấn đề sẽ hoàn toàn khác, khi ta hỏi liệu các giáo huấn do Luthêrô đưa ra có còn chia rẽ các giáo hội và do đó loại bỏ sự hiệp thông chung hay không. Các thảo luận đại kết của ta tập trung vào câu hỏi này. Ủy Ban liên phái được thiết lập sau cuộc viếng thăm Đức của Đức Giáo Hoàng (Gioan Phaolô II) chắc chắn sẽ chuyên biệt chú tâm bàn tới các vụ loại trừ trong thế kỷ 16 và sự thành hiệu liên tục của chúng. Có khả năng Ủy Ban này sẽ bãi bỏ các loại trừ ấy.

Ta cũng nên nhớ rằng hiện không phải chỉ có việc Công Giáo phạt tuyệt thông chống lại các giáo huấn của Luthêrô mà còn có việc các bác bỏ dứt khoát của Luthêrô đối với các tín điều Công Giáo đã đưa ông tới “bản án” cho rằng hai bên sẽ đời đời phân rẽ. Chỉ cần căn cứ vào phản ứng giận dữ của Luthêrô đối với Công Đồng Trent cũng đủ thấy tính dứt khoát trong việc ông bác bỏ bất cứ điều gì là Công Giáo: “… ta nên túm lấy ông ta, tức giáo hoàng, các hồng y, và bất cứ những tiện dân nào thuộc Cái Đức Thánh Đầy Ngẫu Tượng và Giáo Hoàng của ông ta, và cắt bỏ lưỡi chúng tận đáy (như những tên phạm thượng) và đóng đinh chúng trên giá treo… Lúc ấy mới cho phép chúng tổ chức công đồng, hay bao nhiêu công đồng tùy chúng thích, trên ngay giá treo ấy, hay trong hoả ngục giữa những tên ác quỉ” (5).

Sau khi rời bỏ Giáo Hội, Luthêrô không những dứt khoát bác bỏ ngôi vị giáo hoàng, mà còn cho rằng các giáo huấn Công Giáo về Thánh Thể (Thánh Lễ) chỉ là thờ ngẫu tượng vì theo ông, Thánh Lễ là rơi trở lại ách Lề Luật và do đó là bác bỏ Tin Mừng. Giải thích mọi mâu thuẫn ấy như các hiểu lầm, theo tôi, chỉ là một hình thức ngoa ngữ (arrogance) có tính duy lý không mang lại bất cứ công đạo nào cho cuộc đấu tranh tha thiết của những con người kia cũng như tầm quan trọng của các thực tại đang bàn. Vấn đề thực sự chỉ có thể nằm ở chỗ ngày nay ta có thể tiến bao xa để vượt quá các chủ trương của ngày qua và làm thế nào đạt được những cái nhìn thấu suốt hòng thắng vượt được quá khứ. Nói cách khác: hợp nhất đòi những bước đi mới. Không thể đạt được nó bằng những trò đùa giải thích. Nếu phân rẽ đã xẩy ra do những tầm nhìn trái ngược nhau về tôn giáo, những tầm nhìn không còn dành bất cứ chỗ nào cho giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, thì người ta không thể tạo được hợp nhất bằng học lý hay thảo luận riêng mà thôi, mà còn bằng sự trợ giúp của sức mạnh tôn giáo nữa…

Câu hỏi: Liệu ta có thể cho rằng chủ nghĩa đa nguyên thời nay trong các nền thần học của cả Công Giáo lẫn Thệ Phản sẽ làm dễ con đường xích lại gần nhau của các giáo hội hay ít nhất con đường xích lại gần nhau giữa các thần học gia Công Giáo và Thệ Phản không ?

Đức HY Ratzinger: Cũng như lúc nào, ở đây, ta cần trước nhất phải giải thích hạn từ chủ nghĩa đa nguyên. Ta cũng cần thảo luận các mối liên hệ giữa thần học và Giáo Hội. Một hiện tượng không thể tranh cãi là các nhà chú giải Công Giáo và phái Luthêrô đã tiến lại gần nhau hơn do các tiến bộ của phương pháp phê phán lịch sử và nhiều phương pháp mới đây của nền nghiên cứu thể văn, đến độ, việc xác định hệ phái của một nhà chú giải cá thể không còn cần thiết nữa khi nói tới các thành quả: trong một số trường hợp, một nhà chú giải của phái Luthêrô rất có thể suy nghĩ theo chiều hướng “Công Giáo” nhiều hơn và có thể thuận theo truyền thống hơn cả đối tác Công Giáo của ông ta. Thành thử các tham chiếu Thánh Kinh mới nhất bao gồm cả các nhà chú giải Công Giáo lẫn Thệ Phản, tùy theo chuyên môn của họ. Phân biệt duy nhất còn lại xem ra chỉ còn là phạm vi nghiên cứu mà thôi. Bản nhận định Luthêrô – Công Giáo mới được công bố chung gần đây cho thấy rõ điều đó. Chính ở đây, điều đáng ghi nhận là: các nhà chú giải của phái Luthêrô có khuynh hướng rõ rệt muốn dựa nhiều vào “các giáo phụ” của mình (Luthêrô, Calvin) và bao gồm họ vào các cuộc tranh luận nhằm nắm được ý nghĩa của Thánh Kinh hơn các đối tác Công Giáo, là những người phần lớn đồng ý rằng: Thánh Augustinô, Thánh Chrysostom, Thánh Bonaventura và Thánh Tôma chẳng có chi đóng góp vào nền chú giải hiện đại.

Dĩ nhiên, ta nên đặt câu hỏi: sự nhất trí giữa các nhà chú giải nói trên sẽ tạo ra một thứ cộng đồng nào? Trong khi Harnack cho rằng đã có một phương pháp chung, tuy chưa có một căn nền nào vững chắc cả, thì Karl Barth lại coi cố gắng tạo hợp nhất này chỉ là một ảo tưởng không hơn không kém. Thực thế, phương pháp chung có tạo ra hợp nhất nhưng nó cũng có khả năng sản sinh ra mâu thuẫn. Nhất là các thỏa thuận về tìm tòi vốn thuộc một bình diện khác hẳn bình diện các thoả thuận về xác tín và quyết định tối hậu, là điều ta phải bận tâm khi bàn tới vấn đề hợp nhất giáo hội. Sự hợp nhất trong công trình bác học, xét trong yếu tính, vẫn có thể bị tái duyệt bất cứ lúc nào. Trong khi đức tin là một hằng số. Lịch sử Kitô Giáo cải cách rõ ràng đã cho thấy các hạn chế của sự hợp nhất về chú giải: Luthêrô phần lớn đã từ bỏ đường phân ranh giữa giáo huấn giáo hội và thần học. Đối với ông, học lý nào đi ngược lại chứng cớ của chú giải thì không phải là một học lý. Chính vì thế, suốt đời ông, ông vẫn cho rằng văn bằng tiến sĩ thần học của ông là thẩm quyền dứt khoát giúp ông chống lại các giáo huấn của Rôma.

Chứng cớ của nhà chú giải đã thay thế cho quyền lực của huấn quyền. Nhà khoa bảng (Tiến Sĩ) nay là hiện thân của huấn quyền, không ai khác. Sự kiện giáo huấn của Giáo Hội bị cột chặt vào chứng cớ của chú giải đã trở thành một nan đề khôn nguôi trong chính việc hợp nhất giáo hội, kể từ buổi đầu Phong Trào Cải Cách. Vì chính chứng cớ có thể bị tái duyệt này đã trở thành một phát súng điếc tai chống lại sự hợp nhất ngay từ bên trong. Ấy thế nhưng, hợp nhất mà không có nội dung chỉ là hợp nhất trống rỗng và chắc chắn sẽ yểu mệnh. Hiệu quả hợp nhất của chủ nghĩa đa nguyên thần học, do đó, chỉ có tính tạm thời và khu vực.

Trong chủ nghĩa đa nguyên, ta thấy ẩn tàng một sự bất khả năng có tính tối hậu không thể trở thành căn bản cho hợp nhất được. Tuy thế, sự thỏa thuận giữa các nhà chú giải có khả năng vượt qua các mâu thuẫn lỗi thời và cho ta thấy các đặc đính đệ nhị đẳng của chúng. Thỏa thuận này có thể tạo ra những ngả đường đối thoại mới đối với mọi chủ đề lớn hiện đang gây tranh cãi bên trong Kitô Giáo: Thánh Kinh, Thánh Truyền, huấn quyền, ngôi vị giáo hoàng, phép Thánh Thể, v.v… Theo nghĩa này, quả đang có hy vọng ngay đối với một giáo hội phải kinh qua nhiều khủng hoảng như đã nói. Tuy vậy, giải pháp thực sự nhằm một bảo đảm và hợp nhất sâu sắc hơn các giả thiết bác học, thì không thể có được chỉ nhờ những thỏa thuận kia mà thôi. Trái lại, bất cứ nơi đâu có sự phân ly hoàn toàn giữa Giáo Hội và khoa chú giải, thì cả hai sẽ rơi vào nguy cơ: chú giải chỉ còn là một phân tích chữ nghĩa đơn thuần, giáo hội thì mất hết căn bản thiêng liêng. Chính vì thế, sự nối kết qua lại giữa giáo hội và thần học mới là vấn đề: nơi nào sự hợp nhất này kết liễu, thì bất cứ thứ hợp nhất nào cũng nhất thiết mất hết gốc rễ”

Còn 1 kỳ

Phóng dịch theo bản tiếng Anh của Albert K. Wimmer


Ghi chú

(1) Joseph Lortz, The Reformation in Germany, trans. Ronald Walls (London: Darton, Longrnan & Todd, 1968), I, p. 200.

(2) Lortz, p. 487.

(3) Paul Hacker, Das Ich im Glauben (Graz, 1966).

(4) Theobald Beer, Derfrohliche Wechsel und Streit: Grundzuge der Theologie Martin Luthers (1st ed., Leipzig, 1974. Second ed., enlarged, Einsiedeln, 1980).

(5) Wider das Papsttum in Rom, vom Teufel gestiftet, quoted by Cardinal Ratzinger from A. Lapple, Martin Luther: Leben, Bilder, Dokumente (Munich/Zurich, 1982), pp. 252f. (The above translation is from Luther's Works, vol. 41 [Church and Ministry 1111, Helmut T. Lehmann, general ed.] Philadelphia: Fortress Press, 19661, p. 308.)

 
Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong Thánh Lễ ở Erfurt.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
09:14 26/09/2011
"Nơi nào có Thiên Chúa, thì ở đó có tương lai"

Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ được tổ chức tại Quảng trường Nhà Thờ Chính Tòa Erfurt, Đức Quốc, ngày 24 tháng 9 năm 2011.

* * *


Anh chị em thân mến,

"Chúc tụng Chúa trong mọi lúc, vì Ngài nhân lành." Đây là những lời mà chúng ta vừa hát trước bài Tin Mừng. Vâng, chúng ta thật có lý do để cảm tạ Thiên Chúa với cả tâm hồn. Nếu chúng ta hồi tưởng lại 30 năm trước, năm Elizabeth 1981, khi thành phố này là một phần của Cộng Hoà Dân chủ Đức, ai có thể tưởng được rằng môt vài năm sau, bức tường và những cuộn dây thép gai tại biên giới có thể bị triệt hạ? Và nếu chúng ta nghĩ xa hơn hơn nữa, khoảng 70 năm, năm 1941, thời Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai, ai có thể dự đoán rằng chỉ bốn năm sau đó "Đế chế ngàn năm" đã trở thành tro bụi?

Anh chị em thân mến, ở đây, tại Thuringia và trong nước Cộng hòa Dân chủ Đức cũ, anh chị em đã phải sống dưới một chế độ độc tài trước là màu nâu và sau đó là mầu đỏ, là những nền độc tài đã tác động đến đức tin Kitô giáo như trận mưa axit. Nhiều hậu quả của thời kỳ đó vẫn còn đang được giải quyết, nhất là trong các lĩnh vực trí thức và tôn giáo. Hầu hết dân chúng trong đất nước này từ thời gian đó đã phải sống một cuộc sống xa rời đức tin vào Đức Kitô và sự hiệp thông với Hội Thánh. Tuy nhiên, hai thập niên cuối cũng mang lại những kinh nghiệm tốt: một chân trời rộng hơn, một sự trao đổi vượt biên giới, một niềm tin tưởng chính xác rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và Ngài dẫn chúng ta dọc theo những con đường mới. "Nơi nào có Thiên Chúa thì nơi đó có một tương lai."

Tất cả chúng ta đều tin chắc rằng sự tự do mới đã giúp cho con người có nhân phẩm cao quý hơn và mở ra nhiều cơ hội mới. Về phần Hội Thánh, chúng ta có thể nhắc đến nhiều điều với lòng biết ơn, vì những điều ấy đã trở nên dễ dàng hơn, dù đó là những cơ hội mới cho các sinh hoạt giáo xứ, sửa chữa và nới rộng các thánh đường cúng các trung tâm của cộng đoàn, hoặc các sáng kiến có bản chất ​​mục vụ hay văn hóa của giáo phận. Nhưng tự nhiên nảy sinh một câu hỏi: những cơ hội này có dẫn đến việc gia tăng đức tin hay không? Người ta có tìm kiếm cội rễ của đức tin và đời sống Kitô hữu trong một điều gì sâu xa hơn sự tự do xã hội không? Thực sự nhiều người Công Giáo dấn thân đã vẫn trung thành với Đức Kitô và Hội Thánh giữa những khó khăn và áp lực từ bên ngoài. Những người này đã chấp nhận những bất lợi cá nhân để sống đức tin của họ. Còn lập trường của chúng ta ngày nay thế nào?

Ở đây tôi có phải cám ơn các linh mục và nhiều người nam nữ đã trợ giúp các ngài trong gia đoạn đó. Tôi muốn đặc biệt nhớ đến việc chăm sóc mục vụ cho những người tị nạn ngay sau Thế Chiến Thứ Hai: nhiều linh mục và giáo dân đã thực hiện được nhiều việc lớn lao để làm giảm bớt cảnh khốn khổ của những người phải từ bỏ cửa nhà, và cung cấp cho họ một căn nhà mới. Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các bậc cha mẹ đã dưỡng dục con cái của họ trong đức tin Công giáo ở giữa cộng đồng những người bị phân tán và trong một môi trường chính trị chống giáo sĩ. Với lòng biết ơn tôi xin nhắc lại những Tuần Lễ Tôn Giáo dành cho trẻ em trong những ngày lễ nghỉ và việc làm có hiệu quả của các trung tâm giới trẻ Công Giáo "Thánh Sebastian" ở Erfurt và "Marcel Callo" ở Heiligenstadt. Đặc biệt ở Eichsfeld, nhiều Kitô hữu Công Giáo chống lại tư tưởng Cộng Sản. Xin Chúa thưởng công bội hậu cho tất cả những người ấy vì sự kiên trì trong Đức Tin của họ. Việc làm chứng cách can đảm ấy, đời sống kiên nhẫn với Thiên Chúa ấy, niềm tin tưởng kiên trì vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa ấy như một hạt giống quý giá hứa hẹn hoa trái dồi dào cho tương lai.

Sự hiện diện của Thiên Chúa luôn luôn rõ ràng đặc biệt là trong các Thánh. Việc làm chứng cho đức tin của các ngài cũng có thể cho chúng ta lòng can đảm để bắt đầu lại hôm nay. Trên hết, chúng ta có thể nghĩ đến vị Thánh quan thầy của Giáo phận Erfurt: Thánh Elizabeth thành Thuringia, Thánh Boniface và Thánh Kilian. Thánh Elizabeth đã từ một nước ngoài, từ Hung Gia Lợi, đến Wartburg ở đây tại Thuringia. Bà đã sống một đời cầu nguyện nồng nàn, được nối kết với tinh thần ăn năn đền tội và khó nghèo Phúc Âm. Bà thường từ lâu đài đi xuống thành Eisenach để tự mình chăm sóc cho những người nghèo và những người đau ốm. Cuộc đời của bà trên thế gian này thật ngắn ngủi, bà chỉ 24 tuổi khi qua đời, nhưng những hoa quả của sự thánh thiện của bà đã kéo dài qua nhiều thế kỷ. Thánh Elizabeth cũng được các Kitô hữu Tin Lành đề cao. Bà có thể giúp tất cả chúng ta khám phá ra sự viên mãn của đức tin với vẻ đẹp, chiều sâu và khả năng biến đổi cùng thanh luyện của nó, và đem ra áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Việc Thánh Boniface thành lập Giáo phận Erfurt vào năm 742 nhắc nhở cho chúng ta về nguồn gốc Kitô giáo của quốc gia mình. Biến cố này cũng là biến cố đầu tiên được ghi chép mà có nhắc đến thành phố Erfurt. Vị giám mục truyền giáo Boniface đã đến từ nước Anh và việc ngài làm việc trong sự hiệp nhất thiết yếu và trong sự kết hợp gần gũi với Giám Mục Rôma, người Kế Vị Thánh Phêrô, chính là đặc tính của tiếp cận của ngài; ngài biết rằng Hội Thánh phải là duy nhất chung quanh Thánh Phêrô. Chúng ta tôn vinh ngài như "Tông Đồ của nước Đức"; ngài đã chết như một vị tử vì đạo. Hai người bạn đồng hành của ngài cũng đã làm chứng bằng việc đổ máu cho đức tin Kitô giáo, được chôn cất ở đây trong nhà thờ chính tòa Erfurt: Thánh Eoban và Thánh Adelar.

Ngay cả trước khi các nhà truyền giáo Anglo-Saxon đến, Thánh Kilian, một nhà truyền giáo lưu động từ Ái Nhĩ Lan, đã hoạt động ở Thuringia. Cùng với hai đồng bạn, ngài đã chết ở Würzburg như một vị tử vì đạo, vì Ngài chỉ trích các hành vi trái đạo đức của công tước xứ Thuringia, người đã cư ngụ ở đó. Chúng ta cũng không quên Thánh Severus, vị Thánh quan thầy của Hội Thánh ở đây trên Quảng Trường Nhà Chính Tòa này: ngài là Giám Mục Ravenna vào thế kỷ thứ tư và hài cốt của ngài được chuyển đến Erfurt vào năm 836, để củng cố đức tin Kitô giáo tại khu vực này một cách vững chắc hơn. Từ các Thánh này, mặc dù các ngài đã qua đời, phát sinh ra chứng từ sống động kéo dài mãi của Hội Thánh, chứng từ đức tin làm cho mọi thời đại sinh hoa kết quả và chỉ cho chúng ta con đường sống.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi xem các vị Thánh này có những gì giống nhau? Chúng ta có thể mô tả thế nào về đặc tính riêng của cuộc đời các ngài và cũng hiểu rằng đặc này có liên quan đến chúng ta và ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta? Trước nhất, các thánh chỉ cho chúng ta rằng sống trong sự liên hệ với Thiên Chúa là điều có thể làm được và tốt đẹp, chúng ta có thể sống mối liên hệ này một cách triệt để, đặt nó ở vị trí hàng đầu, chứ không chỉ nhét nó vào một xó của cuộc đời. Các Thánh giúp chúng ta nhận ra rằng Chính Thiên Chúa đã đến với chúng ta trước. Chúng ta không thể đến được với Ngài, Chúng ta không tài nào có thể đến gần Đấng mà chúng ta không biết, nếu Ngài không yêu chúng ta trước thì Ngài đã không đến với chúng ta trước. Sau khi tỏ mình ra cho tổ phụ chúng ta qua cách mà Ngài đã gọi họ, Ngài đã mặc khải và tiếp tục mặc khải chính Ngài cho chúng ta trong Đức Chúa Giêsu Kitô. Ngày nay Đức Kitô vẫn đến với chúng ta, Người nói với từng cá nhân, như Người đã làm trong Tin Mừng, và mời mỗi người chúng ta lắng nghe Người, đến để hiểu và đi theo Người. Các Thánh đã làm theo những lời triệu tập và những cơ hội này, các ngài đã nhận ra Thiên Chúa hằng sống, các ngài đã thấy Người, các ngài đã nghe lời Người và đến với Người, các ngài hành trình với Người; có thể nói là các ngài “bị nhiễm” sự hiện diện hay lây của Người, các ngài vươn đến Người trong cuộc đối thoại không ngừng của cầu nguyện, và để đáp lại, các ngài đã nhận được từ Người ánh sáng chiếu soi cho các ngài biết phải tìm kiếm sự sống thật ở đâu.

Đức tin luôn luôn bao gồm như một yếu tố thiết yếu thực thể mà nó chia sẻ với người khác. Không ai có thể tin một mình. Chúng ta nhận được đức tin - như Thánh Phaolô nói với chúng ta - nhờ nghe, và nghe là một phần của việc ở cùng nhau, trong tinh thần và trong thể xác. Chỉ trong tập thể các tín hữu vĩ đại này của mọi thời đại, những người đã tìm thấy Đức Kitô và được Người tìm thấy, mà tôi có thể tin. Trước hết tôi có Thiên Chúa để cảm tạ vì sự thể mà tôi có thể tin, vì Thiên Chúa đến gần tôi và có thể nói rằng Ngài "nhóm lên ngọn lửa" đức tin của tôi. Nhưng trong mức độ thực tế, tôi có những đồng loại cùng với tôi để cám ơn vì đức tin của tôi, những người đã tin trước tôi và đang tin cùng tôi. Cái “với” vĩ đại này, mà không có nó thì không thể có đức tin cá nhân, chính là Hội Thánh. Và Hội Thánh này không ngừng lại ở ranh giới các quốc gia, như chúng ta có thể nhìn thấy từ các quốc tịch của các Thánh mà tôi đã nhắc đến: Hung Gia Lợi, Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan và Ý Đại Lợi. Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng của việc trao đổi tâm linh, là điều bao gồm toàn thể Hội Thánh hoàn vũ. Thật vậy, đó là điều cơ bản cho sự phát triển của Hội Thánh ở quốc gia chúng ta, và nó vẫn là điều cơ bản cho mọi thời đại: đó là chúng ta tin trong sự kết hợp với nhau khắp các lục địa, và học cách tin từ nhau. Nếu chúng ta mở lòng mình ra cho toàn thể đức tin trong tất cả lịch sử và các chứng từ được ban cho toàn thể Hội Thánh, thì đức tin Công Giáo cũng có một tương lai như một động lực công cộng ở nước Đức. Đồng thời các Thánh mà tôi đã đề cập đến chứng tỏ cho chúng ta thành quả tuyệt vời của một cuộc đời đã sống với Thiên Chúa, những hoa trái của tình yêu triệt đễ đối với Thiên Chúa và tha nhân. Ngay cả khi các ngài là chỉ là số ít, các Thánh thay đổi thế gian, và các thánh lớn vẫn như những động lực cho sự thay đổi trong suốt dòng lịch sử.

Những thay đổi về chính trị đó, xảy ra cho đất nước chúng ta vào năm 1989, được thúc đẩy không phải chỉ bởi nhu cầu thịnh vượng và tự do đi lại, nhưng một cách quyết liệt bởi lòng khao khát sự thật. Khao khát này được tồn tại một phần nhờ những người hoàn toàn hiến thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân cùng sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ. Họ và các Thánh mà tôi đã đề cập ở trên cho chúng ta lcan đảm để tận dụng cách tốt đẹp hoàn cảnh mới. Chúng ta không muốn thu mình vào một đức tin thuần túy riêng tư, nhưng muốn uốn nắn một cách có trách nhiệm sự tự do mà chúng khó nhọc mới tìm được này. Như các Thánh Kilian, Boniface, Adelar, Eoban và Elizabeth của Thuringia, chúng ta muốn có ảnh hưởng với đồng bào của mình như những Kitô hữu và mời họ cùng chúng ta khám phá ra sự viên mãn của Tin Mừng, sự liên quan của nó đối với thời hiện đại, sức mạnh và sức sống cùng vẻ đẹp của nó. Rồi chúng ta sẽ giống như cái chuông thời danh của nhà thờ chính tòa Erfurt, mang tên "Gloriosa," "sự vinh quang." Nó được coi là cái chuông đong đưa cách tự do lớn nhất trên thế giới của thời trung cổ. Nó là một dấu chỉ sống động của việc được bắt nguồn sâu xa trong truyền thống Kitô giáo, nhưng cũng là một lời triệu tập để bắt đầu sứ vụ. Nó sẽ rung lên một lần nữa trong Thánh Lễ trọng thể hôm nay, để đánh dấu sự kết thúc của nó. Chớ gì nó giúp chúng ta hứng khởi theo gương các Thánh, để đảm bảo rằng trong thế giới này, người ta vừa được nhìn thấy vừa được nghe những chứng nhân của Đức Kitô, và chớ gì chúng ta cũng sống như thế trong một thế giới nơi mà Thiên Chúa hiện diện và nơi mà Ngài ban vẻ đẹp và ý nghĩa cho cuộc đời. Amen.
 
Đức Thánh Cha tin tưởng nơi tương lai của Giáo Hội tại Đức
Bùi Hữu Thư
09:34 26/09/2011
Yêu cầu người Công Giáo theo đuổi "con đường đức tin"

LAHR, Đức, ngày 25 tháng 9, 2011 (Zenit.org).- Trước khi Đức Thánh Cha Benedict XVI rời nước Đức ngày hôm nay, ngài bầy tỏ niềm tin tưởng vào tương lai của Kitô giáo tại quê hương của ngài, và mời gọi Giáo Hội theo đuổi "con đường của đức tin."

Trước khi lên máy bay về Rôma, Đức Thánh Cha 84 tuổi kết thúc chuyến viếng thăm quê hương bốn ngày bằng một diễn từ ngắn trong một nghi lễ từ biệt tại phi trường Lahr.

Nhắc lại những cao điểm của chuyến viếng thăm, bao gồm các nơi dừng chân tại Berlin, Erfurt và Freiburg, Đức Thánh Cha nói trọng tâm của chuyến viếng thăm của ngài là để cầu nguyện cùng với các cộng đồng Công Giáo hiện diện trong các miền khác nhau.

Ngài nói, "Tôi hân hoan tưởng nhớ các nghi thức phụng vụ chúng ta đã cùng cử hành, và niềm vui trong đó, cũng như những khi chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa và hiệp ý cầu nguyện -- nhất là tại những nơi trên quốc gia này đã có những nỗ lực trong mấy chục năm để tìm cách loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống của mọi người."

Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định "niềm tin của ngài về tương lại của Kitô giáo tại Đức," ngài ghi nhận rằng: rõ ràng là "có biết bao nhiêu người tại đây đang làm nhân chứng cho đức tin của họ và làm cho sức mạnh biến cải của đức tin hiện diện trong thế giới hôm nay."

Ngài nói, "Tôi khuyến khích Giáo Hội tại Đức theo đuổi con đường đức tin với một niềm tin vững vàng để dẫn đưa mọi người về với cội nguồn, về trọng tâm của Tin Mừng Chúa Kitô. Đây sẽ là những cộng đồng tín hữu nhỏ bé -- và đã có những cộng đồng này hiện hữu -- lòng nhiệt thành của họ đã lan rộng trong một xã hội đa dạng và làm cho những người khác phải tò mò tìm kiếm nguồn ánh sáng đã ban cho có được sự sống dồi dào."

Đức Thánh Cha kết luận, "Ở đâu có Chúa hiện diện, nơi đó có hy vọng: sẽ có nhiều chân trời mới và bất ngờ mở ra bên kia hiện tại và sự phù du. Trong ý nghĩa này, tôi đồng hành trong tư tưởng và lời cầu nguyện trên con đường của đức tin cùng với Giáo Hội Đức."
 
Bạo lực cộng đồng tại Ấn Độ: cuộc tranh luận về luật bảo vệ các nhóm thiểu số
Phạm Kim An
09:46 26/09/2011
New Delhi - Hơn 4.000 vụ bạo động xảy ra trong bốn năm, với 648 người thiệt mạng và hơn 11 ngàn người bị thương trong 24 bang của Ấn Độ: các thống kê này, được các Giám Mục Ấn Độ công bố về bạo lực chống lại các nhóm thiểu số trong nước, là rất có ý nghĩa

Sự than phiền nổ ra khi Hội đồng tư vấn quốc gia của Ấn Độ công bố một dự luật mới, nhằm ngăn chặn bạo lực cộng đồng và bảo vệ các nhóm thiểu số sắc tộc, tôn giáo, và văn hóa. Phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, linh mục Babu Joseph Karakombil, giải thích với hãng tin Fides rằng tài liệu có tiêu đề "Dự luật ngăn ngừa bạo lực cộng đồng và có mục tiêu, 2011" dự định "tạo ra một khuôn khổ cho phòng chống bạo lực cộng đồng và giáo phái, vốn đã gây ra quá nhiều đau khổ cho đất nước trong những năm gần đây".

Ngoài ra, bản văn dự luật này, được xác nhận bởi chính phủ liên bang và được sự đánh giá cao của các Giám mục Ấn Độ, “cung cấp sự hỗ trợ và bồi thường cho các nạn nhân", và do đó "là một công cụ hữu ích cho việc xây dựng sự hòa hợp và hòa bình xã hội ở Ấn Độ". Lập trường này được chia sẻ bởi các giáo hội và cộng đồng tôn giáo thiểu số, các tổ chức nhân quyền, các hiệp hội làm việc về tính hợp pháp và pháp quyền.

Tuy nhiên dự luật bị từ chối bởi các đảng đối lập, đứng đầu là Đảng Baratija Janata (BJP), tức đảng chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo và ủng hộ của các phong trào cực đoan Ấn giáo, vốn là thủ phạm của bạo lực.

Trong khi cuộc tranh luận nổ ra gay gắt trong nước, các Giám Mục đã cung cấp cho hãng tin Fides một bản tóm tắt thống kê của bạo lực, nhằm đưa ra ý tưởng về kích thước và chiều sâu của hiện tượng này. Cha Babu nhấn mạnh: “Các số liệu thống kê phải là một gánh nặng cho các cuộc tranh luận hiện tại, để làm nổi bật tính cấp bách của luật".

Thời gian thống kê xem xét là từ năm 2005 đến năm 2009: Trong giai đoạn này, 648 người đã thiệt mạng, 11.278 người bị thương trong 4.030 sự cố bạo lực cộng đồng. Tính trung bình, có 130 người thiệt mạng và 2.200 đã bị thương mỗi năm. Các sự cố được báo cáo từ 24 trong 35 bang và vùng lãnh thổ Liên minh của Ấn Độ (các tiểu bang miền Đông Bắc được miển). Số lượng tối đa các sự cố xảy ra là ở bang Maharashtra (700 sự cố), tiếp theo là bang Madhya Pradesh (666 sự cố) và Uttar Pradesh (645 sự cố).

4 bang chiếm tới 64% của tất cả các trường hợp thiệt mạng: bang Uttar Pradesh ghi nhận con số tử vong cao nhất. Tổng cộng có 176 người chết trong các sự cố này; 2.171 người bị thương; theo sau là bang Madhya Pradesh (107 người thiệt mạng và 1.708 người bị thương), bang Maharashtra (77 người thiệt mạng và 2.012 người bị thương), và bang Orissa (52 người thiệt mạng và 234 người bị thương). Trong giai đoạn được xem xét này, năm tồi tệ nhất năm 2008, với 943 trường hợp bạo lực cộng đồng, đặc biệt là ở các bang Orissa, Karnataka, Madhya Pradesh, và Maharashtra. (Agenzia Fides 23-9-2011)
 
Tòa thánh phủ nhận tin đồn ĐTC Biển Đức XVI từ chức
Nguyễn Trọng Đa
10:28 26/09/2011
Phát ngôn viên nói, chuyến tông du ở Đức chứng tỏ là Ngài khỏe mạnh

ROMA – Phát ngôn viên của Tòa thánh, linh mục Feredico Lombardi, thuộc Dòng Tên (SJ), nói rằng các tin đồn rằng ĐTC Biển Đức XVI sẽ xem xét việc từ chức vào tháng Tư năm tới, khi Ngài mừng sinh nhật thứ 85, là vô căn cứ.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo tháp tùng ĐTC Biển Đức XVI tại Freiburg, Đức, Cha Federico Lombardi, Giám đốcVăn phòng Báo chí của Tòa Thánh, đã giải thích rằng “sức chịu đựng bền bĩ của ĐTC Biển Đức XVI trong chuyến tông du này đã nói rõ ràng về khả năng đối mặt với các cam kết rất nặng nề của Ngài".

Ngày chủ nhật 25-9, nhật báo ở Milan "Libero" đã đăng một bài của ông Antonio Socci nói về một sự từ chức của ĐTC, nhưng không ghi nguồn hoặcchi tiết cụ thể hơn.

Cha Lombardi mĩm cười trả lời các phóng viên: “Nếu ông Socci nói như thế, cần phải hỏi ông ấy là lấy thông tin từ đâu... tất cả những gì chúng tôi biết, là điều ĐTC Biển Đức XVI nói trong cuốn sách "Ánh sáng thế giới” của Ngài. Ngoài ra, tôi không có thông tin nào khác cả”.

Trong cuốn sách "Ánh sáng thế giới," xuất bản năm 2010, ĐTC Biển Đức XVI trả lời như sau cho một câu hỏi của nhà báo Peter Seewald: "Khi Đức Giáo Hoàng nhận biết rõ ràng, về thể lý, tâm lý và tinh thần, rằng Ngài không thể đảm nhiệm gánh nặng sứ vụ của mình nữa, thì lúc đó Ngài có quyền và, tùy theo hoàn cảnh, bổn phận phải rút lui”.

Cũng trong cuốn sách đó, ĐTC Biển Đức XVI nói thêm khi nói về các khó khăn của Giáo Hội, đặc biệt là sau các trường hợp ấu dâm, rằng người ta không thể bỏ chạy khi sự nguy hiểm là lớn. Chính Ngài đã nói: “Đó là lý do tại sao đây không chắc chắn là thời điểm để từ chức. Chính trong những thời điểm như thế này mà chúng ta cần phải chống và khắc phục tình trạng khó khăn".

Cha Lombardi đã khẳng định rằng "ĐTC Biển Đức XVI rất khỏe mạnh”, và "mặc dù chuyến tông du là rất mệt, Ngài đối mặt với nó rất tốt. Về mặt sức khỏe, chuyến đi này là một thành công thật sự". (Zenit.org 25-9-2011)
 
Trở lại việc kiêng thịt ngày thứ Sáu: câu chuyện Công Giáo bên nước Anh
Trần Mạnh Trác
21:29 26/09/2011
Ở bên ta, người ta thường nói :"có thực mới vực được đạo", nghĩa là phải lo ăn trước rồi mới nói đến chuyện đạo sau!

Không biết có chư vị "đỉnh cao trí tuệ" nào đã nghiên cứu cái đạo lý 'ăn uống' trên sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp nào không? Nhưng ớ một xứ vừa lạnh vừa sương mù là Anh Cát Lợi (gọi nôm na là nước Anh), các đức "Vit Vồ" (Gíam Mục) đã đi tới một kết luận chắc nịch là "phải nhịn ăn thì mới vực được đạo"!

Nhịn ăn đây là nhịn ăn Thịt. Sau 27 năm nới lỏng việc ăn uống ngày thứ Sáu, 'Giáo Hội Công Giáo tại Anh và xứ Wales' đã áp dụng lại luật "Kiêng thịt ngày thứ Sáu" kể từ ngày 19-9 vừa qua.

Không hiểu những bà con gốc gác xứ 'Đại Cồ Việt' sống nhờ ở nên Anh, có tâm tình gì khi phải ăn cá chiên chấm nước mắm trong ngày thứ Sáu? Riêng những người dân gốc Anh Quốc chính tông thì có vẻ phấn khởi lắm:

"Tôi nghĩ rằng đó là một ý tưởng rất tốt," ông Dominic Schofield tâm sự trước khi ngồi vào bàn ăn buổi tối ngày thứ Sáu với bà vợ Margaret, và ba cô con gái tại nhà riêng của ông ở London.

"Từ 20 đến 30 năm qua, chúng tôi có lẽ đã làm mất đi một số việc thực hành Công giáo và, dần dà, cả những niềm tin vào những điều cơ bản hơn cũng theo đó mà bị sứt mẻ đi. Vì vậy, khôi phục lại cái truyền thống Công giáo cổ xưa này, may ra có thể giúp đảo ngược được xu hướng đi xuống đó", theo lời ông Schofield.

Quyết định phục hồi cổ tục đã được các giám mục 'Anh quốc và xứ Wales' công bố vào tháng Năm, định rằng ngày 16 tháng 9 là ngày bắt đầu vì nó đánh dấu ngày kỷ niệm Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đến viếng Vương quốc Anh được tròn một năm.

Theo truyền thống Công giáo, việc kiêng thịt ngày thứ Sáu là một cách để nhắc nhở rằng Chúa Giêsu Kitô đã qua đời vào ngày đó trong tuần. Tuy nhiên, Giáo Hội tại Anh và xứ Wales đã bỏ luật buộc đó vào năm 1984.

Vào thời điểm đó, các giám mục nhấn mạnh rằng ngọai trừ việc kiêng thịt ra, các hình thức đền tội khác trong ngày thứ Sáu thì vẫn được phép thi hành. Tuy nhiên kết quả chung cuộc thì các việc đền tội ấy dường như cũng theo cái đà 'không còn kiêng thịt nữa' mà giảm đi hoàn toàn.

Linh mục Marcus Stock, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC ngày 16 tháng 9 nói: "Tôi nghĩ rằng ​​vào thời điểm đó người ta đã không nhìn thấy rằng giáo dân thường thực hiện các việc đó chung với nhau, và điều này (bỏ kiêng thịt) có thể dẫn đến sự mất mát của các việc đền tội khác".

Các giám mục còn hy vọng rằng việc kiêng thịt sẽ giúp thu hút những người khác vào Giáo Hội Công Giáo. Trong một tuyên bố hồi đầu tháng này, các giám mục đưa ra nhận xét rằng "những việc đạo đức truyền thống của Công Giáo như là làm dấu Thánh Giá một cách cung kính, đọc kinh Truyền Tin, cầu nguyện trước và sau bữa ăn, v.v., có thể lôi kéo mạnh mẽ người khác đến với đức tin. "

Ông Dominic Schofield đồng ý hòan tòan: "quyết định của các giám mục sẽ có giá trị mục vụ rất lớn."

"Ví dụ, nếu có ai hỏi 'Bạn có theo một chế độ ăn uống đặc biệt nào không?" Thì chúng ta có thể nói,' Có chứ, tôi không ăn thịt ngày Thứ Sáu. Tôi là một người Công Giáo! '"

Mặc dù Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ quy định lọai thực phẩm nào có thể dùng thay thế cho thịt, nhưng truyền thống chung là ăn cá vào ngày thứ Sáu. Việc ăn năn sám hối thì áp dụng cho tất cả những ai trên 14 tuổi, với một số trường hợp được miễn, như người có bệnh, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, những người lao động chân tay và những người đi biển.
 
Top Stories
Vietnam: Décès de Mgr Joseph Trinh Chinh Truc, évêque émérite de Ba Mê Thuôt
Eglises d'Asie
10:25 26/09/2011
Un faire-part de l’évêché de Ba Mê Thuôt a annoncé, le 23 septembre 2011, le décès à ce jour de Mgr Joseph Trinh Chinh Truc. Les obsèques devraient avoir lieu dans la cathédrale de Ba Mê Thuôt, le 27 septembre prochain. Elles devraient être présidées par l’évêque actuel, Mgr Vincent Nguyên Van Ban...

... Originaire de l’archidiocèse de Hanoi où il est né en 1925 dans la paroisse de But Dong, l’vêque aujourd’hui décédé a mené ses études secondaires au petit séminaire du diocèse, à l’époque de la seconde guerre mondiale, de 1939 à 1945. Après un stage pastoral en paroisse et les six ans de formation au Grand séminaire Saint-Sulpice de Hanoi, il fut ordonné prêtre le 31 mai 1954, 26 jours après la fin de la bataille de Dien-Bien-Phu, et plus d’un mois avant la fin de la première guerre du Vietnam et le grand exode vers le sud qui suivra.

Il accomplit son premier ministère sacerdotal à l’orphelinat Sainte-Thérèse-de-Hanoi, une institution fondée par le P. Paul Seitz, devenu évêque de Kontum en 1952. Lors de l’exode des catholiques du Nord Vietnam, après les accords de Genève, Joseph Trinh Chinh Truc accompagne l’orphelinat au sud, dans le diocèse de Kontum. Il est alors nommé vicaire à l’église du Sacré-Cœur de Ba Me Thuôt, qui deviendra ensuite la cathédrale lors de la création du diocèse.

Puis il est chargé successivement de plusieurs paroisses, et assume un temps la charge de directeur du petit séminaire. En 1967, lorsque Ba Me Thuôt est érigé en diocèse, il devient le vicaire général du premier évêque, Mgr Pierre Nguyên Huy Mai. En 1981, le pape le nomme évêque coadjuteur du diocèse. Il le restera pendant dix, devenant l’évêque en titre en 1990. Il prendra sa retraite en 2000.

C’est au mois de juin 1967 que l’immense diocèse des hauts plateaux du centre Vietnam fut divisé en deux : le diocèse de Kontum et celui de Ba Mê Thuôt. Ce dernier, qui recouvre aujourd’hui le territoire de la province de Dak Lak et une partie de celle de Binh Phuoc, est peuplé de près de deux millions d’habitants dont la majorité s’adonne à l’agriculture. En 2005, les catholiques y étaient 303 368, répartis en 52 paroisses. A cette époque, 79 prêtres y accomplissaient leur ministère, accompagnés de 280 religieuses et 51 religieux.

Depuis le 21 février 2009, c’est Mgr Vincent Nguyên Van Ban qui est évêque de ce diocèse.

(Source: Eglises d'Asie, 26 septembre 2011)

 
Holy Father's address to German Laity: ''The Church must constantly rededicate herself to her mission''
Libreria Editrice Vaticana
10:44 26/09/2011
FREIBURG, Germany, SEPT. 25, 2011 - Here is a Vatican translation of the address Benedict XVI delivered today when meeting with a gathering of Catholics active in the Church and society.

Dear Brother Bishops and Priests,

Ladies and Gentlemen,

I am glad to be here today with all of you who work in so many ways for the Church and for society. This gives me a welcome opportunity personally to thank you most sincerely for your commitment and your witness as "powerful heralds of the faith in things to be hoped for" (Lumen Gentium, 35 -- validi praecones fidei sperandarum rerum). In your fields of activity you readily stand up for your faith and for the Church, something that is not always easy at the present time.

For some decades now we have been experiencing a decline in religious practice and we have been seeing substantial numbers of the baptized drifting away from church life. This prompts the question: should the Church not change? Must she not adapt her offices and structures to the present day, in order to reach the searching and doubting people of today?

Blessed Mother Teresa was once asked what in her opinion was the first thing that would have to change in the Church. Her answer was: you and I. Two things are clear from this brief story. On the one hand Mother Teresa wants to tell her interviewer: the Church is not just other people, not just the hierarchy, the Pope and the bishops: we are all the Church, we the baptized. And on the other hand her starting-point is this: yes, there are grounds for change. There is a need for change. Every Christian and the community of the faithful are constantly called to change.

What should this change look like in practice? Are we talking about the kind of renewal that a householder might carry out when reordering or repainting his home? Or are we talking about a corrective, designed to bring us back on course and help us to make our way more swiftly and more directly? Certainly these and other elements play a part. As far as the Church in concerned, though, the basic motive for change is the apostolic mission of the disciples and the Church herself.

The Church, in other words, must constantly rededicate herself to her mission. The three Synoptic Gospels highlight various aspects of the missionary task. The mission is built upon personal experience: "You are witnesses" (Lk 24:48); it finds expression in relationships: "Make disciples of all nations" (Mt28:19); and it spreads a universal message: "Preach the Gospel to the whole creation" (Mk 16:15).

Through the demands and constraints of the world, however, the witness is constantly obscured, the relationships are alienated and the message is relativized. If the Church, in Pope Paul VI’s words, is now struggling "to model itself on Christ's ideal", this "can only result in its acting and thinking quite differently from the world around it, which it is nevertheless striving to influence" (Ecclesiam Suam, 58). In order to accomplish her mission, she will constantly set herself apart from her surroundings, she needs in a certain sense to become unworldly or "desecularized".

The Church’s mission has its origins in the mystery of the triune God, in the mystery of his creative love. Love is not just somehow within God, he himself is love by nature. And divine love does not want to exist in isolation, it wants to pour itself out. It has come down to men in a particular way through the incarnation and self-offering of God’s Son. He stepped outside the framework of his divinity, he took flesh and became man; and indeed his purpose was not merely to confirm the world in its worldliness and to be its companion, leaving it completely unchanged. The Christ event includes the inconceivable fact of what the Church Fathers call a commercium, an exchange between God and man, in which the two parties -- albeit in quite different ways -- both give and take, bestow and receive. The Christian faith recognizes that God has given man a freedom in which he can truly be a partner to God, and can enter into exchange with him. At the same time it is clear to man that this exchange is only possible thanks to God’s magnanimity in accepting the beggar’s poverty as wealth, so as to make the divine gift acceptable, given that man has nothing of comparable worth to offer in return.

The Church likewise owes her whole being to this unequal exchange. She has nothing of her own to offer to him who founded her. She finds her meaning exclusively in being a tool of salvation, in filling the world with God’s word and in transforming the world by bringing it into loving unity with God. The Church is fully immersed in the Redeemer’s outreach to men. She herself is always on the move, she constantly has to place herself at the service of the mission that she has received from the Lord. The Church must always open up afresh to the cares of the world and give herself over to them, in order to make present and continue the holy exchange that began with the Incarnation.

In the concrete history of the Church, however, a contrary tendency is also manifested, namely that the Church becomes settled in this world, she becomes self-sufficient and adapts herself to the standards of the world. She gives greater weight to organization and institutionalization than to her vocation to openness.

In order to accomplish her true task adequately, the Church must constantly renew the effort to detach herself from the "worldliness" of the world. In this she follows the words of Jesus: "They are not of the world, even as I am not of the world" (Jn 17:16). One could almost say that history comes to the aid of the Church here through the various periods of secularization, which have contributed significantly to her purification and inner reform.

Secularizing trends -- whether by expropriation of Church goods, or elimination of privileges or the like -- have always meant a profound liberation of the Church from forms of worldliness, for in the process she has set aside her worldly wealth and has once again completely embraced her worldly poverty. In this the Church has shared the destiny of the tribe of Levi, which according to the Old Testament account was the only tribe in Israel with no ancestral land of its own, taking as its portion only God himself, his word and his signs. At those moments in history, the Church shared with that tribe the demands of a poverty that was open to the world, in order to be released from her material ties: and in this way her missionary activity regained credibility.

History has shown that, when the Church becomes less worldly, her missionary witness shines more brightly. Once liberated from her material and political burdens, the Church can reach out more effectively and in a truly Christian way to the whole world, she can be truly open to the world. She can live more freely her vocation to the ministry of divine worship and service of neighbour. The missionary task, which is linked to Christian worship and should determine its structure, becomes more clearly visible. The Church opens herself to the world not in order to win men for an institution with its own claims to power, but in order to lead them to themselves by leading them to him of whom each person can say with Saint Augustine: he is closer to me than I am to myself (cf. Confessions, III, 6, 11). He who is infinitely above me is yet so deeply within me that he is my true interiority. This form of openness to the world on the Church’s part also serves to indicate how the individual Christian can be open to the world in effective and appropriate ways.

It is not a question here of finding a new strategy to relaunch the Church. Rather, it is a question of setting aside mere strategy and seeking total transparency, not bracketing or ignoring anything from the truth of our present situation, but living the faith fully here and now in the utterly sober light of day, appropriating it completely, and stripping away from it anything that only seems to belong to faith, but in truth is mere convention or habit.

To put it another way: for people of every era, not just our own, the Christian faith is a scandal. That the eternal God should know us and care about us, that the intangible should at a particular moment have become tangible, that he who is immortal should have suffered and died on the Cross, that we who are mortal should be given the promise of resurrection and eternal life -- to believe all this is to posit something truly remarkable.

This scandal, which cannot be eliminated unless one were to eliminate Christianity itself, has unfortunately been overshadowed in recent times by other painful scandals on the part of the preachers of the faith. A dangerous situation arises when these scandals take the place of the primary scandal of the Cross and in so doing they put it beyond reach, concealing the true demands of the Christian Gospel behind the unworthiness of those who proclaim it.

All the more, then, is it time once again for the Church resolutely to set aside her worldliness. That does not mean withdrawing from the world. A Church relieved of the burden of worldliness is in a position, not least through her charitable activities, to mediate the life-giving strength of the Christian faith to those in need, to sufferers and to their careers. "For the Church, charity is not a kind of welfare activity which could equally well be left to others, but is a part of her nature, an indispensable expression of her very being" (Deus Caritas Est, 25). At the same time, though, the Church’s charitable activity also needs to be constantly exposed to the demands of due detachment from worldliness, if it is not to wither away at the roots in the face of increasing erosion of its ecclesial character. Only a profound relationship with God makes it possible to reach out fully towards others, just as a lack of outreach towards neighbor impoverishes one’s relationship with God.

Openness to the concerns of the world means, then, for the Church that is detached from worldliness, bearing witness to the primacy of God’s love according to the Gospel through word and deed, here and now, a task which at the same time points beyond the present world because this present life is also bound up with eternal life. As individuals and as the community of the Church, let us live the simplicity of a great love, which is both the simplest and hardest thing on earth, because it demands no more and no less than the gift of oneself.

Dear friends, it remains for me to invoke God’s blessing and the strength of the Holy Spirit upon us all, that we may continually recognize anew and bear fresh witness to God’s love and mercy in our respective fields of activity. Thank you for your attention.

© Copyright 2011 - Libreria Editrice Vaticana
 
Văn Hóa
Hai bạn chân tình
Lm Vũđình Tường
05:46 26/09/2011
Từ ngày anh Tuấn dọn nhà đi, Thuận mất hẳn một bạn thân. Không còn ai để rủ nhau đi chơi.

Giờ Thuận và Thiên trở nên hai bạn thân. Đi đâu cũng có nhau. Thuận có biệt tài về banh đá. Thuận lại học trên Thiên hai lớp. Tuy học cùng trường nhưng mãi sau này mới thân nhau. Thiên học không giỏi lắm. Anh không biết đá banh, nhưng rất ghiền coi đá banh. Nhờ đó mà anh quen Thuận. Anh rất phục tài Thuận và cố tìm cách làm quen. Một hôm sau trận đá, Thiên chạy đến chỗ Thuận đứng nghỉ mời thuốc. Thuận cám ơn không hút làm Thiên tiu nghỉu. Quê quá, chàng cố lấp liếm: “Trận vừa qua anh có mấy cú đá hay tuyệt”. Thuận hỏi ngược lại làm Thiên lúng túng. Chàng cố moi óc nhớ lại xem chỗ nào. Không nhớ được anh phịa đại “hai lần ở hiệp đầu anh có những cú đá thật xuất sắc, chính nhờ vậy mà đội anh thắng.” Thuận được khen cũng thấy thích. Câu chuyện càng lúc càng lan man và cũng từ đó hai người thân nhau. Càng gần Thuận, Thiên càng mến chàng. Thuận là con người rất tình cảm, rất thật tình, tính tình trầm lặng, thích nghe hơn là nói. Ít nói đến độ có người cho là anh khinh người. Thiên cũng có cảm tưởng đó lúc đầu. Thiên thường cho rằng người có tài luôn kênh kiệu, tự cao, tự đại. Cần đám khán giả vỗ tay khuyến khích, cổ động, nhưng coi họ rẻ hơn trái banh xì. Thuận không phải là hạng người đó. Anh không dám làm quen trước, anh cũng không có tài về nói chuyện, chỉ dăm ba câu là hết ý. Tính anh lại cũng không vồn vã. Trên sân cỏ anh nhanh bao nhiêu, chững chạc bao nhiêu, nổi tiếng bao nhiêu thì ngoài xã hội anh là con người hoàn toàn khác. Thiên trở nên thân thiết vì cái cảm tình anh dành cho Thuận quá nhiều. Thuận tâm sự anh thành tài là phần lớn do cha anh. Ông có biệt tài về đá banh. Vì sự cạnh tranh giữa hai đội, đội nào cũng muốn có ông. Họ dùng đủ mọi hình thức mua chuộc và cuối cùng là hăm dọa. Theo đội nào cũng khổ, cũng mất tự do. Hai lần bị du đãng đánh. Cả hai đội cùng cử đại diện đến chia buồn và hứa bảo vệ. Ông chán nản và quyết định từ bỏ nghề. Lâu lâu đá giúp vui trong phường. Riết rồi không ai dám đấu thành ra ông lại về hưu non.

Ông tin vào gia truyền nên đã tập cho Thuận đá banh ngay từ khi còn nhỏ. Phần lớn trò chơi trong nhà là banh, lớn nhỏ đủ loại, đủ kiểu. Ông bắt Thuận tụng đi, tụng lại cách chận banh, cách đá xuôi, đá ngược, đá bổng vòng cầu. Khi thấy con đã khá ông cho Thuận gia nhập đội banh nhà trường. Để khuyến khích Thuận, ông dạy Thuận nhiều hơn nữa. Thuận phải thắng trong trận giao đấu đầu tiên. Theo ông trận đầu mà thắng thì đứa trẻ sẽ tự tin và do đó tài năng phát triển hơn. Đúng vậy, từ ngày đá thắng banh, Thuận ham thích học hơn và luyện tập kỹ trước khi đi đấu.

Đối với Thuận, phần thưởng đá banh không còn quan trọng nữa. Chàng muốn có một chiếc xe Honda. Những món quà tặng của nhà trường, của cha chàng giờ tầm thường lắm. Đã có lần Thuận ngỏ ý xin chiếc xe, cha chàng trả lời dứt khoát “công việc và phần thưởng đi đôi với nhau, con đấu nhỏ thì nhận giải thưởng nhỏ. Phần thưởng đó xứng với tài nghệ của con rồi.” Thuận suy nghĩ, nếu muốn có xe chàng phải đấu những trận lớn. Làm sao có trận lớn mà đấu, Thuận đem điều cha chàng nói kể cho Thiên nghe. Thiên không biết cách nào giúp, nhưng cũng hứa để giúp bạn đỡ buồn. Thiên đem chuyện này kể cho cha mẹ chàng, kết quả cũng chẳng đi tới đâu. Gặp ai quen Thiên cũng đem chuyện kể để mong có người mách lối. Thuận về kể cho cha nghe về ý định Thiên giúp chàng đi đấu những trận lớn. Cha Thuận tỏ ý hài lòng. Ông biết là nếu cứ đá ở phường này mãi thì đời thằng Thuận cũng bỏ đi. Khả năng của nó phải cỡ giao đấu Quốc tế, hoặc ít ra đội banh Vùng mới xứng đáng. Biết thế là một việc, còn làm được hay không là khác. Đời ông đã bao giờ đi đâu xa, cứ lẩn quẩn quanh đây để rồi bây giờ muốn giúp con cũng đành bó tay. Hôm nay Thiên không đi coi đá banh được. Chàng phải ở nhà đón bà con. Từ ngày quen Thuận, đây là lần đầu tiên Thuận đi đấu mà vắng mặt Thiên. Thiên định tâm, nếu người anh bà con đến đúng giờ, chàng sẽ rủ đi coi đá banh luôn thể.

Tuấn và Thiên thường chơi chung với nhau. Ngày Tuấn đi Thiên buồn chảy nước mắt. Hai đứa tuy là bà con nhưng lại thân nhau như bạn bè. Đi đâu cũng có nhau. Có cái kẹo cũng cắn làm đôi. Mua cây kem cũng mỗi đứa mút cái. Thời gian trôi đi, hai đứa không liên lạc được với nhau. Nếu có nhớ nhau thì nhắc tên nhau. Bây giờ chắc hẳn tình bạn đó đã vơi đi. Thiên đã có Thuận, người bạn tài banh đá thân nhất trong số bạn bè. Còn Tuấn dĩ nhiên là cũng chững chạc lắm, không hiểu hai người gặp lại nhau thế nào.

Tuấn chớp ngay cơ hội. Nhất định phải làm quen với thằng cầu thủ số bảy kia. Tuấn quay sang hỏi Thiên: “Em có biết người mang số bảy tên gì không? Nó đá khá đấy.” Thiên cướp lời vì chàng đang hãnh diện là bạn thân của Thuận. Sau một lúc khoe khoang, Thiên mới nói tới ý định của mình. Tuấn không ngần ngại gì mà không giúp. Tuy nhiên chàng còn làm bộ là khó khăn, mất thời gian v.v... Thật sự trong thâm tâm chàng như mở cờ trong bụng. Thiên đâu có biết Tuấn là Huấn luyện viên trong Câu lạc bộ Thanh niên Thủ đô. Nhìn cách đá của Thuận là Tuấn phục liền. Nếu Thuận được huấn luyện thêm về kỹ thuật chắc chắn anh ta sẽ tiến khá hơn. Cái tài là của Thuận, nhưng công lao của hướng dẫn viên không phải là nhỏ. Thuận nổi danh về banh; Tuấn nổi tiếng về luyện. Người đứng trung gian là Thiên. Mọi việc do Thiên lo liệu. Tất cả đều mừng, từ cha Thuận đến Thiên đến Tuấn. Mỗi người đều ôm cái lợi riêng của mình mà không có ai nói cho ai hay. Người ít lợi nhất là Thiên. Chàng không đặt lợi lộc cá nhân lên trên mà chỉ muốn giúp bạn. Thuận cũng chỉ thấy cái lợi là điều mình ước mong đã được toại nguyện. Tuấn dường như đắc chí nhất, tương lai có nhiều hứa hẹn lắm. Chỉ một thời gian ngắn dưới sự hướng dẫn của Tuấn, Thuận được gia nhập đội banh Quốc gia. Khả năng của Thuận dư sức được vô. Có khả năng là một; người dẫn nước đưa đường là việc khác, Tuấn nói thế. Từ ngày quen Thuận, uy tín của Tuấn tăng gấp bội. Chàng ngẫu nhiên trở nên tay huấn luyện viên kỹ thuật banh đá lừng danh. Lịch sử banh đá Việt Nam sẽ ghi tên chàng.

Khi hay tin Thuận được gia nhập đội banh Quốc gia, cha Thuận mua tặng cho chàng chiếc xe gắn máy như điều Thuận mong ước. Ông biết rằng con ông sẽ có cơ hội thành nhân. Thuận tiến rất nhanh trên đường sự nghiệp. Các vận động trường thu mối lợi lớn. Báo chí đăng tải hình ảnh chàng. Người ta bắt đầu nói đến ngôi sao sáng trong làng bóng đá. Một số phóng viên còn làm những thiên phóng sự. Họ phỏng vấn cha Thuận. Họ phỏng vấn Thiên và tất nhiên tên Thuận - Tuấn lúc nào cũng đi kèm trên mặt báo, Mặc dầu thế, cái khéo léo của Tuấn vẫn chưa đủ để đưa Thuận thành hàng cầu thủ Quốc tế. Có lẽ thời gian Thuận trở thành hội viên còn quá ít, hay họ muốn nuôi dưỡng mầm non một chút nữa cho có nhiều kinh nghiệm hơn, kỹ thuật cao hơn.

Đùng một cái, tin Thuận bị té xe gẫy chân làm chấn động dư luận. Kẻ cho rằng chàng thực sự té xe, kẻ khác cho rằng chàng bị hại. Báo chí tha hồ nêu nghi vấn. Người ta chỉ biết rằng Thiên đi mổ ruột dư, Thuận đến thăm và trên đường về thì bị nạn. Câu lạc bộ thể thao vẫn im hơi lặng tiếng. Tuấn cũng không biết gì hơn. Chỉ tiếc rằng ngôi sao vừa xuất hiện đã bị tắt. Thật uổng một tài danh.

Hai ngày sau Thuận tỉnh táo. Chàng không nhớ lấy một mảy may gì. Chàng cũng không biết là mình bị gẫy chân mãi cho đến khi muốn đi tiểu, lúc đó chàng mới biết là mình còn yếu, chân trái không cựa quậy gì được. Hai hàng nước mắt trào ra ở khoé mắt. Không ai hiểu chàng nghĩ gì. Đôi mắt nhắm lại cố tránh xúc động.

Xuất viện xong, Thiên về nhà thăm cha mẹ rồi đi gặp Thuận ngay. Hơn tuần lễ xa nhau, gặp lại nhau không ai nói một lời. Hai bàn tay nắm chặt, đôi mắt nhắm nghiền để mặc giọt nước mắt lăn dài trên má. Lúc sau, Thiên ngồi xuống cạnh giường ngó bạn, không ai nói lời nào. Chờ cho cơn xúc động lắng, chàng mới lựa lời khuyên bạn. Thuận chỉ chớp mắt chứ không hề hé răng. Ai hiểu được chớp mắt là đồng ý hay không đồng ý.

Cái ngày đau khổ nhất của Thuận là ngày cắt bột. Suốt thời gian qua chàng biết là bị gẫy chân nhưng vẫn còn chút hy vọng là sẽ khỏi và tiếp tục đường cũ. Sau khi cắt bột, nhìn lại chân trái chàng đâm tuyệt vọng. Không còn gì để mong nữa. Thiên hiểu ý bạn, mặc bạn nói gì cũng được, Thiên không chen vào, mặc kệ Thuận tự do nói cho bớt đau khổ, bớt buồn. Vài tờ báo đăng một tin hết sức khiêm nhường, cầu thủ sáng chói Thuận tuyên bố từ giã sân cỏ. Đấy là lần cuối cùng tên Thuận trên mặt báo đánh dấu sự chấm dứt một ước mơ. Để giúp Thuận đỡ buồn, Thiên luôn luôn ghé thăm bạn. Chàng hiểu Thuận chẳng thể nào một sớm một chiều quên được cái quá khứ vàng son. Thuận sẽ giữ nó mãi để làm kỷ niệm. Biết thế, Thiên giúp bạn sưu tầm những hình ảnh Thuận trên nhật báo và tuần báo thể thao. Những lúc đó, thời giờ hai người ngồi điểm lại kỷ niệm cũ. Thiên khuyến khích Thuận giải thích những bức hình chụp đăng trên báo. Thuận giải thích lý do, kỹ thuật của cú đá, cách trườn người để đá, vị thế của đôi chân và vị thế của đôi tay. Mỗi thứ có công việc riêng của nó và nó bổ túc cho nhau. Cú đá hay phải có kỹ thuật đá đã đành mà thế đá cũng giữ một phần rất quan trọng.

Càng giải thích Thuận càng say mê. Chưa bao giờ chàng nói nhiều như lúc này. Nói một cách say mê, nói không chán. Phải chăng trong những ngày đau đớn qua Thuận đã trải qua một cơn mơ, trải qua một sự suy nghĩ thật nhiều về lý thuyết đá banh. Một sự thay đổi lớn trong chàng làm biến đổi chàng hay là một sự nuối tiếc còn sót lại.

Cha Thuận biết chàng đau khổ nhưng không biết làm gì hơn để giúp Thuận. Ông nhờ đến Thiên, ông biết rằng hai đứa hợp tính nhau thì dễ thông cảm nhau. Ông nhờ Thiên mua dùm mấy cuốn sách về đá banh trao cho Thuận. Thuận đón sách như đón cả tấm lòng của bạn. Thuận đâu biết là cha chàng nhờ Thiên làm việc đó. Cái cử chỉ thân thiện lúc vui khoẻ cũng như khi hoạn nạn làm Thuận cảm động vô cùng. Tuấn thỉnh thoảng cũng đến thămThuận. Có một lúc nào đó Tuấn đã lợi dụng Thuận. Bây giờ luơng tâm không cho phép Tuấn làm điều đó. Tuấn cũng tìm cách giúp Thuận nhưng chưa tìm ra cách nào. Thuận nhờ có mấy người bạn an ủi, chàng cũng tạm chấp nhận hoàn cảnh mới. Thiên luôn nhắc Thuận là “Con người tài không phải vì đôi chân, đôi tay, nhưng là khối óc”. Càng nghĩ thấy nó càng đúng. Có khối óc làm nên sự nghiệp. Chàng phân tích câu nói đó. Đúng thế, người đánh máy đâu cần đôi chân. Anh chàng mù vẫn có thể gảy đàn. Ta mất một chân, tìm công việc gì cho thích hợp. Trở về với sách vở hay học nghề thủ công cần đôi tay. Nghĩ đến đây, Thuận phát sợ, nếu mình hư đôi tay thì làm nghề gì để sống? Tuổi còn trẻ thời gian còn quá lâu để chết.

Nhờ mấy cuốn sách về kỹ thuật đá banh, Thuận nhận thấy rằng họ viết còn nhiều điều thiếu sót. Chàng có ý định viết một cuốn về kinh nghiệm và kỹ thuật đá banh của riêng chàng. Thuận đưa ý kiến bàn với Thiên. Cả hai đồng ý. Công việc xúc tiến đều, cho đến một hôm Tuấn lại thăm, chàng mới phát giác ra là họ đang viết sách. Đọc qua bản thảo, Tuấn thấy văn chương lủng củng quá, chàng đề nghị sửa cho câu văn gọn hơn. Cả hai đều đồng ý vì mối lo chính của Thuận và Thiên là câu văn, nay Tuấn sửa cho thì còn gì bằng. Rốt cuộc cuốn sách mang tên ba người.

Mặc dầu báo chí đã quên lãng Thuận. Giới ham mộ thể thao vẫn còn mến chàng. Họ tiếc cho một cây măng bị gẫy quá sớm. Sách của chàng ra bán rất chạy. Chỉ trong vòng ba tháng đầu đã phải tái bản. Cũng nhờ cuốn sách này mà Thuận trở về hội bóng đá trở lại.Lần này chàng trở lại không phải để đá nhưng để tường thuật trên Radio về những trận đấu.

Riêng Thiên, chàng tuy không thành công trong việc học, nhưng chàng cũng tự hào vì đã giúp bạn thành công trong cuộc đời mới. Cha Thuận cũng nói với Thiên như vậy: “Không nhờ cháu thì thằng Thuận không biết đời nó sẽ ra sao?”

Lm Vũđình Tường

Parkville, Victoria, Úc Đại Lợi, ngày 5 tháng 2 năm 1987

TiengChuong.org
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Quà Rong
Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
21:44 26/09/2011
QUÀ RONG
Ảnh của Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền