Ngày 30-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:10 30/09/2016
32. ANH EM NÓI DỐI.
Ngày xưa có hai anh em thường hay nói dối khiến cho ai cũng ghét.
Một hôm người anh nói với đứa em:
- “Em và anh cần phải nhảy xuống trong hồ nước sạch, rửa đi sự nói dối thì mới có thể làm người được.”
Thế là người anh sau khi ngầm giấu một miếng thịt bò trong áo liền nhảy xuống hồ trước, thời gian không bao lâu thì bò lên bờ, nhai nhai cái gì trong miệng.
Đứa em hỏi:
- “Anh ăn gì vậy ?”
Người anh trả lời:
- “Anh vừa mới xuống thủy phủ, vừa đúng lúc long vương đãi tiệc mừng thọ nên cho anh một miếng (thịt) ngực của con bò.”
Đứa em vội vàng nhảy xuống hồ, không ngờ đụng phải tảng đá, đầu tét máu chảy. Người anh hỏi tại sao, đứa em nói với anh:
- “Anh ăn no mà tôi chịu khổ, anh lừa bịp để tôi ăn cắp miếng ngực bò; đúng là nói dối thì gây ra ác báo đáng bổ một búa vào đầu.”
(Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư 32:
Câu nói của đứa anh đáng để cho chúng ta nhớ đời: “Em và anh cần phải nhảy xuống trong hồ nước sạch, rửa đi sự nói dối, mới mong làm người được”, câu nói rất hay và rất đáng khâm phục, một câu nói mà ai nghe cũng phải cảm động, và rất dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm của họ. Thế nhưng, nói và hành lại không đi đôi với nhau, nói xong liền thực hành theo sự dối trá cố hữu của mình là lừa dối em mình.
Đời sống của chúng ta cũng như đứa anh trong câu chuyện tiếu lâm trên đây, lời nói và thực hành có những lúc không đi đôi với nhau.
Có người thường hay đi khuyên bảo người khác trở về với nhà thờ, mau mau đi xưng tội trong mùa chay, nhưng bản thân của họ thì vẫn chứng nào tật ấy, vẫn nói hành nói xấu người kia kẻ nọ, họ vẫn cứ tự cho mính là mẫu mực của những người tội lỗi và đi khuyên bảo người khác, họ nhìn thấy những khuyết điểm nhỏ nhặt của anh em, nhưng lại không thấy những cái xà to tổ bố của mình.
“Em và anh cùng nhảy xuống trong hồ nước sạch để rửa đi sự nói dối”, em và anh cũng có nghĩa là chúng ta, ai cũng có trách nhiệm với Chúa và với người khác về những thói hư tật xấu của mình, cho nên chúng ta cần phải thay đổi cách sống của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm.
Không ai có thể tự mình nên thánh nhưng phải nhờ ơn Chúa trợ giúp, do đó mà mọi người Ki-tô hữu đều có sự liên đới với nhau trong cùng một phép Rửa và một tấm bánh, đó chính là Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su. Khi chúng ta “cùng nhau nhảy xuống hồ nước sạch để rửa đi sự nói dối” là chúng ta đã cùng với anh chị em chấp nhận nhận nhau trong đức ái, để cùng nhau trở nên những người làm chứng cho sự thật, sự thật đó chính là đời sống siêu việt của người Ki-tô hữu là Tin và sống theo niềm tin của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:12 30/09/2016
Chúa Nhật 27 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 17, 5-10.
“Nếu anh em có lòng tin”.


Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy rõ bổn phận của người đầy tớ là phải làm những gì mà ông chủ phân công làm, nhưng quan trọng hơn đó là phải làm với một tinh thần trách nhiệm, để không những hoàn thành công việc được giao phó, mà còn bày tỏ tinh thần Phúc Âm trong việc làm của mình.

Trách nhiệm là yêu thương.
Không ai làm tròn trách nhiệm cách hoàn hảo nếu không yêu thương, và cũng không ai yêu thương cách trọn vẹn mà chểnh mảng công việc đã được giao phó. Đức Chúa Giê-su vì yêu thương Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại mà chu toàn công việc cứu chuộc cách hoàn hảo; các thánh tông đồ vì yêu thương mà đã hiến mạng sống mình để chu toàn mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su cách tuyệt vời dù với bao gian nan thử thách.

Trách nhiệm là hiểu rõ vai trò của mình trong thân phận làm người, nghĩa là biết rõ những hạn chế của khả năng mình mà cố gắng vươn lên để chu toàn bổn phận mà ông chủ -Thiên Chúa- đã giao phó cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

Đức Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta khi làm xong việc của mình, nếu có ai khen ngợi thì hãy nói rằng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, lời nói này bày tỏ một tâm tình khiêm tốn và yêu thương của người đầy tớ trung tín luôn làm hài lòng chủ của mình, những đầy tớ như thế sẽ không bao giờ bị mất việc trong nhà của chủ mình là Thiên Chúa toàn năng.

Trách nhiệm và khả năng
Con người ta ai cũng có một khả năng đáng nể mà Thiên Chúa đã ban cho, và với khả năng này, con người có thể thay Thiên Chúa làm ra những kỳ công để phục vụ anh em đồng loại, nhưng vì những việc kỳ diệu do con người làm ra ấy đã khiến cho con người không còn muốn làm loài thụ tạo nữa, nhưng muốn trở thành Thiên Chúa, tức là kiêu ngạo không nhìn nhận Thiên Chúa toàn năng là Đấng tạo thành vũ trụ.

Càng có khả năng thì càng phải thấy trách nhiệm của mình nhiều hơn nữa, để làm tốt và để đáp trả lại sự tín nhiệm mà Thiên Chúa đã dành cho mình. Khả năng thì chứng tỏ năng lực, nhưng sự quyết tâm làm hoàn thành công việc là bày tỏ một tâm hồn tận trung và yêu thương…

Dù ở trong chức vụ và cương vị nào chúng ta cũng cần phải luôn có tâm niệm rằng: mình chỉ là “đầy tớ vô dụng” của Thiên Chúa và của anh em chị em trong công tác mà không sợ xấu hổ và lạc hậu với tha nhân, bởi vì chỉ với tâm hồn như thế chúng ta mới từ sự trung tín trong công việc của một đầy tớ, trở thành người bạn hữu trung kiên của Ngài trong suốt cuộc sống của chúng ta.

Anh chị em thân mến,
Mỗi người chúng ta là một đầy tớ vô dụng trước mặt Thiên Chúa và anh chị em của mình, khi đến nhà thờ để cắm một bình hoa, quét nhà thờ, hoặc được giáo dân tín nhiệm bầu chúng ta làm trong ban hành giáo, thì đừng tự mãn nói rằng đó là do tài trí của mình, nhưng hãy khiêm tốn cảm tạ Thiên Chúa đã chọn mình là tên đầy tớ vô dụng vào làm trong nhà của Ngài.

Đầy tớ vô dụng là tôi, một linh mục đang làm trong vườn nho nhà Cha mình là giáo xứ; đầy tớ vô dụng cũng là anh là chị, những con người đang ngày đêm lăn lộn giữa đời để vừa đối mặt với đời vừa để làm chứng cho đức tin của mình; đầy tớ vô dụng đó là tất cả những ai tin Đức Chúa Giê-su là cứu chúa của mình, và nhận ra rằng chính Ngài đang bao dung và mời gọi mình vào làm công trong vườn nho của Ngài…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:15 30/09/2016

19. Trên thế gian không có một tặng vật nào giống như Thánh Thể, khiến cho tâm hồn người ta cháy lên lửa yêu mến Thiên Chúa.

(Thánh nữ Olympias)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Hiệu lực của kinh Mân Côi trong lịch sử Hội Thánh
Lm. Đan Vinh
14:55 30/09/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG

LỄ MÂN CÔI

Cv 1,12-14; Lc 1,26-38

HIỆU LỰC CỦA KINH MÂN CÔI TRONG LỊCH SỬ HỘI THÁNH

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 1,26-38.

(c 26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (c 27) gặp một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Đa-vít, Trinh Nữ ấy tên là Maria. (c 28) Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. (c 29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (c 30) Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (c 31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. (c 32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (c 33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

(c 34) Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” (c 35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (c 36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (c 37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

(c 38) Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

2. Ý CHÍNH:

Câu chuyện truyền tin của sứ thần Ga-bri-el cho đức Trinh nữ Maria biểu lộ tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Đức Maria cũng phải là thái độ mà các tín hữu chúng ta cần học tập nơi Mẹ khi lần chuỗi Mân Côi. Nhờ đó chúng ta sẽ có thể hiệp cùng Mẹ xây dựng hòa bình bằng việc chiến thắng ma quỷ, tội lỗi và các thói hư nơi bản thân mình.

3. CHÚ THÍCH:

- (c 26) + Gáp-ri-en: là một trong bảy Tổng Lãnh thiên thần (x. Tb 12,15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu Ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn 12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (Đn 8,16).

- (c 27) + Trinh nữ: Từ này không xác định về đức trinh khiết của Đức Maria, vì trinh nữ đơn giản chỉ là một cô gái chưa lấy chồng. Sự thanh khiết của Đức Maria được khẳng định qua lời thưa với sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Sở dĩ trinh nữ Maria được chọn cho thấy lời tuyên sấm của I-sai-a về một trinh nữ thụ thai và sinh con trai là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được ứng nghiệm nơi Đức Maria (x. Is 7,14 ; Mt 1,23). + Đã đính hôn: Từ khi đính hôn, Giuse và Maria đã được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này được kể là con chính thức của hai người. Tuy nhiên, theo phong tục trong xã hội Do Thái thì việc kết hôn chỉ hoàn tất khi họ đàng trai tổ chức lễ cưới đón rước cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). + Thuộc nhà Đavít: Chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế vì theo sấm ngôn của I-sai-a thì Đấng Cứu Thế phát xuất từ gốc là tổ phụ Giêsê cha của Đavít (x. Is 11,1) và nơi sinh của Người là Bê-lem, quê hương của vua Đavít (x. Mk 5,1). + Maria: hay Mi-ry-am, là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt, người ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Maria Mácđala (x. Lc 8,2-3); Maria Bêtania (x. Lc 10,39); Maria mẹ Giacôbê và Giôxép (x. Mt 27,56); Maria vợ ông Cơlôpát (x. Ga 19,25); Maria mẹ Gioan (x. Cv 12,12) và bà Maria thân mẫu Đức Giêsu (x. Cv 1,14).

- (c 28) + “Mừng vui lên”: Đây không phải là cách chào giữa những người dân bình thường, nhưng là lời chào đặc biệt chỉ dành cho những người được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “Đầy ân sủng”: Tước hiệu dành riêng cho Đức Maria, một người trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và luôn có Chúa ở cùng.

- (c 29) + “Bà bối rối và tự hỏi”: Khác với thái độ “bối rối sợ hãi” của Dacaria (x. Lc 1,12), ở đây Maria chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của lời Chúa vừa mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).

- (c 31) + Giêsu: nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay “Đấng Cứu Thế” (x. Lc 2,11).

- (c 32) + Con Đấng Tối Cao: Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các ông vua dòng tộc Đa-vít. Qua câu này, sứ thần ám chỉ Đức Giêsu là vua thuộc nhà Đavít. Người sẽ cai trị Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ vững bền mãi mãi.

- (c 34) + “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không ‘biết’ đến người nam!”: “Biết” theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao hợp vợ chồng”. Câu thắc mắc của Maria không chứng minh việc Maria đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh như có người lầm tưởng. Qua câu này, Maria chỉ thắc mắc làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay lúc này được, khi mà Maria mới chỉ đính hôn để làm vợ thánh Giuse về luật pháp, và chưa được Giuse tổ chức rước dâu về nhà.

- (c 35) + Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà...”: Sứ thần giải thích cho Maria hiểu việc thụ thai của Maria xảy ra do quyền năng Thánh Thần, để ứng nghiệm lời tuyên sấm của Isaia: Đấng Cứu Thế sẽ do một gái đồng trinh thụ thai và sinh ra (x. Is 7,14). + rợp bóng: Kiểu nói nhắc lại sự kiện đã từng xảy ra trong sa mạc, khi dân Do Thái vượt qua sa mạc để về Đất Hứa: Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân Người bằng cách cho cột mây “rợp bóng” che phủ Nhà Tạm và Lều Hội Ngộ (x. Xh 40,34-38). Ngoài ra, “rợp bóng” cũng ám chỉ sự bang trợ của Đức Chúa, giống như chim phượng hoàng sải cánh bao phủ và che chở con dân Ítraen của Người (x. Tv 17,8).

+ “Đấng Thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh”: “Thánh” nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, được hiến “thánh” dành riêng cho Thiên Chúa để thi hành sứ mạng cứu thế.

- (c 36) + Kìa bà Êlisabét...: Sứ thần chứng minh quyền năng của Thiên Chúa qua việc bà chị họ Ê-li-sa-bét, tuy đã cao tuổi và bị hiếm hoi, nhưng đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân thụ thai con trai và tới nay đã được sáu tháng.

- (c 38) +“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”: Khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Maria biểu lộ đức khiêm nhường và lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”: Maria đại diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, ngay sau lời thưa “Xin Vâng”, Thánh Thần đã tác động làm cho Maria thụ thai, mà không cần tới việc tri giao vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy trở thành Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Như vậy, Đức Giêsu chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con”, “Ngôi Hai” hay “Ngôi Lời” Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính: vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm.

HỎI: Thắc mắc của Đức Maria và của ông Dacaria (x. Lc 1,18) có giống nhau hay không?:

ĐÁP: Cả hai cùng đưa ra thắc mắc, nhưng trong hai tâm trạng khác nhau: Thắc mắc của Dacaria biểu lộ tâm trạng hoài nghi về quyền năng của Thiên Chúa, nên ông đã bị phạt cấm khẩu không thể nói được. Sự cấm khẩu này là dấu chỉ bà Êlisabét chắc chắn sẽ có thai cách khác thường (x. Lc 1,20). Còn lời thắc mắc của Đức Maria biểu lộ tâm trạng tin tưởng: Maria muốn tìm biết thánh ý Chúa để xin vâng. Do đó, Mẹ đã được sứ thần ca tụng là Đấng “đầy ân sủng” vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30), và Mẹ đã được bà Êlisabét khen ngợi: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).

4. CÂU HỎI: 1) Thánh Kinh cho biết có mấy Tổng lãnh thiên thần? Các Tổng lãnh thiên thần được nêu đích danh là những ai? Ý nghĩa của các tên gọi của các vị ấy là gì? 2) Tại sao Thiên Chúa lại chọn Maria đang là một “Trinh nữ” để làm mẹ Đấng Cứu Thế? 3) Lúc thưa “Xin vâng” để được thụ thai Đấng Cứu Thế do quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Maria đã kết hôn với thánh Giuse chưa? 4) Câu thắc mắc của Đức Maria khác với thắc mắc của ông Giacaria ra sao? 5) Sứ thần muốn nói gì qua câu: ”Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”?

II.SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

2. CÂU CHUYỆN:

1) KINH MÂN CÔI MANG LẠI BÌNH AN CHO HỘI THÁNH:

- Vào thế kỷ 13, ở miền Nam nước Pháp đã xuất hiện lạc thuyết Albigeois. Nhờ tràng chuỗi Mân côi do Đức Mẹ trao ban, nên chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã đưa được 150.000 người theo lạc giáo trở về cùng Hội Thánh Công Giáo.

- Thế kỷ 16, đạo Tin lành do linh mục Luther khởi xướng đã nổi lên mạnh mẽ và nhờ sự hỗ trợ của các lãnh chúa mà đạo Tin Lành lan tràn đi khắp các nước Âu châu. Nhưng dân thành Luxembourg vẫn trung thành với Hội Thánh Công Giáo. Một hôm rất đông người dân trong thành phố đã được mời tới nhà thờ để nghe một vị mục sư Tin lành nổi tiếng giảng thuyết. Khi vị mục sư bước lên tòa giảng trong nhà thờ, thì một giáo dân đã xướng kinh Mân côi và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng, khiến vị mục sư không thể bắt đầu buổi giảng. Cuối cùng ông đành phải bước xuống tòa giảng và rời nhà thờ. Chính nhờ kinh Mân Côi mà thành Luxembourg đã giữ vững được đức tin Công Giáo.

- Năm 1571, vua Thổ đã điều hằng ngàn chiến thuyền đi xâm chiếm các nước Âu Châu. Viên tướng chỉ huy đạo quân bách chiến bách thắng đã ngạo mạn đe dọa sẽ biến thành Rôma nước Ý và là thủ đô của đạo Công Giáo biến thành một cái chuồng ngưa. Bấy giờ Đức Giáo Hoàng Piô V một mặt kêu gọi các vua Âu châu đoàn kết chống đỡ, thành lập một đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha để ra tiền tuyến nghênh địch, mặt khác ngài cũng kêu gọi mọi người Công Giáo Âu châu siêng năng lần hạt Mân Côi để xin Mẹ Maria phù giúp.

Cuộc chiến tàn khốc đã diễn ra tại vịnh Lepante vào ngày 07 tháng 10. Tuy quân số ít oi ô hợp và vũ khí thô sơ, nhưng đạo quân thánh giá đã chiến thắng vẻ vang, chặn đứng được đà tiến của 10 ngàn chiến thuyền của quân Hồi Hồi được trang bị vũ khí hùng hậu. Từ Roma, khi nghe tin chiến thắng, Đức Piô V đã kêu gọi mọi người trong giáo triều đang hiện diện cùng nhau dâng lời tạ ơn Chúa, vì chính nhờ lời cầu bầu đắc lực của Mẹ Mân Côi mà Hội Thánh đã thoát khỏi cơn đại nạn bị tiêu diệt. Sau đó, Đức Piô V cũng đã truyền thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng 10 hằng năm để tỏ lòng biết ơn Chúa và ghi nhớ biến cố lịch sử này.

- Trước năm 1917, nước Bồ Đào Nha ở vào tình trạng bị suy thoái nặng nề về đức tin. Hội Thánh Công Giáo đã bị bè phái Tam Điểm bách hại. Một số nhà thờ bị phá hủy, nhiều linh mục và tu sĩ bị chính quyền theo phái Tam Điểm bắt bớ, rất nhiều hội đoàn nổi lên chống đối Hội Thánh. Thế nhưng từ khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ em tại làng Fatima, kêu gọi thực thi ba mệnh lệnh, trong đó chủ yếu là năng lần hạt Mân Côi, thì Hội Thánh tại Bồ Đào Nha đã dần được bình an. Rất nhiều hoạt động cổ võ việc lần hạt Mân Côi đã xuất hiện để xin Mẹ Thiên Chúa cầu bầu cho quê hương đất nước. Từ đó đến nay Bồ Đào Nha trở thành cái nôi của kinh Mân Côi.

Các biến cố nói trên cho thấy phép lần hạt Mân Côi chính là một phương thế hữu hiệu mang lại sự bình an cho Hội Thánh và cho mọi tín hữu. Mỗi lần hiện ra tại Lộ Đức (Pháp) hay tại Fatima (Bồ đào nha), Đức Mẹ đều kêu gọi mọi người hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Ở đâu người ta siêng năng lần hạt Mân Côi thì ở đó Hội Thánh sẽ được bình an. Các gia đình nào năng đọc kinh Mân Côi trong giờ kinh tối gia đình, thì gia đình đó sẽ được hòa hợp hạnh phúc.

2) ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU NHỜ MẸ MARIA (AD JESUM PER MARIAM):

Vào một buổi chiều đông lạnh giá, PHUNTƠN (FULTON OURSLER), một tín hữu đã bị mất đức tin và bỏ đến nhà thờ trong nhiều năm, bấy giờ đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp phải quá nhiều vấn đề khó khăn nan giải. Khi đi ngang qua đại lộ nơi có Nhà Thờ Chính Toà của thành phố Nữu Ước, tự nhiên ông cảm thấy như có một sức mạnh vô hình đã lôi cuốn ông đi vào nhà thờ và đẩy ông đến quỳ gối trước tượng Đức Mẹ. Sau một lát im lặng, Phuntơn tự nhiên thốt ra một lời cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Maria, có thể chỉ một lát nữa thôi là con sẽ lại đổi ý để tiếp tục bài bác chế diễu các việc đạo đức con đang làm, và trở lại con đường vô tín như cũ. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con đang gặp muôn vàn khó khăn nan giải. Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giêsu ban thêm đức tin cho con”. Ngay lúc đó Phuntơn cảm thấy một điều lạ lùng kỳ diệu đã xảy ra nơi bản thân, biến ông trở thành một con người mới: Ông đã có lại đức tin và sau đó từng bước hóa giải được mọi vấn đề khó khăn gặp phải! Từ đây, ông luôn sống kết hiệp với Mẹ Maria để làm chứng cho Chúa Giêsu bằng một lối sống khiêm nhường, cậy trông phó thác và đầy vị tha bác ái. Chính nhờ Mẹ mà Phuntơn đã đến được với Chúa Giêsu.

3) ĐỨC TIN GẮN LIỀN VỚI KINH MÂN CÔI:

Trên một chuyến xe lửa về Paris, một anh sinh viên trẻ tuổi ngồi bên một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, anh thấy cụ già rút từ trong túi áo ra một tràng chuỗi mân côi và từ từ chìm đắm trong lời cầu nguyện. Chàng sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, khi cụ già đã đọc kinh xong, chàng ta liền lên tiếng:

- Thưa ông, nếu cháu không lầm thì ông vẫn còn tin vào những chuyện tôn giaó nhảm nhí ấy chứ?

Cụ già bình tĩnh trả lời:

- Đúng thế, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?

Chàng sinh viên nở một nụ cười ngạo mạn và nói:

- Lúc còn nhỏ cháu có tin, nhưng bây giờ sau khi đã học lên đại học, cháu làm sao còn tin được những chuyện nhảm nhí ấy nữa. Khoa học đã thực sự mở mắt cho cháu. Ông cứ tin cháu đi, hãy quăng chuỗi tràng hạt kia đi, và hãy học để biết thêm những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng những gì ông đã tin từ trước đến giờ đều chỉ là mê tín cả.

Cụ gìa bình tĩnh hỏi chàng sinh viên:

- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học. Cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều nầy không?

Chàng sinh viên liền hăng hái đề nghị:

- Ông cứ cho cháu biết địa chỉ của ông, cháu sẽ gởi đến cho ông những quyển sách mới. Ông sẽ tha hồ đi vào thế giới của khoa học.

Cụ già từ từ rút trong túi áo ra một tấm danh thiếp và trao cho chàng sinh viên. Vừa đọc qua danh thiếp, anh chàng liền tái mặt vì xấu hổ, anh lặng lẽ đi sang toa tàu khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp của cụ già có ghi hàng chữ: “Louis Pasteur - viện nghiên cứu khoa học Paris”.

4) KHI GẶP NGUY KHỐN HÃY ĐỌC KINH MÂN CÔI ĐỂ ĐƯỢC MẸ CỨU GIÚP:

a) Năm 1507, ông VALENTINÔ bị một bọn cướp bắt cóc tống tiền. Chúng đã xiềng chân và xích tay ông, rồi giam ông trong một ngọn tháp cao tối tăm hôi hám. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, Valentinô và gia đình ở nhà luôn tin cậy lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Rồi một ngày kia, sau khi đọc kinh Mân Côi, ông vô cùng bỡ ngỡ khi thấy xiềng xích chân tay đều tự bung ra. Bấy giờ ông đã lần mò trong bóng tối, gõ tay vào tường của cây tháp, đến một chỗ ông chỉ nghe bục bục. Ông đẩy mạnh và viên đá đã nhúc nhích. Ông vội cậy viên đá ra và đã tìm được lối thoát ra ngoài bình an. Phải chăng chính Đức Mẹ đã cầu cùng Chúa ra tay giải thoát ông.

b) Kinh Mân côi không phải chỉ cứu người ta về phần thể xác, mà còn cứu chữa về phần hồn nữa: HÉLÈNE là một nàng kỹ nữ đã làm cho bao nhiêu người đàn ông phải chết mê chết mệt. Ngày kia nàng ta đã theo một người bạn vào bên trong một nhà thờ, gặp ngay lúc vị linh mục đang giảng về hiệu lực của kinh Mân côi. Trở về nhà, nàng nhờ người mua một cỗ tràng hạt, và âm thầm lần hạt mỗi ngày vì sợ bị cười nhạo. Ít lâu sau, nàng được Chúa ban ơn lòng được bình an mỗi khi lần hạt. Sau đó, nàng đã được Chúa ban ơn ăn năn sám hối, tình nguyện dâng mình cho Đức Mẹ, và đã sống một cuộc sống thánh thiện cho đến chết.

c) Một bà nọ thuộc hàng quí tộc, một hôm bị bệnh nặng hấp hối gần chết. Người nhà liền đến mời Đức Cha DUPANLOUP đến thăm và ban các bí tích sau hết. Sau khi hoàn tất, bệnh nhân đã bình thản hỏi: “Thưa Đức Cha, liệu con có được ơn cứu độ không?”- “Cha hy vọng là được”. Bấy giờ bệnh nhân liền nói cách xác tín: “Phần con, con tin chắc con sẽ được hưởng ơn cứu độ của Chúa”. Đức Cha ngạc nhiên hỏi lại: “Sao con lại tin chắc như thế?” Bệnh nhân trả lời: “Thưa Đức Cha, từ ngày còn bé đến nay, mỗi ngày con đều lần hạt Mân Côi, trong kinh Kính Mừng có lời cầu xin Mẹ Thiên Chúa thương cứu con khi nay và trong giờ lâm tử. Lẽ nào bây giờ lúc con sắp chết Mẹ lại ngoảnh mặt không cầu cùng Chúa cho con được ơn cứu độ?”.

3. THẢO LUẬN: 1) Noi gương Thánh Mẫu Maria xưa, mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để có thể thưa “Xin Vâng” thánh ý Thiên Chúa, dù gặp nhiều tai nạn, rủi ro, thất bại hay những điều trái ý cực lòng? 2) Bạn nên làm gì để động viên người khác cũng xin vâng ý Chúa khi gặp điều rủi ro như: thi rớt đại học, người thân mới qua đời, gặp tai nạn giao thông phải nằm bệnh viện, làm ăn thua lỗ thất bại...?

4. SUY NIỆM:

Hôm nay là Lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta vừa nghe Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38) kể lại sự việc sứ thần Gáp-ri-en hiện đến truyền tin cho Trinh Nữ Maria. Câu chuyện này cho chúng ta thấy tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Trinh Nữ Maria chính là thái độ mà Hội Thánh muốn các tín hữu chúng ta thực hiện khi đọc kinh Mân Côi noi gương Đức Mẹ. Vậy Cấu trúc của kinh Mân Côi là gì? Cần có tâm tình nào khi đọc kinh Mân Côi? Kinh Mân Côi mang lại hiệu quả thế nào?

1) VỀ CẤU TRÚC CỦA KINH MÂN CÔI:

Kinh Mân Côi gồm hai phần là miệng đọc kinh và lòng suy niệm các mầu nhiệm:

a) Phần kinh đọc:

- Kinh Lạy Cha do Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa Cha.

- Kinh Kính mừng phần đầu là lời thiên sứ Gáp-ri-en (x. Lc 1,28) và lời bà Isave chào chúc Đức Mẹ (x Lc 1,41-42). Phần sau ”Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…” là do Đức Piô V cho thêm vào kinh Kính Mừng năm 1569.

- Kinh Sáng Danh là lời ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa cũng được Đức Piô V thêm vào.

b) Phần suy niệm: Suy ngắm các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

- Đầu tiên chỉ có 15 mầu nhiệm chia thành 3 phần là năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng. Gần đây Đức Gioan Phaolô II thêm 5 sự Sáng là những sự kiện xảy ra trong thời gian Chúa Giêsu đi giảng đạo.

- Nếu đọc kinh Mân côi mà không suy niệm các mầu nhiệm kèm theo thì giống như con người chỉ là xác mà không có hồn. Đức Mẹ Fatima dạy: "Phải đọc kinh Mân côi và suy ngắm các mầu nhiệm".

2) THEO GƯƠNG ĐỨC MARIA:

Điểm quan trọng mà Hội Thánh muốn các tín hữu noi gương Đức Mẹ trong lễ Mân Côi là thái độ cậy trông, phó thác và vâng phục thánh ý Thiên Chúa như sau:

- “Xin vâng”: Trái với sự kiêu ngạo, không vâng lời Thiên Chúa của bà Evà khi kết hợp với ông Ađam trong vườn địa đàng khi xưa, Đức Maria là Evà Mới thời Tân Ước đã cộng tác với Ađam Mới là Chúa Giêsu để lắng nghe Lời Chúa, khiêm tốn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa và cúi đầu “Xin Vâng”. Ngay sau lời thưa này, Chúa Thánh Thần đã tác động làm cho Đức Maria thụ thai, như kinh Truyền Tin: “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng tôi”. Từ đây, Đức Maria hằng ghi nhớ các sự việc đã xảy ra và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,19). Ngay sau khi thụ thai Mẹ đã lập tức đem Thai Nhi Cứu Thế đến thăm gia đình Giacaria, làm cho thai nhi Gioan mới 6 tháng tuổi đã nhảy mừng trong lòng mẹ là bà Isave (x. Lc 1,41). Nhất là Mẹ còn thể hiện sự “xin vâng” khi đứng dưới chân thập giá để hiệp dâng người Con yêu là Chúa Giêsu lên cho Thiên Chúa hầu góp phần cứu độ loài người.

- Phó thác: Qua biến cố truyền tin, chúng ta cũng noi gương Mẹ để biết cậy trông phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Ngày nay việc giúp những người vô tín nhận biết Thiên Chúa, cũng như giúp các tội nhân bỏ các thói hư và xóa bỏ khỏi môi trường sống các tệ nạn xã hội như sì-ke ma túy, cờ bạc đĩ điếm, lừa đảo cướp giật... không dễ thực hiện, nhưng cũng không khó đối với Thiên Chúa, vì: “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Vậy để việc tông đồ truyền giáo đạt kết quả, chúng ta cần noi gương Mẹ Maria năng cầu nguyện với Chúa Giêsu và làm theo lời Người dạy, như Mẹ đã yêu cầu các người giúp việc trong tiệc cưới Cana vâng lời Chúa Giêsu: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,3-5).

- Tất cả đều là hồng ân: Khi gặp điều may lành, chúng ta dễ dàng tạ ơn Chúa. Nhưng ngay cả những lúc gặp cơn gian nan thử thách, chúng ta cũng phải sẵn sàng thưa “Xin Vâng”, vì biết rằng: mọi sự Chúa để xảy ra đều có ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta. Vì Chúa có thể “rút từ sự dữ ra sự lành”, Ngài không bao giờ triệt đường của chúng ta như người ta thường nói: “Chúa đóng cửa chính, nhưng lại mở cửa sổ” và lời thánh Phaolô dạy: “Tất cả đều là hồng ân” (x. 1 Cr 15,10).

3) NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN:

Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta khẳng định có một mối liên hệ sâu xa giữa hai tước hiệu của Mẹ là “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi” và “Nữ Vương Ban Sự Bình An”. Qua đó chúng ta rút ra bài học: muốn sống trong bình an, người ta không thể xao lãng việc lần hạt Mân Côi.

Kinh Mân Côi chính là một khí cụ mang lại ích lợi cho mọi thành phần dân Chúa: Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi sẽ đem lại sức mạnh tinh thần; Ai đang sống trong tội lỗi, Kinh Mân Côi sẽ giúp họ nhận được ơn tha thứ của Chúa; Ai đang gặp phải rủi ro bất hạnh, Kinh Mân Côi sẽ giúp họ tìm ra phương thế đạt được hạnh phúc; Ai đang khô khan nguội lạnh, Kinh Mân Côi sẽ giúp ánh lửa tin yêu còn ẩn giấu trong lòng họ sẽ được bùng lên thành ngọn lửa tin yêu Chúa... Vì kinh Mân Côi chính là phương thế Chúa ban qua lời Mẹ cầu bầu, để mang lại niềm vui, sự bình an và hạnh phúc đến cho loài người.

5. LỜI CẦU:

Lạy Mẹ Mân Côi, “Nữ Vương Hòa Bình”, xin giúp chúng con biết siêng năng lần hạt Mân Côi. Nhờ đó, chúng con sẽ cộng tác với Mẹ xây dựng hòa bình và tích cực góp phần cứu độ thế giới, bắt đầu từ bản thân, rồi đến gia đình, khu xóm, giáo xứ, đất nước và ra đến toàn thể nhân loại. Xin cho chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa để hiệp cùng Mẹ, mỗi ngày chúng con sẽ cải tạo môi trường sống ngày càng an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn, hầu Nước Trời bình an hạnh phúc mau xuất hiện theo đúng thánh ý Thiên Chúa.

X. HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM
 
Tin yêu và khiêm nhường phục vụ
Lm. Đan Vinh
14:56 30/09/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN C

Kb 1,2-3;2,2-4 ; 2Tm 1,6-8.13-14 ; Lc 17,5-10

TIN YÊU VÀ KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 17,5-10

(5) Các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. (6) Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. (7) Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi !”, (8) chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !” (9) “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? (10) Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.

2. Ý CHÍNH: Nhân việc các Tông đồ xin Đức Giêsu ban thêm đức tin, Người đã đề cao sức mạnh của một đức tin đích thực. Qua dụ ngôn về một người đầy tớ luôn vâng lời và khiêm tốn, Người muốn các ông phải tránh thái độ công thần, đòi phải được Chúa trả công ngay ở đời náy, nhưng phải biết khiêm tốn phục vụ, chu toàn sứ vụ rao giảng Tin mừng với tinh thần vô vụ lợi.

3. CHÚ THÍCH:

- C 5-6: + Tông đồ: Ở đây đức Giêsu nói riêng với nhóm Tông đồ chứ không phải nói chung với các môn đệ. Tông đồ là tước hiệu dành riêng cho Nhóm 12 được Đức Giêsu tuyển chọn từ nhóm 72 môn đệ (x. Lc 10,1; 6,12-13). Các Tông đồ phải từ bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giêsu và sau này sẽ được Người trao quyền lãnh đạo đoàn chiên và được sai đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. + Xin thêm lòng tin cho chúng con: Đứng trước những đòi hỏi của Luật Mới (x. Lc 17,1-4) và sứ vụ phải mở rộng Nước Thiên Chúa, các Tông đồ cảm thấy bất lực. Các ông đã xin Đức Giêsu gia tăng thêm lòng tin vốn đang yếu kém của các ông (x. Lc 8,25). Các ông xin Người mở rộng tâm hồn để đón nhận ánh sáng đức tin. + “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải”: Hạt cải là loại hạt giống nhỏ nhất (x. Mt 13,32). Khi so sánh lòng tin với hạt cải, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh về phẩm chất hơn số lượng của đức tin. Một sự phó thác dù nhỏ bé đến đâu, nếu được thực hiện trong đức tin, thì vẫn có thể làm được những điều lớn lao kỳ diệu. Vì bấy giờ người ta làm không phải do sức riêng mình, nhưng là nhờ quyền năng Thiên Chúa. + “Thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”: Cây dâu là một cây đại thụ, rễ của nó rất lớn và nó có thể sống tới 600 năm. Nhưng chỉ một lời phát xuất từ niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, thì cũng có thể bứng cây đó khỏi mặt đất để xuống mọc trong lòng biển Galilê (x. Mt 17,20). Ơ đây Đức Giêsu không khuyến khích người ta cầu xin những phép lạ giật gân, và chắc không bao giờ Người lại di dời cây dâu để trồng xuống dưới biển. Vì Người luôn từ chối làm phép lạ để chứng minh Người là Con Thiên Chúa như các đầu mục Do thái nhiều lần yêu cầu. Đây chỉ là một kiểu nói nhằm đề cao sức mạnh của lòng tin mà thôi.

- C 7-8: + Có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên...: Theo tập tục thời đó, người đầy tớ không được tự do làm việc theo ý mình, nhưng phải luôn làm theo ý chủ. Ở đây, người đầy tớ vừa cày ngoài ruộng về, hoặc vừa dẫn chiên từ đồng cỏ về nhà. Ông chủ đòi anh ta phải tiếp tục phục vụ bữa ăn tối cho ông. Bổn phận của người đầy tớ là phải làm hết việc này sang việc khác theo ý chủ.

- C 9-10: + Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ?: Qua hình ảnh đầy tớ. Đức Giêsu muốn dạy người làm việc cho Chúa không được vênh vang đòi Chúa phải đền ơn sau khi anh ta làm xong nhiệm vụ của mình. Trái lại, họ cần ý thức thân phận tôi tớ thấp hèn của mình để sẵn sàng làm mọi việc theo lệnh Chúa truyền. + “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”: “Đầy tớ vô dụng” không có nghĩa là không làm được gì. Ở đây, “đầy tớ vô dụng” là một kiểu nói cường điệu ám chỉ “mang thân phận hèn kém”. Người Tông đồ cần tránh thái độ “công thần”. Vì các thành quả tuy bề ngoài do các ông làm, nhưng thực sự đều nhờ ơn Chúa giúp, như lời Người phán: “Không có Thầy, anh em không làm được gì” (Ga 15,5). Thánh Phaolô cũng khiêm tốn nhận rằng: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Tóm lại, khi rao giảng Tin Mừng ta cần phải biết noi gương khiêm hạ của Đức Giêsu (x. Pl 2,6-8).

4. CÂU HỎI: 1) Tông đồ là những ai ? 2) Tại sao các ông lại xin Đức Giêsu gia tăng thêm lòng tin ? 3) Khi so sánh đức tin với hạt cải, Đức Giêsu muốn dạy điều gì ? 4) Đức Giêsu nói về sức mạnh của một đức tin chân chính qua câu nói nào ? 5) Tại sao Người lại muốn các Tông đồ phải tránh thái độ “công thần” ? 6) Tại sao Đức Giêsu muốn các Tông đồ phải luôn tự nhủ: mình chỉ là “những đầy tớ vô dụng”?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5).

2. CÂU CHUYỆN:

Ngày nay, trên thế giới, ít có người không biết đến tên Mẹ TÊRÊSA CAN-QUÝT-TA. Mẹ là một nữ tu đã được tặng nhiều giải thưởng cao quý nhất: Năm 1963, Ấn Độ đã tặng Mẹ giải thưởng “Bông Huệ Tuyệt Vời”; Phi-líp-pin thì tặng giải thưởng Mas-say-say; Năm 1974 Rôma tặng Mẹ giải “Hòa Bình Gioan 23” và đến năm 1979, Mẹ được tặng giải No-ben Hòa Bình thế giới. Mẹ đã qua đời vào năm 1997 hưởng thọ 87 tuổi. Dù chỉ là một nữ tu không chút địa vị quyền hành, không có bao nhiêu tiền bạc hay thế lực... thế mà khi qua đời, Mẹ đã được nhiều vị đứng đầu quốc gia như Tổng Thống, Cựu Chủ Tịch Nhà Nước của các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ... hay các nước nhỏ như Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia... hiện diện hay cử đại biểu đến dự lễ an táng, tiễn đưa Mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Vào năm 1948, Mẹ đã nhìn thấy một người đàn bà đang đói ăn và đứa con nhỏ mới sinh đang nằm bên một đống rác hôi thối, ruồi nhặng bu đầy chung quanh. Cảnh ấy làm Mẹ xúc động như nhìn thấy Đức Giêsu đang bị bỏ rơi trên cây thập giá. Từ đó Mẹ đã quyết hiến trọn cuộc đời để phục vụ những người cùng khổ. Họ là những người đang bị bệnh hoạn, đói rách và nằm trên các hè phố hay bãi rác công cộng để chờ chết mà không được chăm sóc tử tế. Mẹ đã mang họ về nhà dòng và phục vụ họ thật chu đáo, cho đến khi qua đời. Nhờ lời cầu nguyện và sự cộng tác giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm. Mẹ và các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái đã lập được gần 300 nhà hấp hối như thế. Cuộc đời và công việc của Mẹ Têrêsa, một nữ tu nghèo nhưng đã làm được những việc lớn lao phi thường nhờ đức tin, minh chứng cho Lời Chúa dạy hôm nay: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Vậy đức tin là gì? Tại sao chúng ta phải xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta?

3. SUY NIỆM:

Nhân việc các Tông đồ xin Đức Giêsu ban thêm đức tin, Người đã cho biết đức tin là hồng ân nên các ông phải biết cầu xin Thiên Chúa ban cho. Tiêp đen Người đề cao sức mạnh của một đức tin đích thực. Qua dụ ngôn về một người đầy tớ luôn vâng lời và khiêm tốn, Đức Giêsu muốn các ông phải tránh thái độ “công thần”, tự hào đòi Chúa phải trả công ngay, nhưng phải biết khiêm tốn phục vụ, chu toàn sứ vụ rao giảng Tin mừng với tinh thần vô vụ lợi.

1) “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”:

- Đức tin do Chúa ban: Trong cuộc sống chúng ta thường nghe nói: “Vô tri bất mộ” - Không biết sẽ không yêu. Tuy nhiên lời Chúa hôm nay lại cho thấy về phạm vi đức tin không giống như vậy: Các Kinh sư và các biệt phái tuy am hiểu Kinh Thánh, nhưng họ đâu có tin Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, đang khi những người ngheo đói, bệnh tật, tội lỗi… tuy ít học, nhưng lai vững tin nơi Nguời. Như vậy cho thấy đức tin không luôn đi đôi với sự khôn ngoan thế gian nhưng là một ơn ban của Chúa, như lời Đức Giêsu đã ngợi khen Chúa Cha: “Lay Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Do đó, muốn có đức tin vững mạnh chúng ta phải cầu xin như các Tông đồ trong Tin Mừng hôm nay đã xin với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5).

- Sức mạnh của đức tin: Tiếp theo, Đức Giêsu đã đề cao sức mạnh của đức tin khi nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Nói câu này, Đức Giêsu không khuyến khích các Tông đồ làm phép lạ cho người ta tin, nhưng Người muốn các ông ý thức về sức mạnh của một đưc tin đích thực. Nếu có đức tin vững vàng, chúng ta sẽ làm được những việc lớn lao vượt quá khả năng giới hạn của chúng ta như Đức Giêsu đã hứa: “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” (Ga 14,12-13).

- Thành quả của đưc tin: Quả thật, sau khi Đức Giêsu lên trời, nhờ quyền năng Thánh Thần, các Tông đồ đã thực hiện được nhiều dấu lạ: Sau bài giảng của Simon Phêrô, đã có ba ngàn người xin tòng giáo. Các Tông đồ còn làm nhiều phép lạ trên những người tin (x. Cv 2,41; 5,12-16). Như vậy, đang yếu đuối, các ông đã nên mạnh mẽ nhờ cậy nhờ vào ơn Chúa giúp. Về vấn đề này, thánh Phaolô viết : “Chúa quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi… Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10c).

2) Đưc tin phải đi đôi với sự khiêm tốn phục vụ:

-Phục vụ cách khiêm tốn: Người tín hữu phải biết phục vụ Chúa và tha nhân cách khiêm tốn vô điều kiện, giống như một người đầy tớ, sau khi đã đi cày hay đi chăn chiên về, sẽ tự thấy có bổn phận phải tiếp tục phục vụ bữa tối cho chủ, rồi sau cùng mới được ăn.

-Phải tránh thái độ “công thần”: Đức Giêsu đã dạy các môn đệ: "Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17,10). Phải tránh thái độ vênh vang “công thần”, nghĩa là tự hào về công khó của mình để đòi Chúa phải trả công như người biệt phái trong dụ ngôn hai người lên Đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18,11.13).

3) Chúng ta phải làm gì ?

-Xin thêm đức tin: Noi gương các Tông đồ xưa, chúng ta hãy năng cầu xin Chúa: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5). Chính nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ làm được những điều lớn lao. Chẳng hạn: Sẽ giúp cho nhiều tội nhân hồi tâm trở về; Sẽ giúp nhiều người lương nhận biết tin thờ Thiên Chúa; Sẽ kêu gọi được nhiều người rộng rãi đóng góp công sức tiền bạc để làm các việc từ thiện bác ái lớn lao, noi gương Mẹ Têrêsa Canquýtta đã làm. Đàng khác, Tin và yêu luôn phải đi đôi với nhau: Có yêu Chúa nhiều thì mới tin vững vào Chúa được. Do đó, ngoài việc năng cầu xin Chúa ban thêm đức tin, chúng ta còn phải xin Chúa ban thêm lòng yêu mến Chúa nữa.

-Loan Tin Mừng bằng việc bác ái: Ngày nay, loan báo Tin Mừng không những phải dựa vào ơn Chúa giúp, mà còn phải khiêm nhường dấn thân phục vụ tha nhân noi gương Chúa Giêsu (x. Ga 13,6.13-15). Thực tế cho thấy: Việc chia sẻ bác ái cụ thể có sức thuyết phục khiến nhiều người dễ dàng đón nhận đức tin hơn bài giảng hùng hồn, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dạy: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp Evangelii nuntiandi, số 41).

-Yêu phải đi đôi với tin: Có yêu Chúa nhiều thì mới vững tin vào Chúa. Trươc khi trao quyền chăn chiên cho Simon Phêrô, Chúa Phục Sinh đã ba lần sát hạch ông về long mến dành cho Người: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” (x. Ga 21,15-17). Do đó, ngoài việc năng cầu xin Chúa ban thêm đức tin, mỗi tín hữu chúng ta cũng cần xin Chúa ban thêm lòng mến Chúa cho chúng ta.

-Phục vụ trong khiêm hạ: khi đã làm tất cả những việc được giao rồi, chúng ta cần tránh thái độ tự mãn khoe khoang thành quả đạt được, nhưng phải luôn tự nhủ: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Phải chờ đên ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giêsu sẽ ban thưởng cho các tôi trung của Người, cho họ được tham dự bàn tiệc Nước Trời và sẽ quan tâm phục vụ lại họ (x. Lc 12,37).

4. THẢO LUẬN: 1-Khi bạn làm việc tông đồ mà cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi tất cả thường do những nguyên nhân nào ? 2-Bạn cần làm gì để lấy lại tinh thần hăng say phục vụ Tin Mừng Nước Thiên Chúa ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊSU. Xin ban cho con một đức tin như hạt cải, để con loại bỏ các thói hư tật xấu ra khỏi lòng con. Xin cho con một đức tin can đảm, để con không sợ bị thiệt thòi khi dấn thân, sẵn sàng từ bỏ những điều con thường cậy dựa xưa nay. Xin cho con một đức tin sáng suốt, để con nhìn thấy Chúa đang hoạt động trong vũ trụ và trên thế giới, thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khổ chung quanh con. Xin cho con một đức tin quảng đại, dám hy sinh bản thân vì Chúa và tha nhân. Xin cho con một đức tin liều lĩnh, dám lội ngược dòng và khước từ những cám dỗ của ma quỷ và thế gian. Xin cho con một đức tin vui tươi, vì biết những gì đang chờ đợi con ở cuối đời, sung sướng và hy vọng vì biết mình sẽ được Chúa yêu thương đón nhận. Cuối cùng, xin cho con một đức tin trưởng thành, để con luôn kiên vững khi gặp những khó khăn gian khổ, dù phải trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng vẫn luôn cậy trông và phó thác cho một mình “Thiên Chúa Tình Yêu”.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Tình yêu truyền giáo
Lm. Bosco Dương Trung Tín
14:58 30/09/2016
Tình yêu truyền giáo

“Trong lòng mẹ Giáo Hội, con sẽ là tình yêu”(Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su).

Trong cơ thể, trái tim là nhà máy trung tâm bơm máu và lọc máu. Trái tim có nhiệm vụ bơm máu đỏ tươi giàu O2 đến các cơ phận để chúng hoạt động và nhận lại những máu đỏ sẫm đầy CO2, để rồi qua sự hít thở của phổi, các máu này sẽ giải phóng CO2 và nhận O2, trở thành máu đỏ tươi đi nuôi cơ thể. Trái tim mà ngừng đập, ngừng làm việc thì cơ thể sẽ chết; mọi hoạt động sẽ chấm dứt.

Thánh Tê-rê-xa đã suy gẫm điều này và nhận ra ơn gọi của mình. Tình yêu là tất cả và tồn tại mãi mãi. Dù là đức tin hay đức cậy; ơn nói tiên tri hay làm phép lạ thì có ngày cũng hết. Chỉ có đức mến là tồn tại. Ngay cả khi diện kiến Chúa, thì đức tin, đức cậy cũng không cần nữa, chỉ còn đức mến(x.1Cor1,1-13). Ơn gọi của Ngài là Tình Yêu. Thánh Tê-rê-xa nói : “Trong lòng mẹ Giáo Hội, con sẽ là tình yêu”. Giáo Hội như một cơ thể, đó là Thân Mình của Đức Ky-tô, cơ thể đó có một trái tim, trái tim đó chính là tình yêu và thánh Tê-rê-xa muốn là tình yêu đó. Người ta đã chẳng lấy trái tim làm biểu tượng cho tình yêu sao? Khi yêu trái tim nó thổn thức và đập mạnh.

Thánh Tê-rê-xa nói : “Ơn gọi của con là tình yêu và trong lòng mẹ Giáo Hội con sẽ là tình yêu”, điều đó có nghĩa là Ngài sẽ sống và làm việc bằng tình yêu Chúa và tình mến Giáo Hội. Như trái tim, nhờ tình yêu đó mà Tê-rê-xa có thể tiếp sức cho các hoạt động của Giáo Hội như truyền giáo, phục vụ và mục vụ.

Trái tim không đi nhưng ở một chỗ, thì Tê-rê-xa cũng không đi đâu, ở một chỗ trong Dòng kín, thế nhưng nhờ tình yêu, Tê-rê-xa có thể đi khắp nơi, tiếp sức cho các nhà truyền giáo, cho những người phục vụ, cho những người mục vụ. Bởi đó, thánh Tê-rê-xa được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, một người đã đi khắp nơi để truyền giáo. Có thể nói thánh Tê-rê-xa đã đi truyền giáo bằng lòng mến, bằng tình yêu. Trong Giáo Hội có chuyện rửa tội bằng lòng mến(x.GLCG số1259), thì cũng có việc truyền giáo bằng tình yêu.

Rửa tội bằng lòng mến là dù không được rửa tội bằng nước nhưng vì lòng ao ước muốn được rửa tội nhưng không có dịp mà đã chết. Đó là rửa tội bằng lòng mến. Truyền giáo bằng tình yêu là muốn đi truyền giáo nhưng không thể đi được, nữ tu dòng kín không được ra ngoài thì có thể truyền giáo bằng cách cầu nguyện hay làm việc. Vì lòng mến Chúa và các linh hồn, dâng những hy sinh đó cho việc truyền giáo. Đó gọi là truyền giáo bằng tình yêu. Thánh Tê-rê-xa đã truyền giáo bằng cách này. Nên Ngài được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Đối với Chúa và Giáo Hội, làm việc truyền giáo và cầu nguyện cho việc truyền giáo có giá trị như nhau. Nên ai ở trong hoàn cảnh nào thì truyền giáo trong hoàn cảnh đó. Người thì trực tiếp, người thì gián tiếp. Có khi người gián tiếp còn quan trọng hơn. Cứ nhìn vào cơ thể ta thì biết ngay. Trái tim ta mà không đập nữa thì tay có mạnh; chân có dẻo dai mấy thì cũng không thể làm gì, không thể đi đâu được. Không có sự hy sinh, cầu nguyện cho việc truyền giáo thì các nhà truyền giáo cũng chẳng làm gì được, dù có giỏi, có tài đến mức nào.

Đánh giặc mà không có hậu cần; không có ăn, không có uống thì có giỏi và thiện xạ mấy cũng ngã gục mà thôi; không làm ăn gì được hết. Bao tử mà không có gì thì bắn biết gì được. Cho nên cứ đánh kho lương, đốt cháy hay cướp kho lương coi như nắm chắc phần thắng. Cứ để cho 1, 2 ngày đói rã ruột là đầu hàng thôi. Hậu cần không trực tiếp đánh giặc nhưng không phải là thứ yếu, có cũng được mà không có cũng được. Dù gián tiếp nhưng chiếm một vị trí quan trọng.

Cũng vậy những hy sinh, những lời cầu nguyện cho việc truyền giáo là hậu cần, chiếm một vị trí quan trọng trong công cuộc truyền giáo. Giáo Hội rất hiểu điều này: “Trong những Hội dòng hoàn toàn chuyên về chiêm niệm, các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình, thì cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, những Hội dòng đó vẫn giữ một địa vị quan trọng trong Nhiệm thể Chúa Ky-tô”(Đời sống dòng tu, số 7). Có nghĩa là dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết mấy đi nữa cũng không đem các tu sĩ đó ra ngoài. Để chứng thực điều đó, Giáo Hội đã đặt thánh Tê-rê-xa là bổn mạng các xứ truyền giáo.

Tình yêu sẽ tồn tại mãi và làm cho người ta vui tươi và hạnh phúc. Tình yêu truyền giáo cũng vậy, nó cũng đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người, kể cả người truyền giáo lẫn người được truyền giáo. Không chỉ cho Giáo Hội ở dưới đất mà còn làm hoan hỷ cả Nước trời(x.Lc15,7). Tình yêu là vĩnh cửu! Tình yêu là muôn năm!

Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo, nên rất cần tình yêu, TÌNH YÊU TRUYỀN GIÁO. Người trực tiếp truyền giáo cũng phải có “tình yêu truyền giáo” để truyền giáo, nếu không sẽ truyền….giống; người gián tiếp cũng phải có “tình yêu truyền giáo” để cầu nguyện cho việc truyền giáo, nếu không thì những hy sinh, những vất vả kia cũng trôi xuống sông xuống biển hết. “Tình yêu truyền giáo” là làm mọi việc vì lòng mến để truyền giáo. Người trực tiếp truyền giáo cũng phải làm mọi việc vì truyền giáo; người gián tiếp thì cũng làm mọi việc dù nhỏ, dù tầm thường, dù bình thường vì lòng mến để truyền giáo.

Yêu mến đây là mến Chúa và yêu người. Vì yêu mà học, vì yêu mà tập, vì yêu mà làm; vì yêu mà hi sinh; vì yêu mà truyền giáo.

“Trong lòng mẹ Giáo Hội, con sẽ là tình yêu”.

Trong chiêm niệm, con sẽ cầu nguyện;

Trong cầu nguyện, con sẽ tin;

Trong lòng tin, con sẽ yêu;

Trong tình yêu, con sẽ phục vụ;

Trong phục vụ, con sẽ bình an;

Trong bình an, con sẽ vui;

Trong niềm vui, con sẽ hạnh phúc;

Trong hạnh phúc, sẽ là thiên đàng.

Vậy noi gương thánh Tê-rê-xa, ta hãy có “tình yêu truyền giáo”; cùng với mọi người, cùng với Giáo Hội, ta yêu, ta truyền giáo. Đó là ơn gọi của ta; ơn gọi của Giáo Hội. Ơn gọi tình yêu; ơn gọi truyền giáo. Tất cả cho tình yêu; tất cả cho truyền giáo. Tất cả cho Giáo Hội; tất cả cho Thiên Chúa. Lm. Bosco Dưong Trung Tín
 
Suy niệm lễ kính thánh Têrêsa Hà Đồng Giêsu
Lm. Anthony Trung Thành
15:00 30/09/2016
Suy Niệm LỄ KÍNH THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU

Ngày 01/10

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu chỉ sống vỏn vẹn 24 năm trên trần thế này: 15 năm sống với gia đình, 9 năm tu trong dòng kín. Vậy mà sau khi phong Ngài lên bậc hiển thánh, Giáo Hội còn đặt Ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo và phong Ngài lên bậc Tiến sỹ Hội thánh.

Vì sao Ngài được như vậy? Thưa, vì con đường nên thánh của Ngài đáng cho mọi người chúng ta học tập. Con đường nên thánh đó phù hợp với mọi hạng người, với mọi lứa tuổi. Đó là “con đường thơ ấu thiêng liêng” được Ngài ghi chép lại trong cuốn “Truyện một tâm hồn.” Giới trẻ Giáo họ chúng ta đã chọn Thánh nhân làm bổn mạng. Hôm nay, mừng lễ kính Ngài, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem, giới trẻ cần học hỏi gì nơi vị thánh bổn mạng?

Thiết tưởng có nhiều điểm nơi vị thánh bổn mạng để giới trẻ noi gương bắt chước. Năm ngoái tôi đã chia sẻ về tinh thần truyền giáo của Thánh nhân qua đời sống cầu nguyện và hy sinh. Năm nay, trong khuôn khổ của bài chia sẻ này, tôi xin gợi ý mấy điểm sau đây:

1. Ước ao nên thánh

Nên Thánh là bổn phận của mỗi người kitô hữu. Đức Giêsu mời gọi chúng ta: “Hãy nên trọn lành như Cha các con là đấng trọn lành”(Mt 5,48). Giáo lý cũng dạy chúng ta: “Ta sống ở đời này để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, để làm việc lành theo ý Thiên Chúa, và để một ngày nào đó sẽ đạt tới quê Trời.” Như vậy, quê trời hay Thiên đàng là mục đích cuối cùng của đời người. Muốn được về quê trời hay lên Thiên đàng thì phải nên thánh. Để nên thánh, cần phải có lòng ước ao. Từ nhỏ, Thánh Têrêxa đã có lòng ước ao nên thánh. Ngài đã muốn làm thánh lớn. Ngài nói: “muốn nên thánh thì phải chịu đau khổ nhiều, phải luôn luôn tìm sự trọn hảo nhất và phải quên mình; con biết đường thánh thiện có nhiều bậc và mỗi linh hồn được tự do theo tiếng gọi của Chúa để phục vụ Ngài nhiều hay ít, nói tắt một lời là chọn những hy sinh Chúa muốn. Bởi vậy bây giờ cũng như ngày còn bé, con thưa với Chúa rằng: ‘Lạy Chúa, con chọn tất.’ Con không muốn làm Thánh nửa vời, con không sợ phải đau khổ vì Chúa, con chỉ sợ một điều là không bỏ được ý riêng con, xin Chúa hãy nhận lấy ý riêng con, vì ‘con chọn tất’ cả những gì Chúa muốn !...”

Đó là những lời nói phát xuất từ một tấm lòng ước ao nên thánh. Vì muốn nên thánh, Ngài “Ngài chọn tất”, nghĩa là chọn tất cả những đau khổ, những hy sinh Chúa muốn. Lòng ước ao nên thánh đó được thể hiện bằng những việc làm cụ thể trong đời sống của Ngài.

2. Luôn biết nhận lỗi

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không thể tránh khỏi những sai lỗi, nhưng điều quan trọng là biết nhận ra những sai lỗi đó để xin tha thứ và quyết tâm sửa đổi. Thánh Têrêxa đã làm gương cho chúng ta về điểm này. Chính Mẹ Ngài đã nói: “Nó dễ thương và ngay thẳng lắm, cứ trông nó chạy theo má để thú tội, thì thật là buồn cười: Má ơi, con đẩy chị Céline một lần, con đánh chị một lần, nhưng từ nay con không làm như thế nữa.”

Thật vậy, mỗi khi nhận thấy mình sai lỗi, Ngài lập tức xin tha thứ. Ngài nói: “Một khi con đã thấy làm mất lòng cha mẹ, con không thể để thế lâu được. Sự biết nhận lỗi, đối với con chỉ là việc trong giây phút.” Hai câu chuyện sau đây làm chứng cho lời Ngài nói:

Câu chuyện thứ nhất, chính Ngài kể lại: Một lần nọ, Ngài đang chơi đu vui thích lắm, cha đi qua gọi Ngài rằng:

- Công chúa cha ơi, lại hôn cha nào.

Không hiểu sao hôm đó con không muốn lại, con đứng yên đấy và thưa hỗn xược:

- Cha lại đây kia.

Cha đã xử rất phải: Không lại.

Chị Marie cũng đang chơi ở đấy, mắng con:

- Em mất dạy, thưa cha hỗn thế à?

Lập tức, con xuống khỏi đu, nhận mình phải mắng là quá phải. Rồi có tiếng khóc ăn năn tội ầm ĩ cả nhà. Con lên ngay trên gác. Lần này con không dám mỗi bước lại gọi “mẹ ơi” nữa; con chỉ để trí nghĩ đến tìm được cha mà làm hòa với cha. Con đã làm hòa được ngay.

Câu chuyện thứ hai, chính Mẹ Têrêxa kể: Có một buổi sáng, mẹ muốn hôn Têrêxa rồi mới xuống gác. Xem như nó còn ngủ mệt, mẹ không dám thức nó dậy; song chị Marie nó nói:

- Mẹ ơi, con chắc em giả ngủ đấy ! Mẹ liền cúi hôn mặt nó, nó kéo ngay chăn lên trùm kín cả mặt rồi nói lụng bụng: “Chẳng cần ai thăm nom con hết !” Mẹ đã không bằng lòng cử chỉ ấy và cũng làm nó hiểu thế. Hai phút sau, đã nghe thấy tiếng khóc, và nhanh không ngờ quay lại Mẹ thấy nó đã đứng ở bên, nó dậy một mình và đi chân không xuống gác, lụng thụng trong chiếc áo ngủ dài hơn người. Nước mắt đầy mặt, nó lăn vào lòng mẹ van lơn? “Mẹ ơi, lạy mẹ, con láo quá, mẹ tha cho con nhé. Mẹ tha ngay, mẹ lại ôm con bé ngoan vào lòng, ôm chặt và ôm mãi.”

3. Siêng năng đọc “sách thiêng liêng”

Đọc sách thiêng liêng, tức là đọc những cuốn sách có ích cho đời sống thiêng liêng, cho phần rỗi linh hồn. Têrêxa đã thuộc lòng sách Gương Phúc. Ngài nói: “Từ lâu, con đã sống bằng thứ bột tinh tuyền chứa đựng trong cuốn Gương Phúc, đó là cuốn sách độc nhất đã đem lại cho con nhiều ơn ích, vì lẽ lúc bấy giờ con chưa biết tìm kiếm những kho tàng giấu ẩn trong Phúc Âm. Con thuộc lòng hầu hết mọi chương cuốn sách Gương Phúc quý hoá! Không bao giờ con xa nó: nếu là mùa hè, con bỏ trong túi, nếu là mùa đông con bỏ trong bao tay, và thế là đã trở thành thói quen. Tại nhà Mợ người ta thích giải trí bằng cách mở sách Gương Phúc ra, gặp bất cứ chương nào, cũng bảo con đọc thuộc lòng.”

Cuốn sách thứ hai mà Ngài đọc đó là những bài diễn văn của cha Arminjon, về vấn đề thế mạt và những mầu nhiệm đời sau. Ngài nói: “Đối với con, đọc cuốn sách ấy cũng là một trong những hồng ân cao cả nhất của đời sống, con đã đọc ngay ở cửa sổ phòng học của con và lòng con vang lên một cảm tưởng thâm trầm, dịu dàng khôn tả. Tất cả những chân lý trong đạo và những mầu nhiệm đời vĩnh cửu đã đưa linh hồn con vào trong một nguồn hạnh phúc không thể có ở trần gian...”

Ngoài ra, Ngài còn siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa. Bằng chứng là Ngài đã trích dẫn rất nhiều câu Lời Chúa trong cuốn “Truyện một Tâm Hồn.” Chính Ngài đã nên thánh từ câu Kinh Thánh: “Hãy trở nên như trẻ nhỏ để được vào nước trời”(x. Mt 18,3).

Tóm lại, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã trở thành thánh lớn không chỉ do lòng ước ao nên thánh, mà Ngài còn biến lòng ước ao đó trở thành hiện thực qua việc biết chuyên chăm cầu nguyện, hy sinh hãm mình, đọc sách thiêng liêng, biết nhận ra những sai lỗi của mình và quyết tâm sữa đổi... Đó là những điểm giới trẻ chúng ta cần phải học tập mỗi ngày nếu muốn nên thánh như vị Bổn mạng.

Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Chúa đã dạy chúng con “hãy nên thánh như Cha trên trời là Đấng Thánh.” Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ ước ao nên thánh mà còn biết dùng những phương thế như: cầu nguyện, hy sinh hãm mình, đọc sách thiêng liêng, biết nhận ra sai lỗi và quyết tâm sửa mình… để nên thánh mỗi ngày. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tình yêu chính là sứ vụ
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
15:01 30/09/2016
TÌNH YÊU CHÍNH LÀ SỨ VỤ

Lễ kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (01/10/2016)

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, sinh ngày 02 tháng 01 năm 1873 tại Alencon, nước Pháp, qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897 tại Lisieux, Pháp. Suốt đời, Têrêxa không đi đâu cả, 15 tuổi đã vào Dòng kín. Vị nữ tu trẻ tuổi qua đời lúc mới 24 tuổi, sau 9 năm vào Dòng Cát Minh.

Nhưng “đây là vị thánh lớn nhất thời hiện đại” (Đức Giáo Hoàng Piô X), Ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo và tiến sĩ Hội Thánh (vào ngày 19 tháng 10 năm 1997). Thánh Têrêxa trở thành bậc thầy của Giáo Hội vì Ngài đã đưa Giáo Hội trở lại với trung tâm điểm tình yêu và phát minh con đường nên thánh qua con đường thơ ấu thiêng liêng của Tin Mừng.

1- Tập trung vào tình yêu

Thánh Têrêsa sinh ra vào cuối thế kỷ XIX, thời đó người ta quan niệm muốn nên thánh phải là một người phi thường, phải có những nhân đức anh hùng. Vì ảnh hưởng nền tu đức của phái Thanh Giáo, nên trong nhà Dòng, người ta đề cao sự khổ chế và hy sinh, nhưng lại ít chú trọng đến lòng yêu mến.

Thánh Têrêsa là một người có nhiều tham vọng, khi vào dòng, thánh nhân muốn làm linh mục, muốn đi truyền giáo, muốn được phúc tử đạo. Nhưng thánh nhân lại thấy mình nhỏ bé không thể thực hiện được và điều kiện cũng không cho phép.

Thánh nhân bắt đầu tìm kiếm cho mình một con đường mà nó có thể bao trùm hết mọi ơn gọi. Têrêsa bắt đầu đọc thư I Côrintô, chương 12-13, ở đó, thánh Phaolô nói đến tình yêu là cốt lõi của mọi ơn gọi. Tình yêu là linh hồn mọi hoạt động tông đồ. Không có tình yêu, mọi thứ sẽ không có giá trị gì hết. Thánh nhân kêu lên với Chúa: “Lạy Chúa, đây là ơn gọi của con. Giữa lòng Hội Thánh, con sẽ là tình yêu.”

Đây là phát hiện thiên tài của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Sự phát hiện này đưa Kitô giáo phát xuất lại từ tình yêu. Theo đó, tình yêu phải là nền tảng, cốt yếu và là trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu.

Thánh Têrêsa yêu Chúa với một trái tim nồng nàn; Ngài yêu Chúa và say mê Chúa như hai người trẻ yêu nhau. Đối với thánh nhân, được yêu Chúa là đủ rồi, dù ở đâu, làm gì, đi đâu, ngay cả khi phải ở trong hỏa ngục mà vẫn được yêu Chúa thì cũng đủ cho chị rồi.

Ngài yêu Chúa như một người con thơ yêu mến và tin tưởng vào người cha của mình. Đây là điểm thứ nhất làm nên sự nổi bật của thánh nhân.

2- Nên thánh qua nẻo đường thơ ấu thiêng liêng

Thời đó người ta quan niệm việc nên thánh rất khó, như leo lên một cầu thang nhiều bậc. Chỉ có những ai hoàn toàn thánh thiện, đầy nhân đức anh hùng mới có thể nên thánh.

Thánh Têrêsa đã phát minh ra một con đường nên thánh từ Tin Mừng, đó là con đường thơ ấu thiêng liêng. Con đường này được Chúa Giêsu mạc khải: “Cứ để mặc trẻ em, đừng ngăn cấm chúng đến với Thầy, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” (Mt 19,14).

Nơi khác, Chúa nói: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời (Mt 18,3-4).

Trở nên như trẻ thơ là sống một cuộc sống khiêm hạ, nhỏ bé, và hoàn toàn tin tưởng, tín thác vào Chúa như là Cha của mình.

Con đường thơ bé thiêng liêng là làm những việc nhỏ bé với một tình yêu lớn lao dành cho Chúa và để cứu rỗi các linh hồn. Con đường thơ bé là con đường mà mọi người có thể thực hiện được. Đó là con đường ngắn nhất, dễ nhất và ai cũng có thể thực hiện để nên thánh.

Vì thế, thánh Têrêsa đã sống tình thần thơ bé này với Chúa và với tha nhân. Thánh nhân chu toàn những bổn phận nhỏ bé của mình với một tình yêu lớn lao. Thánh nhân nói: dù nhặt một cái kim rơi xuống nhà với lòng yêu mến Chúa thì cũng có thể cứu độ các linh hồn.

3- Một tâm hồn tông đồ vĩ đại

Dù sống trong bốn bức tường Dòng Kín, nhưng sự vĩ đại của Têrêsa đã vượt qua khỏi các bức tường nhà Dòng, lan tỏa và ảnh hưởng khắp thế giới. Tinh thần của Têrêsa được mọi tầng lớp Dân Chúa đón nhận, đặc biệt là đối với giới trẻ. Bởi lẽ, thánh Têrêsa có một tâm hồn tông đồ thật nồng nàn; Ngài ước mong đi truyền giáo khắp thế giới; Ngài ước mong được đến Việt Nam để truyền giáo.

Vì lòng yêu mến Chúa thúc đẩy, thánh nhân muốn mọi người cũng biết yêu mến Chúa và khát khao làm cho người khác cũng được yêu Chúa. Vì lòng yêu mến các linh hồn, Ngài khát khao cho mọi người trên thế giới cũng được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giêsu mang lại.

Vì thế, sau khi chết, thánh Têrêsa được phong là quan thầy của các xứ truyền giáo. Vị trí của Ngài tương đương với Thánh Phanxicô Xaviê. Đó là một điều hết sức lạ lùng mà Chúa đã làm cho thánh nhân.

Mừng lễ thánh Têrêsa và noi gương Ngài để lại, chúng ta được mời gọi phát xuất lại từ tình yêu như là trung tâm điểm của đời sống kitô hữu, để biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, sống khiêm hạ và tín thác theo con đường thơ ấu thiêng liêng, và nhất là biết khát khao làm cho người khác cũng được nhận biết Chúa như thánh nhân đã sống và đã làm. Bởi vì, xét cho cùng, đối với chúng ta, những kitô hữu, tình yêu chính là sứ vụ!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
 
Chào đón
Lm Vũđình Tường
16:30 30/09/2016
Cởi mở và chào đón đi chung với nhau. Trái với cởi mở là khép kín. Cởi mở đón nhận người và đó cũng là cách người đón nhận ta. Một tấm lòng và tâm hồn cởi mở là tấm lòng và tâm hồn sẵn sàng đón nhận những điều mới lạ, sẵn sàng tiến vào những nơi ở đó vừa có thánh đố lại hứa hẹn những khám phá mới ngạc nhiên, thích thú. Tấm lòng và tâm hồn cởi mở sẵn sàng vượt qua mọi biên giới trước đây của tập tục, văn hoá hay những chướng ngại, rào cản nhân danh thuần phong, mĩ tục để chống lại thay đổi. Cởi mở để đón nhận nền văn hoá khác, tư tưởng khác, lối sống khác, từ đó khám phá ra cái hay, cái tốt đẹp, tinh tuý của các nền văn hoá khác nhau. Như thế cởi mở đồng nghĩa với học hỏi làm giầu cho đời sống tinh thần và đời sống nội tâm. Thiếu cởi mở biến những gì hiện đang có trở nên cũ rich, khô cằn, cứng ngắc, đồng thời chối bỏ những cơ hội tìm tòi, học hỏi. Cuộc sống mới đòi hỏi thay đổi luôn và thiếu thay đổi là đi giật lùi bởi người ta tiến mình ngừng. Không chấp nhận thay đổi luôn tự hào những gì mình đang có là tốt nhất, hay nhất là một hình thức kiêu ngạo mà kiêu ngạo bị Thiên Chúa quở phạt.

Về phương diện đức tin thay đổi là điều không thể tránh được. Cần phải thay đổi trong phụng vụ và thánh nhạc với ngôn ngữ thời đại để thế hệ đang sống có thể cảm được điều họ đang hát, đang nghe. Thay đổi cách cầu nguyện để tâm đạo trưởng thành hơn, chiều sâu nội tâm tốt hơn, vững chắc hơn thay cho cầu nguyện bằng hình thức bề ngoài. Thay vì giữ đạo biến thành hành đạo để đời sống đạo trở nên thực tiễn hơn, hữu ích hơn. Hành đạo qua hình thức phục vụ như bài Phúc Âm hôm nay mời gọi Kitô hữu hãy phục vụ. Coi phục vụ Chúa và tha nhân là một đặc ân. Quan niệm phục vụ là hầu hạ người khác là quan niệm xã hội. Kitô hữu cần quan niệm phục vụ qua việc thực thi bác ái, yêu thương là một đặc ân, là việc làm tốt, đáng hãnh diện bởi phục vụ chính là đường lối của Đức Kitô khi Ngài nói với các môn đệ

Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Mat 20,28

Thánh Thần Chúa sinh hoạt rất mãnh liệt trong các thay đổi trong Giáo Hội và qua đời sống chiêm niệm và cầu nguyện bởi vì Thánh Thần Chúa tiếp tục hướng dẫn đời sống Kitô hữu. Thay đổi để chấp nhận những mặc khải mới của Thiên Chúa bởi Thiên Chúa tỏ mình ra cho ta qua giáo huấn của Đức Kitô, qua các bí tích thánh và biến cố cuộc đời. Qua chiêm niệm cầu nguyện tâm hồn cảm thấy bình an và yên tĩnh. Chính trong cái thinh lặng đó Thiên Chúa nhỏ nhẹ nói với tâm hồn ta. Chính bình an trong tâm hồn là một đặc ân, lòng thanh thản là quà tặng. Thuốc tâm linh giúp xả những nhọc nhằn lo lắng nhờ vào phương pháp chiêm niệm, vui hưởng bình an nội tâm. Đức Kitô nói với môn đệ và chúng ta giáo huấn của Ngài sâu rộng sẽ được Đấng Ngài sai đến sẽ hướng dẫn Kitô hữu hiểu hơn mãi. Như thế công việc của Thánh Thần là tiếp tục hướng dẫn, tiếp tục mặc khải Gn 14,26.

Cởi mở và tin tưởng đi chung với nhau bởi thiếu tin tưởng nên không dám cởi mở. Tin tưởng bao gồm cả việc tự tin vào khả năng và nhận thức mình để đón nhận thay đổi. Đức tin sống động không phải là tin mãnh liệt vào Thiên Chúa mà chính là sống đời sống đức tin, thực hành điều niềm tin qua hành động bác ái, yêu thương. Thiếu hành động bác ái, yêu thương thiết thực niềm tin trở thành lí thuyết. Đời sống Kitô hữu đòi lí thuyết và thực hành đi song hành; không thể thiếu một trong hai. Đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa giúp an ủi rất nhiều khi cuộc sống gặp phải khó khăn bởi đức tin nâng đỡ, an ủi, ban hy vọng trong hoàn cảnh khó khăn. Thiếu đức tin người ta dùng vật chất, của cải bảo đảm cho tương lai vì thế họ không dám chia sẻ những gì đang có, cố gìn giữ, bảo vệ và tích trữ cho tương lai bởi họ tin vào vào sức mạnh của tiền tài. Đức tin mạnh mẽ giúp chia sẻ, ban phát vì có Thiên Chúa làm gia nghiệp cho tương lai.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Cộng hòa Georgia
Lm. Trần Đức Anh OP
09:07 30/09/2016
TBILISI. Chiều ngày 30-9-2016, ĐTC cổ võ sống chung hòa bình giữa các dân tộc tại Cộng hòa Georgia đồng thời tôn trọng công pháp quốc tế về chủ quyền của mỗi người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi gặp gỡ Tổng thống, các giới chức chính quyền, cũng như đại diện các tầng lớp xã hội và văn hóa của cộng hòa Georgia. Đây là hoạt động đầu tiên của ngài trong chuyến viếng thăm thăm Cộng Hòa Georgia và Azerbaigian trong 3 ngày cho đến chiều tối Chúa Nhật 2-10 tới đây.

Đây là chuyến viếng thăm thứ 16 của ĐTC tại nước ngoài và là phần thứ 2 trong cuộc viếng thăm miền Caucase. Phần đầu ngài đã thực hiện tại Cộng hòa Armeni từ ngày 24 đến 26-6 năm nay. Cả 3 quốc gia này đều có con số tín hữu Công Giáo ít ỏi, nhưng qua các cuộc viếng thăm này, ĐTC muốn cổ võ những quan hệ đại kết, hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc. Nói khác đi ngài muốn thi hành một sứ mạng hòa bình và hiệp nhất, như nhận xét của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

ĐTC đã rời Roma lúc 9 giờ 25 và đến phi trường thủ đô Tbilisi của Georgia lúc 15 giờ chiều (13 giờ giờ Roma). Cùng đi với ngài có đoàn tùy tùng 30 người và 70 ký giả quốc tế.

Vài nét về Georgia

Cộng hòa Georgia chỉ rộng 70 ngàn cây số vuông với dân số 4 triệu rưỡi dân cư trong đó gần 84% là tín hữu Chính Thống giáo, khoảng 10% theo Hồi giáo, số tín hữu Công Giáo là 112 ngàn người, tương đương với 2,5% dân số toàn quốc. Họ sống tại thủ đô Tbilisi và miền nam của Georgia, đa số thuộc nghi lễ la tinh và Armeni, nhưng cũng có một cộng đoàn nhỏ các tín hữu nghi lễ Canđê. Tổng cộng tại nước này, Công Giáo có 32 giáo xứ, 2 GM, 28 LM triều và dòng (14+14), hai tu huynh và 37 nữ tu. Ngoài ra có 12 đại chủng sinh và 2 tiểu chủng sinh. Giáo Hội Công Giáo ở Georgia chỉ có 2 trường mẫu giáo và một trường cao đẳng.

Giáo Hội Chính Thống Georgia có khoảng 4 triệu tín hữu. và là một đối tác khó khăn trong quan hệ với Công Giáo và cả đối với các Giáo Hội chính thống khác. Chính Thống Georgia đã từ chối tham dự Công đồng Liên chính thống giáo hồi cuối tháng 6 năm 2016 ở đảo Creta bên Hy Lạp, giống như Giáo Hội Chính Thống Nga.

Gặp gỡ chính quyền

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được tổng thống Giorgi Margvelashvili cùng với phu nhân chào đón cùng với Đức Thượng Phụ Ilia II và một số quan chức và chức sắc, đặc biệt là hai vị GM Công Giáo, một thuộc nghi lễ la tinh và một thuộc nghi lễ Armeni. 2 em bé trong y phục cổ truyền của Georgia dâng tặng ĐTC một rổ nho, một sản phẩm nổi bật của nước này. Sau nghi thức chào cờ, duyệt qua hàng quân danh dự và giới thiệu các thành phần hai phái đoàn, ĐTC đã vào phòng khánh tiết hội kiến với Tổng thống, trước khi về phủ tổng thống vào lúc 3 giờ rưỡi để chào thăm chính thức.

Tổng thống Margvelaschivili của Georgia năm nay 47 tuổi (1969), đậu tiến sĩ triết học, nguyên là viện trưởng Học viện công vụ, rồi làm bộ trưởng giáo dục, tiếp đến làm phó thủ tướng. Sau cùng ông đắc cử tổng thống cách đây 3 năm.

Sau khi gặp gỡ tổng thống và gia đình ông, ĐTC đã tiến ra khuôn viên danh dự tổng thống để gặp gỡ 400 người gồm các quan chức chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, cũng như đại diện các tầng lớp xã hội dân sự và văn hóa.

Trong lời chào mừng ĐTC, tổng thống cám ơn sự ủng hộ của Tòa Thánh dành cho đất nước Georgia, đặc biệt trong thời kỳ bị Nga tấn công hồi năm 2008. Ông cũng nhắc đến những quan hệ giữa Vatican, Giáo Hội Công Giáo và Georgia qua dòng lịch sử và đề cao vai trò của Georgia không những thuộc về nền văn minh Âu Châu, nhưng còn là một trong những nước kiến tạo nền văn minh này. Sau cùng ông cho biết 20% lãnh thổ của Georgia vẫn còn bị chiếm và 15% dân chúng là người tị nạn. Những vùng bị những người gốc Nga chiếm đóng. Dầu vậy, Georgia không tìm kiếm sự đụng độ, nhưng chị tìm con đường đưa rất nước được giải phóng khỏi sẹ chiếm đóng của ngoại bang và tiến đến hòa bình!

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của tổng thống Cộng hòa Georgia, ĐTC đã đề cao lịch sử ngàn đời và nền văn hóa cổ kính của đất nước này. Georgia như chiếc cầu thiên nhiên giữa Âu và Á châu, một bản lề giúp cho việc giao thông và tương quan giữa các dân tộc được dễ dàng, khiến cho việc thương mại và đối thoại giữa các dân tộc cũng như sự đối chiếu tư tưởng và kinh nghiệm giữa các thế giới khác nhau có thể thực hiện được.

ĐTC nhắc đến sự kiện Georgia đã tuyên bố độc lập từ 25 năm nay, hoàn toàn tìm lại tự do, nền độc lập này đã xây dựng và củng cố các cơ chế dân chủ và tìm kiếm những con đường để bảo đảm sự phát triển bao gồm mọi người và có đặc tính chân thực. Tất cả những điều đó đã diễn ra với nhiều hy sinh mà nhân dân Georgia đã can đảm đương đầu để đảm bảo cho mình tự do hằng ao ước.

ĐTC khẳng định rằng: ”Sự tiến bộ chân thực và lâu bền như thế có một điều kiện tiên quyết không thể thiếu được, đó là sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia trong vùng. Điều này phải phải gia tăng tâm tình quí chuộng lẫn nhau, những tâm tình đó không từ bỏ sự tôn trọng chủ quyền của mỗi nước trong khuôn khổ quốc tế công pháp. Để mở ra những con đường đưa tới một nền hòa bình lâu bền và môt sự cộng tác thực sự, cần ý thức rằng những nguyên tắc quan trọng để có tương quan công bằng và vững bền giữa các quốc gia đều nhắm phục vụ cho sự sống chung cụ thể, có trật tự và hòa bình giữa các dân nước. Thực vậy, tại quá nhiều nơi trên thế giới, dường như người ta theo đuổi thứ tiêu chuẩn khiến có khó lòng duy trì những khác biệt hợp pháp và những tranh biện luôn có thể xảy ra trong một bối cảnh đối chiếu và đối thoại trong đó lý trí, sự ôn hòa và tinh thần trách nhiệm được trổi vượt. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh lịch sử hiện nay, trong đó không thiếu những trào lưu cực đoan bạo lực lèo lái và bóp méo những nguyên tắc dân sự và tôn giáo để dùng chúng phục vụ cho những ý đồ đen tối muốn thống trị và gây chết chóc”.

ĐTC nhấn mạnh rằng ”Tất cả cần quan tâm trước tiên tới số phận của con người cụ thể và kiên nhẫn hết sức cố gắng tránh để cho những khác biệt biến thành bạo lực, nhắm khơi lên những đổ vỡ lớn lao cho con người và xã hội. Bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, ngôn ngữ, chính trị hoặc tôn giáo, không để bị lạm dụng để biến thành cái cớ biến những khác biệt thành xung đột và biến những xung đột thành những thảm trạng khôn cùng, sự phân biệt ấy có thể và phải là nguồn mạch làm cho mọi người được thêm phong phú và có lợi cho ích chung. Điều này đòi mỗi người phải tận dụng tất cả những đặc điểm của mình, nhất là có thể sống an bình nơi quê hương của mình hoặc được hồi hương tự do, nếu vì lý do nào đó họ đã phải buộc lòng rời bỏ quê hương. Tôi cầu mong rằng các vị hữu trách chính trị tiếp tục quan tâm đến tình cảnh của những người ấy, dấn thân tìm kiếm những giải pháp cụ thể, kể cả ở bên ngoài những vấn đề chính trị chưa được giải quyết. Điều ấy cũng đòi phải có sự nhìn xa trông rộng và can đảm nhìn nhận thiện ích đích thực của các dân tộc và quyết tâm theo đuổi thiện ích ấy một cách khôn ngoan. Điều tối cần thiết là nghĩ đến những đau khổ của con người để quyết tâm theo đuổi hành trình xây dựng hòa bình, con đường kiên nhẫn và vất vả nhưng cũng là con đường có sức thu hút và mang lại tự do”.”

Giã từ tổng thống và các giới chức chính quyền, ĐTC đã tới tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia để viếng thăm.
 
Đức Thánh Cha viếng thăm tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia
Lm. Trần Đức Anh OP
09:13 30/09/2016
TBILISI. ĐTC bày tỏ lòng quí chuộng Giáo Hội Chính Thống Georgia và kêu gọi từ bỏ những thành kiến đối với nhau, cùng trở thành những loan báo Tin Mừng của Chúa.

Giã từ phủ tổng thống, ĐTC đã đến tòa Thượng Phụ lúc gần 5 giờ chiều giờ địa phương, và được Đức Thượng Phụ Ilia II tiếp đón.

Đức Thượng Phụ năm nay 83 tuổi (1933) thụ phong GM năm 1963 khi được 30 tuổi, và làm Viện trưởng thần học viện ở thủ đô Tbilisi, rồi làm GM giáo phận Sukhumi cho đến khi được bầu làm Thượng Phụ hồi năm 1977. Ngài từng làm Chủ Tịch Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève Thụy Sĩ, nhưng năm 1997, dưới sức ép mạnh mẽ của phe thủ cựu, cho rằng tổ chức này chịu ảnh hưởng quá mạnh của Tin Lành, nên Thánh Hội đồng của Chính Thống Georgia buộc lòng phải lui khỏi Hội đồng đại kết. Nhóm thủ cựu này cũng đã biểu tình chống đối cuộc viếng thăm của ĐTC tại Georgia.

Sau khi hội kiến riêng với Đức Thượng Phụ Ilia II, ĐTC đã gặp chung với phái đoàn của hai bên và khoảng 10 đại diện của giới học giả và văn hóa.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói:

”Thật là một niềm vui lớn lao cho tôi và một ơn đặc biệt được gặp Đức Thượng Phụ và các vị TGM, GM, thành viên của Thánh Hội đồng. Tôi chào thăm thủ tướng và các vị đại diện của giới học giả và văn hóa..”

Tiếp đến, ĐTC nhắc đến sự kiện Đức thượng phụ Ilia II là người đã viết lên một trang sử mới trong quan hệ giữa Chính Thống Georgia với Giáo Hội Công Giáo khi đến viếng thăm lần đầu tiên tại Vatican. Trong dịp đó, Đức Thượng Phụ và GM Roma đã trao đổi nụ hôn bình an và hứa cầu nguyện cho nhau. Từ đó nhiều quan hệ và trao đổi đã được tăng cường, các cuộc viếng thăm của các đại diện Tòa Thánh tại Georgia, các sinh viên Chính Thống Georgia nghiên cứu tại thư viện Vatican và học hỏi tại các Đại học Giáo Hoàng ở Roma, và các tín hữu Georgia hiện diện ở Roma, với một thánh đường và có sự cộng tác với cộng đoàn Công Giáo địa phương. Và - ĐTC nói - ”nay tôi đến đây như một người hành hương và một người bạn, tôi đến phần đất được chúc phúc này trong lúc các tín hữu Công Giáo cử hành cao điểm của Năm Thánh Lòng Thương Xót.”

ĐTC cũng nhận xét rằng Giáo Hội Chính Thống Georgia vốn ăn rễ sâu nơi lời giảng của các Tông đồ đặc biệt là Thánh Anrê, và Giáo Hội Roma, được xây dựng trên cuộc tử đạo của thánh Phêrô Tông Đồ, ngày hôm nay cả hai Giáo Hội được ơn canh tân tình huynh đệ Tông Đồ tươi đẹp, nhân danh Chúa Kitô và vinh danh của Chúa, Phêrô và Anrê là anh em với nhau.. Người Anh em, Đức Thượng Phụ rất thân mến, chúng ta hãy để cho mình được Chúa Giêsu nhìn, để cho lời mời gọi của Chúa thu hút, từ bỏ những gì cầm giữ chúng ta để cùng nhau trở thành những người loan báo sự hiện diện của Chúa”.

ĐTC ca ngợi lòng can đảm của nhân dân Georgia, luôn trỗi dậy sau vô số thử thách.. và ngài nói thêm rằng:

”Người anh em rất thân mến, để Tin Mừng mang lại hoa trái, ngày nay chúng ta cũng được yêu cầu liên kết kiên vững hơn với Chúa và hiệp nhất với nhau. Nhiều vị thánh của đất nước này khuyến khích chúng ta đặt Tin Mừng lên trên mọi sự và loan báo Tin Mừng như trong quá khứ và hơn nữa, không để mình bị ràng buộc vì những thiên kiến và cởi mở đối với sự mới mẻ ngàn đời của Thiên Chúa. Ước gì những khó khăn không trở thành chướng ngại, nhưng khích lệ chúng ta biết nhau nhiều hơn, chia sẻ nhựa sống đức tin, tăng cường cầu nguyện cho nhau và cộng tác trong tình bác ái tông đồ để làm chứng tá chung, để tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ hòa bình trên trái đất.”
 
Thần đồng 9 tuổi vào đại học: Em muốn chứng minh rằng Thiên Chúa thực sự hiện hữu
Nguyễn Kim Ngân
15:12 30/09/2016
“EM MUỐN CHỨNG MINH RẰNG Thiên Chúa THỰC SỰ HIỆN HỮU”

Đây là kết luận của William Maillis, một học sinh vừa tròn 9 tuổi nhưng đã tốt nghiệp Trung Học, bước vào Đại Học với ước mơ trở thành một chuyên gia vật lý thiên văn.

Cũng giống như các bạn cùng trang lứa, William rất thích các trò chơi điện tử, tán gẫu, chơi thể thao và ngao du la cà với chúng bạn. Nhưng về phương diện học hành thì em không hề bình thường chút nào.

Trong khi các bạn còn đang theo học lớp 4 Tiểu Học, thì tháng Năm vừa qua, William đã tốt nghiệp Trung Học và hiện đang là sinh viên bắt đầu nghiên cứu các lý thuyết về vũ trụ được tạo thành như thế nào.

Em William Maillis trong lớp học
Sống tại Penn Township, tiểu bang Pennsylvania, William là một trong số sinh viên Đại Học trẻ tuổi nhất. Em theo học toàn thời gian tại Đại Học Cộng Đồng thuộc quận hạt Allegheny để lấy các lớp cần thiết cho việc chuyển lên Đại Học Carnegie Mellon ở Pittsburgh vào mùa Thu tới. Cha em, ông Peter Maillis, một linh mục Chính Thống Giáo Hy Lạp đã cho biết như thế.

Khi được nhân viên tạp chí People phỏng vấn về sự kiện là sinh viên trẻ nhất, em trả lời: “Điều này không còn gây phiền toái cho em nữa vì em đã quen rồi.”

William muốn theo học ngành lý hóa không gian để lấy văn bằng tiến sĩ và trở thành chuyên gia vật lý thiên văn.

Khi phát biểu rằng chỉ có một nguồn lực ở bên ngoài mới có khả năng tạo thành được vũ trụ như thế này, William cho biết: “Em muốn chứng minh cho mọi người rằng Thiên Chúa thực sự hiện hữu.”

Ngoài William, ông bà Peter và Nancy Maillis, còn có cô con gái đầu lòng, năm nay 29 tuổi, và người con trai trưởng, năm nay 26. Ông Peter vừa cười vừa nói: “William là một xuất hiện đầy ngạc nhiên sau 17 năm ‘tưởng rằng đã hết.’ Cháu thông minh khác thường: thấy cái gì là nhớ liền. Khi được 6 tháng tuổi, cháu đã nhận được mặt số, và có thể phát biểu cả một câu trọn vẹn khi lên 7 tháng tuổi. Cháu biết làm toán cộng khi được 21 tháng; làm toán nhân, biết đọc và biết viết khi lên 2 tuổi; lên 4 thì cháu biết đại số, biết ngôn ngữ dậy cho người câm điếc, và đọc được tiếng Hy Lạp; lên 5 thì cháu biết hình học, và lên 7 thì biết lượng giác.”

Năm ngoái, sau khi học xong lớp 3, William vừa học lớp 4, vừa học chương trình Trung Học cùng lúc lại lấy một vài lớp ở Đại Học, để năm nay học Đại Học toàn thời gian.

Ông bà Maillis tâm sự: “Chúng tôi không hề ép buộc mà để cháu toàn quyền quyết định các lớp cháu muốn theo học.”

Aaron Hoffman, Giáo sư dậy em môn Thế Giới Sử nói: “William hoàn toàn hòa đồng với các sinh viên khác. Em duyệt qua hết mọi đề tài, từ Hitler, Mussolini cho đến Đức Quốc Xã và các trận thế chiến. Vì theo học chương trình Đại Học nên William cũng phải có đủ tài liệu trình độ Đại Học. Chỉ có khác một điều là: trong khi các bạn sinh viên đều chăm chú ghi chép, William chỉ lắng nghe, đọc sách và lãnh hội.”

Ông Peter kết luận: “Tôi chỉ muốn cháu thực sự biết quý trọng món quà tặng đặc biệt cháu đã được ban cho—và tôi nghĩ cháu cũng biết và làm như thế. Tôi thường bảo cháu: Chúa đã cho con một món quà đặc biệt. Điều tệ hại nhất là chối từ món quà đó thay vì sử dụng nó để làm thăng hoa thế giới.”

Lễ Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, Tiến Sĩ Hội Thánh

10/01/2016

Nguyễn Kim Ngân

 
Hành hương là một “cách thế loan báo Tin mừng mới”
Hồng Thủy
15:31 30/09/2016
Jerusalem – Hành hương là một “cách thế loan báo Tin mừng mới”, bởi vì việc đi đến những nơi thánh theo bước của Chúa Kitô có thể mang lại “một sự hồi sinh đức tin”. Bất cứ ai đi hành hương, sẽ khám phá rằng họ “đã nhận được lời mời gọi từ Thiên Chúa, một ơn gọi từ Chúa Thánh Thần”. Điều này đang trở nên cần thiết cho Âu châu và cho Tây phương nói chung, nơi “Kitô giáo và tôn giáo đang khủng hoảng trầm trọng”, Đức Cha Giacinto-Bouló Marcuzzo đã nói với hãng tin Á châu như thế.

Đức Cha cho biết là nhiều khách hành hương đã thay đổi nhờ những chuyến đi hành hương và giúp họ thấy cuộc sống qua đôi mắt Kinh thánh. Hành hương cũng là nguồn của các ơn gọi, của việc tái khám phá đức tun và lời gọi đến với Thiên Chúa. Nhưng con đường này cần có người đồng hành. Các cuộc hành hương xây dựng, đào tạo con người nếu chúng được chuẩn bị tốt, nếu có người hướng dẫn, để suy tư về các kinh nghiệm.

Bên canh việc tìm hiểu và khám phá, hành hương cũng là một nguồn thu nhập thiết yếu cho dân Chúa ở thánh địa. Theo thống kê mới đây, ít nhất 30% cộng đoàn địa phương - ở Jerusalem và Bêlem sống nhờ ngành du lịch tôn giáo. Sự giảm sút các khách hành hương trong những năm gần đây đã ảnh hưởng tồi tệ đến kinh tế và sống còn của các Kitô hữu.

Theo Sobhy Makhoul, chưởng ấn của Tòa thượng phụ Maronít, khi có các cuộc hành hương, ít nhất 30% có việc làm đều đặn. Khi các cuộc hành hương giảm, 30% đó sẽ bị thất nghiệp và do đó trực tiếp hay gián tiếp, họ sẽ di cư.

Con số khách hành hương năm nay giảm 70% do nhiều lý do như vấn đề an ninh, các cuộc tấn công, tình hình kinh tế và khủng hoảng tôn giáo ảnh hưởng đặc biệt đến châu Âu.

Đức Cha Marcuzzo cho biết thời gian này thường là thời điểm tốt nhất trong năm để hành hương đến Đất thánh nhưng tình hình vẫn đang giảm đi, điều đó cho thấy có sự khủng hoảng. Tuy có sự hồi phục trở lại nhưng vẫn còn kém xa quá khứ. Theo Đức Cha, bên cạnh những lý do an ninh và kinh tế, chúng ta phải nhận là có sự xa cách tôn giáo dần dần ở các quốc gia hay châu lục (đầu tiên là châu Âu, rồi đến Bắc Mỹ). Ngài nói: “Châu Âu không còn tin vào các cuộc hành hương.”

Cuộc khủng hoảng hành hương ở châu Âu được bu lại bởi sự phát triẻn của các khách hành hương Á châu như Philippines, Nhật, Hàn, và cả Trung quốc và Việt nam. Đức Cha nói: “Đặc biệt đối với các tín hữu Trung quốc, sự tái khám phá trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Không giống như người châu Âu đã quen với các câu chuyện và nới chốn được kể trong Kinh thánh, đối với các tín hữu Trung quốc, mọi thứ đều mới”. Đối với các tín hữu Trung quốc và Việt nam, nó thật sự là một khám phá với lòng biết ơn. Người ta có thể nhìn thấy sự ngạc nhiên của đức tin, các yếu tố nhập thể trên gương mặt họ.

Cũng còn một thứ ngăn trở giới hạn số khách hành hương, đó là các Kitô hữu gốc Ả rập gặp vấn đề với việc đến Israel. (Asia News 27/09/2016)

(Nguồn: Vattican Radio)
 
Một giáo dân mô tả lại cuộc tử đạo của cha Jacques Hamel
Đặng Tự Do
18:01 30/09/2016
Một người đàn ông Pháp sống sót sau vụ khủng bố tại nhà thờ St. Etienne du Rouvray đã mô tả lại cuộc tử đạo của Cha Jacques Hamel.

Guy Coponet, một giáo dân đã tham dự Thánh Lễ vào ngày xảy ra cuộc tấn công, nói với Famille Chrétienne rằng anh đã bị những kẻ khủng bố Hồi giáo buộc phải giữ một máy quay video để ghi hình lại vụ giết người. Bọn khủng bố dự định tung video này lên internet sau đó.

“Tôi phải quay cảnh người ta giết bạn tôi là Cha Jacques '!” Coponet nói. “Tôi không thể quên chuyện đó.”

Cha Hamel chống lại các cuộc tấn công, nhưng Coponet tin rằng vị linh mục đã không lên án những kẻ giết mình. Ngược lại, theo ông, Cha Hamels dường như tin rằng những kẻ tấn công ngài đang hành động dưới sự khống chế của một quyền lực ma quỷ. Khi ngài ngã xuống, ngài không ngừng kêu to: “Satan, hãy xéo đi!”

Coponet bị những kẻ khủng bố đâm ở cổ sau khi cha Hamel qua đời, và suýt chút nữa là mất mạng.

Nhà thờ St. Etienne du Rouvray, đã bị đóng cửa từ sau khi xảy ra vụ tấn công hôm 26 tháng 7, được mở cửa lại vào ngày Chúa Nhật 02 tháng 10.
 
Đức Giáo Hoàng cho biết ngài không thể về thăm cố hương trước năm 2018
Đặng Tự Do
18:11 30/09/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bác bỏ khả năng có thể thực hiện một chuyến thăm quê hương Á Căn Đình trong năm nay hoặc năm tới.

Trong một thông điệp video cho người dân quê hương của mình, Đức Giáo Hoàng nói rằng lịch trình của ngài cho năm 2017 đã dày đặc các chuyến đi đến châu Phi và châu Á. Do đó, sẽ không khả thi để lên kế hoạch cho một chuyến tông du nữa.

Thông điệp của Đức Thánh Cha xem ra mâu thuẫn với một tuyên bố của Tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia, là người đã công bố rằng Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Colombia vào đầu năm tới.

Đức Thánh Cha Phanxicô bảo đảm với người dân Á Căn Đình rằng ngài vẫn là một người trong số họ và “vẫn còn dùng hộ chiếu Á Căn Đình.”

Ngài mong có thể có mặt cho các sự kiện quan trọng trong đời sống của Giáo Hội tại quốc gia này, bao gồm việc tuyên Chân Phước cho Mẹ Antula hồi tháng Tám vừa qua và tuyên thánh cho cha Cura Brochero vào tháng Mười này.
 
Tông du Georgia: từ lạnh lùng đến ấm áp
Vũ Văn An
18:12 30/09/2016
Đức Phanxicô đã tới thủ đô Tbilisi của Georgia để chính thức thăm viếng quốc gia này trong hai ngày. Ra đón ngài tại sân bay, có Tổng Thống Giorgi Margvelashvili và Vị đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Georgia, Thượng Phụ Ilia II.

Nhân dịp này, tờ Civil Georgia nói sơ qua về hiện tình mối liên hệ giữa hai Giáo Hội Chính Thống Georgia và Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Ngày 21 tháng Chín, một nhóm Chính Thống Giáo, trong đó, có một số linh mục của Giáo Hội này, đã tụ tập bên ngoài Tòa Sứ Thần của Vatican tại Tbilisi để phản đối cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng; một số mang biển ngữ với các hàng chữ “Vatican là kẻ gây hấn thiêng liêng” và “Kitô Giả hãy tránh xa Georgia”. Nhóm này cũng đã tụ tập tại phi trường Tbilisi khi Đức Giáo Hoàng tới đây.

Ngày 28 tháng Chín, Giáo Hội Chính Thống Georgia ra một tuyên bố viết sẵn, tự tách mình khỏi nhóm này khi nói rằng chủ trương của nhóm “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Cũng trong bản tuyên bố này, Tòa Thượng Phụ Georgia nhắc lại rằng mình sẽ không tham dự buổi cầu nguyện đại kết với người Công Giáo.

Bản tuyên bố viết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô I sẽ viếng thăm Georgia theo lời mời của Tổng Thống Georgia và của Thượng Phụ Toàn Georgia [Ilia II]. Tòa Thượng Phụ Georgia sẽ chào đón vị khách một cách tôn kính và hy vọng rằng chuyến viếng thăm sẽ góp phần thâm hậu hóa mối liên hệ nhiều mặt và củng cố hoà bình trong vùng”.

Tòa Thượng Phụ viết thêm: “Đồng thời, chúng tôi muốn tuyên bố là hoàn toàn không thể nào chấp nhận được những tuyên bố hết sức tiêu cực đã được công khai nói lên liên quan đến chuyến viếng thăm [của Đức Giáo Hoàng] bởi một số nhân vật tâm linh của Giáo Hội Chính Thống Georgia; chúng tôi muốn kêu gọi họ và kêu gọi mọi người nên bình thản”.

“Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng các liên hệ giữa chúng ta và Giáo Hội Công Giáo Rôma về phương diện Kinh Nguyện Thánh Thể đã bị cắt đứt từ Thời Trung Cổ và, theo giáo luật, các tín hữu Chính Thống không tham dự các buổi lễ tôn giáo (của người Công Giáo) bao lâu các dị biệt tín lý vẫn còn đó”.

Tòa Thượng Phụ cũng nhấn mạnh rằng: “Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành một Thánh Lễ [tại vận trường] cho người Công Giáo và, trái với một số quan điểm, không thể coi đây là biểu thức của chủ nghĩa cải đạo”.

Tờ báo viết thêm rằng cuộc tranh chấp lâu dài về quyền sở hữu một số nhà thờ ở Georgia vẫn còn đang tiếp diễn và cộng đồng Công Giáo địa phương đã và đang can dự vào một cuộc đấu tranh bằng pháp luật với văn phòng thị trưởng Rustavi, gần Tbilisi, nơi vốn không chịu cho phép xây dựng nhà thờ Công Giáo tại thị xã này vì sợ gây phẫn nộ cho các cử tri thuộc Giáo Hội Chính Thống Georgia. Đầu tháng Sáu năm nay, Tòa Án thị xã Rustavi đã phán quyết có lợi cho bên Công Giáo liên quan tới dự án này.

Tháng Chín, năm 2014, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti từng viếng thăm Tbilisi. Trước đó, hồi tháng Chín năm 2003, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, bấy giời là bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, cũng tới thăm Tbilisi để ký thỏa hiệp liên quốc gia, thừa nhận tư cách pháp nhân của Giáo Hội Công Giáo tại Georgia. Nhưng vào phút chót, chiều theo áp lực của Giáo Hội Chính Thống Georgia, các nhà cầm quyền Georgia đã quay đủ 360 độ và từ chối không ký thoả hiệp ấy. Năm 2011, bất chấp sự phản đối của Giáo Hội Chính Thống Georgia, nhà cầm quyền Georgia đã cho phép các nhóm tôn giáo thiểu số được đăng ký là các thực thể pháp nhân dưới luật lệ công cộng. Quyết định này đã được Vatican hoan nghinh.

Điều nên nhớ là tất cả các biến cố trên đều diễn ra dưới thời Thượng Phụ Ilia II, vì ngài được bầu làm Thượng Phụ Toàn Georgia từ năm 1977. Nay thì đã khác. Theo Nicole Winfield của A.P., khi đến Tbilisi, Đức Phanxicô xa gần nhắc tới “chủ quyền” của Georgia đối với các vùng của nước này đang bị Nga chiếm đóng, nhưng lời kêu gọi này không mấy ai chú ý bằng sự nghinh đón nhiệt tình một cách bất ngờ của “Thượng Phụ Ilia II, nhà lãnh đạo Chính Thống già nua, nhân vật được kính trọng nhất tại Georgia. Tựa vào chiếc gậy chống, ngài chào đón Đức Phanxicô như là 'người anh em thân mến của tôi'".

“Xin Chúa chúc lành cho Giáo Hội Công Giáo Rôma” Đức Ilia nói như thế khi chúc rượu Đức Giáo Hoàng tại Tòa Thượng Phụ. "Xin Chúa ban cho ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được trường thọ".

Thật khác với buổi nghinh đón Đức Gioan Phaolô II năm 1999. Lúc ấy, các căng thẳng giữa hai Giáo Hội mạnh đến nỗi, Giáo Hội Chính Thống Georgia thúc ép các tín hữu của họ tránh xa Thánh Lễ do Đức Gioan Phaolô II cử hành. Thượng Phụ Ilia, làm thượng phụ từ năm 1977, nhắc đến ngài như là một quốc trưởng, chứ không phải một nhân vật tôn giáo, và từ khước không chia sẻ lời kêu gọi tăng cường mối liên hệ đại kết của ngài.

Lần này, Thượng Phụ Ilia, dù không đích thân tham dự, nhưng có gửi một phái đoàn chính thức tới tham dự Thánh Lễ của Đức Phanxicô vào thứ Bẩy. Và hôm thứ Sáu, Thượng phụ đã nhấn mạnh tới các liên hệ xưa giữa hai Giáo Hội. Ngài nói: “Chúng ta từng sống trong tình yêu huynh đệ từ 20 thế kỷ qua. Tôi phải nói rằng chúng ta vốn có nhiều vần đề, nhưng chúng ta đã vượt qua được các vấn đề này bằng lời cầu nguyện và phúc lành của Thiên Chúa”.

Các nhà phân tích Georgia cho rằng việc xoay chiều thái độ nói trên không hẳn có liên quan tới nhân cách cho bằng dựa vào các tham vọng địa chính trị của Georgia. Nước này đang lo lắng gia nhập khối NATO và cũng đang theo đuổi việc trở thành hội viên của Liên Hiệp Âu Châu hiện gồm 28 quốc gia. Cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Georgia được coi như một cố gắng của chính phủ nhằm chiếm thêm đồng minh trong số các quốc gia Công Giáo của Âu Châu.

Dĩ nhiên, còn vấn đề Nga “chiếm đóng” nữa. Nga đã chiếm hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia sau một cuộc chiến tranh ngắn năm 2008. Georgia coi các lãnh thổ này bị “chiếm đóng” và vốn yêu cầu để hơn 200,000 người Georgia được “hồi cư”. Trong diễn văn ở đây, Đức Phanxicô ủng hộ lời yêu cầu của Georgia khi nói rằng các nhóm sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau nên được phép “sống chung hòa bình tại quê hương họ, hoặc được tự do trở về quê hương nếu vì một lý do nào đó, họ đã bị cưỡng bức phải rời bỏ nó”.

Ngài nói thêm: “Tôi hy vọng các nhà cầm quyền dân sự sẽ tiếp tục tỏ mối quan tâm đối với tình thế của những người này, và cam kết trọn vẹn đối với việc tìm ra các giải pháp cụ thể bất chấp bất cứ vấn nạn chính trị chưa được giải quyết nào”.

Một phúc trình của LHQ năm 2014 viết rằng các chức quyền kiểm soát vùng Nam Ossetia và các vùng phụ cận vẫn không chịu để cho người sắc tộc Georgia trở về nguyên quán của họ. Phúc trình này cũng nói tới việc các chức quyền này giam giữ những người Georgia dám vượt biên. Đức Phanxicô có tiếng là người bênh vực quyền lợi của người tỵ nạn trên khắp thế giới.

Tổng Thống Giorgi Margvelashvili từng cám ơn Tòa Thánh vì đã từ chối không thừa nhận điều ông gọi là “sự chiếm đóng” của Nga.

Nhìn chung, cả tín hữu Công Giáo lẫn tín hữu Chính Thống Giáo đều hài lòng với chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, cho thấy các Kitô hữu ngày một đoàn kết với nhau hơn trước sự đe dọa của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo.

“Tôi nghĩ trong thế kỷ 21, khi những điều như thế xảy ra trên thế giới, khi tại nhiều vùng, các Kitô hữu phải đối diện với sự đe dọa gần như bị tận diệt, tất cả chúng ta nên đoàn kết để bảo vệ hoà bình”, Lali Sadatierashvili, một người Công Giáo được dưỡng dục ở phía tây Georgia, nơi cô phải dấu diếm đức tin của mình thời Sôviết, nói như thế. "Chuyến viếng thăm Georgia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là lời kêu gọi hòa bình, lời kêu gọi vượt qua các khác biệt”.

Bachuka Gelashvili, một kỹ sư 50 tuổi, đứng ngoài nhà thờ Kashveti hôm thứ Sáu để chờ Đức Giáo Hoàng tới thăm, nói rằng: "đúng, có những người trong số người Chính Thống Giáo chúng tôi chống lại [chuyến viếng thăm] nhưng đây chỉ là chuyện chính trị nội bộ. Tôi là và vẫn sẽ là người chính thống giáo nhưng điều này không khiến chúng ta thôi không tiếp xúc với nhau. Chúng ta vốn có cùng một Thiên Chúa”.
 
Tổng thống Juan Manuel Santos nói Đức Thánh Cha sẽ thăm Colombia vào đầu năm tới
Đặng Tự Do
18:28 30/09/2016
Hôm 30 tháng 9, Tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia đã công bố rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thăm quốc gia Nam Mỹ này vào đầu năm tới.

Tòa Thánh chưa đưa ra một lời bình luận nào về kế hoạch cho một chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Colombia. Trong một thông điệp gởi đồng bào Á Căn Đình của ngài, Đức Thánh Cha nói rằng lịch trình của ngài cho năm 2017 đã dày đặc các chuyến đi đến châu Phi và châu Á. Do đó, sẽ không khả thi để lên kế hoạch cho một chuyến tông du nữa. Tuy nhiên, hồi tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng, ngài nhất định sẽ đến thăm Colombia nếu đàm phán thành công và một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và phiến quân FARC được thực hiện. Đó là hiệp ước hòa bình vừa được ký kết vào chiều thứ Hai 26 tháng 9, chấm dứt 52 năm nội chiến.

Tổng thống Santos cho biết chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng sẽ kéo dài bốn ngày, và sẽ diễn ra trong vòng ba tháng đầu năm 2017.
 
Bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canđê
Đặng Tự Do
18:52 30/09/2016
Các giám mục của Giáo Hội Công Giáo Canđê, một Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, đã kết thúc một thượng hội đồng kéo dài sáu ngày ở Erbil, thủ đô tự trị của người Kurd, hôm thứ Sáu 30 tháng 9.

Thượng Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canđê diễn ra trong bối cảnh quân Kurd và quân Iraq đang thắt chặt vòng vây quanh Mosul và nhiều người đang hy vọng thành phố này có thể sớm được giải phóng trước mùa Giáng Sinh năm nay. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS cố thủ trong thành phố Mosul đã ban hành tình trạng thiết quân luật và nhiều vụ xử tử liên tục diễn ra để ngăn đe dân chúng. Những người bị xử tử đa số là các thanh niên bị cáo buộc làm gián điệp cho quân Kurd và quân Iraq. Tuy nhiên, bọn khủng bố Hồi Giáo IS cũng xử tử một số khá lớn các chiến binh thánh chiến bị cáo buộc là đào ngũ.

Các Giám Mục, do đó, đã cầu nguyện cho chiến dịch giải phóng các vùng đất đang dưới ách của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và cho hòa bình ở Syria và Iraq.

Dịp này, các Giám Mục đã tái kêu gọi các linh mục và tu sĩ đã rời bỏ giáo phận của mình mà không có phép của Bề Trên hãy quay trở lại.

Thượng Hội Đồng phàn nàn rằng tình trạng nhiều linh mục chạy trốn khỏi Iraq và Syria mà không có sự cho phép của giám mục bản quyền đã “gây hoang mang trầm trọng cho các tín hữu.”

Trong những năm qua, các tuyên bố chính thức từ các Giám Mục Canđê luôn hô hào các linh mục “ở lại giáo phận hiện tại của mình” và bình thường hoá tình trạng của họ với các giám mục bản quyền.

Giáo Hội Công Giáo Canđê đã có những trục trặc với các cộng đoàn Canđê ở hải ngoại, vì các cộng đoàn đã chào đón các linh mục di tản cùng với những người tị nạn khác chạy trốn khỏi Trung Đông, trong khi các Giám Mục ở Iraq và Syria, quyết liệt muốn duy trì sự hiện diện Kitô giáo tại đó. Những trục trặc này đã gây căng thẳng đặc biệt trong cộng đoàn Canđê hải ngoại lớn nhất trên thế giới là cộng đoàn ở miền nam California. Một linh mục Công Giáo Canđê là cha Noel Gorgis, đang coi một giáo xứ địa phương ở California đã được yêu cầu trở về Iraq.

Các giám mục cũng đã đồng ý để “đưa một số thay đổi vào các văn bản của Thánh lễ Canđê”. Những thay đổi này đã được Ủy ban Phụng vụ Tòa Thượng Phụ Babylon chuẩn bị và đề nghị dựa trên các ý kiến thu thập vào năm 2006 và năm 2014. Những thay đổi này đang chờ đợi sự chấp thuận của Tòa Thánh.
 
Số người lánh nạn chiến tranh trên thế giới cao nhất trong lịch sử cận đại
Đặng Tự Do
19:07 30/09/2016
Số lượng những người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ để lánh nạn chiến tranh đã lên đến hơn 60 triệu trên toàn thế giới vào cuối năm 2015, một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc đã cho biết như trên.

Cao ủy LHQ về người tị nạn cho biết số người lánh nạn chiến tranh đã chiếm gần 1% của toàn bộ dân số thế giới: đó là tỷ lệ phần trăm cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi Liên Hợp Quốc bắt đầu lưu trữ các số liệu thống kê từ năm 1951. Tỷ lệ người di cư trong dân số thế giới là tương đối ổn định trong các thập niên 1950 và 1960, đã tăng vọt trong những năm 1980, sau đó ổn định trở lại vào những năm 1990 trước khi tăng vọt từ năm 2010 đến nay.

Làn sóng Hồi Giáo cực đoan và lòng khao khát muốn duy trì chiến tranh hòng thủ lợi của các cường quốc là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thế giới chiến tranh từng mảnh như hiện nay.

Tỷ lệ cao nhất của người di tản là từ Trung Đông, nơi 5.6% dân số phải chạy giặc. Tiếp đó là ở châu Phi, ở mức 1.6%.
 
Đức Giáo Hoàng nói ngài không phải là người thích du hành
Đặng Tự Do
19:19 30/09/2016
Trong một cuộc trao đổi ngắn với các phóng viên tháp tùng ngài trên chuyến bay hôm thứ Sáu 30 tháng 9 đến Tbilisi, Georgia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho biết là ngài không phải là người thích đi đây đi đó.

“Tạ ơn Chúa, đây sẽ là một chuyến đi ngắn ngủi,” Đức Giáo Hoàng nói. “Sau ba ngày chúng ta sẽ về nhà.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên nói rằng trong quá khứ đó ngài thích “ở nhà” hơn. Trong thời gian là Tổng giám mục Buenos Aires, ngài không thường xuyên đến Rôma, và vội vã trở về Á Căn Đình ngay khi có cơ hội đầu tiên.

Đức Giáo Hoàng đã không nói chuyện lâu với các phóng viên trong suốt chuyến bay tới Georgia. Ngài dự kiến sẽ tổ chức một buổi hỏi đáp sâu rộng hơn trên chuyến bay trở về Rôma.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã có một cuộc gặp gỡ với các ký giả trên chuyến bay hôm thứ Sáu đến Tbilisi để giới thiệu với họ ông Greg Burke, giám đốc mới của phòng báo chí Tòa Thánh, là người đang thực hiện chuyến đi nước ngoài đầu tiên với Đức Thánh Cha trong tư cách đó.
 
Đức Hồng Y Ruini nói thách đố lớn nhất cho một vị Giáo Hoàng là tìm kiếm các con chiên lạc mà không làm các con chiên ngoan hoang mang
Đặng Tự Do
19:30 30/09/2016
Thách thức lớn nhất đối với Đức Thánh Cha Phanxicô là đưa những con chiên lạc bầy trở về với Giáo Hội Công Giáo mà không tạo ra một cuộc khủng hoảng trong số những người Công Giáo chuyên tâm thực hành đạo. Đức Hồng Y Camillo Ruini, nguyên là đại diện của Đức Thánh Cha trong việc coi sóc giáo phận Roma đã đưa ra nhận xét trên.

“Tôi cầu nguyện xin Chúa cho việc tìm kiếm các con chiên lạc - là một sứ vụ không thể thiếu - không làm hoang mang lương tâm của các tín hữu trong đàn,” vị Hồng Y người Ý nói.

Đức Hồng Y Ruini đưa ra nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Corriere della Sera của Ý. Cuộc phỏng vấn được tổ chức nhân ngày phát hành cuốn sách mới của Đức Hồng Y. Cuốn sách có tựa đề: “Có hay không cuộc sống mai hậu? Cái Chết và Hy Vọng”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
GP Hưng Hóa :Thành lập giáo xứ Điện Biên là kết quả của Năm Thánh Lòng Thương Xót
Lm Giuse Nguyễn Văn Thành
15:53 30/09/2016
Thành lập giáo xứ Điện Biên là kết quả của Năm Thánh Lòng Thương Xót

WGPHH – “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 117). Đó là tâm tình của không chỉ giáo xứ Điện Biên mà còn của giáo phận Hưng Hóa vì ngày 28.9.2016, giáo xứ Điện Biên được chính thức công nhận sau bao nhiêu năm chờ đợi. Tham dự trong sự kiện quan trọng này, có Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục chánh tòa giáo phận Hưng Hóa. Có 23 linh mục trong và ngoài giáo phận, một số nam nữ tu sỹ. Có đại diện Ban Tôn Giáo chính phủ, ông Giám Đốc sở Nội vụ và nhiều ban ngành khác đến tham dự. Hơn nữa, còn có đông đảo giáo dân từ khắp nơi đến chung vui.

Xem Hình

Trước khi bước vào Thánh lễ, vào lúc 8g00 giáo xứ Điện Biên tổ chức nghi thức đón quyết định thành lập giáo xứ rất long trọng tại tiền sảnh nhà xứ. Ông Giám đốc sở Nội Vụ đã trao quyết định thành lập giáo xứ Điện Biên với 3 giáo họ: Điện Biên, Mường Ẳng và Tủa Chùa cho Cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn, tân quản xứ. Số lượng tín hữu khi thành lập là 576 người. Tất cả những ai tham dự đều vỗ tay vui mừng vì đây là giờ phút chờ đợi quá lâu. Nhân sự kiện mừng vui này, Ban Tôn giáo chính phủ chúc mừng bằng lãng hoa tươi thắm. Các giáo xứ, giáo họ và các ban ngành đoàn thể cũng chúc mừng.

Ông Vinh Sơn Trần Anh Kỹ, trưởng Ban hành giáo họ nhà xứ lên giới thiệu sơ lược quá trình hình thành và phát triển giáo xứ Điện Biên. Sau năm 1954, chấm dứt chiến trang Điện Biên Phủ, giáo dân miền xuôi thuộc các tỉnh Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình lên xây dựng kinh tế mới. Vì thế, nhìn lại lịch sử, giáo xứ Điện Biên có một sự hình thành và phát triển rất phức tạp. Có thể chia thành 3 giai đoạn chính: giai đoạn qui tụ ngay từ tháng 5/2014, Điện Biên có Thánh lễ đầu tiên tại gia đình ông Vinh Sơn Trần Anh Kỹ ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên do một cha đi du lịch; Và từ đó, Điện Biên quy tụ đọc kinh hàng tuần, khi ở chỗ này lúc ở chỗ kia, nhất là mời các cha quê hương về dâng lễ an tang khi có người qua đời.

Giai đoạn hình thành: ngày 27/12/2005, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương chào thăm chính quyền tỉnh Điện Biên và cũng thăm một số gia đình Công Giáo tại thành phố Điện Biên đánh dầu một bước ngoặt quan trọng trong việc khai mở công cuộc truyền giáo sau này. Ngày 21/01/2007, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương gửi văn thư đề nghị tỉnh Điện Biên công nhận hai giáo họ Điện Biên và Tủa Chùa, đồng thời ngài cũng bổ nhiệm cha Phêrô Phạm Thanh Bình quản xứ Sapa chăm lo cho giáo dân tỉnh Điện Biên. Từ đó, các sinh hoạt dần dần đi vào ổn định. Mỗi tuần giáo dân đọc kinh hai lần vào thứ Năm và Chúa Nhật. Mỗi tháng, cha Bình sang một lần và dâng lễ tại nhà ông Phanxicô Nguyễn Bá Huân tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên.

Giai đoạn ổn định và phát triển: Ngày 08/9/2015, Tòa Giám Mục giáo phận Hưng Hóa quyết định thành lập giáo xứ Điện Biên gồm 3 giáo họ: Điện Biên, Mường Ẳng và Tủa Chùa, và đã gửi giấy đề nghị thành lập giáo xứ Điện Biên lên Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Điện Biên. Ngày 28/7/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã chấp thuận việc thành lập tổ chức tôn giáo cơ sở là giáo xứ Điện Biên.

Đầu Thánh lễ, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất đã giao cho cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn làm quản xứ, cha Phêrô Nguyễn Văn Hùng phó xứ, có trách nhiệm chăm sóc tất cả giáo dân trong tỉnh Điện Biên. Thật là hạnh phúc cho giáo xứ Điện Biên vì trong một ngày đã đón nhận hai sự kiện lớn. Vì thế, Thánh lễ hôm nay mang hai mục đích. Mục đích thứ nhất là tạ ơn Thiên Chúa vì có quyết định chính thức thành lập giáo xứ Điện Biên. Mục đích thứ hai là nghi thức nhận xứ của cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn.

Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức Cha Gioan nói về những điều kiện để thành lập giáo xứ và vai trò của linh mục quản xứ. Nhiều giáo dân quy tụ lại thành giáo họ. Nhiều giáo họ gộp lại thành giáo xứ. Nhiều giáo xứ gộp lại thành giáo phận. Mỗi giáo xứ được trao phó cho một linh mục coi sóc để thay mặt Đức Giám Mục, làm chủ chăn riêng của giáo xứ đó. Trên thực tế, giáo xứ Điện Biên hiện nay có hơn hai ngàn hai trăm người, trong đó có hơn một ngàn là người dân tộc H’Mông. Đó là một miền đất truyền giáo rất hấp dẫn.

Sau Thánh lễ, ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ đã có lời cám ơn Đức Cha, quý cha, quý vị lãnh đạo chính quyền các cấp và quý vị khách quý. Ông đã không giấu được niềm vui sướng khi được chứng kiến sự kiện quan trọng này: “Thật là khó diễn tả cảm xúc của chúng con trong giây phút này! Cộng đoàn giáo xứ Điện Biên quá nhỏ bé và bất xứng nhưng Thiên Chúa vẫn ấp ủ từng người chúng con trong trái tim yêu thương của Người”.

Thánh lễ kết thúc trong bình an của Thiên Chúa. Ai cũng vui mừng và nói với nhau rằng: “Chúa thương Điện Biên quá nhiều và kết quả như ngày hôm nay là do bao lời cầu nguyện và việc lành của mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận đã làm trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Lm Giuse Nguyễn Văn Thành
 
Họ Yên Lưu – Xứ Thuận Nghĩa: Khánh Thành Trường Giáo Lý và Mừng Lễ Bổn Mạng
Jos Đức Tiến
15:58 30/09/2016
Họ Yên Lưu – Xứ Thuận Nghĩa: Khánh Thành Trường Giáo Lý và Mừng Lễ Bổn Mạng

Trường giáo lý luôn là một công trình mang tính cấp thiết và quan trọng trong Giáo Hội Công Giáo. Bởi lẽ, nó là môi trường giáo dục giúp các em học sinh trưởng thành về đời sống đức tin, góp phần hoàn thiện các em về mặt nhân bản và hướng các em tới Chân Thiện Mỹ với mẫu gương lý tưởng là Đức Kitô – trung tâm điểm của đời sống Kitô giáo.

Xem Hình

Vào lúc 07h30 ngày 29/9/2016, giáo họ Yên Lưu, giáo xứ Thuận Nghĩa long trọng cắt băng khánh thành và làm phép ngôi trường giáo lý mang tên Thánh Luy Gonzaga, trong ngày mừng lễ kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, bổn mạng của Giáo họ.

Giáo họ Yên Lưu có trên 3000 nhân khẩu, với lượng học sinh khá đông. Điều đó đồng nghĩa với nhu cầu về không gian sinh hoạt và giáo dục cho các em là rất lớn. Với trăn trở đó, ngày 25/11/2010 Cha tiền quản nhiệm quá cố Antôn Phạm Đình Phùng đã chủ tế dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà trường. Công trình tiến triển chưa được bao lâu thì biến cố đầy đau thương đã xảy đến, Cha Antôn Phạm Đình Phùng đã đột ngột ra đi. Ngôi nhà trường đã không thể tiếp tục thi công cho đến khi Cha quản xứ đương nhiệm Antôn Nguyễn Văn Đính về tiếp quản. Cho đến nay, sau gần 6 năm vất vả hy sinh, với những cống hiến và đóng góp to lớn của tất cả mọi thành phần trong giáo họ, giáo xứ cùng các ân nhân xa gần. Ước nguyện của con dân giáo họ Yên Lưu nay đã thành hiện thực. Một ngôi nhà trường giáo dục đức tin khang trang với đầy đủ tiện nghi đã được hoàn thành. Và hôm nay, sứ mệnh cao cả của nó bắt đầu được hát lên sau nghi thức cắt băng khánh thành do Đức Cha Phụ Tá Phêrô Nguyễn Văn Viên chủ sự.

Tại buổi lễ cắt băng khánh thành và làm phép nhà trường, trước sự hiện diện của 15 linh mục trong và ngoài giáo hạt cùng đông đảo giáo dân, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên đã bày tỏ niềm vui và lòng thán phục trước tinh thần hăng say nhiệt tình đầy nỗ lực của Cha quản xứ cùng mọi người trong giáo họ Yên Lưu. Ngài cũng nhắc nhở những người có trách nhiệm cần sử dụng triệt để chức năng của ngôi nhà trường, sao cho xứng đáng với ý nghĩa và mục đích của nó.

Sau nghi thức, đoàn rước nhập lễ từ nhà trường tiến vào nhà thờ trong tiếng kèn trống hân hoan. Thánh lễ mừng kính Tổng lãnh Thiên Thần Micae, bổn mạng giáo họ được diễn ra cách long trọng và sốt sắng. Trong phần giảng lễ, Đức Cha Phêrô đã phân tích về vai trò và sứ mạng của các Thiên Thần, cách riêng là Toognr Lãnh Thiên Thần Micae. Qua đó, Đức Cha muốn bà con giáo dân trong giáo họ Yên lưu và những ai chọn Ngài làm Quan Thầy luôn biết cậy trông vào sức mạnh của Ngài để can đảm chiến đấu chống lại sự dữ. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội lắm rối ren và nghịch lý, đầy bất công và sai trái ngày nay.

Kết thúc thánh lễ, đại diện Hội Đồng Mục Vụ Giáo họ thay mặt cho bà con giáo dân nói lên tâm tình tri ân Đức Cha, quý Cha và cộng đồng. Một lần nữa, Đức Cha Phêrô thay lời quý Cha đồng tế chúc mừng cộng đoàn giáo họ. Đặc biệt, Ngài lưu ý mỗi người quan tâm bảo vệ môi trường. Ngài nhấn mạnh về 5 loại môi trường: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường tâm hồn, môi trường nguyên tổ và “môi trường Thiên Chúa”. Với môi trường tự nhiên đang bị ô nhiễm ngày nay, đặc biệt là tại miền trung đất nước Việt Nam. Vấn nạn về ô nhiễm môi trường biển đang được quan tâm bởi tính chất nguy hiểm trầm trọng mà nó đã và đang gây nên. Ngài nói: Muốn có một môi trường tự nhiên đẹp thì phải có một môi trường xã hội tốt, muốn có một môi trường xã hội tốt thì phải có môi trường tâm hồn trưởng thành. Và quan trọng hơn hết là môi trường tự nhiên phải luôn liên kết với “môi trường Thiên Chúa”. Nghĩa là khởi đi từ “môi trường Thiên Chúa”, tất cả mọi hành động và việc làm của con người sẽ mang tinh thần Tin Mừng. Lúc đó, môi trường tự nhiên sẽ luôn trở nên tươi đẹp.

Hy vọng với ngôi trường Giáo lý mới, Giới trẻ Giáo họ Yên Lưu được hướng dẫn và giáo dục nhiều hơn về đức tin, nhân bản và các đức tính cần thiết cho đời sống đạo. Nhờ đó, các em lớn lên và trở thành những trụ cột trong gia đình, Giáo Hội và xã hội, từ đó biết can đảm chiến đấu và chiến thắng mọi sự dữ trong mọi môi trường sống như Đức Thánh Micae quan thầy.

Jos Đức Tiến
 
Văn Hóa
Tạ ơn trời đất
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
15:03 30/09/2016
Tạ ơn Trời Đất

Hằng năm, tùy theo phong tục tập quán tập nếp sống văn hóa đạo đức mỗi dân tộc, cùng thời tiết trong thiên nhiên, thường có ngày lễ cầu mùa xin cho mưa thuận gío hòa, để cày cấy gieo trồng được có kết qủa tốt vào thời gian bắt đầu mùa gieo trồng cày cấy, thường thì vào tháng Năm hằng năm.

Và vào cuối mùa cày cấy sau mùa thu hoạch hoa trái, cũng có ngày lễ tạ ơn, thường vào tháng 10. mỗi năm. Ở Âu châu ngày lễ cầu mùa và ngày lễ tạ ơn mùa thu hoạch diễn ra theo chu kỳ này.

Vẫn biết với kỹ thuật khoa học ngày nay việc gieo trồng cày cấy, kể cả thu hoạch hoa trái mùa màng không còn lệ thuộc nhiều vào sứ lực tay chân nữa. Con người với những phương pháp khoa học tiến bộ muốn năng cao sản lượng hoa mầu lên cao nhiều hơn như mong muốn.

Đây là điều tốt để góp phần vào việc phát triển làm phong phú đời sống con người, nhất là xóa bỏ nạn đói kém thiếu lương thực. Nhưng dẫu vậy, con người cũng đụng đến biên giới khả năng của mình. Con người không là chủ thiên nhiên. Trái lại, họ được tạo dựng sống trong thiên nhiên và lệ thuộc vào thiên nhiên.

Sống trong xã hội an bình, thịnh vượng cùng cuộc sống no đủ dưa thừa như bên Âu Châu, bên vùng Bắc Mỹ châu, một vụ thu hoạch bội thu trúng mùa không phải là điều tự nhiên xảy đến. Chúng ta thường nghe, xem thấy những hình ảnh những vùng hoa mầu ngập lụt, do mưa nhiều, những nơi bị hạn hán khô nắng nhiều ngày tháng…dẫn đến hoa mầu cây trồng bị chết, hay hoa trái bị hư hỏng thất thu. Những nhà nông phải chịu đựng trải qua thời vụ thua lỗ nặng nề. Những nhà nông vì thế cần sự trợ giúp từ Trời cao, mặc dù có kỹ thuật cao tân tiến.

Chúc lành của Thiên Chúa, Đấng là chủ thiên nhiên luôn cần thiết cho đời sống con người nhất là công việc làm ăn gieo trồng sinh sống.

Trong suốt dọc đời sống con người càng cảm nhận ra ngạn ngữ khôn ngoan đầy lòng tin tưởng: làm bởi bay, nhưng ban bởi Ta. Hay như Thánh Phaolo xác tín: „ Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.7 Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể“ (1. Cor. 3,6-7)

Dù đời sống xã hội ngày càng công nghiệp hóa, nhưng lương thực như lúa gạo, cơm bánh…do các nhà nông sản xuất ra cho đời sống là căn bản luôn rất cần thiết cho nuôi sống con người mọi thời đại thế hệ. Trời đất thiên nhiên là nguồn tài nguyên căn bản hôm qua hôm nay và ngày mai được tạo dựng cho con người mọi thế hệ thời đại.

Đất, nước thiên nhiên là nguồn mang đến hoa trái thực phẩm cho đời sống con người. Đang khi số lượng con người trên thế giới ngày càng dần tăng triển thêm nhiều, trong phạm vi chiều kích chu vi của nguồn căn bản trong thiên nhiên. Đây là một bài toán thách thức đòi con người có trách nhiệm phải tìm kiếm ra giải đáp mà không được gây ra làm thiệt hại cho con người, cũng như không được hủy hoại môi trường sinh thái thiên nhiên.

Nuôi sống con người cho có no đủ lương thực đem lại sức khoẻ, và bảo vệ gìn giữ thiên nhiên là nhiệm vụ hàng đầu cho hôm qua cũng như cho hôm nay và cho ngày mai.

Chúng ta hằng ngày có đủ lương thực tốt tươi ngon cùng lành mạnh trên bàn ăn là do công lao của bao nhiêu người làm ra, và nhất là do Đấng chúc lành ban cho.Vì vậy tâm tình tạ ơn Đấng là chủ thiên nhiên đã ban chúc lành cho mùa gieo trồng thu hoạch có kết qủa tốt là điều tự nhiên cùng cần thiết.

Và trong no đủ chúng ta cũng không quên nhớ tới cùng chia sẻ với những người vướng vấp vào hoàn cảnh khốn khốn không đủ lương thực nuôi sống hằng ngày.

„ Tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều.7 Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.8 Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện,9 theo như lời đã chép: Kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm phúc; đức công chính của Người tồn tại muôn đời.

10 Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào.11 Anh em sẽ được sung túc mọi bề để làm mọi việc thiện cách rộng rãi. Những việc chúng ta làm sẽ khiến người ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.12 Thật thế, việc phục vụ cho công ích này không những đáp ứng nhu cầu của của các người trong dân thánh, mà hơn thế nữa, còn là nguồn phát sinh bao lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa.

13 Việc phục vụ này là một bằng cớ cho họ tôn vinh Thiên Chúa, vì thấy anh em vâng phục và tuyên xưng Tin Mừng của Đức Ki-tô, và vì thấy anh em có lòng quảng đại, sẵn sàng chia sẻ với họ và với mọi người.14 Còn họ, họ sẽ cầu nguyện cho anh em để tỏ lòng quý mến, bởi nhận thấy ân huệ tuyệt vời Thiên Chúa đổ xuống trên anh em.15 Xin cảm tạ Thiên Chúa vì phúc lộc khôn tả Người ban!“ ( 2. Cor 9 , 6-15).

Năm Thánh lòng thương xót 2015-2016

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lá Thu
Tấn Đạt
20:30 30/09/2016
LÁ THU

Ảnh của Tấn Đạt

Tạ ơn Thượng đế thương ban

Lá thu sắc thắm ngỡ là đang xuân.

(bt).
 
VietCatholic TV
Thời sự tuần qua 30/09/2016: Cuộc gặp gỡ cảm động của ĐTC với các nạn nhân khủng bố tại Nice
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:03 30/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Diễn biến gây xúc động mạnh, trong đó nhiều người tham dự trong biến cố này đã không cầm được nước mắt là buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và gia đình các nạn nhân của tai ương khủng bố do những nhóm Hồi Giáo cực đoan gây ra trên thế giới, đặc biệt là tại thành phố Nice bên Pháp.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hơn 1,000 người có người thân đã chết vì bạo lực vô nghĩa đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến vào lúc 12 giờ trưa thứ Bẩy 24 tháng 9 tại đại thính đưòng Phaolô Đệ Lục. Ngài xúc động chia buồn, an ủi, ôm hôn, và lau những giọt nước mắt cho họ. Đức Thánh Cha ghi nhận nhiều người tham dự trong buổi tiếp kiến này lâm vào tình cảnh đơn côi vì các thành viên khác trong gia đình bị tước bỏ sự sống bất thình lình và thê thảm.

Các gia đình này đến từ Hoa Kỳ, Maroc, Estonia nhưng đông nhất là các gia đình đến từ thành phố Nice, bên Pháp.

Nice là thành phố nằm ở miền Đông Nam nước Pháp bên bờ Địa Trung Hải . Theo các nhà sử học, thành phố này có lẽ được thành lập bởi người Hy Lạp vào khoảng năm 350 trước Chúa Giáng Sinh và được đặt tên là Nikaia, nghĩa là thành phố của nữ thần chiến thắng Nike, một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.

Ngày nay, Nice là thành phố lớn thứ hai của nước Pháp bên bờ Địa Trung Hải và là thành phố có dân số đông thứ 5 của nước Pháp.

Thành phố có biệt danh là Nice la Belle, nghĩa là Nis tuyệt đẹp. Đó cũng là tên của một bài hát chính thức của thành phố này được viết bởi Menica Rondelly vào năm 1912.

Sau Paris, Nice là thành phố thu hút đông đảo khách du lịch. Phi trường Nice Côte d’Azur là phi trường lớn thứ ba của Pháp sau hai phi trường ở Paris là Charles de Gaulle và Orly. Từ Paris, du khách có thể đáp chuyến tàu nhanh đi Nice trong vòng chưa tới 6 giờ. Từ Nice đi Marseilles bằng tàu điện chỉ mất khoảng 2 giờ 30 phút.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc gần 11h đêm, ngày Lễ Quốc Khánh của Pháp, tức là ngày 14 tháng 7 vừa qua, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã mở cuộc tấn công vào thành phố xinh đẹp này.

Mohamed Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi, người gốc Tunisi, đã lái một chiếc xe tải, nặng tới 19 tấn, với tốc độ rất nhanh vào một đám đông xem bắn pháo bông mừng Quốc Khánh trên đại lộ Promenade des Anglais. Tên khủng bố đã cố ý lái xe sàng qua sàng lại để giết thật nhiều người. Ít nhất 10 trẻ em bị cán chết. Chiếc xe tải cuối cùng đã dừng lại sau khi càn qua hai kilômét. Tên khủng bố ra khỏi xe và bắn vào đám đông trước khi bị bắn chết trong một cuộc đọ súng với cảnh sát.

86 người bị giết chết và 434 người bị thương, trong đó có những người phải tàn phế suốt đời vì phải cưa chân.

Ngày 21 tháng 7, công tố viên của Paris là ông François Molins cho biết tên khủng bố đã dự trù cuộc tấn công trong nhiều tháng trời và được sự giúp đỡ của nhiều tòng phạm. Cho đến nay đã có 6 người bị bắt.

Phản ứng của Tòa Thánh ngay khi biến cố thê thảm này xảy ra là như thế nào?

Thưa quý vị và anh chị em,

Ngay sau khi xảy ra cuộc tấn công này, Cha Federico Lombardi, lúc ấy là giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:

“Chúng tôi đã theo dõi vụ việc này trong đêm qua, với những mối quan tâm lớn nhất trước những tin tức khủng khiếp đến từ Nice.”

Ngài nói thêm: “Chúng tôi muốn bày tỏ, về phần của Đức Thánh Cha Phanxicô và của chính bản thân chúng tôi, tình liên đới và sự chia sẻ những đau khổ với các nạn nhân và toàn dân Pháp, trong một ngày lẽ ra phải là một lễ kỷ niệm đẹp đẽ. Chúng tôi tuyệt đối lên án mọi biểu hiện của sự giết người điên rồ, hận thù, khủng bố, và các cuộc tấn công chống lại hòa bình.”

Cuộc tấn công xảy ra chỉ tám tháng và một ngày sau khi các tay súng và những kẻ đánh bom tự sát của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công Paris vào ngày 13 Tháng 11 năm 2015, giết chết 130 người. Bốn tháng trước, một người Hồi giáo có quốc tịch Bỉ có liên hệ với những kẻ tấn công ở Paris đã giết chết 32 người tại một sân bay ở Brussels.

Chưa đầy 2 tuần sau đó, hai tên khủng bố Hồi giáo 19 tuổi đã giết chết cha Jacques Hamel, 85 tuổi khi ngài cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray vào ngày 26 tháng 7.

Cha Jacques Hamel bị quân khủng bố Hồi Giáo cắt cổ ngay khi ngài đang dâng thánh lễ bên trong nhà thờ. Khi bị tấn công bằng dao, cha đã cố gắng chống trả những kẻ tấn công mình với đôi chân và nói: ‘Satan, hãy xéo đi’ và không ngừng lặp lại ‘Satan, hãy xéo đi’.

Trong số những người tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 24 tháng 9, có cả hai người đã bị thương tại nhà thờ Saint Etienne du Rouvray ngày 26/07 vừa qua, là những người đã phải chứng kiến toàn bộ cuộc tử đạo của cha Jacques Hamel, một linh mục thánh thiện, đầy lòng nhân từ.

Trong bản tin xứ đạo Saint-Étienne-du-Rouvray, người ta còn đọc được mấy lời dặn dò của cha Hamel trong đó mời gọi mọi người cư xử với nhau trong tình huynh đệ, trông cậy vào lòng Chúa thương xót. Ngài viết : ‘‘Năm nay mùa xuân còn lạnh. Nếu tinh thần có bị sa sút, hãy vững tâm vì ngày hè sẽ đến.

Ngày hè còn là thời gian gặp gỡ, chia sẻ. Có người đi tĩnh tâm hoặc hành hương. Người khác nghiền ngẫm lời Chúa giúp ta vui sống, hoặc lần giở kinh sách, ngắm nhìn cảnh vật tuyệt đẹp, nhắc nhở ta kỳ công Thiên Chúa. Nào ta hãy lắng nghe Chúa nhắn nhủ ta sống với nhau hòa thuận, trong tình nghĩa huynh đệ. Mùa hè còn thời gian nguyện cầu cho những ai lâm cảnh thiếu thốn, cho hòa bình, cho chung sống hiền hòa. Trong năm lòng Chúa thương xót, nào ta hãy quan tâm đến các điều tốt đẹp.’’

Chiều ngày 17 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande, đến viếng thăm với tư cách riêng và cám ơn ngài vì đã liên đới với nhân dân Pháp trong những vụ khủng bố mới đây.

Cùng đi với tổng thống có bộ trưởng nội vụ Bernard Cazeneuve và đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh, Ông Philippe Zeller. Cuộc hội kiến kéo dài 40 phút.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí trước cuộc tiếp kiến của Đức Thánh Cha, tổng thống Hollande nói rằng: “Sau thử thách kinh khủng là vụ sát hại Cha Hamel, và sau vụ khủng bố ở Nice, Đức Giáo Hoàng đã có những lời có sức an ủi lớn. Tất cả những lời được biểu lộ - kể cả những lời của các vị trách nhiệm Giáo Hội tại Pháp - đều rất quan trọng trong thời điểm này vì góp phần nhắc nhớ sự đoàn kết và gắn bó với nhau của Pháp, sự hòa giải cần được thực hiện và cả tình liên đới của toàn thế giới đối với nước Pháp, nạn nhân của những vụ khủng bố này”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trở lại với buổi tiếp kiến trưa ngày 24 tháng 9 vừa qua.

Mở đầu, để nói lên lòng biết ơn Đức Thánh Cha, ban hợp xướng của nhạc viện Nice đã trình diễn ca khúc ‘‘Nice la belle’’ của Menica Rondelly mà Trúc Ly đã đề cập.

Đức Cha André Marceau, giám mục Nice, đã nói lên tâm tình của các nạn nhân với những câu “Pourquoi” trước bạo lực vô nghĩa và tai họa bất thình lình giáng xuống đầu họ và gia đình. Ngài cũng cám ơn cử chỉ hiền phụ của Đức Thánh Cha dành cho gia đình các nạn nhân.

Tiếp lời Đức Cha André Marceau, Ông Pierre Etienne Denis, chủ tịch Hiệp hội các Nạn nhân Khủng bố cám ơn Đức Thánh Cha và nêu nhận xét rằng: “Những nạn nhân đến đây không phân biệt tôn giáo đều nhận ra lòng nhân ái vô biên của vị lãnh đạo tối cao Giáo Hội Công Giáo.’’ Đó cũng là nhận định của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh, khi ngài nói rắng “Cuộc triều yết này mang ý nghĩa đại kết sâu xa.”

Ông Pierre Etienne Denis đã dâng lên Đức Thánh Cha một giỏ 86 bông hoa cẩm chướng đủ màu, tượng trưng cho 86 nạn nhân vô tội bị chiếc xe vận tải của quân khủng bố cán chết tại Nice.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha xúc động chia buồn với các thân nhân và nói rằng “nỗi đau buồn này càng sâu đậm khi tôi nghĩ đến các trẻ em, thậm chí có toàn bộ một số gia đình bị tước bỏ sự sống bất thình lình và thê thảm như vậy”.

Ngài cũng nhắc nhở rằng “Đối với các tín hữu Kitô chúng ta, nền tảng hy vọng chính là Chúa Giêsu đã chịu chết và sống lại. Ước gì niềm xác tín về sự sống đời đời, - một điều cũng có nơi các tín hữu thuộc các tôn giáo khác-, là niềm an ủi cho anh chị em trong cuộc sống, và là động lực mạnh mẽ để anh chị em kiên trì can đảm tiếp tục hành trình của anh chị em tại thế này”.

Đức Thánh Cha không quên cầu nguyện cho tất cả những người bị thương, trong một số trường hợp có những người bị cưa cắt, trong thể xác và tinh thần. Ngài cũng ca ngợi tinh thần liên đới mà thảm trạng ở Nice khơi lên, đồng thời cám ơn tất cả những người đã cứu giúp các nạn nhân, đặc biệt là hiệp hội Huynh Đệ miền Alpes-Maritimes, bao gồm các tôn giáo khác nhau, trong đó có nhiều tổ chức bác ái Công Giáo.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng “thiết lập một cuộc đối thoại chân thành và những quan hệ huynh đệ giữa mọi người, đặc biệt là những người cùng tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất và từ bi, là một điều ưu tiên cấp thiết mà các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, cần tìm cách cổ võ và mỗi người được kêu gọi thực hiện chung quanh mình. Khi cám dỗ co cụm vào mình, hoặc cám dỗ dùng oán thù và bạo lực để đáp trả bạo lực, lên tới mức độ mạnh mẽ, thì sự hoán cải nội tâm chân thành là điều cần thiết. Đó là sứ điệp Tin Mừng được gửi đến tất cả chúng ta”.

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã gặp từng người, thăm hỏi, an ủi họ. Nhiều người không cầm được nước mắt.