Ngày 03-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:54 03/10/2016
35. CHỈ CÓ BỨC TRANH ĐỐI NHAU.
Lý Đình Ngạn lấy một trăm vần thơ của mình tặng cấp trên, trong đó có một câu thơ:
- “Em chết vứt bỏ tại Giang Nam, anh vong thân nơi vùng hiểm bắc.”
Cấp trên đau xót ngậm ngùi nói:
- “Không ngờ trong nhà ông gặp nhiều hung nạn bất hạnh đến nỗi hoàn cảnh ra như thế này !”
Lý Đình Ngạn lật đật giải thích:
- “Thật ra hoàn toàn không phải như thế, tôi chỉ nắn nót bài thơ cho có bức tranh đối nhau mà thôi !”
(Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư 35:
Có người khi làm thơ thì trút cả lòng mình ra trong vần thơ, có người làm thơ thì mượn ý mượn lời của người khác để có hứng thú, có người làm thơ thì “bê” luôn bài thơ của người khác làm của mình...
Mượn ý để làm thơ là chuyện có thật, mà phải như thế mới có bài thơ hay để đời, và thi sĩ nào cũng làm thế mà thôi, bởi vì không ai tự nhiên mà thốt ra những bài thơ tình hay đáo để nếu người ấy không yêu đương ! Mọi bài thơ đều đáng khen dù hay hoặc không hay, bởi vì thi sĩ đã đem hết tâm trí mình đặt thành bài thơ.
Có một bài thơ hay nhất, tuyệt vời nhất trong lịch sử của nhân loại, đó là bài thơ “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” của Đức Mẹ Ma-ri-a, chính miệng Mẹ thốt ra để ca ngợi Thiên Chúa, và những người dốt nát thần học Thánh Kinh như chúng ta, thì dù bài thơ này của ai không thành vấn đề, chỉ cần biết là bài thơ ca ngợi rất hay, không hay sao được khi mà từ các Đức Giáo Hoàng, các giám mục, các linh mục, tu sĩ và cả giáo dân khắp nơi trên thế giới mỗi ngày đều đọc (hát) nó ? Không hay sao được khi mà có rất nhiều mhạc sĩ tài ba trên thế giới đã phổ nó thành những bài hát rất tuyệt vời, tóm lại bài “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” là một bài thơ tuyệt vời mà chúng ta cần phải biết, phải đọc và phải suy gẫm, để hiểu rõ thêm về tình thương của Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ Ma-ri-a –Đấng đầy ơn phúc.
Mỗi ngày các giám mục, các linh mục, các thầy phó tế và các tu sĩ nam nữ đều đọc nó, và chúng ta thấy ra sự khiêm nhu thẳm sâu của Đức Mẹ Ma-ri-a trong bài ca ngợi này, nhưng chính mỗi người chúng ta thì không sống, không bắt chước nhân đức khiêm tốn của Mẹ trong bài ca ngợi này, bằng chứng là chúng ta vẫn hống hách với mọi người khi họ cung kính tôn trọng chúng ta; bằng chứng là chúng ta vẫn nói hành người này, nói xấu người kia làm cho họ phải bỏ nhà thờ và có ác cảm với những người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa...
Mỗi ngày chúng ta đều đọc bài ca ngợi này, và coi đó như là bức tranh tuyệt tác mà Đức Mẹ Ma-ri-a đã vẽ ra với tất cả tâm hồn khiêm tốn để ca tụng Thiên Chúa.
Đó cũng là bức tranh để đối chiếu với đời sống thiên liêng của chúng ta vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:56 03/10/2016

22. Diều hâu biết nơi nào có xác chết thì bay đến nơi đó, Thánh Thể là lương thực hằng sống của chúng ta mà chúng ta không nên đi lãnh nhận sao ?

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Phanxicô 'bật đèn xanh' cho việc phong chân phước Cha Jacques Hamel
Chân Phương
08:54 03/10/2016
ĐTC Phanxicô 'bật đèn xanh' cho việc phong chân phước Cha Jacques Hamel

Tổng giáo phận Rouen bên Pháp đã chính thức bắt đầu án điều tra phong chân phước cho linh mục Jacques Hamel, ngài bị những kẻ Hồi giáo cực đoan bắn chết hồi đầu mùa hè năm nay. Tiến trình này sở dĩ được mở ra nhanh chóng là vì Đức Thánh Cha Phanxicô đã có chỉ thị bãi miễn thời gian chờ đợi 5 năm theo truyền thống của Giáo Hội.

Hôm 2 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Dominique Lebrun của Tổng giáo phận Rouen đã ra thông báo này sau khi cử hành Thánh Lễ mở cửa lại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray, nơi cha Hamel bị những kẻ ủng hộ của Nhà nước Hồi giáo (IS) giết hại hồi tháng 7.

Thông thường, cần thời gian chờ đợi 5 năm sau khi đương sự qua đời thì mới có thể chính thức khởi động án điều tra phong chân phước ở cấp giáo phận. Mặc dù việc bãi miễn quy tắc này là ngoại thường, nhưng gần đây vẫn được áp dụng như trường hợp của Thánh Têrêsa Calcutta và Thánh Gioan Phaolô II.

Theo một tuyên bố ngày 2 tháng 10 do Hội Đồng Giám Mục Pháp ban hành, Đức Tổng Giám mục Lebrun đã được Bộ Tuyên Thánh của Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô "đã bãi miễn thời gian chờ đợi 5 năm như yêu cầu thông thường trước khi bắt đầu án điều tra chính thức cho việc phong chân phước Cha Hamel".

Để cảm ơn Đức Thánh Cha vì "nghĩa cử đặc biệt này", Đức Tổng Giám mục Lebrun đã quyết định bắt đầu tiến trình này ngay trong ngày mở cửa lại nhà thờ giáo xứ của Cha Hamel.

Nhằm đánh dấu việc mở cửa lại nhà thờ giáo xứ của Cha Hamel, vốn bị đóng cửa kể từ sau cái chết đẫm máu của ngài hôm 16 tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Lebrun đã cử hành một Thánh Lễ đặc biệt, bắt đầu bằng một cuộc rước từ nhà xứ đến cửa trước nhà thờ, rồi mở cửa lại sau khi ngài có một huấn từ ngắn gọn.

Phụng vụ bao gồm việc đọc Thánh Kinh, cầu nguyện và Thánh Lễ, tất cả đều tập trung vào chủ đề tha thứ, hòa giải và hòa bình. Nghi thức đặc biệt được dùng trong Thánh Lễ là một lời cầu nguyện dành cho những trường hợp phạm thánh để liên hệ đến sự kiện này.

Trước đó, trong một Thánh Lễ ngày 14 tháng 9 tại Vatican để tưởng nhớ Cha Hamel, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự tin tưởng rằng vị linh mục này là một người tử đạo. Hôm đó, Đức Tổng Giám Mục Lebrun, người chị em của Cha Hamel và khoảng 80 người hành hương khác từ Rouen đã đến hiện diện.

Đức Tổng Giám Mục Lebrun là giám mục sở tại của Cha Hamel, đã xin Đức Thánh Cha ký tên vào một bức ảnh của vị linh mục bị sát hại để mang về tặng cho ba nữ tu đã chứng kiến vụ việc vì các sơ không thể đến Rôma tham dự Thánh Lễ.

Đức Tổng Giám Mục Lebrun đã rất ngạc nhiên khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói với ngài là hãy đưa bức ảnh ấy lên bàn thờ trước Thánh Lễ. "Điều này làm tôi xúc động", ngài nói.

Trong một cuộc họp báo có liên quan, Đức Tổng Giám Mục Lebrun kể rằng: "Sau khi gửi lời chào tất cả mọi người, Đức Thánh Cha đã ký tên vào bức ảnh và nói với tôi: cha có thể đặt ảnh này trong nhà thờ vì Cha Hamel bây giờ đã được chúc phúc; và nếu ai đó nói với cha rằng cha không có quyền làm vậy, thì hãy nói với họ rằng Đức Thánh Cha đã cho phép". (CNA)

Chân Phương
 
Dòng Tên khai mạc Tổng Hội lần thứ 36
Anh Phương SJ
10:10 03/10/2016
Dòng Tên khai mạc Tổng Hội lần thứ 36

ROMA. Hôm nay, ngày 02.10, tiết trời Roma đã chuyển dần sang Thu. Cái nóng oi ả của mùa hè đã nhường chỗ cho những cơn gió mát mẻ. Xa xa phía chân trời điểm vài đốm mây đen như báo hiệu một cơn mưa vội chợt đến. Tại Nhà Thờ Gesù của Dòng Tên, bầu không khí dường như nóng hơn, nhộn nhịp và rộn ràng hơn ngày thường vì sự hiện diện của khoảng 300 Giêsu hữu. Hôm nay, tại ngôi thánh đường này, lần thứ 36 trong lịch sử Nhà Dòng, Tổng Hội một lần nữa lại được triệu tập.

Xem Hình

Tổng Hội khai mạc với thánh lễ trọng thể vào lúc 17h cùng ngày. Cha Bruno Cadoré, người Pháp, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Anh Em Thuyết Giảng, chủ tế thánh lễ. Có một truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay, khi vị Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Tên qua đời, cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Anh Em Thuyết Giảng sẽ được mời chủ tế thánh lễ an táng. Nhưng ngày hôm nay, cha Cadoré đã được mời chủ tế thánh lễ khai mạc Tổng Hội, vì trong Tổng Hội, cha Adolfo Nicolás sẽ chính thức từ nhiệm vai trò Bề Trên Tổng Quản Dòng Tên. Trong thánh lễ khai mạc, cha Nicolás, các Tổng Cố Vấn và 215 đại biểu Tổng Hội đã cùng đồng tế. Đồng thời, nhiều anh em Giêsu hữu đang học tập và làm việc tại Italia; đông đảo các tín hữu, ân nhân và thân hữu của nhà dòng cũng hiện diện trong thánh lễ.

Bắt đầu thánh lễ, cha Cadoré đã có lời chào mừng tất cả anh em Giêsu hữu đang quy tụ nơi đây. Ngài cũng cầu chúc Tổng Hội của Dòng sẽ thành công tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn.

Trong bài giảng, chia sẻ của cha Cadoré được gợi hứng từ các bài đọc trong ngày Chúa Nhật 27 Thường Niên. Bài đọc một trích sách Kha-ba-cúc, bài đọc hai trích thư của Thánh Phaolo Tông đồ gởi Ti-mô-thê và bài Phúc Âm trích từ chương 17 Tin Mừng theo Thánh Luca.

Cha Cadoré bắt đầu bài giảng khởi đi từ lời kêu xin của các Tông đồ đối với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con!” Quả thật, lời cầu xin này rất am hợp với tâm tình của việc khai mạc Tổng Hội. Cha Cadoré giải thích: “Đức tin rất cần thiết – ngay cả khi nó chỉ mang hình dáng nhỏ bé bằng hạt cải – vì đức tin giúp ta dám vươn tới những gì không chắc chắn hoặc không thể xảy ra: ‘Nếu anh em có bảo cây dâu này, hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.’ Đức tin lại càng cần thiết hơn, vì nhờ tin mà ta hiểu rằng ngay cả khi có thể thực hiện được những điều phi thường, chúng ta cũng chỉ dám thưa rằng: ‘Chúng con là những đầy tớ. Chúng con chỉ làm những công việc bổn phận đấy thôi.’ Đây cũng chính là tâm tình và niềm xác tín nơi Hội Dòng của anh em. Dòng Tên luôn tiếp tục tiến bước giữa lời mời gọi không ngừng can đảm hướng tới nhưng điều ‘chưa chắc chắn’ và một sự sẵn sàng mang tính truyền giáo để thực hiện điều ấy, với sự khiêm tốn của những người nhận biết rằng trong việc phục vụ, ngay cả khi con người đã dồn tất cả sức lực để thực hiện, thì tất cả đều tùy thuộc nơi Thiên Chúa mà thôi.

Sự táo bạo dám vươn tới điều chưa thể chính là tính cách đặc trưng của thánh Inhã trong thời điểm ngài sáng lập Hội Dòng nhỏ bé mang tên Chúa Giêsu. Nhưng liệu Dòng Tên có còn là một khả thể trong thời đại khủng hoảng của chúng ta hôm nay không, khi mà sự bạo tàn xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau? Liệu Dòng Tên có còn tiếp tục can đảm và táo bạo được thể hiện qua những cam kết, những lời nói, sự đoàn kết đối với một tiếng gọi không luôn được biết trước của Đấng mà thế giới đang hy vọng, Đấng đã lật đổ sự chết và thiết lập sự sống, Đấng mà anh em luôn tìm kiếm để làm vinh danh mỗi ngày một hơn không? Dòng Tên vẫn có thể tiếp tục đặc sủng của mình nếu được củng cố cách vững chắc trên lời khuyên của Thánh Phaolo với bạn ngài là Ti-mô-thê: “Tìm thấy sức mạnh và sự sáng tạo của sự trung tín trong thần khí mà Thánh Thần đã bao phủ lấy ta, để dẫn chúng ta đến việc gặp gỡ và lắng nghe tha nhân. Thánh Thần là Đấng tạo nên suối nguồn lòng xót thương nơi tâm hồn mỗi con người, Đấng củng cố mối dây liên kết vững chắc không thể phá vỡ được với những ai đã được giao phó cho chúng ta.”

Cuối cùng, cha Cadoré nhấn mạnh rằng đức tin của người tông đồ cần phải được khắc họa bởi sự can đảm và táo bạo, dám vươn tới những điều chưa thể. Nhưng đồng thời đức tin ấy cũng là đức tin của một người tôi tớ khiêm nhường, đức tin của một người thực sự dám trao ban sự sống mình cho người khác. Vậy anh em là tôi tớ phục vụ ai và điều gì? Anh em là tôi tớ phục vụ bàn, bàn của những tội nhân, bàn sẵn sàng chào đón tất cả những ai đui mù, què quặt, người Phariseu cũng như kẻ thu thuế, kẻ ngoại tình cũng như những người tốt lành. Thánh Inhã, đấng sáng lập Dòng, đã cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Chúa, xin hãy dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành thánh ý Chúa’. Ngày hôm nay, một lần nữa, lời cầu nguyện này chẳng phải là một lời mời gọi đặt chúng ta, tất cả chúng ta, vào việc phục vụ bàn ăn này hay sao?

Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con!”

Sáng thứ hai, ngày 03/10, 215 đại biểu sẽ quy tụ tại phòng họp Tổng Hội để bắt đầu phiên họp thứ nhất trong kỳ họp toàn thể của Tổng Hội 36. Theo dự kiến, cha Adolfo Nicolás sẽ trình bày việc từ nhiệm của mình ngay trong ngày họp thứ nhất của Tổng Hội.

Tổng hợp: Anh Phương SJ
 
Thánh lễ tại Sân vận động Mikheil Meskhi của thủ đô Tbilisi, Georgia sáng 01 tháng 10, 2016
VietCatholic Network
11:41 03/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng Thứ Bẩy, 1 tháng 10, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại sân thể thao Meskhi của thủ đô Tbilisi cho các tín hữu.

Trong bài giảng lễ, ngài nói đến tầm quan trọng của phụ nữ, trích dẫn từ các bài viết của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, là vị thánh được Giáo Hội mừng kính trong ngày.

Ngài cũng nói đến sứ mệnh “khẩn cấp” phải mang và tiếp nhận sự an ủi của Thiên Chúa. Theo ngài, Giáo Hội là “nhà an ủi”.

Đức Thánh Cha nói:

Trong số nhiều kho tàng của xứ sở này, một kho tàng nổi bật là tầm quan trọng của phụ nữ. Như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị thánh mà chúng ta kính nhớ hôm nay, từng viết: “họ yêu mến Thiên Chúa đông hơn đàn ông nhiều” (Tự Truyện, Thủ Bản A, VI). Ở đây, ở Georgia này, có rất đông bà nội bà ngoại và các bà mẹ không ngừng bảo vệ và truyền lại đức tin đã được gieo vãi trên lãnh thổ của Thánh Nino này; và họ mang nước mát trong của lòng Chúa ủi an đến cho man vàn các hoàn cảnh khô cằn và tranh chấp.

Điều trên giúp chúng ta biết đánh giá cao vẻ đẹp của sứ điệp Thiên Chúa trong bài đọc thứ nhất: “Như bà mẹ ủi an con mình, Ta cũng sẽ ủi an con như thế” (Is 66:13). Như bà mẹ vác lấy gánh nặng và âu lo của con cái mình thế nào, Thiên Chúa cũng vác lấy tội lỗi và các rắc rối của ta như vậy. Đấng biết chúng ta và yêu thương ta vô hạn lưu ý tới lời ta xin và lau khô các dòng lệ của ta. Mỗi lần nhìn ta, Người đều xúc động và trái tim Người trở nên dịu dàng, với một tình yêu từ thẳm sâu hữu thể Người, vì dù có thể làm bậy đến đâu, ta vẫn là con cái của Người; Người muốn ôm lấy chúng ta vào cánh tay Người, che chở chúng ta, giải thoát ta khỏi nguy hại và sự dữ. Ta hãy để những lời sau đây của Chúa vang vọng trong trái tim ta: “Như người mẹ uỉ an thế nào, Ta cũng sẽ ủi an con như vậy”.

Giữa các rắc rối ta cảm nghiệm ở trong đời, sự an ủi mà ta cần chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong ta là nguồn an ủi chân thực, một an ủi cư ngụ trong ta, giải thoát ta khỏi sự dữ, mang lại hòa bình và tăng thêm niềm vui của chúng ta. Vì lý do này, nếu chúng ta muốn trải nghiệm sự an ủi của Người, chúng ta phải nhường đường cho Chúa trong đời sống chúng ta. Và để cho Chúa liên tục cư ngụ trong chúng ta, chúng ta phải mở cửa trái tim của chúng ta ra cho Người và không được để Người ở bên ngoài. Có những cánh cửa an ủi luôn phải được mở ra, vì Chúa Giêsu đặc biệt muốn vào qua chúng: đó là Tin Mừng chúng ta đọc mỗi ngày và mang theo với chúng ta, là lời cầu nguyện thầm lặng của chúng ta trong lúc thờ lạy, trong lúc xưng tội, trong Thánh Thể. Chính qua các cửa này mà Chúa đi vào và ban hương vị mới cho thực tại. Tuy nhiên, khi cánh cửa trái tim ta đóng lại, ánh sáng của Người không thể chiếu vào và mọi thứ đều chìm trong bóng tối. Lúc đó, chúng ta sẽ quen với bi quan, với những điều không đúng, với các thực tế không bao giờ thay đổi. Kết cục, chúng ta sẽ chìm đắm trong nỗi buồn riêng của ta, trong thẳm sâu đau buồn, bị cô lập. Mặt khác, nếu chúng ta mở rộng cửa an ủi, ánh sáng của Chúa sẽ đi vào!

Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ an ủi chúng ta trong trái tim của chúng ta mà thôi; qua tiên tri I-sai-a, Người nói thêm: “Ngươi sẽ được an ủi ở Giêrusalem” (66:13). Ở Giêrusalem, nghĩa là, ở kinh thành của Thiên Chúa, ở trong cộng đồng: chính khi chúng ta hiệp nhất, hiệp thông, sự an ủi của Thiên Chúa hành động trong chúng ta. Trong Giáo Hội, chúng ta tìm thấy sự an ủi, Giáo Hội là nhà an ủi: ở đây Thiên Chúa muốn an ủi chúng ta. Chúng ta có lẽ sẽ tự hỏi: Tôi, người đang ở trong Giáo Hội, tôi có mang sự an ủi của Thiên Chúa không? Tôi có biết làm thế nào để chào đón những người khác như khách mời và an ủi những người tôi thấy mệt mỏi và vỡ mộng không? Ngay khi đang chịu đựng hoạn nạn và bị từ chối, người Kitô hữu vẫn luôn được mời gọi mang hy vọng đến tâm hồn những người đã bỏ cuộc, khuyến khích người nản chí, mang ánh sáng của Chúa Giêsu, sự ấm áp của nhan thánh Người và sự tha thứ của Người, một sự tha thứ sẽ khôi phục chúng ta. Vô số người đang bị thử thách và bất công, và sống trong sự lo lắng. Lòng chúng ta cần được xức dầu an ủi của Thiên Chúa, một sự xức dầu không lấy đi các vấn đề của chúng ta, nhưng cho chúng ta sức mạnh để yêu, để chịu đau đớn một cách bình an. Tiếp nhận và mang niềm an ủi của Thiên Chúa: sứ mệnh này của Giáo Hội rất khẩn cấp. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp nhận lời mời gọi này: không tự chôn mình trong những gì sai lầm đang xảy ra xung quanh chúng ta hay buồn rầu vì sự thiếu hòa hợp giữa chúng ta. Không tốt cho chúng ta chút nào khi trở nên quen thuộc với một Giáo Hội “môi trường nhỏ xíu” khép kín; điều tốt cho chúng ta là chia sẻ các chân trời rộng mở cho hy vọng, có can đảm biết khiêm tốn mở cửa lòng chúng ta và đi quá con người chúng ta.

Tuy nhiên, có một điều kiện cơ bản để tiếp nhận sự an ủi của Thiên Chúa, và Lời Người hôm nay nhắc chúng ta nhớ điều này: trở thành nhỏ bé như trẻ em (xem Mt 18: 3-4), được “giống như một đứa trẻ ngủ yên ở vú mẹ” (Tv 130: 2). Để nhận được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cần sự bé nhỏ này trong trái tim: chỉ những em bé mới có thể được ôm ấp trong cánh tay mẹ các em mà thôi.

Chúa Giêsu nói với ta: bất cứ ai trở thành như một trẻ em, “ đều là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18: 4). Sự vĩ đại thực sự của con người hệ ở việc tự làm mình nhỏ nhoi trước mặt Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không được biết đến qua các ý tưởng lớn lao và các nghiên cứu sâu rộng, mà là qua sự bé nhỏ của một trái tim khiêm tốn và biết tín thác. Để được vĩ đại trước Đấng Tối Cao, ta không đòi phải có hàng đống vinh dự và uy tín hoặc của cải và thành công trần thế, mà đúng hơn, là hoàn toàn tự đổ mình ra. Một đứa trẻ không có gì để cho đi nhưng lại nhận được mọi thứ. Một đứa trẻ dễ bị tổn thương, và phải phụ thuộc vào cha hay mẹ của mình. Người trở nên giống một đứa trẻ thì nghèo trong chính mình nhưng giàu trong Thiên Chúa.

Trẻ em, những chủ thể không gặp khó khăn trong việc hiểu biết Thiên Chúa, nên có nhiều điều để dạy chúng ta: các em nói với chúng ta rằng Thiên Chúa thực hiện nhiều điều lớn lao nơi những người không tạo đề kháng nào cho Người, những người đơn sơ và chân thành, không hai lòng. Tin Mừng cho chúng ta thấy các điều kỳ diệu vĩ đại đã được thực hiện bằng những điều nhỏ mọn ra sao: bằng vài tấm bánh và hai con cá (xem Mt 14: 15-20), bằng một hạt cải nhỏ xíu (Mc 4: 30-32), bằng một hạt lúa mì chết đi trong đất (x Ga 12:24), bằng việc hiến tặng chỉ một ly nước (x Mt 10:42), bằng hai đồng tiền của bà góa nghèo (Lc 21: 1 -4), bằng sự khiêm tốn của Mẹ Maria, tôi tớ của Chúa (Lc 1: 46-55).

Đó là sự cao cả đáng ngạc nhiên của Thiên Chúa, một Thiên Chúa đầy những bất ngờ và yêu thích các bất ngờ: chúng ta hãy luôn luôn giữ cho sống động ước muốn được sự bất ngờ của Thiên Chúa và tin tưởng vào những bất ngờ này! Điều giúp ích chúng ta là nhớ rằng chúng ta luôn luôn và chủ yếu là con cái của Người: không phải chủ nhân ông cuộc sống của chúng ta, mà là con cái của Chúa Cha; không phải những người lớn tự trị và tự túc, mà là những đứa trẻ luôn cần được nâng dậy và ôm ấp, cần tình yêu và tha thứ. Phúc cho các cộng đồng Kitô hữu biết sống sự đơn sơ đích thực này của Tin Mừng! Nghèo trong các phương tiện, nhưng họ giàu trong Thiên Chúa. Phúc cho những Mục Tử nào không đi theo luận lý học thành công của thế gian, nhưng tuân theo luật lệ tình yêu: chào đón, lắng nghe, phục vụ. Phước cho Giáo Hội không phó mình cho các tiêu chí của chủ thuyết chức năng và hiệu năng tổ chức, cũng không lo lắng về hình ảnh của mình. Đoàn chiên nhỏ bé và yêu quí của Georgia, những người hết sức dấn thân cho các công việc bác ái và giáo dục, nhận được sự khuyến khích của Mục Tử Nhân Lành, anh chị em là những người được phó thác cho Đấng vác anh chị em lên vai Người và an ủi anh chị em.

Tôi muốn tóm tắt các suy nghĩ này bằng một vài lời của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh chúng ta kính nhớ hôm nay. Thánh nữ cho thấy “con đường nhỏ” của bà dẫn tới Thiên Chúa, đó là “sự tín thác của một bé thơ ngủ thiếp không hề sợ hãi trong vòng tay Cha mình”, vì “Chúa Giêsu không đòi hỏi các hành động vĩ đại của chúng ta, nhưng chỉ đơn giản đòi ta phó mình và biết ơn” (Tự Truyện, Thủ Bản B ).

Tuy nhiên, thật không may, như thánh nữ viết hồi đó, và hôm nay, nó vẫn còn đúng, Chúa thấy “ít trái tim biết hoàn toàn phó thác cho Người, hiểu được sự dịu hiền thực sự của tình yêu vô hạn nơi Người” (ibid). Vị thánh trẻ và là Tiến Sĩ Hội Thánh này, đúng hơn, là một chuyên gia trong “khoa học tình yêu” (ibid), và dạy chúng ta rằng “đức ái hoàn hảo hệ ở việc chịu đựng các lỗi lầm của người khác, ở việc không ngạc nhiên trước các điểm yếu của họ, hệ ở việc được xây dựng bởi những hành vi đức hạnh nhỏ mọn nhất mà chúng ta thấy họ thực hành “; thánh nữ cũng nhắc nhở rằng “đức ái không thể ẩn mãi tận thẳm sâu trong trái tim chúng ta” (Tự Truyện, Thủ Bản C). Cùng nhau, tất cả chúng ta hôm nay hãy khẩn cầu ơn có được một trái tim đơn sơ, một trái tim biết tin tưởng và sống trong sức mạnh nhẹ nhàng của tình yêu; chúng ta hãy xin được sống trong sự tín thác bình an và trọn vẹn vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
 
Đức Thánh Cha thăm tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia
VietCatholic Network
16:57 03/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Như chúng tôi đã đưa tin, Đức Thánh Cha đã rời Roma lúc 9 giờ 25 và đến phi trường thủ đô Tbilisi của Georgia lúc 15 giờ chiều tức là 13 giờ tính theo giờ Roma. Cùng đi với ngài có đoàn tùy tùng 30 người và 70 ký giả quốc tế.

Từ trên máy bay bước xuống, Đức Thánh Cha đã được tổng thống Giorgi Margvelashvili cùng với phu nhân chào đón cùng với Đức Thượng Phụ Ilia Đệ Nhị và một số quan chức và chức sắc, đặc biệt là hai vị Giám Mục Công Giáo, một thuộc nghi lễ la tinh và một thuộc nghi lễ Armeni. 2 em bé trong y phục cổ truyền của Georgia dâng tặng Đức Thánh Cha một rổ nho, một sản phẩm nổi bật của nước này. Sau nghi thức chào cờ, duyệt qua hàng quân danh dự và giới thiệu các thành phần hai phái đoàn, Đức Thánh Cha đã vào phòng khánh tiết hội kiến với Tổng thống, trước khi về phủ tổng thống vào lúc 3 giờ rưỡi để chào thăm chính thức.

Giã từ tổng thống và các giới chức chính quyền, lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã tới tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia để viếng thăm.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng quí trọng đối với Giáo Hội Chính Thống Georgia và kêu gọi từ bỏ những thành kiến đối với nhau, để cùng trở thành những người loan báo Tin Mừng của Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

Thưa Đức Thượng Phụ, quả là một niềm vui lớn lao và một ân sủng đặc biệt được hiện diện với ngài, và với các vị Giáo Đô đáng kính, các Tổng Giám Mục và Giám Mục, thành viên của Thánh Công Đồng. Tôi xin kính chào Thủ tướng Chính phủ và tất cả qúi đại diện của thế giới học thuật và văn hóa.

Với chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên của một vị Thượng Phụ Georgia tại Vatican, ngài đã mở ra một chương mới trong các mối liên hệ giữa Giáo Hội Chính thống Georgia và Giáo Hội Công Giáo. Vào dịp đó, ngài đã trao đổi với Giám Mục Rôma nụ hôn hòa bình và cam kết cầu nguyện cho nhau. Nhờ cách này, đã có sự tăng cường các mối quan hệ đầy ý nghĩa vốn tồn tại giữa các cộng đồng của chúng ta từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Các dây nối kết này đã được củng cố và được đặc trưng hóa bằng sự thân ái và lòng tôn trọng, hiển hiện trong sự chào đón nồng nhiệt ở đây đối với các phái viên và đại diện của tôi. Các dây nối kết của chúng ta cũng hiển hiện trong các dự án nghiên cứu và tìm tòi đang được theo đuổi tại các Văn Khố Vatican và tại các Giáo Hoàng Đại Học bởi các thành viên tín hữu của Giáo Hội Chính Thống Georgia. Cũng vậy, người ta thấy tại Rôma sự hiện diện của một cộng đồng Georgia được sự hiếu khách của một nhà thờ trong giáo phận tôi; và trong sự hợp tác với cộng đồng Công Giáo địa phương, đặc biệt trên bình diện văn hóa. Như một người hành hương và một người bạn, tôi đã đến lãnh thổ được chúc lành này khi Năm Thánh Thương Xót dành cho người Công Giáo sắp sửa kết thúc. Thánh Gioan Phaolô II cũng đã đến đây thăm viếng, người đầu tiên trong số những người kế vị Thánh Phêrô đã làm vậy trong thời điểm rất quan trọng trước ngưỡng cửa Năm Thánh 2000: ngài đến để củng cố “sợi dây nối kết sâu nặng và mạnh mẽ” với Toà Rôma ( Diễn Văn tại Lễ Chào mừng, Tbilisi, 8 Tháng 11 năm 1999) và để nhắc nhớ “sự đóng góp của Georgia, ngã tư đường cổ xưa của văn hóa và truyền thống, vào việc xây dựng ... một nền văn minh mới của tình yêu” (Bài diễn văn, Cuộc Gặp Gỡ với Đức Thượng Phụ và Thánh Hội Đồng, Tbilisi, ngày 8 tháng 11 năm 1999) là điều cần thiết xiết bao, ở ngưỡng cửa Đệ Tam Thiên Niên Kỷ Kitô Giáo.

Giờ đây, Chúa Quan Phòng cho phép chúng ta gặp nhau một lần nữa, và trước một thế giới khao khát thương xót, hợp nhất và hòa bình, Người yêu cầu chúng ta hăng hái cam kết đổi mới lại cam kết của chúng ta đối với các dây liên kết đang tồn tại giữa chúng ta, mà nụ hôn hòa bình và vòng ôm huynh đệ của chúng ta là một dấu chỉ hùng hồn. Giáo Hội Chính thống Georgia, bắt nguồn từ việc rao giảng của các Tông Đồ, đặc biệt là của Thánh Tông Đồ Anrê, và Giáo Hội Rôma, được thành lập trên sự tử đạo của Thánh Tông Đồ Phêrô, được ban ân sủng để hôm nay đổi mới lại vẻ đẹp của tình huynh đệ tông đồ, nhân danh Chúa Kitô và vì vinh quang của Người. Phêrô và Anrê thực sự là anh em: Chúa Giêsu kêu gọi họ bỏ lưới cá của họ và cùng nhau trở thành những người chài lưới người (xem Mc 1: 16-17). Thưa hiền huynh, chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn chúng ta một lần nữa, chúng ta hãy, một lần nữa, trải nghiệm sự hấp dẫn trong lời ngài kêu gọi ta từ bỏ mọi sự, vốn ngăn cản ta cùng nhau tuyên xưng sự hiện diện của Người.

Trong việc này, chúng ta được nâng đỡ bởi tình yêu vốn đã biến đổi cuộc sống của các Tông Đồ. Đây là một tình yêu vô sánh, một tình yêu mà Thiên Chúa vốn nhập thể: “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15:13). Chúa đã ban tình yêu này cho chúng ta, để chúng ta có thể yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x Ga 15:12). Về phương diện này, như thể nhà thơ vĩ đại của lãnh thổ này, Shota Rustaveli, muốn ngỏ với chúng ta một số lời nổi tiếng của ông: “Các bạn có đọc thấy các Tông Đồ đã viết thế nào về tình yêu, đã nói thế nào, đã khen ngợi nó ra sao không? Hãy biết tình yêu này, và hướng tâm trí vào những lời này: tình yêu nâng chúng ta lên “(Hiệp Sĩ Trong Da Cọp, câu 791). Thực thế, tình yêu của Chúa nâng chúng ta lên, vì nó cho phép chúng ta vượt lên trên những hiểu lầm trong quá khứ, lên trên các tính toán của hiện tại và các lo sợ đối với tương lai.

Người dân Georgia, qua nhiều thế kỷ, đã làm chứng cho sự vĩ đại của tình yêu này. Trong tình yêu này, họ đã tìm thấy sức mạnh để đứng lên một lần nữa sau vô số thử thách; chính trong tình yêu này, họ đã đạt tới tuyệt đỉnh của vẻ đẹp nghệ thuật phi thường như một trong các nhà thơ vĩ đại của ngài đã viết: Không có tình yêu, “không có mặt trời cai trị trên vòm trời” và “không có vẻ đẹp cũng như sự bất tử nào” cho con người (Galaktion Tabidze, Nếu Không Có Tình Yêu). Trong tình yêu có chính lẽ hiện hữu của vẻ đẹp bất tử trong di sản văn hóa của ngài được thể hiện rất nhiều cách khác nhau, như trong âm nhạc, hội họa, kiến trúc và khiêu vũ. Ngài, thưa hiền huynh thân mến, ngài đã đem lại một biểu thức xứng đáng cho nền văn hóa của ngài một cách đặc biệt qua các soạn phẩm nổi bật của ngài về thánh ca, một số thậm chí bằng tiếng Latinh và rất được trân quý trong truyền thống Công Giáo. Các soạn phẩm này làm giàu kho tàng đức tin và văn hóa của ngài, vốn là một món quà độc đáo tặng cho Kitô giáo và nhân loại; món quà này xứng đáng được biết đến và đánh giá cao bởi mọi người.

Lịch sử vẻ vang của Tin Mừng trên lãnh thổ này mang ơn một cách đặc biệt nơi Thánh Nino, người vốn được coi ngang hàng với các tông đồ: ngài truyền bá đức tin với một hình thức thánh giá đặc biệt làm bằng cành nho. Thánh giá này không trơ trụi, vì hình ảnh cây nho, ngoài việc sinh nhiều hoa trái nhất ở lãnh thổ này, còn đại diện cho Chúa Giêsu. Thực vậy, Người là “cây nho thật”; Người yêu cầu các tông đồ của Người phải ghép vững vàng vào Người, hệt như các chòi non, để sinh hoa kết quả (x Ga 15: 1-8). Để Tin Mừng có thể đơm hoa kết trái cả trong thời ta, thưa người anh em thân yêu, chúng ta được yêu cầu ở lại vững vàng trong Chúa và kết hợp với nhau hơn nữa. Vô số các vị thánh, những vị mà đất nước này có nhiều, khuyến khích chúng ta đặt Tin Mừng lên trên hết và truyền bá Tin Mừng như trong quá khứ, thậm chí nhiều hơn thế nữa, không bị hạn chế bởi thành kiến nhưng mở lòng ra đón nhận tính mới mẻ trường cửu của Thiên Chúa. Ước chi các khó khăn không phải là trở ngại, nhưng đúng hơn là kích thích để hiểu nhau nhiều hơn, để chia sẻ nhựa sống quan trọng của đức tin, để tăng cường việc cầu nguyện cho nhau và để hợp tác vào việc bác ái tông đồ trong chứng tá chung của chúng ta, để vinh danh Thiên Chúa trên trời và phục vụ hòa bình dưới đất.

Người dân Georgia thích lễ lạc, với hoa trái cây nho, họ chúc nhau những giá trị quý giá nhất của họ. Tham dự vào việc tôn vinh tình yêu của họ, tình bằng hữu được dành cho một vị trí đặc biệt. Nhà thơ đã nhắc nhở chúng ta: “Ai không tìm kiếm một người bạn là kẻ thù của chính mình” (Rustaveli, Hiệp Sĩ Trong Da Cọp, câu 854). Tôi muốn là một người bạn thật sự của lãnh thổ này và nhân dân thân yêu của nó, những người không quên sự thiện họ đã nhận được và lòng hiếu khách độc đáo của họ đã kết hợp mật thiết với lối sống tràn trề hy vọng chân thật, mặc dù không các thiếu khó khăn. Thái độ tích cực này cũng tìm thấy nguồn gốc của nó trong đức tin, một đức tin luôn dẫn dắt người Georgia, khi tụ tập quanh các chiếc bàn của họ, để khẩn xin hòa bình cho mọi người, và tưởng nhớ cả các kẻ thù của mình.

Bằng các phương tiện hòa bình và tha thứ, chúng ta được kêu gọi vượt thắng các kẻ thù đích thực của chúng ta, những kẻ thù không phải là máu thịt, mà đúng hơn là thần dữ ở bên ngoài và ở bên trong chính chúng ta (Eph 6:12). Lãnh thổ được chúc phúc này rất giàu các anh hùng dũng cảm, luôn sống phù hợp với Tin Mừng, những người như Thánh George biết phải đánh bại cái ác cách nào. Tôi nghĩ đến nhiều đan sĩ, và đặc biệt là nhiều vị tử đạo, mà cuộc sống đã chiến thắng “bằng đức tin và sự kiên nhẫn” (Ioane Sabanisze, Tuẫn Đạo Tại Abo, III): các ngài đã bước qua các máy ép nho đau đớn, trung thành kết hợp với Chúa và do đó, mang hoa trái Vượt Qua lại cho Georgia, tưới gội lãnh thổ này bằng máu của họ, đổ ra vì tình yêu. Uớc mong lời chuyển cầu của các ngài mang lại trợ giúp cho nhiều Kitô hữu mà ngay hôm nay đang chịu bách hại và vu khống, và ước mong các ngài có thể tăng cường trong chúng ta khát vọng cao quý được hợp nhất một cách huynh đệ trong việc công bố Tin Mừng hòa bình.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã đến thăm cộng đoàn tín hữu Assiro-Canđê vào lúc 6 giờ chiều tại Nhà thờ Công Giáo Canđê thánh Simon Bar Bassae.

Chúng tôi sẽ tường thuật biến cố này trong phóng sự tiếp theo.
 
Đức Thánh Cha đến Baku, thủ đô Azerbaigian
VietCatholic Network
17:29 03/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong ngày thứ Hai của chuyến viếng thăm Georgia, tức là ngày thứ Bẩy 1-10, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại sân thể thao Meskhi cho các tín hữu.

Ban chiều cùng ngày, lúc gần 4 giờ, ngài đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu, rồi gặp những người được các nhân viên từ thiện của Giáo Hội giúp đỡ, tại khuôn viên trước trung tâm từ thiện của các tu sĩ dòng thánh Camilliano.

Sau cùng, lúc quá 6 giờ, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Nhà thờ chính tòa Thượng Phụ Svetutskhoveli ở Mtsckheta .

Sáng Chúa Nhật lúc sau 7 giờ Đức Thánh Cha từ giã tòa Sứ Thần Toà Thánh để đi xe ra phi trường Tbilisi cách đó 26 cây số. Đức Thánh Cha đã được tổng thống Cộng hòa Georgia và Đức Thượng Phụ tiếp đón. Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra long trọng. Máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã cất cánh rời phi trường Tbilisi để trực chỉ Baku cách đó 448 cây số.

Sau 1 giờ 20 phút bay chiếc A321 của hãng hàng không Alitalia đã hạ cánh tại phi trường quốc tế Heydar Aliyev của thủ đô Baku. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại phi trường có phó thủ tướng Azerbaigian, và linh mục Vladimir Fekete, giảm quản giáo phận. Đức Tổng Giám Mục Marek Solczýnski Sứ Thần Tòa Thánh ở trong đoàn tuỳ tùng vì ngài cũng là Sứ Thần tại Georgia.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thủ đô Baku có gần 2 triệu dân nằm trên bờ phía tây của biển Caspio, trên bán đảo Asheron, là điểm nối liền Đông Tây. Tên gọi phát xuất từ tiếng Ba Tư cổ “Badu-Kube” là “thành phố gió” có hải cảng thương mại trong một vùng có nhiều mỏ dầu hỏa và nhà máy lọc dầu. Năm 2005 có một ống dẫn dầu dài 1770 cây số đi qua Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ đến thành phố Ceyhan trên bờ biển Địa Trung Hải. Thủ đô tân tiến là trung tâm chính trị, văn hóa và kỹ nghệ. Trong số nhiều viện bảo tàng nổi tiếng nhất là viện bảo tàng trưng bầy các thảm dệt, các tác phẩm nghệ thuật áp dụng như đồ trang sức, thêu, và các vật dụng bằng kim loại và gỗ khắc. Trung tâm thành cổ nằm bên trong một pháo đài có chiếc tháp Trinh Nữ cao 29 mét, được Liên Hiêp Quốc tuyên bố là gia tài của nhân loại năm 2000; dinh thự của vua Shirvan thuộc thế kỷ XV, và đền thờ hồi giáo Taza Pir xây đầu thế kỷ XX. Ngoài ra còn có Dinh chính quyền theo kiểu Liên xô. Ba Ku đã do Alách xăng đại đế thành lập. Từ thế kỷ thứ VII nó nằm trong tay người A Rập, từ 1583 tới 1606 nó thuộc đế quốc Ottoman. Nga hoàng Phêrô Cả đánh chiếm thành phố năm 1723. Trong thế kỷ XVIII nó là vùng tranh chấp giữa Nga và Ba Tư, cho tới khi bị Nga tái chiếm năm 1806. Năm 1991 Azerbaigian được độc lập.

Giáo quận tông tòa Baku được thành lập năm 2000, gồm 9,5 triệu dân, nhưng chỉ cơ 560 tín hữu Công Giáo, 1 giáo xứ, một cứ điểm truyền giáo. Nhân lực của giáo quận gồm 7 linh mục dòng, 10 tuy huynh, và 5 nữ tu và 1 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 1 trung tâm giáo dục và 1 trung tâm bác ái.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau lễ nghi tiếp đón tại phi trường Đức Thánh Cha đã đi xe về nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm cách đó 23 cây số để dâng thánh lễ cho tín hữu.

Chúng tôi sẽ tường thuật biến cố này trong bài phóng sự tiếp theo.
 
ĐTC Phanxicô dự định sẽ triệu tập công nghị tuyển chọn hồng y vào Mùa Vọng năm nay
Chân Phương
21:05 03/10/2016
ĐTC Phanxicô dự định sẽ triệu tập công nghị tuyển chọn Hồng Y vào Mùa Vọng năm nay

Đức Thánh Cha Phanxicô dự định sẽ sớm triệu tập một công nghị để tuyển chọn các thành viên mới cho Hồng Y Đoàn, ngài đã nói đều này với các phóng viên trong cuộc họp báo trên chuyến bay về Rôma hôm 2 tháng 10.

Trả lời câu hỏi của một kí giả người Ý, Đức Thánh Cha nói rằng công nghị này có thể sẽ diễn ra vào một trong ba thời điểm. Ngài nói: "Tôi cần phải lựa chọn", và cho biết rằng ngài sẽ sớm đưa ra quyết định.

Một trong những tiết lộ của ngài là công nghị có thể rơi vào Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, tức là ngày 27 tháng 11 tới đây; cũng có thể là một ngày khác vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2017.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết chỉ có 13 Hồng Y mới cho dịp này, và họ có quyền bỏ phiếu trong mật nghị bầu giáo hoàng.

Ngài nói: "Danh sách thì rất dài nhưng chỉ có 13 vị trí thôi. Chúng tôi phải suy nghĩ làm thế nào để cân bằng nó. Nhưng tôi muốn thể hiện sự phổ quát của Giáo Hội trong Hồng Y Đoàn, không chỉ để Âu Châu làm trung tâm. Mà mỗi nơi mỗi chút. Khắp 5 châu lục, nếu chúng ta có thể làm vậy".

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đặt ra quy định giới hạn chỉ 120 Hồng Y đại cử tri có quyền bầu giáo hoàng, nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì chỉ còn 111 vị. Từ nay đến trước ngày 27 tháng 11, trong số này lại có 4 vị Hồng Y bước qua tuổi 80, do đó họ mất quyền bỏ phiếu trong mật nghị.

Đức Giáo Hoàng thường thông báo triệu tập công nghị và bổ nhiệm các vị giám mục được nhận mũ đỏ một tháng hoặc lâu hơn trước khi nó diễn ra.

Chân Phương

 
Đức Phanxicô họp báo trên đường từ Azerbaijan về Rôma
Vũ Văn An
23:02 03/10/2016
Tin đài Phát Thanh Vatican ngày 3 tháng Mười cho hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở về Rôma tối Chúa Nhật, 3 tháng Mười, sau cuộc hành hương bận rộn vào cuối tuần qua tại Georgia và Azerbaijan, thuộc Vùng Caucasus. Trên chuyến bay trở về, ngài đã dành cho các nhà báo tháp tùng một cuộc phỏng vấn về nhiều đề tài khác nhau, kể cả hôn nhân, ly dị, đồng tính luyến ái và bản sắc giới tính.

Trả lời một câu hỏi của nữ ký giả Ketevan Kardava, của đài truyền hình Georgia, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bầy cái nhìn tổng lược về chuyến ngài viếng thăm đất nước của cô như sau: “Tôi có hai điều ngạc nhiên ở Georgia. Một là chính Georgia: tôi chưa bao giờ tưởng tượng lại có một nền văn hóa như thế, một đức tin như thế, một Kitô Giáo như thế… Đó là một dân tộc có đức tin và một nền văn hóa Kitô Giáo cổ kính! Một dân tộc với biết bao vị tử đạo. Tôi khám phá được một điều tôi chưa biết: bề dầy của đức tin Georgia. Ngạc nhiên thứ hai là đức thượng phụ: ngài là người của Thiên Chúa. Người này làm tôi xúc động. Nhiều lần tôi thấy tôi đã tạm biệt [ngài] với một trái tim xúc động và đầy cảm thức rằng mình đã tìm thấy một người của Thiên Chúa, thực sự là một người của Thiên Chúa”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tiếp đó, đã nói tới việc ngài đánh giá cao nền đại kết thực tiễn. Ngài cho rằng “về những điều kết hợp và phân rẽ chúng ta, tôi xin nói rằng: đừng bắt chúng ta thảo luận các vấn đề tín lý, hãy để việc này cho các nhà thần học. Họ biết nhiều hơn chúng ta. Họ thảo luận, và nếu họ tốt, thì họ tốt, họ có thiện chí, cả các nhà thần học ở bên này lẫn bên kia, (nhưng) giáo dân thì phải làm gì? Hãy cầu nguyện cho nhau, đây là điều quan trọng: cầu nguyện. Và điều thứ hai: hãy làm các sự việc với nhau. Có người nghèo chăng? Ta hãy cùng nhau làm việc cho người nghèo. Có vấn đề này vấn đề nọ, ta có thể làm những việc này với nhau, hãy cùng nhau làm những việc này. Có di dân chăng? Ta hãy cùng nhau làm những việc này… ta hãy làm những điều tốt cho người khác, cùng nhau làm. Đó là điều chúng ta có thể làm và đó là con đường đại kết. Không phải chỉ là con đường tín lý, đường này là điều sau cùng, nó phải đến sau cùng. Nhưng chúng ta nên bắt đầu đi với nhau. Và với thiện chí, ta có thể làm được điều này, qúy vị phải làm điều này”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói tới các cố gắng có thể làm để đạt được nền hòa bình lâu dài giữa Armenia và Azerbaijan; ngài coi đối thoại và trung gian hợp tình hợp lý của quốc tế là giải pháp cần được đẩy mạnh. Ngài nói: “tôi tin rằng một phương cách là đối thoại, một đối thoại thành thực, không giữ điều gì ở dưới gầm bàn cả”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói đến bổn phận các Kitô hữu phải cầu nguyện cho hòa bình. “Các Kitô hữu cũng cầu nguyện, cầu nguyện cho hòa bình, cho những trái tim này… [biết chọn] con đường đối thoại, thương thuyết hay đưa nhau tới tòa án quốc tế, chứ họ không thể duy trì các vấn đề như hiện nay. Cả ba quốc gia vùng Caucasus đều có vấn đề: Georgia có vấn đề với Nga, tôi không biết nhiều lắm, nhưng nó (mỗi ngày mỗi) lớn hơn… vấn đề có thể ra lớn hơn, không biết được. Còn Armenia, quốc gia này có một biên giới trống không, họ có vấn đề với Azerbaijan; họ nên ra trước một toà án quốc tế, nếu đối thoại và thương thuyết không xong. Không còn đường nào khác. Và cầu nguyện, cầu nguyện cho hòa bình”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kỷ niệm 12 năm Cung hiến Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn
Giuse Trần Ngọc Huấn
09:06 03/10/2016
Kỷ niệm 12 năm Cung hiến Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn

Ngày này cách đây tròn 12 năm, cả Giáo Hội Việt Nam hướng về Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn Cao Bằng để chung chia cảm xúc vui mừng khôn tả của Giáo phận nhỏ bé này trong ngày Khánh thành và Cung hiến ngôi Nhà thờ Chính Tòa. Hôm nay đây, chúng ta quy tụ nơi Nhà thờ Chính Tòa này để kỷ niệm biến cố đặc biệt ấy, và cũng là để cầu nguyện cho Giáo phận, cho việc truyền giáo của Giáo phận chúng ta.

Xem Hình

Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri – Giám mục Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng đã nói như trên trong lời mở đầu Thánh lễ Tạ ơn kỷ niệm Cung hiến Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn, được cử hành vào hồi 19 giờ 15 ngày 02 tháng 10 năm 2016. Đồng tế trong Thánh lễ có cha xứ và cha phó giáo xứ Chính Tòa, cha xứ Ngạn Sơn và quý Cha trong Tòa Giám mục. Cộng đoàn Dân Chúa hiệp dâng Thánh lễ trong một tâm tình tạ ơn đầy xúc động và sốt sắng trang nghiêm.

Đức Cha Giuse nhấn mạnh với cộng đoàn rằng: Bước chân đến Nhà thờ Chính Tòa hôm nay, chúng ta dâng hy tế lên Thiên Chúa thì cũng hãy tiếp tục cung hiến chính cuộc đời chúng ta cho Thiên Chúa, để trở nên xứng đáng là con cái Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những Đấng bậc và những người đã đóng góp công của để xây dựng nên ngôi Nhà thờ Chính Tòa này, và cho cả chính chúng ta trở nên khí cụ loan báo Tin Mừng cho mọi người. Trong bầu khí tháng Mân Côi, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta biết biến sự vui mừng này trở nên dấu chỉ thực sự qua những hành động cụ thể để diễn tả niềm tin và lòng tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa.

Trong bài chia sẻ, khởi đi từ câu chuyện cuộc sống thường nhật: mỗi người đều cảm thấy ấm êm hạnh phúc và yên vui trong chính ngôi nhà của Cha mình, Đức Cha cho mọi người thấy niềm vui hân hoan cần cảm nghiệm được khi đến ngôi Nhà thờ, là chính nhà Cha trên Trời của mỗi người. Mỗi người được mời gọi đến nhà thờ nghĩa là về nhà Cha của mình. Chúng ta hãy mang trong mình cảm giác hân hoan vui mừng và gắn bó mỗi khi đến nhà Cha mình. Chúng ta hãy nhìn lại đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa là Cha. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, ta trở nên con cái Thiên Chúa, được tràn đầy ơn lành của Cha. Mỗi người hãy biết yêu mến Nhà thờ là nơi Cha vẫn yêu thương chờ đợi; cùng chăm lo cho ngôi đền thờ thiêng liêng là chính con người của chúng ta.

Ngôi nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn được xây dựng nên giữa muôn ngàn đau thương và thách đố, giữa bao khắc khoải mong chờ của mọi thành phần Dân Chúa. Đây là dấu hiệu tình thương Chúa đang hiện diện giữa dân Người. Ngôi Nhà thờ Chính Tòa là nơi chúng ta hạnh phúc cư ngụ để cử hành mầu nhiệm Thánh, để tôn thờ Cha chúng ta. Được sum họp nơi ngôi Thánh đường này quả là diễm phúc cho chúng ta. Mỗi chúng ta phải quyết tâm để làm cho công trình này nên sống động trong đời sống chúng ta.

Tiếp đó, Đức Cha quảng diễn ý nghĩa của một số biểu tượng trang trí và kiến trúc của ngôi Nhà thờ Chính Tòa: chính giữa ngôi Nhà thờ là bông hoa hồi lớn với tám cánh mở rộng, chiếu tỏa ánh sáng xuống toàn thể cộng đoàn Phụng vụ; đó là biểu tượng như Tám mối Phúc Thật. Đó là cõi phúc Chúa là Cha yêu thương luôn mời gọi ta là con cái đến cảm nếm và tận hưởng. Hoa hồi có hương thơm thật đặc biệt, người tín hữu chúng ta cũng hãy ngát hương đức tin, hương nhân đức như thế. Hoa hồi có mầu nâu đất nói lên sự khiêm nhường hạ mình, mời gọi ta hãy sống chan hòa nơi vùng đất này. Chúng ta không chỉ sống đạo cho chính mình, nhưng còn cho đông đảo những anh chị em lương dân xung quanh chúng ta.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức Cha nói: Ước gì mỗi người chúng ta cũng thắm đượm mùi hương hoa hồi, như mùi hương của Tám mối Phúc Thật, mùi hương của nhân đức, để sau khi nhận lãnh đầy tràn ân sủng Chúa và bước ra khỏi ngôi Nhà thờ Chính Tòa này, chúng ta được biến đổi đời sống, mỗi ngày lớn lên trong đức tin và lòng nhiệt thành, để chúng ta trở nên những tông đồ truyền giáo ngay trong chính môi trường thường nhật nơi gia đình, xóm làng của chúng ta. Anh chị em hãy siêng năng hơn, sốt sắng hơn, chỉnh tề hơn và vui mừng hân hoan hơn mỗi lần đến ngôi Nhà thờ này để tham dự thánh lễ và kinh nguyện; chắc chắn chúng ta sẽ được tràn đầy ơn của Thiên Chúa là Cha yêu thương.

Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn được khởi công vào 0 giờ 00 ngày 01 tháng 01 năm 2001 và được cắt băng khánh thành và cung hiến trọng thể vào ngày 02 tháng 10 năm 2004 dưới thời Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm Chủ chăn Giáo phận. Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn được cung hiến trong nỗi vui mừng tột độ của toàn thể Giáo Hội Việt Nam và cách riêng của Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng. Bởi vì trải qua bao cuộc chiến tranh và do thời cuộc, ngôi Nhà thờ Chính Tòa cũ đã bị sụp đổ. Toàn thể Dân Chúa luôn mong ngóng có ngày ngôi Nhà thờ được xây dựng lại. Niềm vui lớn lao cách đây 12 năm cũng chính là niềm vui của mỗi người hôm nay trong ngôi Nhà thờ Chính Tòa này để kỷ niệm ngày Cung hiến – Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri chia sẻ.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban muôn hồng ân cho gia đình Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng và đỡ nâng hướng dẫn công cuộc truyền giáo của Giáo phận.
 
Giáo xứ Ngạn Sơn mừng lễ Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel bổn mạng
Giuse Trần Ngọc Huấn
09:48 03/10/2016
Giáo xứ Ngạn Sơn mừng lễ Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel bổn mạng

Vào sáng Chúa Nhật, ngày 02 tháng 10 năm 2016, khuôn viên Nhà thờ - Nhà xứ của Giáo xứ Ngạn Sơn thuộc Giáo hạt Lạng Sơn được trang hoàng thật đẹp và có sự hiện diện thật đông đảo mọi người đến tham dự biến cố trọng đại nhất trong năm của Giáo xứ: Đại lễ kính Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel bổn mạng của Giáo xứ.

Xem Hình

Từ suốt mấy ngày qua, cha xứ, qua phó và mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo xứ đã tất bật lo các công tác để chuẩn bị cho ngài đại lễ được diễn ra tốt đẹp và trang trọng sốt sắng. Ca đoàn tích cực tập hát; các bạn trẻ trang trí sân khấu và tập dợt văn nghệ; các cụ lớn tuổi lo quét dọn nhà thờ và khuôn viên; các bà các chị lo chuẩn bị khâu ẩm thực… Mỗi người cùng chung sức góp phần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất theo khả năng cho ngày lễ Bổn mạng Giáo xứ.

Ngày vui đã đến, từ sáng sớm, bà con trong giáo xứ đã đến để chung tay trong các công việc chuẩn bị sau cùng và sẵn sàng mừng lễ. Lễ Bổn mạng năm nay, Giáo xứ đã mời tất cả quý cha, quý tu sỹ, quý Hội đồng mục vụ các xứ đạo trong Giáo phận và tất cả các gia đình trong Giáo xứ. Bà con cộng tác chuẩn bị ẩm thực và đón tiếp Đức Cha, quý cha và quý khách cách chu đáo.

Vào hồi 9 giờ 30, chuông nhà thờ đổ hồi giòn giã cùng hòa vào niềm vui của bà con giáo xứ đón Đức Cha Giáo phận đến với Giáo xứ. Đức Cha Giuse chào thăm quý Cha, quý thầy và bà con giáo dân hiện diện. Sau đó ngài hôn kính Thánh Giá Chúa và rảy Nước Thánh trên cộng đoàn. Cộng đoàn cùng tiến vào Nhà thờ để cầu nguyện với Đức Cha và cho Đức Cha trong sứ vụ Chủ chăn Giáo phận của ngài.

Đúng 9 giờ 50 phút, đoàn nhạc kèn cất lên những bản thánh nhạc hùng tráng để làm nên bầu khí trang trọng trong cuộc rước đoàn đồng tế tiến vào Thánh đường. Thánh lễ được cử hành trọng thể do Đức Cha Giuse chủ sự. Đồng tế với ngài có quý Cha trong Giáo phận. Ngôi nhà thờ giáo xứ và khuôn viên chật kín giáo dân tới hiệp dâng Thánh lễ để mừng kính Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel bổn mạng Giáo xứ.

Đức Cha Giuse trong lời mở đầu Thánh lễ đã chia vui cùng Giáo xứ Ngạn Sơn trong ngày lễ Bổn mạng. Ngài cũng nhấn mạnh rằng: như xưa Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel đem tin vui từ Thiên Chúa đến với ông Dacaria và tin vui Nhập Thể đến với Đức Trinh nữ Maria, ngày hôm nay, chúng ta cũng hân hoan mừng kính Ngài trong niềm vui Hy Tế Tạ Ơn này, chính Chúa đến với chúng ta và ở giữa chúng ta. Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel hằng ngự trước Tòa Thiên Chúa chắc chắn cũng sẽ là đấng bầu cử đắc lực cho mọi thành phần Dân Chúa trong xứ đạo Ngạn Sơn này và mỗi người hiện diện được Thiên Chúa ban muôn ơn lành.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha quảng diễn với cộng đoàn về sứ vụ cao cả và quan trọng của Tổng lãnh Thiên Thần, cách riêng Tổng lãnh Gabriel trong lịch sử Cứu độ. Các Tổng lãnh Thiên Thần mang những sứ vụ đặc biệt để chuyển những sứ điệp của Thiên Chúa và sự trợ giúp đỡ nâng của Thiên Chúa cho con người. Tổng lãnh Gabriel loan báo Tin Vui cho toàn thể nhân loại mà Tin Vui lớn nhất, trọng đại nhất chính là biến cố Truyền Tin Ngôi Lời Nhập Thể, đó là cột mốc quan trọng vô song trong lịch sử Cứu Độ, điều đó đủ nói lên phần nào vai trò quan trọng của Ngài trước Tòa Thiên Chúa. Tin tưởng vào sứ vụ của các Thiên Thần, chúng ta cũng nói lên lòng tín thác của mình vào chương trình và sự quan phòng của Thiên Chúa. Cùng với các Thiên Thần, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa, cùng sống xứng đáng với ơn gọi và sứ mệnh của người tín hữu giữa lòng Giáo Hội và Xã hội hôm nay.

Sau lời nguyện Hiệp lễ, ông Giuse Phạm Văn Từ - Chủ tịch HĐMV giáo xứ đã thay mặt cộng đoàn cảm ơn Đức Cha Giuse, quý Cha và quý khách đã đến hiệp dâng Thánh lễ và chia sẻ niềm vui với xứ đạo Ngạn Sơn trong ngày mừng Bổn mạng hôm nay. Tâm tình tri ân được gói ghém trong bó hoa tươi thăm kính tặng Đức Cha.

Thánh lễ kết thúc, Đức Cha và quý khách cùng cộng đoàn tiến ra khuôn viên nhà thờ để dự bữa cơm thân mật ấm tình gia đình do chính bà con giáo dân trong giáo xứ chuẩn bị. Bầu khí càng thêm vui tươi sôi nổi bởi những tiết mục văn nghệ của các bạn trẻ Linh hoạt viên và giới trẻ trong giáo xứ. Đức Cha Giuse, cha xứ Gioan cũng hòa mình vào những cử điệu vui tươi và ý nghĩa càng làm cho niềm hân hoan thêm lan tỏa. Có thể nói, giáo xứ nhỏ bé Ngạn Sơn đã có một ngày lễ Bổn mạng đầy ý nghĩa và niềm vui, để lại ấn tượng tốt đẹp cho những người tham dự.

Giuse trần ngọc Huấn – Btt.gplscb
 
Thánh lễ bế mạc Năm Thánh tại giáo xứ Tân Nghiã, Tây Ninh
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
10:00 03/10/2016
THÁNH LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH TẠI GIÁO XỨ TÂN NGHĨA

Lúc 09g00 sáng ngày 02 tháng 10 năm 2016, Giáo xứ Tân Nghĩa đại diện cho các Giáo xứ Vùng Kinh tế Mới, gồm các Giáo xứ thuộc 03 huyện Tân Châu; Tân Biên và Dương Minh Châu thuộc Giáo hạt Tây Ninh đã diễn ra Thánh lễ bế mạc Năm Thánh Mừng kim khánh 50 năm thành lập Giáo phận Phú Cường. Mọi ngã đường theo trục lộ 785, trục lộ chính từ Thành phố Tây Ninh đến Tân Châu hướng về Nhà thờ Tân Nghĩa trở nên náo nhiệt và đông đúc hơn do dòng người tín hữu Ki tô giáo từ các Giáo xứ trong vùng đến tham dự.

Xem Hình

Nhà thờ Tân Nghĩa được Giáo phận chọn là một trong hai điểm Hành hương trong năm thánh Mừng Kim khánh Giáo phận, tại Giáo hạt Tây Ninh.

Trước khi bắt đầu Thánh lễ Cha Giuse Trương Công Thành – Chánh xứ Tân Nghĩa đã chủ sự nghi thức hành hương trước thềm Nhà thờ. Mọi người cùng lắng nghe Lời Chúa qua đoạn Tin Mừng của thánh Gioan, tường thuật về phép lạ Chúa Giêsu đã chữa một người đau bệnh ở hồ nước tại Bethzatha; sau đó, mọi người tiến qua “Cửa Thánh” vào bên trong nhà thờ.

Thánh lễ do Cha Giuse Trương Công Thành – Chánh xứ Tân Nghĩa chủ sự, Cùng đồng tế có cha Phaolô Nguyễn Hồng Phong – chánh xứ Suối Đá, cha Giuse Phạm Minh Hảo – chánh xứ Tân Hội, cha Phêrô Trần Huy Vũ – chánh xứ Phước Minh, cha Giuse Khuất Văn Long – chánh xứ Thánh Mẫu và cha Gioan Baotixita Bùi Ngọc Điệp – chánh xứ Thánh Linh. Tham dự Thánh lễ còn có quý Sơ Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, Dòng Mến Thánh Giá và trên dưới 1000 giáo dân Giáo xứ Tân Nghĩa và các giáo xứ lân cận.

Hoà cùng nhịp sống Năm Thánh của Giáo phận, trước đó vào ngày 12 tháng 10 năm 2015 Giáo xứ đã hân hoan khai mạc Năm Thánh. Đến nay, Năm Thánh đã khép lại, nhìn lại chặng đường một năm đã qua, Giáo xứ Tân Nghĩa cùng các Giáo xứ trong vùng đã nhận lãnh được rất nhiều hồng phúc từ Thiên Chúa.

Trong bài giảng, Cha Giuse Phạm Minh Hảo – Chánh xứ Tân Hội đã nhắc đến những việc làm cụ thể trong Năm Thánh vừa qua, Ngài mời gọi cộng đoàn hãy cùng nhau cảm tạ Hồng Ân Thiên Chúa và cảm tạ Mẹ Maria và nhất là biết noi gương theo Mẹ để đến với Chúa, qua việc hãy siêng năng lần Chuổi Mân côi. Cha Giuse cũng nhắc nhỡ và mời gọi mọi người, tuy hôm nay “Cửa Thánh” đã khép lại nhưng hồng ân của Thiên Chúa vẫn còn tuôn đỗ xuống tất cả mọi người qua việc siêng năng lần hạt Mân côi và mỗi người chúng ta hãy “Đóng cửa với tội lỗi” để Hồng ân Thiên Chúa đến với mọi người chúng ta.

Cha Giuse cũng mời gọi mọi người anh em phải cố gắng noi gương Mẹ để chấp nhận những khó khăn trở ngại trong cuộc sống hằng ngày trên con đường tìm đến Chúa và nhất là quyết tâm hơn nữa để cùng chung tay xây dựng Giáo xứ; Giáo phận. v.v...

Sau lời nguyện hiệp lễ, thay mặt cộng đoàn, Cha Giuse Trương Công Thành – Chánh xứ Tân Nghĩa ngỏ lời cảm ơn Quý cha, quý tu sĩ, quý khách đã đến hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn, nhất là đã tin tưởng đề cử Giáo xứ Tân Nghĩa là điểm hành hương của vùng Kinh tế mới. và cũng trong phần cảm ơn của Mình Cha Giuse cũng đã cho Công đoàn thấy được Hoa trái trong Năm Thánh qua tại Giáo xứ Tân Nghĩa, đó là: đã có nhiều người xưng tội; rước lễ hơn, có nhiều em đến học Giáo lý hơn, nhất là đã có nhiều Con chiên lạc trở lại với Chúa.

Niềm vui của ngày kết thúc Năm Thánh tại Giáo xứ còn được kéo dài trong bữa tiệc liên hoan ấm cúng của gia đình cùng Quý Cha và Quý Tu sĩ cùng đại diện các Giáo xứ.

Ước gì niềm vui thánh này và tâm tình tạ ơn còn được kéo dài mãi trên từng người và mọi gia đình trong Giáo xứ để không chỉ dừng lại ở sự kiện mừng Kim Khánh, nhưng còn được sống mãi trong giai đoạn hậu Kim Khánh. Đó cũng chính là tâm tình mà Quý Cha Chánh xứ ao ước và tha thiết kêu mời đoàn con các Giáo xứ trong Vùng. Xin Thiên Chúa tiếp tục đồng hành với tất cả chúng con trên bước đường mới này.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc – Ban truyền thông Giáo phận Phú Cường.
 
Văn Hóa
Tháng Hồng Hoa
Lê Đình Thông
16:46 03/10/2016
THÁNG HỒNG HOA

Năm Sự Vui

Hoa hồng nở, tháng mười mầu nhiệm
Năm sự vui họa hiếm hải hà
Thiên thần chắp cánh bay xa
Truyền tin Trinh Nữ trước tòa cao sang.

Mẹ thăm viếng hỏi han thiếu phụ
I sa ve phận nữ hiếm hoi
Yêu người già yếu đơn côi
Ngàn hoa tươi mát cuộc đời thắm tươi.

Nơi hang đá đất trời gặp gỡ
Thôn Bê Lem kẻ chợ còn xa
Trẻ thơ bầy nghé thật thà
Lòng trần khốn khó đàn ca thiên thần.

Ẵm con trẻ vào trong đền thánh
Luật Moi sê canh cánh nằm lòng
Vâng lời ân đức trinh trong
Mân côi thơm ngát vườn hồng đầy vơi.

Tuổi thơ ấu luật trời từng trải
Trong đền thờ giảng giải sách kinh
Đức Bà tìm gặp con mình
Nghĩa tình giữ trọn hành trình nhân gian.

Năm Sự Mừng

Từ cõi chết vinh quang sống lại
Chúa Kitô sống mãi niềm tin
Cho ta hy vọng phục sinh
Mai này cùng hưởng phúc vinh đời đời.

Chúa Giêsu lên trời hiển trị
Cùng Ngôi Cha thánh ý từ tâm
Thiên cung tấu khúc nhạc cầm
Cùng nhau ghi nhớ phương châm thiên triều.

Các thiên thần mến yêu người thế
Bảy ơn lành thế hệ soi chung
Thánh linh sức mạnh khôn cùng
Khôn ngoan thông hiểu, khiêm cung trong lòng.

Mẹ Chúa Trời trinh trong hồn xác
Ngự trên trời ban phát ơn thiêng
Mười lăm tháng tám khắp miền
Kính mừng Đức Mẹ đoàn viên cõi trời.

Năm sự mừng cao vời nghĩa lý
Linh hồn tôi lòng trí ngợi khen
Chúa tôi thương đoái phận hèn
Nữ tỳ tôi tớ thục hiền mẫu nhi.

Năm Sự Thương

Chúa lo buồn sầu bi xao xuyến
Mồ hôi Người còn quyện máu rơi
Cứu bao tội lỗi người đời
Cắn răng chịu đựng đầy vơi mấy lần.

Nào roi đánh, xác thân khổ lụy
Chúa Giê su tiều tụy đau thương
Hãm mình sự thế tầm thường
Cũng đành đi nốt đoạn trường xót xa.

Vương miện kết bằng gai nhọn hoắt
Đội trên đầu thắt chặt niềm đau
Chịu điều sỉ nhục bấy lâu
Áo choàng sắc đỏ một màu thê lương.

Cây thập giá can trường vác nặng
Con dốc cao mưa nắng mệt nhoài
Này là Núi Sọ thôn đoài* (đoài : phía nam Giêrusalem)
Chịu bao khốn khó một mai cứu đời.

Chúa Giêsu từ trời xuống thế
Chịu đóng đinh lúc xế chiều hôm
Đất trời tăm tối chờn vờn
Ngôi Hai Thiên Chúa mỏi mòn xác thân.

Năm Sự Sáng

Sông Jourdain nước lành ân phúc
Thánh Gioan vừa múc nước trong
Thiên triều rũ sạch tội tình
Dòng sông tuôn chảy có mình có ta.

Trong tiệc cưới Cana Cứu Chúa
Thánh hóa bao đôi lứa truyền sinh
Rượu thơm hợp cẩn cuộc tình
Ngàn muôn thế hệ bóng hình yêu thương.

Triều đại Chúa dặm trường sám hối
Hãy cậy trông đổi mới cuộc đời
Giêsu rao giảng Nước Trời
Phúc âm hạt lúa đời đời phúc vinh.

Chúa Giêsu biến hình trên núi
Trên trời mây lời cuối trao ban :
Làm theo thánh ý thiên ân
Lắng nghe tiếng Chúa xoay vần Á Âu.

Phép Thánh thể nhiệm mầu khôn ví
Tình yêu thương nghĩa lý nào hơn
Rượu nho máu thánh nguồn ơn
Bánh thiêng nuôi dưỡng mỏi mòn tháng năm.

Lê Đình Thông (Paris, ngày 04/10/2016)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sơn Nữ
Dominic Đức Nguyễn
20:47 03/10/2016
SƠN NỮ
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Ô kìa ! Thiếu nữ dễ thương
Váy cẩm rực rỡ bản Mường quê ta
Em đẹp như một đóa hoa
Điệu Then em múa tình ca núi rừng
(Trích thơ của Lãng Du Khách)