Ngày 03-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chương trình Lời Ca Nguyện Cầu 3/10/2020
Giáo Hội Năm Châu
04:17 03/10/2020
 
Phải chăng Thiên Chúa đã chết?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
04:49 03/10/2020
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN

Phải chăng Thiên Chúa đã chết?

Is 5,1-7; Pl 4,6-9; Mt 21,33-43

Dụ ngôn “Những tên tá điền sát nhân” được Chúa Giêsu trực tiếp kể cho các thượng tế và kỳ mục trong dân Do Thái, được thánh Mátthêu viết lại dưới ánh sáng biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, được đọc lại trong bối cảnh của thế giới tục hóa hiện nay, quả đúng là một ngụ ngôn, trong đó tất cả các chi tiết đều mang ý nghĩa riêng.

1- Ý nghĩa thực

Gia chủ là Thiên Chúa; vườn nho là dân Ítraen, được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng; Chúa đã thiết lập giao ước Xinai với thể chế Môsê để bảo vệ và hướng dẫn dân này, ví như giậu, bồn đạp nho, vọng gác trong vườn; tá điền sát nhân là những người Do Thái thất tín, nhất là các nhà lãnh đạo đã đưa dân vào con đường bội nghĩa; các đầy tớ của gia chủ là các vị ngôn sứ, qua các thời đã bị đối xử tàn tệ. Người con của gia chủ là chính Chúa Giêsu, bị đóng đinh trên thập giá bên ngoài thành Giêrusalem. Người Do Thái tưởng giết Chúa Giêsu để nắm trọn vận mạng dân tộc. Nhưng họ sẽ bị truất quyền và bị trừng phạt; Chúa ám chỉ sự tàn phá Giêsusalem sau này. Còn Nước Thiên Chúa thì sẽ được ban cho một dân khác biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Dân mới này là Hội Thánh quy tụ lại từ mọi dân thiên hạ.

2- Ý nghĩa mở rộng

Cũng như những dụ ngôn khác, dụ ngôn này chứa đựng những ý nghĩa mở rộng. Một đàng, nó diễn tả tình yêu và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với loài người qua từng giai đoạn lịch sử cứu độ: từ sáng tạo đến cứu chuộc. Dẫu con người có bất tín, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người, vẫn kiên nhẫn, hiện diện, đồng hành để vào cuộc cứu độ. Lịch sử cứu độ là lịch sử lòng thương xót của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa không bỏ cuộc và bị khuất phục bởi sự dữ, nhưng tình yêu luôn chiến thắng và là lời cuối cùng.

Đàng khác, dụ ngôn còn diễn tả thái độ cố chấp, bội nghĩa và khước từ của con người qua mọi thời đại: bắt đầu từ Ađam và Evà với tội kiêu ngạo chống lại Thiên, đến các thế hệ loài người đã quá sa đọa dưới thời Nôê và các tiên tri như thời Isaia, được nói ở trong bài đọc I (Is 5,1-7), đến nỗi làm cho Thiên Chúa phải hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất (x. St 6,6); “Người mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Is 5,7); đến thời Chúa Giêsu, thập giá là bản cáo trạng lớn nhất về tội ác và sự quay lưng của nhân loại đối với Thiên Chúa. Con người đã giết chết Con Thiên Chúa.

Thái độ loại trừ Thiên Chúa trở thành một hệ thống triết học và chính trị vô thần duy vật chất với những tên tuổi như Feuerbach, Karl Mark. Triết gia hiện sinh vô thần Nietzsche đã đặt trên môi miệng của một người điên đang xông vào đám người vô thần lời tuyên bố này: “Thiên Chúa đã chết! Thiên Chúa sẽ mãi mãi chết! Và chính chúng ta đã giết Người” (Nietzsche, Le Gai Savoir, Livre troisième, 125). Theo ông, phải giết chết Chúa để dành chỗ cho siêu nhân và cho ý chí quyền lực của con người.

Trong bối cảnh của thế giới hiện đại và hậu hiện đại, dụ ngôn còn soi sáng cho chúng ta hiểu về thực trạng đáng buồn hiện nay của thế giới, nhất là ở Châu Âu. Đó là một thế giới bị thống trị bởi hiện tượng tục hóa và giải thiêng; chủ thuyết duy tương đối hóa lên ngôi như một thứ độc tài mới. Trong thế giới đó, Thiên Chúa bị quên lãng, bị loại trừ khỏi cuộc sống. Chúa Giêsu đã bị “loại ra khỏi vườn nho,” khỏi nền văn hóa được gọi là hậu Kitô giáo hay là bài Kitô giáo. Những lời của các tá điền vườn nho được dội lại trong xã hội tục hóa hôm nay: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó” (Mt 21,38). Nhân loại bị tục hóa muốn là người thừa kế và ông chủ. Jean Paul Sartre đã đặt trên miệng một người có cá tính đặc biệt tuyên bố này: “Không còn gì ở trên thiên đàng nữa, cả điều tốt lẫn điều xấu, không có ai có thể truyền lệnh cho tôi... Tôi là một con người, và mỗi con người phải tự khám phá lộ trình của mình.”

Quả thế, thái độ dửng dưng tôn giáo là thái độ đặc trưng của con người thời nay. Ngày hôm nay, người ta không còn quan tâm đến vấn nạn có Thiên Chúa hay không; Thiên Chúa có mấy ngôi như thời các giáo phụ. Thiên Chúa có mấy ngôi thì cứ mặc Người, tôi không quan tâm. Thiên Chúa có hiện hữu, thì ông cứ hiện hữu trong thế giới của ông, còn tôi, tôi có thế giới riêng của tôi. Tôi không muốn liên lụy đến Người.

Như thế, lời tuyên bố của Nietzsche có phần đúng như một lời tiên tri. Thiên Chúa tự bản chất không thể chết, vì Người là Đấng Hằng Sống. Nhưng Thiên Chúa “chết” trong tâm hồn của con người, trong cuộc sống của họ. Nói cách khác, Thiên Chúa phải “biệt cư” và “bị lưu đày” khỏi tư tưởng con người, khỏi cuộc sống chúng ta; khi Người không còn là điểm quy chiếu, là lời mời gọi, và bị quên lãng thì cái chết này chỉ duy nhất xảy ra cùng với cái chết của nhân loại, như lịch sử đã hiển nhiên minh chứng qua câu chuyện sa ngã của nguyên tổ, cũng như qua các thế hệ loài người sa đọa. Bởi lẽ, nếu Thiên Chúa chết, thì con người cũng chết. Nơi nào mà niềm tin vào Thiên Chúa tan biến, thì nơi đó sẽ để lại một sự trống vắng và một sự lạnh lẽo đến vô tận. Vắng bóng Thiên Chúa, chúng ta hoàn toàn và vô vọng nộp mình cho số phận, cho sự ngẫu nhiên và cho những con sóng quyền lực, tiền bạc, danh vọng của dòng đời đưa đẩy. Vắng bóng Thiên Chúa, chúng ta không còn một uy quyền nào để bám víu. Vắng bóng Thiên Chúa, mọi hy vọng cho một cuộc sống có ý nghĩa và công bằng hoàn toàn sụp đổ!

3- Ý nghĩa áp dụng

Như thế, khi suy gẫm đến thái độ từ chối và phản bội này của con người qua các thế hệ không phải để lên án ai, nhưng là để chúng ta soi bóng mình và trở về với lòng mình: phải chăng nơi đó chúng ta có thể chứa đựng những mầm mống phản loạn, hay thái độ dửng dưng vô cảm trước tình yêu và ân sủng của Chúa, khi Người mời gọi vào làm vườn nho cho Chúa, làm điều Chúa muốn, nhưng chúng ta lại không làm, mà làm những điều theo ý riêng, theo cám dỗ của xác thịt, thế gian và ma quỷ.

Đồng thời, dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta đọc ra “dấu chỉ thời đại về sự vắng bóng Thiên Chúa” trong xã hội hôm nay, để hun đúc lòng nhiệt thành tông đồ, say mê tìm kiếm Thiên Chúa, học hỏi và thấm nhuần chân lý đức tin, sẵn sàng xung vào đội ngũ làm vườn nho cho Chúa trong cánh đồng truyền giáo.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, mẫu gương về đức tin, nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban dư tràn ân sủng cho chúng ta trong hành trình tìm kiếm và làm chứng cho Người. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mẹ Diễm Phúc
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
04:55 03/10/2020

LỄ MÂN CÔI 7/10
Mẹ Diễm Phúc

Trong năm Phụng vụ, không có vị thánh nào được Giáo Hội sùng kính cách đặc biệt như Đức Trinh Nữ Maria. Giáo Hội dành riêng nhiều lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ để mừng kính Đức Maria. Đặc biệt Giáo Hội dành hai tháng, đó là tháng Năm, tháng Hoa, và tháng Mười, tháng Mân Côi để lần hạt và tôn sùng Đức Mẹ. Tại sao Đức Maria được sùng kính một cách đặc biệt như vậy trong Phụng vụ Kitô giáo? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Kinh Thánh, có thể được tóm tắt qua ba lý do sau đây:

1- Đức Maria, Thiên Mẫu

Lý do thứ nhất làm nền tảng cho việc Giáo Hội dành sự sùng kính đặc biệt cho Đức Maria, bởi vì, Đức Maria là người đã sinh hạ Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người. Mẹ đã thưa “xin vâng” với Thiên Chúa trong việc cộng tác vào chương trình cứu độ, để cho Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng của mình. Người Con mà Đức Mẹ cưu mang và sinh hạ “được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32). Nhờ sự cộng tác đó, Con Thiên Chúa trở thành con người, hiện diện giữa chúng ta, chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta. Như thế, nhờ Đức Maria, chúng ta có Đấng Cứu Độ và được cứu độ; Nhờ Đức Maria, chúng ta đến với Chúa. Bởi vì, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Quả đúng như lời Đức Mẹ tiên báo: “Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1,48-49).

2- Đức Maria, Gương Mẫu

Giáo Hội đặc biệt sùng kính Đức Maria, bởi lẽ, Giáo Hội tìm thấy nơi Đức Maria một mẫu gương tuyệt hảo của lý tưởng Kitô giáo. Mẹ được thiên thần Gabriel chào: “Hỡi Đấng đầy ân phúc” (Lc 1,28). Lời chào này trở thành tên riêng của Mẹ. Tên Mẹ là “Nguyễn Thị Đầy Ơn Phúc.” Mẹ được Thiên Chúa đổ đầy ân sủng của Người. Mẹ hoàn toàn thánh thiện, tuyệt mỹ. Mẹ toàn thánh. Mẹ là Evà mới của công trình tạo dựng mới. Mẹ là khuôn mẫu mới cho loài người. Khác với Evà cũ đã khước từ Thiên Chúa mà chạy theo sự dụ dỗ của ma quỷ, Đức Maria luôn sống trong sự tín thác, trung thành và tuân phục đường lối Thiên Chúa. Mẹ hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Mẹ luôn thưa “xin vâng” với Thiên Chúa trong suốt cuộc đời của mình. Vì thế, Giáo Hội từ xa xưa đã nhìn thấy nơi Mẹ là “điển mẫu tuyệt hảo của người môn đệ Chúa Kitô.” Nên Giáo Hội đã dành cho Mẹ một sự biệt kính (hyperdulia) trong phụng vụ để mời gọi con cái mình không chỉ nhìn ngắm Mẹ, nhưng quan trọng hơn là biết noi gương, bắt chước các nhân đức của Mẹ, trở nên giống Mẹ trong đời sống đức tin của mình. Bởi vì, Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo cho mỗi người Kitô hữu. Nên mỗi lần nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta được mời gọi noi gương và bắt chước cung cách sống của Đức Mẹ.

3- Đức Maria, Hiền Mẫu

Đối với loài người, Đức Maria không chỉ là Thiên Mẫu, Gương Mẫu, mà còn là Hiền Mẫu. Mẹ là người mẹ hiền, người mẹ luôn yêu thương và chăm sóc mỗi người chúng ta, con cái của Mẹ. Quả thế, đi khắp thế gian, không ai tốt bằng Mẹ. Tình Mẹ thương con như biển thái bình. Những lời đó rất đúng để áp dụng cho Đức Maria. Mẹ được Thiên Chúa yêu thương và tôn vinh. Mẹ được lên trời cả hồn cả xác và ngồi bên tòa Chúa để cầu bầu cho loài người đang ở trong thung lũng đầy nước mắt này. Mẹ luôn dõi theo những bước đi của con cái Mẹ ở dưới trần gian với một lòng yêu thương vô bờ bến. Bằng chứng, nhiều lần Mẹ đã hiện ra với con cái loài người, như ở Fatima, Lộ Đức, La Vang… để đồng hành, hướng dẫn và yêu thương. Tất cả những cuộc hiện ra đều minh chứng tình thương vô bờ bến của Mẹ. Mẹ luôn quan tâm, lo lắng và chăm sóc đối với nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng. Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm về sự cầu bầu và che chở của Đức Maria trong cuộc sống mình. Nhờ Đức Mẹ cầu bầu, hôm nay ta mới được như thế. Vì thế, chúng ta được mời gọi luôn biết chạy đến với Đức Maria để cảm nghiệm tình mẫu tử vô bờ bến của Mẹ, để nhờ Đức Mẹ gìn giữ, chở che và cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa trong hành trình đầy khó khăn trắc trở trong cuộc sống dương gian này.

Lạy Đức Maria, Mẹ là Thiên Mẫu, là Mẫu Gương và là Hiền Mẫu của chúng con, xin Mẹ “hãy tỏ ra là Mẹ của chúng con” và làm cho chúng con cũng được trở nên giống Mẹ, nhất là xin Mẹ hướng dẫn chúng con đến với Chúa, Con chí ái của Mẹ là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của chúng con. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/

 
Kinh Kính Mừng, lời kinh Mẹ dạy cầu trong cơn nguy khốn
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
08:40 03/10/2020
SUY NIỆM LỄ Đức Mẹ MÂN CÔI

(Lc 1 26-38)

Maria Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc Một, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con, nên khi con cái lầm đường lạc lối, xa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay dẫn lỗi chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc, với lời nhắn nhủ : "Hãy ăn năn đền tội, hãy năng Lần Hạt Mân Côi".

1. Kinh Kính Mừng

"Kính mừng Maria đầy ơn phúc"

Đó là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường xuyên đọc nhất là trong tháng Mười. Nhưng nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gabriel khi chào kính Đức Maria lúc truyền tin (Lc1,28). Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần nói, vì có Thiên Chúa ở cùng. Phúc của Mẹ thật cao với khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận : " Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc". Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy được đầy ơn phúc. Đức Maria là người diễm phúc không chỉ Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, mà Mẹ còn cưu mang Thiên Chúa ngay trong lòng mình nữa.

Những lời của sứ thần Gabriel và của bà Ê-li-sa-bet trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đồng thời Giáo hội thêm vào đó lời cầu khẩn Mẹ thương nâng đỡ phù trì "Thánh Maria ĐứcMẹ Chúa Trời... và trong giờ lâm tử".

Phụng vụ mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay, dựa trên trang Tin Mừng (Lc 1,26-38) lại dìu ta về với "Đức Maria đầy ơn phúc". Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, và Con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Thế nên Giáo hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này : "Kính mừng Maria đầy ơn phúc" để tôn vinh Mẹ Maria. Đức Maria là người hạnh phúc vì Mẹ đã đón nhận hồng phúc, được tuyển chọn để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Đấng Cứu Thế, là Mẹ Thiên Chúa. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria cũng rất hạnh phúc khi được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.

Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con. Nên khi con cái lầm đường lạc lối, sa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay, dẫn lối chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc với lời nhắn nhủ : "Hãy ăn năn đền tội, hãy năng lần hạt Mân Côi". Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn.

2. Những ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng

Chính Mẹ đã dạy chân-phước Alanô : "Bất-cứ ai trung thành đọc Kinh Mân Côi và suy ngắm những Mầu Nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết". Thánh Bênađô nói : "Kinh Kính Mừng làm cho Quỉ Dữ trốn chạy, Hỏa Ngục run sợ".

Còn thánh Bônaventura nói : "Mẹ Maria chúc phúc cho những ai đọc Kinh Kính Mừng".

Theo thánh Montfort "Những người rối đạo, những người vô tín ngưỡng, những người kiêu căng chê ghét hay khinh thị Kinh Kính Mừng, là những người có dấu bị trầm luân Hỏa-Ngục. Không có gì có hiệu-lực được lên Nước Thiên Chúa bằng đọc Kinh Mân Côi".

Thánh Anphongsô : "Nhờ Kinh Mân Côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trên đường trọn lành. Biết bao người được ơn chết lành và hưởng phúc Thiên đàng".

Kinh Mân côi là kinh chính Đức Trinh Nữ đã khuyến khích khi hiện ra với Cô Bernardette ở Lộ đức (1858) cũng như trong các lần hiện ra với ba em mục đồng Lucia, Phanxicô và Giaxinta 6 lần từ 13 tháng 5 tới 13 tháng 10 năm 1917. Cả 6 lần Đức-Mẹ đều thúc-dục : "Các con hãy tiếp tục đọc Kinh Mân Côi hằng ngày". Và nhất là : "Các con hãy đọc kinh Mân côi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới". Chẳng nói đâu xa, ngay tại Lavang, Đức Mẹ cũng đã hiện ra để dạy các tín hữu đọc Kinh Kính Mừng, để cầu nguyện trong cơn nguy khốn, bách hại.

3. Lời kinh Mẹ dạy cầu trong cơn nguy khốn

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những căng thẳng, càng ngày càng gia tăng, nhất là trong thời đại dịch này. Chẳng những Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị cha chung của chúng ta, mà còn cả các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân khắp đó đây trên toàn thế giới đều hưởng ứng và có những sáng kiến chung lời nguyện cầu bằng Kinh Kính Mừng, với ước nguyện làm theo lời Mẹ dạy để cho thế giới sớm được hòa bình, nhất là đẩy lùi dịch bệnh càng sớm càng tốt. Trước tình hình thế giới hiện nay, chỉ biết chạy đến với Thiên Chúa, để khẩn xin hòa bình cho thế giới và dại dịch sớm được đẩy lui. Việc làm trong tháng này là hãy tích cực và gia tang lần hát Mân Côi, như Giáo hội vẫn thường làm trong các cơn túng cực. Vì chỉ có lời cầu nguyện mới vượt qua được các biên giới các quốc gia và các ngăn cách của thù ghét cũng như không hiểu nhau, mới đem lại bình an cho nhân loại. Chúng ta hướng về Đức Maria, Nữ vương hòa bình, Mẹ chỉ bảo đàng lành, Mẹ cứu giúp trong những cơn nguy khốn và khẳng định rằng, nơi nào thiếu hòa bình, nơi nào con người tỏ ra bất lực hay không muốn dẹp đi mầm mống thù ghét và chết chóc, thì việc trợ giúp phải đến từ Trời cao. Chính Đức Maria, Nữ vương hòa bình, Đấng đem chúng ta trở lại với Chúa Cha.

Trước những thế lực mạnh hơn, chúng ta thường cảm thấy bất lực. bắt lực trước cả con virus vô hình. Khi nghĩ đến sức mạnh của những thế lực trên trái đất này định đoạt số phận của nhân loại, chúng ta cảm thấy bị giới hạn và bất lực, chúng ta chỉ biết tin tưởng vào lời cầu nguyện mà thôi, chúng ta tin cậy vào một sức mạnh lớn hơn, là Thiên Chúa. Đức Maria, như gương mẫu của sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Chúa. Và với tình mẫu tử, Mẹ sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Kitô, theo dõi chúng ta trên đường đến với Chúa Cha, Đấng có thể cải hóa và làm cho các tâm hồn con người tùng phục thánh ý của Người.

Vậy Kinh Kính Mừng càng có lý do hơn nữa để xúc tiến hòa bình, một hoà bình cho tới nay vẫn chưa trở lại, một cơn đại dịch vẫn chưa chấm dứt. Với lời Mẹ Maria dạy và kinh nghiệm của các thánh về ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta hãy sốt sáng đọc kinh Mân Côi, để cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, cho Giáo hội, cho quê hương và cho toàn thế giới.

Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi, cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Tháng Mân Côi: Mẹ Con Cùng Nhau Chia Sẻ
Lm. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
08:52 03/10/2020
Rôma, 02/10/2020

Khi đề cập đến vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong nhiệm cục cứu độ và trong tương quan với mầu nhiệm Hội Thánh, Công Đồng Vaticanô II đã dạy rằng: “Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Ðức Maria được tôn vinh, sau Chúa Con, vượt trên hết thảy các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính” (Lumen Gentium, #66). Quả thế, giữa vô vàn phần tử Hội Thánh, Mẹ vẫn luôn “được chào kính như một chi thể tối cao và độc nhất vô nhị”. Mẹ xứng đáng được tôn kính “như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái” (LG, #53).

Lạ lùng thay, tuy đứng ở vị trí “độc nhất vô nhị” nhưng Đức Maria chẳng có chút gì là xa cách đối với nhân loại chúng ta cả. Ngược lại, hầu như tất cả những ai đã từng nghe, từng biết, từng chạy đến với Mẹ thì đều nhận thấy nơi Mẹ một tình thương bao la diệu vợi và sự gần gũi ấm áp thân tình. Chẳng vì thế mà trong Giáo Hội, Ðức Trinh Nữ vẫn hay được kêu cầu bằng các tước hiệu như “Trạng Sư, Vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” (x. LG #62). Như chúng ta, Đức Maria là phần tử của Hội Thánh nhưng vì chúng ta, Thiên Chúa đã ưu ái tuyển chọn Mẹ như gương sáng các nhân đức để hướng dẫn bảo ban chúng ta. Vai trò độc đáo và sự hiện diện thắm thiết tình mẫu tử của Mẹ Maria được bộc lộ cách tỏ tường và sống động nơi các sự kiện lịch sử gắn liền với gốc tích và ý nghĩa của ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi mà chúng ta cử hành vào đầu tháng 10 hằng năm.

Cùng Mẹ trải qua từng biến cố cuộc đời



Cuối thế kỷ XVI, đế quốc Hồi Giáo Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ đạt đến giai đoạn cực thịnh và ngông cuồng mộng bá chủ toàn cầu. Với khí thế dũng mãnh nhờ đoàn tinh binh, đế quốc này từng bước khuất phục các nước lân cận và cứ thế tiến sâu vào lục địa u Châu. Mục tiêu cuối cùng của họ là Kinh Thành Rôma, đầu não Giáo Hội Công Giáo La Mã. Đứng trước tình thế vô cùng cấp bách, Đức Giáo Hoàng Piô V buộc phải ứng phó. Ngài đã quy tụ chiến thuyền từ một số quốc gia u Châu và tập hợp tất cả lại dưới cùng một hiệu cờ Thánh Giá. Ngài giao cho binh đoàn nhiệm vụ xuất chinh chặn bước quân thù đang trong thế tấn công vũ bão. Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các tín hữu khắp nơi hiệp lòng hiệp ý cầu nguyện. Hàng triệu lời kinh Mân Côi được cất lên. Hàng chục cuộc rước tôn vinh Đức Mẹ được giáo dân hưởng ứng tích cực. Chủ chăn và đoàn chiên muôn lòng như một cùng hy sinh hãm mình thực hiện nhiều hành vi đạo đức kêu khấn Đức Mẹ, xin Mẹ cứu nguy cho Giáo Hội và thế giới.

Ngày 07 tháng 10 năm 1571, một trận chiến khốc liệt đã diễn ra tại vịnh Lepanto (thuộc Hy Lạp ngày nay) và chiến thắng chung cục đã thuộc về phía liên minh Kitô Giáo. Hơn 220 chiến thuyền cùng 30.000 chiến binh Hồi Giáo Ottoman bại trận trước lực lượng liên minh Kitô Giáo nhỏ bé và yếu thế hơn nhiều. Nhờ chiến thắng này mà Giáo Hội tại u Châu nói chung, tại Rôma nói riêng mới được bình an vô sự.

Trước tin vui đại thắng Vịnh Lepanto, Đức Giáo Hoàng Piô V đã truyền lệnh thêm tước hiệu “Auxilium Christianorum” (Đức Bà phù hộ các giáo hữu) vào Kinh Cầu Đức Bà như một cách long trọng tuyên xưng sự can thiệp thần thế của Đức Maria Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi trong sự kiện đó. Một năm sau, tức là năm 1572, cũng chính Đức Piô V đã công bố Tự sắc Salvatoris Domini thiết lập lễ nhớ Đức Bà Chiến Thắng được cử hành ngày mùng 07 tháng 10 hằng năm.

Tiếp nối tinh thần vị tiền nhiệm, nhiều vị Giáo Hoàng trong thời tiếp theo đã thực hiện một số điểm cải tiến nhằm làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của biến cố Vịnh Lepanto. Cụ thể phải nhắc đến đến 2 lần đổi tên sau đây: Năm 1573, Đức Giáo Hoàng Grêgoriô XIII ký tự sắc Monet Apostolus đổi tên Lễ Đức Bà Chiến Thắng thành Lễ Mân Côi (Feast of the Holy Rosary). Năm 1960, thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đổi tên thành lễ Đức Bà Mân Côi (Feast of Our Lady of the Rosary) nhằm nhấn mạnh đến sự bầu cử lạ lùng của Mẹ Maria dành cho những ai trung thành cầu nguyện bằng lời kinh Mân Côi.

Chính việc điều chỉnh tên ngày lễ không chỉ cho thấy giá trị của việc cầu nguyện bằng tràng chuỗi Mân Côi trong đời sống của Hội Thánh và của từng tín hữu nói riêng mà còn nhấn mạnh đến vị trí của Mẹ Maria trong đời sống đức tin của dân thánh Chúa. Chúng ta cầu nguyện vì chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện (x. Mt 6, 7-13). Cùng Đức Maria chúng ta liên lỉ cầu nguyện vì chính Mẹ là mẫu gương cầu nguyện (x. Cv 1, 14).

Cùng Mẹ Maria cầu nguyện

Chúng ta còn nhớ, sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông Đồ quay trở về nhà. Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại rằng: “Các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Chúa” (x. Cv 1, 13-14). Ngay từ những giây phút đầu tiên, khi Hội Thánh sơ khai bắt đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục sinh của Đấng Cứu Thế, khi mà Giáo Hội non trẻ bị bắt bớ và đối diện với thử thách trăm bề, Đức Maria đã hiện diện giữa các Tông Đồ như một mẫu gương chuyên cần cầu nguyện.

Chắc hẳn vì lý do này nên trong tự sắc Consueverunt Romani Pontifices công bố ngày 17 tháng 9 năm 1569 (trước cả khi chiến thắng Vịnh Lepanto xảy ra), Đức Giáo Hoàng Piô V đã mạnh dạn liên kết Kinh Mân Côi với đời sống cầu nguyện của Đức Mẹ. Đức Thánh Cha ví Chuỗi Mân Côi như “Sách Thánh Vịnh của Đức Trinh Nữ Maria” và xem việc lần chuỗi Mân Côi chính là một cách cầu nguyện rất đạo đức và là lời cầu dâng lên Thiên Chúa, một hình thức cầu nguyện bình dân dễ thực hiện, nằm trong tầm tay của tất cả mọi người. Lời kinh bao gồm việc ca ngợi chính Đức Trinh Nữ: “Kính mừng Maria, Đấng Đầy Ơn Phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ.” Trong tràng Mân Côi, lời chào của sứ thần được lập lại 50 lần, giống như 50 thánh vịnh của Thánh Vương Đavít. Trước mỗi chục có lời kinh Lạy Cha của Chúa cùng với các suy niệm ngắn liên quan tới cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô. Nếu Vua Đavit dùng 50 Thánh Vịnh để cầu nguyện và tán dương Thiên Chúa, thì Mẹ Maria cũng dạy chúng ta dùng 50 kinh Mân Côi mà thổn thức tâm sự cùng Cha trên trời.

Còn gì ý nghĩa hơn khi chúng ta cùng với Mẹ Maria dùng lời “Thánh Vịnh” của chính Mẹ để ca ngợi Thiên Chúa và nhắc lại công trình cứu chuộc mà Con Thiên Chúa đã kiện toàn bằng cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Người. Theo ý nghĩa đó, Kinh Mân Côi là lời nguyện chung giữa Hội Thánh và Nữ Vương Thiêng Đàng dâng lên trước tòa Thiên Chúa Ba Ngôi cao cả.

Cùng Mẹ Maria chiến thắng

Tên “Lễ Đức Bà Chiến Thắng” tuy không còn xuất hiện trong lịch phụng vụ chung của Giáo Hội nữa nhưng ý nghĩa của ngày lễ thì vẫn tồn tại. Lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria trước tòa Chúa không chỉ giúp cho liên binh Kitô Giáo chiến thắng sự tấn công của các lực lượng Ottoman năm xưa mà còn giúp cho toàn thể nhân loại mọi thời chiến thắng ác thần, chiến thắng sự dữ. Sách Khải Huyền ghi lại thị kiến của Thánh Gioan Tông Đồ về cuộc giao tranh giữa người Phụ Nữ và con mãng xà. Trong cuộc chiến này, người Phụ Nữ được hiểu như hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria - Đấng sinh hạ Chúa Giêsu, đồng thời cũng là hình ảnh của Hội Thánh - cộng đồng nhân loại biết cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa. Như vậy, chiến thắng sau cùng sẽ thuộc về những ai biết tuân giữ huấn lệnh Chúa truyền ban và hết mình cộng tác vào kế hoạch của Chúa. Nơi cộng đoàn những người chiến thắng vinh hiển, chúng ta nhận ra gương mặt thánh thiện của Đức Nữ Trinh Maria và khuôn mặt khả ái của Hội Thánh Chúa Kitô. Nói cách khác, như Mẹ, chúng ta cũng sẽ chiến thắng nếu cả chúng ta và Mẹ đều thuộc về cùng một phía, cùng thuộc về Thiên Chúa chúng ta.

Thánh Irênê và rất nhiều Giáo Phụ thời xưa đã mạnh dạn rao giảng về chiến thắng của Mẹ Maria bằng cách sánh ví Mẹ như một Evà Mới. Các Ngài nói: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Maria; điều mà người nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin thì nay Ðức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin” (được trích dẫn trong LG, #56). Các thánh Giáo Phụ không ngần ngại gọi Ðức Maria là “Mẹ kẻ sống” để khắc họa sự tương phản giữa Evà Mới so với Evà cũ (x. LG, #56). Quả thực, nếu Kinh thánh mở đầu với một bức tranh mang màu ảm đảm trong đó in hằn vết nhơ là sự thất bại thảm hại của ông bà nguyên tổ và mầm móng sự chết từ đó xâm nhập vào trần gian (x. St 3, 1-24) thì Kinh Thánh đã có một kết thúc tuyệt vời với sự xuất hiện của Evà Mới là người đã đánh bại con mãng xà bằng hai tiếng “Xin Vâng” mở đường cho Đấng đánh bại thần chết sinh hạ vào trần gian (x. Kh 12. 1-17). Mẹ Maria, Người Nữ Evà Mới luôn cộng tác với và đã cùng vinh thắng khải hoàn bên cạnh Ađam Mới là Đức Kitô Phục Sinh.

Mẹ ở đây với chúng con

Tháng Mân Côi chính là thời cơ thích hợp để chúng ta sống điều chúng ta tin. Nếu chúng ta tuyên xưng Mẹ là “Đấng phù hộ các giáo hữu” thì chúng ta hãy để cho Mẹ hướng dẫn chỉ bảo chúng ta. Nếu chúng ta tôn kính Mẹ như “Mẹ của Hội Thánh” thì chúng ta hãy lấy tình con thảo mà chạy đến với Mẹ. Nếu chúng ta muốn chiến thắng như Mẹ thì nhất định chúng ta cũng hãy học cho biết cách cầu nguyện như Mẹ. “Cầu nguyện như Mẹ” là cầu nguyện cho người khác, cầu nguyện với người khác. “Cầu nguyện như Mẹ” là cầu nguyện trong âm thầm khiêm tốn, trong hy sinh quên mình, cầu nguyện trong tin tưởng cậy trông, trong kiên trì nhẫn nại.

Trong nhiệm cục cứu độ, sứ mạng làm Mẹ của Ðức Maria luôn tiếp diễn không ngừng, “từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin - sự ưng thuận mà Mẹ đã giữ vững khi đứng bên thập giá - cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Mẹ trong việc cứu độ không chấm dứt, vì Mẹ vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình từ mẫu, Mẹ chăm sóc anh chị em của Người Con Chí Ái Mẹ đang còn lữ hành trên dương thế và đang gặp thử thách truân chuyên, cho đến khi họ cũng đạt tới hạnh phúc quê trời” như Mẹ (x. LG, #62). Vai trò và vị thế của Mẹ trong tương quan với Đức Kitô và với Hội Thánh là độc nhất vô nhị, nhưng đối với con cái Mẹ, Mẹ lúc nào cũng gần gũi cân cần chăm sóc. Vậy, một lần nữa, cùng với việc lần chuỗi Mân Côi, chúng ta tuyên xưng sự quan phòng của Thiên Chúa qua bàn tay đỡ nâng của Mẹ Maria. Chúng ta an lòng vì có Mẹ luôn ở đây che chở gia đình chúng ta:

Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai? Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên thiên đàng. Amen.

(Đường dẫn liên kết bài hát “Mơ về Bên Mẹ” minh họa cho tâm tình con thảo hướng lòng về Mẹ Maria trong tháng Mân Côi: https://www.youtube.com/watch?v=S7D8tpF4co0 )
 
Lại Chuyện Kể Vườn Nho
Lm Giuse Trương Đình Hiền
09:03 03/10/2020
Chúa Nhật 27 Thường Niên A 2020

Câu chuyện “Vườn Nho” có gì hay ho đến nỗi 3 Chúa Nhật liền được Phụng vụ nhắc đến qua bài Tin Mừng?

- Chúa Nhật 25 (TN A): Câu chuyện “Vườn Nho” với chân dung “Người công nhân giờ thứ 11”.

- Chúa Nhật 26 (TN A): Câu chuyện “Vườn Nho” với hình ảnh “Người con thứ nhất”.

- Và hôm nay, Chúa Nhật 27 (TN A): lại câu chuyện “Vườn Nho” với số phận của những “Tá điền hung ác”.

Thì ra, “Vườn Nho” là “biểu tượng Thánh Kinh” nhằm diễn tả một thực tại huyền nhiệm là “Đoàn dân ưu tuyển”, là “Đất hứa của hạnh phúc”, là “Nước Trời”, là “Vương quốc do Thiên Chúa hiển trị”… mà cả Cựu và Tân Ước đều nhắm đến như là cùng đích viên mãn của chương trình Cứu độ của Thiên Chúa.

Thật vậy từ hơn 6 thế kỷ trước Chúa Kitô, ngôn sứ Isaia đã tiên báo về “dụ ngôn Vườn Nho” mà chúng ta vừa nghe nơi Bài đọc 1: “Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại…”; và vị “ngôn sứ thi sĩ” nầy đã chỉ rõ: “Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích…”. Nhưng rồi “Vườn Nho là Đoàn dân ưu tuyển Israel” đó đã như những “tá điền phản bội”, đến độ Thiên Chúa đã ra tay huỷ hoại không hề thương tiếc: “Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó”.

Nhưng cũng từ “Vườn Nho Israel” đó, tiếng nguyện cầu tha thiết đã không ngừng vang lên, tiêng kêu than của những “số dân còn sót lại”, những “người nghèo của Giavê” (Anawim) đã thấu tận trời cao: “Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.” (Đáp ca: Tv 79,15-16).

Và Thiên Chúa đã trở lại “viếng thăm Vườn Nho” cũ, không phải chỉ là cuộc “viếng thăm” qua những “đợt hồi hương và tái thiết Giêrusalem”, nhưng là cuộc “viếng thăm dứt khoát” để “nối lại một cuộc tình” đã hơn một lần dang dở: “Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng A-Kho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai-cập” (Hs 2,16-17); để ký lại một “Giao ước” đã bị phản bội, xoá nhoà: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương…” (Hs 2,21).

Cuộc “trở lại viếng thăm đó”, “Giao ước mới” đó chính là cuộc Nhập thể và Vượt Qua của Người Con Một, một “nhân vật” làm “điểm nhấn” trong dụ ngôn “Vườn Nho và tá điền”: “Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: ‘Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó’. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết.”

Nếu như, nhờ “tấm lòng quảng đại đầy lòng xót thương của ông chủ Vườn Nho” mà “Người công nhân giờ thứ 11” có thể “ngẩng cao đầu đi tới, hay nhờ “người cha của vườn nho” đầy bao dung tha thứ mà “người con thứ nhất” đã “trở về trong sám hối ăn năn”, thì trái lại, cũng chính “người chủ của vườn nho đó” không thể nào chấp nhận thái độ vô ơn bội nghĩa và cố chấp của “bọn tá điền hung ác”: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”

Chỉ có một điều, sứ điệp Vườn Nho” của Chúa Nhật hôm nay (27 TN A) không dừng lại nơi “bản án công bình” dành cho những “tên tá điền hung ác”, mà chính là tập chú vào ý nghĩa “Người con một bị giết” và “vườn nho được “cho người khác thuê” hay “Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

Thì ra, cái giá cuối cùng để có được “một địa chỉ trần gian muôn đời đáng tin cậy”, một “Vườn Nho trật tự tinh tươm với muôn loài kỳ hoa dị thảo”, một “Cây Nho” vươn lút trời xanh và rợp bóng địa cầu, Con Một Thiên Chúa đã chấp nhận bị treo trên thập giá để kéo mọi sự lên với Ngài, đã chấp nhận làm hạt lúa mục nát giữa lòng đất để sinh hoa kết trái hồng ân.

“Vườn nho” mà Tin Mừng nhắm đến đang hiện thực dần nơi Hội Thánh Chúa Kitô hôm nay; một “Vườn Nho” mà anh hay tôi, chị hay em, tất cả chúng ta vừa là những loài kỳ hoa dị thảo, những cây sim, cây sậy, chen sát bên những đại thụ sao, dầu, gỏ, trắc…, vừa là những người thợ chắt chiu chăm sóc với từng giọt mồ hôi thấm đẫm yêu thương và cần chuyên thực hiện. Đó cũng chính là “những điều” mà Thánh Phaolô đã ân cần nhắc bảo cộng đoàn Philipphê ngày xưa nghiêm cẩn thực thi: “những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy. Những điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành, thì Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.” (BĐ 2).

Sứ điệp “Vườn Nho” của Chúa Nhật hôm nay được vang lên trong những ngày đầu tháng Mười, tháng Mân Côi, tháng ghi dấu chứng từ của một “đoá hồng tình yêu Têrêsa” tuyệt đẹp trong “vườn nho Hội Thánh”: “Ở giữa lòng Hội Thánh con sẽ là tình yêu”; tháng nhắc nhau những lời “nhắn nhủ của Mẹ Maria về việc canh tân sám hối và lần hạt Mân Côi trên cây sồi Fatima”, tháng gọi mời toàn thể Dân Chúa cùng nắm tay “đi ra” trên những cánh đồng truyền giáo…

Như vậy, để “Vườn Nho mãi mãi thêm đẹp thêm xinh”, để từ đây sẽ không có “cành nho nào bị vứt ra ngoài làm mồi cho lửa”, không có người “tá điền nào bị tru diệt”…, mà tất cả sẽ gắn kết, sẽ nên một, cho tới khi tất cả trần gian sẽ trở thành một “Vườn Nho” tuyệt vời là hiện thực của một “Vương quốc chân thật, tình yêu và vĩnh cửu”, một “Nước Thiên Chúa được ban cho một dân biết làm cho kết trái đơm hoa”…, thì hết thảy chúng ta, ngay từ giờ phút nầy, hãy thật sốt sắng đón nhận Lời của Thiên Chúa và Thánh Thể của “Người Con Thừa Tự” với thái độ tín trung hiếu thảo và với cõi lòng sám hối khiêm nhu. Amen.

LM. Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:12 03/10/2020

34. Phàm là người kiên trì muốn chiến thắng thì hình như họ đã chiến thắng rồi.

(Thánh Laurence)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:16 03/10/2020
36. TỰ MÌNH NÓI

Hai người lạ gặp nhau trên phố Tô Châu, một người hỏi:

- “Xin hỏi anh tên gì?”.

Người kia đáp:

- “Họ Trương”.

Lại hỏi:

- ”Ông anh hiệu là gì?”

Đáp:

- “Đông Kiều”.

Lại hỏi:

- “Xin hỏi ông anh ở đâu vậy?”

Đáp:

- “Bên ngoài cổng trời”.

Người hỏi gật đầu nói:

- “Ồ, ngài là Trương Đông Kiều ở ngoài cổng trời”.

Họ Trương rất kinh ngạc hỏi:

- “Làm sao mà ngài biết được hoàn cảnh của tôi vậy?”

Người hỏi cười nói:

- “Tất cả đều là do ngài vừa nói ra đấy chứ !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 36:

Ở đời có những cái đãng trí cười ra nước mắt, và ở đời cũng có những cái cười méo mó vì sự đãng trí của mình. Có hai loại đãng trí: một là loại đãng trí của các bậc vĩ nhân, hai là loại đãng trí của người ngơ ngơ ngơ ngáo ngáo, cả hai loại đãng trí này đều...dễ thương và không nên trách móc, bởi vì nó là như thế.

Nhưng có một loại đãng trí khác không thuộc loại vĩ nhân cũng không thuộc loại ngơ ngác, nhưng là của người bụng dạ đầy mưu mô, loại đãng trí của loại người này thì là cố ý: họ cố ý đãng trí quên mất đem theo tiền để trả tiền nhậu thế là có người hàm ơn của họ trả giùm; họ cố ý mang một chiếc giày mòn đế khi dự tiệc, thế là có người mua tặng đôi giày mới; họ cố ý đãng trí mặc áo sờn vai sờn cổ khi đi làm, thế là họ được nhân viên tặng cho cái áo mới khác, và còn có rất nhiều cái đãng trí của người lòng dạ thâm hiểm khôn lường...

Nhà bác học đãng trí vì đầu óc của họ đầy dẫy những công thức phát minh giúp ích cho nhân loại, nên không còn nhớ đến những việc chung quanh; người ngu ngơ đãng trí là vị...trí khôn họ chỉ chừng đó mà thôi, nhưng cái đãng trí của người mưu mô là vì đầu óc đầy dẫy những mưu lợi cho riêng cá nhân, nên họ không còn biết nghĩ đến chuyện của người khác để ra tay giúp đỡ.

Người Ki-tô hữu có một cái đãng trí rất dễ thương, đó là họ luôn luôn luôn nghĩ đến những thiếu thốn và đau khổ của tha nhân, mà quên mất mình đang thiếu thốn như những người thiếu thốn khác...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 27 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 03/10/2020
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 21, 33-43

“Ông chủ sẽ cho các tá điền khác canh tác vườn nho.”


Anh chị em thân mến,

Câu kết luận của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng minh bạch, Ngài nói: “Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Không làm để sinh hoa lợi là người lười biếng, mà người lười biếng thì không thể gặt được thành quả của mình, đó là điều tất yếu. Nước Trời cũng chắc chắn là không có chỗ cho người lười biếng như lời thánh Phao-lô dạy: ai không làm việc thì đừng có ăn.

Lười biếng thì thường sinh ra nhiều thứ tội, mà tội thứ nhất là dễ dàng nói xấu người khác khi vô công rỗi nghề, dễ dàng phê bình chỉ trích người khác, và có khi suy nghĩ tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác. Các tá điền làm vườn nho trong bài Tin Mừng hôm nay đã manh tâm sát hại các đầy tớ của ông chủ vườn nho, bởi vì tính tham lam muốn chiếm đoạt đã thành căn cốt trong tâm hồn của những người lười biếng. Trong đời sống linh đạo tu đức của người Ki-tô hữu cũng vậy, nếu không siêng năng làm việc lành phúc đức, không đem hết tài năng mà Thiên Chúa ban cho ra để phục vụ Ngài trong tha nhân, thì ngay cả điều Ngài đã ban cho cũng sẽ bị lấy lại, bởi vì không ai cấp vốn cho người làm biếng và không biết làm việc.

Nước Trời khởi sự ngay từ thế gian này, ân sủng của Thiên Chúa ban cho con người cũng ngay tại thế gian này, để chuẩn bị cho chúng ta Nước Trời trên thiên đàng mai sau. Được trở thành tá điền trong vườn nho của Thiên Chúa (Giáo Hội) là người hạnh phúc, nhưng không muốn làm công việc của một tá điền, thì sẽ bị chủ vườn cho sa thải và rút lại tất cả các ân huệ mà họ đã được hưởng.

- Tôi là tá điền trong vườn nho của Chúa với bổn phận và trách nhiệm là linh mục, nhưng nếu tôi không chu toàn bổn phận của một linh mục vì lười biếng và chỉ muốn được người khác phục vụ cung phụng, thì Thiên Chúa nhất định sẽ rút lại ân huệ đã ban cho tôi ngay khi tôi còn ở đời này.

- Tôi là tá điền làm trong vườn nho của Chúa với bổn phận là một tu sĩ phục vụ tha nhân, nhưng tôi vì cái “mác” tu sĩ như “hàng hiệu”, vì sĩ diện là tu sĩ nên tôi không dám cúi xuống để rửa chân cho tha nhân, thì Thiên Chúa nhất định sẽ tính sổ với tôi ngay khi còn ở đời này và cả đời sau.

- Tôi là một giáo hữu làm tá điền trong vườn nho của Chúa, so với những người khác thì tôi được ưu đãi nhiều về vật chất cũng như tinh thần, nhưng vì tính lười biếng thực hiện bổn phận kính mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân của mình nên tôi rất ghét những ai cần tôi giúp đỡ, Thiên Chúa nhất định
sẽ hỏi tôi về những hành vi và lời nói của tôi đối với tha nhân, Ngài sẽ lấy đi những gì của tôi có, để trao cho người khác biết làm để sinh hoa lợi thiêng liêng cho anh em...

Anh chị em thân mến,

Làm trong vườn nho của Thiên Chúa tức là thực hiện ý Ngài qua bổn phận hằng ngày của mình, chính trong bổn phận của chúng ta mà Thiên Chúa làm cho ý Ngài được tỏ hiện và danh Ngài được tỏa sáng giữa muôn dân, đó là một hạnh phúc vô cùng lớn lao cho chúng ta.

Đừng trở nên người thông luật để phản bội lề luật, nhưng hãy trở nên người tôi tớ biết thực hiện ý Thiên Chúa qua cuộc sống của mình, đó là người tá điền tốt vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Không bao giờ bỏ cuộc
Lm. Minh Anh
23:04 03/10/2020


KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC
“Đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa, chủ vườn nho là một Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc. Đó là một Thiên Chúa đã đầu tư thật nhiều cho vườn nho mình; thế nhưng, mùa nho về, đầy hy vọng, Người lại chẳng gặt hái được gì, những kẻ được sai đến đều bị giết đi, ngay cả Con Một Người. Vậy mà lạ lùng thay, tiếng nói sau cùng của Thiên Chúa vẫn là tiếng nói của xót thương, của tha thứ, vì Người là Đấng không bao giờ bỏ cuộc.

Thánh Vịnh đáp ca xác định, “Vườn nho của Chúa là nhà Israel”; chúng ta còn có thể nói, vườn nho của Chúa là thế giới, là Giáo Hội và nhất là linh hồn mỗi người. Đó là những vườn nho mà Thiên Chúa đã bỏ công, nhặt đá, rào giậu, khoét bồn đạp, xây tháp canh, trồng giống nho quý… như những hình ảnh sống động đi kèm tiếng thở dài của chủ vườn từ bài đọc Isaia, “Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho Ta mà Ta đã không làm?”. Thiên Chúa chăm chút đến linh hồn mỗi người chúng ta bằng cách ban ân sủng và Thánh Thần của Người; Thiên Chúa rất kỳ vọng vào mùa nho như Tung Hô Tin Mừng hôm nay gợi nhớ, “Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại”. Vậy mà tưởng là bội thu, Thiên Chúa thất thu; mong nho tốt, Người chỉ thấy toàn nho dại; tệ hơn, cách cư xử độc ác của các tá điền cũng có thể là hành xử vô ơn của mỗi chúng ta. Thế nhưng, lạ lùng thay, tiếng nói sau cùng của Thiên Chúa vẫn là tiếng nói của xót thương, của tha thứ, vì Người là Đấng không bao giờ bỏ cuộc.

Để chúng ta có thể hiểu được cách thức Thiên Chúa đáp lại việc từ chối tình yêu và những đề nghị nhân ái của Người, Chúa Giêsu đã đặt lên môi người chủ vườn một câu hỏi, “Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn tá điền thế nào?”. Câu hỏi này nhấn mạnh rằng, sự thất vọng của Thiên Chúa trước hành vi gian ác của con người không phải là lời cuối cùng. Đây là điều mới lạ tuyệt vời của Kitô giáo. Đó là một Thiên Chúa, dẫu thất vọng bởi những sai lầm và tội lỗi của con người, vẫn không quên lời đã hứa, Người không bỏ cuộc và trên hết, không tìm cách báo thù. Thiên Chúa không báo thù; muôn đời yêu thương, Người không báo thù. Người chờ đợi chúng ta để tha thứ, để ôm chúng ta vào lòng; Người không bao giờ bỏ cuộc.

Không bao giờ bỏ cuộc, chờ đợi để thứ tha; đó là sự công bằng của Thiên Chúa. Điều đầu tiên chúng ta cần nhìn lại là những tá điền ác tâm thoạt đầu đã thành công; ấy thế, họ quên mất một điều, Thiên Chúa là Đấng quyền năng, công bằng; Đấng có thể rút điều lành từ điều dữ; Đấng làm cho thập giá trổ hoa cứu độ, Đấng mà công lý của Người luôn luôn thắng. Người sẽ sắp xếp hết mọi sự, sẽ thực thi công lý và lòng thương xót của Người sao cho phù hợp với tâm hồn mỗi người; Người sẽ biến chết thành sống, ác thành thiện, ươn thối thành tươi mới, “Viên đá thợ xây nhà loại bỏ, đã trở nên đá tảng góc tường. Đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!”.

Điều này tiết lộ cho chúng ta một bài học quan trọng. Nó tiết lộ rằng, ngay hôm nay, cái ác xem ra đang chiến thắng dưới mọi hình thức; cũng như không ít lần, chúng ta cảm thấy thất vọng trước chiến thắng rành rành của sự dữ chung quanh mình và ngay trong chính linh hồn mình; điều này có thể dẫn chúng ta rơi vào tuyệt vọng. Tuy nhiên, vào những thời điểm đó, hơn bất cứ lúc nào, chúng ta hãy giữ vững niềm hy vọng về chiến thắng cuối cùng của công lý nơi Thiên Chúa, chiến thắng của thập giá; tiếng nói cuối cùng sẽ là tiếng nói của tình yêu, của sự sống. Và Thiên Chúa sẽ chiến thắng, tình yêu sẽ chiến thắng; điều quan trọng là kết quả cuối cùng; Người không bao giờ bỏ cuộc.

Vì thế, với một tầm nhìn có chiều kích đến tận vĩnh cửu, tất cả những gì quan trọng là chúng ta phải luôn trung thành và đặt hy vọng nơi Người; hãy luôn cố gắng để vượt qua mọi bất công chúng ta đang gặp phải cũng như cố chỗi dậy mỗi ngày để vượt qua tội lỗi đang thao túng linh hồn mình. Chính những lúc này, chúng ta hãy sống những gì Thánh Phaolô nhắc nhở hôm nay qua thư Philipphê, “Anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ; và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô”, vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc.

Đúng thế, trong sự khôn ngoan tuyệt vời của Người, Thiên Chúa có thể để mặc chúng ta đối đầu với sự ác, ‘ở đây, ngay lúc này’; vì đôi khi, Người thấy đó là điều tốt để thanh luyện chúng ta, buộc chúng ta chiến đấu. Điều này có thể khó hiểu và khó chấp nhận; nhưng chúng ta vẫn phải giữ vững niềm hy vọng vào sự trung tín của Người cũng như tin rằng, chiến thắng cuối cùng thuộc về Chân Lý mà duy chỉ một mình Người có. Thánh Phaolô nói tiếp, “Những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức” là điều chúng ta cố giữ lấy những lúc đó, chính chúng ta cũng đừng bao giờ bỏ cuộc. Những chùm nho chúng ta hái được từ trái tim và thập giá mình mỗi ngày sẽ là của lễ dâng trên bàn thờ, sẽ trở thành Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Một bác sĩ nọ tìm đến với một Giám mục cao niên và tuyên bố, “Con đến để thông báo cho Đức cha biết, con đang nghĩ đến chuyện rời khỏi Giáo Hội”. Vị Giám mục yêu cầu ông cho biết lý do. Nhìn Giám mục, bác sĩ nói, “Thưa Đức cha, Giáo Hội đã có mặt gần 2,000 năm; thế nhưng, con người đâu có gì khá hơn; con không chấp nhận những bất công trong Giáo Hội”. Giám mục bình tĩnh trả lời, “Bác sĩ nói chí lý, nhưng hãy thử nghĩ lại, nước đã xuất hiện trên mặt đất từ bao nhiêu triệu năm, vậy mà ngày nào, bác sĩ cũng như tôi, ai cũng phải rửa tay; cũng thế, Thiên Chúa đang thanh luyện chúng ta; Thiên Chúa chờ đợi chúng ta; Người chờ đợi bác sĩ, Người chờ đợi tôi”. Nghe thế, viên bác sĩ thinh lặng ra về, ông không còn nghĩ đến chuyện rời bỏ Giáo Hội.

Anh Chị em,

Đừng sợ sự ác, cũng đừng sợ việc Thiên Chúa có thể thanh luyện linh hồn mình. Hoa trái Thiên Chúa chờ đợi nơi vị bác sĩ, nơi chúng ta sẽ là hoa trái mang lại ơn cứu độ trước hết cho linh hồn chúng ta; sau đó, cho tha nhân trên toàn thế giới. Đó cũng là giấc mơ muôn thuở của Thiên Chúa; vì thế, cho dù chúng ta là gì hôm nay đi nữa, thế giới chung quanh xấu xa tội lỗi đến mấy, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trổ sinh hoa thơm trái ngọt vì Người là một Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con đôi mắt có thể nhìn thấu vĩnh cửu, để con cũng không bao giờ bỏ cuộc khi con thấy ở đó, cuối cùng, lòng thương xót của Chúa sẽ chiến thắng; chiến thắng linh hồn con, chiến thắng sự ác, vì Chúa là Đấng không bao giờ bỏ cuộc”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Burke: Ông Joe Biden không nên rước lễ
Đặng Tự Do
01:45 03/10/2020
Đức Hồng Y Raymond Burke, một luật sư giáo luật và trước đây là chánh án tòa án tối cao của Giáo hội, đã nói rằng các chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai không nên rước lễ, kể cả ứng viên tổng thống Joe Biden.

Biden “không phải là người Công Giáo có phẩm hạnh tốt và ông ta không nên tiến lên rước lễ,” Đức Hồng Y Burke nói trong một cuộc phỏng vấn với Thomas McKenna, người đứng đầu một tổ chức có tên “Công Giáo Hành động vì Đức tin và Gia đình”, là tổ chức thường có các cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y.

“Đây không phải là một tuyên bố chính trị, tôi không có ý định tham gia vào việc giới thiệu bất kỳ ứng cử viên nào cho chức vụ tổng thống, mà chỉ đơn giản là tuyên bố rằng người Công Giáo không được ủng hộ việc phá thai dưới bất kỳ hình thái hay hình thức nào vì đó là một trong những tội lỗi nghiêm trọng nhất đối với sự sống con người, và luôn bị coi là xấu xa tự bản chất và do đó, hỗ trợ cho hành động này dưới mọi hình thức là một tội trọng.”

Khi được hỏi cụ thể về Biden, Đức Hồng Y Burke nhận xét rằng ông Joe Biden “ không chỉ tích cực hỗ trợ phá thai ở đất nước chúng ta mà thôi nhưng còn tuyên bố công khai trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông dự định làm cho phẫu thuật phá thai trở thành một lựa chọn dễ dàng cho tất cả mọi người dưới hình thức rộng rãi nhất và bãi bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến thực hành này đã được áp đặt trong quá khứ”.

“Vì thế, trước hết, tôi sẽ bảo ông ta đừng lên Rước Lễ vì lòng bác ái đối với chính mình, bởi vì đó sẽ là một sự phạm thánh, và là mối nguy hiểm cho phần rỗi linh hồn của ông ta.”

“Mặt khác, ông ta cũng đừng lên Rước Lễ để khỏi gây tai tiếng cho mọi người. Bởi vì ai nói ‘tốt, tôi là một người Công Giáo sùng đạo’ nhưng đồng thời đang cổ súy cho việc phá thai, thì điều đó tạo cho người khác cảm giác rằng việc một người Công Giáo ủng hộ việc phá thai là có thể chấp nhận được. Nhưng tất nhiên điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nó chưa bao giờ được chấp nhận, và sẽ không bao giờ được chấp nhận.”

Đức Hồng Y Burke nguyên là Giám mục của La Crosse, Wisconsin và là Tổng giám mục của St. Louis trước khi được bổ nhiệm làm chánh án Tối Cao Pháp Viện của Vatican vào năm 2008. Đây là tòa án giáo luật cao nhất trong Giáo hội. Đức Hồng Y Burke là chánh án Tối Cao Pháp Viện cho đến năm 2014 và vẫn là một thành viên của tòa án này.

Năm 2007, Đức Hồng Y Burke đã xuất bản trên tạp chí giáo luật uy tín “Periodica” một bài báo nghiên cứu về việc không cho những người Công Giáo mắc tội trọng được rước lễ. Bài báo được nhiều luật sư giáo luật coi là một nghiên cứu sâu sắc về học thuật và rất triệt để về chủ đề này.

Trong cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Burke cho biết giáo lý truyền thống của Giáo hội dạy rằng những ai trong tình trạng mắc tội trọng không được rước lễ. Ngài đã trích dẫn lời khuyên của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi các tín hữu Cô-rinh-tô rằng bất cứ ai “ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” và đang “ăn và uống án phạt của mình”

Đức Hồng Y đã thảo luận về khái niệm tai tiếng. Ngài nói rằng “tai tiếng có nghĩa là bạn dẫn người khác vào suy nghĩ sai lầm và hành động sai theo gương của bạn.”

“Nếu mọi người có chút nghi ngờ trong tâm trí của họ về việc phá thai, và họ thấy người đàn ông này tự xưng mình là một người sùng đạo và anh ta đang thúc đẩy việc phá thai một cách mạnh nhất có thể được, thì điều này khiến mọi người nghĩ rằng việc phá thai phải được chấp nhận về mặt đạo đức và vì thế người gây ra tai tiếng phải chịu trách nhiệm - không chỉ là vì tội gây ra tai tiếng, không chỉ vì những hành động sai trái của mình trong việc ủng hộ phá thai mà còn vì đã khiến người khác nghĩ rằng việc phá thai là chấp nhận được,” Đức Hồng Y Burke nói.

“Tôi không thể tưởng tượng được rằng có người Công Giáo nào lại không biết rằng phá thai là một tội lỗi nghiêm trọng, nhưng nếu họ thiệt tình không biết, thì một khi họ đã được bảo cho biết, thì họ hoặc phải ngừng ngay tức khắc việc ủng hộ phá thai hoặc chấp nhận sự thật rằng họ không phải là một người Công Giáo có tư cách tốt và do đó không nên tiến lên rước lễ”.

Đức Hồng Y Burke giải thích rằng khi ngài còn là một giám mục giáo phận, khi nhận thức được có chính trị gia nào ủng hộ phá thai trong giáo phận của ngài, thì việc ngài làm ngay lập tức là liên hệ với họ để bảo đảm rằng họ hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của tội lỗi này.

Nếu sau một cuộc trò chuyện về giáo huấn của Giáo hội liên quan đến sự sống con người, mà họ “vẫn không muốn hành động theo giáo huấn của Hội Thánh thì tôi sẽ nói ngay với họ rằng ‘bạn không được lên rước lễ’,” Đức Hồng Y giải thích.

Nhận xét của Đức Hồng Y Burke rút ra từ các điều 915 và 916 của Bộ Giáo luật, trong đó giải thích rằng một người ý thức mình đang mắc tội trọng thì không nên Rước lễ nếu không xưng tội trước, và người Công Giáo nào “cố chấp kiên trì thể hiện tội trọng không nên được cho rước lễ.”

Năm 2004, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, khi đó là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã viết một bản ghi nhớ cho các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, giải thích việc áp dụng điều 915 sách giáo lý Công Giáo liên quan đến các chính trị gia phò phá thai.

Chính trị gia Công Giáo nào “vận động và bỏ phiếu cho dự luật phá thai và an tử” thì tạo nên một sự “hợp tác chính thức” với tội lỗi nghiêm trọng đó, bức thư giải thích.

Trong những trường hợp như vậy, “vị mục tử của anh ta nên gặp anh ta, hướng dẫn anh ta về giáo huấn của Giáo Hội, thông báo cho anh ta biết rằng anh ta không được lễ Rước Lễ cho đến khi anh ta chấm dứt tình trạng tội lỗi khách quan này, và cảnh báo anh ta rằng anh ta sẽ bị từ chối Thánh thể nếu không tùng phục giáo huấn của Hội Thánh”, Đức Ratzinger viết.

Nếu cá nhân vẫn tiếp tục phạm tội trọng và vẫn lên rước lễ, thì “thừa tác viên Thánh Thể phải quyết liệt từ chối trao Mình Thánh Chúa”

Ngay sau khi Ratzinger viết bản ghi nhớ đó, các giám mục Hoa Kỳ đã đồng ý việc áp dụng các quy tắc đó nên được quyết định bởi các giám mục riêng lẻ, thay vì hội đồng giám mục. Quyết định này được đưa ra phần lớn dưới ảnh hưởng của Theodore McCarrick, lúc bấy giờ là Tổng giám mục của Washington, làngười đã dấu đi bức thư, diễn giải bức thư theo ý mình, nhưng đã không trình bày toàn bộ cho các giám mục.

Một số giám mục đã cấm các chính trị gia ủng hộ “ luật phá thai được phép “ rước lễ, nhưng những người khác đã bác bỏ, hoặc nói thẳng rằng họ sẽ không từ chối các chính trị gia như vậy về Bí tích Thánh Thể.

Biden vào tháng 10 năm 2019 đã bị từ chối không cho rước lễ tại một giáo xứ Nam Carolina.

“Rước lễ biểu thị chúng ta là một với Thiên Chúa, với nhau và với Giáo hội. Hành động của chúng tôi nên phản ánh điều đó. Bất kỳ nhân vật công cộng nào ủng hộ việc phá thai đều tự đặt mình ra ngoài tình hiệp thông của Giáo hội,” Cha Robert Morey, cha sở của Nhà thờ Công Giáo St. Anthony ở Giáo phận Charleston, nói với CNA sau khi Biden bị từ chối Rước lễ.


Source:Catholic News Agency
 
Tình trạng sức khoẻ của Tổng thống Donald Trump tại bệnh viện Quân Đội Walter Reed
Đặng Tự Do
07:40 03/10/2020


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã được chuyển từ Tòa Bạch Ốc đến một bệnh viện gần đó và dự kiến sẽ ở lại bệnh viện này trong vài ngày. Đó là diễn biến mới nhất liên quan đến trận chiến của ông với COVID-19.

Tin tức được đưa ra ngay sau khi bác sĩ của tổng thống đưa ra một tuyên bố mô tả Tổng thống “mệt mỏi” và nói rằng ông đã được cho uống một loại kháng thể vẫn còn đang trong vòng thử nghiệm.

Virus đã nhanh chóng lây lan khắp các thành viên cao cấp của Đảng Cộng hòa - bao gồm cả người điều hành chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và một số thượng nghị sĩ

Trực thăng chính thức của tổng thống, chiếc Marine One, đã hạ cánh xuống bãi cỏ của Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ Bảy trước khi chở ông đến Trung tâm Y tế Quốc gia Walter Reed của Quân Đội ở Maryland.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tự mình bước lên chiếc Marine One khi ông rời Tòa Bạch Ốc để đến Walter Reed.

Trong một tuyên bố, Tòa Bạch Ốc cho biết: “Hết sức thận trọng và theo đề nghị của bác sĩ và các chuyên gia y tế, Tổng thống sẽ làm việc tại văn phòng tổng thống tại Walter Reed trong vài ngày tới”.

Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng không có việc chuyển giao quyền lực nào diễn ra và tổng thống Trump, chứ không phải là Phó Tổng thống Mike Pence, vẫn phụ trách cơ quan hành pháp của chính phủ.

Tổng thống Trump đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào với giới truyền thông trước khi lên chiếc máy bay Marine One, nhưng đã giơ ngón tay cái lên và có vẻ như vẫn có thể đi bộ mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.

Trong một tin nhắn video ngắn dài 18 giây được đăng trên Twitter sau khi ông đến trung tâm y tế, Tổng thống Trump nói: “Tôi muốn cảm ơn mọi người vì sự hỗ trợ to lớn.”

“Tôi sẽ đến bệnh viện Walter Reed. Tôi nghĩ rằng tôi đang trong tình trạng rất tốt, nhưng chúng tôi sẽ đảm bảo rằng mọi thứ diễn ra tốt đẹp “.

Đoạn video dài 18 giây này là tuyên bố công khai đầu tiên của Tổng thống Trump kể từ khi ông tiết lộ rằng mình đã xét nghiệm dương tính 17 giờ trước đó.

Bác sĩ Tòa Bạch Ốc là Sean Conley cho biết trong một tuyên bố rằng ông đã cho Tổng thống Trump uống một liều duy nhất một loại kháng thể thử nghiệm, cũng như các chất kẽm, vitamin D, famotidine, melatonin và aspirin.

Tờ New York Times cho biết các triệu chứng của Tổng thống Trump bao gồm ho, nghẹt mũi và sốt nhẹ.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Thom Tillis và Mike Lee đã tiết lộ vào hôm thứ Bảy rằng họ đã xét nghiệm dương tính với COVID-19. Kellyanne Conway, một trong những cựu cố vấn hàng đầu của Trump, cũng có kết quả dương tính.

Không rõ liệu Tổng thống Trump có thể tham gia vào cuộc tranh luận tổng thống tiếp theo, dự kiến vào ngày 15 tháng 10 hay không.

Con trai của Tổng thống Trump, là Eric mô tả cha mình là một “chiến binh thực sự” và xin người Mỹ cầu nguyện cho Tổng thống.


Source:Sydney Morning Herald
 
Lễ Tấn phong Giám mục Công Giáo đầu tiên tại Trondheim, Na Uy kể từ thời Cải Cách cách đây 500 năm.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:48 03/10/2020
Ngày 1 tháng 10 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm linh mục Erik Varde làm Giám mục miền Trung Na Uy. Lễ tấn phong dự định tổ chức vào ngày 4 tháng giêng 2020 nhưng bị hoãn lại vì lý do sức khỏe của cha Varden. Thông tin trên mạng của địa phận Oslo cho biết cha được nghỉ việc để hồi phục sức khỏe.

Cha sinh ngày 13 tháng 5 năm 1974 tại Sarpsborg nước Na Uy, gia nhập Giáo Hội Công Giáo năm 1992, gia nhập Dòng Xitô ngày 20 tháng 4 năm 2004, khấn trọng ngày 6 tháng 10 năm 2007 và thụ phong linh mục ngày 16 tháng 7 năm 2011. Từ năm 2015 cho đến nay, cha là tu viện trưởng của Mount Saint Bernhard ở Leichestershire, Anh quốc.

Cha được tấn phong Giám mục ngày 3 tháng 10 năm 2020 tại nhà thờ chính tòa Nidaros ở Tromdheim nơi có thi hài của vua thánh Olav. Trong 11 năm kể từ khi trống tòa, Đức Giám Mục Berndt Eisvig của địa phận Oslo được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa của giáo phận Trondheim có khoảng 16 ngàn tín hữu Công Giáo.

Kể từ khi giáo phận bị đàn áp sau cuộc Cải cách Tin lành năm 1537, Trondheim, thành phố lớn thứ ba ở Na Uy, đã không được tổ chức lễ tấn phong giám mục Công Giáo. Điều này bị phá vỡ hôm nay (3/10/2020) khi tu viện trưởng Dòng Xitô Erik Varden được thánh hiến làm Giám mục của Giáo Hội Công Giáo địa phương, tại Nhà thờ dành riêng cho Thánh Olav, vị vua bảo trợ cổ xưa của đất nước. Đây là cơ sở thứ bảy kể từ khi Giáo Hội Công Giáo được tái lập, đầu tiên với tư cách là một giáo hạt và đại diện tông tòa, sau đó là một giáo hạt lãnh thổ vào năm 1979.

"Đó là một trách nhiệm lớn nhưng cũng là một đặc ân và một nguồn vui" Cha Varden cũng nhấn mạnh đến các mục tiêu rõ ràng liên quan đến chương trình mục vụ: "Trong một thời kỳ luôn bị đánh dấu bởi sự thờ ơ và hoài nghi, bởi sự tuyệt vọng và chia rẽ, nhiệm vụ của chúng ta là chỉ ra ánh sáng mà bóng tối không thể dập tắt, nuôi dưỡng thiện chí, cho phép chúng ta được hòa giải, để giúp xây dựng một cộng đồng dựa trên tin tưởng để làm chứng rằng cuộc sống là có ý nghĩa, xinh đẹp, bất khả xâm phạm ». Đương nhiên, toàn bộ Giáo hội địa phương đang bị xáo trộn cho cuộc hẹn hôm nay, và bị theo các điều kiện do các biện pháp chống Covid. Vì vậy, để cho phép sự tham gia tối đa có thể, nghi lễ sẽ được truyền trực tuyến trên trang web katolsk.no, trong khi mỗi giáo xứ trong số năm giáo xứ trong địa phận giáo phận sẽ dựng màn hình khổng lồ và sẽ nhận được một chiếc bánh lớn được trang trí bằng chữ lồng, biểu tượng đồ họa của tân giám mục.

Đó sẽ là khoảnh khắc lễ hội được chia sẻ, mở ra một mùa được điều hòa bởi đại dịch với lời kêu gọi khôi phục những điều cần thiết, những giá trị, những nguyên tắc thực sự quan trọng. Tân giám mục nhận xét: “Điều quan trọng là biết điều gì thực sự quan trọng! » Sự phân định này có thể sẽ giúp giám mục xác định trong cuộc đối thoại một trong những yếu tố trung tâm của chức vụ giám mục của mình trong một lãnh thổ có đa số tín hữu Luther. Do đó, đại kết là một con đường cần thiết cho một cộng đồng Công Giáo mà ngày nay có khoảng 16 nghìn tín hữu, phân bố ở các quận Trøndelag và Møre og Romsdal và trong năm giáo xứ tương ứng ở Trondheim, Levanger, Kristiansund, Ålesund và Molde. Người muốn thực hiện một cam kết, đó là neo cộng đoàn giáo hội vào "nền đất vững chắc", vào "tảng đá là chính Chúa Kitô, trong sự vâng phục lời kêu gọi mà chúng ta đã lãnh nhận".

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Nơi bàn thờ trên mộ của Thánh Phanxicô ở Assisi, ĐTC đã ký Tông thư Fratelli tutti
Thanh Quảng sdb
16:12 03/10/2020
Nơi bàn thờ trên mộ của Thánh Phanxicô ở Assisi, ĐTC đã ký Tông thư "Fratelli tutti" (Mọi người là anh em)

Đúng ngày kỷ niệm Thánh Phanxicô Assisi qua đời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ trên mộ của Thánh và ký Tông thư “Fratelli tutti”.

(Tin Vatican - Sr Bernadette Mary Reis, fsp)

Thứ Bảy (3/10/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Assisi, đây là lần thăm viếng thứ năm của ĐTC. Tại đây, Ngài đã ký Tông thư “Fratelli tutti” (mọi người là anh em), trên mộ của Thánh Phanxicô Assisi, sau khi cử hành Thánh lễ kính thánh nhân.

Tông thư “Fratelli tutti” (mọi người là anh em) nói về tình huynh đệ và tình bạn mà ĐTC có được từ cảm hứng về Thánh Phanxicô, cũng như Tông huấn thứ hai của ngài là Laudato si’, về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, được công bố vào năm năm trước đây.

Đức Thánh Cha đến Assisi bằng xe. Trên đường đi, Đức Thánh Cha ghé thăm Tu viện Vallegloria ở Spello. Khi đến Assisi, Đức Thánh Cha đã thăm tu viện của nữ Thánh Clara và chào mừng các nữ tu khó khăn Clara.

Chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô đến Assisi có: các Giám mục ở Assisi là Đức cha Nocera Umbra, Gualdo Tadino, Domenico Sorrentino; Đức Hồng Y Agostino Vallini, cai quản Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô và Đức Maria, Nữ vương các Thiên thần ở Assisi; Cha Cha Mauro Gambetti, bề trên Tu viện Dòng Phanxicô, còn được gọi là Tu viện Sacro và Cha Enzo Fortunato, phát ngôn viên của Dòng Phanxicô.

Ngoài ra còn có khoảng 20 tu sĩ và một số nữ tu sĩ đã có mặt để cùng cử hành Thánh lễ tại hầm mộ của Vương cung thánh đường, được xây dựng vào thế kỷ 13, nơi lưu giữ hài cốt của Thánh Phanxicô.

Sau khi công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha dành vài phút thinh lặng để suy niệm và sau đó Thánh lễ được tiếp tục.

Ký Tông thư

Cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời Đức cha Paolo Braida mang các bản thảo của Tông thư để được ngài ấn ký. ĐTC giải thích Đức cha Braida đã giúp dịch và chỉnh sửa bản văn, chính vì vậy mà tôi muốn ngài hiện diện ở đây và mang Tông thư đến cho tôi".

ĐTC cũng giới thiệu hai linh mục cùng giúp chuyển dịch Tông thư đó là Cha Antonio đã dịch Tông thư qua tiếng Bồ Đào Nha từ bản tiếng Tây Ban Nha, Cha Cruz, giám sát các bản dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha.

"Tôi làm điều này với lòng biết ơn của tôi đối với toàn bộ của các thành viên trong Thánh Bộ đã cùng nhau làm việc trong việc chuyển dịch các bản thảo".

Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã thăm viếng ngắn gọn cộng đoàn Phan sinh tại tu viện Sacro Convento nằm ngay trong quần thể của Vương cung thánh đường.
 
Tại sao không có bất kỳ người tin lành Evangelicals nào trên Tòa án Tối cao?
Joshua Wilson / Lm Trần Công Nghị
16:28 03/10/2020
Chẳng bao lâu nữa, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ có thể sẽ có sáu thẩm phán bảo thủ gốc Công Giáo. Và điều đó sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự trỗi dậy của các chính trị gia người Tin lành Evangelical da trắng.

Việc Tổng thống Donald Trump liên tục ve vuốt những người Thiên Chúa giáo bảo thủ cho các ghế của Tòa án Tối cao tuân theo một logic chính trị đơn giản: Các cử tri theo đạo Tin lành Evangelical da trắng là những người ủng hộ trung thành nhất của Trump và họ quan tâm sâu sắc đến việc bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ, những người sẽ lật đổ Roe kiện Wade và cấm phá thai. Do đó, Trump đã bổ nhiệm Thẩm phán Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh vào Tòa án tối cao, và hiện đang đề cử bà Amy Coney Barrett để thay chỗ trống của bà thẩm phán Ruth Bader Ginsburg sau khi bà quan đời.

Tuy nhiên, điều có vẻ đáng chú ý về những lựa chọn này là trong khi những người theo đạo Tin lành Evangelical da trắng là những người ủng hộ trung thành nhất của Trump và thường trích dẫn việc lựa chọn các thẩm phán sẽ lật đổ Roe là ưu tiên hàng đầu của họ, khi đến thời điểm đưa ra các đề cử cho Tòa án Tối cao thì lại là -- những người Công Giáo bảo thủ -- mà không phải những người theo đạo Tin lành Evangelical, và cuối cùng người Tin Lành họ cũng đồng ý chấp thuận.

Trên thực tế, trong số đa số Thẩm phám bảo thủ hiện tại của Tòa án Tối cao, chỉ có ông Gorsuch có danh tính Công Giáo hơi không rõ ràng -- ông ta lớn lên theo đạo Công Giáo -- nhưng đã đi lễ tại các nhà thờ Tin lành Episcopalian kể từ khi kết hôn với vợ mình, một người Anh, và những người thân cận coi danh tính là Công Giáo hay Tin lành của ông ta đều không rõ ràng.

Thật công bằng khi đặt câu hỏi tại sao ảnh hưởng lớn của Tin Lành Evangelical đối với chính trị không dẫn đến bất kỳ Thẩm phán Tin Lành Evangelical nào trên Tòa án cao nhất của quốc gia. Ngoại trừ bà Harriet Miers, người được Tổng thống George W. Bush rút đề cử vào Tòa án Tối cao chưa đầy một tháng sau khi tuyên bố. Lịch sử gần đây của các ứng cử viên Thẩm phán tối cao không có những người theo đạo Tin lành. Trên thực tế, trong khi đề cử bà Miers bị xáo trộn vì các câu hỏi về trình độ của bà, tín ngưỡng tôn giáo của bà đã gây tranh cãi khi chính quyền cố gắng sử dụng nó để giải đáp những lo ngại của những người bảo thủ về hồ sơ của bà.

Ngoài việc đề cử bà Miers không thành, có hai lý do khiến Tin Lành Evangelical không thành đạt: vì vấn đề “cung và cầu”. Nhóm các luật sư và thẩm phán bảo thủ theo Tin Lành Evangelical có tín chỉ khả năng được chứng nhận thích hợp thì ít hơn nhiều so với nhóm Công Giáo bảo thủ sâu sắc. Vì những người Mỹ theo đạo Tin lành Evangelical đã cố tình tách mình ra khỏi nền văn hóa chính thống, thiết lập các trường học và cao đẳng riêng thay thế, vì thế họ phần lớn đã loại bỏ mình khỏi các tổ chức ưu tú sản sinh ra các thẩm phán và luật sư cấp cao nhất của Mỹ. Có một số trường luật Tin lành Evangelical, nhưng không có trường nào tương đương với Harvard hoặc Yale — hoặc so sánh được với các học viện Công Giáo ưu tú như Notre Dame hoặc Đại học Georgetown.

Đồng thời, một làn sóng quyền lực hướng theo luật pháp bảo thủ về mặt xã hội đã xuất hiện, phần lớn được thúc đẩy bởi sự thành lập và trỗi dậy của Hiệp hội Liên bang (Federalist Society), sản sinh ra các luật sư và thẩm phán có niềm tin bảo thủ, và họ tốt nghiệp và giảng dạy tại các trường luật hàng đầu của đất nước hoặc phục vụ trong các công ty ưu tú nhất của Hoa Kỳ.

Điều này gần như trùng hợp với sự lên ngôi của những người Tin lành Evangelical da trắng chống phá thai, có lẽ là lực lượng thống trị nhất trong chính trị bầu cử của Đảng Cộng hòa. Những người Tin lành Evangelical da trắng chỉ trở thành khối bầu cử quan trọng được nhận diện trong Đảng Cộng Hòa lần lượt từ những thập niên 1970 đến thập niên 1980. Đang khi họ coi mình là thành phần thiết yếu cho nhiệm kỳ tổng thống của Tổng thống Ronald Reagan, nhưng có thể ban đầu họ đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của chính họ.

Sự đồng thuận của giới học giả và các nhà hoạt động là mặc dù tổng thống Reagan công khai ve vãn những người theo Thiên Chúa giáo bảo thủ trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1980, như Kimberly Conger đã viết, “cam kết của Reagan đối với các nguyên nhân và các vấn đề của Quyền Thiên Chúa giáo chỉ là ngoài môi miệng mà thôi”. Reagan đã không sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình để trực tiếp theo đuổi các vấn đề liên quan tới chiến tranh văn hóa, ngoại trừ thẩm phán Antonin Scalia, các đề cử thẩm phán của ông vào Tòa án Tối cao không có liên quan đến các nguyên nhân bảo thủ xã hội. Trên thực tế, thẩm phán Sandra Day O’Connor và Thẩm phán Anthony Kennedy, đều là những người được Reagan bổ nhiệm, được cho là đã giúp cứu Roe.

Tuy nhiên, địa vị chính trị của Tin lành Evangelical đã thay đổi đáng kể trong suốt thập kỷ tiếp theo. Các đảng phái chính trị cần tình nguyện viên và cử tri, và những người Tin lành Evangelical da trắng đã đáp ứng một cách đáng tin cậy. Bắt đầu từ những năm 1990, những người theo đạo Tin lành Evangelical da trắng thống trị trong các vai trò lãnh đạo thuộc Đảng Cộng Hòa địa phương và họ tiếp tục áp đảo các khu vực bầu cử khác trong hàng ngũ các nhà hoạt động Đảng. Điều này có nghĩa là họ đã thực hiện ảnh hưởng lớn quá tầm mức trong chính sách của Đảng Cộng Hòa.

Mặc dù sự kiện trên có vạch ra con đường dẫn đến các thành quả trong các cuộc bầu chọn lãnh đạo trong ngành Lập pháp và Chính quyền, nhưng nó không thành công trong việc tìm kiếm đại diện trực tiếp của họ trong ngành Tư pháp.

Như tác phẩm của Steven Teles và Amanda Hollis-Brusky đều cho thấy, những người bảo thủ thế tục bắt đầu nỗ lực phối hợp để gây ảnh hưởng đến tòa án vào những năm 1980. Những động thái này được nhìn thấy rõ nhất trong sự thành lập và trỗi dậy của Hiệp hội Liên bang (Federalist Society), được thành lập bởi các sinh viên luật tại Đại học Chicago, Yale và Harvard, nhưng sau đó Hiệp hội này đã trở thành tổ chức chứng thực cho các luật sư bảo thủ và những người được chọn bước qua cổng để được lựa chọn vào ngành Tư pháp bảo thủ.

Như một minh họa nhanh về điểm này, ông Leonard Leo, đồng chủ tịch và cựu phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội Liên bang (Federalist Society), là người có công trong việc biên soạn danh sách các ứng cử viên tiềm năng của tòa án năm 2016 của Trump, và là người đi đầu trong việc tái cam kết rộng rãi hơn của Đảng Cộng Hòa đối với ngành Tư pháp liên bang, từ Tòa án tối cao trở xuống. Giống như các nhà lãnh đạo sáng lập khác trong phong trào bảo thủ, chẳng hạn như William F. Buckley và Paul Weyrich, ông cũng là người Công Giáo bảo thủ tích cực.

Sự đi lên nhanh chóng của Hiệp hội Liên bang từ tổ chức sinh viên đến trung tâm của phong trào pháp lý bảo thủ một phần bắt nguồn từ sự hiểu biết của họ về cách thức hoạt động của quyền lực trong thế giới pháp lý. Luật là một nghề tinh hoa duy trì hệ thống phân cấp nội bộ của riêng mình. Không phải ngẫu nhiên mà Tòa án Tối cao bị thống trị bởi những sinh viên tốt nghiệp của Harvard và Yale, và một số ít trường học tạo ra một số lượng không tương xứng trong giới tinh hoa rộng lớn hơn thuộc nghề luật. Trong thế giới luật, chứng chỉ chứng nhận giá trị cấp cao quan trọng.

Trong khi có lịch sử lâu hơn về việc người Công Giáo bị loại khỏi các thể chế cơ sở này, thì cũng có một lịch sử lâu dài của các trường Công Giáo ở tất cả các cấp cung cấp phương tiện cho sinh viên tốt nghiệp của họ tiếp cận với các ngành nghề danh giá. Khi sự phân biệt đối xử chống Công Giáo tại các cơ sở ưu tú của quốc gia suy yếu vào giữa thế kỷ 20, người Công Giáo đã có vị trí tốt để tham dự và tiến triển rất xuất sắc. Cánh cửa của các tổ chức ưu tú đã mở ra cho họ, và họ háo hức tham gia.

Điều tương tự cũng không thể nói về người Tin Lành Evangelical. Lịch sử hiện đại của những người theo đạo Tin lành Evangelical da trắng được đánh dấu bằng sự tách biệt khỏi nền văn hóa chính thống và từ chối các tổ chức ưu tú thuộc chính dòng. Họ nghi ngờ nhiều trường cao đẳng và đại học hiện có, nửa sau của thế kỷ 20 chứng kiến sự ra đời của các trường Thiên Chúa giáo bảo thủ mới trong giáo dục đại học - bao gồm việc thành lập Đại học Oral Roberts năm 1963, Đại học Liberty năm 1971 và Đại học Regent năm 1977— cũng như sự gia tăng của các trường Tin Lành cấp giáo xứ địa phương (evangelical Christian day schools)

Nhưng mặc dù sinh viên có thể ở trong thế giới này cho toàn bộ nền giáo dục của một người, hệ thống giáo dục này không được trang bị để tạo ra các luật sư. Hơn nữa, người ta tin rằng thật khó, nếu không muốn nói là không thể, để trở thành một Kitô hữu tốt và đồng thời là một luật sư. Theo lời của Timothy Floyd, lĩnh vực pháp lý được coi là “quá hư hỏng và trần tục đối với một Kitô hữu để có thể tham gia”. Điều này dẫn đến cảnh báo rằng đức tin hiện có và trong tương lai các luật sư Kitô có thể "bị hủy hoại bởi việc thực hành luật." Sự kết hợp giữa sự nghi ngờ và nguồn lực thưa thớt này đã đi ngược lại việc tạo ra một nguồn dự trữ sâu rộng các luật sư theo đạo Tin lành Evangelical bảo thủ trong các ghế quyền lực của thế giới pháp lý, khiến các lựa chọn cho Tòa án tối cao là ít nhất.

Các nhà lãnh Tin lành Evangelical bảo thủ từ lâu đã nhận ra nhu cầu đào tạo luật sư. Họ đã làm việc để điều chỉnh hoạt động pháp lý như là một ơn gọi tôn giáo, và đã tạo ra các chương trình và trường luật bảo thủ mới của Thiên Chúa giáo. Để minh họa cho cả hai, tài liệu quảng cáo của Trường Luật Đại học Regent được sử dụng để giới thiệu phương châm của trường: “Luật không chỉ là một nghề. Đó là một ơn gọi. "

Nhưng với sự phụ thuộc của nghề luật vào tín chỉ chứng nhận, những trường luật mới này không có vị trí tốt, như cố lãnh đạo Evangelical, là Mục sư Jerry Falwell đã muốn, ngài nói: “sản sinh ra một thế hệ luật sư Thiên Chúa giáo có thể thâm nhập vào nghề luật, với một cam kết mạnh mẽ đối với đạo đức truyền thống Judeo-Christian (theo ảnh hưởng của Do thái giáo và Thiên Chúa giáo)” Tuy nhiên, các chương trình đào tạo và kết nối bổ sung như trường Blackstone Legal Fellowship tuyển sinh các sinh viên tôn giáo bảo thủ từ các trường luật ưu tú.

Mặc dù các chương trình như vậy có thể cung cấp một phương tiện để đại diện Tin lành Evangelical trong tương lai vào Tòa án tối cao của quốc gia — Bà Amy Coney Barrett, mặc dù không phải là cựu sinh viên Blackstone, đã phục vụ trong tư cách là giáo sư của Blackstone — những người Công Giáo bảo thủ đã có được những vị trí trong các cấp cao nhất của cơ sở Pháp lý. Sự kết hợp của những yếu tố này đòi hỏi những người theo đạo Tin lành Evangelical bảo thủ phải dựa vào các đồng minh chính trị Công Giáo của họ để đại diện cho những lợi ích chung của họ trong hiện tại và cung cấp một hình mẫu cho những người theo đạo Tin lành Evangelical để họ có thể đảm nhận những chiếc ghế dự bị trong tương lai. Hiện tại, các thẩm phán Công Giáo bảo thủ có uy tín là phương tiện tốt nhất để các nhà Tin lành Evangelical bảo thủ thấy lợi ích chính trị của họ được đại diện trong ngành Tư pháp.

Tuy nhiên, tương lai của Tòa án Tối cao nói riêng và cơ quan tư pháp liên bang nói chung, không chỉ là việc sản xuất ra các luật sư có trình độ, được chứng nhận theo truyền thống. Nhân sự cho băng ghế dự bị cũng phụ thuộc vào việc những người theo đạo Tin lành Evangelical da trắng vẫn có thể bầu ra tổng thống và thượng nghị sĩ có chung nguyện vọng của họ. Những người bảo thủ từ lâu đã hiểu rằng bầu cử quan trọng, tòa án quan trọng và bầu cử quan trọng đối với tòa án, nhưng chính quyền Trump đã là một khóa học phá lối để Đảng Dân Chủ thực sự nắm bắt và nhìn vào bản thân mình những bài học tương tự.

Tương lai sẽ không chỉ được xác định bởi ai có các luật sư phù hợp để được chọn, mà còn là người có quyền lực chính trị được đắc cử để chọn họ.

(Nguồn: https://www.politico.com/news/magazine/2020/10/03/supreme-court-evangelicals-catholics-social-conservatives-coney-barrett-421932) -- Joshua C. Wilson là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Denver. Ông là đồng tác giả của cuốn sách sắp ra mắt: Separate But Faithful: The Christian Right's Radical Struggle to Transform Law & Legal Culture (Chia cách nhưng Trung thành: Cuộc đấu tranh cấp tiến của Cánh hữu Thiên Chúa giáo để chuyển đổi Luật pháp và Văn hóa Pháp lý).
 
Báo cáo của bác sĩ Tòa Bạch Ốc gây lo ngại rằng Tổng thống Trump đã phải dùng đến máy trợ thở
Đặng Tự Do
17:26 03/10/2020


Bác sĩ của tổng thống Donald Trump đã gây ra sự một sự hoang mang sâu rộng khi nói rằng Tổng thống Mỹ đã được chẩn đoán mắc bệnh coronavirus 36 giờ trước khi tin này được tiết lộ trước công chúng, buộc Tòa Bạch Ốc phải nhanh chóng đưa ra lời giải thích.

Sự hoang mang còn trở nên sâu sắc hơn sau khi một quan chức Tòa Bạch Ốc nói với các phóng viên rằng tổng thống “vẫn chưa hoàn toàn ở trên một lộ trình phục hồi toàn diện”. Nhận xét này được đưa ra ngay sau khi bác sĩ Sean Conley bày tỏ lạc quan về tình trạng của Tổng thống.

Tại một cuộc họp báo vào lúc 11:30 sáng giờ địa phương Washington DC bên ngoài bệnh viện quân đội Walter Reed ở Maryland, nơi Tổng thống Trump đang được điều trị, bác sĩ Tòa Bạch Ốc là Sean Conley cho biết “we're 72 hours into [Trump's] diagnosis”.

Conley phát biểu lúc 11:30 sáng giờ địa phương, điều này khiến người ta hiểu nhầm rằng Tổng thống Trump đã được chẩn đoán vào sáng thứ Tư theo giờ địa phương – tức là một ngày sau cuộc tranh luận tổng thống ở Cleveland Ohio.

Một ngày trước đó, Tòa Bạch Ốc đã bị chỉ trích rộng rãi vì không minh bạch đầy đủ về tình trạng của Tổng thống.

Các quan chức Tòa Bạch Ốc ngay lập tức nói với các phóng viên rằng bác sĩ Conley có ý nói rằng các nhân viên y tế đang ở “ngày thứ ba” trong việc chẩn đoán tình trạng của tổng thống Trump thay vì 72 giờ sau chẩn đoán đầu tiên. Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Trump đã có kết quả dương tính vào tối thứ Năm theo giờ địa phương.

Trong một tuyên bố sau đó Conley nói rằng anh ta đã sử dụng sai thời hạn 72 giờ trong cuộc họp báo.

“Tổng thống lần đầu tiên được chẩn đoán là mắc COVID-19 vào tối thứ năm ngày 01 tháng 10,” anh khẳng định.

Tại cuộc họp báo của mình, Conley nói rằng Tổng thống Trump đang trong tình trạng “rất tốt” và không cảm thấy khó thở.

“Tổng thống đang trong trạng thái tinh thần đặc biệt khả quan và khi chúng tôi đang hoàn thành các xét nghiệm đa ngành vào sáng nay, ông nói, ‘Tôi cảm thấy như tôi có thể bước ra khỏi đây hôm nay’, và đó là một nhận xét khích lệ từ tổng thống,” Conley nói.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo này, Conley đã từ chối trả lời nhiều câu hỏi trực tiếp về việc liệu Tổng thống Trump có phải dùng đến máy trợ thở hay không. Điều này gây ra những đồn đoán bất lợi về tính minh bạch của Tòa Bạch Ốc liên quan đến tình trạng sức khoẻ của Tổng thống Trump.

Các quan sát viên cho rằng Conley không có khả năng truyền thông và nếu cứ để anh ta nói chuyện trực tiếp với giới báo chí, anh ta có thể làm suy yếu trầm trọng triển vọng của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử sắp đến.

Vài phút sau, nhóm ký giả săn tin tại Tòa Bạch Ốc đã đưa ra một tuyên bố từ một quan chức Tòa Bạch Ốc giấu tên nói rằng: “Thể trạng của Tổng thống trong 24 giờ qua rất đáng quan tâm và 48 giờ tới sẽ rất quan trọng đối với việc chăm sóc sức khoẻ của ông. Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn ở trên một lộ trình phục hồi toàn diện”.

Trong dòng tweet đầu tiên của mình trong ngày, Tổng thống Trump nói: “Các bác sĩ, y tá và TẤT CẢ mọi người tại Trung tâm Y tế Walter Reed TUYỆT VỜI, và những người khác từ các tổ chức đáng kinh ngạc tương tự đã tham gia cùng họ, thật là TUYỆT VỜI !!!”

“Tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong 6 tháng qua trong việc chống lại DỊCH BỆNH này. Với sự giúp đỡ của họ, tôi cảm thấy rất khỏe!”

Trung Quốc hiện đang ăn mừng “tuần lễ vàng”, một kỳ nghỉ kéo dài tám ngày để đánh dấu cả hai ngày quốc khánh Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10, và Tết Trung Thu.

Các nhà bình luận Trung Quốc đã nhanh chóng bày tỏ sự hả hê trước việc Tổng thống Trump trúng phải virus Tầu độc địa của họ. Trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo,微博) giống như Twitter, được kiểm duyệt chặt chẽ của Trung Quốc, tin tức này đã thu hút hàng triệu bình luận, với một số người nói đùa rằng đây là “món quà cho ngày Quốc khánh của Trung Quốc”, và một số người khác đề nghị “mở ngay các đại yến để ăn mừng”, một số người khác còn gọi coronavirus là “virus bách chiến bách thắng”.

Tại Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kelly Loeffler đã tweet hôm thứ Sáu rằng “Trung Quốc đã gây ra loại virus này cho Tổng thống của chúng ta” và nói thêm “Chúng ta phải bắt họ chịu trách nhiệm”. Blair Brandt, một người gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, tuyên bố “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tấn công Tổng thống của chúng ta về mặt sinh học”. Dân biểu Mỹ Mark Walker, thành viên Đảng Cộng hòa trong Tiểu ban Tình báo và Chống khủng bố Hạ viện, cho rằng “công bằng mà nói Trung Quốc hiện đã chính thức can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta.”

Trước chẩn đoán Tổng thống Trump mắc phải virus Tầu, Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai, 崔天凯) đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã tweet rằng một mối quan hệ tốt đẹp và ổn định có lợi cho cả hai nước và nó là điều cần thiết để đạt được sự trẻ hóa của đất nước Trung Quốc”.


Source:Sydney Morning Herald

Source:CNN
 
Hồng Y Becciu lén lút chuyển tiền qua Úc trong thời gian Đức Hồng Y Pell bị xét xử
Vũ Văn An
20:40 03/10/2020

Theo National Catholic Register Catholic News Agency, các công tố viên của Tòa Thánh đang điều tra các lới tố cáo Hồng Y Giovanni Angelo Becciu vì vụ chuyển 700,000 euros qua tòa sứ thần Tòa Thánh tại Úc trong thời gian Đức Hồng Y George Pell bị tòa địa phương Victoria xử về lời tố cáo lạm dụng tình dục 2 vị thành niên.



Theo National Catholic Register , một tờ báo Ý cho rằng vụ chuyển tiền trên có liên hệ đến mối liên hệ căng thẳng giữa hai vị Hồng Y này. Đó chính là tờ Corriere della Sera. Trong một bài báo ngày 3 tháng 10, tờ này cho hay các viên chức tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh dã thu thập một hồ sơ cho thấy nhiều vụ chuyển ngân, trong đó có vụ chuyển tới 700,000 euros qua một “trương mục Úc”.

Hồ sơ trên đã được chuyển tới các công tố viên Vatican trước phiên tòa có thể có nay mai để xử Hồng Y Becciu.

Cũng trong bài báo trên, Corriere della Sera nhận xét rằng lúc ấy Đức Hồng Y Pell, người mà tờ báo mô tả như là “kẻ thù” của Hồng Y Becciu, buộc phải trở lại Úc để bị xử về những cáo buộc mà sau đó ngài được trắng án.

Corriere della Sera cũng tường thuật rằng theo Đức Ông Alberto Perlasca, một viên chức của Phủ Quốc Vụ Khanh từng làm việc dưới quyền Hồng Y Becciu trong khoảng thời gian từ 2011 tới 2018, lúc Hồng Y Becciu là thứ trưởng, thì Hồng Y Becciu nổi tiếng là người hay “dùng các nhà báo và những người quen biết để hạ uy tín các kẻ thù của ngài”. Tờ báo kết luận: “Chính trong mạch này mà vụ chi trả ở Úc đã được thực hiện, có thể có liên quan đến phiên xử Pell”.

Tờ báo xác quyết rằng họ không có được việc xác nhận nào về việc Hồng Y Becciu đích thân chịu trách nhiệm đối với vụ chuyển ngân qua Úc hay ai là người được thụ hưởng ngân khoản này, và do đó, họ tiếp tục điều tra thêm.

Tuy nhiên, một nguồn tin từ Vatican, biết rõ các chi tiết của vụ việc, đã xác nhận nội dung của tờ Corriere della Sera với National Catholic Register ngày 2 tháng 10, và sự hiện hữu của vụ chuyển ngân qua Úc. Nguồn này cho hay: “Năm và ngày tháng của vụ chuyển ngân đã được ghi chép tại văn khố của Phủ Quốc Vụ Khanh”.

Nguồn tin trên cho biết: ngân khoản trên có tính “ngoại ngân sách” nghĩa là nó không phát xuất từ các trương mục bình thường, và minh nhiên được chuyển “cho các công việc đã được thực hiện” nhân danh tòa sứ thần ở Úc.

Ai cũng biết Đức Hồng Y Pell trở về Úc năm 2017 để bị xét xử ngay lúc ngài đang thực hiện nhiều tiến bộ cụ thể trong việc cải tổ nền tài chánh của Tòa Thánh. Trước khi rời Rôma, ngài từng nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng “thời khắc sự thật” sắp tới gần các cuộc cải tổ kinh tế Tòa Thánh...

Nhân dịp này, National Catholic Register thuật lại các căng thẳng từng được tường trình rộng rãi giữa hai vị Hồng Y. Họ có nhiều bất đồng rộng rãi về việc quản trị và cải tổ tài chánh, với Đức Hồng Y Pell đẩy nhanh hệ thống tài chánh tập quyền để thúc đẩy việc kiểm soát và minh bạch nhiều hơn, còn Hồng Y Becciu thì muốn bám lấy hệ thống hiện có để các bộ sở độc lập về kế toán, và thích một cuộc cải tổ từ từ.

Hồng Y Becciu, người được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tín nhiệm và coi như cộng tác viên trung tín, cũng đứng đàng sau việc đột ngột kết liễu một cuộc thanh lý Vatican đầu tiên từ bên ngoài vào năm 2016 khi các trương mục của Phủ Quốc Vụ Khanh bị chú ý, và việc sa thải tổng thanh lý viên đầu tiên của Vatican là Libero Milone, sau khi ông này bắt đầu điều tra các trương mục ngân hàng Thụy Sĩ của Phủ Quốc Vụ Khanh.

Theo nhà nghiên cứu về Vatican, Aldo Maria Valli, Đức Ông Perlasca, một cựu cánh tay mặt của Hồng Y Becciu tại Phủ Quốc Vụ Khanh, được các phương tiện truyền thông Ý rộng rãi coi là nhân vật chủ yếu đứng đàng sau các biến cố dẫn đến việc vị Hồng Y này bị bất thần sa thải, sau khi Đức Ông công bố “tiếng kêu tuyệt vọng và não lòng đòi công lý”.

Nhưng luật sư của Hồng Y Becciu, Fabio Viglione, nói rằng Hồng Y “cương quyết bác bỏ” các lời tố cáo chống lại mình và điều ngài gọi là “các liên hệ đặc quyền tưởng tượng bị dùng cho các mục đích nhục mạ chống lại các giáo phẩm cao cấp”.

Viglione kết luận “vì các sự kiện này tỏ tường sai lạc, tôi đã nhận được ủy quyền minh nhiên để báo cáo vụ nhục mạ bất cứ từ nguồn nào, để bảo vệ danh dự và danh tiếng ngài [Hồng Y Becciu], cho các văn phòng tư pháp có năng quyền”.

Một số nguồn tin cũng cho hay Đức Hồng Y Pell, người đã trở lại Rôma hôm thứ Tư, đã tiến hành cuộc điều tra riêng của ngài để tìm ra những liên kết có thể có giữa các viên chức Tòa Thánh và các lời tố cáo sai lạc chống lại ngài về việc lạm dụng tình dục, và các khám phá của ngài sẽ trở thành một phần của các phiên tòa sắp tới.

Tờ National Catholic Register yêu cầu Đức Hồng Y Pell xác nhận cuộc điều tra trên, nhưng ngài từ khước nhận định “vào lúc này”.

Catholic News Agency thì cho rằng theo tờ Il Messaggero, lời tố cáo trên được chính Đức Ông Albert Perlasca, vốn là chánh văn phòng của Hồng Y Becciu tại Phủ Quốc Vụ Khanh, đưa ra. Đức Ông Perlasca và Tổng Giám Mục Becciu làm việc với nhau mấy năm, cùng giám sát một số khía cạnh quản trị giáo triều, trong đó, có các vụ đầu tư tài chánh của Tòa Thánh.

Người ta tin Đức Ông Perlasca đang hợp tác với các công tố viên Vatican trong việc điều tra các sai trái tài chánh tại Phủ Quốc Vụ Khnah trong một số năm qua.

CNA cũng nhắc lại vụ hồi tháng Hai vừa qua, nhà và văn phòng của Đức Ông Perlasca bị các nhà điều tra lục soát vì việc ngài tham gia vụ đầu tư hàng triệu euros của Tòa Thánh với nhà tài chánh người Ý Raffaele Mincione.
 
Top Stories
Les catholiques de Hué célèbrent le festival de la mi-automne avec des enfants handicapés bouddhistes
Églises d'Asie
08:18 03/10/2020
Ce jeudi 1er octobre, les Vietnamiens ont célébré le festival de la mi-automne, une tradition annuelle populaire, occasion de rassemblements familiaux festifs. À cette occasion, plusieurs groupes de l’archidiocèse de Hué, dans le centre du Vietnam, ont célébré le festival avec des enfants handicapés, dont un groupe de catholiques qui a rendu visite au centre bouddhiste Long Tho pour les enfants handicapés de Hué. Le père Joseph Phan Tan Ho, responsable du groupe explique que l’initiative était destinée à « apporter de la joie aux enfants » et à renforcer le dialogue interreligieux dans la région.

Le 30 septembre, un groupe de catholiques de l’archidiocèse de Hué, dans la province de Thua Thien Hué, dans le centre du Vietnam, a célébré le festival de la mi-automne au centre Long Tho pour les enfants handicapés, géré par des bouddhistes. Plus d’une centaine d’enfants bouddhistes handicapés vêtus de t-shirts bleus ont accueilli le groupe de prêtres, religieux et volontaires catholiques avec des chants et des applaudissements. Les visiteurs catholiques ont offert des jeux traditionnels aux enfants, dont la plupart viennent de familles bouddhistes. Les enfants avaient également préparé des danses traditionnelles. Les volontaires ont également apporté des ballons, des gâteaux et des friandises en l’honneur de la mi-automne, ainsi que des nouilles instantanées et de la sauce nuoc-mâm, entre autres. « Cette visite a été organisée pour apporter de la joie aux enfants handicapés à l’occasion du festival de la mi-automne, parce qu’ils ont peu souvent l’opportunité de célébrer le festival annuel comme les autres », explique le père Joseph Phan Tan Ho, de la congrégation du Sacré-Cœur, responsable du groupe.

Soutenir les échanges entre bouddhistes et catholiques

Le père Ho, qui travaille avec les personnes handicapées dans les provinces centrales du Vietnam, explique que l’événement était également destiné à maintenir un dialogue interreligieux constructif entre les catholiques et les bouddhistes de la région. Le père Mattheus Mai Nguyen Vu Thach, responsable de la commission pour le dialogue interreligieux de l’archidiocèse de Hué, ainsi que Thich Nu Thoai Nghiem, moniale bouddhiste et vice-directrice du centre, ont également participé à la rencontre. « Nous voulons vous remercier chaleureusement pour avoir bien voulu nous accueillir », a confié le père Thach au personnel du centre et aux enfants. Le prêtre espère que cette initiative contribuera à soutenir des échanges bienveillants, constructifs, amicaux et positifs entre les fidèles des deux confessions religieuses. Thich Nu Thoai Nghiem, quant à elle, se dit profondément reconnaissante envers les visiteurs catholiques pour leurs dons et leur initiative auprès des enfants du centre, dont beaucoup souffrent de handicaps mentaux comme la trisomie 21, ou de handicaps physiques comme des paralysies, des troubles de la vue ou de l’ouïe, ou encore de malformations congénitales.

« Nous essayons de leur apporter de la joie »

Nguyen Van Thoi, un jeune vietnamien de 19 ans dont les deux jambes sont paralysées, est accueilli au centre et utilise un fauteuil roulant. Il a participé au festival de la mi-automne avec les volontaires catholiques, et confie que ces derniers l’ont traité avec beaucoup de respect. Son père est mort dans un accident de la route et sa mère s’est remariée. Avant d’être admis au centre en 2017, il devait vendre des billets de loterie pour gagner un peu d’argent. D’autres volontaires catholiques, accompagnés de membres de la Caritas locale, ont également organisé d’autres cérémonies pour la mi-automne pour une centaine d’autres enfants handicapés ou séropositifs, accueillis au centre pastoral de Hué. La plupart de ces enfants viennent également de familles bouddhistes. Sœur Marie Truong Thi Thao, membre de la congrégation des Amantes de la Croix et de la Caritas de Hué, explique qu’à cette occasion, les enfants ont fêté la mi-automne avec eux en fabriquant des lanternes, en organisant une « danse du lion », et en partageant un repas festif et des jeux. « Nous essayons de leur apporter de la joie et de renforcer nos relations avec leurs familles », ajoute sœur Thao.

Sœur Thérèse Nguyen Thi Kim Lan, des Filles de Notre-Dame de la Visitation, confie de son côté que le 27 septembre, sa congrégation a offert des cadeaux et de la nourriture à 45 enfants de familles bouddhistes, qui vivent sur des bateaux sur le fleuve. Les religieuses visitent régulièrement ces familles, et proposent aux enfants des cours d’anglais, qui sont donnés le dimanche à la Maison-Mère. Joseph Tran Ngoc Tri, responsable de la pastorale des jeunes catholiques de la paroisse de Kim Doi, explique que les jeunes ont collecté de l’argent en organisant des « danses du lion » devant la paroisse, et qu’ils ont offert des fournitures scolaires, des lanternes et des gâteaux à près de deux cents enfants. Joseph ajoute que les enfants du catéchisme ont chacun invité trois enfants bouddhistes à une cérémonie de la mi-automne, organisée le 1er octobre dans l’église paroissiale. Michael Nguyen Dinh Thanh, responsable des servants d’autel de la paroisse de Phu Cam, explique que ces derniers ont également participé en dansant pour les jeunes patients de l’hôpital central de Hué. Le père Ho ajoute que son groupe a aussi offert environ 1 000 cadeaux destinés aux enfants des familles démunies des districts d’A Luoi, de Huong Tra et de Quang Dien, qui ont été particulièrement touchés par la tempête tropicale Noul.

(Source: Églises d'Asie - le 03/10/2020. Avec Ucanews, Hué)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Việt Nam Paris Có Thêm Phó Tế Vĩnh Viễn
Lê Đình Thông
09:00 03/10/2020
Sáng 03/10/2020, tại nhà thờ Saint Sulpice (quận 6 Paris), Đức TGM Tổng Giáo phận Paris Michel Aupetit đã cử hành trọng thể bí tích truyền chức phó tế qua nghi thức đặt tay và đọc lời nguyện phong chức cho thầy Michel Nguyễn Anh Hải, Giáo xứ Việt Nam Paris, cùng với các vị tân chức khác để trở thành Phó tế vĩnh viễn, nghĩa là người phục vụ (διάκονος) Hội thánh.

Sau lời nguyện truyền chức, lần lượt các thầy tân phó tế được choàng dây các phép (étole). Thầy Nguyễn Anh Hải được vị phó tế tiền nhiệm là thầy Cao Trọng Nghĩa choàng dây. Sau đó, cũng như các vị tân phó tế khác, thầy Nguyễn Anh Hải được Đức TGM Michel Aupetit trao cuốn Kinh thánh và nói : ‘‘Con hãy nhận Phúc âm Chúa Kitô mà con có sứ mạng rao giảng. Con hãy thực lòng tin vào lời Chúa mà con tuyên đọc, giảng dạy điều con tin, sống điều con giảng dạy’’.

Từ nay, mỗi vị Phó tế có năng quyền chủ sự nghi thức cầu nguyện cho cộng đoàn, trao của ăn thiêng liêng (viatique) cho người bệnh, chủ sự nghi thức an táng, chăm lo việc bác ái; trong thánh lễ, thầy phó tế công bố Tin mừng, chia sẻ Lời Chúa, dâng chén thánh trong kinh Tiền tụng (doxologie), chúc bình an và nói lời sai đi vào cuối Thánh lễ. Ngoài ra, thầy có năng quyền chủ sự nghi thức rửa tội và cử hành hôn lễ.

Quy chế phó tế vĩnh viện được quy định trong văn kiện Công đồng Vaticanô II, tự sắc Sacrum Diaconatus Ordinem ngày 18/06/1967 của Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng như chỉ thị ngày 22/02/1998 của Thánh bộ Tu sĩ.

Linh mục Gilbert Nguyễn Kim Sang, Giám đốc Giáo xứ cùng quý cha Giáo xứ : Đinh Đồng Thượng Sách, Trần Anh Dũng, Nguyễn Hữu Vinh, quý cha Xuân Bích : Trần Thanh Lộc, Hồng Kim Linh và các cha sinh viên đã đồng tế. Thầy Phó tế Niên trưởng Phạm Bá Nha và quý Thầy Tạ Đình Chung, Nguyễn Sơn, Cao Trọng Nghĩa hiệp thông với thầy tân phong trong bí tích truyền chức phó tế. Bà Christine Nguyễn Hồng Mai, phu nhân của phó tế Nguyễn Anh Hải, đã tham gia các nghi thức dẫn nhập.

Thầy Nguyễn Anh Hải từng sinh hoạt trong Hội đồng Mục vụ và là thành viên Phong trào Cursillo và Phong trào Liên đới Nghề nghiệp. Vị tân phó tế sẽ tham gia ban Giám đốc Giáo xứ, nhận bài sai của Cha Giám đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang chuyên trách một mục vụ chuyên biệt.

Trái ngược với các dự báo khí tượng, thứ bảy 03/10, trời nắng đẹp thể hiện Hồng ân Chúa, như ca khúc Tán Tụng Hồng n của cộng đoàn Việt Nam hát trong phần hiệp lễ.

Lê Đình Thông
 
Dòng Cát Minh Việt Nam mừng kỷ niệm Ngọc Khánh 60 năm thành lập
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
14:25 03/10/2020
Lễ Thánh Têrêxa bế mạc Năm Thánh của Đan viện Cát Minh Nha Trang

Những người Công Giáo thuộc giáo tỉnh miền Trung ở Việt Nam đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các nữ tu Dòng Cát Minh, những người đã âm thầm cầu nguyện cho các nhu cầu của họ trong sáu thập kỷ qua.

Vào ngày 1 tháng 10, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh chủ chăn giáo phận Nha Trang đã chủ sự lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 60 năm thành lập Đan viện Cát Minh Nha Trang tại thành phố biển Nha Trang.

Đức Đan viện phụ Xitô Maria Phêrô Khoa Nguyễn Thái Bình và 35 linh mục cùng đồng tế Thánh lễ với sự tham dự của 400 tín hữu.

Đức Cha Đa Minh đã khen ngợi các nữ tu Dòng Cát Minh tại địa phương vì đã âm thầm phục vụ Giáo hội như những “cột thu lôi” đón nhận mọi cơn thịnh nộ, đau buốn, khốn khổ, tai ương, khiếp đảm và bất hạnh từ mọi hạng người và cầu nguyện Chúa ban cho họ sự bình an, hiệp thông và hạnh phúc.

Vị giám mục 76 tuổi cho biết những nữ tu Cát Minh địa phương sau khi được gia đình chấp thuận sẽ từ bỏ tất cả người thân, chức vụ, đồ đạc, quyền lực, tự do riêng tư, tham vọng và những thứ khác dâng hiến cả cuộc đời trong tu viện trong cầu nguyện, ăn chay và sám hối để họ có thể trở thành những người phụ nữ nhỏ bé và khiêm nhường trước nhan Chúa và những người khác.

Đức cha quả quyết rằng các nữ tu Cát Minh mang lấy ách của Chúa trong đời sống của họ và làm chứng cho Tin Mừng: “Trước hết và trên hết anh em hãy đặt lòng trí trên nước hiên Chúa, và mọi sự sẽ được ban lại cho anh em sau.”

Đức cha Đa Minh cho biết tất cả giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân và những người chưa biết Chúa đều ngưỡng mộ và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các nữ tu Dòng Cát Minh đã âm thầm cầu nguyện cho họ được bình an và hạnh phúc.

Đức Cha cũng tuyên bố rằng người Công Giáo địa phương rất biết ơn tu viện Cát Minh đã gửi các nữ tu của mình đến các tu viện mới được thành lập tại hai giáo phận Ban Mê Thuột và Phú Cường và gia nhập các tu viện khác ở Pháp và Hoa Kỳ.

Ngài kêu gọi các nữ tu Cát Minh tiếp tục cầu nguyện cho Giáo hội được hòa bình, quốc gia được thống nhất và thịnh vượng, và thế giới sớm thoát khỏi đại dịch Covid-19 gây chết người.

Quà tặng từ Thánh Têrêxa Hài Đồng

Đức cha Đa Minh cũng yêu cầu mọi người yêu mến, tôn vinh, thường xuyên thăm viếng và cùng với các nữ tu Cát Minh tại địa phương cầu nguyện cho gia đình, cộng đoàn và giáo xứ của họ vì “tu viện rải hoa hồng, tình yêu, sự thánh thiện và bình an cho mọi người”.

Trong Thánh lễ hôm nay, một nữ tu trẻ đã tuyên khấn, những người tham dự đã được Đức Giám Mục Đa Minh tặng hoa hồng làm quà tặng từ Thánh Têrêxa, nhắc nhớ rằng khi về Thiên đàng, thánh nữ sẽ mưa hoa hồng xuống trần gian.

Mẹ Bề Trên Marie Rose Thánh Thể Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết tu viện đóng một vai trò quan trọng trong đời sống giáo hội vì có nhiều người đến thăm và xin các nữ tu cầu nguyện cho nhu cầu của họ và ơn gọi trẻ gia nhập tu viện.

Một nhóm các nữ tu Dòng Cát Minh người Pháp và người Việt Nam từ Pháp đã đặt chân đến miền đất Nha Trang năm 1960 theo lời mời của Đức Cố Giám Mục người Pháp Marcel Piquet Lợi. Những nữ tu đó đã phải tản cư khỏi tu viện của họ ở Thanh Hóa, miền Bắc Việt Nam, vào năm 1955 để tránh chiến tranh.

Sau khi đất nước được thống nhất dưới sự cai trị của cộng sản vào năm 1975, tất cả các nữ tu người Pháp, ngoại trừ Mẹ Marguerite Marie du Sacré Coeur đã bị buộc phải rời tu viện.

Bốn nữ tu Dòng Cát Minh người Pháp đã đặt chân đến Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 1861 và thành lập tu viện Cát Minh đầu tiên ở Việt Nam. Sau đó họ thành lập hàng chục tu viện ở nhiều nơi khác ở Việt Nam và các nước Châu Á khác.

Việt Nam hiện có tám đan viện với 260 nữ tu Cát Minh. Tu viện Cát Minh Nha Trang hiện có 37 nữ tu.

(Nguồn: https://www.ucanews.com/news/vietnam-carmelites-mark-60th-anniversary-of-foundation/89748)
 
Xuân Lộc: Giáo hạt Long Thành và Phước Lý hành hương Kính Lòng Chúa Thương Xót.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P.
20:56 03/10/2020
Chiều ngày Thứ Sáu, 2/10/2020, rất nhiều đoàn hành hương của Hiệp hội Lòng Chúa Thương Xót của Giáo phận đã đến Giáo xứ Suối Cát, để được tham dự Giờ Kinh và Thánh Lễ tôn vinh Lòng thương xót của Chúa. Đặc biệt, đoàn hành hương chính trong ngày thứ Sáu này là của Giáo hạt Long Thành và Phước Lý, vì thế, quý Cha Quản hạt, quý Cha và rất đông các hội viên của Hiệp hội Lòng Chúa Thương Xót cùa hai giáo hạt đã cùng hiện diện để thực hiện cuộc hành hương Kính Lòng Chúa Thương Xót theo phiên đã được phân chia. Ngoài ra, còn có rất đông các hội viên Hiệp hội LCTX từ các giáo hạt, giáo xứ khác đã cùng hiện diện, làm chật kín trong và ngoài nhà thờ, khiến bầu khí càng thêm sốt mến, như ngọn lửa lan tỏa bao tâm hồn luôn tha thiết, khao khát được Lòng Chúa Thương Xót đụng chạm và chữa lành.

Xem Hình

Sau giờ kinh Mân Côi, giờ Kính Lòng Chúa Thương xót thật sốt sắng, mọi người đã chào đón Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận đến gặp gỡ mọi người, ban huấn từ, và nhất là dâng Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương xót để cầu nguyện cho mọi người đang cần đến lòng Chúa thương xót, nhất là những tội nhân được sám hối trở về.

Đón chào Đức Cha Giáo phận là dãy hàng dài rất đông người xếp hàng hai, hàng ba ba từ cuối sân nhà thờ đến tận gian cung thánh. Hình ảnh mọi người kiên nhẫn đứng xếp hàng đón Đức Cha, không phải là lễ nghi trịnh trọng, nhưng chính là phản chiếu một sự khao khát lòng thương xót của Chúa xuống trên những con người ở nơi này, như chính Đức Cha cảm nhận và chia sẻ. “Hình ảnh mọi người chờ đón, đụng chạm đến bàn tay tôi, hôn thánh giá… nhưng tôi biết thực rằng: anh chị em đang muốn đụng chạm đến chính Chúa, như đang năn nỉ Ngài ‘Lạy Chúa, xin Chúa thương xót con’”. Thế nên, Đức Cha đã di chuyển thật chậm, thậm chí dừng lại để giơ tay ra với lấy những bàn tay đang chìa ra từ phía bên trong, với ước mong mọi người được cảm thấy bình an ngay giữa đau khổ của họ.

“Thánh hóa đau khổ để cầu nguyện cho những tội nhân được ơn sám hối” và “Thiên Chúa đáp lại tiếng nài van lòng thương xót Chúa của con người theo cách của Ngài” là các ý chính trong bài huấn dụ của Đức Cha Giáo phận khi gặp gỡ mọi người trước Thánh Lễ.

Dẫn vào ý thứ nhất của bài huấn dụ, Đức Cha đã kể lại lần hiện ra thứ ba của Đức Mẹ tại Fatima với ba trẻ nhỏ: sau khi cho ba trẻ thấy cảnh hỏa ngục ghê sợ, Đức Mẹ đã mời gọi các em hy sinh, đón nhận những đau khổ sẽ đến để cầu nguyện cho tội nhân trở lại, cho thế giới được hòa bình. Nhấn đến điều Đức Mẹ xin ba trẻ nhỏ, Đức Cha nói “Khi chúng ta đề cập đến lòng thương xót Chúa, chúng ta thường chỉ nghĩ đến đau khổ thể xác, hay những chật vật thiếu thốn của chính mình. Nhưng trong thị kiến, Đức Mẹ đã nói đến lòng thương xót của Chúa thật đặc biệt đối với những người tội lỗi qua lời Đức Mẹ xin các em chấp nhận đau khổ để cầu nguyện cho kẻ có tội được trở lại”. Nếu lời Đức Mẹ ngỏ với ba trẻ ngày xưa tại Fatima ngày xưa và các em đã thưa “vâng”, Đức Cha Giáo phận cũng ngỏ với mọi người “Tôi muốn lấy lại những lời của Đức Mẹ để mời gọi mọi người hãy lắng nghe từ trong tâm hồn mình. Có thể Đức Mẹ cũng đang xin anh chị em hãy quảng đại thưa “Con chấp nhận.” Nhưng làm sao có thể chịu đựng được đau khổ, để rồi thánh hóa được đau khổ? Đức Cha nói rằng “Chính Chúa sẽ giúp. Chúa sẽ giúp chúng ta có được sự an bình mới” dù ai đó đang có những đau khổ từ nhiều lý do: bất hòa với người thân, bị bỏ rơi, đau khổ từ sự yếu đuối bản thân khi tái đi tái lại lỗi phạm. Để rồi Đức Cha kết luận ý đầu tiên bằng lời mời “Hãy dâng lên Chúa những đau khổ, những yếu đuối của mình bằng sự phó thác và tin tưởng vào sức mạnh của Chúa. Để rồi, khi thời điểm thuận tiện như Chúa biết, Chúa sẽ giúp chúng ta.” Khép lại ý thứ nhất, Đức Cha kết luận bài huấn từ bằng ý thứ hai khi xác tín “Tôi cam đoan rằng: những ai mà tôi đã chúc lành hoặc đã nói với Chúa những đau khổ của mình, chắc chắn Chúa đã thấu hiểu nỗi đau khổ của anh chị em, và Chúa đã đáp lại lời kêu xin của anh chị em theo cách của Người.”

Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót được cử hành sau phần gặp gỡ và huấn dụ của Đức Cha Giáo phận với cộng đoàn. Trước khi bắt đầu Thánh lễ, Đức Cha đã mời gọi cộng đoàn cùng hiệp ý “ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa, vì Người đã thương xót chúng ta, thương xót Giáo phận”. Đồng thời, “van nài lòng thương xót của Chúa trên những tội nhân, để họ được ơn hoán cải”, và cho mọi người, dù là tội nhân “luôn hy vọng, tin tưởng vào Lòng Chúa thương xót, và sẽ trỗi dậy, làm lại cuộc đời bằng sức mạnh của Chúa.” Bên cạnh ý lễ chính, Thánh Lễ do Đức Cha chủ tế cùng với quý Cha các Giáo hạt Phước Lý, Long Thành, Xuân Lộc, cũng là để mừng trước lễ Thánh Nữ Paustina- Bổn mạng của Hiệp hội Lòng Chúa Thương Xót của Giáo phận- như Cha Giuse Trần Phú Sơn, Đặc Trách Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót Giáo phận giới thiệu.

“Nơi Thiên Chúa: một tình yêu trao ban cho nhân loại đến tận cùng” là ý suy niệm đầu tiên trong bài giảng Thánh Lễ mà Đức Cha chia sẻ khi dựa trên ý thần học quan trọng của Thánh sử Gioan “Tức thì, máu cùng nước chảy ra” trong Gioan 19, 31-37. Đức Cha nói, hình ảnh “Giọt máu cuối cùng chảy ra hết: hình ảnh của biểu tượng, nói lên rằng, Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, đã yêu thương nhân loại đến tận cùng, yêu không giữ lại gì, yêu trọn vẹn”. Vì thế, Đức Cha mời gọi mọi người “hãy tin vào tình yêu của Thiên Chúa,” và xác tín “chỉ có tình yêu Chúa là quan trọng” trong cuộc đời con người. Ngài tiếp, “khi chúng ta xác tín chỉ có tình yêu Chúa là quan trọng, mọi sự sẽ trở nên phù vân, và chúng ta sẽ thoát ra những thứ mà chúng ta bám víu, chỉ còn cần mình Chúa mà thôi, là đủ cho cuộc đời của chúng ta.”

Rọi chiếu từ hình ảnh “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người”, Đức Cha đã tiếp ý suy niệm và mời gọi mỗi người hãy biết “Xoa dịu vết thương của nhau”. Đức Cha nói rằng, mỗi người cần xoa dịu vết thương cho nhau, vết thương gây ra bởi cả những người ghét, và người yêu mình. Xoa dịu bằng cách nào? Đức Cha mời gọi mọi người hãy cố gắng xoa dịu vết thương của nhau bằng những lời nói yêu thương, những ánh mắt dịu hiền, những sự quan tâm… “Nhưng làm sao tôi có thể xoa dịu vết thương của người khác khi tôi còn đang đau khổ?”, Đức Cha tiếp. “Khi được Chúa xoa dịu vết thương, chúng ta cũng sẽ ra đi để xoa dịu vết thương của người khác bằng tình yêu và lòng thương xót của Chúa”. Và để có thể thấy được nỗi đau, chạm được vết thương của tha nhân để xoa dịu họ, Đức Cha nhấn mạnh rằng “cần phải đi ra khỏi lòng mình, ra khỏi nỗi đau của mình…lúc đó chúng ta mới có khả năng xoa dịu vết thương, của nhau.”

Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót, cũng như ngày hành hương của Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót của hai Giáo Hạt Phước Lý và Long Thành đã diễn ra trong bầu khí linh thiêng, sốt mến của mọi người trong ân thánh của Thiên Chúa. Và chắc rằng, những hội viên LCTX và mọi người, khi trở về nhà, sẽ cố gắng thực thi những huấn dụ của Đức Cha Giáo phận khi gặp gỡ, trong bài giảng và như khi cuối lễ Ngài đã nói “Xin anh chị em hãy cố gắng làm nhiều điều tốt lành hơn nữa cho tha nhân, cho thế giới. Hãy truyền đạt lòng thương xót của Chúa đến cho tha nhân, đặc biệt với những bệnh nhân, người già, người di dân…”

Một niềm vui nữa trong cuộc hành hương lần này khi nhìn thấy công trình Nhà Nguyện Kính Lòng Chúa Thương Xót, Trung tâm hành Hương của Giáo Phận tại Giáo xứ Suối Cát sắp hoàn thiện, chuẩn bị cho Thánh Lễ Tạ ơn sẽ diễn ra vào ngày Thứ Sáu 6/11/2020 sắp tới này.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Thông Báo
Thông báo: Sinh hoạt của Trung tâm Công Giáo Việt Nam giáo phận Orange
LM. Vincent Phạm Ngọc Hùng
07:40 03/10/2020
Một số những sinh hoạt đặc biệt trong tháng 10, 2020 tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 10
Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi mọi tín hữu trong tháng 10 này cầu nguyện cho sứ mệnh của giáo dân trong Giáo hội, đặc biệt là phụ nữ, nhờ Phép Rửa Tội, được tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực hữu trách trong Giáo Hội.

Ghi Danh Bầu Cử
Những ai chưa ghi danh bầu cử có thể ghi danh từ ngày hôm nay. Ngày cuối cùng để ghi danh là ngày 19 tháng 10. Quý vị có thể ghi danh online tại vote.gov. Giáo Hội khuyến khích các tín hữu thi hành quyền công dân của mình, là dùng lá phiếu để bầu chọn những ứng cử viên và những dự luật theo sát với giáo huấn của Giáo Hội.

Lần Hạt trong Tháng Mân Côi
Tháng Mười là tháng Mân Côi. Kính mời quý ông bà và anh chị em cố gắng hy sinh thời giờ để cùng lần hạt trong gia đình. Xin Đức Mẹ tiếp tục cầu bầu cho cộng đồng nhân loại được bình an, cách riêng cho dịch bệnh Covid mau chóng chấm dứt. Quý vị có thể tham dự các giờ lần hạt tại Trung Tâm Công Giáo vào mỗi buổi sáng trước giờ Lễ, từ 8:00 – 8:30, hoặc hiệp thông trực tuyến.

Chăm Lo cho Người Thân tại Nhà Thương và Viện Dưỡng Lão
Những ai có người thân hay bạn bè đang ở nhà thương hay viện dưỡng lão cần được rước lễ, xưng tội, hay xức dầu, vui lòng liên lạc các cha trong giáo xứ để được giúp đỡ. Một vài trường hợp đã xảy ra là một số tín hữu trong viện dưỡng lão, vì nhầm chẳng biết, đã xin các mục sư Tin Lành để được xưng tội hoặc rước lễ. Xin quý thân nhân cố gắng giúp người thân của mình được lãnh nhận các bí tích do các linh mục Công Giáo cử hành.

Rosary for America – Lần Hạt Cầu Nguyện cho Nước Mỹ
Nhân dịp Lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ thực hiện giờ lần hạt trực tuyến cầu nguyện cho nước Mỹ vào lúc 12:00 trưa thứ Tư, ngày 7 tháng 10. Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez, Chủ Tịch HĐGMHK, mời gọi các tín hữu cùng hiệp thông trực tuyến để cầu nguyện cho nước Mỹ được bình an, hiệp nhất, và công bằng xã hội. Tham dự bằng tiếng Anh, quý vị có thể ghé vào YouTube Chanel hoặc Facebook Page của USCCB. Tham dự bằng tiếng Việt, quý vị ghé vào website của Trung Tâm Công Giáo hoặc Đài Little Saigon TV 56.10.
 
VietCatholic TV
Phỏng vấn LM. Vincent Phạm Ngọc Hùng về sinh hoạt và hướng đi của Trung tâm Công Giáo VN thuộc GP Orange
Mai Hương/ VietCatholic
07:48 03/10/2020
Cuộc phỏng vấn Cha Vincent Phạm Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Công Giáo Giáo phận Orange, do Mai Hương thuộc VietCatholic thực hiện để tìm hiểu về những sinh hoạt bị hạn chế sau thời gian dài mấy tháng vì dịch Coronavirus.
Cha Hùng cũng cho biết về những thành quả hơn một năm đảm nhiệm trách vụ Giám đốc Trung tâm và nói về những dự tính và hướng đi trong tương lai của Trung tâm Công Giáo.