Ngày 06-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư 7/10: Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
05:42 06/10/2020


Phúc Âm: Lc 1, 26-38

"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
 
Thi ca suy niệm: Chúa Nhật tuần 28A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:38 06/10/2020
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 22:1-14)
TIỆC CƯỚI


Dụ ngôn tiệc cưới Nước Trời,
Thành hôn hoàng tử, thiệp mời đã trao.
Đức vua chuẩn bị khai mào,
Gia nhân đón tiếp, mời vào tiệc vui.
Khách mời xin khất rút lui,
Lý do thăm trại, không lùi được đâu.
Kẻ thì buôn bán hoa mầu,
Anh kia cưới vợ, cau trầu phải lo.
Dân làng bắt bớ giằng co,
Khinh khi nhục mạ, giở trò xấu xa.
Sẵn sàng tiệc rượu mở ra,
Số người không xứng, tâm tà bỏ qua.
Ra đường mời gọi người ta,
Gặp ai bất luận, vào nhà chúc khen.
Kẻ giầu, người khó, sang hèn,
Phòng ăn chật ních, bon chen số người.
Vua vào quan sát mọi nơi,
Có người khách lạ, không lời trình thưa.
Chẳng đồng y phục giả lừa
Đức vua kết tội, kéo đưa ra ngoài.

Mọi người đều được mời vào dự tiệc cưới Nước Trời. Tiệc đã sẵn sàng, thịt thì béo và rượu thì ngon. Ấy thế mà nhiều người đã từ chối dự tiệc.

Dụ ngôn trong bài Phúc âm rất hay. Vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Các thiệp đã được mời từ sớm, vậy mà đến ngày hôn lễ, nhiều người đã không đến tham dự. Mỗi người một lý do chối từ. Người thì đi buôn, kẻ thì mới cưới vợ và người thì mới tậu ruộng cần đi thăm. Họ có đủ lý do để từ chối không dự tiệc. Có nghĩa là họ không có thời giờ, bận quá mà.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng không tránh khỏi những lúc bận bịu lo công việc. Chúng ta không có thời giờ cho gia đình, cho con cái và cho các sinh họat cộng đoàn. Thậm chí không có giờ đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày 24 giờ, nhưng hình như qúa ít, không đủ để sống. Chúng ta muốn có nhiều giờ hơn cho chúng ta.

Chuyện kể: Một buổi sáng trời tuyết lạnh, có hai bà đứng nói truyện ngòai trời tuyết gần 2 tiếng đồng hồ. Khi bà xã vào nhà, chồng hỏi: Nãy giờ em nói truyện với ai thế. Vợ trả lời: Em nói truyện với bà hàng xóm. Chồng nói: Tại sao em không mời bà ấy vào nhà nói truyện cho khỏi lạnh. Chị ta trả lời: Không có thời giờ. Không có giờ là thế đấy!

Chúa mời gọi chúng ta vào dự tiệc cưới Nước Trời. Cũng như Chúa mời gọi chúng ta tham dự Bí Tích Thánh Thể. Chính Chúa hiến thân làm của lễ và của ăn nuôi dưỡng chúng ta.

Rước Mình và Máu Chúa là được thông hiệp vào màu nhiệm cứu độ. Thánh lễ là hình ảnh tiệc cưới Nước trời mai sau. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng dành thời giờ tham dự thường xuyên tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể.

THỨ HAI, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 29-32).
ĐIỀM LẠ


Dân chúng tụ tập bên Thầy,
Mong tìm điềm lạ, sa lầy yếu tin.
Giống dòng gian ác van xin,
Giô-na bụng cá, hãy nhìn gẫm suy.
Ni-ni-vê đó cứu nguy,
Ăn năn sám hối, tư duy trở về.
Dân này cứng cổ bội thề,
Không ban dấu lạ, bến mê cuộc đời.
Chối từ lời giảng Con Trời,
Tà tâm kiêu hãnh, sống đời ác gian.
Con Người điềm lạ trao ban,
Chứng nhân cao cả, thiên nhan rạng ngời.
Chúa Con xuống thế làm người,
Cứu nhân độ thế, vào đời truyền rao.
Mong rằng dân chúng khát khao,
Đổi đời cải quá, tuôn trào hông ân.

THỨ BA, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 37-41).
RỬA TAY


Một người mời Chúa tới nhà,
Ông là Biệt Phái, vị tha trong đời.
Chung vui dự tiệc khách mời,
Ngạc nhiên thấy Chúa, không rời bàn ăn.
Rửa tay nghi thức tự căn,
Phàn nàn lỗi luật, can ngăn thói đời.
Chúa cần giải thích đôi lời,
Bề ngoài chén dĩa, mọi nơi gọn gàng.
Nội tâm sâu thẳm không màng,
Tham lam gian ác, xếp hàng tội nhân.
Hỡi người ngu dại thế trần,
Hóa công sáng tạo, điều cần nội tâm.
Rộng lòng bố thí âm thầm,
Xác hồn trong sạch, tránh lầm bến mê.
Bề ngoài hào nhoáng khen chê,
Lương tâm ngay chính, hướng về thiêng cung.

THỨ TƯ, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 42-46).
GÁNH NẶNG


Khốn thay Biệt Phái rao truyền,
Thập phân nộp thuế, thề nguyền tín trung.
Bạc hà rau qủa hưởng dùng,
No đầy hoan hỉ, tôn sùng ngoại lai.
Công bình chính trực nhạt phai,
Thiếu lòng yêu mến, thần tài tựa nương.
Thích ngồi ghế nhất hội đường,
Mong người chào hỏi, noi gương chính mình.
Bề ngoài mồ mả tô hình,
Người ta cất bước, vô tình dẫm lên.
Một ngài Tiến Sĩ đứng bên,
Thưa Thầy, xỉ nhục cả tên nhóm này.
Khốn cho tiến sĩ luật bày,
Chất lên gánh nặng, đổ đầy lên vai.
Người dân khốn khổ kêu nài,
Các ông thong thả, quản cai luật đời.

THỨ NĂM, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 47-54).
KHỐN THAY


Nặng lời Chúa trách người trần,
Khốn thay xây cất mộ phần ông cha.
Các người giết chết hằng hà,
Tiên tri tổ phụ, lòng tà dậy khơi.
Tán thành làm chứng mọi thời,
Cha ông sát hại, bao đời trước đây,
Các ngươi đắp mả dựng xây,
Mồ cao mả đẹp, công thầy ơn cha.
Khôn ngoan Thiên Chúa tỏ ra,
Tiên tri sai đến, chẳng tha người nào.
Giết đi bách hại xiết bao,
Giống dòng nợ máu, tự cao trong đời.
Các người Tiến Sĩ xa rời,
Giữ riêng chìa khóa, vào nơi Nước Trời.
Các người không đáp lời mời,
Lại còn ngăn cản, những người muốn vô.

THỨ SÁU, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 1-7).
Ý TỨ


Bắt đầu dậy dỗ môn đồ,
Các con ý tứ, men hồ người ta.
Thứ men Biệt Phái kiêu sa,
Giả hình khoe mẽ, tránh xa thói này.
Không gì che đậy chẳng hay,
Mà không tiết lộ, tỏ bày công khai.
Không gì dấu kín chê bai,
Giãi bầy ánh sáng, ngày mai tỏ tường.
Điều nơi tăm tối không lường,
Nói ra sáng sủa, mọi phương vạch trần.
Rỉ tai buồng kín tha nhân,
Mái nhà rao giảng, toàn dân rõ ràng.
Các con đừng sợ cái bang,
Thủ tiêu thân xác, đầu hàng hồn thiêng.
Linh hồn cao cả thiêng liêng,
Phục tùng kính sợ, chỉ riêng Chúa Trời.

THỨ BẢY, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 8-12).
NHÂN CHỨNG


Phán cùng môn đệ lời này,
Xưng Thầy trước mặt, ra ngay người đời.
Đi làm nhân chứng cho Người,
Con Người xưng nhận, đón mời phúc vinh.
Thiên thần đón tiếp cung đình,
Trước ngai Thiên Chúa, an bình rạng danh.
Còn ai chối bỏ Thánh Danh,
Tội này tha thứ, thực hành ăn năn.
Con Người dong duổi nhọc nhằn,
Hy sinh cứu độ, xả lăn thế trần.
Nói năng phạm thượng Thánh Thần.
Tội này nghiêm trọng, nợ nần không tha.
Người ta bắt bớ mọi nhà,
Hội đường quan xét, thực thà đừng lo.
Thánh Thần Chúa dậy đắn đo,
Lời ăn tiếng nói là do ơn trời.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 06/10/2020

37. Phàm là những người không đền tội mà chết thì thật là đại họa, bởi vì họ sẽ trở thành con cái của ma quỷ, nhất định phải bị trừng phạt đời đời trong hỏa ngục.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 06/10/2020
45. ĐÂU CÓ NHƯ THẾ

Có lần thi khoa học, có một thí sinh khoe khoang rằng nhất định mình sẽ thi đậu, anh ta nói với mọi người:

- “Ban đêm tôi nằm mơ thấy nhạc trống đánh đánh thổi thổi, té ra là có bức hoành báo tin thi đậu gởi đến nhà tôi.”

Bạn của anh ta cười nhạo nói:

- “Đúng đấy, ban đêm tôi cũng nằm mộng thấy bức hoành báo tin vui đưa đến nhà anh, trên bức hoành có đề bốn chữ.”

Thí sinh ấy hỏi:

- “Đó là bốn chữ gì?”

Người bạn trả lời:

- “Đâu có như thế”.

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 45:

Nằm mơ thấy mình thi đậu rồi khoe khoang mình sẽ thi đậu bảng vàng, đúng là chuyện khoa trương có một không hai trên đời.

Nếu mỗi người Ki-tô hữu đều nói “đâu có như thế được” thì chắc chắn thế giới sẽ có hòa bình và xã hội sẽ được an vui. Khi gặp cám dỗ chúng ta nói “đâu có như thế được” vì tôi là người Ki-tô hữu, thì có lẽ sẽ tránh được phạm tội; khi giận hờn muốn chửi mắng anh em mà tự nói “đâu có như thế được” vì họ cũng là con của Thiên Chúa như tôi, thì sẽ có sự hối hận và quyết tâm sửa đổi; hoặc khi vu oan giá họa cho người khác mà tâm chúng ta nghĩ “đâu có như thế được” vì lỗi đức bác ái, thì sẽ không còn vu oan giá họa cho tha nhân nữa; nếu khi chúng ta khoe khoang khoác lác mà biết nghĩ rằng “đâu có như thế được”, thì chắc chắn là chúng ta sẽ không khoe khoang kiêu ngạo với mọi người...

Cái làm chúng ta khó chịu đó là tính khoe khoang của người khác, cái làm cho người khác khó chịu đó là tính khoe khoang của mình, bởi vì cái khoe khoang là một trong những cái làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa và xa rời anh chị em của mình.

Có người lấy chuyện nằm mơ làm sự thật nên họ sống khoe khoang và sau đó thì phiền muộn, bởi vì mộng không phải là thực tế; người Ki-tô hữu thì không sống bằng mộng nhưng bằng thực tế, nên họ thấy cái rất thực của người giàu cũng như của người nghèo, để rồi họ không con khoe khoang nữa, bởi vì chính họ cũng là con người nhiều khuyết điểm như bao người khác vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:38 06/10/2020
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Tin Mừng: Lc 1, 26-38.

“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.”


Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi, để kính nhớ cuộc chiến thắng của các chiến thuyền Ki-tô giáo tại vịnh Lepente ngày 7 tháng 10 năm 1571, nhờ sự trợ giúp đặc biệt của Đức Mẹ Ma-ri-a qua lời cầu nguyện bằng chuổi Mân Côi của các tín hữu.

Qua kinh Mân Côi, chúng ta thấy có hai yếu tố quan trọng mà Đức Mẹ Ma-ri-a rất yêu thích, đó chính là sự lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng, và suy niệm các mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Chúa Giê-su, mà Đức Mẹ Ma-ri-a có vai trò rất đặc biệt trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

Đức Mẹ Ma-ri-a rất yêu thích những ai đọc kinh Kính Mừng, bởi vì chính thiên thần Ga-bri-en đã cất tiếng chào mừng khi truyền tin cho Mẹ: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà…” Lời cầu chúc này đã nói lên sự cung kính của thiên thần đối với một tạo vật là Đức Mẹ Ma-ri-a được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giê-su.

Khi yêu nhau, đôi bạn nam nữ thường lặp đi lặp lại điệp khúc “anh yêu em” và “em yêu anh” mà không thấy chán, không thấy thừa thải hoặc không thấy mắc cở gượng gùng, bởi vì tình yêu được phát xuất từ tấm lòng chân thật, cho nên họ sẽ sung sướng đón nhận lời lẽ yêu thương ngắn ngọn mà bày tỏ hết cả tấm lòng yêu thương của bạn mình.

Đức Mẹ Ma-ri-a cũng rất yêu thích những ai thành tâm đọc kinh Mân Côi, bởi vì nơi kinh Mân Côi này chúng ta lặp đi lặp lại không những một hai lần kinh Kính Mừng, nhưng là đọc đi đọc lại cả hai trăm lần kinh Kính Mừng như hai trăm đóa hoa hồng dâng kính Đức Mẹ. Hai trăm kinh Kính Mừng là hai mươi biến cố trong cuộc đời của Đức Chúa Giê-su khi Ngài sống ở trần gian, hai mươi biến cố này từ khi Đức Chúa Giê-su sinh ra cho đến khi Ngài lên trời và Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống và Thiên Chúa thưởng ân cho Đức Mẹ Ma-ri-a lên trời cả hồn lẫn xác.

(Hai mươi biến cố này được chia thành bốn nhóm hay là bốn “sự”: năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng, năm sự Sáng. Mỗi sự đều có liên hệ mật thiết với Đức Mẹ Ma-ri-a là đấng đã cộng tác với Đức Chúa Giê-su trong công việc cứu chuộc loài người.)

Đã có rất nhiều lần bạn và tôi lần chuỗi Mân Côi mà miệng đọc như cái máy phát thanh, không hề dừng lại để suy ngắm những gì mình đang đọc; có những lúc bạn và tôi đọc kinh Mân Côi mà như sợ người khác giành giựt, cho nên chúng ta vẫn chưa hiểu và chưa yêu mến Đức Chúa Giê-su cho đủ, do đó mà chúng ta trở thành những nghi vấn cho người khác nghi ngờ về đức tin của chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Đức giáo hoàng Phao-lô VI khích lệ chúng ta như sau: “Bản chất việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Đức Chúa Giê-su được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gủi nhất với Chúa.” (Marialis Cultus, 47)

Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, bạn và tôi nên có một quyết tâm khi lần hạt Mân Côi, đó là luôn yêu mến và tin tưởng vào Đức Mẹ Ma-ri-a, để nhờ Mẹ mà chúng ta đến với Đức Chúa Giê-su, để nhờ kinh Mân Côi mà chúng ta trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng và cho tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Nguồn Sức sống, nguồn An vui, nguồn Hy vọng
Lm Minh Anh
20:40 06/10/2020
NGUỒN SỨC SỐNG, NGUỒN AN VUI, NGUỒN HY VỌNG

“Kính mừng Maria đầy ơn phước”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, Tin Mừng Luca thuật lại câu chuyện sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria; sứ thần vào nhà một trinh nữ ‘vô danh’ và nói, “Kính chào Bà đầy ơn phúc”. Vậy ra, sứ thần Chúa đã công khai đổi tên Đức Mẹ, phải chăng để từ đây, Mẹ Maria sẽ trở nên ‘nguồn sức sống, nguồn an vui, nguồn hy vọng’ cho tất cả những ai chạy đến với quả phúc lòng Mẹ, đấng “Đầy ơn phúc”.

“Kính chào Bà đầy ơn phúc, Chúa ở cùng Bà…”, là kinh Kính Mừng, kinh Mân Côi đầu tiên được Hội Thánh cất lên vạn triệu lần mỗi ngày để tôn vinh quả phúc lòng Mẹ, qua các mầu nhiệm cứu chuộc của Ngài, cùng tôn vinh đấng cưu mang Ngài. Vì lẽ đó, kinh Mân Côi là cuốn Tin Mừng rút gọn; lạ lùng thay, với chỉ một vài đối đáp cần thiết, vắn gọn… Thiên Chúa đã bắt đầu một công trình tạo dựng mới, một công trình tạo dựng bên trong nhân loại, giữa nhân loại qua một trinh nữ có tên “Đầy ơn phúc” để cứu sống cả một nhân loại suýt vô phúc đến đời đời. Càng quyền phép, Thiên Chúa càng khiêm tốn; Người hạ mình, ra khỏi mình vì Người là Đấng luôn luôn đi những bước đầu tiên và thông thường là bước cúi xuống. Cảm nhận được điều ấy, Mẹ Maria chỉ biết ấp a ấp úng, “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”; Mẹ đâu biết, chính nhờ quả phúc lòng Mẹ, Mẹ sẽ trở nên ‘nguồn sức sống, nguồn an vui, nguồn hy vọng’ cho tất cả những ai đến với Mẹ và cho cả Hội Thánh; Mẹ là Mẹ của Hội Thánh vì Mẹ có mặt ngay từ buổi đầu khi cùng các tông đồ chờ đợi Thánh Thần như bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay xác nhận.

Cách tốt nhất để chúng ta suy gẫm về quyền năng của kinh Mân Côi là hướng về các thánh; hãy để một vài lời của các thánh, qua các thời, nói với trái tim chúng ta. Thánh Đaminh, “Một ngày nào đó, qua kinh Mân Côi, Đức Mẹ sẽ cứu thế giới”; Thánh Louis de Montfort, “Kinh Mân Côi là kho tàng vô giá; ai đọc mỗi ngày, sẽ không bao giờ lạc lối. Đây là tuyên bố mà tôi sẵn lòng ký bằng máu”; Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX, “Hãy cho tôi một đội quân đọc kinh Mân Côi, tôi sẽ chinh phục thế giới”; Thánh Giáo Hoàng Lêô XIII, “Kinh Mân Côi là phương tiện hữu hiệu để đạt đến sự sống đời đời; là phương thuốc cho mọi tệ nạn, là nguồn cội của mọi phước lành”; Thánh Piô Năm Dấu, “Đức Mẹ không bao giờ từ chối tôi một ơn nào qua việc đọc kinh Mân Côi”; gần gũi chúng ta hơn, Thánh Gioan Phaolô II, “Gia đình đọc kinh Mân Côi mỗi tối, đẹp biết bao; kinh Mân Côi là lời cầu nguyện yêu thích của tôi, một lời cầu nguyện kỳ diệu; tuyệt vời trong sự đơn giản và chiều sâu của nó”…

Ngày xưa, khi đón nhận hạt giống đức tin, ông bà chúng ta không có Lời Chúa, không có sách giáo lý, cũng không có Thánh Lễ mỗi ngày; đời sống đạo của các ngài được nuôi dưỡng chỉ bằng kinh nguyện. Có thể nói, Giáo Hội Việt Nam sống bằng kinh mà vượt qua các thời kỳ, đặc biệt vào thời cấm cách; chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương các thánh tử đạo.

Thống Tướng Douglas MacArthur, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ thập niên 1930, đã để lại một câu nói bất hủ, “In war, there is no substitute for victory”, “Trong chiến tranh, không gì thay được chiến thắng”; vậy mà trong tiểu sử của ông còn có một câu bất hủ hơn, “Tôi là một quân nhân chuyên nghiệp, tôi hãnh diện về điều ấy; nhưng tôi còn hãnh diện hơn rất nhiều vì được làm một người cha và hy vọng của tôi là: Ngày nào đó, khi tôi đã về bên kia thế giới, con tôi vẫn nhớ đến tôi không phải với những chiến công hiển hách ở các chiến trường mà là những hình ảnh ở nhà tôi, khi tôi cùng đọc với nó những lời kinh thường đọc mỗi ngày, Kính mừng Maria đầy ơn phước, Lạy Cha chúng con ở trên trời”.

Ngày kia tôi đến thăm một gia đình. Người chồng thất nghiệp, rượu chè; người vợ tần tảo; hai đứa con trai 10 tuổi và 12 tuổi bỏ bê học hành, la cà các quán net. Sau khi thăm hỏi, tôi nói, “Gia đình anh chị đang đứng trước bờ vực đổ vỡ; anh chị và hai cháu có muốn cứu lấy nó không?”. Cả nhà thưa, “Dạ muốn”. Tôi nói, “Chỉ có Đức Mẹ mới cứu nổi; vậy cha xin gia đình chỉ một điều, mỗi tối quỳ xuống, đọc với nhau 10 kinh Kính Mừng”. Cả gia đình đều quyết tâm. Thế là cứ mỗi tối, đúng 7 giờ, bố ở đâu cũng về, con ngồi đâu cũng về; họ quỳ lần hạt với nhau một chuỗi. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, cha hết uống rượu, có việc làm; con hết vào quán net, chăm ngoan, học giỏi; người mẹ vui mừng khôn tả.

Anh Chị em,

Mẹ Maria là ‘nguồn sức sống, nguồn an vui, nguồn hy vọng’; vì thế, ở đâu kinh Kính Mừng vang lên, ở đó Thiên Chúa rải xuống mưa hồng ân, chuỗi Mân Côi là sợi dây rút, kéo mưa ân huệ từ trời xuống đất, trút lòng thương xót của Chúa xuống lòng con người. Còn chần chờ gì nữa, mỗi chúng ta hãy bắt đầu, mỗi gia đình hãy bắt đầu cầu nguyện với lời kinh đơn sơ này; và như thế, hẳn chúng ta cũng sẽ trải nghiệm được niềm vui Đức Mẹ đã trải nghiệm, niềm vui mà Thánh Vịnh đáp ca hôm nay trào tràn, “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, xin cho con hiểu được sức mạnh của kinh Mân Côi, quà tặng vô giá. Đời con lắm cam go, nhiều thử thách; không ít lận đận lại nhiều long đong; xin Mẹ luôn ở bên con. Khi con lầm lỡ, xin Mẹ thương nâng đỡ; khi con bơ vơ, xin Mẹ thương dìu dắt; khi con khổ đau, xin Mẹ thương ra tay cứu vớt, vì Mẹ là ‘nguồn sức sống, nguồn an vui, nguồn hy vọng’ của con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tiệc cưới và áo cưới
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:46 06/10/2020

TIỆC CƯỚI và ÁO CƯỚI
Chúa Nhật 28 Thường Niên A

Tin mừng Matthêu 21,23-27, kể chuyện Chúa Giêsu tranh luận với giới lãnh đạo Do thái: “Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi ‘Ông lấy quyền nào mà làm các việc ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?’”.

Sau cuộc đối thoại với những kẻ tự bưng tai, che mắt, bịt miệng, Chúa lay tỉnh họ bằng ba dụ ngôn để vạch trần tâm địa của họ và cho họ biết cái gì chờ họ ở cuối con đường họ đang đi.

Dụ ngôn thứ nhất (Mt 21,28-32): suy niệm Chúa Nhật 26.

Dụ ngôn thứ hai (Mt 21,33-46): suy niệm Chúa Nhật 27.

Dụ ngôn thứ ba (Mt 22,1-14): suy niệm Chúa Nhật 28. Dụ ngôn tiệc cưới. Dụ ngôn này có hai mũi dùi: mũi dùi thứ nhất tiếp tục chĩa vào những kẻ được mời trước mà không thèm đến dự (cùng họ với người con thứ hai trong dụ ngôn thứ nhất và bọn tá điền coi vườn nho trong dụ ngôn thứ hai). Mũi dùi thứ hai, một trong những kẻ đầu đường xó chợ đã được vào thế chỗ dự tiệc nhưng lại không mặc áo cưới, chĩa vào những người đã tin, đã gia nhập Hội Thánh nhưng lại không sống đời sống mới. Đó là lời cảnh báo: Hội Thánh không phải là hãng bảo hiểm sinh mạng vô điều kiện, phép rửa không phải bùa hộ mệnh nhưng là khởi đầu một cuộc sống mới, và Hội Thánh là bàn tiệc Nước Trời ngay bây giờ cho những ai muốn thật sự theo Chúa Giêsu, mặc lấy Chúa Kitô nên đồng hình đồng dạng với Người (x.Cl 2-3; Pl 3; Ep 3-6), nhờ Lời Chúa và các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể nuôi dưỡng.(x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Matthêu, Lm Nguyễn Công Đoan. SJ).

1. Tiệc cưới

Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tiệc cưới, vị vua tổ chức cho hoàng tử. Đây là một đại yến tiệc hoàng gia. Khách được mời là cấp hoàng tộc, giới thượng lưu và có địa vị cao trong xã hội. Tuy nhiên, những vị khách quý này đã tỏ ra khinh thường và hung bạo đối với các sứ giả nhà vua. Không những họ từ chối lời mời, mà còn nhục mạ và sát hại những người được vua phái đến. Vua tức giận trừng phạt những con người hung ác kia và cho gia nhân ra các ngả đường mời bất cứ ai, bất luận tốt xấu, đến dự tiệc và phòng tiệc chật ních khách mời. Qua dụ ngôn Tiệc Cưới, Chúa Giêsu tỏ rõ cho người Do thái biết rằng, họ chính là dân tộc được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, là khách mời đặc biệt của bữa tiệc Nước Trời. Nhưng khi Chúa Giêsu đến, loan báo ngày mở tiệc và mời gọi họ, thì họ lại khước từ. Vì thế, Israel đã được thay thế bằng các dân tộc khác, kể cả những người ngoại giáo và tội lỗi. Bữa tiệc được mở rộng đến mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới.

Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính thời sự. Những người từ chối dự tiệc cưới đã viện dẫn nhiều lý do chỉ vì họ không muốn đến. Thời nay, những người tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Thiên Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai… nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu… nhiều người đã bỏ lễ Chúa nhật. Có người nhân danh đạo tại tâm để từ chối dự lễ Chúa nhật. Có người viện lý do ghét người này người nọ để từ chối việc đến nhà thờ. Bên cạnh những người bỏ đạo còn có những người lấp lửng nửa vời. Họ nại vào lý do “có thực mới vực được đạo”. Họ không đi lễ vì phải lo kế sinh nhai, cơm áo gạo tiền. Khi rãnh mới đi lễ… Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh hoạt xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự thánh lễ. Người ta nại đến nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khó khăn để từ chối gặp gỡ, đón nhận Chúa qua anh chị em chung quanh, khước từ sống giới răn yêu thương của Chúa.

Thánh lễ chính là Tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa thết đãi cho chúng ta hưởng nếm trước hạnh phúc, vinh quang và sự sống thần linh. Mọi sinh hoạt Kitô giáo đều bắt nguồn và đặt nền nơi Thánh lễ ngày Chúa Nhật.Tham dự Thánh lễ Chúa Nhật là một bằng chứng trung thành với Chúa Kitô và với Hội Thánh, đồng thời các tín hữu hiệp thông với nhau trong tin yêu, nâng đỡ và khuyến khích nhau. Thu xếp công việc, dành ưu tiên cho Chúa, hân hoan dự bàn tiệc Thánh Thể. Khi đã vui hưởng Tiệc Thánh, mỗi người sẽ thêm nghị lực, thêm niềm tin, thêm tình yêu.

Tham dự Thánh lễ là bổn phận trước tiên và chủ yếu để thánh hóa ngày của Chúa, người tín hữu dành Chúa nhật cho những việc hữu ích và cần thiết khác theo ý muốn của Chúa. "Chúa Nhật và các lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự Thánh lễ; lại nữa, phải kiêng những việc làm, và những hoạt động làm cản trở việc thờ phượng Thiên Chúa, niềm vui riêng trong ngày của Chúa, hoặc việc nghỉ ngơi tinh thần và thể xác cần phải có" (GL 1247). Thời giờ ngày Chúa Nhật cũng có mục đích dành để sống với gia đình, trau đổi văn hóa nghệ thuật cũng như đạo đức, và để thăm viếng bạn bè, nhất là đến với những bệnh nhân, tàn tật, già yếu, cô đơn. "Mỗi người cần được hưởng đầy đủ sự nghỉ ngơi và thời giờ nhàn rỗi, để sống đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo" (MV 67).

2. Áo cưới

Đỉnh cao của dụ ngôn chính là vấn đề “y phục lễ cưới”. Ý nghĩa đạo đức hay luân lý của hình ảnh “y phục lễ cưới”: trách nhiệm luân lý, lương tâm ngay thẳng, những việc đạo đức và bác ái… Muốn tham dự tiệc cưới, vào bàn tiệc chưa đủ mà còn phải mặc y phục cho thích hợp. Y phục đó tượng trưng cung cách sống đạo, trang phục bằng những đức tính và tinh thần của Ðức Kitô. Là người Kitô hữu, cần sống cho xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu mới được vào Nước Trời. Ân sủng không chỉ là một quà tặng mà còn là một trách nhiệm phải chu toàn.

Chiếc áo cưới vào dự tiệc Nước Trời chính là ơn Thánh Tẩy của Bí tích Rửa Tội. Ngày chịu phép rửa tội, tất cả mọi Kitô hữu được nhắn nhủ: "Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Ðức Ktiô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh."

Mỗi một Kitô hữu đều có một bộ y phục lễ cưới, đó là chiếc áo trắng ngày chịu phép Rửa tội. Chiếc áo trắng ấy là tâm hồn thanh khiết của những người con Chúa đã được tẩy trắng trong máu Con Chiên. Chiếc áo trắng ấy được dệt bằng sợi tơ Lời Chúa mà người tín hữu phải nâng niu, gìn giữ suốt cuộc đời. Chiếc áo trắng ấy phải tinh tuyền cho đến ngày bước vào dự tiệc cưới trong Nước Trời.

Có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra, vì không mang y phục lễ cưới. Có người theo đạo mà vẫn không được vào Nước Trời vì họ đánh mất chiếc áo trắng ngày Rửa tội. Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại, thì chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật.

Khi đến nhà thờ dâng thánh lễ ngày Chúa nhật, các Kitô hữu mặc y phục đẹp nhất của mình, chứng tỏ lòng kính trọng Thiên Chúa, tôn trọng anh chị trong cộng đoàn, và biểu lộ sự tự trọng với bản thân mình. Mỗi lần tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng phải mặc lấy y phục phẩm hạnh của bàn tiệc mà Chúa Giêsu đòi hỏi, đó là y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa. Chiếc áo cưới của Kitô hữu không được dệt bằng lụa là gấm vóc, không được mua từ hàng hiệu đắt tiền nhưng chính là lòng khiêm hạ, lòng tin cậy mến Chúa, lòng mến đối với mọi người.

Từ Bàn Tiệc Thánh Thể hàng ngày, chúng ta sẵn sàng cho mình “y phục lễ cưới” để vào dự Tiệc Cưới Nước Trời. Trước khi được dự tiệc cánh chung, bữa tiệc Thiên quốc, mỗi ngày Chúa cho chúng ta được hưởng nếm tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể. Nơi đó, không những Chúa trao ban Lời Ngài, mà còn ban chính Thịt Máu Ngài để nuôi sống chúng ta. Qua bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta được qui tụ lại trong tình hiệp nhất yêu thương. Hãy đến với Chúa Thánh Thể để được lãnh nhận lương thực thiêng liêng cho tâm hồn mỗi ngày, miễn là chúng ta biết cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Hãy gìn giữ chiếc áo trắng tinh tuyền ngày chịu phép Thánh Tẩy, “chiếc áo cưới” tượng trưng cho tâm hồn trong sạch giúp chúng ta xứng đáng được Thiên Chúa đón nhận vào dự tiệc Nước Trời mai sau.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giám Mục giáo phận Grand Island: Phá thai là tấn công trực tiếp nhất vào sự sống
Đặng Tự Do
05:16 06/10/2020


Đức Cha Joseph Hanefeldt, Giám Mục Grand Island đã viết hôm thứ Năm rằng: “Trong cuộc sống con người, có những tấn kích lúc này lúc khác từ khi được thụ thai đến khi chết. Tuy nhiên, phá thai là cuộc tấn công bạo lực trực tiếp nhất vào cuộc sống.”

“Phá thai là một cuộc tấn công trực tiếp vào cuộc sống con người, và tính thường hằng của nó trong nền văn hóa của chúng ta đang hủy hoại xã hội của chúng ta. Đáng buồn thay là trắc nghiệm có tính quyết định đối với một ứng viên cho một chức vụ công quyền ở đất nước này hiện được xác định bởi quan điểm của họ đối với việc phá thai. Bất cứ ai cản trở quyền tiếp cận phá thai vô giới hạn và vô phương kiểm soát bằng tiền đóng thuế của người dân hiện đang bị bịt miệng và đàn áp một cách có hệ thống,” Đức Cha Joseph Hanefeldt viết như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 1 tháng 10 nhân “Tháng Tôn trọng Sự sống”.

Đức Cha nhận xét rằng chương trình nghị sự của một đảng phái chính trị có thể có nhiều vấn đề đáng được chúng ta quan tâm và ủng hộ, nhưng nếu họ ủng hộ phá thai thì chúng ta không thể ủng hộ họ vì phá thai tấn công trực tiếp vào chính sự sống con người. “Phá thai theo yêu cầu đã là một tội ác nghiêm trọng trong nền văn hóa của chúng ta kể từ khi nó được hợp pháp hóa vào năm 1973. Hỗ trợ những người đấu tranh cho quyền phá thai là mở cửa một cách mù quáng cho việc thúc đẩy cuộc đàn áp tôn giáo lan rộng.”

“Có những người dành ưu tiên cho phá thai không giới hạn, không kiểm soát, từ tiền đóng thuế của người dân… Hỗ trợ những người như thế vì đồng ý với họ trên các vấn đề khác là bỏ qua khuyết điểm sâu sắc nhất trong tính cách đạo đức của họ. Họ cố ý chống lại quyền chủ tể của Thiên Chúa là Chúa và là Đấng ban sự sống,” Đức Cha Hanefeldt dạy.

“Có những người Công Giáo vỗ ngực xưng mình thành viên 'sùng đạo' của Giáo hội, lại làm mọi thứ có thể được để duy trì tệ nạn phá thai và ủng hộ những người hô hào phá thai, thì đó là loại đạo đức liêm chính nào đây? Ưu tiên tối thượng là quyền được sống ngay từ khi được thụ thai cho đến cái chết tự nhiên là điều không bao giờ có thể nhượng bộ.”

Giáo hội ở Hoa Kỳ coi tháng 10 là Tháng Tôn trọng Sự sống, nêu bật lời dạy của Thánh Gioan Phaolô II trong thông điệp Evangelium Vitae được công bố năm 1995 về giá trị và sự bất khả xâm phạm của cuộc sống con người.

Đức Cha Hanefeldt đưa ra tuyên bố của ngài dường như để đáp lại tuyên bố của nữ tu Campbell. Bà nữ tu Campbell đã lên tiếng chống lại việc đề cử Thẩm Phán Công Giáo Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện. Bà nữ tu cho rằng: “Barrett được đề cử do một động cơ duy nhất là để lật ngược phán quyết phá thai Roe kiện Wade” được Tối Cao Pháp Viện đưa ra vào năm 1973 nhằm hợp pháp hóa hành động phá thai, mà bà nữ tu này cho rằng đó là một “nhân quyền liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ”.

Nữ tu Campbell là người rất tinh quái. Bà thường lôi kéo Đức Giáo Hoàng về phe với mình gây ngộ nhận đối với huấn quyền Hội Thánh. Campbell nói rằng “Là một nữ tu Công Giáo luôn cố gắng nghe theo các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi không thể ủng hộ việc đề cử Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện”.


Source:Catholic News Agency
 
Hiệu trưởng Đại Học Notre Dame xét nghiệm dương tính với COVID-19
Đặng Tự Do
05:17 06/10/2020

Cha John Jenkins, hiệu trưởng của Đại học Notre Dame, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus, trường đại học cho biết trong một email gửi sinh viên vào ngày 2 tháng 10.

Cha Jenkins đã tự nguyện tự cách ly bản thân kể từ khi tham dự buổi lễ đề cử Amy Coney Barrett, một giáo sư luật Notre Dame vào Tối Cao Pháp Viện, được tổ chức tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, hôm 26 tháng 9.

Theo email mà CNA có được, một trong những đồng nghiệp của Cha Jenkins mà anh thường xuyên tiếp xúc đã cho kết quả dương tính với COVID-19. Cha Jenkins sau đó đã được kiểm tra và cũng nhận được kết quả dương tính.

Cha Jenkins cho biết các triệu chứng của ngài là “nhẹ” và dự định tiếp tục làm việc tại nhà. Một phát ngôn viên của trường đại học từ chối bình luận thêm.

Cha Jenkins cho biết trong email : “Kết quả xét nghiệm dương tính là một lời nhắc nhở tốt cho tôi và có lẽ cho tất cả mọi người về việc chúng ta cần phải cảnh giác như thế nào”.

Một video clip được C-SPAN đưa tin về sự kiện đề cử tại Tòa Bạch Ốc, được lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy Cha Jenkins không đeo khẩu trang y tế bắt tay và nói chuyện gần gũi với những người tham dự.

Cha Jenkins cho biết trong một email vào tuần trước rằng khi đến Tòa Bạch Ốc, Cha và các vị khách khác đã trải qua một cuộc kiểm tra COVID-19 nhanh chóng và khi tất cả họ đều có kết quả âm tính, họ được thông báo rằng có thể an toàn để tháo khẩu trang của mình, NBC Chicago đưa tin.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere hôm thứ Sáu cho biết Thẩm phán Barrett đã xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Notre Dame là một trong những trường đại học lớn đầu tiên mở cửa trở lại để hướng dẫn trực tiếp cho học kỳ mùa Thu năm 2020, với các giao thức làm sạch và kiểm tra coronavirus cho tất cả sinh viên. Trường đại học đã khuyến khích sinh viên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 6 feet, và giới hạn 20 sinh viên tụ tập ở ngoài trời.

Vào cuối tháng 8, chưa đầy hai tuần sau khi bắt đầu học kỳ, trường đại học đã thông báo gián đoạn hai tuần giảng dạy trực tiếp trên lớp, trong bối cảnh ngày càng có nhiều ca nhiễm COVID-19 trong khuôn viên trường.

Vào thời điểm đó, trường đại học đã ghi nhận hơn 300 ca nhiễm coronavirus trong khuôn viên trường. Các lớp học trực tiếp đã tái tục vào ngày 2 tháng 9.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Timothy Dolan nói: Barrett là ứng cử viên sáng giá nhất cho ghế Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện
Đặng Tự Do
16:31 06/10/2020


Đức Hồng Y Timothy Dolan của Tổng giáo phận New York đã gọi Thẩm phán Amy Coney Barrett là “ứng cử viên sáng giá nhất” cho chiếc ghế trống của Tối Cao Pháp Viện, và nói rằng bà, giống như những người Công Giáo đã được đề cử, đang phải đối mặt với những thành kiến do giới tính, gia đình và đức tin của bà.

Phát biểu trên chương trình Sirius XM “Trò chuyện với Hồng Y Dolan” trên Kênh Công Giáo ngày 29 tháng 9, Đức Hồng Y Dolan ca ngợi Barrett, một bà mẹ 7 con và là giáo sư tại Khoa Luật Notre Đại Học Dame trước khi cô được bổ nhiệm vào Tòa phúc thẩm thứ 7, như một người “ người coi trọng đức tin của mình”. Nhưng, Đức Hồng Y Dolan nói, đó không phải là lý do tại sao cô ấy được đề cử vào Tòa án Tối cao.

“Tôi nghĩ cô ấy được đề cử bởi vì cô ấy là ứng viên tốt nhất,” về phương diện trí thông minh và khả năng am hiểu pháp luật.

Barrett được Tổng thống Donald Trump đề cử vào ngày 26 tháng 9 để lấp chỗ trống của Tòa án Tối cao khi Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg qua đời vào ngày 18 tháng 9.

Đức Hồng Y Dolan nói rằng mặc dù ngài chưa bao giờ gặp riêng Barrett, nhưng “cô ấy nhận được những đánh giá rất tốt từ những người từng biết cô ấy”.

Đức Hồng Y Dolan nhấn mạnh rằng ngay cả những người có thể không đồng ý với triết lý tư pháp của cô cũng nói rằng cô là “một người phụ nữ liêm chính, mạnh mẽ và độc lập.”

“Tất cả họ đều say mê về tính cách của cô ấy. Trong suy nghĩ của tôi, đó là điều quan trọng nhất”, ngài nói.

Đức Hồng Y Dolan cũng nồng nhiệt ca ngợi Ginsburg, và so sánh bà với Barrett như những người phụ nữ có đức tin.

“Điều tôi ngưỡng mộ là trong những lời ca ngợi dành cho Ruth Bader Ginsberg, có rất nhiều bài báo nói về đức tin Do Thái sâu sắc của bà ấy và cách bà ấy không ngại nói rằng các giá trị từ đức tin Do Thái Giáo của bà đã ảnh hưởng đến cách bà ấy sống và cách bà ấy phán xét.”

Vị Hồng Y kể lại một câu chuyện rằng Ginsburg “luôn luôn nói rằng bà ấy phải đối mặt với ba thành kiến; một người phụ nữ, một người mẹ, và một người Do Thái,” và nói rằng Barrett sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự.

“Thẩm phán Barrett đang phải đối mặt với các thành kiến chống phụ nữ, người mẹ và người Công Giáo,” ngài nói.

Nếu Barrett được xác nhận cho chức vụ Thẩm Phán tại Tòa án Tối cao, cô ấy sẽ là người phụ nữ đầu tiên có mặt tại tòa trong khi con cái còn đang tuổi đi học. Con út của cô, Benjamin, mới tám tuổi


Source:Catholic News Agency
 
Biden tỏ ra táo tợn hơn đối với phá thai. Di sản tai hại của McCarrick
Đặng Tự Do
16:42 06/10/2020
Cựu phó tổng thống Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, đã lặp lại cam kết của mình về việc hệ thống hóa quyền phá thai vào luật liên bang nếu phán quyết Roe chống Wade năm 1973 bị Tối Cao Pháp Viện lật lại.

Phát biểu tại một sự kiện ngoài trời ở tòa thị chính Miami, được phát sóng trên NBC hôm thứ Hai, Biden được hỏi rằng ông ta sẽ làm gì để bảo vệ “quyền sức khỏe sinh sản” nếu Thẩm phán Amy Coney Barrett được xác nhận vào Tòa án Tối cao.

“Thứ nhất, chúng ta không biết chính xác [Barrett] sẽ làm gì, mặc dù kỳ vọng là cô ấy rất có thể đi đến mức lật lại phán quyết Roe, và điều duy nhất - phản ứng có trách nhiệm duy nhất đối với điều đó là thông qua dự luật nhằm hệ thống hóa phán quyết này thành luật pháp của đất nước. Đó là những gì tôi sẽ làm.”

Sau nhiều thập kỷ dè dặt về phá thai không hạn chế và phán quyết Roe kiện Wade, là điều mà ban đầu cho rằng đã đi “quá xa”, Biden đã cam kết trong cuộc tranh cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2019 là hệ thống hóa toàn bộ phán quyết này thành luật liên bang. Biden còn đi xa đến độ chủ trương bãi bỏ mọi hạn chế liên quan đến thai kỳ. Cụ thể, phụ nữ có thể phá thai cho đến tận lúc lâm bồn. Quyền sống của những đứa trẻ sống sót sau khi phá thai cũng bị bác bỏ. Ngoài ra, trẻ vị thành niên có thể phá thai không cần có ý kiến của phụ huynh. Đó là những nét chính trong một thứ luật phá thai cực đoan nhất thế giới.

Philip Lawler, giám đốc Catholic World News cho rằng Biden dám táo tợn và quyết liệt như thế đối với vấn đề phá thai là do có một sự chia rẽ sâu rộng trong cách hành xử của các Giám Mục Hoa Kỳ đối với việc áp dụng kỷ cương của Giáo Hội. McCarrick đóng một vai trò quan trọng trong sự chia rẽ này.

Ông viết như sau:

Cuộc tranh luận về việc liệu các chính trị gia ủng hộ việc phá thai có nên bị cấm rước lễ, vốn đã sôi nổi ở Mỹ trong nhiều năm, đã trở nên rất sôi nổi vào năm 2004, khi Đảng Dân chủ đề cử Thượng nghị sĩ John Kerry, một người Công Giáo có thành tích ủng hộ triệt để việc hợp pháp hóa phá thai, ra tranh cử tổng thống. Trước sự chia rẽ của các giám mục nổi bật, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã thành lập một ủy ban để giải quyết vấn đề này, và giao cho McCarrick, lúc đó còn là một Hồng Y – bây giờ ông ta chỉ là một giáo dân bình thường – làm chủ tịch.

Ủy ban McCarrick đã tìm kiếm lời khuyên từ Vatican, và nhận được câu trả lời từ Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc bấy giờ là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Tuy nhiên, McCarrick không bao giờ tự nguyện tiết lộ nội dung bức thư của Đức Hồng Y Ratzinger.

Khi các giám mục Hoa Kỳ tập trung tại Denver trong cuộc họp thường niên của các ngài, McCarrick báo cáo rằng mặc dù ủy ban của ông chưa sẵn sàng đưa ra một báo cáo cuối cùng — và sẽ không sẵn sàng cho đến sau cuộc bầu cử tháng 11 — ông cho rằng từ chối không cho ai đó được rước lễ là một điều không “khôn ngoan và thận trọng về mặt mục vụ”, bởi vì nó có thể “khiến người ta cảm nhận Bí tích Thánh Thể như một tài nguyên đấu tranh chính trị”.

Khi đưa ra nhận định tinh ranh quỷ quái đến mức làm một người bình thường hết hồn khi nghe như thế, McCarrick tuyên bố rằng ông ta có sự hỗ trợ của Đức Hồng Y Ratzinger. Ông ta thừa nhận rằng Đức Hồng Y Ratzinger “nhận ra rằng có những trường hợp mà việc rước lễ có thể bị từ chối”. Nhưng ông tuyên bố rằng các quan chức Vatican “rõ ràng để lại cho chúng ta với tư cách là thầy dạy, mục tử và các nhà lãnh đạo liệu có nên theo đuổi con đường này hay không”. Tất cả những điều McCarrick tuyên bố đều hoàn toàn sai sự thật.

Sau khi nghe báo cáo của McCarrick, các giám mục có mặt đã chuyển sang xem xét việc đưa ra một tuyên bố chung về năm bầu cử có tựa đề “Người Công Giáo trong Đời sống Chính trị”. Bất chấp khuyến nghị của ủy ban McCarrick, toàn thể các giám mục không chống lại việc từ chối rước lễ đối với những người ủng hộ phá thai. Thay vào đó, các giám mục quyết định rằng “các quyết định như vậy thuộc về cá nhân các giám mục phù hợp với các nguyên tắc giáo luật và mục vụ đã được thiết lập. Các giám mục có thể đưa ra các phán quyết khác nhau một cách hợp pháp về tiến trình thận trọng nhất của hoạt động mục vụ”.

Mặc dù toàn thể hội nghị không chấp thuận đề nghị của ủy ban McCarrick, nhưng báo cáo từ ủy ban đó vẫn được đăng trên trang web của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Bức thư của Đức Hồng Y Ratzinger không được đăng. McCarrick giải thích rằng Đức Hồng Y Ratzinger đã yêu cầu giữ bí mật bức thư của ngài. Điều đó cũng hoàn toàn sai.

Hai tuần sau cuộc họp của các giám mục Hoa Kỳ, một nhà báo kỳ cựu của Vatican, Sandro Magister của tờ L'Espresso, đã đăng toàn văn bức thư của Đức Hồng Y Ratzinger. Nội dung của bức thư đó, theo nhận xét của tờ London Daily Telegraph, đã khiến “Hồng Y McCarrick vô cùng xấu hổ”. Vị Giáo hoàng tương lai đã không nói những gì McCarrick tuyên bố là ngài đã nói. Tuy nhiên, tờ báo cấp tiến của Anh là tờ The Tablet đã chữa thẹn cho McCarrick bằng hàng tít giật gân: “Các giám mục Hoa Kỳ đã quyết định không tuân theo các hướng dẫn của Vatican về việc không cho các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ”.

Trên thực tế, Đức Hồng Y Ratzinger đã viết, nếu một người Công Giáo là người khét tiếng ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai, và kiên trì ủng hộ điều đó bất chấp những lời khuyên nhủ riêng từ giám mục của mình, thì khi người ấy lên rước lễ, “thừa tác viên Thánh thể phải từ chối phân phát Mình Thánh Chúa”.

Nếu các giám mục Hoa Kỳ được nghe Đức Hồng Y Ratzinger trình bày lập luận đó - một lập luận ủng hộ mạnh mẽ lập trường đã được đưa ra bởi Đức Tổng Giám Mục Raymond Burke của St. Louis và Đức Giám Mục Fabian Bruskewitz của Lincoln - thì liệu các ngài có áp dụng một đường lối mạnh mẽ hơn không? Chúng ta sẽ không bao giờ biết được, do tài thao túng đặc trưng của Theodore McCarrick.


Source:Catholic News Agency
 
Khí phách anh hùng của Giám Mục Trung Quốc: Toàn văn thư từ chức của Giám Mục Vinh Sơn Quách Hy Cẩm
Đặng Tự Do
17:38 06/10/2020
Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦) sinh năm 1958, được thụ phong linh mục trong Giáo Hội Thầm Lặng vào năm 1984. Ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm Giám Mục Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), và được tấn phong Giám Mục vào ngày 28 tháng 12 năm 2008.

Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm là một trong những “nạn nhân” đầu tiên của thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican, trong đó chuyển đổi giáo phận Mân Đông thành một loại “dự án thí điểm” cho việc thực hiện các hiệp định.

Sau khi thỏa thuận đạt được và giám mục quốc doanh Vinh Sơn Chiêm Tư Lộc (Zhan Si-lu - 詹思祿) được tha vạ tuyệt thông, theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Cha Quách Hy Cẩm đã đồng ý chịu bị giáng chức xuống thành Giám Mục Phụ Tá để nhường vị trí bản quyền cho Chiêm Tư Lộc.

Tuy nhiên, Đức Cha Quách Hy Cẩm, chưa bao giờ ghi danh làm thành viên của Giáo hội quốc doanh, và do đó, ngài không được bọn cầm quyền công nhận.

Đầu năm nay, cụ thể là hôm 15 tháng Giêng, trong cố gắng khủng bố để buộc ngài phải gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước, bọn cầm quyền Trung Quốc ra lệnh cho ngài phải ra khỏi tòa Giám Mục vì lý do “tòa nhà không bảo đảm an toàn cháy nổ”. Ngài lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải ngủ trên ngưỡng cửa của Tòa Giám Mục và trước cửa các nhà xứ ở thành phố Lạc Giang (Luojiang - 罗江区), sau khi có lệnh trục xuất ngài và các linh mục làm việc cũng như sống chung với ngài. Bất kể phải lang thang đầu đường xó chợ, Đức Cha nhất quyết không gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước.

Sau khi có các tin tức cho thấy Tòa Thánh sẽ tiếp tục gia hạn hiệp định với bọn cầm quyền Bắc Kinh, Đức Cha Quách Hy Cẩm đã quyết định từ chức như một hình thức phản kháng. Ngài công bố quyết định này cho anh chị em giáo dân biết vào tối Chúa Nhật 4 tháng 10.

Dưới đây là toàn văn lá thư của ngài được công bố trên Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại.

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Xin ân sủng Chúa đổ đầy trong tâm hồn anh chị em

Anh chị em rất thân mến,

Vào lúc này, trước hết, tôi cầu xin anh chị em tha thứ cho tôi: tối nay tôi muốn dành một chút thời gian để chia sẻ với anh chị em những gì đã xảy ra gần đây và tình hình cá nhân của tôi. Tuy nhiên, những sự kiện này cũng có thể liên quan đến anh chị em, vì chúng liên quan đến Giáo hội ở Trung Quốc hay nói cách khác là liên quan trực tiếp đến tình hình trong giáo phận của chúng ta. Tất cả những điều này có lẽ là dấu hiệu của một kỷ nguyên mới, một trang mới cho Giáo hội. Trong một thời điểm lịch sử phi thường như vậy, chúng ta cần những con người có tài năng, trí tuệ, đức độ và tri thức lớn để có thể theo kịp thời đại này, hoặc thậm chí đi trước các bước của thời đại bằng cách hướng dẫn nó. Tôi là một người bất tài, cái đầu của tôi bây giờ là một khoảng trống không thể thay đổi với một xã hội đang đổi thay, một mục tử sinh ra ở một làng quê nghèo không có tài, không có đức, không có trí, không có năng khiếu, không có kiến thức. Đối mặt với thời đại thay đổi quá nhanh này, tôi cảm thấy gần như không có khả năng. Tôi cảm ơn Chúa đã soi sáng cho tôi bằng cách cho tôi hiểu rằng tôi không còn có thể theo kịp thời đại này nữa. Tuy nhiên, tôi không muốn trở thành một trở ngại cho sự tiến bộ. Đây là lý do tại sao tôi đã quyết định từ chức bằng cách nộp đơn từ chức lên Tòa Thánh.

Do đó tôi đã quyết định:

Thứ nhất: Không tham dự bất kỳ sự kiện công cộng nào bắt đầu từ ngày mai. Đêm nay sẽ là thánh lễ công cộng cuối cùng mà tôi chủ sự: từ ngày mai tôi chỉ làm thánh lễ riêng (tức là không có sự tham dự của các tín hữu), các tín hữu có thể lãnh nhận các bí tích và tham dự thánh lễ tại nhà thờ gần đó. Trong lễ trọng của Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, tôi đã quy định rằng các bí tích do các linh mục ban (dù họ có ký tên [tham gia Hội Công Giáo Yêu Nước] hay không) đều hợp pháp.

Thứ hai: Từ bỏ mọi công vụ hành chính của giáo phận để tập trung vào việc cầu nguyện, và nhu cầu xưng tội liên quan đến các vấn đề lương tâm cá nhân, mọi công việc khác xin liên hệ với mục tử của anh chị em hoặc trực tiếp đến Ninh Đức để trình bày với Giám mục Chiêm Tư Lộc.

Thứ ba: Về việc sử dụng những dâng cúng nhận được, năm ngoái đã có rất nhiều người quan tâm. Tôi có thể nói rõ với anh chị em rằng mỗi xu được dâng tặng phải được chuyển đến giáo phận (đây là phong tục và quy tắc được thiết lập bởi giáo phận của chúng ta cách đây 30, 40 năm); hơn nữa, chính Giám mục Chiêm là người quản lý việc này cùng với các linh mục của mình. Tôi đã quyết định từ bỏ mọi quyền kiểm soát vấn đề này, vì tôi không đủ khả năng và cũng không xứng đáng để giữ chức vụ giám sát này: anh chị em không cần phải giao các dâng cúng cho tôi, vì vậy bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ từ chối nhận tất cả các dâng tặng. Anh chị em có thể giao những dâng cúng của mình cho mục tử hoặc người mà anh chị em tin tưởng.

Thứ tư: Các tín hữu của tôi, anh chị em phải nhớ rằng đức tin của anh chị em phải được đặt nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi con người

Con người có thể thay đổi, nhưng Chúa thì không

Lời khuyên cuối cùng của tôi: trong bất kỳ hoàn cảnh hay thay đổi nào, anh chị em không bao giờ được quên Chúa, đừng bỏ qua các điều răn của Chúa, đừng làm tổn hại đến sự trung trực của đức tin, đừng trì hoãn ơn cứu rỗi các linh hồn là điều quan trọng nhất.

Khi tôi chuẩn bị rời chức vụ của mình, tôi xin anh chị em tha thứ cho tôi vì sự yếu đuối và bất lực của tôi, đặc biệt là những tội lỗi tôi đã gây ra đối với anh chị em trong thời gian làm việc của tôi! Xin Chúa nhân từ luôn ở với anh chị em, cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời anh chị em!

Mục tử bất tài của anh chị em Vinh Sơn Quách Hy Cẩm

Tối Chúa Nhật ngày 4 tháng 10 năm 2020
 
Toàn văn Thông điệp ‘Fratelli Tutti’
Vũ Văn An
17:50 06/10/2020

Toàn văn Thông điệp ‘Fratelli Tutti’
của Đức Phanxicô
Về Tình Huynh Đệ và Tình Hữu Nghị Xã hội




“FRATELLI TUTTI” (Tất cả là anh em)[1]. Với những lời này, Thánh Phanxicô Assisi đã ngỏ lời với anh chị em của ngài và đề nghị với họ một lối sống mang đậm hương vị Tin Mừng. Trong số những lời khuyên được Thánh Phanxicô đưa ra, tôi muốn chọn lời khuyên trong đó ngài kêu gọi phải có một tình yêu vượt qua các rào cản địa lý và khoảng cách, và tuyên bố là có phúc tất cả những ai yêu thương anh em mình “khi xa cách họ cũng nhiều như khi ở bên cạnh họ” [2]. Theo cách đơn giản và trực tiếp của ngài, Thánh Phanxicô đã diễn tả bản chất của tính cởi mở huynh đệ, một tính cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá cao và yêu thương mỗi người, bất kể sự gần gũi thể lý, bất kể người đó sinh ra hay sống ở đâu.

2. Vị thánh của tình yêu huynh đệ, của sự giản dị và vui tươi này, người đã truyền cảm hứng cho tôi viết Thông điệp Laudato Si’, một lần nữa thúc giục tôi dành Thông điệp mới này cho tình huynh đệ và tình hữu nghị xã hội. Thánh Phanxicô cảm thấy mình là anh em với mặt trời, với biển cả và gió lộng, nhưng ngài biết ngài thậm chí còn gần gũi hơn với những người cùng xương cùng thịt với mình. Bất cứ đi đâu, ngài cũng gieo những hạt giống hòa bình và đi bên cạnh những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người ốm yếu và bị ruồng bỏ, những anh chị em nhỏ bé nhất của ngài.

KHÔNG BIÊN GIỚI

3. Có một tình tiết trong cuộc đời của Thánh Phanxicô cho thấy tính cởi mở trong tấm lòng của ngài, một tấm lòng không có biên giới và vượt quá những khác biệt về nguồn gốc, quốc tịch, màu da hay tôn giáo. Đó là chuyến ngài đến thăm Sultan Malik-el-Kamil, ở Ai Cập, một chuyến viếng thăm ngụ hàm nhiều gian khổ đáng kể, vì cảnh nghèo của Thánh Phanxicô, nguồn tài nguyên hiếm hoi của ngài, khoảng cách xa xôi phải đi và các khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Cuộc hành trình này, được thực hiện vào thời điểm diễn ra các cuộc Thập tự chinh, càng cho thấy rõ hơn chiều rộng và sự vĩ đại của tình yêu nơi ngài, luôn tìm cách bao trùm mọi người. Lòng trung thành của Thánh Phanxicô đối với Chúa của ngài đồng cân lượng với tình yêu của ngài dành cho anh chị em của mình. Không quan ngại đối với những gian khổ và nguy hiểm liên hệ, Thánh Phanxicô đến gặp Sultan với cùng một thái độ mà ngài vốn truyền thụ cho các môn đệ của ngài: nếu họ thấy mình “giữa những người Saracens và những người không tin khác”, thì, tuy không từ bỏ căn tính của mình nhưng họ không được “dấn thân vào những cuộc tranh luận hoặc tranh cãi, nhưng phải tùy theo mọi tạo vật nhân bản vì danh Chúa” [3]. Trong bối cảnh thời đại, đây quả là một khuyến cáo phi thường. Chúng ta rất có ấn tượng khi cách nay tám trăm năm, Thánh Phanxicô đã thúc giục phải tránh xa mọi hình thức thù địch hoặc xung đột và phải biểu lộ một “sự tuân phục” đầy khiêm tốn và huynh đệ với những người không cùng một đức tin với ngài.

4. Thánh Phanxicô không gây chiến bằng những lời lẽ nhằm áp đặt các học thuyết; ngài chỉ đơn giản truyền bá tình yêu của Thiên Chúa. Ngài hiểu rằng “Thiên Chúa là tình yêu và những ai ở trong tình yêu thì cũng ở trong Thiên Chúa” (1Ga 4:16). Bằng cách này, ngài đã trở thành một người cha của mọi người và truyền cảm hứng cho viễn kiến về một xã hội huynh đệ. Thật vậy, “chỉ người nào tiếp cận người khác, không vì mục đích lôi kéo họ vào cuộc sống của mình, nhưng để giúp họ trở nên hoàn toàn là chính họ hơn, mới thực sự được gọi là người cha” [4]. Trong thế giới thời đó, với đầy rẫy những tháp canh và tường phòng thủ, các thành phố là nơi diễn ra các cuộc chiến tàn khốc giữa các gia đình quyền thế, ngay khi nghèo đói đang lan tràn khắp vùng nông thôn. Tuy nhiên, lúc đó, Thánh Phanxicô đã có thể chào đón sự bình an đích thực trong lòng mình và tự giải phóng bản thân khỏi khao khát vận dụng quyền lực trên người khác. Ngài trở thành một trong những người nghèo và tìm cách sống hòa hợp với mọi người. Thánh Phanxicô đã truyền cảm hứng cho những trang của thông điệp này.

5. Các vấn đề về tình huynh đệ nhân bản và tình hữu nghị xã hội luôn là mối quan tâm của tôi. Trong những năm gần đây, tôi đã nói về chúng nhiều lần và trong các khung cảnh khác nhau. Trong Thông điệp này, tôi tìm cách tập hợp các tuyên bố đó lại với nhau và định vị chúng trong một bối cảnh suy tư rộng hơn. Trong quá trình chuẩn bị Laudato Si’, tôi đã lấy nguồn cảm hứng từ người anh em của tôi, Bartholomew, Thượng phụ Chính thống giáo, người đã mạnh mẽ lên tiếng về sự cần thiết của chúng ta phải chăm sóc sáng thế. Dịp này đây, tôi cảm thấy được sự khích lệ đặc biệt của Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb, người mà tôi đã gặp ở Abu Dhabi, nơi chúng tôi tuyên bố rằng “Thiên Chúa đã tạo dựng mọi hửu thể nhân bản bình đẳng nhau về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em một nhà” [5]. Đây không phải là một cử chỉ chỉ có tính ngoại giao đơn thuần, nhưng là một suy tư phát sinh từ đối thoại và cam kết chung. Thông điệp này tiếp thu và khai triển một số chủ đề lớn được nêu ra trong Văn kiện mà cả hai chúng tôi đã ký kết. Tôi cũng đã kết hợp, cùng với những suy nghĩ của riêng mình, một số thư từ, tài liệu và những xem xét mà tôi đã nhận được từ nhiều cá nhân và nhóm trên khắp thế giới.

6. Các trang sau đây không cho là đã đưa ra một giáo huấn hoàn chỉnh về tình yêu thương huynh đệ, nhưng đúng hơn, là xem xét phạm vi phổ quát của nó, sự cởi mở của nó đối với mọi người nam và nữ. Tôi cung hiến Thông điệp xã hội này như một đóng góp khiêm tốn để tiếp tục suy tư, với hy vọng rằng trước những nỗ lực ngày nay nhằm loại bỏ hoặc làm ngơ người khác, chúng ta có thể chứng tỏ mình có khả năng đáp ứng bằng một viễn kiến mới mẻ về tình huynh đệ và tình hữu nghị xã hội không nằm mãi ở bình diện ngôn từ mà thôi. Mặc dù tôi đã viết nó từ các xác tín Kitô giáo, là các xác tín đã truyền cảm hứng và nâng đỡ tôi, nhưng tôi vẫn tìm cách làm cho sự suy tư này trở thành một lời mời đối thoại giữa tất cả những người có thiện chí.

7. Khi tôi đang viết thông điệp này, đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, phơi trần các an toàn giả mạo của chúng ta. Bỏ qua các cách khác nhau được các quốc gia khác nhau dùng để đáp ứng cuộc khủng hoảng, việc họ không có khả năng làm việc với nhau đã trở nên khá hiển nhiên. Bất chấp sự kiện các quốc gia vốn nối kết chặt chẽ với nhau, chúng ta chứng kiến một sự phân mảnh khiến việc giải quyết các vấn đề đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trở nên khó khăn hơn. Bất cứ ai nghĩ rằng bài học duy nhất cần phải học là việc cần phải cải thiện những gì chúng ta đã làm, hoặc tinh chỉnh các hệ thống và quy định hiện có, thì điều này đang phủ nhận thực tại.

8. Tôi mong muốn rằng, trong thời đại hiện nay của chúng ta, nhờ thừa nhận phẩm giá của mỗi con người nhân bản, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh khát vọng phổ quát về tình huynh đệ. Tình huynh đệ giữa mọi người nam và người nữ. “Ở đây chúng ta có một bí quyết tuyệt vời; nó chỉ cho chúng ta cách ước mơ và biến cuộc sống ta thành một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Không ai có thể đối đầu với cuộc sống trong cô lập… Chúng ta cần một cộng đồng hỗ trợ và giúp đỡ chúng ta, trong đó, chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau để tiếp tục nhìn về phía trước. Ước mơ cùng với nhau quan trọng biết bao… Tự chúng ta, chúng ta có nguy cơ chỉ nhìn thấy các ảo ảnh, những sự vật không có ở đó. Trái lại, những giấc mơ được xây dựng với nhau” [6]. Vậy, chúng ta hãy mơ ước như một gia đình nhân loại đơn nhất, như những người bạn cùng du hành, cùng có chung một xương thịt, như những người con của cùng một trái đất, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta mang theo sự phong phú trong các niềm tin và xác tín của mình, mỗi chúng ta với tiếng nói riêng của mình, tất cả đều là anh chị em.

Kỳ tới: CHƯƠNG MỘT, ĐÁM MÂY ĐEN TRÊN MỘT THẾ GIỚI ĐÓNG KÍN
 
Thông Điệp Tất cả là anh chị em là một chương trình cơ bản cho thế giới hậu Covid
Thanh Quảng sdb
18:14 06/10/2020
Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) là một chương trình cơ bản cho thế giới hậu Covid



Các phản ứng đối với Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) được phát hành gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục lan rộng, các giám mục và các tổ chức bác ái Công Giáo ca ngợi tầm nhìn của ĐTC về một tương lai dựa trên sự đoàn kết của con người.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) đã gây lên một làn sóng đánh giá rất cao về Thông Điệp này trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Tổ chức Từ thiện cho các Chương trình phát triển Hải ngoại (CAFOD), cũng như các giám mục Ireland và New Zealand, đang nỗ lực để truyền bá lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về một xã hội đặt để phẩm giá con người làm trung tâm.

Kế hoạch chi tiết cho một thế giới tốt đẹp hơn

Cô Christine Allen, Giám đốc tổ chức Từ thiện phát triển Quốc tế Công Giáo ở Anh và xứ Wales cho hay Thông Điệp này là một “bản thiết kế cơ bản cho một thế giới hậu coronavirus”.

Trong một tuyên bố, cô Allen nhấn mạnh thông điệp của Đức Thánh Cha về mối quan hệ giữa chính trị và nghèo đói.

“Chính trị đang lãng quên người nghèo,” cô lưu ý, “và thật đáng xấu hổ khi một số quyết định chính trị được đưa ra có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến những người nghèo, đẩy họ vào thế giới nghèo đói, đau khổ và tuyệt vọng hơn”.

Cô Allen cho biết khi bắt đầu cơn đại dịch Covid-19, một hy vọng lóe sáng cho thấy có sự đoàn kết được nảy sinh từ những đau khổ do cơn đại dịch gây ra. Nhưng gần đây, cô ấy chia sẻ với Đức Thánh Cha Phanxicô rằng nhanh chóng đã có một sự “trở lại bối cảnh ‘bình thường’ – lại vì tư lợi mà thờ ơ với hoàn cảnh bi đáp của những người nghèo khổ không tiếng nói...”

Cô nói thêm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một “tầm nhìn cho sự thay đổi thực sự và lâu dài, bằng cách kêu gọi chúng ta hãy xây dựng cộng đồng ở mọi cấp độ - cá nhân, xã hội và toàn cầu, nơi những bức tường của sợ hãi và ngờ vực được thay thế bằng một nền “văn hóa gặp gỡ”, và sự đoàn kết của chúng ta với nhau để phục hồi phẩm giá con người.”

Cô Allen, Giám đốc của Tổ chức Từ thiện cho các Chương trình phát triển Hải ngoại (CAFOD) cho hay giờ là lúc để cải thiện cơ cấu của hệ thống kinh tế toàn cầu, vì lợi ích của người nghèo bị thiệt thòi.

Đoàn kết với những người bị thiệt thòi

Một cách đặc biệt, Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin, Chủ tịch HĐGM Irelan (Ái nhĩ Lan) đón nhận Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) như một thông điệp tình yêu và sự đoàn kết dành cho những người ở Ireland và những người đau khổ bị đẩy ra bên lề xã hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “thực hiện một lời kêu gọi đặc biệt nhân danh công lý và lòng thương xót đối với trẻ mồ côi, người nghèo, người xa lạ, người di cư, người tị nạn và tất cả những người ở 'bên lề', 'vùng ngoại vi' của cuộc sống và xã hội.”

Đức Tổng Giám Mục Martin nói ngài cảm thấy bị thôi thúc bởi lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha rằng “Một số vùng ngoại vi ở gần chúng tôi, ngay trung tâm thành phố hoặc trong gia đình của chúng tôi”.

Đức Tổng Giám Mục Armagh cũng lưu ý rằng Thông Điệp này là một lời mời gọi mọi người dân Ireland “hãy cân nhắc xem ai bị bỏ rơi, ai là người mà chúng ta có xu hướng đẩy họ ra ngoài lề xã hội và cố quên lãng họ đi.”

ĐTGM nói, ánh mắt của một người vô gia cư hoặc hình ảnh của những người tị nạn trên TV có thể khiến chúng ta “cảm thấy thương cảm cho họ nhưng không bao giờ đặt câu hỏi về giá trị, lối sống hoặc thái độ của chúng ta với họ thế nào”.

Thêm vào viễn kiến này, Đức Tổng Giám Mục Martin còn lưu ý rằng theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Cha Phanxicô, đoàn kết có nghĩa là nhìn vào khuôn mặt của những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất, mà cố gắng giúp đỡ họ.

ĐTGM kết luận: “Nền văn minh của chúng ta không phải là toàn năng, vì vậy chúng ta cần tôn trọng phẩm giá bẩm sinh của nhau - từ gia đình thân thương đến người xa lạ - bằng tình yêu thương và sự hỗ trợ thiết thực, để loài người có thể phát triển.”

Thay đổi căn bản cho cuộc sống chúng ta

Ở phía bên kia địa cầu, Đức Hồng Y John Dew đã đồng lòng cho rằng Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) mời gọi chúng ta dấn thân nhiều hơn qua những thay đổi to nhỏ của cuộc sống chúng ta.

“Thông Điệp đúng là một cách thế mới để đọc và sống Phúc Âm cho thời đại của chúng ta.”

Đức Hồng Y Dew, Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Tân tây Lan (New Zealand) cho hay Thông Điệp của Đức Thánh Cha đụng chạm đến chính sự tồn vong của thế giới đương đại: “Nó thực nghiêm trọng thế nào. Nó hấp dẫn ra sao và Nó mời gọi cấp thiết đến đâu!”

Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) “là lời mời mọi người mở rộng quan điểm của mình để nhìn một thế giới không có biên giới và xem mọi người sống trong hành tinh này là anh chị em với nhau”.
 
Một hậu quả đau lòng cuà thoà thuận Vatican-Trung quốc: vị giám mục trung thành thánh thiện phải từ chức.
Trần Mạnh Trác
19:29 06/10/2020
(AsiaNews ngày 5-10-2020) Theo tin cuả AsiaNews thì Đức cha Vincent Quách hy Kim, nguyên là giám mục nhưng bị giáng chức trở thành phụ tá của giáo phận Mân đông, đã quyết định “từ bỏ tất cả chức vụ và rút lui vào một cuộc sống cầu nguyện”.

Giáo phận Mân Đông nay được cai quản bởi một giám mục quốc doanh là Chiêm tứ Lộc, đã từng bị vạ tuyệt thông nhưng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tha vạ sau khi có Thỏa thuận Vatican-Trung quốc về việc bổ nhiệm giám mục.

Quyết định của đức cha Quách hy Kim đã được thông báo cho các tín hữu sau thánh lễ chiều chuá nhật 4 tháng 10 kèm theo một lá thư chính thức, trong đó ngài tự nhận mình là "một kẻ ngu ngốc" và "bất tài", không thể theo kịp thời đại và phong cách " của Giáo hội ở Trung Quốc và ngay cả ở trong giáo phận cuả mình”. (xin xem lá thư đính kèm)

Theo nội dung của bức thư, thì rõ ràng việc ngài rút lui là một nỗ lực để cứu vãn sự hiệp nhất của giáo phận Mân Đông. Đức cha Quách hy Kim từ nay sẽ cử hành thánh lễ riêng tư, không có sự tham gia của tín hữu, nhưng ngài vẫn tiếp tục cử hành bí tích hòa giải.

Những diễn tiến đã cho người ta thấy rằng đức cha Quách hy Kim là một nạn nhân của thỏa thuận Trung quốc-Vatican.

Giáo phận Mân Đông là một "dự án thí điểm" cho thỏa thuận Trung quốc-Vatican. Như một phần của thỏa thuận, ĐTC Phanxicô đã yêu cầu đức cha Quách hy Kim nhường ghế cho vị giám mục được nhà nước thừa nhận là Đức cha Chiêm tứ Lộc.

Nhưng đức cha Quách hy Kim đã không đăng ký gia nhập Giáo hội độc lập cuả nhà nước, do đó không được chính phủ công nhận. Trong những tháng gần đây, nhà cuả ngài bị phong toả và ngài có nguy cơ trở thành một người vô gia cư.

Mặc dù có lời kêu gọi hòa giải cuả Đức Thánh Cha Phanxicô, tại giáo phận Mân Đông, vẫn có những căng thẳng giữa các linh mục ký tên tuân theo giám mục Chiêm tứ Lộc, tức là phục tùng Đảng Cộng sản, và những linh mục không chấp nhận.

Trong lá thư của mình, đức cha Quách hy Kim nói rằng "Các bí tích dù được cử hành bởi những người ký hoặc không ký thì vẫn là hợp pháp". Do đó người ta hiểu rằng quyết định rút lui khỏi cuộc sống công cộng của ngài là xuất phát từ lòng mong muốn không kéo dài những căng thẳng giữa các linh mục trong giáo phận.

Nhiều linh mục (hầm trú) đã rất đau buồn trước quyết định này, một vị giấu tên nói: “Đức Giám Mục Quách hy Kim khuyên tất cả các tín hữu hãy kiên định với đức tin. Ngài là một vị mục tử đích thực, trung thành với Chuá Kitô, và thường bị bỏ tù. Nhưng ngay cả các cấp chính quyền cũng phải kính trọng ngài”.

Còn về Giám mục Chiêm tứ Lộc, thì sau khi tốt nghiệp bằng thần học từ Hồng Kông, được giáo hội quốc doanh tấn phong giám mục bất hợp pháp vào năm 2000, do đó bị vạ tuyệt thông, và được bổ nhiệm làm giám mục của Ninh Đức (và Mân Đông) vào năm 2006, nhưng có rất ít linh mục theo ngài. Năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông và phong ngài làm giám mục chính thức của giáo phận.

Giám mục Chiêm tứ Lộc là một nhân vật được mọi người coi là đầy tham vọng và khát khao quyền lực, được phe quốc doanh coi là sáng giá nhất và được phương tiện truyền thông cuả chính phủ phỏng vấn nhiều nhất.

Mặc dù được hòa giải với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng Giám mục Chiêm tứ Lộc đã không hề thực hiện bất kỳ một cử chỉ công khai hối lỗi nào trước cộng đồng của mình.

Sau đây là lá thư từ chức cuả Đức Giám Mục Quách hy Kim:

Anh chị em thân mến trong Chuá Kitô,

Vào lúc này, trước hết, tôi cầu xin quí anh chị em tha lỗi: tối nay tôi muốn dành chút thời gian để chia sẻ với ACE những gì đã xảy ra gần đây và tình hình cá nhân của tôi. Tuy nhiên, những sự kiện này cũng có thể liên quan đến ACE, vì chúng liên quan đến Giáo hội ở Trung Quốc hay nói cách khác là liên quan trực tiếp đến tình hình giáo phận của chúng ta. Tất cả những điều này có lẽ là dấu hiệu của một kỷ nguyên mới, một trang mới cho Giáo hội. Trong một thời điểm lịch sử phi thường như vậy, chúng ta cần những người có tài năng, trí tuệ, đức độ và tri thức lớn để có thể theo kịp thời đại này, hoặc thậm chí đi trước các bước của thời đại bằng cách hướng dẫn nó. Tôi là một người không có tài, cái đầu của tôi bây giờ là một khoảng trống không thể thay đổi với một xã hội đang thay đổi, một người chăn cừu sinh ra trong một làng quê nghèo không có tài, không có đức, không có trí, không có nghề, không có kiến thức; Khi đối mặt với một thời đại thay đổi quá nhanh này, tôi cảm thấy gần như không có khả năng. Tôi cảm ơn Chúa đã soi sáng cho tôi bằng cách cho tôi hiểu rằng tôi không có thể theo kịp thời đại này nữa. Tuy nhiên, tôi không muốn trở thành một trở ngại cho sự tiến bộ. Đây là lý do tại sao tôi quyết định từ chức bằng cách nộp đơn từ chức lên Tòa Thánh vào tháng trước.

Do đó tôi đã quyết định:

1. Không tham dự bất kỳ sự kiện công cộng nào bắt đầu từ ngày mai. Đêm nay sẽ là thánh lễ công khai cuối cùng cuả tôi: từ mai tôi chỉ làm lễ riêng (tức là không có sự tham dự của tín hữu), các tín hữu có thể lãnh nhận bí tích và tham dự thánh lễ tại một nhà thờ gần đó. Trong ngày lễ trọng thể Đức Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, tôi đã quy định rằng các bí tích do các linh mục, dù họ có ký (gia nhập giáo hội độc lập cuả nhà nước) hay không, đều hợp pháp.

2. Tôi từ nhiệm tất cả các chức vụ hành chính trong giáo phận để tập trung vào việc cầu nguyện, ngoài nhu cầu xưng tội và các vấn đề lương tâm cá nhân, thì các tín hữu nên trình bày các công việc khác với cha xứ của mình hoặc trực tiếp đến Ninh Đức để trình bày với Giám mục Chiêm tứ Lộc.

3. Về việc sử dụng các lễ vật tôi đã nhận được, năm ngoái đã có rất nhiều người tỏ ý quan tâm. Tôi có thể nói rõ với ACE rằng mỗi xu của lễ vật nhận được phải được chuyển đến giáo phận (đây là phong tục và quy tắc được thiết lập bởi giáo phận của chúng ta cách đây 30, 40 năm); hơn nữa, chính Giám mục Chiêm tứ Lộc sẽ là người quản lý việc này cùng với các linh mục của mình. Tôi đã quyết định từ bỏ mọi quyền kiểm soát các cơ sở này, vì tôi không đủ khả năng và cũng không xứng đáng để giữ chức vụ giám sát này: ACE không cần phải giao lễ vật cho tôi nữa, vì vậy bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ từ chối nhận mọi lễ vật. ACE có thể giao những lễ vật của mình cho cha xứ hoặc người mà ACE tin tưởng.

4. ACE tín hữu của tôi, ACE phải nhớ rằng đức tin của ACE là ở Đức Chúa Trời chứ không phải ở con người

Con người có thể thay đổi, nhưng Chúa thì không

Lời khuyên cuối cùng của tôi: trong bất kỳ hoàn cảnh hay thay đổi nào, ACE không bao giờ được quên Chúa, đừng bỏ qua các điều răn của Chúa, đừng làm tổn hại đến sự toàn vẹn của đức tin, đừng làm chậm sự cứu rỗi linh hồn là điều quan trọng nhất.

Khi tôi chuẩn bị rời văn phòng của mình, tôi xin ACE tha thứ cho tôi vì sự yếu đuối và bất lực của tôi, đặc biệt là về những tội tôi đã gây ra đối với ACE trong thời gian làm việc của tôi! Xin Chúa nhân từ luôn ở với ACE, cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời!

Mục tử bất tài của ACE,

Quách hy Kim

Tối Chủ nhật ngày 4 tháng 10 năm 2020
 
Top Stories
Évangélisation en ligne: un prêtre de l’archidiocèse de Jakarta enseigne la Bible sur Youtube
Églises d'Asie
08:45 06/10/2020
Plus d’un an et demi après le lancement de sa chaîne Youtube, dédiée à l’enseignement de la Bible et à l’évangélisation en ligne, le père Josep Ferry Susanto, 43 ans, a déjà plus de 130 000 abonnés. Le père Josep, qui est également responsable de la commission biblique de l’archidiocèse de Jakarta, a déjà publié au moins 300 vidéos. « Mgr Ignatius Suharyo, l’archevêque de Jakarta, m’a dit que si je parvenais à faire aimer et lire la Bible par les catholiques, ce serait déjà beaucoup. J’ai toujours gardé ceci à l’esprit », confie le prêtre, qui a été formé aux Philippines et au sein de l’Institut biblique pontifical de Rome.

Le père Josep Ferry Susanto, 43 ans, explique qu’en février 2019, lors d’un rassemblement de prêtres diocésains à Jakarta, il a découvert l’opportunité d’utiliser Youtube pour évangéliser grâce à un de ses anciens étudiants, qui lui a parlé de la plateforme de partage de vidéos en ligne. « Il m’a conseillé de l’utiliser pour l’évangélisation, en m’assurant que ce serait nécessaire à l’avenir. Mais je lui ai dit que je passais déjà presque tout mon temps à enseigner la Bible », confie le père Josep, un prêtre indonésien de l’archidiocèse de Jakarta, ordonné en 2006. En 2012, après la fin de ses études bibliques à l’Institut biblique pontifical de Rome, il a commencé à enseigner la Bible au sein de l’école de philosophie de Driyarkara, dirigée par les jésuites. Il est ensuite parti aux Philippines en 2014 afin de poursuivre ses études, avant de revenir en Indonésie en 2017. Depuis, il a repris ses activités d’enseignement à l’école de Driyarkara, ainsi que d’autres cours dans plusieurs instituts et paroisses de la région. « En seulement trois minutes, mon ancien étudiant m’a créé une chaîne Youtube en me demandant de trouver un nom de chaîne. J’ai immédiatement songé à une chaîne dédiée à l’évangélisation, que je pourrais utiliser pour enseigner la Bible », explique le père Josep. Finalement, il a appelé sa chaîne « Découvrir la Bible avec le père Josep » (« Bible Learning with Father Josep »). « Je voulais inviter les gens à découvrir la Bible plus en profondeur à mes côtés, et leur montrer que le fait d’apprendre à lire la Parole de Dieu et à mieux comprendre ses messages cachés, cela peut être captivant. »

Faire aimer la Bible

En février 2019, après le conseil de son ancien étudiant, le père Joseph est rentré chez lui et a rapidement tourné une première vidéo intitulée « Les cinq forces des mères selon la Bible » (« Lima Kekuatan Emak-Emak Dalam Kitab Suci »). Le prêtre reconnaît que ses débuts sur Youtube n’étaient pas remarquables, par manque d’expérience et de matériel adapté. « J’utilisais mon téléphone et une pile de carnets de chants en guise de trépied. J’ai tourné la première vidéo près d’une fontaine. Ensuite, j’ai monté la vidéo à l’aide d’une application smartphone », explique-t-il. Sa première initiative a reçu des commentaires critiques, surtout à propos des problèmes techniques. « Oui, c’était raté. Mais je n’ai pas abandonné et j’ai modifié la vidéo. J’ai eu des réactions plus positives par la suite. » Les compétences du père Josep en matière de production et de montage de vidéos se sont améliorées avec le temps. Il a également pu se procurer un meilleur matériel, dont une caméra, un trépied, un micro et un kit d’éclairage. « Ensuite, j’ai publié des vidéos plus régulièrement », ajoute-t-il. À sa grande surprise, sa chaîne a eu plusieurs milliers d’abonnés en quelques semaines.

Le père Joseph, qui est également responsable de la commission biblique de l’archidiocèse de Jakarta, a déjà publié au moins 300 vidéos d’environ dix minutes. « Mgr Ignatius Suharyo, l’archevêque de Jakarta, m’a dit, quand j’ai été nommé à la tête de la commission biblique, que si je parvenais à faire aimer et lire la Bible par les catholiques, ce serait déjà beaucoup. J’ai toujours gardé ceci à l’esprit. C’est pourquoi j’ai voulu réaliser des vidéos simples et de qualité. Je n’ai pas voulu rendre cet apprentissage trop compliqué », assure le prêtre. Le père Josep ajoute que ses inspirations viennent aussi de ses propres difficultés au quotidien – comment il gère les conflits et fait face aux problèmes. Il s’occupe seul de tout le processus – choisir un sujet, préparer le matériel, tourner la vidéo, la monter et la publier. « Avant la pandémie, j’allais enseigner la Bible à l’école Driyarkara le matin, et je tournais une vidéo avant l’arrivée des étudiants. J’aimerais pouvoir en publier une par jour, mais j’ai besoin de temps pour lire et étudier avant de préparer les vidéos », explique le père Josep, qui publie environ trois vidéos par semaine.

« Une bénédiction pour les autres »

Le père Josep a aujourd’hui plus de 130 000 abonnés, et il a reçu récemment un premier « trophée Youtube » pour avoir passé le cap des 100 000 abonnés. « Ce n’est pas grand-chose, je vois plus cela comme un gadget », tempère-t-il. Toutefois, avec l’augmentation du nombre de vues, il reçoit désormais un peu d’argent en publiant ses vidéos. « J’ai commencé à recevoir de l’argent en octobre 2019. Je ne veux pas préciser le montant, mais c’est beaucoup pour un prêtre comme moi. » Le père Josep assure qu’il n’utilise pas cet argent pour ces intérêts personnels. « Ce ne serait pas honnête. Je ne veux pas laisser croire aux gens que je vends la Parole de Dieu. » Il consacre cet argent en l’utilisant pour du matériel vidéo ou en le reversant à des œuvres caritatives, notamment pour un hôpital catholique et pour l’aide alimentaire aux plus démunis. « Je veux que mes vidéos soient comme une bénédiction pour les autres », ajoute-t-il. Lily Selvia Lim, une abonnée indonésienne vivant à Singapour, explique qu’elle apprécie beaucoup les vidéos du prêtre. « J’aime la façon dont il enseigne. Ce n’est pas toujours facile pour moi de comprendre les messages de la Bible. Mais il m’aide en les présentant très simplement », ajoute-t-elle. Pour le père Josep, le seul but est de faire connaître la gloire de Dieu. « J’espère que ce ne sera pas perçu comme un cliché, mais ces vidéos ne sont pas destinées à me faire connaître. Dieu m’a donné des talents et m’aide à comprendre la Bible, et il m’appelle à partager cela avec les autres. C’est une manière d’évangéliser. »

(Source: Églises d'Asie - le 06/10/2020, Avec Ucanews, Jakarta)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tụy Hiền Tgp. Hà Nội khai mạc Tháng Mân Côi 2020
Gx. Tụy Hiền
08:00 06/10/2020
Giáo xứ Tụy Hiền Tgp. Hà Nội khai mạc Tháng Mân Côi 2020

Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi. Cầu cho chúng con.

Xem Hình

Bước vào Tháng 10, Tháng Mân Côi, Lời Kinh Kính Mừng lại vang lên từ miệng trẻ em cho đến ông già bà cả, đặc biệt được đọc và hát lên bởi 250 hội viên trong Hội Mân Côi của giáo xứ Tụy Hiền.

Đúng 16 giờ 30 Chúa nhật ngày 04 tháng 10 toàn thể cộng đoàn Dân Chúa cùng nhau quây quần bên tượng Đức Bà Fatima, đọc kinh cầu Đức Bà Loreto, lần hạt Mân Côi, vũ điệu ngàn hoa dâng kính Mẹ. Tiếp đến là đoàn rước cung nghinh tượng Mẹ từ nhà thờ xứ sang nhà thờ Đông Mỹ, đoàn vừa đi vừa ngân vang lời kinh Mẹ dạy để cầu cho thế giới được hòa bình, mau qua dịch bệnh, cho tổ quốc được bình an, cho các gia đình được an vui đầm ấm. Sau cùng là Thánh lễ kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi, cùng với Mẹ tạ ơn Chúa, đồng thời xin Mẹ tiếp tục thương nâng đỡ phù trì.

Gx. Tụy Hiền

Ảnh: Quốc Huy
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cờ Vàng Phải Được Tôn Trọng
Hà Minh Thảo
17:34 06/10/2020
Ngày 05.10.2020, chúng tôi nhận một điện thư giới thiệu video ‘Tuần hành xe đông đảo ở Quận Cam ủng hộ TT Trump’ trong đó có một ít cờ vàng đáng kính Việt Nam Cộng hòa vừa tí teo, vừa ở dưới đất. Có một lần kia, bản thân tôi nghe Chị Dương Nguyệt Ánh phát biểu ‘Tôi tôn thờ Cờ Vàng’ khiến tôi rất xúc động. Nhìn trên tường hai quốc kỳ Việt – Mỹ cùng kích thước như nhau và bên nhau.

Cùng ngày, đài VOA, tiếng nói chính thức Mỹ Quốc, đăng to hình Tổng thống D. Trump tay cầm cờ đỏ cộng sản, tươi cười với Nguyễn Xuân Phúc.

Một lần khác, tuy không để ý lắm phe Dân chủ cũng dùng những hình Cờ Vàng cho ít nhất một quảng cáo cho ông Biden. Ông đã chống viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng hòa để VNCH rơi vào tay cộng nô. Đến để khi người Việt tìm Tự Do thì ông chống đồng bào tôi nhập cư. Hơn nữa, quá khứ khi Cờ Vàng còn tung bay trên Quê Hương, VNCH không chủ trương phá thai. Thời Obama-Kerry-Osius, Mỹ và XHCN Việt đua nhau phá thai.

Ngày 03.10.2020, Đức Hồng Y Raymond Burke, một luật sư giáo luật và trước đây là Chánh án Tòa án Tối cao Giáo Hội Công Giáo, đã nói rằng các chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai không nên rước lễ, kể cả ứng viên Tổng thống Joe Biden. Ông ‘không là người Công Giáo có phẩm hạnh tốt và không nên đi rước lễ’.

Chúng tôi chỉ còn một niềm nhỏ duy nhất. Tuy rất tôn trọng quyền Tự do Bầu cử của mọi Cử tri, nhưng đãy là lần thứ 3, chúng tôi ước mong cử tri gốc Việt tín nhiệm ông Trump để hy vọng, nhờ đó, Quý Vị cần đoàn kết để yêu cầu Tổng thống giúp Ðồng Bào trong nước được thực thi Dân Quyền để chọn Lãnh Ðạo Tài (không cần ‘hồng hơn chuyên’ và, nhất là Ðức để đưa Việt Nam thăng tiến.

Ngày 28.09.2020, Ðại sứ Mỹ D. Kritenbrink đã viếng khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang và đã nói : « Những chiến thắng này không chỉ phản ánh lòng can đảm của người Việt Nam mà còn cho thấy các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có thể đứng lên bảo vệ chủ quyền của mình ». Nhưng, xin nhắc ông lúc đó Vua và Dân là Một quyết thắng. Hiện tại, Mỹ viện trợ cho nhà nước thân Tàu để đàn áp Dân lành, vụ Ðồng Tâm là một điển hình mà, đến giờ, có thể tôi chưa nghe sự lên tiếng từ nhà nước Mỹ.

I.- CỜ VÀNG XUẤT HIỆN TRONG CHIẾN THẮNG.

Năm 34 (Giáp ngọ), vua Quang vũ sai Tô Ðịnh sang làm thái thú quận Giao chỉ (thời Bắc thuộc thứ Nhất, Nam Việt, tức Việt Nam ngày nay, bị cải tên là Giao chỉ bộ). Oâng là kẻ bạo ngược với chính trị tàn ác, năm 40, giết Thi Sách. Bà Trưng Trắc, vợ Thi Sách, cùng em là Trưng Nhị tuyển quân, dùng ‘Ðầu voi phất Cờ Vàng’ khởi nghĩa đánh Tô Ðịnh chạy về quận Nam hải. Dân quân các quận Cửu chân, Nhật nam và Hợp phố nổi dậy theo Hai Bà Trưng. Sau khi chiến thắng được 65 thành trì, bà Trưng tự xưng Vua, đóng đô ở Mê linh.

Năm 42, vua Quang vũ sai Mã Viện đem đại quân đánh Trưng Vương. Thất trận, Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông Hát giang (chỗ tiếng sông Ðáy vào sông Hồng hà) để tự tử, ngày mùng 6 tháng 2 năm Quí mão (43). Tuy Hai Bà Trưng trị vì chỉ 3 năm, nhưng tài trí ấy đã làm nên nghĩa lớn khiến vua quan nhà Hán lo sợ, đủ để lưu danh muôn đời.

II.- SỰ LƯU TRUYỀN TINH THẦN DÂN TỘC CỦA CỜ VÀNG

Trong sách ‘Lịch sử Việt Nam’ xuất bản năm 1955, tác giả Ðào Duy Anh viết « Ở các thời Ðinh, Lê, Lý, Trần…, cờ chỉ là tấm vải màu vàng trên đó có thêu tên Vua triều đại đang cai trị ». Như vậy, màu vàng là màu chủ đạo trong đế kỳ của các triều đại trên Quê Hương.

A. Tại sao màu Vàng là màu trong những lá cờ xuyên suốt lịch sử dân tộc?

1/ Người Việt là dân tộc Á châu có da màu vàng, nên nền lá cờ của mình thể hiện màu da người Việt. Sự trùng hợp màu giữa ‘da’ bộ phận bên ngoài bao bọc cơ thể và ‘nền’ lá cờ cho thấy từ xa xưa người Việt đã có ý thức về chủng tộc và màu da Dân tộc.

2/ Theo vũ trụ quan người Việt, màu vàng còn thuộc về hành thổ và có vị trí trung ương, tượng trưng cho lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Do đó, các vua nước ta thường xưng là Hoàng Ðế và mặc áo có tên hoàng bào.

3/ Màu vàng cờ Hai Bà Trưng đơn giản, theo Dịch Lý, mang tính nuôi dưỡng, hổ trợ, căn bản của tình thương người cùng chung một nước:

‘Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng’.

B. Lịch sử Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ.

Long Tinh Kỳ (1802-1885) là lá cờ có từ thời vua Gia Long khi mới thống nhất sơn hà và lên ngôi hoàng đế, được gọi là Ðế Kỳ (cờ của Vua). Cờ có : Nền vàng biểu hiệu hoàng đế và sắc tộc dân Việt; Chấm đỏ, giữa cờ, biểu hiệu phương Nam; Tua xanh biểu hiệu đại dương, vẩy rồng. {Long là Rồng, biểu tượng cho Hoàng đế, có màu vàng; Tua xanh dương chung quanh tượng trưng cho Tiên và cũng là màu đại dương, nơi Rồng cư ngụ; Tinh có nghĩa là ngôi sao trên trời; Màu đỏ còn biểu tượng lòng nhiệt thành; Kỳ là cờ}. Ðế Kỳ khác quốc kỳ ở chỗ : vì là cờ của vua, nên vua ở đâu thì đế kỳ treo hay dựng nơi đó.

Năm 1863, sau khi Kinh lược sứ Phan Thanh Giản được vua Tự Ðức sai đi sứ sang Pháp thấy Pháp chào quốc kỳ Tam Tài trong các buổi lễ. Nên khi trở về, ông trình vua để dùng Long Tinh Kỳ làm ‘Quốc kỳ’ và được lưu danh đến nay. Quốc kỳ là biểu tượng của quốc gia, treo tại các nơi có cơ quan công quyền chứ không chỉ ở chốn hoàng triều.

Ngày 01.02.1889, Hoàng tử Bửu Lân, con vua Dục Ðức, lên ngôi Vua chọn hiệu Thành Thái. Oâng là vua thông minh, hiếu học, tuổi còn trẻ đã sớm có ý chí tự cường dân tộc và có tinh thần canh tân đất nước. Vua thích tìm cơ hội sống gần dân, thường ra khỏi hoàng thành giả dạng đi chơi hay săn bắn, thậm chí còn giả điên để tiếp xúc với các nhà chí sĩ cách mạng. Cảm thông tâm trạng bất mãn của nhân dân, vua Thành Thái đã không những không thỏa mãn các đòi hỏi của chính quyền bảo hộ, mà còn trọng dụng nhiều nhân tài thanh liêm và đức độ như các ông Ngô Ðình Khả, Nguyễn Hữu Bài, với hy vọng khôi phục và canh tân đất nước. Năm 1890, vua ban chiếu thay đổi quốc kỳ chữ Hán bằng quốc kỳ mới: Lá cờ nền Vàng với Ba Sọc Ðỏ được hình thành để được dùng làm Quốc Kỳ.

Ba Sọc Ðỏ bằng nhau biểu hiệu Bắc Trung Nam bất khả phân hàm chứa nguyện vọng độc lập và thống nhất lãnh thổ Việt mà sự kiến tạo lá Quốc Kỳ này có nhiều ý nghĩa vô cùng quan trọng:

- Thể hiện ý chí quật cường tranh đấu để bác bỏ hiệp ước Quý Mùi, ‘chia để trị’ của thực dân Pháp, đã tao ra tình trạng Nam kỳ thuộc địa, Trung và Bắc kỳ bảo hộ;

- Xác quyết sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, ba kỳ đều có tư thế chính trị giống nhau và bất khả phân trong nền màu Vàng của dân tộc Việt Nam;

- Nêu cao tinh thần ‘quốc gia dân tộc’, bằng đoạn tuyệt với sự liên hệ của chữ Hán, cũng như thoát ly ra khỏi nền bảo hộ Pháp và triều cống Tàu.

Chính vì các ý nghĩa đó mà Cờ Vàng được mệnh danh là cờ ‘Quốc gia’. Như vậy, từ ngữ ‘quốc gia’ đã có từ cuối thế kỷ 19, đối nghịch với ‘thuộc địa’, chớ không hẳn chỉ có vào bán thế kỷ 20 khi từ ngữ ‘cộng sản’ xuất hiện.

Cờ này đã tồn tại suốt triều Vua Thành Thái. Năm 1907, vì tánh khí quật cường, không chịu làm một ông vua bù nhìn và không nghe theo các đề nghị của Pháp, vua Thành Thái bị Pháp cho là ‘điên’ để truất phế và quản thúc ông ở Vũng tàu. Con Vua là Hoàng tử Vĩnh San lên ngôi, lấy hiệu là Duy Tân. Như vua cha, vua Duy Tân tuy còn nhỏ tuổi mà đã tỏ ra là một người ái quốc can đảm. Vì thế, lá cờ Quốc Gia vẫn tồn tại cho tới khi chính vua Duy Tân cũng bị bắt vì tội tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp rồi bị đày sang đảo Réunion ở Phi Châu cùng với vua cha vào năm 1916.

Vua Khải Ðịnh (1916-1925), Thủ tướng Trần Trọng Kim (năm 1945) và Quốc trưởng Bảo Ðại đã thêm bớt và, ngày 02.06.1948, Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân chính thức dùng lại cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ làm quốc kỳ của quốc gia Việt Nam. Từ đó, Quốc kỳ này đã tung bay khắp mọi miền đất nước từ Ải Nam quan đến Mũi Cà mau.

Hiệp Ðịnh Genève 1954 chia đôi đất nước, Hồ Chí Minh và Ðảng cộng sản chiếm miền Bắc, tiếp thu Hà Nội ngày 10.10.1954 để cờ Ðỏ sao vàng trở thành cờ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cờ Vàng tiếp tục tung bay khắp miền Nam, từ cầu Hiền lương đến Mũi Cà mau, với tên gọi Việt Nam Cộng hòa từ ngày 26.10.1955.

Năm 1957, khi Quốc hội thảo luận để biểu quyết Quốc kỳ mới, Trung tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng hòa, gởi Thỉnh nguyện thư yêu cầu giữ nguyên Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ làm Quốc kỳ vì các thế hệ chiến sĩ anh dũng bảo vệ và đã hy sinh vì Tổ quốc, dưới Quốc kỳ này. Thỉnh nguyện thư đã được các Dân biểu chấp thuận và cuộc thảo luận được đình chỉ. Ngày 30.04.1975, cờ này không được treo nữa, tuy không có một điều luật nào cấm.

C. Cảm nghiệm cá nhân nơi Cờ Vàng.

Vừa hơn 5 tuổi, ôm cặp đến trường tiểu học công lập, mỗi sáng thứ hai, chúng tôi dự lễ Chào Quốc kỳ và, từ đó, dần dần sự ngưỡng mộ Cờ Vàng triển nở trong tâm trí kéo theo lòng ái quốc, nhất là từ khi ông Ngô Ðình Diệm chấp chính 07.07.1954 và sự buồn thãm do Hiệp định Genève ngày 20.07.1954 do thực dân Pháp và cộng sản Việt ký kết để chia đôi lãnh thổ Việt Nam. Vào cấp trung học tại trường Công Giáo Lasan Taberd, tuy là tư thục, nhưng lễ Chào Quốc kỳ diễn ra từng ngày, xứng danh ‘tín hữu Công Giáo tốt cũng là công dân tốt’. Trường này có một cột cờ giữa một sân chơi rộng rãi, Lá Cờ Vàng được kéo lên theo nhịp Quốc Thiều trên nền trời xanh Tự Do.

Khi khoát áo chiến binh Quân đội Việt Nam Cộng hòa, từ đài chỉ huy chiến hạm Hải quân, Cờ Vàng lướt gió cắm nơi mũi tàu luôn được chúng tôi nhìn ngắm. Ngoài ra, bao lần, chúng tôi đã cúi mình trước linh cữu các chiến hữu và thân hữu hy sinh vì Tổ quốc được phuû Cờ Vàng. Trong cuộc chiến gọi là để thống nhất Việt Nam do cộng sản xâm lược gây ra, khoảng 250 ngàn linh cữu các tử sĩ miền Nam được phuû Quốc kỳ.

III. TÍNH HỢP LÝ CỦA CỜ VÀNG.

Ngày 30.04.1975, Nơi hải ngoại, Người Việt Tự do trên đường tỵ nạn đã đồng tâm tiếp tục giữ Cờ Vàng như là biểu trưng cho tập thể tại các quốc gia tạm dung. Tuy nhiên, có những người Việt khác chỉ vì không quan tâm đến một biểu tượng, nhưng cũng có vị nghĩ xa hơn về một sự hợp tác với nhà nước Việt Nam hay sẽ về Việt Nam, nên không muốn Cờ Vàng hiện diện nơi mình có mặt. Do đó, người ta biện luận : Cờ Vàng thuộc Việt Nam Cộng hòa, nay Quốc hiệu không còn thì cũng dẹp đi Cờ Vàng, nhưng họ đâu chấp nhận do họ không biết hay cố tình phủ nhận lịch sử Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ đã xuất hiện từ năm 1890, thời Vua Thành Thái.

IV. HAI TRƯỜNG HỢP ÐÁNG TRÂN TRỌNG.

A.- Cám ơn sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 20 tuổi, đã biểu lộ tình yêu nước bằng học hỏi và lên tiếng về những Sự thật Lịch sử : Ngày 14.10.2012, khoảng 10 công an bắt và nhốt cô trong khách sạn (?). Chúng chối gạt cha mẹ và bà nội cô là không có bắt giữ, làm gia đình đau khổ và rất lo lắng cho sự an nguy của cô. Ngày 22.10.2012, chúng mới thú thật. Ngày 16.05.2013, Toà án Long an tuyên án 6 năm tù ở vì đã lấy máu pha nước viết trên vải ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Ðông’, bị cho là ‘có nội dung không hay về Trung quốc’, và ‘Ðảng cộng sản chết đi’, bị cho là ‘phỉ báng đảng cộng sản Việt Nam’. Ngoài ra, cô ‘còn sử dụng giấy trắng A4, dùng bút sáp màu vàng và đỏ tô thành Cờ Vàng; phía dưới lá cờ cô ghi chú thích: ‘1890-1920: Ðại Nam quốc kỳ từ thời vua Thành Thái tới vua Khải Ðịnh; 1948-1975: Cờ Quốc gia Việt Nam’ (trang 03 Cáo trạng). Cô bị kết án về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam', quy định tại điểm c khoản 1 Ðiều 88 Bộ luật hình sự.

Khi bào chữa cho cô, Luật sư Hà Huy Sơn trích ‘Bách khoa toàn thư mở Wikipedia’: « Năm 1890, lá cờ vàng ba sọc đỏ được tạo ra và sử dụng lần đầu tiên như là lá cờ quốc gia (Ðại Nam Quốc kỳ 1890-1920). Theo lịch sử thì đây là lá cờ của tổ tiên mà sau này Chính phủ Việt Nam Cộng hòa dùng lại và cũng như tên ‘Việt Nam’ là do tổ tiên để lại chứ không phải là biểu tượng của thế lực phản động nào. Phương Uyên không làm ra, không xuyên tạc, không phỉ báng chính quyền nhân dân vì đây là sự thật lịch sử có trước cả Nhà nước CHXHCN Việt Nam (sinh ra năm 1976). Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào cấm vẽ, dán cờ vàng ba sọc đỏ tại nơi công cộng ».

Phương Uyên cất tiếng trước Tòa: « Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm. » và yêu cầu : « Việc tôi làm thì tôi chịu xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung quốc xâm lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn ».

Ngày 16.08.2013, tại phiên Tòa phúc thẩm, bạn trẻ Phương Uyên, tự biện hộ, đã nói với Hội đồng Xét xử ‘yêu cầu xử đúng người đúng tội’ : những hành động chống đảng cộng sản quy định nơi điều 258 Bộ luật hình sự chứ không phải điều 88 như đã tuyên xử. Hội đồng Xét xử chới với vì Kiểm sát viên lúng túng đòi xử theo Ðiều 4 Hiến pháp… Kết quả, Phương Uyên bị 3 năm tù hưởng án treo, chịu 52 tháng thử thách và được trả tự do tại tòa. Công lý cộng sản đầy bất công và bất ngờ, chúng ta ước mong những năm tháng tới, họ không buộc tội oan Phương Uyên. Chúc Phương Uyên Bình An trên Ðất Tự Do.

B.- Có những người vẫn ‘dị ứng’ với Cờ Vàng nên nại lý do là cờ này hết được Quốc tế công nhận. Là người có Lý trí và Tự do, chúng tôi từ chối sự cưởng bách bởi bạo quyền cộng sản lẫn các chính phủ hợp thành các tổ chức quốc tế, những ô hợp các quốc gia với quyền lợi khác nhau và đầy mâu thuẩn.

Ðức cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum có kể : Một lần Ngài đi nước ngoài. Khi đến cơ quan nhà nước nhận hộ chiếu, người ta dặn dò: ‘Ông đi nước ngoài nhờ đừng chụp hình với lá cờ vàng ba sọc đỏ, nếu không là toi đời ông!’. Ngài đáp ngay: ‘Vậy tôi trả hộ chiếu lại cho các ông, tôi không đi nữa’. Họ ngạc nhiên hỏi Ðức cha : ‘Sao vậy?’ Ngài cười: ‘Chứ nếu đi nước ngoài mà toi đời thì đi làm gì?’.

Rồi Ðức cha nói với các ông ấy: « Này nhé, tôi vào nhà ông, thấy ông để tượng Hồ chí Minh với lá cờ đỏ, tôi có bảo ông đem đặt chỗ khác không? Ðến nhà người ta ai làm thế. Ở nước ngoài, nơi tôi đến có lá cờ vàng, chẳng lẽ tôi bảo họ đem đi chỗ khác cho tôi ngồi và chụp hình à? ».

Ngài lý luận sắc bén: ‘Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, vậy các ông có ghét Tàu và Tây lắm không? Tôi thấy mấy ông lãnh đạo vẫn đứng chào cờ Trung quốc, chào cờ Pháp, Mỹ đó thôi. Vậy tại sao lá cờ vàng của anh em người Việt mình mà các ông căm ghét đến thế?’

‘Còn nữa, hàng năm chúng ta đón bao nhiêu Việt kiều, nhận bao nhiêu tiền họ gửi về, sao lại phải lúc nào cũng căm ghét cờ của họ?’

Ðức cha tâm sự, rất xúc động: « Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam. Gia đình tôi sống được và tôi lớn lên, ăn học là dưới lá cờ vàng. Nếu các ông di cư năm ấy thì các ông cũng thế thôi ». Nghe những lời vô cùng hợp lý như thế, chắc họ bất ngờ và ngượng ngùng lắm nên cuối cùng họ bảo: ‘Thôi ông cứ đi…’.

Hà Minh Thảo
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Kinh Đức Mẹ mân côi
Lm. Đa Minh Nguyễn Ngọc Long
08:51 06/10/2020
Trong suốt cả năm Hội Thánh đặt ra nhiều lễ kính Đức Mẹ. Nhưng tháng 10 hằng năm là tháng dành riêng về lòng sùng kính Đức Mẹ mân côi.

Trong dòng lịch sử

Theo dòng lịch sử, Thánh Daminh, vị sáng lập Dòng Daminh chuyên vể giảng thuyết, đã nhận trực tiếp từ Đức Mẹ, trong một phép lạ Đức Mẹ hiện ra với ngài, kinh nguyện Mân Côi vào năm 1208. Và từ thời điểm đó thánh nhân đã truyền bá sâu rộng việc lần chuỗi mân côi kính Đức Mẹ trong Dòng của mình, và rồi dần dần lan truyền ra cho mọi người trong Hội Thánh Chúa Kitô.

Cũng theo truyền thuyết đạo đức kể lại, Đức Mẹ đã truyền cho Thánh Daminh phải quảng bá việc lần chuỗi mân côi như vũ khí chống lại bè rối Albigenser lúc đó đang hòanh hành chống lại Hội Thánh Chúa Kito.

Và từ khởi điểm đó, chuỗi kinh mân côi trở nên linh đạo của Dòng Daminh.

Còn lịch sử ngày lễ kính Đức Mẹ mân côi, ngày 07.10. hằng năm có sau này vào thế kỷ thứ 18. trong toàn thể Hội Thánh Công Giáo.

Ngày 07.10.1571 trong trận hải chiến giữa quân đội của đế quốc Osman Thổ nhĩ Kỳ và đạo binh thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio V., ở vùng biển Lepanto bên Hy Lạp, đạo binh Thánh của Hội Thánh đã dành được chiến thắng cùng chặn đường tiến xâm lăng của đội quân hùng hậu Thổ nhĩ Kỳ.

Chiến thắng này có được là nhờ lời cầu nguyện lần chuỗi đọc kinh mân côi trong toàn Hội Thánh lúc đó. Qua đó Đức Mẹ đã cầu bầu cùng Chúa ban cho sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Để nhớ ơn này, Đức Giáo Hoàng Pio V. đã lập ra ngày lễ kính Đức Mẹ mân côi vào ngày 07.10. 1572 một năm sau để kỷ niệm chiến thắng này.

Và từ thế kỷ 18. ngày lễ này vào ngày 07.10. hằng năm lan rộng trong khắp Hội Thánh là ngày lễ kính chính thức trong lịch Phụng vụ.

Suy niệm kinh mân côi

Việc lần chuỗi đọc kinh mân côi xưa nay là cung cách nếp sống đức tin phổ thông bình dân trong khắp Hội Thánh Chúa Kitô.

Khi đọc kinh mân côi, cùng với kinh Kính Lạy Cha, kinh kính mừng Maria chúng ta lần theo dõi cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ qua những chặng đường suy niệm:

1. Năm chặng mùa Vui: Thiên Thần truyền tin, Đức Mẹ đi viếng thăm Bà Eisabeth, Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá, Đức Mẹ đem Chúa Giêsu vào đền thờ, và Đức Mẹ Thánh Giuse tìm gặp lại được Chúa Giêsu đi lạc trong đền thờ.

Năm ngắm mùa Vui này gợi nhắc đến đời sống gia đình chúng ta. Hai vợ chồng từ lúc thành lập gia đình với nhau ngày lễ thành hôn, mối liên hệ với gia đình họ hàng của hai bên, tiếng khóc nụ cười niềm vui mừng hạnh phúc có người con chào đời trong gia đình, bồng ẵm con đến thánh đường xin tiếp nhận làn nước bí tích rửa tội, và việc dạy dỗ uốn nắn con cái trong gia đình.

2. Rồi qua những chặng đường năm sự Thương: Chúa Giêsu lo buồn, Chúa Giesu bị bắt chịu hành hạ bị đánh đập, Chúa Giêsu bị nhạo báng cho đội triều thiên có gai nhọn đâm vào da đầu, Chúa Giêsu phải vác thập gía đi đến pháp trường, và sau cùng Chúa Giêsu bị đóng đinh treo trên thập gía.

Những chặng đường đau thương này nhắc nhớ đến những đau khổ trong đời sống con người chúng ta. Lẽ dĩ nhiên ngày nay không còn cảnh bị xử dã man tàn ác thập gía như thế vào thời Chúa Giêsu nữa. Nhưng những đau khổ do chiến tranh gây ra, do khủng bố, do bị bệnh tật, do bị đối xửa bất công, bị kỳ thị, bị đe dọa bóc lột, lừa dối chèn ép, bị tuyên truyền đầu độc dưới nhiều hình thức…vẫn hằng luôn xảy ra trên thế giới vào mọi thời điểm.

3. Năm chặng đường sự mừng thuật lạ việc Chúa Giêsu phục sinh sống lại sau khi chết, việc Chúa Giêsu trở về trời, Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn an ủi, hiện xuống, Đức Mẹ Maria được Chúa đưa về trời, Đức Mẹ Maria được đưa về trời là sự thưởng công của Chúa cho Đức Mẹ.

Năm sự mừng đời Chúa Giêsu nói lên niềm vui mừng hy vọng cho con người chúng ta rồi cũng sẽ được cùng Chúa sống lại, như Đức Mẹ được Chúa thưởng công cho về trời sống bên Ngài, khi quãng đời đau thương khổ ải ở trần gian qua đi.

Đây không phải là sự an ủi rẻ tiển hay dỗ trẻ con. Nhưng đó là điều nói lên gía trị linh thiêng cho đời sống. Gía trị đó là niềm hy vọng. Gía trị đó là đời sống không chỉ có thân xác chết là hết là rơi vào hư vô, nhưng con người còn có phần tâm linh linh hồn linh thiêng nữa, và được Thiên Chúa cứu chuộc, cho được cùng sống lại phục sinh với Chúa Giêsu Kitô.

4. Tháng 10.2002 Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II., khi còn đương quyền giáo hoàng, đã thiết lập „năm lần chuỗi mân côi", và đồng thời ngài cũng đã lập thêm năm sự sáng vào việc suy niệm lần chuỗi mân côi.

Năm chặng đường sự sáng lần theo cuộc đời giảng đạo của Chúa Giêsu từ lúc Ngài chịu phép Rửa ở sông Giordan, Chúa Giêsu làm phép lạ cho nước hóa thành rượu ở tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu rao giảng nước trời và ơn thống hối, Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor và Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể.

Năm chặng của năm sự sáng đời rao giảng nước trời của Chúa Giêsu giúp ta nhớ đến những ân đức Chúa Giêsu đã thực hiện cho đời sống thiêng liêng con người, nhất là bí tích Thánh Thể, một nguồn ơn nuôi sống đức tin tâm hồn người tín hữu Chúa Kitô.

Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedictô XVI. đã có suy niệm về kinh chuỗi mân côi là lời cầu nguyện quy hướng về Chúa Giêsu Kitô theo sát những biến chuyển diễn tả trong Kinh Thánh. Đọc kinh lần chuỗi mân côi là cách thế cầu nguyện của nọi người tín hữu Chúa Kito đang trên con đường lữ hành theo chân Chúa.

Lần chuỗi đọc kinh mân côi là lời cầu nguyện xin ơn bằng an cho đời sống mỗi người, cho gia đình mình và cho hòa bình trên thế giới.

Kinh mân côi là kinh cầu nguyện bình dân đại chúng từ hàng thế kỷ nay trong nếp sống đạo đức của người tín hữu Chúa Giêsu Kitô. Người tín hữu Công Giáo đọc kinh mân côi, kêu xin Chúa ban ân đức cứu giúp nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ trong mọi hoàn cảnh đời sống, nhất là trong lúc gặp hoàn cảnh khó khăn bị đe dọa sức khoẻ thể lý cũng như tinh thần.

Bệnh đại dịch Corona từ những tháng ngày qua lây lan đe dọa sức khoẻ đời sống nhân lọai, phá đổ làm đảo lộn mọi chương trình sinh hoạt đạo giáo lẫn văn hóa chính trị kinh tế trong nếp sống xã hội, gây ra tình trạng ngăn chia xa cách giữa con người với nhau.

Lời kêu cầu qua việc đọc kinh mân côi là phương thức tinh thần xin ân đức của Chúa, nguồn ơn chữa lành và an ủi rất cần thiết trong cơn khủng hoảng lúc này.

Lễ Đức Mẹ Mân Côi, 07.10.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Kinh Mân Côi : Nâng đỡ đời con
Đinh Văn Tiến Hùng
17:30 06/10/2020
Tháng Mân Côi - Lễ Kính 7/10

-Thánh Đa-Minh quả quyết : ”Không có cách cầu nguyện nào đẹp lòng Chúa và Mẹ Maria bằng Kinh Mân Côi.”
-Thánh Benađô : “Kinh Mân Côi có sức xua đuổi ma quỉ và làm cho hỏa kinh hoàng khi nghe Danh Thánh Maria.”
-Thánh Louis De Montfort :”Kinh Mân Côi là một kho tàng vô giá được Thiên Chúa linh hứng”
-Thánh Gioan Phao-lô II : “Dù rõ ràng hướng về Đức Mẹ, kinh Mân Côi đích thực là một lời Kinh hướng về Thiên Chúa. “
…………

Con dù lớn vẫn là con của Mẹ,
Suốt cuộc đời Mẹ luôn ở bên con,
Dù cho sông cạn núi mòn,
Lòng con yêu Mẹ không hề nhạt phai.

Ngay từ lúc mới sinh,
Trong đêm vắng một mình,
Ngồi bên con an giấc,
Mẹ nhè nhẹ lời Kinh.

Ngày tháng nằm trong nôi,
Con chưa hiểu được lời,
Tiếng Kinh ru ngày ấy,
Đem dấu ấn vào đời.

Đến khi con lớn lên,
Vọng tiếng chuông êm đềm,
Đôi chân chim nhỏ bé,
Theo mẹ buổi Kinh chiều.

Bước vào tuổi trưởng thành,
Vào đời để mưu sinh,
Con lên đường vội vã,
Trong lời Kinh độc hành.

Khi đến tuổi biết yêu,
Tâm hồn thấy cô liêu,
‘ Kính Mừng ‘ thôi lẻ bóng,
‘ Thánh Maria ‘ ấm cúng nhiều.


Con khoác áo chiến chinh,
Giã từ tuổi thư sinh,
Quê Hương trùm lửa khói,
Vang dậy tiếng cầu Kinh.

Đeo ba-lô lên đàng,
Trong gói nhẹ hành trang,
Con mang theo ‘Hộ Mệnh’,
Mân Côi Chuỗi Ngọc Vàng.

Ôi cuôc sống đao binh,
Cận kề với tử sinh,
Con nguyện Kinh cầu khấn,
Cho Đất Nước thanh bình.

Hòa bình nào thấy đâu?
Những tháng năm đọa đầy,
Trong ngục tù khổ nhục,
Giọt lệ nhỏ Kinh cầu.

Hoàng hôn gác đầu non,
Thân con đã mỏi mòn,
Dâng lời Kinh ước nguyện,
Tổ Quốc và hồn con.

Đêm đêm ngồi lặng bên đèn,
Phù du cuộc sống bon chen với người,
Bao năm trôi nổi một đời,
Câu Kinh xám hối, nghẹn lời ăn năn.

Con mở mắt chào đời trong lời Kinh mẹ nguyện,
Lời Kinh luôn mang dấu ấn in đậm trong tâm hồn,
Dù thuyền đời cuộn sóng kinh hoàng săp vùi dập,
Con luôn được nâng đỡ qua lời Kinh Kính Mừng.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cây Đàn Vĩ Cầm Trong Tù
Lê Trị
10:04 06/10/2020
CÂY ĐÀN VĨ CẦM TRONG TÙ
Ảnh của Lê Trị

Mười ba năm lẻ tù “cải tạo”
Kỷ vật còn đây gợi nhớ đời
Đã từng nắn nót trên cung phím
Kết bạn cùng ta lúc đơn côi
(Lê Trị)
Cây đàn Vĩ Cầm do chính tay Nhiếp Ảnh Gia
Lê Trị hoàn thành trong tù cải tạo,.
Hiện nay cây đàn này
được trưng bầy tại Viện Bảo Tàng
Di Sản Người Việt
(Vietnamese Heritage Museum).
Tại California.
 
VietCatholic TV
Đức Hồng Y Raymond Burke: Ông Joe Biden không nên rước lễ nếu cứ tiếp tục ủng hộ phá thai
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:15 06/10/2020

1. Đức Giám Mục giáo phận Grand Island: Phá thai là 'tấn công trực tiếp nhất vào sự sống'

Đức Cha Joseph Hanefeldt, Giám Mục Grand Island đã viết hôm thứ Năm rằng: “Trong cuộc sống con người, có những tấn kích lúc này lúc khác từ khi được thụ thai đến khi chết. Tuy nhiên, phá thai là cuộc tấn công bạo lực trực tiếp nhất vào cuộc sống.”

“Phá thai là một cuộc tấn công trực tiếp vào cuộc sống con người, và tính thường hằng của nó trong nền văn hóa của chúng ta đang hủy hoại xã hội của chúng ta. Đáng buồn thay là trắc nghiệm có tính quyết định đối với một ứng viên cho một chức vụ công quyền ở đất nước này hiện được xác định bởi quan điểm của họ đối với việc phá thai. Bất cứ ai cản trở quyền tiếp cận phá thai vô giới hạn và vô phương kiểm soát bằng tiền đóng thuế của người dân hiện đang bị bịt miệng và đàn áp một cách có hệ thống,” Đức Cha Joseph Hanefeldt viết như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 1 tháng 10 nhân “Tháng Tôn trọng Sự sống”.

Đức Cha nhận xét rằng chương trình nghị sự của một đảng phái chính trị có thể có nhiều vấn đề đáng được chúng ta quan tâm và ủng hộ, nhưng nếu họ ủng hộ phá thai thì chúng ta không thể ủng hộ họ vì phá thai tấn công trực tiếp vào chính sự sống con người. “Phá thai theo yêu cầu đã là một tội ác nghiêm trọng trong nền văn hóa của chúng ta kể từ khi nó được hợp pháp hóa vào năm 1973. Hỗ trợ những người đấu tranh cho quyền phá thai là mở cửa một cách mù quáng cho việc thúc đẩy cuộc đàn áp tôn giáo lan rộng.”

“Có những người dành ưu tiên cho phá thai không giới hạn, không kiểm soát, từ tiền đóng thuế của người dân… Hỗ trợ những người như thế vì đồng ý với họ trên các vấn đề khác là bỏ qua khuyết điểm sâu sắc nhất trong tính cách đạo đức của họ. Họ cố ý chống lại quyền chủ tể của Thiên Chúa là Chúa và là Đấng ban sự sống,” Đức Cha Hanefeldt dạy.

“Có những người Công Giáo vỗ ngực xưng mình thành viên 'sùng đạo' của Giáo hội, lại làm mọi thứ có thể được để duy trì tệ nạn phá thai và ủng hộ những người hô hào phá thai, thì đó là loại đạo đức liêm chính nào đây? Ưu tiên tối thượng là quyền được sống ngay từ khi được thụ thai cho đến cái chết tự nhiên là điều không bao giờ có thể nhượng bộ.”

Giáo hội ở Hoa Kỳ coi tháng 10 là Tháng Tôn trọng Sự sống, nêu bật lời dạy của Thánh Gioan Phaolô II trong thông điệp Evangelium Vitae được công bố năm 1995 về giá trị và sự bất khả xâm phạm của cuộc sống con người.

Đức Cha Hanefeldt đưa ra tuyên bố của ngài dường như để đáp lại tuyên bố của nữ tu Campbell. Bà nữ tu Campbell đã lên tiếng chống lại việc đề cử Thẩm Phán Công Giáo Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện. Bà nữ tu cho rằng: “Barrett được đề cử do một động cơ duy nhất là để lật ngược phán quyết phá thai Roe kiện Wade” được Tối Cao Pháp Viện đưa ra vào năm 1973 nhằm hợp pháp hóa hành động phá thai, mà bà nữ tu này cho rằng đó là một “nhân quyền liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ”.

Nữ tu Campbell là người rất tinh quái. Bà thường lôi kéo Đức Giáo Hoàng về phe với mình gây ngộ nhận đối với huấn quyền Hội Thánh. Campbell nói rằng “Là một nữ tu Công Giáo luôn cố gắng nghe theo các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi không thể ủng hộ việc đề cử Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện”.


Source:Catholic News Agency

Đức Hồng Y Burke: Biden không nên rước lễ

Hồng Y Raymond Burke, một luật sư giáo luật và trước đây là chánh án tòa án tối cao của Giáo hội, đã nói rằng các chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai không nên rước lễ, kể cả ứng viên tổng thống Joe Biden.

Biden “không phải là người Công Giáo có phẩm hạnh tốt và ông ta không nên tiến lên rước lễ,” Đức Hồng Y Burke nói trong một cuộc phỏng vấn với Thomas McKenna, người đứng đầu một tổ chức có tên “Công Giáo Hành động vì Đức tin và Gia đình”, là tổ chức thường có các cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y.

“Đây không phải là một tuyên bố chính trị, tôi không có ý định tham gia vào việc giới thiệu bất kỳ ứng cử viên nào cho chức vụ tổng thống, mà chỉ đơn giản là tuyên bố rằng người Công Giáo không được ủng hộ việc phá thai dưới bất kỳ hình thái hay hình thức nào vì đó là một trong những tội lỗi nghiêm trọng nhất đối với sự sống con người, và luôn bị coi là xấu xa tự bản chất và do đó, hỗ trợ cho hành động này dưới mọi hình thức là một tội trọng.”

Khi được hỏi cụ thể về Biden, Đức Hồng Y Burke nhận xét rằng ông Joe Biden “ không chỉ tích cực hỗ trợ phá thai ở đất nước chúng ta mà thôi nhưng còn tuyên bố công khai trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông dự định làm cho phẫu thuật phá thai trở thành một lựa chọn dễ dàng cho tất cả mọi người dưới hình thức rộng rãi nhất và bãi bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến thực hành này đã được áp đặt trong quá khứ”.

“Vì thế, trước hết, tôi sẽ bảo ông ta đừng lên Rước Lễ vì lòng bác ái đối với chính mình, bởi vì đó sẽ là một sự phạm thánh, và là mối nguy hiểm cho phần rỗi linh hồn của ông ta.”

“Mặt khác, ông ta cũng đừng lên Rước Lễ để khỏi gây tai tiếng cho mọi người. Bởi vì ai nói ‘tốt, tôi là một người Công Giáo sùng đạo’ nhưng đồng thời đang cổ súy cho việc phá thai, thì điều đó tạo cho người khác cảm giác rằng việc một người Công Giáo ủng hộ việc phá thai là có thể chấp nhận được. Nhưng tất nhiên điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nó chưa bao giờ được chấp nhận, và sẽ không bao giờ được chấp nhận.”

Đức Hồng Y Burke nguyên là Giám mục của La Crosse, Wisconsin và là Tổng giám mục của St. Louis trước khi được bổ nhiệm làm chánh án Tối Cao Pháp Viện của Vatican vào năm 2008. Đây là tòa án giáo luật cao nhất trong Giáo hội. Đức Hồng Y Burke là chánh án Tối Cao Pháp Viện cho đến năm 2014 và vẫn là một thành viên của tòa án này.

Năm 2007, Đức Hồng Y Burke đã xuất bản trên tạp chí giáo luật uy tín “Periodica” một bài báo nghiên cứu về việc không cho những người Công Giáo mắc tội trọng được rước lễ. Bài báo được nhiều luật sư giáo luật coi là một nghiên cứu sâu sắc về học thuật và rất triệt để về chủ đề này.

Trong cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Burke cho biết giáo lý truyền thống của Giáo hội dạy rằng những ai trong tình trạng mắc tội trọng không được rước lễ. Ngài đã trích dẫn lời khuyên của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi các tín hữu Cô-rinh-tô rằng bất cứ ai “ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” và đang “ăn và uống án phạt của mình”

Đức Hồng Y đã thảo luận về khái niệm tai tiếng. Ngài nói rằng “tai tiếng có nghĩa là bạn dẫn người khác vào suy nghĩ sai lầm và hành động sai theo gương của bạn.”

“Nếu mọi người có chút nghi ngờ trong tâm trí của họ về việc phá thai, và họ thấy người đàn ông này tự xưng mình là một người sùng đạo và anh ta đang thúc đẩy việc phá thai một cách mạnh nhất có thể được, thì điều này khiến mọi người nghĩ rằng việc phá thai phải được chấp nhận về mặt đạo đức và vì thế người gây ra tai tiếng phải chịu trách nhiệm - không chỉ là vì tội gây ra tai tiếng, không chỉ vì những hành động sai trái của mình trong việc ủng hộ phá thai mà còn vì đã khiến người khác nghĩ rằng việc phá thai là chấp nhận được,” Đức Hồng Y Burke nói.

“Tôi không thể tưởng tượng được rằng có người Công Giáo nào lại không biết rằng phá thai là một tội lỗi nghiêm trọng, nhưng nếu họ thiệt tình không biết, thì một khi họ đã được bảo cho biết, thì họ hoặc phải ngừng ngay tức khắc việc ủng hộ phá thai hoặc chấp nhận sự thật rằng họ không phải là một người Công Giáo có tư cách tốt và do đó không nên tiến lên rước lễ”.

Đức Hồng Y Burke giải thích rằng khi ngài còn là một giám mục giáo phận, khi nhận thức được có chính trị gia nào ủng hộ phá thai trong giáo phận của ngài, thì việc ngài làm ngay lập tức là liên hệ với họ để bảo đảm rằng họ hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của tội lỗi này.

Nếu sau một cuộc trò chuyện về giáo huấn của Giáo hội liên quan đến sự sống con người, mà họ “vẫn không muốn hành động theo giáo huấn của Hội Thánh thì tôi sẽ nói ngay với họ rằng ‘bạn không được lên rước lễ’,” Đức Hồng Y giải thích.

Nhận xét của Đức Hồng Y Burke rút ra từ các điều 915 và 916 của Bộ Giáo luật, trong đó giải thích rằng một người ý thức mình đang mắc tội trọng thì không nên Rước lễ nếu không xưng tội trước, và người Công Giáo nào “cố chấp kiên trì thể hiện tội trọng không nên được cho rước lễ.”

Năm 2004, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, khi đó là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã viết một bản ghi nhớ cho các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, giải thích việc áp dụng điều 915 sách giáo lý Công Giáo liên quan đến các chính trị gia phò phá thai.

Chính trị gia Công Giáo nào “vận động và bỏ phiếu cho dự luật phá thai và an tử” thì tạo nên một sự “hợp tác chính thức” với tội lỗi nghiêm trọng đó, bức thư giải thích.

Trong những trường hợp như vậy, “vị mục tử của anh ta nên gặp anh ta, hướng dẫn anh ta về giáo huấn của Giáo Hội, thông báo cho anh ta biết rằng anh ta không được lễ Rước Lễ cho đến khi anh ta chấm dứt tình trạng tội lỗi khách quan này, và cảnh báo anh ta rằng anh ta sẽ bị từ chối Thánh thể nếu không tùng phục giáo huấn của Hội Thánh”, Đức Ratzinger viết.

Nếu cá nhân vẫn tiếp tục phạm tội trọng và vẫn lên rước lễ, thì “thừa tác viên Thánh Thể phải quyết liệt từ chối trao Mình Thánh Chúa”

Ngay sau khi Ratzinger viết bản ghi nhớ đó, các giám mục Hoa Kỳ đã đồng ý việc áp dụng các quy tắc đó nên được quyết định bởi các giám mục riêng lẻ, thay vì hội đồng giám mục. Quyết định này được đưa ra phần lớn dưới ảnh hưởng của Theodore McCarrick, lúc bấy giờ là Tổng giám mục của Washington, làngười đã dấu đi bức thư, diễn giải bức thư theo ý mình, nhưng đã không trình bày toàn bộ cho các giám mục.

Một số giám mục đã cấm các chính trị gia ủng hộ “ luật phá thai được phép “ rước lễ, nhưng những người khác đã bác bỏ, hoặc nói thẳng rằng họ sẽ không từ chối các chính trị gia như vậy về Bí tích Thánh Thể.

Biden vào tháng 10 năm 2019 đã bị từ chối không cho rước lễ tại một giáo xứ Nam Carolina.

“Rước lễ biểu thị chúng ta là một với Thiên Chúa, với nhau và với Giáo hội. Hành động của chúng tôi nên phản ánh điều đó. Bất kỳ nhân vật công cộng nào ủng hộ việc phá thai đều tự đặt mình ra ngoài tình hiệp thông của Giáo hội,” Cha Robert Morey, cha sở của Nhà thờ Công Giáo St. Anthony ở Giáo phận Charleston, nói với CNA sau khi Biden bị từ chối Rước lễ.


Source:Catholic News Agency

3. Hiệu trưởng Đại Học Notre Dame xét nghiệm dương tính với COVID-19

Cha John Jenkins, hiệu trưởng của Đại học Notre Dame, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus, trường đại học cho biết trong một email gửi sinh viên vào ngày 2 tháng 10.

Cha Jenkins đã tự nguyện tự cách ly bản thân kể từ khi tham dự buổi lễ đề cử Amy Coney Barrett, một giáo sư luật Notre Dame vào Tối Cao Pháp Viện, được tổ chức tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, hôm 26 tháng 9.

Theo email mà CNA có được, một trong những đồng nghiệp của Cha Jenkins mà anh thường xuyên tiếp xúc đã cho kết quả dương tính với COVID-19. Cha Jenkins sau đó đã được kiểm tra và cũng nhận được kết quả dương tính.

Cha Jenkins cho biết các triệu chứng của ngài là “nhẹ” và dự định tiếp tục làm việc tại nhà. Một phát ngôn viên của trường đại học từ chối bình luận thêm.

Cha Jenkins cho biết trong email : “Kết quả xét nghiệm dương tính là một lời nhắc nhở tốt cho tôi và có lẽ cho tất cả mọi người về việc chúng ta cần phải cảnh giác như thế nào”.

Một video clip được C-SPAN đưa tin về sự kiện đề cử tại Tòa Bạch Ốc, được lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy Cha Jenkins không đeo khẩu trang y tế bắt tay và nói chuyện gần gũi với những người tham dự.

Cha Jenkins cho biết trong một email vào tuần trước rằng khi đến Tòa Bạch Ốc, Cha và các vị khách khác đã trải qua một cuộc kiểm tra COVID-19 nhanh chóng và khi tất cả họ đều có kết quả âm tính, họ được thông báo rằng có thể an toàn để tháo khẩu trang của mình, NBC Chicago đưa tin.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere hôm thứ Sáu cho biết Thẩm phán Barrett đã xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Notre Dame là một trong những trường đại học lớn đầu tiên mở cửa trở lại để hướng dẫn trực tiếp cho học kỳ mùa Thu năm 2020, với các giao thức làm sạch và kiểm tra coronavirus cho tất cả sinh viên. Trường đại học đã khuyến khích sinh viên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 6 feet, và giới hạn 20 sinh viên tụ tập ở ngoài trời.

Vào cuối tháng 8, chưa đầy hai tuần sau khi bắt đầu học kỳ, trường đại học đã thông báo gián đoạn hai tuần giảng dạy trực tiếp trên lớp, trong bối cảnh ngày càng có nhiều ca nhiễm COVID-19 trong khuôn viên trường.

Vào thời điểm đó, trường đại học đã ghi nhận hơn 300 ca nhiễm coronavirus trong khuôn viên trường. Các lớp học trực tiếp đã tái tục vào ngày 2 tháng 9.


Source:Catholic News Agency
 
Tấm lòng nghĩa hiệp hào phóng của Dòng Don Bosco với các nạn nhân virus Tầu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:30 06/10/2020

1. Dòng Don Bosco quyên góp gần tám triệu Euro giúp các gia đình bị thiệt hại vì đại dịch.

Dòng Don Bosco đã quyên góp được bảy triệu 900 ngàn Euro để trợ giúp hàng ngàn gia đình trên thế giới bị thiệt hại vì đại dịch Covid-19.

Trong một sứ điệp Video, nhân cuộc viếng thăm thành Torino, bắc Italia, hôm 30 tháng 9 năm 2020, cha Ángel Fernández Artime, Bề trên Tổng quyền dòng Don Bosco, nói: “Bảy triệu 900 ngàn Euro đã quyên góp, thực là một số tiền đáng kể, tại 62 tỉnh dòng trên thế giới, tài trợ cho 143 dự án giúp đỡ về lương thực và tài chánh cho các gia đình bị thiệt hại nhiều vì đại dịch.”

Với các ân nhân đã giúp đỡ, cha Ferández nói: “Nhân danh thánh Bosco, tôi cám ơn anh chị em vì tình liên đới, về điều thiện chúng ta cùng nhau thực hiện. Ðây thực là một điều tốt đẹp vì ở đây không phải chỉ là vấn đề quyên tiền để giúp dân chúng, nhưng cũng là dịp để cùng nhau suy tư, chia sẻ những quan tâm, ý tưởng và sáng kiến để đi tới mọi nơi trên thế giới”.

Cha Bề trên Tổng quyền đến Torino, nhân dịp khánh thành Bảo tàng viện Nhà Don Bosco”, từ mùng 2 đến 4 tháng 10 năm 2020.

Dòng Salesien Don Bosco hiện nay có khoảng 14,800 tu sĩ và là dòng nam đông thứ hai trong Giáo hội, sau dòng Tên.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y Timothy Dolan nói: Barrett là 'ứng cử viên sáng giá nhất' cho ghế Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện

Đức Hồng Y Timothy Dolan của Tổng giáo phận New York đã gọi Thẩm phán Amy Coney Barrett là “ứng cử viên sáng giá nhất” cho chiếc ghế trống của Tối Cao Pháp Viện, và nói rằng bà, giống như những người Công Giáo đã được đề cử, đang phải đối mặt với những thành kiến do giới tính, gia đình và đức tin của bà.

Phát biểu trên chương trình Sirius XM “Trò chuyện với Hồng Y Dolan” trên Kênh Công Giáo ngày 29 tháng 9, Đức Hồng Y Dolan ca ngợi Barrett, một bà mẹ 7 con và là giáo sư tại Khoa Luật Notre Đại Học Dame trước khi cô được bổ nhiệm vào Tòa phúc thẩm thứ 7, như một người “ người coi trọng đức tin của mình”. Nhưng, Đức Hồng Y Dolan nói, đó không phải là lý do tại sao cô ấy được đề cử vào Tòa án Tối cao.

“Tôi nghĩ cô ấy được đề cử bởi vì cô ấy là ứng viên tốt nhất,” về phương diện trí thông minh và khả năng am hiểu pháp luật.

Barrett được Tổng thống Donald Trump đề cử vào ngày 26 tháng 9 để lấp chỗ trống của Tòa án Tối cao khi Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg qua đời vào ngày 18 tháng 9.

Đức Hồng Y Dolan nói rằng mặc dù ngài chưa bao giờ gặp riêng Barrett, nhưng “cô ấy nhận được những đánh giá rất tốt từ những người từng biết cô ấy”.

Đức Hồng Y Dolan nhấn mạnh rằng ngay cả những người có thể không đồng ý với triết lý tư pháp của cô cũng nói rằng cô là “một người phụ nữ liêm chính, mạnh mẽ và độc lập.”

“Tất cả họ đều say mê về tính cách của cô ấy. Trong suy nghĩ của tôi, đó là điều quan trọng nhất”, ngài nói.

Đức Hồng Y Dolan cũng nồng nhiệt ca ngợi Ginsburg, và so sánh bà với Barrett như những người phụ nữ có đức tin.

“Điều tôi ngưỡng mộ là trong những lời ca ngợi dành cho Ruth Bader Ginsberg, có rất nhiều bài báo nói về đức tin Do Thái sâu sắc của bà ấy và cách bà ấy không ngại nói rằng các giá trị từ đức tin Do Thái Giáo của bà đã ảnh hưởng đến cách bà ấy sống và cách bà ấy phán xét.”

Vị Hồng Y kể lại một câu chuyện rằng Ginsburg “luôn luôn nói rằng bà ấy phải đối mặt với ba thành kiến; một người phụ nữ, một người mẹ, và một người Do Thái,” và nói rằng Barrett sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự.

“Thẩm phán Barrett đang phải đối mặt với các thành kiến chống phụ nữ, người mẹ và người Công Giáo,” ngài nói.

Nếu Barrett được xác nhận cho chức vụ Thẩm Phán tại Tòa án Tối cao, cô ấy sẽ là người phụ nữ đầu tiên có mặt tại tòa trong khi con cái còn đang tuổi đi học. Con út của cô, Benjamin, mới tám tuổi


Source:Catholic News Agency

3. Chính quyền bang Karnataka của Ấn Ðộ tháo dỡ 15 Thánh giá ở một làng nhỏ.

Ðức Cha Peter Machado, tổng giám mục Bangalore, đã lên án việc chính quyền dỡ bỏ các Thánh giá ở một ngôi làng nhỏ là một “hành động có chọn lọc được thực hiện [bởi chính quyền] chống lại các Ki-tô hữu trong bối cảnh bất khoan dung tôn giáo hiện nay.”

Ðức Cha Machado nói với hãng tin AsiaNews rằng 15 Thánh giá, gồm một Thánh giá dài 32 mét, và 14 Thánh giá nhỏ hơn của Ðàng Thánh giá, bị 300 cảnh sát hạ xuống ở một ngọn đồi gần nhà thờ thánh Giuse, ở Gerahalli (Karnataka), vào ngày 23 tháng 9 năm 2020.

Gerahalli là một giáo xứ nhỏ có khoảng một trăm gia đình Công Giáo. Cha Antony Britto phụ trách giáo xứ cho biết ngày 22 tháng 9 năm 2020, một viên chức chính quyền đã báo cho cha biết về lệnh tháo dỡ được Tòa án Tối cao ban hành. Ngày hôm sau việc phá dỡ bắt đầu. Những cây Thánh giá đã được mang đi bằng một chiếc máy kéo. Không chịu nổi cảnh tượng này, những người Công Giáo địa phương bắt đầu phản đối. Một số người khóc trong khi những người khác đọc kinh Mân Côi.

Theo Ðức Tổng Giám mục Machado, các Kitô hữu địa phương đã lên đồi cầu nguyện trong nhiều thập kỷ, nhưng Giáo hội không xin phép sử dụng đất công. Cũng có các đền thờ Ấn giáo tại khu vực này, chiếm đến 173 hecta, trong khi Ðàng Thánh giá chỉ chiếm khoảng một hecta. Các đền thờ này không bị đụng chạm đến.

Tại Karnataka, nơi Ðảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo đang nắm quyền, việc dỡ bỏ thánh giá là mệnh lệnh hàng ngày. Việc tháo dỡ Thánh giá tuần trước là lần thứ tư trong sáu tháng qua.


Source:Asia News