Ngày 10-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Kính mừng Maria
Vũ Văn An
01:55 10/10/2008
Kính Mừng Maria

Nếu có một kinh nào đó đặc trưng được gọi là Kinh Công Giáo, thì chắc chắn đó là Kinh Kính Mừng. Ta đọc Kinh này không biết bao nhiêu lần, dưới nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng nhất là trong lúc đọc Kinh Truyền Tin và lần chuỗi Mân Côi, cho đến nay có lẽ đã đến cả hàng ngàn lần… Tuy nhiên, nhiều lúc ta chỉ đọc nó theo thói quen, ít khi chịu tìm hiểu ý nghĩa đầy đủ của nó. Thực ra, không một chữ nào trong Lời Kinh này dư thừa, vô nghĩa cả.

Kính mừng Maria

Đây không hẳn là lời chào cho có lệ. Lúc Truyền Tin, thiên thần không chào Đức Maria bằng lời chào vô nghĩa hàng ngày, như kiểu người Úc, người Mỹ gặp nhau thường nói “hello”. Vì chữ “Ave” (Ave Maria) thực ra có nghĩa “hãy vui lên” (be happy). Không lạ gì cha ông ngưòi Việt chúng ta dịch là “Kính Mừng”. Nó chứa cả một âm sắc thiên sai của niềm vui mà Thiên Chúa dành sẵn cho con người khi trở thành Một Con Người như họ. Qua cái niềm vui của Đức Maria, ta còn thấy cả một hừng đông ơn cứu rỗi nhân loại đang ló dạng.

Tước hiệu “Maria” là của Đức Maria trước khi Ngài được thiên thần xưng như thế. Tước hiệu này có nhiều nghĩa, nhưng một trong các nghĩa ấy chính là “Bà”, “Mệnh Phụ”, “Lệnh Bà “(Lady) tương tự như chữ “Chúa” (Lord) áp dụng cho Chúa Kitô. Nói theo tiếng Latinh, thì là “Domina” (Đức Bà) trong khi Chúa Giêsu là “Dominus” (Đức Chúa). Tước hiệu này chính là căn bản để ta xưng tụng Đức Maria là Nữ Vương. Người sẽ là Mẹ của Chúa Tể Vũ Trụ, nên hiển nhiên sẽ là Nữ Vương của nhân loại.

Đầy ơn phúc

Bản Kinh Kính Mừng của ta dựa theo bản dịch Phổ Thông. Như ta đã thấy, bản dịch này do Thánh Giêrôm thực hiện vào đầu thế kỷ thứ 5 theo lệnh của Thánh Giáo Hoàng Đamasô I. Đây là bản dịch duy nhất được một công đồng chung của Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận. Không những chỉ nhìn nhận mà thôi, mà còn được Công Đồng tuyên bố là chân chính, nghĩa là nó chứa đựng một cách chính xác bản chất sự mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại. Ta biết nhiều bản dịch dịch chữ tương đương của Hy Lạp trong bản văn Tân Ước là “được sủng ái cao trọng” (highly favoured). Dịch như thế là dịch theo lối tầm nguyên Hy Lạp, chứ không cho thấy sự viên mãn của nội dung tín lý mà Giáo Hội thấy cần phải có trong thuật ngữ gratia plena (đầy ơn phúc).

Nhưng ta tự hỏi Đức Maria “đầy ơn phúc” như thế nào? Người đầy ơn phúc, trước nhất vì người được tượng thai trong bụng mẹ mà không vướng tội nguyên tổ. Người đầy ơn phúc là người ngay từ giây phút đầu tiên được tượng thai tron glòng mẹ đã không mắc tội nguyên tổ. Đức Maria là người ấy. Đàng khác, suốt cuộc đời Người, Đức Maria nhận được ơn phúc dư thừa đến độ không ai khác, ngoại trừ Chúa Kitô, được như thế. Ngoài ra, không phải Người chỉ được ơn vô nhiễm lúc đầu đời mà thôi, mà suốt đời không bao giờ Người phạm tội. Dù là tội nhẹ, Người cũng không bao giờ vi phạm trong suốt đời mình. Đàng khác, đầy ơn phúc còn có nghĩa là các thèm khát của Người luôn được Người kiểm soát. Khác với mọi người chúng ta, Đức Maria không có các dục vọng xấu xa. Ngài có ước muốn, ước muốn mạnh mẽ là đàng khác, nhưng các ước muốn này luôn tùng phục lý trí do ảnh hưởng của việc Người được đầy ơn phúc. Sau cùng, quan trọng hơn cả, Người được ơn duy nhất làm Mẹ Tác Giả mọi ơn phúc. Quả là đầy ơn phúc!

Chúa ở cùng Bà

Đây lời của chính Tổng lãnh thiên thần Gabriel. Ta tự hỏi: Chúa ở cùng Đức Maria ra sao? Người ở cùng Đức Mẹ qua ơn bằng hữu của Người. Ta hãy để ý điều này: Người không ở gần Đức Mẹ hay ở trong Đức Mẹ mà thôi, mà ở cùng Đức Mẹ. Người cũng ở với Đức Mẹ qua đức tin của Đức Mẹ, tin tất cả những điều Người đã từng mạc khải về việc Người sẽ đến để cứu chuộc nhân loại. Trong số các giáo phụ, Thánh Augustinô cho ta hay: Đức Maria chịu thai Thiên Chúa bằng tinh thần đức tin trước khi chịu thai Người bằng máu thịt trong thân xác mình. Ta có thể nói, chính đức tin sâu sắc của Đức Mẹ đã kéo được ơn trở thành Mẹ Chúa Kitô.

Chúa ở cùng Đức Maria, và tiếp tục ở cùng Đức Mẹ qua sự Quan Phòng kỳ diệu của Người. Ta có thể chắc chắn: Thiên Chúa không bao giờ ban bất cứ ơn nào đơn độc cả. Người không bao giờ ban ơn rồi bỏ đấy mà đi. Người ở cùng Đức Mẹ vì Người bảo bọc Đức Mẹ bằng sự chăm sóc của Người và sắp xếp mọi sự trong đời Đức Mẹ để hoàn tất mục tiêu quan phòng trong cuộc đời ấy. Nhưng ta cũng cần thêm ngay rằng: Chúa ở cùng Đức Mẹ vì Đức Mẹ ở cùng Chúa. Và việc ấy đã có từ trước việc Nhập Thể. Chữ “cùng” ám chỉ một nối kết hai chiều (conjunction). Bạn không thực sự ở cùng ai đó nếu người ấy không ở cùng bạn cách tương ứng.

Đức Mẹ luôn luôn nghĩ tới Thiên Chúa. Ngài cũng ở cùng Chúa trong ý chí. Đức Mẹ luôn làm điều Chúa muốn. Ngài ở cùng Chúa trong tâm hồn. Các soạn giả Phúc Âm có ghi lại lời nói của Đức Mẹ, nhưng ta không thấy Ngài nói nhiều. Tuy thế, mỗi lần các vị ghi lại các cuộc đối thoại ít ỏi giữa Đức Mẹ và Con mình, ta đều thấy Ngài dùng những lời lẽ đầy dịu dàng âu yếm. Nói tóm lại, Đức Mẹ nghĩ tới Chúa luôn, thực hành ý Người, dành cho Người những tình cảm âu yếm dịu dàng mỗi lần có dịp nói truyện với Người.

Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ

Giờ đây ta hãy xem người chị em họ Êlisabét chào mừng Đức Mẹ ra sao lúc Ngài đến thăm bà. Bà dùng lời tuyệt diệu sau đây: "chị có phúc lạ hơn mọi người nữ”. Lời chào ấy có nghĩa gì? Trước nhất, lời ấy có nghĩa: trong tất cả mọi người nữ, Đức Maria là người duy nhất làm mẹ mà vẫn còn đồng trinh. Ngài độc nhất vô nhị vì Ngài là Mẹ Đấng Được Xức Dầu. Đức Maria là độc nhất vô nhị trong hàng phụ nữ vì con trẻ Ngài mang thai chính là Đấng tạo nên Ngài. Khi hạ sinh Chúa Kitô, Đức Mẹ có thể nói với Người hay nói về Người rằng: “Này là mình tôi” bởi vì Người đã lấy thịt xương nhân bản từ chính Đức Mẹ. Bởi thế, ta nghe Giáo Hội dạy và tin rằng: caro Jesu, caro Mariae (Thịt máu Chúa Giêsu là thịt máu Đức Maria). Khi quyết định làm người, Thiên Chúa đã chọn lấy xác thịt mình từ một người đàn bà. Chắc chắn, người Đàn Bà ấy phải hết sức độc đáo.

Nhưng không phải Êlisabét chỉ nói Đức Mẹ độc đáo trong hàng phụ nữ mà thôi. Đó không phải là điều Thánh Luca muốn nói với chúng ta. Vì “phúc” đây cũng có nghĩa là “hạnh phúc”, “hãy vui lên” (be happy). Thành thử tại đây, ta có hai lời chúc hạnh phúc tiếp sau nhau trong cùng một chương của Phúc Âm Thánh Luca: một của thiên thần, một của người chị em họ. Như thế, Đức Maria quả là người đàn bà hạnh phúc nhất trong mọi người nữ, chứng tỏ cho ta thấy Thiên Chúa muốn ta hạnh phúc ngay ở đời này. Nhưng điều kiện của hạnh phúc này ra sao? Điều kiện này đã được Đức Maria hoàn toàn chứng nghiệm. Đó là việc Ngài khiêm hạ chấp nhận thánh ý Chúa, hoàn toàn vâng phục các dự kiến hết sức huyền nhiệm của Chúa.

Vấn đề lớn nhất trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thực sự không phải là ta không thể dùng trí khôn mà hiểu được Người vô cùng mầu nhiệm; vấn đề là ở chỗ ta cần phải sống một số mầu nhiệm ấy. Đức Maria đã sống trong mầu nhiệm. Điều ấy có nghĩa: Ngài đã sống ý Chúa dù không hoàn toàn hiểu lý do tại sao. Và bạn hẳn còn nhớ hai dịp cảm kích trong đó Đức Mẹ lên tiếng đặt câu hỏi: một lần lúc được truyền tin và lần kia khi tìm lại Con trong Đền Thờ. Hai dịp đó nhắc cho con người mọi thời biết rằng người đàn bà hạnh phúc nhất trong mọi người nữ này từng phải bước đi trong mò mẫm, trong bóng tối, bóng tối của đức tin! Đã đành là Ngài tin, nhưng đức tin là thế đó: tin mà không hoàn toàn hiểu. Cho nên, niềm vui của Đức Maria là kết quả việc Ngài hoàn toàn tuân theo ý Thiên Chúa. Ta cũng cần thêm rằng: đối với con người đang ở lũng sâu nước mắt này, muốn hạnh phúc, không có con đường nào khác ngoài con đường trên. Bí quyết là thực hiện Ý Chúa mà không được đòi hỏi Người giải thích.

Và Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ

Không phải Êlisabét chỉ nói Đức Mẹ hạnh phúc, mà cả Con Trẻ trong lòng Đức Mẹ cũng hạnh phúc nữa. Mà Người hạnh phúc thật vì từ lúc còn trong bụng Mẹ, nhân tính của Chúa Kitô đã kết hợp làm một với Ngôi Lời Thiên Chúa ngay trong bản thể rồi. Ngay khi còn trong bụng Mẹ, dưới hình thức xác phàm, Chúa Kitô, trong tư cách con người, đã được chiêm ngắm nhan thánh Ba Ngôi Thiên Chúa. Ai lại không hạnh phúc khi được chiêm ngắm thánh nhan Thiên Chúa? Các nhà huyền bí từng viết rất nhiều về cuộc sống ẩn dật của Chúa Kitô nhưng ta nên nhớ rằng cuộc sống ẩn dật ấy đã khởi đầu ngay trong lòng Mẹ rồi. Hạnh phúc trong chốn ẩn dật ấy khích lệ ta rất nhiều lúc ta thấy khó chấp nhận việc mình không được ai biết đến, không được ai nhìn nhận, bị mọi người lãng quên… Con người nhân bản chúng ta là thế, sợ bị lãng quên, sợ bị làm ngơ xiết bao, muốn được, khao khát được người khác biết đến biết là dường nào!

Nhưng cũng như Mẹ của Người, Chúa Kitô cũng thực hiện Ý Thiên Chúa. Người hạnh phúc vì Người thực hiện Ý ấy. Ở đây, ta đụng tới viên đá nền tảng xây dựng nên cảm nghiệm thánh thiện. Không một ai có trí khôn lành mạnh, bất kể có cố gắng thi hành tốt Ý Thiên Chúa hay không, có thể chối cãi rằng Ý Chúa rất đắt giá, nó đòi hỏi nhiều lòng độ lượng nhân bản và sự hy sinh của ta. Thế ta tự hỏi: bù vào đấy ta được gì? Không ai làm một việc gì mà lại không mong nhận được điều gì từ đó mà ra. Thế các vị thánh và bạn hữu nổi tiếng của Chúa đã nhận được điều gì khi thực hiện Ý Thiên Chúa? Thánh Inhaxiô viết rằng: “Phần thưởng cao nhất mà tôi tớ Chúa Kitô nên mong chờ ở người phàm đời này chính là điều mà Chúa của họ từng nhận được từ người đương thời của Người: chống đối, đóng đinh, và cái chết”. Nhưng liệu Thiên Chúa có ban cho những kẻ phục vụ Người điều chi không? Thưa có. Nhưng cái này bạn không nói về nó được. Bạn phải cảm nghiệm nó. Đó là một cảm nghiệm hân hoan không ai có thể ban, ngoại trừ Thiên Chúa; và Thiên Chúa không ban cho ai ngoại trừ cho kẻ thực hành Ý của Người, theo đúng mức họ thực hành Ý ấy.

Thánh Maria

Trong Kinh Cầu Đức Mẹ, Ngài có nhiều tước hiệu. Ngài có nhiều tước hiệu hơn nữa trong các giáo hội La Mã, và càng nhiều hơn nữa trong Phụng Vụ Byzantine. Tuy không đếm, nhưng ta biết trong lịch Byzantine, mỗi ngày đều có lễ kính một tước hiệu của Đức Mẹ. Tuy nhiên, Giáo Hội như một toàn thể dành tước hiệu “Thánh Maria” cho Ngài vì Ngài là người thánh thiện nhất trần đời; Ngài là tạo vật thánh thiện hơn cả, dĩ nhiên chỉ sau Chúa Kitô, Đấng vốn là Thiên Chúa.

Đức Mẹ thực hành mọi nhân đức tới mức siêu phàm. Ngài không bao giờ phạm tội, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng Ngài thánh thiện chủ yếu không phải vì những điều Ngài làm, vì như ta biết, Ngài đâu có làm chi phi thường đâu; Ngài thánh thiện chủ yếu vì chính con người của Ngài. Đức Mẹ vốn đầy ơn thánh Chúa. Ta cũng cần nhấn mạnh thêm điều này nữa: sự thánh thiện của Đức Mẹ không những chỉ vì Ngài là Mẹ Chúa Kitô và là Mẹ Thiên Chúa, mà Ngài còn sống trong tình thân hữu với Thiên Chúa nữa. Và loại thánh thiện này ai trong chúng ta cũng có thể với tới được, và nhờ ơn Chúa, đều có thể chiếm hữu được, tất cả chúng ta đều tin tưởng được là mình sống trong tình thân hữu với Người. Sự thánh thiện trong yếu tính này, sự thánh thiện ta cùng có với Đức Maria này, ta có được là nhờ ta sống trong trạng thái có ơn thánh.

Tuy nhiên cần phải nhớ rằng khi ta xưng Đức Mẹ là đấng thánh, không phải ta chỉ muốn nói tới sự thánh thiện của Ngài lúc đó mà thôi, lúc Ngài còn ở trên dương gian. Ta cũng nói tới Đức Maria và xưng Ngài là đấng thánh lúc này nữa. Ngài thánh thiện vì lúc này đây, trên thiên đàng, Ngài đang chiếm hữu cả một kho tàng vinh quang có thể sánh với sự đầy ơn phúc của Ngài khi còn trên dương thế.

Ơn thánh trên dương gian là điều kiện để được vinh quang. Mặc dù kiểu nói này hơi lạ, nhưng ta có quyền nói hiện nay trên thiên đàng, Đức Mẹ đầy vinh quang thay vì nói Đức Mẹ đầy ơn thánh. Ngài là người được vinh hiển đầy đủ nhất trong tất cả các tạo vật của Thiên Chúa, dĩ nhiên chỉ sau Con Thần Thánh của Ngài mà thôi. Ta không những có thể ca ngợi sự thánh thiện này mà còn cầu khấn được nữa. Trên thiên đàng, Ngài có quyền thế cầu bầu cho ta rất mạnh vì Ngài hết sức gần gũi Thiên Chúa. Ai càng gần Thiên Chúa thì càng thánh thiện. Đây là một từ ngữ khác để chỉ sự thánh thiện: gần gũi với Thiên Chúa. Đức Maria là người gần gũi nhất với Thiên Chúa. Vì Ngài gần gũi Thiên Chúa như thế nghĩa là thánh thiện như thế, nên Ngài mạnh thế trước toà Thiên Chúa hơn bất cứ thiên thần và vị thánh nào.

Đàng khác, không những ta có thể ca ngợi và khẩn cầu sự thánh thiện của Đức Maria, ta còn có thể bắt chước sự thánh thiện ấy nữa. Ngài là kiểu mẫu thánh thiện của ta. Như các tác giả thiêng liêng thường nói, Ngài là imitatrix Christi, người mô phỏng Chúa Kitô. Quả là tuyệt! Ngài là Đấng trung thành phản chiếu sự thánh thiện của Chúa Kitô qua các nhân đức Ngài từng thực hành. Tuy thế, ta cần ghi nhớ điều này: dù chắc chắn Ngài có thực hành các nhân đức luân lý như khôn ngoan, công bình, tiết độ và can đảm, nhưng chính việc Ngài thực hành điều ta gọi là nhân đức đối thần bác ái đã làm Ngài nên giống Chúa Kitô như thế trong tinh thần, vì Ngài yêu Chúa Kitô, Đấng về phương diện xác thịt giống như Ngài vì Người là Con Trai của Ngài.

Đức Mẹ Chúa Trời

Bà Êlisabét chào Đức Maria là “Mẹ Chúa tôi”. Và Giáo Hội từ đó cũng đã xưng hô với Ngài như thế. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu Kitô, Đấng vốn là Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Ngài vô nhiễm từ lúc được tượng thai. Khi Thiên Chúa ban ơn gọi, Người luôn đặt kế hoạch từ trước. Biết rằng Đức Maria sẽ là Hòm Bia Giao Ước và là Nhà Tạm đầu hết của Đấng Tối Cao, nên Thiên Chúa đã chuẩn bị thân xác và linh hồn của Ngài ngay lúc Ngài được tượng thai. Đó cũng là lý do tại sao, tựu chung, Ngài đã được triệu về trời cả hồn lẫn xác.

Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” này quả là dấu chỉ đức tin chân chính. Chính dựa vào tiêu chuẩn này người ta nhận diện được các lạc giáo trong các thế kỷ đầu tiên. Những người nhìn nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng là những người tin rằng Con của Ngài là Thiên Chúa. Và từ đó đến nay cũng thế. Chỉ những ai thực sự tin vào thần tính của Chúa Kitô mới chấp nhận mẫu quyền Thiên Chúa của Đức Maria một cách đơn thành và không thắc mắc. Bất cứ ai dè dặt đối với việc Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng đều dè dặt với việc Con của Ngài là Thiên Chúa Vô Cùng.

Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử

Lời khẩn cầu cuối cùng này với Đức Trinh Nữ Diễm Phúc vừa là lời xưng thú vừa là lời nài van. Qua nó, ta xưng thú rằng, không như Đức Maria, tất cả chúng ta đều là người có tội. Hãy nhớ câu truyện chung quanh việc Đức Mẹ hiện ra với Thánh Nữ Bernadette tại Lộ Đức. Khi lần hạt Mân Côi, Đức Mẹ không đọc Kinh Kính Mừng, quả là đúng thay! Ngài làm sao khẩn cầu chính mình được. Nhưng hơn hết, Ngài không thể gọi mình điều mà Ngài không hề là, tức là kẻ có tội. Chúng ta mới là kẻ có tội. Không như Đức Maria, chúng ta là kẻ có tội do “thừa tự” mà có. Chúng ta được tượng thai một cách không phải là vô nhiễm mà là ô nhiễm (maculately), đầy tì vết, tì vết của tội lỗi mà toàn bộ nhân loại đều vướng phải, ngoại trừ Chúa Kitô và Mẹ của Người.

Hơn nữa, ta còn là kẻ có tội vì môi trường nữa. Dĩ nhiên, xã hội trong đó Đức Maria sinh sống cũng là một xã hội tội lỗi, nhưng không như Ngài, ta không những vướng tội lúc sinh ra trên đời mà còn vướng tội của những người quanh ta nữa. Nhất là ta bị vướng tội và là kẻ có tội vì sa phạm (commission), nghĩa là cố tình phạm đến Thiên Chúa. Bởi thế ở đây ta ta xưng thú ta là kẻ có tội.

Nhưng ngoài việc xưng thú, lời khẩn cầu kia cũng là lời nài nỉ, van xin. Xin Đức Mẹ cầu bầu với Chúa Kitô cho chúng ta. Trước nhất cho lúc này, lúc này đây, khi ta đang khiếp đảm nhớ lại tội lỗi quá khứ của mình, khi ta đang phải phấn đấu với chính mình và người khác để giữ mình khỏi phạm tội. Một trong những điều khó khăn nhất trong việc cư xử với người ta là giữ cho mình đừng vướng vào tội lỗi của họ. Nên ta cầu xin được giúp đỡ ngay trong lúc này.

Ta kết thúc bằng cách xin cho mình được bảo vệ vào giờ chết. Đây là lời cầu hàng ngày và nhiều lần trong ngày xin được bền đỗ đến cùng. Ta cần rõ ràng về điều mình xin. Giáo Hội khuyên ta tin rằng ta cần xin cho được ơn bền đỗ đến cùng là ơn tự nó ta chẳng đáng được dù cả đời sống đạo hạnh đi chăng nữa.

Không phải chỉ vì một người nào đó sống cuộc sống tốt mà tự họ có thể đảm bảo sẽ chết trong tình nghĩa với Chúa. Thêm vào cuộc sống ấy, ta phải cầu xin ơn đặc biệt để vào giây phút trước khi bước vào cõi đời đời, ta nhận được ơn chết trong tình nghĩa với Chúa. Ơn này sẽ được ban cho ta nhưng không phải vì ta xứng đáng nhận được nó nhờ cuộc sống tốt lành của ta. Nói cách khác, nhân đức mà thôi không phải là hứa hẹn sẽ được chết trong tình trạng ơn thánh. Đàng khác, ta phải cầu xin cho được ơn chết lành. Đây là ơn lớn nhất mà hữu thể nhân bản có thể nhận được. Không ơn nào có thể sánh với nó. Và Giáo Hội cho ta hay: ta phải liên lỉ và khẩn khoản cầu xin cho được ơn này. Đây là điều ta đang xin ở đây và tin tưởng hy vọng sẽ nhận được vì ta đang cầu xin Mẹ của Thiên Chúa, Đấng sẽ phán xét ta vào lúc ta lìa đời.

Ta xin Ngài cầu cùng Con Ngài xót thương. Người sẽ xót thương vì Người yêu Mẹ của Người. Đức Maria luôn nhận được điều Ngài muốn, miễn là chúng ta có niềm tin biết tin tưởng nơi Ngài và có lòng khiêm nhường nhìn nhận nhu cầu của ta.

Theo Cha John A. Hardon S.J trong cuốn Theology of Prayer
 
Hoạt Động & Quyền Năng Của Thánh Thần
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
07:55 10/10/2008
Gặp gỡ Đức Giêsu trong Thánh Thần # 1:

HOẠT ĐỘNG VÀ QUYỀN NĂNG THÁNH THẦN

Bằng Đức Tin bạn nghe nói về Đức Giêsu, bằng những việc nghe giảng, học hỏi Kinh Thánh, chia sẻ Lời Chúa bạn biết về Đức Kitô. Bạn muốn gặp thật sự Ngài. Thông thường bạn không thể gặp gỡ một người đã chết như Đức Giêsu là Thiên Chúa đả sống lại. Nhưng đây chính Thần Khí của Ngài tự đến và sống trong bạn.

1/ Hoạt động của Thánh Thần: Thánh Thần luôn luôn hoạt động để bạn nhận ra Đức Giêsu qua Lời Ngài nhắc nhở: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14, 21).

Như vậy, Thánh Thần của Ngài sẻ tỏ mình ra để giúp bạn nhận thấy Đức Giêsu, bạn sẽ nhìn thấy Ngài trong ân sủng của Chúa Cha qua Thánh Kinh, chính là Thần Khí Ban Sự Sống.

2/ Quyền năng của Thánh Thần: Sách Tông Đồ Công Vụ đã diễn ta lại Quyền Năng của Thánh Thần, càc tông đồ đã nhìn thấy Đức Kitô Phục sinh; nhưng chưa được Thánh Thần trao ban Quyền năng, nên Đức Giêsu dặn bảo họ kỹ càng để lãnh nhận ơn Thánh Thần. (x. TĐCV 1, 1-9)

a- Đức Giêsu muốn bạn chuẩn bị đón nhận, gặp gỡ là phải ở lại chờ đợi điều Chúa Cha hứa: “Bạn sẽ được Ơn Dìm trong Thánh Thần”. Ông Gioan thì làm phép Rửa bằng nước, còn anh em trong ít ngày nữa sẽ chịu Phép Rửa trong Thánh Thần (câu 5)

b- Chính Thánh Thần tác động cuộc đời của Chúa Giêsu, thì hôm nay Ngài cũng ban Quyền Năng để bạn gặp gỡ Ngài trong thâm sâu để rao giảng Tin Mừng cho người chung quanh.

c- Bạn sắp nhận Quyền năng của Thánh Thần đó là ân sủng, là cuộc gặp gỡ cao qúy nhất, để bạn mạnh dạn ra đi làm chứng cho Ngài: “nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần, khi Người ngự xuống trên anh em.” (câu 8)

d- Thánh Augustinô nói: “Cứ yêu mến đi rồi bạn hãy làm những gì bạn muốn.” Bác ái là tình yêu lựa chọn, được Thánh Thần linh hứng, chứ không phải là một khuynh hướng tự phát của con người.

3/ Thánh Thần cho mọi người: Các Tông đồ ở vâng lời Chúa Giêsu ở lại Giêrusalem, để được nhận Thánh Thần một cách tự do và bất ngờ, là một ân sủng tuyệt vời từ trời cao xuống: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp…” (x.CVTĐ 2,1-4). Thánh Thần sẽ tràn vào tâm hồn bạn, bạn sẽ nhận đón nhận ngọn lửa Quyền Năng của Người trên bạn. Vì tất cả mọi người đều được tràn đầy Thành Thần (c. 4).

4/ Cầu nguyện trong Thánh Thần: Bạn cầu nguyện và mạnh dạn công bố Lời Chúa, chứ không rụt rè, ngại ngùng Trước đây, bạn bị cản trở bởi tiền bạc, địa vị và những thế lực khác, nên bạn không chịu chuẩn bị, tìm kiếm và phục vụ cho Tin Mừng, lúc nào cũng hâm hâm, dở dở, và tìm mọi cách trì trệ đáng tiếc ! Hôm nay thì không.

Ân huệ đầu tiên dành cho các Tông Đồ là: mọi người đều nghe bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Bạn hãy để Thánh Thần giúp bạn ơn diễn tả cho người khác hiểu được Đức Kitô Phục Sinh, để mọi người cùng hiệp nhất trong việc mạnh dạn công bố Lời Chúa. Lúc này, chính là lúc bạn đã gặp gỡ Đức Kitô thật sự vậy.

Phó tế: GB Nguyễn Văn Định
 
Sống đạo trong thử thách
+ GM JB Bùi Tuần
10:00 10/10/2008
SỐNG ĐẠO TRONG THỬ THÁCH

Thử thách có nhiều loại.

Chức cao quyền trọng với nhiều lợi lộc là một thử thách ngọt ngào. Những người "được" dẫn vào thử thách đó thường dễ vui vẻ xin vâng.

Giàu có với nhiều tài sản là một thử thách ngon lành. Những người "được" đi vào thử thách đó thường dễ hân hoan cảm tạ Chúa.

Mất quyền chức, mất của cải là một thử thách đắng cay. Nhiều người "bị" lôi vào thử thách đó đã cảm thấy bực bội, bất bình.

Hôm nay, tôi suy nghĩ đôi chút về loại thử thách là những đớn đau. Suy nghĩ của tôi dựa trên chuyện thánh Gióp trong Cựu Ước.

1/ Một người đạo đức giàu sang phú quý

Kinh Thánh viết: "Xưa ở đất Út có một người tên là Gióp. Ông là một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác.
Ông sinh được bảy người con trai và ba người con gái.
Ông có một đàn súc vậy gồm bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái. Tôi tớ thì rất đông.
Ông là người giàu có nhất trong số các con cái phương Đông.
Các con trai ông có thói quen luân phiên tới nhà nhau tiệc tùng và cho người mời ba cô em gái đến để ăn uống với họ.
Mỗi khi hết vòng tiệc tùng, ông Gióp gọi họ đến để thanh tẩy họ. Rồi ông dậy thực sớm, dâng lễ toàn thiêu cho mỗi người trong họ, vì ông tự nhủ: Biết đâu các con trai ta đã phạm tội và nguyền rủa Thiên Chúa trong lòng! Lần nào ông Gióp cũng làm như thế"
(G 1,1-5).

2/ Một người bị thử thách: Mất mát và đau khổ

Thiên Chúa rất hài lòng với ông Gióp. Thấy vậy, Satan xin Chúa để nó được phép thử thách ông, xem trong thử thách ông còn trung thành với Chúa không. Chúa cho phép. Satan được làm hại mọi sự ông có, nhưng không được đụng tới ông. Satan liền ra tay.

Kinh Thánh chép:

"Vậy một ngày kia, các con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu ở nhà người anh cả của họ, thì một người đưa tin đến nói với ông Gióp: Trong lúc bò của ông cày ruộng và lừa cái ăn cỏ bên cạnh, dân Sơva đã xông vào cướp lấy; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay.

Người ấy còn đang nói thì một người khác về thưa: Lửa của Thiên Chúa từ trới giáng xuống đã đốt cháy chiên dê và đầy tớ; lửa đã thiêu rụi hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay.

Người này còn đang nói thì một người khác về thưa: Người Canđê chia thành ba toán ập vào cướp lấy lạc đà; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay.

Người ấy còn đang nói thì một người khác về thưa: Con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu trong nhà người anh cả của họ, thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà; nhà sập xuống đè trên đám trẻ; họ chết hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay"
(G 1,13-19).

Tất cả các thử thách trên đây thực là khủng khiếp. Nhưng phản ứng của ông Gióp là vâng phục, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói:

"Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.
"Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!"
(G 1,21).

Khi thấy ông Gióp không hề phạm tội, cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa. Satan lại xin Chúa cho phép nó thêm thử thách nặng hơn. Lần này nó tấn công chính bản thân ông Gióp. Chúa cho phép.

"Vậy Satan hành hạ ông Gióp, khiến ông mắc phải chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu. Ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi" (G 2, 7).

3/ Một người rất mực trung thành với Chúa

Trước cảnh tàn tạ đó, người đầu tiên xỉa xói ông Gióp là vợ của ông. Nhưng ông trả lời: "Chúng ta đón nhận điều lành bởi Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?" (G 2,10).

Tiếp đến là các bạn thân. Họ đến bên ông, kẻ nói thế nọ, người nói thế kia.

Sau cùng, vì quá đau đớn, ông Gióp đã than thân trách phận một cách rất tự nhiên, theo bản năng một người quá khổ.

"Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời!" (G 3,2).
"Sao tôi không chết đi khi vừa mới chào đời. Sao tôi không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ" (G 3,11).

Rồi ông than van với Chúa, cầu nguyện và sám hối. Than van, mà không hề xúc phạm. Phó thác, mà vẫn năn nhỉ với Chúa. Sám hối thảm thiết mà vẫn hy vọng tràn trề. Trong mọi lúc, ông luôn tỏ ra vâng phục ý Chúa với tất cả tấm lòng khiêm tốn.

Sau nhiều ngày bị thử thách nặng nề, ông Gióp đã thưa với Chúa:

"Việc gì Ngài cũng làm được,
Không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu...
Phải, con đã nói mà chẳng hiểu biết gì, về những điều kỳ diệu vượt quá sức con.
Vậy, xin Ngài lắng nghe, và cho con thưa gởi đôi điều...
Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói. Nhưng bây giờ, chính mắt con chứng kiến.
Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại,
trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn"
(42, 1-6).

Chúa đã thử thách ông Gióp. Ông đã trung thành.

Sau cùng Chúa đã thưởng ông. Chúa khôi phục lại tài sản cho ông. Chúa tăng gấp đôi những gì ông đã có trước kia.

Chuyện thánh Gióp là một gương sáng. Thời nào cũng có những người sống theo gương sáng đó.

Những ông Gióp thời nay vẫn xuất hiện quanh ta. Họ thuộc đủ mọi thành phần trong Giáo Hội và trong xã hội.

Có nhiều người đau khổ suốt đời, chứ không phaỉ chỉ một quãng đời.

Họ âm thầm, mà cao thượng. Họ lặng lẽ, mà vẫn làm chứng cho Chúa một cách thuyết phục.

Chúng ta đau khổ, mất mát. Nhưng chẳng thấm gì, so với những thử thách của họ.

Xin Chúa thương nâng đỡ họ và nâng đỡ chúng ta.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
12:54 10/10/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (55)

551. Chính bạn định đoạt cho mình lên thiên đàng hoặc xuống hoả ngục

Để cho giáo dân ý thức việc lên thiên đàng hoặc xuống hoả ngục là do trách nhiệm của riêng mình, một linh mục quản xứ kia giảng rằng:
- “Việc Chúa chọn chúng ta lên thiên đàng hay việc Chúa để cho chúng ta sa xuống hoả ngục là một cuộc bỏ thăm bằng đa số. Có ba nhân vật bỏ thăm: Chúa, ma quỷ và bạn. Bạn biết rằng Chúa luôn bỏ thăm cho bạn lên thiên đàng. Bạn cũng biết rằng ma quỷ luôn bỏ thăm cho bạn xuống hoả ngục. Vậy lá thăm của bạn sẽ định đoạt đa số: bỏ thăm thiên đàng, bạn sẽ lên thiên đàng; bỏ thăm hoả ngục, bạn sẽ xuống hoả ngục.”

552. Được ơn chết lành vì sợ sa xuống hoả ngục!

Ngày kia, thánh Bênađô đến thăm một người đau rất nặng. Ông nầy đã sống một cuộc đời xa Chúa, nhưng trên giường bệnh hấp hối, ông vẫn không tỏ dấu gì ăn năn trở lại.
Nằm trên giường bệnh, ông ta vùng vằng la hét: “Tôi đau đớn kinh khủng! Tôi không thể nào chịu đựng được nữa! Cho tôi chết mau cho rồi!”
Đứng bên cạnh người bệnh đang quằn quại, thánh Bênađô chảy nước mắt ròng ròng.
Người bệnh thì thào, hỏi thánh Bênađô:
- “Cha thương con vì thấy con đau đớn.”
Thánh Bênađô lắc đầu, vừa khóc vừa nói:
- “Bệnh tình con thì đáng thương, nhưng cha khóc không phải vì tình trạng thân xác của con, mà khóc vì tình trạng linh hồn của con. Cha nghĩ rằng một chút nữa, linh hồn con sẽ lìa bỏ thân xác con và tức thì, bị sa xuống hoả ngục vì khi sống trên mặt đất nầy, con đã không phụng sự Chúa. Cha tưởng tượng lúc đó, cha nghe những lời con nói đây: “Tôi không thể nào chịu đựng được nửa!” Nhưng đời đời, con sẽ chịu những nỗi đau đớn vô cùng lớn lao hơn những gì con đang chịu đau đớn bây giờ. Ôi, con thật là người quá vô phước!”
Nghe vậy, người bệnh liền sợ. Ông ta xin được ăn năn trở về với Chúa.
Thánh Bênađô dọn mình cho ông được giao hòa với Chúa và ông được chết lành.

553. Cây nến dưới lỗ mũi

Ngày kia, tại trường võ bị quân sự Saint-Cyr (Pháp), một cha tuyên úy quân đội giảng cho binh sĩ nghe về hoả ngục.
Sau khi nghe giảng xong, một viên đại úy đã lớn tuổi, đến gặp cha tuyên úy và nói một cách nhạo báng: “Cha quên nói trong hoả ngục, chúng con bị lửa nướng cháy, đốt cháy hay nấu sôi.”
Cha tuyên úy đang cầm một cây nến cháy. Ngài để cây nến cháy dưới lỗ mũi của viên đại úy già nầy và chỉ trả lời gọn vắn: “Rồi ông sẽ biết!”
Hai mươi năm sau, một ông già đến thăm cha tuyên úy nầy. Ông nói ông chính là viên đại úy đã cười nhạo về lửa hoả ngục, nhưng câu cha tuyên úy nói lúc đó: “Rồi ông sẽ biết!” cứ ám ảnh ông mãi trong mười năm, và sau đó, ông đã ăn năn và sống đạo chính chắn. Ông hết lòng cám ơn cha tuyên úy đã đem lại hạnh phúc đức tin cho ông vì đã giảng cho ông nghe một bài về hoả ngục.

554. “Hai giờ nữa, ông sẽ biết thế nào là đời đời!”

Một vị tổng giám mục người Đức được mời đến gặp một triết gia đang hấp hối. Triết gia nầy hỏi đức tổng giám mục thế nào là đời đời.
Đức tổng giám mục nhìn đồng hồ và trả lời: “Hai giờ nửa, ông sẽ biết.”
Biết mình sắp chết, triết gia nầy khiếp quá, xin xưng tội để được giao hoà với Chúa.
Đúng hai giờ sau, ông ta qua đời.

555. Đức tin chắc chắn là nhờ được hướng dẫn kỹ càng

Chúng tôi hết sức ngạc nhiên trong khi tới đất Nhật 15 năm trước đây (15 năm trước năm 1915).
Chúng tôi được hân hạnh tiếp xúc với mấy gia đình Công giáo đã được khám phá tại Nagasaki chừng 50 năm trước.
Một sự kiện chưa hề nghe biết: một lớp giáo dân sống giữa lương dân, phải giữ đạo cách lén lút, không có linh mục từ ba thế kỷ nay, thế mà không những họ đã thừa hưởng ở cha ông một đức tin sắt đá, mà còn thừa hưởng cả một lòng sốt sắng nửa.
Bởi đâu mà có nguồn sinh lực khởi điểm cho sức mạnh bền bỉ của một truyền thống phi thường đó? Câu trả lời rất dễ: là vì Tổ tiên họ đã được thánh Phanxicô Xaviê truyền giáo và hướng dẫn cách chắc chắn.

556. Biết cách sử dụng nhân tài mới là người lãnh đạo giỏi

Một chương trong cuốn sách đó đã để lại cho tôi (Phúc Điền Kiến) ấn tượng sâu sắc, có nội dung như sau: trên mộ của một nhà kinh doanh nổi tiếng trong giới sắt thép, có khắc câu: “Người biết dùng người tài giỏi hơn mình, yên nghỉ tại đây.” Ý nói ông nầy biết dùng người tài, hiểu được những nhu cầu của họ, đồng thời giúp họ phát huy tất cả năng lực của mình để trợ giúp “vua sắt thép”.
Thần kinh doanh của Nhật – ông Matsushita Kounosuke, cũng giống như vậy. Ông luôn chú ý đến việc sử dụng điểm mạnh của nhân viên, bồi dưỡng nhân tài, để tạo nên một thương hiệu nổi tiếng với quy mô rộng lớn như hiện nay: không ai không biết đến “National”.
Người không biết cách sử dụng nhân tài thì không xứng đáng làm người lãnh đạo. (200 Cách Hành Xử Trong Cuộc Sống)

557. “Tôi có quyền tự hào về chính mình.”

Tôi (Maria Shriver) ước được biết cách hoà thuận với chính mình sớm hơn.
Tôi chưa bao giờ thật sự tự hào về mình cho đến một ngày tháng 4 năm 1999, khi tôi được biết cùng lúc cả hai tin: được trao tặng giải Peabody dành cho Phóng viên Truyền hình và cuốn sách viết cho thiếu nhi của tôi được đưa vào danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times.
Tôi ngồi trong phòng khách sạn và khóc.
Sau bốn mươi ba năm tồn tại trên hành tinh nầy, tôi mới cảm thấy mình đạt được điều gì đó.
Tôi được công nhận không phải vì gia đình tôi, vì chồng tôi, hay vì nhan sắc, mà vì bản thân và sự nỗ lực làm việc của tôi. Nó cho tôi biết tôi có quyền tự hào về chính mình.
Rốt cuộc là thế! (Mười Điều Tạo Nên Số Phận)

558. Cám ơn những ai chỉ trích và biết lợi dụng những lời chỉ trích để xét mình

Xin bạn nhớ rằng đời ta có thể lầm lỡ và cần luôn tự cải thiện.
Vĩ nhân như Einstein mà đã có lúc nhận trong 100 lần tư tưởng, đến 99 lần sai lầm, thì chúng tôi và bạn chắc không trúng luôn.
Chúng ta không nên tự phụ rằng nói cái gì, làm cái gì, mình cũng phải bởi vì mình già rồi, học cao, có quyền chức, có tiền bạc!
Nên có thái độ tinh thần khiêm tốn, thích kiểm điểm cuộc sống của mình. Chúng tôi muốn bạn tự chỉ trích mình đó….
Nên lợi dụng lời chỉ trích của kẻ khác để canh tân đời sống của mình ngày càng tốt đẹp.
Khi nào ai chỉ trích bạn, bạn đừng có cảm tưởng rằng người ấy sai lầm. Hãy kiểm điểm các hành vi, lời nói của mình coi có điều gì quấy như người ta nói không?
Tổng thống Abraham Lincoln có lần bị Stanton mắng là lão ngốc. Nếu đứng trường hợp của ông, chắc chúng ta “nổi cáu” và lo trả đũa kẻ thù.
Chúng ta thì làm vậy, nhưng Lincoln thì khôn hơn. Ông chịu khó đi bàn công việc với người chỉ trích mình, và sau cùng, vâng theo ý kẻ ấy.
Vậy, bạn đừng quên trên đời, có nhiều người chỉ trích với lương tri và thiện tâm.
Tự mãn quá khích, đến đổi không kể gì những lời chỉ trích chính đáng, nếu không đủ sáng suốt, có thể làm những việc vụng dại không tha được. (Rèn Nhân Cách)

559. Người có ý chí mạnh nhất, là người dám nói sự thật

Aristide không bao giờ nói láo.
Hình như cả đời, Gandhi chỉ nói láo một lần thôi.
Nhạc Chính Tử nhất định không nghe lời vua Lỗ để đem Đỉnh giả mà nộp cho vua Tề, rồi bảo là Đỉnh thật.
Toàn là những gương ta có thể noi theo để rèn ý chí của mình.
Ta nên tin chắc rằng mỗi khi ta kiêng việc nói láo, và khi cần nói, nói sự thật, thì ý chí của ta sẽ gia tăng rất nhiều. (Để Thành Công Trên Đường Đời)

560. Mong ước cho Đất Nước Việt Nam lớn mạnh, thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp!

Trong một cuộc họp tại Hà Nội ngày 20 tháng 9 năm 2008 với Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, Đức Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội, với lòng khiêm tốn, đã phát biểu một câu đầy tâm tình ái quốc như sau:
- “Còn người Việt Nam chúng ta, thì tôi cũng mong Đất Nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho Đất Nước chúng ta mạnh, đi đâu, chúng ta cũng được kính trọng.”
Ba điều mong ước hiện nay cho Tổ Quốc Việt Nam, là một Nước Việt Nam lớn mạnh, một Nước Việt Nam thật sự đoàn kết, một Nước Việt Nam thật sự tốt đẹp, do Đức Tổng Giám Mục Hà Nội phát biểu, là ba điều rất tâm đắc của tôi (linh mục Nguyễn Vinh Gioang, Hạt trưởng Hạt Quảng Trị) và tôi tin chắc đó cũng là ba điều mong ước của toàn dân Việt Nam hiện nay.
Hết lòng cám ơn Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội, đã công khai phát biểu ba điều mong ước rất thiết tha và đầy tâm tình ái quốc nầy của người dân Việt Nam hiện nay, trong đó, có tôi.
 
Đi ngang qua
Thanh Thanh
13:31 10/10/2008
ĐI NGANG QUA (Lc 8,1-3)

Con người thường nhầm lẫn khi coi các bóng cây dọc đường như là nhà ở của mình. Không. Những bóng cây, những quán nước chỉ là trạm dừng tạm thời mà thôi. Vì thế, dù nắng cháy hay mưa dầm, ta vẫn phải lên đường, phải bước đi, có vậy mới mong đến được nơi cần đến.

Đời sống đạo lý tưởng và trưởng thành với đức tin vững mạnh của con người chính là dám chấp nhận đi ngang qua. Vâng, đi ngang qua tất cả thì ta sẽ gặp được Thiên Chúa, Đấng là tất cả.

Chúa Giêsu đi ngang qua

Nói đến đi ngang qua thì không có hình ảnh nào tuyệt vời cho bằng Chúa Giêsu. “Chúa Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy Tin Mừng nước Thiên Chúa” (Lc 8,1).

Chúa Giêsu đi ngang qua các thành phố và làng mạc như Giêrikhô, Galilê, Samaria, Caphacnaum, Nagiaret, Giêrusalem; dân riêng có, dân ngoại có. Ngài không dừng chân lại, nhưng luôn cất bước ra đi. Mỗi nơi Ngài đến, đều có kẻ dửng dưng, kẻ chống đối, nhưng cũng không thiếu những người ủng hộ, muốn Ngài ở lại với họ. Thế nhưng Ngài chỉ đi ngang qua mà thôi. Vì mục đích chính của Ngài là đến khắp mọi nẻo đường để giảng dạy về Sự Thật, về Tình Yêu và Bình an bởi Trời. Ngài đi không biết mệt mỏi. Và Ngài đi Ngang qua chỗ nào thì ân sủng được đổ xuống, sự thật được phủ lấp.

Đi ngang qua cửa hẹp. Giêrusalem, nơi hành hương thật đẹp, thật tốt trước kia của nhiều người và có Ngài, thì nay lại trở thành con đường hẹp Ngài phải đi qua, đó là lên đón nhận cuộc khổ nạn, chịu sỉ nhục và bị giết chết.

Ngài dừng chân ở Giêrulalem, nhưng đó chỉ là ngang qua. Ngài dừng chân ở đồi Calvê ư? Đó cũng chỉ là ngang qua mà thôi. Cái chết trên thập giá ư? Không, đây không phải là một kết cục bi đát, nhưng chỉ là đi qua, ngang qua cái chết. Nếu phải nói là dừng, là lúc trên thập giá, Ngài dừng và mãi dừng lại để ban ơn và cứu độ cho con người.

Trên núi cao, trước kia ma quỷ đã cho Ngài thấy các dân các nước cùng mọi thứ lợi lộc vinh hoa phú quý. Ngài nhìn thấy tất cả. Thì trên núi cao Calvê, không phải Ngài nhìn xuống mà là giang rộng cánh tay để ban ơn, ôm đón nhân loại. Và trên đỉnh cao Calvê ấy, không phải Ngài nhìn xuống, nhưng là muôn dân thiên hạ nhìn lên, mãi mãi phải nhìn lên Ngài để thấy tình yêu vinh quang Thiên Chúa biểu lộ.

Thánh Phaolô đi ngang qua

Cuối cùng, Phaolô cũng chấp nhận đi ngang qua cuộc đời còn lại của mình để giống Chúa Giêsu hơn. Và Ngài đi qua nơi nào, thì ở đó, Chúa Giêsu được nói đến. Người ở đó tin theo. Đặc biệt là các cộng đoàn được hình thành, và đức tin được phát triển. Nào là các tín hữu Rôma, Côrintô, Êphêsô; nào là Thêxalônica, Galat, rồi đến Philipphê, Côlôxê… Quả thật, Ngài đã đi ngang qua nhiều địa danh để truyền giáo, và việc truyền giáo của ngài rất hiệu quả.

Hiệu quả vì khác với trước đây, ông giới thiệu sức mạnh con người, của chính mình, còn giờ thì chỉ giới thiệu một mình Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, đã chết và đã sống lại.

Hiệu quả vì “ngài sống, nhưng không còn phải là ngài, mà là Đức Kitô sống trong ngài” (Gl 2,20).

Thánh Phêrô đi ngang qua

Khác với Phaolô, Phêrô đi ngang qua trong nhiệm vụ Chúa trao sau thời gian sống cùng Chúa.“Con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng được” (Mt 16,18). Nhưng trước tiên, “một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh" (Lc 22, 32). Quả thật, Phêrô đã có một cách thức khác để đi ngang qua.

Đó là củng cố tinh thần anh em. Khiêm nhường mời gọi anh em cộng tác, và luôn là người đi đầu: “Tôi đi đánh cá đây” (Ga 21,3).

Đó là can đảm rao giảng Chúa Kitô. Dù có bị bắt, bị đánh đòn, bị bỏ tù cũng không làm cho ông sợ hãi. Đúng như lời ông nói: "Dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng" (Lc 22, 33).

Đó là chăm sóc đoàn chiên cẩn thận. Ông gìn giữ, động viên tinh thần, đức tin non yếu của họ, rồi dần phát triển thành cộng đoàn vững mạnh. Ông luôn đồng hành với cộng đoàn đức tin tiên khởi để chứng tỏ tình yêu của mình hơn những anh em khác khi thực hiện lời của Chúa: “Con hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Ga 21,15).

Đó là xây dựng cơ sở. Đây cũng là lẽ thường tình. Khi có sinh hoạt cộng đoàn thì song song cũng cần phải có cơ sở để có thể duy trì các buổi sinh hoạt ấy.

Đó là thành lập cơ cấu tổ chức. Cộng đoàn nào cũng cần phải có những người đại diện để chia sẻ, cộng tác, nhờ vậy mới có thể duy trì và phát triển.

Đó là xây dựng tình hiệp thông. Ta có thể nhìn thấy khi các tông đồ khác và ngài, luôn cùng một hướng đi, một sức mạnh, một tình yêu, một niềm tín thác hoàn toàn vào Thầy Giêsu. Các ông cùng ra khơi thả lưới tình thương. “Tôi đi đánh cá đây. Các ông đáp: chúng tôi cùng đi với anh” (Ga 21,3). Rồi tất cả cùng chịu đau khổ với Thầy.

Nhất mực làm theo lời Chúa Giêsu dạy, Phêrô đã đi ngang qua đời mình một cách tốt đẹp.

Các linh mục tu sĩ đi ngang qua

Nhìn vào hàng linh mục và tu sĩ, tôi thấy các ngài cũng luôn đi ngang qua. Nói khác đi, họ vừa giống Phaolô và vừa giống Phêrô. Nghĩa là, các ngài luôn có tinh thần sẵn sàng lên đường để đến nhận nhiệm vụ và nhiệm sở mới, với tất cả tin tưởng, phó thác, với thái độ vâng phục và đi theo. Rồi đến bất cứ nơi nào, họ cũng luôn phải là người của hoà giải, người của sự thật, người của công bằng. Luôn chăm lo cho đoàn chiên được tốt, được an toàn. Luôn tìm cách để đưa mọi người và các linh hồn đến gần Chúa hơn. Rồi cũng phải thành lập, duy trì, xây dựng các đoàn thể, các cơ sở hạ tầng. Và các ngài luôn là người đi đầu: “tôi đi đánh cá đây”. Luôn là người đồng hành: “Tôi cùng đi với bà con”. Luôn đi trước để phất cờ tình yêu, cờ hy vọng và tin tưởng.

Vâng, các ngài cũng đang chiến đấu với thế gian, với bản thân và với cả đoàn chiên để luôn đi đúng con đường Chúa muốn là phải đi ngang qua.

Con người đi ngang qua

Nếu con người coi tiền bạc là mái nhà vững chắc, bão lớn sẽ ập tới.
Nếu con người coi quyền lực là chỗ dựa bền vững, bão lớn sẽ ập tới.
Nếu con người coi sức khoẻ là sức mạnh an toàn, bão lớn sẽ ập tới.
Nếu con người coi sắc đẹp là bảo đảm nhất, bão lớn sẽ ập tới.
Nếu con người coi trí khôn là nguồn chở che, bão lớn sẽ ập tới.

Cơn bão sẽ quét đi tất cả, lật đổ tất cả, huỷ diệt tất cả.
Cơn bão này mọi người đã gặp, sẽ gặp và phải gặp.
Đó là cái chết. Cái chết mang đi tất cả, chôn vùi tất cả.
Những gì mà ta cho là vững chắc, an toàn thì thật là mỏng manh, chóng tàn.

Nếu con người biết đi ngang qua tiền bạc mà tìm đến sự giàu sang của Thiên Chúa, thì trời hết bão.
Nếu con người biết đi ngang qua quyền lực mà tìm đến quyền năng Thiên Chúa, thì trời hết giông.
Nếu con người biết đi ngang qua sức khoẻ mà đến với sức mạnh của Thiên Chúa, thì bão sẽ tan.
Nếu con người biết đi ngang qua trí khôn mà tìm đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì bão sẽ tàn.
Nếu con người biết đi ngang qua sắc đẹp mà tìm đến cái cái Đẹp của Thiên Chúa, thì bão sẽ lặn.

Vâng, cơn bão đầy khốc liệt là sự chết sẽ phải im lặng mà ngắm nhìn Thiên Chúa đang thể hiện nơi những con người trần thế, kẻ biết đi ngang qua tất cả để gặp được tất cả. Chấp nhận mất tất cả để được tất cả.

Khi con người biết đi ngang qua cuộc đời, qua mọi người và qua mọi sự thế gian ban tặng, đó là cách ta cùng với Chúa Giêsu đi qua cửa hẹp, lên Giêsrusalem, và vươn mình, giang tay thật rộng trên đồi Calvê để thế gian chiêm ngưỡng, ca tụng và tôn vinh.

Phúc cho những ai ám chấp nhận đi ngang qua tất cả để gặp được Thiên Chúa, Đấng là tất cả.
 
Y Phục Để Dự Tiệc Cưới
Tuyết Mai
13:33 10/10/2008
Y Phục Để Dự Tiệc Cưới

"Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: "Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?" Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít". (Mt 22, 1-10, hoặc 1-14).

Phải, chính tôi cũng rất thắc mắc về dụ ngôn Tiệc Cưới Nước Trời mà nhà Vua tổ chức cho Hoàng Tử trong bài đọc Phúc Âm của tuần này! Khó hiểu đến độ mà trí hiểu biết của tôi không thể nào diễn đạt cho được hoặc có đủ trình độ để mà phân tích như những đấng bậc có học và có trình độ. Nhưng trong lòng tôi lại được Chúa Thánh Linh thôi thúc ban cho, cảm nghiệm, và hiểu được một khía cạnh rất là thực tế và rất là quan trọng mà chúng ta thường thấy những "Bộ Y Phục để đự Tiệc Cưới Nước Trời" vào mỗi Thánh Lễ của thứ bẩy và Chúa Nhật hàng tuần.

Bây giờ tôi mới hiểu được rằng cái tầm quan trọng của một tiệc cưới được tổ chức cho người Con Trai yêu quý của Nhà Vua như thế nào!? Cả một đời người từ khi cha mẹ sanh ra, được rửa tội, lớn lên, trai thì cưới vợ, gái thì đi lấy chồng, cái ngày trọng đại nhất của đôi uyên ương này là ngày cưới và buổi Tiệc Cưới. Dù bao nhiêu ngàn năm trôi qua! Dù bao nhiêu thời đại thay đổi! Dù thời trang có thay đổi bao nhiêu ngàn lần, nhưng y phục dùng để mặc cho ngày cưới vẫn quan trọng và không thay đổi. Y phục để dự Lễ Cưới thì khác còn y phục để dự Tiệc Cưới thì cũng rất khác. Nhưng ai cũng biết rằng y phục mặc để đi dự tiệc cưới thì khác lắm với những y phục mà ta mặc đi xã giao, dự tiệc sinh nhật, Rửa Tội, chúc mừng thượng thọ, Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu, chúc mừng áo mão Ra Trường,. ...

Tôi không biết nhiều anh chị em Kitô hữu khác khi đi dự Thánh Lễ hằng tuần, mang một tâm tình như thế nào khi đến với Chúa!? Nhưng có phải chúng ta chứng kiến được rất nhiều những y phục anh chị em chúng ta mặc trong Thánh Lễ rất ư là "Chia Trí" hay không? Đương nhiên không ai đứng ra để khiển trách những người này! Nhưng tôi thiết nghĩ Thiên Chúa Cha trên cao nhìn xuống hẳn Ngài không vừa ý đâu!? Nhà của Chúa uy nghi linh thiêng như thế nào! Bàn Thờ của Chúa là Nơi chứa đựng Mình và Máu cực Thánh cực trọng của Chúa Giêsu Kitô. Một nơi tôn nghiêm và tráng lệ để con cái của Ngài có dịp và có cơ hội tìm đến, để Thờ Phượng và để tưởng nhớ lại cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu năm nào, vì tội lỗi của ai mà Ngài phải chịu đau khổ, nhục nhã, và chịu đóng đinh trên Thập Giá. Trên Bàn Thánh của Chúa là những Lời cuối cùng Ngài trăn trối lại cùng với tất cả tông đồ của Ngài trong Bữa Tiệc Ly. Khi Mình và Máu Thánh Chúa được vị linh mục dâng cao lên và nói: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy".

Nếu tất cả chúng ta đều mang một tâm tình yêu thương, thờ phượng, và kính trọng Thiên Chúa, vì Ngài là Chúa Tể của muôn loài và muôn vạn vật trên Trời và dưới Đất, Ngài mời ta đến để cùng hưởng bữa tiệc với Con Ngài, thì quả là một hân hạnh thật lớn lao đối với tất cả chúng ta, khi chúng ta từ thuở ban đầu không nằm trong danh sách để được Nhà Vua mời, chúng ta chỉ là loài tội lỗi, ăn bám, và vô dụng, không đáng để được bước chân vào Nhà Chúa hay Lâu Đài nguy nga, lộng lẫy, và hoành tráng Của Nhà Vua. Sỡ dĩ chúng ta được Nhà Vua mời đến dự tiệc cưới là vì tấm lòng bao dung và độ lượng của Vua, bởi có phải Vua Cha đã chán ghét tất cả những ai trong danh sách ngay từ ban đầu được tuyển chọn, mà Ngài nghĩ rằng họ nằm trong hàng ngũ và thành phần đáng để được mời, nhưng những người này họ đã dám khinh thường lời mời của Vua và không coi Tiệc Cưới của Con Ngài là quan trọng, nên Tiệc thì đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu người đến dự, nên Vua cho mọi gia nhân ra khắp mọi nẻo đường mời tất cả những ai mà họ thấy được, đến để dự Tiệc Cưới.

Để hiểu được tầm quan trọng của những người được mời này như thế nào!? Khi họ không có gì để đáp trả cho tương xứng. Bởi họ cả đời chắc chẳng có thể hình dung được là mình có được vinh dự để đi dự Tiệc Cưới của con Vua. Hẳn ai mà chẳng hân hoan nhận lời mời xem như không có thật đó! Hẳn ai mà không trong lòng thèm khát những thức ăn mà được Nhà Vua thết đãi. Hẳn ai mà dại khờ lắm cũng biết rằng đó là dịp may mà ngàn năm một thuở mới có được xẩy ra như vậy! Ai dại gì mà từ chối chứ!? Ai dại gì mà không đến để được một bữa ngập mày ngập mặt nào là những cao lương mỹ vị của Nhà Vua đãi ngộ. Thì có phải tâm tình của một người không đáng để được mời là những gì ta đem đến để gởi trao cho Nhà Vua và Con của Ngài hay không? Có phải ta đến dự Tiệc Cưới với một tấm lòng khiêm khung, kính trọng, và biết ơn?

Có phải Nhà Vua cũng hiểu được rằng những người đến dự, có mặt, họ chỉ là dân thường và nghèo khổ, Vua không bắt buộc họ phải ăn mặc hơn những gì mà họ không có và phải tốn tiền đi may sắm, nhưng y phục không được làm gai mắt những người đến dự Tiệc Cưới, và phải được xem là chỉnh tề và đứng đắn, nói lên được lòng kính trọng của mình đối với Nhà Vua và Con Vua. Y phục cũng nói lên được rất nhiều tâm tánh và tư cách của một con người.

Tôi thiết nghĩ anh chị em cũng như tôi, rất khó chịu và rất khó lòng để mà cho con mắt của mình không bị khó chịu, hay không bị chia trí, trong một Thánh Lễ vừa trang nghiêm và vừa trịnh trọng, khi có người chị em đứng trước mặt hay ngay tầm nhìn, mà mặc một chiếc áo thung thật thiếu vải cho ta thấy rõ đường nét của người đó. Quần jean thì hở thật nhiều lỗ tua tua, lưng quần thì thật thấp. Chiếc áo dài nếu kín đáo được thì tôi chẳng nói làm chi, nhưng chị em này lại cố ý may cho thật cao lên khỏi lưng càng nhiều càng tốt và vải thật mỏng để thấy thật rõ những gì là bên trong. Có mái tóc dài thì vào Thánh Lễ cứ lấy mấy ngón tay chải chải, hất hất, quay qua quay lại làm dáng. Sức nước hoa thì nồng nặc cả Nhà Thờ lên để mọi người phải ngửi và phải bị ắt xì vì quá nồng.

Tôi chẳng hiểu những anh chị em này của tôi khi đi dự Thánh Lễ thì họ nghĩ gì về Chúa!? Đến xem Lễ thì lúc Cha đang đọc Phúc Âm thì họ leo lên tận tuốt trên cùng mà ngồi. Rồi Rước Mình Thánh Chúa xong thì họ lại biến thật nhanh để đi đâu!? Nơi nào mà lại quan trọng hơn là được đi dự Tiệc Cưới Của Nhà Vua? Chẳng lẽ họ lại xem thường tiệc cưới của Hoàng Tử con Vua đến như vậy ư!? Thảo nào Nhà Vua không tức giận và điên lên cho được khi họ xem những chuyện làm ăn buôn bán, bôn ba, và ôm đồm những sự việc xem chừng như chẳng quan trọng khác.

Ước mong bài Phúc Âm của tuần này nhắc nhở chúng ta thật cẩn trọng khi được mời đến Dự Tiệc Cưới là Thánh Lễ hằng tuần mà chúng ta trông đợi để được đến dự. Đến để được Chúa tha thứ tội. Đến để được đấm ngực ăn năn những lỗi lầm chúng ta đã phạm trong tuần, như ông thu thuế tội lỗi được Chúa khen trong một dụ ngôn khác là ông biết ông phạm tội, nên dốc lòng ăn năn nhận tội với Chúa, đứng dưới cuối nhà thờ kia. Đến với Chúa với tấm lòng khiêm hạ. Nhất cử nhất động cùng mọi hình thức được làm trong Thánh Lễ là để Chúa được Tôn Vinh và Chúc Tụng chứ không phải chỗ để chúng ta phô trương lẫn nhau qua quần áo hay mọi hình thức phô trương khác. Tiếng hát cung đàn cũng mang một tâm tình rất quan trọng để dâng lên Thiên Chúa, nhất nhất phải là vì danh Chúa chứ không nhất thiết để ta khoe tiếng hát cho mọi người. Hãy để mọi người cùng hát theo, để cùng chung một thể thức cầu nguyện. Cầu nguyện trong tiếng hát để nâng tất cả tâm tình và tâm hồn của mình lên với Chúa. Còn những gì chúng ta muốn phô trương thì có rất nhiều nơi thích hợp hơn và nhiều cơ hội để ta được nhận những tràng pháo tay nồng nhiệt, và sự hưởng ứng thích đáng của nhiều người, để trả công cho sự mong muốn và thỏa mãn của chúng ta!?

Còn trong Tiệc Cưới của Hoàng Tử con Vua ư! Chúng ta là kẻ bần cùng không có gì và đáng chi để chúng ta phô trương và cần mọi người lưu ý cả! Vì nếu chúng ta hành động ngu muội thì: Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít". Đó là lời Chúa. Amen.
 
Kịch bản: Phaolô Trở Lại
L.m Giuse Hòang Kim Toan.
18:10 10/10/2008
Phaolô Trở Lại

Dẫn Giải:
Cuộc trở lại của Thánh Phaolô cho chúng ta thêm nhiều hy vọng, những người bách hại đạo ác liệt nhất vẫn có thể trở thành người tông đồ rao giảng Lời Chúa hăng say nhất. Sự biến đổi này khởi đi từ cuộc ngã ngựa, cũng vậy, Chúa sẽ dùng cách của Ngài làm ngã ngựa những kẻ đi bắt bớ Ngài; điểm nổi bật thứ hai, Chúa mở mắt cho Saolô được thấy, Ngài đồng hóa với các tín hữu bị bách hại, chính vì thế, những người chịu bách hại vẫn không lo sợ mà ngược lại chính những người đi bách hại lại lo sợ; điểm thứ ba, người đi bắt Chúa trở thành người bị chính Chúa bắt.

Kịch:

Cảnh bắt bớ:
Nhóm theo Saolô: Những người theo ông Giêsu, tối nay sẽ có cuộc họp cầu nguyện.
Một người: Sao cậu biết.
Một người: đây xem dấu hiệu hình con cá, đây là thông điệp báo nhau có buổi cầu nguyện.
Saolô: Chúng ta sẽ đi bắt chúng bỏ tù chúng và giết chúng, không thể có một thứ đạo ngoại lai này được, chúng ta chỉ có một lề luật!
Nhiều người trong nhóm: Giết cho sạch chúng đi! Cho chúng vào cũi!
Một người: Có thể mượn thêm một số người nữa không? Chúng ta không đủ lực lượng vả lại chúng ta còn có cớ chối tội sau này chứ?
Saolô: Được, vì lòng nhiệt thành với Lề Luật, chúng ta phải bắt cho thật nhiều kẻ theo ông Giêsu.

Kịch dẫn: Đêm đó, nhiều người theo Chúa Giêsu đang cầu nguyện, nhóm người của Saolê vây bắt những người Kitô hứu.

Xin Lệnh bắt:

Saolê: Tôi ghét cay ghét đắng cái bọn theo ông Giêsu này!
Một người: Bạn đừng nuôi lòng căm thù vì lòng căm thù sinh ra hành vi mù quáng!
Saolê: Tôi mù quáng ư hay chính bọn theo ông Giêsu kia?
Một người: anh có thể chống lại Giêsu của họ không?
Saolê: Chúng ta chỉ có một Thiên Chúa, ông Giêsu này xưng mình là Con Thiên Chúa, đã bị xử tử trên Thập Giá, thế mà cái bọn người theo ông này vẫn mù quáng theo ông ấy! Ai mù?
Một người: Anh nhiệt thành quá nhưng cộng với ngu dốt thì nguy hiểm đấy!
Saolê: Tôi đã được học dưới chân thầy Gamalien, còn họ được học với ai? họ ngu dốt hay tôi ngu dốt?
Một người: Đừng lấy sự khôn ngoan của người đời mà sánh với sự khôn ngoan ông Giêsu! Ông ấy đã mở mắt cho nhiều người.
Saolê: Tôi không có đui mà cần ông ấy mở mắt, tôi sẽ xin lệnh bắt từ thượng tế ở Giêrusalem đến các hội đường Đamat bắt tất cả những kẻ theo Giêsu, mở mắt lại cho họ!
Một người: Ông mở mắt họ hay chính Giêsu mở mắt ông?
Saolê: Để xem!

Trên đường Đamat

Lời dẫn: Đêm hôm ấy, Saolô cùng nhóm thuộc hạ đi trên đường Đamat.
Một ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, bầy hựa hý lên điên cuồng, con ngựa của Saolô ngã quỵ xuống. Ông Saolô nghe thấy tiếng:

Giọng nói: Saolô, Saolô, tại sao ngươi đi bắt bớ Ta?
Saolô: Người là ai? Thưa Ngài!
Giọng nói: Ta là Giêsu mà ngươi đang đi bắt bớ!
Saolô: Xin mở mắt tôi, tôi không đi bắt Ngài mà chỉ bắt những kẻ theo Ngài gây rối!
Giọng nói: Họ chính là Ta, Giêsu ngươi đang đi bắt bớ!
Saolô: Thưa Ngài, tôi không biết! Mở mắt lại cho tôi!
Giọng nói: Ngươi hãy đứng dậy vào thành, người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì?
Saolô: Con sợ hãi quá!
Nhóm ngừơi theo Saolô: Chúng tôi cũng sợ, Ngài là ai? Tại sao Ngài không lộ diện!
Gịong nói: các ngươi sợ hãi là phải, vì nghe Danh Giêsu cả tầng trời cũng khiếp run huống chi phàm nhân như các ngươi.
Nhóm người theo Saolô: Chúng tôi phải làm gì?
Giọng nói: Hãy dẫn Saolô vào thành, ở đó sẽ gặp người của Ta sẽ cho biết!
Nhóm người: Vâng, chúng tôi đi, xin đừng làm chúng tôi run sợ nữa.

Lời dẫn: Suốt ba ngày nhóm người theo Saolô và ông Saolô chẳng ăn uống gì, họ chờ đợi quyết định số phận của họ.

Thị kiến Khanania:

Giọng nói: Khanania! Khanania, Khanania!
Khanania: Dạ, lạy Chúa, con đây!
Giọng nói: Ngươi hãy đứng dậy, đi tới phố gọi là phố Thẳng, đến nhà Giuđa tìm một người tên là Saolô, quê ở Tarsô.
Khanania: Lạy Chúa, con nghe về kẻ ấy với những điều tai ác mà kẻ ấy đã làm!
Giọng nói: Vì chúng không biết việc chúng làm!
Khanania: Chúng biết chứ, chúng biết là bắt bớ những người theo Chúa Giêsu, tại Giêrusalem và ngay tại Đamat này, hắn cũng xin được lệnh bắt và giết những người theo Chúa Giêsu.
Giọng nói: Ngươi cứ đi! Vì đây là lợi khí của Ta dùng để mang Danh Ta đến với tất cả dân ngoại!
Khanania: Lạy Chúa, Chúa bắt kẻ đi bắt đạo trở thành kẻ rao giảng về đạo?
Giọng nói: Phải, người đó đã gieo rắc nhiều đau khổ cho những người theo Ta, bây giờ ngươi sắp thấy những đau khổ trên chính người đó khi đi rao giảng Tin Mừng cho Ta!
Khanania: Chúa phạt họ vậy sao?
Giọng nói: Không, vì yêu mến Ta mà người đó sẽ tự nguyện lãnh nhận tất cả, khi ấy chính Saolô sẽ nói: “Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người! Chúng tôi điên dại vì Đức Ki-tô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Ki-tô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu;13 bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người” (1Cor 4, 9 – 13).
Khanania: Vâng Lạy Chúa, con đi!

Mở mắt cho Saolô:

Lời dẫn: Saolô cùng với những người theo ông đang quý gối cầu nguyện.
Ông Khanania vào nhà đặt tay trên Saolô:

Khanania: Anh Saolô, Chúa sai tôi đến đây với anh!
Saolô: Chúa nào vậy anh?
Khanania: Chúa Giêsu mà anh gặp trên đường Đamat sai tôi đến đấy!
Saolô: Xin Chúa cho tôi được thấy.
Khanania: Ephata! Hãy mở ra!
Saolô: Lạy Chúa! Con đã thấy, con đã thấy Lạy Chúa, con phải làm gì?
Khanania: Anh hãy nhận lấy phép rửa và đón nhận Chúa Thánh Thần!
Saolô: Lạy Chúa, cuối cùng Chúa cũng đã hiện ra với con như kẻ sinh non!
Khanania: Phaolô, tôi rửa cho anh, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Và anh Phaolô hãy nhận lấy ấn tín Chúa Thánh Thần.
Phaolô: (đầy tràn Thánh Thần và thốt lên): Anh chị em thân mến! những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô (pl 3, 7 – 8)
Khanania: Tạ ơn Chúa, Ngài đã làm những điều kỳ diệu trước mắt dân Ngài>
Phaolô: Anh chị em hãy vui mừng luôn, tôi xin nhắc lại hãy vui mừng luôn trong Chúa.
Khanania: Thôi, chúng ta hãy vào dự tiệc, vì “nước Trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi trở lại hơn là chín mươi chín người tự cho là công chính không cần trở lại”.

Lời dẫn kết: Lạy Chúa, xin mở mắt chúng con là những kẻ còn đang đui mù đi bắt Chúa bằng nhiều hành vi tội lỗi và do lòng đam mê của chúng con. Xin mở mắt con, Lạy Chúa!
 
Tiệc Cưới và Nước Trời
Lại Thế Lãng
18:32 10/10/2008
TIỆC CƯỚI VÀ NƯỚC TRỜI

Trong Kinh Thánh Chúa Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh để nói về nước Trời. Chỉ riêng trong sách Tin Mừng của thánh Mat-thêu cũng đã có đến cả chục hình ảnh khác nhau khi nói về nước Trời.

Nước Trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng, nước Trời giống như hạt cải, nước Trời giống như nắm men, nước Trời giống như kho báu chôn dấu trong ruộng, nước Trời giống như chiếc lưới thả xuống biển, nước Trời giống như ông vua kia đòi đầy tớ thanh toán sổ sách, nước Trời giống như chuyện người chủ thuê người làm vườn nho, nước Trời giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn đón chàng rể và trong bài Tin Mừng Chúa nhật 28 thường niên năm A, nước Trời ví như ông vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử.

Đã lâu lắm rồi có một lần khi nghe đọc bài Tin Mừng này ở nhà thờ, mặc dù bài Tin Mừng còn có nhiều chi tiết khác nữa, tôi cứ chú ý và bực bội về cái thái độ vô lý của ông vua trong câu chuyện. Ông mở tiệc cưới cho hoàng tử. Đến ngày cưới không thấy ai đến, ông sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời nhưng không ai chịu đến. Vậy là ông sai đầy tớ ra các ngả đường gặp bất cứ ai cũng mời vào dự tiệc. Nhờ vậy phòng cưới đã chật ních người dự tiệc. Khi đó ông đi quan sát và thấy có một người không mặc y phục lễ cưới ông liền nổi giận truyền cho đầy tớ trói tay chân người đó lại và sai ném vào nơi tối tăm.

Thật là điều vô lý và bất công khi ông nổi giận về chuyện y phục. Ông cũng thừa biết những người gặp được ngoài đường thì gồm đủ thành phần: thượng vàng hạ cám, giàu nghèo, sang hèn thậm chí còn có cả kẻ khố rách áo ôm và ngay cả người đi ăn xin nữa. Tất cả đều bất ngờ được dồn vào phòng tiệc thì họ kiếm ở đâu cho ra y phục lễ cưới?

Nhưng rồi tôi đã kịp nhận ra được rằng chính sự bực bội của mình mới là điều vô lý. Bởi vì đây chỉ là một câu chuyện dụ ngôn chứ làm gì có một đám cưới như thế trong thực tế. Tiệc cưới ở đây là nước Trời được hiểu theo nghĩa bóng vậy thì y phục lễ cưới cũng phải hiểu theo nghĩa bóng chứ đâu có thể hiểu theo nghĩa đen được. Chuyện vào nước Trời mới là điểm cốt lõi của bài Tin Mừng này chứ không phải là chuyện ông vua làm tiệc cưới cho con hay là chuyện chiếc y phục lễ cưới.

Muốn dự tiệc cưới phải có y phục lễ cưới có nghĩa là muốn được vào nước Trời thì phải có đủ những điều kiện đòi hỏi, cần phải đạt được tiêu chuẩn nào đó. Điều kiện, tiêu chuẩn phải có là gì? Chắc chắn không phải hễ là người Kitô hữu, hễ là người đã rửa tội thì đương nhiên được vào nước Trời mà phải xứng đáng với tư cách là công dân của nước Trời. “Vì những kẻ được gọi thì nhiều còn những kẻ được chọn thì ít”. Hãy thử xem ai sẽ được vào nước Trời dựa theo một số chuẩn mực được nói đến trong Kinh Thánh.

Có lần Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào nước Trời”. Trẻ nhỏ vốn sống đơn sơ, chân thật, ngây thơ vô tội. Trẻ nhỏ không biết điêu ngoa, tỵ hiềm, gian tham. Muốn nên như trẻ nhỏ thì phải đoạn tuyệt với những gì nham hiểm, ác độc, kiêu căng, tham lam, gian dối, lọc lừa …để sống trung tín với Chúa và sống ngay thẳng, chính trực, nhân hậu, khiêm nhường, khoan dung. . với mọi người. Đó chính là hành trang cần phải có cho người muốn được vào nước Trời.

Một lần khác Chúa Giêsu lại nói “ Người giầu có khó vào nước Trời”. Chắc chắn Chúa Giêsu không kỳ thị người giầu có hay vơ đũa cả nắm mà Chúa Giêsu chỉ muốn nói đến những người giầu có nhưng keo kiệt, giầu có nhưng gian tham bất chính.

Con người khi sinh ra đều chỉ với hai bàn tay trắng. Của cải ở đời là do Chúa ban cho lẽ ra người dư thừa phải biết chia sớt cho những người thiếu thốn nhưng người keo kiệt chỉ bo bo giữ cho mình không hề quan tâm đến người khác, không hề chia sớt cho dù một phần rất nhỏ cho những người cùng khổ. Họ thà là ăn chơi phung phí hoặc tiêu xài vào những việc không cần thiết nhưng lại chi ly, bủn xỉn với công việc từ thiện. Như vậy là lỗi đức bác ái. Người gian tham có một muốn mười, có mười lại muốn một trăm, lòng tham vô đáy. Họ không từ ngay cả những phương cách bất lương để vơ vét của cải cho mình cho dù đã làm thiệt hại cho người khác. Như vậy là lỗi đức công bằng. Những người giàu có nhưng keo kiệt và gian tham coi tiền của trên hết là tự họ xa cách nước Trời chứ không phải vì lý do giầu có mà họ khó vào nước Trời.

Không có lòng vị tha đối với tha nhân cũng là bỏ mất cơ hội để được vào nước Trời. Bởi vì như Chúa Giêsu đã nói khi đối xử với tha nhân làm sao thì cũng như đối xử với chính Chúa vậy. Sẽ khó vào nước Trời nếu ngày phải đối diện với Chúa bị Chúa trách mắng rằng “Xưa Ta đói các ngươi không cho ăn; Ta khát các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ các ngươi không tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù các ngươi chẳng thăm viếng” (Mt 25 42-43). Những người bị trách mắng như thế liệu có được vào nước Trời không?

Một nguy cơ khác cũng làm trở ngại cho việc vào nước Trời là không trung thành với lề luật của Chúa. Có lần Chúa Giêsu đã cảnh cáo rằng “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý nuốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21). Thi hành ý muốn của Đấng ngự trên trời không thể không bao gồm việc tuân giữ các lề luật của Chúa cũng như tuân giữ lề luật của Giáo hội. Thế nhưng ngày nay xem ra người ta không mấy chú trọng mà càng ngày càng tỏ ra thờ ơ đối với vấn đề này.

ĐTC Bênêdictô 16 trong dịp viếng thăm Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh giác về điều mà Ngài gọi là quan niệm của những tín hữu Công giáo chỉ chọn lựa trong giáo lý và luân lý những gì mình ưa thích mà bỏ qua những điều khác. Chính vì có quan niệm sai lệch đó mới có những than phiền cho rằng Giáo hội qúa khắt khe khi nghiêm cấm phá thai và khó khăn trong việc giải quyết những trường hợp xin ly dị cũng như chê trách Giáo hội về những vấn đề khác nữa..

Tất cả người Kitô hữu đều được mời gọi tham dự tiệc cưới tức là nước Trời. Trong cuộc sống nơi trần thế chính là thời gian để mỗi người tín hữu chăm chút cho chiếc “y phục lễ cưới”. Nhưng thật đáng tiếc là nhiều khi chúng ta đã qúa thờ ơ không chịu chăm lo hay tệ hại hơn còn muốn cởi bỏ chiếc “y phục” cần thiết để được vào nước Trời. Sẽ là đại họa cho chúng ta nếu chúng ta không có sẵn “y phục lễ cưới” vào ngày giờ Chúa gọi.

10/10/2008
 
Quan Khách
Lm Vũđình Tường
18:33 10/10/2008
Người dân thường chưa bao giờ được mời tham dự tiệc cưới hoàng gia. Ngoại trừ thân thích trong hoàng tộc, số còn lại là giới trưởng giả, quí phái, người có chức tước với triều đình là khách quan.

Gọi là khách quan vì họ làm quan và là khách của nhà vua. Từ khách quan dần dần trở nên phổ thông trong đại chúng. Người Việt thường chào mừng quan khách. Trong khi đó người Hoa lại thích dùng từ khách quan. Cách dùng từ khác nhau hẳn có dụng ý khác nhau khi xử thế.

Theo tôi dự đoán người Việt chào là quan khách vì coi người khách đó là người quan trọng, người đặc biệt. Khách đặc biệt có thể là thân nhân, thân hữu, thân chủ hoặc khách hàng. Sinh hoạt bình thường, làm ăn chung ngành nghề họ không chào nhau là quan khách. Khi mời dự tiệc họ lại vồn vã chào nhau là quan khách, thượng khách.

Trong khi đó người Hoa dùng từ khách quan trong mọi giao dịch thương mại giữa thân chủ và khách hàng. Là khách quan vì những người này giúp phát triển thương mại. Vị khách này quan trọng vì họ mang lại lợi nhuận cho quán. Càng chi nhiều tiền người khách đó càng quan trọng và càng được hậu đãi cẩn trọng, chu đáo. Nếu nhận xét này đúng thì việc dùng từ khách quan đặt nặng vấn đề giao tế thương mại, dịch vụ hơn là tìm cảm dành cho nhau. Trong khi người Việt lại phân biệt rõ ràng thương mại là thương mại, tình cảm là tình cảm. Từ quan khách dùng trong các dịp hội họp, tiệc tùng để biểu lộ tình cảm tình người.

Tinh thần Phúc Âm

Coi trọng, bảo vệ, đề cao phẩm giá con người, quí trọng mạng sống mình và mạng sống người là ưu tiên hàng đầu trong giáo huấn Thiên Chúa giáo. Không giới răn nào quan trọng hơn giới răn mến Chúa, yêu người. Vật chất, lợi nhuận kể cả chủ thuyết đều nhằm mục đích phục vụ con người, nâng cao phẩm giá và bảo vệ mạng sống con người. Nhân danh bất cứ điều gì để tàn sát, làm khổ, bách hại nhau đều trái giáo lí của Chúa.

Khách nước trời

Dụ ngôn tiệc cưới nước trời cũng dành riêng cho khách quan. Họ không nhất thiết phải là người có quan chức mà là người dân thường, làm công việc bình thường được nhà vua mời. Họ làm nhiều ngành nghề khác nhau, ở các lứa tuổi khác nhau. Phúc Âm thuật lại kẻ là nông nghiệp, kẻ chăn nuôi, kẻ làm thương mại, kẻ mới lập gia đình. Từ chối tiệc cưới nhà vua khoản đãi vì lí do bận rộn, vất vả, mải mê kiếm sống không còn giờ cho tình người. Một số lạm dụng chức quyền, nóng nảy và quá khích. Đã không dự tiệc vua mời còn bắt kẻ vô tội, đầy tớ vua đem đầy đoạ, đánh đập, sỉ nhục và giết đi.

Khách quan hay quan khách không phải do khả năng người đó tự kiếm mà chính là do ơn lộc vua ban. Bất cứ người nào đáp lại lời vua mời gọi đều trở thành quan khách, người khách quan trọng. Ngược lại dù ở bất cứ giai cấp nào mà từ chối lời vua mời đều chấp nhận sống tình trạng hiện có.

Khách thập phương

Khách quan từ chối dự tiệc vì thế nhà vua ra lệnh mời khách thập phương. Gọi là khách thập phương vì họ đến từ các ngã ba đường, từ muôn phương, từ các thôn làng xa xăm, hẻo lánh. Gặp ai cũng mời vào, bất luận tốt xấu, nên phòng tiệc cưới đầy thực khách.

Khách thập phương chẳng bao giờ mơ tưởng có ngày được vua mời vì thế khi được mời họ sốt sắng, mau mắn vào dự tiệc. Nhóm này thuộc đủ mọi thành phần, tầng lớp.

Tiệc cưới nước trời nhà vua tổ chức khoản đãi đại chúng, cho mọi thành phần trong dân, không phân biệt giai cấp, ngành nghề và điều kiện sống. Bất cứ ai mau mắn, vui vẻ đáp lại lời vua mời đều được đón tiếp, cho vào dự tiệc. Khi dự tiệc cần theo quy củ bữa tiệc. Quy củ đó thể hiện qua việc mặc áo cưới. Thay áo là biểu tượng thay đổi lối sống, vị thế xã hội và cách xử thế theo lối mới. Gia nhập tiệc cưới nước trời mà từ chối chấp nhận mặc áo cưới tức là từ chối thay đổi. Không thay đổi đừng mong nhập tiệc.

Nâng cấp

Dự tiệc cưới nước trời khách thập phương được nâng cấp thành khách quan. Thực ra không phải họ được nâng cấp mà chính là họ tìm sống lại những gì đã bị mất. Thức tỉnh những gì đang ngủ quên trong họ. Để lấy lại những gì đã mất khách thập phương phải chấp nhận thay đổi. Không phải thay đổi để làm mất cá tính của mình. Không phải thế.

Thay đổi để xứng đáng con vua tình yêu Jêsu. Thay đổi trở nên giống mình hơn, về với con người thật của mình, về với chính mình, tìm về con người nguyên thuỷ của mình. Con người đó xưa ngây thơ, thành thật, hiền lành, thánh thiện.

Vào đời con người đó bị vật chất, danh vọng, tham vọng bao trùm làm lu mờ hình ảnh con vua lúc ban đầu.

Bị chủ thuyết mê hoặc, ru ngủ chối bỏ Thượng Đế là nguồn gốc sự sống nên họ sống trong lo sợ, bất an cho ngày mai.

Bị hoàn cảnh và các xu hướng xã hội thúc bách lao tác không còn giờ cho chính mình, nói ch đến tha nhân, không còn giờ dự tiệc cưới vua mời gọi.

Nâng cấp thành khách quan trong nước trời chính là mời gọi trở về tình trạng tốt lành, sống xứng ngôi vị con vua tình yêu trong nước trời. Mọi người trong nước trời đều là con vua tình yêu Jêsu.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Tiệc Cưới và Y phục Tiệc Cưới
Anmai, CSsR
18:45 10/10/2008
Chúa Nhật 28 Thường Niên

TIỆC CƯỚI VÀ Y PHỤC TIỆC CƯỚI

Is 25, 6-10; Ph 4, 12- 14. 19-20; Mt 22, 1-14

Bài đọc thứ nhất trích sách ngôn sứ Isaia chúng ta vừa nghe đấy khá quen thuộc với Kitô Hữu chúng ta. Thường trong các thánh lễ an táng, lời ngôn sứ này được công bố để nói lên niềm tin, niềm an ủi, niềm cậy trông mà Thiên Chúa hứa ban cho con người, đặc biệt khi gia đình rơi vào cảnh chia ly, mất mát người thân yêu trong gia đình.

Niềm an ủi đấy được ngôn sứ Isaia công bố rõ rệt: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế”. Không chỉ được đãi tiệc và rượu cách thịnh soạn mà còn: “Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy. “

Và ngôn sứ Isaia lại nói tiếp với chúng ta: “Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Ðây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ."

Lời của ngôn sứ Isaia vang vọng cách đây hơn hai ngàn năm, lời hứa của Đức Chúa qua môi miệng ngôn sứ Isaia vẫn còn tồn tại và Đức Chúa vẫn đãi tiệc cho dân của Chúa mỗi ngày trên bàn tiệc Thánh, trên cuộc lữ hành trần thế. Hình ảnh bữa tiệc thịnh soạn mà Isaia loan báo đó được hiện tại hoá mỗi ngày nơi Bàn Tiệc Thánh Thể. Bàn Tiệc Thánh Thể mà Chúa mời gọi mỗi người đến tham dự như là hình ảnh Bàn Tiệc Nước Trời mà Chúa nói trong trang Tin Mừng theo Thánh Matthêu hôm nay.

Trang Tin Mừng kể một lễ cưới long trọng cuûa một ông vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Câu chuyện tiệc cưới này có cái gì khác thường, từ thực khách cho đến những sự tham dự, và nhất là cách xử sự của chủ tiệc, cho chúng ta thấy có điều gì không bình thường, và đó chính là điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta. Trong thực tế, có lẽ chẳng có tiệc cưới nào diễn ra như thế. Đúng, đây không phải là một tiệc cưới bình thường, mà là tiệc cưới Nước Trời: đức vua mở tiệc cưới là Thiên Chúa. Hoàng tử của nhà vua là Chúa Giêsu. Các đầy tớ được sai đi mời khách là các ngôn sứ. Khách được mời lần đầu là dân Do Thái. Họ đã từ khước lời mời của Thiên Chúa và giết hại các ngôn sứ, thậm chí họ còn giết luôn cả hoàng tử Giêsu. Những người được mời kế tiếp là dân chúng ở khắp hang cùng ngõ hẻm, tức là mọi người, bất kỳ ở đâu, cũng được mời gọi vào nước Chúa.

Câu chuyện của Chúa Giêsu tưởng chừng như xa rời thực tế nhưng thật sự quá hay, quá thiết thực với mỗi Kitô Hữu.

Thử nhìn lại cuộc đời mỗi người, đành biết rằng cần phải kiếm miếng cơm manh áo để đắp đổi đời sống qua ngày nhưng xin hỏi rằng miếng cơm manh áo đấy có phải là tất cả cùng đích của cuộc đời, của con người không ? Một thân xác xem ra “nặng ký”: đẹp về ngọai hình, cân đối về thể chất, vạm vỡ về sức lực hay tròn trịa về ký lô đi nữa mà chẳng có một chút gì để cho Thiên Chúa hiện diện, chẳng có một chút gì dành cho đời sống tâm linh thì thử hỏi thân xác đó có thể làm được gì ? Đẹp, to, béo, tròn nhưng chỉ cần một cơn gió thoảng qua thôi thì cái thân xác to béo đấy cũng chỉ nằm gọn trong chiếc quan tài 4 miếng dài và 2 miếng vuông thôi.

Phải nói thẳng với nhau một thực trạng đau lòng đó là ngày hôm nay, con người ta cứ mãi miết để lo cho thân xác mình mà lại đánh mất đi cái lương thực tâm linh, lương thực nuôi hồn người ta đó chính là Bàn Tiệc Thánh Thể.

Chúa Giêsu đã hơn một lần nhắc nhở các môn đệ cũng như nhắc nhở mỗi người chúng ta: ” người ta sống không nguyên bởi cơm bánh nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Ngày hôm nay, chạy theo trào lưu của xã hội, con người đã đánh mất cái cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Họ đánh mất Thiên Chúa để rồi họ chẳng cần tìm đến Thiên Chúa nữa, họ cứ tưởng rằng: họ viện cớ này, viện cớ kia cho công việc làm ăn riêng tư của họ để họ khước từ Bàn Tiệc của Chúa thì họ thanh thản và bình an.

Họ cứ cắm cúi và thậm chí hao mòn sức khoẻ để đầu tư vào những kho tàng mà sẽ bị mối mọt đục khoét, họ quên đi kho tàng của họ là ở trên trời, nơi đó trộm cướp không đào ngạch và mối mọt không đục khoét được. Nhiều người ngày hôm nay đã vịn cớ vào công ăn việc làm, vào miếng cơm manh áo để không còn mặn mà với Bàn Tiệc Lời Chúa, Bàn Tiệc Thánh Thể nữa.

Con người ngày nay không chỉ khước từ và viện cớ là bận rộn với công việc để không đến được với Bàn Tiệc Thánh, mà như Chúa nói hôm nay trong Tin Mừng là họ có thể giết luôn cả người con yêu dấu của Đức Vua. Chính cái lối sống nhiều khi là phản chứng Tin Mừng, phản bội lòng tin, lòng cậy, lòng mến mà Đức Vua mời gọi đã nói lên việc họ giết Hòang Tử. Hoàng Tử được Đức Vua sai đến loan báo một lòng tin, một lòng cậy, một lòng mến, nhưng nhiều người đã không tha thiết gì với lời loan báo ấy, bằng cách đẩy ra khỏi mình lòng tin, cậy,mến và như thế là họ đã giết hoàng tử như nhà vua tiên báo.

Cũng chẳng cần đợi đến ngày chung cuộc, chủ tiệc sẽ mời họ ra không cho dự bàn tiệc Thiên Quốc nữa. Nhưng chính ngày hôm nay, bất cứ giây phút nào trong cuộc đời, Chủ Tiệc cũng có thể mời họ về và khi này họ phải về tay không và họ mất cả chì lẫn chài. Kho tàng dưới đất mà bấy lâu nay đổ mồ hôi, sôi con mắt tìm kiếm cũng đành phải để lại cho người khác hưởng dùng.Còn họ không thể bước vào Bàn Tiệc Thiên Quốc được vì ngày mỗi ngày trong đời tạm này họ có thiết tha gì với Thiên Chúa đâu ?

Chúng ta để ý một chút, chi tiết này cực kỳ quan trọng đó là đang bữa tiệc diễn ra, đức vua phát hiện có một anh không mặc y phục lễ cưới nên đã bị vua sai đầy tớ đuổi anh ra ngoài không cho anh dự tiệc cưới nữa. Tôi trộm nghĩ rằng, anh ta là người cũng đon đả đi vào dự tiệc khi được mời nhưng anh ta không chuẩn bị một y phục của lễ cưới. Chúa Giêsu, trong trang Tin Mừng này không hề mô tả y phục của lễ cưới Nước Trời, lễ cưới của Hoàng Tử là gì nhưng ta có thể hiểu ý Chúa Giêsu rằng: anh ta đã không chuẩn bị cho mình tư cách để đi dự tiệc. Chúa hoàn toàn không đặt vấn đề gì về sính lễ, về qùa cáp như người đời thường suy tính. Chúa chỉ gợi lên là không mặc y phục lễ cưới ! Y phục ấy phải chăng là thái độ, tâm tình phải có khi đi dự tiệc cưới Con Chiên. Thái độ, tâm tình đó phải chăng là lòng mến, là tình yêu, là lòng bác ái đối với Vua và Hoàng tử. Chắc có lẽ anh chàng này đi dự tiệc cưới của Hoàng Tử nhưng còn khoác trong mình bộ áo của hận thù, ghen ghét, kiêu căng nên bị Vua đuổi ra chăng ?

Tiệc cưới của Hoàng tử này ta nên nhớ là mời tất cả mọi người khắp hang cùng ngõ hẻm, không phân biệt giàu nghèo. Chủ tiệc sai đầy tớ đi mời tất cả những người phải nói là đầu đường xó chợ vào dự tiệc thì chắc chắn rằng chiếc áo mà chủ tiệc nói không phù hợp với tiệc cưới đây không phải là chiếc áo bằng vải, bằng vật chất mà thực khách khi dự tiệc phải mang. Cái áo cưới ở đây được nhà vua nhắc đến chính xác là chiếc áo tâm hồn, là tấm lòng của thực khách mà chỉ duy nhất Nhà Vua - Thiên Chúa quyền năng - nhận ra mà thôi.

Rồi đây, ngày tận thế cũng sẽ đến và như lời Chúa đã hứa: bất luận ai đi nữa, giàu hay nghèo cũng được mời để vào dự tiệc cưới Hoàng tử. Chuyện quan trọng hôm nay Chúa nói rồi, Chúa nói cho mỗi người chúng ta là chúng ta phải chuẩn bị y phục như thế nào để khi vào dự tiệc cưới chúng ta sẽ không bị chủ tiệc đuổi ra ngoài. Y phục mà Chúa muốn, y phục mà Chúa cần mỗi người có không phải được dệt bằng lụa là gấm vóc, không phải được mua từ cửa hiệu Việt Tiến, may Nhà Bè hay thun Cá Sấu đắt tiền nhưng y phục ấy chính là lòng khiêm hạ, lòng tin, lòng cậy, lòng mến Chúa và nhất là lòng mến đối với anh chị em đồng loại là những người đang sống chung với chúng ta.

Chúng ta đang sống trong cuộc lữ hành trần gian, chúng ta đừng quên rằng quê hương đích thực của chúng ta ở quê Trời. Chúng ta cũng đừng quên rằng tiệc cưới quan trọng nhất, cùng đích nhất của chúng ta chính là tiệc trên Trời. Những tiệc cưới trần gian này ta đi dự sao cũng được, thậm chí ta không đi dự cũng được nhưng chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội như nhiều người đã khước từ trong trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe Thánh Matthêu thuật lại.

Dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta được tận hưởng trước tiệc cưới trên quê trời. Muốn chung vui với chủ tiệc lòng chúng ta phải thanh sạch, chúng ta phải dẹp bỏ mọi oán hờn ghen ghét để dự bàn tiệc Thánh Thể. Cũng thế, muốn tham dự bàn Tiệc Nước Trời, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trang bị cho lòng chúng ta những bộ y phục xứng đáng với y phục mà Chúa mong muốn.

Nguyện xin Chúa Giêsu là Chúa, là Vua của chúng ta đến giúp mỗi người chúng ta biết chuẩn bị y phục theo lòng Chúa mong muốn để ngày sau, chúng ta được cùng vào hưởng tiệc cưới Nhà Vua dọn sẵn trên Nước Trời.
 
Dấn thân
Thanh Thanh
18:47 10/10/2008
DẤN THÂN

"Con có yêu mến Thầy không ?Dạ, có. Vậy con hãy chăm sóc chiên của Thầy " (Ga 21, 17).

Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình… Phải chăng yêu là ngồi nhìn nhau, hay chỉ để ôn lại những kỷ niệm đẹp đã qua, hoặc để xây dựng một tương lai trong ảo vọng…?

Không. "Yêu không có nghĩa là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng" (Exupéry).

Suy nghĩ về câu Tin mừng trên, tôi cũng thấy điều đó: Ý hướng của Chúa Giêsu là vâng lời Cha đến để đem tình yêu, ơn cứu độ cho con người, thể hiện qua những lời Ngài nói, những việc Ngài làm… Giờ đây, đối với Phêrô cũng vậy, không phải chỉ để ngồi chiêm ngưỡng tình yêu Chúa trên núi Tabor, chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Phục sinh thôi, giống như ông mong được ở lại mãi trên núi Tabor để chiêm ngưỡng Chúa hiển dung… không muốn xuống núi (Lc 9, 33); trái lại, ông phải "ra khơi thả lưới…" nói cách khác, như lời Chúa Giêsu: "hãy chăm sóc chiên của Thầy". Với Phêrô, tôi coi đây là một hành trình dấn thân.

Dấn thân xây dựng tinh thần. Như chiên không người chăn dắt, khi Chúa chết, tinh thần các môn đệ "tan tác heo may"… công việc đầu tiên của ông là làm cho tinh thần anh em thêm vững mạnh, như Chúa Giêsu nói: "Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh" (Lc 22, 32).

Dấn thân rao giảng lời Chúa. Một khi yêu, Phêrô dành tất cả cuộc sống cho người mình yêu; nhiệt tâm lo việc của Chúa, rao giảng về Đấng đã Chết, nay Phục sinh; không sợ gian nan vất vả hay bị nhục mạ, khinh chê, dù phải vào tù đi nữa… như lời ông nói: "Dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng" (Lc 22, 33).

Dấn thân xây dựng cộng đoàn tiên khởi. Ra khơi thả lưới, ông hăng say trong việc nâng đỡ "những kẻ tin", gìn giữ, bảo vệ tinh thần, đức tin còn non yếu của họ; lập thành những nhóm, từ nhóm này phát triển thành cộng đoàn.

Dấn thân xây dựng giáo hội về mặt cơ sở. Khi có cộng đoàn, có những sinh hoạt chung, hẳn phải có nơi chốn để giảng dạy, hội họp và cầu nguyện. Và từ những căn nhà thô sơ, những cơ sở nhỏ này thành những cơ sở lớn, lớn nhất là lập Toà tại Rôma.

Dấn thân xây dựng cơ cấu giáo hội. Có nhóm, có cộng đoàn là có những sinh hoạt chung. Có sinh hoạt chung chắc hẳn cũng phải có những cơ cấu tổ chức, và dĩ nhiên từ những cơ cấu và tổ chức đó, Giáo hội vận dụng, củng cố và phát triển cho việc xây dựng phẩm trật cho tới hôm nay.

Dấn thân xây dựng bản thân. Từ hình ảnh thánh tông đồ Phêrô, tôi nhìn lại chính mình, đó cũng là một hành trình dài của việc tự đào tạo. Hành trình đi theo, ở với, để mỗi ngày một giống Chúa, trở thành người môn đệ trung tín của Ngài cũng đòi buộc tôi phải dấn thân rất nhiều. Dấn thân xây dựng để mình có đủ những chiều kích của một con người trưởng thành, nhạy bén đón nhận các biến cố, các sự kiện xảy đến trong Giáo hội, xã hội, từ đó có thái độ ứng xử cách khôn ngoan, đẹp lòng Chúa, nhất là những yếu tố cần thiết của một người môn đệ. Qua đó có thể phản ánh tương đối nhân cách đích thực của Đức Giêsu Kitô.

Dấn thân xây dựng tình hiệp thông. Tình yêu, tình bạn, tình hiệp thông huynh đệ là gì nếu không phải là một sự dấn thân trọn vẹn. Noi gưong Chúa luôn đi bước trước để đến với mọi người với tâm hồn yêu mến, bằng con tim rộng mở, với tấm lòng đón nhận, với lòng bác ái quảng đại vị tha không tính toán. Nhờ đó, những cố gắng ấy mới hy vọng có nhiều kết quả tốt, để cuộc đời bớt đi những khoảng không của sự lạnh lẽo, thiếu tình người trong môi trường sống chung gia đình, xã h ội và cộng đoàn tôn giáo. Còn nếu có ai đó nghĩ rằng những điều trên chỉ là một sự may mắn đến từ trời cao, hay là một món hàng có thể mua bán được quả là sai ầm.

Ước chi mọi người đều hăng say “ra khơi thả lưới tình thương", luôn khát khao có được một cuộc sống vui tươi, hạnh phúc, để từ những khao khát ấy, ta dấn thân xây dựng tình hiệp thông huynh đệ, nhất là với người thân, xóm làng, giáo xứ, giáo hội.
 
Mặc lấy Chúa Ki-tô
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
18:58 10/10/2008
Mặc lấy Chúa Ki-tô

Chúa Nhật 28 thường niên (Tin Mừng Matthêu 22,1-14)

Trong một trăm người đang sống trên lục địa Á châu, chỉ có hai người gia nhập Hội Thánh Chúa. Hạnh phúc cho ai được liệt vào số ít những người may mắn nầy. Trong số một trăm người đang sống trên giải đất Việt Nam, chỉ có bảy người có diễm phúc tham dự tiệc cưới vua trời, tức được gia nhập vào Hội Thánh Chúa. Chúng ta cũng được may mắn thuộc về thiểu số nầy. Đây quả là một hồng phúc lớn lao cho chúng ta.

Để xứng hợp với tư cách của vị khách được Thiên Chúa ưu ái mời vào dự tiệc Nước Trời, Thiên Chúa đòi buộc chúng ta phải vứt bỏ tấm áo dơ bẩn đang mặc để khoác vào mình y phục xứng đáng.

Khi mặc đồ tang chế mà đi dự tiệc cưới, người ta nghĩ là bạn bị khùng nặng và xua đuổi bạn tức khắc. Khi bước vào bệ kiến Đức Vua mà trang phục lôi thôi lếch thếch, nói năng hồ đồ lỗ mãng thì không khỏi bị kết tội khi quân. Khi bước vào đời quân ngũ mà ăn mặc rách rưới như kẻ bần cùng, thiếu tác phong quân nhân, thì bạn sẽ bị tống cổ ra ngay vì làm ô danh quân đội.

Hội Thánh của Chúa luôn mở rộng cửa để tiếp nhận tất cả mọi người từ khắp tứ phương thiên hạ bất kể sang hèn tốt xấu. Nhưng một khi đã gia nhập đại gia đình nầy, các thành viên phải cởi bỏ tấm áo xấu xa để khoác lên người trang phục xứng đáng, nghĩa là phải có những phẩm chất phù hợp với Tin Mừng.

Một con sâu tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm rầu nồi canh. Vài ba giọt mực tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm hư tấm vải trắng. Chỉ một ít tín hữu sống trái nghịch với Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh, cũng đủ để làm cho khuôn mặt của Giáo Hội trở nên khó thương trước mặt người khác.

Vì thế nên một khi đã gia nhập Hội Thánh mà cách ăn thói ở không phù hợp thì đương sự sẽ bị Thiên Chúa lên án nặng nề. Đoạn Tin Mừng sau đây nhắc nhở chúng ta điều đó.

"Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng."

Là người được Thiên Chúa mời gọi gia nhập vương quốc Thiên Chúa, chúng ta phải xem lại cách ăn thói ở của chúng ta sao cho thích đáng.

Xưa kia, Augustinô ban đầu theo đuổi phù du ảo ảnh của thế gian, nhưng đến năm 33 tuổi, lần đầu tiên con người lầm lạc nầy tiếp cận với kinh thánh và đoạn văn đầu tiên đập vào mắt Anh là lời dạy của thánh Phaolô trong thư Rô-ma như sau: "Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt." (Rm 13, 13-14)

Nhờ ơn Thánh Linh tác động, Augustinô bừng tỉnh trước Lời Chúa. Anh cảm thấy những câu Lời Chúa nầy như nói riêng với chính mình. Thế là từ đây, Augustinô từ bỏ quãng đời tội lỗi, từ bỏ những đam mê xác thịt, rũ bỏ bộ áo bẩn thỉu hôi hám để mặc áo mới, mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô. Anh được lãnh bí tích rửa tội vào năm 33 tuổi, hiến mình cho Chúa và ba năm sau, trở thành một linh mục thánh thiện, về sau được cất nhắc lên chức giám mục và trở thành vị thánh chói ngời đồng thời cũng là thầy dạy trong Giáo Hội với tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh.

Trong ngày lãnh bí tích rửa tội, ngày chúng ta chính thức gia nhập Hội Thánh, linh mục chủ sự thay mặt Hội Thánh trao cho chúng ta tấm áo trắng với lời kêu gọi: "Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Ki-tô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để con được sống muôn đời".

Xin cùng khẩn cầu Thiên Chúa giúp chúng ta đừng luyến tiếc áo cũ đã hoen ố vì vô vàn thói xấu tật hư. Hãy dứt khoát cởi bỏ nó để quyết tâm mặc lấy áo mới, mặc lấy Đức Ki-tô, mang những tâm tình cao đẹp như Chúa Giê-su, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa Giê-su, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa Giê-su… Nhờ đó, chúng ta sẽ được cùng với Chúa dự tiệc vui muôn đời.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:25 10/10/2008
HÀNH ĐỘNG MÙ QUÁNG

N2T


Có một lần, sư phụ hỏi đệ tử của ông ta: khôn ngoan và hành động thì loại nào là quan trọng ?

Các đệ tử đều đồng thanh trả lời: “Đương nhiên là hành động, nếu khôn ngoan không thâu qua hành động, thì có gì hữu dụng chứ ?”

Nhưng sư phụ nói: “Nếu hành động không phát xuất từ một con tim tỉnh ngộ, thì có gì hữu dụng chứ ?”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Hành động với một con tim mù quáng, thì làm hư hại chương trình của Thiên Chúa nơi mình và nơi tha nhân.

Hành động với con tim kiêu căng, thì phá bỏ tình liên kết giữa những tâm hồn với nhau.

Hành động với con tim ghen ghét, thì sẽ nhận lại sự khinh bỉ và xa lánh của mọi người.

Hành động với con tim giận dữ, thì làm tổn thương đến những tâm hồn thiện chí.

Nhưng:

Hành động với con tim tỉnh ngộ, thì sẽ thấy hạnh phúc và bình an không những cho mình, mà còn cho người khác nữa. Mà “con tim tỉnh ngộ” không phải là con tim có tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa sao ?

Hạnh phúc thật là ở đó vậy.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:26 10/10/2008
CHỦ NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 22, 1-14.

“Gặp ai, anh em cũng mời hết vào tiệc cưới.”


Bạn thân mến,

Ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay chắc là bạn đã hiểu rõ, đó chính là Chúa Giê-su muốn nói đến bàn tiệc Nước Trời: thánh lễ mi sa. Bởi vì trong thánh lễ, chúng ta được diễm phúc mời gọi đến tham dự bàn tiệc thánh, đó chính là việc rước Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài không ích kỷ chỉ mời những ai quen biết, hoặc mời bà con bạn hữu đến dự tiệc Nước Trời mà thôi, nhưng Ngài còn hào phóng mời tất cả mọi người khi Ngài nói với các môn đệ rằng: gặp ai, anh em cũng mời hết vào tiệc cưới.

Bạn có nghĩ rằng bạn là người mà Chúa Giê-su sai phái đi mời những người khác đến tham dự tiệc cưới Nước Trời không ? Tôi tin rằng, có lúc bạn cũng nghĩ như thế, bởi vì khi bạn lãnh nhận bí tích Rửa Tội, thì đồng thời Chúa Giê-su và Giáo Hội cũng trao cho bạn sứ mệnh ra đi làm chứng nhân cho Tin Mừng, và cũng có nghĩa là bạn được sai đi mời gọi tất cả mọi người đến tham dự tiệc cưới Con Chiên ở ở này trong bí tích Thánh Thể, và tiệc cưới viên mãn mai sau trong Nước Trời.

Bạn và tôi được sai đi mời gọi mọi người đến dự tiệc cưới Con Chiên, nhưng trước hết bạn và tôi phải là người đã từng nếm mùi vị thơm ngon của bánh hằng sống, tức là Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su; bạn và tôi phải là người đã từng yêu mến và ước ao lãnh nhận bánh trường sinh ấy mỗi ngày trong cuộc sống của mình. Bởi vì không một ông chủ nào sai một đầy tớ thường hay lãnh đạm với công việc của chủ, thờ ơ với những gì xảy ra chung quanh, hoặc biếng nhác trong công việc và bổn phận của mình, để ra đi mời gọi khách đến dự tiệc...

Bạn thân mến,

Bạn và tôi đều được Chúa Giê-su mời đến tham dự tiệc Nước Trời ngay tại trần gian này, nhưng cũng có những lúc chúng ta từ chối với những lý do: tôi bận túi bụi mặt mày không có giờ để đi nhà thờ, tôi mới khai trương cửa hàng nên không thể đến tham dự thánh lễ được, tôi bận hẹn với người yêu rồi nên không có giờ để đến nhà thờ, tôi bận việc quá.v.v...

Bạn và tôi sẽ không bao giờ nói bận việc với thương vụ làm ăn lớn; bạn và tôi sẽ không bao giờ nói bận việc khi bạn bè kêu đi ăn nhậu; và có lẽ dù công việc bận thật đấy, nhưng bạn và tôi cũng sẽ dẹp qua một bên để hẹn với người yêu...

Bạn phải nhớ điều này: chúng ta sẽ không trở thành người được Chúa sai đi mời gọi mọi người đến tham dự tiệc cưới Nước Trời, nếu chúng ta không tích cực tham dự bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày, hoặc không hết lòng ước ao yêu mến Thánh Thể.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 10/10/2008
N2T


11. Khi ngôn ngữ của cầu nguyện liên tục phát ra thì tội ác bị che phủ.

(Thánh Ambrose)
 
Bài Giáo Lý mới VII của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Thánh Phaolô biết Đức Kitô như thế nào
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
23:52 10/10/2008
Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung ngày thứ tư mùng 8/10/2008 tại quảng trường Thánh Phêrô. ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý dành cho khuôn mặt và tư tưởng của Thánh Phaolô.

****


Anh Chị em thân mến,

Trong những bài Giáo Lý trước về Thánh Phaolô, cha đã nói về cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Kitô Phục Sinh, là biến cố thay đổi cuộc đời ngài tận căn bản, và sau đó về liên hệ của ngài với Mười Hai Tông Đồ là những vị đã được Chúa Giêsu gọi, đặc biệt là với các Thánh Giacôbê, Phêrô và Gioan, cũng như liên hệ của ngài với Hội Thánh tại Giêrusalem.

Vấn nạn còn lại bây giờ là Thánh Phaolô biết gì về Chúa Giêsu khi Người còn tại thế: về cuộc đời của Người, vầ giáo huấn của Người, về cuộc Khổ Nạn của Người. Trước khi đi vào vấn đề này, chúng ta nên nhớ rằng chính Thánh Phaolô đã phân biệt hai cách để biết Chúa Giêsu, nói chung là hai cách để biết một người.

Ngài viết trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô: “Cho nên từ nay trở đi chúng tôi không còn biết một ai theo xác thịt. Mặc dầu chúng tôi đã biết Ðức Kitô theo xác thịt, nhưng bây giờ chúng tôi không còn biết Người như thế nữa” (5:16). Biết “theo xác thịt”, một cách hữu hình, có nghĩa là chỉ biết vẻ bề ngoài, với những tiêu chuẩn bên ngoài: một người có thể thấy một người khác nhiều lần, nhận ra được những đặc tính về dung mạo của người ấy và nhiều chi tiết về cách người ấy hoạt động: người ấy nói chuyện, đi đứng,… thế nào. Nhưng dù biết người nào cách này, một người vẫn không thật sự biết người ấy, một người không thể biết được cái tâm của người ấy. Chỉ với trái trái tim, người ta mới thật sự biết một người.

Thực thế, các người Biệt Phái và Xađốc đã biết Chúa Giêsu cách bề ngoài, họ đã nghe Người giảng dạy, và biết nhiều chi tiết về Người, nhưng họ đã không biết Người và chân lý của Người. Có một sự phân biệt tương tự trong những Lời của Chúa Giêsu. Sau khi Hiển Dung, Người đã hỏi các Tông Đồ: “Người ta bảo Thầy là ai?” và “Các con nói Thầy là ai?” Dân chúng đã biết Người, nhưng chỉ biết cách hời hợt; họ biết nhiều điều về Người, nhưng họ đã thật sự không biết Người. Trái lại, nhở tình bằng hữu, và vai trò của con tim của các ngài, Nhóm Mười Hai ít ra là đã hiểu những điều chính yếu và đã bắt đầu học thêm về Người thực sự là ai.

Ngày nay cũng có cách hiểu biết khác nhau đó: Có nhiều cá nhân học rộng cùng biết nhiều chi tiết về Đức Kitô, và nhiều người chất phác không biết những chi tiết ấy, nhưng họ lại biết Đức Kitô và chân lý của Người: “Con tim nói với con tim”. Và Thánh Phaolô thật sự nói rằng ngài biết Đức Kitô cách ấy, bằng con tim, và rằng ngài thật sự biết con người và chân lý của Người; và rồi sau đó, ngài biết các chi tiết.

Sau khi đã nói thế, vấn đề vẫn còn lại là: Thánh Phaolô đã biết gì về cuộc đời, các lời nói, cuộc Khổ Nạn và các phép lạ của Chúa Giêsu? Dường như ngài đã chưa bao giờ được gặp Chúa Giêsu trong cuộc đời dương thế của Người. Chắc chắn rằng ngài đã học những chi tiết về cuộc đời dương thế của Đức Kitô từ các Tông Đồ và Hội Thánh Sơ Khai. Trong các Thư của ngài, chúng ta tìm thấy ba hình thức ngài dùng để nói về Chúa Giêsu tiền Phục Sinh. Trước hết, là những đề cập dứt khoát và trực tiếp. Thánh Phaolô nói về dòng dõi vua Đavid của Chúa Giêsu (x. Rom 1:3). Ngài biết Chúa có các “anh em” hay bà con họ hàng theo huyết thống (1 Cor 9:5; Gal 1:19), ngài biết về việc tiến hành trong Bữa Tiệc Ly (x. 1 Cor 11:23). Ngài biết những câu nói khác của Chúa Giêsu, thí dụ như sự bất khả phân ly của hôn nhân (x. 1 Cor 7:10 với Mc 10:11-12), về nhu cầu mà những người rao giảng Tin Mừng cần được cộng đồng nâng đỡ như là người làm đáng được tiền công (x. 1 Cor 11:24-25 và Lc 22:19-20), và ngài cũng biết về Thập Giá của Chúa Giêsu. Những điều này là những đề cập trực tiếp đến những lời nói và các sự kiện trong đời sống của Chúa Giêsu.

Thứ đến, chúng ta có thể thấy từ một vài câu trong các Thư Thánh Phaolô một số ám chỉ khác nhau đã được truyền thống Nhất Lãm xác nhận. Thí dụ các lời mà chúng ta đọc trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, theo đó thì “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm” (5:2), không thể dựa theo các lời tiên tri trong Cựu Ước mà giải thích được, bởi vì việc so sánh với kẻ trộm trong đêm chỉ được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Matthêu và Luca, như thế những lời ấy phải được trích ra từ truyền thống Nhất Lãm. Và khi một người đọc rằng Thiên Chúa “chọn sự điên dại của thế gian” (1 Cor 1:27-28), người ta có thể nhận ra đó là tiếng vang vọng trung thực của Giáo Huấn của Chúa Giêsu về những người đơn sơ và khó nghèo (x. Mt 5:3; 11:25; 19:30). Cũng có những lời của Chúa Giêsu trong Lễ Đại Xá cứu thế; “Lạy Cha, là Chúa Trời đất, Con cảm tạ Cha vì cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người như trẻ nhỏ." Thánh Phaolô biết -- từ kinh nghiệm truyền giáo của ngài -- rằng những lời này là chân thật, những người giống trẻ nhỏ là những người có con tim mở ra để đón nhận sự hiểu biết về Đức Kitô. Cũng thế, việc nhắc đến sự vâng phục của Chúa Giêsu “cho đến chết” mà chúng ta thấy trong Philliphê 2:8 không nói về điều gì khác ngoài việc hoàn toàn sẵn lòng của Chúa Giêsu khi còn tại thế để làm trọn Thánh Ý Chúa Cha (x. Mc 3:35; Ga 4:34).

Cho nên Thánh Phaolô đã biết về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, Thập Giá của Người, và cách Người đã sống trong những giây phút cuối cùng của đời Người. Thập Giá của Chúa Giêsu và truyền thống về sự thật của Thập Giá nằm ở trọng tâm của Lời Rao Giảng của Thánh Phaolô. Một cột trụ khác của cuộc đời Chúa Giêsu mà Thánh Phaolô đã biết là Bài Giảng Trên Núi, một số yếu tố của Bài Giảng này được nhắc lại hầu như từ chương khi ngài viết cho tín hữu Rôma: “Anh chị em hãy yêu thương nhau. … Phúc cho những ai bị bách hại. … Anh chị em hãy sống hòa thuận với mọi người. … Hãy thắng sự dữ bằng việc lành”. Trong các Thư của ngài có sự diễn tả trung thực [những điều trong] Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 5-7).

Sau cùng, chúng ta có cách thứ ba để tìm thấy lời của Chúa Giêsu trong các Thư của Thánh Phaolô: đó là khi ngài hoán chuyển truyền thống của thời Tiền Phục Sinh thành Hậu Phục Sinh. Một thí dụ cụ thể là đề tài về Nước Thiên Chúa. Đây chắc chắn là trung tâm của việc giảng dạy của Đức Kitô lịch sử (x. Mt 3:2; Mc 1:15; Lc 4:43). Trong cách hoán chuyển của Thánh Phaolô đề tài này được thấy rõ ràng, vì sau khi Phục Sinh rõ ràng là Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, là Nước Thiên Chúa. Khi ấy, Chúa Giêsu ở đâu thì Nước Thiên Chúa ở đó. Và như thế sự cần thiết của đề tài về Nước Thiên Chúa, mà trong đó mầu nhiệm của Đức Kitô đã được thấy trước, được biến đổi thành Kitô học.

Các giáo huấn của chính Chúa Giêsu về việc làm sao để được vào Nước Thiên Chúa cũng đúng đối với Thánh Phaolô về việc công chính hóa nhờ Đức Tin: Cả hai đòi hỏi một thái độ khiêm nhường hết sức và sẵn lòng, không tự phụ, để nhận được ân sủng của Thiên Chúa. Thí dụ, dụ ngôn người Biệt Phái và người Thu Thuế (x. Lc 18:9-14) dạy chính điều mà Thánh Phaolô bàn đến khi ngài quả quyết rằng không ai được tự khoe mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Cũng thế, giáo huấn của Chúa Giêsu về những người thu thuế và gái điếm, là những người sẵn sàng đón nhận Tin Mừng hơn những người Biệt Phái (x. Mt 21:31; Lc 7:36-50), và quyết định ngồi ăn cùng bàn với họ của Người (x. Mt 9:10-13; Lc 15:1-2), được tìm thấy trong học thuyết của Thánh Phaolô về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi (x. Rom 5:8-10 và Eph 2:3-5). Bằng cách này, đề tài về Nước Thiên Chúa được đề ra bằng một phương thức mới mẻ, nhưng luôn luôn trung thành với truyền thống của Chúa Giêsu lịch sử.

Một thí dụ khác về việc hoán chuyển một cách trung thành trọng tâm giáo thuyết của Chúa Giêsu được tìm thấy trong các “tước hiệu” nói về Người. Trước Phục Sinh, Đức Kitô tự xưng mình là “Con Người”; sau Phục Sinh rõ ràng là Con Người cũng là Con Thiên Chúa. Cho nên, tước hiệu mà Thánh Phaolô thích dùng để nói về Chúa Giêsu là “Kyrios” – Chúa (x. Phil 9:11) -- tước hiệu ấy ám chỉ Thiên Tính của Chúa Giêsu. Với tước hiệu này Chúa Giêsu xuất hiện trong ánh sáng sung mãn của sự Phục Sinh của Người.

Trên Núi Cây Dầu, trong giây phút “cực kỳ đau buồn” của Chúa Giêsu (x. Mk 14:36), các môn đệ, trước khi mê ngủ, đã nghe Chúa Giêsu nói với Chúa Cha và gọi Ngái là “Abba – Cha ơi”. Đây là một lời rất thân tình, giống như “bố ơi”, chỉ dành cho con cái gọi cha mình. Cho đến giây phút ấy, việc một người Hipri dùng lời như vậy mà gọi Thiên Chúa là một điều không tưởng; nhưng Chúa Giêsu, là người Con thật, nói như thế trong giờ mật thiết và gọi “Abba, Cha ơi”.

Trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma và Galatê, điều đáng ngạc nhiên là chữ “Abba” dùng để diễn tả liên hệ riêng cuả Chúa Giêsu với Chúa Cha được phát ra từ miệng những người được rửa tội (x. Rom 8:15; Gal 4:6). Họ đã nhận được “Thần Khí làm Nghĩa Tử” và giờ đây mang trong chính mình họ Thần Khí này, và họ có thể nói như Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu như những con cái thật của Chúa Cha. Họ có thể gọi “Abba” bởi vì họ đã được biến đổi thành con cái trong Chúa Con.

Và cuối cùng, cha muốn vạch ra chiều kích cứu độ của cái chết của Chúa Giêsu, như chúng ta thấy trong Tin Mừng mà trong đó “Con Người không đến để được phục vụ mà để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc tội nhiều người” (Mc 10:45; Mt 20:28). Cách diễn tả trung thực câu này của Chúa Giêsu xuất hiện trong học thuyết Thánh Phaolô về cái chết của Chúa Giêsu như là một sự giải thoát (x. 1 Cor 6:20), như sư cứu độ (x. Rom 3:24), như giải phóng (x. Gal 5:1) và như hòa giải (x. Rom 5:10; 2 Cor 5:18-20). Đây là trung tâm của Thần Học Thánh Phaolô, là một nền thần học dựa vào câu này của Chúa Giêsu.

Để kết luận, Thánh Phaolô đã không nghĩ rằng Chúa Giêsu là điều gì lịch sử, điều gì trong quá khứ. Ngài chắc chắn biết truyền thống cao cả về cuộc sống của Người, lời nói, cái chết và sự Phục Sinh của Người, nhưng ngài không coi những biến cố đó là những gì trong quá khứ; ngài đưa các biến cố này ra như những thực tại của Chúa Giêsu vẫn còn sống. Những lời nói và hành động này của Chúa Giêsu đối với Thánh Phaolô không gắn liền với một thời điểm lịch sử, với quá khứ. Chúa Giêsu hiện vẫn sống và nói với chúng ta, và sống cho chúng ta. Đó là cách đích thực để biết Chúa Giêsu, không phải cách tự nhiên, như một người trong quá khứ, nhưng như là Chúa và Anh của chúng ta, mà ngày nay đang ở với chúng ta cùng chỉ cho chúng ta phải sống thế nào và chết thế nào.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ấn Độ sẽ có một vị thánh nữ đầu tiên
Bùi Hữu Thư
21:56 10/10/2008

Ấn Độ sẽ có một vị thánh nữ đầu tiên



Trong khi các kitô hữu tại nước của bà bị bách hại

Rôma, ngày 10, tháng 10, 2008
- Trong khi các kitô hữu tại Ấn Độ bị bách hại vì đức tin, họ sẽ có một đấng cầu bầu mới là Thánh Alfonsa của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Chân phước Alfonsa (tên gọi là Anna Muttathupadathu) là một trong bốn người sẽ được Đức Thánh Cha Benedict XVI phong thánh Chúa nhật này. Ba người kia là Maria Bernarda Butler, người Thụy Sĩ; Narcisa de Jesús Martillo Morán người Ecuador; và Linh mục Gaetano Errico người Ý.

Chân phước Alfonsa sẽ là người Ấn đầu tiên được phong thánh. Bà là một nữ tu Dòng Phanxicô Clara khó nghèo.

Anna Muttathupadathu sanh tại tỉnh Kerala tại Ấn năm 1910. Mẹ bà qua đời khi bà còn là trẻ thơ, và bà được một người dì nuôi nấng và muốn bà phải lấy chồng.

Bà nhẩy vào một cái giếng dùng để đốt chấu trong mùa gặt lúa với hy vọng là sẽ làm cho thân thể xấu xí khiến cho không ai muốn lấy bà làm vợ. Phải mất 90 ngày các chỗ bị phỏng trên thân thể của bà mới lành.

Muttathupadathu quyết chí dâng hiến tất cả cuộc đời cho Chúa Giêsu Kitô, theo gương Thánh Têrêsa thành Lisieux. Bà nhập tu viện năm 1928, và lấy tên thánh là Alfonsa.

Sức khỏe yếu kém của bà được coi là một trở ngại cho đời sống tu trì và các bề trên đã muốn bà phải trở về nhà; nhưng sơ Alfonsa đã kiên trì trong ơn gọi và được khấn trọn năm 1936. Bà qua đời 10 năm sau lúc 35 tuổi.

Bà được tin tưởng là đã cầu bầu cho có phép lạ chữa lành một đứa trẻ. Linh mục Antony của giáo hội Công Giáo Syro-Malabar cho hay, “Một chân đứa trẻ bị tê liệt sau khi một trái bom nổ gần bên, và bà Alfonsa đã chữa lành cho nó. Các bác sĩ khám nghiệm đã khẳng định điều này.”

Thánh Alfonsa
 
Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tưởng niệm 50 năm ĐGH Piô 12 qua đời
LM Trần Đức Anh, OP
22:44 10/10/2008
VATICAN - Sáng thứ năm 9-10-2008, các nghị phụ Thượng HĐGM chỉ nhóm khoáng đại từ 9 đến 11 giờ, sau đó, lúc 11 giờ rưỡi, các vị đã vào Đền thờ Thánh Phêrô để dự thánh lễ do ĐTC Biển Đức 16 cử hành nhân lễ giỗ thứ 50 của Đức Cố Giáo Hoàng Piô 12.

THÂN THẾ

ĐGH Pio II
ĐGH Piô 12 tục danh là Eugenio Pacelli, sinh tại Roma ngày 2-3-1876 và qua đời tại dinh thự Castel Gandolfo ngày 9 tháng 10 năm 1958.

Ngài xuất thân từ một gia đình quí tộc. Ông nội ngài được Đức chân phước Giáo Hoàng Piô 9 phong tước hoàng thân và hầu tước. Thân phụ ngài đã làm luật sư tòa thượng thẩm Rota ở Roma. Ngài thụ phong LM năm 1899, lúc mới 23 tuổi, hai năm sau, đậu tiến sĩ giáo luật và dân luật và bắt đầu phục vụ tại Tòa Thánh. Năm 1917, cha Pacelli được Đức Giáo Hoàng Benedetto 15 thăng TGM và bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại miền Bavière, và năm sau kiêm nhiệm Sứ Thần Tòa Thánh tại nước Phổ.

Năm 1929, Đức TGM Pacelli được Đức Piô 11 thăng làm HY và năm sau đó, bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Ngày 10-2 năm 1939, sau khi Đức Piô 11 qua đời, ĐHY Pacelli được bầu làm Giáo Hoàng, điều khiển con tàu Giáo Hội trong thời kỳ sóng gió của thế chiến thứ 2.

Vốn là người có lòng sùng kính nồng nhiệt đối với Đức Mẹ, trong Năm Thánh 1950, ngài đã tuyên bố tín điều Đức Mẹ Maria Hồn Xác lên trời. Đức Piô 12 đã công bố 41 thông điệp, và để lại cho Giáo Hội một kho tàng khôn ngoan khôn sánh.

Trong thời kỳ chiến tranh, hàng ngàn người chạy vào Vatican tị nạn, chính ĐTC cũng không muốn cho sưởi căn hộ của ngài, để biểu lộ sự cảm thông gần gũi với những đau khổ của dân tị nạn.

Đồng tế với ĐTC có lối 60 Hồng Y, trước sự hiện diện của lối 200 GM và LM nghị phụ Thượng HĐGM, các dự thính viên và chuyên gia, và khoảng gần 8 ngàn tín hữu. Đại diện chính phủ Italia có ông Gianni Letta, thứ trưởng tại Phủ Chụ tịch Hội đồng bộ trưởng.

BÀI GIẢNG CỦA ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào các bài đọc sách thánh nói về những đau khổ thử thách mà các tôi tớ Chúa phải sẵn sàng đương đầu, ĐTC nhắc lại sự nghiệp của Đức Piô 12 trong việc phục vụ Giáo Hội, đặc biệt khi làm Sứ thần Tòa Thánh tại Munich rồi tại Berlin. Đức Cố Giáo Hoàng đã để cho Lời Chúa hướng dẫn như ánh sáng chỉ đường, con đường qua đó, Người an ủi những người phải di tản và những người bị bách hại, lau nước mắt vì những đau khổ và khóc thương vô số các nạn nhân chiến tranh. ĐTC nói:

”Chỉ có Chúa Kitô là niềm hy vọng đích thực của con người; chỉ khi nào tín thác vào Chúa, tâm hồn con ngừơi mới có thể cởi mở đón nhận tình thương chiến thắng oán thù. Ý thức đó tháp tùng Đức Piô 12 trong sứ vụ làm người kế vị Thánh Phêrô, sứ vụ mà ngài khai mạc đúng vào lúc những đám mây đầy đe dọa của một cuộc thế chiến mới đang đè nặng trên Âu Châu và toàn thế giới, cuộc chiến tranh mà Đức Cố Giáo Hoàng hết sức tìm cách tránh và ngăn cản. Trong sứ điệp truyền thanh ngày 24-8-1939, Đức Piô 12 nói: ”Nguy hiểm đang gần kề, nhưng vẫn còn thời gian. Không gì bị mất với hòa bình. Tất cả có thể bị mất đi với chiến tranh” (AAS, XXXI, 1939, p.334). ĐTC nói thêm rằng:

”Chiến tranh đã làm nổi bật tình thương của Đức Cố Giáo Hoàng đối với thành Roma yêu quí, tình yêu được ngài chứng tỏ qua các hoạt động bác ái khẩn trương mà ngài cổ võ để bênh vực những người bị bách hại, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, quốc tịch, chính kiến. Khi thành Roma bị chiếm đóng, Đức Piô 12 nhiều lần được khuyên nên rời bỏ Vatican để đi nơi khác lánh nạn, nhưng bao giờ ngài cũng quyết liệt trả lời: ”Tôi sẽ không rời Roma và chỗ của tôi, dù tôi có phải chết” (Summarium, p.186). Ngoài ra, các thân nhân họ hàng và những chứng nhân khác kể lại sự tự từ bỏ của ngài về lương thực, sưởi, quần áo, tiện nghi để chia sẻ thân phận bị thử thách đau thương của dân chúng do các cuộc dội bom và những hậu quả của chiến tranh (A. Tornielli, Pio XII, Un uomo sul trono di Pietro). Và làm sao có thể quên sứ điệp truyền thanh nhân dịp lễ giáng sinh hồi tháng 12 năm 1942? Với giọng nghẹn ngào cảm động, ngài lên án tình trạng ”hàng trăm ngàn người, không phải vì lỗi của họ, nhưng chỉ vì quốc tịch và dòng dõi của họ, mà phải đi lưu đày hoặc phải chết dần chết mòn” (AAS, XXXV, 1943, p.23), những lời này ám chỉ rõ ràng về các cuộc phát lưu và tiêu diệt người Do thái. Đức Piô 12 thường hành động một cách kín đáo và âm thầm chính là vì, dưới ánh sáng của tình trạng cụ thể trong thời điểm phức tạp bấy giờ, Ngài trực giác thấy rằng chỉ với cách thức đó mới có thể tránh tình trạng tệ hại hơn nữa và cứu được số đông người Do thái bao nhiêu có thể. Do những can thiệp của ngài, rất nhiều chứng tá đồng thanh biết ơn đã được các giới chức chính quyền cấp cao nhất của Do thái gửi đến Đức Piô 12 sau thế chiến thứ hai, cũng như khi ngài qua đời, như từ Bộ trưởng ngoại giao Israel, bà Golda Meir. Bà đã viết: ”Khi cuộc tử đạo kinh khủng nhất đổ xuống trên dân tộc chúng tôi, trong 10 năm kinh hoàng thời Đức quốc xã, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng đã gióng lên để bênh vực các nạn nhân”, và bà kết luận rằng: “Chúng tôi thương tiếc một vị đại tôi tớ của hòa bình”.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nêu nhận xét rằng: ”Rất tiếc là cuộc tranh luận lịch sử về hình ảnh Vị Tôi Tớ Chúa Piô 12 không luôn luôn trong sáng, đã bỏ qua không làm nổi bật tất cả các khía cạnh trong triều đại Giáo Hoàng của Ngài. Rất nhiều bài diễn văn, huấn từ, các sứ điệp ngài nói với các nhà khoa học, các bác sĩ, các nhân vật lãnh đạo của giới lao động các loại, một số bài ngày nay còn giữ nguyên tính chất thời sự đặc biệt và tiếp tục là điểm tham chiếu chắc chắn..

ĐTC Biển Đức 16 nhắc đến những thông điệp quan trọng nhất trong số 41 thông điệp của Đức Piô 12. Như thông điệp Divino afflante Spiritu, Chúa Thánh Linh thổi, công bố ngày 20-9-1943 thiết lập các qui luật đạo lý để nghiên cứu Kinh Thánh, làm nổi bật tầm quan trọng và vai trò của kinh Thánh trong đời sống Kitô. Đây là một văn kiện chứng tỏ một sự cởi mở rất lớn đối với việc nghiên cứu khoa học về các văn bản Kinh Thánh. Làm sao chúng ta có thể không nhắc đến thông điệp này trong lúc Thượng HĐGM đang diễn ra về đề tài ”Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội?”. Chính nhờ trực giác ngôn sứ của Đức Piô 12, ngừơi ta bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu về các đặc tính của khoa sử học xưa kia, để hiểu rõ hơn bản chất của các sách thánh, nhưng không làm suy yếu hoặc phủ nhận giá trị lịch sử của Kinh Thánh..

”Một thông điệp khác của Đức Piô 12 được ĐTC nhắc tới là thông điệp Mediator Dei, Đấng trung gian của Thiên Chúa, công bố ngày 20-11- 1947. Qua văn kiện này, Vị Tôi Tớ Chúa Piô 12 đẩy mạnh phong trào phụng vụ, nhấn mạnh về yếu tố nòng cốt của việc phụng tự. Ngài viết ”Yếu tố này phải luôn có tính chất nội tâm: luôn luôn phải sống trong Chúa Kitô, tận hiến tất cả cho Chúa, để trong Chúa, với Chúa và vì Chúa mà tôn vinh Chúa Cha. Phụng vụ thánh đói hai yếu tố này phải được liên kết chặt chẽ với nhau.. nếu không tôn giáo trở thành vụ hình thức, không có nền tảng cũng chẳng có nội dung”.

Sau cùng, chúng ta không thể không nhắc đến sự đẩy mạnh của Đức Piô 12 dành cho các hoạt động truyền giáo, qua các thông điệp Evangelii praecones, những người công bố Tin Mừng năm 1951 và thông điệp Fidei Donum Hồng ân đức tin, năm 1957, làm nổi bật nghĩa vụ của mỗi cộng đoàn phải rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, như Công đồng chung Vatican 2 mạnh mẽ nêu rõ về sau này.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, trong khi chúng ta cầu nguyện để án phong chân phước cho vị tôi tớ Chúa Piô 12 được tiến triển tốt đẹp, chúng ta nên nhắc nhớ rằng sự thánh thiện là lý tưởng của ngài, một lý tưởng mà ngài không quên đề nghị cho mọi người. Vì thế, ngài đã đẩy mạnh việc phong chân phước và hiển thánh cho những người thuộc các dân tộc, đại diện của mọi bậc sống, nghề nghiệp, chức năng, và dành nhiều chỗ cho phụ nữ.

Sau thánh lễ, ĐTC đã xuống hầm đền thờ thánh Phêrô để viếng mộ Đức Piô 12 tại đây.

NHẬN XÉT

Những lời của ĐTC Biển Đức 16 trong bài giảng trên đây nhắm bác bỏ những lời vu khống của một số người cho rằng Đức Piô 12 đã không can đảm lên tiếng bênh vực người Do thái trong thời thế chiến thứ hai. Một trong những người đó và gần đây nhất là Rabbi Cohen, trưởng Cộng đoàn Do thái ở Haifa, Israel. Ông được mời phát biểu tại Thượng HĐGM hiện nay về cách giải thích của người Do thái đối với Kinh Thánh, và ông xác tín rằng việc Giáo Hội Công Giáo định phong chân phước cho Đức Piô 12 là điều không tốt và ông tiếp tục xác tín Đức Piô 12 đã không can đảm lên tiếng bênh vực ngừơi Do thái.

Thanh danh của Đức Piô 12 đã bị thương tổn rất nhiều do trào lưu bôi nhọ ngài trong 45 năm qua, dựa trên các tài liệu tưởng tượng, nhất là từ sau vở kịch của Hochhuth ở Đức với tựa đề ”Vị Đại Diện” hồi năm 1963. Vở kịch này tuy là một sáng tác tưởng tượng, nhưng cũng đã thành công trong việc bôi nhọ khuôn mặt của Đức Piô 12 trong bao năm qua.

Tuy nhiên, không phải người Do thái này cũng nghĩ như vậy. Ông Gary Krupp, người Do thái, sáng lập tổ chức ”Pave the Way Foundation”, Dọn đường, có trụ sở tại New York Hoa Kỳ, từ lâu đã đóng góp rất nhiều, thu thập các bằng chứng và tài liệu để làm sáng tỏ sự giúp đỡ của ĐGH Piô 12 dành cho người Do thái.

Hôm 29-9-2008, ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã tuyên bố rằng ”Lập trường của Giáo Hội Công Giáo về cuộc tranh luận liên quan đến ĐGH Piô 12 thật là rõ ràng và đã được chính ĐGH Biển Đức 16 tái khẳng định trong bài diễn văn khi tiếp các đại diện của tổ chức Do thái ”Dọn đường”. ĐHY Bertone tuyên bố như trên trong lời tựa cuốn sách do Nhà xuất bản Vatican ấn hành với tựa đề ”Đức Piô 12. Sự thật sẽ giải thoát bạn” (Pio XII. La verità ti farà libero”, do nữ tu Margherita Marchione người Mỹ gốc Ý biên soạn. Cuốn sách này thu tập các chứng từ trực tiếp, các tài liệu, hình ảnh, nhắm đánh tan mọi lời vu khống cho rằng Đức Piô 12 im lặng bất động trước những hành động tàn ác của Đức quốc xã.

Mặt khác, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa thánh, cũng cho biết những lời ĐTC nói về án phong chân phước cho Đức Piô 12 trong bài giảng trên đây chỉ là để bày tỏ sự hiệp ý của ngài với mong ước được phổ biến nơi Dân Chúa, nhưng ĐTC không can thiệp vào tiến trình của án phong cũng như thời gian, nghĩa là việc ký sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa. Sắc lệnh này sẽ mở màn cho giai đoạn kế tiếp là cứu xét phép lạ.

Ngày 8-5 năm 2007, Hội đồng Hồng y và GM thuộc Bộ Phong thánh đã đồng thanh tuyên bố xác nhận các nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa Piô 12. Nhưng cho đến nay, ĐTC chưa ký sắc lệnh này vì thấy cần một thời gian để suy nghĩ.
 
Hiểu biết Chúa Giêsu đích thật là hiểu biết bằng con tim
Linh Tiến Khải
22:45 10/10/2008
Hiểu biết Chúa Giêsu đích thật là hiểu biết bằng con tim

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp hơn 25 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 8-10-2008 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài tương quan của thánh Phaolo với Đức Giêsu Kitô. Ngài nói: Trước khi bước vào vấn đề này có thể ích lợi, khi để ý rằng chính thánh Phaolô phân biệt hai kiểu hiểu biết Đức Giêsu và nói chung cũng là hai kiểu hiểu biết một người. Thánh nhân viết trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô: ”Vì thế từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo xác thịt. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa” (2 Cr 5,16). Biết ”theo xác thịt” có nghĩa là chỉ biết bề ngoài, với các tiêu chuẩn bên ngoài như cung cách ăn nói, đi đứng, hành xử vv.. Nhưng như thế cũng chưa phải là biết nhân tố đích thật của người đó. Chỉ với con tim chúng ta mới thực sự biết một người. Các người biệt phái và người saduxê đã biết Đức Giêsu, các giáo huấn và rất nhiều chi tiết về con người của Ngài, nhưng họ không biết Chúa trong sự thật. Đối với lời của Chúa Giêsu cũng thế. Sau biến cố Hiển Dung Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai? Các con nói Thầy là ai?” Người ta biết nhiều điều về Đức Giêsu, nhưng một cách hời hợt bề ngoài chứ không biết Ngài thật sự. Các Tông Đồ, trái lại, nhờ tình bạn, ít nhất đã hiểu bản thể của Chúa và bắt đầu biết Đức Giêsu là ai. Cả ngày nay cũng thế: có những người thông thái biết nhiều chi tiết về Đức Giêsu, và những người đơn sơ không biết các chi tiết ấy, nhưng lại thực sự biết Chúa: ”con tim nói với con tim”. Và thánh Phaolô muốn nói tới sự hiểu biết này: hiểu biết với con tim, và như thế là biết con người trong sự thật của họ và tiếp đến là biết các chi tiết liên quan tới họ.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: qua các Tông Đồ và Giáo Hội khai sinh thánh Phaolô chắc chắn cũng đã biết các chi tiết cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu. Trong các thư của thánh Phaolô chúng ta có thể tìm thấy ba tài liệu rõ ràng trực tiếp về Chúa Giêsu: trước hết thánh nhân nói về sự kiện Chúa xuất thân từ dòng tộc Đavít (x. Rm 1,3), người biết sự hiện hữu của ”các anh em” hay bà con của Chúa (1 Cr 9,5; Gl 1,19), biết diễn tiến của Bữa Tiệc Ly (x. 1 Cr 11,23), biết các lời khác của Chúa Giêsu chẳng hạn liên quan tới sự bất khả phân ly của hôn nhân (x. 1 Cr 7,10 Mc 10,11-12), việc cần phải loan báo Tin Mừng trong cộng đoàn và thợ đáng ăn lương của mình (x. 1 Cr 9,14; Lc 10,7). Thánh Phaolô cũng biết các lời Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly (x. 1 Cr 11,24-25; Lc 22,19-20) và cũng biết thập giá của Chúa Giêsu.

Thề rồi chúng ta cũng có thể nhận thấy vài câu trong các thư của thánh Phaolô nhắc đến truyền thống được xác nhận trong các Phúc Âm Nhất Lãm. Chẳng hạn ngày Chúa đến thình lính như kẻ trộm đến ban đêm (Tx 5,2); Thiên Chúa chọn những gì là dại dột giữa thế gian (1 Cr 1,27-28) vang vọng giáo huấn của Chúa về những người đơn sơ và người nghèo (x. Mt 5,3; 11,25; 19,30). Rồi lời Chúa Giêsu chúc tụng Thiên Chúa Cha không tỏ lộ các sự thật cho người thông thái, nhưng lại biểu lộ cho người hèn mọn, được ứng nghiệm trong việc truyền giáo của thánh Phaolô. Thánh nhân cũng nhắc tới sự kiện Chúa Giêsu vâng lời Thiên Chúa Cha cho tới chết trên thập giá (Pl 2,8; Mc 3,35; Ga 4,34). Nghĩa là thánh nhân biết cuộc khổ nạn, cái chết và kiểu Chúa Giêsu sống những giây phút cuối cùng của Ngài trên thập giá.

Ngoài ra thánh Phaolô cũng biết bài giảng Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu nữa và dùng nó để khuyến khích tín hữu giáo đoàn Roma (x. Mt 5-7).

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: sau cùng có thể gặp một kiểu hiện diện thứ ba các lời của Chúa Giêsu hiện hữu trong các Thư của thánh Phaolô: đó là khi thánh nhân dùng hình thái di chuyển truyền thống tiền phục sinh sang tình trạng hậu phục sinh. Điển hình là đề tài Nước Thiên Chúa, trung tâm điểm lời rao giảng cua Chúa Giêsu lịch sử (x. Mt 3,2; Mc 1,15; Lc 4,43). Nơi thánh Phaolô chúng ta nhận ra sự di chuyển đề tài này, vì sau khi sống lại hiển nhiên Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, là Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu đi đến đâu thì Nước Thiên Chúa đi đến đó. Và như thế đề tài Nước Thiên Chúa trình bầy trước mầu nhiệm của Chúa Giêsu, biến thành kitô học. Nhưng tất cả những đòi buộc, do Chúa Giêsu đưa ra để được vào Nước Trời, cũng đúng đối với thánh Phaolô liên quan tới sự công chính hóa nhờ lòng tin: Cả hai bên đều đòi buộc phải có thái độ khiêm tốn thẳm sâu và sự sẵn sàng, tự do không thành kiến để đón nhận ơn thánh Chúa. Các lời Chúa Giêsu nói liện quan tới người thu thuế và đĩ điếm sẵn sàng tiếp nhận Tin Mừng hơn người biệt phái (x. Mt 21,31; Lc 7,36-50) và việc Ngài lựa chọn dùng bữa với họ (x. Mt 9,10-13; Lc 15,1-2) cũng thấy trong giáo lý của thánh Phaolô liên quan tới lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa đối với các người tội lỗi (x. Rm 5,8-10; Ep 2,2-5). Như thế đề tài Nước Thiên Chúa được đề nghị trong hình thái mới mẻ, nhưng luôn trung thành với truyền thống của Đức Giêsu lịch sử.

Còn một thí dụ biến đổi nòng cốt giáo lý của Chúa Giêsu một cách trung thành nữa: đó là việc sử dụng các tước hiệu. Trước biến cố phục sinh Đức Giêsu được gọi là Con người; sau phục sinh thì Con người cũng là Con Thiên Chúa. Tước hiệu được thánh Phaolô thích dùng nhất là ”Kyrios” Chúa (x. Pl 2,9-11) ám chỉ thiên tính của Đức Giêsu.

Trong vườn Cây Dầu, trước khi ngủ vùi, các môn đệ đã nghe Đức Giêsu gọi Thiên Chúa Cha là ”Abba, Cha ơi”, khi âu sầu lo lắng. Đây là kiểu trẻ em gọi cha mình. Vì là Con Thiên Chúa nên trong giờ phút thân tình này Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi. Trong các thư gửi giáo đoàn Roma và Galát thánh Phaolô đặt để kiểu gọi này vào môi miệng các tín hữu (x. Rm 8,15; Gl 4,6), vì họ đã nhận được ”Thần Khí của Con”, và giờ đây mang trong mình Thần Khí đó họ có thể nói với Thiên Chúa Cha như Đức Giêsu và với Đức Giêsu như là con cái thật, và có thể gọi Ngài là ”Abba” vì họ thực sự là con cái Thiên Chúa.

Sau cùng liên quan tới cái chết của Đức Giêsu, là Đấng đã đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và trao ban chính sự sống mình để cứu chuộc nhiều người” (x. Mc 10,45; Mt 20,28): nó cũng phản ánh trong giáo huấn của thánh Phaolo về cái chết của Đức Giêsu như giá chuộc tội (x. 1 Cr 6,20), như sự cứu rỗi (x. Rm 3,24) như là sự giải phóng (x. Gl 5,1) và sự hòa giải (x. Rm 5,10; 2 Cr 5,18-20). Giáo thuyết nòng cốt của thánh Phaolô dựa trên lời Đức Giêsu.

Kết luận, thánh Phaolô không nghĩ tới Đức Giêsu trong chiều kích lịch sử, như là một con người của qúa khứ. Chắc chắn ngài biết truyền thống về cuộc đời, các lới nói, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng không coi chúng như là các biến cố qúa khứ, mà đề nghị chúng như là thực tại của Đức Giêsu sống động. Đối với thánh nhân, các lời nói và hành động của Đức Giêsu không thuộc qúa khứ lịch sử. Chúa Giêsu đang sống bây giờ đây, nói với chúng ta và sống cho chúng ta. Đây là kiểu hiểu biết Đức Giêsu đích thực và tiếp nhận truyền thống về Ngài. Chúng ta cũng hãy học biết Chúa Giêsu không theo xác thịt như là một người của qúa khứ, nhưng như là Chúa và là Người Anh, đang ở với chúng ta ngày nay và chỉ cho chúng ta biết phải sống và chết như thế nào.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bàng nhiều thứ tiếng khác nhau trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ 12: Lời Chúa
LM Trần Đức Anh, OP
22:47 10/10/2008
VATICAN. Ngày 10-10-2008, các nghị phụ Thượng HĐGM thứ 12 về Lời Chúa đã nhóm phiên họp toàn thể thứ 8 và thứ 9, để tiếp tục nghe các nghị phụ phát biểu ý kiến.

ĐTC cũng hiện diện và đặc biệt ngài đã chuyển lại cho mỗi nghị phụ Bộ Kinh Thánh bằng nhiều thứ tiếng khác nhau do Liên hiệp Kinh Thánh tại Đức tặng cho ngài trong những ngày trước đây.

Trong phiên họp ban sáng, các bài phát biểu của các nghị phụ đề cập đến vấn đề đón nhận và hội nhập Kinh Thánh trong gia đình. Một số nghị phụ đề nghị làm sao để mỗi người trong gia đình có một cuốn Kinh Thánh riêng, cổ võ việc đọc Kinh Thánh trong gia đình. Một đề tài khác được nói tới là vấn đề rao giảng Tin Mừng tại Đông Âu, Myanmar, Thánh Địa là những vùng vốn phải chịu bách hại, thiên tai và xung đột chiến tranh.

Cho đến nay đã có hằng trăm nghị phụ lên tiếng phát biểu, mỗi vị được nói tối đa 5 phút và nhiều khía cạnh của chủ đề Lời Chúa đã được đề cập đến. Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quí vị nội dung bài phát biểu của vài nghị phụ được giới báo chí đặc biệt chú ý:

CÁC HỌC VIỆN

ĐHY Zenon Grocholewski, người Ba Lan, Tổng trưởng bộ giáo dục Công Giáo, nói về những hình thức giảng dạy tại các học viện cao đẳng của Giáo Hội, trong đó Lời Chúa phải làm căn bản cho kiến thức về mọi chân lý đức tin và nguồn mạch sự sống.

1. Trước tiên ĐHY ghi nhận rằng ngày nay có nhiều học viện dành cho giáo dân và nữ tu được thành lập, nhưng đồng thời dường như sự dốt nát của giáo hữu về tôn giáo lại gia tăng. Cuộc nghiên cứu gần đây do Liên hiệp Kinh Thánh Công Giáo thế giới thực hiện tại 10 nước Âu Châu cho thấy có sự dốt nát kinh khủng của các tín hữu về những ý niệm sơ đẳng liên quan tới Kinh Thánh, chẳng hạn có nhiều người không biết trả lời những câu hỏi như: ”Các sách Tin Mừng có phải là thành phần của Kinh Thánh hay không?”, ”có phải Chúa Giêsu đã viết ra Kinh Thánh hay không?”, ”Giữa Moisê và Phaolô, ai là nhân vật của Cựu Ước?”, v.v. Sự dốt nát như thế là mảnh đất màu mỡ cho các giáo phái phát triển. Từ tình trạng đó, chúng ta phải cứu xét một vài sự kiện:

Chúng ta vất vả nhiều, nhưng có lẽ chúng ta không phân phối năng lực một cách hợp lý trong các thể thức và cấp độ giảng dạy. Sự gia tăng các học viện gây thiệt hại cho một nền giáo dục phổ thông hơn trong việc mục vụ thông thường. Số linh mục giảm sút, nhưng con số các linh mục cảm thấy mình được kêu gọi làm giáo sư lại gia tăng, và coi nhẹ việc mục vụ thông thường. Nhưng chính đây là điều mà Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM này nói tới. Lời Chúa được gửi tới tất cả, nhắm sinh hoa kết quả nơi mọi người. Chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về việc phân phối năng lực đúng đắn trong việc giảng dạy, những năng lực mà chúng ta sở hữu, để làm cho toàn thể Thân Mình huyền nhiệm của Chúa Kitô được tăng trưởng và hoạt động.

Trong viễn tượng đó, nên tạo điều kiện và phổ biến những khóa học thích hợp về các khoa học thánh mà không cần phải cấp các bằng cấp, như thế quần chúng có thể tham dự các khóa học đó dễ dàng hơn.

Tiếp đến, có nhiều học viện cao đẳng thường cung cấp những môn học biệt lập, và lại coi nhẹ những kiến thức căn bản về Kinh Thánh, tín lý, luân lý. Người ta thơ ngây tưởng rằng những kiến thức đó các sinh viên đã có rồi, nhưng thực tế không phải như vậy, và vì thế việc huấn luyện trí thức, về phương diện tôn giáo, không có tính cách hệ thống, thống nhất và không mang lại kết quả, do đó không chuẩn bị thực thi điều cần có về phương diện mục vụ Kinh Thánh. Cần phải đề cao tầm quan trọng của các chân lý cơ bản về đức tin, liên kết với Lời Chúa, vì các chân lý này xác định đời sống Kitô của chúng ta, quan hệ của chúng ta với Chúa, và niềm vui Kitô của chúng ta.

KINH THÁNH VÀ GIÁO HỘI

ĐHY William Levada, người Mỹ, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, trong bài phát biểu, đã đề cập đến một điều đã được ĐTC Biển Đức 16 nhiều lần nhắc tới, đó là quan hệ giữa Kinh Thánh và Giáo Hội. Ngài nói:

- Nhận xét đầu tiên của tôi là cần làm sáng tỏ quan hệ giữa Kinh Thánh và Giáo Hội. Chính trong niềm tin của Giáo Hội mà người ta hiểu đúng đắn về Sách Thánh và việc yêu mến đọc và sử dụng Sách Thách không thể không thăng tiến một cảm thức về niềm tin của Giáo Hội.

- Nhận xét thứ hai liên quan đến việc giải thích Kinh Thánh: đây không phải chỉ là một cố gắng của mỗi người về mặt khoa học, nhưng phải luôn luôn đối chiếu, tháp nhập và kiểm chứng bằng truyền thống sinh động của Giáo Hội. Tuy việc giải thách các văn bản Kinh Thánh phải luôn để ý tới kho tàng nghiên cứu khoa học của các nhà chú giải, nhưng việc giải thích ấy cũng cần một sự chú giải được phát triển trong liên hệ chặt chẽ giữa Lời Chúa và niềm tin của Giáo Hội, được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính và được biểu lộ qua các thế kỷ trong giáo huấn đạo lý của Huấn Quyền Hội Thánh.

Nhận xét thứ ba về quan hệ chặt chẽ giữa Kinh Thánh và đại kết Kitô. ĐHY Levada nói: ”Người ta nhận thấy Kinh Thánh thực là một môi trường hiệp nhất, nhưng đồng thời chúng ta không thể làm ngơ sự kiện lịch sử, theo đó nơi căn cội những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô có sự giải thích đối nghịch nhau về những văn bản Kinh Thánh nòng cốt. Chỉ cần nghĩ đến cuộc khủng hoảng bè rối Ario thời thượng cổ và cuộc cải cách của Tin Lành thời Trung Cổ. Thượng HĐGM này phải để ý tới khía cạnh đại kết đó, vì sự chú ý tới Lời Chúa được viết ra, chắc chắn là một liên hệ chặt chẽ làm cho Giáo Hội Công Giáo xích lại gần các hệ phái Kitô khác trong sự tìm kiếm chung.

Sau cùng, ”nhận xét thứ tư của tôi muốn nói về quan hệ giữa Kinh Thánh và Phụng vụ. Nên nhớ rằng trong phụng vụ trình thuật Kinh Thánh trở thành biến cố cứu độ trong hiện tại.

GIẢI THÍCH KINH THÁNH

Cha Julián Carrón, người Tây Ban Nha, Chủ tịch Phong trào Hiệp thông và Giải Phóng và là một trong hai LM được ĐTC Bổ nhiệm làm thành viên của Thượng HĐGM hiện nay. Trong bài phát biểu, cha cũng đề cập đến vấn đề giải thích Kinh Thánh và nói rằng:

”Việc giải thích Kinh Thánh là một trong những mối quan tâm được cảm nghiệm thấy nhiều nhất trong Giáo Hội ngày nay. ĐHY Ratzinger đã nêu bật nòng cốt thách đố do việc giải thích Kinh Thánh ngày nay gây ra, khi ngài viết: ”Làm thế nào tôi có thể đạt tới một sự hiểu biết không dựa trên phán đoán của những điều tôi giả thiết, một sự hiểu biết giúp tôi thực sự lãnh hội được sứ điệp của văn bản Kinh Thánh, trả lại cho tôi cái gì đó không đến từ chính tôi?”

Về khó khăn này, gần đây Huấn quyền của Giáo Hội đã mang lại cho chúng ta một số yếu tố giúp ra khỏi mọi thái độ thu hẹp Lời Chúa.

KINH MÂN CÔI VÀ KINH THÁNH

Đức Cha Tomash Peta, TGM giáo phận Đức Maria Chí Thánh ở thủ đô Astana, Chủ tịch HĐGM Kazakstan, đã đề cao vai trò của Mẹ Maria trong việc đón nhận Lời Chúa, như một mẫu gương đối với các tín hữu: Cuộc đời của Mẹ Maria là chìa khóa để hiểu Kinh Thánh. Dưới ánh sáng cuộc sống của Mẹ Maria, chúng ta có thể đọc trọn Kinh Thánh và hiểu rõ hơn các mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, cũng như toàn thể chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Đức Cha ghi nhận Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM đã đề cao Kinh Mân Côi như một hình thức đơn sơ và phổ quát để lắng nghe Lời Chúa trong sự cầu nguyện. Đức TGM nói: ”Tôi xác tín rằng điều quan trọng đối với thời đại chúng ta đang sống là nhắc nhớ và cổ võ việc đọc kinh Mân Côi, vì đó là con đường đến với Mẹ Maria, Mẹ đã hiểu và kết hiệp với Lời Chúa hơn ai hết”.

Đức TGM Peta nhắc lại sự kiện tại Kazakstan, có rất nhiều tín hữu Công Giáo bị cộng sản Liên xô lưu đày tới đây, trong mấy chục năm trời, họ không có LM, thánh đường, Kinh Thánh, các bí tích, ngoại trừ phép rửa tội cho trẻ em mà họ tự làm cho con cái mình. Nhưng chính nhờ kinh Mân Côi mà các tín hữu lưu đày ấy bảo tồn được đức tin, hiểu các chân lý căn bản của Công Giáo, nhân phẩm của họ và hy vọng một thời kỳ tươi sáng hơn.

Và Đức cha Peta kết luận rằng: ”Đề tài thượng Hội đồng GM chúng ta, 'Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội' không thể được suy niệm sâu xa mà không có Mẹ Maria. Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, dạy chúng ta lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, sống phù hợp với Lời Chúa, và can đảm công bố Lời Chúa một cách trọn vẹn, không thỏa hiệp với thế gian”.

CẢI TIẾN BÀI GIẢNG

Vấn đề cải tiến bài giảng, cũng được nhiều nghị phụ đề cập đến. Đặc biệt Đức Cha Vincent Lý Bỉnh Hạo (Ri Pyung Ho), 67 tuổi, GM giáo phận Kim Châu (Jeonju), đã cổ võ việc học thuộc lòng các bản văn Kinh Thánh trong thánh lễ hằng ngày. Trong bài tham luận sáng ngày 9-10 vừa qua, ngài nói:

”Đề tài tôi chọn cho bài phát biểu này là việc giảng thuyết. Trước hết tôi muốn trưng dẫn lời cha Lucien Legrand thuộc hội thừa sai Paris, cha đã viết một bài trong tạp chí ”Dei Verbum” (n.70/71, pp.9-15) về ”Trào lưu thủ cựu và Kinh Thánh”. Cha viết: ”Như người ta thường nói, người Tin Lành đọc Kinh Thánh, còn các tín hữu Công Giáo thì nói về Kinh Thánh. Người Tin Lành học nhớ thuộc lòng phần lớn Kinh Thánh; còn chúng ta không thể trưng dẫn một câu Kinh Thánh chính xác.. (Dĩ nhiên có nhiều khía cạnh gây vấn đề trong việc giảng thuyết của Tin Lành). Nhưng ít nhất Lời Chúa là thành phần được trang bị trong tâm trí của họ để đương đầu với các vấn đề của cuộc sống.. Dầu sao đi nữa, phải chăng chúng ta không nên tháp nhập một số đoạn Kinh Thánh cần học thuộc lòng trong việc huấn giáo của chúng ta?. Cha Legrand viết tiếp: ”Người Tin Lành trưng dẫn Kinh Thánh, người Công Giáo thì rút ra những đề tài trừu tượng được coi là thuộc về Kinh Thánh. Một thí dụ điển hình về xu hướng này là thu hẹp sứ điệp Kinh Thánh vào những đoạn có thể thấy trong một vài loại bài giảng, quá thường xuyên. Trong việc dọn bài giảng của Công Giáo, vị giảng thuyết đọc đoạn Kinh Thánh ngày chúa nhật, rút gọn vào một đề tài nào đó và tiếp tục khai triển đề tài này mà không tham chiếu thêm văn bản Kinh Thánh... Chúa Giêsu là nhà kể chuyện rất tài, nhưng trong các bài giảng ngài bị biến thành người nói chuyện với một giọng nhạt nhẽo dạy luân lý một cách tầm thường hoặc lý luận không có sự sống.. Làm như thế tức là chúng ta biến sức mạnh của Lời Chúa thành một thứ số học trừu tượng.

Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm bản thân của tôi: từ khi tôi bắt đầu sứ vụ giám mục hồi năm 1990, tôi cố gắng học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh của thánh lễ hằng ngày. Và phần lớn trong các bài giảng của tôi, chỉ cần để cho Lời Chúa tự phát biểu. Vì thế, các giáo dân của tôi hiểu rất rõ và họ vui mừng được nghe trực tiếp Lời Chúa và chính Lời Chúa cứu vớt dân chúng. Như tôi được biết, đó là cách Chúa Giêsu giảng Lời Chúa. Và khi chúng ta học thuộc lòng, chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Mẹ Maria là mẫu gương trong việc nghe Lời Chúa. Văn bản Kinh Thánh, ”Mẹ Maria giữ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19), làm cho chúng ta ý thức rằng trước khi suy nghĩ đắn đo về Lời Chúa, Mẹ Maria đã học thuộc lòng, và suy tư đắn đo có nghĩa là Mẹ lập đi lập lại Lời Chúa trong tâm hồn trong một thời gian lâu dài cho đến khi Lời Chúa trở nên rõ ràng. Theo nghĩa đó, Mẹ biến tâm hồn Mẹ thành một thư viện Lời Chúa. Và như thế, giúp tháp nhập qua việc học thuộc lòng một số lượng Kinh Thánh vào trong chương trình đào tạo LM hiện tại và tương lai, đó chẳng phải là điều quan trọng sao? Tiếp đến, nên thiết lập cho các chủng sinh, LM một cuốn chỉ nam cụ thể về việc giảng thuyết Kinh Thánh. Nếu làm như thế, có nghĩa là các vị mục tử mặc lấy áo giáp của Chúa, đặc biệt là khí giới tấn công duy nhất trong số 6 khí giới mà thánh Phaolô đã nói đến trong thư gửi các tín hữu Ephêsô (6,10-18), là gươm của Thánh Linh, tức là Lời Chúa. Như vậy, chắc chắn Giáo Hội sẽ có một mùa xuân mới.

Thứ bẩy 11-10-2008, Thượng HĐGM Thế giới kỳ thứ 12 về Lời Chúa tiến hành được 1 phần 3 chương trình và tiếp tục ở trong giai đoạn lắng nghe ý kiến của các nghị phụ và các tham dự viên khác. Giai đoạn này còn kéo dài cho đến hết ngày thứ tư, 15-10 tới đây, rồi Công nghị GM thế giới sẽ bước sang giai đoạn thứ 2 với các cuộc thảo luận đào sâu vấn đề trong 12 nhóm nhỏ theo ngôn ngữ: tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha, mỗi thứ tiếng có 3 nhóm, tiếp đến là 2 nhóm tiếng Ý và 1 nhóm tiếng Đức. Khác với các Thượng HĐGM trước đây, lần này không có nhóm nghị phụ nào nói tiếng la tinh.
 
Top Stories
Amnesty International: l’Onu si occupi di quanto accade a Hanoi
Asia-News
07:22 10/10/2008
Un rapporto dell’organizzazione chiede al governo vietnamita di rispettare gli impegni presi in materia di diritti civili e politici e di porre fine ad intimidazioni, violenze, arresti, campagne di stampa e discriminazioni contro i cattolici.

Londra (AsiaNews) – Le Nazioni Unite si occupino di quanto sta accadendo in Vietnam, lo visiti il relatore speciale sul diritto di opinione e di espressione. Lo chiede Amnesty International a conclusione di un lungo rapporto nel quale esamina il comportamento delle autorità di Hanoi nei confronti di “pacifici manifestanti” cattolici. Nel documento si ricostruiscono le vicende relative al complesso della ex delegazione apostolica e del terreno di Thai Ha ed in particolare all’atteggiamento tenuto dal governo di fronte alla richiesta dei cattolici di avere la restituzione dei loro beni, atteggiamento fatto di intimidazioni, violenze, arresti, violazioni della libertà di pensiero e di religione, campagne di stampa, discriminazioni.

“Il governo vietnamita – scrive Amnesty, in una nota diffusa ieri a Londra - deve mettere fine a intimidazioni e attacchi contro i cattolici ed assicurare protezione contro le violenze di gruppi sponsorizzati dallo Stato”. Nel suo rapporto, l’organizzazione ricostruisce le vicende che dallo scorso dicembre vedono i fedeli appoggiare con pacifiche veglie di preghiera le richieste dell’arcivescovato di Hanoi e dei Redentoristi di Thai Ha. Dopo un periodo nel quale è sembrato prevalere il dialogo – a febbraio il governo parlò di un graduale ritorno dei beni alla Chiesa - da agosto le autorità hanno scelto la linea dura.

Ai toni minacciosi del Comitato del popolo (il municipio), sono seguite le violenze:“a settembre la polizia ha ferito a bastonate diverse persone e 20 sono finite in ospedale. Almeno otto persone sono state arrestate”. “Amnesty International ritiene che altre corrano lo stesso rischio: “negli ultimi giorni, la polizia ha incrementato gli sforzi per intimidire coloro che protestano e li sta convocando per interrogare sia i parrocchiani che i responsabili delle chiese”. Agli imputati “si contesta la violazione degli articoli 143 e 245 del Codice penale. Entrambi i reati prevedono un massimo di sette anni di prigione”. In particolare per ciò che riguarda quest’ultimo articolo del Codice, che parla di “causare pubblico disordine”, l’organizzazione ricorda di aver “ripetutamente espresso preoccupazioni sulla vaga formulazione dell’articolo, perché non ottempera gli standard internazionali ed è continuamente usato per criminalizzare libertà di espressione e pacifiche assemblee”.

Amnesty International ritiene inoltre che possano essere arrestati anche “i sacerdoti della parrocchia di Thai Ha, l’arcivescovo di Hanoi e centinaia di cattolici delle aree rurali, che si sono uniti alle manifestazioni”. D’altro canto, “le autorità hanno pubblicamente minacciato i leader della Chiesa di azioni legali se non cesseranno quelle che essi hanno definito attività religiose illegali”.

Gli organizzatori delle manifestazioni “hanno ricevuto minacce di violenze. In un caso, funzionari di polizia in una provincia del nord si sono recati dai familiari di un giornalista che segue le manifestazioni. Un funzionari ha minacciato i genitori che loro figlio potrebbe essere ucciso se non smette di occuparsi delle proteste”.

I media, “sotto stretto controllo” governativo “hanno pubblicato numerosi articoli in una crescente campagna di discredito dei leader cattolici di Hanoi”. “Sono stati descritti traditori ed antivietnamiti e l’arcivescovo è stato accusato di distorcere la verità, diffamare le autorità, rifiutarsi di obbedire ala legge e sfidare lo Stato”. “Amnesty International ritiene che questa campagna può alimentare ulteriori violenti attacchi”.

Violenze che sono state compiute da “giovani bulli”, “bande che appaiono essere spalleggiate dalla polizia e da funzionari delle autorità locali”. “I media statali non hanno riferito delle loro violenze, intimidazioni e molestie”. Il rapporto indica alcuni episodi, come l’assalto di centinaia di “giovani bulli”, “alcuni dei quali con magliette con la scritta ‘Lega dei giovani comunisti’” contro i fedeli di Thai Ha, il 31 agosto e il 25 settembre. La polizia, “sempre presente” nei luoghi, “in nessun caso ha tentato di intervenire per proteggere i manifestanti sotto attacco”.

Il rapporto parla anche di “crescenti” intimidazioni contro i cattolici e riferisce di “studenti sempre più timorosi di parlare della loro fede a scuola o nelle università, dove emergono vicende di prevaricazioni ed espulsioni”. “Un gruppo di studenti cattolici ha riferito in parrocchia che il 4 e 5 ottobre, un preside di università ha detto che se continueranno a partecipare alle attività della parrocchia di Thai Ha saranno espulsi”. “Numerosi sono i resoconti simili”.

A conclusione del rapporto, Amnesty International ricorda al Vietnam di aver sottoscritto l’accordo per i diritti civili e politici e chiede al governo di Hanoi di: “proteggere i diritti di libertà di espressione, di riunirsi pacificamente e la libertà di religione senza discriminazioni”; “rilasciare immediatamente ed incondizionatamente coloro che sono stati arrestati per aver espresso pacificamente le loro opinioni”; “abolire le illegali restrizioni ai diritti di riunirsi pacificamente, di libertà di espressione e di libertà di religione ed in particolare di riformare quanto previsto nel Codice penale del 1999 in materia di sicurezza nazionale”; “assicurare che non si manifesti un clima di impunità per ciò che riguarda gli attacchi contro i cattolici, procedendo ad inchieste imparziali su tutti gli attacchi e gli atti di intimidazione da parte di funzionari di polizia, compreso l’eccessivo uso della forza contro pacifici fedeli cattolici, e di ‘giovani bulli’ sponsorizzati dallo Stato e di sottoporre i responsabili a processi compatibili con gli standard internazionali”.
 
Candlelight Prayer Vigil at Federation Square, Melbourne, Australia
Australian Vietnamese Christian Association
09:17 10/10/2008
The Australian Vietnamese Christian Association Inc.

PRESS RELEASE
FOR IMMEDIATE RELEASE

Contacts:
Rev. Anthony Nguyen
Tel: (03) 9384 1947
Mob:0412 560445
quangsdb@yahoo.com


Melbourne, Oct. 10, 2008. The Australian Vietnamese Christian Association (AVCA) held a Candlelight Prayer Vigil on Friday Oct 10, 2008 to denounce the persecution of Catholics in Vietnam and appeal to the Australian government for a diplomatic intervention so that the Vietnam government immediately stops all kinds of repression and respect human rights of its own people.

The Prayer Vigil, taking place at Federation Square (at the corner of Swanston and Flinders Sts), started at 7:30 pm local time, and finish at 9:00 pm. Over 2000 people attended the event.

Bishop Hilton Deakin, Auxiliary Bishop for the Eastern Region of Melbourne; Mr Luke Donnellan, representative of the Premier of Victoria; Mr Hong Lim MP of the Lower House, member for Clayton; and other members of various Melbourne's organisations joined protestors.

Fr Anthony Nguyen, Chairman of the Australian Vietnamese Christian Association, told the protestors that “The Church in Vietnam has been suffered the harshest crackdown in decades with numerous faithful who peacefully express their views on religious freedom and human rights have been detained, or intimidated.”

To illustrate the urgency of the situation, he said: “Just yesterday, the public officer of Amnesty International has said ‘The Vietnamese government must end its intimidation and attacks against Catholics and ensure protection against violence by state-sponsored groups!’”

“Since December 2007, Catholics in Hanoi have been holding prayer vigils on Catholic Church premises, pleading for the return of the properties that had been confiscated unlawfully by the Communist regime in the 1950s,” he added.

“In response to their legitimate aspirations,” he continued, “the Vietnamese government openly persecuted them: churches ransacked, the former nunciature in Hanoi bulldozed, a peaceful religious procession ruined by tear gas, Catholic protestors beaten by police and pro-government mobs, Catholic leadership viciously defamed on state media and threatened with ‘extreme actions’”.

Recently, “authorities have also used criminal law to stifle free expression of opinion. Four protesters have been detained and charged, and numerous parishioners have been called in for questioning at police stations in recent days.”

“Not only the faithful,” he emphasised, “Catholic leaders have also been threatened. After a series of interviews with church groups, journalists and parishioners in the country, Amnesty International believes that senior church officials are at risk of arrest.”

“As a member of the UN Security Council, Vietnam should uphold human rights and international laws it has signed and pledged to obey,” he insisted.

“In this human rights crisis, AVCA turns to Australia,” he continued, “a country with a long tradition of protecting religious and human rights to respectfully ask Prime Minister Kevin Rudd to demand the Vietnam government to stop immediately all repression and respect human rights and justice.”

AVCA requests:

- That Church properties confiscated by the Government be returned to their rightful owners;
- The release of Catholics who have been arrested for holding peaceful prayer vigils in Hanoi;
- That police and other officials responsible for brutal attacks against Catholic parishioners be held accountable for their actions.

Contacts:

Fr. Anthony Nguyen.
Tel: (03) 9384 1947
Mob: 0412 560445
Email: quangsdb@yahoo.com

For more information please visit: www.vietcatholic.net
 
Vietnam: Après avoir transformé en jardins publics les terrains réclamés par les catholiques, les autorités vietnamiennes semblent vouloir faire une pause
d'Eglises d'Asie
10:12 10/10/2008
Vietnam: Après avoir transformé en jardins publics les terrains réclamés par les catholiques, les autorités vietnamiennes semblent vouloir faire une pause

Dans leurs deux dernières déclarations, les évêques du Vietnam avaient préconisé un retour au calme. Un premier texte exposait le point de vue des évêques sur le conflit en cours; le second rendait compte brièvement de la rencontre du chef du gouvernement et d’une délégation épiscopale (1). L’une et l’autre déclaration préconisaient le dialogue et l’arrêt des violences. Les autorités, peut-être parce qu’elles sont parvenues à leurs fins en récupérant les deux propriétés réclamées par les catholiques, ont semblé, ces jours derniers, vouloir marquer une pause, même si une assez forte tension subsiste encore autour de la paroisse de Thai Ha et de l’archevêché de Hanoi et que l’on s’interroge sur les initiatives brouillonnes des autorités de Hanoi.

Dans la matinée du 8 octobre, aux environs de 9 heures, l’ancien sanctuaire marial de la paroisse de Thai Ha est devenu officiellement un jardin public, sous l’appellation jardin du « 1er juin ». L’inauguration s’est déroulée au pas de charge. Elle était achevée au bout de 10 minutes. Les participants, pour la plupart, appartenaient à diverses associations proches du Parti communiste. Bien qu’invités, aucun religieux et aucun fidèle n’était présent à la cérémonie. Pourtant, dans le reportage présenté à ce sujet par la télévision nationale, les fidèles de la paroisse de Thai Ha ont eu la surprise d’entendre un ancien militaire, se présentant comme un paroissien, mais totalement inconnu d’eux, faire l’éloge de la transformation du sanctuaire en jardin public

Ce même jour, deux des fidèles arrêtés les 21 et 22 septembre dernier ont été remis en liberté. Ils avaient été interpellés pour leur engagement dans l’érection d’un sanctuaire marial sur le terrain contesté de la paroisse de Thai Ha, les 14 et 15 août derniers. Leur libération est accompagnée de l’obligation de rester chez eux à la disposition de la police en tant qu’inculpés. Des huit inculpés de la paroisse de Thai Ha, deux sont encore en détention, quatre autres sont officiellement ou de facto en résidence surveillée. Mme Nguyên Thi Viêt, en résidence surveillée depuis le début, a confié aux journalistes de Radio Free Asia (RFA) qu’elle avait déjà été convoquée huit fois à la police.

A la paroisse de Thai Ha, où, dimanche 5 octobre, les catholiques sont encore venus par milliers assister aux messes dominicales, de nombreux paroissiens ont été convoqués par la police pour des « séances de travail ». A ce jour, les religieux rédemptoristes, en charge de la paroisse, n’ont pas été appelés; seul le supérieur a reçu une convocation, à laquelle il n’a pu se rendre pour cause de voyage.

Selon des renseignements recueillis par les reporters de RFA (2), l’archevêché de Hanoi reste sous haute surveillance. Les bâtiments des alentours sont truffés d’appareils d’espionnage de toutes sortes. De nouvelles provocations de moindre envergure ont eu lieu. Cependant, depuis la fin de la semaine dernière, les autorités de l’arrondissement de Hoan Kiêm auraient pris plusieurs fois contact avec l’archevêché. Elles seraient prêtes à certaines concessions. Elles ont regretté ce qui s’était passé. Les prêtres ont proposé que l’intervention de l’archevêque pendant sa rencontre avec la municipalité de Hanoi, qui avait fait l’objet d’une critiques calomnieuses dans la presse officielle, soit publiée telle quelle dans le journal de la capitale, le Ha Noi Moi. L’archevêché a demandé que la statue de la Pietà enlevée le 25 septembre soit restituée. On apprenait, le 8 octobre, que les autorités songeaient à satisfaire cette demande. Cependant, les prêtres demandaient en outre que soit annulée la sanction administrative condamnant l’archevêque à une amende et confisquant divers objets religieux.

(1) Voir EDA 492 (rubrique ‘Pour approfondir - Vietnam’).

(2) Radio Free Asia (RFA), émissions en vietnamien des 6 et 7 octobre 2008. L’ensemble des informations recueillies dans cette dépêche sont extraites de RFA, émissions en vietnamien des 6, 7, 8 octobre, et de l’agence VietCatholic News.

(Source: Eglises d'Asie, 10 octobre 2008)
 
Amnesty International urges UN to look into what is happening in Hanoi
Asia-News
10:12 10/10/2008
A report by the human rights organisation calls on the Vietnamese government to fulfill its duty with regards to civil and political rights and put an end to intimidation, violence, arrests, media campaigns and discrimination against Catholics.

London (AsiaNews) – Amnesty International (AI) is calling on the United Nations to pay attention to what is happening in Vietnam and send a special rapporteur to investigate the state of freedom of opinion and expression. The request comes at the end of a long report which examines the behaviour of Vietnamese authorities with regards to peaceful Catholic protesters.

The report illustrates the events concerning the former apostolic delegation and the Thai Ha property, especially the government’s attitude towards Catholics’ request to have their property back, an attitude characterised by intimidation, violence, arrests, violations of freedom of thought and religion, media campaigns and discrimination.

“The Vietnamese government must end its intimidation and attacks against Catholics and ensure protection against violence by state-sponsored groups,” AI said in a press release today in London.

In its briefing paper the human rights organisation reconstructs the events that have seen since last December worshippers peacefully back demands by the Hanoi Archbishopric and the Redemptorists of Thai Ha.

After a period during which dialogue seemed to prevail with the government indicating in February its willingness to gradually return Church property, the authorities have taken a hard line.

Violence followed threatening words by Hanoi’s People’s Committee (City Hall). In September “[p]olice injured several people with their batons, and 20 people were hospitalised. . . At least eight people were arrested.”

AI “believes others are at risk of arrest: in recent days, police have stepped up efforts to intimidate protesters and are calling in for questioning both parishioners and church leaders”.

People who were arrested “were accused of destroying or deliberately damaging property and causing public disorder (Articles 143 and 245 of the Vietnamese Penal Code). Both offences carry a maximum prison sentence of seven years.”

The last article is of particular significance since it is about “causing public disorder”; for this reason, AI “has repeatedly raised concerns about this vaguely worded article because it does not comply with international standards, and is routinely used to criminalize freedom of expression and peaceful assembly.”

The London-based organisation “believes that more people may have been arrested and that others are at risk of arrest, particularly priests at Thai Ha parish, the Archbishop of Ha Noi, and hundreds of Catholic protesters from rural areas”. Moreover, “Vietnamese authorities have publicly threatened church leaders with legal actions unless they end what they defined as ‘illegal religious activities”.”

Protest organisers “have received threats of violence. In one instance, police officers in a northern province paid a visit to the family of a journalist observing the protests. A police officer warned the parents that their son should end his involvement in the protests or he may be killed.”

Under strict government control mass media “have published numerous articles in an intensifying campaign to discredit Catholic leaders in Ha Noi. Church leaders have been portrayed as treacherous and anti-Vietnamese, and the archbishop has been accused of distorting the truth, slandering the authorities, defying the law and challenging the state.”

For AI “this media campaign may fuel further violent attacks”.

The violence has been perpetrated “by ‘bully boys’, gangs that appear to have the backing of police and local authority officials”. And [s]tate controlled media have not reported on such violence, intimidation and harassment.”

To back its claims the report described some of the violent incidents like an assault by “hundreds of ‘bully boys’, some dressed in shirts labelled ‘Communist Youth League’ [.. . ]at Thai Ha parish, where they attacked [.. . ] parishioners,” first on 31 August and then again on 25 September.

At all times police was present at protest sites but at “no time did they try to intervene to protect protesters when they came under attack by gang members.”

The AI report warns that intimidation against Catholics is “on the rise”.

“Students are increasingly worried to speak about their faith at school or at university, where reports are emerging about bullying and expulsions.”

“A group of Catholic students reported to their parish that on 4 and 5 October 2008, a university principal told them that if they continue to participate in activities at the Thai Ha parish, they may be expelled. [.. . ] There are several similar reports”.

In its conclusion AI reminds Vietnam that it is a party to the International Covenant of Civil and Political Rights and must “[u]phold the rights to freedom of expression, peaceful assembly and freedom of religion without discrimination; [.. . ] [i]mmediately and unconditionally release those imprisoned for peacefully expressing their views; [.. . ] [l]ift unlawful restrictions on the right to peaceful assembly, freedom of expression and freedom of religion and particularly reform provisions in the 1999 Penal Code relating to national security;” and “[e]nsure that a climate of impunity does not emerge with regard to attacks and acts of intimidation against Catholics, by conducting independent and impartial investigations on all attacks and acts of intimidation by police officers, including excessive use of force against peaceful Catholic worshippers, and state-sponsored ‘bully boys’ and to bring those responsible to justice in trials which comply with international standards.”
 
Vietnamese Catholic Community in Australia to protest at National Parliament House
The Vietnamese Catholic Community in Australia
17:16 10/10/2008
The Vietnamese Catholic Community in Australia

PRESS RELEASE
FOR IMMEDIATE RELEASE

Canberra, October 10, 2008. The Vietnamese Catholic Community in Australia (VCCA) will assemble in front of the Parliament House in Canberra on Monday Oct. 13 to express its grave concerns about the Vietnamese Communist Government’s campaign of public vilification and violent actions against Church leaders and faithful of Hanoi Archdiocese and the Redemptorist Congregation, including the city’s Archbishop, the Most Rev. Joseph Ngo Quang Kiet.

Since late last year, the Catholic community in Hanoi has been organising daily prayer vigils outside Hanoi’s former nunciature, pleading for its requisition following the unlawful confiscation of the building by the Communist regime in 1959. On Feb. 1, 2008, an agreement, in which the property would be returned to the Catholic Church, was reached. However, the government managed to delay the process through various bureaucratic manoeuvres; and then on Sept. 19, 2008, announced that it would instead demolish the building to make way for a playground.

Besides, in Thai Ha parish, Redemptorists and their faithful have also been seeking the return of another property that was seized illegally. Public protests to outcry for justice outbroke after the plot to sell secretly the property to private entities had been exposed.

The Vietnamese Communist Government has since not listened to Catholics’ legitimate aspirations rather it has attempted to silence them with large numbers of police, security forces, militiamen, and even street gangs. Last month, it started a repression campaign against the Hanoi Catholics, depicting priests as criminals and detaining a number of priests and parishioners. When others peacefully protested against the detention, they were kicked and beaten by stun guns.

In Thai Ha parish, meanwhile, street gangs desecrated sacred statues and spat at priests and religious faithful in full view of police who did not intervene.

Facing this tidal wave of persecution against their fellows, on Monday Oct. 13, 2008, VCCA as well as the wider Vietnamese Community in Australia will assemble in front of the Parliament House in Canberra to request the Prime Minister, Kevin Rudd and the Australian Government to use their diplomatic influence to demand the Prime Minister, Nguyen Tan Dung and the Vietnamese Communist Government to respect human rights, adhere to international law, and in particular:

- Stop persecution against Catholic clergy and their faithful,
- Observe its own laws and return the properties to its rightful owner,
- Immediately stop the Human Rights violations occurring in Vietnam.

Australia has a long tradition of being a beacon protector of Religious and Human Rights throughout the world; and whenever humanity is in harm way. We trust that Mr. Rudd will influence the Vietnamese Prime Minister to observe these principles.

Contacts:
1. Mgr. Paul Minh Tam Nguyen, Chairman, Adelaide.
Mob: 0421 331 475
Email: minhtampaul@yahoo.com.au

2. Fr. Peter Xuan My Bui, Vice-chairman, Canberra.
Mob: 0411 328 077
Email: petermybui@iprimus.com.au

3. Fr. Raphael Duc Thien Vo, Secretary, Melbourne.
Mob: 0418 334 806
Email: vincentliem@bigpond.com

4. Fr. Paul Van Chi Chu, Treasurer, Sydney.
Tel: (02) 97730933
Mob: 0410 552 650
Email: paulvanchi@yahoo.com

5. Fr. Anthony Huu Quang Nguyen, People of God Magazine, Melbourne.
Mob: 0412 560 445
Email: quangsdb@yahoo.com

For more information, please visit: www.vietcatholic.net

 
国际大赦呼吁联合国干预河内事件
Asia-News
17:52 10/10/2008
这一组织发表报告,要求越南政府尊重其签署的民事和政治权利公约中所承诺的责任;结束对天主教徒的威胁、暴力、逮捕、宣传战和歧视

伦敦(亚洲新闻)—“国际大赦”发表长篇越南天主教徒和平示威问题报告,指联合国应对越南正在发生的事件予以干预;派出言论和意见权利专员进行调查。总部设在英国伦敦的这一组织,在报告中阐述了河内政府当局的态度问题。文件中全面地介绍了事件的来龙去脉,特别是地方政府对天主教会要求归还被侵占财产所作出的反应——威胁、暴力、逮捕、宣传战和歧视。

就这一报告于昨天在伦敦发表的声明中写道,“越南政府应该结束针对天主教徒的恐吓和攻击;确保他们不受国家煽动的团伙的暴力攻击”。“国际大赦”在报告中详细地介绍了自去年十二月以来,河内总主教区和赎主会士先后要求收回被收为国有的前宗座大使馆旧址,以及太河堂区地产的事件。今年二月,一度显示出可能通过对话解决问题的迹象,政府甚至谈到让原本属于教会的财产回归真正主人。但是,自八月以来,政府突然采取了强硬的政策。

市人大发出威胁后,暴力接踵而至:“九月,警方打伤了部分人,20人入院接受治疗;至少8人被捕”。“‘国际大赦’认为,其他人还面临着危险:‘近日,警方加强了对抗议群体的威胁,并向堂区教友询问谁是负责人’”。此外,指责天主教徒违反了“刑法第143条和245条。按照规定,凡触犯上述两条刑法的人最多可被判处七年徒刑”。特别关于最后“扰乱公共秩序”的一条,“国际大赦”反复重申,此类表达形式不符合国际标准;对继续借此给自由表达言论及和平集会的人定罪感到忧虑。

此外,“国际大赦”认为,“太河堂区的部分司铎、河内总主教区吴光杰总主教和数以百计继续示威的乡村天主教徒”可能被捕。“当局还公开威胁,如果不结束非法宗教活动,将把教会领导人绳之以法”。

组织示威游行的人“受到了暴力威胁。一起案例中,北部某省地方警察局的警察到一名采访示威活动的记者家中,威胁他的父母说,如果他们的儿子不停止报道示威游行就可能被杀死”。

政府严格控制下的官方媒体,“发表了大量文章掀起了一场日益高涨的诋毁河内总主教区天主教会领导人的宣传战”。天主教会领导人被描述成“叛徒和卖国贼;指责总主教歪曲事实、污蔑当局、拒绝遵纪守法、向国家挑衅”。“国际大赦”认为,“这一宣传战可能助长进一步的暴力”。

“年轻歹徒”的暴行,“很可能是警方和地方当局官员指使的”。“官方媒体没有报道他们的暴行、恐吓和骚扰”。报告中还引述了部分案例。

报告中谈到了日益加剧的对天主教徒的威胁;指“学生们越来越害怕在学校里谈论信仰。否则,会遭到开除”。“一些天主教徒学生介绍,十月四日和五日,大学校长告诉他们如果继续参加太河堂区的示威就会被开除”。“此类例子还非常多”。

报告的最后,“国际大赦”告诫越南政府,鉴于其已经在国际民事和政治权利公约上签字,要求其“不带有任何歧视色彩地保护言论自由、和平集会自由、宗教自由”;“立即无条件释放那些和平表达观点意见而被捕的人”;“停止非法压制和平集会权利、言论自由和宗教自由,特别是修订一九九九年制定的国家安全法中的相关内容”。从而“保障攻击天主教徒的人受到应有的惩罚、针对警方攻击和威胁恐吓事件展开公正的调查,包括针对和平示威者过分动用武力;根据国际相关准则对肇事者作出相应的处理”。
 
Viet government steps up anti-Catholic campaign; Amnesty International concerned
Catholic World News
17:54 10/10/2008
Amnesty International has drawn attention to the Vietnamese government's campaign of intimidation against the Catholic Church leadership, urging a UN investigation.

After bulldozing the property that once held the offices of the apostolic nuncio, and the shrine of Our Lady at Thai Ha, the Vietnam government has tried to bulldoze the image of Church image as well by stepping up its propaganda campaign, using even children’s magazines to attack Catholic leaders and Catholic beliefs. This week, the Thieu Nien Tien Phong (Pioneer Children) magazine opened fire on Church leaders, Hanoi's Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet, in particular. In an article, an adult writer, masquerading as a Catholic primary student, stated that she lost her Catholic belief due to the prelate’s words and behaviors. The magazine is a publication for children at primary school.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức tân Giám mục Bắc Ninh dâng lễ tại Đại chủng viện Hà Nội
Nguyễn Xuân Trường
10:09 10/10/2008
HÀ NỘI - Sáng thứ sáu, ngày 10.10.2008, đức tân Giám mục Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt đã tới dâng lễ tại nguyện đường đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội. Cùng đồng tế với Đức cha có quí cha trong Ban Giám đốc và Ban Giáo sư. Đức cha Cosma đã phục vụ tại Đại chủng viện Hà Nội từ năm 2005 trong vai trò cha giáo sư tu đức và linh hướng.

Đại chủng viện Hà Nội vui mừng chào đón đức tân Giám mục: một thành viên trong Ban Giáo sư và một người cha, người thày của anh em chủng sinh. Tạ ơn Chúa đã chọn Đức cha, ban cho Giáo hội Việt Nam nói chung và giáo phận Bắc Ninh nói riêng một vị mục tử tài đức. Xin Chúa ban cho Đức cha luôn an mạnh, thánh đức, khôn ngoan để lãnh đạo và chăm sóc đoàn chiên Chúa.

Đầu thánh lễ, Đức cha bày tỏ niềm vui mừng khi trở về mái nhà Đại chủng viện. Đức tân Giám mục về đại chủng viện hôm nay mang theo tâm tình vừa quen vừa lạ, quen vì gặp lại những khuôn mặt, những mái nhà quen thuộc, lạ vì sứ mạng mới. Đức cha không chỉ muốn dâng thánh lễ tạ ơn, nhưng Ngài còn muốn dâng thánh lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Có lẽ Thánh Tâm Chúa Giêsu là biểu tượng tuyệt vời nhất để diễn tả Tình Thương và Sự Sống như khẩu hiệu Giám mục của ngài. Đức cha nói: Nhìn lên Thánh Tâm Chúa bị đâm thâu, chúng ta thấy tình yêu, nhưng đồng thời cũng thấy những hi sinh gian khó mà chủng sinh, linh mục và các môn đệ Chúa Giêsu phải chịu trong xã hội hôm nay.

Trong bài giảng, Đức tân Giám mục nhấn mạnh đến chiều kích hi sinh khi bước theo Chúa như Chúa Giêsu đã nói: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình và vác thập giá hàng ngày theo Ta. Đức cha kêu gọi anh em chủng sinh khi đau khổ hãy nhìn lên Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá để được an ủi và thêm sức mạnh cũng như tình yêu. Cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu là cuộc đời lãnh nhận tất cả những gian khó, những đớn đau, thậm chí cả cái chết treo trên cây gỗ mà con người dành cho Ngài. Đức cha nêu câu hỏi: Chúa Giêsu đã làm gì mà phải chịu đau thương như thế? Thưa, tất cả chỉ vì YÊU THƯƠNG: yêu vô điều kiện, yêu hết lòng, yêu cả kẻ thù, quá yêu đến độ sẵn sàng chết vì yêu. Đức cha kêu mời mọi người gắng sống kết hợp với Chúa, sẵn sàng dấn thân bước theo lời mời gọi vác thánh giá theo Chúa. Trên đời, không ai tự dưng muốn khổ đau, thế nhưng vì tình yêu, vì lí tưởng theo Chúa thì người ta sẵn sàng chấp nhận khổ đau, không sợ gian khó. Lí tưởng và tình yêu sẽ giúp người môn đệ Chúa Giêsu vượt qua mọi gian khó. Nhờ tình yêu, những khổ đau lại trở thành những niềm đau êm ái, thập giá cay đắng và chết chóc lại trở thành nguồn vinh quang, trở thành biểu tượng của tình thương và sự sống. Trên thánh giá, trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu. Chính lúc trái tim Chúa vỡ ra thì lại là lúc tuôn trào các bí tích mang lại sự sống vĩnh cửu cho nhân thế. Là môn đệ Chúa, chúng ta vui sướng, hạnh phúc được hưởng ơn cứu độ. Và sứ mạng của người môn đệ là mang niềm vui cứu độ cho mọi người.

Cuối thánh lễ, thày Trưởng tràng đại diện cho anh em chủng sinh tặng hoa Đức cha cùng bày tỏ niềm vui được đón chào Đức cha, lòng biết ơn Đức cha đã dành bao công sức cho việc đào tạo chủng sinh, cầu chúc Đức cha mọi điều tốt đẹp, cầu nguyện cho Ngài và xin Đức cha cầu nguyện cho anh em chủng sinh.

Tưởng cũng nên biết rằng, niên khóa 2008 - 2009, đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội có tất cả 312 chủng sinh theo học tại 2 cơ sở: cơ sở mới xây dựng tại Cổ Nhuế, Hà Nội có 3 lớp: Lớp Tu Đức, lớp Triết I và lớp Triết II. Cơ sở 40 Nhà Chung, Hà Nội có 3 lớp: Lớp Thần I, lớp Thần II và lớp Thần IV. Hai cơ sở này cách nhau 10 km.

Một số chức vụ chủ chốt tại Đại chủng viện: Cha Giám đốc: cha Laurensô Chu Văn Minh, cha phó giám đốc: cha Giuse Nguyễn Văn Diễm và Gioan Vũ Tất, cha linh hướng: Giuse Phan Thiện Ân và Vinhsơn Phạm Đình Khoan. Cha giám học: Phêrô Đặng Xuân Thành và Giuse Dương Hữu Tình. Cha Đặc trách sinh hoạt: Giuse Nguyễn Chấn Hưng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Dân tộc Jarai hiệp thông cầu nguyện cho Công lý tại TGP Hà Nội
K. Thuyên
02:02 10/10/2008
PLEIKU - Tối ngày 9.10.2008, tại Pleiku-Phú Nhơn, tỉnh Gia Lai, cộng đoàn thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế cùng với dân Jarai tạ ơn Thiên Chúa trong dịp kỉ niệm 39 người Jarai được nhận biết đạo Chúa. Nhân dịp này đồng bào Jarai cũng cầu nguyện cho Thái Hà và Tổng giáo phận Hà Nội.

Xem hình ảnh buổi cầu nguyện của dân tộc Jarai

Người Jarai, lớn bé già trẻ sắc phục dân tộc của họ đã quây quần bên chân Mẹ để chúc tụng Chúa cùng với các sắc dân trong vùng.

Đối với người Jarai cầu nguyện không chỉ là thầm thỉ, mà là lớn tiếng kêu xin, là dùng cả toàn thân để khẩn cầu xin qua tiếng hát, điệu hò và nhịp múa ca.

Họ sám hối cho chính mình do đã thờ ơ để sự thật bị bỏ qua và sám hối cho dân tộc vì đã để sự dữ hoành hành mà không phản kháng.

Bên ánh lửa, họ không khách sáo với nhau, nhưng cùng nhau mong ánh sáng thật Giêsu toả sáng chiếu khắp đồi núi này và lan ra khắp quê hương.

Tất cả khẩn cầu Thiên Chúa ban Thần Khí cho từng người, cho từng dân tộc, để mọi người sẳn sàng chấp nhận khổ đau, sĩ nhục để làm chứng cho sự thật.

Quanh Mẹ Maria, Đấng được Chúa Giêu trao ban, họ khẩn xin Mẹ tiếp tục tỏ vinh quang Chúa nơi Thái Hà, tiếp tục làm cho dân Chúa ở Hà Nội vững tin nguyện cầu. Để đến một ngày Hà Nội cầu nguyện, Sài Gòn khẩn xin, Tây Nguyên kêu nài. Để Cần Thờ đốt nến, Nha Trang nói lời sự thật, Vinh ra đi làm chứng.

Cùng với Mẹ Maria, xin tôn vinh Danh Thánh Giêsu. Trong tình yêu Thiên Chúa tất cả mọi người luôn được Thần Khí của Cha bảo vệ và cùng cúng ta làm chứng cho sự thật và công bằng.
 
Xin hiệp nhất chúng con nên một trong Tình Yêu Chúa...
Joseph Hiệp Nhất
02:05 10/10/2008
“XIN HIỆP NHẤT CHÚNG CON NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU CHÚA... ”

(Ga 17,1-26)

Chuyện xưa kể rằng có người Cha già muốn dạy các con bài học HIỆP NHẤT: “ĐOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”. Ông đặt một túi tiền trên bàn, đưa cho các con một bó đũa bảo các con bẻ, ông nói: “Nếu trong các con, ai bẻ gãy được bó đũa này, cha sẽ thưởng cho túi tiền”. Mấy người con cố gắng dùng hết sức, nghiến răng, nghiến lợi để bẻ nhưng không thể nào bẻ gẫy bó đũa… Ông tháo bó đũa ra và bẻ từng chiếc thế là bó đũa bị bẻ gẫy dể dàng. Ông nói: “Nếu các con biết đoàn kết như vậy thì không ai làm gì được các con, nếu các con chia rẽ, thì các con cũng sẽ bị bẻ gãy như những chiếc đũa này. Đó là bài học HIỆP NHẤT: “ĐOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT” mà người cha đã dạy cho các con của ông. Đó cũng là bài học của mỗi người chúng ta hôm nay.

Trong bữa ăn cuối cùng với các Tông Đồ, Chúa Giê-su đã thiết tha cầu nguyện cho sự “HIỆP NHẤT”: “XIN CHO TẤT CẢ NÊN MỘT NHƯ CHA Ở TRONG CON VÀ CON Ở TRONG CHA” (Ga 17, 21–23). Trước đó Chúa Giê-su đã lấy hình ảnh “Cây Nho” để mời gọi mọi người hãy liên kết chặt chẽ với Chúa và với nhau: “Thầy là Cây Nho chúng con là ngành nho, ngành nào “Hiệp Nhất” cùng cây sẽ sinh hoa kết quả, ngành nào lìa cây sẽ khô héo đi…” ( Ga 15, 5 ). Giáo Hội Chúa được ví như một “Thân Thể Mầu Nhiệm”. (Rm 12, 4 …) Chúa Giê-su là “Đầu” Giáo hội là “Thân Thể” và chúng ta là các “Chi Thể”. Tất cả đều sống tùy thuộc vào nhau, chia sẻ cùng một giòng máu lưu thông trong cơ thể, cùng một sức sống trong Chúa Thánh Thần. Trong Thánh Lễ, chúng ta cũng chia sẻ cùng một “Tấm Bánh” (hiệp nhất do muôn ngàn lúa miến), cùng một “Chén Rượu” (hiệp nhất do trăm ngàn trái nho). Trước đó chúng ta đã tuyên xưng cùng một “Đức Tin”, cùng một “Phép Rửa”, và cùng cầu nguyện chung kinh “Lạy Cha chúng con… ” rồi cùng chia sẻ dấu hiệu của sự “Hiệp Nhất” yêu thương bằng những cử chỉ chân thành “chúc bình an” cho nhau.

Chúa Kitô đã cầu nguyện cho Hội Thánh của Người nên một, nghĩa là nên dấu chỉ của sự hiệp nhất trong một thế giới bị phân hoá. Tuyên xưng Chúa Kitô chưa đủ, mà còn phải sống theo ý muốn của Chúa, thực thi lời Chúa dạy, như lời Chúa Phán: “không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa là được vào nước trời cả đâu, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 1,21).

Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta hãy sống “Hiệp Nhất” và cầu nguyện cho sự “Hiệp Nhất” nơi gia đình, trong Giáo Hội và xã hội; đặc biệt trong “Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất” vào tháng giêng hàng năm.

Hành trình trong đời sống là một cuộc “Đồng hành”. Chúng ta cùng đi với nhau, nâng đỡ nhau, dìu nhau đi “chị ngã em nâng” chia sẻ cho nhau “lá lành đùm lá rách” giữa bao khó khăn, thử thách của cuộc đời. Thiên Chúa luôn tôn trọng Tự do của con người. Chúng ta nên tôn trọng nhau để chung tay đắp xây thế giới hiệp nhất và bình an, trong gia đình, ngoài xã hội, như vậy, chúng ta mới được sống trong sự thanh bình, hạnh phúc của Tình yêu Thiên Chúa là Cha mọi người chúng ta. Là con Thiên Chúa ta phải luôn sống hiệp nhất, sống theo ý Chúa muốn: “Vì ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy giữa họ” (Mt 18,20). Ai sống hiệp nhất yêu thương là dấu chỉ người con Chúa, luôn có Chúa ở cùng.

Ai chia rẽ, giả dối là con cái, là học trò của ma quỷ, vì mà quỷ là “thầy của sự giả dối”, luôn luôn gây chia rẽ. Bất cứ một gia đình nào, một đoàn thể nào, sống chia rẽ, người nọ phân bì người kia thì gia đình đó, cộng đoàn đó chỉ là một tập đoàn ma quỷ, không bao giờ tồn tại. Với thế giới hôm nay, gây chia rẽ là việc làm thường ngày của ma quỷ, chúng tìm mọi thủ đoạn: dùng bạo lực áp đặt sự chia rẽ, dùng tiền để mua chuộc sự chia rẽ, gây chia rẽ giữa người này với người kia, giữa cộng đoàn này với cộng đoàn kia, giữa giáo xứ này với giáo xứ nọ, dùng phương tiện này, phương tiện khác để gây chia rẽ, nên không thể tin vào các phương tiên truyền thông. Đức cố Hồng Y, Fx Nguyễn Văn Thuận đã cảnh báo rằng: “đài không phải là sự thật, tivi không phải là sự thật, báo chí không phải là sự thật” (ĐHV). Nhiều khi những phương tiện truyền thông này lại là những phương tiện tuyên truyền, bịa đặt sự giả dối, mục đích là gây chia rẽ.

Thánh Phan-xi-cô khó nghèo đã dâng hiến cả cuộc đời để phụng sự Chúa và nhân loại. Ngài luôn dâng lời cầu nguyện và tận tâm, tận lực gây dựng sự Hiệp nhất, Tình yêu thương và Hòa bình trên thế giới, trong gia đình và giữa mọi người thuộc mọi màu da, chủng tộc, tôn giáo và văn hóa. Bài “Kinh Hòa Bình” của Ngài rất nổi tiếng và đã đựơc dịch cũng như phổ nhạc ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta hãy luôn thành tâm cầu nguyện với Chúa cho chúng ta biết xóa bỏ hận thù, kỳ thị, tranh chấp, nghi kị, kết án lẫn nhau… để trở nên những “Khí cụ bình an của Chúa…Sống Hiệp Nhất yêu thương và phụng sự Chúa trong mọi người... biết đem yêu thương vào nơi oán thù… Đem an hòa vào nơi tranh chấp…” (Kinh Hòa Bình, của lm Kim Long).

Như xưa Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha xin cho sự hiệp nhất: “để họ được nên một như chúng ta là môt. Con ở trong Cha và Cha ở trong con để họ được hoàn toàn nên một”. Ngày nay, chúng ta cũng cần theo gương Chúa Giêsu luôn biết cầu nguyện cho sự Hiệp Nhất trong tình yêu Chúa, sống kết hiệp mật thiết với Chúa và đoàn kết yêu thương tha nhân như chính mình.

Để làm cho triều đại Chúa mau đến, công lý, hoà bình sớm được triển nở trên thế gian này ta phải dứt khoát loại bỏ ma quỷ và những gì thuộc về ma quỷ: hận thù, chia rẽ, oán hờn, ghen ghét, gian tham tục tĩu, điêu ngoa, gian dối, vu khống, thoá mạ, thêm bớt cắt xén. Chính Chúa Giêsu đã chỉ cho ta thấy những gì thêm bớt cắt xén là do ma quỷ: “có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. (Mt 5,37).
 
Thông báo của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney.
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney
05:10 10/10/2008
V/V BIỂU TÌNH TẠI CANBERRA NGÀY 13/10/2008

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney trân trọng thông báo:

1. Cộng Đồng CGVN Tổng Giáo Phận Sydney hoàn toàn ủng hộ và đồng hành với Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu để cùng biểu tình vàoThứ Hai ngày 13.10.2008 tại Canberra, đòi hỏi Thủ Tướng và nhà cầm quyền CSVN chấm dứt những hành vi đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt qua sự kiện Toà Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà Hà Nội.

2. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney tha thiết kêu gọi anh chị em CĐCGVN nói riêng và quý Đồng Hương nói chung tích cực tham gia cuộc biểu tình chính đáng này. Các phương tiện thuận lợi di chuyển đến Canberra sẽ được thông báo chi tiết trong các Thánh Lễ cuối tuần này, và CĐ sẽ sắp xếp các xe Bus tại các Nhà Thờ Bankstown, Cabramatta, Lakemba, Marrickville, Miller, Mt Pritchard, và Revesby.

3. Để hỗ trợ tích cực cho cuộc biểu tình chính đáng này, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney sẽ dời Ngày Hành Hương truyền thống ngày 13.10.2008 lên Chúa Nhật ngày 12.10.2008, để anh chị em tích cực tham gia ngày biểu tình 13.10.2008 tại Canberra. Ngày Hành Hương 12.10.2008 sẽ bắt đầu như thường lệ vào lúc 10.15 sáng Chúa Nhật, để cầu nguyện cho Hoà Bình, Công Lý, và Nhân Quyền cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

Trân trọng kính kính mời toàn thể anh chị em trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam và Quý Vị Đồng Hương tích cực tham gia cuộc biểu tình nói trên, như một trách nhiệm với quê hương và dân tộc của Người Việt Nam Tỵ Nạn, để tranh đấu cho Hoà Bình, Công Lý, và nhân quyền, nhất là Hiệp Thông với Tổng Giáo Phận Hà Nội và Giáo Xứ Thái Hà.

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney. 10.10.2008.
 
Đồng bào Việt Nam ở Melbourne nhiệt tình tham dự Đêm thắp nến hiệp thông cùng TGP Hà Nội
Trần Văn Minh
10:22 10/10/2008
MELBOURNE - Lúc 7 giờ tối Ngày 10 Tháng 10 Năm 2008. Tại Quảng trường Federation Square. Hàng ngàn giáo dân cùng đồng bào không phân biệt tôn giáo, chủng tộc đã hưởng ứng lời kêu gọi cuả Báo Dân Chuá Úc châu, cùng nhau tập trung về quảng trường trung tâm thành phố để tham dự đêm thắp nến, cầu nguyện hiệp thông cùng Tổng Giáo phận Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà, cầu nguyện đòi hỏi công lý và sự thật.

Xem hình ảnh Đêm Thắp Nến tại Melbourne

Đức cha Hilton Deakin dâng lời nguyện
Thật đúng là thiên thời điạ lợi và nhân hoà. Trời Melbourne bữa nay đẹp tuyệt vời, với gió nhẹ nắng ấm cả ngày đã tạo bầu không khí thật ấm cúng lý tưởng cho những buổi sinh hoạt ngoài trời. Nhất là một điạ điểm sinh hoạt ngoài trời đẹp nhất cuả Tiểu bang Victoria là Quảng trường Federation cuả Thành phố Melbourne, nơi có sức thu hút rất đông người.

Ngoài ra với thành phần rất đông đảo giới truyền thông Việt ngữ trong Tiểu bang Victoria, như các đài phát thanh sắc tộc SBS, Viễn Xứ, VNTV. Cùng các tuần báo có số đông độc giả cũng đã đến lấy tin và hình ảnh.

Trên ghế khách mời, chúng tôi nhận thấy có Đức cha Hilton Deakin đại diện TGP Melbourne, Dân biểu Luke Donnellan đại diện cho Thủ hiến Tiểu bang Victoria, ông Nguyễn Thế Phong chủ tịch Cộng đồng người Việt tự do Tiểu bang Victoria, các vị chức sắc đại diện các tôn giáo bạn như Phật giáo, Cao Đài vv. Và đông đảo quý linh mục tu sĩ nam nữ Việt Nam trong TGP Melbourne về tham dự.

Tại quảng trường, chúng tôi ghi nhận đầy đủ mọi thành phần dân Chuá, từ Nam phụ lão ấu, những người bị thương tật cũng cố gắng về tham dự, chưa kể số rất đông những người Úc cùng các sắc dân khác cũng về đây từ rất sớm, đứng chờ và xem qua những hình ảnh, và tin tức được chiếu trên màn ảnh rộng.

Sau bản tin là phần chào mừng quan khách và đông đảo giáo dân về tham dự, Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng chủ nhiệm Nguyệt san Dân Chuá Úc châu đã nhắc lại những việc làm có tính cách trấn áp, khủng bố cả về mặt tinh thần cũng như thể lý đến giới chức lãnh đạo tôn giáo thuộc Tổng giáo phận Hà Nội đặc biệt là Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, và các linh mục Dòng Chuá Cứu Thế Thái Hà. Cuả nhà cầm quyền Cộng sản Việt nam qua UBND Thành phố Hà Nội.

Sau đó qua phần phát biểu cuả Đức cha Hilton Deakin cũng như vị dân biểu Đại diện Thủ hiến tiểu bang Victoria Luke Donnellan đều lên án việc làm cuả chính phủ Cộng sản Việt Nam và UBND Thành phố Hà Nội đối với TGP Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà là hành động không thể chấp nhận.

Sau những lời phát biểu cuả quan khách, Đức Cha Deakin đã thắp ngọn nến và truyền đến mọi người lan toả ra toàn thể quảng trường rộng lớn, ánh nến toả sáng cả một khu vực quảng trường. Mở đầu cho buổi cầu nguyện với lời hát Kinh hoà bình.

Tiếp theo là phần rước Thánh giá cùng Phúc âm do LM Nguyễn Trung Tây, phụ tá chủ nhiệm Nguyệt San Dân Chuá Úc châu phụ trách, phần lời ngưyện giáo dân do Giáo xứ Brunswick phụ trách.

Tượng Đức Mẹ được rước lên khán đài để mọi người cùng hợp ý dâng chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho quê hương Việt Nam được sống trong tự do, dân chủ, công lý và sự thật.

Buổi lễ kết thúc vào lúc 9 giờ tối sau khi Đức cha ban phép lành, chúc bình an cho mọi người tham dự. Mọi người ra về với ước vọng quê hương Việt Nam sớm được hưởng tư do dân chủ thực sự.
 
Đêm thắp nến cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam tại TGP Melbourne, Australia
Phóng Viên VietCatholic
10:31 10/10/2008
ĐÊM THẮP NẾN CẦU NGUYỆN HIỆP THÔNG VỚI GIÁO PHẬN HÀ NỘI, VỚI GIÁO XỨ THÁI HÀ.

Trời Melbourne hôm nay thật nắng ấm, mới 6 giờ mà nhiều người Việt đã kéo về quảng trường Federation ngay trung tâm, đối diện với ga xe lửa chính của thành phố.

Đức Cha Hilton Deakin của TGP Melbourne
Dân biểu Luke Donnellan đọc sứ điệp của Thủ hiến John Brumby
Cha Nguyễn Trung Tây công bố Tin Mừng
Hơn 2000 người tham dự
Kiệu Đức Mẹ
Theo dõi những hình ảnh đàn áp ở Hà Nội
Chúng tôi nhận thấy trẻ có, già có và trung niên đông đảo! Thật cảm động khi nhìn thấy những cụ già, ngay cả một hai người phải ngồi xe lăn mà cũng hiện diện để cầu nguyện.

Đúng 7.20 hai xướng ngôn viên đọc bản tin rút ngắn bằng Anh ngữ và Việt ngữ trước khi trình chiếu những hình ảnh về những buổi cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ và tại giáo xứ Thái Hà. Nhiều người rơi lệ khi nhìn thấy những cảnh tàn nhẫn của công an, bộ đội, với dùi cui, chó săn và súng đạn... với hàng rào kẽm gai và dàn chống thiệt hùng hậu trước những người giáo dân đơn thành cầu nguyện không có một cái gì để tự vệ ngoài chuỗi tràng hạt Mân côi hay lời cầu nguyện...

Đúng 7 giờ 45 các quan khách được mời lên khán đài và đúng 8 giờ người điều khiển chương trình chào đón mọi người và nói ý nghĩa cầu nguyện hiệp thông đêm nay trước khi mời linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, trưởng ban tổ chức ra chính thức chào đón và phát biểu.

Bằng một giọng hùng hồn và cương quyết linh mục đã tố giác những đàn áp, không tôn trọng công lý của chính quyền Hà Nội... kết án chính quyền đã dùng hết mọi thủ đoạn vũ lực cũng như truyền thông bóp méo sự thật và bôi nhọ thanh danh của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt, các tu sĩ và giáo dân ôn hòa cầu nguyện. Bài chào mừng và phát biểu của linh mục đã thu hút được quảng đại quần chúng đi vào bầu khí cầu nguyện hiệp thông...

Kế tiếp là lời phát biểu thật mạnh mẽ và cương quyết của Đức Giám Mục Hilton Deakin. Ngài kết án những bất công và chà đạp công lý của chính quyền Việt Nam. Ngài ngợi khen tinh thần hiệp thông của đồng bào Việt Nam tại Melbourne dù xa quê vẫn nhớ tới Giáo Hội và quê nhà Việt Nam. Ngài ngưỡng phục Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, một giám mục trẻ trung và quả cảm. Ngài cảm thông những khó khăn đàn áp mà ĐTGM đang hứng chịu trước một thể chế không tôn trọng nhân quyền và công lý. Ngài nói rõ cho những người đang hiện diện cầu nguyện tối nay, nếu qúi vị ở tại Hà Nội, qúi vị sẽ bị bao vây bởi công an, quân đội cũng như chó săn, họ nhục mạ qúi vị! Có lẽ qúi vị cũng bị theo dõi và có thể bị bắt bớ... Ngài kết án những bất công của chính quyền Hà Nội và lên tiếng mời gọi các chính khách cũng như Vatican can thiệp.

Kế tiếp là dân biểu Luke Donnellan, một dân biểu trẻ trung, đại diện cho Thủ hiến John Brumby, đọc sứ điệp của thủ hiến tới mọi người tham dự cuộc thắp nến cầu nguyện hiệp thông đêm nay. Thủ hiến đồng hành cùng cộng đoàn Việt Nam tại Melbourne trước những ưu tư về quê hương đất nước Việt Nam. Úc Châu là một đất nước đa văn hóa, mọi người và mỗi người đều bình đẳng và chính phủ tạo điều kiện cho mỗi người phát triển cuộc sống...

Sau đó dân biểu Donnella chia sẻ kinh nghiệm của ông khi ông xin visa vào Việt Nam để thăm một người người tù lương tâm: linh mục Nguyễn Văn Lý! Đương nhiên nhà nước Việt Nam từ chối, nên ông đã đổi ý xin vào du lịch! Trong chuyến du lịch năm 2006 ông đã tìm cách gặp được người tù lương tâm là linh mục Nguyễn Văn Lý. Ông không hiểu được tại sao một chính quyền Công Sản, trong thời đại tự do ngày nay mà vẫn còn đối xử với công dân mình bằng đàn áp, bằng vũ lực, bằng gian dối không tôn trọng luật pháp quốc tế...

Sau ba bài phát biểu là phần đốt nến cầu nguyện. Đức Giám Mục Deakin đã thắp nến phục sinh và từ đó ngàn cây nến được đốt lên như đang hiệp thông với Giáo phận Hà Nội. Trong tay ngọn nến lung linh mọi người cùng ca lên bài Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô. Bài ca vừa chấm dứt thì Thánh giá và Lời Chúa được rước lên lễ đài. Trong ánh sáng lung linh huyền ảo của những ngọn nến, cuộc cung nghinh Thánh giá và Lời Chúa được đón nhận thật là cảm động. Linh mục Nguyễn Trung Tây đã công bố Lời Chúa bằng hai ngôn ngữ Anh Việt. Chúa Giêsu sau khi phục sinh hiện ra với các tông đồ và trấn an các ngài “đường sợ! Vì có Chúa luôn đồng hành”.

Tiếp theo là những lời cầu nguyện cho tấm lòng can cường của ĐTGM Hà Nội, cho giáo dân Thái hà và những người đang mạnh mẽ đứng lên đòi công lý và quyền tự do tâm linh...

Đêm thắp nến bước qua phầnhai là kiệu Đức Mẹ được 4 chị mặc phẩm phục Việt Nam rước lên trong lời ca “Lạy Mẹ Fatima” thật cảm động. Quảng trường hơn 2000 người cầu nguyện trong thinh lặng, nhiều người Úc qua lại cũng dừng lại hiệp thông. Một chị Việt Nam đã xướng 10 kinh và toàn cộng đoàn lần chuỗi bằng tiếng Việt, sang tới chục thứ hai được đọc bằng Anh ngữ do chính ĐGM Deakin hướng dẫn... Đồng hồ điểm gần 9 giờ, ĐGM kêu gọi mọi người nhớ tới Việt Nam và ngài ban phép lành cho mọi người ra về bình an.

Trong lời ca “Go Light your World” (Hãy đi thắp lên cây nến cho thế giới của bạn...” Trời đã về khuya nhưng mọi người như còn lưu luyến chưa muốn chia tay! Buổi thắp nến cầu nguyện đã để lại trong tâm lòng của mỗi người một tâm tình, mình phải làm gì để góp phần làm cho thế giới được tốt đẹp hơn trong tự do nhân ái.

Trong buổi lễ chúng tôi nhận thấy có nhiều phóng viên của các đài ABC, SBS, Viễn Xứ, Tiếng Nước Tôi và VNTV, cũng như một hai ký gỉa người Úc hiện diện.
 
Trung Tâm Hành Hương Thánh Địa La Vang có thêm đất
BBC
10:32 10/10/2008
LAVANG - Trong khi dư âm các cuộc tranh cãi đất đai ở Hà Nội vẫn còn chưa lắng xuống, chính quyền tỉnh Quảng Trị loan báo "cấp bổ sung cho nhà thờ La Vang thêm 15ha đất để phục vụ hoạt động tín ngưỡng của giáo dân".

Phó Chủ tịch UBND Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm 9/10 rằng tỉnh đã gửi thông báo chính thức về việc này tới Thứ trưởng Ngoại giao của tòa thánh Vatican.

Đạị hội 2008 thu hút nửa triệu tín đồ
Ông Chính được báo trong nước trích lời nói: "Hiện các cơ quan chức năng địa phương đang phối hợp với nhà thờ tiến hành kiểm kê, giao đất".

Việc bàn giao trên 21 ha đất cho thánh địa La Vang đã được thống nhất về nguyên tắc từ cách đây sáu tháng. Các bản tin Công giáo lúc đó nói "chính quyền tỉnh Quảng Trị đã đồng ý trao lại gần như toàn bộ đất đai thánh địa La Vang cho Giáo hội Công giáo Việt Nam".

Nay các phát ngôn về phía nhà nước không dùng từ "trao trả" mà dùng từ "cấp đất".

Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Quản nhiệm Trung tâm Thánh mẫu La Vang, giải thích: "Đơn của Hội đồng Giám mục VN là xin giao lại đất, nhưng Nhà nước lý luận rằng đất đai là thuộc về Nhà nước quản lý, tôn giáo có nhu cầu thì họ cấp".

Theo linh mục Hiền, diện tích đất đai từng thuộc về nhà thờ La Vang trước chiến tranh lên tới trên 23 ha.

Thánh địa La Vang nằm cách thành phố Huế khoảng 60 cây số về phía Bắc. Người Công giáo lưu truyền câu chuyện Đức Mẹ Maria hiện ra năm 1798 tại đây để cứu giúp các tín đồ đang phải trốn vào rừng để tránh triều đình Tây Sơn tàn sát.

Du lịch sinh thái:

Linh mục Lê Sĩ Hiền cho biết diện tích 21 ha đang được giải tỏa và hy vọng cuối năm 2008 quá trình này sẽ hoàn tất và Nhà nước sẽ trao quyền quản lý cho Nhà thờ.

"Hai ha đất khác tại khu vực sẽ dành làm khu du lịch sinh thái, Nhà nước đồng ý không xây dựng gì thêm."

Theo linh mục quản nhiệm, nhu cầu đất đai của Nhà thờ rất lớn vì Trung tâm Thánh mẫu La Vang là một trong những địa chỉ hành hương nổi tiếng nhất toàn quốc và "riêng đại hội năm nay đã có nửa triệu người tham gia".

Tháng Sáu 2008, phái đoàn của tòa thánh Vatican cũng đã có chuyến viếng thăm La Vang.

Chính phủ Việt Nam nhiều lần khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân, và không có việc "đòi lại đất".

Được tin, một phần vì chi tiết có tính nguyên tắc này, mà đối thoại đất đai giữa Chính quyền và tòa tổng giám mục Hà Nội về khu đất Tòa Khâm sứ cũ ở Nhà Chung đã không mang lại kết quả.

Nhà nước đề xuất cấp cho Tòa Tổng giám mục một trong ba lô đất khác, nhưng Tòa Tổng Giám mục muốn lấy lại đất mà họ cho là thuộc về người Công giáo.

(Nguồn: BBC, ngày 10.10.2008)
 
Nhóm Hành Hương Caminopilger tại Đức hiệp thông cùng Tổng Giáo Phận Hà Nội
LM Augustine Phạm Sơn Hà
13:46 10/10/2008
Nhóm Hành Hương Caminopilger tại Đức hiệp thông cùng Tổng Giáo Phận Hà Nội

Kính gửi Giáo Xứ Thái Hà
Anh Chị Em trong Chúa Kit ô thân mến,


Nhóm Hành Hương "Caminopilger" chúng tôi vừa kinh hãi vừa phẫn nộ khi cha Dòng Augustinus thông báo cho chúng tôi những sự kiện bạo hành vừa xảy ra trong mấy ngày qua gây công phẫn trong dư luận về việc nhà cầm quyền Việt Nam chống báng Giáo Hội Công Giáo, chống lại dân chúng Hà Nội, chống lại Giáo Xứ Thái Hà, chống lại vụ Tòa Khâm Sứ cũ.

Qủa đúng là những vi phạm nghiêm trọng đến nhân quyền, vi phạm quyền sống của người dân (như tịch thu tài sản, vi phạm thô bạo đến quyền hội họp, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí v.v…)

Dân tộc Đức chúng tôi cũng từng bị chia cắt do chủ ý của các thế lực chính trị thành Tây Đức và Đông Đức kể từ năm 1949 (với Bức Màn Sắt và Bức Tường Bá Linh) cho tới năm 1989. Người Đức chúng tôi đã chịu biết bao tai họa đau thương và những thảm kịch cá nhân.

Rồi thì sự kiện khó tin đã xảy ra vào tháng Mười năm 1989, dân Đông Đức nói chung và dân Bá Linh nói riêng, nhiều người đã leo qua bức tường, nhiều người đã đập phá bức tường. Quân đội được lệnh gườm súng trên tay, sẵn sàng nhả đạn nhưng quân đội đã không hành động.Thật là một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử nước Đức.

Sau 40 năm ròng rã niềm tin vào Chúa nâng đỡ và qua các cuộc phản kháng can đảm, hòa bình, bất bạo động của dân chúng làm chuyển đổi toàn bộ cục diện chính trị thế giới.

Nói như thế để anh chị em thấy rằng chúng tôi hiểu rất rõ những lo âu, khốn khổ, nhục nhã không thể nói ra được của anh chị em vì những vụ việc do nhà cầm quyền Hà Nội gây ra. Thiết tưởng cần có sự can thiệp khẩn cấp của Giáo Hội hòan vũ và của thế giới phương tây. Không thể cứ đứng nhìn, cứ dửng dưng quay mặt đi được nữa.

Chính vì thế mà chúng tôi (Linh Mục Augustinus, nhóm Hành Hương Camino và đông đảo tín hữu thuộc rất nhiều họ đạo tại Đức quốc đây) tuyên bố liên đới, hiệp thông với Qúy Ông Bà, Anh Chị Em.

Qua kinh nguyện hàng ngày dâng lên Thiên Chúa và qua „Phong Trào ký Thỉnh Nguyện Thư kính gửi bà Thủ Tướng của chúng tôi, chúng tôi muốn ủng hộ, nâng đỡ và cả trợ giúp nữa tất cả qúy Ông Bà anh chị em trong cơn nguy khốn. Chúng tôi thỉnh cầu Bà Thủ Tướng dùng ảnh hưởng của bà can thiệp với chế độ Hà Nội nhằm đạt đến mục đích làm thế nào để: „Quyền dân tộc, quyền tư hữu, nhân quyền, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do hội họp được công nhận thực sự tại Việt Nam“. Hy vọng mỏng manh đang chết dần chết mòn.

Đặc biệt với những lời cầu nguyện k èm theo đây chúng tôi muốn cầu xin Chúa cho toàn thể những người đang sống ở Việt Nam:

Xin Chúa dập tắt bạo lực và hành vi hung hiểm do chế độ cầm quyền gây ra.
Xin Chúa ban cho mọi người dân sức mạnh, can đảm, kiên trì, khôn ngoan.
Xin Chúa xoa dịu những đau thương, thống khổ của họ.

Đặc biệt chúng tôi cũng muốn cùng cầu nguyện trong thánh lễ cho tất cả các đấng bậc, linh mục, tu sĩ thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội và trong Tu Viện, Giáo Xứ Thái Hà sớm chiến thắng trong cuộc đấu tranh hòa bình, bất bạo động trong khi đối đầu với chế độ độc tài.

Cầu xin Ơn Chúa tràn đầy, luôn ở cùng qúy Ông Bà, anh chị em mỗi ngày „tất cả” và trên quê hương Việt Nam thân yêu của qúy vị.

Trân trọng kính chào Qúy Vị, Ông Bà, Anh Chị Em.

Nhóm Hành Hương Caminopilger
Albert Smykalla
Ringstr.13
82272 Moorenweis


Nguyên văn tiếng Đức:

Deutschland, 03.10. 2008
An die Pfarrgemeinde Thai Ha und das Bistum Hanoi

Liebe Schwestern und Brüder im Herrn

Mit Entsetzen und Empörung haben wir Caminopilger von dem schon seit Tagen anhaltenden skandalösen brutalen Vorgehen gegen die Kirche, die Bevölkerung von Hanoi, gegen die Gemeinde Thai Ha, und des Gebäudes der Nuntiatur, über Pater Augustinus erfahren. Das sind schwerste Verletzungen der Menschenrechte und des Völkerrechts (die Enteignung von Eigentum, brutale Verletzung des Versammlungsrechts, der Religionsfreiheit, Redefreiheit, der Pressefreiheit usw.)

Wir, unser deutsches Volk musste ebenfalls die mutwillige politische Trennung in West- und Ostdeutschland. 1949 akzeptieren. Es folgte der „Eiserner Vorhang „ und die „Berliner - Mauer bis 1989, In dieser Zeit musste viel menschliches Leid und persönliches Schicksal ertragen werden.

Dann begann das unglaubliche im Oktober 1989, Menschen aus Ost-Deutschland/Berlin rissen die Mauer nieder oder kletterten darüber. Das schussbereite Militär griff nicht ein. Ein historischer Tag in der deutschen Geschichte.

Nach 40 Jahren hat auch bei uns der Glaube der Menschen an Gottes Hilfe und durch das mutige gewaltlose friedliche protestieren der Menschen wurde diese Wende in der Weltpolitik herbeigeführt.
So verstehen wir Ihre Not, Leid und unsägliche Demütigung die Ihnen durch Ihre Regierung in Hanoi widerfährt. Es besteht dringender Handlungsbedarf aus der Westlichen Welt und der Weltkirche. Man darf hier nicht länger zuschauen oder wegschauen. So wollen wir uns (Pater Augustinus, Camino Pilger und Christen aus mehreren Pfarreien Deutschlands) mit Ihnen verbinden, solidarisch erklären. Durch unser tägliches Gebet zu Gott und mit einer " Unterschrift - Aktion " - Resolution an unsere Bundeskanzlerin. Damit wollen wir sie in Ihrer Not unterstützen und helfen. Hierin wird Frau Merkel gebeten Ihren Einfluss auf das Regime in Hanoi geltend zu machen mit dem Ziel: "Dass das Völkerrecht, Eigentumsrechte, Menschenrechte (Freiheit und Gerechtigkeit), Religionsfreiheit, Versammlungsrecht in Vietnam endlich anerkannt werden". Die Hoffnung stirbt zu letzt.
Besonders möchten wir mit den Fürbitten alle Menschen in Vietnam Gott bitten, dass er denen die derzeit am meisten der Gewalt und Brutalität des Regimes ausgesetzt sind, Kraft, Mut, Ausdauer und Weisheit spendet und Ihre Schmerzen lindert. Besonders wollen wir auch gemeinsam beten in den Gottesdiensten für alle Geistlichen, den Erzbischof und Ordensleute in Hanoi und die Gemeinde Thai Ha, das Sie im friedvollen Kampf gegen das totalitäre Regime, den Sieg erringen möge.
So seien der Beistand und der Segen Gottes alle Tage bei Ihnen "Allen" und über Ihrer Heimat Vietnam.

Es grüßt Sie herzlich ein guter Freund und Caminopilger von Pater Augustinus aus der- Erzabtei St Ottilien!

Albert Smykalla
Ringstr.13
82272 Moorenweis

Diese Fürbitten werden in den kommenden Wochen in den Kirchen Deutschlands vorgetragen:
Fürbitten für Vietnam:

Im Vertrauen auf Gottes Hilfe und die Solidarität der Mitmenschen bitten wir für die Kirche in Vietnam -
für alle unsere Schwestern und Brüder im Glauben:
dass sie sich frei und ohne Verachtung zu ihrem Glauben bekennen dürfen;

dass das rechtmäßige Streben der Katholiken nicht weiter verunglimpft wird
und die kath. Kirche nicht weiter missachtet wird;

dass Menschenrechte, Religionsfreiheit und kulturelle und religiöse Werte in Vietnam beachtet werden;
dass die verhafteten Gläubigen aus dem Gefängnis befreit und nicht weiter mit dem Tod bedroht werden;
dass Gerechtigkeit und Friede nicht nur Worte bleiben, sondern in die Tat umgesetzt werden;
dass unsere Brüder und Schwestern sich in Freiheit zu ihrer Religionszugehörigkeit bekennen dürfen;
dass Unterdrückung und Brutalität gegenüber den Gläubigen beendet wird;
dass die Belagerung der erzbischöflichen Residenz in Hanoi beendet wird;

dass das rechtmäßig erworbene Eigentum unverzüglich in seinem ursprünglichen Zustand zur Nutzung für religiöse Zwecke und zum Allgemeinwohl der Kirche in Hanoi zurückgegeben wird.
dass die friedlichen Gebetsversammlungen der Gläubigen nicht ohne Wirkung bleiben - und wie damals in Deutschland 1989 zu einem guten Ende
führen.

Wir schenken den Vietnamesen unsere Solidarität und bitten, dass Gott unser Gebet für sie erhört!
Olga, Maria Brand Peißenberg – 03.10.2008

Lời Cầu Nguyện
cho nước Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, cho Hội Thánh Công Giáo Việt Nam
( lúc 19.30 giờ tại Tu Viện St. Ottilien OSB ngày 03.10.2008)

Tin tưởng vào sự hộ trì của Chúa, tin tưởng vào sự liên đới, thông hiệp đồng loại

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, cầu nguyện cho tất cả anh chị em Việt Nam của chúng ta trong Đức Tin.

- Chúng ta hãy cầu nguyện để người Việt Nam được tự do tuyên tín niềm tin của họ mà không bị khinh miệt, báng bổ.

- Chúng ta hãy cầu nguyện để những cố gắng đeo đuổi tôn trọng luật pháp của người Công Giáo Việt Nam không còn bị phỉ báng lăng nhục, cầu cho Hội Thánh Công Giáo Việt Nam không còn bị miệt thị.

- Chúng ta hãy cầu nguyện để nhân quyền, tự do tôn giáo, các giá trị văn hóa, các giá trị tôn giáo được tôn trọng tại Việt Nam.

- Chúng ta hãy cầu nguyện để các Anh Chị Em giáo dân Công Giáo Việt Nam đang bị giam cầm sớm thoát khỏi lao tù và mạng sống của Anh Chị Em giáo dân Việt Nam không còn bị đe dọa.

- Chúng ta hãy cầu nguyện để Công Lý và Hòa Bình không chỉ là những lời nói xuông trên môi mép mà chuyển biến thành những hành động thật sự.

- Chúng ta hãy cầu nguyện để cho toàn thể Anh Chị Em Việt Nam được tự do tôn giáo.

- Chúng ta hãy cầu nguyện để những áp bức, bất công, những hành vi thô bạo đối với các tín hữu Việt Nam thuộc mọi tôn giáo mau chấm dứt.

- Chúng ta hãy cầu nguyện để giải tán ngay các cuộc bao vây khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

- Chúng ta hãy cầu nguyện để những tài sản có đầy đủ chứng cớ hợp pháp mà quyền sở hữu thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội phải được giao hoàn ngay nguyên trạng hầu sớm đưa vào phục vụ các công ích tôn giáo.

- Chúng ta hãy cầu nguyện để các cuộc tập trung cầu nguyện trong hòa bình, trong ổn định trật tự của Anh Chị Em giáo dân Việt Nam không trở thành vô ích, mà là đưa đến một kết cục tốt đẹp như biến cố đã xảy ra năm 1989 tại Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Chúng ta hiệp thông với toàn thể người Việt Nam.
Xin Chuá nhậm lời chúng con khẩn nguyện.

Olga-Maria Brand
82380 Peißenberg 03.10.2008
 
''Đi gặp cụ Mác, cụ Lê''?
Châu Vũ
19:20 10/10/2008
Trước hết con xin cảm tạ ơn Chúa vì nhũng ích lợi to lớn mà VietCatholic đã và đang làm cho Giáo Hội và Quê hương Việt Nam. Lịch sử Giáo Hội và Lịch sủ Việt Nam sẽ ghi công Cha và Quí vị. Con vùa đọc bài “Galilée, người đã thắng ta”, con thấy hay quá, nên mạnh dạn gửi đến Cha và Quí vị bài viết dưới đây của con. Đây là một trích đoạn trong cuốn bút ký “Trường Sơn - Trường Hận”, nói về chuyến đi đầy liều lĩnh và nguy hiểm của vợ chồng con dọc suốt cái gọi là Xa Lộ Hồ Chí Minh mới đây... Châu Vũ

ĐI GẶP CỤ MÁC, CỤ LÊ.

Trước khi qua đời, trong di chúc, Hồ Chí Minh đã ghi lại là sau khi chết, ông ta sẽ “... đi gặp cụ Mác, cụ Lê...”.

Câu nói này của ông Hồ Chí Minh đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, nhất là trong những ngày còn nằm ở các trại tù Cộng Sản. Tại vì với câu nói đó, xét về mặt lý thuyết của chủ nghĩa Cộng sản vô thần, ông Hồ Chí Minh đã là một con người “cực kì phản động và hoàn toàn lạc hậu tụt dốc” vì còn duy tâm thần thánh, còn tin vào sự hiện hữu của linh hồn sau cái chết. Nó cũng đi ngược hẳn với truyền thống “về với Ông Bà” như trong phong tục tập quán của người dân Việt Nam, điều mà ông Hồ chí Minh luôn luôn sử dụng để tuyên truyền quảng cáo và tô vẽ cho chính mình. Với câu nói này, Hồ Chí Minh đã lộ nguyên hình là một người vong bản mất gốc vọng ngoại, quên giống nòi, quên Ông Bà Tổ tiên.

Tôi đã phỏng đoán thế này:

- Cũng như hầu hết mọi người khác, khi sắp phải đối diện với Thần chết, một người chai đá, cực kì chuyên chính vô sản, một người vô thần duy vật chính cống như ông Hồ Chí Minh cũng cảm thấy chới với, thấy bơ vơ, thấy run sợ. Không biết sau cái chết sẽ ra sao, sẽ đi về đâu, sẽ gặp phải những gì, nên ông Hồ Chí Minh đã vô cùng hoang mang, đã phải cố bám víu, đã phải cố tin rằng chết chưa phải là hết, linh hồn vẫn còn sống, vẫn còn tồn tại. Cuộc đấu tranh nội tâm của con người cộng sản duy vật đầu sỏ này chắc chắn là đã vô cùng gây cấn mãnh liệt. Con người đang hấp hối chờ chết đó, đã bị day dứt và giầy vò ghê rợn lắm, nhất là đến phút chót của cuộc đời nhà lãnh tụ Cộng sản vô thần này, duy vật đã thua, và duy tâm đã thắng. Vì linh hồn vẫn còn tồn tại để đi gặp cụ Mác, cụ Lê.

- Người Việt Nam chúng ta thường nói là “đi gặp Ông Bà Tổ Tiên”. Ông Hồ Chí Minh không dám đến gặp cha mẹ, ông bà nội ngoại, vì khi còn sinh thời, ông ta không những đã chối bỏ anh em bà con ruột thịt, mà ngay cả cha mẹ, cả hai đấng sinh thành, cũng chẳng bao giờ thấy ông ta đề cập tới. Ai cũng biết là rất nhiều cuốn sách ca tụng Hồ Chí Minh là chính do bàn tay ông Hồ Chí Minh viết, nhưng ông ta là con cái nhà ai, cho đến hôm nay, chẳng ai biết rõ, mỗi người suy đoán một khác. Ngay cả ông ta Họ gì, tên là chi, cũng rất mù mờ, anh em ruột thịt, họ hàng thân thích gồm có những ai, chúng ta chưa hề hay biết tườnh tận. Bất hiếu, bất nghĩa như vậy, làm sao mà dám vác mặt xuống gặp Ông Bà, Cha Mẹ!

- Gặp mặt Tổ Tiên, các Đấng Tiền Bối và các Anh Hùng Dân Tộc, ông Hồ lại càng run sợ hơn nữa. Riêng một mình Trần Hưng Đạo thôi cũng đã đủ mệt rồi. Nội cái tội dám cả gan tôi tôi, bác bác, dám tự động nhảy lên chễm chệ ngồi ngang hàng với Ngài là đã đáng chém bay đầu rồi.

Bác cứu non sông thanh kiếm bạc,
Tôi dẫn Năm Châu tới Đai Đồng
.”

Chỉ một câu “tôi dẫn Năm Châu tới Đại Đồng” là đã dư đủ chứng cớ rồi, đã quá rõ ràng là ông Hồ Chí Minh đã lừa dối, đã dụ dỗ biết bao sinh linh Việt Nam vào cõi chết, hoàn toàn không phải vì nền Độc Lập của dân tộc mà chỉ nhằm mục đích tối hậu là đưa Việt Nam vào Thế Giới Đại Đồng, đến Thế Giới Cộng Sản.

- Gặp Đức Phật, lại càng không dám, sát sinh một con ruồi, một con kiến con bị luận phạt, thì tàn sát biết bao sinh linh trong hai cuốc chiến tranh đẫm máu, trong thủ tiêu, trong đấu tố, trong Cải cách ruộng đất, trong Đánh Tư sản, trong Học tập cải tạo... Với bằng ấy mạng người chết oan, thì cả trăm vạc dầu sôi đang chờ là cái chắc rồi, sao mà dám tới gặp Đức Phật.

- Gặp Chúa lại càng nguy hơn nữa. Đạo Đức Chúa Trời có mười Điều Răn:
• Thứ bốn, thảo kính cha mẹ. Hồ chí Minh tệ bạc với ông bà, cha mẹ làm sao, ở trên ta đã biết rồi.
• Thứ năm, chớ giết người. Giết ở ngoại quốc, ta không nói tới, giết trong hai cuộc chiến tranh ta đã biết rồi. Còn bao nhiêu đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, bao nhiêu người Việt quốc gia đã bị cho đi “mò tôm”, bao nhiêu “địa chủ, cường hào” bị đấu tố, gục chết oan ức.
• Thứ bảy, chớ lấy của người. Bao nhiêu châu báu trong tuần lễ vàng, trong cải cách ruộng đất, trong đánh tư sản mại bản... Bác lấy đi đâu?

Cho nên, trước khi chết, Bác đã tự lừa dối mình rằng đừng run sợ, đừng bồn chồn lo lắng, vì Bác sẽ không gặp ông bà, tổ tiên hay là gặp Phật, gặp Chúa đâu, mà Bác sẽ đi gặp phe ta, sẽ về với cụ Mác, cụ Lê, sẽ được hai Cụ cho hưởng phước thiên đàng. .. cộng sản đời đời. Đúng là con... cáo già.

Không biết những suy đoán trên đây có được bao nhiêu phần chính xác. Nhưng lập luận sau này thì sẽ không ai có thể chối cãi. Đó là câu nói “về với cụ Mác, cụ Lê” trong di chúc của ông Hồ Chí Minh, đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, câu nói trên giấy trắng mực đen đó, đã và sẽ là một bản án tử hình cho sự nghiệp và thanh danh không những của riêng cá nhân Hồ Chí Minh, mà còn cho cả đảng Cộng Sản Việt Nam do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo nữa. Câu di chúc ngắn ngủi đó đã tự thú nhận rằng, tất cả mọi hành động, mọi ý nghĩ, mọi kế hoạch của ông Hồ Chí Minh – kể cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ –chỉ nhằm một mục đích duy nhất là phục vụ phong trào Cộng sản quốc tế của Karl Marx và Lenin, chứ không hề vì lợi ích của dân tộc Việt Nam. Chúng ta biết rằng cuộc đời của tất cả các vị chân tu, của tất cả các tín đồ thuần thành thuộc mọi tôn giáo đều nhằm phục vụ cho Đấng mà họ tôn thờ – trực tiếp qua việc phục vụ tha nhân – do đó, sau khi chết, ho đều hy vọng sẽ được gặp Chúa, gặp Phật...

HCM chỉ phục vụ cho Karl Marx, cho Lenin nên đã mơ ước được Mác Lê tưởng thưởng ở đời sau.
 
Cái bẫy ngôn từ của Cộng sản Việt nam
Lê Đạo
19:36 10/10/2008
CÁI BẪY NGÔN TỪ CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM ?

Tiến bộ là: (1) Phát triển theo hướng đi lên, trở nên tốt hơn. Ví dụ: giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. (Từ điển tiếng Việt 1997 – Trang 952). Trả lại là: (2) Đưa lại cho người khác cái đã lấy đi... của người ấy. Ví dụ: trả tự do cho người bị bắt. (Từ điển tiếng Việt 1997 – Trang 984). Trung bình là: (1) Ở vào khoảng giữa của hai cực trong bậc thang đánh giá, không khá cũng không kém, không cao cũng không thấp. (Từ điển tiếng Việt 1997 – Trang 1013). Phục hồi là: Khôi phục cái đã mất. Ví dụ: Phục hồi nhân phẩm. (Từ điển tiếng Việt 1997 – Trang 764). Phát triển là: Biến đổi hoặc làm cho biến đổi từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp. (Từ điển tiếng Việt 1997 – Trang 743).

Từ chỗ yếu kém mà lên mức trung bình, người ta thường gọi là phục hồi (Ví dụ: Phục hồi thị trường chứng khoán… Trường hợp này, không ai gọi là tiến bộ thị trường chứng khoán cả). Như vậy, khi sử dụng từ tiến bộ trong tự do tôn giáo, tôn trọng nhân quyền người ta phải hiểu, và mặc nhiên thừa nhận tình trạng của sự tiến bộ tại thời điểm đó là đang ở mức trung bình. Nếu nó đang ở tình trạng dưới mức trung bình nghĩa là nó bị đánh cắp, bị lấy đi cái tối thiểu mà con người phải được hưởng thì không thể sử dụng từ tiến bộ, mà phải dùng từ trả lại. Kẻ cắp phải trả lại vật ăn cắp đã, rồi mới có thể sửa chữa bồi thường thiệt hại được chứ… Tiếp theo mới là sự tiến bộ, trên trung bình - trung bình khá… Từ tiến bộ còn hàm chứa cả yếu tố lượng ở trong nữa, nếu chỉ là sự thay đổi bề ngoài không ai gọi là tiến bộ cả. Ví dụ: Một lễ hội làng có thêm các trò hiện đại không phải truyền thống để lôi kéo thanh niên tham gia… Người ta không thể gọi là lễ hội có nhiều tiến bộ được, mà chỉ có thể gọi lễ hội có thêm các hình thức mới mà thôi. Tiến bộ nghĩa là phải có sự phát triển, mà phát triển thì phải có vật đã, có rồi thì mới phát triển được chứ. Một trứng sắp thụ tinh với một tinh trùng, còn chưa phải là bào thai lại càng không phải là một nhân vị, thì phát triển nhân cách gì? Mà gọi vống là tiến bộ? Nếu trước đó đã có vật, nhưng bị lấy đi, bị mất, thì phải hồi phục cái đã mất, rồi mới có cái mà tiến bộ chứ.

Từ trước sự kiện đòi đất đòi công lý của Tổng Giáo Phận Hà Nội người ta đã sử dụng rất nhiều từ "Tiến bộ về tự do tôn giáo" – "Tiến bộ về nhân quyền"… Nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo cũng đem sử dụng từ: "Có tiến bộ trong tự do tôn giáo ở Việt Nam". Như thế, đã vô tình mà giúp cho cộng sản có được bộ mặt mới, đẹp hơn với quốc tế. Và quốc tế căn cứ vào những lời nhận xét từ chính các vị lãnh đạo tôn giáo mà kết luận: Việt Nam có tiến bộ về tự do tôn giáo (Dù là ít, chưa như mang muốn... Nhưng có tiến bộ). Cộng sản thì cười thầm vì trúng ý gian của nó, các tôn giáo sau khi được nghe những kết luận như vậy, thì loay hoay giải thích lại với thế giới rằng tuy có tiến bộ… nhưng… Thật đúng là "Thả gà ra đuổi".

Ngay như gần đây nhất là trong cuộc gặp mặt giữa Đức Tổng Giám Mục Hà Nội với ngài Đại Sứ Hoa Kỳ ngày 6.10.2008, theo bài phỏng vấn của Trà Mi mới hôm qua (9.10.2008), thì ông đại sứ Michael Michalak thuật lại lời nói của TGM Hà nội rằng "Có tiến bộ về tự do tôn giáo ở Việt Nam". Chúng tôi không biết ông đại sứ có thuật lại đúng quan điểm hay lời nói của Đức tổng hay không. Nhưng nếu trường hợp có sử dụng cụm từ đó, thì có thể nghĩ rằng vì Ngài là tu sĩ, luôn nhìn nhận vấn đề ở góc độ nhân bản, động viên khích lệ một sự sám hối, phục thiện từ những người cộng sản dù rất nhỏ nhoi, dù rất mịt mờ… Nhưng sự thực đã nhãn tiền, lời phát biểu chân thành của Ngài tại UBND T.P Hà Nội ngày 20.09.2008 đã được cộng sản đón nhận như thế nào…? Không thể trách các tu sĩ, vì trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, các tu sĩ Công Giáo vẫn phải nhìn nhận người cộng sản là tha nhân… Còn chúng ta, là những người công chính, đang phải đấu tranh để vạch mặt chỉ tên mưu ma chước quỉ cộng sản… Phải hỗ trợ các Ngài để phân lập được các mưu đồ bẩn thỉu của cộng sản, cá nhân cộng sản, chút nhân tính còn sót của cộng sản (nếu có)…

Lời Chúa dậy: "Hãy không ngoan như con rắn, và hiền lành như chim bồ câu" luôn phải được hiểu trọn vẹn. Thiếu bất kỳ vế nào cũng là tai hoạ: (1) Biến thành quỉ dữ - (2) Hay biến thành nạn nhân - Mà đã là nạn nhân thì trở thành gánh nặng người khác phải mang chứ làm sao cứu được tha nhân? Làm sao bảo vệ được đạo pháp, đòi được công lý???

Bạo quyền Việt cộng có hàng trăm mưu sâu, hàng ngàn kế độc… Trong khi những người công chính thì đến sử dụng từ ngữ để vạch mặt chỉ tên nó cũng không chính xác… Cả thế giới văn minh đang đứng bên những người công chính Việt Nam đòi công lý nhân loại tất nhiên được hưởng… Họ không làm thay, nên khi dựa vào họ còn phải biết hướng họ đến đúng nơi đúng lúc, đúng tính chất mức độ nữa… Nếu không, bao giờ dân tộc Việt chiến thắng được cộng sản, đòi được công lý, tự do, hoà bình, hạnh phúc?

Lậy Chúa! Chúa đã ban cho con sự ngộ giác! Xin cho con làm được điều con đã giác ngộ!
 
Tôi cũng muốn nói lên sự thật
Trần Quốc Cường
22:00 10/10/2008
TÔI CŨNG MUỐN NÓI LÊN SỰ THẬT

Mặc dù đang sống tại Việt Nam, sau khi đọc bài “Bức tâm thư gởi Đảng và những người yêu mến sự thật” của cô Lê Thị Thanh Thảo đăng trên trang web vietcatholic.net, tôi thấy mình không thể ngồi yên cách hèn nhát được mà cần phải góp tiếng nói cùng với những người yêu nước bày tỏ tâm tình với nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Ai sẽ lên tiếng... Who will speak

Trước tiên tôi xin giới thiệu về bản thân mình. Tôi tên là Trần Quốc Cường, 28 tuổi, quê Thái Nguyên, tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội khoa Văn. Hiện nay tôi đang học cao học và công tác tại TPHCM. Tôi là con của cán bộ huyện đã về hưu, và cũng như cô Thảo, tôi không phải đạo Thiên Chúa. Có lẽ nhiều người sẽ hỏi tôi: không phải đạo Thiên Chúa thì viết làm gì? Tôi xin trả lời ngay: tôi viết vì ủng hộ sự thật! Không phải chỉ những người có đạo mới yêu sự thật mà tất cả mọi người đều yêu mến nó.

Mới đây tôi được một đồng nghiệp gởi bài “Bức tâm thư gởi Đảng và những người yêu mến sự thật” của cô Thanh Thảo, một nữ sinh viên du học tại Australia, đăng trên trang web vietcatholic.net. Thế là lần đầu tiên tôi biết trang web này. Tôi đã mất mấy đêm để đọc các thông tin trên đó. Và từ trang web, người ta cho tôi đường link qua nhiều trang khác. Đọc xong tôi cảm thấy mình thật xấu hổ và buồn vô cùng vì tôi nhận ra mình đã bị lừa đảo suốt 28 năm qua!

Thực ra chuyện tranh chấp đất đai trong vụ Tòa Khâm Sứ và nhà thờ Thái hà giữa người công giáo và chính quyền không lạ gì đối với tôi, vì báo đài trong nước có đưa tin. Nhưng từ trước đến nay tôi vẫn nghĩ đó là do một số giáo sĩ đã lợi dụng kích động quần chúng làm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, và tôi cũng bực tức với lời phát biểu của bác giám mục Ngô Quang Kiệt về tấm hộ chiếu Việt Nam. Nhưng khi đọc những thông tin trên trang web vietcatholic tôi mới thấy cái nhìn của mình quá thiển cận. Mình chỉ nghe được một chiều. Mình bị nhà nước nhồi sọ. Nhất là khi đọc xong bài của bạn Thảo và những bài tâm huyết khác tôi cảm thấy buồn bã và căm tức những cán bộ ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; căm tức hệ thống báo đài VN và căm tức cả các ông lớn khác như ông Mạnh, ông Dũng, ông Triết... vì mấy ông này là đầu sỏ của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Chính mấy ông này đã làm ngơ để thuộc cấp của mình làm những việc lừa đảo và hại nhân dân trong thời gian qua.

Tại sao tôi nói thế? Bởi vì khi tòa giám mục Hà nội bị quân của các ông phong tỏa để xây công viên, bác giám mục Kiệt đã gởi đơn khẩn cấp kêu cứu các ông, tại sao các ông không chỉ đạo tạm ngưng để xem xét? Các ông không nhận được đơn hay nhận được mà không đọc? Các ông mù chữ không đọc được hay đang “bận” uống bia ôm hoặc tắm bùn như ông bộ trưởng GTVT trước đây đã làm? Tại sao các ông không cho báo chí đăng tin rằng: miếng đất đó trước đây đang phục vụ nhu cầu tôn giáo của giáo hội Thiên Chúa, rồi bị Đảng chiếm dụng. Và những người này đã kiên nhẫn làm đơn suốt mười mấy năm trời để đòi lại, các ông không điếm xỉa mà lại rục rịch xây khách sạn, vũ trường gì đó. Đến khi họ không còn con đường nào khác đành phải thắp nến cầu nguyện hằng đêm để xin trời phật phù hộ. Khi họ đang cầu nguyện, các ông cho công an đến đánh và xịt hơi cay vào mặt họ.Tại sao các ông không cho báo chí nói như vậy mà chỉ nói rằng họ là những người không tuân thủ pháp luật, gây mất an ninh trật tự xã hội?

Đợi mãi đến khi công viên xây xong, các ông mới gặp mấy giám mục. Tưởng sẽ giải quyết được gì cho họ nhưng cũng không được. Thật là hết nói! Khi biết đầy đủ thông tin về vụ này, tôi cũng có tâm trạng như cô Thảo: “Chẳng lẽ Đảng Cộng Sản Việt Nam không còn ai tài ba hơn, không còn ai học cao hiểu rộng hơn, không còn ai cao thượng hơn để lãnh đạo và giải quyết các yêu cầu của người dân cách hợp lý hợp tình và thuận lòng người sao?”

Về lời phát biểu của bác giám mục Kiệt, tại sao các ông không cho báo chí đăng nguyên văn lời phát biểu của bác ấy mà chỉ cắt xén lấy một câu rồi xuyên tạc theo ý các ông? Đọc toàn văn lời phát biểu của bác Kiệt, tôi không thấy bác ấy là người phản bội dân tộc, mà phải nói là một anh hùng, vì bác ấy làm nhiều nghĩa cử cao đẹp. Nhất là khi nghe băng, tôi thấy giọng bác điềm đạm và thẳng thắn chứ không hằn học như mấy phát ngôn viên truyền hình tường thuật. Tại sao các ông làm ngơ để báo chí mạt sát người dân như vậy? Các ông đã chỉ đạo một cách ngu xuẩn để gây ra tai hại không lường được! Tôi xin phân tích để các ông thấy.

1. Khi đơn phương quyết định xây công viên, các ông chỉ được việc chứ không được người. Nếu đó là công việc liêm chính thì tại sao, trong khi xây dựng, các ông cho công an đứng dày đặc xung quanh? Công viên đã xây xong, cây cối xanh tươi, nhưng lòng các ông có thanh thản không? Nếu thanh thản thì tại sao các ông lại tiếp tục cho gắn camera, máy nghe trộm để theo dõi khu vực tòa nhà của bác giám mục Kiệt? Nếu các ông đang làm một việc chính nghĩa thì tại sao lại sợ những người dân bình thường? Tại sao các ông không đủ tri thức để tính toán xây dựng một công trình có tiếng khen ngàn đời mà lại xây dựng một công trình bị nguyền rủa muôn thuở?

2. Vì tầm nhìn quá thiển cận nên các ông chỉ thấy người Thiên Chúa giáo đang đòi mấy hecta đất chứ không nhận ra họ đang đòi công bằng và sự thật cho đất nước! Trước đây thì không, nhưng bây giờ tôi triệt để tán thành công việc của họ. Đất nước chúng ta còn quá nhiều bất công, gian dối, tham nhũng và áp bức... nên rất cần những người dám nói sự thật như bài của cô Thảo: “Đất nước Việt nam cần nhiều con người can đảm nói lên sự thật như Giám Mục cùng những người khác đã làm. Chúng cháu rất trân trọng những vị này hơn nhiều cán bộ nhà nước” . Những người chân chính, bất luận có tôn giáo hay không, rất trân trọng công bằng và sự thật. Họ sẵn sàng chết để bảo vệ những giá trị đó. Một đất nước hùng mạnh phải xây dựng trên công bằng và sự thật.

3. Cũng vì tầm nhìn quá thiển cận nên các ông chỉ đạo cho báo đài xuyên tạc và mạt sát bác giám mục Kiệt. Các ông tưởng như vậy sẽ làm mất uy tín của họ sao? Trái lại chính các ông bị mất uy tín. Chính Đảng Cộng Sản bị mất uy tín. Cả hằng ngàn người trẻ, trong đó có tôi, nhờ dịp này đã giác ngộ và nhận ra mình bị lừa đảo suốt mấy chục năm qua. Cô Thảo đã thay mặt cho chúng tôi nói lên điều đó: “Bây giờ chúng cháu đủ khôn lớn để nhận định rằng báo chí Việt Nam không còn là công cụ của nhân dân mà chỉ là công cụ của một phe đảng, một băng nhóm nào đó thôi. Nó không còn phục vụ lợi ích của nhân dân nữa mà chỉ phục vụ cho lợi ích của bọn cầm quyền. Vì thế chúng cháu không còn tin vào báo chí Việt Nam như xưa nữa” .

Lý do khác khiến tôi viết bài này vì tôi cũng ở trong số những người yêu mến sự thật. Hơn nữa tôi được xã hội xếp vào giới trí thức, ăn lương theo giới trí thức. Vì thế tôi phải suy nghĩ và đánh giá sự việc theo đúng tầm trí thức. Tôi không thể im lặng cách hèn nhát mà phải có trách nhiệm góp sức thông tin sự thật sau khi mình đã nhận ra. Từ khi đọc bài viết của cô Thảo tôi thấy xấu hổ với chính mình! Tại sao một cô bé còn đang ngồi ghế nhà trường mà nhận ra sự thật và lên tiếng bênh vực, còn mình thì không? Tôi thấy mình không thể để một chế độ gian dối đè đầu đè cổ mãi nữa. Tôi phải đứng lên giải thoát chính mình và đẩy lui sự gian dối. Tôi hoàn toàn khâm phục tinh thần kiên cường của bạn Thảo. Tôi sẽ tiếp tục kêu gọi nhiều người đóng góp tiếng nói chân thật cho đất nước Việt Nam thân yêu. Có nhiều người như vậy, tôi hy vọng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ thoát khỏi cảnh bị áp bức và gian dối như hôm nay.

Tôi xin ai đọc bài này vui lòng gởi cho những người khác, nhất là những người ở trong nước, để họ không còn bị nô lệ bởi một chế độ đầy bất công và lừa bịp nữa. Tôi xin các báo đài trong nước hãy đăng bài của tôi để phổ biến đến mọi người.

Tôi cũng xin cám ơn cô Thảo. Cám ơn trang web vietcatholic cùng những trang web khác tôi đã đọc. Xin cám ơn tất cả những người đã và đang nói sự thật, dù họ thuộc tôn giáo nào hay không có tôn giáo. Nhờ họ mà tôi tìm lại được chính mình.

TPHCM ngày 10.10.2008

Trần Quốc Cường, Bình Thạnh

Địa chỉ mail lien lạc: trqcuong95@yahoo.com
 
Đã có “chỉ đạo” báo chí trong vụ xử 2 phóng viên
Thiện Giao - RFA
22:46 10/10/2008
Tổng Biên Tập các cơ quan truyền thông đã nhận được chỉ đạo từ Ban Bí Thư Trung Ương Đảng về vụ xử hai phóng viên của báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên vào ngày 14 tới đây.

Cùng bị đưa ra tòa với hai phóng viên này cón có 1 thiếu tướng và 1 thượng tá công an vào ngày 14 sắp tới.

Điều đặc biệt, nội dung chỉ đạo cho thấy, “trấn an dư luận” là quan tâm số một của giới lãnh đạo hiện nay.

Thay đổi tội danh

Ngày 14 tháng Mười tới đây, “một tướng Công An, một thượng tá Công An, và hai nhà báo” sẽ bị mang ra xét xử trong một vụ mà báo chí trong nước gọi là “xét xử công khai.”

Gần đây, điều đặc biệt là tội danh của những người bị mang ra xét xử đã được thay đổi.

Cụ thể, thiếu tướng công an Phạm Xuân Quắc và thượng tá công an Đinh Văn Huynh bị đổi tội danh từ “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang “cố ý làm lộ bí mật công tác.”

Đối với 2 nhà báo của 2 tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ, thì tội danh bị đổi từ “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”

Chỉ đạo từ Trung ương

Theo tin chúng tôi nhận được từ những nguồn đáng tin cậy ở Việt Nam, thì ngày 6 tháng Mười vừa qua, Ban Bí Thư Trung Ương Đảng đã họp với các ngành liên quan. Buổi họp do ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, chủ trì.

Cuộc họp này đã quyết định đưa ra một số chỉ đạo, và các chỉ đạo này, một ngày sau đó, được Bộ Thông Tin – Truyền Thông lập lại trong cuộc họp với Tổng Biên Tập các báo.

Trước khi trình bày các chi tiết liên quan đến những chỉ đạo cho báo giới Việt Nam liên quan đến vụ xử ngày 14 và 15 tháng Mười, chúng tôi xin trích dẫn một vài ý kiến của một số đảng viên về vụ án này.

Các ý kiến sau đây, trích từ một đoạn âm thanh được loan truyền trên Internet, và được công luận tin là âm thanh trong cuộc hội thảo với sự tham dự của Ban Tuyên Giáo, trong đó có ông Tô Huy Rứa, trung tướng công an Vũ Hải Triều đại diện Bộ Trưởng Bộ Công An và ông Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao.

Dư luận Việt Nam xôn xao trước tin 2 phóng viên nhiều uy tín của hai tờ báo lớn nhất nước bị bắt giam và khởi tố vì những bài viết về vụ tham nhũng đánh bạc PUM18. AFP PHOTO. “Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên phản ứng dữ dội. Nhất là ngày 14, tôi đọc bài báo “Phải Trả Lại Tự Do Ngay Cho Các Nhà Báo Chân Chính,” tôi cứ tưởng đây là báo Mỹ cơ, chứ không phải báo mình.”

Một đoạn khác:

“Và tôi nói thật với các đồng chí: trong làm chuyên môn, chúng ta phải để ý đến chính trị, chứ nếu chuyên môn tách rời chính trị, thì không cẩn thận công tác chuyên môn đó, nó sẽ làm giảm niềm tin của dân ta, của Đảng và Chính Phủ, và cái nguy hiểm nọ đang chống chất lên cái nguy hiểm kia, và đẩy đất nước ta đến cuộc khủng hoảng ghê ghớm.”

Thêm một đoạn nữa:

“Tại làm sao, chúng ta lúng túng thế nào, mà sự kiện nó nóng sùng sục suốt từ đầu tháng Năm mà đến bây giờ Ban Tuyên Giáo của ta mới làm được cuộc hướng dẫn dư luận? Anh em vừa rồi đi báo cáo nghị quyết trung ương 6, rất khốn khổ vì cái vụ này.”

Trở lại với những chỉ đạo từ Ban Bí Thư Trung Ương Đảng đối với báo giới trong phiên xử ngày 14 và 15 sắp tới. Theo nguồn tin chúng tôi nhận được, thì “chỉ đạo” gồm các điểm sau đây:

Thứ nhất, khi tường thuật vụ xử, báo chí phải viết rằng “2 sĩ quan công an là ‘nguyên cán bộ công an,’ và hai nhà báo là ‘nguyên nhà báo.’”

Thứ hai, việc thay đổi tội danh so với lúc khởi tố phải được giải thích để công chúng biết, rằng đây “không phải là đặc quyền đặc lợi đối với công an và nhà báo” mà là sự “xem xét các cống hiến của họ.”

Thứ ba, khi viết, báo chí phải “dân chủ, công khai, công bằng, khách quan, đúng người, đúng việc” nhưng “không được bình luận và không được suy diễn.”

Thứ tư, Tổng Biên Tập các báo phải dự phòng các vấn đề phức tạp có thể diễn ra quanh phiên toà.

Thứ năm, phải xem đây như một phiên toà bình thường, như bất cứ phiên toà nào khác.

Và thứ sáu, không nên để bạn đọc hiểu là những bị cáo này được hưởng đặc quyền đặc lợi.

Dư luận bức xúc

Theo tin của báo chí trong nước thì vụ xử này sẽ diễn ra “công khai.” Tuy nhiên, vẫn theo nguồn tin của chúng tôi, thì chỉ có 25 phóng viên đại diện được tham dự phiên toà, vì “phòng xử chật.” Những nhà báo tham dự sẽ được “an ninh của Bộ Công An” cấp thẻ.

Khi tường thuật vụ xử, báo chí phải viết rằng “2 sĩ quan công an là ‘nguyên cán bộ công an,’ và hai nhà báo là ‘nguyên nhà báo.

Chỉ đạo của Ban Bí Thư

Trở lại với đoạn âm thanh được lan truyền trên Internet mà dư luận cho là một cuộc hội thảo nhằm mổ xẻ vấn đề bức xúc dư luận.

Các thành viên tham dự đã liên tục đặt câu hỏi chất vấn trung tướng Vũ Hải Triều, phụ trách An Ninh Bộ Công An, và ông Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, Hoàng Nghĩa Mai, về các khía cạnh pháp lý liên quan đến vụ bắt và thả ông Nguyễn Việt Tiến, vụ bắt 2 sĩ quan công an và 2 nhà báo.

Điều nổi bật, là nhiều đảng viên tham gia hội thảo tỏ ra rất bất mãn vì thời điểm bắt giam, sự bất nhất trong án lệnh đối với ông Tiến, và đặc biệt là sự bất bình của dư luận. Dưới đây là một số trích đoạn của phần âm thanh.

“Bắt đúng vào lúc Đại Hội Phật Đản toàn thế giới tại Việt Nam. Hàng nghìn đại biểu, hàng trăm nhà báo. Chúng ta thiếu gì cách bắt, tôi chắc là ông Quắc, ông Huynh, ông Hải, ông Chiến không chạy trốn. Chúng ta không bắt lúc này thì bắt lúc khác. Trong tay mình mà có gì đâu. Tại sao lại bắt lúc Đại Hội Phật Đản toàn thế giới? Có người nói đây là vô chính trị. Một việc làm vô chính trị.”

Một đoạn khác:

“Vừa rồi, rất khổ với các đồng chí lão thành Cách Mạng, các đồng chí ở các phường, đã về hưu, các đồng chí ấy quay chúng tôi ở cái chỗ này ghê gớm lắm.”

Và đoạn khác nữa:

“Đây là một vấn đề rất lớn, nhân dân rất quan tâm, đặc biệt là những người yêu Chủ Nghĩa Xã Hội, yêu Đảng, yêu dân tộc, rất quan tâm. Việc này đã làm quá chậm rồi. Nay cần phải có một tài liệu thuyết phục.”

Bạn nghĩ gì về sự can thiệp của Ban Bí Thư trung ương đảng vào vụ xử các nhà báo? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn. email: vietweb@rfa.org

Một luật sư, yêu cầu không nêu tên, nói rằng “nếu quả thật có việc xét đến cống hiến để đổi tội danh, thì đây là một yêu cầu phi pháp.”

Luật sư này nói, rằng “thay đổi tội danh và hình phạt là rất khác nhau. Thay đổi hình phạt thì có thể xét đến yếu tố “cống hiến,” tức là “cống hiến” chỉ áp dụng khi “lượng định hình phạt.”

Ông cũng nhấn mạnh, “theo luật, tội danh là không thể thay đổi, trừ khi có chứng cứ mới.”
 
Vấn đề Tượng Đức Mẹ tại Tòa Khâm Sứ cũ
+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang
23:40 10/10/2008
Vấn đề Tượng Đức Mẹ tại Tòa Khâm Sứ cũ

Sau những ngày căng thẳng giữa chính quyền và các vị liên quan ở Thái Hà và Toà Khâm sứ cũ, nay công việc bề ngoài xem có vẻ êm ả, nhưng bên trong vẫn còn ấm ức sôi sục những tình cảm khác biệt. Hai vườn hoa đã được khánh thành. Các tượng Đức Mẹ cũng đã bị di chuyển, hai bên đã xác nhận chủ quyền trên các mảnh đất đó. Thực ra, như “ván đã đóng thuyền, gạo đã thành xôi”…, nên một số người đã phát biểu hai bên cùng có thắng lợi theo ý kiến của mình.

Bên những người Công giáo cho rằng có vườn hoa để dùng chung còn hơn để cho các quan tham nhũng lũng loạn như mọi người tố cáo. Sau này (nói cho có vẻ lạc quan hơn) nhà nước lại trao trả cả Toà Khâm Sứ, cả vườn hoa cho cho Toà TGM và DCCT Thái Hà cũng nên, biết đâu được!?

Sách Giảng Viên đã nói, mọi sự có thời của chúng, có thời đào lên, có thời lấp đi; có thời chiến tranh, có thời hoà bình; có thời xây dựng, có thời phá đổ… Cứ gẫm xem trên đất nước ta thì thấy, tình cảnh hôm nay so với cách đây mấy năm về trước cũng đã khác biệt rất nhiều. Sự hơn kém nhau ra sao chắc mọi người đã rõ cả.

Sự bức xúc nhất trong vụ việc vừa qua đã gây tác hại không nhỏ cho khối đoàn kết dân tộc và sự tin tưởng của đồng bào Công giáo nói chung cũng như các tôn giáo khác nói riêng, đó là việc di chuyển tượng ảnh ra khỏi vị trí cũ, nhất là bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi dưới gốc cây đa ở TKS.

Điều này tôi đã thưa với các vị chức trách, đây không phải là bức tượng bình thường như ở Đồng Đinh – Ninh Bình, nhưng đây là bức tượng đã gắn liền với lịch sử của dân tộc, của lịch sử tôn giáo. Quả vậy, bức tượng đã được dựng lên để ghi nhớ cuộc chiến thắng giặc Cờ Đen đến cướp bóc dân ta cách đây cả trăm năm. Cha ông ta đã đánh thắng giặc ở chốn này nên đã dựng tượng Đức Mẹ ở gốc cây đa nhằm tạ ơn Đức Mẹ và làm biểu tượng nhắc nhớ cho con cháu mai sau.

Trong khi tiến hành san lấp TKS, tôi được vinh hạnh đến gốc cây đa để thăm lại tượng Đức Mẹ và nói với một vị quan chức rằng: “Xin các vị đừng đụng đến bức tượng, núi đá và cây đa là những kỷ niệm thiêng liêng cha ông chúng tôi để lại. Vì đụng tới là đụng vào những quả bom nguyên tử có thể gây hậu quả không lường trước được”. Bức tượng chính là tình cảm thiêng liêng của người Công giáo Thủ đô và mọi người trên thế giới, nhất là những ai gốc gác Hà Nội ngày nay đang ở khắp bốn phương trời. Và tôi cũng đã cắt nghĩa cho một vị cán bộ cao cấp, ông rất thú vị vì lần đầu tiên được nghe như vậy.

Thế mà không lâu sau đó, ngày 25 tháng 9 năm 2008, đoàn người mang xe vận tải kéo theo thùng chứa bằng tôn đến mang bức tượng ra khỏi vùng núi đá cây đa, gây xúc động và chán nản trong hàng ngũ những người Công giáo. Được biết, nhiều nơi giáo dân chán nản không muốn tham gia làm gì, kể cả hội họp, tham gia các tổ chức xã hội… Trong khi đó, lực lượng bên ngoài đang làm rùm beng chống đối dữ dội. Tôi rất buồn chán và mong có thể đóng góp phần nào để cứu vãn tình thế hay không!?

May quá, tôi được tin có sự hạ nhiệt và đối thoại (ít là ở cấp dưới) giữa chính quyền địa phương và Toà TGM Hà Nội. Ví dụ, có nên đăng tải nguyên văn bài phát biểu của Đức TGM Ngô Quang Kiệt cho mọi người đoán xét theo cái nhìn khách quan hay không? TGM Hà nội thì xin đăng trên báo Hà Nội Mới và các báo đài khác nhưng mới chỉ thấy được đăng trên báo Công Giáo Và Dân Tộc, ít ra cũng đăng lên để mở ra sự nhìn nhận khách quan.

Đàng khác, chính quyền quận Hoàn Kiếm đã liên lạc với TGM HN để xin trả lại bức tượng Đức Mẹ đã dời ra khỏi TKS cũ. TGM đã ra điều kiện phải huỷ bỏ công văn kết án và phạt tiền đối với TGM thi TGM mới nhận lại bức tượng. Hai bên đang điều đình mà chưa đi đến ngã ngũ. Riêng tôi, sau khi tham khảo một số ý kiến thì cho rằng, việc xây dựng vườn hoa kể như đã xong rồi, tức là đã phá tan được âm mưu chia chác lợi nhuận trên hai mảnh đất và dĩ nhiên hai mảnh đất vẫn còn đó, chưa biến mất thì sau này vẫn có thể tìm cách đối thoại giải quyết sau. Còn về bức tượng, ngày 25/01/08, giáo dân bức xúc về những biến cố xảy ra nên đã rước tượng Đức Mẹ và Thánh giá đặt vào núi đá. Bức tượng đó là tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Họ cho rằng, trước đây đã có một bức tượng trong hang nhỏ của núi đá, đó là tượng Đức Mẹ Lộ Đức vốn đã được đặt đó cả trăm năm, do tổ tiên cha ông muốn cảm tạ tri ân.

Năm 1960 nhà nước cưỡng bức phải xây dựng bức tường ngăn đôi TGM và TKS, nhưng vẫn chừa ra một cửa nhỏ để bà con giáo dân có lối sang viếng Đức Mẹ. Sau một thời gian nhà nước đã thuyết phục ĐHY Giuse Trịnh Văn Căn rước tượng đó về TGM. Nay giáo dân thấy thời gian thuận tiện nên đã rước tượng Đức Mẹ về đúng vị trí nguyên trạng. Mặc dù là tước hiệu khác nhưng vẫn là tượng Đức Mẹ.

Vậy tôi có ý kiến như sau:

1. Chính quyền trao trả lại tượng Đức Mẹ Sầu Bi cho TGM với điều kiện cho phép TGM đặt lại tượng Đức Mẹ Lộ Đức vào hang đá nhỏ dưới gốc cây đa. Thể thức và nghi lễ tuỳ hai bên điều đình hoặc công khai hoặc kín đáo.

2. Bức tượng đó được đặt vào núi đá cây đa và giáo dân có thể đến cầu nguyện tự do. Thiết nghĩ, có một khu vực kỷ niệm độc đáo càng làm cho vườn hoa mới được xây dựng thể hiện nét văn minh, nhất là nói lên sự tôn trọng tín ngưỡng của nhà nước. Việc đó đã được chứng thực ngay trên các phố phường có miếu mạo, đền thờ được mọi người đến kính viếng… Ví dụ ngôi đền nhỏ bên cạnh ngân hàng Vietcombank gần khu phố Bà Triệu, hay tượng Thánh Phaolô ở khuôn viên bệnh viện Sanh Pôn (Saint Paul) cũng được các vị chức trách bảo vệ rất tốt, xây hàng rào sắt xung quanh, có ghế cho mọi người ngồi và ra lệnh không được phơi quần áo xung quanh tượng đài đó. Chính nơi đó, không ai cản trở và chính tôi đã đến dâng hoa nến cho vị Thánh này; hay trên phố Thanh Niên, đối diện với Nhà thuyền Hồ Tây có một đảo nhỏ cây cối um tùm, trước đây được dùng làm quán ăn, thanh niên thiếu nữ chơi bời nhảy nhót hay chích choác…sau các nhà khảo cổ khám phá ra có thể là đền thờ Cầu Nhi, thờ con chó con, có thể bảo trợ cho TP Hà Nội, nên chính quyền đã ra lệnh trút bỏ quán ăn và sửa sang cho mọi người đến hành hương, cầu an và kính viếng. (Nếu thực sự có chó con làm thành hoàng cho TP Hà Nội, thì chúng ta cũng không nên ái ngại vì TP Rôma cũng nhận một con chó sói cái làm thành hoàng bảo trợ cho Thủ đô nước Italia).

Nếu qua các cuộc đối thoại sắp xếp giữa hai bên trong tinh thần thiện tâm thiện chí và đạt tới các giải pháp như tôi đề ra thì chúng ta đã tháo gỡ khúc mắc đang cháy âm ỉ trong những người có tín ngưỡng cũng như người không tín ngưỡng đang xây dựng khối đoàn kết trong lúc này. Phần nào cũng làm êm đi những bức xúc bên ngoài và đóng góp vào việc cải thiện quan hệ với các nước khác, nhất là quan hệ với Toà Thánh Vatican. Theo chúng tôi, nhà nước đang xúc tiến các liên hệ với các nước đó để đem lại hoà bình và văn minh cho dân tộc.

Mong thay.

Thái Bình, ngày 10 tháng 10 năm 2008.

Giám Mục GP Thái Bình
 
Thông Báo
Ai Tín: LM Jean Marie Trần Văn Phán, OFM, mới từ trần
An-phong Nguyễn Công Minh, ofm
09:55 10/10/2008

AI TÍN



Cha Jean Marie TRẦN VĂN PHÁN, OFM


(quen gọi là cha Duy Ân Mai)
sinh ngày 03-06-1919 tại Thuận Nghĩa, Nghệ An
được Chúa gọi về lúc 09 giờ 30, thứ Sáu ngày 10-10-2008
tại Tu viện Phanxicô Đakao, Saigon, thọ 89 tuổi.
Cha Phán khấn Dòng 66 năm
Thụ phong Linh mục được 59 năm.

Nghi thức tẩm liệm lúc 05 giờ 45, thứ Bảy ngày 11-10-2008
Thánh lễ an táng được cử hành lúc 07 giờ 00, thứ Hai ngày 13-10-2008
tại Nhà thờ giáo xứ Phanxicô Đakao, 50 Nguyễn Đình Chiểu, Đakao, Quận 1.
Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa
Sau đó đưa tro cốt về Nhà Tưởng Nhớ Giáo xứ Phanxicô Đakao.
Xin hiệp lời cầu nguyện cho cha được nghỉ yên trong Chúa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đong Đưa Giữa Trời
Diệp Hải Dung
00:15 10/10/2008

ĐONG ĐƯA GIỮA TRỜI



Ảnh của Diệp Hải Dung ( Hình chụp tại Minto, Sydney. Australia)


Lắng nghe:

Tất cả những gì đang bò đang leo

đều là hồi chuông vô thường.

(Trích thơ Issa Gs. Lưu Văn Vịnh phóng ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền