Ngày 11-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tiệc xót thương
Lm. Minh Anh
05:31 11/10/2020

TIỆC XÓT THƯƠNG
“Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật ngạc nhiên, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay thoạt tiên giới thiệu cho chúng ta một bức nền của danh hoạ Isaia trong bài đọc thứ nhất; từ đó, đồ hoạ Matthêu thánh sử đã tài tình vẽ nên một bức tranh sống động, vui tươi, kết dệt bởi một câu chuyện chung quanh chủ đề ‘Tiệc Cưới’; một tuyệt phẩm ra đời có tên gọi, ‘Tiệc Xót Thương’. Chúng ta sẽ nhìn vào các nhân vật của hoạ phẩm. Trước hết, chủ tiệc, chính Thiên Chúa; tiếp đến, là các thực khách; và thú vị nhất, những gia nhân chạy long tong, những người được chủ sai đi mời khách, đây là những sứ giả Tin Mừng, sứ giả của lòng thương xót Chúa.

Nhìn ngắm bức tranh, chúng ta thấy nhân vật được cả hai hoạ sĩ đặt nổi bật vẫn là chủ tiệc, Thiên Chúa. Tiệc thời Cựu Ước, Isaia đã vẽ một bữa tiệc nền, được Thiên Chúa khoản đãi trên núi; ở đó, đã dọn sẵn tất cả những gì được góp nhặt từ bao tinh hoa của đất, “Thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế”. Tiệc thời Tân Ước của Thiên Chúa cũng được dọn trên núi, một ngọn núi có tên là núi Sọ; ở đó, những gì được dọn ra không còn là tinh hoa của đất nhưng là tinh tuý của trời, Thịt Máu của Chiên Thiên Chúa. Đó là tiệc Chúa Cha tổ chức cho Con Một, Hoàng Tử của trời; Đấng đến cưới lấy nương tử là nhân loại của đất, một nhân loại đáng xót thương. Vì thế, tiệc cưới này còn có tên là ‘Tiệc Xót Thương’; trong đó, nhân loại là tân nương và mỗi người cũng là tân nương, sẽ được ở với Thiên Chúa mãi mãi. Với tiệc cưới này, thực khách sẽ vinh hạnh được gia nhập gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, được thông phần sự sống thần linh của Người, được cứu độ bằng máu châu báu của Tân Lang. Cảm nghiệm được tình yêu của chủ tiệc, tác giả Thánh Vịnh 22 hôm nay đã thốt lên trong câu đáp ca, “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” vì, “Này tôi được ở đền Người, những ngày tháng, những năm dài triền miên”. Tuyệt vời hơn, không chỉ vào thời Cựu Ước, hay thời Tân Ước; ngay hôm nay, trên các bàn thờ, Thiên Chúa vẫn đang dọn ‘Tiệc Xót Thương’, hy tế của Chúa Giêsu, để mời gọi con người đến hưởng lấy sự sống đời đời của Người.

Tiếp tục nhìn vào hoạ phẩm, chúng ta thấy các thực khách tụm năm tụm ba; một số đứng xa xa; số khác bỏ đi; số còn lại, ngồi vào bàn. Đó là những con người được mời dự tiệc, họ thuộc mọi nước, mọi dân, không trừ ai. Buồn thay, ở đó, Matthêu còn cho những người thưởng lãm đọc thấy trong những ánh mắt các phản ứng của hai loại thực khách trước lời mời. Phản ứng thứ nhất, của những người phớt lờ lời mời; phản ứng thứ hai, của những người đáp lại lời mời với thái độ thù nghịch.

Sau cùng, những nhân vật khiêm tốn của bức ‘Tiệc Xót Thương’ là các gia nhân; khuôn mặt của họ vui mừng có, lo lắng có và thú vị nhất là, mỗi người chúng ta có thể gặp thấy chính mình nơi những nhân vật này. Là những gia nhân, những kẻ được sai đi của chủ tiệc hẳn là những người vinh hạnh nhất, vinh hạnh còn hơn cả khách được mời; vì lẽ, qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được đặc ân trở nên người nhà của Thiên Chúa. Dấn thân cho việc loan báo Tin Mừng, được sai đi mời mọi người đến dự ‘Tiệc Xót Thương’, mỗi người chúng ta dành cả con người cho sứ mệnh này, Thánh Phaolô trong thư Philipphê hôm nay nói, “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều lúc thật đáng xót xa, chúng ta chưa làm được mọi sự; vì không ít lần, chúng ta gặp phải cả hai phản ứng trên: một số người phớt lờ, số khác thù nghịch với sứ điệp chúng ta mang đến.

Trước hai thái độ đó, các sứ giả của Thiên Chúa phải luôn luôn bình tĩnh với ý thức rằng, người ta có thể thuyết phục một con ngựa đến giếng nước, nhưng không thể ép nó uống; cũng thế, mọi người đều được mời nhưng không phải tất cả sẽ dự tiệc. Ở đây, các sứ giả sẽ gặp một cái gì đó vô tình, nếu không nói là vô tâm khi con người đánh mất khả năng yêu thương và khả năng cảm nhận mình được yêu thương; họ đánh mất Nước Trời, đánh mất sự sống đời đời. Đó là những con người quá ràng buộc, quá lệ thuộc vào lợi lộc trần gian đến nỗi đóng chặt cửa lòng trước Thần Khí; họ không hiểu được tính vô vị lợi của lời mời dự ‘Tiệc Xót Thương’ vốn là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Việc bác bỏ hay khước từ lòng thương xót của Thiên Chúa dù là thờ ơ hay tệ hơn, thù nghịch, luôn luôn là một hành động phi lý đáng kinh ngạc. Chúa sẽ phán xét lương tâm của họ; phần chúng ta, chúng ta hãy cố gắng hết sức để chu toàn bổn phận mình và cầu nguyện cho họ.

Ngày kia, một ông chủ tổ chức sinh nhật cho con trai mình. Vì phải làm thêm giờ, cô giúp việc xin phép chủ cho cô đón con mình về nhà chủ sau khi cháu tan trường. Giữa tiệc, ông chủ chợt nhớ đến đứa bé, ông xuống hỏi cô bếp; ngập ngừng, cô không trả lời và ông đi tìm. Đi hết tầng này đến tầng khác, cuối cùng, ông nghe tiếng ca hát của đứa trẻ trong nhà vệ sinh. Mở cửa bước vào, ông thấy một cậu bé đang rất sung sướng, vừa ca hát, vừa ăn một chiếc bánh trên nắp bồn cầu. Ông hỏi, “Tại sao con ở đây?”; cậu bé đáp, “Mẹ con bảo, ‘Đây là phòng tiệc sang trọng, chủ dành cho con’”. Nghẹn ngào, mắt ngấn lệ, ông bước ra nói với thực khách, “Xin lỗi, tôi bận tiếp một vị khách quý, cho tôi vắng mặt lúc này”. Thế là ông vào lại nhà vệ sinh, vừa ăn, vừa ca hát với đứa bé. Về sau, cậu bé lớn lên, rất thành công và giàu có; nhớ lại những gì chủ của mẹ đã làm, anh ta xây trường và bệnh viện cho quê nhà, anh cũng đã xây được tương lai cho bao mảnh đời bất hạnh.

Anh Chị em,

Hôm nay, nhìn ngắm toàn cảnh hoạ phẩm ‘Tiệc Xót Thương’, chúng ta tạ ơn lòng thương xót của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta thật lớn lao; không chỉ được mời, chúng ta còn được trở nên người nhà; không chỉ trở nên người nhà, chúng ta còn trở nên sứ giả; không chỉ trở nên sứ giả, chúng ta còn được Thiên Chúa viếng thăm, cùng ăn, cùng uống, cùng ca hát như ông chủ đã đến với đứa bé khốn khổ. Tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời, Chúa vẫn là một Thiên Chúa xót thương.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì mỗi ngày Chúa đãi con ‘Tiệc Xót Thương’ của Chúa bằng chính thịt máu Ngài; xin cho con ngày càng bớt bất xứng để Chúa có thể biến con nên sứ giả đích thực của lòng thương xót Chúa cho anh em con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Hai 12/10: Đừng thách thức Thiên Chúa - Suy Niệm của Linh Mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
05:54 11/10/2020


Phúc Âm: Lc 11, 29-32

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 28 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:38 11/10/2020
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 22, 1-14.

“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới.”


Anh chị em thân mến,

Không ai đi dự đám cưới mà không mặc áo đẹp, không ai đi dự đám cưới mà không bày tỏ niềm vui -ít là ngoài mặt- bởi vì như thế là tôn trọng và quý mến chủ nhân và cô dâu chú rể. Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện rất thú vị về đám cưới của một hoàng tử, để hướng dẫn chúng ta đến một tiệc cưới Nước Trời vĩnh hằng hạnh phúc.

So sánh đám cưới trần gian và tiệc cưới thiên quốc

a. Những điểm giống nhau giữa đám cưới của thế gian và tiệc cưới thiên quốc:

-Có khách mời, mà khách mời đủ mọi thành phần trong xã hội.

-Có những thức ăn và thức uống ngon, hảo hạng.

-Mọi người đều vui vẻ khi tham dự tiệc cưới.

-Mặc áo quần đẹp.

-Mắc tội nặng nhẹ gì cũng được mời.


b. Những điểm không giống nhau giữa đám cưới trần gian và tiệc cưới thiên quốc:

-Chủ mời là Thiên Chúa và khách mời là tất cả mọi người trên thế giới, không hạn chế, không phân biệt giai cấp.

-Thức ăn thức uống chính là Mình Máu thánh của Đức Chúa Giê-su.

-Phải mặc lễ phục đặc biệt dành cho tiệc cưới là bí tích Rửa Tội.

-Không mắc tội.


Qua so sánh trên, chúng ta đều cảm nghiệm được rằng, hằng ngày chúng ta đều được tham dự tiệc cưới thiên quốc với tất cả lòng tri ân và yêu mến. Chúng ta đều thấy Thiên Chúa rất mực yêu thương nhân loại và cách riêng yêu mến chúng ta.

Tham dự tiệc cưới thiên quốc là tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa qua việc yêu mến Thánh Thể và phục vụ tha nhân.

Được Thiên Chúa –qua Giáo Hội- mời gọi đến tham dự tiệc cưới thiên quốc, cũng có nghĩa là được mời cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài trong cuộc sống bằng việc tôn sùng và yêu mến Đức Chúa Giê-su Thánh Thể và phục vụ tha nhân của chúng ta là những người Ki-tô hữu, do đó mà chúng ta phải có bổn phận làm cho tiệc cưới thiên quốc hiện hữu ngay trong chính môi trường mà chúng ta đang sống.

Anh chị em thân mến,

Khi chúng ta sống vui vẻ hòa thuận với mọi người là chúng ta đem niềm vui của tiệc cưới thiên quốc trao ban cho mọi người; khi chúng ta chân thành nói lời an ủi và chia sẻ với tha nhân những niềm vui nỗi buồn, là chúng ta đem niềm vui tiệc cưới thiên quốc mà chúng ta tham dự khi dâng thánh lễ trao ban cho mọi người...

Ai tham dự tiệc cưới Nước Trời tức -là thánh lễ- mà không muốn hoặc thờ ơ với sứ mạng rao giảng là người phản bội lại tình yêu đã được ký kết bằng giá máu của Đức Chúa Giê-su trên thánh giá, họ trở thành khách qua đường bàng quan với sứ mệnh được giáo phó cho họ trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đó là trở nên môn đệ của Đức Chúa Giêsu Ki-tô.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:15 11/10/2020

41. Nếu có một ngày con không vì yêu mến Thiên Chúa mà làm một vài việc hãm mình, thì nên thở dài não ruột vì mình đã lãng phí một ngày.

(Thánh Magdalen Panattieri)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:19 11/10/2020
49. NHẠO THÁI GIÁM

Ngải Tử nuôi hai con dê đực, chúng nó thích đấu sừng với nhau, gặp người lạ thì cũng thích lấy sừng húc, các học trò đi vào trong cổng nhà Ngải Tử thường bị chúng nó húc bị thương.

Các học trò liền cầu cứu với Ngải Tử:

- “Dê đực tính khi rất dũng mãnh, nếu đem chúng nó thiến đi, thì tính nó cũng thuần lương đôi chút, nhất định là không húc bậy người ta”.

Ngải tử cười nói:

- “Không phải đâu, nếu hôm nay đem nó đi thiến (ám chỉ nạn thái giám hoành hành vô pháp luật) không phải nó thêm hung dữ sao?”

(Ngải tử hậu ngữ)

Suy tư 50:

Thái giám chỉ là người phục vụ vua và hoàng hậu cũng như làm các việc trong cung vua mà thôi, trước mắt các quan văn võ tướng thì thái giám chẳng ra gì cả, nhưng vì kề cận bên nhà vua và hoàng hậu, nên có những thái giám quyền uy tột đỉnh, có thể nói, tể tướng là người điều hành vận nước bên ngoài với bá quan văn võ, thái giám điều hành vận nước bên trong với vua, hoàng hậu và các cung phi.v.v...

Có những người được cấp trên nâng đỡ nên cuộc sống có phần thoải mái, tiền bạc có vô có ra, cho nên tính cách cũng do đó mà thay đổi luôn: họ không còn nhớ đến mình là ai, không còn nhớ lại những ngày tháng nghèo hèn khổ cực, không còn nhớ đến những ngày cơm ngày ba bữa không no, không còn nhớ những ngày làm thuê làm mướn vất vả.v.v...họ như những thái giám bị thiến bởi chút vinh hoa phú quý mà cấp trên ban phát cho họ, để rồi họ tác oai tác quái với mọi người...

Những con dê bị thiến thì có tính thuần, những người bị thiến thì sẽ trở nên bất bình thường trong cuộc sống và có khi trở nên mối họa cho mọi người, đó là chuyện “hoạn” về thân xác.

Nhưng những người bị “hoạn” vì Nước Trời thì sẽ là những người có ích cho xã hội, cho Giáo Hội, bởi vì cái họ “hoạn” không phải là một bộ phận nơi thân xác, nhưng chính là sự ước muốn hướng về thế gian và những thèm muốn hưởng thụ của chính họ. Họ là ai vậy? Thưa họ chính là những người Ki-tô hữu được Thiên Chúa mời gọi sống đời tận hiến và ơn gọi sống gia đình trong cuộc sống ở trần gian này...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Còn hơn thế nữa
Lm. Minh Anh
23:02 11/10/2020

CÒN HƠN THẾ NỮA
“Ở đây còn có người hơn Giôna nữa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật là thú vị, hai câu chuyện đầy kịch tính của Tin Mừng hôm nay được Chúa Giêsu gợi lại cho những người đương thời đang đòi Ngài một dấu lạ! Câu chuyện của người hùng Giôna song song với câu chuyện người đẹp Saba. Qua đó, Ngài muốn nói với họ và cả chúng ta rằng, nhận ra một dấu lạ, hoàn toàn khác với việc tìm kiếm nó; thứ đến, chính Ngài là dấu lạ lớn nhất, quà tặng lớn nhất, vốn cũng cần nhận biết nhất; thứ ba, ‘còn hơn thế nữa’, quà tặng đó phải đưa đến hoán cải.

Bị cá voi nuốt chửng, Giôna coi như đã chết; được hóc ra lên bờ, Giôna sống lại; đó là dấu lạ Cựu Ước Chúa trả lời cho những người đang kiếm tìm. Đấng Kitô đã thật sự chết, chôn trong mồ; sau đó, sống lại; đó là dấu lạ Tân Ước, không cần tìm kiếm nhưng cần nhận biết. Sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là dấu lạ vĩ đại; đừng tìm kiếm gì khác ngoài mầu nhiệm trung tâm của đức tin này. Mọi thắc mắc, nan đề, băn khoăn, bối rối của con người mọi thời đều được giải đáp, và ‘còn hơn thế nữa’, sẽ được giải quyết khi chúng ta bước vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ngài.

Cá voi lớn hơn Giôna, nó nuốt trọn ông; tuy nhiên, cái chết dữ dội và sự phục sinh của Giôna còn vĩ đại hơn nhiều trong cuộc đời và sứ mệnh của ông; nó không chỉ cần cho sự cứu rỗi của chính Giôna, người chạy trốn Thiên Chúa, mà còn cần thiết cho sự cứu rỗi của cả dân thành Ninivê. Chúa Giêsu cảnh báo, “Ở đây còn có người hơn Giôna nữa”, Ngài vĩ đại hơn Giôna, vĩ đại hơn cả thần chết đã vùi Ngài trong mồ; không gì vĩ đại hơn Ngài, chẳng ngôn sứ nào lớn hơn Ngài; không sự kiện nào có thể tiêu huỷ Ngài. Tất cả mọi sự đều nằm dưới quyền thống trị của Ngài, ngoại trừ một điều, ý chí tự do của chúng ta. Ngài không áp lực; không chinh phục nhưng tôn trọng tự do của con người, ‘còn hơn thế nữa’, Ngài để nó hoàn toàn nguyên vẹn cho mỗi người, để ai cũng có thể thoải mái đáp lại lời mời gọi của Ngài, bằng việc hoán cải như dân thành Ninivê.

Không chỉ nhắc đến Giôna, Chúa Giêsu còn nói tới nữ hoàng Saba, người đẹp đến từ xa để nghe sự khôn ngoan của Salomon. Khoảng cách từ vương quốc ở miền nam Ả Rập đến Giêrusalem buộc mất nhiều tuần để đi qua; đó là một hành trình mệt nhọc và tốn kém, dẫu chưa nói đến đoàn tuỳ tùng đi cùng nữ hoàng. Cô nhận ra quà tặng của Thiên Chúa trong Salomon và lý thú với những viên ngọc trai từ trí tuệ thiêng liêng mà Salomon chia sẻ. Chúng ta cần suy nghĩ về mức độ thường xuyên mình có thể tiếp cận với những gì ‘còn hơn thế nữa’, vốn được Chúa ban sẵn mà không cần phải đi nhiều tuần, nhưng chỉ vài chục mét, vài cây số hoặc một vài phút lái xe: Chúa Giêsu trong Thánh Thể, Thánh Lễ mỗi ngày; gần hơn, Thánh Kinh, Lời Chúa trên kệ, trên điện thoại… vốn chứa đầy thông điệp yêu thương của Đấng Kitô. Đây là tất cả những gì chúng ta có thể tiếp cận dễ dàng hơn cả những gì Salomon có thể chia sẻ cho chúng ta như vua đã chia sẻ cho người đẹp xứ Saba.

“Còn hơn thế nữa’, đó là hối cải; Giôna hối cải, thành Ninivê hối cải. Hối cải là tất cả những gì Thiên Chúa đang mơ và chờ đợi nơi chúng ta; Chúa Giêsu nên phép lạ mỗi ngày cũng chỉ vì mục đích đó; biến đổi, hoán cải chúng ta; ‘còn hơn thế nữa’, đưa chúng ta đến với lòng thương xót Người.

Ngày kia, con sói và con cừu non cùng ra suối uống nước; sói muốn ăn thịt cừu, bèn tìm đủ cách buộc tội cừu. Đầu tiên, sói bảo cừu làm bẩn nước; cừu nói, “Ông uống ở thượng lưu, cháu uống ở hạ lưu; ông làm bẩn nước của cháu chứ làm sao cháu có thể làm bẩn nước của ông?”. Sói nói, “Năm ngoái mày phỉ báng tao”; cừu nói, “Năm ngoái, cháu chưa sinh”. Sói nói, “Thế thì thằng anh mày phỉ báng tao”; cừu đáp, “Cháu là con một”. Con sói rống lên, “Thế thì một đứa trong lũ mày đã nói xấu tao, thằng chăn cừu nói xấu tao, con chó chăn mày nói xấu tao, tao phải trả thù!”. Thế rồi, sói vồ cừu, nhai ngấu nghiến. Tác giả La Fontaine kết luận, “Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”.

Anh Chị em,

‘Còn hơn thế nữa’, Thiên Chúa của chúng ta không bao giờ lý lẽ mà chỉ có xót thương và cứu vớt. Người yêu thương con người đến nỗi để Con Một thua thiệt tất cả thụ tạo Người đã dựng nên. Người để Con mình chết ô nhục, treo lơ lững, để hôm nay, máu hy tế của Ngài còn tái diễn lai láng trên các bàn thờ hầu đền tội và kéo mưa móc lòng thương xót xuống cho con người. Tin vào tình thương của Ngài và quyết tâm hoán cải cho xứng với tình thương đó, không phải là phép lạ sao?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm chỉ một mình Chúa, và ‘còn hơn thế nữa’, biết hoán cải trở về thực sự như Chúa ước mong”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho cơn cháy rừng ở Hoa kỳ và hòa bình ở Nagorno-Karabakh
Thanh Quảng sdb
16:25 11/10/2020
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho cơn cháy rừng ở Hoa kỳ và hòa bình ở Nagorno-Karabakh

Đức Thánh Cha Phanxicô nêu lên những cơn cháy rừng đã càn quét miền tây nam Hoa Kỳ và ngài hân hoan đón nhận tin vui ngừng bắn nhân đạo giữa Azerbaijan và Armenia trong khu vực Nagorno-Karabakh.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Cơn cháy rừng hung bạo đã bùng phát và càn quyét cả một vùng rộng lớn ở một số tiểu bang Hoa kỳ, gây nên nhiều đau thương bi đát!

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành ít giây phút trong giờ kinh Truyền Tin trưa Chủ nhật (11/10/2020) để cầu nguyện cho những cơn cháy rừng này và liên kết chúng với những cơn hạn hán khắc nghiệt và cuộc sống khó khăn của người dân.

ĐTC nói: “Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người bị ảnh hưởng bởi những cơn cháy rừng đang tàn phá nhiều khu vực trên hành tinh của chúng ta, cũng như cầu nguyện cho những tình nguyện viên và các nhân viên cứu hỏa đang liều mình chữa cháy”.

Đức Thánh Cha đã nhắc tới vùng ven biển phía Tây Hoa Kỳ, đặc biệt là tiểu bang California, và các vùng trung tâm Nam Mỹ châu như: “khu vực Pantanal, Paraguay, bờ sông Paraná, và Argentina.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi khẩn cầu Thiên Chúa tăng sức mạnh cho các nạn nhân của những thảm họa này, và xin Ngài cho chúng ta ý thức được sự cần thiết phải bảo vệ công cuộc Sáng tạo của chúa.”

Bá cáo các cơn cháy rừng ở Châu Mỹ

Ở miền tây Hoa Kỳ gồm các tiểu bang California, Oregon và Washington đã chứng kiến những cơn cháy tiêu hủy hơn 6,6 triệu mẫu Anh và cướp đi 37 sinh mạng.

Vùng Pantanal của Nam Mỹ châu là vùng đầm lầy nhiệt đới lớn nhất thế giới. Các khu vực rộng lớn này đã bị ngọn lửa càn quét trong năm 2020 này mà theo các nhà nghiên cứu cho biết khoảng 22% diện tích vùng đầm lầy này đã bị cháy, tương đương với 7,9 triệu mẫu Anh.

Paraguay và Argentina cũng chứng kiến những khu rừng bị tiêu rụi kỷ lục không thể khống chế được!

Armenia-Azerbaijan ngừng bắn

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng hướng tâm tư của ngài về lệnh ngừng bắn nhân đạo ở vùng Nagorno-Karabakh.

ĐTC hoan nghênh lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian giữa Armenia và Azerbaijan, có hiệu lực vào trưa thứ Bảy 10/10/2020.

Đức Thánh Cha thừa nhận việc chấm dứt các hành động thù địch với nhau là điều phi thường, nhưng ngài cầu nguyện cho nó được duy trì vì lợi ích của người dân vô tội, đang đau khổ trong khu vực.

“Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn có vẻ rất mong manh, nhưng ĐTC cầu mong nó được tiếp nối hầu chấm dứt những thiệt hại về nhân mạng, và gây đau khổ và hủy hoại nhà cửa cư dân lẫn các nơi thờ tự”.

Sau đó, Đức Thánh Cha mời mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân và những người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng.
 
Diễn từ của Tổng thống Trump tuyên bố lành bệnh, cảnh cáo Bắc Kinh, và cám ơn những lời cầu nguyện
Đặng Tự Do
16:58 11/10/2020


Chiều thứ Bảy 10 tháng 10, Tổng thống Donald Trump đã xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng sau khi phải nhập viện vì coronavirus. Các bác sĩ cho biết ông đã vượt qua được virus Tầu và không lây cho những người gặp gỡ mình.

Tổng thống Trump đã tháo khẩu trang y tế ngay sau khi ông ấy xuất hiện trên ban công Tòa Bạch Ốc để nói chuyện với đám đông những người ủng hộ đang tụ tập trên bãi cỏ bên dưới. Đây là bước đầu tiên của ông trong việc trở lại sân khấu công cộng khi chỉ còn hơn ba tuần nữa là đến ngày bầu cử.

Trong diễn từ với những người hiện diện, tổng thống nói:

Vâng, cảm ơn các bạn rất nhiều và hãy tiếp tục nhiệt tình đó, hãy bước ra và bỏ phiếu. Chúng ta phải bỏ phiếu. Chúng ta phải đi bầu để những con người này chìm vào quên lãng, hãy đi bầu để họ vào chìm quên lãng. Phải loại bỏ những gì thật tồi tệ cho đất nước chúng ta. Trước hết, tôi cảm thấy rất khoẻ. Tôi không biết các bạn thế nào nhỉ. Tất cả mọi người cảm thấy thế nào? Có khoẻ không, tốt? Và tôi rất vinh dự được chào đón mọi người, chúng ta gọi đây là một cuộc biểu tình ôn hòa tại Tòa Bạch Ốc để ủng hộ những người nam nữ đáng khâm phục trong lực lượng thực thi pháp luật và tất cả những người làm việc rất tốt cho chúng ta. Tôi phải nói với các bạn trong cộng đồng người da đen của chúng ta, trong cộng đồng người Tây Ban Nha của chúng ta rằng cảm ơn các bạn rất nhiều. Cảm ơn các bạn.

Nhưng trước khi đi xa hơn, tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn vì những lời cầu nguyện của các bạn. Tôi biết các bạn đã cầu nguyện và khi tôi ở trong bệnh viện đó, tôi đã theo dõi và thấy rất nhiều người và tôi đã đi ra ngoài để chào những người đó. Và tôi đã bị chỉ trích về điều này, nhưng nếu có lần sau tôi cũng sẽ làm lại. Để tôi nói cho các bạn biết, tôi sẽ lặp lại như thế. Thay mặt cho bản thân tôi và Đệ nhất phu nhân, đây thực sự là một sự tuôn trào đáng kinh ngạc và chúng ta đang bắt đầu rất, rất lớn với các cuộc biểu tình và với mọi thứ của chúng ta, bởi vì chúng ta không thể để đất nước mình trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra.

Tôi muốn các bạn biết quốc gia của chúng ta sẽ đánh bại loại virus Trung Quốc khốn khiếp này, như cách gọi của chúng ta và chúng ta đang sản xuất các liệu pháp và các phương dược mạnh mẽ và chúng ta đang chữa bệnh cho người bệnh và chúng ta sẽ phục hồi. Và vắc-xin sẽ ra mắt rất nhanh trong thời gian kỷ lục. Như các bạn đã biết, nó sẽ ra mắt rất rất sớm. Chúng ta có những công ty tuyệt vời đang làm điều đó và sẽ phân phối nó. Và chúng ta sẽ rất nhanh chóng thông qua quân đội mình, thông qua sức mạnh của tinh thần Mỹ, đặc biệt tôi nghĩ hơn bất cứ điều gì khác, thông qua y học sẽ diệt trừ vi rút Trung Quốc một lần và mãi mãi. Chúng ta sẽ loại bỏ nó trên toàn thế giới. Các bạn đã thấy những đợt bùng phát lớn ở Âu châu, bùng phát lớn ở Canada, đang bùng phát rất lớn ở Canada, các bạn đã thấy điều đó hôm nay. Rất nhiều đợt bùng phát, nhưng nó sẽ biến mất. Nó đang biến mất và vắc-xin sẽ giúp ích và liệu pháp điều trị sẽ giúp ích rất nhiều.

Mỗi ngày, càng nhiều người da đen và người Mỹ gốc Latinh đã từ giã các chính trị gia cánh tả và ý thức hệ thất bại của họ. Họ đang thất bại. Họ đã thất bại trong nhiều năm và nhiều, nhiều thập kỷ. Đảng Dân chủ đã điều hành gần như mọi thành phố nội đô ở Mỹ và ý tôi là, trong 100 năm qua các chính sách của họ không mang lại gì ngoài những tai họa, nghèo đói và rắc rối. Joe Biden buồn ngủ đã phản bội người da đen và người Mỹ gốc Latinh. Nếu các bạn nghĩ rằng ông ta có thể điều hành đất nước này thì các bạn đã nhầm. Trong nửa thế kỷ, đảng Dân Chủ đã chuyển công việc của các bạn đến Trung Quốc, đó là những gì họ đã làm. Chúng ta đang đưa công việc trở lại. Chúng ta đã đưa chúng trở lại. Chúng ta cũng đã đòi Trung Quốc rất nhiều tiền, bằng thuế quan, rất nhiều tiền, hàng tỷ tỷ đô la.

Vì thế, các bạn vừa tuần hành đến Tòa Bạch Ốc bởi vì các bạn hiểu rõ rằng để bảo vệ cuộc sống của người Mỹ da đen và của tất cả người Mỹ, các bạn phải có cảnh sát hỗ trợ cho các bạn. Các bạn phải có điều đó. Nếu phe tả giành được quyền lực, họ sẽ phát động một cuộc thập tự chinh trên toàn quốc chống lại các cơ quan thực thi pháp luật, và họ đã làm được điều đó. Và các bạn thấy những điều này. Họ đang làm điều đó ở một cấp độ mà chưa ai từng thấy trước đây.

Ngày nọ, trong cuộc tranh luận, Biden thậm chí không thể dùng từ thực thi pháp luật. Tôi nói, “Ông hãy nói thực thi pháp luật đi. Ông hãy nói thực thi pháp luật đi,” và ông ta cầu cứu người dẫn chương trình. Sau đó, tôi nói, rất đơn giản tôi đã nói, “Hãy nêu tên một nhóm thực thi pháp luật đang hỗ trợ ông”, ông ta không thể nêu được ai cả, và ông ta lại được người dẫn chương trình cứu bồ. Lần thứ hai ông ta được cứu bồ. Ông ấy đã được người dẫn chương trình cứu bồ rất nhiều. Đảng Dân Chủ đang lấy đi tiền của các lực lượng thi hành pháp luật, tước súng của họ, bãi bỏ thẩm quyền của họ, lấy đi mọi thứ, kể cả tự do của các bạn. Joe Biden thậm chí còn nói, “Khi các bạn gọi 911, bác sĩ trị liệu nên trả lời cuộc gọi đó”. Điều đó không hiệu quả. Điều đó không hiệu quả. Nhưng đây là những gì người ta bảo cho ông ta nói, bởi vì ông ta không tự mình nói, ông ta nói những gì người ta bảo ông ta phải nói.

Nhà cửa, nhà thờ và cơ sở kinh doanh của người Mỹ da đen và gốc Tây Ban Nha đã bị cướp phá, các bạn biết đấy. Những nơi này đã bị phá hoại và đốt cháy bởi những kẻ cuồng tín cánh tả, những người hoàn toàn xấu. Đảng Dân Chủ biết những kẻ ấy đang làm gì, nhưng Biden thích gọi họ là những người biểu tình ôn hòa. Các bạn nhìn thấy tất cả, các bạn thấy những xướng ngôn viên từ một vài mạng lưới rất tồi tệ, rất tham nhũng đang đứng đằng sau họ, các thành phố đang bốc cháy và họ nói, “Đây là một cuộc biểu tình ôn hòa”, và các bạn nhìn xem, mọi thứ đang bốc cháy.

Tôi muốn cảm ơn cơ quan thực thi pháp luật của chúng ta và tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người trong cộng đồng, trong các tổ chức cộng đồng đang làm việc với cơ quan thực thi pháp luật. Tôi muốn cảm ơn họ. Tôi nghĩ rằng chúng ta có sự hỗ trợ của mọi nhóm thực thi pháp luật ở đất nước này. Tôi không biết là có nhóm nào không ủng hộ tôi không. Có lẽ phải có một số nào đó. Họ sẽ thấy điều này tối nay. Họ sẽ nói, “ Không, ông ấy đã trình bày sai”. Nhưng dù thế nào chúng ta có một mức hỗ trợ mà tôi nghĩ rằng chưa ai từng nhận được trước đây. Tôi nghĩ vậy. Và các bạn sẽ thấy điều đó.

Các bạn có thấy biết bao nhiêu lá phiếu ma giáo đang được tìm thấy, được trả lại và bao nhiêu lá phiếu gian lận không? Đúng như những gì tôi đã nói. Sau đó, họ sẽ nói, “Ông ta không tin vào tự do”. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tự do đáng được gọi là tự do. Những gì chúng ta đang làm là tự do. Có nhiều vấn đề nghiêm trọng với các lá phiếu. 50,000 ở Ohio, rồi 25,000… Các bạn phải thấy điều đó. Ý tôi là, mỗi ngày đều có một câu chuyện về lá phiếu. Một số bị ném vào thùng rác có tên Trump trên đó, các lá phiếu của các quân nhân bị ném đi với tên Trump trên đó. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thắng áp đảo. Hy vọng rằng những trò ma giáo này sẽ không thành vấn đề. Và chúng ta có cơ quan thực thi pháp luật theo dõi. Chúng ta có cơ quan thực thi pháp luật theo dõi tất cả những lá phiếu đó, những lá phiếu bị vất đi là có lý do.

Chúng ta ở đây hôm nay để gửi một thông điệp đoàn kết đến các viên chức cảnh sát trên khắp nước Mỹ vĩ đại của chúng ta. Và ý tôi là mọi người Mỹ, mọi chủng tộc và màu da, chúng tôi yêu mến các bạn. Mọi chủng tộc, màu sắc, tín ngưỡng, chúng tôi đều ủng hộ các bạn. Chúng tôi tôn vinh các bạn. Đó là một nghề nghiệp nguy hiểm. Anh chị em đã làm một công việc đáng khâm phục và tôi chỉ muốn thay mặt tất cả mọi người ở đây cảm ơn các anh chị em ngày hôm nay, vì đó là lý do tại sao chúng ta được an toàn.

Ngược lại với chúng ta là chương trình và cương lĩnh xã hội chủ nghĩa của Đảng Dân chủ, và nó thực sự hơn cả xã hội chủ nghĩa. Nó không chỉ là xã hội chủ nghĩa, mà còn vượt ra ngoài chủ nghĩa xã hội. Nó là “Cộng sản”, chính xác là như thế.

Vì vậy, tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn vì đã có mặt trên bãi cỏ của Tòa Bạch Ốc, trên bãi cỏ tuyệt đẹp này và tôi rất tự hào về đất nước này. Tôi rất, rất tự hào. Tôi muốn cảm ơn tất cả các bác sĩ, các nhân viên phòng thí nghiệm và các nhà khoa học cũng như tất cả những người đang làm việc rất chăm chỉ vì chúng ta, và luôn đi trước mọi người. Nhưng tôi cũng muốn đặc biệt cảm ơn các bạn vì các bạn đã ra sân, các bạn cổ vũ và các bạn yêu đất nước của mình, yêu mến những gì các bạn đã có được. Các bạn đang dẫn đầu, đi trước rất nhiều người ở đất nước này.

Người dân đất nước chúng ta và cả thế giới đang theo dõi, đang nhìn thấy những điều mà hàng chục năm nay họ chưa từng thấy ở đất nước này. Họ đang nhìn thấy một tinh thần và một sự kiên cường như họ chưa từng thấy. Tôi muốn cảm ơn các bạn và mong các bạn bước ra và bỏ phiếu. Chúng ta phải làm cho điều này còn lớn hơn cả bốn năm trước. Nó quan trọng hơn. Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất mà chúng ta từng có. Điều này còn quan trọng hơn cả bốn năm trước. Tôi từng nói đây là điều quan trọng nhất và nó đúng là như thế vào thời điểm đó. Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử nước ta. Hãy ra ngoài và bỏ phiếu. Tôi yêu mến các bạn. Cảm ơn các bạn. Cảm ơn rất nhiều.

 
Trong buổi đọc kinh Mân Côi trực tuyến, các giám mục Hoa Kỳ xin Mẹ Maria cầu bầu cho Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
17:07 11/10/2020


Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã chủ sự buổi lần chuỗi Mân Côi vào hôm Thứ Tư cùng với một số giám mục khác, để xin Đức Mẹ cầu bầu cho Hoa Kỳ.

Mười hai giám mục Hoa Kỳ đã cầu nguyện các mầu nhiệm Năm Sự Sáng vào ngày 7 tháng 10, lễ Đức Mẹ Mân Côi, trực tiếp trên các trang Facebook và YouTube của USCCB.

Các giám mục đã xin Mẹ Maria cầu bầu cho đất nước, đặc biệt khi Hoa Kỳ đang đối mặt với những sự kiện quan trọng bao gồm đại dịch COVID-19, bạo loạn và bất ổn, và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Trong video, Đức Cha Gregory Mansour, Giám Mục Brooklyn đưa ra một số ý cầu nguyện của các giám mục và kết thúc chuỗi Mân Côi với một bài thánh ca về Đức Mẹ.

“Chúng ta hãy cầu nguyện, Lạy Chúa xin gìn giữ trái đất và chúng con khỏi sự tàn phá của những cơn thịnh nộ, những nguy hiểm, chia rẽ, chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh. Xin hãy thương xót chúng con, xin chữa lành người bệnh, giúp đỡ người nghèo, cứu những người bị áp bức, xin ban ơn yên nghỉ cho các tín hữu là những người đã từ giã chúng con để đến với Chúa,” ngài nói.

Phát biểu từ Nhà thờ Đức Mẹ là Nữ Vương Các Thiên thần ở Los Angeles, Đức Tổng Giám Mục Gomez bắt đầu buổi lần hạt bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nhau cầu nguyện. Ngài bày tỏ hy vọng rằng Đức Mẹ sẽ giúp nước Mỹ hoàn thành sứ mệnh mang lại “bình đẳng, tự do và công lý cho tất cả mọi người”.

“Chào mừng anh chị em,” ngài nói. “Đây thực sự là một khoảnh khắc lịch sử. Hôm nay, chúng ta tập hợp lại với nhau như những người có đức tin để cầu nguyện cho quốc gia của chúng ta”.

“Chúng ta là những nhà truyền giáo vào thời gian này và tại địa điểm này. Chúng ta được kêu gọi để mang Tin Mừng đến cho người dân của đất nước chúng ta ngày nay. Vì vậy, chúng ta hãy dâng chuỗi Mân Côi này cho Hoa Kỳ. Chúng ta cầu xin Mẹ Maria nhìn đến đất nước chúng ta với ánh mắt từ ái của Mẹ. Chúng ta cầu khẩn Mẹ cầu bầu cho quốc gia vĩ đại này,” ngài nói.

“Chúng ta cầu nguyện để nước Mỹ có thể hoàn thành tầm nhìn đẹp đẽ của những nhà truyền giáo và những người sáng lập đất nước chúng ta, như một vùng đất nơi tất cả những người nam nữ được đối xử như con cái của Chúa trong bình đẳng, tự do và công lý cho tất cả mọi người”.

Lời cầu nguyện mở đầu những chục kinh của chuỗi Mân Côi đã được cất lên bởi Đức Giám Mục Michael Burbidge của Arlington, Đức Cha William Joensen Giám mục Des Moines, và Đức Cha Thomas Daly Giám mục Spokane.

Các vị Giám mục Alfred Schlert của Allentown, Shelton Fabre của Houma-Thibodaux, Daniel Flores của Brownsville, Felipe de Jesús Estévez của Thánh Augustine, và Đức Cha phụ tá Robert Reed của Boston đã đọc các kinh Kính Mừng. Riêng mầu nhiệm thứ ba được nguyện bằng tiếng Tây Ban Nha.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Miami chỉ trích những người chống Thẩm Phán Amy Coney Barrett vì niềm tin của cô
Đặng Tự Do
17:08 11/10/2020


Chủ tịch ủy ban tự do tôn giáo của các giám mục Hoa Kỳ đã trả lời hôm thứ Năm trước sự tấn công liên tục nhắm vào Thẩm Phán Amy Coney Barrett, ứng viên Tòa án Tối cao, vì niềm tin Công Giáo của cô

“Hiến pháp nói cụ thể rằng không được kỳ thị người có niềm tin tôn giáo trong khi xác nhận vào một chức vụ công quyền.” Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski Miami nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm thứ Năm 8 tháng 10. Điều trần xác nhận Thẩm Phán Barrett vào Tòa án Tối cao bắt đầu vào ngày 12 tháng 10 trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện.

Đức Tổng Giám Mục nói, những người đang “nêu vấn đề” về niềm tin tôn giáo của Barrett trong quá trình xem xét đề cử của cô vào Tòa án Tối cao, “ không tôn trọng các nguyên tắc của Hiến pháp của chúng ta và do đó họ góp phần phá hoại nhà nước pháp quyền của chúng ta”.

Barrett, một thẩm phán của tòa phúc thẩm thứ 7 và là một bà mẹ Công Giáo có 7 đứa con, cũng là một cựu giáo sư luật tại Đại Học Notre Dame và thành viên của nhóm đại kết People of Praise.

Niềm tin Công Giáo của cô đã bị báo chí và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tấn công ráo riết. Vấn đề là nếu cô lọt vào Tối Cao Pháp Viện, tỷ số các Thẩm Phán phò sinh sẽ lên đến 6 trên tổng số 9 vị Thẩm Phán. Trong trường hợp này, đảng Dân Chủ lo ngại rằng cô cùng với 5 vị kia sẽ lật lại phán quyết Roe chống Wade, là phán quyết đã hợp pháp hóa phá thai tại Mỹ.

Tuần này, Tờ The Guardian và Washington Post đưa tin rằng Barrett, khi còn là sinh viên luật, cư trú tại nhà của người đồng sáng lập nhóm People of Praise, một nhóm đại kết có sức lôi cuốn được thành lập vào năm 1971 tại South Bend, Indiana.

People of Praise là nhóm cổ vũ canh tân trong Thánh Linh được các Giám Mục Hoa Kỳ hỗ trợ nhưng Tờ The Guardian vu cáo nhóm này là một “hội kín” và cho biết nhóm “đã bị chỉ trích vì đã chi phối cuộc sống của các thành viên và khuất phục phụ nữ”.

Hôm thứ Ba, tờ Washington Post đi xa đến mức cho rằng Barrett giữ vị trí “nữ tỳ” trong People of Praise. Ý muốn nói là người phải phục tùng mù quáng các chỉ đạo của nhóm mà không được có ý kiến.

Đức Tổng Giám Mục Wenski đã lên tiếng phản đối việc giải thích sai trái từ ngữ “nữ tỳ”.

“Từ ‘Handmaiden’ (“nữ tỳ”) tiếng Latinh là ‘ancilla’ - có nguồn gốc sâu xa trong Kinh thánh và trong Tân Ước đặc biệt khi đề cập đến Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Mẹ luôn tuyên bố mình là ‘nữ tỳ của Chúa’”, Đức Tổng Giám Mục Wenski nói.


Source:Catholic News Agency

 
Toàn văn Thông điệp ‘Fratelli Tutti’, chương hai, tiếp theo
Vũ Văn An
18:58 11/10/2020

Các nhân vật của câu chuyện

72. Dụ ngôn bắt đầu với những tên cướp. Chúa Giêsu chọn bắt đầu câu chuyện khi vụ cướp đã xảy ra, kẻo chúng ta chăm chú vào chính tội ác hoặc những kẻ trộm đã phạm tội ác đó. Tuy nhiên, chúng ta biết rõ những người đó. Chúng ta đã thấy, đang tiến bước trong thế giới của chúng ta là những bóng đen của sự bỏ rơi và bạo lực nhằm phục vụ các quyền lợi nhỏ mọn của quyền lực, thu góp và chia rẽ. Câu hỏi thực sự là: chúng ta sẽ bỏ rơi người đàn ông bị thương để chạy tìm nơi trú ẩn khỏi bạo lực, hay chúng ta sẽ truy đuổi những tên cướp? Liệu người đàn ông bị thương có kết cục trở thành người biện minh cho các chia rẽ không thể hàn gắn, sự thờ ơ tàn nhẫn của chúng ta, các xung đột nội bộ của chúng ta hay không?

73. Sau đó, dụ ngôn yêu cầu chúng ta xem xét kỹ hơn những người qua đường. Sự thờ ơ lo lắng khiến họ bước qua phía bên kia đường – bất kể là vô tội hay không, bất kể là do khinh bỉ hay chỉ là do lơ đễnh - khiến thầy tư tế và thầy Lêvi trở thành một hình ảnh phản chiếu đáng buồn khoảng cách ngày càng lớn giữa chúng ta và thế giới xung quanh. Có nhiều cách để bước qua ở một khoảng cách an toàn: chúng ta có thể rút vào chính mình, phớt lờ người khác, hoặc thờ ơ với cảnh ngộ của họ. Hoặc chỉ đơn giản nhìn đi nơi khác, như ở một số quốc gia, hoặc một số khu vực của họ, có sự khinh miệt đối với người nghèo và văn hóa của họ, và người ta nhìn đi chỗ khác, như thể một kế hoạch phát triển được nhập từ bên ngoài sẽ đẩy lui họ. Đây là cách một số người biện minh cho sự thờ ơ của họ: người nghèo, những người mà những lời cầu xin giúp đỡ có thể chạm đến trái tim của họ, đơn giản không hiện hữu. Người nghèo nằm ngoài phạm vi quan tâm của họ.



74. Về những người qua đường, ta thấy một chi tiết nổi bật: họ là người tôn giáo, tận tâm thờ phượng Chúa: một tư tế và một thầy Lêvi. Không nên bỏ qua chi tiết này. Nó cho thấy niềm tin vào Thiên Chúa và sự thờ phượng Thiên Chúa không đủ để bảo đảm rằng chúng ta đang thực sự sống đẹp lòng Thiên Chúa. Một tín hữu có thể không chân thật đối với mọi điều được đức tin của họ đòi hỏi nơi họ, nhưng vẫn nghĩ rằng họ gần gũi với Thiên Chúa và tốt hơn những người khác. Mặt khác, có những cách sống đức tin tạo điều kiện cho việc cởi mở đối với người khác; và lối này mới bảo đảm việc cởi mở đích thực đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan Chrysostom đã phát biểu điều này một cách sắc cạnh khi ngài thách thức các Kitô hữu nghe ngài rằng: “anh chị em có muốn tôn vinh thân thể của Đấng Cứu Thế không? Đừng khinh thường nó khi nó trần truồng. Đừng tôn vinh nó trong nhà thờ với lễ phục bằng lụa trong khi ở bên ngoài nó trần truồng và tê cóng vì lạnh” [58]. Nghịch lý thay, những người cho mình là người không tin đôi khi có thể thực hành ý muốn của Thiên Chúa tốt hơn các tín hữu.

75. “Kẻ cướp” thường tìm đồng minh bí mật ở những người “đi ngang qua và nhìn đi hướng khác”. Có một sự tương tác nào đó giữa những kẻ thao túng và lừa đảo xã hội, và những người, trong khi tự cho mình là những người chỉ trích khách quan và vô tư, nhưng thực ra sống dựa nhờ hệ thống đó và các lợi ích của nó. Có một sự đạo đức giả đáng buồn khi quyền đặc miễn tội phạm, việc sử dụng các định chế để trục lợi cá nhân hoặc tập đoàn, và những tệ nạn khác dường như không thể diệt trừ được, thường đi kèm với việc chỉ trích không ngừng về đủ mọi chuyện, một việc không ngừng gieo rắc nghi ngờ dẫn đến việc mất lòng tin và nhầm lẫn. Khiếu nại cho rằng "mọi sự đều đã đổ vỡ" được trả lời bằng chủ trương cho là "nó không thể sửa được" hoặc "tôi làm gì được?" Điều này càng làm gia tăng sự vỡ mộng và tuyệt vọng, và khó mà khuyến khích tinh thần liên đới và quảng đại. Dấn sâu con người vào tuyệt vọng khép lại một vòng tròn hoàn toàn sai trái: đó là nghị trình của nền độc tài vô hình của các quyền lợi giấu mặt đã giành được quyền làm chủ cả các tài nguyên lẫn khả thể suy nghĩ và bày tỏ ý kiến.

76. Cuối cùng chúng ta hãy hướng về người đàn ông bị thương. Có những lúc chúng ta cảm thấy như ông ta, bị tổn thương nặng nề và bị bỏ lại ở vệ đường. Chúng ta cũng có thể cảm thấy bất lực vì các định chế của chúng ta bị bỏ bê và thiếu tài nguyên, hoặc chỉ đơn giản phục vụ lợi ích của một thiểu số, bên ngoài và bên trong. Thật vậy, “xã hội hoàn cầu hóa thường có một cách chuyển dịch cái nhìn một cách tao nhã. Dưới chiêu bài chính xác về chính trị hay hợp thời thượng ý thức hệ, chúng ta chỉ nhìn những người đau khổ chứ không chạm vào họ. Chúng ta truyền hình trực tiếp các hình ảnh về họ, thậm chí nói về họ bằng nhiều uyển ngữ và đầy khoan dung biểu kiến” [59].

Bắt đầu lại

77. Mỗi ngày đều mang đến cho chúng ta một cơ hội mới, một khả thể mới. Chúng ta không nên mong đợi mọi sự từ những người cai trị chúng ta, vì điều đó có tính con nít. Chúng ta có không gian cần thiết để cùng chịu trách nhiệm trong việc tạo ra và áp dụng các diễn trình và thay đổi mới. Chúng ta hãy tham gia tích cực vào việc đổi mới và hỗ trợ các xã hội đang gặp khó khăn của chúng ta. Hôm nay, chúng ta có cơ hội lớn để phát biểu tình huynh đệ bẩm sinh của mình, trở thành những Người Samaritanô nhân hậu, những người gánh nỗi đau rắc rối của người khác thay vì xúi giục lòng căm thù và oán giận lớn hơn. Giống như người du hành tình cờ trong dụ ngôn, chúng ta chỉ cần có lòng mong muốn thuần túy và đơn giản được là một dân tộc, một cộng đồng, không ngừng và không mệt mỏi cố gắng bao gồm, hòa nhập và nâng đỡ những người vấp ngã. Có thể chúng ta thường thấy mình rơi vào não trạng của những kẻ bạo lực, tham vọng một cách mù quáng, những kẻ gieo rắc ngờ vực và dối trá. Có thể những người khác cứ tiếp tục coi chính trị hoặc kinh tế như một đấu trường cho những cuộc chơi quyền lực của họ. Về phần mình, chúng ta hãy cổ vũ điều tốt và đặt mình phục vụ nó.

78. Chúng ta có thể bắt đầu từ bên dưới và tùy từng trường hợp, hành động ở các bình diện cụ thể nhất và có tính địa phương, và, sau đó mở rộng đến những vùng xa xôi nhất của đất nước và thế giới của chúng ta, với cùng sự quan tâm và chăm sóc mà người Samaritanô đã biểu lộ với từng vết thương của người đàn ông bị thương. Chúng ta hãy tìm kiếm người khác và đón nhận thế giới trong hiện trạng của có, mà không sợ đau đớn hay cảm thức bất cập, vì ở đó chúng ta sẽ khám phá ra tất cả những điều tốt lành mà Thiên Chúa đã gieo trồng vào lòng con người. Những khó khăn tưởng chừng như quá sức lại là cơ hội để phát triển, chứ không phải là lý do bào chữa cho một sự nhẫn nhục ủ rũ chỉ có thể dẫn đến sự phục tùng. Tuy nhiên, chúng ta đừng làm điều này một mình, với tư cách cá nhân. Người Samaritanô đã phát hiện được một người chủ quán vui lòng chăm sóc người đàn ông; chúng ta cũng được kêu gọi đoàn kết như một gia đình mạnh hơn tổng số các thành viên cá thể nhỏ mọn. Vì “toàn thể lớn hơn bộ phận, nhưng nó cũng lớn hơn tổng số các bộ phận của nó” [60]. Chúng ta hãy từ bỏ óc nhỏ nhen và oán giận của cuộc chiến nội bộ vô bổ và không ngừng đối kháng. Chúng ta hãy ngưng việc thương hại mình để thừa nhận tội ác, sự thờ ơ, các dối trá của mình. Sự đền bù và hòa giải sẽ mang lại cho chúng ta cuộc sống mới và giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi.

79. Người Samaritanô, người đã dừng lại dọc đường, đã lên đường mà không hề mong đợi được công nhận hay biết ơn. Nỗ lực giúp đỡ một người khác của ông đã mang lại cho ông một sự hài lòng to lớn trong cuộc sống và trước mặt Thiên Chúa của ông, và do đó trở thành một nghĩa vụ. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với những người bị thương, những người của dân tộc chúng ta và của mọi dân tộc trên trái đất. Chúng ta hãy quan tâm đến nhu cầu của mọi người nam và người nữ, người trẻ và người già, với cùng một tinh thần chăm sóc và gần gũi huynh đệ từng lên đặc điểm cho người Samaritanô nhân hậu.

80. Chúa Giêsu kể dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu để trả lời cho câu hỏi: Ai là người hàng xóm của tôi? Chữ “người hàng xóm”, trong xã hội thời Chúa Giêsu, thường có nghĩa là những người gần chúng ta nhất. Người ta cảm thấy sự giúp đỡ chủ yếu nên được dành cho những người thuộc nhóm và chủng tộc riêng của mình. Đối với một số người Do Thái thời đó, người Samaritanô bị coi thường, bị coi là không trong sạch. Họ không nằm trong số những người phải giúp đỡ. Chúa Giêsu, bản thân là một người Do Thái, hoàn toàn biến đổi cách tiếp cận này. Người yêu cầu chúng ta không nên quyết định xem ai là người đủ gần gũi để trở thành người hàng xóm của chúng ta, mà đúng hơn chính chúng ta phải trở thành người hàng xóm cho mọi người.

81. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hiện diện với những người cần giúp đỡ, bất kể họ có thuộc nhóm xã hội của chúng ta hay không. Trong trường hợp này, người Samaritanô trở thành hàng xóm của người Giuđêa bị thương. Bằng cách tiếp cận và làm cho mình hiện diện, ông đã vượt qua mọi rào cản về văn hóa và lịch sử. Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng câu: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10:37). Nói cách khác, Người thách thức chúng ta gạt bỏ mọi dị biệt và, đứng trước đau khổ, sẵn sàng đến gần người khác mà không cần thắc mắc. Tôi không nên nói tôi có người hàng xóm để giúp đỡ, mà bản thân tôi phải là người hàng xóm cho người khác.

82. Tuy nhiên, dụ ngôn này có làm ta bối rối, vì Chúa Giêsu nói rằng người bị thương là người Giuđêa, trong khi người dừng lại và giúp đỡ ông ta là người Samaria. Chi tiết này khá có ý nghĩa đối với sự suy gẫm của chúng ta về một tình yêu bao gồm mọi người. Người Samaria sống trong một khu vực thực hành các nghi lễ ngoại giáo. Đối với người Do Thái, điều này khiến họ trở nên ô uế, đáng ghét và nguy hiểm. Thực thế, một bản văn cổ Do Thái đề cập đến các quốc gia bị ghét bỏ, nói về Samaria “thậm chí không phải là một dân tộc” (Hc 50:25); nó cũng nhắc đến “dân ngu xuẩn sống ở Shechem” (50:26).

83. Điều này giải thích tại sao một phụ nữ Samaria, khi được Chúa Giêsu xin uống nước, đã trả lời cộc lốc: “Làm sao mà ông, một người Do Thái, lại xin nước uống của tôi, một phụ nữ Samaria?” (Ga 4: 9). Lời buộc tội xúc phạm nhất mà những ai tìm cách làm mất uy tín của Chúa Giêsu có thể đưa ra là Người bị “quỉ ám” và là “người Samaritanô” (Ga 8:48). Vì vậy, cuộc gặp gỡ lòng thương xót này giữa một người Samaritanô và một người Do Thái có tính kích thích; nó không chừa chỗ cho sự thao túng ý thức hệ và thách thức chúng ta mở rộng biên giới của chúng ta. Nó mang lại một chiều kích phổ quát cho ơn gọi yêu thương của chúng ta, một chiều kích vượt quá mọi định kiến, mọi rào cản lịch sử và văn hóa, mọi quyền lợi nhỏ nhặt.

Lời nài xin của người khách lạ

84. Cuối cùng, tôi xin lưu ý rằng trong một đoạn Tin Mừng khác, Chúa Giêsu nói: “Ta là khách lạ và các con đã đón tiếp Ta” (Mt 25:35). Chúa Giêsu có thể nói những lời đó vì Người có tấm lòng rộng mở, nhạy cảm đối với các khó khăn của người khác. Thánh Phaolô thúc giục chúng ta hãy “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12:15). Khi trái tim chúng ta làm được điều này, chúng có khả năng đồng nhất với những người khác mà không cần lo lắng về việc họ sinh ra hoặc phát xuất từ đâu. Trong khi đó, chúng ta cảm nghiệm được người khác như là “thịt máu của chính mình” (Is 58: 7).

85. Đối với các Kitô hữu, lời lẽ của Chúa Giêsu còn có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Chúng buộc chúng ta phải nhận ra chính Chúa Kitô trong mỗi người anh chị em bị bỏ rơi hoặc bị loại trừ (x. Mt 25: 40,45). Đức tin có năng lực vô hạn trong việc truyền cảm hứng và duy trì lòng tôn trọng của chúng ta đối với người khác, vì các tín hữu biết rằng Thiên Chúa yêu mọi người nam nữ bằng một tình yêu vô hạn và “do đó ban cho nhân loại phẩm giá vô hạn” [61]. Chúng ta cũng tin rằng Chúa Kitô đã đổ máu mình vì mỗi người chúng ta và không ai nằm ngoài phạm vi tình yêu phổ quát của Người. Nếu chúng ta đi đến nguồn gốc cuối cùng của tình yêu đó, một tình yêu vốn là chính sự sống của Thiên Chúa ba ngôi, chúng ta sẽ gặp trong cộng đồng Ba Ngôi Thiên Chúa nguồn gốc và hình mẫu hoàn hảo của mọi cuộc sống xã hội. Thần học tiếp tục được phong phú hóa bởi sự suy tư của nó về sự thật vĩ đại này.

86. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao, dưới ánh sáng của điều này, phải mất quá nhiều thời gian để Giáo hội có thể dứt khoát lên án chế độ nô lệ và các hình thức bạo lực khác nhau. Ngày nay, với nền linh đạo và thần học phát triển của chúng ta, chúng ta không có lý do gì để bào chữa. Tuy nhiên, vẫn có những người dường như cảm thấy được khuyến khích hoặc ít nhất được đức tin cho phép ủng hộ hàng loạt các chủ nghĩa duy dân tộc đầy hẹp hòi và bạo lực, bài ngoại và khinh miệt, và thậm chí cả việc ngược đãi những người khác biệt. Đức tin, và chủ nghĩa nhân bản được đức tin truyền cảm hứng, phải duy trì một cảm thức có phê phán khi đứng trước những khuynh hướng này, và đưa ra phản ứng ngay lập tức bất cứ khi nào chúng xuất đầu lộ diện. Vì lý do này, điều quan trọng là việc dạy giáo lý và thuyết giảng phải nói một cách trực tiếp và rõ ràng hơn về ý nghĩa xã hội của hiện sinh, chiều kích huynh đệ của linh đạo, niềm xác tín của chúng ta về phẩm giá bất khả chuyển nhượng của mỗi con người, và các lý do khiến chúng ta yêu thương và chấp nhận mọi anh chị em của mình.

Kỳ tới: CHƯƠNG BA: DỰ KIẾN VÀ PHÁT SINH MỘT THẾ GIỚI CỞI MỞ
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Hòa Minh – Giáo Phận Đà Nẵng mừng bổn mạng
Tô-ma Trương Văn Ân
09:49 11/10/2020
Giáo xứ Hòa Minh, nguyên là Giáo Họ của Giáo xứ Hòa Khánh, được Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri- Bản Quyền Giáo phận Đà Nẵng tại thời điểm đó, giao cho Dòng Tên Việt Nam chăm lo công tác mục vụ, và nâng lên thành Giáo Họ Biệt lập vào ngày 24 / 5 / 2015. ngày 25/1/2019, dịp kỷ niệm ngày Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII công bố triệu tập Công đồng Vatican II, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục giáo phận Đà Nẵng đương nhiệm, đã ký quyết định nâng giáo họ biệt lập Hòa Minh lên hàng giáo xứ. Giáo xứ Hòa Minh chọn Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII làm Bổn mạng, Giáo Hội Mừng Kính Ngài vào ngày 11 tháng 10 ( đây là ngày Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII khai mạc Công Đồng Vat II. 11 / 10 / 1962 và Bế mạc 8 / 12 / 1965 )

Xem Hình

Lúc 8 giờ ngày 11 / 10 / 2020, tại Nhà thờ Giáo xứ Hòa Minh, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, đã Chủ sự Thánh lễ Mừng Kính Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII – Bổn mạng Giáo xứ, đồng thời Bổ nhiệm Cha Phan-xi-cô Xavie Nguyễn Thanh Vũ, SJ làm tân Quản xứ và Cha Giuse Trương Đình Sáng, SJ Phụ tá.

Đồng tế với Đức Giám Mục giáo phận trong thánh lễ tạ ơn đặc biệt này, có Cha Phê-tô Hoàng Gia Thành- Hạt Trưởng hạt Đà Nẵng, Cha Giaxintô Võ Thành Châu – Bề trên Dòng Ngôi Lời tại Đà Nẵng và cha Giuse Nguyễn Thanh Tùng- Quản lý Tòa Giám mục.

Trong Nghi lễ bổ nhiệm, Đức Giám Mục ( ĐGM) đã ủy thác việc coi sóc Giáo xứ, chăm lo công tác mục vụ Cộng đoàn Hòa Minh cho Hai Cha, qua văn thư bổ nhiệm của ĐGM, được Cha Giuse – Quản lý TGM tuyên đọc.

Cha tân Quản xứ đã đón nhận ủy thác của ĐGM với lòng biết ơn và công khai tuyên xưng Đức tin tông truyền của Giáo Hội trong Kinh Tin Kính. Cha lập lại lời hứa vâng phục Đấng Bản Quyền của Hội Thánh, chu toàn thừa tác vụ Lời Chúa, trung tín các Mầu nhiệm và Thánh hóa Dân Thiên Chúa theo truyền thống của Hội Thánh. Cha đã đặt tay trên sách Lời Chúa để tuyên hứa và xin Lời Chúa hướng dẫn nâng đỡ chu toàn lời hứa của mình.

Trong Bài giảng, Đức Giám Mục sơ lược lại tiểu sử và đời sống Thánh hiến của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, những Thánh đức của Thánh nhân để mỗi người cần học hỏi noi theo. Đồng thời ĐGM cũng huấn dụ về Ơn gọi và Sứ mệnh của Người Linh mục : sống mầu nhiệm của Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, dấu chỉ hiệp thông Cộng Đoàn Dân Chúa và thực hiện Sứ vụ trong Giáo Hội.

Sau Lời nguyện hiệp lễ, Cha Tân Quản xứ đại diện Cha Phụ tá và cả Ông Trưởng Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ Giáo xứ, đã nói lên lời tạ ơn Thiên Chúa đã bao bọc chở che Giáo xứ, cám ơn Đức Giám Mục, Cha Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, Quý Cha hiện diện, Quý Cha tiền nhiệm (*), cám ơn sự cộng tác nâng đỡ của n nhân – Thân nhân, Ban Truyền thông và của mỗi người Giáo dân Hòa Minh.

Vũ điệu “ Chính Chúa Chọn Con” như tâm tình tin yêu phó thác và “ Ca Khúc Tạ Ơn” là lời tạ ơn mãi mãi của Cộng đoàn Giáo xứ, đã được các em Thiếu nhi thể hiện lúc nhẹ nhàng thanh thoát, lúc sôi động vui tươi.

Xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh giáo hoàng Gioan XXIII ban nhiều ơn Thiêng cho Quý cha và Giáo xứ. để Cộng đoàn Hòa Minh luôn được Hiệp nhất, sống sứ vụ và Loan báo Tin Mừng.

Tô-ma Trương Văn Ân

(*) Quý Cha tiền nhiệm Giáo xứ Hòa Minh : Cha Phê-rô Trương Văn Phúc, SJ (25/4/2015 – 20/2/2017); Cha To-ma Aquino Tạ Trung Hải, SJ ( 20/2/ 2017-11/10/2020)
 
Nhóm cộng sự viên từ Montclair và Clairemont về họp mặt tại Trụ sở VietCatholic
Mai Lan
15:29 11/10/2020
NAM CALI -- Anh chị em cộng tác viên và các chuyên gia chương trình Truyền hình VietCatholic Net ở miền Claremont và Montclair thuộc TGP Los Angeles và San Bernadino từ ngày xẩy dịch coronavirus đến nay “đã lâu không gặp”… nhưng lại nhớ tới mùa những trái Nhãn và Hoa quả nhà Cha Nghị đang chín – “chỉ sợ chim trời ăn mất tiêu!” – nên hè nhau phải tới thăm -- trước là sức khỏe của Cha, sau là có dịp gặp nhau hàn huyên chuyện cũ chuyện mới -- rồi thưởng thức hoa trái đầu mùa. Nhất nữa mới đây anh Thái, Ngân và Hy đi biển câu được cá tuna và yellowtail tươi ngon, lại thêm sư phụ Chí đi săn được lợn rừng, nên không cầm lòng được, phải “đánh chén thôi”.

Xem hình ảnh (Photos: Thành Nguyễn và William Nguyễn)

Nhóm anh em đó gồm có: AC Ngân- Lan, AC Thái - Kiều, AC Chí - Phụng, AC Lễ - Kim Phụng, AC Chi - Hoa, AC Hy - Hải, AC Tấn - Loan, Anh Thành. Nhóm dưới Orange gồm có: AC Quyên Di - Hồng Trang, AC Quốc Việt - Thu Hương, AC Nhật - Phương Chi, Anh Ken Khanh, Anh William Nguyễn và Cô Cúc. Có vài anh chị em không tới được vì con cái làm bác sĩ lại sợ covit không cho bố mẹ đi… Tiếc vời vợi, nhưng bên này con cái nói gì bố mẹ cũng nên nghe theo.

Cha Giám đốc VietCatholic hân mạnh mời thêm được các cha bạn tới chung vui gồm có Đ.Ô. Phạm Quốc Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn CGVN Miền Tây Nam, Cha Mai Khải Hoàn, cựu Chủ tịch, Cha Nguyễn Đức Trọng sáng lập Đền Đức Mẹ La Vang Las Vegas, và Cha Nguyễn Văn Phương, phó xứ Saint Columban.

Anh chị Ngân đến ngay từ lúc 2g trưa mục đích là "chiết" mấy cây nhãn cho một số anh chị em đặt hàng từ trước. Năm ngoái ăn nhãn này có cùi dầy, hột nhỏ, mùi vị lại thơm ngào ngạt, nên nhiều anh chị em muốn xin giống về trồng tại nhà. Từ ngày xẩy ra dịch đến nay, anh Ngân vẫn là chuyên gia trồng cây cảnh, nay lại đã trau dồi thêm nghề chiết các loại cây như: măng cầu, bưởi, ổi và nhãn… đã rất thành công.

Trong lúc sửa soạn bữa ăn và sau bữa ăn các anh chị rất hứng thú và hăng hái chia sẻ những loại cây trái nhà mình trồng được, không những vậy mà còn rành mạch chỉ dẫn cách bón phấn tưới nước, chấm phấn hoa như thế nào cho cây sai trái. Dịch corona đã biến nhiều người thành nông gia chuyên nghiệp vui thú điền viên. Thế mới thích chứ!

Ngoài những chùm nhãn cha đã cắt sẵn để biếu anh chị em và một rổ quả ổi trái to vừa sắp chín tới có cùi dầy, ít hột thơm ngon… cha còn có độ 10 quả gấc đã chín đỏ thắm cha cũng cắt xuống biếu anh chị em. Có một số cây bưởi trái to nhưng chưa đến mùa trái chín nên đành để dành đó.

Nhân tiện anh chị Tấn Loan cũng mang tới một thùng ổi trái rất to (cùng lứa ổi trồng cách đây 5 năm với Cha Nghị).

Trời hôm nay thật đễ chịu không nóng bức như tuần trước, nên anh chị em trò chuyện rất thoải mái. Khi các Cha tới đầy đủ, anh chị em chụp hình chung kỉ niệm bên hồ bơi vừa mới được tân trang lại.

Ngồi vào bàn ăn đã được Phương Chi và chị em trang trí rất bắt mắt. Một chiếc bàn rộng kê ngay trước đài Đức Mẹ La Vang đủ cho 30 người ngồi, ấm úng và thân tình.

Thực đơn gồm: Sushi cá tuna và yellowtail, Lợn rừng, Thịt ba rọi quay ăn với bánh hỏi (món đặc biệt của chị Phụng, dù có tí mỡ nhưng quá ngon nên các xướng ngôn viên dù có muốn giữ eo cũng không bao giờ cầm lòng được!), Xôi mặn, Bánh bột lọc, Bánh bò nướng và bánh da lợn, Thạch, Rược Sake, Bia Rượu vang, Chè đậu, Trà sữa, Bánh Chúc Mừng và Hoa quả.

Trong bàn ăn anh chị em chia sẻ biết bao biến cố và tin tức cập nhật của các gia đình anh chị em. Trong tất cả các gia đình không có ai bị mắc bệnh dịch covit cả. Cám tạ hồng ân Thiên Chúa.

Có vài anh chị em phát biểu: “Hôm nay có dịp gặp nhau thật quá hạnh phúc và vui mừng, vì nhà mình sống ngay gần cạnh gia đình chị B thế mà cả 8 tháng nay đâu có gặp nhau… chỉ nói chuyện qua điện thoại thôi”.

Thấy các anh chị mang bánh chúc mừng thấy đề kỷ niệm “49 năm Linh mục” của Cha, nên Mai Lan mới hỏi Cha “ủa cha kỷ niệm 49 năm hôm nay?”

Cha nói: “Đâu có phải hôm nay đâu, sang năm mới mừng 50 năm, có ai đi mừng 49 năm đâu, mấy anh chị quí mến nên lấy cớ đến thăm vì thấy cha già năm vừa qua ốm yếu đó thôi”. Cha tiết lộ thêm đáng lý ra tháng 10 này chừng 40 anh em linh mục lớp của Cha học bên Roma trước (gồm có cả Thượng phụ giáo chủ, các Tổng giám mục, các Giám mục và các Linh mục) đã dàn xếp về Roma mừng kỷ niệm 50 năm và sẽ được gặp Đức Thánh Cha, nhưng vì dịch covit nên đã phải bỏ chương trình. Dự tính khi nào hết dịch cũng sẽ về lại Roma trước khi các bạn học cùng lớp về chầu Chúa (vì cũng đã có tới trên 40 linh mục đã qua đời)”.

Sau bữa, vì đồ ăn quá nhiều, anh chị em đã chia nhau ra mỗi người một chút đưa về nhà lấy “yên-du”, đặc biệt còn chia nhau ổi, gấc và nhãn. Chị Loan còn ưu ái tặng cho các chị em một số mỹ phẩm “Nu Skin”. Anh chị Quốc Việt – Thu Hương tặng cho các Cha và mỗi gia đình một túi xách trong đó có các sản phẩm mới được cho ra thị trường gồm coffee và Trà Sữa… Các anh chị thật là hết sức rộng lượng và thân tình.

Một số ít anh chị em đã về, số đông còn lại ngồi lai rai kể cho nhau không biết bao nhiêu chuyện kỷ niệm nọ kia, xem ra đã nghe trước rồi, nhưng giờ nghe lại lần nữa cũng không bao giờ thấy chán… Tiếng cười vang vang, vui tươi hạnh phúc… Thế mới biết tình nghĩa anh chị em cộng tác viên VietCatholic thắm đậm biết bao nhiêu. Mỗi lần có dịp gặp nhau là mỗi lần cảm thấy được chia sẻ, được gần gũi, được mến thương, được yêu thương… và nhất là tình cha con đầm ấm, dù có là 10 năm, 20 năm hay có người đã cùng cộng tác cả trên 40 năm thì vẫn mặn mà yêu thương.

Thôi thì tạm chấm dứt ở đây… Hẹn ngày tái ngộ lần tới.

Mai Lan
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha lo buồn vì tình trạng của Giáo Hội tại Đức: Nhiều Giám Mục hành xử như Giáo Hoàng
Giáo Hội Năm Châu
04:52 11/10/2020

1. Báo cáo của Đức Cha Heinz-Josef Algermissen

Theo một vị Giám Mục đã gặp ngài trong tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc” về tình hình Giáo Hội Công Giáo ở Đức.

Đức Giám Mục Heinz-Josef Algermissen cho biết Đức Thánh Cha đã đề cập đến tình hình ở Đức với ngài sau buổi tiếp kiến chung vào ngày 7 tháng 10.

Đức Cha Heinz-Josef Algermissen nguyên là Giám Mục Fulda, thuộc bang Hesse, miền Tây nước Đức, nói rằng Đức Thánh Cha đã nhắc lại bức thư mà ngài viết cho người Công Giáo Đức vào tháng 6 năm 2019, trong đó ngài kêu gọi hàng giáo sĩ và anh chị em giáo dân tập trung vào việc truyền giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã phàn nàn rằng thông điệp của ngài đã bị lờ đi.

Đức Thánh Cha đã đưa ra bức thư trên trong bối cảnh có các mối quan tâm ngày càng tăng tại Vatican về “tiến trình công nghị” của Giáo hội Đức. Tiến trình này đang tập hợp các giáo dân và Giám Mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Vatican đã can thiệp sau khi các Giám Mục Đức nói rằng tiến trình công nghị này sẽ kết thúc với một loạt các cuộc bỏ phiếu có hiệu quả “ràng buộc” ít nhất là đối với Giáo Hội tại Đức. Tòa Thánh khẳng định rằng những kế hoạch này “không có giá trị về mặt giáo hội học.”

Tờ Fuldaer Zeitung tường thuật rằng Đức Thánh Cha nói với Đức Cha Algermissen rằng “tiến trình công nghị” ở Đức quá tập trung vào “các vấn đề chính trị”, chẳng hạn như vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và vấn đề luật độc thân linh mục.

Đức Cha Algermissen cho biết Đức Giáo Hoàng đã thúc giục ngài cần phải “rất rõ ràng và mạnh mẽ” để “bảo đảm rằng bức thư được ghi nhớ.”

Vị Giám Mục 77 tuổi nói rằng đi đến đâu ngài cũng được người ta hỏi: “Điều gì đang xảy ra ở Đức?” Ngài nói thêm rằng nhận thức ở Rôma là tiến trình công nghị mà Giáo hội Đức đang theo đuổi “làm biến dạng và bóp méo” Tin Mừng, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, báo cáo.

2. Can thiệp của Tòa Thánh

Những lời bình luận của Đức Cha Algermissen đã lặp lại ý kiến của Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Đại Kết Kitô Giáo. Đức Hồng Y nói hồi tháng trước rằng Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ mối quan tâm của mình về Giáo hội ở Đức “trong các cuộc trò chuyện cá nhân”.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 22 tháng 9 với tạp chí Herder Korrespondenz, Đức Hồng Y Koch nói rằng ngài tin rằng Đức Giáo Hoàng đã ủng hộ sự can thiệp gần đây của Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican trong một cuộc tranh luận về việc rước lễ chung giữa người Công Giáo và người Tin lành ở Đức.

Bộ Giáo lý Đức tin đã viết thư cho Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng Giám Mục Đức vào ngày 18 tháng 9, để nhấn mạnh rằng đề xuất về sự “hiệp thông Thánh Thể” sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ với các Giáo hội Chính thống.

Tuy nhiên, Đức Cha Bätzing nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô “đánh giá cao” “tiến trình công nghị” sau các cuộc tiếp kiến riêng với Đức Giáo Hoàng vào tháng Sáu.

“Tôi cảm thấy được củng cố bởi cuộc trao đổi sâu rộng với Đức Thánh Cha để tiếp tục đi trên con đường chúng tôi đã đi. Đức Thánh Cha đánh giá cao dự án này, là điều kết hợp chặt chẽ với khái niệm ‘tính đồng nghị’ mà ngài đã đưa ra,” vị Giám Mục Đức nói.

3. Phản ứng của các Giám Mục Đức

Các nhà lãnh đạo Giáo hội Đức khác đã bày tỏ sự nghi ngờ về “tiến trình công nghị”. Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của tổng giáo phận Köln nói rằng kết quả tồi tệ nhất sẽ là tiến trình này “dẫn đến sự chia rẽ và đặt Giáo Hội Đức ra bên ngoài Giáo hội, ra khỏi tình hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ”.

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Một Giáo Hội tìm cách thích nghi đức tin của mình cho phù hợp với thế giới, thì công việc điều chỉnh ấy không phải là hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhưng đơn thuần là do tinh thần con người của chúng ta mà ra”.

Đức Cha Bätzing đã bày tỏ sự bất đồng trước các mối quan tâm của Đức Hồng Y, nhấn mạnh rằng Giáo hội ở Đức là “một phần của Giáo hội phổ quát và sẽ không có gì thay đổi được điều đó”. Đức Cha Bätzing nói thế nhưng mặt khác ngài ra sức thúc đẩy các nghị quyết có liên quan đến toàn bộ Giáo Hội Hoàn Vũ, bất kể những lời cảnh cáo của Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật theo đó:

“Một Hội Đồng Giám Mục điạ phương không thể mang lại hiệu lực pháp lý cho các nghị quyết về các vấn đề liên quan đến Giáo Hội hoàn vũ, điều đó vượt quá khả năng của nó”.

Bức thư của Đức Giáo Hoàng

Trong bức thư gửi những người Công Giáo Đức hồi tháng Sáu năm ngoái, Đức Thánh Cha đã cảnh báo người Công Giáo Đức cần chống lại một công nghị “chỉ tập trung vào việc xem xét các cấu trúc chứ không được linh hoạt bởi sứ mệnh thiết yếu của Giáo Hội là truyền bá đức tin.”

Ngài cảnh báo rằng tiến trình công nghị của Đức phải tránh cám dỗ chạy theo “chủ nghĩa tân Pelagiô” dựa vào sức riêng của mình khi “tìm cách điều chỉnh cuộc sống của Giáo Hội theo luận lý hiện tại.” Hệ quả là chúng ta có thể có “một cấu trúc giáo hội gọn gàng và thậm chí là được ‘hiện đại hóa’, nhưng không có linh hồn và hấp lực truyền giáo.”

Đức Giáo Hoàng đặc biệt cảnh báo Giáo Hội Đức đừng nên theo đuổi bất kỳ đường lối nào nhắm thích nghi với não trạng đương thời và thúc giục người Công Giáo Đức phải bảo vệ Giáo Hội cả về cơ cấu lẫn đức tin.

“Giáo Hội hoàn vũ sống trong và với các Giáo Hội địa phương, cũng thế các Giáo Hội địa phương sống và phát triển trong và với Giáo Hội hoàn vũ, và nếu chúng ta tách ra khỏi toàn thể Giáo Hội, chúng ta sẽ suy yếu, khô héo và tàn lụi. Do đó, cần phải luôn luôn sống và hiệp thông hiệu quả với toàn thể Giáo Hội,” Đức Thánh Cha viết.

Ngài cảnh báo các Giám Mục Đức: “Mỗi lần các cộng đồng giáo hội đã cố gắng để giải quyết vấn đề của nó một mình, tin tưởng và tập trung hoàn toàn vào lực lượng của nó hoặc các phương pháp của nó, sự thông minh của nó, ý chí hoặc uy tín của mình, cuối cùng nó chỉ làm gia tăng và kéo dài tệ nạn nó đã cố gắng giải quyết.”


Source:Catholic News Agency
 
Ta phải đọc Thông điệp Tất cả là anh chị em như thế nào?
Giáo Hội Năm Châu
04:56 11/10/2020

Ta phải đọc Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) như thế nào? 'Đừng có đọc xuông mà đọc với tâm tình cầu nguyện' như là một “Tin Mừng cho thời đại chúng ta".

(Tin Vatican – Đức ông Kevin W. Irwin)

Trong chương mười hai của cuốn “Tự thú”, Thánh Augustinô kể lại biến cố ngài bị giao động lúc đang ở trong khu vườn của nhà mình… Thánh nhân nghe thấy một giọng trẻ thơ “Hãy cầm lấy mà đọc”. Ngài đã cầm lấy cuốn kinh thánh và đọc một đoạn trong Tân Ước. Ngài đã cảm được một sự bình an nội tâm và quyết tâm dâng mình cho Chúa. Khi chúng ta đọc thông điệp này của ĐTC, tôi khuyên chúng ta không chỉ “đọc” nó xuông mà thôi, nhưng hãy đọc trong tâm tư “cầu nguyện”. Trong những dòng mở đầu của Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), Đức Thánh Cha đã trích dẫn lời vị thánh bảo trợ của ngài, thánh Phanxicô thành Assisi đã nói với anh chị em mình, “về một lối sống được khởi đi từ Tin Mừng”, nó rất đơn giản, nhưng lại vô cùng khó khăn để thực hiện.

Một cách sống

Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) không phải đơn thuần là một số điều để thực thi, để điều chỉnh đây kia trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta cho bằng đây là một cuốn Phúc Âm sống cho thời đại của chúng ta. Những gì Đức Thánh Cha viết, là điều cần thiết giúp chúng ta không chỉ sống sót qua cơn đại dịch coronavirus, mà còn để được sống sung mãn trong thế giới đương đại đầy hấp dẫn này.

Đức Thánh Cha gọi đây là “thông điệp xã hội” thứ hai của ngài. Trong thông điệp này ĐTC muốn đề ra “một tầm nhìn mới về tình huynh đệ và tình bạn xã hội sẽ không còn cô đọng ở mức độ lời nói.” Theo cách nói ngày nay, ĐTC muốn chúng ta “đi đạo” chứ không chỉ “nói về đạo”. Đây là một tài liệu sơ lược về cuộc sống của người Kitô hữu Công Giáo trong việc đối thoại với những người có thiện chí.

Một tài liệu tinh túy của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô ký thác Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) cho thánh Phanxicô Assisi, ngay chính tại phần mộ của thánh nhân mà ĐTC đã cử hành Thánh lễ, ký và công bố thông điệp này vào một ngày trước lễ Thánh Phanxicô Assisi. Việc Vatican “triển khai” tông thư này vào buổi trưa ngày lễ được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ giữa Đức Hồng Y Quốc vụ khanh, Hồng Y Parolin và ủy ban của các Gáo hội Hồi giáo đã được thành lập sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Abu-Dhabi vào tháng 2 năm 2019.

Tông huấn Laudato Si ’của Đức Phanxicô cũng được lấy cảm hứng từ Thánh Phanxicô Assisi. Trong đó, Đức Thánh Cha thừa nhận sự đóng góp của Đức Thượng phụ Bartholomew trên những suy tư về việc chăm sóc vũ hoàn. Trong Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), Đức Thánh Cha cũng nhìn nhận những đóng góp của Đại giáo trưởng Grand Imam Ahmad Al-Tayyeb trong chuyến tông du Abu Dabi của Ngài. Những cảm nghiệm từ các chuyến tông du và gặp gỡ của Đức Thánh Cha đã được kết tụ lại...

Thông điệp này là một lời mời gọi cho tất cả chúng ta, hãy mở rộng tầm nhìn của mình về một “thế giới không biên giới” (n. 3-8) và xem mọi người sống trong hành tinh này là anh chị em vậy. Đặc biệt, ĐTC thay mặt cho những người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, cũng như những người tàn tật, đau yếu và già cả, cần phải được lưu tâm tới như là một trọng tâm.

Chuyển đổi cuộc sống

Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) là một tài liệu tuyệt vời được viết theo lối viết mời gọi. Tuy nhiên, hãy chuẩn bị cho một lời mời gọi không ngừng, không khác gì một cuộc hoán cải, một cuộc đời thăng tiến sắc sảo mà Đức Thánh Cha Phanxicô kết tụ lại bằng chính những sự tan vỡ và phân rẽ của thế giới ngày nay. Điều này bao gồm những tham lam bê bối của chủ nghĩa cá nhân và các thể chế thống trị trước cái nhu cầu mời gọi các tôn giáo, xích lại gần nhau trong “tình anh chị em và tình bằng hữu xã giao” để chống lại các giá trị văn hóa thế tục…

Tình liên đới và góp sức

Giống như hầu hết các tông huấn, tông thư, Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) được nghiên cứu và biên soạn thật kỹ lưỡng. Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn các vị tiền nhiệm của ngài qua các triều đại, các ngài đã giảng dạy về nhiều vấn đề bao gồm cả kinh tế và án tử hình… Đây là những xác quyết rằng không phải ĐTC đã tạo ra các tiền đề hay lối sống Công Giáo hôm nay, nhưng ngài đã kế thừa và đem chúng vào áp dụng cho thời đại hôm nay.

Chúng ta là ai và ở đâu?

Chương đầu tiên của Thông điệp là một “chương” vô cùng sâu sắc về chính chúng ta trên thế giới này. Nó được diễn tả bằng những phương pháp “xem xét, phê phán và đưa ra hành động” và Đức Thánh Cha đã sử dụng nhiều tài liệu. Có một lời cảnh báo là: đây không phải là một chương dễ đọc. Nó giống như một chẩn đoán y tế chính xác, sau đó dẫn đến việc điều trị, mà hầu như tất cả chúng ta, anh chị em của chúng ta đều có cảm nghiệm...

Hai ống kính để nhìn thế giới

Tông huấn “Laudato Si”và Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) được gửi cho tất cả mọi người nam nữ trên thế giới, thuộc mọi tín ngưỡng và nơi chốn, chức không chỉ cho những người Công Giáo hay các phẩm trật trong Hội thánh mà thôi. Nó cung cấp cho chúng ta một cách nhìn mới về thế giới và cái nhìn vào chính cuộc sống chúng ta; Nó cung cấp cho chúng ta một lăng kính mà qua đó chúng ta nhìn vào mọi sự vật. Ông kính này không có màu, nhưng cả hai ống kính (Tông huấn Laudato Si và Thông điệp Fratelli Tutti, đều nhuốm màu hy vọng, rất cần thiết cho lúc này và bây giờ.

Phản văn hóa

Trong những tuần đầu tiên khi coronavirus được phát tán trên một nhóm dân cư trên toàn thế giới, thì không một nhà chức trách đạo đời nào mà lại không liên tục nhìn nhận "chúng ta cùng chung một số phận!" Cụm từ này cũng có thể là một điểm quan trọng cho bản văn này. “Chúng ta cùng chung một số phận” giúp chúng ta ý thức phải trở thành “người Samaritanô nhân hậu” cho nhau. Nhiều người đã biết rộng mở đón nhận và sống ý niệm này... Nhưng nhiều người vẫn bo bo bảo vệ và khư khư cố thủ cho cái “tôi” và “của tôi”. Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), nói cho chúng ta biết đại danh xưng số nhiều: “chúng tôi”, và “của chúng tôi”. Chúng ta cùng chung một số phận, nên tất cả chúng ta phải có trách nhiệm trên ngôi nhà chung của chúng ta.

Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) là một tông thư sâu sắc. Nó có thể làm thay đổi tâm trí và trái tim chúng ta. Nó có thể là một con đường để "đổi mới bộ mặt trái đất." Hãy cầm lấy đọc trong tâm tư cầu nguyện.

Đức ông Kevin Irwin là Giáo sư tại Phân khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington D.C.

Những điểm nổi bật trong Thông điệp “Tất cả là anh chị em”(Fratelli tutti)

(Tin Vatican - Sr Bernadette Mary Reis, fsp)

Sáng Chủ nhật (4/10/2020) tại Hội trường Thượng hội đồng, một số yếu nhân đã qui tụ lại để ra mắt thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) của ĐTC Phanxicô.

Thành phần của bàn chủ tọa gồm có: Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin; Đức Hồng Y Miguel Ayuso, Tổng trưởng Hội đồng Đối thoại Liên tôn; Thẩm phán Mohamed Mahmoud Abdel Salam, Tổng thư ký Ủy ban cấp cao về tình huynh đệ nhân loại; Giáo sư Anna Rowlands, Giáo sư về Tư tưởng và Thực hành Xã hội học Công Giáo, thuộc Đại học Durham (Anh), và Giáo sư Andrea Riccardi, Người sáng lập Cộng đồng thánh Egidio và là Giáo sư chuyên về Lịch sử Đương đại.

Thông điệp Fratelli tutti: hòa giải mọi sự bất hòa

Thẩm phán Mohamed Mahmoud Abdel Salam chia sẻ: “Mặc dù tôi đã đồng hành cùng Đức Thánh Cha và Đức Đại Giáo trưởng Imam trong nhiều giai đoạn khác nhau của tiến trình Tình huynh đệ nhân loại trong thập kỷ qua, nhưng khi đọc thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) chứa đựng thông điệp về Tình huynh đệ và Tình bạn xã hội, tôi đã vô cùng ngỡ ngàng về lối trình bày tinh tế, nhạy bén và có khả năng thu hút trước các chủ đề về tình huynh đệ của con người trên toàn thế giới. Đó là lời kêu gọi hòa giải hòa hợp cho một thế giới đang bất hòa, đây là một thông điệp kêu gọi một sự hòa hợp cá nhân lẫn tập thể với các quy luật của vũ trụ, thế giới và sự sống. Ý niệm này được đặt nền trên một lý luận rõ ràng bắt nguồn từ sự thật và có thể thực hiện được trong đời sống thiết thực và trong thế giới thực tại của chúng ta."

“Kính thưa quí vị quan khách, là một học giả Hồi giáo trẻ tuổi chuyên về Giáo phái Shari'a, luật của một Giáo phái Hồi giáo và các môn học của giáo phái, tôi thấy mình - với một tình cảm sâu xa và tôn kính – hoàn toàn đồng ý với Đức Thánh Cha, và tôi tôn trọng mọi lời ngài đã viết trong thông điệp. Tôi hoàn toàn yểm trợ, với niềm vui và hy vọng, tất cả các đề xuất của ĐTC đề ra, liên quan tới sự quan tâm, đến nỗ lực tái sinh tình huynh đệ nhân loại”.

Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) đề cập đến 'tình yêu và sự quan tâm'

Giáo sư Anna Rowlands phát biểu: “thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) nói về tình yêu và sự quan tâm - sự quan tâm giúp làm cho một thế giới bị tan vỡ và rướm máu được hồi sinh lành mạnh lại. Đó là một bài xã hội học về Người Samaritanô nhân hậu, người đưa tình yêu và sự quan tâm lên thành quy luật ưu việt, và là gương mẫu cho chúng ta về tình bạn xã hội sáng tạo. "

"Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cũng nhìn vào thế giới một cách tương tự, để chúng ta thấy được mối quan hệ cơ bản, tất yếu của vạn vật và con người, gần cũng như xa. Nói một cách đơn giản, thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) là một thách thức đối với hệ sinh thái, chính trị, đời sống kinh tế và xã hội. Nhưng trên tất cả, nó là một tuyên ngôn về một chân lý tươi vui không thể bị mai một, được trình bày ở đây như một mùa xuân tươi đẹp cho một thế giới đang chán chường mệt mỏi."

“Việc coi Chúa như người bạn đồng hành với chúng ta, và chúng ta là họ hàng thân thương của nhau trong hình ảnh của Thiên Chúa, chính là ngôn ngữ tình yêu. Có nhiều cách thức khác nhau để gọi tên Chúa. Nhưng thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn chúng ta nghe vào thời điểm này là chúng ta được biến đổi con người chúng ta hoàn toàn bởi những gì thu hút chúng ta từ bên ngoài của chính mình. Điều làm cho tình yêu linh thánh trở nên khả thi là một tình yêu thiêng liêng, tuôn tráo cho tất cả mọi người, là sự tái sinh, liên kết, cầu nối không ngừng được đổi mới. Tình yêu này không thể bị hủy phá hay loại bỏ, và đó là nền tảng mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta bằng những lời nói yêu thương của vị thánh Phanxicô thành Assisi: Tất cả chúng ta là anh chị em (Fratelli tutti).

Người bảo vệ hòa bình

Giáo sư Andrea Riccardi thì cho hay: “thông điệp cho chúng ta thấy rằng tất cả chúng ta đều là những người bảo vệ hòa bình. Các thể chế có nhiệm vụ làm thức tỉnh lại 'kiến trúc hòa bình'. Tuy nhiên, chúng ta, những người dân bình thường cũng không được đứng ngoài lề. Nghệ thuật hòa bình là nhiệm vụ của tất cả mọi người: hàng ngày chúng ta phải tham gia vào một cuộc cách mạng táo bạo và đầy sáng tạo chống lại chiến tranh. Nếu có nhiều người có thể gây nên chiến tranh, thì tất cả chúng ta phải là những con người của hòa bình."

“Do đó vai trò của các tôn giáo thì rất quan trọng, Đức Thánh Cha đã đề cập đến các cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và gặp gỡ với Đại Giáo trưởng Imam Al-Tayyeb, khi hai vị cùng tuyên bố: 'Các tôn giáo không bao giờ được kích động chiến tranh! Nếu họ làm vậy, họ lạm dụng và khước từ vai trò đích thực của mình ".

“Khi đọc Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), tôi thấy Thông điệp không chỉ lên án chiến tranh, mà Thông điệp còn cho thấy hy vọng là hòa bình có thể xảy ra. Tôi nhớ lời mời của Đức Gioan Phaolô II khi ngài nói với các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại Assisi vào năm 1986: 'Hòa bình đang chờ đợi các vị tiên tri của nó... những người xây dựng nó... hòa bình là một cuộc đối thoại, mở ra cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho các chuyên gia, những người nghiên cứu và các chiến lược gia... nó được hình thành bằng trăm nghìn các hoạt động nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. 'Các nghệ nhân của hòa bình chính là những người nam nữ của tình huynh đệ. "

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề ra những giấc mơ đích thực cho toàn cầu, nơi mà những giá trị và lý tưởng vĩ đại đang bị lụi tàn. Chúng ta phải nên nhớ rằng mọi thứ phải phụ thuộc vào: hòa bình."

Phục vụ tình huynh đệ

Đức Hồng Y Miguel Ayuso thì phát biểu: “Tôi muốn công khai cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân danh Thánh bộ Đối thoại Liên tôn mà tôi là chủ tịch. Nhờ sự thúc đẩy và nâng đỡ mà ngài luôn dành cho các nỗ lực đối thoại liên tôn ngay từ buổi đầu của triều đại Giáo hoàng của ngài.”

“Tôi đọc Thông điệp này với một cảm xúc dạt dào, nhất là khi đọc chương tám, ĐTC viết “Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trong thế giới của chúng ta”. Tôi đã cộng tác với Đức Thánh Cha kể từ khi bắt đầu triều đại Giáo hoàng của ngài, tức gần tám năm nay. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu việc ngài đã được thực hiện, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn như cơn đại dịch gần đây nhất, trước những thảm trạng mà đại dịch Covid-19 gây ra."

Đối thoại liên tôn thực sự là trọng tâm của những suy tư và hành động của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trên thực tế, như Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) nói, 'Nỗ lực tìm kiếm Chúa với tấm lòng chân thành, miễn là đừng bao giờ để cho các tư tưởng hoặc mục đích nhằm phục vụ cho bản thân, không giúp chúng ta nhìn nhận nhau như những người bạn đồng hành và thực sự là anh chị em' với nhau (FT 274).”

“Khi coi sự tương kính và tình bạn là hai thái độ cơ bản, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở ra một cánh cửa khác, làm cho tình huynh đệ có thể đi vào các cuộc đối thoại giữa những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, giữa những người tin và không tin, và giữa những người thiện chí với nhau."

“Chúng ta hãy một lần nữa cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), khiến tất cả chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với nhau trong tình yêu của Chúa Kitô và Giáo hội, và điều đó khuyến khích chúng ta dấn thân cùng nhau phục vụ tình huynh đệ trong cái thế giới đại đồng này”.
 
Phát hiện mới tại Ý về virus Tầu. Những tấn kích dồn dập nhắm vào Thẩm Phán Công Giáo Amy Barrett
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:06 11/10/2020


1. Khoa học gia Ý chứng minh coronavirus là nhân tạo, do Trung Quốc chế ra

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết theo Giáo sư Joseph Tritto, coronavirus là nhân tạo, do Trung Quốc gây ra.

Giáo sư Joseph Tritto là tác giả cuốn “Cina Covid 19. La Chimera che ha cambiato il Mondo”, nghiã là “Covid 19 của Tầu. Quái thú thay đổi Thế Giới”, vừa được nhà xuất bản Edizioni Cantagalli phát hành trong tháng 9 vừa qua.

Trong cuốn sách này, tác giả đưa ra nhiều luận cứ khoa học dẫn đến kết luận virus này không có trong tự nhiên mà được tạo ra trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nói chính xác là thuộc phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 của Trung Quốc.

Ngoài những trách nhiệm đạo đức về những gì đã xảy ra, đại dịch Trung Quốc này đang phá vỡ cuộc sống và nền kinh tế của toàn thế giới, khi hướng đến tương lai.

Theo quan điểm của ông, có một nhu cầu cấp bách cần phải có các quy tắc an toàn trên toàn thế giới nhằm điều chỉnh các nghiên cứu liên quan đến cách tạo ra virus trong các phòng thí nghiệm, về cách các phòng thí nghiệm P4 (an toàn sinh học cấp độ 4) có thể hoạt động, về mối quan hệ giữa các phòng thí nghiệm quân sự và dân sự, và buộc Trung Quốc và các nước khác phải ký công ước về vũ khí sinh học và độc tố.


Source:Asia News


2. Trong buổi đọc kinh Mân Côi trực tuyến, các giám mục Hoa Kỳ xin Mẹ Maria cầu bầu cho Hoa Kỳ

Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã chủ sự buổi lần chuỗi Mân Côi vào hôm Thứ Tư cùng với một số giám mục khác, để xin Đức Mẹ cầu bầu cho Hoa Kỳ.

Mười hai giám mục Hoa Kỳ đã cầu nguyện các mầu nhiệm Năm Sự Sáng vào ngày 7 tháng 10, lễ Đức Mẹ Mân Côi, trực tiếp trên các trang Facebook và YouTube của USCCB.

Các giám mục đã xin Mẹ Maria cầu bầu cho đất nước, đặc biệt khi Hoa Kỳ đang đối mặt với những sự kiện quan trọng bao gồm đại dịch COVID-19, bạo loạn và bất ổn, và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Trong video, Đức Cha Gregory Mansour, Giám Mục Brooklyn đưa ra một số ý cầu nguyện của các giám mục và kết thúc chuỗi Mân Côi với một bài thánh ca về Đức Mẹ.

“Chúng ta hãy cầu nguyện, Lạy Chúa xin gìn giữ trái đất và chúng con khỏi sự tàn phá của những cơn thịnh nộ, những nguy hiểm, chia rẽ, chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh. Xin hãy thương xót chúng con, xin chữa lành người bệnh, giúp đỡ người nghèo, cứu những người bị áp bức, xin ban ơn yên nghỉ cho các tín hữu là những người đã từ giã chúng con để đến với Chúa,” ngài nói.

Phát biểu từ Nhà thờ Đức Mẹ là Nữ Vương Các Thiên thần ở Los Angeles, Đức Tổng Giám Mục Gomez bắt đầu buổi lần hạt bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nhau cầu nguyện. Ngài bày tỏ hy vọng rằng Đức Mẹ sẽ giúp nước Mỹ hoàn thành sứ mệnh mang lại “bình đẳng, tự do và công lý cho tất cả mọi người”.

“Chào mừng anh chị em,” ngài nói. “Đây thực sự là một khoảnh khắc lịch sử. Hôm nay, chúng ta tập hợp lại với nhau như những người có đức tin để cầu nguyện cho quốc gia của chúng ta”.

“Chúng ta là những nhà truyền giáo vào thời gian này và tại địa điểm này. Chúng ta được kêu gọi để mang Tin Mừng đến cho người dân của đất nước chúng ta ngày nay. Vì vậy, chúng ta hãy dâng chuỗi Mân Côi này cho Hoa Kỳ. Chúng ta cầu xin Mẹ Maria nhìn đến đất nước chúng ta với ánh mắt từ ái của Mẹ. Chúng ta cầu khẩn Mẹ cầu bầu cho quốc gia vĩ đại này,” ngài nói.

“Chúng ta cầu nguyện để nước Mỹ có thể hoàn thành tầm nhìn đẹp đẽ của những nhà truyền giáo và những người sáng lập đất nước chúng ta, như một vùng đất nơi tất cả những người nam nữ được đối xử như con cái của Chúa trong bình đẳng, tự do và công lý cho tất cả mọi người”.

Lời cầu nguyện mở đầu những chục kinh của chuỗi Mân Côi đã được cất lên bởi Đức Giám Mục Michael Burbidge của Arlington, Đức Cha William Joensen Giám mục Des Moines, và Đức Cha Thomas Daly Giám mục Spokane.

Các vị Giám mục Alfred Schlert của Allentown, Shelton Fabre của Houma-Thibodaux, Daniel Flores của Brownsville, Felipe de Jesús Estévez của Thánh Augustine, và Đức Cha phụ tá Robert Reed của Boston đã đọc các kinh Kính Mừng. Riêng mầu nhiệm thứ ba được nguyện bằng tiếng Tây Ban Nha.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục Miami chỉ trích những người chống Thẩm Phán Amy Coney Barrett vì niềm tin của cô

Chủ tịch ủy ban tự do tôn giáo của các giám mục Hoa Kỳ đã trả lời hôm thứ Năm trước sự tấn công liên tục nhắm vào Thẩm Phán Amy Coney Barrett, ứng viên Tòa án Tối cao, vì niềm tin Công Giáo của cô

“Hiến pháp nói cụ thể rằng không được kỳ thị người có niềm tin tôn giáo trong khi xác nhận vào một chức vụ công quyền.” Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski Miami nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm thứ Năm 8 tháng 10. Điều trần xác nhận Thẩm Phán Barrett vào Tòa án Tối cao bắt đầu vào ngày 12 tháng 10 trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện.

Đức Tổng Giám Mục nói, những người đang “nêu vấn đề” về niềm tin tôn giáo của Barrett trong quá trình xem xét đề cử của cô vào Tòa án Tối cao, “ không tôn trọng các nguyên tắc của Hiến pháp của chúng ta và do đó họ góp phần phá hoại nhà nước pháp quyền của chúng ta”.

Barrett, một thẩm phán của tòa phúc thẩm thứ 7 và là một bà mẹ Công Giáo có 7 đứa con, cũng là một cựu giáo sư luật tại Đại Học Notre Dame và thành viên của nhóm đại kết People of Praise.

Niềm tin Công Giáo của cô đã bị báo chí và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tấn công ráo riết. Vấn đề là nếu cô lọt vào Tối Cao Pháp Viện, tỷ số các Thẩm Phán phò sinh sẽ lên đến 6 trên tổng số 9 vị Thẩm Phán. Trong trường hợp này, đảng Dân Chủ lo ngại rằng cô cùng với 5 vị kia sẽ lật lại phán quyết Roe chống Wade, là phán quyết đã hợp pháp hóa phá thai tại Mỹ.

Tuần này, Tờ The Guardian và Washington Post đưa tin rằng Barrett, khi còn là sinh viên luật, cư trú tại nhà của người đồng sáng lập nhóm People of Praise, một nhóm đại kết có sức lôi cuốn được thành lập vào năm 1971 tại South Bend, Indiana.

People of Praise là nhóm cổ vũ canh tân trong Thánh Linh được các Giám Mục Hoa Kỳ hỗ trợ nhưng Tờ The Guardian vu cáo nhóm này là một “hội kín” và cho biết nhóm “đã bị chỉ trích vì đã chi phối cuộc sống của các thành viên và khuất phục phụ nữ”.

Hôm thứ Ba, tờ Washington Post đi xa đến mức cho rằng Barrett giữ vị trí “nữ tỳ” trong People of Praise. Ý muốn nói là người phải phục tùng mù quáng các chỉ đạo của nhóm mà không được có ý kiến.

Đức Tổng Giám Mục Wenski đã lên tiếng phản đối việc giải thích sai trái từ ngữ “nữ tỳ”.

“Từ ‘Handmaiden’ (“nữ tỳ”) tiếng Latinh là ‘ancilla’ - có nguồn gốc sâu xa trong Kinh thánh và trong Tân Ước đặc biệt khi đề cập đến Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Mẹ luôn tuyên bố mình là ‘nữ tỳ của Chúa’”, Đức Tổng Giám Mục Wenski nói.


Source:Catholic News Agency

4. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell: Tấn công đức tin của Thẩm Phán Barrett là tấn công đức tin của hàng triệu người Công Giáo Mỹ

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã lên tiếng chỉ trích các cuộc tấn công nhắm vào ứng viên Công Giáo Amy Coney Barrett, là người đang được đề cử của Tòa án Tối cao.

“Thật là một sự phân biệt đối xử thẳng thừng khi khẳng định rằng đức tin của Thẩm Phán Barrett là điều duy nhất khiến cô ấy không đủ tiêu chuẩn cho sự đề cử này,” Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố hôm thứ Tư. “Mọi Thẩm phán Tòa án Tối cao trong lịch sử đều có quan điểm cá nhân về niềm tin”.

Đáp lại những lời chỉ trích của giới truyền thông và chính trị rằng đức tin Công Giáo của Barrett khiến cô không có khả năng phục vụ công lý, Thượng nghị sĩ McConnell đã lên án những gợi ý “rằng Thẩm phán Barrett quá Kitô, hoặc là một người theo một loại Kitô Giáo sai lầm, không thể trở thành một thẩm phán tốt”.

Nhận xét của Thượng nghị sĩ McConnell được đưa ra sau khi nhiều báo cáo hôm thứ Ba tập trung vào tư cách thành viên của Barrett trong nhóm People of Praise, và gợi ý rằng tư cách thành viên của cô trong nhóm có nghĩa là cô ấy tin rằng phụ nữ nên phục tùng nam giới.

Barrett hiện là thẩm phán tại Tòa phúc thẩm số bảy và trước đây là giáo sư tại Khoa Luật Đại học Notre Dame. Là một bà mẹ 7 con, cô là thành viên của People of Praise, một nhóm đặc sủng đại kết được thành lập vào những năm 1970 trong đó khích lệ các tín hữu tìm kiếm các ơn Chúa Thánh Thần để thực hành đức tin của họ trong cộng đồng.

Nhóm này trước đây đã bị chỉ trích là một “giáo phái” trong đó người chồng là “đầu” và người vợ là “nữ tỳ”. Đó là một diễn giải sai lầm bóp méo Kinh Thánh của các phương tiện truyền thông đang muốn quyết liệt chống lại đề cử này của Tổng thống Trump.

Đức Tổng Giám Mục Wenski đã lên tiếng phản đối việc giải thích sai trái các từ ngữ “đầu” và “nữ tỳ”.

Trong các thư gửi cho tín hữu Côlôsê và Êphêsô, thánh Phaolô khai triển mối tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Đây là đề tài độc đáo và rất phong phú của thánh Phaolô mà chúng ta không tìm thấy trong các sách Tân ước khác. Chính trong những thư này chúng ta mới thấy xuất hiện những từ như Chúa Kitô là đầu thân thể, là đầu Giáo Hội. Theo triết học Hylạp, đầu (képhalé) mang giá trị nguyên tắc sống, dưỡng nuôi các chi thể.

“Từ ‘Handmaiden’ (“nữ tỳ”) tiếng Latinh là ‘ancilla’ - có nguồn gốc sâu xa trong Kinh thánh và trong Tân Ước đặc biệt khi đề cập đến Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Mẹ luôn tuyên bố mình là ‘nữ tỳ của Chúa’”, Đức Tổng Giám Mục Wenski nói.

Tóm lại, “đầu” và “nữ tỳ” không hàm ý người nam “thống trị” và người nữ “phục tùng” như những tuyên bố sai lạc của hai tờ báo trên.

Ngay trước khi Barrett được Trump đề cử phục vụ tại Tòa án Tối cao vào ngày 26 tháng 9, People of Praise đã bị tấn công và danh sách các thành viên bị truy cập.

Đức Cha Peter Smith, Giám Mục Phụ Tá của Portland và là thành viên của hiệp hội các linh mục trong nhóm People of Praise, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng các thành viên bắt đầu đến với nhau qua một “giao ước”, “không phải là một lời thề, là cầu nguyện cùng nhau, góp 10% thu nhập vào quỹ bác ái và gặp gỡ thường xuyên để nâng cao đời sống thiêng liêng, nâng đỡ các chương trình bác ái xã hội”. Ngài nói thêm rằng đó không phải là nhóm có khuynh hướng đảng phái. Ngài biết các thành viên của nhóm là đảng viên Đảng Cộng hòa và cũng có các đảng viên Dân chủ.

Hôm thứ Năm, các thượng nghị sĩ và người Công Giáo tố cáo rằng các báo cáo mới trên tờ Guardian và tờ Washington Post ám chỉ rằng đức tin Công Giáo của Barrett là bằng chứng cho thấy cô ấy sẽ bị ảnh hưởng bởi các niềm tin cực đoan và như thế là không thích hợp với tư cách là thẩm phán Tòa Án Tối Cao.

Thượng nghị sĩ Ben Sasse của Đảng Cộng Hòa đơn vị Nebraska nhận xét rằng:

“Người Công Giáo chỉ tin vào những giáo huấn Công Giáo,” ông nhấn mạnh rằng những câu chuyện vào giờ chót này là các “thuyết âm mưu” nhằm cho rằng Barrett đã bị “kiểm soát” bởi một nhóm có “niềm tin mù quáng và phân biệt giới tính”.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell gọi “các cuộc tấn công vào đức tin của Barrett” là “một sự ô nhục” và “ xúc phạm hàng triệu tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ”.

“Những kẻ tả khuynh cực đoan thế tục nói rằng họ đang hướng đến tiến bộ, nhưng họ vừa lang thang trở lại các diễn từ lúng túng trong thập niên 1960, khi một số lập luận rằng John F. Kennedy sẽ vâng lời Đức Giáo Hoàng hơn là phục vụ lợi ích quốc gia,” ông nói.

Hôm thứ Ba, Tờ The Guardian và Washington Post đưa tin rằng Barrett, khi còn là sinh viên luật, đã cư trú tại nhà của người đồng sáng lập nhóm People of Praise, nhằm nói rằng cô ấy bị chi phối rất mạnh bởi niềm tin của nhóm People of Praise.

Đáp lại, dân biểu Chuck Fleischmann của Đảng Cộng Hòa đơn vị Tennessee, một người Công Giáo, nói rằng ông cũng “cố gắng tiết kiệm tiền nhà khi theo học ở trường luật”, và chế riễu các cuộc tấn công vào đức tin của Thẩm Phán Barrett là những “cuộc tấn công tuyệt vọng.”

Matthew Franck, một giảng viên khoa chính trị tại Đại học Princeton và thành viên cao cấp tại Viện Witherspoon, tweet rằng các cuộc tấn công vào nhóm People of Praise là quá đáng và vô lý vì “nhóm People of Praise bao gồm các thành viên giúp đỡ nhau sống tốt hơn đời sống đạo đức của người Kitô hữu”.

Vấn đề thực sự ở đây là nếu Thẩm Phán Amy Coney Barrett vào được Tối Cao Pháp Viện, nhóm phò sinh sẽ có đến 6 Thẩm Phán trong số 9 Thẩm Phán. Hơn thế nữa, các Thẩm Phán của Tòa Án Tối Cao tại Hoa Kỳ không có nhiệm kỳ. Khi vào được, họ sẽ ở đó cho đến khi họ qua đời hay đến khi họ muốn từ chức. Thẩm Phán Ruth Bader Ginsberg là một ví dụ, bà ở đó cho đến khi qua đời ở tuổi 87.

Vì thế việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện sẽ tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ nhanh chóng xác nhận việc bổ nhiệm cô Barrett trước cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, vì họ nhắm đến việc bảo đảm lợi ích của các chính sách phò sinh trong cơ quan tư pháp liên bang trước khi có khả năng xấu nhất là phải chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden.


Source:Catholic News Agency

4. Tóm lược thông điệp Fratelli Tutti /frấy-té-li -tú-tì/ của Đức Thánh Cha Phanxicô, chương 5

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 4 giờ chiều thứ Bảy, ngày 3 tháng 10, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã ký thông điệp thứ ba của ngài có tựa đề “Fratelli Tutti” /frấy-té-li -tú-tì/, nghĩa là “Tất Cả Là Anh Em” tại Assisi, cạnh mộ ngôi của thánh Phanxicô.

Trong chương trình này, Kim Thúy xin gởi đến quý vị và anh chị em những ý tưởng chính trong chương thứ năm.

Chủ đề của chương thứ năm là “Một loại chính trị tốt hơn”, đó là một đại diện cho một trong những hình thức bác ái có giá trị nhất vì nó được đặt để phục vụ lợi ích chung và thừa nhận tầm quan trọng của con người, được hiểu như một phạm trù mở, sẵn sàng để thảo luận và đối thoại. Theo một nghĩa nào đó, đây là một loại chủ nghĩa dân túy do Đức Phanxicô đề xuất, ngược với thứ “chủ nghĩa dân túy” chuyên làm ngơ tính hợp pháp của khái niệm “nhân dân”, bằng cách thu hút sự đồng thuận nhằm bóc lột họ để phục vụ cho chính mình và nuôi dưỡng tính ích kỷ nhằm gia tăng sự nổi tiếng của riêng mình. Một nền chính trị tốt hơn cũng là một nền chính trị biết bảo vệ việc làm, một “chiều kích thiết yếu của đời sống xã hội”, và tìm cách bảo đảm để mọi người có cơ hội phát triển các khả năng của mình. Đức Thánh Cha giải thích, sự giúp đỡ tốt nhất cho một người nghèo không chỉ là tiền, đó chẳng qua chỉ là một phương thuốc tạm thời. Vấn đề mấu chốt phải là giúp họ có một cuộc sống xứng đáng nhờ việc làm. Chiến lược chống nghèo đói thực sự không chỉ nhằm mục đích kiềm chế hoặc làm cho người nghèo không mếch lòng, mà còn cổ vũ nơi họ viễn tượng liên đới và phụ đới. Hơn nữa, nhiệm vụ của chính trị là tìm ra giải pháp cho tất cả những gì đang tấn công các nhân quyền căn bản, chẳng hạn như loại trừ xã hội; buôn bán nội tạng, các tế bào, các loại vũ khí và ma túy; bóc lột tình dục; lao động nô lệ; khủng bố và tội ác có tổ chức. Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi thống thiết phải dứt khoát loại bỏ nạn buôn người, một “nguồn xấu hổ cho nhân loại”, và nạn đói, vốn là “tội ác” vì lương thực là “một quyền bất khả chuyển nhượng”.

Thị trường, tự nó, không thể giải quyết mọi vấn đề. Nó đòi một cuộc cải tổ Liên Hiệp Quốc

Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh nền chính trị mà chúng ta cần là nền chính trị biết nói “không” với tham nhũng, với sự thiếu hiệu năng, với việc sử dụng quyền lực một cách ác ý, với việc thiếu tôn trọng pháp luật. Đó là một nền chính trị tập trung vào phẩm giá con người và không chịu lệ thuộc tài chính vì “thị trường, tự nó, không thể giải quyết mọi vấn đề”: “sự tàn phá” của đầu cơ tài chính đã chứng minh điều này. Do đó, các phong trào bình dân đã nhận được một tính liên quan đặc biệt: như những “nhà thơ xã hội” tuôn chẩy “luồng năng lượng đạo đức” ấy, phải để họ dấn thân vào các hoạt động xã hội, chính trị và kinh tế, tuy nhiên, dưới sự phối hợp lớn lao hơn. Đức Thánh Cha tuyên bố rằng, bằng cách này, người ta sẽ có khả năng vượt quá chính sách “với” và “của” người nghèo. Một niềm hy vọng khác trình bầy trong Thông điệp liên quan đến việc cải tổ Liên Hiệp Quốc: trước ưu thế của chiều kích kinh tế đang vô hiệu hóa quyền lực của các quốc gia cá thể, trên thực tế, nhiệm vụ của Liên hợp quốc sẽ là cung cấp thực chất cho khái niệm “gia đình các quốc gia” hoạt động vì lợi ích chung, xóa bỏ nghèo đói và bảo vệ nhân quyền. Văn kiện của Đức Thánh Cha quả quyết, không mệt mỏi sử dụng “đàm phán, hòa giải và trọng tài”, Liên Hiệp Quốc phải cổ vũ sức mạnh của luật pháp hơn là luật của sức mạnh, bằng cách tạo điều kiện cho các hiệp định đa phương có khả năng bảo vệ tốt hơn ngay cả những quốc gia yếu nhất.


Source:Vatican News