Ngày 22-10-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xin ơn sáng mắt sáng lòng để đi theo Chúa
Lm Đan Vinh
22:04 22/10/2018
Chúa Nhật 30 Thường Niên B
Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 10,46-52

(46) Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giêricô. khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêricô, thì có một người hành khất mù, tên là Báctimê, con ông Timê, đang ngồi ở vệ đường. (47) Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (48) Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi. Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. (49) Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (50) Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy, mà đến gần Đức Giê-su. (51) Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. (52) Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

2. Ý CHÍNH:

Trên bước đường đi về Giêrusalem để chịu tử nạn và phục sinh, thì tại thành Giêricô, Đức Giê-su đã chữa cho một người mù tên là Báctimê, đang ngồi ăn xin bên vệ đường, vì anh đã tin cậy nơi Người. Qua phép lạ mở mắt người mù này, Người muốn mở mắt đức tin cho các môn đệ, để họ thấy được ý nghĩa cao cả của sứ mạng cứu thế mà Người sắp thực hiện tại Giêrusalem là: “Qua đau khổ thập giá để vào trong vinh quang phục sinh”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 46: + thành Giêricô: Giêricô có nghĩa là “mặt trăng”, một thành ở thung lũng sông Gio-đan, cách biển Chết 5 cây số và cách Giêrusalem khoảng 25 cây số. Thời Xuất hành, Giêricô là thành đầu tiên mà con cháu Gia-cóp, dưới sự lãnh đạo của Giosuê tiến chiếm được (x. Gs 5,13tt). Dụ ngôn người Samari tốt lành cũng nhắc đến đoạn đường từ Giêrusalem xuống Giêricô (x. Lc 10,30). + có một người hành khất mù: Hành khất là người ăn xin. Đây là một người đói khổ về vật chất, đang cần được giúp đỡ. Anh ta còn bị mù, tượng trưng cho người đang đi trong tăm tối vì chưa nhận biết và tin Đức Giê-su. Có thể Đức Giê-su chữa một lúc hai người mù (x Mt 20,30), nhưng ở đây Mác-cô chỉ ghi lại một người và nêu rõ tên là Báctimê. + ở vệ đường: đồng nghĩa với “đầu đường xó chợ”, nói lên hoàn cảnh bơ vơ không nơi nương tựa của ngươi mù. anh ta tượng trưng cho số phận đau khổ của “Người nghèo của Đức Giavê”, đối tượng được Đức Giê-su ưu tiên mời gia nhập vào Nước Trời của Người.
- C 47-48: + Đức Giê-su Nadarét: Giê-su nghĩa là “Giavê cứu độ”. trong Thánh Kinh có một số người cũng tên là Giê-su (x.Hc 50,27; Lc 3,29; Cl 4,11). Để phân biệt, người ta thường thêm tên quê hương vào sau tên gọi. Giê-su nói đây chính là Đức Giê-su quê làng Nadarét. + Con Vua Đavít: Anh mù gọi Đức Giê-su kèm tước hiệu “Con Vua Đavít” cho thấy nhiều người Do thái đã tin Đức Giê-su là “Đấng Thiên Sai”, nhưng họ lại đang mong đợi một Đấng Thiên Sai trần thế, đến giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rô-ma (x. Mt 22,42; Ga 7,42). + “Xin dủ lòng thương tôi”: Lời cầu xin này nói lên sự khiêm hạ và lòng tin mạnh mẽ của anh mù vào quyền năng Đức Giê-su. Anh trông cậy Người sẽ làm cho anh được sáng mắt như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò...” (Is 35,5-6). + Nhiều người quát nạt bảo anh im đi: Một số người ở gần anh mù tỏ vẻ bực tức trước việc anh ta kêu la lớn tiếng. Họ bắt anh mù phải im lặng để họ nghe được lời Đức Giê-su lúc đó đang vừa đi đường vừa giảng dạy. + Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đavít! Xin dủ lòng thương tôi”: Vì tin vào tình thương và quyền năng của Đức Giê-su Thiên Sai, nên anh mù bất chấp mọi rào cản: Người ta càng cấm, thì anh lại càng kêu la thống thiết hơn: “Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”.
- C 49-50: + Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy! Người gọi anh đấy”: Thái độ của đám đông đối với anh mù đã thay đổi: Từ khinh thường nạt nộ đến tôn trọng và nhỏ nhẹ hơn với anh. + Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su: Áo choàng là một vật thiết thân đối với khách bộ hành và người ăn xin. Nó thường được dùng làm dù che cơn nắng gắt ban ngày và làm mền đắp cho ấm ban đêm. Vậy mà khi nghe nói “Người gọi anh đấy”, anh ta liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà chạy mau về phía Đức Giê-su, như thể anh đã được sáng mắt rồi vậy.
- C 51-52: + “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”: Dù đã biết rõ anh mù muốn xin gì rồi, nhưng Đức Giê-su vẫn tạo cơ hội để anh ta biểu lộ đức tin. + “Xin cho tôi nhìn thấy được”: Anh mù không xin tiền bạc hay đồ ăn thức uống như mọi khi, mà chỉ xin được sáng mắt, được nhìn thấy mọi sự như bao người khác. + “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”: Điều kiện để được Đức Giê-su cứu chữa là phải có đức tin, như khi Người chữa lành cho hai người mù (x. Mt 9,29), khi chữa người phong cùi (x. Lc 17,9)... + Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi: Anh mù chỉ xin được sáng mắt thể xác, nhưng Đức Giê-su lại ban cho anh được sáng lòng, sáng cả mắt linh hồn, để anh có đức tin trọn vẹn, nhìn thấy được con đường Người sắp đi và can đảm bước theo Người đi lên Giêrusalem, trải qua mầu nhiệm “qua đau khổ vào vinh quang” để sau này được hưởng ơn cứu độ muôn đời.

4. CÂU HỎI:

1) Thành Giêricô là thành nào? Sách Xuất hành đề cập tới tên thành này trong trường hợp nào? Đức Giê-su cũng nói tới tên thành này trong dụ ngôn nào?
2) Số người mù được Đức Giê-su chữa lành trong 2 Tin Mừng Mat-thêu và Mác-cô có giống nhau không? Tại sao?
3) “ngồi ở vệ đường” nói lên hòan cảnh của người mù này lúc đó ra sao?
4) Tên Giê-su nghĩa là gì? Tại sao Đức Giê-su được người mù gọi là Giê-su Na-da-rét?
5) Qua việc kêu cầu Đức Giê-su với danh hiệu “Con Vua Đa-vít”, người mù biểu lộ đức tin về Người ra sao? Còn dân Do Thái lại đang trông mong một Đấng Thiên Sai theo nghĩa nào?
6) Lời kêu xin của người mù cho thấy đức tin của anh vào Đức Giê-su ra sao?
7) Tại sao dân chúng cấm anh mù kêu lớn tiếng? Tại sao anh lại kêu la thống thiết hơn?
8) Anh mù đã làm gì với chiếc áo chòang thiết thân khi nghe Đức Giê-su cho gọi anh?
9) Tại sao Đức Giê-su lại hỏi anh mù xin gì, dù Người đã nghe rõ lời kêu xin của anh?
10) Trong Tin Mừng, Đức Giê-su luôn đòi người ta phải có điều kiện gì để được Người làm phép lạ?
11) Ngòai việc được sáng mắt thể xác, anh mù còn được Người ban ơn gì về tinh thần?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà đến gần Đức Giê-su (Mc 10,50):

2. CÂU CHUYỆN:

1) NĂM ANH MÙ ĐI XEM VOI :

Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói ngồi tán chuyện với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi như thế nào. Chợt nghe người ta nói đang có voi sắp đi ngang qua, năm thầy chung tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại ít phút để cho họ tìm hiểu về hình thù của nó. Được sự đồng ý của người quản voi, năm thầy bói liền đến gần để sờ. Thầy thì sờ thấy cái vòi, thầy thì sờ được cái tai, thầy thì lại sờ được chân, thầy thì sờ thấy cái đuôi. Rồi năm thầy ngồi lại đàm luận với nhau
Thầy sờ thấy cái vòi liền nhận xét: Tưởng con voi thế nào, hoá ra nó chỉ như một con đỉa lớn.
Thầy sờ thấy tai cãi lại: Đâu có ! Nó bè bè giống như một cái quạt nan lớn.
Thầy sờ thấy chânkhông đồng ý: Ai bảo? Nó to sừng sững như cây cột đình làng.
Thầy sờ vào thân mình voi phán: Không đúng. Con voi giống như một cái trống lớn.
Thầy sờ đuôi bảo: Các thầy đều nói sai cả. Nó giống như một cây chổi xể cùn.
Năm thầy, thầy nào cũng cho là mình nói đúng và không ai chịu thua ai. Từ đánh võ miệng biến thành đánh lộn dùng gậy đập nhau loạn xạ khiến cho kẻ thì bị bể đầu, người lại bị sứt trán.
Người ta thường hay tranh cãi nhau vì ai cũng nghĩ chỉ có mình đúng, còn người khác đều sai, đang khi thực ra mỗi người chỉ đúng trong cái nhìn phiến diện của mình. Chính thái độ cố chấp đã khiến năm anh thầy bói mù tranh cãi đánh lộn nhau để bảo vệ cho nhận thức sai trái của mình. Điều quan trọng là mỗi người cần khiêm tốn thừa nhận mặt hạn chế của mình để sẵn sàng tiếp thu sự góp ý của người khác. Có như vậy chúng ta mới hy vọng đạt tới được sự thật toàn vẹn.

2) TÌM ĐƯỢC MẸ RUỘT NHỜ CON MẮT TRÁI TIM:

Vào một buổi chiều năm 1945, tại nhà ga Verona nước Italia, có khá đông dân chúng đang tập trung tại sân ga và náo nức chờ đón một số binh lính là người thân của họ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Lúc đó, một người lính trẻ bị mù hai mắt cũng đang lần mò từng bước trên sân ga. Khi tiến gần đến chỗ một phụ nữ lớn tuổi đang đứng chung với mấy người thân trong gia đình, đột nhiên anh lính mù dừng lại rồi kêu to lên: “Mẹ!”, và rồi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Một lúc sau, khi phát hiện ra cặp mắt của con trai đã bị mù hòan tòan, bà mẹ liền hỏi: “Con ơi, mắt con đã bị mù như thế mà sao lúc nãy con lại nhìn thấy mẹ giữa bao nhiêu người khác và kêu lên như vậy?”. Anh lính trẻ liền đáp: “Thưa mẹ, tuy mắt con không thể nhìn thấy mặt mẹ như trước, nhưng chính trái tim đã mách bảo con là mẹ cũng đang có mặt tại đây và đang chờ đón con. Khi từ trên xe lửa bước xuống sân ga, con cứ đi theo sự mách bảo của trái tim và đến lúc tự nhiên linh tính mách bảo rằng mẹ đang ở rất gần bên con, thì tự nhiên con buột miệng la to lên “Mẹ!” và quả thật con đã gặp được mẹ như mẹ đã thấy đó”.

3) AI MỚI BỊ MÙ ?

Một anh mù kia đến nhà bạn chơi. Lâu rồi không gặp nên hai người nói chuyện lâu giờ quên cả thời gian. Khi trời đã tối mịt thì anh mù mới từ giã bạn ra về. Thấy đường làng tối thui, người bạn liền bảo: “Này anh bạn, hãy để tôi thắp cho anh một cây đèn dầu, vì bên ngoài trời đã tối quá rồi”. Anh mù nghĩ bạn muốn trêu đùa nên trả lời: “Anh nói gì vậy? Tôi bị mù thì cần gì đến cây đèn sáng mà anh định trao cho tôi ?”. Anh bạn kia liền nói: “Ý tôi là anh nên cầm đèn cháy sáng để người khác nhìn thấy ánh đèn sẽ không đụng vào anh”. Anh mù nghe ra liền cám ơn bạn và vui vẻ cầm đèn ra về. Nhưng mới đi được một đoạn đường thì bỗng anh mù bị một người đi ngược chiều đụng phải và bị té ngã. Quá tức giận, anh lồm cồm bò dậy chửi đổng: “Mù hay sao mà không thấy cây đèn ta đang cầm trên tay?”. Người kia liền đáp: “Mi mới bị mù thì có! Cây đèn trên tay mi đã bị tắt lâu rồi, mà sao mi lại dám trách mắng ta ?”.

4) VỊ ÂN NHÂN ĐÃ PHÁT MINH RA CHỮ NỔI CHO NGƯỜI MÙ :

LOUIS BRAILLE (1809 - 1852) sinh ra tại Coupvray, thị trấn nhỏ miền Đông nước Pháp. Ông được mệnh danh là “Người đem ánh sáng cho thế giới bóng tối” vì đã phát minh ra bảng hệ thống chữ nổi dành cho người mù khi ông mới 15 tuổi. Phát minh của ông được ví như một cuộc cách mạng làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của những người khiếm thị trên toàn thế giới.
Năm 3 tuổi, Braille đã bị mù cả hai mắt do bị nhiễm trùng sau một tai nạn. Cha mẹ đã cho Braille vào học ở trường dành cho người khiếm thị tại Paris. Thời điểm đó, những đứa trẻ mù được học đọc các ký tự in nổi nhưng không thể viết ra giấy các chữ nổi được. Nhận ra mặt hạn chế của hệ thống chữ này, dù mới được 12 tuổi nhưng Braille đã nghĩ ra một loại chữ viết mới mà người mù có thể cảm nhận được bằng ngón tay, gọi là chữ nổi Braille. Braille đã hoàn thiện nó khi được tròn 15 tuổi. Anh đã cải tiến hệ thống chữ cái 12 chấm xuống còn 6 chấm nhỏ gọn trên trang giấy. Từ 6 chấm này người ta có thể viết được tất cả các chữ cái, kể cả các ký hiệu trong toán học và nhạc lý. Năm 1829, Braille đã xuất bản cuốn sách chữ nổi đầu tiên mà đến nay vẫn đang tiếp tục được chính thức sử dụng dạy học trong các trường khiếm thị.
Về sau Louis Braille đã bị mắc bệnh lao phổi và qua đời khi mới được 43 tuổi. Phát minh của ông đã được cả thế giới thừa nhận là một phương tiện không thể thay thế trong lĩnh vực giáo dục người khiếm thị. Để tri ân ông, người ta đã đặt tượng ông trong Điện Panthéon, nơi muôn đời ghi ơn các bậc danh nhân công thần của nước Pháp và đã lấy tên ông đặt cho loại chữ nổi này.

3. THẢO LUẬN:

Khi gặp phải tai nạn hay điều rủi ro trái ý, bạn cần làm gì để đi theo con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Đức Giê-su?

4. SUY NIỆM:

1) Anh mù gặp Chúa đã được sáng mắt sáng lòng:

- Tin mừng hôm nay ghi nhận câu chuyện về người mù thành Giê-ri-cô đã chạy đến với Đức Giê-su không phải nhờ con mắt thể xác nhưng nhờ con mắt đức tin. Tuy mắt anh không nhìn thấy Đức Giê-su, nhưng chính con mắt đức tin đã mách bảo và dẫn đường để anh chạy đến với Người. Trước đó anh đã nghe đồn Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và ao ước gặp Người để xin Người chữa anh khỏi mù. Vì thế khi nghe thấy một đám đông đang đến gần chỗ anh đang ngồi ăn xin bên vệ đường và anh nghe có tiếng của một ráp-bi đang giảng trên đường, thì anh liền dò hỏi và được biết vị tôn sư kia chinh là Đức Giê-su Na-da-rét, người mà anh đã nghe danh và mong được gặp.
- Bấy giờ anh mù liền kêu to: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”. Dù bị nhiều người đi trước cấm la to, nhưng anh mù lại càng kêu to hơn với hy vọng lời kêu xin của anh thấu tới Đức Giê-su. Quả thật Đức Giê-su đã nghe và cho gọi anh đến gần. Nghe vậy anh mù liền quăng chiếc áo choàng đang khoác trên mình xuống đất, nhảy chồm dậy để chạy mau đến gặp Người giống như anh chưa bao giờ bị mù. Sau khi biết được lòng tin và mong ước của anh mù, Đức Giê-su liền tuyên bố: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”. Lập tức anh mù được sáng mắt để thấy được đường đi, mà anh còn được sáng lòng để tin Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai và cùng đi theo Người lên Giê-ru-sa-lem.

2) Xin Chúa mở con mắt đức tin cho chúng ta:

- Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh mù thể xác, và Người cũng chữa lành bệnh mù tâm hồn. Chính sự mù tối tâm hồn này còn tác hại hơn bệnh mù ngoài thể xác. Một người mù tâm hồn là người không chấp nhận sự thật, cố tình không muốn nhận tình thương và sự giúp đỡ của tha nhân. Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm mỗi buổi tối trước khi đi ngủ: « Hiện giờ tôi có bị mù tâm hồn không? » Hãy cầu xin Chúa ban ơn chữa lành như sau: “Lạy Chúa. Xin hãy mở mắt linh hồn con ra để con thấy những kỳ công Chúa làm và dâng lời ngợi khen chúc tụng Chúa. Xin cho con luôn biết nghĩ đến người khác để sẵn sàng cảm thông và chia sẻ niềm vui nỗi buồn với họ ».
- Trong giao tiếp xã hội, thay vì chỉ nhìn các khuyết điểm lỗi lầm của kẻ khác để chỉ trích lên án, chúng ta hãy nhìn vào mặt tích cực của họ. Cần ý thức rằng: Dù một kẻ tội lỗi xấu xa đến đâu thì trong lòng họ vẫn còn ít nhất 5 phần trăm tốt. Điều chúng ta cần làm là phải tìm ra 5 phần trăm tốt đó và nhân rộng ra để giúp họ loại trừ 95 phần trăm điều xấu tội lỗi còn lại trong mình.

3) Đừng ngăn cản tha nhân đến với Chúa:

- Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy thái độ không phù hợp của đám đông đi trước Đức Giê-su, khi họ quát nạt cấm anh mù không được la lớn tiếng. Họ giống như các đầu mục Do thái là rào cản không cho dân chúng đến được với Đức Giê-su, nên đã bị Người quở trách: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa Nước Trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt 23,13).
- Chúng ta cũng sẽ trở thành rào cản, khi ngăn chặn các tội nhân đến với Chúa bằng những câu nói nghi kỵ và khinh dể … Chẳng hạn: Khi thấy một người đã từng nghiện rượu, cờ bạc, hút sách, trộm cắp muốn hoàn lương… Lẽ ra phải động viên khích lệ họ, thì nhiều người trong chúng ta đã nói ra những lời nghi ngờ thiện chí muốn hoàn lương của họ. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ trở thành rào cản khi sống bê tha gian ác hơn người lương chung quanh. Nhiều anh em đang có thiện cảm và muốn theo đạo đã phải khựng lại khi chứng kiến thái độ độc ác bóc lột người nghèo của người Công Giáo, hoặc khi thấy một số mục tử bị đưa ra tòa án đời xét xử về những tội xấu xa…

4) Làm gì để được sáng mắt sáng lòng mà đi theo Chúa? :

- Mỗi ngày chúng ta hãy xin Chúa mở mắt linh hồn để nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong những kỳ công trong vũ trụ thiên nhiên, nơi bản thân mình và nơi tha nhân… rồi dâng lời ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa.
- Mỗi khi gặp tình huống khó giải quyết, mà không biết nên làm gì cho đúng, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa trong Kinh Thánh, tìm hiểu ý Chúa muốn và mau mắn xin vâng. Khi gặp rủi ro thất bại, chúng ta hãy tín thác cậy trông vào Chúa quan phòng và sẵn sàng chấp nhận con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Chúa khi xưa.
- Trong mọi giây phút cuộc đời, chúng ta hãy biết khiêm tốn chạy đến xin Chúa Giê-su mở mắt đức tin để thấy được sự thật toàn vẹn. Người sẽ dẫn đường chỉ lối cho chúng ta đi theo con đường yêu thương phục vụ của Người, giúp chúng ta sẵn sàng bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Người. Chấp nhận cùng chết với Chúa hôm nay để được phục sinh với Người mai sau.

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su.
Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong lòng con, để con biết năng tâm sự với Chúa.
Xin mở mắt đức tin giúp con nhìn thấy Chúa trong thiên nhiên, để con dâng lời ngợi khen Chúa.
Xin cho con nhìn thấy Chúa hiện diện trong thánh lễ và nơi Nhà Tạm để con năng đến dự lễ để nghe Lời Chúa giáo huấn và được kết hiệp mật thiết với Chúa khi lên rước lễ.
Xin cho con biết mở mắt đức tin để nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ, tuyệt vọng và bị bỏ rơi… để con động viên an ủi và ân cần phục vụ họ như phục vụ chính Chúa…
Nhờ đó con sẽ nên chứng nhân cho tình thương của Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Người hành khất mù Báctimê
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
22:15 22/10/2018
Chúa Nhật XXX Thường Niên, Năm B
Mc 10,46-53

Câu chuyện người hành khất bị mù từ thuở bình sinh tên Báctimê mà Tin mừng của thánh Máccô thuật lại trong Chúa Nhật 30 năm B hôm nay, đã gây xúc động và cảm phục cho rất nhiều người qua nhiều thế hệ vì Lòng Thương Xót và quyền năng tuyệt đối của Chúa đối với nhân loại, đối với con người…Báctimê đã không xin giầu sang, danh vọng, địa vị, anh ta chỉ xin Chúa :” Lạy Thầy, xin cho con được sáng “ ( Mc 10,52 ).

Vâng, mù là một điều thiệt thòi lớn cho người bị mắc bệnh. Họ không nhìn thấy vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, tinh tú. Họ không thấy được cây cối, biển, núi, sông ngòi, suối khe vv…Họ không thấy được cha mẹ, anh chị em, bạn bè, những người thân thương. Họ không chỉ khổ nơi thân xác mà còn khổ trong tâm hồn.Một cách nào đó họ bị mặc cảm vì lệ thuộc người khác, bị coi là sống bên lề xã hội.

Bài Tin mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu chữa người mù Báctimê. Vì bị mù từ lúc mới sinh, anh lớn lên làm nghề hành khất để độ thân. Mù nên anh ngồi yên một chỗ bên vệ đường, ngày này qua tháng nọ, đợi xem có ai đi qua ngang đó, để anh còn cất giọng xin…Một hôm, nghe biết Đức Giêsu đi ngang qua đó, vì mù nên không thể thấy được Ngài, tuy nhiên anh đã nghe nhiều người nói với anh về Đức Giêsu,và thật đây là cơ hội ngàn vàng, do đó, khi Đức Giêsu đi ngang qua, anh khẩn thiết kêu van:” Hỡi ông Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót con “ ( Mc 10, 47 ). Rất nhiều người lúc đó đã quở mắng và bảo anh câm miệng.Thay vì nắm tay anh mù dẫn tới Chúa Giêsu, họ đã túm cổ lôi anh ra xa Chúa Giêsu. Chỉ có một người giúp đỡ anh ta. Người đó là chính Đức Giêsu. Khi nghe tiếng la mắng anh mù. Chúa Giêsu đã dừng lại, truyền cho người ta dẫn anh mù đến với Người. Chỉ lúc đó, dân chúng mới thay đổi thái độ. Chỉ lúc đó, họ mới chịu giúp đỡ anh ta.

“ Lạy Thầy xin cho được sáng “ ( Mc 10, 51 ). Khuôn mặt đầu tiên anh mù được thấy là Đức Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã thắp sáng cho anh, cho cuộc đời bất hạnh, cuộc đời như tuyệt vọng của anh. Người phán :” Đức tin của anh đã chữa anh “ ( Mc 10, 52 ).

Đúng thật anh Báctimê đã bị mù đôi mắt thể xác, nhưng anh lại có con mắt đức tin, vì anh đã nhận ra Đấng cứu Thế khi gọi Chúa là “Con vua Đavít “. Báctimê tuy mù đôi mắt nhưng anh lại có đôi mắt tâm hồn, anh tin Chúa là Đấng uy quyền tuyệt đối, chỉ mình Người mới có thể chữa lành đôi mắt của anh.

Với đôi mắt đức tin, tin tuyệt đối vào Đức Giêsu, anh đã không sợ sệt dù bị người ta ngăn cản, la mắng. Càng cấm, càng ngăn cản, anh càng la to và kêu van. Anh đã quăng cả cái áo choàng dùng che ấm cuộc đời, ngồi ăn xin ở vệ đường để từ bỏ kiếp ăn xin, thân phận mù lòa, quyết bước vào một cuộc đời mới, tới miền ánh sáng, tới chỗ vinh quang của tình yêu mà Chúa Giêsu, Con vua Đavít đã tặng ban cho anh.

Bài Tin mừng của thánh Máccô khuyên nhủ chúng ta tự vấn lương tâm xem đã có biết bao người hành khất mù như anh Báctimê muốn gặp Đức Giêsu mà chúng ta cố tình cản ngăn không cho họ tới gặp Đức Giêsu? Đã có lần nào chúng ta gặp một người mù xin giúp đỡ mà chúng ta làm ngơ không giúp họ ? Chúng ta có xác tín mạnh mẽ :” Thiên Chúa dựng nên chúng ta để chúng ta làm việc thiện và mang niêm vui đến cho người khác hay không ? Mù lòa thể xác thì ai cũng thấy, nhưng mù lòa tâm hồn, khó lòng lắm chúng ta mới có thể nhận ra.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đôi mắt đức tin để chúng con luôn luôn tín thác nơi Chúa. Xin cho chúng con đôi mắt tâm hồn để chúng con nhận ra quyền năng vô biên của Chúa. Xin cho chúng con đôi mắt trinh trong để chúng con thấy Chúa và nhận ra anh em. Thấy Chúa là thấy tất cả vì “ Chỉ trong ánh sáng của Chúa, chúng ta mới nhìn thấy ánh sáng “. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao người hành khất Báctimê lại phải ngồi bên vệ đường ?
2.Làm sao anh Báctimê lại biết Đức Giêsu đi ngang qua đó ?
3.Dân chúng đã làm gì đối với Báctimê ?
4.Tại sao dân chúng lại thay đổi thái độ và giúp đỡ anh ?
5.Chúa Giêsu đã làm gì cho anh Báctimê ?



 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cơn sóng cuộn khổng lồ của làn sóng tỵ nạn đang đổ về Hoa Kỳ
Thanh Quảng sdb
00:23 22/10/2018
Cơn sóng cuộn không lồ của làn sóng tỵ nạn đang đổ về Hoa Kỳ



Theo Thông tấn xã ở Cristobal de las Casas thì khoảng 10 ngàn người Honduras hôm qua ngày 19/10 đang tràn về biên giới giữa Honduras và Mexico. Chính phủ Mexico cũng giống như El Salvador và Guatemala đã công bố họ sẽ không cho phép những người di cư Honduras đang trốn chạy khỏi sự bất công, bạo lực và tham nhũng lan rộng khắp đất nước của họ vượt qua biên giới vào Mexico.

Những người di cư Honduras đã cảm ơn người dân Guatemala giúp đỡ và hỗ trợ họ tiến về phía Hoa Kỳ vượt qua đất nước của họ. Giáo Hội Công Giáo và các tổ chức xã hội dân sự về di dân đều ủng hộ và trợ giúp thực phẩm và chỗ tạm dừng chân của làn sóng người Honduras khi họ tiếp tục hành trình tiến lên phía bắc (xem bản tường trình của Fides ngày 17/10/2018).

Đặc biệt, các cộng đồng Giáo hội ở các tỉnh Tapachula, Tuxtla, Chapas và các vùng khác của miền nam Mexico - theo một bản tin ngắn từ Celam gửi cho Fides – thì họ đã vận động hầu đảm bảo rằng những người đang vượt biên này có thức ăn, áo quần và các hỗ trợ cần thiết cũng như nơi trú ẩn.

Mang theo lá cờ Honduras, họ vừa đi họ vừa hát bài quốc ca, hô những khẩu hiệu hòa bình xin cho họ quá cảnh. Đám người bao gồn nam nữ và thậm chí có nhiều người khuyết tật từ khắp nơi ở Honduras đang tới biên giới Guatemala và Mexico, gần biên giới Tecum Uman.

Việc vượt qua lãnh thổ Mexico cũng sẽ tùy thuộc vào các tổ chức từ thiện kết hợp với sự giúp đỡ của các tổ chức nhân đạo địa phương. Thực phẩm, quần áo và những nhu yếu phẩm cần thiết cho sự sống còn của những người di cư Honduras này trong cuộc hành trình của họ.

Giáo phận San Cristóbal de las Casas tuyên bố đoàn kết nâng đỡ những người di cư này và kêu gọi chính phủ tôn trọng nhân quyền cùng bảo vệ họ chống lại các tệ nạn buôn người. Đồng thời, họ cũng cung cấp cho dân chúng những gì cần thiết mà họ có thể cung cấp như quần áo, thực phẩm và nơi tạm trú.

Nhìn thấy trước mắt, đây còn là một chặng đường dài để tới đích, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ông sẽ đóng cửa biên giới Mexico và truyền cho quân đội ngăn chặn đoàn người di cư ồ ạt này. "Tôi mạnh mẽ yêu cầu chính phủ Mexico hãy ngăn chặn làn sóng di dân ồ ạt này, còn nếu không – Ông Trump viết trên twitter - tôi sẽ gởi quân đội Mỹ đến đóng cửa biên giới phía nam giữa Hoa Kỳ và Mexico". Nguồn (CE - Agenzia Fides, 20/10/2018)
 
Bộ Y Tế và Nhân Sinh Hoa Kỳ xem xét việc xác định giới tính dựa vào lúc sinh, di truyền.
Giuse Thẩm Nguyễn
13:35 22/10/2018


Theo một bản ghi nhớ mới đây của Bộ Y Tế và Nhân Sinh (HHS) thì Chính quyền TT Trump đang xem xét nhằm định hình lại một số chính sách liên bang để xác định giới tính dựa theo sinh học và cơ quan sinh dục.

Bộ này đang tìm một xác định dựa trên “một căn bản sinh học rõ ràng, có tính khoa học, khách quan và có thể quản trị được.”

Nếu được chấp nhận, sự thay đổi xác định này sẽ làm rõ việc áp dụng Title IX về dân quyền năm 1972 trong đó cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong các chương trình giáo dục được chính phủ tài trợ.

Việc thay đổi này khởi đầu từ việc chính quyền Obama công nhận giới tính của một người dựa trên sự chọn lựa giới tính hay tự nhận giới tính của người ấy hơn là dựa vào tính nhiễm sắc thể hay giới tính lúc sinh của người ấy.

Trong một lá thư từ Văn phòng Dân Quyền thuộc Bộ Giáo Dục vào năm 2010 đã ghi rằng “quấy rối dựa trên giới tính” có thể bao gồm sự quấy rối dựa trên giới tính “thực sự hay tự nhận” của một người. Cũng trong tài liệu hỏi và trả lời của văn phòng này, xuất bản vào năm 2014, xác nhận rằng sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính theo luật Title IX sẽ coi là phân biệt đối xử dựa trên “sự nhận diện giới tính hay không tuân thủ ý niệm tự chọn về nam tính hay nữ tính.”

Nếu những thay đổi đề nghị có hiệu lực, thì giới tính nam hoặc nữ của một người sẽ được xác định “dựa trên các đặc tính bất biến về sinh học được nhận diện vào lúc hay trước khi sinh.

Giới tính của một người trên giấy khai sinh gốc sẽ được coi như là “bằng chứng rõ ràng” về giới tính của người ấy, trừ trường hợp ngoại lệ đối với những người có thể đưa ra “bằng chứng di truyền đáng tin cậy” để quy định khác.

Có khoảng 1 trong số 1,500 tới 2000 trẻ sơ sinh có nhiễm sắc thể giới tính bất thường khác với những mẫu XX là nữ và XY là nam. Phổ biến nhất trong số này là Hội Chứng Klinefelter, nghĩa là người nam có hai nhiễm thể X lại có thêm nhiễm thể Y. Nhiều người nam bị hội chứng Klinefelter không hay biết mình bị chứng này.

Ở Hoa Kỳ hiện này, có khoảng 1.4 triệu người nhận diện là “chuyển giới”, tự nhận mình là giới tính khác với giới tính trong hồ sơ lúc mới sinh. Một số người như vậy đã qua những phẫu thuật hay điều trị nội tiết tố để làm cho thể hình của họ giống với giới tính mà họ tự nhận.

Các nhà phê bình những thay đổi đề nghị trên thì lập luận rằng như thế là loại bỏ những người tự nhận là “chuyển giới” ra khỏi sự bảo vệ của Title IX và những biện pháp chống phân biệt đối xử khác. Những người ủng hộ thì cho rằng nó chỉ nhằm bảo đảm luật pháp được áp dụng cho mọi người dựa trên những tiêu chuẩn khách quan chứ không nhắm vào những thành phần tự nhận dạng.

Bộ Y tế và Nhân Sinh dự trù sẽ trình bộ Tư Pháp chính sách mới này vào cuối năm nay. Nếu Bộ Tư Pháp coi việc sửa đổi là hợp pháp và khả thi, Bộ Y Tế và Nhân Sinh có thể phê duyệt và thực hiện chính sách mới này tại khắp các cơ quan chính quyền liên quan đến việc thi hành Title IX.

.
Source: EWTN HHS considers defining sex based on birth, genetics
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đoàn TNTT xứ Vĩnh Hoà – Buổi học ngoại khóa tại ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn
Văn Minh
09:52 22/10/2018
“Truyền giáo là bản chất của Hội Thánh, vì thế mỗi Kitô hữu có trách nhiệm và bổn phận truyền giáo, nghĩa là loan báo tình yêu Thiên Chúa cho mỗi người”.

Ý thức được điều này, nhân dịp Ngày khánh nhật Truyền giáo 21/10/2018, và đặc biệt là trong năm kỷ niệm 30 năm các Thánh Tử đạo Việt Nam, Đoàn TNTT xứ Vĩnh Hòa đã tổ chức cho các em Lớp Thiếu 3 và ngành Nghĩa sĩ cùng các anh chị Huynh trưởng tham quan, tìm hiểu Đại chủng viện (ĐCV) Thánh Giuse Sài Gòn tại địa chỉ 6 Bis, Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1. Nhằm tìm hiểu về quá trình hình thành, phát triển và những sóng gió, nguy khốn mà ĐCV đã gặp phải để duy trì việc đào tạo các linh mục, cũng như những anh hùng đức tin đã can đảm hy sinh vì Chúa.

Xem Hình

Khi chuẩn bị khởi hành, cha chánh xứ Gioakim đã căn dặn thêm về mục đích của chuyến đi là “học lịch sử là học sự khôn ngoan của tiền nhân, học lịch sử là học biết ơn những người đã có công với mình”, cụ thể là những vị Thừa sai truyền giáo và các Cha đã phát triển ĐCV qua các thế hệ. Mặt khác, Cha còn hướng dẫn cho Thiếu nhi phải biết “mở mắt và vảnh tai” như những con sói để có thể tiếp thu và ghi nhớ thật nhiều thông tin quý giá sắp được đón nhận.

Sau những lời căn dặn của Cha. Đoàn đã lắp kín 2 xe 45 chỗ và khởi hành tiến về ĐCV. Buổi sáng trời nắng đẹp và dễ chịu, như tạo thêm thuận lợi cho buổi ngoại khoá thêm tốt đẹp.

Vừa tới nơi, Đoàn đã được sự vui vẻ đón tiếp của Cha Martino Nguyễn Đức Trọng, người con của Giáo xứ đã từng tu học tại ĐCV, cùng với đó là Thầy Phanxico Xavie Đoàn Hữu Hoà, Thầy Giuse Nguyễn Mạnh Tùng và Thầy Đaminh Lê Công Nguyên đang tu học tại đây. Hôm nay Cha và các Thầy đã yêu thương mà dành thời gian hướng dẫn cho Đoàn. Sau khi Đoàn ổn định trong khuôn viên rộng lớn và rợp mát của ĐCV, Cha Martino đã nói sơ nét về chương trình và giới thiệu sơ nét và ĐCV và chương trình đạo tạo Linh mục tại đây như sau:

Diễn tiến của buổi ngoại khoá:

• Lắng nghe Cha Martino Trọng trình bày về lịch sử hình thành và phát triển của ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn

• Tham quan dãy nhà đầu tiên xây dựng vào năm 1863 và các hiện vật cổ xung quanh

• Tham quan nhà nguyện cổ

• Viếng và cầu nguyện bên mộ Cha Wibaux sáng lập ĐCV

• Tham quan phòng truyền thống của ĐCV

• Viếng và cầu nguyện bên thánh tích của Thánh tử đạo Philipphe Phan Văn Minh

• Cầu nguyện kết thúc

Sơ nét và Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn:

ĐCV có tổng diện tích là 4 hecta, do Linh mục Théodore Louis Wibaux (Pháp) xây dựng dưới sự chỉ đạo của Đức Giám Mục Dominique Lefèbvre. ĐCV đã có một lịch sử hơn 150 năm hình thành và phát triển:

1863-1961 ĐCV được thành lập và điều hành bởi các Cha Hội Thừa sai Paris (MEP)

1863-1866: Đại chủng viện được xây dựng và có 60 chủng sinh đầu tiên bắt đầu tu học tại đây. Ngày nay khu nhà này được sử dụng để là nhà truyền thống của Tổng giáo phận Sài Gòn, nơi lưu trữ các tư liệu và hiện vật quý giá của lịch sử dân Chúa tại thành phố này.

1867-1872: Nhà nguyện bên trong chủng viện được xây dựng

1932: Đức Cha Dumortier xây dựng dãy nhà hai lầu (khu nhà D). Sau này đã được tu sửa để trở thành phòng truyền thống của ĐCV và 1 nhà nguyện lớn trên lầu dành cho tất của chủng sinh đang tu học và các linh mục đang công tác tại đây.

Giai đoạn 1961 đến nay, ĐCV được điều hành bởi hàng giáo sĩ Việt Nam

1963: Kỷ niệm 100 năm thành lập, ĐCV khánh thành khu nhà A và B dành cho chủng sinh Triết học và khu nhà E dành cho chủng sinh Thần học. Ngày nay khu nhà A cho chủng sinh Tu đức, nhà B cho chủng sinh Triết học và nhà E cho chủng sinh Thần học năm 1 và 2.

1975-1985: Do biến động của thời cuộc, ĐCV phải tạm đóng cửa

1986: ĐCV hoạt động trở lại và chiêu sinh khoá I với chủng sinh đến từ 6 giáo phận: Sài Gòn, Phú Cường, Mỹ Tho, Xuân Lộc, Đà Lạt và Phan Thiết.

2006: ĐVC Thánh Giuse Xuân Lộc được tách ra và chịu trách nhiệm đào tạo linh mục cho các giáo phận lân cận. ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn đào tạo linh mục các các giáo phận Sài Gòn, Mỹ Tho và Phú Cường.

2012: ĐCV khánh thành khu nhà C dành cho chủng sinh thần học năm 3 và 4

Trải qua hơn 150 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn đã đạo tạo được gần 1500 linh mục cho giáo phận Sài Gòn và các giáo phận lân cận. Trong số đó có 33 vị đã trở thành Giám mục, tiêu biểu có ĐC Gioan B. Nguyễn Bá Tòng (Giám mục người Việt tiên khởi), ĐC Phaolo Nguyễn Văn Bình, ĐC Giuse Phạm Văn Thiên (nguyên giám đốc người Việt tiên khởi của ĐCV), ĐC Alonso Phạm Văn Nẫm, ĐHY Phero Nguyễn Văn Nhơn, ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn, ĐC Phaolo Bùi Văn Đọc, ĐC Giuse Vũ Duy Thống, ĐC Phero Nguyễn Văn Khảm, ĐC Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng… qua đó đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.

Hiện nay, đang có 292 thầy đang tu học tại đây dưới sự dạy dỗ và hướng dẫn của 18 Cha. Sắp tới còn có 4 Cha sẽ được gửi đi đào tạo tại nước ngoài.

Sơ nét chương trình đạo tạo Linh mục

4 năm tìm hiểu ơn gọi

1 năm dự bị ĐCV tại Giáo xứ Huyện Sĩ

1 năm Tu đức

2 năm Triết học

1 năm Giúp xứ

4 năm Thần học

1 năm Phó tế tại giáo xứ

Tổng cộng 8 năm tu học tại ĐCV và quá trình đào tạo Linh mục kéo dài từ 10-13 năm.

Tham quan Hang núi Đức Mẹ- Dãy nhà đầu tiên- Nhà nguyện cổ của ĐCV

Tiếp tục Đoàn được Cha và các Thầy dẫn đến hang núi Đức Mẹ, mô phỏng theo hang núi Đức Mẹ tại Lộ Đức. Và tham quan dãy nhà ĐCV đầu tiên với tượng thánh Giuse từ năm 1863 cùng các hiện vật cổ xung quanh như xe thổ mộ, dụng cụ nông nghiệp, gạch ngói từ thời Nguyễn,…

Công trình Nhà nguyện cổ đặc sắc nhờ có sự giao thoa văn hoá Đông- Tây trong kiến trúc. Đây còn là nơi yên nghỉ của ĐC Phaolo Nguyễn Văn Bình, ĐC Alonso Phạm Văn Nẫm, ĐC Phaolo Bùi Văn Đọc và lưu giữ hài cốt của nhiều quý Cha thừa sai, quý Cha bề trên qua nhiều thời kỳ.

Viếng mộ Cha Théodore Louis Wibaux

Cha sinh năm 1820 tại Pháp, mất năm 1877 tại ĐCV. Ngài tham gia Hội Thừa sai Paris năm 1957 và lên đường truyền giáo tới Việt Nam năm 1960.

Năm 1963, ĐC Dominique Lefèbvre bổ nhiệm Cha là Tổng đại diện Giáo phận Tây Đàng Trong và làm Cha bề trên tiên khởi ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn.

Mộ phần của Cha vừa được cải tạo lại như biểu lộ sự biết ơn của Giáo phận Sài Gòn với công lao to lớn của Cha, như câu trong sách Châm ngôn đã được dựng lên hai bên mộ “Triều thiên của người già là đàn con cháu. Vinh dự của con cái là chính người cha”.

Nếu để ý kỹ, thì các công trình cổ của ĐCV được xây dựng đối xứng hoàn hảo trên 1 đường thẳng từ Cổng vào, Hang núi Đức Mẹ, dãy Nhà đầu tiên, Nhà nguyện cổ và Mộ Cha Wibaux.

Tại đây Đoàn kính viếng và cầu nguyện. Nguyện mong Thiên Chúa trả công xứng đáng cho Cha, một người đã từ bỏ phồn hoa văn minh nước Pháp mà lặn lội dấn thân vào công tác Mục vụ tại Việt Nam xa xôi, khắc nghiệt vì Tình yêu Chúa và lý tưởng mang Tin mừng đến cho muôn dân.

Nhà truyền thống Đại chủng viện

Nơi này giới thiệu toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của ĐCV qua các thời kỳ; Giới thiệu đời sống, công lao của Cha Wibaux; Giới thiệu các sinh hoạt và quá trình đạo tạo của các chủng sinh tại đây.

Tất cả được sắp xếp tuần tự theo thứ tự thời gian, và được trình bày ngắn gọn, xúc tích bằng các bảng thông tin và vô vàn hình ảnh trực quan, sinh động.

Đồng thời là các hiện vật cụ thể, đặc trưng cho từng giai đoạn từ vật dụng Phục vụ như Áo lễ, Mũ gậy Giám mục, Mặt nhật, Bình hương, Kinh thánh, Sách lễ cổ, Đàn phong cầm từ thế kỷ 19 … cho đến các vật dụng đời thường như ngói xây dựng cổ, ấm chén cổ, tạp chí Công Giáo, máy đánh chữ, mạch điện…

Đoàn còn được hân hạnh đón tiếp Cha Giuse Bùi Công Trác đang là Giám đốc ĐCV. Chính nhờ sự cho phép của Cha mà Đoàn mới có buổi tham quan ngoại khoá này. Và cũng nhờ những hướng dẫn thêm của Cha, chúng con hiểu hơn thêm về ĐCV cũng như quý trọng công lao của các bậc tiền nhân.

Viếng Thánh tích của Thánh tích của Thánh tử đạo Philliphe Phan Văn Minh

Thánh Philliphe Phan Văn Minh, Linh mục tử đạo, sinh năm 1815 tại Cái Mơn, Vĩnh Long. Tử đạo ngày 3/7/1853 tại Đình Khao, Vĩnh Long. Thánh tích của Ngài được chuyển từ Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn về ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn ngày 27/5/1900

Thật là ý nghĩa và trang trọng khi chúng con kết thúc buổi ngoại khoá là những phút giây cầu nguyện bên thánh tích của Thánh tử đạo Việt Nam. Đặc biệt trong năm kỷ niệm 30 năm Các Thánh Tử đạo Việt Nam này. Chúng con được tìm hiểu về ĐCV và lắng nghe những khó nhọc, hy sinh của các vị tiền nhân, suy tư về những gương anh dũng của các Thánh Tử đạo. Thật là cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa đã thương ban cho Giáo hội Việt Nam những tấm gương vĩ đại ấy. Nhờ đó mà mỗi người tự ý thức hơn vai trò của mình đối với Giáo xứ, đối với Hội Thánh và đối với Thiên Chúa.
 
Đại hội Tuyên Uý Đoàn Việt Nam kỳ 41 tại Pháp
Phạm Bá Nha
10:06 22/10/2018
Đại hội Tuyên Uý Đoàn Việt Nam kỳ 41 tại Pháp được tổ chức tại trung tâm Mục Vụ của Giáo Phận Nancy và Toul từ 8 đến 12.10.2018. Năm nay có 21 vị, đa số trẻ, trong tổng số 43 tuyên úy các nơi về họp với chủ đề “Giới trẻ và ơn gọi Kitô hữu”. Các Tuyên Úy đều làm việc cho giáo xứ Pháp, kiêm thêm thời gian ngắn cho Người Việt. Ngoại trừ GXVN Paris hoàn toàn là người VN. Ban Điều Hành tổ chức, giữ chỗ ăn ở, đưa rước…: Cha Đại Diện Gilbert Nguyễn Kim Sang, Cha Paul-Maurice Lâm Thái Sơn (cha tuyên úy Nancy) và soeur Elisabeth Trương thị Nhàn thuộc Dòng Chúa Quan Phòng Portieux (trụ sở ở Nancy).

Trong những ngày họp, ngoài sinh hoạt thiêng liêng chung như Thánh Lễ, Kinh Phụng vụ sáng, chiều và tối, chầu Thánh Thể, chương trình Đại Hội được chia làm 3 ngày.

Ngày 9.10.2018: Thảo luận theo chủ đề “Giới trẻ và ơn gọi Kitô hữu”.

- Cha Thomas Khương văn Bình, tuyên úy Avignon, từ 2013, chia sẻ mục vụ về “Giới Trẻ Ngày Nay” : Hiện tình lạc quan, thành công, của người Việt và người Công Giáo, nguyện vọng Giới Trẻ, cách riêng Giới Trẻ Avignon, tại Pháp.

- Cha Stephane Nguyễn Hùng Quốc Bảo, tuyên úy Valence, chia sẻ về “Đồng Hành với Giới Trẻ’’: Qua mục vụ thì trẻ từ lớp 6 còn đi lễ, cầu nguyện, lui tới nhà thờ, càng lớn càng ít đi. Người trẻ thích được trao trách nhiệm, thách đố lớn là Internet và vui chơi xa nhà…

Sau phần chia sẻ mục vụ của hai cha là đóng góp thảo luận của các tuyên úy, qua nhận xét thực tế : Bỏ giờ giờ giáo lý tại trường công là thiệt hại rất lớn cho giáo dục gia đình. 50% cha mẹ tuổi 50, không có đủ căn bản giáo lý, làm sao dạy con ? Nhiều gia đình nghĩ r¢ng lo cho con lãnh 3 phép Bí Tích (Rửa Tội, Xưng Tội Lần Đầu và Thêm Sức) coi như con mình đã đủ để sống đời Kitô hữu rồi. Từ đó lơ là các bí tích khác. Cha mẹ cần nên khuyến khích con tham gia Hướng Đạo, nhóm tìm hiểu ơn gọi, hội đoàn Công Giáo Tịến Hành, Thiếu Nhi Thánh Thể ... Hãy tin vào việc mình gieo hạt, sẽ có ngày trổ bông hoa trái xinh tươi.

Ngày 10.10.2018. Đón chào Đức Cha Jean-Louis Papin, Giám mục Giáo Phận Nancy, và thày Phó tế Vĩnh Viễn Jean-Pierre Domingo, phụ trách Mục vụ Ngpoại kiều GP Nancy ĐC Jean-Louis trình bày rõ ràng về hiện tình giáo phận ngài cai quản, trong 19 năm giám mục với bản đồ hình ‘‘con vịt’’. Bên cạnh còn có những công việc như Secours Catholique, các khóa huấn luyện giáo dân trong địa phận. Riêng Thày Domingo nói về đường lối ngoại kiều trong giáo phận. Người VN luôn có tiếng tốt, đáng khen. Cũng như năm rối, năm nay, cha Carlos Caetano, Giám đốc Mục vụ Ngoại kiều Toàn quốc, vì bận việc, nên vắng mặt.

Thánh lễ đồng tế, do ĐC chủ Lễ. Trong bài giảng, ĐC nhấn mạnh, cầu nguyện mỗi ngày như Chúa dạy trong kinh lạy Cha. Ước gì, không phân biệt sắc tộc ngôn ngữ, mọi người có thể chung lời thốt lên : ‘‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’’(x. Lc 11, 1-4). Khoảng 25 anh chị em thuộc CĐ Nancy dự lễ. Ông đại diện cộng đoàn, Lê Hữu Tâm, đọc Sách Thánh Galat (2, 1-7). Sau lễ, cộng đoàn Nancy khoản đãi bữa cơm huynh đệ.Vui thật là vui.

Ngày 11.10.2018

Sáng tổng kết hoạt động TUĐ trong năm : Khóa học cho Giới Trưởng Thành ở Strasbourg tốt đẹp. Đại hội Lộ Đức kỷ niệm 30 năm Phong Thánh, 3-5. 8.2018, thành công mỹ mãn: Rước Kiệu Đức Mẹ. Lễ Khai Mạc tại Vương Cung Thánh Đường Mân Côi. Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo. Thánh lễ tại Hang Đá, kính Đức Mẹ do ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế. Thánh Lễ quốc tế. Nghi thức Hòa Giải. Đi Đàng Thánh Giá. Sinh hoạt Giới Trẻ. Hai buổi thuyết trình của Cha Giuse Trần Anh Dũng và ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh. Đêm Diễn nguyện Thánh ca và Nghi thức Tạm biệt Đức Mẹ.

Chiều viếng Nhà thờ Chính tòa Nancy, công trình xây cất từ 703 đến 742 (xem tờ quảng cáo tại chỗ) Sau đó thăm thành phố b¢ng xe tuf tuf, từ quảng trường Stanilas. Đi đến đâu có máy nghe cắt nghĩa lịch sử rõ ràng.

Đại Hội TUĐ VN họp trùng hợp với Thượng HĐGM về Giới Trẻ, tháng 10.2018. Xin mượn lời ĐGH Phanxicô trong ngày khai mạc, 3.10.2018: “Nhiều người nói về người trẻ, nhưng ít người nói với người trẻ. Vì vậy, Đấng Bảo Trợ, Đấng mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thày, Ngài sẽ dạy cho các con mọi sự và nh¡c nhớ tất cả những gì Thày nói với các con” (Ga 14, 36). Vậy, TUĐ VN có dịp sẽ nói với người trẻ trong các khóa học của giới trẻ trong tương lai.

Phạm Bá Nha
 
Nhật ký hành hương Our Lady of La Vang, Jerusalem: Những ngày cuối ở đất Do Thái
Trần Mạnh Trác & Nhóm điện ảnh VietCatholic
23:18 22/10/2018
Xem hình ảnh

Việc khánh thành tượng đài Đức Mẹ La Vang ở Do Thái chưa được trọn một ngày, thì từ ‘Our Lady of La Vang’ đã có trên bản đồ Jerusalem cuả Google Map. Dùng từ ấy mà tìm trong vùng Jerusalem hay Abu Ghosh cuả Israel, người ta sẽ có địa chỉ cuả tượng đài và có thể dùng ‘direction’ để đến một cách chính xác dễ dàng.

Chắc chắn rằng từ nay các đoàn hành hương thánh địa cuả người Việt Nam sẽ không quên ghi thêm việc cầu nguyện cho Quê Hương ở Abu Ghosh. Abu Ghosh là khu phố ngoại ô cuả Jerusalem, là địa chỉ mới cuả Đức Mẹ.

Nếu tới thăm Mẹ vào mùa Thu năm sau, rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến những buổi hoà nhạc trong khu vườn thanh tao mát mẻ cuả Mẹ. Dân địa phương có truyền thống thi đua hoà tấu nhạc cổ điển ở nơi đây, gọi là ‘Abu Gosh Music Festival’, rất nổi tiếng, mỗi năm tổ chức từ giữa tháng 9 cho tới đầu tháng 10.

Và rất có thể trong tương lai, sẽ có những bài thánh ca tiếng Việt trong buổi hoà nhạc chăng? Thật là rất ‘chuẩn’ khi cất lên một bài ca cho Mẹ, trong lúc nhìn lên thánh tượng mà hậu cảnh là ba giải đồi núi và thung lũng, nhấp nhô trùng điệp, dẫn đến chân trời Jerusalem. Hay biết đâu, và còn là ‘chuẩn’ hơn nữa, nếu dân địa phương đổi tên ‘Abu Gosh Music Festival’ ra ‘Our Lady of La Vang Music Festival’ chăng? Xin hãy chờ xem! Dù sao thì cái giấc mơ nho nhỏ ấy cũng là một ‘Giấc Mơ Việt Nam’ mà?

Nhưng có những ước mơ gần gũi hơn, khẩn trương hơn, đó là giấc mơ một nước Việt Nam có tự do tôn giáo, thoát khỏi ách vô thần đang làm băng hoại xã hội tới tận gốc rễ, và thoát khỏi bị xâm lăng bởi Trung quốc.

Có lẽ vì có chung những giấc mơ như thế mà khi các đoàn hành hương từ Quốc Nội và Quốc Ngoại gặp nhau trong những điạ điểm đi tour, mọi người đã cùng ca vang bài hát: Việt Nam, Việt Nam…

Trong thánh lễ cuối cùng cho cuộc hành hương ở đất Do Thái, trong ngôi nguyện đường xinh xinh cuả các Sơ Nazareth, đức Tổng Linh đã khuyên mọi người chúc nhau bằng chử ‘Salom’ và bỏ ra 5 phút để chào hỏi nhau, từng người một.

Đức Tổng Linh quả là một vị lãnh đạo có tiên kiến, hình như Ngài hiểu rõ thế nào là sức mạnh cuả hình ảnh, cuả video và truyền thông trong thời đại mới, cho nên vào lúc cuối lễ, Ngài đã cho phép một sự việc chưa từng có, đó là cho mọi phóng viên, phó nhòm, được lên cung thánh mà chụp xuống cảnh toàn thể cộng đồng dân chuá đang hát lên bài kêu cầu Đức Mẹ cho đất nước Việt Nam.

Cũng nhân tiện khi nói đến truyền thông, thì thật là khiếm khuyết khi chỉ nói đến những hình ảnh ‘thô’ như những album gửi tới quí độc giả mà thôi. Đã có những tài liệu nghiên cứu sâu sa do Linh Mục Giuse Nguyễn Công Đoan viết riệng cho cuộc hành hương này, và những đoạn video thu trọn những bài giảng tuyệt vời cuả đức Tổng Linh và ĐGM Oanh, và bài giảng thâm trầm cuả Cha Nghị trong thành lễ cuối cùng ở Đất Thánh, những video đó đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện và đang được hai anh chị Nguyễn Văn Hoá & Kim Dung cố gằng hoàn tất trong nay mai.

Cũng như bài trước, những hình ảnh trong album là một nỗ lực lớn lao cuả nhiều cộng tác viên Vietcatholic, đáng kể là cuả hai anh chị Nguyễn Văn Hoá & Kim Dung, cuả cô Caroline Nguyễn và ông Nguyễn Văn Thanh.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Em Ngươi Đâu Rồi ?
Trần Đoan Hùng
08:47 22/10/2018
Nhân sự kiện một gia đình 4 người tự tử vì quá nghèo

Đức Chúa phán với Ca-in : “A-ben em ngươi đâu rồi?”. Ca-in thưa : “Con không biết. Con là người giữ em con sao?”. Đức Chúa phán : “Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta”. (St 4,9-10)

Nếu trở về “cội nguồn của sáng tạo”, thì quả thật, tất cả chúng ta đều là anh em một nhà; đều là những “Ca-in, A-ben” ruột thịt của một “gia đình duy nhất”.

Nhưng đó là chuyện của niềm tin, của Kinh Thánh; cho dù chính những kẻ cùng xác tín vào những “trang mạc khải huyền nhiệm đó” thì ngay trong giờ phút nầy, họ lại đang xâu xé, bắn giết nhau, đoạ đầy nhau…cho tới chết, như đang xảy ra nơi vùng “đất thánh” Palestina, Sirya…hay có khi, tại ngay cả những nơi mà “Lời của Chúa” cùng lúc được công bố, được giảng rao trong khắp mọi giáo đường từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây.

Thì ra, câu chuyện “Ca-in giết em ruột A-ben” không phải chỉ là “huyền thoại” của cái thuở hồng hoang mịt mờ lịch sử nhân loại, mà là một hiện thực nhức nhối đang xảy ra từng ngày trong cuộc sống nhân gian trên mọi nẻo đường thế giới muôn nơi muôn thuở.

Nhưng câu chuyện muốn sẻ chia hôm nay không nhằm nói đến chiến tranh, huynh đệ tương tàn, máu và nước mắt; những chuyện nầy thế giới đã nói không biết bao nhiêu mà kể. Chuyện muốn nói đó chính là lời chất vấn của Thiên Chúa dành cho Ca-in mà cũng là dành cho mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi cộng đoàn, mỗi Giáo Hội… : “EM NGƯƠI ĐÂU RỒI”.

Dĩ nhiên, Thiên Chúa trên cao hay lương tâm nhân loại không thể nào chấp nhận câu trả lời “vô trách nhiệm, vô cảm, vô tâm” của chàng Ca-in bạo tàn khát máu : “Con không biết. Con là người giữ em con sao?”

Thế nhưng, nếu quan sát kĩ thái độ của con người hôm nay dành cho nhau, thì gần như đâu đâu cũng sống và hành xử theo cung cách của “câu trả lời chết tiệt” đó !

Vâng, bởi vì người ta “không biết em của mình đang ở đâu”, nên mới có cái ngày thương đau vừa xảy ra tức thì (20.10.2018), tại một xóm nghèo Minh Châu, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cả 4 người : vợ chồng và hai con treo cổ tự tử chỉ vì quá túng ngặt, bần hàn, nợ nần chồng chất…[1]

Chúng ta cũng đừng quên, cách đây chưa lâu, cũng vì túng ngặt, Người mẹ tảo tần Đậu Thị Thắng, bế tắc bởi món nợ 120 triệu đồng, đã cùng với con vùi thân dưới chân cầu Bến Thủy.[2]

Trong xã Hội Việt Nam chúng ta hôm nay, món nợ với số tiền “70 triệu đồng” của gia đình anh Thành ở Kỳ Anh-Hà Tĩnh, hay “120 triệu” của chị Đậu Thị Thắng ở Nghi Xuân-Nghệ An, thì chỉ đáng là một “chút tiêu vặt”, một bữa điểm tâm, một ngày tiêu khiển…của các đại gia máu mặt, hoặc các quan chức…mà thu nhập mỗi ngày, có khi mỗi giờ của họ, chỉ với một “chút nước bọt, một chữ ký…”, đã vượt lên xấp mấy lần “những món nợ oan khuất” đó.

Và cũng chính trong cái bối cảnh xã hội mà ở đó, có biết bao nhiêu người bế tắc, khủng hoảng, thất vọng vì đói nghèo, vì bị áp bức, vì bạo lực, vì bị đối xử bất công…thì vẫn có những “Ca-in của thời đại” sống vô tâm, vô cảm, chẳng biết “em mình đang ở đâu”; họ là những người tự vỗ ngực xưng mình thuộc tầng lớp “tinh hoa quý tộc” cần có những công trình như “nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ” mà facebooker Nguyen Thuy Tien đã gọi là “tầng lớp lưu manh” :

“Nhưng đáng tiếc thay xã hội VN hiện nay những kẻ thừa thãi về tiền bạc lại cứ lầm tưởng mình la giới tinh hoa, quý tộc. Họ cứ nghĩ họ có giọng hát hay, khoác lên mình những bộ quần áo sặc sỡ sẽ thành giới quý tộc, cứ là người của công chúng la có phẩm chất cao quý đó. Họ đã lầm? Phẩm chất quý tộc đến từ nền giáo dục nhân bản mà có.

Giới tinh hoa họ có ăn đất rừng hàng chục nghìn m2, xây dựng trái phép không?

Giới quý tộc có hành xử một cách vô lương chăm lo cho mình khi oan trái của người dân bao năm chưa được giải quyết để xây lên nhà hát 1500 tỷ trên chính mảnh đất của họ?

Giới quý tộc có im như thóc trước những bất công xã hội mà dân mình đang chịu đựng do chế độ đem đến không? Không các bạn đã lầm rồi, các bạn cứ tưởng mình là quý tộc nhưng các bạn lại là tầng lớp lưu manh trước những đắng cay chồng chất của người dân đất nước này.

Bạn và chồng bạn là tầng lớp lưu manh, Mỹ Linh ạ!”[3]

Xuyên qua sự kiện “thời sự nóng” trên, nhà báo Nguyễn Lân Thắng đã nhận định thêm về “cái giới tinh hoa” nầy trong bài viết “Những cái loa của chế độ” như sau :

“Trong cái tháp ngà của mình, với đầy đủ những ân sủng mà chế độ ban cho, giới “tinh hoa” bấy lâu nay hầu như chẳng quan tâm gì đến nỗi đau trong hiện thực của người dân. Không những thế, bằng danh tiếng, tri thức và vị thế xã hội mà họ có được, giới tinh hoa này còn xa gần dùng những xảo ngữ, những giá trị nhân văn, học thuật, văn hoá ở mãi tít tận đâu để bênh vực cho nhà cầm quyền, để làm chệch hướng dư luận xã hội trong việc đòi hỏi phanh phui những việc thối nát, đòi hỏi tìm ra cho được những kẻ phải chịu trách nhiệm với thực trạng đất nước hiện nay.”[4]

Cái thực trạng “vô cảm oái ăm” nầy, bi đát thay, lại là chuyện “thường ngày ở huyện” trên muôn nẻo đường đất nước nầy, quê hương nầy, cho dù cô giáo Trần Thị Lam, cũng người Hà Tĩnh, đã phần nào ngụ ý cách “hài hước nhức nhối” với hai từ “NGỘ QUÁ” trong bài thơ “ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH !”. Xin trích đôi câu :

“Đất nước mình ngộ quá phải không anh

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm

Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...

Đất nước mình lạ quá phải không anh

Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ

Những dự án và tượng đài nghìn tỉ

Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...”

Đứng trước một thực trạng xã hội Việt Nam như thế, liệu những người Kitô hữu Việt Nam, những người được thấm nhuần Lời Chúa dạy tất cả mọi người đều là “anh em con cùng một Cha” (Kinh Lạy Cha), bởi đều “mang ảnh hình Thiên Chúa” (St 1,27-28); nhất là được dạy “phải bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc” (Lc 15,4-6) và hãy biến mình thành “người Samari nhân hậu” đối với bao nhiêu thân phận khổ đau, lạc loài, hoạn nạn…(Lc 10,29-37)…thì nếu Chúa hỏi “Gia đình nghèo của anh Thành mới tự tử kia đang ở đâu”, cùng với bao nhiêu con người, thân phận bi đát khác…, chúng ta phải trả lời làm sao ?

Không lẽ chúng ta, những người Kitô hữu Hà Tĩnh, giáo phận Vinh, hay, mọi người Kitô hữu Việt Nam nói chung, trả lời với Chúa theo cái giọng đáng trách của Ca-in ngày xưa : “Con không biết, vì họ là người lương, kẻ ngoại đạo, không thuộc đàn chiên của Chúa” !

Chúng ta nên biết rằng, hai sự cố “tự tử vì nghèo” được nêu trên : một tại Nghệ An (2014), một tại Hà Tĩnh (2018), đều xảy ra trên địa bàn mục vụ của giáo phận Vinh, giáo phận đang được chăn dắt bởi Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, hiện đang là Trưởng Uỷ Ban “PHỤC VỤ VÀ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CON NGƯỜI” trực thuộc HĐGMVN. Ngài cũng là một giáo sư tiếng tăm đẳng cấp quốc tế chuyên về Giáo huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, mà một số tác phẩm chuyên đề nầy của ngài đã trở thành “kinh điển” trong học thuật cũng như trong huấn giáo.

Sở dĩ nhắc đến sự kiện nầy để khơi gợi một chút suy tư về mối tương quan giữa “Đạo và đời”, giữa những “chất vấn của Lời Chúa”: “A-ben em ngươi đâu” và câu trả lời của mỗi người Kitô hữu của chúng ta, câu trả lời về việc thực hành “giáo huấn xã hội” luôn lấy “con người là con đường của Giáo Hội”[5]

Không phủ nhận biết bao nhiêu công việc phục vụ, bác ái, sẻ chia, đồng hành…của người Kitô hữu Việt Nam với đồng bào mình, anh em chị em mình; đặc biệt, trong biến cố “Formosa” tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, từ các Vị Chủ Chăn giáo phận Vinh, đến các linh mục và hành hàng lớp giáo dân đã sát cánh bên những anh chị em lương dân nạn nhân của “môi trường bị huỷ hoại ô nhiễm, nghề nghiệp tài sản mất trắng, đất đai, nhà cửa lẫn mạng sống bị tước đoạt xâm phạm, ức hiếp…để đòi quyền sống, để tìm sự công bằng…

Tuy nhiên, giữa những ồn ào, náo động mang tính tập thể và nhất thời, thì việc sống đức tin, sống Lời Chúa lại đòi hỏi những “chi tiết nhỏ” cần phải kiên trì và liên tục thực hiện mỗi ngày như chính lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn “hãy vui mừng hoan hỉ” (Gaudete et Exsultate) :

“Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết :

Chi tiết nhỏ về chuyện hết rượu tại một tiệc cưới; chi tiết nhỏ về chuyện một con chiên lạc mất; chi tiết nhỏ về việc người goá phụ dâng cúng hai đồng xu nhỏ; chi tiết nhỏ về việc mang dầu dự trữ cho đèn, phòng trường hợp chàng rể đến chậm; chi tiết nhỏ về việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh; chi tiết nhỏ về việc nhóm bếp lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.” (GE 144)

Đặt mình trước câu hỏi của Lời Chúa : “EM NGƯƠI ĐÂU RỒI?”, thì câu chuyện tự tử thương tâm của hai mẹ con chị Đậu Thị Thắng ở Nghi Xuân Nghệ An hay của gia đình anh Nguyễn Tiến Thành ở Kỳ Anh Hà Tĩnh phải chăng cũng là “những chi tiết nhỏ” để 6 triệu người mang căn cước Kitô hữu Công Giáo Việt Nam cùng xem lại “câu trả lời đức tin” của chúng ta ?

Cho dẫu tới hôm nay, vẫn có người thích một Giáo Hội hoành tráng, một Giáo Hội có uy tín ngoại giao quốc tế giữa các hàng cường quốc, một Giáo Hội mà “Tổng thống Hiệp Chủng Quốc phải quỳ gối cúi đầu”, Tổng bí thư Liên Sô phải hoà dịu, và “Chủ Tịch Trung Quốc phải nhượng bộ…”[6], thì muôn ngàn đời Đấng sáng lập Giáo Hội vẫn muốn Hội Thánh của Ngài phải luôn là một “đàn con nhỏ” (Ga 13,33) và các thành viên trong Hội Thánh đó phải biết “quỳ xuống rửa chân cho nhau” (Ga 13,1-5).

Chính trong ý nghĩa đó nên chúng ta không lấy làm lạ trước những nỗi trăn trở và lắng lo của cả dân Chúa, đặc biệt anh chị em Công Giáo thuộc Giáo Hội Thầm lặng Trung Hoa, trước các “động thái ngoại giao của Toà Thánh Vatican và chính quyền Trung Hoa cọng sản” thông qua bản “thoả ước tạm thời” ngày 22.9.2018. Lý do để trăn trở, lo lắng lại cũng chính là “câu trả lời của Ca-in”.[7]

Thật vậy, nhiều người Công Giáo sợ rằng, để đạt được những mục tiêu “ngoại giao” lớn lao, có thể Vatican sẽ hy sinh những anh chị em tín hữu “thầm lặng”, chẳng khác nào lặp lại câu trả lời của Ca-in “Con không biết. Con là người giữ em con sao?”.

Nhìn người rồi lại nghĩ đến ta. Chính trong ngày 20.10.2018, nếu tại xóm nghèo Minh Châu, xã Kỳ Hợp, Kỳ Anh, Hà tĩnh, có một gia đình với cả 4 người tự tử vì quá túng nghèo, thì tại Vatican, thủ đô của Giáo Hội Công Giáo, phái đoàn chính phủ Việt Nam do phó thủ tướng Trương Hoà Bình dẫn đầu đã yết kiến Đức Giáo Hoàng Phanxcô và gặp gỡ Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parlolin; và trước đó 2 ngày, 18.10.2018, Đức Tổng Giám Mục, Chủ tịch HĐGMVN làm phép khánh thành tượng đài Đức Mẹ La Vang tại đất thánh.

Có lẽ nhiều người Công Giáo Việt Nam quan tâm và lấy làm quan trọng hai sự kiện liên quan đến Giáo Hội Việt Nam hơn là “nỗi đau của một gia đình người lương” vô danh tiểu tốt nơi một xóm nghèo.

Tuy nhiên, trong trái tim của người Mục Tử Giêsu nhân lành, thì điều quan trọng cần quan tâm thực hiện lúc nầy đây chính là “chăm sóc người anh em đang sống dở chết dở bên đường”, một đối tượng mà rất nhiều khi các chức sắc trong Giáo Hội ngoãnh mặt đi qua trong thờ ơ lãnh đạm (Lc 10,29-37). Chính vì thế, câu hỏi ngày nào của Thiên Chúa dành cho Ca-in vẫn mãi còn vang vọng và đòi chúng ta phải trả lời cho đúng : “A-ben em ngươi đâu rồi” !

Trần Đoan Hùng

(Ngày 22/10/2018 – Nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II)

[1] Xem bản tin ngày 21.10.2018 của Báo Điện tử Vnexpress : https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/gia-canh-kho-khan-cua-4-nguoi-chet-trong-tu-the-treo-co-3826949.html

[2] Nguồn :

http://soha.vn/xa-hoi/nghi-hai-me-con-om-nhau-nhay-cau-tu-tu-vi-thieu-no-120-trieu-dong20140327174125919.htm

[3] Trang facebook : Nguyen Thuy Tien. Nguồn :

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=191039161823329&id=100027517399155

[4] Nguyễn Lân Thắng. Bài viết “Những cái loa của chế độ” trên trang mạng baotiengdan.com. Link :

https://baotiengdan.com/2018/10/14/nhung-cai-loa-cua-che-do/

[5] GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp Op. MỘT CÁI NHÌN VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI Công Giáo, nxb Phương Đông, 2013, tr. 135 : “Nếu như Đức Kitô là con đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa, thì phải chăng con người sẽ là con đường mà Giáo Hội phải kinh qua khi thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng? Quan niệm nầy được Đức Gioan Phaolô II khai triển dưới nhiều hình thức và qua nhiều văn kiện. Trong thông điệp “Đấng Cứu chuộc loài người” chúng ta gặp thấy một bản văn thâm thuý và rất tiêu biểu, mà hôm nay đã trở thành cổ điển : “Con người là con đường của Giáo Hội, con đường mở ra, một cách nào đó, từ nền tảng mọi con đường Giáo Hội phải đi, bởi vì con người – mọi người, không trừ ai – đã được Đức Kitô cứu chuộc, bởi vì Đức Kitô kết hợp cách nào đó với con người, với từng người một, không trừ bất cứ ai, ngay cả khi họ không ý thức điều đó (…).

[6] Trọng Thành : Vatican vẫn là một “cường quốc ngoại giao”. Trang mạng của đài RFI. Link : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151001-vatican-van-la-mot-%C2%AB-cuong-quoc-ngoai-giao-%C2%BB

[7] Xem bài nhận định của Vũ Văn An : Vatican dưới cái nhìn của Giám Đốc AsiaNews: một số bước tích cực, nhưng không quên các vị tử đạo. Nguồn : Trang mạng vietcatholic : http://www.vietcatholic.org/News/Html/246817.htm
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thu Vàng
Tấn Đạt
08:35 22/10/2018
THU VÀNG
Ảnh của Tấn Đạt
Thu về rạo rực cung đàn
Lang thang đi kiếm lá vàng rừng thu
(bt)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 23/10/2018: Phép lạ Mình Thánh Chúa rỉ máu khi bị lấy trao cho phù thủy
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:20 22/10/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hãy cảnh giác với những “con quỷ lịch sự tao nhã”

Khi ma quỷ không thể phá hủy trực tiếp chúng ta bằng những tính hư nết xấu, chiến tranh và bất công, nó quay sang tấn công chúng ta với những mánh lới, dụ dỗ dần dần mọi người vào tinh thần thế gian, và làm cho người ta cảm thấy không có gì là sai trái cả.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 12 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta khi chia sẻ những suy nghĩ của ngài về bài Tin Mừng trong ngày, trong đó thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu đuổi một con quỷ đã trở về cùng với những con quỷ độc ác hơn để chiếm lại ngôi nhà cũ của mình.

Ma quỷ, một khi chiếm được tâm hồn của một ai đó, nó sẽ ở đó, như là nhà của mình và không muốn rời đi, nhưng nó cố gắng hủy diệt người ấy, và làm hại ngay cả về phương diện thể lý.

Đức Thánh Cha giải thích rằng cuộc chiến giữa thiện và ác trong nhân loại chúng ta là cuộc chiến thật sự giữa Thiên Chúa và con rắn cổ đại, giữa Chúa Giêsu và ma quỷ.

Ngài cảnh báo rằng mục đích và công việc của ma quỷ là “phá hủy kỳ công của Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha nói thêm rằng khi ma quỷ không thể phá hủy trực tiếp “mặt đối mặt” vì Thiên Chúa là một lực lượng lớn hơn bảo vệ con người, thì lúc đó, ma quỷ xảo quyệt và “thông minh hơn một con cáo”, sẽ tìm những cách thế khác để lấy lại quyền sở hữu của nó trên người ấy.

Tập trung vào bài Tin Mừng trong đó thuật lại câu chuyện con quỷ trở về sau khi bị loại ra, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến chi tiết khi bị đuổi đi, ma quỷ tìm chốn nghỉ ngơi. Tìm không ra, nó nói: “Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.” Khi đến nơi, nó thấy nhà cửa được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.

Ngài cảnh giác rằng ma quỷ làm cho chúng ta cảm thấy yên tâm rằng chúng ta là những Kitô hữu, những người Công Giáo tham dự Thánh Lễ đầy đủ và cầu nguyện siêng năng. Thực ra, chúng ta có những khiếm khuyết, và tội lỗi, nhưng ma quỷ làm cho chúng ta yên trí mọi thứ dường như đều tốt đẹp. Hành động như một người lịch sự, con quỷ cố tìm ra một điểm yếu của chúng ta và gõ cửa. Nó nói, “Xin lỗi? Tôi có thể vào được không?” và rung chuông. Đức Thánh Cha nói rằng những con quỷ này còn tệ hơn những con quỷ ban đầu, bởi vì anh chị em không nhận ra chúng đang cư ngụ ngay trong nhà mình. Chúng là tinh thần thế gian, tinh thần của thế giới này.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng ma quỷ có thể phá hủy trực tiếp chúng ta qua những tính hư nết xấu, chiến tranh hay bất công nhưng chúng cũng có thể phá hủy chúng ta một cách lịch sự và rất ngoại giao theo cách Chúa Giêsu đã mô tả. Làm việc một cách âm thầm, nó kết bạn với anh chị em và thuyết phục anh chị em trên con đường dẫn đến nhiều điều tầm thường, khiến anh chị em trở nên “thân mật” với thế gian.

Vì thế, Đức Thánh Cha thúc giục các Kitô hữu hãy tỉnh thức đừng để rơi vào “sự tầm thường tâm linh này,” đừng để mình rơi vào tinh thần thế gian, là điều “làm băng hoại chúng ta từ bên trong”. Đức Thánh Cha nói rằng ngài sợ những con quỷ này hơn là những con quỷ ban đầu.

Ngài nói thêm rằng khi ai đó yêu cầu trừ tà cho một người đã bị quỷ ám, ngài không lo lắng cho bằng khi một người khoẻ mạnh lại mở toang cửa cho những con quỷ lịch sự đang thuyết phục người ấy từ bên trong rằng chúng là bạn bè, bằng hữu.

Đức Thánh Cha nói ngài thường tự hỏi chính mình một người sống với một tội lỗi tỏ tường và một người sống trong tinh thần thế gian, tình trạng của ai là bi đát hơn?

Theo Đức Thánh Cha, tinh thần thế gian bao gồm việc mang theo trong chúng ta những con quỷ lịch sự. Ngài nhắc nhớ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: “xin bảo vệ họ khỏi tinh thần thế gian”, khi Chúa cảnh giác các môn đệ của Ngài phải “cảnh giác và thận trọng”.

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục các Kitô hữu phải cảnh giác và thận trọng với những con quỷ lịch sự này, những kẻ vào nhà chúng ta như những khách được mời dự tiệc cưới. “Sự cảnh giác của các Kitô hữu”, theo Đức Giáo Hoàng, là sứ điệp của Chúa Giêsu. Ngài đang chất vấn chúng ta về những gì đang xảy ra trong lòng - tại sao tôi lại tầm thường như thế; tại sao tôi thờ ơ; có bao nhiêu con quỷ “lịch sự” đang sống trong nhà tôi mà không cần trả tiền thuê nhà?

2. Câu Chuyện Mình Thánh Chúa rướm máu khi bị lấy trao cho phù thủy

Santarém là một thành phố tại Bồ Đào Nha cách thủ đô Lisbon 80km về phía Tây Bắc. Từ thời tiền sử, vùng Santarém đã có người ở, đầu tiên là người Lusitani và sau đó là người Hy Lạp, người La Mã, rồi đến người Visigoth, người Moor và sau cùng là người Bồ Đào Nha theo Kitô Giáo như ta thấy ngày nay.

Theo thống kê vào năm 2017, dân số tại Santarém là 63,700 sinh sống trên diện tích 552 km². Bên cạnh Fatima, Santarém là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của Bồ Đào Nha vì ở đây có một ngôi nhà thờ nổi tiếng tên là Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể.

Vào thế kỷ thứ 13, một người phụ nữ Công Giáo trong vùng, trong cơn tuyệt vọng vì biết chồng mình đang dan díu với một người đàn bà khác, đã quyết định nhờ đến sự giúp đỡ của một bà phù thủy để lôi kéo người chồng trở về với mình.

Bà phù thủy nói với cô rằng bà ấy sẽ giúp cô nếu cô mang đến cho bà ta một chiếc bánh thánh đã được thánh hiến.

Cô đến nhà thờ Thánh Stêphanô và rước Mình Thánh Chúa trên lưỡi mình vì thời ấy các tín hữu không được cho rước lễ trên tay. Cô lấy Mình Thánh Chúa ra khỏi miệng mình và đặt vào chiếc khăn tay rồi vội vã ra khỏi nhà thờ để đến nhà bà phù thủy.

Nhưng chưa kịp bước ra ngoài, Mình Thánh Chúa gói trong chiếc khăn bắt đầu rướm máu, thấm ướt chiếc khăn tay của cô.

Thấy sự lạ, cô sợ quá nên thay vì đến nhà bà phù thủy, cô quay về nhà và đặt Mình Thánh Chúa đẫm máu vào trong một cái rương. Đêm đó, một ánh sáng kỳ lạ phát ra từ chiếc rương này.

Cô ăn năn về những gì cô đã làm và sáng hôm sau cô chạy đến nhà thờ thú nhận cùng cha sở. Cha sở vội vàng đến nhà cô và cung nghinh Mình Thánh Chúa trở lại nhà thờ.

Sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng, tổng giáo phận Lisbon nhìn nhận đây là một phép lạ, và đổi tên nhà thờ thành Nhà thờ Phép Lạ Thánh Thể. Chiếc Mình Thánh Chúa đẫm máu vẫn được trưng bày cho đến ngày nay.

3. Ba dạng thức của Đức Khó Nghèo

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 17 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày ba phương thế sống khó nghèo trong đời sống người Kitô hữu và than thở rằng ngay cả trong thời đại hôm nay vẫn có quá nhiều các Kitô hữu bị bách hại vì Tin Mừng.

Theo Đức Thánh Cha, có ba dạng thức của đức khó nghèo mà người môn đệ Chúa được mời gọi. Thứ nhất là từ bỏ sự giàu sang, với một con tim tách biệt khỏi tiền của; thứ hai là vì Tin Mừng hãy chấp nhận những bách hại, dù lớn hay nhỏ, ngay cả những lời vu khống; và thứ ba là sự khó nghèo của nỗi cô đơn, cảm nhận rõ nhất vào cuối đời.

Suy tư của Đức Thánh Cha đã được bắt đầu với lời nguyện mở đầu thánh lễ, trong đó nhấn mạnh rằng thông qua Thánh Luca, Chúa muốn mạc khải lòng ưu ái của Ngài đối với cho người nghèo. Bài Tin Mừng (Lc 10: 1-9) sau đó nói về việc Chúa sai 72 môn đệ đi rao giảng trong sự nghèo khó – “không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” – bởi Chúa Giêsu muốn rằng con đường của người môn đệ là con đường nghèo khó. Người môn đệ dính bén với tiền của, hay với sự giàu sang, không phải là người môn đệ đích thực.

Toàn bộ bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô được đánh dấu bằng “ba giai đoạn” của đức khó nghèo trong đời sống của các môn đệ, hay ba cách sống đức thanh bần. Đầu tiên là đừng dính bén đến tiền của và sự giàu sang và đó là “điều kiện để bắt đầu con đường môn đệ”. Điều này bao gồm một “con tim thanh bần” đến mức “nếu công việc tông đồ đòi hỏi những cấu trúc hay tổ chức dường như là dấu chỉ cho của cải thế gian, hãy sử dụng chúng cho tốt - nhưng đừng dính bén đến chúng”. Người thanh niên trẻ giàu có trong Tin Mừng, trên thực tế, đã làm Chúa Giêsu mủi lòng nhưng sau đó anh đã không thể đi theo Chúa bởi vì anh có một “con tim gắn chặt với sự giàu có”. “Nếu anh chị em muốn theo Chúa, hãy chọn con đường nghèo khổ và nếu anh chị em giàu có bởi vì Chúa ban cho anh chị em như thế, để phục vụ người khác, anh chị em cần phải tách biệt với chúng. Người môn đệ không được sợ khó nghèo, ngược lại: người ấy phải nghèo khó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh.

Hình thức nghèo thứ hai là sự bách hại. Đó là điều được nhắc đến luôn trong bài Phúc Âm trong ngày. Trên thực tế, Chúa đã sai các môn đệ của Ngài đi “như những con cừu giữa bầy sói”. Và ngay cả ngày hôm nay vẫn có nhiều Kitô hữu bị đàn áp và vu khống vì Tin Mừng:

Hôm qua, trong hội trường của Thượng Hội Đồng, một giám mục đến từ một trong những quốc gia đang chịu bách hại đã kể lại việc một thanh niên Công Giáo bị một nhóm thanh niên thù hận với Giáo Hội bắt đi. Anh ấy bị đánh và bị ném xuống một hồ nước. Chúng ném bùn tới tấp vào anh cho đến khi bùn ngập lên tới cổ anh. Lúc đó chúng hỏi: Cho mày nói lần cuối cùng: mày có từ bỏ ông Giêsu Kitô không? – Không à. Chúng ném ngay một hòn đá xuống và giết chết anh. Tất cả chúng ta đều nghe chuyện đó. Và chuyện này không phải diễn ra ở các thế kỷ đầu tiên đâu, nó mới diễn ra cách đây hai tháng thôi! Đó là một ví dụ. Biết bao Kitô hữu ngày nay đang bị bách hại về thể lý.Người ta gào lên: “Ối! nó nói phạm thượng đấy, đưa nó lên giá treo cổ đi.”

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó cũng đã nhắc nhớ đến những hình thức bách hại khác như vu khống, tung tin đồn, và các tín hữu Kitô chịu đựng hình thức “khó nghèo” này trong im lặng. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng đôi khi cần thiết là chúng ta phải tự biện hộ để không gây ra những tai tiếng. .. Tuy nhiên, những cuộc bách hại nhỏ trong khu phố, trong giáo xứ. .. là những chuyện nhỏ nhen, nhưng chúng là bằng chứng về sự khó nghèo. Đó là hình thức khó nghèo thứ hai mà Chúa yêu cầu chúng ta. Đầu tiên là đừng dính bén đến giàu sang, đừng để con tim gắn chặt với của cải; thứ hai, là chấp nhận sự bách hại một cách khiêm nhường. Chịu đựng sự bách hại là một dạng thức sống đức khó nghèo.

Sau đó, còn có một hình thức thứ ba của khó nghèo: đó là cô độc, là bị bỏ rơi. Một ví dụ về điều này có thể thấy trong bài đọc thứ Nhất, trích từ thư thứ hai gửi cho Timôthêô, trong đó “đại Tông Đồ Phaolô”, “người không sợ bất cứ điều gì”, nói rằng trong lần biện hộ đầu tiên của ngài tại tòa án, đã không có ai hỗ trợ cho ngài: “tất cả mọi người đều bỏ rơi tôi”. Nhưng ngài nói thêm rằng Chúa gần gũi ngài và ban cho ngài sức mạnh. Từ đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập chú trên sự cô đơn và bị bỏ rơi của người môn đệ Chúa: Một cậu bé hay một cô gái 17 hoặc 20 tuổi, nhiệt tình bỏ lại sự giàu sang để theo Chúa Giêsu, rồi sau đó “với sức mạnh và lòng trung tín” tha thứ cho những lời “vu khống, những cuộc bách hại hàng ngày, những ghen tuông, những bách hại lớn nhỏ”, và rồi cuối cùng Chúa vẫn có thể yêu cầu nơi họ “sự cô đơn cuối cùng”.

Tôi nghĩ về người vĩ đại nhất trong nhân loại, và định nghĩa này xuất phát từ chính miệng của Chúa Giêsu: là Thánh Gioan Baotixita; ngài là người đàn ông vĩ đại nhất được sinh ra từ cung lòng một người phụ nữ. Ngài là bậc thầy vĩ đại: mọi người tuốn đến gặp ngài để chịu phép rửa. Nhưng câu chuyện đã kết thúc như thế nào? Một mình cô đơn trong nhà tù. Ta chỉ cần nghĩ đến nhà tù, và nhà tù vào thời điểm đó như thế nào nhỉ, nó có giống như ngày nay không, hãy nghĩ về những điều đó. .. Một mình cô đơn, bị lãng quên, bị sát hại vì sự yếu đuối của một vị vua, sự căm hận của một người đàn bà ngoại tình và ý nghĩ nhất thời của một cô gái: đó là cách người đàn ông vĩ đại nhất trong lịch sử đã kết thúc cuộc đời mình. Và không cần phải đi xa như thế, bao nhiêu lần trong các viện dưỡng lão, ta có thể bắt gặp các linh mục và các nữ tu, những người đã trải qua một cuộc đời rao giảng, nay cảm thấy cô độc, chỉ với Chúa, không còn ai khác nhớ đến họ.

Một hình thức của nghèo khó mà Chúa Giêsu đã hứa cho chính thánh Phêrô: “Khi anh còn trẻ, anh đi đến nơi anh muốn; nhưng khi đã già, người ta sẽ đưa anh đến nơi anh chẳng muốn.” Vì thế, trước tiên, người môn đệ là người nghèo theo nghĩa không dính bén với của cải. Và người ấy là người nghèo vì bền gan vững chí trước những bách hại lớn nhỏ, và thứ ba, người ấy nghèo bởi sống trong tình trạng bị bỏ rơi cho đến cuối đời. Thực vậy, chính con đường của Chúa Giêsu cũng đã kết thúc trong lời cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Cha ơi, Cha ơi, sao Cha bỏ con?”

Để kết luận, Đức Thánh Cha đã khuyến khích cộng đoàn cầu nguyện cho các môn đệ, “những linh mục, nữ tu, giám mục, giáo hoàng, giáo dân” để họ có thể biết cách bước đi trên con đường khó nghèo mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi họ.

4. Vươn ra với tha nhân, chúng ta đạt đến gia tài đã được hứa ban

Men của những người Pharisêu thì dẫn đến diệt vong vì chung cuộc nó chỉ dẫn đến sự quy chiếu vào chính mình. Ngược lại, men của Chúa Thánh Thần dẫn dắt các Kitô hữu đến việc vươn ra với những người khác trong niềm hy vọng “tìm được gia nghiệp” mà Chúa đã hứa ban. Đức Thánh Cha đã đưa ra lập trường trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 19 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về Bài Đọc Một và về bài Tin Mừng trong ngày và từ đó ngài đối chiếu “men” của người Pharisêu với men của Chúa Thánh Thần là điều dẫn ta đến “gia nghiệp” nước trời Chúa đã để lại cho mọi người.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả men của người Pharisêu như là thứ men đạo đức giả, làm tăng trưởng trong ta ước muốn tự quy chiếu vào mình, coi mình là trung tâm. Men này áp dụng cho những người chỉ nghĩ đến dáng vẻ bề ngoài. Nếu họ gặp ai đó đang gặp khó khăn dọc đường, họ quay đi. “Chúa Giêsu khẳng định thứ men ấy là nguy hiểm” bởi vì nó không có tương lai.

Thứ men khác, có tác dụng ngược lại, là men của Chúa Thánh Thần. Hướng đến Bài đọc Một trích từ Thư gửi cho các tín hữu thành Êphêsô, Đức Thánh Cha giải thích rằng men của Chúa Thánh Thần được trao cho những người đã được “đóng ấn bởi Thánh Linh Thiên Chúa”. Ngài nhấn mạnh rằng Thánh Thần Chúa là bảo chứng cho gia nghiệp của các Kitô hữu trong khi họ đang mong chờ “ơn cứu chuộc hoàn toàn”. Chính Chúa Giêsu muốn các Kitô hữu “tiến bước liên tục với men của Chúa Thánh Thần” về phía chân trời. Với lời hứa được hưởng gia tài thiên quốc, các tín hữu vươn ra với những người gặp khó khăn, những ai đau khổ, những ai sa ngã, trong niềm hy vọng “tìm kiếm gia tài” nước trời.

Với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các Kitô hữu có thể đối mặt với những khó khăn gặp phải trong cuộc hành trình, “bất kể tất cả tội lỗi của họ, họ luôn luôn có hy vọng”. Trong khi đó, “những kẻ đạo đức giả đã quên mất ý nghĩa của niềm vui”. Và ngài kết luận rằng “những ai có men của Chúa Thánh Thần thì luôn có niềm vui trong lòng, ngay cả khi họ phải đối mặt với những vấn nạn và những khó khăn”.

5. Đừng là những kẻ đạo đức giả

Ơn cứu độ là ân sủng của Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta thần khí tự do. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 16 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta Ðức Thánh Cha. Ngài cảnh giác các tín hữu đừng trở thành những kẻ giả hình, với con tim đóng kín trước ân sủng Chúa.

Trong bài Tin Mừng trong ngày, Chúa Giêsu được mời đến dùng bữa với một người Pharisêu. Ngài ngồi vào bàn mà không thực hiện nghi thức rửa tay theo luật định. Điều này làm cho những người biệt phái và các thày thông luật cảm thấy chướng mắt.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng có sự biệt rất xa giữa một bên là lòng thương mến mà dân chúng dành cho Chúa Giêsu, vì Ngài chạm vào con tim của họ và cũng vì một chút lợi ích của họ nữa; và một bên là sự ghét bỏ của các kinh sư, những người biệt phái và các thày thông luật, là những người luôn tìm cách bắt lỗi Chúa Giêsu. Họ muốn chứng tỏ ta đây là những người “trong sạch.”

Họ thực sự là mẫu gương của những nghi thức, thủ tục. Nhưng họ lại thiếu sức sống. Vì thế, có thể nói, họ là những người cứng nhắc. Và Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn họ. Họ cảm thấy chướng mắt vì những điều Chúa Giêsu làm khi Người tha tội, và chữa lành vào ngày Sabath. Họ xé áo mà nói: “Ôi! lộng ngôn, chướng tai quá! Người này không phải là người của Thiên Chúa, vì lẽ ra ông ta không nên làm những điều như thế.” Dân chúng không phải là điều quan trọng với họ. Những điều đáng kể duy nhất đối với họ là luật lệ, các quy tắc và luật chữ đỏ.

Chúa Giêsu đã chấp nhận lời mời dùng bữa với người Pharisêu, vì Ngài tự do, và người Pharisêu ấy đã tìm đến với Ngài. Người Pharisêu cảm thấy kinh ngạc trước cách hành xử của Chúa Giêsu vì Ngài vượt lên trên các luật lệ. Chúa Giêsu bảo họ: các ông rửa sạch chén đĩa bên ngoài, nhưng bên trong các ông đầy những thứ tham lam, thèm muốn và xấu xa.

Ðó là những lời không hay chút nào, đúng thế không? Chúa Giêsu nói rõ ràng, không giả hình. Ngài nói thẳng thắn. Và Ngài nói với họ: “tại sao các ông nhìn bên ngoài? Hãy nhìn những điều bên trong đi.” Một lần khác Ngài cũng nói với họ: “các ông là những mồ mả tô vôi.” Có phải đó là một lời khen tốt đẹp không? Họ đẹp, họ tốt từ bên ngoài, tất cả đều tuyệt vời, nhưng bên trong đầy những thứ đồi bại, sa đoạ, tham lam, xấu xa. Chúa Giêsu phân biệt cái biểu hiện bên ngoài với thực tế bên trong. Những quý ông này là những “tiến sĩ bề ngoài”: họ luôn hoàn hảo, nhưng bên trong có những thứ gì?

Trong những đoạn Tin Mừng khác, Chúa Giêsu lên án những người như thế, như trong dụ ngôn người Samaritano nhân hậu, hay khi Ngài nói về thói phô trương trong việc ăn chay và bố thí. Những người như thế chỉ thích hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đặc tả những người như thế với từ: “giả hình.” Những người này có một con tim tham lam, có khả năng giết người. “Và khả năng trả tiền để tạo ra những tin xấu, những tin tức nhằm bôi nhọ người khác.”

Nói cách khác, những người Pharisêu và tiến sĩ luật là những người cứng nhắc, không muốn tiến bước. Thật là một vấn đề nghiêm trọng nếu ta cố tỏ ra là một Kitô hữu tốt lành, thánh thiện, nếu ta cố tô vẽ, trang điểm vẻ bề ngoài để che đậy một linh hồn đầy những tính hư nết xấu. Đó là tinh thần thế gian, không phải điều Chúa muốn nơi chúng ta.

Và Chúa Giêsu gọi những người như thế là “đồ ngốc”. Ngài khuyên họ hãy mở rộng con tim của mình cho tình yêu để ân sủng đi vào. Bởi vì ơn cứu độ là “một ân sủng nhưng không, một món quà miễn phí của Thiên Chúa.

Để kết luận, Đức Thánh Cha khuyên các tín hữu hãy cẩn thận với những kẻ giả hình bất kể họ là giáo dân, linh mục, hay giám mục. Ở những người như thế không có thần khí của Thiên Chúa. Nơi họ thiếu vắng tinh thần tự do. Và chúng ta phải cẩn thận với cả chính mình, bởi điều này sẽ giúp chúng ta suy nghĩ, phản tỉnh về cuộc sống của chúng ta. Liệu tôi có đang chỉ chú tâm vào những điều bên ngoài không? Liệu tôi có thực sự hoán cải con tim mình hay không? Tôi có mở rộng con tim cho lời cầu nguyện, cho thần khí tự do, cho việc tự do bố thí, cho việc tự do thực thi lòng thương xót hay không?

6. Nghĩa vụ cầu nguyện cho các linh hồn

Tháng 11, Giáo Hội dùng cả tháng để cầu nguyện cho các linh hồn, được bắt đầu bằng Lễ Các Đẳng Linh Hồn vào ngày 2 tháng 11. Nhiều nơi trên thế giới vẫn gọi tháng 11 là tháng cầu cho các đẳng linh hồn.

Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, con người sau khi chết sẽ xảy ra ba tình trạng; lên Thiên Đàng, xuống Hoả Ngục hay vào Luyện Ngục.

Khi một người sống theo luân lý Công Giáo, luôn kính sợ Thiên Chúa và sống theo giới răn của Ngài. Thiên Đàng là phần thưởng Thiên Chúa dành cho họ vì công trạng và sự mong ước khi họ còn sống. Thiên Đàng là hạnh phúc bất diệt, là sự sống đời đời và là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, các Thiên Thần, và các Thánh.

Khi còn sống những ai đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa, những ai biết tỏ tường điều tốt xấu nhưng vẫn phạm tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân để chọn điều xấu thì hỏa ngục là nơi dành cho họ.

Sách Giáo Lý Công Giáo định nghĩa Luyện Ngục là nơi dành cho “những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030).

Có một điều là những linh hồn nơi luyện hình không thể cầu nguyện cho chính họ, và họ phải cậy nhờ hoàn toàn vào lòng thương xót và lời cầu nguyện của những người đang còn sống.

Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những người qua đời, đặc biệt trong Thánh Lễ và các phụng vụ chung. Tất cả các Kinh Nguyện Thánh Thể đều có phần cầu nguyện cho các linh hồn. Chẳng hạn, Kinh Nguyện Thánh Thể ghi rằng: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.”

Cha Piô năm dấu thánh kể câu chuyện sau cho thấy sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Một buổi tối lúc cầu nguyện một mình nơi nhà nguyện bỗng tôi trông thấy một thầy trẻ tuổi đứng nơi bàn thờ chính. Thầy có vẻ như đang lau chùi các chân nến và sửa lại các bình hoa. Lúc ấy là giờ ăn tối. Tôi đinh ninh người lo bàn thánh chính là thầy Leone nên tôi tiến lại gần và nói:

- Thầy Leone à, đang giờ ăn tối, thầy xuống phòng ăn đi, chứ đâu phải giờ lau bụi và sửa soạn bàn thánh!

Nhưng một giọng nói - không phải của thầy Leone - trả lời:

- Con không phải thầy Leone!

Tôi hỏi lại:

- Vậy thầy là ai?

Tiếng nói trả lời:

- Con là tu sĩ cùng dòng với Cha và từng là tập sinh sống ở Tu Viện này. Đức vâng lời dạy con phải luôn luôn giữ gìn bàn thánh thật sạch và thật ngăn nắp. Đáng tiếc, con thường bê trễ trong bổn phận và thiếu lòng tôn kính đối Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm. Chính vì tội thiếu tôn thờ cách trầm trọng này mà cho đến nay con vẫn còn bị hình phạt trong Lửa Luyện Hình. Nhưng giờ đây Thiên Chúa Từ Nhân, trong lòng thương xót vô biên của Ngài, cho phép con hiện về với Cha. Chính Cha là người có thể thu ngắn thời gian con phải chịu giam cầm trong Lửa Luyện Ngục. Xin Cha vui lòng giúp con.

Tôi nghĩ mình quả thật quảng đại đối với Linh Hồn đang đau khổ nơi Lửa Luyện Tội khi nhanh nhẹn hứa rằng: “Anh sẽ chỉ còn ở trong Lửa Luyện Tội cho đến sáng mai lúc dâng Thánh Lễ”. Nào ngờ Linh Hồn này thét lên: “Thật là tàn nhẫn!”. Thét xong câu đó Linh Hồn biến đi. Tiếng than khóc kinh khiếp của Linh Hồn như lưỡi gươm đâm xuyên trái tim tôi. Tôi thật đau đớn và mãi mãi như nghe tiếng thét vang vọng bên tai. Tôi, nhờ sự ủy quyền đặc biệt của Thiên Chúa, có thể giúp Linh Hồn đi thẳng về Trời, trái lại, tôi đã kết án giam giữ Linh Hồn ở lại trong Lửa Luyện Ngục thêm một đêm nữa cho tới sáng mai!